Ngày 10-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/07: Thánh Bênêđictô – Một Đời Đạo Hạnh Nhân Cách Trổi Vượt – Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
02:53 10/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.

“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Khi Đức Giê-su ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

Đó là lời Chúa
 
Tình bạn của Chúa Giêsu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:42 10/07/2022

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
TÌNH BẠN CỦA CHÚA GIÊSU
St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện rất nhân bản và dễ thương, đó là câu chuyện Chúa Giêsu sau những ngày vất vả truyền giáo, hôm nay trở về thăm những người bạn của mình ở Bêtania. Câu chuyện được kể như sau:

“Chúa Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ.”

Làng này là Bêtania và nhà này là nhà của Ladarô. Hai chị em là Mácta và Maria. Chúa Giêsu thích dừng chân và nghỉ ngơi ở đây mỗi khi lên Giêrusalem.

Hình ảnh Maria mải mê ở bên Chúa Giêsu để lắng nghe Chúa nói. Cô cứ ngồi dưới chân Chúa như cung cách người Đông Phương hôm nay vẫn làm. Với Maria, nói chuyện với Chúa, lắng nghe Chúa mới là quan trọng, là việc cần nhất. Vì Chúa có lời hằng sống.

Trong khi đó, hình ảnh của Mácta thì tất bật lo lắng bếp núc, nấu các món ăn để thiết đãi Chúa. Cô có nhiều việc phải làm mà Maria thì cứ ngồi bên Chúa. Nên Mácta nói với Chúa bằng một giọng điệu nửa giận nửa đùa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”

Chúa Giêsu đáp lại: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc10,41).

Truyền thống nhìn thấy nơi hai chị em này một biểu tượng của đời sống hoạt động và chiêm niệm. Hoạt động và cầu nguyện bổ túc và nâng đỡ nhau. Bởi thế, phụng vụ hôm nay chọn trích đoạn từ sách Sáng Thế nói về việc Ápbraham nồng nhiệt đón tiếp ba vị khách thần linh viếng thăm gia đình ông dưới cây sồi Mamrê. Lời Chúa đề cập đến lòng hiếu khách và giới thiệu cho chúng ta mẫu gương về sự hiếu khách để chúng ta noi theo.

Tuy nhiên, một trong những chủ đề nổi bật nhất đó là tình bạn. “Chúa Giêsu yêu mến Mácta, em cô và cả Ladarô” như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Gioan (11,36).

Đối diện với nỗi đau buồn của hai chị em, Người đã xúc động và rơi lệ, đến nỗi những người hiện diện phải thốt lên: “Hãy xem kìa, ông ấy thương cậu biết bao!” (Ga 11,13).

Thật là tuyệt vời và an ủi khi chúng ta biết rằng Chúa Giêsu ý thức nuôi dưỡng tình bạn, vốn là tình cảm đẹp đẽ và quý báu đối với chúng ta!

Khi nói về tình bạn, chúng ta phải trích lời của thánh Augustinô: “Tôi biết thời gian là gì, nhưng nếu ai đó xin tôi giải thích, tôi không biết giải thích thời gian là gì nữa.” Nói cách khác, trực cảm về tình bạn thì dễ hơn là giải thích tình bạn là gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói điều gì đó về tình bạn.

Thật vậy, tình bạn là sự hướng về nhau và hiểu biết sâu sắc giữa hai người, nhưng nó không có tương quan tính dục như các đôi vợ cHồng Yêu nhau. Đây là một sự hiệp nhất của hai tâm hồn, chứ không phải hai thân xác. Theo nghĩa này, người xưa nói rằng tình bạn có “cùng một tâm hồn trong hai thân xác.” Tình bạn có thể trở thành sợi dây liên kết mạnh mẽ hơn cả sợi dây gia đình. Tương quan gia đình hệ tại trong việc có cùng một dòng máu trong người đó. Còn trong tình bạn, họ có cùng một sở thích, cùng lý tưởng, cùng sự quan tâm…

Tình bạn được thiết lập dựa trên điều chính yếu đó là cùng nhau tìm kiếm điều tốt lành và chân thật cho nhau. Nếu người ta kết bạn để cùng nhau làm điều ác thì đó không phải là tình bạn, mà đó là sự đồng lõa, là “băng đảng thối nát.”

Tình bạn cũng khác biệt với tình yêu dành cho người thân cận. Yêu người thân cận phải bao gồm mọi người, cả những ai không biết đáp trả, cả kẻ thù nữa, trong khi tình bạn đòi hỏi có đi có lại, nghĩa là người này đáp trả lại tình yêu của người kia.

Tình bạn được nuôi dưỡng nhờ sự tin tưởng vào nhau. Càng tin tưởng nhau thì càng gia tăng sự gắn bó và hiểu biết nhau.

Kinh Thánh có nhiều lời ca ngợi về tình bạn. Chẳng hạn: “Có người bạn trung thành là một sự nâng đỡ lớn; ai tìm được bạn hiền là tìm được một kho báu” (Hc 6,14tt).

Nền tảng của tình bạn là sự trung thành. Người ta thường nói: “Còn tiền còn bạc, còn bạn hữu.” Người bạn đích thật là người còn ở với chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn. Như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Tình bạn đích thực là mãi mãi trung thành với nhau, nhất là lúc gặp thất bại. Thử thách là liều thuốc thử của tình bạn.

Người ta có thể tiếp tục xây dựng tình bạn với nhau khi một người đi kết hôn? Câu trả lời là rất có thể. Bởi lẽ, kết hôn không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn các mối tương quan tình bạn mà một người đã xây dựng trước đó. Tuy nhiên, cần phải đặt lại trật tự các mối tương quan để tránh những hiểu lầm.

Tình bạn sẽ trở nên vững chắc nếu các vợ chồng biết nuôi dưỡng cho nhau. Trong hoàn cảnh này, kết bạn với người cùng giới sẽ có ít vấn đề có thể xảy ra hơn so với kết bạn với người khác giới.

Đối với những người sống đời tu trì, thường có nhiều tình bạn được xây dựng với những người sống trong cùng một cộng đoàn. Khi nói về Ladarô, Chúa Giêsu không nói “bạn tôi Ladarô” nhưng “bạn của chúng tôi Ladarô.” Ladarô và chị em anh trở thành những người bạn của các Tông Đồ theo nguyên tắc được mọi người biết đến: “Những người bạn của bạn tôi cũng là bạn của chúng tôi.”

Trong lịch sử Giáo Hội, có những tình bạn rất thánh thiện và tuyệt vời. Đó là những tình bạn giữa một số vị thánh – như trường hợp giữa Phanxicô Assisi và Clara. Phanxicô là anh và là cha của tất cả các chị; Clara là chị và là mẹ của các thầy.

Để sống nhân bản tròn đầy và phong phú, chúng ta cần xây dựng tương quan tình bạn một cách trưởng thành, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau như Chúa đã làm gương cho chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Hai khuôn mặt của đời tông đồ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:43 10/07/2022

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
HAI KHUÔN MẶT CỦA ĐỜI TÔNG ĐỒ
St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

Cầu nguyện và hoạt động là hai bổn phận chính yếu của người Kitô hữu, là hai nhịp sống của một sứ vụ Tông Đồ. Tin Mừng của Chúa Nhật XVI giới thiệu với chúng ta hai khuôn mặt nổi bật đại diện cho hai khuynh hướng này. Maria đại diện cho cầu nguyện, chiêm niệm, và lắng nghe Lời Chúa, còn Mácta đại diện cho hoạt động và phục vụ. Cả hai không tách biệt, cũng không loại trừ lẫn nhau, nhưng là bổ túc và thăng tiến cho nhau.

1- Maria, người của cầu nguyện

Thánh Luca kể cho chúng ta câu chuyện thật dễ thương về việc đón tiếp Chúa Giêsu tại nhà hai chị em Mácta và Maria. Mácta thì tất bật bếp núc, còn Maria thì chỉ lo ngồi tiếp chuyện với Chúa. Mỗi người một cách thế để thể hiện lòng hiếu khách, mỗi người có một thái độ để bày tỏ tình yêu mến với Chúa. Thánh Luca tường thuật: “Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Người dạy.”

Ở đây, chúng ta để ý tới từ ngữ: “Ngồi dưới chân Chúa” và “nghe lời Chúa.” Ngồi dưới chân Chúa có nghĩa là ở với Chúa, ở bên Chúa, đối thoại với Chúa, sống thân tình và mật thiết trong sự hiện diện của Chúa. Và việc ở bên Chúa như thế là để nghe Lời Chúa, nghe Chúa nói với mình và nhất là tìm ý Chúa muốn.

Chính vì thế, cầu nguyện có nghĩa là ở với Chúa, nghe Chúa nói, chứ không phải chỉ để xin xỏ điều nọ điều kia. Và theo cách của Maria, cầu nguyện trước hết không phải là lôi kéo Thiên Chúa xuống với những nhu cầu, ý muốn và tính toán của mình, mà trái lại là để Thiên Chúa nâng ta lên với thế giới của Thiên Chúa, để nhận biết thánh ý Chúa, để có những tầm nhìn và tâm tư của Người.

2- Mácta, người của phục vụ

Nếu Maria đại diện cho việc cầu nguyện, thì Mácta là hình ảnh của hoạt động và phục vụ. Chỉ có cầu nguyện thôi chưa đủ, chúng ta còn phải biết phục vụ trong tinh thần cầu nguyện.

Hình ảnh một Mácta trong Tin Mừng lo lắng bận rộn với việc bếp núc nói lên lòng hiếu khách, lòng nhiệt thành của Mácta đối với Chúa Giêsu. Việc làm của Mácta là tốt, cần thiết và đáng trân trọng. Vì “khách đến nhà không gà thì vịt,” phải có gì ăn chứ! Như người Pháp nói rằng: “Chính bữa ăn làm cho người ta trở nên gần gũi với nhau” (on se tache par le repas). Hay như người Việt Nam ta vẫn thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện.”

Hiểu như thế thì không cho phép chúng ta nói rằng: Chúa Giêsu coi thường việc phục vụ của Mácta. Người không bao giờ đánh giá thấp việc phục vụ như đã có lần Chúa nói: “Ta đến để phục vụ.” Và nhiều lần Chúa cũng đón nhận sự đón tiếp của những người khác mời Chúa tới nhà dùng bữa. Vì đối với Chúa, phục vụ là một điều cao quý và ý nghĩa, phục vụ là một niềm vui.

3- Maria đã chọn phần tốt nhất

Nhưng giữa cầu nguyện và hoạt động, việc nào cần ưu tiên trước? Chúng ta tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi này ở cuối bài Tin Mừng, khi Chúa nói với Mácta: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”

Ở đây Chúa nhắc nhở Mácta và tất cả chúng ta: Cầu nguyện và hoạt động là cần thiết, nhưng việc cầu nguyện chiếm chỗ đầu hết, trước hết. Cầu nguyện trước khi hoạt động, trước khi phục vụ.

Các Tông Đồ trước khi đi loan báo Tin Mừng đã sống bên Chúa, để có những kinh nghiệm cá nhân với Chúa rồi từ đó mới có thể rao giảng về Chúa. Điều Chúa nhắc bảo giúp chúng ta tránh một nguy cơ rất dễ xảy ra trong đời sống của chúng ta hôm nay. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có một phân biệt rất tinh tế, đó là: “Con chọn Chúa hay công việc của Chúa.” Nhiều khi chúng ta làm những công việc của Thiên Chúa nhưng lại quên chính Thiên Chúa. Cha Antony de Mello ví von điều đó giống như cô gái bán nước bên dòng sông mà quên đi chính dòng sông. Phải cầu nguyện trước khi hoạt động và hoạt động trong cầu nguyện. Như thế công việc của chúng ta mới đẹp ý Chúa, mới có thể đưa tới sự thành công. Mẹ Têrêxa Calcutta là mẫu gương cho chúng ta về điều đó. Mẹ cầu nguyện hàng giờ trước Thánh Thể trước khi đi phục vụ người nghèo.

