Ngày 06-07-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 14 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
00:25 06/07/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 14 thường niên

Mt 9,18-26

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn sức sống cho cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con mỗi lần rước Chúa là một lần được bổ dưỡng bởi sức sống thần linh của Chúa. Xin Mình Máu Thánh Chúa cũng chữa lành hồn xác chúng con. Xin ban lại cho chúng con tinh thần tự do của con cái Thiên Chúa. Sự tự do không còn lệ thuộc bởi những đam mê thấp hèn. Xin gìn giữ hồn xác chúng con trong ân sủng và tình thương của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin nhìn đến biết bao phận đời đen tối đang sống trong tuyệt vọng của bệnh tật kéo dài, của sự ác hoành hành, của cô đơn và bạo hành. Xin Chúa củng cố đức tin nơi họ bằng những ơn chữa lành phần hồn và phần xác. Xin cho chúng con cũng luôn nhận ra tình thương của Chúa vẫn đang che phủ cuộc đời chúng con, để dù cuộc đời có lắm khổ đau, và dù đường đời có lắm gian truân chúng con vẫn tin rằng Chúa hằng ở bên chúng con.

Lạy Chúa, xin ban lòng tin cho chúng con, để nhờ đó chúng con vượt thắng những nghi nan trên giòng đời. Xin củng cố đức tin còn yếu kém, để chúng con đặt trọn niềm tin vào quyền năng của Chúa. Xin giúp chúng con biết đặt trọn niềm phó thác cậy trông vào Chúa, để chúng con luôn an vui sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 14 thường niên

Mt 9,32-38

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Nơi Nhà Tạm Chúa vẫn đang nhìn đến phận người chúng con. Một phận người có qúa nhiều những lo âu vất vả. Một phận người lầm than cơ cực. Chúa vẫn đang chạnh lòng thương xót chúng con. Thương xót vì chúng con thiếu tình liên đới với nhau. Thương xót vì chúng con thiếu người biết lo lắng cho tha nhân. Xin Chúa tha thứ cho thái độ sống dửng dưng của chúng con trước khổ đau của anh em. Xin hoàn thiện chúng con nên giống Chúa để chúng con cũng biết chạnh lòng thương xót lẫn nhau, và cùng giúp nhau có cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có một tấm lòng và ánh mắt yêu thương của Chúa, để chúng con xoa dịu những khổ đau của tha nhân. Xin ban cho chúng con một tấm lòng quảng đại để chúng con biết sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xin cho giáo xứ chúng con có nhiều tâm hồn quảng đại để phục vụ Nước Chúa, ngõ hầu danh Chúa được mọi người tán dương qua hành vi bác ái của chúng con.

Lạy Chúa là Vua tình yêu, là hoàng tử thái bình, xin cho chúng con biết dùng tình yêu để xóa bỏ khổ đau và xây dựng hòa bình cho thế gian. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 14 thường niên

Mt 10,1-7

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã làm người để con người làm con cái Thiên Chúa. Chúa đã đến để thánh hoá chúng con nên con người mới. Con người của ân sủng thay cho con người cũ đã chết bởi tội lỗi xâm nhập vào thế gian và làm băng hoại bản tính loài ngưới chúng con. Xin thanh tẩy con người chúng con nên thanh sạch, vẹn tuyền hầu xứng đáng là hoạ ảnh của Chúa giữa trần gian.

Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao trò chơi đồi trụy. Qua sách báo, phim ảnh xấu đã len lỏi vào tâm hồn chúng con những tư tưởng lỗi đức trong sạch. Xin Chúa ban cho giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin Chúa cũng ban thêm sức mạnh để chúng con làm chủ tư tưởng và ước muốn của mình luôn thanh sạch, và dám can đảm tẩy trừ sự ô uế nơi chính bản thân chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, xin hãy sai chúng con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Dù phận hèn sức yếu nhưng chúng con vẫn xin được là khí cụ gieo vãi yêu thương và bình an cho thế gian. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 14 thường niên

Mt 10,7-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Bí tích Thánh Thể là món quà vô giá mà Chúa tặng ban cho chúng con. Chúa ban cho chúng con chính Máu Thịt Chúa. Chúa ban cho chúng con sức sống của Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con cũng biết quảng đại với tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con tính ích kỷ và thói hưởng thụ để chúng con biết sống yêu thương và phục vụ mọi người.

Lạy Chúa, ở đời ai cũng dễ lao vào việc tìm kiếm danh lợi thú. Chúng con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Chúng con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Chúng con muốn xỏ đôi giầy giầu sang. Chúng con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy chức quyền để sai khiến mọi người, rồi chúng con trở nên nặng nề vì các tạo vật đó, có khi vì nó mà chúng con đánh mất tình liên đới và tha nhân, và xúc phạm đến Chúa. Xin tha thứ vì chúng con còn quá tham lam và ích kỷ. Chúng con chưa thanh thoát ra khỏi những toan tính nhỏ nhen, những ích kỷ tầm thường. Xin giúp chúng con biết chọn lựa sự sống vĩnh cửu hơn là những vinh hoa tầm thường và mau qua của đời này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con lên đường, trở thành thợ gặt Nước Trời. Xin giúp chúng con can đảm thoát ra khỏi thế giới riêng tư cá nhân, để hướng tới việc hiến thân phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Amen.

Thứ sáu sau Chúa nhật 14 thường niên

Mt 10,16-23

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tạ ơn Chúa đã ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Qua bí tích Thánh thể Chúa đang đồng hành với chúng con. Chúa hiện diện bên chúng con để bảo vệ, nâng đỡ và che chở chúng con thoát khỏi những hiểm nguy luôn rình rập chung quanh chúng con. Xin Chúa luôn là thành luỹ để hộ phù chúng con. Chúng con cũng xin phó dâng cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa, dòng đời luôn có những thử thách gian truân. Bước chân người môn đệ Chúa không thiếu những cám dỗ, nghi nan. Đôi khi chúng con muốn chán nản, bỏ cuộc trước những thử thách. Chúng con muốn tìm an nhàn bản thân. Chúng con dễ lùi bước trước gian nguy. Xin ban cho chúng con ơn đức tin đủ để vượt qua những nghi nan của dòng đời mà trung thành với Chúa. Xin ban cho chúng con lòng trông cậy vững vàng để chúng con không nao núng trước những bất trắc hiểm nguy. Xin cho chúng con lòng mến yêu sắt son để chúng con yêu Chúa hơn hết mọi sự ở trần gian.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng báo trước rằng: ai theo Chúa sẽ gặp những đau khổ bách hại. Xin giúp chúng con ghi nhớ để luôn trung thành với Chúa cho đến cùng. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 14 TN

Mt 10,24-33

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Cuộc đời luôn đong đầy những thử thách gian truân. Kiếp sống con người còn quá nhiều những những phiền lụy khổ đau. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể luôn là sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng con. Xin thần lương Chúa là Mình Máu Thánh Chúa nên sức mạnh cho hồn xác chúng con. Xin Chúa luôn ở lại để nâng đỡ cho những yếu đuối bất toàn của chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã từng nói: “Tôi tớ không trọng hơn chủ”. Chúa đã đến trần gian trong con đường khiêm hạ, nghèo khó. Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ. Chúa đã sống tận hiến và hy sinh. Hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Xin giúp chúng con luôn biết theo gương Chúa cho đến cùng. Cho dẫu có vì Chúa mà bị người đời khinh chê. Cho dẫu có vì Chúa mà bị thua thiệt. Xin ban cho chúng con một tâm hồn trong sáng và một lương tâm an lành để chúng con luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi được sống theo gương Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng hằng sống. Ai theo Chúa sẽ được sống đời đời. Xin giúp chúng con thắng vượt những cám dỗ, những nguy nan để trung kiên sống theo giáo huấn của Chúa. Xin giúp chúng con luôn sống nên một trong Chúa hôm nay và mãi mãi trên thiên quốc. Amen
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:15 06/07/2009
CÀNG GIÀ CÀNG DẺO CÀNG DAI

N2T


Cụ già tám mươi lăm tuổi, trong ngày mừng sinh nhật của mình để cho ký giả phỏng vấn:

- “Thưa cụ, xin hỏi lời khuyên chân thành của những người già là gì ?”

Lão bà trả lời:

- “Đến lúc lớn tuổi như chúng tôi, nhất định là phải tiếp tục vận dụng tiềm năng, nếu không thì sẽ khô héo ! Khi cùng ở chung với mọi người thì rất quan trọng, nếu có thể nói, dùng sự phục vụ để kiếm những thứ cần thiết cho cuộc sống, chúng tôi có thể sống tốt thì chính là nhờ vào điểm ấy.”

- “Xin hỏi, bà làm thế nào mà sống thọ, thế bà nhờ vào thứ gì để sống đến hôm nay ?”

Bà lão thoải mái thành thạo, nhưng cũng làm cho người ta kinh ngạc, nói:

- “Tôi săn sóc một bà lão già hơn tôi ở gia đình bên cạnh.”

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Bí quyết mạnh mẽ sống lâu của bà lão chính là phục vụ một bà lão già hơn mình ở nhà hàng xóm bên cạnh, đó là điều mà những cụ già mạnh khỏe muốn nói với lớp trẻ thời hiện đại bây giờ: phục vụ.

Tiềm năng lớn nhất để có được những điều cần thiết trong cuộc sống là vận dụng khả năng mình có và luôn có, đó là tinh thần phục vụ, và nhờ phục vụ với tâm hồn yêu thương, mà không những bản thân mình có được niềm vui tâm hồn, mà còn làm cho thân xác được khỏe mạnh thêm, đó là bí quyết sống lâu của cụ bà.

Phục vụ là sở trường của người Ki-tô hữu, bởi vì đó là lệnh truyền của Chúa Giê-su sau khi Ngài rửa chân cho các tông đồ: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 12b-16)

Mà “rửa chân cho nhau” không phải là phục vụ tha nhân sao ?
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:16 06/07/2009
N2T


32. Chỉ có khống chế tự cao tự đại mới có thể làm cho chúng ta không lìa xa Thiên Chúa.

(Thánh Alphonsus Liguori)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:18 06/07/2009
N2T


165. Người nổ lực làm việc là người đầu tư thông minh nhất.

 
Lời khuyên cho các linh mục tương lai
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:22 06/07/2009
LỜI KHUYÊN CHO CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI:

“Con hãy chừng mực trong cách ăn uống, vì khi ăn uống, sẽ nói lên tư cách của con là một mục tử tốt lành hay bê tha!”

“Con hãy nâng ly chúc mừng các khách dự tiệc, nhưng con đừng để cho người ta đánh giá con là một người nghiện rượu!”

“Giáo dân sẽ không hài lòng khi thấy vị mục tử của mình uống qua ly rượu thứ ba, khi con uống qua ly rượu thứ tư, thì họ sẽ coi con là người như họ, không đáng kính trọng!”

“Giáo dân sẽ rất vui mừng và hãnh diện cùng đồng bàn với con, nhưng họ sẽ rất buồn và lấy làm nhục khi thấy con uống hết ly rượu nầy qua ly rượu khác!”

“Con cũng nên nhớ điều nầy: trước khi dâng thánh lễ, con đừng bao giờ uống một giọt rượu nào cả, nếu con không muốn giáo dân sẽ nói con là: ông cha rượu!”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Chúa sai đi rao giảng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:33 06/07/2009
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 6, 7 – 13

Một trong sứ mạng quan trọng nhất của người tín hữu là sống và làm chứng cho Chúa. Làm môn đệ của Chúa nghĩa là được kêu mời truyền giáo, loan báo Đức Giêsu Kitô cho muôn người. Các môn đệ của Chúa được Chúa huấn luyện, đào tạo và cuối cùng được sai đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa căn dặn thật kỹ, thật tỉ mỉ và rõ ràng khi các môn đệ ra đi truyền giáo. Chúa phán: ” Không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc…”( Mc 6, 8 ). Gói hành trang của các môn đệ là chiếc quần, chiếc áo đang mặc, cây gậy và đôi dép đi đường.

Tại sao Chúa lại ra lệnh cho các môn đệ như thế ?

CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC CHÚA SAI ĐI: Được Chúa mời gọi, các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Các Ngài được Chúa đào tạo, huấn luyện và chuẩn bị để được sai đi rao giảng Tin Mừng.Những năm tháng ở với Chúa được Chúa cho đi thực tập việc truyền giáo, làm việc tông đồ, các môn đệ vẫn chưa ý thức nhiều về việc truyền giáo bởi vì các Ngài chưa lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Biến cố Chúa Giêsu, Thầy của các môn đệ bị bắt, bị treo trên Thập Giá đã làm các Ngài hoàn toàn nao núng, hầu như tan tác. Tuy nhiên, khi Chúa sống lại Ngài đã về Galilê để gặp các môn đệ, để sống với các Ngài, để làm chứng về tất cả những điều Ngài đã nói với các môn đệ khi Ngài còn sống. Và trước khi về trời, Chúa đã sai các môn đệ ra đi làm chứng cho Chúa trên khắp cùng bờ cõi trái đất. Các môn đệ đã nhớ lại Lời của Chúa: ” Ra đi truyền giáo, không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc…”. Lệnh truyền giáo và lời căn dặn của Chúa muốn các môn đệ phải ghi khắc: ” Con chồn có hang, chim trời có tổ, con Người không có chỗ dựa đầu “. Chúa muốn các môn đệ hoàn toàn nương tựa vào Chúa, phó thác tuyệt đối cho tình yêu quan phòng của Chúa và lòng quảng đại vị tha của mọi người. Thân phận của người được sai đi là thế. Ra đi mà không có gì gọi là đảm bảo, không có gì dính bén. Đi đâu cũng đến và luôn sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào. Thành công không vênh vang và thất bại không chán nản vv…

CHÚA TIN TƯỞNG CÁC MÔN ĐỆ: Mặc dầu với một con số ít ỏi các môn đệ khi Chúa về trời, và dù khả năng của các Ngài xem ra có hạn không đủ để có thể chu toàn sứ mạng lớn lao. Tuy đức tin của các Ngài còn chập choạng, nhưng với ơn sủng và thiện chí thiện tâm, các môn đệ sẽ hoàn tất sứ mệnh Chúa trao phó. Đọc lại Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận thấy sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ ra đi khắp mọi mọi nơi làm chứng cho Chúa, các Ngài không sợ bất cứ điều gì: roi vot, tù đầy, chết chóc. Lịch sử minh chứng ngoại trừ Gioan, tất cả các môn đệ khác đều đổ máu đào hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Nước Trời thoạt đầu chỉ là một hạt cải nhỏ bé, qua lời rao giảng của các tông đồ và nhiều người kế tiếp đã trở thành cây lớn, cành lá sum xê, bao phủ cả trái đất, chim trời khắp nơi, khắp thế giới đã có nơi cư ngụ, đã có nơi đậu trú chân.

CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI : Là con của Chúa và con của Hội Thánh, Chúa và Hội Thánh vẫn sai chúng ta đi làm chứng cho Chúa, làm chứng cho Nước Thiên Chúa. Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu lớp người được sai đi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho sự thật, cho Chúa Giêsu.” Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng “ ( 1 Co 9, 16 ). Thánh Phaolô đã thốt lên như thế, câu nói ấy cũng phải là câu nói của mỗi người chúng ta. Chúa sai chúng ta đi và vẫn trao cho chúng ta những điều quí giá như là hành trang để chúng ta lên đường. Chúa trao cho chúng ta quyền rao giảng Tin Mừng, quyền trừ quỉ và quyền chữa bệnh. Chúng ta hãy lên đường chia sẻ niềm vui, làm chứng cho Chúa và xua trừ những thói hư tật xấu ra khỏi người khác, đó là xua trừ ma quỉ. An ủi những người gặp khó khăn là phương cách chữa bệnh.

ÁP DỤNG THỰC TẾ: Chúng ta là những Kitô hữu thế kỷ XXI, chúng ta có phụ lòng Chúa hay không ? Chúng ta có mau mắn lên đường làm chứng cho Chúa và giới thiệu Chúa cho nhiều người hay không ? Chúng ta có đáp ứng lại lời mời gọi của Chúa và ý thức sứ mệnh của Giáo Hội là truyền giáo hay không ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng, hôm nay, giờ đây nhờ lời cầu bầu của các tông đồ, xin Chúa ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ để chúng con làm chứng cho Chúa và làm nhân chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của chúng con. Amen.
 
Chúa sai tôi đi
LM. Anphong Trần Đức Phương
15:29 06/07/2009
CHÚA SAI TÔI ĐI

(CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

Mới đây tôi được cùng dâng Thánh Lễ Tạ Ơn của một “Cha mới”, và hôm đó ca đoàn hát những bài rất cảm động và sốt sáng, đặc biệt bài:

“Thần Khí Chúa đã sai tôi đi…
Sai tôi đi loan báo Tin Mừng…
Sai tôi đến với người nghèo khó,
Sai tôi đến với người lao tù…”


Rồi sau những ngày vui mừng tạ ơn Chúa cùng với cha mẹ, anh chị em trong gia đình và thân bằng quyến thuộc, hôm nay “Cha mới” đó đã được Chúa sai đi “rao giảng Tin Mừng” ở một nước nghèo khó mãi tận bên Phi Châu. Như tôi được biết, trong năm nay (2009) có tới 35 thanh niên Việt nam đã được lãnh nhận chức Linh Mục tại Hoa kỳ; trong số đó đã có một số được Chúa sai đi truyền giáo ở những nước nghèo khó ở Nam Mỹ, hoặc Phi Châu.

Các Bài Đọc Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta thấy việc Chúa chọn một số người trong Cựu Ước cũng như Tân Ước và sai đi làm công việc của Chúa.

Trong Cựu Ước, Chúa chọn một số người làm tiên tri để “đến nói những mệnh lệnh của Chúa cho Dân Chúa.” Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu (Gioan 15:16) cũng chọn một số người làm những Tông đồ để ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho mọi người (Matcô 16:15). Những người Chúa chọn, dù trong thời Cựu Ước hay Tân Ước, đều hoàn toàn do ý Chúa: “Không phải chúng con đã chọn Thày, nhưng chính Thày đã chọn chúng con!” (Gioan 15:16). Việc ‘Chúa gọi và chọn’ luôn là một mầu nhiệm trong ý định của Thiên Chúa (Ephêsô 1: 8-9). Chính người được chọn nhiều khi cũng bỡ ngỡ, lạ lùng.

Ngoài ra, nhiệm vụ Chúa trao phó cho những người Chúa chọn thường có nhiều khó khăn (Gioan 15: 18-25, 16: 1-2, 33) đòi buộc những hy sinh, từ bỏ, can đảm và khôn ngoan sáng suốt (Mathêu 10:16). Vì thế, có những người muốn từ chối tiếng Chúa gọi như trường hợp tiên tri Giona đã phải ‘trốn đi tránh mặt Thiên Chúa’ để khỏi làm nhiệm vụ tiên tri cho Chúa; nhưng cuối cùng, Chúa vẫn đòi buộc ông phải ra đi làm nhiệm vụ rao giảng sự thống hối cho dân thành Ninivê. Tiên tri Amos trong bài Đọc I hôm nay (Amos 7: 12-15) cũng bị Tư tế Amasia đe dọa: “Tiên tri ơi, ông hãy đi nơi khác đi, đừng có nói tiên tri ở đây…” và Amos cũng thú nhận mình chỉ là người tầm thường, đi chăn chiên, đi hái trái vả mà thôi, nhưng Chúa cứ bảo “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân của Ta!”

Trong Bài Phúc Âm (Matcô 6: 7-13), Chúa Giêsu chọn 12 Tông đồ và cũng trao cho nhiệm vụ “ra đi rao giảng sự thống hối.” Nhiệm vụ thật khó khăn và tế nhị ( Matthêu 10,16: Thày sai các con đi như chiên giữa sói rừng…), nên Chúa đã sai các Tông đồ đi từng 2 người để gìn giữ và giúp đỡ lẫn nhau. Chúa Giêsu cũng căn dặn các ông những điều rất thực tế trên đường truyền giáo: sống đơn sơ, khó nghèo…làm sao để luôn xứng đáng những ‘Tông đồ của Chúa’ và can đảm rao giảng Lời Chúa cho mọi người trong mọi hoàn cảnh.

Thánh Phaolô cũng được Chúa chọn một cách kỳ diệu để làm nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho những người ‘ngoài Do Thái’, và cũng gặp bao khó khăn, thử thách trên bước đường truyền giáo (2 Corintô 1: 8; 11: 24-29). Trong Bài Đọc II hôm nay (Ephêsô 1: 3-14), Thánh Phaolô nói đến việc Chúa chọn chúng ta ‘từ thuở đời đời’ để làm dân riêng của Chúa; đó là do ‘Thiên Ý nhiệm mầu trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Kitô’.

Mỗi người chúng ta, sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta cũng được Chúa sai đi, đi vào các môi trường sống hàng ngày để loan báo Tin Mừng ơn cứu độ đến cho mỗi người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày: nơi gia đình, sở làm, xưởng thợ, trường học… Đó là việc tông đồ giáo dân mà Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh trong Hiến Chế “Tông Đồ Giáo Dân”. Chúng ta đều phải là những chứng nhân của Chúa, đều phải tìm mọi dịp để đem Chúa đến cho mọi người, nhất là bằng đời sống tốt lành, lương thiện của chúng ta.

Trong “Năm Linh Mục”, chúng ta cũng cần ý thức bổn phận vun trồng Ơn Thiên Triệu Linh Mục nơi giới trẻ, và dâng những hãm mình, hy sinh, cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho những người đã được Chúa gọi và chọn làm Tông đồ đặc biệt của Chúa trong chức vụ Linh Mục.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà thờ Philippines bị đánh bom
BBC
04:49 06/07/2009
Giới chức Philippines cho hay một quả bom phát nổ bên ngoài một nhà thờ Công giáo tại miền Nam nước này đã làm bốn người chết và ít nhất 26 người bị thương.

Quân đội lập tức cho rằng phiến quân Hồi giáo thuộc Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã tổ chức vụ tấn công tại thị trấn Cotabato, tỉnh Mindanao.

Tổ chức này vốn đã đấu tranh đòi thành lập quốc gia Hồi giáo riêng.

Ṃôt trong các thủ lĩnh của MILF ḷại bác bỏ liên quan và nói rằng tại miền Nam hoàn toàn không có xung đột tôn giáo.

Quả bom nổ bên ngoài nhà thờ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception) khi vừa kết thúc buổi lễ sáng.

Cảnh sát nói với hãng thông tấn AFP rằng hai trong số bốn người chết là cảnh vệ của nhà thờ.

Người phát ngôn cho quân đội, đại tá Jonathan Ponce, nói các dân quân MILF bị nghi là đã đặt bom.

Ông nói: "Phiến quân xem ra ngày càng hung hãn và không còn chọn lựa mục tiêu nữa".

"Nay chúng tấn công cả những nơi thờ tự."

Thế nhưng một lãnh đạo của MILF, Mohaqher Iqbal, lại bác bỏ cáo buộc.

Ông gửi tin nhắn qua điện thoại di động tới với hãng thông tấn Reuters: "Có ai cần xung đột Công giáo - Hồi giáo đâu?".

"Ở miền Nam không có xung đột tôn giáo. Chúng tôi chỉ đấu tranh vì quyền tự quyết. Chúng tôi chỉ bảo vệ người dân và cộng đồng của chúng tôi mà thôi."

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/07/090705_philippines_church.shtml)
 
Kinh Truyền tin chúa nhựt 5-7: Máu Thánh Chúa Giêsu
Bình Hòa
04:51 06/07/2009
VATICAN - Ở Việt Nam, ai cũng biết rằng tháng 6 được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng có lẽ ít người biết đến tục lệ dành tháng 7 để kính Máu thánh (hay cũng gọi là Bửu huyết) Chúa Giêsu). Thực ra tục lệ này không được phổ biến sâu rộng lắm. Mặc dù trong Tân ước, nhiều đoạn văn nói đến Máu thánh Chúa Giêsu đã đổ ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta, và vào thời Trung cổ, thánh nữ Catarina Siena cũng nói đến Máu Thánh trong nhiều bức thư, nhưng việc dành ra một lễ hay một tháng để tôn kính Máu Thánh Chúa mới được khởi xướng từ đầu thế kỷ 19 tại Rôma do cha Francesco Albertini, và được sự hưởng ứng của thánh Gaspare del Bufalo, vị sáng lập dòng các Thừa sai Máu Thánh Chúa Giêsu. Năm 1822, thánh Gaspare xin Toà thánh được mừng lễ kính Máu Thánh Chúa vào chúa nhựt đầu tháng 7, và được Bộ lễ nghi chấp thuận nhưng chỉ được mừng trong nội bộ của hội dòng. Đức Thánh Cha Piô IX dời sang ngày 1 tháng 7. Sau công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ gom lễ Máu Thánh chung vào lễ Mình Thánh Chúa, tuy nhiên đức Phaolô VI vẫn cho phép lịch riêng của dòng được cử hành lễ vào đầu tháng 7.

Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin trưa hôm qua được dành để suy niệm về Máu thánh Chúa Giêsu, như bảo chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là những tội nhân. Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức thánh cha đã bày tỏ lòng đau buồn vì vụ nổ bom trước nhà thờ chánh tòa Cotabato ở miền nam Philippin, đang khi đức tổng giám mục đang cử hành Thánh lễ, gây cho ít là 6 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Nguyên văn bài huấn dụ như sau.

Anh chị em thân mến

Trước đây, chúa nhựt đầu tháng 7 được dành để mừng lễ kính Máu rất châu báu của Chúa Giêsu. Hồi thế kỷ vừa qua, vài vị tiền nhiệm của tôi đã công nhận lòng tôn sùng đó, và chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, với tông thư Inde a primis (30/6/1960), đã giải thích ý nghĩa và châu phê kinh cầu. Đề tài máu, gắn liền với Chiên Vượt qua, đã được nói nhiều trong Kinh thánh. Trong Cựu ước, việc rảy máu của con vật được hiến tế là biểu tượng cho việc thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa với dân, như đọc thấy trong sách Xuất hành: “Bấy giờ ông Mose lấy máu rồi rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước mà Thiên Chúa đã lập với anh em dựa trên những lời ấy” (Xh 24,8)

Chúa Giêsu đã dùng những lời đó trong bữa Tiệc Ly, khi trao chén rượu cho các môn đệ và nói: “đây là máu giao ước của Thầy, được đổ ra cho muôn người để họ được tha thứ tội lỗi” (Mt 26,28).Thực vậy, từ lúc bị đánh đòn cho đến khi cạnh sườn bị đâm thủng sau khi đã chết trên thập giá, Đức Kitô đã đổ hết máu của mình, như là Con chiên tinh tuyền để cứu chuộc muôn loài. Giá trị hy tế của máu đức Giêsu đã được nhiều đoạn văn Tân ước đề cập rõ ràng. Nhân Năm Linh mục này, chỉ cần trưng dẫn một đoạn văn từ thư gửi dân Do thái cũng đủ: “Đức Kitô … đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,11-14).

Anh chị em thân mến, trong sách Sáng thế có viết rằng máu của ông Anbel, bị giết bởi Cain là anh mình, đã kêu lên thấu đến Trời (xc. 4,10). Tiếc rằng ngày nay cũng như thời xưa, tiếng kêu gào vẫn chưa dứt, bởi vì máu con người vẫn còn đổ ra do khủng bố, bất công, thù hận. Chừng nào loài người mới học biết rằng mạng sống là linh thiêng và chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi? Chừng nào chúng ta mới hiểu rằng tất cả đều là anh em với nhau? Đối lại với tiếng kêu của máu đổ ra, vang lên từ khắp cùng trái đất, Thiên Chúa đã đáp lại bằng máu của Người Con của mình, đấng đã hiến ban mạng sồng mình cho chúng ta. Đức Kitô không lấy ác báo ác, nhưng lấy thiện để báo ác nhờ máu vô giá của mình. Máu của đức Kitô là bảo chứng của tình thương chung thủy của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khi nhìn ngắm những vết thương của đức Kito, mỗi người, dù tình trạng luân lý đồi tệ mấy chăng nữa, cũng vẫn có thể nói rằng: Chúa không từ bỏ tôi, Chúa yêu thương tôi, đã ban mạng sống cho tôi, và nhờ đó họ lấy lại niềm hy vọng.

Đức Maria đứng dưới chân thánh giá cùng với tông đồ Gioan, đã tiếp nhận di chúc của máu đức Kitô. Nguyện xin Mẹ giúp chúng ta khám phá kho tàng vô giá của hồng ân này và sống trong niềm tri ân bất tận.
 
Đức Giáo Hoàng kêu gọi G8 đầu tư vào nhân lực và lắng nghe các nước nghèo
Nguyễn Hoàng Thương
15:24 06/07/2009
Đức Giáo Hoàng kêu gọi G8 đầu tư vào nhân lực và lắng nghe các nước nghèo

Vatican City (AsiaNews) – Giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu cần phải dựa trên “đầu tư vào nhân lực”; duy trì và thậm chí “gia tăng triển khai viện trợ” cho các nước nghèo; bảo đảm “giá trị luân lý” cho các giải pháp kỹ thuật; không chỉ lắng nghe các nước giàu chủ yếu thành công về kinh tế mà còn phải lắng nghe các nước “kém phát triển”. Đây là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi tới các vị nguyên thủ quốc gia sẽ nhóm họp tại L'Aquila từ ngày 8 đến 10 tháng Bảy trong một bức thư gửi cho Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Hội Nghị G8 (gồm 8 nước giàu nhất và một số nước khác) diễn ra đồng thời với việc ngài công bố thông điệp xã hội mang tựa đề “Bác Ái Trong Sự Thật”. Đức Giáo Hoàng yêu cầu các vị nguyên thủ quốc gia khảo sát “cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang tiếp diễn” cũng như “biến đổi khí hậu” và “ ‘biến đổi’ mô hình phát triển toàn cầu, đưa ra khả năng thăng tiến phát triển con người toàn diện thiết thực, nảy sinh từ những giá trị liên đới và bác ái của con người trong sự thật”.

Nhắc lại lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II về xóa nợ cho các nước thế giới thứ ba và nhổ tận gốc sự nghèo khổ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng “điều này chỉ có thể xảy ra với sự liên đới của các chính phủ các nước tiên tiến hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang ảnh hưởng trên hành tinh tạo nên trách nhiệm của các nước này cấp bách hơn bao giờ hết”. Thực vậy, “nguy cơ thực tế không chỉ là hy vọng thoát khỏi nghèo khổ cùng cực bị dập tắt mà những cư dân đến hạn nhận được phúc lợi cho nhu cầu vật chất tối thiểu sẽ rơi vào nghèo khổ”.

Vì lý do này – ngược lại với những gì các quốc gia đang thực hiện – Đức Thánh Cha kêu gọi “phát triển viện trợ, nhất là viện trợ nhắm đến “việc nâng cao nguồn nhân lực” được “duy trì và củng cố, không chỉ bỏ qua khủng hoảng, mà vì đó là một trong những con đường chính yếu để tìm ra giải pháp”. Thật cần thiết để “đầu tư về con người”, trên hết là bảo đảm giáo dục căn bản cho tất cả mọi người vào năm 2012.

Đức Thánh Cha cho hay: “Giáo dục là tuyệt đối cần thiết cho hoạt động dân chủ, chống lại tham nhũng, cho việc thực thi các quyền chính trị, kinh tế và xã hội, và cho việc khôi phục bền vững nơi tất cả các quốc gia, giàu cũng như nghèo”. Ngài cũng nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải duy trì “chiều kích luân lý” cho các giải pháp kinh tế. Điều này có nghĩa là, trước nhất cần phải tạo ra việc làm có hiệu quả cho tất cả mọi người, cho phép các công nhân có thể mang lại thỏa mãn nhu cầu cho gia đình họ với phẩm giá con người, và thực hiện những trách nhiệm quan trọng của họ trong việc giáo dục con cái và trở thành các lãnh đạo trong các cộng đồng mà họ tham gia”. Nhưng chúng ta cũng cần “cải cách cấu trúc tài chính quốc tế... để tránh suy đoán về tín dụng và bảo đảm phổ biến tính khả dụng của tín dụng quốc tế công và tư để phục vụ cho sản xuất và việc làm, nhất là tại những quốc gia và khu vực thiệt thòi nhất”.

Đức Giáo Hoàng ca ngợi những bước đầu tiên hướng đến chính sách đa phương để có thể thấy G8 thành G20, mở rộng nhóm ra cho các nước khác. Tuy nhiên, ngài cũng chỉ ra rằng việc mở rộng này không chỉ gồm cho “các nước quan trọng nhất hay các nước thành công về kinh tế rõ rệt hơn” (như Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây...), nhưng còn cho các nước nghèo nhất. Ngài phát biểu thêm: “Như thế, chúng ta nghe tiếng nói của Phi Châu và các nước kém phát triển hơn về kinh tế! Những đường hướng hiệu quả phải tìm cách nối kết những quyết định của các nhóm nước khác nhau, gồm cả G8, Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mỗi quốc gia, bất kể gánh nặng chính trị và kinh tế của nó, có thể bày tỏ quan điểm hợp pháp của nó trên quan điểm công bằng với nước khác”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bày tỏ sự đánh giá cao của ngài về địa điểm diễn ra Hội nghị G8 là L'Aquila, thành phố chịu đau khổ vì trận động đất lớn mà còn là nơi chứng kiến tình liên đới khác thường tại Ý quốc và hải ngoại”. “Sự huy động tình liên đới này có thể thấy như là lời mời gọi các thành viên G8, các chính phủ và người dân trên thế giới liên kết với nhau để đối mặt với những thử thách, đặt chọn lựa dứt khoát trước nhân loại vốn không thể trì hoãn hơn nữa, và với số phận phụ thuộc của con người có liên hệ mật thiết với sự sáng tạo”.
 
Nga muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican
Nguyễn Long Thao
16:41 06/07/2009
VATICAN CITY 6/07/09- Hai hãng thông tấn lớn trên thế giới là AP, UPI đều loan tin Mạc Tư Khoa đang có chương trình cải thiện mối quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican.

Trước ngày khai mạc cuộc họp của nhóm cường quốc kinh tế G-8, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev nói với các ký giả ở Ý rằng “có nhiều khả năng quốc gia của ông sẽ phát triển mối quan hệ ngoại giao với Vatican ở một mức độ cao hơn”. Ông cũng nói rõ là khả năng nối lại quan hệ ngoại giao đang được thảo luận.

Được hỏi trong một tương lai gần, ĐGH Bênêđictô XVI có thể thăm viếng Mạc Tư Khoa không? Tổng Thống Nga từ chối trả lời câu hỏi này.

Sau ngày chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga, mối quan hệ giữa Vatican và Mạc Tư Khoa, tuy không nghi kỵ nhưng vẫn tiếp tục căng thẳng vì hai nguyên do chính. Một là Giáo Hội Chính Thống Nga không chịu trả lại những tài sản của Giáo Hội Công Giáo bị chính quyền cộng sản tịch thu, nhưng trao lại cho Chính Thống Giáo Nga quản lý. Hai là Chính Thống Giáo Nga luôn cáo buộc Công Giáo tìm cách thu hút tín đồ của họ.

Đa số dân Nga theo Chính Thống Giáo nên chính quyền Mạc Tư Khoa luôn có thái độ xa cách với Vatican. Do vậy, khi còn sinh tiền đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có ước vọng đến thăm Nga nhưng Ngài không thực hiện được ước mơ này. Vậy liệu ĐGH Bênêđictô XVI có thể đến thăm Mạc Tư Khoa không?

Theo giới phân tích chính trị thế giới, câu trả lời là không vì Chính Thống Giáo Nga vẫn có cái nhìn nghi kỵ Công Giáo Roma. Bao lâu mối liên hệ này chưa được cải thiện thì chính quyền Nga chưa mời ĐGH sang thăm viếng Mạc Tư Khoa.

Buổi họp báo của Tổng Thống Nga dành cho các ký giả sẽ được đài truyền hình Ý Đại Lợi trình chiếu vào Chúa Nhật này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhật ký tiếp sức mùa thi 2009: theo chân sĩ tử vào trường thi (kỳ 4)
BTT SVTGP Hà Nội
07:10 06/07/2009
HÀ NỘI - Trong thời gian từ ngày 3/7 đến 5/7/2009, kỳ thi tuyển sinh Đại học dành cho thí sinh dự thi vào khối A (Toán- Lý – Hoá) sẽ được tiến hành. Tại Hà Nội, Sinh viên Công giáo Tổng Giáo phận đã tích cực chuẩn bị cho hoạt động tiếp sức mùa thi. Ban Truyền thông chúng tôi xin trân trọng gửi đến độc giả cái nhìn toàn cảnh về không khí thi cử diễn ra trên địa bàn Hà Nội trong mùa thi 2009 này.

Theo chân sỹ tử vào trường thi

Sáng ngày 5/7/2009, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh Đại học (ĐH) dành cho thí sinh dự thi khối A và V đã kết thúc.

Vì quy chế đã được hoàn thiện, phổ biến chu đáo từ trước nên thí sinh đều nhanh chóng nắm bắt và không gặp trục trặc gì trong quá trình dự thi. Cũng như mọi năm, các qui định về thi cử đều được siết chặt. Các thí sinh đều thực hiện tốt những qui định này. Trao đổi nhanh với Yến – quê Bắc Giang, em cho biết: “Chúng em đều được biết các quy định và quy chế dự thi rất rõ ràng nên đều không bỡ ngỡ lắm đối với các thủ tục dự thi”.

Tại một điểm thi của Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, các em cho biết giám thị coi thi khá thân thiện, giúp các em có tâm lý thoải mái khi làm bài.

Về đề thi, theo khảo sát của chúng tôi tại nhóm Công nghiệp, hầu hết thí sinh đều đánh giá đề thi Đại học khối A năm nay đòi hỏi kiến thức tương đối cơ bản, đề cũng không quá dài. “Điều quan trọng là biết cách phân bố thời gian sao cho hợp lý” – em Giuse Điệp (Hà Nam) cho biết. Nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn Hoá và trước đó là môn Toán khó hơn môn Lý.

Tùng - một thí sinh đến từ Quảng Ninh tham gia dự thi trường ĐH Bách Khoa cho biết: “Đề Toán năm nay có tới 7 điểm là phần cơ bản, còn 3 điểm là phần khó. Nhưng chính ngay phần cơ bản mà em vẫn chưa làm tốt, vì em chỉ tập trung ôn những phần nâng cao mà không chú trọng lắm đến những dạng cơ bản, nên chắc điểm môn toán của em không cao. Còn với hai môn Lý và Hóa thì nhanh thôi, trắc nghiệm mà, câu nào không biết làm thì e chọn may rủi thôi”.

Bước ra khỏi phòng thi trở về điểm tập kết của nhóm, mỗi thí sinh mang nhiều cảm xúc khác nhau nhưng nhìn chung các em đều có tâm trạng thoải mái. Điều đó thể hiện bằng những nụ cười tươi và những câu pha trò hài hước: “Năm sau em hứa sẽ lại lên trên này với anh chị để…thi lại, chắc chắn em sẽ làm tốt hơn” (Thí sinh Giuse Giang – Phú Thọ). Một thí sinh ở trọ tại Đại Chủng Viện Cổ Nhuế tự tin nói: “Em chắc chắn mình làm đúng tới 8 điểm”.

Thí sinh Trần Thùy Anh đến từ Thái Bình rất vui khi đã hoàn thiện phần thi của mình: “Em hoàn toàn yên tâm với bài làm của mình, em đã làm tương đối tốt ở cả ba môn, riêng môn Lý, em cảm thấy yên tâm nhất. Hy vọng là em sẽ đỗ”.

Nhưng bên cạnh thành công bao giờ cũng có thất bại. Một số thí sinh khác không có được cảm giác này mà là bồn chồn, lo lắng, thậm chí có một số thí sinh không dám rời phòng thi để ra gặp bố mẹ. Gặp chúng tôi tại Cổ Nhuế, em Lan quê GP Phát Diệm dự thi vào ĐH Mỏ - Địa chất; với vẻ mặt buồn rầu, em tâm sự: “Em buồn lắm vì không làm được bài, mọi người ở nhà đang mong em trở về với kết quả cao nhưng em e rằng tỷ lệ trượt sẽ lớn hơn. Nhưng em sẽ không bỏ cuộc đâu, em tin rằng mình sẽ tiếp cận được giảng đường ĐH bởi vì Chúa luôn ở cùng em. Em chỉ biết phó thác vào Chúa mà thôi”.

Một thí sinh ở trọ tại nhóm Phú Mỹ tiếc nuối: “Đề thi không khó, nhưng em làm vội quá, lại bị lúng túng mất nhiều thời gian để nhớ công thức tính toán khoảng cách”.

Đáng tiếc hơn, có những thí sinh chưa kịp dự thi môn nào vì lỗi đi muộn. Thí sinh Nguyễn Văn An (Thái Bình) đăng kí nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ là một trong số những thí sinh không may ấy. Vào môn thi đầu tiên, An đến muộn 25 phút nên không được vào dự thi. Lí do đi muộn là em trọ ở nhà người quen tại quận Cầu Giấy, cách địa điểm thi 8-9 km, phải đến trường bằng xe đạp. Do không nhớ đường và kẹt xe nên em đã đến muộn và không được dự thi. An rưng rưng nước mắt rời khỏi trường thi trong cơn mưa tầm tã. Các phụ huynh và tình nguyện viên bên ngoài cũng không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh ngộ này.

Trải qua kỳ thi này, thí sinh đã rút ra cho mình được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Em Mai (Hải Dương) – một thí sinh ngoài Công giáo dự thi tại trường ĐH Thương Mại cho biết: “Trước lúc đi thi em rất hồi hộp, lo lắng và bỡ ngỡ khi đặt chân lên tới chốn Hà Thành này mà lại chẳng quen biết ai, nhưng qua kì thi ĐH này em lại rút ra được kinh nghiệm đó là phải bình tĩnh, tập trung và phải để cho tinh thần của mình luôn luôn thoải mái”

Thí sinh Vinh Sơn Nguyễn Văn Kỷ (Hải Hậu) chia sẻ: “Em đọc lướt qua đề một lượt, câu nào dễ làm trước, câu nào khó để lại làm sau, nhất là với đề thi trắc nghiệm”.

Với một số em khác thì việc chuẩn bị sức khoẻ thật tốt là một điều quan trọng: “Nên ngủ sớm vào trước hôm thi, hôm trước em ngủ muộn nên vào phòng thi rất… buồn ngủ” – Em Đaminh Điệp – Hà Nam nói.

Từ Giáo Phận Vinh, một thí sinh chia sẽ kinh nghiệm rất độc đáo, đậm nét đức tin Công giáo: “Chính lời cầu nguyện giúp em tự tin hơn. Khi đi thi, mẹ em đã chuẩn bị cho em một bộ tràng hạt Mân Côi. Em luôn mang theo bên mình, trước khi bắt đầu làm bài, em có đọc một kinh kính Đức Chúa Thánh Thần, một kinh Kính Mừng để xin ơn soi sáng làm bài cho tốt. Quả thật, em đã làm bài tốt hơn nhiều”.

Kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH với những niềm vui, nỗi buồn xen lẫn sự nuối tiếc. Dù sao các em cũng đã hiểu mình cần phải làm những gì sau kì thi này. Thành công bao giờ cũng phải trải qua những gian khổ với những phút giây luyện rèn. Chúc các em thí sinh, nhất là thí sinh Công giáo thi tuyển đợt tiếp theo có thái độ học tập thật tốt, bình tĩnh tự tin để có thể tự mở đường đến với ngôi trường mơ ước của mình.
 
Đức cha Chủ tịch HĐGMVN: Yêu thương và phục vụ là lựa chọn của Giáo Hội Việt Nam
+ GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn,
14:28 06/07/2009
Yêu thương và phục vụ là lựa chọn của Giáo Hội Việt Nam
(Diễn văn của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN tại Bộ Ngoại giao, 03-07-2009)

Trọng kính Đức Hồng y, Quý Đức cha và Quý Đức Ông,

Chúng con đây là các Giám mục Công giáo của 26 Giáo phận Việt Nam đến trình diện với Quý ngài.

Chúng con đã viếng mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô. Tại đó, chúng con đã cầu nguyện và suy niệm theo truyền thống thánh thiêng từ thời xa xưa của Giáo Hội Công Giáo, để biểu lộ sự hợp nhất của chúng con và của các giáo phận chúng con với đức tin của các Tông đồ. Bây giờ chúng con đến kính chào Đức Hồng y, Quý Đức cha và Quý Đức Ông.

Quý ngài biết là Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã được thiết lập năm 1960, vào thời điểm mà đất nước chúng con bị chia cắt về mặt chính trị. Mãi đến năm 1980, sau khi hai Miền Nam Bắc thống nhất vào năm 1975, Hội đồng Giám mục của cả nước Việt Nam mới được khai sinh. Sự kiện lịch sử này, mà vào năm 2010 sắp tới đây sẽ tròn 30 năm, đã được đánh dấu bởi việc soạn thảo lá thư mục vụ đồng đoàn đầu tiên đề ngày 1 tháng 5 năm 1980, nhằm mời gọi toàn thể Dân Chúa hãy để cho Phúc Âm hướng dẫn mình trong đời sống hằng ngày và trong cuộc dấn thân phục vụ thiện ích chung. Các định hướng mục vụ được trình bày trong lá thư đã kín múc cảm hứng từ các văn kiện Công Đồng Vatican II, đã khích động và trợ lực cho các nỗ lực của giới Công giáo nhằm góp phần vào việc chữa lành các vết thương do cuộc chiến tranh tàn khốc gây ra và nhằm cải thiện đời sống vật chất, văn hóa và tâm linh của một quốc gia đã bị thử thách lâu dài.

Thật là cảm kích đối với chúng con khi biết rằng không một điều gì xảy đến với chúng con mà lại ở ngoài tầm nhìn đầy sự chú ý và quan tâm của Tòa Thánh dành cho Giáo Hội tại Việt Nam. Thật vậy, chính khi trải qua những hoàn cảnh khó khăn và cả những hoàn cảnh đau thương nữa, chúng con mới hiểu thấu đáo hơn ý nghĩa của sự hiệp thông trong Giáo Hội, trong một Giáo Hội hiện diện bất kỳ nơi đâu. Chúng con muốn cảm ơn Quý ngài về việc Quý ngài, từ 20 năm nay, vẫn gửi một Phái bộ hằng năm đến Việt Nam để đối thoại với Chính quyền dân sự và để thăm viếng các giáo phận chúng con. Các cuộc thăm viếng mục vụ ấy luôn mang đến cho chúng con những ánh sáng và lý do để hy vọng, và điều đó củng cố đức tin của Dân Kitô giáo. Đồng thời các cuộc thăm viếng ấy cũng mang đến cho chúng con niềm an ủi và sự nâng đỡ, soi sáng cho chúng con trong ý hướng quyết tâm theo đuổi các chỉ thị của Công Đồng Vatican II, nhằm giải quyết các vấn đề tế nhị và phức tạp trong đời sống của Giáo Hội tại Việt Nam, như ý kiến của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa thánh, qua các cuộc đối thoại được thực hiện “cách kiên nhẫn, kiên trì, với lòng tôn trọng chân lý, công lý, bác ái và thiện ích chung, và với khả năng cổ võ việc tạo lập những mối tương giao xây trên sự tin cậy lẫn nhau. Chính điều đó sẽ giúp mọi phía vượt qua được các khó khăn và đạt được những kết quả mong muốn”. Chúng con cũng thâm tín rằng mình phải hành động cách khôn ngoan, cẩn trọng, “chín muồi trong tinh thần bác ái, hiệp thông, khiêm tốn và cầu nguyện”.

Chúng con đặc biệt cảm kích trước tấm lòng ưu ái và ân cần đầy tình phụ tử của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi Ngài chứng kiến những bước thăng trầm của Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng con cảm tạ Chúa vì đã được nghe tiếng nói của Đức Thánh Cha khuyến khích chúng con hãy đứng vững và gắn bó với Chúa (Cf. Cv. 11, 24). Chúng con suy niệm với nhiều tâm tình yêu mến những lời khích lệ của Ngài mà chúng con thấy là đầy ắp hương vị Phúc Âm. Ngài nói với chúng con: “Hãy vui mừng trong hy vọng, mạnh mẽ trong gian truân, kiên trì trong cầu nguyện, hăng hái đáp ứng các nhu cầu của đất nước, tích cực thực hành điều thiện trước mặt thiên hạ, sống hòa bình với mọi người” (cf. Rm. 12, 12tt).

Vâng, “yêu thương và phục vụ”, đó là cốt lõi trong giáo huấn của Chúa Kitô và của Hội Thánh Người. Đó cũng là châm ngôn mà mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam đã chọn để hướng dẫn hành động của mình. Chúng con cố gắng thực hành châm ngôn ấy trong xã hội của Đất Nước chúng con, một xã hội đang rất cần những giá trị Phúc Âm đích thực.

Nhân danh các hiền huynh của con trong Hàng Giám mục Việt Nam, con xin Đức Hồng y, Quý Đức cha và Quý Đức Ông nhận nơi đây tâm tình quý mến và tận tụy của con trong Chúa chúng ta, Đấng đã Phục Sinh.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
 
Thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi Cộng đồng dân Chúa nhân chuyến viếng thăm ad limina 2009
+GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn,
14:46 06/07/2009
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam
gửi Cộng đồng dân Chúa nhân chuyến viếng thăm ad limina 2009


Anh chị em thân mến,

Từ Rôma, kinh thành muôn thuở của Giáo Hội Công giáo, chúng tôi gửi đến tất cả anh chị em lời chào thân mến và lời cầu chúc chân thành. Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em.

I. SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIÁO HỘI

Như anh chị em biết, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có chuyến viếng thăm ad limina để viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, từ ngày 22-6-2009 đến 4-7-2009. Trong những ngày này, chúng tôi đã cảm nhận cách sâu xa sự hiệp thông trong Giáo Hội.

Do bận rộn với công việc mục vụ, ít khi nào các giám mục Việt Nam có cơ hội sống chung với nhau suốt hai tuần, không chỉ làm việc chung mà còn gặp gỡ nhau thân tình trong các bữa ăn hoặc trong khi di chuyển. Nhờ đó, chúng tôi hiểu nhau hơn và gần nhau hơn, mối dây huynh đệ được thắt chặt, ưu tư mục vụ được chia sẻ. Đây là kinh nghiệm thật quý báu và chúng tôi thấy khi về lại Việt Nam, các giám mục cần gặp gỡ nhau thường xuyên hơn và thân tình hơn. Hiệp thông giữa các giám mục cũng hàm nghĩa hiệp thông giữa các giáo phận. Dù ở xa quê nhà trong những ngày này, chúng tôi vẫn cảm thấy gần gũi với anh chị em vì biết rằng anh chị em không ngừng cầu nguyện cho chúng tôi; ngược lại, chúng tôi cũng luôn nhớ đến anh chị em, không những trong giờ cầu nguyện chung mà cả trong khi trao đổi với nhau về các công tác mục vụ. Cũng trong mối hiệp thông này, chúng tôi đã đến viếng mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã gặp các Đức Ông người Việt đang làm việc tại các cơ quan của Toà Thánh, đã gặp Liên Tu sĩ Việt Nam tại Roma, đã đến thăm một số nơi có liên hệ mật thiết với Giáo Hội tại quê nhà.

Sự hiệp thông trong lòng Giáo Hội Việt Nam lại càng phong phú và sâu sắc hơn khi được đặt vào trong mối hiệp thông với Giáo Hội phổ quát. Rôma là nơi mang đậm dấu ấn đức tin của Giáo Hội sơ khai, cũng là thủ đô của Giáo Hội Công giáo. Đến Rôma, chúng tôi như về nhà tổ của toàn thể Giáo Hội, cảm nhận mình thuộc về một gia đình lớn, trải rộng khắp thế giới và trải dài suốt lịch sử. Chúng tôi đã đến dâng lễ và viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng tôi đã đến thăm và trao đổi với hầu hết các Bộ và các Hội đồng Toà Thánh, cách riêng là Bộ Truyền Giáo và Bộ Ngoại Giao. Đặc biệt, ngày 27-6-2009, chúng tôi đã được yết kiến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và ngài đã có một huấn từ quan trọng dành cho Giáo Hội Việt Nam. Ngoài ra, trong những cuộc gặp gỡ riêng với các giám mục, ngài còn ân cần thăm hỏi và bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với tình hình Giáo Hội Việt Nam.

II. HIỆP THÔNG, ÂN HUỆ THIÊN CHÚA BAN

Sự hiệp thông trong Giáo Hội, trước hết và trên hết, không phải là công trình của con người nhưng là công trình của Thiên Chúa. Sự hiệp thông ấy được khơi nguồn từ chính sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, xuyên qua bao thăng trầm của lịch sử, mối hiệp thông trong Giáo Hội vẫn không ngừng được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Chúng tôi xác tín điều đó khi tham dự Thánh Lễ do chính Đấng kế vị thánh Phêrô chủ sự để mừng kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hơn bao giờ hết, Lời Chúa nói với thánh Phêrô được công bố thật hùng hồn: “Con là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và quyền lực hoả ngục cũng không thể thắng được”. Chúng tôi như nhìn thấy ngọn lửa đức tin không những nơi Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội, mà còn cả trong những người từ khắp nơi trên thế giới đến Rôma để học hành, làm việc hay du lịch. Đức tin của chúng tôi vào Thiên Chúa được nâng đỡ và sưởi ấm rất nhiều.

Chúng tôi cũng xác tín chân lý đó khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Trong những cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha cũng như các cơ quan của Toà Thánh, chúng tôi đều được nghe những lời khen ngợi dành cho Giáo Hội Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, vì sức sống mãnh liệt của Giáo Hội được biểu lộ qua việc sống đức tin của anh chị em giáo dân, qua sự tận tụy phục vụ của các linh mục tu sĩ, qua sự phong phú về ơn gọi linh mục và tu sĩ. Ai cũng biết Giáo Hội Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, nên lại càng vui mừng khi thấy Giáo Hội không ngừng phát triển. Tuy nhiên, như Đức Thánh Cha đã nói, chúng ta cần nhìn những thành quả đó trước hết như “ân huệ Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của anh em”. Cách nhìn đó thúc đẩy chúng ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn, cùng với lòng biết ơn các bậc tiền nhân và các chứng nhân đức tin, đồng thời cố gắng phát huy ân huệ mà Thiên Chúa ban qua chính đời sống của mình.

III. HIỆP THÔNG VÀ SỨ VỤ

Để phát huy ân huệ Thiên Chúa đã ban, huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể.

Về bản thân các giám mục chúng tôi, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng tôi noi gương các vị mục tử mẫu mực trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam để “sống thánh thiện, khiêm tốn, đơn sơ”, thể hiện “tình yêu hiền phụ đối với Dân Chúa và tình huynh đệ thắm thiết với các linh mục”.

Đối với các linh mục, Đức Thánh Cha tỏ lòng “biết ơn các linh mục triều cũng như dòng” vì đã “hiến dâng đời mình cho Chúa” và vì “những cố gắng mục vụ nhằm thánh hoá Dân Chúa”. Và ngài nhắc nhớ các linh mục: “Để trở nên người dẫn đường chính thực, phù hợp với lòng Chúa ước mong và với giáo huấn của Giáo Hội, linh mục phải đào sâu đời sống nội tâm và lo hướng tới sự thánh thiện theo gương cha sở họ Ars”.

Nói đến sự phong phú của ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam, nhất là trong đời sống thánh hiến của các nữ tu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: đó là “một ân huệ mà Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của anh em”. Và ngài dạy chúng tôi phải “khuyến khích những đặc sủng này bằng cách vừa cổ võ vừa tôn trọng”.

Với anh chị em giáo dân, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến đời sống gia đình và các bạn trẻ. Ngài nói: “Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự trung tín và sự thật, thì gia đình trở nên trung tâm các giá trị và những đức tính nhân bản, là trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa”. Nhiệm vụ của các giám mục là “chú tâm đến việc đào tạo giáo dân cho tốt bằng cách phát huy đức tin và trình độ văn hoá để họ có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội cách hữu hiệu”. Đức Thánh Cha ưu tư về giới trẻ, nhất là “những người trẻ tại nông thôn là những người đang bị cuốn hút về thành phố để theo đuổi việc học hành và tìm kiếm công ăn việc làm”. Ngài mong các giám mục “tìm ra đường hướng mục vụ thích hợp cho giới trẻ di dân trong nước.”

Đối với dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, Đức Thánh Cha bày tỏ “lòng trân trọng sâu xa”. Ngài kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội “dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng”. Giáo Hội “không hề muốn thay thế Chính quyền”, chỉ muốn “trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, có thể góp phần của mình vào đời sống của dân tộc, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”. Trong khi tham gia tích cực vào việc dân việc nước, “Giáo Hội không bao giờ miễn chước cho mình việc thực thi bác ái hiểu như các hoạt động có tổ chức của các tín hữu”. Cũng không bao giờ có tình trạng “người ta không cần đến đức bái ái của người Kitô hữu vì ngoài công bằng ra, vẫn cần và sẽ còn cần đến tình yêu”. Như vậy, tôn giáo “không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia, vì tôn giáo giúp đỡ các cá nhân thánh hoá bản thân và qua các tổ chức của mình, mong ước phục vụ tha nhân cách quảng đại và vô vị lợi”.

Anh chị em thân mến,

Để kết thúc lá thư này, chúng tôi xin nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói với chúng tôi: “Khi trở về nhà, anh em hãy chuyển lời chào thăm nồng nhiệt của Đức Giáo Hoàng đến các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, các giáo lý viên và tất cả các tín hữu, nhất là những người nghèo và những người đang đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tôi nồng nhiệt khuyến khích tất cả hãy trung thành với đức tin đã lãnh nhận từ các thánh tông đồ mà chính họ là những chứng tá quảng đại trong những hoàn cảnh khó khăn… Xin Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn và ban sức mạnh cho họ. Tôi trao phó anh em cho sự che chở đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ La Vang và lời cầu bầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Với tâm tình quý mến, tôi vui lòng ban Phép Lành Tông Toà cho tất cả mọi người”.

Rôma, ngày 4-7-2009

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Chủ tịch HĐGMVN
 
Gần 300 em được tuyến khấn trong PT Thiếu Nhi Thánh Thể tại giáo xứ An Phú
Tin Yêu
18:13 06/07/2009
HÀ NAM - Giáo xứ An Phú thuộc Tổng giáo phận Hà Nội có nghi lễ tuyên khấn cho 285 em Thiếu Nhi Thánh Thể ngày ngày 05 tháng 07, 2009.

Xem hình ảnh

Mặc dù trời mưa, nhưng ngay từ sáng các em đã có mặt đông đủ với những tiếng cười nói thật hồn nhiên, đơn sơ. 7h00 các em được đón tiếp, tập hát sinh hoạt, băng reo thật vui: Thiếu Nhi - hy sinh; Với thiếu nhi - không gì khó; Càng khó - càng hay; Khó để mà - thắng, thắng, thắng. 8h00 ôn lại nghi thức tuyên khấn. 8h30 tập hát. 9h00 đón chào Cha Giám Đốc Thiếu Nhi Thánh Thể (Cha Giuse. Maria Vũ Thanh Cảnh chính xứ Nam Định, Trưởng ban Thánh Nhạc Tổng Giáo phận Hà Nội).

Đúng 9h00 Xe ôtô chở Cha Giám Đốc dừng tại sân nhà thờ xứ An Phú. Cha Giám Đốc tiến vào nhà thờ với trong những tiếng kèn, tiếng pháo tay không ngớt, cùng với những lá cờ xanh đỏ vẫy chào, những băng reo: hoan hô Cha Giám Đốc - Chúc mừng Cha Giám Đốc và những tiếng hát: Hân hoan đoàn con vui mừng đón Cha, cảm tạ hồng ân của Chúa bao la. Hôm nay đoàn con mừng ngày Cha đã tới, đem sức sống mới cho đoàn chúng con. Sau khi cùng với các em cầu nguyện, Cha Giám Đốc ngỏ lời chào với các em… và Ngài hỏi các em: trời mưa thi vui hay buồn? Các em nhanh nhẹn trả lời: “buồn”. Nhưng Ngài đã cất lên bài hát: “ hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con miên man miên man…” Sau đó Ngài mời gọi các em hãy học theo gương Thánh Phanxico khó khăn rằng: Chúa muốn mưa con cũng muốn mưa, Chúa muốn nắng con cũng muốn nắng. Tất cả đều là hồng ân Chúa.

9h30 Thánh lễ tuyên khấn được bắt đầu bằng việc rước đoàn đồng tế với những tiếng kèn, tiếng trống thật trang trọng, cùng với những tiếng hát đơn sơ chân thành của các em thiếu nhi: Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa. Qua bao tháng năm mong chờ…. Cùng đồng tế với Cha Giám Đốc Thiếu Nhi là Cha Giuse Trịnh Duy Hưng … Đặc trách xứ An Phú.

Trong bài giảng Cha Giám Đốc đã chia sẽ với các em: Bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu thì vui, nhưng kết thúc thì buồn. Vui vì Chúa Giêsu trở về quê hương với lòng yêu thương và quyền phép, Ngài đã giảng dạy tại hội đường, nhiều người nghe thì rất đỗi ngạc nhiên. Buồn vì chính những bà con thân thuộc, những người ở quê hương của Chúa lại không tin Ngài. Chỉ vì họ có cái nhìn định kiến, pha một chút ghen tị nên họ đã không tiếp đón Chúa. Để rồi Đức Giêsu phải bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy. Tiếp đến Cha giám Đốc mời gọi các em hãy đảo ngược cái nhìn đó. Không có cái nhìn định kiến, không có sự ghen tị thì ta sẽ được tự do cảm nghiệm những cái đẹp, cái tốt, cái hay trong cuộc sống. “Một cũng chấp, hai cũng chấp, chất chứa trong lòng chi cho khổ - Trăm điều bỏ, ngàn điều bỏ, thong dong tấc dạ vậy mà vui”. Và Cha Giám Đốc nói tiếp: Con tim phải luôn yêu thương. Vì tim ghét ghen là tim héo hon, tim ghen ghét là tim úa tàn. Tim xanh xao là tim thiếu máu. Tim ghen ghét là tim ghét ghen. Ngài mời gọi các em hãy sống yêu thương, khiêm nhường để trở nên những thiếu nhi ngoan, nên tông đồ của Chúa và trở nên một Giêsu nhỏ.

Sau Kinh Tin Kính là nghi thức tuyên hứa. Thứ nhất là các em thiếu nhi tập sự cấp I và cấp II, sau đó là các em nghĩa sĩ, tiếp đến là các em tông đồ đội trưởng. Các cấp lần lượt đước tuyên hứa, sau đó các em lên nhận khăn, nhận huy hiệu thiếu nhi và hôn cờ đoàn. Nghi thức tuyên hứa diễn ra thật trang trọng và linh thiêng với tiếng hát: “Giờ đây con đứng trước thánh nhan, khấn hứa một phen. Dù trong gai góc, trong khó khăn, quyết giữ lời nguyền. Lòng con vì yêu Chúa không hề ngơi, thề hứa hôm nay. Hằng đem bầu tâm huyết không hề vơi, mà giữ mọi ngày…”. Sau đó Cha Giám Đốc đã tiếp nhận các em vào các cấp trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngài mời gọi các em hãy cố gắng sống mỗi ngày mỗi tốt hơn theo khẩu hiệu của thiếu nhi là: Cầu nguyện - rước lễ - hy sinh - làm tông đồ.

Sau thánh lễ, đại diện các em thiếu nhi cám ơn Cha Giám Đốc, cám ơn Cha xứ, và cộng đoàn. Cha Giám Đốc tặng mỗi em một tấm ảnh để lưu niệm trong ngày tuyên khấn. Nhân dịp này Ngài cũng mời gọi các em đăng kí vào lớp ơn gọi trong giáo xứ.

Tưởng cũng nên biết, Lớp ơn gọi của Giáo xứ An Phú được thành lập hơn một năm nay do Cha Đặc Trách Giuse Tịnh Duy Hưng và các thày Chủng sinh. Lớp ơn gọi với con số là 120 em. Trong các dịp hè và các ngày thứ bẩy chủ nhật trong năm, các em nữ được gửi đén các nhà dòng lân cận để thực tập. Các em nam được chia thành từng nhóm đến ở nhà xứ để thực tập. Sau ngày lễ tuyên khấn chắc chắn các em còn xin đăng kí đông hơn nữa.

Được biết Giáo xứ có đông ơn gọi, Cha Giám Đốc rất đỗi vui mừng. Ngài đã khích lệ, tặng quà cho các em và cho các em may áo đồng phục.

Thánh lễ kêt thúc thật tốt đẹp trong nghi thức sai đi với bài hát: “Thần khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng…”
 
Khóa Huấn Luyện Huynh trưởng cấp 1 ''Vươn Lên'' tại giáo hạt Phương Lâm, Giáo phận Xuân Lộc
Xuân Nguyên
18:21 06/07/2009
XUÂN LỘC - Ngày 4 &5/07/2009: Ý tưởng tổ chức khóa huấn luyện này được khởi đi từ sự gợi ý của Đức Giám Mục giáo phận, Đaminh Nguyễn Chu Trinh về việc “ Huấn luyện Huynh trưởng và thành lập Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể”. Không chỉ gợi ý, mà Đức Giám mục còn cung cấp những tài liệu cần thiết cho công tác đào tạo huấn luyện này.

Xem hình ảnh Sa mạc Vươn Lên

Từ tháng 3/2009, Linh mục Giuse TẠ Như Tuyền, Đặc trách Giáo lý giáo hạt Phương lâm, Chánh Xứ Bình Lâm, đã lên kế hoạch và thực hiện việc huấn luyện. Bắt đầu ngài gữi tài liệu cho các giáo xứ tham khảo, và kêu gọi các giáo xứ gữi giáo lý viên tham gia khóa huấn luyện tại giáo hạt. Đối với những xứ không tham gia được và có yêu cầu, ngài cũng tích cực gữi các huấn luyện viên đến trợ huấn.

Sau ba tháng chuẩn bị, vào hai ngày 4&5 /07/2009, Giáo hạt Phương Lâm đã tổ chức Sa Mạc Huấn Luyện Huynh trưởng cấp 1 Vươn lên I/2009 tại giáo xứ Quang Lâm với sự tham gia của 386 sa mạc sinh, thuộc 13 giáo xứ trong hạt.

Để có thể đến kịp giờ khai mạc và tham gia trợ huấn cho sa mạc huấn luyện này, vào lúc 3 giờ sáng ngày 4/7/2009 linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn, Tuyên úy Liên đoàn Anrê Phú Yên Giáo phận TPHCM và các Huấn luyện của liên đoàn đã lên đường đi Phương Lâm…

Vào lúc 7giờ 30, Nghi thức chào cờ và khai mạc Sa mạc Vươn lên I/2009, với chủ đề Ơn Gọi & Sứ Mạng Huynh Trưởng diễn ra trong bầu khí trang nghiêm trật tự.

Linh mục Sa Mạc Trưởng Giuse Tạ Như Tuyền bày tỏ niềm cảm kích hân hoan khi được tiếp đón Linh Mục Tuyên Úy Liên đoàn Anrê Phú Yên. Ngài bày tỏ niềm ước mong đào tạo khối huynh trưởng vững mạnh có khả năng đem lửa yêu thương đến các Thiếu nhi là những Công dân số Một của Nước Trời, ngài đã không ngại khó và chuẩn bị mọi việc cho sa mạc huấn luyện này từ ba tháng qua. Giờ đây để thực hiện ước mong đó Ngài long trọng đặt tên và Tuyên bố Khai mạc Sa mạc Vươn Lên- MạnhTiến.

Bài hát Chủ đề sa mạc được cất lên với những cử điệu và tiếng vỗ tay, trong bầu khí vui tươi làm vang động cả bầu khí núi rừng của khuôn viên giáo xứ Quang Lâm. Như ánh hồng vươn lên khi hừng đông chiếu sáng, các sa mạc cùng tiến bước vượt qua mọi gian khó trong hành trình sa mạc, hai ngày sắp tới

Trong lời chúc mừng sa mạc, linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn khiêm tốn đáp từ: Việc giáo dục Kitô giáo cho các thiếu nhi là việc chung của Giáo hội, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể với Tôn chỉ và phương pháp huấn luyện chuyên biệt đã đào tạo nhiều công dân tốt và nhiều kitô hữu kiên toàn, bằng chứng là có nhiều thiếu nhi trong phong trào ngày nay đã thành đạt trong xã hội cũng như có nhiều cha tuyên úy và tu sĩ xuất thân từ thiếu nhi Thánh Thể. Ngài ước mong sa mạc thành công, các huynh trưởng thu được nhiều kiến thức để hoàn thành tốt ơn gọi và sứ mạng Chúa giao.

Sau nghi thức khai mạc cha Tuyên úy liên đoàn Anrê Phú Yên phụ trách ba bài khóa liên tiếp cho ba tiểu sa mạc để rồi sau bửa cơm trưa, ngài đã vội lên đường trở về thành phố HCM để kịp công tác mục vụ tại giáo xứ Thái Bình, vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật...

Dù thời tiết nóng, các sa mạc sinh vẫn cố gắng lắng nghe và tiếp thu bài khóa. Co lẽ để làm mát dịu bầu khí hay sao mà mây xám kéo đến che kín bầu trời, các trưởng Phương Lâm trong khi xếp củi cho đêm Lửa Thiêng Thánh Thể bày tỏ nỗi lo ngại: Nếu trời mưa thì không thể đốt lửa, nhưng các trưởng Sàigòn tin tưởng khẳng định: Gió Thánh Thần sẽ xua đi mây đen, trời sẽ quang vì qua bao nhiêu sa mạc, trời chỉ mưa khi sa mạc kết thúc. Sa mạc tại giáo phận Kontum, trời không mưa trong suốt ba ngày, mặc dù những nơi gần đó tại địa phương mưa rất to, và rõ rệt nhất là sa mạc tại giáo xứ Quang Lâm này vào ngày 30 /4 và 1/5 vừa qua trời vẫn nắng; cho đến khi bế mạc, trời mưa rất to khiến các trưởng Sài Gòn bị giữ chân lại sau một tiếng đồng hồ mới có thể lên đường về.

Và niềm tin của các trưởng Sài gòn đã được chứng minh. Giờ Lửa thiêng Thánh Thể diễn ra dưới bầu trời trong thanh, đầy sao. Trong nghi thức Mang Lửa Về Tim từng đoàn sa mạc sinh với nến sáng trên tay đã di chuyển vào Nhà thờ Chầu Thánh Thể thật sốt sắng.

Sa mạc diễn ra trong hai ngày với 39 bài khóa cho ba tiểu sa mạc, những giờ giảng xen kẻ với các sinh hoạt băng reo, trò chơi vũ điệu trong bầu khí thánh kinh giữa thiên nhiên dưới bóng mát các cây, ẩn sau các vách đá. Phương pháp này giúp cá sa mạc sinh dễ tiếp thu các khóa, dù thời tiết nóng, trời không chút gió.

Qua những chặng đường của hành trình sa mạc từ phút đầu tiên Chúa gọi Abraham, đến Môsê, các Ngôn sứ trong Cựu Ước, bước qua TânƯớc với khung cảnh Chúa Giêsu kêu gọi và tuyển chọn các tông đồ và huấn luyện các ông, sa mạc sinh hiểu được ơn gọi của mỗi huynh trưởng, đồng thời cũng nhận thức mình phải sẵn sàng đáp trả và theo Chúa như thế nào.

Có thể là các sa mạc sinh còn rất bỡ ngỡ trước cung cách giảng dạy giáo lý, bằng phương pháp giáo dục của phong trào về hai phương diện siêu nhiên và tự nhiên nhưng các bạn đã nhanh chóng nhận ra rằng: Thiếu nhi ở tuổi hiếu động,dư thừa năng lượng, nhất là các em Au không thể tập trung quá lâu để có thể ngồi nghe các anh chị dạy lý thuyết, nhưng cần phải có những bài ca ý lực, trò chơi, sinh hoạt vui trong bầu khí Thánh Kinh, các em mới có thể dễ hiểu và nhớ những chân lý các anh chị muốn truyền đạt.

Hành trình sa mạc kết thúc ở trạm Hướng về công đồng Vaticanô II, để học hỏi về Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân. Cha Sa Mạc trưởng trưởng nhắn nhủ: Tất cả những ai mang danh Kitô hữu đều phải là ánh sáng cho trần gian, là muối men cho đời, đem Tin mừng Chúa đến cho trần gian. Trong tinh thần” Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ ( Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 12).Thiếu Nhi ThánhThể được thiết lập vì Thiếu nhi, vì những công dân số một, những công dân ưu đãi của Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã phán “Chỉ những ai giống như trẻ nhỏ nầy mới được vào Nước Trời. Mỗi huynh trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn các thiếu nhi làm công tác Tông đồ đem Tin Mừng Chúa cho người khác, có nhiệm vụ thắp lên trong đới mình Anh Lửa TìnhYêu để rồi lan tỏa tình yêu cho những người đang sống. Dù nhỏ bé, mỗi thiếu nhi có nhiệm vụ đóng góp ngọn lửa TìnhYêu để làm bùng cháy lên Anh lửa Chúa muốn gieo vào trần gian nầy, đó là Anh Lửa TìnhYêu.

Qua những chặng đường trong hành trình sa mạc, có thể các sa mạc sinh cảm thấy mình chưa thực sự là muối men cho đời. Từ bao lâu nay, tuy mang danh Giáo lý viên nhưng chúng ta chưa hoàn phụng sự Chúa bằng cả nhiệt tâm, chưa hoạt động vì ước nguyện làm cho Danh Cha cả sáng. Giờ đây chúng ta cần xét lại mình và ứớc gì Chúa Giêsu Thánh Thể luôn đồng hành với các bạn và Nhờ ơn Chúa soi dẫn, mỗi người chúng ta định hướng lại cuộc đời mình để sống đúng căn tính Kitô hữu là muối men cho đời, là ánh sáng cho trần gian.

Sa mạc kết thúc bằng Nghi Thức Sai Đi: Lên Đường là mệnh lệnh Chúa Giêsu ban cho các tông đồ, các Môn đệ khi Ngài sắp về trời, kết thúc sứ mạng tại thế. Chúa Giêsu muốn các Tông đồ các Môn đệ, các Huynh trưởng và bất cứ ai đã gặp Ngài đều được tham dự và tiếp nối CôngCuộc Cứu Độ của Ngài. Ngày nay Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô cũng nhắc lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu Ra Đi Rao Giảng Tin Mừng như Sắc LệnhTông Đồ Giáo dân đã dạy. Giờ đây, nhận thức được Ơn Gọi Làm Huynh Trưởng và tinh thần sẵn sàng ĐEM CHÚA ĐẾN VỚI THIẾU NHI VÀ ĐEM THIẾU NHI ĐẾN VỚI CHÚA, các sa mạc sinh đã sốt sắng cử hành Nghi thức SAI ĐI

Qua hai ngày làm vang động Núi Rừng Phương Lâm, sa mạc kết thúc, để lại trong lòng mỗi thành viên những hình ảnh tốt đẹp về những hy sinh tận tụy và dấn thân tích cực giúp sa mạc diễn ra và kết thúc tốt đẹp.

Cha sa mạc trưởng còn hứa: Bất cứ khi nào các giáo xứ cần sự hỗ trợ huấn luyện của hạt, hạt sẽ sẵn sàng đáp ứng.

Không phải tham gia sa mạc hai ngày là đủ để các bạn trở thành huynh trưởng giỏi. Những kiến thức lĩnh hội nơi sa mạc chỉ là những bước khởi đầu gợi ý cho các huynh trưởng tự đào luyện mình. Để chu toàn nhiệm vụ hiện nay là tạo cho các thiếu nhi một bầu khí mới lành mạnh, phấn khởi, thích nghi cởi mở để hướng dẫn các em trong lối sống đạo tích cực, tự nguyện, ý thức; đồng thời gây nơi các em tinh thần Tông đồ dấn thân cao độ để hiên ngang đem Chúa đến với môi trường sống ( Điều 6, Nội qui Tổng Liên Đoàn TNTT) các huynh trưởng sẽ phải học hỏi và học hỏi luôn như lời nhắn nhủ của Cha Hạt trưởng. Các huynh trưởng sẽ không quên Tôn chỉ của Phong trào là Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự Cầu nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và làm Tông Đồ.

Ước mong các huynh trưởng không quên bài hát: ” Một ngày là huynh trưởng suốt đời ta là huynh trưởng”

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể là lý tưởng của phong trào luôn đồng hành với các huynh trưởng.
 
Giáo hạt Dăklăk I khai giảng Khóa đào tạo Giáo lý viên phổ thông Kinh Thánh
Phêrô Trần Sỹ
18:32 06/07/2009
BAN MÊ THUỘT - Hôm nay, ngày 06 tháng 07 năm 2009, khóa đào tạo GLV phổ thông khối Kinh Thánh của giáo Giáo hạt Đăklăk I đã khai mạc tại giáo xứ Dũng Lạc, giáo phận Ban Mê Thuột. Khóa đào tạo đã quy tụ gần 100 giáo lý viên thuộc các giáo xứ, giáo họ trong tuyến Thành Phố Buôn Ma Thuột.

Ngay từ sáng sớm, trong không khí vui tươi và phấn khởi, các anh chị em giáo lý viên đã nô nức đổ về giáo xứ Dũng Lạc – 64 Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đăklăk – để chuẩn bị cho buổi lễ khai mạc và những ngày học tập tại giáo xứ.

Các học viên đến từ các giáo xứ như: Dũng Lạc, Thánh Tâm, Nam Thiên, Quảng Nhiêu, Thiên Đăng, Phú Long, Thuận Hiếu, Thuận Hòa, Thuận Tâm và Tình Thương.

Nghi thức khai giảng khóa học được khai mạc lúc 7h30 với sự tham dự của cha trưởng ban Giáo lý giáo phận Stephano Nguyễn Văn Đậu, cha quản hạt Đăklăk, đồng thời là cha xứ Dũng Lạc – Gioan Bùi Quang Đạo và cha Gioan Nguyễn Sơn – Trưởng ban giáo lý Giáo hạt. Ngoài ra, buổi khai giảng còn có sự hiện diện của Quý Cha, quý sơ trong ban giảng huấn và 84 anh chị em giáo lý viên. Buổi khai giảng tuy đơn sơ nhưng cũng không kém phần sôi động và vui tươi.

Ngay sau nghi thức khai giảng, các học viên đã bước vào tiết học đầu tiên là tiết Kinh Thánh do cha Giuse Nguyễn Văn Úy – Giám đốc Ứng sinh – phụ trách.

Tưởng cũng nên biết, trong đợt học hỏi này, Giáo hạt Đăklăk được phân thành hai tuyến. Tuyến thành phố học tại giáo xứ Dũng Lạc và tuyến Buôn Hô học tại giáo xứ Công Chính. Cả hai nơi đều khai giảng cùng ngày.

Khóa học sẽ kéo dài đến trưa thứ bảy, ngày 11 tháng 07 năm 2009. Vào cuối khóa học, các học viên sẽ làm bài thu hoạch và được cấp chứng chỉ cuối khóa.
 
Sinh hoạt giáo xứ Thánh Philipphê Phan Văn Minh tại Florida
Gx Philipphê Minh
18:47 06/07/2009
FLORIDA - Chúa nhật 5 tháng 7 năm 2009, Lễ Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Bổn Mạng Giáo Xứ, nên hôm nay là một ngày vui lớn của giáo xứ qua 3 sự kiện:

- Giáo xứ mừng lễ bổn mạng;
- Giáo xứ mừng đón cha phó xứ mới về nhận nhiệm sở;
- Giáo xứ chào đón tân Ban Chấp Hành của Hội Đồng Mục Vụ nhiệm kỳ 2009-2011

LM Nguyễn văn Chiến
Sau bao ngày trông đợi, giáo xứ đã có được cha phó xứ về phụ giúp trông coi giáo xứ. Đó là cha Anrê Nguyễn Văn Chiến. Cha không xa lạ gì với giáo xứ vì trước đây, mỗi tháng một lần khi cha chánh xứ bận đi cử hành thánh lễ tại Winter Haven, cha đã có đến giúp giáo xứ, nhưng lần này không còn như xưa nữa, cha sẽ ở lại hẳn với giáo xứ.

Trong thánh lễ lúc 12 giờ 30, cha chánh xứ cũng đã giới thiệu tân Ban Chấp Hành của Hội Đồng Mục Vụ nhiệm Kỳ 2009-2011. Tân Ban Chấp Hành gồm có:
Chủ Tịch: Ô. Chu Quang Điện;
Phó Chủ Tịch: Bà Cát Tường Vân;
Thơ Ký HĐMV: Cô Bùi Mỹ Linh;
Ban Giáo Dục Kitô Giáo: Sơ Tuyết Mơ;
Ban Phụng Vụ: Ô. Lê Tiến Long;
Ban Văn Hóa/Truyền Thông: Ô. Võ Duy Linh;
Ban Xã Hội: Ô. Nguyễn Vũ Nhạ;
Ban Đời Sống Tông Đồ: Ô. Lê Michael Quang;
Ban Kiến Thiết/Bảo Trì: Ô. Trần Công Minh.

Nhân dịp này, giáo xứ có tổ chức một buổi picnic, đánh dấu một ngày vui chung. Bà con đã đến dự đông đảo.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các vấn đề kéo dài của tự do tôn giáo
Vũ Văn An
04:34 06/07/2009
Bài “Vatican II và tự do tôn giáo” (Vietcatholic.net 4-7-2009) chủ yếu trình bày quan điểm của linh mục John Courtney Murray, Dòng Tên, một trong các chuyên viên hàng đầu của Vatican II, người cổ động và soạn thảo ra Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae. Muốn hiểu rõ hơn quan điểm của nhà thần học này về tự do tôn giáo, tưởng nên đọc lại bài Enduring Problems of Religious Liberty, đăng trong tuần báo The America, số ngày 30 tháng Mười Một năm 1985 bởi người được ông hướng dẫn là linh mục Charles M. Whelan, cũng thuộc Dòng Tên.

Linh mục Whelan cho rằng các vấn đề tự do tôn giáo ngày nay vẫn được xếp vào hàng đầu trong các vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới, giống như lúc Murray còn sống. Các chính phủ tiếp tục bách hại tôn giáo nhiều hơn là khoan nhượng. Một số tôn giáo quan trọng đang đổ dầu vào lửa chiến tranh; nhiều tôn giáo khác biến chính phủ thành công cụ tín ngưỡng của họ. Cho nên, nếu còn sống đến ngày nay, hẳn Murray vẫn phải loay hoay với vấn đề tự do tôn giáo.

Như đã nói, đóng góp lớn nhất của Murray là góp phần thai nghén và hạ sinh Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo của Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, ông cũng đã thực hiện hai đóng góp quan trọng khác về cái hiểu của người Mỹ đối với tự do tôn giáo. Trong cuốn We Hold These Truths, công bố 5 năm trước Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo của Vatican II, Murray đã dùng luận điểm có tính triết học và thần học bênh vực chủ trương cho rằng giữa cái hiểu của người Mỹ về tự do tôn giáo và tín lý truyền thống của Công Giáo có một sự tương đồng về cấu trúc. Nhân cơ hội này, ông đã giải thích ý định lịch sử và năng động tính lập hiến của các điều khoản về tôn giáo trong Tu Chính Án Thứ Nhất. Các giải thích của ông, theo linh mục Whelan, vẫn còn giá trị và phù hợp với thời nay.

Trong We Hold These Truths, Murray biện luận một cách đầy thuyết phục rằng các điều khoản về tôn giáo trong Tu Chính Án Thứ Nhất đã được đưa ra và chấp thuận như là một cành lá hòa bình trong một xã hội đa nguyên về tôn giáo, trong đó không hề có bất cứ một thứ ý thức hệ nào, dù là tôn giáo hay chính trị. Chúng đơn thuần chỉ là một nhất trí (agreement) bởi “Chúng tôi, Nhân Dân Hiệp Chúng Quốc” rằng tại đất nước này, chính phủ không có năng quyền quyết định các vấn đề thuộc tín lý tôn giáo. Đàng khác, chính phủ không được trừng phạt bất cứ ai thực hành tôn giáo của họ một cách hòa bình.

Một tất yếu xã hội

Murray đi vào chi tiết bằng cách cho thấy đã có những người đọc sai lịch sử khi mưu toan bơm ý thức hệ (tôn giáo hay duy thế tục) về tôn giáo vào hai mệnh đề đầu của Tu Chính Án Thứ Nhất. Thực ra, không phải Roger Williams (1) cũng như phái Jacobins (2) đã cung cấp căn bản hay nội dung luật pháp cho hai điều đầu tiên của Tu Chính Án Thứ Nhất về tự do tôn giáo. Murray cho rằng chính tính tất yếu xã hội, chứ không phải chủ nghĩa duy thế tục hay nền thần học Baptist đã đẻ ra Tu Chính Án đó. Nhất trí với hầu hết các sử gia, ông kể ra bốn lý do góp phần vào tính tất yếu xã hội tại Mỹ đòi có tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa chính phủ và tôn giáo. Thứ nhất, Mỹ có một quần chúng lớn lao những người không thuộc tôn giáo định chế (unchurched). Thứ hai, Mỹ có rất nhiều hệ phái tôn giáo khác nhau. Thứ ba, yếu tố kinh tế là yếu tố quan trọng: “bách hại và kỳ thị cũng xấu cho việc làm ăn như là xấu cho việc linh hồn”. Sau cùng, việc nới rộng tự do tôn giáo tại Anh khiến Mỹ bị áp lực cũng phải nới rộng theo. Bốn yếu tố này khiến các nhà lập quốc Hoa Kỳ thấy rõ: trong các điều kiện của Mỹ, bất cứ con đường nào khác ngoài tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước đều là “rối loạn, thiếu khôn ngoan, và không thể thực hiện được”.

Dĩ nhiên Murray hiểu rõ và nhấn mạnh tới sự nhất trí về chính trrị và tinh thần nằm sau các điều khoản của Tu Chính Án Thứ Nhất. Phần lớn các nhà lãnh đạo Mỹ thuộc hậu bán thế kỷ 18 đều đồng quan điểm về phẩm giá, tự do và sự bình đẳng nội tại, do Thiên Chúa phú ban cho con người. Họ cũng đồng quan điểm về việc phải đặt mọi sự có tính nhân bản dưới thẩm quyền Thiên Chúa và thiên luật. Không có sự đồng thuận trên, toàn bộ thể nghiệm của Mỹ trong việc hạn chế năng quyền của chính phủ cũng như sự tách biệt giữa xã hội và nhà nước sẽ không thể xấy ra.

Đàng khác, như chính Murray đã nói rõ, sự tham dự của Công Giáo vào sự đồng thuận trên là “trọn vẹn và tự do, không dè dặt và lúng túng” vì các nội dung của sự đồng thuận ấy (các nguyên tắc đạo đức và chính trị rút từ truyền thống luật tự nhiên) “tự chúng đã được trí hiểu và lương tâm Công Giáo chấp nhận”

Sự đồng thuận trên đã giúp các nhà lập quốc có thể nhất trí với nhau về tính tất yếu xã hội đòi phải có hai điều khoản Không Thiết Lập và Tự Do Thực Hành (3)của Tu Chính Án Thứ Nhất, hai điều khoản đã tạo thành điều người ta thường gọi là “các điều khoản về tôn giáo”. Điều được Murray nhấn mạnh, và nhấn mạnh rất đúng, là: tính tất yếu xã hội không phải chỉ đòi hai điều ấy mà thôi, mà còn đòi hai điều không có tính ý thức hệ nữa. Gán một ý thức hệ tôn giáo hay chính trị vào Tu Chính Án Thứ Nhất là một mâu thuẫn ngay trong ngôn từ.

Không phải việc riêng tư

Điều cần để ý là ở đây, cũng như ở mọi chỗ khác, tư duy của Murray luôn tế vi. Ông luôn luôn biện bác chống lại ý niệm, thường được các ý kiến tại Tối Cao Pháp Viện trưng dẫn rải rác, và được các trước tác duy thế tục trưng dẫn nhiều hơn, cho rằng Hiến Pháp Mỹ đã biến tôn giáo thành một việc riêng tư. Ông cũng cực lực phản bác đề nghị cho rằng các điều khoản về tôn giáo không phải chỉ là các khoản luật có tính thuần lý và hữu ích cao độ, mà chúng thật sự còn có nội dung, chân lý và tính thánh thiêng của một tín điều.

Murray xác tín rằng những nhà soạn thảo và những nhà phê chuẩn không bao giờ có ý định viết ra tất cả các áp dụng thực tiễn của các điều khoản về tôn giáo lên đá. Giống các điều khoản vĩ đại khác của Hiến Pháp, những điều khoản này chỉ đặt ra một số nguyên tắc lớn. Các nguyên tắc ấy tự nội tại phải lệ thuộc vào tính năng động của lịch sử, một năng động tính đòi phải được tái giải thích và tái áp dụng không ngừng dưới ánh sáng các khai triển xã hội, chính trị và tôn giáo.

Murray từng viết: “Luật hiến pháp của ta là một luật sống động. Bởi thế, nó có hai đặc tính. Thứ nhất, nó phải luôn trung thực với cái tinh thần nội tại vốn là linh hồn cho mọi điều khoản của nó. Tôi muốn nói tới ý niệm này là: người Mỹ là người tự do dưới một chính phủ có giới hạn mà các hành động phải lệ thuộc một luật cao hơn vốn phát sinh từ Lý Trí Trường Cửu của Đấng tạo ra muôn loài và được thể hiện trong chính bản nhiên con người, một con người vốn là tạo vật và là hình ảnh của Thiên Chúa. Thứ hai, muốn chân thực với ý niệm và tinh thần nội tại của mình, luật hiến pháp của ta phải đếm xỉa tới các thực tại luôn thay đổi của cuộc sống Mỹ, bất luận đó là các thực tại xã hội, kinh tế hay tôn giáo. Một khai triển hiến pháp chỉ thực sự năng động khi nó cho thấy cả hai đặc tính này”.

Murray phê phán Tối Cao Pháp Viện đã bóp méo tính năng động kia trong phán quyết về mối liên hệ giữa chính phủ, tôn giáo và giáo dục. Thực vậy, ông không do dự gọi một trong các phán quyết ấy, tức phán quyết McCollum năm 1948, “đi ngược hẳn lại với tinh thần khai triển năng động của truyền thống Mỹ đích thực”. Trong phán quyết McCollum, Tối Cao Pháp Viện cho rằng các điều khoản về tôn giáo ngăn cấm các trường công lập không được để các thầy cô thuộc các hệ phái tôn giáo tới trường trong những ngày trường sinh hoạt bình thường để dạy các môn về tôn giáo.

Theo Murray, phán quyết ấy sai vì nó tôn vinh việc tách rời mà hạ giá quyền tự do thực hành, và ghép thứ triết lý ghét tôn giáo vào quan niệm tách biệt giữa giáo hội và nhà nước. Phán quyết ấy cũng phản động vì đã không lưu tâm tới các thực tại giáo dục, xã hội và tôn giáo hiện thời. Chính phủ ngày nay không còn phải là “sự việc thẳng thừng, đơn giản, khả niệm, hoàn toàn có thể dùng lương tri mà thấu hiểu được” như thời của John Adams (4) nữa. Thực vậy, chính phủ đã trở nên một “sự việc hết sức phức tạp và tràn lan đang sắp xếp phần lớn cuộc sống ta, đang xử lý hầu hết nền giáo dục và phúc lợi xã hội của ta”.

Truyền thống Mỹ đích thực buộc chính phủ phải thích ứng sự tự do thực hành tôn giáo trong những lãnh vực được chính phủ đảm nhận trách nhiệm. Murray nhấn mạnh rằng chính trong lãnh vực giáo dục, chính phủ đã đảm nhận trách nhiệm và người tôn giáo cảm thấy sâu sắc có nhu cầu thiêng liêng. “Chính phủ không thể làm ngơ các nhu cầu đó, nếu không sẽ liều mình bị nguy hiểm; vì vận may của một chính phủ tự do có liên hệ mật thiết với sự kiện có được một đoàn công dân hiểu biết về tôn giáo và đạo hạnh”.

Sau khi nhìn nhận có sự khó khăn trong việc vạch được đường ranh giữa sự thích ứng có thể cho phép và sự thiết lập không thể nào cho phép được, Murray nhấn mạnh rằng giáp mặt với nỗi khó khăn ấy chính là mô hình của tính “mạo hiểm hiến pháp” mà bản chất liên bang Mỹ đòi phải có. “Đó là vấn đề hiểu biết và can đảm dám sử dụng một cách hoà hợp các nguyên tắc có sẵn. Truyền thống Mỹ là một kho tàng. Trách nhiệm của ta là từ kho tàng này rút ra được những điều mới và cũ”.

Về một vấn đề có liên hệ, tức vấn đề chính phủ trợ giúp về giáo dục cho các trường giáo xứ, Murray một lần nữa nhấn mạnh rằng từ khước một sự trợ giúp như thế là hoàn toàn xa rời các thực tại xã hội hiện thời. Cả nguyên tắc công bình phân phối và các thay đổi trong vị thế xã hội học của cộng đồng Công Giáo Mỹ đòi phải có “một cung cách thay đổi nào đó” trong các chính sách tài trợ giáo dục vốn đã được chấp nhận trong hậu bán thế kỷ thứ 19. Murray không nói rõ bản chất của sự thay đổi cần thiết này. Ông nhìn nhận có nhiều yếu tố phức tạp cần phải đưa vào phán đoán chính trị. Ông chỉ nhấn mạnh rằng “luật lệ của thế kỷ 19 không giải quyết được các vấn đề xuất hiện giữa thế kỷ 20”.

Tính thế tục lành mạnh

Theo linh mục Whelan, nếu còn sống đến ngày nay, đối với quyền và bổn phận của các cơ cấu tôn giáo được tham gia cuộc tranh luận công cộng về các vấn đề có ảnh hưởng tới ích chung, Murray có thể sẽ mạnh mẽ nhấn mạnh hai đề xuất sau đây. Thứ nhất, Mỹ hiện nay còn đa nguyên về tôn giáo hơn là lúc người ta chấp nhận Tu Chính Án Thứ Nhất vào năm 1791. Cho nên, cùng một tính tất yếu xã hội ấy, có khi còn lớn hơn nữa, vẫn còn đó đối với việc tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo và đối với việc hiến pháp bảo vệ việc thực thi tự do. Bất cứ mưu toan nào nhằm tháo bỏ việc sắp xếp này của hiến pháp đều vi phạm phẩm giá con người. Nó cũng đe dọa chính nền hòa bình công cộng.

Cẩn thận đọc lại các trước tác của Murray ta sẽ khám phá ra một thay đổi quan trọng về nhấn mạnh trong tư duy của ông. Ông bắt đầu biện luận cho việc có thể dùng hệ thống Mỹ để bảo vệ các mối liên hệ giữa giáo hội và nhà nước. Nhưng kết cục, ông lại biện luận cho tính tất yếu của nó đối với phẩm giá con người.

Bởi đó, Murray chắc chắn chống đối tính chính đáng của bất cứ mưu toan nào nhằm biến Hiệp Chúng Quốc thành một nhà nước Kitô Giáo. Ông không thấy khó khăn nào đối với câu “Chúng tôi tin cậy Thiên Chúa” (In God we trust), nhưng nhất định sẽ ngần ngại đối với câu “chúng tôi tin cậy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Phân biệt trên rất chủ yếu. Đối với Murray, sự hiện hữu và quyền tối cao của Thiên Chúa là những điều ta có thể dùng lý trí mà biết được. Thực vậy, sự hiện hữu và quyền tối cao của Thiên Chúa đã hiện diện ngay tại cốt lõi sự đồng thuận mà thể nghiệm Mỹ từng dựa vào và còn cần phải tiếp tục dựa vào nếu nó muốn tồn tại.

“Không có tôn giáo, xã hội không thể tiến tới tính thế tục lành mạnh mà ngược lại chắc chắn sẽ thoái hóa theo dòng lịch sử mà tuột từ chủ nghĩa toàn trị duy tục của ý thức hệ Jacobin xuống chủ nghĩa toàn trị còn đen tối và phi nhân hơn nữa của thời nay, trong đó, các giá trị như chân lý, công bình, tình yêu và tự do đã đạt tới giai đoạn cao nhất của thoái hóa mà lịch sử từng biết tới”.

Chính phủ có thể đại biểu cho chân lý tối cao có tính tôn giáo về sự hiện hữu và quyền tối cao của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi nói tới các tín ngưỡng rõ ràng có tính hệ phái, thì chính phủ phải đại biểu cho chân lý của xã hội trong thực chất của nó. Sự thật là xã hội Mỹ là một xã hội đa nguyên tôn giáo. “Sự thật ấy đáng phàn nàn; nhưng nó vẫn là sự thật”.

Cho nên, nếu mục tiêu thực của Đa Số Tinh Thần (Moral Majority) hay bất cứ nhóm tôn giáo nào là muốn Kitô hóa cả nhà nước lẫn xã hội, thì chắc chắn Murray sẽ bác bỏ mục tiêu bất hợp pháp đó của chính phủ. Mà cho rằng có ai đó đã thành công trong việc Kitô hóa đa phần xã hội Mỹ, thì vì phẩm giá con người, chắc chắn Murray cũng sẽ biện luận để thiểu số còn lại vẫn có quyền đòi cho được việc phải tách biệt chính phủ và tôn giáo và phải dùng luật pháp bảo vệ việc tự do thực thi tôn giáo của họ (bao gồm cả việc tự do không thực thi).

Đề xuất thứ hai mà Murray có thể sẽ nhấn mạnh khi thảo luận về mối liên hệ thích đáng giữa chính trị và tôn giáo là đề xuất “lịch thiệp dân sự” (civility). Dưới tiêu đề này, có thể ông muốn bao gồm các đặc tính sau: hợp lý, chính xác, chú tâm và lịch sự.

Theo linh mục Whelan, mặc dù Murray thích và có khiếu tranh luận dữ dằn, nhưng ông thường rất tự chế (ít nhất cũng ở nơi công cộng). Ông cuồng nhiệt tin vào truyền thống biện luận lịch thiệp, và không ngừng nhắc lại xác tín của ông rằng không thể nào có được sự đoàn kết chính trị nếu không có lời nói hợp lý, lịch sự và có chú tâm.

Sau khi Vatican II chấm dứt và Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo đã có chỗ đứng vững vàng, linh mục Whelan có hỏi Murray xem nếu phải làm lại một lần nữa, ông có làm gì khác không. Ông hơi ngần ngại, rồi cương quyết trả lời: “Tôi sẽ chịu ‘ngu một cách hân hoan hơn’”. Rồi lại hơi ngần ngại một lần nữa và nói: “Tôi chưa bao giờ đạt được điều chi từ sự nóng ruột hay cười nhạo”.

Tuy nhiên tính lịch thiệp trong cuộc tranh luận công khai không phải chỉ là vấn đề động cơ cá nhân, như Murray nhiều lần nhấn mạnh trong các trước tác của ông. Lịch thiệp là vấn đề tôn trọng phẩm giá con người, và đó chính là chất xi măng của xã hội.

Theo linh mục Whelan, nếu Murray được phép thăm Giáo Hội Chiến Đấu tại Hiệp Chúng Quốc ngày nay, chắc chắn ông sẽ nhấn mạnh tới lịch thiệp. Quá nhiều người Công Giáo Mỹ dường như đã quên khuấy rằng duy trì tính chính thống không thể biện minh cho việc mình lãng quên lời khuyên của Chúa Kitô “nhờ dấu này mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Người ta cũng có thể nhận xét như thế về một số tranh luận gần đây giữa các chi thể khác nhau thuộc Giáo Hội Việt Nam. Các tranh luận ấy mang đầy giọng điệu chua cay, độc địa khiến đôi lúc, người lạc quan nhất cũng phải nghĩ đó là cuộc ẩu đả bằng lời giữa hai địch thủ không đội trời chung. Hay là tại những người đó tự nghĩ họ không còn là chi thể thuộc giáo hội ấy nữa? Điều ấy rất có thể đúng nhưng chắc chẫn vẫn không cho phép họ quên lời khuyên của Chúa Giêsu trên đây từng nói với toàn thể những ai bước chân theo Người.

Luôn hành động vì tự do

Ở tâm điểm các quan điểm của Murray về tự do tôn giáo, là việc ông nắm vững một cách phi thường ý nghĩa của tự do trong hành vi đức tin. Tự do đó là khía cạnh chủ chốt trong luận án tiến sĩ của ông. Những người dưới sự dìu dắt của ông như linh mục Whelan đều cho rằng thứ tự do đó đã là kim chỉ nam cho ông trong việc đối xứ với người khác. Họ kể lại, trong những lúc khủng hoảng đức tin hay ơn gọi, Murray không hề gây áp lực đối với bất cứ ai. Ông lắng nghe chăm chú, trả lời họ bao nhiêu có thể và luôn coi người mình hướng dẫn như người ngang hàng. Lời ông khuyên họ thường là: tiếp tục cầu nguyện và “hãy Do Thái hơn, và ít Hy Lạp đi”. Ông cũng hay khuyên họ can đảm, “can đảm cần hơn trí hiểu”, lòng can đảm mà chính ông đã nắm vững trong nhiều năm tháng khi Rôma cấm cản ông không được dạy về mối liên hệ nhà nước và giáo hội, lòng can đảm đã đưa ông tới chỗ thai nghén ra Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Tuyên Ngôn trên được 2,308 phiếu thuận, 70 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Công Đồng Vatican II, một ngày trước khi Công Đồng này bế mạc. Theo một chuyên viên khác của Công Đồng là Gregory Baume, việc chấp nhận Tuyên Ngôn trên chỉ xẩy ra sau một cuộc tranh luận gay gắt và lâu dài, với nhiều chống đối dữ dội từ một vài vị giáo phẩm thuộc Giáo Triều và các vị giám mục thuộc các quốc gia đa số là Công Giáo như Tây Ban Nha và Ý. Baume lúc đó là một linh mục thuộc Dòng Thánh Augustino, nhưng năm 1976 đã bỏ chức linh mục, tuy vẫn dạy thần học tại Gia Nã Đại, cho tới ngày nay. Tác phẩm mới nhất của ông về thần học là cuốn Signs of the Times: Religious Pluralism and Economic Injustice, Novalis, 2008. Theo Baume, trong thế kỷ 19, Giáo Hội Công Giáo không hẳn thừa nhận tự do tôn giáo, với chủ trương “chân lý có đủ mọi quyền còn sai lạc thì không có quyền gì cả”. Áp dụng vào thực tế, nguyên tắc trên có nghĩa là vì theo các tôn giáo sai lạc, nên những người không phải là Công Giáo không có quyền tự do tôn giáo, cùng lắm chỉ nên khoan thứ cho họ trong xã hội mà thôi. Baume bảo điều ấy sai, vì chân lý là một quan niệm trừu tượng, trong khi con người cụ thể có những quyền lợi của họ. Baume cũng cho rằng vì Tuyên Ngôn này, Vatican phải duyệt lại các hiệp ước của mình với nhiều quốc gia đa số là Công Giáo để họ hết còn coi Công Giáo là quốc giáo nữa.

Những người chống đối Tuyên Ngôn sợ rằng nếu chấp nhận nguyên tắc tự do tôn giáo, Giáo Hội sẽ tự mâu thuẫn với chính mình. Nhưng các thần học gia như Murray và Baume lúc đó thì cho rằng không có gì là mâu thuẫn cả, vì giáo huấn của Giáo Hội có thể uyển chuyển biến hóa theo hoàn cảnh, một diễn trình được họ gọi là “phát triển học lý”. Trong một nhận định vào năm 1966, Murray nói rằng chống đối ý niệm phát triển học lý mới thực sự là lý do chính của phe chống đối Tuyên Ngôn.

Khi Tuyên Ngôn được chấp nhận, một thú nhận lầm lẫn trong quá khứ của Giáo Hội đối với tự do tôn giáo đã được thêm vào. Câu ấy như sau: “Mặc dầu đời sống của Dân Thiên Chúa, trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử nhân loại lữ thứ, một đôi khi cũng có những phương cách hành động ít thích hợp, hay hơn nữa, trái với tinh thần Phúc Âm” (số 12). Sự thú nhận này là do gợi ý của Đức Hồng Y Josef Beran của Prague lúc ấy thuộc chế độ Cộng Sản Czechoslovakia. Ghi nhận rằng trong lịch sử xứ sở của ngài từng có việc thiêu sống người ly giáo và buộc người ta trở lại Đạo Công Giáo, ngài kêu gọi công đồng chấp nhận bản tuyên ngôn “trong tinh thần xám hối vì các tội lỗi quá khứ của mình”.

Khỏi nói, ai cũng biết Đức Hồng Y Beran và các nghị phụ khác thuộc các xứ do cộng sản cai trị hết lòng ủng hộ Tuyên Ngôn này vì nó không phải chỉ thiết lập ra nguyên tắc tự do tôn giáo mà thôi, nó còn là lời kêu gọi để cho giáo hội được độc lập đối với nhà nước và được bảo vệ chống lại sự xâm phạm của nhà nước đối với các tôn giáo có tổ chức.

Tuyên Ngôn nói rằng: “Nếu thẩm quyền dân sự có ý kiểm soát hay hạn chế các hoạt động tôn giáo, thì phải nói là họ đã đi quá quyền hạn của mình”. Một trong những người nhiệt liệt ủng hộ Tuyên Ngôn chính là Tổng Giám Mục Karol Wojtyla của Krakow, Poland, lúc ấy còn do khối Xô Viết kiểm soát. Tại phòng công đồng vào năm 1965, vị tổng giám mục 45 tuổi này đã lên tiếng biện luận rằng không nhà nước nào có quyền khống chế tôn giáo. Theo Baume, vị tổng giám mục này hết sức chú ý tới bản văn và bản văn ấy đã làm ngài ‘quay về’ với các nhân quyền. “Ngài trở thành một nhà quán quân của nhân quyền trên khắp thế giới, không phải chỉ là các quyền của tôn giáo, các nhân quyền vốn đặt căn bản trên nhân phẩm của con người”.

_______________________________________________________________

(1) Roger Williams (21/12/1603 – 18/4/1683) là nhà thần học người Anh, nổi tiếng bênh vực sự khoan dung tôn giáo và tách biệt giữa giáo hội và nhà nước và là người cổ xúy cho việc phải đối xử tử tế với người Thổ Dân Mỹ.

(2) Trong ngữ cảnh cuộc Cách Mạng Pháp, Nhóm Jacobin (1789-1794) thường chỉ những người có tư tưởng cách mạng.

(3) Hai điều đầu trong Tu Chính Án Thứ Nhất nói rằng: Quốc Hội sẽ không ban hành bất cứ đạo luật nào liên quan tới việc thiết lập một tôn giáo (gọi là Điều Thiết Lập) hay ngăn cấm việc tự do thực thi tôn giáo (gọi là Điều Tự Do Thực Thi).

(4) John Adams (30/10/1735 –4/7/1826) là một chính trị gia Mỹ và là tổng thống thứ hai của Hiệp Chúng Quốc (1797–1801), sau khi làm phó tổng thống (1789–1797) hai nhiệm kỳ. Ông được coi là một trong những vị lập quốc nhiều ảnh hưởng nhất của Mỹ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thập Giá Giữa Nắng Hè
Sr. Thérésa Thanh Thảo
06:07 06/07/2009

THẬP GIÁ GIỮA NẮNG HÈ



Ảnh của Sr Theresa Thanh Thảo, CMRM, Nebraska.

Cho tôi làm Thập tự

Trên ngọn tháp giáo đường

Để luôn luôn ghi nhớ

Sống cuộc đời yêu thương…

(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền