Ngày 26-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng tin và phép lạ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
04:24 26/06/2018
Chúa Nhật 13 Thường Niên B

Hôm 20/6/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với cử tri Thủ Thiêm rằng “Thành phố không gạt bà con.Thành ủy này không gạt bà con”. Ai nghe cũng nhận ra trong lời nói của ông bí thư thành ủy ấy có vị chát đắng! Đó là không phải Dân không muốn tin, mà Dân không dám tin chính quyền nữa. Vì sao? Những lời vấn an của ông Nhân “không gạt bà con” cho thấy niềm tin của Dân lúc này, bị gạt quá nhiều nên hết tin rồi! Những giọt nước mắt muộn màng, giọng nghèn nghẹn với những lời hứa của ông Nhân có vực lại được lòng tin của người dân? Có làm dịu được nỗi bất hạnh, những mất mát mà họ đã phải tự gặm nhấm từ nhiều năm qua? Muốn lấy lại lòng tin của Dân thì đừng lo mất quyền lực mà hãy lo làm sao để Tổ quốc cường thịnh, Dân được ấm no.

Đức tin là một món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi tín hữu. Đức tin không phải là thành quả của những công lao mệt nhọc, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tạo nên được. Đức tin cũng không nhờ mua bán, tiền bạc đổi chác mà có. Đức tin là món quà do lòng yêu thương quảng đại vô biên của Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không. Phần còn lại tuỳ thuộc vào cách mỗi tín hữu đón nhận món quà ấy.

Chúa Giêsu đã quả quyết: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23); “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, anh em có thể khiến núi dời non” (Mt 17, 20).

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói đến lòng tin và phép lạ. Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Chúa Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giairô: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Chúa Giêsu ban tặng sự sống cho những ai vững tin và biết cộng tác với Ơn Thánh.

1. Chúa ban sự sống, con người có lòng tin.

Phép lạ thứ nhất, Máccô kể rằng, giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.". Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Phép lạ thứ hai, Máccô kể, ông Giairô đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và "phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ". Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa! Đức Giêsu động viên ông "Đừng sợ, cứ tin". Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !”, Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật.

Hai phép lạ đều liên quan đến sự sống. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống: máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục mười hai năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Người trả lại sức sống cho bà. Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

- Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai. Vâng lệnh Chúa, ông đưa con yêu quý lên núi sát tế mà lòng đau như cắt. Ông tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.

- Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước. Ông đã đi khi vững tin vào Chúa. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.

Đức Giêsu bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bệnh tật và trên sự chết, vì Người là Đấng ban sự sống. Tin vào Người, chúng ta luôn có được sự sống dồi dào.

2. Cộng tác với ơn Chúa

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.
Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:
- Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?
Vị linh mục nói:
- Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.
Bà già la lên:
- Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.
Thánh Antôn tự nhủ:
- Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!

Người phụ nữ xuất huyết và bà già đau răng đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.

Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói: "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7)

Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43).

Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Cộng tác với Ơn Chúa bằng lòng tin là con đường của hy vọng.

3. Niềm tin thắp sáng hy vọng

Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Chúa nói với người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”; và nói với ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội.
Mẹ Têrêxa nói với ông : Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.
Người phóng viên hỏi : Tôi phải làm gì để có đức tin?.
Mẹ Têrêxa đáp : Ông hãy cầu nguyện.
Ông chống chế : Tôi không biết và không thể cầu nguyện.
Mẹ Têrêxa dịu dàng nói : Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta.

Đức tin thắp sáng niềm hy vọng và trổ sinh hoa trái bằng việc làm.


 
Suy niệm lễ vọng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
07:40 26/06/2018
Tông Đồ Của Tình Yêu Và Lòng Mến

BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG


(Ga 21, 15-19)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng ta về với hai khuôn mặt vĩ đại của tình yêu và lòng mến là Phêrô và Phaolô.

Phêrô, vị Tông Đồ của lòng mến

Mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng (Ga 21, 15-19) với ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô : "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Hai lần ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Lần thứ ba ông thưa : "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy", không khỏi làm chúng tuôn trào xúc động trước tình yêu Chúa dành cho ông và lòng mến ông đáp lại Chúa, khiến Chúa Giêsu bảo ông ba lần: "Hãy chăm sóc chiên con… chiên mẹ… của Thầy" (x. Ga 21.15.16.17).

Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã ngăn cản lòng trung thành bảo vệ Phêrô nên nói : "Hãy sỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm" (Ga 18,11). Không lâu sau đó Phêrô đã chối Thầy vào lúc đỉnh cao của cuộc khổ : "Tôi chẳng biết người ấy là ai !" (x. Ga 18.17.25.27). Tuy nhiên, với giọt nước mắt đầy lòng thống hối ăn năn chảy thành rãnh trên gò má, nhất là Phêrô vẫn yêu mến Thầy. Nếu Gioan người bạn của ông đã nghe được lời ông chối : "Tôi chẳng biết người ấy là ai!" Thì Gioan cũng nghe được lời tuyên xưng đầy tình yêu và lòng mến của Phêrô với Thầy đến ba lần : "Thầy biết con yêu mến Thầy", như để sửa lại ba lần chối Thầy trong cuộc khổ nạn, mà cho đến giờ này Phêrô vẫn còn cảm thấy lòng mình cháy bỏng vết thương đã gây ra cho Thầy trong đêm ông phản bội. Tình yêu của Chúa Giêsu đã đủ cho Phêrô. Ông không được chiều theo cơn cám dỗ tò mò, ghen tị, như khi nhìn thấy Gioan đứng gần ông, ông đã hỏi Chúa Giêsu: "Lạy Chúa, còn anh này thì sao?" (Ga 21, 21). Nhưng Chúa Giêsu, trước những cám dỗ ấy đã trả lời Phêrô: "Việc gì đến con? Phần con, hãy theo Thầy!" (Ga 21, 22).

Phaolô, vị Tông Đồ của tình yêu

Phaolô, vị thánh mệnh danh là bị tình yêu Đức Kitô thúc bách (x. 2 Cr 5,15). Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ông đã bắt bớ những người theo Chúa Giêsu (x.Cv 8,3-9,2), cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, làm cho Khanania khiếp sợ (x.Cv 9,13-14). Được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, ông gắn bó với Người bằng tình yêu không thể chia lìa, ông nói : "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ?" (Rm 8,35). Đức Kitô đã trở nên "người yêu" và "người tình" của Phaolô. Đức Kitô không ngừng ám ảnh ông, đến độ Phaolô phải thốt lên : "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Ga 2, 20).

Giáo hội của Chúa là thánh, nhưng thành phần của Giáo hội là những tội nhân. Các Tông Đồ là những người có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Giêsu đều là những tội nhân, những tội nhân đã được thánh hóa, chính Chúa Giêsu là Đấng thánh hóa Giáo hội của Người.

Tình yêu và Lòng mến là nền tảngcủa sứ vụ

Như vậy, Tình Yêu của Thiên Chúa nhập thể, khi mặc lấy xác phàm, biểu lộ quyền năng và sức mạnh vô biên của Thiên Chúa trong sự yếu đuối, mỏng giòn của con người. Chính vì sự yếu đuối nghèo hèn của Phêrô mà Chúa Giêsu trao Giáo hội của mình cho ông. Chính sự nhiệt thành đầy kiều hãnh của Phaolô, mà Chúa đặt ông làm Tông đồ dân ngoại, để cùng với Phêrô thể hiện sự tràn đầy của Chúa Giêsu Tình Yêu. Cả hai đã đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và để cho mình được tình yêu Chúa biến đổi.

Thiên Chúa là Thánh ở giữa chúng ta, đã thông ban tình yêu cho hết mọi chi thể trong thân thể Ngài. Giáo hội, thánh thiện và tinh tuyền, nhận lãnh Tình Yêu của Thiên Chúa, được Tình Yêu biến đổi. Mầu nhiệm của tình yêu chỉ có thể được đón nhận bằng tình yêu, Giáo hội là mẹ, hiền thê yêu dấu duy nhất của Chúa Giêsu, nhưng gồm các tội nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: "Làm thế nào Giáo hội có thể là thánh thiện khi những thành viên của mình là những người tội lỗi?" Ngài khẳng định : "Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo hội là thánh! Chúng ta là những người tội lỗi, nhưng Giáo hội là thánh. Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô, và Người yêu thương hiền thê của mình, Người thánh hoá Giáo hội mỗi ngày với hy tế Thánh Thể bởi vì Người yêu thương Giáo hội hết mực và chúng ta tuy là những tội nhân, nhưng chúng ta ở trong một Giáo hội thánh thiện, và chúng ta cũng được thánh hóa. Mẹ Giáo hội thánh hóa chúng ta, với lòng từ ái, với các bí tích của Phu Quân mình." ( Trích Bài giảng tại nhà nguyện Matta 09/5/2016).

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi như Chúa hỏi Phêrô : "Con có yêu mến Thầy không?" Chúng ta trả lời Chúa ra làm sao? Chúng ta yêu mến Chúa thế nào ? Phêrô chỉ cách cho chúng ta : tin tưởng vào Chúa, Ðấng "biết mọi sự" nơi chúng ta, Ðấng tin nơi chúng ta không phải vì chúng ta có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa không thể chối bỏ chính mình (x. Tm 2,13). Thiên Chúa luôn trung tín. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy yêu mến Chúa và Giáo hội hết lòng và làm tất cả vì Chúa : "Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa" (1Cr 10,31).

Kính lạy hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chứng nhân của tình yêu và lòng mến, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trong mọi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Phêrô, con có yêu mến Thầy không?

BÀI SUY NIỆM LỄ VỌNG


(Ga 21, 15-19)

Tất cả chương trình của Thiên Chúa được mạc khải rõ ràng nhờ biến cố Phục Sinh. Sự hoán cải của Phêrô tùy thuộc vào câu hỏi duy nhất này: “Con có yêu mếnThầy không?” Có thể nói, tình yêu là nền tảng cho sứ vụ tông đồ.

Tình yêu vô biên của Thiên Chúa

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã yêu con người bằng tình yêu vô bờ bến, không gì có thể lay chuyển được : “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!” (Is 49,15). Tình yêu giữa Thiên Chúa với con người được đóng ấn bằng giao ước tình yêu, không gì có thể phá bỏ được : “Vì núi non có thể đổi dời, gò nỗng có thể xê đi, còn tình nhân nghĩa Ta với ngươi sẽ không đổi dời, và hòa ước của Ta sẽ không hề xê dịch” (Is 54, 10).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô khẳng định : “Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô Yêsu Chúa chúng ta!” (Rm. 8, 38-39). Chúng ta thật an tâm khi tin cậy vào Chúa.

Nhưng chúng ta tự hỏi : Ta đã yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Điều răn thứ nhất Thiên Chúa đã chẳng truyền : “Người hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi” đó sao? (Mt 22, 36 và Lc 12, 27). Chúng ta hãy nghe vị thầy thiêng liêng là thánh Bernard Clervaux nói : “Anh em có muốn tôi nói cho anh em biết tại sao anh em phải yêu mến Chúa và yêu như thế nào không ? Thưa : lý do để chúng ta yêu mến Chúa là vì chính Chúa là tình yêu, và tình yêu của Ngài là không biên giới”.

Theo Chúa Giêsu là yêu thương và phục vụ

Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô trách nhiệm trông chăm sóc đoàn chiên Chúa không phải vì tài cán của Phêrô, nhưng vì ông đã tuyên xưng tình yêu của ông vào chính Chúa. Yêu mến và yêu mến. Gioan là vị thánh sử của tình yêu đã khai thác hai động từ về tình yêu : Một là yêu với tình nhân loại đầy tình cảm. Thánh Osty gọi là “lòng trắc ẩn”, còn Segond thì coi đây là “tình bạn”. Hai là yêu như Chúa yêu, yêu với “cả tấm lòng”, yêu vô điều kiện. Chúa Giêsu đòi Phêrô yêu Chúa với tình yêu vô điều kiện “agapo”, nhưng Phêrô đã hai lần trả lời theo kiểu yêu bằng cảm tính, không có sắc thái trung thành. Lần thứ ba, Chúa Giêsu đòi Phêrô phải yêu Chúa bằng tình yêu dâng hiến, yêu đến thí mạng : “Không có tình yêu lớn hơn ("agape – tình yêu") của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (15, 13-14).

