(Mc 6, 1-6)
QUÊ HƯƠNG
Chúa cùng môn đệ về làng,
Nơi Na-za-rét, họ hàng thân quen.
Thân bằng quyến thuộc chúc khen,
Hội đường nhỏ bé, bon chen nhóm người.
Kẻ thương người ghét kẻ cười,
Chúa vào giảng dạy, vui tươi đón chào.
Ngạc nhiên thái độ đồng bào,
Khôn ngoan lời lẽ, làm giao động lòng.
Ghen tương thái độ bên trong,
Nghi ngờ sứ mệnh, trông mong cứu đời.
Mẹ cha chú bác cùng thời,
Dân làng biết rõ, cuộc đời Thầy đây.
Khinh khi vấp phạm lời này,
Con ông thợ mộc, hằng ngày lao công.
Ma-ry, mẹ Chúa ngắm trông,
Tiên tri ẩn dấu, họ không hiểu gì.
Chúa Giêsu trở về quê nhà, nơi Ngài đã sinh sống suốt gần ba mươi năm trời. Chúa Giêsu vào giảng trong Hội đường, nhiều người đã sửng sốt về lời giảng của Ngài. Họ ngưỡng mộ nhưng không tránh khỏi những dị nghị và dèm pha. Họ nghĩ là họ quá biết Ngài. Bà con kháo láo với nhau rằng: Bởi đâu ông này được như vậy. Đúng vậy, họ đâu có xa lạ gì, hằng ngày Ngài cùng lao động và cùng chia xẻ mọi biến cố trong xóm làng với họ. Gia đình của Ngài gần đây và cha mẹ của Ngài là những người hàng xóm tốt lành. Thế sao hôm nay Ngài giảng dạy và làm nhiều phép lạ như thế. Thế là họ tỏ thái độ khinh thường Ngài.
Chúng ta thường chứng kiến những tài tử thần tượng đi tới đâu cũng được người ta đón chào và ngưỡng mộ. Nhất là các tài tử thể thao, điện ảnh và cả các chính khách cũng được nhiếu người quí mến. Người ta không đánh giá hay nhìn họ ở khía cạnh luân lý. Nói chung, họ nhìn ở tài năng diễn đạt và thuyết phục. Người ta được thong dong không bị lương tâm đặt nghi vấn.
Sứ mệnh tiên tri thì khác, tiên tri nói lên sự thật. Tiên tri vạch trần cuộc sống giả dối, kêu gọi từ bỏ đường tà và dẫn dắt trở về nẻo chính đường ngay. Dĩ nhiên họ không ưa thích, vì không am hợp với cách sống của họ. Chúa về lại quê cũ. Chúa không phải là một tài tử. Chúa về quê như một vị tiên tri có các môn đệ theo sau.
Dân làng truy tìm nguồn gốc của Chúa và họ tỏ ra không vui. Họ thiển cận không biết được chân tướng thật của Chúa Giêsu. Họ đã bị lầm. Chúa Giêsu bị kẻ xấu xuyên tạc và nhiều người nhẹ dạ bị họ giật giây. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Niềm tin không phải là phép bùa hay lừa đảo nhưng là một lối sống đạo.
Truyện kể vào năm 1960, khi đạo giáo bị bách hại ở Sudan. Một thanh niên tên là Taban đã trốn nguy hiểm chạy sang Uganda tị nạn. Tại Uganda, anh đã nhập Dòng Tu và sau trở thành linh mục. Khi hòa bình trở lại, linh mục trở về quê hương và được bài sai đến xứ Palotake. Giáo dân nơi đây khó chấp nhận và không tin Taban là một linh mục. Cha nói rằng người ta đã nghi ngờ tôi và họ hỏi tôi: Ông có thật là linh mục không? Ông là người da đen. Họ không thể tin. Vì người ta chưa bao giờ thấy linh mục da đen. Họ chỉ gặp linh mục da trắng cho họ quần áo và thuốc thang.
Xét đoán diện mạo bên ngoài dễ bị lầm. Hãy quảng đại để đón nhận nhiều sự lạ chung quanh. Chúa ban cho mỗi người một kho tàng và một ơn gọi riêng để phục vụ. Chúng ta hãy đón nhận mọi người như hình ảnh của Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV - B
(Mc 6, 1 - 6)
Bị hiểu lầm hay bị từ chối là những điều khiến người ta phiền lòng. Êdêkien, và ngay cả Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người cũng không đứng ngoài qui luật thường tình ấy. Là ngôn sứ thì dù ở hội đường hay trong gia đình cũng sẽ gặp khó khăn, có thể bị ruồng bỏ là kinh nghiệm của Chúa Giêsu và Êdêkien. Êdêkien được Chúa chọn, gọi làm ngôn sứ cho dân đi lưu đầy cùng với ông : "Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng... Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn" (Ed 2, 4-5). Chúa Giêsu về hội đường giảng dạy cho người đông hương cũng phát buồn và thốt lên câu nói để đời : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình" (Mc 6, 4). Tại sao vậy?
Biết rõ
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại sự lúng túng của dân thành Nagiarét trước Chúa Giêsu người đồng hương của họ đi xa trở về nơi hội đường. Vì họ đã quá biết về gia thế của Chúa Giêsu, vì biết rõ nên họ không đánh giá đúng về Người.
Có lẽ đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về Nagiarét sau khi đi thi hành sứ mạng công khai. Nagiarét là cái nôi của thời thơ ấu, niên thiếu của Chúa Giêsu. Nơi ấy có gia đình, bà con, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, quê hương, nên khi Chúa Giêsu trở về nhà họ biết ngay. Trong số họ có người đã từng thấy Chúa Giêsu được mẹ ẵm như bao nhiêu trẻ em khác. Con cái họ và Chúa Giêsu đều học chung một lớp, cùng chơi và cười đùa với nhau, cùng thảo luận những bài học về cái cửa, cái xà. Chúa Giêsu đã từng cầm cưa, bào, đục, và nhất là nói giọng nói miền quê Nagiarét trong suốt bấy nhiêu năm trời.
Lần trở về này nhằm ngày Sabát, Chúa vào hội đường, dân làng đón tiếp Chúa rất vui vẻ. Tại đây, Chúa bắt đầu giảng dạy : "Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?" (Mc 6, 2). Nói xong bỗng nhiên thái độ của họ đổi hẳn vì những cái đã biết về Người. Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).
Đã nhiều năm qua, gia đình Chúa Giêsu đã để lại những ấn tượng tốt về Người. Trước sự ngạc nhiên và từ chối của dân thánh Nagiarét, cũng như sự thiếu lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã buông lời thở dài : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình ! " (Mc 6, 4). Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế gian nhưng thế gian đã không tiếp nhận Người.
Không được đánh giá đúng
Chúa Giêsu buồn vì thành kiến của đông hương về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.
Ông là ai? Là câu hỏi được đặt ra trong toàn bộ Tin Mừng Marcô. (1, 24 và 25 – 1, 27 – 1, 34 – 4, 41 – 6, 14 và 15). Căn tính bí ẩn này là gì? Trên đường hành trình với các môn đệ từ Xêsarê đến Philiphê Chúa hỏi các ông "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai? "
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật
Ngày hôm nay, Thiên Chúa cần có câu trả lời từ phía con người đang tìm kiếm ý nghĩa của Lời Chúa và bước vào cuộc đối thoại với Chúa. Người thợ mộc thành Gagiarét là Thiên Chúa thật và là Người thật, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, là Lời Chân lý dẫn đến Sự Sống đời đời. Hãy biết nhận ra Chúa, đừng để Chúa đi qua. Mẹ Maria hòa mình vào đám đông để chiếm ngắm và lắng nghe người ta nói về con Mẹ : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria !" (Mc 6, 3). Con bà Maria và là Con Thiên Chúa, đó là Bí Mật Tình Yêu của Thiên Chúa, Người bước vào đời sống công khai bằng con đường khiêm tốn và nghèo khó. Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, và buồn vì họ không chấp nhận bất cứ sự gì đến từ Người. Nghĩa xác thực được thánh Marcô sử dụng ở đây theo tiếng Hy lạp, không phải Chúa Giêsu mong đợi người đồng hương tin vào Thiên Chúa, nhưng là mong đợi phần lớn những người Nagiarét : tin vào Người.
Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời các Tông Đồ và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Cả trời đất…... Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã nghe và đã thấy.
Quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?" (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người... Người hoàn toàn là con người như chúng ta : ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha.
Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người như bao người là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất... Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.
Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay, chúng ta theo chân Chúa Kitô về thăm quê hương của Ngài là thôn Nazarét. Nhân ngày lễ nghỉ - ngày Chủ Nhật của chúng ta hôm nay - Chúa đến hội đường Dothái để làm trọn bổn phận như luật dạy đối với Giavê.
Dịp nầy, Ngài đã giảng dạy và làm một vài phép lạ cứu giúp người đồng hương... Nhưng người đồng hương đã cứng lòng, không tin vào những phép lạ của Ngài làm, cũng như những lời Ngài rao giảng, họ đã làm Ngài tổn thương, họ vấp phạm đến Ngài và cha mẹ của Ngài nữa.
Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn quảng đại, đón nhận những kỳ công của Thiên Chúa thực hiện nơi những anh chị em sống xung quanh. Qua những khám phá nầy, chúng ta sẽ tô điểm trần gian đang sống bằng nhiều bài ca tạ ơn Thiên Chúa.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:
TRƯỚC BÀI I:
Chúa sai tiên tri Êzêkiel đến cùng dân Dothái, nhắc nhở họ về lời giao ước của cha ông xưa... Họ đã nghe lời ông nhắc nhở cũng như lời ông rao giảng.
TRƯỚC BÀI II:
Trong sự yếu đuối của thân xác, thánh Phaolô cảm thấy mạnh trong sụ tín thác vào ơn Chúa. Nói cách khác, với sự trợ lực của ơn thánh Chúa, chúng ta đủ sức để vững tiến trên đường đời.
TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Đôi lúc vô tình hay hữu ý, chúng ta làm giảm đi những uy tín cá nhân hay đoàn thể bằng những câu nói, những sự phê phán. Hãy để Thánh Linh đặt vào miệng lưỡi của chúng ta những than hồng của lửa yêu mến, thômg cảm và thứ tha.
Lời Nguyện Giáo Dân.
Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Hiệp nhau đây mỗi ngày Chủ Nhật, chúng ta cùng chia sẻ tình yêu trong sự lắng nghe Lời Chúa và nhận Bánh Thánh Thể. Chúng ta cầu xin Chúa, cho việc gặp gỡ nầy, ban cho chúng ta sự thông cảm và yêu thương:
1. Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội hoàn vũ: Đức Thánh Cha Phanxicô và các phẩm trật trong Giáo Hội, để Các Ngài được đầy tràn ơn thánh điều khiển con thuyền của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. Chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các linh mục của Chúa, họ là những Kitô Thứ Hai đang phục vụ Cộng Đoàn dân Chúa đó đây, được nhận lãnh từ dân Chúa sự nâng đỡ tinh thần, để các ngài hăng say phục vụ Chúa hơn trong việc ban phát ơn thánh. Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
3. Xin cho cầu nguyện cho thanh niên thiếu nữ, biết lắng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Chúa, để đáp lại tiếng gọi của trời cao, sống đời hiến dâng. Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
4. Xin Chúa giúp chúng ta khám phá ra những kỳ công của Thiên Chúa, thực hiện nơi anh chị em xung quanh. Để mỗi ngày, chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn, sự hiện diện của Chúa nơi mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
5. Xin cho các tôi tớ Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta phải nhớ đến trong các thánh lễ tuần nầy. Đặc biệt là những nạn nhân của Covid-19 trên toàn thế giới… Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho mỗi người chúng con biết khám phá ra kho tàng ơn thánh Chúa, chứa đựng trong tâm hồn. Đồng thời cũng khám phá ra, kho tàng đó nơi anh chị em. Vì tất cả đều là cái của Thiên Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Việt Nam chúng ta cũng có một số ngôi nhà úp ngược. Những ngôi nhà nầy giống y như những ngôi nhà khác nhưng mái nhà thì cắm xuống đất, còn nền móng thì chổng lên trời, tất cả đồ đạc bài trí trong nhà đều chúc ngược… khiến cho nhiều du khách mới nhìn qua cảm thấy choáng váng.
Nhìn những ngôi nhà úp ngược như thế, người ta liên tưởng đến các giá trị trong đời sống xã hội loài người hôm nay cũng bị đảo ngược cách đáng buồn.
Những phẩm chất đạo đức cao quý thì bị xem thường, bị dìm xuống, trong khi những điều thấp kém lại được tôn lên cao.
Nhiều bạn trẻ nông nổi hôm nay tôn những diễn viên ăn mặc lố lăng, phong cách quái đản, tâm hồn rỗng tuếch… lên làm thần tượng, mà không biết quý trọng những người khôn ngoan và đạo đức…
Qua Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy người dân thành Na-da-rét cũng đánh giá Chúa Giê-su theo nhãn quan đó.
Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Ngài làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su, nhìn đến anh chị em họ hàng của Ngài thuộc hàng dân dã và ngay cả bản thân Ngài trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng… nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài nữa.
Họ xì xào bàn tán với nhau: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Ngài" (Mc 6,3).
Thế là Chúa Giê-su chẳng làm phép lạ nào tại Na-da-rét cho người đồng hương. Ngài rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.
Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giê-su theo dáng vẻ bên ngoài, dựa vào gia thế, nghề nghiệp… mà không dựa vào phẩm chất cao quý của Ngài, nên dân làng Na-da-rét đã xem thường Chúa Giê-su và đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Ngài ưu ái dành cho họ. Cách đánh giá như thế khá phổ biến trong xã hội hôm nay.
Vì đề cao tiền tài, danh vọng, vẻ sang trọng bên ngoài… mà xem nhẹ những phẩm chất tinh thần cao đẹp bên trong nên giới trẻ ngày nay cố tạo cho mình có “lớp sơn” hào nhoáng bên ngoài, tranh đua ăn mặc sao cho hợp thời trang, cho lôi cuốn… còn đầu óc, trái tim và tâm hồn thì trống rỗng.
Vì say mê sự hào nhoáng của giàu sang mà coi rẻ nét đẹp tâm hồn nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào nhân đức, phẩm hạnh cao đẹp bên trong.
Trước thực trạng đó, Hội thánh nhắc nhở chúng ta rằng: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người", còn nhân gian thì nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin dạy chúng con nhận ra rằng vẻ sang trọng và hào nhoáng bên ngoài chỉ là “lớp sơn” mỏng không thực sự làm gia tăng giá trị con người.
Xin giúp chúng con biết thẩm định giá trị con người dựa vào phẩm chất cao đẹp của họ, chứ không phải dựa vào những thứ “bao bì”, vỏ bọc bên ngoài.
Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.
