Ngày 24-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 12 Mùa Quanh Năm dành cho người đau yếu
VietCatholic Network
03:54 24/06/2017
Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13
“Chúa đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay người hung ác”.

Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia.

Ngôn sứ Giêrêmia nói:
Lạy Đức Chúa, con nghe biết bao người vu cáo:
“Kìa, lão “Tứ phía kinh hoàng! , hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! “
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó! “

Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

Lạy Đức Chúa các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.

Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa,
vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35

Ðáp: Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.
Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.
Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu. Đ.

Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện,
lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân.
Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày,
vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con;
xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến. Đ.

Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.
Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó,
chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.
Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp,
hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn! Đ.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15

Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 26b.27a.

Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. – Alleluia.


Bài Tin Mừng: Mt 10, 26-33

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời".

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi các tín hữu tham gia hai tuần cầu nguyện cho tự do tôn giáo
Đặng Tự Do
02:04 24/06/2017
Mỗi năm các giáo phận trên toàn cõi Hoa Kỳ đều tổ chức các sự kiện đặc biệt để làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chọn hai tuần từ ngày 21 tháng 6 – lễ vọng kính hai Thánh John Fisher và Thomas - cho đến ngày 4 tháng 7, Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, làm hai tuần cầu nguyện chung cho tự do tôn giáo.

Trong thông báo trên website của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các Giám Mục Mỹ than thở rằng tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới đang bị chà đạp trắng trợn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các quốc gia khác có thâm niên bách hại tôn giáo như Trung Quốc, Ả rập Saudi, Việt Nam, Bắc Hàn và thậm chí ngay cả ở các nước phương Tây dưới các hình thức tinh vi.

Các ngài viết rằng “trong thời kỳ đang có sự phân cực ngày càng gia tăng trong nền văn hoá của chúng ta, chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về tự do tôn giáo trong tinh thần tôn trọng mọi người.”

Bên cạnh các hình thức cầu nguyện, các Giám Mục Hoa Kỳ cũng đưa những hướng dẫn ngắn gọn nhằm giúp các Kitô hữu nói chuyện với bạn bè và người lân cận về tự do tôn giáo và làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về quyền tự do này.

Các Giám Mục nhắc nhở rằng “Chúng ta được kêu gọi đi theo Chúa Kitô như những môn đệ truyền giáo bằng cách tìm kiếm sự thật, phục vụ người khác và sống đức tin của chúng ta trong tất cả những gì chúng ta làm. Chúng ta hãy dành vài phút mỗi ngày từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 để cầu nguyện, suy ngẫm, và hành động về tự do tôn giáo, cả ở Hoa Kỳ này cũng như ở nước ngoài.”
 
Sống như Môn Đệ Truyền Giáo
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:41 24/06/2017
Năm nay Hội Thánh Hoa Kỳ mừng Chúa Nhật Giáo Lý vào ngày 17 tháng 9, 2017 với chủ đề “Sống như Môn Đệ Truyền Giáo”. Bài này phản ảnh suy tư của tác giả về chủ đề này, đặc biệt trong bối cảnh các giáo xứ và cộng đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ dựa trên các giáo huấn của Huấn Quyền. Đây là bài thứ nhất trong loạt bài về Phúc Âm hoá và Truyền Giáo của tác giả.


Qua việc chọn chù đề “Sống như Môn Đệ Truyền Giáo” cho Chúa Nhật Giáo Lý năm nay, các Giám Mục Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các giáo lý viên cũng như của việc học và dạy giáo lý trong tiến trình Phúc Âm hoá và truyền giáo của toàn thể Hội Thánh. Các ngài cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giúp các mục tử trong việc đào luyện các tín hữu, nói chung, và các giáo lý viên, nói riêng, thành những môn đệ truyền giáo, đặc biệt qua cách sống đức tin của họ.