Thành thử ra, điểm then chốt của câu chuyện hôm nay không phải là mời gọi chúng ta chọn Maria hoặc chọn Mácta. Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô cần cả hai thái độ của Maria và Mácta. Nhưng trong hai thái độ sống đó, chúng ta được mời gọi dành ưu tiên trước hết cho việc cầu nguyện, cho việc ở lại với Chúa, biết Chúa, sống tương quan mật thiết, hiệp thông với Chúa; rồi từ đó dẫn chúng ta tới việc phục vụ Chúa và tha nhân, việc phục vụ này như là hậu quả của việc cầu nguyện. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 10/07/2022

26. Thiên Chúa vô cùng nhân ái tốt lành, tạm thời chậm nghe lời kêu cứu của con người chính là để gia tăng nguyện vọng thiết tha và công đức của con người, bởi vì thời gian kêu cứu của con người càng dài lâu thì công đức lại càng lớn.

(Thánh Gregory of Langres)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 10/07/2022
7. TIẾNG CHUÔNG CÓ KHÁC LẠ.

Có một vị tăng già, mỗi lần lên Phật đường tụng kinh rất là lâu giờ, nhưng hơi thì ngắn miệng thì khô, cần phải uống một vài ly rượu hâm nóng sau đó mới có thể tiếp tục.

Nhưng cũng như mọi lần, từ Phật đường đi vào trong phòng hâm rượu thì bỏ phí thời gian quá dài, sợ người ta nói, nên treo một cái chuông đồng trước Phật đường, ngấm ngầm ra lệnh cho các đệ tử, nói một thứ ám ngữ cố định, lúc mỗi lần gõ “tang tang lang lang leng keng” thì đem đến cho lão tăng một ly rượu nóng.

Đệ tử tuân mệnh, mỗi lần nghe tiếng chuông, thì hâm rượu. Sau mấy ngày, đệ tử lạc mất âm thanh của tuồng kịch này mà quên hâm rượu cho lão tăng, lão tăng trách đệ tử:

- “Hôm nay tâm của con làm gì mà tiếng chuông cũng không nghe?”

Đệ tử sợ trách tội bèn nói đưa đẩy:

- “Tiếng chuông hôm nay không giống như tiếng chuông mấy ngày trước”.

Lão tăng hỏi:

- “Tiếng chuông khác nhau như thế nào?”

Trả lời:

- “Tiếng chuông ngày hôm nay chỉ là lạnh lẽo im lìm, vì có khác như vậy nên con không hâm rượu”.

Lão tăng hiểu ý, chỉ cười mà không hỏi lại.

(Khải Nhan lục)

Suy tư 7:

Đức Chúa Giê-su đã nghiêm khắc lên án các kinh sư và người Pha-ri-siêu: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình ! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc”.

Ai cầu nguyện lâu giờ với Chúa thì Ngài rất thích, bởi vì tình yêu thì cần phải như thế, nhưng “cầu nguyện lâu giờ” này sẽ mất đi ý nghĩa của nó khi có sự giả tạo dối trá chen vào. Tình yêu giả tạo là tình yêu còm cỏi không sinh khí, cầu nguyện giả tạo dối trá lâu giờ thì kéo án phạt xuống trên mình.

“Cầu nguyện lâu giờ” cũng có nghĩa là tự mình bày vẽ ra thêm những điều ngoài quy định lễ nghi của Giáo Hội, có nhiều tín hữu nghèo cả năm không dám xin cha sở một lễ giỗ giáp năm công khai để cầu nguyện cho cha mẹ, vì có nhiều giáo xứ cha sở định mức bổng lễ cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cấp 1 thì có ca đoàn hát, treo cờ; cấp 2 thì chỉ có hát mà không treo cờ; cấp 3 thì âm thầm bỏ vào cái hòm thùng xin lễ (không định ngày) ở dưới nhà thờ. Sự phân định này đã làm cho không ít các giáo dân nghèo cảm thấy mình bị bỏ rơi, và do đó sinh ra nhiều tự ti mặc cảm với ông cha sở...

Cũng có nhiều vị mục tử rất hào phóng không “cầu nguyện lâu giờ”, nhưng tình cảm của các ngài được trãi rộng trên mọi giáo hữu, anh không có tiền để xin lễ giỗ cho cha mẹ ư? Chỉ cần nói với các ngài ngày kỵ giỗ của cha mẹ, là các ngài ghi vào sổ và công bố cho giáo dân biết để đi dâng lễ hiệp ý cầu nguyện. Không “cầu nguyện lâu giờ” nhưng Thiên Chúa rất yêu thích các ngài vì thái độ hào phóng và yêu thương của họ đối với các con chiên của mình.

Trọng điểm của tình yêu là ở đó, biết nhu cầu của người yêu để quan tâm và đáp trả.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đắm mình trong sự thật
Lm. Minh Anh
18:12 10/07/2022
ĐẮM MÌNH TRONG SỰ THẬT
“Thầy đến không đem bình an, nhưng đem gươm giáo!”.

Charles Swindoll nói, “Thế giới cần đến những con người có thể nói “Không” với sự nhấn mạnh, dù tất cả phần còn lại của nó nói “Có”. Thế giới cần đến những con người không xấu hổ hoặc sợ hãi để bênh vực sự thật, dẫu khi sự thật đó không được lòng mọi người. Và thế giới cần đến những con người ‘đắm mình trong sự thật’ khi phần còn lại của nhân loại chối nhận nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trùng với ý tưởng của C. Swindoll, qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cần đến những con người ‘đắm mình trong Sự Thật!’. Ngài nói, “Thầy đến không đem bình an, nhưng đem gươm giáo!”. Phải chăng đây là lỗi đánh máy? Chúa Giêsu có nói như thế không? Có! Ngài đã nói như thế, vì Ngài muốn chúng ta ‘đắm mình trong sự thật!’; đúng hơn, đắm mình trong chính Ngài!

Để có thể hiểu được đoạn văn này, điều quan trọng là chúng ta phải đọc nó trong ánh sáng toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu; giáo huấn về tình yêu thương, lòng thương xót, sự tha thứ và hiệp nhất… Vậy với những lời này, Chúa Giêsu đang nói về điều gì? Ngài đang nói về một trong những tác động của Sự Thật. Sự Thật của Phúc Âm có sức mạnh kết hợp chúng ta với Thiên Chúa một cách sâu sắc khi chúng ta hoàn toàn chấp nhận đó là Lời Sự Thật. Nhưng một tác động khác kéo theo, là nó chia rẽ chúng ta với những ai từ chối kết hợp với Thiên Chúa trong Sự Thật. Chúng ta không có ý chia rẽ, nhưng cần hiểu rằng, bằng cách ‘đắm mình trong Sự Thật’, chúng ta đặt mình vào chỗ bất đồng với tất cả những ai đối nghịch với Sự Thật của Chúa.

Nền văn hoá của chúng ta ngày nay muốn rao giảng cái mà chúng ta gọi là “thuyết tương đối”. Tương đối thuyết cho rằng, những gì tốt và đúng đối với tôi có thể không tốt và đúng với bạn; nhưng rằng, mặc dù có những “chân lý” khác nhau, tất cả chúng ta vẫn có thể là một gia đình hạnh phúc. Nhưng đó không phải là sự thật! Sự thật, với chữ “T” viết hoa, là cái mà Thiên Chúa đã thiết lập; điều gì là đúng, điều gì là sai. Ngài đã đặt ra luật luân lý của Ngài trên toàn thể nhân loại và điều này không thể bị huỷ bỏ; Ngài cũng đã đặt ra những lẽ thật về đức tin và chúng cũng không thể bị huỷ bỏ. Luật đó đúng với tôi, cũng như đối với bạn, hay với bất cứ ai khác.

Tin Mừng hôm nay cho thấy một thực tế nghiêm túc rằng, bằng cách bác bỏ tất cả các hình thức của thuyết tương đối; và bằng cách giữ chặt Sự Thật, chúng ta có nguy cơ chia rẽ, ngay cả với những người trong gia đình. Thật đáng buồn và đau đớn! Chúa Giêsu muốn củng cố chúng ta khi điều này xảy ra. Nếu tội lỗi của chúng ta gây chia rẽ, hãy xấu hổ vì nó! Nhưng nếu chia rẽ do Sự Thật, thì chúng ta cứ ‘đắm mình trong Sự Thật’, như là đòi hỏi của Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu đã bị từ chối và chúng ta không nên ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra với mình.

Anh Chị em,

“Thầy đến không đem bình an, nhưng đem gươm giáo!”. Chúa Giêsu không ru ngủ chúng ta bằng những lời dễ nghe, cũng không hứa hẹn một bình an giá rẽ; trái lại, Ngài buộc chúng ta chọn lựa. Đây là một cuộc chiến nội tâm trường kỳ xảy ra cho những ai muốn được Lời tác động. Chúa Thánh Thần sẽ luôn nhắc nhở chúng ta làm những gì đẹp lòng Chúa, đang khi thế gian và xác thịt lại chực kéo ghì chúng ta xuống theo chiều hướng thế tục. Đây thật sự là gươm giáo trong tâm hồn mà bạn và tôi nên có. Vì thế, nhờ ‘đắm mình trong Sự Thật’ là chính Chúa Giêsu, chúng ta có thể chọn Chúa và các giá trị Tin Mừng của Ngài; từ đó, hưởng nhận bình an đích thực mà Đấng Phục Sinh ban tặng; không phải một bình an giả tạo, thoả hiệp. Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã không thoả hiệp nhưng lên tiếng kêu gọi, “Hỡi các hoàng tử Sôđôma, hãy nghe Lời Chúa; hỡi dân Gômôra, hãy lắng tai nghe luật Thiên Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca cũng thật sâu sắc, “Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con yêu mến và biết ‘đắm mình trong Sự Thật’ là chính Ngài; cho con dám chấp nhận bất cứ rủi ro nào một khi con đã quyết định bước đi trên đường Chúa đi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 10 tháng 7
Đặng Tự Do
18:33 10/07/2022
Chúa Nhật 10 tháng 7, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ 15 Mùa Thường Niên.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Samaritô nhân hậu (x. Lc 10:25-37) – mà chúng ta đều biết. Trong bối cảnh là con đường đi từ Giêrusalem đến Giêricô, trên con đường đó, một người đàn ông đã bị một bọn cướp đánh đập dã man và cướp bóc. Một tư tế đi ngang qua nhìn thấy anh ta nhưng không dừng lại; tư tế ấy tiếp tục đi. Một người Lêvi, phục vụ trong đền thờ, cũng làm như thế. Phúc Âm cho biết “Nhưng một người Samaritanô kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương”(c. 33). Chúng ta đừng quên từ này - “anh đã động lòng thương người ấy”. Đây là điều mà Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Ngài thấy chúng ta đang gặp khó khăn, khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta đang gặp đau khổ. “Anh đã động lòng thương người ấy”. Thánh Sử chỉ rõ rằng người Samaritanô đang trong một cuộc hành trình. Như thế, mặc dù đã có kế hoạch riêng và đang hướng đến một đích đến xa xôi, nhưng người Samaritanô không viện cớ đó mà cho phép mình lảng tránh, anh ta tham gia vào những gì đã xảy ra trên đường. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: không phải Chúa dạy chúng ta làm điều đó sao? Nhìn về phía xa, đến điểm đến cuối cùng của chúng ta, đồng thời chú ý đến các bước cần thực hiện ở đây và bây giờ để đến được đó.

Điều quan trọng là những Kitô hữu đầu tiên được gọi là “môn đệ của Con Đường” (xem Công vụ 9: 2). Trên thực tế, môn đệ rất giống người Samaritanô – cũng như anh ta, môn đệ đang trong một cuộc hành trình, là một người trẩy đi xa. Người tín hữu biết mình chưa “đến nơi”, nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, theo Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6), “Ta là đường”. Môn đệ của Chúa Kitô cùng bước theo Ngài và do đó trở thành “môn đệ của Con Đường”. Người đó đi theo sau Chúa, không thụ động, không, nhưng luôn đi trên đường. Trên đường đi, người đó gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, thăm các làng mạc và thành phố. Đây là những gì Chúa đã làm, Ngài luôn di chuyển.

Do đó, “môn đệ của Con Đường”, tức là những tín hữu Kitô chúng ta, nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của mình dần dần thay đổi, ngày càng trở nên phù hợp với lối sống của Thầy hơn. Bước đi theo bước chân của Chúa Kitô, người môn đệ trở thành một người đi đường và - giống như người Samaritanô - học cách nhìn và có lòng trắc ẩn. Anh ta nhìn thấy và có lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Trước hết, cần thấy rằng: đôi mắt của những người môn đệ Chúa đang mở ra với thực tế, chứ không phải khép kín một cách ích kỷ vào vòng xoáy của những suy nghĩ riêng mình. Trái lại, thầy tư tế và người Lê vi nhìn thấy người đàn ông bất hạnh, nhưng họ đi ngang qua như không thấy anh ta, họ nhìn theo hướng khác. Tin Mừng dạy chúng ta cách nhìn - Tin Mừng dẫn dắt mỗi người chúng ta hiểu đúng về thực tế, vượt qua những định kiến và chủ nghĩa giáo điều mỗi ngày, vì có nhiều tín hữu đã ẩn náu đằng sau những giáo điều để tự bảo vệ mình khỏi thực tế. Bên cạnh đó, Tin Mừng cũng dạy chúng ta theo Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có lòng trắc ẩn - nhìn thấy và có lòng trắc ẩn - trở nên ý thức về người khác, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang gặp khó khăn, và can thiệp như người Samaritanô, không tỉnh bơ đi ngang qua nhưng phải dừng lại.

Đối mặt với câu chuyện ngụ ngôn Phúc Âm này, chúng ta có thể đổ lỗi cho người khác hoặc đổ lỗi cho chính mình, chỉ tay về phía người khác, so sánh họ với thầy tư tế hoặc người Lê vi “Người đó, người đó tiếp tục, người đó không dừng lại…” - hay thậm chí là tự trách mình, kể lể thất bại của bản thân không chú ý đến những người xung quanh. Nhưng tôi muốn đề xuất một loại bài tập khác cho tất cả anh chị em, không phải loại bài tập tìm ra lỗi, không. Chắc chắn, chúng ta phải nhận ra khi nào chúng ta đã vô tâm và đã tự biện minh cho mình. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta phải thừa nhận điều này, đó là một sai lầm. Nhưng chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự thờ ơ ích kỷ của mình và đặt mình trên Con đường. Chúng ta hãy xin Chúa cho được nhìn thấy và động lòng thương, đây là một cơ duyên. Chúng ta cần cầu xin Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy, để con có thể có lòng nhân ái giống như Chúa nhìn thấy con và thương xót con”. Đây là lời cầu nguyện mà tôi gợi ý cho anh chị em ngày hôm nay. “Lạy Chúa, xin cho con có thể nhìn thấy và có lòng thương xót giống như Chúa nhìn thấy con và có lòng thương xót đối với con” - để chúng ta có thể thương xót những người chúng ta gặp trên đường đi, trên hết là những người đau khổ và thiếu thốn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể làm để giúp họ một tay. Nhiều khi có một số Kitô hữu đến nói với tôi về những điều tâm linh, tôi hỏi họ có bố thí không. “Có”, người đó nói với tôi.

“Vậy, nói cho tôi biết, bạn có chạm vào tay của người mà bạn đã đưa tiền không?”

“Không, không, con ném tiền xuống đó.”

“Và bạn có nhìn vào mắt người đó không?”

“Không, điều đó không hề thoáng qua trong tâm trí con.”

Nếu bạn bố thí mà không chạm đến thực tế, không nhìn vào mắt người cần, thì những bố thí đó là cho bạn, chứ không phải cho người đó. Hãy nghĩ về điều này. Tôi có chạm vào sự khốn khổ, thậm chí là sự khốn cùng mà tôi đang giúp đỡ không? Tôi có nhìn vào mắt những người đau khổ, những người mà tôi giúp đỡ không? Tôi để lại cho anh chị em suy nghĩ này - để nhìn thấy và có lòng trắc ẩn.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên hành trình trưởng thành này. Xin Mẹ, Đấng “chỉ cho chúng ta Con Đường”, tức là Chúa Giêsu, giúp chúng ta ngày càng trở thành “môn đệ của Con Đường”.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi hiệp nhất với nỗi buồn của người dân Sri Lanka, những người tiếp tục phải chịu những tác động của bất ổn chính trị và kinh tế. Cùng với các Giám mục của đất nước, tôi tái kêu gọi hòa bình và tôi khẩn cầu những người có thẩm quyền đừng bỏ qua tiếng kêu của người nghèo và những nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tôi muốn gửi một suy nghĩ đặc biệt tới người dân Libya, đặc biệt là những người trẻ tuổi và tất cả những ai đang phải chịu đựng những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng ở đất nước này. Tôi kêu gọi mọi người luôn tìm kiếm những giải pháp thuyết phục mới với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải dân tộc.

Tôi lặp lại sự gần gũi của mình với những người dân Ukraine, những người đang hàng ngày bị dày vò bởi những cuộc tấn công tàn bạo mà những người dân bình thường đang phải trả giá. Tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt là cho các nạn nhân, những người bị thương, những người bị bệnh. Tôi cầu nguyện cho người già và trẻ em. Xin Chúa chỉ ra con đường để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này.

Ngày Chúa Nhật Biển đang được tổ chức vào ngày hôm nay. Chúng ta hãy ghi nhớ tất cả những người đi biển với lòng kính trọng và biết ơn đối với công việc quý báu của họ, cũng như các tuyên úy và tình nguyện viên của “Stella Maris” – “Ngôi Sao Biển”. Tôi phó thác cho Đức Mẹ những người đi biển bị mắc kẹt trong vùng chiến sự để họ có thể trở về nhà.

Tôi chào nhóm đến từ Trường Cao đẳng São Tomás từ Lisbon, và các tín hữu từ Viseu, Bồ Đào Nha; dàn hợp xướng “Siempre Así” từ Tây Ban Nha; các bạn trẻ đến từ Tổng giáo phận Berlin và các ứng viên Thêm sức từ Bolgare miền Bergamo. Tôi gửi lời chào đến những người hành hương Ba Lan cũng như những người đang tham gia cuộc hành hương hàng năm của các gia đình từ Đài Maria đến Đền Częstochowa. Tôi chào các linh mục đến từ các quốc gia khác nhau, những người đang tham gia khóa học dành cho các nhà đào tạo chủng viện do Istituto Sacerdos của Rôma tổ chức.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đại hội Taizé châu Âu lần thứ 43 kết thúc tại Turin
Thanh Quảng sdb
20:07 10/07/2022
Đại hội Taizé châu Âu lần thứ 43 kết thúc tại Turin

Cuộc họp đại kết thường niên, dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm 2020, nhưng phải trì hoãn lại đến tháng 7 năm nay, đã kết thúc tại thành phố Bắc Ý vào Chủ nhật, sau ba ngày cầu nguyện liên nỉ với các sự kiện văn hóa tâm linh quy tụ hàng trăm thanh niên từ khắp châu Âu và các châu lục khác.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Hàng trăm thanh niên đến từ Ý, Châu Âu và các châu lục khác đã qui tụ tại thành phố Turin của Ý đánh dấu cuộc “Hành hương niềm tin trên Trái đất” lần thứ 43 của Châu Âu, do cộng đồng Taizé tổ chức. Sự kiện đại kết, theo truyền thống được tổ chức vào cuối năm tại một thành phố châu Âu, đã diễn ra từ ngày 7-10 tháng 7 năm nay, lần đầu tiên kể từ đại dịch năm 2019.

Những người tham gia

Đại hôi thứ 43 tại thủ phủ của vùng phía bắc Piedmont ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2020, nhưng đã bị hoãn lại cả 12 tháng đến tháng 12 năm 2021, vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, biến thể Omicron của virus đã buộc các nhà tổ chức phải chia sự kiện làm hai phần, phần đầu diễn ra vào cuối tháng 12, theo thông lệ, nhưng ở dạng số lượng hạn chế người tham gia trực tiếp.

Những người tham gia giai đoạn hai này bao gồm những người trẻ từ một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ukraine và Nga, và từ Hoa Kỳ, Ai Cập và Indonesia, và 150 tình nguyện viên từ khắp châu Âu, cùng với các tình nguyện viên địa phương.

Sự kiện

Chương trình gồm những giờ cầu nguyện và sinh hoạt nhóm tại các giáo xứ địa phương, hội thảo về các chủ đề văn hóa, nghệ thuật, xã hội và tâm linh, cũng như tham quan một số địa điểm quan trọng của thành phố Turin.

Trong số những điểm nổi bật của cuộc họp năm nay, có ba tiêu đề "Khám phá Piedmont", "Những người trẻ tuổi và tấm khăn liệm", "Những người trẻ... và các vị thánh!" với các bài chia sẻ của Roberto Fascila, phó thỉnh cáo viên phong thánh cho Chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925). Một cuộc triển lãm về nhà hoạt động Công Giáo trẻ người Ý, người bảo trợ cho giới trẻ, cũng đã được tổ chức và những người tham gia có cơ hội cầu nguyện trong nhà nguyện của Đền thờ Turin, nơi hài cốt của anh được an nghỉ.

"Đêm của niềm tin"

Sự kiện đạt đến đỉnh điểm vào ngày Chúa nhật, với chủ đề “Đêm Trắng của Đức tin” bao gồm Lễ hội tại Quảng trường Cung điện Hoàng gia Turin, với âm nhạc, múa ca và lời chứng, tiếp theo là Buổi cầu nguyện buổi tối cuối cùng được Đức Tổng Giám Mục Roberto Repole của Turin chủ sự vào lúc 10:30 tối, bằng các chuyến thăm các nơi hành hương và nghệ thuật ở trung tâm thành phố, bao gồm cuộc chiêm ngưỡng tấm khăn liệm - khăn đã tẩm niệm Chúa Giêsu - được trưng bày đặc biệt cho dịp này.

Một đặc điểm khác của Đại hội Châu Âu Taizé lần này là việc khai trương "Ngôi nhà Hòa bình", ở trung tâm thành phố, nơi những người tham gia qui tụ để chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của họ về chủ đề hòa bình thế giới.

Buổi họp mặt sẽ kết thúc vào Chúa Nhật với các thánh lễ tại các giáo xứ và bữa trưa tại các gia đình bản xứ.

Cộng đồng Taizé

Cộng đồng Taizé là một tổ chức Công Giáo đại kết được thành lập vào năm 1940 bởi Anh Roger (Frère Roger) người Thụy Sĩ, thầy sinh ra tại làng Taizé Pháp quốc. Trong năm qua, Taizé đã trở thành một trong những địa điểm hành hương quan trọng của thế giới, tập trung vào giới trẻ. Hơn 100.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới hành hương đến địa điểm này mỗi năm để cầu nguyện, nghiên cứu Kinh thánh, chia sẻ kinh nghiệm đức tin của họ và cùng nhau hành hoạt động.

“Hành hương niềm tin trên trái đất” hàng năm đã được tổ chức lần đầu vào thập niên 70 quy tụ hàng nghìn các bạn trẻ.
 
Trước Nhà Thờ Chính Tòa Sydney, 100 người đàn ông Úc đọc kinh Mân Côi dưới trời mưa tầm tã
Vũ Văn An
20:12 10/07/2022



Theo bản tin ngày 8 tháng 7 vừa qua của Cerith Gardiner trên tờ Aleteia, một bài đăng trên Facebook gần đây của Tổng giáo phận Công Giáo Sydney cho thấy một số người Công Giáo đi xa đến thế nào để sống đức tin của họ.

Trong video, tổng giáo phận giải thích rằng đã có hơn 100 người đàn ông tụ tập bên ngoài Nhà thờ Chính tòa St. Mary ở Sydney để lần chuỗi Mân Côi trong gần một giờ đồng hồ. Mặc dù đây là một chứng tá tuyệt vời cho đức tin của họ, nó còn gây ấn tượng hơn nữa trong điều kiện thời tiết đặc biệt xấu.

Đa số đàn ông quỳ gối, mặc áo mưa và cầm dù. Họ dường như không hề bị quấy rầy bởi cơn mưa lớn như trút nước, và bất chấp mọi tiếng ồn, lòng sùng kính sâu sắc của họ chắc chắn sẽ được Đức Trinh Nữ khấng nghe.



Cuộc Thập tự chinh Mân Côi của Đàn ông [Men’s Rosary Crusade] diễn ra vào thứ Bảy đầu tiên hàng tháng và thật đáng chú ý khi thấy nhiều người đàn ông tụ tập vào tháng Bảy này, mặc dù họ biết rằng họ sẽ bị ướt sũng.

Và những nỗ lực của họ đã được đánh giá cao bởi tất cả những người đã xem video, trong đó có một người dùng Facebook, Jennifer Pierno, bình luận:

"Tôi đã thấy họ. Trời mưa như trút nước và họ cố kết với sứ mệnh của mình. Những người đàn ông tuyệt vời. Cảm ơn các bạn. Các bạn là nguồn cảm hứng trong một xã hội không còn cảm hứng”.

Tổng giáo phận cũng chia sẻ những lợi ích của video từng được xem hơn một triệu lần trên toàn thế giới. Trong một bài báo của Debbie Cramsie cho tờ Catholic Weekly, Giám đốc Trung tâm Truyền giáo của Tổng giáo phận Sydney, Daniel Ang, đã chia sẻ:

“Chúa thực sự hiện diện trong cuộc sống của chúng ta và trong thành phố của chúng ta. Một số người có thể chùn bước trước cảnh tượng như vậy, nhưng phản ứng mà nó gợi lên đã nói lên sức mạnh của chứng tá Kitô giáo. " Anh nói thêm, “chứng kiến những người đàn ông hướng cuộc sống của họ không chỉ bằng sức mạnh của cảm giác hay sự thoải mái mà bằng những gì họ trân trọng là một chứng tá xiết bao và khiến chúng ta đặt câu hỏi về việc chúng ta có thể cống hiến điều gì, chúng ta tin điều gì là nguồn gốc và cùng đích cuộc đời chúng ta.”

Cramsie giải thích thêm rằng Cuộc Thập tự chinh Mân Côi hàng tháng ra đời nhờ một phong trào quốc tế, trong đó những người đàn ông thu thập từng con bướm đêm để xin Đức Maria bảo vệ gia đình của họ.

Điều đáng lưu ý là Ivica Kovac, Viên chức Đời sống, Hôn nhân và Gia đình của Tổng giáo phận Sydney, nhấn mạnh rằng theo Cramsie, nam giới thường miễn cưỡng biểu lộ đức tin của mình trước công chúng. Tuy nhiên, sự kiện video đã loan truyền nhanh như virút đúng là một ơn phúc, vì điều đó có nghĩa là nỗ lực của họ sẽ được toàn thế giới nhìn thấy và có thể gây cảm hứng cho những người đàn ông khác lần chuỗi Mân Côi.

Kovac giải thích, “Những người đàn ông có đức tin rất thích chia sẻ 'tin mừng' với những người khác và cho họ biết họ cầu nguyện nhưng thường miễn cưỡng, vì vậy Cuộc Thập tự chinh Mân Côi của những người đàn ông đang cung cấp cho họ một con đường để tuyên xưng đức tin của họ một cách công khai và đầy yêu thương bằng cách cầu nguyện cho những người thân yêu, cộng đồng, đất nước và Giáo Hội của chúng ta bất chấp trong điều kiện nào”.



Và chính những kiểu biểu lộ đức tin như thế này đã cho thế giới thấy niềm vui và sức mạnh của việc đồng thanh cầu nguyện, cũng như cho phụ nữ thấy rằng những kiểu biểu lộ này rất tốt và thực sự được trân qúy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Thiếu Nhi Rước Lễ lần đầu
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
20:44 10/07/2022
“ Hôm nay trong chúng con có 141 em được rước Chúa lần đầu cũng như 46 em tuyên xưng đức tin và Rước Lễ trọng thể. Chúng con được mời gọi trước hết hãy nhận ra Chúa Kitô chính là người thân cận nhất với chúng con”. Lời nhắn nhủ trên đây của Linh mục phụ tá Giuse Nguyễn Minh Duy đã giúp 141 em thiếu nhi giáo xứ Tân Việt ý thức được sự hệ trọng trong ngày các em được Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do Lm phụ tá Giuse Nguyễn Minh Duy chủ tế, đồng tế với ngài là Linh mục Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa diễn ra lúc 7g30 Chúa Nhật 10/07/2022.

Đến hiệp dâng Thánh lễ, còn có sự hiện diện của các phụ huynh và rất đông cộng đoàn dân Chúa.

Đúng 7g30 các em Rước Lễ lần đầu đón quý cha đồng tế tiến vào nhà thờ bắt đầu Thánh lễ.

Đầu lễ, Linh mục chủ tế nhắn nhủ trước cộng đoàn: Hôm nay trong chúng con có 141 em được Rước Chúa lần đầu cũng như 46 em tuyên xưng đức tin và Rước Lễ trọng thể. Chúng con được mời gọi trước tiên hãy nhận ra Chúa Kitô chính là người thân cận nhất với chúng con bởi vì Ngài đã thực thi lòng bác ái trên mỗi chúng con.

Chia sẻ Tin mừng, Linh mục chủ tế nói: Yêu thương chính là chúng ta đang thực thi lề luật vì luật của Chúa dạy là yêu thương, là mến Chúa yêu người, yêu như Thầy đã yêu. Chính vì thấy người thân cận là những người có lòng cảm thương, Người thực thi lòng thương xót, Người giúp đỡ chúng ta.

Các con thiếu nhi, đặc biệt là các em chuẫn bị Rước Chúa lần đầu, các con đã được tha tội qua Bí tích mà Chúa Giêsu thiết lập đó chính là tình yêu Mà Thiên Chúa dã dành cho chúng con. Để rồi hôm nay, chính Chúa, người thân cận nhất với chúng con sẽ ngự vào lòng chúng con, tăng sức để chúng con ra đi loan báo Tin mừng cho mọi người và làm cho mọi người trở thành người thân cận với Chúa.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên hứa Bao Đồng, trước mặt Linh mục chủ tế và toàn thể cộng đoàn, các em mạnh dạn tuyên hứa theo Chúa, quyết tâm dấn bước theo Ngài đén cùng và can đảm làm chứng cho Tin Mừng.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể. Trong giây phút linh thiêng, các em cùng bố mẹ nghiêm trang tiến lên rước Mình và Máu Thánh Chúa. Dây là khoảnh khắc thiêng liêng, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của các em. Từ nay, các em sẽ được gắn bó mật thiết hơn với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trước khi nhận Phép lành cuối lễ, đại diện phụ huynh cám ơn quý cha, quý Soeur và các anh chị Huynh trưỡng GLV đã hướng dẫn dạy dỗ các em trong suốt thời gian qua.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn ở mãi trong tâm hồn các em, để các em luôn vững bước trên con đường mà Chúa đã chọn và dành riêng cho các em.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Thông Báo
Cáo Phó : Thân phụ của Túy Vân, Xướng Ngôn Viên Việt Catholic, qua đới
Tang Gia
11:30 10/07/2022
 
VietCatholic TV
Các tư lệnh lữ đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến Nga tử trận tại Ukraine. Diệt lôi hạm của Nga bị diệt
VietCatholic Media
03:02 10/07/2022


1. Các tư lệnh lữ đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến Nga tử trận tại Ukraine

Theo tờ Daily Mail, sáng thứ Bẩy theo giờ địa phương Mạc Tư Khoa, tức là chiều thứ Bẩy 9 tháng 7, theo giờ Việt Nam, các phương tiện truyền thông Nga đã tiết lộ thông tin về cái chết của hai sĩ quan cấp tá cao cấp trong quân đội Nga trên chiến trường Ukraine.

Người thứ nhất là Trung tá Alexander Smirnov, 41 tuổi, tư lệnh phó của Lữ đoàn Dù số 11, đã thiệt mạng tại cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR). Ông là sĩ quan cấp tá thứ 59 được tường trình đã qua đời trong chiến trường Ukraine.

Người chỉ huy lực lượng nhảy dù này đã chiến đấu cùng với các lực lượng thân Nga trong khu vực Luhansk. Smirnov bị trúng đạn khi đang trong sở chỉ huy của Trung đoàn súng trường cơ giới Cossack số sáu. Smirnov bị giết vào ngày 1 tháng 7 nhưng cái chết của ông đến nay mới được đưa ra ánh sáng trong một thông báo về tang lễ.

Người thứ hai là Trung tá Sergei Moskvichev, 45 tuổi, được chôn cất với đầy đủ lễ nghi quân cách vào sáng thứ Bẩy ngày 9 tháng 7 tại Ryazan, một thành phố ở miền tây nước Nga. Moskvichev đã từng phục vụ trong Lữ đoàn Dù 83 ở Ussuriysk, sau đó được chuyển sang Lữ đoàn 155 Thủy quân lục chiến ở Vladivostok. Lúc tử trận, ông ta là Tư Lệnh Lữ Đoàn 155 Thủy quân lục chiến.

Trung tá Moskvichev là con trai của một anh hùng đã tham gia cấp cứu tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ năm 1986. Ông chết đi bỏ lại vợ và hai con của mình.

Ông là sĩ quan cấp tá thứ 60 được biết đến đã thiệt mạng trong cuộc chiến đẫm máu, vốn đã chứng kiến những cái chết của một số lượng lớn các sĩ quan cao cấp trong lực lượng của Putin, trong đó có ít nhất 11 tướng lĩnh.

Tiết lộ về cái chết của Alexander Smirnov và Sergei Moskvichev được đưa ra khi Putin tuyên bố rằng ông hầu như chưa bắt đầu chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết trong một bài phát biểu diều hâu trước các nhà lãnh đạo quốc hội, bất kỳ triển vọng nào cho các cuộc đàm phán hòa bình sẽ ngày càng mờ nhạt khi xung đột kéo dài.

Ông cho biết nếu phương Tây muốn đánh bại Nga trên chiến trường, thì việc thử sức là điều đáng hoan nghênh.

Putin nói: “Hôm nay chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Bạn có thể nói gì, hãy để họ thử. Chúng tôi đã nhiều lần nghe nói rằng phương Tây muốn đánh chúng ta đến người Ukraine cuối cùng. Đây là một bi kịch đối với người dân Ukraine, nhưng có vẻ như mọi thứ đều đang hướng tới điều này.”

Ông ta nhấn mạnh rằng: “Mọi người nên biết rằng, nhìn chung, chúng ta vẫn chưa bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm túc. Đồng thời, chúng ta không bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng những người từ chối những cuộc đàm phán nên biết rằng càng đi xa, họ càng khó thương lượng với chúng ta.”

2. Diệt lôi hạm của Nga bị đánh phá gần Đảo Rắn được dưa đến Sevastopol

Trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật 10 tháng 7, Phát ngôn nhân của Cục trưởng Cục Quản lý quân sự khu vực Odesa Serhii Bratchuk cho biết:

Các nguồn tin tình báo của chúng tôi xác nhận chiếc Diệt lôi hạm Yunarmeets Baltiki của Nga, đã bị hư hại trong các cuộc chiến gần Đảo Rắn, trong tuần qua, đã được kéo đến Sevastopol để sửa chữa.

Hôm thứ Tư 22 tháng Sáu, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công Đảo Rắn hay còn gọi là Đảo Zmiinyi bằng các loại vũ khí và phương tiện hủy diệt khác nhau. Các đơn vị đồn trú của Nga bị tổn thất đáng kể. Lửa sáng rực bầu trời suốt đêm thứ Ba rạng sáng ngày thứ Tư 22 tháng Sáu.

Chiếc Diệt lôi hạm Yunarmeets Baltiki được tường trình đã bỏ chạy sau khi bị trúng loạt tấn công đầu tiên. Nó bị thiệt hại đáng kể nhưng không chìm xuống đáy đại dương.

Theo Forbes, người Nga đã mất gần 1 tỷ USD trang thiết bị và vũ khí trên Đảo Rắn và các vùng biển xung quanh. Tổn thất lớn nhất của quân xâm lược là soái hạm Mạc Tư Khoa của Hạm đội Hắc Hải trị giá đến 750 triệu USD. Nó tham gia đánh chiếm Đảo Rắn, sau đó bị trúng hỏa tiễn vào ngày 13 tháng 4 và chìm một ngày sau đó.

Lực lượng Ukraine xác nhận đã tìm thấy 30 thiết bị của đối phương bị phá hủy trên Đảo Rắn. Kho đạn dược bị nổ tung và những tàn tích rộng lớn đã được phát hiện.

3. Nga chuyển 4 trong số 6 tàu ngầm tới Hắc Hải

Lực lượng Nga đã di chuyển 4 trong số 6 tàu ngầm thuộc đề án 636 Varshavyanka từ Sevastopol đến Hắc Hải. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã cho biết như trên trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 10 tháng 7.

Hai tàu ngầm của dự án này thuộc Lữ đoàn tàu ngầm biệt lập số 4 hiện đang đóng tại bờ phía đông của Hắc Hải. Tổng cộng, Hạm đội Hắc Hải của Nga bao gồm 6 tàu ngầm thuộc đề án 636 Varshavyanka: B-261 Novorossiysk, B-237 Rostov-on-Don, B-262 Stary Oskol, B-265 Krasnodar, B-268 Velikiy Novgorod và B- 271 Kolpino.

Vào ngày 5 tháng 7, chỉ có một tàu ngầm thuộc đề án 636 Varshavyanka ở lại Sevastopol.

Hạm đội Hắc Hải của Nga cũng bao gồm tàu ngầm B-871 Alrosa thuộc dự án 877B Paltus, nhưng sau khi tiến hành thử nghiệm trên biển, nó đã được gửi đến xưởng đóng tàu thứ 13 ở Vịnh Kilen-Bay để sửa chữa.

4. NASA lên án Nga sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế để biện minh cho chiến tranh ở Ukraine

NASA đã chỉ trích Nga sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế, gọi tắt là ISS, để quảng bá và biện minh cho cuộc chiến của họ ở Ukraine. Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật 10 tháng 7.

“NASA đã mạnh mẽ phản đối việc Nga sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế cho các mục đích chính trị để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Ukraine, về cơ bản không phù hợp với chức năng chính của trạm. 15 quốc gia tham gia vào dự án quốc tế này nhằm thúc đẩy khoa học và phát triển công nghệ vì mục đích hòa bình.”

Tuyên bố này dường như nhằm đáp trả những hình ảnh do cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos công bố ngày 4/7 cho thấy các phi hành gia Nga trên trạm cầm cờ liên quan đến các thực thể ly khai ở Ukraine. Các lá cờ được trưng bày để đánh dấu việc Nga chiếm đóng Lysychansk, thành phố cuối cùng ở Luhansk rơi vào tay quân Nga.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gặp gỡ các quân nhân Ukraine đang trong chương trình huấn luyện tại Anh

Đoàn tập huấn đầu tiên gồm các binh sĩ Ukraine tham gia một chương trình huấn luyện quân sự mới do Vương quốc Anh dẫn đầu, sẽ huấn luyện tới 10.000 binh sĩ Ukraine trong những tháng tới, đã đến Vương quốc Anh.

Trước khi bắt đầu chương trình, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã gặp gỡ các quân nhân Ukraine chuẩn bị tham gia chương trình này, theo dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết: “Chương trình đào tạo mới đầy tham vọng này là giai đoạn tiếp theo trong sự hỗ trợ của Vương quốc Anh đối với Các lực lượng vũ trang Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga. Sử dụng chuyên môn đẳng cấp thế giới của Quân đội Anh, chúng tôi sẽ giúp Ukraine xây dựng lại lực lượng và mở rộng quy mô cuộc kháng chiến khi họ bảo vệ chủ quyền của đất nước và quyền lựa chọn tương lai của chính mình”.

Khoảng 1.050 quân nhân của Vương quốc Anh đang tham gia điều hành chương trình. Mỗi khóa học sẽ kéo dài vài tuần.

Khóa huấn luyện sẽ cung cấp cho các tân binh tình nguyện có ít hoặc không có kinh nghiệm quân sự các kỹ năng để chiến đấu hiệu quả ở tiền tuyến. Dựa trên chương trình đào tạo binh lính cơ bản của Vương quốc Anh, khóa học bao gồm việc sử dụng vũ khí, sơ cứu chiến trường, thao tác dã chiến, chiến thuật tuần tra và Luật xung đột vũ trang.

Vương quốc Anh có một lịch sử lâu dài trong việc hỗ trợ quân đội Ukraine thông qua Chiến dịch ORBITAL, đã đào tạo 22.000 người Ukraine từ năm 2015 đến năm 2022.

Chương trình mới nhất là một phần trong cam kết lâu dài của Vương quốc Anh nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược vô cớ của Nga. Cho đến nay số tiền viện trợ quân sự của Anh đã lên tới hơn 3,3 tỷ bảng Anh và bao gồm hơn 5.000 vũ khí chống tăng NLAW và các hệ thống phóng hỏa tiễn đa năng M270.

6. Người kế vị Putin có thể thậm chí còn tồi tệ hơn đối với phương Tây

Theo một chuyên gia về đất nước và chính trị Nga, người kế nhiệm Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nguy hiểm tương đương hoặc nguy hiểm hơn ông ta.

Trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra - và những ảnh hưởng của nó đối với vị thế của Nga trên trường thế giới - những tin đồn xoay quanh sức khỏe của Putin, cùng với những đồn đoán về khả năng bị lật đổ bởi các quan chức Nga khác, đã khiến nhiều người thảo luận về triển vọng của người kế nhiệm ông Putin.

Phát biểu với Express trong một bài báo đăng hôm thứ Bảy, Keir Giles, giám đốc nghiên cứu và tác giả của cuốn sách “Các quy tắc Mạc Tư Khoa”, cho biết hoàn toàn có khả năng người kế nhiệm của Putin cũng sẽ cứng rắn như ông ta hay thậm chí còn hơn.

Có “rất nhiều ứng cử viên” sẽ nhậm chức sau khi triều đại của Putin kết thúc, và một số lượng lớn trong số đó “sẽ khiến mối quan hệ của Nga với phương Tây và với chính người dân nước này, thậm chí còn tồi tệ hơn những gì Putin đã làm trong vài năm qua, tác giả nói.

Tác giả cho biết, Nga đã rời bỏ cái ôm ban đầu của mình đối với phương Tây sau Chiến tranh Lạnh và quay trở lại thái độ thù địch.

“Vài năm gần đây, người ta đã chứng kiến một cuộc đàn áp ngày càng gia tăng đối với người dân Nga, song song với sự gia tăng thù địch với thế giới bên ngoài,” Giles nói với Express. “Nhưng ở cả hai khía cạnh đó, Nga chỉ đang quay trở lại các chuẩn mực lịch sử và an toàn của nó. Bởi vì đây là một quốc gia luôn cư xử theo cách này đối với thế giới bên ngoài và đối với chính người dân của mình. Khoảng thời gian quan hệ thân thiết hay tốt đẹp hơn với phương Tây luôn được người Nga coi là một sai lầm và bây giờ họ đang quay trở lại những gì bình thường hơn nhiều trong lịch sử nước Nga “.

Ông nói thêm, một người kế nhiệm tiềm năng cho Putin có thể sẽ xuất thân từ một nền tảng tương tự và tiếp tục đưa đất nước “trở lại trạng thái mặc định bình thường là trở thành một phe đối lập với phương Tây”.

Vào cuối tháng 6, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine, tuyên bố rằng Putin đang mắc một căn bệnh “nghiêm trọng” và có khả năng chỉ còn sống được khoảng hai năm. Ông phỏng đoán rằng nhà lãnh đạo “không còn một cuộc đời dài phía trước.” Budanov tuyên bố cụ thể rằng Putin đang phải vật lộn với một căn bệnh ung thư nghiêm trọng, cùng với một số căn bệnh không xác định khác, khiến ông rơi vào tình trạng “tâm lý và thể chất rất tồi tệ”.

Vào cuối tháng 5, một báo cáo mật của Mỹ cho biết ông Putin dường như đã bình phục trở lại sau khi trải qua đợt điều trị ung thư giai đoạn cuối vào tháng trước, ba nhà lãnh đạo tình báo Mỹ nói với Newsweek.
 
400.000 tín hữu hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Levoca, Slovakia. Nga lấy cắp hàng triệu tấn ngũ cốc
VietCatholic Media
05:14 10/07/2022


1. Một giáo xứ Tây Ban Nha chăm sóc cho những người đau yếu để chống lại luật trợ tử

Trợ tử đã được hợp pháp hóa ở Tây Ban Nha vào năm 2021 và ngay lập tức được đưa vào thực hiện, ba người phụ nữ từ lâu đã bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên đã hợp lực với linh mục quản xứ của giáo xứ Đức Mẹ An ủi ở Córdoba. Họ đã tạo ra Quỹ Contigo siempre, nghĩa là “Luôn luôn bên bạn”, qua đó họ đề nghị hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh nan y với dịch vụ chăm sóc y tế chuyên biệt. Mục tiêu là cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà thông qua việc tính đến nhu cầu y tế và tinh thần của người bệnh, đồng thời giúp gia đình bớt căng thẳng, bảo đảm luôn túc trực bên giường bệnh khi người thân của họ cần nghỉ ngơi. Những người chủ trương nhóm Contigo Siempre cho rằng “đôi khi bạn không thể làm được gì nhiều cho căn bệnh này, nhưng bạn luôn có thể làm điều gì đó cho bệnh nhân.” Họ đã bắt đầu thu thập các tài liệu cần thiết để giảm bớt đau khổ cho bệnh nhân về cuối đời, chẳng hạn như xe lăn hoặc nệm đặc biệt để tránh lở loét trên giường. Một trong những thành viên giải thích rằng hiệp hội là Công Giáo nhưng dành cho tất cả mọi người. “Chúng tôi chỉ đơn giản muốn truyền tình yêu của Chúa cho tất cả những ai cần, và những ai yêu cầu, chúng tôi sẽ giúp họ gặp được Chúa. Chúng tôi muốn những người bệnh chết trong yên bình với hy vọng tìm thấy ở phía bên kia sự dịu dàng mà họ nhận được trong những ngày cuối cùng ở đây”

Una parroquia de Córdoba ofrece cuidados paliativos «para que nadie tenga que pedir la eutanasia»

https://alfayomega.es/una-parroquia-de-cordoba-ofrece-cuidados-paliativos-para-que-nadie-tenga-que-pedir-la-eutanasia/

2. 400.000 tín hữu hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Levoca, Slovakia

Sau thời gian bị hạn chế vì đại dịch Covid-19, năm nay có 400.000 tín hữu đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Levoca, ở miền đông Cộng hòa Slovakia.

Đây là nơi hành hương cổ kính nhất ở miền Đông nước này. Năm 1984, thánh đường tại đây được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Vương cung thánh đường, và năm 1995, khi ngài viếng thăm tại đây, có 65.000 tín hữu tham dự thánh lễ với ngài. Gốc tích Đền thánh có từ thế kỷ XIII.

Các cuộc hành hương năm nay có chủ đề là: “Tình yêu gia đình như ơn gọi và con đường nên thánh. Trong thánh lễ Chúa nhật 26 tháng Sáu vừa qua, Đức Cha Bernard Bober, Tổng giám mục giáo phận Kosice sở tại, khẳng định rằng “trong thời đại chúng ta ngày nay, không có gì quan trọng hơn, cần thiết hơn, nhưng đồng thời không gì có thể dễ bị tổn thương hơn đời sống trong gia đình”.

Thánh lễ cuối tháng Sáu vừa qua, cũng là lễ khai mạc tuần lễ hành hương và gắn liền với ngày gia đình của giáo phận Kosice, liên kết với cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới lần thứ X, tiến hành tại Roma. Năm nay, lễ này cũng trùng với dịp kỷ niệm 100 năm thánh hiến Nhà thờ hành hương trên núi Đức Mẹ, do Đức Cha Jan Vojtassak, Giám mục giáo phận Zips chủ sự. Án phong chân phước cho Đức Cha đã được khởi sự hồi năm 1996.

3. 2 triệu tấn ngũ cốc đang bị đánh cắp tại các khu vực do Nga kiểm soát

Theo Yevgeniy Balitsky, người đứng đầu quân đội các khu vực Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng, khoảng hai triệu tấn ngũ cốc đang được thu hoạch từ các cánh đồng ở khu vực phía nam Zaporizhzhia do lực lượng Nga kiểm soát.

“Một chiến dịch thu hoạch đang được tiến hành trong khu vực,” Balitsky cho biết hôm thứ Ba trên kênh Telegram của mình, đồng thời cho biết thêm rằng thu hoạch năm nay từ khu vực này dự kiến sẽ vượt qua vụ mùa năm ngoái là 1,5 triệu tấn.

Balitsky nói thêm rằng 70% lượng ngũ cốc thu hoạch năm ngoái từ các khu vực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát đã được bán ra nước ngoài.

Ivan Fedorov, thị trưởng lưu vong của Melitopol ở vùng Zaporizhzhia, trước đó đã cảnh báo về những hạn chế nghiêm trọng do quân đội áp đặt về nơi các nhà sản xuất có thể bán ngũ cốc của họ và với giá bao nhiêu.

Theo Fedorov, các nhà sản xuất ngũ cốc chỉ có thể bán cho các cá nhân “được ủy quyền” với giá bằng một nửa thông thường.

“Doanh nhân được ủy quyền định giá một tấn ngũ cốc chỉ hơn $50 một chút. Đây là một nửa chi phí của một tấn ngũ cốc. Vào mùa thu, không ai sẽ gieo các cánh đồng trong điều kiện như vậy.”

Ukraine đã cáo buộc Nga chiếm đoạt nguồn cung cấp ngũ cốc năm ngoái từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền nam đất nước. Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba cho biết ông dự kiến 60 triệu tấn ngũ cốc Ukraine sẽ bị “chặn” đến tay người tiêu dùng vào mùa thu do tình trạng này đang diễn ra.
 
Putin báo hại: Đưa xe tăng đời 1950 ra chống HIMAR 2022. Cả một đoàn xe tăng không còn chiếc nào
VietCatholic Media
15:13 10/07/2022


1. Ukraine tiêu hủy cả một đoàn xe tăng

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 10 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các xạ thủ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 24 được đặt theo tên của Vua Danylo đã tiêu diệt một đoàn xe tăng và thiết giáp của quân xâm lược Nga.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng Nga đang có kế hoạch chuyển quân trên toàn lãnh thổ Nga theo một kế hoạch mới mà Putin rất kỳ vọng.

Hôm 5 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có một cuộc họp với Putin để báo cáo về chiến thắng tại Lysychansk. Thay vì nhận được những lời khen ngợi, Sergei Shoigu đã nhận được một tin bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt.

Putin nói: “Hôm nay, Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Đại tướng Lục quân Sergey Vladimirovich Surovikin cũng đã báo cáo với tôi về tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao và các đề xuất của họ về việc phát triển các chiến dịch tấn công tiếp theo”.

Hai Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Sergey Vladimirovich Surovikin đã báo cáo vượt cấp thẳng cho Putin mà không qua Sergei Shoigu.

Nga đang tràn trề hy vọng vào kế hoạch mới này. Tuy nhiên, vấn đề chuyển quân không phải dễ dàng trong tình trạng là Ukraine ngày nay có các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt từ xa. “Khởi đầu của kế họach mới không mấy khả quan,” phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Ukraine nói.

2. Xe tăng, xe tải chở đạn của Nga bị phá hủy ở vùng Kharkiv

Quân đội Ukraine đã phá hủy một xe tăng Nga và một xe tải chở đầy đạn dược ở Khu vực Kharkiv.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Cục Truyền thông Chiến lược của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine trong cuộc họp báo sáng Chúa Nhật 10 tháng 7 tại Kyiv,

“Tại Khu vực Kharkiv, một xe tăng địch, xe MT-LB và một xe tải chở đạn đã bị phá hủy bằng hỏa lực pháo binh,”

Xin nhắc lại rằng, trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 9 tháng 7 năm 2022, tổng thiệt hại khi chiến đấu của Nga tại Ukraine lên tới khoảng 37.200 quân.

3. Cập nhật Tình báo Quốc phòng mới nhất về tình hình ở Ukraine

Trong bản báo cáo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng trái với các tuyên bố huênh hoang của Putin cho rằng quân đội Nga 'thậm chí còn chưa bắt đầu các nỗ lực nghiêm túc ở Ukraine’, Nga đã cạn kiệt vũ khí và phải tung ra các vũ khí và thiết bị được sản xuất từ những năm 1950.

Nga đang di chuyển các lực lượng dự bị từ khắp đất nước và tập hợp gần Ukraine cho các chiến dịch tấn công trong tương lai.

Một tỷ lệ lớn các đơn vị bộ binh mới có lẽ đang triển khai với các xe bọc thép MT-LB lấy từ kho rất cũ kỹ để làm phương tiện vận chuyển chính.

Trong khi những chiếc MT-LB trước đây được phục vụ trong vai trò hỗ trợ cho cả hai bên, thì Nga từ lâu đã coi chúng không phù hợp với hầu hết các vai trò vận tải bộ binh tiền tuyến.

Ban đầu nó được thiết kế vào những năm 1950 như một xe kéo pháo, có lớp thiết giáp rất hạn chế và chỉ gắn một khẩu súng máy để bảo vệ.

Ngược lại, hầu hết các đơn vị tấn công cấp cao đầu tiên của Nga đều được trang bị xe chiến đấu bộ binh BMP-2 vào tháng 2, có lớp thiết giáp dày tới 33mm, gắn pháo tự động 30mm cực mạnh và bệ phóng hỏa tiễn chống tăng.

Bất chấp tuyên bố của Tổng thống Putin vào ngày 7 tháng 7 năm 2022 rằng quân đội Nga 'thậm chí còn chưa bắt đầu nỗ lực nghiêm túc ở Ukraine, nhiều lực lượng tiếp viện của họ là các nhóm đột xuất, triển khai với các thiết bị lỗi thời hoặc không phù hợp.

4. Người Nga phá hoại mùa màng ở vùng Kherson

Trong cuộc họp báo tại Kyiv hôm Chúa Nhật 10 tháng 7, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đã lên án điều mà bà gọi là “những cuộc phá hoại mùa màng có chủ đích” của quân Ngaở khu vực Kherson..

Bà cho biết lực lượng cảnh sát địa phương đã mở các thủ tục hình sự sau các cuộc pháo kích liên tục của các lực lượng Nga nhằm ngăn cản việc dập tắt các đám cháy ở những vùng đất bị chiếm đóng.

Cảnh sát cho biết các đám cháy quy mô lớn xảy ra hàng ngày, thiêu rụi hàng trăm hécta lúa mì, lúa mạch và các loại cây ngũ cốc khác.

Phó Thủ tướng Ukraine nói: “Do bị pháo kích liên tục, rất khó dập tắt những đám cháy như vậy ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Người Nga cố tình không cho phép dập tắt những đám cháy, quân xâm lược cũng phá hủy các kho ngũ cốc, máy móc nông nghiệp và các nhà máy điện mặt trời.”

5. Một cuộc điều tra của Times phanh phui các bất động sản ở Anh chưa bị tịch thu

Một cuộc điều tra của tờ Times đã tìm thấy 18 bất động sản ở Anh thuộc sở hữu của nhà nước Nga mà họ cho rằng có thể bị tịch thu và trao cho Ukraine.

Tờ Times cho biết Ukraine cũng đang xem xét hành động pháp lý để sở hữu 18 bất động sản, có thể trị giá lên đến 100 triệu bảng Anh. Vadym Prystaiko, đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, cho biết:

“Chúng tôi đánh giá cao Anh và Liên Hiệp Âu Châu vì đã cho biết họ sẽ giúp chúng tôi xây dựng lại Ukraine nhưng chính Nga mới cần phải trả giá cho điều đó. Đối với chúng tôi, đây sẽ là một cách làm đơn giản.”

6. Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Antony Blinken

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, đã có cuộc hội đàm trên đảo Bali của Indonesia vào hôm thứ Bảy, một ngày sau khi cả hai cùng tham dự cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước G20.

Blinken đã thảo luận về hành động gây hấn của Nga ở Ukraine và nêu lên những lo ngại về sự liên kết của Bắc Kinh với Mạc Tư Khoa.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc nói chuyện với Vương Nghị, kéo dài hơn năm giờ đồng hồ, ông nói:

Chúng tôi lo ngại về sự liên kết của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa với Nga. Tôi không tin rằng Trung Quốc đang hành động một cách trung lập.

Blinken cho biết Hoa Kỳ không thấy dấu hiệu nào “vào thời điểm này” cho thấy Nga sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao có ý nghĩa.

Ông nói, hành động gây hấn không chỉ chống lại Ukraine mà còn chống lại các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới. “Chúng ta sẽ xem liệu Nga có nhận được thông điệp tại G20 trong những ngày tới hay không.”

Hôm thứ Bảy, sau khi rời Indonesia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, cho biết “cam kết của Hoa Kỳ đối với người dân Ukraine là kiên quyết” trong khi tuyên bố viện trợ hơn 360 triệu đô la.

7. Giấc mơ của Putin tại Bosnia

Ivana Stradner, một thành viên nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy 9 tháng 7 đã chỉ ra rằng những lời đe dọa ly khai của nhà lãnh đạo người Bosnia Serb Milorad Dodik là một “giấc mơ đang thành hiện thực” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Nga đang phá hoại sự ổn định của Bosnia bằng cách hợp tác với Serbia để làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sắc tộc giữa người Croatia, người Bosnia và người Serb,” Stradner nói với Express trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy. “Những lời đe dọa theo chủ nghĩa ly khai của Dodik là một giấc mơ trở thành hiện thực đối với Putin, người đã hứa với ông ấy rằng 'chúng ta sẽ không bỏ rơi bạn bè của mình.'“

Nhận xét của bà được đưa ra sau khi ông Dodik cho biết vào tháng 6 rằng Serbia sẽ “chờ đợi tình hình toàn cầu thích hợp” để đạt được kế hoạch ly khai khỏi Bosnia.

Điều này cũng diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sự bất ổn ở Tây Balkan, có khả năng bị thúc đẩy bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine, khiến Đức lên kế hoạch triển khai quân đội với sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên minh Âu Châu ở Bosnia, Al Jazeera đưa tin vào tháng trước.

Stradner nói với Express: “Những gì chúng ta thấy ở Balkan giống như một vở kịch mà Putin đang sử dụng ở Georgia và Moldova, đó là vũ khí hóa các phong trào ly khai và khai thác các cuộc xung đột từ lâu đã đóng băng.

Dodik, một người ủng hộ Putin, hiện là thành viên người Serb trong nhiệm kỳ tổng thống ba bên của Bosnia, trước đó đã đổ lỗi cho cuộc chiến ở Ukraine đã làm trì hoãn kế hoạch rút khỏi các tổ chức quốc gia của Bosnia do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn, Reuters đưa tin hồi tháng trước.

Mục tiêu của Dodik là chia cắt một nửa Bosnia và hợp nhất nó với nước láng giềng Serbia đã khiến Hoa Kỳ và Vương quốc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại ông vào đầu năm nay vì nỗ lực gây xung đột và gây bất ổn cho Bosnia và Herzegovina.

Bosnia đã trải qua một cuộc chiến tranh từ năm 1992-1995 khiến hơn 100.000 người thiệt mạng trước khi đạt được một thỏa thuận, được gọi là Hiệp định Dayton, nhằm chấm dứt xung đột. Thỏa thuận đã tạo ra các cơ quan người Serb Bosnia và Bosniak-Croat, những người được kết nối bởi các tổ chức chung của Bosnia và một tổng thống ba bên, theo AP.

Theo The New York Times, Dodik và Putin có những mục tiêu tương tự khi nói đến Bosnia, bao gồm việc củng cố liên minh Serbia-Nga vì cả hai đều muốn ngăn Bosnia tìm kiếm tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO. Ông Putin thậm chí còn nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với Dodik trong một cuộc gặp hồi tháng 6, khi Tổng thống Nga nói với nhà lãnh đạo người Serb Bosnia rằng “chúng tôi không rời bỏ bạn bè của mình”.

Stradner lưu ý rằng Nga không cần thiết phải lan rộng xung đột của mình ra ngoài biên giới Ukraine để gây ra bất ổn ở Balkan, đồng thời giải thích rằng: “Mạc Tư Khoa không cần thiết phải tiến vào Balkan vì những người ủy nhiệm của Nga sẽ giúp giải quyết căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Bà nói thêm: “Các cuộc biểu tình mới ở Bosnia, phản ánh các hoạt động của Nga ở Phi Châu về tình trạng bất ổn kinh tế, Giáo Hội Chính thống giáo Nga luôn là người đại diện trung thành để làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ tôn giáo ở Montenegro và Kosovo. Ngoài ra, các tác nhân địa phương được hưởng lợi về mặt tài chính từ phương Tây và cũng sử dụng ảnh hưởng của Nga để có lợi cho họ, giả vờ rằng họ là nạn nhân của sự can thiệp của Mạc Tư Khoa, trong khi thực tế họ là người hỗ trợ. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu lợi ích từ Nga và các đối tác địa phương một cách tổng thể. “

Năm ngoái, Christian Schmidt, đại diện cấp cao của Bosnia và Herzegovina, đã cảnh báo về sự bất ổn trong khu vực trong một báo cáo đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nói rằng Hiệp định Dayton bị đe dọa do thiếu phản ứng với tình hình ở Bosnia.

Ông nói: “Việc thiếu phản ứng với tình hình hiện tại sẽ gây nguy hiểm cho thỏa thuận Dayton, trong khi sự bất ổn ở Bosnia sẽ có những tác động lớn hơn trong khu vực. Triển vọng về sự chia rẽ và xung đột hơn nữa là rất thực tế.”

8. Zelenskiy: Các hành động khủng bố của Nga chỉ có thể bị ngăn chặn bằng vũ khí hiện đại, chính xác cao, mạnh mẽ

Trong thông điệp mới nhất gởi đến quốc dân đồng bào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

Các bạn Ukraine thân mến, xin kính chúc sức khỏe!

Một báo cáo ngắn gọn về các sự kiện trong ngày - đó đã là ngày thứ 136 của cuộc phòng thủ của chúng ta.

Hôm nay, tôi đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher và phái đoàn các thượng nghị sĩ sau khi ông Larcher có bài phát biểu tại Verkhovna Rada của Ukraine. Và tôi biết ơn Ông ấy vì bài diễn văn đầy cảm hứng và gọn gàng của ông. Đặc biệt, trong bài phát biểu, ông nhắc nhở rằng tiền tuyến sẽ giữ được, chừng nào hậu phương còn vững vàng, và hậu phương của chúng ta bây giờ không chỉ là phần tự do của Ukraine, mà còn của tất cả 27 quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu, và toàn bộ thế giới dân chủ. Do đó, toàn quân của chúng ta, quân đội Ukraine, làm việc 24/7 để giữ vững lợi ích của nhà nước và quốc phòng của chúng ta là trọng tâm của mọi quốc gia đã hoặc có thể trở thành một phần của liên minh chống chiến tranh của chúng tôi.

Ông Larcher cũng cho biết một điều quan trọng khác: với mọi cuộc tấn công vào Ukraine, với mọi tội ác của quân chiếm đóng Nga, với mọi thành phố tử đạo mới, sự kiên quyết của người Âu Châu sẽ giúp Ukraine trở nên ổn định hơn. Nó thực sự là như vậy. Tuy nhiên, nhà nước khủng bố hoàn toàn không hiểu điều này và sẽ không bao giờ chấp nhận nó như một sự thật. Chỉ trong một ngày, quân đội Nga đã tấn công các thành phố Mykolaiv và Kharkiv, Kryvy Rih, các cộng đồng của vùng Zaporizhzhia... Nó bắn chính xác vào khu vực dân cư - hoàn toàn có ý đồ, có chủ đích, vào các ngôi nhà bình thường và các đối tượng dân sự. Có thương vong - chết, bị thương. Các cuộc tấn công tàn bạo của pháo binh Nga ở Donbas không dừng lại dù chỉ một ngày - hướng Sloviansk, Bakhmut, Avdiyivka... Chúng ta thực sự có thể ngăn chặn những hành động khủng bố như vậy với vũ khí hiện đại, chính xác cao và mạnh mẽ.

Và tôi muốn cảm ơn Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vì quyết định cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quốc phòng mới với số tiền 400 triệu USD. Các đơn vị phóng HIMARS bổ sung và các vũ khí chính xác cao khác cho phép chúng tôi thực hiện các bước chống khủng bố chính xác và giảm khả năng tấn công của Nga.

Hôm nay, tôi đã có một cuộc họp với đại diện của các công ty xây dựng - với những công ty mà chất lượng cơ sở hạ tầng Ukraine - các tuyến đường cung cấp của chúng tôi - phụ thuộc vào đó. Vấn đề xây dựng mạng lưới giao thông phẩm chất cao cũng luôn là câu hỏi về sự an toàn. Và trong điều kiện chiến tranh toàn diện, cơ sở hạ tầng vững chắc là một trong những yếu tố then chốt của quốc phòng. Tôi cảm ơn đại diện của các công ty xây dựng đã làm việc với tôi, thảo luận với tôi về những nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai gần - nó liên quan đến cả công cuộc tái thiết đất nước và tăng cường thêm hệ thống hậu cần của chúng tôi.

Hôm nay, tôi đã ký sắc lệnh về việc cách chức một số đại sứ của Ukraine. Việc luân chuyển này là một phần bình thường của thông lệ ngoại giao. Các đại diện mới của Ukraine sẽ được chỉ định là Cộng hòa Tiệp, Đức, Hung Gia Lợi, Na Uy và Ấn Độ. Các ứng viên đang được Bộ Ngoại giao chuẩn bị hồ sơ.

Tôi đang chuẩn bị cho tuần mới - sẽ có tin tức quan trọng, kể cả từ các quan chức chính phủ.

Cảm ơn tất cả những người bảo vệ quốc gia!

Niềm tự hào cho Ukraine!
 
Internet của TQ bày tỏ vui mừng, phấn khích cực độ trước vụ ám hại Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
VietCatholic Media
17:04 10/07/2022


1. Internet của Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vụ ám sát Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang gây ra một chấn động lớn trên thế giới. Tờ POLITICO có bài tường trình nhan đề “China’s internet expresses glee at Abe’s assassination” nghĩa là “Internet của Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Những lời bình luận sắt máu trực tuyến phản ánh sức mạnh của chính sách “giáo dục yêu nước” chống Nhật.

Nhật Bản và phần lớn cộng đồng quốc tế đã phản ứng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với sự bàng hoàng và mất tinh thần. Nhưng tình trạng diễn ra ngược lại ở Trung Quốc, nơi phản ứng trên mạng xã hội tràn ngập niềm hân hoan và những lời phản đối Thủ tướng Abe.

Ông Abe, được tường trình là bị ám sát bởi một người đàn ông 41 tuổi mà động cơ vẫn chưa rõ ràng, tại một sự kiện vận động tranh cử hôm thứ Sáu. Nhiều nhà bình luận trên mạng Vi Bác, hay còn gọi là Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc giống như Twiiter, đã chào đón tin tức về vụ ám sát bằng cách kêu gọi “rượu và ăn tối” để nâng cốc chúc mừng cái chết của ông. Một số người cho rằng kẻ giết ông là một “anh hùng”. Ông Abe đã đi tiên phong trong chính sách đối ngoại nhằm chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh tức giận.

Phản ứng ở Trung Quốc phản ánh cách mà hàng thập kỷ tuyên truyền của chính phủ được thiết kế để kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bằng cách phỉ báng người Nhật vì những hành động tàn bạo trong thời chiến. Chính sách này đã đầu độc thái độ của công chúng đối với Nhật Bản. Chính sách tuyên truyền này cũng làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải thiện quan hệ với Tokyo; nhằm đáp lại Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden.

Matthew Schmidt, giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học New Haven của Hoa Kỳ cho biết:

“Khán giả Mỹ nên nhớ rằng trong quá khứ người Nhật là Đức quốc xã của Á Châu trong Thế chiến thứ hai - họ đã giết hàng triệu người Trung Quốc và một huyền thoại đã được xác lập tại Trung Quốc hiện đại cho rằng người Tầu cần phải chiến đấu chống lại Nhật Bản. Ông Abe là một nhân vật gây tranh cãi ở Trung Quốc bởi vì quan điểm cơ bản của ông ấy là, 'Tôi muốn một Nhật Bản không còn bị ràng buộc với lịch sử của Thế chiến thứ hai.'“

Một bài báo của CCTV đưa tin về cái chết của Abe đã nhận được 2,55 triệu lượt yêu thích, một số nhà bình luận đã ăn mừng sự kiện này.

“Sát thủ của Abe sẽ được viết vào lịch sử Nhật Bản”, một bình luận hàng đầu cho biết khi “Cái chết của Shinzo Abe” đã trở thành một trong những mục hàng đầu trên mạng xã hội Vi Bác hôm thứ Sáu. “Thiện ác sẽ luôn được đền đáp”, một người khác nói. Những người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng chỉ ra ngày thứ Năm vừa qua là ngày kỷ niệm sự việc cầu Marco Polo, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xâm lược toàn diện của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 1937.

“Chúng tôi không đủ tư cách để tha thứ cho kẻ ác đối với hàng triệu đồng bào đã chết trong cuộc chiến chống Trung Quốc và cuộc Thảm sát Nam Kinh! ! ! Đừng quên nỗi nhục quốc thể! ! !” một người nhận xét.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc “bị sốc” trước vụ ám sát Ông Abe và ghi nhận ông đã “cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.” Nhưng các nhà kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc vẫn chưa xóa các bình luận chống Abe khỏi internet, điều này cho thấy một mức độ dung túng chính thức cho thái độ bài Nhật. Hôm thứ Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian) từ chối bình luận về phản ứng của cư dân mạng. Ông nói: “Sự việc bất ngờ này không nên liên quan đến quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản”.

Các bài bình luận trực tuyến chống Ông Abe phản ánh cách thức hệ thống giáo dục Trung Quốc hướng đến một chương trình giảng dạy “giáo dục yêu nước” kết hợp với một câu chuyện lịch sử chống Nhật lan truyền mạnh. Chính sách ấy đã tạo điều kiện cho một thế hệ thanh niên Trung Quốc có tư tưởng bài Nhật cực đoan.

Những tình cảm đó được gieo mầm bởi cả nỗi kinh hoàng mà Nhật Bản gây ra cho Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai cũng như những tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài về quyền kiểm soát các đảo Điếu Ngư hay Senkaku ở Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc gọi Chiến tranh thế giới thứ hai là “Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống lại sự xâm lược của Nhật Bản” và “Chiến tranh thế giới chống phát xít”.

Bắc Kinh cũng đã điên tiết trước sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của Tokyo trong việc bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược có thể có của Trung Quốc. Ông Abe trở thành người công khai ủng hộ việc Nhật Bản bảo vệ Đài Loan kể từ khi ông từ chức thủ tướng vào năm 2020, khiến ông trở thành mục tiêu chỉ trích của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Vào tháng 2 vừa qua, Ông Abe đã kêu gọi chính quyền Biden từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” liên quan đến việc liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan khi đối mặt với cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc hay không, và tuyên bố rằng “người dân Đài Loan chia sẻ các giá trị chung của chúng ta” và xứng đáng được bảo vệ. Ông Abe cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của Trung Quốc khi đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tôn vinh những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh “Loại A”. Ông Abe cũng coi việc thắt chặt mối quan hệ của Nhật Bản với Mỹ là một kế hoạch quan trọng trong chính quyền của ông và hướng dẫn các nỗ lực của Nhật Bản nhằm hồi sinh Tứ Cường, là một nhóm địa chính trị bán chính thức bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia.

Ông Abe hẳn là có bề dày hồ sơ trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể vì những lợi ích nào đó đang cố gắng đổ thêm dầu vào lửa qua các bình luận trực tuyến có thể làm tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Nhật - Trung.

Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Canterbury ở New Zealand, nhận xét rằng: “Trong thời điểm bi thảm như thế này, khi một nhà lãnh đạo toàn cầu bị ám sát, Đảng Cộng sản Trung Quốc lẽ ra không nên khuyến khích những lời bình luận thù địch trên mạng xã hội tiếng Trung, nổ ra kể từ khi Abe qua đời”.

Tuy nhiên, bà tin rằng phong trào này cuối cùng sẽ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp. “Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ kiềm chế những bình luận như thế này vì nó không phản ánh thông điệp mà họ muốn gửi đến chính phủ và người dân Nhật Bản ngay bây giờ. Không những thế, tình cảm dân tộc sẽ chống lại chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi phản ánh sự đối kháng xã hội sâu sắc.”

2. Việc đưa Boris Johnson trở thành đặc phái viên của phương Tây tại Ukraine sẽ gửi một tín hiệu thách thức tới Nga

Boris Johnson đã dẫn đầu thế giới trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong khi các đối tác Âu Châu vẫn còn chập chờn. Việc ông từ chức Thủ tướng Anh không nên dẫn đến tình trạng suy yếu cam kết của Anh trong việc đánh bại chế độ chuyên chế tàn sát của Nga. Boris Johnson đã xây dựng một mối quan hệ đặc biệt với tổng thống Zelenskiy của Ukarine, người ca ngợi ông như một người bạn chí thiết.

Trong bối cảnh đó, các kế hoạch đang được tiến hành để tìm một vai trò mới cho Thủ tướng với tư cách là đặc phái viên của phương Tây tại Ukraine khi ông rời phố Downing. Còn ai ở phương Tây phù hợp hơn Boris Johnson trong vai trò này?

Tờ The Sun của Anh đã cho biết như trên.

Không giống như một số quan chức hèn nhát, Boris Johnson chưa bao giờ chùn bước khi đối mặt với chủ nghĩa đế quốc đẫm máu của Vladimir Putin.

Những lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của ông về việc bảo vệ các giá trị và nền dân chủ phương Tây đã khiến những người gây sóng gió ở Mạc Tư Khoa phải cứng họng.

Ông đã làm đúng theo lời của mình bằng cách cung cấp hàng tỷ bảng Anh vũ khí công nghệ cao cho quân đội Ukraine.

Putin chắc chắn hy vọng phương Tây sẽ ngày càng mệt mỏi vì chiến tranh trong khi ông ta chiếm được nhiều đất hơn và giết nhiều thường dân vô tội hơn.

Việc trở thành người cổ vũ chính cho Ukraine của Boris sẽ bảo đảm sự phẫn nộ đối với Putin vẫn ở trung tâm của sân khấu thế giới.

Nó cũng sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng, và đầy thách thức: Phương Tây sẽ không cho phép Nga chiến thắng.

3. Lính Nga phàn nàn về việc không trả tiền bồi thường cho các thương tật chiến đấu

Những kẻ xâm lược Nga đã được nghe phàn nàn rằng chính phủ của họ đã đình chỉ các khoản thanh toán cho những người bị thương trong trận chiến ở Ukraine, theo một cuộc gọi bị chặn.

Điều này đã được báo cáo bởi Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine.

Trong cuộc gọi bị chặn, một quân nhân Nga giải thích cho vợ về các nhiêu khê của hệ thống chi trả tiền mặt cho người bị thương: “Ở đây, ngay cả chỉ huy quân đội cũng đang nói dối cấp trên rằng mọi thứ đều ổn và theo đúng kế hoạch. Ví dụ, khi 26 người đi thực hiện một nhiệm vụ tấn công, họ báo cáo rằng đó là 126 người. Và cho cuộc tấn công đó, bộ binh được trả công. Đó là 8.000 rúp mỗi ngày cho một nhiệm vụ tấn công. Vì vậy, cấp trên ăn gian được 100 người từ không khí loãng. Không ai biết họ là ai. Nói chung, không rõ cuối cùng ai là người nhận được số tiền này. Hôm qua, tiểu đoàn 3 của anh đang thực hiện nhiệm vụ tấn công - có tổng cộng 150 người ở đó hoặc thậm chí ít hơn. Anh nghĩ chỉ có 120 người thôi. Trong đó, 23 người bị thương và 7 người thiệt mạng. Vì vậy, mất đi 30 người. Những người còn lại sẽ bám quanh đó một lúc, trong khi bị đạn cối bắn xối xả. Khi yên ắng một chút, một nửa sẽ bỏ trốn, một nửa sẽ trở thành thương binh và di tản”.

Anh ta tiếp tục phàn nàn rằng tình trạng lộn xộn như vậy sẽ chiếm ưu thế: “Các chỉ huy của anh bảo vệ các loại pháo cỡ lớn. Họ không bắn từ đó. Anh không thể hiểu được. Dường như mạng sống của con người rẻ hơn hỏa tiễn. Và bây giờ họ đã ngừng trả tiền. Trước đó họ đã từng trả 3 triệu rúp cho tất cả những người bị thương, sau đó vào một ngày nào đó vào tháng 6, toàn bộ điều này đã biến mất.”

“Putin nhận ra rằng đây là một dòng tiền lớn vì mọi người bắt đầu tính toán. Họ sẽ tự bắn vào tay hoặc chân của mình hoặc thò tay ra khỏi chiến hào khi họ sắp bị giết để có thể về nhà với 3 triệu đó. Đó là tất cả, họ nói rằng họ là cựu chiến binh, nhận được ba triệu, và họ sẽ tiếp tục sống một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh và không bao giờ quay trở lại đây nữa,” người lính nói.

“Bây giờ, họ bắt đầu chia chấn thương thành nhẹ và nặng. Ví dụ, người lính có thể bị bắn vào chân. Miễn là xương của anh ta không bị ảnh hưởng, thì đó là một chấn thương nhẹ. Nhưng nếu cánh tay, chân hoặc ngón tay của anh ta bị đứt lìa, xương bị tổn thương hoặc các cơ quan nội tạng bị tổn thương, thì đây là một vấn đề nghiêm trọng. Vì điều này, người lính phải được bồi thường số tiền là ba triệu. Có nghĩa là, nếu người lính bị bắn vào chân hoặc mảnh đạn rơi vào đâu đó, thì đó chỉ là chuyện vặt, tối đa 60.000 rúp. Đó là tất cả những gì anh ta nhận được, và sau đó anh ta lại bị gửi trở lại để chiến đấu.”
 
Nhà truyền giáo bị bắn suýt lìa đời, rồi bị bắt cóc đòi tiền chuộc, vẫn nhất quyết sống với đàn chiên
VietCatholic Media
18:02 10/07/2022


1. Nhà truyền giáo người Pháp bị hành hung năm 2015 và bị bắt cóc năm 2021 trở về Haiti

“Một vùng đất đã chiếm giữ trái tim anh ấy và gần như đã lấy đi mạng sống của anh ấy”: Đây là cách mà tờ báo Ouest-France trình bày về sự gắn bó của linh mục truyền giáo người Pháp Michel Briand với Haiti.

Ở tuổi 68, ngài sẽ sớm trở lại hòn đảo nơi ngài đã bị bắn và bắt cóc bởi một băng đảng. Được hỗ trợ bởi hiệp hội Solidarité Ouest-France, ngài dự định sẽ quay lại với những người đã chào đón ngài trong 37 năm. “Đó là một câu chuyện tình yêu. Tôi đã phát hiện ra một dân tộc quan tâm và khao khát sự thay đổi”.

Đến Haiti vào năm 1986, nhà truyền giáo của Hội Thánh Giacôbê này đã phục vụ 20 năm tại một số khu vực của đất nước. Cuối tháng 8 năm 2015, ngài bị một tên cướp hành hung và bắn suýt chết. Sau khi nhập viện ở Pháp, ngài trở về Haiti, nơi ngài lại bị bắt cóc cùng 9 người khác vào năm 2021, và được thả sau vài tuần, sau khi tiền chuộc được trả cho chúng.

“Bất chấp những gì tôi đã phải chịu đựng, tôi vẫn sẽ ở lại đó và tôi tiếp tục là một viên đá nhỏ của hy vọng cho những người dân ở đây”. Trong khi người Haiti sống “với nỗi sợ bị bắt cóc”, ngài tin rằng người dân phải tìm thấy hy vọng. Ngài nói: “Không phải tiền mới có thể cứu được đất nước, nhưng linh hồn của người Haiti mới là yếu tố then chốt”.
Source:Aleteia

2. Công nghị Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

Từ ngày 07 đến ngày 15 tháng Bảy này, Công nghị các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, sẽ tiến hành dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk.

Công nghị này được Đức Tổng Giám Mục Trưởng gửi thư ngày 16 tháng Năm để triệu tập và dự kiến sẽ nhóm tại thủ đô Kiev, nhưng vì tình hình chiến tranh, nên được dời sang thành phố Przemysl, mạn đông Ba Lan. Theo giáo luật, tất cả các giám mục Công Giáo Ukraine Đông phương đều có nghĩa vụ tham dự công nghị này. Các giám mục về hưu và các thành viên Thánh Hội đồng được nồng nhiệt mời tham dự.

Trong hai năm 2020 và 2021, Công nghị các giám mục Ukraine tiến hành dưới dạng trực tuyến vì đại dịch.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương được thành lập năm 1595, khi một số giám mục, linh mục và giáo dân tách rời khỏi Chính thống giáo và xin hiệp nhất với Tòa Thánh. Họ vẫn được giữ nguyên phụng vụ và kỷ luật Đông phương, trong đó giáo sĩ không buộc phải sống độc thân như trong Công Giáo Latinh. Hiện nay Giáo hội này có khoảng năm triệu tín hữu tại Ukraine, và 13 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Brazil và nhiều nước Âu châu khác. Đây là Giáo hội đông tín hữu nhất trong số 22 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

Ngày 2 tháng 7 vừa qua, Đức Phanxicô đã dành cho Hãng tin Reuters một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn với Philip Pullella, phóng viên kỳ cựu về Vatican của Reuters, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không có ý định từ chức, và viễn ảnh này “chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi” khi ngài lên lịch thăm thành phố L'Aquila, và lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Celestine V, người đã từ chức vào năm 1294. Ngài cho rằng ngài có thể từ chức trong tương lai, nếu thấy mình không thể hoàn thành vai trò của mình, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có xác suất diễn ra sớm. “Chúa sẽ cho biết,” ngài kết luận.

3. Tôn phong hai chân phước tử đạo tại Á Căn Đình

Thứ Bảy, ngày 02 tháng Bảy năm 2022, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, chủ sự lễ tôn phong hai vị tử đạo tại Á Căn Đình lên bậc chân phước.

Đó là cha Pedro Ortis de Zárate, thuộc giáo phận Jujuy, và cha Juan Antonio Solinas, dòng Tên. Lễ tôn phong được cử hành tại thành phố Orán, ở miền cực bắc Á Căn Đình. Hiện diện tại buổi lễ, có Đức Tổng Giám Mục Miroslaw Adamczyk, Sứ thần Tòa Thánh, Đức Hồng Y Mario Poli, Tổng giám mục thủ đô Buenos Aires, cùng với nhiều giám mục, linh mục và đông đạo đức tín hữu.

Chân phước Pedro Ortiz sinh năm 1626, gốc miền Basco bên Tây Ban Nha, di cư sang Á Căn Đình, lập gia đình năm 17 tuổi và được hai người con. Sau khi vợ qua đời, Pedro ủy thác hai người con cho mẹ vợ và đi tu làm linh mục, làm cha sở tại giáo phận Jujury từ năm 1659, khi được 33 tuổi. Cha rong ruổi khu vực giáo xứ rộng lớn, giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo, xúc tiến việc xây cất các nhà thờ và nhà nguyện với tài sản riêng.

Còn chân phước Juan Antonio Solinas, gốc đảo Sardegna bên Ý, gia nhập dòng Tên và theo thỉnh nguyện, cha được bề trên gửi sang Á Căn Đình hoạt động trong các cứ điểm truyền giáo.

Hai vị quen được gọi là “những vị tử đạo Zenta”, vì họ đã tạo một giáo điểm truyền giáo cho các thổ dân, tại tại Forte San Miguel thuộc vùng thung lũng Zenta, gần thành phố Oran. Tại giáo điểm này, hai vị thiết lập nhà nguyện Đức Mẹ Maria và có hàng chục dự tòng.

Một hôm, có 500 thổ dân bản xứ thuộc bộ lạc Toba và Mocovi võ trang, kéo

tới, nói là muốn chào đón các thừa sai và các tín hữu, đồng thời muốn sống an bình hòa hợp với các thừa sai. Họ được các thừa sai đón tiếp, tuy các vị cũng cảm thấy lo âu.

Sáng ngày 27 tháng Mười năm 1683, như thường lệ, các thừa sai cử hành thánh lễ và phân phát lương thực, y phục và các vật dụng khác, nhất là nói về Thiên Chúa cho các thổ dân. Ban chiều khi các vị bắt đầu dạy giáo lý thì các đoàn thổ dân võ trang bắt đầu tấn công và giết hại hai linh mục cùng với 18 giáo dân, trong đó cũng có vài thổ dân bản xứ.

Án phong chân phước cho các vị tử đạo ban đầu bao gồm cả 18 giáo dân, nhưng vì thiếu các tài liệu lịch sử về các giáo dân ấy, nên vào năm 2002 án phong chỉ còn lại hai linh mục. Ngày 13 tháng Mười năm ngoái (2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của hai vị linh mục Tôi tớ Chúa, mở đường cho lễ phong chân phước.