Ngày 10-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một người nông dân ra đi gieo giống
Lm Nguyễn Hữu Thy
02:35 10/07/2008
Chúa Nhật XV Thường Niên/A:

Một người nông dân ra đi gieo giống


(Mt 13, 3-9)

Trong cuộc sống hằng ngày có không biết bao nhiêu chuyện để kể. Chẳng hạn: Một người nông dân đang sinh sống hạnh phúc với cả gia đình trong một nông trại rộng lớn. Bỗng nhiên có tin nhà nước sẽ mở một con đường nhựa liên tỉnh đi qua ngay giữa nông trại của ông ta. Với tất mọi phương tiện người nông dân đã cương quyết phản đối và chống lại. Tất cả đều vô hiệu quả! Những hình ảnh tương phản hiện lên trong trí người nông dân đáng thương: Thay vào những cây ăn quả xanh tốt, nặng chĩu hoa trái, dãy nhà cửa khang trang, mái ấm gia đình, những tiếng cười nói, các cuộc lễ, và cả đời sống, v.v… nay mai sẽ được thay thế bằng con đường cao tốc với nào là nhựa đường, đá sỏi, dầu hắc ín, đoàn xe cộ qua lại ầm ĩ ngày đêm.

Hay: Một thầy giáo từng đem hết mọi nỗ lực giúp cho lớp học ông phụ trách: Ông đầu tư thời gian, các khả năng và sức lực vào đó. Tuy nhiên ông cảm thấy không mang lại hiệu quả, ông thấy công lao mình không được ghi nhận. Ông trở nên chán nản, mất hết can đảm. Tất cả mọi sự đều trở nên công cốc?

Hay: Hai toán người bàn cãi với nhau về những quan điểm đối lập nhau. Người nói đi kẻ nói lại, nhiều luận cứ được nêu lên, người ta đưa ra những suy tư của mình. Nhưng mọi người đều chủ quan, bảo thủ lấy ý kiến mình, chứ không khách quan suy nghĩ và tìm hiểu quan điểm của người đối thoại với mình, hoặc ít ra tôn trọng và lắng nghe ý kiến họ trình bày. Không phải tất cả đều vô ích hay sao?

Hay: Cha mẹ đã cố gắng tìm mọi cách để giáo dục con họ cái một cách cởi mở thông thoáng và với ý thức trách nhiệm. Họ đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng và rất thông cảm với con cái. Tuy nhiên đứa con trai vẫn bỏ nhà ra đi, nó cảm thấy xa lạ đối với cha mẹ, nó quyết trút bỏ hết quá khứ. Phải chăng tất cả mọi cố gắng đã không trở thành vô ích?

Chính chúng ta, những người đang tham dự Thánh Lễ hôm nay, nhiều lần cũng đã không mệt mỏi, bất động và cam phận? Phải chăng những quãng «đường nhựa đá sỏi» của sự cam phận và bất lực ngạo nghễ chiếm đoạt «mảnh vườn» phì nhiêu nơi tâm hồn chúng ta?

Chúa nhật hôm nay đã đối chiếu thực tại cuộc sống chúng ta với sứ điệp trong dụ ngôn về «Người gieo giống và hạt giống», về thửa đất xấu và tốt, về tình trạng «toi công» và tình trạng phát triển gấp trăm lần của hạt giống.

Người nông dân đang gieo lúa vào ruộng
Tất cả chúng ta đều được mời gọi lắng nghe và tìm hiểu. Qua dụ ngôn này, hình ảnh về hoàn cảnh đầy căm go thử thách và vất vả của cộng đồng các Kitô hữu tiên khởi cũng như của từng cộng đoàn nhỏ của họ, đã hiện rõ trước mắt chúng ta:

Chúng tôi rao giảng và công bố, chúng tôi mang đến cho nhân loại sứ điệp quan trọng, nhưng đã có ai tin chúng tôi? Chúng tôi cảm thấy lẻ loi, bị theo dõi và bị bỏ rơi. Trong khi đó những kẻ gieo cỏ lùng vực lại vô số, và Thiên Chúa không can thiệp, cứ để mặc họ tự do tác oai tác quái. Ðiều gì rồi sẽ xảy ra đây?

Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng số phận Chúa Cứu Thế cũng không may mắn hơn: Người đã đến với dân Người, đã loan báo và đã nói trước cho họ biết và đã được chứng thực bởi Trời Cao, nhưng dân Người đã không tiếp nhận Người. Người đã giảng dạy dân chúng, đã chữa lành bệnh tật cho họ, đã an ủi họ, nhưng đáp trả lại: Người chỉ gặp phải sự cứng lòng không tin, sự chống đối, khước từ và sự hận thù. Trong khi Ðức Giêsu báo tin cho dân Người biết là Nước Thiên Chúa đang đến gần, thì các giáo chức, các nhà thần học và các nhà chính trị của dân Người lại bàn bạc với nhau: phải làm thế nào để có thể tiêu diệt được Người.

Qua mọi thời đại, Lời hằng sống của Thiên Chúa đã được gieo vãi ra khắp nơi. Và bài dụ ngôn cho chúng ta thấy rằng: Tất cả chúng ta đều được nói đến, đều được nhắc tới và được ẩn thân trong sự chăm lo săn sóc của người gieo giống vĩ đại. Lời Chúa luôn vang động mạnh mẽ trong các tâm hồn. Nhưng không phải do công sức chúng ta tạo ra, do những tính toán và dàn xếp sắp đặt của chúng ta. Chính Thiên Chúa tự định liệu các việc của Người.

Nhờ sức mạnh và dựa theo ý muốn của Người Gieo Giống Giêsu Kitô, bao nhiêu người gieo giống khác đã lên đường ra «ruộng» công tác: Các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo lý viên, các nam nữ tu sĩ, các vị linh mục, những người giáo dân già trẻ.

Nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn «Người gieo giống» như thế và ý thức được mình là người trong cuộc, là người được kêu mời tham gia, bấy giờ chúng ta sẽ cảm nhận được ngọn lửa nóng ấm và cháy sáng của những lời Ðức Giêsu đã phán. Những lời đó không đưa ra một giải pháp dễ dàng, nhưng chúng chỉ cho chúng ta một con đường. Chúng trợ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của hoàn cảnh và cuộc sống chúng ta, chúng an ủi và động viên chúng ta bằng sự chắc chắn đầy hy vọng của mình; chúng kêu gọi chúng ta nhập hàng ngũ của các người gieo giống và cầu mong cho chúng ta có được đức điềm tĩnh và lòng hăng hái tận tâm của các vị đó.

Nói tóm lại, dụ ngôn mà hôm nay chúng ta đã được nghe trong bài Tin Mừng, quả thực là một dụ ngôn tạo nên lòng can đảm, loại bỏ sự tự ti mặc cảm và sự cam phận, vạch ra một lối đi và thức tỉnh niềm hân hoan. «Một người gieo giống đi ra gieo giống trong ruộng mình. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba mươi!» (Mt 13,4-9)

Và tất cả chúng ta vừa là những người gieo giống cần mẫn, vừa là thửa ruộng phì nhiều mầu mỡ cho lời Thiên Chúa
 
Dụ Ngôn Người Gieo Giống
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:09 10/07/2008
Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên A (Mt 13:1-23)

Trong chương này, Thánh Matthêu ghi lại 7 dụ ngôn của Chúa Giêsu mà thường chúng ta gọi là các Dụ Ngôn về Nước Trời. Trước đây phần lớn các học giả Thánh Kinh Công Giáo coi Hội Thánh là hiện thân của Nước Trời nơi trần thế. Ngày nay, có một số học giả không đồng ý với cách giải thích này. Nhưng dù đồng ý hay không thì cũng không thể tách rời Hội Thánh ra khỏi Nước Trời. Công Đồng Vaticanô II dạy: “Chúa Giêsu đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa: ‘Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến’ (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29)…. Hội Thánh là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian” (Lumen Gentium 5). Như thế các dụ ngôn Chúa nói về Nước Trời cũng là các dụ ngôn về Hội Thánh. Hôm nay, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta về dụ ngôn thứ nhất của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Matthêu.

Mt 13:1-2: Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Thánh Matthêu mở đẩu chương này bẳng việc Chúa ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng. Theo Thánh Hilary (xem Catena Aurae) thì chiếc thuyền này tượng trưng cho Hội Thánh, còn đám đông dân chúng là muôn dân đang mong chờ Tin Mừng. Từ thuyền này Chúa giảng dạy bằng dụ ngôn. Việc Chúa ngồi trong thuyền và giảng dụ ngôn có nghĩa rằng người nghe chỉ có thể hiểu được dụ ngôn Chúa giảng qua Hội Thánh, vì Chúa sẽ trao phó Lời Người cho Hội Thánh, và chỉ có Hội Thánh mới thật sự có quyền dẫn giải Lời Chúa. Ai ở trong thuyền của Hội Thánh thì cũng giống như các môn đệ ở trên thuyền với Chúa. Dụ ngôn theo tiếng Hy Lạp παραβολε có nghĩa là so sánh với nhau, dùng để chỉ sự tương tự giữa một sự vật cụ thể và một vấn đề luân lý hay tinh thần. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để so sánh giữa Chân Lý của Kitô Giáo với các biến cố hàng ngày của đời sống. Dụ ngôn là những chuyện ngắn Chúa dùng để dẫn nhập vào các bài giảng của Người. Qua việc dùng dụ ngôn, Chúa làm cho người nghe chú ý, và hiểu dễ dàng hơn những vấn đề trừu tượng. Dù người nghe có học hay không, nhờ Chúa dùng những gì người nghe quen thuộc nên dễ hấp thụ và nhớ điều Chúa giảng.

Mt 13:3-9: Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.

Muốn hiểu dụ ngôn này, chúng ta cũng phải hiểu một chút về địa dư và phong tục của người Do Thái. Người Việt Nam khi đọc dụ ngôn Người Gieo Giống này nhiều khi thấy phi lý, vì tại sao không chỉ gieo giống vào ruộng mà lại đi gieo trên đường, trên đá sỏi, trên bụi gai. Ruộng ở đất Do Thái thời đó khác ruộng ở Việt Nam, nhất là ruộng ở châu thổ sông Cửu Long hay sông Hồng Hà. Nếu ai thăm Ðất Thánh và đến vùng đồng bằng ở phiá tây ngạn của Biển Hồ thì sẽ hiểu tại sao Chúa giảng dụ ngôn Người Gieo Giống như thế. Ðồng bằng này có nhiều lối mòn chằng chịt, rải rác những giải đất sỏi đá, với đá nằm ngay dưới mặt đất, đây đó lại có những bụi gai. Có nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh nói rằng trong thời Chúa Giêsu, người ta gieo giống trước rồi mới cày đất lên để vùi hạt giống xuống. Khi người gieo giống vãi hạt giống xuống đất thì không biết là dưới đất có đá sỏi hay không. Còn lối mòn thì chằng chịt vết chân người, nhiều khi cầy cũng không làm vỡ được đất nên hạt giống vẫn nằm trơ trọi trên những vết chân này và chim trời đến ăn mất. Họ cũng thảy hạt giống trên bụi gai vì sau đó họ cũng sẽ cày cả bụi gai cho bật gốc. Với loại đất như thế thì có những hạt sẽ sinh hoa kết quả nhiều, có hạt ít, và có hạt không sinh hoa quả gì hết.

Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn này lúc đó. Thường cách dạy có hiệu quả nhất là gợi ý cho người nghe phải suy nghĩ, tìm hiểu, đồng thời hấp dẫn họ để họ trở lại lần sau. Chúa muốn người nghe phải suy nghĩ xem Chúa muốn nói gì, và chuyện Chúa nói có liên quan gì đến họ không. Nếu ai còn muốn tìm hiểu thì sẽ trở lại với Chúa lần nữa.

Mt 13:10-13: Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.

Vương Quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập hoàn toàn khác với vương quốc mà người Do Thái mong chờ. Dù họ đọc Cựu Ước, họ vẫn không hiểu hay không muốn hiểu về vai trò của Ðấng Kitô. Họ muốn và mong chờ một Ðức Kitô theo ý họ chứ không phải theo ý Thiên Chúa. Chúa dùng dụ ngôn để giúp họ mở mắt ra. Không phải là Thiên Chúa không ban ơn cho họ biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng vì họ bị mù quáng bởi những quan niệm cố chấp của họ nên lòng họ không mở ra để lãnh nhận ơn soi sáng của Thiên Chúa. Còn các môn đệ thì đơn sơ, không có thành kiến gì cả, mà tin vào Chúa nên hiểu được những gì Chúa nói.

Ơn của Thiên Chúa là ơn nhưng không vì Chúa yêu thương mà ban cho chúng ta, chứ không phải vì chúng ta xứng đáng. Nhưng nhận được hay không thì tùy thuộc vào mức độ cộng tác của chúng ta với ơn Chúa. Chúng ta phải dựa vào ba điểm sau đây để hiểu các câu này.

  • Ðức Giêsu Kitô yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ thù ghét Người vì Người đến để cứu chuộc mọi người.
  • Chúa dùng các dụ ngôn với mục đích truyền đạt tư tưởng cao siêu của Người cách rành mạch, dễ hiểu để dạy dỗ chúng ta chứ không để làm cho chúng ta hiểu lầm hay mù tối.
  • Người ta không hiểu vì kiêu ngạo, hay không sẵn lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta như một cái bình. Ơn Chúa như mưa từ trời đổ xuống, bình nào mở càng lớn thì càng lãnh được
nhiều, bình nào đóng lại thì không lãnh được gì hết. Người ta không nhận được ân sủng Chúa vì không mở lòng ra, chứ không phải tại Chúa không ban.

Ai đã có thì được cho thêm. Người nào nghe và tin vào Chúa cùng đem Lời Chúa ra thực hành, tức là theo Chúa, thì Chúa ban ơn cho mỗi ngày một hiểu biết sâu xa hơn về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Còn người nào không theo Chúa thì từ từ sẽ quên hết những lời Chúa dạy, và mỗi ngày một ra mù quáng, như là bị lấy đi mất vậy.

Mt 13:14-15: Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: 'Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành'.

Hai câu này được trích ra từ Isaia 6:9,10. Mục đích của lời tiên tri là nói với cho người Do Thái thời ngôn sứ Isaia. Chúa Giêsu dùng lời này cho dân Do Thái ở đây vì họ cũng giống như thế. Tuy nhiên, câu này vẫn có thể áp dụng cho con người thời nay. Họ đang nhắm mắt lại trước Chân Lý của Thiên Chúa, và gạt bỏ giáo huấn của Chúa ra ngoài. Chỉ có những người thiện tâm mới hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa. Nghe xuông không đủ, mà phải hiểu và chấp nhận nữa. Chính chúng ta cũng có lúc không nghe được, không hiểu được, và nhất là không mở lòng ra đón nhận Lời và ân sủng của Chúa. Nhất là ngày nay, Chúa không còn trực tiếp dạy chúng ta nữa, mà dạy qua Hội Thánh và các thừa tác viên của Chúa. Nhiều khi vì tự ái, kiêu căng, và thành kiến, chúng ta cũng trở nên đui mù, câm điếc trước những lời mà Chúa dùng miệng người khác để nói với chúng ta. Ngày nay nhiều học giả Kinh Thánh thời danh, nhiều nhà thần học Công Giáo lỗi lạc đã trở nên sai lầm vì họ nghĩ rằng họ giỏi hơn Huấn Quyền. Cho nên muốn hiểu Lời Chúa thì cần ơn Chúa nhiều hơn là cần sự thông minh. Mà ơn Chúa từ trên cao chỉ có thể chảy xuống chỗ thấp. Nếu chúng ta hạ mình xuống thì chúng ta sẽ nhận được ơn hiểu biết Lời Chúa. Nếu chúng ta đưa mình lên thì ơn đó sẽ chảy chung quanh chúng ta đến những người thấp hèn hơn chúng ta.

Mt 13:16-17: Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

Lịch sử dân Do Thái là lịch sử của một cuộc sửa soạn và mong đợi sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Các tổ phụ, các ngôn sứ và dân chúng đã mòn mỏi đợi chờ. Họ đã chết đi mà không được thấy Người. Ông Simêon là người đại diện cho họ, và khi được thấy Hài Nhi Giêsu rồi thì ông hoàn toàn thỏa mãn để nhắm mắt lià đời (Lk 2:28-30). Các môn đệ thật diễm phúc, không những các ông được thấy Chúa, được nghe Lời Chúa, mà còn được thành bạn hữu Chúa, và được làm nhân chứng cho Chúa. Hồng ân các ông lãnh được không phải vì các ông xứng đáng, nhưng vì Chúa đã gọi và chọn các ông. Nhưng muốn được diễm phúc đó, các ông cũng phải đáp lại lời mời gọi của Chúa, cùng bỏ mọi sự mà theo Người.

Ngày nay Chúa cũng nói với chúng ta rằng “phúc cho mắt các con vì chúng thấy được, và cho tai các con, vì chúng nghe được.” Chúng ta thấy và nghe được gì? Bằng con mắt đức tin, chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa trong đời chúng ta, trong những người chung quanh chúng ta, và nhất là thấy được Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, cùng trong Hội Thánh Công Giáo của Chúa. Chúng ta nghe được Lời Chúa trong Thánh Kinh, qua sự giảng dạy của Hội Thánh, và nhất là lời “Nhân danh Ðức Kitô, tôi tha tội cho anh/chị” trong Bí Tích Hòa Giải, qua vị linh mục thay mặt Ðức Kitô mà nói với chúng ta như ngày xưa Chúa nói “Tội con đã được tha, hãy ra về bình an.” Có biết bao nhiêu người tự nhận mình là Kitô hữu mà đâu có được hồng phúc đó. Còn bao nhiêu người nữa chưa biết Ðức Kitô, và chưa tìm ra chân lý. Vậy hãy cảm tạ Chúa và sống thế nào để qua chúng ta, người khác nhận ra sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần gian này.

Mt 13:18-19: Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.

Chúa bắt đầu giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống.

Người nào tìm hiểu đủ mọi thứ, mà không phân biệt được cái gì là hay cái gì là giở, thì như miếng đất hay như lối mòn ai đạp lên cũng được. Khi vui tai thì nghe Lời Chúa, nhưng không hiểu, và không yêu mến Lời Chúa hơn những lời khác. Vì không yêu mến Lời Chúa nên tà thần đến tận lòng họ để giựt lấy Lời như chim trời giựt mất hạt giống trên lối mòn.

Mt 13:20-21: Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.

Ngày nay có nhiều người Công Giáo bỏ qua Tin Lành vì các mục sư giảng hay hơn các Cha. Tôi biết có những người Công Giáo cuối tuần nào cũng nghe mục sư Joel Osteen của Lakewood Church giảng vì ông mục sư này giảng rất hay. Họ cho biết là ông không bao giờ nói điều gì chướng tai họ cả. Có lẽ Chúa Giêsu ví những người này như đất đá sỏi, thích nghe Lời Chúa vì vui tai mà không đem ra thực hành, nên chỉ biết cách hời hợt bên ngoài. Vì không thấm nhuần Lời Chúa ở trong lòng như cây lúa không mọc rễ sâu, nên dễ chán nản, bỏ nhà thờ này sang nhà thờ khác khi cha sở hay vị mục sư giảng những lời khó nghe, hoặc mất đức tin khi bị thử thách.

Mt 13:22: Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được.

Câu này có lẽ Chúa nói với chúng ta, nhất là những người sống tại Âu Mỹ. Hầu hết người Công Giáo Việt Nam đi lễ ngày Chủ Nhật vì bị bắt buộc cách này hay cách khác. Chưa đến nhà thờ thì đã bồn chồn trong lòng về việc làm ăn dang dở. Có cầu nguyện thì cũng xin Chúa ích lợi phần xác nhiều hơn ích lợi phần hồn. Vì lo lắng như thế nên đâu có thì giờ mà suy niệm Lời Chúa, mà để cho Lời thấm nhập tâm hồn mình, và ảnh hưởng đến cuộc sống mình. Cho nên Lời Chúa bị những lo lắng khác làm cho chết ngạt.

Mt 13:23: Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".

Ðất tốt là đất được cầy bừa, vun sới cẩn thận. Ðất tốt thấm nhuần nước mưa, phân bón và sương sa. Muốn cho đất tốt thì phải cầy lên, bới tìm các gồc rễ cỏ lồng vực và sỏi đá mà quẳng đi, có nghĩa là phải biết hy sinh, hãm minh, chấp nhận đau khổ. Phải năng xét mình để tìm ra tội lỗi mà tiêu trừ qua Bí Tích Hòa Giải. Phải năng lãnh các ân sủng của Thiên Chúa qua việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, lãnh nhận các Phép Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể cách thường xuyên. Như đất nhận mưa, sương sa và phân bón thường xuyên, chúng ta cũng phải nhận được những ân sủng của Chúa Thánh Thần, để nhờ đó có thể sinh những “hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, hòa nhã, tiết độ” (Gal 5:22). Nếu không lòng trí chúng ta cũng trở nên đất đá khô cằn, ơn Chúa không thể thấm nhuần được, và Lời Chúa không thể mọc lên được.

Câu Hỏi Ðể Suy Nghĩ Và Thảo Luận

1. Dụ ngôn là gì? Tại sao Chúa lại dùng dụ ngôn để giảng dạy?

2. Bốn loại đất mà Chúa Giêsu nói đến ở dụ ngôn Người Gieo Giống là gì? Ðặc tính của mỗi loại ra sao? Việc gì xảy ra cho hạt giống rơi vào mỗi loại đất này?

3. Việc gì một dụ ngôn có thể giải thích được mà những lời lẽ thông thường không giải thích được?

4. Làm sao mà lời thách thức của Chúa Giêsu ở câu 9 có thể giúp chúng ta hiểu được câu 11 và 12? Làm thế nào đức tin có thể mở lòng bạn để nhận ra những ý nghĩa tâm linh của Lời Chúa?

5. Những đức tính nào cần thiết để bạn có thể hấp thụ Lời Chúa?

6. Việc Chúa dẫn chứng lời ngôn sứ Isaia trong câu 14-15 có giúp bạn hiểu tại sao mà người ta không hiểu được dụ ngôn không? Tại sao?

7. Trong câu 16-17, Chúa Giêsu đưa ra một Phúc Thật mới. Các môn đệ đã thấy và nghe được những gì mà các ngôn sứ mong được nghe và thấy mà không được?

8. Bạn có thể nghe thấy Lời Chúa và chứng kiến công trình của Chúa trong thế giới hôm nay không? Bạn có nghĩ rằng mình cũng có phúc hơn các ngôn sứ không? Bạn đã và sẽ làm gì để xứng đáng với phúc này?

9. Lời Chúa Giêsu giải thích về dụ ngôn Người Gieo Giống trong câu 18-23 tỏ cho bạn thấy gì về hạt giống? Về các loại đất? Về hoa trái? Và về người chủ ruộng? Bạn tự cho mình là loại đất nào?

10. Làm sao bạn giải thích dụ ngôn này với những trẻ em sống ở thành thị, chưa bao giờ biết đồng ruộng là gì? Bạn có thể tìm ra những gì tương tự để dùng không? Hãy kể ra vài ví dụ cụ thể.

11. Tại sao mà có quá nhiều người hiểu sai ý nghĩa của các lời trong Kinh Thánh?

12. Cái gì là rễ sâu để giúp các tín hữu khỏi sa ngã? Rễ của bạn là gì? Nó sâu chừng nào?

13. Những lo lắng nào có thể làm việc lớn lên trong Ðức Kitô của bạn bị chết nghẹt? Bạn sẽ làm gì để thoát khỏi “bụi gai” đó?

14. Chúa Giêsu muốn các tín hữu sinh hoa kết quả thế nào? Bạn có thể làm gì để gia tăng công xuất của bạn?
 
Đức tin của binh sĩ trẻ người Nga
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
08:44 10/07/2008
ĐỨC TIN CỦA BINH SĨ TRẺ NGƯỜI NGA

... Chúa có nghe tiếng con không, lạy Chúa? Trong đời con, con chưa bao giờ thưa chuyện với Chúa. Tuy nhiên, ngày hôm nay đây, con cảm thấy nhu cầu cần phải chào hỏi Chúa.

Con biết rằng, ngay từ lúc còn thơ, người ta không ngừng lập đi lập lại, rót vào tai con rằng: ”THIÊN CHÚA không hiện hữu. Không có THIÊN CHÚA!” Và con, con thật dại dột ngu si đến độ, con tin rằng điều đó đúng thật, nghĩa là không có THIÊN CHÚA!

Cho đến giờ phút này đây, con cũng chưa bao giờ để ý đến hoặc chiêm ngưỡng vẽ đẹp của thiên nhiên. Chỉ mới hôm nay thôi, con mới nhận ra vẽ đẹp này. Đối diện với trái đất, là bầu trời lấp lánh đầy sao, đang hiện diện trên đầu con. Con lặng lẽ chiêm ngắm vẽ đẹp tuyệt vời của bầu trời lấp lánh muôn ngàn tinh tú! Ôi tuyệt đẹp biết là chừng nào!

Làm sao mà con đã có thể bị lừa dối một cách phũ phàng cay đắng đến như thế!

Lạy Chúa, con không biết Chúa có giơ tay ra tiếp đón con không, nhưng phần con, con xin xưng thú điều này với Chúa và con tin rằng, Chúa sẽ hiểu con, đó là: phép lạ đã xảy ra, bởi vì, giữa vực thẳm của địa ngục trần gian khủng khiếp này, ánh sáng đã chiếu dọi, và con đã nhìn thấy ánh sáng!

Con sẽ không nói thêm với Chúa điều gì khác nữa, ngoài việc bày tỏ với Chúa niềm vui vì được biết rằng: Chúa hiện hữu thật sự. Chúa là Đấng Hằng Sống.

Vào đúng nửa đêm - đêm nay - chúng con được lệnh phải bắt đầu cuộc tấn công. Nhưng kể từ giờ phút này đây, con không còn sợ hãi gì nữa hết! Bởi vì, con biết rằng, Chúa đang ghé mắt chăm chú nhìn con...