Khi nói đến việc học giáo lý, nhiều người nghĩ ngay đến việc học giáo lý của trẻ em hay các người dự tòng. Thực ra, việc học giáo lý không phải là một giai đoạn nhất thời mà là một tiến trình liên tục suốt đời, vì nó “làm cho đức tin ban đầu được trưởng thành, và giáo dục các môn đệ chân chính của Đức Kitô bằng cách cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về Con Người và sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Catechesi Tradendae (CT), số 19). Do đó, nếu chúng ta chỉ học giáo lý khi còn nhỏ hoặc khi học đạo thì đức tin của chúng ta không thể trưởng thành được và chúng ta khó mà trở thành các môn đệ chân chính của Đức Kitô!

Chính vì thế mà các Giám Mục Hoa Kỳ đã khẳng định trong Our Hearts Were Burning Within Us,

"Để lớn lên trong việc làm môn đệ suốt đời, tất cả mọi tín hữu cần và được mời gọi để xây dựng những cộng đồng đức tin và phục vụ đầy sinh lực của giáo xứ và giáo phận.... Nhưng không thể có những cộng đồng ấy nếu không có việc dạy giáo lý chắc chắn, đầy đủ và có hệ thống cho tất cả mọi thành phần…. Việc đào luyện đức tin cho người trưởng thành nhờ đó người ta lớn lên trong sự sống của Đức Kitô bằng cảm nghiệm, cầu nguyện, suy niệm và học hỏi, phải là nhiệm vụ chính của việc dạy giáo lý…. Nó phải trở thành cái trục mà … việc dạy giáo lý cho mọi lứa tuổi xoay quanh" (x. số 3 - 5).

Như thế, theo các Giám Mục Hoa Kỳ thì, việc dạy giáo lý cho người lớn mới là nhiệm vụ chính của các mục tử, bởi vì trẻ em dễ bắt chước người lớn. Nếu Cha Sở sống đạo thì giáo dân cũng sống đạo. Nếu cha mẹ sống đạo thì con cái cũng sống đạo. Nếu người lớn trong giáo xứ sống đạo thì người trẻ trong giáo xứ cũng sống đạo. Nhưng nếu gia đình sống đạo mà giáo xứ không sống đạo thì đức tin của giới trẻ sẽ lung lay. Nếu cả gia đình lẫn giáo xứ đều không sống đạo thì làm sao hy vọng người trẻ trong giáo xứ có thể giữ được đức tin!

Hơn nữa, theo Thánh Gioan Phaolô II thì việc dạy giáo lý còn biến đổi cả nhân loại:

"Mục đích của việc dạy Giáo Lý là để mở rộng sự hiểu biết về mầu nhiệm Đức Kitô dựa trên Lời Chúa, để tất cả nhân loại được thấm nhuần bởi Lời ấy. Nhờ được biến đổi bởi tác động của ân sủng thành một thụ tạo mới, mà một Kitô hữu tự mình theo Đức Kitô và học hỏi càng ngày càng nhiều hơn trong Hội Thánh để suy nghĩ như Người, phán đoán như Người, hành động theo mệnh lệnh của Người, và hy vọng như Người mời gọi chúng ta" (CT, số 20).

Chính trong việc học giáo lý mà người ta gặp được Đức Kitô và nhờ cuộc gặp gỡ ấy mà “niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống” họ (Phanxicô, Evangelii Gaudium (EG), số 1), vì họ gặp gỡ chính Đấng là hiện thân của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Theo Đức Phanxicô thì:

"Qua cuộc gặp gỡ này … với tình yêu của Thiên Chúa, là điều biến thành tình bằng hữu hạnh phúc, mà chúng ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và chỉ nghĩ đến mình.… Khi một người đã nhận được tình yêu này, là tình yêu đem lại cho họ ý nghĩa của cuộc đời, thì làm sao họ có thể ngồi yên được mà không truyền thông nó cho những người khác?" (EG, số 8).

Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Hội Thánh là một “cộng đồng các môn đệ truyền giáo” (EG, số 24), trong đó mỗi tín hữu phải luôn luôn là một môn đệ truyền giáo. Ngài đặt việc dạy giáo lý vào trong tiến trình truyền giáo khi nói rõ rằng “Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19)…. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ - truyền giáo” (EG, số 120).