Phêrô đã chối Chúa ba lần trong Cuộc Thương Khó, Chúa hỏi ông lần thứ ba, không phải là để bỏ qua ba lần ông nói, “Tôi chẳng biết Người ấy là ai”, nhưng để ông ý thức rằng tình yêu là nguồn ơn tha thứ. Vào thời điểm đó, một yêu sách pháp lý phải được thực hiện ba lần trước khi nhân chứng trở nên chính thức. Chúa Giêsu đã dùng cách này để trao sứ vụ cho Phêrô : Vì con yêu Thầy bằng lòng trắc ẩn, con hãy chăm sóc các con chiên của Thầy. Chúa Giêsu gọi đích danh Simon con Gioan ba lần : “Simon, con ông Gioan…” chứng tỏ ơn gọi của Phêrô cuối cùng được hoàn tất.

Khi bảo Phêrô : “Hãy chăn dắt chiên con của Thầy” ... là Chúa trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc những con yếu nhất trong đàn. Chúa Giêsu dùng chữ “chăn dắt” tiếng Hy lạp có nghĩa là người cho ăn, thế nên Phêrô được kêu gọi trở nên người cung cấp thức ăn cho đoàn chiên của Chúa Kitô mà ông chăn dắt. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách và cam go, có thể bị bách hại. Câu 18 này thật khó hiểu : nó nói về tuổi trẻ và tuổi già, về năng lực và sự bất lực của Phêrô, ám chỉ ông sẽ bị dẫn đến nơi mà ông không hay muốn ... giang tay ra chết như Chúa Giêsu để làm sáng danh Thiên Chúa.

Chưa xong, Chúa nói tiếp với Phêrô : “Hãy theo Thầy”, câu này Chúa cũng đã từng nói với Gioan trong lần gặp đầu tiên. Trình thuật kết thúc với ơn gọi. Phêrô cần phải theo Chúa Giêsu như ông tuyên xưng : “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68), ông chối Thầy, rồi lại tuyên xưng với cả tình yêu mới đối với Thầy, để ông nghe được lời mời gọi vô điều kiện của Chúa Giêsu là trở nên tôi tớ phục vụ anh em và Lời hằng sống.

Thiên Chúa là tình yêu

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu say đắm : “Thiên Chúa duy nhất mà Israel tin tưởng, chính Người cũng yêu. Tình yêu của Người là một tình yêu tuyển chọn. Từ giữa muôn dân, Người đã chọn Israel và yêu dân này - đương nhiên với mục đích để chữa trị toàn thể nhân loại. Người yêu, và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape. Hai vị ngôn sứ Hôsê và Êdêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh từ ái táo bạo” (Deus caritas est, số. 9).

“Không phải chỉ vì eros được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng bào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ [...] “Người Kitô hữu nhìn thấy mầu nhiệm Thập giá đang ẩn tàng trong đó : Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết và với cách thức này đã giao hoà công lý với tình yêu” (Deus caritas est, số. 10).

Đối với các tín hữu, “Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Cả hai sống nhờ vào tình yêu của Thiên Chúa tuôn xuống chúng ta, Đấng luôn yêu thương chúng ta trước » (Deus caritas est, aooa.18). Bác ái thuộc về bản chất của Giáo hội. Bác ái sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tạo ra chủ nghĩa nhân văn đích thực, mang đến cho người sứ mạng yêu thương và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con theo Chúa, hiến thân và phục tha nhân với tình yêu mến. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 13 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
13:20 26/06/2018
Chúa Nhật XIII THƯỜNG NIÊN. B
(Mc, 5, 21-43)
CHA NHÂN LÀNH


Gai-rô ông trưởng hội đường,
Vái xin phục lạy, tựa nương bên Thầy.
Con tôi hấp hối giờ đây,
Đặt tay cứu chữa, ơn này tôi mang.
Trên đường đi đến quê làng,
Đàn bà loạn huyết, xếp hàng theo sau.
Tin rằng quyền phép ẩn sâu,
Đến gần chạm áo, biết đâu chữa lành.
Quyền năng xuất phát tự căn,
Quay đầu Chúa hỏi, bà đành thú xưng.
Nói lên sự thật vui mừng,
Chúa ban khỏi bệnh, huyết ngưng cấp thời.
Báo tin con gái qua đời.
Chúa rằng đừng sợ, gọi mời đức tin.
Cầm tay bé gái nguyện xin,
Truyền cho chỗi dậy, con tin vào Ngài.

Với trái tim nhân lành, Chúa Giêsu đã rong ruổi khắp nơi để rao giảng, chữa lành các bệnh nhân và an ủi kẻ âu lo sầu muộn. Chúa đã đem lại niềm tin và sự an bình cho nhiều người. Nhìn qua thế giới chung quanh, chúng ta chứng kiến biết bao sự đau khổ trong đời sống con người. Đau khổ cuộc đời, chúng ta gọi là thánh giá.

Mỗi người và mỗi gia đình, Chúa trao cho những thánh giá khác nhau. Có những thánh giá được coi như trong tầm tay và chúng ta có thể mang vác dễ dàng. Có những thánh giá nặng nề mà nhiều người phải lãnh nhận như bệnh tật liệt lào, bất toại, mù lòa, câm điếc và cùi hủi. Có những bà mẹ sinh ra những quái thai dị dạng. Quái thai là con người nên cần được thương yêu và chăm sóc.

Làm sao chúng ta có thể tìm được niềm an ủi khi đối diện với những thánh giá nặng nề như thế. Thánh giá đeo đẳng ngày này qua ngày khác và có khi kéo dài suốt cả cuộc đời. Chúa Giêsu đến giúp làm vơi nhẹ đi những gánh nặng trên vai con người. Chúa hiện diện đó với lòng nhân hậu chia xẻ những đớn đau của họ. Ngài đã chữa họ bằng mọi cách nhưng điều cần thiết nhất là họ phải có lòng tin. Hãy tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

John Killinger kể một câu truyện thương tâm. Gia đình sinh được một con trai, nhưng con trẻ bị bệnh tâm thần. Lúc đầu ba mẹ bị kích động mạnh nhưng họ rất yêu thương con. Họ xây một phòng bằng kính để bất cứ lúc nào họ cũng có thể nhìn thấy con. Trong vòng 17 năm, người mẹ luôn bên cạnh con và đặt tay cạnh trái tim con. Nếu con có vấn đề gì, bà có thể thức dậy và giúp con thở. Suốt 17 năm trời, bà sống như thế. Vào một ngày vắng mẹ, cậu lên cơn đau và đã ra đi trong an bình. Ôm xác con, bà mẹ cám ơn Chúa đã ban cho họ một người con. Người mẹ nói rằng: Cháu đã dậy cho chúng tôi thế nào là yêu.

Tình yêu Chúa dành cho nhân loại cũng thế. Chúa không chối từ bất cứ người nào chạy đến xin Chúa chữa lành. Với trái tim đầy lòng thương xót, Chúa đã ở lại với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể để chúng ta tìm nơi ẩn náu và là nguồn linh thiêng chữa lành tất cả bệnh hoạn xác hồn.

Mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng và lòng nhân lành của Chúa. Chúa đã cho con gái ông Zairô sống lại và đã chữa lành cho người đàn bà loạn huyết. Chúng ta cũng hãy đến với trái tim nhân lành và cực thánh Chúa. Xin Chúa tuôn đổ muôn hồng ân trên chúng ta.

THỨ HAI, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
(Mt 8, 18-22).
THEO THẦY


Đám đông dân chúng vây quanh,
Bước đi theo Chúa, ơn lành nguyện xin.
Ước mong Luật Sĩ van xin,
Đi đâu bất cứ, con tin theo Thầy.
Giê-su thú thật lời này,
Chim trời có tổ, chồn bầy có hang.
Con Người không ở cao sang,
Gối đầu không có, không màng công danh.
Theo Thầy bỏ hết lợi danh,
Xa cha xa mẹ, bỏ ngành chuyên môn.
Chú tâm nuôi dưỡng linh hồn,
Chân thành tín nghĩa, suy tôn Ngôi Lời
Chứng nhân sự thật ở đời,
Truyền rao đạo lý, gọi mời yêu thương.
Môn đồ dứt bỏ đoạn trường,
Hy sinh gian khó, mở đường thiên cung.

THỨ BA, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
(Mt 8, 23-27).
GIÓ BIỂN


Lênh đênh giữa biển chiều hôm,
Chúa nằm dựa ngủ, gió nồm nổi lên.
Sóng to biển động tràn bên,
Dập dềnh sóng vỗ, nước trên ngập tràn.
Môn đồ chèo chống giữa làn,
Nguy cơ chìm đắm, vô vàn sợ lo.
Cầu mong Thầy giúp sức cho,
Lại gần đánh thức, Thầy trò cứu nguy.
Sao mà nhát sợ giảm suy,
Đức tin yếu kém, tư duy nghi ngờ.
Chúa rằng sóng lặng như tờ,
Nước trôi gió nhẹ, vật vờ lặng yên.
Thất kinh quyền phép siêu nhiên,
Đất trời vâng phục, cõi thiên phép lành.
Kính tin Con Chúa ẩn danh,
Quyền năng siêu thoát, chúng sanh phụng thờ.

THỨ TƯ, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
(Mt 8, 28-34).
TRỪ QUỶ


Hai người quỷ ám đi ra,
Sống nơi mồ mả, thiệt là thất kinh.
Ám tà hung dữ hằng rình,
Người qua kẻ lại, thình lình khiếp thay.
Chúng kêu xin Chúa đừng rầy,
Can chi hành hạ, trước ngày định sao.
Bỏ qua tha thứ cách nào,
Đàn heo mé biển, sẽ nhào xuống sâu.
Chúa đành ưng thuận lời cầu,
Quỷ ma xuất khỏi, chúi đầu thoát thân.
Người chăn sợ hãi quỷ thần,
Đành rời chạy trốn, về gần báo tin.
Hai người tỉnh táo đứng nhìn,
Cả thành kinh hãi, van xin Thầy rời.
Chúa thương dân chúng mọi nơi,
Ra đi vùng khác, gọi mời canh tân.

THỨ NĂM, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
(Mt 9, 1-8).
THA TỘI


Xuống thuyền vượt biển đi về,
Quê hương xứ sở, cận kề làng bên.
Khiêng người bất toại nằm trên,
Đớn đau bệnh hoạn, cuốn mền xót xa.
Cầu xin Chúa cứu người ta,
Chữa lành thân xác, thứ tha tội tình.
Mấy người Luật sĩ rẻ khinh,
Sao ông phạm thượng, quyền linh Chúa Trời.
Quyền năng Chúa Cả cao vời,
Có quyền tha tội, chữa đời phàm nhân.
Bệnh tình hồn xác toàn thân,
Chúa rằng vác chõng, bước chân về nhà.
Đoàn dân sợ hãi kêu la,
Tôn vinh Thiên Chúa, hải hà ban ơn
Chúa thương đoàn lũ nhiều hơn,
Bơ vơ lạc lõng, lâm cơn đau buồn.

THỨ SÁU, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
(Mt 9, 9-13).
ƠN GỌI


Ngồi bàn thu thuế bên đường,
Mát-thêu oai vệ, xã phường ở đây.
Giê-su bước tới chốn này,
Ngó nhìn kêu gọi, ông này theo tôi.
Ông ta đứng dậy ngay thôi,
Về nhà đãi tiệc, cùng ngồi với nhau.
Nhiều người thu thuế đến sau,
Cả phường tội lỗi, tới mau xum vầy.
Những người Biệt Phái quấy rầy,
Tại sao ăn uống, nơi này không hay.
Chúa cùng môn đệ giãi bày,
Chỉ người đau yếu, cần thầy cứu cho.
Xác thân khỏe mạnh khỏi lo,
Học xem ý nghĩa, lý do thực hành.
Những người công chính tốt lành,
Không cần cứu chữa, hư danh một đời.

THỨ BẢY, TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
(Mt 9, 14-16).
GIỮ CHAY


Gio-an khắc khổ luyện tu,
Ăn chay nếm mật, công phu tập tành.
Tiền hô tu đạo thực hành,
Giữ chay nghiêm ngặt, lưu danh ở đời.
Môn đồ tuân giữ mọi lời,
Theo thầy chay tịnh, một đời khắc ghi.
Giê-su Con Chúa từ bi,
Lữ hành dương thế, ra đi có ngày.
Thời gian hiện diện nơi này,
Tin mừng loan báo, cơ may trong đời.
Tông đồ vui hưởng một thời,
Giống như phù rể, chung lời chúc khen.
Tân lang rời bỏ gót sen,
Hạt mầm gieo xuống, muối men cho đời.
Ăn chay tưởng nhớ đến Người.
Tông đồ môn đệ, tới thời ăn chay.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô Tiếp Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron sáng 26/06 :
Lê Đình Thông
07:45 26/06/2018
10 giờ 30 sáng 26/06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thư viện biệt điện tông tòa dưới bức tượng thánh cả Giuse và Chúa Giêsu trong vòng 57 phút. Theo ghi nhận của giới truyền thông, thời lượng này lâu hơn cuộc hội kiến trước đây với ông Obama.

Sau đó, tổng thống Macron đã giới thiệu với vị lãnh đạo tinh thần: phu nhân Brigitte, bộ trưởng ngoại giao Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb, luật sư Jean-Pierre Mignard, hai nhà văn Rémi Brague và Xavier Emmanuelli, nữ ký giả Caroline Pigozzi, bà Véronique Fayet, chủ tịch Tổ chức Cứu trợ Công Giáo (Secours Catholique).

Cũng vào dịp này, tổng thống Macron đã biếu Đức Thánh Cha ấn bản tiếng Ý ‘‘Cha sở miền quê’’ của nhà văn Công Giáo Georges Bernanos. Đức Thánh Cha trao tặng huy chương Thánh Martin cho tổng thống Pháp và mỗi vị trong đoàn tùy tùng.

Trước buổi triều yết, tổng thống Macron đã dùng điểm tâm với cộng đoàn Sant’Egidio là tổ chức Công Giáo thiết lập các hành lang nhân đạo đón tiếp người tỵ nạn Syrie vào châu Âu.

Trong tuần lễ vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô không bình luận về chính sách nhập cư mới của chính phủ Ý. Ngài nói đến nhiệm vụ tiếp cư, đồng hành, tạo nơi ăn chỗ ở, giúp người tỵ nạn hội nhập theo khả năng của mỗi quốc gia. Ngài khuyến cáo các nước châu Âu nên gia tăng việc giúp các nước châu Phi thăng tiến giáo dục, tạo nhiều công ăn việc để giảm thiểu làn sóng nhập cư.

Lê Đình Thông
 
ĐHY Nichols: “Giáo Hội không được dấu nhẹm những thất bại lớn”
Giuse Thẩm Nguyễn
15:11 26/06/2018
Trong thư mục vụ của Tổng Giáo Phận Westminter được đọc trong các nhà thờ khắp giáo phận vào ngày Chúa Nhật, 24 tháng Sáu, ĐHY Vincent Nichols đã nhìn nhận có những thất bại trong Giáo Hội Công Giáo và rằng “Không có lỗi lầm hay sai phạm nào được che dấu”

“Thực ra, chúng ta đã học những bài học đau đớn, rằng cố tình dấu nhẹm những thất bại lớn, nhất là việc liên quan đến những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt sự bao che những thất bại và phản bội để nó tàn phá sứ vụ chia sẻ của chúng ta.

“Hôm nay, tôi bày tỏ sự đau buồn của tôi với những thất bại của chúng ta và tôi xin anh chị kiên nhẫn, chịu đựng và thật sự tha thứ.”

Trước đây ĐHY đã lưu ý rằng “qua nhiều thế kỷ một truyền thống tuyệt vời là duy trì lòng yêu mến thật sự đối với các linh mục và luôn sẵn sàng để nâng đỡ các ngài, qua thăng trầm của đời tận hiến, và tôi kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh mục, và đặc biệt cho sáu tân linh mục sẽ được truyền chức thánh vào thứ Bẩy tới này.

ĐHY Nichols bắt đầu bức thư của ngài bằng việc ca ngợi Thánh Gioan Southworth, vị thánh tử đạo Công Giáo mà lễ kính của ngài được cử hành vào ngày 27 tháng Sáu. Thánh Southworth được truyền chức linh mục tại Chủng Viện Anh ở Douai, miền Bắc nước Pháp, mà năm nay sẽ mừng kỷ niệm thứ 450.

“Chủng viện này là một phần rất quan trọng cho sự sống còn và di sản của Giáo Hội, trước tiên là chủng viện Thánh Edmund ở Ware, Hertfordshire và đến Allen Hall, chủng viện của giáo phận của chúng ta.”

“Trong những tháng tới, kỷ niệm chủng viện Douai và tưởng nhớ rất nhiều các linh mục tử đạo, chúng ta sẽ cố gắng canh tân nhiệm vụ và mục đích linh mục của chúng ta.”

Lời người dịch: Vài tuần lễ vừa qua, có những tin tức đáng buồn như vụ lạm dụng tình dục của HY McCarrick và vụ phát tán hình ảnh dâm ô trẻ em của Đức Ông Carlo Alberto Capella, cựu viên chức ngoại giao Tòa Thánh tại Hoa kỳ đã bị kết án 5 năm tù. Những vụ việc này, cộng thêm với những luật lệ chống đạo ở Úc, bắt các linh mục phải vi phạm ấn tín giải tội và hơn 200 linh mục ở Phi Luật Tân đã xin phép được giữ súng riêng để tự vệ…Tất cả như những áng mây đen kéo về làm cho giáo dân hoang mang, nhất là các đấng bậc có thẩm quyền trong Giáo Hội phải suy tư, cầu nguyện để đối diện với những khủng hoảng này.


Source: Catholic Herald Cardinal Nichols: 'The Church must not try to hide major failings
 
Các Giám Mục Canada nói sử dụng cần sa là một tội lỗi bất kể điều này được luật pháp cho phép hay không
Đặng Tự Do
18:35 26/06/2018
Sử dụng cần sa sẽ vẫn là một tội lỗi trong mắt Giáo Hội Công Giáo, các giám mục Canada đã nói như trên, sau khi Thủ tướng Justin Trudeau của Canada tuyên bố rằng việc sử dụng cần sa để “giải trí” sẽ không còn bị luật pháp cấm nữa.

Ngoại trừ việc sử dụng cần sa cho mục đích y học, sử dụng cần sa phương hại đức tiết độ và nên tránh. Đức Ông Frank Leo, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada nói.

Đức Ông Leo cho biết sách giáo lý Công Giáo khoản 1809 dạy rằng “Tiết độ là nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế. Nó giúp gia tăng ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ được sự cẩn trọng lành mạnh, và không chiều theo sức mạnh của mình mà bước theo các dục vọng của con tim. Đức tiết độ thường được ca tụng trong Cựu Ước: ‘Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng” (Huấn Ca 18:30).Trong Tân Ước, nhân đức này được gọi là ‘sự chừng mực’ hay ‘sự điều độ’. Chúng ta phải sống ‘chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này’ (Tt 2:12).”

Ngài nói thêm: “Nhân đức tiết độ, như được giải thích trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo,” đề nghị chúng ta tránh mọi loại dư thừa: sự lạm dụng thức ăn, rượu, thuốc lá hay thuốc men. “Một cách cụ thể, Giáo lý Công Giáo nhấn mạnh rằng việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, ngoại trừ trong các điều trị, đều là một “hành vi phạm tội nghiêm trọng” vì việc sử dụng các loại thuốc như thế gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của con người.

Sau khi Tu Chính Án về cần sa của chính phủ Canada nhận được sự phê chuẩn tại Thượng viện vào ngày 21 tháng 6, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố việc sử dụng cần sa sẽ không còn bị cấm tại Canada nữa từ ngày 17 tháng 10.

Theo luật mới, người lớn có thể sở hữu tới 30 gram cần sa, được trồng tối đa bốn cây cần sa cho mỗi gia đình và có thể sử dụng cần sa để chế biến các thực phẩm. Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi bị cấm sở hữu nhiều hơn năm gram (tức khoảng từ 7 đến 10 điếu thuốc lá cần sa). Cần sa cũng sẽ được bán trong các cửa hàng quy định.

Đức Cha Terrence Prendergast, Tổng giám mục Ottawa, cho biết: “Việc sử dụng các chất để tiêu khiển - dù là cần sa, hay các loại thuốc khác và thuốc phiện - là một phần trong sự tiêu thụ liên tục các chất làm cho con người né tránh những gì họ coi là gánh nặng và thách đố của cuộc sống.”

“Các giám mục, linh mục, giáo lý viên, và nhân viên chăm sóc mục vụ cho người trẻ sẽ cần phải giảng dạy về sự tiết độ và cách thức chúng ta đương đầu một cách khôn ngoan với cuộc sống và đưa ra các quyết định mà chúng ta phải thực hiện, chứ không phải là né tránh”, ngài nói.

“Chúng ta cũng cần có những hướng dẫn cho các cha giải tội để giúp các ngài đưa ra các hướng dẫn khôn ngoan trong vấn đề này, cũng như khi đề cập đến các vấn đề đương đại khác như bệnh dịch hình ảnh khiêu dâm”.

Đức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ em tránh xa các loại rượu chè, cần sa và ma túy.

Trong năm 2017, Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã ban hành một tuyên bố về cuộc khủng hoảng các chất ma tuý và các chất gây nghiện; và phê phán ý định hợp pháp hóa cần sa là “không khôn ngoan” và “có khả năng gây hại” cho xã hội.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Hội Yên – Giáo phận Đà Nẵng Mừng Lễ Thánh Gioan Baotixita
Toma Trương Văn Ân
16:32 26/06/2018
Hòa chung niềm vui với Giáo Hội toàn cầu, Mừng Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả ( 24 / 6 ). Lúc 9 giờ sáng 24 / 6 / 2018, tại nhà thờ tạm Giáo xứ Hội Yên – Giáo phận Đà Nẵng, Cộng đoàn Giáo xứ hân hoan mừng Lễ Bổn mạng của Giáo xứ và mừng Tân Linh mục Giuse Vũ Thuyên Huấn (CM) * vừa được Đức Cha Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh – Giám mục Phó Giáo phận Đà Lạt trao Tác vụ Linh mục ngày 5 /6 / 2018 tại trụ sở Tu Hội Vinh Sơn - Giáo phận Đà Lạt . Tân Linh mục đến dâng Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Giáo xứ. Ngài nguyên trước đây, trong thời gian tu học , đã thực tập mục vụ tại Giáo xứ Hội Yên.

Xem Hình

Cha Phê-rô Lê Hưng – Quản xứ Nhượng Nghĩa , Cha Phê-rô Trần Công Thạnh - Nguyên Quản xứ Hội Yên, Chính Quyền, gia đình Ông Bà Cố của Tân Linh mục, Ân nhân và nhiều Khách mời đã đến chung chia niềm vui và cầu nguyện cho Giáo xứ.

Mở đầu Thánh Lễ, Cha Vinh-sơn Nguyễn Công Chính (CM) – Quản xứ Hội Yên có lời chào mừng đến Quý Cha, Chính quyền, Ân nhân và quý khách, xin tiếp tục cầu nguyện cho Giáo xứ Hội Yên, cho mỗi người Tín hữu khi lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy , phải trở thành Ngôn Sứ của Thiên Chúa như Thánh Gioan Baotixita. Cha cũng mời gọi cộng đoàn hiện diện cầu nguyện cho các Linh mục được nhiều ơn Thánh, để các Linh mục chu toàn tác vụ được Chúa giao phó. Xin tiếp tục hỗ trợ nâng đỡ Giáo xứ Hội Yên bằng lời cầu nguyện và trợ giúp tài vật, để Giáo xứ chóng hoàn thành ngôi nhà thờ và Cộng đoàn có nơi thờ phượng Chúa cho xứng hợp.

Nhà thờ Giáo xứ Hội Yên tọa lạc tại xã Hòa Bắc , huyện Hòa Vang , thành phố Đà Nẵng. Đây là xã vùng trung du và đồi núi, đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu sống nghề trồng mía và trồng rừng ( cây keo) . Cộng đoàn Giáo xứ có 525 Giáo dân, chiếm 10% dân số tại địa phương.

Hiện nay, trong thời gian đang thi công xây lại nhà thờ, Giáo xứ dùng phòng học Giáo lý đặt Bàn thờ và Thư đài, Cộng đoàn phụng vụ tham dự Thánh lễ đứng tràn ngoài hành lang và mái che tạm.

Xin Thiên Chúa chúc lành và ban muôn ơn lành cho quý Ân nhân đã và đang quảng đại giúp đỡ Giáo xứ Hội Yên trong việc xây dựng lại Ngôi nhà thờ.

Toma Trương Văn Ân

*CM : Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn
 
Mừng 50 Năm Linh Mục Cha Đa Minh Phạm Văn Bảo . O.P.
Giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm Calgary AB, Canada
19:01 26/06/2018
Linh mục Đa Minh Phạm Văn Bảo OP. là người thành lập Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam từ năm ngày 1978 và là cựu Phó xứ Giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm từ năm 2009-2012. Nhân dịp lễ Kim Khánh Linh Mục của Cha. Từ linh mục đến giáo dân, cảm tạ hồng ân Chúa ban cho cộng đoàn Giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm với 40 năm (1978-2918) được thành lập.

Xem Hình

Năm 75, cảnh ly tan bắt đầu, kẻ trước người sau di tản nhiều hình thức, đến nhiều trại, đảo hay các nước khác nhau; Tại Philipine Cha Bảo đã hiện diện trước đó để đón chào và giúp đỡ cho những người đã sang Philippine tỵ nạn, Cha đã giúp đỡ họ trong cảnh đọa đày của những chuyến vượt biên sau khi mất nước. Một số người sau đó định cư được tại Calgary Alberta , Canada, thấy không có linh mục Việt Nam, họ đã xin Đức Giám Mục O’ Byrme mời Cha Bảo từ Philipine qua đây để vừa phục vụ cho giáo xứ người bản xứ và thành lập cộng đoàn giáo dân Công Giáo Việt Nam; Được biết ít nhất có Ba người Cha cho biết đã ra đón Cha tại phi trường đó là giáo sư kinh tế học Ninh Tú, Anh Nguyễn Xuân Thạch và bà Nguyễn Thị Nhường và ngày 14 Tháng 11 năm 1978 đã có Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam do Cha gầy dựng.

Chỉ 3 năm sau, năm 1981 Cha đã bàn giao Cộng đoàn cho Cha Cố Giuse Nguyễn Công Lý; và cũng từ đó cộng đoàn đã được Đức Giám Mục nâng lên thành giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm và phát triển qua các cha tiền nhiệm để có được ngày hôm nay.

Khi rời cộng đoàn, Cha tiếp tục là chánh xứ nhà thờ St. Anne, Corpus Christi, Ascemsion, St. Francis, Holy Trinity và các giáo xứ người Canada.

Vào thời điểm của những năm 2009-2012 với số tuổi của Cha đã lớn, nhưng khi được bài sai của Cha Bề Trên Phụ Tình, cha đã vâng lời về phục vụ giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm một lần nữa trong trách nhiệm Cha Phó Xứ ; Rồi phó xứ Thánh Giuse tại Vanvcouver, nay là Bề Trên Tu Viện Đa Minh tại Calgary.

Với lòng đạo đức, tính tình hiền hòa, khiêm nhường và giản dị của Cha, từ các linh mục thuộc địa phận đến anh em trong dòng; Từ giáo dân người bản xứ đến mọi thành phần đồng bào trong cộng đồng người Việt nhất là người Công Giáo luôn luôn yêu thương và nhắc đến tên Cha hoặc bất cứ khi nào có những sự việc từ tang, chay, cưới, hỏi, đều nghĩ đến và mời Cha tham dự. Không thể kể hết được những ân tình Cha đã dành cho Giáo Xứ. Nay nhân kỷ niệm 50 năm trong đời linh mục. Giáo Xứ chỉ nói lên hai chữ cảm tạ ơn Chúa và tri ân Cha, luôn cầu nguyện cho quý Cha tiền nhiệm và nhất là Cha, vị linh mục gương mẫu và quảng đại. Cha được mạnh khỏe và hòa đồng với mọi người trong tuổi già được mọi người thương yêu quý mến.

Giáo xứ Thánh Vinh Sơn Liêm Calgary AB, Canada
 
Gương sáng: Một Linh Mục được tôn kính ở Chùa Pháp Hoa Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
22:30 26/06/2018
Cố Linh mục Augustine Nguyễn Đức Thụ SJ là một tu sĩ Dòng Tên Việt Nam, Ngài sang Pháp và Anh du học trước năm 1975, sau 30.4.1975 miền Nam lọt vào tay CS, Ngài không thể về lại Việt Nam, vì CS bắt bớ các tu sĩ Dòng Tên và tịch thu tài sản nhà Dòng, nên năm 1979 Cha Thụ đã được Bề Trên sai sang Úc, làm tuyên úy và thành lập Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt tại Nam Úc. Ngài hy sinh thì giờ và công sức, giúp đỡ những người Việt tỵ nạn CS, mới đặt chân đến thành phố Adelaide tiểu bang Nam Úc định cư.
Cha Thụ là một vị linh mục đạo đức hiền từ, giàu lòng bác ái yêu thương, sẵn sàng sả thân phục vụ. Ngài đi các nơi thăm hỏi và chăm lo đời sống cho tất cả những người Việt tỵ nạn mới đến Úc, không phân biệt lương giáo.
Hàng ngày Cha tất tả, lái xe đi rông dài, kéo theo chiếc Trailer đến từng nhà người Úc, gõ cửa xin những vật dụng, như: Giường, tủ, máy giặt, tủ lạnh, nồi niêu, xoong chảo..vv.. Những vật dụng cũ, còn tốt, mà người Úc muốn cho đi, để thay thế đồ mới. Ngài thu gom tất cả, đem về giúp những đồng hương tỵ nạn, mới tới Úc định cư, còn thiếu thốn các vật dụng và tiện nghi. Cha đứng tên thuê nhà cho các gia đình đông người và những anh em độc thân, không đủ tài chánh đặt tiền Bond.
Khi vừa đặt chân đến Adelaide, Nam Úc, Cha Thụ đã nhờ Dòng Tên Norwood Úc Châu thuê mướn một nhà thờ Saint Mary nhỏ và Hội Trường rộng rãi trên đường Beulah Ave. Norwood làm nơi sinh hoạt tạm thơì cho tất cả những người Việt xa quê hương. Ngài đổi tên nhà thờ Saint Mary thành “Đền Thờ Trời” để mời gọi tất cả các đồng hương người Việt tỵ nạn không phân Lương - Giáo đến đây sinh hoạt hàng tuần, để quên đi nỗi buồn ray rứt nhớ quê hương.
Rất nhiều Tân Tòng xin theo đạo vào thời điểm này. Có tháng Cha Thụ rửa tội cả chục người. Cha còn giúp đỡ bao bọc và bảo lãnh các chủng sinh vượt biên tỵ nạn còn kẹt bên trại giam và những tu sĩ mới đến Úc định cư.
Giới thiệu các chủng sinh đến các Dòng Tu và các Giáo phận để các chủng sinh tiếp tục trở lại tu học. Có nhiều tu sĩ hiện nay đã trở thành các linh mục chánh xứ trông coi các giáo xứ người Úc, trong đó có Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm đương kim quản nhiện CĐCG Việt Nam – Nam Úc.
Lúc Cha Thụ còn làm quản nhiệm CĐ Nam Úc, Cha qui tụ được rất nhiều ơn gọi tận hiến. Đa số các tu sĩ Dòng Tên người Việt ở Úc Châu đều xuất thân từ Adelaide, Nam Úc.
Thời buổi sơ khai thành lập CĐ Việt Nam ở Nam Úc. Hàng tháng Cha lái xe đi các tỉnh xa xôi, cách thành phố Adelaide cả 5 – 600 cây số để thăm các gia đình đồng hương tỵ nạn, được người Úc bảo lãnh về vùng quê hẻo lánh định cư và an ủi họ.
Nơi nào có người Việt tỵ ở Nam Úc là nơi đó có vết chân Cha Thụ. Mỗi lần đến thăm đồng hương ở các tỉnh xa, Cha đều mua: Gạo, nước mắm và những nhu yếu phẩm Á Châu cần thiết đem, theo tặng cho các đồng hương, vì thời buổi ban đầu, người Việt tỵ nạn ở Nam Úc rất ít, có khoảng vài chục gia đình, nên thực phẩm Á Châu còn rất khan hiếm, khó mua. Cha đã cảm nhận được điều đó khi còn du học ở bên Pháp.

VIDEO GIỖ CHA THỤ

Linh mục A. Nguyễn Đức Thụ SJ đã được rất nhiều đồng hương qúi mến và kính nể.
Đặc biệt năm 1982 Khi Hòa Thượng Thích Như Huệ Chứng Minh Đạo Sư Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, tỵ nạn ở Nhật được cộng đồng Phật Giáo Adelaide bảo lãnh sang Úc định cư. Sau khi đến Adelaide, Hoà Thượng đã kết thân với Cha Thụ, Ngài rất qúi mến Cha Thụ và đã nhận Cha làm người bạn tri kỷ, tâm giao để chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống nơi hải ngoại. Hai vị thường xuyên qua lại thăm Chùa và nhà Thờ, chúc Tết nhau mỗi dịp Xuân về, coi nhau như anh em ruột thịt.
Năm 2012, Linh mục A. Nguyễn Đức Thụ SJ đột ngột qua đời, sau khi bị tai biến mạch máu não, để lại biết bao nỗi tiếc thương.
HT. Thích Như Huệ và GHPGVNTN Nam Úc đã đăng nguyên một trang báo tiếng Việt, để Phân Ưu và tiếc thương người bạn cố tri. Hoa Thượng đã thỉnh cầu được một bức di ảnh của Cha Thụ đem về Chùa, đặt trên bàn thờ hương án, nơi cung kính nhất trong Chùa để hàng ngày Hòa Thượng tụng kinh thắp nhang nhớ đến Cha Thụ.
Tháng Ba, năm 2016 Hòa Thượng Thích Như Huệ cũng đã viên tịch, thượng tọa Thích Viên Trí kế tục và đương kim trụ trì chùa Pháp Hoa, giữ nguyên di chúc của HT Thích Như Huệ. Thượng tọa Viên Trí vẫn để nguyên di ảnh của Cha Thụ trên bàn thờ hương án, ngang hàng với các nhà sư đã viên tịch trong Chùa, để hàng ngày thắp nhang tưởng niệm.
Nhân dịp ngày 26.6.2018, giỗ 6 năm Cha cố Augustine Nguyễn Đức Thụ SJ. Một số anh em trong các gia đình được thọ ơn Cha khi mới đến Adelaide định cư, đã cùng nhau đến Chùa Pháp Hoa vùng Pennington, hiệp với Thượng Tọa Thích Viên Trí thắp nhang và tưởng niệm, ghi nhớ công đức của Cha Thụ.
Thật là cảm động, khi nhìn thấy di ảnh một vị Linh Mục được tôn vinh và được cung kính ở một nơi rất trang nghiêm trong Chùa.
Hỏi sao chúng ta không cảm tạ tri ân Thiên Chúa đã gửi đến Nam Úc một vị mục tử nhân lành, làm gương sáng cho những người tín hữu Công Giáo.
Một vị truyền giáo có nhiều sáng kiến, hòa nhập nơi những người anh chị em chưa biết Chúa.
Tang Lễ Cha Thụ có cả hàng ngàn người tham dự kể cả Lương lẫn Giáo

XEM HÌNH
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
An ninh mạng: Họa mất nước
Đặng Tự Do
06:17 26/06/2018
1. An ninh mạng là gì?

An ninh mạng (Cybersecurity) là tập hợp các chính sách, thực hành và các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ các hệ thống máy tính và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công trên mạng.

Tại các quốc gia dân chủ, an ninh mạng được thiết kế làm giảm nguy cơ và thiệt hại của các cuộc tấn công trên mạng và bảo vệ các tổ chức và cá nhân khỏi việc khai thác trái phép các hệ thống và dữ liệu riêng tư của cá nhân và tổ chức.

Tại các quốc gia độc tài, an ninh mạng được thiết kế chủ yếu để loại bỏ tính chất nặc danh (anonimousness) trên mạng hầu giúp nhà cầm quyền phát hiện, bắt giữ và truy tố người dùng.

