Ngày 21-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 22/06: Lời cầu nguyện đẹp long Thiên Chúa – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P
Giáo Hội Năm Châu
01:38 21/06/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’

“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:57 21/06/2023

24. Cần phải quyết định một lần và kiên định không lay chuyển là đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, thành kính nhiệt tâm dâng hiến thì phải phát xuất từ nơi thâm sâu của tâm hồn, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và không giữ lại điều gì, về sau này cũng phải luôn luôn đem chí nguyện này dâng lại cho Thiên Chúa.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:00 21/06/2023
82. ĐỨA CON TRAI NGOAN

Ba của Đồng Ni là một người làm kinh tế rất giỏi.

Một lần nọ, giám đốc công ty phái ông ta đi ngoại quốc để ký hợp đồng làm ăn. Tàu ra biển không lâu thì truyền lại tin tức xấu, đó là chiếc tàu đó đã bị hải tặc xâm đánh, toàn bộ khách trên tàu đều bị chìm vô tung tích.

Đồng Ní sau đó thì tự lực mưu sinh, dùng phương cách vừa học vừa làm để hoàn thành việc học, anh ta cũng trở thành một người có năng lực làm kinh tế, sự nghiệp phát triển muôn màu muôn sắc, tích lủy không ít tiền.

Đột nhiên có một ngày, anh ta được tin ba của mình bí bán sang Thổ Nhỉ Kỳ làm nô lệ, thế là anh ta bán hết gia sản, lấy hết tài khoản trong ngân hàng chuẩn bị đi Thổ Nhỉ Kỳ tìm ba. Vì để bảo đảm cuộc sống, anh ta tìm việc làm ở trên tàu.

Mục đích đến thật là thiên lý xa vạn dặm, cuối cùng cũng tìm được người Thổ Nhỉ Kỳ giàu có, Đồng Ni yêu cầu được chuộc lại ba của mình.

Người Thổ Nhỉ Kỳ đưa ra giá tiền quá cao, toàn bộ gia tài của Đồng Ni cũng chỉ là được một nửa giá của nó mà thôi.

Đồng Ni nói:

- “ Thực sự tôi không thể có được giá đó, thôi như thế này nhé, tôi thay thế ba tôi làm nô lệ của ông, ba tôi tuổi tác sắp già rồi, tôi còn trẻ hơn ông ta có thể làm được nhiều việc.”

Chủ nhân ra lệnh đem ba của Đồng Ni đi ra, hai ba con gặp nhau thật là mừng mừng tủi tủi, Đồng Ni chạy lại ôm lấy ba mình, cả hai đều vui mừng rơi nước mắt. Nhưng khi Đồng Ni nói ra quyết định của mình thì ba của anh ta cương quyết phản đối.

Con trai đau buồn nói:

- “Ba yêu mến, vì ba, đừng nói là mang trên người xiềng xích, ngay cả muốn con hy sinh mạng sống thì con cũng cam tâm tình nguyện, tiền con đem theo đủ cho ba trở về nhà, chúng ta sau này gặp nhau.”

Người Thổ Nhỉ Kỳ đứng bên nghe được hai người nói chuyện thì rất cảm động, ông ta nói với Đồng Ni:

- “Anh thật là một người con tốt có hiếu thảo, bây giờ ta không cần tiền của các người nữa, ba của anh sẽ được tự do, các người có thể vui vẻ trở về nhà rồi. Ta lại còn muốn tặng các người một món quà, đó là toàn bộ số tiền vốn của một công ty kinh doanh. Điều này hoàn toàn là vì anh, Đồng Ni, bởi vì hành động của anh hoàn toàn phù hợp với ý của Thiên Chúa, anh thật đúng là một đứa con ngoan.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 82:

Mặc dù tên của ngài là phụ thân, nhưng chúng ta thường dùng những tên khác để gọi: gia gia, ba, cha.v.v...nhưng dù cho chúng ta dùng danh xưng gì để gọi, thì trong tiếng gọi đó cũng thấm nhập hàm ý yêu thương trong đó của chúng ta.

Chúng ta gọi Thiên Chúa là cha, là áp ba, là ông trời hay là thượng đế thì trong tiếng gọi đó cũng hàm chứa sự tôn kính và mến yêu, bởi vì Ngài chính là cha thật của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Gioan - Sự nối kết lịch sử
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:12 21/06/2023

THÁNH GIOAN - SỰ NỐI KẾT LỊCH SỬ
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN BAOTIXITA

Lịch sử Cứu độ khởi đi từ Cựu Ước, báo trước những gì sẽ hoàn tất nơi Tân Ước; Tân Ước là sự nối dài của Cựu Ước và làm cho Cựu Ước nên hình nên dáng nhờ sứ mạng hoàn hảo hóa Cựu Ước.

Thế nhưng khi chiêm ngắm thánh Gioan Baotixita, vị tiên tri của cả Cựu và Tân Ước, ta càng thấy rõ liên tục tính giữa hai dòng lịch sử dược thể hiện. Sự thể hiện đó còn cho thấy tình thương hải hà của Thiên Chúa.

I. NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG.

Tôi thấy mối tương đồng lớn giữa trình thuật lễ Sinh Nhật thánh Gioan (Lc 1, 5-58) với đoạn Thánh Kinh về việc vua Đavid cung nghinh, nhảy múa trước Hòm Bia giao ước để tỏ lòng thần phục, kính thờ Thiên Chúa.

Sách Samuel quyển II: "…Hòm Bia Đức Chúa ở nhà Ôvết Êđôm, người thành Gát ba tháng… Ông Đavid liền đi rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ôvết Êđôm lên thành vua Đavid trong niềm hân hoan. Khi những người khiêng Hòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đavid quấn êphốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa. Vua Đavid và toàn thể nhà Israel rước Hòm Bia Đức Chúa lên giữa tiếng hò reo và tiếng tù và" (2Sm 6, 9-15).

Trong trình thuật hạ sinh thánh Gioan, thánh Luca như cố tình cho thấy sự gần gũi giữa Cựu và Tân Ước: Con người và ơn gọi của thánh Gioan không chỉ giao thời của lịch sử, mà còn là và nhất là: Thánh Gioan một khi có mặt trong Tân Ước, đã bước ra từ Cựu Ước. Cuộc hạ sinh đầy nhiệm lạ không chỉ nói lên tình thương của Chúa dành cho con người này, mà còn cho thấy Tình Thương ấy vốn vẫn luôn bền bỉ hiện diện diệu kỳ, lớn lao giữa dân Chúa.

- Hòm chứa hai tấm Bia giao ước là hình ảnh báo trước Đức Maria mang Chúa Giêsu trong lòng dạ mình.
- Lần đầu, Hòm chứa những tấm Bia long trọng vào thành. Đức Maria mang thai Chúa vào nhà bà Isave. Lần đầu tiên, Hòm Bia giao ước mới là chính Đức Maria và chính Chúa Giêsu đã viếng thăm một gia đình thánh thiện.
- Đavid và dân chúng vui mừng khi cung nghinh hòm bia. Bà Isave và người con mà bà đang cưu mang cũng vui mừng trước Đức Maria.
- Đavid nhảy để diễn tả niềm vui Hòm Bia viếng thăm. Gioan nhảy trong lòng mẹ khi gặp gỡ Mẹ Thiên Chúa đang mang Thiên Chúa trong lòng dạ.
- Dân Israel “hò reo” khi rước Hòm Bia. Bà Isave “kêu lớn tiếng”.
- Hòm Bia ở nhà Ôvết Êđôm ba tháng, Đức Mẹ ở lại nhà bà Isave ba tháng.
- Bà Isave: "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi", hình như cũng là họa lời Đavid: "Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được".

Thánh Luca đã tài tình khi lồng ghép hình ảnh của Cựu Ước vào Tân Ước. Sự gặp gỡ thiết thân hết sức của Cựu và Tân Ước, cho thấy lịch sử cứu độ, lịch sử mà nơi đó hành động Tình Thương của Thiên Chúa vẫn chảy mãi, chảy mãi chẳng những chưa từng "nghẻn mạch", chưa từng "tạm nghỉ", mà còn tiếp tục chảy đến vô cùng, chảy không ngừng.

Ẩn sâu trong dụng ý của thánh Luca, câu chuyện hạ sinh ấy là bài trường ca về một Tình Thương có một không hai trong lịch sử loài người. Một bài trường ca bất tận. Một Tình Thương nhiệm lạ gắn chặt Thiên Chúa với loài người không bao giờ suy giảm.

Tình Thương quá đỗi ấy làm thành một dòng lịch sử nâng cao thân phận trần thế của loài thụ tạo mỏng dòn, phải chết trở thành con Thiên Chúa.

Tình Thương ấy không còn là hình bóng, nhưng đã nên hiện thực với tất cả những gì mà Tân Ước trình bày và Chúa Kitô thể hiện.

Thay vì vật thể, thì nay là một Con Người. Thay vì Bia giao ước thì nay là chính Chúa Trời làm người. Như vậy, Tình Thương chảy từ Cựu Ước, càng chảy càng phát triển. Sang Tân Ước, Tình Thương ấy phát triển đến không ngờ. Bởi ơn cứu độ của lời hứa khi xưa, nay đã là chính Đấng Cứu Độ toàn năng.

II. THÁNH GIOAN - ÊLIA THỜI ĐẠI.

Chương 17 sách Các Vua quyển I nói đến ơn gọi của tiên tri Êlia, người suốt đời anh dũng chiến đấu bảo vệ đức tin. Lỗi tại vua Akhab, kẻ nhu nhược, đã để hoàng hậu Izabel, một người ngoại giáo độc ác thao túng hoàng triều.

Thay vì thờ Thiên Chúa, Izabel dựng bàn thờ Baan ngay tại thủ đô và đặt pháp sư trông đền thờ. Bà muốn biến Israel thành quốc gia thờ thần ngoại.

Trước nguy cơ đức tin của toàn dân bị đe dọa, tiên tri Êlia, vì lòng nhiệt thành, đứng lên tố cáo sự yếu hèn của Akhab và tội ác của Izabel.
Tiên tri phải liều thân chiến đấu với 450 tư tế Baan. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, thắng lợi thuộc về tiên tri. Izabel vốn thù ghét tiên tri Êlia, càng trở nên căm thù dữ dội. Bà quyết đặt mối thù không đội trời chung với tiên tri.

Trong Cựu Ước, tiên tri Êlia có công gìn giữ, bảo vệ đức tin. Ông chiến đấu đến cùng để Israel quay về với chân lý là chính Thiên Chúa. Ông dọn đường cho dân quay về và trung thành thờ phượng Chúa.

Tân Ước, hình ảnh đẹp về tiên tri Êlia được Chúa Giêsu gán cho thánh Gioan: "Thật Êlia phải đến chấn hưng mọi sự. Thầy bảo các con, Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ… Bấy giờ, các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy giả" (Mt 17, 10-13).

Như tiên tri Êlia, thánh Gioan là người dọn đường tài ba để đưa Chúa đến trong lòng người và đưa con người về với Chúa. Thánh Gioan chấn hưng lòng người bằng kêu gọi ăn năn sám hối.

Với lối thuyết trình mang hình ảnh, thánh Gioan dạy cách ăn năn sám hối thật sống động và gợi nhớ: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" (Lc 3, 4-6).

Suốt đời thánh Gioan thao thức và bảo vệ đức tin khỏi mọi ngẫu tượng là lối sống sa đọa, tội lỗi của vua chúa và của dân chúng. Ngài ngoan cường chiến đấu cho chân lý, đã gìn giữ đức tin đến đổ máu vì đức tin ấy.

Xưa Chúa dùng tiên tri Êlia để thanh tẩy đức tin của dân Israel trước sự suy đồi tôn giáo. Thời Chúa Giêsu, Thiên Chúa dùng thánh Gioan thanh tẩy đức tin của dân Chúa, để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến trong lòng người.

III. BÀI HỌC NÀO CHO CHÚNG TA?

Không chỉ nơi cuộc đời và ơn gọi của thánh Gioan, đúng hơn, mọi biến cố của lịch sử, đều cho thấy Tình Thương của Chúa là Tình Thương vượt mọi thác ghềnh, vượt trên tội lỗi của loài người.

Tình Thương ấy đã dàn trải trong Cựu Ước thì nay lại cứ lớn mênh mông nơi Tân Ước. Cứ mãi vươn tới, bền bỉ gắn chặt với vận mệnh của trần thế, để trần thế dù vong thân đến đâu, vẫn còn đó một điểm tựa vững chắc mà quay về.

Bởi thế, thái độ vui mừng, hay cú nhảy, hay tiếng kêu sung sướng trong Thánh Thần, hay lời ca tụng Thiên Chúa trung thành với lời hứa… nơi trình thuật hạ sinh của thánh Gioan, cũng là của chính nội tâm mỗi chúng ta nói riêng, của Hội Thánh nói chung, vì được tận hưởng một Tình Thương bền bỉ mà Thiên Chúa đã và vẫn đang thực hiện.

Để đáp lại tình thương vô biên và hải hà ấy, chúng ta phải thực hiện hành trình sám hối để quay về với Chúa, trung thành với tình thương của Chúa qua từng phút giây của cả đời mình.

Ta không chỉ ngồi đó chờ ơn tha thứ của Chúa mà không có hành vi hay sự thống hối tích cực nào. Ta không chỉ thực hiện hành vi bên ngoài như đấm ngực, xé áo, vật vã vì đau khổ trước tội lỗi của mình.

Trong ta luôn ẩn núp sự kiêu ngạo, muốn nâng mình lên, khoe khoang, tị hiềm, ganh ghét, khổ sở khi thua kém người khác. Tâm hồn dù mong muốn phụng thờ Chúa, vẫn có những tự ái, khó khăn, cố chấp trong tính hư của bản thân, từ đó không dễ gì nhận lỗi, không dễ gì tha thứ cho anh em...

Biết bao lần ta để cái tôi của thế gian trổi dậy qua tất cả những biểu hiện xấu: tham lam, ham muốn thật nhiều của cải, muốn chiếm đoạt hoặc muốn thu vén tất cả sao cho tư lợi ngày càng đầy lên, ngày càng rộng ra...

Bao nhiêu lần, lẽ ra phải là tác nhân tình yêu, nối kết, hiệp nhất, ta lại thành nguyên nhân giận hờn, ganh ghét, nghi kỵ. Do tà tâm, không ít lần ta trở thành nguyên nhân của hố sâu chia rẽ, bất hoà, thù hận, tính toán nhỏ nhen...

Chẳng những không tích cực loại trừ đam mê, ham muốn bất chính, có khi ta còn miệt mài đuổi theo danh lợi, dục vọng và biết bao nhiêu lạc thú...

Trong cõi riêng tư, lẽ ra phải để Chúa chiếm ngự, ta lại mang quanh co của dối trá, không thành thật với Chúa, với người, với chính mình...

Ta ươn lười đạo đức, thiếu tập nhân đức, thiếu nỗ lực để gần sự thánh thiện, trong khi đó lại trốn bổn phận, giả hình, thiếu duyệt xét lương tâm...

Nếu tiên tri Êlia và thánh Gioan đều quả cảm chống việc thờ ngẫu tượng, thì Kitô hữu cũng là tiên tri chống việc tôn thờ ngẫu tượng của thời đại.

Hãy cùng bà Isave vui mừng và chấp nhận đón rước Đức Mẹ, sẵn sàng để Đức Mẹ đưa Chúa đến viếng thăm qua những giây phú ta kết hợp với Đức Mẹ cầu nguyện cùng Chúa.

Hãy theo lối mở của các người thánh xưa lo thực hành lời thánh Gioan mời gọi để luôn ý thức và siêng năng dọn tâm hồn cho Chúa bằng mọi nỗ lực uốn lại cõi lòng cho hết quanh co, bạt mọi gồ ghề của ích kỷ và kiêu ngạo.
 
Con của Cha
Lm. Minh Anh
15:18 21/06/2023

CON CỦA CHÚA
“Lạy Cha chúng con ở trên trời!”.

Trong cuốn “Foundations of Faith”, “Nền Tảng Đức Tin”, J.C. Ryle viết, “Có hai điều không có số học để tính, không có thước mực để đo. Một là mức độ mất mát của Thiên Chúa; hai là trương độ ân tứ của Ngài. Tội lỗi phải thực sự ‘vượt quá’ chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con Một để kết bạn với tội nhân; và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận định của J.C. Ryle quả là một trong những nền tảng đức tin! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gợi lại nền tảng này qua Kinh Lạy Cha. Với những lời này, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha; trong đó, mọi khát khao và mọi biểu hiện của đức tin được tỏ lộ.

Không bắt đầu bằng một khấn xin, Kinh Lạy Cha bắt đầu bằng việc thừa nhận danh tính của mỗi người chúng ta là ‘con của Chúa’. Đây là nền tảng then chốt để “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” được thưa lên đúng cách. Nó cũng tiết lộ cách tiếp cận căn bản mà chúng ta thực hiện trong mọi lời cầu nguyện của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Nó bắt đầu rằng, “Lạy Cha chúng con ở trên trời!”. Hãy xem những gì nó chứa đựng ngay ở câu mở đầu!

Trong Thánh Lễ, linh mục mời gọi mọi người cầu nguyện với Kinh Lạy Cha thế này, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Sự “dám nguyện” ‘táo bạo’ này đến từ một sự hiểu biết nền tảng rằng, Thiên Chúa là Cha chúng ta. Mỗi Kitô hữu nhận thức Thiên Chúa là Cha mình; nhận thức mình là con trai, con gái đang đến gần Ngài với sự tự tin của một đứa trẻ. Mọi đứa trẻ tin rằng, cha mẹ chúng yêu chúng, cả khi chúng có tội. Đây là khởi điểm nền tảng cho mọi lời cầu nguyện. Chúng ta phải bắt đầu với nhận thức rằng, Thiên Chúa yêu chúng ta, bất kể điều gì xảy ra, bất kể chúng ta thế nào! Với hiểu biết này, chúng ta sẽ có tất cả tự tin cần thiết để kêu cầu Ngài.

Gọi Thiên Chúa là “Cha”, chúng ta kêu cầu Ngài theo cách riêng tư, thân mật nhất. Điều này cho thấy, Ngài không chỉ là Đấng Toàn Năng; nhưng còn là Cha nhân từ của tôi. Và tôi, con trai, con gái, ‘con của Chúa’. Việc gọi Thiên Chúa là “Cha” thể hiện mối quan hệ được thiết lập trong bửu huyết của Chúa Kitô; chính nhờ mối quan hệ này, chúng ta trở nên thần dân của Vương Quốc Ngài. Đây là món quà mà chúng ta không tự sức, hoặc tự mình có được. Nói cách khác, không ai có quyền được gọi Thiên Chúa là Cha nếu không có Chúa Giêsu.

Trong bài đọc Côrintô hôm nay, Phaolô cho thấy niềm xác tín đó, “Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi!”. Sự thật của Đức Kitô là Tin Mừng Cứu Độ của Ngài; sự thật đó còn là sự mặc khải mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa trong Ngài. Công trình cứu chuộc đó được Thánh Vịnh đáp ca tán tụng, “Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính!”.

Anh Chị em,

“Lạy Cha chúng con ở trên trời!”. Chúng ta chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” trong chừng mực chúng ta nên một với Chúa Giêsu; bên cạnh đó, trong chừng mực chúng ta hiệp thông với anh chị em mình. Trong Chúa Giêsu, chúng ta là ‘con của Cha’. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân bị bỏ lại; thay vào đó là hiệp nhất huynh đệ. Vì thế, mỗi ngày, đọc Kinh Lạy Cha, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta không chỉ kết nối sâu sắc với nhau, nhưng còn cùng nhau thờ phượng Chúa, Cha mình; và cùng lúc, hiệp nhất nên một với nhau trong Thánh Thể Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con trở nên loại hình ‘con của Chúa’ như Chúa muốn con trở thành. Để được vậy, giúp con ngày càng ‘bớt chất người, thêm chất Chúa!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Bố Ơi - Matt 5:43-48
Lm Nguyễn Trung Tây
19:49 21/06/2023
Lm Nguyễn Trung Tây
BỐ Ơi - Matt 5:43-48


Father's Day nhắc nhở ông bố trần gian. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta một ông Bố khác.

Theo như Đức Giêsu, Thiên Chúa là Abba (trong ngôn ngữ Do Thái), hay là Bố (trong ngôn ngữ Việt Nam). Nói một cách khác, Thiên Chúa cũng liên hệ với con người qua mối tương quan phụ tử. Bởi thế, qua Kinh Lạy Cha hay “Kinh Bố Ơi,” Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Bố, “Bố ơi! Bố của chúng con ở trên trời”. Và đây là một điều khá bất ngờ với người Kitô hữu, bởi trong dòng lịch sử ơn cứu độ Cựu Ước, Thiên Chúa được minh họa tương tự như một đấng ngồi trên ngai vàng. Và con người được minh họa trong vị thế thần dân của Vua Thiên Chúa. Ngài luôn luôn là một nhân vật ở cõi cao xa. Con người đứng vị thế dưới của đất thấp. Nhưng khi Đức Giêsu tới trần gian, Ngài mặc khải một mặc khải bất ngờ. Đó là, Thiên Chúa quá yêu thương thế gian, đến nỗi sai Người Con xuống thế để cứu chuộc, chứ không phải để luận phạt thế gian (Gioan 3:16).

Và bởi Thiên Chúa là Bố, Ngài có nhiệm vụ “Bố sinh Bố dưỡng”.

Bởi thế Ngài ban cho người Do Thái bánh mì lương thực hằng ngày. Trong văn hóa Việt Nam, chúng ta hiểu Ngài tặng ban người Việt một ngày ba bữa cơm, sáng, trưa, và chiều tối.

Và nếu con cái của Bố Thiên Chúa thiếu thốn,

Cứ mở miệng xin, họ sẽ nhận được từ Bố điều họ kêu xin.

Cứ đi tìm Bố, họ sẽ thấy Bố bằng xương bằng thịt.

Cứ gõ cửa căn phòng của Bố, họ sẽ thấy cánh cửa phòng Bố mở toang.

Lời Nguyện
Bố ơi! Xin cho con cơm ngày dùng đủ!
 
Đừng Sợ : Suy Niệm Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:45 21/06/2023
Đừng Sợ

Suy Niệm Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm A

(Mt 10, 26 -33)

Trên đời con người có nhiều thứ bủa vậy, một trong những thứ đó là cái “sợ”. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui… Nỗi sợ có vẻ gắn liền với sự mong manh của phận người. Người ta sợ nhiều thứ: sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ bệnh hoạn, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết… Xem ra, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh con người và dù muốn dù không con người vẫn bị bủa vây bởi trăm ngàn mối hiểm nguy. Thấu hiều điều đó, nên khi dạy dỗ cho các môn đệ, Chúa Giêsu khuyên: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn… Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10, 28-31).

Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ sau, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội đã lặp lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:

“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.

“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.

“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Thái độ “không sợ” được Thánh Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II nói đến vượt trên ý nghĩa thông thường là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Không sợ là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co về mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng Cứu độ và cũng không đủ nghị lực và sự kiên trì đưa Tin Mừng trở thành hiện thực nơi trần gian, xây dựng Nước Chúa ngay trong thực tại trần thế.

Từ “Đừng sợ” lại vang lên trong bài giảng thứ hai trên cương vị giáo hoàng, khi cử hành việc tiếp nhận ngai tòa giám mục giáo phận Rôma, ngày Chúa nhật 12-11-1978, tại nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô, Đức Gioan Phaolô nói rõ thêm về lời kêu gọi “Đừng sợ”.

Đừng sợ đón lấy và thực thi lối sống Tin Mừng. Đó là sống yêu thương, không hận thù, như chính Đức Kitô yêu thương và đã tha thứ cho kẻ bách hại mình: “Tình yêu thì kiến tạo. Chỉ có tình yêu mới có thể kiến tạo được. Còn thù hận thì phá hủy. Lòng hận thù không kiến tạo được gì hết. Nó chỉ gây đổ vỡ. Nó làm tan nát đời sống xã hội. Nó chỉ có thể gây sức ép đối với những người yếu đuối và chẳng xây dựng nổi một điều gì” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ nhận nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô của Giám mục Rôma)

Đừng sợ sống yêu thương trong thế giới còn đầy tràn lòng thù hận. Đó là tín thư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Một tín thư xụất phát từ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô. Sứ điệp của niềm Hy vọng: “Hãy làm cho những Lời hằng sống của Đức Kitô đến được với mọi người để họ nghe được Lời của Chúa, sứ điệp của niềm Hy vọng” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Tiếp nối đường hướng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày lên ngôi, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thắp lên lời hy vọng: “Hãy tiến lên phía trước, vì có Chúa ở cùng”. Nếu một phần tư thế kỷ trước là “Đừng sợ”, thì một phần tư thế kỷ sau lại là: “Hãy tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Mẹ Chí Thánh của Người ở ngay bên cạnh chúng ta…”. Và trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ phải liều mạng mình cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đó là phương cách tìm được bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực”.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều lần dùng kiểu nói “đừng sợ”.

Thật vậy, sống ở đời làm sao tránh khỏi những căng thẳng, lo âu, sợ hãi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu cũng có những lúc bàng hoàng xao xuyến. Khi bảo “anh em đừng sợ” Chúa Giêsu muốn ta đừng để cảm xúc sợ hãi làm tê liệt đời sống chúng ta. Người bảo chúng ta: “đừng sợ”. “Đừng sợ” ngay trong mọi biến động, “đừng sợ”, vì “Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ” (Gr 20,13). “Đừng sợ”, khi phải đối diện với đau khổ hay sự chết bởi vì Thiên Chúa, Đấng yêu thương quan tâm chăm sóc chúng ta, vì Ngài là Cha nhân từ, trung tín, thấu hiểu chúng ta cần gì, vì đối với Ngài, chúng ta “quý hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10,31). Ta hãy sống như con thơ phó thác cách đơn sơ trọn vẹn cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.

Lạy Chúa, nỗi sợ làm cho con chùn bước, rụt rè trong đời sống đức tin của con, xin cho con thêm sức mạnh để con không còn sợ hãi Chúa ơi. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Hãy phó thác đời mình cho Chúa
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:15 21/06/2023


Ngày 30 tháng 8 năm 2005, ngay tại thủ đô Baghdad, đang lúc có cả triệu người Hồi giáo I-rắc đi hành hương, chen chúc nhau băng qua cây cầu lớn bắc qua sông Tigris để tiến về ngôi đền Al-Kadhimiya bên kia sông, bỗng có người la hoảng lên: “Có người sắp đánh bom tự sát!”

Thế là cả triệu người hành hương hoảng loạn xô lấn chà đạp nhau nhằm thoát ra khỏi cây cầu, khiến thành cầu gãy đổ làm cho rất nhiều người rơi xuống sông chết đuối; một số khác bị chết ngạt do đám đông đè lên. Con số tử vong lên đến cả 1.000 người. Một tổn thất nhân mạng lớn lao khủng khiếp chỉ vì sợ hãi!

Người ta tạo ra muôn vàn nỗi sợ để tự gây đau khổ cho mình

Những người I-rắc trên đây không chết vì bom nổ nhưng chết vì nỗi sợ bom. Chính nỗi sợ không đáng có nầy giết hại nhiều người cách đau thương như thế.

Điều đáng tiếc là trong cuộc sống hằng ngày, người ta còn tưởng tượng ra nhiều nguy cơ không có thật hoặc không xảy đến, để rồi tự gây khổ cho mình, làm cho mình phải lo âu xao xuyến; chẳng hạn như người đang khỏe mạnh thì sợ những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống mình có thể xảy đến trong tương lai; người đang có việc làm hẳn hoi thì sợ có ngày mất việc và túng thiếu; người đang còn trẻ thì sợ khi già yếu không ai chăm sóc; người đang yên ổn sống trong tiện nghi thì sợ mai đây khi thất cơ lỡ vận, không còn được thoải mái như hiện giờ…

Thế là con người tưởng tượng ra vô vàn nỗi sợ rồi để tự khủng bố mình, làm cho bản thân mình bất an, lo lắng.

Những nỗi sợ do ta tự tạo nầy hòa với những nỗi sợ khách quan khác, làm cho đời người trở nên u ám, buồn phiền, tác hại đến sức khỏe và làm mất đi niềm vui sống.

Hãy phó thác đời mình cho Chúa

Chính vì nỗi sợ gây nên nhiều lo buồn cho con người như thế, nên qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắn nhủ chúng ta đừng sợ vì có Chúa hằng chăm sóc giữ gìn:

“Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn”

“Hai con chim sẻ chỉ bán được một đồng, phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha các con, thì đối với các con cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu các con, Ngài cũng đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ, các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

Cha mẹ nào cũng yêu thương và mong điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Tương tự như thế, Chúa là Cha rất giàu lòng yêu thương nên Chúa luôn muốn điều tốt lành nhất cho mỗi người chúng ta. Vì thế, hãy phó thác đời mình cho Chúa chăm lo.

Lạy Thiên Chúa từ nhân,

Khi con thơ nép mình bên lòng mẹ, nó cảm thấy bình an, hạnh phúc và chẳng sợ hãi gì, dù chung quanh là phong ba bão tố.

Xin cho chúng con biết phó thác mọi sự cho Ngài vì Ngài hằng chăm lo cho chúng con, muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng con; nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ được bình an và hạnh phúc. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông thư Sublimitas et Miseria Hominis của Đức Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal
Vũ Văn An
05:34 21/06/2023

Sublimitas et Miseria Hominis [Sự vĩ đại và khốn cùng của con người]. Nghịch lý này là trung tâm của tư tưởng và thông điệp lâu dài của Blaise Pascal, sinh cách đây bốn thế kỷ, vào ngày 19 tháng 6 năm 1623 tại Clermont miền trung nước Pháp. Từ thời thơ ấu, Pascal đã cống hiến cuộc đời mình để theo đuổi chân lý. Bằng cách sử dụng lý trí, ông đã tìm kiếm dấu vết của nó trong các lĩnh vực toán học, hình học, vật lý và triết học, thực hiện những khám phá đáng chú ý và đạt được danh tiếng lớn ngay từ khi còn nhỏ. Vậy mà ông không bằng lòng với những thành quả đó. Trong một thế kỷ với những tiến bộ vượt bậc trong nhiều lĩnh vực khoa học, cùng với tinh thần hoài nghi triết học và tôn giáo ngày càng tăng, Blaise Pascal đã chứng tỏ là một người tìm kiếm chân lý không mệt mỏi, một tinh thần “không ngơi nghỉ”, luôn mở ra những chân trời mới và rộng lớn hơn.



Trí óc thông minh và ham học hỏi của Pascal không ngừng suy gẫm về câu hỏi, cổ xưa nhưng luôn mới mẻ, trào dâng trong trái tim con người: “Con người là gì mà Ngài lưu ý tới, con người mà ngài quan tâm?” (Tv 8:5). Câu hỏi này đã làm bối rối những người nam nữ ở mọi thời và mọi nơi, mọi nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. “Con người trong tự nhiên là gì?” – Pascal tự hỏi như thế – “là không so với thể vô hạn, nhưng là mọi sự so với cái không”. [1] Câu hỏi đã được tác giả Thánh Vịnh đặt ra trong bối cảnh lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người, một lịch sử mà đỉnh cao là sự nhập thể của “Con Người”, Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã bỏ rơi để sau đó, đội cho Người vinh quang và danh dự hơn mọi tạo vật (x. câu 6). Pascal tiếp tục dành sự chú ý của mình cho câu hỏi này, được đặt ra bằng một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ toán học và hình học.

Vì lý do này, tôi tin rằng thật phù hợp khi mô tả Pascal như một con người được đánh dấu bằng một thái độ căn bản là kinh ngạc và cởi mở với mọi thực tại. Cởi mở với những chiều kích khác của nhận thức và sự sống, cởi mở với người khác, cởi mở với xã hội. Thí dụ, vào năm 1661, ông đã phát triển hệ thống giao thông công cộng đầu tiên trong lịch sử ở Paris, “xe ngựa năm xu”. Nếu tôi đề cập đến điều này ở phần đầu của Bức thư này, thì rõ ràng là việc ông trở lại với Chúa Kitô, bắt đầu từ “đêm lửa” ngày 23 tháng 11 năm 1654, cũng như việc bảo vệ đức tin Kitô giáo một cách tài tình, không biến ông thành ít con người của thời ông hơn. Ông tiếp tục quan tâm đến những vấn đề làm bận tâm thời ông và đến nhu cầu vật chất của tất cả các thành viên trong xã hội nơi ông sinh sống.

Sự cởi mở với thế giới xung quanh khiến ông luôn quan tâm đến người khác ngay trong cơn bạo bệnh cuối cùng, khi mới 39 tuổi. Tại thời điểm này, giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình dương thế, ông được cho là đã nói: “Nếu các bác sĩ nói sự thật và Thiên Chúa cho phép tôi khỏi bệnh này, tôi quyết định không làm công việc hay nghề nghiệp nào khác trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời tôi ngoại trừ việc phục vụ người nghèo”. [2] Thật cảm động khi nhận ra rằng trong những ngày cuối đời, một thiên tài vĩ đại như Blaise Pascal không thấy gì cấp bách hơn nhu cầu cống hiến sức lực của mình cho những công việc bác ái: “Đối tượng duy nhất của Kinh thánh là bác ái”. [3]

Tôi hài lòng khi vào dịp này, kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông, sự quan phòng của Chúa đã ban cho tôi cơ hội này để bày tỏ lòng kính trọng đối với Pascal, và để nhớ lại những khía cạnh trong cuộc đời của ông và những suy nghĩ mà tôi cho là hữu ích để khuyến khích các Kitô hữu trong thời đại của chúng ta và những người đương thời có thiện chí của họ, trong việc theo đuổi hạnh phúc đích thực. Vì “mọi người đều mưu cầu hạnh phúc. Điều này đúng không có ngoại lệ, bất kể họ sử dụng những phương tiện khác nhau nào. Tất cả đều hướng đến cùng một mục tiêu”. [4] Bốn thế kỷ sau ngày sinh của ông, Pascal vẫn là người bạn đồng hành của chúng ta, đồng hành với cuộc tìm kiếm hạnh phúc đích thực của chúng ta và, nhờ hồng ân đức tin, chúng ta khiêm tốn và hân hoan nhận ra Chúa chịu đóng đinh và phục sinh.

Một con người yêu Chúa Kitô, Đấng nói với mọi người

Nếu Blaise Pascal có thể thu hút được tất cả mọi người, thì trên hết là vì ông đã nói rất thuyết phục về thân phận con người của chúng ta. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu coi ông chỉ là một nhà quan sát sâu sắc về tác phong con người. Pensées đồ sộ của ông, một số trong đó có những câu cách ngôn cá nhân vẫn còn nổi tiếng, thực sự không thể hiểu được trừ khi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu Kitô và Kinh thánh vừa là trung tâm vừa là chìa khóa để hiểu chúng. Vì nếu Pascal đề nghị nói về con người và Thiên Chúa, đó là bởi vì ông đã đi đến chỗ chắc chắn rằng “không những chúng ta chỉ biết Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta cũng chỉ biết chính mình qua Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chúng ta không biết sự sống và sự chết ngoại trừ qua Chúa Giêsu Kitô. Ngoài Chúa Giêsu Kitô, chúng ta không hiểu sự sống cũng như sự chết của mình, không hiểu Thiên Chúa hay chính chúng ta. Do đó, nếu không có Kinh thánh, vốn chỉ nói về Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta không biết gì cả và chúng ta chỉ thấy bóng tối”. [5] Nếu tất cả mọi người đều hiểu được tuyên bố táo bạo này, và không bị coi là một khẳng định thuần túy giáo điều không thể hiểu được đối với những người không chia sẻ đức tin của Giáo hội, hoặc một sự chê bai phạm vi hợp pháp của lý trí tự nhiên, thì nó cần được làm rõ.

Đức tin, tình yêu và tự do

Là Kitô hữu, chúng ta cần tránh cơn cám dỗ chỉ muốn trình bày đức tin của mình như một điều hiển nhiên chắc chắn không thể chối cãi đối với mọi người. Rõ ràng Pascal quan tâm đến việc làm cho người ta nhận ra rằng “Thiên Chúa và chân lý không thể tách rời nhau”, [6] nhưng ông cũng biết rằng niềm tin chỉ có được nhờ ân sủng của Thiên Chúa, được ôm ấp bởi một trái tim tự do. Nhờ đức tin, ông đã đích thân gặp gỡ “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ysaác, Thiên Chúa của Giacóp, không phải Thiên Chúa của các triết gia và người có học”, [7] và đã thừa nhận Chúa Giêsu Kitô "là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14:6). Vì lý do này, tôi đề nghị tất cả những ai muốn kiên trì tìm kiếm chân lý – một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc trong cuộc đời này – nên lắng nghe Blaise Pascal, một người có trí thông minh phi thường, người đã khẳng định rằng ngoài khát vọng yêu thương, không có chân lý nào đáng giá. “Chúng ta biến chính sự thật thành một ngẫu tượng, vì sự thật tách rời khỏi đức ái không phải là Thiên Chúa, mà là hình ảnh của Người; nó là một ngẫu tượng tuyệt đối không được yêu mến hay tôn thờ”. [số 8]

Do đó, Pascal bảo vệ chúng ta khỏi những giáo huấn sai lầm, mê tín dị đoan và chủ nghĩa tự do vốn ngăn cản rất nhiều người khỏi sự bình an và niềm vui lâu dài của Đấng mong muốn chúng ta nên chọn “sự sống và điều tốt lành”, chứ không phải “sự chết và điều ác” (Đnl 30:15.19 ). Tuy nhiên, bi kịch của cuộc đời này là đôi khi chúng ta không nhìn thấy rõ ràng, và kết quả là chúng ta lựa chọn sai lầm. Vì chúng ta không thể thưởng thức niềm vui của Tin Mừng trừ khi “Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy sức mạnh của Người trên chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự yếu đuối, ích kỷ, tự mãn và kiêu căng của chúng ta”. [9] Hơn nữa, “không có sự khôn ngoan của biện phân, chúng ta có thể trở thành miếng mồi ngon cho mọi xu hướng nhất thời”. [10] Đó là lý do tại sao việc đánh giá cao đức tin sống động của Blaise Pascal, người đã tìm cách chứng minh rằng Kitô giáo “đáng kính vì nó thực sự biết con người” và “đáng yêu vì nó hứa hẹn điều tốt thật sự”, [11] có thể giúp chúng ta thực hiện con đường của chúng ta vượt qua bóng tối và nỗi buồn của thế giới này.

Một bộ óc khoa học kiệt xuất

Khi mẹ ông qua đời năm 1626, Blaise Pascal mới ba tuổi. Cha của ông, Étienne, một luật gia nổi tiếng, cũng nổi tiếng với những năng khiếu khoa học đáng chú ý, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và hình học. Chọn cách đích thân chu cấp cho việc giáo dục ba người con của mình, Jacqueline, Blaise và Gilberte, ông chuyển đến Paris vào năm 1632. Rất nhanh chóng, Blaise đã thể hiện trí thông minh phi thường và sự kiên trì trong việc tìm kiếm sự thật. Chị gái Gilberte của ông nói với chúng ta rằng, “từ thời thơ ấu, em chỉ có thể chấp nhận những điều khiến em thấy rõ ràng là đúng; kết quả là, khi không được cung cấp lý do chính đáng, em đã tự mình tìm kiếm chúng ”. [12] Một ngày nọ, cha ông bắt gặp Blaise đang học hình học và chợt nhận ra rằng, không hề biết những định đề tương tự có thể tìm thấy trong những cuốn sách mang tên khác, Blaise, ở tuổi mười hai, hoàn toàn tự mình vẽ các hình trên mặt đất, đã chứng minh 32 định đề đầu tiên của Euclid. [13] Gilberte kể lại rằng cha của họ đã "kinh ngạc trước chiều sâu và sức mạnh trí tuệ của em". [14]

Trong những năm sau đó, Blaise Pascal đã làm việc cật lực để khiến tài năng to lớn của mình đơm hoa kết trái. Ở tuổi mười bảy, ông đã giao tiếp với những người uyên bác nhất trong thời đại của mình. Lần lượt rất nhanh là những khám phá và ấn phẩm của ông. Năm 1642, ở tuổi mười chín, ông đã phát minh ra một cỗ máy số học, tổ tiên của máy tính hiện đại của chúng ta. Về vấn đề này, Pascal nói với thời đại của chúng ta, vì ông nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của lý trí con người và khuyến khích chúng ta sử dụng nó để hiểu những bí ẩn của thế giới xung quanh. Khả năng nắm bắt toán học của ông, khả năng hiểu chi tiết mọi thứ hoạt động như thế nào, sẽ giúp ích cho ông trong suốt cuộc đời. Theo lời của nhà thần học lỗi lạc Hans Urs von Balthasar: “Ông đã rèn luyện bản thân về độ chính xác phù hợp với toán học và khoa học tự nhiên, để đạt được độ chính xác hoàn toàn khác phù hợp với lĩnh vực hữu thể và lĩnh vực Kitô giáo”. [15] Niềm tự tin của Pascal trong việc sử dụng lý trí tự nhiên, vốn liên kết ông với tất cả những người tìm kiếm chân lý, giúp ông vừa thừa nhận những giới hạn của nó vừa dễ tiếp thu những lý do siêu nhiên của sự mạc khải thần thiêng, theo một luận lý học nghịch lý vốn tạo nên chiều sâu triết học và sức hấp dẫn văn chương trong cuốn Pensées của ông. “Giáo hội đã nỗ lực hết sức để chứng minh rằng Chúa Giêsu Kitô là người chống lại những người phủ nhận điều này, cũng như Giáo hội đã làm để chứng minh rằng Người là Thiên Chúa; và cả hai đều hiển nhiên như nhau”. [16]

Các nhà triết học

Nhiều trước tác của Pascal thấm đẫm ngôn ngữ triết học. Điều này đặc biệt đúng với tác phẩm Pensées của ông, tuyển tập các mảnh viết, được xuất bản sau khi ông qua đời, là những ghi chú và bản phác thảo của ông cho một triết lý được truyền cảm hứng từ mối quan tâm thần học. Các học giả đã cố gắng, với những kết quả khác nhau, để khôi phục lại hình thức ban đầu và sự thống nhất của tuyển tập. Tình yêu say đắm của Pascal dành cho Chúa Kitô và phục vụ người nghèo, mà tôi đã đề cập trên đây, không phải là dấu hiệu của sự mất nối kết trong tâm trí của người môn đệ táo bạo này, cho bằng là dấu hiệu của sự phát triển sâu sắc hơn đối với chủ nghĩa triệt để truyền giáo, một diễn tiến về phía chân lý sống động của Chúa, được ân sủng trợ giúp. Pascal, người sở hữu niềm tin siêu nhiên chắc chắn và coi nó hoàn toàn tương hợp với lý trí trong khi vô cùng vượt trội hơn lý trí, đã cố gắng tham gia đối thoại với những người không chia sẻ niềm tin của mình càng nhiều càng tốt. Vì “đối với những người không có đức tin, chúng ta không thể cho nó ngoại trừ bằng cách lý luận, trong khi chúng ta chờ đợi Thiên Chúa ban cho họ bằng cách đánh động trái tim họ”. [17] Ở đây chúng ta thấy một hình thức truyền giảng Tin Mừng hoàn toàn tôn trọng và kiên nhẫn mà thế hệ chúng ta nên bắt chước.

Do đó, để hiểu đúng suy nghĩ của Pascal về Kitô giáo, điều cần thiết là phải chú ý đến triết lý của ông. Ông ngưỡng mộ sự khôn ngoan của các triết gia Hy Lạp cổ thời, những người đã tìm cách sống sung mãn với tư cách là công dân của một thành phố bằng sự đơn giản và yên bình: “Chúng ta nghĩ tới Platông và Aristốt như những người mặc áo choàng dài thoòng của các học giả. [Thực ra] Họ là những con người bình thường, như bao người khác, vui vẻ cười đùa với bạn bè. Khi họ soạn thảo Luật pháp Chính trị, họ đã làm điều đó vì niềm vui. Đó là phần ít triết lý nhất và ít nghiêm túc nhất trong cuộc sống của họ; phần triết học nhất là sống đơn giản và hòa bình”. [18] Tuy nhiên, bất chấp tất cả sự vĩ đại và hữu ích của chúng, Pascal đã nhận ra giới hạn của những triết lý đó: Chủ nghĩa Khắc kỷ [Stoicism] dẫn đến sự kiêu ngạo; [19] Chủ nghĩa Hoài nghi [scepticism] dẫn đến tuyệt vọng. [20] Lý trí của con người là một kỳ công của tạo hóa, khiến con người khác biệt với mọi tạo vật khác, vì “con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng lại là một cây sậy biết suy nghĩ”. [21] Do đó, giới hạn của các triết gia, khá đơn giản, là giới hạn của lý trí được tạo dựng. Democritus có thể nói, “Tôi sẽ nói về mọi điều”, [22] nhưng lý trí tự nó không thể giải quyết những vấn đề sâu sắc nhất và cấp bách nhất. Cuối cùng, đối với cả thời đại của Pascal cũng như thời đại của chúng ta, đâu là vấn đề lớn nhất và cấp bách nhất? Đó là ý nghĩa tổng thể của số phận, cuộc sống và niềm hy vọng của chúng ta, hướng đến một hạnh phúc mà chúng ta không bị cấm tưởng tượng là vĩnh cửu, nhưng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho: “Đối với con người, không có gì quan trọng bằng tình trạng riêng của mình; đối với họ không có gì đáng sợ bằng sự vĩnh cửu”. [23]

Khi suy ngẫm về Pensées của Pascal, bằng cách này hay cách khác, chúng ta liên tục bắt gặp nguyên tắc căn bản này: “thực tại cao hơn ý tưởng”. Pascal dạy chúng ta tránh xa “các phương tiện khác nhau để che đậy thực tại”, từ “các hình thức thuần khiết như thiên thần” đến “diễn ngôn trí thức bị tước mất khôn ngoan”. [24] Không gì nguy hiểm hơn một lý trí phi thân xác (disembodied reason]: “Ai hành động như thiên thần, sẽ hành động như ác thú”. [25] Những ý thức hệ tai hại mà chúng ta tiếp tục phải chịu đựng trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhân chủng học và luân lý, giam cầm những người theo chúng trong một thế giới ảo tưởng, nơi các ý tưởng đã thay thế thực tại.

Thân phận con người

Triết học của Pascal, luôn luôn nghịch lý, được đặt nền tảng trên một cách tiếp cận đơn giản vì nó sáng suốt: nó tìm cách đạt tới “thực tại được soi sáng bởi lý trí”. [26] Ông bắt đầu bằng cách quan sát rằng con người theo một cách nào đó là một người xa lạ với chính họ, vừa vĩ đại vừa thảm hại [wretched]. Vĩ đại nhờ lý trí và khả năng làm chủ đam mê của mình, nhưng cũng vĩ đại “ở chỗ họ thừa nhận mình thảm hại”. [27] Thật vậy, con người khao khát một điều gì đó khác hơn là thỏa mãn hoặc chống lại các bản năng của mình, “vì điều vốn là bản chất của động vật, chúng ta gọi là sự thảm hại nơi con người”. [28] Có một sự bất cân xứng không thể chấp nhận được hiện hữu giữa một bên là khát vọng hạnh phúc và hiểu biết chân lý vô hạn của chúng ta, và bên kia là lý trí hạn chế và sự yếu đuối về thể chất của chúng ta, những thứ cuối cùng sẽ kết thúc bằng cái chết. Sức mạnh của Pascal cũng là chủ nghĩa hiện thực không ngừng của ông: “Không cần phải có trí thông minh tuyệt vời để nhận ra rằng ở dưới thế này không có sự thỏa mãn thực sự và vững chắc, mọi thú vui của chúng ta chỉ là phù phiếm, bệnh tật của chúng ta là vô tận, và cái chết luôn đe dọa chúng ta, chắc chắn sẽ đặt trước chúng ta, trong một vài năm nữa, sự lựa chọn đáng sợ là bị tiêu diệt hoặc bất hạnh mãi mãi. Không có gì thực hơn thế, cũng không đáng sợ hơn thế. Chúng ta có thể hành động dũng cảm tùy thích: đây là cái kết đang chờ đợi cuộc sống tốt đẹp nhất trên thế giới”. [29] Trong tình trạng bi thảm này, chắc chắn một cá nhân không thể rút lui vào chính mình, vì sự thảm hại và sự bấp bênh của số phận họ chứng tỏ họ không thể chịu đựng được. Kết quả là, họ cần phải tự làm sao lãng chính bản thân họ. Pascal dễ dàng thừa nhận điều này: “Do đó con người rất thích sự ồn ào và huyên náo”. [30] Vì nếu người ta không làm bản thân sao lãng thân phận mình – và chúng ta biết rất rõ cách làm sao lãng bản thân bằng việc làm, bằng các hình thức giải trí, bằng các mối quan hệ trong gia đình hoặc giữa bạn bè, nhưng, than ôi, cũng bằng những tệ nạn mà một số đam mê nhất định dẫn vào – nhân tính của họ sẽ trải nghiệm “sự hư vô của nó, sự bị bỏ rơi của nó, sự thiếu sót của nó, sự phụ thuộc của nó, sự bất lực của nó, sự trống rỗng của nó. [Và xuất hiện] từ sâu thẳm tâm hồn họ là sự chán nản, u sầu, buồn bã, thất vọng, căm ghét, tuyệt vọng”. [31] Sự tiêu khiển không thỏa mãn, càng không thỏa mãn được ước muốn lớn lao của chúng ta về cuộc sống và hạnh phúc. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều biết khá rõ.

Ở điểm này, Pascal đưa ra lập luận tuyệt vời của ông. “Vậy thì nỗi khao khát và cảm giác bất lực này là gì đối với chúng ta, nếu không phải là con người đó từng được hưởng một hạnh phúc thực sự, mà giờ đây chỉ còn lại một dấu vết trống rỗng mà họ cố gắng lấp đầy bằng mọi thứ xung quanh một cách vô ích, tìm kiếm trong những thứ họ thiếu những thứ họ không thể có được từ những thứ họ có. Tuy nhiên, không điều nào trong số này có thể cung cấp nó, vì vực thẳm vô tận này không thể được bắc cầu ngoại trừ bởi một đối tượng vô tận và bất biến, đó là chính Thiên Chúa”. [32] Nếu con người giống như “một vị vua bị phế truất”, [33] chỉ tìm cách khôi phục lại sự vĩ đại đã mất của mình trong khi biết rằng mình không có khả năng làm điều đó, thì anh ta là gì? “Con người thật là một tạo vật tuyệt vời, một điều mới lạ, một điều quái dị, hỗn loạn, mâu thuẫn, phi thường, phán xét vạn vật, con giun đất yếu ớt, người mang sự thật, vũng lầy của sự không chắc chắn và sai lầm, vinh quang và rác rưởi của vũ trụ! Ai có thể tháo gỡ mớ rối rắm này?” [34] Là một triết gia, Pascal thấy rõ rằng “càng thông minh, chúng ta càng khám phá ra sự vĩ đại và hèn hạ của con người”, [35] và những mâu thuẫn này là không thể điều hòa được. Lý trí của con người không thể khiến họ đồng ý, cũng như không thể giải quyết bí ẩn.

Pascal tiếp tục lập luận rằng nếu có Thiên Chúa, và nếu con người đã nhận được sự mạc khải thần thiêng - như một số tôn giáo tuyên bố - và nếu sự mạc khải đó là đúng, thì nó phải chứa đựng câu trả lời mà chúng ta chờ đợi để giải quyết những mâu thuẫn từng gây cho chúng ta nỗi sầu khổ như vậy. “Sự vĩ đại và thảm hại của con người quá rõ ràng đến nỗi tôn giáo chân chính nhất thiết phải dạy cho chúng ta cả hai điều rằng trong con người có một nguyên tắc vĩ đại của sự vĩ đại và một nguyên tắc vĩ đại của sự thảm hại. Nó cũng phải giải thích các mâu thuẫn đáng kinh ngạc này”. [36] Từ nghiên cứu của mình về các tôn giáo lớn, Pascal kết luận rằng, “không tư tưởng nào và không thực hành khổ hạnh-huyền nhiệm nào có thể đưa ra một con đường cứu chuộc”, trừ khi bằng “tiêu chuẩn chân lý cao hơn được tìm thấy trong sự soi sáng của ân sủng”. [37] Tưởng tượng điều mà Thiên Chúa chân thực có thể nói với chúng ta, Pascal viết, “Thật vô ích, khi các bạn tự mình tìm kiếm phương thuốc cho những đau khổ của mình. Tất cả trí thông minh của bạn chỉ có thể đạt được nhận thức này là bạn sẽ không tìm thấy sự thật hay điều tốt đẹp trong chính bạn. Các triết gia đã hứa điều đó với bạn và họ không thể thực hiện được. Họ không biết đâu là điều tốt thực sự của bạn, cũng như tình trạng thực sự của bạn”. [38]

Sau khi áp dụng trí thông minh phi thường của mình vào việc nghiên cứu thân phận con người, Kinh thánh và truyền thống của Giáo hội, giờ đây Pascal tự trình bầy mình với sự đơn sơ trẻ thơ như một chứng nhân khiêm nhường của Tin Mừng. Là một Kitô hữu, ông muốn nói về Chúa Giêsu Kitô cho những người vội vã kết luận rằng không có lý do vững chắc nào để tin vào những chân lý của Kitô giáo. Về phần mình, từ kinh nghiệm, ông biết rằng nội dung của mạc khải thần thiêng không những không đối lập với những đòi hỏi của lý trí, mà còn đưa ra câu trả lời đáng kinh ngạc mà không một triết học nào có thể tự mình đạt được.

Hoán cải: cuộc viếng thăm của Chúa

Vào ngày 23 tháng 11 năm 1654, Pascal đã có một trải nghiệm mạnh mẽ mà cho đến tận bây giờ người ta vẫn gọi đó là “đêm lửa” của ông. Trải nghiệm thần bí này, khiến ông rơi nước mắt vì sung sướng, quá mãnh liệt và quyết định đối với ông đến nỗi ông đã ghi lại nó trên một tờ giấy, được đề ngày tháng chính xác, "Tưởng niệm", mà ông đã khâu vào trong lớp lót áo khoác của mình, chỉ được phát hiện sau khi ông qua đời. Mặc dù không thể biết chính xác bản chất của những gì đã diễn ra trong tâm hồn Pascal đêm hôm đó, nhưng dường như đó là một cuộc gặp gỡ mà chính ông thừa nhận là tương tự như cuộc gặp gỡ, vốn làm nền cho toàn bộ lịch sử mạc khải và cứu độ, mà Môsê đã trải qua trong sự hiện diện của bụi gai bốc cháy (x. Xh 3). Thuật ngữ “LỬA”, [39] mà Pascal đặt làm tiêu đề của “Tưởng niệm”, nói một cách tương đối, mời gọi chúng ta thực hiện việc so sánh này. Sự song hành dường như được chỉ ra bởi chính Pascal, người ngay sau khi gợi lên lửa, đã nhắc lại danh xưng mà Chúa đã tự gán cho Người trước mặt Môsê – “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6.15) – và rồi viết thêm: “không phải của các triết gia và các nhà thông thái. Sự chắc chắn. Sự chắc chắn. Cảm giác. Vui sướng. Hòa bình. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô”.

Thiên Chúa của chúng ta thực sự là niềm vui, và Blaise Pascal làm chứng điều này trước toàn thể Giáo hội và trước tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa. “Đây không phải là Thiên Chúa trừu tượng hay Thiên Chúa vũ trụ, không. Đây là Thiên Chúa của một con người, của một ơn gọi, Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp, Thiên Chúa là sự chắc chắn, là tình cảm, là niềm vui”. [40] Cuộc gặp gỡ đêm đó, đã khẳng định cho Pascal “sự cao cả của tâm hồn con người”, khiến ông choáng ngợp với cùng một niềm vui sống động và khôn dò: “Niềm vui, niềm vui, niềm vui, những giọt nước mắt của niềm vui”. Và niềm vui thần thiêng đó đối với ông đã trở thành một cơ hội để xưng tội và cầu nguyện: “Chúa Giêsu Kitô. Con đã tách mình ra khỏi Người. Con chạy trốn Người, bác bỏ Người, đóng đinh Người. Xin cho con không bao giờ xa cách Người”. [41] Kinh nghiệm của Pascal về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu Kitô đã đích thân chia sẻ lịch sử của chúng ta và không ngừng chia sẻ cuộc sống của chúng ta, đã đặt Pascal trên con đường hoán cải sâu sắc, một cuộc sống bác ái và do đó là “sự từ bỏ hoàn toàn và ngọt ngào” [42] của “con người cũ, đồi bại và bị dục vọng của nó lừa dối” (Ep 4:22).

Như Thánh Gioan Phaolô II đã lưu ý trong thông điệp của ngài về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, “các triết gia như Pascal” nổi bật vì họ bác bỏ mọi giả định, cũng như vì lập trường khiêm tốn và can đảm của họ. Họ nhận ra rằng “đức tin giải phóng lý trí khỏi sự tự phụ”. [43] Chắc chắn, trước đêm 23 tháng 11 năm 1654, Pascal “không bao giờ nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông cũng biết rằng Thiên Chúa là sự thiện tối cao… Điều ông thiếu và khao khát không phải là nhận thức mà là sức mạnh; không phải sự thật, mà là sức mạnh”. [44] Sức mạnh đó giờ đây đã được ân sủng ban cho ông, và ông cảm thấy mình được kéo đến với Chúa Giêsu Kitô một cách chắc chắn và vui mừng: “Chúng ta chỉ biết Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Không có người trung gian này, mọi liên lạc với Thiên Chúa đều bị tước mất”. [45] Khám phá Đức Giêsu Kitô là khám phá Đấng Cứu Độ và Đấng Giải Thoát mà tôi cần: “Thiên Chúa này không gì khác hơn là Đấng cứu chuộc những đau khổ của chúng ta. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể thực sự biết Thiên Chúa bằng cách biết sự gian ác của mình”. [46] Cũng như mọi cuộc hoán cải đích thực, cuộc hoán cải của Blaise Pascal diễn ra trong sự khiêm tốn, giúp chúng ta “khỏi sự hẹp hòi và chỉ quan tâm đến bản thân”. [47]

Trí thông minh rộng lớn và không ngừng nghỉ của Blaise Pascal, tràn ngập bình an và niềm vui trước sự mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, mời gọi chúng ta, theo “mệnh lệnh của trái tim”, [48] tiến tới ánh sáng rực rỡ của “những ánh sáng thiên đường này”. [49] Vì nếu Thiên Chúa của chúng ta là một “Thiên Chúa ẩn giấu” (x. Is 45:15), thì đó là bởi vì Người “muốn ẩn mình” [50] theo cách mà lý trí của chúng ta, được soi sáng bởi ân sủng, sẽ không bao giờ dừng lại trong cuộc tìm kiếm được Người. Do đó, chính nhờ sự soi sáng của ân sủng mà chúng ta biết được Người. Tuy nhiên, tự do con người của chúng ta phải cởi mở với điều này, và thực sự Chúa Giêsu đã an ủi chúng ta bằng những lời này: “Các ngươi đã không tìm kiếm Ta nếu các ngươi không gặp được Ta”. [51]

Còn 1 kỳ
 
Tông thư Sublimitas et Miseria Hominis của Đức Phanxicô nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal 2
Vũ Văn An
15:20 21/06/2023

Trật tự của trái tim và các lý lẽ để tin của nó

Theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “truyền thống Công Giáo ngay từ đầu đã bác bỏ điều gọi là chủ nghĩa duy tín [fideism], tức là mong muốn tin chống lại lý trí”. [52] Pascal cũng gắn bó sâu sắc với “tính hợp lý của đức tin vào Thiên Chúa”, [53] không chỉ bởi vì “tâm trí không thể bị buộc phải tin vào những gì nó biết là sai”, [54] mà còn bởi vì “nếu chúng ta phủ nhận các nguyên tắc của lý trí, tôn giáo của chúng ta sẽ là vô lý và lố bịch”. [55] Tuy nhiên, trong khi đức tin là hợp lý, nó vẫn là một hồng ân của Thiên Chúa và không thể bị áp đặt. “Chúng ta không chứng minh rằng chúng ta nên được yêu thương bằng cách nêu ra những lý do tại sao; điều đó thật lố bịch”, [56] Pascal nói với chúng ta bằng sự hài hước tinh tế của mình, so sánh tình yêu của con người với cách Thiên Chúa vẫy tay mời gọi chúng ta. Giống như tình yêu con người, “đề xuất nhưng không bao giờ áp đặt – tình yêu Thiên Chúa không bao giờ áp đặt chính nó”. [57] Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật (x. Ga 18:37), nhưng “từ chối dùng vũ lực áp đặt lên những người lên tiếng chống lại nó”. [58] Đó là lý do tại sao “có đủ ánh sáng cho những ai chỉ muốn nhìn thấy, và đủ bóng tối cho những ai có ý định ngược lại”. [59]



Pascal tiếp tục nói rằng “đức tin khác với bằng chứng. Một điều là nhân bản, điều kia là quà tặng của Thiên Chúa”. [60] Do đó, không thể tin “trừ khi Thiên Chúa hướng lòng về”. [61] Mặc dù đức tin cao hơn lý trí, nhưng không có nghĩa là đức tin đối lập với lý trí; đúng hơn, đức tin vô cùng vượt trên lý trí. Khi đọc tác phẩm của Pascal, trước tiên chúng ta không bắt gặp lý trí làm sáng tỏ đức tin, mà một Kitô hữu có tính luận lý học chặt chẽ tuyệt vời giải thích về một trật tự, được Thiên Chúa thiết lập một cách nhân từ, vượt quá lý trí: “Khoảng cách vô tận giữa thể xác và tâm trí tượng trưng cho khoảng cách vô cùng vô hạn hơn giữa tâm trí và đức ái, vì điều sau có tính siêu nhiên”. [62] Là một nhà khoa học chuyên về hình học, khoa học về các vật thể định vị trong không gian, và một nhà toán học chuyên về triết học, khoa học về trí óc được định vị trong lịch sử, Blaise Pascal, được soi sáng bởi ân sủng của đức tin, có thể tóm tắt toàn bộ kinh nghiệm của mình trong những lời này: “Từ tất cả các cơ thể gộp lại với nhau, người ta không thể thành công trong việc tạo ra một ý nghĩ nhỏ bé. Điều đó là không thể vì thuộc một trật tự khác. Từ mọi cơ thể và tâm trí, người ta không thể rút ra một xung lực bác ái thực sự. Điều đó là không thể vì thuộc một trật tự siêu nhiên khác”. [63]

Bản thân các hoạt động của hình học cũng như lý luận triết học đều không cho phép chúng ta đạt được một “cái nhìn rất rõ ràng” về thế giới hoặc về bản thân chúng ta. Những người bị mắc kẹt trong các chi tiết tính toán của họ không được hưởng lợi từ quan điểm tổng thể cho phép chúng ta “thấy tất cả các nguyên tắc”. Đó là nhiệm vụ của “tinh thần tinh tế” [spirit of finesse] mà Pascal đề cao, vì khi cố gắng nắm bắt thực tại, “người ta phải ngay lập tức nắm bắt mọi thứ trong nháy mắt”. [64] Tầm nhìn trực quan này có liên quan đến điều được Pascal gọi là “trái tim”. “Chúng ta biết sự thật không những bằng lý trí mà hơn thế nữa bằng trái tim; chính nhờ trái tim mà chúng ta mới biết được những nguyên tắc đầu tiên, và quả là vô dụng khi việc lý luận, vốn không có phần nào trong đó, cố gắng bác bỏ chúng”. [65] Những sự thật được Thiên Chúa mạc khải – chẳng hạn như sự kiện Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta, là tình yêu, Người là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Người đã nhập thể trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta – là những điều không thể chứng minh bằng lý trí. Chúng chỉ có thể được biết đến bằng sự chắc chắn của đức tin, và rồi ngay lập tức chuyển từ trái tim thiêng liêng sang trí tuệ hữu lý, là trí tuệ biết thừa nhận sự thật của chúng và ngược lại có thể giải thích chúng. “Đây là lý do tại sao những người được Thiên Chúa ban cho đức tin tôn giáo bằng cách đánh động trái tim của họ thực sự được ban phước và được thuyết phục đúng đắn”. [66]

Pascal không bao giờ cam chịu sự kiện một số người nam và người nữ không những không biết Chúa Giêsu Kitô, mà còn coi thường việc coi trọng Tin Mừng, vì lười biếng hoặc vì đam mê của họ. Vì trong Chúa Giêsu Kitô, chính cuộc sống của họ đang bị đe dọa. “Sự bất tử của linh hồn rất quan trọng đối với chúng ta, một điều đụng đến chúng ta một cách sâu sắc đến mức chúng ta cần phải mất hết cảm giác mới không quan tâm đến việc biết điều gì đang bị đe dọa… Và đó là lý do tại sao, trong số những người không tin vào điều này, tôi sẽ phân biệt rõ ràng giữa những người nỗ lực hết sức để điều tra nó và những người sống cuộc sống của họ mà không quan tâm hay nghĩ đến nó”. [67] Chúng ta biết rất rõ rằng chúng ta thường cố gắng chạy trốn cái chết, hoặc vượt qua nó, nghĩ rằng chúng ta có thể “xua đuổi ý nghĩ về sự hiện hữu có hạn của mình” hoặc “loại bỏ sức mạnh của nó và xua tan nỗi sợ hãi. Nhưng đức tin Kitô giáo không phải là một cách xua đuổi nỗi sợ chết; đúng hơn, nó giúp chúng ta đối diện với cái chết. Sớm muộn gì tất cả chúng ta cũng sẽ bước qua cánh cửa đó… Ánh sáng đích thực chiếu soi mầu nhiệm sự chết đến từ sự phục sinh của Đức Kitô”. [68] Chỉ có ơn Chúa mới giúp cho tâm hồn con người nhận biết Thiên Chúa và sống đức ái. Điều này khiến một nhà bình luận quan trọng về Pascal trong thời đại của chúng ta đã viết rằng “tư tưởng không trở thành Kitô giáo trừ khi nó đạt đến điều mà Chúa Giêsu Kitô đã mang lại, đó là đức ái”. [69]

Pascal, tranh cãi và đức ái

Trước khi kết thúc, tôi phải đề cập đến mối quan hệ của Pascal với chủ thuyết Jansen. Một trong những chị em gái của ông, Jacqueline, đã bước vào đời sống tu trì ở Port-Royal, trong một dòng tu mà nền thần học chịu ảnh hưởng rất nhiều của Cornelius Jansen, người có chuyên luận Augustinus xuất hiện vào năm 1640. Vào tháng 1 năm 1655, sau “đêm lửa” của ông, Pascal thực hiện một cuộc tĩnh tâm tại tu viện Port-Royal. Trong những tháng sau đó, một cuộc tranh luận quan trọng và kéo dài về cuốn Augustinus đã nảy sinh giữa các tu sĩ Dòng Tên và “những người theo chủ thuyết Jansen” tại Sorbonne, đại học Paris. Cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh vấn đề ân sủng của Thiên Chúa và mối quan hệ giữa ân sủng và bản chất con người, đặc biệt là ý chí tự do của chúng ta. Pascal, mặc dù không phải là thành viên của cộng đoàn Port-Royal, cũng không đứng về phía nào – như ông đã viết, “Tôi đơn độc…. Tôi hoàn toàn không phải là một phần của Port-Royal” [70] – được những người theo chủ thuyết Jansen trao cho việc bảo vệ họ, nhờ kỹ năng hùng biện xuất sắc của ông. Ông đã làm như vậy vào năm 1656 và 1657, xuất bản một loạt mười tám trước tác gọi là Thư Gửi Người Ở Tỉnh[The Provincial Letters].

Mặc dù một số mệnh đề được coi là “đi theo chủ thuyết Jansen” thực sự trái ngược với đức tin, [71] một sự kiện mà chính Pascal đã thừa nhận, ông khẳng định rằng những mệnh đề đó không có trong Augustinus hoặc được chủ trương bởi những người có liên quan đến Port-Royal. Dù là vậy, một số tuyên bố của riêng ông, chẳng hạn như những tuyên bố về tiền định, được rút ra từ thần học sau này của Thánh Augustinô và được Jansen trình bày nghiêm túc hơn, vẫn không đúng. Tuy nhiên, chúng ta nên nhận ra rằng, giống như Thánh Augustinô đã tìm cách chống lại những người Pêlagiô vào thế kỷ thứ năm, những người tuyên bố rằng con người có thể, bằng sức mạnh của chính mình và không cần ân sủng của Thiên Chúa, vẫn làm được điều tốt và được cứu rỗi, Pascal cũng vậy, về phần mình, chân thành tin rằng ông đang chiến đấu với thuyết Pêlagiô hoặc thuyết bán Pêlagiô [semipelagian] tiềm ẩn trong những lời dạy của các tu sĩ Dòng Tên theo chủ thuyết Molina (Molinist), được đặt theo tên của nhà thần học Luis de Molina, người đã qua đời vào năm 1600 nhưng vẫn còn khá nhiều ảnh hưởng vào giữa thế kỷ XVII. Chúng ta nên ghi công Pascal về sự thẳng thắn và chân thành trong ý định của ông.

Thư này không phải là nơi để mở lại vấn đề. Mặc dù vậy, điều mà Pascal đã cảnh cáo một cách đúng đắn vẫn là nguồn gốc gây lo ngại cho thời đại của chúng ta: một “chủ thuyết tân Pêlagiô” [72] khiến mọi sự phụ thuộc vào “nỗ lực của con người được dẫn dắt bởi các quy tắc và cấu trúc của giáo hội” [73] và có thể được công nhận bởi sự kiện nó “khiến chúng ta say sưa với giả định cho rằng sự cứu rỗi kiếm được nhờ nỗ lực của chính chúng ta”. [74] Cũng cần chỉ ra rằng quan điểm cuối cùng của Pascal về ân sủng, và đặc biệt là việc Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2:4), đã được nêu ra theo cách hoàn hảo của Công Giáo vào cuối đời ông. [75]

Như tôi đã lưu ý trước đó, Blaise Pascal, khi kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng phong phú và hữu hiệu, đã đặt tình yêu thương của anh chị em mình lên trên tất cả. Ông cảm thấy và biết rằng ông là một phần của một cơ thể, bởi vì “Thiên Chúa, sau khi tạo ra trời và đất vốn không ý thức được hạnh phúc của sự hiện hữu của chúng, muốn tạo ra những hữu thể biết hạnh phúc đó và tạo nên một cơ phận gồm các thành viên biết suy nghĩ". [76] Pascal, với tư cách là một Kitô hữu giáo dân, đã thưởng thức niềm vui của Tin Mừng, nhờ đó Chúa Thánh Thần muốn chữa lành và làm phong phú “mọi khía cạnh của nhân loại” và mang “mọi người nam nữ đến cùng một bàn tiệc với nhau trong Nước Thiên Chúa”. [77] Vào năm 1659, khi soạn Lời cầu nguyện tuyệt vời Cầu xin Chúa sử dụng bệnh tật đúng cách, Pascal là một người bình an, không còn tham gia vào các cuộc tranh cãi hay thậm chí hộ giáo nữa. Bị bệnh nặng và sắp chết, ông xin được rước lễ, nhưng điều đó không thể thực hiện ngay được. Vì vậy, ông đã xin chị gái mình: “vì em không thể rước lễ đầu [Chúa Giêsu Kitô] được nên em muốn rước lễ các chi thể”. (78) Ông “rất muốn được chết cùng với những người nghèo.” (79) Người ta nói về Pascal, ngay sau khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19 tháng 8 năm 1662, rằng “ông đã chết với sự đơn sơ của một đứa trẻ.” (80) Sau khi lãnh nhận các bí tích, lời cuối cùng của ông là: “Xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con”. (81)

Chớ gì tác phẩm xuất sắc của Blaise Pascal và mẫu gương cuộc đời của ông, vốn đắm chìm sâu xa trong Chúa Giêsu Kitô, giúp chúng ta kiên trì đến cùng trên con đường chân lý, hoán cải và bác ái. Vì cuộc đời này qua đi trong chốc lát: “Niềm vui vĩnh cửu đổi lấy một ngày nỗ lực trên trái đất”. [82]

Rôma, Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 19 tháng 6 năm 2023

Phanxicô

______________________________________________________

[1] Pensées, B 72, L 199. Trong các trích dẫn từ Pensées sau đây, các chữ cái B và L lần lượt đề cập đến cách đánh số Brunschvicg và Lafuma.

[2] G. Perier, Vie de M. Pascal [Cuộc Đời của M. Pascal] trong Œuvres complètes [các Tác phẩm trọn bộ], par M. Le Guern, I, Paris, 1998, 91.

[3] Pensées, B 670, L 270.

[4] B 425, L 148.

[5] B 546, L 417.

[6] Entretien avec M. de Sacy [Đối thoại với M. de Sacy], trong Œuvres complètes, par M. Le Guern, II, Paris, 2000, 90.

[7] Pensées (Mémorial [Tưởng niệm]), L 913.

[8] Pensées (Le Mystère de Jésus [Mầu nhiệm Chúa Giêsu]), B 582, L 926.

[9] Tông Huấn Gaudete et Exsultate [hãy hân hoan nhẩy mừng], 65.

[10] Sđd., 167.

[11] Pensées, B 187, L 12.

[12] G. Perier, sđd, 64.

[13] X. Sđd., 65.

[14] Sđd.

[15] “Pascal”, trong: The Glory of the Lord, A Theological Aesthetics III: Lay Styles [Vinh quang của Chúa, thần học thẩm mỹ III: Phong cách giáo dân]. San Francisco; New York: Ignatius Press, Crossroads Publications, 1986, tr. 182.

[16] Pensées, B 764, L 307.

[17] B 282, L 110.

[18] B 331, L 533.

[19] Pascal, Entretien avec M. de Sacy, sđd, 98.

[20] X. Pensées, B 435, L 208.

[21] B 347, L 200.

[22] B 72, L 199.

[23] B 194, L 427.

[24] Tông huấn Evangelii Gaudium [niềm vui Tin Mừng], 231.

[25] Pensées, B 358, L 678.

[26] Tông huấn Evangelii Gaudium, 232.

[27] Pensées, B 397, L 114.

[28] B 409, L 117.

[29] B 194, L 427.

[30] B 139, L 136.

[31] B 131, L 622.

[32] B 425, L 148.

[33] B 398, L 116.

[34] B 434, L 131.

[35] B 443, L 613.

[36] B 430, L 149.

[37] H.U. Vov Balthasar, sđd, tr. 186.

[38] Pensées, B 430, L 149.

[39] Pensées (Mémorial), L 913.

[40] Giáo lý, ngày 3 tháng 6 năm 2020.

[41] Pensées (Mémorial), L 913.

[42] L 913.

[43] Thông điệp Fides et Ratio [Đức tin vàLý trí] (14 tháng 9 năm 1998), 76: AAS 91 (1999), 64.

[44] H. Gouhier, Blaise Pascal. Commentaires [Blaise Pascal, Các Bình luận], Paris, 1971, 44-45.

[45] Pensées, B 547, L 189.

[46] Sđd.

[47] Tông huấn Evangelii Gaudium, 8.

[48] X. Pensées, B 283, L 298.

[49] B 435, L 208.

[50] B 585, L 242.

[51] Pensées (Le Mystère de Jésus), B 553, L 919.

[52] Giáo Lý, 21 tháng 11, 2012.

[53] Sđd.

[54] Pascal, Entretien avec M. de Sacy, sách đã dẫn, tr. 87.

[55] Pensées, B 273, L 173.

[56] B 283, L 298.

[57] Bài giảng Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, ngày 20 tháng 11 năm 2022.

[58] Công đồng Vatican II, Tuyên bố Dignitatis Humanae [Phẩm giá Con người], 11.

[59] Pensées, B 430, L 149.

[60] B 248, L 7.

[61] B 284, L 380.

[62] B 793, L 308.

[63] B 793, L 308.

[64] B 1, L 512.

[65] B 282, L 110.

[66] Sđd.

[67] B 194, L 427.

[68] Giáo lý, ngày 9 tháng 2 năm 2022.

[69] J.-L. Marion, La Métaphysique et après [Siêu hình học và sau đó], Paris, 2023, 356.

[70] Dix-septième lettre provinciale (Thư thứ 17 gửi người ở tỉnh], trong Œuvres complètes, par M. Le Guern, II, Paris, 2000, 781.

[71] X. B. Neveu, L’erreur et son juge: remarques sur les censures doctrinales à l’époque moderne [Sai lầm và thẩm phán của nó: các nhận xét về việc kiểm duyệt tín lý vào thời hiện đại], Naples, 1993.

[72] Bộ Giáo lý Đức tin, thư Placuit Deo [đẹp lòng Thiên Chúa] (22 tháng 2 năm 2018); Tông Huấn Gaudete et Exsultate, 57-59.

[73] Tông Huấn Gaudete et Exsultatee, 59.

[74] Tông Thư Desiderio Desideravi [Rất mong muốn], 20.

[75] X. Pensées (Le Mystère de Jésus), B 550, L 931. Những chữ đầu tiên - “Tôi yêu tất cả mọi người như anh em của tôi, vì tất cả đều được cứu chuộc” - bị gạch bỏ trong ấn bản Lafuma.

[76] B 482, L 360.

[77] Tông huấn Evangelii Gaudium, 237.

[78] G. Perier, sách đã trích dẫn, trang 92-93.

[79] Sđd., 93.

[80] ID. Sách đã dẫn, tr. 90.

[81] Sđd., tr. 94.

[82] Pensées (Mémorial), L 913.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video : Đức Tin của các tín hữu thuở ban đầu tại Ba Giồng
Media TGP Sài Gòn
09:39 21/06/2023
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mau Mau Đi Tryền Giáo
Phó tế Phạm Bá Nha
08:59 21/06/2023
Mau Mau Đi Tryền Giáo


Xin mượn chuyện ‘Đức Maria viếng thăm bà Elisabeth’ (Lc 1, 29-56) viết bài. Ý nghĩa của đầu bài

Trong bản văn ghi ‘vội vã’ (c. 29) là bỏ dở công việc nhà đi thăm bà Elisabeth, ở lại ‘3 tháng’ là ‘Truyền giáo’ (c. 56). Chúng tôi dùng điệp ngữ ‘mau mau’ có nghĩa ‘gấp, lập tức, cần thiết’

Vì ‘Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt’ (Mt 1, 37)

Tình hình bách hại hiện nay, theo quan sát nhân quyền thì 3 nơi đang tìm cách triệt hạ Công Giáo.

- Cộng sản Trung Quốc phản bác thỏa ước Trung Quốc-Vatican, Giáo Hội Công Giáo đối mặt với nhiều hình thức đàn áp, cấm đoán giáo dân tham dự nghi lễ phụng tự. Giáo Hội Tự Trị của chính quyền ra mặt hống hách khắp nơi. Ngày 14.2.22, bản cáo trạng tại HK, 63 trang, tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền và tôn giáo.

-Đầu 2022, tại Kiev, IRF (Tự Do Tôn Giáo) cho biết từ ngày chiếm đánh Ukraine, Nga đã áp dụng triệt phá 500 trụ sở phụng thờ, địa điểm các tôn giáo, nhắm vào giáo sỹ, tăng gấp đôi. Quân Nga gia tăng bạo lực phá huỷ mọi nơi.

-Tại Yemen chính quyền độc tài bắt giữ nhiều linh mục nữ tu. Họ trở thành ‘tử đạo’ bênh vực quyền lợi Giáo Hội La Mã. Là nhân chứng đức tin sống động, hạt giống hòa bình-giải giữa các dân tộc cho thế giới nhân quyền bình đẳng. Vùng đất thiệt hại kém phát triển nhất thế giới.

Theo Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tề Hoa Kỳ (USCIRRF) thì tình hình các tôn giáo ngày càng tồi tệ. Năm 2022, các quốc gia trong danh sách cần quan tâm (CPC) : Afganistan, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Nga, Myanmar, Eritrea, Cộng Hòa Trung Phi, Bắc Hàn, Nicaragua, Iran, Pakistan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Sri Lanka, Iraq, Malaysia, VN (Vietcatholic.net 10.5.2023)

Tron danh sách, VN rõ nét nhất Lm Giuse Trần Ngọc Thanh OP, 41 tuổi, bị giết ở Kontum, 29.1.1922 (Tđd, 20.2,22; ns DĐGD, 244, 3, 22, tr.8)

Chính Chúa Giêsu ao ước anh em dược sai đi…(x.Mc 6, 6) là muối… (x. 5,13-15), phải sống chân chính…bố thí…tin tưởng… cầu nguyện (x. Mt 6, 1; 5; 16) tiên báo bị bách hại (x. Mt 5,10) và hứa phần thưởng lớn lao (x. Mt 5, 12) truyền gíao của Chúa Giêsu, nói trong Phúc m

Hội Đồng Giám Mục VN họp kỳ I, 17-21. 4. 2023, tại trung tâm mục vụ GpVinh, bàn về 10 vấn đề. Có bàn thảo về truyền giáo, số 2 (tự sắc Vos Estis Lux Mundi. Con là Ánh Sáng và Muôn Dân của ĐGH Phanxico) và số 3. Kỳ II, sẽ họp 25-29.9.23 (ns DĐGD, 295, tr. 75)

ĐGH Phanxico Trong kinh Truyền Tin, 22.1. 2023, ngày Chúa Nhật Lời Chúa. ĐGH Phanxicô dựa vào Tin Mừng : Các anh hãy theo tôi (c. 19), tôi sẽ làm cho các anh những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức, hai ông (Simon Phêrô và Anrê) bỏ chài mà theo Ngài (c, 20) (Mt 4, 12-23) thuật lại lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Thiên Chúa đã đặt hạt giống đức tin nơi họ (x. Ga 1, 35-39). Chúa luôn gần, tìm kiếm chúng ta sống, mở rộng đó nhận lời mời gọi. Chúng ta cần có sớm muộn quyết định bỏ mọi sự để theo Chúa. Dấn thân là bỏ lại sau lưng, hay giữ lại, đi vào phiêu lưu nguy hiểm, đe dọa. Chấp nhận có rủi ro trong cuộc sống đức tin. (Vietcatholic 22. 1.2023)

Lần khác, trong kinh Truyền Tin, 19.4.2023, tiếp tục bài Giáo Lý về “Đam Mê Truyền Giáo’’, nói : chúng ta hãy nhớ đến các Thánh Tử Đạo (truyền giao) là anh hùng, bông hoa trong vườn nho của Chúa. Họ sống trong chiến tranh bị lãng quên, như Yemen bao nhiêu nữ tu đã hy sinh cả mạng sống cho mọi người. Lối tiếp nhau, lớp lớp đừng quên nhiệm vụ quan trọng và cao qúi này. Cầu nguyện tiếp tục cho sứ vụ truyền giáo ngày nay (Vietcatholic.net 21.2. 23)

Xin kể lại gương truyền giáo của Thày Giảng thời bách đạo.

Năm 1630, vì nhu cầu, các Thừa Sai bị hiểu lầm, thiếu người, được Chúa Thánh Thần soi sáng, Hai Thày Giảng, trụ sở đầu ở Hội An, do các Cha Thừa Sai tuyển chọn trong giáo dân, độc thân, nhiệt thành, thông thạo kinh bổn. Mới đầu, các Cha gọi họ bằng tên thánh. Rải rác các nơi, có thày Anrê (ở Phú Yên, tử đạo đầu tiên, 1644). Thày Phanxico được chọn làm bề trên, thày Inhaxio và Vincentê (Hội An), Mathêu, Augustino và Alexi (Hải Phố, Nước Mặn, Qui Nhơn), Antôn, Martino (Bố Chánh, Thanh Hóa) …các thày chia nhau thăm các giáo đoàn. Được giáo dân đón tiếp, cất nhà nguyện, có khi dùng nhà mình, kêu gọi dân chúng đến học đạo, giáo lý, dự lễ. Kết quả thật mừng :

Năm 1650, lễ thánh Inhaxio, 31.7, tại nhà thờ Hội An, Hải Phố, có 3 thày Giảng gia nhập Hội, trong đó có thày Augustino và 10 người được Cha Buzomi rửa tội. Từ đây, Thày Augustino theo Cha Buzomi đi truyền giáo. (Bùi Đức Sinh. Giáo Hội Công Giáo. Q1+2, tr. 110)

Năm 1658, Trịnh Tạc đuổi các Thừa Sai về Macao. Giáo dân nhiệt thành vây quanh các thày Giảng, tập trung tín hữu đọc kinh trong đêm, xưng tội, lén lút gặp các Cha, xin rửa tội. (sđd, tr. 206)

Thày Martino, ở Thanh Hóa, có 3 tháng, rửa tội được 3 ngàn (sđd, tr.52)

Tháng 3.1629, Cha Đắc Lộ bị trục xuất khỏi Nghệ An, mọi việc trao lại cho thày Phanxico, Anrê và Luca. Các thày Giảng có sáng kiến lập ‘‘Nhà Đức Chúa Trời’’, còn gọi là ‘‘nhà Thày’’ gồm thanh niên, trong xứ, phụ giúp các Thày Giảng trông coi xứ đạo.

Tháng 12. 1640, Cha Đắc Lộ trở lại Phú Yên. Sử ghi lại : Họ khao khát Lời Chúa và ơn thánh Bí Tích từ lâu mà không được lãnh nhận. Suốt ngày cha bận giải tội, quên ăn quên ngủ, lo cho tân tòng, ngồi tòa giải tội, thăm gia đình. Lúc bấy giờ có 70 thày Giảng. Làm những gì mà các Cha không làm được. Nhiều họ đạo mới lập. (sđd. tr 163)

Nhiểu hình ảnh khắc sâu trong tâm trí chúng ta về một số vị nhân chứng trong muôn vàn Vị say mê truyền giáo

Các phụ nữ vần tảng đá trước mồ Thánh (x. Mt 27, 66)

Có thể nói các phụ nữ này là các nhà truyền giáo đầu tiên trong Giáo Hội. Nhờ các bà loan Chúa đã sống lại thật. Điểm căn bản giáo lý Công Giáo. Cái chết của Chúa Giêsu trước mặt mọi ngưởi là thất bại, kết thúc thảm đạm đau thương. Sự ngã lòng buồn chán của các Tông Đồ làm u ám tích tụ trong mọi người. Thánh Giá và tảng đá là niềm hy vọng cuối cùng. Các bà đã lăn ra và loan báo cho mọi người về Chúa Sống lại. Công đầu của các bà thật lớn lao và giá trị cao. (Vietcatholic 5.4.2023)

Hai Tông Đồ Trên Đường Emmau

-Trên đường đi Emmau. Họ theo Chúa lên Núi Sọ. Đến Phục Sinh thì họ bỏ Chúa tách khỏi nhóm 11. Họ buồn chán, thất vọng, vì Đấng Cứu Chuộc họ tin tưởng thất bại. Họ trách “người khách lạ” đến gần cùng đi, “ông” là người không biết, chuyện xẩy ra đã 3 ngày. Họ không nhìn ra chính người khách chính là Chúa Phục Sinh (Vietcatholic 15.3.2023)

-Dừng chân, vào quán trọ ngồi vào bàn ăn. Hai môn đệ cố giữ khách lạ “vì lòng chúng ta đã chúng ta đã chẳng bùng cháy lên cao”. Trong bàn, người khách lạ là “chủ tiệc”. Qua cử chỉ bẻ bánh các môn đệ nhận ra người khách chính là Chúa Phục Sinh. (Vietcatholic 15.3.2023)

-Lại lên đường trở về cộng doàn đức tin cũ, nơi họ đã bỏ đi. Nhờ ơn Thánh Linh, cộng đoàn nuôi hy vọng, cùng đi rao giảng Tin Mừng

3)Thánh Phaolô nhiệt thành (Gl 4, 17) sau khi ngã ngựa, sai hướng, xác minh: Nhiệt thành truyền giáo là không trễ nải. Lấy lại tinh thần phục vụ anh em (Rm 12, 11). Đức tin anh em hệ tại quyền năng Thiên Chúa (x, 1Cr 2, 4-5). (Vietcatholic 12.4.2023)

4) Các vị Tử Đạo thuộc mọi thời không sợ chết, can đảm tuyên xưng đức tin là truyền giáo. (Vietcatholic 19.4.2023)

5)Công Đồng Vatican II nhấn mạnh: Bổn phận hàng dầu “Di Truyền Giáo”. Sau khi Phục Sinh Chúa sai các Tông Đồ vào thế gian. Ban cho các Ông quyền năng Chúa Thánh Thần. Bản chất ơn gọi Kitô hữu là làm Tông Đồ. (Vietcatholic 15.3.2023)

6)Thánh Phanxico Xaviê, Dòng Tên, bỏ gia tài giàu sang qua truyền giáo tại Á Châu và bỏ mình tại đây vì đoàn chiên.

Thánh Anrê Kim TeGon, là vị Thánh Tử Đạo đầu tiên của Đại Hàn, được phong thánh 1984 cùng với 111 Vị khác. Thời bách hại khốc liệt…Cha đã nhiệt thành đến nhà kín đáo bí mật loan báo Tin Mừng. Cha đã theo tín hiệu riêng (báo trước, ghi trên trang phục hay trên tay). Nguy hiểm nếu bị phát giác. Khi còn là chủng sinh Anrê Kim lén lút đưa linh mục truyền giáo vào nướ. Có lần Kim ngã gục vì đói. Bỗng có tiếng “Chỗi Dậy, Bước Đi” (Vietcatholic 24.5.2023)

Đc François Pallu (1626-1684) và Đc Lambert de la Motte (1624-1679) là hai giám mục đại diện cho các nhà truyền giáo vào VN. Nối tiếp, nhiều Vị đã quên mình bỏ quê hương cho cánh đồng lúa vàng rụng hạt. Ngoài làm tròn bổn phận rao giảng Lời Chúa, các ngài thành lập cộng đoàn, chương trình đào tạo đội ngũ hàng giáo sỹ địa phương của cha Alexandre de Rhodes bỏ dở để lại (Vietcatholic 5.4.2023)

9)Thánh Têrêxa Hài Đồng là bổn mạng các xứ truyền giáo. Chưa bao giờ bước ra khỏi tu viện Cát Minh. Nhưng ý chí truyền giáo mãnh liệt sâu xa. Thánh là bổn mạng các xứ truyền giáo xa xôi, có VN. Têrêxa nhận nhiều gai hơn hoa. Mà luôn mưa ngập hoa hồng ơn lành xuống trần gian, khắp cánh đồng truyền giáo. (Vietcatholic 31.5.2023)

10) Thánh Mateo Ricci, người Ý, (? -1610) mẫu gương tuyệt vời truyền giáo bên Trung quốc. Ngài luôn theo ‘đối thoại, tình bạn, áp dụng kiến thức khoa học’ khi gặp gỡ giáo dân ở Trung Quốc. Cha còn làm chứng đời tu mình nữa. Cha áp dụng tinh thần ‘Ở lại để phục vụ’ của Thánh Phaolô (x. Pl 1, 22-24). (Vietcatholic 31.5.2023)

Cuối bài xin trích đọc thơ Phục Vụ Truyền Giáo của Lm Cung Chi. Xin cho say mê truyền giáo, như ước nguyện.

-…’Đời là phục vụ cho người tha nhân

‘Càng phục vụ càng thấm nhuần

‘Giúp người là cõi hân hoan vô bờ’(theo Tagore)

Cao qúi thay ý thơ ‘phục vụ’

Vì chức Thày Tế phụ xưa nay

Vẫn hàm trong nghĩa đen này

“Không mong người giúp chỉ say giúp người

Lạy Chúa Tể trên trời dưới đất

Cho chúng con tin thật điều này

(Cách riêng cho qúi hai Thày: Thạch, Nha)

“Chúa đang phục vụ hàng ngày chúng con

Cho chúng con, dốc lòng bắt chước

Gương Chúa xưa như đuốc soi đường

Để việc phụ vụ yêu thương

Nên như men muối ướp giòng thời gian

(Phục vụ, 1998)

 
Trung tâm hành hương các vị tử đạo tại Ba Giồng
Media TGP Sài Gòn
09:34 21/06/2023
Trung tâm hành hương các vị tử đạo tại Ba Giồng

WGPSG -- Trong Năm Thánh 2018 tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ở mỗi Giáo tỉnh, Hội đồng Giám mục ấn định một Trung tâm hành hương cho Năm Thánh:

- Vương cung thánh đường Sở Kiện: được chọn làm nơi hành hương năm thánh cho Giáo tỉnh Hà Nội;

- Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang: được chọn làm nơi hành hương năm thánh cho Giáo tỉnh Huế;

- Trung tâm hành hương Ba Giồng (thuộc Giáo phận Mỹ Tho): được chọn làm nơi hành hương năm thánh cho Giáo tỉnh Sài Gòn.

Riêng về Ba Giồng, người ta có thể thấy, tuy nơi này mới được Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc ấn định là nơi hành hương của Giáo phận Mỹ Tho vào năm 2004, nhưng cộng đoàn tín hữu đã có mặt tại đây từ thuở ban đầu của lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nên có thể nói rằng, hành hương nơi này cũng được coi là về thăm một trong những cái nôi của Giáo Hội Việt Nam. Đến đây, người ta có thể chiêm ngắm những ngôi mộ cổ của các tín hữu ghi năm 1663, 1664…

Trung tâm hành hương Ba Giồng nằm trong khuôn viên của nhà thờ giáo xứ Ba Giồng - một họ đạo lâu đời nhất của Giáo phận Mỹ Tho. Lịch sử họ đạo Ba Giồng gắn liền với các biến cố bách hại đạo Công Giáo ở Tây Đàng Trong. Những người dân thuở xưa sống ở nơi này đã từng chứng kiến cảnh tử đạo của rất nhiều tín hữu (1783, 1836, 1861…). Và trong số 117 vị thánh Tử đạo tại Việt Nam, có 2 linh mục phụ trách họ đạo Ba Giồng là cha Philipphê Phan Văn Minh - phục vụ Ba Giồng từ năm 1849 đến 1853, và cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu - phục vụ Ba Giồng từ năm 1852 đến 1861. Cha Phillipphê Minh là vị đầu tiên nằm trong danh sách những linh mục coi sóc họ đạo Ba Giồng.

I. GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH

1. Tên gọi Ba Giồng

Tài liệu “27 vị tử đạo tại Ba Giồng (Mỹ Tho)” của Linh mục M. Hamon (1882) - hiện còn lưu trữ tại Hội Thừa Sai Paris - có nhắc đến sự hình thành tên gọi Ba Giồng như sau:

Ở tỉnh Mỹ Tho có một cánh đồng lầy rộng lớn. Vào mùa mưa, cánh đồng ấy biến thành một hồ nước mênh mông. Ở lối vào đồng lầy này, nước cuốn dồn cát lại như tạo cho mình một rào chắn không thể vượt qua nổi. Với thời gian, những đụn cát ấy cao dần lên. Một cộng đồng nho nhỏ đã dần dần hình thành ngay trên ba giồng cát này, với một rừng tre xanh có ngọn cao vây quanh như một vòng đai xanh, đó chính là xóm nhỏ Ba Giồng.

Thuộc làng Tân Lý Đông, gần chợ Cổ Chi, xóm Ba Giồng không có gì khác biệt với các xóm làng khác: cũng những túp lều người dân An Nam, lợp tranh bé lớn tùy theo mức sống của người dân ở đó. Giữa xóm có một ngôi nhà lớn hơn với cây Thánh Giá nổi bật. Dân cư không giàu sang mà cũng không túng quẫn, hầu như mọi người đều sống bằng lao động của đôi bàn tay, thế nhưng họ có một kho báu mà họ coi trông hơn tất cả mọi của cải giàu sang, đó là Đức Tin.

2. Hình thành Họ đạo Ba Giồng

Tài liệu “27 vị tử đạo tại Ba Giồng” kể tiếp: “Không ai biết xóm đạo được thành lập từ bao giờ. Rất có thể, dân cư đã trở lại đạo từ một thời xa xưa. Các cụ già thường chỉ cho con cháu ngôi mộ của ba thế hệ đã sống trước họ mà tất cả đều là người có đạo Công Giáo”.

Nếu đến thăm Đất Thánh của họ đạo này, ta sẽ thấy có một ‘mộ bia đôi’ ghi niên đại 1663, một mộ bia khác ghi niên đại 1664, và nhiều ngôi mộ cổ ghi chữ Nho mà nay đã lu mờ không thể đọc được. Đặc biệt, có một ngôi mộ xây bằng đá xanh rất đẹp niên hiệu Đinh Hợi 1887 - có câu đối chữ Nho khắc sâu: “Sơn Trung Phương Uất Nhật - Thế Phượng Dĩ Thiên Niên”, tạm dịch: “Giữa núi gặp ngàn mây bay - trần thế đã ngàn năm”, ý nói: “ngàn năm như mây bay”, diễn ý: “Đời người dầu đạt tột đỉnh cũng qua mau như mây khói!”

Một tài liệu khác được lưu trữ tại Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn - là bản tường trình của linh mục F. Demarcq (cha sở họ đạo Tân An 1911), thừa sai Tông Tòa - đã xác định sự hiện diện từ rất sớm của họ đạo Ba Giồng:

“Do tính cách lâu đời của nó, họ đạo này đáng đứng chỗ nhất; tất cả các họ đạo khác tương đối mới có khá gần đây.

“Theo những lời truyền tụng khá chắc chắn, vào khoảng năm 1700 hoặc 1702, dưới triều đại Minh Vương, chừng 20 ghe biển rời bờ Phú Yên, lìa xa các bở biển An Nam, mang theo khoảng 30 gia đình Kitô giáo. Những gia đình này trốn tránh cuộc bắt đạo và trẩy về hướng Nam Kỳ. Ghe ngược dòng tới chỗ bắt đầu cánh đồng lác rộng lớn và dừng lại ở miệng con rạch ngày nay gọi là Rạch Chanh. Rạch Chanh là một con rạch do nước từ đồng lớn tràn xuống kết thành mà trước kia chảy ngang qua những cánh rừng bao la.

“Đầu tiên tất cả các gia đình lập cư ngay trên con rạch này, và ghe lại trở về Phú Yên rước thêm những gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở lại đem theo những Kitô hữu khác còn đông hơn nữa. Những người này cũng lập cư cùng một chỗ với những người đến lần đầu.

“Khu vực này lại ở ngay bên sông, như sự cố sau đây chứng minh: Ngày kia, một vài người đánh cá trong sông thì bị một chiếc thuyền chở ông quan từ Sài Gòn đi Châu Đốc bắt gặp. Họ bị bắt và bị đem đi. Tất cả Kitô hữu khác khiếp sợ, vội vã bỏ nơi ấy để đi sâu vào trong rừng, cho tới Ba Giồng bây giờ và lập cư tại đó. Về sau, nhiều Kitô hữu Phú Yên khác chạy trốn các cuộc bắt đạo cũng đến nhập cư với họ. Ngoài ra, Kitô hữu vùng lân cận Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho cũng đến nhập cư và làm con số giáo hữu lên đến 3.000 người”.

3. Chứng nhân đức tin

Năm 1783 khi bị Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh (Gia Long) có chạy ghé qua Ba Giồng, được dân ở đây cho ăn uống. Chính vì vậy, quân Tây Sơn đã nghi ngờ và giết khoảng 150 người ở họ đạo Ba Giồng.

Năm 1836, trong cuộc bách hại thời vua Minh Mạng (trị vì 1791 - 1841), quan quân đã cho giết khoảng 1700 tín hữu Công Giáo ở Ba Giồng.

Vào thời vua Tự Đức (trị vì 1847 - 1883), vị linh mục từng phục vụ giáo xứ Ba Giồng là cha Philipphê Phan Văn Minh đã bị bắt vào ngày 26-2-1853 tại Mạc Bắc (Vĩnh Long) và bị xử tử vào ngày 7-3-1853 tại pháp trường Đình Khao (Vĩnh Long). Còn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu thì bị bắt vào năm 1860 khi đang là cha sở ở vùng Ba Giồng, và bị chém đầu vào ngày 7-4-1861 tại Mỹ Tho.

Vài ngày sau khi cha Lựu tử đạo, quân Pháp tràn vào Mỹ Tho. Trước khi quan quân Việt Nam rút đi, họ đã quyết định tiêu diệt họ đạo Ba Giồng. Được tin này, giáo dân Ba Giồng tìm cách chạy trốn trong đêm, nhưng hầu hết đã bị bắt lại. 25 người đàn ông của họ đạo Ba Giồng, sau khi tuyên xưng Đức Tin cách mạnh mẽ, đã bị trảm quyết tại căn nhà vuông, trên mảnh đất chợ Cổ Chi, giáp với xã Tân Lý Đông, cách nhà thờ Ba Giồng khoảng hai cây số. Xác các vị Tử Đạo, các quan bắt người lương đem chôn trong cánh đồng bên cạnh chợ; một số được chôn tại một gò đất, nơi đây đồng bào địa phương gọi là “Gò Chết Chém” (Trong một thời gian dài - từ năm 1862 đến 1986 - người ta truyền tụng rằng: trên gò này, cỏ không mọc được, và những tàn cây phủ bóng trên gò cũng bị chết khô. Những lương dân làm ruộng xung quanh có vào đó ngồi nghỉ chân, nhưng không bao giờ dám phóng uế).

Sau khi chém 25 tín hữu và giết 2 người khác khi họ đang chạy trốn (1862), quan án ra lệnh các giáo hữu phải bỏ họ đạo Ba Giồng để đi nơi khác, không ai được ở lại. Còn nhà thờ thì bị phá, cho đến 10 năm sau, cha M. Hamon vâng lệnh Đức Cha Micae về coi sóc họ đạo và lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về nơi an nghỉ tại Đất Thánh ngày 18-6-1872.

II. BA GIỒNG HIỆN NAY

Theo thống kê của họ đạo, vào năm 1976, Ba Giồng chỉ còn khoảng 450 giáo dân. Hiện nay, năm 2018, Ba Giồng có khoảng gần 2.000 giáo dân. Đa số dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng, trồng rẫy, đan giỏ nón... Cuộc sống người dân không khá giả, nhưng cũng không đến nỗi túng quẫn. Một trong những nét đẹp của Ba Giồng là sự thân ái của tình làng nghĩa xóm. Bà con giáo dân sống chan hòa, chân thành với người dân khác tín ngưỡng.

Như đã trở thành một truyền thống, Ba Giồng là một trong những vườn ươm cung cấp cho Giáo hội những hoa thơm trái tốt. Khởi đi từ mảnh đất Ba Giồng, đã có không ít linh mục, tu sĩ dấn thân phục vụ Giáo hội và con người một cách nhiệt thành. Quả đúng như Cha Hamon đã từng nói: “Xóm nhỏ này không có du khách nào đặt chân tới, mà cũng chẳng có nhà địa lý nào biết đến. Nhưng tên tuổi xóm này lại rất đáng được tôn vinh. Chúng ta hãy kính chào đi, vì đây là một vùng đất đã được máu các Thánh Tử Đạo thánh hiến!”

III. NHÀ THỜ BA GIỒNG

Họ đạo Ba Giồng như thế đã có một bề dày lịch sử, được Cha Hamon thuộc Hội Thừa Sai Paris đề cập đến trong “Les Missions Catholiques năm 1882”. Theo cuốn sách này thì trong những thời kỳ đầu tiên, nhà thờ Ba Giồng đã ba lần bị thiêu hủy.

Sau đó, vào năm 1950, nhà thờ Ba Giồng được xây dựng lại từ một lớp học nối dài, chiều dài chỉ có 24 mét, chiều rộng 6 mét, vật liệu bằng vôi cát thô sơ, đã nhiều lần được sửa chữa cho khỏi sụp đổ. Nhưng thời gian mưa nắng và mối mọt tàn phá, xuống cấp không đảm bảo cho việc cử hành có đông giáo dân tham dự.

Năm 1997, Đức Giám Mục Giáo phận cho phép tái thiết thánh đường họ đạo Ba Giồng dâng kính Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Và ngày 16-11-1997, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn (lúc đó là Giám mục Phó Giáo phận Mỹ Tho) đã dâng thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ Ba Giồng.

Ngày 16-3- 2000, nhà thờ họ đạo Ba Giồng với tước hiệu: “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” được Đức Cha Phaolô, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho cung hiến.

LỜI KẾT

Vào năm 2004, Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã công bố: Nhà thờ Ba Giồng là nơi hành hương của Giáo phận Mỹ Tho.

Và vào năm 2018, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ định Trung tâm hành hương Ba Giồng thành địa điểm hành hương cho Giáo tỉnh Sài Gòn trong Năm Thánh 2018 của Giáo Hội Việt Nam.

Để đến với trung tâm hành hương này, từ Sài Gòn, khách hành hương chỉ mất 1 giờ 30 phút - lái xe về hướng miền tây trên quốc lộ 1A, qua Long An khoảng 10km - là có thể thăm viếng và cầu nguyện tại đây. Khách hành hương sẽ có thể tận hưởng bầu khí yên tĩnh với khung cảnh cây xanh mát mẻ và thanh thoát, rồi viếng Thánh Thể tại nhà thờ, đi đàng Thánh Giá, khấn xin trước đài Cha Thánh Lựu… Đặc biệt, ra ngoài khuôn viên nhà thờ, khách hành hương chỉ cần đi bộ 10 phút là tới mộ của những anh hùng tử đạo tại Ba Giồng và cầu nguyện sốt sắng với các ngài…

 
VietCatholic TV
Putin tê tái: Lực Lượng Đặc Biệt Bão Tố Z bị xóa sổ. Tavria: 24 giờ 5 đại đội, 13 xe tăng Nga ra đi
VietCatholic Media
03:10 21/06/2023


1. Nga tăng cường các cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine để giảm áp lực cho vùng Zaporizhzhia. Lực lượng đặc biệt cường kích Z bị xóa sổ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 21 tháng Sáu, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết trong 24 giờ qua đã có 23 vụ đụng độ với lực lượng Nga ở miền đông Ukraine.

Bộ Quốc Phòng Nga đã tuyển mộ một số tù nhân, tổ chức theo hình thức của quân Wagner và cũng áp dụng cùng một chiến thuật tấn công biển người như quân Wagner. Họ gọi đó là “Lực lượng đặc biệt cường kích Z.” Nhóm này đã được tung vào chiến trường thành phố Bakhmut để thay cho quân Wagner. Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết như trên.

Ông nhấn mạnh rằng Nga tiếp tục tập trung vào các khu vực Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka ở khu vực Donetsk để cố làm giảm áp lực cho quân Nga tại khu vực Zaporizhzhia.

Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết trong 24 giờ qua, Nga “đã tiến hành hơn 72 cuộc không kích và bắn 36 lần từ nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn” vào quân đội và các khu định cư của Ukraine ở miền Đông Ukraine.

Riêng ở hướng Lyman–Kupyansk, quân Nga tấn công hơn 20 lần trong ngày qua. Ông nhận định rằng Nga tấn công mạnh ở vùng này nhằm làm giảm áp lực cho khu vực Zaporizhzhia; và cố đạt được ít nhất một số thành công.

Theo Đại Tá Serhiy Cherevatyi, trên chiến trường này, trong 24 giờ qua, 146 lính Nga tử trận và khoảng 200 người khác bị thương. “Đại khái là hai đại đội đã bị loại khỏi vòng chiến trong vòng 24 giờ,” ông nói.

Ông lưu ý rằng hành động của quân xâm lược theo hướng Lyman–Kupyansk rất giống với cách chúng hành động theo hướng Bakhmut, nghĩa là sử dụng nhân lực làm yếu tố tấn công chính.

“Lực lượng tấn công chủ lực của địch là các đơn vị tấn công cận chiến, cái gọi là ‘lực lượng đặc biệt cường kích Z’, chúng tuyển chọn đặc biệt từ bọn tội phạm... Ngoài ra, địch còn tăng thêm lực lượng từ các đơn vị dự bị, và tăng thêm hoạt động của không quân” Đại Tá Cherevaty nói.

Ông báo cáo rằng lực lượng phòng thủ đã đánh trúng một xe tăng T-72 của địch, bốn xe chiến đấu bộ binh, một pháo tự hành Akatsiya, một kho đạn và hai xe tải ở hướng này.

Ba trận giao tranh khác đã diễn ra ở hướng Bakhmut trong ngày qua. Địch đã sử dụng pháo các cỡ và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt hơn 300 lần, và tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay chiến đấu.

“Mặc dù chỉ có 3 cuộc giao tranh ở Bakhmut so với 20 cuộc giao tranh ở hướng Lyman-Kupyansk, các binh sĩ của chúng tôi đã tiêu diệt 99 quân xâm lược, làm bị thương 190 người khác. Sáu trọng pháo và một khẩu pháo tự hành, hai kho đạn và cùng một số sở chỉ huy máy bay không người lái đã bị phá hủy”, Cherevaty nói..

2. Khi cuộc phản công tiếp tục, Kyiv tuyên bố 'Đòn lớn nhất' của Ukraine vẫn chưa xảy ra

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's 'Biggest Blow' Yet To Come, Kyiv Says As Counter Grinds On”, nghĩa là “Khi cuộc phản công tiếp tục, Kyiv tuyên bố 'Đòn lớn nhất' của Ukraine vẫn chưa xảy ra.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar đã thừa nhận thách thức “rất khó khăn” mà quân đội Kyiv phải đối mặt khi cố gắng phá vỡ phòng tuyến của Nga tại nhiều điểm dọc theo mặt trận dài 800 dặm hay 1290km, khi các đơn vị Ukraine tiếp tục đạt được những thành tựu nhỏ trong giai đoạn mở đầu của cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của họ.

Maliar - người là nguồn cập nhật phản công chính của Kyiv kể từ khi chiến dịch được triển khai vào đầu tháng này - nhận xét rằng các lực lượng Nga xâm lược lãnh thổ ở miền nam và miền đông Ukraine sẽ không sụp đổ nếu không có một cuộc chiến.

Cô nói: “Quân phòng thủ của chúng ta rất khó tiến lên vì đối phương đã dốc toàn lực để ngăn chặn cuộc tấn công.

Vài ngày trước, Nữ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói rằng Mạc Tư Khoa đang triển khai lại các đơn vị có khả năng chiến đấu cao nhất từ mặt trận Kherson bị ngập lụt để đối phó với cuộc tấn công của Kyiv, cho đến nay tập trung vào các mặt trận phía đông Donetsk và phía nam Zaporizhzhia.

“Đối phương sẽ không từ bỏ vị trí một cách dễ dàng và chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế rằng đó sẽ là một cuộc đọ sức khó khăn,” Maliar nói thêm, lưu ý rằng đây “chính xác là những gì đang xảy ra hiện nay.”

“Chiến dịch đang diễn ra có một số nhiệm vụ và quân đội đang thực hiện những nhiệm vụ này. Và cú tấn công lớn nhất vẫn chưa đến.”

Ukraine tuyên bố đã giải phóng 8 khu định cư và 113km vuông lãnh thổ, tiến xa hơn 7km về phía Nam, cùng với những thắng lợi tập trung xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá của Donetsk ở phía đông. Những cuộc tấn công ban đầu này dường như là các hoạt động thăm dò nhằm tìm kiếm các điểm yếu của Nga trước một đợt tấn công tập trung hơn.

Maliar cho biết đầu tuần này rằng Nga đã mất 4.600 quân và 400 thiết bị; bao gồm cả xe tăng, máy bay trực thăng và lựu pháo. Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin và các chỉ huy của ông đã nhiều lần tuyên bố đã đánh bại các cuộc tấn công của Ukraine, gây thương vong nặng nề cho các đơn vị của Kyiv trong quá trình này.

Maliar cho biết: “Không cần thiết phải đo lường kết quả công việc của lực lượng phòng thủ chỉ bằng các khu định cư và số km đã di chuyển. Còn nhiều tiêu chí nữa cho hiệu quả của các hoạt động quân sự.”

Các báo cáo cho rằng các lực lượng Nga đã tiến hành cuộc tấn công ở phía đông tỉnh Luhansk, tìm cách giảm động lực tấn công của các đơn vị Ukraine ở những nơi khác dọc theo giới tuyến. “Các lực lượng Nga đã giành được lợi thế ở khu vực Kupyansk và tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ dọc theo tuyến Svatove-Kreminna,” bản cập nhật tối thứ Hai của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết.

Maliar thừa nhận các cuộc tấn công mới của Nga. “Mặc dù thực tế là quân đội của chúng ta đang tiến công theo nhiều hướng ở phía nam, nhưng đối phương đang tập trung rất nhiều nỗ lực ở phía đông và tiếp tục tiến công ở đó,” cô nói.

“Bởi vì đối với quân xâm lược, hướng tấn công chính là ở đó, họ không từ bỏ mục tiêu tiến tới biên giới của các vùng Donetsk và Luhansk. Vì vậy, bây giờ tình hình rất nóng cả ở phía đông và phía nam.”

3. Ukraine cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở phía nam khi cả hai bên đều tuyên bố sẽ gây tổn thất nặng nề cho bên kia

Giữa các nhận định cho rằng Ukraine sẽ phải tạm dừng cuộc phản công để đánh giá các chiến thuật được áp dụng trong 2 tuần qua, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Ukraine sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch tấn công “theo nhiều hướng” trên mặt trận phía Nam của cuộc chiến.

Các lực lượng của Nga đã chịu tổn thất nặng nề ở đó, cũng như ở phía đông, ông cho biết như trên và coi đây là thước đo thành công, và tuyên bố rằng trong ngày thứ Ba 20 Tháng Sáu, quân Ukraine đã đạt được những bước tiến quân sự.

“Mục tiêu chiến lược của quân đội Ukraine là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Đồng thời, thành công ở mặt trận không chỉ được đo lường bằng việc tiến công mà còn bằng việc gây tổn thất tối đa cho đối phương và làm suy yếu hệ thống phòng thủ của chúng ở phía sau,” ông nói.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhấn mạnh rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang bị xuất huyết nhân sự và khí tài chiến tranh trong các trận chiến dọc theo tiền tuyến, và so sánh thương vong của Nga với thương vong mà nước này phải gánh chịu trong cuộc chiến kéo dài hơn 9 tháng ở Bakhmut, một thành phố phía đông từng được cả hai bên gọi là “cối xay thịt”.

Ông nói: “Hiện tại, trong các trận chiến nóng bỏng ở phía đông và phía nam, quân đội Nga đang chịu tổn thất nặng nề về nhân lực và thiết bị giống như họ đã phải gánh chịu trong cuộc chiến ở thành phố Bakhmut”.

4. Quân Ukraine tiến công mạnh theo hướng Tavria: Quân Nga thiệt hại 5 đại đội, 13 xe tăng

Ở hướng Tavria, lực lượng Nga mất hơn 5 đại đội trong một ngày, 46 đơn vị thiết bị quân sự bị phá hủy hoặc hư hỏng. Chuẩn Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy của nhóm quân chiến lược tác chiến Tavria, đã cho biết như trên.

Ông nói: “Trong ngày qua, 5 đại đội của quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 46 đơn vị thiết bị quân sự.”

Đặc biệt, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 13 xe tăng, 7 xe chiến đấu bộ binh, 1 hệ thống hỏa tiễn Buk, 2 pháo chống tăng, radar Zoopark và hệ thống súng phun lửa hạng nặng Solntsepyok.

Ngoài ra, 5 kho đạn của địch bị phá hủy.

5. Sau tuyên bố của tổng thống Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo rằng Nga coi cuộc tấn công tầm xa vào Crimea là 'sự can dự toàn diện' của Mỹ và Anh vào chiến tranh

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đe dọa “tấn công ngay lập tức vào các trung tâm ra quyết định” ở Ukraine nếu vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp được sử dụng để tấn công Crimea. Nga chiếm giữ bất hợp pháp bán đảo này từ Ukraine vào năm 2014.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng từ Sergei Shoigu nói rằng một cuộc tấn công vào Crimea bằng hỏa tiễn Himars và Storm Shadow sẽ cấu thành một cuộc tấn công “bên ngoài khu vực hoạt động quân sự đặc biệt” và có nghĩa là “sự tham gia đầy đủ của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vào cuộc xung đột “.

Trong tuyên bố, Shoigu nói:

Theo thông tin của chúng tôi, lãnh đạo các lực lượng vũ trang Ukraine có kế hoạch tấn công lãnh thổ Liên bang Nga, bao gồm cả Crimea, bằng hỏa tiễn Himars và Storm Shadow.

Việc sử dụng các hỏa tiễn này bên ngoài khu vực hoạt động quân sự đặc biệt có nghĩa là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ tham gia đầy đủ vào cuộc xung đột và sẽ kéo theo các cuộc tấn công ngay lập tức vào các trung tâm ra quyết định trên lãnh thổ Ukraine.

Shoigu cũng tuyên bố rằng Nga đã đẩy lùi hơn 200 cuộc tấn công từ Ukraine trong những tuần gần đây. Ông ta nói:

Kể từ ngày 4 tháng 6, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành 263 cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Nga. Nhờ những hành động quả cảm và hy sinh quên mình của các đơn vị chúng ta, tất cả các cuộc tấn công đã bị đẩy lùi, đối phương đã không đạt được mục tiêu của mình.

Tuyên bố của Shoigu được đưa ra bất chấp thực tế là Ukraine đã chiếm lại ít nhất 8 khu định cư trong khoảng thời gian đó và tiến thêm 7 km ở khu vực Zaporizhzhia.

Tuyên bố của Shoigu được đưa ra sau tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng mối đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là “có thật”. Ông cho biết như trên chỉ vài ngày sau khi lên án việc Nga triển khai vũ khí như vậy ở Belarus.

Hôm thứ Bảy, tổng thống Biden gọi thông báo của Putin rằng Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên tới Belarus là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Chỉ hai ngày sau, hôm thứ Hai, ông nói với một nhóm các nhà tài trợ ở California hôm thứ Hai rằng:

“Khi tôi ra đây khoảng hai năm trước, và nói rằng tôi lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn kiệt, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên”

“Họ cũng nhìn tôi như thế khi tôi nói rằng tôi lo lắng về việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là sự thật,” Biden nói.

Tuần trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết đất nước của ông đã bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, một số trong đó mạnh gấp ba lần so với những quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Việc triển khai này là động thái đầu tiên của Nga về các đầu đạn như vậy – đó là các vũ khí hạt nhân tầm ngắn hơn, ít uy lực hơn có thể được sử dụng trên chiến trường.

Boris Bondarev, cựu nhà ngoại giao Nga tại phái bộ Liên Hiệp Quốc của Mạc Tư Khoa ở Geneva, nói rằng Putin đe dọa hạt nhân thì “phương Tây không nên sợ sệt nhưng hãy đe dọa lại ông ta. Sợ những lời đe dọa hạt nhân của ông ta là thua ông ta rồi,” Bondarev, người đã từ chức tại phái bộ Liên Hiệp Quốc của Nga ở Geneva vào tháng 5 năm 2022, để phản đối cuộc xâm lược, đã đưa ra lập trường trên.

6. Ngoại trưởng Ukraine gặp Blinken

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào thứ Ba, trước thềm Hội nghị Phục hồi Ukraine tại London.

“Chúng tôi đã thảo luận các bước tiếp theo để tăng cường khả năng phản công của Ukraine, chuẩn bị các kết quả có thể báo cáo cho hội nghị thượng đỉnh Vilnius về quan điểm thành viên NATO của Ukraine và tăng cường sự ủng hộ toàn cầu đối với Công thức Hòa bình,” Kuleba cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm rằng ông cảm ơn Hoa Kỳ vì đã ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Vương quốc Anh và Ukraine sẽ cùng tổ chức Hội nghị phục hồi Ukraine vào thứ Tư và thứ Năm, nhằm hướng tới đầu tư quốc tế để tái thiết đất nước sau cuộc xâm lược của Nga.

7. Ngoại trưởng Mỹ thông báo với Ngoại trưởng Ukraine về chuyến thăm Trung Quốc

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thông báo với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba về các cuộc gặp gỡ của ông ở Bắc Kinh và nói chuyện với các quan chức Trung Quốc về việc Nga xâm lược Ukraine.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ và Ukraine đã gặp nhau tại Luân Đôn trước Hội nghị phục hồi Ukraine, chính thức khai mạc vào thứ Tư.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai ở thủ đô Trung Quốc, Blinken cho biết chính phủ Trung Quốc đã bảo đảm rằng họ sẽ không hỗ trợ sát thương cho Nga. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Hoa Kỳ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ như vậy cho Mạc Tư Khoa.

Trong cuộc gặp với Kuleba, Blinken “nhấn mạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với sự phục hồi kinh tế của Ukraine và tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ thông qua Nền tảng điều phối các nhà tài trợ đa quốc gia”

“Ngoại trưởng cũng đề cập đến cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác với khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa và phục hồi Ukraine. Hai vị đã thảo luận về sự cần thiết là Ukraine tiếp tục thực hiện các cải cách nhằm thiết lập một môi trường đầu tư và tăng trưởng kinh tế bền vững.”

8. Cố vấn tổng thống Ukraine cho biết dầu gây ô nhiễm nặng 150 tấn đang trôi trên sông Dnipro

Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, kêu gọi Nga phải chịu trách nhiệm về thảm họa sinh thái do sự việc vỡ đập Nova Kakhovka ngày 6/6.

Theo Yermak, các chất ô nhiễm dầu nặng ít nhất 150 tấn đang trôi dọc theo sông Dnipro và “có thể đến Địa Trung Hải”.

Ông cho biết hồ chứa Kakhovka đã cạn kiệt, với 95.000 tấn cá chết và thêm xác cá heo được tìm thấy trên bờ Hắc Hải ở Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Yermak tuyên bố lũ lụt do vỡ đập sẽ gây ra những tác động đáng kể đến môi trường và dự đoán “ít nhất một nửa các khu rừng sẽ chết”. Khu vực bị ngập lụt là nơi sinh sống của 20.000 động vật hoang dã.

Yermak cũng cho biết 50.000 hécta rừng Ukraine đã bị ngập lụt.

Bộ Nông nghiệp Ukraine trước đây đã bày tỏ lo ngại xung quanh sự việc đập Nova Kakovka, cho biết sự việc vỡ đập đã làm ngập 10.000 hécta đất nông nghiệp.

Bộ Y tế Ukraine hôm thứ Hai kêu gọi người dân không bơi lội và câu cá ở vùng biển của các vùng Odesa, Mykolaiv và Kherson.

Theo tuyên bố, khoảng 40 điểm giám sát nước mặt đã được thiết lập dọc theo dòng sông trong vùng lũ lụt và dọc theo bờ biển ở các vùng Odesa, Mykolaiv và Kherson. Các chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong nước là salmonella, rotavirus, trứng giun và E. coli.

9. Nhân viên cấp cứu thiệt mạng trong vụ pháo kích của Nga trong các hoạt động dọn dẹp lũ lụt ở Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 21 tháng Sáu, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết ít nhất một nhân viên cấp cứu đã thiệt mạng và 8 người khác bị thương hôm thứ Ba trong một cuộc tấn công của Nga nhằm vào các hoạt động phục hồi ở Kherson.

“ Quân đội Nga đã bắn vào lực lượng cấp cứu ở Kherson đang dọn sạch bùn” do lũ lụt gần đây do sự việc vỡ đập Nova Kakhovka gây ra.

Cô cho biết thêm:

“Những anh hùng không vũ trang của chúng ta đang tiến hành công việc khôi phục thì những kẻ khủng bố Nga bắt đầu pháo kích dữ dội. Những người bị thương đang được chăm sóc y tế khẩn cấp.”

Cô nhận xét rằng: “Giết những người cấp cứu trong quá trình loại bỏ một trong những thảm họa nhân tạo lớn nhất là một hành động hèn hạ và là biểu hiện của sự sợ hãi.”

Công tố viên khu vực Kherson nói rằng các công nhân là nhân viên của Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine và “một cuộc điều tra trước khi xét xử về hành vi vi phạm luật và tập quán chiến tranh đã được khởi xướng.”

Vụ vỡ đập là một trong những thảm họa sinh thái và công nghiệp lớn nhất ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ.

Ít nhất 600 kilômét vuông của khu vực phía nam Kherson bị lũ lụt. Thảm họa đã phá hủy toàn bộ các ngôi làng, ngập lụt đất nông nghiệp, tước điện và nước sạch của hàng chục nghìn người, đồng thời gây ra thiệt hại lớn về môi trường.

10. Thủ tướng Đức đề nghị Trung Quốc dùng quan hệ với Mạc Tư Khoa để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để ngăn chặn cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine.

“Bây giờ điều quan trọng là phải tránh một cuộc xung đột đóng băng,” Scholz nói trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang, 李强) hôm thứ Ba tại Berlin.

“Điều quan trọng là Trung Quốc tiếp tục không cung cấp vũ khí cho kẻ xâm lược,” Scholz nói, đồng thời cho biết thêm rằng lệnh cấm vũ khí hạt nhân là quan trọng.

Đầu năm nay, các quan chức phương Tây bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đang xem xét hỗ trợ quân đội Nga bằng viện trợ sát thương, một cáo buộc đã bị các quan chức Trung Quốc bác bỏ.

Thủ tướng Scholz và Lý Cường sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn chính phủ song phương vào chiều thứ Ba với Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Chung Sơn Kiệt (Zheng Shanjie, 钟山杰) Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc tại diễn đàn kinh tế.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, vào năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong bảy năm liên tiếp.

11. Điện Cẩm Linh tự tin vào mối quan hệ Trung-Nga sau chuyến thăm của Blinken

Điện Cẩm Linh cho biết cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không đe dọa mối quan hệ của Bắc Kinh với Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy “mối quan hệ có thể đoán trước” giữa Bắc Kinh và Washington, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc hoàn toàn có “chủ quyền” trong việc can dự với các quốc gia khác.

“ Mức độ quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc cho phép chúng tôi chắc chắn rằng việc xây dựng mối quan hệ như vậy với các nước khác sẽ không bao giờ nhằm chống lại đất nước chúng tôi,” ông Peskov nói thêm.

Blinken đã tới Bắc Kinh vào cuối tuần trong nỗ lực làm dịu mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã bùng phát trong những năm gần đây về các vấn đề địa chính trị, bao gồm cả lập trường của Tập Cận Bình về cuộc chiến ở Ukraine.

Đầu năm nay, các quan chức phương Tây đã đưa ra quan ngại rằng Trung Quốc có thể đang xem xét cung cấp cho Nga sự hỗ trợ quân sự sát thương, một cáo buộc bị Bắc Kinh bác bỏ.

Sau chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh, nơi ông gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Trung Quốc bao gồm cả Tập Cận Bình, Blinken tuyên bố rằng cả hai bên đều nhận thấy sự cần thiết phải ổn định mối quan hệ song phương của họ.

12. Kyiv cho biết các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu có kế hoạch huấn luyện khoảng 30.000 thành viên của lực lượng vũ trang Ukraine trong năm nay, bao gồm cả từ các đơn vị Địa Phương Quân.

“Vào năm 2023, Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu tại Ukraine có kế hoạch đào tạo 30.000 nhân viên lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả các binh sĩ của lực lượng Địa Phương Quân,” Bộ Quốc phòng cho biết.

Tuyên bố này tuân theo cam kết từ các quan chức Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 2 năm nay rằng họ sẽ huấn luyện 30.000 quân Ukraine, dựa trên mục tiêu ban đầu là 15.000 binh sĩ.

Thông báo này được đưa ra khi Brussels yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ gói 50 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine trong 4 năm tới.

13. Liên minh Âu Châu đang đề xuất tạo ra khoản dự trữ tài chính trị giá 50 tỷ euro trong 4 năm tới.

Liên Hiệp Âu Châu đã thực hiện một bước bất thường trong việc kêu gọi các quỹ tiềm năng sau khi xem xét ngân sách 2021-2027 của khối. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Liên Hiệp Âu Châu đã chuyển 30 tỷ euro tiền mặt từ các nguồn tài trợ khác để đối phó với khủng hoảng.

Người đứng đầu Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết quỹ mới sẽ bao gồm các khoản vay và trợ cấp mang lại cho Ukraine “khả năng dự đoán” và “khuyến khích các nhà tài trợ khác cũng tăng cường”.

Thông báo được đưa ra trước thềm một hội nghị lớn ở Luân Đôn về tái thiết Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thế giới, các ngân hàng và các nhóm lợi ích tư nhân sẽ tham dự nhằm tạo ra một khuôn khổ ban đầu cho việc xây dựng, khôi phục cơ sở hạ tầng cộng đồng và đưa ra các chương trình sức khỏe tâm thần cho các thế hệ mai sau.

Tại một hội nghị ở Brussels, Peter Klanso, Giám đốc Hội Hồng Thập Tự Đan Mạch, cho biết ước tính có khoảng 9 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, cả dân thường và binh lính.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Âu Châu, Vsevolod Chentsov, cho biết điều quan trọng là Ukraine và người dân Ukraine vẫn kiểm soát các cuộc đối thoại về tương lai của đất nước.

Ngân hàng Thế giới ước tính sẽ tốn ít nhất 411 tỷ euro hay 448 tỷ USD để xây dựng lại đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.

14. Nhóm của Alexei Navalny tuyên bố khởi động chiến dịch ngăn chặn người Nga ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine

Trong một thông cáo báo chí, nhóm của Navalny, nhà lãnh đạo đối lập Nga, cho biết họ đang lên kế hoạch cho một “chiến dịch lâu dài, quyết liệt và không mệt mỏi và về cơ bản là rất quan trọng, trong đó chúng tôi vận động mọi người chống lại chiến tranh”.

Chiến dịch của họ có tên “Hãy chống lại ngõ cụt mà Putin điên cuồng và ngu ngốc đã đưa đẩy chúng ta vào từ ngày 24 tháng 2 năm 2022.”. Mục tiêu của chiến dịch là thay đổi cơ bản dư luận Nga trong vòng vài tháng.

Nga đã ban hành luật nghiêm ngặt cấm chỉ trích các hành động của quân đội nước này ở Ukraine. Các tổ chức và luật sư vận động cho những người Nga chỉ trích cuộc tấn công đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng.

Hôm thứ Hai, truyền thông nhà nước Nga đưa tin rằng Agora, một nhóm nhân quyền hàng đầu cung cấp trợ giúp pháp lý trong các vụ án chính trị, đã bị dán nhãn là “không mong muốn”.

Navalny, 47 tuổi, đã thụ án tổng cộng 11 năm rưỡi và hiện đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc liên quan đến hoạt động bị cáo buộc là “cực đoan”.

Các nhà báo đã tới khu vực nhà tù hình sự nơi Navalny bị giam giữ ở Melekhovo, cách Mạc Tư Khoa khoảng 145 dặm về phía đông. Họ đã bị cấm vào phòng xử án nhưng ban đầu có thể theo dõi quá trình tố tụng qua video từ một căn phòng gần đó, mặc dù âm thanh hầu như không nghe được.

Navalny, trông gầy gò với mái tóc cắt ngắn và mặc bộ đồng phục tù nhân màu đen, đứng và nói to trong ba phút.

Anh ta yêu cầu cha mẹ già của mình được vào phòng xử án nhưng không thành công, và tranh chấp thẩm quyền của thẩm phán từ Mạc Tư Khoa trong việc xét xử anh ta trong một nhà tù cách xa thủ đô.

Nhưng nguồn cấp dữ liệu sau đó đã bị cắt và một phát ngôn viên của tòa án cho biết các thủ tục tố tụng tiếp theo sẽ diễn ra sau cánh cửa đóng kín… Những người ủng hộ Navalny cáo buộc Mạc Tư Khoa đang cố gắng tống anh ta vào tù. Anh ta đã có thời gian dài bị biệt giam, để bịt miệng những lời chỉ trích của anh đối với Putin.

Điện Cẩm Linh nói rằng trường hợp của anh hoàn toàn là một vấn đề tư pháp. Phát ngôn nhân của ông Putin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên: “Chúng tôi không theo dõi phiên tòa này.”
 
Moscow bị tấn công! Zelenskiy khen hỏa tiễn Anh. Nga cắm đầu chạy, bỏ rơi 31 chiến xa, 32 trọng pháo
VietCatholic Media
15:19 21/06/2023


1. Hàng loạt máy bay không người lái nhắm vào kho khí tài chiến tranh ở ngay Mạc Tư Khoa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Drones Target Moscow Amid Suspected Warehouse Attack”, nghĩa là “Những máy bay không người lái nhắm vào Mạc Tư Khoa trong bối cảnh kho hàng bị nghi ngờ tấn công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Ba máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở khu vực Mạc Tư Khoa trong bối cảnh một cuộc tấn công vào một nhà kho quân sự, các quan chức địa phương cho biết hôm thứ Tư.

Andrey Vorobyov, thống đốc của Mạc Tư Khoa, cho biết hai máy bay không người lái đã rơi vào khoảng 5:30 sáng và 5:50 sáng giờ địa phương khi chúng tiếp cận nhà kho của một đơn vị quân đội Nga ở thị trấn Kalininets ở quận Naro-Fominsk. Các cơ quan thực thi pháp luật nói với hãng thông tấn nhà nước Tass rằng ba máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở các quận Tân Mạc Tư Khoa và Naro-Fominsk bằng các hệ thống phòng không.

Nga đã hứng chịu một làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái trong những tuần gần đây, bao gồm cả ở thủ đô Mạc Tư Khoa và các khu vực Kursk và Bryansk, là hai khu vực nằm gần biên giới với Ukraine và Smolensk, ở phía tây nước Nga. Ngày 3/5, cơ quan báo chí của chính phủ Nga cáo buộc Ukraine đã đâm hai máy bay không người lái vào dinh thự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mạc Tư Khoa. Cơ quan này nói thêm rằng vụ tấn công là “một hành động khủng bố có kế hoạch” và một nỗ lực nhằm vào mạng sống của Putin. Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công bên trong Nga.

“Các mảnh vỡ đã được tìm thấy, không có thiệt hại hay thương vong nào”, thống đốc Mạc Tư Khoa Vorobyov cho biết vào sáng thứ Tư. Ông nói thêm rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành và khu vực này đã bị phong tỏa. Vorobyov đã công bố những bức ảnh về nơi tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay không người lái và kêu gọi người dân giữ bình tĩnh.

Tass báo cáo rằng hai trong số các máy bay không người lái đã bị bắn hạ khi chúng tiếp cận Sư đoàn Taman của Lực lượng Bộ binh Nga ở Kalininets, nằm cách điện Cẩm Linh khoảng 60 km về phía tây nam.

“Các mảnh vỡ sẽ được gửi đi để kiểm tra”, nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật cho biết.

Hiện chưa rõ ai đã phóng máy bay không người lái. Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Nga và Ukraine để nhận xét qua email.

Vào ngày 30/5, Mạc Tư Khoa lần đầu tiên trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái. Điện Cẩm Linh cáo buộc Ukraine thực hiện “cuộc tấn công khủng bố” bằng máy bay không người lái và Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Kyiv đang cố gắng kích động một phản ứng đáp trả.

Ít nhất tám máy bay không người lái đã gây ra thiệt hại nhỏ. Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cho biết không có thương tích nghiêm trọng nào. Các mục tiêu của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Mạc Tư Khoa bao gồm dinh thự của Putin và dinh thự của những người tùy tùng của ông ở Rublyovka, kênh Telegram độc lập của Nga “Chúng tôi có thể giải thích”, đã phân tích những nơi phát hiện ra máy bay không người lái.

Ukraine bác bỏ cáo buộc chịu trách nhiệm về các vụ tấn công.

2. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine: “Cuộc tấn công chính vẫn đang ở phía trước”. Nga mất 9 xe tăng, 21 xe thiết giáp và 32 hệ thống pháo trong một ngày

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 21 tháng Sáu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine “đang gặm nhấm từng mét đường của chúng tôi” để tiến lên, đồng thời lưu ý rằng cuộc tấn công chính của cuộc phản công “vẫn còn ở phía trước”.

“Có một số hướng ta tiến quân thì địch ở thế phòng thủ, nhưng cũng có những trục địch ra sức tiến công thì ta ở thế phòng ngự. Chúng tôi dần dần tiến lên từng bước. Vì vậy, có thể nói chúng tôi đang gặm nhấm từng mét đường đi của mình”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết như trên.

“Các nhiệm vụ được giao cho quân đội đang được hoàn thành, vì vậy việc tiến công dần dần theo mọi hướng, nơi cuộc tấn công bắt đầu đang diễn ra,” Maliar nói. “Tuy nhiên, cuộc tấn công chính vẫn còn ở phía trước.”

Maliar nói rằng cuộc tấn công của Ukraine đang diễn ra ở một số hướng ở phía nam; trong khi đó, cô tuyên bố rằng cuộc tấn công chính của Nga là ở phía đông.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksii Danilov, cho biết hôm thứ Ba rằng một trong những ưu tiên chính của Ukraine hiện nay là “làm cạn kiệt” và phá hủy hệ thống pháo binh và vũ khí của Nga.

“Việc phá hủy các điểm kiểm soát, kho đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm, tuyến đường tiếp tế của Nga – những nhiệm vụ này đang được quân phòng thủ Ukraine thực hiện một cách xuất sắc. Số lượng thiết bị quân sự của Nga bị phá hủy là cao nhất kể từ đầu cuộc chiến”, Danilov cho biết như trên.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, 540 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 9 xe tăng, 21 xe thiết giáp, 32 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, và 22 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 21 Tháng Sáu, khoảng 222.000 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.006 xe tăng, 7.771 xe thiết giáp, 3.920 hệ thống pháo, 615 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 375 hệ thống phòng không, 314 máy bay, 306 trực thăng, 3.428 máy bay không người lái cấp tác chiến-chiến thuật, 1.214 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.667 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 539 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Zelenskiy cho biết hỏa tiễn của Vương Quốc Anh đang đẩy mạnh cuộc phản công của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Storm Shadow Missiles Are Boosting Ukraine's Counteroffensive: Zelensky”, nghĩa là “Zelenskiy cho biết Hỏa tiễn Storm Shadow đang giúp đẩy mạnh cuộc phản công của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi các hệ thống vũ khí mà Vương quốc Anh cung cấp cho lực lượng của Kyiv trước khi Ukraine tiến hành cuộc phản công.

Chính phủ Anh hôm 11/5 cho biết họ đã tặng một số lượng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow không được tiết lộ cho Ukraine, trước cuộc phản công được phát động trong tháng này nhằm tái chiếm lãnh thổ Nga bị tạm chiếm.

Với tầm bắn 150 dặm, tầm bắn của loại hỏa tiễn này vượt trội so với các hệ thống vũ khí mà Mỹ đã cung cấp cho Kyiv, chẳng hạn như HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao. Storm Shadows do Anh-Pháp thiết kế có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu của Nga mà trước đây nằm ngoài tầm với.

Zelenskiy đã vinh danh khả năng của hỏa tiễn trong bài phát biểu hàng đêm. Ông cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Rishi Sunak về việc tiếp tục hỗ trợ của Vương quốc Anh. Zelenskiy nói thêm rằng các hỏa tiễn đang thực hiện “một công việc rất hữu ích và chính xác ở mặt trận”, cùng với “nhiều loại vũ khí khác do Anh cung cấp”.

“Sự hợp tác này sẽ có một tác dụng đáng kể về lâu dài,” Zelenskiy nói.

Cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh Philip Ingram nói với Newsweek rằng hỏa tiễn Storm Shadow có đầu đạn phá boong-ke với cũng phần tử thổi xuyên qua bê tông cốt thép trước khi phần chính phát nổ, phá hủy mọi mục tiêu được bảo vệ.

“ Hiệu quả của chúng là rõ ràng trong việc tấn công các trụ sở được bảo vệ của Nga, các địa điểm hậu cần và nơi tập trung quân đội Nga, những nơi họ cảm thấy an toàn, ngoài tầm bắn của các hệ thống HIMARS”.

Ingram nói thêm: “Bản thân các hỏa tiễn Storm Shadow mà thôi thì vẫn không đủ để giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng rõ ràng chúng đang gây ra những vấn đề thực sự cho người Nga. Theo thời gian, điều này sẽ giúp Ukraine phản công, tấn công các khu vực hậu phương của Nga trong khi lực lượng mặt đất của họ tấn công các khu vực tiền tuyến”.

Khi công bố thêm viện trợ quân sự cho Kyiv, chính phủ Anh trong tuần này cho biết họ đã “cung cấp cho Ukraine khả năng thay đổi cuộc chơi để tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga và làm suy giảm khả năng xâm lược của các lực lượng Nga”.

Số lượng hỏa tiễn Storm Shadow chính xác được cung cấp cho Kyiv, cũng như chi tiết về việc triển khai chúng, được giữ kín. Tuy nhiên, các hỏa tiễn Storm Shadow được tường trình đã được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của Ukraine trong những tuần gần đây.

Yevgeny Balitsky là người đứng đầu do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm của vùng đông nam Zaporizhzhia bị tạm chiếm. Ông nói tuần trước rằng hỏa tiễn “tạo ra vấn đề cho chúng tôi”, hãng thông tấn Tass đưa tin.

Điều này là do, trong khi Nga đã học cách bắn hạ hỏa tiễn HIMARS, thì hỏa tiễn Storm Shadow “rất phức tạp, bay với tốc độ thay đổi, độ cao thay đổi một cách tự nhiên; rất khó để bắn hạ.”

Tuần trước, có thông tin cho rằng một cuộc tấn công Storm Shadow đã giết chết Thiếu tướng Sergey Goryachev, ở vùng Zaporizhzhia và các sĩ quan cấp cao khác của Nga. Hỏa tiễn cũng được cho là đã bắn trúng một trụ sở quân sự của Nga gần Henichesk trên Arabat Spit, gần Crimea đã bị Nga sáp nhập vào ngày 10/6.

Các quan chức Nga cho biết hỏa tiễn này đã được sử dụng trong các cuộc tấn công vào các thành phố Berdiansk, Mariupol và Luhansk do Mạc Tư Khoa xâm lược.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ở các khu vực phía nam Ukraine. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nga đã tiếp tục nỗ lực đáng kể để xây dựng các tuyến phòng thủ ở sâu trong các khu vực phía sau, đặc biệt là trên các hướng tiếp cận bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

Điều này bao gồm một khu vực phòng thủ rộng lớn có chiều dài 9 km, cách thị trấn Armyansk 3,5 km về phía bắc, trên cây cầu hẹp đường bộ nối Crimea với vùng Kherson.

Những công trình phòng thủ phức tạp này làm nổi bật đánh giá của bộ chỉ huy Nga rằng các lực lượng Ukraine có khả năng tấn công trực tiếp Crimea.

Nga tiếp tục coi việc duy trì kiểm soát bán đảo là ưu tiên chính trị hàng đầu.

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Nga tung ra tràn ngập tiền tuyến các lực lượng kém phẩm chất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Floods Front Lines With 'Low-Quality Forces': ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định Nga tung ra tràn ngập tiền tuyến các lực lượng kém phẩm chất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Nga đang tràn ngập tiền tuyến của cuộc chiến Ukraine bằng “các lực lượng kém phẩm chất”.

ISW cho biết trong một báo cáo được công bố vào tối thứ Ba rằng “Các lực lượng Nga tiếp tục tăng cường một chút nhịp độ của các cuộc tấn công trên bộ gần” thành phố Kreminna của Luhansk trước đó trong ngày. Nga được tường trình đã tiến hành nhiều “chiến dịch tấn công không thành công” trong số hơn 21 cuộc tấn công vào phía tây thành phố.

Tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, dẫn lời các quan chức quân sự Ukraine, cho rằng cuộc tấn công dữ dội của Nga được Mạc Tư Khoa tạo điều kiện thuận lợi đang “tích cực sử dụng các đơn vị tấn công 'cường kích Z' bao gồm các cựu tù nhân để tiến hành các cuộc tấn công tiêu hao cao độ vào các vị trí của Ukraine.”

“Cam kết gần đây của các đơn vị ' cường kích Z ' đối với tiền tuyến của Tỉnh Kharkiv-Luhansk có thể giải thích cho việc gia tăng số lượng các cuộc tấn công được báo cáo gần Kreminna trong vài ngày trước, vì có vẻ như các lực lượng Nga đã thực hiện một số lượng tương đối lớn những người có phẩm chất thấp cho cuộc chiến.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

Hôm thứ Hai, ISW đã báo cáo rằng “Các lực lượng Nga đã giành được lợi thế ở khu vực Kupyansk và tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ dọc theo tuyến Svatove-Kreminna”, cho thấy rằng quân đội Nga đang tập trung sự chú ý vào mặt trận phía đông.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong một bài đăng trên Telegram cùng ngày rằng “rất khó để quân phòng thủ của chúng tôi tiến lên vì kẻ thù đã tung tất cả lực lượng của họ để ngăn chặn” cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine nhưng “đòn lớn nhất vẫn chưa đến. “

Maliar viết: “Mặc dù thực tế là quân đội của chúng ta đang tiến công theo nhiều hướng ở phía nam, nhưng kẻ thù đang tập trung rất nhiều nỗ lực ở phía đông và tiếp tục tiến công ở đó. Vì vậy, bây giờ trời nóng cả ở phía đông và phía nam.”

Maliar tuyên bố rằng hơn 4.600 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc phản công của Ukraine chỉ trong tuần trước đó, trong khi hơn 400 đơn vị thiết bị và vũ khí của Nga đã bị phá hủy.

Quân đội Ukraine hôm thứ Ba tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã chịu thêm 1.010 thương vong, nâng tổng số thương vong của Nga lên 221.460 kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Nga cũng tuyên bố chiến thắng nhiều cuộc phản công của Ukraine, đồng thời khẳng định rằng lực lượng của Kyiv đã chịu thương vong nặng nề.

ISW nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đang giải quyết cuộc phản công của Ukraine “với mức độ tương đối cao những luận điệu tuyên truyền”, khẳng định rằng Nga “đã học được từ quá khứ những sai lầm trong không gian thông tin liên quan đến các cuộc phản công trước đây của Ukraine”.

Shoigu được cho là đã thừa nhận “rằng quân đội Ukraine đã tiến hành 263 cuộc tấn công vào các vị trí của Nga kể từ ngày 4 tháng 6,” đồng thời phủ nhận “rằng các lực lượng Ukraine đã giành được lợi thế ở bất cứ đâu trong chiến trường, trái ngược với bằng chứng định vị địa lý tỏ tường và công khai về những bước tiến của Ukraine.”

6. Vương quốc Anh nhận định rằng Prigozhin liều lĩnh hơn nữa trong trận chiến với Bộ Quốc phòng Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin 'Raises the Stakes' in Battle With Russian MoD: U.K.”, nghĩa là “Vương quốc Anh nhận định rằng Prigozhin liều lĩnh hơn nữa trong trận chiến với Bộ Quốc phòng Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ông chủ của Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã gia tăng nguy cơ trong mối thù ngày càng leo thang của ông với Bộ Quốc phòng Nga. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như trên hôm thứ Ba.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh lưu ý rằng, vào ngày 19 tháng 6, Prigozhin nói rằng ông đang mong đợi câu trả lời từ Bộ Quốc phòng Nga về một “hợp đồng” do chính ông soạn thảo, mà ông đã gửi cho Bộ ba ngày trước đó.

Prigozhin vào ngày 10 tháng 6 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh phải ký hợp đồng trực tiếp với bộ quốc phòng với hạn chót là ngày 1 tháng 7. Động thái này, ảnh hưởng đến tất cả các “đơn vị tình nguyện” trong nước, đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận rõ ràng trên truyền hình quốc gia ba ngày sau đó, và nhanh chóng bị người đứng đầu Tập đoàn Wagner phản đối.

Tuy nhiên, vào ngày 16 tháng 6, Prigozhin đã đến thăm Bộ Quốc phòng Nga và cố gắng thực hiện một hợp đồng do chính ông soạn thảo.

“Mặc dù nội dung tài liệu của Prigozhin chưa được công khai, nhưng hành động cung cấp tài liệu của anh ta làm tăng rủi ro và rất có thể là một nỗ lực có chủ ý khác nhằm làm suy yếu quyền lực của các cơ quan quân sự chính thức,” Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Bản cập nhật tình báo của Vương quốc Anh cho biết giọng điệu của Prigozhin đối với Bộ Quốc phòng Nga đã trở thành “đối đầu rõ ràng”.

“Bộ Quốc phòng Nga gần như chắc chắn thấy điều này là vô cùng đáng tiếc vào thời điểm họ đang vật lộn với cuộc phản công của Ukraine”.

Tuần trước, Prigozhin đã công bố một đoạn video cho thấy ông đến thăm Bộ Quốc phòng Nga.

“Tôi vừa định chuyển bức thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Họ không nhận thư. Vì vậy, bây giờ chúng tôi sẽ công khai nó,” Prigozhin nói trong đoạn clip.

“Bây giờ là 1:22 chiều, tôi đến để trao tài liệu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shoigu Sergei. Và cụ thể là hai bản thỏa thuận được ký từ phía tôi. Với chữ ký của tôi,” Prigozhin nói thêm.

“Thật không may, người phụ nữ đã sợ hãi. Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy. Cô ấy bị hạn chế nghiêm ngặt, đóng sầm cửa sổ và bỏ chạy,” Prigozhin nói. “Bức thư không được chấp nhận. Cá nhân tôi đến đây, mang theo giấy tờ tùy thân của Anh hùng nước Nga, vì vậy sẽ không có câu hỏi nào về việc tôi là ai”.

Trong một thông điệp được đăng trên kênh Telegram của dịch vụ báo chí của mình vào Chúa Nhật, Prigozhin cho biết ông vẫn đang chờ phản hồi từ Bộ Quốc phòng. “Chúng tôi đang chờ phản hồi chính thức. Ngay khi nó đến, chúng tôi sẽ công bố nó,” ông nói thêm.

Tập đoàn Wagner của Prigozhin đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm chiếm thị trấn công nghiệp Bakhmut ở miền đông Ukraine. Ông đã tăng cường chỉ trích công khai giới lãnh đạo quân sự của Nga, bao gồm cả Shoigu, trước khi quân đội của ông rút khỏi Bakhmut trong tháng này. Ông đã cáo buộc bộ trưởng quốc phòng cố tình tước đoạt đạn dược và sự hỗ trợ của các chiến binh của ông.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết ông tin rằng mệnh lệnh của Shoigu “có thể là hậu quả của cuộc xung đột của ông với Prigozhin và nỗ lực kiểm soát các đặc vụ của Wagner”.

7. Ukraine sử dụng thành công máy bay không người lái tấn công tầm xa đến 1000 km

Ukraine đã sử dụng thành công máy bay không người lái có tầm hoạt động 1.000 km.

Đó là theo một phát ngôn viên của công ty Ukroboronprom Natalia Sad.

Sad đã đăng một bức ảnh với Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mykola Oeshchukk và Giám đốc Ukroboronprom Yurii Husiev, cô ấy đã chú thích như sau: “Máy bay không người lái của chúng tôi đã bay xa được đến 1000 km.”

Vào ngày 17 tháng 10 năm 2022, sau một cuộc tấn công khác của máy bay không người lái tấn công Heran-2, thường được gọi là Shahed-136, Ukroboronprom đã công bố một bức ảnh về một cấu trúc kim loại với một con chim màu xanh lam và quốc huy màu vàng, với chú thích: “Phạm vi - 1000 km, trọng lượng đầu đạn - 75 kg. Chúng tôi đang hoàn thiện quá trình phát triển”.

Vào tháng 12, phát ngôn nhân của Ukroboronprom, Natalia Sad, cho biết Ukroboronprom đã tiến hành một loạt thử nghiệm thành công đối với máy bay không người lái tấn công của Ukraine với tầm hoạt động 1.000 km.

8. Bất chấp Nga là nước xâm lược Ukraine, Điện Cẩm Linh luôn cố gắng tô vẽ Ukraine là quốc gia hiếu chiến và Nga là đất nước yêu chuộng hòa bình

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết Nga nhận thấy rất ít cơ hội đàm phán hòa bình với Ukraine do lập trường của Kyiv về vấn đề này bất chấp những nỗ lực mang tính xây dựng của phái bộ hòa bình Phi Châu.

Ông Peskov cho biết Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã có các cuộc hội đàm “rất hiệu quả” với các nhà lãnh đạo Phi Châu vào hôm thứ Bảy và vẫn sẵn sàng đối thoại với các quốc gia và các tổ chức khác về hoạt động quân sự tại Ukraine.

Nhưng ông nói với các phóng viên rằng cái mà ông gọi là lập trường lịch sử của Kyiv có nghĩa là “người ta khó có thể nói về những cơ sở ổn định” cho các cuộc đàm phán hòa bình.

9. Quốc hội Slovakia công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Quốc hội Slovakia đã công nhận Holodomor trong hai năm 1932 và 1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine.

“Tôi biết ơn Quốc hội Slovakia đã công nhận Holodomor trong hai năm 1932 và 1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine. Quyết định kịp thời, góp phần quan trọng khôi phục lại công lý lịch sử và vinh danh hàng triệu nạn nhân vô tội”, Nguyên thủ quốc gia cho biết như trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào.

Trước đó, hôm 14/6, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Luxembourg vì đã công nhận nạn diệt chủng Holodomor năm trong hai năm 1932 và 1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine.

Theo ông Anton Gerashchenko, nguyên là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Ukraine và hiện nay là cố vấn cho bộ này, người Nga có thể thu phục được Chechnya nhưng không bao giờ có thể thu phục được Ukraine vì các tội ác của Nga gây ra tại Ukraine, trong đó, Holodomor là một ví dụ điển hình.

Trong con mắt người Nga, người Ukraine là những người ngây thơ dễ bị lừa. Lênin thường phong tặng cho các cá nhân trong đảng cộng sản Ukraine, gọi tắt là CPU, những danh hiệu “anh hùng” và đặt vào tay họ nhiều chính sách mà cộng sản Nga muốn thăm dò thực nghiệm trên đất Ukraine trước khi áp dụng đại trà ở Nga.

Thí nghiệm thứ nhất xảy ra cuối năm 1920: Trong một sớm, một chiều tất cả xí nghiệp tại Ukraine bị quốc hữu hóa và tất cả sản phẩm nông nghiệp đều bị thu mua với giá ăn cướp của dân. Chỉ với hai chính sách này thôi đã gây ra nạn đói kéo dài trong hai năm 1921 và 1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine. Nga lại lật đật sửa sai bằng cách trả lại cho tư nhân các xí nghiệp và cho nông dân buôn bán sản phẩm do họ làm ra.

Năm 1928, Stalin lên nắm quyền, Stanislav Kosior được cử làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Ukraine. Stalin lại thí nghiệm chính sách kinh tế ngũ niên tại Ukraine bắt đầu bằng việc đấu tố “kuklaks” nghĩa là địa chủ, trí thức và các nhà tu hành, đặc biệt những giáo sĩ tham gia vào công cuộc Ukraine hóa Chính Thống Giáo. Hàng triệu gia đình bị giết hoặc đày đi Siberia. Văn hào cộng sản Khwylovyi từng một thời ca tụng chế độ, sáng mắt ra, uống thuốc độc tự tử chết. Nông thôn trở thành nơi tang tóc với hàng loạt những vụ xử tử những kuklaks. Trong bối cảnh đó, lòng dân không yên tâm sản xuất cộng với hàng loạt những chỉ thị ngu xuẩn và vô lý đã dẫn đến mất mùa ở một số nơi. Tuy nhiên, Ukraine là vựa bánh mì của Âu Châu, nên việc mất mùa ở một số nơi chắc chắn không phải là nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Thực vậy, nạn đói trong 22 tháng của hai năm 1932 và 1933 cướp đi sinh mạng 7 triệu người Ukraine không phải do thiếu lương thực nhưng chính vì cộng sản đã thu gom tất cả nông sản và chứa vào những kho lớn do quân đội canh gác. Dân chúng bị bỏ cho chết đói như một phần của cuộc thanh trừng và diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau nạn đói, Stalin lập tức lùa dân Nga sang để tái phối trí lại dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine. Ðây cũng là một phần trong kế sách thống trị Ukraine về lâu về dài. Năm 1933, Mykola Skrypnyk, lãnh tụ tiền phong của cộng sản Ukraine, sáng mắt ra, tự tử chết.

10. Nga phạt các công ty Viber và Telegram 5 triệu rúp vì có những nội dung bất lợi cho Điện Cẩm Linh

Hãng tin Interfax cho biết các công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin Telegram và Viber đã bị tòa án ở Mạc Tư Khoa phạt vào hôm thứ Ba vì không xóa nội dung mà Nga cho là bất hợp pháp, đặc biệt là các nội dung về cuộc chiến ở Ukraine

Interfax cho biết Telegram có trụ sở tại Dubai đã bị yêu cầu trả 4 triệu rúp hay 47.525 USD, và công ty Nhật Bản đứng sau Viber đã bị phạt 1 triệu rúp hay 11.880 USD.

Telegram, được thành lập bởi hai anh em sinh ra ở Nga là Pavel và Nikolai Durov vào năm 2013, rất phổ biến ở Nga, nơi điện Cẩm Linh và Bộ Quốc phòng cũng như các nhà báo, nhân vật đối lập, các nhóm nhân quyền và hàng triệu người dân sử dụng hàng ngày.

Hãng thông tấn TASS cho biết khoản tiền phạt đối với Telegram là do từ chối xóa 32 kênh đăng tải thông tin sai lệch về điều mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Nga đã thắt chặt kiểm soát việc đưa tin về cuộc xung đột của các phương tiện truyền thông và các blogger, đưa ra các hình phạt cứng rắn hơn sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm ngoái vì đã “làm mất uy tín” các hành động của các lực lượng vũ trang của họ hoặc công bố những điều mà họ gọi là thông tin sai lệch về quân đội Nga.

11. Nga đã đưa ra lời kêu gọi nhân viên tại các đại sứ quán Ukraine trên khắp thế giới đào tẩu sang Mạc Tư Khoa.

Trong một tuyên bố, Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga cho biết:

Chúng tôi kêu gọi các nhân viên của các cơ quan đại diện ngoại giao Ukraine và văn phòng đại diện của các cơ quan nhà nước ở nước ngoài. Nếu bạn cảm thấy có trách nhiệm với số phận của Tổ quốc mình, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Âu Châu và đang chịu áp lực từ chế độ tội phạm Kyiv đang dẫn Ukraine đến thảm họa quốc gia, hãy đến Mạc Tư Khoa, nơi bạn và những người thân yêu của bạn sẽ được bảo đảm an toàn.

Hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời Giám đốc cơ quan này, ông Sergey Naryshkin, cho biết “hậu quả của sự xuống cấp liên tục của tình hình kinh tế xã hội và chính trị nội bộ ở Ukraine, cũng như các phương pháp quản lý bộ máy nhà nước đàn áp do Kyiv thực hiện. đang ngày càng ảnh hưởng đến nhân sự của các cơ quan đại diện Ukraine ở nước ngoài.”

Dịch vụ này tuyên bố rằng “Các cuộc thanh trừng quy mô lớn đang được thực hiện tại các cơ sở nước ngoài của Ukraine, nhằm xác định những nhân viên không trung thành với Kyiv và buộc họ phải sớm trở về quê hương”.

12. Phần Lan có thủ tướng mới

Như nhiều người có thể dự đoán, Quốc hội mới được bầu của Phần Lan đã bỏ phiếu ủng hộ lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia, là ông Petteri Orpo, trở thành thủ tướng, mở ra một chính phủ cánh hữu và chấm dứt sự cầm quyền của Đảng Dân chủ Xã hội Sanna Marin.

Ông Antti Petteri Orpo sinh ngày 3 tháng 11 năm 1969 là một chính trị gia Phần Lan, lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia từ năm 2016. Ông có một thời gian ngắn giữ chức Chủ tịch Quốc hội Phần Lan sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2023.

Ông giữ chức Phó Thủ tướng Phần Lan từ 2017 đến 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính từ 2016 đến 2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ 2015 đến 2016 và Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp từ 2014 đến 2015. Vào ngày 2 tháng 4 năm 2023, Đảng Liên minh Quốc gia của Orpo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2023 với đa số 20,8% phiếu bầu và 48 ghế. Orpo đã thu được hơn 17.000 phiếu bầu trong quận của mình.

Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào tháng 4, sau khi nộp đơn xin trở thành thành viên của liên minh sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, đó là đường biên giới với Nga dài nhất so với bất kỳ thành viên Liên Hiệp Âu Châu nào.
 
Kẻ trộm tinh quái lấy cắp di vật ĐGH Bênêđíctô để lại cho quê hương. Tông thư về nhà Toán Học Pascal
VietCatholic Media
17:15 21/06/2023


1. Thánh giá do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI để lại bị đánh cắp khỏi nhà thờ tại quê hương của ngài ở Đức

Một cây thánh giá được cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI để lại cho một giáo xứ ở vùng Bavaria quê hương Đức của ngài đã bị đánh cắp khỏi nhà thờ nơi nó được trưng bày, cảnh sát cho biết hôm thứ Ba.

Một hộp trưng bày trên tường của nhà thờ thị trấn ở Traunstein đã bị phá vỡ bởi những thủ phạm không rõ danh tính và cây thánh giá đã bị lấy đi vào khoảng thời gian từ 11:45 sáng đến 5 giờ chiều ngày thứ Hai 19 Tháng Sáu, văn phòng cảnh sát hình sự bang Bavaria cho biết trong một tuyên bố.

Cây thánh giá được mô tả là một cây thánh giá đeo ở ngực. Cảnh sát nói rằng tiền mặt cũng đã bị đánh cắp từ một hộp đựng tiền bán các tạp chí trong nhà thờ.

Tuyên bố của cảnh sát cho biết: “Đối với Giáo Hội Công Giáo, giá trị của đồ vật tôn giáo là không thể định lượng được. Chúng tôi kêu gọi những người có thể đã nhìn thấy những cá nhân đáng ngờ xung quanh nhà thờ vào hôm thứ Hai cung cấp bất kỳ thông tin nào để cuộc điều tra có thể tiếp tục”.

Đức Bênêđíctô qua đời vào ngày 31 tháng 12, gần một thập kỷ sau khi trở thành giáo hoàng đầu tiên thoái vị trong sáu thế kỷ.

Christoph Kappes, phát ngôn viên của tổng giáo phận Munich, cho biết cây thánh giá bị mất là một trong nhiều loại như vậy. Nó đã được gửi đến Traunstein sau khi Đức Bênêđíctô thoái vị và được trưng bày tại địa điểm mà nó đã bị đánh cắp từ năm 2020, ông nói với hãng thông tấn Đức dpa.

Đức Joseph Ratzinger sinh ra ở thị trấn nhỏ Marktl am Inn của Bavarian, nhưng cha của ngài đã chuyển cả gia đình đến Traunstein khi ngài lên 2. Ngài đã gia nhập một chủng viện ở đó.


Source:AP

2. Đức Thánh Cha Phanxicô công bố tông thư về Blaise Pascal

Hôm thứ Hai Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư ca ngợi nhà toán học và triết gia thế kỷ 17 Blaise Pascal là “một người tìm kiếm chân lý không mệt mỏi”.

Pascal sinh năm 1623 và qua đời năm 1662 là một nhà khoa học người Pháp, người đã giúp đặt nền móng cho lý thuyết xác suất hiện đại, phát minh ra một trong những hình thức sơ khai nhất của máy tính bỏ túi, và định nghĩa một nguyên lý thủy lực mà sau này được biết đến trong vật lý học với tên gọi “Định luật Pascal”..” Trong những năm cuối đời, nhà toán học, vật lý học và triết gia Công Giáo đã cống hiến hết mình để bênh vực Kitô giáo.

“Là một Kitô hữu, Pascal muốn nói về Chúa Giêsu Kitô với những người đã vội vàng kết luận rằng không có lý do vững chắc nào để tin vào những chân lý của Kitô giáo,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Về phần mình, từ kinh nghiệm, Pascal biết rằng nội dung của mặc khải Thiên Chúa hoàn toàn không đối lập với những đòi hỏi của lý trí, và còn đưa ra câu trả lời đáng kinh ngạc mà không một thứ triết học nào có thể tự mình đạt được.”

Đức Giáo Hoàng đã công bố bức thư vào ngày 19 tháng 6 để đánh dấu kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Pascal vào năm 1623. Tiêu đề của tông thư là “Sublimitas Et Miseria Hominis,” có nghĩa là “Sự vĩ đại và khốn cùng của con người.”

Trong bức thư dài tám trang, Đức Giáo Hoàng mô tả Pascal là một “con người của thời đại ông”, người đã “bảo vệ đức tin Kitô một cách xuất sắc về trí tuệ”.

“Từ thời thơ ấu, Pascal đã cống hiến cuộc đời mình để theo đuổi chân lý. Bằng cách sử dụng lý trí, ông đã tìm kiếm dấu vết của nó trong các lĩnh vực toán học, hình học, vật lý và triết học, thực hiện những khám phá đáng chú ý và đạt được danh tiếng lớn ngay từ khi còn nhỏ,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tuy nhiên, Pascal không bằng lòng với những thành tựu đó. Trong một thế kỷ với những tiến bộ to lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học, cùng với tinh thần hoài nghi triết học và tôn giáo ngày càng tăng, Blaise Pascal đã chứng tỏ là một người tìm kiếm chân lý không mệt mỏi, một tinh thần 'không ngừng nghỉ', luôn mở ra những chân trời mới và rộng lớn hơn.

“Đầu óc thông minh và ham học hỏi của Pascal không ngừng suy ngẫm về câu hỏi, cổ xưa nhưng luôn mới mẻ, trào dâng trong trái tim con người: 'Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? ' (Tv 8:5).”

Bức thư chứa đầy những trích dẫn từ tác phẩm “Pensées” hay “Những Dòng Suy Tư” của Pascal, là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông về hộ giáo Kitô giáo được xuất bản sau khi ông qua đời từ các ghi chú và các mảnh bản thảo của ông.

Đức Thánh Cha nêu bật cách Pascal không bao giờ “cam chịu trước sự kiện là một số người nam nữ không những không biết Chúa Giêsu Kitô, mà còn coi thường, vì lười biếng hoặc vì đam mê của họ, đã không đón nhận Tin Mừng một cách nghiêm túc.”

Pascal đã viết trong tác phẩm Pensées của mình: “'Sự bất tử của linh hồn rất quan trọng đối với chúng ta, một điều gì đó khiến chúng ta cảm động sâu sắc đến mức chúng ta cần phải đánh mất mọi cảm giác để quan tâm đến việc biết rõ điều gì đang bị đe dọa... Và đó là lý do tại sao, trong số những người không bị thuyết phục về điều này, tôi sẽ phân biệt rõ ràng giữa những người nỗ lực hết sức để điều tra nó và những người tiếp tục cuộc sống của họ mà không quan tâm hay suy nghĩ về nó.'“

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến sự tham gia của Pascal trong các tranh chấp giữa Dòng Tên và Jansenist, trong đó Pascal đã viết một loạt các bức thư chỉ trích gay gắt các tu sĩ Dòng Tên được gọi là “Các lá thư của Tỉnh dòng”.

Cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh câu hỏi về ân sủng của Chúa và mối quan hệ giữa ân sủng và bản chất con người, đặc biệt là ý chí tự do của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói rằng “Pascal, về phần mình, chân thành tin rằng ông đang chiến đấu với thuyết Pelagiô hay thuyết bán Pelagiô tiềm ẩn” trong giáo huấn của Dòng Tên vào thời điểm đó.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà tư tưởng người Pháp. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 năm 2017, vị giáo hoàng Dòng Tên nói rằng ngài tin rằng Pascal “đáng được phong chân phước.”

Vào năm 2021, Đức Giáo Hoàng gọi một ghi chú viết tay nhỏ được khâu vào áo khoác của Pascal vào thời điểm ông qua đời là “một trong những văn bản nguyên bản nhất trong lịch sử tâm linh.”

Ghi chú, được gọi là “Đài tưởng niệm” của Pascal, xuất phát từ một trải nghiệm thần bí vào đêm ngày 23 tháng 11 năm 1654, khiến nhà triết học rơi nước mắt vì sung sướng.

Kinh nghiệm của Pascal vào đêm đó năm 1654 đã khiến ông nhiệt thành thực hành đức tin Công Giáo của mình hơn với lối sống khổ hạnh và những lời biện hộ bằng văn bản.

Vào thời điểm lâm bệnh “cuối cùng” và qua đời vào năm 1662 ở tuổi 39, Pascal được cho là đã nói: “Nếu các thầy thuốc nói sự thật, và Thiên Chúa cho phép tôi khỏi bệnh này, tôi quyết tâm không làm bất cứ công việc nào khác, không làm nghề nghiệp nào khác trong phần còn lại của cuộc đời tôi ngoại trừ việc phục vụ người nghèo.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “thật xúc động khi nhận ra rằng trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, một thiên tài vĩ đại như Blaise Pascal đã không thấy điều gì cấp bách hơn là nhu cầu cống hiến sức lực của mình cho các công việc bác ái.”

Ngài nói: “Xin cho tác phẩm xuất sắc của Blaise Pascal và mẫu gương cuộc đời của ông, thấm nhuần sâu sắc trong Chúa Giêsu Kitô, giúp chúng ta kiên trì đến cùng trên con đường chân lý, hoán cải và bác ái”.


Source:Catholic News Agency

3. Công bố Tài liệu làm việc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới

Hôm 20 tháng Sáu vừa qua, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố Tài liệu làm việc của Khóa họp thứ XVI sẽ tiến hành vào tháng Mười năm nay tại Roma, và sẽ tiếp tục vào tháng Mười năm tới, 2024, về chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.

Văn kiện này dài khoảng 60 trang, đúc kết tiến trình tham khảo dân Chúa trong hai năm qua, phản ánh kinh nghiệm và vấn đề của Giáo hội tại các nơi trên thế giới: chiến tranh, thay đổi khí hậu, các chế độ kinh tế tạo ra nạn bóc lột, bất quân bình và gạt bỏ. Có những Giáo hội chịu tử đạo, và những Giáo hội đang chịu hiện tượng tục hóa mạnh mẽ, những Giáo hội bị thương tổn vì nạn lạm dụng tính dục, quyền bính, lương tâm, kinh tế và cơ chế, những vết thương cần được chữa trị và hoán cải.

Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới không phải là để soạn ra các văn kiện, nhưng là để mở ra những chân trời hy vọng.

Tài liệu làm việc gồm hai phần chính: Phần A trình bày kinh nghiệm tham khảo trong hai năm qua, cách thức tiến hành để trở thành một Giáo hội ngày càng đồng hành.

Phần B mang tựa đề: “Hiệp thông, sứ mạng, tham gia”, nhắm tới ba hoạt động chính yếu, đó là: tăng trưởng trong tình hiệp thông bằng cách đón tiếp tất cả mọi người, không loại trừ ai; nhìn nhận và đề cao sự đóng góp của mỗi tín hữu đã chịu phép rửa, để thi hành sứ mạng; xác định những cơ cấu và năng động cai quản, qua đó thực thi sự tham gia và quyền bính trong một Giáo hội đồng hành truyền giáo.

Một Giáo hội đồng hành trước tiên là một Giáo hội lắng nghe, vì thế đó là một Giáo hội sống khiêm tốn, biết xin lỗi và có nhiều điều cần học hỏi. Khuôn mặt Giáo hội ngày nay có nhiều dấu hiệu khủng hoảng lớn về sự tín nhiệm và uy tín. “Tại nhiều nơi, cuộc khủng hoảng do lạm dụng tính dục, kinh tế, quyền lực và lương tâm đã thúc đẩy Giáo hội xét mình, để dưới tác động của Chúa Thánh Linh, không ngừng canh tân bản thân, trong một hành trình thống hối và hoán cải, mở ra những con đường hòa giải, chữa lành và công lý”.

Một Giáo hội đồng hành cũng là một Giáo hội gặp gỡ và đối thoại với các tín hữu các tôn giáo, văn hóa khác và xã hội. Đó là một Giáo hội không sợ những khác biệt nhưng đề cao giá trị những khác biệt đó, không bó buộc phải đồng nhất. Giáo hội đồng hành là Giáo hội liên tục nuôi dưỡng mình bằng mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ, trong đó mỗi ngày cảm nghiệm sự hiệp nhất trong cùng phụng vụ, tuy ở trong các ngôn ngữ và nghi lễ khác nhau”.

Trong những phần khác của Tài liệu làm việc, có nói đến vấn đề quyền bính, sự sai trái trong việc thực thi quyền bính vì tinh thần thế tục. Cần có một nền huấn luyện toàn diện, huấn luyện khởi đầu và thường huấn cho dân Chúa, cố gắng canh tân ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, giảng thuyết, huấn giáo, nghệ thuật thánh, cũng như mọi hình thức thông tin cho các tín hữu và dư luận quần chúng, kể cả qua các phương tiện thông tin mới. “Sự canh tân ngôn ngữ phải nhắm làm cho nó dễ hiểu và hấp dẫn đối với con người ngày nay, không trở thành một chướng ngại làm cho họ xa cách Giáo hội”.