Tuy nhiên, muốn truyền giáo thì chúng ta phải là môn đệ trước. Đức Thánh Cha mời gọi “mọi Kitô hữu, ở bất cứ nơi nào và hoàn cảnh nào, ngay lúc này, đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân của mình với Chúa Giêsu Kitô, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày” (EG, số 3). Theo Đức Tổng Gíam Mục Samuel J. Aquila của Denver thì “một khi đã thật sự gặp gỡ Đức Kitô một cách cá nhân, thì cuộc sống của họ và vũ trụ quan của họ sẽ hoàn toàn biến đổi” (Bài nói chuyện tại Catholic Foundation Networking & Speaker Series ngày 9 tháng 2, 2017). Họ được thôi thúc mang Tin Mừng vào tất cả các mối tương quan của họ. Khi ấy họ không còn là một môn đệ nữa mà là một môn đệ truyền giáo.

Tuy muốn trở thành môn đệ truyền giáo thì chúng ta phải “để cho người khác Phúc Âm hóa mình”, nhưng chúng ta không cần phải chờ đợi cho đến khi được đào luyện chu đáo mới dám ra đi chia sẻ Tin Mừng với tha nhân. Chúng ta có thể rao giảng Chúa Giêsu ở bất cứ hoàn cảnh nào của mình bằng cách “làm chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta” (EG, số 121).

Như các giáo lý viên, những sứ giả và những người vang vọng Tin Mừng, chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống mình. Một đời sống tràn đầy niềm vui, hy vọng và yêu thương vì đang có Chúa ở cùng. Đức Phanxicô muốn chúng ta thành những “thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của mình tỏa sáng lòng nhiệt thành, như những người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước”, chứ không phải như “những người mới đi dự đám tang về”, “những nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu” (EG, số 10).

Làm sao để một cuộc gặp gỡ Đức Kitô có sức biến đổi chúng ta thành những môn đệ truyền giáo? Thực ra không phải tất cả mọi người gặp Đức Kitô đều được biến đổi. Có người gặp Chúa để tìm tư lợi (Lc 12:13-14; Mt 20:21; Mc 37-40; Ga 6:26). Có người gặp Chúa nhưng không chịu chịu nghe theo Lời Người mà lại bỏ đi (Mt 19:22; Mc 10:22; Ga 6:66). Muốn thành môn đệ của Chúa, chúng ta phải “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” (x. Lc 9:23), phải “ở với Người” và để cho người sai đi (x. Mc 3:14). Chúng ta phải “mang lấy ách của Người, và học cùng Người (Mt 11:29) và sẵn sàng “uống chén của Người” (Mt. 20:23).

Các Giám Mục Hoa Kỳ trong tài liệu “Living as Missionary Disciples” đã đề ra phương pháp bốn bước mà Chúa Giêsu đã dùng để đào luyện các môn đệ truyền giáo của Người. Muốn làm môn đệ của Chúa chúng ta phải đi theo bốn bước này:

1. Bước thứ nhất là “Hãy đến mà xem” hay “Gặp gỡ Chúa”. Khi ông Gioan và Anrê hỏi Chúa “Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu đã bảo các ông “Hãy đến mà xem” (Ga 1:39). Các ông đã gặp Chúa trên đường như một con người, nhưng nếu các ông không đến mà xem thì các ông đã không thực sự gặp Chúa như Đức Kitô. Chính vì các ông đã đến mà xem nên các ông đã tin và ở lại với Người ngày hôm ấy (x. Ga 1:38-39). Muốn làm môn đệ Chúa, chúng ta cũng phải gặp Chúa ở chỗ Người cư ngụ, tức là phải hoán cải và quay đầu về với Chúa, đi theo Chúa đến nơi Người ở để biết chính Con Người của Chúa thật sự là ai. Mà Chúa hiện đang ở đâu? Chúa đang ở trong Hội Thánh, trong Lời Người và trong các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tich Thánh Thể. Chúa cũng đang ở trong tha nhân, đặc biệt là những người nghèo đói và những người đang sống ngoài lề xã hội.

2. Bước thứ nhì là “Hãy theo Thầy” (Mt 9:9). Tất cả các môn đệ của Chúa đều nghe theo lời mời gọi của Chúa và đã bỏ tất cả mọi sự, kể cả các công việc các ông đang làm dang dở, mà theo Chúa. Khi theo Chúa, các ông được Chúa làm Thầy và bạn đường. Chúa không chỉ dạy các ông về Nước Trời bằng lý thuyết mà còn bằng thực hành. Trong ba năm dong duổi dặm trường với Chúa, các ông được cùng Chúa chia vui sẻ buồn, nhất là học được cách Chúa đối xử với mọi người. Càng học cùng Chúa thì các ông càng nên giống Chúa.

3. Bước thứ ba là “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15:4-6). Giờ đây Chúa mời gọi các ông trở thành người nhà của Chúa, thành anh em của Chúa và bằng hữu của Chúa. Chúa muốn Người ở đâu thì các ông cũng ở đó (Ga 12:26; Ga 17:24). Chúa muốn các ông được nên một như Người nên một với Chúa Cha và Chúa ở trong các ông (Ga 17:22-23). Đây chính là Linh Đạo Hiệp Thông mà Chúa muốn các ông sống. Các môn đệ của Chúa được mời gọi hiệp thông với Chúa và với nhau. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã cầu xin cùng Chúa Cha trước khi lìa trần, “Và giờ đây, Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ còn ở trong thế gian, trong khi Con đang về cùng Cha. Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ những người mà Cha đã ban cho Con trong Danh Cha, để họ nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17:11). Chúa cũng cầu xin cho chúng ta, “Con không những chỉ cầu nguyện cho một mình họ, mà cũng cho những người sẽ tin vào Con qua lời họ, để tất cả được nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:20-21).

Sở dĩ Hội Thánh ngày nay không thể phát triển được vì các Kitô hữu thù hằn chia rẽ nhau. Chẳng nói đâu xa, trong các Giáo Xứ Việt Nam, đoàn thể này cạnh tranh với đoàn thể khác, ông này tranh dành chức vụ với bà kia. Tiếc thay ngay cả các vị lãnh đạo tinh thần đôi khi cũng tranh dành ảnh hưởng với nhau. Nếu không dành được điều mình muốn thì nói hành nói xấu nhau hoặc viết thư nặc danh hay bôi nhọ nhau trên mạng. Như thế thì xây nhà thờ càng to, tổ chức rước sách càng linh đình, đại hội và hội chợ càng xầm uất thì càng cho người khác thấy rõ cái xấu của mình, chứ làm sao truyền giáo cho người ta được!

Chính vì tầm quan trọng của việc hiệp thông giữa các Kitô hữu trong sứ vụ truyền giáo mà Thánh Gioan Phaolô II đã tha thiết yêu cầu tất cả các mục tử và những người lãnh đạo trong Hội Thánh phải biến Linh Đạo Hiệp Thông thành “nguyên tắc hướng dẫn về giáo dục ở bất cứ nơi nào những cá nhân và Kitô hữu được đào luyện, ở bất cứ nơi nào những thừa tác viên bàn thánh, những người được thánh hiến, những người làm việc mục vụ được huấn luyện, ở bất cứ nơi nào các gia đình và các cộng đồng được xây dựng”. Và ngài nhấn mạnh, “trừ khi chúng ta đi theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu hiệp thông bề ngoài sẽ chẳng đưa đến mục đích gì. Chúng sẽ trở thành một thứ máy móc vô hồn, ‘những cái mặt nạ’ hiệp thông thay vì những phương tiện diễn tả và phát triển nó” (Novo Millennio Ineunte, số 43). Thử hỏi có bao nhiêu người Công Giáo biết đến Linh Đạo này?

4. Bước thứ tư là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,...” (Mt 28:19-20). Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của mọi Kitô hữu. Một khi các môn đệ đã học cùng Chúa, biết sống yêu thương nhau và nên một với nhau trong Người, thì được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Bao lâu chúng ta chưa thật sự là môn đệ của Chúa thì chúng ta không thể làm cho người khác thành môn đệ được! Ngày nay việc truyền giáo gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đa số người Công Giáo không thật sự sống đạo mà chi giữ đạo có hình thức. Một vị thầy đáng kính về Truyền Giáo đã nói với chúng tôi rằng: “Chỉ cần quan sát giáo dân ra khỏi bãi đậu xe sau Thánh Lễ là biết một cộng đồng giáo xứ có thật sự sống đạo hay không!” Cho nên, cách truyền giáo hữu hiệu nhất là bằng gương sáng và đức ái.

Tóm lại sống như môn đệ truyền giáo “có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình” (EG, số 127). Muốn đem tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác thì chúng ta phải gặp gỡ Chúa Giêsu và trở nên những môn đệ đích thực của Người trước. Để được như thế, chúng ta phải hoán cải, đến cùng Chúa qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải. Đồng thời chúng ta cũng phải để cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình mỗi ngày bằng cách học hỏi và suy niệm Lời Chúa và những giáo huấn của Hội Thánh, ngõ hầu chúng ta có thể luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi chúng ta “về lý do của niềm hy vọng” của chúng ta (x. 1 Pr 3:15). Một giáo lý viên không thể làm một môn đệ truyền giáo được nếu chính mình không biết và không sống đức tin!

Tài Liệu Tham Khảo

Archbishop Samuel J. Aquila address at Catholic Foundation Networking & Speaker Series, ngày 9 tháng 2, 2017. Online at https://archden.org/archbishops_writing/discipleship-beyond-first-encounter/#.WUgxluvytpg. Accessed 6/2/2017.

Gioan Phaolô II, Tông Thư Novo Millennio Ineunte, ngày 6 tháng 2, 2001, online at https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_letters/2001/documents/hf_jp-ii_apl_20010106_novo-millennio-ineunte.html, accessed 6/2/2017.

Gioan Phaolô II, Tông Huấn Catechesi Tradidendae, ngày 16 tháng 10, 1970. Online at http://giaoly.org/vn/CATECHESI_TRADENDAEVn.htm, accessed 6/2/2017.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Living as Missionary Disciples, Leadership Resource, ngày 27 tháng 3, 2017. Online at: http://ccc.usccb.org/flipbooks/living-as-missionary-disciples/files/assets/basic-html/page-I.html, accessed 6/2/2017.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Our Hearts Were Burning Within Us, A Pastoral Plan for Adult Faith Formation in the United States, ngày 17 tháng 11, 1999. Online at: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/how-we-teach/catechesis/adult-faith-formation/our-hearts.cfm, accessed 6/2/2017.

Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, ngày 24 tháng 11, 2013. Online at: http://catechesis.net/index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1762-tong-huan-evangelii-gaudium-niem-vui-tin-mung-cua-dgh-phanxico-ngay-24-11-2013-1, accessed 6/2/2017.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx. Vĩnh Hòa Sàigòn: Mừng bổn mạng Hội GĐPTT Chúa Giêsu
Văn Minh
08:13 24/06/2017
Gx. Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng Hội GĐPTT Chúa Giêsu

“Mỗi một thành viên trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTTCG) và ca đoàn Thánh Tâm phải là một tấm gương sáng trong gia đình cũng như trong đoàn thể, và nêu gương Thánh Tâm Chúa Giêsu”.

Xem Hình

Trên đây là lời chia sẻ của cha chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa trong Thánh lễ mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu - bổn mạng của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm và ca đoàn Thánh Tâm xứ đoàn Vĩnh Hòa.