Thôi, Chúa ơi, còi báo hiệu rồi. Phải làm sao bây giờ? Con không có chọn lựa nào khác, ngoài việc phải thi hành quân lệnh! Tuy nhiên, nếu được ở yên nơi đây với Chúa thì thật tuyệt diệu êm ái biết chừng nào!

Con muốn vội vàng bày tỏ thêm với Chúa điều này nữa: Chúa biết không, trận chiến này sẽ vô cùng khốc liệt! Có lẽ ngay chính đêm nay, con sẽ đến gõ cửa nơi nhà Chúa!

Cho dẫu rằng, con đã không bao giờ là bạn hữu của Chúa, nhưng Chúa có cho phép con vào trú ngụ nơi nhà Chúa không?

Coi kìa, người ta nói rằng con đang khóc!... Chúa có thấy điều lạ lùng đang xảy ra nơi con không?... Sở dĩ con khóc, là vì đôi mắt tinh thần của con được mở ra!

Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Con sắp xông vào trận chiến và con biết chắc chắn rằng, con sẽ không sống sót để trở về với gia đình. Nhưng lạ lùng và tuyệt diệu thay, con không cảm thấy sợ chết chút nào hết!!!

... (Đức Tin của binh sĩ trẻ người Nga, qua bức thư tìm thấy trong túi áo, sau khi chàng tử trận).

... ”Chúc tụng Chúa Hóa Công. Hãy ca tụng Chúa, tự cõi trời thăm thẳm. Hãy ca tụng Người, mãi tận chốn cao xanh. Hãy ca tụng Chúa, mọi sứ thần thuộc hạ. Hãy ca tụng Người, toàn thể đạo thiên quân!. .. Hãy ca tụng Chúa, này vừng ô bóng nguyệt. Hãy ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi. Hãy ca tụng Chúa, hỡi cửu trùng cao vút. Cả khối nước trời, chứa trên khoảng thinh không!. .. Hãy ca tụng Chúa, tự khắp mười phương đất. Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ. Khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian. Ai là nam thanh, ai là nữ tú. Khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng. Nào hãy ca mừng thánh danh Đức Chúa!” (Thánh vịnh 148).

(Marie-Michel, ”Infinie sa Tendresse”, Le Sarment/FAYARD, 1986, trang 156-157)
 
Thái độ của người đón nhận hay là tấm lòng của người gieo?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:56 10/07/2008
Chúa Nhật XV Thường Niên A

THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI ĐÓN NHẬN HAY LÀ TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI GIEO?

Thoặt nghe bài Tin Mừng vốn đã quen tai là dụ ngôn người gieo giống, chúng ta không khỏi nghĩ ngay đến những thái độ khác nhau của người nghe Lời Chúa. Cũng là lắng nghe Lời, nhưng tùy thuộc vào thái độ tiếp nhận thì mới có những hiệu quả tốt xấu, ít nhiều, khác nhau. Một số nhà nghiên cứu Tin Mừng cho rằng có lẻ xuất phát bởi nhu cầu của Hội Thánh sơ khai trong việc đón nhận Lời Chúa nên các tác giả Tin Mừng đã thêm vào phần giải thích bài dụ ngôn ( parabole ) theo kiểu văn phong thể phóng dụ ( allégorie ), tức là áp dụng từng chi tiết của câu chuyện, một thể văn mà các giáo phụ thường dùng, khác với thể văn dụ ngôn, một thể văn thông dụng thời Chúa Giêsu, là thường chỉ nhắm đến một điều muốn nói.

Dù sao đi nữa thì Lời Chúa vẫn nguồn sống cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Việc thiên về thái độ của người đón nhận Lời đã, đang và mãi còn chân giá trị. Ân sủng không loại bỏ tự nhiên, một chân lý mà Hội Thánh luôn khẳng định cách chắc chắn. Tuy nhiên, xin được chia sẻ một vài ý tưởng nhỏ khi nhìn ngắm tấm lòng của người gieo giống.

1. Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết chân lý ( x. 1Tim 2,3-4 ):

Đây là một sự thật cần khẳng định mà không sợ sai lầm. Đấng Toàn Thiện sẵn sàng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân hẳn là Đấng không muốn bất cứ một ai phải hư mất. Chính vì thế Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm đủ cách thế, giúp mọi người nhận biết chân lý, để được sống trong hạnh phúc viên mãn. ( x. Mt 5,45; Ga 6,39 )

Có lẽ hình thức “cấy mạ” chưa hình thành và phát triển trong nghề nông vào thời bấy giờ. Ngay cả với ngành nông nghiệp hiện đại hôm nay thì cách thức gieo hạt, người Việt Nam ta gọi là “sạ lúa” vẫn còn phổ biến. Nhìn người nông phu vung tay sạ lúa giữa trời trưa, nhiều gió, chúng ta thoáng thấy một nét đẹp của sự hào phóng.

Từng nắm lúa được tung gieo theo chiều gió. Có nhiều hạt rơi trên mảnh đất đã cày xới, cũng có nhiều hạt vung vãi trên bờ giường, bờ thuở…Bác nông phu chẳng tiếc, chẳng nao. Làm sao tránh được những hao hụt. Nhưng không sao, mùa vụ trước mắt sẽ dư đầy. Trở lại với dụ ngôn Chúa Giêsu kể năm nào. Người chỉ nêu có bốn loại hạt rơi ở bốn mảnh đất khác nhau. Giả như số hạt ấy được chia đều cho bốn loại đất, ta thử làm con tính xem sao. Mất ba, chỉ được một. Tưởng chừng như thua lỗ, nhưng vẫn còn dư lãi. Chỉ với một loại hạt rơi trên đất tốt, đã có hạt sinh một trăm, hạt sinh sáu mươi, hạt sinh ba mươi. Thế là sinh lợi bình quân trên sáu mươi. Khấu trừ cho ba loại hạt có vẻ như đã mất thì vẫn còn lãi dư.

Tấm lòng của Thiên Chúa, Đấng gieo hạt Lời từ trên, thật bao la khôn xiết. Người đã gieo Lời Người khắp cả vũ hoàn. Mỗi kỳ công tay Người tác tạo, dù chẳng một âm thanh, nhưng là mỗi Lời của Người được tung gieo ( x.Tv 18,2-5 ). Thiên Chúa gieo Lời của Người vào tận đáy lòng mỗi con người. Chẳng máy móc tân kỳ nào có thể ghi âm, nhưng hiệu quả của “tiếng lòng” ấy không ai là không chân nhận, mỗi khi lý trí đã biết xét suy. Thiên Chúa gieo Lời của Người qua các biến cố lịch sử, đặc biệt qua lịch sử một dân được tuyển chọn và đến thời kỳ viên mãn Người đã gieo Lời trọn hảo của Người qua chính Con Một làm người ( x.Dt 1,1-2 ). Rất có thể bị hao hụt phần nào, nhưng “ cũng như mưa với tuyết sa từ trời không trở về trời mà không sinh hiệu quả thì Lời của Thiên Chúa sẽ không trở về với với Người nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Người, chưa chu toàn sứ mạng Người giao phó” ( x. Is 55,10-11 ).

2. Dù đối với loài người là không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể ( x. Lc 1,37; Mt 19,26 ):

Vệ đường, đất sỏi đá hay đất đầy gai góc, tất cả đều có thể mọc cây, đơm bông, kết hạt. Đây là chuyện không còn viễn vông đối với khoa học công nghệ hiện đại. Sa mạc biến thành vườn rau hay thành cánh đồng cây ăn trái, không còn là chuyện xưa nay hiếm. Nhiều thứ cỏ dại như cỏ cú, cỏ chỉ, cỏ tranh không còn là nan trị đối với nông gia ngày nay. Không chỉ ở thôn quê mà ngay cả ở thành thị, những con đường đã phủ đầy cây xanh. Nhưng sự khả thể ngày càng mở ra trước mắt chúng ta. Cây sẽ mọc và đơm hoa kết trái, nếu có đủ nước và khí trời.

Với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Thiên Chúa đã ban tất cả cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?” ( Rm 8,32 ).

Vấn đề còn lại là ở mảnh đất có “sâu” đủ và “thoáng” đủ, để đón nhận nước và khí trời. Đây chính là sự khiêm nhu và lòng thành hướng thiện của mỗi người chúng ta. Nếu có sự hướng thiện và khiêm nhu chân thành thì dù cho cuộc đời ta, hoàn cảnh sống của ta như mảnh đất đầy sỏi đá hay nhiều gai góc cũng sẽ trở thành mảnh đất tốt để cho hạt giống Lời nẩy mầm, thành cây, đơm bông và kết hạt.

3. Hãy mặc lấy tấm lòng của Người gieo giống:

Chúng ta cần có chút cẩn trọng để đừng “ ném ngọc trai cho heo”. Đừng làm cớ cho người ta xúc phạm đến những gì thánh thiêng một khi đã suy xét và lường trước sự việc. Tuy nhiên, việc tích cực gieo rắc Lời Chúa bằng nhiều hình thức một cách nào đó nói lên tấm lòng của ta với tha nhân và nói lên niềm tin của ta vào quyền năng của Chúa và vào sức mạnh của Lời. Thánh Tông đồ dân ngoại dạy ta: Hãy rao giảng Tin mừng khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi. Kitô hữu chúng ta hẳn không quên câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào có ích gì” ( Mt 16,26 ), đã làm trổ sinh cho nhân loại, cho Hội Thánh một Phanxicô Xavie, vị thánh nhiệt tình rao giảng Tin mừng cho lương dân. Đoạn Tin Mừng Mt 10,7-10 đã góp phần dệt xây nên một “người nghèo của Thiên Chúa là Phanxicô khó khăn cùng với Hội Dòng anh em hèn mọn…

Người gieo, kẻ gặt, nhưng chính Thiên Chúa là Người cho mọc lên. Không ai thắp đèn rồi lấy thùng úp lên. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà mà rao giảng ( x. Mc 4,21-24; Mt 10,27). Dù mệt nhọc, muốn nghỉ ngơi cùng với các môn đệ, nhưng khi thấy đoàn người đông đảo, Chúa Giêsu động lòng xót thương, Người lại tiếp tục rao giảng ( x.Mc 6,34 ). Hãy có tấm lòng với anh chị em đồng loại, đồng thời tin tưởng vào sức mạnh của Lời, để nhiệt thành gieo rắc hạt giống. Vì đêm hay ngày, ta ngủ hay thức thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, trổ bông, đơm hạt ( x. Mc 4,26-29 ).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 10/07/2008
Rev. Anthony de Mello, SJ.


Ý RỘNG NGOÀI TRỜI



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết Suy tư


------------------------------


NHƯ NGƯỜI UỐNG NƯỚC.

N2T


Có một đệ tử phàn nàn với sư phụ, nói: “Xưa nay lúc thầy kể chuyện, không bao giờ giải thích hàm ý ở trong”.

Sư phụ trả lời: “Nếu có người đưa cho con một trái cây đã nhai rồi, con có vui lòng mà ăn không ?”

Suy tư:

Học là phải hiểu bài, hiểu ít cũng là hiểu, hiểu bài được là do thầy cô giảng giải...

Con nguời ta không ai có thể nói mình không học mà hiểu hết được mọi sự, nhưng tất cả đều phải học và phải được thầy cô giảng giải mới hiểu được cách rốt ráo.

Việc thờ phượng Thiên Chúa của người Ki-tô hữu cũngvậy, không ai tự nhiên mà biết được Thiên Chúa, nhưng phải nhờ chính Thiên Chúa tỏ mình cho mà biết qua Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, và qua Giáo Hội Công Giáo do chính Ngài thiết lập ở trần gian này.

Có những người Ki-tô hữu giữ đạo theo kinh sách, mà không đào sâu thêm về Lời Chúa trong kinh sách, họ chỉ muốn người khác mớm cho mà ăn, ngon dở gì cũng mặc kệ, cho nên cuộc sống của họ chưa thể làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô. Lại có những người Ki-tô hữu không muốn ai hướng dẫn chỉ bảo mình cả, tự mình đi tìm và giải thích Lời Chúa theo ý của mình, cho nên, có những lúc họ giải thích Lời Chúa không đúng với tinh thần của Giáo Hội, rất dễ lầm lạc trong việc sống Lời Chúa và có khi trở thành gương mù cho người khác...

Tự mình –với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội- khám phá trong kho tàng Lời Chúa những bổ ích cho linh hồn và cho cuộc sống, thì mới thấy được việc mình tin theo Chúa Giê-su là chính đáng, bằng không thì cũng giống như anh lính ngồi trong pháo đài lô cốt, chỉ giới hạn vào mấy lỗ châu mai để nhìn ra ngoài, mà địch quân thì tứ phương tám hướng đánh vào...

Hiểu Lời Chúa như thế nào thì sống như thế ấy...
 
Giá trị của thời gian
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 10/07/2008
GIÁ TRỊ CỦA THỜI GIAN

Bạn muốn biết giá trị thời gian của một năm: thì hãy đi hỏi những người đã một thời làm học sinh.

Bạn muốn biết giá trị thời gian của một tháng: thì hãy đi hỏi những bà mẹ đã sinh con sớm.

Bạn muốn biết giá trị thời gian của một tuần: thì hãy đi hỏi biên tập viên của tuần báo.

Bạn muốn biết thời gian của một giờ: thì hãy đi hỏi những người đang yêu chờ đợi gặp bạn tình.

Bạn muốn biết giá trị thời gian của một phút: thì hãy đi hỏi những người vừa mới đi tàu lửa.

Bạn muốn biết giá trị của một giây: thì hãy đi hỏi những người vừa mới suýt bị tai nạn xe hơi.

Bạn muốn biết giá trị thời gian của một phần trăm giây: thì hãy đi hỏi chủ nhân của tấm huy chương vàng trong kỳ thi thế vận hội.

Quý trọng thời gian mỗi một giây phút mà bạn có: ngày hôm qua đã trở thành lịch sử, mà ngày mai vẫn còn say mê. Hôm nay là món quà quý giá, đó là nguyên nhân mà nó được gọi là “lập tức.”

Bỏ một chút thời gian để làm một chút việc: nó sẽ là giá trị của thành công.

Bỏ một chút thời gian để suy tư một chút: nó sẽ là nguồn gốc của sức mạnh.

Bỏ một chút thời gian để yêu thương: nó sẽ là đặc quyền của thần tiên.

Bỏ một chút thời gian để cười vui vẻ: nó sẽ là âm nhạc của linh hồn.

Bỏ một chút thời gian để du ngoạn: nó sẽ làm cho tuổi thanh xuân của bạn mãi mãi tồn tại.

Bỏ một chút thời gian để giao lưu với mọi người: nó sẽ là con đường dẫn đến hạnh phúc.

Bỏ một chút thời gian để ước mơ: nó sẽ làm cho bạn sờ được các tinh tú trên trời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Sưu tầm từ tiếng Hoa.

-------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 10/07/2008
N2T


4. Cầu nguyện so với tất cả sức mạnh của ma quỷ thì mạnh hơn nhiều.

(Thánh Bernard)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
19:23 10/07/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (43)

431. Phải nghe chính lời của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa

Khi Chúa Giêsu đang đứng nơi bờ sống Giođan để chịu phép Rửa của thánh Gioan Tẩy Giả, bỗng trên trời vang lên lời trang trọng của Đức Chúa Cha: “Đây là Con Ta rất yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người. ”
Đức Chúa Cha cố ý dạy chúng ta rằng: nếu muốn lên trời, chúng ta phải nghe lời Chúa Giêsu dạy ở dưới đất nầy.

432. Thái độ khi nghe giảng Lời Chúa

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu có lập trường rõ ràng khi nghe giảng Lời Chúa: “Chúng ta chỉ có một việc là chăm chú nghe linh mục giảng”.
Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục, linh mục là những kẻ thay mặt Chúa để giảng Lời Chúa. Vì thế, khi nghe giảng Lời Chúa, chúng ta đừng để ý đến ai giảng, nhưng hãy chú tâm vào việc được nghe Lời Chúa rao giảng mà thôi.

433. Giáo Hội được Chúa Giêsu trao sứ mạng rao giảng Lời Chúa

Chúa Giêsu đã chết, đã sống lại và đã về trời. Như vậy đang còn sống trên mặt đất nầy, chúng ta làm sao nghe được lời của Chúa Giêsu giảng?
Chúa Giêsu đã tiên liệu chuyện nầy.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã giao cho Giáo Hội tất cả những điều Ngài đã giảng dạy.
Chúa Giêsu muốn cho chúng ta cũng được hạnh phúc như dân Do Thái ngày xưa, là nghe được những lời chính Chúa đã giảng dạy. Ngài phán với các tông đồ: “Hãy đi giảng dạy muôn dân… Ai nghe những điều các con dạy là nghe Ta…Ai khinh dể những điều các con dạy, là kinh dể Ta.”
Như vậy, Chúa Giêsu giao cho Giáo Hội toàn quyền giảng dạy Lời Chúa. Và ai nghe lời Giáo Hội giảng, là nghe lời Chúa giảng.

434. Lời Chúa làm cho chúng ta thuộc về gia đình của Chúa

Trong khi Chúa Giêsu giảng dạy, Mẹ và bà con đến tìm Ngài có việc cần. Người ta vội vàng báo tin cho Chúa Giêsu biết: Mẹ Ngài và anh chị em Ngài đang đứng ngoài, muốn gặp.
Lúc đó, dân chúng hết sức bỡ ngỡ khi nghe Chúa Giêsu không trả lời cho những người báo tin, mà lại đưa ra một nhận định hết sức quan trọng về Lời Chúa: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21)
Lời Chúa làm cho chúng ta thuộc gia đình của Chúa.
Khi nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, chúng ta trở nên những kẻ thân tình của Chúa Giêsu, những kẻ thuộc về gia đình của Chúa Giêsu.
Trên đời nầy, chúng ta thấy nhiều kẻ tìm đủ cách để làm cho mình được trở thành con cha cháu ông, được thuộc về gia đình sang trọng, thần thế. Nhưng trên đời nầy, có gia đình nào cao sang thần thế cho bằng gia đình của Chúa Giêsu. Và chính Lời Chúa làm cho chúng ta trở nên những kẻ thuộc về gia đình vô cùng cao sang và thần thế nầy.

435. Lời Chúa làm cho người ta ăn năn trở lại và được rỗi linh hồn

Nhờ nghe Lời Chúa, dân thành tội lỗi Ninivê ăn năn trở lại và được cứu rỗi.
Nhờ nghe Lời Chúa, vua Đavít bắt đầu nhận thấy tội lỗi nặng nề của mình và ăn năn thống hối, trở thành một vì vua thánh thiện.
Nhờ nghe Lời Chúa, Augustinô bắt đầu xấu hổ về những tội mình đã phạm trong hồi còn trẻ, ăn năn hối cải trở lại với Chúa, và trở thành một vị giám mục thông thái, thánh thiện.
Nhờ nghe Lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã từ bỏ những đeo đuổi vinh sang trần tục, ra đi làm việc tông đồ để trở thành một trong những nhà truyền giáo danh tiếng nhất của Giáo Hội.

436. Con hãy yêu Chúa Giêsu hơn yêu mẹ!

Cha Bernard Vangan luôn biết ơn mẹ ngài đã dạy ngài yêu mến Chúa Giêsu ngay khi còn nhỏ.
Ngài thuật chuyện khi còn nhỏ, ngài được mẹ ngài nói: “Mẹ yêu con lắm, nhưng nầy con, có một Đấng yêu con hơn mẹ.”
Nói vừa xong câu nầy, mẹ ngài cầm lấy Cây Thánh Giá và nói tiếp: “Con thấy không? Chúa Giêsu bị treo trên Cây Thánh Giá, còn mẹ thì không. Tay chân Chúa Giêsu bị đóng thủng vì yêu con, còn tay chân mẹ thì không. Tim Chúa Giêsu bị đâm thủng vì yêu con, còn tim mẹ thì không.”
Và mẹ ngài thúc giục ngài yêu mến Chúa Giêsu: “Vậy con hãy yêu Chúa Giêsu hơn yêu mẹ!”

437. Bí quyết đời sống nội tâm, đời sống thầm lặng

Những cuộc trở lại phi thường do các thánh tạo nên nhờ danh thơm nhân đức: những đoàn người khát khao sự thánh thiện thi đua xin đi tu, đều nói lên bí quyết đời trầm lặng.
Nhờ thánh Antôn, các sa mạc Đông phương đã chật ních những người.
Thánh Bênêđictô đã gây lên một phong trào tu sĩ cải tiến văn minh Âu Châu.
Thánh Bênađô đã gây ảnh hưởng vô song trong Giáo Hội trước mặt các vua quan và các dân tộc.
Thánh Vixentê Ferrier đã khích lệ lòng nhiệt thành khôn tả của quần chúng trên đường ngài đi qua, và đã lôi cuốn nhiều người trở lại.
Dưới cờ thánh Inhaxiô, một đoàn quân anh dũng đang rầm rộ tiến bước.
Chỉ một mình thánh Phanxicô Xaviê đã đủ để tái sinh hàng trăm ngàn người ngoại giáo.
Chỉ có quyền lực Thiên Chúa phản chiếu qua các vị Tông Đồ ấy mới có thể giải thích lý do những biến cố phi thường đó.
Đáng tiếc thay khi giữa đám người chỉ huy các công việc quan trọng, không tìm thấy được bóng dáng một linh hồn nội tâm.
Sức siêu nhiên hình như bị lấn át và quyền lựuc Thiên Chúa như bị trói buộc.
Theo lời các thánh, đó là lúc các dân tộc thoái hoá, là lúc Chúa Quan Phòng hình như để cho kẻ dữ được tự do tác hại! (x. Hồn Tông Đồ)

438. Nếu tôi có hai linh hồn!

Một vua kia yêu cầu Đức Giáo Hoàng Benoît XII ban cho mình một điều mà Đức Giáo Hoàng thấy là trái lương tâm.
Không cần suy nghĩ lâu, Đức Giáo Hoàng Benoît XII liền trả lời ngay:
- “Nếu tôi có hai linh hồn, tôi sẽ hy sinh cho vua một linh hồn, nhưng vì tôi chỉ có một linh hồn, nên tôi không được phép liều mình bị Chúa phạt đời đời để làm vừa lòng vua.”

439. Gương vươn lên của nhà đại thi hào Ganđi

Khi còn nhỏ, Ganđi là một trẻ không lấy gì làm gương mẫu:tính tình nhút nhát, lười biếng học hành, nghiện thuốc lá, nên nhiều lúc ăn cắp tiền để mua thuốc hút.
Thế mà sau nầy, Ganđi trở nên đại thi hào danh tiếng lẫy lừng, đến đổi ai cũng say mê đọc những bài thơ của ông. Ông còn là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ.
Chúng ta hãy thúc giục con em, chúng ta bắt chước gương vươn lên của nhà đại thi hào nầy.

440. Biến giấc mơ thành hiện thực

Thomas Edison mơ ước làm sao chế tạo ra được một ngọn đèn thắp sáng bằng điện.
Ông say mê ngày đêm tìm cách thực hiện ước mơ nầy.
Ông thất bại nhiều lần để thực hiện ước mơ nầy phải không?
Không! Ông thất bại không phải nhiều lần, nhưng ông thất bại hơn cả một ngàn lần.
Nhưng nhờ kiên trì mãi, ông đã thành công sau hơn một ngàn lần thất bại!


 
Gieo và Gặt
Anmai, CSsR
23:38 10/07/2008
GIEO VÀ GẶT

Trang tin mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe là trang tin mừng quá quen thuộc với mỗi người chúng ta nhưng ngày hôm nay nghe lại nó vẫn có một giá trị nhất định trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, cách riêng là đời sống thường nhật đang, đã và sẽ diễn ra trong xã hội ngày hôm nay.

Chúa Giêsu thường dùng các dụ ngôn để giảng dạy cho các môn đệ, cho dân chúng. Dụ ngôn ngày hôm nay thật là dễ thương, Chúa đã lấy hình ảnh hết sức thực tế, hết sức gần gũi trong đời sống con người để nói với mỗi người chúng ta. Chúa nói là gieo giống chứ Chúa chẳng hề nói là gieo cây nào cả, Chúa chẳng hề nói đó là lúa hay bắp, hay đậu … Nói như thế hết sức gần gũi vì lẽ ai ai cũng có thể hiểu được vì có vùng thì trồng lúa, có vùng thì trồng đậu, có vùng thì trồng cà phê, có vùng thì trồng tiêu … Bất cứ nghề nào chứ không phải riêng gì về nghề nông, ai ai cũng mong cho mình có lợi sau mùa thu hoạch chứ chẳng ai mong mình bị thất mùa hay bị thất thu.

Như một người gieo giống bình thường, Chúa cũng mong gặt được những hoa quả thật tốt nhưng rồi cuộc đời vẫn có điều gì đó bất thường là thi thoảng Chúa thất thu. Chúa thất thu vì lẽ người ta đã khép lòng mình lại, khép mảnh đất cuộc đời của mình lại không để cho Lời Chúa sinh sôi nẩy nở trong đời của họ. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương, sẵn sàng cứu độ con người nhưng còn phần con người, con người có mở lòng mình ra để cho Chúa cứu hay không là chuyện khác. Chúa gieo giống tốt nhưng con người lại cố tình làm cho hạt giống đó bị hư đi đó chính là quyết định của mỗi người.

Ta có thể hiểu một cách đơn giản về dụ ngôn này: người gieo hạt là Chúa, hạt là Lời Chúa, đất chính là mỗi người chúng ta.

Hoa quả của bất cứ cây, hạt nào cũng cần có 3 yếu tố: người gieo, giống gieo và đất để gieo.

Người gieo thì khỏi phải bàn, vì Ngài là chính Thiên Chúa, Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, đầy từ bi và nhân hậu để rồi chúng ta an tâm và tin tưởng rằng Ngài là người gieo tuyệt vời. Ngài gieo những hạt mầm tốt để cho con người được phát triển, để được sống trong vòng tay yêu thương, trong sự quan phòng kỳ diệu của Ngài.

Hạt: Lời Chúa. Chúng ta vẫn thường hát với nhau: “Halleluia, Lời Chúa sáng soi con đường đi, Halleluia, Lời Chúa khác chi như giòng suối, Hallelui, Lời Chúa bánh thiêng ban nguồn sống, phúc cho người vui nghe, yêu mến gẫm suy lời luôn”

Hát thật là hay, hát thật là to, hát thật là hoành tráng nhưng hình như Lời Chúa ngày hôm nay nó cứ mờ dần, nhạt dần trong đời sống người kitô hữu thì phải. Thánh vịnh nhắc nhở chúng ta: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” thế nhưng mấy ai trong chúng ta đã dùng lời Chúa để chiếu soi cuộc đời của mình.

Ngày hôm nay, giữa một đời sống quá phát triển, Lời Chúa dần dần bị người ta đẩy ra khỏi cuộc đời.

Thử hỏi các bậc làm cha làm mẹ xem, ngày hôm nay, cha mẹ, con cái trong gia đình mấy khi đụng đến quyển Thánh Kinh ? Trong khi đó Thánh Kinh chính là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, của ăn tinh thần cho gia đình.

Nhìn lại chương trình học của một đứa bé chúng ta thấy rất rõ.

Chập chững biết đi một chút thì vào nhà trẻ, sau đó vào cấp 1 và từ từ tiến vào đại học. Bên cạnh đó cha mẹ chúng lo lắng cho chúng quá nhiều về các kỹ năng như đàn, vi tính, học bơi. .. học ngày không đủ và tranh thủ cả học đêm nữa. Đành biết những môn đấy rất cần cho cuộc đời nhưng nó chỉ là cần chứ không phải là đủ, là căn cốt của cuộc đời này. Một thực trạng đau lòng ngày hôm nay là số lượng giáo lý viên trong các giáo xứ cứ vơi dần. Không chỉ giáo lý viên vơi dần mà các em nhỏ học giáo lý cũng vắng dần trong các lớp giáo lý. Khi hỏi đến thì cha mẹ và ngay như chính các em cũng tìm hết mọi cách để lý giải cho mình về chuyện bỏ bê học Lời Chúa mà chỉ mãi đi tìm cho mình tri thức của xã hội.

Cũng buồn cười ! Chắc có lẽ đi học cái gì càng đóng tiền cao họ càng thích đi chứ đi học Giáo lý miễn phí nên chẳng ai thèm đi học cả. Cũng nực cười hơn nữa khi chính cái học miễn phí ngày hôm nay, ngày các cháu còn trẻ chính lại là cái kho tàng vô giá, là hành trang các cháu mang theo khi vào đời. Học cao hiểu rộng biết nhiều là tốt đấy nhưng thực ra không ít người đang phải trả một giá quá đắt cho chuyện đầu tư tri thức chứ không đầu tư cho Lời Chúa.

Lời Chúa cứ theo năm tháng mờ nhạt dần trong đời sống kitô hữu.

Mảnh đất: mảnh đất để mà Lời Chúa có thể sống và phát triển chính là cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì ham chạy theo sức hút của cuộc đời, ngày hôm nay con người ta không còn dành cho Lời Chúa phát triển trong đời mình nữa. Các kiến thức về khoa học, về tin học, về xã hội nó đã chiếm hết mảnh đất của đời ta rồi thì còn gì chỗ để mà cho Lời Chúa phát triển nữa.

Mới đây, một người quen nhờ tôi giúp cho hai đứa con của chị khi chị thấy chúng dường như nói quá đáng là bỏ đạo ! Nghe chị nói xong tôi cảm thấy ngao ngán làm sao đấy ! Gia đình chị thuộc dạng khá giả, chồng chị là một người có tiếng trong giới hội họa – mỹ thuật nhưng gia đình chị đang đứng trên bờ vực của sự dữ, sự mất lòng tin, dự đánh mất Thiên Chúa ra khỏi gia đình.

Chẳng dám trách ai, chẳng dám trách chị, chẳng dám lên án ai và cũng chẳng dám lên án chị.

Có lẽ cái hậu quả, sự bi đát mà gia đình chị đang chịu lấy không phải ngẫu nhiên mà đến với gia đình chị. Nó chính là hậu quả của nhiều tháng nhiều năm mà gia đình chị chính là tác giả. Là một gia đình Công giáo hẳn hoi nhưng Lời Chúa chẳng bao giờ có cơ hội để mà sống trong gia đình của chị. Vợ chồng con cái cứ mãi miết đi tìm con chữ, đi tìm tri thức mà không tìm Lời Chúa. Chúa nhật vẫn tham dự Thánh lễ tạm gọi là cho có với người ta chứ vợ chồng con cái có để cho Lời Chúa thấm nhập vào gia đình chị đâu mà con cái chị có đời sống đạo tốt ! Tôi khẳng định một điều rằng chính vợ chồng con cái chị là người đã tạo nên hậu quả ngày hôm nay. Ngày hôm nay, dẫu rằng anh chị sống trên một đống tiền mà có thể nói là tiền tỷ đấy nhưng có hạnh phúc thật hay không hay nó chỉ là cái giả tạo ở bên ngoài về mặt xã hội thôi còn về tôn giáo, về lòng tin, về Thiên Chúa hình như chỉ là vá víu tạm bợ mà thôi.

Nếu như khi các cháu còn bé, anh chị biết dạy dỗ, hướng dẫn các cháu sống Lời Chúa cùng với các anh chị thì ngày hôm nay anh chị không phải lo lắng gì cả. Thử hỏi một ngày Chúa ban cho anh chị và các cháu được 24 giờ đồng hồ nhưng anh chị và các cháu dành được bao nhiêu phút để ngồi lại với nhau đọc kinh chung với nhau thôi chứ đừng nói là đọc lời Chúa và suy niệm Lời Chúa ?

Lo đi tìm thế gian thì thế gian sẽ tràn ngập gia đình, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời chứ có gì đâu mà chị phải lo âu và thắc mắc. Nếu như anh chị và các cháu đi tìm Lời của Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ là vua, là Chúa là chủ của gia đình anh chị.

Nhớ đến hình ảnh gia đình của chị tôi trộm nghĩ rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài cho chúng ta tự do lựa chọn thái độ sống với Ngài. Ngài không hề ép buộc chúng ta bất cứ điều gì cả. Lời Chúa vẫn có đó, Lời Chúa vẫn còn đó nhưng còn đón nhận, làm cho phát triển lại tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Chúng ta có để cho Lời Chúa trở nên nguồn sống, nguồn ánh sáng, nguồn suối cho cuộc đời chúng ta hay không chính là cách đáp trả của mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở lòng mình ra để đón nhận Lời Chúa và để cho Lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc đời mỗi người chúng ta để ngày sau Chúa gặt được những cây “lúa”, những cây “đậu”, những cây “cà phê” đầy hoa và trĩu quả.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ hàm hồ tới minh nhiên
Vũ Văn An
00:30 10/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ mập mờ đến minh nhiên

1. Mập mờ

Hôm qua, trong bài Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông thủ tướng nghe cô gái nhỏ, bạn đọc đã nghe tâm sự của Carla. Theo cô, các tường thuật của truyền thông về Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã bị bóp méo rất nhiều. Một trong những cách bóp méo ấy chính là thái độ cố ý ‘mập mờ đánh lộn con đen’. Đó là thái độ của tờ St George and Sutherland Shire Leader, một tờ báo địa phương của một vùng phía nam Sydney, ấn bản ngày 8 tháng Bẩy, với bài Giáo hội cho rồi lại lấy lại (Church giveth, and then taketh away). Họ có ý nói về việc Cơ Quan Điều Hợp Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD Co-ordination Authority) công bố danh sách 14 trường công thuộc vùng này sẽ được gắn hệ thống mới cho nước nóng và báo động khói (smoke alarm) chuẩn bị đón tiếp các khách hành hương của WYD. Đây là một tin vui. Nhưng điều không vui là sau biến cố WYD, các hệ thống kia sẽ được gỡ đi. Tệ hơn nữa, có trường vừa gắn hai hệ thống ấy xong, liền bị tháo gỡ đi, vì lý do con số khách hành hương đến vùng không đông đủ để sử dụng đến các cơ sở của trường. Báo Leader gọi hành vi ấy là hành vi Giáo hội cho đi rồi lại đòi lại.

Dù là một tờ báo địa phương, nhưng tờ Leader này nằm trong hệ thống Fairfax, cùng gia đình với những tờ như Sydney Morning Herald, đủ để có thể chia sẻ được nguồn dữ liệu chính xác và vô tư. Cho nên chắc chắn ký giả Mark O’Brien, tác giả bài báo, phải hiểu rằng cái cơ quan mà ông ta nêu tên trong bài kia, tức Cơ Quan Điều Hợp Ngày Giới Trẻ Thế Giới, không phải là một cơ quan của Giáo Hội Công Giáo, mà là một cơ quan của Chính Phủ Tiểu Bang New South Wales, lập ra để phối hợp các công việc của Chính Phủ ấy liên quan đến WYD. Họ mới là người cho đi rồi lại lấy lại. Cái số 86 triệu dollars họ bảo họ chi tiêu cho WYD chắc chắn có bao gồm ngân khoản ráp và gỡ các hệ thống kia. Nào có ăn uống chi đến Giáo Hội Công Giáo. Sự mập mờ đánh lộn con đen như thế quả đã ăn sâu vào tâm thức nhiều cư dân Sydney trong những ngày qua. Không lạ gì trong phần “comment” đối với bài báo, dù chỉ có hai ý kiến đóng góp, nhưng cả hai đều than phiền về chuyện phi lý của việc lấy tiền nhà nước chi cho các lễ lạc tôn giáo! Nhà báo đã mập mờ, mà ông chủ báo có lẽ còn cố ý mập mờ hơn nữa qua hàng tít lớn như trên.

2. Minh nhiên

Paul Davis và các con
Ông Paul Davis, một cư dân của vùng St George và Sutherland Shire, thì không mập mờ chút nào. Ông bảo: dù nghiệp đoàn hỏa xa có đình công đi chăng nữa, họ cũng không ngăn cản được hàng ngàn khách hành hương tới tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Người cha của ba đứa con này nói rằng: “chúng tôi sẵn sàng cuốc bộ”.

Theo tờ Leader vừa nhắc trên đây, Ông Davis, một giáo sư tại trường cao đẳng kỹ thuật (TAFE), cho biết ông rất biết ơn khi cuộc đình công của nghiệp đoàn hỏa xa được hủy bỏ, nhờ thế, con cái ông rất phấn khích được dịp tham dự WYD. Ông chỉ buồn khi nghiệp đoàn này sử dụng hàng ngàn khách hành hương làm con bài chính trị để thỏa mãn yêu sách riêng của mình. Ông nghĩ hành động của họ phản ảnh thái độ chung của một số đông cư dân Sydney đối với WYD. Ông nói: “tôi biết họ có ý nhắm vào Đức Giáo Hoàng, vì một số người quả có những vấn đề về việc ấy, nhưng biến cố này thực sự là việc người ta tới gặp mặt nhau. Nghiệp đoàn nói rằng họ làm thế là vì cộng đồng nhưng tôi thấy thái độ của họ hơi chút hẹp hòi và bất cần tới những người liên hệ. Những khách hành hương này đã phải vượt ngàn dặm mới tới đây. Nhưng nghiệp đoàn đã sử dụng họ như con bài, điều ấy phản ảnh rất xấu đối với phong trào nghiệp đoàn...”

Theo Ông, nhiều khách hành hương đến đây từ những nước kém may mắn hơn Úc nhiều, họ thuộc đủ tầng lớp xã hội, tới đây để sống đức tin của họ. Họ phải hy sinh nhiều lắm mới đặt chân lên được Úc châu này. Nên ta phải làm hết cách giúp đỡ họ mới đúng. Ông bảo: “Ta nên tới nhà thờ địa phương của mình, dù không phải là nhà thờ của mình đi chăng nữa, để hỏi xem mình có thể giúp được gì. Tôi sợ mình chưa làm đủ đối với các khách hành hương”

3. Tiền mà chẳng hôi tanh mùi tiền

Nước Úc mừng Ngày Giới Trẻ Thế Giới bằng cách cho đúc đồng tiền 1 dollars có hình Á Thánh Mary MacKillop. Đây là đồng tiền đầu tiên trong Loạt Những Người Úc Gây Hứng Khởi (Inspirational Australians Series). Theo hãng Zenit.org ngày 9 tháng Bẩy, Thượng Nghị Sĩ Nick Sherry, bộ trưởng đặc trách Hưu Trí và Luật Công Ty, đã cho ‘phát hành’ đồng tiền trên vào ngày Thứ Ba vừa qua. Chỉ phát hành chứ không lưu hành, vì đồng tiền này chỉ dành cho những người sưu tầm mà thôi. Loạt tiền này nhằm tưởng niệm những người Úc từng có những đóng góp ngoại thường đối với đất nước. Thượng Nghị Sĩ Sherry cho hay: “Trong tư cách vị thánh duy nhất của nhân dân Úc…, Mary MacKillop là một chọn lựa xứng đáng cho đồng tiền đầu tiên trong Loạt Những Người Úc Gây Hứng Khởi’. Ông cho hay người vẽ kiểu của cơ quan đúc tiền Úc (Royal Australian Mint) là Vladimir Gottwald đã mô tả MacKillop như người “hướng dẫn các thế hệ tương lai. Bà là người phụ nữ Úc tuyệt vời từng nêu gương can đảm, tin cậy và cảm thương phi thường, và trong tư cach vị thánh đầu tiên của ta, bà sẽ mãi mãi gây hứng khởi cho toàn thể dân tộc ta”

4. Thư giãn

Trung Tâm Nghiên Cứu Kenthurst
Tờ Daily Telegraph ngày 9 tháng Bẩy có bài của Vikki Campion nói về những ngày nghỉ ngơi của Đức Giáo Hoàng tại Sydney từ 12 tháng Bẩy cho đến khi được giới trẻ thế giới chào đón chính thức tại Barangaroo vào ngày 17. Nơi ngài nghỉ là một tòa nhà đơn giản, bao quanh bằng vườn hồng vàng trắng, với các bữa ăn đủ “món tucker Úc” pha trộn chút hương vị Ý và Đức. Tucker chính là một loại rau thực phẩm có trước thời người Âu Châu tới đây.

Theo tờ báo này, sau khi tới phi trường quân sự Richmond, Đức Giáo Hoàng sẽ được hộ tống tới Trung Tâm Nghiên Cứu Kenthurst do tu hội Opus Dei điều hành, nằm ở vùng tây bắc Sydney. Ngay khi tới đây, Ngài sẽ vào môt hội trường bằng gạch được trang hoàng duy nhất bằng bức chân dung của chính Ngài.

Nằm trên một khu đất trồng cây thổ địa rộng 10 mẫu tây, khu cấm phòng này là nơi thật lý tưởng cho vị lãnh đạo giáo hội đã 81 tuổi này chiêm niệm các biến cố dẫn tới WYD sẽ diễn ra từ ngày 15 tới ngày 20, trong đó một đám đông lên tới 500,000 sẽ tham dự.

Trung tâm Kenthurst thường chào đón những người đến đây tham dự các khóa phát triển nghề nghiệp hay dự tĩnh tâm, nhưng ngày hôm qua, nhân viên ở đây dốc toàn lực vào việc chuẩn bị đón tiếp vị khách nổi danh của mình. Ba đầu bếp thường trực sẽ phụ trách các bữa ăn cho Ngài, một người làm vườn chuyên lo ngắt những bông hoa tươi từ những bụi cây quanh đó và đặt trong một bình bông cạnh giường Ngài. Các bông hồng mầu vàng trắng, mầu của Vatican, sẽ được trưng trong ngôi nhà nguyện nằm sâu cách nhà chính 100 thước, hai bên đường trải đá dẫn tới đó có những bụi cây rừng bản địa.

Phòng thánh, được trang trí bằng bức chân dung của Ngài, sẽ là nơi Ngài cử hành thánh lễ mỗi ngày, chừng một tiếng đồng hồ. Qua các cửa sổ kính mầu, Đức Thánh Cha sẽ thấy những con sáo mầu (rosellas) và những con ăn mật (honeyeaters) hút mật hoa. Và từ ban-công, Ngài có thể thấy những con kangaroos, wallabies và thằn lằn có diềm xếp nếp ở cổ lục lọi thức ăn trong rừng.

Hôm qua, dù nhà chính được đóng kín vì lý do an ninh, người ta cũng thoáng thấy bên trong một thửa vườn có vòi phun nước lớn, một phòng khách với những chiếc ghế dựa bọc vải hoa đặt quanh một lò sưởi để giữ cho Ngài ấm áp trong những buổi chiều lạnh lẽo của Kenthurst, và một khu trống nơi Ngài có thể thư giãn quanh những cây camellias mầu hồng đậm.

Ngài và đoàn tùy tùng 12 người sẽ dùng các bữa ăn theo một thực đơn gồm đủ món Đức, Ý và dĩ nhiên Úc nữa, tại một phòng ăn cộng đoàn dưới một đèn chùm bằng gỗ sậm…Vốn là một nhạc sĩ có tài, Đức Giáo Hoàng sẽ có dịp chơi chiếc dương cầm đặt sẵn tại một căn phòng được trang trí bằng tranh ảnh diễn tả cảnh trí Úc.

Phòng ngủ của Đức Giáo Hoàng, dù tiện nghi, nhưng không xa hoa vì sẽ không có máy truyền hình, nhưng gồm chiếc giường, bàn làm việc, ghế dựa và một máy sưởi nhỏ.

Nữ phát ngôn viên của Opus Dei là Bernie Quinn, 26 tuổi, cho hay trang trại này sẽ là nơi lý tưởng để Đức Thánh Cha phục hồi sau chuyến bay quốc tế mệt mỏi.

5. Đoàn người từ muôn phương

Angela Hardy
Trong khi đó, con chiên của Ngài từ muôn phương đang đổ về Sydney. Theo Linda Morris, trên tờ Daily Telegraph ngày hôm nay, mồng 10 tháng Bẩy, họ cụ bị đủ cả Thánh Kinh lẫn tràng hạt cùng với ‘giường’ cuộn, túi ngủ, ghi-ta và mũ ni che tai len. Họ ‘công bố’ quốc tịch của họ một cách to tiếng và đầy tự hào, mình mặc đủ mầu sắc quốc gia sặc sỡ, tay mang cờ phất phới cùng với những nụ cười thật rộng.

Họ là 24 khách hành hương từ Ba Lan, 24 người khác là Mỹ nhưng sống tại căn cứ quân sự Kadena tại Okinawa, Nhật Bản, 15 người khác gồm cả ca đoàn thuộc các nhóm 700 người từ Hòa Lan, 21 người từ giáo phận Manchester, bang New Hamshire của Mỹ và 117 người từ Đức, những người bỗng nhiên cất cao một bài thánh ca không soạn.

Phòng đợi ở nơi đến tại phi trường Sydney, sáng hôm qua, thật bận rộn với đợt đông khách hành hương đầu tiên vội vã đáp xuống cho sáu ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Các đợt tới sẽ lên cao vào Chúa Nhật và Thứ Hai này trước ngày có Thánh Lễ khai mạc tại Barangaroo, trước đây vốn có tên Hungry Mile.

Angela Hardy, 24 tuổi, một cô gái Gia Nã Đại, đeo một túi lưng có ‘rẩy’ hình Thánh Tâm, mà cô từng mua làm kỷ niệm tại Cologne nhân dịp WYD 2005. Là một trong đoàn 130 người từ New Brunswick, cô tới thăm nước Úc và cảm nghiệm sức mạnh và tính phổ quát của giáo hội, và “làm chứng rằng đức tin vẫn sống động. Em nghĩ điều quan trọng là thế giới phải nhìn ra điều ấy”. Nhóm của cô sẽ qua Fiji sau WYD để tham gia một tuần công tác truyền giáo ở đấy. Đến đây vào một buổi sáng giá rét, bầu trời đầy mây, nhưng Angela không quan ngại chi về thời tiết hết “Đây quả là một ngày mùa xuân so với Gia Nã Đại”.

Nhưng đối với các bạn trẻ Mỹ đến từ Okinawa, nơi nhiệt độ đang nóng bức ở 30 độ bách phân và 90 phần trăm độ ẩm thì chắc chắn đêm canh thức vào Thứ Bẩy tuần tới sẽ là một đêm lạnh lẽo. Kara Carisio, một trưởng nhóm, người đã cụ bị đủ thứ áo ấm, cho hay: “Phần lớn chúng em quen sống với khí hậu nóng nhiều năm rồi”. Còn Wayne Bolduc, một người hướng dẫn 21 bạn trẻ Mỹ hành hương khác thì nói: “Chúng tôi sẵn sàng chờ xem Chúa sẽ dành điều chi cho chúng tôi. Ngài muốn chúng tôi ở đây”

6. Liên đới là cho mình đi

“Chúa muốn chúng tôi ở đây”, nhưng điều Người muốn hơn là bạn sẽ trở về, trở về với đời thực, để nghe và sống những sứ điệp thực như sứ điệp sau đây của Đức Hồng y Oscar Rodriguez, theo tường thuật của Barney Zwartz, trên tờ The Age hôm nay, mồng 10 tháng Bẩy.

Theo bài báo trên, Đức hồng y O. Rodriguez, tổng giám mục Honduras, là chủ tịch Caritas quốc tế và là một chiến sĩ gan góc chống nghèo đói và thối nát. Ấy thế nhưng khi giới trẻ nhận diện ra ngài ở bậc thềm nhà thờ Thánh Patrick ở Melbourne vào ngày hôm qua, thì ngài lại là một hồng y chơi kèn saxophone từng làm say sưa các ngày lễ hội tại Đức.

Hai ĐHY Rodriguez và Napier
Đức hồng y O. Rodriguez tới Melbourne hôm qua để nói chuyện trong một cuộc tập họp cùng với Đức hồng y Wilfred Napier, Tổng giám mục Durban, người vừa có các cố gắng ngoại giao tại Zimbabwe. Cả hai vị đều sẽ nói chuyện trong chương trình các Ngày Tại Giáo Phận.

Đức hồng y Rodriguez, người từng gọi nghèo đói và bất công là “các vũ khí thực sự giết người hàng loạt trong thế kỷ 21” là một trong các vị giáo phẩm kỳ cựu nhất của Châu Mỹ La Tinh nơi có tới 40% người Công Giáo thế giới sinh sống, và rất có thể là ứng viên ngôi vị giáo hoàng sắp tới.

Hôm qua, ngài cho tờ The Age hay: một toà án mới có tính quốc tế phụ trách tội phạm tài chánh, với các quyền tài phán như tòa xử tội phạm chiến tranh hiện nay, sẽ đóng góp rất nhiều vào việc giảm thiểu cảnh nghèo trên thế giới. Ngài nói: “nhiều tên độc tài làm giầu bằng của cải quốc gia rồi giữ riết lấy chúng. Trong khi quốc gia cần tiền để phát triển”.

Theo ngài, một tòa án như trên, với quyền có thể mang về nước mọi tiền bạc, cần được các cường quốc thoả thuận thành lập. Ngài bảo rằng nhiều nước Châu Mỹ La Tinh ngày nay đã trở thành “quốc gia ma túy”, nơi các lãnh chúa ma túy có quân đội riêng. Honduras, một đường dây chuyển ma túy, đang đâm đầu theo hướng đó. Thành thử ra, mang tiền của những tay du đãng ma túy về nước sẽ giảm thiểu được cảnh nghèo.

Theo ngài, các biến cố như Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một đối cực mạnh mẽ khi ngài cảm thấy nản lòng. Ngài nói: “Những người trẻ này tự phúc âm hóa cho chính họ. Người trẻ thuộc thế giới thứ ba và thế giới thứ nhất tự gửi sứ điệp lẫn cho nhau. Đáp ứng Kitô giáo đối với cảnh nghèo là tình liên đới hoàn cầu, một tình liên đới không phải chỉ là lạc quyên và phân phối ngân khoản mà là tự cho mình đi, để công việc thiện nguyện tại nhiều quốc gia mỗi ngày một trở nên dấu chỉ của hy vọng’.

Đức hồng y Napier thì đề cập tới thảm kịch đang diễn ra tại Zimbabwe nhưng thêm rằng cả vấn đề ấy cũng thua xa các vấn đề đang xẩy ra tại Sudan, Somalia và cơn dịch AIDS.
 
Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII
+ ĐTC Bênêđitô XVI
08:13 10/07/2008
Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII

VATICAN - Ngày QTGT lần thứ XXIII sẽ được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008, theo chủ đề: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên chúng con, và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy.” (Cv 1, 8). Nội dung của sứ điệp gồm có 8 số như sau:

1. Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.

2. Lời hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.

3. Biến cố Hiện Xuống, điểm khởi hành cho sứ mạng của Giáo Hội.

4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và là nguyên lý của sự hiệp thông.

5. Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm.

6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.

7. Sự cần thiết và khẩn trương của sứ mạng truyền giáo.

8. Khần cầu một “lễ hiện xuống mới” trên thế giới.


1.Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.

Các bạn trẻ thân mến,

Với niềm vui mừng lớn lao, Cha luôn nhớ những giây phút chúng ta đã trải qua chung với nhau tại Colonia, vào tháng 8 năm 2005. Vào lúc kết thúc cuộc biểu dương không thể quên được của Đức Tin và của lòng hăng say, một cuộc biểu dương vẫn còn khắc ghi trong trong tâm trí Cha, Cha đã hẹn với chúng con cho lần gặp gỡ sắp đến, sẽ diễn ra tại Sydney, vào năm 2008. Đây sẽ là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII và sẽ có chủ đề như sau: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự xuống trên chúng con và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy” (Cv 1,8). Hướng chỉ đạo cho công cuộc chuẩn bị thiêng liêng cho cuộc gặp nhau tại Sydney là Chúa Thánh Thần và sứ mạng truyền giáo. Nếu trong năm 2006, chúng ta đã dừng lại suy niệm về Chúa Thánh Thần như là Thánh Thần của Sự Thật, và trong năm 2007, chúng ta cố gắng khám phá Chúa Thánh Thần một cách sâu xa hơn như là Thánh Thần của Tình Yêu, để tiến bước đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2008, vừa suy nghĩ về Thánh Thần của sức mạnh và của lời chứng, là Đấng ban cho chúng ta sự can đảm để sống Tin Mừng và lòng gan dạ để công bố Tin Mừng. Vì thế, điều căn bản cho mỗi người trong chúng con, những người trẻ, tại những cộng đoàn của chúng con và cùng với những nhà giáo dục chúng con, (mỗi người trong chúng con) có thể suy nghĩ về Đấng chủ động này trong lịch sử ơn cứu rỗi, tức Chúa Thánh Thần, hay là Thánh Thần của Chúa Giêsu, để đạt đến những mục tiêu cao cả như sau: nhìn nhận căn cước đích thực của Chúa Thánh Thần, nhất là bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong mạc khải Kinh Thánh; ý thức rõ ràng về sự hiện diện liên tục và tích cực của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội, nhất là bằng cách khám phá rằng Chúa Thánh Thần giới thiệu chính mình như là “linh hồn”, là hơi thở quan trọng của đời sống kitô, nhờ qua các bí tích khai tâm kitô—Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể; và như thế, trở nên có khả năng làm cho trưởng thành sự hiểu biết về Chúa Giêsu, mỗi ngày một sâu xa hơn và vui tươi hơn, và vừa đồng thời áp dụng hữu hiệu Tin Mừng, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba. Với sứ điệp này, Cha sẵn sàng cống hiến cho chúng con một hướng suy niệm cần được đào sâu thêm trong suốt năm chuẩn bị này, nhờ đó mà kiểm chứng phẩm chất đức tin chúng con vào Chúa Thánh Thần, để tìm gặp lại nó nếu đã bị mất, củng cố nó nếu đã bị suy yếu, cảm nếm nó như là một sự đồng hành của Chúa Cha và Chúa Con, là Chúa Giêsu Kitô, nhờ tác động cần thiết của Chúa Thánh Thần. Chúng con đừng bao giờ quên rằng Giáo Hội và toàn thể nhân loại đang hiện diện và đồng hành với chúng con, chờ đợi chúng con trong tương lai, chờ đợi chúng con rất nhiều là những người trẻ, bởi vì chúng con lãnh nhận hồng ân cao cả của Thiên Chúa Cha, là Thánh Thần của Chúa Giêsu.

2. Lời Hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.

Việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa nói về mầu nhiệm và hoạt động của Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận những hiểu biết cao cả và đầy sức phấn khởi mà tôi có thể tóm gọn trong những điểm sau đây.

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như sau: Thầy sẽ sai xuống trên anh em Đấng mà Cha Thầy đã hứa.” (Lc 24,49). Điều này đã được thực hiện trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện trong Phòng Tiệc ly với Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Việc đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội khai sinh là để hoàn tất lời hứa xa xưa của Thiên Chúa, đã được loan báo và chuẩn bị trong toàn thể Cựu Ước.

Thật vậy, ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh nhắc đến Thánh Thần của Thiên Chúa như là “hơi thổi” “bay là là trên mặt nước” (x. St 1,2) và nói rõ rằng Thiên Chúa đã “thổi” vào lỗ mũi con người luồng sự sống (x. St 2,7), vừa đổ vào con người chính sự sống. Sau tội nguyên tổ, Thánh Thần sự sống của Thiên Chúa được biểu lộ nhiều lần khác nhau trong lịch sử con người, vừa khơi dậy những ngôn sứ để khích lệ Dân được tuyển chọn trở về với Thiên Chúa và trung thành tuân giữ những giới răn của Ngài. Trong thị kiến nổi tiếng của tiên tri Êzêkiel,Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần của ngài để làm sống lại Dân Israel, được biểu tượng bởi những “bộ xương khô” (x. 37, 1-14); Tiên tri Gioel “nói tiên tri về sự đổ tràn Thánh Thần xuống trên toàn Dân, không loại trừ ai. Tác giả Kinh Thánh đã viết như sau: “Sau đó, Ta sẽ tuôn đổ Thánh Thần của Ta trên mọi người... Cả trên những nô lệ nam nữ, trong ngày đó, Ta sẽ đổ xuống Thánh Thần của Ta. (3, 1-2).

Khi “thời viên mãn đến” (x. Gal 4,4), sứ thần Chúa loan báo cho Đức Nữ Trinh quê làng Nazareth rằng Chúa Thánh Thần, “quyền năng của Đấng tối cao”, sẽ ngự xuống và phủ lấy Trinh Nữ. Đấng mà Trinh Nữ sẽ sinh ra là đấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35). Theo cách nói của tiên tri Isaia, Đấng Messia sẽ là Đấng mà trên ngài, Thánh Thần của Chúa sẽ ngự xuống (x. 11,1-2; 42,1). Chính lời tiên tri này được Chúa Giêsu nhắc lại vào khởi đầu tác vụ công khai của Chúa, trong Hội Đường Nazareth; Chúa đã công bố trước sự kinh ngạc của những người hiện diện như sau: “Thánh Thần của Chúa đang ngự trên tôi; và vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và đã sai tôi đi rao giảng cho người nghèo tin vui mừng, công bố cho kẻ bị cầm tù biết họ được giải phóng và cho kẻ mù được sáng mắt; mang lại tự do cho những ai bị áp bức và rao giảng năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19; x. Is 61,1-2). Nhìn vào những người hiện diện, Chúa Giêsu áp dụng cho mình những lời tiên tri trên và quả quyết như sau: “Hôm nay, được ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà các người vừa nghe” (Lc 4,21). Hơn nữa, trước khi chết trên thập giá, Chúa đã báo trước nhiều lần cho các môn đệ về việc Chúa Thánh Thần, “Đấng an ủi”, sẽ đến mà sứ mạng của Người là làm chứng và trợ giúp cho những kẻ tin, vừa dạy họ và hướng dẫn họ đến sự Thật trọn vẹn” (x. Ga 14,16-17. 25-26; 15,26; 16,13).

3. Lễ Hiện Xuống, điểm khởi hành của Sứ mạng Giáo Hội.

Vào buổi chiều ngày Chúa sống lại, khi hiện ra cho các môn đệ, Chúa Giêsu thổi hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ một cách mạnh mẽ hơn nữa. Người ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ như sau: “Một tiếng động lớn bất ngờ từ trời vang đến, như tiếng gió thổi mạnh xuống và tràn vào khắp cả nhà, nơi các tông đồ đang ở. Xuất hiện những hình lưỡi lửa ngự trên đầu các tông đồ.” (Cv 2,2-3).

Chúa ThánhThần canh tân các tông đồ từ nội tâm, ban cho các ngài một sức mạnh làm cho các ngài trở nên dũng cảm mà rao giảng mạnh mẽ và không sợ hãi rằng: “Chúa Kitô đã chết và đã sống lại!” Được giải thoát khỏi mọi sợ hãi, các ngài bắt đầu nói cách chân thành (x. CV 2,29; 4,13; 4,29-31). Từ những người đánh cá nhút nhát, các ngài đã trở thành những anh hùng đầy lòng can đảm của Tin Mừng. Cả những kẻ thù của các ngài cũng không thể hiểu được tại sao “những con người không học thức và nhát sợ” (x. Cv 4,13) lại có khả năng chứng tỏ một sự can đảm như thế và chịu đựng được những nghịch cảnh, những đau khổ và những bách hại một cách vui tươi. Không gì có thể ngăn cản các ngài lại. Với những ai đã cố gắng buộc các ngài phải im lặng, thì các ngài trả lời như sau: “Chúng tôi không thể im lặng, không thể không nói lên điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20). Như thế được khai sinh Giáo Hội, một giáo hội từ lễ Ngũ Tuần đã không ngừng chiếu toả Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý của sự hiệp thông.

Nhưng để hiểu sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta phải trở lại phòng tiệc ly nơi các môn đệ tựu lại với nhau (x. Lc 24,49), vừa cầu nguyện với Đức Maria, một người Mẹ, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đã được hứa ban. Mọi cộng đoàn kitô cần phải luôn múc lấy sự linh ứng từ hiện ảnh Giáo Hội lúc khai sinh này. Sự phong phú tông đồ và truyền giáo một cách chính yếu không phải là kết quả của những chương trình và các phương pháp mục vụ được soạn thảo cách khôn ngoan và “hữu hiệu”, nhưng là hoa trái của sự cầu nguyện không ngừng của cộng đoàn (x. Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 75). Ngoài ra sự hữu hiệu của sứ mạng còn giả thiết rằng các cộng đoàn hiệp nhất với nhau, nghĩa là “có một con tim, một linh hồn mà thôi” (x. Cv 4,32) và rằng các cộng đoàn sẵn sàng làm chứng cho tình yêu và niềm vui mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào trong tâm hồn các tín hữu (x. Cv 2, 42). Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: trước khi là hành động, sứ mạng của Giáo Hội là chứng tá và là sự chiếu toả (x. Redemptoris Missio, số 26). Như thế đã xảy ra vào khởi đầu của Kitô Giáo, khi những anh chị em ngoại giáo, như giáo phụ Tertullianô đã viết, trở lại nhờ nhìn thấy tình yêu thương hiện diện giữa những người kitô. Họ nói: “Hãy xem những người kitô yêu thương nhau biết chừng nào” (x. Apologetico, 39 &7). Kết thúc cái nhìn ngắn gọn về Lời Chúa trong Kinh Thánh, Cha mời gọi chúng con hãy ghi nhận như thế nào Chúa Thánh Thần là hồng ân cao cả nhất của Thiên Chúa cho con người, và như thế là lời chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ thể như là “lời thưa vâng đón nhận sự sống” mà Thiên Chúa muốn cho mỗi tạo vật của ngài. Lời “thưa vâng đón nhận sự sống” có được hình thức trọn vẹn của nó trong Chúa Giêsu Nazareth và trong chiến thắng của Chúa trên sự dữ nhờ ơn cứu chuộc. Về vấn đề này, chúng ta đừng bao giờ quên rằng Tin Mừng Chúa Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, không được rút gọn thành một sự ghi nhận thuần tuý, nhưng muốn trở thành “tin mừng cho người nghèo, sự giải phóng cho những kẻ bị tù đày, là sự sáng cho kẻ mù loà... ” Đó là tất cả những gì được biểu lộ một cách rõ ràng trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày trở thành ân sủng và trách vụ của Giáo Hội đối với thế giới, sứ mạng ưu tiên của giáo hội.

Chúng ta là những hoa trái của sứ mạng của Giáo Hội nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mang trong mình dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, là Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên điều nầy, bởi vì Thánh Thần của Chúa luôn nhắc nhớ đến mỗi người và một cách đặc biệt, qua trung gian chúng con, những người trẻ, những người muốn khơi dậy trong thế giới ngọn gió và lửa của một lễ Hiện Xuống mới.

5. Chúa ThánhThần, vị Thầy Nội Tâm.

Các bạn trẻ thân mến, cả trongngày hôm nay, Chúa ThánhThần tiếp tục hành động cách quyền năng trong Giáo Hội và những hoa trái của Thánh Thần là phong phú trong mức độ chúng ta sẵn sàng mở rộng chính mình đón nhận sức mạnh canh tân của Thánh Thần. Vì thế, điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết rõ Chúa Thánh Thần, bước vào trong tương quan với ngài và để cho ngài hướng dẫn. Nhưng đến đây, ta tự câu hỏi: Chúa Thánh Thần là ai đối với tôi? Thật vậy, đối với không ít những tín hũu Kitô, Chúa Thánh Thần tiếp tục là “Đấng Không Được Biết Đến”. Vì thế, đây là lý do tại sao, trong thời gian chuẩn bị cho ngày Quốc tế Giới Trẻ sắp đến, Cha muốn mời gọi chúng con hãy đào sâu sự hiểu biết của chính chúng con về Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Nicea-Costantinopoli). Phải, Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là Nguồn Mạch sự sống có sức thánh hoá chúng con, “bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được trao ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuy nhiên, quả thật không đủ, nếu chỉ hiểu biết ngài mà thôi; cần phải tiếp nhận ngài như là Đấng hướng dẫn linh hồn chúng ta, như là “Vị Thầy Nội Tâm”, Đấng dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ một mình ngài có thể mở rộng lòng trí chúng ta để chúng ta tin, và cho phép chúng ta sống đức tin mỗi ngày một cách trọn vẹn. Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta đến với kẻ khác, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu, và biến đổi chúng ta thành những nhà truyền giáo của tình yêu Thiên Chúa. Cha biết rõ chúng con, những người trẻ, chúng con mang trong tim lòng sùng mộ to lớn và tình yêu đối với Chúa Giêsu, và biết rõ chúng con ao ước gặp gỡ và nói chuyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng con hãy nhớ rằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, làm chứng, kết thành và xây dựng nhân vị chúng ta trên nền tảng chính con người Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh chết và đã phục sinh. Chúng ta hãy làm cho mình trở nên thân quen với Chúa Thánh Thần, để trở nên thân quen với Chúa Giêsu.

6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.

Chúng con có thể thắc mắc: làm sao chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần canh tân và lớn lên trong đời sống thiêng liêng? Chúng con đã biết câu trả lời rồi! Đó là chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần canh tân mình, nhờ qua các bí tích, bởi vì đức tin phát sinh và trở nên mạnh mẽ trong chúng ta qua các bí tích, nhất là những bí tích khai tâm Kitô- ba bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, là những bí tích bổ túc cho nhau và không thể bỏ đi được (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội công giáo, số 1285). Sự thật về ba bí tích nằm ở khởi đầu của thực thể Kitô chúng ta, có lẽ đã bị lãng quên trong đời sống đức tin của không ít nơi những Kitô hữu; những người này xem các bí tích vừa nói trên như là những việc đã được thực hiện trong quá khứ, chứ không còn ảnh hưởng thật sự trên cuộc sống hiện tại, giống như những gốc rễ không còn nhựa sống nữa. Xảy ra là sau khi đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhiều người trẻ sống lìa xa với đời sống đức tin và có những người trẻ ngay cả không lãnh nhận bí tích thêm sức nữa. Nhưng chính với bí tích Rửa Tội và Thêm sức, rồi sau đó với bí tích Thánh Thể, mà Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành những con cái của Thiên Chúa Cha, anh chị em với Chúa Giêsu, thành phần của Giáo Hội, những người có khả năng làm chứng thật sự cho Tin Mừng, những người được nếm hưởng niềm vui Đức Tin.

Vì thế Cha mời gọi chúng con hãy suy nghĩ về tất cả những gì cha viết cho chúng con nơi đây. Ngày hôm nay, là dịp hết sức quan trọng để tái khám phá ý nghiã của bí tích Thêm Sức và tìm gặp lại giá trị của bí tích này cho sự trưởng thành thiêng liêng của chúng ta. Ai đã lãnh nhận hai bí tích Rửa Tội và Thêm sức, thì hãy nhớ rằng mình đã trở nên “đền thờ của Chúa Thánh Thần”: Thiên Chúa ngự trong người đó. Ước gì những ai lãnh nhận bí tích ấy luôn ý thức về điều này và hãy làm sao cho kho tàng nội tâm của họ được trổ sinh những hoa trái thánh thiện. Ai đã được Rửa tội nhưng chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, hãy chuẩn bị để lãnh nhận, vừa biết rõ rằng như thế mình được trở nên người Kitô ‘trọn vẹn”, bởi vì bí tích thêm sức làm cho ân sủng của bí tích Rửa Tội được nên hoàn trọn (x. cc. 1302-1304).

Bí tích thêm sức ban cho chúng ta sức mạnh đặc biệt để làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa với trọn cả đời sống mình (x. Rm 12,1); làm cho chúng ta thâm tín rằng mình thuộc về Giáo Hội, “Nhiệm Thể của Chúa Kitô”, mà tất cả chúng ta là những thành phần sống động, liên đới với nhau (x. 1 Cr 12,12-25). Khi để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều có thể đóng góp phần của mình vào việc xây dựng Giáo Hội, nhờ những ơn đoàn sủng Thiên Chúa ban cho, bởi vì, “mỗi người đều được ban cho một ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần để mưu cầu ích lợi chung” (1 Cr 12,7). Và khi Chúa Thánh Thần hoạt động, thì Ngài mang đến trong tâm hồn những hoa trái của ngài; đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” (Gl 5,22). Với tất cả những ai trong chúng con chưa lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Cha thân ái gởi lời mời gọi hãy chuẩn bị lãnh nhận bí tích nầy, với sự trợ giúp của các linh mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho. Đây là một dịp đặc biệt của ân sủng mà Chúa ban cho chúng con: chúng con đừng để uổng phí!

Cha muốn nói thêm đôi lời về bí tích Thánh Thể. Để lớn lên trong đời sống Kitô, thì cần phải nuôi dưỡng chính mình bằng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô: quả thật chúng ta đã được rửa tôi và đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức, để tiến đến lãnh nhận bí tích Thánh Thể (x. cc 1322; Sacramentumcaritatis, số 17). Là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội”, bí tích Thánh Thể là một “lễ Hiện Xuống mãi mãi”, bởi vì mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng kết hiệp chúng ta sâu xa hơn với Chúa Kitô, và biến đổi chúng ta trong Chúa. Các bạn trẻ thân mến, nếu chúng con tham dự thường xuyên vào việc cử hành Thánh Thể, nếu chúng con dành một chút thời giờ cho việc tôn thờ Thánh Thể, thì từ nguồn mạch tình yêu, tức từ bí tích thánh thể, chúng con sẽ có niềm vui nhất quyết dấn thân sống theo Tin Mừng. Đồng thời chúng con cảm nghiệm được rằng ở đâu sức con người chúng con không thể làm, thì Chúa Thánh Thần là Đấng đến biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta có tràn đầy sức mạnh của Ngài và làm cho chúng ta trở thành nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, những nhân chứng tràn đầy tinh thần hăng say truyền giáo.

7. Sự cần thiết và khẩn trương của Sứ mạng.

Nhiều bạn trẻ nhìn về đời sống họ với lòng thao thức và đặt ra cho mình biết bao câu hỏi về tương lai. Họ tự vấn với lòng băn khoăn lo lắng như sau: làm sao nhập cuộc vào trong một thế giới bị ghi dấu bởi nhiều bất công và đau khổ trầm trọng? Làm sao phản ứng chống lại sự ích kỷ và bạo lực xem ra như đang thắng thế? Làm sao mặc cho đời mình ý nghĩa trọn vẹn? Làm sao đóng góp, ngõ hầu những hoa trái của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhắc đến ở trên- tức những hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín” được tràn ngập thế giới này, một thế giới đang bị thương tích và mỏng dòn, nhất là một thế giới của những người trẻ? Với những điều kiện như thế nào, Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, của sự tạo dựng ban đầu và nhất là của sự tạo dựng lần thứ hai hay của sự cứu rỗi, có thể trở thành linh hồn mới của nhân loại hay không? Chúng ta không được quên rằng ân sủng Thiên Chúa ban cho càng to lớn lao bao nhiêu- hồng ân Chúa Giêsu ban cho chúng ta, Chúa ThánhThần là hồng ân cao cả nhất; do đó, nhu cầu của thế giới đón nhận hồng ân đó cũng lớn lao như vậy, và như thế sứ mạng của Giáo Hội phải làm chứng một cách đáng tin cho hồng ân này, cũng phải luôn vĩ đại và hăng say. Và chúng con, những người trẻ, với Ngày Quốc tế Giới Trẻ, một cách nào đó, chúng con hãy nói lên ý định tham dự vào sứ mạng này. Các bạn trẻ chúng con thân mến, về vấn đề này, cha muốn nhắc chúng con nơi đây vài sự thật tiêu chuẩn để chúng con suy niệm. Một lần nữa cha nhắc lại cho chúng con rằng chỉ một mình Chúa Kitô mới có thể làm đầy những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người; chỉ mình Chúa mới có khả năng nhân bản hoá nhân loại và dẫn đưa nhân loại đến tình trạng “được thần thiêng hoá”. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đổ vào trong tâm hồn chúng ta tình thương của Thiên Chúa, tình thương có thể làm cho chúng ta có khả năng yêu thương người lân cận và sẵn sàng phục vụ anh chị em. Chúa Thánh Thần vừa soi sáng, vừa mạc khải cho chúng ta Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại; Ngài chỉ cho chúng ta biết con đường để trở thành giống với Ngài hơn, để có thể trở nên “lời diễn tả và khí cụ của tình thương đến từ ngài” (Deus Caritas est, số 33). Và ai để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình sẽ hiểu rằng dấn thân phục vụ Tin Mừng không phải là một chọn lựa tự do theo ý mình, bởi vì người đó ý thức rõ ràng về sự khẩn thiết phải thông truyền cho người khác Tin Mừng Chúa. Tuy nhiên, cần phải nhớ một lần nữa điều này, chúng ta chỉ có thể trở nên những chứng nhân cho Chúa Kitô, khi nào chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn; Chúa ThánhThần là “tác nhân chính của công cuộc rao giảng Phúc Âm” (x. Evengelii Nuntiandi, số 75), và ngài là “nhân vật chính của sứ mạng” (x. Redemptoris Missio, số 21).

Các bạn trẻ thân mến, như những vị tiền nhiệm của Cha, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đã nhiều lần nói đến, rao giảng Phúc âm và làm chứng cho đức tin là điều cần thiết cho ngày nay hơn bao giờ hết (x. Redemptoris Missio, số 1). Ai đó nghĩ rằng trình bày kho tàng quý giá đức tin cho những người không chia sẻ đức tin với mình, có nghĩa là có thái độ bất bao dung đối với họ, nhưng không phải như vậy, bởi vì đề nghị Chúa Kitô cho họ, không có nghĩa là áp đặt bắt buộc họ phải theo (x. Evengelii Nuntiandi, số 80). Hơn nữa, cách đây 2000 năm, mười hai thánh Tông Đồ đã hy sinh mạng sống, ngõ hầu Chúa Kitô được con người biết đến và yêu thương. Từ đó, Phúc âm qua các thế kỷ tiếp tục được loan truyền nhờ những con người nam nữ được linh động bởi cùng một sự hăng say truyền giáo. Vì thế, cả ngày hôm nay nữa những môn đệ của Chúa Kitô không nên sợ lãng phí thời giờ và sức lực để phục vụ Tin Mừng. Các bạn trẻ cần thắp lên trong tâm hồn tình yêu Thiên Chúa và đáp trả cách quảng đại lời mời gọi khẩn thiết của Chúa, như đã xảy ra với biết bao vị thánh trẻ, chân phước và hiển thánh trong quá khứ và cả trong thời đại gần với chúng ta. Một cách đặc biệt, cha bảo đảm với chúng con rằng Thánh Thần của Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi chúng con hãy trở nên những kẻ mang Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những bạn đồng tuổi chúng con. Sự mỏi mệt của những người lớn đến gặp, trong cách thức hiểu được và có sức thuyết phục, môi trường giới trẻ, có thể là một dấu chỉ mà Chúa Thánh Thần dùng để thôi thúc chúng con, những người trẻ, hãy lãnhnhẫn trọng trách này. Chúng con biết được những lý tưởng của ngưòi trẻ, biết được ngôn ngữ, và cả những vết thương, những chờ đợi, và ước muốn điều thiện của những người trẻ đồng tuổi chúng con. Được mở ra thế giới bao la những tâm tình, công việc làm, việc huấn luyện, những chờ đợi và những đau khổ của người trẻ... Mỗi người trong chúng con hãy can đảm hứa với Chúa Thánh Thần sẽ mang một người trẻ đến với Chúa Giêsu Kitô, trong cách thức mà chúng con biết là tốt đẹp hơn, vừa biết “trả lời cho bất cứ ai niềm hy vọng được tích chứa trong mình, với sự dịu dàng” (x. 1Pr 3,15).

Các bạn trẻ thân mến, để đạt đến mục tiêu này, chúng con hãy sống thánh thiện, hãy là những nhà truyền giáo, bởi vì người ta không bao giờ có thể tách rời sự thánh thiện ra khỏi sứ mạng truyền giáo (x. Redemptoris Missio, số 90). Chúng con đừng sợ trở thành những nhà truyềngiáo thánhthiện, như thánh Phanxicô Xaviê, đã đi khắp vùng Viễn Đông để loan báo Tin Mừng, cho đến kiệt sức, hoặc như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trở nên nhà truyền giáo dù không rời khỏi tu viện Camêlô, cả hai vị đều là những Thánh Quan Thầy của các Xứ Truyền Giáo”. Chúng con hãy sẵn sàng hy sinh mạng sống chúng con để soi sáng thế giới bằng sự thật của Chúa Kitô; để dáp trả hận thù và sự khinh dể mạng sống con ngưòi bằng tình yêu thương; để tuyên bố niềm hy vọng của Chúa Kitô Phục Sinh khắp mọi nơi trên mặt đất.