Kỹ thuật điện toán tiến hóa không ngừng. Có những vấn đề của ngày hôm nay không còn là vấn đề của ngày mai và ngược lại. Vì thế, các chính sách, thực hành và các biện pháp kỹ thuật trong an ninh mạng không ngừng thay đổi. Tình hình xã hội cũng thay đổi bọn cầm quyền tùy nơi, tùy lúc có thể lơi là hay xiết chặt hơn. Chính vì thế, luật an ninh mạng của Trung Quốc và Việt Nam chỉ là những định hướng chính ban đầu. Sau đó, nó sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản luật bổ sung hoặc thông qua các diễn dịch tùy tiện của cán bộ chấp pháp.

2. Tại sao nói là diễn dịch tùy tiện của cán bộ chấp pháp?

Điều 9 của luật an ninh mạng Trung Quốc quy định rằng những người dùng Internet “phải tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và đạo đức thương mại, trung thực và đáng tin cậy, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh mạng, chấp nhận sự giám sát của chính phủ và công chúng, và có tinh thần trách nhiệm xã hội”.[1]

Chỉ trong một đoạn ngắn ngủi như thế đã có biết bao nhiêu những từ ngữ mơ hồ, quá chung chung không thể nào xác định được phạm vi muốn đề cập. Cho nên, luật an ninh mạng đã khiến hàng loạt các công ty đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc.

3. Đâu là những lo ngại của các công ty đầu tư nước ngoài?

Luật an ninh mạng của Trung Quốc được hoài thai từ những năm 2010 với khẳng định của đảng cộng sản Trung Quốc rằng “trên lãnh thổ Trung Quốc, Internet phải thuộc chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, phải phục vụ ổn định chính trị và các kế hoạch phát triển của đảng.” [2]

Trong nhiều năm Trung Quốc tập trung nỗ lực vào việc kiểm soát việc truy cập internet trong phạm vi biên giới của mình thông qua cái gọi là “Great Firewall”. Kể từ tháng 7 năm 2015, Trung Quốc đã ban hành một loạt các luật lệ về kiểm soát internet và cho phép nhà nước truy cập vào dữ liệu cá nhân.

Luật an ninh mạng của Trung Quốc được Quốc Hội nước này thông qua vào tháng 11, 2016 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng Sáu, 2017. Nó đòi hỏi các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu ngay tại Trung Quốc và phải cho phép chính quyền Trung Quốc tiến hành kiểm tra tại chỗ về các dữ liệu của công ty.

Để tuân thủ việc nội địa hóa dữ liệu, các công ty nước ngoài sẽ phải bỏ một số tiền lớn đầu tư vào các servers mới ở Trung Quốc, phải chịu sự kiểm tra tại chỗ của nhà cầm quyền hoặc phải chịu chi phí mới để thuê nhà cung cấp servers địa phương như Huawei, Tencent hoặc Alibaba. Trung Quốc đã chi hàng tỉ đô la trong những năm gần đây để thiết lập các trung tâm dữ liệu như thế trong nước. [3]

Dù xây dựng các servers tại Trung Quốc hay thuê các servers địa phương, các công ty cố nhiên sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn để “synchronize”, nghĩa là cập nhật hoá cho đồng bộ, dữ liệu tại Trung Quốc với dữ liệu tại các quốc gia khác. Hàng loạt chương trình phải thảo chương lại. Đây là một công việc khó khăn và ngốn một chi phí rất lớn.

Bên cạnh đó còn có dự gia tăng rủi ro bị trộm cắp tài sản trí tuệ. [4]

Đó là chưa kể luật an ninh mạng còn ép buộc các công ty công nghệ hợp tác với bọn cầm quyền trong việc đàn áp các thành phần đối lập khi bàn giao các thông tin cá nhân và dự phần vào việc kiểm duyệt các bài viết của người dùng. Sự hợp tác như thế làm mất thanh danh của các công ty và khiến họ có nguy cơ bị truy tố tại Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây.

Cho nên, các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty trong ngành công nghiệp điện toán, ít có lựa chọn nào khác hơn là thương lượng xin hủy các hợp đồng và rút lui. Trung Quốc không những không sợ mà còn trông mong cho điều đó xảy ra.

4. Đầu tư trong ngành công nghiệp điện toán của Trung Quốc

Ngành công nghiệp điện toán, thường được gọi là ngành công nghiệp không có khói, có mức lợi nhuận cao, bất ngờ, dễ trốn thuế vì “hàng hóa” của ngành công nghiệp này khó lòng cân, đong, đo đếm được. Trung Quốc đầu tư rất lớn cho ngành công nghiệp này vừa nhằm mục đích bảo vệ ổn định chính trị, vừa tạo điều kiện cho bọn quan chức rửa tiền.

Chính vì thế, Trung Quốc có thể tự túc tự cường trong một bức màn sắt cô lập với phần còn lại của thế giới.

Chúng ta có Google, Bing. . Trung Quốc có Baidu, QiHoo 360, Sogou, WeChat, và Easou. Đó là hàng loạt các search engines nhỏ khác.

Trung tâm thông tin Internet Trung Quốc tuyên bố rằng trong năm 2015 đã có 566 triệu người sử dụng các search engine của Trung Quốc, và con số này không ngừng tăng lên.[5]

Chúng ta có FaceBook, Trung Quốc có WeChat, RenRen. [6]

Chúng ta có Twitter, Trung Quốc có Weibo. [7]

Chúng ta có YouTube, Trung Quốc có Youku Tudou. [8]

Khi luật an ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11, 2016, Trung Quốc thực tâm là muốn xua đuổi ngành công nghiệp điện toán nước ngoài ra khỏi lãnh thổ của mình.

Luật an ninh mạng của Việt Nam và những hệ lụy

Luật an ninh mạng của Việt Nam, bắt chước Trung Quốc, cũng đòi những quyền hạn vô biên cho nhà cầm quyền Việt Nam, cho phép họ ép buộc các công ty công nghệ bàn giao một lượng lớn dữ liệu, bao gồm các thông tin cá nhân và kiểm duyệt các bài viết của người dùng. [9]

Asia Internet Coalition, một nhóm trong ngành công nghiệp thông tin đại diện cho Facebook, Google và các công ty công nghệ nước ngoài khác, cảnh báo rằng yêu cầu của Việt Nam đòi nội địa hóa dữ liệu và kiềm chế tự do ngôn luận sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng của Việt Nam trong việc gia tăng tổng sản phẩm nội địa, thúc đẩy tăng trưởng công ăn việc làm và gia tăng sản xuất trong “cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” được hướng dẫn bởi công nghệ thông tin.

“Những điều khoản này sẽ dẫn đến những suy yếu nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam”, Jeff Paine, giám đốc điều hành của nhóm cho biết.[10]

Các công ty đã rút lui ở Trung Quốc thế nào thì cũng sẽ rút lui khỏi Việt Nam như vậy. Nhưng mà, đất nước chúng ta có hàng tỷ đô la để đầu tư vào ngành công nghiệp điện toán như Trung Quốc không?

Như thế có thể thấy rõ ý đồ của những kẻ đưa ra luật an ninh mạng tại Việt Nam.

Bên cạnh việc nhường đất đai cho Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa, và ba đặc khu đang dự tính, bọn cầm quyền Việt Nam mưu toan mở tung một cách đặc quyền Cyperspace của đất nước cho bọn Baidu, QiHoo 360, Sogou, WeChat, và Easou, RenRen,Weibo và Youku Tudou vào.

Từ nay, hồ sơ cá nhân của từng người, doanh nghiệp của các công ty, xí nghiệp, mọi mặt của xã hội, kể cả quốc phòng rơi vào tay người Tàu. Họa mất nước là đã rõ.

[1] China's Cybersecurity Law: What You Need to Know https://thediplomat.com/2017/06/chinas-cybersecurity-law-what-you-need-to-know/
[2] ibid
[3] ibid
[4] ibid
[5] Top 5 Chinese Search Engines You Need to Care About https://www.dragonsocial.net/blog/top-chinese-search-engines/
[6] 6 Chinese Social Media Sites You Should Know About http://blog.tutorming.com/business/chinese-social-media-sites
[7] ibid
[8] ibid
[9] Viet Nam: New Cybersecurity law a devastating blow for freedom of expression https://www.amnesty.org/en/latest/news/2018/06/viet-nam-cybersecurity-law-devastating-blow-freedom-of-expression/
[10] Vietnam cyber security law to restrict Facebook and Google https://www.ft.com/content/28edfa20-6e26-11e8-92d3-6c13e5c92914
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nhà thờ giáo xứ và nhà thờ Dòng tu có sự phân biệt không?
Nguyễn Trọng Đa
07:37 26/06/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con là thành viên của một cộng đoàn Dòng tu, và chúng con đã có nhà nguyện hoặc phòng nguyện gần đây đã được làm phép bởi Đấng bản quyền địa phương của Giáo phận. Bề trên chúng con xin cung hiến nhà nguyện và bàn thờ của nhà nguyện này. Tuy nhiên, linh mục đặc trách phụng vụ của giáo phận nói rằng sự cung hiến nhà thờ và bàn thờ chỉ giới hạn cho các nhà thờ giáo xứ, do đó nghi thức được chuẩn bị là nghi thức làm phép nhà nguyện và bàn thờ nhà nguyện mà thôi. Không có nghi thức riêng cho việc cung hiến bàn thờ này. Nhưng trong ‘Những điều cần biết trước’ (praenotanda) của Nghi thức làm phép nhà thờ, tài liệu không ngụ ý rằng nhà thờ là nhà thờ giáo xứ. "Thánh đường hay nhà thờ là những nơi vĩnh viễn dùng để cử hành các mầu nhiệm thánh...". "Các nhà nguyện, phòng nguyện hoặc đền thánh mà vì hoàn cảnh đặc biệt chỉ dùng vào việc phụng tự thánh một thời gian, cũng nên được làm phép theo Nghi thức diễn tả dưới đây”. Với lời trích dẫn cuối này, nhà nguyện của chúng con không được thiết lập để sử dụng tạm thời. Thưa cha, liệu việc cung hiến nhà thờ chì là giới hạn cho các nhà thờ giáo xứ chăng? Làm sao nhà nguyện và bàn thờ nhà nguyện của một cộng đoàn Dòng tu, vốn là dành cho việc sử dụng công cộng và thưởng xuyên, lại không được cung hiến (thánh hiến)? Và liệu có các khác biệt về phụng vụ trong việc sử dụng các từ ngữ nhà thờ (church), nhà nguyện (chapel) và phòng nguyện (oratory) không? - R. S., Philippines
.

Đáp: Tôi xin phép không đồng ý với việc giải thích của linh mục đặc trách phụng vụ giáo phận nói trên, ít nhất là liên quan đến sự phân biệt giữa các nhà thờ giáo xứ và các nhà thờ khác. Luật liên quan có thể được tìm thấy trong phần sau đây của Bộ Giáo Luật:

“Ðiều 1205: Nơi thánh là những nơi dành vào việc thờ phượng Thiên Chúa và việc mai táng các tín hữu, do sự cung hiến hay làm phép theo các quy định của sách phụng vụ.

“Ðiều 1206: Việc cung hiến một nơi thì được dành cho Giám Mục giáo phận và những người được giáo luật đồng hóa với Giám Mục. Các Ngài có thể ủy nhiệm cho một Giám Mục nào khác, hay trong những trường hợp ngoại lệ, cho một linh mục, để cử hành việc cung hiến trong lãnh thổ của mình.

“Ðiều 1207: Các nơi thánh được làm phép bởi Ðấng Bản Quyền; tuy nhiên, việc làm phép nhà thờ được dành cho Giám Mục giáo phận. Cả hai vị đều có thể thừa ủy cho một linh mục khác làm thay.

“NHÀ THỜ

“Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.

“Ðiều 1215: §1. Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận.

“§2. Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.

“§3. Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu việc trong giáo phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm chắc chắn và xác định.

“Ðiều 1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.

“Ðiều 1217: §1. Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.

“§2. Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể.

“Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.

“Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.

“Ðiều 1220: §1. Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.

“§2. Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.

“Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.

“Ðiều 1222: §1. Nếu một nhà thờ không còn cách nào có thể xử dụng vào việc phụng tự và không thể nào trùng tu được nữa, thì Giám Mục giáo phận có thể cho phép xử dụng vào công việc phàm tục không uế tạp.

“§2. Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử dụng một nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong nhà thờ, có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không uế tạp, miễn là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn.

“NHÀ NGUYỆN VÀ PHÒNG NGUYỆN

“Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.

“Ðiều 1224: §1. Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng đáng.

“§2. Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.

“Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.

“Ðiều 1226: Danh từ Phòng nguyện được hiểu là nơi mà Bản Quyền địa phương cho phép dành vào việc thờ phượng vì ích lợi của một người hay một số người.

“Ðiều 1227: Các Giám Mục có thể lập một phòng nguyện riêng cho mình. Phòng nguyện ấy được hưởng các quyền lợi như một nhà nguyện.

“Ðiều 1228: Ðừng kể quy định của điều 1227, để cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác trong phòng nguyện tư, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.

“Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà. (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Điều 2015 §3 xem xét rõ ràng khả năng của một cộng đoàn tu sĩ xây dựng một nhà thờ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cần có sự cho phép của Giám mục ngay từ đầu. Do đó, vấn đề mà cộng đoản tu sĩ ấy đã gặp phải là chưa hề được đặt ra.

Điều 2017 §2 nói: “Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể”. Từ ngữ “đặc biệt” là không độc quyền và chắc chắn không phải là hạn chế. Do đó một nhà thờ, được xây dựng với sự cho phép đầy đủ bởi một cộng đoàn tu sĩ, có thể được cung hiến với nghi lễ trọng thể, cho dù không phải là của giáo xứ.

Do đó, điểm mấu chốt của vấn đề không phải là sự phân biệt giữa nhà thờ giáo xứ và nhà thờ không giáo xứ, nhưng đúng hơn là liệu nơi thờ phượng của cộng đoàn tu sĩ có đủ điều kiện như một nhà thờ hoặc như một phòng nguyện, theo quy định của Điều 2014 hoặc của Điều 1223.

Vì vậy, nếu một địa điểm thờ phượng là "một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công” (Điều 1214), nó đủ điều kiện như là một nhà thờ. Mặt khác, nếu đó là "một nơi được Đấng Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới" (Điều 1223), nó được xếp loại như là một nhà nguyện.

Nếu tòa nhà là một nhà nguyện hay phòng nguyện, thì theo điều 1229, nó sẽ được làm phép chứ không được cung hiến.

Trong khi tôi không đồng ý với tuyên bố rằng chỉ có các nhà thờ giáo xứ mới có thể được cung hiến, tôi không có đủ thông tin để có thể xác định các chi tiết cụ thể của tình huống đặc biệt này.

Sự phân biệt không phải luôn dễ dàng được thực hiện, và nó không nhất thiết phụ thuộc vào thực tế cụ thể của tình hình. Thí dụ, làm thế nào người ta có thể phân biệt liệu tín hữu “có quyền đến đó” trong từ ngữ của Điều 2014, hoặc liệu họ “lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền” theo Điều 1223?

Bởi vì sự đồng ý cuối cùng của bề trên có thẩm quyền có thể là rất chung chung và mở rộng, bản thân các tín hữu có thể không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt thực tế nào trong việc thực hành thờ phượng của họ. Tuy nhiên, khả năng của một sự cung hiến long trọng, hoặc của sự làm phép, có thể được dựa vào sắc thái tinh tế này.

Do đó, tôi không thể nói rằng liệu linh mục đặc trách phụng vụ giáo phận đã đưa ra quyết định đúng đắn về việc làm phép hay việc cung hiến chăng. Tôi có thể khẳng định rằng việc từ chối cho nghi thức cung hiến không phải được biện minh bởi sự việc thuần túy rằng nhà nguyện Dòng tu không là một nhà thờ giáo xứ. (Zenit.org 26-6-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Chuyện lạ các thánh: nhờ dấu chân trên tuyết mà nên thánh, thánh Josemaría Escrivá de Balaguer
Trần Mạnh Trác
14:08 26/06/2018
Là vị thánh cuả thế kỷ 20, sống qua nhiều cuộc tương tranh bách đạo man rợ, vị sáng lập ra Opus Dei nhắc nhở cho chúng ta rằng cuộc sống cuả con người cần phải luôn luôn kết hợp đầy đủ với Chúa Kitô và bất kỳ hoạt động nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể trở thành một môi trường để gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhân loại sẽ không có được những phương thế sống đạo đó nếu thánh Josemariá Escrivá de Balaguer đã không bất ngờ nhìn thấy những dấu chân trần sau một cơn mưa tuyết.

Sau đây là tóm lược phần mở đầu cuả án phong thánh ‘người tôi tớ của Thiên Chúa Josemaría Escrivá, linh mục, người sáng lập Opus Dei’ lưu trữ tại Thư Viện Vatican (Libreria Editrice Vaticana):

“Josemaría Escrivá sinh ra tại Barbastro, Tây Ban Nha, ngày 9 tháng 1 năm 1902, là người con thứ hai trong số sáu người con cuả ông José Escrivá và bà María Dolores Albás. Cha mẹ ông là người Công Giáo mộ đạo và ông được rửa tội vào ngày 13 tháng 1 năm đó (1902) và nhận được từ cha mẹ - mà phần nhiều là qua các gương sáng trong cuộc sống - một nền tảng Đức Tin và lòng Đạo Đức Kitô giáo: yêu thích bí tích hoà giải và thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, tin tưởng vào việc cầu nguyện, việc dâng mình cho Đức Mẹ, việc giúp đỡ những người túng thiếu.

Chân phước Josemaría lớn lên là một đứa trẻ vui tươi, sôi động và đơn giản, ham thích vui đuà, ưa nghiên cứu, thông minh và tò mò. Ông yêu mẹ ông cách tuyệt vời và thân thiết tin tưởng nơi cha ông, là người đã khuyến khích ông chia sẻ tâm tình cũng như những nỗi lo âu, cha ông luôn luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của ông với một tâm tình yêu thương và sự khôn ngoan. Nhưng không bao lâu thì Chúa đã bắt đầu đem đến nhiều thử thách cho linh hồn cuả ông. Từ năm 1910 đến năm 1913, ba người em gái đã liên tiếp qua đời và năm 1914 thì gia đình bị phá sản. Vào năm 1915 gia đình Escrivás đã phải đi tha phương cầu thực dời qua ở Logroño, là nơi mà cha ông tìm được một công việc để chăm lo cho gia đình.

Trong muà Đông 1917-18, một sự kiện đã gây ảnh hưởng một cách quyết định đến tương lai cuả Josemaría Escrivá. Đó là vào muà Giáng Sinh, tuyết rơi dầy đặc ở Logroño, và một ngày kia ông bỗng nhìn thấy nhiều vết chân in trên tuyết, đã đông thành đá. Đó là những vết chân ‘trần’ để lại bởi một thầy đan sĩ ‘đi đất’ cuả dòng Carmelo. Một ý nghĩ chợt thoáng qua với Josemariá, ông tự hỏi trong khi có nhiều người đã hy sinh như thế vì Chuá và vì người Hàng Xóm, thì mình có nên làm một cái gì đó không?

Đó là cách mà Thiên Chuá bắt đầu nói với trái tim ông: Ông bắt đầu ghi nhớ về ý nghĩa cuả Tình Yêu, và nhận ra rằng con tim cuả ông thực sự mong muốn làm một cái gì đó rất lớn lao, cho Tình Yêu. Ông chưa biết chính xác là Thiên Chúa muốn gì từ nơi ông, nhưng ông quyết định trở thành một linh mục, với lý do rằng việc đó làm cho ông có thêm cơ hội để đáp ứng với tình yêu cuả thượng đế.”


Thánh Josemaría đã gia nhập chủng viện ở Logroño, Zaragoza, Tây Ban Nha. Nhưng vì người cha mất đi vào năm 1924, cho nên ngài phải tạm thời trở về nhà để đi làm giúp đỡ gia đình.

Ngày 28 tháng 3 năm 1925, ngài được thụ phong linh mục ở Zaragoza.

Ngài được chỉ định phục vụ cho một giáo xứ ở vùng quê, và sau đó được chuyển đến Zaragoza. Năm 1927 ngài đi Madrid, Tây Ban Nha, để học luật. Ở đây, sau một khóa tĩnh tâm sâu sắc, Cha Josemaria đã lập ra Opus Dei tại Madrid vào ngày 2 tháng 10 năm 1928, mở ra một cách thức mới cho các tín hữu để thánh hóa chính mình ở giữa thế giới, thông qua những công việc làm và các nhiệm vụ cá nhân, gia đình và xã hội của họ. Những năm sau đó ngài tiếp tục theo học tại trường đại học Madrid, đồng thời đi dạy để hỗ trợ cho mẹ và các anh chị em, tiếp tục làm việc mục vụ cho người nghèo và cho các bệnh nhân, và tiếp tục xây dựng nền tảng của Opus Dei.

Xảy ra cuộc cuộc nội chiến Tây Ban Nha và các chính phủ thiên tả đã áp dụng chính sách đàn áp tôn giáo, buộc Josemaria phải ẩn trốn, và ngài đã phải lén lút thực hiện cá c phép bí tích cho giáo dân của mình. Bị ruồng bố gắt gao, ngài đã phải vượt núi Pyrenees mà đến vùng Burgos, Tây Ban Nha. Vào cuối cuộc chiến tranh năm 1939, ngài trở về Madrid để tiếp tục việc học, ra trường với văn bằng Tiến sĩ luật. Sau đó chăm lo các khoá tĩnh tâm cho giáo dân, linh mục, và tu sĩ.

Ngày 14 tháng 2 năm 1943, ngài thành lập hội linh mục Thánh giá, hợp vào với Opus Dei. Sau đó thánh Josemariá đi qua Rome vào năm 1946, và lấy bằng tiến sĩ thần học từ Đại học Lateran. Trở thành cố vấn cho 2 bộ ở Vatican. Trở thành thành viên danh dự của Viện Hàn lâm giáo hoàng thần học. Vào giữa thập niên 1940, ngài bị bệnh tiểu đường nặng, nhưng bỗn được khỏi một cách kỳ diệu năm 1954.

Opus Dei nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh ngày 16 tháng 6 năm 1950. Thánh Josemariá thường chu du khắp châu Âu và châu Mỹ để tăng trưởng Opus Dei, khi ngài mất vào năm 1975, Opus Dei đã lan rộng ra cả 5 châu lục với hơn 60.000 hội viên trong 80 quốc gia, và ngày nay thì số hội viên là hơn 80.000, đa phần là giáo dân.
 
Giáo Hội Công Giáo đơn độc với ấn tín tòa giải tội
Vũ Văn An
19:35 26/06/2018
Ủy Ban Hoàng Gia điều tra cách đáp ứng tai tiếng lạm dụng tình dục vị thành niên của các định chế Úc có ý định kết thúc cuộc điều tra của họ với 2 đề nghị quan trọng liên quan đến Đạo Công Giáo, đó là luật độc thân linh mục và ấn tín tòa giải tội, coi chúng như những nhân tố góp phần tạo ra “văn hóa” lạm dụng tình dục vị thành niên của phía các định chế Công Giáo.



Sau các đóng góp tích cực và mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Công Giáo, Ủy Ban đã loại luật độc thân linh mục ra khỏi các khuyến cáo cuối cùng của họ, vì lý do đơn giản là nó không phải là một nhân tố tạo ra việc lạm dụng tình dục vị thành nhiên. Nhưng vẫn duy trì việc hủy bỏ ấn tín tòa giải tội.

Các lực lượng duy thế tục

Sau đề nghị đó, hiện đã có ba tiểu bang và lãnh thổ Úc ban hành các đạo luật buộc phải thông báo các trường hợp ấu dâm và hoài nghi ấu dâm. Đó là hai Tiểu Bang New South Wales, South Australia và Lãnh Thổ Thủ Đô Canberra. Riêng Tiểu Bang South Australia và Lãnh Tổ Thủ Đô Canberra đã chính thức bao gồm các tôn giáo vào đạo luật buộc phải tường trình. Một cách cụ thể, các linh mục thuộc hai quyền tài phán này buộc phải tường trình những điều nghe được liên quan tới một vụ ấu dâm dù là ở trong Tòa Giải Tội. Luật này sẽ có hiệu lực tại Tiểu Bang South Australia từ tháng 10 năm nay, và tại Lãnh Thổ Thủ Đô vào tháng 3 năm 2019. Và trong khi chờ đợi luật có hiệu lực, Lãnh thổ Thủ Đô Canberra sẽ có cuộc thảo luận chính thức giữa Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse với Bộ Trưởng Tư Pháp Gordon Ramsay về đạo luật này, thì Tiểu Bang South Australia không hề dự định một cuộc thảo luận như vậy, dù, Đức Cha Gregory O’Kelly, giám quản tông tòa Tổng Giáo Phận Adelaide cho hay: Tổng Giáo Phận không hề biết đạo luật này áp dụng cho ấn tín tòa giải tội cho đến nay!

Tiểu Bang New South Wales chưa bao gồm các tôn giáo vào đạo luật buộc phải tường trình vì họ coi đây là vấn đề thuộc bình diện quốc gia. Khía cạnh này, dường như cũng được bộ trưởng Gordon Ramsay của Lãnh Thổ Thủ Đô Canberra đồng ý.

Chính vì thế, cả Bộ Trưởng Tư Pháp Liên Bang Christian Porter và Thủ Tướng Chính Phủ Liên Bang Malcolm Turnbull vừa lên tiếng theo chiều hướng muốn một luật chung cho cả nước về vấn đề này và ý hướng của họ là đặt sự an tòan của trẻ em lên trên hết, dĩ nhiên trên cả ấn tín tòa giải tội.

Tuy nhiên, còn nước còn tát, trước khung trí (mindset) của Lãnh Thổ Thủ Đô Canberra muốn có cuộc thảo luận chính thức với Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse, cả Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse lẫn Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, vị tiền nhiệm của ngài và hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, đều lên tiếng ủng hộ và hứa sẽ có giải pháp hợp lý vừa bảo đảm an toàn cho trẻ em vừa tôn trọng luật thánh thiêng của Công Giáo là ấn tín tòa giải tội.

Đọc các tin tức trên, điều làm người ta lo ngại là tình cảnh cô đơn của Giáo Hội Công Giáo trước sức tấn công vũ bão và bất công của chủ nghĩa duy thế tục.

Ai cũng biết ông Malcolm Turnbull là một người Công Giáo dù ông ít khi nói đến đức tin Công Giáo trong sinh hoạt chính trị của mình. Xem ra, ấn tín tòa giải tội ít có ý nghĩa đối với ông. Riêng ông Gordon Ramsay, Bộ Trưởng Tư Pháp của Lãnh Thổ Thủ Đô Canberra, vốn là một mục sư Anh Giáo, thì ý nghĩa của ấn tín này, chắc chắn ông nắm rất vững. Nhưng ông vẫn chủ trương phải bỏ ấn tín này trong trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em. Hỏi thì ông bảo: tôi phải tách biệt các niềm tin tôn giáo của tôi ra khỏi tư cách đại diện dân. Làm như người Công Giáo không phải là người được ông đại diện! Còn các tôn giáo khác và các hệ phái Kitô Giáo khác thì sao?

Các Tôn Giáo

Đó là điều đáng nói. Xét chung, tôn giáo nào cũng có điều khoản xưng thú tội lỗi hay ít nhất lỗi lầm của mình cho môt ai đó có thẩm quyền. Thực vậy, ít nhất trong giới tăng già, các tu sĩ Phật Giáo đã có truyền thống xưng thú các lỗi lầm của bản thân lên các bậc bề trên. Trong các kinh thuộc Tam tạng kinh điển Phật giáo viết bằng tiếng Phạn (pali Canon), các bì khu (tỳ kheo) từng thú tội mình với Đức Phật. Luật này không thấy nói áp dụng cho các tín hữu bình thường và chắc chắn không hề mang mục đích xóa tội, tha thứ, mà chỉ là một phương pháp tu luyện thực hành trên bình diện nhân sinh, không hề có tính thánh thiêng như lời trần tình mặt đối mặt với Đấng Phán Xét tối hậu, và do đó, tính bảo mật, cùng lắm, chỉ là bảo mật nhân tình, có thể không cần phải bảo vệ trước một nhu cầu nhân sinh lớn hơn là sự an toàn của trẻ vô tội.

Trong Do Thái Giáo, thú tội là phần quan trọng để nhận sự tha thứ cho các tội chống lại Thiên Chúa và người khác. Việc thú tội với Thiên Chúa thường làm tập thể ở số nhiều. Người Do Thái Giáo thú tội “Chúng con đã phạm tội”. Đối với việc xúc phạm đến người khác, buộc phải thú tội với nạn nhân để được nạn nhân tha thứ, một điều kiện để nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Nếu nạn nhân không tha thứ, thì người phạm tội phải thú tội công khai, trước một cử tọa lớn hơn. Như thế, Do Thái Giáo không có tòa giải tội để có ấn tín buộc phải giữ, vì không có việc thú tội cá nhân, ngoại trừ việc xin nạn nhân tha thứ.

Hồi Giáo cũng có việc thú tội và thú tội trực tiếp với Thiên Chúa, không qua con người, trừ trường hợp xin nạn nhân của tội tha thứ. Hồi giáo dạy rằng tội phải được giữ cho riêng mình để tìm sự tha thứ cá thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa tha thứ cho những ai tìm sự tha thứ của Người và cam kết không tái phạm, dù một số tội trong đó một người khác là nạn nhân thì không được tha thứ, ngoại trừ khi người kia tha thứ, nên phải xin họ tha thứ. Quan điểm này, xét chung, giống quan điểm của Do Thái Giáo, không có việc xưng tội với người phàm, không có tòa giải tội.

Kitô Giáo có nhiều quan điểm khác nhau hơn về việc xưng tội. Nói chung quan điểm của Công Giáo Rôma và các Giáo Hội Chính Thống giống nhau về bí tích xưng tội, nhất là ấn tín tòa giải tội.

Các hệ phái Kitô Giáo

Theo Tân Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, việc công khai thú tội (exomologesis) đã có từ lâu trong Giáo Hội sơ khai. Và ít nhất từ thế kỷ thứ 8 (nghĩa là trước cuộc ly khai Đông Tây năm 1054), từ ngữ xưng tội được dùng để chỉ việc thú tội với vị linh mục để nhận sự tha tội (absolution) nhờ quyền chìa khóa.

Thực ra, cũng theo Tân Từ Điển Bách Khoa nói trên, hình thức xưng tội riêng với vị linh mục đã có từ lâu trong Giáo Hội. Bởi lẽ, trong một lá thư viết năm 459 gửi một số giám mục Ý, Đức Lêô Cả, trong khi nghiêm khắc lên án sự lạm dụng trong việc buộc hối nhân phải đọc công khai bản kê khai chi tiết các tội bản thân của mình, đã nhìn nhận rằng việc tự ý tình nguyện xưng tội công khai có thể đáng khen trong một số trường hợp, nhưng không được đòi họ làm điều này, vì việc xưng tội bí mật với các linh mục đã đủ rồi (Epist. 168.2; Patrologia Latina ed. J. P. Migne, 54:1210).

Ý niệm xưng tội bản thân nói trên được mọi hệ phái Kitô Giáo, kể cả các hệ phái phát sinh từ sau cuộc đại ly giáo Tây Phương năm 1517, chỉ khác là xưng với linh mục (Công Giáo, Chính Thống) hay trực tiếp với Thiên Chúa (Thệ Phản nói chung).

Nhưng còn ý niệm ấn tín tòa giải tội? Theo luận lý, đã không xưng tội với một con người, nghĩa là không có tòa giải tội, thì cũng không có ấn tín tòa giải tội. Mà đã có tòa giải tội, thì phải có ấn tín của nó. Như sẽ thấy, nhiều giáo hội tự xưng mình là Thệ Phản nhưng vẫn duy trì tòa giải tội. Và do đó, có ấn tín tòa này.

Theo Từ Điển Bách Khoa Công Giáo cũ (Ấn bản 1914), thì luật ấn tín tòa giải tội chính thức được san định trong Decretum của Gratian năm 1151 (secunda pars, dist. VI, c. II), qui định rằng "Deponatur sacerdos qui peccata penitentis publicare præsumit", nghĩa là "Linh mục nào dám tiết lộ tội lỗi của hối nhân mình phải bị cách chức” và ông còn quả quyết rằng người vi phạm luật này phải bị phạt làm kẻ “lang thang” suốt đời, tức tuyệt thông.

Công Đồng Lateran thứ tư, năm 1215, chính thức áp dụng luật trên cho toàn thể Giáo Hội: “Linh mục tuyệt đối phải ý thức rằng ngài không được phản bội người có tội bằng lời nói hay dấu hiệu hoặc bất cứ cách nào: nhưng nếu ngài có nhu cầu phải tham khảo ý kiến khôn ngoan hơn, thì ngài phải thận trọng làm thế mà không nhắc gì tới người [có tội]. Vì bất cứ vị nào dám tiết lộ một tội đã được xưng với mình trong toà thống hối, chúng tôi sắc chỉ rằng vị này không những mất chức vụ linh mục mà còn bị giam trong một đan viện để mãi mãi đền tội” (Xem Hefele-Leclercq, "Hist. des Conciles" năm 1215); cũng nên xem Mansi or Harduin, "Coll. conciliorum").

Nhưng nên biết “Decretum” chỉ thu thập các sắc lệnh của các công đồng và nguyên tắc giáo luật đã có. Thành thử, luật này chắc chắn đã có từ lâu trong Giáo Hội, trước cuộc đại phân ly Đông Tây. Nên rất nhiều giáo Hội Kitô Giáo ngoài Công Giáo Rôma, tuân giữ.

Theo Bách Khoa Từ Điển Mở Wikipedia, người tín hữu Chính Thống Giáo thường chọn xưng tội với một “cha linh hướng”, có thể là cha xứ hoặc một vị chân tu (staret). Và điều họ xưng với các vị này được bảo vệ bởi ấn tín giải tội, tuy việc xưng tội không diễn ra trong một toà giải tội, mà thường là ở phần chính của nhà thờ, trước bục đọc sách đặt cạnh iconostasis (bình phong ảnh tượng). Cũng như Công Giáo Rôma, các giáo hội Chính Thống hiểu rằng việc xưng tội không phải là với vị linh mục mà là với Chúa Kitô, linh mục chỉ là chứng nhân và người hướng dẫn, tuy ngài được quyền giải tội.

Phần lớn các giáo hội Thệ Phản tin rằng không một trung gian nào, ngoài Chúa Kitô, là cần thiết giữa Kitô hữu và Thiên Chúa để được giải mọi tội lỗi. Thành thử nhiều giáo hội Thệ Phản chính dòng qui định việc xưng tội tập thể trong các buổi phụng vụ của họ.

Một số người Thệ Phản xưng tội riêng của họ với Thiên Chúa, tin rằng điều này đủ để được tha tội. Tuy nhiên, trong một số giáo phái, họ được khuyến khích xưng tội với một người khác khi người này bị hại.

Trong các bối cảnh trên, không thể có ấn tín tòa giải tội vì không có việc xưng tội với 1 thừa tác viên do Giáo Hội chỉ định. Tuy nhiên, khác với các giáo hội Thệ Phản khác, giáo hội Luthêrô thực hành “xưng tội và tha tội”, dưới hai hình thức. Dưới hình thức đầu, trong phụng vụ thánh, toàn thể cộng đoàn dừng lại giây lát để im lặng xưng tội, đọc kinh Cáo Mình, và nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua vị mục sư với lời cầu nguyện : “dựa vào lời xưng tội của anh chị em và nhân danh cùng lời truyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi tha thứ cho anh chị em mọi tội lỗi của anh chị em nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Hình thức xưng tội và tha tội thứ hai gọi là “Phép Tha Tội Thánh” (Holy Absolution) được thực hiện riêng với vị mục sư (thường phải được yêu cầu). Ở đây, hối nhân xưng riêng các tội của mình và làm hành vi ăn năn tội cách trọn (contrition) lúc mục sư, hành động trong ngôi vị Chúa Kitô, đọc công thức tha tội: “nhân danh và theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi tha thứ cho anh (chị) mọi tội lỗi của anh (chị) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Trong giáo hội Luthêrô, mục sư buộc phải giữ ấn tín tòa giải tội như trong truyền thống Công Giáo Rôma. Sách Giáo Lý Nhỏ của Luther dạy rằng “mục sư đoan hứa không nói với ai khác các tội ngỏ với ngài trong lúc xưng tội riêng, vì các tội này đã được cất bỏ”. Tuy nhiên, trong các thế kỷ 19 và 20, hình thức thứ hai này ít được sử dụng; hiện nay, nó chỉ được áp dụng lúc rước lễ lần đầu.

Giáo hội Giám Lý (Methodism) thừa nhận cả hai cách xưng tội với người phàm: công khai khi gây tai tiếng công cộng; tư riêng với một vị linh hướng để được nhẹ nhõm lương tâm và giúp thống hối. Trong nghi thức xưng tội và tha tội riêng, vị mục sư đọc “nhân danh Chúa Giêsu Kitô, anh (chị) được tha thứ!”. Một số giáo hội Giám Chức thường xuyên tổ chức định kỳ việc xưng tội và tha tội riêng, trong khi nhiều giáo hội khác chỉ có khi được yêu cầu. Vì giáo hội Giám Chức chủ trương quyền chìa khóa “thuộc mọi người đã chịu phép rửa”, nên việc xưng tội và tha tội riêng không nhất thiết phải được làm với một mục sư, và do đó, họ cho phép việc xưng tội với một giáo dân, dù đây không hẳn là một qui định. Gần đến giờ chết, nhiều tín hữu Giám Chức xưng các tội riêng của họ và lãnh ơn tha tội từ một thừa tác viên thụ phong, song song với việc được xức dầu. Trong giáo hội Giám Chức, các mục sư buộc phải giữ ấn tín tòa giải tội. Ai không tuân giữ sẽ bị mất chức theo giáo luật. Việc xưng tội tập thể vẫn năng được thực hành nhiều hơn cả. Và nhiều tín hữu Giám Chức thường xuyên xưng tội với chính Thiên Chúa.

Tính tương đối của ấn tín tòa giải tội Anh Giáo

Ai cũng biết giáo hội Giám Chức do John Wesley, một mục sư Anh Giáo, thành lập. Nên có nhiều điểm giống Anh Giáo. Thực vậy, Anh Giáo cũng có hai hình thức xưng tội: xưng tội tập thể và xưng tội riêng. Trong hình thức đầu, mọi người âm thầm xưng tội mình trong tâm hồn, cùng đọc lời xưng tội chung và được vị mục sư tha tội chung. Hình thức sau cũng được người Anh Giáo thực hành, nhất là bởi những người gọi là Anglo-Catholics (Anh Giáo thiên Công Giáo) trong một tòa giải tội hay tại một cuộc gặp gỡ riêng với vị mục sư. Sau khi xưng tội, vị mục sư đọc công thức giải tội. Cũng như Công Giáo Rôma, Anh Giáo coi ấn tín tòa giải tội là tuyệt đối và bất cứ vị giải tội nào tiết lộ những tội ngỏ với ngài trong toà giải tội sẽ bị mất chức.

Nhưng thực ra, ấn tín tòa giải tội trong Anh Giáo không hề có tính “tuyệt đối” như trên vừa nói. Điều luật 113 ban hành năm 1603 của Giáo Hội Thệ Phản Anh (tên bấy giờ của Hiệp Thông Anh Giáo) qui định các thừa tác viên của Giáo Hội “bất cứ lúc nào cũng không được tiết lộ và cho bất cứ người nào biết bất cứ tội ác hay vi phạm nào đã được ủy thác cho sự đáng tin và sự bí mật của mình, ngoại trừ chúng là các tội ác mà theo luật lệ của lãnh thổ này, mạng sống của chính họ bị đặt thành vấn đề vì đã che dấu chúng...”

Như thế, rõ ràng có một luật trừ đối với bổn phận phải giữ sự bí mật khi một bổn phận như thế trái với một bổn phận do quyền bính dân sự áp đặt. Chẳng qua, đây chỉ là hệ luận của Luật “Submission of the Clergy” năm 1532 khi Giáo Hội Anh Giáo từ bỏ quyền được ban hành luật lệ Giáo Hội nếu không được phép và chấp thuận của nhà Vua.

Chính vì thế, theo Alison Cotes, The Courier-Mail ngày 8 tháng 7 năm 2014, Giáo Hội Anh Giáo đã bỏ phiếu cho phép các mục sư của họ được tiết lộ những điều nghe được trong tòa giải tội về lạm dụng tình dục trẻ em.

Không lạ gì khi Tổng Giám Mục Anh Giáo của Adelaide là Geoffrey Smith, nhân dịp này, tuyên bố giáo hội của ngài đồng ý đặt ấn tín tòa giải tội xuống hàng ưu tiên thứ yếu so với sự an tòan của vị thành niên. Ông Ramsay ủng hộ việc này là điều dễ hiểu.

Tính tuyệt đối của ấn tín tòa giải tội Công Giáo



Trái lại, Giáo Hội Công Giáo thì vẫn coi ấn tín này có giá trị tuyệt đối. Thực vậy, gần cùng ngày với lá phiếu của Anh Giáo nói trên, Tòa Thánh có tổ chức một cuộc hội thảo cho khoảng 200 cha giải tội tại Vatican về ấn tín tòa giải tội và việc giữ bí mật mục vụ. Nhân dịp này, Đức Hồng Y Mauro Piacenza, đứng đầu Tòa Xá Giải của Tòa Thánh, quả quyết không có bất cứ luật trừ nào đối với ấn tín tòa giải tội. Ngài nói “ấn tín này tuyệt đối và bất khả xâm phạm, tôi buộc phải giữ bí mật liên quan đến mọi điều được ngỏ với tôi”.

Về tính tuyệt đối này, bộ Giáo Luật năm 1983 có các qui định sau đây:
Điều 983: §1. Ấn tín bí tích là điều bất khả xâm phạm, vì thế, tuyệt đối cấm cha giải tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì. §2. Thông dịch viên, nếu có, và tất cả mọi người đã biết được tội bằng bất cứ cách nào, do việc thú tội, cũng đều buộc phải giữ bí mật.

Điều 984: §1. Tuyệt đối cấm cha giải tội, dùng những kiến thức biết được trong lúc giải tội để làm hại hối nhân, mặc dù không có nguy cơ tiết lộ nào. §2. Người cầm quyền không thể dùng những kiến thức biết được bất cứ lúc nào do việc giải tội, để lãnh đạo ở tòa ngoài, bằng bất cứ cách nào.

Còn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì dạy rõ:

Điều 2490: Bí mật của bí tích Hoà giải là một bí mật linh thánh và không thể bị phản bội với bất cứ lý do nào. "Bí mật của bí tích này có tính bất khả xâm phạm, bởi vậy tuyệt đối cấm cha giải tội không được tỏ lộ bất cứ điều gì về người xưng tội, dù bằng lời nói hoặc bằng cách nào khác, vì bất cứ lý do nào".

Giải thích điều trên, Cha Saunders, khoa trưởng Notre Dame Graduate School of Christendom College, viết trên Arlington Catholic Herald cho rằng “linh mục không được vi phạm ấn tín tòa giải tội để cứu mạng sống mình, để giữ tiếng thơm của mình, để bác bỏ 1 tố cáo gian, để cứu mạng sống một người khác, để giúp tiến trình công lý (như báo cáo 1 tội ác), hay để tránh một tai họa công cộng”.

Đó là điều hiện vẫn được hàng giáo phẩm Úc chủ trương và duy trì, dù phải đối diện với áp lực lớn lao từ phía quyền lực chính trị và dù vẫn muốn hợp tác với mọi thành phần dân chúng trong việc bảo vệ vị thành niên.

Có chăng một giải pháp chung?

Cũng nên biết, theo Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse, bỏ ấn tín tòa giải tội cũng có nghĩa là không tên ấu dâm nào lại đút đầu vào rọ bằng cách đi xưng tội cả. Thành thử bỏ ấn tín tòa giải tội nào có giải quyết được gì. Vả lại, “các tên ấu dâm... dấu diếm tội ác của chúng, chúng không tự thú”, làm gì có chuyện chúng đến xưng tội. Đàng khác, ít khi vị linh mục biết được căn cước người xưng tội: không ai phải nói căn cước của mình cho linh mục giải tội cả.

Trong khi đó, không có ấn tín tòa giải tội, sẽ không còn ai đến để trút những bí ẩn sâu xa nhất từng làm lương tâm họ khốn khổ, như thế là xâm phạm quyền tự do tôn giáo của họ mà vẫn không giải quyết được nạn lạm dụng tình dục vị thành niên.

Nhưng người ta chưa biết các luận điểm trên đây của Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse có đủ mạnh để xã hội dân chính “an tâm” về phương diện bảo vệ sự an toàn cho trẻ em không.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, theo tin ngày 10 tháng Sáu, 2018 của David Wroe, thì cho rằng Giáo Hội Úc đã bắt đầu nói chuyện với Tòa Thánh về vấn đề này và “coi trọng bất cứ cố gắng nào nhằm cải thiện sự an toàn cho trẻ em”. Riêng về ấn tín tòa giải tội, ngài cho rằng “rất ít bằng chứng vững chắc đã được trình bầy tại Ủy Ban Hoàng Gia cho thấy bí tích đã bị lạm dụng một cách đến có thể cho phép các tên ấu dâm tiếp tục phạm tội ác”.

Ngài cũng cho rằng luật buộc các linh mục phá bỏ ấn tín tòa giải tội “dựa trên một cấu trúc hoàn toàn có tính giả thuyết về bí tích Thống Hối, một thứ cấu trúc không hiểu chi về thực tại của những gì diễn ra giữa linh mục và hối nhân trong bí tích... Nó là thứ luật lệ có thể đã được soạn thảo và thông qua chỉ bởi những người biết rất ít hay không biết gì về cách bí tích vận hành trên thực tế”.

Nói như Đức Tổng Giám Mục Christian Prowse, “Chính phủ... đã tự chỉ định mình làm một nhà chuyên môn về các thực hành tôn giáo và mưu toan thay đổi bí tích xưng tội trong khi không hề cải thiện sự an toàn của trẻ em”.

Theo Megan Neil của Australian Associated Press, Đức Tổng Giám Mục Coleridge quả quyết rằng “bảo vệ trẻ em và đề cao toàn vẹn tính của các bí tích Công Giáo không hề loại trừ lẫn nhau và Giáo Hội muốn tiếp tục làm việc với chính phủ để bảo đảm có thể đạt được và duy trì được cả hai điều”.

Theo tạp chí Crux, Đức Cha O’Kelly, giám quản Adelaide, khi được hỏi ngài sẽ làm gì nếu có người đến xưng tội rằng họ lạm dụng tình dục trẻ em, đã trả lời: bổn phận của tôi là cố gắng giục người đó đi chỗ khác nơi ông ta có thể nhận được sự giúp đỡ hay bất cứ điều gì khác, làm bất cứ điều gì có thể để thay đổi tác phong gớm ghiếc này... Bạn năn nỉ ông ta, bạn có thể qùy lạy ông ta mà năn nỉ, nhưng tôi không thể vi phạm ấn tín tòa giải tội”.

Ngài cho hay nếu 1 đứa trẻ đến nói với 1 linh mục trong tòa giải tội rằng em bị lạm dụng tình dục, linh mục này nên thúc giục em báo cáo việc đó ở bên ngoài tòa giải tội cho “một nơi khác an toàn, một ai đó em có thể nói với”.

Khó lòng các luận điểm của Đức Cha O’Kelly được chính phủ nghe theo để bỏ điều khỏan buộc các linh mục phải báo cáo những điều liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em nghe được trong tòa giải tội. Phần chắc là các linh mục phải sẵn sàng để chịu phạt, thậm chí đi tù vì cương quyết bảo vệ ấn tín tòa giải tội. Tự do hành đạo quả không còn trên đất nước tự hào là thành lũy phát huy tự do này.

Đã đến lúc các tôn giáo nói chung, nhất là các hệ phái Kitô Giáo, phải cùng lên tiếng khi tự do tôn giáo bị đe dọa như trong trường hợp này. Im lặng càng làm cho chính sách chia để trị của độc tài duy tương đối thành công hơn.