Ngày 12-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/07: Hãy trở nên bé mọn trước Thiên Chúa để được Ngài chúc phúc.– Lm. Giuse Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:03 12/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 12/07/2022

28. Đức Cậy khuyến cáo chúng ta phải coi nhẹ đời này là hư ảo, hy vọng tương lai là hạnh phúc. Người nào đem hy vọng của họ ký thác nơi chóng qua như mây khói ở đời này, đó là đi ngược lại trái với đức cậy, không thể như thế.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 12/07/2022
9. HÀ THỎA HỎI VẶN.

Hà Thỏa người nước Tùy, lúc 8 tuổi đi đến chơi nơi cao nhất của học phủ.

Viên quan tên là Cố Lương nói đùa với nó:

- “Mày họ Hà, có phải là “sen荷” của “lá sen”, hay là “sông河” của “nước sông” hở? (1)

Hà Thỏa ứng tiếng, nói:

- “Ngài họ Cố, là “cố顧” của “quan tâm”, hay là “cố故” của “mới cũ” hở? (2)

(Tùy thư)

Suy tư 9:

Thánh sử Lu-ca đã kể về Đức Chúa Giê-su khi Ngài ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem cùng với các thầy dạy hỏi đáp về thánh kinh như sau: “...Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.”

Nếu Đức Chúa Giê-su sống vào thời đại ngày nay thì sẽ được phong làm “thần đồng giáo lý”, và sẽ được cha sở và các anh chị giáo lý viên biểu dương trong nhà thờ, cha mẹ của Ngài sẽ rất hãnh diện vì có thằng con học giỏi, và ai cũng đoán rằng, trẻ Giê-su sau này sẽ trở thành linh mục của Chúa.

Cho trẻ em đến nhà thờ học hỏi giáo lý là việc quan trọng hàng đầu của cha mẹ, bởi vì không cần phải thống kê thì người ta cũng biết tỷ lệ thanh thiếu niên có học giáo lý phạm pháp, thì ít hơn các bạn đồng lứa không học giáo lý.

Không ít các bậc cha mẹ công giáo thời nay chỉ lo chú trọng đến vấn đề học vấn của con em mình: con học mẫu giáo thì chạy cửa trước lòn cửa sau để cho con được vào học trường “chuẩn” cao cấp của thành phố; con học tiểu học, trung học thì rán kiếm trường dạy hai ngoại ngữ cho con học, dù tốn kém bao nhiêu cũng được; con chuẩn bị thi đại học thì “đôn đốc” con đi học thêm bất kể ngày chúa nhật hay ngày đại lễ.v.v...nhưng có mấy cha mẹ nhắc nhở, khuyến khích và ghi danh cho con cái đi học giáo lý ở nhà thờ?

Cha mẹ nào cũng muốn con cái noi gương Đức Chúa Giê-su, nhưng rất ít cha mẹ muốn con hăng say học hỏi Lời Chúa, tham dự thánh lễ, và rất ít cha mẹ dạy con tập cầu nguyện với Đức Chúa Giê-su !

(1) 荷 là sen; 河là sông, cả hai chữ đều đọc là “hé”, Hán Việt là Hà. Đồng âm khác nghĩa.

(2) 顧 là chú ý, quan tâm; 故là xưa, cũ, cả hai chữ đều đọc là “cu”, Hán Việt là Cố. Đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không bao giờ đóng cánh cửa
Lm. Minh Anh
19:24 12/07/2022

KHÔNG BAO GIỜ ĐÓNG CÁNH CỬA
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn!”.

Ba nhà thông thái đã phải trả giá bằng một cuộc hành trình dài và những tặng phẩm đắt tiền; và cuộc sống họ đã đổi thay, “họ đã qua đường khác mà về” sau khi gặp Con Thiên Chúa, Đấng ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ với bất cứ ai!

Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ, không như trường hợp của ba nhà đạo sĩ, Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều gì đó khá phi lý! Chúa Giêsu nói, “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời”. Và như thế, Thiên Chúa, Đấng ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ với bất cứ ai, xem ra, lại hạn chế mình với một hạng nào đó? Thật thú vị, chúng ta cùng xét xem!

Sự khôn ngoan, kiến thức và hiểu biết là ba trong bảy ơn Chúa Thánh Thần. Vì vậy, tự nó, khôn ngoan và học biết không thể là vấn đề! Ở đây, Chúa Giêsu đang nói về những người mà lòng kiêu hãnh và cái tôi của họ quá cao đến nỗi cho mình có quyền thẩm định mọi sự theo cách khôn ngoan riêng, cho mục đích riêng. Do đó, những mầu nhiệm của Thiên Chúa bị che khuất khỏi họ, chính vì họ đã tập trung trái tim và tâm trí vào bản thân như là điều tốt lành tối cao! Trong cuốn “Thiên Chúa và Thế Giới”, Joseph Ratzinger viết, “Một sinh vật càng lớn, nó càng muốn xác định cuộc sống của chính mình. Nó muốn ngày càng ít phụ thuộc hơn; và do đó, ngày càng trở thành ‘một loại thần thánh’, và không cần ai khác! Đây là cách nảy sinh tự mãn, không cần một nhu cầu nào nữa, cái mà chúng ta gọi là niềm tự hào!”. Cuối cùng, chính họ là những người đã đóng cánh cửa với Thiên Chúa, Đấng ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ với bất cứ ai!

Thật thú vị, bài đọc Isaia hôm nay cho thấy trường hợp của vua Assur, một người được Thiên Chúa sử dụng như một cây roi để sửa phạt dân Ngài. Ông tự cho mình là thông minh, có quyền sinh sát các dân, “vơ vét toàn cầu như lượm trứng rơi”. Thế nên, qua Isaia, Thiên Chúa phán, “Lẽ nào cái rìu lại khoe mình với người cầm rìu? Cái cưa lại tự cao tự đại với người cầm cưa?”. Và một lần nữa, Thiên Chúa, Đấng ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ lại khoan dung với dân, Ngài rút lại cơn giận; Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa không ruồng rẫy dân Ngài!”.

Cũng trong Matthêu, Chúa Giêsu rồi đây, sẽ khẳng định lại chân lý căn bản này theo một cách khác, “Ai không hoá nên trẻ thơ, sẽ không vào được Nước Trời!”. Cả khi trưởng thành, chúng ta không bao giờ được ngừng tỏ ra trẻ thơ, vốn không phức tạp và tuỳ thuộc đủ. Ẩn sau những chiếc mặt nạ và sự lẩn tránh tòng phục là một khuynh hướng lớn dần theo thời gian; từng chút một, chúng ta bắt đầu tính toán, ngụy biện, bớt đi lòng quảng đại, và lạc khỏi sự đơn giản và ngay thẳng của con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra. Vì vậy, phải cố gắng thành thật với Chúa, chân thành với mình, tìm cách làm hài lòng Ngài trên hết mọi sự. Thất bại trong cuộc sống của chúng ta là do thiếu chân thành, thiếu cao thượng và trung thành vốn tuyệt đối cần thiết để làm những gì Thiên Chúa, Đấng ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ với bất cứ ai, yêu cầu!

Anh Chị em,

“Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn!”. Sự hiểu biết về Chúa Cha là điều tốt lành cuối cùng mà con người có thể sở hữu, vì nó tương ứng với niềm khát khao hạnh phúc sâu sắc nhất trong trái tim nó. Vậy thì Chúa Giêsu không muốn bày tỏ Chúa Cha cho ai? Có ai trên đời này mà Ngài lại không muốn cho họ biết Chúa Cha để họ được ở với Ngài trên trời? Những việc làm của Chúa Giêsu, lời rao giảng, sự hy sinh và cái chết của Ngài trên thập giá… chứng tỏ Ngài muốn bày tỏ Chúa Cha cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, Ngài cũng cần bạn và tôi giúp Ngài đạt được mục tiêu này; và điều trước tiên, là để cho mình có một con tim rỗng đủ để chứa Ngài. Tiếp đến, bạn và tôi thực sự mong muốn mọi người nhận biết Chúa Cha và ở với Ngài trên trời. Hành vi và cách sống khiêm hạ của bạn và tôi sẽ là một lời mời gọi, và chúng ta cũng sẽ ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ với họ từ vật chất cho đến tinh thần!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng ‘không bao giờ đóng cánh cửa’ trên một ai, xin dạy con sở hữu sự khôn ngoan và kiến thức có được từ Chúa, trong khi vẫn duy trì những tính cách trẻ thơ mà con cần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Quân bình giữa việc cầu nguyện và phục vụ trong đời sống
Lm. Đan Vinh
21:09 12/07/2022

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN C
St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

QUÂN BÌNH GIỮA VIỆC CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ TRONG ĐỜI SỐNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 10,38-42
(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. (39) Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” (41) Chúa đáp : “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá ! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

2. Ý CHÍNH : Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay có 3 nhân vật chính : Đức Giê-su và hai chị em Mác-ta Ma-ri-a. Hai chị em này phục vụ Đức Giê-su mỗi người một cách : Mác-ta thì bận rộn lo việc cơm nước, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Thầy và nghe Lời Người. Mác-ta khó chịu với cô em và xin Thầy can thiệp bảo Ma-ri-a giúp đỡ mình. Nhưng Người lại cho biết việc nghe Lời Chúa mà Ma-ri-a đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả.

3. CHÚ THÍCH :
- C 38-39 : + Trong khi Thầy trò đi đường vào làng kia : Đức Giê-su vào làng Bê-ta-ni-a, cách Thủ đô Giê-ru-sa-lem 3 cây số. + Có một người phụ nữ tên là Mác-ta : Đây là chị cả trong một gia đình có ba chị em. Mác-ta chưa lập gia đình, vì nếu đã có chồng thì người chồng đã phải đứng ra tiếp đón Đức Giê-su. Là chị cả nên Mác-ta phải đảm đương mọi việc. Bà lo dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. + Đón Người vào nhà : Người Do thái vốn hiếu khách. Đức Giê-su không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga 11,5). Thái độ tiếp đón này trái với thái độ dân làng Sa-ma-ri trước đó đã từ chối đón tiếp Người (x. Lc 9,53). Trong thời điểm những ngày cuối đời, việc đón tiếp Đức Giê-su của Mácta còn là hành động can đảm. Vì khi ấy Người đang bị các đầu mục Do thái theo dõi, ai đón tiếp Người sẽ bị coi là đồng đảng và có thể bị khai trừ ra khỏi hội đường nữa (x. Ga 9,22; 12,10.42). + Người em gái tên là Ma-ri-a : Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác với Ma-ri-a làng Mác-đa-la (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân mẫu Gia-cô-bê và Giô-sép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an (x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mác-ta, là chị của La-da-rô. Chính cô Ma-ri-a này đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga 12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy : Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 8,35; Cv 22,3).
- C 40-42 : + Em con để mình con phục vụ... : Mác-ta luôn tỏ lòng quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên chân và nghe Thầy dạy đang khi cô phải vất vả lo làm bữa cho Người. Do đó cô đã yêu cầu Đức Giê-su cho Ma-ri-a xuống bếp giúp cô một tay. + Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi : Chuyện cần thiết duy nhất này là gì? Đó là điều cô em Ma-ri-a đang làm : “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Đức Giê-su không đánh giá thấp việc bếp núc của Mác-ta. Nhưng việc tìm biết thánh ý Thiên Chúa lại là điều duy nhất cần thiết. Hơn nữa, Lời Chúa là của ăn tinh thần nên có giá trị cao hơn của ăn vật chất như Người đã nói : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4) và “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).

4. CÂU HỎI :
1) Tin mừng đã kể ra mấy phụ nữ tên Ma-ri-a và các bà này liên quan thế nào với Đức Giê-su?
2) Có mấy người phụ nữ đã xức dầu thơm cho chân Đức Giê-su?
3) Đức Giê-su đã cho biết quan điểm thế nào giữa hai việc phục vụ : Một là phục vụ bàn ăn của Mác-ta và hai là ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người của Ma-ri-a?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10,39-40).

2. CÂU CHUYỆN :

1) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG :
- Trong tác phẩm SỐNG HẠNH PHÚC của Tổng Gíam Mục Fulton J. Sheen có một nhân chứng đương thời với Tổng thống Hoa Kỳ ÁP-BRA-HAM LANH-CÔN (Abraham Lincohn) đã kể lại rằng ông ta đã có thời gian ba tuần sống chung với A. Lincoln sau khi trận đánh Bull Rull kết thúc :
“Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì sẽ phải nói trước công chúng vào sáng hôm sau. Bấy giờ đã quá nửa đêm, hay đúng hơn là gần đến hừng đông. Và tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng ngủ của Tổng Thống. Cửa phòng còn hé mở. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh tượng không thể nào quên được.
- Tôi thấy Tổng Thống quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một lúc quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện như sau :
“Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Sa-lô-mon trong đêm khuya, để xin được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Sa-lô-mon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này !”

2) LỜI CẦU NGUYỆN CẦN ĐI ĐÔI VỚI VIỆC PHỤC VỤ :
Ngoài việc cầu nguyện hằng ngày và lo trăm công nghìn việc theo chức vụ, Tổng Thống ÁP-BRA-HAM LANH-CÔN nhiều lần đã dành thời gian đi thăm các nhà thương dã chiến để động viên tinh thần các thương bệnh binh.
Một hôm, khi đến thăm một bệnh viện dã chiến, bác sĩ giám đốc bệnh viện đã dẫn Tổng Thống tới bên giường thăm một thương binh sắp chết. Với giọng nhẹ nhàng, Tổng Thống ôn tồn hỏi anh :
- Tôi có thể giúp gì được cho anh không?
Do không nhận ra người khách đến thăm là ai, nên bệnh nhân gắng gượng nói :
- Xin ông làm ơn viết một lá thư cho mẹ tôi.
Người ta trao bút giấy cho Tổng Thống, và ông bắt đầu viết những gì bệnh nhân muốn nói với mẹ anh ta như sau :
“Mẹ rất yêu dấu của con ! Con bị thương nặng trong khi thi hành nghĩa vụ quốc gia. Có lẽ con sẽ không thể bình phục lại được. Mẹ đừng khóc nhiều vì con. Xin mẹ hôn hai em Mary và John dùm con. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mẹ, cho ba và hai em.”
Nói tới đây, người thương binh ngừng vì không còn hơi sức nói tiếp, nên ông Lincoln đã ký thay cho anh ta và viết thêm cuối bức thư : “Viết thay cho con trai của bà. Ký tên: Abraham Lincoln.”
Bệnh nhân xin cho xem lại những gì người khách đã viết thay cho mình, anh ta sửng sốt khi nhận biết người tới thăm và viết thư thay cho mình. Anh hổn hển hỏi với giọng ngạc nhiên :
- Ông thật là Tổng Thống của Hoa Kỳ đó ư?
Abraham Lincoln âu yếm trả lời :
- Phải. Chính tôi đây.
Sau đó, Tổng Thống hỏi xem có thể giúp thêm anh gì nữa chăng. Gương mặt anh như bừng sáng lên, anh sung sướng nói :
- Tôi sắp đi xa. Xin Tổng Thống hãy cầm lấy tay tôi và giúp tôi đi đến cùng nhé.
Trong căn phòng bé nhỏ, Tổng Thống với tâm hồn của một người cha, đã âu yếm cầm lấy đôi bàn tay chàng thương binh trẻ trong đôi tay mình và tiếp tục nói với anh những lời khích lệ cho tới khi anh trút hơi thở cuối cùng.

3) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC :
- PHÊ-ĐÊ-RIC Ô-DA-NAM (Federic Ozanam), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi còn là sinh viên đại học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pa-ri. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên nhận ra đó không ai khác hơn là nhà bác học ĂM-PE (Ampère), vị giáo sư của anh, một nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan sát nhà bác học khi ông đang cầu nguyện rất sốt sắng.
- Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời hỏi : “Này anh bạn trẻ, anh cần gì? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây?” Chàng thanh niên nhỏ nhẹ thưa : “Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi thầy một vấn đề về đức tin !” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp : “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền hỏi : “Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo đức siêng năng cầu nguyện hay không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc : “Con ơi ! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”.

4) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG LÚC GIAN NGUY :
Trong cuộc khảo thí tại trường sĩ quan trẻ, vị Thiếu tá giám khảo hỏi một chuẩn uý :
- Trong một cuộc hành quân, đơn vị do anh chỉ huy rơi vào tình huống này : Phía trước và hai bên đơn vị của anh đều bị quân địch vây chặt, chúng chặn cả lối rút lui của anh, có nghĩa là đơn vị anh bị bao vây gọn, lúc đó anh sẽ xử trí thế nào?
Mọi con mắt của Ban Giám Khảo đều đổ dồn về phía anh sĩ quan trẻ, anh suy nghĩ một lát rồi đứng nghiêm trả lời :
- Thưa Thiếu tá và Ban Giám Khảo, tôi sẽ hạ lệnh cho thuộc hạ : “Xin mọi người hãy cùng tôi cầu nguyện”.
Tất cả Ban Giám Khảo nhìn nhau bỡ ngỡ, vì không ai nghĩ tới một câu trả lời như thế. Viên Thiếu tá liền vỗ vai anh sĩ quan trẻ và nói :
- Anh hãy nhớ xử lý đúng như lời anh vừa nói nhé !

3. THẢO LUẬN :
1) Qua Lời Chúa dạy hôm nay, bạn thấy cầu nguyện có cần không? Mỗi ngày bạn thường cầu nguyện vào những lúc nào? Bạn thường cầu nguyện như thế nào?
2) Có khi nào bạn cầu nguyện bằng cách đọc một đoạn Tin mừng, sau đó suy nghĩ và cầu nguyện dựa theo ý tưởng mà Lời Chúa gợi ra hay không?
3) Bạn có thể dùng cách nào để biến các việc làm hằng ngày trở thành lời cầu liên lỉ dâng lên Thiên Chúa không?

4. SUY NIỆM :

1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC SỐNG :
Trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã ghé làng Bê-ta-ni-a và vào trọ trong nhà người bạn thân là La-gia-rô (x Lc 13,22). Chính trong ngôi nhà này Đức Giê-su đã cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện, là noi gương cô Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người.
- “Thầy không để ý tới sao?” : Cô chị Mác-ta đã tỏ thái độ không hài lòng trước sự thờ ơ của Đức Giê-su và của cô em Ma-ri-a, khi để mặc cô phải phục vụ nấu ăn một mình. Cô nhờ Đức Giê-su nhắc cho Ma-ri-a hãy xuống bếp phụ giúp cô. Trong câu trả lời, Đức Giê-su không bác bỏ việc vất vả làm bữa phục vụ Người của Mác-ta, nhưng Người muốn cô nhận ra đâu là điều cần nhất để có Nước Trời làm gia nghiệp. Khi đề cập thái độ của Mác-ta, Đức Giê-su dùng từ “nhiều chuyện”, nghĩa là quá chú trọng về món ăn vật chất mà quên đi sự cần thiết của món ăn tinh thần là Lời Chúa.
- “Chỉ có một chuyện cần mà thôi” : Đức Giê-su không chê thái độ phục vụ của Mác-ta, vì đó là cách cô biểu lộ lòng mến dành cho Người. Nhưng Người lại đánh giá cao tâm tình của Ma-ri-a, khi cô này đặt Người làm trọng tâm. Qua đó, Người muốn dạy các tín hữu chúng ta rằng : Tuy hằng ngày phải vất vả lo toan tìm kiếm cái ăn cái mặc như cô Mác-ta, nhưng cũng phải biết dành thời giờ để thể hiện lòng mến bằng việc lắng nghe lời Chúa và tâm sự cầu nguyện với Người như cô Ma-ri-a.

2) GƯƠNG CẦU NGUYỆN KẾT HIỆP VỚI CHÚA CHA CỦA ĐỨC GIÊ-SU :
Sách Tin Mừng đã ghi nhận gương Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha như sau :
- Sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Đức Giê-su đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng cách lên núi ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày (x. Mt 4,2b), để xin Cha chúc lành cho công việc sắp thực hiện. Người cũng dạy môn đệ tránh thái độ phô trương, nhưng hãy cầu nguyện nơi kín đáo (x. Mt 5,4-6). Tránh cầu nguyện dài dòng như dân ngoại nhưng hãy nói vắn gọn như kinh Lạy Cha (x. Mt 4,7-14).
- Đức Giê-su đã nêu gương cầu nguyện với Chúa Cha trước khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều : “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông” (Mt 14,19). Người khuyên các môn đệ hãy hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).
- Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mt 26,36-46). Tin Mừng Gio-an đã ghi lại lời cầu nguyện của Đức Giê-su gồm 26 câu trong đoạn 17. Trong vườn ghết-sê-ma-ni Người đã cầu xin Chúa Cha : “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trên thánh giá trước khi tắt thở, Đức Giê-su đã cầu nguyện: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34)…

3) TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI TÍN HỮU :
- Các mẫu gương cầu nguyện : Đầu tiên là nhà bác học AM-PE, tên đầy đủ là André Marie Ampère (1775–1836), một nhà vật lý lừng danh người Pháp, đã để lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học như điện học, nam châm điện... mang lại ích lợi cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng, Am-pe không coi những thành quả đó là lớn lao khi nói với một anh sinh viên rằng : “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Tiếp đến là Thánh TÊ-RÊ-SA thành Can-quýt-ta, một nữ tu sống thánh thiện giữa đời thường. Mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Can-quýt-ta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đến “nhà hấp hối” để an ủi những kẻ đau liệt, Mẹ Tê-rê-sa đều cùng chị em trong cộng đoàn đến quì chầu Thánh Thể tại nhà nguyện một giờ đồng hồ.
- Ích lợi của sự cầu nguyện : Ngày nay, trong một thế giới thực dụng coi trọng hiệu quả bề ngoài, Hội thánh đang có nhiều Mác-ta nhưng lại có ít Ma-ri-a. Nhiều người đã coi việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện là việc vô ích vì mất thời giờ và thụ động. Nhưng thực ra có hành động nào hiệu quả cho bằng nghe và thực hành Lời Chúa? Làm việc tông đồ là mang Chúa đến cho tha nhân. Vậy tại sao chúng ta lại không múc đầy tình yêu nơi Chúa Giê-su là suối nguồn yêu thương vô tận. Hãy ý thức tầm quan trọng của sự kết hiệp với Chúa như lời Người dạy : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Đôi tay của cô Mác-ta lo bữa ăn cho Đức Giê-su là một việc quan trọng và không thể thiếu về phần thể xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của Ma-ri-a lại càng quan trọng và cần thiết hơn như Lời Chúa khẳng định : “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42).

4) QUÂN BÌNH GIỮA LỜI CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ :
- Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành ít phút buổi sáng cho việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại là dành cho các sinh hoạt khác. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt đời thường như : ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc... trở thành lời cầu nguyện, bằng cách dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức giấc. Rồi trong ngày hãy năng thưa với Chúa lời nguyện tắt trước mỗi công việc : “Lạy Chúa, con làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa,… để cầu xin cho một người đang lạc xa Chúa được sớm trở về với Chúa”… Nhờ đó, chúng ta sẽ biến những việc làm hằng ngày của mình trở thành lễ vật, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu Chúa Giê-su luôn được dâng trên các bàn thờ khắp nơi trên thế giới.
- Một tín hữu sẽ có nếp sống đạo đức quân bình khi vừa lo chu tòan việc bổn phận phục vụ Chúa và tha nhân như Mác-ta, nhưng đồng thời không quên kết hiệp với Chúa như Ma-ri-a. Đừng đợi đến khi xong việc mới nhớ đến Chúa. Vì chính khi đang bận rộn phục vụ tha nhân, là lúc chúng ta cần được Chúa ban ơn trợ giúp nhờ sự cầu nguyện bằng lời nguyện tắt.

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi con bị bao vây bởi những tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng bên Chúa. Khi con vất vả với trăm công nghìn việc, xin cho con biết quý trọng những phút giây được an nghỉ bên lòng Chúa. Khi con bị kéo ghì bởi những đam mê dục vọng, xin cho con được ơn giải thoát và hướng lòng trí lên cao nhờ kêu cầu Danh Thánh Chúa. Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần trong cuộc sống đời thường của con, để con có thể cầu nguyện không ngừng như lời thánh Phao-lô : "Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người biểu tình phò phá thai đã làm gián đoạn Thánh lễ tại nhà thờ Công Giáo ở Chicago
Đặng Tự Do
05:45 12/07/2022


Theo bản tin của giáo xứ, những người phản đối việc phá thai đã nhanh chóng bị hộ tống ra khỏi thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse ở Chicago.

Một đoạn video về cuộc biểu tình ngày 26 tháng 6 cho thấy những người biểu tình đứng lên khỏi băng ghế trong Thánh lễ và tiến vào lối đi để bắt đầu một cuộc biểu tình. Một trong những người biểu tình sau đó có thể được nghe đọc to tuyên bố của Hồng Y Blase Cupich của Chicago liên quan đến quyết định của Tòa án Tối cao trong Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, đã trả lại quy định phá thai cho các bang.

“Đây là tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Chicago,” người biểu tình hét lên trong Thánh lễ 11 giờ sáng. Người biểu tình chỉ đọc được câu đầu tiên của vị Hồng Y trước khi ai đó hét lên, “Ra khỏi đây! Chúng ta đang ở trong nhà thờ! “

Có thể nghe thấy nhiều tiếng la hét nhắm vào những người biểu tình: “Hãy ra khỏi nơi này!” và “Đây là nhà thờ!”

Những người biểu tình đã cầm những tấm biển bài Công Giáo. Khoảng 20 giây trong đoạn video, một viên chức cảnh sát có thể được nhìn thấy đang tiếp cận những người biểu tình, những người đang hét lên những lời hô hào ủng hộ việc phá thai.

Cảnh sát và những người khác có thể được nhìn thấy hộ tống những người biểu tình khỏi nhà thờ; một số người biểu tình được nhìn thấy la hét và kháng cự.

Trong một bản tin ngày 3 tháng 7, Cha Sở nhà thờ, là Cha Lawrence Lisowski, đã nói về thời điểm khi cuộc biểu tình kết thúc: “Sau một vài phút, chúng tôi đã có thể lấy lại bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện.”

“Chắc chắn những khoảnh khắc như thế này rất đáng lo ngại,” ngài nói thêm. Cha Lawrence nói rằng giáo xứ đã phải thuê nhân viên an ninh cho các thánh lễ cuối tuần, lễ cưới và các sự kiện của giáo xứ trong ba năm qua.

“Đáng buồn thay, đây là dấu hiệu của thời đại chúng ta, và là sự phản ánh của thế giới mong manh mà chúng ta đang sống”.

Illinois là một trong những tiểu bang có luật phá thai cực đoan tại Hoa Kỳ. Vào năm 2019, Illinois đã thông qua luật tuyên bố phá thai là “quyền cơ bản” trong tiểu bang và bãi bỏ tất cả các hạn chế. Và vào tháng 12 năm 2021, một luật đã được thông qua bãi bỏ yêu cầu rằng trẻ vị thành niên trong tiểu bang phải thông báo cho cha mẹ trước khi phá thai.

Một video của một nhóm phò phá thai tại Chicago cũng nhắm vào hoạt động phò sinh quốc tế của Giáo Hội Công Giáo. Nó kêu gọi làm gián đoạn nhiều Thánh lễ hơn, và khuyến khích mọi người phá phách các trung tâm trợ giúp mang thai. Video đó cũng liệt kê danh sách tất cả các nhà thờ trong Tổng giáo phận Chicago và bản đồ các trung tâm trợ giúp mang thai trên toàn quốc.

Mặc dù có thể thấy cảnh sát hộ tống những người biểu tình ra khỏi nhà thờ, nhưng vẫn chưa rõ liệu có ai bị bắt hay bị buộc tội hay không. Phát ngôn nhân của Sở Cảnh sát Chicago cho biết họ không thể tìm thấy “bất kỳ cuộc gọi dịch vụ hoặc báo cáo nào được nộp” tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse vào ngày 26 tháng Sáu.

Các nhà thờ Công Giáo và các trung tâm trợ giúp mang thai đã bị tấn công trong một loạt các vụ phá hoại trên toàn quốc. Các báo cáo về các cuộc tấn công đã tăng tốc sau khi dự thảo quyết định của Tòa án Tối cao ngày 2 tháng 5 bị rò rỉ cho thấy các thẩm phán đã sẵn sàng để lật đổ Roe.
Source:Catholic News Agency
 
Tưởng nhớ các vị tử đạo bị nhà nước Hồi giáo chặt đầu
Đặng Tự Do
17:14 12/07/2022


Nhiều người còn nhớ những hình ảnh đau buồn khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết 21 Kitô Hữu trong trang phục áo liền quần màu cam và quỳ gối trên một bãi biển ở Libya trước khi bị hành quyết. Một cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Ý có tựa đề “Hành trình đến vùng đất của 21 vị tử đạo Coptic”, để vinh danh họ.

Nhà văn người Đức Martin Mosebach đã nói chuyện với gia đình các nạn nhân cũng như với các thành viên của hàng giáo sĩ Coptic. Trong đó, ông nhắc nhở chúng ta, cùng với những điều khác, rằng những tín hữu Kitô ở Ai Cập luôn coi mình là thành viên của Giáo Hội các vị Tử đạo và rằng chừng nào Kitô giáo còn sống, thì Giáo hội của họ sẽ còn phải tiếp tục chứng kiến những thảm cảnh như hồi tháng 2 năm 2015.

Coptic có nghĩa là người Ai-cập và đại đa số Kitô hữu hiện đang sống ở Ai-cập tự nhận họ là tín hữu thuộc giáo hội Coptic. Giáo hội này có khởi đầu từ thành phố cảng Alexandria một trong những thành phố được tôn trọng và thành đạt nhất vào thời các thánh tông đồ. Các tín hữu Coptic công nhận và tôn vinh thánh Máccô, là vị thánh sử đã viết quyển Phúc âm theo thánh Máccô là người sáng lập và là giám mục tiên khởi của cộng đồng Kitô hữu ở Alexandria, giữa những năm 42 và 62 sau Chúa Giáng Sinh.

Các Kitô hữu Coptic đã tự tách rời khỏi Giáo Hội Mẹ từ Công Đồng Chalcedon, năm 451. Công Đồng được triệu tập để thảo luận về thần học Chúa Kitô Nhập Thể, đồng thời tuyên bố rằng Đức Kitô “là một Ngôi Vị có hai bản tính”. Từ đó, thần học này đã trở nên tiêu chuẩn cho các Giáo Hội Công Giáo Roma, Chính Thông Đông Phương và các giáo hội Tin Lành.
Source:alfayomega.es
 
Nhật ký trừ tà số 169: Quỷ dữ bị mù
Đặng Tự Do
17:15 12/07/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #169: Demons are Blinded”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 169: Quỷ dữ bị mù”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cô “M” đang bị dày vò bởi những những hồn phách ma quỷ. Thường vào lúc nửa đêm, gia đình hoặc các thành viên trong nhóm trừ tà chúng tôi sẽ nhận được các tin nhắn ma quỷ với những nội dung đe dọa, cám dỗ và tục tĩu trong cố gắng làm chệch hướng nỗ lực của chúng tôi.

Đối với gia đình cô, những con quỷ gần đây đã nhắn tin: “Mày mệt mỏi rồi phải không? Chống đỡ làm gì, mệt mỏi lắm. Cô ấy sẽ đi sớm thôi mà. Đã đến lúc phải buông tay. Cô ấy sẽ chết vào cuối tháng này. Mày dừng lại đi, nếu không mày sẽ bị thương đấy.”

Với các linh mục trừ tà, những con quỷ nhắn tin: “Tốt nhất mày nên từ bỏ. Nó không có ích gì đâu. Hãy ngừng cầu nguyện”.

Đôi khi số điện thoại nơi bắt nguồn các tin nhắn được ghi là đường dây điện thoại của cô “M”. Tuy nhiên, cô ấy đang ngủ khi tin nhắn được gửi đi và không có hồ sơ nào được ghi lại trên điện thoại của cô ấy. Những lần khác, số điện thoại gởi đến từ số: “666-13-666” và “666-00-666”. Đây chỉ là sự chế nhạo của ma quỷ. Theo tin tưởng chung 666, ba con số 6, là biểu tượng của Sa tan.

Đến nay, cô M đã có nhiều tiến bộ về tâm linh. Nhiều hồn phách ma quỷ đã bị trục xuất. Mặc dù những con cuối cùng rất ngoan cường.

Tôi đã yêu cầu một Phó tế trong buổi trừ tà vừa qua của chúng tôi đọc Phần mở đầu của Phúc âm theo Thánh Gioan (1: 1-14), một bản văn mạnh mẽ được sử dụng trong các phép trừ quỷ. Anh ta bắt đầu, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Khi anh ta bắt đầu, đã có một phản ứng dữ dội. Những con quỷ la hét và bảo anh ta dừng lại. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu anh ta đọc đi đọc lại nhiều lần. Cơn đau quằn quại vẫn tiếp tục. Chúng bắt đầu van xin và hứa sẽ nói bất cứ điều gì để khiến anh ta dừng lại.

Nhưng anh ấy vẫn tiếp tục: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (câu 5). Cô “M” sau đó nói rằng cô ấy nhìn thấy những tia sáng phát ra từ mắt của người phó tế. Những tia sáng chiếu vào lũ quỷ và làm chúng chói mắt. Ngay lập tức, cô “M” ngừng các biểu hiện ma quỷ và trở lại với chính mình, với một nụ cười và bình an.

Những con quỷ vẫn chưa biến mất hoàn toàn, nhưng chúng đã bị suy yếu rất nhiều. Cô “M” nói rằng những con quỷ vẫn còn bị mù. Thật vậy, Nghi thức trừ tà cảnh báo chúng: “Càng trì hoãn xuất ra, hình phạt càng nặng.” Tôi nghi ngờ những con quỷ này đã bị mù vĩnh viễn, và đó là sự trừng phạt của Chúa cho hành vi xấu xa của chúng.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (c.14). Các nhà thần học nói với chúng ta rằng chính tin tức về sự nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu đã khiến Lucifer và tay sai của hắn nổi loạn. Trong một lễ trừ tà, nghe điều này được chứng nghiệm là một sự tra tấn dành cho ma quỷ.

Đối với ma quỷ và tất cả những ai từ chối Thiên Chúa, Ánh sáng chói lòa và ném chúng vào bóng tối. Đối với những người yêu mến Thiên Chúa, chúng ta được biến đổi bởi Ánh sáng và ánh sáng chiếu sáng qua chúng ta.
Source:Catholic Exorcism
 
Nghị viện Âu Châu kêu gọi Vatican ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
Đặng Tự Do
17:16 12/07/2022


Nghị viện Âu Châu đã kêu gọi Vatican “hỗ trợ đầy đủ cho Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân” và nói với Tòa thánh rằng nên “tăng cường các nỗ lực ngoại giao và đòn bẩy của mình đối với các nhà chức trách Trung Quốc”.

Trong một nghị quyết được thông qua vào ngày 7 tháng 7, Nghị viện Âu Châu đã lên án bọn cầm quyền Trung Quốc bắt giữ cựu giám mục 90 tuổi của Hương Cảng và yêu cầu hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ngài.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã bị buộc tội tại một tòa án Hương Cảng vào ngày 24 tháng 5 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác, tất cả đều là ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, la2 quỹ đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ trả phí pháp lý của họ.

Trong nghị quyết được thông qua hôm thứ Năm, Nghị viện Âu Châu đã coi việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân là “một cuộc tấn công vào các quyền tự do được bảo đảm trong Luật Cơ bản của Hương Cảng, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Nghị quyết cũng công nhận vị Hồng Y là người ủng hộ dân chủ hàng đầu ở Hương Cảng và chỉ thị cho Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola, một người Công Giáo Malta, thông báo nghị quyết tới Tòa thánh cũng như các tổ chức khác.

“Nghị viện Âu Châu đã ủng hộ, vẫn ủng hộ và sẽ tiếp tục sát cánh với Hương Cảng. Nghị viện này tiếp tục tích cực thể hiện tình đoàn kết với các nhà dân chủ Hương Cảng và chống lại sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc”, Reinhard Buetikofer, trưởng phái đoàn Nghị viện Âu Châu về Trung Quốc sự vụ nói, theo South China Morning Post.

Đức Hồng Y Quân bị chính quyền Hương Cảng bắt vào ngày 11/5 và được tại ngoại sau đó cùng ngày. Ngài đã không nhận tội với cáo buộc là không ghi danh một hiệp hội ủng hộ dân chủ.

Một ngày sau khi Đức Hồng Y Quân bị chính quyền Hương Cảng bắt giữ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng ngài hy vọng rằng việc bắt giữ vị Hồng Y sẽ không làm phức tạp thêm cuộc đối thoại của Tòa thánh với Trung Quốc.

Đức Hồng Y Quân đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục.

Những người ủng hộ nhân quyền trong tuần này đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng thỏa thuận đang “tiến triển tốt” và cần được gia hạn.

Vào ngày 24 tháng 5, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Quân nói rằng Tòa Thánh đã “đưa ra một quyết định không khôn ngoan” khi ký một thỏa thuận tạm thời với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đức Hồng Y Quân nói: “Tử đạo là chuyện bình thường trong Giáo hội của chúng ta. Chúng ta có thể không phải làm điều đó, nhưng chúng ta có thể phải chịu một số đau đớn và tự rèn luyện cho lòng trung thành với đức tin của mình.”

Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân và các công dân bị bắt khác dự kiến bắt đầu vào ngày 19 tháng 9.
Source:Catholic News Agency
 
Tin giả trên Twitter gây náo động với báo cáo sai sự thật rằng Đức Bênêđíctô XVI qua đời
Đặng Tự Do
17:18 12/07/2022
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã cảnh báo rằng Đức Bênêđíctô vẫn còn sống và mạnh khoẻ. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số cơ quan truyền thông Công Giáo loan tin từ trần của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, trích dẫn một một tài khoản Twitter được cho là của Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.

Theo CNA, tài khoản Twitter sử dụng tên của Đức Cha Georg Bätzing, là mạo danh, và đã đăng một bài báo sai sự thật rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI đã qua đời.

Tài khoản @BischofBatzing sau đó đã bị xóa. Trước khi biến mất, cũng tài khoản này đã khẳng định rằng báo cáo nó đưa ra trước đó là sai sự thật về sự ra đi của vị giáo hoàng đã nghỉ hưu 95 tuổi. Ngài vẫn còn sống. Đồng thời, tài khoản này cũng ngạo nghễ khẳng định rằng đây là tác phẩm của kẻ chơi khăm khét tiếng trên Twitter người Ý Tommasso De Benedetti.

De Benedetti nói với tờ The Guardian vào năm 2012 rằng “Twitter hoạt động hiệu quả đối với những trường hợp tử vong.”

Trò chơi khăm này đã khiến một số cơ quan Công Giáo bị lừa vì quá nhanh nhẩu, và là một minh chứng hùng hồn cho luận điểm của De Benedetti.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Phanxicô nhắn nhủ Biden: Hãy nói với mục tử ông về việc bất nhất đối với phá thai
Vũ Văn An
19:08 12/07/2022

Theo tin của tờ The Pillar ngày 12 tháng 7, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến cáo Joe Biden nên nói chuyện với mục tử của ông về sự “bất nhất” trong lập trường phá thai của ông, trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả Valentina Alazraki. The Pillar không cung cấp thêm chi tiết. Nguyên văn cuộc phỏng vấn bằng tiếng Tây Ban Nha đăng tại https://www.religiondigital.org/vaticano/dedicaria-Francisco-renunciase-Papa-confesar. Phần nói về Biden như sau:



“La conciencia de Biden y un consejo de Papa

La entrevista toca otros temas, entre ellos, la postura proabortista del presidente de los Estados Unidos, Joe Biden. En este sentido, y tras volver a mostrar su postura tajante en contra del aborto -los ‘datos científicos’ demuestran que, ‘al mes de la concepción, ya está el ADN del feto y alineados los órganos. Hay vida humana. ¿Es justo eliminar una vida humana?’, se preguntó-, el Papa dejó a la ‘conciencia’ del mandatario su postura favorable.

Eso sí, Francisco le dio un consejo al respecto: ‘Que hable con su pastor sobre esa incoherencia’”.

Tạm dịch: “Lương tâm Biden và lời khuyên của Đức Giáo Hoàng

Cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều câu hỏi khác, nhất là lập trường phò phá thai của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Theo chiều hướng này, và sau khi hơn một lần từng chứng tỏ lập trường vũ bão chống phá thai, (Đức Giáo Hoàng nói rằng) ‘các dữ kiện khoa học’ chứng tỏ rằng ‘một tháng sau khi thụ thai, ADN của thai nhi đã có đó và các cơ quan đã thành hình. Đã có sự sống con người ở đó rồi. Liệu có chính đáng loại trừ một sự sống con người hay không?’ ngài tự hỏi như vậy, Đức Giáo Hoàng để lập trường của ngài lại cho ‘lương tâm’ của tổng thống.

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô đã để lại cho ông ta một vài lời khuyên về phương diện này: ‘Hãy để ông ta nói truyện với mục tử của ông ta về sự bất nhất này'”.

Ký giả Kathleen N. Hattrup của tờ Aleteia, cùng ngày (https://aleteia.org/2022/07/12/pope-abortion-is-about-science-not-what-seems-good-or-bad-to-me/) cung cấp nhiều chi tiết hơn, cho hay:

Trong cuộc phỏng vấn lớn thứ ba của mùa hè này (sau khi nói chuyện với một cơ quan truyền thông Argentina và Reuters), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với Đài truyền hình Univision của Mexico.

Như là điển hình cho các cuộc phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng, cuộc trò chuyện đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau. Một trong các chủ đề này là lập trường ủng hộ phá thai của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người theo đạo Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng nói, "Tôi để vấn đề đó lại cho lương tâm của ông ấy và ông ấy nên nói chuyện với giám mục, mục tử, linh mục quản xứ của ông ấy về sự bất nhất đó."

Nhận định này phù hợp với những gì Đức Giáo Hoàng đã nhất quán nói về vấn đề các chính trị gia ủng hộ phá thai.

Đức Thánh Cha đã vô số lần lên tiếng phản đối việc phá thai, nói rằng đó không phải là vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề khoa học, và so sánh nó với việc thuê một tay bắn tỉa hoặc sát thủ để giết một vấn đề.

Ngài cũng nhắc lại quan điểm này, lưu ý đến thực tế khoa học của phôi thai, DNA của nó và sự phát triển của các cơ quan.

Ngài nói, “Dựa trên dữ kiện khoa học, phá thai không phải là vấn đề xem nó có vẻ tốt với tôi hay có vẻ không tốt với tôi. Đó là một cách hành động có hệ luận khoa học. Đó là điều chắc chắn. Vì vậy, điều này là không thể thương lượng. Tôi sẽ không bao giờ tin rằng ở một thời điểm nào đó, nó lại tốt hơn hay không tốt hơn. Đó là một sự thật khoa học. "

Rước lễ và các vấn đề mục vụ

Phát biểu ngày 2 tháng 7 với Philip Pullella của Reuter, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng hình ảnh mà ngài thường trích dẫn: Phá thai giống như thuê một tay giết mướn.

Liên quan đến suy nghĩ của ngài về các chính trị gia ủng hộ phá thai, Đức Giáo Hoàng nói rằng vấn đề quan trọng đối với các giám mục là trở thành mục tử.

Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã bị giám mục yêu cầu không rước lễ. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ ở Rôma, bà đã nhận được Bí tích Thánh Thể từ một linh mục đang cho Rước lễ trong một Thánh lễ ngày 29 tháng 6 có Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô.

Đức Giáo Hoàng nói với Pullella, “Khi Giáo hội đánh mất bản chất mục vụ của mình, khi một giám mục đánh mất bản chất mục vụ của mình, điều đó gây ra một vấn đề chính trị. Đó là tất cả tôi có thể nói."

Giải thích thêm

Đức Phanxicô đã nói kỹ hơn về vấn đề này vào năm 2021 khi ngài trở về từ Slovakia.

Đức Giáo Hoàng nói rằng rước lễ, dựa vào chính hạn từ này, là dành cho những người “ở trong cộng đồng” của Giáo Hội.

Như thế, những người không ở trong cộng đồng không được rước lễ […]. Tại sao? Bởi vì họ ở ngoài cộng đồng - ex-comunitate - họ được gọi là bị vạ tuyệt thông. Đó là một thuật ngữ khắc nghiệt, nhưng nó có nghĩa là họ không ở trong cộng đồng, hoặc vì họ không thuộc về nó, họ không được rửa tội hoặc đã trôi dạt vì một lý do nào đó.

Không thể rước Thánh Thể những ai không ở trong hiệp thông, cộng đồng, ngài nói, “và đây không phải là một hình phạt,” nhưng đơn giản bởi vì, “Rước lễ là hiệp nhất chính bạn với cộng đồng.”

Vấn đề không phải là một vấn đề thần học, đó là một vấn đề đơn giản. Nhưng đó là một vấn đề mục vụ: làm thế nào các giám mục của chúng ta quản lý nguyên tắc này về mặt mục vụ.
 
Cuộc phỏng vấn đầy hấp dẫn: Nếu tôi từ nhiệm, tôi sẽ ở lại Rome với tư cách là Giám mục danh dự
Thanh Quảng sdb
19:43 12/07/2022
Cuộc phỏng vấn đầy hấp dẫn: "Nếu tôi từ nhiệm, tôi sẽ ở lại Rome với tư cách là Giám mục danh dự"

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình ViX của đài truyền hình Univision, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sức khỏe và khả năng từ chức, cũng như đại dịch, chiến tranh ở Ukraine và cuộc chiến chống lạm dụng trẻ vị thành niên.

(Tin Vatican)

"Tôi không có ý định từ chức, không phải lúc này."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng khái cho ký giả Mexico Maria Antonieta Collins và Valentina Alazraki của chương trình ViX của đài Univision:

“Hiện tại, tôi không cảm thấy rằng Chúa đang hỏi tôi, nhưng nếu tôi cảm thấy Ngài đang hỏi, thì tôi trả lời có."

Sau đó, ĐTC nói có một "sự trùng hợp ngẫu nhiên" khi ngài đến thành phố L'Aquila của Ý, nơi chôn cất Đức Thánh Cha Celestine V, vị Giáo hoàng từ nhiệm sau nhiều thế kỷ, ngay sau Thánh Lễ truy phong các tân Hồng Y vào cuối tháng Tám sắp tới.

Tình trạng sức khỏe

Về tình trạng đau đầu gối, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, mặc dù ngài cảm thấy "bị hạn chế", nhưng nó "đang được cải thiện."

Sau đó, ĐTC đề cao "tấm gương tuyệt vời của Đức Benedict XVI" mà ngài nói sẽ giúp ngài "đưa ra quyết định" nếu cần thiết phải từ chức.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về "sự đánh giá cao" của ngài đối với Đức Thánh Cha Danh dự, ngài nói rằng ngài là "một người đang nâng đỡ Giáo hội bằng đời sống thánh thiện và tĩnh lặng của mình" trong việc cầu nguyện. Và ngài chia sẻ niềm vui mỗi khi đến thăm Đức Thánh Cha Danh dự tại Tu viện Mater Ecclesiae.

Tiên đoán từ chức

Trả lời câu hỏi về đưa ra các quy tắc liên quan đến Đức Thánh Cha Danh dự, Đức Thánh Cha Phanxciô lưu ý rằng "chính lịch sử sẽ giúp điều chỉnh tốt hơn."

Ngài nói: “Kinh nghiệm đầu tiên diễn ra rất tốt đẹp, bởi vì Đức Bênêđíctô XVI “là một người thánh thiện và kín đáo”.

Tuy nhiên, trong tương lai, ĐTC nói "tốt hơn là nên xác định mọi thứ hoặc quảng diễn chúng rộng rãi đầy đủ hơn."

Nói về khả năng từ chức của mình, Đức Thánh Cha Phanxciô trả lời rằng nếu xảy ra, ngài sẽ không về Argentina.

ĐTC nói: "Tôi là Giám mục của Rome. Trong trường hợp đó, tôi sẽ là giám mục danh dự của Rome, tôi có thể ở lại Vương cung Thánh đường thánh Gioan Lateranô”.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trước Mật nghị lần trước, ngài đã chuẩn bị cho việc nghỉ hưu với tư cách là Tổng Giám mục Danh dự của Buenos Aires. Ngài nói điều đó quan trọng để ngài “có quyền được giải tội và thăm viếng bệnh nhân”. Đây cũng sẽ là "việc tông đồ", là "công việc" của tôi trong tương lai. Hãy phục vụ mọi người ở những nơi bạn có thể, đây là điều tôi xác tín ở Buenos Aires; thì tôi vẫn mong muốn làm điều tương tự nếu tôi từ nhiệm chức vụ chủ chăn Giáo hoàng.

Thế chiến thứ ba chiến tranh từng mảng…

Trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một số vấn đề hiện tại khác. Ngài nhắc nhớ đại dịch đã diễn ra và khoảnh khắc đau buồn của đêm cầu nguyện cho toàn cầu tại Quảng trường thánh Phêrô im vắng vào tối 27 tháng 3 năm 2020. Đức Thánh Cha Phanxciô sau đó đề cập tới cuộc chiến ở Ukraine, ngài nhấn mạnh và tin rằng đây là "một đất nước đang bị tấn công xâm lược!"

ĐTC xác quyết lại ý định sẽ gặp gỡ Thượng phụ Chính Thống Nga Kirill vào tháng 9 tại Đại hội liên tôn được tổ chức ở Kazakhstan.

Nhìn tới các quốc gia đang bị bạo lực giặc giã - như Yemen và Syria – ngài cho rằng thế giới đang sống trong "Thế Chiến thứ ba, một cuộc chiến xảy ra từng mảng", và vũ khí hạt nhân "là vô đạo đức", bao gồm cả việc sở hữu chứ chưa cần nói tới việc đem nó ra sử dụng!

Phá thai và chính trị

Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định việc lên án phá thai, vì việc giết bỏ một sinh mạng con người là hoàn toàn bất công.

ĐTC cho biết lập trường của ngài đặt "trên cơ sở dữ liệu khoa học", một dữ liệu không thể tưởng được!

Vấn đề ở Hoa Kỳ, sau quyết định của Tòa án Tối cao về việc lật ngược phán quyết trong vụ Roe kiện Wade về cái gọi là 'quyền' phá thai, Đức Thánh Cha lưu ý đến sự phân cực hiện nay trong nước, các mục tử cần phải quan tâm về chiều kích mục vụ và tránh các vấn đề chính trị.

Người phỏng vấn hỏi Đức Thánh Cha rằng một linh mục nên hành động như thế nào trong trường hợp một chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai.

ĐTC trả lời: “Tôi phó thác cho lương tâm người ấy, người ấy nên nói chuyện với giám mục của mình, với cha xứ của họ về sự khuất mắc này."

Vấn đề nước Cuba

Sau đó, Đức Thánh Cha đã quay sang Cuba, bày tỏ tình cảm của mình đối với người dân Cuba và các giám mục của đất nước này.

ĐTC cho hay ngài có một mối quan hệ hữu nghị với cựu Chủ tịch Raúl Castro, ĐTC rất vui mừng trước việc Cuba và Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao dưới thời Obama làm tổng thống.

Tiến về phía trước

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về những kỳ vọng của ngài đối với các chuyến Tông du sắp tới đến Canada nhằm hòa giải những thương đau quá khứ.

ĐTC liệt kê các tội ác của nạn hiếp dâm, các hình thức nô lệ mới, và đặc biệt là tai họa của nạn ấu dâm trong Giáo hội.

Đức Thánh Cha nhắc lại tác động của các vụ bê bối đã gây ra ở Hoa Kỳ, đặc biệt trước bản Báo cáo ở tiểu bang Pennsylvania.

"Nắp nồi đã mở tung! Ngày nay, Giáo hội ngày càng nhận thức rõ hơn" về việc lạm dụng tình dục, đó là một tội ác...

ĐTC nhấn mạnh rằng Giáo hội mong muốn “tiến về phía trước” và không còn “dung nhượng” với những tội ác này.
 
Một công trình tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức bị thiêu cháy
BBT - TGP Hà Nội
20:36 12/07/2022
Một công trình tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức bị thiêu cháy

Toàn cảnh khu vực bị cháy và tượng Đức Mẹ bị ảnh hưởng từ vụ hỏa hoạn tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức Pháp. Ảnh: Sanctuary of Lourdes

Một nửa Nhà nguyện Ánh sáng của Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức tại Pháp bị phá hủy bởi ngọn lửa lớn trong đêm 10/7 và rạng sáng 11/7. Ngọn lửa đã nhanh chóng bị khống chế. Trong một thông báo, ước tính thiệt hại của Đền thánh lên tới hơn 1,5 triệu USD.

Cha Olivier Ribadeau Dumas, Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, viết trên Twitter: “Điều quan trọng là không có thương tích về người. Những người hành hương có thể tiếp tục cầu nguyện trong các nhà nguyện khác và tiếp tục thắp nến”.

Nhà nguyện Ánh sáng là một trong những nơi yên tĩnh nhất để hồi tâm, nằm cạnh hạng đá nơi Đức Mẹ hiện ra. Một bức tượng Đức Mẹ đặt cạnh dòng sông cũng bị hư hại.

Mỗi năm, 380 tấn nến được thắp trong các nhà nguyện tại Lộ Đức. Chưa kể đến vụ cháy, Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian đại dịch bùng phát. Mặc dù hoạt động hiện tại đã dần được cải thiện, số lượng người ghé thăm đền chỉ bằng một nửa lượng khách năm 2020
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo. 11/07/2022.
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
09:26 12/07/2022
“ Anê Lê Thị Thành là vị Thánh của tình yêu. Anê Lê Thị Thành nguyện người chúc phúc cho muôn người…”.

Bài ca nhập lễ cùa ca đoàn đã giúp cộng đoàn sốt sáng tham dự thánh lễ kính thánh Anê Lê Thị Thành – bổn mạng hội Các bà Mẹ Công Giáo, diễn ra lúc 17g30 thứ hai 11/07/2022, tại giáo xứ Tân Việt, giáo hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Thánh lễ do Lm chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ chủ tế, đồng tế với ngài là Lm Giuse Đỗ Đức Hạnh ( giảng lễ ), cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

Trước Thánh lễ, cộng đoàn được nghe tiểu sử của Thánh nữ Anê Lê Thị Thành – vị Thánh nữ duy nhất trong số 117 vị thánh tử đạo Việt nam được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lo II tuyên phong.

Trong bài giảng, Lm Giuse chia sẻ: “ Hình ảnh của Thánh nữ Annê Lê Thị Thành là hình ảnh của một Kitô hữu luôn hăng say cầu nguyện, luôn tin tưởng cậy trông phó thác vào Chúa, không sợ hy sinh và vui vẻ hạnh phúc khi đổ máu đào vì Chúa Kitô. Bà còn là hình ảnh của một người mẹ luôn hết lòng vì con cái, thậm chí trong lúc ngục tù đau khổ, bà vẫn nhắn nhủ con cái giữ mình sốt sáng, sáng tối kinh nguyện, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh giá đến cùng, đây chính là tấm gương cho các bà mẹ chúng ta noi theo.

Ngài kết luận: Ước mong các bà mẹ hãy đón nhận thập giá Chúa gởi đến trog cuộc sống thường ngày. Hãy ngắt những bông hoa hồng của hy sinh, của nhịn nhục, của thủy chung để dâng tặng cho gia đình như bà Thánh Anê Lê Thị Thành để các con luôn tự hào về người mẹ hết tình thương mến dạy con nên người.

Sau bài giảng là nghi thức gia nhập Hội của 15 thành viên mới. Các chị đã long trọng tuyên hứa tuân theo mục đích và tôn chỉ của Hội, thánh hóa bản thân, truyền lòng yêu mến Chúa cho con cái.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 18g30 trong niềm vui của toàn giáo xứ.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tin thể thao: Lịch thi đấu giải bóng đá Hiệp Hành Cup – Bảng A
BBT - TGP Hà Nội
09:43 12/07/2022
Tin thể thao: Lịch thi đấu giải bóng đá Hiệp Hành Cup – Bảng A

Nằm trong khuôn khổ của giải bóng đá Giáo sĩ Việt Nam, Hiệp Hành Cup 2022 – 2023 do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức với 19 đội bóng được chia thành 4 bảng đấu.

Hiện nay đã có lịch thi đấu của các bảng, được đăng trên website: hiephanhcup.com. Theo đó, Bảng B sẽ có trận khai mạc vào ngày 12/7/2022 và bảng D sẽ thi đấu vào ngày 01/8/2022. Riêng đối với bảng A gồm các giáo phận: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Hóa và Bắc Ninh sẽ lần lượt thi đấu vào các ngày đã ấn định của Ban tổ chức như sau:

Để chuẩn bị cho giải đấu, thứ Hai ngày 11/7/2022, quý Cha trong đội bóng FC Clergy Hà Nội tiếp tục tập luyện tại sân vận động Phong Phú – Hà Nam. Sau buổi tập, quý Cha đã có trận thi đấu giao hữu với đội Kèn giáo xứ Tràng Châu với tỉ số 2 – 2. Trận thi đấu đã diễn ra vô cùng sôi động và nhiệt huyết. Qua sự cọ xát này, hy vọng quý Cha trong đội bóng FC Clergy Hà Nội sẽ thêm kinh nghiệm và tinh thần cho giải đấu sắp tới.

Được biết, trận khai mạc giải bóng đá Hiệp Hành Cúp – Bảng A giữa Clergy Hà Nội và Clergy Hải Phòng sẽ được Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận Hà Nội truyền hình trực tiếp lúc 16h00 ngày 19/7/2022.

BBT
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh „Năm xưa cây sồi làng Fatima
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
20:27 12/07/2022
Hình ảnh „Năm xưa cây sồi làng Fatima“

Fatima xưa kia là một ngôi làng nhỏ miền thôn quê, nhưng trong thời gian lịch sử đã trở thành tỉnh thành phố nhỏ của nước Portugal thuộc vùng Vila Nova de Ourém, cách thủ đô Lissabon 130 cây vể hưóng Bắc. Diện tích thành phố Fatima vào khoảng 71 cây số vuông với dân số hơn kém 10.000 người.

Quân Mauren đã chiếm thống trị vùng Santarem và năm 1147 người Công Giáo Portugal đã chiếm lại vùng này. Tên thành phố „Fatima“ ngày nay có lịch sử từ cuộc chiến trên.

Theo lịch sử truyền lại, có tương truyền trong dân gian, Fatima là con gái của một vị hoàng tộc người Maure đến chiếm đóng vùng Santarem. Cô gái xinh đẹp được đặt tên Fatima là con gái thứ tư của Tiên tri Mahomed, người sáng lập đạo Hồi giáo.

Năm 1158 sau khi người Công Giáo chiếm lại Santarem, người phụ nữ xinh đẹp này bị bắt cóc và đem giao nộp cho Ông Hoàng xứ Ourem. Tình yêu nảy nở giữa hai người, họ lấy nhau và cô ta chịu rửa tội gia nhập đạo Công Giáo. Vì thế, tên Fatima sau này gia đình vị hoàng tộc đó đặt cho nơi đó, nơi bà Fatima được an táng sau khi qua đời.

Tỉnh nhỏ Fatima trở nên thánh địa hành hương nổi tiếng khắp thế giới vì Đức Mẹ đã hiện ra nơi đây.

Fatima trở thành trung tâm hành hương lòng sùng kính Đức Mẹ Maria của nước Portugal và của Gíao Hội Công Giáo hoàn cầu. Mùa hành hương diễn ra từ tháng 05. tới tháng 10. Hằng ngày trong thời gian này đều có buổi lần hạt mân côi, rước kiệu Đức Mẹ Fatima với nến cháy sáng hát bài Ave Maria theo cung điệu của Fatima nước Portugal lúc 21.00 giờ rất lung linh huyền nhiệm.

1. Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima

Chỉ ở Fatima trước khi Đức Mẹ hiện ra với ba em nhỏ chăn chiên cừu năm 1917 ở thôn Alijustrel, Thiên Thần năm 1916 đã hiện ra dạy cho các em biết cầu nguyện, cho các em rước lễ.

Đức Mẹ đã hiện ra với ba em Lucia 10 tuổi, Phanxico 9 tuổi và Jacinta 7 tuổi tất cả 6 lần vào các ngày 13. từ tháng Năm đến tháng Mười 1917. riêng hiện ra lần thứ tư không vào ngày 13.08. nhưng vào ngày 19.08.1917 vì hôm 13.08. 1917 ba em em bị nhà cầm quyền Vila Nova de Ourem bắt giam trong ba ngày.

Khi hiện ra với ba em, theo lời ba em thuật lại „ Bà đã hiện ra nơi cây sồi“ ở Cova da Iria. Bây giờ nơi thánh địa đó một nhà nguyện được xây dựng năm 1919 bên cạnh có cây sồi to lớn rào kín chung quanh làm di tích kỷ niệm biến cố lịch sử là năm xưa.

Nơi ngôi nhà nguyện mái bằng nhỏ đơn sơ này chung quang không có tường vách, hằng ngày đều có Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ, có bức tượng Đức Mẹ Fatima, từ sáng sớm tới chiều tối các đoàn hành hương các dân tộc có thể đến xin dâng lễ riêng cho đoàn mình nơi ngôi nhà nguyện lịch sử này.

2. Sứ điệp Đức Mẹ Fatima

Khi hiện ra Đức Mẹ nói với ba trẻ:“ Ta muốn các con tiếp tục lần chuỗi mân côi mỗi ngày cho những người tội lỗi. Hãy hy sinh cầu nguyện cho nhữnng người tội lỗi với lời nguyện: „Lạy Chúa, con xin dâng việc hy sinh này vì lòng mến Chúa cho kẻ có tội ăn năn trở lại, và để đền tạ những sự xúc phạm đến trái tim vẹn sạch Đức Mẹ“. Ta muốn các con dâng mình cho trái tim vẹn sạch của ta, và rước lễ đền tạ mỗi thứ bảy đầu tháng. Nếu các con nghe lời Ta, nước Nga sẽ trở lại, thế giới sẽ được hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ phổ biến các sai lầm trên toàn thế giới gây ra chiến tranh và bách hại Giáo hội, nhiều người tốt lành sẽ bị chết vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ nhiều, nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt, Nhưng sau cùng trái tim mẹ sẽ thắng.“.

3. Ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra

Từ ngày 13. Tháng Năm 2022 là năm mừng kỷ niệm biến cố lịch sử Đức Mẹ hiện ra ở Fatima được đúng tròn 105 năm.

Những lễ mừng kỷ niệm biến cố lịch sử 105 năm, những chuyến hành hương sang Fatima được tổ chức trong suốt cả năm kỷ niệm. Đức Thánh Cha Phanxico cũng hành hương sang Fatima dịp này. Trung tâm Fatima cũng xây dựng con đường hành hương trong khu thánh địa để khách hành hương có thể đi theo con đường đó đến các trạm dừng lại cầu nguyện.

Hai em chăn chiên cừu được Đức Mẹ hiện ra ở trên cây sồi vùng Cova da Ira là Phanxico và Jacinta được Đức Thánh Cha Phanxico tôn phong lên hàng Hiển Thánh trong Hội Thánh Công gíao vào ngày 13. Tháng Năm 2022 dịp mừng kỷ niệm 105 năm.

Thánh trẻ Phancico Marto sinh ngày 11.06.1908 ở Aljustrel, qua đời ngày 04.04.1919 ở Aljustrel Fatima. Trước hết thi hài em được an táng nơi nghĩa trang Fatima, và được cải táng đưa vào Vương cung Thánh Đường Fatima ngày 13.03.1952 cạnh bàn thờ Chúa Thánh Thần.

Thánh trẻ Jacinta Marto sinh ngày 11.03.1910, qua đời ngày 20.02.1920 ở bệnh viện Lissabon. Thi hài được an táng ở Vila Nova de Ourem cho đến ngày 12.09.1935. Sau đó được cải táng đưa về nghĩa trang Fatima, và lại được cải táng đưa vào Vương cung thánh đường Fatimma cạnh bàn thờ Truyền tin.

Hai em đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị phong lên hàng Chân phước ngày 13. Tháng Năm 2000 ở Fatima, dịp ngài sang hành hương lần thứ ba kính viếng và tạ ơn Đức Mẹ Fatima đã cứu sống ngài thoát chết khi bị ám sát vào đúng ngày 13.05. 1981 ở Vatican.

Nữ tu Lucia, Lucia de Jesus dos Santos, sinh ngày 22.03.1907 ở Aljustrel Fatima, qua đời ngày 13. 02. 2005 ở Coimbra. Sau khi được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, năm 1948 Chị Lucia vào dòng kín Carmel ở Coimbra trong nhà Dòng kín cho tới khi qua đời.

Ngày 15.02.2005 ngày an táng Nữ tu Lucia toàn thể nước Portugal để tang là ngày quốc tắng để vinh danh Chị nữ tu trong lịch sử nước Portugal ngày xưa năm 1917 đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Và ngày 19.02.2006 thi hài Vị Nữ tu Lucia đưa cải mộ đem về an táng trong Vương cung Thánh đường Fatimabên cạnh hai vị Thánh Jacinta và Phanxico.

Và tiến trình phong Thánh cho Nữ tu Lucia đang trong giai đoạn lập dự án theo như luật Giáo Hội ấn định.

4. Hành hương kính viếng Đức Mẹ Fatima

Suốt dọc thời gian từ 105 năm nay, hàng triệu người trên khắp thế giới trong suốt cả năm kéo về thánh địa Fatima hành hương kính viếng Đức Mẹ, dâng thánh lễ, lần hạt đọc kinh cầu khấn. Cung cách sống đạo hành hương bình dân thôi, nhưng thế hiện đức tin sống động vào Chúa qua việc sùng kính lòng yêu mến tôn kính Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxico đã có tâm tình về ý nghĩa hành hương: ”Hành hương là một lòng đạo đức bình dân, là một hình thức chân thực loan báo Tin Mừng, luôn luôn cần được cổ võ và đề cao giá trị. Tại các đền thánh, tín hữu sống một linh đạo sâu xa, một lòng đạo đức từ bao thế kỷ đã nhào nặn đức tin với những lòng sùng mộ đơn sơ nhưng rất có ý nghĩa”.

”Trong thực tế, người hành hương mang trong mình lịch sử riêng, đức tin với những điểm sáng điểm tối của cuộc đời. Mỗi người mang trong con tim ước muốn đặc thù và một kinh nguyện riêng... Đền thánh thực sự là một môi trường ưu tiên để gặp gỡ Thiên Chúa và đụng chạm đến lòng thương xót của Chúa.”

Hằng tháng vào những ngày 12. và 13. là ngày cao điểm mùa hành hương, nhất là từ tháng Năm tới tháng Mười.

Vào chiều tối ngày 12. hằng tháng vào lúc 21.00 giờ lần hạt kính Đức Mẹ bằng các thứ ngôn ngữ được chọn, sau đó hàng ngàn Gíao dân tay cầm nến cháy sáng cùng với đoàn kiệu có Vị Hồng Y, các Giám mục và hàng trăm Linh mục mặc phẩm phục trắng rước kiệu Đức Mẹ Fatima vòng sân công trường Fatima đến lễ đài cuối Vương cung thánh đướng Fatima dâng thánh lễ mở đầu đêm canh thức hành hương tới 24.00 giờ.

Sáng ngày 13. hằng tháng ngày hành hương kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra vào lúc 09.00 giờ lần hạt, sau đó rước kiệu Đức Mẹ ra ngoài công trường như hồi đêm canh thức, dâng thánh lễ đại trào kính Đức Mẹ. Sau Thánh lễ có Chầu Thánh Thể, ban phép lành cho các bệnh nhân và rước kiệu từ giã Đức Mẹ kết thúc ngày hành hương vào khoảng 12.00 giờ.

Hằng ngày tối nào cũng có lần hạt rước kiệu Đức Mẹ ngắn và nhỏ thôi với khoảng vài trăm cho tới một ngàn người ở công trường Fatima.

Ngôi Vương cung thánh đường kính Đức Mẹ Fatima cũ Basilica Antiga, được xây năm 1928, tháp chuông cao 56 mét, trên nóc tháp có triều thiên vĩ đại bằng đồng nặng 07 tấn. Trong nhà thờ có ba ngôi mộ của Chân Phước Phanxicô, Jaxinta và Lucia.

Vương cung thánh đường càng ngày càng trở nên nhỏ với số lượng khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn kéo đổ về. Vì thế một ngôi vương cung thánh đường kính Chúa Ba Ngôi -Igreja da Santissima Trindade- mới hiện đại đã được xây cất, và ngày 12.10. 2007 đã được khánh thành.

Ngôi thánh đường mới ở cuối quảng trường Fatima đối diện với Vương cung thánh đường cũ ở phía đàng cuối công trường. Ngôi thánh đường mới này có chu vi rộng 125 mét, có chỗ ngồi cho gần 9000 người trong lòng nhà thờ, cổng chính mang tên Chúa Giêsu với 64 mét vuông, chung quanh có 12 cửa ra vào với tên của 12 Thánh Tông Đồ.

Đây là ngôi thánh đường lớn thứ tư trên thế giới của Giáo Hội Công Giáo được xây cất vào thế kỷ thứ 21. Trong ngôi thánh đường này có nhiều nhà nguyện nhỏ khác nhau cho những nhóm hành hương muốn dâng lễ riêng.

Bên cạnh quảng trường Thánh địa Fatima có Bảo tàng viện trưng bày những di tích kỷ vật về Fatima, đặc biệt có triều thiên Đức Mẹ với viên đạn đã bắn làm bị thương Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị năm 1981. Triều thiên này vào những ngày 12. và 13. từ tháng 05. tới tháng 10. được đội lên tượng Đức Mẹ Fatima đem ra rước kiệu.

Khu chặng đàng Thánh gía nằm trong một khu rừng nhỏ. Cũng trong khu này có địa điểm với bức tượng Thiên Thần hiện ra trao Mình Thánh Chúa cho ba trẻ.

Cuối chặng đàng Thánh Gía có nhà nguyện kính Thánh Etienne, do người tỵ nạn Công Giáo Hung gia Lợi dâng cúng năm 1964.

Ở ngoài bìa khu rừng đàng Thánh giá có hai ngôi nhà di tích lịch của gia đình ba trẻ ngày xưa đã sinh ra và lớn lên. Trong khu vườn phía sau có giếng nước, nơi đây Thiên Thần đã hiện ra với ba trẻ. Còn giếng nước ngày xưa và có tượng Thiên Thần và tượng ba trẻ bằng đá cẩm thạch mầu trắng..

‘Thiên Thần hiện ra với ba trẻ dạy ba em cầu nguyện và cho các em rước lễ, Thiên Thần mặc áo mầu trắng.

Khi hiện ra trên cây sồi ở Fatima Đức Mẹ mặc áo trắng.

Và trong sứ điệp thứ ba của Fatima mà Nữ tu Lucia viết lại như lời Đức Mẹ đã nói với chị đề cập đến „vị Giám mục mặc áo trắng“ bị ám sát.

Có lẽ vì thế những Thánh đường xây dựng ở khu thánh địa Fatima cũ cũng như mới tường vách đều bằng mầu đá trắng, cả những trạm bàn thờ của 14 chặng đường thập gía Chúa Giêsu cũng xây dựng bằng đá mầu trắng.

Và ngày 13. hằng tháng, sau thánh lễ hành hương kết thúc ngày hành hương từ lễ đài Vương cung thánh đường trở về nhà nguyện thánh địa, mọi người tay giơ lên cao vẫy tấm khăn mầu trắng chào từ biệt khi kiệu Đức Mẹ đi ngang qua. Thật là một quang cảnh đầy cảm động và thi vị như một biển nước mầu trắng đang chuyển động hòa chung vào tiếng hát ca tụng Đức Mẹ vang lên khắp cả bầu trời nắng buổi trưa giữa công trường rộng lớn.

Mầu trắng là mầu ánh sáng, chỉ về sự trong trắng và toàn vẹn. Khi một em bé nhận lãnh làn nước Bí Tích Rửa tối, tấm áo trắng được trao mặc cho em: chiếc áo trắng rửa tối. Và ngày sau cùng của đời sống người qua đời cũng được tẩm liệm mặc áo mầu trắng. Như thế có thể suy ra mầu trắng cho khởi đầu và cho sau cùng!

Và trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan nói đến cảnh đoàn người mặc áo trắng đứng trước Con Chiên Thiên Chúa trên trời.

Mầu trắng là mầu biểu hiệu của Đức Mẹ Fatima, mẹ Chúa trời hiển vinh.

105 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima

1917- 13.07.2022

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Để nên trưởng thành về nhân cách
Lm. Đan Vinh
02:15 12/07/2022

HỌC LÀM NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH
BÀI 01
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐỂ NÊN TRƯỞNG THÀNH VỀ NHÂN CÁCH

1. LỜI CHÚA :

Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4,22-24).

2. CÂU CHUYỆN : NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em cách dã man. Đó là vụ bé gái 8 tuổi bị cô nhân tình của cha bạo hành đến tử vong, hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ do cha dượng thực hiện gây xôn xao trong dư luận.
Đây là điều gây phẫn nộ do sự độc ác, tàn nhẫn mà các nghi phạm đã gây ra cho nạn nhân là những đứa trẻ yếu thế, không có khả năng tự vệ. Đáng tiếc, những vụ việc như thế đang có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao và làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian sắp tới?

3. SUY NIỆM :

1) THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH THỰC SỰ?

Trưởng thành... nghĩa là một người có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, tự làm điều mình muốn, tự kiếm sống bằng khả năng của mình... và cuối cùng tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình...
Nhiều người cho rằng khi được 18 tuổi trở lên thì đương nhiên con người sẽ nên người trưởng thành theo luật pháp. Tuy nhiên thực tế cho thấy : Một số người tuy tuổi đời khá cao, nhưng lại có lối sống vô nguyên tắc và vô trách nhiệm. Họ không phải là người trưởng thành thực sự mà chỉ là “những đứa trẻ to xác”. Ngược lại, có những trẻ em tuy mới 9 – 10 tuổi, nhưng lại mang dáng vẻ chững chạc và ăn nói cư xử nghiêm túc như người lớn. Vậy để trở nên một người trưởng thành thực sự, cần phải có những phẩm chất nào?

2) NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH THỰC SỰ :

1.- Biết suy nghĩ chín chắn :
Người trưởng thành phải biết suy nghĩ trước khi nói như người xưa dạy “Hãy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, nghĩa là trước khi nói ra điều gì cần phải suy nghĩ xem điều mình nói đúng hay sai, lợi hại thế nào? để khỏi hối hận vì đã lỡ nói ra những điều sai lầm, có hại cho tha nhân và khó thu hồi lại, vì : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” - Một lời nói ra, bốn con ngựa khó truy bắt lại.

2.- Biết làm chủ cảm xúc của mình :
Khi nghe một người nói lời khiếm nhã với mình, kẻ ấu trĩ sẽ lập tức nổi nóng và phản ứng bằng thái độ hung hăng và đáp lại bằng những lời thô tục, do không làm chủ được cảm xúc. Trái lại, người trưởng thành sẽ không để cho cảm xúc tác động ảnh hưởng đến mình, nhưng biết làm chủ nó bằng sự kiềm chế cơn giận, nhẫn nhịn chịu đựng và tìm ra cách giải quyết ổn thoả tốt đẹp.

3.- Biết ý thức về giới hạn của mình :
Một người ấu trĩ sẽ thích huênh hoang về tài trí hơn người của mình, đang khi người trưởng thành biết ý thức về giới hạn sự hiểu biết của mình, để luôn sẵn sàng học hỏi qua việc đọc sách báo và qua các phương tiện truyền thông nghe nhìn. Khiêm tốn học hỏi cả với người ít tuổi hay địa vị thấp kém hơn mình, hầu thêm hiểu biết và sẵn sàng cải tiến phương pháp làm việc để đạt hiệu quả hơn.

4.- Biết khiêm tốn trong cách nói năng và hành xử :
Người ấu trĩ sẽ thích phô trương thành tích nhiều khi được thổi phồng quá đáng để tìm tiếng khen; Thích “nổ“ trên facebook để câu view trở thành trung tâm của dư luận. Trái lại, người trưởng thành sẽ nghe nhiều hơn nói và chỉ nói khi cần hay khi được yêu cầu. Tuy tự tin vào khả năng của mình, nhưng luôn biết tôn trọng tha nhân và sẵn sàng tiếp thu các lời phê bình góp ý để sửa sai nếu cần.

5.- Biết nghĩ đến người khác khi ứng xử:
Trong mọi việc người ấu trĩ sẽ luôn có thái độ ích kỷ khi chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình hay của người thân, đang khi người trưởng thành sẽ biết nghĩ đến người khác và đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để ứng xử, như người xưa dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.- Điều mình không muốn thì đừng làm cho người, hoặc lời Chúa dạy : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

6.- Biết phục thiện chứ không cố chấp gàn dở :
Người ấu trĩ sẽ có lối suy nghĩ nông cạn, cố chấp theo tầm nhìn hạn hẹp hay theo định kiến cố hữu của mình. Chẳng hạn họ cố trì hoãn không chích vác-xin phòng chống lây nhiễm Cô-vít 19, mà không sáng suốt nhận biết tầm quan trọng của biện pháp phòng chống được cả thế giới công nhận này. Khi làm điều sai trái gây hậu quả nghiêm trọng, họ không nhận lỗi, mà thường đổ lỗi cho người khác. Trái lại, người trưởng thành sẽ luôn sáng suốt nhận định sự việc để phục thiện, và sẵn sàng áp dụng phương cách đúng đắn để khắc phục sai lỗi hiệu quả.

7.- Biết sống nghiêm túc và làm việc theo nguyên tắc :
Người ấu trĩ dễ dàng sống buông thả theo bản năng thôi thúc, đang khi người trưởng thành có lối sống nghiêm túc. Họ luôn ứng xử sự việc xảy ra theo nguyên tắc như “châm ngôn sống” của người xưa để lại và những Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Sau mỗi lần vấp ngã họ biết tìm ra nguyên nhân để khắc phục và tránh tái phạm.…

8.- Biết ý thức tự lập và chu toàn trách nhiệm :
Người ấu trĩ sẽ chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ hay người khác giúp đỡ và đáp ứng các nhu cầu tinh thần vật chất của mình. Còn người trưởng thành sẽ đứng trên đôi chân của mình, luôn có ý thức chu toàn trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội được cấp trên và tập thể trao phó.

4. SINH HOẠT :
Trong các điều trên, bạn thấy điều nào quan trọng nhất để giúp mình nên người trưởng thành về nhân cách, nên người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội?

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết ý thức về những thiếu sót của mình, để không tự cao tự đại, nhưng luôn biết làm chủ cảm xúc, biết khiêm tốn học tập để ngày một thăng tiến. Cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Cho chúng con biết ứng xử theo châm ngôn sống và chu toàn trách nhiệm đối với bản thân và tha nhân… Nhờ đó chúng con sẽ nên người trưởng thành về nhân cách, được mọi người quý trọng và xây dựng cho gia đình và xã hội ngày một an vui hạnh phúc hơn, theo thánh ý Chúa.- AMEN.


Hình ảnh chụp X-quang hộp sọ bệnh nhi -
 
Loại trừ cái tôi ích kỷ, tự ái và tự mãn
Lm. Đan Vinh
04:52 12/07/2022

BÀI 02
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – LỌAI TRỪ CÁI TÔI ÍCH KỶ, TỰ ÁI VÀ TỰ MÃN


1. LỜI CHÚA : Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

2. CÂU CHUYỆN : TỰ LỘ DIỆN DO THÓI KIÊU NGẠO.
Ngày xưa có một nhà bác học có tài biến mình thành nhiều người khác giống y như mình đến độ không thể phân biệt ai thật, ai giả. Một ngày kia ông được báo tin sắp có một vị thiên thần đến gọi ông trở về chầu Chúa. Vì chưa muốn chết, nên ông đã biến thành 12 người khác giống y như ông để thiên thần không biết ai thật ai giả mà gọi. Quả thật, thiên thần đã không thể nhận ra nhà bác học là ai trong mười hai người, nên đành tay không trở về thiên đàng. Sau đó không lâu, khi đã thêm kinh nghiệm đối phó với sự gian trá của con người, thiên thần đã nghĩ ra một kế. Khi đối diện vói 12 người giống nhau, thiên thần đã nói với các nhà bác học:
- Tôi rất khâm phục tài biến hóa của ông. Tuy nhiên, tôi thấy còn một chi tiết rất nhỏ cần phải sửa lại cho hòan chỉnh hơn.
Vừa nghe thế, nhà bác học thật liền lên tiếng:
- Đâu? Tôi không tin còn có thiếu sót. Vậy ngài hãy cho biết thiếu sót chỗ nào?
- Ở chỗ này nè. Vừa nói, thiên thần vừa “túm cổ” nhà bác học “thật” để về chầu Chúa.
(Lm Anthony de Mello)

3. SUY NIỆM :

1) « Cái tôi » là gì? : Cái tôi (the selfness) là sự tự ý thức về tư cách, phẩm chất và giá trị của mình, phân biệt với người khác. Hầu như ai trong chúng ta cũng đều có một “cái tôi”. Ai cũng yêu mình và muốn bảo vệ những gì thuộc về mình như lời thánh Phao-lô : “Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ” (Ep 5,29). Khi mới ra đời, đứa trẻ nào cũng đều có tính tự ái và ích kỷ, thể hiện qua thái độ muốn vơ vào mình các đồ ăn hợp khẩu vị hay những vật dụng đồ chơi hợp sở thích, và cố giữ nó làm của riêng chứ không muốn để các em khác cùng chơi chung. Thực ra “cái tôi” này cũng là điều cần để con người có thể tồn tại. Những ai tự ghét mình, muốn làm hại mình như dùng tay tự đánh vào mặt mình, uống thuốc độc tự tử… đều là người mắc bệnh tâm thần và không thật tính người nữa.
Tuy nhiên “nhân đức ở mực trung dung”. Nếu “cái tôi” được nuông chiều quá đáng sẽ dẫn đến ích kỷ, tự mãn và khinh thường người khác… và trở nên “đáng ghét” như Blaise Pascal đã viết: ”Ôi cái tôi thật đáng ghét ! Tôi không rõ lắm, nhưng có một điều tôi chắc chắn là «cái tôi» của tôi rất cứng đầu, khỏe mạnh, sống lâu và nổi bật về hai điểm này là: vị kỷ và kiêu hãnh. Tôi nghe nói rằng sau khi người ta chết được 5 phút thì cái tôi ấy mới chết hẳn”.

2) “Cái tôi” và sự tự tin :
“Cái tôi” trong mỗi người sẽ phát triển theo năm tháng. Một đứa trẻ sẽ ít bị chạm tự ái hơn là người lớn. Khi bị khiển trách, trẻ em sẽ mau quên, đang khi người lớn lại nhớ dai và có phản ứng mạnh khi bị kẻ khác xúc phạm đến danh dự của mình.
Sự đánh giá đúng khả năng và những giá trị thực sẽ giúp chúng ta thêm tự tin và làm việc hiệu quả hơn. Bất cứ ai cũng có những ưu và khuyết điểm, như câu người ta thường nói : “Nhân vô thập tòan”. Một người dù có nhiều khuyết điểm nhưng cũng có nhiều ưu điểm. Một cô gái có diện mạo không mấy xinh đẹp cũng vẫn có thể gây được thiện cảm với người khác qua cách ứng xử thân thiện. Một khi ý thức được những giá trị của “cái tôi” của mình, chúng ta sẽ không còn mang mặc cảm tự ti, không dễ bị “chạm tự ái” khi nghe những lời nói xấu về mình, hay khi đối diện với thái độ khinh thường của kẻ khác.

3) Thành thật với chính mình :
Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực của bản thân sẽ giúp chúng ta không bị mất sự tự tin. Cũng giống như một bé gái khi bị trêu chọc là “cô bé sún răng”, nó liền đáp lại : “Thế còn đôi mắt của cháu thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được người khác nhìn nhận ưu điểm này của mình. Nếu chân thành và công tâm với chính mình, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận ra về những ưu điểm của mình.

4) Cần tránh những “Cái tôi » nào? :

-Cần tránh “Cái tôi” tự tôn : Ranh giới giữa nhận thức về “cái tôi” rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng thường gây nhiều đau khổ… Những người có địa vị cao dễ mang tâm trạng tự tôn và cố chấp. Thực vậy: đang khi một người bình thường dễ dàng đón nhận ý kiến bất đồng, thì các “ông lớn” nhiều quyền thế lại “khó lòng chấp nhận được ý kiến bất đồng của người dưới”. Nếu biết khiêm tốn thì chắc mỗi người chúng ta sẽ nhận ra giới hạn của mình: Thực sự mỗi chúng ta cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ vô tận : Chỉ cần một giọt nước như một giọt nọc độc của loài rắn hổ mang cũng đủ hạ gục một lực sĩ khỏe mạnh nhất. Thế thì tại sao chúng ta lại không bỏ đi cái tôi tự mãn, để trở thành một người trung thực với bản thân mình?
-Cần tránh “Cái tôi” giả hình : Chúng ta thường muốn được người khác khen ngợi, đề cao ưu điểm và trân trọng tài năng của mình, và không muốn bị kẻ khác xâm phạm đến quyền lợi của mình. Vì luôn muốn được nghe lời khen đang khi thực tế vẫn còn nhiều thói hư, nên chúng ta thường «Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại». Chúng ta thường muốn trình diễn bộ mặt «tốt ảo », như các người biệt phái đã bị Đức Giê-su quở trách là giả hình : ”Chúng là mồ quét tô vôi, bên ngòai có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế » (Mt 23,27).
-Cần tránh “cái tôi” tự ái cao : Một người không dám nhìn nhận khuyết điểm của mình vì tự ái cao, sẽ hay đổ lỗi cho người khác và không tự nhận lỗi. Sau khi phạm tội và bị Chúa xét hỏi, ông A-đam đã đổ lỗi cho bà E-và đã xúi mình. Còn bà E-và lại đổ lỗi cho con rắn đã cám dỗ mình. Còn chúng ta thì sao? Mỗi lần tham dự thánh lễ, Hội thánh dạy chúng ta phải khiêm tốn đấm ngực nhận lỗi : ”Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”…
-Cần tránh “cái tôi” ích kỷ : Theo nghiên cứu của một số điện thọai viên thì chữ “tôi” được người ta hay nói nhất. Trong đời sống gia đình, muốn cho vợ chồng hòa thuận, hai vợ chồng khi nói chuyện cần dùng chữ “chúng mình” thay vì chữ “tôi”.
4. SINH HOẠT : Chúng ta cần làm gì để lọai trừ “cái tôi” ích kỷ tự mãn?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con biết nhận ra những ưu điểm Chúa ban để dâng lời tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận các khuyết điểm và sự thiếu sót của mình để tu sửa ngày một nên hòan thiện hơn. Chúng con hy vọng nhờ năng nghe Lời Chúa dạy tại nhà thờ và trong giờ kinh tối tại gia đình, nhất là nhờ được Thánh Thần ban ơn trợ giúp, chúng con sẽ loại trừ được “cái tôi” ích kỷ, tự mãn để học nơi Chúa Giê-su sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. - AMEN.
 
Điều trị căn bệnh Ma kê nô
Lm. Đan Vinh
05:00 12/07/2022

BÀI 03
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐIỀU TRỊ CĂN BỆNH “MA-KÊ-NÔ”

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : ”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : CƯỚP TIỆM VÀNG.
Cách đây ít lâu báo chí đã đăng tin về mấy vụ cướp tiệm vàng táo bạo đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bọn cướp có trang bị súng và không cần bịt mặt khi hành sự. Sau khi cướp vàng xong, chúng bình tĩnh đi ra xe và rời hiện trường mà không gặp bất cứ phản ứng nào của khổ chủ và những người đi đường.
Trước đó, vào một buổi tối đầu năm dương lịch 2006, tiếng thét thất thanh “Cướp, cướp, cướp…” trên đường Nguyễn thị Minh Khai Quận I TP Hồ chí Minh lọt thỏm trong tiếng ồn ào của xe cộ qua lại. Một vài người đi đường thấy một cô gái vừa chạy bộ đuổi theo vừa chỉ tay về phía hai tên cướp kêu cứu. Những người chứng kiến cảnh tượng đó chỉ biết lắc đầu nhìn theo với ánh mắt thương hại.

3. SUY NIỆM :

1) Thực trạng tệ nạn cướp giựt hiên nay: Câu chuyện bọn cướp lộng hành được báo chí ghi nhận đầy đủ và không mấy ngày mà không có chuyện lớn xảy ra. Tuy nhờ phối hợp với quần chúng mà các lực lương an ninh cũng đã phá được một số vụ án cướp giựt và trả lại tiền của cho người bị hại. Nhưng số vụ cướp xảy ra ngày một gia tăng cả về số lượng cũng như về tính chất nghiêm trọng: Bọn cướp hoạt động có tổ chức và kế hoạch cuả chúng được dàn dựng rất bài bản công phu. Đây là một vấn đề gây nhức nhối không nhỏ đối với các cơ quan chức năng và cũng là sự thách thức lớn đối với toàn thể xã hội.

2) Phản ứng của xã hội trước tệ nạn này: Điều đáng nói ở đây chính là thái độ của người đi đường khi thấy một vụ cướp xảy ra trước mắt. Một số thanh niên nam nữ khi được hỏi về thái độ nên ứng xử thế nào với bọn cướp đã trả lời như sau:
- “Việc bắt cướp là nhiệm vụ của công an, mình có quan tâm thì cũng đâu làm được gì hơn, đâu có lấy lại được đồ đã bị chúng cướp?”. Đó là câu nói mà một số khá đông bạn trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên đã trả lời khi được hỏi về trách nhiệm góp phần bảo vệ trật tự an toàn trên đường phố.
- Cũng có bạn khác nói: ”Khi thấy một người bị bọn cướp trấn lột, tôi sẽ im lặng và làm như không nghe và không thấy gì hết. Vì mấy tên cướp giựt thường đi từng nhóm 4, 5 đứa. Dính vô tụi nó là mệt lắm ! Tôi sợ sau này sẽ bị chúng quay lại trả thù. Khi gặp trường hợp này cùng lắm thì tôi cũng chỉ giúp nạn nhân trình báo với cơ quan công an gần nhất mà thôi”.
- Cũng có bạn khác lại cho rằng: ”Trước hết phải trách người bị hại không chịu cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của mình: Có người còn thích phô trương khi đeo vòng vàng ra đường, hoặc thiếu khôn ngoan khi mang theo một số tiền lớn mà thiếu biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Do đó nếu có bị cướp giật thì một phần cũng do lỗi của họ đã thiếu cẩn trọng, chứ không thể đòi người khác phải hy sinh tính mạng bản thân để bảo vệ tài sản cho mình được”.
- Nhưng nếu có người hỏi ngược lại: “Giả như bạn chính là người bị bọn cướp trấn lột ở chỗ vắng người hoặc người bị hại lại là người thân trong gia đình bạn thì bạn có muốn được người khác giúp đỡ không?”, thì các bạn này cũng chỉ cười trừ, do không biết phải trả lời sao cho phải. Vì ai cũng đều muốn được người khác giúp đỡ khi bản thân mình hay người thân gặp nạn.
Công bằng mà nói thì không phải mọi người đều mắc bệnh thờ ơ. Đã có không ít tấm gương các bạn trẻ đã dũng cảm bắt cướp, để lại sự khâm phục và kính trọng của mọi người. Nhưng thật đáng tiếc số dũng sĩ này lại quá hiếm so với số băng nhóm tội phạm ngày một gia tăng trên đường phố, và so với số người thờ ơ khi nghe tiếng kêu cứu của các nạn nhân. Bây giờ không ít chàng trai sức dài vai rộng đã thản nhiên lướt qua những cô gái bị kẻ gian đạp cho té ngã đang nằm bên đường phố. Căn bệnh thờ ơ này luôn được che đậy bằng lớp sơn ngụy biện: ”Việc bắt cướp không phải là trách nhiệm của tôi !”

3) Phương thuốc nào để chữa bệnh thờ ơ của các bạn trẻ hôm nay?
- Một cô bạn gái từng là nạn nhân bị trấn lột, đã chia sẻ như sau: ”Bản thân em rút kinh nghiệm là phải cẩn trọng khi đi ra đường: không đeo trang sức, không sử dụng IPAD, IPHONE ở những nơi công cộng mà thiếu cảnh giác đề phòng...
- Một cô khác lúc nào cũng thủ sẵn bên mình một khúc cây dài 40 phân khi lưu thông trên đường. Cô cho biết: “Em mà thấy thằng nào giật đồ của người khác là em sẽ chạy tới đập cho nó té ngã rồi bắt giao cho công an xử lý”.
- Một bạn trai cũng cho biết dự định: ”Tớ sẽ bí mật rượt theo để biết rõ hang ổ của bọn chúng ở đâu và báo cáo với cơ quan công an đến tóm gọn bọn tội phạm đó. Tớ sẽ không sợ, kẻ sợ chính là bọn tội phạm mới đúng. Vì nếu ai cũng sợ không dám bênh vực người bị hại, thì chẳng lẽ cứ để cho bọn xấu ngày càng lộng hành hay sao?“
- Một cô bạn khác sau lần bị giật giỏ tiền, cũng đã tập cho mình thói quen khác thường này: Hễ xe dừng lại ở chốt đèn xanh đèn đỏ là cô lại dáo dác nhìn chung quanh và sẵn sàng hét to lên để tố giác bọn tội phạm khi chúng hành sự cướp giật, và lúc nào tay cô cũng lăm lăm cầm sẵn một cục đá xanh để ăn thua đủ với bọn cướp giật trên đường phố.

4. SINH HOẠT : Theo bạn, cách ứng xử đúng đắn nhất để chống tội phạm là gì?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con thực hành tình thương cụ thể đối với những người đau khổ vì bị kẻ cướp lộng hành trấn lột. Xin cho chúng con tránh thái độ Ma-kê-nô hay vô cảm như phần lớn các bạn trẻ hiện nay. Xin cho chúng con tuy không thể trực tiếp đương đầu với bọn cướp, nhưng sẵn sàng hợp tác với khu xóm làm thành một đội chống tội phạm, vì “Hợp quần gây sức mạnh”. Xin cho mỗi người biết làm hết khả năng chống lại cái xấu cái ác bằng lời nói cũng như hành động của mình. Nhờ đó hy vọng xã hội chúng con đang sống sẽ ngày một văn minh, an toàn, sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. – AMEN.
 
Tập nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho nhau
Lm. Đan Vinh
05:07 12/07/2022
BÀI 04

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – TẬP NGHĨ TỐT, NÓI TỐT VÀ LÀM TỐT CHO NHAU



1. LỜI CHÚA: Chúa Giê-su phán: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).

2. CÂU CHUYỆN: TÀO THÁO GIẾT NGƯỜI.

Trong Tam Quốc Chí có thuật lại câu chuyện Tào Tháo do xét đóan sai, đã gây hậu quả nghiêm trọng là sát hại cả gia đình vị ân nhân đã cứu giúp mình trong lúc nguy khốn như sau:

Một lần kia sau khi hành thích viên tướng quốc Đổng Trác bất thành, Tào Tháo cùng một người bạn thân đã chạy trốn ra khỏi thành đô trong tình trạng bị triều đình dán cáo thị khắp nơi, ban thưởng 1000 lượng vàng cho ai bắt được Tào Tháo. Khi chạy đến một khu rừng vắng thì trời đã tối, hai người bị đói lả kiệt sức. Bấy giờ Tào Tháo liền tìm đến nhà một người thân quen tên Lã bá Xa ở gần đó để xin tá túc. Ông này dù biết Tào Tháo đang bị quan quân truy đuổi, nhưng sẵn lòng đón hai người vào nhà và còn sai gia nhân mổ heo làm tiệc đãi khách quý.

Trong khi chủ nhà ngồi xe ra ngoài chợ mua rượu thì Tào Tháo và người bạn nằm nghỉ trong phòng khách. Ông ta bỗng chột dạ khi nghe thấy tiếng mài dao, rồi tiếng gia nhân hè nhau: “Trói nó lại”. Rồi có tiếng hỏi: “Giết nhỏ hay lớn”, và tiếng kia đáp: “Giết lớn”. Tào Tháo tưởng gia chủ đang sai gia nhân đến giết mình để báo quan lãnh thưởng, ông ta liền rút gươm và ra ngoài giết hết mọi người trong nhà. Sau khi đã chém giết, Tào Tháo đi xuống nhà bếp kiểm tra tìm kẻ sống sót, thì nhìn thấy một con heo lớn đang bị trói, bên cạnh là con dao đã được mài sắc, thì mới biết mình lầm: Thì ra, gia nhân trong nhà đang hè nhau bắt con heo lớn giết thịt để thết đãi mình. Nhưng do tính đa nghi xét đoán sai nên đã vội ra tay giết oan cho cả nhà vị ân nhân của mình. Rồi hai người liền vội vã bỏ đi trước khi chủ nhà về tới. Dọc đường gặp chủ nhân đang từ chợ mang vò rượu về, Tào Tháo liền giết luôn vị ân nhân để trừ hậu hoạn.

Chính do thói suy nghĩ hồ đồ dẫn đến xét đoán sai nên Tào Tháo đã phạm phải tội ác vô cùng nghiêm trọng không thể sửa chữa được, là ra tay giết hại cả gia đình vị ân nhân giúp đỡ mình.

3. SUY NIỆM:

Một trong những thói xấu mà chúng ta cần phải cấp thời sửa đổi là thói hay xét đoán ý trái cho người khác. Vậy thế nào là xét đóan? Người ta có thường xét đóan đúng không? Tại sao? Ta cần làm gì để tránh xét đóan oan sai cho kẻ khác?

1) Thế nào là xét đóan?: “Xét” là cứu xét bao gồm mấy việc: quan sát sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân và kết luận đúng sai. “Đoán” là phỏng đoán và thiếu chính xác. Vậy xét đoán là những kết luận được rút từ sự phỏng đóan chứ không dựa trên các sự kiện khách quan, rồi kết án theo cảm tính “yêu nên tốt ghét nên xấu”, nên thường dẫn đến kết luận oan sai và hành động cho người khác.

2) Phân biệt hai cách xét đóan đúng và sai:

- Xét đóan đúng: Thực ra xét đoán nói chung là một việc tốt, là biểu hiện trí thông minh của một người. Một nhà lãnh đạo cần phải có khả năng phán đóan chính xác khi biết nhìn xa trông rộng, để thấy được hậu quả sẽ xảy ra và tìm cách khắc phục, hầu công việc ngày một ổn định. Hơn nũa phán đóan tốt còn cần để duy trì an ninh trật tự xã hội. Chẳng hạn khi một vụ án cướp của giết người xảy ra, công an hình sự được điều đến phá án. Điều tra viên trước hết phải cách ly hiện trường để thu thập dấu vết kẻ thủ ác để lại, rồi tiếp tục phỏng vấn thêm các đối tượng liên quan để tìm thêm chứng cớ. Tiếp đến sẽ dùng phương pháp nghiệp vụ loại dần các nghi can để xác định kẻ thủ ác là ai. Để phán đóan chính xác, điều tra viên phải dựa trên bằng chứng khách quan, rồi còn phải có trình độ nghiệp vụ cao mới hy vọng sớm phá án được.

- Xét đóan sai: Tuy nhiên trong thực tế đời thường, chúng ta lại hay xét đoán theo cảm tính chủ quan của mình, hoặc dựa trên thành kiến có sẵn về người khác để kết án họ hơn là dựa trên các bằng chứng khách quan. Kết quả là chúng ta thường xét đóan sai đến 70-80 phần trăm sự việc. Ngay những điều nhìn thấy tận mắt mà nhiều người vẫn xét đóan sai như người ta thường nói: ”Nhìn cò ra quạ ! “, “Thấy vậy mà không phải vậy”… phương chi nếu chỉ dựa trên dư luận lời đồn hoặc tệ hơn lại dựa vào các bằng chứng ngụy tạo do kẻ thủ ác cố tình đưa ra thì sẽ khó tránh khỏi sự xét đóan hồ đồ và kết án oan sai cho người vô tội.

3) Cần tránh xét đóan ý trái cho người khác:

-Sự phức tạp của các hành vi nhân linh: Con người ngòai hành động bên ngòai người ta có thể nhìn thấy, còn có phần tinh thần là động lực hành động, làm cho tội ác có thể được giảm khinh hay thậm chí vô tội. Do đó chúng ta cần phải thận trọng khi xét đóan hoặc kết án kẻ khác. Vì thế Đức Giê-su đã dạy các môn đệ về thói xấu này như sau: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).

-Tránh xét đóan ý trái: Ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận mình đã nhiều lần xét đóan ý trái cho kẻ khác, nhất là những kẻ mình không ưa, như người đời thường nói: “Không ưa dưa có dòi !” và “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”… Muốn xét đóan tha nhân đúng đắn, chúng ta cần tránh thành kiến, cần lắng nghe nhiều phía và nhất là phải dựa trên các bằng chứng xác thực hơn chỉ dựa vào những lời tố cáo vô căn cứ. Muốn xét đóan đúng cần phải theo trình tự tố tụng như tại tòa án: Đầu tiên quan tòa sẽ nghe công tố viên trình bày diễn tiến tội phạm để buộc tội bên bị. Tiếp đến luật sư bên bị bào chữa bị can và luật sư bên nguyên sẽ phản bác với sự trợ giúp của các nhân chứng. Sau khi nghe hai bên đối đáp, bồi thẩm đòan sẽ họp kín để định tội, rồi quan tòa sẽ nhân danh luật pháp đọc lời tuyên án bị cáo là vô tội hay có tội và mức độ chịu hình phạt nặng nhẹ ra sao… Vậy khi xét đóan tha nhân chúng ta có theo các trình tự trên hay không? Ngay cả tòa án dù làm việc nghiêm túc như vậy, mà nhiều khi vẫn bị sai lầm khi đưa ra những bản án bất công và kết án oan sai cho người vô tội. Do đó thánh Gia-cô-bê khuyên tín hữu: “Chỉ có một Đấng ra Lề Luật vả xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thóat và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,12b).

4) Chúng ta phải làm gi?

- Tiên trách kỷ hậu trách nhân: Mỗi khi mắc phải một sai lầm, chúng ta thường hay đổ lỗi cho người khác. Chẳng hạn khi trong gia đình có đứa con phạm tội ăn cắp hoặc trốn học đi chơi, ông bố thường hay đổ lỗi cho bà vợ đã quá nuông chiều con khiến nó sinh hư. Hầu như xã hội cũng đồng quan điểm qua câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà !”. Tuy nhiên trong trường hợp này, lẽ ra ông bố phải tự trách mình: “Tội quy vu trưởng” để nhận ra phần lỗi của mình: “Lỗi tại tôi, vì tôi đã không chu tòan trách nhiệm quan tâm giáo dục con cái. Tôi đã vô trách nhiệm khi phó mặc việc dạy dỗ con cho vợ, dù biết rõ khả năng giới hạn của vợ mình”.

- Cần phải nhìn lại mình trước: Nhiều người thích soi mói và hay lên mặt thầy đời sửa lỗi anh em, đang khi chính bản thân lại đầy những khuyết điểm như người xưa dạy: “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đối với hạng người này, Đức Giê-su đã có lời dạy như sau: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình ! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được” (Mt 7,3-5).

- Phải biết đối xử bao dung: Đức Giê-su muốn chúng ta đối xử bao dung nhân từ với tha nhân noi gương Thiên Chúa trên trời như sau: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha “ (Lc 6,36-37).

- Tập nghĩ tốt và làm trạng sư bào chữa cho anh em: Sở dĩ chúng ta hay xét đóan ý trái cho kẻ khác vì chính chúng ta là kẻ xấu. Có người đã nêu ra nhận xét chí lý như sau: “Nếu bạn hay xét đóan ý trái cho tha nhân về một tội gì thì đó là dấu chứng tỏ bạn đang mắc phải thói xấu ấy”. Thực vậy, một người có thói dâm ô tục tĩu, sẽ luôn nhìn và xét đóan người khác dưới lăng kính này: Khi thấy đôi bạn trẻ nam nữ chở nhau trên xe hai bánh là đã vội “suy bụng ta ra bụng người” và cho rằng hai người đang chở nhau đến khách sạn để tình tự !!! Đang khi thực ra họ đang cùng nhau đi làm công tác bác ái thăm viếng người già neo đơn... Do đó, mỗi người chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người khác. Khi nghe một người nói xấu về người thứ ba, chúng ta phải làm trạng sư biện hộ cho kẻ bị nói xấu. Làm như vậy là chúng ta sẽ phần nào chặn được dư luận xấu ngay từ trứng nước, sẽ làm cho kẻ hay nghĩ xấu bị mất hứng, để không tiếp tục nói hành kẻ vắng mặt với người khác.

- Phải năng cầu xin ơn Chúa: Hành vi xét đóan tha nhân là một việc khó và tế nhị cần phải có ơn Chúa giúp, nên thánh Au-gút-ti-nô đã luôn cầu xin với Chúa: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”. Đây cũng phải là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Chúng ta xin cho mình được biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô biên của Chúa; Và cũng xin Chúa cho biết mình để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của mình. Nhờ đó chúng ta sẽ đối xử rộng lượng với lỗi lầm của người khác như Đức Giê-su đã dạy: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38).

4. SINH HOẠT: Hãy cho biết bạn có cảm tưởng thế nào khi bị kẻ khác nghĩ xấu và kết án oan sai cho mình?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp chúng con tránh hồ đồ khi xét đoán tha nhân. Con xin lỗi Chúa vì nhiều lần con đã xét đoán ý trái và kết án bất công cho những kẻ con không ưa. Xin cho con biết luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, và tập xét đoán ý tốt cho tha nhân, tập bênh vực chữa lỗi cho kẻ đang bị xét đoán oan sai. Nhờ đó chúng con sẽ được Chúa thương xét xử khoan dung trước tòa phán xét sau này.-AMEN
 
Học làm người quân tử
Lm. Đan Vinh
05:13 12/07/2022

BÀI 05
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – HỌC LÀM NGƯỜI QUÂN TỬ

1. LỜI CHÚA : “ Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

2. CÂU CHUYỆN : QUAN VŨ TRỌNG NGHĨA KHINH LỢI :
Trong “Tam Quốc Diễn Nghῖa”, QUAN VŨ hay còn gọi là Quan Công, có tên tự là Vân Trường, là một trong ba huynh đệ kết nghĩa Vườn Đào cùng với Lưu Bị và Trương Phi. Cũng như Trương Phi, Quan Vũ đi theo phò tá huynh trưởng Lưu Bị, là cánh tay đắc lực của Lưu Bị và là người đứng đầu ngũ hổ tướng nước Thục.
Quan Vũ được mọi người yêu thích bởi tính cách trung nghĩa hào kiệt, cũng như tài năng chiến trận của mình. Là người đứng đầu ngũ hổ tướng, Quan Vũ có võ công phi thường : Một mình địch trăm người, lập nên nhiều chiến tích oanh liệt. Có thể kể ra là : Trảm Nhan Lương; Chém Văn Xú; Một mình qua ải chém sáu tướng; Góp công giúp Lưu Bị chiếm Xuyên Thục và giữ Kinh Châu. Quan Vũ chính là mãnh tướng mà Tào Tháo muốn có, nhưng vì tính trung dũng mà Quan Vũ nhất quyết không chịu, chỉ một lòng một dạ với huynh trưởng mà thôi. Là người trọng nghῖa khinh lợi. Tuy ông bị vây hᾶm, lᾳi được Tào Thάo đối đᾶi hσn người, dὺng tiền tài để dụ dỗ, nhưng ông không động tâm, trάi lᾳi vẫn thὐy chung không quên nghῖa với Lưu Bị. Việc trọng nghῖa cὐa Quan Vῦ trở thành mẫu gương trong cách đối nhân xử thế của người quân tử, được người đời ca tụng.

3. SUY NIỆM : PHÂN BIỆT QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN :
Quân tử trong văn hóa truyền thống là tấm gương đạo đức có đủ những phẩm chất cao thượng là : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín...
Quân tử là trọng điểm mà Khổng Tử muốn truyền đạt cho hậu thế. Để phân biệt rõ thế nào là người quân tử, Khổng Tử thường so sánh quân tử với tiểu nhân về các phương diện : ĐẠO ĐỨC, NHÂN CÁCH, ĐẠO NGHĨA, LỢI ÍCH VÀ HÀNH VI… như sau :

1) QUÂN TỬ TRỌNG NGHĨA KHINH LỢI, TIỂU NHÂN TRỌNG LỢI KHINH NGHĨA :
- Thứ mà người quân tử đề cao là đạo nghĩa cao đẹp, đang khi tiểu nhân lại đề cao lợi lộc vật chất. Người quân tử hành động dựa theo tiêu chuẩn đúng sai, đang khi tiểu nhân dựa theo tiêu chuẩn lợi hại.
Khổng Tử đề cao lối sống đạm bạc của học trò Nhan Hồi như sau : "Ăn cơm thô, uống nước trắng, gối lên cánh tay ngủ, niềm vui đã có trong đó rồi".
Tu dưỡng của người quân tử là lấy Đạo làm chuẩn mực : "Thấy lợi thì nghĩ đến nghĩa", vì phú quý có được bằng bất nghĩa thì chỉ là thứ của cải phù vân chóng qua.
- Khi người quân tử rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn khốn cùng, thì vẫn luôn giữ được chí hướng, kiên trì với chính nghĩa, giống như cây tùng cây bách, dù gặp thời tiết khắc nghiệt giá lạnh sương tuyết ra sao, vẫn luôn xanh tươi mà không bị tàn úa. Còn kẻ tiểu nhân khi gặp hoàn cảnh khốn cùng sẽ suy nghĩ và hành động vô nguyên tắc, miễn sao tránh hoạ cho mình, dù có gây hại cho người khác.

2) QUÂN TỬ HÒA MÀ KHÔNG ĐỒNG, TIỂU NHÂN ĐỒNG MÀ KHÔNG HÒA :
- Người quân tử tìm kiếm sự hài hòa thống nhất trong lòng, chứ không ở hình thức bên ngoài. Trong cách giao tiếp đối nhân xử thế, người quân tử luôn độ lượng bao dung trong mọi hoàn cảnh. Họ kiên trì giữ vững tiết tháo và đạo nghĩa, không hùa theo kẻ quyền thế, không vào phe với thế lực gian ác.
Còn kẻ tiểu nhân khi kết giao chỉ nhằm mưu lợi, dựa vào thế lực cường quyền, hại người lợi mình. Để đạt được tư lợi thì bề ngoài ra vẻ nhất trí, nhưng trong lòng lại ngầm làm hại những kẻ không cùng phe phái với mình.
- Người quân tử không mong cầu Đồng, không yêu cầu người khác phải giống mình, nhưng để họ tự do có điểm riêng. Khi đối đãi với bằng hữu thì người quân tử luôn tôn trọng, lắng nghe để cảm thông nên dễ hoà hợp với mọi người.
Còn kẻ tiểu nhân lại chỉ cầu Đồng bên ngoài nhưng thiếu hòa hợp bên trong.
Quân tử chung sống hòa thuận với mọi người, không kéo bè kết đảng nhằm mưu lợi cá nhân. Còn tiểu nhân thì ngược lại : Việc gì cũng phụ họa theo số đông, mà không theo chuẩn mực đạo đức, nên cùng lắm cũng được coi là hạng ngụy quân tử.
- Theo Khổng Tử, phán đoán về đức hạnh của một người "không được dựa theo sự yêu ghét của số đông, mà phải dựa theo tiêu chuẩn đạo đức, cần phân biệt rõ thiện ác trắng đen chứ không dựa theo sự thỏa hiệp ”.

3) QUÂN TỬ YÊU CẦU BẢN THÂN, TIỂU NHÂN YÊU CẦU THA NHÂN :
Khi xảy ra sự cố thua lỗ thất bại, người quân tử sẽ kiểm điểm để tìm nguyên nhân xem trách nhiệm của mình đến đâu để kịp thời khắc phục. Còn kẻ tiểu nhân lại chỉ biết đổ lỗi cho người khác.

4) QUÂN TỬ CÓ TÂM HỒN BÌNH THẢN, CÒN KẺ TIỂU NHÂN LUÔN LO ÂU :
- Người quân tử quang minh lỗi lạc, không lo âu sợ hãi, trong lòng trong sạch, luôn dùng thiện lương mà đối đãi với kẻ khác, nên "lòng rộng mở bình thản".
Còn kẻ tiểu nhân luôn so đo tính toán, do bị dục vọng và lợi ích tác động, nên trong lòng luôn lo lắng, sợ hãi.
- Quân tử luôn coi trọng thành tín : Thành thực là Đạo của Trời. Cần phải làm mà không tư dục, thản nhiên mà không lừa dối, bền bỉ mà không mệt mỏi. Người quân tử trung tín trước sau như một, lời nói luôn đi đôi với việc làm, biểu hiện qua thái độ chân thành, trái với thái độ giả dối của kẻ tiểu nhân.
- Người quân tử trong lòng có lễ nghĩa, hành vi quang minh chính đại, lập trường kiên định đi theo chính đạo chứ không có thái độ ba phải.

TÓM LẠI : Lòng dạ và tầm nhìn của người quân tử và kẻ tiểu nhân hoàn toàn đối nghịch nhau. Khổng Tử nói: "Đạo người quân tử có ba phương diện:
NHÂN nên không lo buồn,
TRÍ nên không bị mê hoặc,
DŨNG nên không sợ hãi".
Ông khen các học trò của mình đã sở hữu được các đức tính của quân tử như sau :
NHAN HỒI an bần lạc đạo,
TỬ CỐNG thông minh chân thành,
TỬ LỘ chính trực dũng cảm,
TĂNG SÂM trung thực quang minh.

4. SINH HOẠT : Bạn giải thích thế nào về những đức tính của người quân tử mà các học trò của Khổng Tử đã đạt được : An bần lạc đạo, thông minh chân thành, chính trực dũng cảm, trung thực quang minh.

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Con thấy những đức tính : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của người quân tử do Khổng Tử dạy rất gần với các nhân đức tự nhiên mà các môn đệ của Chúa là chúng con hôm nay cũng cần học tập để nên người trưởng thành về nhân cách và nhờ đó sẽ gây được thiện cảm với tha nhân khi đối nhân xử thế.
Xin cho chúng con biết học sống : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín là các đức tính nhân bản tự nhiên, đồng thời sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa trong Tin Mừng. Nhờ đó, chúng con sẽ vừa nên trưởng thành về nhân cách, lại vừa nên con thảo của Cha trên trời như Chúa xưa đã được Chúa Cha xác nhận là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” (x. Mc 1.11).- AMEN.
 
Về lối ứng xử bất cập của người Việt Nam
Lm. Đan Vinh
05:17 12/07/2022

BÀI 06
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – VỀ LỐI ỨNG XỬ BẤT CẬP CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : CHEN NGANG KHI XẾP HÀNG.
Gần đây trên báo Tuần Tin Việt Nam có đăng câu chuyện của một tác giả, trong đó phê phán lối hành xử thiếu văn hóa của nhiều người Việt Nam như sau :
- Hồi đầu năm tôi đi công tác tại Nhật. Khi làm thủ tục xuất cảnh chuẩn bị về lại Việt Nam tại sân bay bên Nhật, tôi thấy một người đàn ông châu Á vô tư xách hành lý chen ngang vào vị trí thứ hai của hàng người đang đứng xếp hàng chờ theo thứ tự. Bị nhân viên an ninh yêu cầu đứng vào cuối hàng, anh ta đành phải miễn cưỡng làm theo trước những ánh mắt khinh thường của nhiều người nước ngòai. Khi về đến Việt Nam, tôi đứng xếp hàng phía sau anh ta để làm thủ tục nhập cảnh và nghe nhân viên an ninh gọi tên, tôi mới biết anh là người Việt Nam.
- Tuần trước tôi cùng vợ và con ra Hà nội thăm gia đình, khi vợ tôi bế con ngồi ghế gần đó đợi, còn tôi thì đứng xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay, tôi bị hai cô gái ăn mặc mốt thời trang từ ngòai chen ngang vào hàng trước chỗ tôi đứng, phía sau tôi có hai vợ chồng khách du lịch người Âu châu. Vì ngọai hình của tôi không giống người Việt, nên hai cô gái cứ vô tư nói chuyện về thành tích chen ngang xếp hàng của mình tại Xanh-ga-po như sau : “Tao chen ngang một thằng Xanh-ga-po lúc làm thủ tục. Cái thằng chó ấy cứ nhìn đểu tao thật là khó chịu và còn nói câu gì đó tao không hiểu. Nhưng tao cứ kệ mẹ nó, coi như mình chẳng hiểu gì cả”. Đến lúc này thì tôi thấy chẳng cần phải ga-lăng làm gì với hạng người như vậy nên đã nhắc nhở : ”Yêu cầu hai cô vui lòng xếp vào hàng chờ”. Lúc đó họ nhận ra tôi cũng là người Việt nên tỏ vẻ khó chịu rồi nói khẽ với nhau, đủ để cho tôi nghe thấy hai từ “khốn nạn !”, rồi nhổ tọet bã kẹo cao su xuống nền nhà bóng lộn của sân bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất.
- Chiều nay đi làm về sớm, tôi nhường xe lại cho vợ và đón xe búyt về nhà cùng một anh bạn đồng nghiệp người Nhật Bản. Chiếc xe ngày một thêm đông khách sau mỗi lần dừng, và rồi hết chỗ ngồi khiến vài ba người phải đứng, trong đó có một phụ nữ khỏang 30 tuổi có vẻ là một công chức. Theo phép lịch sự, tôi đứng dậy mời chị ngồi vào chỗ của tôi. Chị ta nhìn tôi không cười, lẳng lặng ngồi xuống và ngỏanh mặt đi chỗ khác ! Anh bạn người Nhật nhìn tôi mỉm cười lắc đầu tỏ vẻ thông cảm.
Đó là ba ví dụ cho hàng trăm lần tôi đã từng chứng kiến. Chẳng cần phân tích kỹ, chúng ta cũng thấy hình ảnh của người Việt có thể để lại những ấn tượng không tốt thế nào trước mắt người nước ngòai.

3. SUY NIỆM :

1) Ứng xử bất cập của người Việt Nam nói chung :
Có người đã nhận xét như sau : “Ăn nhanh đi chậm hay cười. Thích chơi đồ cổ (second hand) ấy người Việt Nam !”. Điều đáng nói là về cách ứng xử của nhiều người Việt cũng như thế : Chen ngang được vào hàng thì nghĩ rằng những người khác ở phía sau đều ngố ! Đi xe vượt đèn đỏ mà không bị công an thổi còi xử lý thì nghĩ mình giỏi ! Nếu ai đã có dịp đi châu Âu, chắc hẳn đã cảm nhận được cảnh người Việt chúng ta bị các nhân viên an ninh người nước ngòai khinh thường, đang khi người Nhật lại được họ tôn trọng, ngay tại những nước có nền văn hóa cao như Đức, Pháp, Ý…
Ngày nay người trẻ Việt Nam ngày càng ít các biểu hiện đẹp trong cách hành xử tại nơi công cộng. Nhiều người trẻ thường chen ngang vào hàng khi mua vé, sẵn sàng vượt qua đèn đỏ khi vắng bóng công an. Mỗi khi bị ùn tắc giao thông, họ thường đi lên hè dành cho người đi bộ hoặc lấn sang làn đường bên trái dành cho xe phía đối diện. Trên xe búyt họ không nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, thường xả rác bừa bãi, nói cười oang oang giữa nơi công cộng là nhà hàng rạp hát, khạc nhổ bừa bãi, ăn nói tục tĩu, không dội nước bồn cầu sau khi đi vệ sinh …

2) Nguyên nhân của cách ứng xử yếu kém về văn hoá :
Chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận rằng : văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta nói chung rất kém. Sở dĩ như vậy là do đã không được những người có trách nhiệm quan tâm dạy dỗ đúng mức : Trong gia đình cha mẹ ông bà đã không ý thức phải nêu gương sáng và không quan tâm giáo dục con cái ứng xử có văn hóa. Rồi nhà trường phần lớn chỉ lo dạy học sinh kiến thức thi cử để lập thành tích mà không quan tâm dạy về văn hóa ứng xử. Xã hội tuy có nhiều chương trình truyền hình, nhưng lại ít có loại phim hay về giáo dục văn hóa ứng xử. Có lẽ đã tới lúc các nhà lãnh đạo cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho những kênh giáo dục văn hóa ứng xử giống như các kênh về sức khỏe, mua sắm, kinh tế…
Nhiều người cho việc giáo dục nói trên chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực ra lại không nhỏ chút nào. Vì nó thể hiện đạo đức và trình độ văn hóa của con người. Đã đến lúc không thể coi nhẹ các môn công dân giáo dục và đạo đức xã hội : Dạy phép lịch sự nơi công cộng, cách tiếp xúc với người nước ngòai, về tinh thần trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng... Nói chung về văn hóa ứng xử.

3) Làm gì để khắc phục?
+ Kiến tạo môi trường văn hoá lành mạnh : Nếu có dip ăn uống khi đi du lịch bên trời Tây, hay tại các nước văn minh, chắc bạn sẽ không dám vứt rác bừa bãi xuống nền nhà. Một là vì nhà hàng bên đó vệ sinh sạch sẽ và rất có trật tự ngăn nắp. Hai là vì chỗ nào cũng có thùng rác dễ dàng sử dụng. Ba là vì có những quy định xử phạt nghiêm minh. Chẳng hạn bên Xanh-ga-po, hướng dẫn viên du lịch luôn nhắc nhở khách tham quan trong đòan về mức xử phạt lên tới 500 “đôla Xanh” cho ai xả rác bừa bãi không đúng chỗ quy định. Vì thế mà sau một chuyến đi du lịch nước ngòai ngắn ngày trở về, nhiều người Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức về văn hóa ứng xử theo chiều hướng tốt hơn.
+ Đổi mới tư duy văn hóa ứng xử đồng bộ : Hiện nay tại Việt Nam, những ai cư xử lễ độ lịch sự, biết nhường nhịn người khác và tôn trọng của công… lại thường bị số đông coi thường và bị đánh giá là “hâm mát”, “khùng điên” và thường bị thiệt thòi khi luôn phải nhường nhịn những kẻ có lối hành xử thiếu văn hóa.
+ Đổi mới phương pháp giáo dục về văn hóa nhân bản : Tuy môn đạo đức hiện nay đã được đưa vào nhà trường từ tiểu học đến trung học như : “Học tập năm điều bác Hồ dạy”, “Học tập lao động và sống đạo đức theo phong cách Chủ tịch Hồ chí Minh”… Nhưng nội dung các môn đạo đức này vẫn mang nặng tính giáo điều khô khan và mới chỉ xoay quanh những định nghĩa trừu tượng mà học sinh cần học thuộc để thi cử, đang khi lẽ ra các thày cô giáo phải giúp các em hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh cụ thể như : biết nói “không” trước những cám dỗ của bạn bè xấu, biết nói “xin lỗi”, “cám ơn”, biết chào hỏi, ăn mặc lịch sự, biết tôn trọng tha nhân bằng việc tránh gây phiền hà cho người khác, biết xếp hàng trật tự khi nộp bài thi hay khi mua vé, có ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản chung, có ý thức tuân thủ luật pháp, nhất là luật giao thông đường bộ, biết ứng xử có văn hoá với tha nhân ….
Tóm lại cần phải có một sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ trong việc giáo dục văn hóa ứng xử từ trong gia đình, đến trường học, nơi thờ tự và ngòai xã hội. Người lớn phải làm gương cho giới trẻ, những người quyền cao chức trọng phải nêu gương tốt chấp hành luật pháp cho cấp dưới noi theo… thì mới hy vọng chuyển biến được xã hội Việt Nam và việc giáo dục văn hóa ứng xử mới đạt kết quả tốt.

4. SINH HOẠT : Các bậc cha mẹ cần giáo dục nhân bản cho con cái mình từ tuổi nào của con và dạy theo phương pháp nào để đạt kết quả tốt nhất?

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi tín hữu chúng con ý thức tầm quan trọng của nền văn hoá ứng xử văn minh, để quyết tâm tập luyện, hầu ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và nên con thảo luôn đẹp lòng Chúa Cha trên trời theo gương mẫu và lời dạy của Chúa trong Tin Mừng.- AMEN.
 
Hình thành lối sống đẹp và hữu ích
Lm. Đan Vinh
05:21 12/07/2022

BÀI 07
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẸP VÀ HỮU ÍCH

1. LỜI CHÚA : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

2. CÂU CHUYỆN : “NHẬT KÝ ĐI ĐƯỜNG”

Thạc sĩ khoa tâm lý chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng NGUYỄN THỊ OANH đã hài hước kể lại “nhật ký đi đường” của bà tại hội thảo “SINH VIÊN VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NHÂN VĂN TRONG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ” tổ chức cách đây ít lâu như sau :
“Tôi đi từ nhà ở Hóc Môn xuống Bình Thạnh bằng xe búyt. Trên xe có 8 em nữ sinh cấp hai, em nào cũng mặc áo dài trắng tươm tất và rất dễ thương. Khi tôi bước lên xe thì tất cả các em đang ngồi trên xe đều cúi mặt xuống coi như không nhìn thấy tôi. Cho tới khi anh lơ xe la lên “Các em xích lại nhường chỗ cho bà già đi chứ” thì các em mới chịu ngồi sát lại gần nhau để có chỗ trống cho tôi ngồi.
Nhật ký đi đường của thạc sĩ Oanh được tiếp tục bằng tường thuật cảnh bà đi bộ trong một con hẻm nhỏ, suýt nữa đã hứng phải nước bọt của người đàn ông từ trong nhà phun ra, đi được vài bước thì bà lãnh trọn một tàn thuốc của anh chàng đi xe máy ngang. Đi thêm một quãng nữa thì gặp một bà mẹ trẻ đang bồng con trên tay đứng trên hè nhà và đứa trẻ đã “tè” vồng ra đường xém bay vào mặt bà. “Bệnh “đái đường” đã được “giáo dục” từ bé như vậy đó !!!” – Thạc sĩ Oanh dí dỏm.

3. SUY NIỆM :

1) Thực trạng : Việc xả rác bừa bãi ra đường, không nhường chỗ cho người già và phụ nữ mang thai trên xe buýt, thờ ơ trước những số phận kém may mắn của tha nhân... là những chuyện có thật trong giới trẻ Viêt Nam hiện nay, trong đó giới sinh viên chiếm không ít. Vì thế một diễn giả đọc tham luận về văn hóa xe buýt của sinh viên đã khẳng định như sau : “Hiện nay nhiều bạn sinh viên đã triệt để áp dụng chiến thuật “3 không” là : “không thấy – không nghe – không biết” trên xe buýt cũng như khi tham gia giao thông hoặc khi sinh hoạt nơi công cộng... để đạt mục tiêu cuối cùng là “không mất chỗ !”.
Nói về thực trạng việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên TP.HCM hiện nay, Tiến sĩ Tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN đã tiến hành nghiên cứu trên 873 sinh viên tại các trường Đại Học – Cao Đẳng, kết quả cho thấy : Trong bậc thang giá trị thì giá trị “vì lợi ích cộng đồng”, “tôn trọng người khác” và “sẵn sàng hy sinh cho tha nhân” lại bị xếp cuối cùng. Điều này cho thấy ý thức nhân bản “mình vì mọi người” nơi phần lớn sinh viên hiện nay ở mức rất thấp.

2) Nguyên nhân : Thạc sĩ Oanh nhận xét nguyên nhân của thực trạng trên như sau : “Cái tôi của sinh viên quá lớn, lợi ích cá nhân đã được đặt trên lợi ích cộng đồng. Sự ích kỷ cực đoan này khiến nhiều sinh viên cư xử thiếu ý thức ở những nơi công cộng”. Sở dĩ có tình trạng tồi tệ này là vì quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình hiện khá lỏng lẻo, do cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, sự thiếu gương mẫu của người lớn cũng tác động không tốt tới sự hình thành nhân cách trong giới trẻ. Một đứa bé lớn lên trong môi trường gia đình hay xã hội còn nhiều bất cập như vậy, ắt sẽ trở nên những con người không biết trân trọng các giá trị đạo đức và nhân văn.

3) Khắc phục : Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đã kể lại chuyện cách đây hơn 40 năm, khi bà có dịp đi công tác ở Nhật, bà được chứng kiến cảnh các em học sinh băng qua đường một cách trật tự và ý thức :
“Trên lề đường có những cái hộp như hộp đựng dù, trong đó có những cây cờ. Một học sinh đi đầu đến lấy một cây cờ trong hộp ra và giơ cao lên. Các em đi sau liền đến xếp hàng một rồi cả nhóm cùng băng qua đường. Tất cả xe hơi đều dừng lại đợi đến khi các em học sinh đi qua mới tiếp tục lăn bánh. Sang tới phía đường bên kia, em cầm cờ lại đem cất cây cờ vào một cái hộp khác ở ngay bên lề đường gần đó”.
Tiến sĩ Tâm lý Tô Thị Ánh cũng kể thêm chuyện đi công tác ở Tiệp Khắc : Khi bà vừa bước lên toa xe điện thì liền có 7–8 bạn trẻ đứng dậy nhường chỗ cho bà...
Tham gia hội thảo trên, một số bạn sinh viên cũng đóng góp ý kiến cho biết sở dĩ nhiều bạn trẻ chưa có lối “sống đẹp và hữu ích” không phải do họ cố ý, mà do sự thờ ơ thiếu quan tâm dạy dỗ giáo dục của xã hội như sau :
Vì thiếu gương sáng nơi người lớn, các em không được cha mẹ giáo dục từ nhỏ;
Vì thiếu những bài học đạo đức cụ thể của thày cô ở trong nhà trường;
Vì thiếu truyện giáo dục nhân bản cho trẻ em như “Tâm Hồn Cao Thượng”;
Vì thiếu phương án giáo dục tổng hợp đề cao gương “người tốt việc tốt” trên báo chí, phim ảnh, truyền hình…
Ngòai ra, điều căn bản nhất là
Vì luật pháp của chúng ta còn thiếu những biện pháp xử lý hành chánh nghiêm đối với những kẻ cố tình gây ô nhiễm môi trường như “đái đường”, khạc nhổ, xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định…

4. SINH HOẠT : Riêng các bạn trẻ trong các lớp học giáo lý vào đời hay giáo lý hôn nhân cần làm gì để đạt lối “sống đẹp và hữu ích”, hầu nên ánh sáng của Chúa Ki-tô trong môi trường sống và làm việc?

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin thắp sáng ngọn đèn đức tin cậy mến trong lòng mỗi tín hữu chúng con hôm nay. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của nền giáo dục văn hoá ứng xử cho các thế hệ học sinh sinh viên, để biến lối ứng xử ích kỷ thiếu văn hoá hiện nay, bằng lối ứng xứ văn minh vị tha đầy tình người theo thánh ý Chúa.- AMEN.



 
Tôn trọng tha nhân
Lm. Đan Vinh
05:26 12/07/2022

BÀI 08
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – TÔN TRỌNG THA NHÂN



1. LỜI CHÚA : Chúa Giê-su phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : GIÁ TRỊ CỦA THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG THA NHÂN.

Vào một ngày nọ, khi mới tốt nghiệp đại học, A-DI-AN đã nộp đơn xin làm công việc quảng cáo tại một công ty quốc tế có mức lương khá cao. Sau mấy vòng sơ tuyển, cô biết mình không có nhiều tài năng bằng một số thí sinh khác và nghĩ cô sẽ rất khó trúng tuyển để được làm công việc này. Sau buổi thi cuối cùng, khi đang cùng các thí sinh khác ra chỗ để xe. Đang khi các thí sinh khác đều tỏ ra lạc quan nói cười vui vẻ, thì A-DI-AN lại lủi thủi đi tụt hậu với tâm trạng chán nản. Sau một đọan đường ngắn, bỗng xuất hiện một lão ăn xin đang đứng cầm chiếc mũ để xin tiền các thí sinh đi tới. Anh chàng đi đầu liền lớn tiếng xua đuổi : “Lão già kia, mau cút đi chỗ khác. Đừng có đứng đó làm phiền chúng tôi nghe !”. Một người khác nói thêm : “Tránh ra, tôi không có tiền cho lão đâu”. Có người còn mỉa mai : “Dường như ăn xin là cách làm tiền dễ nhất của bọn người lười biếng !”. Một số người cũng quay mặt sang chỗ khác khi ngang qua ông lão. Còn lão ăn xin đã không quan tâm đến thái độ khinh thường của mọi người mà chỉ giơ chiếc mũ ra im lặng chờ đợi…
Khi đến lượt A-DI-AN đi ngang qua ông lão, cô liền dừng lại mỉm cười với ông rồi thò tay vào túi định lấy tiền lẻ cho ông. Nhưng cô hơi ngượng khi không tìm thấy chiếc ví đựng tiền trong túi. Bấy giờ cô liền nắm lấy hai bàn tay ông lão và nói với giọng thành khẩn : “Thưa ông, cháu thật có lỗi vì đã để quên ví tiền ở nhà, nên hiện giờ cháu không có đồng nào để biếu ông được”. Bấy giờ lão ăn mày liền nói với đôi mắt ngấn lệ : “Không sao đâu cô. Lão thật biết ơn cô rất nhiều. Những gì cô cho lão hôm nay còn đáng giá hơn tiền bạc gấp bội. Vì cô là người đầu tiên đã tỏ thái độ tôn trọng đối với một người ăn xin như lão”.
Một tuần sau, A-DI-AN nhận được thư của công ty báo tin cô đã được trúng tuyển. Đây là công việc mà cô luôn mơ ước ngay từ những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học. Về sau khi có dịp gặp Phó Giám Đốc có mặt trong buổi phỏng vấn hôm trước, A-DI-AN đã hỏi lý do tại sao cô lại được tuyển chọn đang khi nhiều bạn ứng viên khác trổi vượt hơn cô về nhiều phương diện. Bấy giờ ông Phó Giám Đốc đã trả lời như sau : “Sở dĩ công ty chọn cô vì cô là người thích hợp nhất với công việc quảng cáo của công ty. Cô có thể không giỏi hơn các ứng viên khác về nhiều mặt, nhưng điều quan trọng nhất công ty muốn thì các ứng viên khác lại không ai bằng cô. Chính thái độ tôn trọng kẻ khác, bất kể họ là ai và thuộc hạng người nào của cô là nhân tố quyết định khịến ban giám đốc chúng tôi chọn cô”. Thì ra sự tôn trọng tha nhân lại được đánh giá cao hơn nhiều tài năng khác. Qua câu chuyện với ông Phó Giám Đốc, A-DI-AN cũng biết được lão ăn xin hôm trước chính là người đã được công ty bố trí đóng vai để sát hạch về lối ứng xử của các thí sinh mà công ty đang cần tuyển dụng.

3. SUY NIỆM :

a) Phải cẩn trọng về lời nói : Cách đây vài năm, trong một chương trình giao lưu âm nhạc, một MC trẻ trung, xinh đẹp của đài truyền hình Trung Ương đã giới thiệu trước đông đảo cử tọa : “Đây là nhạc sĩ P. Có lẽ khán giả chúng ta không ai lạ gì cái bản mặt của anh”. Chắc cô muốn nói là “không ai lạ gì anh” !. Quả là một sự cố “đáng tiếc !”. Không những cô MC tái mặt vì lỡ lời, mà hết mọi người trong khán phòng cũng đều thấy ngượng thay cho cô. Ai trong chúng ta cũng đều có lần nói sai, nói ngọng, nói lắp hay lỡ lời… Nhưng phải tránh kiểu nói năng ấu trĩ do thói quen, mà không phù hợp với hoàn cảnh và không thể rút lại được như trường hợp này.

b) Sai lỗi về lời nói cũng được xếp vào lọai văn hóa ứng xử : Ca dao có câu : “Vụng ăn có thể cho qua; Nhưng mà vụng nói người ta chê cười”; “Sảy chân gượng lại còn vừa; Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ” …

c) Kính trọng tha nhân qua lời nói : “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Kim vàng ai nỡ uốn câu. Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”; ”Người khôn nói mánh. Người dại đánh đòn”…

d) Mau nghe chậm nói : Hãy biết lắng nghe lời người khác đang nói, ngay cả khi họ nói điều trái với ý bạn. Bạn cũng cần suy nghĩ trước khi nói. Vì : “Mau nói mau lỗi”; “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”…

e) Phải tránh nói dai nói dài : Khi trao đổi trong buổi họp, cần tránh nói dài vì : “Rượu nhạt, uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”; và “Đa ngôn đa quá !”…

g) Phải tránh nói to tiếng : Đây là điều bất lịch sự vì gây cho người khác sự bực bội như người xưa dạy : “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

h) Phải biết giữ chữ tín : “Một sự thất tín, vạn sự chẳng tin”. Đã hứa thì phải giữ lời : “Quân tử nhất ngôn” (Người quân tử chỉ nói một lời); “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi kịp).

i) Phải tránh tranh cãi về tôn giáo : Bạn có thể thuyết phục người khác về điều bạn tin tưởng, nhưng cần có bằng chứng thực tế, hơn là chỉ tranh cãi suông. Do đó cần tránh đả kích niềm tin của tha nhân như người ta thường nói : “Đả kích niềm tin của kẻ khác là cách hữu hiệu nhất để có thêm kẻ thù”.

4. SINH HOẠT :

Qua câu chuyện đầu bài, bạn có thể rút ra bài học nào trong việc ứng xử với tha nhân? Tại sao ta phải tôn trọng tha nhân? Bạn tâm đắc với câu ca dao tục ngữ nào trong bài suy niệm trên? Tại sao?

5. LỜI CẦU :

LẠY Chúa Giê-su. Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng tha nhân, nhất là tôn trọng những người nghèo khổ túng cực, để gây được thiện cảm của mọi người. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của sự tôn trọng tha nhân, thể hiện trình độ văn hoá của một người trưởng thành về nhân cách. Xin cho chúng con luôn nhìn thấy Chúa hiện thân trong mọi người, nhất là trong những người nghèo khổ để chia sẻ phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu nên con thảo đẹp lòng Chúa Cha và nên chứng nhân tình yêu của Chúa trước mặt người đời. – AMEN.


 
Đừng coi thường người nghèo
Lm. Đan Vinh
05:31 12/07/2022

BÀI 09
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐỪNG COI THƯỜNG NGƯỜI NGHÈO

1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy phải biết tôn trọng người nghèo : “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói : “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói : “Đứng đó !” hoặc : “Ngồi dưới bệ chân tôi đây !”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? (Gc 2 2-4).

2. CÂU CHUYỆN : KẾT ĐẮNG CỦA THÁI ĐỘ COI THƯỜNG NGƯỜI NGHÈO
Một phụ nữ 40 tuổi có kinh nghiệm làm quản lý lâu năm đã rất vui mừng khi mới tìm được công việc ưng ý với mức lương hậu hĩnh. Ngày đầu tiên đi làm trong vai trò mới, cô đã đến sớm và mang cả con trai theo. Cô và con trai ngồi chờ tới giờ được chính thức nhận việc tại vườn hoa bên dưới trụ sở công ty. Hai mẹ con chọn một chiếc ghế băng dài ngồi xuống và ăn nhẹ tại đó.
Nhưng điều đáng nói ở đây là cô đã vứt túi rác vừa ăn xong xuống dưới đất theo thói quen xưa nay thay vì lẽ ra phải bỏ vào thùng rác.
Cách đó không xa, một cụ bà lớn tuổi trong bộ đồ lao động đã cũ có đeo găng tay, từ từ tiến lại gần nơi hai mẹ con đang ngồi và nhẹ nhàng cúi xuống nhặt túi rác cô vừa thải ra bỏ vào thùng rác ở gần bên. Vài phút sau, người phụ nữ lại vứt thêm một mẩu giấy gói đồ ăn khác xuống đất. Một lần nữa, bà lão lại bước tới nhặt mẩu giấy ném vào thùng rác. Nhưng lần này trước khi bỏ đi bà quay lại nhẹ nhàng nói :
- Người thiếu ý thức bảo vệ môi trường thì tương lai sẽ không tốt đẹp đâu !
Bị chạm tự ái, người phụ nữ liền đứng dậy quát mắng bà lão lao công đã dám lên tiếng dạy dỗ mình :
- Này bà già kia. Tôi sắp trở thành người quản lý mới của tập đoàn này và tất nhiên khu vườn này cũng sẽ do tôi quản lý. Tôi có quyền làm bất cứ điều gì tôi muốn ở đây. Còn bà thì hãy chuẩn bị nghỉ việc đi là vừa.
Ngay lúc đó một người đàn ông từ trong nhà chạy đến cung kính nói với bà lão :
- Thưa chủ tịch ! Cuộc họp đã chuẩn bị xong và sắp tới giờ bắt đầu rồi.
Bà lão nhẹ nhàng gật đầu, tháo găng tay và cởi chiếc áo choàng đang mặc và nói :
- Tôi sẽ lên phòng họp ngay. Nhưng trước hết anh hãy thay tôi tiến hành thủ tục hủy bỏ hợp đồng với nhân viên quản lý mới này đi nhé.
- Vâng thưa chủ tịch. Anh chàng đáp.
Người mẹ gần như chết lặng và không thể nói thêm lời nào nữa. Lời xin lỗi lúc này đã trở nên quá muộn màng.
Trước khi đi bà chủ tịch còn nhẹ nhàng nói thêm với người phụ nữ :
- Tôi hy vọng rằng sau sự việc này cô sẽ thay đổi cách ứng xử với mọi người. Hãy tôn trọng người khác dù họ đang ở trong cương vị nào. Vì khi cô biết tôn trọng người khác thì chính cô cũng sẽ được người khác tôn trọng.

3. SUY NIỆM :
- Cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi mọi người biết tôn trọng nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ nhau. Hãy thay cho lời kết án, là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho cái nhìn hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn điều tốt nơi nhau để động viên khuyến khích, thay vì nhìn vào điểm yếu để chỉ trích xem thường. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những đóng góp của tha nhân và thành thật khen ngợi họ, thay vì ganh ghét, nói xấu để hạ giá trị của họ.
- Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để nâng đỡ bổ túc cho nhau hầu mang lại hạnh phúc. Con cái cần đến cha mẹ để bao bọc chở che khi còn nhỏ và dạy dỗ động viên khi con tới tuổi bước vào đời. Hàng xóm cũng cần đến nhau để khi “tốt lửa tắt đèn có nhau”. Một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy tôn trọng nhau, cộng tác với nhau để xây dựng cho gia đình, khu xóm, nhà máy được sạch đẹp và hạnh phúc.

4. SINH HOẠT :
Bạn rút ra bài học gì về văn hoá ứng xử trong cuộc sống qua câu chuyện cô nhân viên quản lý mới đã tỏ thái độ khinh thường bà lão lao công nghèo khó, mà cô không biết chính là chủ tịch tập đoàn đóng vai để đánh giá nhân cách của cô trước khi chính thức tiếp nhận cô làm người quản lý mới của tập đoàn?

5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Qua lời thánh Gia-cô-bê dạy phải tôn trọng người nghèo, Chúa muốn chúng con coi trọng mọi người chúng con gặp gỡ tiếp xúc. Xin cho chúng con biết sẵn sàng nói chuyện với người lao công trong môi trường chúng con đang sống và làm việc, hoặc người ăn xin trên đường phố, hay bệnh nhân liệt giường tại bệnh viện hay nhà tư. Xin cho chúng con nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi người nghèo khó để cảm thông chia sẻ và sẵn sàng phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu sau này trong ngày phán xét, chúng con sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời muôn đời.- AMEN.


 
Nguyên nhân thất nhân tâm
Lm. Đan Vinh
05:37 12/07/2022

BÀI 10
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – NGUYÊN NHÂN THẤT NHÂN TÂM

1. LỜI CHÚA : Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo. Bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : “Bà muốn gì?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây : Một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”… Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,20-21.24).

2. CÂU CHUYỆN : LỆNH CẤM BÁN BÁO VÀ VÉ SỐ DẠO CỦA TP ĐÀ LẠT.



Mới đây TP Đà lạt ra lệnh cấm bán báo và bán vé số dạo. Báo Tin Sáng có đăng một bài của tác giả Trần Bạch Đằng phê bình : lệnh cấm như vậy là “thất nhân tâm”. Trong bài báo có đọan như sau :
“Tôi thật tình ngỡ ngàng : Bán báo dạo thì tội gì, bán vé số thì tội gì? Tại TP HCM báo dạo rất nhiều, mặc dù cũng có khá nhiều sạp báo. Nhưng sạp báo và người bán báo dạo là hai bộ phận hợp thành để phổ biến văn hóa phẩm rộng rãi. “Cấm” là sai lầm, sai lầm về HÀNH CHÍNH, về XÃ HỘI và cả về VĂN HÓA. Bán vé số dạo cũng vậy, người bán vé số dạo có tội gì mà phải cấm, họ làm cái gì bất hợp pháp cần ngăn ngừa? Không có câu trả lời.
Tôi vừa đi Xanh-ga-po về, bên đó có mua báo của người bán dạo. Ai bán? Trẻ em, học sinh trong giờ nghỉ học kiếm thêm ít tiền tiêu vặt. Lành mạnh quá đi chứ. Ở TP HCM, bán báo là một nghề để sinh sống của hàng trăm người, nếu cộng với người bán vé số thì là hàng ngàn người, len lỏi khắp các xóm, từ sáng đến tối mong có thêm chút gạo, chút rau giúp mẹ giúp cha. Đó là các em, còn phụ nữ từ nông thôn lên không có nghề, trông mong thu nhập ở tiền bán báo dạo, bán vé số để nuôi mình và nuôi con. Biết bao nhiêu bà mẹ bán báo dạo, bán vé số mà nuôi con ăn học thành tiến sĩ. Đó là chưa kể những người đi xe lăn bán báo dạo, bán vé số, những người mất một hay hai chân lê lết trên đường, chỉ mong kiếm một tỉ lệ hoa hồng còm cõi.
Chính phủ chưa giải quyết hết các hiện tượng đau lòng này thì không nên ngăn cản.Tôi mong UBND Thành Phố Đà lạt xét lại chủ trương cấm bán báo, bán vé số dạo của mình. Thất nhân tâm lắm ! Tiện thể xin nói thêm : Thực hiện văn minh đô thị ở Đà Lạt còn quá nhiều việc, ngay những nơi thanh lịch nên lo cho tốt. Đừng lấy những người cơ cực nhất thành phố làm thí điểm.”

3. SUY NIỆM :

Trong bất cứ tập thể nào cũng có người xấu kẻ tốt : có người thật thà, có kẻ mưu mô; có người chăm chỉ, có kẻ chây lười… Những “kẻ đáng ghét” ấy đôi khi lại rất khôn khéo khiến người trên không nhận ra, còn người chung quanh dù biết cũng đành chấp nhận. Sau đây là 6 lối sống khiến người khác thiếu thiện cảm và không muốn hợp tác, và một số bí quyết giúp ta “chung sống” hòa bình với họ :

1) Thái độ nhẫn tâm vô cảm :
Một số người có chức có quyền tỏ ra nhẫn tâm khi đề ra các biện pháp để đạt mục đích như trường hợp Thành Phố Đà Lạt trong câu chuyện trên : Vì muốn giữ cho thành phố được sạch đẹp trước mặt du khách nước ngòai, nên Ủy Ban Nhân Dân TP Đà Lạt thay vì dùng các biện pháp ngăn ngừa kẻ xấu, lại ra lệnh cấm việc làm ăn lương thiện là bán báo dạo và bán vé số dạo. Lệnh cấm này ảnh hưởng trực tiếp đến chén cơm manh áo của rất nhiều người nghèo, đặc biệt là những người khuyết tật, già cả neo đơn, trẻ em đường phố và cả các sinh viên học sinh nghèo hiếu học…, đang khi ngay đến chính phủ trung ương, Ủy Ban Nhân Dân hai thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi có đông du khách nhất nước vẫn chưa có quyết định về vấn đề này. Tác giả Trần Bạch Đằng đã yêu cầu UBND TP Đà Lạt xét lại chủ trương “thất nhân tâm” này.

2) Thái độ ích kỷ hại nhân :
Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó chịu bất mãn khi sống chung hay làm việc chung với lọai người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình mà không biết nghĩ đến tha nhân bên cạnh. Lối sống ích kỷ thường biểu lộ qua những thái độ chỉ lo cho nhà mình sạch đẹp nên sẵn sàng vất rác, xác chuột chết… bừa bãi ra ngoài đường lộ hay sang nhà bên cạnh: Không cho nhà hàng xóm trổ cửa thóat hiểm hay lỗ thông gió để thông thóang, dửng dưng vô trách nhiệm với các việc chung trong khu xóm như làm đường hẻm chung, khơi thông cống rãnh thóat nước thải … Thái độ ích kỷ như vậy là thất nhân tâm, khiến hàng xóm chê cười và cũng sẽ nhận lại thái độ bất hợp tác khi gia đình cần được hàng xóm giúp đỡ.

3) Thái độ kiêu ngạo tự mãn :
Hạng người này thường có chút ưu điểm nào đó như học vị cao, có chút địa vị quyền hành nên thường tỏ ra cao ngạo coi thường người khác, thể hiện qua thái độ phớt lờ khi được người khác chào hỏi, phát biểu với giọng “cha chú”, thích nghe lời xu nịnh, có thành kiến với những ai không theo mình và tìm cách “đì” cấp dưới. Thái độ kiêu ngạo tự tôn như vậy sẽ làm thất nhân tâm, gây sự bất mãn và bất hợp tác của người khác nên công việc sẽ khó thành công tốt đẹp.

4) Thái độ phản cảm bất lịch sự :
Hạng người này tỏ ra vụng về trong cách ứng xử, thể hiện qua việc luôn gây phiền hà bực mình cho người khác qua cách đối xử thiếu nghiêm túc, ăn mặc lôi thôi, nói năng bỗ bã bất lịch sự, ứng xử thiếu tế nhị, nói chuyện điện thoại oang oang khiến người khác bực mình… Thái độ như vậy làm thất nhân tâm, nên dù có chức có quyền, cũng khiến mọi người bất phục và nói hành nói xấu.

4. SINH HOẠT : Gặp phải một người bạn mắc phải thói xấu làm thất nhân tâm nói trên, bạn sẽ góp ý xây dựng thế nào để giúp họ tu sửa lại?

5. LỜI CẦU :
Lạy Thiên Chúa Cha Tòan Năng nhân hậu. Xin sai Thánh Thần đến giúp chúng con luôn biết khiêm tốn học tập để ngày một nên hòan thiện như người ta thường nói : “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng !”. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra những sai sót khuyết điểm của mình, hầu tu sửa nên hoàn thiện hơn. Xin cho chúng con biết khiêm tốn phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giê-su là Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, mà để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” để được thành công trong mọi việc (Mc 10,45).- AMEN.
 
VietCatholic TV
Ukraine thắng lớn ở Tavriisk, Nga bỏ chạy ở Marinka. Kẻ phản bội theo Nga tử nạn. Nhật Bản thức tỉnh
VietCatholic Media
03:13 12/07/2022


1. Nga phải bỏ chạy khỏi Marinka

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 12 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine lưu ý rằng những nỗ lực chính của quân xâm lược Nga tập trung vào việc thiết lập quyền kiểm soát toàn diện đối với khu vực Luhansk, bao vây quân trú phòng Ukraine ở khu vực Donetsk, giữ hành lang trên bộ với Crimea trong các khu vực tạm thời bị chiếm đóng và ngăn chặn liên lạc hàng hải của Ukraine ở Hắc Hải.

“Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc không kích gần Shevchenkove và Zolota Nyva; và hỗ trợ cho quân Nga đang bỏ chạy ở hướng Marinka.”

Trên hướng Nam Buh, quân Nga cố gắng giữ các phòng tuyến đã chiếm đóng và ngăn chặn cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Ukraine, tiếp tục nổ súng để kiềm chế các hành động của quân đội Ukraine.

Tại Hắc Hải và Biển Azov, Nga tiếp tục điều hai tàu sân bay mang vũ khí chính xác cao với 16 hỏa tiễn hành trình Kalibr sẵn sàng cho các cuộc tấn công hỏa tiễn.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine nhấn mạnh rằng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang gây tổn thất cho quân Nga trên mọi hướng nơi các cuộc chiến đang diễn ra và sẵn sàng cho bất kỳ thay đổi nào trong tình hình tác chiến.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Tổng tham mưu, các trường hợp đào ngũ và không tuân lệnh hành quân đang được ghi nhận ngày càng thường xuyên hơn trong các đơn vị của quân đội Nga.

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 11 tháng 7, quân trú phòng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 37.400 quân xâm lược Nga.

2. Lãnh đạo ly khai thân Nga bị loại khỏi vòng chiến

Thông tấn xã TASS của Nga đưa tin hôm thứ Hai rằng chính quyền ly khai thân Nga vừa báo cáo cái chết của Yevgeny Yunakov, bị giết bởi một nhóm biệt kích Ukraine.

Các nhà chức trách khu vực cho biết, lãnh đạo một thị trấn của Ukraine bị Nga chiếm đóng ở phía đông vùng Kharkiv của Ukraine đã bị giết bởi một vụ đánh bom xe hơi được cho là tác phẩm của quân biệt kích Ukraine.

Theo thông tấn xã TASS, phe ly khai thân Nga gọi vụ nổ là một “cuộc tấn công khủng bố” do chính quyền Ukraine tổ chức.

Mặc dù Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn loại bỏ các tỉnh Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine khỏi sự kiểm soát của Kyiv, nhưng họ không có dấu hiệu muốn từ bỏ các vùng lãnh thổ khác mà họ đã chiếm giữ kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Các lực lượng Nga đã chiếm một phần khu vực Kharkiv, nhưng thành phố Kharkiv – là thành phố lớn thứ hai của Ukraine - vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv.

Thông tấn xã TASS cho biết phe ly khai do Nga hậu thuẫn sẽ đặt trụ sở hành chính tại thành phố Kupyansk, phía đông vùng Kharkiv. Một cựu cảnh sát trưởng, Vitaliy Ganchev, sẽ đứng đầu chính quyền.

Chính quyền Nga trước đây đã thành lập các cơ quan hành chính ủng hộ Mạc Tư Khoa ở khu vực Kherson phía nam đang bị tạm chiếm và khu vực Zaporizhia bị chiếm đóng một phần.

Các cuộc tấn công nhằm vào các quan chức thân Mạc Tư Khoa đã gia tăng ở cả hai khu vực trong những tuần gần đây.

Cũng trong ngày thứ Hai, phe ly khai ở Zaporizhia báo cáo rằng Andrei Siguta, quận trưởng Melitopol do Nga cài đặt, đã thoát chết trong một vụ mưu sát khi một biệt kích quân xả súng vào nhà ông ta.

Vào ngày 24 tháng 6, một quan chức cấp cao trong chính quyền khu vực Kherson do Nga cài đặt cũng đã bị giết bằng một quả bom.

Ngày hôm sau, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine từ chối bình luận về những nỗ lực kháng chiến của các đảng phái tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng nói với hãng tin Reuters rằng “những kẻ phản bội Ukraine và tất cả những kẻ khốn khổ đến đây để phá hoại đất nước chúng tôi sẽ bị tiêu diệt”.

Nga gọi cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” và nói rằng họ phải hành động để bảo vệ những người nói tiếng Nga của Ukraine khỏi bị đàn áp và chặn đứng mối đe dọa của phương Tây đối với an ninh của Nga.

Kyiv và phương Tây cho rằng đây là những tiền đề vô căn cứ cho một cuộc chiến tranh chinh phục đế quốc.

3. Di sản của Abe? Nhật Bản thức tỉnh trước chủ nghĩa bành trướng Đại Hán

Vào ngày lễ tang của Cố Thủ Tướng Shinzo Abe, tờ Sydney Morning Herald có bài tường trình sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi mọi người phàn nàn về sự toàn thắng của nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1980, nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu đã nói với họ rằng hãy bằng lòng với điều đó. Hãy để người Nhật có được những thành công mỹ mãn về thương mại vì “họ là những chiến binh vĩ đại hơn là những thương gia. Đừng đánh giá sai họ. Tôi không nghĩ rằng họ đã đánh mất những phẩm chất thượng võ”.

Nói cách khác, hãy vui vì họ đang kiếm tiền miễn là họ không gây chiến. Hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản, được Hoa Kỳ áp đặt lên quốc gia bại trận năm 1947 trong cuộc chiếm đóng của Đồng minh, đã cấm điều đó. Điều 9 nổi tiếng trong Hiến Pháp viết: “Nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền lợi thuộc chủ quyền quốc gia”.

Công việc để đời của Shinzo Abe, người bị ám sát vào thứ Sáu, là thay đổi điều đó. Abe muốn Nhật Bản có được sự thịnh vượng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng như có khả năng chiến tranh, nếu cần.

Với tư cách là thủ tướng, và sau đó là lãnh đạo của 5 phe phái lớn nhất trong đảng cầm quyền, ông đã cố gắng tháo gỡ những ràng buộc để đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”.

Ngày nay, nhờ vụ giết hại Abe, Nhật Bản đã gần đạt được mục tiêu này hơn bất cứ lúc nào khác kể từ khi hiến pháp năm 1947 được viết ra. Cái chết gây sốc của ông đã tạo ra một làn sóng ủng hộ thêm cho đảng của ông, Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là LDP, cầm quyền lâu đời, trong cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật để bầu bán phần thượng viện Nhật Bản.

Trước khi ông bị bắn, chính phủ liên minh của LDP đã được dự đoán sẽ giành được khoảng 60 ghế, gần với 63 ghế cần thiết để thông qua các dự luật. Nhưng sau khi ông bị bắn, LDP đã thắng áp đảo, giành được 76 ghế.

Tất nhiên, điều này giúp chính phủ thông qua các dự luật của mình, nhưng nó cũng làm thay đổi triển vọng cho việc sửa đổi lịch sử Điều 9 của hiến pháp. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần đến đa số hai phần ba của cả hai viện của quốc hội. Cho đến hôm Chúa Nhật, đa số 2/3 ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 chỉ đạt được ở Hạ Viện. Ngày nay, nhờ sự gia tăng vào hôm Chúa Nhật của LDP, điều đó cũng đã xảy ra ở Thượng Viện.

Điều này là cần thiết nhưng không đủ. Bất kỳ thay đổi nào cũng phải giành được sự ủng hộ của đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý. Và điều đó có thể sẽ rất khó khăn, với việc dư luận được phân chia khá đồng đều trong các cuộc thăm dò gần đây nhất về vấn đề này. Nhưng Tổng thư ký LDP, Toshimitsu Motegi, cho biết hôm Chúa Nhật rằng đảng của ông sẽ nỗ lực sửa đổi Điều 9 “càng sớm càng tốt”.

Nhật Bản hiện đang thận trọng xem xét việc loại bỏ chủ nghĩa hòa bình trong hiến pháp của mình để có thể sử dụng lực lượng quân sự như một công cụ trong chính sách đối ngoại của mình. Bạn có thể nói rằng sự tử vì đạo vô tình của Abe đã giúp ông đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia bình thường”.

Abe không thể làm được điều đó nếu không có Tập Cận Bình. Thái độ hiếu chiến trâng tráo của nhà độc tài của Trung Quốc là đồng minh không thể thiếu của ông Abe trong việc thuyết phục người dân Nhật Bản tin rằng đã đến lúc phải tái vũ trang.

Người dân Nhật Bản đã cam kết sâu sắc với hiến pháp hòa bình của đất nước trong 75 năm.

Abe cần một mối đe dọa đáng tin cậy để thuyết phục người dân bước ra khỏi cơ sở bảo thủ của mình. Lúc đầu, ông tận dụng sự nguy hiểm của chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng chỉ điều này thì không đủ thuyết phục.

Tập Cận Bình lấp đầy chỗ trống. Với sự xâm phạm ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với lãnh thổ của các nước láng giềng, bao gồm cả Nhật Bản, Tập đã khiến Nhật Bản thức tỉnh trước nhu cầu phải tái vũ trang và tái động viên.

Abe đã không chờ đợi sự sửa đổi chính thức của hiến pháp. Ông thực hiện một loạt các bước tăng dần. Ông đã tăng ngân sách cho Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản. Ông đã phá vỡ giới hạn lâu nay giữ chi tiêu quốc phòng dưới 1% tổng thu nhập quốc dân cho đến ngày nay là 1,1%. Ông đã ủy thác việc hoán cải hai tàu chiến thành hàng không mẫu hạm.

Ông đã thông qua quốc hội một đạo luật cho phép quân đội Nhật Bản hoạt động cùng với các lực lượng của Mỹ và của các đồng minh khác, bao gồm cả Úc Đại Lợi. Và ông đã đi đầu trong phản ứng của thế giới dân chủ đối với sự hung hăng của Bắc Kinh với ba đổi mới trong chính sách.

Đầu tiên là Tứ Cường. Abe quan niệm nó ở cấp các quan chức; Joe Biden sau đó đã triệu tập nó ở cấp lãnh đạo để đưa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ lại với nhau để “cân bằng” trước sức mạnh của Bắc Kinh.

Thứ hai là mục tiêu chính sách về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, hiện được các nền dân chủ ở khắp mọi nơi chấp nhận làm khuôn khổ khái niệm cho các chính sách và hoạt động của họ.

Thứ ba, theo lời của cựu đại sứ Australia tại Nhật Bản, Bruce Miller, Abe đã “đặt ra khuôn mẫu mà hầu hết các nước phương Tây áp dụng” trong việc đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình: Đó là “giữ vững chủ quyền và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện nào của Trung Quốc để đổi lấy việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao, nhưng cũng không áp dụng một giọng điệu thách thức và vẫn sẵn sàng tham gia với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể hợp tác được.”

Và đây là một bản tóm tắt tốt về quan điểm mới của chính phủ Albanese. Khi Penny Wong gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, hôm thứ Sáu, bà không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của Bắc Kinh. Thật vậy, quốc gia nhượng bộ là Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã phải đảo ngược lệnh cấm tiếp xúc chính trị ba năm với Úc để cho phép các cuộc gặp với Wong và trước đó là với Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles.

Đồng thời, các bộ trưởng Úc đã bỏ “giọng điệu thách thức” của chính phủ Morrison. Chúng ta thương tiếc Shinzo Abe như một người bạn, nhưng thế giới mất đi sự thông thái của ông ấy.

Vương Nghị đã đưa ra bốn điều kiện tiên quyết mới cho bất kỳ sự nhượng bộ nào nữa của Bắc Kinh, bao gồm yêu cầu “chúng ta phải tuân thủ xây dựng một nền tảng xã hội tích cực và thực dụng của dư luận”. Điều này cho thấy sự nhầm lẫn sâu sắc của Trung Quốc đối với chức năng của dư luận xã hội trong các nền dân chủ.

Khi được hỏi quan điểm của mình, Albanese hôm thứ Hai cho biết: “Australia không đáp ứng các yêu cầu” nhưng “chúng tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu chúng tôi có thể”.

Sau khi rời ghế thủ tướng, Abe tiếp tục thúc đẩy sự phản kháng mạnh mẽ hơn đối với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của ông Tập. Ông đã phá vỡ hai điều cấm kỵ trong năm ngoái.

Abe đề xuất Nhật Bản xem xét chia sẻ với Mỹ trách nhiệm về “chiếc ô hạt nhân” bảo vệ các đồng minh của Mỹ. Và ông nói rằng bất kỳ “cuộc khủng hoảng Đài Loan” nào cũng sẽ là “cuộc khủng hoảng Nhật Bản”. Đây là một sự khích lệ để Nhật Bản cam kết bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc đại lục.

Sự thịnh vượng và chủ nghĩa hòa bình dường như không còn đủ đối với Nhật Bản ngày nay. Càng ngày, Nhật Bản càng tích cực bảo vệ tự do và trật tự thế giới. Hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào khác, Abe đã đưa đất nước phát triển đến thời điểm này. Và trước “các phẩm chất thượng võ” của Nhật Bản, tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình xem ra sẽ còn bị thử thách.

4. Quân đội Ukraine phá hủy sở chỉ huy di động của Nga ở Tavriisk

Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy một sở chỉ huy di động của Nga ở Tavriisk, vùng Kherson.

Serhii Khlan, phó hội đồng khu vực và cố vấn cho người đứng đầu cơ quan quân sự khu vực, cho biết điều này trong báo cáo hôm thứ Ba 12 tháng 7.

“Theo thông tin sơ bộ, những âm thanh được nghe thấy vào ban đêm ở Kakhovka và gần đó là do Lực lượng vũ trang của chúng tôi ở Tavriisk tấn công trực tiếp,” Khlan viết.

Theo ông, các lực lượng Ukraine đã phá hủy sở chỉ huy di động, thiết bị quân sự, radar và ăng-ten của đối phương, và các hệ thống phòng không do quân đội Nga triển khai ở đó. Ông cũng nói thêm rằng có thương vong rất lớn trong số các binh sĩ Nga.

5. Cuộc họp của các ngoại trưởng G20 ở Bali yêu cầu Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

Theo một quan chức phương Tây có mặt tại cuộc họp các ngoại trưởng G20 ở Bali, các tham dự viên đã đồng thuận yêu cầu Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Theo Reuters, quan chức này cho biết:

Chúng tôi hy vọng kết quả của cuộc họp này là Nga nhận thấy sự đồng thuận rộng rãi như thế nào về sự cần thiết phải đạt được tiến bộ trong vấn đề ngũ cốc.

Quan chức này cho biết vẫn còn phải xem liệu cuộc họp có tạo ra thay đổi thực sự hay không.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov, đã không có mặt trong nhiều buổi chiều của cuộc họp G20 ở Bali và đã rời khỏi phòng sau khi đưa ra nhận xét của mình, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết.

Borrell mô tả hành vi của Ngoại trưởng Lavrov là “không được tôn trọng cho lắm” sau khi Bộ trưởng Nga rời cuộc họp G20 sớm sau khi nói rằng Nga không xâm lược Ukraine, cũng chẳng phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và rằng các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Nga tương đương với một lời tuyên chiến.

Trong một bài giảng ngắn gọn nghiêm khắc, Lavrov nói:

Nếu phương Tây không muốn các cuộc đàm phán diễn ra nhưng lại mong muốn Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường - bởi vì cả hai quan điểm đã được bày tỏ - thì có lẽ không có gì để nói về phương Tây.

Nga đã phong tỏa hàng hải của Ukraine, chặn đứng gần như tất cả các cơ hội xuất khẩu qua đường hàng hải các loại thực phẩm như ngũ cốc, lúa mạch, hướng dương.

Chiến lược này gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực tại các nước Phi Châu, Âu Châu, Á Châu, nơi vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm lương thực này của Ukraine.

Theo Liên Hiệp Quốc, trước chiến tranh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì và sản xuất ngô lớn nhất thế giới. Nhiều quốc gia dựa vào nguồn cung cấp lúa mì của Ukraine. Các chính phủ phương Tây đã nhiều lần cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và nạn đói ở một số quốc gia do cuộc chiến chống Ukraine của Nga. Vào tháng 3, Liên Hiệp Quốc đã báo cáo giá lương thực tăng hơn 12%, là mức cao kỷ lục kể từ năm 1990. Đầu tháng Sáu, giá lương thực đã tăng hơn 30% ở nhiều nước trên thế giới. Tại Indonesia nơi đang diễn ra hội nghị G20, giá lương thực đã tăng hơn 45% so với tháng Hai vừa qua.

Giá cả tăng cao và gián đoạn nguồn cung đã gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm ở Trung Đông, Phi Châu và các khu vực Á Châu, nơi dân số thường xuyên bị suy dinh dưỡng.

Gần 4 tháng qua, Ukraine đã không thể vận chuyển ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác do bị phong tỏa, làm dấy lên bóng ma về tình trạng thiếu lương thực thảm khốc trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Phi Châu và Á Châu.

6. Tám tàu nước ngoài vào các cảng Ukraine để lấy ngũ cốc

Tám tàu nước ngoài đầu tiên đã đến các cảng của Ukraine để xuất khẩu nông sản, trong khi Hải quân Ukraine tham gia bảo đảm vận chuyển an toàn.

“Theo yêu cầu của Bộ Cơ sở hạ tầng, Lực lượng Hải quân thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đã tham gia nỗ lực bảo đảm vận chuyển nông sản bằng tàu dân sự qua cửa Bystre của kênh Danube-Hắc Hải. Nhóm 8 tàu nước ngoài đầu tiên đã đến các cảng của Ukraine.”

Cần lưu ý rằng việc sử dụng kênh này trở nên khả thi nhờ việc giải phóng Đảo Rắn khỏi quân chiếm đóng của Nga, điều này “cho phép các lực lượng kiểm soát tình hình trên mặt đất và một phần trên không ở miền nam Ukraine. Trước đây, quân xâm lược Nga đã từng chặn đường đi lại của các tàu thuyền dân sự ở miền Nam Ukraine.

Hải quân nhấn mạnh rằng trước đó, do việc giao thông dân sự bị phong tỏa, các công ty vận tải biển buộc phải sử dụng kênh đào Sulina, dẫn đến việc tập trung một số lượng lớn tàu thuyền và giao thông đáng kể tại kênh đào này.

Như đã đưa tin, do sự hung hăng của Nga và việc ngăn chặn hàng hải ở Hắc Hải, hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, một phần lớn trong số đó được Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc mua, để chống lại khủng hoảng toàn cầu về lương thực. Bằng cách khôi phục một phần hoạt động xuất khẩu nông sản bằng đường sông, Ukraine góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Hầu hết các cảng của Ukraine vẫn đóng cửa khi quân đội Nga tiếp tục tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng và tàu thuyền dân sự ở Hắc Hải. Gần đây quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào tàu Millennial Spirit treo cờ của Moldova, đánh con chìm tàu.
 
Đức Tổng Giám Mục Tokyo: Bạo lực chính trị đằng sau vụ ám hại cựu Thủ tướng Abe. Cảnh sát Nhật không tin sát thủ
VietCatholic Media
05:43 12/07/2022


1. Những người biểu tình phò phá thai đã làm gián đoạn Thánh lễ tại nhà thờ Công Giáo ở Chicago

Theo bản tin của giáo xứ, những người phản đối việc phá thai đã nhanh chóng bị hộ tống ra khỏi thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse ở Chicago.

Một đoạn video về cuộc biểu tình ngày 26 tháng 6 cho thấy những người biểu tình đứng lên khỏi băng ghế trong Thánh lễ và tiến vào lối đi để bắt đầu một cuộc biểu tình. Một trong những người biểu tình sau đó có thể được nghe đọc to tuyên bố của Hồng Y Blase Cupich của Chicago liên quan đến quyết định của Tòa án Tối cao trong Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, đã trả lại quy định phá thai cho các bang.

“Đây là tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Chicago,” người biểu tình hét lên trong Thánh lễ 11 giờ sáng. Người biểu tình chỉ đọc được câu đầu tiên của vị Hồng Y trước khi ai đó hét lên, “Ra khỏi đây! Chúng ta đang ở trong nhà thờ! “

Có thể nghe thấy nhiều tiếng la hét nhắm vào những người biểu tình: “Hãy ra khỏi nơi này!” và “Đây là nhà thờ!”

Những người biểu tình đã cầm những tấm biển bài Công Giáo. Khoảng 20 giây trong đoạn video, một viên chức cảnh sát có thể được nhìn thấy đang tiếp cận những người biểu tình, những người đang hét lên những lời hô hào ủng hộ việc phá thai.

Cảnh sát và những người khác có thể được nhìn thấy hộ tống những người biểu tình khỏi nhà thờ; một số người biểu tình được nhìn thấy la hét và kháng cự.

Trong một bản tin ngày 3 tháng 7, Cha Sở nhà thờ, là Cha Lawrence Lisowski, đã nói về thời điểm khi cuộc biểu tình kết thúc: “Sau một vài phút, chúng tôi đã có thể lấy lại bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện.”

“Chắc chắn những khoảnh khắc như thế này rất đáng lo ngại,” ngài nói thêm. Cha Lawrence nói rằng giáo xứ đã phải thuê nhân viên an ninh cho các thánh lễ cuối tuần, lễ cưới và các sự kiện của giáo xứ trong ba năm qua.

“Đáng buồn thay, đây là dấu hiệu của thời đại chúng ta, và là sự phản ánh của thế giới mong manh mà chúng ta đang sống”.

Illinois là một trong những tiểu bang có luật phá thai cực đoan tại Hoa Kỳ. Vào năm 2019, Illinois đã thông qua luật tuyên bố phá thai là “quyền cơ bản” trong tiểu bang và bãi bỏ tất cả các hạn chế. Và vào tháng 12 năm 2021, một luật đã được thông qua bãi bỏ yêu cầu rằng trẻ vị thành niên trong tiểu bang phải thông báo cho cha mẹ trước khi phá thai.

Một video của một nhóm phò phá thai tại Chicago cũng nhắm vào hoạt động phò sinh quốc tế của Giáo Hội Công Giáo. Nó kêu gọi làm gián đoạn nhiều Thánh lễ hơn, và khuyến khích mọi người phá phách các trung tâm trợ giúp mang thai. Video đó cũng liệt kê danh sách tất cả các nhà thờ trong Tổng giáo phận Chicago và bản đồ các trung tâm trợ giúp mang thai trên toàn quốc.

Mặc dù có thể thấy cảnh sát hộ tống những người biểu tình ra khỏi nhà thờ, nhưng vẫn chưa rõ liệu có ai bị bắt hay bị buộc tội hay không. Phát ngôn nhân của Sở Cảnh sát Chicago cho biết họ không thể tìm thấy “bất kỳ cuộc gọi dịch vụ hoặc báo cáo nào được nộp” tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse vào ngày 26 tháng Sáu.

Các nhà thờ Công Giáo và các trung tâm trợ giúp mang thai đã bị tấn công trong một loạt các vụ phá hoại trên toàn quốc. Các báo cáo về các cuộc tấn công đã tăng tốc sau khi dự thảo quyết định của Tòa án Tối cao ngày 2 tháng 5 bị rò rỉ cho thấy các thẩm phán đã sẵn sàng để lật đổ Roe.
Source:Catholic News Agency

2. Tổng giám mục Tokyo lên án bạo lực chính trị sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản bị giết

Sau khi một tay súng bắn cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc mít tinh vận động tranh cử vào thứ Sáu, ngày 8 tháng 7, ở miền Tây Nhật Bản, Đức Tổng Giám Mục Isao Kikuchi của Tokyo nói, “bạo lực giết chết nền dân chủ”.

Ông Abe đang vận động cho các ứng cử viên địa phương ở Nara thì một người bắn vào lưng ông từ cự ly gần bằng một khẩu súng tự chế. Ông được đưa đến bệnh viện bằng máy bay nhưng các quan chức cho biết ông không thở được và tim đã ngừng đập. Bệnh viện đã xác nhận cái chết của anh ta. Cảnh sát đã bắt giữ kẻ tình nghi xả súng tại hiện trường.

Thủ tướng Fumio Kishida và các bộ trưởng trong nội các của ông đã vội vàng trở về Tokyo sau các sự kiện vận động tranh cử trên khắp đất nước sau vụ xả súng, mà Kishida gọi là “tồi tệ và man rợ.”

Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông đã tại vị hai lần, lần đầu tiên từ năm 2006-2007 và sau đó là từ năm 2012-2020. Là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ, ông đã gây tranh cãi vì quan điểm tái quân sự hóa Nhật Bản nhằm đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và quan điểm xét lại của ông về các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Đức Tổng Giám Mục Kikuchi nói rằng ngài “vô cùng đau buồn và sốc khi nghe tin về vụ tấn công nhằm vào cựu thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe.”

Đức Tổng Giám Mục cũng bày tỏ âu lo là bạo lực chính trị có thể đang xảy ra ở Nhật Bản.

Ngài nói: “Sau hơn 70 năm kể từ khi hiến pháp hiện tại được ban hành vào năm 1947, với mong muốn thiết lập hòa bình mạnh mẽ, nguyên tắc dân chủ dựa trên quyền tự do ngôn luận và bầu cử được coi là giá trị cốt lõi của xã hội này.”

Đức Tổng Giám Mục Kikuchi nhấn mạnh rằng: “Có sự khác biệt về quan điểm trong xã hội về tất cả các vấn đề; và sự đối kháng chính trị giữa các chính trị gia đã khiến họ chiến đấu với nhau. Tuy nhiên, cuộc chiến này đã được thực hiện bằng tranh luận chứ không phải bằng bạo lực.”

“Bạo lực giết chết nền dân chủ. Bạo lực giết chết tự do. Bạo lực giết chết công lý. Sự khác biệt về quan điểm chính trị phải được giải quyết thông qua đối thoại và biểu quyết trong tự do. Không ai có quyền sử dụng bạo lực để bịt miệng những người chống đối. Chỉ có đối thoại mới cung cấp giải pháp thực sự để hiện thực hóa công lý và hòa bình.”

Các nhà lãnh đạo đối lập ở Nhật Bản lên án vụ tấn công là một thách thức đối với nền dân chủ của Nhật Bản.

Khi từ chức thủ tướng vào năm 2020, Ông Abe nói rằng ông đã bị tái phát bệnh viêm loét đại tràng mà ông đã mắc phải từ khi còn là một thiếu niên.

Ông nói với các phóng viên vào thời điểm đó rằng thật “đau thắt ruột” khi bỏ dở nhiều mục tiêu của mình. Ông nói về thất bại của mình trong việc giải quyết vấn đề người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc nhiều năm trước, tranh chấp lãnh thổ với Nga và việc sửa đổi hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản.
Source:Crux

3. Cử chỉ hôn kính có ý nghĩa gì trong phụng vụ?

“Các linh mục hôn lên thánh giá, bàn thờ hoặc các sách Tin Mừng là những cử chỉ mà bất kỳ tín hữu nào cũng có thể nhận thấy trong Thánh lễ,” Cha Marco Benini nói với trang web Katholisch.de của Đức như trên.

Để giúp mọi người khám phá ý nghĩa của những cử chỉ này, ngài giải thích chúng theo cấu trúc của phụng vụ, bắt đầu với khoảnh khắc khi linh mục hôn lên dây stôla của ngài trong phòng thánh. Mặc dù cử chỉ này không còn được yêu cầu bởi cuộc cải cách phụng vụ, nhưng nó có thể được thực hiện để chuẩn bị “ý thức cho việc phụng sự của ngài tại bàn thờ”.

Sau đó Thánh lễ bắt đầu và các linh mục và phó tế hôn bàn thờ ở đầu và cuối của Bí tích Thánh Thể, đó là một “nghi thức quan trọng để chào hỏi và từ biệt”. Vì bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, những nụ hôn trong trường hợp này là “dấu hiệu chân thành của tình yêu và lòng sùng kính”.

Những cử chỉ này được truyền cảm hứng từ những hành động được thực hành từ thời Cổ đại và trong đạo Do Thái. Sau đó, chúng trở nên đặc biệt phổ biến vào thời Trung cổ, đặc biệt là khi có các thánh tích hiện diện trên bàn thờ. Thật thú vị, nụ hôn trên bàn thờ có thể được thay thế bằng một dấu hiệu tôn trọng khác, chẳng hạn như chạm trán, được thực hiện trong các nhà thờ Nhật Bản.

Cha Marco Benini sau đó giải thích hôn Phúc âm, kèm theo lời cầu nguyện chuẩn bị cho linh mục và lời chúc lành của linh mục cho một phó tế. Ngài nhấn mạnh nụ hôn không phải là hôn các sách Phúc âm mà là Chúa Kitô, Đấng đang hiện diện vào lúc Phúc âm được công bố.

Cha Marco Benini cũng không quên đề cập đến “nụ hôn hòa bình”, một nghi lễ đã tồn tại vào thế kỷ thứ hai và là một dấu hiệu của tình anh em. Ngày nay nó được thay thế bằng một cái bắt tay đơn giản, hoặc một cái gật đầu, đặc biệt là kể từ sau đại dịch.


Source:katholisch.de
 
Ukraine tấn công mạnh ở Kherson, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn Nga tử trận. Nhóm biệt kích Nga không may
VietCatholic Media
15:32 12/07/2022


1. Ukraine tấn công mạnh vào Kherson, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn Nga tử trận

Trong bản báo cáo chiều thứ Ba 12 tháng Bẩy, Ukraine cho biết họ đã giết một tướng Nga khác, trong một cuộc tấn công trong đó lực lượng của Kyiv sử dụng vũ khí mới nhất do Mỹ cung cấp.

Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên của quân đội khu vực Odessa, cho biết các lực lượng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến Thiếu tướng Artem Nasbulin, Tư Lệnh Quân đoàn 22 sau khi hỏa tiễn HIMARS bắn trúng sở chỉ huy ở Kherson miền nam Ukraine.

Buổi sáng thứ Ba, Ukraine cho biết họ đã tấn công HIMARS vào một sở chỉ huy di động ở Tavriis, thuộc vùng Kherson, nhưng chưa cho biết thiệt hại. Chiều thứ Ba, quân Ukraine đã tràn ngập căn cứ này, trước khi công bố cái chết của Thiếu tướng Artem Nasbulin.

Nasbulin là vị tướng thứ 12 của Nga thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2. Việc Ukraine tuyên bố rằng họ đã giết các chỉ huy Nga giúp lực lượng của họ lên tinh thần đáng kể mặc dù hầu hết chúng chưa được xác nhận bởi Mạc Tư Khoa và Bộ Quốc phòng Nga, mà Newsweek đã liên hệ. Nga hiếm khi bình luận về những tổn thất như vậy.

Một số tài khoản Telegram cho biết Thiếu tướng Artem Nasbulin đã thiết lập một sở chỉ huy lưu động để trực tiếp can thiệp vào chiến sự trong vùng vì quân Nga xuống tinh thần liên tục rút lui. Ông phải trực tiếp đốc thúc họ. Điều này đã dẫn đến cái chết của ông.

Cũng không rõ xác Thiếu tướng Artem Nasbulin đang nằm trong tay quân Ukraine hay quân Nga đã có thể mang theo thi hài ông khi rút chạy khỏi Tavriis trong bối cảnh quân Ukraine tấn công dữ dội bằng HIMARS.

Ukraine cho biết họ đã thực hiện các cuộc tấn công đáng kể chống lại lực lượng Nga bằng cách sử dụng hệ thống HIMARS nằm trong gói hỗ trợ quân sự do Mỹ công bố. Loại vũ khí này có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 50 dặm hay 80 km, xa hơn nhiều so với trọng pháo M777, mà Mỹ cũng đã trao cho Ukraine.

Trước khi có sự xuất hiện của HIMARS, thành phố Kherson phía nam mà Nga chiếm giữ từ rất sớm trong cuộc chiến, đã nằm ngoài tầm với nhưng Kyiv hy vọng rằng việc cung cấp vũ khí sẽ giúp xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống lại quân đội của Mạc Tư Khoa.

Các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin rằng trong một cuộc tấn công trước đó, HIMARS đã cho phép lực lượng của họ tấn công một sở chỉ huy trong một cuộc tấn công mà họ nói rằng 12 sĩ quan Nga và một đại tá đã thiệt mạng.

Hôm thứ Ba Ukraine cũng công bố một đoạn video cho thấy các hỏa tiễn tấn công gần nhà máy điện Nova Kakhovka. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine tuyên bố rằng nó đã phá hủy vũ khí của Nga và giết chết 200 binh sĩ Nga, theo tường trình của Serhii Khlan, cố vấn của người đứng đầu quân đội khu vực Kherson.

Igor Girkin, một cựu chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, đã bày tỏ lo ngại về hỏa lực từ vũ khí do Mỹ cung cấp cho lực lượng Ukraine.

Ông cho biết trên mạng xã hội rằng trong vòng chưa đầy một tuần, Nga đã phải hứng chịu “tổn thất lớn cả về người và thiết bị” trong các cuộc tấn công nhằm vào ít nhất 10 kho lớn pháo và đạn dược khác, một số kho dầu và một số sở chỉ huy. Ông nói rằng các hệ thống phòng không của Nga đã “không hiệu quả trước các cuộc tấn công lớn của hỏa tiễn HIMARS.”

2. Nga tung nhóm biệt kích vào Donetsk. Tử trận ngay vài giờ sau đó.

Trong bản báo cáo hôm thứ Ba 12 tháng 7, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết hôm thứ Hai “Các lực lượng đặc biệt của Vệ binh Quốc gia đã tiêu diệt một nhóm biệt kích Nga ở khu vực Donetsk. Ngoài các thiết bị quân sự, nhóm biệt kích này còn sử dụng các xe hơi dân dụng và đồ ngụy trang. Tuy nhiên, các lực lượng biên phòng đã phát hiện ra chúng trên đường đi và chờ thời cơ để thực hiện các cuộc tấn công chính xác từ pháo binh và thả VOG từ máy bay không người lái.”

VOG-17 là loại lựu đạn 30 ly có từ thời Liên Xô được thiết kế cho súng phóng lựu tự động AGM-17. Nó đã được sửa đổi thành hỏa tiễn có thể thả thẳng đứng từ máy bay không người lái xuống.

Newsweek đã liên hệ với Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine để có thêm bình luận, cũng như Bộ Quốc phòng Nga, nhưng chưa nhận được hồi âm vào thời điểm viết bài.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà Điện Cẩm Linh vẫn gọi là “một chiến dịch quân sự đặc biệt”. Thứ Ba đánh dấu ngày thứ 139 của cuộc xâm lược.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 11 tháng 7, Nga đã mất khoảng 37.400 nhân viên, 1.645 xe tăng, 3.828 phương tiện chiến đấu bọc thép, 838 đơn vị pháo binh, 247 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 110 hệ thống phòng không, 217 máy bay chiến đấu., 188 máy bay trực thăng, 676 máy bay không người lái, 155 hỏa tiễn hành trình, 15 tàu chiến, 2.696 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu, cùng 66 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Quân đội Ukraine cho biết trong 24 giờ qua quân phòng thủ đã ngăn chặn thành công cuộc tấn công của quân Nga vào Krasnopillia đồng thời ngăn chặn người Nga thực hiện cuộc tấn công vào Marinka ở vùng Donetsk.

Văn phòng Tổng công tố Ukraine tuyên bố rằng Nga đã thực hiện hơn 22.500 tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược Ukraine.

3. Ukraine bác bỏ các luận điệu không đúng sự thật của Nga

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraine đã lên tiếng bác bỏ các luận điệu không đúng sự thật của Nga.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết trong một bài phát biểu diều hâu trước các nhà lãnh đạo quốc hội, bất kỳ triển vọng nào cho các cuộc đàm phán hòa bình sẽ ngày càng mờ nhạt khi xung đột kéo dài. Putin ngạo nghễ tuyên bố rằng: “Mọi người nên biết rằng, nhìn chung, chúng ta vẫn chưa bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm túc. Đồng thời, chúng ta không bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng những người từ chối những cuộc đàm phán nên biết rằng càng đi xa, họ càng khó thương lượng với chúng ta.”

Thứ trưởng Hanna Maliar nhận xét rằng trái với các tuyên bố huênh hoang của Putin cho rằng quân đội Nga 'thậm chí còn chưa bắt đầu các nỗ lực nghiêm túc ở Ukraine’, Nga đã cạn kiệt vũ khí và phải tung ra các vũ khí và thiết bị được sản xuất từ những năm 1950.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố rằng họ đã giết các quân nhân Ukraine đang cố gắng kéo cờ của Ukraine trên Đảo Rắn mới chiếm lại gần đây, nhưng Thứ trưởng Hanna Maliar khẳng định không có bất kỳ quân nhân nào của Ukraine trên đảo bị thiệt mạng.

Cô cảnh báo người dân Nga đừng để bị Putin tiếp tục lừa gạt, đưa đẩy người thân vào cuộc chiến tại Ukraine.

4. Quân đội Nga không được nghỉ ngơi là vấn đề 'gây thiệt hại' nặng

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết việc quân đội Nga không có thời gian nghỉ ngơi trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine có thể là “một trong những vấn đề gây thiệt hại nhất” trong số nhiều vấn đề nhân sự mà nước này đang phải đối mặt trong cuộc xung đột.

Trong bản cập nhật tình báo hàng ngày của mình vào hôm thứ Hai, Bộ đã nhấn mạnh một báo cáo xuất hiện vào cuối tháng 6 tuyên bố rằng những người vợ Nga đã cầu xin những người lính “kiệt sức” được trở về nhà.

Dưới đây là toàn văn nhận định của từ Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh.

Liên quan đến tình hình hôm Chúa Nhật ngày 10 tháng 7, các cuộc pháo kích của Nga vẫn tiếp tục ở khu vực phía bắc Donbas, nhưng có lẽ không có bất kỳ bước tiến lớn nào về mặt lãnh thổ.

Các lực lượng Ukraine tiếp tục gây áp lực cục bộ lên tuyến phòng thủ của Nga ở khu vực Đông Bắc Kherson, cũng có thể chưa đạt được lợi ích về lãnh thổ.

Vào cuối tháng 6, một cơ quan truyền thông tiếng Nga có trụ sở tại vùng Hồ Baikal, miền đông nước Nga đã đăng tải một đoạn video trong đó vợ của các binh sĩ thuộc Quân khu Liên hợp vũ khí 36 của Quân khu miền Đông, gọi tắt là EMD, trực tiếp kêu gọi một chính trị gia địa phương cho chồng họ trở về nhà sau khi phục vụ ở Ukraine.

Một phụ nữ tuyên bố rằng các nhân viên của Lữ đoàn xe tăng cận vệ biệt lập số 5 của EMD 'kiệt quệ về tinh thần và thể chất', bởi vì họ đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tích cực kể từ khi phát động 'cuộc hành quân đặc biệt' vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Việc không có thời gian nghỉ theo lịch trình do điều kiện chiến đấu căng thẳng rất có thể là một trong những tác hại lớn nhất trong số nhiều vấn đề về nhân sự mà Bộ Quốc phòng Nga đang phải vật lộn để khắc phục giữa các lực lượng đã được triển khai.

5. Ukraine xây dựng quân lực lên đến hàng triệu người

Tờ The Times of London đưa tin rằng Ukraine có ý định tích lũy một “đội quân hàng triệu người thật mạnh” để chống lại Nga, trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov.

Bộ trưởng nói rằng việc giao vũ khí của phương Tây cho đất nước của ông cần được tăng tốc để có thể tiếp nhận quân đội của Putin.

“ Chúng tôi cần nhiều hơn nữa, nhanh chóng, để cứu sống những người lính của chúng tôi. Reznikov nói: Mỗi ngày, chúng tôi chờ đợi pháo binh, chúng tôi có thể mất cả trăm binh sĩ.”

“Chúng tôi có khoảng 700.000 trong các lực lượng vũ trang và khi bạn cộng thêm lực lượng bảo vệ quốc gia, cảnh sát, biên phòng, chúng tôi có khoảng một triệu người,” ông nói thêm.

6. Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đã gặp Volodymyr Zelenskiy tại Kyiv để nhắc lại sự ủng hộ của đất nước ông đối với Ukraine “bây giờ và trong những năm tới”.

Cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài hơn bất kỳ ai mong đợi, Thủ tướng Rutte cảnh báo trong chuyến thăm thủ đô.

Trong chuyến đi đầu tiên đến Kyiv kể từ khi Ukraine bị Nga xâm lược, Rutte cho biết đất nước của ông sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều pháo tầm xa hơn và một gói viện trợ trị giá 200 triệu euro.

Thủ tướng Rutte nói:

Cuộc chiến này có thể kéo dài hơn tất cả những gì chúng ta dự đoán. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể ngồi lại và thụ động xem nó diễn ra như thế nào.

Chúng ta phải tập trung và tiếp tục hỗ trợ Ukraine hàng ngày về mặt chính trị, bằng cách thường xuyên và công khai nêu rõ sự ủng hộ của chúng ta, bằng cách giữ vững áp lực lên nước Nga của Putin, và bằng cách tăng cường hợp tác chính trị với Ukraine song phương và đa phương.

Sau cuộc gặp của họ, Zelenskiy hoan nghênh các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” với nhà lãnh đạo Hà Lan và quyết định của Hà Lan cung cấp vũ khí cho Ukraine.

7. Tòa Bạch Ốc: Nga nhận máy bay không người lái 'có trang bị vũ khí' của Iran

Nguy cơ thế chiến thứ ba đã tăng lên một mức độ mới sau khi Hoa Kỳ cảnh báo rằng Iran đang tích cực tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine qua việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga cũng như huấn luyện các binh sĩ Nga sử dụng các khí tài chiến tranh này.

Tòa Bạch Ốc cho biết Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga “hàng trăm” máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí, để sử dụng trong cuộc xâm lược đang diễn ra vào Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết không rõ liệu Iran đã cung cấp bất kỳ hệ thống không người lái nào cho Nga hay chưa, nhưng cho biết Mỹ có “thông tin” cho thấy Iran đang chuẩn bị huấn luyện các lực lượng Nga sử dụng chúng ngay trong tháng này.

Sullivan nói với các phóng viên:

Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới vài trăm máy bay không người lái, bao gồm cả các máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí theo một lịch trình khẩn cấp.

Ông nói rằng sự phát triển này là bằng chứng giải thích cho các cuộc oanh tạc dữ dội của Nga ở Ukraine, đã khiến Nga giành được một số lợi thế ở miền đông của Ukraine trong những tuần gần đây.

Khẳng định của Sullivan được đưa ra một ngày trước chuyến đi của Joe Biden tới Israel và Ả Rập Xê-út, nơi chương trình hạt nhân và các hoạt động thù địch của Iran trong khu vực sẽ là chủ đề thảo luận chính.

Ông Sullivan lưu ý rằng Iran đã cung cấp các phương tiện bay không người lái tương tự cho phiến quân Houthi của Yemen để tấn công Ả Rập Xê-út trước khi đạt được lệnh ngừng bắn vào đầu năm nay.

8. Đội quân Điện Toán của Ukraine tấn công hơn 800 trang web của Nga trong hai tuần

Cho đến nay Nga và Trung Quốc vẫn thường coi là các cường quốc trong ngành tin tặc. Cụ thể là họ từ hào có khả năng xâm nhập, lấy cắp các tài liệu và làm tê liệt các hệ thống máy tính của đối phương, trong khi bảo đảm rằng không ai có thể tấn công họ.

Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine cho biết trên Telegram rằng đó chỉ là một huyền thoại. Thực vậy, một đội quân Điện Toán của Ukraine đã tấn công hơn 800 trang web của Nga từ ngày 27/6 đến ngày 10/7, từ việc đóng cửa hàng loạt các rạp chiếu phim, các cơ sở đấu thầu, đến việc lấy cắp các tài liệu liên quan đến các công trình vũ trụ của Nga.

Theo báo cáo, các kỹ thuật viên Ukraine đã quyết định chào mừng người dân Nga vào ngày lễ quốc gia của Ukraine và đăng lời chúc mừng Ngày Hiến pháp Ukraine trên các trang web của các cơ quan chính phủ Nga.

Họ cũng tấn công trang web của cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos. Báo cáo cho biết: “Đây là một phản ứng đối với tập đoàn vũ trụ nhà nước Nga, tổ chức đã đưa ra các lời đe dọa và công bố các hình ảnh vệ tinh về các trung tâm của NATO”.

Do các cuộc tấn công DDoS, người Nga không thể làm việc trong hệ thống CRM trong vài ngày. Đây là những chương trình giúp tổ chức và kiểm soát tất cả các quy trình kinh doanh với khách hàng và trong công ty. Cuộc tấn công nhằm vào họ đã đình chỉ công việc của nhiều doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga.

Roseltorg, nền tảng mua sắm điện tử lớn nhất của Nga thuộc về chính phủ Mạc Tư Khoa và Ngân hàng VTB, đã mất dữ liệu bí mật của gần 500.000 người dùng.

Ngoài ra, đội quân kỹ thuật số của Ukraine tiếp tục ngăn chặn sự lan truyền của tuyên truyền và thực hiện công việc “ngăn chặn” các phương tiện truyền thông Nga.

Hàng chục cơ hội đấu thầu ở Nga bị tê liệt khiến công tác đấu thầu bị gián đoạn. Do các cuộc tấn công mạng, trang web của hầu hết các rạp chiếu phim ở Nga đã ngừng hoạt động, vì người Nga không thể mua vé trực tuyến.

9. Latvia có thể tăng chi tiêu quốc phòng và thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc không phân biệt giới tính để ngăn chặn mọi rủi ro an ninh có thể xảy ra từ Nga.

Latvia là thành viên của cả Nato và Liên minh Âu Châu đang có kế hoạch tăng dần ngân sách quốc phòng lên 2,5% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2025 từ mức khoảng 2% hiện nay, vì âu lo Nga xâm lược.

Tổng thống Egils Levits, 67 tuổi, nói với Reuters hôm thứ Hai rằng các kế hoạch chi tiêu hiện tại bao gồm việc xây dựng thêm các căn cứ quân sự để có thêm binh lính từ các đồng minh của NATO - mức tăng đã được đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Madrid vào tháng trước - nhưng Latvia, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, có thể cần phải chi tiêu nhiều hơn.

An ninh là ưu tiên hàng đầu trong chính trị của chúng tôi ngày nay. Hiện đã cam kết 2,5% tổng thu nhập quốc dân nhưng có lẽ sẽ không đủ và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó.

Tổng thống của nước láng giềng Lithuania đã kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng lên 3%, sau khi Ba Lan đưa ra mục tiêu tương tự.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Artis Pabriks, cũng đã đưa ra triển vọng thực hiện lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã bị loại bỏ vào giữa những năm 2000.

Levits đề xuất rằng dịch vụ này nên bao gồm tất cả các công dân không phân biệt giới tính của họ.

Tôi nghĩ chúng ta nên có sự bình đẳng về mặt này và tôi ủng hộ ý tưởng này cho tất cả các công dân Latvia ở độ tuổi cụ thể. Điều này nên được thực hiện độc lập với giới tính của họ, “ông nói, vì nó sẽ cho phép gia tăng số lượng người có kỹ năng quân sự trong lực lượng dự bị.”

Cả hai đề xuất thay đổi - đối với nghĩa vụ quân sự và bất kỳ sự gia tăng chi tiêu nào - sẽ được quốc hội xem xét trước khi có hiệu lực. Bộ Quốc phòng muốn nghĩa vụ quân sự bắt đầu tự nguyện vào năm tới trước khi trở thành bắt buộc từ năm 2028.
 
Nhà trừ tà: Đoạn Tin Mừng quan trọng có thể chọc mù mắt ma quỷ. Âu Châu kêu gọi ủng hộ Đức Hồng Y Quân
VietCatholic Media
17:12 12/07/2022


1. Tưởng nhớ các vị tử đạo bị nhà nước Hồi giáo chặt đầu

Nhiều người còn nhớ những hình ảnh đau buồn khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết 21 Kitô Hữu trong trang phục áo liền quần màu cam và quỳ gối trên một bãi biển ở Libya trước khi bị hành quyết. Một cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Ý có tựa đề “Hành trình đến vùng đất của 21 vị tử đạo Coptic”, để vinh danh họ.

Nhà văn người Đức Martin Mosebach đã nói chuyện với gia đình các nạn nhân cũng như với các thành viên của hàng giáo sĩ Coptic. Trong đó, ông nhắc nhở chúng ta, cùng với những điều khác, rằng những tín hữu Kitô ở Ai Cập luôn coi mình là thành viên của Giáo Hội các vị Tử đạo và rằng chừng nào Kitô giáo còn sống, thì Giáo hội của họ sẽ còn phải tiếp tục chứng kiến những thảm cảnh như hồi tháng 2 năm 2015.

Coptic có nghĩa là người Ai-cập và đại đa số Kitô hữu hiện đang sống ở Ai-cập tự nhận họ là tín hữu thuộc giáo hội Coptic. Giáo hội này có khởi đầu từ thành phố cảng Alexandria một trong những thành phố được tôn trọng và thành đạt nhất vào thời các thánh tông đồ. Các tín hữu Coptic công nhận và tôn vinh thánh Máccô, là vị thánh sử đã viết quyển Phúc âm theo thánh Máccô là người sáng lập và là giám mục tiên khởi của cộng đồng Kitô hữu ở Alexandria, giữa những năm 42 và 62 sau Chúa Giáng Sinh.

Các Kitô hữu Coptic đã tự tách rời khỏi Giáo Hội Mẹ từ Công Đồng Chalcedon, năm 451. Công Đồng được triệu tập để thảo luận về thần học Chúa Kitô Nhập Thể, đồng thời tuyên bố rằng Đức Kitô “là một Ngôi Vị có hai bản tính”. Từ đó, thần học này đã trở nên tiêu chuẩn cho các Giáo Hội Công Giáo Roma, Chính Thông Đông Phương và các giáo hội Tin Lành.
Source:alfayomega.es

2. Nhật ký trừ tà số 169: Quỷ dữ bị mù

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #169: Demons are Blinded”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 169: Quỷ dữ bị mù”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cô “M” đang bị dày vò bởi những những hồn phách ma quỷ. Thường vào lúc nửa đêm, gia đình hoặc các thành viên trong nhóm trừ tà chúng tôi sẽ nhận được các tin nhắn ma quỷ với những nội dung đe dọa, cám dỗ và tục tĩu trong cố gắng làm chệch hướng nỗ lực của chúng tôi.

Đối với gia đình cô, những con quỷ gần đây đã nhắn tin: “Mày mệt mỏi rồi phải không? Chống đỡ làm gì, mệt mỏi lắm. Cô ấy sẽ đi sớm thôi mà. Đã đến lúc phải buông tay. Cô ấy sẽ chết vào cuối tháng này. Mày dừng lại đi, nếu không mày sẽ bị thương đấy.”

Với các linh mục trừ tà, những con quỷ nhắn tin: “Tốt nhất mày nên từ bỏ. Nó không có ích gì đâu. Hãy ngừng cầu nguyện”.

Đôi khi số điện thoại nơi bắt nguồn các tin nhắn được ghi là đường dây điện thoại của cô “M”. Tuy nhiên, cô ấy đang ngủ khi tin nhắn được gửi đi và không có hồ sơ nào được ghi lại trên điện thoại của cô ấy. Những lần khác, số điện thoại gởi đến từ số: “666-13-666” và “666-00-666”. Đây chỉ là sự chế nhạo của ma quỷ. Theo tin tưởng chung 666, ba con số 6, là biểu tượng của Sa tan.

Đến nay, cô M đã có nhiều tiến bộ về tâm linh. Nhiều hồn phách ma quỷ đã bị trục xuất. Mặc dù những con cuối cùng rất ngoan cường.

Tôi đã yêu cầu một Phó tế trong buổi trừ tà vừa qua của chúng tôi đọc Phần mở đầu của Phúc âm theo Thánh Gioan (1: 1-14), một bản văn mạnh mẽ được sử dụng trong các phép trừ quỷ. Anh ta bắt đầu, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Khi anh ta bắt đầu, đã có một phản ứng dữ dội. Những con quỷ la hét và bảo anh ta dừng lại. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu anh ta đọc đi đọc lại nhiều lần. Cơn đau quằn quại vẫn tiếp tục. Chúng bắt đầu van xin và hứa sẽ nói bất cứ điều gì để khiến anh ta dừng lại.

Nhưng anh ấy vẫn tiếp tục: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (câu 5). Cô “M” sau đó nói rằng cô ấy nhìn thấy những tia sáng phát ra từ mắt của người phó tế. Những tia sáng chiếu vào lũ quỷ và làm chúng chói mắt. Ngay lập tức, cô “M” ngừng các biểu hiện ma quỷ và trở lại với chính mình, với một nụ cười và bình an.

Những con quỷ vẫn chưa biến mất hoàn toàn, nhưng chúng đã bị suy yếu rất nhiều. Cô “M” nói rằng những con quỷ vẫn còn bị mù. Thật vậy, Nghi thức trừ tà cảnh báo chúng: “Càng trì hoãn xuất ra, hình phạt càng nặng.” Tôi nghi ngờ những con quỷ này đã bị mù vĩnh viễn, và đó là sự trừng phạt của Chúa cho hành vi xấu xa của chúng.

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (c.14). Các nhà thần học nói với chúng ta rằng chính tin tức về sự nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu đã khiến Lucifer và tay sai của hắn nổi loạn. Trong một lễ trừ tà, nghe điều này được chứng nghiệm là một sự tra tấn dành cho ma quỷ.

Đối với ma quỷ và tất cả những ai từ chối Thiên Chúa, Ánh sáng chói lòa và ném chúng vào bóng tối. Đối với những người yêu mến Thiên Chúa, chúng ta được biến đổi bởi Ánh sáng và ánh sáng chiếu sáng qua chúng ta.
Source:Catholic Exorcism

3. Nghị viện Âu Châu kêu gọi Vatican ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Nghị viện Âu Châu đã kêu gọi Vatican “hỗ trợ đầy đủ cho Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân” và nói với Tòa thánh rằng nên “tăng cường các nỗ lực ngoại giao và đòn bẩy của mình đối với các nhà chức trách Trung Quốc”.

Trong một nghị quyết được thông qua vào ngày 7 tháng 7, Nghị viện Âu Châu đã lên án bọn cầm quyền Trung Quốc bắt giữ cựu giám mục 90 tuổi của Hương Cảng và yêu cầu hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ngài.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã bị buộc tội tại một tòa án Hương Cảng vào ngày 24 tháng 5 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác, tất cả đều là ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, la2 quỹ đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ trả phí pháp lý của họ.

Trong nghị quyết được thông qua hôm thứ Năm, Nghị viện Âu Châu đã coi việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân là “một cuộc tấn công vào các quyền tự do được bảo đảm trong Luật Cơ bản của Hương Cảng, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Nghị quyết cũng công nhận vị Hồng Y là người ủng hộ dân chủ hàng đầu ở Hương Cảng và chỉ thị cho Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola, một người Công Giáo Malta, thông báo nghị quyết tới Tòa thánh cũng như các tổ chức khác.

“Nghị viện Âu Châu đã ủng hộ, vẫn ủng hộ và sẽ tiếp tục sát cánh với Hương Cảng. Nghị viện này tiếp tục tích cực thể hiện tình đoàn kết với các nhà dân chủ Hương Cảng và chống lại sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc”, Reinhard Buetikofer, trưởng phái đoàn Nghị viện Âu Châu về Trung Quốc sự vụ nói, theo South China Morning Post.

Đức Hồng Y Quân bị chính quyền Hương Cảng bắt vào ngày 11/5 và được tại ngoại sau đó cùng ngày. Ngài đã không nhận tội với cáo buộc là không ghi danh một hiệp hội ủng hộ dân chủ.

Một ngày sau khi Đức Hồng Y Quân bị chính quyền Hương Cảng bắt giữ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng ngài hy vọng rằng việc bắt giữ vị Hồng Y sẽ không làm phức tạp thêm cuộc đối thoại của Tòa thánh với Trung Quốc.

Đức Hồng Y Quân đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục.

Những người ủng hộ nhân quyền trong tuần này đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng thỏa thuận đang “tiến triển tốt” và cần được gia hạn.

Vào ngày 24 tháng 5, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Quân nói rằng Tòa Thánh đã “đưa ra một quyết định không khôn ngoan” khi ký một thỏa thuận tạm thời với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đức Hồng Y Quân nói: “Tử đạo là chuyện bình thường trong Giáo hội của chúng ta. Chúng ta có thể không phải làm điều đó, nhưng chúng ta có thể phải chịu một số đau đớn và tự rèn luyện cho lòng trung thành với đức tin của mình.”

Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân và các công dân bị bắt khác dự kiến bắt đầu vào ngày 19 tháng 9.
Source:Catholic News Agency