8. Khẩn cầu một lễ “hiện xuống mới” trên thế giới.

Các bạn trẻ thân mến, Cha chờ đợi chúng con đến thật đông vào tháng 7 năm 2008 tại Sydney. Đây sẽ là một dịp quan phòng để cảm nghiệm trọn vẹn quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng con hãy đến cho thật đông, để trở nên dấu chỉ niềm hy vọng nà nâng đỡ quý giá cho cộng đồng Giáo Hội tại Úc Châu đang chuẩn bị tiếp đón chúng con. Đối với những người trẻ của đất nước sẽ tiếp đón chúng ta, thì sẽ là một dịp đặc biệt để rao giảng nét đẹp và niềm vui của Phúc Âm cho một xã hội đã bị trần tục hoá trên nhiều bình diện. Úc Châu, cũng như toàn thể Châu Đại Dương, đang cần khám phá lại những căn cước Kitô của mình. Trong tong huấn hậu thượng hội đồng giám mục “Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (Ecclesia in Oceania) Đức GioanPhaolô II đã viết như sau: “Với sức mạnhcủa Chúa ThánhThần, Giáo Hội tại Châu Đại Dương đang chuẩn bị cho công cuộc tái rao giảng phúc âm cho những dân tộc ngày nay đang khao khát Chúa Kitô.... Công cuộc tái rao giảng phúc âm là một ưu tiên đối với Giáo Hội tại Châu Đại Dương” (số 18). Cha mời gọi chúng con hãy dành thời giờ cho việc cầu nguyện và cho công việc huấn luyện thiêng liêng,trong giai đoạn cuối của cuộc hành trình dẫn chúng ta đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII, ngõ hầu tại Sydney, chúng con có thể lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức. Cùng chung với nhau, chúng ta sẽ khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vừa tin tưởng xin Thiên Chúa ban xuống hồng ân một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và cho nhân loại của ngàn năm thứ ba. Nguyện xin Mẹ Maria, Đấng đã cùng với các Tông Đồ cầu nguyện tại Phòng Tiệc Ly, đồng hành với chúng con trong những ngày tháng này và xin Mẹ cầu cùng Chúa ban cho tất cả mọi người trẻ Kitô một lần nữa được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đốt lên ngọn lửa trong các tâm hồn. Chúng con hãy nhớ rằng Giáo Hội tin tưởng vào chúng con! Một cách đặc biệt, chúng ta, những mục tử, chúng ta cầu nguyện, ngõ hầu chúng con yêu mến và làm cho người ta yêu mến Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn và trung thành buớc theo Chúa.

Với những tâm tình trên và với hết lòng mộ mến, Cha ban phép lành cho tất cả chúng con.

Từ Lorenzago, ngày 20 tháng 7 năm 2007

+ Bênêđitô XVI, giáo hoàng

(Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Dũng)
 
Quỹ Phêrô nhận được $80 triệu Mỹ kim trong năm 2007
Anthony Lê
09:07 10/07/2008
Quỹ Phêrô nhận được $80 triệu Mỹ kim trong năm 2007

Một người tài trợ ẩn danh gởi cho Tòa Thánh $14 triệu Mỹ kim trong năm 2007

VATICAN CITY (Zenit.org).- Quỹ quyên góp hằng năm cho các hoạt động từ thiện của Đức Thánh Cha đã nhận được gần khoảng $80 triệu Mỹ kim (tức trên €50 triệu Euros) vào năm 2007, và con số này đã giảm xuống khoảng $20 triệu Mỹ kim so với năm trước đây (tức năm 2006).

Hội Đồng các Đức Hồng Y chuyên Nghiên Cứu về các Vấn Đề có liên quan đến Tổ Chức và Kinh Tế của Tòa Thánh đã báo cáo về kết quả trên sau cuộc họp vào hôm thứ Năm và thứ Sáu vừa qua tại Vaticăn.

Theo bản thông tin, trong năm 2007, số tiền mà Quỹ Phêrô quyên góp được lên tới $79,837,843 Mỹ kim; và trong năm 2006, Quỹ này nhận được $101,900,192 Mỹ kim.

Bản thông tin cho biết thêm rằng: Đức Thánh Cha dùng đến Quỹ Phêrô này để thực hiện các công việc từ thiện cho những dân tộc tại rất nhiều quốc gia trên thế giới vốn bị các thiên tai giáng xuống, để hổ trợ cho vô số các sáng kiến của các cộng đoàn giáo hội thuộc Thế Giới Thứ 3, và để giúp đỡ cho những Giáo Hội địa phương nghèo khổ nhất.

Bản báo cáo cũng nêu ra rằng: Hoa Kỳ chính là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Quỹ này, tức chiếm khoảng 28% trong tổng số tiền quyên góp được của cả thế giới, kế đến là Ý Quốc, Đức Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Ba Tây và Đại Hàn.

Thêm vào đó, Tòa Thánh cũng đã nhận được sự đóng góp lên tới $14,309,400 từ một người ẩn danh.
 
Kitô giáo Ấn Độ bị tấn công, Tổng Giám Mục kêu gọi chấm dứt bạo lực
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:13 10/07/2008
Kandhamal (AsiaNews) - Trước thông tin nhà thờ và nhà ở của Dòng Tên cũng như một trại mồ côi của Tin Lành bị cướp bóc và phá hoại, Đức Tổng Giám Mục Raphael Cheenath của Cuttack-Bhubaneshwar đã không cần dùng từ hoa mỹ khi nói rằng: “Các thế lực Ấn giáo cuồng tín muốn loại trừ Kitô giáo ra khỏi bang Orissa, nhất là những người đang ở quận Kandhamal”.

Sáu tháng trước, vào khoảng Giáng Sinh, quận này cũng bị các nhóm Ấn giáo dân tộc tấn công bạo lực. Và cảnh sát cũng chưa tìm ra được thủ phạm dù rằng người ta có thể biết được tên nhóm liên quan đến vụ tấn công.

Đức Tổng Giám Mục cho hay: “Vụ tấn công mới do nhóm Sangh Parivar thực hiện chống lại các Kitô hữu, là hậu quả trực tiếp của việc không bị trừng phạt mà lẽ ra chúng phải chịu từ tháng 12/2007. Có sự cấu kết giữa chính phủ và các nhóm cuồng tín tạo nên sự hỗn loạn chống lại những người Kitô, khi mà chúng không bị trừng phạt”.

Từ hôm 08/07, khu vực này đã bị cô lập và người dân thì sợ hãi. Vụ tấn công xảy ra vào lúc giữa trưa, một số Kitô hữu từ làng Tumudiband (Malikpada) giết bò và đang mang thức ăn về nhà. Trên đường về, một nhóm người Ấn giáo chặn họ lại và chụp hình bằng điện thoại di động. Với sự lo ngại mình là mục tiêu của sự trả thù, các cư dân đã yêu cầu xóa bỏ hình ảnh. Sau một cuộc ẩu đả, người cầm đầu nhóm Ấn giáo quay về tu viện của hắn, và tổ chức một cuộc họp với các học viên và cha mẹ chúng cùng với những người vũ trang Sangh Parivar.

Với sự giúp sức của vị cố vấn cộng đồng Ấn giáo địa phương, Swami Lakhananda Swaraswati, họ đã lên cơn giận dữ, chặt phá cây để đốt nhằm làm tắt nghẽn đường xá, tấn công vài nhà ở của Dòng Tên, phá hủy nhà thờ địa phương và tượng Đức Mẹ. Trại mồ côi Tin Lành Bhagban Ashram cũng hoàn toàn bị phá hủy.

Dân làng cho hay rằng sau đó cảnh sát đã đến thẩm vấn rất nhiều người nhưng không bắt giữ ai. Swami Lakhananda Swaraswati là người đứng đằng sau vụ tấn công chống Kitô giáo hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Họ đã gây ra những vụ rắc rối làm 3 người chết, 13 nhà thờ bị đốt cháy và 2 nhà xứ bị phá hủy, một trại mồ côi Kitô giáo bị phá hoại cùng với 10 người bị thương. Swami Lakhananda Swaraswati là người gây chiến tranh với Kitô giáo ít nhất đã 10 năm qua.

Đức Tổng Cheenath cho hay: “Điều làm Swami khó chịu chính là công việc của Giáo Hội Công Giáo giữa những người Dalit và người sắc tộc khác. Các dịch vụ miễn phí của chúng tôi đã giải phóng họ thoát khỏi cảnh bị bỏ rơi và mang lại cho họ phẩm giá con người và không còn bị áp bức nữa”. Ngài nói thêm: “Có khoảng 1 triệu Kitô hữu ở bang Orissa và Thập giá Chúa Kitô vẫn vững chãi ở bang này; không có sự ngược đãi nào có thể loại trừ được. Nhưng chính phủ ít nhất cũng phải bảo đảm và chấm dứt bạo lực”.
 
Caritas Quốc tế: Hội nghị G8 trì trệ trong viện trợ và vấn đề khí thải
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:15 10/07/2008
Rôma (MISNA) - Khi nói về Hội nghị Thượng đỉnh G8 họp ở Nhật Bản, Caritas Quốc tế cho hay đó là một Hội nghị được đánh dấu bằng sự trì trệ vì nó không có nghị trình viện trợ cho Phi Châu cũng không nói đến Các mục tiêu Thiên niên kỷ chống đói nghèo và “biến đổi khí hậu”. G8 gồm các nước: Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga và Hoa Kỳ.

Caritas nói rằng chỉ 20 phần trăm của 50 tỉ Mỹ kim đã hứa viện trợ phát triển cho các nước nghèo ba năm trước được giải ngân. Joseph Donnelly, người đứng đầu phái đoàn Caritas Liên Hiệp Quốc cho hay: “Nhắc lại các cam kết sau ba năm chưa thành hiện thực sẽ không mang lại lương thực, cũng không mang lại giáo dục, nước sạch và y tế cho những người nghèo khó bần cùng nhất thế giới. Khối G8 có thể đưa ra chi phí cho viện trợ và thật là một điều phỉ báng nếu thành quả của Các Mục tiêu Thiên niên kỷ thất bại chỉ vì thiếu ngân quỹ”. Kế hoạch cắt giảm khí thải 50 % của G8 cũng làm người ta thất vọng, theo báo cáo G8 chiếm khoảng 65% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Ông Donnelly nói thêm: “Các nhà lãnh đạo G8 cần dừng ngay sự chuyển động trì trệ về khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn là lặp lại những gì đã nói từ từ Hội nghị Rio năm 1992”, ông thấy rằng đề xuất đã đưa ra “là một kế hoạch trì trệ, trong đó người nghèo phải trả cái giá đắt nhất cho các nước giàu, mặc dù toàn thế giới phải trả giá hơn bao giờ hết về khí hậu gia tăng”. Ông kết luận: “Bình minh sẽ không ló dạng cho thế giới từ vùng đất của mặt trời mọc”.
 
Đức giáo hoàng đến dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới trên chiếc phi cơ “Shepherd One “
Phụng Nghi
10:22 10/07/2008
Australia (NEWS.com.au) - Lúc 3 giờ chiều ngày Chủ nhật tới đây khi chiếc phi cơ chở Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI hạ cánh tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Úc (RAAF Base) ở Sydney, những người theo dõi chuyến bay có thể sẽ không nhận ra được.

Không như pháo đài bay hào nhoáng Air Force One của Tổng thống Mỹ, hoặc chiếc phản lực Hair Force One chở ban nhạc Iron Maiden đi các tour lưu diễn, phương tiện di chuyển bằng đường hàng không được Đức giáo hoàng ưa chuộng là loại phi cơ thương mại thông thường không có huy hiệu riêng do hãng hàng không Ý Alitalia cung cấp.

Mặc dầu loại phi cơ này rõ rệt là thiếu vẻ lộng lẫy hào nhoáng trong kỹ nghệ hàng không, nhưng các kiểm soát viên không lưu đôi khi cố thêm hương vị cho các chương trình tông du của Đức giáo hoàng nên gọi máy bay ngài di chuyển bằng tên Shepherd One.

Trên Shepherd One không có trung tâm chỉ huy quân sự, không có tòa giải tội, không có phòng được thiết kế riêng, hay một trung tâm dành để thông tin, cũng không có phi hành đoàn đặc biệt của giáo hoàng.

Chỉ là một chiếc máy bay thông thường của hãng hàng không Alitalia.
ĐGH họp báo trên "Shepherd One"


Duy có một điều đặc biệt làm tôn trọng vẻ cao quý của Đức giáo hoàng là ngài được dành một chỗ ngồi ở hàng ghế đầu.

Nếu các bạn thấy những cách thức du hành như thế có đôi chút buồn nản, thì NEWS.com.au chúng tôi lại tìm ra được những sự kiện thích thú mà có lẽ các bạn chưa biết về Bênêđictô XVI:

Technopope: Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đã xử dụng một chiếc điện thoại di động.

iPope: Ngài có một chiếc iPod của hãng Apple, bên ngoài có khắc huy hiệu giáo hoàng.



Người chơi dương cầm
: Được biết Đức giáo hoàng thường chơi đàn dương cầm và rất ưa chuộng âm nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc của Mozart, Bach và Beethoven.

Con trai của người cảnh sát: Thân phụ của ngài, ông Joseph Ratzinger là một sĩ quan cảnh sát xứ Bavaria. Ngài là con út trong số ba con của ông bà Joseph và Maria. Anh Georg của ngài là một linh mục, còn chị là Maria đã không kết hôn và mất năm 1991.

Truyền thống chính trị: Ông bác của Đức giáo hoàng tên Georg Ratzinger là một nhà chính trị ở nước Đức.

Giấc mộng thời thơ ấu: Lúc lên năm tuổi, cậu Ratzinger cho biết lớn lên mình muốn làm một hồng y. Đó là hôm cậu nhập với bọn trẻ đi đón Hồng y Tổng giám mục Munich tới thăm tỉnh nhà.

Ưa mèo: Đức giáo hoàng là người ưa chuộng mèo. Tuy lúc thiếu thời ngài không bao giờ có được một con mèo để nuôi trong nhà nhưng ngài và anh Georg thường cho những con mèo đi lạc ăn, và sưu tầm các đĩa có vẽ tranh mèo.

Bia: Đức giáo hoàng là người xứ Bavaria, nên ta không lạ gì khi thấy ngài thích rượu bia. Nhãn hiệu bia ngài ưa thích là Franziskaner Weissbeer. Ngoài ra, ngài còn ưa chuộng nước chanh.

Thiếu niên thời Hitler: Khi lên 14 tuổi, ngài gia nhập vào đoàn thiếu niên của Hitler. Từ năm 1939, tất cả mọi nam thiếu niên 14 tuổi ở Đức đều phải gia nhập đoàn thể này.

Túc cầu: Đức giáo hoàng là một fan nồng nhiệt của môn bóng đá, ngài ủng hộ đội banh Bayern Munich của Đức và đã từng nói: “Tôi muốn môn túc cầu trở thành phương tiện giáo dục những đức tính như thật thà, đoàn kết và thân ái, đặc biệt là cho các thế hệ trẻ.”

Giầy: Bênêđictô XVI đã bắt đầu dùng lại giầy mầu đỏ của giáo hoàng, tập tục này đã bỏ từ hồi đầu triều đại giáo hoàng của Gioan Phaolô II. Trái với các lời đồn đại của báo chí cho rằng giầy đỏ này do hãng Prada làm, Toà thánh Vatican xác quyết rằng giầy do người thợ riêng của Đức giáo hoàng đóng.

Nhẫn: Đức giáo hoàng đeo một chiếc nhẫn vàng của Người Ngư Phủ ("Fisherman's ring") ở ngón giữa bàn tay phải, trên nhẫn khắc hình Thánh Phêrô đang đánh cá trên một chiếc thuyền, do truyền thuyết cho rằng các tông đồ là “những kẻ đánh cá người”. Mỗi giáo hoàng khi được bầu chọn, đều có một chiếc nhẫn mới, và khi vị đó qua đời, chiếc nhẫn này được nghiền nát trước sự chứng kiến của các hồng y.
 
Quảng cáo trên truyền hình nhằm gọi kêu Những Người Công Giáo Hãy Quay Trở Về
Paul Anh
10:26 10/07/2008
Quảng cáo trên truyền hình nhằm gọi kêu Những Người Công Giáo Hãy Quay Trở Về

Đã có tới 6,000 người quay trở về lại với Giáo Hội Công Giáo sau khi xem qua quảng cáo trên truyền hình

Như đã đề cập trong bài tường thuật chi tiết về Đại Hội Thánh Thể hằng năm tại Tổng Giáo Phận Atlanta, GA vừa qua về việc Ông Tom Peterson đã giới thiệu cho các tham dự viên về trang Web kêu gọi những Người Công Giáo Hãy Quay Trở Về (www.CatholicsComeHome.org) thì nay kết quả khả quan của chiến dịch quảng cáo này đã bắt đầu có hiệu quả và nhận được rất nhiều sự chú ý của khán giả xem truyền hình...

PHOENIX, Arizona, (Zenit.org).- Đối với những người vốn đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, thì họ thường có mong ước mãnh liệt để quay trở về. Tuy nhiên, nổi sợ hãi và tội lỗi vẫn thường lấn lướt khiến cho họ cứ chần chừ mãi để đi đến quyết định quay trở về lại với Giáo Hội. Vì không biết phải quay trở về từ đâu, nên rất nhiều người vốn trước kia là những người tín hữu tín trung, nay cảm thấy sự mất mát và xấu hổ tội lỗi.

Ông Tom Peterson, người sáng lập ra Catholicscomehome.org, đã tìm thấy được truyền hình và mạng Internet chính là nơi thích hợp nhất để vươn tới những ai muốn quay trở về lại với Giáo Hội Công Giáo.

Vào đầu năm nay, Ông Peterson đã cho thử nghiệm các phương pháp và ý tưởng của Ông bằng việc dùng đến một chiến dịch quảng cáo nhắm vào 3.5 triệu người sống tại Giáo Phận Phoenix thuộc tiểu bang Arizona.

Kết quả là đã có hơn 6,000 người dọ hỏi và quay trở về lại với Giáo Hội Công Giáo thông qua trang Web Catholicscomehome.org, và thêm rất nhiều người nữa đã quay về với Đạo Công Giáo bằng cách đến trực tiếp với một giáo xứ nào đó gần nhà của họ. Một vị Linh Mục đã báo cáo cho biết rằng 16 người đã đến gặp ngài để xin được xưng tội sau khi họ xem thấy quảng cáo của Catholicscomehome.orgtrên truyền hình.

Người Công Giáo... . Hãy Sớm Quay Trở Về... !


Như Ông Peterson chia sẽ cho biết:

"Một trong những ngạc nhiên lớn nhất cho nhóm làm việc của Ông chính là số lượng những người dọ hỏi thông tin, vốn không phải là Công Giáo. và có khoảng 1/4 trong số những người dọ hỏi đó bày tỏ sự thích thú vào Giáo Hội Công Giáo sau khi đã xem quảng cáo trên truyền hình hay vào thăm trang Web Catholicscomehome.org, và họ muốn hiểu rõ hơn về Giáo Hội Công Giáo, hay nói khác đi, họ thật sự quyết định để trở thành những người Công Giáo."

Những Lý Do

Khi cố tìm hiểu xem những lý do nào đã khiến rất nhiều người rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, Ông Peterson cho biết: "Có khoảng 90% trong số những người rời bỏ Giáo Hội không thể đưa ra một lý do chính đáng nào cả về việc họ quyết định rời bỏ Giáo Hội."

Ông cũng giải thích rằng: rất nhiều người không thể bày tỏ được lý do tại sao mà họ muốn quay trở về lại với Giáo Hội. Rất nhiều người chỉ đơn giản nói rằng: họ cảm thấy có cái gì đó thiếu vắng bên trong họ.

Ông nói:

"Họ rất muốn quay trở về lại với Giáo Hội nhưng họ không biết bằng cách nào. Họ cảm thấy hơi khó chịu về việc quay trở về và không biết phải làm như thế nào - nghĩa là họ không biết khi nào ngồi, khi nào đứng, và cầu nguyện về điều gì. Do đó chúng tôi cố gắng xóa đi những nổi sợ hãi đó có nơi họ và nhắc nhở họ về mong ước của Thiên Chúa là muốn nhìn thấy họ quay trở về với Ngài. Và một khi họ quay trở về với Giáo Hội, họ cảm thấy được canh tân. Họ cảm nghiệm lại lần nữa về Phép Thánh Thể và sức mạnh của Bí Tích Hòa Giải. Họ cảm thấy sự khát khao để kiếm tìm về sự thật của họ nay đã được đáp ứng và họ cảm thấy một niềm vui khôn tả tràn ngập lấy họ."

Khi được hỏi tại sao Ông nghĩ là một quảng cáo thương mại ngắn ngủi trên truyền hình lại có tác dụng mạnh đến thế thì Ông Peterson nói rằng:

"Quảng cáo thương mại của chúng tôi trên truyền hình chính là một lời nhắc nhở nền tảng về việc chúng ta là ai, về Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thành lập nên, về Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Phêrô và từng vị Giáo Hoàng nối tiếp Ngài. Chúng ta là Giáo Hội vốn đã trao cho cả thế giới Sách Thánh Kinh. Khi chúng tôi nhanh chóng giải thích ra những sự thật này, và sử dụng Thánh Kinh để làm điều này, thì tất nhiên nhiều người sẽ đáp trả lại. Họ thú nhận rằng họ chưa bao giờ thật sự hiểu được về điều này hay chỉ đơn giản đã quên đi điều này."

Những Lời Chứng Thực

Ông Peterson cho biết Ông vẫn thường hay được chào hỏi bằng sự ngạc nhiên về việc trang WebCatholicscomehome.orgcủa Ông đã có sức mạnh cuốn hút người vào thăm như thế nào. Có rất nhiều lời chứng thực đã được gởi tới cho trang Web của Ông cho thấy được tầm ảnh hưởng mạnh mà nó có trên những người xem.

Sau khi xem qua các quảng cáo thương mại trên các kênh truyền hình ở thành phố Phoenix, một vị khách có tên là Michael đã viết như sau: "Trang Web này rất có hiệu quả và rất cần đến trong lúc này."

Một email khác từ vị khách có tên là Angela đã viết như sau: "Tôi đã xa cách Giáo Hội trong suốt hơn 35 năm qua và trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã trở thành người theo thuyết bất khả tri [vân vân]. Đối với tôi, việc thật sự vào trang Web này để tìm hiểu các thông tin sau khi xem 1 quảng cáo trên truyền hình đã nói lên được rất nhiều điều rồi."

Đối với một số quảng cáo thương mại trên truyền hình đã mang đến một niềm vui lớn. Vị khách có tên David viết ra như sau: "Tôi muốn khen ngợi Ông về quảng cáo thương mại trên truyền hình. Wow. Thật sự rất hay và có ý nghĩa. Tôi cảm thấy tự hào vì mình là một người Công Giáo."

Thậm chí ngay cả với những người không phải là Công Giáo đã viết như sau trong trang Web Catholicscomehome.orgđể ca ngợi về những nổ lực của Ông Peterson.

Vị khách có tên là Jean đã viết như sau: "Tôi không phải là Công Giáo, nhưng tôi nghĩ quảng cáo thương mại của Ông có sức mạnh thu hút lớn, và rất hiệu quả."

Một vị khách khác có tên là Deborah, đã rất thuyết phục nên viết như sau: "Tôi rất thích tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo. Thế tôi phải làm điều gì để trở thành người Công Giáo?"

Khởi Đầu

Dự án này đã nhận được sự chú ý của Tòa Thánh.

Như Ông Peterson cho biết là vừa mới đây, Ông đã thảo luận về sáng kiến này với Đức Hồng Y John Foley, Tổng Trưởng của Hội Thánh Mộ Giêrusalem, và Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli - Tổng Trưởng của Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Việc Truyền Thông Xã Hội.

Khi những kết quả này vượt qua cả sự mong đợi, thì Ông Peterson lại cho rằng nó chỉ mới là sự khởi điểm mà thôi, và nhóm của Ông đã có kết hoạch để tung ra những chiến dịch quảng cáo thương mại tương tự vào mùa Đông sắp tới tại các thành phố hay Giáo Phận như: St. Louis, Lincoln, Colorado Springs, Atlanta, và Fargo.

Ông cho biết rằng: "Chúng tôi đang chuẩn bị nhắm vào năm 2010, khi đó chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu một chiến dịch quảng cáo trên khắp cả nước bắt đầu từ giải Super Bowl của năm 2010."

Ông Peterson không phải vì đó mà tự cho đó là những thành công của riêng Ông, mà Ông chỉ đơn giản nói rằng:

"Thế Giới cần đến Chúa Giêsu. Chúng ta cần nhắc nhở những người khác về việc họ được Chúa Giêsu yêu mến họ rất nhiều, và gia đình Giáo Hội Công Giáo của chúng ta rất cần đến họ."

--- --- ---

Những cuốn phim quảng cáo nhằm kêu gọi Những Người Công Giáo Hãy Quay Trở Về của Ông Peterson đã được tải lên trang mạng Catholicscomehome.org vốn rất nhanh, rất dễ coi và không cầu kỳ so với các chương trình xem Video khác, khi Quý Vị bấm vào phần Movie (Phim Ảnh) thì Quý Vị có thể xem qua nội dung là gì, hòng từ đó, chúng ta cũng giúp gọi kêu những người Công Giáo gốc Việt hay những người Công Giáo gốc bản xứ vốn là bạn bè của chúng ta hãy sớm quay trở về với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài.

Và để giúp cho Nhóm của Ông Tom Peterson có đủ điều kiện tài chánh để mang đến lời kêu gọi của Thiên Chúa vào ngày giữa dòng đời trần tục và tội lỗi, ngay trên truyền hình, xen lẫn vào giữa các chương trình "thô tục" của dòng đời, xin Quý Vị hãy vào thăm trang Web kể trên và nếu có thể hãy trợ lực tài chánh cho họ, để cùng nhau chúng ta có thể giúp mang về lại nhiều tâm hồn bị lưu lạc, hay những "người con hoang đàng" - để tất cả biết sớm quay trở về lại với Thiên Chúa mãi luôn!
 
Đồng Đô La hạ giá khiến cho ngân quỹ Tòa Thánh bị thiếu hụt
Bùi Hữu Thư
16:31 10/07/2008

Đồng Đô La hạ giá khiến cho ngân quỹ Tòa Thánh bị thiếu hụt



VATICAN 9, tháng 7, 2008 (Zenit.org).- Lần đầu tiên kể từ năm 2003, Tòa Thánh kết thúc tài khóa 2007 với số lượng thâm thụt 14 triệu Mỹ Kim.

Hội Đồng Hồng Y Nghiên Cứu các Vấn đề Tổ Chức và Kinh Tế của Tòa Thánh bá cáo kết qủa hôm nay sau buổi họp ngày Thứ Năm và Thứ Sáu tuần qua tại Vatican.

Tuy nhiên, Thánh Đô Vatican, tách biệt khỏi Tòa Thánh lại chấm dứt tài khóa 2007 với số lợi tức khoảng 10 triệu rưởi Mỹ Kim.

Tổng kết hai năm 2004-2006 cho Tòa Thánh cho thấy số lợi tức là 15 triệu.

