Ngày 12-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/06: Hình mẫu của người Môn Đệ Chúa – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
01:37 12/06/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:17 12/06/2023

16. Tất cả mọi sự tôi đều hiến dâng cho Thiên Chúa; nếu không có gì để hiến dâng thì đem cái nghèo khó của mình để dâng cho Thiên Chúa.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:19 12/06/2023
74. SỢI DÂY

Một hôm, Lý Cốc và Mã Đinh phát hiện một sợi dây đã cũ trên đường đi, hai đứa trẻ đương nhiên muốn nó là của mình, thế là anh giành tôi đoạt cãi nhau ồn ào, mọi người ở cách xa một cây số cũng nghe tiếng của chúng nó.

Lý Cốc kéo một đoạn, Mã Đinh giành đoạn còn lại, cả hai kéo co qua lại, dùng hết sức lực của mình.

Đột nhiên, sợi dây đứt cái phựt, hai đứa trẻ té ngữa bốn chân lên trời trong vũng bùn.

Một người đi qua đường nhìn thấy, cười lớn nói:

- “Đây là một trận cãi nhau tranh giành, vì một chút việc nhỏ mà cãi nhau rùm beng lên, cuối cùng thì được cái gì nào? Cái gì cũng không có,. Ngoài việc toàn thân lấm bùn thì cái quái gì cũng không có, đúng là cái gì cũng đều không được.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 74:

Người cô đơn vì mình mà sống thì cuộc sống thật là vắng lặng như tờ, người xô bồ thì sống với vẻ bên ngoài nhưng bên trong thì thiếu thốn tất cả. Chỉ có những ai biết sống cho giây phút hiện tại thì mới là người khôn ngoan.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Kiến tạo một khác biệt
Lm. Minh Anh
15:41 12/06/2023


KIẾN TẠO MỘT KHÁC BIỆT
“Các con là ánh sáng thế gian!”.

Đến Coupvray, một ngôi làng cách Paris khoảng 30 dặm, du khách tìm thăm một ngôi nhà hơn 200 tuổi, nơi một cậu bé đã chào đời. Do một tai nạn, cậu mù hai mắt từ ấu thời. Vài năm sau, trong khu vườn ấy, một cô bạn tặng cậu một quả thông. Lướt những ngón tay mình trên nó, cậu có một ý tưởng mới! Nhiều năm sau, một bảng chữ cái gồm các chấm nổi trên giấy ra đời. Người mù có thể đọc! Cậu bé ấy là Louis Braille, người ‘kiến tạo một khác biệt’ cho thế giới.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói “Các con là ánh sáng thế gian!”, Chúa Giêsu cũng muốn bạn và tôi, như Louis Braille, làm điều tương tự! Ngài mong ước các môn đệ của Ngài đến tận những góc tối của thế gian, những chân trời xa xăm của thế giới, để ‘kiến tạo một khác biệt!’.

Chân trời của thế giới thật rộng, góc tối của thế gian thật xa! Vì vậy, Kitô hữu phải liên tục lên đường mỗi ngày bằng cách triệt để sống các mối phúc ‘lạ thường’ của mình; tầm nhìn của họ phải vượt quá những gì là giới hạn, nhỏ bé để có thể đi đến những ‘vùng ngoại biên xa xôi’. Đó là một thế giới vốn tốt đẹp, nay bị tội lỗi làm hỏng hóc; một thế giới đang suy vi theo nhiều cách; móp méo theo nhiều kiểu. Vì thế, ánh sáng Chúa Kitô là điều không thể thiếu và rất mực cấp thiết. Không có ánh sáng Ngài, nhân loại mù! Gọi bạn và tôi là “ánh sáng thế gian”, Chúa Giêsu nói đến trách nhiệm Kitô hữu là soi rọi thế gian bằng ánh sáng của Ngài; đúng hơn, bằng chính Ngài, hầu những người khác có thể tìm thấy con đường họ phải đi.

Thư Côrintô hôm nay viết, “Chúa Giêsu không phải vừa ‘Có’ lại vừa ‘Không’; trái lại, nơi Ngài chỉ là ‘Có’”. Phaolô nói thêm, “Chúa Giêsu là Đấng “Có” đối với mọi lời hứa của Thiên Chúa”. Thiên Chúa giữ lời hứa và tiếp tục đặt niềm tin nơi chúng ta, Ngài luôn luôn nói “Có” với chúng ta. Chính điều này cho phép bạn và tôi trở thành “ánh sáng thế gian” một cách xác thực, tự tin. Ngài mạnh dạn ‘đầu tư’ nơi chúng ta, bằng cách đổ đầy ân sủng, tình yêu và Thánh Thần; từ đó, sai chúng ta đi, trở nên những ‘Kitô khác’ trong thế giới và cho thế giới. Thiên Chúa cần bạn và tôi để có thể ‘kiến tạo một khác biệt’ cho những ai Ngài đã tạo thành và cứu chuộc.
Anh Chị em,

“Các con là ánh sáng thế gian!”. Ánh sáng cho thế gian phải là ánh sáng Kitô! Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật khẩn thiết, “Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ chúa thấy long nhan hiền hậu!”. “Long nhan hiền hậu” của Thiên Chúa là chính Chúa Kitô! Trong Thánh Thể Chúa Kitô, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta “Long Nhan” Ngài. Thánh Thể là Thiên Chúa! Không chỉ được thấy, chúng ta được rước chính Ngài. Qua đó, Ngài trở nên thần lương nuôi dưỡng mỗi người, giúp chúng ta mạnh sức ra đi đến tận những chân trời thế giới để ‘kiến tạo một khác biệt’ trong mọi lĩnh vực tuỳ theo khả năng Ngài ban. Thế nhưng, đừng quên, đây còn là công việc của Chúa Thánh Thần! Mỗi ngày, với sự trợ giúp của ân sủng Thánh Thần, chúng ta bắt đầu từ bản thân, ‘kiến tạo’ bản thân, ‘biến đổi’ bản thân; để từ đó, đi ra những chân trời của thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chọn gọi con, Chúa đã ‘mạo hiểm’ ‘kiến tạo một khác biệt’ trong thế giới! Chúa không ngại ‘đầu tư thật tốt’ trên con. Phải! Thật tốt. Đừng để con làm Chúa thất vọng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giật mình: Tin Lành Lutheran cử hành một thánh lễ hoàn toàn do Trí Tuệ Nhân Tạo điều hành từ đầu đến cuối, kể cả ban phép lành
Đặng Tự Do
17:19 12/06/2023


Thông tấn xã AP có bài tường trình nhan đề “Can a chatbot preach a good sermon? Hundreds attend church service generated by ChatGPT to find out”, nghĩa là “Chatbot có thể giảng một bài giảng hay không? Hàng trăm người tham dự buổi lễ nhà thờ do ChatGPT tạo ra để tìm hiểu”.

Chatbot trí tuệ nhân tạo đã yêu cầu các tín hữu trong nhà thờ St. Paul chật kín người ở thị trấn Fuerth của Bavaria đứng dậy khỏi băng ghế và ngợi khen Chúa.

Chatbot ChatGPT, được nhân cách hóa bằng hình đại diện của một người đàn ông Da đen có râu trên màn hình lớn phía trên bàn thờ, sau đó bắt đầu thuyết giảng cho hơn 300 người đã có mặt vào sáng thứ Sáu để tham gia một buổi lễ nhà thờ Lutheran thử nghiệm gần như hoàn toàn do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra.

“Các bạn thân mến, thật vinh dự cho tôi khi được đứng đây và thuyết trình cho các bạn với tư cách là trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại đại hội Tin lành năm nay ở Đức,” hình đại diện nói với một khuôn mặt vô cảm và giọng nói đều đều.

Buổi lễ kéo dài 40 phút — bao gồm bài giảng, lời cầu nguyện và âm nhạc — được tạo ra bởi ChatGPT và Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết gia từ Đại học Vienna.

Học giả 29 tuổi nói với Associated Press: “Tôi đã nghĩ ra dịch vụ này - nhưng thực ra tôi thích đồng hành cùng nó hơn, bởi vì tôi có thể nói rằng khoảng 98% đến từ máy móc.

Buổi lễ nhà thờ AI là một trong hàng trăm sự kiện tại hội nghị của những người theo đạo Tin lành ở các thị trấn Nuremberg của Bavaria và Fuerth lân cận, và nó đã thu hút sự quan tâm to lớn đến mức mọi người xếp hàng dài bên ngoài tòa nhà tân Gothic thế kỷ 19 trong một giờ trước khi buổi lễ bắt đầu.

Bản thân hội nghị - Deutscher Evangelischer Kirchentag trong tiếng Đức - diễn ra hai năm một lần vào mùa hè tại một địa điểm khác ở Đức và thu hút hàng chục nghìn tín hữu đến cầu nguyện, ca hát và thảo luận về đức tin của họ. Họ cũng nói về các vấn đề thế giới hiện tại và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chính, mà năm nay bao gồm sự nóng lên toàn cầu, chiến tranh ở Ukraine — và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc họp mặt năm nay diễn ra từ Thứ Tư đến Chúa Nhật theo phương châm “Bây giờ là lúc.” Khẩu hiệu đó là một trong những câu mà Simmerlein đã đưa cho ChatGPT khi anh ấy yêu cầu chatbot phát triển bài giảng.

“Tôi đã nói với trí tuệ nhân tạo 'Chúng ta đang ở đại hội nhà thờ, bạn là một nhà thuyết giáo... một buổi lễ nhà thờ sẽ như thế nào?'“ Simmerlein nói. Anh ấy cũng yêu cầu thêm các bài thánh vịnh, cũng như những lời cầu nguyện và một phép lành vào cuối buổi lễ.

“Bạn kết thúc với một buổi lễ nhà thờ khá ổn định,” Simmerlein nói, nghe có vẻ gần như ngạc nhiên trước sự thành công trong thí nghiệm của mình.

Thật vậy, các tín hữu trong nhà thờ đã chăm chú lắng nghe khi trí tuệ nhân tạo thuyết giảng về việc bỏ lại quá khứ phía sau, tập trung vào những thách thức của hiện tại, vượt qua nỗi sợ hãi cái chết và không bao giờ đánh mất niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Toàn bộ dịch vụ được “dẫn dắt” bởi bốn hình đại diện khác nhau trên màn hình, hai phụ nữ trẻ và hai nam thanh niên.

Đôi khi, hình đại diện do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra đã vô tình gây cười khi sử dụng những lời lẽ vô vị và nói với những người đi nhà thờ với vẻ mặt tỉnh bơ rằng “để giữ được đức tin của mình, chúng ta phải cầu nguyện và đi nhà thờ thường xuyên”.

Một số người nhiệt tình quay video sự kiện bằng điện thoại di động của họ, trong khi những người khác tỏ ra nghiêm khắc hơn và từ chối đọc theo Kinh Lạy Cha.

Heiderose Schmidt, 54 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho biết bà rất hào hứng và tò mò khi dịch vụ này bắt đầu nhưng càng về sau, bà càng cảm thấy khó chịu.

“Không có trái tim và không có linh hồn,” cô nói. “Các avatar không thể hiện cảm xúc gì cả, không có ngôn ngữ cơ thể và nói quá nhanh và đều đều khiến tôi rất khó tập trung vào những gì họ nói.”


Source:AP
 
Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong cách hiểu Công Giáo và Chính thống giáo
Vũ Văn An
18:21 12/06/2023

Dù chưa thấu đáo lắm về ý nghĩa thực sự của tính đồng nghị (synodality), bất chấp nó đã xuất hiện ít nhất 3, 4 năm qua, người Công Giáo cũng đã nắm được muôn một ý nghĩa thực tế của nó: cùng đi với nhau không những ở cái lúc thi hành quyết định mà còn cả ở cái lúc đưa ra quyết định nữa, dù Đức Hồng Y Grech gần đây có nhấn mạnh: Giáo Hội đồng nghị là Giáo Hội thiêng liêng hơn hay để Chúa Thánh Thần hành động nhiều hơn. Nhưng còn người Chính thống giáo, người mà theo Đức Phanxicô quả quyết là những người duy trì tốt nhất truyền thống thượng hội đồng, họ hiểu thế nào về tính đồng nghị, nhất là tính này liên hệ với một tính khác vốn được người Công Giáo từ trước đến nay hết sức nhấn mạnh: tính tối thượng quyền (primacy)?

May mắn thay, ngày 15 tháng 6 vừa qua, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Liên hiệp Quốc tế Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống giáo đã công bố tuyên bố chung tựa là “Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai và ngày nay”. Năm 2016, cũng Ủy ban này đã công bố văn kiện “Tính Đồng nghị và Tính Tối thượng quyền trong Thiên Niên kỷ thứ nhất”.

Đọc hai văn kiện trên, chúng ta sẽ thấy người Chính thống giáo hiểu tính đồng nghị trong tương quan giữa vị đứng đầu và những vị khác trong phẩm trật: việc gì chung cho các giáo hội đều được đem ra bàn luận tại thượng hội đồng và vị đứng đầu không quyết định điều gì mà không được các vị khác đồng ý. Quyết định của các vị trong các thượng hội đồng này có tính ràng buộc. Khi ban hành các thư có giá trị như thông điệp (encyclical) của Giám Mục Rôma, họ đều có cụm từ “Thư thượng phụ và thượng hội đồng”

Tóm lại tính đồng nghị thực sự chỉ là tính thượng hội đồng vì nội dung của nó là nội dung của thượng hội đồng. Trong khi người Công Giáo chúng ta hiểu chữ tính đồng nghị khác với thượng hội đồng, vì hiện nay diễn trình đồng nghị bao gồm mọi người đã chịu phép rửa. Nhưng điều quan trọng là dù bao gồm mọi người đã chịu phép rửa, thượng hội đồng của tòa Rôma chỉ là một cơ quan có tính tư vấn. Các ý kiến tại thượng hội đồng này không có tính ràng buộc mà chỉ là những chất liệu giúp Giám Mục Rôma (Đức Giáo Hoàng) đưa ra các chính sách của ngài. Chính sách này có thể vượt quá các ý kiến của thượng hội đồng.

Chưa hết, sự dị biệt sẽ còn rõ nét hơn nhiều nữa lúc nói đến tính tối thượng quyền của Giám Mục Rôma (Đức Giáo Hoàng). Cho đến nay, dường như chưa có tiến triển nào về phương diện này. Và trong thông cáo chung ký tại Alexandria ngày 7 tháng 6, hai bên quả quyết rằng: “‘sự liên thuộc của tính đồng nghị và tính tối thượng quyền là nguyên tắc nền tảng trong đời sống Giáo Hội’ và nguyên tắc này ‘nên được viện dẫn để thoả mãn các nhu cầu và đòi hỏi của Giáo Hội thời đại ta’”

Chúng tôi lần lượt chuyển dịch hai văn kiện này sang tiếng Việt.



I. Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ nhất: Hướng đến một cái hiểu chung để phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội
Chieti, ngày 21 tháng 09 năm 2016

Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông [koinonia] với chúng tôi,mà chúng tôi thì hiệp thông [koinonia] với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. (1 Ga 1:3-4)

1. Sự hiệp thông Giáo Hội phát sinh trực tiếp từ việc Nhập Thể của Ngôi Lời vĩnh cửu, theo ý muốn (eudokia) của Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô, khi đến trần gian, đã thành lập Giáo hội như thân thể của Người (x. 1Cr 12,12-27). Sự hiệp nhất hiện hữu giữa các Ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản ảnh trong sự hiệp thông (koinonia) giữa các phần tử của Giáo hội với nhau. Vì vậy, như Thánh Maximô Hiển tu đã khẳng định, Giáo hội là một 'eikon' [biểu tượng] của Chúa Ba Ngôi. (1) Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện với Chúa Cha: 'Xin bảo vệ chúng nhân danh Cha mà Cha đã ban cho con, để chúng nên một như chúng ta là một' (Ga 17:11). Sự hiệp nhất Ba Ngôi này được thể hiện trong Bí tích Thánh Thể, trong đó Giáo hội cầu nguyện với Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.

2. Từ thời xa xưa, Giáo hội duy nhất hiện hữu như nhiều Giáo hội địa phương. Sự hiệp thông (koinonia) của Chúa Thánh Thần (x. 2Cr 13:13) đã được cảm nghiệm cả trong mỗi giáo hội địa phương lẫn trong các mối tương quan giữa chúng như một sự hợp nhất trong sự đa dạng. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. Ga 16:13), Giáo hội đã phát triển các khuôn mẫu trật tự và nhiều thực hành khác nhau phù hợp với bản chất của mình là “một dân được mang tới sự hợp nhất từ sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.(2)

3. Tính đồng nghị [solidarity] là phẩm chất căn bản của toàn thể Giáo hội. Như Thánh Gioan Kim khẩu đã nói: '"Giáo hội" có nghĩa là cả tập hợp [systema] lẫn thượng hội đồng [synodos]'. (3) Thuật ngữ này bắt nguồn từ chữ 'công đồng' (synodos trong tiếng Hy Lạp, concilium trong tiếng Latinh), chủ yếu biểu thị một cuộc tập hợp của các giám mục, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để thảo luận và hành động chung trong việc chăm sóc Giáo hội. Nói chung, nó đề cập đến sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.

4. Thuật ngữ primacy [tối thượng quyền] đề cập đến việc trở thành người đứng đầu (primus, protos). Trong Giáo Hội, quyền tối thượng thuộc về Đầu của Giáo Hội – Chúa Giêsu Kitô, ‘Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu [protevon]’ (Cl. 1:18). Truyền thống Kitô giáo nói rõ rằng, trong đời sống đồng nghị của Giáo hội ở các bình diện khác nhau, giám mục được thừa nhận là ‘người đứng đầu’. Chúa Giêsu Kitô liên kết việc “đứng đầu” này với việc phục vụ (diakonia): “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35).

5. Vào thiên niên kỷ thứ hai, sự hiệp thông giữa Đông và Tây đã bị phá vỡ. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để khôi phục sự hiệp thông giữa người Công Giáo và Chính thống giáo, nhưng chúng đã không thành công. Ủy ban hỗn hợp quốc tế về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống, trong công việc không ngừng nhằm khắc phục những bất đồng thần học, đã xem xét mối quan hệ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong đời sống của Giáo hội. Những cách hiểu khác nhau về những thực tại này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự chia rẽ giữa Chính thống giáo và Công Giáo. Do đó, điều cần thiết là tìm cách thiết lập một sự hiểu biết chung về những thực tại liên quan lẫn nhau, bổ sung và không thể tách rời này.

6. Để đạt được sự hiểu biết chung này về tính tối thượng quyền và tính đồng nghị, cần phải suy tư về lịch sử. Thiên Chúa tỏ mình ra trong lịch sử. Điều đặc biệt quan trọng là cùng nhau đảm nhận việc đọc thần học về lịch sử phụng vụ, linh đạo, các định chế và giáo luật của Giáo hội, vốn luôn có chiều kích thần học.

7. Lịch sử Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ nhất mang tính chất quyết định. Mặc dù có một số rạn nứt tạm thời, các Kitô hữu từ Đông và Tây đã sống hiệp thông trong thời gian đó, và trong bối cảnh đó, các cơ cấu thiết yếu của Giáo hội đã được thiết lập. Mối quan hệ giữa tính đồng nghị và tính tối thượng quyền có nhiều hình thức khác nhau, có thể đưa ra hướng dẫn quan trọng cho Chính thống giáo và Công Giáo trong nỗ lực khôi phục sự hiệp thông trọn vẹn ngày nay.

Giáo hội địa phương

8. Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền mà Chúa Kitô là đầu, hiện diện trong cộng đoàn tham dự [synaxis] thánh thể của một giáo hội địa phương dưới quyền giám mục của giáo hội đó. Ngài là người chủ trì ('proestos'). Trong cộng đoàn tham dự phụng vụ, giám mục làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trở nên hữu hình. Trong Giáo hội địa phương (tức một giáo phận), nhiều tín hữu và giáo sĩ dưới quyền của một giám mục được hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô, và hiệp thông với Người trong mọi khía cạnh của đời sống Giáo hội, đặc biệt nhất là trong việc cử hành Thánh thể. Như Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã dạy: 'Giám mục ở đâu thì giáo dân ở đó, cũng như ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Giáo Hội Công Giáo [katholike ekklesia]'. (4) Mỗi giáo hội địa phương cử hành trong hiệp thông với mọi giáo hội địa phương khác, tuyên xưng đức tin chân thực và cử hành cùng một Thánh Thể. Khi một linh mục chủ sự Thánh Thể, giám mục địa phương luôn được tưởng nhớ như một dấu hiệu của sự hiệp nhất của giáo hội địa phương. Trong Bí tích Thánh Thể, proestos [người chủ trì] và cộng đoàn phụ thuộc lẫn nhau: cộng đoàn không thể cử hành Thánh Thể nếu không có proestos, và đến lượt proestos, phải cử hành cùng với cộng đồng.

9. Mối liên hệ qua lại giữa proestos hay giám mục và cộng đoàn là một yếu tố cấu thành đời sống của giáo hội địa phương. Cùng với hàng giáo sĩ, những người cộng tác với thừa tác vụ của mình, giám mục địa phương hoạt động giữa các tín hữu, là đoàn chiên của Chúa Kitô, như người bảo đảm và tôi tớ của sự hiệp nhất. Với tư cách là người kế vị các Tông Đồ, ngài thi hành sứ vụ phục vụ và yêu thương, chăn dắt cộng đoàn của mình và dẫn dắt cộng đoàn, với tư cách là thủ lãnh, đến sự hiệp nhất ngày càng sâu xa hơn với Chúa Kitô trong sự thật, duy trì đức tin tông truyền qua việc rao giảng Tin Mừng và việc cử hành các bí tích.

10. Vì giám mục là người đứng đầu giáo hội địa phương của mình, nên ngài đại diện cho giáo hội của mình trước các giáo hội địa phương khác và trong sự hiệp thông của tất cả các giáo hội. Tương tự như vậy, ngài làm cho sự hiệp thông đó hiện diện trong Giáo Hội của chính mình. Đây là một nguyên tắc căn bản của tính đồng nghị.

Sự hiệp thông khu vực của các Giáo Hội

11. Có nhiều bằng chứng cho thấy các giám mục trong Giáo hội sơ khai ý thức được trách nhiệm chung đối với Giáo hội nói chung. Như Thánh Cyprianô đã nói: 'Chỉ có một hàng giám mục nhưng nó được trải rộng giữa một đoàn hài hòa gồm tất cả các giám mục'. (5) Mối dây hiệp nhất này được thể hiện trong sự đòi hỏi rằng ít nhất ba giám mục phải tham gia vào lễ tấn phong (cheirotonia) của một Giám Mục mới;(6) điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong nhiều cuộc họp của các giám mục trong các công đồng hoặc thượng hội đồng để thảo luận về các vấn đề chung về tín lý (dogma, didaskalia) và thực hành, và trong việc trao đổi thư từ thường xuyên và các chuyến thăm viếng lẫn nhau.

12. Ngay trong bốn thế kỷ đầu tiên, đã xuất hiện nhiều nhóm giáo phận khác nhau trong các khu vực đặc thù. Protos, người đứng đầu trong số các giám mục của khu vực, là giám mục của tòa đứng đầu, tức toà đô thị [metropolis] và chức vụ của ngài trong tư cách là Giám Mục đô thị [metropolitan] luôn gắn liền với tòa của ngài. Các công đồng đại kết [chung] quy những đặc quyền nhất định (presbeia, pronomia, dikaia) cho vị Giám Mục đô thị, luôn nằm trong khuôn khổ của tính đồng nghị. Do đó, Công đồng Đại kết Đầu tiên (Nixêa, 325), trong khi yêu cầu tất cả các giám mục của một giáo tỉnh phải đích thân tham gia hoặc đồng ý bằng văn bản đối với một cuộc bầu cử và tấn phong giám mục - một hành vi đồng nghị tuyệt hảo - đã quy cho vị Giám Mục đô thị việc xác nhận (kyros) việc bầu chọn một giám mục mới.(7) Công đồng Đại kết lần thứ tư (Canxêđoan, 451) một lần nữa gợi lên các quyền (dikaia) của Giám Mục đô thị – nhấn mạnh rằng chức vụ này có tính giáo hội, không phải chính trị (8) – cũng như Công đồng Đại kết lần thứ bảy (Nixêa II, 787), cũng làm như vậy.(9)

13. Điều Giáo luật Tông đồ 34 đưa ra một mô tả giáo luật về mối tương quan qua lại giữa protos và các giám mục khác của mỗi khu vực: 'Các giám mục của dân một tỉnh hoặc khu vực [ethnos] phải công nhận người đứng đầu [protos] giữa họ, và coi ngài là người đứng đầu [kephale] của họ, và không làm bất cứ điều gì quan trọng mà không có sự đồng ý [gnome] của ngài; mỗi giám mục chỉ có thể làm những gì liên quan đến giáo phận của mình [paroikia] và các lãnh thổ phụ thuộc của nó. Nhưng người đứng đầu [protos] không thể làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của mọi người. Vì bằng cách này, sự hòa hợp [homonoia] sẽ thắng thế, và Thiên Chúa sẽ được ngợi khen nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần’. (10)

14. Định chế tòa đô thị [metropolitanate] là một hình thức hiệp thông khu vực giữa các giáo hội địa phương. Sau đó, các hình thức khác đã phát triển, cụ thể là các tòa thượng phụ [patriarchate] bao gồm một số tòa đô thị. Cả vị Giám Mục đô thị và thượng phụ đều là giám mục giáo phận với toàn quyền giám mục trong giáo phận của họ. Tuy nhiên, trong các vấn đề liên quan đến các tòa đô thị hoặc các tòa thượng phụ tương ứng của họ, họ phải hành động phù hợp với các giám mục đồng nghiệp của họ. Cách hành động này là gốc rễ của các định chế đồng nghị theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ này, chẳng hạn như thượng hội đồng giám mục khu vực. Các thượng hội đồng này được triệu tập và chủ trì bởi Giám Mục đô thị hoặc thượng phụ. Ngài và tất cả các giám mục đã hành động một cách bổ sung cho nhau và chịu trách nhiệm trước thượng hội đồng.

Giáo hội ở bình diện hoàn vũ

15. Giữa thế kỷ thứ tư và thứ bảy, thứ tự (taxis) của năm tòa thượng phụ đã được công nhận, dựa trên và được phê chuẩn bởi các công đồng đại kết, với tòa Rôma chiếm vị trí hàng đầu, thi hành tối thượng quyền danh dự (presbeia tes times), theo sau là các tòa Constantinốp, Alexandria, Antiôkia và Giêrusalem, theo thứ tự chuyên biệt đó, theo truyền thống giáo luật.(11)

16. Ở Tây phương, tối thượng quyền của tòa Rôma đã được hiểu, nhất là từ thế kỷ thứ tư trở đi, trong tham chiếu với vai trò của Phêrô giữa các Tông đồ. Tối thượng quyền của giám mục Rôma trong số các giám mục dần dần được giải thích như một đặc quyền của ngài vì ngài là người kế vị thánh Phêrô, vị đứng đầu các tông đồ. (12) Cách hiểu này không được chấp nhận ở phương Đông, vốn có cách giải thích khác về Kinh thánh và các Giáo phụ về điểm này. Cuộc đối thoại của chúng ta có thể trở lại vấn đề này trong tương lai.

17. Khi một vị thượng phụ mới được bầu chọn vào một trong năm tòa trong taxis [thứ tự], thông lệ là, ngài sẽ gửi một lá thư cho tất cả các thượng phụ khác, thông báo về việc bầu mình và kèm theo lời tuyên xưng đức tin. Những ‘thư hiệp thông’ như vậy diễn tả sâu sắc mối dây hiệp thông theo giáo luật giữa các thượng phụ. Bằng cách đưa tên của vị thượng phụ mới, theo đúng thứ tự, vào các tranh bộ đôi [diptychs] của nhà thờ của ngài, được đọc trong Phụng vụ, các thượng phụ khác thừa nhận cuộc bầu cử ngài. Thứ tự các tòa thượng phụ có biểu thức cao nhất trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Bất cứ khi nào có hai hoặc nhiều thượng phụ tụ họp để cử hành Bí tích Thánh Thể, các vị sẽ đứng theo taxis. Việc thực hành này biểu lộ đặc tính thánh thể trong việc hiệp thông của họ.

18. Từ Công đồng chung đầu tiên (Nixêa, 325) trở đi, các vấn đề chính liên quan đến đức tin và trật tự giáo luật trong Giáo hội đã được thảo luận và giải quyết bởi các công đồng chung. Mặc dù giám mục của Rôma không đích thân có mặt tại bất cứ công đồng nào trong số đó, nhưng trong mỗi trường hợp, ngài được đại diện bởi những người hợp pháp của mình hoặc ngài đồng ý với các kết luận của công đồng sau sự kiện. Sự hiểu biết của Giáo hội về các tiêu chuẩn để tiếp nhận một công đồng như là công đồng chung đã phát triển trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất. Thí dụ, do hoàn cảnh lịch sử thúc đẩy, Công đồng chung lần thứ bảy (Nixêa II, 787) đã đưa ra một mô tả chi tiết về các tiêu chuẩn như được hiểu lúc đó: sự đồng ý (symphonia) của những người đứng đầu các Giáo Hội, sự hợp tác (synergeia) của giám mục Rôma, và sự đồng ý (symphonia) của các thượng phụ khác khác. Một công đồng chung phải có số hiệu riêng của mình theo thứ tự các công đồng chung, và giáo huấn của công đồng này phải phù hợp với giáo huấn của các công đồng trước đó. (13) Sự đón nhận của toàn thể Giáo hội luôn luôn là tiêu chuẩn tối hậu cho tính đại kết của một công đồng.

19. Qua nhiều thế kỷ, một số khiếu nại đã được gửi đến giám mục Rôma, kể cả từ Đông phương, về các vấn đề kỷ luật, chẳng hạn như phế truất một giám mục. Một nỗ lực đã được thực hiện tại Thượng hội đồng Sardica (343) để thiết lập các quy tắc cho thủ tục như vậy. (14) Sardica đã được tiếp nhận tại Công đồng ở Trullo (692). (15) Các điều giáo luật của Sardica xác định rằng một giám mục đã bị kết án có thể kháng cáo lên giám mục Rôma, và giám mục này, nếu ngài cho là thích hợp, có thể ra lệnh xét xử lại, do các giám mục ở tỉnh lân cận với giám mục của mình tiến hành. Các khiếu nại liên quan đến các vấn đề kỷ luật cũng đã được gửi đến tòa Constantinốp,(16) và các tòa khác. Những lời kêu gọi các toà lớn như vậy luôn được xử lý theo cách đồng nghị. Những lời kêu gọi gửi đến giám mục Rôma từ phương Đông bày tỏ sự hiệp thông của Giáo hội, nhưng giám mục Rôma không thực thi thẩm quyền giáo luật đối với các giáo hội ở phương Đông.

Kết luận

20. Trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, Giáo hội ở Đông và Tây đã hợp nhất trong việc bảo tồn đức tin tông truyền, duy trì sự kế tục tông đồ của các giám mục, phát triển các cơ cấu đồng nghị liên kết bất khả phân với tối thượng quyền, và trong việc hiểu biết thẩm quyền như một việc phục vụ (diakonia) của tình yêu. Mặc dù sự hợp nhất giữa Đông và Tây đôi khi gặp khó khăn, nhưng các giám mục của Đông và Tây đều ý thức thuộc về một Giáo hội.

21. Di sản chung về các nguyên tắc thần học, các quy định của giáo luật và các thực hành phụng vụ từ thiên niên kỷ thứ nhất tạo nên một điểm quy chiếu cần thiết và một nguồn linh hứng mạnh mẽ cho cả người Công Giáo lẫn Chính thống giáo khi họ tìm cách hàn gắn vết thương của sự chia rẽ vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Trên cơ sở di sản chung này, cả hai bên phải xem xét làm thế nào mà tính tối thượng quyền, tính đồng nghị và mối liên hệ qua lại giữa chúng có thể được quan niệm và thực hiện ngày nay và trong tương lai.

Ghi chú

1) Thánh Maximô Hiển tu, Mystagogia (PG 91, 663D).

2) Thánh Cyprianô, De Orat. Dom., 23 (PL 4, 536).

3) Thánh Gioan Kim Khẩu, Explicatio in Ps 149 (PG 55, 493).

4) Thánh Inhaxiô, Thư gửi tín hữu Smyrnaea, 8.

5) Thánh Cyprianô, Ep.55, 24, 2; cũng nên xem, ‘episcopatus unus est cuius a singulis in solidum pars tenetur’[hàng giám mục là hàng mỗi thành phần của nó được mỗi thành phần coi như toàn thể] (De unitate, 5).

6) Công Đồng Chung Thứ Nhất (Nixêa, 325), khoản 4: ‘Tốt hơn là một giám mục được thành lập bởi tất cả các giám mục của một giáo tỉnh; nhưng nếu điều này có vẻ khó khăn vì một nhu cầu cấp thiết hoặc vì khoảng cách phải di chuyển, thì ít nhất ba giám mục nên họp lại với nhau; và, với sự đồng ý bằng văn bản của các giám mục vắng mặt, sau đó họ có thể tiến hành việc thánh hiến. Việc xác nhận [kyros] những gì diễn ra thuộc về giám mục đô thị của mỗi tỉnh.’ Cũng nên xem Điều Luật Tông truyền, 1: ‘Một giám mục phải được tấn phong bởi hai hoặc ba giám mục’.

7) Công Đồng Đại Kết Thứ Nhất (Nixêa, 325), điều 4; cũng nên xem điều 6: 'Nếu bất cứ ai trở thành giám mục mà không có sự đồng ý của vị Giám Mục đô thị, đại công đồng truyền rằng một người như vậy thậm chí không phải là một giám mục.’

8) Công đồng Đại kết lần thứ tư (Canxêđoan, 451), điều 12: ‘Đối với các thành phố đã được thư của hoàng đế tôn vinh danh hiệu đô thị, hãy chỉ để các thành phố này và các giám mục cai quản chúng được hưởng danh hiệu đó; nghĩa là, hãy để các quyền thích hợp của đô thị [kata aletheian] đích thực được bảo vệ.’

9) Công đồng Đại kết lần thứ bảy (Nixêa II, 787), điều 11 trao cho các đô thị quyền bổ nhiệm thủ quỹ của các giáo phận phụ thuộc của họ nếu các giám mục không dự liệu điều này.

10) Xem Công đồng Antiôkia (327), điều 9: ‘Các giám mục ở mọi tỉnh [eparchia] phải phục tùng giám mục chủ tọa ở đô thị’.

11) X. Công đồng đại kết đầu tiên (Nixêa, 325), điều 6: 'Các phong tục cổ xưa của Ai Cập, Libya và Pentapolis sẽ được duy trì, theo đó giám mục của Alexandria có thẩm quyền đối với tất cả những nơi này, vì một phong tục tương tự hiện hữu liên quan đến giám mục Rôma. Tương tự như vậy ở Antiôkia và các tỉnh khác, các đặc quyền [presbeia] của các Giáo Hội phải được bảo tồn’; Công đồng Đại kết lần thứ hai (Constantinốp, 381), điều 3: Hãy để giám mục của Constantinốp … có tối thượng quyền danh dự [presbeia tes times] sau giám mục Rôma, bởi vì đó là Tân Rôma’; Công đồng Đại kết lần thứ tư (Canxêđoan, 451), điều 28: ‘Các Nghị phụ đã ban các đặc quyền [presbeia] một cách đúng đắn cho tòa Rôma cổ hơn vì đó là một thành phố đế quốc; và được thúc đẩy bởi cùng một mục đích, một trăm năm mươi giám mục nhiệt tình nhất đã ban cấp các đặc quyền ngang hàng cho tòa thánh thiện nhất của toà Tân Rôma, phán đoán một cách hợp lý rằng thành phố được quyền lực đế quốc và viện nguyên lão tôn vinh và được hưởng các đặc quyền ngang bằng với Rôma cũ của đế quốc, cũng nên được nâng lên ngang tầm với tòa ấy trong các công việc giáo hội và chiếm vị trí thứ hai sau tòa ấy' (điều luật này chưa bao giờ được phương Tây tiếp nhận); Công đồng ở Trullo (692), điều 36: 'Làm mới các điều khoản của một trăm năm mươi Nghị phụ tập hợp tại thành phố được Chúa bảo vệ và thuộc đế quốc, và những điều khoản của sáu trăm ba mươi vị đã hội họp tại Canxêđoan, chúng tôi truyền rằng tòa Constantinốp sẽ có các đặc quyền [presbeia] bình đẳng với toà Rôma Cổ, và sẽ được coi trọng trong các vấn đề giáo hội vì thành phố đó đang và sẽ đứng thứ hai sau nó. Sẽ được xếp hạng sau Constantinốp là tòa Alexandria, rồi đến Antiôkia, và sau đó là tòa Giêrusalem’.

12) Xem Gregory, In Isaiam 14, 53; Đức Lêô, Sermo 96, 2-3.

13) X. Công Đồng Chung Lần Thứ Bảy (Nixêa II, 787): J. D. MANSI, Sacrorum conciliorum nova et amplissima collectio[tuyển tập mới và đầy đủ nhất các thánh công đồng] XIII, 208D-209C.

14) Xem Thượng hội đồng Sardica (343), điều 3 và 5.

15) X. Công đồng ở Trullo, điều khoản 2. Tương tự như vậy, Hội đồng Photian năm 861 đã chấp nhận điều khoản của Sardica là công nhận giám mục Rôma có quyền chấm dứt trong các vụ án đã được xét xử ở Constantinốp.

16) X. Công Đồng Chung Lần Thứ Tư (Canxêđoan, 451), điều 9 và 17.

Kỳ sau: Tính đồng nghị và tính tối thượng quyền trong thiên niên kỷ thứ hai và ngày nay
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin cập nhật: Gió bão lớn kết thúc Ngày Thánh Thể XIV tại đan viện Biển Đức Thiên Tâm
Trần Mạnh Trác
10:25 12/06/2023
Xem hình ảnh

Mưa bão đã không là một hiện tượng bất thường trong tháng 6 ở vùng Kerens TX. Cũng vì vậy mà đã có 3 lần (trong tổng số 14) đại hội Thánh Thể tổ chức tại đan viện Biển Đức Thiên Tâm diễn ra trong cảnh lầy lội gió mưa.

Nhưng không vì thế mà sự thu hút cuả Ngày Thánh Thể giảm đi, và cứ sau mỗi lần như vậy thì đan viện lại xây dựng thêm một cơ sở nào đó để cải thiện việc sinh hoạt cho người hành hương, như xây thêm một hội trường để tăng thêm chỗ ngủ đêm, như thiết kế điện nước cho 4 khu rừng để có thêm chỗ cắm trại (cho xe và lều cá nhân), thay chiếc nhà bếp bằng lều vải bằng một nhà tiền chế bằng sắt kiên cố, và đặt thêm trailers cho các thiện nguyện viên...

Nhưng hiện tượng bất ngờ xẩy ra vào chiều thứ Bảy vừa qua sẽ là một đề tài bàn luận lâu dài cho những người đi tham dự đại hội năm nay.

Sau 2 ngày thời tiết êm ả, thì vào chiều thứ Bảy, một cơn giông nổi lên mạnh mẽ làm xáo trộn mọi chương trình, thường là tột đỉnh cuả 3 ngày đại hội.

Cơn giông với mưa đá bắt đầu nổi lên lúc 3.30g chiều ở vùng Ennis, rồi theo gió ‘chính Bắc’ lan tới Kerens vào khoảng sau 4g.

Gió thổi liên hồi, có lúc gió giật lên trên 50 miles/g, làm cho cây cối gẫy cành và vài cây bị trốc gốc nằm ngổn ngang bên quốc lộ 287.



Nước hồ Richland-Chambers bị gió dồn lên cao, sóng lớn đập vào thành con cầu dài trên 1 mile, và người ta đã phải chặn cầu (và đường 287) vào lúc 6g chiều, cho mãi tới khuya mới mở lại.

Tại đan viện, cơn giông bất ngờ đó đã gây hoảng loạn cho những thực khách ngồi trong 2 căn lều ‘nhà cơm’. Gió thổi như muốn làm tung nóc lều, và người ta đã hè nhau chạy ra...may sao không có ai bị đè bẹp hoặc bị thương tích. Đây có lẽ sẽ là một kinh nghiệm điều hành cho các nhân viên An Ninh Trật Tự về sau này.

Điện bị ‘cúp’...Tuy đan viện có đủ cơ sở để tiếp tục hoạt động trong mọi thời tiết, nhưng việc mất điện đã làm ngưng trệ mọi sinh hoạt vì thiếu ánh sáng và hệ thống phát thanh.

Ở đây là miền quê, phải mất nhiều giờ sau đó thì điện mới được phục hồi....Lại thêm một nhu cầu mới cho đan viện là làm sao có một hệ thống điện ‘back up’.

Nhưng cái cực nhọc nhất có lẽ đã xẩy ra ở khu vực đậu xe. Đan viện chỉ có một số bãi xi-măng hạn chế mà lại dùng làm sàn cho các lều vải, cho nên mọi người phải đậu xe trên bãi cỏ.

Mưa nhiều làm cho bãi cỏ thành lầy lội, càng về khuya thì càng lầy hơn vì các vết xe lún xâu hơn. Tội nghiệp cho chủ nhân cuả xe đã đành, nhưng thật là tội nghiệp hơn cho các anh em thiện nguyện viên phải ‘cứu nạn’ từng chiếc xe một cho tới ‘thật khuya’.

Nhưng trong những giọt nước mưa (và nước mắt) đó, có một điểm son được ghi nhận.

Những bà ‘làm bếp’, là những người thiện nguyện lo đủ mọi việc rửa ráy và nấu nướng cho khách hàng hương, họ bận rộn trước khi ‘nhà cơm’ mở cửa cho đến sau khi thực khách ra về.

Bận rộn như vậy thì lúc nào họ mới có thời giờ để cầu nguyện nhỉ? Và nhiều khi họ còn ‘gấu ó’ với nhau nữa! than ôi!

Nhưng trong lúc mưa bão thứ Bảy vừa qua, trong khi mà mọi người còn ‘ngơ ngác’ không biết phải nghĩ gì làm gì, thì tôi đã nghe tiếng vọng ra văng vẳng cuả các bà ‘làm bếp’ đang đọc kinh cầu nguyện. Đây là nhóm duy nhất mà tôi thấy khi rảo quanh các khu sinh hoạt, họ biết rủ nhau cầu nguyện trong những lúc khốn khó.

Họ lần chuỗi Mân Côi để cầu xin cho mọi người được ‘tai qua nạn khỏi’.

Có phải vì thế chăng? Mà sau một cơn giông bão khiếp đảm vừa rồi, đã không có tai nạn nào đáng tiếc xảy ra... ngoại trừ vài chiếc dù, vài chiếc cờ nằm lăn lóc trên những vết xình lầy.

TB: Tôi đã định đây là lần cuối làm phóng sự Ngày Thánh Thể ở đây. “Sông có khúc, người có lúc” mà. Đã quá tuổi nhỉ hưu nhiều rồi! Tuy nhiên không ai muốn chấm dứt một câu chuyện với một kết thúc buồn cả. Vậy thì, hy vọng hẹn gặp lại quí độc giả một lần nữa, năm sau.
 
Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Oregon Có Thêm Tân Linh Mục Và Phó Tế
Lê Quang Uyên
17:12 12/06/2023
Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Oregon Có Thêm Tân Linh Mục Và Phó Tế

Happy Valley, Oregon. Thứ Sáu ngày 9 tháng 6 năm 2023 vào lúc 6 giờ chiều tại Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley, Oregon. Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Hoa Kỳ đã long trọng tổ chức Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho Thầy Phaolô VŨ ĐỨC THÀNH, SDD và Truyền Chức Phó Tế cho Thầy Đaminh NGUYỄN XU N MẠNH, SDD do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland, Oregon ALEXANDER KING SAMPLE Chủ Sự. Cùng hiện diện có Cha Bề Trên Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa Hãi Ngoại Giuse VŨ HÃI ĐĂNG, SDD và Cha Phó Bề Trên Bathôlômeô PHẠM HỮU ĐẠT, SDD, Cha Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley Đaminh PHẠM TĨNH, SDD và đông đủ các Cha của Tu Đoàn quy tụ về sau những ngày tĩnh tâm hằng năm, và quý Cha Dưỡng Tử của 2 tiến chức, các Cha khách của Địa Phận Portland, quý Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn và các Thầy của Tu Đoàn, quý Sơ Phụ Trách và các Sơ của 2 Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt/ Miền Portland và Thủ Thiêm ở Beaverton Oregon, cộng đoàn giáo dân của giáo xứ cùng quý hội viên Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu Giuse Khang tại Portland và vùng phụ cận Seattle WA. v.v… Đặc biệt, có quý ông bà Cố và gia đình của 2 tân Linh Mục và tân Phó Tế từ mọi nơi về tham dự.

Xem Hình

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Cha Chánh Xứ có đôi lời chào đón Đức Tổng, quý Cha và cộng đoàn dân Chúa đã quy tụ về giáo xứ để cử hành Thánh Lễ truyền chức cho 2 tiến chức.

Thánh Lễ đã lần lược diễn ra từng nghi thức Truyền Chức Thánh cao cả nầy của Giáo Hội cho 2 tiến chức do Đức Tổng Giám Mục cử hành rất nghiêm trang và sốt sắng.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha Bề Trên Giuse Vũ Hãi Đăng đã có lời cám ơn Đức Tổng Chủ Sự, quý Cha và quý cộng đoàn, quý ông bà Cố, gia đình, cũng như Hội Bảo Trợ Ơn Gọi đã tổ chức và tham dự Thánh Lễ, đồng thời cũng chúc mừng Tân Linh Mục và Tân Phó Tế với sứ vụ mới để phục vụ Giáo Hội và Tu Đoàn trong tương lai.

Cũng trong chương trình đào tạo ơn gọi tiếp nối của Tu Đoàn. Vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy ngày hôm sau 10 tháng 6 năm 2023 cũng tại Thánh Đường của giáo xứ lại diễn ra Thánh Lễ Cam Kết Vĩnh Viễn cho Thầy Phanxico Xavie LÊ TRỌNG KHỞI, SDD và Cam Kết Lần Đầu của Thầy Giacobe PHẠM TRẦN THIÊN N do Cha Bề Trên Giuse VŨ HÃI ĐĂNG, SDD chủ sự, đồng thời cũng có sự hiện diện của Cha Phó Bề Trên Batholomeo PHẠM HỮU ĐẠT, SDD và quý Cha của Tu Đoàn, quý Tu Sĩ Nam Nữ cũng như đông đủ các hội viện Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu Thánh Giuse Khang tại Portland và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ La Vang tham dự.

Cuối Thánh Lễ Cha Phó Bề Trên kiêm Giám Đốc Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu Batholomeo PHẠM HỮU ĐẠT, SDD ngỏ lời cám ơn Cha Bề Trên chủ sự và cộng đoàn tham dự thánh lễ hôm nay, đặc biệt quý hội viên Hội Bảo Trợ khắp mọi nơi đã quãng đại đóng góp và phục vụ cho việc tổ chức những ngày qua được thành công tốt đẹp.

Đồng thời, sau khi kết thúc Thánh Lễ, Tu Đoàn đã có buổi tiệc mừng Tân Linh Mục, Tân Phó Tế và Quý Thầy tại Hội Trường Giáo Xứ do Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu phụ trách.

Trong niềm hân hoan cùng Ca Đoàn cất cao tiếng hát bài ca kết lễ với nhiều cảm xúc dâng trào của cộng đoàn qua Điệp Khúc:

“ Ơn gọi là một huyền nhiệm!

Tình Yêu Thiên Chúa đã đến với con như sóng reo vui tha thiết chờ mong.

Con luôn xác tín: Ơn gọi là một huyền nhiệm !

Tình Yêu Thiên Chúa đã quyến rũ con, đã thúc bách con đáp lời xin vâng……

Chấm dứt 3 ngày hội của Tu Đoàn. Chúa Nhật ngày 11 tháng 6 năm 2023 cũng tại Thánh Đường của Giáo Xứ lại diễn ra Thánh Lễ mở tay và Tạ Ơn của Tân Linh Mục Phaolô VŨ ĐỨC THÀNH, SDD và Thầy Phó Tế Đaminh NGUYỄN XU N MẠNH, SDD lúc 11 giờ trưa. Kết thúc Thánh Lễ đã có nhiều giáo dân lần lược lên nhận phép lành của Tân Linh Mục.

Lê Quang Uyên
 
Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Mừng Kính Lễ Và Rước Kiệu Mình & Máu Thánh Chúa Kitô.
Phan Hoàng Phú Quý
17:29 12/06/2023
Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Mừng Kính Lễ Và Rước Kiệu Mình & Máu Thánh Chúa Kitô.

(Tempe-Arizona) Chúa nhật ngày 11 tháng 6 năm 2023 vào lúc 5:30 chiều, Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh đã long trọng tổ chức Thánh lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô một cách trang nghiêm và sốt sáng, do linh mục Micae Phạm văn Năng thuộc giáo xứ Thiện Giáo, giáo phận Bùi Chu chủ tế và thuyết giảng.

Xem Hình

Trong phần chia sẽ lời Chúa, vị chủ tế đề cao giá trị của mầu nhiệm Thánh Thể, đặc biệt trong Chúa Nhật hôm nay, giáo hội dành riêng một ngày để cho mỗi người chúng ta ý thức hơn, xác tín hơn vào Bí Tích Thánh Thể, bởi vì sau khi vị linh mục đọc lời truyền phép thì Rượu và Bánh được trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Nhờ Bí Tích Thánh Thể chúng ta tiếp nhận được rất nhiều sức sống, tình yêu và ân sũng của Ngài.

Khi chúng ta rước lễ là chúng ta rước trọn vẹn con người của Đức Kitô vào trong tâm hồn của chúng ta, và nhờ đó tâm hồn chúng ta được biến đổi, gia đình chúng ta được hạnh phúc, con cái chúng ta được ngoan hiền, và cộng đoàn, xứ đạo chúng ta được đoàn kết yêu thương nhau nhiều hơn.

Sau thánh lễ có giờ chầu và Rước kiệu Thánh Thể đi chung quanh khu vực nhà thờ và vài khu xóm nơi có giáo dân thuộc giáo xứ Thánh Linh cư ngụ.

Được biết từ thế kỷ 14 Giáo Hội đã long trọng sùng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô và đã lưu truyền như một đặc điểm khác biệt của việc cử hành lễ trọng thể này, một cuộc rước kiệu trong đó Thánh Thể Rất Thánh Chúa Giêsu, thực sự hiện diện với chúng ta, được rước một cách long trọng và hân hoan qua các đường phố, và người Kitô hữu làm chứng công khai cho niềm tin của họ vào bí tích Thánh Thể và lòng sùng kính của họ.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói một cách hùng hồn về ý nghĩa của cuộc rước Mình Máu Thánh Chúa đối với người Công Giáo đương đại trong bài giảng lễ của ngài. Cuộc rước là một lời tuyên xưng đức tin: Lễ Mình Máu Thánh Chúa được phát triển vào thời điểm mà người Công Giáo vừa khẳng định vừa xác định niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô, đang sống và thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và cuộc rước là một tuyên bố công khai về niềm tin đó. Bí tích Mình và Máu Chúa luôn luôn vượt lên trên các bức tường của các nhà thờ của chúng ta. Cuộc rước làm xóa mờ ranh giới giữa những gì chúng ta làm bên trong nhà thờ và những gì chúng ta làm bên ngoài: chúng ta có thể nói, hãy mang Chúa Kitô vào thói quen hàng ngày của cuộc sống chúng ta, để Người có thể bước đi nơi chúng ta bước đi và sống nơi chúng ta sống. Đức Thánh Cha Bênêđictô tuyên bố, “Cuộc rước đại diện cho một phước lành to lớn và công khai cho địa phận của chúng ta.”

Cuối cùng là nghi thức chầu Thánh Thể tại khuôn viên Mẹ Ban Ơn, mọi người thinh lặng bên Chúa và nhìn ngắm Chúa, để rồi mong được nghe tiếng Chúa và thực thi lời Ngài.

Bởi vì: Lời Ngài là sức sống của con

Lời Ngài là ánh sáng đời con

Lời Ngài làm chứa chan hy vọng

Lời Ngài hạnh phúc cho trần gian.

Phan Hoàng Phú Quý.
 
Văn Hóa
Dòng Sông Đó Có Cha
Nt. Anna Hiền Linh
08:54 12/06/2023
Dòng Sông Đó Có Cha

(Một thoáng cảm nhận về dòng sông Chao Phraya và Đức Cha Lambert de La Motte)

Xem Hình

Tôi đến nơi đây vào một ngày êm ả
Bên dòng sông lặng lẽ bóng hình cha
Dòng sông dài êm trôi về muôn ngả
không tráng lệ diễm kiều, chẳng kiêu sa...

Sông trầm mặc và mang nhiều ký ức
Một thuở ban đầu thao thức chờ mong.
Sông chở phù sa và bước chân rạo rực,
Thuyền ra khơi mang khát vọng trong lòng !

Vâng! không xa hoa, không cầu kì nhưng vô cùng trầm mặc đó chính là dòng sông huyền thoại mang tên Chao Phraya. Một dòng sông với chiều dài gần 400 km chảy từ cửa sông ra biển lớn. Con sông này được xem là huyết mạch của thủ đô Bangkok và trải dài dọc theo các thành phố lớn.

Dòng sông Chao Phraya không chỉ là nhân chứng lịch sử quan trọng trải qua bao thăng trầm lịch sử của các vương triều Thái Lan mà còn là dòng sông cung cấp nguồn nước lớn nhất cho đất nước này hằng năm; cũng là một điểm đến không thể thiếu đối với khách du lịch khi đặt chân đến “đất nước ngàn voi” này.

Riêng tôi khi được đặt chân đến nơi đây lòng tôi như rộn lên một niềm vui khôn tả. Vui vì được đến thăm một nước láng giềng, vùng đất mà lâu nay chỉ biết qua các phương tiện truyền thông giờ được đến tận nơi để xem và hiểu thêm về con người, về những nét đẹp lịch sử, văn hoá nơi đây. Vui vì được gặp gỡ, chia sẻ, đồng hành với các chị em không những cùng Dòng mà còn với các chị em cùng chung Linh đạo Mến Thánh Giá; trong đó có những người lần đầu tiên gặp nhau nhưng tất cả đều rất gần gũi và thân thiện. Vui vì được về thăm và kính viếng phần mộ cha, được cảm nhận thực tế về những gì cha đã sống và làm việc nơi đây; được ngồi thuyền đi dạo trên sông vào một buổi chiều êm ả và được ngắm cảnh đẹp bình yên của một dòng sông mang nhiều ký ức...

Vâng, chị em chúng tôi rất gần nhau. Gần vì chúng tôi là con cùng một Cha trên trời; gần vì chúng tôi, những nữ tu Mến Thánh Giá, có chung Đấng Sáng lập; gần vì được hít thở bầu không khí mà cha mình đã từng dừng chân nơi mảnh đất và dòng sông này. Càng vui và hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng, kính viếng chính ngôi thánh đường có hài cốt của Đấng Sáng lập nằm hướng mặt ra sông; ngôi thánh đường đơn sơ, lặng lẽ ấy như một dấu tích chứng minh rằng cha của chúng ta đã hy sinh cả cuộc đời vì đoàn con thân yêu tại vùng đất Á châu này. Và sự hy sinh cao cả đó đã đem lại hoa quả tốt lành thánh thiện là các nữ tu Mến Thánh Giá ngày hôm nay...

Hình như không phải tình cờ mà ngôi thánh đường này được xây dựng cạnh dòng sông ! Phải chăng tình yêu và sự quan phòng của Chúa đã sắp đặt để ngôi thánh đường hiện diện nơi đây, bên cạnh dòng sông êm đềm và lặng lẽ. Ngôi thánh đường thuộc thành phố Ayutthaya, một trong những thành phố nằm trải dài bên dòng sông Chao Phraya. Sự êm đềm, thanh tịnh và lặng lẽ ấy đã khơi lên một sức sống mãnh liệt để cho hạt giống đức tin được trổ sinh hoa trái dồi dào. Nơi thánh đường này có một người cha đã một đời bôn ba hy sinh quên mình, từ bỏ tất cả để đem hạt giống Tin mừng đến cho dân tộc Á châu đang yên nghỉ.

Ayutthaya, một cái tên đầy ý nghĩa và gần gũi đối với chị em Mến Thánh Giá chúng ta. Vì thế, người tu sĩ Mến Thánh Giá không đến Ayutthaya như một người khách du lịch đi tham quan và chiêm ngắm những vẻ đẹp của một vùng đất, một thành phố; chụp vài tấm hình khoe với bạn bè cho sành điệu để rồi sau đó, tất cả đều trôi vào quên lãng! Không, chúng ta đến với tinh thần của một người con hành hương về nguồn cội, về thăm cha, về để được sống lại ký ức của cha trong tinh thần yêu mến Đấng chịu đóng đinh... Chúng ta đến để dừng chân tại nơi mà cha đã chọn để bắt đầu sứ vụ tại Á châu bằng cuộc tĩnh tâm đầu tiên vào mùa thu năm 1663. Phải chăng chính vì lí do đó mà khi chúng ta đứng trước dòng sông này chúng ta thấy toát lên một vẻ đẹp huyền dịu và nên thơ; một vẻ đẹp của sự linh thiêng và giàu ký ức, một vẻ đẹp dành riêng cho những người con của Đức cha Lambert là các nữ tu Mến Thánh Giá...

Trong nền văn hóa Việt Nam, dòng sông là một trong những hình ảnh không thể thiếu trong thi ca, âm nhạc, hội họa, truyện kể... Mỗi dòng sông mang một vẻ đẹp, một dấu ấn lịch sử riêng. Đặc biệt, trên hành trình truyền giáo cho các dân tộc tại Á Châu của các vị thừa sai, các dòng sông đóng một vai trò quan trọng của “một thuở ban đầu”; và dòng sông Chao Phraya cũng không ngoại lệ. Có thể nói Tin Mừng đến được Á châu là nhờ những dòng sông! Vâng, chính những dòng sông đã sẵn lòng oằn mình ra đón nhận và đưa những chiếc thuyền thô sơ, bấp bênh trước bao phong ba bão tố để chở những con người đầy nhiệt huyết hăng say, bất chấp khó khăn... đem Tin mừng đến với miền đất Á châu... Đẹp làm sao những dòng sông mang nặng nghĩa tình, những dòng sông đưa đón những con thuyền ra khơi buông lưới, như chứng từ sau đây của một thời “khai hoang vỡ đất” gieo hạt Tin mừng:

“…… Xuôi dòng sông ra cửa biển. Như vậy, tất cả mọi khó khăn để khởi hành được cất khỏi, chúng tôi xuôi dòng sông. Dòng sông này, như người ta biết, có thể đón nhận suốt trên 80 dặm dài các con tàu của những hải cảng lớn nhất; và con sông duyên dáng chảy bao quanh chân tường thành kinh đô Xiêm La, rồi từ đó mà ra tới biển chỉ còn lại là 40 dặm. Dọc dòng sông thì không ngừng có vô số tàu bè thuộc mọi quốc gia chở đầy dẫy hàng hóa từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Đài Loan, Bantam và hiện nay là u châu. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy tàu bè nước Pháp nữa nhờ Hãng Hải Thương Hoàng Gia, Hãng này có thể lập tại đây một kho hàng buôn bán tốt nhất với Trung Hoa và Nhật Bản. Mặc dù không có mấy thuận tiện, chúng tôi chỉ mất ba ngày là ra tới được cửa sông. Lúc đã qua khỏi đó, chúng tôi gặp thấy ngay những hòn đảo đầu tiên dọc theo bờ biển cho tới lúc vào Cam Bốt”. (Trích Kí sự truyền giáo của cha Vachet, chương I, từ Xiêm La đến Đàng Trong)

“……….. Sau khi đi lênh đênh trên biển cách bình an suốt 25 hay 26 ngày, chúng tôi bị lạc đường lúc gần như kết thúc chuyến đi. Các thủy thủ đã lẫn lộn con sông này với con sông nọ, chúng tôi trễ mất 24 giờ đồng hồ. Họ vào được con sông Xiêm La khoảng 10 tháng sau khi chúng tôi rời khỏi đó. Chúng tôi gặp lại dòng sông này, không những với niềm vui quen thuộc của các khách du hành khi trở lại nhà mình, mà còn có cái thú vị mà người ta hưởng được trên dòng sông, với bao nhiêu là cây cối xanh tươi dịu mát bao quanh, và với tất cả những đồ ăn ngon tươi mà người ta gặp được” (Trích Kí sự truyền giáo của cha Vachet, chương XI, trở về Xiêm La)

“…… Đức cha Beryte quyết định sớm sang tới Trung Hoa: sau khi ngài từ giã các người Đàng Trong và sau khi sắp đặt chu đáo nhất có thể cho Giáo Hội phôi sinh của họ tại Xiêm La, ngày thứ 12 tháng Bảy, ngài xuống thuyền trên sông và ngày thứ 17 thì ra tới tàu ngoài cửa khẩu, cách xa bến cảng khoảng 2 dặm. Ngày thứ 21, tàu căng buồm.

Gió thuận, tàu đi êm xuôi tới đêm ngày thứ 30.

Rồi vài hôm sau, 2 con thuyền từ Xiêm La đến cứu họ, nhờ được tin của những người đã rời tàu bằng chuyến xà lúp đầu tiên. Hai ngày trước đó, ông thuyền trưởng, đã gặp quan toàn quyền của các làng mạc trên bờ, cũng trở lại tàu với người thừa sai đã theo ông ta vào bờ. Nhờ đó, đức cha Beryte rời được tàu trở lại Xiêm La, lần thứ hai, vào ngày thứ 15 tháng Chín.

Trở lại Xiêm La, đức cha Beryte tìm được an ủi khi nhìn thấy đoàn chiên của ngài đã tăng thêm nhiều người gốc Đàng Trong khác. Từ lúc đấy, ngài lại tiếp tục vun xới Giáo Hội này với nhiều ơn trên ban xuống.

Tôi rời Xiêm La ngày 14 tháng Mười, khoảng 8 giờ tối, để ra đến một con tàu người Anh quốc sẽ căng buồn sang Madras, thị trấn thuộc Hãng hải thương Anh quốc. Tôi mất 24 giờ để đi hết 35 dặm trên sông Xiêm La, gặp được con tàu đã lên buồm ngoài cửa khẩu. Con tàu chưa dám khởi hành vì gặp 3 con tàu người Hòa Lan trang bị vũ khí chiến đấu đang lên ngược dòng sông Xiêm La”.

(Kí sự cuộc hành trình của Đức cha Beryte, chương 16, Đức cha Beryte khởi hành từ Xiêm La đến Trung Hoa).

Vâng! Dòng sông Chao Phraya không những được mệnh danh là “dòng sông của những vị vua” nhưng nó còn mang một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với Giáo hội Việt Nam và nhất là đối với chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá. Vì nơi đây, trên dòng sông này mãi cho đến hôm nay vẫn còn ghi dấu bóng hình của cha chúng ta đó là Đức cha Lambert, một thừa sai người Pháp đã từ bỏ quê hương để mang hạt giống Tin mừng đến Xiêm La. Ngài đã đến nơi đây bằng đường thuỷ trên sông này và chọn ngôi thánh đường nằm cạnh dòng sông thuộc thành phố Ayutthaya để tĩnh tâm gặp gỡ Chúa.

Có thể trước đây, không ít người trong chị em chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá, đã từng nghe đến dòng sông Chao Phraya và thành phố Ayutthaya này, như một địa danh xa lạ như bao vùng đất xa xôi khác. Nhưng có lẽ, chỉ khi đến tận nơi đây, đến bên dòng sông này, chúng ta mới thật sự cảm nhận được vùng đất này, không gian này, những tên gọi này... rất gần, rất quen, rất ý nghĩa và mang rất nhiều ký ức. Thật vậy, chính tại thành phố cổ Ayutthaya này, với dòng sông Chao Phraya êm đềm lặng lẽ, với ngôi thánh đường cổ kính trang nghiêm, là nơi có cha chúng ta, Đức cha Lambert, đang nghìn thu yên nghỉ. Vì thế, hình như tất cả nơi đây đều “đã hóa tâm hồn” để chúng ta đều trở nên những người “bà con ruột thịt” !

Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

 
VietCatholic TV
Ukraine mừng rơi lệ: Một ngày giải phóng 3 thị trấn, phá hủy 41 chiến xa, 2 bệ phóng pháo Nhiệt Áp
VietCatholic Media
03:12 12/06/2023


1. Cờ Ukraine được kéo lên ở ngôi làng được giải phóng khi cuộc phản công gia tăng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Flag Raised in Liberated Village As Counteroffensive Ramps Up”, nghĩa là “Cờ Ukraine được kéo lên ở ngôi làng được giải phóng khi cuộc phản công gia tăng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo quân đội Ukraine, các chiến binh Ukraine đã kéo cao lá cờ của đất nước họ tại một khu định cư ở khu vực phía đông Donetsk khi cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Kyiv đang được tiến hành.

Trong đoạn phim do một lữ đoàn Ukraine đăng lên mạng xã hội, các binh sĩ giương cao lá cờ Ukraine từ cửa sổ của một tòa nhà không xác định và bị phá hủy ở làng Blahodatne trong vùng Donbas đang tranh chấp.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh gọi tắt là ISW, tiên đoán hôm thứ Sáu rằng các lực lượng Ukraine có khả năng đã đạt được “các thắng lợi” ở phía đông Blahodatne và các chiến binh của Kyiv có khả năng đang hoạt động gần ngôi làng. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam Velyka Novosilka, nằm ngay phía bắc Blahodatne, ISW cho biết thêm.

Điều này xảy ra khi các quan chức Ukraine báo hiệu bắt đầu cuộc tổng phản công được mong đợi từ lâu của Kyiv chống lại các lực lượng Nga ở miền đông và miền nam Ukraine.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết hôm thứ Bảy rằng các chiến binh của Ukraine đã bắt đầu “các hoạt động phản công và phòng thủ”, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông nói với các phóng viên rằng các chỉ huy quân sự của Kyiv “đang có tâm trạng tích cực,” trước khi nói thêm: “Hãy chuyển điều đó cho Putin”.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết “hoàn toàn chắc chắn rằng cuộc tấn công này đã bắt đầu,” nhưng cho biết quân đội Ukraine cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu của họ. Trong một bản cập nhật vào Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine “tiếp tục nỗ lực không thành công trong các hoạt động tấn công” ở miền nam và miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, bất kể các tuyên bố của Putin và Bộ Quốc phòng Nga, hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Anh cho biết 24 giờ trước đó đã chứng kiến “các hoạt động quan trọng của Ukraine” ở phía đông và phía nam của đất nước. Trong bản tin tình báo, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết các lực lượng Nga đã chứng kiến sự gia tăng thương vong, mặc dù Nga có thể đã thực hiện một số hoạt động phòng thủ “đáng tin cậy”.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm, các lực lượng Ukraine có khả năng đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở một số khu vực tiền tuyến. “Ở những nơi khác, tiến độ của Ukraine có phần chậm hơn”.

ISW cho biết các hoạt động phản công đã diễn ra tại “ít nhất bốn khu vực của mặt trận” vào thứ Bảy.

Các quan chức Ukraine phần lớn im lặng trước các kế hoạch phản công của Kyiv, và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này, Hanna Maliar, đã tiếp tục kêu gọi “im lặng” vào hôm Chúa Nhật.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật rằng những nỗ lực chính của Nga tập trung vào việc phòng thủ các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk.

“Giao tranh khốc liệt vẫn tiếp tục,” Bộ Tổng tham mưu cho biết trong một bản cập nhật, đồng thời cho biết thêm rằng 35 cuộc đụng độ đã diễn ra ở khu vực tiền tuyến này trong ngày qua.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

2. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết hai hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1A của Nga bị Ukraine xóa sổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Two Russian TOS-1A Thermobaric Artillery Systems Wiped Out by Ukraine—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho biết hai hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1A của Nga bị Ukraine xóa sổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo một đánh giá mới, các lực lượng Ukraine đã phá hủy ít nhất hai bệ phóng nhiệt áp “có sức hủy diệt cao nhưng rất khan hiếm” của Nga trong vài ngày qua bằng cách sử dụng vũ khí phương Tây.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết quân đội Ukraine đã phá hủy một cặp hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1A của Nga ở khu vực Zaporizhzhia, miền nam Ukraine trong các hoạt động phản công.

Nga đã ca ngợi hiệu suất của các hệ thống TOS-1A mà nước này đã sử dụng từ những ngày đầu của cuộc chiến ở Ukraine. Trước đây nó được gọi là TOS-1A, mà nó chỉ định là “súng phun lửa hạng nặng”, một “vũ khí đáng gờm”.

ISW cho biết thêm, các bệ phóng nhiệt áp là “tài sản pháo binh có sức hủy diệt cao nhưng khan hiếm”.

Chuyên gia công nghệ quân sự và quốc phòng David Hambling trước đó đã nói với Newsweek rằng chúng là một “thiết bị ưu tiên cao” đối với quân đội Nga, nhưng Mạc Tư Khoa chỉ có một “số lượng nhỏ” các hệ thống như thế có thể dùng trong tác chiến.

Vào tháng 3 năm 2022, Bộ Quốc phòng Anh cho biết “tác động của TOS-1A rất tàn khốc”, đồng thời nói thêm, “Nó có thể phá hủy cơ sở hạ tầng, đồng thời gây ra thiệt hại đáng kể cho các cơ quan nội tạng và gây bỏng rất nhanh, dẫn đến tử vong cho những người tiếp xúc.”

Vũ khí nhiệt áp sử dụng hai vụ nổ để tạo ra vụ nổ hủy diệt hơn vũ khí thông thường. Vũ khí nhiệt áp, còn được gọi là bom chân không, được quân đội Liên Xô ở Afghanistan và Chechnya, cũng như quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong những năm 1960.

Jordan Cohen, một nhà phân tích chính sách tại Viện Cato, trước đây đã nói với Newsweek rằng chúng là “một trong những loại hỏa tiễn có sức tàn phá và ghê tởm nhất đang tồn tại”.

ISW cho biết thêm: “Sự phụ thuộc rõ ràng của các lực lượng Nga vào các khí tài pháo binh cụ thể là điều đáng chú ý. Các cuộc tấn công thành công của Ukraine vào các hệ thống TOS-1A “có khả năng làm phức tạp” khả năng phòng thủ của Nga.

ISW nhấn mạnh rằng: “ Các lực lượng Nga khó có thể có đủ số hệ thống TOS-1A để cung cấp cùng một mức độ hỗ trợ hỏa lực dọc theo chiến tuyến”.

Hambling cho biết hệ thống này liên quan đến một “vụ nổ quả cầu lửa mở rộng nhanh chóng” không chứa mảnh đạn. Sau đó, bệ phóng sẽ gây ra một “sóng xung kích cực mạnh có thể phá hủy các tòa nhà”.

Theo nhà xuất khẩu quân sự nhà nước Nga, Rosoboronexport, TOS-1A là một hệ thống “kinh khủng và độc nhất”.

Đầu tháng 4 năm 2023, chính phủ Nga cho biết lực lượng lính Dù của họ đã nhận được vũ khí lần đầu tiên để sử dụng ở Ukraine.

“Các bạn đang được giao những vũ khí đáng gờm không có đối thủ trong kho vũ khí của phương Tây tập thể và khiến đối phương của chúng ta hoảng sợ”, một chỉ huy quân đội Nga cho biết trong một tuyên bố do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

3. Ukraine cho biết Nga mất 17 xe tăng, 24 xe thiết giáp trong một ngày giữa cuộc phản công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 17 Tanks, 24 APVs in a Day Amid Counteroffensive: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 17 xe tăng, 24 xe thiết giáp trong một ngày giữa cuộc phản công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đã mất 17 xe tăng và 24 xe bọc thép chở quân trong một ngày khi lực lượng phòng vệ Ukraine thực hiện cuộc phản công được chờ đợi từ lâu, theo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Trong một cập nhật được công bố vào chiều Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga đã mất tổng cộng 3.926 xe tăng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái. Bản cập nhật cũng cho biết quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mất tổng cộng 7.631 xe thiết giáp, 3.736 hệ thống pháo và 215.640 binh sĩ — với 980 người chết trong một ngày.

Tổn thất xảy ra khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine kéo dài khi chiến tranh kéo dài đến các thành phố lớn của Ukraine, bao gồm Kyiv, Kherson, Odessa và Bakhmut—nơi quân đội của cả hai bên đã chiến đấu trong nhiều tháng. Putin tự tin rằng đất nước của ông sẽ đạt được các mục tiêu của mình, nhưng đã gặp phải những nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi, chủ yếu được hỗ trợ bởi phương Tây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Bảy xác nhận rằng cuộc phản công của nước ông đã bắt đầu sau nhiều tháng chuẩn bị, với sự giúp đỡ của các nước phương Tây gửi xe tăng, pháo hạng nặng và thiết bị quân sự tiên tiến, cùng các phương án phòng thủ khác.

“Các hành động phản công và phòng thủ thích hợp đang diễn ra ở Ukraine. Tôi sẽ không nói chi tiết chúng đang ở giai đoạn nào. Tôi tin rằng chúng ta chắc chắn sẽ cảm nhận được tất cả những điều này”, ông Zelenskiy nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại với Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Kyiv. “Các bạn phải tin tưởng vào quân đội của chúng ta. Tôi tin tưởng họ. Tôi liên lạc hàng ngày với các chỉ huy của chúng ta trong các chiến trường khác nhau. Syrsky, Tarnavsky, với Moskalyov, Naiev, Zaluzhny. Tất cả hiện đang trong một tâm trạng tích cực.”

Tổng thống Ukraine nói thêm rằng điều quan trọng là Nga cảm thấy rằng “theo quan điểm của tôi, họ không còn nhiều thời gian nữa”.

Hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin hôm thứ Bảy, bất chấp những tổn thất của Nga được báo cáo, ông Putin gần đây nói rằng các lực lượng Ukraine đã không thành công với các hành động phòng thủ của họ ở tiền tuyến vì phẩm chất vũ khí và tài chỉ huy xuất sắc của Nga.

“Đối phương không thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tất cả là nhờ lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của những người lính của chúng ta, sự tổ chức và quản lý quân đội hợp lý cũng như hiệu quả tuyệt vời của vũ khí Nga, đặc biệt là vũ khí tối tân”, ông Putin nói và cho biết thêm rằng cuộc giao tranh diễn ra ác liệt trong hai ngày qua.

Bất kể những gì Putin nói để lêm giây cót tinh thần cho binh lính Nga, quân đội Ukraine đã phá hủy ít nhất hai bệ phóng nhiệt áp TOS-1A của Nga trong vài ngày qua, theo đánh giá hôm thứ Bảy của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW. Theo tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, các bệ phóng nhiệt áp là “tài sản pháo binh có sức hủy diệt cao nhưng khan hiếm”.

Nga ca ngợi hiệu suất của các hệ thống TOS-1A, được sử dụng từ những ngày đầu của cuộc chiến ở Ukraine. Nước này trước đây gọi TOS-1A là “súng phun lửa hạng nặng”, một “vũ khí đáng gờm”.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

4. Người dẫn chương trình truyền hình Nga nói cần hàng triệu quân Trung Quốc trong cuộc chiến của Putin

Hốt hoảng trước các thất bại trong những ngày qua, một tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh cho rằng Nga cần hàng triệu quân Trung Quốc cho “hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine”. Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, than thở rằng ngày nay khi các tuyên truyền viên trên TV của Nga ngày càng nói năng mê sảng. Trong bối cảnh Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc cần một triệu lính Nga để cử đi đánh Đài Loan xem ra thực tế hơn.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Millions of Chinese Troops 'Needed' in Putin's War, Russian TV Host Says”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình Nga nói cần hàng triệu quân Trung Quốc trong cuộc chiến của Putin”.

Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Olga Skabeyeva gần đây cho biết hàng triệu binh sĩ Trung Quốc là “cần thiết” để chiến đấu trong cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Kyiv phát động cuộc phản công được chờ đợi từ lâu.

Trung Quốc đã nổi lên như một đồng minh chủ chốt của Putin sau khi ông ta phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” để xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Nhiều quốc gia lên án cuộc chiến của Putin là không thể biện minh và vi phạm các quy tắc quốc tế, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của Mạc Tư Khoa, khiến nhà lãnh đạo Nga bị các nhà lãnh đạo thế giới khác xa lánh. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã có lập trường thiện cảm hơn với Putin, cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh mà một số người cho rằng sẽ có lợi hơn cho Mạc Tư Khoa.

Trong khi đó, các đồng minh của Ukraine đã cung cấp cho quân đội của họ hàng tỷ đô la viện trợ, bao gồm cả vũ khí, cho phép quân đội của họ xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình. Kể từ khi bị xâm lược, Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ bị tạm chiếm trước đây, và trong những ngày gần đây được tường trình đã phát động cuộc phản công mới nhất ở Zaporizhzhia. Bộ Quốc phòng Ukraine đã báo cáo một số lượng lớn thương vong của Nga trong nỗ lực này, mặc dù Mạc Tư Khoa chưa bao giờ xác nhận những con số thương vong.

Khi quân đội Nga vật lộn với nỗ lực mới nhất của Ukraine nhằm đòi lại vùng đất bị tạm chiếm, Skabeyeva, người dẫn chương trình truyền hình Nga 60 Minutes, đã đưa ra một giải pháp để củng cố quân đội của họ.

Trong một chương trình được phát sóng hôm thứ Bẩy, cô kêu gọi hàng triệu quân đội Trung Quốc tham gia cuộc chiến Nga-Ukraine. Skabeyeva chỉ ra những trận chiến gần đây ở khu vực Belgorod của Nga, nơi lực lượng của Putin được tường trình đã gặp khó khăn trong những tuần gần đây để giải thích tại sao Mạc Tư Khoa cần thêm binh lính.

“Đừng giải ngũ hai hoặc ba triệu lính Trung Quốc. Đó là những gì cần thiết bây giờ. Tôi nhìn vào khu vực Belgorod và nghĩ rằng chúng ta thiếu quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đến mức nào,” cô nói.

Video về nhận xét của Skabeyeva đã được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, dịch và đăng lên Twitter vào sáng Chúa Nhật.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để bình luận qua email.

Bất chấp lời kêu gọi này từ Skabeyeva, Trung Quốc đã không chỉ ra rằng họ có kế hoạch gửi quân vào Nga - điều sẽ được coi là một sự leo thang lớn của cuộc xung đột - thay vào đó Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ cho Mạc Tư Khoa theo những cách khác

Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đã thắt chặt mối quan hệ kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Vào tháng 4, Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã nhấn mạnh sự hợp tác quân sự giữa hai nước trong cuộc gặp ở Mạc Tư Khoa, lưu ý rằng hai bên đã tham gia các cuộc tập trận quân sự chung bao gồm các cuộc tập trận trên bộ, hải quân và không quân.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc thông qua các bộ phận quân sự của mình, thường xuyên trao đổi thông tin hữu ích, cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và tổ chức các cuộc tập trận chung”, ông Putin nói về mối quan hệ của nước ông với Trung Quốc.

5. Không quân Ukraine giải thích tại sao máy bay không người lái Iran của Nga là 'cơn đau đầu thực sự' đối với Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Russia's Iranian Drones Are a 'Real Headache' for Kyiv: Air Force”, nghĩa là “Không quân Ukraine giải thích tại sao máy bay không người lái Iran của Nga là 'cơn đau đầu thực sự' đối với Kyiv.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết các máy bay không người lái do Iran sản xuất được Nga triển khai đang tiếp tục gây khó khăn cho các lực lượng Ukraine.

Các lực lượng Nga đã sử dụng rộng rãi máy bay không người lái Shahed-131 và 136 của Iran trong suốt cuộc xâm lược kéo dài vào Ukraine, bất chấp sự phủ nhận ban đầu của chính phủ Iran rằng họ chưa từng cung cấp chúng cho Nga. Iran cuối cùng đã thừa nhận vào tháng 11 rằng nước này đã cung cấp một “số lượng nhỏ” máy bay không người lái cho Mạc Tư Khoa “nhiều tháng trước cuộc chiến Ukraine”. Với phạm vi phóng khoảng 550 dặm đối với những chiếc 131 và 1.200 dặm đối với những chiếc 136, mỗi máy bay không người lái Shahed được trang bị một đầu đạn phát nổ khi tiếp cận mục tiêu đã định.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm Chúa Nhật với Ukrainska Pravda, Ihnat đã trình bày chi tiết những thất vọng mà những người bảo vệ đất nước phải đối mặt khi đối phó với máy bay không người lái của Iran, gọi khả năng tránh các hình thức tấn công khác nhau của họ là “một vấn đề thực sự đau đầu”.

Ihnat nói: “Máy bay không người lái do Iran sản xuất thực sự là một vấn đề đau đầu. Vẫn rất khó để hạ gục những thứ quái quỷ này. Khi rất nhiều trong số chúng đã được phóng đi, tất cả chúng đều bay theo các tuyến đường khác nhau, ở gần mặt đất, do đó rất khó để bắn chúng từ máy bay. Tốc độ của máy bay không người lái là 150 km/h, trong khi các chiến đấu cơ bay với tốc độ tối thiểu là 400 km/h.”

Ihnat nói thêm: “Và chúng tôi cũng không thể phá hủy được những chiếc máy bay không người lái đó trong đêm bằng cách sử dụng thiết bị phòng không của lực lượng mặt đất hoặc các nhóm bắn di động.”

Phát ngôn nhân tuyên bố thêm rằng Nga cố tình triển khai máy bay không người lái vào ban đêm do độ khó của chúng, đặc biệt là với hy vọng rằng chiến thuật này sẽ khiến lực lượng Ukraine lãng phí các phương tiện phòng không của họ. Điều này cũng sẽ cho phép các lực lượng Nga suy luận chính xác hơn về vị trí đặt các hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga qua email để bình luận.

Báo cáo của Pravda lưu ý rằng sáu máy bay không người lái của Iran đã bị bắn hạ vào thứ Bảy, mặc dù không biết tổng cộng có bao nhiêu chiếc đã được phóng đi. Theo ước tính từ Ukraine, họ đã phá hủy 17 xe tăng và 24 phương tiện bọc thép của Nga trong cùng ngày khi họ bắt đầu thực hiện một cuộc phản công đã được lên kế hoạch từ lâu.

“Các hành động phản công và phòng thủ thích hợp đang diễn ra ở Ukraine,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các phóng viên hôm thứ Bảy. “Tôi sẽ không nói chi tiết chúng đang ở giai đoạn nào. Tôi tin rằng chúng ta chắc chắn sẽ cảm nhận được tất cả những điều này. Các bạn phải tin tưởng quân đội của chúng tôi. Tôi tin tưởng họ. Tôi liên lạc hàng ngày với các chỉ huy của chúng tôi trong các lĩnh vực khác nhau. Syrsky, Tarnavsky, với Moskalyov, Naiev, Zaluzhny. Tất cả hiện đang trong một tâm trạng tích cực.”

6. Nhạc sĩ người Mỹ bị bắt ở Mạc Tư Khoa bị buộc tội bán mephedrone

Truyền thông Nga đưa tin hôm thứ Bảy rằng một nhạc sĩ người Mỹ sống ở Nga hơn một thập kỷ đã bị bắt vì tình nghi buôn bán ma túy, theo hãng tin AP.

Các báo cáo cho biết Michael Travis Leake bị nghi ngờ bán mephedrone, có tác dụng tương tự như cocaine và MDMA. Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã ra lệnh giam giữ anh ta trong hai tháng trước khi xét xử, các báo cáo cho biết.

Anh ta phải đối mặt với tội danh sản xuất hoặc phân phối ma túy, với mức án lên tới 20 năm tù.

Một trang Instagram có tên Travis Leake Instagram xác định anh ấy là ca sĩ của ban nhạc Lovi Noch, nghĩa là Nắm lấy màn đêm. Các bản tin cho biết Leake là một cựu lính Dù của quân đội Hoa Kỳ và đã sống ở Mạc Tư Khoa từ năm 2010.

Luật ma túy của Nga rất nghiêm ngặt. Ngôi sao WNBA Brittney Griner đã bị bắt vào tháng 2 năm 2022 sau khi các hộp chứa dầu cần sa được tìm thấy trong hành lý của cô tại một sân bay ở Mạc Tư Khoa. Cô bị kết án 9 năm tù, nhưng được thả vào tháng 12 để đổi lấy tay buôn vũ khí người Nga đang bị Mỹ cầm tù Viktor Bout.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố gửi qua email cho hãng tin AP rằng họ đã biết về các báo cáo rằng một công dân Hoa Kỳ gần đây đã bị bắt ở Mạc Tư Khoa. Họ cho biết khi một công dân Hoa Kỳ bị giam giữ ở nước ngoài, có bộ phận chuyên môn “theo đuổi việc tiếp cận lãnh sự càng sớm càng tốt và làm việc để cung cấp tất cả các hỗ trợ lãnh sự thích hợp”.

Bộ Ngoại Giao cho biết họ sẽ không có bình luận gì thêm do những cân nhắc về quyền riêng tư.

7. Tại sao câu chuyện của Nga về vụ vỡ đập Kakhovka không thành công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Russia's Story on Kakhovka Dam Breach Doesn't Stack Up”, nghĩa là “Tại sao câu chuyện của Nga về vụ vỡ đập Kakhovka không thành công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một cộng đồng tình báo nguồn mở, gọi tắt là OSINT, câu chuyện của Nga về việc phá hủy đập Kakhovka ở miền nam Ukraine không có cơ sở.

Molfar, một nhóm tư vấn Ukraine có trụ sở tại London, đã công bố một báo cáo về nguyên nhân, những mốc thời gian và thủ phạm gây ra vụ nổ sập con đập có từ thời Liên Xô vào ngày 6 tháng 6, là một phần của Nhà máy thủy điện Kakhovka ở miền nam Ukraine trên sông Dnipro. Nhóm OSINT đã phân tích các bức ảnh, hình ảnh vệ tinh, video giám sát và các kênh Telegram của Nga và cho biết họ đã xác định được nguyên nhân có thể khiến con đập bị phá hủy.

Con đập bị vỡ vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, tràn nước trên những dải đất khi một cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Ukraine nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ đã bắt đầu.

Nga khẳng định rằng họ không đứng sau sự sụp đổ của con đập và đã cáo buộc Ukraine cho nổ tung con đập để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một cuộc phản công “chùn bước”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc các lực lượng Nga đã cho nổ tung Nhà máy thủy điện Kakhovka từ bên trong cơ sở như một phần của “cuộc tấn công khủng bố”.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga là thủ phạm của vụ vỡ đập như Newsweek đã đưa tin.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

Những mốc thời gian

Nhà máy thủy điện Kakhovka đã bị lực lượng Nga chiếm giữ ngay sau khi Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Lực lượng vũ trang Ukraine đã không thể tiếp cận con đập và nhà máy điện kể từ đó.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết vào tháng 10 năm 2022 rằng các lực lượng Nga có thể đang chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công cờ giả vào công trình.

Người Nga bắt đầu thảo luận về khả năng phá hủy nhà máy điện vào mùa thu năm 2022 khi Lực lượng Vũ trang Ukraine tái chiếm hữu ngạn của vùng Kherson.

Vào tháng 12 năm 2022, một video được đăng trên YouTube, trong đó một thành viên của quân đội Nga nói rằng đập Kakhovka đã bị gài mìn và sẽ bị nổ tung với mục đích cản trở bước tiến của lực lượng Ukraine.

Tường thuật thay đổi của Nga

Con đập dường như bị vỡ vào khoảng 2:50 sáng giờ địa phương, theo các kênh Telegram của Nga, nhưng các quan chức do Điện Cẩm Linh cài đặt đã phủ nhận trong nhiều giờ rằng bất cứ điều gì đã xảy ra cho đến khi thảm họa trở nên rõ ràng.

Vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương, thị trưởng Kakhovka do Nga bổ nhiệm, Vladimir Leontiev nói với các phóng viên rằng những tuyên bố về việc phá hủy con đập là “vô nghĩa”, đồng thời nói thêm rằng thị trấn rất yên tĩnh và thanh bình.

Nhưng vài giờ sau, Leontiev quay lại, nói rằng có một số cuộc tấn công vào con đập vào khoảng 2 giờ sáng giờ địa phương.

Trong khi đó, các blogger thân Nga và các phóng viên truyền thông nhà nước đồng loạt đưa ra quan điểm rằng con đập đã “mòn” và tự sụp đổ, nói rằng không có cuộc tấn công nào vào nhà máy điện trong đêm.

Vào khoảng 6 giờ sáng, khi hậu quả thảm khốc của vụ vỡ đập ngày càng rõ ràng, một số báo cáo đã nhân đôi cáo buộc chống lại Ukraine nhưng khẳng định không có vụ nổ hay tấn công nào vào đêm trước thảm họa.

Vào buổi tối, truyền thông nhà nước Nga đưa tin rằng vụ pháo kích diễn ra vào khoảng 2 giờ sáng đã phá hủy phần trên của con đập.

Người dân địa phương bàn tán khi nghe thấy hàng loạt tiếng nổ trong khu vực. Trong một bài đăng trên kênh Telegram của Nga, một người dùng cho biết họ nghe thấy nhiều tiếng nổ gần nhà máy điện Kakhovka, trong khi một người khác cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ cách đó 20 km, đồng thời cho biết thêm rằng họ tin rằng con đập đã bị lực lượng Nga cho nổ tung.

Yehor Guzenko

Molfar nhận thấy công dân Nga Yehor Guzenko đã công bố một số video trên kênh Telegram của mình, trong đó anh ta gián tiếp thừa nhận sự tham gia của người Nga trong việc cho nổ đập Kakhovka.

Trong các video, ông nói rằng việc kích nổ nhà máy thủy điện sẽ cản trở một cuộc phản công của Ukraine. Trước đó, anh đã công bố nhiều bức ảnh với nhà máy điện và xe tải quân sự của Nga ở hậu cảnh.

Ông cho biết vào ngày 6 tháng 6 rằng cáo buộc cho rằng Ukraine đứng sau một cuộc tấn công vào cơ sở này là mâu thuẫn với báo cáo của nhà báo Kherson, Kostyantyn Ryzhenko, người đã nói trên kênh Telegram của mình rằng nhà máy thủy điện “đã bị nổ tung từ bên trong. Không có hỏa tiễn hay pháo binh nào có thể gây ra thiệt hại như vậy.”

Ihor Syrota, tổng giám đốc công ty năng lượng quốc doanh Ukraine Ukrhydroenergo, đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng con đập có thể đã bị phá hủy do pháo kích của lực lượng vũ trang Ukraine hoặc do hư hỏng cấu trúc.

“Nhà máy được thiết kế để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân,” Syrota nói với The Guardian. “Để phá hủy nhà máy từ bên ngoài, ít nhất 3 quả bom máy bay, mỗi quả nặng 500kg, phải được thả xuống cùng một vị trí. Con đập đã bị nổ tung từ bên trong.”

Ông nói thêm: “Họ mang đến đó hàng trăm kg thuốc nổ. Ukraine báo cáo năm ngoái rằng con đập đã bị gài mìn. Người Nga chỉ đợi thời điểm thích hợp để cho nổ tung nó.”

Cuộc gọi bị chặn

Hôm thứ Sáu, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ đã chặn được một cuộc điện thoại giữa hai người đàn ông chứng minh một “nhóm phá hoại” của Nga đứng sau vụ tấn công vào nhà máy và đập thủy điện Kakhovka.

SBU đã công bố một đoạn âm thanh dài 90 giây mà họ nói là cuộc trò chuyện giữa hai binh sĩ Nga. SBU không xác định được người nói hoặc cho biết cuộc điện đàm diễn ra khi nào và ở đâu.

“Người Ukraine đã không tấn công nó. Đó là nhóm phá hoại của chúng tôi,” một người đàn ông nói. “Họ muốn dọa mọi người với con đập đó. Nó không diễn ra theo kế hoạch, và họ đã phải làm nhiều hơn những gì họ dự định.”

SBU cho biết họ đang điều tra vấn đề và nói thêm trong một tuyên bố: “Những kẻ xâm lược muốn tống tiền Ukraine bằng cách cho nổ tung con đập và dàn dựng một thảm họa nhân tạo ở miền nam đất nước chúng tôi”.

Dữ liệu địa chấn

Các nhà nghiên cứu của Viện NORSAR của Na Uy cho biết họ đã phân tích các tín hiệu địa chấn từ một trạm khu vực ở Rumani cho thấy một vụ nổ lúc 2h54 sáng ở Ukraine vào ngày 6/6.

“Các tín hiệu cho thấy một vụ nổ đã xảy ra. Ước tính cường độ là từ 1 đến 2,” NORSAR cho biết trong báo cáo của mình nhưng không nêu rõ họ tin ai đứng sau vụ tấn công.

Luật Nga

Theo một chuyên gia, có lẽ thông tin nguy hiểm nhất đã xuất hiện sau vụ vỡ đập là một đạo luật của Nga đã được thông qua chỉ vài ngày trước đó, theo một chuyên gia, là người cho rằng đó có thể là một “bằng chứng hùng hồn” trong việc chứng minh Nga có liên quan đến vụ việc..

Vào ngày 30 tháng 5, một tuần trước khi con đập bị vỡ, chính phủ Nga đã thông qua một đạo luật nhằm “bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lực” ở các khu vực Ukraine mà họ tuyên bố đã sáp nhập vào tháng 9 năm 2022— bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk, ở Kherson, và Zaporizhia.

Luật quy định rằng cho đến ngày 1 Tháng Giêng năm 2028, các cuộc điều tra về tai nạn tại các công trình kỹ thuật thủy lợi xảy ra do các hoạt động quân sự, phá hoại và khủng bố đều bị cấm. Sắc lệnh được ký bởi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và có hiệu lực vào ngày nó được công bố.

Samantha de Bendern, cộng tác viên tại chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House think tank, đã chia sẻ luật pháp của Nga trên Twitter, viết: “bằng chứng hùng hồn cho vụ nổ đập Nova Kakhovka”

Keir Giles, thành viên tư vấn cao cấp tại chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House think tank, cho biết đạo luật ngày 30 tháng 5 tuân theo vở kịch của Điện Cẩm Linh, vốn tìm cách “giả vờ rằng nó hoạt động theo một số hình thức hợp pháp nào đó”.

Giles nói với Newsweek: “Nga có niềm đam mê đồi trụy với việc hợp pháp hóa có hiệu quả những tội ác khủng khiếp nhất của mình... nước này liên tục đưa ra các luật trước để bào chữa trước cho các hành động của mình”.

“Đôi khi điều này có thể đưa ra dấu hiệu về những gì sắp xảy ra,” Giles nói, chỉ ra luật về chôn cất hàng loạt đã được Nga cập nhật trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2022—vài tuần trước cuộc xâm lược chiến tranh bắt đầu.

“Vì vậy, trong trường hợp đập Kakhovka bị phá hủy, việc thông qua luật cụ thể kỳ lạ này bao trùm chính xác những trường hợp đó một tuần trước. Đó thực sự là một dấu hiệu rõ ràng về ý định của Nga,” Giles nói thêm.

Anders Åslund, một nhà kinh tế và trợ giảng tại Đại học Georgetown, Washington, DC, cho biết sắc lệnh ngày 30 tháng 5 “chỉ kết luận những gì chúng ta đã biết”.

“Các nhà tuyên truyền Nga chủ trương cho nổ tung con đập. Các quan chức Ukraine đã tuyên bố vào mùa thu năm ngoái rằng người Nga đã gài mìn cả con đập và các đường hầm được kết nối từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2022,” Åslund, người từng là cố vấn kinh tế cho chính phủ của cả Nga và Ukraine, nói với Newsweek.

“Một số vụ nổ đã được ghi lại, cho thấy chúng ở dưới nước, trong khi người Nga tuyên bố rằng người Ukraine đã ném bom từ trên không, điều này dường như là không thể vì lý do kỹ thuật. Các vụ nổ xảy ra ở phía Nga”.

“Có vẻ như có nhiều bằng chứng cho thấy chính người Nga đã làm điều đó,” ông nói.
 
Hoan hô Storozheve hoàn toàn giải phóng. TQLC bắt lính Dù Nga. Bí quyết chiến thắng của quân Ukraine
VietCatholic Media
16:09 12/06/2023


1. Hàng loạt các thị trấn quan trọng của Ukraine được giải phóng. Bí quyết của quân Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 12 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã tái chiếm được 3 thị trấn Blahodatne, Makarivka, và Neskuchne.

“Tính đến trưa Chúa Nhật, các khu định cư Blahodatne và Makarivka đã được giải phóng,” cô nói.

Giao tranh ác liệt đã diễn ra tại thị trấn xung yếu Neskuchne. Tính đến trưa ngày Chúa Nhật, quân Ukraine đã chiếm được một phần ba Neskuchne. Đến chiều tối, quân Nga rút lui hoàn toàn khỏi thị trấn này.

Các blogger quân sự Nga cũng đã đưa ra các báo cáo không chính thức rằng Neskuchne đã bị quân đội Ukraine chiếm lại, bất chấp một tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov rằng quân Nga đã đẩy lui được cuộc tấn công của quân Ukraine ở Neskuchne.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar xác nhận “Neskuchne đã được hoàn toàn giải phóng.”

Chiến thắng ở Neskuchne là một bước ngoặt quan trọng. Quân Nga đã tung hai Lữ Đoàn Dù thiện chiến nhằm kềm chân quân Ukraine nhưng đã thất bại. Nhiều quan sát viên cho rằng chiến thắng tại Neskuchne tiên báo một sự sụp đổ ở miền Đông Ukraine. Thị trấn này là một trong những địa điểm bị quân Nga chiếm đóng từ rất sớm trong cuộc xâm lược bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai năm ngoái. Thị trấn này cũng là một địa danh nổi tiếng vì vào ngày 8 Tháng Bẩy năm ngoái 2022, pháo binh Nga đã tính toán sai toạ độ và nã pháo liên tục vào Trung Đoàn 64 Súng Trường Cơ Giới của Nga. Bị tấn công bất ngờ bởi hoả lực bạn, Trung Đoàn này bị thiệt hại rất nặng.

Giải thích thắng lợi của quân Ukraine, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, viết: “Một blogger nổi tiếng của Nga tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công vào ban đêm vì thiết bị do phương Tây cung cấp cung cấp cho lực lượng Ukraine khả năng nhìn đêm ‘tuyệt vời’”.

Quân Ukraine có các đơn vị biệt kích đeo các thiết bị quang nhiệt ban đêm cũng nhìn rõ như ban ngày. Họ tấn công vào các đơn vị Nga đang mệt mỏi, bắn cháy các xe tăng, xe thiết giáp và các phương tiện giao thông khác. Hoảng hốt tháo chạy giữa đêm, mất phương hướng, quân Nga lao thẳng vào các bãi mìn do chính họ gài trước đó, tạo thành một cảnh tượng hết sức kinh hoàng.

“Các nguồn tin của Nga đã tuyên bố rộng rãi rằng các lực lượng Ukraine đã bắt đầu hoặc tăng cường các cuộc tấn công vào ban đêm trong những ngày gần đây và các lực lượng Ukraine có thể đang ngày càng tận dụng lợi thế do các hệ thống phương Tây mang lại.”

Ở những nơi khác dọc theo chiến tuyến, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết “quân đội tiếp tục các hành động tấn công” xung quanh thành phố Bakhmut phía đông, nơi từ lâu đã đóng vai trò là điểm nóng trong cuộc xung đột.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các lực lượng của Kyiv đang tiến nhanh xung quanh hồ chứa Berkhivka ở phía tây bắc thành phố và trên hai mặt trận ở phía nam thành phố, trong một trường hợp đã tiến xa tới 1.500 mét.

Trước đó vào Chúa Nhật, các quan chức Ukraine khác đã báo cáo tiến trình tương tự ở phía tây bắc và tây nam của thành phố.

“Không một vị trí nào bị mất trên các mặt trận mà quân đội Ukraine đang ở thế phòng thủ,” Maliar tuyên bố.

2. Storozheve hoàn toàn giải phóng, Thủy Quân Lục Chiến Ukraine bắt giữ lính Dù Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 12 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar, tuyên bố Storozheve hoàn toàn giải phóng. Cô nói:

“Quốc kỳ lại tung bay trên Storozheve, và nó sẽ diễn ra giống như vậy tại mọi khu định cư cho đến khi chúng ta giải phóng toàn bộ đất Ukraine. Cảm ơn Chuẩn Đô đốc Mykhailo Ostrogradskyi, và Lữ đoàn 35 Thủy Quân Lục Chiến”.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết một đại đội lính Dù Nga thuộc tiểu đoàn 3, sư đoàn Dù 106 đã cố gắng tử thủ Storozheve, một thị trấn ở bờ phía Tây sông Mokri Yaly. Gần như toàn bộ đại đội Dù Nga đã tử trận. Bốn người còn sống đã bị Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bắt tại mặt trận.

Sau chiến thắng tại Storozheve, Lữ đoàn 35 Thủy Quân Lục Chiến tiếp tục tiến xuống phía Nam trên bờ phía Tây chặn đánh quân Nga đang bỏ chạy khỏi Urozhaine từ bờ bên kia con sông.

Theo các blogger quân sự Nga, từ thị trấn Velyka Novosilka quân Ukraine tiến về phía nam dọc theo sông Mokri Yaly ở cả hai phía tả ngạn và hữu ngạn của con sông; và đã lần lượt giải phóng Blahodatne và Urozhaine ở bờ đông và Neskuchne, Makarivka và Storozheve ở bờ tây.

Các quan chức Ukraine nói rằng người Nga đã cho nổ một con đập nhỏ ở thượng nguồn Mokri Yaly, trong nỗ lực cản trở cuộc tấn công.

Thứ trưởng Hanna Maliar nói: “Khi các nỗ lực cứu trợ đồng bào nạn nhân của vụ nổ đập Nova Kakhovka bước sang ngày thứ bảy, quân đội Nga lại vừa cho nổ tung một con đập nhỏ hơn dọc theo sông Mokri Yaly để cản bước tiến của quân ta.”

Cô cho biết con đập vừa bị quân Nga nổ sập là đập Novodarivka. Hành động này dẫn đến lũ lụt dọc theo bờ sông Mokri Yaly.

Tuy nhiên, cô trấn an rằng điều này không ngăn cản lực lượng Ukraine tiến hành các hoạt động tấn công trong khu vực.

Các quan sát viên nhận định rằng với các chiến thắng dồn dập hiện nay, quân Ukraine có thể sẽ tiến đánh Mariupol, hay Berdyansk, hay thành phố Melitopol.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết thêm sau khi làm nổ tung thủy điện Kakhovka, quân xâm lược đã bố trí lại một phần quân đội theo hướng Zaporizhzhia. “Có thể quân Nga nghĩ rằng bằng cách cho nổ tung con đập, họ đã tạo ra một hàng rào và do đó ngăn chặn cuộc tấn công của chúng ta từ phía bên này. Và họ đã có thể giải phóng một số đơn vị nhất định của mình để triển khai lại theo hướng Zaporizhzhia chống lại nhóm tiến công của chúng ta”, cô nói.

Trên trục Bakhmut, Quân đội Ukraine tiến thêm 700 mét. “Trong ngày qua, chỉ có ba trận giao tranh đã diễn ra theo hướng Bakhmut, nơi 66 quân xâm lược đã thiệt mạng và 83 người khác bị thương. Các lực lượng của Ukraine đã tiến được 700 mét dọc theo hai bên sườn, đẩy lùi đối phương.”

Trong 24 giờ qua, 540 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 5 xe tăng, 5 xe thiết giáp, 10 hệ thống pháo, và 10 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng Sáu, 216.180 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.931 xe tăng địch, 7.636 xe thiết giáp, 3.746 hệ thống pháo, 601 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 362 hệ thống phòng không, 314 chiến binh, 299 máy bay trực thăng, 3.307 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 1.183 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.471 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 510 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

3. Những tiếng nổ long trời: Các tuyến đường sắt hậu cần của Nga ở Crimea bị đình chỉ vì bị phá hoại

Giao thông đường sắt ở Crimea đã bị đình chỉ hôm Chúa Nhật sau khi một tuyến ở phía đông của bán đảo bị Nga sáp nhập bị hư hại, theo người đứng đầu lãnh thổ được Nga bổ nhiệm Sergiy Aksenov.

Aksenov không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về nguyên nhân gây ra thiệt hại nhưng nhấn mạnh rằng không có thương vong.

Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, nhận xét rằng các viên chức Nga khi báo cáo các trường hợp bị tấn công hay phá hoại mà họ không thể ngăn cản được đều nhấn mạnh “không có thương vong”, như một thứ thành tích nhằm khỏa lấp các thiếu sót của họ.

Các báo cáo địa phương cho biết đã có những vụ nổ rất lớn nhưng vẫn không rõ là do đặt mìn, máy bay không người lái tấn công hay hỏa tiễn ném từ máy bay. Cho đến nay, bán đảo Crimea vẫn nằm ngoài tầm với của pháo binh Ukraine, kể cả các hệ thống HIMARS. Storm Shadow là hỏa tiễn hành trình tầm xa có khả năng tàng hình do Anh và Pháp hợp tác phát triển, thường được phóng từ trên không. Với tầm bắn vượt quá 250 km, nó chỉ kém tầm bắn 300 km của Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân đất đối đất, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã yêu cầu từ lâu. Vương quốc Anh cho biết họ đã chuyển giao nhiều hỏa tiễn Storm Shadow cho Ukraine vào đầu tháng 5.

Các tuyến đường sắt ở Crimea là chìa khóa cung cấp cho nỗ lực chiến tranh của Nga và đã nhiều lần bị Ukraine tấn công, gần đây nhất là một tuần trước trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào ngã ba đường sắt ở Dzhankoi /đan koi/.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, trong một động thái bị Ukraine và một loạt đồng minh cũng như các tổ chức quốc tế lên án là bất hợp pháp.

4. Tư lệnh Ukraine báo cáo gần 500 quân Chechnya của Kadyrov tử trận ở hướng Tavria

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai 12 tháng Sáu, Chuẩn Tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết trong ngày Chúa Nhật gần 500 quân Kadyrovites, tức là quân Chechnya của hung thần Ramzan Kadyrov đã tử trận tại thành phố Tavria. Tavria là một thành phố nằm giữa sông Dnipro, sông Molochna và bán đảo Crimea.

Chuẩn Tướng Oleksandr Tarnavskyi nói: “Trên trục Tavria ở phía nam Ukraine, quân đội Nga trong cái gọi là lực lượng Kadyrovites đã mất gần 5 đại đội trong một ngày qua.”

Tướng Tarnavskyi cho biết tổn thất trên là kết quả sau khi đối phương tấn công các vị trí của Ukraine 22 lần và quân Ukraine chủ động tấn công 10 lần. Các cuộc giao tranh ác liệt đến mức các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine trong khu vực đã phải hoàn thành 1.520 nhiệm vụ khai hỏa.”

Ông lưu ý rằng 68 đơn vị khí tài quân sự của Nga đã bị phá hủy hoặc hư hại, bao gồm 5 xe tăng, 13 xe chỉ huy bọc thép, 4 xe thiết giáp chiến đấu, một xe thiết giáp chuyển quân, một tăng pháo 2C19 Msta-S, bốn pháo tự hành Akatsiya, 10 máy bay không người lái Orlan 10, một máy bay không người lái Supercam, và một hệ thống tác chiến điện tử Zhitel. Ba kho đạn của đối phương cũng bị phá hủy.

Quân Kadyrovites còn có một lực lượng nữa là Lữ Đoàn đặc biệt Akhmat, đang chiến đấu tại thành phố Marinka, từ đầu Tháng Sáu đến nay. Lữ Đoàn đặc biệt Akhmat có lẽ cũng không còn bao nhiêu quân do các thất bại liên tục.

5. Tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kaluga của Nga

Reuters báo cáo rằng sáng sớm Chúa Nhật hai máy bay không người lái đã tấn công vào vùng Kaluga của Nga, thống đốc vùng này, Vladislav Shapsha, cho biết như trên.

Một chiếc máy bay không người lái tấn công làng Strelkovka, một chiếc khác bị rơi trong rừng ở quận thành phố Medynsky.

Điều đáng nói là vùng Kaluga không có biên giới với Ukraine, nhưng giáp giới với vùng Mạc Tư Khoa ở phía bắc.

Theo thông tin sơ bộ, không có thương vong và thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu, Shapsha cho biết.

Trước đó cùng ngày, tại Nga, 15 toa của một đoàn tàu chở hàng đã trật đường ray ở khu vực Belgorod phía nam giáp Ukraine, thống đốc địa phương cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm chưa có thông tin tức thời về nguyên nhân; và nhấn mạnh rằng “không có thương vong”.

Ông Gladkov cho biết vụ tai nạn xảy ra gần một nhà ga xe lửa ở quận thành phố Alexeyevsky và đoàn tàu không có người. Reuters không thể xác minh độc lập báo cáo này.

Quân Đoàn Tự Do cho Nga, là nhóm người Nga chủ trương lật đổ Putin, giải phóng nước Nga, tuyên bố chịu trách nhiệm về cả 2 vụ tấn công nêu trên.

6. Lữ đoàn cho biết Ukraine đã chiếm lại một ngôi làng thứ hai ở phía đông nam

Một lữ đoàn Ukraine đã đăng một video các binh sĩ ăn mừng ở miền đông nam Ukraine vào Chúa Nhật, nói rằng họ đang ca ngợi việc tái chiếm thị trấn Neskuchne từ các lực lượng Nga.

Đoạn video do CNN định vị địa lý cho thấy 10 người đàn ông thuộc Lữ đoàn 129 của Ukraine đứng xung quanh lá cờ tiểu đoàn của họ bên ngoài một cơ sở y tế nhỏ trong thị trấn đầy các vết đạn. Thị trấn này tan hoang không phải vì các cuộc giao tranh, mà vì quân Nga pháo kích vào chính quân Nga. Thật vậy, ngày 8 Tháng Bẩy năm ngoái 2022, pháo binh Nga đã tính toán sai toạ độ và nã pháo liên tục vào Trung Đoàn 64 Súng Trường Cơ Giới của Nga; gây ra thương vong nặng nề và sự tàn phá kinh hoàng.

“Vinh quang cho Ukraine, vinh quang cho những anh hùng,” các binh sĩ Ukraine hét lên.

Neskuchne, nằm ngay phía nam thị trấn Velyka Novosilka trên chiến tuyến giữa Zaporizhzhia và Donetsk.

Hôm Chúa Nhật, các blogger quân sự Nga đã đưa tin, thị trấn Blahodatne cũng đã rơi vào tay lực lượng Ukraine. Việc chiếm được hai vùng lãnh thổ này được báo cáo diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất của ông rằng cuộc phản công của Ukraine đang được tiến hành.

Zelenskiy và các chỉ huy của ông đã cung cấp rất it1 chi tiết về mức độ của cuộc tấn công được phát động cho đến nay.

7. Quân đội Ukraine cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát một thị trấn tiền tuyến giữa Zaporizhzhia và Donetsk

Quân đội Ukraine tuyên bố các binh sĩ của họ đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Blahodatne, nằm dọc theo chiến tuyến giữa Zaporizhzhia và Donetsk ở đông nam Ukraine.

Một đoạn video được phát hành bởi kênh Telegram chính thức của Lực lượng Lục Quân Ukraine cho thấy các binh sĩ của Lữ đoàn 68 kéo cờ Ukraine từ một tòa nhà trong làng, nằm cách thị trấn Velyka Novosilka vài km về phía nam.

Lữ đoàn đã tiến hành một cuộc tấn công ban đầu vào tòa nhà câu lạc bộ làng và trường học địa phương, một phát ngôn viên của quân đội nói với truyền hình Ukraine.

Phát ngôn nhân cho biết, các lực lượng Nga đã không đầu hàng khi được đề nghị làm như vậy, dẫn đến cái mà ông gọi là “dọn dẹp” tòa nhà câu lạc bộ. Sáu lính Nga sống sót đã bị bắt khi Ukraine nắm quyền kiểm soát ngôi làng.

Tuyên bố của quân đội Ukraine phù hợp với các báo cáo không chính thức do các blogger quân sự Nga công bố vào cuối tuần này, cho thấy lực lượng của Kyiv đang đạt được một số lợi ích ở đông nam Ukraine.

Kênh Rybar Telegram — một trong mạng lưới các blog quân sự ủng hộ chiến tranh của Nga công bố thông tin cập nhật về cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa — đã bày tỏ sự thất vọng đối với Bộ Quốc phòng Nga khi đưa tin các lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát hai ngôi làng khác ở phía nam Velyka Novosilka mà “gần như không có giao tranh”.

8. Phát ngôn nhân quân đội nói: Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công xung quanh Bakhmut được một tuần nay

Một phát ngôn viên của quân đội Ukraine nói với CNN rằng các lực lượng của Kyiv đã phản công xung quanh thành phố Bakhmut phía đông trong một tuần nay, nhưng ông đã hạ thấp tầm quan trọng của nó, nói rằng đó “không phải là một cuộc tấn công lớn.”

“Đây là những cuộc phản công mà chúng tôi lợi dụng thực tế là đối phương đang thay quân, đối phương chưa hoàn toàn do thám, chưa phối hợp đầy đủ các đơn vị của chúng, chưa đào sâu hoàn toàn. Chúng tôi tận dụng lợi thế này và phản công chúng,” Serhii Cherevatyi nói với CNN qua điện thoại.

Ông cho biết các lực lượng Nga tiếp tục nã pháo vào các vị trí của Ukraine, nhưng cho biết các lực lượng của Ukraine đã tiến được tới 2 km theo nhiều hướng.

Đại Tá Cherevatyi cho biết sự hiện diện của Nga ở Bakhmut được duy trì bởi lính Dù Nga là chủ yếu, với sự hỗ trợ của một Lữ Đoàn Súng Trường Cơ Giới và các nhóm lính đánh thuê từ một số công ty quân sự tư nhân nhỏ hơn Wagner.

Mặc dù Wagner tuyên bố chiến thắng ở thành phố phía đông và bàn giao vị trí của họ cho lực lượng Nga, Bakhmut vẫn là một điểm nóng.

Trong khi quân đội Mạc Tư Khoa tiếp tục trấn giữ thành phố, lực lượng Ukraine đã tập trung nỗ lực vào các khu vực phía tây bắc và tây nam. Quân đội Kyiv báo cáo hôm Chúa Nhật rằng họ đã tiến gần một dặm ở các khu vực khác nhau quanh thành phố.

Diễn biến mới nhất liên quan đến chiến trường Bakhmut là Lữ Đoàn Vệ Binh Quốc Gia Hetman Bohdan Khmelnytskyi đã phá hủy một nỗ lực tiếp tế đạn dược cho quân Nga tại thành phố Bakhmut.

Hôm thứ Năm, một kho đạn pháo dã chiến của quân Nga đã bị Lữ Đoàn 45 pháo binh bắn trúng, nổ liên tiếp trong nhiều giờ. Quân Nga phải lui về phòng thủ vì không đủ đạn dược tấn công.

Hôm sau, một đoàn xe Nga 7 chiếc chở đầy đạn dược được 3 xe tăng, 4 xe thiết giáp và có cả các chiến đấu cơ SU-25 hộ tống đã bị Lữ Đoàn 45 pháo binh ở Bakhmut và Lữ Đoàn 44 pháo binh từ thành phố Vuhledar bắn tới tấp. Tất cả 7 xe tải, 3 xe tăng và 4 xe thiết giáp trong đoàn xe Nga bị phá hủy.

Nỗ lực tiếp tế mới nhất diễn ra hôm thứ Bẩy 10 Tháng Sáu. Tuy nhiên, Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết, tiểu đoàn 4 của Lữ Đoàn Vệ Binh Quốc Gia Hetman Bohdan Khmelnytskyi đã phá hỏng kế hoạch này bằng các bằng hệ thống hỏa tiễn chống tăng Stugna do Ukraine sản xuất.

Sau khi chiếc xe thiết giáp đi đầu bị bắn cháy, đoàn xe trở đầu bỏ chạy. Hầu hết chạy thoát chỉ trừ 2 chiếc đi đầu không chạy kịp đã nổ tung cùng với chiếc xe thiết giáp.

9. Nga bị cấm sử dụng hàng loạt các lô đạn pháo do tự kích nổ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 12 tháng Sáu, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, Andriy Yusov, cho biết hàng loạt các lô đạn pháo cỡ lớn 122ly và 152ly được sản xuất năm 2023 đã bị cấm sử dụng tại Nga do có khả năng tự kích nổ, giết chết các xạ thủ.

“Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt quốc tế. Theo thông tin hiện có, các lô đạn pháo cỡ lớn 122ly và 152ly được sản xuất vào năm 2023 đã bị cấm sử dụng do có khả năng tự kích nổ. Ngoài ra, việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho các đơn vị xâm lược đang xấu đi,” ông nói.

Ông nhấn mạnh rằng rằng các Lữ Đoàn Dù Nga đã mất một số lượng quân nhân đáng kể do các hành động tấn công không thành công và nỗ lực cải thiện vị trí chiến thuật của họ ở khu vực Bakhmut vì thiếu sự yểm trợ của pháo binh ảnh hưởng của diễn biến này, cũng như các nỗ lực tấn công của pháo binh và không quân Ukraine vào các đoàn xe tiếp tế của Nga.

10. Mạc Tư Khoa nói một đoàn 6 tầu không người lái Ukraine xúm lại tấn công tàu Nga ở Hắc Hải

Sáng thứ Hai 12 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết tàu Nga Priazovye đã bị 6 tàu không người lái của Ukraine tấn công ở phía đông nam Hắc Hải vào hôm Chúa Nhật.

Theo Konashenkov, một video cho thấy con tàu Nga không bị hư hại và các tầu không người lái của Ukraine đã bị phá hủy.

Ông nói rằng thủy thủ đoàn của con tàu đã bắn vào những chiếc thuyền không người lái đang lao tới, khi các vụ nổ được nhìn thấy từ xa.

CNN không thể xác minh độc lập tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga hoặc tính xác thực của video.

Konashenkov cho biết Priazovye đang “theo dõi tình hình và bảo đảm an ninh trên các tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và Dòng chảy xanh” thì bị “sáu tàu không người lái” tấn công.

“Trong quá trình đẩy lùi cuộc tấn công, tất cả các thuyền đã bị phá hủy bởi hỏa lực từ vũ khí thông thường của tàu Nga cách Sevastopol 300 km về phía đông nam”.

Một sự việc tương tự đã xảy ra vào ngày 24 tháng 5, khi Mạc Tư Khoa tuyên bố ba tàu không người lái của Ukraine đã cố gắng tấn công tàu Ivan Khurs của Nga, con tàu cũng đang giám sát đường ống và tuyến đường của Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Theo TASS, các tầu không người lái cũng bị phá hủy bởi những vũ khí thông thường của con tàu. Tuy nhiên, phía Ukraine cho biết một thuyền không người lái đã đâm trúng được con tầu Ivan Khurs khiến nó phải được kéo về Sevastopol sửa chữa.

11. Du kích Ukraine tấn công tuyến đường sắt tiếp tế cho quân Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai 12 tháng Sáu, Ivan Fedorov, Thị trưởng Melitopol của Ukraine, cho biết tại khu định cư Yakymivka thuộc khu vực bị Nga tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia, các nhóm du kích địa phương đã cho nổ tung một cây cầu đường sắt mà quân xâm lược sử dụng để cung cấp vũ khí từ Crimea.

Yakymivka là một thị trấn sầm uất trong vùng Zaporizhzhia với 11.000 dân và đã bị quân Nga chiếm đóng ngay từ những ngày đầu của cuộc xâm lược.

Thị trưởng Ivan Fedorov lưu ý rằng cây cầu này đóng vai trò là một phần của huyết mạch cung cấp vũ khí của đối phương từ Crimea đến vùng Zaporizhzhia.

Ông cho biết trong ngày Chúa Nhật, đã có những tiếng nổ rất lớn ở thành phố Berdiansk bị tạm chiếm, gần cảng biển địa phương. Theo nhận định của các blogger quân sự Nga, bộ binh Ukraine có thể sẽ tấn công vào thành phố Berdiansk trong vài ngày tới.

Thị trưởng Ivan Fedorov cho biết các thành phần nối giáo cho giặc trong cái gọi là cái gọi là chính quyền dân sự-quân sự do Nga dựng lên đã hối hả rời khỏi thành phố, trong khi hàng dài các xe đông lạnh chở xác lính Nga xếp hàng tại trại kiểm soát vào bán đảo Crimea, trước khi vượt qua cầu Kerch để đưa về Nga.

12. Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra vụ vỡ đập tàn khốc ở miền nam Ukraine, Zelenskiy nói

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã bắt đầu điều tra vụ vỡ đập Nova Kakhovka, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm Chúa Nhật.

Sự sụp đổ đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine là một trong những thảm họa công nghiệp và sinh thái lớn nhất ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ. Thảm họa đã phá hủy toàn bộ các ngôi làng, ngập lụt đất nông nghiệp, tước mất điện và nước sạch của hàng chục nghìn người, đồng thời gây ra thiệt hại lớn về môi trường.

“Trong những ngày gần đây, đại diện của ICC đã đến thăm vùng Kherson,” Zelenskiy nói. “Ngay ngày đầu tiên sau thảm họa, tổng công tố đã gửi yêu cầu tới Văn phòng Công tố viên của ICC để điều tra thảm họa và công việc đã bắt đầu.”

“Điều rất quan trọng là các đại diện của công lý quốc tế đã tận mắt nhìn thấy hậu quả của hành động khủng bố này của Nga và tự mình nghe thấy rằng các hình thái khủng bố của Nga vẫn tiếp diễn với các cuộc pháo kích ác liệt và tàn bạo nhất vào lãnh thổ bị ngập lụt, và vào các khu vực di tản.”

Cho đến nay, Nga vẫn lớn tiếng cáo buộc chính Ukraine làm nổ con đập Nova Kakhovka. Nhưng các bằng chứng đều cho thấy chính Nga đứng sau thảm họa này. Người Nga cho rằng quân Ukraine đã pháo kích vào đập Nova Kakhovka. Tuy nhiên, đập Nova Kakhovka được thiết kế để có thể chịu đựng được cả bom nguyên tử. Pháo kích không thể nào đánh sập nổi con đập. Phía Ukraine cho rằng Nga đã đặt mìn bên trong con đập Nova Kakhovka, chỉ có như thế mới nổ tung được đập Nova Kakhovka. Luận chứng này của Ukraine là luận chứng thuyết phục nhất.

Tổng thống Ukraine cho biết chính phủ của ông đang tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra của ICC bằng cách cung cấp “quyền tiếp cận đầy đủ các khu vực bị ảnh hưởng, các nhân chứng, tất cả thông tin và bằng chứng”.

Zelenskiy cũng cho biết chính phủ của ông đã giúp di tản 4.000 người khỏi các khu vực bị ngập lụt ở miền nam Ukraine, “với tình hình tồi tệ nhất vẫn là ở khu vực Kherson tạm thời bị tạm chiếm”.

Ít nhất 14 người đã chết trong lũ lụt, các quan chức Ukraine cho biết trước đó vào Chúa Nhật.

13. Nga và Ukraine trao đổi gần 200 tù binh chiến tranh

Nga và Ukraine đã trao đổi gần 200 tù binh chiến tranh hôm Chúa Nhật, theo tuyên bố từ các quan chức ở Mạc Tư Khoa và Kyiv.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 94 quân nhân Nga đã được trao trả về quê hương trong cuộc trao đổi, đồng thời cho biết thêm các chiến binh sẽ được đưa đến các cơ sở y tế trước khi được phép trở về với gia đình.

Theo Andrii Yermak, từ văn phòng tổng thống Ukraine, 95 người trở về Ukraine bao gồm tù binh bị bắt tại các địa điểm nổi tiếng trong chiến tranh - Đảo Rắn và nhà máy thép Azovstal ở Mariupol – và các địa điểm khác.

Một số tù binh Ukraine đã bị nhóm lính đánh thuê Wagner giam giữ, theo một quan chức từ Trụ sở điều phối của Ukraine về đối xử với tù nhân chiến tranh.

14. Giới chức Ukraine cho biết số người chết tăng lên ít nhất 14 người trong vụ vỡ đập Nova Kakhovka

Ít nhất 14 người đã thiệt mạng và hơn 2.700 người phải di tản khỏi các khu vực bị ngập lụt ở miền nam Ukraine sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, các quan chức Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết 190 trẻ em nằm trong số những người di tản.

Tại các khu vực ngập lụt do Ukraine kiểm soát ở vùng Kherson, ông Klymenko cho biết 5 người đã chết và 35 người mất tích, trong đó có 7 trẻ em. Ông cũng cho biết một người đã chết ở vùng Mykolaiv.

Ở khu vực phía đông Dnipropetrovsk, nằm ở thượng nguồn của con đập bị vỡ, gần 162.000 người không có nước, ông nói thêm.

Oleksandr Prokudin, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kherson, nói với truyền thông Ukraine hôm Chúa Nhật, tại vùng lãnh thổ bị ngập lụt do Nga xâm lược, ít nhất 8 người đã chết ở thị trấn Olishky.

Prokudin cáo buộc các nhà chức trách do Nga cài đặt đã cản trở việc di tản khỏi bờ đông của con sông, “bằng cách thiết lập các trạm kiểm soát và không cho người dân ra ngoài.” Ông cho biết chỉ những người đã chuyển sang hộ chiếu Nga mới được phép đi qua.

Theo chính quyền quân sự khu vực Kherson, các cuộc pháo kích của lực lượng Nga vẫn tiếp tục bất chấp những nỗ lực di tản.

“Đối phương đã thực hiện 41 cuộc tấn công trong ngày qua, phóng 247 quả đạn từ súng cối, pháo, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, máy bay không người lái và máy bay”
 
Điên hết ga: Người máy Trí Khôn Nhân Tạo cử hành thánh lễ từ đầu đến cuối thay cho linh mục thực sự
VietCatholic Media
17:17 12/06/2023


1. Một linh mục bị hạ sát khi gần đến ngày kỷ niệm một năm được thụ phong

Các tín hữu thuộc Tổng giáo phận Benin City, Nigeria đã xúc động mạnh vì một linh mục bị bắn chết trên đường về nhà, sau khi thi hành công việc mục vụ, hôm 07 tháng Sáu vừa qua.

Trong thông cáo, công bố ngày 08 tháng Sáu, Đức cha Augustine Obiora Akubeze, Tổng giám mục Giáo phận Benin City sở tại, bày tỏ sự xúc động và kinh hoàng vì cái chết của cha Charles Onoimhoale Igechi, sẽ kỷ niệm một năm thụ phong linh mục vào tháng Tám tới đây. Cha làm Phó Hiệu trưởng Trường trung học thánh Micae ở Ikhueniro. Ngài nói: “Như một cú sốc lớn, sáng hôm nay, ngày 08 tháng Sáu, chúng tôi nhận được tin cha Igechi bị bắn trên đường về sau khi thi hành mục vụ, vào ngày 07 tháng Sáu và thi hài của cha được tìm thấy trên đường vành đai ở đồi Ikpoba, thuộc bang Edo.

“Cơ quan an ninh liên hệ đã được thông báo và đang điều tra về vụ này. Chúng ta cầu nguyện để những kẻ phạm tội ác này bị đưa ra trước công lý”.

Đức Tổng Giám Mục cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho linh hồn cha Igechi, mới chịu chức linh mục ngày 13 tháng Tám năm ngoái. Thánh lễ cầu hồn cho cha được cử hành lúc 10 giờ sáng, ngày 09 tháng Sáu này tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ Đức cha Kelly”.

Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục phó thác tất cả các linh mục trong Tổng giáo phận Benin City cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Sầu Bi.

Vụ sát hại cha Igechi nằm trong một loạt các vụ tấn công hàng giáo sĩ tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất tại Phi châu. Nạn bắt cóc các linh mục tại nước này xảy ra thường xuyên. Hôm 02 tháng Năm vừa qua, cha Stanislaus Mbamara, thuộc Giáo phận Nnewi đã bị bắt cóc, nhưng sau đó đã được trả tự do. Trước đó, cha Matthiad Opara thuộc Tổng giáo phận Oweri bị bắt cóc, sau khi đi đám tang về nhà, và được trả tự do hôm Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

2. Quá sức lận đận: Ban tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lisbon khẳng định nếu không có Đức Giáo Hoàng thì Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ không tiến hành

Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon sẽ không tiến hành, nếu không có sự tham dự của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ban Tổ chức ở địa phương cho giới báo chí biết như trên, hôm 09 tháng Sáu vừa qua, khi trả lời câu hỏi của nhật báo “Publico”, xuất bản tại thủ đô Lisbon, đứng trước tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha, hiện đang được điều trị tại nhà thương Gemelli ở Roma.

Ban tổ chức địa phương cũng nói rằng không có chức sắc nào có thể thay thế Đức Giáo Hoàng tại Lisbon và sinh hoạt này sẽ bị hoãn lại.

Ngày Quốc tế Giới trẻ Lần thứ 37 dự kiến sẽ tiến hành từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám năm nay và sẽ có hơn một triệu người trẻ từ hơn 180 nước trên thế giới tham dự.

Lẽ ra, biến cố này đã được tiến hành hồi năm 2022, nhưng vì đại dịch Covid-19 hồi năm 2020, nên Tòa Thánh, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, đã hoãn lại đến năm nay.

Cho đến nay đã có gần 600.000 người hành hương đã ghi danh cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Bồ Đào Nha, trong đó đông nhất là 39.777 người hành hương Tây Ban Nha. Theo sau những người trẻ tuổi từ Tây Ban Nha là Ý (32.369), Bồ Đào Nha (19.350), Pháp (9.283), Ba Lan (9.053) và Hoa Kỳ (5.807). Hai tháng trước khi sự kiện được tổ chức, tổng cộng, gần 600.000 người hành hương từ 184 quốc gia đã ghi danh, theo dữ liệu của ban tổ chức.

Về số lượng tình nguyện viên, cho đến nay đã có hơn 20.600 người ghi danh, trong đó 363 người sẽ dành riêng cho lĩnh vực y tế, bao gồm bác sĩ, y tá và sinh viên năm cuối ngành y và điều dưỡng.

3. Giật mình: Tin Lành Lutheran cử hành một thánh lễ hoàn toàn do Trí Tuệ Nhân Tạo điều hành từ đầu đến cuối, kể cả ban phép lành

Thông tấn xã AP có bài tường trình nhan đề “Can a chatbot preach a good sermon? Hundreds attend church service generated by ChatGPT to find out”, nghĩa là “Chatbot có thể giảng một bài giảng hay không? Hàng trăm người tham dự buổi lễ nhà thờ do ChatGPT tạo ra để tìm hiểu”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chatbot trí tuệ nhân tạo đã yêu cầu các tín hữu trong nhà thờ St. Paul chật kín người ở thị trấn Fuerth của Bavaria đứng dậy khỏi băng ghế và ngợi khen Chúa.

Chatbot ChatGPT, được nhân cách hóa bằng hình đại diện của một người đàn ông Da đen có râu trên màn hình lớn phía trên bàn thờ, sau đó bắt đầu thuyết giảng cho hơn 300 người đã có mặt vào sáng thứ Sáu để tham gia một buổi lễ nhà thờ Lutheran thử nghiệm gần như hoàn toàn do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra.

“Các bạn thân mến, thật vinh dự cho tôi khi được đứng đây và thuyết trình cho các bạn với tư cách là trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại đại hội Tin lành năm nay ở Đức,” hình đại diện nói với một khuôn mặt vô cảm và giọng nói đều đều.

Buổi lễ kéo dài 40 phút — bao gồm bài giảng, lời cầu nguyện và âm nhạc — được tạo ra bởi ChatGPT và Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết gia từ Đại học Vienna.

Học giả 29 tuổi nói với Associated Press: “Tôi đã nghĩ ra dịch vụ này - nhưng thực ra tôi thích đồng hành cùng nó hơn, bởi vì tôi có thể nói rằng khoảng 98% đến từ máy móc.

Buổi lễ nhà thờ AI là một trong hàng trăm sự kiện tại hội nghị của những người theo đạo Tin lành ở các thị trấn Nuremberg của Bavaria và Fuerth lân cận, và nó đã thu hút sự quan tâm to lớn đến mức mọi người xếp hàng dài bên ngoài tòa nhà tân Gothic thế kỷ 19 trong một giờ trước khi buổi lễ bắt đầu.

Bản thân hội nghị - Deutscher Evangelischer Kirchentag trong tiếng Đức - diễn ra hai năm một lần vào mùa hè tại một địa điểm khác ở Đức và thu hút hàng chục nghìn tín hữu đến cầu nguyện, ca hát và thảo luận về đức tin của họ. Họ cũng nói về các vấn đề thế giới hiện tại và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chính, mà năm nay bao gồm sự nóng lên toàn cầu, chiến tranh ở Ukraine — và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc họp mặt năm nay diễn ra từ Thứ Tư đến Chúa Nhật theo phương châm “Bây giờ là lúc.” Khẩu hiệu đó là một trong những câu mà Simmerlein đã đưa cho ChatGPT khi anh ấy yêu cầu chatbot phát triển bài giảng.

“Tôi đã nói với trí tuệ nhân tạo 'Chúng ta đang ở đại hội nhà thờ, bạn là một nhà thuyết giáo... một buổi lễ nhà thờ sẽ như thế nào?'“ Simmerlein nói. Anh ấy cũng yêu cầu thêm các bài thánh vịnh, cũng như những lời cầu nguyện và một phép lành vào cuối buổi lễ.

“Bạn kết thúc với một buổi lễ nhà thờ khá ổn định,” Simmerlein nói, nghe có vẻ gần như ngạc nhiên trước sự thành công trong thí nghiệm của mình.

Thật vậy, các tín hữu trong nhà thờ đã chăm chú lắng nghe khi trí tuệ nhân tạo thuyết giảng về việc bỏ lại quá khứ phía sau, tập trung vào những thách thức của hiện tại, vượt qua nỗi sợ hãi cái chết và không bao giờ đánh mất niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Toàn bộ dịch vụ được “dẫn dắt” bởi bốn hình đại diện khác nhau trên màn hình, hai phụ nữ trẻ và hai nam thanh niên.

Đôi khi, hình đại diện do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra đã vô tình gây cười khi sử dụng những lời lẽ vô vị và nói với những người đi nhà thờ với vẻ mặt tỉnh bơ rằng “để giữ được đức tin của mình, chúng ta phải cầu nguyện và đi nhà thờ thường xuyên”.

Một số người nhiệt tình quay video sự kiện bằng điện thoại di động của họ, trong khi những người khác tỏ ra nghiêm khắc hơn và từ chối đọc theo Kinh Lạy Cha.

Heiderose Schmidt, 54 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho biết bà rất hào hứng và tò mò khi dịch vụ này bắt đầu nhưng càng về sau, bà càng cảm thấy khó chịu.

“Không có trái tim và không có linh hồn,” cô nói. “Các avatar không thể hiện cảm xúc gì cả, không có ngôn ngữ cơ thể và nói quá nhanh và đều đều khiến tôi rất khó tập trung vào những gì họ nói.”


Source:AP