Thánh lễ tạ ơn đã diễn ra lúc 17g30 thứ Sáu ngày 23.06.2017, do cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán - chủ sự. Hiệp dâng Thánh lễ, ngoài các thành viên trong GĐPTTT và các thành viên trong ca đoàn Thánh Tâm còn có quý vị ân nhân, quý vị khách mời cùng đông đảo các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý và giáo dân trong giáo xứ.

Khởi đầu, là cuộc rước cha chủ tế từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường do các em trong Ban Lễ sinh và đại diện Hội GĐPTTT hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã.

Đầu lễ, cha xứ mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu từ trên Thập giá, để chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Tình yêu. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Hội GĐPTTT và ca đoàn Thánh Tâm thêm lòng hăng say phục vụ giáo xứ trong sứ vụ của mình.

Chia sẻ Tin Mừng, cha xứ kể về trường hợp một người ngoài Kitô giáo làm quản lý cho một cơ quan Nhà nước: Trong một lần, anh ta đến một ngôi chùa và được nghe vị tiền sư trong ngôi chùa đó nói; trên thế gian này tôi thấy hai bức tượng có hình trái tim được biểu lộ ra bên ngoài và ở ngay chính giữa. Đó là Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trái tim ấy đã đổ ra đến giọt Máu cuối cùng vì yêu thương nhân loại, một tình yêu cho không biếu không, cho đi mà không bao giờ mong đền đáp. Nghe xong câu chuyện, được một thời gian sau anh ta xin gia nhập đạo kitô giáo và được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.

Trong cuộc sống hôm nay, nhịp đập yêu thương có lẽ đang bị cạn dần, và đang hình thành thái độ vô cảm trước lối sống thực dụng đang ăn sâu vào cuộc sống của xã hội và Giáo Hội. Người ta vô cảm trước đau khổ, đói khát của người thân và những người sống xung quanh mình.

Ngài diễn giảng tiếp, mừng lễ Thánh Tâm hôm nay; ước mong mỗi thành viên trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm và các thành viên trong ca đoàn Thánh Tâm phải là một tấm gương sáng trong gia đình cũng như trong đoàn thể, và nêu gương Thánh Tâm Chúa Giêsu sống chan hòa yêu thương và bao dung với mọi người, như Lời Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”.

Sau bài giảng, cha chủ tế chủ sự nghi thức tuyên hứa và trao Ủy nhiệm thư cho 05 thành viên trong BCH nhiệm kỳ 2017 – 2020.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha xứ thay mặt chúc mừng Hội GĐPTTT và ca đoàn Thánh Tâm được nhiều hông ân của Thánh Tâm Chúa trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g45. Sau đó, cha xứ cùng các thành viên GĐPTTT chụp chung tấm hình kỷ niệm.
 
Giáo xứ Phú Bình : Tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu
Martinô Lê Hoàng Vũ
08:22 24/06/2017
Giáo xứ Phú Bình : Tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu

Chiều nay thứ năm 23.6.2017, giáo xứ Phú Bình, hạt Phú Thọ, Sài gòn đã long trọng mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, và mừng bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Xứ đoàn Phú Bình.

Lúc 17g, quý ông trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm đã hiện diện đông đủ tại khuôn viên nhà thờ, để bắt đầu cuộc rước kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Xem Hình

Cha Gioan B. Trần Văn Trí chánh xứ, cùng với cha phó Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh, các ông Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, các đoàn thể, cộng đoàn và các em thiếu nhi qua những lời kinh, tiếng hát Tôn Vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu chung quanh nhà thờ, suy ngắm Tình yêu hiến mình cho nhân loại của Đức Giêsu Kitô, phó dâng cuộc sống và gia đình mình cho Ngài.

Khi đoàn rước tiến vào trong nhà thờ, thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được khởi sự với Kinh Vinh Danh.Cha Gioan B. Trần Văn Trí dâng thánh lễ sốt sắng cùng với cha phó Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh.

Thánh lễ này có Nghi Thức Tuyên hứa và trao Ủy nhiệm thư cho Tân Ban Chánh Hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Xứ đoàn Phú Bình.

Trong bài chia sẻ cha chánh xứ GB khai triển về tình yêu của Chúa Giêsu được diễn tả qua trái tim của Ngài được mở ra. Từ xưa cho đến nay trong nhân loại, Trái tim là hình ảnh của tình yêu. Trái tim của Chúa Giêsu đã bị đâm thâu qua cái chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại. Nhờ cái chết của Ngài mà tuôn đồ mọi ơn thánh cho nhân loại.Tình yêu của Thiên Chúa là Tình yêu chấp nhận tự hiến thân mình cho mọi người, Tình yêu trao ban cho người khác. Chúa Giêsu dạy chúng ta không phải là yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng là hết sức cụ thể, là yêu thương quan tâm và đồng hành với chúng ta. Ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm tình thương che chở cùa cha mẹ. Cho nên, trong Thánh Kinh, Thiên Chúa như hình ảnh người cha người mẹ trong gia đình. Chúng ta phải làm cho tình yêu Chúa mà mình đón nhận được lan tỏa nơi cuộc sống mỗi người, trong gia đình, khu xóm, nơi xưởng làm…

Cha chánh xứ nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho các linh mục và những người sống đời hiến dâng. Vì hôm nay là ngày xin ơn thánh hóa các linh mục theo sáng kiến của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cách riêng cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho quý ông trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, để các ông phục vụ, siêng năng làm việc tông đồ để mở mang nước Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, giới thiệu Chúa cho anh em lương dân. Ước gì chúng ta học theo mẫu gương đời sống nhân hậu và hiền lành của Chúa Giêsu trong đời sống và cung cách cư xử với mọi người.

Liền sau bài giảng, cha chánh xứ chủ sự Nghi Thức Tuyên hứa của Ban Chấp hành Gia Đình Phạt tạ Thánh Tâm Giáo xứ Phú Bình. Trước tiên, quý ông đọc kinh dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tuyên hứa trung thành theo tôn chỉ của Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, cha xứ và cũng là cha linh hướng trao ủy nhiệm thư cho quý ông.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Đại diện Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm có những tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, cám ơn quý cha và cộng đoàn phụng vụ.

Thánh lễ mừng bổn mạng kết thúc trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cộng đoàn ra về trong niềm vui và xác tín rằng ơn phúc Chúa ban dư tràn để nâng đỡ đời sống đức tin của quý ông trong vai trò gia trưởng, làm chồng và làm cha trong gia đình Công Giáo.

Sau đây là danh sách quý ông Tân Ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Xứ Đoàn Phú Bình, nhiệm kỳ 2017-2020.

- Ông Anphongso Lê Thanh Long, Đoàn Trưởng

- Ông Giuse Nguyễn Văn Hạnh, Phó Nội vụ

- Ông Đaminh Bùi Văn Hội, Phó Ngoại vụ

- Ông Vincente Ngô Quang Thanh, Ủy viên Thủ quỹ

- Ông Giuse Đỗ Đình Nghi, Ủy viên Thư Ký

-Ông Giuse Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thông tin liên lạc.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Thánh lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Nghi thức nhận chức của cha tân Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm Huế
Tu Sĩ Phaolô
08:31 24/06/2017
Thánh lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Nghi thức nhận chức của cha tân Bề trên Tổng quyền

Trong tâm tình ngợi khen, cảm tạ và tri ân Thiên Chúa, vào lúc 5g sáng ngày 23/06/2017, Dòng Thánh Tâm Huế hân hoan mừng trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng của Hội Dòng. Cách đặc biệt, hôm nay cũng là ngày Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền Phêrô Nguyễn Đức Huyền, CSC, chính thức tuyên thệ nhận lãnh trách vụ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Tâm Huế.