21. Tai họa lớn nhất chính là không bị cám dỗ, bởi vì có thể ma quỷ đã đem chúng ta biến thành tài sản của chúng nó rồi.
(Thánh John Vianney)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một thiếu gia rất hào phóng, ra khỏi cửa thì thấy một người nghèo đang gánh hàng đi bán bị té trên đất, bèn hỏi người đồng hành:
- “Người ấy tại sao lại té?”
Trả lời:
- “Người ấy không có cơm ăn, bụng đói, té trên đất nghỉ một hơi.”
Thiếu gia nói:
- “Quái lạ, mặc dù không ăn cơm, thì tại sao không uống một bát nhân sâm nóng để đi? Uống rồi thì cũng có thể no được nửa ngày!”
(Tiếu Đắc Hảo)
Suy tư 88:
Ăn cơm là chuyện thường ngày, dù nghèo cách mấy -thì ít nữa- một tuần cũng có cơm ăn, nhưng uống nhân sâm thì phải là những người giàu có tiền bạc đầy kho, anh thiếu gia giàu có hào phóng đã lầm tưởng người nghèo cũng có nhân sâm uống như anh ta, cái lầm của người chỉ biết mình mà không biết người.
Người Ki-tô hữu có Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, vô giá, và không phải chỉ no được nửa ngày, nhưng mà là được sống đời đời, đem nửa ngày so với cái đời đời thì quả là không biết tính toán. Vậy mà có những Ki-tô hữu không biết tính toán mới lạ chứ:
-Họ biết ăn và uống Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su thì được sống đời đời, nhưng họ lại thích nhậu bia Sài gòn, rượu đế Gò Công hơn: họ không biết tính toán.
-Họ biết chỉ trong thánh lễ (tiệc Nước Trời) mới được ăn và uống Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, nhưng họ thích coi truyền hình cho no con mắt, thích du lịch cho no thỏa thích cái ham muốn, thích hát kara-okê có mấy em hầu hạ: họ không biết tính toán…
Nhân sâm thì phải giàu có mới mua được, nhưng Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su thì Ngài mời gọi hằng ngày, miễn phí mà trân quý vô cùng, chỉ có một điều kiện: yêu mến Thánh Thể với tâm hồn sạch tội.
Yêu mến và năng rước Thánh Thể là dấu hiệu của người được cứu rỗi.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
“Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó!”.
Trong cuốn “Morning Glory”, tạm dịch, “Vinh Quang Ngày Mới”, tác giả kể lại cuộc đào thoát của Lana Peters, con gái duy nhất của Joseph Stalin; một biến cố khiến thế giới sửng sốt, nước Nga vuốt mặt. Tại phi trường New York, khi vừa đáp xuống, cô tiết lộ cho các phóng viên lý do cô đào tẩu, “Tôi thấy rằng, không thể tồn tại nếu không có Chúa trong trái tim của một con người!”. Cuộc đấu tranh của người phụ nữ 31 tuổi này thật khủng khiếp. Để rời nước Nga, Lana Peters phải trả một giá quá đắt, đó là bỏ lại hai đứa con nhỏ ở Moscow, như cô nói, “Không bao giờ trở lại!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Không bao giờ trở lại”, đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Abraham căn dặn người quản gia của ông rằng, “Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó!” khi ông sai người này về quê, nơi ông đã ra đi, để cưới vợ cho Isaac, con trai ông. Thật thú vị, một khi đã đi vào ‘Đất Mới’ của Thiên Chúa, Abraham hay bất cứ ai, sẽ ‘không bao giờ trở lại’ chốn xưa.
Thật trùng hợp và đầy bất ngờ, Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một cuộc ra đi khác, cuộc ra đi ‘không bao giờ trở lại’ của Matthêu, một người thu thuế vốn sẽ trở thành tông đồ. Tác giả Tin Mừng thứ nhất ghi lại khúc ngoặt đời mình thế này, “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Ngài bảo ông, “Hãy theo Tôi!”. Ông ấy đứng dậy đi theo Ngài”. Sự vắn gọn khi viết về câu chuyện đời mình tiết lộ ‘một sự bị động hoàn toàn’ của tác giả trước lời gọi định mệnh ấy; ở đây, xem ra Matthêu đang ‘đổ lỗi’ cho Chúa Giêsu, rằng, ‘Ngài bất thần đột nhập vào thế giới của tôi; đúng hơn, thế giới tiền bạc của tôi, Ngài chộp tôi ra khỏi thế giới đó và xô tôi đi tới!’. Trong kiệt tác của mình, “Ơn Gọi của Matthêu”, như một nhiếp ảnh gia nhanh tay, hoạ sĩ Caravaggio đã chụp được khoảnh khắc đó. Hoạ sĩ vẽ Chúa Giêsu ở bên phải đang hướng về phía Matthêu, Ngài lên tiếng gọi ông. Matthêu đang ngồi với những người khác; tay phải giữ chặt một số tiền trên bàn và tay trái chỉ vào mình, như thể đang nói, “Ai? Tôi? Tiền này là của tôi!”.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay vì thế, còn có tên là câu chuyện “Xô Con Đi Tới”, câu chuyện của một tội nhân nay đang “Với Tới Tầm Cao Ân Sủng”, cũng là câu chuyện “Không Bao Giờ Trở Lại” của một tội nhân được xót thương. Như thánh Phaolô, Matthêu giờ đây chỉ còn một việc, “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”. Quên đi chặng đường đã qua, ‘không bao giờ trở lại’ nếp cũ, nếp tội lỗi của một thu thuế, Matthêu trải nghiệm ơn tha thứ của Thiên Chúa với đôi tay vẫy gọi của Ngài vốn sẽ đưa ông đến một lối sống mới của một chân trời mới, dẫu ông không biết cuối chân trời đó sẽ là gì và mình sẽ đi về đâu. Từ đó, Matthêu rời bỏ sổ sách, rời luôn hòm tiền để theo Chúa Giêsu; ông học bài học của chim muông, của hoa đồng cỏ nội, những loài không hề tính toán cho đời sống mình. Và thú vị thay, ngay trong nhóm Mười Hai, Matthêu cũng không kiêm giữ vai trò thủ quỹ!
Anh Chị em,
Đến một lúc nào đó, Chúa Giêsu cũng tìm cách đột nhập vào thế giới của mỗi người chúng ta; cũng có thể Ngài đã đột nhập hay sắp đột nhập; một thế giới mà ở đó, ‘các thứ khác’ và tiền bạc có lẽ nhiều hơn Thiên Chúa. Chớ gì mỗi người chúng ta ý thức rằng, Thiên Chúa đang khao khát ‘linh hồn tôi’ dù tôi đang ở đấng bậc nào, trong bất cứ hiện trạng nào. Mỗi ngày, chúng ta có thể tự hỏi câu hỏi của Matthêu, “Ai? Tôi?”, một câu hỏi mà Chúa Giêsu luôn luôn trả lời, “Con, đúng là con!”; và Ngài cũng muốn chộp lấy tôi, xô tôi đi tới, để tôi ‘không bao giờ trở lại’ lối sống xưa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, Chúa không đến vì “người công chính” mà đến vì “kẻ tội lỗi”. Xin cho con biết mở lòng đón nhận ơn tha thứ xót thương của Chúa; và một khi đã được xô về phía trước, xin cho con luôn biết nói với Chúa rằng, con sẽ ‘không bao giờ trở lại’ lối cũ, tội xưa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
PHÚC ÂM: Ga 20, 24-29
“Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđy-mô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Đó là lời Chúa.
Tổng thống Colombia Ivan Duque, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Thống đốc khu vực, đang ngồi tên trực thăng bay đến Thành phố Cucuta ở tỉnh Santander Norte, thì trực thăng của họ gặp phải hỏa lực nặng nề và liên tục từ các tay súng phiến quân, trang bị súng trường nòng cao.
Máy bay trực thăng bị trúng đạn nhiều lần, nhưng các viên đạn đi chệch mục tiêu muốn nhắm đến là cánh quạt. Không có ai bị thương. Vùng trời này gần biên giới với Venezuela. Bên dưới là một khu vực hẻo lánh nơi Quân Giải phóng Quốc gia, hay còn được gọi là ELN, hoạt động. Năm 2016, chính phủ đã được thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ vẫn chưa đạt được thỏa thuận hòa bình với phiến quân ELN theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông
Tổng thống Duque đã lên án vụ tấn công là hèn nhát. Ông thề sẽ sử dụng Quân đội để truy lùng những tay súng và đưa chúng ra trước công lý. ELN được thành lập vào năm 1964, cùng năm với FARC. Ba nghìn du kích của nó bị cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu lên án là bọn khủng bố. Họ tham gia vào các vụ mua bán ma túy, tàn sát, đánh bom và bắt cóc.
Source:Vatican News
Các giám mục ở khu vực Thái Bình Dương và các khu vực Tây Nam của Colombia tuần trước đã lên tiếng về tình hình hiện tại của đất nước, khuyến khích hòa giải, công lý, các sáng kiến có trách nhiệm và từ chối bất kỳ hình thức bạo lực nào.
Một cuộc đình công toàn quốc do các tổ chức cánh tả kêu gọi để phản ứng với đề xuất tăng thuế đã bắt đầu vào ngày 28 tháng 4 và kể từ đó đã mở rộng sang các vấn đề khác. Các cuộc biểu tình đã trở nên tồi tệ bởi bạo lực và phá hoại, và các cuộc đụng độ giữa cơ quan thực thi pháp luật và người biểu tình và các vụ việc khác đã khiến ít nhất 50 người chết và hàng chục người bị thương trên khắp Colombia.
Trong một video ngày 23 tháng 6 được đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Colombia, một số giám mục đã đề cập đến tình hình hiện tại của đất nước.
Đức Cha Juan Carlos Cárdenas Toro, giám mục Pasto, thúc giục rằng các cuộc biểu tình nên diễn ra trong hòa bình và bất bạo động.
Đức Cha Cárdenas nói rằng tính hợp pháp của một cuộc biểu tình “bị tổn hại khi bạo lực trở thành nhân vật chính. Các nhà chức trách, những người tổ chức và những người tham gia cần lưu ý để các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, ngăn chặn một số ít xuyên tạc và lợi dụng những gì họ muốn đạt được”.
Đức Cha nói thêm rằng “Bạo lực không phải là một phản ứng chính đáng, bạo lực là một tội ác, nó không xứng đáng với con người, nó phá hủy những gì nó tìm cách bảo vệ: phẩm giá, cuộc sống và tự do của con người. hiện hữu”.
“Các sáng kiến được thực hiện với sự sáng tạo và trách nhiệm là điều đáng hoan nghênh. Không thể dung túng cho tình trạng trong đó nhân vật chính là sự hỗn loạn và vô chính phủ”, gây hại cho chính người dân.
Đức Cha Cárdenas nói rằng biểu tình ôn hòa “là một quyền bất khả nhượng và đáng ca ngợi, nó phải được thực hiện với đầy đủ trách nhiệm”. Biểu tình ôn hòa “phải được thực hiện dựa trên các giá trị trung thực và lý tưởng cao đẹp như tôn trọng cuộc sống, nhân phẩm và lợi ích chung”.
Phát biểu trong một thánh lễ dành cho những người trẻ, Đức Cha José Roberto Ospina Leongómez của Buga, nói trong video, “các bạn là người sáng tạo, các bạn mơ về một đất nước công bằng, hòa bình, với nền giáo dục; một quốc gia nơi có các cơ hội việc làm”.
Ngài cũng mạnh mẽ lên án vụ một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã nhảy múa và thoát y trước cửa nhà thờ lớn ở thị trấn San Gil, Colombia trong tuần qua.
Các điệu nhảy dâm dục đã diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đình công liên tục trên toàn quốc, và như một phần của tháng “tự hào đồng tính”, đã tạo ra một cuộc tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và gây phẫn nộ nơi người Công Giáo.
Đêm 21 tháng Sáu, một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã tập trung bên ngoài nhà thờ chính tòa thành phố San Gil, cách thủ đô Bogota 240km về phía bắc và la hét cổ vũ cho một nhóm điên cuồng nhảy múa và thoát y.
Source:Catholic News Agency
UCA - Rock Ronald Rozario 1/7/2021
Một thuyền trưởng của một thương thuyền Hoa Kỳ đã cứu 14.000 người tị nạn trong cuộc chiến Triều Tiên, đã giã từ sự nghiệp đi tu và nay đang trên con đường được phong thánh.
Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã châu phê hồ sơ phong thánh cho Thuyền trưởng Leonard LaRue, người mà sau cuộc chiến, đã vào dòng Biển Đức và được gọi là Thầy Marinus.
HĐGM Hoa Kỳ cũng châu phê hồ sơ phong thánh cho Cha Joseph Verbis Lafleur của Giáo phận Lafayette, Louisiana, Ngài là một tuyên úy quân đội đã tử trận trong thế chiến thứ hai.
Thuyền trưởng Leonard LaRue điều hành chuyến thương thuyền SS Meredith Victory, mà Cục Hàng hải Hoa Kỳ cho biết “cuộc cứu hộ của thương thuyền này là một cuộc cứu hộ tỵ nạn vĩ đại nhất trong lịch sử”.
Công cuộc giải cứu tỵ ngày 23 tháng 12 năm 1950, được kết thúc vào ngày Giáng sinh, vì vậy mà cuộc cứu hộ này được gọi là “Phép lạ Giáng sinh”.
Trong số những người được giải cứu có cha mẹ của Timothy Moon Jae-in, đương kim tổng thống Hàn Quốc.
Leonard LaRue sinh tại Philadelphia vào ngày 14 tháng 1 năm 1914, theo học tại Trường Hàng hải Bang Pennsylvania và tốt nghiệp năm 1934. Ban đầu ông làm việc tại cảng New York trên các tàu buôn... Năm 1942, ông gia nhập Đoàn Tầu Moore-McCormack.
Năm 1944, ông được thăng chức thuyền trưởng, chỉ huy một con tàu và cuối cùng, ông trở thành thuyền trưởng của thương thuyền Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên chiếc SS Meredith Victory nặng 7.600 tấn.
Khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, LaRue khởi hành từ Norfolk, Virginia. Ông được lệnh đi qua kênh đào Panama và băng qua Thái Bình Dương để đến một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Ông được giao nhiệm vụ tải đạn dược và xe bọc thép đến cảng Hungnam ở bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên, tiếp vận cho quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu với các lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Khi LaRue đến gần bờ, ông đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của hàng ngàn người tị nạn tràn vào cảng Hungnam, vì chạy trốn khỏi làn đạn của cộng sản. Khoảng 200 tàu của Liên hợp quốc chở đầy người tị nạn đã sẵn sàng nhổ neo giữa các cuộc đang tấn công dữ dội.
LaRue nói: "Qua ống kiếng nhìn vào bờ, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng đáng thương…
Thuyền trưởng LaRue là một người đạo đức đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giải cứu những người tị nạn Triều Tiên đang bị bao vây. Nhưng sức chứa của con tàu chở hàng dài 139 mét rất hạn chế - không gian cabin chỉ chứa tối đa 47 thủy thủ và một chục hành khách, cộng với năm tầng hầm chở hàng.
Ông ra lệnh dỡ bỏ tất cả những gì không cần thiết, bao gồm hàng hóa và vũ khí, đồng thời cho phép càng nhiều người tị nạn xuống tầu... Khoảng 14.000 người xuống tàu, nằm ngồi la liệt không còn một chỗ trống!
Con tàu đi về phía nam và đến Pusan (nay là Busan) vào đêm Giáng sinh, nhưng nó không được phép cập cảng vì cảng đã quá tải với những người tị nạn ở đó.
Nên con tàu lại phải lênh đênh thêm 80 km về phía tây nam của Pusan và đến đảo Koje Do, nơi tất cả những người tị nạn đã được đưa vào bờ bằng hai tàu đổ bộ của hải quân Mỹ. Cám ơn Chúa mọi sự bình yên, không có sự cố nào xảy ra, dù những người tị nạn lo sợ bị đem con đi bỏ chợ! Hơn nữa, có cả năm em bé được sinh ra trong chuyến cứu nạn kỳ diệu này.
Ông LaRue sau này mỗi khi nhớ lại, ông phải tự thú: "Tôi tin rằng Chúa đã cùng đồng hành với chúng tôi trong ba ngày đó. Chính Chúa đã chèo lái con tàu của tôi",
Theo tờ Báo Times Catholic thì: Ngày nay, con cháu của những người tị nạn được giải cứu ước tính khoảng một triệu người, theo đạo Công Giáo ở Hàn Quốc.
Trong công cuộc giải cứu vĩ đại này cũng mang lại cho Thuyền trưởng LaRue một tiếng gọi đặc biệt.
Năm 1954, ông gia nhập Dòng Biển Đức và được gọi là thầy Marinus (tiếng Latinh có nghĩa là “biển cả”). Thầy đã dành phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và sống ẩn dật tại Tu viện Thánh Phaolô ở Newton, New Jersey, nơi ngài qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2001.
Giám Mục Phụ Tá Elias Lorenzo của Tổng giáo phận Newark, người đã tham dự thánh lễ an táng, nhớ lại: “Nhiều người từ Hàn Quốc đã tham dự để tưởng nhớ và cám ơn Thầy vì những việc anh dũng thầy đã thực hiện.
Ngày 25 tháng 3 năm 2019, Giám mục Arthur Serratelli, Giáo phận Paterson, New Jersey đã mở hồ sơ phong thánh cho Thuyền trưởng LaRue.
Hơn 10 năm sau khi văn phòng Nhà thờ St. Camillus bị đột nhập và lục soát, một cựu cư dân thành phố Fitchburg, hiện đang sống ở West Roxbury, đã bị buộc tội liên quan đến vụ đột nhập sau khi máu được tìm thấy tại hiện trường được kết luận là có liên quan đến anh ta qua xét nghiệm DNA.
Tháng 5 năm 2011, Cha Joseph M. Dolan của giáo xứ St. Camillus de Lellis đã báo cáo với cảnh sát rằng văn phòng nhà thờ đã bị đột nhập và các tài liệu và tủ hồ sơ đã bị lục tung. Ngài cũng nói với cảnh sát rằng hộp đựng tiền của nhà thờ đã bị mất.
Hộp tiền mặt chứa 30 đô la và được tìm thấy bên ngoài nhà thờ trống rỗng một ngày sau vụ đột nhập.
Trong quá trình điều tra, các cảnh sát xác định ai đó đã mở một tấm lưới kim loại bảo vệ một cửa sổ nhỏ bên hông tòa nhà để vào văn phòng, tọa lạc tại 333 Mechanic St.
Khi kiểm tra hồ sơ và tủ, các cảnh sát nhận thấy thứ có vẻ là máu khô trên một số hồ sơ và thu thập cho cuộc điều tra.
Vài tuần sau vào năm 2011, Thám tử Ernest Martineau đã phỏng vấn Javier Gonzalez-Garcia, lúc đó 32 tuổi sau khi anh ta bị bắt vì liên quan đến một vụ trộm khác. Cảnh sát ghi nhận trong hồ sơ rằng anh ta có một số vết cắt và trầy xước trên tay chân nhưng không nghĩ những vết thương này là do đột nhập vào văn phòng nhà thờ.
Gần đây Gonzalez-Garcia, giờ đã dọn sang khu vực West Roxbury lại bị bắt vì trộm cắp. Cảnh sát sinh nghi nên gởi DNA đi xét nghiệm. Vào ngày 14 tháng 6, phòng thí nghiệm tội phạm đã gửi kết quả xác định Gonzalez-Garcia là nghi phạm.
Gonzalez-Garcia đã bị triệu tập đến tòa án vào hôm thứ Hai 28 tháng Sáu vì tội đột nhập, trộm cắp và phá hủy tài sản có mục đích.
Tờ Sentinel And Enterprise nhận định vụ này thật thú vị và lưu ý độc giả rằng Giuđa cũng đã bán Chúa với giá 30 đồng bạc.
Source:Sentinel & Enterprise
Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, đã khánh thành một cuộc triển lãm ở Rôma để kỷ niệm 70 năm ngày Đức Joseph Ratzinger được thụ phong linh mục và Thánh lễ đầu tiên của ngài, diễn ra tại Bavaria vào ngày 29 tháng 6 năm 1951.
Sáng kiến này được thúc đẩy bởi Quỹ Joseph Ratzinger - Bênêđíctô XVI của Vatican, Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, và Bảo tàng các Giáo hoàng.
Triển lãm này có các đồ vật thuộc về Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, lần đầu tiên rời khỏi nơi ở của ngài tại Tu viện Mẹ Giáo Hội, và những bức ảnh về cuộc đời linh mục của Đức Joseph Ratzinger.
Sáng kiến này sẽ mở cửa cho công chúng bắt đầu từ ngày 29 tháng 6 tại Phòng trưng bày Arte Poli tại số 88 đường Borgo Vittorio ở Rôma.
Phát biểu với EWTN, Đức Tổng Giám Mục Ganswein cho biết cuộc trưng bày có “những phần trong cuộc đời ngài, những phần trong trái tim ngài, nó cũng có những đồ vật khác nhau từ nhiều thời kỳ khác nhau trong cuộc đời của ngài, từ lần Rước lễ lần đầu, cho đến chiếc nhẫn mà ngài vẫn sử dụng bây giờ khi cử hành Thánh lễ trong Nhà nguyện Mẹ Giáo Hội”.
Đức Tổng Giám Mục Ganswein tiết lộ rằng khi Đức Bênêđíctô biết được sáng kiến này “ngài rất ngạc nhiên và vui mừng”.
“Ngài rất hạnh phúc vì được làm linh mục; đối với ngài đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Ngài đã sống để trở thành một linh mục, ngài đã sống như một linh mục”.
Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI nói rằng do “tuổi cao và không còn sức lực nên Đức Giáo Hoàng danh dự sẽ không làm gì trước công chúng vào ngày kỷ niệm thụ phong của ngài vào ngày 29 tháng 6”.
Đức Bênêđíctô XVI sẽ cử hành thánh lễ ngày 29 tháng 6 một cách riêng tư trong nhà nguyện Mẹ Giáo Hội. Tuy nhiên, một số người đàn ông đã hát trong ca đoàn nhà thờ chính tòa Regensburg, bên Đức, khi anh trai ngài là người phụ trách ca đoàn, cũng sẽ có mặt ở đó.
Nhóm sáu người đàn ông này từ 40 đến 65 tuổi và sẽ đến tham dự Thánh lễ trong nhà nguyện “để hát một thánh lễ tuyệt đẹp của một nhà soạn nhạc người Đức”. Đối với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 “đây là một niềm vui”, Đức Tổng Giám Mục Ganswein nói, và nhận định rằng Đức Bênêđíctô sẽ rất hài lòng khi điều đó diễn ra.
Source:Catholic News Agency
Một vụ nổ bên trong một nhà thờ Công Giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến ít nhất hai người bị thương nặng.
Vụ nổ, xảy ra vào sáng sớm ngày 27 tháng 6 tại Giáo xứ Emmanuel-Butsili ở thị trấn Beni, là do một quả bom tự chế được đặt ở hàng đầu tiên ngay sau bàn thờ. Ngay sau vụ nổ, đô trưởng thủ đô Benin đã ra lệnh giới nghiêm.
Cha Isidore Kambale Masingo, cha sở của giáo xứ, nói với ACI Africa vào ngày xảy ra vụ tấn công rằng “vụ nổ bên trong nhà thờ xảy ra ngay trước khi bắt đầu Thánh lễ Chúa Nhật”.
“Vụ nổ xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng khi Thánh lễ vẫn chưa bắt đầu. Hai bà mẹ bị thương nặng và đã được đưa tới bệnh viện”.
Vị linh mục người Congo nói rằng những người phụ nữ đã “đến nhà thờ từ sáng sớm để sắp xếp nhà thờ cho buổi lễ Chúa Nhật”.
“Quả bom tự chế được đặt ở nơi dàn hợp xướng đặt nhạc cụ của họ, ở hàng đầu tiên sau bàn thờ”.
Đức Ông Laurent Sondirya, tổng đại diện của giáo phận Butemb-Beni, nói với truyền thông địa phương rằng ngài tin rằng những kẻ tấn công đang “nhắm vào một đám đông lớn” vì một Thánh lễ Thêm sức đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày hôm đó.
“Họ đang nhắm mục tiêu một đám đông lớn vì buổi lễ sẽ quy tụ con cái, cha mẹ và các tín hữu”, Cha Sondirya nói.
Khu vực đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo nơi xảy ra vụ nổ đã hứng chịu các cuộc tấn công từ Lực lượng Dân chủ Đồng minh, một nhóm phiến quân liên kết với IS từ nước láng giềng Uganda.
Theo thông tấn xã AFP, đã xảy ra ba vụ đánh bom ở thành phố Beni vào cuối tuần qua.
Sau vụ nổ tại nhà thờ Công Giáo, một vụ đánh tự sát đã xảy ra bên ngoài một quán bar. Trước đó, một quả bom khác phát nổ tại một trạm xăng ở ngoại ô thành phố vào ngày 26 tháng 6.
Source:Catholic News Agency
Theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 1 tháng Bẩy đã là ngày cầu nguyện cho Li Băng. Cùng tham dự Ngày cầu nguyện với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite; Đức Thượng phụ Youhanna 10 của Chính thống giáo Đông phương; Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem Đệ Nhị của Chính thống Syria thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Aram Đệ Nhất của Giáo hội Armenia ở Cicilia; Đức Thượng phụ Ignatius Youssef Đệ Tam của Công Giáo Syro thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Youssef Absi của Công Giáo Hy lạp nghi lễ Melkite; Mục sư Joseph Kassab, chủ tịch Hội đồng tối cao các cộng đồng truyền giáo ở Syria và Li Băng; và Đức Cha Michel Kassarji, giám mục Beirut của Giáo Hội Công Giáo Chanđê.
Về phía Tòa Thánh, còn có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương; Đức Tổng Giám Mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng; và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh.
Các hoạt động vào sáng thứ Năm 1 tháng 7
Đến trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, Đức Thánh Cha cùng các tham dự viên đọc kinh Lạy Cha và sau đó các ngài thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Tiếp đến các ngài xuống trước mộ thánh Phêrô, mỗi vị đốt một ngọn nến nhỏ và thinh lặng cầu nguyện trong ít phút.
Sau khi cầu nguyện Đức Thánh Cha và các Thượng phụ đến Hội trường Clêmentina để bắt đầu phần hội nghị riêng.
Các hoạt động vào chiều thứ Năm 1 tháng 7
Lúc 6 giờ chiều, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo các Giáo hội ở Li Băng đã cử hành giờ cầu nguyện đại kết.
Giờ cầu nguyện bắt đầu với cuộc rước sách Phúc Âm. Tiếp đến là lời khẩn cầu và ngợi khen Chúa Ba Ngôi và sau đó là lời cầu nguyện cầu xin hoà bình.
Phần thứ hai của giờ cầu nguyện là phần phụng vụ Lời Chúa với 3 bài đọc: bài thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia (29:11-14), với những lời sau của Thiên Chúa: “Ta biết những kế hoạch mà Ta đã dành cho các ngươi – những kế hoạch hoà bình chứ không phải phá huỷ, để ban cho các ngươi một tương lai tràn đầy hy vọng”.
Bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (12:9-21): “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa”.
Bài Phúc âm trích từ Tin mừng thánh Luca (6,17-36), với những lời kết thúc: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Tiếp đến, các ý nguyện được dâng lên cầu nguyện cho tinh thần liên đới và hoà giải, kiến tạo hoà bình và hoà hợp cho vùng Trung Đông, các quốc gia và cộng đoàn vốn đang là nạn nhân của bạo lực và xung đột; cầu cho Kitô hữu Li Băng xây dựng cộng đoàn sống động và đóng góp cho xã hội. Lời nguyện cũng được dâng lên cầu cho toàn thể nhân loại và các nhu cầu: cho người nghèo, người bệnh, người trẻ và người cao niên, người di dân và tị nạn, người bị bách hại vì tư tưởng và tôn giáo.
Sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Cha. Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo thinh lặng cầu xin ơn hoà bình và sau đó các bạn trẻ trao cho mỗi vị một ngọn đèn được thắp sáng như dấu chỉ mong muốn trở thành người mang ánh sáng hoà bình cho thế giới.
Trong diễn từ của mình trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha nói:Chư huynh thân mến,
Hôm nay chúng ta tụ họp để cầu nguyện và suy tư, xuất phát bởi mối quan tâm đối với Li Băng, một mối quan tâm mạnh mẽ, khi nhìn thấy đất nước mà tôi mang trong lòng và tôi muốn đến thăm, rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tôi biết ơn tất cả những người tham gia đã sẵn sàng chấp nhận lời mời và chia sẻ huynh đệ. Chúng ta là những Mục tử, được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của Dân Thánh Thiên Chúa, trong hoàn cảnh tăm tối này, chúng ta đã cùng nhau cố gắng định hướng chính mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Và dưới ánh sáng của Người, trước hết chúng ta thấy rõ những lỗi lầm của mình: những sai lầm đã mắc phải khi chúng ta không làm chứng cho Tin Mừng một cách nhất quán và sau cùng, những cơ hội đã mất trên con đường huynh đệ, hòa giải và hiệp nhất trọn vẹn. Về điều này, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ và với tấm lòng sám hối, chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” (Mt 15:22).
Đây là tiếng kêu của một người phụ nữ đã gặp Chúa Giêsu chính tại Tirê và Sidon, và trong cơn đau khổ, đã khẩn thiết van nài Ngài: “Lạy Chúa, xin hãy cứu con!” (câu 25). Ngày nay, tiếng kêu này đã trở thành tiếng kêu của cả một dân tộc, những người dân Li Băng thất vọng và kiệt quệ, cần những điều chắc chắn, hy vọng, và hòa bình. Với lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta muốn đồng hành với tiếng kêu này. Chúng ta đừng bỏ cuộc, chúng ta đừng mệt mỏi cầu xin từ Thiên đàng cho nền hòa bình mà loài người đã vất vả xây dựng trên mảnh đất này. Chúng ta hãy khẩn thiết van nài cho Trung Đông và Li Băng. Đất nước thân yêu này, một kho tàng văn minh và tâm linh, nơi đã tỏa sáng trí tuệ và văn hóa qua nhiều thế kỷ, nơi làm chứng cho một trải nghiệm độc nhất về chung sống hòa bình, không thể bị phó mặc cho số phận hay cho những ai theo đuổi tư lợi ích của họ. Li Băng là một quốc gia nhỏ nhưng lớn, và còn hơn thế nữa: Li Băng là một thông điệp phổ quát về hòa bình và tình anh em đến từ Trung Đông.
Một cụm từ Chúa phán trong Kinh thánh đã vang lên giữa chúng ta ngày nay, hầu như đáp lại tiếng kêu cầu nguyện của chúng ta. Đây là một vài lời mà Thiên Chúa đã phán, đó là Ngài có “kế hoạch cho hòa bình chứ không phải cho sự phá hủy” (Giê 29:11). Có các dự án cho hòa bình chứ không phải cho bất hạnh. Trong những thời điểm bất hạnh này, chúng ta muốn khẳng định với tất cả sức mạnh của mình rằng Li Băng, phải là, và vẫn là một dự án hòa bình. Ơn gọi của nó là trở thành một vùng đất khoan dung và đa nguyên, một ốc đảo của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau cùng tồn tại, đặt thiện ích chung lên trên những lợi thế riêng. Do đó, tôi muốn nhắc lại rằng điều cần thiết là những người nắm quyền phải tối hậu và dứt khoát đặt mình vào mục tiêu phục vụ hòa bình thực sự chứ không phải các lợi ích của chính họ. Đã quá đủ rồi cái cảnh tạo ra lợi thế của một số ít người trên da thịt của nhiều người! Đã quá đủ rồi cái cảnh sự thật bị bóp méo chiếm ưu thế hơn hy vọng của mọi người! “ (Diễn từ cuối cuộc đối thoại, Bari, ngày 7 tháng 7 năm 2018). Hãy ngừng sử dụng Li Băng và Trung Đông cho các lợi ích và lợi nhuận nước ngoài! Người Li Băng phải được trao cơ hội trở thành nhân vật chính của một tương lai tốt đẹp hơn, trên đất nước của họ và không bị các can thiệp quá mức từ bên ngoài.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Những người Li Băng thân mến, các bạn đã làm nổi bật mình qua nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, vì sự tháo vát và cần cù của mình. Những cây hương nam cao vút của các bạn, biểu tượng của đất nước, gợi lên sự giàu có hưng thịnh của một lịch sử độc đáo. Và chúng cũng nhắc nhớ rằng những cành lớn chỉ có thể mọc ra từ rễ sâu. Cầu mong sao cho những tấm gương của những người đã có thể xây dựng các nền móng chia sẻ sẽ truyền cảm hứng cho các bạn, để nhìn thấy sự đa dạng không phải là trở ngại nhưng là khả năng. Hãy đắm mình trong giấc mơ hòa bình của những bậc tiền bối. Chưa bao giờ, như trong những tháng gần đây, chúng ta hiểu rằng một mình chúng ta không thể tự cứu mình và những vấn đề của một số lại không liên quan đến những vấn đề của người khác. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bạn. Với các công dân: chúng tôi kêu gọi anh chị em đừng nản lòng, đừng mất niềm tin, nhưng hãy tìm trong cội nguồn lịch sử của mình niềm hy vọng sẽ nảy mầm trở lại. Với các nhà lãnh đạo chính trị: chúng tôi cầu mong rằng theo trách nhiệm của mình, các bạn có thể tìm ra các giải pháp cấp bách và ổn định cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay, và hãy nhớ rằng không có hòa bình nếu không có công lý. Với các cộng đồng người Li Băng hải ngoại thân yêu: chúng tôi mong anh chị em có thể sử dụng các tài nguyên và những nguồn lực tốt nhất để phục vụ quê hương. Với cộng đồng quốc tế: hãy tạo ra các nỗ lực chung, và các điều kiện để đất nước này không sụp đổ nhưng khởi hành trên con đường phục hồi. Điều đó sẽ tốt cho tất cả mọi người.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Là các tín hữu Kitô, hôm nay chúng ta muốn đổi mới cam kết xây dựng tương lai cùng nhau, bởi vì tương lai sẽ hòa bình chỉ khi nó là của chung. Mối quan hệ giữa con người không thể dựa trên việc theo đuổi lợi ích, đặc quyền và tư lợi phe phái. Không, tầm nhìn của Kitô Hữu về xã hội đến từ các Mối phúc, bắt nguồn từ sự hiền lành và lòng thương xót, phải dẫn đến việc bắt chước hành động của Thiên Chúa, Đấng là Cha và muốn hòa hợp các con cái của Ngài trong thế giới này. Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở thành những người gieo hòa bình và là những nghệ nhân của tình huynh đệ, không sống trên những oán hận và thù hằn trong quá khứ, không trốn tránh những trách nhiệm của hiện tại, nhưng nuôi dưỡng cái nhìn hy vọng về tương lai. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa chỉ ra một con đường duy nhất cho lộ trình của chúng ta: đó là con đường hòa bình. Do đó, chúng ta hãy bảo đảm với các anh chị em Hồi giáo của chúng ta và những người thuộc các tôn giáo khác sự cởi mở luôn luôn và sự sẵn sàng cộng tác để xây dựng tình huynh đệ và thúc đẩy hòa bình. Nó “không yêu cầu phải có kẻ thắng hay người thua, mà đòi hỏi chúng ta là những anh chị em, những người, bất chấp những hiểu lầm và vết thương của quá khứ, đi từ xung đột đến thống nhất” (Diễn văn trong cuộc họp liên tôn ở vùng đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Với ý nghĩa này, tôi hy vọng rằng ngày này sẽ được tiếp nối bằng các sáng kiến cụ thể nhân danh đối thoại, dấn thân giáo dục và đoàn kết.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Hôm nay chúng ta đã lấy lại những lời đầy hy vọng của nhà thơ Gibran: “Xa hơn bức màn đen của đêm tối, có một bình minh đang chờ đợi chúng ta”. Một số bạn trẻ vừa đưa cho chúng ta một số đèn thắp sáng. Họ, những người trẻ tuổi, là những ngọn đèn cháy sáng trong giờ phút đen tối này. Niềm hy vọng về tương lai sáng bừng trên khuôn mặt họ. Họ phải nhận được sự lắng nghe và chú ý, bởi vì sự tái sinh của đất nước phải thông qua họ. Và tất cả chúng ta, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, hãy hướng đến những hy vọng và ước mơ của những người trẻ. Và chúng ta hãy nhìn những người trẻ: đôi mắt của họ sáng lên, nhưng đọng quá nhiều nước mắt, lay động lương tâm và những lựa chọn trực tiếp. Những ánh sáng khác tỏa sáng ở chân trời Li Băng: họ là những phụ nữ. Tượng đài Mẹ Của Tất Cả xuất hiện trong tâm trí chúng ta, Mẹ, từ ngọn đồi Harissa, ôm lấy những người đến với đất nước này từ Địa Trung Hải bằng ánh mắt từ mẫu của mình. Đôi tay rộng mở của Mẹ hướng về biển cả và hướng về thủ đô Beirut, để chào đón những hy vọng của mọi người. Phụ nữ là những người tạo ra sự sống, là những người tạo ra hy vọng cho tất cả mọi người; họ phải là những người được tôn trọng, được đánh giá cao và tham gia vào quá trình ra quyết định của Li Băng. Và cả những người già, những người là cội nguồn, những người già của chúng ta: hãy nhìn họ, hãy lắng nghe họ. Cầu mong họ bảo ban cho chúng ta sự huyền bí của lịch sử, cho chúng ta những nền tảng của đất nước để tiếp tục. Họ muốn quay lại với những giấc mơ: chúng ta hãy lắng nghe họ, để trong chúng ta những giấc mơ đó được chuyển thành lời tiên tri.
Diễn giải lại câu thơ này một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không có con đường nào khác để đến với bình minh khác hơn là trải qua đêm đen. Và trong đêm đen khủng hoảng, chúng ta cần phải đoàn kết. Cùng nhau, thông qua sự trung thực của đối thoại và sự chân thành của ý định, chúng ta có thể mang lại ánh sáng cho những vùng tối. Chúng ta hãy giao phó mọi nỗ lực và cam kết cho Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, bởi vì, như chúng ta đã cầu nguyện, “khi những tia sáng rạng ngời của lòng Chúa thương xót bừng lên, bóng tối vụt tắt, chạng vạng kết thúc, bóng tối lùi dần và màn đêm tan biến”. (x. Thánh Grêgôriô thành Narek, Sách Ai Ca, 41). Hỡi anh chị em, hãy để màn đêm xung đột biến mất và bình minh hy vọng sống lại. Hãy để những thù hận chấm dứt, những bất đồng tan biến, và Li Băng sẽ trở lại tỏa sáng hòa bình.
Source:Libreria Editrice Vaticana
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Thứ ba, ngày 29 tháng Sáu năm 2021
Sau thông báo ngày 10 tháng 6 năm 2021 liên quan đến việc phái đoàn Người bản địa đến gặp Đức Thánh Cha để thúc đẩy các cuộc gặp gỡ đối thoại có ý nghĩa và chữa lành, các Giám mục Công Giáo Canada vui mừng thông báo rằng, do các hạn chế đi lại toàn cầu, cuộc gặp gỡ dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 2021.
Đức Thánh Cha Phanxicô cam kết sâu sắc lắng nghe trực tiếp từ Người bản địa, bày tỏ sự gần gũi chân thành của ngài, đề cập đến tác động của quá trình thuộc địa hóa và vai trò của Giáo hội trong hệ thống Trường Nội Trú dành cho người bản địa, với hy vọng đáp ứng những đau khổ của Người bản địa và những tác động chấn thương liên tục giữa các thế hệ. Các Giám mục Canada rất biết ơn tinh thần cởi mở của Đức Thánh Cha trong việc quảng đại mở rộng lời mời gặp gỡ cá nhân với từng nhóm trong ba nhóm đại biểu riêng biệt - First Nations, Métis và Inuit - cũng như buổi tiếp kiến cuối cùng với tất cả các đại biểu trên vào Ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Chuyến thăm mục vụ này sẽ bao gồm sự tham gia của một nhóm đa dạng gồm những Trưởng Lão, những người gìn giữ tri thức, những người đã từng theo học các Trường Nội Trú dành cho người bản địa và thanh niên từ khắp đất nước, cùng với một nhóm nhỏ gồm các Giám mục và các nhà lãnh đạo bản địa. Việc lập kế hoạch cho phái đoàn đang được tiến hành và các thông tin chi tiết khác sẽ được thông báo khi chúng tôi có các thông tin.
Các Giám mục Canada tái khẳng định hy vọng chân thành rằng những cuộc gặp gỡ sắp tới này sẽ dẫn đến một tương lai hòa bình và hòa hợp chung giữa các Dân tộc Bản địa và Giáo Hội Công Giáo ở Canada.
29 tháng 6 năm 2021
Source:CCCB
Người tín hữu Kitô, noi gương thầy Chí Thánh và theo lời khuyên của những môn đệ trực tiếp của Người, luôn sẵn sàng nghinh đón các thử thách lúc nào cũng có sẵn ở trên đời. Tạp chí mạng Aleteia luôn đi tìm những con người tiêu biểu ấy để nói về, phần nào chiếu sáng niềm vui, niềm tích cực trên bầu trời u ám của những #Metoo, CultureCancel... chuyên lục lọi “kẻ thù” để tận diệt hả hê.
Trong hai tuần qua, tạp chí trên kể chuyện hai mẫu Kitô hữu đó.
1. Đức Giáo Hoàng ca ngợi người tài xế của mình: một người đưa Giáo hội tiến lên
Theo Antoine Mekary của ALETEIA, vào cuối buổi tiếp kiến chung ngày 30 tháng 6 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiệt liệt cảm ơn người tài xế của ngài, Renzo Cestiè, người sắp nghỉ hưu. “Ông ấy bắt đầu làm việc [tại Vatican] năm 14 tuổi và đi làm bằng xe đạp; ngày nay, ông là người tài xế của Đức Giáo Hoàng”, vị giáo hoàng giải thích, khiến nổ ra cả một tràng pháo tay hoan hô người giáo dân 67 tuổi này.
Năm 2016, Renzo Cestiè được nhật báo Anh The Guardian phỏng vấn. Ông bộc bạch sự ngưỡng mộ của mình đối với “ông xếp” của mình, chia sẻ cảm giác ra sao khi bắt gặp ánh mắt của Đức Phanxicô.
Cestiè liếc qua gương chiếu hậu và thấy ánh mắt của vị hành khách nổi tiếng của mình. “Tôi luôn luôn nhìn đi chỗ khác,” ông nói. Khi Đức Phanxicô bắt gặp ánh mắt của ông, “lúc ấy, dường như ngài nhìn thấu bên trong bạn và ngài biết bạn là ai”. Giọng ông như vỡ ra…
Một "hành khách thầm lặng"
Thừa nhận rằng công việc của mình có thể nguy hiểm, người tài xế của Đức Giáo Hoàng nói rằng ông không cảm thấy sợ hãi chút nào: “Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ cùng lên thiên đàng”, ông nói với nhật báo Anh.
Ông ca ngợi cảm thức tình người của Đức Giáo Hoàng.
Đối với ông, “tất cả chúng ta đều giống nhau,” sau đó ông giải thích, “chúng ta là những người cộng tác với ngài”.
Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi lòng trung thành của người tài xế của mình.
“Ở đây, ở Vatican, có rất nhiều người làm việc: linh mục, Hồng Y, nữ tu, giáo dân, rất nhiều; và hôm nay tôi xin tạm dừng để cảm ơn một giáo dân, người sẽ nghỉ hưu hôm nay, đó là Renzo Cestiè.
“Ông ấy bắt đầu làm việc [ở đây] khi mới 14 tuổi, ông đi làm bằng xe đạp. Hôm nay ông là người tài xế của Đức Giáo Hoàng: ông đã làm được tất cả những điều này.
“Chúng ta hãy hoan hô Renzo và lòng trung thành của ông ấy! Ông là một trong những người đưa Giáo hội tiến lên bằng công việc của mình, bằng lòng nhân từ và bằng lời cầu nguyện của mình. Tôi cảm ơn ông ấy rất nhiều và cũng nhân cơ hội này xin cảm ơn mọi giáo dân làm đang việc với chúng tôi tại Vatican”.
2.Niềm tin sâu sắc của Nightbirde tỏa sáng trong màn trình diễn loan truyền nhanh như virút trên America’s Got Talent
Theo Cerith Gardiner của Aleteia, với giọng nói của một thiên thần, cô đã chia sẻ câu chuyện của mình... và niềm vui của cô.
Chúng ta dễ cảm thấy ân hận cho bản thân và choáng ngợp với những gì đang diễn biến trong cuộc sống của mình. Nhưng điều hết sức cần là một ai đó nhắc nhở chúng ta về vẻ đẹp thực sự của cuộc sống để vực dậy tinh thần của chúng ta. Gần đây, điều này đến với màn trình diễn tuyệt đẹp của Nightbirde.
Thí sinh (tên của cô là Jane Marczewski khi không biểu diễn - Nightbirde là nghệ danh của cô) gần đây đã tham gia chương trình truyền hình thực tế America’s Got Talent. Trông nhỏ nhắn trên sân khấu nhưng với nụ cười hút hồn tràn ngập thính phòng, cô gái 30 tuổi giới thiệu bản thân với ban giám khảo.
Cô giải thích rằng cô đã không làm việc trong những năm gần đây do phải chiến đấu với căn bệnh ung thư. Nhưng trước đây cô từng hướng dẫn việc thờ phượng trong nhà thờ của mình trong khi vẫn biểu diễn ở địa phương. Tuy nhiên, cô bắt đầu không thích bản thân, hay hiểu rõ bản thân mình, vì vậy cô quyết định tạm nghỉ âm nhạc trong ba năm để cống hiến hết mình cho Thiên Chúa.
Chẩn đoán ung thư
Năm 2017, khi dự định quay trở lại với âm nhạc, nữ ca sĩ, xuất thân từ Ohio, mới phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3 và cuộc chiến dấu của cô bắt đầu. Trên sân khấu, cô tiếp tục chia sẻ rằng cô vẫn đang chiến đấu với căn bệnh ung thư đó. Một cách tỉnh bơ, cô nói rằng trong lần kiểm tra cuối cùng, cô thấy chứng ung thư của mình đã lan tới phổi, cột sống và gan.
Trong khi tuyên bố rằng điều ấy không sao, cô giải thích rằng cô muốn mọi người coi cô "nhiều hơn những điều tồi tệ đang xảy ra với tôi." Khi bước ra sân khấu với bài hát “It’s OK” của chính cô, cô đã có thể truyền đi thông điệp ấy. Cô cũng đã viết rất hay về sự đau khổ và đức tin của mình trên trang web của cô.
Chính cái tên "Nightbirde" cũng có ý nghĩa. Cô chọn nó sau nhiều đêm mơ thấy tiếng chim hót trong bóng đêm. Một đêm, cô thức giấc để nghe tiếng chim hót bên cửa sổ như thể đó là buổi sáng. Đối với cô, điều này tượng trưng cho hy vọng và cuộc sống của cô vào lúc này:
“Tôi muốn được như vậy, ngay cả khi tôi đang ở giữa thời gian đen tối và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ kết thúc. Tôi muốn trở thành con chim hót chào đón những điều tốt đẹp mà tôi tin tưởng sắp đến, ”cô chia sẻ với Liberty Journal, như tờ Religion News đưa tin.
Màn trình diễn của cô thật hút hồn. Giọng hát tuyệt vời của cô, nhiều lần nhắc lại câu “It’s O.K.” (Không sao đâu), đã vang vọng khắp thính phòng và trong trái tim của ban giám khảo. Như cô nói một cách đơn giản lúc kết thúc buổi trình diễn của mình: "Bạn không thể đợi cho đến khi cuộc sống không còn khó khăn nữa mới quyết định sống hạnh phúc".
Một câu nói đó thôi dường như đã tổng kết trọn cuộc đời của Nightbirde trong vài năm qua: Cuộc chiến liên tục của cô với căn bệnh ung thư, nỗi đau về tinh thần khi người chồng 5 năm tuyên bố sẽ rời bỏ cô vào thời điểm mà các bác sĩ tin rằng cô chỉ còn sống được 6 tháng, và niềm tin sâu sắc giúp cô tiếp tục tiến bước.
“Tôi tin rằng Thiên Chúa có thể chữa lành ngay lập tức. Tôi cũng tin rằng 'không có điều gì tốt mà Người lại giữ lại,' vì vậy có một cái gì đó Thiên Chúa đang trồng trên cánh đồng đó là tôi, và nếu Chúa cất đi mọi khó khăn này quá sớm, Người cũng sẽ cất đi mọi phép lạ Người từng làm cho tinh thần tôi”, cô chia sẻ với Liberty Journal như vậy.
Với một tầm nhìn như thế, không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều cảm thấy xúc động trước màn trình diễn trực tiếp của cô và niềm vui cô chia sẻ. Không cần mất nhiều thời gian để Simon Cowell, một trong những giám khảo và nhà sản xuất của chương trình, nhấn còi vàng để đưa Nightbirde vào thẳng trận chung kết.
Nụ cười phấn khởi của Nightbirde làm bừng sáng cả sân khấu. Và khi nói chuyện ở hậu trường, cô chia sẻ rằng bây giờ cô có 2% cơ hội sống sót, nhưng đó là 2% trọn vẹn, một điều gì đó phải nắm chặt lấy và tích cực để cô chiến đấu.
Màn trình diễn của ca sĩ là một lời nhắc nhở có lẽ đối với nhiều người trong chúng ta rằng có rất nhiều điều để hạnh phúc và thật là một đặc ân khi có thể lựa chọn hạnh phúc này.
Không có gì ngạc nhiên khi bài hát của Nightbirde đã làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng và hiện đang đứng đầu trên iTunes Hoa Kỳ.
Canada đang giữa mùa hè, trời nắng chang chang nhưng không nóng quá như mọi năm. Chắc ông Trời thương dân cả ngày cả đêm phải chôn chân trong nhà vì nạn dịch Tàu Cô Vít nên bớt nóng cho chăng, Chị Ba Biên Hòa bảo tôi như thế. Mà có lẽ đúng vậy, các cụ ạ. Nhưng qua mạng thì tôi biết bên Hoa Kỳ nóng như đổ lửa. Chắc ông Trời cưng Canada hơn Hoa Kỳ, có phải không cơ? Đó là về thời tiết chứ chuyện thời sự thì chẳng mát chút nào vì mở máy ra là ào ào đầy chuyện nóng dịch Cô Vít tràn lan, chuyện nóng Mỹ-Tàu-Nga hầm hè, chuyện nóng Tàu Cộng- Đài Loan hăm he, chuyện nóng Nga-Ukraine hấm hứ, và chuyện dài Do Thái-Palestine là quả bom lớn có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Tôi vừa nhắc tới cuộc chiến Do Thái-Palestine là quả bom lớn. Đầu tháng Năm vừa qua hai bên đánh nhau chí chạp, các cụ còn nhớ chứ, bên Palestine phóng hơn 3 ngàn hỏa tiễn sang đất kẻ thù, kẻ thù Do Thái cũng phóng lên một vòng cung hỏa tiễn chống đỡ và hàng hàng lớp lớp máy bay sang tấn công giải Gaza. May nhờ có Ai Cập đứng ra can và hòa giải. Tạm yên nhưng hai bên vẫn còn ghì súng nhìn nhau. Xưa nay tôi phục nước Ai Cập quá. Nói tới Ai Cập là tôi nhớ tới người hùng Anwar Sadat. Các cụ còn nhớ cuộc chiến đầu thập niên 1970 không? Ông Sadat đã tìm ra một sinh lộ cho cả vùng Trung Đông. Năm 1972 Ai Cập khai chiến với Do Thái. Ngày 20.11.1977 ông bỏ súng và thân hành sang Do Thái làm hòa. Trước quốc hội Do Thái, ông tuyên bố : Nhân danh tổ phụ Abraham của chúng ta, tôi tuyên bố hòa bình…Và ngọn lửa chiến tranh đã tắt từ đó đến nay. Năm 1978 ông Sadat được giải Nobel Hòa Bình. Sadat là người thấy rộng hiểu xa và dám làm. Ông đã đuổi hết các cố vấn Nga về nước. Do Thái đã trả lại miền đất Sinai cho Ai cập. Quốc vương Iran lúc đó là Vua Shah đang lưu vong ở Hoa Kỳ nhưng bị hắt hủi, ông Sadat đã mời vua Shah đến Ai cập và đón tiếp như một quốc khách. Tiếc rằng Tổng Thống Sadat đã bị ám sát chết trong cuộc diễn binh 1981…
Xin lỗi các cụ, tôi đã dài dòng về Ai Cập vì mê tổng thống anh dũng Sadat quá. Giá mà các nước ở Trung Đông nước nào cũng có một Sadat thì cả miền này chắc sẽ hòa bình ngay. Tôi ước mơ như vậy có đúng không cơ?
Xin được trở về chuyện thời sự. Canada miền đất mà tôi coi là thiên đàng hạ giới cũng vừa có chuyện nóng về người Da Đỏ. Ngày 27 tháng Năm vừa qua, chủ tịch bộ lạc Tkemlups ở bang British Columbia miền tây công bố việc tìm thấy 215 hài cốt dưới lòng đất thuộc khuôn viên Trường Nội Trú Da Đỏ Kamlooops. Rồi ngày 24 tháng Sáu ở bang Saskatchewan bên cạnh BC, người ta cũng phát giác ra 761 hài cốt người Da Đỏ, đa số là trẻ em, cũng ở một ngôi trường nội trú cũ. Cái gì thế này? Cả nước hiện đang lên cơn sốt. Các cuộc điều tra đang tiến hành. Đây sẽ là chuyện dài gay cấn, tôi sẽ trình các cụ về sau.
Tin thêm về nạn dịch hiện nay : Trong kỳ họp G7 vừa qua ở Anh, thủ tướng Canada cho biết Canada sẽ đóng góp 100 triệu liều vaccine Cô Vít 19 để giúp các nước nghèo. Hiện Canada được coi là dẫn đầu toàn cầu về chương trình chủng ngừa cho cư dân, và hoàn toàn miễn phí. Dân làng An Lạc của tôi đã được chích ngừa đầy đủ, nên việc họp nhau như xưa chắc cũng sắp được tái nhóm. Hiện nay thì mới chỉ trên mạng, họp ‘ảo’ mà thôi.
Nạn dịch còn làm thay đổi nếp sống của mọi người, như công tư chức phải làm việc ở nhà thay vì đến sở đã gây ra nhiều biến đổi bất ngờ : theo các cuộc điều tra mới nhất thì mai này khi hết hạn ly cách thì chỉ 20% công tư chức muốn đến sở mà thôi, 80% muốn làm việc ở nhà. Hà hà vui ha ! Tôi cho việc này cũng dễ hiểu thôi, vì làm ở nhà thì các ngài muốn ăn mặc làm sao cũng được, các bà các cô không phải mất công trang điểm, đi đứng nằm ngồi thoải mái, ăn uống chuyện trò thoải mái…
Nhưng cái tin thay đổi nếp sống trên đây không làm tôi sửng sốt bằng cái tin về tình già sấm sét này : Hai cụ rất rất già cưới nhau, cụ ông John Shults 95 tuổi và cụ bà Jay Morrow-Nulton cũng 95 tuổi. Cả hai cụ đã góa hai lần. Hai cụ già 95 tuổi còn âu yếm cầm tay nhau đến nhà thờ xin cha sở làm lễ cưới, còn trao nhẫn cưới cho nhau và thều thào thề yêu nhau cho đến hết đời. Trong ảnh chụp ngày lễ cưới trong tháng Sáu vừa qua, hai cụ 95 mặt mũi tươi cười, cụ ông ve áo có cài hoa chú rể, cụ bà tay cầm bó hoa cô dâu, trông hạnh phúc quá sức. Hai cụ đều cư ngụ ở New York. Ôi đất Hoa Kỳ sao mà tạo ra được những người hạnh phúc như thế này ! Ai cũng nghĩ tình yêu chỉ mãnh liệt ở tuổi thanh xuân, ai ngờ tình yêu vẫn còn mãnh liệt ở tuổi cao niên cực già này !
Ngày xưa đọc báo nghe tin tài tử siêu sao Lý Lệ Hoa của Thượng Hải khi đã 70 tuổi còn bước đi bước nữa thì ai cũng kinh ngạc và bái phục. Tôi cứ tưởng đó là kỷ lục, ai ngờ ngày nay, hai cụ ở New York bên Hoa Kỳ, tuổi đã 95 còn bước đi bước nữa, đây mới là kỷ lục, là hai siêu sao về hạnh phúc lứa đôi. Đúng y như một lời thơ VN : Yêu nhau ai kể tuổi bao giờ !
Tin 2 cụ già 95 trên đây lấy nhau làm tôi nhớ sang chuyện ông Ziona Chana bên Ấn Độ vừa qua đời. Ông Chana không nổi tiếng về sống thọ mà nổi tiếng về việc có nhiều vợ : những 38 vợ, 89 con và 36 cháu. Ông Chana là lãnh đạo một giáo phái bên Ấn Độ. Giáo phái này cho phép các vị liền ông lấy nhiều vợ. Tuy ông Chana có nhiều vợ nhiều con nhiều cháu nhưng đại gia đình này rất có kỷ luật, tất cả đều sống chung trong 1 tòa nhà. Trông hình chụp bức ảnh đại gia đình này trên mạng, tôi có cảm tưởng đây là một nhà dòng mà ông Chana là giám đốc. Theo tin từ ông thủ hiến bang Mizoram nơi cư trú của đại gia đình này thì ông Chana đã vừa viên tịch với tuổi thọ 76 tuổi. Ông chết vì bệnh tim. Cả làng tôi nghe xong tin này thì đều ồ lên một tiếng nhưng không ai ngạc nhiên cả vì ai cũng hiểu ông chết là do ông đã yêu nhiều qúa nên hết xí quách, vỡ tim là phải. Ông lấy vợ thứ nhất năm 17 tuổi, phục vụ 38 vợ mà sống được tới 76 thì phải kể là đại đại thọ. Ông Ấn Độ này có thuốc tiên, phải không cơ. Ông Từ Hòe trong làng tôi nghe đến đây thì cười hề hề : Tôi mà là ông Chana thì tôi đã tịch từ lâu rồi chứ làm sao mà sống nổi đến 76 !
Ông Từ Hòe thấy Cụ B.95 không cười về chuyện mình đang kể thì biết cụ không thích loại tin thời sự này, bèn đổi đề tài. Trong lúc ông còn đang phân vân thì Chị Ba Biên Hòa góp ý : Bác đừng nói về chuyện lấy vợ lấy chồng nữa, xin bác nói sang chuyện khác, như chuyện con nít cho trong sạch, hay chuyện ăn nhậu cho hấp dẫn. Ông gật đầu rồi nói ngay. Dễ thôi. Tôi xin kể 2 chuyện về con nít nha.
Chuyện 1 : Hai cậu bé khoảng 7 tuổi gì đó nói chuyện với nhau, Cậu A kể : Bà nội tao chắc già lắm rồi, hôm qua tao vẽ hình con mèo rồi đem cho bà tao xem, bà tao xem một lúc mà vẫn không biết đó là hình con gì.
Chuyện 2 : Cậu B kể : Hôm qua tao đi học về, trên đường tao gặp Cụ Năm là bạn thân với ông nội tao, tao khoanh tay chào thì Cụ ấy gật đầu rồi hỏi ông nội tao có khỏe không, tao trả lời rằng khỏe, và tao hỏi lại : Còn ông nội của cụ có khỏe không, thì tao thấy cụ ấy cười hà hà và không nói gì cả.
Nghe xong thì cả làng gật đầu khen 2 chuyện con nít hay vì trong sạch và thơm tho. Ông ODP nói tiếp: nhưng hai chuyện này không say đắm vì thiếu chất rượu. Ông Từ Hòe đáp liền : Vậy xin có chuyện rượu ngay. Rằng có một ông nghiện rượu kia đi thăm một người bạn thân ở xa mà không báo trước, nên không biết người bạn đã đi vắng lâu ngày. Vợ ông bạn bèn làm cơm đãi khách và mời ngủ lại đêm vì ông đã đi đường xa. Đêm đó vì nhớ rượu nên ông không ngủ được. Khoảng nửa đêm bà chủ nhà mót đái quá mà không dám ra ngoài vì sợ gây tiếng động. Bà phải thót bụng đái vào cái chậu sành có sẵn trong buồng. Ông bạn không ngủ được khi nghe tiếng tồ tồ thì nghĩ vợ người bạn đang rót rượu cho ngày mai thì thích quá, bèn nói : Ừ có thế chứ, mình từ xa tới mà chẳng lẽ không có rượu sao ! Bà chủ nghe thấy thế bèn thót bụng lại và đái khe khẽ. Ông nghiện rượu lại nói : Chắc là rượu ngon nên bà ta đang chiết vào cái be, phải cẩn thận như vậy mới được kẻo đổ ra ngoài thì phí của. Bà chủ nhà nghe thấy thế thì không nhịn cười được nữa, không thót bụng nín được nữa mà buột ra tồ tồ. Ông nghiện rượu bèn vỗ đùi đánh đét : Thôi bỏ mẹ, vỡ mất bình rượu rồi, khổ quá, mai lấy gì uống hở trời !
Cả làng vỗ tay râm ran. Anh John cũng xin góp một chuyện cười, chuyện đi mua giày. Rằng có một bà cụ già kia đi chợ thấy có người bày bán bên ven đường một mớ giày cũ. Bà nghĩ đến ông chồng gìa ở nhà lâu nay vẫn mang đôi giày rách nên bà liền mua cho ông một đôi. Bà ôm đôi giày bước đi nhưng thấy nó cồng kềnh, bà bèn ghé vào tiệm thuốc tây xin họ một cái hộp cũ. Cô bán hàng bèn đưa cho bà một cái hộp giấy. Bà bỏ đôi giày cũ vào và thấy nó vừa khít, bà thích quá. Rồi bà đến bến bus chờ xe về nhà. Cùng ở bến đợi xe là một đám sinh viên vừa tan học. Nhóm này nhìn bà cụ ôm cái hộp có chữ đề ‘ 500 bao cao su ngừa thai’ thì bấm nhau cười. Một nữ sinh tò mò hỏi cụ :
- Cụ mua cái này cho ai vậy?
- Tôi mua cho ông già nhà tôi.
- Cụ ông bao nhiêu tuổi rồi mà còn dùng cái này?
- Chả giấu gì cô, ông nhà tôi đã ngoài 80 !
-Thế còn cụ thì năm nay bao nhiêu cơ?
-Tôi cũng thế.
Cả nhóm sinh viên òa ra cười. Có cô hỏi tiếp :
-Thế hai cụ dùng bao lâu thì hết hộp này?
Bà cụ đáp tỉnh bơ :
- Chả biết nữa, cái đó thì tùy ông già nhà tôi.
Một nam sinh viên cúi đầu chắp tay nói với bà già : Con lạy hai cụ ạ!
Cả làng cười như vỡ chợ. Bài học rút ra từ chuyện này là : Chúng ta phải thận trọng trong việc gói đồ nha.
Lúc này cụ B.95 mới lên tiếng : xin các bác đừng chế nhạo tuổi già của chúng tôi nữa. Anh John đâu, anh đổi đề tài khác cho vui đi. Anh chả phải tìm kiếm gì xa xôi, anh cứ kể chuyện về việc anh học tiếng Việt là vui lắm rồi. Anh John liền chiều ý cụ ngay vì chuyện học tiếng VN luôn có sẵn trong bụng. Anh chỉ vào mấy cô Huế rồi nói : Cái tên Chợ Đông Ba ngoài Huế xưa là Đông Hoa, nhưng từ khi Vua Minh Mạng cưới bà Hồ Thị Hoa làm vợ, thì cái tên Hoa trở thành tên húy, chợ Đông Hoa được đổi ra Đông Ba. Bà Hồ thị Hoa vợ vua sinh ở Biên Hòa, quê vợ tôi đó nghe. Chị Ba Biên Hòa nghe đến đây thì mặt đỏ lên, trông dễ thương hết sức. Chị âu yếm bảo anh chuyển sang chuyện khác, anh vâng lời vợ ngay. Rằng trong tiếng VN, nhiều tiếng Bắc khác tiếng Nam, nhưng có nhiều từ lẫn lộn, như chữ Chính chẳng hạn. Ngoài Bắc nói Chính, trong Nam nói Chánh. Thế nhưng cả miền Bắc đều nói Chánh văn phòng, Chánh án, Chánh tổng, Chánh chủ khảo, không ai nói chính văn phòng, chính án bao giờ. Rõ ràng ngoài Bắc có nói tiếng Nam. Còn trong Nam có bánh Da Lợn, người Nam gọi con ủn ỉn là con heo nhưng đồng bánh thì mang tên Lợn. Rõ ràng trong Nam có nói tiếng Bắc. Lạ ha. Chị Ba biên Hòa lên tiếng ngay : Thì rõ ràng Nam Bắc một nhà mà ! Và ngôn ngữ bao giờ cũng biến hóa, có thêm tiếng mới. Sau 1975 ta có chữ THUYỀN nhân, vừa đây do biến cố 39 người VN chết giá trong xe thùng vận tải từ Pháp sang Anh nên ta có chữ THÙNG nhân. Tôi thấy hay quá. Xưa ta tỵ nạn bằng thuyền nên báo tiếng Anh gọi ta là Boat People, và do đó ta có chữ Thuyền Nhân. Nay báo tiếng Anh gọi 39 người tỵ nạn trên là Truck People, do đó ta có từ mới là Thùng Nhân.
Các cụ đã thấy Anh John và cả Chị Ba vợ của anh giỏi về ngôn ngữ chưa? Ông Từ Hòe cười ha ha rồi luận : Cứ đà này, các ngài CSVN và con cháu họ đang chạy sang Mỹ sang Canada tỵ nạn sẽ được gọi là VẸM Nhân. Các bác có biết VẸM nghĩa là gì không? Thưa hồi CSVN mới cướp chính quyền, tên họ là Việt Minh. Những người ghét Việt Minh đã gọi họ bằng tên viết tắt VM, đánh vần là ‘vờ em vem nặng Vẹm.
Và ông Từ Hòe kết : Thôi, tôi không nói chuyện về CSVN nữa kẻo cả làng nhức đầu. Xin trả diễn đàn lại cho anh John.
Anh John vui vẻ bàn tiếp về tiếng Việt. Rằng tôi chưa hề thấy có tiếng nước nào mà hay như tiếng Việt. Các chuyện tôi nói xưa nay toàn là những cái hay. Bây giờ tôi xin nói về các câu đối VN. Câu ngắn câu dài đều đối chọi nhau chan chát, cả về âm cả về ý. Câu ngắn mà ai cũng biết như : Vôi tôi,tôi tôi / Trứng bác,bác bác, Ruồi đậu mâm xôi đậu / Kiến bò đĩa thịt bò, Da trắng vỗ bì bạch / Trời xanh màu thiên thanh… Những câu đối dài thì tôi còn thích và nể hơn nữa, như những câu này. Nói xong anh kéo cái iPad trong túi ra, anh bấm mấy cái rồi đọc :
Đây là lời cụ Tam Nguyên Yên Đổ khóc vợ :
- Nhà chỉn cũng nghèo thay, may được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai còng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
- Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.
Lời Cụ Yên Đổ làm tôi nhớ ngay tới lời Cụ Hương Sơn Cư Sĩ viết dán chỗ ngồi chơi. Đây là lời đối đáp giữa hai vợ chồng già. Bà nói trước :
- Ông nói thực là hươu
Kiếp nhân sinh cái dại chẳng chừa thôi
Giàu chẳng bằng ai, sang chẳng bằng ai
Nào cờ, nào bạc, nào rượu, nào chè
Nào thói đa tình
Người đã già đời còn dại mãi
- Ông cụ đáp ngay :
Bà mày có biết cóc
Cuộc nhân thế chơi đâu là lãi đó
Ai khen cũng mặc, ai chê cũng mặc
Còn nước còn non, còn trăng còn gió
Còn kho vô tận
Trời cho khỏe sức cứ chơi tràn.
Nghe đến đây thì Cụ Chánh tiên chỉ làng gật gù khen hay rồi nói : những câu anh vừa đọc làm tôi nhớ ngày xưa ở quê tôi quá. Hồi đó cái thú của các cụ là lâu lâu họp nhau. Lúc họp các cụ ngồi trên sập gụ, uống trà mạn sen, ăn bánh đậu xanh, và nói các chuyện tiếu lâm, hay đọc các câu đối tếu như anh vừa đọc. Cụ nào cũng hứng chí, vỗ đùi mình, vỗ sập gụ, vỗ vai cụ bạn bên cạnh, cười hề hề, hi hi, hố hố, khà khà. Có cụ cười tít mắt sướng quá ngã lăn xuống đất. Hình ảnh đẹp tuyệt vời. Xin chuyền những chuyện này lại cho con cháu…
TRÀ LŨ
1. Mặt Nhật của một Nhà thờ Công Giáo ở New York bị đánh cắp
Khó khăn kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra đang làm tăng các vụ trộm cắp các ngôi thánh đường trong tổng giáo phận New York. Mặt Nhật của Nhà thờ Công Giáo St. Barnabas ở Bronx, New York đã bị đánh cắp vào hôm thứ Sáu 25 tháng Sáu, ngay trước giờ chầu Thánh Thể buổi sáng của giáo xứ.
Sở Cảnh sát New York nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng vụ trộm xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng. Mặt Nhật bị đánh cắp này trị giá 10,000 đô la. Giáo xứ nói với CNA rằng Thánh Thể không có trong Mặt Nhật vào thời điểm xảy ra vụ trộm.
Buổi chầu Thánh Thể đã được dự trù diễn ra vào lúc 9:30 sáng hôm đó.
Cảnh sát vẫn chưa xác định được nghi phạm, nhưng đang tìm kiếm sự hỗ trợ của công chúng.
Cảnh sát cho biết hung thủ có lẽ đã vào nhà thờ ngày 25 tháng 6 và ở trong nhà thờ khoảng một giờ trước khi ra tay hành động. Sau đó, tên này đã xuống tầng dưới của nhà thờ và đánh cắp Mặt Nhật.
Sở Cảnh sát New York yêu cầu bất kỳ ai có thông tin về vụ việc hãy gọi cho đường dây nóng Ngăn chặn Tội phạm của họ theo số 1-800-577- 8477 hoặc tiếng Tây Ban Nha, 1-888-57- 74782. Công chúng cũng có thể báo cáo bằng cách vào trang web CrimeStoppers tại địa chỉ chúng tôi viết bên dưới WWW.NYPDCRIMESTOPPERS.COM.
Vụ trộm tại giáo xứ ở Bronx này diễn ra sau một loạt các vụ phá hoại nhắm vào các nhà thờ trong năm nay, bao gồm một số vụ trong khu vực Thành phố New York.
Source:Catholic News Agency
2. Tổng thống Colombia thoát chết trong một mưu toan ám sát
Tổng thống Colombia Ivan Duque, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Thống đốc khu vực, đang ngồi tên trực thăng bay đến Thành phố Cucuta ở tỉnh Santander Norte, thì trực thăng của họ gặp phải hỏa lực nặng nề và liên tục từ các tay súng phiến quân, trang bị súng trường nòng cao.
Máy bay trực thăng bị trúng đạn nhiều lần, nhưng các viên đạn đi chệch mục tiêu muốn nhắm đến là cánh quạt. Không có ai bị thương. Vùng trời này gần biên giới với Venezuela. Bên dưới là một khu vực hẻo lánh nơi Quân Giải phóng Quốc gia, hay còn được gọi là ELN, hoạt động. Năm 2016, chính phủ đã được thỏa thuận hòa bình với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ vẫn chưa đạt được thỏa thuận hòa bình với phiến quân ELN theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông
Tổng thống Duque đã lên án vụ tấn công là hèn nhát. Ông thề sẽ sử dụng Quân đội để truy lùng những tay súng và đưa chúng ra trước công lý. ELN được thành lập vào năm 1964, cùng năm với FARC. Ba nghìn du kích của nó bị cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu lên án là bọn khủng bố. Họ tham gia vào các vụ mua bán ma túy, tàn sát, đánh bom và bắt cóc.
Source:Vatican News
3. Phản ứng của các Giám Mục Colombia về tình trạng vô chính phủ và vô luật pháp tại quốc gia này
Các giám mục ở khu vực Thái Bình Dương và các khu vực Tây Nam của Colombia tuần trước đã lên tiếng về tình hình hiện tại của đất nước, khuyến khích hòa giải, công lý, các sáng kiến có trách nhiệm và từ chối bất kỳ hình thức bạo lực nào.
Một cuộc đình công toàn quốc do các tổ chức cánh tả kêu gọi để phản ứng với đề xuất tăng thuế đã bắt đầu vào ngày 28 tháng 4 và kể từ đó đã mở rộng sang các vấn đề khác. Các cuộc biểu tình đã trở nên tồi tệ bởi bạo lực và phá hoại, và các cuộc đụng độ giữa cơ quan thực thi pháp luật và người biểu tình và các vụ việc khác đã khiến ít nhất 50 người chết và hàng chục người bị thương trên khắp Colombia.
Trong một video ngày 23 tháng 6 được đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Colombia, một số giám mục đã đề cập đến tình hình hiện tại của đất nước.
Đức Cha Juan Carlos Cárdenas Toro, giám mục Pasto, thúc giục rằng các cuộc biểu tình nên diễn ra trong hòa bình và bất bạo động.
Đức Cha Cárdenas nói rằng tính hợp pháp của một cuộc biểu tình “bị tổn hại khi bạo lực trở thành nhân vật chính. Các nhà chức trách, những người tổ chức và những người tham gia cần lưu ý để các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, ngăn chặn một số ít xuyên tạc và lợi dụng những gì họ muốn đạt được”.
Đức Cha nói thêm rằng “Bạo lực không phải là một phản ứng chính đáng, bạo lực là một tội ác, nó không xứng đáng với con người, nó phá hủy những gì nó tìm cách bảo vệ: phẩm giá, cuộc sống và tự do của con người. hiện hữu”.
“Các sáng kiến được thực hiện với sự sáng tạo và trách nhiệm là điều đáng hoan nghênh. Không thể dung túng cho tình trạng trong đó nhân vật chính là sự hỗn loạn và vô chính phủ”, gây hại cho chính người dân.
Đức Cha Cárdenas nói rằng biểu tình ôn hòa “là một quyền bất khả nhượng và đáng ca ngợi, nó phải được thực hiện với đầy đủ trách nhiệm”. Biểu tình ôn hòa “phải được thực hiện dựa trên các giá trị trung thực và lý tưởng cao đẹp như tôn trọng cuộc sống, nhân phẩm và lợi ích chung”.
Phát biểu trong một thánh lễ dành cho những người trẻ, Đức Cha José Roberto Ospina Leongómez của Buga, nói trong video, “các bạn là người sáng tạo, các bạn mơ về một đất nước công bằng, hòa bình, với nền giáo dục; một quốc gia nơi có các cơ hội việc làm”.
Ngài cũng mạnh mẽ lên án vụ một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã nhảy múa và thoát y trước cửa nhà thờ lớn ở thị trấn San Gil, Colombia trong tuần qua.
Các điệu nhảy dâm dục đã diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đình công liên tục trên toàn quốc, và như một phần của tháng “tự hào đồng tính”, đã tạo ra một cuộc tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và gây phẫn nộ nơi người Công Giáo.
Đêm 21 tháng Sáu, một số người hoạt động cho quyền của người đồng tính đã tập trung bên ngoài nhà thờ chính tòa thành phố San Gil, cách thủ đô Bogota 240km về phía bắc và la hét cổ vũ cho một nhóm điên cuồng nhảy múa và thoát y.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các Giám Mục Chính Thống Giáo về Rôma dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với một phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople rằng chứng từ về sự hiệp thông ngày càng tăng giữa các Kitô hữu sẽ là “một dấu chỉ hy vọng cho nhiều người”.
“Anh em thân mến, chẳng lẽ chưa đến lúc phải tiếp thêm động lực cho những nỗ lực của chúng ta, với sự giúp đỡ của Thánh Linh, để phá bỏ những định kiến cổ xưa và dứt khoát vượt qua những hiềm khích có hại sao?” Đức Giáo Hoàng đặt ra câu hỏi trên trong cuộc gặp gỡ với phái đoàn Chính thống giáo vào ngày 28 tháng 6.
“Nếu không bỏ qua những khác biệt cần được giải quyết thông qua đối thoại bác ái và trung thực, chúng ta không thể bắt đầu một giai đoạn mới của mối quan hệ giữa các Giáo hội của chúng ta, được đánh dấu bằng cách xích lại gần nhau hơn, bằng cách mong muốn tiến những bước thực sự về phía trước, bằng cách trở nên sẵn sàng hơn và thực sự có trách nhiệm với nhau?”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “chứng từ về sự hiệp thông ngày càng tăng giữa các Kitô hữu chúng ta cũng sẽ là một dấu chỉ hy vọng cho nhiều người nam và nữ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định:
“Đây là con đường duy nhất dẫn đến bình minh của một tương lai hòa bình. Một dấu hiệu tiên tri tốt đẹp sẽ là sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính thống giáo và Công Giáo trong cuộc đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác”.
Phái đoàn Chính Thống Giáo do Đức Tổng Giám Mục Emmanuel của tổng giáo phận Chalcedon dẫn đầu, đã đến Rôma trước Lễ Các Thánh Phêrô và Phaolô vào ngày 29 tháng Sáu.
Mỗi năm, Vatican thường tiếp một phái đoàn của Toà Thượng phụ Đại kết Constantinople đến dự lễ kỷ hai Thánh Phêrô và Phaolô tại Rôma, và đổi lại, sẽ cử một phái đoàn đến thăm Istanbul vào Ngày Thánh Anrê Tông đồ, ngày 30 tháng 11. Thánh Anrê là quan thầy của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople.
Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Việc trao đổi phái đoàn hàng năm giữa hai Giáo hội Rôma và Constantinople nhân các lễ quan thầy của chúng ta là một dấu chỉ của tình hiệp thông - mặc dù chưa đầy đủ - mà chúng ta đã chia sẻ”.
Ngài nói với phái đoàn Chính thống giáo: “Nếu chúng ta ngoan ngoãn đối với tình yêu thương, đối với Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và là Đấng mang lại sự hài hòa cho sự đa dạng, thì Người sẽ mở đường cho một tình huynh đệ đổi mới”.
Đức Cha Iosif, Tổng Giám Mục Chính thống giáo của Buenos Aires, và Phó tế Barnabas Grigoriadis là một thành viên của phái đoàn, cũng đã gặp Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo.
Source:Catholic News Agency
1. Ăn cắp số tiền Giuđa bán Chúa trong nhà thờ, 10 năm sau bất ngờ bị bắt
Hơn 10 năm sau khi văn phòng Nhà thờ St. Camillus bị đột nhập và lục soát, một cựu cư dân thành phố Fitchburg, hiện đang sống ở West Roxbury, đã bị buộc tội liên quan đến vụ đột nhập sau khi máu được tìm thấy tại hiện trường được kết luận là có liên quan đến anh ta qua xét nghiệm DNA.
Tháng 5 năm 2011, Cha Joseph M. Dolan của giáo xứ St. Camillus de Lellis đã báo cáo với cảnh sát rằng văn phòng nhà thờ đã bị đột nhập và các tài liệu và tủ hồ sơ đã bị lục tung. Ngài cũng nói với cảnh sát rằng hộp đựng tiền của nhà thờ đã bị mất.
Hộp tiền mặt chứa 30 đô la và được tìm thấy bên ngoài nhà thờ trống rỗng một ngày sau vụ đột nhập.
Trong quá trình điều tra, các cảnh sát xác định ai đó đã mở một tấm lưới kim loại bảo vệ một cửa sổ nhỏ bên hông tòa nhà để vào văn phòng, tọa lạc tại 333 Mechanic St.
Khi kiểm tra hồ sơ và tủ, các cảnh sát nhận thấy thứ có vẻ là máu khô trên một số hồ sơ và thu thập cho cuộc điều tra.
Vài tuần sau vào năm 2011, Thám tử Ernest Martineau đã phỏng vấn Javier Gonzalez-Garcia, lúc đó 32 tuổi sau khi anh ta bị bắt vì liên quan đến một vụ trộm khác. Cảnh sát ghi nhận trong hồ sơ rằng anh ta có một số vết cắt và trầy xước trên tay chân nhưng không nghĩ những vết thương này là do đột nhập vào văn phòng nhà thờ.
Gần đây Gonzalez-Garcia, giờ đã dọn sang khu vực West Roxbury lại bị bắt vì trộm cắp. Cảnh sát sinh nghi nên gởi DNA đi xét nghiệm. Vào ngày 14 tháng 6, phòng thí nghiệm tội phạm đã gửi kết quả xác định Gonzalez-Garcia là nghi phạm.
Gonzalez-Garcia đã bị triệu tập đến tòa án vào hôm thứ Hai 28 tháng Sáu vì tội đột nhập, trộm cắp và phá hủy tài sản có mục đích.
Tờ Sentinel And Enterprise nhận định vụ này thật thú vị và lưu ý độc giả rằng Giuđa cũng đã bán Chúa với giá 30 đồng bạc.
Source:Sentinel & Enterprise
2. Triển lãm ở Rôma kỷ niệm 70 năm linh mục của Đức Bênêđíctô 16
Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, đã khánh thành một cuộc triển lãm ở Rôma để kỷ niệm 70 năm ngày Đức Joseph Ratzinger được thụ phong linh mục và Thánh lễ đầu tiên của ngài, diễn ra tại Bavaria vào ngày 29 tháng 6 năm 1951.
Sáng kiến này được thúc đẩy bởi Quỹ Joseph Ratzinger - Bênêđíctô XVI của Vatican, Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, và Bảo tàng các Giáo hoàng.
Triển lãm này có các đồ vật thuộc về Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, lần đầu tiên rời khỏi nơi ở của ngài tại Tu viện Mẹ Giáo Hội, và những bức ảnh về cuộc đời linh mục của Đức Joseph Ratzinger.
Sáng kiến này sẽ mở cửa cho công chúng bắt đầu từ ngày 29 tháng 6 tại Phòng trưng bày Arte Poli tại số 88 đường Borgo Vittorio ở Rôma.
Phát biểu với EWTN, Đức Tổng Giám Mục Ganswein cho biết cuộc trưng bày có “những phần trong cuộc đời ngài, những phần trong trái tim ngài, nó cũng có những đồ vật khác nhau từ nhiều thời kỳ khác nhau trong cuộc đời của ngài, từ lần Rước lễ lần đầu, cho đến chiếc nhẫn mà ngài vẫn sử dụng bây giờ khi cử hành Thánh lễ trong Nhà nguyện Mẹ Giáo Hội”.
Đức Tổng Giám Mục Ganswein tiết lộ rằng khi Đức Bênêđíctô biết được sáng kiến này “ngài rất ngạc nhiên và vui mừng”.
“Ngài rất hạnh phúc vì được làm linh mục; đối với ngài đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Ngài đã sống để trở thành một linh mục, ngài đã sống như một linh mục”.
Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI nói rằng do “tuổi cao và không còn sức lực nên Đức Giáo Hoàng danh dự sẽ không làm gì trước công chúng vào ngày kỷ niệm thụ phong của ngài vào ngày 29 tháng 6”.
Đức Bênêđíctô XVI sẽ cử hành thánh lễ ngày 29 tháng 6 một cách riêng tư trong nhà nguyện Mẹ Giáo Hội. Tuy nhiên, một số người đàn ông đã hát trong ca đoàn nhà thờ chính tòa Regensburg, bên Đức, khi anh trai ngài là người phụ trách ca đoàn, cũng sẽ có mặt ở đó.
Nhóm sáu người đàn ông này từ 40 đến 65 tuổi và sẽ đến tham dự Thánh lễ trong nhà nguyện “để hát một thánh lễ tuyệt đẹp của một nhà soạn nhạc người Đức”. Đối với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 “đây là một niềm vui”, Đức Tổng Giám Mục Ganswein nói, và nhận định rằng Đức Bênêđíctô sẽ rất hài lòng khi điều đó diễn ra.
Source:Catholic News Agency
3. Nhà thờ Công Giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị đánh bom, hai giáo dân bị thương nặng. Thành phố Benin giới nghiêm.
Một vụ nổ bên trong một nhà thờ Công Giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến ít nhất hai người bị thương nặng.
Vụ nổ, xảy ra vào sáng sớm ngày 27 tháng 6 tại Giáo xứ Emmanuel-Butsili ở thị trấn Beni, là do một quả bom tự chế được đặt ở hàng đầu tiên ngay sau bàn thờ. Ngay sau vụ nổ, đô trưởng thủ đô Benin đã ra lệnh giới nghiêm.
Cha Isidore Kambale Masingo, cha sở của giáo xứ, nói với ACI Africa vào ngày xảy ra vụ tấn công rằng “vụ nổ bên trong nhà thờ xảy ra ngay trước khi bắt đầu Thánh lễ Chúa Nhật”.
“Vụ nổ xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng khi Thánh lễ vẫn chưa bắt đầu. Hai bà mẹ bị thương nặng và đã được đưa tới bệnh viện”.
Vị linh mục người Congo nói rằng những người phụ nữ đã “đến nhà thờ từ sáng sớm để sắp xếp nhà thờ cho buổi lễ Chúa Nhật”.
“Quả bom tự chế được đặt ở nơi dàn hợp xướng đặt nhạc cụ của họ, ở hàng đầu tiên sau bàn thờ”.
Đức Ông Laurent Sondirya, tổng đại diện của giáo phận Butemb-Beni, nói với truyền thông địa phương rằng ngài tin rằng những kẻ tấn công đang “nhắm vào một đám đông lớn” vì một Thánh lễ Thêm sức đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày hôm đó.
“Họ đang nhắm mục tiêu một đám đông lớn vì buổi lễ sẽ quy tụ con cái, cha mẹ và các tín hữu”, Cha Sondirya nói.
Khu vực đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo nơi xảy ra vụ nổ đã hứng chịu các cuộc tấn công từ Lực lượng Dân chủ Đồng minh, một nhóm phiến quân liên kết với IS từ nước láng giềng Uganda.
Theo thông tấn xã AFP, đã xảy ra ba vụ đánh bom ở thành phố Beni vào cuối tuần qua.
Sau vụ nổ tại nhà thờ Công Giáo, một vụ đánh tự sát đã xảy ra bên ngoài một quán bar. Trước đó, một quả bom khác phát nổ tại một trạm xăng ở ngoại ô thành phố vào ngày 26 tháng 6.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Bộ trưởng Mỹ Antony Blinken tại Vatican
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong một buổi tiếp kiến riêng tại thư viện Dinh Tông Tòa của Vatican vào sáng thứ Hai.
Tòa thánh không tiết lộ nhiều chi tiết về những gì đã được thảo luận trong cuộc họp kéo dài 40 phút vào ngày 28 tháng 6, ngoài việc Đức Đức Giáo Hoàng nhắc lại chuyến thăm năm 2015 của mình tới Hoa Kỳ và bày tỏ “tình cảm và sự quan tâm của ngài đối với người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức chính quyền Biden tới Vatican kể từ khi các giám mục Hoa Kỳ bỏ phiếu để soạn thảo một tài liệu giảng dạy về Bí tích Thánh Thể.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Ngoại trưởng Blinken và Đức Thánh Cha Phanxicô đã thảo luận về Trung Quốc, cũng như “các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Li Băng, Syria, vùng Tigray của Ethiopia và Venezuela”.
Blinken cũng cảm ơn Đức Đức Giáo Hoàng vì “sự lãnh đạo từ lâu của ngài về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Ông lưu ý rằng Tòa thánh duy trì một mạng lưới ngoại giao chính thức rộng khắp và quan hệ ngoại giao với 183 quốc gia. “Vì vậy, cùng với Hoa Kỳ, một trong những mạng lưới ngoại giao lớn nhất, Tòa Thánh đang có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.”
“Hoa Kỳ và Tòa thánh có quan hệ đối tác rất chặt chẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như thúc đẩy nhân quyền, chống buôn bán người; Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng cần được nhấn mạnh. Và chúng tôi cùng nhau tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho một số cuộc khủng hoảng trên thế giới”.
Chuyến thăm buổi sáng của Blinken tới Thành phố Vatican cũng bao gồm cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, cũng như chuyến thăm Nhà nguyện Sistina.
Source:Catholic News Agency
Theo sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 1 tháng Bẩy đã là ngày cầu nguyện cho Li Băng. Cùng tham dự Ngày cầu nguyện với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Thượng phụ thành Antiôkia của Công Giáo nghi lễ Maronite; Đức Thượng phụ Youhanna 10 của Chính thống giáo Đông phương; Đức Thượng phụ Ignatius Aphrem Đệ Nhị của Chính thống Syria thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Aram Đệ Nhất của Giáo hội Armenia ở Cicilia; Đức Thượng phụ Ignatius Youssef Đệ Tam của Công Giáo Syro thành Antiôkia; Đức Thượng phụ Youssef Absi của Công Giáo Hy lạp nghi lễ Melkite; Mục sư Joseph Kassab, chủ tịch Hội đồng tối cao các cộng đồng truyền giáo ở Syria và Li Băng; và Đức Cha Michel Kassarji, giám mục Beirut của Giáo Hội Công Giáo Chanđê.
Về phía Tòa Thánh, còn có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương; Đức Tổng Giám Mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa thánh tại Li Băng; và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh.
Các hoạt động vào sáng thứ Năm 1 tháng 7
Đến trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, Đức Thánh Cha cùng các tham dự viên đọc kinh Lạy Cha và sau đó các ngài thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Tiếp đến các ngài xuống trước mộ thánh Phêrô, mỗi vị đốt một ngọn nến nhỏ và thinh lặng cầu nguyện trong ít phút.
Sau khi cầu nguyện Đức Thánh Cha và các Thượng phụ đến Hội trường Clêmentina để bắt đầu phần hội nghị riêng.
Các hoạt động vào chiều thứ Năm 1 tháng 7
Lúc 6 giờ chiều, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo các Giáo hội ở Li Băng đã cử hành giờ cầu nguyện đại kết.
Giờ cầu nguyện bắt đầu với cuộc rước sách Phúc Âm. Tiếp đến là lời khẩn cầu và ngợi khen Chúa Ba Ngôi và sau đó là lời cầu nguyện cầu xin hoà bình.
Phần thứ hai của giờ cầu nguyện là phần phụng vụ Lời Chúa với 3 bài đọc: bài thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia (29:11-14), với những lời sau của Thiên Chúa: “Ta biết những kế hoạch mà Ta đã dành cho các ngươi – những kế hoạch hoà bình chứ không phải phá huỷ, để ban cho các ngươi một tương lai tràn đầy hy vọng”.
Bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (12:9-21): “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa”.
Bài Phúc âm trích từ Tin mừng thánh Luca (6,17-36), với những lời kết thúc: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Tiếp đến, các ý nguyện được dâng lên cầu nguyện cho tinh thần liên đới và hoà giải, kiến tạo hoà bình và hoà hợp cho vùng Trung Đông, các quốc gia và cộng đoàn vốn đang là nạn nhân của bạo lực và xung đột; cầu cho Kitô hữu Li Băng xây dựng cộng đoàn sống động và đóng góp cho xã hội. Lời nguyện cũng được dâng lên cầu cho toàn thể nhân loại và các nhu cầu: cho người nghèo, người bệnh, người trẻ và người cao niên, người di dân và tị nạn, người bị bách hại vì tư tưởng và tôn giáo.
Sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Cha. Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo thinh lặng cầu xin ơn hoà bình và sau đó các bạn trẻ trao cho mỗi vị một ngọn đèn được thắp sáng như dấu chỉ mong muốn trở thành người mang ánh sáng hoà bình cho thế giới.
Trong diễn từ của mình trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha nói:Chư huynh thân mến,
Hôm nay chúng ta tụ họp để cầu nguyện và suy tư, xuất phát bởi mối quan tâm đối với Li Băng, một mối quan tâm mạnh mẽ, khi nhìn thấy đất nước mà tôi mang trong lòng và tôi muốn đến thăm, rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tôi biết ơn tất cả những người tham gia đã sẵn sàng chấp nhận lời mời và chia sẻ huynh đệ. Chúng ta là những Mục tử, được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của Dân Thánh Thiên Chúa, trong hoàn cảnh tăm tối này, chúng ta đã cùng nhau cố gắng định hướng chính mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Và dưới ánh sáng của Người, trước hết chúng ta thấy rõ những lỗi lầm của mình: những sai lầm đã mắc phải khi chúng ta không làm chứng cho Tin Mừng một cách nhất quán và sau cùng, những cơ hội đã mất trên con đường huynh đệ, hòa giải và hiệp nhất trọn vẹn. Về điều này, chúng ta phải cầu xin sự tha thứ và với tấm lòng sám hối, chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” (Mt 15:22).
Đây là tiếng kêu của một người phụ nữ đã gặp Chúa Giêsu chính tại Tirê và Sidon, và trong cơn đau khổ, đã khẩn thiết van nài Ngài: “Lạy Chúa, xin hãy cứu con!” (câu 25). Ngày nay, tiếng kêu này đã trở thành tiếng kêu của cả một dân tộc, những người dân Li Băng thất vọng và kiệt quệ, cần những điều chắc chắn, hy vọng, và hòa bình. Với lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta muốn đồng hành với tiếng kêu này. Chúng ta đừng bỏ cuộc, chúng ta đừng mệt mỏi cầu xin từ Thiên đàng cho nền hòa bình mà loài người đã vất vả xây dựng trên mảnh đất này. Chúng ta hãy khẩn thiết van nài cho Trung Đông và Li Băng. Đất nước thân yêu này, một kho tàng văn minh và tâm linh, nơi đã tỏa sáng trí tuệ và văn hóa qua nhiều thế kỷ, nơi làm chứng cho một trải nghiệm độc nhất về chung sống hòa bình, không thể bị phó mặc cho số phận hay cho những ai theo đuổi tư lợi ích của họ. Li Băng là một quốc gia nhỏ nhưng lớn, và còn hơn thế nữa: Li Băng là một thông điệp phổ quát về hòa bình và tình anh em đến từ Trung Đông.
Một cụm từ Chúa phán trong Kinh thánh đã vang lên giữa chúng ta ngày nay, hầu như đáp lại tiếng kêu cầu nguyện của chúng ta. Đây là một vài lời mà Thiên Chúa đã phán, đó là Ngài có “kế hoạch cho hòa bình chứ không phải cho sự phá hủy” (Giê 29:11). Có các dự án cho hòa bình chứ không phải cho bất hạnh. Trong những thời điểm bất hạnh này, chúng ta muốn khẳng định với tất cả sức mạnh của mình rằng Li Băng, phải là, và vẫn là một dự án hòa bình. Ơn gọi của nó là trở thành một vùng đất khoan dung và đa nguyên, một ốc đảo của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau cùng tồn tại, đặt thiện ích chung lên trên những lợi thế riêng. Do đó, tôi muốn nhắc lại rằng điều cần thiết là những người nắm quyền phải tối hậu và dứt khoát đặt mình vào mục tiêu phục vụ hòa bình thực sự chứ không phải các lợi ích của chính họ. Đã quá đủ rồi cái cảnh tạo ra lợi thế của một số ít người trên da thịt của nhiều người! Đã quá đủ rồi cái cảnh sự thật bị bóp méo chiếm ưu thế hơn hy vọng của mọi người! “ (Diễn từ cuối cuộc đối thoại, Bari, ngày 7 tháng 7 năm 2018). Hãy ngừng sử dụng Li Băng và Trung Đông cho các lợi ích và lợi nhuận nước ngoài! Người Li Băng phải được trao cơ hội trở thành nhân vật chính của một tương lai tốt đẹp hơn, trên đất nước của họ và không bị các can thiệp quá mức từ bên ngoài.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Những người Li Băng thân mến, các bạn đã làm nổi bật mình qua nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, vì sự tháo vát và cần cù của mình. Những cây hương nam cao vút của các bạn, biểu tượng của đất nước, gợi lên sự giàu có hưng thịnh của một lịch sử độc đáo. Và chúng cũng nhắc nhớ rằng những cành lớn chỉ có thể mọc ra từ rễ sâu. Cầu mong sao cho những tấm gương của những người đã có thể xây dựng các nền móng chia sẻ sẽ truyền cảm hứng cho các bạn, để nhìn thấy sự đa dạng không phải là trở ngại nhưng là khả năng. Hãy đắm mình trong giấc mơ hòa bình của những bậc tiền bối. Chưa bao giờ, như trong những tháng gần đây, chúng ta hiểu rằng một mình chúng ta không thể tự cứu mình và những vấn đề của một số lại không liên quan đến những vấn đề của người khác. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bạn. Với các công dân: chúng tôi kêu gọi anh chị em đừng nản lòng, đừng mất niềm tin, nhưng hãy tìm trong cội nguồn lịch sử của mình niềm hy vọng sẽ nảy mầm trở lại. Với các nhà lãnh đạo chính trị: chúng tôi cầu mong rằng theo trách nhiệm của mình, các bạn có thể tìm ra các giải pháp cấp bách và ổn định cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay, và hãy nhớ rằng không có hòa bình nếu không có công lý. Với các cộng đồng người Li Băng hải ngoại thân yêu: chúng tôi mong anh chị em có thể sử dụng các tài nguyên và những nguồn lực tốt nhất để phục vụ quê hương. Với cộng đồng quốc tế: hãy tạo ra các nỗ lực chung, và các điều kiện để đất nước này không sụp đổ nhưng khởi hành trên con đường phục hồi. Điều đó sẽ tốt cho tất cả mọi người.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Là các tín hữu Kitô, hôm nay chúng ta muốn đổi mới cam kết xây dựng tương lai cùng nhau, bởi vì tương lai sẽ hòa bình chỉ khi nó là của chung. Mối quan hệ giữa con người không thể dựa trên việc theo đuổi lợi ích, đặc quyền và tư lợi phe phái. Không, tầm nhìn của Kitô Hữu về xã hội đến từ các Mối phúc, bắt nguồn từ sự hiền lành và lòng thương xót, phải dẫn đến việc bắt chước hành động của Thiên Chúa, Đấng là Cha và muốn hòa hợp các con cái của Ngài trong thế giới này. Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở thành những người gieo hòa bình và là những nghệ nhân của tình huynh đệ, không sống trên những oán hận và thù hằn trong quá khứ, không trốn tránh những trách nhiệm của hiện tại, nhưng nuôi dưỡng cái nhìn hy vọng về tương lai. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa chỉ ra một con đường duy nhất cho lộ trình của chúng ta: đó là con đường hòa bình. Do đó, chúng ta hãy bảo đảm với các anh chị em Hồi giáo của chúng ta và những người thuộc các tôn giáo khác sự cởi mở luôn luôn và sự sẵn sàng cộng tác để xây dựng tình huynh đệ và thúc đẩy hòa bình. Nó “không yêu cầu phải có kẻ thắng hay người thua, mà đòi hỏi chúng ta là những anh chị em, những người, bất chấp những hiểu lầm và vết thương của quá khứ, đi từ xung đột đến thống nhất” (Diễn văn trong cuộc họp liên tôn ở vùng đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Với ý nghĩa này, tôi hy vọng rằng ngày này sẽ được tiếp nối bằng các sáng kiến cụ thể nhân danh đối thoại, dấn thân giáo dục và đoàn kết.
Các dự án hòa bình chứ không phải là cho sự phá hủy. Hôm nay chúng ta đã lấy lại những lời đầy hy vọng của nhà thơ Gibran: “Xa hơn bức màn đen của đêm tối, có một bình minh đang chờ đợi chúng ta”. Một số bạn trẻ vừa đưa cho chúng ta một số đèn thắp sáng. Họ, những người trẻ tuổi, là những ngọn đèn cháy sáng trong giờ phút đen tối này. Niềm hy vọng về tương lai sáng bừng trên khuôn mặt họ. Họ phải nhận được sự lắng nghe và chú ý, bởi vì sự tái sinh của đất nước phải thông qua họ. Và tất cả chúng ta, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, hãy hướng đến những hy vọng và ước mơ của những người trẻ. Và chúng ta hãy nhìn những người trẻ: đôi mắt của họ sáng lên, nhưng đọng quá nhiều nước mắt, lay động lương tâm và những lựa chọn trực tiếp. Những ánh sáng khác tỏa sáng ở chân trời Li Băng: họ là những phụ nữ. Tượng đài Mẹ Của Tất Cả xuất hiện trong tâm trí chúng ta, Mẹ, từ ngọn đồi Harissa, ôm lấy những người đến với đất nước này từ Địa Trung Hải bằng ánh mắt từ mẫu của mình. Đôi tay rộng mở của Mẹ hướng về biển cả và hướng về thủ đô Beirut, để chào đón những hy vọng của mọi người. Phụ nữ là những người tạo ra sự sống, là những người tạo ra hy vọng cho tất cả mọi người; họ phải là những người được tôn trọng, được đánh giá cao và tham gia vào quá trình ra quyết định của Li Băng. Và cả những người già, những người là cội nguồn, những người già của chúng ta: hãy nhìn họ, hãy lắng nghe họ. Cầu mong họ bảo ban cho chúng ta sự huyền bí của lịch sử, cho chúng ta những nền tảng của đất nước để tiếp tục. Họ muốn quay lại với những giấc mơ: chúng ta hãy lắng nghe họ, để trong chúng ta những giấc mơ đó được chuyển thành lời tiên tri.
Diễn giải lại câu thơ này một lần nữa, chúng ta nhận ra rằng không có con đường nào khác để đến với bình minh khác hơn là trải qua đêm đen. Và trong đêm đen khủng hoảng, chúng ta cần phải đoàn kết. Cùng nhau, thông qua sự trung thực của đối thoại và sự chân thành của ý định, chúng ta có thể mang lại ánh sáng cho những vùng tối. Chúng ta hãy giao phó mọi nỗ lực và cam kết cho Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, bởi vì, như chúng ta đã cầu nguyện, “khi những tia sáng rạng ngời của lòng Chúa thương xót bừng lên, bóng tối vụt tắt, chạng vạng kết thúc, bóng tối lùi dần và màn đêm tan biến”. (x. Thánh Grêgôriô thành Narek, Sách Ai Ca, 41). Hỡi anh chị em, hãy để màn đêm xung đột biến mất và bình minh hy vọng sống lại. Hãy để những thù hận chấm dứt, những bất đồng tan biến, và Li Băng sẽ trở lại tỏa sáng hòa bình.
Source:Libreria Editrice Vaticana