Ngân qũy tồn kho được Đức Tổng Giám Mục Velasio De Paolis bá cáo, ngài được bổ nhiệm tháng Tư vừa qua làm chủ tịch hạt phủ doãn Tông Tòa về các vấn đề Kinh Tế.

Lợi tức của Tòa Thánh chỉ có các số tiền đóng góp của các giáo phận, nhà dòng và giáo dân. Mọi dịch vụ của Tòa Thánh đều là các chi phí.

Tòa Thánh sử dụng một tổng số nhân viên 2,748 người (44 người nhiều hơn năm 2006), trong đó 778 người là linh mục, 333 tu sĩ, 1,212 nam giáo dân 425 nữ giáo dân. Có 929 người đã về hưu.

Ngân sách của Tòa Thánh bao gồm các chi phí cho các tòa Khâm Sứ và các đại diện Tông Tòa tại các quốc gia và các tổ chức quốc tế, cũng như các phí tổn về thông tin của họ.

Một trong các thâm thụt quan trọng nhất là ngân sách cho đài phát thanh Vatican "Ban Điều Hành Thánh Đô đã cam kết trang trải một nửa số thiếu hụt 12.2 triệu Euro.”

Các thiếu hụt khác nằm ở việc xuất bản báo L'Osservatore Romano. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông khác bắt đầu cho thấy có lợi tức.

Các kết quả tốt được bá cáo là Nhà In Vatican, chấm dứt tài khóa với số lợi tức trên 1 triệu Euro; Trung Tâm Truyền Hình Vatican Television Center, phụ trội 458,754 Euro; and Nhà Xuất Bản Vatican Publishing House, có lợi tức tổng cộng là 1 triệu 600 ngàn Euro.

Theo bá cáo này, một trong những lý do của sự thâm thụt là vì đồng đô la năm qua giảm giá. Đa số các kinh phí của Vatican dùng Euro, trong khi đa số lợi tức lại là đô la.
 
Sứ điệp cuộc nổi loạn của người trẻ năm 1968
Linh Tiến Khải
20:10 10/07/2008
Sứ điệp cuộc nổi loạn của người trẻ năm 1968

Phỏng vấn ông Bernard Sichère, giáo sư triết đại học Paris, về ý nghĩa cuộc cách mạng của người trẻ hồi năm 1968 và sự cấp thiết của việc thay đổi tinh thần, hoán cải trở về với Thiên Chúa

Hồi năm 1968, tức cách đây 40 năm, giới sinh viên học sinh Pháp và Âu châu đã nổi loạn xuống đường biểu tình phản đối xã hội, đốt xe, đập phá hàng quán, và xung đột với các lực lượng an ninh cảnh sát. Phong trào người trẻ phản đối biểu tình và đình công đã phát xuất từ Italia, nhưng lan sang Pháp rồi bùng nổ mạnh tại Paris và lan sang hàng trăm thành phố khác toàn Âu châu. Sự kiện người trẻ biểu tình nổi loạn và diễn tả các bất bình các vỡ mộng của họ bằng bạo lực khiến cho các giới phụ huynh ngỡ ngàng.

Tại sao người trẻ đươc cha mẹ cho ăn học đầy đủ, không thiếu thốn gì - ít nhất trên bình diện vật chất - lại bỗng dưng nổi loạn chống lại mọi thứ quyền bính, chống lại gia đình, chống lại xã hội, trong đó họ đã được sinh ra và lớn lên. Có cái gì không ổn trong cung cách tổ chức cuộc sống xã hội thời bấy giờ? Người trẻ muốn cái gì? Giữa nhịp sống quay cuồng của xã hội sản xuất tiêu thụ và hưởng thụ, trong đó con người trở thành cái máy, có phải họ cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, tình người, các giá trị tinh thần, thiêng liêng, siêu việt trong cuộc sống con người nên nổi loạn hay không? Có lẽ đã có ít người, kể cả các bậc phụ huynh, biết chú ý và đọc hiểu ra sứ điệp cuộc cách mạng nổi loạn của người trẻ cách xây 40 năm.

Theo ông Bernard Sichère, giáo sư triết học tại đại học Paris, cuộc nổi loạn của người trẻ hồi tháng 5 năm 1968 là một lời mời gọi thay đổi tinh thần: ”Cần phải thay đổi chính chúng ta, nếu không, sẽ không thể thay đổi thế giới”. Giáo sư Sichère sinh tại Lille năm 1944. Sau khi lấy bằng thạc sĩ triết tại đại học Sorbonne, ông bắt đầu dậy triết bên Maroc. Sau năm 1968 ông trở thành giáo sư triết tại trường trung học Janson-de-Sailly Paris. Tiếp đến trong các năm 1974-1994 giáo sư dậy triết tại đại học Caen. Và từ năm 1994 đến nay giáo sư dậy môn triết tại đại học Paris VIII. Trong số nhiều sách giáo sư đã cho xuất bản có cuốn ”Lịch sử sự dữ” xuất bản năm 1995, ”Thiên Chúa của các nhà văn” năm 1999, ”Công Giáo” năm 2005, và ”Cho cuộc chiến đấu” năm 2006.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về ý nghĩa cuộc nổi loạn của giới trẻ hồi năm 1968 và sự cấp thiết phải thay đổi tinh thần, hoán cải trở về với Thiên Chúa.

Hồi năm 1968 giáo sư Sichère thuộc hàng ngũ trí thức tả phái, theo lý tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông, và vì thế cũng đã hăng hái xuống đường biểu tình bạo động sát cách với các lực lượng tả phái khác. Nhưng từ kinh nghiệm tiêu cực đó ông khám phá ra niềm tin Kitô giáo và tình huynh đệ đại đồng.

Hỏi: Thưa giáo sư Sichère, tại sao giáo sư lại nói rằng giáo sư nuối tiếc hạt ngọc của thứ ngôn ngữ thánh thiêng của các tôn giáo?

Đáp: Khoa phân tâm đặt để chiều kích ngôn ngữ vào trung tâm cuộc sống con người, vì nó nói rằng khả năng nhân bản của con người là khả năng tự định vị trí trong sự khác biệt của ngôn ngữ. Mà trong tương quan với tôn giáo chúng ta đang chứng kiến hiện tượng hao tổn ngôn ngữ thánh thiêng. Đây là điều nghiêm trọng, vì tất cả mọi mạc khải tôn giáo hay tinh thần đều gắn liền với một chiều kích thánh thiêng của ngôn ngữ. Do đó nơi đâu ngôn ngữ thánh thiêng đang bị hao tổn, thì sự thật mà các tôn giáo này quảng bá cũng bị hao tổn.

Hỏi: Hiện tượng hao tổn của sự thánh thiêng ngày nay xem ra có phải là hiện tượng tổng quát hay không thưa giáo sư?

Đáp: Câu hỏi này lại khơi lên một câu hỏi khác nữa: một cách đơn sơ đó là đối với con người thời nay còn có cái gì được coi là thánh thiêng hay không? Tôi không chắc chắn lắm. Có nhiều người sẽ nói rằng: chả có cái gì là thánh thiêng cả. Riêng tôi, tôi nhận thấy chúng ta duy trì một tương quan phạm thượng đối với cuộc sống con người, mà tôi phân biệt với cuộc sống của thú vật. Với các lèo lái di truyền và việc tầm thường hóa sự phá thai, chẳng hạn, chúng ta đang đụng chạm tới chính nền tảng cho phép cuộc sống của con người có thể hiện hữu. Hẳn là phải bỏ việc coi phá thai là một tội phạm, và vào thời đó tôi đã tham dự cuộc chiến đấu của cánh tả để cổ cõ cho điều này. Cần phải thôi khuyến khích các vụ phá thai lén lút và nguy hiểm mà chị em phụ nữ là nạn nhân. Nhưng mà bà Simone Veil là một trong những người cổ võ các điều này có tưởng tượng ra được là người ta sẽ đi tới chỗ tầm thường hóa việc phá thai hay không? Ngày nay chúng ta đang ở trên một lằn đỏ rất nguy hiểm, nơi chính nền tảng của cuộc sống con ngươi bị đe dọa.

Hỏi: Kitô giáo, mà giáo sư đòi hỏi, có thể được coi là một chiến lũy bảo vệ sự thánh thiêng hay không?

Đáp: Vâng, bởi vì Kitô giáo tuyên xưng rằng sự sống con người thánh thiêng và phải trông thấy Thiên Chúa trong mọi người. Và các tín hữu Kitô chia sẻ tư tưởng này với tín hữu do thái và tín hữu hồi giáo. Chính vì thế thay vì cãi nhau, thì tốt hơn là chúng ta quy tụ nhau lại trên các vấn đề nền tảng này, vì chúng ta có cùng một kho tàng phải bảo vệ.

Hỏi: Như thế theo giáo sư, cái gì cho thấy Kitô giáo ngày nay đang sống một giai đoạn đau khổ tuyệt vọng của mình?

Đáp: Đó là chúng ta không còn khả năng tiếp nhận sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa nữa. Chúng ta phải đoạn tuyệt với chủ thuyết đặt để con người làm trung tâm. Thật ra, con người không phải là trung tâm của mọi sự, vì nó không sống một mình. Nhưng để cho Thiên Chúa quay lại với con người, thì con người phải có khả năng quay trở về với Thiến Chúa, hướng về Thiên Chúa.

Hỏi: Như vậy là giáo sư bào chữa cho một sự hoán cải của nhân loại, có đúng thế không?

Đáp: Thật ra ”hoán cải” là một từ vựng đúng đắn. Sự hoán cải, sự trở về đó là điều tuyệt đối cần thiết, để chúng ta thôi tưởng tượng rằng chúng ta là những người thống trị trái đất. Chúng ta đang phá hoại chính chúng ta, khi tưởng tượng rằng chúng ta có thể chế ngự được tất cả, trong khi chúng ta bị kẹt trong một cơn lốc xoáy mạnh hơn chúng ta, và nó đang hủy diệt chúng ta. Rất may là chúng ta bắt đầu nhận ra điều đó, vì các hậu qủa to lớn tới nỗi chúng ta sẽ bị bắt buộc phải hoàn cải. Chúng ta bị giao nộp cho sự toàn cầu hóa, nghĩa là cho sự toàn năng của chế độ tư bản hoàn vũ, làm như thể là không có cái gì khác. Đó là luật tối cao cai quản mọi sự. Nhưng có phải vậy đâu.

Hỏi: Thế thì việc hoán cải đó phải xảy ra như thế nào, thưa giáo sư?

Đáp: Nó sẽ xảy ra trong mức độ con người bắt đầu suy tư. Trong lúc này đây thì các giới chức chính trị nhanh nhẹn đề nghị các công thức kỹ thuật hơn là cố gắng định vị trí trong sức sinh động của tư tưởng. Tất cả mọi đường lối chính trị đều nhắm bù trừ cho tình trạng thê thảm trái đất đang gặp phải - kể cả và nhất là các đường lối chính trị Âu châu - bởi vì các đường lối chính trị quốc gia không còn diễn tả điều gì to lớn nữa.

Vấn đề không phải là tái du nhập vào chu trình các nhà trí thức, rất thường khi là các chuyên viên ý thức hệ, nhưng là các tư tưởng gia có khả năng cống hiến cho từng người trong chúng ta các phương thế giúp tiến tới trong tư tưởng của riêng mình.

Người ta kỷ niệm các phong trào phản đối sâu rộng của thập niên 1960 cho tới năm 1968, nhưng đã không thực sự rút tỉa ra được các bài học hữu ích. Các biến cố tháng 5 năm 1968 có phải là một cuộc cách mạng không? Thưa phải. Nó có phải là một cuộc cách mạng chưa từng có không? Thưa đúng. Nó có nhằm lên nắm quyền hành không? Tuyệt nhiên là không! Cuộc cách mạng đó của người trẻ mời gọi thay đổi tinh thần. Tư tưởng sâu xa đó là chúng ta phải thay đổi chính mình, nếu không sẽ không thay đổi được thế giới.

Hỏi: Tiến trình cách mạng của người trẻ năm 1968 có bị hỏng máy không mà lại không tiếp tục được hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Không, phong trào này đã cho tất cả những gì nó có thể cho được: đối với từng người đó là suy niệm về các hạt giống đã được gieo vãi trong tâm lòng mình thời đó và thông truyền các bài học của biến cố này. Riêng tôi thì tôi đã học hỏi được rằng chính trị trước hết không phải là trật tự, mà là tình huynh đệ. Từ chỗ ủng hộ cái vô trật tự tôi đã khám phá ra tình huynh đệ, đối với các công nhân hãng chế xe Renault mà tôi không biết cho tới lúc đó. Điều đó đã dậy cho tôi hiểu biết cuộc sống của người dân hơn, sự kiện phải phát triển tình liên đới, và điều chúng ta có thể làm được khi chúng ta cùng nhau đoàn kết. Nó có thể là một tình huynh đệ tấn công, bắt buộc giới lãnh đạo chính trị phải thay đổi tình thế.

Hỏi: Đối với giáo sư, là tín hữu Kitô có phải là một cuộc chiến, một loại kháng cự hay không?

Đáp: Các tín hữu Kitô tiên khởi đã là những người kháng cự chống lại trật tự do thiểu số chính quyền Roma và do thái thiết lập. Họ đã là những người kháng cự trong tình yêu thương, chứ không phải trong quyền bính. Sự hoán cải, mà tôi hy vọng, nếu nó xảy ra, là một biến cố có tầm mức rộng rãi trong tương lai giống như biến cố Chúa Kitô đến. Tôi thích nói như thế này: nó là một cuộc hoán cải chỉ có thể là toàn cầu.

(La Croix 4-7-2008)
 
Tòa Thánh công bố ngân sách chi thu năm 2007
Linh Tiến Khải
20:12 10/07/2008
VATICAN - Sáng mùng 9-7-2008 Tòa Thánh đã công bố ngân sách chi thu năm 2007, theo đó số tiền thu tổng cộng được 236.737.207 Euros, và chi ra là 245.805.167 Euros. Như thế ngân qũy năm 2007 Tòa thánh thiếu hụt 9.067.960 Euros, sau ba năm thặng dư 2004-2006 tổng cộng được 15.206.587 Euros.

Thông cáo đã được công bố sau phiên họp thứ 42 của Hội Đồng Hồng Y đặc trách nghiên cứu các vấn đề tổ chức và kinh tế của Tòa Thánh, triệu tập tại nội thành Vaticăng trong hai ngày mùng 3-4 tháng 7 vừa qua dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Số tiền thu được đến từ sự đóng góp của các Hội Đồng Giám Mục, các giáo phận, dòng tu và nhiều hiệp hội khác nhau. Số tiền chi ra bao gồm lương trả cho 2748 nhân viên các cấp của Tòa Thánh, trong đó có 778 giáo sĩ, 333 tu sĩ và 1637 giáo dân trong đó có 425 phụ nữ. Cộng thêm lương hưu trí cho 929 nhân viên về hưu và các trợ cấp xã hội khác. Số tiền bị thiếu hụt liên quan tới các chi phí cho đài phát thanh Vaticăng và các chi chí in ấn báo Quan Sát Viên Roma. Các cơ quan truyền thông khác như nhà in, trung tâm truyền hình và nhà sách Vaticăng lời được 3 triệu Euros. Trong khi sổ thu của Viện bảo tàng Vaticăng tích cực vì số người viếng thăm trong năm 2007 tăng lên tới 4,3 triệu.

Trong năm 2007, theo Giáo Luật số 1271 các Hội Đồng Giám Mục và các giáo phận đã đóng góp cho Tòa Thánh 29.552.843 mỹ kim. Đứng đầu là Đức với 31,57%, tiếp đến là Hoa Kỳ 28,31%, Italia 18,90%, Áo 3,75%, Canada 3,46% Tây Ban Nha 3,18% và Nam Hàn 2,31%.

Trong khi số tiền quyên góp hằng năm để giúp Đức Thánh Cha làm việc bác ái gọi là ”Đồng tiền thánh Phêrô” năm 2007 được 79.837.843 mỹ kim. Đứng đầu là Hoa Kỳ với 28,29%, tiếp đến là Italia 13,04%, Đức 6,08%, Tây Ban Nha 4,10%, Pháp 3,68%, Ailen 3,33% Brasil 2,18% Nam Hàn 1,60%. Số tiền này được Đức Thánh Cha dùng để trợ giúp nạn nhân các tai ương thiên nhiên, hay yểm trợ các sáng kiến của nhiều giáo đoàn địa phương thuộc thế giới thứ ba hay trợ giúp các Giáo Hội nghèo nhất thế giới. Đặc biệt trong năm 2007 đã có một ân nhân ẩn danh tặng Tòa Thánh 14.309.400 mỹ kim.
 
Top Stories
Le « surplus » de naissances masculines pourrait entraîner de profondes transformations dans les structures de la société vietnamienne
Eglises d'Asie
07:17 10/07/2008
Le « surplus » de naissances masculines pourrait entraîner de profondes transformations dans les structures de la société vietnamienne

La société vietnamienne d’après-guerre a longtemps été marquée par un déséquilibre démographique en faveur des femmes. La situation aujourd’hui s’est totalement inversée. Pour 212 enfants qui ont vu le jour en 2007, 112 étaient des garçons et seulement 100 des filles. Cette information, qui suscite quelques inquiétudes, est l’un des résultats d’une enquête démographique qui vient d’être réalisée par l’Office général des statistiques du Vietnam et portée à la connaissance du public le 2 juillet dernier par la section vietnamienne du Fonds des Nations Unies pour la population (UNFPA) (1). Cet écart s’est encore creusé depuis l’année précédente, où la moyenne des naissances de garçons était de 110 et il dépasse largement l’écart moyen normal entre les deux sexes à la naissance, qui est de 103 ou 105 sur 100 en faveur du sexe masculin.

Des changements se sont également produits dans la répartition territoriale de ces naissances. Les naissances de sexe masculin sont plus nombreuses dans certaines provinces montagneuses comme Dien Biên, Hung Yên au nord-ouest, Dak Lak au Centre-Vietnam, ou encore dans les provinces de Bac Giang, Bac Ninh, Hai Duong, Thai Binh, Ninh Thuân. Au total, les statistiques montrent que, dans 35 provinces, la moyenne des naissances de garçons dépasse 110 pour 100 naissances de filles.

Une des principales raisons de ce phénomène, selon Mme Tran Thi Vân, expert de l’UNFPA-Vietnam, résiderait dans une préférence traditionnelle pour les garçons, inhérente à la tradition culturelle vietnamienne. Beaucoup de couples veulent absolument que l’aîné soit de sexe masculin. Grâce à la possibilité de prévoir le sexe de l’enfant de très bonne heure après sa conception et les moyens anticonceptionnels facilement disponibles aujourd’hui, beaucoup de couples peuvent « écarter » sans difficulté une naissance féminine. Si cette tendance relevée aujourd’hui s’accentue, la situation démographique au Vietnam ne tardera pas à être aussi catastrophique que celle de la Chine ou de l’Inde, où le ratio des sexes à la naissance est passé de 110/100 à 123/100.

Les conséquences de ce déséquilibre ne devraient pas se faire sentir avant cinq ou dix ans. Dans environ quinze ans, lorsque cette génération arrivera l’âge nubile, ce surplus masculin engendrera le célibat forcé, l’obligation de chercher une épouse à l’étranger, voire la prostitution et le trafic des femmes. Dans le passé, un certain nombre de décrets et de textes législatifs ont interdit l’identification du sexe de l’enfant dans les premiers mois de la grossesse. Mais cette interdiction n’a guère eu d’effet. Au jugement de l’expert de l’UNFPA, la seule solution consisterait à transformer les esprits et à convaincre les esprits de la valeur du fait d’attendre un enfant de sexe féminin.

Les constatations et les prévisions sont plus optimistes en ce qui concerne la croissance démographique. L’indice synthétique de fécondité a régulièrement diminué au cours des neuf années écoulées pour atteindre, en 2007, 2,07 enfants par femme en âge de procréer. Au sein des pays de l’ASEAN, le Vietnam figure parmi les trois pays ayant l’indice de fécondité le moins élevé. Lors de son commentaire public des nouvelles statistiques de la démographie vietnamienne, Mme Tran Thi Vân a ajouté qu’il était faux de parler « d’explosion des naissances » au Vietnam, comme cela a été écrit dans différents médias vietnamiens officiels ces dernières années. En 2002, 24,3 % des familles mettaient au monde un troisième enfant. Cette proportion n’est plus que de 19,3 % en 2007. Cependant, selon des chiffres publiés par le service de démographie, pour le début de l’année 2008, le nombre des familles ayant fait enregistrer un troisième enfant aurait augmenté de 17 % par rapport à la même période de l’année précédente. Le rythme de la croissance démographique aurait toutefois diminué. On prévoit qu’au rythme actuel, dans trente ans, la population vietnamienne, qui est estimée aujourd’hui aux alentours de 86 millions de personnes, aura atteint les 100 millions.

(1) Ces informations ont été reprises par plusieurs médias numériques officiels comme VNExpress, Tin Tuc et quelques autres du 2 juillet 2008.

(Source: Eglises d'Asie - 10 juillet 2008)
 
Vietnamese Refugees - and descendants - grateful for freedom
Ed Langlois/ Catholic Sentinel
11:21 10/07/2008
PORTLAND - Thanh Van, 8, leans with arms folded against a massive statue of Jesus.

Then music from a massive Catholic Vietnamese choir fills the air, and the spunky third grader tries to scramble up the statue’s stone base for a better view.

Liturgical Dance at the Freedom Mass (Photo: Gerry Lewin)
Just ahead of Thanh, more than 6,000 worshipers are receiving Communion by way of thanking God, Mary and the U.S.A. for freedom.

“It’s beautiful,” says the girl, a member of Holy Trinity Parish in Beaverton.

For 33 years, refugees — and their children and grandchildren — have gathered at the Grotto in Portland for an annual Mass. Led by the Vietnamese, Freedom Sunday now includes refugees from the Laotian, Hmong, Polish, Croatian, Russian, Korean, Filipino, Hispanic and Eritrean communities.

Most who come know they cannot take freedom for granted.

Phuc Nguyen, 25, came to the United States from Saigon at age 8. Nguyen’s parents wanted him to grow up in an oppression-free country. The family trekked to Thailand and Japan before making it to the land of their dreams.

“They knew the United States was about freedom and opportunity for younger people,” Nguyen says. “It meant a better future.” He is now a technician working for Nike.

Medhanie Embaye, a 46-year-old from Eritrea, stood in suit and tie with many of his relatives, the women in long white dresses with head scarves. A member of Immaculate Heart Parish in Portland, Embaye fled his home country in the Horn of Africa in 1981 when war with the Communist regime in Ethiopia was exploding.

Fearing massacre, the family made its way to Sudan and then to Italy before finding a home in the U.S. “This is beautiful,” he says of the crowded liturgy. “This is the one day that can remind you of your freedom.”

Embaye had nothing when his family arrived. But after years of labor, he has earned enough to buy his own submarine sandwich shop in Tigard. He is the proud father of three daughters.

Grace Golonka wears a colorful traditional Polish dress, one of the ways she has maintained her beloved culture in her adopted home. Golonka escaped Communist Poland in 1979 with her fiancé just as the Solidarity movement was gaining steam.

“We understand what freedom means,” says Golonka, who has daughters aged 18 and 27. She made sure each girl became fluent in Polish.

Worshipers come to the Grotto Mass from Oregon, California, Washington and British Columbia. The weekend, a reunion as well as a Mass, includes several days of retreat at Our Lady of Lavang Church. This year’s theme focused on the Holy Spirit.

One Vietnamese-American woman, 29, admits she comes to the annual Mass mostly to please her parents. But she also has started bringing her own children. “It’s a big part of our community,” she says.

Archbishop John Vlazny, wearing vivid green vestments, seemed to revel in the mild summer day and the colorful worship.

In his homily, he warned worshipers about what he called “false freedom” prevalent in the Northwest — everyone simply wanting to do his or her thing.

“Yes, freedom is a right in this nation. But freedom comes, first and foremost, as a gift from God,” said the archbishop.

“Today Jesus Christ challenges us to reach out to those who carry heavy burdens the way God always reaches out to us,” the archbishop said. “An amazing paradox of Christian living is that the more we share the burdens of others, the lighter our own burdens seem to become.”

Each year, the crowd flows out of the Grotto’s outdoor plaza onto the wooded trails. Tired parents hold children and elders are given a place of honor in lawn chairs. The homily, prayers and passionate music are piped all over the grounds. During prayers of the faithful, the crowd remembers those who died during 20 years of warfare in Vietnam.

At the end of Mass, Msgr. James Ninh Pham, leader of the Southeast Asian Vicariate, acknowledged the many nationalities represented during the day.

“We are all united in our faith and truly brothers and sisters in Christ,” Msgr. Pham said.

Colorful Dancers from Our Lady of Lavang Parish who help in the celebration are trained in part by the Sister Adorers of the Holy Cross, a Vietnamese congregation of women religious.

Archbishop Vlazny introduced newly-ordained Father Luan Nguyen, a native of Saigon who came to the U.S. and graduated from Portland State University in 1998. The archbishop urged the Vietnamese community to support the vocations of even more young people. “Monsignor James and I can’t go on forever,” he quipped.

Beginning in the 1970s, the Archdiocese of Portland and Catholic Charities helped place Vietnamese refugees who fled their homeland after the rise of the Communist regime. The Benedictine Sisters in Mount Angel also worked to find housing. Beginning in 1975, Vietnamese from all over the west coast came to Portland for a Mass to give thanks for the opportunity to start over.

One of the most memorable Freedom Mass moments was the year a Jew and a Palestinian came to the liturgy to pray for peace for one another’s country. In the 1990s, when Iran and Iraq were at war with each other, refugee representatives from the two nations attended the Mass and walked arm-in-arm to the altar as a gesture of peace.

Last month, Vietnamese Catholics from around the country came together at the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception in Washington, D.C., to pray and learn about their faith.

Vietnamese Cardinal Jean-Baptiste Pham Minh Man of the southern part of the country presided at several Masses during the pilgrimage. Events included a seminar on family ministry, workshops on Catholic religious education, and discussions on the role of laypeople today as witnesses to Jesus and how families today can live their faith in the United States.

About 2,500 Vietnamese Catholics from 25 states attended this year’s national pilgrimage, sponsored by the Federation of Vietnamese Catholics in the USA. This year’s event had a special significance as it marked 20 years since Pope John Paul canonized 117 Vietnamese martyrs in 1988.

The first apparition of Our Lady of La Vang occurred in 1798. During a period of persecution, Vietnamese Catholics had taken refuge in a jungle in the La Vang region in what is now the Quang Tri province in central Vietnam. They prayed the rosary there, and one night Mary appeared to them, wearing traditional Vietnamese garb, and comforted them.

A chapel was built on the site and then a church; in 1961 the Vietnamese bishops’ council made the area the National Marian Center of Vietnam.
 
The send-off for our 26 young people to WYD 2008 from OLA Claremont
OLA Parish
15:52 10/07/2008
CLAREMONT, Los Angeles - The send-off for our WYD 2008 pilgrims was celebrated this last Sunday at the 5:00PM Teen Mass. The group of 26 young men and women of Our Lady of the Assumption Church in Claremont, California, departed yesterday evening July 9, 2008 for New Zealand and Australia. With their parents and friends presense. Fr. John Nghi Tran blessed them and wished a safe trip and be empowered with the Holy Spirit. For the last 3 WYDs organized in France, Canada and Germany, our OLA parish always sent our young men and women to participate and to share their living faith experiences with others. Please pray for our OLA group.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm bạn trẻ Việt Nam từ Đức đi xuyên qua Việt Nam tới dự WYD 2008 ở Sydney
Maria Vũ Loan
08:22 10/07/2008
VIỆT NAM - Trong những ngày này, các nhóm bạn trẻ Công Giáo của nhiều nước trên thế giới đang nô nức tới tham dự Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008. Mỗi nhóm khi cất bước hành trình đều mang theo hành trang làm chứng nhân, tuy có những nét khác nhau nhưng qui tụ vào một điểm là giương cao chân dung Chúa Kitô trên đôi tay trẻ của mình.

Xin được giới thiệu hành trình đặc biệt của một nhóm bạn trẻ từ nước Đức, trước khi đến Sydney, đã có chuyến đi xuyên Việt đầy tình thương và nụ cười.

Cuộc hành trình của nhóm bạn trẻ Việt Nam từ Đức này không theo một thứ tự thẳng dọc nước Việt Nam mà linh động theo thời gian. Trước khi sang Úc dự đại hội, các bạn còn làm một chuyến công tác xã hội giúp học sinh nghèo với một nhóm khác; rồi sau đại hội trước khi trở về Đức lại ủy lạo, tặng quà một trại cùi ở gần Hà Nội rồi lại thăm một làng nghèo ở ven sông Hồng.

Linh mục Paul Phạm Văn Tuấn, tuyên úy của người Công giáo Việt Nam tại hai giáo phận Hildesheim và Hamburg gồm 11 cộng đoàn. Dù lần này chỉ là trưởng đoàn nhóm bạn trẻ nhưng lần trước cha là trưởng ban tổ chức cho Mục Vụ Việt Nam tại ĐHGT- 2005 tại Koeln, Đức quốc.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, cha và các bạn trẻ đã in những chiếc áo có logo đại hội, sách Kinh Thánh Tân Ước, dây đeo, tràng hạt và những món quà be bé để giao lưu, trao tặng bè bạn gặp gỡ cho chuyến đi.

Nhìn vào hành trình xuyên Việt của cha và các bạn cũng phải đáng nể. Xuống máy bay là thăm Hà Nội. Các thắng cảnh của đất Hà Thành làm sống dậy trong lòng bạn trẻ lòng yêu mến quê hương khó tả.

Thăm giáo phận Thanh Hóa là một việc không thể thiếu của nhóm này vì các cộng đoàn ở Đức, đáp lời kêu gọi của Đức cha Giuse Chí Linh, đã giúp đỡ giáo phận này khá nhiều khi cơn bão Lekima năm 2007 gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Thánh Hóa.

Đi xe bus từ Hà Nội đến Huế. Nhóm đã tung tăng thăm các di tích thắng cảnh ở Huế, trọ tại nhà nghỉ rất đơn sơ. Đến nơi nào đoàn cũng giao lưu thân thiện với các bạn trẻ Việt Nam và xem ra đoàn có vẻ tiết kiệm trong việc chi tiêu để làm việc từ thiện.

Những người đi xuyên Việt, làm sao có thể bỏ qua địa danh Đà Nẵng vì ở đó có Bảo Tàng Chàm, nơi trưng bày những hiện vật quí giá của văn hóa Chàm nổi tiếng; thưởng ngoại vẻ đẹp phố cổ Hội An….

Hành hương Đức Mẹ La Vang là việc nhiều người đã làm nhưng mỗi người khi đến đó thường mang một tâm tình khác nhau, chỉ có Đức Mẹ mới hiểu hết.

Cuộc hành trình thăm miền Bắc và miền Trung, thăm các nhà thờ, các thắng cảnh làm cho người lớn thấy vui, còn bạn trẻ sinh ra ở Đức thì bỡ ngỡ về quê hương của cha mẹ mình.

Cuộc hành trình vào Sài Gòn lại có nhiều thú vị khác, mang hương sắc đặc trưng của miền Nam đất Việt khi đi qua miền sông nước Mỹ Tho, Sa Đéc, Cần Thơ; rồi Sóc Trăng, Minh Hải, Cà Mau.

Mộ cha Trương Bửu Diệp có nhiều người viếng thăm, hẳn là lúc nào cũng đón nhận những lời cầu xin. Không biết tâm tình của linh mục trẻ trong đoàn nghĩ gì, xin gì với cha Bửu Diệp, vị linh mục đã sống tích cực, đã chết vì bàn tay cường bạo ghét đạo Kitô, đã vang dội tiếng tăm và giúp đỡ nhiều người đến nỗi hình ảnh của Ngài xuất hiện trên nhiều bàn thờ của các gia đình Công giáo?

Đến Tòa Thánh Tây Ninh của đạo Cao Đài và vào địa đạo Củ Chi, dường như nhóm bạn trẻ này muốn nuốt chửng các địa danh đất Việt vào hồn.

Đây là một chuyến đi rất ý nghĩa giúp các bạn trẻ nhìn lại quê hương một cách thực tế, đang khi tham quan các di tích lịch sử Công giáo và các danh lam thắng cảnh, các bạn cũng bỏ giờ ra làm công tác xã hội... Chuyến đi này có phải là một trong những chuyến ra khơi của đời tận hiến đời mình phục vụ tha nhân? Vị linh mục hướng dẫn đã lựa chọn cho mình những tâm tình khi thụ phong linh mục như sau:

Lạy Chúa, Con tìm một con thuyền
giữ gìn con, che chở con khỏi sóng gió.
Con cần một tấm lưới, cho việc làm hằng ngày,
để liên kết con với mọi người.
Con ước muốn có một cộng đoàn, hướng dẫn con trên cuộc hành trình,
chèo thuyền với con trên biển cả.
Con khát vọng một bến bờ, nơi đó con muốn lèo lái,
Quá khứ của con, hiện tại của con, và cả tương lai của con vào.
Lạy Chúa, con tìm một con thuyền,
Trên thuyền đó con ra khơi với Chúa,
Trên thuyền đó con an tâm hoàn toàn
”.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới được Giáo Hội Công Giáo tổ chức từ sáng kiến của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để giới trẻ gặp gỡ, chia sẻ niềm tin nhưng cách làm chứng nhân cho Đức Kitô của các bạn trẻ, tuy có khác nhau nhưng làm cho hành trình của các nhóm đến đại hội như nở hoa, tỏa một thứ hương thơm của lòng yêu mến quê hương, lòng bác ái, và lòng hăng say của người trẻ trước cuộc sống vội vã, hưởng thụ và thực dụng của thế giới hôm nay.
 
Đại Hội Giới Trẻ: Vài sinh hoạt tại thành phố Melbourne
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
09:34 10/07/2008
Sinh hoạt Đại Hội Giới Trẻ tại Melbourne

Phái đoàn 117 trước nhà của Chân Phước Mary McKillop


Hôm nay thành phố Melbourne tràn ngập các nhóm trẻ từ các nước tới thăm quan thành phố Melbourne, đặc biệt nơi sinh trưởng của Chân phước Mary McKillop và nhà thờ chính toà cũng như Đại học Công giáo tại Melbourne.
Nhà thờ chính tòa Melbourne
Niềm vui gặp gỡ


Trời hôm nay một ngày mưa nắng, gió lạnh của một thành phố được mệnh danh là “thành phố của một ngày bốn mùa”, giới trẻ và du khách đã cảm nghiệm được điều đó là đúng!
Thăm Federation Square


Tuy thế trưa nay các phái đoàn Việt Nam từ Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như các nước khác cùng với các bạn trẻ gần 700 người cảm thấy ấm long no bụng lúc tựu về giáo xứ St. John East Melbourne để dùng cơm trưa miễn phí do một số thiện nguyện viên dưới sự điều động của cha Hiến, cha Sơn khoản đã thật thịnh soạn, sau bữa trưa các đoàn đã tuốn về nhà thờ chính tòa để dâng lễ cùng các nhóm trẻ từ khắp năm châu.
Hội Chợ Giới Trẻ tại St John's East Melbourne: Văn nghệ trong Hall


Tối nay một hội chợ nho nhỏ của các bạn trẻ Melbourne được tổ chức tại sân trường St. John’s. Dù trời gió lạnh của tiết đông vẫn không cản được mấy trăm bạn trẻ cũng như du khách tụ về thưởng thức các món ăn đặc sản do giới trẻ Melbourne sửa soạn. Hình ảnh sinh hoạt của Hội Chợ “Món Ăn Ngon” đã kết thúc một ngày hành hương của các nhóm trẻ tại Melbourne.
Ban nhạc trẻ giúp vui
 
Giới Trẻ Công giáo Việt Nam du ngoạn núi tuyết ở Melbourne trên đường dự WYD 2008
Joseph Nguyễn
11:26 10/07/2008
MELBOURNE, Úc châu - Nằm trong chương trình sinh họat cho giới trẻ Công giáo Việt Nam đang có mặt tại Melbourne, chuẩn bị cho đại hội giới trẻ thế giới 2008 tại Sydney, nuớc Úc, từ 4g sáng, ngày thứ Hai, 07-07-2008, các bạn trẻ đã thức dậy để tới nơi tập trung lên xe đi Núi Tuyết.

Đây cũng là dịp tốt để uốn nắn lại việc chính xác giờ giấc cho các bạn trẻ Việt Nam sang Úc theo phong tục châu Âu. Như thế, các bạn trẻ phải thức dậy sớm khi tiết trời giá lạnh để có mặt đúng giờ tại nơi tập trung. Thật không dễ chút nào, nhưng tất cả đều phải cố gắng!

Xe đã dừng lại để ăn sáng tại một quán ăn bên đường lúc 8g. Sau 30 phút, xe tiếp tục lăn bánh tới chân núi. Tại đây, các bạn trẻ xuống thuê quần áo ấm và những dụng cụ đi trượt tuyết.

11g xe tới địa điểm trượt tuyết. Các bạn trẻ xuống ăn trưa là một ổ bánh mì rồi vội vã đi chơi tuyết. Tôi và các bạn trẻ nhóm A6- một nhóm thuộc tổng giáo phận Sài Gòn, đi lên một dốc tuyết. Chúng tôi chụp hình và cố đi lên tới đỉnh dốc trên cao, chụp hình như là ghi mốc đã lên tới đỉnh dốc núi tuyết mà người ta thường hay nói là "lên tới đỉnh Olympia"!

Tuyết rơi và lạnh cũng là một sự tò mò nhưng nhiều thách đố cho người trẻ Việt Nam khi leo dốc tuyết! Tuyết rơi thật lãng mạn nhưng cũng làm tê lạnh! Lên cao hơn nữa, một bãi tuyết trắng xóa và thơ mộng, nơi đó các bạn trẻ đua nhau để trượt trên tuyết thật vui mặc dù trời đông tuyết rơi lạnh như cắt da! Tuyết rơi phủ trắng áo người trẻ. Khi bỏ bao tay da để chụp hình, bàn tay đó sẽ bi tê lạnh và buốt như đã ngâm lâu bàn tay trong nước đá! Tuyết rơi làm các bạn trẻ nhớ lại bài hát: "Ngòai kia tuyết rơi đầy. Sao anh không đến thăm em chiều nay?"…Tình yêu cách xa càng làm cho lòng người thêm băng gía. Những bọt tuyết trắng xóa như bọt xà phòng dễ tan làm cho tình yêu cũng bị cảm thấy thật mong manh vì giá lạnh, tuyết rơi! Một Phê rô kia đã chối thầy mình ba lần trong tiết trời giá lạnh khi một người trong nhóm đang đứng sưởi đã hỏi xem Phêrô có phải là môn đệ Đức Giê su không?

Núi cao cũng là nơi dễ nâng tâm hồn lên! Trong Tin mừng, Phêrô xin được dựng 3 lều trên núi để được diễm phúc ở lại lâu hơn với ĐứcGiêsu trên đó, thì nơi đây cao 1.800m, cảnh vật trắng xóa trong màu tuyết và giá lạnh làm tê buốt tay chân, nhưng các bạn trẻ cảm thấy ấm lại vì tình đồng hương trong nhóm, được cùng đồng hành với nhóm, cùng đi sinh họat chung và cùng chơi tuyết với các bạn trẻ Việt Nam hành hương đến từ bốn phương trời tham dự đại hội giới trẻ thế giới. Thời gian ở lại trên núi chỉ có 3 giờ ngắn ngủi làm nhiều bạn còn luyến tiếc muốn được nán lại thêm trong bầu khí có một mà chưa có hai trong đời.!

Xe rời khỏi núi tuyết lúc 15g và về đến nhà lúc 19 giờ. Tại đây, các gia đình Việt Nam chia nhau ra mời đòan tới ăn tối chung với gia đình họ. Nhiều gia đình người Việt muốn đón người từ Việt Nam tới để ở chung với họ nếu ai chưa có chỗ ở.

Chính sự hiếu khách này tạo nên sự ấm lòng cho các người trẻ Việt Nam khi tới tham dự đại hội lần này!. Cho khách đỗ nhà là một nhân đức trong 14 mối thương người. Chính Chúa Giêsu nói trong Tin mừng: đón tiếp ai không nơi nương tựa là đón tiếp chính Ngài. Chính ý nghĩa này và những ý nghĩa nêu trên đã tạo nên sự ấm cúng cho khách hành hương giới trẻ Việt Nam tới Úc trong tiết Đông và tuyết còn đang rơi nhiều trên những đỉnh núi cao như núi tuyết này. Vì "đèo cao thì mặc đèo cao- nhưng lòng đã quyết còn cao hơn đèo!"
 
26 bạn trẻ thuộc giáo xứ OLA, CĐ Mân Côi, Claremont, lên đường đi WYD 2008
VietCatholic
15:56 10/07/2008
CLAREMONT, California - Vào chiều thứ Tư hôm qua 9/7/2008, giáo xứ Our Lady of the Assumption Church ở Claremont, California, đã tổ chức cuộc tiễn đưa 26 thanh niên thiếu nữ trong giáo xứ lên đường đi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney. Các em quây quần bên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và bạn hữu, đọc kinh, cầu nguyện và Cha John Trần Công Nghị đã ban phép lành và cầu chúc các bạn trẻ lên đường bằng an.

Trong chuyến đi năm nay các bạn cũng ghé thăm nước Tân Tây Lan thơ mộng và diễm kiều trước khi đến Sydney. Trong 3 lần Đại Hội Giới Trẻ Thế giới vừa qua, giáo xứ OLA luôn gửi một số các bạn thanh niên thiếu nữ tham gia để chia sẽ và học hỏi kinh nghiệm với các bạn ttẻ khắp thế giới. Các bạn trẻ sẽ trở về ngày 23/7/2008 tới đây.
 
Các đoàn Việt Nam đang qui tụ về Melbourne để chuẩn bị Đồng Hành về WYD 2008 ở Sydney
LM Raphael Trần Xuân Nhàn
19:45 10/07/2008
Các đoàn Việt Nam đang qui tụ về Melbourne để chuẩn bị Đồng Hành về WYD 2008 ở Sydney

Đoàn Giới trẻ Việt Nam đã đáp xuống phi trường Melbourne trên chuyến bay Vietnam Airline 781 vào lúc 8h30 ngày 03/07/2008. Đoàn đã được tiếp đón rất nồng hậu, nhờ sự sắp xếp của cha Gioan Lê Quang Việt trưởng đoàn giới trẻ Việt Nam.

Tại tổng giáo phận Melbourne Liên đoàn thanh niên công giáo đã chuẩn bị 650 thiện nguyện viên, trong đó có khoảng 50 Thiện nguyện Việt Nam sinh sống tại Úc. Giúp đỡ khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố Melbourne để chuẩn bị cho cuộc diễn tập đồng hành về thủ đô Sydney của Australia.

Điểm hẹn đầu tiên: xe bus chở đoàn hành hương Việt Nam từ phi trường về nhà thờ St. Joseph’s 33 St. John’s Av, Springvale 3171, do cha Vincente Nguyễn Long - Dòng Phan-xi-cô, quản nhiệm. Tại đây có các cha, các thầy, các nữ tu và Hội đồng mục vụ đã chuẩn bị bữa cơm đầu tiên cho đoàn Giới Trẻ Việt Nam trên đất Úc thật chu đáo, sau bữa cơm thân mật để mọi người quên đi sự mệt mỏi, ban tổ chức đã dành ít phút để giới thiệu và dặn dò, sau đó mọi ngưòi nhận địa điểm lưu trú của mình và chương trình sinh hoạt của một tuần ở Melbourne:

Chương trình sinh hoạt ở Melbourne được phối hợp với Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo lồng ghép vào Chương trình Days in the Diocese của Tổng Giáo Phận Melbourne rất phong phú, đây là chương trình Giới trẻ Công giáo trong tuần lễ trước Đại Hội World Youth Day tại Melbourne.

Văn phòng DID08 đã loan tải rất nhiều sinh hoạt trong tuần lễ DID chính thức (10-14/07). Muốn biết thêm chi tiết về các chương trình khác của văn phòng DID08 Melbourne xin mời ghé thăm trang web: www.did08.com

LĐTNCG Melbourne sẽ tham gia một số chương trình đó và sẽ tổ chức thêm vài chương trình dành riêng cho giới trẻ Việt Nam.

Sau đây là chương trình tổng hợp:

Chúa nhật ngày 06/07/2008
5PM: Thánh Lễ Giới Trẻ Việt Nam
Cho tất cả giới trẻ trong và ngoài giáo phận Melbourne.
Địa điểm: St. John the Evangelist Church,
576 Victoria Pde, East Melbourne.

Thứ Hai 07/07/08
5 AM: Du lịch – Núi Tuyết.

Thứ Ba 08/07/08
AM: Du lịch tự do – tham quan thanh phố Melbourne.

Thứ Tư 09/07/08
8 AM: Du lịch – Ballarat Sovereign (mỏ vàng).
6:30 PM Thuyết trình do cha Phạm Quang Hồng.
Địa điểm: St. John the Evangelist Church,
576 Victoria Pde, East Melbourne.

Thứ Năm 10/07/08
5AM: Du lịch – tham quan Pilgrim Welcoming Center.
Địa điểm: Australian Catholic University, 576 Victoria
Parade, Fitzroy.
- Du lịch – Tarrawarra Abbey Tour.
PM: Chầu Thánh Thể long trọng khai mạc DID08.
Địa điểm: St. Partrick’s Cathedral.
6: PM: Vietnamese Youth Food Festival.
Địa điểm: St. John the Evangelist Church,
576 Victoria Pde, East Melbourne.

Thứ Sáu 11/07/08
AM: Du lịch tự do – tham quan thanh phố Melbourne.
Hành hương các di tích Á Thánh Mary McKillop.
Địa điểm: Brunswick và Melbourne Cty.
4:00 PM: Thánh Lễ "Sai Đi" - Melbourne Archdiocese Commissioning Mass.
Địa điểm: Telstra Dome Melbourne.

Thứ Bảy 12/07/08
9:30 AM – 8:00 PM
Ngày hội ngộ Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam.
Địa điểm: Blackwood Hall, Monash University Clayton Campus Wellington Road, Clayton.

Chúa Nhật 13/07/08
11:00 AM: Thánh Lễ Giới Trẻ do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên (Chủ Tịch UB Mục Vụ Giới Trẻ Việt Nam).
Địa điểm: St. John the Evangelist Church,
576 Victoria Pde, East Melbourne.
6:00 PM: Phái đoàn hành hương bắt đầu rời Melbourne tiến đến Sydney.

Cho đến hôm nay hết ngày thứ năm truớc tuần Đại Hội chúng tôi cảm nhận được sự ưu ái của giáo hội địa phương, đặc biệt các Thiện Nguyện, họ làm việc chu đáo, tận tình hướng dẫn từng chi tiết, nơi chốn. Hầu hết tất cả dân chúng địa phương họ muốn tạo mọi điều kiện thuận tiện cho khách hành hương đến xứ sở của họ được thoải mái.

Mặc dầu khí hậu ở Australia mùa này ngoài trời rất lạnh, nhưng trong lòng cảm thấy ấm lại, do thành phố tràn ngập nhiều bạn trẻ từ khắp năm châu về tham dự Đại Hội, niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt, họ đi trên đường phố, hát những khúc dân ca của xứ sở mình, họ phô sắc áo, mầu cờ đất nước của họ, đôi khi họ dừng lại trên đường phố, để giới thiệu đoàn của mình, để chụp hình lưu niệm, để họ trao cho nhau nhưng nụ cười nồng thắm, những cái siết tay thật thân ái.

Tôi cảm nhận thế giới thật gần, con người thật dễ thương, khi trong trái tim họ cùng mang niềm khát vọng gặp gỡ Đức Kitô, thì trái đất này không còn biên giới.

Melbourne 10/07/2008
 
Đại hội Sydney: Mưa trời Melbourne
Nguyễn Trung Tây, SVD
22:41 10/07/2008

Đại hội Sydney: Mưa trời Melbourne

Lời nguyện Thánh Linh, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Vào những ngày đầu tiên của tháng 7, phố phường Melbourne đang nằm ngủ im lìm trong giấc ngủ mùa đông bỗng dưng rộn ràng với những bước chân Việt Nam nhanh nhanh bước về Đại Hội Giới Trẻ 2008, đặc biệt, là những bước chân Việt Nam đến từ Vinh, Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa…

Người Việt phương xa tới bơ vơ lạ đường lạ nước, người Việt ở Melbourne lái xe ra phi trường đón tiếp; rồi là giáo dân từng người chia nhau đùm bọc khách hàng hương Việt Nam về nhà của mình; rồi là cơm nước ngày ba bữa sáng chiều; rồi là tham quan khung cảnh mùa đông của xứ miệt dưới down under Úc Châu; rồi là sinh hoạt Karaokee vào buổi tối… Ngàn vạn tiểu tiết người dân Việt tại những giáo xứ Việt của Melbourne phải lo toan tính toán. Trong tinh thần đùm bọc yêu thương, Phóng viên Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu (Nguyễn Trung Tây) cũng đã có mặt tại giáo xứ St. Thomas Moore, Belgrave vào sáng ngày thứ Ba, 8 tháng 7 vừa qua để cùng tham dự thánh lễ Việt Nam, và tiệc trà tiếp tân do LM Lê Thành Nhân, và giáo dân Úc gốc Tây của giáo xứ tổ chức để chào mừng phái đoàn hành hương đến từ Việt Nam. Đặc biệt tôi cũng nhận ra sự hiện diện của Sr. Đinh Tuyết và Sr. Lê Bình đến từ Sydney trong vai trò chủ nhà đón khách
Hội ngộ Úc Việt, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Ngày thứ Ba vừa qua là một ngày mưa phùn mùa đông của Melbourne. Gió bụi mịt mù che kín đường đi dẫn về thánh đường St. Thomas, Belgrave. Những cơn mưa phùn bay lất phất tung bay điểm những hạt sương long lanh trên mái tóc của phái đoàn hành hương Việt Nam. Nhưng mưa không cản được lối đi của phái đoàn, cho nên thánh lễ 11:30 trưa chào mừng phái đoàn đã được khai mạc, sau đó là phần ăn trưa, rồi tham quan phong cảnh ngọn núi Dandenong hùng vĩ, mặc dù trời vẫn cứ tiếp tục mưa bay.

Theo bước chân hành hương Việt Nam, cuối cùng tôi đi tới hội trường rộng lớn của Giáo xứ Thánh Giuse tại Springvale vào lúc 8:30 tối để được chứng kiến buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi do giáo xứ tổ chức cho phái đoàn hành hương đến từ Việt Nam.

Trong bầu không khí rộn ràng của Đại Hội Giới Trẻ 2008, để biết thêm tâm tình của chủ nhà, xin mời độc giả theo dõi những dòng chia sẻ sau đây của Sr. Đinh Tuyết…

Nguyễn Trung Tây: Xin Sr. Tuyết cho biết cảm tưởng của mình trong vai trò chủ nhà đón tiếp phái đoàn trong ngày hôm nay.
Sr. Tuyết (Cười nho nhỏ): Chủ nhà gì đâu… Là như thế này, chiều hôm qua vừa bay xuống Melbourne thì gặp ông cha chánh xứ Belgrave đó, Cha Nhân cười xuề xòa nhỏ nhẹ nói: “Tốt quá, có Soeur xuống đây giúp thiệt là tuyệt!” Tôi ngớ ra, vậy là mắc bẫy rồi, bởi tôi từ Sydney chạy về Melbourne tính trốn việc, mấy Soeur kia ở nhà đang phải hội hè liên miên, thu dọn nhà cửa đón tiếp khách hành hương, ai ngờ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa… Nhưng trước tấm lòng thịnh tình của ông cha xứ, tôi đành phải cười trừ: “Không sao chuyện nhỏ mà Cha”.