Xem Hình

Cha tân Bề trên Tổng quyền chủ tế thánh lễ, đồng tế với ngài có tất cả các anh em linh mục trong Dòng. Trong lời mở đầu, cha chủ tế nói lên tâm tình tạ ơn, trước tiên với thánh nữ Margarita Alacoque vì nhờ lòng sùng kính Thánh Tâm của ngài nên đã có sự ra đời của lễ Kính Thánh Tâm, đặc biệt Đức Cha Tổ phụ Eugène Marie Joseph Allys vì lòng yêu mến Thánh Tâm nên đã dâng hội dòng cho Thánh Tâm Chúa. Nhận Thánh Tâm Chúa làm bổn mạng, tu sĩ Thánh Tâm trở nên những người con ưu tuyển của Thánh Tâm Chúa. Vì thế lời mời gọi yêu thương, hiền lành và khiêm nhường trở thành một lệnh truyền đặc biệt. Hãy học nơi Thầy Chí Thánh bài học yêu thương.

Ý tưởng đó được cha Phêrô Nguyễn Thái Công tiếp nối trong bài giảng lễ. Rất nhiều khi những khổ đau và lo toan trong cuộc đời làm cho chúng ta quỵ ngã, nhưng Thánh Tâm Chúa vẫn luôn bên cạnh để nâng đỡ bổ sức cho. Đặc biệt, Thánh Tâm Chúa là trường học dạy về lòng xót thương, hiền lành và khiêm nhường. Cũng chỉ vì Tình Yêu cao cả của Thiên Chúa và sự dấn thân trong đời thánh hiến mà Hội Dòng đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn và có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, để có thể làm cho Hội Dòng tiếp tục phát triển, chúng ta phải không ngừng nỗ lực để cùng với Thiên Chúa viết tiếp câu chuyện về Tình Yêu, Hiền Lành và Khiêm Nhượng trong cuộc đời thánh hiến của mỗi người.

Tiếp sau bài giảng là nghi thức nhận chức Bề trên Tổng quyền. Cha tân Bề trên Tổng quyền tuyên xưng đức tin trước khi toàn thể anh em tỏ lòng tuân phục bằng cách quỳ gối lặp lại lời tuyên khấn.

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha tân Bề trên Tổng quyền đã chia sẻ tâm tình tri ân sâu sắc tới cha nguyên Bề trên Antôn Huỳnh Đầy, quý anh cựu Ban cố vấn cũng như toàn thể anh em đã góp phần kiến tạo Hội Dòng có được thành quả như ngày hôm nay. Đồng thời cha tân Bề trên cũng hứa sẽ cố gắng hết mình trong nhiệm kỳ mới để hoàn thành trọng trách mà anh em giao phó. Cha cũng không quên kêu gọi sự cộng tác và nâng đỡ của toàn thể anh em trong sứ mạng chung của Hội Dòng.

Buổi sáng cùng ngày, toàn thể anh em Thánh Tâm đã đi viếng nghĩa trang và thắp những nén hương thành kính trước mộ Đức Cha Tổ phụ và các anh em trong Dòng đã qua đời.

ĐÔI NÉT TIỂU SỬ

CHA TÂN BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN PHÊRÔ NGUYỄN ĐỨC HUYỀN, CSC.

- Sinh ngày 26/2/1976 tại Kỳ Hà – Kỳ Anh – Hà Tĩnh, thuộc giáo xứ Qúy Hòa, giáo phận Vinh.

- 03/09/1991: gia nhập Đệ Tử Viên.

- 22/8/1996: gia nhập Thỉnh Viện.

- 06/06/1997: gia nhập tập Viện.

- 19/06/1998: tuyên khấn lần đầu.

- 27/08/2004: tyên khấn trọn đời.

- 01/11/2007: nhận chức Phó tế.

- 04/06/2009: nhận thừa tác vụ Linh mục.

- 2010 – 20013: cha sở giáo xứ An Phú, giáo phận Bùi Chu.

- 2013 – 2017: Bề trên Cộng đoàn Thánh Tâm Thị Nghè.

Tác già: Tu sĩ Phaolô Vỏn Vẹn, CSC