Ngày 30-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:11 30/06/2009
QUÁN RƯỢU NGŨ LINH (năm cái chuông)

N2T


Trước đây có một quán rượu tên là Ngân Tinh.

Chủ quán Ngân Tinh vì mỗi tháng không thể thu nhập đều đặn, nên ông ta dốc hết sức cho công việc kinh doanh của quán rượu, bên trong thiết kế rất là trang nhã thoái mái, thái độ của nhân viên phục vụ cũng khiêm tốn hòa nhã thân thiết, giá cả cũng hợp lý, nhưng công việc làm ăn vẫn không lý tưởng, cuối cùng ông ta đi thỉnh giáo một nhà hiền triết.

Nhà hiền triết nghe ông ta kể lễ nổi khổ xong thì nói:

- “Vấn đề này rất đơn giản, thay đổi bảng hiệu quán rượu là tốt thôi.”

Chủ quán nghe vậy bèn nói: >“Không làm được, mấy đời danh nghĩa là Ngân Tinh, địa danh cũng rất quen thuộc.”

Nhà hiền triết kiên trì nói: “Nhất định phải đổi, đem tên quán rượu đổi thành Ngũ Linh, lại còn đem sáu cái chuông nhỏ nối thành một chuổi, móc trên cửa ra vào của quán.”

- “Sáu cái chuông nhỏ ? Thật buồn chán, có tác dụng gì chứ ?”

Nhà hiền triết cười nhẹ, nói: “Có thể đi làm thử coi.”


Chủ nhà đi về làm thử, ông ta tận mắt nhìn thấy hiệu quả như sau: mỗi người khách qua đường đều đi vào trong quán, đi sai chỗ, nhưng mỗi người đều cho rằng người khác cũng không chú ý đến cái sai nhỏ này.

Vừa vào trong quán, sự tiếp đãi thân thiết khiêm tốn hòa nhã của nhân viên đã đánh động khách, thì tự nhiên họ muốn hưởng thụ chút xíu, chủ quán lâu nay muốn tìm lợi nhuận từ nơi quán rượu, thì hôm nay lợi nhuận tràn vào như nước.

Suy tư:

Cái tên Ngân Tinh (sao bạc) và tên Ngũ Linh (năm cái chuông) xem ra chẳng khác gì nhau, nhưng yếu tố bất ngờ chính là đổi cái tên cho ra vẻ “chịu chơi” chút xíu thì ăn khách, nhà hiền triết rất hiểu tâm lý con người.

Thời nay, có những cái quán không ra gì cả, nhưng hể dựng cái bảng hiệu như “xì trum”, “mắt nai”, “hết ý” hoặc “đặc sản chấm chấm chấm”.v.v...thì tự nhiên đánh động tính hiếu kỳ của khác, và người ta vào quán cho biết...

Để móc tiền túi của khách hàng, người ta dùng tất cả mọi phương pháp, nhưng để được sống đời đời hạnh phúc với Thiên Chúa, thì ít người Ki-tô hữu tự mình tìm cách để được hạnh phúc của Thiên Chúa, thật đúng như lời của Chúa Giê-su đã nói: “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đống loại.”(16, 8)
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:14 30/06/2009
N2T


26. Các vật trong trời đất bất luận lớn nhỏ ấu trùng gốc: hạt lúa miến có trùng lúa miến, hạt đậu có trùng hạt đậu, cây ăn quả có trùng của cây ăn quả; tiền bạc cũng có ấu trùng gốc đó là kiêu ngạo.

(Thánh Augustinus)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:15 30/06/2009
N2T


159. Sách vở thì không đáng kể, chỉ có cuộc sống mới là vĩ đại.

 
Thách đố Nhân bản trong cuộc đời Linh Mục
LM Anthony Đào quang Chính
05:41 30/06/2009
Theo truyền thống, linh mục được định nghĩa là “Alter Christus,” tức là một Kitô thứ hai. Ngài mang trách nhiệm rao giảng và sống tin mừng của Chúa qua ba bổn phận chính là tư tế, tiên tri và vương giả. Linh mục mang trong mình ơn gọi thiêng liêng là ơn thiên triệu. Thiên triệu tức là ơn gọi từ Trời. Để nhận ra ơn gọi hoặc ơn thiên triệu của mình, ứng viên phải trải qua thời kỳ huấn luyện dài trong chủng viện. Tại nhiều quốc gia như Việt Nam, khi xưa, trước khi bước vào đại chủng viện, tức là “làm thầy” chủng sinh trải qua thời gian tiểu chủng viện. Nơi tiểu chủng viện, chương trình “tập huấn” gian nan và nhiều thử thách có khi còn hơn đại chủng viện. Câu thơ của Cao đài đại đạo Tam kỳ phổ độ “Bao giờ chết bẩy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình” được sửa thành “Bao giờ đuổi bẩy còn ba, đuổi hai còn một mới ra làm thầy” kể cũng không sai cho lắm. Nhiều lớp tiểu chủng sinh, khi vào lớp sáu có 40 chú, đến hết lớp mười hai chỉ còn lại vài “mống loe ngoe.” Tuy hàng năm vẫn được “tân tuyển” thêm dăm ba chú, nhưng “gọi thì nhiều mà chọn thì ít” vẫn là câu châm ngôn cần thuộc lòng.

Làm sao biết mình có ơn gọi linh mục?

Thánh kinh kể đến một vài trường hợp đẹp và khá lãng mạn khi tiếng đáp trả của Samuel trở thành lời tuyên xưng dứt khóat: “Lậy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.” Câu truyện thật đẹp. Chú bé “giúp lễ” đang ngủ đêm, trong giấc mơ nghe thấy tiếng. Lúc đầu chú tưởng là vị tư tế, tức là cha xứ, gọi, nhưng sau mới biết là Chúa. Chàng cương qu‎yết trả lời “Lậy Chúa, xin hãy phán”.

Đẹp và lãng mạn không kém là thái độ của bốn chàng ngư phủ. Khi Chúa mời “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ đánh cá người.” Bốn chàng “lập tức, các anh bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Matthêu 5.; Mc. 1; và Luca 5). Ôi chao, nếu được Chúa hiện ra –dù trong giấc mơ bảo rằng “Hãy theo Ta” thì dễ dàng quá. Trên thực tế, mơ thì nhiều mà thấy Chúa chẳng được bao nhiêu, cho nên ơn thiên triệu vẫn luôn là điều bí mật.

Dấu hiệu ơn thiên triệu.

Từ sau công đồng Vatican II, người Âu Mỹ không dành chữ ơn gọi hoặc ơn thiên triệu riêng cho linh mục và tu sĩ nữa. Vatican II muốn nhắm đến ân sủng làm con cái và dân thánh Chúa qua bí tích rửa tội, nên định nghĩa rằng mỗi người đều có ơn gọi riêng. Người thì có ơn gọi làm cha mẹ, người khác làm linh mục, người nữa sống đời độc thân. Điểm quan trọng là mỗi người tìm ra ơn gọi của mình. Tuy Giáo hội không dùng chữ ơn thiên triệu thường xuyên như trước, nhưng tiến trình đào tạo chủng sinh vẫn tập trung vào cùng chủ đích. Chủng sinh, khi bước lên đại chủng viện, bên cạnh văn hóa và tầm hiểu biết trần thế, đặc biệt lưu tâm đến ba khía cạnh quan trọng khác là “huấn luyện tu đức, huấn luyện trí thức và huấn luyện mục vụ.” Nên lưu ý nơi đây, các thầy trải qua tiến trình huấn luyện chứ không phải chỉ giáo dục. Giáo dục chú tâm nhiều đến hiểu biết và thu đạt, còn huấn luyện tập trung không những đến hiểu biết, tức là trí thức, mà còn nhất là đến sự hòa nhập của chính người được huấn luyện vào với đối tượng của sự huấn luyện là Thiên Chúa. Không khác gì nơi quân trường, người tân binh không chỉ tập chào, đi, đứng, tập bắn súng cho chính xác, mà còn khiến họ trở thành lính. Giấc mơ, sinh hoạt và đời sống của họ là lính.

Cả ba khía cạnh này được hun đúc trên một chương trình huấn luyện khác: huấn luyện nhân bản. Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II lưu tâm sâu xa tiến trình huấn luyện nhân bản trong thông điệp “Pastores dabo vobis.”

Không giống như chương trình huấn luyện trí thức và ngay cả mục vụ với môn học và bài bản cụ thể, sau đó là các bài thi kiểm soát, tiến trình nhân bản tùy thuộc nhiều vào sự tiếp thu của từng cá nhân. Loại huấn luyện này tương tự như mối tương giao sư phụ-đệ tử thời xưa. Cùng một bài giảng nhưng mỗi trò hiểu và cảm nhận khác nhau. Do đó, người ta không lạ, khi các linh mục, tuy xuất thân cùng một đại chủng viện, học chung một thầy, một chương trình, nhưng khi ra trường thì làm việc mục vụ và liên hệ với giáo dân khác nhau. Đương nhiên không ai phủ nhận rằng tâm tính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong các quyết định, nhưng ảnh hưởng của huấn luyện nhân bản dìu dắt và hướng dẫn các giao tiếp này.

Đặt vấn đề

Giao tiếp và va chạm với trần thế, đôi khi linh mục “được khen” hay bị “chê” là “đi tu cho nên chẳng biết gì!” hoặc “sống một mình nên không quen giao tiếp theo kiểu người đời,” “cứ tưởng là ai cũng thành thật như mình…” Có lẽ những nhận xét trên không sai cho lắm. Nhiều vị sống đơn sơ như thiên thần, lúc nào cũng như trên mây, và hình như không hiểu rõ sinh hoạt trần thế, hoặc không kịp thích ứng với tiến triển của xã hội.

Gần đây, nhiều chủng viện Âu Mỹ quy định rõ mục tiêu và phương tiện của huấn luyện nhân bản cho cả chủng sinh và linh mục. Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong “Priestly Formation Program” (PPF) quy định mục đích của huấn luyện nhân bản là giúp ứng viên nhận ra rằng mình và tha nhân cùng là nhịp cầu nối kết với nhau chứ không cản trở nhau. Nói cách khác, mình không sợ tha nhân, và không coi bản thân mình hoặc tha nhân như cơn cám dỗ.

Điểm khó khăn cho huấn luyện nhân bản là tiến trình tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa của từng quốc gia và từng miền. Trên thực tế, nhiều ưu điểm của Á châu có thể không hoàn toàn thích hợp với Âu Mỹ, và đương nhiên ngược lại. Người ta kể lại, vào đầu thập niên 1980, khi dân Việt còn chân ướt chân ráo mới đến định cư tại Hoa kỳ, một tân chức vì lo lắng người khác hiểu lầm, và cũng lo cho các “cám dỗ” của “nam nữ thọ thọ bất thân” theo lối Á đông, nên khi chúc bình an trong lễ mở tay, thay vì nói bình an với anh, với chị, ngài vừa ôm hôn vừa chào “Mỹ tí nhá.” Nghĩa là chúc bình an kiểu “hugging” là Mỹ thôi, chứ Việt không có vậy đâu!!! Tuy nhiên, không phải Đông-Tây không có điểm chung. Một điểm chung quan trọng cho cả Đông Tây là ảnh hưởng gia đình. Có lẽ vai trò gia đình quan trọng nhất cho nét hình thành nhân bản của mỗi người. Nơi gia đình cởi mở, hiếu khách, ân cần với tha nhân, nét nhân bản lộ rõ. Do đó tại sao các vị Giáo hòang thường nói rằng gia đình là nôi nuôi dưỡng ơn gọi và nuôi dưỡng con cái thành người. PPF chân thành nhìn nhận rằng với các ứng viên cứng cỏi, yêu mình quá độ, khó hòa đồng với xã hội, không tôn trọng thân xác mình, sợ hãi tính dục, mau nổi giận, chống lại quyền bính, mê thích vật chất, dễ nghiện ngập.. thì dù chương trình huấn luyện nhân bản có hay đến đâu chăng nữa, kết quả không tiến triển bao nhiêu.

Những thách đố nhân bản của đời linh mục.

Có nhiều đối kháng trong cuộc đời và sứ vụ linh mục.

Độc thân và Khiết tịnh. Trong khi trân qu‎ý bản năng tính dục như hồng ân Chúa ban, thì linh mục phải nhìn đến đời sống độc thân như sự kết hợp cao cả với Chúa và hy sinh cho tha nhân. Khi muốn chia sẻ cuộc sống với xã hội và với người khác, thì lại không được phép hòa nhập vào đời sống trần gian. Linh mục có bổn phận giảng về tình yêu, chủ sự các cuộc hôn nhân của tình yêu vợ chồng, nhưng không được sống tình yêu đó. Ngài phải biết và tôn trọng những khuynh hướng tình dục và tính dục để khuyên bảo và để giúp cho tha nhân hướng về Chúa, nhưng lại không có quyền sống những thử nghiệm này. Ngài phải biết yêu mọi người nhưng không được phép yêu một người.

Nhập thế. Ngài cùng đồng hành với tha nhân, cùng chia sẻ buồn đau với họ nhưng hình như khó có thể định rõ biên giới của đồng hành như bằng hữu và đồng hành như chủ chiên. Là người, vị linh mục cần tình bạn. Nhưng thế nào là tình bạn? Dựa trên văn chương như bạn văn? Dựa trên bàn tiệc như bạn nhậu? Dựa trên tình hàng xóm với người ở gần nhà thờ? Hay dựa trên vai trò lúc giảng Thánh Kinh mà thôi? Nếu ngài chỉ sống trong giới hạn của bổn phận, thì đương nhiên người khác cũng sẽ giới hạn bổn phận khi giao tiếp với ngài. Còn nếu ngài thực sự cùng chia sẻ nỗi đau, thăng trầm trong đời sống của họ, thì họ cũng sẽ cùng sống chết với ngài. Đến đây, một thách đố khác xẩy ra, ngài có nên dấn thân, vào đời cách mãnh liệt, hoặc xã hội có đồng ý “cho phép” như vậy không? Trước năm 1975, một vài dòng tu tại miền Nam Việt Nam thử nghiệm chương trình vào đời cho các thầy. Kết quả chưa rõ vì sau năm 1975, kết quả bị gián đoạn.

Việt Nam chúng ta có lời ví von rất hay và rất thực tế “gần chùa gọi Bụt bằng anh.” Nếu linh mục sống tách biệt khỏi xã hội thì bị chê là sống trong tháp ngà, xa rời thực tế, không thông cảm các khổ cực và đau khổ của người khác. Nếu ngài sống gần gũi với dân thì dù là Bụt còn bị gọi là anh, huống chi con người. Vậy, đâu là chỗ đứng trung dung, đâu là vị thế tương hợp?

Khó nghèo. Linh mục phải lo lắng cho tương lai của mình. Trên thực tế đã có những vị khi ra đi, việc an táng và nhà thương tùy thuộc vào lòng hảo tâm của người khác. Dân Việt chúng ta rất rộng rãi giúp đỡ các trường hợp trên, nhưng những thập niên kế tiếp, chắc gì còn dễ dàng thấy những lòng hảo tâm này? Linh mục không được thu tích của cải, ngược lại, cần biểu lộ tấm gương sống đơn giản và giúp đỡ người khác. Dĩ nhiên, với tâm tình phó thác, cần hoàn toàn trông cậy vào Chúa, thế nhưng, đâu là sự khôn ngoan cần thiết phải lo cho chính mình, nhất là khi có tuổi, về già? Phải hiểu thế nào với câu châm ngôn “Hãy giúp mình, Chúa sẽ giúp bạn sau.” Nhìn xa hơn, Thiên Chúa ban cho con người khả năng phát triển. Quốc gia Hoa kỳ tự hào vì Thượng đế ban cho nhiều tài nguyên thiên nhiên. Họ biết dùng sự khôn ngoan của con người –cũng là hồng ân Chúa ban- vào việc xử dụng tài nguyên thiên nhiên đó và trở thành cường quốc giầu mạnh nhất thế giới. Người da đỏ sở hữu những tài nguyên này hàng ngàn năm qua, nhưng không biết phát triển.” Vậy mình nên theo gương người da đỏ hay da trắng? Tại sao con người nói chung và các linh mục nói riêng không biết dùng khả năng Chúa ban vào việc phát triển của cải vật chất? Nhưng như thế, đâu là giá trị cần thiết của nhân đức thanh bần?

Vâng phục. Cùng theo những suy luận trên, Chúa cho mỗi người một trí khôn ngoan và tài lãnh đạo. Trí khôn ngoan và tài lãnh đạo cộng với khả năng phán đoán đúng sai, quả thực là hồng ân vĩ đại nhất mà trong số mọi sinh vật, chỉ con người và thiên thần mới có. Tuy nhiên, linh mục là người nêu tấm gương vâng phục và phó thác. Dĩ nhiên, vâng phục và phó thác vào Thiên Chúa thì rất hợp lý, vì Thiên Chúa là đấng dựng nên con người, nhưng linh mục phải vâng phục và phó thác vào một thụ tạo khác, có khi chưa hẳn đã thông minh và khôn ngoan bằng mình, đồng thời phải tin tưởng rằng người đó được lựa chọn để hướng dẫn mình. Sự thách đố này có lẽ khó khăn nhất. Khó khăn không kém là phải tuân phục người mình không thích và không bầu chọn làm lãnh đạo. Trong đời sống linh mục, khả năng, khôn ngoan, trí hiểu biết phải nhường cho nhân đức khiêm nhường, vâng phục và phó thác.

Thành công trong Mục Vụ. Bên cạnh đó, thành công trong việc mục vụ trở thành kẻ thù lớn. Nghe có vẻ hơi ngược đời. Phúc âm dậy dỗ môn đệ Chúa phải khiêm nhường; tuy nhiên, trong thiên chức, linh mục là người chịu thử thách về khiêm nhường hơn cả. Dân Chúa, kính trọng người đại diện Đức Kitô, người giúp mình lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích làm con Thiên Chúa, và bí tích lãnh nhận mình máu thánh Chúa, gọi vị linh mục là Cha. Đây là thói quen bên Âu Mỹ đã có từ lâu, khi áp dụng vào Á châu và Việt Nam, trở thành nguồn an ủi và cũng là cơn cám dỗ lớn. Đang từ “chức” chú trong tiểu chủng viện, đồng nghĩa với chú em, lên làm thầy, đồng nghĩa với thầy giáo dậy học. Từ thầy, sau ngày chịu chức, lên làm cha, ngang hàng với bậc phụ huynh trong gia đình. -Cũng nên nhắc nhở đặc tính văn hóa nơi đây. Người chủng sinh không được tiến chức vì lý do nào đó, bỗng dưng bị người chung quanh coi thường một cách oan uổng dù không làm gì sai trái-. Người Âu Mỹ khi gọi vị linh mục là cha biểu lộ yêu thương và quý mến hơn là đẳng cấp. Họ dùng các đại danh từ như “you và me” hoặc “vous và moi” là lối xưng hô bình thường sau chữ “father.” Việt Nam và nhiều nước Á châu, chịu văn hóa Khổng Mạnh với tam cương, ngũ thường, xác định, không chỉ giá trị, mà còn vị thế của người làm cha.

Cách gián tiếp, vị linh mục khi quen được gọi là cha, cách tích cực, phải hành xử cho đúng với cương vị của người cha hiền hậu và đáng kính. Tiêu cực, dễ bị cám dỗ, nghĩ rằng mình quyền thế và thông biết hơn người khác.

Luật bù trừ. Các nhà tâm lý học nhắc nhở nhiều đến luật bù trừ và đến luật sinh tồn. Theo họ thì theo bản năng tự nhiên, con người, kể cả linh mục và tu sĩ dù của bất cứ tôn giáo nào đều bị chi phối bởi luật bù trừ. Luật bù trừ là gì? Đó là phản ứng tự nhiên của con người. Khi bị thiếu thốn hoặc bị cấm đoán ở một điểm, sẽ tìm cách giải tỏa hoặc giải khuây ở điểm khác. Từ suy luận trên, người ta thấy có vị tu hành nghiện rượu, mê coi thể thao quá độ, thích đi du lịch quá thường xuyên. Đôi khi các vị dồn mơ ước của mình vào danh giá và quyền hành, cho nên tuy từ bỏ mọi sự -ngay cả chính bản thân mình- nhưng khó khăn khi phải lìa xa một chức tước như chánh xứ, giám đốc là những vị thế không đáng so với sự từ bỏ chính đời sống của mình.

Luật sinh tồn

Thiên Chúa phú thác cho mỗi người bẩm tính truyền sinh. Ai nấy đều muốn trông thấy cuộc sống của mình nối dài nơi con cái, nơi công trình, sự nghiệp, hoặc muốn để tiếng ngàn thu cho hậu thế. Nếu quá chú tâm đến sinh tồn dù vật chất hay tinh thần, linh mục dễ bị ràng buộc vào một đam mê nào đó, dù đam mê ấy trong sạch và hữu ích thí dụ như dậy học, nghiên cứu, thực thi dự án, hệ thống, chương trình xã hội. Các vị trở thành công chức hoặc chuyên viên, và không hành xử sứ vụ cũng như mục vụ linh mục. Các văn bản mục vụ, thần học, thánh kinh của giáo hội trở thành thứ yếu so với mục tiêu chuyên môn.

Huấn luyện nhân bản.

Để đạt được sự tự giác về nhân bản, trở thành một người biết lắng nghe tha nhân, trưởng thành tâm sinh lý, biết kính trọng, lo lắng trước hết cho bản thân mình, có thể liên hệ với người khác, cùng phái và khác phái, không coi thường người thiểu số, người di cư, người nghèo khổ, biết giá trị của đời sống hôn nhân cũng như độc thân, các vị có trách nhiệm trong chủng viện, nhìn nhận rằng chương trình huấn luyện thần học, thánh kinh và ngay cả mục vụ, chưa hoàn toàn trọn vẹn. Vị linh mục tương lai cần đến chương trình huấn luyện nhân bản cách cụ thể hơn nữa. Huấn luyện nhân bản cần thiết không chỉ cho chủng sinh mà còn cho linh mục.

Huấn luyện nhân bản sẽ giúp tu sĩ và linh mục hiểu biết và kính trọng thân xác như quà tặng Chúa ban. Sự phát triển tâm lý, thể lý và sinh lý của con người, nhu cầu của cả thân xác và tinh thần. Chúa sinh ra thân xác không phải để chúng ta hành hạ, nhưng để ca tụng Chúa. Vậy, nên hiểu thế nào về ăn chay, hãm mình, phạt xác? Trong cùng chiều hướng đó, đâu là giá trị của đời sống độc thân và đời sống gia đình? Nếu muốn sống độc thân trong cuộc đời linh mục, thì đâu là những phương cách, phương tiện giúp chúng ta? Tình bạn, tình yêu, cầu nguyện, linh hướng, khổ hạnh giúp nhân đức và lời khấn trinh khiết đến mức nào? Đâu là giá trị của suy niệm, của cầu nguyện, của những phương tiện tu đức?

Huấn luyện nhân bản cũng sẽ giúp linh mục tự chủ. Tự chủ không chỉ về phương diện tinh thần như làm thế nào đương đầu với cơn nóng giận, bực bội, đau khổ mà còn với vật chất. Về tự chủ và tự kiểm soát tinh thần, nhiều chủng viện từ lâu đã chú tâm đến chương trình CPE (Clinical Pastoral Education). Chương trình dành cho cả mục sư, linh mục và chủng sinh nhằm giúp các vị đối diện với tâm tình và cảm súc của mình khi giúp đỡ và giao tiếp với bệnh nhân trong nhà thương. Khi thấy người bệnh đau khổ, khi thấy họ sắp chết, mình có cùng chia sẻ cảm súc hay thờ ơ? Tại sao thờ ơ? Nếu cùng chia sẻ cảm súc với họ, chính mình có bị chán nản và suy nhược giống họ, giống gia đình họ?

Đào sâu chiều hướng nhân bản giúp cho vị linh mục không bỡ ngỡ và ngại ngùng khi cần đối diện với các thách đố của nội tâm chính mình cũng như khi giao tiếp với người khác. Vị linh mục không tự hào vì được gọi là Cha, là mục tử, là linh mục, nhưng tự tin khi biết rằng, sau khi đã hiểu biết các thách đố, đã so sánh và nhận ra rằng mình đã lựa chọn đúng. Biết mình đã lựa chọn đúng thì mới dễ tìm ra phương cách thích ứng sống lựa chọn của mình cách hạnh phúc và bình an. Nhiều giáo phận trong chương trình hậu huấn luyện, đã chú tâm cách mạnh mẽ, tổ chức các buổi huấn luyện cho linh mục phát triển thêm khía cạnh nhân bản.

Biết đâu là vấn đề, đâu là thách đố. Bước kế tiếp sẽ là sống thanh thản những lựa chọn này.
 
Canh tân Sư phạm Giáo lý: Đào tạo nhân cách trẻ em
Gioan Lê Quang Vinh
06:06 30/06/2009
CANH TÂN SƯ PHẠM GIÁO LÝ (BÀI 4):

GIÚP CÁC EM SỐNG ĐẠO VÀ ĐÀO TẠO NHÂN CÁCH CÁC EM

Ở nhiều giáo xứ, hoạt động giáo lý được chú trọng và giáo lý viên để tâm đến cách sống hàng ngày của từng em học sinh của mình. Đó là điều lý tưởng mà mọi giáo lý viên cần hướng đến. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có những cản trở về thời gian và hoàn cảnh xã hội, ở nhiều nơi, giáo lý chỉ đơn giản là đến lớp nghe cắt nghĩa bài có trong sách và khi hết giờ thì hoạt động giáo lý chấm dứt. Nếu giáo lý chỉ cần như thế thôi thì Giáo Hội đã không thao thức tìm những đường hướng thích hợp và ân cần nhắc bảo như Giáo Hội đã làm. Vậy, dạy giáo lý còn phải được hiều sâu xa hơn và thực hành thật chu đáo.

I. DẠY GIÁO LÝ: GIÚP CÁC EM SỐNG ĐẠO

Tông Huấn Catechesi Tradendae dạy: « Bản chất của việc dạy Giáo Lý gắn liền với tất cả các hoạt động Phụng Vụ và các Bí Tích, vì chính các Bí Tích và nhất là Bí Tích Thánh Thể là nơi Đức Ki-tô hoạt động một cách sung mãn để biến đổi nhân loại. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn cho việc lãnh nhận các Bí Tích ». (số 23).

1. Giúp các em cảm được các mầu nhiệm và trung thành sống các mầu nhiệm.

Đức tin, các bí tích, việc cầu nguyện… phải là chính cuộc sống người Kytô hữu. Giáo lý giúp các em cảm nghiệm và sống các mầu nhiệm. Việc dạy giáo lý không chỉ là cung cấp kiến thức tôn giáo mà hơn nữa, là huấn luyện đời sống thân tình với Đức Giêsu là Đấng đang sống và hoạt động giữa loài người hôm nay. Nói thế nào cho các em cảm được và sống được như vậy không phải dễ dàng. Chắc chắn phải có sự hướng dẫn và nâng đỡ của Chúa Thánh Linh. Và mỗi giáo lý viên phải làm sao, bằng lời nói và gương sáng của mình, cho các em thấy các mầu nhiệm thánh gắn bó với đời mình còn hơn không khí để thở từng ngày, từng giờ.

2. Giúp các em thực hành Lời Chúa một cách hồn nhiên và trọn vẹn.

Học giáo lý là học và sống Lời Chúa. Các em phải được thấm nhuần Lời Chúa, để Lời Chúa gắn bó với các em như hơi các em thở, hoà nhập vào cuộc đời các em để các em sống và lớn lên hàng ngày với Lời Chúa. Do đó giáo lý viên phải trình bày Lời Chúa sao cho sống động, dễ nhớ, dễ cảm; và biến Lời ấy thành quyết tâm sống, những quyết tâm cá nhân được gợi lên nhờ lòng mến chứ không phải vì áp đặt chung chung. Muốn như thế, thái độ của giáo lý viên đối với Lời Chúa và cách anh chị nói về Lời Chúa quả thật có một tầm quan trọng lớn lao.

3. Giúp các em chiếu toả Tin Mừng cho thế giới hàng ngày.

Ý thức truyền giáo cũng phải được gieo vào lòng các em thật sớm, vì đó là sứ mạng cao cả gắn liền với bản chất Giáo Hội Chúa Kytô. Các em yêu mến Chúa và Giáo Hội thì các em cũng sẽ góp phần làm cho người chung quanh nhận biết Chúa. Phải tập cho các em biết hãnh diện khi tuyên xưng đức tin dưới bất cứ hình thức nào, làm dấu Thánh Giá khi ăn cơm trước mặt mọi người chẳng hạn. Nếu muốn các em hăng say với bổn phận truyền giáo, các anh chị phải cho các em thấy đức tin của các em là ân huệ siêu nhiên cao cả, cần thiết cho cuộc đời, và các em phải quảng đại chia sẻ ân huệ ấy. Phải làm cho các em thấm nhuần điều mà Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy: « Sứ mạng của Giáo Hội là công bố và truyền đạt sự cứu độ đã có được trong Đức Giêsu Kitô, mà Người gọi là “Nước Chúa” (Mc 1,15)

II. DẠY GIÁO LÝ: ĐÀO TẠO NHÂN CÁCH CHO CÁC EM

1. Giáo lý đào tạo con người toàn diện

Hội Thánh vẫn luôn trình bày mầu nhiệm cứu độ một cách toàn diện cho con người mọi thời. Giáo lý cũng nằm trong viễn cảnh đó. Có một thời người ta hiểu giáo lý như là dạy các em thuộc vài câu hỏi thưa rồi lãnh nhận các bí tích, thế là đủ. Nhưng một Kytô hữu chỉ được coi là trưởng thành trong đời sống đạo khi người ấy gắn bó đời mình với Đức Giêsu và đổi mới từ tâm hồn, nhân cách đến từng cách sống mỗi ngày theo đòi hỏi của Tin Mừng. Vì thế mà việc dạy giáo lý không thể tách rời con người phần xác, phần xã hội ra khỏi con người của niềm tin thiêng liêng.

2. Giáo dục Việt nam ngày nay không giúp đào tạo nhân cách

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người. Nhưng để phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau, giáo dục Việt nam bây giờ không góp phần đào tạo con người. Những mớ kiến thức được nhồi nhét cùng với những chiếc cặp oằn vai các em, những bữa ăn vội vã trên yên xe ngoài đường phố khói bụi cho kịp giờ học thêm… có rèn luyện nhân cách các em hay không ? Đó là chưa kể đến sự gian dối tràn lan ở học đường. Ngay cả thầy cô một vài môn học cũng thừa nhận « Chúng tôi nói dối ăn lương ! ». Ở trong môi trường giáo dục đó, các em sẽ hình thành nhân cách theo hướng nào ? Rõ ràng chúng ta chỉ còn trông chờ vào các lớp giáo lý, nơi đó việc đào tạo nhân cách các em phải được nhấn mạnh cùng với đời sống tâm linh.

3. Giáo lý viên nên làm gì ?

Giữa một xã hội mà việc giáo dục có nhiều vấn đề như thế, lớp giáo lý càng có thêm trách nhiệm đào tạo nhân bản, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Dĩ nhiên chúng ta trình bày về Giêsu là trình bày về các mầu nhiệm thánh, nhưng không chỉ là lý thuyết thần học, mà là chính mầu nhiệm Giêsu đi vào cuộc đời để cứu độ con người cả hồn lẫn xác: nâng cao nhân vị (x. Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, chương III).

Khi dạy lối sống, rèn nhân cách cho các em, chúng ta cần hướng các em về việc bắt chước trẻ Giêsu ở Nagiarét. Các em cần tập các đức tính nhân bản như: Trung thực, cao thượng, dũng cảm, trách nhiệm, nhân hậu v.v…

Để đào tạo nhân cách các em, giáo lý viên phải kiên trì giảng dạy, uốn nắn và nhất là cầu nguyện cho các em. Gương Chúa Giêsu va mẫu gương các thánh rất cần thiết trong tiến trình đào tạo này.

Giáo lý viên cần chìm sâu vào, ngập lặn trong Giêsu khi soạn bài, khi giảng bài và khi đối xử với các em. Anh chị hãy nói về Giêsu say sưa như chưa bao giờ được nói. Anh chị nên nói sao cho các em cảm được cuộc sống có hai con đường rõ rệt: con đường của Giêsu và con đường thế gian. Con đường Giêsu là con đường thế nào? Tác động của bài giáo lý là giúp các em hiểu về Giêsu hơn – yêu mến Giêsu hơn và quyết định sống như Giêsu.

Nếu chúng ta gào lên: các em hãy trung thực, đừng nói dối, đừng ăn cắp, các em sẽ nghe theo không? Vậy chúng ta hãy cùng

a/ Giúp các em yêu mến và bắt chước Giêsu ấu thơ bằng cách kể chuyện về Chúa Giêsu và lặp lại lời Người dạy.

b/ Kể cho các em gương các thánh, những người chọn Giêsu làm mẫu mực cho đời mình.

c/ Thời đại hôm nay có rất nhiều bạn trẻ theo gương Giêsu. Ở trường học, người ta đưa ra nhiều “tấm gương” rất kỳ cục, lạ đời, không nhân bản. Chúng ta cần đưa những mẫu gương của các bạn cùng trang lứa với các em, đang sống đời sống tốt đẹp, nhân ái v.v…

d/ Tập cho các em sống đẹp, cao thượng bằng những hoạt động cụ thể.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ trẻ đã thành công rực rỡ trong việc đào tạo Giêsu thơ ấu, chúc lành cho chúng con và giúp chúng con đào tạo các em có hiệu quả. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ”.
 
Cường điệu
Lm Vũđình Tường
14:15 30/06/2009
Đám xác Thiên Chúa Giáo ngộ quá heng?

Anh bạn tôi mới tham dự đám tang về nhận xét như vậy.

Tôi đáp đám xác buồn chứ sao lại ngộ.

Anh đáp buồn thì có buồn, có khóc thương nhưng rất ngộ.

Tôi hỏi lại sao anh lại cho là ngộ?

Anh trả lời ngộ vì khuynh hướng mới đưa ra nhiều kiểu nói nghe lạ tai.

Tôi thắc mắc khuynh hướng gì? Kiểu nói sao anh kể nghe coi.

Anh đáp ông cha say sưa giảng. Văn từ chọn lựa cẩn thận. Người thân của gia đình được nói đến gật gù, ưa thích, đồng tình, hài lòng với bài giảng.

Ngưng một chút anh tiếp,

- Tôi ngó tới ngó lui thấy không đồng nhất. Kẻ đăm chiêu nghe. Số khác tỏ ra e dè. Tôi biết chuyện nhưng âm thầm vì biết quá rõ gia đình người chết. Bài giảng của ông cha mang nhiều sáo ngữ. Sáo ngữ bao giờ cũng kêu vang.

Anh kể một hơi rồi đặt vấn đề.

- Không biết phải đặt tên gì thích hợp cho khuynh hướng mới?

Tôi đang phân vân không biết phải trả lời thế nào thì anh nói tiếp.

- Gọi là đặt điều nói xạo thì không đúng. Cho là nói thật lại càng không đúng vì không nói lên sự thật. Nếu giải thích là nói chơi hay nói bông đùa thì không phải lúc, không đúng nơi chốn để nói bông đùa.

Nói vừa lòng

Anh giải thích thêm.

- Cho là nói dối hay nói xạo thì không ai tin là có người dám nói xạo trong khung cảnh đó. Đây là bài giảng. Bài giảng được lồng trong một khung cảnh trang nghiêm, trong một hoàn cảnh thật đặc biệt không nên dối trá.

Tôi nhảy vào bênh vực ông cha,

- Ông cha hẳn là không dối trá.

Anh quả quyết,

- Nếu ông không dối trá thì gia đình đưa tin thất thiệt. Nếu tránh dùng từ dối trá, dùng từ nhẹ hơn là nói xạo.

Tôi tỏ vẻ bất bình, muốn đổi sang đề tài khác cho bớt căng thẳng.

Anh bạn tôi thêm.

- Tôi biết anh không hài lòng khi phê bình về tôn giáo của anh. Nhưng anh cũng biết tôi đi đám xác ông này vì gia đình chúng tôi biết nhau rất rành. Hồi còn ở quê nhà chung xóm. Đi vượt biên chung ghe, tới trại tị nạn cùng đảo và định cư cùng tiểu bang.

Ngưng một chút anh tiếp.

- Không chừng mai mốt tôi chết chôn cùng nghĩa trang. Tôi nghe ông cha giảng tôi thấy bất bình như anh đang bất bình với tôi. Tôi biết người chết không làm những điều như ông cha giảng ở nhà thờ. Ông cha giảng không đúng thực tế đã xảy ra. Ông cha giảng rõ ràng, mạch lạc, có lí luận hẳn hoi, theo bài bản. Nói một cách trang trọng, đàng hoàng thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người. Dường như ông cha quả quyết những gì đang nói là sự thật. Cách diễn tả, tư cách diễn tả và vị trí đang đứng diễn tả xác nhận cho mọi người biết những gì ông cha đang nói là một thực thể hẳn hòi, đã xảy ra đâu đó trong đời một người.

Anh kể một hơi dài, xác định biết rõ gia đình, ngọn nguồn. Tôi đuối lí vì biết không thể biện minh cho sự việc mình không biết. Dường như bớt bực trong lòng. Giải toả được điều băn khoăn nên anh ngồi thoải mái hơn.

Khuynh hướng cường điệu

Ngoài miệng tôi biện bạch nhưng trong lòng thì đồng ý với nhận xét của anh. Thực sự có những bài giảng đám ma mang khuynh hướng cường điệu. Cường điệu đến mức độ những gì nói ra xa sự thật. Nếu có ai dám đối chất, kiểm chứng, người đó hẳn sẽ gặp những chống đối mạnh mẽ từ mọi phía. Phúc không thấy mà hoạ vào thân. Khuynh hướng cường điệu đang lan tràn, nhất là gia đình người quá cố thân quen với linh mục.

Chắc chắn nghi lễ an táng không phải là lúc liệt kê, kể tội người quá cố. Tình yêu Kitô giáo không cho phép chúng ta kết án ai. Cũng không nên gây thêm đau khổ gia đình tang quyến đang phiền muộn. Ngược lại, lễ an táng mà liệt kê thành tích, thành quả, đời người đạt được thì không phải lúc, không phải chỗ.

Giảng an táng

Nhiều bải giảng lễ an táng đang theo chiều hướng liệt kê công danh người quá cố trước bàn dân thiên hạ. Những lời tâng bốc khen tặng, nâng cao đời sống người quá cố vượt quá xa sự thật. Dầu biết trong hoàn cảnh tang thương, đau buồn chúng ta cần an ủi người sầu khổ. Nhưng đừng vì thế mà làm sai lạc ý nghĩa đang cử hành. Đã thế trong phần điếu văn hoặc nhắc lại tiểu sử, thân nhân còn tăng thêm thành tích cho trở nên vĩ đại hơn.

Nhiều khi tham dự đám xác, người ta có cảm tưởng hôm nay là ngày đi nghe kể thành tích một người hơn nhiều hơn là đi cầu nguyện cho người quá cố và thân nhân của họ.

Với thành tích ngất trời được tuyên dương trong ngày an táng, còn đâu chỗ cho lời cầu. Lời cầu bị lạc lõng trong thành trì thành tích vàng son. Căn cứ vào bài giảng và lời ca tụng của thân nhân, người đó quả là vị thánh, tốt lành. Đối với đời là một vĩ nhân. Với đạo đầy lòng nhân ái, thương hết mọi người, không làm mất lòng ai, và cũng không có gì đáng trách trước mặt Chúa. Với công trạng như thế người quá cố hưởng công, nhận khen tặng chưa hết. Lời cầu có ích chi trong trường hợp này.

Ý chính

Có nhiều ý nghĩa trong nghi lễ an táng Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên ý nghĩa chính cần cử hành sao diễn tả rõ ràng, mạch lạc lòng nhân từ, thương xót vô biên Chúa, đặc biệt cho người quá cố và thân nhân của họ. Mọi hình thức làm lu mờ ý nghĩa này cần phải loại bỏ. Vì sao?

1. Kể công trạng trước mặt Chúa là làm điều thừa vì Ngài biết ta rõ hơn ta. Tất cả những gì ta có đều do Ngài ban. Vậy cần chi kể ra.

2. Thánh Phaolô dậy chúng ta chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa. Chúng ta được cứu độ.

‘không phải do sức anh em, mà là một ân huệ Chúa ban, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện’ Êphêsô 2, 8-9.

Nơi khác Chúa dùng dụ ngôn đầy tớ làm tròn bổn phận đầy tớ. Kể công trước mặt chủ có nghĩa gì?

‘Đối với anh em cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói, chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi’ Luca 17,10

3. Kể công trạng người quá cố trong ngày lễ an táng dường như đi ngược lại tinh thần Phúc Âm.

4. Hơn nữa người thánh thiện thường có lòng khiêm nhường, cao rao công trạng của họ trong ngày lễ an táng dường như trái với ý người quá cố.

Tuần Thánh

Suốt Tuần Thánh phụng vụ Giáo Hội không hề nhắc đến kì công của Đức Kitô. Không phải Ngài không có công trạng gì. Ngài có quá nhiều không kể xiết. Thế nhưng phụng vụ lại nhắc đến con đường thập giá khổ nạn, nhắc đến phục vụ trong nghi thức rửa chân, nhắc đến thứ tha cho Phêrô giúp ông thống hối. Cuối cùng trên thập tự nhắc đến tha tội cho kẻ trộm biết ăn năn và nhắc đến lời tín thác tuyệt vời.

Lậy Cha con xin phó linh hồn Con trong tay Cha.

Nói xong người tắt thở.

Chương trình lễ an táng Chúa rất đơn giản. Không liệt kê công danh, cao rao công đức. Nghi thức an táng Chúa diễn ra đêm tối, âm thầm. Nghi thức tẩm liệm cẩn thận nhưng vội vã, không nhang khói, điếu văn và dường như phải khóc chui vì sợ nhà cầm quyền.

Đám táng của Kitô hữu cần chú trọng đến lòng thương xót Chúa và tin tưởng vào tình yêu Ngài hơn là liệt kê các việc chúng ta làm. Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được nhưng Chúa giầu lòng xót thương và hay tha thứ.

Chú trọng đến lòng Chúa xót thương và ơn tha thứ là làm đẹp lòng Chúa. Làm đẹp lòng Chúa thì có phúc hơn là làm đẹp lòng người thân quen.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Năm Thánh Linh Mục: Cuộc đời của Thánh Gioan Vianney, Curé d’Ars
Pt Huỳnh Mai Trác
19:47 30/06/2009
Cha sở xứ Ars (Curé d’Ars) sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại làng Dardilly, gần thành phố Lyon, thuộc một gia đình nông dân. Từ nhỏ Gioan Vianney đã được cha mẹ đạo đức thánh thiện rất mực yêu thương. Bối cảnh cuộc Cách Mạng của nước Pháp đã ảnh hưởng trên cuộc đời niên thiếu của ngài. Ngài đã được xưng tội lần đầu trong hội trường thị xả dưới chiếc đồng hồ lớn chứ không phải trong nhà thờ, và từ tay một linh mục không được nhà nước thừa nhận.

Hai năm sau thì ngài được rước lễ lần đầu cũng trong một nhà kho, và trong một thánh lễ được tổ chức kín đáo, do một linh mục “phản loạn” không theo cách mạng. Đến năm 17 tuổi thì được nghe tiếng gọi dâng mình cho Thiên Chúa: “Con muốn đem các linh hồn về cho Chúa!”, ngài nói với mẹ ngài, bà Maria Béluze. Nhưng cha của ngài thì chống lại ý định này trong hai năm vì trong gia đình đang thiếu nhân công.

Đến năm 20 tuổi thì ngài mới được sửa soạn cho việc gia nhập chủng viện dưới sự bảo trợ của cha Balley, cha xứ Ecully. Các khó khăn lại dồn dập, hy vọng ơn gọi làm linh mục gần như sụp đổ, ngài đã đi hành hương đến Louvese, nơi mộ của thánh Phanxicô Régis để cầu xin. Bị gọi nhập ngũ trong cuộc chiến giữa Pháp và Tây Ban Nha, nhưng ngài đã đào ngũ vì ngài không thể chịu đựng nỗi những cảnh chém giết và thù hận. Cha sở Balley đã hết lòng giúp đỡ ngài trong những năm tháng khó khăn này. Cuối cùng ngài cũng được chịu chức linh mục vào năm 1815 và trở thành cha phó xứ ờ Ecully.

Đến năm 1818, ngài được gởi đi làm cha xứ họ đạo Ars. Ngài đã đi bộ đến đó, mang một bao hành lý trên vai. Ngài đang tìm đường đến nhà thờ thì gặp một em bé chỉ đường cho ngài và ngài đã cám ơn em bé như sau: “ Cha sẽ chỉ cho con, đường lên Thiên Đàng!”

Tại xứ đạo nhỏ bé nghèo nàn này, ngài đã khơi dậy đức tin nơi những giáo dân đơn sơ chất phát bằng lời tiên tri của ngài, nhưng nhất là bằng những lời cầu nguyện và lối sống của ngài. Ngài luôn cảm thấy còn thiếu sót trong sứ vụ mà ngài hoàn thành, nhưng luôn trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Ngài đã sửa sang và làm khang trang lại ngôi nhà thờ củ kỷ. Năm 1824, ngài sáng lập một trường học dành cho nữ sinh, sau đó biến thành một nhà nuôi trẻ mồ côi: “Thiên Hựu” (Providence). Năm 1849, ngài xây dựng một trường học dành cho nam sinh sau đó giao cho các tu sĩ phụ trách. Ngài đặc biệt chăm sóc những người nghèo khó.

Tuy vậy nhiều lúc ngài cũng cảm thấy chán nản thất vọng đến nỗi có ba lần ngài muốn rời khỏi giáo xứ này, vì cảm thấy bất xứng cho sứ vụ của một linh mục cha xứ, và suy nghĩ là người linh mục đúng ý nghĩa phải là hình ảnh của Chúa Kitô.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng đồn về sự thánh thiện cùng lời tiên tri của ngài, nên có nhiều người hành hương đến xin ơn lành và bình an cho tâm hồn. Dù bị nhiều thử thách và phải chiến đấu khó khăn, ngài luôn để con tim ngài gắn chặt với tình yêu của Chúa và những người anh em của mình; lo âu ưu tiên của ngài là phần rổi của các linh hồn. Những bài giáo lý và bài giảng của ngài thường nhắc đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Là một linh mục ngài thường trầm ngâm trước Thánh Thể, chìm đắm trong tình yêu và quyết tâm hiến dâng tất cả cho Chúa, cho giáo hữu cùng cho tất cả mọi người, ngài qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm 1959, ký thác hoàn toàn trong tình yêu của Chúa Kitô. Sự nghèo nàn của Cha sở Ars là chân thật vì ngài biết trước là ngài sẽ ra đi khỏi cuộc đời nơi tòa giải tội.

Ngài được phong Chân Phước vào ngày 8 tháng giêng năm 1959 và cùng năm được tuyên phong là “đấng bảo trợ các linh mục của nước Pháp”. Năm 1925 ngài được Đức Giáo Hoàng Pius XI tuyên phong hiển thánh và sau đó đến năm 1929 là “đấng bảo trợ các linh mục trên khắp thế giới.”

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II đã hành hương đến xứ Ars vào năm 1986, và đã tĩnh tâm ở đây, đã nhắc lại Cha Xứ Curé d’Ars là một gương mẫu linh mục cho tất cả các linh mục trên khắp thế giới vì ngài đã hoàn tất tốt đẹp sứ vụ và đã thánh hóa chức vụ linh mục.

“Ôi người linh mục thật cao cả! bởi vì người này có thể ban Thiên Chúa cho con người và con người cho Thiên Chúa; người này là chứng nhân về sự dịu hiền của Đức Chúa Cha đối với mọi người và là người sắp đặt ơn cứu độ.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội Công giáo Campuchia bế mạc Năm Thánh Phaolô
Thanh Phương
00:52 30/06/2009
PHNON PENH - Ngày thứ Bảy 27/06/2009 Giáo hội Công giáo Capuchia, dịp bế mạc Năm thánh Phaolô tại giáo phận Phnom Penh, có Đức Hồng Y đặc sứ đến từ Vatican chủ sự Thánh Lễ trọng thể cầu nguyện cho Giáo hội tại đây.

Tham dự Thánh lễ đại trào có sự hiện diện của các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đến từ 38 giáo xứ thuộc giáo phận Phnom Penh. Tất cả cầu nguyện và cám tạ hồng ân Thiên Chúa và cin cho Giáo hội Campuchia có thêm nhiều nhân chứng cho tin Mừng Chúa Giêsu.

Vì hoàn cảnh chiến tranh và những thử thách triền miên, nên mới từ năm 1989, các vị thừa sai người Pháp và một số các linh mục ngoại quốc khác mới được trở lại để giúp các giáo dân Campuchia trong việc sống đức tin và truyền giáo.

20 năm đã trôi qua, nhưng việc truyền giáo tại đây vẫn còn những khó khăn và thử thách. Đời sống và các sinh hoạt của giáo dân tại Campuchia vẫn còn thiếu thốn về mọi mặt cả vật chất lẫn tinh thần.

Nhân dịp bế mạc Năm Thánh Phaolô, xin mọi người tiép tục cầu nguyện cho các giáo đoàn tại Campuchia và đặc biệt một vài cộng đoàn người Việt Nam sống rải rác ơ Campuchia được vững mạnh trong đức tin và càng ngày càng có nhiều linh mục người Khmer cũng như các vị tông đồ nhiệt thành khác tới để giúp đỡ và củng cố đức tin của họ.
 
Đức Thánh Cha trao dây pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa
LM Trần Đức Anh, OP
01:05 30/06/2009
VATICAN - Sáng 29-6-2009, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô và trao dây Pallium cho 34 vị TGM chính tòa thuộc 20 quốc gia.

Trong số các tiến chức, có hai vị Á châu là Đức Cha Francis Xavier Kriengsak, 60 tuổi, tân TGM Bangkok Thái Lan, và Đức Cha Albert Malcom Ranjith, 62 tuổi, tân TGM Colombo Sri Lanka và nguyên là Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích. Nhóm đông nhất là 5 vị người Mỹ, TGM các giáo phận Detroit, New York, Saint Louis, Omaha và New Orleans. Tổng cộng có 16 vị TGM thuộc Mỹ châu.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Len để làm dây Pallium được lấy từ những con chiên màu trắng được các tu sĩ thuộc một tu viện tại giáo xứ thánh Agnès, ở đường Nomentana, Roma, nuôi, và hàng năm, cứ đến ngày lễ thánh nữ Agnès tử đạo, 21-1, họ mang chiên tới trao cho ĐTC và ngài trao lại cho các nữ tu thuộc đan viện thánh Cecilia thuộc dòng Biển Đức, gần Vatican nuôi để xén lấy lông làm len và đan thành dây Pallium.

Dây Pallium là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Thánh Simeon thành Tessalonica viết: ”Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”. Dây này cũng biểu hiệu sự hiệp thông giữa vị vị TGM chính tòa với Tòa Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC là 34 vị TGM chính tòa, trước sự hiện diện của hơn 40 HY trong đó có ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, trên 80 GM, trong đó có 28 GM Việt Nam, và 10 ngàn tín hữu.

Giống như những năm trước đây, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đã gửi phái đoàn đến tham dự và do Đức TGM Emmanuel, thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống tại Pháp hướng dẫn. Tháp tùng ngài còn có 1 GM và 1 Phó tế. Phái đoàn này được một chỗ danh dự trước bàn thờ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau Phúc Âm, ĐTC đã dựa vào bài đọc trích từ thư thứ I của thánh Phêrô Tông Đồ để diễn giảng về sứ vụ GM, trước khi đưa ra những lời nhắn nhủ dành cho các vị TGM nhận giây Pallium. Ngài nói:

”Vậy thánh Phêrô nói gì với chúng ta, chính trong năm Linh Mục này, về nghĩa vụ của tư tế? Trước tiên, ngài hiểu sứ vụ tư tế hoàn toàn từ Chúa Kitô. Ngài gọi Chúa Kitô là ”người chăn dắt và canh giữ. . các linh hồn” (2,25). Bản dịch tiếng Ý dịch là ”custode” người canh giữ, còn từ tiếng Hy lạp thì dùng từ Episcopos, Giám Mục. Tiếp sau đó Chúa Kitô được mô tả là Mục Tử tối cao - archipoímen (5,4). Thật là lạ vì thánh Phêrô gọi Chúa Kitô là Giám Mục - Giám Mục của các linh hồn. Qua đó ngài có ý nói gì? Trong từ tiếng Hy Lạp có chứa xựng động từ ”nhìn thấy”, vì thế từ ấy được dịch là ”người canh giữ” hay là ”người canh chừng”. Nhưng chắc chắn ở đây ngài không có ý hiểu là một sự canh chừng từ bên ngoài, như thể một lính canh nhà tù. Đúng hơn ngài hiểu đó là sự nhìn thấy từ trên cao, nhìn từ độ cao của Thiên Chúa. Nhìn thấy trong viễn tượng của Thiên Chúa là một cái nhìn yêu thương muốn phục vụ tha nhân, giúp đỡ họ trở thành thực sự là mình. Chúa Kitô là ”Giám mục của các linh hồn”, điều này có nghĩa là Ngài nhìn thấy chúng ta trong viễn tượng của Thiên Chúa. Khi nhìn từ Thiên Chúa, ta có một cái nhìn tổng quan, thấy được những nguy hiểm và cả những hy vọng và cơ hội. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, ta thấy được điều cốt yếu, thấy được con người nội tâm. Nếu Chúa Kitô là GM của các linh hồn, đối tượng là tránh cho linh hồn trong con người khỏi trở nên lầm than, làm sao cho con người không đánh mất yếu tính của mình, khả năng đối với sự thật và tình thương, làm cho linh hồn nhận biết Thiên Chúa và không lạc mất trong những cái vòng lẫn quẩn; không bị mất hút trong sự cô lập nhưng cởi mở đối với toàn thể. Chúa Giêsu là Giám mục của các linh hồn, là khuôn mẫu của mọi sứ vụ Giám mục và linh mục. Giám mục và linh mục trong viễn tượng đó có nghĩa là: đảm nhận vị trí của Chúa Kitô. Suy nghĩ, nhìn và hành động từ vị thế được nâng cao của Chúa. Từ Chúa luôn sẵn sàng phục vụ con người, để họ tìm được sự sống.

ĐTC nói thêm rằng: Như thế từ ”Giám mục” rất gần với từ ”Mục tử”, đúng ra hai từ có thể dùng như nhau. Nhiệm vụ của vị mục tử là chăn dắt, và gìn giữ đoàn chiên và dẫn chúng tới cánh đồng cỏ đúng. Chăn dắt đoàn chiên có nghĩa là chăm sóc để chiên tìm được lương thực thích hợp, được no đầy không phải đói khát. Ngoài tính chất biểu tượng, điều này có nghĩa là Lời Chúa là lương thực mà con người đang cần. Luôn làm cho Lời Chúa hiện diện và vì thế nghĩa vụ của vị Mục tử ngay chính là mang lương thực cho con người. Mục tử cũng phải biết chống lại kẻ thù, những chó sói. Thánh Phêrô, trong diễn văn dành cho các trưởng lão, cũng nêu bật một điều rất quan trọng. Không phải chỉ nói mà thôi: các Mục Tử không phải chỉ nói mà thôi, cần phải trở thành gương mẫu cho đoàn chiên (5,3). Lời Chúa được đưa từ quá khứ tới hiện tại, khi Lời Chúa được sống thực. Thậy là tuyệt với khi thấy nơi các thánh Lời Chúa trở thành một lời nói với thời đại chúng ta. Nơi những nhân vật như thánh Phanxicô, và như Cha Piô và bao nhiêu vị khác, Chúa Kitô thực sự trở thành những người đồng thời với thế hệ các vị, Ngài ra khỏi quá khứ và đi vào hiện tại. Điều này có nghĩa là: mục tử là gương mẫu của đoàn chiên, sống lời Chúa trong lúc này, trong đại cộng đồng của Hội Thánh”.

Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC đặc biệt ngỏ lời với các vị TGM lãnh giây Pallium:

”Giờ đây, tôi ngỏ lời với Anh em quí mến trong hành giám mục, sắp lãnh nhận từ tay tôi giây Palliu. Dây này được dệt bằng lông những con chiên mà Giáo Hoàng đã làm phép trong lễ kính thánh Agnès. Điều ấy nhắc nhớ những con chiên của Chúa Kitô mà Chúa Phục Sinh đã ủy thác cho thánh Phêrô nhiệm vụ coi sóc (cf Ga 21,15-18), nhắc nhớ đoàn chiên của Chúa Giêsu Kitô mà anh em phải chăm sóc trong niềm hiệp thông với Phêrô, nhắc nhớ chính Chúa Kitô, Đấng như mục tử nhân lành đã vác lấy con chiên lạc trên vai, là nhân loại, để đưa về nhà, nhắc nhớ sự kiện Chúa là Mục Tử tối cao, đã muốn trở thành Chiên Con, để gánh lấy từ bên trong số phận của tất cả chúng ta, để mang lấy và chữa lành chúng ta từ nội tâm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa xin Ngài ban cho chúng ta bước theo vết của những mục tử công chính, không phải vì bị bó buộc nhưng tự nguyện, như Chúa muốn... với tâm hồn quảng đại.. như mẫu gương của đoàn chiên” (1 Pr 5,2tt).

Trao dây Pallium

Sau bài giảng của ĐTC, ĐHY Agostino Cacciavillan, người Ý, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, trong tư cách là Hồng y trưởng đẳng phó tế đã giới thiệu lên ĐTC 34 vị tân TGM xin nhận dây Pallium. Khi tên của các vị xướng lên, các tín hữu tháp tùng đã reo hò và vỗ tay chào mừng. ĐHY Cacciavillan cũng nhắc đến danh tánh các vị TGM đã xin giây Pallium nhưng không thể đến Roma hôm nay được.

Tiếp đến các tân TGM xưng danh tánh và cùng đọc lời tuyên thệ hứa sẽ luôn luôn trung thành và vâng phục Thánh tông đồ Phêrô, Giáo Hội tông truyền Roma, ĐGH và các người kế vị hợp pháp ngài. ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây nay, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

ĐTC cũng đọc công thức trong đó có đoạn nói rằng: ”Ước gì giây Pallium này, đối với anh em, là biểu hiệu sự hiệp nhất và là dấu chỉ sự hiệp thông với Tòa Thánh, là mối giây bác ái và là một khích lệ can đảm mạnh mẽ để trong ngày Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, vua của các Mục Tử, đến và tỏ hiện, anh em cùng với đoàn chiên được ủy thác cho anh em, có thể được mặc lấy áo của sự bất tử và vinh quang”.

Tiếp đến từng vị tân TGM tiến lên qùy trước mặt ĐTC để ngài đeo dây Pallium cho, trước những tiếng vỗ tay của cộng đoàn. Sau cùng, Đức TGM Monterisi, Tổng thư ký Bộ Giám Mục, đã tiến lên trước mặt ĐTC để nhận các dây Pallium còn lại để chuyển tới các vị TGM vắng mặt.

Sau thánh lễ, ĐTC đã cùng với vị TGM trưởng Phái đoàn chính thống Constantinople xuống hầm Đền thờ và cầu nguyện tại Mộ của Thánh Phêrô Tông Đồ.

Kinh Truyền Tin

Sau đó, ngài về dinh tông tòa và xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quang trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC nhắc đến ý nghĩa lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, bổn mạng Giáo Phận Roma. Trong bài giảng cho Cộng đoàn Roma, thánh Giáo Hoàng Lêo Cả quả quyết rằng ”Hai vị thánh này là những người Cha và Chủ Chăn đích thực của anh chị em, các ngài đã thiết lập Giáo Hội anh chị em để được tháp nhập vào nước trời” (Bài giảng in Nat. App. Petri et Paulo, c.I, PL 54,422).

ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy luôn trung thành với ơn gọi Kitô và chừng chiều theo não trạng của thế gian này, nhưng luôn để cho Tin Mừng biến đổi và canh tân, để đi theo những gì thực sự là tốt và đẹp lòng Chúa (Rm 12,2).

ĐTC cũng giải thích về lễ trao dây Pallium cho các vị Tổng GM chính tòa. Ngài nhắc đến sự hiện diện của Phái đoàn Chính Thống Constantinople như một lý do mang thêm vui mừng cho đại lễ này. Ngài nói: Ước gì việc cùng nhau tôn kính hai thánh Phêrô và Phaolô tử đạo là bảo chứng sự hiệp thông ngày càng trọn vẹn và nồng nhiệt giữa các tín hữu Kitô ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta hãy cầu xin điều ấy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô qua lời kinh Truyền Tin quen thuộc.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC loan báo sắp công bố thông điệp thứ ba của ngài về các vấn đề xã hội với tựa đề ” Caritas in veritate ” (Bác ái trong sự thật).
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI: tôn giáo không đe dọa sự hiệp nhất quốc gia
Bùi Hữu Thư
02:05 30/06/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI: tôn giáo không đe dọa sự hiệp nhất quốc gia



Ngài nói với các Giám Mục Việt Nam về mối tương quan giữa Giáo Hội và Chính Quyền

VATICAN, ngày 28, tháng, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định với các giám mục Việt Nam rằng tôn giáo không đe dọa sự hiệp nhất quốc gia,và mối tương quan giữa Giáo Hội và chính phủ có thể được thực hiện với một tinh thần hợp tác.

Đức Thánh Cha nói đều này ngày Thứ Bẩy khi tiếp kiến các thành viên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, về Rôma phó hội theo chu kỳ 5 năm.

Đức Thánh Cha nói "Một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện.” Ngài cũng ghi nhận là “các tôn giáo không là mối đe dọa cho sự hiệp nhất quốc gia."

Ngài tiếp, “Giáo Hội mời gọi mọi thành viên cam kết trung thành trong việc xây dựng một xã hội công bình, hợp quần, và bình đẳng."

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Giáo Hội tuyệt đối không muốn thay thế chính quyền,” mà chỉ muốn “có thể đóng một vai trò công chính, trong một tinh thần đối thoại và tôn kính hợp tác, trong đời sống quốc gia, và phục vụ cho tất cả dân nước."

Ở đây, Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích, giáo dân phải đóng một vai trò đặc biệt và “chứng tỏ bằng đời sống dựa trên đức bác ái, ngay thẳng, và tình yêu cho ích lợi chung, và một người Công Giáo tốt lành cũng là một công dân tốt."

Ngài nói “Tốt hơn hết là mọi gia đình Công Giáo đều dậy dỗ con em sống theo lương tâm công chính, trong sự trung thành và chân lý, để trở nên mái ấm của các giá trị và đức tính nhân bản, và mái trường cho đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa."

Đức Thánh Cha tiếp, "Giáo Hội không bao giờ được miễn khỏi phải thi hành đức ái."

Nêu lên tông thư "Deus Caritas Est," cuả ngài, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “sẽ không bao giờ có một tình trạng trong đó đức bác ái của mọi Kitô hữu lại không cần thiết, vì con người, ngoài sự thèm khát công lý, vẫn luôn luôn cần tình yêu " (Số 29).

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhấn mạnh là để đáp ứng bao nhiêu thách đố của xã hội hiện đại, “một sự hợp tác mật thiết hơn rất cần thiết giữa các giáo phận khác nhau, giữa các giáo phận và dòng tu, và ngay cả giữa các dòng tu với nhau."

Đức Thánh Cha đề cập đặc biệt đến những người trẻ sống các vùng quê, bị thu hút bởi các đô thị, muốn đến các nơi này để được tiếp tục học cao hơn và để tìm việc làm. Ngài nói những người trẻ này phải là mục tiêu của một hình thức hợp tác đặc biệt giữa các giáo phận để bảo đảm cho họ được chăm sóc đầy đủ về mục vụ.
 
Giáo Hội và nạn buôn người
Vũ Văn An
08:58 30/06/2009
Buôn người là một ngành thương mại và buôn bán chuyên chuyển dịch hay đưa người đi di dân hợp pháp hay bất hợp pháp, trong đó có cả các sinh hoạt lao động hợp pháp và cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, theo nghĩa hẹp, hạn từ này thường được sử dụng để chỉ việc tuyển dụng, chuyên chở, chứa chấp và tiếp nhận người nhằm mục đích bắt họ làm nô lệ, đĩ điếm, lao động cưỡng bức (trong đó có vấn đề lao động để trả nợ) và làm tôi mọi.

Tháng Ba vừa qua, Văn Phòng Ma Túy và Tội Ác Của Liên Hiệp Quốc (viết tắt trong tiếng Anh là UNODC) đã phát động Chiến Dịch Trái Tim Lam (Blue Heart) để chống lại việc buôn người này, một kỹ nghệ đầy tội ác mà lợi nhuận lên đến khoảng giữa 5 và 9 tỉ mỹ kim một năm. Hội Đồng Âu Châu tuyên bố rằng “Việc buôn người đã đạt tới tầm mức dịch bệnh trong hơn mười năm qua, với một thị trường thế giới hàng năm ước chừng lên tới 42.5 tỉ mỹ kim”. Các nạn nhân của việc buôn người thường được tuyển dụng qua cưỡng bức, lừa đảo, dối trá, lạm dụng quyền hành, hay thẳng thừng bắt cóc.

Như trên đã nói, các nạn nhân này thường bị buộc làm đĩ điếm hay các hình thức bóc lột về tính dục khác, bị buộc phải lao động hay phục dịch, làm nô lệ hay các thực hành tương tự như nô lệ và tôi đòi. Đối với các trẻ em, việc bóc lột có thể là buộc làm điếm, buộc làm con nuôi quốc tế bất hợp pháp, kết hôn sớm, hay tuyển dụng làm lính trẻ con, đi ăn xin, phục vụ thể thao (các hình thức nài lạc đà nhỏ tuổi hay cầu thủ bóng đá con nít)…

Hiện nay, việc buôn người đã diễn ra trên bình diện quốc tế, nên ngoài cơ quan UNODC trên đây, ta còn thấy rất nhiều các cơ quan quộc tế khác chung tay đánh phá các kế hoạch của bọn buôn người này, trong đó có cơ quan OSCE (viết tắt của Organization for Security and Co-operation in Europe). Cơ quan này cung cấp một cái khung đa quốc gia để chống lại tệ nạn quốc tế này khắp vùng Bắc Đại Tây Dương, Âu Châu, Nga và Trung Á.

Buôn người khác với việc chuyển lậu người (people smuggling) là hình thức trong đó người ta tự ý trả một lệ phí cho tổ chức chuyển lậu để được đưa tới một nơi mình muốn. Trong hình thức sau, ta không thấy có sự lừa đảo. Khi đã tới nơi định đến, người được chuyển lậu hết còn bị trói buộc. Ngược lại, nạn nhân của buôn người trở thành nô dịch, các điều kiện trong món nợ giao kèo có tính bóc lột rất cao. Có thể nói kẻ buôn người lấy đi hết các nhân quyền căn bản của nạn nhân.

Các nạn nhân này thường bị lừa dối hay rù quyến bằng những hứa hẹn hão huyền hay bị cưỡng bức bằng thể lý. Một số kẻ buôn người sử dụng các chiến thuật cưỡng bức và thao túng bao gồm lừa đảo, đe dọa, giả vờ yêu, cô lập hóa, dọa dùng và dùng thật sức mạnh thể lý, nợ nần, hay các hình thức lạm dụng khác. Những người khao khát tìm đường tới các nước khác có thể bị những tên buôn người nhòm ngó và ngầm cho hiểu rằng họ sẽ được thong dong sau khi qua được bên kia biên giới.

Buôn người đã trở thành một kỹ nghệ có lợi nhuận cao. Tại một số khu vực như Nga, Đông Âu, Hồng Kông, Nhật Bản và Colombia, việc buôn người được các tổ chức tội ác lớn kiểm soát. Tuy nhiên, phần đông, việc buôn người do những hệ thống nhỏ điều khiển, mỗi nhóm phụ trách một khâu: khâu tuyển dụng, khâu chuyên chở, khâu quảng cáo… Lợi nhuận cao một phần vì vốn đầu tư ít, việc bị truy tố lại tương đối hiếm.

Các nạn nhân của việc buôn người lại là những người nghèo khổ nhất, ít quyền lực nhất. Phần lớn họ thuộc các khu vực nghèo, các sắc tộc thiểu số, người rời cư (displaced persons) như người bỏ nhà hay tị nạn. Phần đông việc buôn phụ nữ là dành cho mãi dâm qua những hứa hẹn có việc làm tốt hay cơ hội học hành cao. Các trẻ em bị buôn bán vì cha mẹ nghèo, phải bán con để trả nợ hay để có tiền sinh sống. Tại Tây Phi, các trẻ em bị buôn thường đã mất cha hay mẹ vì bệnh AIDS. Hàng ngàn trẻ trai cũng bị cưỡng bức trở thành lính trẻ con. Diễn trình nhận con nuôi cũng phát sinh ra nạn buôn trẻ thơ và các phụ nữ đang mang thai giữa Tây Phương và các nước đang phát triển… Đàn ông cũng trở thành nạn nhân của việc buôn người để phục vụ trong các ngành lao động không có tay nghề và có tính cưỡng bức, một ngành được Cơ Quan Lao Động Quốc Tế ước lượng trị giá tới 31 tỉ mỹ kim.

Theo báo cáo của UNODC, các địa điểm thông thường nhất tiếp nhận nạn buôn người là Thái Lan, Nhật Bản, Do Thái, Bỉ, Hòa Lan, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Còn các nơi xuất phát thông thường nhất của nạn buôn người là Thái Lan, Trung Hoa, Nigeria, Albania, Bulgaria, Belarus, Moldova và Ukraine.

Vì là ngành buôn bán bất hợp pháp, nên con số thống kê khó mà chính xác. Tuy nhiên, theo ước lượng của Bộ Ngoại Giao Mỹ, khoảng từ 600,000 tới 800,000 đàn ông, đàn bà và trẻ em bị buôn bán qua các biên giới quốc tế mỗi năm; khoảng 70% trong số này là phụ nữ và con gái, và có tới 50% là vị thành niên. Đa số các nạn nhân này phục vụ kỹ nghệ tình dục. Bộ này cũng cho rằng hình thức buôn người cho việc cưỡng bức lao động, đôi khi trên ngay quê hương nạn nhân, là điều hiện rất khó theo dõi. Người ta cũng ghi nhận việc gia tăng nhanh chóng ngành mãi dâm tại Campuchia và Bosnia cũng như Kosovo sau khi lực lượng NATO cũng như Liên Hiệp Quốc vào tiếp thu các khu vực ấy. Nhiều chỉ trích đã được đệ nạp lên hai cơ quan này, nhưng họ vẫn chưa nghiêm chỉnh cứu xét vấn đề.

Người ta cũng lưu ý tới một hình thức buôn người có tính tôn giáo. Nhóm Cực Đoan trong Giáo Hội Mormon tại Mỹ và Canada đã từng liên lụy tới việc buôn bán các phụ nữ dưới tuổi qua biên giới các tiểu bang và biên giới quốc tế giữa Mỹ và Canada, phần lớn là để có thể tiếp diễn các thực hành đa thê của họ dưới hình thức đa hôn.

Các cố gắng nhằm giảm thiểu việc buôn người

Các chính phủ, các hiệp hội quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ thẩy đếu đang nỗ lực nhằm chấm dứt nạn buôn người với nhiều mức thành công khác nhau. Về phía các tổ chức liên chính phủ, ta thấy có OSCE đã nhắc trên đây. Năm 2003, tổ chức này thiết lập ra một cơ chế chống buôn người nhằm mục đích gây ý thức của công chúng đối với vấn đề và bồi đắp một ý chí chính trị nơi các quốc gia hội viên để đối phó hữu hiệu với vấn đề ấy.

Các hành động của OSCE được phối hợp bởi Văn Phòng Đại Diện Đặc Biệt Chống Lại Việc Buôn Người. Từ năm 2006, Văn Phòng này đặt dưới sự điều khiển của Bà Eva Biaudet, cựu dân biểu và Bộ Trưởng Y Tế và Các Dịch Vụ Xã Hội của Phần Lan. Văn phòng này đảm nhiệm việc huấn luyện các cơ quan chấp pháp thi hành việc chống buôn người, cổ động các chính sách nhằm nhổ tận gốc nạn tham nhũng và tội ác có tổ chức. Văn Phòng cũng tới thăm nhiều quốc gia, và nếu những quốc gia này yêu cầu, sẵn sàng trợ giúp việc soạn thảo cũng như thi hành các chính sách chống buôn người.

Về phía các chính phủ, thì hành động có thay đổi. Có nước ban hành các luật lệ đặc thù nhằm loại việc buôn người khỏi vòng pháp luật. Nhiều chính phủ cũng khai triển các hệ thống hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp của nhiều quốc gia và với các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện bị chỉ trích là không chịu làm gì cả hay đưa ra các biện pháp không hữu hiệu, trong việc nhận diện và che chở các nạn nhân của việc buôn người.

Về phần Liên Hiệp Quốc, năm 2000, đã chấp thuận Công Ước Chống Tội Ác Có Tổ Chức Liên Quốc Gia, quen gọi là Công Ước Palermo và hai nghị định thư: Nghị Định Thư Nhằm Phòng Ngừa, Loại Bỏ và Trừng Phạt Nạn Buôn Người, Nhất Là Phụ Nữ Và Trẻ Em; và Nghị Định Thư Chống Việc Chuyển Lậu Di Dân Bằng Đường Bộ, Đường Biển Và Đường Hàng Không. Tất cả các văn kiện này đều có chứa các điều của luật quốc tế hiện hành nhằm chống lại nạn buôn người.

Công Ước Của Hội Đồng Âu Châu Về Hành Động Chống Nạn Buôn Người đã được Hội Đồng này chấp thuận ngày 16 tháng Năm năm 2005. Mục đích của Công Ước là phòng ngừa và chống trả nạn buôn ngừa. Công Ước này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng Hai năm 2008. Từ trước đến nay, trong số 47 nước hội viên của Hội Đồng Âu Châu, đã có 21 nước ký vào Công Ước và 17 nước phê chuẩn nó.

Về phần các tổ chức phi chính phủ, ta thấy các tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế, Chống Nô Lệ Quốc Tế và Canh Chừng Nhân Quyền đều tổ chức nhiều chiến dịch chống việc buôn người. Ngoài ra, còn nhiều tổ chức phi chính phủ khác như CAST (Coalition to Abolish Slavery and Trafficking) thành lập năm 1998, đặt trụ sở tại Los Angeles; AAT (Alliance Anti Traffic), thành lập năm 2007 tại Pháp; Somaly Mam Foundation, thành lập năm 2007 tại Liên Hiệp Quốc với sự hỗ trợ của các cơ quan UNICEF, UNIFEM, và IOM, tổ chức này có điểm đặc biệt là khích lệ các nạn nhân buôn người trở thành các nhà tranh đấu cho việc thay đổi (dưới quyền điều khiển của Somaly Mam, một nhà tranh đấu nổi tiếng người Campuchia, tổ chức này được sự cộng tác của các nhân vật nổi tiếng quốc tế như Susan Sarandon, Daryl Hannah, Diane von Furstenberg, và Hillary Clinton); Redlight Children Campaign, thành lập năm 2002, đặc biệt chống việc buôn bán trẻ em…

Quan điểm của Tòa Thánh

Một số nhà tranh đấu xã hội gần đây lên tiếng chống lại việc quá chú trọng tới hình thức buôn người trong lãnh vực khai thác tình dục, mà sao lãng các hình thức buôn người khác. Tuy thế, phải nhận rằng lãnh vực bóc lột tình dục trong nạn buôn người là trầm trọng và lớn lao hơn cả. Chính vì thế, càng ngày người ta càng chú tâm đến lãnh vực này nhiều hơn.

Đối với nạn buôn người nói chung, Tòa Thánh Vatican và nhiều nhóm nữ tu Công Giáo từ lâu vốn hoạt động tích cực để chặn đứng tệ nạn này và gần đây, chính Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã gửi một thông điệp cho một hội nghị về vấn đề này vừa được tổ chức tại Rôma trong tháng Sáu, trong đó, ngài nhắc lại rằng vấn đề chặn đứng nạn buôn người là một ưu tiên đối với Giáo Hội.

Ngài chủ truơng: cần phải tạo ra một “ý thức đổi mới về giá trị khôn lường của sự sống và một dấn thân mỗi ngày một can đảm hơn đối với việc bảo vệ nhân quyền và vượt qua các lạm dụng đủ mọi loại”

Vấn đề trên cũng đang được bàn luận ở Anh. Một bản hướng dẫn của Viện Kitô Giáo công bố hồi tháng Sáu cho thấy Dự Luật Kiểm Soát và Tội Ác của chính phủ có đưa ra một số thay đổi luật lệ quan trọng liên quan đến nạn mãi dâm tại Anh và Wales. Các thay đổi này nhằm đặc biệt vào việc buôn người phục vụ tình dục.

Một trong các điều của dự luật này dự liệu rằng người mua dâm sẽ phạm tội nếu mua dâm từ một người bị bó buộc hành nghề bằng bạo lực, bằng lừa đảo hay đe dọa.

Ý niệm dùng bạo lực bao hàm việc cưỡng bức cả bằng các phương tiện tâm lý, như khai thác tình thế khốn khó của một ai đó. Viện Kitô Giáo cho rằng đây là một vi phạm phát sinh trách nhiệm pháp lý nghiêm nhặt, nghĩa là người mua dâm sẽ phạm tội bất kể họ biết hay không biết người hành nghề mãi dâm kia bị bó buộc.

Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II có nhắc đến vấn đề buôn người. Công Đồng nhắc nhở mọi người nhớ tới bổn phận phải trở thành người lân cận của mọi người và thúc giục mọi người hãy giúp đỡ những người đang bị bỏ rơi và đau khổ. Những lạm dụng như bắt người làm nô dịch và đĩ điếm được mô tả là vi phạm tới nhân vị con người. Coi con người “chỉ như dụng cụ kiếm lời, hơn là những con người tự do và có trách nhiệm” là một sự nhục mạ và chuốc độc toàn bộ xã hội nhân bản (số 28).

Gần đây hơn, Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ cho Di Dân và Người Du Lịch, có nói truyện tại một hội nghị tổ chức tại Vienna vào tháng Hai năm 2008 về chủ đề buôn người. Ngài nhìn nhận rằng giải pháp dễ dãi hiện không có. Xử lý các vụ lạm dụng nhân quyền kiểu này đòi một phương thức không những lưu tâm tới quyền lợi tốt nhất của nạn nhân mà còn phải trừng phạt công bằng những người được hưởng lời nhờ nó.

Ngài cũng khuyến cáo: cần phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa như là gây ý thức của công chúng đối với vấn đề này. Mặt khác, cũng cần phải xử lý đối với các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này, trong đó có cả các yếu tố kinh tế. Đây không phải là một vấn đề dễ dàng gì, nhưng một giải pháp đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tốt đối với hàng triệu cuộc đời đang chơi vơi.

Cũng nên nhớ tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetta cũng đã nhân danh Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề buôn nguời này. Ngài cho rằng vấn đề này là một vấn đề bao gồm nhiều chiều kích khác nhau và là hiện tượng nhục nhã nhất của thời đại này. Hiện tượng này sở dĩ không giải quyết được là do một số quốc gia không chịu ban hành các luật lệ đặc thù, do nạn nhân không biết gì về quyền lợi của họ, do cấu trúc xã hội và văn hóa và do các tranh chấp có vũ trang.

Ngài cho biết Tòa Thánh luôn luôn ý thức được tầm nghiêm trọng của tội ác buôn người. Năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã lập ra Ủy Ban Giáo Hoàng (nay là Hội Đồng) Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân và Người Du Lịch cũng là để theo dõi vấn đề các nạn nhân của nạn buôn người, được coi như nô lệ trong thời đại mới. Trong viễn tượng này, Hội Đồng Giáo Hoàng đã tổ chức hai Hội Nghị Thế Giới: hội nghị đầu nói về việc giải thóat các phụ nữ ngoài đường phố và hội nghị thứ hai nói về các trẻ em bụi đời. Từ hai hội nghị này, đã xuất hiện ấn phẩm chỉ dẫn về việc chăm sóc mục vụ cho những người bụi đường, đưa ra các đề nghị cụ thể để chống lại việc buôn người.

Đức TGM nói thêm: Hội Đồng cũng đã khuyến khích các Hội Đồng Giám Mục các nước đưa ra các sáng kiến cũng như vận động các nam nự tu sĩ, các giáo dân cũng như các hiệp hội và phong trào Công Giáo tham gia chiến dịch chống lại tệ nạn buôn người cũng như giúp đỡ các nạn nhân của tệ nạn này. Các Hội Đồng Giám Mục tại Nigeria, Ái Nhĩ Lan và Tây Ban Nha đã rất tích cực đáp ứng bằng cách ban hành các thư mục vụ chú trọng tới hoàn cảnh địa phương, đưa ra các biện pháp cụ thể như lắng nghe nạn nhân, cung cấp các phương tiện cần thiết giúp họ thoát được cảnh lạm dụng tình dục,tạo ra các nhà an toàn, khuyến khích việc huấn đạo (counseling) nhằm tái tích nhập nạn nhân vào xã hội cũng như giúp họ trở lại quê hương mà vẫn sống còn được.

Trên hết, Tòa Thánh nhấn mạnh rằng mọi cố gắng nhằm đương đầu với các hoạt động tội ác và bảo vệ các nạn nhân của chúng phải bao gồm “cả đàn ông lẫn đàn bà và phải đặt nhân quyền ở tâm điểm mọi chiến thuật”. Phía cầu của việc bóc lột tình dục, tức khách hàng mà phần lớn là đàn ông, cũng cần phải được giáo dục; điều này đòi họ một hiểu biết tốt hơn về các động lực hầu có thể giải quyết được các lý do của việc bạo hành đối với phụ nữ. Cùng một thái độ đó phải được đem áp dụng vào các hình thức buôn người khác thí dụ các hình thức đấu thầu đệ nhị đẳng (subcontracting) bất hợp pháp chỉ nhằm bóc lột các điều kiện lao động.

Ngoài ra, đối với các nước có tranh chấp vũ trang như Sierra Leone hay Liberia, Giáo Hội chìa bàn tay của mình cho các cựu binh lính trẻ em là những người rất dễ bị bóc lột ngay khi rời bỏ hàng ngũ dân quân, giúp các em tái nhập về phương diện xã hội và kinh tế, hàn gắn các vết thương của họ và nâng đỡ các gia đình và cộng đoàn của họ.

Điều đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Marchetta khuyến cáo Liên Hiệp Quốc nên cổ vũ việc thành lập các chương trình bồi thường, bằng tiền lời và tài sản tịch thu được từ các tay buôn người.
 
Đức Thánh Cha nói: các vị mang giây pallium cần giống như Đức Kitô
Bùi Hữu Thư
23:20 30/06/2009

Đức Thánh Cha nói: các vị mang giây pallium cần giống như Đức Kitô



Ghi nhận ý nghiã cuả giây len

VATICAN, ngày 30 tháng 6, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, giây pallium biểu hiệu cho cả đàn chiên của Chúa Kitô lẫn chính Chúa Kitô, vị chủ chiên nhân lành.

Đức Thánh Cha nói về ý nghiã của giây pallium khi ngài ban tặng cho 34 tân tổng giám mục chính tòa trong một Thánh Lễ ngày thứ hai, ngày Lễ Kính Thánh Phêrô và Phaolô.

Đức Thánh Cha làm phép các giây pallium sau Phụng Vụ Lời Chúa. Các Tổng Giám Mục đứng lên để tuyên xưng lòng trung thành và vâng lời vị Giám Mục thành Rôma rồi lần lượt tiếp nhận giây pallium từ tay Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha giải thích ý nghiã của giây len, “được dệt từ sợi len lấy từ các con cừu được Đức Thánh Cha làm phép vào ngày Lễ Thánh Anê."

Đức Thánh Cha Benedict XVI trích dẫn Phúc Âm Thánh Gioan, chương 21, ngài nói, "Giây len nhắc lại các con chiên và cừu của Chúa Kitô, đã được Chúa trao cho Thánh Phêrô coi sóc.”

Đức Thánh Cha tiếp, giây pallium cũng "nhắc nhớ đến chính Chúa Kitô, vị Chủ Chiên Nhân Lành, đã vác trên vai con chiên lạc – là nhân loại – để đem chúng trở về nhà."

Ngài tiếp, "Giây nhắc chúng ta sự kiện là vị Chủ Chiên Tối Cao, muốn làm cho mình trở thành Con Chiên, để ôm lấy định mệnh của tất cả chúng ta, để mang vác chúng ta và chữa lành chúng ta từ bên trong.”

Đức Thánh Cha cũng xin Chúa Giêsu “làm cho chúng ta trở nên những chủ chăn công chính như Người,” không phải vì bổn phận, nhưng với “tinh thần đại lượng."
 
Top Stories
Vatican to open Apostle Paul's tomb after surprise discovery
Michael Lawton, AP
00:24 30/06/2009
ROMA - St. Paul's Basilica was built over the apostle's grave in the fourth centuryThe human remains in an ancient Roman tomb may belong to Saint Paul, Pope Benedict XVI revealed in a surprise announcement. Now the Vatican wants to open the sarcophagus and conduct further tests.

The marble coffin in Rome's St. Paul's Basilica has never been opened, but, according to tests conducted thus far, the tomb contains pieces of human bone that have been dated to the time of Saint Paul.

Pope Benedict shared the findings Sunday at a service outside the church marking the end of the Vatican's Pauline year in honor of the apostle.

Bildunterschrift: Großansicht des Bildes mit der Bildunterschrift: The tomb in St. Paul's Basilica has been sealed for some five centuries

Carbon dating showed that the bone fragments belonged to someone who lived between the first and the second century AD, the pontiff said.

"This seems to confirm the unanimous and uncontested tradition that they are the mortal remains of the Apostle Paul," added Benedict.

Paul - born Saul - had actively persecuted Christians, but converted after seeing Jesus in a vision while on the road to Damascus. He is believed to have been beheaded in the year 67 in Rome after years of travel as an early missionary to spread the message of Jesus.

Archeologists collected the bone fragments by inserting a probe through a small hole in the tomb, which is located under the basilica's main altar.

Bits of incense, purple linen with gold sequins and blue linen were also found, said the pope.

Though the findings had been known for more than a year, the Vatican waited for Benedict to make the official announcement. He is likely to approve further tests and the opening of the tomb.
 
Benedict-Obama: Much in common
John L. Allen Jr., NCR
03:07 30/06/2009
These seemingly mismatched figures may yet find a way to live together

VATICAN June 29, 2009: Unless the earth collides with another planet the day before, the July 10 meeting between Pope Benedict XVI and U.S. President Barack Obama, confirmed by the Vatican last week, ought to be a major news story on the strength of both style and substance.

At the level of style, it’s an odd-couple match made in Heaven. One can pick a favorite contrast: Obama the ultimate in hip, and Benedict the shy professor; Obama the icon of youthful vigor, Benedict now a venerable 82; Obama the master of 21st century communications, Benedict the occasionally PR-challenged pontiff; Obama the symbol of multiculturalism, almost a walking billboard for the United Colors of Benetton, versus Benedict the consummate old-world European.

Drilling down, however, the two men have more in common than may appear at first blush. Both are rock stars with their base (Obama among young liberals, Benedict among Catholic conservatives), and both have occasionally disappointed their fiercest ideological devotees. Notably, both have gone out of their way to show respect for the other; Benedict broke protocol to congratulate Obama even before he took office, and Obama has nominated a Vatican ambassador who doesn’t trip any wires over abortion.

Like the original odd couple, it’s therefore possible these seemingly mismatched figures may yet find a way to live together.

In terms of substance, every meeting between a pope and a president is noteworthy, because the United States is the world’s most important “hard power,” its greatest military and economic juggernaut, while the papacy wields the greatest “bully pulpit” among world religions. When these two forces are in alignment, history can change, as happened when the late Pope John Paul II and President Ronald Reagan helped set the dominoes in motion that led to the collapse of communism.

Yet the July 10 meeting between Benedict and Obama, the first between the two leaders, looms large even in this heady context.

For one thing, it has obvious American political subtext. Despite his strong approval ratings, Obama faces two major centers of opposition: Fiscal conservatives who believe his economic policies amount to “generational theft,” and social conservatives focused on matters such as abortion and gay rights. The latter constituency is buoyed by pro-life Catholics, including a number of American bishops. But there’s also a more Obama-friendly wing of the American church, again including some bishops, which accents issues such as poverty relief, international peace-making, immigration reform and health care.

If Benedict takes Obama to task on abortion, as he did with House Speaker Nancy Pelosi last February, it could strengthen American Catholics eager to challenge the administration. But if the meeting has a more positive tone, focused on areas of common ground, it could prove a boon for Catholics seeking constructive engagement.

One bit of timing may favor a meeting of minds: The July 10 encounter should take place just days after Benedict releases his new social encyclical, “Truth in Charity,” in which the pope is likely to argue for robust public intervention in the economy to defend the poor -- an area where the economic philosophy of the Obama administration and the pope’s social teaching seem, at least in a big-picture sense, to have some affinity.

Internationally, senior Vatican diplomats have long felt that Obama may be better suited to some of the church’s foreign policy concerns than his immediate predecessor, George Bush. That’s a core reason that L’Osservatore Romano, the Vatican newspaper, has been basically friendly to Obama, even insisting that he’s not a “pro-abortion president.” In particular, Pope Benedict’s top inter-faith priority these days is promoting an “alliance of civilizations” with Islam, and Vatican officials were favorably impressed by Obama’s outreach to the Islamic world in his June 4 speech in Cairo.

All that should be on the agenda during the July 10 meeting. If the event follows normal protocol, senior American and Vatican officials will also sit down for longer talks following the pope’s session with the president.

One point that’s not yet clear is whether Obama’s new ambassador to the Vatican, Catholic theologian Miguel Diaz, will be on the job when the pope and president get together. To date, the Senate has not yet scheduled a confirmation hearing for Diaz. In the past, however, those sessions for Vatican ambassadors have rarely taken more than a few hours, and it’s possible that a Senate vote could be scheduled in time to allow Diaz to be present.

[John L. Allen Jr. is NCR senior correspondent. He is in Rome June 29 through July 10 to cover among other things, the meeting between the pope and the president.]

(Source: http://ncronline.org/news/vatican/benedict-obama-much-common
 
Healthy collaboration between church, government possible, says pope
Carol Glatz, CNS
16:02 30/06/2009
VATICAN (CNS) -- The Catholic Church is not a threat to the Vietnamese government and a healthy collaboration between the two is possible, Pope Benedict XVI told Vietnamese bishops.

The church "has absolutely no intention of substituting itself with those in charge of governing, but it only wishes to be able to play an appropriate part in the life of the nation and being at the service of the people in a spirit of dialogue and respectful collaboration," he said.

The pope met with bishops from Vietnam during an audience June 27 at the Vatican. The bishops were making their "ad limina" visits to Rome to report on the status of their dioceses.

Pope Benedict told them, "You know as I do that a healthy collaboration between the church and the political community is possible."

The church calls on all Catholics to work toward the building of society that is marked by justice, solidarity and equality, he said.

Catholic laity and families play a crucial role in building a better world, especially in teaching children "to live with an unswerving conscience in faith and truth," he said.

The Catholic family should nurture and be the source of human values and virtues and be "a school of faith and love toward God," he said, adding that proper formation was, therefore, critical.

The life of a lay Catholic should exemplify "charity, honesty and love for the common good," proving that a good Catholic is a good citizen, said the pope.

"Religions do not represent a danger to the unity of a nation because they aim to help individuals become holy" and be at the generous service of others, he said.

There are continued restrictions on Catholic life in Vietnam and the Vietnamese government continues to insist on approving the candidates for bishop before the pope names them officially. The Vatican and Vietnam do not have diplomatic relations, but Vatican diplomats make annual visits to Vietnam to discuss church-state relations and other specific questions.

Of Vietnam's 83 million inhabitants, some six million, or 7 percent of the population, are Catholic.

(Source: http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/0902962.htm)
 
CHINE - Hongkong: l’évêque du diocèse soutient les manifestants pour la démocratie, sans toutefois participer à la traditionnelle marche du 1er juillet
Eglises d'Asie
16:08 30/06/2009
Mgr John Tong Hon, qui a pris la succession du cardinal Zen à la tête du diocèse catholique de Hongkong le 15 avril dernier, a précisé qu’il ne prendrait pas part au traditionnel cortège pour la démocratie ce 1er juillet, bien qu’il soutienne les actions des catholiques en faveur de cette manifestation.

La marche du 1er juillet a lieu chaque année dans l’ancienne colonie anglaise depuis 1997, date du retour de Hongkong sous le drapeau chinois. Organisée en marge des cérémonies officielles, elle est entrée dans l’Histoire en 2003 lorsque plus de 500 000 personnes sont descendues dans la rue manifester pacifiquement leur opposition à un projet de loi potentiellement liberticide. Depuis, elle fait office de baromètre de la mobilisation politique des Hongkongais et, cette année, Pékin tout comme les responsables du gouvernement local semblent redouter une participation plutôt élevée. Le Front civique des droits de l’homme, organisateur de la marche, estime que quelque 100 000 Hongkongais pourraient manifester ce mercredi 1er juillet (1).

S’agissant du cardinal Joseph Zen Ze-kiun, la question de sa participation à cette manifestation a souvent été posée. Le cardinal, aujourd’hui évêque émérite de Hongkong, y avait répondu tout d’abord en choisissant de prendre part, non à la marche elle-même, mais au temps de prière œcuménique organisé avant la marche elle-même par des organisations protestantes et la Commission ‘Justice et Paix’ du diocèse catholique de Hongkong. En 2003 et les années suivantes, le cardinal faisait un pas supplémentaire en prenant la parole lors de ce temps de prière, et, enfin, en 2007, il participa directement à la marche.

De son côté, Mgr John Tong Hon, du temps où il était l’évêque auxiliaire du cardinal Zen, n’avait jamais pris part aux marches du 1er juillet ni même aux temps de prière les précédant. Interrogé le 26 juin par la presse hongkongaise sur la signification de son absence à la marche du 1er juillet, notamment sur le fait de savoir si cela indiquait qu’il souhaitait ménager Pékin d’une manière ou d’une autre, Mgr John Tong Hon a répliqué qu’il était en contact avec des responsables chinois mais que les principes qui l’animaient étaient connus et n’avaient pas changé. « J’encourage les catholiques à prendre part aux affaires de la cité en fidélité avec la doctrine sociale de l’Eglise. Il leur revient de déterminer les modalités que doit prendre leur action », a-t-il expliqué, en soulignant qu’il soutenait le travail de la Commission ‘Justice et Paix’.

Toujours devant les journalistes, Mgr John Tong Hon a également appelé à la remise en liberté du militant Liu Xiaobo. « La liberté d’expression est nécessaire et j’espère que le gouvernement central autorisera l’exercice de cette liberté. Permettre à différentes opinions de s’exprimer est bénéfique pour la nation, car c’est la seule solution dont nous disposons pour élargir nos perspectives », a déclaré Mgr Tong. Agé de 53 ans, ancien professeur de philosophie, Liu Xiaobo est l’un des 300 signataires de la « Charte 08 » appelant à des réformes démocratiques. Interpellé à Pékin le 8 décembre dernier en même temps que plusieurs autres militants qui s’apprêtaient à célébrer le 60ème anniversaire de la déclaration universelle des droits de l’homme, il a été maintenu au secret jusqu’au 23 juin, date à laquelle il a été inculpé d’« incitation à la subversion du pouvoir de l’Etat ».

Pour sa part, le cardinal Zen, qui, le 26 juin, revenait tout juste d’un séjour à Rome, a précisé aux journalistes que, n’étant plus l’évêque en charge du diocèse, il ne prendrait pas part à la manifestation du 1er juillet, mais que son soutien au suffrage universel restait inchangé. « Chacun sait bien que je suis pour la démocratie », a-t-il conclu.

(1) La mobilisation citoyenne est forte ces temps-ci à Hongkong. Pour le 20ème anniversaire du massacre de Tienanmen, le 4 juin dernier, près de 150 000 Hongkongais ont pris part aux manifestations commémoratives du Printemps de Pékin (voir EDA 509). Pour le 1er juillet 2009 – une année sensible car marquant le 60ème anniversaire de la fondation de la République populaire de Chine ou bien encore le 30ème anniversaire des réformes initiées par Deng Xiaoping –, le gouvernement local, à Hongkong, redoute une forte mobilisation des employés de la fonction publique, inquiets de certaines réformes en cours.

(Source: Eglises d'Asie, 30 juin 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Tạ Ơn mừng Kim Khánh LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
Trương Trí
00:03 30/06/2009
KIM KHÁNH LINH MỤC EMMANUEN NGUYỄN VINH GIOANG 29.06.1959 - 29.06.2009

HUẾ - Sáng ngày 29.06.2009, tại nguyện đường Nhà Chung tổng giáo phận Huế, đông đảo linh mục quây quần quanh linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ và Thánh hóa Ngài trong suốt 50 năm linh mục.

Đẹp thay ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi.
Đẹp thay ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường.


Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng trong ngôi nguyện đường bé nhỏ vẫn luôn tỏa sự ấm cúng tràn đầy yêu thương và cả sự quý trọng của linh mục đoàn đối với Ngài.

Với hành trình 50 năm linh mục, cha Emmanuen đã trải qua biết bao biến cố thời cuộc của đất nước, nhưng những bước chân của Ngài đi đến dù bất cứ nơi đâu, luôn với nụ cười nở tươi trên môi, ân cần thăm hỏi mọi người. Là một linh mục, đối với Ngài, Thánh lễ là trên hết. Trong thời gian 23 năm quản nhiệm Lavang (1972-1995), nhất là giai đoạn sau ngày giải phóng miền Nam 1975, Thánh địa Lavang bị cấm lễ hoàn toàn. Ngài vẫn kiên trì áp dụng nghi thức ngôn lễ rồi vẫn truyền phép Thánh thể một cách kín đáo để cộng đoàn dân Chúa được tham dự thánh lễ hằng ngày bằng mọi hình thức,mãi đến năm 1984 Ngài mới thực sự công khai dâng thánh lễ hằng ngày.

Ngài là con người độ lượng và bao dung: Hôm mồng một tết Nguyên đán vừa qua, khi đó còn quản xứ Diên Sanh, Ngài bị một thanh niên tấn công và bị thương, sau đó công an tìm ra thủ phạm, Ngài vẫn xin tha cho họ. Cha Emmanuen không sợ người khác làm mất lòng mình,vì Ngài luôn tha thứ, Ngài chỉ sợ mất lòng người khác. Trong thánh lễ tạ ơn Ngài đã nói: mong tất cả mọi người, các anh em linh mục bỏ qua mọi thiếu sót lỗi lầm cho dù chút xíu thôi để trong tâm hồn Ngài được thanh thản.

Ngài là người của công việc: dịp lễ Phục Sinh vừa qua Ngài được Đức Tổng Giám mục cho nghỉ hưu, nhưng Ngài vẫn làm việc không nghỉ. Ngài phụ trách trang web của giáo phận, luôn kịp thời đưa tin tức đến cho cộng đoàn dân Chúa. Đó cũng là một cách truyền giáo hiện đại đến với mọi người trên thế giới. Ngài luôn nhiệt tình truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ sau. Cha Emmanuen thật sự là con người thánh thiện, luôn yêu mến Chúa hết lòng, như trong bài giảng lễ, linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý, hạt trưởng hạt Quảng Trị đã nói:”Chúng ta có thể soi chiếu cuộc đời linh mục của cha Emmanuen qua 2 thánh tông đồ Phêrô và Phaolô mà chúng ta kính trọng thể hôm nay. Hai Ngài đều cảm nhận được sâu xa rằng mình rất yêu mến Đức Kitô. Thánh Phêrô thì: “Lạy Thầy con yêu mến Thầy”, còn Thánh Phaolô thì “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu Thiên Chúa”. Chính vì tình yêu Đức Kitô mà các Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng thật hăng say nhiệt tình cho đến chết. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã chọn gọi Cha Emmanuen rao giảng lời Chúa thật hăng say trong suốt quãng đời 50 năm linh mục mà hôm nay chúng ta mừng Kim Khánh.”

Sau thánh lễ, Cha Emmanuen đã cùng cộng đoàn linh mục hướng về Đức Mẹ Lavang và Thánh cả Giuse dâng lời kinh tiếng hát với tâm tình tạ ơn. Đồng thời mời mọi người tham dự tiệc mừng ngày kỉ niệm trọng đại của Cha Emmanuen.

Cha Emmanuen từng là cộng tác viên của VietCatholic, Ngài đã thường xuyên cung cấp cho độc giả khắp nơi những bài viết và những tin tức rất chính xác và cập nhật về tình hình giáo hội tại Miền Trung Việt Nam. Gần đây Đức TGM Huế đã giao cho Ngài trọng trách trông coi trang Web của TGP Huế. Nhân dịp này, toàn thể Ban Biên Tập và độc giả của VietCatholic xin kính chúc Cha Emmanuen "ad multos annos" "Trường thọ và khang an trong cánh tay Chúa và Đức Mẹ Maria".
 
Lễ Khánh thành Nhà thờ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Sacramento
Châu Ngọc Thủy
00:17 30/06/2009
SACRAMENTO - Lễ Thánh Hiến Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Muôn đời con sẽ tụng ca danh Ngài...

Chúa nhật 28 tháng 6 năm 2009 tại Sacramento thủ phủ của tiểu bang California, cộng đoàn các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã được Đức Giám mục sở tại James Soto thánh hiến trung tâm sinh hoạt mới của cộng đoàn. Với tràn đầy hân hoan phấn khởi tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thương đến Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại đây suốt từ ngày định cư năm 1975 cho tới bây giờ.

Trong phần lịch sử của Cộng đoàn Công giáo Việt nam, cha cố Nguyễn Văn Vi là người đã gầy dựng tạo mãi được một ngôi thánh đường thật khang trang tại một khu đất xa thị thành và cư dân. Những vị Quản nhiệm kế tiếp là cha Nguyễn Văn Hoan, cha Nguyễn Văn Dũng đã giúp đỡ Cộng đoàn cho tới tháng 6 năm 1994, giáo phận đã mời Dòng Đồng Công Missouri đến giúp đỡ. Cha Thadeo Nguyễn Ngọc Ban, CMC đã về với cộng đoàn Công giáo từ năm đó cho tới bây giờ.

Trong Thánh Lễ Thánh Hiến, Đức cha Soto đã rất cảm động trước cộng đoàn (hơn 3 ngàn giáo dân) Ngài rất hãnh diện với cộng đoàn Việt Nam với chương trình đại lễ thật nghiêm trang. Trong phần bài giảng bằng tiếng Anh, Ngài đã áp dụng với tin mừng "phúc cho ai được sống trong nhà Chúa"... ngài nhắc tới tất cả quý cha thành lập Cộng đoàn đặc biệt là cha Ban yêu quí đã dầy công tạo dựng trung tâm mới này; trung tâm này được kính nhớ các vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngài ước mong nơi này "trở thành nơi gặp gỡ Chúa của giới trẻ, để duy trì đức tin, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Xin Chúa chúc lành xuống cha Francis Lương đã thay thế cha Ban trong thời gian bị tai nạn; cha Phillip Trần Khả, quản nhiệm mới của cộng đoàn".

"Đây là nhà thờ của Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, mặc dù Ngài vô hình nhưng thật sự sống giữa nơi anh chị em. Chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động làm thành trì cho Thiên Chúa ngự muôn đời.. .. Tôi cầu chúc cho cộng đoàn này được duy trì hết đời này sang đời khác..."

Tiếp sau đó là Đức cha Mai Thanh Lương diễn giảng lại bằng tiếng Việt cho cộng đoàn dân Chúa hiện diện. Ngài lợi dụng một số anh chị em người Mỹ tham dự để nói thêm về lai lịch "Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những ai?.. thật thế, không một nước nào trên thế giới có những Đấng Anh Hùng Tử Đạo như Việt Nam chúng ta: Từ Giám mục, quan quyền, các thầy giảng giáo lý, các chức bậc trong dân Chúa... họ dám can đảm tuyên xưng danh Chúa qua cái chết vì yêu thương; chúng ta hãy sống xứng đáng là những người thừa tự của các Đấng Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam trong thời đại này qua những thử thách gian nan..."

Sau Thánh lễ, là buổi đại tiệc và văn nghệ. Tất cả các ban ngành đoàn thể đều đóng góp những món ăn thuần túy dân tộc. Số thực phẩm có thể cung ứng cho 5 ngàn thực khách. Chương trình văn nghệ rất là đặc sắc do tất cả anh chị em nghệ sĩ của giáo xứ. Đặc biệt có ca sĩ Nguyễn Hồng Ân từ Việt nam đóng góp những bài ca quê hương rất ngọt ngào. Đoàn vũ của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, với các tiết mục khác vui nhộn dưới sự điều khiển của MC bác sĩ Tuấn.

Trong buổi tiệc mừng và tạ ơn sau lễ Thánh Hiến tân thánh đường, Ông trưởng ban tổ chức Nguyễn Chính Hoan và Ông Trưởng Mục Vụ Đoàn Đức Hảo đã có những lời khai mạc như sau:

"Kính thưa Đức cha Soto, Đức cha Mai Thanh Lương, quý linh mục Việt-Mỹ, quý thầy Sáu, quý tu sĩ nam nữ, và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, thật là một vinh dự cho cộng đoàn chúng con được đón tiếp quý vị trong khung cảnh mát mẻ nhưng ấm cúng của hội trường hôm nay. Nhờ Hồng Ân Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng như bao nhiêu công đức của toàn thể cộng đoàn, trong đó có sự góp phần không nhỏ của các Hội và các Đoàn thể như Hội Các Bà Mẹ Công giáo, Hội Legio Marie, Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, Hội Tôn vương gia đình, Phong Trào Đền Tạ, Hội bảo trợ ơn thiên triệu, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, gian hàng nước, gian hàng rau, gian hàng bánh kẹo, các Ca Đoàn, hôm nay chúng ta đã có một trung tâm mục vụ thật khang trang và rộng rãi.

Sau 7 năm hoạch định, quyên góp, chờ đợi và trải qua nhiều khó khăn trở ngại, chúng ta đã đạ được mục đích. Một ngôi thánh đường mới. Tạ ơn Thiên Chúa.

Dĩ nhiên chúng ta không thể quên được sự trợ giúp và khích lệ đặc biệt của Đức Giám mục William Weigand, cựu GM/ ĐP/ Sacramento, ngài đã góp phần đắc lực để ủng hộ, khích lệ và ký nghị quyến để Ban Tài Chánh Địa phận mua cho chúng ta vùng đất hứa này. Ngài đã đặt viên đá đầu tiên cho phép cộng đoàn Việt Nam tiến hành xây dựng nhà thờ mới. Nhờ thế chúng ta mới có thể tạo dựng được một Trung Tâm Mục Vụ ngày hôm nay.


Trong gần 15 năm tại chức, kể từ tháng Sáu năm 1994, Linh mục cựu Quản nhiệm, Thadeo Nguyễn Ngọc Ban đã góp nhặt từng đồng, đã khích lệ, và nhắc nhở mỗi người, mỗi hội đoàn đóng góp cũng như tham gia vào các công tác xây dựng nhà Chúa. Thật là một công trình đáng kể vì khi cha Ban nhận chức năm 1994, quỹ cộng đoàn chỉ có $50,000.00; nhưng khi khởi công xây dựng năm 2006, quỹ cộng đoàn đã lên tới trên 4 triệu mỹ kim. Vì thế ngày hôm nay, chúng ta đã có cơ hội hân hoan mừng Đại Lễ Khánh Thành Trung Tâm Mục Vụ mới. (gồm một thánh đường dung nạp 700 chỗ ngồi; Hội trường với 2 ngàn chỗ ngồi; và trường học với 12 phòng; một bãi đậu xe rất rộng rãi).

Hiệp cùng Cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để tôn vinh Thiên Chúa với biết bao hồng ân lãnh nhận trong suốt dòng lịch sử của cộng đoàn Công giáo Sacramento. Cùng với bài thánh ca Niềm Vui Thiết Tha của Phanxicô:

Niềm vui, niềm vui dâng thiết tha

khi bước vào đền thánh Chúa Trời ta.

Ngay nơi đây Chúa ban tình thương,

muôn người đến chung tôn thờ, tôn thờ tình Chúa ta.

1-Xin Chúa đỡ nâng con đêm ngày,

xin thương tình dắt dìu đời con,

xin cho con vui trên đường đời.

Xin cho con say trong tình Ngài.

2-Con mong ước bao nhiêu tháng ngày,

mong tâm hồn thắm đẹp tình yêu,

tâm tư con trông mong một điều.

Cho con luôn sống trong nhà Ngài.


Cầu chúc Cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa; đoàn kết và thăng tiến xứng đáng là con cháu của Các Thánh Tử Đạo cha ông của chúng ta tại đất nước Hoa Kỳ này.



 
Nhật ký Ad Limina HĐGMVN: Đời sống Thánh hiến (6)
UB Truyền thông HĐGMVN
00:34 30/06/2009
NHẬT KÝ AD LIMINA 2009 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Thứ sáu 26.06.2009

Bộ Đời sống Thánh hiến

Đức Hồng y Franc Rodé, Bộ trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và Huynh đoàn Tông đồ, chào đón đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam bằng những lời nồng nhiệt: “Cuộc thăm viếng này đem lại niềm vui lớn cho chúng tôi. Sau nhiều thử thách, Giáo Hội Việt Nam đã cho thấy sức sống đáng ngạc nhiên. Việc có dồi dào ơn gọi linh mục cũng như tu sĩ nam nữ là một ngoại lệ rất đáng mừng của Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay của Hội Thánh. Chắc chắn đó là hồng ân của Thiên Chúa, nhưng cũng là phần thưởng cho đức tin và lòng trung thành của Dân Chúa tại Việt Nam. Phải hết sức duy trì lòng trung thành với Tin Mừng và Hội Thánh. Đừng để cho sự tự do biến Hội Thánh thành hời hợt, thờ ơ hay ham chuộng vật chất. Đừng để cho sự tự do làm mất đi chiều sâu. Nhiều nơi đang hy vọng đón các thừa sai từ Việt Nam đến.”

Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, chủ tịch Ủy ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục, trình bày về tình hình đời tu ở Việt Nam hiện nay: 13.382 nữ tu, 1481 nam tu sĩ, 607 linh mục dòng. Sau năm 1954, Việt Nam bị chia đôi, đời tu phát triển mạnh ở miền Nam, trong khi ở miền Bắc hầu như không còn tu sĩ.

Chỉ trong những năm gần đây các cộng đoàn dòng tu mới hoạt động mạnh mẽ hơn ở miền Nam và bắt đầu được khôi phục ở miền Bắc. Các dòng, các tu hội, các tu đoàn đều có nhà tập. Con số tu sĩ gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện có 175 cộng đoàn tu sĩ, trong đó 133 đã hoạt động từ trước năm 1975, và 42 mới có từ sau năm 1975.

Các hoạt động chính của các tu sĩ gồm: (1) mục vụ: dạy giáo lý, phụ trách thánh ca, phụ trách các hội đoàn…; (2) giáo dục: nhà trẻ, mẫu giáo, giúp sinh viên học sinh…; (3) bác ái: chăm sóc người bệnh (đặc biệt bệnh phong, bệnh aids), người già, cô nhi, khuyết tật, những cô gái lầm lỡ…

Ngoài ra, một số Dòng đã gửi các tu sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài. Trong khi các tu sĩ nam ít hơn nhưng lại dồi dào nhân sự đào tạo hơn. Các nữ tu đông hơn nhiều, nhưng lại khó khăn hơn về vật chất cũng như về nhân sự.

Nói chung việc đào tạo gặp khó khăn vì thiếu nhân sự, tài liệu và kinh phí. Nhìn về tương lai, giới tu sĩ Việt Nam có rất nhiều triển vọng: sẽ tiếp tục phát triển và sẽ phục vụ Hội Thánh đắc lực hơn. Đức Hồng y Bộ trưởng đánh giá bản tường trình là rất tích cực. Một vài khó khăn thì ở đâu cũng có, phải chấp nhận và cố gắng vượt qua, Bộ sẵn lòng giúp trong những gì có thể làm được.

Sau khi các Đức cha nêu một số câu hỏi và các chuyên viên giải đáp, Đức Hồng y Bộ trưởng kết luận: “Cha Matteo Ricci đã làm tất cả những gì làm được để đức tin công giáo trở nên gần gũi với văn hóa Trung Hoa. May mắn là tâm hồn người Việt Nam gần như đồng khuôn với Tin Mừng, nên viễn tượng Phúc Âm hóa thật là lạc quan. Nhìn vào hiện trạng đời tu ở Việt Nam, có thể nói như triết gia vô thần Nietzsche nói về văn hóa Hy Lạp: “Dân tộc này đã phải hy sinh bao nhiêu mới tạo được bấy nhiêu vẻ đẹp!”

Hội đồng Tòa thánh về Mục vụ Di dân

Để có thể tiếp xúc với tất cả các Bộ và Hội đồng Toà thánh, các giám mục Việt Nam không chỉ làm việc vào buổi sáng mà còn tận dụng cả buổi chiều.

Chiều hôm nay, lúc 16g30, các giám mục có mặt tại Văn phòng của Hội đồng Toà thánh về Mục vụ Di dân.

Đức Hồng y Chủ tịch, Đức cha Tổng thư ký và một số đông các viên chức thuộc Hội đồng này đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ. Trước hết, các ngài đề nghị phương pháp làm việc cho buổi gặp gỡ: giới thiệu đôi nét về Hội đồng Toà thánh về Di dân, lắng nghe các giám mục Việt Nam trình bày, trao đổi về những điểm cần thiết, sau đó các chuyên viên thuộc Hội đồng sẽ trình bày những khía cạnh khác nhau trong lãnh vực mục vụ này.

Trong phần giới thiệu về Hội đồng, Đức Hồng y Chủ tịch cũng như Đức cha Tổng thư ký đã nhấn mạnh đến chiều kích mục vụ, và trong ý hướng đó, các ngài nói đến ba hoạt động chính là: khơi dậy ý thức về lãnh vực mục vụ quan trọng này, thúc đẩy những sáng kiến nhằm đáp trả nhu cầu được đặt ra, và phối hợp các Giáo Hội địa phương cũng như các tổ chức quốc tế trong nỗ lực giải quyết các vấn đề mục vụ.

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã trình bày cho Hội đồng Toà thánh biết về tình hình di dân tại Việt Nam, di dân trong nước từ nơi này sang nơi khác cũng như di dân Việt Nam ở nước ngoài.

Từ đó, ngài cho thấy nhu cầu đào tạo những nhân sự có khả năng giúp anh chị em di dân vừa hội nhập tích cực vào môi trường mới, lại vừa giữ được căn tính của mình và gắn bó với môi trường gốc của mình. Công việc đào tạo đó đòi hỏi những phương tiện tối thiểu, đồng thời mục vụ di dân đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nơi từ đó anh chị em di dân ra đi và nơi họ tới để sinh sống và làm việc.

Đức Hồng y cũng đề nghị Hội đồng Toà thánh, trong khả năng có thể, giúp đỡ cho Giáo Hội Việt Nam trong lãnh vực này. Tiếp theo phần trình bày chính thức của Đức Hồng y, một vài giám mục cũng đề cập đến những khía cạnh khác mà các ngài đặc biệt quan tâm.

Sau khi lắng nghe các giám mục Việt Nam, Đức cha Tổng thư ký của Hội đồng Toà thánh đã có những góp ý cụ thể, rồi ngài mời các chuyên viên từng người trình bày vắn tắt về một số lãnh vực liên quan đến mục vụ di dân. Phần trình bày này cho thấy Hội đồng Toà thánh không chỉ quan tâm đến những anh chị em di dân mà còn có những lãnh vực khác, ví dụ những người đi biển, khách du lịch và hành hương, mục vụ giao thông trên đường phố… Tất cả được gọi chung là “những người đang di chuyển” (people on the move). Đây là vấn đề mục vụ rất lớn trong một thế giới không ngừng chuyển động như thế giới ngày nay.

Dù còn nhiều điều muốn trao đổi nhưng các giám mục Việt Nam phải chào tạm biệt Hội đồng Tòa thánh về Di dân để đến thăm Hội đồng Toà thánh về Công lý và Hoà bình.

Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình

Đây là Hội đồng Toà thánh mà Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng làm Chủ tịch; vì thế, khi tiếp đoàn giám mục Việt Nam, Đức Hồng y Martino là vị chủ tịch hiện nay đã lập tức nhắc đến Đức Cố Hồng y với tất cả lòng kính phục và yêu mến.

Ngài cho biết Hội đồng rất tha thiết với việc thúc đẩy tiến trình xin phong chân phước cho Đức Cố Hồng y. Đồng thời ngài cũng chân thành cảm ơn Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến cho Giáo Hội toàn cầu một tấm gương thánh thiện như Đức Cố Hồng y Phanxicô, và ngài ca ngợi các giám mục Việt Nam đã can đảm và khôn ngoan hướng dẫn Dân Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn.

Thay lời cho Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã trình bày những hoạt động của Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc HĐGMVN.

Bài trình bày cho thấy nhiều vấn đề mà xã hội Việt Nam đã và đang phải đối diện: tình trạng đói nghèo, tham nhũng, nền giáo dục thiếu sót, nạn bạo hành trong gia đình, nạn phá thai tràn lan, nạn mãi dâm, ma túy…


 
Nhật ký Ad Limina: ĐTC Benedictô gặp các Giám mục Việt Nam (7)
UB Truyền thông HĐGMVN
05:31 30/06/2009
NHẬT KÝ AD LIMINA 2009 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (7)

Thứ bảy 27.06.2009: YẾT KIẾN ĐỨC THÁNH CHA

VATICAN - Sau khi đã gặp riêng các Đức cha giáo tỉnh Hà Nội, hôm nay Đức Thánh Cha bắt đầu gặp riêng các Đức cha thuộc giáo tỉnh Huế. Cũng trong ngày hôm nay, Đức cha Thái Bình rời Roma sớm, đồng thời Đức cha Kontum là vị cuối cùng đến Roma.

Tâm điểm của ngày hôm nay là cuộc tiếp kiến chung Hội đồng Giám mục Việt Nam lúc 12 giờ trưa. 29 Đức cha có mặt từ 11g30 trong phòng tiếp kiến. Đúng 12 giờ, Đức Thánh Cha đến cùng với một Đức Tổng Giám mục và một Đức Ông. Ngài được các Đức cha Việt Nam. chào đón bằng một tràng pháo tay. Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục đọc lời chào mừng bằng tiếng Pháp, tựa đề “Hành trình đức Tin trong đức Mến và đức Cậy”.

Sau khi nói lên ý nghĩa hiệp thông của cuộc gặp gỡ vào thời điểm Giáo Hội Việt Nam bước vào những ngày kỷ niệm trọng đại, Đức cha chủ tịch nói: “Việc ôn lại quá khứ lấp đầy lòng chúng con tâm tình tri ân với Đức Chúa của lịch sử và Hiền Thê của Người là Hội Thánh, Hiền Mẫu yêu dấu của chúng con. Nhưng sự nhận thức về ân huệ nguồn cội không cho phép chúng con tự khép kín vào quá khứ hoặc vào bản thân mình, trái lại sự nhận thức đó đưa đẩy chúng con vào những nẻo đường mới mẻ của thời đại hiện tại và tương lai. Thật vậy, khi tưởng nhớ các tổ tiên của chúng con trong đức tin, các vị mục tử tận tụy của chúng con, cách riêng rất nhiều những chứng nhân tử vì đạo trung kiên mà máu đào đổ ra đã làm gia tăng con số các tín hữu và khơi dậy biết bao ơn gọi linh mục và tu sĩ cho đến tận hôm nay, thì chính việc tưởng nhớ đó mời gọi chúng con sống ân huệ đức tin một cách sâu sắc và tiếp nối sự làm chứng của các ngài cho Phúc Âm giữa lòng thế giới và giữa lòng một xã hội đầy ắp những hứa hẹn cũng như những thách đố.” Rồi ngài nói đến một giấc mơ: Đức Thánh Cha đến La Vang. Các Đức cha vỗ tay như mời gọi và chào đón.

Đáp từ, Đức Thánh Cha cho biết ngài vui mừng được gặp các giám mục Việt Nam vì biết các tín hữu Việt Nam “liên kết sâu xa với Hội Thánh và Đức Giáo Hoàng bằng lòng trung thành và lòng yêu mến”.

Rồi ngài chào các giám mục mới được bổ nhiệm kể từ lần thăm viếng Ad Limina trước. Nhắc đến Đức Cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, ngài đề cao lòng nhiệt thành được thể hiện qua sự khiêm tốn, lòng yêu mến giáo dân và tình huynh đệ đối với các linh mục. Vì đang ở những ngày đầu của năm linh mục, ngài muốn cảm ơn các linh mục và tu sĩ đã dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và nỗ lực hoạt động để thánh hóa Dân Chúa.

Ngài nhắn nhủ các giám mục “lưu tâm đến việc đào tạo linh mục cho tốt, bằng cách nâng cao đời sống đức tin cũng như trình độ văn hóa, để các linh mục có thể phục vụ đắc lực Hội Thánh và xã hội”. Ngài yêu cầu các giám mục chăm lo đặc biệt giới trẻ, nhất là những người từ thôn quê ra thành thị để học hay làm việc.

Nhắc đến Năm Thánh 2010 sắp tới, ngài nói: “Nhân dịp này, phải mời gọi Dân Chúa dâng lời tạ ơn vì ân huệ Đức Tin vào Chúa Giêsu Kitô. Ân huệ này đã được đón nhận một cách quảng đại, được nhiều vị tử đạo sống và làm chứng để công bố sự thật và tính phổ quát của Đức Tin nơi Thiên Chúa. Theo nghĩa ấy, chứng từ của các vị tử đạo về Đức Kitô là việc cao cả nhất Hội Thánh có thể cống hiến cho Việt Nam và tất cả các dân tộc Châu Á, vì đáp ứng lòng khao khát tìm kiếm chân lý cũng như những giá trị bảo đảm cho con người được phát triển toàn vẹn.”

Trong quan hệ giữa Giáo Hội và xã hội, Đức Thánh Cha nói: “Hội Thánh mời gọi mọi con cái chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Hội Thánh không hề có ý chiếm chỗ của các nhà hữu trách, chỉ muốn tham dự đúng mức vào đời sống đất nước nhằm phục vụ nhân dân, trong tinh thần đối thoại và cộng tác chân thành

Trong khi tích cực tham dự vào đời sống xã hội, “Hội Thánh không bao giờ được miễn chuẩn thi hành đức bác ái… đồng thời không bao giờ có một tình huống nào người ta không cần đến đức bác ái của từng Kitô hữu, vì vượt trên công bằng, con người cần và luôn luôn cần đến yêu mến.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào nồng nhiệt đến các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, toàn thể giáo dân, đặc biệt là những người nghèo và những người đau khổ phần xác hay tinh thần. Ngài khích lệ mọi người trung thành với Đức Tin, quảng đại làm chứng cho Chúa trong những hoàn cảnh nhiều khi khó khăn, luôn kiên cường vì điều này đã được Tông Huấn Ecclesia in Asia coi là nét đặc trưng.

Sau huấn từ của Đức Thánh Cha, các Đức cha lần lượt đến bắt tay và hôn nhẫn ngài. Sau đó, Hội đồng Giám mục đã xếp thành một vòng cung với Đức Thánh Cha để chụp ảnh lưu niệm.

 
Lễ thượng thọ và mừng Kim Khánh Linh Mục Cha Phêrô Phạm tiến Hành
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
16:19 30/06/2009
PHAN THIẾT - Hôm nay 30.6.2009, Giáo xứ Tân Lập – Hàm Tân tổ chức lễ mừng Thượng Thọ Bát Tuần và Kim Khánh Linh Mục cha quản xứ Phêrô Phạm Tiến Hành.

Sự hiện diện của Đức Ông JB Tổng đại diện, Đức Đan viện phụ Châu Thuỷ, các linh mục hạt trưởng và 80 linh mục trong và ngoài giáo phận, các tu sĩ chủng sinh, linh tông huyết tộc, đại diện các giáo xứ Hộ diêm, Tầm hưng, Thanh xuân, Vinh tân và cộng đoàn Tân lập nói lên tâm tình yêu mến và tri ân đối với cha Phêrô.

Cùng với cha Phêrô, cộng đoàn phụng vụ cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương gìn giữ và nâng đỡ Ngài trong suốt hành trình 80 năm cuộc đời và 50 năm Linh mục. Đó là một chặng đường hạnh phúc đong đầy ý nghĩa của đời người và đời Linh mục.

Cha Phêrô Phạm tiến Hành sinh 1929, tại Thượng Kiệm, xứ Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình.
- 1942-1950: học tiểu chủng viện thánh Giuse, Ba làng, Thanh Hoá
- 1950-1951: Thực tập mục vụ tại xứ Ngọc Sơn, Phủ Thiệu.
- 1952-1954: Giúp trường thầy Giảng xóm Trường Thi, Thanh Hoá
- 1955-1960: Học Đại Chủng Viện Xuân Bích, Vĩnh Long, Thị Nghè, Sài Gòn.
- 31/05/1960: Thụ phong linh mục tại Thị Nghè, Sài Gòn.
- 1960-1962: Phó xứ Hộ Diêm, Ninh Thuận.
- 1962-1969: Quản xứ Tầm Hưng, Bình Thuận.
- 1970-1972: Tu nghiệp tại Paris, Fribourg.
- 1972-1975: Giám đốc tiểu chủng viện Tinh Hoa, Hàm Tân.
- 1975-1990: Phụ tá Thanh xuân, Bình Tuy. Đặc trách ơn gọi chủng sinh Hàm Tân. Tuyên uý dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết tại Tân Tạo.
- 1990-1999: Chính xứ Vinh Tân, Lagi.
- 1999-2009: Quản xứ Tân Lập, thị xã Lagi. Hạt trưởng hạt Hàm Tân.

Cha Gioan Boscô Cao Tấn Phúc, giáo sư Đại chủng viên Sao biển, Nha trang giảng lễ. Ngài trình bày ba chiều kích tính của bậc độc thân Linh mục.

1. Chiều kích quy Kitô của độc thân linh mục.

Nhân ngày một người cha đồng thời là một người thầy và cũng là một người anh của con trong chức linh mục là cha Phêrô Phạm Tiến Hành, hạt trưởng hạt Hàm Tân và quản xứ giáo xứ Tân Lập mừng 50 năm linh mục và 80 năm tuổi đời, và cũng trong khung cảnh của năm thánh hoá linh mục vừa được khai mở vào ngày 19 tháng 6 vừa qua, con xin dựa vào một bài viết có nhan đề “tính cách hợp thời của bậc độc thân linh mục” để chia sẻ với cộng đoàn hôm nay.
Trước mắt mọi người thì cha Phêrô đã sống 50 năm trong bậc độc thân linh mục nhưng cuộc sống độc thân của các linh mục nói chung và của cha phêrô nói riêng muốn nói gì với chúng ta hôm nay?
Trước hết, cha Phêrô đã sống chức linh mục trong bậc độc thân vì yêu mến Chúa Kitô và muốn thể hiện lòng yêu mến ấy bằng cách trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài ngày một hơn; vì Chúa Kitô đã chọn sống độc thân vì Nước Trời, nên cha Phêrô cũng như tất cả những ai muốn theo Chúa Kitô trong chức linh mục, đều chấp nhận cuộc sống độc thân như Ngài.

Vào thời Chúa Giêsu, tuy bậc độc thân không phải là bậc sống được người Do thái đề cao, nhưng Chúa Giêsu đã chọn sống độc thân không chỉ vì lý do thuận tiện cho sứ mệnh, mà thiết yếu là vì Ngài muốn dành trọn vẹn tình yêu cho Cha Ngài và cho mọi người. Khi lãnh nhận bí tích Truyền chức, mỗi linh mục đuợc nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, mà nói như thánh Tôma tiến sĩ, linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô: in persona Christi. Nói cách khác, căn tính của linh mục, lý do hiện hữu của linh mục và cách sống của linh mục phải gắn kết mật thiết với Chúa Kitô. Do đó, tính cách hợp thời của độc thân linh mục không tuỳ thuộc ở dư luận quần chúng hay những giải thích xã hội học mà tuỳ thuộc vào chính mối quan hệ giữa linh mục với Chúa Kitô. Chúa Kitô là kiểu mẫu của linh mục. Nếu không trung thành với kiểu mẫu của mình là Chúa Kitô, linh mục không còn là linh mục đúng nghĩa nữa.

“Hãy đến và theo Ta”. Đi theo Chúa Kitô là đi vào trong mầu nhiệm ân sủng của Ngài, là tiếp nối lời rao giảng, cách sống và hoạt động cứu rỗi của Ngài. Trong nhiệm thể Chúa Kitô, linh mục có một vai trò đặc biệt, đó là làm cho Chúa Kitô được hiện diện một cách vừa bí tích vừa hữu hình trong lịch sử. Một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, linh mục không những là thừa tác viên mà còn là dấu chỉ của chính Chúa Kitô. Chức linh mục gắn liền mật thiết với Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể, yêu mến Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể, đó là thể hiện căn tính linh mục. Mối dây liên kết chặt chẽ giữa chức linh mục và độc thân nằm trong chính con người linh mục. Đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, linh mục là khí cụ nhờ đó ơn siêu nhiên được ban cho con người qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh thể và bí tích Giải tội. Do đó, linh mục thông chuyển sự sống thần linh cho tín hữu và đó là lý do tại sao từ ngàn xưa, linh mục vẫn được gọi là cha.

2. Chiều kích Giáo hội của độc thân linh mục.

Thứ đến, cha Phêrô đã sống độc thân linh mục vì yêu mến giáo hội và muốn thể hiện lòng yêu mến ấy bằng cách đón nhận bậc độc thân như một đoàn sủng được Chúa Thánh Thần ban cho một số người để phục vụ lợi ích của cộng đoàn Giáo hội. Vì là đoàn sủng nên độc thân là một ơn ban hoàn toàn tự do của Thiên Chúa. Theo lời của Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử” thì “lý do tối hậu để Giáo hội để Giáo hội thiết lập bậc độc thân linh mục chính là mối dây liên kết bậc độc thân với chức thánh, nhờ đó linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô-Thủ lãnh và Hôn phu. Là hiền thê của Chúa Kitô, Giáo hội muốn được các linh mục yêu mến một cách trọn vẹn như đã được Chúa Kitô yêu mến. Do đó, độc thân linh mục là một sự tự hiến trong Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô. Chính vì một tình yêu trọn vẹn mà Giáo hội chọn lựa những người nào muốn tự do đáp lại tiếng gọi để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Khi chọn lựa như thế, Giáo hội đặt tất cả tin tưởng nơi Chúa Thánh Thần, đấng hiện diện và sinh động Giáo hội. Do đó, người ta không thể nhìn vào bậc độc thân linh mục duy chỉ dưới khía cạnh lịch sử, nghĩa là như một kỷ luật do Giáo hội thiết lập và áp đặt, mà phải nhìn dưới khía cạnh siêu nhiên, tức là trong tương quan tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội”.

3. Chiều kích cánh chung của độc thân linh mục.

Độc thân linh mục không phải là một áp đặt mà là một đáp trả tự nguyện theo một tiếng gọi. Chính vì tiếng gọi ấy mà bậc độc thân trở thành một thực tại mang tính vĩnh hằng. Do đó, độc thân linh mục trở thành một báo hiệu cho cuộc sống mai hậu, trong đó như Chúa Giêsu đã nói: con người sẽ không còn dựng vợ gả chồng nữa. Chức linh mục của Chúa Giêsu và tất cả bản chất của Giáo hội đều là một báo hiệu tình trạng mai hậu của nhân loại. không chấp nhận mối liên kết giữa chức linh mục và bậc độc thân cũng có nghĩa là khước từ tính cách tiên tri của các bí tích trong Giáo hội. Người có đức tin hay người không có đức tin, ai cũng nhìn vào linh mục như một con người có thể nói và làm chứng cho thế giới tương lai. Người có đức tin hay người không có đức tin, ai cũng nhìn vào đời sống độc thân vì Nước Trời của linh mục như một hy vọng giữa những khó khăn trong cuộc sống tại thế.

4. Chiều kích mục vụ của độc thân linh mục

Sau cùng, cha Phêrô đã sống chức linh mục trong bậc độc thân vì yêu mến đoàn chiên được Chúa Kitô và Giáo hội giao phó và thể hiện lòng yêu mến ấy bằng cách từ bỏ hạnh phúc chính đáng của bậc hôn nhân. Thật vậy, đời sống vợ chồng có thể là một chướng ngại cho sự hiến thân trọn vẹn của linh mục. Một linh mục có gia đình sẽ hưởng được niềm vui của đời sống lứa đôi nhưng đồng thời cũng không thoát khoải những bận tâm và khó khăn gắn liền với gia đình. Một cuộc sống gia đình như thế sẽ biến linh mục thành một thức công chức; một linh mục có gia đình khó có thể dành trọn thời giờ cho việc cầu nguyện và làm việc như một người của Thiên Chúa. Một linh mục có gia đình chắc chắn sẽ bị xâu xé giữa hai bổn phận: một bên là gánh nặng gia đình, và một bên là tình yêu đối với cộng đoàn. Hơn bao giờ hết, xã hội ngày ngay cần có những linh mục độc thân. Con người ngày nay mỗi lúc một lạc lõng và cô đơn trong xã hội, họ cần có những linh mục luôn luôn sẵn sàng phục vụ, họ cần đến những con người thuộc về Thiên Chúa để thuộc trọn về con người.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là vị chủ chăn đích thực đã thí mạng vì đàn chiên để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào; Ngài cũng là Đấng không muốn cho đàn chiên của Ngài phải thiếu chủ chăn bao giờ, xin Ngài giúp chúng ta thực hiện điều Ngài chờ đợi nơi cộgn đoàn cũng như nơi mỗi người.

Xin kính chúc cha Phêrô quý mến vui hưởng tuổi thọ hành phúc và tiếp tục sống ơn gọi linh mục một cách tròn đầy bao lâu mà Chúa Giêsu xét thấy cón cần đến chứng tá đời sống độc thân linh mục của cha.

Đức Ông Tổng đại diện JB lê Xuân Hoa, thay mặt hai Đức Giám mục Nicolas và Phaolô, linh mục đoàn giáo phận chúc sức khoẻ và mừng thọ bát tuần, mừng kim khánh linh mục cha Phêrô.
Linh tông huyết tộc và đại diện giáo xứ Tân lập bày tỏ lòng tri ân và dâng quà chúc thọ cha Phêrô.

Cha Phêrô thật khiêm nhường trong lời cám ơn.

Nhìn lại quá trình 80 năm tuổi đời và nửa thế kỷ làm linh mục, biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho không thể kể hết, chỉ biết cúi đầu cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh rất nhân lành đã đoái thương đến phận hèn tôi tớ Chúa, mặc dù bất xứng. Tạ ơn Chúa muôn đời!

• Hành trình tới chức linh mục phải kể đến công ơn các bậc thầy: các cha giáo thừa sai Paris tại tiểu chủng viện Thánh Giuse, Ba làng, Thanh Hoá (1942-1950). Rồi đến các cha giáo sư Xuân Bích ở Đại Chủng viện Vĩnh Long và Thị Nghè (1955-1960).
• Không thể quên ơn các Đấng Bản quyền giáo phận Nha Trang: Đức cha cố Marcel Piquet, Đức Cha cố Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1960-1975).
• Tiếp đến Đức Cha Nicôla nguyên Giám mục PhanThiết, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (1975-2009).
• Xin ghi ơn các anh em linh mục Nha Trang và Phan Thiết đã đồng hành và tương thân tương ái trong đời mục vụ.
• Sau hết, tri ân ông bà cha mẹ, họ hàng nội ngoại còn sống cũng như đã qua đời, các ân nhân xa gần đã giúp đỡ vật chất và tinh thần tại các xứ Tầm Hưng, Thanh Xuân, Vinh Tân và Tân Lập. Xin Chúa trả công cho quý vị.
• Trong 20 năm phục vụ dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết, cám ơn các chị em đã âm thầm hy sinh cầu nguyện cho công tác mục vụ truyền giáo. Xin tất cả nhận nơi đây lòng tri ân quý mến của tôi.
• Chúc mừng các cha bạn đồng môn, thụ phong linh mục ngày 31.05.1960 tại Thị Nghè: cha Phêrô Nguyễn Hữu Đăng (nhà hưu Phan thiết), cha Roch Vũ Đình Hoạt (Baltimre, USA), cha Phêrô Trịnh Thiên Thu (NaZa Thủ Đức), Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh (Đà nẵng).

Lời nói cuối cùng, trong khi thi hành nhiệm vụ tông đồ, có thể có những sai sót không vừa lòng anh chị em, xin niệm tình thứ lỗi cho, cũng như Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta.

Cha Phêrô đã bước qua tuổi “Bát thập như đại phúc”. Là học trò của Ngài, tôi luôn cảm nhận nơi Ngài hình ảnh một người thầy khôn ngoan, uyên bác, một vị linh hướng thánh thiện dồi dào kinh nghiệm tu đức, một mục tử nhân ái nhiệt thành với đàn chiên, một đời sống giản dị, hiền hoà và rất đỗi bao dung trước những lỗi lầm của con cái để rồi tận tình khuyên bảo, sửa dạy.

Với Giáo phận, cha Phêrô trở nên như một đại thụ vững chắc, toả bóng nhân đức cho bao thế hệ linh mục học trò.

Kính thưa cha Phêrô, trong tâm tình tri ân cảm tạ, chúng con nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Phêrô, bổn mạng của cha, tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên cha và gìn giữ cha luôn an vui, mạnh khoẻ để cuộc đời cha luôn là một bài ca ngợi khen “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng” (Tv 89,2).

Trong tâm trí của chúng con, những học trò, cha mãi mãi là mục tử nhân hậu, là nhà giáo dục mẫu mực, là tấm gương sáng cho tất cả chúng con noi theo trong cuộc đời linh mục qua mọi nẻo đường dấn thân phục vụ.
 
ĐTC Bênêđictô nói về sứ mạng Linh Mục trước đoàn hành hương của giáo xứ Việt Nam Paris
Lê Đình Thông
22:08 30/06/2009
ĐTC Bênêđictô tại quảng trường thánh Phêrô
Ngày 24-6-2009, nhân bế mạc Năm Thánh Phaolô và tuần lễ mở đầu Năm Linh mục khai mạc ngày 19-6, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã đề cập đến sứ mạng Linh mục trong buổi triếu yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của đoàn hành hương thuộc Giáo xứ Việt Nam tại Paris do Linh mục Trần Anh Dũng hướng dẫn. Đức Bênêdictô đã hướng về cộng đoàn Việt Nam, phát biểu bằng tiếng Pháp: các anh chị em thuộc Giáo Xứ Việt Nam tại Paris thân mến (chers frères et soeurs de la Mission Catholique Vietnamienne de Paris).

Ngài nhấn mạnh thánh Phaolô tông đồ dân ngoại (Gal 2: 7-8) và cha sở họ đạo Ars đều hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô. Linh mục Jean-Marie Baptiste Vianney là cha sở Ars-sur-Formans (1786-1859) trong suốt 41 năm. Ngày 16-6-2009, ĐTC Bênêdictô XVI tôn vinh ngài là thánh quan thầy các linh mục.

Xác cha sở họ đạo Ars-sur-Formans

Trong buổi triều yết chung có các giáo dân Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, ĐTC Bênêđictô XVI cho rằng tuy hình hài cha sở Ars không có gì khác biệt, nhưng Chúa Quan phòng đã khiến hình ảnh của ngài nên giống hình ảnh thánh Phaolô. Mẫu số chung khiến cả hai nên một là sứ vụ tông đồ và sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô. ĐTC nhấn mạnh mục đích của Năm Linh mục là đổi mới mỗi linh mục, trong niềm mong ước hoàn thiện cuộc sống thiêng liêng và chu toàn chức thánh, tăng cường ý thức về ân sủng thiêng liêng.

Xác cha sở họ đạo Ars-sur-Formans
Tuy bối cảnh xã hội ngày nay khác với thời đại của thánh Jean-Marie Vianney, ‘‘người ta tự hỏi làm sao các linh mục ngày nay có áp dụng gương mẫu của ngài, thi hành chức thánh trong một thế giới toàn cầu hóa.’’ Trong thế giới ngày nay, càng ngày người ta càng kém cảm nhận về thực tại siêu nhiên vốn là cứu cánh chung.

Đức Thánh Cha ghi nhận hai quan niệm về chức thánh vốn không khác biệt nhau: quan niệm xã hội chú trọng đến khía cạnh phục vụ và thực tại bí tích và bản thể (réalité sacramentale et ontologique) coi sứ vụ linh mục là ân sủng Thiên Chúa, có được là nhờ Giáo hội.

Đức Bênêdictô nhắc lại rằng sứ vụ của linh mục là rao giảng Lời Chúa. Việc tham dự phép bí tích vào hy lễ Chúa Kitô và vâng phục Giáo hội khiến việc loan báo Tin Mừng trở nên chính đáng. Các linh mục đều là người phục vụ của Chúa Kitô, hiệp nhất với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô, vì Chúa Kitô, với Chúa Kitô, để phục vụ cộng đoàn. Linh mục chỉ phục vụ hữu hiệu và đầy đủ một khi hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô.

Trong phần kết luân, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI hy vọng Năm Linh mục thúc đẩy mỗi linh mục hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô chịu đóng đinh phục sinh, noi gương Thánh Gioan Tẩy giả, hôm nay là sinh nhật của ngài, khiêm hạ để trở nên cao cả như cha sở Ars, ý thức về sứ mạng của mình như dấu chỉ lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.

ĐTC tiếp kiến các vị Giám Mục Việt Nam
Trưa thứ bẩy 27-6-2009, ĐTC Bênêdictô đã tiếp kiến các vị Giám mục Việt Nam thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Sảnh đường Công nghị (Salle du Consistoire) trong Dinh Tông tòa (Palais Apostolique), nhân dịp hàng giáo phẩm Việt Nam kính viếng Mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô (ad Limina Apostolorum).
 
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cử hành thánh lễ trọng thể tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành
Lê Đình Thông
22:18 30/06/2009
Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành
Trong khuôn khổ viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô (Visita ‘‘Ad Limina Sanctorum Apostolorum Petri et Pauli’’), 17 giờ ngày 23-6-2009, Đức TGM Giáo tỉnh Huế Nguyễn Như Thể đã chủ tế thánh lễ tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành, với sự đồng tế của ĐHY Phạm Minh Mẫn, Đức TGM Ngô Quang Kiệt và các vị giám mục Việt Nam. Theo lời Đức Ông Trần Văn Khả, hướng dẫn phụng vụ trong thánh lễ này, ‘‘tất cả các giáo phận cùng hiệp thông với giám mục của mình trong khi ngài đến Roma’’, vì ‘‘biến cố của giám mục giáo phận cũng liên hệ tới sinh hoạt của toàn thể giáo phận.’’ Để thể hiện tinh thần hiệp thông, các nam nữ tu sĩ Việt Nam hiện làm việc hoặc du học tại Roma và đoàn hành hương của Giáo xứ Việt Nam tại Paris do linh mục Trần Anh Dũng hướng dẫn đã dự thánh lễ này.

Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành là một trong bốn đền thờ cả (basiliques majeures), sắp theo ngôi thứ (préséance) như sau:

- Tổng Vương cung Thánh đường thánh Jean de Latran (archibasilique Saint-Jean de Latran) là nhà thờ chính tòa Roma và cả thế giới.

- Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, ở Vatican, có mộ thánh Phêrô.

- Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, trên thông lộ Ostienne, có mộ thánh Phaolô.

- Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi có thánh tích hang đá Bê Lem.

Thánh Phaolô được an táng trong một ngôi mộ cổ nằm trên thông lộ Ostienne, ở ngoài tường thành Aurélien. Vì vậy đền thờ mang tên ngoại thành.

Ngày 23-6, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành mang hình ảnh Giáo hội Việt Nam. Trên cung thánh, Đức hồng y và các vị giám mục Việt Nam làm thành hình bán nguyệt. Cộng đoàn dân Chúa Việt Nam tại Roma và Paris xuất thân từ giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Saigon dự thánh lễ. Theo linh mục Thiện Tĩnh, ‘‘đoàn giám mục Việt Nam ‘‘Ad limina’’ với một đội ngũ đầy đủ và phong phú:

- Thứ nhất: phong phú về số lượng với con số 31 đức cha từ 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế và Saigon), chưa kể giáo phận Phát Diệm còn trống tòa.

- Thứ hai: phong phú về chức vụ. Có Đức cha chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, có Đức Hồng y, quý Đức Tổng giám mục và quý Đức cha đặc trách 15 ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

- Thứ ba: phong phú về tuổi tác và năm tấn phong giam mục. Cao tuổi nhất là Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên (1927), thứ đến là các Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đức cha Nguyễn Thanh Hoan, Đức cha Phanxicô-Xavier Nguyễn Văn Sang (1932). Ít tuổi nhất là Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên (1960), rồi đến Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri và Đức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản (1956). Số năm làm giám mục dài nhất là Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (tấn phong năm 1975). Số năm làm giám mục ngắn nhất là Đức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản (tấn phong năm 2009).

Ca khúc nhập lễ ‘‘Lên Đền Thánh’’ của linh mục Thành Tâm do các nam nữ tu sĩ ở Roma và giáo dân từ Giáo xứ Việt Nam Paris đồng ca đã thể hiện ý nghĩa của thánh lễ: ‘‘Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta.’’

Trong phần giảng thuyết, Đức cha Bùi Văn Đọc đã nhắc lại sứ vụ của các giám mục:

‘‘Hôm nay, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, kỷ niệm 2000 sinh nhật của thánh Phaolô, chúng tôi cần phải xác tín sứ mạng ‘‘Đến với muôn dân’’ (ad Gentes) của chính chúng tôi.’’

‘‘Rõ ràng sứ mạng của chúng tôi là một sứ vụ tôn giáo không phải là một nhiệm vụ chính trị, như Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô: ‘‘Nước ta không thuộc về thế gian này.’’(xin xem toàn văn bài giảng của Đức cha Bùi Văn Đọc trong phần phụ lục)

Bài giảng thuyết của Đức cha Bùi Văn Đọc diễn tả niềm vui và hy vọng của các Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phản ảnh trung thực quan điểm của Tòa Thánh qua huấn từ của ĐTC Bênêdictô XVI gửi Đức Hồng y và các Đức Giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009:

‘‘Sự phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhất là đời sống nữ tận hiến, là ân sủng của Thiên Chúa dành cho Giáo hội Việ Nam.’’

Linh mục Trần Anh Dũng, trưởng đoàn hành hương của Giáo xứ Việt Nam vùng Paris và là giám đốc Đắc Lộ Tùng Thư đã chọn thời điểm đầy ý nghĩa này để phát hành tác phẩm thứ 16: Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010) và tác phẩm thứ 17: Thư chung Hội đồng Giam mục Việt Nam (1980-2010).



Theo linh mục Trần Anh Dũng, Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010) là ‘‘tài liệu nghiên cứu chiều dày công việc truyền giảng Tin Mừng trên non sông đất Việt xuyên suốt ba thời kỳ:

I -Thời kỳ Bảo trợ (126 năm, từ 1533 đến 1659)

II - Thời kỳ Giám mục Đại diện Tông tòa (300 năm, từ 1659 đến 1959).

III - Thời kỳ Giám mục Chính tòa: Thiết lập hành Giáo phẩm Việt Nam (50 năm: từ 1960 đến 2010).’’

Tác phẩm 680 trang này được phát hành ngày 29-6-2009, nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

Bìa sách là tập hợp họa cảo (esquisse) màu nâu tượng trưng truyền thống dân tộc. Các họa tiết (motifs) giới thiệu cộng đoàn giáo dân, hàng linh mục tư tế và đền thánh.

Đức TGM Ngô Quang Kiệt
Tác phẩm thứ hai cũng được phát hành vào thời điểm này là ‘‘Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam (1980-2010)’’. Bìa sách mang màu xanh diễn tả niềm hy vọng: nhà thờ chính tòa thánh Giuse (Hà Nội), Nhà thờ chính tòa Phủ Cam (Huế) và Vương cung Thánh đường Đức Bà (Saigon), tập hợp 32 tài liệu của Hội đồng Giám mục Việt Nam, mới nhất là thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa về việc chuẩn bị năm Thánh 2010.

Công trình biên khảo của linh mục Trần Anh Dũng thể hiện giáo huấn của vị tông đồ dân ngoại, được Đức TGM Ngô Quang Kiệt nhắc lại trong bài giảng ‘‘Tâm tình bên mộ thánh Phaolô’’ tại Roma sáng ngày 24-6-2009:

"Thánh Phaolô gần gũi vì vẫn hiện diện giữa chúng ta, trong Giáo hội mà Chúa đã đặt ngài làm nền tảng, một nền tảng vững chắc như lời Chúa hứa (x. Mt 16, 18), dù 2000 năm qua bao thế lực đen tối không ngừng gào thét, rung chuyển để mong phá hủy, nhưng trên nền tảng của ngài, tòa nhà Giáo hội vẫn luôn đứng vững. Ngài vẫn hiện diện trong Giáo hội mà chúng ta được hiệp thông, đặc biệt tình hiệp thông càng mãnh liệt hơn trong những ngày này, khi Hội đồng Giám mục Việt nam thực hiện cuộc viếng mộ ngài và gặp gỡ với Đấng kế vị của ngài. Ngài vẫn hiện diện trong ngôi nhà thờ dâng kính ngài, ngôi nhà thờ tượng trưng cho tòa nhà Giáo hội, để đón tiếp chúng ta hôm nay, như xưa ngài đã đón tiếp Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đến thăm nhà ngài, một cuộc viếng thăm mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho người tông đồ trưởng.’’

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA BÙI VĂN ĐỌC

TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH

Đức Cha Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho
Những lời đầu tiên của các giám mục Việt Nam đến viếng mộ các thánh Phêrô và Phaolô, dựa theo bài đọc sách Giêrêmia hôm nay, là những lời khiêm nhường của tiên tri Giêrêmia thưa với Thiên Chúa: ’’Lạy Chúa, chúng con đây còn quá trẻ, chúng con không biết ăn nói.’’

Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, trước những thế lực gằng co chống đối nhau luôn muốn lôi kéo chúng tôi về phía họ, chúng tôi phải làm gì, nói gì ? Điều đó là một gánh nặng rất lớn, là một vấn đê không đơn giản chút nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Khi chọn thái độ dè dặt thận trọng, chúng tôi phải chịu đựng những lời phê phán nặng nề, nhiều khi rất bất công. Xin dành lại cho sự phán xét của Thiên Chúa.

Điều quan trọng đối với chúng tôi là không ngừng đối diện với Chúa, lắng nghe Chúa, để cho Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng, như Chúa đã giơ tay chạm phải miệng Giêrêmia và phán: ‘‘Đây Ta đặt lời ta vào miệng ngươi’’. Chúng tôi phải can đảm và mạnh dạn đón nhận sứ mạng, tiếp tục để cho Thiên Chúa sai bảo: ‘‘Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.’’

Rõ ràng sứ mạng của chúng tôi là một ‘‘sứ vụ tôn giáo’’, không phải là một nhiệm vụ chính trị, như Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô: ‘‘Nước Ta không thuộc về thế gian này’’. Quả thật, nếu Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này, thì người ta có thể lôi cuốn chúng tôi theo quan điểm chính trị của họ. Nhưng Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này, nên chúng tôi không dựa vào thế lực nào cả, chỉ dựa vào Chúa, dựa vào Phêrô và đấng kế vị Phêrô mà Chúa đã đặt làm đầu chúng tôi.

Sứ vụ chính yếu của chúng tôi ngày hôm nay vẫn là sứ vụ loan báo tin mừng. Tin mừng đó là tin mừng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Tin mừng về một Thiên Chúa Tình yêu đã chiến thắng sự dữ, tội ác và hận thù, chiến thắng sự chết là kẻ thù lớn nhất của loài người. Tin mừng mở ra niêm hy vọng cho tất cả thế giới, cho mọi người, đặc biệt là những kẻ bé mọn.

Đó chính là lý do sự lạc quan của chúng tôi, của nhiều người trong anh em chúng tôi. Chúng tôi vẫn tươi cươì, vẫn làm việc hăng say, hết lòng phục vụ Dân Chúa và những người chưa biết Chúa. Chúng tôi hãnh diện và sung sướng nói với những người chúng tôi phục vụ như thánh Phêrô: ‘‘Anh em thân mến, tuy không thấy Đức Giêsu Kitô, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, bởi đã nhận được môt thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.’’

Hôm nay, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của thánh Phaolô, chúng tôi cần phải xác tín sứ mạng ‘‘đến với muôn dân ’’ (ad Gentes) của chính chúng tôi. Đã có một thời, cách đây khoảng 50 năm, có rất nhiều người ước ao được hiện diện, được rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Hoa lục địa, mà không được mãn nguyện. Bây giờ, chính chúng tôi được hiện diện, được rao giảng Tin mừng trong một nước cộng sản, anh chị em hãy khích lệ chúng tôi rao giảng Tình yêu của Thiên Chúa bằng‘‘lời nói và hành động’’ cho mọi người, không trừ một ai.

Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi ‘‘cam đảm nói lên sự thật khi cần ’’, dù phải trả giá bằng mạng sống. Chúng tôi không thể vừa căm ghét người khác, vừa rao giảng Tin mừng Tình yêu cho họ, vì như thế là tự mâu thuẫn. Những người ‘‘ngoại giáo mới’’, thuộc thời đại chúng ta, trong đó có người cộng sản, cũng là một trong những đối tượng mà Thiên Chúa muốn chinh phục bằng tình yêu. Có người sẽ nói rằng, đó là ảo tưởng, là điều không thể được, giống như việc bà Elisabeth, vợ của thầy tư tế Zacaria sẽ sinh con trai tuy tuổi đã già. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được. Sứ thần của Chúa đã nói với Zacaria: ‘‘Ông sẽ được vui mừng hớn hở, vì nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời.’’

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, trong lá thư gửi cho Giáo hội tại Trung Hoa, đã biểu lộ ‘‘niềm hy vọng lớn lao‘’ do tin vào Chúa Giêsu Phục sinh. Ngài đã mạnh dạn nói với mọi người trong Giáo hội, không phân biệt phe phái, kêu gọi mọi người hãy hợp nhất, hãy một lòng loan báo Tin mừng Chúa Kitô. Không phái Đức Thánh Cha không biết những khó khăn, những bách hại mà nhiều người trong Giáo hội hầm trú đã chịu đựng.

Tại Đền thờ thánh Phaolô hôm nay, chúng tôi như nghe tiếng thúc giục của vị tông đồ dân ngoại: ‘‘Hãy mạnh dạn loan báo Chúa Kitô, đứng sợ, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa.’’
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bé Nghèo
Sen K.
06:14 30/06/2009

BÉ NGHÈO



Ảnh của Sen K. – Philippines

Một miếng khi đói, bằng một gói khi no!

(Tục ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền