Ngày 03-07-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 14 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:55 03/07/2018
Chúa Nhật 14 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc 6, 1-6)
QUÊ HƯƠNG


Chúa cùng môn đệ về làng,
Nơi Na-za-rét, họ hàng thân quen.
Thân bằng quyến thuộc chúc khen,
Hội đường nhỏ bé, bon chen nhóm người.
Kẻ thương người ghét kẻ cười,
Chúa vào giảng dạy, vui tươi đón chào.
Ngạc nhiên thái độ đồng bào,
Khôn ngoan lời lẽ, làm giao động lòng.
Ghen tương thái độ bên trong,
Nghi ngờ sứ mệnh, trông mong cứu đời.
Mẹ cha chú bác cùng thời,
Dân làng biết rõ, cuộc đời Thầy đây.
Khinh khi vấp phạm lời này,
Con ông thợ mộc, hằng ngày lao công.
Ma-ry, mẹ Chúa ngắm trông,
Tiên tri ẩn dấu, họ không hiểu gì.

Chúa Giêsu trở về quê nhà, nơi Ngài đã sinh sống suốt gần ba mươi năm trời. Chúa Giêsu vào giảng trong Hội đường, nhiều người đã sửng sốt về lời giảng của Ngài. Họ ngưỡng mộ nhưng không tránh khỏi những dị nghị và dèm pha. Họ nghĩ là họ quá biết Ngài. Bà con kháo láo với nhau rằng: Bởi đâu ông này được như vậy. Đúng vậy, họ đâu có xa lạ gì, hằng ngày Ngài cùng lao động và cùng chia xẻ mọi biến cố trong xóm làng với họ. Gia đình của Ngài gần đây và cha mẹ của Ngài là những người hàng xóm tốt lành. Thế sao hôm nay Ngài giảng dạy và làm nhiều phép lạ như thế. Thế là họ tỏ thái độ khinh thường Ngài.

Chúng ta thường chứng kiến những tài tử thần tượng đi tới đâu cũng được người ta đón chào và ngưỡng mộ. Nhất là các tài tử thể thao, điện ảnh và cả các chính khách cũng được nhiếu người quí mến. Người ta không đánh giá hay nhìn họ ở khía cạnh luân lý. Nói chung, họ nhìn ở tài năng diễn đạt và thuyết phục. Người ta được thong dong không bị lương tâm đặt nghi vấn.

Sứ mệnh tiên tri thì khác, tiên tri nói lên sự thật. Tiên tri vạch trần cuộc sống giả dối, kêu gọi từ bỏ đường tà và dẫn dắt trở về nẻo chính đường ngay. Dĩ nhiên họ không ưa thích, vì không am hợp với cách sống của họ. Chúa về lại quê cũ. Chúa không phải là một tài tử. Chúa về quê như một vị tiên tri có các môn đệ theo sau.

Dân làng truy tìm nguồn gốc của Chúa và họ tỏ ra không vui. Họ thiển cận không biết được chân tướng thật của Chúa Giêsu. Họ đã bị lầm. Chúa Giêsu bị kẻ xấu xuyên tạc và nhiều người nhẹ dạ bị họ giật giây. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Niềm tin không phải là phép bùa hay lừa đảo nhưng là một lối sống đạo.

Truyện kể vào năm 1960, khi đạo giáo bị bách hại ở Sudan. Một thanh niên tên là Taban đã trốn nguy hiểm chạy sang Uganda tị nạn. Tại Uganda, anh đã nhập Dòng Tu và sau trở thành linh mục. Khi hòa bình trở lại, linh mục trở về quê hương và được bài sai đến xứ Palotake. Giáo dân nơi đây khó chấp nhận và không tin Taban là một linh mục. Cha nói rằng người ta đã nghi ngờ tôi và họ hỏi tôi: Ông có thật là linh mục không? Ông là người da đen. Họ không thể tin. Vì người ta chưa bao giờ thấy linh mục da đen. Họ chỉ gặp linh mục da trắng cho họ quần áo và thuốc thang.

Xét đoán diện mạo bên ngoài dễ bị lầm. Hãy quảng đại để đón nhận nhiều sự lạ chung quanh. Chúa ban cho mỗi người một kho tàng và một ơn gọi riêng để phục vụ. Chúng ta hãy đón nhận mọi người như hình ảnh của Chúa.

THỨ HAI, TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
(Stk 28, 10-22a; Mt 9, 18-26).
SỐNG LẠI


Lạy Thầy, bé gái qua đời,
Cầu xin sống lại, qua lời Thầy ban.
Giê-su chỗi dậy hỏi han,
Ra đi cứu giúp, chứa chan ân tình.
Trên đường đi tới hồi sinh,
Đàn bà loạn huyết, cố tình theo sau.
Tâm tình khổ sở thương đau,
Niềm tin mạnh mẽ, tìm mau tới Thầy.
Tin rằng đụng chạm áo nầy,
Bệnh tình biến mất, lòng đầy sướng vui.
Giê-su ngoảnh mặt ngó lui,
Cảm thương phụ nữ, ngậm ngùi tri ân.
Đức tin cứu chữa toàn thân,
Chữa lành hồn xác, canh tân cuộc đời.
Nghe tin bé gái lìa đời,
Cầm tay Chúa gọi, ơn trời cứu sinh.

THỨ BA, TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
(Stk 32, 22-32; Mt 9, 32-38).
TRỪ QUỶ


Người câm quỉ ám dầy vò,
Thân tàn khốn khổ, lắng lo buồn phiền.
Quỉ ma rong ruổi mọi miền,
Gây sầu ám hại, người hiền kẻ ngay.
Hôm nay Chúa độ nơi này,
Xua trừ ma quỉ, đổi thay cuộc đời.
Nhiều người kinh ngạc ơn trời,
Ngợi khen Thiên Chúa, cứu đời phàm nhân.
Mấy người Biệt Phái mất phần,
Ghen tuông xúc phạm, gian trần dối gian.
Nhờ quyền tướng quỷ phá tan,
Nghi ngờ khích bác, mê man thói đời.
Tin mừng rao giảng Nước Trời,
Chữa lành bệnh hoạn, một thời hồng ân,.
Giê-su, Chúa đến gian trần,
Xả thân cứu độ, xua thần ác ma.

THỨ TƯ, TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
(Stk 41, 55-57; Mt 10, 1-7).
TRỪ TÀ


Chúa Giê-su đến trần gian,
Chữa lành bệnh tật, thông ban ơn trời.
Xua trừ ma quỉ trong đời,
Rao truyền tin mới, lòng người khát khao.
Tông đồ huấn luyện công lao,
Kêu mời chọn lựa, thương trao quyền hành.
Ra đi rao giảng tin lành,
Nước Trời gần đến, chân thành canh tân.
Mười Hai gắn bó cận thân,
Đêm ngày bên Chúa, Thánh Thần khấn ban.
Phê-rô, An-rế, Gio-an,
Si-mon dõi bước, Tôma tông đồ.
Gia-cô-bê, Mát-thê-ô,
Và Bar-tô-lố-mê-ô chẳng nề.
Ta-đê-ô, Phí-lip-phê,
Gia-cô-bê thứ, bội thề Giuđa.

THỨ NĂM, TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
(Stk 44, 18-21. 45, 1-5; Mt 10, 7-15).
RA ĐI


Giê-su phán bảo tông đồ,
Hãy ra rao giảng, đi vô mọi miền.
Chữa lành bệnh hoạn tật nguyền,
Phục sinh kẻ chết, triều thiên Nước Trời.
Phong cùi chữa sạch mọi nơi,
Xua trừ ma quỷ, tuyệt vời chí công.
Các con lãnh nhận nhưng không,
Hãy cho miễn phí, đừng trông báo đền.
Ra đi không gậy không mền,
Chớ đem vàng bạc, không nên túi tiền.
Đừng mang giầy dép gậy phiền,
Hiền lành phó thác, như chiên giữa đàn.
Vào nhà cầu chúc bình an,
Ai mà xứng đáng, Chúa ban ơn lành.
Thành nào đón tiếp thi hành,
Yêu thương chúc phúc, nhân danh Chúa Trời.

THỨ SÁU, TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
(Stk 48, 1-7. 28-30; Mt 10, 16-23).
BỀN ĐỖ


Chúa sai môn đệ ra đi,
Như chiên giữa sói, thực thi Tin Mừng.
Khôn ngoan như rắn trong rừng,
Đơn sơ phó thác, vui mừng loan tin.
Người đời chống đối niềm tin,
Chứng gian bắt bớ, cầu xin vững lòng.
Cầm quyền đánh đập giam phòng,
Khổ đau giết hại, giáo đòng thấu da.
Đừng lo sợ hãi rên la,
Thánh Thần soi dẫn, hải hà ơn ban.
Kiên tâm bền vững bình an,
Mọi lời đáp trả, Chúa ban từ trời.
Nhiều người chống đối ơn trời,
Thù hành ghét bỏ, hại đời chúng con.
Cầu ơn bền đỗ sắt son,
Hưởng ơn cứu độ, mỏi mòn tấm thân.

THỨ BẢY, TUẦN 14 THƯỜNG NIÊN
(Stk 49, 29-33. 50, 15-24; Mt 10, 24-33).
PHÓ THÁC


Chúng con đừng sợ người đời,
Không gì che dấu, rạng ngời lộ ra.
Điều trong bóng tối vang xa,
Nói nơi ánh sáng, chiếu pha mọi nhà.
Điều nghe âm ỉ bên ta,
Hãy đi rao giảng, mái nhà khắp nơi.
Đừng lo sợ hãi trong đời,
Tù đầy thân xác, trong nơi khổ sầu.
Không ai giết được hồn đâu,
Ngoại trừ sợ Đấng, ném sâu hỏa lò.
Các con đừng sợ đừng lo,
Nhiệm mầu sự sống, thước đo vô ngần.
Chúng con đáng giá bội phần,
Trên đầu sợi tóc, từng phân đếm rồi.
Ai mà xưng tụng Ba Ngôi,
Ngày sau hưởng phúc, trong nôi Nước Trời.
 
Thành kiến
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:22 03/07/2018
Chúa Nhật 14 Thường Niên B

Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44). Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau. Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).

Đức Giêsu trở về quê hương Nagiaret. Ngài vào hội đường ngày sabat và đứng lên đọc rồi cắt nghĩa Sách Thánh cách rành mạch làm cho mọi người thán phục. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy ? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì ?”. Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu. Họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông ấy bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế ! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Dân làng Nagiarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy chủ nghĩa lý lịch để thẩm định về Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nagiarét có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46). Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.

Đức Giêsu nói với những kẻ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan và gốc tích của Ngài bằng câu: “Ngôn sứ không bị rẻ rúng ngoại trừ nơi quê hương mình, nơi những người thân thuộc và trong gia đình mình” (Mc 6,4). Đức Giêsu giải thích về việc những người ở quê nhà không tin và không đón nhận giáo huấn của Ngài đến nỗi “Người ngạc nhiên vì sự không tin của họ” (Mc 6,6a).

Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích rất lớn cho con người. Chính những chất màu mỡ nằm ẩn trong đất mới làm cho cây trái, hoa màu trổ sinh tươi tốt, đâm chồi nẩy lộc, nuôi sống muôn người, muôn vật. Chính những kho tàng nằm sâu trong lòng đất, như mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, đồng, sắt, kim cương, đá quý mới là nguồn tài nguyên phong phú giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng, thiêng liêng trong con người như: tinh thần tự do, trí khôn sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, tình cảm nhân từ mới có sức thăng tiến con người hơn chân tay, mắt mũi. Thế nhưng loài người vẫn thích thờ bò vàng óng ánh hơn thờ Thiên Chúa siêu việt.

Dân làng Nagiarét “vấp ngã vì Người”, họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu. Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu. Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.

Dân làng Nagiarét không tin vì thành kiến. Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.

Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng”. Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi người ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì người ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì người ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể. Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được. Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.

Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại. Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.

Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài. Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.

ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).

Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.

Mỗi ngày sống, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa ban cho mình ơn đức tin qua việc chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, cũng như tham dự Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Amen.







 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Việc Hồi Hương Người Tị Nạn Rohingya từ Bangladesh Về Myanmar
Thanh Quảng sdb
03:12 03/07/2018
Việc Hồi Hương Người Tị Nạn Rohingya từ Bangladesh Về Myanmar

Từ Dhaka Theo Thông Tấn Xã Fides cho hay Hội Bác Aí tại Bangladesh cho sự hồi hương những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh về lại Myanmar "thật là khó mà xảy ra"! "Bangladesh vẫn nỗ lực cáng đáng cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng to lớn cho những người Rohingya ở nước láng giềng Myanmar, họ là nạn nhân của bạo lực cực đoan từ tháng 8 năm 2017 với những vụ giết người, hãm hiếp và tàn phá làng - đã gây lên một làn sóng di tản hàng loạt của người tị nạn”.
"Hơn 688.000 người Rohingya đã bỏ trốn khỏi bang Rakhine, nâng tổng số người tị nạn ở Bangladesh lên 900.000 người. Họ cần có chỗ ở, thức ăn, nước sạch, thực phẩm và sự bảo vệ an ninh cho trẻ em và phụ nữ.
Các khu định cư tị nạn ở Bangladesh, trong khu vực biên giới, đã tăng nhanh và tự phát, tạo ra các khu vực cô lập tắc nghẽn, bị ngập lụt, lở đất và nhiều nguy hiểm khác. Các rủi ro sẽ xảy ra rất cao trước mùa mưa lốc đang tới.
Caritas tại Bangladesh đang hợp tác với Caritas Quốc tế và các tổ chức đối tác như Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo (CRS) nhằm cung cấp cho 265.000 người có chỗ ăn ở. Caritas đã xây dựng 7.540 nơi trú ẩn an toàn cho các gia đình tị nạn với sự hỗ trợ của các thiện nguyện viên địa phương và cải thiện hơn 5.800 căn nhà khác. Hội cũng đã hỗ trợ cho các gia đình có nhu cầu cụ thể, lo nước uống và các phương tiện vệ sinh, xây dựng 2.397 phòng tắm và đào 2.419 giếng nước có máy bơm năng lượng mặt trời.
Hội cũng lo đào tạo các tình nguyện viên cho việc giáo dục, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khỏi nạn buôn người và bạo lực. Trong các trại tị nạn, Caritas đã xây dựng sáu khu vực vui chơi giải trí cho trẻ em và giúp kèm bài vở cho các em hầu các em có thể theo kịp tại trường lớp.
Theo những tiên liệu của mùa bão lụt sắp tới thì các cơ quan từ thiện và Hội Caritas đang xây dựng các khu định cư an toàn có tường chắn, bao cát và cống rãnh trong các trại tị nạn. (SD) (Agenzia Fides, 2/7/2018)
 
Người Công Giáo được mời gọi lên tiếng chống bất công.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:49 03/07/2018


(EWTN News/CNA) Giám mục ở miền đất gọi là đặc khu hành chánh của Trung Cộng đã nói với đài EWTN nhân dịp ngài đến Roma để thăm viếng hai mộ Thánh Phê-rô và Phao-lô ( thường gọi là ad limina) rằng Giáo Hội Công Giáo ở Hồng Kông được mời gọi để lên tiếng chống lại những bất công, nhưng không cạnh tranh với nhà cầm quyền.

Giám mục Michael Yeung Ming-cheung đã có chuyến thăm ad limina cùng với các giám mục Macau; hai vùng lãnh thổ là những thuộc địa trước đây của Anh và Bồ Đào Nha và hiện nay một phần thuộc Trung Cộng.

Là một khu vực hành chánh đặc biệt, Hồng Kông có hệ thống chính trị và kinh tế riêng và có quyền tự trị ở mức độ lớn đối với Trung Cộng. Vùng đất này đã là thuộc địa của Anh từ năm 1842 đến 1997.

Các giám mục đã gặp ĐGH Phanxicô vào ngày 23 tháng Sáu, một cuối tuần có nhiều cuộc họp tại Vatican, trong đó có cuộc họp hai giờ với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Giám mục Yeung, người kế vị Giám Mục Hồng Kông vào tháng Tám năm 2017, nói rằng Hồng Kông có tầm ảnh hưởng đối với cách sống của người Trung Hoa vì “ Hồng Kông được kêu gọi tham gia vào việc hiện đại hóa Trung Quốc, không chỉ về quan điểm kinh tế chính trị. Sự phát triển đất nước không thuần túy dựa vào kinh tế.”

Ngài nói rằng Giáo Hội Công Giáo “không tranh dành quyền lực với đảng Cộng Sản và quyền hành nơi thế gian này. Chúa Giê-su không bao giờ dạy các môn đệ của ngài tranh dành với đế quốc Roma.”

Giám mục Yeung nhấn mạnh rằng “Tuy nhiên, Giáo hội giữ một vai trò quan trọng. Giáo hội mời gọi chúng ta có một thái độ đúng đắn để đối thoại, và cùng lúc ấy phải nói lên sự thật, và lên tiếng chống lại bất công xã hội khi nó xảy ra.”

Sự liên hệ với Giáo hội ở lục địa, theo Giám mục Yeung là “một vấn đề khó khăn”.

Ngài giải thích rằng “thông điệp của nhà cầm quyền Trung Quốc là họ không muốn bất cứ một sự can thiệp nào ở nội địa, và dự luật mới đây nhất về NGO (các tổ chức phi chính phủ) của nước ngoài đi theo chiều hướng đó: mọi thứ phải được nhà cầm quyền chập thuận, và nhà cầm quyền có quyền biết tiền đến từ đâu.”

Theo như cái luật đó, thì các tổ chức phi chính phủ phải khai báo với Bộ Công An hay những cơ quan tương đương cấp tỉnh trước khi mở văn phòng ở lục địa Trung Hoa.

Luật này song hành với việc gia tăng những quy định trong nhiều lãnh vực của đời sống công cộng.

Giám mục Yeung nói rằng luật này cũng ảnh hưởng đến việc người Hồng Kông muốn gởi giúp cho lục địa, như là “không ai chắc chắn là tiền gởi sẽ tới tay người nhận, và chỉ một lần gởi tiền thôi thì đã được coi như can thiệp vào nội bộ rồi.”

Nhắc về những lời đồn đoán về giao dịch giữa Tòa Thánh và Trung Cộng, Giám mục Yeung nói rằng “Giáo Hội có một vai trò rất rõ ràng: Giáo hội không cạnh tranh với nhà cầm quyền; giáo hội được mời gọi để liên tiếng khi có bất công.”

Ngài nói thêm rằng “Chúng ta hiểu rằng Tòa Thánh lấy làm vui khi có cuộc đối thoại với nhà cầm quyền Bắc Kinh, và đó cũng là chuyện bình thường khi có người chống lại việc này. Chúng ta phó thác trong tay Thiên Chúa. Cách đây năm mươi năm, cánh cửa giữa Vatican và Bắc kinh đã đóng, và bây giờ chúng ta nổ lực để tìm ra một lối mở hẹp.”

Giám mục Yeung kết luận rằng ngài không biết “thỏa thuận này sẽ dẫn chúng ta tới đâu” nhưng ngài tin rằng “Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đúng đường. Đã có những sai phạm và có lẽ sẽ còn có nữa. Chúng ta là con người. Nhưng Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đi.”

Giám mục Yeung nói rằng những đề tài thảo luận với các viên chức Tòa Thánh trong cuộc thăm viếng ad limina là một khả năng mở ra một trường đại học Công Giáo ở Hồng Kông.

Vào lúc này, Viện Giáo Dục Cấp Cao Caritas đã được thành lập và có khoảng 2,000 sinh viên. Vào năm 2014, một công bố đã được đưa ra là viện sẽ cố gắng để được các viên chức giáo dục công nhận là một trường đại học trong thời gian năm năm.

Một khi được công nhận là một trường đại học, trường sẽ có tên là “Đại Học Thánh Phanxicô”.

Theo Giám Mục Yeung, nhà cầm quyền Trung Quốc muốn có một trường đại học Công Giáo ở Hồng Kông bởi vì nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” thể hiện tính quan hệ tự trị giữa lãnh thổ và lục địa Trung Hoa.

Giám mục giải thích rằng “Chúng tôi có cách làm việc của chúng tôi. Tôi nghĩ Hồng Kông có thể rất quan trọng đối với Trung Cộng vì nó là cửa ngõ mở ra cho thế giới. Nếu nhà cầm quyền trung ương đóng cửa mọi thứ ở Hồng Kông, nó sẽ chứng tỏ rằng cái nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” không thể thực hiện được.”


Source: EWTN News Catholics are called to speak out against injustices, Hong Kong bishop says
 
Tổng Giám Mục Úc đã bị kết án 12 tháng quản chế tại gia.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:33 03/07/2018


Đức Tổng Giám Mục của Alelaide đã bị kết tội không báo cáo vụ lạm dụng tình dục trẻ em.

Tổng Giám Mục của Alediale đã bị kết án 12 tháng tù giam sau khi bị kết tội vào tháng Năm vì cáo buộc không báo cáo vụ lạm dụng tình dục trẻ em.

Tổng Giám Mục Philip Wilson có thể sẽ thi hành án bằng bị quản thúc tại gia, và một thẩm phán có thể sẽ xác nhận việc dàn xếp này trong phiên điều trần vào ngày 14 tháng Tám.

Giám mục Wilson chưa từ chức Tổng Giám Mục, nhưng ĐGH Phanxicô đã chỉ định Giám Mục Grey O’Kelly làm Tổng Quản của giáo phận, để coi sóc những sinh hoạt hàng ngày.

Tổng Giám Mục đã bị kết tội là giữ kín vụ lạm dụng tình dục trẻ em của một linh mục vào thập niên 1970. Hai nạn nhân bị lạm dụng nói rằng họ đã kể cho ngài biết, nhưng ngài đã không báo cáo vụ lạm dụng cho chính quyền.

Linh mục James Fletcher đã bị kết tội vào năm 2006 và đã chết trong tù.


Source: Catholic Herald Australian archbishop sentenced to 12 months detention
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhân Vụ Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc: Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu bị lệ thuộc vào Cộng Sản Trung Quốc từ bao giờ? Tại sao?
Phạm Cao Dương
11:44 03/07/2018
Nhân Vụ Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc: Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu bị lệ thuộc vào Cộng Sản Trung Quốc từ bao giờ? Tại sao?

Đọc Lại Những Bài Viết Của Các Cố Vấn Tầu Ở Việt Nam Trong Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhất (1946 - 1954)

Phạm Cao Dương (*)

Đây là những bài viết được ghi là của “một số lão đồng chí đã từng cộng tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20” theo lời của Nhóm biên tập của tập tài liệu có nhan đề Ghi Chép Thực Về Việc Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp (Hồi ký của những người trong cuộc) do Nhà Xuất Bản Lịch Sử Đảng Cộng Sản Trung Quốc ấn hành ở Bắc Kinh năm 2002, bản dịch tiếng Việt của Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy với Dương Danh Dy cũng là người hiệu đính. Bản dịch này không ghi nơi xuất bản cũng như tên nhà xuất bản với lý do được nêu là tài liệu lưu hành nội bộ và được gửi từ trong nước ra hải ngoại qua thư điện tử. Cũng vậy, ghi là nội bộ nhưng sách cũng không được ghi rõ là nội bộ của cơ quan nào. Dương Danh Dy là một nhà nghiên cứu được nhiều người tin cậy. Ông đã từng giữ chức Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở Quảng Châu, Trung Quốc.

I. Nội dung của tài liệu

Tập tài liệu này dày 280 trang qua thư điện tử và gấp đôi tức trên dưới 560 trang theo khổ sách in nhỏ, gồm tổng cộng 10 bài, thêm hai trang Lời Cuối Sách. Tác giả đầu tiên là La Quý Ba, ngưòi được Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc bí mật cử sang Vịêt Nam đầu năm 1950 làm đại diện liên lạc giữa Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương, sau này là Đại Sứ đầu tiên của Cộng Sản Trung Quốc ở Vịêt Nam. Bài này ngắn và có tính cách tổng quát, được viết để tưởng nhớ Mao Trạch Đông. Tác giả thứ hai là Trương Quảng Hoa. Ông này xuất thân làm công tác ở văn phòng cố vấn quân sự của Đoàn, lo về thống kê nên nắm vững tình hình “giao nhận vật tư” để báo cáo cho lãnh đạo của Đoàn. Trương Quảng Hoa có cả thảy bốn bài, đồng thời giữ vai trò sửa chữa và hiệu đính, kể cả sửa chữa và hiệu đính cho phần “Đại Sử Ký” tức phần niên biểu các sự kiện chính ở cuối sách trong đó có bài viết tổng quát và một bài viết về vai trò có tính cách quyết định của tướng Trần Canh trong trận Đông Khê - Thất Khê. Chủ trương của Trần Canh cũng như của các cố vấn Tầu đối nghịch với chủ trương ban đầu của các chỉ huy trưởng Việt Minh, trong đó có các Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 102 Nguyễn Hữu An và Trung Đoàn 88 Thái Dũng.

Người có bài thứ ba là Vu Hoá Thuần, viết về Vi Quốc Thanh trong cả hai trận Đông Bắc và Điện Biên Phủ, một vai trò cũng quyết định giống như vai trò của Trần Canh trong chiến dịch Đông Bắc. Vương Nghiên Tuyền nguyên ở trong ban tham mưu của Tướng Trần Canh và là cố vấn cho Đại Đoàn 308 trong thời chiến tranh chống Pháp, năm 1956 lại trở sang Vịêt nam làm tổ trưởng Tổ Chuyên Gia Quân Sự cho đến năm 1957. Ông này có hai bài dài và coi như nòng cốt của tập sách. Tiếp theo là các bài của Độc Kim Ba và của Như Phụng Nhất mà tiểu sử không được ghi dù là gián tiếp. Cuối cùng là một niên biểu liệt theo ngày tháng tiến trình hoạt động của Đoàn Cố Vấn Trung Quốc từ ngày được thành lập, từ tháng Giêng và tháng Hai năm 1950 cho đến trung tuần tháng Ba năm 1956.

VIỆN TRỢ CỦA TRUNG QUỐC

Nói tới Chiến Tranh Pháp - Việt Minh (1946 - 1954) không ai là không biết tầm quan trong của viện trợ của Cộng Sản Trung Quốc cho Cộng Sản Việt Nam kể từ sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc chiếm được toàn thể Trung Hoa Lục Địa, hay chậm hơn và đúng hơn chút nữa là từ trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn quân sự, một do Vi Quốc Thanh và Đặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh đón tiếp và thuyết trình. Đây là thời điểm then chốt. Nó mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhất, trong đó viện trợ của Trung Quốc đóng vai trò quyết định. Sau thời điểm này quân đội của Tướng Giáp không còn phải “chiến đấu trong vòng vây”, không còn chỉ đánh du kích nữa mà đã chuyển sang vận động chiến rồi sau đó là công kiên chiến để đánh bại địch quân, theo sách lược của Mao Trạch Đông và kinh nghiệm của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc. Hồi ký của các nhà lãnh đạo Việt Minh trong đó có Tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư Lệnh Quân Đội, có Đặng Văn Việt, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 174, con Hùm Xám của Đường Số 4, đều nói tới nguồn viện trợ duy nhất và thiết yếu này nhưng lại tương đối ít. Những chiến thắng của Việt Minh từ các trận Đông Khê và Cao Bằng trong chiến dịch Việt Bắc tới trận Điện Biên Phủ theo các chỉ huy người Việt này là do sự hoạch định chiến lược và chiến đấu của chính người Việt.

Các cố vấn Trung Quốc trong tập Ghi Chép Thực kể trên đã gần như nói ngược lại. Không những thế họ còn viết nhiều hơn nữa, không riêng về quân sự như cung cấp dư dả súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tái tổ chức lại quân đội với chủ trương đặt nặng vai trò của chính trị trong quân đội, thành lập và võ trang những đại đơn vị mới như các Đại Đoàn 316, 320, 325, 351 và một trung đoàn công binh bên cạnh các đại đoàn 304, 308, 312 và một số trung đoàn đã có từ trước, mà còn giúp Việt Minh giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chánh, đặc biệt là về tiền tệ, lương thực để Việt Minh từ thế gần như thụ động, bị bao vây trên nhiều mặt trận, sang chủ động làm chủ chiến trường. Các cố vấn Tàu còn cho biết họ đã soạn thảo các chiến lược và trực tiếp tham gia chiến trận cùng với quân đội của Tướng Giáp từ đó đã giúp cho Cộng Sản Việt Nam toàn thắng.

II. Những dữ kiện có thể rút tỉa: Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu bị lệ thuộc vào Cộng Sản Trung Quốc từ bao giờ?

Một cách tóm tắt, khi đọc tài liệu này ta có thể ghi nhận được những dữ kiện sau đây:

1. Thứ nhất: Hai chuyến đi bí mật sang Nga của Hồ Chí Minh bị thất bại. Viện trợ của Cộng Sản Tàu cho Cộng Sản Việt Nam là do sự thỏa thuận từ trước của Staline, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Những sự kiện này đã xảy ra tiếp theo hai chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng năm 1950 và vào mùa đông năm 1951. Lần đi thứ nhất, khi Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh thì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã đi riêng tới Moscow để ký Hiệp Ước Tương Trợ Đồng Minh Hữu Nghị Trung – Xô từ trước nên họ Hồ chỉ được Lưu Thiếu Kỳ đón tiếp rồi sau đó được Lưu Thiếu Kỳ thu xếp để sang Moscow. Câu hỏi được đặt ra là trước khi đi Mao và Lưu có biết là Hồ sẽ sang Bắc Kinh hay không? Câu hỏi này được đặt ra nhưng câu trả lời phần nhiều là có. Nếu vậy tại sao hai người lại không đợi Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh để rồi cùng đi? Câu trả lời phần nào có thể được thấy nếu người ta theo dõi những gì đã xảy ra sau đó.

Thứ nhất là trong buổi tiệc do Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô tổ chức để khoản đãi Hồ Chí Minh khi họ Hồ mới tới Moscow tối ngày 6 tháng Hai năm 1950, Staline đã không đến dự và Staline chỉ tiếp ông này nhiều ngày sau đó và tiếp ở phòng làm việc của mình với sự có mặt của nhiều ngưới khác trong đó có cả Vương Gia Tường là đại sứ Trung Quốc ở Liên Xô. Thứ hai là trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng được mời, có thể là không chinh thức vì chuyến đi của ông là bí mật. Lợi dụng cơ hội này và khi Staline rất vui, Hồ Chí Minh đã ngỏ ý xin được ký một hiệp ước tương tự như hiệp ước Trung - Xô Mao Trạch Đông đã ký với Staline trước đó. Staline đã từ chối. Trương Quảng Hoa đã kể lại cuộc đối thoại giữa hai người như sau:

Staline rất vui, trong bữa tiệc luôn luôn trò chuyện với khách. Hồ Chí Minh nắm lấy thời cơ này cười hỏi Staline: “Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không?” Staline cười: “Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà!”

Hồ Chí Minh lại nói: “Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước!” Staline nói: “Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra? Chúng tôi giải thích như thế nào?”

Hồ chí Minh nói: “Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao?”

Staline cười lớn nói: “Đó là quá sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh” (trang 21).

Họ Trương ghi tiếp là “Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên”. Chi tiết này chứng tỏ cuộc đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Staline là công khai trước mặt mọi người. Nhưng xét toàn bộ người ta thấy Staline tỏ ra rất lạnh nhạt, không tôn trọng Hồ Chí Minh, đã mỉa mai khi trả lời những câu hỏi nghiêm chỉnh và quan trọng của họ Hồ. Không những thế Staline còn đem những đề nghị của Hồ ra làm trò cười cho những người có mặt trong buổi chiêu đãi và thẳng thừng từ chối những lời yêu cầu của họ Hồ, trong đó có đề nghị ký một hiệp định là điều họ Hồ rất mong muốn.

Tại sao vây? Theo Trương Quảng Hoa, Staline lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tôc, là Ti Tô thứ hai. Nhưng đọc kỹ chi tiết hơn, người ta thấy hai điều. Một là Staline có chủ trương muốn Hồ Chí Minh đẩy sớm hơn và mạnh hơn cách mạng xã hội và kinh tế thay vì chỉ lo đánh Pháp để sớm tiến tới chủ nghĩa vô sản và hai là Staline đã cùng Mao Trạch Đông, và ngay cả trước đó không lâu, Lưu Thiếu Kỳ trong một chuyến đi bí mật sang Nga, đã từng thảo luận và đồng ý với nhau về vai trò viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam của Trung Quốc rồi. Đây là lý do chính và Hồ Chi Minh khi được các lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc thu xếp cho sang Nga chỉ là để nghe một chuyện đã được sắp xếp rồi. Riêng về cá nhân Hồ Chí Minh, xuyên qua cuộc đối thoại này, người ta thấy phần nào bản chất thực tế, kiên nhẫn, chịu đựng, quyền biến đến độ lì lợm, sẵn sàng dùng những biện pháp lừa dối như ông đã thường làm ở Vịêt Nam của ông. Cuối cùng thì chuyến đi Liên Xô của Hồ Chí Minh hoàn toàn thất bại, không giành được gì trực tiếp từ phía Liên Xô, không được Staline coi trọng như Mao Trạch Đông để từ đây Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam phải nghe và hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Trung Quốc.

Vận mệnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng và vận mệnh của dân tộc Việt Nam cũng như lãnh thổ Việt Nam nói chung, có thể đã bị quyết định ngay từ chuyến đi của Hồ Chí Minh này. Nói như vậy là vì khi làm cố vấn cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, các chuyên gia Trung Quốc bắt buộc phải nghiên cứu địa hình, địa diện, các cao điểm chiến thuật, chiến lược, trục lộ giao thông cùng các tiềm năng khác có thể khai thác... bằng chính tai mắt và khối óc của mình, chưa kể khi họ vạch và làm đường và khi khí giới, quân trang quân dụng được vượt qua biên giới, chở sang cho Việt Minh. Các cao điểm chiến lược, các cột mốc biên giới hẳn khó lọt qua con mắt của các chuyên gia quân sự Trung Quốc ngay từ thời điểm này để chuyển về cho Trung Ương Đảng của họ, không cần phải đợi tới bốn chục năm sau.

Về chủ trương giữ bí mật cho những chuyến đi của Hồ Chí Minh và sau này là về Đoàn Cố Vấn Trung Cộng cũng là điều người ta cần chú ý. Phía nào thực sự chủ trương giữ bí mật và tại sao phải giữ bí mật? Câu hỏi cần phải đươc đặt ra, cũng như Hồ Chí Minh có hứa hẹn gì với Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc để đánh đổi lấy viện trợ của Trung Quốc không? Cũng vậy có thật viện trợ này là không hoàn trả và hoàn toàn vô vị lợi dựa trên nghĩa vụ quốc tế giữa các đảng cộng sản hay không hay ngược lại, có liên hệ gì tới sự nhượng bộ của Cộng Sản Việt Nam đối với Cộng Sản Trung Quốc sau này không? Về điều này người đọc nên để ý tới sự gợi ý của Staline là Trung Quốc giúp cho Việt Nam một con gà thì Việt Nam có thể trả lại cho Trung Quốc một trái trứng. Con gà là quân sự, là kinh tế, tài chính, là lương thực, là tiền tệ, còn trái trứng là cái gì? Cũng vậy, sự giữ bí mật này có liên hệ gì tới cách giải thích sự thỏa hiệp với Pháp của Hồ Chí Minh hồi năm 1946 trước đó, đại khái là:” thà ngửi c... thằng Tây ít năm còn hơn là làm nô lệ thằng Tầu thêm một ngàn năm nữa” hay những gì họ Hồ và Đảng Cộng Sản đã lên án phía Việt Quốc, Việt Cách mấy năm trước đó? Hay giữ bí mật theo yêu cầu của Nga và của Tầu hay tất cả?

Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác. Cũng cần phải để ý tới sự kiện là thời điểm của cuộc viếng thăm là đầu năm 1950, lúc Liên Xô sau thế chiến thứ hai chưa đủ mạnh và Cộng Sản Trung Quốc chỉ mới lên cầm quyền ớ Trung Hoa Lục Địa không được bao lâu. Cả hai lúc đó đều không muốn gây chuyện trực tiếp với Pháp và gián tiếp với Hoa Kỳ.

2. Thứ hai: Viện trợ cho Việt Nam không phải chỉ vì nhu cầu của Việt Nam mà cả Trung Cộng vì Trung Cộng cũng có nhu cầu đánh đuổi quân Pháp nhằm bảo đảm biên giới phía Nam của mình chống lại tàn dư của Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Điều này cũng được các tác giả dẫn thượng nói tới. Chiến dịch Đông Bắc và sau này đánh Tây Bắc và sang Lào thay vì đồng bằng sông Hồng mà các cố vấn Trung Quốc đã bắt ép các nhà chỉ huy quân sự Việt Minh phải chấp nhận cũng nhằm mục tiêu này.

QUÂN SỰ CSVN -TRUNG QUỐC

3. Thứ ba: Có một sự khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh và phía Việt Minh bị bó buộc phải nghe theo.

Có nhiều khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh và phía Việt Minh bị bó buộc phải nghe theo trong đó có mục tiêu tấn công như đánh để tiêu diệt địch hay đánh để chiếm các cứ điểm hay các thị trấn? địa điểm tấn công, đánh nơi nào trước, Cao Bằng hay Đông Khê, đồng bằng sông Hồng hay Lai Châu, Tây Bắc và Lào? đánh nhưng vẫn phải lưu tâm tới hoàn cảnh của các chiến sĩ anh em, đồng bào của mình hay đánh để thắng với bất cư giá nào? Cuối cùng các cố vấn Trung Cộng khi không thuyết phục các tướng tá Việt Minh được đã luôn luôn báo cáo về cho Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông, để Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc liên lạc với Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, và Hồ Chí Minh và cuối cùng các cố vấn Trung Quốc đã luôn luôn thắng thế. Chủ trương của họ đã được Hồ Chí Minh và Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận, đồng thời may mắn cho họ, kết quả đã là chiến thắng.

Đọc các bài viết của người Trung Quốc người ta có cảm tưởng là các chiến thắng của Việt Minh từ Đông Bắc đến Điện Biên Phủ hoàn toàn là do công lao của các cố vấn Trung Quốc, từ đầu đến cuối, từ hoạch định chiến lược, lựa chọn địa điểm để đánh đến trực tiếp tham gia theo dõi, chỉ huy trận đánh và trực tiếp can thiệp ngay khi cần. Các tướng tá Vịêt Nam đều bị coi là thiếu kinh nghịêm, nhút nhát, không dám chấp nhận gian khổ. Chẳng hạn như trong chiến dịch Việt Bắc, Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã nghiên cứu tỉ mỉ phòng tuyến Quốc Lộ 4 của Pháp để đưa ra đề nghị đánh Đông Khê trước thay vì Cao Bằng. Đề nghị này đã được Hồ Chí Minh lúc đó lên thị sát mặt trận, trực tiếp phê chuẩn thay vì qua Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp. Họ Hồ còn chỉ thị thêm rằng: “Chiến dịch này chỉ được thắng, không được thua!” đúng như chủ trương của Trần Canh. Lý do là vì Hồ đã quen biết Trần Canh từ lâu trước đó, từ năm 1925 - 1926, đã yêu cầu Mao Trạch Đông cử Trần Canh sang giúp và tin cậy ở Trần Canh, đồng thời biết rõ nhu cầu Trung Viện.

Chỉ được thắng, không được thua hay thắng bằng bất cứ giá nào, bất kể sự hy sinh của binh sĩ là chủ trương của Trần Canh, khác với chủ trương của Võ Nguyên Giáp và của Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 174 Đặng Văn Việt. Trong trận Đông Khê khi vị Trung Đoàn Trưởng này, vì bộ đội của mình bị thương vong quá nhiều, định rút lui, Vi Quốc Thanh đã điện thoại cho cố vấn Trương Chí Thiện của trung đoàn này, thúc đẩy vị chỉ huy của trung đoàn này, điều chỉnh bố trí và đánh tiếp. Giữa Trần Canh và Võ Nguyễn Giáp tối ngày 4 tháng 10 năm 1950 cũng đã tranh cãi nặng nề qua điện thoại, khi quân Việt Minh tấn công chiếm núi Cốc Xá sau ba ngày liên tiếp và bị thiệt hại nặng, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Việt Minh ra lệnh cho bộ đội tạm ngưng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn. Tranh cãi nặng nề qua điện thoại đến độ Trần Canh có lúc đã nói to: “Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn” và nói tiếp: “Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi”, đồng thời dập mạnh điện thoại xuống. Nhưng rồi sau đó Trần Canh đã liên lạc thẳng với Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Kết quả là Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho bộ đội tiếp tục, còn Mao Trạch Đông thì khuyến cáo phải nhanh chóng tiêu diệt địch cho dù thương vong quá lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động (trang 41).

VỆ QUỐC ĐOÀN VÀ QUÂN ĐỘI CSVN

4. Thứ Tư: Trong việc giúp Việt Minh huấn luyện và tổ chức lại quân đội, các cố vấn Trung Cộng còn giúp và rất có thể đã áp lực các nhà lãnh đạo của đảng này thực hiện một cuộc chỉnh huấn với chữ dùng trong tài liệu là chỉnh quân chính trị. Danh xưng Vệ Quốc Đoàn bị bãi bỏ và bị thay thế bằng danh xưng Quân Đội Nhân Dân theo Tàu

Công tác này đã được các cố vấn Trung Cộng lưu ý từ ngay những ngày đầu, nhưng mãi đến mùa hè và mùa thu năm 1953 mới trở thành qui mô toàn diện. Nó nằm trong chủ trương cách mạng căn bản của Mao Trạch Đông và luôn cả của Staline qua khuyến cáo của Staline khi Staline tiếp Hồ Ghí Minh hồi đầu năm 1950, với những dấu hiệu đầu tiên đã lộ rõ qua những nhận xét của các cố vấn Trung Quốc về các cấp chỉ huy của bộ đội Việt Minh khi họ thấy những vị chỉ huy này có trình độ học vấn cao, ghi chú nhanh, học giỏi, nhưng nặng đầu óc tư sản, nhút nhát, sợ gian khổ, sợ khó khăn, không có tầm nhìn chiến lược... trong khi các binh sĩ cấp dưới ít học và không được thăng thưởng. Những ngôn từ như tố khổ, giác ngộ giai cấp... đã được Vu Hóa Thầm nhắc tới trong bài viết của tác giả này (trang 63). Chiến dịch chỉnh huấn quân sự, chính trị qui mô này đã được phối hợp với phong trào cải cách ruộng đất, lúc này đang được tiến hành ở các cứ địa của Việt Minh ở Việt Bắc. Những sĩ quan xuất thân là các sinh viên, học sinh, những thành phần trí thức, quan lại, tư sản đã tham gia Vệ Quốc Đoàn từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo, thuần túy chỉ vì yêu nước, không còn được phục vụ như xưa nữa. Ngay danh xưng Vệ Quốc Đoàn, một danh xưng mang nậng tinh thần quốc gia, cũng bị phế bỏ. Một giai đoạn trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Minh, nói riêng, của Cuộc Chiến 30 năm đã đi qua, kèm theo với tất cả những gì đẹp đẽ nhất và lãng mạn, nhuốm nặng tình yêu nước nhất của nó. Trung Đoàn Trưởng Đặng Văn Việt, Con Hùm Xám Của Đường Số 4, thay vì trở thành tướng như nhiều thuộc cấp của ông sau này, vì đã đánh bại không phải một mà hai đại tá của quân Pháp theo tiêu chuẩn của Hồ Chí Minh khi ông này phong cấp đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, đã bị gửi qua Trung Quốc làm tân khóa sinh của một trường sĩ quan. Cũng may là họ Đặng hãy còn tốt phước do cha mẹ ông bà để lại, được để cho sống sót.

Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật phải chăng vì danh xưng Vệ Quốc Đoàn không còn dược dùng nữa, thay thế bằng danh xưng Quân Đội Nhân Dân giống như Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa, được quan niệm và tổ chức theo khuôn mẫu của Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa, những bài hát tràn ngập lòng yêu nước thời đó đại loại như của Nhạc Sĩ Phan Huỳnh Điểu:

Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi

Là có mong chi đâu ngày trở về.

Ra đi, ta đi bảo tồn sông núi.

Ra đi, ra đi thề chết chớ lui.

Cờ bay phất phới, ngời màu Lạc Hồng.

Kèn reo vang tiếng, gọi dòng Lạc Hồng

Cùng Vệ Quốc Quân.

Ra đi ra đi theo hồn sông núi,

Thù bao năm xưa có bao giờ nguôi.



Hay những bài thơ đẹp và đầy không khí vui tươi của một tác giả nào đó mà người viết bài này có dịp học thuộc lòng hồi còn nhỏ theo mẹ đi tản cư về Thái Bình hay vào Thanh Hóa đến bây giờ vẫn còn nhớ, như:

Đoàn Vệ Quốc áo đen

vượt qua sườn Tam Đảo

Sau những ngày dông bão.

Việt Bắc giặc lui rồi

Lũ tàn quân xơ xác

Chiến sĩ ta reo cười

Chim rừng vang tiếng hát.

Các anh như bầy chim,

Nẻo rừng sâu bay tới.

Huyện Tam Dương im lìm

Bỗng dưng vào đại hội.

và của Hoàng Cầm:

Đêm liên hoan đầu người nhấp nhô như sóng biển ngang tàng.

Ta muốn thét cho vỡ toang lồng ngực

vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.

Sau những năm hào hung này không còn được ai sáng tác nữa hay có sáng tác cũng chẳng bao giờ được phổ biến vì khi các lãnh đạo chủ trương “phá tan biên cương” với ảo vọng “loài người sống thân yêu”, tất cả đều bị cấm. Còn lại chỉ là một hoài vọng để cho những người lính già lâu lâu ngồi nhớ lại, kể cho nhau nghe hay viết cho nhau đọc. Chỉ tiếc rằng cái đẹp vừa hào hùng vừa lãng mạn của thời trai trẻ, mà chính họ cũng như thời thế đã tạo được cho họ, đã không toàn vẹn như cái đẹp của người lính già thuở Bình Mông ngày trước:

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

Lính già phơ tóc bạc,

Kể chuyện thủa Nguyên Phong

Trần Nhân Tông

Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng

Ngô Tất Tố dịch

Trên đây chỉ là một vài dữ kiện quan trọng mà người đọc tài liệu này (Ghi Chép Thực Về Việc Đoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp ) đọc được và chia sẻ với độc giả. Hy vọng tác phẩm này được phổ biến rộng rãi hơn và được nhiều người đọc hơn, nhất là những người được các tác giả, rõ hơn các cố vấn Tàu do Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản Tàu phái sang giúp Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng vô sản theo khuôn mẫu của họ, thời đầu thập niên năm mươi của thế kỷ trước, bằng cách này hay bằng cách khác nói tới, hầu có thể đóng góp thêm sự thực về một giai đoạn cực kỳ khó khăn, cực kỳ phức tạp và tế nhị nhưng không phải là không có những nét đẹp riêng của lịch sử Việt Nam trước khi mọi sự trở thành đen tối, đến độ nhiều người coi như là tuyệt vọng, như người ta thấy sau này.

Để kết luận, ta có thể nói rằng đối chiếu những gì các cố vấn Tầu kể lại với những gì Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện không lâu sau chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Nga đầu thập niên 1950.

Trong số này, đặc biệt có Phong Trào Tố Khổ và Cuộc Cải Cách Ruộng Đất, cuộc “Chỉnh Quân Chính Trị” loại trừ các thành phần tiểu tư sản, sự kiện bãi danh xưng Vệ Quốc Đoàn bị bãi bỏ, thay thế bằng danh xưng Quân Đội Nhân Dân theo mẫu của Cộng Sản Tầu, kèm theo với các chức chính ủy được đặt ra trong quân đội vân vân...

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Thực Dân Pháp còn đang tiếp diễn và đòi hỏi một sự đoàn kết toàn dân về đủ mọi mặt thì những việc làm theo lệnh Trung Quốc của CSVN cho người ta thấy rõ hơn vai trò quốc tế và sự lệ thuộc Trung Quốc và Nga Xô của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu ngay từ thời này.

Đối với những người CSVN thì độc lập dân tộc chỉ là cái cớ bề ngoài, không bao giờ được coi là quan trọng bằng nghĩa vụ quốc tế cách mạng. Họ sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của các cố vấn nước ngoài hơn là tiếng gọi dù là thiêng liêng của Tổ Quốc. -/-

Phạm Cao Dương

 
Ngu Dân Trí Để Giết Dân Sinh
Phạm Trần
19:04 03/07/2018
Luật An ninh mạng của Cộng sản Việt Nam, ban hành ngày 28/06/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, đã công khai tấn công và chà đạp lên tư tưởng “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” của Chí sỹ, Nhà cách mạng Phan Châu Trinh (còn được gọi là Phan Chu Trinh).

Cụ Phan Châu Trinh sinh ngày 09 tháng 09 năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán. Cụ qua đời vì bệnh nặng lúc 21 giờ 30 ngày 24 tháng 3 năm 1926 tại khách sạn Chiêu Nam Lầu, Sài Gòn, hưởng dương 54 tuổi.

Chủ nhân khách sạn là Cụ Nguyễn An Khương, thân sinh của Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, một đồng chí của cụ Phan.

Hồi sinh thời, Cụ Phan từng khuyên dân ta:”Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ.

“Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”. (Tuổi Trẻ.VN)

Trong giai đoạn có nhiều sỹ phu nước Việt hủ lậu bị thực dân Pháp nhiễm độc vọng ngoại , Cụ Phan Châu Trinh khuyên răn cả nước: “Xin có lời chính cáo cùng người nước ta rằng: Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông người ngoài, trông người ngoài thì tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý ban tặng cho đồng bào, là: Chi bằng học”.

Cụ cũng nói:”Thử xem các nước dinh hoàn/ Hai mươi thế kỷ ai còn như ta” (Tỉnh hồn quốc ca II, câu 263-264).
Rồi cụ lên tiếng kêu gọi đồng bào:”Hỡi những người liêm sỉ, công trung/ Thương nhau mà bảo nhau cùng/ Học khôn học khéo để phòng hậu lai”.

(theo Lê Thị Hương Ban Xây dựng ND & HTTB - Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chỉ lấy bấy nhiêu câu nói chí tình và tâm huyết với dân và nước của Nhà văn hóa, Nhà cách mạng Phan Châu Trinh cũng đủ để đánh giá cái trí đoản, lòng tham và tâm rỗng của đảng Cộng sản khi họ quyết chí cho ra bằng được Luật An ninh mạng để ngu dân mà tiếp tục cai trị độc tài.

MIỆNG LƯỠI ĐẢNG

Luật An ninh mạng (ANM) gồm 7 Chương, 43 Điều do Bộ Công an soạn thảo, được Bộ Chính trị 18 người, cầm đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư thảo luận chấp thuận trước khi gửi cho Quốc hội gọi là thảo luận cho ra vẻ dân chủ để “dán tem” đồng ý ngày 12/06/2017.

Ông Trọng khen các Đại biểu của đảng: “ Đây là một thành công lớn của Quốc hội và thể hiện sự sáng suốt của cơ quan này khi đã biểu quyết thông qua luật với một tỉ lệ rất cao.” (86,86%).
Ông nói với cử tri Hà Nội ngày 17/06/2018:”Nhiều thế lực xấu cũng đã lợi dụng điều này để kích động biểu tình, âm mưu làm “cách mạng màu”….Có những thế lực kích động lên là chúng ta xâm phạm tự do, xâm phạm nhân quyền, xâm phạm tự do thông tin, cứ kích động lên.”

Tổng Bí thư đảng CSVN còn tự đặt điều vu cáo người dân chống Luật an ninh mạng rằng:”Thông qua đây nhiều thế lực xuyên tạc, tuyên truyền, kích động biểu tình gây rối trên đường phố hòng làm “cách mạng màu” để lật đổ chính quyền. Phải có luật để bảo vệ chế độ này chứ, đâu phải cứ để chúng muốn phá gì thì phá, muốn chửi ai thì chửi được, nên mạng rất là nguy hiểm ở chỗ đó.
Chúng ta khai thác tối đa lợi thế của công nghệ hiện đại, Việt Nam có đến hàng triệu người mở máy di động ra là có mạng, nhưng mà cũng phải cảnh giác, để kẻ xấu lợi dụng là rất nguy hiểm”.

Nhưng chế độ đương thời mà ông Trọng muốn bảo vệ có phải “của dân, do dân và vì dân” không hay chỉ của một nhúm người và các nhóm lợi ích muốn sử dụng vũ lực và mọi thứ luật bịt miệng, đàn áp dân để được tham quyền cố vị lâu dài ?
Đã có hàng chục ngàn người dân, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng xuống đường biểu tình từ Nam ra Bắc trong hai ngày 10 và 11 tháng 06 năm 2018 phản đối Luật An ninh mạng, vì Luật này nhằm tiêu diệt quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của dân quy định tại Điều 25 Hiến pháp bổ sung và sửa đổi năm 2013.

Điều 25 minh thị rằng:” Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Nhưng nếu cái đuôi “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” được coi là lý do để ban hành Luật An ninh mạng là đảng CSVN đã lạm quyền và chà đạp lên Hiến pháp, bộ Luật cao nhất của quốc gia.

NHỮNG ĐIỀU NGĂN CẤM

Để hiểu rõ tại sao nhân dân, trí thức, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và nhiều Tổ chức về Nhân quyền Quốc tế, kể cả Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã phản đối Luật An ninh mạng thì nên đọc một số điều ngăn cấm ngặt nghèo, rất mơ hồ nhưng lại mở đường cho nhà nước tùy tiện hại dân như sau :

Điều 8 quy định “các hành vi bị nghiêm cấm” mở đầu:”1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này.

Khoản 1 của Điều 18 viết gì ?
Đó là: “1. Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:
a) Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này.”

Nội dung 5 khoản của Điều 16 quy định các loại hoạt động sẽ bị trừng phạt, đó là:

1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;
c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:
a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;
b) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:
a) Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.
5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Nhưng thế nào gọi là “tuyên truyền chống Nhà nước” ? Và trong khi chưa có Luật biểu tình thì những cuộc đình công tự phát, bất bạo động của công nhân và biểu tình hòa bình của dân có bị khép vào tội “tụ tập đông người gây rối” hay “tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự” hay không ?

Ngoài ra, cơ quan nào có thẩm quyền để điều tra quyết định của nhà nước đúng hay sai khi cho rằng thông tin trên mạng “có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân” , hay sự quy kết không cần chứng minh có tội hay vô tội sẽ do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ, Cơ quan trách nhiệm tin tối mật và mật mã của nhà nước, có toàn quyền xử lý tùy tiện theo Luật này phân công ?

THẾ NÀO LÀ BÍ MẬT ?

Về khoản 1 của Điều 17 cũng lơ-tơ-mơ khi Luật An ninh mạng quy định những vi phạm về điều được gọi là “bí mật” như:”Cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Hay:” Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng;
c) Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư;
d) Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;
đ) Cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại;
e) Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.”

Điều mà Luật gọi là “bí mật nhà nước” cũng rất tùy tiện và phổ biến ở Việt Nam bấy lâu nay. Bằng chứng như những bản Kê khai tài sản của cán bộ, nhất là loại viên chức có quyền và có chức cao đã từ lâu bị coi là “bí mật” để cất vào hộc tủ hay giao cho Thủ trưởng cơ quan giấu đi nhằm che giấu tội phạm cho nhau.
Nhân dân tuyệt đối không được soi mói. Rất nhiều hành động bê bối khác của cán bộ đảng viên cũng được xếp vào loại “bí mật”, sau khi có kết luận của Thanh tra, để che tai mắt dư luận, mỗi khi có ai hỏi tới.
Như vậy, nếu không có Luật minh thị thế nào là “bí mật” thì Luật an ninh mạng cũng chỉ là tờ giấy thông hành lót đường cho kẻ phạm tội thoát thân và cho phép nhà nước ám hại dân theo ý muốn.

Riêng khoản (đ) nghiêm cấm hành vi “Cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại” , là hành động trái phép và bị trừng phạt bởi Bộ luật Hình sự nhưng từ lâu hành động nghe lén và ghi âm trái pháp luật vẫn được lực lượng Công an thực hành và bị người dân, nhất là những người bất đồng chính kiến với đảng tố cáo. Vậy khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 thì những vi phạm Luật của Công an có bị truy tố và xử phạt không ?

THÀNH TỰU CÁCH MẠNG CỦA AI ?

Ngoài những điều ngăn cấm khe khắt nêu ở khoản (a) , Điều 8 còn cấm:

b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;
e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

Nhưng điều được gọi là “thành tựu cách mạng” là của ai, cách mạng nào hay chỉ nhằm bảo vệ cả những điều sai trái, tự Biên và tự diễn để tâng bốc ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN do ông thành lập ngày 03/02/1930 ?

Hơn nữa điều được gọi là “lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” cũng không rõ ràng và rất dễ cho phép cơ quan an ninh lợi dụng để đàn áp dân.

Luật cũng mơ hồ khi quy kết người sử dụng Internet vào tội “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ” trên mạng, nhưng thế nào là đoàn kết, hay chỉ biết cúi đầu tuân theo lệnh đảng và làm những việc đảng muốn và không được phép từ chối mới là đoàn kết ?

CÔNG AN-QUÂN ĐỘI CHỐNG MẠNG

Nên biết công tác được gọi là bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam được giao cho hai Bộ đứng đầu lực lượng Võ trang gồm Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Không rõ có bao nhiên Công an đã được huấn luyện cho công tác này, nhưng Bộ Quốc phòng đã huấn luyện 10,000 Quân nhân, khoảng 2 Sư đoàn, được gọi là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên" để đưa vào “chiến trường đấu tranh chống những cà nhân và các thế lực chống đảng”, theo lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội.

Bộ Quốc phòng Việt Nam gọi số quân nhân đặc biệt này là “Lực lượng 47”, làm theo Chỉ thị 47 của Tổng cục chính trị, cơ quan được coi ngang hàng với Ban Tuyên giáo của đảng, có nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng trong quân đội để giữ cho quân đội không tan.

Trưởng Ban Tuyên giáo của đảng Võ Văn Thưởng cũng từng báo động hiện đang có tình trạng:”Cán bộ, Đảng viên đi tìm nhiều thông tin xấu trên mạng..”

Ông Thưởng nói:”Tôi cũng băn khoăn lo lắng là cán bộ, Đảng viên của mình đi tìm kiếm thông tin xấu nhiều quá, chính điều này làm cho phức tạp tình hình.” (VNNET, ngày 25/12/2017)

Theo ông Thưởng Việt Nam có :” 60 triệu người sử dụng internet, 53 triệu người sử dụng facebook, 23 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, một người sử dụng 2-3 mạng, với lượng người này trừ lực lượng cán bộ, chỉ cần 10%-20% đối tượng sử dụng này là những người cùng chúng ta làm công tác tuyên giáo, thì kết quả thu được tốt hơn rất nhiều.”

Đấy là giấc mơ của ông Thưởng, nhưng đồng thời cũng cho thấy đảng rất lo sợ các thông tin trên mạng. Vì vậy, ngoài hai Bộ Công an và Quốc phòng đóng vai chính, hai Bộ Ngoại giao và Thông tin-Truyền thông còn được tiếp sức của Ban cơ yếu Chính phủ, chuyên về tin tối mật và mật mã, tiếp tay thi hành Luật An ninh mạng.
Ngoài ra Luật An ninh mạng cũng cho phép các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng trong phạm vi quản lý của mình.

CAN THIỆP THÔ BẠO

Ngoài những ngăn cấm khe khắt đối người sử dụng Internet, Luật An ninh mạng (ANM) còn can thiệp thô bạo vào các hoạt động này qua các biện pháp ghi thêm trong Điều 16 gồm:

6. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16) trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

7. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16).

8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16).
9. Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16) phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Vậy khoản 1 của Điều 5 Luật ANM đã cho phép lực lượng chuyên trách ANM và cơ quan có thẩm quyền can thiệp trắng trợn như thế nào ?

Họ được :

h) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật;
i) Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
k) Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng;
l) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật;
m) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
n) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, trừ các biện pháp quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều này.
Riêng về Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông thì Luật ANM cho phép theo Điều 38 :” 1. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong bảo vệ an ninh mạng.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phản bác thông tin có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật ANM.
3. Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin loại bỏ thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về an ninh mạng trên dịch vụ, hệ thống thông tin do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý.

NHỮNG RÀNG BUỘC XÚC PHẠM KHÁC

Ngoài ra, để có thể kiểm soát toàn diện lưu thông trên Internet, Luật ANM mới còn cho phép các cơ quan kiểm soát an ninh mạng được thi hành những quy định ghi trong Điều 26 nói về “ Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng”, gồm có:

1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.

2. Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;

b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

TRỪNG PHẠT RA SAO ?

Như vậy thì những hoạt động trên Internet mà nhà nước cho là vi phạm Luật ANM sẽ bị Bộ Luật hình sự sửa đổi ngày 20/06/ 2017 đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 xử lý ra sao ?

Sau đây là những điều quan trọng :

--Điều 109 (Điều 79 cũ): Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

-- Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

-- Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

-- Điều 117 (Điều 88 cũ): Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
-- Điều 118. Tội phá rối an ninh

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

THƯ TÍN-TỰ DO NGÔN LUẬN-GÂY RỐI

Ngoài những Điều về chống nhà nước, gây rối và an ninh, nhiều ngăn cấm trong Luật ANM cũng bị Luật hình sự chi phối nghiệm trọng, như:

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

Đáng quan ngại là trong các Điều Luật kể trên có điểm mới hại dân khắc nghiệt là “Người chuẩn bị phạm tội này” cũng được áp dụng trước khi có hành động thực sự xẩy ra. Đây là trường hợp nguy hiểm và hoàn toàn do nhà nước suy diễn để quyết định đơn phương, tùy tiện theo nhu cầu mà không cần phải có phép của Tòa án. Những hình phạt khác dành cho người sử dụng Internet cũng không cần có phép của Tòa án. Và đây chính là những vi phạm quyền con người của Luật ANM.

Trong lĩnh vực này, Bộ Luật hình sự mới còn có Điều 331 (258 cũ) trừng phạt người đòi thực hiện tự do ngôn luận vá các quyền tự do khác mà Luật đã xiên xẹo gọi là “tội lợi dụng”.

Nguyên văn Điều 331 như sau:

“Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ngoài Điều Điều 118 nêu trên nói về “Tội phá rối an ninh”, Luật hình sự còn có Điều 318 quy định “Tội gây rối trật tự công cộng” đối với người truyền tải thông tin trên Internet, nếu nhà nước suy diễn hành động của họ phạm Luật ANM.

Các hình phạt sẽ như sau:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.

Từ lâu nhà nước vẫn quy kết phản dân chủ và bắt bớ hoặc bỏ tù những người dân xuống đường biểu tình hay đi khiếu kiện đòi công bằng trong việc đền bù khi nhà cửa và đất đai của họ chị giải tỏa, hay như chống Formosa Hà Tĩnh đã xả thải chất độc làm chết nhiều loại hải sản, tiêu diệt sinh thái biển và gây ô nhiễm nước biển cho 4 Tĩnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiện-Huế.

Như vậy, nếu những thông tin loan truyền trên mạng được phát tán kêu gọi biểu tình bất bạo động để đòi quyền lợi bị tiếm đoạt hay làm ngơ bởi nhà nước hay các doanh nghiệp mà vẫn bị coi vi phạm Luật ANM thì tất nhiên cũng sẽ bị xử lý bới 2 Điều 118 và 331 của Luật hình sự.

Đó là những hành động phản dân chủ, làm xáo trộn đời sống tinh thần và vật chất của dân. Những hình phạt của Luật hình sự dành cho người sử dụng dụng Internet để thể hiện quyền tự do ngôn luận và diễn đạt tư tưởng hoặc đối thoại bất bạo động với chính quyền là biểu hiện của một chính quyền độc tài.

Những hình phạt này cũng tước đoạt những quyền của công dân trong Hiến pháp 2013 và phản ảnh rõ tâm địa phản dân của một nhà nước chuyên chính lạc hậu. Biểu hiện này cũng chống loại tiến bộ của nhân loại và có chủ đích đặt quyền lợi riêng của đảng CSVN trên quyền lợi tối thượng của Tổ quốc.
Như vậy rõ ràng là khi nhân dân cần được khai sáng, con dân cần được tự do học hành tiến bộ của nhân loại để đưa đất nước ra khỏi vũng lầy lạc hậu và chậm tiến thì đảng CSVN lại tìm mọi cách kìm kẹp dân, nhốt dân vào bóng tối, bịt miệng dân để được thỏa mãn tham vọng chính trị cường quyền.

Do đó, tất cả những biện bạch của nhà nước chỉ là ngụy biện khi nói rằng Luật ANM đem lại lợi ích cho mọi người và để chống lại hành động “tuyên truyền chống phá Nhà nước; xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo ở Việt Nam; kêu gọi và kích động biểu tình gây rối loạn xã hội, cổ vũ thái độ cực đoan để phá hoại khối đoàn kết dân tộc, phá hoại quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.” (báo Nhân Dân, ngày 19/06/2018).

Với thứ lập luận xảo ngôn như thế và với tuyên bố bảo thủ và giáo điều của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ngày 17/06/2018 rằng “Phải có luật để bảo vệ chế độ này chứ” thì rõ ràng ông ta và đảng CSVN đã công khai chà đạp lên Tư tưởng “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” của Chí sỹ Phan Châu Trinh. -/-


Phạm Trần
(07/018)








 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tìm bài đọc 3 cho lễ kính trở thành lễ trọng ở đâu?
Nguyễn Trọng Đa
09:01 03/07/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Câu hỏi của con là về các ngày lễ kính của thánh tông đồ được cử hành như một lễ trọng. Các lễ thường chỉ có hai bài đọc, thí dụ, lễ kính thánh Giacôbê vào ngày 25-7. Tuy nhiên, nếu lễ kính thánh Giacôbê là lễ bổn mạng của giáo xứ, thì lễ trở thành một lễ trọng. Thưa cha, vậy lấy bài đọc 3 ở đâu, vì Phần chung các thánh Tông đồ chỉ cung cấp hai bài mà thôi? - J. G., Gilroy, California, Hoa Kỳ.


Đáp: Các tiêu chí chính cần được tuân giữ trong trường hợp này đã được làm sáng tỏ trong ‘Phần Giới thiệu Sách Bài Đọc’ (the introduction to the lectionary). Xin mời đọc:

“B) VIỆC SẮP XẾP CÁC BÀI ĐỌC CHO Chúa Nhật VÀ LỄ TRỌNG

“66. Sau đây là các đặc điểm riêng cho các bài đọc ngày Chúa Nhật và lễ trọng:

“1. Mỗi Thánh Lễ có ba bài đọc: bài đọc 1 là từ Cựu Ước, bài đọc 2 từ một Tông Đồ (có nghĩa là, hoặc từ một Thư hoặc từ Sách Khải Huyền, tùy theo mùa), và bài đọc 3 là từ sách Tin Mừng. Sự sắp xếp này mang lại sự thống nhất của Cựu Ước và Tân Ước, và của lịch sử cứu độ, mà trong đó Chúa Kitô là nhân vật trung tâm, được tưởng niệm trong mầu nhiệm Vượt qua của Ngài.

“2. Một việc đọc Kinh Thánh đa dạng hơn và phong phú hơn vào ngày Chúa Nhật và lễ trọng là kết quả của chu kỳ ba năm, được cung cấp cho các ngày này, mà trong đó các văn bản giống nhau chỉ được đọc một lần trong bốn năm.

“3. Các nguyên tắc quản trị Trật tự các Bài đọc ngày Chúa Nhật và lễ trọng được gọi là nguyên tắc “sự hài hòa” và “việc đọc bán liên tục”. Nguyên tắc này hoặc nguyên tắc kia áp dụng theo các mùa khác nhau trong năm và đặc điểm riêng biệt của mùa phụng vụ cụ thể.

67. Thí dụ tốt nhất của sự hài hòa giữa các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước, xảy ra khi nó là thí dụ mà chính Kinh Thánh gợi ý. Đây là trường hợp khi giáo lý và các việc trình thuật trong các bản văn Tân ước mang một mối quan hệ ít nhiều hay rõ ràng hơn, với giáo lý và các sự kiện của Cựu Ước. Trật tự hiện tại của các Bài đọc chọn các bản văn Cựu Ước, chủ yếu là do sự tương quan của chúng với các bản văn Tân Ước, được đọc trong cùng một Thánh Lễ, và đặc biệt là với bản văn Tin Mừng”.

Về việc cử hành lễ các thánh, chúng ta có các điều sau đây:

“70. Hai loạt bài đọc được cung cấp cho lễ các Thánh.

“1. Phần Riêng các Thánh cung cấp chuỗi bài đầu tiên, cho lễ trọng, lễ kính, và lễ nhớ, và đặc biệt khi có các bản văn riêng cho một lễ này hay lễ kia.

Tuy nhiên, đôi khi trong Phần Riêng, có một quy chiếu đến bài thích hợp nhất trong số các bản văn trong Phần Chung, như là một ưu tiên cần duy trì.

“2. Phần Chung Các Thánh cung cấp nhóm bài đọc 2, với nhiều bài hơn. Trước tiên, các bản văn thích hợp cho các nhóm khác nhau của các Thánh (tử đạo, mục tử, trinh nữ, vv), sau đó rất nhiều bản văn nói về sự thánh thiện nói chung. Chúng có thể được lựa chọn cách tự do, bất cứ khi nào Phần Chung được chỉ định là nguồn cho việc lựa chọn các bài đọc.

“71. Theo trình tự của chúng, tất cả các bản văn trong phần này của Trật tự các Bài Đọc xuất hiện theo thứ tự, mà trong đó chúng được đọc trong Thánh lễ. Do đó, các bản văn Cựu Ước là số 1, rồi đến các bản văn từ các thánh Tông đồ, tiếp theo là các thánh vịnh và xướng đáp giữa các bài đọc, và cuối cùng là các bản văn từ sách Tin Mừng. Lý do của sự sắp xếp này là, trừ khi có ghi chú khác, chủ tế có thể chọn tùy ý từ các bản văn này, tùy theo nhu cầu mục vụ của cộng đoàn tham gia thánh lễ.

“5) Cử hành lễ các thánh

“83. Khi chúng tồn tại, các bài đọc riêng được đưa ra cho thánh lễ của các thánh, đó là, các đoạn Kinh Thánh về Thánh nhân hay mầu nhiệm mà Thánh Lễ đang cử hành. Ngay cả trong trường hợp lễ nhớ, các bài đọc này phải thay thế cho các bài đọc trong ngày thường trong tuần. Trật tự này cùa các Bài Đọc làm cho minh nhiên sự lưu ý của mỗi trường hợp có bài đọc riêng cho một lễ nhớ.

“Trong một số trường hợp, có các bài đọc thích ứng, nghĩa là, chúng nêu ra một khía cạnh đặc biệt nào đó của đời sống thiêng liêng hay công trình của vị thánh. Việc sử dụng các bài đọc như vậy dường như không ràng buộc, ngoại trừ các lý do mục vụ hấp dẫn. Đối với phần lớn, nhiều quy chiếu được đưa ra cho các Bài Đọc trong Phần Chung, để tạo thuận lợi cho sự lựa chọn. Nhưng chúng chỉ là các gợi ý: thay chỗ cho một bài đọc thích ứng, hoặc một bài đọc đặc biệt được đề xuất từ Phần Chung, bất cứ bài đọc nào khác từ Phần Chung được đề cập có thể được chọn.

“Mối quan tâm đầu tiên của một linh mục khi cử hành với cộng đoàn là lợi ích tinh thần của tín hữu, và ngài cần thận trọng không áp đặt sở thích cá nhân của mình lên họ. Trên hết, ngài sẽ đảm bảo, không bỏ qua quá thường xuyên hoặc không lý do đủ, các bài đọc được chỉ định cho mỗi ngày trong Sách Bài Đọc ngày thường: Hội Thánh mong muốn rằng một bàn xa hoa hơn của lời Chúa được truyền bá trước mặt các tín hữu.

“Cũng có các bài đọc chung, nghĩa là, các bài được đặt trong Phần Chung hoặc cho một số nhóm được xác định của các Thánh (tử đạo, trinh nữ, mục tử), hoặc cho các Thánh nói chung. Bởi vì trong các trường hợp này nhiều văn bản được liệt kê cho cùng một bài đọc, chính linh mục sẽ chọn một trong các bài đọc phù hợp nhất cho người nghe.

"Trong tất cả các lễ của các Thánh, các bài đọc có thể được lấy, không chỉ từ Phần Chung, mà các quy chiếu được đưa ra trong mỗi trường hợp, mà còn từ Phần Chung của các Thánh Nam và Nữ, bất cứ khi nào có một lý do đặc biệt để làm như vậy.

“84. Về cử hành lễ các Thánh, điều sau đây cần được tuân giữ:

“1. Trong lễ trọng và lễ kính, các bài đọc phải là các bài đọc được đưa ra trong Phần Riêng hoặc Phần Chung. Về các lễ trọng và lễ kính của Lịch Tổng Quát Rôma, các bài đọc riêng luôn được chỉ định.

“2. Trong các lễ trọng được ghi trong các lịch đặc biệt, ba bài đọc sẽ được chỉ định, trừ khi Hội đồng Giám mục đã ra lệnh rằng chỉ có hai bài đọc. Bài đọc 1 là từ Cựu Ước (nhưng trong Mùa Phục Sinh, lấy từ Sách Công Vụ hay Sách Khải Huyền); bài đọc 2 từ một Tông đồ; bài đọc 3 từ các sách Tin Mừng.

“3. Trong các lễ kính và lễ nhớ, vốn chỉ có hai bài đọc, bài đọc 1 có thể được chọn từ Cựu Ước hoặc từ một Tông đồ; bài đọc 2 là từ các sách Tin Mừng. Tuy nhiên, theo sự thực hành truyền thống của Hội Thánh, bài đọc 1 trong mùa Phục Sinh được lấy từ một Tông Đồ, và bài đọc 2, càng xa càng tốt, từ Tin Mừng thánh Gioan”.

Do đó, trong việc cử hành một lễ kính, chẳng hạn lễ thánh Giacôbê, như một lễ trọng, hai bài đọc được tìm thấy trong phần Riêng của ngày 25-7 (2 Cr 4: 7-15 và Mt 20: 20-28) sẽ được sử dụng.

Đối với bài đọc 1, người ta có thể chọn bài đọc phù hợp nhất. Tại Tây Ban Nha, nơi Thánh Giacôbê là thánh bổn mạng quốc gia, lễ tổ chức như một lễ trọng, bài đọc 1 là Công vụ 11: 19-21; 12,1-2,24, với thánh vịnh xướng đáp là 67: 2-3, 5, 7-8. Các bài đọc khác là như trên. Đây có vẻ là sự lựa chọn thích hợp nhất trong trường hợp này.

Như đã đề cập ở trên, phần giới thiệu Sách Bài Đọc cho phép nhiều tự do hơn trong việc lựa chọn bài đọc không quy định. Đôi khi có thể được, như trong trường hợp của Tây Ban Nha, tạo ra một đường tắt cho lễ trọng của các tông đồ, cũng như các thánh khác, bằng cách cố gắng khám phá sự lựa chọn, được thực hiện ở các nơi mà lễ thánh nhân được cử hành như một lễ trọng. Điều này không phải luôn luôn làm việc, nhưng có thể giúp đỡ chúng ta. (Zenit.org 3-7-2018)

Nguyễn Trọng Đa