Ngày 22-06-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 22/06/2013
MỘC SƯ CỔ GIẾT DƠI YÊU TINH
N2T

Mộc Sư Cổ là người rất thích đi du lịch.
Một hôm ông ta đi ra ngoại ô thành Nam Kinh để du ngoạn, và đi vào trong một ngôi miếu cổ, Mộc Sư Cổ muốn vào nghỉ chỗ cao nhất trong phòng khách, lão hòa thượng nói với ông ta:
- “Ta đến ở nơi miếu này đã ba mươi năm rồi, trong phòng đó có đã có ba mươi người chết rồi, ông ở phòng khác nhé !”
Nhưng Mộc Sư Cổ lại không tin tà thần nên cương quyết ngủ đêm ở căn phòng ấy.
Ngủ đến nửa đêm thì Mộc Sư cổ bị một trận gió lạnh làm cho tỉnh dậy, ông ta sợ hãi lông tóc dựng đứng, trong lúc hoảng loạn thì cầm dao nhọn huơ múa lung tung, khi tai nghe hai tiếng bộp bộp thì gió lạnh mất tiêu.
Trời sáng, lão hòa thượng nhìn thấy Mộc Sư Cổ vẫn còn sống thì rất vui mừng, tiếp theo ông ta nhìn thấy trên đất có hai con dơi thật lớn đã chết thì mới chợt tỉnh ngộ, nói:
- “Hai con dơi này đã ăn thịt ba mươi người rồi.”
Từ đó Mộc Sư Cổ trở thành người anh dũng.
(Đường, Dung Thần tử “Bác dị chí”)

Suy tư:
Sự sơ hãi đã làm cho Mộc Sư Cổ trở thành người anh dũng, dù rằng ông ta quá hoảng loạn mà giết được hai con dơi ăn thịt người, trừ hại cho dân.
Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, vì sợ tội lỗi mà các thánh đã ngày đêm suy tư đến sự chết để răn mình; vì sợ sự dữ nên các thánh đã không để cho thân xác mình chuộng theo cám dỗ; vì sợ hỏa ngục nên các thánh luôn tỉnh thức đề phòng bằng cách cầu nguyện và đền tội luôn.
Thế là các ngài đã trở thành những anh hùng trong đời sống thiêng liêng của các tín hữu.
Khi chúng ta mất ân sủng của Thiên Chúa thì tâm hồn chúng ta biến thành căn phòng chết, căn phòng lạnh lẽo u ám vì những tội lỗi của chúng ta đã phạm. Nhưng nếu chúng ta biết hồi tâm thống hối ăn năn xin Chúa thứ tha, và quyết tâm làm lại cuộc sống, thì chắc chắn chúng ta không những sẽ trở thành những anh hùng trước mặt người đời mà còn cả trước mặt Chúa nữa.
--------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:14 22/06/2013
Chúa Nhật 12 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 9, 18-24
“Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con người phải chịu nhiều đau khổ nhiều”.


Bạn thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta muốn theo Ngài thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Đây là một đòi hỏi thiết thực mà bạn và tôi phải có để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau đây :

1. Vác thập giá là chấp nhận anh chị em.
Đức Chúa Giê-su đã vác thập giá của chính mình, tức là Ngài đã hoàn toàn chấp nhận thân phận con người để cảm thông chia sẻ những khuyết điểm của nhân loại, Ngài chấp nhận và gánh vác tội lỗi của nhân loại như là gánh vác tất cả những nhục nhằn của con người trên thân xác của mình, đó là kinh nghiệm lớn lao của Ngài đã để lại cho chúng ta khi Ngài đang sống giữa loài người chúng ta.

Ai cũng có thể vác thập giá của mình, nhưng khuyết điểm của người khác thì khó mà chấp nhận.

Cộng đoàn là một tập thể hữu hình để cùng nhau thăng tiến, tất cả mọi người trong cộng đoàn không ai là người thập toàn, và không ai là người bá ác, nhưng tất cả mọi người đều có mục tiêu là nên thánh. Do đó, nếu không vác thánh giá của nhau, tức là chấp nhận người anh em chị em của mình với những khuyết điểm của họ, thì bạn và tôi cũng không thể được Thiên Chúa đón nhận và tha thứ những lỗi lầm của chúng ta.

Biết chấp nhận nhau là biết làm cho thập giá của mình cũng như của tha nhân trở nên nhẹ nhàng; biết chấp nhận nhau là biết đem thập giá của mình trao vào tay của Đức Chúa Giê-su để Ngài thánh hóa và nâng đỡ…

2. Từ bỏ mình…
Không một ai muốn từ bỏ những gì mình có, kể cả những thói hư tật xấu của mình, bằng chứng là có rất nhiều tội ác xảy ra trên thế giới vì ai cũng thích làm theo ý riêng mình.

Từ bỏ - trước hết là từ bỏ cái mình thích để người khác được dễ chịu đôi chút, bởi vì có những điều mà bạn và tôi cứ khư khư giữ lấy, khi mà mọi người thấy là không có ích cho đời sống cộng đoàn, cũng như chẳng có ích cho đời sống tín ngưỡng của chúng ta, cái mà chúng ta nên từ bỏ là :
- Tôi thích phê bình anh em chị em, đó là do kiêu ngạo mà có, nó làm cho tôi không thấy được ưu điểm của người khác.
- Tôi thích nói đến khuyết điểm của người khác, đó là do ghen tị mà có, nó làm cho tôi trở nên người ích kỷ.
- Tôi thích nổi danh, đó là do sự thiếu thốn về đời sống cầu nguyện, nên tôi đã coi anh em chị em như là bậc cấp để tôi bước lên mà đi.
- Tôi thích làm anh hai chị hai trong cộng đoàn, đó là do tôi thiếu đời sống bác ái, nên tôi không nhìn thấy phục vụ tha nhân là niềm vinh dự của người Ki-tô hữu...

Không thể vác thập giá mình để theo Đức Chúa Giê-su, nếu chúng ta không tự nguyện từ bỏ mình để chấp nhận những khuyết điểm của tha nhân, như Đức Chúa Giê-su đã chấp nhận chúng ta là người thân cận của Ngài.

Bạn thân mến,
Lời của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng như ánh mặt trời chiếu sáng tâm hồn chúng ta, Ngài kêu mời bạn và tôi vác thập giá mình chứ không dạy chúng ta đem thập giá phó thác cho Thiên Chúa, bởi vì khi chấp nhận vác thập giá của mình là đồng thời chúng ta phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa rồi vậy, đó là bí quyết để thập giá chúng ta trở nên nhẹ nhàng êm ái hơn.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, để chúng ta có sức mạnh mà quyết tâm từ bỏ những gì làm cho mình không thể vác thập giá của mình mà theo Chúa Giê-su.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:16 22/06/2013
N2T

5. Không nghi ngờ, nhờ đọc Kinh Thánh mà linh hồn con người ta bừng cháy lên trong Thiên Chúa, do đó mà được tinh luyên tội lỗi.

(Thánh Jerome)
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:19 22/06/2013
BỖNG LỄ
Bà giáo dân rón rén trước cửa nhà xứ với con cá lóc trong cái rỗ, cha sở thấy liền biết ngay là bà đến xin lễ. Ngài vui vẻ lấy sổ xin lễ ra và nói:
- “ Nào bà xin lễ cho linh hồn gì, và vào ngày nào ?” rồi ngài nói tiếp: “Bà đem con cá về nấu cho con cái ăn, lần sau muốn xin lễ thì cứ nói với tôi có gì mà ngại, không có bỗng lễ tôi vẫn cứ dâng lễ cho bà, nhưng nhớ là không được đem gì tới nữa nhé.”
Ngài rất hiểu tấm lòng của giáo dân nghèo trong xứ của ngài.
------------
http://jmtaiby.blogspot.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita
Lm. Vũ Xuân Hạnh
08:03 22/06/2013
Lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita

NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG

Vai trò của thánh Gioan Baotixita là dọn tâm hồn dân chúng chuẩn bị đón nhận Chúa Cứu Thế. Vì thế, nội dung của sứ mạng mà thánh Gioan lãnh nhận gần giống Chúa Kitô: Kêu gọi mọi người nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn sám hối. Chính thánh Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang địa. Qua đó, thánh nhân muốn nhấn mạnh rằng, hoang địa là tâm hồn con người còn thiếu vắng Thiên Chúa. Lời kêu gọi sám hối là tiếng kêu trong hoang địa đòi con người phải cải tạo hoang địa lòng mình cho phù hợp với ơn cứu độ đang đến. Là tiếng kêu dọn đường cho Chúa để Chúa thể hiện tình thương đối với nhân loại, Chúa đã biến cuộc đời thánh Gioan, kể từ lúc thành thai đến khi qua đời, là cả một chuỗi những biến cố lạ thường, thể hiện huyền nhiệm Tình Thương của Chúa, một Tình Thương bền bỉ gắn chặt với vận mệnh của mỗi con người, một Tình Thương đã biến con người chỉ là thụ tạo, trở thành quà tặng mà Thiên Chúa tự dành cho mình.

Suy niệm Tin Mừng liên quan đến ngày lễ Sinh Nhật thánh Gioan Baotixita (Lc 1, 5-58), tôi nhận ra một sự tương đồng hết sức lớn lao với một đoạn Thánh Kinh Cựu Ước kể lại việc vua Đavid cung nghinh và nhảy múa trước Hòm Bia giao ước, để tỏ lòng thần phục, kính thờ Thiên Chúa (2Sm 6, 9-15). Cuộc hạ sinh thánh Gioan và ơn gọi mà thánh Gioan nhận lãnh đã nhiều lần được Cựu Ước báo trước. 2Sm 6, 9-15 là một trong những bản văn Cựu Ước cho thấy hình bóng về ý nghĩa lớn lao bên trong cuộc hạ sinh này. Ý nghĩa đó chính là Tình Thương của Chúa vẫn không ngừng hiện diện giữa dân Chúa.

Đúng hơn, khi ghi lại trình thuật về việc hạ sinh của thánh Gioan Baotixita, thánh Luca như cố tình cho thấy sự gần gũi, sự tương đồng giữa Cựu và Tân Ước. Với trình thuật về cuộc hạ sinh của thánh Gioan, thánh Luca như muốn nói rằng, con người và ơn gọi của Gioan Baotixita không chỉ là giao thời giữa Cựu và Tân Ước, mà còn là và nhất là: Gioan Baotixita một khi có mặt trong Tân Ước, đã bước ra từ Cựu Ước. Trong đó, cuộc hạ sinh của con người đầy nhiệm lạ này, không chỉ nói lên tình thương của Chúa dành cho riêng cá nhân thánh Gioan, mà còn cho thấy, cuộc hạ sinh và chính con người của thánh Gioan càng nhiệm lạ bao nhiêu, thì Tình Thương của Chúa vốn bền bỉ hiện diện giữa dân Chúa càng diệu kỳ, càng lớn lao bấy nhiêu, lớn không cùng.

Sách Samuel quyển II cho biết: “Vua Đavid nói: ‘Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?’. Vua Đavid không muốn đưa Hòm Bia Đức Chúa về với mình trong thành vua Đavid, nên cho chuyển hướng sang nhà ông Ôvết Êđôm…Hòm Bia Đức Chúa ở nhà Ôvết Êđôm, người thành Gát ba tháng…Ông Đavid liền đi rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ôvết Êđôm lên thành vua Đavid trong niềm hân hoan. Khi những người khiêngHòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đavid quấn êphốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa. Vua Đavid và toàn thể nhà Israel rước Hòm Bia Đức Chúa lên giữa tiếng hò reo và tiếng tù và…” (2Sm 6, 9-15).

- Hòm chứa hai tấm Bia giao ước là hình ảnh báo trước Đức Maria mang Chúa Giêsu trong lòng dạ mình.

- Lần đầu tiên, Hòm chứa Bia giao ước long trọng vào thành của Đavid. Đức Maria mang thai Chúa đi đến nhà bà Isave. Lần đầu tiên, kể từ khi Chúa nhập thể làm người, Hòm Bia giao ước mới là chính Đức Maria và chính Chúa Giêsu đã viếng thăm một gia đình thánh thiện.

- Đavid và dân chúng đã vui mừng khi cung nghinh hòm bia. Bà Isave và người con mà bà đang cưu mang cũng vui mừng trước Đức Maria.

- Chính Đavid đã nhảy nhót để diễn tả niềm vui được Hòm Bia viếng thăm. Gioan Baotixita cũng nhảy mừng trong lòng mẹ, khi gặp gỡ Đức Maria, người Mẹ của Thiên Chúa đang mang Thiên Chúa trong lòng dạ.

- Dân Israel đã “hò reo” trong khi rước Hòm Bia. Cũng vậy, bà Isave “kêu lớn tiếng”.

- Cũng như Hòm Bia ở nhà ông Ôvết Êđôm trong ba tháng, Đức Maria cũng lưu lại nhà ông Giacaria và bà Isave trong ba tháng.

- Câu nói của bà Isave: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”, phải chăng cũng là họa lại lời Đavid: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được”.

Thánh Luca đã tài tình khi lồng ghép hình ảnh của Cựu Ước vào Tân Ước. Sự gặp gỡ thiết thân hết sức của Cựu và Tân Ước, đã cho thấy lịch sử cứu độ, lịch sử mà nơi đó hành động Tình Thương của Thiên Chúa vẫn chảy mãi, chảy mãi chẳng những chưa từng “nghẻn mạch”, chưa từng “tạm nghỉ” một chút nào, mà còn tiếp tục chảy đến vô cùng, chảy không ngừng.

Hóa ra, thánh Luca cố tình làm tương đồng giữa câu chuyện sinh hạ của Gioan Baotixita với câu chuyện cung nghinh Hòm Bia của Đavid, không chỉ làm nổi lên tính so sánh như một thể loại văn chương. Nhưng ẩn sâu trong dụng ý của thánh Luca, câu chuyện hạ sinh ấy là một bài trường ca về một Tình Thương có một không hai trong lịch sử loài người. Một bài trường ca bất tận. Một Tình Thương nhiệm lạ gắn chặt Thiên Chúa với loài người không ngơi nghỉ. Tình Thương quá đỗi ấy đã làm thành một dòng lịch sử nâng cao thân phận trần thế của loài thụ tạo mỏng dòn, phải chết trở thành con Thiên Chúa. Tình Thương ấy không còn là hình bóng, nhưng đã hiện thực. Thay vì vật thể, thì nay là một Con Người. Thay vì Bia giao ước thì nay là chính Chúa Trời làm người. Như vậy, Tình Thương chảy từ Cựu Ước, càng chảy càng phát triển. Sang Tân Ước, Tình Thương ấy phát triển đến không ngờ. Bởi ơn cứu độ của lời hứa khi xưa, nay đã là chính Đấng Cứu Độ toàn năng.

Suy nghĩ như thế, ta càng khám phá ra rằng, khi miêu tả từng chi tiết câu chuyện hạ sinh của thánh Gioan Baotixita, thánh Luca đã hoan hỷ đặt tất cả nội tâm của mình sống trong đó. Vì thế, thái độ vui mừng của gia đình Giacaria – Isave vì được Chúa Trời buổi đầu làm người viếng thăn cũng là niềm mừng vui khôn tả của Luca. Bởi hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Cú nhảy của thánh Gioan trong lòng bà Isave cũng là cú nhảy của Luca. Bởi hôm nay, dân Chúa cũng được hân hoan nhảy mừng vì sức sống mới, sức sống vĩnh cửu trong ơn cứu chuộc. Tiếng kêu trong ơn Chúa Thánh Thần vừa thản thốt, vừa lạ thường, vừa vui sướng của bà Isave cũng là tiếng kêu trong Thánh Thần của Luca. Bởi hôm nay dân Chúa đã được xức dầu Thánh Thần để cất mãi bài hoan ca chúc tụng Thiên Chúa. Lời ca tụng Thiên Chúa sẽ trung thành thực hiện những gì Người đã phán (Lc 1, 45) xuất trên môi bà Isave cũng chính là tiếng kêu bật thốt của Luca. Bởi hôm nay tất cả những gì Chúa hứa đã nên hiện thực và hoàn hảo… Thánh Luca đã khám phá và nói với chúng ta nơi từng con chữ trong trình thuật hạ sinh của thánh Gioan về một Tình Thương bền bỉ có một không hai, Thiên Chúa đã không ngừng trung thành dành cho trần thế.

Nói cách khác, nơi trình thuật hạ sinh của thánh Gioan đặt trong tương quan với trình thuật Cựu Ước, ta thấy được Tình Thương của Chúa là một Tình Thương vượt mọi thác ghềnh, vượt trên tội lỗi của loài người. Tình Thương ấy đã dàn trải trong Cựu Ước thì nay lại cứ lớn mênh mông nơi Tân Ước. Cứ mãi vươn tới, vươn tới, bền bỉ gắn chặt với vận mệnh của trần thế, để trần thế dù vong thân đến đâu, vẫn còn đó một điểm tựa vững chắc mà quay về. Bởi thế, thái độ vui mừng, hay cú nhảy, hay tiếng kêu sung sướng trong Thánh Thần, hay lời ca tụng Thiên Chúa trung thành với lời hứa… nơi trình thuật hạ sinh của thánh Gioan, cũng là của chính nội tâm thánh Luca, lại chính là sự diễn tả trung thực nỗi vui mừng của mỗi chúng ta, của Hội Thánh hôm nay, vì được tận hưởng một Tình Thương bền bỉ mà Thiên Chúa đã thực hiện mỗi lúc một lên cao từ hình bóng đến hiện thực, từ vật thể đến Con Người, từ bia đá đến chính Con Thiên Chúa.

Tình Thương của Chúa là ân huệ lớn lao cho trần gian. Dân Chúa xưa trong Cựu Ước đã vui mừng đón nhận Tình Thương ấy. Đức Mẹ đã trân trọng đón nhận Tình Thương mà Chúa đặc biệt dành cho Mẹ. Gia đình ông bà Giacaria – Isave đã sung sướng vì Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita chấp nhận sứ vụ của Tình Thương nhiệm lạ trở thành người Tiền Hô Đấng Cứu Thế. Thánh Luca bày tỏ lời sung sướng của nội tâm vì nhận ra Tình Thương của Chúa luôn trải dài và bền bỉ. Ngày nay, tất cả chúng ta hãy đắm mình trong Tình Thương của Chúa bằng đời sống chăm chỉ cầu nguyện như thánh Gioan kết hợp với Chúa bằng con đường sa mạc nội tâm. Ta hãy thanh luyện tâm hồn thường xuyên để xứng đáng với Tình Thương. Ta hãy làm trọn sứ vụ dọn đường cho Tình Thương của Chúa đi vào nẻo đường nhân loại bằng chính đời sống chứng tá của ta. Rất nhiều phương thế để chúng ta đắm mình trong Tình Thương của Chúa. Mỗi người chúng ta đều cần lắm sự đắm mình trong Tình Thương của Chúa, để mãi mãi Tình Thương ấy dìu đưa ta trên hành trình cuộc đời. Cuối hành trình ấy, lại chính nhờ Tình Thương, chúng ta tiến về cùng Chúa trong bình an.

Vua Đavid đã nhảy mừng. Thánh Gioan Baotixita cũng nhảy mừng. Những cú nhảy của tình yêu đáp trả Tình Yêu. Ngày nay, ta đắm mình trong Tình Thương của Chúa, cũng có nghĩa là ta nhảy mừng đón nhận Tình Thương Chúa dành cho ta. Những cú nhảy như thế rất cần để ta càng ngày càng đi về phía Chúa, càng trở nên một với Chúa. Đó là những cú nhảy đón nhận và sống với Tình Thương của Chúa. Tất cả đều là những cú nhảy hoan ca Tình Thương.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Thiên Chúa có một khối tình
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
08:05 22/06/2013
Thiên Chúa CÓ MỘT KHỐI TÌNH

Tin Mừng theo thánh Gioan đã từng ghi nhận hình ảnh lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim Chúa Giêsu: “Một người lính lấy giáo ĐÂM CẠNH SƯỜN NGƯỜI. Tức thì, MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 34-35).

Thiên Chúa có một Trái Tim. Nơi Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, Trái Tim Thiên Chúa đã thổn thức, đã bị xâu xé, đã tổn thương, đã đớn đau vì tội lỗi trần thế. Nơi Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, một Trái Tim thể lý bằng thịt mềm, đã lột tả đến cao độ, đến vô cùng, khối tình và sự hiến dâng chính mình của Thiên Chúa vì cả trần thế và từng con người nơi trần thế.

Thiên Chúa đã để Con của Người chết cho loài người sống. Thiên Chúa đã tự nguyện hiến dâng mình cho loài người bằng chính sự đau đớn của Người nơi Trái Tim đã thương tích của Chúa Giêsu.

I. TRÁI TIM Thiên Chúa:

1. Một trái tim yêu lạ thường.

Đó là một trái tim bốc lửa yêu thương. Yêu đến vô cùng. Yêu đến quên mình. Yêu đến cạn kiệt tấm thân. Yêu đến hiến tế chính mình. Chúa Giêsu diễn tả tình yêu cao độ ấy, một tình yêu ngút ngàn, một tình yêu vô biên vô cương bằng một câu đơn sơ nhưng thấm thía: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

“Yêu đến nỗi…” “đã ban”, là một tình yêu hết mức. Chẳng hạn, một lần nào, ta chạm phải nỗi đau. Để diễn tả sự đau đớn trong ta là vô cùng, ta thốt lên, “tôi đau đến nỗi…”. Cũng vậy, động từ “yêu đến nỗi…” nơi Thiên Chúa, là động từ mạnh mẽ, khắc ghi sâu thẳm, cưu mang và trao ban đến không còn gì giữ lại cho mình.

Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu mà muôn đời chúng ta không thể hiểu nỗi. Người yêu đến nỗi hiến mình nơi Con của Người vì ta. Người thổn thức vì Trái Tim người ắp đầy hình bóng từng người chúng ta. Một Trái Tim chất chứa một tình yêu lớn lao đến mức, không bao giờ loại trừ bất cứ cá nhân nào, mà chỉ luôn luôn đón nhận, chỉ một lòng mong muốn được loài người đón nhận, dù loài người đầy bội phản, đầy tội lỗi và tội ác, không ngừng xúc phạm đến Người, đến Trái Tim của Người. Đó cũng là một tình yêu lạ lùng đến mức Thiên Chúa tự nguyện đi bước trước để yêu ta, để dâng tặng chính mình Người cho ta, một tình yêu lạ lùng đã khiến thánh Gioan tông đồ reo lên: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10). Thánh Phaolô cũng ca ngợi tình yêu vô điều kiện của Chúa, một tình yêu hiến mình cho kẻ nghịch với mình: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5, 5-9).

Một trong những lần hiện ra với thánh nữ Maria Margarita Alacoque (1647-1690), Chúa Giêsu đã mở Trái Tim Người để thánh nữ chứng kiến. Người thốt lên những lời thổn thức: “Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người qúa sức đến không tiếc sự gì cho đến tiêu hao kiệt quệ. Phải đền tạ Trái Tim Thánh vì những xúc phạm của loài người. Cha hứa với con rằng Trái Tim sẽ rộng mở để tràn đổ muôn vàn ơn phúc trên những kẻ tôn kính Trái Tim Cha”.

2. Một Trái Tim ấp ủ tâm tư hiến tế.

Thánh Phaolô đã từng mời gọi: “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5). Nhưng tâm tư của Chúa là tâm tư nào? Ngay sau lời mời gọi này, thánh nhân lập tức cho thấy “tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” là TÂM TƯ HIẾN TẾ: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6-8). Sự tự hy sinh của Chúa Giêsu là sự tự hiến tế. Nhưng sự tự hiến tế ấy là chính tình yêu cao cả của Thiên Chúa, đã chấp nhận hiến tế mình nơi chính cuộc hiến tế đớn đau của Chúa Giêsu.

Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa nhắc đến hiến tế của Người. Qua đó, ta thấy được hình ảnh luôn mang trong tâm tư của Chúa là hình ảnh hiến tế để cứu chuộc:

- Khi hiến mình thành tấm bánh cho ta, Chúa Giêsu khẳng định: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con” (Lc 22, 20).

- Khi diễn tả cái chết hy sinh để mang ơn cứu độ, Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

- Trong bữa tiệc ly, khi từ giả các môn đệ để vào tử nạn, Chúa Giêsu khẳng định: “Đã đến giờ Con Người được vinh quang” (Ga 12, 23).

- Cũng trong giờ ly biệt, Chúa Giêsu khẳng định cái chết trên thập giá là cái chết đưa loài người quy về một mối của ơn cứu độ: “Khi Thầy chịu treo lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12, 32).

- Ngay trong cơn hấp hối để đón nhận quyết định hiến dâng trọn vẹn đời mình, Chúa Giêsu đã thổn thức cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).

Còn nhiều những lời diễn tả sự hiến dâng của Chúa Giêsu cho trần gian. Tâm tư của Chúa là tâm tư chứa đầy ý thức hiến tế mà Chúa vẫn và sẽ thực hiện suốt đời trần thế. Bởi nếu một đời làm người, Chúa Giêsu luôn ấp ủ và ý thức mình là Đấng cứu độ trần gian theo ý Thiên Chúa, thì một đời ấy, là một đời Chúa hiến tế. Nếu sự tự hiến tế của Chúa chỉ đột nhiên xảy ra, nghĩa là không hề có trước trong tâm tư của Người, thì sự tự hiến tế ấy đã là giá trị, đã là quý báu, đã là tình yêu lớn. Nhưng nếu sự tự hiến tế ấy chất chứa đầy trong tâm tư của Chúa, mà Chúa ấp ủ hết mọi ngày trong đời sống, thì cuộc hiến tế của Chúa quả thật lớn lao, và lớn đến vô cùng không thể kể xiết. Bởi tâm tư hiến tế ngày qua ngày cũng chính là Chúa chấp nhận chết từng ngày cho ta. Thánh giá của Chúa, thánh giá mà Người chấp nhận tự hiến mình, là thánh giá một đời của Chúa. Vì thế, thánh giá trên đồi tử nạn chỉ là chặn cuối, là cao trào của cuộc hiến tế mà Chúa ấp ủ trong tâm tư Người. Như thế, tâm tư ấy, phải là tâm tư mà Chúa quyết đi đến cùng để tự hiến mình cho trần gian.

Và nếu Thiên Chúa hiến tế chính mình nơi Chúa Giêsu, thì trong Chúa Giêsu, một khi chất chứa đầy tâm tư tự hiến tế qua hết mọi thời gian, cũng có nghĩa là Thiên Chúa tự hiến tế chính mình cho trần gian, không phải một lúc nào, nhưng là sự tự hiến tế qua hết mọi thời gian.

Thiên Chúa đã ôm lấy tâm tư hiến tế ấy từ đời đời, khi Người quyết định cứu chuộc trần gian. Người đã thật sự tự hiến tế mình, khi Chúa Giêsu nhập thể, bước vào trần gian, sống giữa trần gian, chấp nhận khổ đau và chết cho trần gian.

Nói cách khác, Trái Tim đầy yêu thương của Thiên Chúa, là một Trái Tim ấp ủ cuộc hiến tế chính mình từ muôn đời đến muôn đời. Tâm tư hiến tế ấy của Thiên Chúa đã thành hiện thực, hay Thiên Chúa đã thực sự hiến tế, một khi Thiên Chúa chấp nhận hiến tế Chúa Giêsu, Con Một duy nhất của Người. Hiến tế trong Con là một hiến tế dữ dội, là một sự tự hiến trọn vẹn, cao cả không còn điều gì lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta có kinh nghiệm này: Thà hy sinh chính mình. Nếu phải chứng kiến người mình yêu quý đớn đau trong hy sinh, lòng ta chắc chắn se thắt lại, đau đớn trong ta chắc chắn sẽ ghê gớm hơn.

Hiểu nỗi lòng của Thiên Chúa cách nhân hóa như thế, ta mới thấy Trái Tim hiến tế của Thiên Chúa không đơn giản chút nào. Nhờ đó, ta hiểu được sự đớn đau quằng quại của Thiên Chúa lớn đến mức độ nào khi chứng kiến Người Con của mình hy sinh trong hiến tế ấy. Người đau trong nỗi đau của Chúa Giêsu. Người khốn cùng trong sự khốn cùng của Chúa Giêsu. Người tan thương trong nỗi tan thương của Chúa Giêsu. Người chết lặng trong cái chết câm nín của Chúa Giêsu.

II. TRÁI TIM Thiên Chúa VỚI ĐỜI THÁNH HIẾN.

Nếu Trái Tim Thiên Chúa là một Trái Tim yêu đến lạ thường và là Trái Tim hằng ấp ủ tâm tư hiến tế, thì chúng ta cũng phải bắt chước Người mà yêu thương, mà chấp nhận hiến tế cho nhau, vì Chúa. Trong yêu thương đã là sự hiến tế vì nhau. Và trong sự tự hiến tế vì anh chị em mình hằng ngày, ta đã chứng tỏ tình yêu của ta đối với Chúa, như Chúa dạy:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

“Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5).

Mang lấy tâm tư hiến tế của Chúa, chúng ta không còn biết sợ gì, chỉ một lòng tiến đến cùng trong lý tưởng dấn thân cho Chúa và cho nhau. Đó chính là tình yêu mà chúng ta có để thể hiện hiến tế đời mình, và trao ban chính mình cho anh chị em của ta.

Trái Tim Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta. Hãy nhìn vào Trái Tim yêu thương vô cùng của Chúa, để chúng ta học lấy bài học yêu thương từng ngày trong đời sống thánh hiến của mình. Yêu thương như Chúa, ta sẽ thực sự sống hiến tế như Chúa: Hiến tế một đời trong tâm tư và trong sự dâng hiến đời mình.

Hãy yêu như Chúa. Vì có yêu thương nhau như Chúa yêu, ta mới có thể cùng nhau vượt qua thử thách. Nhất là đời sống cộng đoàn, tình yêu càng không thể vắng bóng. Phải có tình yêu, cộng đoàn mới vững mạnh. Tình yêu là sức mạnh nền tảng của đời sống cộng đoàn. Không có tình yêu, đời sống cộng đoàn trở thành nhà tù giam nhau, vì ở đó chỉ toàn đố kỵ, ganh, ghét, oán, hận, giận, thù, xoi mói, nóng nảy, xích mích, thiếu tế nhị, thiếu quan tâm, thiếu tin tưởng, thiếu kính trọng, chia phe, lập đồng minh…

Có yêu thương nhau thì mới đón nhận nhau. Mối phúc thứ bảy, là mối phúc mà những ai sống đời sống cộng đoàn phải học thật kỹ: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Đón nhận nhau cũng là cách ta thể hiện hiến tế đời ta để yêu bằng tình yêu cao thượng cho những người sống cùng ta. Nhất là đón nhận cả những anh chị em trái tính, trái nết, những người mà lời nói của họ sao cứ mặn, hành động của họ sao cứ cay, những tương quan mà họ biểu lộ ra ngoài sao cứ đắng… Đón nhận như thế là một phần đấu, nhưng đầy rát buốt. Đó thực là việc “xây dựng hòa bình”, nhất là “xây dựng hòa bình” trong chính cộng đoàn mình đang sống cách cao đẹp. Nhưng cũng thực là hiến tế trong tình yêu.

Có yêu nhau cuộc sống mới không nhạt nhẽo. Chính tình yêu là cách tốt nhất để thêm một chút mặn mà, một chút ngọt ngào cho đời dâng hiến của từng anh chị em chúng ta. Cứ suy nghĩ cho kỹ mà xem, tất cả chúng ta đây, đã bỏ tất cả: Cả quê nhà, cả những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua nơi khung trời bình yên nào đó, cả bạn bè, cả cha mẹ, và mọi người thân yêu nhất… Đối với bản thân, ta cũng từ bỏ cả giây phút hiện tại để từng thời gian trôi qua, ta chỉ biết có đời sống dâng hiến. Ta cũng từ khước bao nhiêu ước mơ, từ khước cả tương lai đời mình, để chỉ sống có một ước mơ duy nhất: sống cho trọn vẹn ơn gọi hiến dâng. Có thể nói mà không sợ sai rằng, tất cả chúng ta đây đã từ bỏ chính mình, để chỉ còn vỏn vẹn một hy vọng: đêm ngày thuộc về Chúa. Vậy thì tại sao chúng ta không yêu nhau, hay không yêu nhau cho đủ. Chúng ta có còn gì, có còn ai ngoài những anh chị em đang sống với ta, đang từng ngày sớt chia với ta lý tưởng ơn gọi tận hiến? Anh chị em đang cùng chung sống với ta hôm nay là chính cha mẹ, là chính anh em ruột thịt, là chính quê hương, là chính ước mơ, là chính ngôi nhà đầy ắp tiếng cười thơ dại của tuổi thơ trong ký ức đời ta… Hôm nay, chính giây phút này, những con người này hiểu ta hơn cha mẹ ta hiểu ta. Khi ta vui, khi ta cất lên tiếng hát, hay khi ta mất bình an, khi ta đau ốm, khi ta không còn biết dựa vào ai…, họ biết, họ thấy, họ cảm thông, họ cùng khóc, họ cùng cười với ta trước khi mọi người thân yêu ruột thịt của ta có thể nghe, có thể biết… Vậy thì vì lý do gì, ta còn đố kỵ, còn chưa thể thân thiện, chưa thể hòa vào vòng tay của người đang sống bên ta, đang hiện diện và làm việc với ta trong chính nơi đây, trong chính cộng đoàn này? Cuộc sống chung mà không có yêu thương là cuộc sống địa ngục. Nó sẽ gây nên không biết bao nhiêu nhạt nhẽo, bạc bẽo và đổ vỡ.

Có yêu thương nhau, mới có thể đi đến cùng trong đời tu. Cá nhân hay tập thể đều cần đến tình yêu. Thiếu tình yêu của từng cá nhân, cộng đoàn tu trì tan rã. Thiếu tình yêu làm nền tảng trong một cộng đoàn tu trì, từng cá nhân sẽ thấy mình như bị bách hại, bị ngược đãi. Tình yêu cũng là phương thế hữu hiệu nâng đỡ đời tu. Vì thế, từng cá nhân trong cộng đoàn tu trì hãy yêu, và hãy chân thành đón nhận tình yêu để ơn gọi của mình được triển nở, được lớn lên và bền vững. Không biết yêu, và cũng không đón nhận tình yêu, sẽ là một tổn thương lớn đến chính ơn gọi của mình, nếu không muốn nói là tự triệt tiêu ơn gọi đời mình.

Có yêu thương nhau, mọi công việc đạo đức mới không giả tạo, không vô hồn. Hằng ngày, từ khi trời còn chưa sáng cho tới khi tối mịt, chúng ta hiện diện bên nhau bao nhiêu lần để cầu nguyện, để chầu Mình Thánh Chúa, để dâng thánh lễ, để chiêm ngắm Chúa, để suy niệm, để nói và nghe về tình yêu của Chúa... Ngay cả khi làm việc, học tập, nghỉ ngơi, ăn uống… ta đều đặt mình sống trong Chúa. Vậy mà cõi lòng mình vẫn còn đó những ý nghĩ chưa phù hợp với tình yêu, chưa xứng đáng với lòng mong mỏi của Chúa là hãy yêu như Chúa? Chúa không ưa lối sống giả tạo. Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa lên án thói đạo đức giả. Người đòi phải trả lại thế gian những gì là thói của thế gian, và phải“trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Chúa căn dặn các môn đệ: “Các con hãy coi chừng men biệt phái, tức là thói đạo đức giả” (Lc 12, 1). Chúa thẳng thừng lên án thói đạo đức giả: “Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác”(Mt 23, 27-28; Lc 11, 44). Hãy cố gắng yêu. Yêu để sự giả tạo không thể len lỏi vào đời tu của cá nhân và vào đời sống chung của cộng đoàn. Nếu chưa thể yêu như Chúa, thì hãy yêu vì Chúa dạy yêu, để các việc đạo đức của từng người bớt giả tạo, nhưng thánh thiện hơn, có hồn hơn.

Có yêu thương nhau thì mới có thể cùng nhau loan truyền tình yêu của Chúa hiệu quả, và làm chứng cho tình yêu ấy cách đúng nghĩa nhất, chân thành nhất, cao đẹp nhất và thực tế nhất. Nếu không biết yêu thương, chúng ta lại đi nói về Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì có khác gì chiếc loa phóng thanh: to tiếng nhưng trống rỗng. Có yêu, mới có thể cảm nghiệm tình yêu. Khi đã cảm nghiệm tình yêu, mới có thể nói chính xác về tình yêu.

Có yêu mới có thể giữ được tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Chúng ta hãy lắng nghe lới thánh Phaolô dạy: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 1-6). Tình hiệp nhất là quý giá, vì nó là thành tố chứng minh chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô. Bởi Chúa Kitô không có mong muốn nào khác ngoài mong muốn con người hãy yêu nhau, sống hiệp nhất với nhau. Mong muốn của Chúa muôn đời vẫn là: “Tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”(Ga 17, 21-23). Tình hiệp nhất còn cho thấy cộng đoàn mà mình đang hiện diện, là cộng đoàn thể hiện giá trị chân chính của đời tu. Nó là cơ sở mà nhiều người nhìn vào để phê phán hay khen ngợi, để học tập hay hay giễu cợt chúng ta. Thậm chí người ta sẽ nhìn vào tình hiệp nhất của một cộng đoàn tu trì để lượng giá, cả đến bôi nhọ Hội Thánh. Vì thế, hiểu được tầm quang trọng của tình yêu hiệp nhất, bằng mọi giá, mỗi cá nhân phải thực hiện cho bằng được tình yêu hiệp nhất giữa cộng đoàn của mình, cho dù có phải hy sinh bản thân, hy sinh tất cả những gì tư riêng của bản thân. Đó chính là sống hiến tế để mưu cầu tình yêu.

Có yêu thương nhau thì mới đến được với người nghèo, người khổ đau, người bệnh tật, người thiếu thốn bình an. Không yêu thương, sẽ là một phản chứng cho việc chúng ta sống bác ái. Người ta không thể hiểu nổi, một người ra sức làm việc bác ái mà lại không thể tìm thấy tình yêu nội tại nơi chính bản thân người ấy. Hơn nữa, nếu không yêu thương, làm sao có thể cúi xuống, làm sao có thể cảm thông với tất cả mọi anh chị em cơ nhở. Yêu phải là điều kiện tiên quyết cho việc chúng ta dấn thân cho anh chị em đau khổ quanh mình.

Có yêu nhau mới dám cùng nhau chấp nhận cái chết để minh chứng cho mọi người biết mình đã tin vào Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta không ước ao chết, không đi tìm cái chết. Nhưng khi cần để vinh danh Thiên Chúa, vinh danh Hội Thánh, vinh danh lý tưởng ơn gọi đời mình, và vì anh chị em, chúng ta can đảm đón nhận cái chết như Chúa Giêsu chết vì chúng ta. Bởi yêu nhau và dám chết cho nhau, mới là người đáng tin. Khi đó, mọi người càng nhận ra chúng ta tin và nên giống Đấng Cứu Chuộc mình.

Tình yêu là cốt lõi của Tin Mừng, là sự thúc đẩy Thiên Chúa hiến thân vì con người, thì tình yêu cũng là điểm quan trọng nhất của đời sống chung. Khi yêu nhau, ta làm toát lên vẻ đẹp của mình, khơi gợi cho con người niềm hy vọng và xác tín mạnh mẽ vào Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Và như thế, “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Khi yêu như thế, ta cũng được ở lại trong Chúa và Chúa ở trong ta. Bởi vì, “Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Tình yêu mà chúng ta dành cho nhau là sự hiến tế mỗi ngày chúng ta sống vì Chúa. Và sống hiến tế mỗi ngày trong cộng đoàn, nơi từng anh chị em, hay bất cứ con người nào Chúa ban cho mình, cũng đều là chính tình yêu chúng ta trao dâng về Chúa.

Hãy yêu như Chúa. Hãy hiến tế vì Chúa. Có như thế, chúng ta mới đích thực là người mang tình yêu trao dâng cho nhau và hiến tế vì nhau.

Trái Tim Thiên Chúa đẹp lạ thường, đẹp đến nỗi, bút không thể ghi, đá không thể tạc, vì Trái Tim ấy có một sức mạnh thu hút diệu kỳ nhờ tình yêu lạ thường và sự tự hiến tế mãnh liệt. Trái Tim yêu thúc đẩy Trái Tim tự hiến tế. Trái Tim hiến tế thực là bằng chứng về một Trái Tim yêu vượt mọi thời gian, vượt trên tội lỗi, vươn đến tận cùng và mạnh mẽ công phá mọi rào cản của bóng tối hận thù, tàn ác, giết chóc… Sức mạnh và vẻ đẹp diệu kỳ của Trái Tim mãi muôn đời chiếu rọi trên từng người chúng ta và mời gọi chúng ta tiếp tục phân phát sức mạnh và vẻ đẹp ấy bằng chính tình yêu chấp nhận mọi hiến tế của từng người chúng ta.

Ngày 19.6.2013, tròn 25 năm ngày phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt Nam

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Tị nạn Thế giới: 'Khi đã được ban cấp quy chế tị nạn chính trị, thách đố của họ vẫn chưa hết'
Lã Thụ Nhân
01:19 22/06/2013
Ngày 20 tháng Sáu hằng năm là Ngày Tị nạn Thế giới, mục đích của ngày này là nhằm nâng cao nhận thức về tất cả những thách đố mà người tị nạn phải đối mặt khi họ rời khỏi quê hương đất nước của mình. Người ta ước tính khoảng 100 triệu người trên khắp thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Cha Giovanni La Manna, Giám đốc Astalli (Ý) cho biết: "Từ việc tìm kiếm một chỗ để nghỉ ngơi, một nơi để ăn uống và một chốn để sống cho ra con người, và cả trong tiến trình thanh lọc, những thách đố vẫn chưa hết, nhưng vẫn tiếp diễn sau đó".

Cha Giovanni La Manna là Giám đốc trung tâm Astalli tại Ý, là một trong những trung tâm tị nạn quan trọng nhất của nước này. Cha cho hay vấn đề di dân và tị nạn là vấn đề phổ quát, nhưng nó thường bị các chính trị gia bóp méo. Tuy nó đang là một vấn đề nóng bỏng, nhưng cũng cần phải làm một điều gì đó.

Cha Giovanni La Manna nói thêm: "Ở đảo Lampedusa của Ý, ngư dân được chuyển đến một khu vực có lẽ là một nghĩa trang. Khi họ thả lưới trên biển, có lúc họ phát hiện hài cốt của con người".

Trong một cuộc hội thảo, cha nói rằng thật mỉa mai là một cặp kính hoặc hàng hóa có thể dễ dàng được vận chuyển từ nước này sang nước khác. Nhưng đối với con người thì nó trở nên điều gì đó vô cùng phức tạp.

Cha Giovanni La Manna cho biết: "Mọi người cần hiểu những người tị nạn là ai. Những người di dân là ai? Trên bình diện chính trị, chúng ta cần phải có những người chịu trách nhiệm. Phẩm giá và quyền của người tị nạn phải được tôn trọng".

Để nâng cao nhận thức về di dân và tị nạn, Phân Vụ Trợ Giúp Di Dân của Dòng Tên đã tổ chức một cuộc trưng bày ở Giáo xứ Thánh Danh Chúa Giêsu tại Rôma. Trên mặt tiền của giáo xứ, một màn ảnh kỹ thuật số trình chiếu những kinh nghiệm tị nạn vào mỗi đêm cho đến hết ngày 21 tháng Sáu.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổ chức Lương nông Thế giới: Chúng ta phải ngăn chặn nạn đói ngay
Lã Thụ Nhân
01:34 22/06/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi chấm dứt nạn đói trên thế giới trong cuộc gặp gỡ với hơn 400 thành viên tham dự hội nghị của Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc. Phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng lên án rằng ngày nay nạn đói không được xem là vấn đề cấp bách hay 'gây xôn xao dư luận'. Ngài cũng chỉ ra rằng thay vì giúp đỡ người nghèo, nhiều tổ chức và nhiều vị lãnh đạo chính trị thường sử dụng cuộc khủng hoảng kinh tế như một cách để trút trách nhiệm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi tin đây là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của chúng ta hôm nay để cùng chia sẻ ý tưởng rằng cần phải thực hiện điều gì đó nhiều hơn nữa nhằm đưa ra một động lực mới trong các hoạt động quốc tế vì người nghèo. Chúng ta được linh hứng là phải thật sự làm cái gì đó chứ không phải chỉ có thiện chí suông, hay tệ hơn, chỉ là những lời hứa thường là hão huyền. Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay cũng không thể tiếp tục được xem như một cái cớ để thoái thác trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng sẽ không hoàn toàn chấm dứt cho đến khi nào hoàn cảnh và điều kiện sống của anh chị em chúng ta được xem xét trên phương diện nhân bản và phẩm giá con người".

Đức Thánh Cha cũng cho hay mọi người phải cảm thấy một ý thức gia tăng trách nhiệm. Về phần Giáo Hội, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội có thể đưa ra trợ giúp nền tảng cho Tổ chức Lương nông Thế giới và các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Con người và phẩm giá con người có nguy cơ bị biến thành trừu tượng và mơ hồ trước các vấn đề như việc sử dụng vũ lực, chiến tranh, suy dinh dưỡng, bị gạt ra bên lề xã hội, tình trạng vi phạm các quyền tự do cơ bản, và đầu cơ tài chính. Tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến giá cả lương thực, khi con người được xem như là một thứ hàng hóa, trong khi chức năng chính của họ không được tính đến. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục nhấn mạnh đến con người và phẩm giá con người, không đơn giản chỉ là khẩu hiệu, nhưng là những trụ cột để tạo ra các nguyên tắc và cấu trúc chung vốn có thể đi xa hơn những phương pháp tiếp cận duy thực tế hoặc kỹ thuật. Bằng cách đó, chúng ta có thể loại trừ những chia rẽ và khác biệt".

Hội nghị thường niên của Tổ chức Lương nông Thế giới bắt đầu vào ngày 15 tháng Sáu, kéo dài đến 22 tháng Sáu. Hội nghị có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo chính trị, như Tổng thống Ghana, Panama và Venezuela.
 
Các nhà phò sinh Ái Nhĩ Lan kêu gọi lương tâm của các dân biểu khi bỏ phiếu về luật cho phép phá thai
Đặng Tự Do
07:19 22/06/2013
Các nhà phò sự sống tại Ái Nhĩ Lan đang kêu gọi lãnh tụ các đảng phái nước này phải để cho đảng viên của họ được tự do trong việc bỏ phiếu hợp pháp hóa hay bác bỏ đạo luật cho phép phá thai.

Sau khi lãnh đạo Đảng Fine Gael nói rằng tất cả các đảng viên phải tuân thủ kỷ luật đảng và phải hỗ trợ cho việc thông qua đạo luật này, các nhà lập pháp là đảng viên của đảng này tuyên bố họ phải được phép bỏ phiếu theo lương tâm của họ

Các nhà lập pháp ủng hộ cuộc sống đã chỉ ra một tiền lệ là vào năm 1993, Alan Shatter hiện là Bộ trưởng Tư Pháp đã từng bỏ phiếu chống lại đảng của ông, nhưng không hề bị hình thức kỷ luật nào.

Trong một diễn biến liên quan, Đức Hồng Y Raymond Burke, người đứng đầu Tòa Ân Giải Tối Cao, nói rằng Thủ tướng Enda Kenny đã nhầm lẫn khi ông tuyên bố rằng mặc dù ông là một người Công Giáo, ông không thể cho phép đức tin của mình hướng dẫn lập trường của ông về vấn đề phá thai.

Đức Hồng Y người Mỹ nói với người Công Giáo Ái Nhĩ Lan rằng:

"Phá thai chống lại luật luân lý tự nhiên, là luật đã được ghi khắc trong con tim con người. Người ta không thể thoái thác rằng vì mình là một chính trị gia thì mình có quyền thoái thác những vấn nạn về phá thai bằng cách tuyên bố rằng người ta không nên mang đạo Công Giáo của một người vào các lĩnh vực chính trị."
 
Anh quốc bác bỏ đề nghị để Đức Giáo Hoàng đứng làm trung gian hòa giải về cuộc tranh chấp quần đảo Falklands
Đặng Tự Do
07:22 22/06/2013
Các quan chức chính phủ Anh đã bác bỏ một đề nghị của Tổng thống Á Căn Đình là bà Cristina Kirchner theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền của quần đảo Falkland.

Sau trận chiến diễn ra năm 1982, cho đến nay Á Căn Đình vẫn tiếp tục thách thức tuyên bố của Anh về chủ quyền trên quần đảo Falklands - được người dân Á Căn Đình gọi là Malvinas nằm ngoài khơi Đại Tây Dương.

Năm ngoái, trong chuyến thăm Vatican, bà Kirchner đã từng thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đứng ra giải quyết các tranh chấp giữa hai bên.

Các quan chức ở London đã bác bỏ thẳng thừng triển vọng về sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng.

Mark Lyall Grant, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc nói:

"Tôi chắc chắn chia sẻ quan điểm cho rằng tôn giáo không thể giúp giải quyết vấn đề này"

Các quan chức Anh có thể có những lý do để từ chối lời kêu gọi sự can thiệp của Vatican, vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người Á Căn Đình.

Trong các thời điểm khác nhau, quần đảo Falklands đã từng có người Pháp, người Anh, Tây Ban Nha và Á Căn Đình sinh sống.

Anh đã thiết lập chủ quyền trên quần đảo này từ năm 1833 bất chấp việc Á Căn Đình luôn coi đây là hòn đảo của họ. Năm 1982, Á Căn Đình đổ quân chiếm đóng và cuộc chiến không tuyên bố giữa hai nước đã diễn ra trong 2 tháng, kết thúc với việc quân trú đóng của Á Căn Đình đầu hàng quân Anh.

Quần đảo hiện có dân số là 2932 người. Phần lớn là người địa phương sinh sống lâu đời ở đây.
 
Quan ngại về tình trạng an ninh tại Bức Tường Than Khóc: cảnh sát Do Thái bắn chết cả người Do Thái
Đặng Tự Do
07:42 22/06/2013
Một người đàn ông Do Thái đã bị cảnh sát Do Thái bắn chết ngay tại Bức tường Than Khóc ở phía Tây Jerusalem hôm thứ Sáu 21 tháng 6.

Việc cảnh sát Do Thái bắn chết một người Do Thái là chuyện rất hi hữu và biến cố bi đát này có thể là do tâm lý căng thẳng của các lực lượng Do Thái đang tuần tra nghiêm ngặt trong khu vực tiếp theo những tin tình báo về khả năng di tích lịch sử này bị người Hồi Giáo đánh bom.

Người đàn ông Do Thái bị bắn chết đã lao vào cảnh sát trong khi hô lớn "Allahu akbar!" “Thiên Chúa thật cao cả”. “Allahu akbar” không phải là tiếng Do Thái nhưng là tiếng Ả rập và đã từng là tựa đề bài quốc ca của Libya từ năm 1969 cho đến ngày 20 tháng 10 năm 2011 khi tổng thống Muammar Muhammad Abu Minyar al-Gaddafi, người thường được gọi là Đại Tá Gaddafi bị lật đổ và bắn chết.

“Allahu akbar” cũng là khẩu hiệu thường được người Palestine hô to trong các cuộc biểu tình chống Do Thái.

Cảnh sát nghĩ ông này đeo bom tự sát nên đã nổ súng. Cảnh sát tỏ ra rất nhạy cảm với các mối đe dọa khủng bố đặc biệt là vào thứ Sáu khi người Hồi giáo Palestine tụ tập để cầu nguyện.
 
Các Đức Giám mục Miến Điện xác định những thách thức quốc gia phải đối mặt
Đặng Tự Do
08:04 22/06/2013
Nhà thờ Đức Bà Yangon
Sau cuộc họp thường niên, hôm 21 tháng 6, các Giám Mục Miến Điện đã đưa ra một thư chung bày tỏ niềm vui trước những thay đổi chính trị lớn lao của đất nước gần đây và phác thảo ra những gì các vị cho là thách thức lớn nhất mà quốc gia họ giờ đây phải đối mặt.

Theo các Giám Mục nước này, cần thiết phải tái lập việc giáo dục bắt buộc ở bậc phổ thông, tôn trọng "các quyền và phẩm giá của các nhóm bản địa," và phải chấm dứt ngay tình trạng xung đột sắc tộc và tôn giáo.

"Chúa đã ban cho đất nước chúng ta những tài nguyên thiên nhiên cần phải được bảo vệ và không thể để cho nước ngoài khai thác". Các Giám Mục cũng kêu gọi viện trợ cho người tị nạn Miến Điện. "Sự im lặng và nước mắt của họ đang kêu gào công lý."

Miến Điện hiện có 54,600,000 dân trong đó 89% theo Phật Giáo, 4% theo Hồi Giáo, 4% theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chỉ có 1%. Theo Niên Giám của Giáo Hội Công Giáo năm 2011, Miến Điện có 16 giáo phận trong đó có 3 tổng giáo phận trong đó lớn nhất là tổng giáo phận thủ đô Yangon.
 
Sau lũ lụt, Lộ Đức luôn là đường tuôn ơn thánh đức
Lê Đình Thông
09:01 22/06/2013
SAU LŨ LỤT THÁNG SÁU, LỘ ĐỨC LUÔN LÀ ĐƯỜNG THIÊNG TUÔN THÁNH ĐỨC

Nước sông Gave lên gần tới tượng Đức Mẹ
Trong mấy ngày lũ lụt, nước sông Gave cuồn cuộn chảy. Cả vùng đồi núi Pyrénées nhuộm màu tang tóc. Phía trên đền thánh, vương miện Chúa Cứu thế uy nghi ngự trị, nhắc nhở các tín hữu ‘‘ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời.’’ (Thánh vịnh 121):

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương. (Bà Huyện Thanh Quan)

xem hình lũ lụt

Lộ Đức dịch âm địa danh Lourdes, từ gốc là Lorda, thổ ngữ miền Gascogne. Lộ Đức (路德): con đường thánh đức. Nữ thánh Bernadette Soubirous có ân đức được Đức Bà hiện ra 18 lần kể từ 11/02/1858 tại hang đá Massabielle. Nơi đây, Đức Thánh mẫu đã công bố danh hiệu Vô nhiễm Nguyên tội.

Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và Vương quyền của Chúa Kitô luôn ngự trị trên trần gian. Ngày 21/06, linh mục Horacio Brito, Viện trưởng Đền thánh Lộ Đức, cho biết linh địa sẽ mở cửa cho khách thập phương đến suy ngắm và cầu nguyện từ 10 giờ 10 sáng thứ bẩy 22/06. Ngày thứ bẩy trong tuần là ngày của Đức Mẹ.

Việc quét dọn bùn lầy nước đọng là do công quả của 160 người thiện nguyện, cùng với nhân viên Đền thánh chung sức thực hiện.

Hôm thứ sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp chia sẻ nỗi đau thương cùng các nạn nhân lũ lụt. Một thánh lễ sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 23/06/2013 để cầu nguyện cho các nạn nhân lũ lụt và hai người bị chết đuối trong lúc đang lái xe.
 
Đức Hồng Y George Pell nói về việc cải tổ Giáo triều Rôma
Đặng Tự Do
09:21 22/06/2013
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới chỉ lãnh đạo Giáo Hội hơn ba tháng nhưng sự mến mộ dành cho ngài đã khá rõ ràng. Những buổi tiếp kiến chung mỗi thứ Tư hàng tuần và các buổi đọc kinh Truyền Tin lôi cuốn hàng trăm ngàn người tuôn về Vatican mỗi tuần. Đây là điều Đức Hồng Y George Pell của Úc Đại Lợi đã trực tiếp chứng kiến trong chuyến thăm gần đây của ngài tại Rôma.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney nói:

"Xe taxi không làm sao được vào Via della Conciliazione đơn giản vì có quá đông người. Các buổi triều yết chung có đôi khi hơn 85,000 người tập trung về đây. "

Nhưng có lẽ những thay đổi bên trong Vatican thu hút sự chú ý của Đức Hồng Y nhiều hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y George Pell là một trong tám vị Hồng Y tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc cải cách Giáo triều Rôma.

Mặc dù vai trò chính xác của hội đồng vẫn chưa được xác định, Đức Hồng Y Pell nói, có hai khả năng chính, sẽ được thảo luận khi nhóm tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng Mười.

Ngài nói:

"Một phương pháp tái cấu trúc Giáo triều bao gồm những thay đổi lớn một cách toàn bộ và triệt để. Một cách khác là xem xét các vấn đề, trước mắt là những vấn đề gì và bắt đầu với từng vấn đề một. "

Việc tiến hành cải cách Giáo triều Rôma đã được thảo luận bởi các vị Hồng Y vào thời điểm Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Pell cho biết ủy ban sẽ không né tránh các vấn đề gây nhiều tranh cãi như cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Ngân hàng của Vatican, việc phát triển sự giao tiếp hiệu quả hơn giữa Đức Giáo Hoàng, với các Giám Mục và các giáo phận.

Đức Hồng Y nhận định:

"Chắc chắn ưu tiên đối với Đức Thánh Cha là làm thế nào ngài, như người Kế Vị Thánh Phêrô, liên hệ với các giám mục là những người kế vị các tông đồ và cũng là những người cùng với ngài tạo thành tông đồ đoàn."

Tám vị Hồng Y sẽ phản ánh về Giáo Hội hoàn vũ, vì các ngài đến từ các miền khác nhau trên thế giới. Đức Hồng Y Pell nghĩ rằng cơ cấu cố vấn có thể có thêm các thành viên khác trong tương lai.

Ngài nói:

"Chúng tôi gồm có tám người từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng có thể là chín người với một vị nào đó từ Giáo Hội Công Giáo Đông phương. "

Theo Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng đã tham khảo ý kiến với nhiều vị trong và ngoài Giáo triều Rôma, để xem những gì có thể được thực hiện nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh của Giáo Hội.
 
Đức Thánh Cha tưởng niệm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
Lm. Trần Đức Anh OP
12:17 22/06/2013
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 5 ngàn tín hữu thuộc giáo phận Brescia hôm 22-6-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi họ hãy noi gương Đức Phaolô 6 nồng nhiệt yêu mến Chúa Kitô, Giáo Hội và con người.

5 ngàn tín hữu, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Luciano Monari GM giáo phận Brescia, là nguyên quán của Đức Phaolô 6, về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm đúng 50 năm Đức Cố Giáo Hoàng được bầu làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ hồi năm 1963.

Lúc 10 giờ sáng, các tín hữu đã tham dự thánh lễ kỷ niệm tại Đền thờ thánh Phêrô do Đức Cha Monari chủ tế cùng với 3 GM và hàng trăm LM. ĐHY Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục, gốc giáo phận Brescia, cũng hiện diện.

Cuối thánh lễ, lúc 12 giờ 20 phút trưa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến gặp gỡ các tín hữu. Trong bài huấn dụ, ngài nêu bật 3 khía cạnh cơ bản trong chứng tá và giáo huấn của Đức Phaolô 6, đó là lòng yêu mến Chúa Kitô, yêu mến Giáo Hội và yêu người: ”Một tình yêu sâu đậm đối với Chúa Kitô, không phải để chiếm hữu Chúa, nhưng để loan báo Người. Chúng ta nhớ những lời tha thiết của Đức Cố Giáo Hoàng nói tại Manila: ”Chúa Kitô! Đúng vậy, tôi cảm thấy phải loan báo Ngài, tôi không thể im lặng về Ngài!..”

Đức Phaolô 6 có một tình yêu nồng nhiệt, say mê đối với Giáo Hội, một tình yêu trọn cuộc sống của Người, vui tươi và chịu đau khổ, được biểu lộ ngay trong thông điệp đầu tiên của Người ”Ecclesiam suam”. Đức Phaolô 6 đã sống trọn vẹn những sau thương của Giáo Hội sau Công đồng chung Vatican 2, những ánh sáng, hy vọng và căng thẳng. Người ta yêu mến Giáo Hội và xả thân không chút dè dặt cho Giáo Hội”.

Trước tấm gương của Đức Phaolô 6, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các tín hữu hãy tự hỏi: ”Phải chăng chúng ta thực sự là một Giáo Hội gắn bó, hiệp nhất với Chúa Kitô, để ra đi và loan báo cho mọi người về Chúa, đặc biệt tại những người 'sống bên lề cuộc sống', hoặc chúng ta khép kín nơi mình hay trong những nhóm riêng của mình?”
Sau cùng, về lòng yêu mến con người, Đức Thánh Cha nhận xét rằng chính lòng hăng say đối với Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta gặp gỡ, tôn trọng và nhìn nhận Chúa nơi con người và phụng sự Ngài...

”Chuyện người Samaritano nhân lành cũng là mẫu mực linh đạo của Công Đồng... Toàn thể sự phong phú đạo lý của Công Đồng đều đi theo một hướng đi duy nhất, đó là phục vụ con người. Con người trong mọi hoàn cảnh, trong mọi yếu đuối và nhu cầu. Giáo Hội hầu như tự tuyên bố là nữ tỳ của nhân loại” (Bài giảng ngày 7-12-1965, AAS 58 [1966], p.57)

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: ”Chứng tá của ĐGH Phaolô 6 nuôi dưỡng trong chúng ta ngọn lửa yêu mến Chúa Kitô, yêu mến Giáo Hội, và lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho con người ngày nay, với lòng từ bi, kiên nhẫn, can đảm và vui mừng” (SD 22-6-2013)
 
Top Stories
Pope Francis recalls Paul VI
Vatican Radio
12:08 22/06/2013
2013-06-22 Pope Francis greeted a group of pilgrims from the Diocese of Brescia, who had just celebrated Mass in St. Peter’s Basilica to mark the 50th anniversary of the election of Pope Paul VI, who was from the area.

In his address, Pope Francis spoke of his predecessor’s love for Christ, love for the Church, and love for mankind.Pope Francis began his tribute to Paul VI by recalling his witness, “in difficult years”, to faith in Jesus Christ. He said this “deep love” was not possessive, but compelled him to announce it, recalling his words in Manila during his apostolic journey to the Philippines: “Convinced of Christ: yes, I feel the need to proclaim him, I cannot keep silent,” Pope Paul VI had said. “He reveals the invisible God, he is the firstborn of all creation, the foundation of everything created. He is the Teacher of mankind, and its Redeemer... He is the centre of history and of the world; he is the one who knows us and who loves us; he is the companion and the friend of our life. He is the man of sorrows and of hope. It is he who will come and who one day will be our judge and - we hope -the everlasting fullness of our existence, our happiness.”

“Dear friends,” asked Pope Francis. “Do we have the same love for Christ? Is He the center of our lives? Do we witness this in our everyday actions?”Turning to Pope Paul VI’s love of the Church, Pope Francis said his predecessor had a “clear vision that the Church is a Mother who carries Christ and leads to Christ.”

He quoted the Apostolic Exhortation Evangelii nuntiandi:“After the Council and thanks to the Council, which was a time given her by God, at this turning-point of history, does the Church or does she not find herself better equipped to proclaim the Gospel and to put it into people's hearts with conviction, freedom of spirit and effectiveness?... Is she firmly established in the midst of the world and yet free and independent enough to call for the world's attention? Does she testify to solidarity with people and at the same time to the divine Absolute? Is she more ardent in contemplation and adoration and more zealous in missionary, charitable and liberating action? Is she ever more committed to the effort to search for the restoration of the complete unity of Christians, a unity that makes more effective the common witness?”

Pope Francis said these questions are also the ones which confront today’s Church.“All of us, we are all responsible for the answers; and we should ask ourselves: Are we really a Church united to Christ, prepared to go out and announce Him to everyone, even, and especially, in what I call the ‘existential suburbs,’ or do we close in on ourselves, in our groups?” Pope Francis asked.

Finally, looking at Pope Paul VI’s love of mankind, Pope Francis said this is also linked with Christ. “It is the same passion of God that compels us to meet the man, to respect him, to recognize him, to serve him,” Pope Francis said.

He then quoted extensively from his predecessor’s address at the close of the Second Vatican Council:“Secular humanism, revealing itself in its horrible anti-clerical reality has, in a certain sense, defied the council. The religion of the God who became man has met the religion (for such it is) of man who makes himself God. And what happened? Was there a clash, a battle, a condemnation? There could have been, but there was none. The old story of the Samaritan has been the model of the spirituality of the council. A feeling of boundless sympathy has permeated the whole of it. The attention of our council has been absorbed by the discovery of human needs … But we call upon those who term themselves modern humanists, and who have renounced the transcendent value of the highest realities, to give the council credit at least for one quality and to recognize our own new type of humanism: we, too, in fact, we more than any others, honor mankind.”

Pope Francis concluded his address by saying the testimony of Paul VI “feeds us the flame of love for Christ, love for the Church, and gives us the momentum to announce the Gospel to the people of today, with mercy, patience, courage, and joy.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày hạnh phúc: Ba tu sĩ dòng Gioan Tẩy Giả thụ phong Linh mục
Lm. Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
07:57 22/06/2013
"Ngày hạnh phúc, Chúa ơi..."
Thân tặng ba Tu sỹ Dòng Gioan Tẩy Giả nhân ngày Thụ phong Linh mục (22.06.2013)

"Ngày hạnh phúc Chúa ơi, cuộc giao duyên đất trời, đưa con vào tình sử, để hiến dâng muôn đời". Những ca từ trong ca khúc "Gieo bước" của nhà thơ Linh mục Hải Hồ và nhạc sỹ Linh mục Trần Định không chỉ khiến cho những người "trong cuộc"cảm nhận một cách trọn vẹn niềm hạnh phúc vô bờ bến từ trời ban xuống mà còn cho hết những ai- cách nào đó, được Thiên Chúa kêu gọi cũng cảm nếm niềm hạnh phúc thần thiêng. Ba người anh em của tôi, Tân Linh mục Antôn Nguyễn Hữu Đắc, Tân Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Hồng Phúc và Tân Linh mục Antôn Nguyễn Minh Nhiên chắc hẳn sẽ có những cảm nghiệm rất riêng, rất độc đáo và cũng rất cảm động về ngày hạnh phúc này. Trong mối thâm tình, chung một lý tưởng của đời tận hiến CSJB, xin được chia sẻ với anh em chút tâm tình cảm mến nhân dịp trọng đại này.

1."Đường lên cung thánh Chúa huyền linh

Dịu dàng lời thánh ca an bình!
Hoa dâng ngát hương cho lòng mến đầy
Nến cháy lung linh thêm niềm tin cậy
Đẹp ôi! cung thánh Chúa hồn say!" (Gieo bước)

Để có được ngày "đẹp như mơ" như trong ca từ trên, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều phải trải qua không ít những chông gai, khó khăn và thử thách. Đường lên cung thánh Chúa quả là huyền linh, quả là bình an và vinh quang nhưng cũng là con đường của Thập giá mà Thầy Chí Thánh của chúng ta đã bước qua, đã trải nghiệm và giờ đây mỗi người trong chúng ta vì là môn đệ của Người nên không thể không bước qua! Riêng với anh em, quãng đường 12 năm bước theo chân của Thầy với lý tưởng và linh đạo của Hội Dòng tuy chưa thật dài nhưng cũng đủ để trải nghiệm về sứ vụ thần thiêng. Quãng đường ấy giờ đây được tiếp nối với sứ vụ mà anh em vừa lãnh nhận- sứ vụ thần linh, để hướng về tương lai, bước theo tiếng Chúa mời gọi để làm đẹp không chỉ cho đời tận hiến mà còn mưu ích cho phần rỗi của tha nhân nữa. Quãng đường ấy không dừng lại của "ngày hạnh phúc" với những lời chúc mừng hay quà tặng mà sẽ còn được anh em hiện thực hoá trong những hy tế mà anh em hiến dâng mỗi ngày không chỉ cho chính mình mà còn cho hết mọi người.

2."Từ nay Thiên Chúa đã chọn con.

Tình bằng nghĩa thiết của Chúa Trời.
Đem tin rắc gieo cho người thế trần.
Ánh sáng siêu nhiên cho đời lỗi lầm.
Niềm vui thanh khiết chốn khổ đau." (Gieo bước)

"Từ nay" cách chung với những người tận hiến và cách riêng với anh em luôn là bước khởi đầu để làm mới lại (renew) tất cả!
-Làm mới bằng Tình yêu với Thiên Chúa;
-Làm mới bằng lý tưởng và linh đạo với Hội Dòng;
-Làm mới bằng con tim đong đầy niềm tin và tình yêu với tha nhân;
-Làm mới bằng sự khiêm nhường nhìn nhận con người Linh mục bất toàn, yếu đuối để xin ơn tha thứ của Thiên Chúa;
-Làm mới chính mình mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây trong đời...

Cho hay, làm mới để được nên nghĩa thiết với chính Đấng là Tình yêu; để được trở nên một Alter Christus giữa lòng nhân loại. Cũng như cây nho muốn sinh nhiều hoa thơm trái tốt, cần phải chịu cắt tỉa và chăm sóc; cũng vậy, mỗi người trong chúng ta muốn làm mới lại mỗi ngày, cũng cần trải qua những trải nghiệm như vậy. Như thế, muốn làm mới, cần phải dũng cảm đối diện với những đeo bám không cần thiết, thậm chí rất nguy hiểm bên mình để từ bỏ, để tránh xa, để chôn vùi. Có như thế, đời sống và sứ vụ của chúng ta mới có ý nghĩa, mới đem đến lợi ích cho chính mình và tha nhân.

3."Nguyện xin ơn thánh Chúa rộng ban.

Dắt dìu thành tâm đến muôn vàn.
Qua bao đớn đau tâm hồn vững vàng.
Nguy khó gian truân đá vàng rỡ ràng.
Ngàn năm nhân chứng Chúa tình yêu." (Gieo bước)

Cùng đích của cuộc đời Linh mục là theo gương Chúa Giêsu - Vị Linh Mục Đích thực, để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa một thế giới đầy dẫy những bất công và tội lỗi. Để làm được điều này, người Linh mục phải khiêm nhường ý thức rằng, với con người vốn yếu đuối và tội lỗi, chúng ta không thể làm được gì nếu không biết dựa vào sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa dùng chúng ta như những công cụ thô thiển và bất toàn để thực hiện chương trình ơn cứu độ của Người. Vì thế, chúng ta không có lý do và cũng không đủ tư cách để tự hào hay khoe khoang về những gì mình đã làm. Nếu không có ơn Chúa, những gì chúng ta cho rằng "hơn người" sẽ có ngày thất bại bởi tính kiêu ngạo mà thôi. Sứ mạng của mỗi người môn đệ Chúa Kytô là đem Tình yêu của Thiên Chúa loan báo cho muôn người, vì "Thiên Chúa là Tình yêu" (1 Ga 4:8). Nói khác đi, người môn đệ của thầy Chí Thánh không làm gì khác hơn là "nói với" và "nói về" một Thiên Chúa yêu con người đến độ chấp nhận thân phận yếu hèn của con người, cảm thông với những đau khổ của họ, chia sẻ với họ đến giọt máu cuối cùng để mang đến cho họ ơn cứu độ. "Nói với" tức là chia sẻ ; "Nói về" tức là làm chứng. Cả hai phương diện này đều rất quan trọng và không thể tách biệt được. Bởi nếu tôi chỉ chia sẻ với người khác về một Thiên Chúa nhân hậu từ bi lân tuất nhưng họ không thấy hay không hề thấy lời nói đi đôi với việc làm của tôi, thì quả là tệ hại vô cùng, bởi "Đức tin không việc làm là đức tin chết"(Gc 2: 17). Như thế, từ nay anh em sẽ là những người không chỉ loan báo Tin mừng "suông" mà còn loan báo Tin mừng bằng chính sự hy sinh và đau khổ mỗi này. Nói khác đi, từ nay, anh em sẽ là những "nhân chứng sống" của Tin mừng giữa lòng nhân loại. Một sứ mạng quá ư khó nếu không có ơn Chúa giúp mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi phút giây trong đời.

Vài tâm tình sẻ chia cùng anh em. Xin Tạ ơn Chúa và chia vui với gia đình, thân quyến và giáo xứ của anh em. Nguyện xin Tình yêu Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria- Mẹ các Linh mục, và Thánh quan Thầy Gioan tẩy Giả, chúc lành và đồng hành với anh em trong sứ vụ tận hiến đang chờ đón anh em ở phía trước.
Người anh em trong Đức Kytô,

Lm. Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tội lỗi trong suy tư thần học
Linh Tiến Khải
17:22 22/06/2013
Tội lỗi đã được suy tư thần học phân tích sâu rộng với mục đích nhận ra yếu tố hình thái và các khía cạnh đặc thù của nó. Ở đây chúng ta chỉ nhắc lại một vài định nghĩa đáng kể nhất tóm gọn các kết qủa của suy tư thần học.

Định nghĩa thứ nhất về tội là việc vi phạm luật Chúa. Phạm tội là vi phạm lề luật của Thiên Chúa. Thánh Agostino đưa ra định nghĩa nổi tiếng sau đây: ”Tội lỗi là một diễn tả, hay một sự kiện hoặc bất cứ ước muốn nào chống lại luật lệ vĩnh cửu”. Nhưng định nghĩa này không được đọc trong nghĩa duy luật lệ, mà trong viễn tượng của một sự giải thích cá nhân về luật lệ. Đây không phải là việc phạm một điều luật, mà là một thái độ chống đối Thiên Chúa, là tác giả của luật lệ, cả khi nó được trung gian bởi những người trong cộng đoàn tham dự vào quyền định hướng đường đi của con người. Luật lệ không chỉ là một điều luật được áp đặt từ bên ngoài, kìm hãm hay hạn chế sự tự do của con người, nhưng một cách triệt để hơn nó cũng là một chiều kích cấu tạo nên con người trong chính mình, hướng dẫn và kích thích sự phát triển của nó (S. Th. I-II, q,106, a.1). Vì thế lỗi luật là chống lại hướng đi nền tảng của con người tới sự thiện, tới việc thành toàn sứ mệnh nội tại trong ơn gọi cuộc sống và được soi rõ trong tổng thể các biến cố qua đó nó được diễn tả ra ngoài.

Thứ hai, tội lỗi là sự xúc phạm tới Thiên Chúa. Đây là một định nghĩa nằm trên đường lối suy tư của Thánh Kinh. Thánh Tôma Tiến Sĩ đề nghị nó trong nhiều bối cảnh khác nhau. Định nghĩa này được Đức Giáo Hoàng Pio XII lập lại trong Thông điệp ”Humani generis” (DS 3891). Dưới ánh sáng của suy tư kinh thánh định nghĩa này không được hiểu trong nghĩa nhân hình, sẽ có thể dẫn đưa tới một giải thích rất giản lược. Mặc dù không loại trừ khả thể của các thái độ bao gồm một cách rõ ràng việc khước từ Thiên Chúa, rất thường khi việc xúc phạm tới Thiên Chúa được cụ thể hóa trong một thái độ hành xử có hại cho tha nhân và cho chính con người (S. Tommaso, C. Gent, 3c.122).

Thứ ba, tội lỗi có chiều kích xã hội. Khi nói tội lỗi có chiều kích xã hội chúng ta không có ý nói tới tình trạng lây lan thuộc loại tâm lý, cho bằng hiệu qủa của mối dây liên đới hiệp nhất con người với nhau. Sự hiệp thông trong Chúa Kitô càng tan rã bao nhiêu, thì sự liên đới trong sự dữ mà tội lỗi biểu lộ ra và củng cố, càng gia tăng bấy nhiêu. Điều này lại càng trở thành hiển nhiên hơn bởi hình thức cuộc sống bị xã hội hóa một cách mạnh mẽ, khiến cho chúng ta nhậy cảm hơn đối với chiều kích xã hội của tội lỗi và với tinh thần đồng trách nhiệm rộng rãi hơn đối với sự dữ của thế giới: chẳng hạn như sự xung đột giữa các ích kỷ tập thể của các quốc gia, các giai tầng, các đảng phái, các nhóm xã hội, sự vô nhân trong việc thực thi quyền bính, việc khai thác, bóc lột và tàn phá các tài nguyên thiên nhiên vv... Tất cả đều gây ra các hệ lụy cho mọi thành phần xã hội.

Thứ bốn tội lỗi như là việc xa rời Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin nơi các thụ tạo. Đây là một công thức hay được thánh Agostino lập đi lập lại bằng nhiều cách khác nhau trong các tác phẩm của mình. Định nghĩa này tổng kết thực tại của tội lỗi bằng cách tìm tiếp nhận hai chiều kích trong đó tội lỗi trở thành cụ thể. Thứ nhất là viễn tượng Thiên Chúa là trung tâm, trong đó phạm tội là chống lại Thiên Chúa và làm méo mó công trình của Người. Thứ hai là viễn tượng con người là trung tâm, trong đó tội lỗi được coi như là sự dữ của con người trong thực tại tràn đầy cá nhân, xã hội và vũ trụ, như là sự giảm thiểu ngăn cản việc hiện thực tràn đầy của con người (GS 13).

Đó là vài yếu tố kinh thánh và thần học cần chú ý khi đề cập tới tội lỗi. Sau đây chúng ta đề bàn về vài vấn đề chuyên biệt hơn của tội lỗi trên ba bình diện: bình diện bản năng, bình diện luân lý và bình diện tinh thần.

Trước hết là vấn đề ý thức về lỗi lầm và tội. Chúng ta có thể định nghĩa ”cảm tưởng lỗi lầm” như là một cảm giác đau đớn, sự xấu hổ, sự sợ hãi, sự bối rối đi kèm một hành động bị xét đoán như là ”sự dữ”, mà các lý do không phát xuất từ ý thức về tội lỗi trong nghĩa thần học, nhưng từ các kinh nghiệm khác đã có trong cuộc sống. Thường khi ý thức lỗi lầm đi kèm các cảm giác rõ rệt mâu thuẫn với tinh thần đức tin, như tính cách không thể tránh được, cho tới sự tuyệt vọng. Thường khi tội lỗi và ý thức lỗi lầm bị đồng hóa với nhau một cách không đúng với các từ như cắn rứt, sợ hãi tội, ý thức về tội.

Đối với tội được hiểu trong nghĩa thần học, ý thức lỗi lầm có một vài đặc thái có thể nhận ra một cách dễ dàng: chẳng hạn nó chỉ áp đặt cho một vài tội đặc biệt, với các khác biệt mạnh mẽ thuộc loại lịch sử và văn hóa; và nó có thể thay đổi đối với đối tượng của nó cũng như đối với sự sâu đậm tùy theo chủ thể.

Như thế vài chủ thể có ý thức lỗi lầm trong một hành động xác định hơn các chủ thể khác, mặc dù họ đều có lỗi trong cùng một chiều hướng. Thay vì có nhiệm vụ phòng ngừa tội lỗi, đối với các chủ thể bị đổ lỗi một cách cao độ, ý thức lỗi lầm được sống trong chính nó và đem lại khổ đau và xấu hổ, bị đẩy tới chỗ thái qúa, phóng đại tội đã phạm, phẫn nộ thử tìm đền bù, gia tăng các lời xin lỗi. Có thể gặp thấy những người bị kết tội trong một lãnh vực đặc biệt nào đó của luân lý, trong khi nơi những người khác thì không có các bối rối hay hầu như không có.

Nếu phân tích ý thức lỗi lầm dưới khía cạnh chuyên biệt tâm lý hơn nữa, và nhớ tới sự nảy sinh của nó, cảm tưởng lỗi lầm kéo ra các nguồn gốc và được tạo thành bởi sự liên tác động một đàng là giữa một chủ thể, đàng khác là tổng thể các tương quan xã hội. Nó không nảy sinh với chủ thể, mà được tạo thành trong cuộc sống, như là câu trả lời tự động cho các đòi hỏi, các cấm đoán, các xin xỏ của môi trường. Ý thức lỗi lầm không thể bị cột buộc vào một biến cố đặc thù, cũng không thể bị cột buộc vào một giai đoạn xác định của sự phát triển tình cảm. Cùng với sự không chắc chắn sự có lỗi diễn tả đặc tính của mọi âu lo. Sự âu lo luôn luôn là sự sợ hãi của một mất mát, có thật hay tưởng tượng.

Trong cuộc đời mình con người sống các giai đoạn âu lo khác nhau: nỗi âu lo của việc sinh ra phải rời bỏ cung lòng êm ấm của người mẹ để vào đời, để đương đầu với một môi trường xa lạ bên ngoài nơi an toàn là cung lòng người mẹ, trong đó thai nhi đã sống hơn 9 tháng, lo âu phải tự thở, phải tìm vú mẹ để bú, phải bú sữa không phải là sữa mẹ, nỗi âu lo của thời bỏ sữa để bắt đầu ăn bột hay các thức ăn đã nghiền nát trước. Thế rồi dần dần khi lớn lên đứa trẻ khám phá ra người cha, vai trò và quyền bính của ông đối với cuộc sống của nó bên cạnh người mẹ. Nỗi lo âu của mọi sinh hoạt cuộc sống ”học ăn, học nói, học gói, học mở”; Nỗi lo âu của ngày đầu tiên đi vườn trẻ, hay cắp sách tới trường tiểu học, vào trung học, lên đại học; Nỗi lo âu trong các giao tiếp với người thân, bạn bè thầy cô; Nỗi lo âu trước các kỳ thi định kỳ cuối năm hay ra trường. Sau khi dấn thân vào đời con người có những âu lo loại khác như: tìm kiếm công ăn việc làm, định hướng cho tương lai nghề nghiệp, mua sắm nhà cửa xe cộ, lựa chọn người bạn đời, thành lập gia đình, có con cái. Và giờ đây nỗi lo âu nhân lên gấp nhiều lần theo số con cái sinh ra, và có biết bao nhiêu lo âu, sợ hãi khác nữa. Khi con cái lớn khôn vào đời, cha mẹ vẫn còn có nhiều lo âu khác đối với tình duyên sự nghiệp, hạnh phúc, công ăn việc làm và cuộc sống của các con các cháu. Sau khi hết trách nhiệm và bổn phận trực tiếp đối với con với cháu, con người âu lo đối với tuổi già, sợ hãi bệnh tật và cái chết.

Những ai không lập gia đình nhưng theo đuổi một ơn gọi khác như cuộc sống tu trì độc thân, hay tận hiến giữa đời, hiến thân phụng sự Thiên Chúa, xã hội, tha nhân hay một lý tưởng nào đó cũng có những âu lo sợ hãi của mình, theo cương vị, công việc làm và trách nhiệm được giao phó. Ở đây các âu lo bao gồm cuộc sống cá nhân và còn vượt ngoài lãnh vực cuộc riêng tư nữa, vì nó bao gồm cuộc sống của cả một cộng đoàn lơn hơn hay nhiều cộng đoàn lớn hơn, không chì gồm vài chục, vài trăm, hay vài ngàn nhưng có khi lên tới hàng triệu người. Chúng ta cứ nghĩ tới các âu lo và sợ hãi của một bề trên dòng, hay của một linh mục chánh xứ, hoặc một Giám Mục giáo phận, thì đủ hiểu.

Từ khi vào đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay con người phải trải qua biết bao nhiêu âu lo, sợ hãi và tước đoạt đủ loại, đủ kiểu. Ý thức lỗi lầm của chúng ta được thành hình qua chính từng tước đoạt mà chúng ta phải chịu bởi sự đòi hỏi tình yêu nơi cha mẹ, khi sự tước đoạt đó được nhận thức như là xứng đáng. Không phải chỉ qua một chấn thương duy nhất nhưng qua toàn thể các thái độ, các đòi hỏi và các đáp trả, khước từ và bị tước đoạt, mà nảy sinh ra tính cách xung đột của mỗi một cuộc gặp gỡ, từ đó nảy sinh ra sự âu lo và ý thức lỗi lầm. Chúng đụng chạm tới nhu cầu nền tảng nhất của chúng ta, là nhu cầu yêu thương và được yêu thương, được thừa nhận như là các bản vị có giá trị.

Như vậy, có thể nói rằng ý thức lỗi lầm và ý thức tội lỗi là hai thực thể khác biệt, trong nghĩa ý thức tội lỗi nảy sinh từ một cuộc sống đức tin trong tương quan với Thiên Chúa, trong khi ý thức lỗi lầm đến từ môi trường tâm lý xã hội của chủ thể.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1155)