Ngày 23-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả 24/6/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
06:20 23/06/2020

Bài đọc I: Is 49, 1-6

“Đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi”. Và tôi thưa: “Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa, và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa”.

Và bây giờ Chúa là Đấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người và quy tụ Israel chung quanh Người, tôi được vinh hiển trước mặt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh tôi, Người đã phán: “Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta đã ban cho đến tận bờ cõi trái đất”. Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Đáp: Con ca ngợi Chúa, vì con được tạo thành cách lạ lùng

Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã thử con và đã nhận biết con: Chúa nhận biết con khi con ngồi và khi con chỗi dậy. Từ lâu, Chúa đã hiểu biết các tư tưởng của con: Chúa thấu suốt đường lối của con rồi.

Xướng: Tâm can con thuộc quyền sở hữu của Chúa; Chúa đã nhận lãnh con từ khi con còn trong lòng mẹ. Con ca ngợi Chúa vì con được tạo thành cách lạ lùng; các việc Chúa làm thật là kỳ diệu.

Xướng: Chúa đã am tường linh hồn con; các xương con không giấu kín trước mặt Chúa, lúc con được tạo thành cách âm thầm, khi con được dệt trong lòng đất. – Đáp.

Bài đọc II: Cv 13, 22-26

“Gioan rao giảng việc Chúa Kitô sắp đến”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói: “Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước, khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.

Đó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 76

Alleluia, alleluia! – Hỡi con trẻ, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước mặt Chúa để dọn đường cho Người. – Alleluia.

Phúc âm: Lc 1, 57-66. 80

“Nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.

Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

Đó là lời Chúa.
 
Suy niệm Chúa Nhật Tuần 13A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:59 23/06/2020
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 10, 37-42)
HIẾU KHÁCH


Thương người mến Chúa là sao?
Yêu Thầy trên hết, biết bao phúc lành.
Dù là con cái chính danh,
Yêu thương con cháu, vì danh Chúa Trời.
Thánh Danh cao trọng tuyệt vời,
Phượng thờ kính mến, muôn lời ngợi khen.
Con người thụ tạo mọn hèn,
Hy sinh mạng sống, muối men cho đời.
Kẻ nào đón tiếp Ngôi Lời,
Họ đang tiếp đón, Chúa Trời trên cao.
Tiên tri sứ giả mời vào,
Tiếp người công chính, Cha trao ơn lành.
Công lao phần thưởng đã dành,
Đẹp lòng tốt tánh, để danh muôn đời.
Những ai tiếp nhận con người,
Khó nghèo bé mọn, sống đời lầm than.
Dù là bát nước sẻ san,
Vì Thầy, danh nghĩa, tỏa lan sáng ngời.
Chính Thầy hạ giới vào đời,
Sống chung chia sẻ, gọi mời yêu thương.

Chúa phán: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy”. Thật là vinh dự cho chúng ta, được Chúa cho ưu quyền đại diện Chúa. Chúa đã đồng hóa chính Ngài với những người nghèo đói, khổ sở và thấp hèn nhất. Vì thế ai đón tiếp họ, cũng là đón tiếp Chúa.

Truyện kể: Có một lần, một bà cụ được Chúa hẹn đến thăm nhà. Bà chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp Chúa. Sáng sớm có một người đến xin ăn, bà không tiếp. Trưa đến lại có một người bệnh lê gót tới nhà, bà từ chối giúp đỡ. Chiều tối, lại một người nghèo đến xin ở trọ qua đêm, bà đóng cửa không cho. Bà chờ cho tới đêm, cũng không thấy Chúa đến. Bà đành đóng cửa đi ngủ, trong giấc mơ, Chúa nói với bà rằng: Cha đến thăm con ba lần, mà con không tiếp.

Đón tiếp Chúa là như thế đó. Làm sao chúng ta nhận diện ra Chúa giữa muôn người? Đâu là khuôn mặt thật của Chúa? Chúa luôn ẩn dấu nơi những người bị khinh miệt và bỏ rơi. Có lẽ chúng ta đã từ chối đón tiếp Chúa vào nhà và vào tâm hồn ta nhiều lần. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, sống tại nhà quê, mỗi lần có người ăn xin mù lòa hay bất toại đi qua nhà. Tôi ngồi trong nhà ngó qua cửa sổ và tôi thấy từng nhà vội khép chặt cửa và kéo màn che xuống. Người ăn xin kiên nhẫn đợi chờ, đi gõ cửa từng nhà, nhưng chẳng mấy ai thèm cho. Không thấy ai mời họ vào nhà uống ly nước hay ly trà nóng. Không ai muốn trao đổi truyện trò với họ. Rồi ông/bà xấu số ấy cứ tiếp tục đi khu này sang khu khác tìm kiếm lòng quảng đại.

Chúng ta thử nghĩ, nhà chúng ta luôn rộng cửa để đón nhận ánh nắng mặt trời và không khí trong lành, nhưng chúng ta đâu muốn mở cửa đón nhận người lạ mặt, nhất là những người ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu và nghèo đói. Sống trong một xã hội đầy nghi ngờ và luôn phải đề phòng những bất trắc xảy ra, chúng ta đã đánh mất đi sự nhạy cảm của lòng người. Ngày nay, trong các ngôi nhà, các cửa đều có khóa, có lỗ nhỏ để nhìn, có hệ thống báo động, có chó giữ nhà.. càng làm chúng ta xa cách nhau.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đón tiếp và giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Tiếp họ một chén cơm, một ly nước, một lời chào hỏi, chúng ta sẽ được phần thưởng. Sự đón tiếp không chỉ là mở cửa ngôi nhà, nhưng quan trọng là mở cửa tâm hồn. Hãy mở rộng cửa đón Chúa, có Chúa, chúng ta sẽ có niềm vui và hạnh phúc thật.

TUẦN 13 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 8: 18-22


Chúa Giêsu nói với một người luật sĩ muốn theo Ngài: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu. Chúa chẳng có sỡ hữu của cải, vườn tược ruộng đất hay nhà cửa gì cả. Chúa đã trút bỏ mọi sự để xuống trần, tất cả của cải thế gian có là chi đối với Chúa. Chúa sinh ra trần trụi trong máng cỏ và Chúa chết trần truồng trên thập giá. Cuộc sống trần gian cũng không có gối đầu. Chúa hoàn toàn vô sản.

Không phải Chúa không cần chi hết, vì làm người Chúa cũng cần ăn uống, ngủ nghỉ và nơi cư ngụ. Chúng xử dụng các nhu cầu cần thiết nhưng Chúa không sỡ hữu nó. Luật sĩ muốn đi theo Chúa, ông nói: Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy. Ông ước muốn được nên trọn lành bên Chúa. Chúa cho ông biết đời sống cụ thể của Chúa để ông rộng đường chọn lựa.

Chúa Giêsu có thái độ dứt khoát với những người đi theo, họ không thể ngập ngừng hay bắt cá hai tay. Có người muốn theo nhưng xin Chúa: Xin cho phép con chôn cha con trước đã. Nghĩa là Chúa cứ chờ, khi nào cha của con chết, con sẽ đi theo Chúa. Chúa nói: Hãy theo Ta, hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Không biết người môn đệ đó có còn muốn theo Chúa nữa không. Theo Chúa là một sự chọn lựa dứt khoát. Chúng ta không thể làm tôi Chúa và làm tôi tiền bạc hoặc ma qủy. Chúng ta biết rằng có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả. Đừng lo!

THỨ BA
Mt. 8: 23-27


Các môn đệ đến bên đánh thức Chúa và van xin: Thưa Thầy, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất. Chúa nói với họ: Hỡi những kẻ yếu lòng tin. Chẳng phải chỉ có các tông đồ yếu lòng tin đâu, chúng ta gặp trường hợp giông bão như thế, chúng ta còn sợ hãi và la hét hơn nhiều.

Cuộc đời như biển cả mênh mông, sóng gió có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Sóng gió có nhiều loại, sóng gió từ bên trong và sóng gió bên ngoài. Sóng gió với bản thân, với gia đình, với con cái và với công ăn việc làm. Nhiều khi sóng gió dập dồn, làm chúng ta hoảng sợ và chán nản. Là Kitô hữu, chúng ta học nơi các tông đồ, hãy biết mà chạy đến với Chúa, van xin: Lậy thầy, xin cứu con.

Sóng gió niềm tin đôi khi cũng nổi lên dằn vặt cuộc đời chúng ta. Những thách thức của giới răn, của luật lệ luân lý, của những chỉ dạy của Giáo hội làm cho chúng ta cảm thấy thua thiệt người đời, chúng ta giận dữ và ồn ào lên tiếng chống đối Giáo Hội. Trong tất cả mọi sự, chúng ta hãy chạy đến với Chúa để xin ơn trợ giúp. Chúa sẽ truyền cho bão lòng lặng yên và chúng ta sẽ được củng cố niềm tin nơi Chúa.

Lạy Chúa, sóng đời nhiều lúc làm chúng con quay cuồng, chúng con hầu như đã ngã ngục. Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con để chúng con kiên vững trước những sóng gió của những cơn cám dỗ thời đại.

THỨ TƯ
Mt. 8: 28-34


Chúa Giêsu đến miền đất Gađara, có hai người bị qủy ám từ mồ mả đi ra hô lên rằng: Lạy Con Thiên Chúa, chúng tôi và Ngài co liên can gì đâu. Ngài đến đây để hành hạ chúng tôi trước thời hạn sao? Khi bị qủy ám thì người ta không còn tự mình điều khiển mà do chính qủy ám lên tiếng. Người bị qủy ám la lên lạy Con Thiên Chúa. Ma qủy biết Chúa đã xuất hiện nhưng tự ra nộp mình. Chúa đã xua đuổi chúng và cho nhập vào đàn heo.

Mồ mả là nơi chôn cất kẻ chết. Mồ mả là hình ảnh của thế giới sự dữ và ma qủy. Hai người bị qủy ám từ nơi mồ mả đi ra. Người bị qủy ám vẻ mặt hung dữ, người ta sợ không dám đi qua lại khu đó. Chúa Giêsu đến để giải thoát con người khỏi sự kiềm chế của quyền lực tối tăm. Chúa đã cứu hai người bị qủy ám nhưng Chúa cho qủy nhập vào đàn heo. Như thế, Chúa đã tỏ lòng thương xót với con người hơn cả một đàn heo.

Những người trong thành nghe tin Chúa đến đã ra đón Chúa nhưng khi gặp được Chúa họ mời Chúa ra khỏi vùng đất của họ. Có lẽ họ tiếc đàn heo đã bị nhào xuống biển chết hết. Hay họ sợ Chúa quyền phép vô quyền còn làm nhiều điều thiệt hại tài sản của họ. Lạy Chúa, Chúa đến cứu dân thành khỏi ma qủy quấy phá nhưng dân chúng vì ham muốn của cải trần gian đã không muốn tiếp nhận Chúa. Xin Chúa đừng chấp tội chúng con.

THỨ NĂM
Mt. 9: 1-8


Người ta đem đến cho Chúa một người bị bại liệt, thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bại liệt: Hỡi con, hãy vững tin, tội con đã được tha. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội. Những người luật sĩ thì thắc mắc trong lòng rằng tại sao ông này lại nói như thế. Ông ấy phạm thượng.

Mỗi lần Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh, Chúa muốn dạy chúng ta một điều nào đó. Chúa gói ghém mầu nhiệm nước trời và giáo lý của Ngài trong đó. Ngài từ từ bộc lộ uy quyền của Ngài bằng nhiều cách. Qua những thắc mắc đối thoại với những luật sĩ và biệt phái, Chúa bày tỏ chân lý nước trời. Thiên Chúa có quyền tha tội và muốn ủy thác quyền đó cho Giáo hội.

Tội lỗi ràng buộc con người trong sự dữ. Tội lỗi cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa và con người tội lỗi sống trong tối tăm. Bệnh hoạn cũng là hậu qủa của tội lỗi. Bệnh hoạn làm con người yếu đuối, mất đi hết năng lực không còn tự sức mình phấn đấu mà phải nhờ vả người khác. Khi chúng ta bệnh hoạn và tội lỗi, chúng ta cần ơn Chúa giúp để thoát vuợt khỏi sự lệ thuộc của sự dữ. Chúa sẽ giúp chúng trở lại tự do làm con cái của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa dùng quyền tối thượng để tha thứ tội lỗi và chữa lành các bệnh tật. Xin Chúa tha tội cho chúng con.

THỨ SÁU
Mt. 9: 9-13


Chúa Giêsu nói với các người biệt phái: Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi. Chúa Giêsu đi ngang qua thấy Matthêô, ngồi ở bàn thu thuế. Chúa đã gọi ông: Hãy theo Ta và ông đứng dậy theo Chúa. Theo Chúa một cách dứt khoát và đơn giản. Matthêô không hỏi tại sao? Ông cũng không biết phải làm gì hay sẽ được gì? Ông chỉ đơn giản bỏ mọi sự đi theo Chúa.

Trước khi từ giã bạn bè, ông đã làm tiệc đãi bà con cô bác và từ giã nghề cũ đi theo Chúa làm nghề chài lưới người. Chúa thấu tỏ tâm hồn ông, Chúa gọi ông làm môn đệ. Nhiều người cảm thấy khó chịu khi Chúa cùng đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Các người biệt phái không dám trực tiếp nói với Chúa nhưng qua các môn đệ, họ phàn nàn thái độ của Chúa. Chúa đã trả lời họ rằng: Người đau ốm mới cần đến thầy thuốc.

Dưới cái nhìn của người biệt phái, những người thu thuế là những người tội lỗi cần phải tránh xa. Biệt phái là những người lãnh đạo nhưng họ không biết thương dân. Những người thu thuế là người tội lỗi giống như những người bệnh hoạn cần thầy thuốc cứu chữa họ và đưa họ trở về nẻo chính đường ngay. Chúa đã đối xử rất nhân hậu với kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa, đôi khi chúng con đẩy những người tội lỗi ra ngoài bìa, không cho họ cơ hội sám hối. Xin Chúa tha tội cho con.

THỨ BẢY
Mt. 9: 14-17


Các môn đệ của các nhóm phê bình, chỉ trích và so sánh cách sống đạo. Có nhóm thì chủ trương ăn chay trường, có nhóm thì lo cầu nguyện và có nhóm thì lo thực hành bác ái. Điều nào cũng tốt, nếu họ biết sống là thực hành điều mình tin. Môn đệ Gioan và môn đệ biệt phái thì ăn chay đều, môn đệ của Chúa thì không. Nhưng không phải không ăn chay là không đạo đức hay thiếu thánh thiện. Ăn chay phải có mục đích riêng.

Chúa Giêsu ra rao giảng một cách sống đạo nội tâm. Chúa đã khai mở một con đường mới giúp chúng ta đến gần với Thiên Chúa và con người hơn. Chúa Giêsu dùng ẩn dụ nói rằng: Rượu mới thì đổ vào bầu da mới. Giáo lý mới của Chúa phải được sống theo tinh thần mới. Không thể chắp vá nửa cũ nửa mới. Chúa muốn mọi người có tinh thần mới trong cách sống đạo. Con người sẽ tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý chứ không phải trong hình thức bề ngoài.

Sống đạo với tinh thần mới trong yêu thương. Chúa không muốn con người thờ Chúa bằng môi miệng nhưng bằng chính tấm lòng. Cầu nguyện cũng thế, không phải dài dòng kinh kệ mà phải hướng tâm hồn lên và kết hợp với Chúa. Chúa không phải là tượng đá vô hồn mà là Thiên Chúa sống động yêu thương và nhân hậu. Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con thực hành sống đạo chỉ là hình thức bề ngoài. Xin Chúa cho chúng con thật tâm đến với Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:32 23/06/2020

7. Không muốn chấp nhận đau khổ là không muốn đội mũ triều thiên.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Nghĩ về ơn gọi : Lễ vọng sinh nhật thánh Gioan
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:35 23/06/2020
Nghĩ về ơn gọi: Lễ vọng sinh nhật thánh Gioan

(Gr 1, 1.4-10; 1Pr 1, 8-12; Lc 1, 5-17)

Sinh ra sống ở trên đời, mỗi một người trong chúng ta đều có những ơn gọi và sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Đây là tiếng gọi từ muôn thủa, nói theo kiểu linh mục nhạc sĩ Duy Thiên là: “Từ khi chưa có đồi non, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn muôn người tìm con giữa nơi bùn nhơ” (Trích bài hát: Tình Chúa Cao Vời). Nghĩa là từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, chưa có đất trời, núi đồi, biển cả... Thiên Chúa đã yêu từng người, gọi và đặt từng người vào những nẻo đường khác nhau.

Ơn gọi của mỗi người

Thiên Chúa còn trao cho mỗi người một sứ mạng, dù là hèn mọn, bất tài, hay chống đối Chúa. Cụ thể như Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Môsê, đứa trẻ dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái. Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua của một dân tộc. Giona được gọi để trở thành ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi, đến Maria, người phụ nữ được chọn gọi để trở thành mẹ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Gioan

Giêrêmia trong bài đọc I Lễ Vọng Sinh Nhật Thánh Gioan là một nhân chứng về ơn Chúa kêu gọi, cho dù ông từ chối trước ơn gọi Thiên định: “A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít” (Gr 1 ), nhưng Chúa quả quyết: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1).

Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta: “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy” (Tv 138, 16). Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người.

“Này ông Dacaria, đừng sợ, vì ông đã được nghĩa với Chúa” (Lc 1, 13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được nghĩa với Chúa. Được nghĩa với Thiên Chúa là được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu đến ngỡ ngàng, bản thân Giacaria là bằng chứng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.

Huyền nhiệm ơn gọi của người Kitô hữu

Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả về thể xác, tâm hồn, tính tình và năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt một chương trình. Chúa Thánh Thần là huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương trình, và cộng đoàn là những môi trường.

Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26-28). Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình.

Ơn gọi của Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã rõ rệt trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Cũng thế, loan báo Đấng Cứu Thế bằng lời, đặc biệt bằng lối sống, để đưa nhiều người về với Thiên Chúa là ơn gọi và sứ mạng của chúng ta trong thời đại hôm nay.

Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và trao cho sứ mạng giúp nhiều người biết và tin vào Chúa. Chúng ta đã ý thức vai trò và sứ mạng của mình chưa? Sứ mạng ấy giúp chúng ta sống xứng danh Kitô hữu của mình. Tiếc thay, trong thực tế, có nhiều Kitô hữu không sống xứng với danh hiệu ấy.

Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. (Ep 2, 10)

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Gioan giúp chúng con quyết tâm sống sao cho xứng với ơn gọi là Kitô hữu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:36 23/06/2020
54. LÒNG TRẮNG LÒNG ĐỎ

Thời Tam quốc, có một người coi tướng ứng nghiệm như thần đến bái kiến Lưu Bị.

Lưu Bị mời ông ta coi tướng cho mình, ông ta coi mặt Lưu Bị, cầm bàn tay rồi nói:

- “Tướng của ngài rất tốt, mặt thì trắng, lòng cũng trắng.”

Lưu Bị lại mời ông ta coi tướng cho Quan Vũ, ông ta lại nhìn nhìn mặt của Quan Vũ, lại giả vờ làm bộ làm tịch nói:

- “Tướng của ngài cũng tốt, mặt đỏ lòng cũng đỏ.”

Lưu Bị thấy ông ta coi tướng như thế thì cười thầm, vội vàng chụp lấy tay của Trương Phi, nhìn mặt đen đen của ông ta nói:

- “Tam đệ à, theo tướng pháp của ông ấy thì em có thể bị chửi đấy, không cần coi tướng.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 54:

Coi tướng là coi hình dáng bộ vị bên ngoài của con người để đoán biết tính tình cá tính bên trong của họ, đây là việc làm khoa học cần phải nghiên cứu và thực tập nhiều mới chính xác được, bằng không thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Mặt trắng chưa chắc lòng đã trắng, bởi vì có rất nhiều người mặt mày trắng đẹp nhưng trong lòng thì đen...như ma quỷ, luôn có những âm mưu tư tưởng đen tối; và những người có mặt đen chưa chắc là tâm hồn họ đen, bởi vì thánh Martin de Porres tuy là mặt đen nhưng tâm hồn thì trắng như thiên thần; cho nên coi tướng theo kiểu “nhìn mặt bắt hình dong” thì chẳng khác chi làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Con người ta là một tiểu vũ trụ, mà tiểu vũ trụ này lại có tâm linh, cho nên không dễ gì một sáng một chiều mà khám phá ra được nếu không nghiên cứu lâu dài và có nhiều kinh nghiệm.

Người Ki-tô hữu là người có Thiên Chúa trong mình, nên cho dù cho mặt trắng hay mặt đen, thì tâm hồn của họ cũng đều trắng, bởi vì cái trắng ấy được giặt rửa bằng Lời Chúa và bồi dưỡng bằng Thánh Thể trong đời sống tâm linh của họ.

“Cục đất mà biết nói năng,

Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:49 23/06/2020
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Lời Chúa: Lc 1, 57-66. 80

“Tên cháu là Gio-an”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, một con người đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã nói: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11a). Cao trọng, không phải vì ông Gioan làm nhiều điều vĩ đại, nhưng là vì ông là người được vinh dự làm kẻ dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm nổi bật của thánh Gioan Tẩy Giả:

1. Cương trực và công chính.

Trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê, thánh Gioan Tẩy Giả đã không sợ, và dám nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” (Mc 6, 18), và cái giá phải trả chính là bị nhà vua chém đầu.

Thánh Gioan Tẩy Giả không vì nhu nhược an phận để được mọi người tâng bốc khen ngợi, nhưng chính ngài đã nói lên sự thật với vua Hê-rô-đê, vì việc của ông làm là trái với luân thường đạo lý; ngài cũng không vì bạo lực mà khuất phục, nhưng lời dạy của ngài làm cho nhà vua vừa kinh sợ vừa thán phục.

Trước bạo quyền trần thế, thánh Gioan Tẩy Giả thà chấp nhận cái chết hơn là dửng dưng để cho sự ác thống trị, ngài thà như cây cao vươn thẳng đứng giữa trời cao và bị gió đánh gãy, hơn là làm một một con người chỉ biết lòn cúi để được an phận.

2. Khiêm tốn tự hạ.

Khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại giới thiệu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”, lời giới thiệu này nói lên một tấm lòng khiêm tốn, ngài không vì sĩ diện để khoe khoang mình và hạ bệ người khác; ngài cũng không vì danh vọng hão huyền mà không nhìn thấy Đấng cứu độ đang đến là Đức Chúa Giê-su, cho nên ngài thà đành “mất” hai môn đệ của mình để họ đi theo làm môn đệ của Đấng là ánh sáng trần gian là Đức Chúa Giê-su, hơn là đi theo ngài chỉ là ánh sáng của con đom đóm trong đêm mà thôi.

Khiêm tốn và tự hạ là đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, và nhìn nhận giá trị đích thực của người khác mà không câu nệ tị hiềm.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói với dân chúng về Đức Chúa Giê-su rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, câu nói đầy khiêm tốn tự hạ này đã đưa ngài lên tận trời cao với lời xác nhận của chính miệng Đấng Cứu Thế: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11). Khiêm tốn là sức mạnh và là vũ khí của người Ki-tô hữu để chiến thắng ma quỷ và thế gian kiêu ngạo, sự khiêm tốn đã làm cho thánh Gioan Tẩy Giả trở nên mạnh mẻ không sợ hãi trước bạo quyền của vua Hê-rô-đê; sự khiêm tốn cũng đã làm cho ngài trở nên danh giá trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Anh chị em thân mến,

Cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả như cây cổ thụ trước phong ba bão táp đầy quyền lực của vua Hê-rô-đê, thà bị gãy chứ không chịu khuất phục, thà bị chém đầu vì công bằng chính nghĩa chứ không đầu hàng trước bạo lực bất công.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả là biết can đảm trước mọi thử thách khó khăn xảy đến cho mình, và biết khiêm nhường định hướng cho cuộc sống với tất cả ân sủng của Chúa ban cho, và nhất là biết luôn trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Sứ vụ giới thiệu Chúa noi gương Gioan
Lm Đan Vinh
20:13 23/06/2020

Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả (24/06)
Is 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66.80

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 1, 57-66.80:
(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an. (61) Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. (63) Ong xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông lại mở ra. Ong nói được và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây? ” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay tập trung vào mặc khải diệu kỳ của cái tên Gio-an khi làm lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ. Bà con láng giềng tụ tập trong ngày này đã được chứng kiến sự lạ lùng ấy. Rồi việc ông Da-ca-ri-a được khỏi bệnh câm khiến cho mọi người có mặt đều bở ngỡ và đặt dấu hỏi về sứ mệnh của con trẻ sau này. Sau đó Gio-an đã vào sống trong hoang địa cho đến khi thi hành sứ mệnh tiền hô giúp dân Do thái nhận biết Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su thành Na-da-rét.

3. CHÚ THÍCH:
-C 57-59: +Láng giềng và thân thích đều chia vui với bà: Bài tường thuật tập trung vào việc mặc khải diệu kỳ của tên gọi Gio-an và lễ nghi cắt bì. Bà con láng giềng tụ tập lại trong sự chia sẻ niềm vui với đôi vợ chồng già. Nhờ đó tiếng đồn về con trẻ lại càng lan rộng. +Khi con trẻ được tám ngày: Tám ngày là thời gian Luật định để làm phép cắt bì (x St 17, 12; Lv 12, 3; Pl 3, 5). +Và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em: Người ta ít khi lấy tên cha mà thường lấy tên ông nội mà đặt cho cháu. Ở đây người ta lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho con, có thể do ông Da-ca-ri-a đã cao niên.
-C 62-63: +Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”: Dù hai ông bà đã đã không hội ý trước đặt tên cho con là gì, vì ông vừa bị câm và bị điếc trước đó. Nhưng hai ông bà lại thống nhất cùng chọn tên Gio-an mà đặt cho con, như sứ thần đã truyền cho Gia-ca-ri-a khi truyền tin cho ông trong Đền thờ (x Lc 1, 13). +Ai nấy đều rất bỡ ngỡ: Phải chăng sự thống nhất ý kiến của hai ông bà về việc đặt cho con một cái tên xa lạ chính là một dấu lạ khiến mọi người ngạc nhiên.
-C 65-66: +Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ: Trong Kinh Thánh, chữ “tâm” hay “lòng”chỉ nơi phát xuất ra tư tưởng, tình cảm, hòai niệm, quyết định và ước muốn của con người giống như Đức Ma-ri-a “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x Lc 2, 19), nghĩa là để tâm tìm hiểu ý nghĩa của lời sấm hay sự việc xảy ra. +Có bàn tay Chúa phù hộ em: Kiểu nói “bàn tay Chúa” mô phỏng Cựu ước, cho thấy Thiên Chúa bảo vệ những ai tin cậy vào Người, mà Gio-an là một trong số những người đó (x Tv 80, 18; 139, 5).

4. CÂU HỎI:
1) Gio-an Tẩy Giả liên hệ họ hàng thế nào với Đức Giê-su?
2) Tại sao láng giềng bà con lại phải đến nhà thăm hỏi chia vui khi nghe tin bà Ê-li-sa-bét sinh con?
3) Phép cắt bì là gì? Được cử hành thế nào?
4) Tại sao hai ông bà Gia-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét lại thống nhất ý kiến đặt tên cho con trai là Gio-an?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CUỘC ĐỜI GIO-AN - VỊ TIỀN HÔ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ
Gio-an là vị tiền hô của Chúa Giê-su (x.Mt 3, 3), là con của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Cả hai ông bà thuộc dòng tộc tư tế. Bà Ê-li-sa-bét là chị họ của Đức Ma-ri-a, nên Gio-an là anh bà con của Đức Giê-su. Cha mẹ của Gio-an cư ngụ tại miền núi xứ Giu-đê (x.Lc 1, 39). Từ nhỏ, Gio-an đã vào trong sa mạc sống đời tu hành nhiệm nhặt. Đến năm thừ 15 thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô, Gio-an bắt đầu xuất hiện tại vùng ven sông Gio-đan miền Giu-đê rao giảng và làm phép rửa sám hối (x.Lc 3, 1). Phép rửa của ông là nghi thức thống hối kèm theo sự xưng thú tội lỗi (x. Mt 3, 6). Gio-an công nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai khi giới thiệu Người là “chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ (Ga 1, 35). Có lần Đức Giê-su gọi Gio-an là Ngôn sứ Ê-li-a khác, là người lớn nhất thời Cựu ước, là sứ giả đi trước dọn đường cho Người (x. Mt 11, 9-19; Lc 7, 24-30). Cuộc đời của Gio-an kết thúc với cái chết bị chém đầu trong nhà ngục, do ông đã can đảm lên tiếng ngăn cản vua Hê-rô-đê không được lấy chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê làm vợ, nên ông bị Hê-rô-đê bắt giam và cuối cùng đã bị bà Hê-rô-đi-a-đê thù ghét hãm hại (x.Lc 9, 7-9).

2) TRÈO CAO TÉ ĐAU
Tác giả La-phông-ten đã viết nhiều câu chuyện ngụ ngôn, trong đó có câu chuyện về con ếch và con bò để dạy chúng ta đừng quá tự cao như sau:
Ngày kia có một con ếch thấy một con bò to lớn vĩ đại nên rất ngưỡng mộ và mong sao cho mình cũng được to lớn vĩ đại như vậy. Từ tư tưởng biến thành hành động, con ếch liền xuống ao để uống nước cho bụng phình ra bằng con bò kia. Cứ thế, cứ thế, nó uống mãi uống hoài mà vẫn không sao to được bằng con bò. Nó lại uống thêm cho đến khi một tiếng “Bốp” nổ vang lên và con ếch đã bị chết banh xác.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tự thẳm sâu cõi lòng, ai cũng muốn được người khác ca tụng. Ai cũng muốn nâng mình lên chứ chẳng ai lại thích hạ mình xuống. Nhưng cần ý thức giá trị của đức khiêm tốn và tập luyện, để việc tông đồ bác ái được thành công tốt đẹp.

3. SUY NIỆM:

1) So sánh giữa Gio-an Tẩy Giả và Hê-rô-đê:
Đây là hai khuôn mặt hoàn toàn đối lập với nhau: Gio-an là người có chí khí mạnh mẽ đang khi Hê-rô-đê lại nhu nhược yếu đuối. Gio-an sống khắc khổ giản dị, đang khi Hê-rô-đê lại có lối sống xa hoa hưởng thụ. Vua Hê-rô-đê đã tống giam ông Gio-an vì ông dám tố cáo và đòi vua không được lấy bà chị dâu Hê-rô-đi-a-đê làm vợ mình. Thật ra vua Hê-rô-đê cũng có lòng kính trọng Gio-an và coi ông là một nhà tiên tri. Nhưng vua lại có tính khí nhu nhược, dễ bị khuất phục trước các đam mê dục vọng của bản thân. Do sự xúi bẩy của bà Hê-rô-đi-a-đê, nên Hê-rô-đê đã sai quân lính đến bắt Gio-an tống ngục. Rồi trong một bữa tiệc mừng, do vui vẻ hài lòng về điệu múa của Sa-lô-mê là con gái của bà Hê-rô-đi-a-đê, nên vua đã cao hứng hứa sẽ ban cho cô ta bất cứ điều gì nó xin. Đứa con gái do mẹ xúi giục đã xin vua ban cho cái đầu của Gio-an Tẩy Giả. Dù không muốn, nhưng Vua Hê-rô-đê buộc giữ lời hứa, nên sai lính vào ngục chém đầu Gio-an trao cho cô gái và nó đã trao lại cho mẹ..
Vua Hê-rô-đê tiêu biểu cho những người để cho thú tính nơi bản thân lấn lướt. Mặc dù đôi khi lý trí và lương tâm vẫn kêu gọi vươn lên, nhưng tiếng nói ấy vẫn không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn tội lỗi, vì họ đã quen lối sống chạy theo lạc thú thấp hèn. Còn thánh Gio-an Tẩy Giả là một người sống có lý tưởng, luôn ý thức và quyết tâm chu toàn trách nhiệm, chống lại sự lôi cuốn của bản năng nơi bản thân.

2) Đức Giê-su đã đề cao con người và sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả như sau: “Đây còn hơn ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến" (Lc 7, 24-27). Gio-an chính là vị ngôn sứ, được Thiên Chúa sai đến trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai Với sứ mệnh đó, Gio-an đã trở nên một nhân vật lớn nhất trong lịch sử cứu độ như Đức Giê-su đã khẳng định: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả…” (Mt 11, 11).

3) Cần chu toàn sứ mệnh chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời:
Ngày sinh của Thánh Gio-an Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày chúng ta được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta đã trở thành ngôn sứ của Chúa Ki-tô với sứ mệnh làm chứng cho Người. Ngọn nến Hội Thánh trao cho chúng ta khi chịu bí tích rửa tội tượng trưng cho đức bác ái mà chúng ta phải chiếu tỏa trước mặt người đời. Dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải thực thi việc lành để người đời nhìn thấy sẽ ngợi khen Thiên Chúa là Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5, 16).

4) Chúng ta cần làm gì để chiếu sáng các nhân đức noi gương thánh Gio-an?
+ Đức khiêm tốn: Trong cách ăn nói như: Ăn nói nhỏ nhẹ, tôn trọng tha nhân, khen các ưu điểm để khích lệ hơn là phê phán chỉ trích những người hơn mình. Tránh tự đề cao bản thân, nhưng luôn làm mọi việc để tôn vinh Thiên Chúa như Gio-an đã làm đối với Đức Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 28.30).
+ Đức khó nghèo: Tránh đua đòi mua sắm quần này áo nọ, nhưng luôn sống đơn sơ khó nghèo trong cách ăn ở noi gương thánh Gio-an: “mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (x Mc 1, 6-8).
+ Đức vâng phục: Luôn bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa, noi gương thánh Gio-an đã vâng lời Đức Giê-su để làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan (x Mt 3, 13-15).
+ Đức trung tín: Luôn chu tòan sứ vụ tiền hô giúp người đời tin nhận Đức Giê-su, noi gương thánh Gio-an đã giới thiệu và động viên hai môn đồ ưu tú bỏ mình để đi theo làm môn đệ của Đức Giê-su (x Ga 1, 35-37).
+ Đức trung thực: Luôn trung thực nhìn nhận khuyết điểm của mình và tu sửa, noi gương thánh Gio-an xưa đã tự nhận mình chỉ là tiếng người hô trong hoang địa như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm. Gio-an thừa nhận phép rửa của ông chỉ giúp người ta sám hối, còn Đấng đến sau ông lại quyền thế hơn ông, mà ông không đáng xách dép cho Người. Đấng ấy mới “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3, 11).
+ Đức can đảm: Luôn can đảm làm chứng cho Chúa noi gương thánh Gio-an đã can đảm can ngăn vua Hê-rô-đê không được lấy chị dâu là bà Hê-rô-đi-a làm vợ mình (x Mt 14, 3-4; Lc 3, 7-9). Dù vì thế mà ngài đã bị vua Hê-rô-đê hãm hại.

4. THẢO LUẬN:
Mỗi người chúng ta hôm nay cần làm gì cụ thể để giới thiệu Chúa Giê-su cho tha nhân, noi gương thánh Gio-an?

5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con hôm nay biết noi gương thánh Gio-an làm chứng cho Chúa bằng các việc làm cụ thể: không khoe khoang thành tích ưu điểm của mình, sống đơn giản điều độ trong cách ăn mặc, tránh chè chén say sưa, can đảm bênh vực những người thân yếu thế cô, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt vì danh Chúa… Xin cho chúng con trở thành những người tiền hô để giúp người đời nhận biết và tin yêu Chúa noi gương thánh Gio-an.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa
Lm Đan Vinh
20:20 23/06/2020

Chúa Nhật 13 Thường Niên A
2V 4, 8-11.14-16a; Rm 6, 3-4.8-11; Mt 10, 37-42

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 10, 37-42

(37) “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. (38) Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (39) Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. (40) Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (41) Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ : Ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. (42) Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em : Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

2. Ý CHÍNH:

Người môn đệ phải đặt tình yêu Chúa Giê-su lên trên mọi tương quan tình cảm gia đình ruột thịt. Những ai sẵn sàng đón nhận gian khổ thập giá để đi theo và cùng chết với Đức Giê-su thì sẽ tìm lại được sự sống đời đời cho mình sau này. Đức Giê-su cũng tự đồng hóa Người với các vị thừa sai sau này và hứa ban cho những ai sẵn sàng đón tiếp các ngài, sẽ được Thiên Chúa ban thưởng bội hậu ở trên trời.

3.CHÚ THÍCH:

- C 37: + Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy… : Ở đây Đức Giê-su tỏ ý “ghen tương” giống như sự ghen yêu của Đức Chúa đối với dân Ít-ra-en thời Cựu Ước (x. Đnl 29, 17-19; 32, 16-21). Đức Giê-su không chấp nhận bất cứ tình yêu nào cạnh tranh với tình yêu dành riêng cho Người. Kẻ nào muốn theo làm môn đệ Đức Giê-su mà còn quá quyến luyến với tình cảm gia đình, thì không xứng đáng với tình yêu của Người. Kẻ nào không nhìn nhận sự tối thượng của Người cũng không thể làm môn đệ của Người được. Sở dĩ Người đòi hỏi trung thành tuyệt đối như vậy, vì Người chính là Thiên Chúa làm người, đến để chịu chết đền tội thay cho loài người.
HỎI : Với đòi hỏi như thế, phải chăng đi theo Chúa là phải hoàn toàn từ bỏ mọi liên hệ gia đình ruột thịt, có thể bị người đời kết tội là bất hiếu?
ĐÁP : Thực ra không phải như vậy. Vì chính Đức Giê-su là một người con hiếu thảo : Người vâng lời cha mẹ trong suốt thời gian ẩn dật tại Na-da-rét (x. Lc 2, 51). Dù “giờ” chưa tới, nhưng Người sẵn sàng nghe lời cầu bầu của Đức Mẹ, để làm phép lạ đầu tiên giúp đỡ đôi tân hôn là hóa nước thành rượu ngon (x. Ga 2, 4.5-8). Trước khi tắt thở trên cây thập giá, Người trối Mẹ Người làm Mẹ của môn đệ Gio-an, để ông đem Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Người (x. Ga 19, 25-27). Người dạy người ta về sự thực hành cách cụ thể giới răn “Phải thảo kính cha mẹ”, trái với lời dạy lỗi bổn phận hiếu thảo của các luật sĩ (x. Mc 7, 10-13). Nhưng đối với Đức Giê-su, sự vâng lời cha mẹ phải được đặt sau bổn phận hiếu thảo với Thiên Chúa (x. Lc 2, 49). Người nhận những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa chính là Mẹ và anh em của Người (x. Mc 3, 33-35). Trong câu này, Đức Giê-su chỉ muốn nói rằng : khi buộc phải chọn một trong hai tình yêu, một là dành cho cha mẹ và hai là dành cho Đức Giê-su, thì môn đệ phải đặt tình yêu trung thành với Chúa trên tình yêu dành cho cha mẹ.
- C 38: + Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy : Lúc đầu có lẽ các môn đệ đi theo Đức Giê-su do muốn được lợi lộc vật chất (x. Mt 19, 27-30), được địa vị cao khi Người lên làm vua (x. Mt 18, 1-4). Nhưng Người không chiều theo ý họ, mà đòi họ phải đi con đường hẹp, leo dốc và đầy gai chông, ít người chịu theo (x. Mt 7, 13-14). Đó là đường “từ bỏ mình, vác thập gia mình hàng ngày mà theo chân Người” (x. Mt 16, 24).
- C 39: + Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất… : Giữa hai sự sống tự nhiên và siêu nhiên, thì môn đồ phải chọn sự sống siêu nhiên. Nếu họ chỉ lo tìm sự sống thân xác, đến nỗi từ chối Chúa để khỏi bị giết chết, thì họ sẽ bị mất sự sống siêu nhiên đời sau. Ngược lại, nếu họ bằng lòng chịu chết vì đức tin, thì sẽ được Chúa ban lại sự sống siêu nhiên sau này.
- C 40: + Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy…: Ở đây Đức Giê-su áp dụng một nguyên tắc thông thường về ngoại giao là : “Kẻ được sai đi đồng hóa với người đã sai mình”. Đón tiếp môn đệ là đón tiếp Đức Giê-su, cũng là đón tiếp chính Thiên Chúa là Đấng đã sai Người. Sự đón tiếp ở đây là phải sẵn sàng đón nhận Tin Mừng do các tông đồ thừa sai rao giảng.
- C 41: + Ai đón tiếp một ngôn sứ… một người công chính : Có người nghĩ rằng : Ngôn sứ và công chính đồng nghĩa với tông đồ, nên ai tiếp đón các tông đồ với danh nghĩa là ngôn sứ và người công chính, thì sẽ được phần thưởng của các ngài. Nhưng một số các nhà chú giải hiện nay lại cho rằng : Thời Giáo hội sơ khai, chức vụ ngôn sứ khác với chức vụ tông đồ, còn người công chính thì không phải chức vụ, nhưng là người có lối sống công bình và ngay chính, được cộng đoàn kính trọng, như ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a là người công chính (x. Mt 1, 19), ông Giu-se hay Ba-sáp-ba, biệt danh Rô-ma là Gút-tô, nghĩa là công chính (x. Cv 1, 23). + Thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ… cho bậc công chính : Đức Giê-su áp dụng nguyên tắc : “Người được sai đi đồng hóa với Đấng sai mình”, để nói rằng : kẻ đón tiếp các ngôn sứ và người công chính cũng sẽ được phần thưởng giống như phần thưởng mà các bậc ngôn sứ và người công chính sẽ được, là được sự sống đời đời.
- C 42: + Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này… : Kẻ bé nhỏ đây ám chỉ các môn đệ của Đức Giê-su là tông đồ thừa sai. + Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu : Đức Giê-su hứa sẽ ban thưởng Nước Trời cho những ai thành tâm cộng tác vào sứ mệnh truyền giáo của các môn đệ, thì cũng sẽ được Chúa ban thưởng giống như các môn đệi sẽ được hưởng ở đời sau.

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy (Mt 10, 38).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU CHƯA?
Một buổi tối, khi vừa từ Ma-rốc trở về, SÁC ĐỜ PHU-CÔ (Charles de Foucauld) đã hãnh diện kể cho mọi người thân trong gia đình nghe về những cuộc thám hiểm kỳ thú của anh ở Phi Châu. Ai cũng thích thú lắng nghe, nhưng người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn cả là cô cháu gái chưa đầy mười tuổi của anh.
Khi anh vừa dứt lời thì cô bé đã lên tiếng nói:
- Thưa cậu, cháu thấy cậu đã làm được nhiều việc to lớn. Vậy cậu đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa?
Câu hỏi ấy như một luồng điện giựt, khiến anh như bị bất động. Từ bao lâu nay, chưa có lời nói của ai mà khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế: “Cậu đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa? ”. Charles de Foucauld nghĩ lại quá khứ của mình thì chỉ thấy một con số không to tướng. Anh đã phí phạm bao nhiêu thời giờ tuổi thanh xuân cho những cuộc ăn chơi truỵ lạc và tìm kiếm danh vọng phù phiếm. Mắt anh bỗng mở ra để thấy được sự nghèo nàn về tâm linh của mình. Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Sau đó anh đã từ bỏ tất cả, xin vào một dòng khổ tu. Rồi ít lâu sau, anh lại đến ở Na-gia-rét quê hương Chúa Giê-su để dâng hiến trọn đời còn lại cho Người.
Một ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng rên của một người Hồi giáo. Nhớ đến gương bác ái của Chúa Giê-su, anh tự hỏi, anh có thể giam mình cầu nguyện giữa lúc có những người anh em đang rên rỉ trong đau thương thất vọng được chăng? Thế là anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành người anh em của họ, nhất là của những người cô đơn, nghèo hèn nhất.
Những năm cuối đời, Charles de Foucauld đã đến sống giữa sa mạc Sa-ha-ra bên Phi châu, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người cùng khổ. Và anh đã chia sẻ tới giọt máu cuối cùng khi vào đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị phát súng oan nghiệt của kẻ sát nhân bắn gục đang lúc anh cầu nguyện. Ngày nay, các Tiểu đệ và Tiểu muội của Chúa Giê-su tiếp tục sống theo lý tưởng của anh. Các anh chị này tình nguyện đến sống giữa những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Tất cả cuộc sống và sự hiện diện âm thầm của họ là muốn làm điều gì tốt đẹp cho Chúa noi gương Charles de Foucauld.

2) THEO CHÚA LÀ CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ THẬP GIÁ GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Có một thiếu nữ kia trẻ đẹp và là con một gia đình quý tộc ở Ái Nhĩ Lan. Tuy sống trong cảnh giàu sang, nhưng cô lại muốn sống đời thánh hiến cho Chúa. Khi tới tuổi trưởng thành, cô từ chối khi các chàng trai quý tộc đến dạm hỏi, và được cha mẹ cho phép, cô tìm đến một đan viện có lối sống nhiệm nhặt khắc khổ để xin được dâng mình cho Chúa. Mẹ bề trên thấy cô vừa trẻ đẹp, lại vừa là con nhà quyền quý giàu có, nên chưa dám nhận ngay. Bà muốn thử thách ơn gọi của cô nên đã cố ý trình bày những luật lệ khắt khe của đan viện về nhiệm vụ cầu nguyện và lao động nhiều giờ mỗi ngày. Nghe xong, cô gái giữ im lặng như suy nghĩ. Một lát sau, bà bề trên hỏi tiếp : “Bây giờ con còn muốn dâng mình cho Chúa nữa thôi? ”. Cô đáp : “Thưa mẹ, con chỉ còn một thắc mắc này là : Không biết trong tu viện có nhiều cây thánh giá không? ”. Mẹ bề trên trả lời : “Con đừng lo. Khắp nơi trong nhà, không chỗ nào là không có thánh giá cả”. Bấy giờ cô gái tươi nét mặt và nói : “Thế thì thưa mẹ, con sẵn sàng xin vào tu viện, vì con chắc sẽ không gặp gì khó khăn cả. Bởi vì theo con nghĩ : Nếu mọi nơi mọi lúc con đều nhìn thấy thánh giá Chúa, đều thấy Người đang cùng chịu đau khổ với con, thì con hy vọng có thể chịu đựng được mọi đau khổ”.

3) KHÔNG ĐÓN TIẾP THA NHÂN LÀ TỪ CHỐI CHÚA GIÊ-SU:
Tiểu bang Min-ne-so-ta ở phía trung bắc nước Mỹ, giáp với Ca-na-da, vào mùa đông thường có những trận bão tuyết và nhiệt độ tụt xuống -30 hay -40 độ âm Farenheit. Vào một đêm bão tuyết, chiếc xe hơi của người phụ nữ bị chết máy trên đường tới Ro-ches-ter. Chị biết rằng sẽ bị chết cóng nếu cứ ngồi lại ở trong xe. Tuy là vùng miền quê, nhưng trên trục lộ chính, cũng có một số nhà dọc theo đường lộ. Chị đã đến gõ cửa lần lượt hơn một chục căn nhà, nhưng chẳng có ai chịu ra mở cửa. Sau cùng, có một người lái xe ngang qua thấy chị nằm gục bên vệ đường bèn xuống xe đưa chị vào nhà thương cấp cứu. Chị đã được cứu sống, nhưng tất cả các ngón tay, ngón chân và một bàn chân đã bị hoại tử vì chịu giá lạnh trong một thời gian quá lâu.
Có điều đáng nói là các căn nhà chị đến gõ cửa đêm hôm ấy, mọi người đều ở trong nhà và đều nghe có tiếng gõ cửa. Mọi người đều là các tín hữu sống tại vùng quê hiền hòa, nhưng không một ai chịu ra mở cửa, vì sợ có thể bị kẻ cướp trấn lột !

4) CHIA SẺ GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO LÀ PHỤC VỤ CHÍNH CHÚA GIÊ-SU:
MÁC-TANH THÀNH TUA (Martin de Tour) là một mẫu gương về đức bác ái cụ thể. Bấy giờ Mác-tanh là người đầu tiên được Hội Thánh tôn kính như một vị thánh mà không do chịu tử vì đạo. Ngài sinh ra tại Pháp vào lúc cuộc bách hại đạo sắp chấm dứt. Trước đó chưa có người nào được các tín hữu tôn kính như một vị thánh giống như ngài. Sở dĩ Mác-tanh được tôn kính như một vị thánh vì đã sống theo lời Chúa dạy: yêu thương tha nhân là yêu chính Chúa Giê-su.
Trong lúc Mác-tanh đang học giáo lý dự tòng thì ngài đã ở trong quân đội. Vào một đêm đông giá rét, khi Mác-tanh đang ngồi trên lưng ngựa đi tuần tra thì gặp một người ăn xin nghèo khổ đang đi trên đường. Ông ta bị rét run vì quần áo ông đang mặc chỉ là một mớ giẻ rách. Mác-tanh liền thương cảm cởi chiếc áo choàng bằng dạ đang mặc, rút gươm cắt thành hai mảnh và đưa một mảnh cho người ăn xin nghèo khổ kia. Sau đó, trong giấc ngủ, Mác-tanh đã nằm mơ thấy Chúa Giê-su trên cây thập giá đang khoác mảnh áo mà ông mới cắt cho người ăn xin. Mác-tanh nghe Người phán: “Hỡi Mác-tanh, tuy đang học giáo lý, mà con đã cho Ta chiếc áo này”.

3. SUY NIỆM:

1) ĐÓN TIẾP THA NHÂN LÀ ĐÓN TIẾP CHÍNH ĐỨC GIÊ-SU.

- LÒNG HIẾU KHÁCH : Trong một xóm đạo nọ, vào buổi sáng khi ánh mặt trời vừa ló rạng, cánh cửa mọi nhà trong xóm đều được mở ra đón ánh nắng ban mai. Rồi từ đầu xóm, một gã hành khất đeo bị và tay chống gậy xuất hiện. Từ trong nhà nhìn qua cửa sổ, người ta đã phát hiện ra gã. Thế là từng nhà dọc theo xóm, các cửa ra vào đều được đóng lại, người ta cũng không quên kéo rèm che các cửa sổ. Bấy giờ gã hành khất đến từng nhà gõ cửa, nhưng không thấy ai ra mở. Cảm thấy nhục nhã buồn tủi, gã lặng lẽ đi ra khỏi xóm. Khi gã vừa khuất dạng, các rèm cửa lại được kéo lên, mọi cửa nhà lại được mở toang để đón nhận nắng ấm tràn vào trong nhà. Mọi người trong xóm đều vui vẻ như vừa thoát khỏi sự quấy rầy của người khách không mời mà đến.
- CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ? : Đức Giê-su dạy chúng ta hãy ân cần tiếp đón tha nhân. Tùy theo thái độ của chúng ta mà tha nhân sẽ trở thành niềm vui mang lại hạnh phúc hay trở nên nỗi bất hạnh của chúng ta : các chủ quán ở Bê-lem xưa đã từ chối đôi vợ chồng nhà quê nghèo khó là ông Giu-se và bà Ma-ri-a, nhưng họ lại không ngờ mình đã từ chối chính Đấng Thiên Sai trong đêm giáng sinh (x. Lc 2, 7); Hai người thu thuế trong Tin Mừng là Mát-thêu và Da-kêu đã mở rộng cửa nhà đón tiếp Đức Giê-su và đã nhận được ơn cứu độ (x. Mt 9, 10; Lc 19, 5-10); Gia đình Bê-ta-ni-a đón tiếp Đức Giê-su và đã được Người dạy cho biết điều gì cần thiết nhất (x. Lc 10, 39-42); Hai môn đệ làng Em-mau đã mời vị khách bộ hành vào tạm trú trong nhà, nên đã nhận ra Chúa Giê-su phục sinh khi Người bẻ bánh (x. Lc 24, 29-31). Ngày nay Đức Giê-su vẫn đang hiện thân trong những người đau khổ nghèo đói. Người đang đứng ngoài cửa nhà chúng ta và gõ. Ai mở cửa đón Người, thì Người sẽ vào trong nhà linh hồn của họ và ngồi dùng bữa tối thân tình với họ.

2) BIỂU LỘ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊ-SU THẾ NÀO? :

- BẰNG CÁCH VÁC CÂY THẬP GIÁ ĐI KHẮP THẾ GIAN:
Từ lễ Giáng Sinh năm 1969, mục sư ÁC-THƠ BƠ-LÉT-SÍT (Arthur Blessit) đã khởi đầu một cuộc hành trình đi bộ vòng quanh thế giới. Trên vai vác một cây thập giá dài 3, 6m, ngang 1, 8m nặng 18 ki-lô. Sau 26 năm vất vả, ông đã lập được một kỷ lục thế giới về đi bộ, khi vượt qua một quãng đường dài tới hơn 50 ngàn cây số, băng qua nhiều quốc gia. Sau này ông đã thuật lại chuyến đi ấy như sau : “Tôi đã đi qua nhiều sa mạc và rừng già, đã từng bị dã thú như voi, rắn, cá sấu tấn công. Tôi bị bắt giam 21 lần vì bị nghi là làm gián điệp và có lần suýt bị dân da đỏ hành hình…” Động lực thúc đẩy ông làm được việc phi thường ấy là tình yêu mến Chúa Giê-su. Ông muốn mang thập giá của Chúa đến mọi nơi trên thế giới, theo lệnh Người truyền : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 20).

- BẰNG SỰ BỎ MÌNH VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO CHÚA:
Đức Giê-su mời mọi người hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Người (x. Mt 16, 24). Đường thập giá là con đường chính Đức Giê-su đã đi : Là con đường khó nghèo khiêm hạ ở Bê-lem, lao động vất vả ở Na-da-rét; Là con đường rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ cứu nhân độ thế từ miền Ga-li-lê đến thủ đô Giê-ru-sa-lem; Là đường lo buồn sầu não trong vườn Cây Dầu, bị xét xử bất công, bị đánh đòn, bị đội mão gai, phải vác cây thập giá lên đồi Can-vê, rồi chịu đóng đinh và chết nhục nhã như một tên tội đồ đại gian ác. Nhưng con đường đó lại chính là đường vào trong vinh quang phục sinh, như Đức Giê-su đã ba lần tiên báo với môn đệ (x. Mt 16, 21; 17, 22-23; 20, 18-19).
Các tín hữu chúng ta cũng được Đức Giê-su mời gọi đi con đường thập giá của Người. Thập giá mà chúng ta vác đây không phải là cây gỗ khổ hình, nhưng là những gánh nặng của bổn phận đối với gia đình xã hội và Giáo hội; Là đòi hỏi phải từ bỏ của cải vật chất, quyền hành; Là những con người mà chúng ta không ưa, mà vẫn phải sống chung trong một mái nhà, chỗ làm việc… Đức Giê-su đã nên giống chúng ta khi Người lo buồn sầu não trước Giờ Tử Nạn, nhưng đã sẵn sàng chấp nhận con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” theo thánh ý Chúa Cha (Mt 26, 39). Cũng vậy, chỉ khi thực sự yêu mến Chúa Giê-su thì ta mới dám hy sinh quên mình, dấn thân theo Chúa trên con đường thập giá, và mới dám hiến mạng sống mình vì lòng yêu mến tha nhân.

- BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG CẢM THÔNG CHIA SẺ VÀ PHỤC VỤ:
Đức Giê-su đòi những ai muốn theo làm môn đệ Người phải dành trọn tình yêu cho Người : “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37). Từ ngày Đức Giê-su về trời đến nay, có biết bao thừa sai tông đồ đã dám sống đến cùng tình yêu như Đức Giê-su đòi hỏi ấy. Truyền giáo không những là rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, nhưng còn là “Bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa”; Là tin yêu Chúa và thông truyền đức tin và lòng mến Chúa cho người khác. Ước gì mỗi tín hữu chúng ta yêu mến Đức Giê-su trên hết mọi người, mọi vật, chấp nhận loại bỏ « cái tôi » ích kỷ hẹp hòi, để sống chan hòa yêu thương, chia sẻ và khiêm tốn phục vụ tha nhân hầu làm chứng cho Chúa như Lời Người dạy: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).

4. THẢO LUẬN:
Theo kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức, muốn chừa bỏ một thói hư như: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ganh ghét, làm biếng… Ta cần tập các nhân đức đối lập nào và tập như thế nào?

5. LỜI CẦU :
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin dạy con biết yêu mến Chúa cho xứng đáng : biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không cần an nghỉ, biết xả thân mà không cần một phần thưởng nào khác, ngoài việc biết mình đã làm theo thánh ý Chúa (Thánh I-NHA-XI-Ô).
- LẠY CHÚA. Xin nhận lấy tất cả tâm tư tình cảm và ước muốn của con, tất cả những gì con có và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy đều do Chúa đã ban cho con, thì hôm nay con lại xin dâng chúng cho Chúa. Tất cả là của Chúa. Xin hãy sử dụng theo ý Chúa muốn. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng yêu mến Chúa nồng nàn và sau này được Chúa ban ơn cứu độ.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng
Đặng Tự Do
00:42 23/06/2020
Trung Quốc vừa công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng nữa là Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源)năm nay 55 tuổi. Năm 2015, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Giám Mục Phó giáo phận Phượng Tường (Fengxiang -凤翔) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi-陕西) nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận. Đến năm 2017, ngài trở thành Giám Mục bản quyền của giáo phận khi Đức Cha Luca Lý Cảnh Phong (Ly Jing Feng - 李景峰)qua đời.

Nhiều giám mục từ Thiểm Tây đã tham dự buổi lễ chính thức nhận tòa của ngài.

Do các quy định liên quan đến đại dịch, vẫn còn hiệu lực chỉ có 300 người có thể tham dự buổi lễ tại nhà thờ, cùng với một số đại diện của chính quyền dân sự.

Giáo phận Phượng Tường có khoảng 20, 000 tín hữu Công Giáo, 50 linh mục và 200 nữ tu.

Đức Cha Luca Lý Cảnh Phong là người không bao giờ chấp nhận Hội Công Giáo Yêu Nước do cộng sản lãnh đạo.

Trươc đó, hôm 9 tháng 6 năm 2020: sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Ðức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善), 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ Tổng Giám Mục giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建)sau khi được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.

Lễ nghi nhậm chức tại nhà thờ Phiếm Thuyền Phổ (Fanchuanpu), cũng gọi là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Ðức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui), Giám Mục giáo phận Hạ Môn (Xiamen), cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục.

Tòa Thánh đã im lặng trong cả hai trường hợp các Giám Mục Thầm Lặng vừa được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận. Lý do rất đơn giản: chẳng có gì đáng để hồ hởi phấn khởi, giá phải trả mắc quá. Để được công nhận, cả hai vị Giám Mục phải tuyên thệ gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Giáo Hội Thầm Lặng bị xóa sổ tại Phúc Châu và Phượng Tường.

Bọn cầm quyền ở Thiểm Tây từ lâu đã tỏ ra rất nhũn nhặn để lôi kéo các Giám Mục và linh mục vào Hội Công Giáo Yêu Nước. Trái ngược với những gì đang diễn ra tại Thiểm Tây, các giáo phận ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Hà Nam, Quảng Đông, Hắc Long Giang đang chịu bách hại rất khắc nghiệt.


Source:Asia News
 
Trung Quốc bắt giữ Đức Cha Augustinô Thôi Thái
Đặng Tự Do
01:00 23/06/2020
UCANews cho biết hôm 19 tháng Sáu, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, công an Trung Quốc đã đến nhà bắt Đức Cha Augustinô Thôi Thái đi biệt tích. Cho đến nay, không ai biết chúng giam giữ ngài tại đâu.

Cha Trần Lạc Thuận (Chan Lok-shun - 陈乐顺), thuộc Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo Phận Hương Cảng, nói việc bắt giam Đức Cha Thôi Thái “là một vi phạm trắng trợn quyền tự do lương tâm của ngài.”

Ngài nói với UCANews rằng Vatican và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận lịch sử về việc bổ nhiệm các giám mục, nhưng Trung Quốc không tôn trọng thỏa thuận đó.

“Tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc đã không được cải thiện thì chớ lại còn trở nên tồi tệ hơn, ”

Tiếp tục cầm tù Đức Giám Mục Thôi Thái, bất kể ngài đang bị đau dạ dày nghiêm trọng, là bằng chứng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc “vẫn sử dụng phương pháp tàn bạo” đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo không đồng ý coi cộng sản là quốc giáo.

“Làm thế nào người ta có thể mù quáng tin rằng phía Trung Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận một cách chân thành? ” vị linh mục hỏi.

Cuối tháng Giêng năm nay, các linh mục thầm lặng của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化) đã báo tin cho thông tấn xã Asia-News, cơ quan thông tin của PIME, Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, biết là vào chiều Giao Thừa Canh Tý, 24 thánh Giêng, Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰) đã được trả tự do để về nhà đón Tết với người chị đã rất già của mình.

Như mọi năm, sau Tết, ngài sẽ đi tù tiếp trừ phi ngài quyết định tham gia vào giáo hội quốc doanh. Việc bọn cầm quyền cho ngài về ăn Tết được quảng cáo là do chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, công an cộng sản muốn dùng tình cảnh neo đơn, và bệnh hoạn của người chị để tạo các áp lực tâm lý buộc ngài phải gia nhập giáo hội quốc doanh.

Đức Cha Augustinô Thôi Thái sinh năm 1950. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1990. Ngày 7 tháng Tư, 2013 ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám Mục Phó giáo phận Tuyên Hoá.

Ngay từ trước khi được bổ nhiệm Giám Mục, cụ thể là từ năm 2007, ngài đã liên tục bị bọn cầm quyền sách nhiễu. Tuy chưa bao giờ bị đưa ra xét xử, ngài không ngừng bị bắt, giam giữ trái phép, đôi khi ngài bị nhốt trong những trung tâm giam giữ bí mật; hoặc nhẹ nhất là bị quản thúc tại gia.

Ngài có thể thoát khỏi những đau khổ này nếu như ngài đồng ý gia nhập giáo hội quốc doanh, một điều mà công an cộng sản đang tràn trề hy vọng sau khi bản “Hướng dẫn mục vụ của Tòa thánh liên quan đến việc ghi danh dân sự của các giáo sĩ ở Trung Quốc” được công bố hôm 28 tháng Sáu, 2019. Cái khó khăn của công an cộng sản là dù neo đơn, và bệnh hoạn, người chị của ngài lại không ngừng khuyên ngài nên chấp nhận cảnh tù đầy để làm gương sáng thông phần những đau khổ trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Trong lần được tạm tha vào dịp Tết năm ngoái, ngày 3 tháng Ba, 2019, đã không đồng ý gia nhập giáo hội quốc doanh thì chớ, ngài còn ra một tuyên bố treo chén cha Trương Lực (Zhang Li, 张力) vì vị linh mục hầm trú này chịu khuất phục áp lực của cộng sản gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước và cổ vũ anh chị em giáo dân gia nhập giáo hội quốc doanh sau khi Hiệp ước giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9, 2018.

Ngày 29 tháng Ba năm ngoái, ngài bị bắt và bị giam cho đến nay cùng với cha Trương Kiện Lâm (Zhang Jianlin, 张健林) là linh mục tổng đại diện của giáo phận Tuyên Hoá.


Source:UCAN
 
Trở lại Vatican, Đức Bênêđíctô XVI đánh đổ mọi đồ đoán tiêu cực
Vũ Văn An
01:18 23/06/2020

Theo tin CNS, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã trở lại Vatican, 5 ngày sau khi bay về Đức để thăm người anh ruột 96 tuổi của ngài, tức Đức ông Georg Ratzinger.



Markus Soder, thủ hiến Bang Bavaria, có mặt tại phi trường để chào từ biệt Đức Giáo Hoàng hưu trí. Ông mô tả buổi từ biệt này bằng những lời gây xúc động “Chúng ta rất tự hào về vị Giáo Hoàng người Bavaria của chúng ta”.

CNS thuật lại mối dây liên kết rất thân thiết giữa hai anh em duy nhất còn sống sót của gia đình Ratzinger. Mối liên kết thân thiết này ai cũng biết. Thế nhưng điều này vẫn không làm cho những người ưa thích các lý thuyết âm mưu đưa ra đủ thứ đồ đoán cho chuyến đi.

Thực vậy, theo John L. Allen Jr., chuyến về thăm anh ruột của Đức Bênêđíctô XVI đã khiến nhiều người có những óc tưởng tượng chính trị và tôn giáo nóng bỏng như lên cơn sốt, được họ nói ra trên báo chí Đức và Ý cũng như các cuộc thảo luận trực tuyến:

• Đức Bênêđíctô XVI sẽ không bao giờ trở lại Rôma nữa, vì cũng giống như Thánh Bênêđíctô, ngài đã chán ngấy cảnh thối nát của Kinh Thành Muôn Thuở và muốn trốn vào loại ẩn tu thế kỷ 21.

• Đức Bênêđíctô sẽ không trở lại Rôma vì ngài không thể ủng hộ hướng đi do Đức Phanxicô vạch ra, nên việc không trở về sau khi anh ruột qua đời là một hình thức phản kháng cuối cùng, tuy thầm lặng của ngài (bất chấp chuyến đi đã được Đức Phanxicô chấp thuận).

• Đức Bênêđíctô sẽ ở lại Đức để phản công đường lối cấp tiến của đa số Giám Mục trong nước, khi họ dấn thân vào “con đường đồng nghị” gây tranh cãi khi bàn tới các vấn đề như độc thân linh mục, luân lý tính dục và phong chức nữ giới.

Việc ngài trở về Vatican hôm 22 tháng 6, hôm qua, đã đánh đổ hoàn toàn các đồ đoán trên. Hơn nữa, nó còn chứng tỏ việc thiếu mẫn cảm trước mối tình huynh đệ thắm thiết của anh em nhà Ratzinger. Allen cho hay: 3 anh chị em nhà này vốn lớn lên trong cảnh lúc nào cũng có nhau. Một phần do người cha, một cảnh sát viên Bavaria, cố tình đảm nhiệm một loạt các chức vụ không đáng kể trong suốt thập niên 1930 để tránh càng xa càng hay quyền lực đang lên của Quốc Xã. Gia đình liên tiếp phải rời chỗ ở, khiến các con mất hết bạn bè, đành cố kết với nhau.

Họ gần gũi nhau đến độ đã xin thụ phong linh mục cùng một ngày năm 1951 và kẻ trước người sau dâng lễ mở tay cùng một ngày (hồi ấy hiếm có việc đồng tế) tại làng Hufschlag ở Bavaria nơi gia đình đang cư ngụ. Maria, chị ruột, không bao giờ kết hôn và sau này trở thành thư ký và là người săn sóc vị Giáo Hoàng tương lai, giữ trọn lời hứa với cha mẹ sẽ săn sóc các em. Bà qua đời tại Bavaria năm 1991, vì nhồi máu cơ tim trong chuyến viếng thăm mộ cha mẹ.

Dịp đó, vị Giáo Hoàng tương lai không về kịp để dự đám tang của chị. Thành thử, lần này, dù đang có những hạn chế gắt gao do Covid-19 gây ra, ngài không thể để lỡ cơ hội gặp người anh duy nhất trước khi người này qua đời.

Allen cũng cho rằng các đồ đoán trên thiếu hẳn cơ sở lịch sử. Thực vậy, Allen cho rằng, khi Đức Bênêđíctô XVI thoái vị năm 2013, theo một số giáo phẩm cao cấp gần gũi với ngài, hy vọng nguyên khởi của ngài là được trở về Regensburg và tái tục cuộc sống tư riêng. Theo các vị này, người ta đã phải thuyết phục ngài ở lại Vatican.

Một phần của lý do là vấn đề hậu cần, vì ở Vatican, ngài đã có sẵn nhân viên an ninh và phục vụ, trong khi ở Regensburg, mọi sự phải khởi sự từ đầu. Tuy nhiên, phần khác là vấn đề chính trị. Ở lại Vatican, Đức Bênêđíctô ít làm cho vị kế nhiệm “chia trí” hơn vì không ai nghĩ tới việc ngài dám thiết lập một giáo triều song hành, và làm cho người ta khó khai thác ngài như một nguồn thẩm quyền thay thế.

Tuy nhiên, cũng theo tạp chí Crux, các động thái từ ngày Đức Bênêđíctô ra công khai thay vì hoàn toàn ẩn dật trong cầu nguyện như tuyên bố lúc thoái vị, phần nào đã “mồi lửa” cho các đồ đoán trên.

Tháng 2 năm 2014, Đức Bênêđíctô XVI xuất hiện nơi công cộng lần đầu tiên cùng tham dự cơ mật viện thiết lập 19 tân Hồng Y với Đức Phanxicô.

Đức Bênêđíctô cũng tham dự lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2015: ngài có mặt bên trong Nhà thờ Thánh Phêrô khi Đức Phanxicô mở cửa thánh, chính thức khai mạc năm thánh đặc biệt. Đức Bênêđíctô sau đó, tiến qua cửa thánh và chúc mừng Đức Phanxicô tại lối vào Vương cung Thánh đường.

Cũng trong năm 2015, ngài tới Castel Gandolfo nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại Học Gioan Phaolô II ở Krakow. Năm 2016, ngài đọc diễn văn với Hồng Y Đoàn dịp ngài mừng 65 năm thụ phong linh mục.

Đức Bênêđíctô cũng xuất hiện công khai bằng các trước tác của ngài, gần đây nhất là tiểu luận khá dài năm 2019 về gốc rễ của cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, một tiểu luận được công bố chỉ ít ngày sau khi Đức Phanxicô tổ chức hội nghị thượng đỉnh về bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội. Hơn nữa, bài đóng góp của ngài hồi tháng Hai năm nay vào tác phẩm của Đức Hồng Y Sarah để bênh vực luật độc thân linh mục, một tác phẩm đã gây tranh cãi gắt gao vì được công bố vào lúc nhiều người cho rằng Đức Phanxicô có thể đang xem xét việc thay đổi luật này. Nhiều người không ngại đặt các suy tư của ngài vào thế chống lại đường lối của vị kế nhiệm.
 
Tự do tôn giáo, một vấn nạn căng thẳng trên khắp thế giới
Thanh Quảng sdb
17:11 23/06/2020
Tự do tôn giáo, một vấn nạn căng thẳng trên khắp thế giới

Trong Tuần lễ hội về “Tự do Tôn giáo”, Đức Tổng Chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội Đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB) cảnh báo về thái độ phân biệt tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng. "

(Tin Vatican)

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami, chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa kỳ (USCCB) nói: Quyền tự do tôn giáo là quyền nền tảng của nhân phẩm con người. Tự do tôn giáo là quyền bảo đảm cho các quyền khác như là: được thừa hưởng hòa bình và quyền sáng tạo.

"Vì lợi ích của tất cả"

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Wenski, được đưa ra vào đầu Tuần lễ Tự do Tôn giáo hàng năm, được bắt đầu từ lễ kính các thánh Toma More và Gioan Fisher, ngày 22 tháng 6 đến 29 tháng 6 là ngày Lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Trong tuần này, người Công Giáo được mời gọi cầu nguyện cho quyền tự do tôn giáo trong và ngoài nước. Chủ đề của Tuần lễ Tự do Tôn giáo năm nay là “Vì lợi ích của tất cả”.

Phân biệt đối xử

Đức Tổng Giám Mục Wenski cho hay: Tự do tôn giáo là một mối ưu tư hàng đầu cho toàn thế giới! Ngay cả trong các nền dân chủ tự do Tây phương của chúng ta, sự phân biệt đối xử tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, đang gia tăng - mặc dù cường độ của nó nhẹ nhàng hơn.

Trong khi phải thừa nhận rằng các nhà phân tích chính trị và các chương trình nghị sự của những người ủng hộ nhân quyền cho tư do tôn giáo cho hay, hầu hết việc bất ‘khoan dung với tôn giáo’ là nguồn gốc của mọi cuộc xung đột. Hoặc vì cho tôn giáo như là ‘sự lựa chọn cá nhân, là mối quan tâm về một niềm xác tín cá nhân không có ảnh hưởng gì tới xã hội!

Bảo vệ cá nhân và tổ chức

Ngược lại, Đức Tổng cho hay không chỉ có quyền tự do ngôn luận mới cần thiết để nói lên những suy nghĩ của con người, mà nó còn phụ thuộc vào các tổ chức khác như báo chí, trường học, thư viện, đảng phái chính trị và các hiệp hội mà chúng hay gọi là "Xã hội dân sự, " và như vậy quyền tự do tôn giáo cũng "vì lợi ích của mọi người", nó bao gồm việc cần và phải được bảo vệ để triển nở quyền tự do tôn giáo của mọi cá nhân.

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo

Tuần lễ “Tự do Tôn giáo” tại Hoa kỳ được bắt nguồn là “Hai tuần cho Tự do” - được hình thành vào năm 2012 như là một sự bảo vệ tự do tôn giáo chống lại các mối đe dọa trong và ngoài nước. Mỗi ngày trong hai tuần dành riêng này đều có một đề tài học hỏi liên quan đến tự do tôn giáo; chủ đề của năm nay bao gồm chủ đề “tự do phục vụ chăm sóc sức khỏe, tôn trọng các nơi thờ phương và trường học Công Giáo”.
 
Một thế giới loạn: Đòi dẹp bỏ tất cả tượng Chúa, Mẹ và các thánh!
Thanh Quảng sdb
22:08 23/06/2020
Một thế giới loạn: Đòi dẹp bỏ tất cả tượng Chúa, Mẹ và các thánh!

Shaun King, nhà tranh đấu cho Phong trào đòi quyền sống cho người da đen (BLM) kêu gọi dẹp bỏ tất cả các tượng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh!

(Newsby ChurchPOP 23/6/2020)

Hãy cầu nguyện cho Giáo hội của chúng ta!

Trong vài tuần qua, các kẻ biểu tình quá khích đã phá hủy nhiều tượng đài trên khắp đất nước Hoa kỳ để trả thù vụ George Floyd bị chết! Chúng cũng kéo đổ hai bức tượng của Thánh Junípero Serra ở California vào cuối tuần qua.

Nhà tranh đấu cho phong trào Black Lives Matter, Shaun King kêu gọi tiêu diệt tất cả các bức tượng trắng của Chúa, Đức Mẹ và các thánh vì hắn cho là các bức tượng đó là nói lên quyền lực tối thượng của người da trắng.

Các tin nhắn trong trang Twitter của hắn:

Hắng viết: Tôi nghĩ rằng các bức tượng của người châu Âu da trắng mà họ cho là Chúa Giêsu cần được dẹp bỏ, vì nó là một biểu tượng, nói lên tính thượng phong của người da trắng.

Hắn còn nói: Tất cả các bức tranh tường và cửa kính màu về Chúa Giêsu, và Đức Mẹ, cũng như các thánh da trắng cần phải được dẹp bỏ, vì nó tượng trưng cho một chủ thuyết tối thượng của người da trắng. Chủ thuyết này đã gây nên nhiều cuộc áp bức, phân biệt chủng tộc…

Trong một tin nhắn khác, hắn viết: Nếu tôn giáo của bạn tôn thờ một Chúa Giêsu có mái tóc vàng, mắt xanh, thì tôn giáo của bạn không phải là tôn giáo toàn cầu! mà là một tôn giáo thượng tôn của người da trắng, một tôn giáo đã thống trị đất nước này trong hàng trăm năm.

Phản ảnh của các Linh mục Công Giáo

Cha Bill Peckman, Giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô ở Boonville, Mo. Chia sẻ về vấn đề này như sau: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các tông đồ xuất hiện ở nhiều cấp độ khác nhau qua các thời đại.

Tôi xác tín rằng Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta với nhiều sự khác biệt về mầu da, khả năng, trí thông minh và nhiều mức độ khác biệt...

Hình ảnh về Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các tông đồ cũng mặc lấy những sắc thái khác biệt tùy vào nơi chốn và thời đại.

Như Mẹ Maria, trong những lần hiện ra khác nhau của Mẹ, Mẹ trông giống như một người bản địa ví dụ: Đức Mẹ ở Akita, Đức Mẹ ở Lộ Đức, Đức Mẹ ở Guadalupe hoặc Đức Mẹ ở Kibeho.

Đức ông Stephen Rossi, một nhà trừ quỷ và một tâm lý gia đã bình luận về tình trạng bất ổn của đất nước Hoa kỳ. Trên trang blog cá nhân của ngài, ngài than thở rằng: Xin Chúa giải thoát nước Mỹ!

Đức ông Rossi làm việc tại Trung tâm Tâm linh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, một trung tâm nghiên cứu về việc trừ tà, trừ quỷ của Công Giáo.

Ngài nói: Có những dấu hiệu chứng tỏ đất nước chúng ta đang bị ma quỷ lộng hành... Một trong những dấu hiệu đó là sự bất hòa. Những cuộc bạo loạn bùng phát! vì giận dữ và bạo lực thường đi đôi với hoạt động của ma quỷ!

Thật vậy, tôi tin rằng đất nước của chúng ta đang ngày càng bị ám ảnh bởi ma quỷ, mặc dầu không bị thống trị hoàn toàn!

Nếu đất nước của chúng ta bị ma quỷ áp bức, thì chúng ta phải làm gì? Với bất kỳ ai bị ma quỉ ám! Chúng ta phải bắt đầu bằng việc xua trừ ma quỷ, bằng chừa cải tội lỗi; chấm dứt những tin nhảm nhí huyền hoặc và thực hành cuộc sống đức tin.

Chúng ta hãy yêu kính Thiên Chúa và tha nhân. Đừng xét đoán ai trái ai phải, cộng hòa hay dân chủ, đen hay trắng.

Hãy cầu nguyện liên nỉ, hãy cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria kèm theo thực hành những hành vi hy sinh hãm mình, rộng mở tâm lòng cho Chúa Thánh Thần soi động, hòa vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Đức ông Rossi cho hay cần phân biệt giữa quyền biểu tình ôn hòa và bạo loạn. Một điều quan trọng nữa là phải phân biệt rõ ràng giữa phong trào tranh đấu chống phân biệt chủng tộc với các cuộc bạo loạn vô nghĩa.

Các di tích lịch sử thuộc về sở hữu của chính phủ hoặc một tổ chức nào đó. Không ai có quyền phá hủy, nếu không có một quy trình tìm hiểu đúng đắn...

Chúng tôi hiểu được sự phẫn nộ của nhiều người qua cái chết của George Floyd, nhưng bạo loạn không thể chấp nhận được! Một hành động bạo lực không thể biện minh cho một việc xấu khác.

Chính Mục sư Martin Luther King đã nói: "Không thể lấy thù hận mà loại bỏ hận thù! Chỉ có tình yêu mới xóa bỏ được hận thù!

Nếu ai muốn làm thế giới được tốt đẹp hơn, họ phải gieo rắc yêu thương chứ không phải thù hận!

Sự thù hận và bạo lực mà chúng ta đang trải nghiệm không thể mang lại một kết quả tốt đẹp. Mục sư Martin Luther King nnhấn mạnh: ‘Thù hận chất chồng thù hận; bạo lực chồng chất bạo lực.'
 
Top Stories
Covid-19: l’Église vietnamienne annule les 18e Journées nord-vietnamiennes de la jeunesse
Églises d'Asie
08:03 23/06/2020
Les 18e Journées nord-vietnamiennes de la jeunesse (Northern Youth Day Gathering), ont été lancées en 2002 par l’évêque défunt de Thai Binh, Mgr Francis Xavier Nguyen Van Sang. Onze diocèses du nord du Vietnam organisent l’événement chaque année, à leur tour. En 2019, lors de la 17e édition de l’événement, près de 20 000 jeunes catholiques s’étaient rassemblés dans le diocèse de Bui Chu. En 2018, le diocèse de Hai Phong avait rassemblé 15 000 participants. Cette année, la 18e édition de l’événement, prévue au temple Hung dans le diocèse de Hung Hoa, dans la province de Phu Tho, devra être reportée en 2021 à la demande des autorités civiles, en raison de la crise sanitaire.

Mgr Joseph Vu Van Thien, archevêque de Hanoï, a annoncé que les autorités civiles ont demandé à Mgr Jean Marie Vu Tat, évêque de Hung Hoa, d’annuler les 18e Journées nord-vietnamiennes de la jeunesse (Northern Youth Day Gathering), qui devaient avoir lieu en novembre dans le nord du pays, en raison de la crise sanitaire. Les responsables du diocèse de Hung Hoa, dans la province de Phu Tho, avaient demandé au gouvernement l’autorisation d’organiser l’évènement au temple Hung. Mgr Thien, qui est également administrateur apostolique du diocèse de Hai Phong, qui a organisé l’événement en 2018 en rassemblant 15 000 participants, a déclaré qu’il sera reporté à 2021, les autorités craignant encore une nouvelle vague épidémique. Le père Joseph Nguyen Trong Duong, responsable du doyenné de Nghia Lo, dans la province de Yen Bai, estime cependant que l’annulation de l’événement soulage les pauvres économies du diocèse, qui couvre neuf provinces montagneuses du nord et une partie de Hanoï. Le père Joseph Duong explique que dans ce contexte postpandémique, il est particulièrement difficile de lever des fonds pour organiser un tel événement. En 2019, lors de la 17e édition de l’événement, près de 20 000 jeunes catholiques s’étaient rassemblés dans le diocèse de Bui Chu. Le père Antoine Nguyen Tan Hoi, diacre au service de la paroisse de Sung Do, confie qu’avec près de 900 fidèles issus de l’ethnie Hmong, l’Église locale n’a pas d’autre choix que de respecter l’annulation demandée par le gouvernement.

Le père Tan Hoi ajoute que même s’il s’agit du plus grand diocèse du pays en termes de territoire, il n’y a pas d’autre site où accueillir plusieurs dizaines de milliers de personnes. En 2009, le rassemblement avait déjà eu lieu au temple Hung. Le prêtre reconnaît que l’annulation va susciter la déception de nombreux jeunes catholiques dans la région, dont beaucoup sont membres des groupes ethniques locaux. « Ils n’ont pas d’autres occasions d’échanger avec des personnes d’autres origines et de partager leurs expériences de foi entre eux », ajoute le père Tan Hoi. Le 15 juin, plusieurs centaines de jeunes catholiques de la province de Yen Bai ont participé à des rassemblements préparatifs, organisés en amont des journées de novembre. À cette occasion, ils ont accueilli et porté la croix des Journées nord-vietnamiennes de la jeunesse, à l’image de la croix des JMJ. « Nous regrettons de ne pouvoir participer au rassemblement, d’autant plus que nous avons préparé des costumes, des danses et des chants traditionnels pour l’événement. Je ne suis pas sûre de pouvoir y participer l’an prochain », regrette Marie Giang Thi Xua, une Hmong de 16 ans de la paroisse de Sung Do. Onze diocèses du nord du pays organisent chaque année, à leur tour, le rassemblement annuel, initié en 2002 par l’évêque défunt de Thai Binh, Mgr Francis Xavier Nguyen Van Sang. Le 19 juin, le ministère de la Santé a enregistré seulement sept nouveaux cas d’infection, parmi des personnes revenant d’Europe. L’État communiste n’a annoncé aucun nouveau foyer de contagion depuis deux mois.

(Églises d'Asie - le 23/06/2020, Avec Ucanews, Hanoï)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hạt Hóc Môn Khai Mạc Khóa Huấn Luyện HĐMV Các Giáo Xứ Khóa 2020-2021
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
09:08 23/06/2020
Vào lúc 19h00 thứ Hai ngày 22-06-2020 tại Giáo Xứ Bùi Môn - Giáo Hạt Hóc Môn - TGP Sài Gòn. Linh mục (Lm) quản hạt kiêm chánh xứ Bùi Môn Phêrô Nguyễn Ngọc Vượng đã khai mạc Khoá Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ các giáo xứ trong Hạt Hóc Môn khoá 2020-2024.

Xem Hình

Tham dự khóa học còn có các Lm Phanxicô Ass. Nguyễn Văn Dinh, phó quản hạt kiêm chánh xứ Bạch đằng, Gioan B Nguyễn Văn Hiếu, chánh xứ Chợ Cầu, Phêrô Nguyễn Văn Bắc chánh xứ Tân Hiệp cùng khoảng 500 tham dự viên là các quý chức trong HĐMV của 20 giáo xứ thuộc giáo hạt Hóc Môn. Sau phần khai mạc là phần học tập đề tài 1: Ơn gọi giáo dân do Lm Phanxicô Assisi báo cáo.

Được biết khóa học được tổ chức trong 3 tối từ thứ Hai 22-06-2020 đến thứ Tư 24-06-2020 với các chủ đề do Tòa TGM Sài Gòn biên soạn và được báo cáo bởi quý Lm trong giáo hạt.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Ai chịu trách nhiệm thi hành luật phụng vụ?
Nguyễn Trọng Đa
08:57 23/06/2020


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thẩm quyền thực hiện phụng vụ thuộc về ai? Trong Giáo hội Việt Nam của chúng con, Uỷ ban phụng vụ chỉ chịu trách nhiệm tư vấn và hướng dẫn. Việc các luật phụng vụ có được tuân thủ hay không chỉ tùy thuộc vào các linh mục. Nếu họ thích, họ làm điều đó, nhưng nếu họ không thích, họ sẽ không làm điều đó. Theo cách nghĩ của người Việt Nam, những gì đã hoạt động trong quá khứ là tốt rồi - họ không thích thay đổi. Giám mục không chú ý nhiều đến phụng vụ vì không có sự chỉ đạo từ Hội đồng Giám mục. Trách nhiệm là không có. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm thi hành luật phụng vụ, thưa cha? - J. T., Nam Định, Việt Nam.


Đáp: Câu hỏi được công bố lần này là câu hỏi đầu tiên từ miền Bắc Việt Nam. Bản chất của câu hỏi là, Ai chịu trách nhiệm thi hành luật phụng vụ?

Một mặt, điều này là khá đơn giản. Mỗi ngưởi làm phụng vụ có trách nhiệm thực thi các luật phụng vụ cần được thực hiện, không phải như một sự thi hành máy móc của các quy tắc bên ngoài, mà như một phương tiện bên trong để làm việc thờ phượng với Đấng Toàn Năng.

Do đó, tất cả mọi người, từ tín hữu trong các hàng ghế, người đọc sách, ngưởi giúp lễ, các thừa tác viên, phó tế và linh mục, cần trung thành thực hiện các nghi thức theo các sách phụng vụ. Không ai, thậm chí cả linh mục, có thể thay đổi bất cứ điều gì được quy định trong các nghi thức, vì làm như vậy là tước quyền của các tín hữu để tham gia vào một buổi lễ Công Giáo.

Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực mà các cuốn sách cho phép các sáng kiến và tự do. Thí dụ, chọn thánh lễ ngoại lịch cho các ngày trong tuần, soạn lời cầu nguyện tín hữu, xác định hát bài gì và ai hát, mức độ trang trọng cho một buổi lễ và các điều tương tự. Trong các trường hợp này, cha xứ, hoặc thậm chí vị chủ tế, có tiếng nói cuối cùng, mặc dù ngài có thể có lợi điểm là nhóm phụng vụ giáo xứ sẽ giúp ngài chuẩn bị, và tổ chức các buổi lễ.

Mặc dù luật phụng vụ chủ yếu là mục vụ, nhưng chúng vẫn là luật, và như vậy có các cơ quan quản lý và kỷ luật. Đầu tiên và quan trọng nhất, là Giám mục địa phương. Huấn thị Redemptionis sacramentum (Bí tích Cứu độ, năm 2004) nói về Giám mục:

“1. GIÁM MỤC GIÁO PHẬN, THƯỢNG TẾ CỦA ĐÀN CHIÊN

“[19.] Giám Mục giáo phận là người phân phát chính yếu các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa trong Hội Thánh địa phương được ủy thác cho ngài, là người tổ chức, chủ xướng và gìn giữ cả đời sống phụng vụ. Quả thực, “Giám Mục, được nhận đầy đủ bí tích Truyền Chức thánh, lãnh trách nhiệm phân phát ân sủng của chức tư tế tối cao”, đặc biệt là trong Phép Thánh Thể mà chính ngài dâng hoặc đảm bảo cho việc hiến dâng, và từ đó liên tục phát sinh cho Hội Thánh sức sống và tăng trưởng”.

“[20.] Hội Thánh được biểu lộ nhất là mỗi khi Thánh Lễ được cử hành trọng thể, chủ yếu là tại nhà thờ chánh toà, “cùng với toàn thể dân thánh Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và linh động, […] trong cùng một kinh nguyện, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ toạ của giám mục”, có linh mục đoàn, các phó tế và những thừa tác viên khác bao quanh. Hơn nữa, “mọi việc cử hành hợp pháp Phép Thánh Thể đều do Giám mục điều khiển, vì ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên Tôn Nhan uy nghi Chúa phụng tự Kitô-giáo và có phận sự điều hành việc phụng tự đó theo đúng huấn giới của Chúa và lề luật của Hội Thánh. Ngài dùng phán quyết riêng để đem lại cho những lề luật đó những quy định mới phù hợp với giáo phận mình.”

“[21.] Quả thực, “Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Hội Thánh đã được uỷ thác cho ngài và trong giới hạn thẩm quyền của ngài”. Nhưng, Giám Mục phải luôn luôn chăm lo đừng làm mất sự tự do, đã được các sách phụng vụ dự liệu, để thích ứng, một cách sáng suốt, việc cử hành vào cơ cấu thánh, hay vào nhóm tín hữu, hay là vào các hoàn cảnh mục vụ, để thế nào toàn bộ nghi lễ thánh được thực sự thích nghi vào tâm thức của con người.

“[22.] Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho mình, và, thi hành chức vụ thánh mà ngài đã lãnh nhận khi được truyền chức giám mục, nên ngài có nhiệm vụ đưa vào nề nếp, điều khiển, động viên và đôi khi quở trách, để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện. Ngài có nhiệm vụ giải thích ý nghĩa thực sự của các nghi lễ và các bản văn phụng vụ, và chính ngài có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng các linh mục, phó tế và giáo dân tinh thần của Phụng Vụ thánh, để tất cả họ đều được hướng dẫn đến một việc cử hành Phép Thánh Thể cách tích cực và có hiệu quả. Sau cùng, Giám Mục cũng phải chăm chú theo dõi để toàn thân của Hội Thánh có thể được phát triển toàn bộ, trong sự hiệp nhất yêu thương về các mặt giáo phận, quốc gia và toàn cầu.

“[23.] Các tín hữu “phải gắn bó với Giám Mục như Hội Thánh gắn bó với Chúa Giêsu-Kitô và như Chúa Giêsu-Kitô gắn bó với Chúa Cha, để mọi sự đều hòa hợp trong sự hiệp nhất và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa”. Tất cả, kể cả các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Hội tông đồ, cũng như các đoàn thể và các phong trào thuộc Hội Thánh, phải phục tùng quyền của Giám Mục giáo phận về tất cả những gì liên quan đến Phụng Vụ, ngoại trừ những quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp. Như vậy, Giám Mục giáo phận có quyền và có bổn phận quan tâm giám sát về mặt phụng vụ, và, với danh nghĩa này, ngài viếng thăm các nhà thờ và nhà nguyện nằm trên lãnh thổ của ngài, kể cả những nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng và điều khiển bởi các thành viên của các hội nói trên, nếu các tín hữu thường ngày lui tới.

“[24.] Về phần mình, dân Kitô-giáo có quyền đòi hỏi Giám Mục giáo phận chăm chú theo dõi các lạm dụng len lỏi vào kỷ luật Hội Thánh, nhất là về những gì liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và á-bí-tích, đến việc phụng thờ Thiên Chúa và tôn kính các thánh.

“[25.] Các uỷ ban, các hội đồng hay các ban được Giám Mục thành lập nhằm mục đích “xúc tiến hoạt động phụng vụ, cũng như âm nhạc và nghệ thuật thán trong giáo phận của ngài”, phải hành động hợp với tư tưởng và quy tắc của Giám Mục, và họ phải dựa vào uy quyền và sự phê chuẩn của ngài mà thi hành cách đúng đắn các chức năng riêng biệt của mình, và để đảm bảo uy quyền bính đích thực của Giám Mục trong giáo phận của ngài. Về vấn đề của tất cả những nhóm này, của những hội dòng khác, và của tất cả những ai, cách chung, có những sáng kiến trong lãnh vực phụng vụ, các Giám Mục phải khẩn trương tìm hiểu xem các sinh hoạt của họ, đến bây giờ, đã có hiệu quả hay không; và phải quan tâm phân nhận được những gì phải sửa chữa hay phải cải thiện trong các cấu trúc và sinh hoạt của họ, để đạt được một sức mạnh mới. Luôn luôn phải nhớ rằng các chuyên viên phải được tuyển chọn trong số những người chứng tỏ sự vững vàng trong đức tin Công Giáo và được chuẩn bị kỹ càng trong những lãnh vực thần học và văn hoá.”

Sau đó, chương VIII của Huấn thị là “CÁC PHƯƠNG DƯỢC” minh hoạ cách thức Giám mục giải quyết các lạm dụng:

“4. GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

“[176.] Giám Mục giáo phận, “vì là người phân phát chính yếu mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã được giao phó cho ngài săn sóc, được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các bí tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm vượt qua”. Vậy, ngài có quyền, “trong giới hạn thẩm quyền của ngài, ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ”.

“[177.] “Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Hội Thánh phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Hội Thánh và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành mọi luật lệ của Hội Thánh. Ngài phải đề phòng đừng để du nhập các lạm dụng kỷ luật trong Hội Thánh, nhất là về thừa tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các bí tích và á bí tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các thánh”.

“[178.] Vì thế, mỗi khi Đấng Bản Quyền sở tại hay của một Hội Dòng tu sĩ hoặc của một Tu Hội tông đồ biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi.

“[179.] Những tội phạm nghịch cùng đức tin, cũng như những graviora delicta (lỗi phạm nghiêm trọng) phạm khi cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, phải được giao ngay cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “xét xử và, cùng lúc, tuyên bố hay bắt chịu những hình phạt của giáo luật theo các quy tắc của luật chung hay luật riêng.”

[180.] Mặt khác, Đấng Bản Quyền phải tiến hành theo các quy tắc của giáo luật, bằng cách áp dụng, nếu có, những hình phạt theo giáo luật, và, đặc biệt, nhớ lại những quy định của điều 1326 của Bộ giáo luật. Nếu là những hành vi nặng, ngài phải thông báo cáo cho Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Từ những điều trên, rõ ràng việc chăm sóc phụng vụ là một trong các trách nhiệm chính của Giám mục. Ngài có thể làm việc thông qua một Ủy ban phụng vụ giáo phận, nhưng, như đã đề cập ở trên trong số 25, trách nhiệm cuối cùng thuộc về ngài.

Đúng là Hội đồng Giám mục có một số cơ quan lập pháp và hành chính cho cả nước. Huấn thị Redemptionis sacramentum trong Chương I quy định như sau về Hội đồng Giám mục:

“2. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

“[26.] Những gì khẳng định trước đây cũng có giá trị cho các uỷ ban phụng vụ, mà, theo lời yêu cầu của Công Đồng, đã được Hội Đồng Giám Mục thành lập. Các thành viên của các uỷ ban này phải là những vị Giám mục, phải được phân biệt rõ ràng với các chuyên viên đến hợp tác với các ngài. Trong trường hợp số các thành viên của Hội Đồng Giám Mục không đủ, và do đó việc thành lập uỷ ban phụng vụ trở nên khó khăn, phải chỉ định một hội đồng hay một nhóm chuyên viên luôn luôn phải được đặt dưới quyền chủ tịch của một Giám mục; tuy nhiên, trong khi làm tròn các tốt nhất trách nhiệm của mình, hội đồng này hay nhóm chuyên viên này phải tránh mang danh “Uỷ ban phụng vụ”.

“[27.] Từ năm 1970, Tông Toà đã cho biết tất cả những thí nghiệm phụng vụ liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ phải chấm dứt, và Tông Toà đã lặp lại cấm chỉ này vào năm 1988. Do đó, mỗi Giám mục riêng biệt, cũng như các Hội Đồng Giám Mục, không còn có trường hợp nào mà có quyền cho phép các thí nghiệm liên quan đến các bản văn phụng vụ và những điều khác được ấn định trong các sách phụng vụ. Trong tương lai, để có thể làm những thí nghiệm loại này, cần thiết phải được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép; Bộ này sẽ cho phép bằng văn bản, theo lời thỉnh cầu của các Hội Đồng Giám Mục. Một sự nhượng bộ như thế chỉ có thể chấp nhận cho một nguyên nhân nghiêm trọng. Còn những gì liên quan đến các dự án hội nhập văn hoá trong lãnh vực phụng vụ, phải tuân thủ một cách chặt chẽ và toàn bộ các quy tắc đặc biệt được thiết lập cho việc này.

“[28.] Tất cả những quy tắc liên quan đến phụng vụ, do một Hội Đồng Giám Mục thiết lập, theo những quy tắc của luật pháp, cho lãnh thổ riêng của mình, cần phải được trình lên Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để phê chuẩn (recognitio), nếu không, chúng không có một tính cách bó buộc nào.” (Bản dịch, như trên)

Do đó, Hội đồng Giám mục và Hội đồng phụng vụ hoặc phượng tự có trách nhiệm nhất định đối với cả nước. Thí dụ, Hội đồng phải phê duyệt tất cả các bản dịch của các cuốn sách chính thức cũng như đề xuất các văn bản mới. Hội đồng có thể đề xuất điều chỉnh lịch cho đất nước. Hội đồng có thể đề xuất các chuẩn mực liên quan đến tư thế được các tín đồ chấp nhận, như khi nào quỳ hoặc đứng. Các loại quy định này đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Tòa thánh.

Các yếu tố khác có thể được các Giám mục chấp thuận, mà không nhất thiết yêu cầu chúng phải có đủ sức mạnh pháp luật. Chẳng hạn, ở một số quốc gia, Uỷ ban phụng vụ phê chuẩn âm nhạc được sử dụng cho các phần thông thường của Thánh lễ (kinh Vinh Danh Gloria, Kinh Thánh Thánh Thánh Sanctus, v.v.). Một số uỷ ban cũng có một danh mục quốc gia được phê duyệt về các bài hát phụng vụ, mà mọi người nên biết, mặc dù mỗi Giám mục có thể phê duyệt các bài hát khác. Những Uỷ ban này cũng có thể đưa ra hướng dẫn về cách áp dụng luật phổ quát trong bối cảnh quốc gia.

Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục thường không tham gia vào các vấn đề kỷ luật, vốn là lĩnh vực của Giám mục địa phương liên quan đến giáo phận của mình và, trong các trường hợp nghiêm trọng, trực tiếp giữa Giám mục và Tòa thánh.

Về các lạm dụng luật phụng vụ và hành động của Tòa thánh, Huấn thị Redemptionis sacramentum nói:

“CÁC PHƯƠNG DƯỢC

“[169.] Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ Công Giáo. Thánh Tôma đã viết: “Ai thay mặt Hội Thánh hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức, mà Hội Thánh tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Hội Thánh này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”.

“[170.] Để sửa chữa các lạm dụng đó, “công việc khẩn cấp nhất là đào tạo dân Thiên Chúa, mục tử và tín hữu, về mặt kinh thánh và phụng vụ”, để đức tin và kỷ luật của Hội Thánh liên quan đến Phụng Vụ thánh, được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nơi nào mà các lạm dụng vẫn tồn tại, thì phải hành động theo các quy tắc của giáo luật, để bảo toàn di sản thiêng liêng và những quyền của Hội Thánh, nhờ vào tất cả phương tiện chính đáng.

“[171.] Trong những điều lạm dụng khác nhau, xét về mặt khách quan, có phần là những graviora delicta (những tội phạm nặng hơn), có phần là những chất thể nặng và những lạm dụng khác nữa phải được quan tâm xa tránh và sửa chữa cẩn thận. Ngoài tất cả những gì được đề cập chính yếu trong Chương I của Huấn Thị này, phải ân cần quan tâm đến những điều quy định sau đây. […]

[174.] Hơn nữa, các hành vi phạm đến những gì được nêu ở những đoạn khác của Huấn Thị này và trong những quy tắc được giáo luật thiết lập, không được xem là không đáng kể hơn, nhưng chúng phải được kể trong số những lạm dụng khác phải xa tránh và phải ân cần sửa chữa.

“[175.] Rõ ràng là tất cả những gì đã được trình bày trong Huấn Thị này, không có liên quan đến tất cả những vi phạm đến Hội Thánh và đến kỷ luật của Hội Thánh, đã được xác định trong các điều của giáo luật, trong các luật phụng vụ và trong các quy tắc khác của Hội Thánh, theo giáo lý của Huấn Quyền hay theo truyền thống lành mạnh. Nơi nào có mắc bất cứ điều sai nào, thì điều sai đó phải được sửa chữa theo các quy tắc của giáo luật. […]

“5. TÔNG TOÀ

“[181.] Mỗi khi Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, Bộ thông báo cho Đấng Bản Quyền hay, để vị này làm điều tra về sự việc. Nếu hành vi đang nói đến được xác nhận là nặng, Đấng Bản Quyền, càng sớm càng tốt, phải gởi về Bộ này một bản về các hành vi liên quan đến cuộc điều tra đã làm, và, có thể, đến hình phạt đã bắt chịu.

“[182.] Trong những trường hợp khó khăn nhất, vì lợi ích của Hội Thánh hoàn vũ, mà chính ngài cũng chia sẻ việc chăm sóc bằng việc ngài chịu chức thánh, Đấng Bản Quyền không được chểnh mảng giải quyết vấn đề, sau khi đã tham khảo ý kiến của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Về phần mình, chính Thánh Bộ này, căn cứ vào những quyền hạn mà Đức Giáo Hoàng Rôma đã ban cho mình, phải giúp đỡ Đấng Bản Quyền, tuỳ trường hợp, bằng cách nhường cho ngài những miễn chuẩn cần thiết, hay thông báo cho ngài những huấn thị và những quy định mà ngài phải áp dụng cách chu đáo.

“6. NHỮNG KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC LẠM DỤNG VỀ PHỤNG VỤ

“[183.] Tuỳ theo khả năng của mỗi người, tất cả đều có bổn phận quan tâm đặc biệt để Phép Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh được bảo vệ khỏi mọi bất kính và mọi biến dạng, và để mọi lạm dụng được hoàn toàn sửa chữa. Bổn phận này, bổn phận quan trọng nhất, được ủy thác cho mọi người và mỗi thành viên của Hội Thánh, phải được thực hiện mà không thiên vị ai.

“[184.] Mọi người Công Giáo, dù là linh mục, phó tế hay giáo dân, được nhìn nhận có quyền tố cáo một lạm dụng nào đó về phụng vụ, nơi Giám Mục giáo phận hay Đấng Bản Quyền có thẩm quyền được giáo luật nhìn nhận, hay nữa nơi Tông Toà vì tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng Rôma. Tuy nhiên, nên có hết sức trình bày trước cho Giám Mục giáo phận việc khiếu nại hay tố cáo ấy. Điều đó phải luôn luôn được thực hiện trong tinh thần chân lý và bác ái.” (bản dịch, như trên)

Tất nhiên, tất cả các thủ tục trên đây sẽ là không cần thiết, nếu tất cả những người tham gia phụng vụ tìm cách làm như vậy vì vinh quang của Thiên Chúa, và theo những gì đã được thiết lập hợp pháp trong các Sách phụng vụ của mỗi quốc gia. (Zenit.org 23-6-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/responsibility-for-liturgical-laws/
 
Thư gửi Thánh Gioan Tiền Hô
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:59 23/06/2020
Thánh Gioan Tiền Hô kính mến

Hằng năm ngày 24. Tháng Sáu vào đầu mùa Hè, người tín hữu Chúa Kitô mừng lễ sinh nhật của Thánh nhân, theo như lịch phụng vụ Giáo Hội Công Giáo ấn định.

Lẽ dĩ nhiên từ khi mở mắt chào đời cách đây hơn hai ngàn năm ở El Carim bên nước Do Thái, cha mẹ Thánh nhân, ông bà Dacaria và Elisabeth đâu có làm giấy khai sinh lưu lại cho con mình. Nhưng căn cứ vào tường thuật như trong Kinh Thánh viết lại, Thánh nhân đã thành hình trong cung lòng mẹ, Bà Elisabeth người chị họ của Đức Mẹ Maria, sáu tháng trước khi Thiên Thần Gabriel đến báo tin cho Đức Mẹ Maria ở Nazareth, Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng mẹ Maria. ( Lc 1, 36).

Căn cứ theo sự kiện trình thuật phúc âm, Giáo hội Công từ thế kỷ thứ 4. đã lấy này 25.Tháng Mười Hai hằng năm là ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu trong Giáo hội. Và như thế theo cách tính thời gian ngày lễ mừng sinh nhật của Thánh nhân phải là ngày 24.Tháng Sáu, trước lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu sáu tháng.

Việc chọn ngày 24. Tháng Sáu là ngày sinh nhật Thánh nhân còn hàm chứa ý nghĩa đạo đức thần học nữa. Số là khi Thiên Thần khi hiện đến báo tin mừng cho Thầy Tư Tế Dacaria, cha của Thánh nhân, đã nói: Gia đình sẽ có con trai nối dõi tông đường. Người con này sẽ là người đi trước Chúa chuẩn bị cho Chúa đến, ( Lc 1, 11-18).

Và chính cha của thánh nhân đã nói về con mình, khi thánh nhân sinh ra: “ Hài nhi con hỡi, con sẽ mang tước hiệu của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước mở lối cho Người.( Lc 1, 76).

Rồi khi chọn ấn định ngày lễ mừng sinh nhật của Thánh nhân vào ngày đầu mùa hè, thời gian này trong thiên nhiên là thời điểm mặt trời chiếu sáng dài nhất, ban ngày dài hơn ban đêm, nhất là ở những xứ khí hậu có bốn mùa thay đổi như bên vùng trời Âu châu, bên miền bắc Mỹ châu.

Từ thời điểm sau ngày 24. Tháng Sáu theo vòng xuay chuyển của trái đất, ánh sáng mặt trời sẽ từ từ ngắn lại, đêm tối sẽ dài dần ra. Ngày này là ngày bản lề xuay chuyển dần cho ngày ngắn lại chuyển sang chu kỳ đêm tối dài hơn. Và cao điểm vào mùa Đông, đêm dài hơn ban ngày.

Ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu Kitô được ấn định vào ngày 25. Tháng Mười Hai, vào khỏang năm giờ chiều trời đã sập tối kéo dài cho tới bảy giờ sáng ngày hôm sau. Rồi từ sau ngày 25. Tháng Mười Hai, đêm tối từ từ ngắn lại và ánh sáng mặt trời dần sáng thêm ra cho tới cao điểm vào mùa Hè kế tiếp.

Đó là chu kỳ tứ thời bát tiết trong trời đất thiên nhiên. Nhưng Giáo hội chọn hai mốc thời điểm ngày sinh nhật của hai vị Thánh còn mang ý nghĩa đạo đức thần học sâu xa nữa.

Ngày 25. Tháng Mười Hai theo tục lệ kính thờ thần thánh của dân ngoại Roma thời xa xưa là ngày lễ mừng ánh sáng thần Mặt Trời. Ngày này là ngày bản lề trong thiên nhiên đêm tối dần chuyển sang ngày sáng tỏ dài hơn. Và như thế tương hợp với lời chứng của Thánh nhân đã nói về Chúa Giêsu Kitô với mọi người: „ Người phải nổi bật lên, còn thầy phải mờ đi“ ( Ga 3, 30).

Thánh Gioan Tiền hô sinh ra vào mùa ban ngày sáng rồi từ từ ngày ngắn lại tiến sang mùa đêm tối dài. Chúa Giesu sinh ra sau vào mùa đêm tối và từ từ đêm tối ngắn thu hẹp lại, ánh sáng ban ngày dần dài thêm ra.

Thánh nhân xuất hiện dọn đường giới thiệu Chúa Giêsu Kitô, Đấng là ánh sáng đến trong trần gian. Chúa Giêsu Kitô, Đấng là ánh sáng sinh ra vào đêm tối trời mùa Đông, theo ý nghĩa vật lý thiên nhiên và ý nghía tinh thần đêm tối tội lỗi. Và từ mốc điểm biến cố đó, Chúa Giêsu chiếu ánh sáng ơn cứu độ vào bóng tối u buồn lạnh lẽo tâm hồn con người trần gian.

Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marcô thuật lại, lời rao giảng đanh thẹp dọn đường mở lối cho Chúa của Thánh nhân tựa như tiếng gầm rống của loài sư tử. Thánh nhân được diễn tả là người sống giữa thiên nhiên nơi sa mạc hoang vu, ăn mặc đơn sơ như những người tiền sử lấy da lông thú vật làm quần áo, lương thực là mật ong rừng và châu chấu. Cung cách sống giữa thiên nhiên, thức ăn sản phẩm từ thiên nhiên vừa đơn giản bình dị, vừa giúp cho sức khoẻ, sức kháng thể chống bệnh tật rất tốt, mà ngày nay con người hằng đi tìm kiếm.

Như thế Thánh nhân là gương mẫu, người đi tiên phong sống yêu mến bảo vệ thiên nhiên. Có lẽ cũng vì thế mà Giáo hội chọn ngày 24. Tháng Sáu vào mùa Hè hằng năm, là ngày mừng sinh nhật thánh nhân. Vì vào mùa tháng này là mùa hoa qủa mùa màng chín muồi tới thời kỳ được thu cắt gặt hái.

Thánh nhân biết không, trong nếp sống phụng vụ đức tin Công Giáo chỉ có ba đấng được mừng ngày sinh nhật trọng thể hằng năm: Thánh nhân ngày 24.06, Đức Mẹ Maria, người hạ sinh chúa Giêsu vào ngày 08.09. và Chúa Giêsu Kitô ngày 25. 12.

Trong Giáo hội Chính Thống kính tôn Thánh nhân và Đức Mẹ Maria là hai vị Thánh lớn nhất.

Đức Mẹ Maria và Thánh nhân là hai con người có uy sức tinh thần đời sống rất dũng mạnh và có đời sống lòng khiêm nhượng cao cả được Thiên Chúa tuyển chọn để sinh hạ nuôi dưỡng Chúa Giêsu ( Đức Mẹ Maria) và để ban phép rửa cho Chúa Giêsu. ( Thánh nhân).

Cả hai vị đều sống dấn thân làm tròn cho sứ vụ Chúa trao ban cho.

Cả Đức Mẹ Maria và Thánh nhân bước ra trước mở lối dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Nhưng sau đó luôn luôn sống âm thầm lùi vào bên trong đàng sau trong ý nghĩa nội tâm thẳm sâu: Chúa phải trội vượt lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lu mờ đi.

Thánh nhân đã thành người thiên cổ từ hơn hai ngàn năm nay về thân xác, bị tử đạo chém đầu. Nhưng câu nói thời danh bất hủ về Chúa Giêsu Kitô của Thánh nhân vẫn hằng lưu lại trên trần gian. Mỗi khi dâng thánh lễ câu này được đọc lên lời như lời ca tụng giới thiệu: Ecce agnus Dei- Đây Chiên Thiên Chúa, khi linh mục giơ cao Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Kitô lên cho mọi người tham dự Thánh lễ.

Xin Thánh Gioan Tiền Hô cầu bầu cho trần gian mau thoát khỏi tai nạn cơn đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đang đe dọa sức khoẻ đời sống chúng con. Amen.

Con xin cúi đầu bái chào Thánh nhân.

Lễ mừng sinh nhật Thánh Giaon Tiền hô 24.06.2020

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đập Nước Trên Ngàn
Dominic Đức Nguyễn
21:16 23/06/2020
ĐẬP NƯỚC TRÊN NGÀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Cao nguyên đập nước dạt dào
Có cô sơn nữ bước vào nước reo
Dù cho đường có cheo leo
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: Sứ điệp ngày di cư 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Giáo Hội Năm Châu
05:13 23/06/2020
 
Tuyên bố mới nhất của Tòa Thánh về trường hợp nữ tu bị ba cô gái thảm sát dã man
VietCatholic Network
17:49 23/06/2020

1. Tuyên bố mới nhất của Tòa Thánh về trường hợp nữ tu bị ba cô gái thảm sát dã man

Hôm thứ Sáu, 19 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền rằng Sơ Maria Laura Mainetti, một nữ tu người Ý bị ba thiếu nữ giết chết trong một nghi thức tôn thờ Satan, là một vị tử đạo vì đức tin Công Giáo.

Vị nữ tu dòng Nữ Tử Thánh Giá qua đời ở tuổi 60 vào năm 2000 vì bị ba cô gái vị thành niên đâm chết một cách dã man trong một công viên ở Chiavenna, Ý.

Những kẻ giết chết sơ Mainetti đã bị kết án và bị giam cầm.

Đức Ông Ambrogio Balatti, cha sở của giáo xứ Thánh Lôresnsô, ở Chiavenna, nơi xảy ra vụ án mạng, cho biết như sau:

Những cô gái này nguyên là các trẻ em bụi đời và biết rõ sơ Mainetti vì sơ đã từng dạy giáo lý cho chúng. Chúng gài bẫy đưa sơ đến một công viên vắng người bằng cách nói với sơ rằng một trong số ba đứa cần nói chuyện với sơ, bởi vì nó đã bị hãm hiếp và đang mang thai và đang nghĩ đến chuyện phá thai.

Trong công viên vào tối ngày 6 tháng 6 năm 2000, ba cô gái này đã bất ngờ đánh tới tấp vào sơ Mainetti và bắt sơ quỳ xuống trong khi hét lên với sơ. Một đứa dùng một cục gạch đập túi bụi lên đầu sơ, rồi một đứa khác đẩy đầu sơ vào tường.

Chúng thay phiên nhau đâm sơ Mainetti 19 lần bằng một con dao nhà bếp. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Ý, ban đầu chúng có ý định đâm sơ 18 lần, mỗi đứa đâm 6 lần, để hình thành bằng bạo lực con số ma quỷ 666. Vì sơ chưa chết nên chúng đâm thêm nhát dao thứ 19.

Sơ Mainetti đã cầu nguyện trong suốt cuộc tấn công và cầu xin Chúa tha thứ cho những cô gái này vì hành động của chúng.

Những lời cuối cùng của cô, là “Lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho họ”.

Sơ Mainetti là bề trên của nhà dòng Nữ Tử Thánh Giá ở Chiavenna, chuyên giúp đỡ những tội phạm vị thành niên và trẻ em bụi đời. Tuy nhiên, những cô gái giết Mainetti không có tiền sử phạm tội hoặc bạo lực. Chúng chỉ là các trẻ em bụi đời.

Theo điều tra của cảnh sát, ban đầu người chúng muốn giết chính là cha Ambrogio Balatti. Nhưng sau đó, chúng quyết định rằng vì ngài to lớn hơn chúng nên việc giết ngài quá khó khăn. Các nhà điều tra cho biết các cuốn sổ tay của các cô gái này đầy những lời lẽ từ các sách viết về Satan và chúng đã rỏ máu tuyên thệ theo Satan vài tháng trước đó.

Theo tờ Corriere della Serra, nghĩa là Tin Chiều, tuy giết người một cách dã man, nhưng những cô gái này phạm tội giết người ở tuổi vị thành niên, nên chúng đã được tha sau một thời gian thụ án, được thay đổi họ tên, và được chuyển đến sống ở một thành phố khác, và đã lập gia đình. Những người chồng của chúng có lẽ cũng không biết chúng là những kẻ đã từng giết người dã man và uống máu của nạn nhân.

Sơ Maria Laura Mainetti, nhũ danh Teresina Elsa Mainetti, sinh tại Colico, Ý vào ngày 20 tháng 8 năm 1939. Sơ là con út trong mười người con; Mẹ sơ qua đời ngay khi sinh sơ ra. Sơ gia nhập Tu hội Nữ Tử Thánh Giá vào năm 18 tuổi.

Sơ dành cả cuộc đời mình cho trẻ em, thanh thiếu niên và các gia đình ở các thị trấn Vasto, Rôma và Parma trước khi chuyển đến Chiavenna vào năm 1984.

Sơ Mainetti nổi tiếng trong thị trấn nhỏ này vì sự dấn thân cho các công việc bác ái xã hội và là một tấm gương sáng cho thanh thiếu niên và người nghèo.

Năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã ca ngợi sơ Mainetti là người “đã cống hiến hoàn toàn bản thân cho tha nhân, và đã hy sinh mạng sống của mình trong khi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho những người đang tấn công sơ.”

Trong cuộc tiếp kiến ngày 19 tháng 6, Đức Thánh Cha cũng chuẩn y các phép lạ nhờ lời cầu bầu của ba bậc đáng kính của Thiên Chúa là

Đức Giám Mục Mamerto Esquiú, người Á Căn Đình, thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn. Ngài sinh năm 1826 và qua đời năm 1883;

Cha Phanxicô Maria Thánh Giá Jordan, người Đức, là vị sáng lập Tu Hội Đấng Cứu thế Chí Thánh sinh năm 1848-1918);

Bác sĩ Jose Gregorio Hernandez Cisneros, giáo dân Venezuela, sinh năm 1864 và qua đời năm 1919.

Ba vị trên sẽ được tuyên Chân Phước trong một thời gian ngắn sắp tới.

Đức Thánh Cha cũng tuyên bố nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa là Sơ Maria de Jesus Elizondo Garcia, bề trên tổng quyền của Tu hội Truyền giáo Giáo lý cho Người nghèo. Sơ sinh ở Durango, Mễ Tây Cơ năm 1908 và qua đời tại Monterrey vào ngày 8 tháng 12 năm 1966.

2. Chợ hôn nhân tại Thượng Hải

Trong chương trình phát hình hôm thứ Bẩy 18 tháng 6, chúng tôi có đề cập đến việc Trung Quốc hô hào một chính sách mới khuyến khích những người phụ nữ ở quốc gia này nên có hai người chồng theo như đề nghị của Huỳnh Hựu Quang (Yew-Kwang Ng, 黄有光) giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán (Fudan, 复旦).

Chính sách một con, có hiệu lực trên khắp các vùng rộng lớn của Trung Quốc từ năm 1980, và chỉ mới được nới lỏng vào năm 2016 đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính hiện nay. Dựa trên các báo cáo về sinh sản của Trung Quốc, Quang cho rằng tỷ lệ giới tính hiện nay tại Trung Quốc là 117 bé trai so với 100 bé gái.

Quang cho rằng nhiều người đàn ông muốn kết hôn đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm vợ và vì thế Trung Quốc phải thể chế hóa chế độ một vợ hai chồng, là điều y cho rằng không phải là hiếm trong thực tại hiện nay ở Hoa Lục.

Trong chương trình này xin nói thêm về một chuyện quái đản khác chỉ có ở nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, đó là chợ hôn nhân tại Thượng Hải.

Chợ hôn nhân Thượng Hải (公园 相亲) được tổ chức tại Công viên Nhân dân ở thành phố lớn thứ hai này ở Trung Quốc. Cha mẹ của những người trưởng thành nhưng chưa lập gia đình đổ về công viên này vào mỗi ngày thứ Bảy và Chúa Nhật từ trưa đến 5 giờ chiều để tìm cách kiếm vợ hay kiếm chồng cho con.

Ý tưởng phải nhờ cha mẹ bôn ba tìm người phối ngẫu cho mình xem ra là một điều khôi hài nếu không muốn nói là ngu xuẩn đối với các thanh niên thiếu nữ thời nay. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay nơi ít nhất 24 triệu đàn ông đang trong tình trạng tuyệt vọng vì không thể kết hôn, điều đó là bình thường.

Tình hình còn trầm trọng hơn vì trong những thập niên gần đây, những người phụ nữ có học thức ở Trung Quốc không vội vã kết hôn. Họ có nhiều lựa chọn hơn các phụ nữ ở các thế hệ trước và không ngại đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Sự thay đổi trong tư duy hôn nhân này đặt phụ nữ lên vị trí quyền lực cao hơn trong một xã hội truyền thống do nam giới thống trị. Những người phụ nữ như thế không từ bỏ các cơ hội để có thể kiếm được người chồng thật ưng ý nhất. Chợ hôn nhân được kể là một trong các cơ hội như thế. Có cả các phụ nữ đích thân đến chợ hôn nhân để tìm chồng cho chính mình như cô gái trong đoạn video này.

Mục tiêu chính của các bậc cha mẹ khi tham dự chợ hôn nhân Thượng Hải là để tìm được một đối tác phù hợp cho con mình. Các tiêu chuẩn có thể dựa trên tuổi tác, chiều cao, công việc, thu nhập, giáo dục, gia thế, cung số tử vi Trung Quốc và tính cách. Tất cả các thông tin này được viết trên một tờ giấy, sau đó được treo trên các sợi dây dài hay được dán trên các cây dù. Các bậc cha mẹ đi dạo trò chuyện với các phụ huynh khác để xem liệu có sự phù hợp hài hòa với con cái của mình hay không.

Chợ hôn nhân tại Quảng trường Nhân dân Thượng Hải đã tồn tại từ năm 2004. Ngôi chợ này đã bị gián đoạn từ ngày 23 tháng Giêng vừa qua và đã được mở lại vào đầu tháng Năm khi Trung Quốc nới lỏng lệnh cách ly vì coronavirus.

Những người muốn vào chợ hôn nhân này phải đóng một số tiền khoảng 3.2 Mỹ Kim.