Từ sáng sớm chưa kịp điểm tâm đã thấy chuông réo inh ỏi, giáo dân người Úc ra vào tấp nập, người làm bánh, người nướng thịt, nhộn cả lên, làm mình cũng thấy nao nao. Phải chăng sức mạnh Chúa Thánh Thần được thể hiện qua những phong cách này. Không quen không biết đã đành, lại chẳng cùng màu da tiếng nói thế mà ai cũng trông hớn hở, háo hức sửa soạn đợi chờ. Mà đợi chờ ai vậy? Hóa ra đó những con người đến từ nửa bên kia vòng xích đạo, ra đi với một con tim khao khát chân lý, khối óc rộng mở đón nhận điều hay sự lạ.

Bị một vài trục trặc nhưng cuối cùng phái đoàn cũng tới. Hai chiếc xe bus khổng lồ đậu ngay khuôn viên nhà thờ. Từng người từng người một bước xuống, chân rảo bước nhanh tiến vào nhà thờ, ai cũng cười thiệt tươi, bắt tay thân thiện với nhau như đã từng quen biết từ thủa nào. Cái lạnh giá giữa trời đông Melbourne cộng thêm ở trên vùng cao hẻo lánh này làm như không là gì với họ. Sự phấn khởi hăng hái đã chiếm lấy phần thượng phong không làm họ chùn bước. Chỉ mấy phút sau những tiếng hát trầm ấm, thánh thoát lan tỏa khắp không gian, len lỏi vào từng thớ thịt làm ấm tình người. Sức mạnh Chúa Thánh Thần đó, mỗi người ai cũng có gì để cho đi và rồi vô tình họ nhận lãnh lại khắp trăm ngàn lần

Nguyễn Trung Tây: Để giới thiệu xứ Úc tới độc giả Việt Nam trên toàn thế giới, Sr. Tuyết nghĩ chi về nước Úc, người Úc gốc Tây và người Úc gốc Việt mà Sr. đã có cơ hội gặp gỡ?
Sr. Tuyết: Nước Úc, một thiên đường, với đầy đủ chưa nói là dư thừa, mọi thứ từ vật chất, nghề nghiệp, phương tiện cho đến tự do tôn giáo, ngôn luận... Nhưng đồng thời nó là con dao hai lưỡi; cắt đứt tay bạn nếu bạn xử dụng sai lầm hay ngược lại nó đem lại cho bạn một cuộc sống vui tươi thoải mái và hữu ích cho người khác nếu bạn biết lợi dụng nó

Người Úc gốc Tây: Thượng Đế khá ưu đãi họ về vật chất do đó phần đông cuộc sống họ giản đơn hơn, hạnh phúc với những gì họ có, làm nhưng không tích góp để dành cho tương lai, có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Ngược lại qua một cuộc bể dâu hầu hết người Úc gốc Việt đã trải qua những kinh nghiệm đau thương, mất mát quá nhiều. Nay có phương tiện, họ sử dụng mọi cơ hội làm giàu về vật chất và trí tuệ... cho mình cho con cháu và cho cả quê hương.

Nguyễn Trung Tây: Sr. Tuyết nghĩ chi về Đại Hội Giới Trẻ 2008?
Sr. Tuyết: Một cuộc gặp gỡ vĩ đại chưa từng xảy ra trên nước Úc từ xưa tới nay, không chỉ cho người Công giáo mà cả mọi người dân nước Úc, hầu hết ai cũng được nghe và bàn thảo về cuộc đại hội này không nhiều thì ít. Một số người trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục đứng lên làm chứng cho niềm tin của mình. Trong hơn một năm qua từ ngày cây Thánh giá và ảnh Thánh Mẫu đặt chân lên nước Úc vào tháng Bảy năm ngoái, những người trẻ này đã không ngần ngại bỏ ra biết bao thời gian, sức lực và dùng khả năng của mình nối kết với nhau; trong Chúa Thánh Thần họ chia xẻ trình bày, tìm ra ý nghĩa cuộc sống và rôì đưa ra những ước vọng dựng xây một thế giới công bình bác ái, không còn tranh giành quyền lực, địa vị. Những điều này chắc chắn sẽ càng sáng tỏ trong tuần lễ ĐHGTvà được xác quyết rõ ràng làm hướng đi cho giới trẻ trong thế giới văn minh của thiên niên kỷ mới.

Nguyễn Trung Tây: Cám ơn Sr. Tuyết. Sr còn điều chi muốn chia sẻ với độc giả nữa hay không?
Sr. Tuyết: Không biết những ngày ĐHGT sắp tới sẽ ra sao, thời tiết, phương tiện giao thông, nơi ăn chốn ở...người ủng hộ người chống đối, người phò người đả...nhưng mặc kệ. Điều quan trọng chúng ta cùng đồng lòng, nhìn về một hướng, tiến lên; dẹp bỏ mọi nghi kỵ thành kiến, mở rộng tâm hồn đón nhận làn khí mới từ Thánh Thần làm tươi mát triển nở con người trong tinh thần Phúc âm hóa.

Bây giờ đã tối, Sr. Tuyết, Sr. Bình, Cha Nhân và tôi đứng bên ngoài hội trường rộng lớn của giáo xứ St. Joseph, Springvale, mưa tiếp tục rơi ướt lối. Nhưng bên trong, tiếng ca tiếng hát vẫn rộn ràng. Tự dưng tôi nhớ tới dòng tâm sự của một người quen trong hội trường, “Con cũng đuối lắm rồi cha ơi, mấy ngày liên tục rồi, giờ mệt phờ người…”.
Tô cháo gà, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Tôi nghĩ tới những tô cháo gà nóng hổi do giáo dân Việt Nam cư ngụ tại tiểu bang Victoria nấu để những giáo dân tuổi trẻ Việt Nam sinh sống tại quê nhà ăn ấm lòng vào một buổi đêm đông giá buốt. Tôi nghĩ tới hai chữ đức tin. Tôi nghĩ tới tiêu đề niềm tin Việt Nam mà tôi hay bàn luận. Đó, đó, Niềm tin Việt Nam là những điều mà giáo dân Việt Nam tại Melbourne đang làm, đang thực hiện để phái đoàn hành hương đến từ Việt Nam có nơi cư ngụ, có tô cháo ấm lòng, có nơi quây quần xum họp ca hát bên ngoài trong khi bên ngoài mùa đông gió rét và mưa phùn tiếp tục bay.

Tạ ơn Thiên Chúa bởi thiên đàng vẫn cứ đổ mưa, mưa trời và mưa niềm tin xuống trên những tấm lòng Việt Nam. Cám ơn người Úc gốc Tây và người Úc gốc Việt cho những tấm lòng rất là tử tế với nhau.

www.nguyentrungtay.com
 
Các đoàn Việt Nam đang qui tụ về Melbourne để tham gia các sinh hoạt
LM Giuse Nguyễn Hữu An
22:48 10/07/2008
CÁC ĐOÀN VIỆT NAM THAM DỰ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI QUI TỤ VỀ MELBOURNE

MELBOURNE - Từ ngày 2/7/2008, Giới Trẻ Saigòn Group 1964 đã lên đường tham dự đaị hội giớí trẻ thế giới. Nhiều chuyến bay khác nhau đã đưa chúng tôi cùng đến Melbourne.

Các linh mục Việt Nam đồng tế thánh lễ
Cha Lê Quang Việt, cùng vớí ban tổ chức đón chúng tôi tại sân bay. Trời qúa lạnh, nghe nói thời tiết ở đây một ngày có 4 mùa. Xe buýt đưa đòan về Nhà thờ Thánh Giuse – Pringvale. Cha Long ân cần đón tiếp. Ngài là Giám Tỉnh dòng Phancicô OFM tại Melbourne và là cha xứ.

Bà con Công Giáo Việt nam tại Pringvale nồng nhiệt chào đón các anh chị em từ Việt Nam qua, tay bắt mặt mừng, hàn huyên vui vẻ. Bầu khí ấm áp xua tan cái lạnh mùa đông buốt gía. Sau bưã ăn trưa, các gia đình đưa các thành viên về nhà mình. Mỗi nhà nhận từ hai đến năm thành viên.

Cha Long cho biết là giáo xứ đã chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Chúng tôi cảm nhận đựơc sự quan tâm đặc biệt của Cha xứ, Sr Huyền, Ban tổ chức và bà con dành cho đoàn Việt nam. Ban tối đoàn dâng lễ Tạ Ơn Chúa đã thương ban bình an cho mọi ngưòi. Hôm sau, chúng tôi dâng lễ với tâm tình tri ân và cầu nguyện cho các gia đình giúp đỡ. Chúng tôi cũng đến Dòng Kín thăm các Sơ, dâng lễ tạ ơn và cám ơn các Sơ đã cầu nguyện cho đoàn Việt Nam suốt một năm qua.

Cha Việt cho biết, đoàn Việt nam từ 26 giáo phận có 800 người, trong đó có khoảng 100 linh mục tham dự đại hội lần này. Cha Trần Phúc Vỵ, 85 tuổi`cùng với đoàn suốt mọi hành trình hành hương. Chúa ban cho ngài có sức khỏe tuyệt vời.

Những ngày ở Melbourne, chúng tôi được Ban tổ chức đưa đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, đặc biệt là đi Núi Tuyết Bouller. Có lẽ lần đ ầu tiên mỗi người thấy tuyết rơi và được đi trên tuyết, thấm thía cái lạnh thấu xương. Trượt tuyết, nghịch tuyết để caí l nh ngấm vào cơ thể buốt gía.

Chúng tôi di chuyển bằng nhiều phương tiện công cộng: xe buyt, xe lửa, xe điện. Các gia đình chở chúng tôi đến Nhà thờ Thánh Giuse, từ đó chúng tôi đi nhiều nơi: Nhà Thờ Saint John, Nhà Thờ Chính tòa…Dâng lễ tại Nhà thờ trên núi, nơi Cha Nhân phục vụ, dự đêm Hội Chợ Ẩm Thực các món ăn Việt nam, tham quan thành phố Melbourne…

Thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria (VIC), có khoảng 60.000 người Việt sinh sống, đông đứng thứ hai trên nước Úc, sinh hoạt và thương mại đều tập trung vào vùng Footscray, Richmond, Springvale à Saint Albans…Chúng tôi dạo phố và vào các cửa hàng người Việt, chào đón thăm hỏi nhau trong tình thương mến.

Những ngày cuối tại Melbourne, chúng tôi cùng tham gia chương trình của Giáo phận Melbourne. Nhiều đoàn bạn trẻ khắp thế giới đã đến Nhà Thờ Chính tòa Melbourne, gặp nhau trong tinh thần hiệp thông huynh đệ. Các bạn Phi Châu rất năng động. Niềm vui hiệp nhất trong Tình yêu Chúa Kitô. Chính Chúa đã nối kết mọi người lại trong yêu thương hiệp nhất.

Cùng hướng về thành phố Sydney, nơi hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp thế giới đang tiến về, đoàn Việt nam hân hoan vui mừng mang theo bao tâm tư ước nguyện. Xin mọi người thêm lời cầu nguyện để các bạn trẻ nhận được nhiều Ơn Chúa, thêm niềm tin yêu và hy vọng.

Ngày 11.7.2008, từ Pringvale – Melbourne.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thống trị thiên nhiên
Lm Nguyễn Hữu Thy
00:28 10/07/2008
Thống trị thiên nhiên

(Francis Bacon: Neues Organon)


Vừa là một triết gia, một khoa học gia và vừa là một chính trị gia, Francis Bacon (1561-1626) đã làm tiêu tan lý tưởng nhân bản của thời hậu phục hưng mà ông là người đại diện tiêu biểu nhất. Để chuyên tâm nghiên cứu triết học kinh viện và tiếp sau đó là luật khoa, Bacon đã theo học trong suốt 13 năm trời tại đại học chuyên ngành Cambridge ở Luân Đôn. Và ba năm sau đó, chàng sinh viên trẻ Bacon đã rời bỏ đại học với sự xác tín là khuynh hướng triết học Aristote-kinh viện đang chiếm giữ địa vị ưu thắng cho đến lúc bấy giờ, sẽ không còn thích hợp với những đòi hỏi của thời đại nữa. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày cứ lặng lẽ nhàm chán trôi qua, chứ khó lòng gây được sôi động nháo nhiệt nữa. Thực ra, ngay dưới triều đại nữ hoàng Elisabeth Đệ Nhất (1533-1603), Bacon chứng kiến phong trào canh tân ở Anh Quốc như một sự kiện đã rồi và Anh Quốc là một đất nước thống nhất. Do đó, nền chính trị đất nước luôn lo sợ trước tất cả mọi xáo trộn và chia rẽ mới.

Triết gia Francis Bacon
Nhưng sau đó, ngay dưới quyền nhiếp chính của vua Jacob Đệ Nhất (1566-1625), khi chế độ chuyên chế nước Anh đang bước vào giai đoạn cuối, thì các phe phái chính trị đối lập bắt đầu nổi lên một cách công khai và chính quốc hội còn tuyên bố vào năm 1621/22 là các quyền tự do của con người không phải là ơn huệ của nhà vua ban tặng, nhưng là những quyền lợi tự nhiên của mỗi người công dân nước Anh. Với tư cách là chủ tịch Viện Quý Tộc, Bacon đã cương quyết chống lại quốc hội. Vì thế, ông liền bị kết án là đã hối lộ và biển thủ công quỹ một cách gián tiếp trong 20 lần và đã bị cách chức.

Năm 1620, khi ông đang trên đỉnh cao của sự nghiệp chính trị, tức ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Viện Quý Tộc, một chức vụ cao nhất ở Anh Quốc vào lúc bấy giờ, Bacon đã cho xuất bản tác phẩm quan trọng nhất của ông là «Neues Organon» hay đầy đủ hơn: «Novum Organum Scientiarum» (Tân Luận lý toàn thư về khoa học), kết quả của một sự chuẩn bị kéo dài trong nhiều năm. Đây là một trong các tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng và quan trọng nhất vào lúc bấy giờ và cho cả dòng lịch sử triết học sau này.

Trong khi được chia ra thành những câu ngạn ngữ, tác phẩm thời danh này – mà tựa đề của nó dựa vào tác phẩm Organon của Aristote (Organon trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là phương pháp, dụng cụ) – muốn mở ra một lối đi mới cho công cuộc khảo cứu về lý thuyết nhận thức và khoa học bằng phương pháp qui nạp, tức khoa học cần phải hành xử như «scientia activa» (khoa học tác dụng), nghĩa là sử dụng phương pháp vừa hợp lý vừa thực nghiệm và qua đó mang lại hiệu quả tốt đẹp là làm cho công cuộc khảo cứu trở thành một hoạt động đồng nhất. Nhờ thế, mục đích đầy khó khăn đã được nêu danh rõ ràng, tức: Nhất thiết cần phải đạt được một sự canh tân khoa học, không hơn không kém.

Động lực của toàn bộ chương trình khoa học do Bacon phát huy đã tiên liệu được rằng các luật lệ có giá trị tổng quát đều bắt nguồn từ sự nhận thức tinh thần mà ra. Điều mới mẻ trong đó là trên mỗi giai đoạn đã đạt được, người ta lại bó buộc phải trở lại với một sự khám phá đi kèm theo đó về những chi tiết mới, hầu với sự trợ giúp của các qui luật có phương pháp để có thể đề phòng những sai lầm đang xảy tới. Còn một phương tiện trợ giúp cuối cùng là cần phải sử dụng một sự dàn xếp theo từng giai đoạn của chính định lý mà người ta có thể tuỳ tiện lựa chọn để đi lên cao hay đi xuống thấp.

Trong khi tinh thần luôn phản hồi lại trên những cấp độ rõ ràng chắc chắn đã đạt được và trên những cảm nhận thực nghiệm, thì nó loại trừ được tất cả những nguy hiểm to lớn nhất của các khoa học; đó chính là: Sự tự thần tượng hóa chính mình, và từ đó nẩy sinh các thành kiến, tức những định kiến đã có sẵn. Chính các thành kiến hay những định kiến đã có sẵn đó làm cản trở những khoa học nhằm tới những nhận thức khách quan và làm lu mờ sứ mệnh chân chính của các khoa học đó: họa lại và hoàn hảo hóa thế giới sống động và qua đó đồng thời là nguyên nhân và mục đích của sự nhận thức. Bởi vì, thay vì một sự sống động như thế, Bacon thường chỉ gặp được những nhận thức bất khả sử dụng, tức những nhận thức chỉ nói lên sự xa lạ với thế giới và chỉ là một sự kiêu kỳ, chứ không phải là một sự nhận thức hướng tới cuộc sống.

Trong khi so sánh như thế, Bacon cho rằng, nghệ thuật thuộc loại thủ công và những khoa học đưa ra được những thành quả cụ thể bằng các khám phá thực dụng khác nhau thì đóng vai trò quan trọng hơn tất cả mọi đóng góp thuộc những lãnh vực khác trong xã hội. Đúng vậy, chỉ từ khi có những khám phá như kỹ nghệ in sách, chế thuốc súng hay la bàn thì mới thực sự mang lại sự tiến bộ và văn minh cho một quốc gia và cho cả một xã hội. Một khoa học theo nghĩa đó mới thực sự dẫn tới mục đích cao nhất trong cách tư duy khoa học: tức sự thăng tiến quyền thống trị của con người trên thiên nhiên với sự trợ giúp của một lý trí luôn tiếp cận với thế giới và được qui hướng về cuộc sống.

Mặc dầu Bacon ca tụng những kết quả do khoa học thực nghiệm mang lại, nhưng chính cá nhân ông lại đưa ra được rất ít những dự thảo về luật lệ hay những khám phá riêng của mình. Trái lại, người ta còn nhận thấy như là một sự mỉa mai khi nghĩ đến số mệnh của Bacon. Thật vậy, sau khi hoàn toàn mất hết chức quyền, ông đã dấn thân quyết liệt cho công cuộc nghiên cứu khoa học, và ông đã chết vì bị cảm lạnh, một cơn bệnh do chính ông tự gây ra cho mình, khi ông lấy tuyết lạnh đắp đầy lên mình để tìm hiểu về đặc tính của sự giá buốt.

Tác phẩm Tân Organon của ông cho thấy Bacon đã nhìn thấy những thế mạnh của ông trong việc tìm kiếm ra một phương pháp học, là khoa có thể đưa áp dụng vào xã hội. Bởi vì một sự tri thức lĩnh hội được như thế thì cuối cùng sẽ coi chính chân lý như là một thành quả của thời đại, và Bacon đã nêu lên câu hỏi: Nếu từ sự ý thức về một tính chất lịch sử của chân lý thì trong mức độ đó người ta còn có thể thông tri, và tính chất lịch sử đó luôn luôn cần thiết phải là một cái gì mới mẻ và khác hẳn, phải chăng sự phủ nhận một cách dễ dàng tất cả những tiền đề dự đoán trước sẽ không kéo theo hậu quả? Đối với Bacon, phương cách giải quyết nằm trong chính việc tiếp cận thực nghiệm hữu lý với thế giới, và trong đó cả chính trị cũng trở thành một nghệ thuật và một lý thuyết về nhà nước cụ thể và hữu lý, và trở thành số học chính trị.

Việc nổ lực tìm kiếm một phương pháp học bao quát rộng lớn như thế thường mang theo một nguy hiểm là không thể hoàn thành được. Còn về chín cách thức của những phương tiện trợ giúp mà Bacon sử dụng thì một điều có thể nói được là chắc chắn, đó là chỉ nói lên được một sự phỏng đoán mà thôi. Vì thế một câu hỏi được đặt ra là phải chăng một sự thành thực như thế là chủ ý của tác phẩm chứ không phải là một hệ thống đã hoàn tất ?

Một điều hiển nhiên là xét về phương diện tư duy, phương diện cuộc sống và phương diện khảo cứu, toàn diện tác phẩm của Bacon đã được đón nhận một cách hết sức nồng hậu. Trong khi đề cập về vấn đề tương quan giữa con người với thế giới, giữa chủ thể và đối tượng, Bacon không những đã đề cập tới chính những chủ đề thực tế của thời đại ông, nhưng còn là những vấn đề trọng tâm của chính triết học nữa. Bởi vì, việc con người và xã hội cần phải thường xuyên tự khám phá chính mình và mang đầy tính chất sáng tạo, luôn luôn là trọng tâm của tư tưởng Bacon.

Quả thật, qua sự lạc quan hồ hởi của ông đối với trái đất, một trái đất đã được con người thực sự biến đổi thành quê hương của mình, Bacon đã chứng tỏ cho thấy ông quả là đứa con của thời phục hưng. Nhưng đồng thời ông cũng đã thực hiện được một bước nhảy vọt vào trong một thời đại mới: Ông hồ hởi tán dương sự tư duy trong khoa học và nghệ thuật như là một sự giải phóng con người. Chính tư duy làm cho con người thống trị thiên nhiên. Chính sự hồ hởi tán dương tư duy cộng thêm sự đề cao phạm vi duy nghiệm đã làm cho ông trở thành «vị tiền hô» của chủ nghĩa Ánh Sáng, của phong trào cải cách vào thế kỷ XVIII ở Âu Châu và của chủ nghĩa Duy Vật Anh Quốc. Vì thế, người ta không còn lấy làm ngạc nhiên khi các đại triết gia thuộc phái Duy Nghiệm và thuộc phong trào cải cách ở các nước Anh và Pháp, như David Hume và John Locke, Diderot và Voltaire hay Isaac Newton, v.v… đã coi Bacon như tổ phụ của mình. Nhưng cả thuyết Duy Lý trong các suy diễn tư tưởng của mình cũng đã chịu ảnh hưởng sâu xa tinh thần của Bacon, tiêu biểu nhất là qua các triết gia như René Descartes và Gottfried Wilhelm Leibniz.

Ước mơ to lớn nhất của Bacon là soạn thảo ra được một cuốn bách khoa tự điển toàn thư, trong đó ghi nhận mọi thành quả khoa học của tất cả mọi học giả. Nhưng ngày nay người ta đánh giá ước mơ đó chỉ là một ảo vọng, một dự định hoàn toàn hão huyền. Tuy nhiên, qua hình thức thiết lập các hàn lâm viện mới hay ngay cả những khoa học mới (nếu như những khám phá mới mẻ nhất đòi hỏi điều đó) các quan điểm của Bacon vốn chứa đựng trong mình một mầm mống đầy hy vọng và rất đáng trân trọng. Bởi vì, ý tưởng về một sự cộng tác của các nhà khảo cứu khoa học khác nhau cùng nhằm tới mục đích là cùng tập hợp tất cả mọi hiểu biết khoa học của họ lại với nhau, sẽ tạo ra được sự tin cậy trong công việc của những ngành khoa học khác, và đó là một điều mà hiện nay thế giới khoa học đang khẩn cấp cần tới.

__________________________

Sách tham khảo:

Francs Bacon: «Neues Organon». 2. Bände, Felix Meiner, Hamburg 1990.
 
Tin Đáng Chú Ý
Hàng 'trăm ngàn' phụ nữ Việt Nam phá thai mỗi năm
BBC
19:27 10/07/2008
Hàng 'trăm ngàn' phụ nữ Việt Nam phá thai mỗi năm

Một ngày trước Ngày Dân số Thế giới 11/7, truyền thông trong nước đã cảnh báo tình trạng mất cân bằng giới tính và đặc biệt là tỷ lệ nạo phá thai cao.

Hằng 100 ngàn thai nhi bị phá mỗi năm!
Báo Dân trí nói mỗi năm ở Việt Nam có tới nửa triệu trường hợp phá thai và khiến Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Từ lâu nay các chuyên gia về dân số và về vấn đề phụ nữ và giới tính vẫn luôn cảnh báo về nguy cơ nạo phá thai tăng cao trong khi sức khỏe sinh sản xấu đi do thiếu những hiểu biết cần thiết.

Họ nói rằng quan niệm về tình dục ở Việt Nam nay đã thoáng hơn rất nhiều và điều này làm cho sự thiếu hiểu biết dễ để lại những hậu quả đối với các bạn trẻ, nhất là phụ nữ.

Trao đổi với BBC, Thạc sỹ Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nói tình trạng 'sống chung' hiện nay rất phổ biến trong các bạn trẻ mà trong số đó nhiều người không biết cách quan hệ tình dục an toàn.

Bà nói nhiều thiếu nữ thậm chí không biết rằng nạo phá thai nhiều lần có thể khiến họ vô sinh về sau.

'Phải cưới'

Theo bà Vân Anh, đường dây nóng 1900 585830 của trung tâm CSAGA đã nhận được nhiều cuộc gọi của các bạn trẻ để có tư vấn về nhiều vấn đề trong đó có tình yêu và tình dục.

Bà nói nhiều bạn trẻ đã không được chuẩn bị tâm lý để đối phó với những vấn đề xảy ra trong quan hệ lứa đôi trong đó có chuyện bị bỏ rơi và phải nuôi con một mình.

Vị thạc sỹ nói một số bạn nữ đã nhầm lẫn giữa tình yêu và tình dục:

''Các bạn nữ có thể nghĩ rằng nếu mình giữ lại cái thai thì các bạn trai dứt khoát là phải yêu mình, sẽ phải cưới mình trong trường hợp tình yêu không phải đến từ hai phía nhưng lại có quan hệ tình dục.

''Đôi khi có những trường hợp như thế dẫn đến hậu quả không hay.''

Được biết bên cạnh tình trạng nạo phá thai, việc cố sinh con trai ở Việt Nam vẫn còn phổ biến.

Các chuyên gia nói điều này đang tạo ra sự mất cân bằng giới tính ở Việt Nam.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Gặt Được Số Phận
Lm. Trần Cao Tường
13:17 10/07/2008

GẶT ĐƯỢC SỐ PHẬN - reap a destiny



Ảnh của Cao Tường

Gieo một tư tưởng sẽ phát sinh hành động

Gieo một hành động sẽ phát sinh thói quen

Gieo một thói quen sẽ phát sinh tính nết

Gỉeo một tính nết sẽ phát sinh số phận.

Sow a thought, reap an action

Sow an action, reap a habit

Sow a habit, reap a character

Sow a character, reap a destiny (Maxim)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền