Ngày 15-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 15/07/2008
BỒ CÂU CỦA HOÀNG GIA.

N2T


Na-lu-tin trở thành thủ tướng của một vương quốc nọ, có một lần lúc dạo chơi qua hoàng cung, lần đầu tiên nhìn thấy con chim ưng của hoàng gia; ông ta từ trước đến nay chưa thấy qua loại “bồ câu” như thế, thế là cầm lại một cái kéo, sửa lại toàn bộ móng vuốt, cánh và mỏ cho con chim ưng ấy.

Sau khi làm xong, ông ta nói: “Bây giờ nhìn mới thấy giống, đây là sự sơ suất của người coi sóc mày”.

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Một vị thủ tướng thì không thể nhìn con chim ưng thành con bồ câu, bởi vì hình dáng của chim ưng thì hung dũng, mỏ nhọn cứng, cánh lớn và than cũng lớn; còn chim bồ câu thì ngược lại, dáng vẻ dịu dàng. Nhưng con chim ưng thật thì không thể sửa lại thành con chim bồ câu, nhưng những người có đời sống tội lỗi, xa cách Thiên Chúa tình yêu thì có thể sửa lại được, bởi vì tâm hồn con người ta vốn là bản thiện, và ân sủng của Thiên Chúa vốn là chữa lành và cứu sống.

Bổn phận và trách nhiệm của linh mục là dùng cuộc sống của chính mình và ân sủng của Thiên Chúa, để sửa lại tâm hồn những người có tướng dáng và có cuộc sống của ma quỷ. Các ngài phải dùng cái kéo cương nghị nhưng hiền hòa để sửa lại cái dáng kiêu ngạo nơi họ; các ngài phải dùng con dao đơn sơ nhưng thẳng thắn, để sửa lại tính ghen ghét và hưởng thụ vật chất nơi họ.v.v… để họ ngày càng nên giống Chúa Giê-su hơn.

Mỗi linh mục là một vị thủ tướng của hoàng gia Nước Trời, nên phải yêu chuộng hòa bình, yêu thương và lấy mình làm gương sang cho mọi người.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 15/07/2008
N2T


9. Giờ cầu nguyện giống như tấm gương có thể soi thấy cái tốt đẹp của đức hạnh và sự xấu xa của tội lỗi.

(Thánh Nilus of Rossano)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Họp báo trên không
Vũ Văn An
07:34 15/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Họp báo trên không

Zenit.org ngày hôm qua, 14 tháng Bẩy, thuật lại các câu hỏi của truyền thông và các câu trả lời của Đức Giáo Hoàng trên chuyến bay tới Úc.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, đây là Ngày Giới Trẻ Thế giới lần thứ hai của Đức Thánh Cha, lần đầu, chúng con dám nói, hoàn toàn là của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha sẽ sẵn sàng sống ngày ấy với tâm tình nào và đâu là sứ điệp chính Đức Thánh Cha muốn ngỏ cùng giới trẻ? Và rồi, Đức Thánh Cha có nghĩ rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới có ảnh hưởng sâu xa đối với Giáo Hội đứng ra đăng cai nó không? Và sau cùng, Đức Thánh Cha có nghĩ rằng công thức tập họp lớn lao người trẻ như thế này có còn hợp thời nữa hay không?

Đức Benedict XVI: Tôi tới Úc với tâm tình hết sức hân hoan. Tôi vốn có những kỷ niệm đẹp về Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne. Đó không đơn giản chỉ là một biến cố quần chúng. Trước hết, đó là việc long trọng cử hành niềm tin, một gặp gỡ nhân bản trong hiệp thông với Chúa Kitô. Chúng tôi đã thấy đức tin mở toang các cánh cửa ra sao và thực sự có khả năng hợp nhất giữa nhiều nền văn hóa khác nhau như thế nào, và điều ấy tạo nên niềm vui.

Tôi hy vọng những sự việc như thế cũng sẽ xẩy ra tại Úc. Nên tôi rất vui được thấy nhiều người trẻ, và thấy họ hợp nhất với nhau trong niềm khát mong Thiên Chúa và có được một thế giới thực sự nhân bản. Sứ điệp chính đã được biều lộ qua các từ ngữ từng tạo nên khẩu hiệu cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này: chúng tôi muốn nói tới Chúa Thánh Thần, Đấng biến chúng ta thành chứng nhân của Chúa Kitô.

Cho nên, tôi muốn tập trung sứ điệp của tôi vào thực tại Chúa Thánh Thần này, Đấng xuất hiện dưới nhiều chiều kích khác nhau: Người là Thần Trí hoạt động trong sáng thế. Chiều kích sáng thế hiện diện hết sức rõ ràng vì Chúa Thánh Thần là đấng tạo dựng. Đối với tôi đó là một chủ đề rất quan trọng trong lúc này.

Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Linh Hứng của Thánh Kinh: dưới ánh sáng Thánh Kinh, trong hành trình của ta, ta có thể cùng tiến bước với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thần Trí Chúa Kitô, do đó, Người hướng dẫn ta trong hiệp thông với Chúa Kitô và sau cùng, theo lời Thánh Phaolô, Người tự tỏ bày qua các đặc sủng, nghĩa là qua rất nhiều ơn phúc bất ngờ làm thay đổi nhiều thời đại khác nhau và ban cho Giáo Hội sức mạnh mới. Và bởi thế, các chiều kích này mời gọi chúng ta nhìn ra đường đi của Chúa Thánh Thần và làm Người hữu hình với người khác nữa.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới không đơn giản chỉ là một biến cố trong lúc này. Nó đã được chuẩn bị bằng một hành trình dài của Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ, một hành trình cùng với các điều khác đã được chuẩn bị [không những] theo quan điểm tổ chức mà còn theo quan điểm thiêng liêng nữa. Do đó, những ngày này chỉ là giây phút cao điểm của một hành trình dài đã có trước. Tất cả đều là hoa trái của một hành trình, một có mặt bên nhau trong cuộc hành trình tiến về Chúa Kitô.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới như thế tạo ra cả một lịch sử, nghĩa là, tình bằng hữu đã được tạo ra, nhiều linh hứng mới đã được tạo ra: và cứ thế Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp diễn. Đối với tôi, điều ấy rất quan trọng: không phải chỉ để chứng kiến ba hay bốn ngày này, mà là chứng kiến trọn cuộc hành trình có trước và đến sau nó.

Trong sự liên kết ấy, đối với tôi, Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ít nhất cũng trog một tương lai gần, vẫn là một công thức giá trị để chuẩn bị cho chúng ta hiểu rằng từ các quan điểm khác nhau và từ các địa điểm khác nhau trên thế giới, chúng ta cùng nhau tiến bước hướng về Chúa Kitô và sự hiệp thông. Như thế, chúng ta mới đánh giá đúng cuộc hành trình mới mẻ với nhau này. Trong chiều hướng ấy, tôi hy vọng nó vẫn còn là công thức cho tương lại.

Hỏi: Kính thưa Đức Thánh Cha, đại diện Báo The Australian, con muốn hỏi một câu bằng tiếng Anh: Úc là một đất nước hết sức thế tục, ít người thực hành tôn giáo và nhiều người dửng dưng với tôn giáo. Con muốn hỏi liệu Đức Thánh Cha có lạc quan về tương lai của Giáo Hội tại Úc, hay ưu tư lo lắng Giáo Hội này có thể bước chân theo Âu Châu mà xuống dốc hay không? Đức Thánh Cha có sứ điệp gì để Úc vượt qua tính dửng dưng tôn giáo của họ?

Đức Benedict XVI: Tôi sẽ ráng nói thứ tiếng Anh tốt nhất của tôi, nhưng xin qúy vị thứ lỗi cho các thiếu sót về tiếng Anh của tôi.

Tôi nghĩ Úc trong hình tượng lịch sử hiện nay là một phần thuộc “thế giới Tây Phương”, cả về kinh tế lẫn chính trị, và do đó rõ ràng Úc có chung các thành công và các vấn nạn của thế giới Tây Phương ấy.

Trong 50 năm qua, thế giới Tây Phương đạt được nhiều thành công lớn lao: thành công kinh tế, thành công kỹ thuật; ấy thế nhưng tôn giáo, đức tin Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó lại đang bị khủng hoảng. Điều này khá rõ ràng vì hiện người ta đang có cảm tưởng là ta không cần tới Thiên Chúa nữa, mà tự mình có thể làm được mọi chuyện, ta chẳng cần Thiên Chúa để được hạnh phúc, chẳng cần tới Chúa để tạo được một thế giới tốt hơn, Thiên Chúa không cần thiết, mình có thể làm mọi chuyện tự sức mình.

Mặt khác, ta thấy tôn giáo lại luôn hiện diện trên thế giới và sẽ luôn hiện diện trong đó vì Thiên Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn con người nhân bản và không bao giờ có thể khuất dạng. Ta thấy tôn giáo thực sự là một sức mạnh trong thế giới này và trong mọi quốc gia. Tôi sẽ không đơn giản nói tới sự xuống dốc tôn giáo tại Âu Châu: chắc chắn có khủng hoảng tại Âu Châu, không tệ lắm ở Mỹ nhưng vẫn có ở đó, và cả ở Úc nữa.

Tuy nhiên, vẫn luôn có sự hiện diện của đức tin dưới các hình thức mới, dưới những cách thế mới; có lẽ nơi các cộng đồng thiểu số, nhưng luôn có đó để cả xã hội nhìn thấy. Và giờ đây, trong giây phút lịch sử này, ta bắt đầu nhận ra mình cần Thiên Chúa. Ta có thể làm được nhiều chuyện, nhưng ta không tạo ra được khí hậu.

Ta nghĩ ta có thể tạo ra khí hậu, nhưng thực ra, ta không thể tạo ra nó. Ta cần quà phúc Trái Đất, quà phúc nước uống, ta cần Đấng Tạo Hóa; Đấng Tạo Hóa đang tái xuất hiện trong sáng thế của Người. Và như thế, ta cũng đạt tới chỗ hiểu ra rằng ta thật sự không thể hạnh phúc, không thể thực sự cổ vũ công lý cho mọi người trên thế giới, nếu không có các tiêu chuẩn hiện hành trong chính các ý tưởng của mình, mà không cần tới Thiên Chúa, Đấng vốn công chính, hằng ban cho ta ánh sáng soi đường và sự sống. Bởi thế, tôi nghĩ rằng theo một nghĩa nào đó, trong thế giới Tây Phương này sẽ xẩy một cơn khủng hoảng trong đức tin của ta, nhưng ta cũng luôn có sự cải sinh niềm tin, vì niềm tin Kitô giáo có chân lý, và chân lý là điều luôn hiện diện trong thế giới nhân bản, và Thiên Chúa sẽ luôn là chân lý. Theo nghĩa này, tôi lạc quan đến cùng.

Hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, con xin lỗi không thông thạo tiếng Ý. Nên con xin hỏi bằng tiếng Anh. Trước nay các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục vốn yêu cầu Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề này và đưa ra lời xin lỗi đối với các nạn nhân trong lúc Đức Thánh Cha thăm viếng nước Úc. Đức Hồng Y Pell cũng đã cho rằng việc Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề này quả là thích hợp, và chính Đức Thánh Cha cũng đã có những cử chỉ tương tự trong chuyến công du gần đây tại Hoa Kỳ. Liệu Đức Thánh Cha có đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục và có lên tiếng xin lỗi hay không?

Đức Benedict XVI: Có, vấn đề chủ yếu giống như ở Hoa Kỳ. Tôi đã cảm thấy có bổn phận phải lên tiếng về nó tại Hoa Kỳ vì điều chủ yếu cho Giáo Hội là phải hòa giải, ngăn ngừa, giúp đỡ và đồng thời ân hận về các vấn đề ấy nữa, cho nên tôi sẽ chủ yếu nói cùng những điều tôi đã nói ở Hoa Kỳ.

Đức GH họp bao trên máy bay qua Sydney
Như tôi đã nói, có ba chiều kích cần minh xác: Điều thứ nhất tôi muốn nói đến giáo huấn luân lý của chúng ta. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, điều rõ ràng, điều luôn luôn rõ ràng là chức linh mục, muốn làm linh mục, thì tác phong kia không thích hợp, vì linh mục phục vụ Chúa chúng ta, và Chúa chúng ta chính là sự thánh thiện trong hiện thân và luôn dạy bảo chúng ta, Giáo hội luôn nhấn mạnh tới điều đó.

Ta phải suy nghĩ xem mình còn thiếu sót chi trong nền giáo dục của ta, trong giáo huấn của ta trong mấy thập niên qua: Trong các thập niên 50, 60 và 70, có ý niệm duy tỷ lệ (proportionalism) trong đạo đức học: thuyết này chủ trương rằng không có điều gì tự nó xấu cả, mà chỉ xấu trong tỷ lệ với những điều khác; với chủ nghĩa này, người ta có thể nghĩ rằng đối với một số vấn đề, như vấn đề ấu dâm chẳng hạn, đến một mức nào đó nó có thể là điều tốt.

Nay ta cần phải tuyên bố rõ ràng rằng cái thứ lý thuyết ấy không bao giờ là của Công Giáo cả. Có những điều luôn luôn xấu, và ấu dâm luôn luôn xấu. Trong nền giáo dục của ta, tại các chủng viện, trong việc đào tạo thường xuyên các linh mục, ta phải giúp các linh mục thực sự gần gũi Chúa Kitô, học hỏi nơi Chúa Kitô, và do đó thành những người giúp đỡ, chứ không phải thù địch đối với đồng loại nhân bản của mình, của người Kitô hữu.

Cho nên, chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể làm được để làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo Hội và giúp vào việc giáo dục và chuẩn bị các linh mục, trong việc đào tạo thường xuyên, và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể làm được để hàn gắn và giao hòa các nạn nhân. Tôi nghĩ đây là nội dung chủ yếu của hạn từ “xin lỗi”. Tôi nghĩ điều tốt hơn, điều quan trọng hơn là phải đem lại cho công thức ấy một nội dung và theo tôi nội dung ấy phải đề cập tới điều còn thiếu sót trong tác phong của ta, ta phải làm gì trong lúc này, làm sao để ngăn ngừa và làm sao để hàn gắn và giao hòa.

Hỏi: Một trong các lý luận của cuộc họp Nhóm Tám Nước ở Nhật Bản là cuộc tranh đấu chống lại thay đổi khí hậu. Úc là một nước rất nhậy cảm với chủ đề này vì nạn hạn hán thì kinh niên và các biến cố đáng ngại về khí hậu tại vùng này của thế giới. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng các quyết định đưa ra trong phạm vi này xứng hợp với mức độ thách thức hay không? Liệu Đức Thánh Cha có đề cập tới lý luận đó trong cuộc công du này hay không?

Đức Benedict XVI: Như tôi đã đề cập trong câu trả lời thứ nhất, vấn đề này chắc chắn sẽ có mặt trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này, vì chúng ta nói tới Chúa Thánh Thần và, do đó, nói về sáng thế và trách nhiệm của chúng ta trong các cuộc gặp gỡ với sáng thế.

Các Bạn Việt Nam từ Thụy Sĩ tham dự WYD 2008
Tôi không giả thiết đi vào các vấn đề kỹ thuật, tức các vấn đề phải được các chính trị gia và các chuyên viên giải quyết, nhưng xin đề cập đến các thúc đẩy chủ yếu để nhìn ra trách nhiệm, để có khả năng đáp ứng thách đố lớn lao này: để tái khám phá ra khuôn mặt đấng hóa công trong sáng thế, tái khám phá ra trách nhiệm của ta trước đấng hóa công này đối với sáng thế kia, một sáng thế Người đã trao phó cho ta, để đào luyện khả năng đạo đức cho một lối sống phải chấp nhận nếu muốn giải quyết các vấn đề của tình thế này và nếu muốn thực sự đạt tới các giải pháp tích cực. Do đó, để đánh thức lương tâm và để nhìn ra bối cảnh lớn lao của vấn đề, trong đó còn cần tới các giải đáp chi tiết hơn, nhưng không được đặt ra cho chúng ta mà cho các chính trị gia và các chuyên viên phải giải quyết.

Hỏi: Trong khi Đức Thánh Cha ở Úc, các giám mục Anh Giáo, một Giáo hội cũng rất phổ biến ở Úc, sẽ họp nhau tại Lâu Đài Lambeth. Một trong các lý luận là tìm ra phương thức có thể củng cố được sự hiệp thông giữa các giáo tỉnh, và một phương thức đảm bảo để không một hay nhiều giáo tỉnh nào có thể đưa ra bất cứ sáng kiến gì bị các giáo tỉnh khác coi là đi ngược lại Phúc Âm hay truyền thống. Phải chăng sẽ có nguy cơ phân mảnh trong Giáo Hội Anh Giáo và khả thể một số sẽ yêu cầu được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha có hy vọng gì cho Hội Nghị Lambeth và cho Đức Tổng giám mục Canterbury?

Đức Benedict XVI: Đóng góp chủ yếu của tôi chỉ là cầu nguyện và với lời cầu nguyện của tôi, tôi sẽ rất gần gũi với các vị giám mục Anh Giáo đang gặp nhau tại Hội Nghị Lambeth.

Chúng ta không thể và không nên can thiệp ngay lập tức vào các cuộc thảo luận của họ, chúng ta kính trọng trách nhiệm riêng của họ và chúng ta hy vọng rằng các ly giáo và các vụ rạn nứt mới có thể tránh được và một giải pháp có trách nhiệm sẽ được ban cho thời đại ta, nhưng cũng phải trung thành với Phúc Âm. Hai điều ấy phải đi song song với nhau.

Kitô giáo luôn hiện đại và sống trong trần gian ở một thời gian nhất định, nhưng trong lúc này nó làm cho sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô hiện diện và do đó, đưa lại một đóng góp chân thực bằng cách trung thành, trung thành một cách trưởng thành và sáng tạo, nhưng phải là lòng trung thành đối với sứ điệp của Chúa Kitô.

Chúng ta hy vọng, và bản thân tôi sẽ cầu nguyện, để cùng nhau, họ có thể tìm ra đường lối của Phúc Âm dành cho thời đại ta. Đây là ước vọng của tôi đối với Đức Tổng Giám Mục Canterbury: rằng Giáo hội Anh Giáo, trong hiệp thông với Phúc Âm của Chúa Kitô và Lời Thiên Chúa, sẽ tìm ra giải đáp cho các thách đố hiện nay.
 
Video - Lễ Khai Mạc WYD 2008 Tập 1
VietCatholic Network
08:53 15/07/2008
VietCatholic tường trình lễ khai mạc ngày quốc tế giới trẻ 2008 tại Sydney vào chiều thứ Ba 15/07/2008 tại Barangaroo – Tập 1 - Xin xem tiếp các tập sau sẽ lần lượt được upload lên.
 
WYD 2008 tại Úc Châu nhắm vào Giới Tính Lành Mạnh và việc biết Rộng Mở để đón nhận Sự Sống
Paul Anh
09:25 15/07/2008
WYD 2008 tại Úc Châu nhắm vào Giới Tính Lành Mạnh và việc biết Rộng Mở để đón nhận Sự Sống

Vì như lời Đức Hồng Y Pell đã từng nói: "Không có một quốc gia Tây Phương nào sinh sản vừa đủ để giữ cho dân số ổn định"

SYDNEY (LifeSiteNews.com) - Trong một cuộc họp báo đón chào Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đến tham dự Ngài Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Úc, vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tại đất nước này, Đức Hồng Y George Pell, đã nói đến sự giảm sút về mức độ sinh đẻ tại hầu hết những quốc gia Tây Phương, mà theo ngài chính là vì hệ quả của "những thế lực thương mại tàn nhẫn."

Theo báo cáo của News.com.au, vị Tổng Giám Mục của Sydney cho biết:

"Hiện đang có sự khủng hoảng tại thế giới Tây Phương. Không có một quốc gia Tây Phương nào có mức sinh sản vừa đủ để giữ cho dân số được ổn định. Trong rất nhiều trường hợp, có sự gia tăng đáng kể về những vụ ly dị mà thôi."

Đề cập cụ thể đến Giáo Hội Công Giáo tại Úc Châu, Đức Hồng Y Pell nói rằng:

"Hiện đang có hai thách đố đang diện đối với những người Úc Châu. Thách đố thứ nhất chính là kểu cám dỗ của xã hội Úc Châu cho rằng bạn có thể có một đời sống tốt đẹp và hạnh phúc mà không cần có Thiên Chúa. Và thách đố thứ hai có liên quan đến khái niệm về giới tính, hôn nhân, và gia đình."

[Mà ai nấy cũng đều biết kể từ khi Kevin Rudd (với quan điểm phò phá thai, và phò lối sống phóng túng, và tình ái điên loạn giữa hai người cùng phái với nhau) lên nắm quyền Thủ Tướng thay cho John Howard (một người có quan điểm thủ cựu hơn) - NV]

Đức Hồng Y nói rằng: giới trẻ Úc Châu bị oanh tạc mạnh mẽ bởi những bức thông điệp hết sức sai lầm và tội lỗi về giới tính phần lớn đến từ giới truyền thông của Úc Châu.

Ngài nói:

"Những thế lực thương mại tàn nhẫn hiện đang nói với những người trẻ của quốc gia này rằng đây mới chính là lối sống tiến bộ, mới chính là cách sống hiện đại để vươn tới, và họ hoàn toàn im lặng trước những khó khăn và sự hủy hoại mà điều này mang đến cho đời sống gia đình."

Vị Tổng Giám Mục của Sydney cũng đề cập đến mức tự tử rất cao xảy ra nơi những người trẻ ở Úc Châu, cho thấy những mối nguy hiểm của những kiểu nói ám chỉ hiện đại này.

Đức Hồng nói:

"Đó chính là một dấu hiệu nguy hiểm. Đó chính là một nghịch lý rất lớn. Chúng ta có một xã hội tuyệt vời ngay tại đất nước Úc Châu này, phần nhiều có công lý, thế nhưng chúng ta lại có mức độ tự tử nơi các thanh niên trẻ tuổi đứng hàng thứ 3, thứ 4 trên cả thế giới.

Lời đáp trả Kitô Giáo cơ bản nhất cho vấn nạn này chính là hãy nói với tất cả những người trẻ của chúng ta rằng các em rất cần đến đức tin, niềm hy vọng và tình yêu; và chúng ta sẽ làm cho tình hình ngày càng tệ hơn bằng việc khuyến khích một cách thiếu trách nhiệm để hướng các em vào con đường lầm lạc, hay vào ma túy, hoặc rượu bia. Vì những đó chỉ là tù ngục mà thôi. Các em sẽ không thể nào tìm ra một lối thoát nếu như cứ mãi kiên quyết lâm vào con đường đó."
 
Làm chứng cho Chúa
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:48 15/07/2008

“Làm chứng cho Chúa” ( Cv 1,8)



Bạn trẻ sinh ra lớn lên trong gia đình có đức tin Công giáo giữ đạo hạnh nề nếp, bỗng nghe nói đến sống làm chứng cho Chúa. Họ không khỏi thắc mắc như thế nghĩa là gì? Phải chăng sống đức tin vào Chúa không là làm chứng sao?

Làm chứng có nhiều cách bằng lời nói biện hộ, bằng rao truyền, bằng đời sống, bằng chữ viết, bằng mồ hôi nước mắt, bằng hy sinh sự sống thân xác, bằng khối óc trí tuệ.

Xưa nay trong lịch sử Giáo Hội có nhiều Thánh nhân đã sống suốt đời đi rao giảng Tin Mừng nước Chúa. Họ rời bỏ quê hương xứ sở đi đến miến đất nước xa lạ, sống quên mình hy sinh dấn thân, như các Thánh Tử đạo lấy mạng sống mình làm chứng cho Thiên Chúa.

Cũng có những vị Thánh suốt dọc đời sống chỉ lo phục vụ con người bằng tấm lòng bác ái nhân hậu, như Mẹ Thánh Terexa thành Calcutta đã làm chứng cho Chúa qua cách sống dấn thân hy sinh cho người nghèo khổ bị bỏ rơi.

Cũng có những vị Thánh âm thầm lo nghiên cứu suy niệm về Thiên Chúa, rồi viết ra thành chữ những cuốn sách làm chứng nói về Thiên Chúa, về công trình vũ trụ cho mọi thế hệ, như Thánh Augustino, Thánh Toma Aquinô.

Ngày nay trong xã hội đặt trọng tâm về phát triển, nhưng cũng đi truy tìm nguồn gốc lịch sử của những sự việc trong đời sống, của những phát minh, của cả những điều tin trong đạo gíao nữa. Thành ra, việc làm chứng lại càng cần thiết nữa.

Mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng có đời sống thể xác, tinh thần cùng hòan cảnh thời đại khác nhau. Đời sống khác nhau nên cung cách làm chứng cho Chúa cũng khác nhau.

Ông Bà Cha Mẹ sinh thành, hy sinh cả đời nuôi dậy con cái thành người có đạo đức, có học hành, huấn luyện dậy bảo họ chăm chỉ làm việc trong gia đình, ngoài xã hội. Đời sống của cha mẹ như thế là một đời sống làm chứng cho Chúa, Đấng là nguồn sự sống tạo dựng nên con người.

Hai Bạn trẻ nam nữ gặp gỡ nhau; rồi cưới nhận nhau làm vợ chồng. Họ không chỉ xây dựng tình yêu trên tầng cảm giác thần kinh với nhau. Nhưng còn làm chứng cho Chúa trong tin nhận “rẻ xương sườn”, như Thiên Chúa đã dựng nên, trao cho họ tìm đến nhau. ( St 2,21-24). Họ dấn thân trao đời sống đầy tràn tình yêu cho nhau. Điều này nói lên: tình yêu vợ chồng của họ không phải là điều ngẫu nhiên hay là một số phận mù quáng. Trái lại, thân xác đời sống tinh thần tâm lý họ ăn khớp hòa nhịp điệu với nhau, như những mảnh rẻ xương sườn bao bọc che chở cho trái tim, mà Đấng Tạo Hóa đã sắp xếp tạo thành.

Sống làm việc kiếm tiền bạc cùng cơm gạo sinh sống, phát triển đời sống văn hóa, kỹ thuật văn minh hơn. Điều này thật chính đáng cùng cần thiết, nhưng không vì thế được coi thường phá hủy thiên nhiên, mà Thiên Chúa như ngôi nhà tạo dựng cho mọi thế hệ con người cùng sinh sống. Cũng không được coi thường đời sống con người cùng hạ thấp gía trị đạo đức nhân bản trong cuộc sống. Làm chứng cho Chúa là tôn trọng gìn giữ thiên nhiên, sự sống cùng gía trị con người trong xã hội.

Làm chứng cho Chúa là công nhận thân xác mỗi con người có chiều vươn lên theo chiều thẳng đứng hướng lên trời cao, cùng chiều trải rộng bề ngang đường chân trời. Hai chiều này biểu hiệu nếp sống đức tin: tương quan với Thiên Chúa và tương quan con người với nhau. Ngoài ra đời sống con người còn có chiều thứ ba nữa. “Con người là một cây sậy biết suy nghĩ”, như văn hào Pascal suy tư, nên đời sống mỗi người là một con đường lịch sử có qúa khứ kéo dài sang hiện tại và tiến vào tương lai.

Làm chứng cho Chúa còn là gìn giữ sức khoẻ thể xác lẫn tinh thần, bảo vệ chăm sóc khả năng trí óc cùng tâm sinh lý, như tài nguyên Thiên Chúa ban cho mỗi con người.

Làm chứng cho Chúa là sống chiếu tỏa niềm vui, niềm hy vọng cùng lòng thương cảm với những người khác. Vì đời sống mỗi con người là một bản chính gốc do Thiên Chúa tạo thành.

Làm chứng cho Chúa là sống tuân giữ Giới luật của Chúa: “ Con không được phép hủy hoại sự sống!” ( Xuất hành 20,13; Đệ nhị Luật 5,17). Vì

-Thiên nhiên sự sống do Thiên Chúa tạo dựng. Con người chỉ là người quản lý thiên nhiên. Họ không là chủ thiên nhiên. Trái đất không là sở hữu riêng của con người. Con người thuộc về đất.

-Con người phải kính trọng sự sống là báu vật thần thiêng thánh đức do Thiên Chúa tạo dựng.

-Con người không được vì quyền lợi riêng mình mà gây đau khổ cho các công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong thiên nhiên.

-Con người không được phá hủy môi trường sinh sống xanh tươi trong lành của cây cỏ cùng các loài thú vật trong đó.

Làm chứng cho Chúa là nhận biết khả năng mình có giới hạn, và cần sự giúp đỡ của người khác, nhất là từ Trời Cao.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới XXIII.,từ 15.-20.Tháng Bảy 2008
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và Đối thoại Liên Tôn
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:49 15/07/2008
Sydney, Úc (H2Onews) - Những người tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã nắm lấy cơ hội thiết thực nhân sự hiện diện của các giáo phái và các tôn giáo khác. Điều hợp viên sự kiện này, Đức Cha Anthony Fisher nói rằng ngài hy vọng nó sẽ xây dựng những cầu nối giữa các nhóm (tôn giáo) qua Đức Thánh Cha và qua những dấn thân của Đại hội: “Nó mang đến cho chúng ta cơ hội nói với thế giới rằng tôn giáo không phải là điều hoặc không nên là điều chia cắt con người, làm cho họ giận dữ và làm cho họ đấu tranh với nhau. Nhưng nó là khả năng tiềm tàng mang con người lại với nhau mà không có điều gì làm được”.

Giáo sĩ cao cấp của Đại Giáo đường Do Thái Sydney, Jeremy Lawrence thì cho rằng: “Sự thực là chúng ta có thể được chào đón trong những buổi lễ như thế là điều gì đó bày tỏ một suy nghĩ hướng về phía trước, tiếp tục gia sản của Đức Gioan Phaolô II nhưng cũng bắt nguồn từ Tuyên ngôn Nostra Aetate (Thời đại Chúng ta - Tuyên ngôn về Quan hệ của Giáo hội với các Tôn giáo Ngoài Kitô giáo, Công đồng Vatican II). Và sự thực là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đang thực hiện trong truyền thống đó và mang lại cho chúng ta trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới là điều mà chúng ta phải thấy như là một bước đi tích cực”.

Đức Hồng y George Pell của Tổng Giáo phận Sydney cho hay về vấn đề liên tôn: “Chúng ta đã luôn nói rằng đây là Đại hội Công Giáo vốn mở ra cho tất cả mọi người và đó là phần lớn trong tâm trí những người trẻ đang đến đây”.

Mục sư Tara Curlewis, Chủ tịch Hội Đồng Hiệp Nhất New South Wales và Mục sư của Uniting Church cho hay: “Các Giáo Hội Kitô ở Úc Châu là duy nhất vì họ có giao ước cùng nhau cầu nguyện và giao ước cầu nguyện cho nhau. Vì thế đây là cơ hội trỗi vượt để các Giáo Hội và các vị lãnh đạo Giáo Hội đến với nhau để cầu nguyện cho hòa bình, công lý và các khía cạnh khác cho người hành hương, cộng đoàn của chúng ta, thế giới của chúng ta. Đó cũng là cơ hội vượt trội để cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong chuyến tông du đầu tiên đến nước Úc”.

Masheed, Một sinh viên Luật Hồi giáo thì suy nghĩ: “Là một người hồi giáo và là một tín hữu cùng tin vào Thiên Chúa, tôi thật sự hạnh phúc khi hiện diện ở đây và thấy người trẻ đang thiết tha với đức tin, tôi thấy thánh giá và biểu tượng như là một cơ hội cho liều thuốc về mặt tinh thần, như tôi nói, cho cả quốc gia chúng ta. Vì thế, tôi nghĩ rằng thật sự tốt khi người ta đang nghĩ về đức tin và tôn giáo trong thời đại ngày nay”.
 
Marid, Tây Ban Nha sẽ là nơi gặp gỡ kế tiếp của giới trẻ.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:51 15/07/2008
Sydney, Úc (ZENIT) - Theo Phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican thì Giới trẻ Tây ban nha sẽ có thời khắc ít khó khăn hơn khi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp tới.

Cha Dòng Tên Federico Lombardi phát biểu trong một tuyên bố ngắn với giới báo chí Tây Ban Nha rằng giới trẻ của đất nước họ sẽ “dễ dàng hơn nhiều” để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo.

Hãng Thông Tấn Tây Ban Nha Veritas cho hay mặc dù chưa chính thức, nhưng người ta mong đợi rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ tuyên bố khi bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney rằng Đại hội kỳ tới sẽ tổ chức ở Marid, Tây Ban Nha.

Hãng Thông tấn cho rằng tuyên bố do các ký giả thực hiện là một xác nhận tinh tế của Cha Lombardi về tin đồn này.
 
Người Hồi giáo Sydney hoan nghênh khách hành hương Công giáo nước ngoài.
Phụng Nghi
10:39 15/07/2008
Các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Australia đã mở cửa giáo đường và trường học làm nơi trú ngụ cho khách hành hương tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong nỗ lực làm giảm bớt mối căng thẳng giữa các tôn giáo tại đây. Liên hiệp các Hội đồng Hồi giáo Australia (Australian Federation of Islamic Councils) cũng dự trù tổ chức những cuộc tranh tài thể thao giữa thành viên các tôn giáo và những ngày mở cửa thánh thất Hồi giáo cho lễ hội quốc tế này. Sau đây là bài tường trình của Phil Mercer, phóng viên đài tiếng nói Hoa kỳ (VOA) tại Sydney.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Australia đã tìm kiếm sự giúp đỡ của những tôn giáo khác trong việc cung cấp chỗ ở cho một đạo quân đông đảo khách hành hương ngoại quốc đến tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tuần lễ này.

Cộng đồng Hồi giáo tại Sydney đã đáp ứng bằng cách tự nguyện cung cấp chỗ trú ngụ trong các trường học Hồi giáo cho những thanh thiếu niên tới tham dự.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại đây thấy Ngày Giới Trẻ Thế Giới là cơ hội phá tan hàng rào ngăn cách giữa các tôn giáo.

Cha Mark Podesta, một linh mục Công giáo, nói rằng sự tham gia giúp đỡ của các trường học Hồi giáo là một bước tiến tới quan trọng.

Ngài nói: “Một việc thực sự làm nổi bật Sydney và làm nổi bật Australia, là sự kiện chúng tôi đến đây từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau, nhiều chủng tộc và quốc gia khác nhau, vậy mà tất cả chúng tôi chung sống bên cạnh nhau trong an bình, với thiện chí và hài hòa, và vì vậy đây là cơ hội để bắc những nhịp cầu, để tạo tình huynh đệ và để phá vỡ những chướng ngại vật ngăn cách. Đây là cơ hội để tỏ cho thế giới biết rằng con người từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, từ nhiều niềm tin khác nhau có thể chung sống hoà bình, thiện chí và hòa hợp.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI hiện đang ở Sydney để chủ trì Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Biến cố này có thể lôi kéo hơn 100 ngàn khách thăm từ ngoại quốc đến và hàng chục ngàn người Australia tới đô thị Sydney này.

Các mối liên hệ giữa cộng đồng Hồi giáo Australia (có khoảng 350 ngàn tín đồ) và người Kitô giáo chiếm đa số tại đây đã có những lúc căng thẳng. Vào tháng 12 năm 2005, những nhóm thanh niên da trắng Australia đụng độ với thanh niên gốc Trung Đông tại vùng ven biển Cronula ở ngoại ô Sydney.

Hồi tháng Năm này, các viên chức chính quyền địa phương bác bỏ kế hoạch xây dựng một trường học Hồi giáo tại vùng ngoại ô đô thị lớn nhất nước là Sydney. Nhiều người chỉ trích nói rằng quyết định này dựa trên sự kỳ thị chhủng tộc, nhưng các viên chức nói rằng việc xây cất trường bị bác bỏ là vì vấn đề quy hoạch thành phố, liên quan đến lưu lượng xe cộ giao thông.

Năm ngoái, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã làm khơi động mối giận dữ của cộng đồng Hồi giáo thế giới khi ngài trích dẫn một văn bản thời trung cổ phê phán một số lời giảng huấn của Tiên tri Mohamet là “điều ác và vô nhân đạo”.

Tổng giám mục Công giáo tại Sydney là Hồng y George Pell đã bênh vực lời bình luận của Đức giáo hoàng và mô tả giữa người theo Hồi giáo và bạo lực có mối dây liên hệ.

Các giới chức Giáo hội nói rằng cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng đã làm tăng tiến một tinh thần tha thứ và hòa giải mới.

Đức giáo hoàng Bênêđictô đang nghỉ ngơi ít ngày sau khi tới Sydney hôm Chủ nhật vừa qua. Vào ngày thứ Năm này Ngài bắt đầu chính thức tham gia Ngày Giới Trẻ Thế Giới với việc di chuyển tới cảng Sydney.

Người ta dự kiến Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ lôi cuốn nhiều khách viếng thăm từ nước ngoài hơn du khách tới coi Thế vận hội năm 2000 tại Sydney.
 
Thánh lễ khai mạc WYD 2008 tại Baragaroo- Sydney, Úc châu
Sr. Minh Nguyên
12:18 15/07/2008
THÁNH LỄ KHAI MẠC WYD 2008 TAỊ BARAGAROO- SYDNEY-ÚC CHÂU

BARAGAROO - Lúc 4g30 phút chiều, giờ Sydney ngày 15 tháng7, tại Baragaroo trong thành phố Sydney, thánh lễ khai mạc WYD được long trọng tổ chức với sự chủ tế của ĐHY Pell, đồng tế có từng trăm Giám Mục, từng ngàn linh mục, với sự tham dự cuả 150.000 các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên trái đất này.

Từ 1giờ chiều, mọi nẻo đường dẫn về Barangroo đã ngập tràn các bạn trẻ vai mang ba lô và đội khăn cuả đại hội. Mỗi quốc gia lại còn có thêm màu áo riêng, cầm quốc kỳ hay dấu hiệu riêng của đất nước này nên mọi người dễ nhận ra nhau. Như các bạn trẻ đến từ Pháp quốc hầu như ai cũng đội một cái mũ hình con gà trống trên đầu các bạn trẻ Hà Lan với màu aó cam... vv.

Tất cả mọi người đều nở nụ cười trên môi, sự thân thiện và gần gũi như đã từ lâu lắm rồi. Câu nói được mọi người sử dụng nhiều nhất trong ngày hôm nay và có lẽ suốt kỳ đại hội này là: Chào bạn, bạn khoẻ không và bạn từ đâu tới. Chỉ cần như thế thôi bạn đã làm quen với nhau rồi. Hoặc chào đón nhau, làm quen nhau đơn giản bằng cái bắt tay.

Tiếng nói, tiếng cười và tiếng hát hoà lẫn nhau trong đoàn người tiến về lễ đài.

Dù thời tiết đang vào mùa đông rất lạnh, nhưng điều đó chẳng làm cho các bạn trẻ chùn bước, những bước chân vẫn tiến về phía trước trong niềm vui và sự hăng hái năng động của trái tim người trẻ.

Trên các đường phố, các trạm xe bus, xe lửa các thiện nguyện viên hướng dẫn khách hành hương một cách tận tình. Các nhóm bạn trẻ tụ họp ca hát, nhảy múa. Thi thoảng có vài nhóm người thổ dân Úc chơi nhạc cụ Didgeridoo, khách hành hương tha hồ thưởng thức và chụp hình lưu niệm. Trên các ngả đường, băng rôn WYD treo ngập tràn các đường phố như chào đón các bạn trẻ khắp nơi.

Mặc dù đến sớm, nhưng chúng tôi phải đứng cách lễ đài đến hàng mấy trăm mét. Xa đến nỗi, nhìn lên lễ đài chỉ thấy một màu đỏ của áo lễ, chẳng biết trên đó có những ai nếu không có màn hình lớn. Người chen người, vai chen vai. Thánh lễ của các bạn trẻ nên bầu khí rất trẻ trung. Thú vị nhất là phần chúc bình an và rước lễ. Khi chúc bình an, mọi người đi lại rất nhiều để bắt tay nhau, choàng vai nhau chia sẻ niềm vui trong ngày hội ngộ đầy hồng phúc này.

Khi rước lễ, bài hát hiệp lễ được các bạn trẻ vỗ tay, nhún nhảy và hát cùng ca đoàn một cách rập ràng, nhịp nhàng làm cho bầu khí của ngày đại hội mang một tinh thần trẻ trung hơn, gần gũi hơn và sống động hơn.

Điều này làm cho tôi có một cảm giác: trên con đường hành hương hôm nay cùng các bạn trẻ cuả 176 quốc gia, dù khác màu da, khác tiếng nói, khác văn hoá... nhưng cùng có chung một con đường đi, có chung một cùng đích, có chung một con tim... tất cả hoà quyện làm một trong cuộc hành trình làm nên một bức tranh sống động dưới bầu trời Sydney mênh mông.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, ĐHY Pell, đại diện cho Toà Thánh đã tuyên bố ngày khai mạc đại hội giới trẻ thế giới lần thứ XXIII chính thức bắt đầu. Ngài nói: bao mong đợi cho ngày ĐHGT, hôm nay ngày ấy đã đến. Sydney đã trở thành thành phố của những người trẻ. Các bạn sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và các bạn sẽ trở nên những chứng nhân...

Tiếng vỗ tay, huýt sáo, tiếng trống và nhiều âm thanh như chỉ chờ có thế nổi lên từ hàng trăm ngàn người tham dự.

Để nói lên cái cảm tương và niềm hạnh phúc của giới trẻ đến đây trong những ngày này. Xin được đan cử một email của Don đã viết về nhà vài ngày trước đây. Don là một trong những bạn trẻ thuộc nhóm 26 người đến từ giáo xứ Our Lady of the Assumption Church, giáo xứ của Cha Giám Đốc VietCatholic ở Claremont, California, đã viết cho gia đình như sau: "Sydney thực sự rộ lên vẻ đẹp, mọi nơi chúng con đi qua đều thấy đâu đâu cũng là người trẻ, họ chúc mừng nhau, chào hỏi nhau theo cách thức trẻ trung của họ. Khi họ bào quán ăn hay vào tiệm mua đồ, tất cả dù không quen biết cũng chúc mừng nhau hạnh phúc và rất to tiếng vui nhộn. Thế rồi họ tụ tập thành nhóm, ca hát, nhảy múa. Ai nấy cũng đều có túi xách đeo lưng của WYD mầu cam đỏ, vì thế gặp là biết đấy là các bạn trẻ hành hương... Dọc theo các con đường, có những quầy, lều bạt và có rất nhiều sinh hoạt khác đang tiếp diễn. Trong túi chỉ dẫn có bản đồ, có lộ trình và thời giờ các diễn biến xẩy ra, nên dễ dàng theo dõi. Khách sạn chúng con ở chỉ cách nhà thờ chính tòa St Mary có 5 phút đi bộ. Khách sạn này nằm trụ ngay trung tâm điểm của nhiều biến cố xẩy ra. Chúng con rất vui mừng và tràn đầy hạnh phúc... Hẹn lần sau".

Thánh lễ khai mạc đã kết thúc, nhưng tình yêu, sự sẻ chia và sự gặp gỡ bây giờ như mới bắt đầu... .
 
Người trẻ Công giáo hành hương đã biến đổi bộ mặt Sydney
Phụng Nghi
12:51 15/07/2008
Sydney (Reuters) – Khoảng 150 ngàn thanh thiếu niên hành hương đã tham dự thánh lễ tại Cảng Sydney hôm nay thứ Ba để mở đầu cho lễ hội giới trẻ vĩ đại nhất của Giáo hội Công giáo, nhưng những người chống đối cũng dự trù một buổi tập trung phản đối Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trưóc khi ngài cử hành thánh lễ ngoài trời vào ngày Chủa nhật sắp tới.

Trước thánh lễ, trong lời chào mừng khách hành hương, Thủ tướng Australia, ông Kevin Rudd, một người Công giáo ngoan đạo, phát biểu: “Trong lịch sử thế giới, rất thường khi người trẻ hành trình tới một nước khác trên thế giới với số lượng đông đảo là vì lý do chiến tranh, nhưng các bạn tới đây là những người hành hương để phục vụ hòa bình.”

“Một số người cho rằng không có chỗ cho đức tin ở thế kỷ 21 này, tôi xin nói là họ lầm. Các bạn là ánh sáng của thế giới giữa khi thế giới quá nhiều tối tăm.”

Hơn 250 ngàn người trẻ từ 176 quốc gia đã tới Sydney để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ 15 đến 20 tháng 7; họ không chỉ cầm thánh giá, tràng hạt mân côi và kinh thánh mà còn mang theo đàn ghita và choàng cờ nước mình trên vai.

Giáo hội Công giáo hy vọng Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ tạo nên một sinh khí mới nơi thanh thiếu niên Công giáo trên thế giới giữa lúc sự tôn thờ cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ đang trở thành những lôi kéo lớn trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Đức giáo hoàng đã gửi thông điệp thứ nhất trong số thông điệp ngài sẽ chuyển đi trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới: "Young friend, God and his people expect much from u because u have within you the Fathers supreme gift: the Spirit of Jesus - BXVI" (Hỡi bạn trẻ, Thiên Chúa và dân Người trông đợi nhiều nơi con bởi vì con có trong mình quà tặng cao nhất của Chúa Cha: đó là Thần linh của Đức Giêsu – Bênêđictô XVI).

Đức giáo hoàng cho biết trong cuộc viếng thăm Australia ngài sẽ xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong giáo hội. Broken Rites, đại diện các nạn nhân, có trong tay một danh sách 107 vụ án lạm dụng trong giáo hội, nhưng cho biết có thể có thêm hàng ngàn nạn nhân khác.

Sydney biến đổi

Sydney có đôi khi được gọi là Thành phố Tội lỗi của Australia. Nơi đây có ngày mardi gras của giới đồng tính lớn nhất thế giới, cũng là nơi có khu đèn đỏ nổi tiếng nhất nước, đó là Kings Cross. Nhưng trong tuần lễ này Sydney đã tràn ngập một làn sóng thiện hảo và Kitô giáo.

Con đường George ở trung tâm thành phố thường ồn ào, kẹt xe và đông đúc vào giờ ăn trưa, nhưng hôm thứ Ba này đường phố bình yên, tràn đầy giọng hát thánh ca, chập chùng tiếng đàn ghita và bập bùng tiếng trống.

Hàng ngàn khách hành hương đi dọc theo đường George; đường này là một trong 300 con đường đóng không cho xe cộ qua lại và an ninh được bảo vệ theo kiểu tổ chức Thế vận hội. Giống như những fans hâm mộ các đội bóng, mỗi khi các nhóm người từ nhiều quốc gia gặp nhau họ cất tiếng hát lên để gọi nhau.

Anh Rudimar Gouveia đến từ Brazil nói: “Chúng tôi hát lên để bày tỏ những gì cảm nghiệm trong tâm hồn. Chúng tôi gặp gỡ rất nhiều người và nói với nhau về chuyện Đức Giêsu có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời chúng tôi.”

Còn anh Nazareth Atielza người Australia thì nói rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã biến đổi cả thành phố: “Không khí tích cực hơn trước rất nhiều. Vào ngày thường, mọi người bận rộn lo cho mình nhưng hôm nay đây ai gặp người lạ cũng cất tiếng chào.”

Phản ảnh mối cuồng nhiệt tôn giáo tại Sydney, người ta thấy dòng chữ “Ratzinger Thống Trị” được sơn lên ban đêm trên đài tưởng niệm chiến sĩ. Josef Ratzinger là tên của Đức giáo hoàng Bênêđictô. Nhưng mặc dầu có đông đảo người Công giáo hành hương, mặt trái đen tối của Sydney cũng vẫn còn hiện lên bề mặt thành phố. Một nhà chứa tại Sydney hoan nghênh khách hành hương, thúc giục “người có cơ hội phạm tội hãy phạm tội đi” trước khi giáo hoàng rời Australia, thậm chí còn quảng cáo bớt 10% cho khách có mang theo thẻ Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Australia là một xã hội thế tục, nơi giáo hội Công giáo đang cố gắng lôi kéo thêm số người đến thờ phượng tại nhà thờ. Chừng 5 triệu người Australia theo Công giáo, nhưng số người đi lễ ngày Chủ nhật chưa tới một triệu.

Đức Hồng y Australia là George Pell nói với khách hành hương trong thánh lễ mở đầu Ngày Giới Trẻ Thế Giới: “Đừng tiêu phí cuộc đời bạn trong do dự…bởi vì chỉ có những cam kết dấn thân mới mang lại kết quả. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải có kỷ luật, nhất là kỷ luật với chính mình.”

Nhóm người phản kháng có tên “No Pope” đã hoan nghênh giới trẻ Công giáo tới Sydney, nhưng dự trù tặng họ móc treo áo để chống đối những vụ phá thai thầm lén, bao cao su để đề cao an toàn tính dục, và các khẩu hiệu có đề tài đồng tính để đề cao quyền tự do luyến ái đồng tính.

Có những luật lệ áp đặt chống lại người biểu tình tuần này khi Đức giáo hoàng thăm viếng Sydney. Người biểu tình có thể bị bắt giữ khi phiền hà khách hành hương Công giáo. Hôm thứ Ba, những luật này bị tòa án cho là vi hiến.

Theo luật, người biểu tình có thể bị bắt giữ hoặc bị phạt tiền tới 5,500 Úc kim (tương đương 5,340 mỹ kim) vì mặc áo thung chống Công giáo hoặc phân phát bao cao su ngừa thai.

Nguồn: Michael Perry/Reuters
 
Tường thuật lễ khai mạc WYD 2008 tại Barangaroo
VietCatholic Network
14:02 15/07/2008
Buổi chiều Thứ Ba ngày 15/7/2008, từng đoàn các bạn trẻ thuộc mọi ngôn ngữ, mọi Quốc Gia, đều đổ dồn về Barangaroo để tham dự Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 năm 2008 tại Sydney. Các ngả đường Sydney đều đông đúc các bạn trẻ như một ngày hội lớn...Các ga xe lửa, trạm xe bus, tràn ngập các bạn trẻ...Rừng cờ muôn sắc của khoảng trên 170 quốc gia tham dự...Các bạn trẻ Việt Nam hân hoan và tung tăng với những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên khắp các nẻo đường Sydney...

Các phóng viên Vietcatholic tới địa điểm Barangaroo để ghi lại những hình ảnh và tường trình đến quý độc giả...Khi chúng tôi tới nơi, các bạn trẻ đã tràn ngập các lối vào...Chúng tôi phải xếp hàng rất dài để vào địa điểm hành lễ Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội. Khoảng 4.15pm, Đoàn Cờ đại diện của các quốc gia tham dự...Chúng tôi rưng rưng giọt lệ cảm động và sung sướng khi nghe tin Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được chính thức trong đoàn rước các quốc kỳ của Đại Diện các quốc gia tham dự...Càng sung sướng hơn khi thấy anh Đường Phước Lộc, trưởng ban tổ chức WYD4VN, Cô bạn trẻ Trần Thị Thuỳ Linh, với lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, đại diện cho Giới Trẻ Việt Nam trên lễ đài...Nhìn về phía dưới bạn trẻ các nước tham dự, phóng viên chúng tôi nhìn thấy giữa các mầu cờ của các quốc gia, Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay khắp nơi...

Đúng 4.30 chiều, Thánh Lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ năm 2008 bắt đầu với đoàn Thánh Giá nến cao, tiếp đến, quý Giám Mục trang nghiêm, và sau cùng là Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Giáo Phận Sydney chủ tế. Phía bên trái lễ đài, khoảng gần 200 Giám Mục đồng tế, trong đó có 4 Vị Giám Mục Việt Nam. Phía sau Bàn Thờ, Ca Đoàn Tổng Hợp với giàn orchestra vĩ đại phụng vụ Thánh Ca cho Thánh Lễ.

Đức HY George Pell đã chào mừng các bạn trẻ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Ý Ngữ, Tây Ban Nha...Ngài đã nói đến sự lạc quan về tương lai...Trước Thánh Lễ, sau mục diễn hành cờ của các nuớc tham dự, đoàn nghi lễ chào đón cổ truyền của người thổ dân Úc Châu chào đón Đại Hội Giới Trẻ và các khách hành hương. Thủ Tướng Úc Đại Lợi, Kevin Rudd chia sẻ với các bạn trẻ, ông diễn tả những khách hành hương như là “ánh sáng của thế giới trong thời đại tăm tối.” Thánh Giá Giới Trẻ và Icon Đại Hội Giới Trẻ được đặt trên Lễ Đài...

Sau Thánh Lễ, Đức Hồng Y Rylco, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng về Giáo Dân đã chào mừng các bạn trẻ hành hương trong Đại Hội.

Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội kết thúc, rất nhiều các bạn trẻ ở lại tham dự đêm hoà nhạc chào đón rất tuyệt vời do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và các hoạt cảnh về văn hoá của các dân tộc.

Chúng tôi vộ vã tiến về đoàn nghi lễ phụng vụ, Linh Mục Văn Chi đã phỏng vấn Đức Hồng Y George Pell. Ngài đã chào đón các bạn trẻ Việt Nam từ muôn phương về hội ngộ.

Phóng viên Vietcatholic sẽ tường trình chi tiết hơn trong những ngày còn lại.

Chúng ta tạ ơn Chúa đã làm những việc phi thường trong ngày khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney, khi tất cả các tiểu bang khác mưa tầm tã, nhưng Sydney bừng lên nắng ấm giữa mùa đông. Tạ Ơn Chúa đã làm những việc kỳ diệu...

Hẹn gặp quý vị trong bài tường thuật ngày mai.
 
Video -Lễ Khai Mạc WYD 2008 Tập 2: Cờ VNCH thay mặt cho quốc gia VN trong đoàn rước quốc kỳ 173 nước
VietCatholic Network
14:18 15/07/2008
Buổi chiều Thứ Ba ngày 15/7/2008, từng đoàn các bạn trẻ thuộc mọi ngôn ngữ, mọi Quốc Gia, đều đổ dồn về Barangaroo để tham dự Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 năm 2008 tại Sydney. Các ngả đường Sydney đều đông đúc các bạn trẻ như một ngày hội lớn...Các ga xe lửa, trạm xe bus, tràn ngập các bạn trẻ...

Trước thánh lễ các bạn đã rước cây Thánh Giá của ngày Quốc Tế Giới Trẻ lên lễ đài với những tiếng hoan hô vang dội. Cùng lúc đó là đoàn rước quốc kỳ của 173 quốc gia tham dự trong đó có lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà thay mặt cho quốc gia Việt Nam trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Đúng 4.30 chiều, Thánh Lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ năm 2008 bắt đầu với đoàn Thánh Giá nến cao, tiếp đến, quý Giám Mục trang nghiêm, và sau cùng là Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Giáo Phận Sydney chủ tế. Phía bên trái lễ đài, khoảng gần 200 Giám Mục đồng tế, trong đó có 4 Vị Giám Mục Việt Nam. Phía sau Bàn Thờ, Ca Đoàn Tổng Hợp với giàn orchestra vĩ đại phụng vụ Thánh Ca cho Thánh Lễ.

Xin mời quý vị xem tiếp trong video.
 
Thánh lễ khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney
Linh Tiến Khải
18:03 15/07/2008
SYDNEY: Chiều ngày 15-7-2008 Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney đã chủ sự thánh lễ chính thức khai mạc Ngày Quốc Tế Giởi Trẻ lần thứ XXIII tại khu đất trống Barangaroo gần rạp hát Sydney với sự tham dự của 225 ngàn bạn trẻ quốc tế và địa phương.

Ngỏ lời chào mừng mọi người Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về giáo dân nói các ngày quốc tế giới trẻ là dịp gặp gỡ Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài. Mỗi một ngày quốc tế giới trẻ là một lời mời gọi người trẻ lựa chọn trở thành môn đệ Chúa Giêsu Kitô và là các người loan báo Tin Mừng của Chúa. Vì thế hôm nay tại Sydney này Chúa nói: ”Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).

Để gặp gỡ Đức Thánh Cha người trẻ các con đã đem theo các hy vọng, các dự án cho tương lai và niềm tin tràn đầy hăng say cũng như các vấn nạn và vấn đề mà các con không biết trả lời và giải quyết. Hôm nay Chúa Giêsu nói với các con ”Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Ngày Quốc Tế Giới Trẻ mời gọi từng người trong các con tái khám phá ra tầm quan trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, ý thức hơn về sự hiện diện của Người trong cuộc sống các con, hiểu biết Người nhiều hơn, và móc nối một liên hệ tình bạn riêng tư với Người và nhất là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn các con trong các lựa chọn định đoạt cuộc sống. Các người trẻ thân mến các con đã đem mùa xuân vào trong mùa đông của Australia này, các con là mùa xuân của thế giới và của Giáo Hội, cha chân thành cầu chúc các con sống một lễ Thánh Thần hiện xuống mới tại Sydney này. Hãy mở toang cánh cửa cuộc sống cho hoạt động của Chúa Thánh Thần! Hãy để Người nhào nặn các con! Hãy luôn luôn ngoan ngoãn nghe theo tiếng Người! Xin Chúa Thánh Thần là sức mạnh và niềm vui của các con. Một lần nữa cha chào mừng các con tới Sydney.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y George Pell Tổng Giám Mục Sydney đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và áp dụng vào Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Thánh vịnh Chúa là Mục Tử mời gọi tất cả những ai đau khổ bệnh tật đến cùng Chúa để được chữa lành, như Ngài vần gọi từ hai ngàn năm nay. Nguyên nhân nào gây ra các vết thương đó là điều thứ yếu, cho dù đó là ma túy hay rượu chè, sự đổ vỡ hôn nhân, các quyến rũ xác thịt, nỗi cô đơn hay sự sinh ly tử biệt, và cũng có thể là nỗi trống rỗng của sự thành công nữa. Lời mời gọi của Đức Kitô được dành để cho tất cả những ai đang gánh nặng và ưu phiền, chứ không chỉ dành cho tín hữu công giáo hay Kitô, và đặc biệt dành cho những người vô tôn giáo. Đức Kitô đang mời gọi những người đó trở về mái ấm gia đình, trở về với tình thương yêu, hàn gắn và trở về với tập thể cộng đồng.

Như xưa Thần Khí Chúa đã cho cánh đồng xương khô của dân tộc Do thái phục sinh trong thị kiến của ngôn sứ Edekiel, cũng sức mạnh đó được hứa ban cho chúng ta hôm nay, cho tất cả mọi người không loại trừ ai. Các con những người hành hương trẻ tuổi có thể hướng về tương lai tràn đầy hứa hẹn đang rộng mở trước mắt các con. Dụ ngôn người gieo giống nhắc nhở các con phải nắm bắt ơn gọi của mỗi người và sinh sản một mùa gặt dồi dào, một vụ thu hoạch nhiều gấp trăm.... Sứ mạng của chúng ta là mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần, để Thiên Chúa của những sự ngạc nhiên có thể tác động trên chúng ta... Đừng để cho hạt giống lời Chúa bị khô héo hay chết đi.. Hạnh phúc đến từ việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận nhỏ nhặt thường ngày, để từ đó vươn lên và thắng vượt các thử thách khó khăn...

Và Đức Hồng Y Pell kết luận bài giảng với lời cầu chúc như sau: Cha cầu mong rằng trong năm ngày tới đây, qua các buổi cầu nguyện và lễ lạc, tinh thần của các con sẽ dâng cao, trong niềm hân hoan của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ này. Xin Chúa cho tất cả chúng ta được vui mừng là chúng ta đã đến nơi để tham dự đại hội, bất chấp mọi chi phí mắc mỏ, khó khăn vằ đường xá xa xôi. Trong tuần này chúng ta có quyền tự hào và ăn mừng vì đã ăn năn và được giải phóng khỏi tội lỗi, vì niềm tin của chúng ta đã được tươi trẻ lại. Đức Hồng Y xin người trẻ mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần và nhắc nhỏ các bạn trẻ là dù có vui vẻ hăng hái phấn khởi đến đâu đi nữa thì cũng đừng quên lắng đọng và cầu nguyện.

Vào tuần sau chúng ta sẽ chia tay nhau, nhưng xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Thiên Chúa nhân từ của chúng ta và Đức Giêsu Con yêu dấu Ngài. Xin hãy đến hỡi Thánh Thần Thiên Chúa, từ bốn phương trời, từ khắp cảc quốc gia và các dân tộc trên trái đất, và xin chúc phúc cho lục địa miền nam bao la của Thần Linh Chúa. Xin ban sức mạnh để chúng con cũng trở thành một đạo quân đông đảo những tôi tớ khiêm nhu và những chứng nhân trung thành!

Ngày ngày 14-7-2008 Thánh Giá Giới Trẻ và hình Đức Mẹ với huy hiệu của thổ dân đã được rước về Sydney bằng tầu có trang hoàng cờ của Ngày Quóc Tế Giới Trẻ.

Trong 12 tháng qua Thánh Giá và hình Đức Mẹ đã được rước tới các giáo xứ của mọi giáo phận toàn nước và đã quy tụ hơn 400 ngàn người trẻ trong các buổi cầu nguyện và canh thức chuẩn bị tinh thần cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Ngày 17-7-2008 lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha cũng sẽ diễn ra tại khu vục này. Trong cuộc họp báo Đức Cha Fisher cho biết Giáo Hội Australia đã được chính quuyền trợ giúp rất nhiều. Chi phí tổ chức là 150 triệu dollars Úc, phân nửa do các bạn trẻ đóng góp, phần còn lại do các tổ chức bác ái và tư nhân hỗ trợ. Vì thế nhiều bạn trẻ các nước nghèo đã có thể tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Sydney. Đức Cha cho biết so sánh với chi phí 1 tỷ của Thế Vận Hội Sydney năm 2000 thì không thấm vào đâu.
 
Lý do Giáo Hội không truyền chức Linh Mục cho nữ giới
Linh Tiến Khải
18:08 15/07/2008
Phỏng vấn Đức Ông Antonio Miralles, thuộc hiệp hội Opus Dei, giáo sư thần học bí tích tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, về lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận việc truyền chức linh mục cho phụ nữ

Trong các ngày từ mùng 4 đến mùng 8-7-2008, 467 Giám Mục, Mục sư và giáo dân của Giáo Hội Anh giáo đã nhóm Công Nghị tại York, để chuẩn bị cho Hội Nghị Lambeth lần thứ 14 sẽ chính thức khai diễn hôm 16-7-2008 và kéo dài cho tới ngày mùng 4-8-2008. Trong số các vấn đề được thảo luận và bỏ phiếu tại Công Nghị York có việc tấn phong Giám Mục cho nữ giới và những người đồng tính luyến ái. Ngày mùng 7-7-2008 Công nghị đã bỏ phiếu chấp nhận quyết định tấn phong Giám Mục cho nữ giới và nam giới đồng tính luyến ái.

Ngày mùng 8-7-2008 Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã công bố thông cáo khẳng định rằng quyết định này là một ”xé rách truyền thống tông đồ đã được tất cả mọi Giáo Hội của ngàn năm đầu tiên duy trì, và vì thế sẽ là một chướng ngại đối với việc hòa giải giữa Công Giáo và Anh Giáo”.

Thông cáo cho biết lập trường của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bầy rõ ràng. Và như Đức Hồng Y Walter Kasper đã giải thích rõ ràng khi được Đức Tổng Giám Mục Canterbury mời nói chuyện với tất cả các Giám Mục Anh giáo ngày mùng 5 tháng 6 năm 2006, quyết định này sẽ có các hậu qủa đối với cuộc đối thoại, cho tới nay đã đem lại nhiều kết qủa tốt. Đức Hồng Y Kasper cũng đã được mời trình bầy lập trường của Giáo Hội Công Giáo trong Hội nghị Lambeth khai diễn ngày 16-7-2008.

Trước đó trong các ngày từ 22 đến 29 tháng 6, 280 Giám Mục Anh Giáo đã nhóm đại hội quốc tế tại Giêrusalem để duyệt xét tương lai của Giáo Hội Anh Giáo. Trong thông cáo chung kết các Giám Mục tham dự đại hội đã quyết định tẩy chay Hội Nghị Lambeth, là Hội Nghị do Đức Tổng Giám Mục Canterbury triệu tập 10 năm một lần để đề ra đường hướng hoạt động cho Giáo Hội trong 10 năm tới. Lý do là vì ”có vài khuynh hướng xa rời giáo lý truyền thống liên quan tới hôn nhân và tính dục, và các khuynh hướng này trái ngược với Tin Mừng”, khiến cho Giáo Hội Anh Giáo bị hư hại một cách nghiêm trọng, và có các yếu tố có thể làm đổ vỡ sự hiệp thông”.

Các Giám Mục đe dọa sẽ thành lập một giáo hội song song giữa lòng Giáo Hội Anh Giáo, nếu để cho phụ nữ làm Giám Mục. Hôm mùng 1-7-2008 một số Giám Mục phe bảo thủ đã gặp Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams để trao đổi ý kiến và thảo luận thêm về tình hình căng thẳng hiện nay trước khi Công Nghị bắt đầu tại York.

Thực ra sự rạn nứt đã xảy ra ngay từ năm 2003 với vụ tấn phong Gene Robinson, người đồng tính luyến ái làm Giám Mục New Hampshire. Biến cố này đã gây chia rẽ giữa lớn lòng Giáo Hội Anh Giáo. Ngày mùng 10-6-2008 Đức Cha Robinson đã thành hôn với ông Mark Andrew trong một nghi lễ dân sự và sau đó với lễ nghi tôn giáo trong nhà thờ chính tòa St Paul tại Concord, có thân nhân bạn bè tham dự. Thế rồi cách đây vài tuần lại có tin hai Giám Mục Anh giáo đồng tính lấy nhau, khiến cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury Rowan Williams rơi vào cơn lốc chính trị tôn giáo.

Chính vì các hỗn loạn này Đức Cha Michael Nazir Ali, Giám Mục Rochester, và Đức Cha Akinola người Nigeria đã cùng với 280 Giám Mục Anh Giáo nói trên nhất quyết không tham dự Hội nghị Lambeth. Sự kiện này khiến cho tổng số 650 Giám Mục Anh giáo toàn thế giới tham dự hội nghị Lambeth giảm sút nghiêm trọng.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo ”The Catholic Herald” Đức Cha Andrew Burnham, Giám Mục giáo phận Anh giáo Ebbsfleet, cho biết ý định sẽ cùng với các Giám Mục và mục sư anh giáo khác xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Đức Cha Burnham bầy tỏ lòng biết ơn đối với ”cử chỉ cao thượng của các anh em công giáo, đặc biệt là của Đức Giáo Hoàng” tiếp nhận các Giám Muc và Mục Sư anh giáo.

Đức Cha cho biết đã sang Roma trong các ngày qua cùng với Đức Cha Keith Newton của giáo phận anh giáo Richborough, và hai vị đã gặp Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô. Hai vị đã xin Giáo Hội Công Giáo mở rộng cửa cho số đông đảo các giám mục, mục sư và tín hữu các giáo xứ anh giáo xin theo Công Giáo. Đức Cha Burnham nói: ”Đây là ước mong của nhiều người trong hàng giáo sĩ anh giáo xin được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Roma”.

Thật ra ngày mùng 1-7-2008, 1300 mục sư đã đe dọa ra khỏi Giáo Hội Anh Giáo nếu Giáo Hội để cho phụ nữ làm Giám Mục.

Trong bức thư ngỏ gửi Đức Cha Rowan Williams, Tổng Giám Mục Canterbury và York, được báo chí Anh đăng tải ngày mùng 1 tháng 7, các mục sư anh giáo nói trên cũng cho biết nếu giáo phận của các vị do một nữ Giám Mục trông coi, thì các vị xin được chuyển sang một giáo phận khác có Giám Mục là nam giới.

Trong Hội Nghị nhóm hồi năm 2005 Giáo Hội Anh giáo đã chấp thuận cho phụ nữ được tấn phong Giám Mục. Giới quan sát viên cho rằng 1300 mục sư nói trên cũng có thể xin gia nhập giáo Hội Công Giáo. Hồi năm 1992 đã có hàng trăm mục sư xin theo Công Giáo vì Hội Nghị Anh giáo quyết định truyền chức linh mục cho phụ nữ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Antonio Miralles, thuộc hiệp hội Opus Dei, giáo sư thần học bí tích tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, về lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận truyền chức linh mục cho phụ nữ. Đức Ông Miralles là cố vấn của Bộ Giáo Sĩ, và từ năm 1990 cũng là cố vấn của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Hỏi: Thưa Đức Ông Miralles, tại sao Giáo Hội Công Giáo lại không chấp nhận cho phụ nữ làm Linh Mục?

Đáp: Hồi năm 1975 khi Đức Tổng Giám Mục Canterbury, Donald Coggan báo tin cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI biết là Giáo Hội Anh Giáo sắp sửa chấp nhận cho phụ nữ làm Linh Mục - và sau đó họ đã quyết định như thế - Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết cho Đức Tổng Giám Mục Coggan một bức thư để giải thích rằng Giáo Hội Công Giáo không cảm thấy được phép làm điều này, vì Giáo Hội Công Giáo bị bó buộc bởi sự lựa chọn của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã chỉ lựa chọn tông đồ giữa các người nam. Một cách cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xin Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn thảo một văn kiện giải thích lý do của lập trường này. Tuyên ngôn “Inter insignores” đã nảy sinh từ đó và được công bố năm 1976, trong đó Bộ giải thích rộng rãi hơn lý do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nêu ra. Vào tháng 5 năm 1994 lập trường này đã được tái nêu bật một cách vĩnh viễn trong Tông Thư của Đức Gioan Phaolô II tựa đề ”Ordinatio sacerdotalis”, ”Việc truyền chức linh mục”.

Hỏi: Nhưng mà có người phản bác rằng sự lựa chọn của Chúa Giêsu đã bị xác định bởi bối cảnh lịch sử, và tâm thức của thời đại bấy giờ, thì sao thưa Đức Ông?

Đáp: Đó là một phản bác không có nền tảng. Chúa Giêsu đã chứng minh cho thấy Ngài hoàn toàn tự do không bị điều kiện hóa bởi xã hội, trong đó Ngài đã sinh ra và lớn lên. Chúa Giêsu đã chứng minh cho thấy sự tự do đó chẳng hạn như khi Ngài chống lại thói quen chấp nhận cho rẫy vợ của xã hội do thái cũng như của xã hội hy lạp roma, nghĩa là Chúa Giêsu không chấp nhập thói quen ly dị.

Và Chúa Giêsu đã có rất nhiều môn đệ là phụ nữ, bắt đầu là Mẹ Ngài là Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria - dưới chân thập giá có nhiều phụ nữ nhưng chỉ có một nam tông đồ là thánh Gioan - nhưng Chúa đã chỉ chọn các người nam làm tông đồ thôi, một cách cố ý và tự do, chứ không bị ai hay thói quen nào bắt buộc cả. Và sự lựa chọn này chỉ có thể có tính cách bắt buộc cho Giáo Hội nếu muốn là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Hỏi: Thế tại sao Chúa Giêsu lại chọn như thế thưa Đức Ông?

Đáp: Các nhà thần học hãy tìm trả lời cho câu hỏi này vì đó là nghề của họ. Nhưng tất cả mọi giải thích có thể đưa ra để trả lời cho câu hỏi này đều phụ thuộc, đối với sự lựa chọn Chúa Giêsu đã làm, và Giáo Hội phải theo Chúa, chứ không thể thay đổi tùy thích dựa trên các ước muốn của các giai tầng ít nhiều rộng rãi của dư luận công cộng được.

Hỏi: Nhưng mà việc loại trừ nữ giới khỏi chức linh mục lại không gây tổn thương cho phẩm giá của chị em phụ nữ hay sao thưa Đức Ông?

Đáp: Phẩm giá của nữ giới trong Giáo Hội chắc chắn là không tùy thuộc việc được hay không được làm linh mục. Lịch sử của Giáo Hội, từ Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria cho tới các nữ chân phước và các thánh nữ đang ở đó để chứng minh cho sự kiện này.

Hỏi: Thưa Đức Ông tại sao Giáo Hội đã đợi cho tới năm 1975 mới long trọng tuyên bố việc không thể chấp nhận phụ nữ làm linh mục?

Đáp: Một cách đơn sơ chỉ vì cho tới lúc đó sự kiện chức linh mục chỉ được dành cho nam giới là một thói quen liên tục từ ban đầu, và trong gần 2000 năm nó đã không bao giờ được thảo luận, cả khi Giáo Hội được phố biến trong các môi trường văn hóa và tôn giáo, trong đó có các hình thức chức linh mục phụ nữ, chẳng hạn như trong thế giới hy lạp roma, và cả trong các trường hợp thiếu ơn gọi linh mục và thiếu giáo sĩ nữa. Theo lệ, Huấn Quyền không can thiệp một cách định đoạt, nếu một sự thật được chấp nhận một cách hòa bình, và không bị đặt vấn đề.

Hỏi: Trong tương lai khi đào sâu vấn đề Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo, có thể đi tới các kết luận khác và cho phép phụ nữ làm linh mục không thưa Đức Ông?

Đáp: Khả thể này bị loại trừ. Lý do là vì chức linh mục nam giới là một sự thật đã được coi như thuộc gia tài lòng tin không thể xúc phạm được, thuộc Truyền Thống với chữ ”T” viết hoa. Bộ Giáo Lý Đức Tin đã nhắc lại điều này một cách rõ ràng với tài liệu ”Trả lời cho nghi hoặc về giáo lý của Tông Thư ”Ordinatio sacerdotalis” công bố hồi tháng 10 năm 1995, với sự phê chuẩn và quyết định của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thật thế có nhiều tác giả công giáo gợi ý cho rằng việc từ chối phong chức linh mục cho phụ nữ được coi như tạm thời và không thể loại trừ việc nghĩ lại trong tương lai. Nhưng không phải thế.

Hỏi: Thưa Đức Ông Miralles, quyết định của Công Nghị Anh giáo chấp nhận cho nữ giới làm giám mục có gia tăng các khoảng cách với Giáo Hội Công Giáo hay không?

Đáp: Có gia tăng, nhưng một cách tương đối thôi. Sự đoạn tuyệt thê thảm đã xảy ra với quyết định truyến chức linh mục cho nữ giới rồi. Quyết đinh cho phụ nữ làm giám mục chỉ là một hậu qủa phụ thuộc, không thể làm tồi tệ thêm một tình hình vốn đã khá tồi tệ rồi.

Hỏi: Con xin có câu hỏi cuối cùng. Thế còn liên quan tới các phụ nữ phó tế thì sao thưa Đức Ông?

Đáp: Về vấn đề này Huấn Quyền chưa đưa ra lời tuyên bố nào, như đối với vấn đề nữ giới làm linh mục. Nhưng các điều lệ và thói quen vẫn dành chức Phó Tế cho nam giới. Có đúng thật là trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo, chúng ta có các tin tức liên quan tới các ”nữ phó tế”, nhưng đây không phải một phụ nữ trong chức vụ tương đương với các nam phó tế. Vì thế cho tới nay cả chức phó tễ vĩnh viễn cũng chỉ được dành cho nam giới. Nhưng vấn đề này vẫn còn đang được nghiên cứu.

(Avvenire 9.11-7-2008; SD 8-7-2008; ZENIT 6-7-2008; KNA 1-7-2008)
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Thánh Lễ Khai Mạc đầy linh thiêng và bừng lên tinh thần mới
Vũ Văn An
22:07 15/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Thánh Lễ Khai Mạc

1. Vui mừng và hy vọng ở cõi tận cùng Trái Đất

John Huxley của tờ Sydney Morning Herald ngày 16 tháng Bẩy có bài với tựa đề như trên về Lễ Khai Mạc WYD tại Barangaroo, Sydney vào chiều tối hôm qua.

Họ đã tới Hungry Mile (tên cũ của Barangaroo), tới “cõi tận cùng Trái Đất” như lời Đức Hồng Y Geroge Pell gọi ngày hôm qua: ước lượng có đến 100,000 (Đài Sky News thì cho là hơn 140,000) đến từ 170 quốc gia và hàng chục ngàn thị dân Sydney, những con người hạnh phúc, tràn trề hy vọng và chắc chắn đói khát ý nghĩa.

Các trực thăng vần vũ trên trời, các tầu cảnh sát tuần tra bến bãi, và lưu thông trong thành phố tạm ngưng trong lúc Tổng Giám Mục Công Giáo cử hành Thánh Lễ khai mạc WYD thứ tám (thực ra là 23) trong khi mặt trời xuống dần và hoàng hôn từ từ buông xuống Đông Cảng Darling.

Cả là một quang cảnh ngoại thường: trên một khán đài dài 80 thước hai bên tả hữu bàn thờ có lọng che vĩ đại là hàng giáo phẩm, với phẩm phục chủ yếu đỏ trắng, mà mỗi vị xuất hiện đều được các nhóm người ‘đồng hương’ hoan hô vang dội.

Bên dưới, trên mảnh đất từng là vũ đài của một trong các cuộc tranh chấp kỹ nghệ cay đắng nhất của lịch sử Úc, là cả một đám đông vĩ đại, với cờ xí và những chiếc túi lưng đỏ vàng, quả đã biến nền xi măng xám ngắt thành một biển người nhấp nhô muôn mầu muôn sắc vui nhộn khi họ cùng cất cao giọng hân hoan ca hát hay cúi đầu thinh lặng cầu nguyện.

Nhiều người đã tới từ 8 giờ sáng để dự Thánh Lễ lúc 4 giờ 30 chiều. Trẻ có già có, đen có trắng có, khắc khổ có mà lòe loẹt sặc sỡ cũng có, nhưng tất cả tỏ ra bất cần những kiểu “vơ đũa cả nắm” (stereotyping) quá dễ dãi. Sami Dib, một thiếu niên Gia Nã Đại 16 tuổi, mà vành tai xỏ đầy vòng kim cương và ngón tay nhiễm đầy mầu thuốc lá, đã phát biểu: “chúng tôi là tương lai của Giáo Hội”.

Sydney, vốn được nhiều người coi là một thành phố hưởng lạc, nếu không muốn nói là tội lỗi, trước đây chưa bao giờ thấy quang cảnh nào như thế. Kể cả những trận thi đấu bóng đá. Kể cả ngày kết thúc Thế Vận Hội. Kể cả những lần thăm viếng trước đây của các lãnh tụ tôn giáo, chưa bao giờ lại thu hút một số đông người đến thế.

Và, lẽ dĩ nhiên, nếu dùng ngôn ngữ thô thiển của kịch trường, thì đó mới chỉ người mở màn, Đức Hồng Y chỉ là người hâm nóng chuẩn bị cho biến cố Chúa Nhật khi Đức Giáo Hoàng Benedict sẽ cử hành Thánh Lễ tại Trường Đua Randwick, trước một đám đông lên tới 500,000.

Việc hội tụ một đám đông vĩ đại, náo nhiệt, đầy phấn chấn như thế làm người này ngạc nhiên, nhưng kẻ khác lại e ngại. Nhưng dù là Công Giáo hay không Công Giáo, có mặt tại đó hiển nhiên đối với đa số vẫn là một cảm nghiệm nâng cao tâm hồn, y hệt cái linh khí từ Thánh Lễ và các thánh lễ vẫn thường sản sinh ra.

Có lẽ, như tác giả Helen Garner từng gợi ý trong tuyển tập các biên khảo mới đây của cô, “Chúa Thánh Thần” quả là thực tại Thiên Chúa mà người tầm thường, không cam kết, có lẽ không cả đức tin nữa cũng có thể gắn bó dễ dàng.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới, giống như nhiều thực hành khác của thời hiện đại nhưng nay được kéo dài đến một tuần, đã từng được miêu tả nửa như một cuộc trình diễn nhạc rock (Woodstock, có thể nói thuộc lớp bảo thủ), nửa như một Thế Vận Hội, nửa nữa như một cuộc tụ tập tái sinh (revitalist meeting). Phần nào đó, tất cả đều đúng.

Tuy nhiên, cả Đức Hồng Y Pell, người được thổ dân của Barangaroo chào đón, lẫn Thủ Tướng Kevin Rudd, người hoan hô “các khách hành hương của hòa bình… ánh sáng thế giới, vào lúc có quá nhiều bóng tối vây quanh”, đều không khích lệ sự đơn giản hóa thái quá (dumbing down).

Sau khi nhìn nhận rằng nhiều người đã chịu “phí tổn, cực nhọc và đường xa tới đây”, Đức Hồng Y đã chào mừng họ và khích lệ “bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào đang tự coi mình như mất hướng, sầu buồn sâu xa, hy vọng cạn dần hay đã tắt ngúm”.

Hôn Bình An Tại Barangaroo
Nhưng ngài cảnh cáo rằng “theo chân Chúa Kitô không phải là chuyện miễn phí (tổn), không luôn luôn dễ dàng, vì nó đòi phải đấu tranh chống lại điều Thánh Phaolô gọi là ‘xác thịt’, cái tôi mập ú, cái tôi cứng cỏi, tính vị kỷ cố hữu”. Theo ngài, đó là cuộc chiến khôn nguôi “ngay cả những ông già như tôi cũng bị!”

Ngài thích hình ảnh khắc khổ gần như khải huyền của tiên tri Ezekiel trong Cựu Ước nói về “Thung Lũng Xương Khô” của những thân xác đã chết, “những bộ xương chết thật, trắng dã vì những con chim trời tìm mồi đã từ lâu rỉa hết những miếng thịt trên đó”. Giống như câu truyện người chăn chiên và đoàn chiên, một hình ảnh mà người dân Úc, từng là nạn nhân của hạn hán, hiểu rất rõ.

2. Và đã có ánh sáng và ấm áp

Linda Morris, cũng trên tờ Sydney Morning Herald ngày 16 tháng Bẩy, có bài với tựa đề trên về Lễ Khai Mạc WYD tại Barangaroo.

Sydney mở ra cả một bầu trời mầu xanh và một hải cảng lung linh làm nền cho Thánh Lễ khai mạc WYD, lôi kéo hàng chục ngàn người tới dự Thánh Lễ Công Giáo lớn nhất xưa nay, được dàn dựng giữa lòng thành phố và chuẩn bị khung cảnh cho năm ngày lễ hội tôn giáo.

Biến cố mở màn này quy tụ 143,000 khách hành hương địa phương và quốc tế, 26 hồng y, 400 giám mục và đến 4,000 linh mục tại Hungry Mile (tên cũ của Barangaroo), một địa điểm thánh thiêng trong lịch sử Úc vì các thù nghịch thời Kinh Tế Suy Thoái.

Trong Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Sydney, Hồng Y George Pell, nói rằng: đối với khách hành hương, làm người qua đường ở trong đời chưa đủ mà phải đứng lên vì Thiên Chúa. “Đời buộc ta phải lựa chọn, và tựu chung, tiêu diệt bất cứ khả thể trung lập nào”

Ngài chào đón “bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào đang tự coi mình như mất hướng, sầu buồn sâu xa, hy vọng cạn dần và ngay cả tắt ngúm” và thúc giục “những người Công Giáo mạnh mẽ” hãy “tiến thêm một bước nữa” và mở lòng mình ra để phát triển thêm về đức tin.

Thủ tướng Úc, Ông Kevin Rudd, chào đón khách hành hương bằng một số ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và cuối cùng khi ông ngỏ với người Úc “g’day and have a good time” thì cả khối người đông đảo đã vỗ tay hoan hô ông.

Ông Rudd cũng lên tiếng bênh vực Kitô giáo, ông coi tôn giáo này như một lực lượng tranh đấu cho điều thiện, một định chế phục vụ dân nghèo qua giáo dục và bác ái. “Có người nói trong thế kỷ 21, người ta không còn chỗ cho tôn giáo nữa; nhưng tôi bảo họ sai lầm rồi. Người khác lại bảo đức tin là kẻ thù của lý trí, tôi cũng bảo họ lầm rồi".

Đúc HY Pell tại Barangaroo
Các tín hữu hát các bài thánh ca, cúi đầu và qua những lời kinh cộng đồng, họ hướng tâm hồn lên trời, nơi từng đáp ứng lời cầu khẩn của hàng ngàn hay hơn nữa các nữ tu vốn đã xin cho biến cố này đừng bị mưa rơi quấy phá.

Trước khi có Thánh Lễ ngoài trời, Hungry Mile tràn ngập âm nhạc, cờ xí của mọi quốc gia (trong đó, dĩ nhiên có cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Tự Do) và khách hành hương hoan hô các vị giám mục và hồng y diễn hành như những tài tử nhạc rock. Các vị giám mục và hồng y mặc áo lễ mầu đỏ tươi với hình Chúa Thánh Thần theo lối Thổ Dân ở phía sau lưng.

Các khách hành hương bắt đầu xếp hàng vào khoảng 8 giờ sáng để bảo đảm có chỗ gần lễ đài nhất. Ben Castledine, 16 tuổi, thuộc trường Mazenod ở Melbourne cho hay: "Chúng tôi thay phiên nhau để giữ chỗ. Chúng tôi thấy có nhiều người còn cố gắng đứng gần hơn nữa. Có cả những tài tử cũ của Australian Idol nhưng tôi chỉ muốn được thấy Đức Tổng Giám Mục".

Đây là một ngày của nhiều cái nhất, đỉnh cao nhiều năm đặt kế hoạch của Giáo Hội Công Giáo. Một phát ngôn viên của Giáo Hội cho hay: dù nhỏ so với tiêu chuẩn Âu Châu, nhưng Thánh Lễ này là Thánh Lễ lớn nhất xưa nay tại Úc. Nó đủ làm mờ ba thánh lễ giáo hoàng trước đây và cả các ‘thập tự chinh’ trong thập niên 50 của mục sư Billy Graham.

Các Bạn Trẻ Tiến Về Barangaroo
Chưa bao giờ lại có đông người như thế tụ tập tại Úc để tham dự một Thánh Lễ; trước đây, chưa bao giờ Giáo Hội Công Giáo từng tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Đại Dương Châu hay một quốc gia nào mà dân số Công Giáo chỉ là 5 triệu người.

Thánh Lễ này mở màn cho 5 ngày lễ hội, mà cao điểm sẽ là ngày Thứ Năm khi các bạn trẻ thế giới chào mừng Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, ngày Thứ sáu khi diễn lại các giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu Kitô, và ngày Chúa Nhật khi có Thánh Lễ bế mạc sẽ lôi cuốn 500,000 người.

Lúc kết thúc bài giảng, Đức Hồng Y Pell mờigọi đám đông hãy ra đi gieo những hạt giống đức tin cùng với gia đình và bè bạn. Ngài khuyên họ trên đường trở lại quê hương, đừng để mình rơi vào trống vắng và thất vọng. Và ngài cầu nguyện: “Ôi hơi thở Thiên Chúa, xin hãy đến, hãy đến, từ muôn hướng, từ muôn dân muôn nước khắp Địa Cầu và chúc phúc cho mảnh đất Chúa Thánh Thần phương nam vĩ đại của chúng con. Cũng xin ban sức mạnh để chúng con trở thành một đoàn quân vĩ đại và bao la gồm những đầy tớ khiêm hạ và những chứng tá trung thành”.
 
Top Stories
150,000 people attending a mass at World Youth day opens in Sydney
Tin tổng hợp
10:51 15/07/2008
BARANGAROO, Australia, July 15 (UPI) -- An estimated 150,000 young Roman Catholics gathered Tuesday near Sydney to attend the opening mass and ceremonies for World Youth Day, church officials say.

It was the formal beginning of six days of celebrations which will culminate on Sunday with a Mass celebrated by Pope Benedict XVI before a predicted 500,000 worshipers.

The scene of the celebration was a beach-side suburb of Barangaroo, a former industrial harbor that had been transformed into a festive place of worship as thousands of pilgrims chanted, sang and danced to kick off the six-day festival, the Melbourne Herald Sun reported.

Australian Prime Minister Kevin Rudd took the stage at the start of the service, presided over by Sydney Archbishop Cardinal George Pell, to welcome the visitors in English, German, Italian and French.

"G'day, and have a great time Down Under," Rudd said. "Australia welcomes the youth of the world to Sydney. Australia welcomes the youth of the world to this celebration of faith and this celebration of life."

Pope Benedict XVI, speaking in a video message to World Youth Day pilgrims shortly before the start of the event, said he looked forward to the World Youth Day events as a chance for "prayer and reflection with young people from around the world." Benedict called Australia the great "southern land of the Holy Spirit."

Like many mainstream Christian denominations, Roman Catholicism is struggling to maintain its following.

Cardinal George Pell, the archbishop of Sydney, urged the pilgrims to keep and spread the faith through self-discipline and prayer in a homily before thousands. He also referred to the distance they had traveled.

"Many of you have traveled such a long way that you may believe that you have arrived, indeed at the ends of the Earth," Pell said, the sun setting behind him. "If so, that's good, for our Lord told his first Apostles that they would be his witnesses in Jerusalem and to the ends of the Earth."

Nearly 250,000 people have registered for World Youth Day, more than half of them from overseas. Thousands of young people were staying in churches and school houses or in volunteers' homes, and were visible throughout the city, hoisting their official yellow, red and orange backpacks.

The six-day celebration began at midnight, when a giant countdown clock ticked over to read "G'Day Pilgrims" _ Good Day, Pilgrims _ drawing wild cheers from the people who gathered at St. Mary's Cathedral.

Registered pilgrims received the first of daily inspirational text messages from the pope: "Young friend, God and his people expect much from u because u have within you the Fathers supreme gift: the Spirit of Jesus - BXVI."

Every evening during the event, a light show of 20 images of the pope and the Australian outback will be projected on a pylon of Sydney's Harbour Bridge in celebration of World Youth Day.

On Tuesday, pilgrims scarfed down traditional Australian meat pies and mingled along the waterfront. A group of French pilgrims wore stuffed roosters on their heads, which they said were a symbol of France. Nearby, a group of parishioners from Nottingham, England, sported green felt Robin Hood hats.

"You see so many nationalities and you realize the church is not just Nottingham. It's a world Church," said Father David Cain, who traveled to Sydney with 20 members of the Nottingham diocese.

Ronny Guenker, a 32-year-old German pilgrim, said it was a good sign that the pope was visiting the youth festival "because we are the church of the future."

Benedict has raised expectations that he will apologize directly to victims of past clergy sexual abuse while he is in Australia, telling reporters he will do everything possible to achieve "healing and reconciliation with the victims." Activists in Australia have demanded the pontiff make a formal apology.

Benedict also signaled he will discuss the need to face up to the "great challenge" of caring for the environment, noting that global warming is an issue worrying many young people.

Young people are at the center of the battle.

"Many young people today lack hope," the pope said last week. "They are perplexed by the questions that present themselves ever more urgently in a confusing world, and they are often uncertain which way to turn for answers."

"It is my firm belief that young people are called to be instruments of that renewal, communicating to their peers the joy they have experienced through knowing and following Christ," he said.

The 81-year-old pope arrived in Australia on Sunday, but will not formally join the celebrations until Thursday.

For days, Sydney has been crowded with pilgrims from all over the world, moving around in happy groups, identifiable by the yellow, orange and red backpacks that they have been given.

It has been a formidable logistics operation. Thousands of young pilgrims are sleeping in sports halls, churches and schools across the city.

And the event has found some unusual supporters - 282 pilgrims from Argentina, Brazil, and the United States are sleeping at the Malek Fahd Islamic School in a suburb of Sydney.

"This was a good opportunity to extend our hand in friendship and break down the barriers and misunderstandings between religions," said Pinad El-Ahmad, who is in charge of inter-religious activities at the school.

"Hospitality is part of our Islamic teaching. We know that the Prophet opened his house and mosque to non-Muslims, and so it is only right that we should do the same," she said.

Cardinal George Pell, the archbishop of Sydney, urged the pilgrims to keep and spread the faith through self-discipline and prayer in a homily before thousands. He also referred to the distance they had traveled.

The six-day celebration began at midnight, when a giant countdown clock ticked over to read "G'Day Pilgrims" _ Good Day, Pilgrims _ drawing wild cheers from the people who gathered at St. Mary's Cathedral.

Registered pilgrims received the first of daily inspirational text messages from the pope: "Young friend, God and his people expect much from u because u have within you the Fathers supreme gift: the Spirit of Jesus - BXVI."

Every evening during the event, a light show of 20 images of the pope and the Australian outback will be projected on a pylon of Sydney's Harbour Bridge in celebration of World Youth Day.

On Tuesday, pilgrims scarfed down traditional Australian meat pies and mingled along the waterfront. A group of French pilgrims wore stuffed roosters on their heads, which they said were a symbol of France. Nearby, a group of parishioners from Nottingham, England, sported green felt Robin Hood hats.

"You see so many nationalities and you realize the church is not just Nottingham. It's a world Church," said Father David Cain, who traveled to Sydney with 20 members of the Nottingham diocese.

Ronny Guenker, a 32-year-old German pilgrim, said it was a good sign that the pope was visiting the youth festival "because we are the church of the future."

Benedict also signaled he will discuss the need to face up to the "great challenge" of caring for the environment, noting that global warming is an issue worrying many young people.
 
Bishop of Hải Phòng said: ''All Vietnamese are children from the same womb of Mother Vietnam''
+Bishop Joseph Vũ Văn Thiên
16:44 15/07/2008
The Homily at the Opening Mass for Vietnmese Youth - World Youth Day 2008 in Sydney, Australia

(by Bishop Joseph Vu Van Thien, Bishop of Hai Phong Diocese. Vietnam)

View this original homily in Vietnamese


Dear Young Friends,

Bishop Josep Vũ văn Thiên
Probably, there is no Vietnamese who does not know the legend of Lac Long Quan and Au Co. This legend has become the pride and the bond of unity for all Vietnamese. It is said that: Lac Long Quan (meaning the Dragon King of the Land of Lac/Happiness), who was from the kingdom of the sea, married Au Co, a beautiful fairy born and raised on high mountain. She gave birth to a membranous sac of 100 eggs, which hatched into 100 sons, who were noble, handsome, healthy and supremely intelligent.

One day, Lac Long Quan told Au Co: “I am the Dragon species while you are the Fairy breed; to live together permanently is difficult. I now take 50 sons with me to the sea, and you are to take the other 50 sons of ours to live with you on the mountain. Don’t forget to inform and help one another in emergency.”

From the legend of Mother Au Co, we Vietnamese have the conception of the word “Ðồng Bào” i.e., all Vietnamese are children from the same womb of Mother Vietnam.

My Dear Friends, the children and descendants of the same Mother Au Co, Mother of Vietnam have gathered today in Sydney. You are from the coast or from the mountain; you are from Vietnam or overseas, coming together with the Youth of the world to meet, to relate, to share and to build friendship. Directing our heart to the Motherland, our origin, we pray for the Motherland of Vietnam to ponder and find out the vision for our future while we identify the ideal of our living in today society. Thus the knot that ties us together is the Motherland of Vietnam. Together with this familiar knot, we still have another special knot uniting us that is the Holy Spirit. It is the Holy Spirit, God the Third Person, who has led us here to live in the family spirit of the Church. It is the Holy Spirit, who helps us to understand and recognize one another even though we come from many countries and different continents. As it was in the day of Pentecost, the pilgrims were from many different lands, but they understood the words that Peter preached, for the Holy Spirit opened their minds and hearts. And now, it is the Holy Sprit, who is the common language uniting us all as one. It is Him, who opens our minds and hearts to accept the Gospel message so that we follow Jesus to be His disciples.

Perhaps each young friend is questioning: “What am I doing to follow Jesus? What do I get?"

Jesus gives us the answer in the Gospel reading we’ve just heard:

-First of all, we are invited to follow Jesus to enjoy happiness wholeheartedly. We are glad to live in God’s family. Though life is full of trials, those who believe in Christ do not live in sadness. It is a contradiction for Christians to be sad. Our life’s got to be put in Hope and Joy. Not only that, we have to spread that joyful hope everywhere. To bring joy to others is to bring the Good News to them and to bring Christ himself to our sisters and brothers. Probably we’ve never met before, in these world youth days, let us, my dear young friends, give each other a smile, a friendly look. Everyone can do that, and God also wants that.

- We are called to love as Jesus had loved and lay down His life for the human kind, which He loved with all His heart. There is no greater love than to lay down one’s life for one’s friends. Jesus did that. He called love the new commandment, His commandment. In today’s life, evaluated as full of hatred and jealousy, love can be seen as a wrong note of music, as an abnormal thing, as a strange phenomenon. It is in this context that we, the Catholic youth, are called to live a life of love and forgiveness, through which we show to those around us the beauty and noble meaning of love for each other. Jesus called us to have love not only for our family and friends, for those who are good to us, but also for strangers and even those who do us harms.

- We are called to be friends of God. It is a wonderful thing: lowly man is made friend with God. Jesus, the God-made-man, has risen up human dignity, making man no longer “a creature brought out from dust,” but dear friend of Him. Friendship is a spiritual relation. Friends are easy to understand and ready to share joy and sorrow with each other. To be friend of Jesus is to cooperate with Him, to share His hope of building up a better world of justice and love. As Jesus’ friends, we believe that He’s always being there with us, always present to us in our life, though we do not see Him by physical eyes. As a friend, Jesus has shared with us the will of the Father that is to make Love and Truth blossoming in this life.

-We are called to be missionaries. The fruits mentioned by Jesus in the Gospel are the outcome of a life of justice and love. As Jesus had sent his disciples, today He also sends us into the heart of life to proclaim the Gospel. To spread the faith is to make more people know God. To spread the faith is to live well our role and responsibility in society. We spread the faith not only by words but also by the good examples of our life in relation to our brothers and sisters of the same human race. Today’s society is in need of many witnesses of the Good News, and only the witnesses with concrete good deeds have persuasive power to the people, for actions speak louder than words.

My dear young friends,

To follow Jesus, to love Him and trust in His Love, that is the purpose of the World Youth Day. That is also why we cross many miles to come here. In the journey to follow Jesus, we are not alone, for the Holy Spirit supports us by His power. The theme of the World Youth Day has spoken for that fact: “You will receive power when the Holy Spirit comes upon you, and you will be my witnesses…” (Acts 1: 8). Like the disciples of Jesus, we come here to receive the power of the Holy Spirit, and once having received it, we continue to set out, we continue to move on, as dear friends of Jesus to make our life bear many spiritual fruits. These are the fruits, which will not die with passing years, but last forever and blossom in every place of life. These are the fruits of love, of charity, of zeal striving to serve Jesus and His church. Amen.
 
Pope's message goes hi-tech in Australia
VietCatholic Media
21:05 15/07/2008
SYDNEY - Pope Benedict XVI took a new hi-tech road to spreading his message Tuesday, sending a mobile phone text to pilgrims attending World Youth Day celebrations in Australia, organisers said.

"Young friend, God and his people expect much from u because u have within you the Fathers supreme gift: the Spirit of Jesus - BXVI," read the first of the daily texts.

Local telecom giant Telstra has erected eight extra base stations in Sydney to cater for hundreds of thousands of young Catholics from around the world, who need simply text the word Pope to a special number to receive the messages.

Four giant screens have also been set up at major festival venues around the city, including the iconic Sydney Opera House, and pilgrims who sign up will be able to send a message to the digital "prayer walls".

A different message of inspiration from the pope would be sent by SMS each day, Telstra said, in what is believed to be the first time the pope has used mobile phone texting to spread the gospel.

The World Youth Day celebration has been held in different cities around the globe since 1986 in an attempt to rejuvenate the Catholic church.

An opening mass was due to be said by the leader of Australia's Catholics, Cardinal George Pell later Tuesday.

A papal mass expected to draw up to 500,000 people will close the celebration on Sunday at Randwick Racecourse, where another giant "prayer wall" has been erected.

"We wanted to make WYD08 a unique experience by using new ways to connect with today's tech-savvy youth," said event coordinator Bishop Anthony Fisher.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những chương trình phóng sự và Video đặc biệt của VietCatholic trong Đại Hội WYD 2008 Sydney
LM Trần Công Nghị
13:22 15/07/2008
LOS ANGELES - Nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 - WYD 2008 tại Sydney, VietCatholic đã sửa soạn nhân sự, tài liệu, phương tiện và dụng cụ từ nhiều tháng nay, hầu cung ứng cho qúi vị độc giả và khán thính giả những diễn biến cập nhật nhất về Đại Hội này. Một Ban Thông Tin đặc biệt được thành lập vì mục tiêu truyền thông hiệu quả, chính xác, nhanh chóng và sáng tạo.

VietCatholic hiện nay ngoài những bài phóng sự như thường lệ, bằng hình ảnh, bài viết và phát thanh, chúng tôi mới cố gằng vượt mức hầu theo kịp đà tiến nhanh của ngành truyền thông thế giới. Chúng tôi hiện đã có khả năng phát video trên mạng lưới điện toán toàn cầu mà không cần đến YouTube nữa.

Kỳ WYD 2008 này, VietCatholic sẽ phát liên tục những bài phóng sự tại chỗ những thánh lễ, những sinh hoạt trong Đại Hội, và những bài phỏng vấn dưới 3 dạng sau:

- Dạng văn bản (text) – Việt Ngữ và Anh Ngữ các bài Giáo lý, tài liệu và phóng sự.
- Hình ảnh các buổi lễ và hội họp, hội thảo.
- Video – Việt Ngữ và Anh Ngữ.

Riêng những Video được thực hiện dưới cả dạng Việt Ngữ (cho người Việt Nam xem) và cả phần Anh Ngữ (để giới thiệu server CatholicVideo.org với các thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ và Anh quốc) nữa.

Những videos sẽ làm trong dịp WYD này theo thứ tự thời gian:

Thứ Ba (15/7/2008)
1) Thánh lễ khai mạc WYD của Việt Nam do 4 vị Giám Mục Việt Nam chủ sự(Việt Ngữ).
2) Thánh lễ khai mạc WYD chính thức do ĐHY George Pell cử hành (Việt Ngữ)
3) Thánh lễ khai mạc WYD chính thức do ĐHY George Pell cử hành (Anh Ngữ).

Thứ Tư (16/7/2008)
1) Phỏng vấn ban Tuyên Úy Sydney (Việt Ngữ)
2) Phóng sự về sinh hoạt của đoàn Việt Nam (Việt Ngữ).

Thứ Năm (17/7/2008)
1) Phỏng vấn các đoàn Việt Nam tham dự WYD (Việt Ngữ)
2) Đón tiếp Đức Thánh Cha (Việt Ngữ).
3) Đón tiếp Đức Thánh Cha (Anh Ngữ).

Thứ Sáu (18/7/2008)
1) Phỏng vấn các đoàn Việt Nam tham dự WYD (Việt Ngữ)
2) Đàng Thánh Giá (Việt Ngữ).
3) Đàng Thánh Giá (Anh Ngữ).

Thứ Bẩy (19/7/2008)
1) Phóng sự cuộc hành hương đi bộ tại Anzac Parade.
2) Đêm Canh Thức (Việt Ngữ).
3) Đêm Canh Thức (Anh Ngữ).

Chúa Nhật (20/7/2008)
1) Thánh Lễ Bế Mạc (Việt Ngữ).
2) Thánh Lễ Bế Mạc (Anh Ngữ).

VIETCATHOLIC MEDIA VƯƠN LÊN TIẾN VÀO MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ

Với một sự hy sinh phi thường về thời giờ, công sức và tài chánh của những người tự nguyện làm việc phục vụ ngành Truyền thông Công giáo Việt nam, VietCatholic ngày nay có thể hãnh diện mà nói chúng tôi đang đi bước tiên phong sánh vai với các Thông Tấn lớn của Thế Giới (nếu so sánh về tài chánh thì chúng tôi chỉ bằng 1 phần triệu hay 1 phần tỉ của các hãng thông tấn khác), nhưng về kĩ thuật, sự chính xác, mau chóng, hữu hiệu và giá trị nội dung thì như qúi độc giả đã từng nhận định rằng chúng tôi cũng không thua kém với ai cả! Được thế là do sự cổ động và hỗ trợ về tinh thần và vật chất của rất nhiều người thiện tâm.

Ban tổ chức WYD 2008 Sydney đã chấp thuận cấp ID Media cho Ban Thông Tin của VietCatholic để chúng tôi ra vào World Youth Day Media Center và tham dự những biến cố chính tại WYD 2008. Thành phần VietCatholic Media gồm:

  • LM Văn Chi (Thuyết minh)
  • Kỹ sư Đặng Minh An (Kỹ thuật)
  • Nữ tu Minh Nguyên (Phóng viên)
  • Thúy Dung (Biêp tập)
  • Cô Thúy Hồng (Xướng ngôn viên)
  • Anh Vượng (Quay phim)
  • Anh Diệp Hải Dung (Chụp hình).
Tất cả thành phần nêu trên đã được Ban tổ chức WYD 2008 cấp Thẻ Media ID và được dành chỗ riêng trong khu vực Media Tribune, hầu dễ thâu hình và làm phóng sự về các biến cố trong kỳ Đại Hội, đồng thời cũng được sử dụng các phương tiện truyền thông chung của Đại Hội tại News Desk in the International Media Centre.

Ngoài ra còn một số các Công tác viên khác của VietCatholic cũnt tích cực làm việc dịch thuật và săn tin sốt dẻo trong kỳ Đại Hội gồm:
  • LM Nguyễn Hữu Quảng, Linh Tiến Khải, Vũ Văn An, Phụng Nghi, Bùi Hữu Thư, Anthony Lê, Paul Anh, Lana Nguyễn, JB Hoàng Thương, v.v...
  • Điều hợp tổng quát: LM Trần Công Nghị
Sau đây là bức thư cũa Ông Michella Farah, Trưởng phòng WYD08 Media Operations gửi tới VietCatholic Media:
Sent: Monday, 14 July 2008 11:40 PM
To: undisclosed-recipients:
Subject: CONFIRMATION - OPENING MASS (MEDIA TRIBUNE)

This email to confirm you have been allocated a position for the following event and location, please communicate this to the staff you have allocated to this location:
Event: Opening Mass at Barangaroo
Event Time: 16.30 – 18.30
Location: Media Tribune, unobstructed view of the event and stage – grand stand working area for media approximately 200m from the stage
Supplementary Access Devices: Please collect tickets from the International Media Centre News Desk (You can collect this anytime before the event)
Transport: Complimentary boat service to Barangaroo provided for accredited approved media, leaving from the Darling Harbour Pontoon Wharf (Wharf in front of Jordan’s Restaurant) from 14.00 and finishes at 20.30
Please find attached the advisory for Barangaroo which explains the transport to the venue, maps, run sheets etc
If you have not been advised already of your pool or media opportunity itinerary for the Week, you will receive this shortly or please visit us at the News Desk in the International Media Centre.
With Kind Regards / Michella


Kính chào và hẹn nhau trong các bài tường trình và phón sự của VietCatholic tiếp theo.
 
Lễ khai mạc WYD 2008 cho giới trẻ Việt Nam
VietCatholic Network
13:41 15/07/2008
SYDNEY - Sáng thứ Ba ngày 15 tháng 7 năm 2008, hơn 3000 các bạn trẻ Việt Nam tưng bừng hân hoan đổ về Whitlam Centre Liverpool tham dự Thánh Lễ khai mạc cho Giới Trẻ Việt Nam tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23 tại Sydney. Các mầu cờ của các Quốc Gia tự do nơi các Giới trẻ Việt Nam từ muôn phương...Người ta thấy cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay xen lẫn cờ Hoa Kỳ, Cờ Úc, Cờ Na Uy, Cờ Đan Mạch. Khoảng 155 Linh Mục cùng 4 Đức Giám Mục Đồng tế. Nghi thức khai mạc với phần giới thgiệu các thành phần trong ban tổ chức.

Bốn Giám Mục Việt Nam đồng tế
Tiếp theo là phần rất vui nhộn do Linh Mục Văn Chi, đặc trách Đại Hội Giới Trẻ, cùng anh Michael Đường Phước Lộc điều khiển rất sinh động, vui tươi, và trẻ trung...Từng doàn các bạn trẻ được xướng tên long trọng và trẻ trung...Các bạn trẻ Việt Nam khi được nhắc đến tên đều hò hét vang cả hội trường chật ních người...Niềm vui này đã tăng lên gấp bội khi cùng nhau chia sẻ tình yêu thương...

Tiếp theo là Thánh Lễ Đồng tế với 4 Giám Mục: Giuse Vũ Văn Thiên, Phaolô Bùi Văn Đọc, Dominicô Mai Thanh Lương, Giuse Đặng Đức Ngân, và cùng 155 linh mục Việt Nam đồng tế trong không khí trang nghiêm sốt sắng. Thánh Lễ Khai Mạc với chủ đề: “Hội Ngộ trong Chúa Thánh Thần.” Phần Thánh ca do Ca Đoàn Cabramatta và Ca Đoàn Revesby thuộc Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, trong tà áo dài tha thiết Việt Nam hướng dẫn cho cộng đồng giới trẻ cùng vang hát những bài phổ thông để vinh danh Thiên Chúa. Thêm vào đó, giàn nhạc orchestra nhẹ với ban nhạc trẻ LBT Melody làm tăng thêm niềm hân hoan cho Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội.

Sau Thánh Lễ, Cha Nguyễn Khoa Toàn, Tuyên Uý Trưởng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney ngỏ lời chào mừng các bạn trẻ. Sau đó, Ông Giang Văn Hoan, chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney chào đón các bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới. Anh Trần Anh Vụ, phó Chủ Tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và nhất là các bạn trẻ Việt Nam đã hăng say về hội ngộ. Anh Đinh Khắc Hoà, phó Ban Tổ Chức gửi đến các bạn trẻ những thông báo chính thức của Đại Hội.

Thánh Lễ khai mạc kết thúc lúc 12 trưa, và các bạn trẻ đã cùng nhau lãnh phần thức ăn của Đại Hội trong vui tươi và hân hoan gặp gỡ. Sau đó, Giới Trẻ Việt Nam lên đường hướng về Baragaroo thành phố Sydney tham dự Thánh Lễ Khai Mạc chính thức của Đại Hội Giới Trẻ lần thứ 23. Các bạn trẻ Việt Nam thật hăng say, vui tươi, và niềm thương yêu chia sẻ và gửi gấm cho nhau. Hẹn ngày mai tiếp tục gặp gỡ.
 
Đức Cha Vũ Văn Thiên giảng: ''Các bạn trẻ Việt Nam khắp năm châu hãy hướng về Quê Mẹ VN và tìm ra hướng đi tương lai của mình...''
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
16:40 15/07/2008
Bài giảng của Đức Giám Mục Hải Phòng trong thánh lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ cho Giới Trẻ Việt Nam

Xem bản dịch ra Anh ngữ do VietCatholic thực hiện


Các Bạn Trẻ thân mến,

Có lẽ không người Việt nào không biết đến huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ. Huyền thoại này đã trở nên niềm tự hào và mối giây liên kết của mọi người Việt Nam. Chuyện kể rằng: Lạc Long Quân, một người thuộc thuỷ phủ dưới đại dương kết hôn với nàng Âu Cơ, một người phụ nữ nhan sắc sinh trửơng trên núi cao. Hai người sinh một bọc trăm trứng, nở ra một trăm chàng trai, khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp khoẻ mạnh và thông minh tuyệt vời.

Đức cha Vũ văn Thiên
Một hôm Lạc Long Quân nói: ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì bào cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng quên. Từ huyền thoại Mẹ Âu Cơ mà người Việt chúng ta có khái niệm “đồng bào”, tức mọi người cùng là con của một dạ Mẹ Việtnam.

Thưa Các Bạn, các con, các cháu của một Mẹ Âu Cơ, Mẹ Việt Nam đã về tụ hội hôm nay tại Sydney. Các Bạn từ vùng biển lên, từ miền núi xuống; Các Bạn từ Việt Nam và từ khắp năm châu bốn bể cùng tụ hội về để cùng với các Bạn Trẻ thế giới gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và kết tình thân; chúng ta cùng hướng về Đất Mẹ, hướng về Cội Nguồn để cầu nguyện cho Quê Mẹ Việt Nam, để suy tư và tìm ra hướng đi cho tương lai của mình, đồng thời xác định cho lý tưởng sống của mình trong xã hội hôm nay. Như thế, mối dây gắn kết chúng ta là Đất Mẹ Việt Nam. Cùng với mối dây gắn bó thân thương này, chúng ta còn có một mối dây đặc biệt nữa liên kết chúng ta, đó là Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa đã dẫn đưa chúng ta đến đây để sống tinh thần gia đình Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu nhau và nhận ra nhau, mặc dù chúng ta đến từ nhiều quốc gia, từ nhiều châu lục khác nhau. Cũng như trong ngày lẽ Ngũ Tuần, những khách hành hương đến từ nhiều miền đất khác nhau, nhưng họ hiểu những gì Phê-rô giảng, vì Thánh Thần mở lòng trí họ. Và giờ đây, chính Chúa Thánh Thần là ngôn ngữ chung liên kết mọi người chúng ta nên một. Chính Ngài mở lòng trí chúng ta để chúng ta đón nhận sứ điệp của Tin Mừng, để chúng ta đi theo Đức Giêsu, làm môn đệ cho Người. Có lẽ mỗi Bạn Trẻ chúng ta đang đặt câu hỏi: “tôi đi theo Đức Giêsu để làm gì và sẽ được gì?” Chính Đức Giêsu, trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, đã cho chúng ta câu trả lời:

-Trước hết, chúng ta được mời gọi đi theo Đức Giêsu để hưởng trọn niềm vui. Chúng ta vui mừng vì được sống trong gia đình của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu mến. Dù cuộc đời còn nay chông gai thử thách, nhưng những ai tin vào Đức Kitô thì không còn sống trong u sầu. Kitô hữu mà luôn ưu sầu thì là một điều mâu thuẫn. Cuộc sống của chúng ta phải luôn được đặt trong hy vọng và vui tươi. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn phải làm cho niềm vui ấy lan toả trong mọi môi trường của cuộc sống. Đem niềm vui cho tha nhân, là đem Tin Mừng cho họ, là đem chính Đức Kitô đến với anh chị em mình. Trong những ngày Đại Hội này, có thể không hề quen biết nhau, mỗi Bạn Trẻ chúng ta hãy tặng cho nhau một nụ cười, một ánh mắt thân thương. Đó là điều ai cũng có thể làm được và đó cũng là điều Chúa muốn.

-Chúng ta được mời gọi để yêu thương, như Đức Giêsu đã yêu và đã phó mình vì một nhân loại mà Người yêu hết lòng. Không có tình yêu nào lớn hơn là phó mạng sống vì bạn hữu mình, Đức Giêsu đã làm điều đó. Người gọi yêu thương là giới răn mới, giới răn của Người. Trong cuộc sống hôm nay, được đánh giá như đầy hận thù, ghen ghét, yêu thương có thể bị coi như cung đàn lạc điệu, như điều không bình thường, như một hiện tượng lạ. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta, những Bạn Trẻ Công giáo, được mời gọi sống yêu thương tha thứ, qua đó chúng ta chứng minh cho những người xung quanh thấy ý nghĩa cao đẹp của tình yêu đối với nhau. Tình yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi không chỉ dừng lại nơi những người thân, nơi những người làm điều tốt cho mình, nhưng còn được thực hiện đối với những người không quen biết, thậm chí cả đối với những người làm hại mình.

-Chúng ta được gọi để trở thành bạn hữu của Chúa. Thật là một điều kỳ diệu: con người thấp hèn được Chúa kết nghĩa bạn bè thân thiết. Đức Giêsu nhập thể đã nâng cao phẩm giá của con người, làm cho con người không còn chỉ là “một hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, nhưng còn là bạn hữu của Người. Bạn bè là mối quan hệ thiêng liêng. Bạn bè dễ hiểu nhau, thông cảm với nhau và sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Là bạn của Đức Giêsu, tức là cộng tác với Người, chia sẻ những thao thức của Người để xây dựng một cuộc sống công bằng nhân ái hơn. Là bạn của Đức Giêsu, chúng ta xác tín Người luôn đồng hành với chúng ta, luôn hiện diện bên cạnh và trong cuộc đời chúng ta, mặc dầu chúng ta không thấy Người bằng con mắt giác quan.Như một người bạn, Đức Giêsu đã tâm sự với chúng ta những gì mà Chúa Cha muốn, đó là làm cho tình yêu và sự thật nở hoa trong cuộc sống hiện tại.

-Chúng ta được gọi để trở thành người truyền giáo. Những hoa trái mà Đức Giêsu nói đến trong Tin Mừng là kết quả của một cuộc sống công bằng, nhân ái. Như Đức Giêsu đã sai các môn đệ ra đi, hôm nay Người cũng sai chúng ta vào lòng cuộc đời để loan báo Tin Mừng. Truyền giáo chính là làm cho nhiều người biết Chúa. Tuyền giáo chính là sống tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội. Truyền giáo không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống tốt lành trong mối tương quan với anh chị em đồng loại. Xã hội hôm nay cần biết bao những chứng nhân Tin Mừng, và chỉ có những chứng nhân cụ thể bằng việc làm mới mang tính thuyết phục đối với những người xung quanh.

Các Bạn Trẻ thân mến. Theo Đức Giêsu, yêu mến Người và xác tín được Người yêu mến, đó là mục đích của Đại Hội Giới Trẻ thế giới. Đó cũng là lý do khiến chúng ta vượt qua những chặng đường dài để về với Đại Hội. Trong hành trình theo Đức Giêsu, chúng ta không đơn lẻ, vì có Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của Ngài. Đề tài của Đại Hội đã nói lên điều đó: “Chúng con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, và chúng con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Giống như các môn đệ ngày xưa, chúng ta về đây để đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và, một khi đã được lành nhận sức mạnh ấy, chúng ta tiếp tục lên đường, chúng ta tiếp tục ra đi, như những người bạn hữu thân thiết của Đức Giêsu để làm cho cuộc sống sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Đó là những hoa trái không tàn lụi theo thời gian năm tháng, nhưng mãi bền vững và tươi nở trong mọi môi trường của cuộc sống. Đó chính là hoa trái của tình yêu, của lòng bác ái, của nhiệt tình dấn thân phụng sự Đức Giêsu và Giáo Hội của Người. Amen.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Xây trường có phải là giải pháp thuyệt phục các Nữ tu Nữ tữ Bác Ái?
Minh Luật
06:01 15/07/2008
XÂY TRƯỜNG CÓ PHẢI LÀ GIẢI PHÁP THUYẾT PHỤC CÁC NỮ TỬ BÁC ÁI ?

Từ lâu, khi Ban Quản lý đường sắt còn tự tin thuê 4 bảo vệ canh giữ vũ trường, mong một ngày đẹp trời đặt văn phòng và khách sạn tại 32 bis Nguyễn Thị Diệu, và quan sát cuộc đòi nhà của các nữ tu, tôi đã nghĩ đến chiêu cuối cùng mà chính quyền dùng đến là mở trường Mầm Non. Vâng, tôi không nghĩ Ban Quản lý đường sắt dầu là một ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố hay Phòng Giáo dục quận 3 lại có thể đập phá, sửa chữa cơ sở này mà không có sự đồng thuận của các nữ tu. Bằng chứng là Ban Quản lý đường sắt đã thối lui khi 2 lần bị cản trở thi công. Ban Quản lý đường sắt đã được Thành phố cho chuyển về đường Lê Quý Đôn. Bây giờ thì đến lượt Quận 3 giăng biểu ngữ oai hùng, lớn gấp 100 lần bảng hiệu đường sắt. Họ nghĩ rằng, các nữ tu sẽ bỏ cuộc khi ta giăng băng rôn xây trường ? Các nữ tu thừa biết rằng, Thành phố đang có chủ trương cổ phần hóa các Trường mầm non, tiến tới tự thu, tự chi. Theo đó, cơ sở được bán cho nhiều người, với cách này, Chính quyền vẫn tiếp tục chia chác tài sản của tôn giáo. Lúc đó biết đâu trường mầm non Quốc tế nào đó sẽ thay trường mầm non Quận 3 ! Giáo dục phải ngang tầm Thế giới ! Bạn đọc không thấy các trường đang rục rịch làm sổ đỏ trên các cơ sở tôn giáo cho Sở giáo dục thành phố mượn sao? Không tin bạn đọc lên sở tài nguyên môi trường thì thấy khối hồ Sơ đang nằm ở đó.

Tôi nghĩ các nữ tu có những lý do chính đáng và thuyết phục để kiên quyết buộc chính quyền trao trả lại cơ sở này để làm việc từ thiện, xã hội:

1.Thực tế, đến thời điểm 5/2005 khi Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn có đơn khiếu nại đòi nhà thì chưa hề có “văn bản quản lý” nào theo điều 3 Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11. Chỉ tồn tại duy nhất Quyết định 75083/QĐ-UB, ngày 23/01/1997, về việc xác lập sở hữu Nhà nước với lý do cơ sở thuộc diện “nhà vắng chủ”, đây là căn cứ duy nhất biến tài sản của các nữ tu thành tài sản nhà nước, nó chắc chắn phải bị hủy bỏ vì chính quyền đã “nhầm lẫn” trường học là nhà vắng chủ. Vì thế có thể khẳng định tài sản này vẫn thuộc sở hữu của các Nữ tử Bác ái Vinh Sơn. Các nữ tu đã khiếu kiện quyết định hành chính này.

2. Về đạo lý làm người, một khi mượn tài sản người khác mà không còn sử dụng đúng mục đích khi mượn, thì bên mượn phải trả lại cho chủ sở hữu, nếu chủ sở hữu yêu cầu. Bộ luật dân sự nước ta cũng quy định như thế. Hơn thế nữa, khi Chính quyền đã làm một việc “vô đạo đức” buộc các nữ tu phải lên tiếng, nếu là người tự trọng ắt sẽ không mãi kèo nhèo, cố giữ mãi tài sản vốn không thuộc về mình. Vâng, tôi có quá lời khi sử dụng từ “vô đạo đức” ? Xin thưa, tôi chỉ muốn lập lại lời thốt ra từ miệng một người dân sống gần vũ trường, chắc hẳn anh ta có đủ cơ sở để phát biểu câu này.

3. Trở lại sự kiện băng rôn ‘DỰ ÁN XÂY TRƯỜNG MẦM NON QUẬN 3’, chắc chắn ai trong chúng ta cũng thừa nhận, đây là một trò hề trong mắt người dân, một khi đã đập trường và xây vũ trường, chính quyền tuyên bố hùng hồn rằng mình không cần dùng cơ sở này để dạy học. Phòng giáo dục Quận 3 cũng đồng tình trong vụ này nên mới tiếp tay với cấp trên giải tán trường lớp. Nếu muốn xây lại trường xin ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố giải thích trên văn bản cho các nữ tu cách riêng và cho người dân chúng tôi cách chung: Đâu là lý do quý vị cho giải tán trường học để xây vũ trường ? Quý vị đã được sự đồng thuận của chủ sở hữu chưa khi muốn lại đập vũ trường xây lại trường học ? Bởi đó là điều mà Giám Đốc Sở giáo dục đã đã cam kết trong Thông Cáo chung, được ký vào tháng 10 năm 1975. Cho đến nay, quý vị chưa có văn bản nào chứng minh đó là tài sản thuộc sở hữu nhà nước cả, sao quý vị có thể hành xử như nó thuộc về của mình. Nếu ai trong chúng ta đang nắm giữ một mảnh đất đang bị người khác khiếu nại, tranh chấp, ta có thể ra cơ quan công chứng xin chuyển quyền sở hữu qua hợp đồng mua bán, tặng cho ? Hay lên Sở xây dựng xin phép đập phá, xây dựng ? Không lẽ chính quyền được “đặc xá” bổn phận sống làm việc theo pháp luật” ?

4. Dễ hiểu hơn cả, chính quyền buộc phải tôn trọng cam kết với các nữ tu về việc giữ nguyên hiện trạng theo hình chụp ngày 17/3/2008. Thưa các sơ Nữ Tử Bác Ái, treo băng rôn là họ đã vi phạm cam kết rồi đấy. Không tin, Sơ xem lại hình chụp ngày 17.3.2008 thấy sẽ rõ.

Có một điều các Sơ nên biết, đó là khi dân chúng thấy các Sơ ra 32 bis Nguyễn Thị Diệu cầu nguyện, chắc chắn họ nghĩ các Sơ đúng. Dù hiện nay các sơ chưa có quyền trên cơ sở này nhưng trong lòng dân chúng, nó là của các Sơ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tôi tư duy nên tôi hiện hữu
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:12 15/07/2008
Tôi tư duy nên tôi hiện hữu

(René Descartes: Meditationen)


Trong suốt dòng lịch sử triết học nhân loại, người ta khó tìm thấy được nơi bất cứ một triết gia nào khác đã có được một câu nói có thể đi sâu vào ý thức của từng lớp đại chúng, dù thuộc về triết học hay không, như câu nói “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy nên tôi hiện hữu; nghĩa là: Vì tôi tư duy nên tôi biết mình hiện hữu) của nhà triết học, toán học và nhà khoa học người Pháp này: René Descartes (1596-1650). Cũng như nhiều học giả nổi danh đồng thời với ông, Descartes đã theo học tại phân khoa khoa học tự nhiên (Toán học) mà vào thời bấy giờ rất được giới trí thức ưa chuộng và đánh giá cao. Khi vừa đúng 16 tuổi, Descartes đã nghỉ học tại trường của các Cha Dòng Tên tại La Fléche ở Paris để trước hết theo học ngành quân sự và sau đó là phân khoa luật, hầu có thể “đọc được nhiều hơn trong cuốn sách vũ trụ” như chính ông đã phát biểu về sau.

Triết gia thời danh René Descartes
Thời hậu phục hưng là một thời đại đột phá, thời đại cách mạng. Vâng, chẳng những nó đã kéo theo một sự giải phóng và tự phục hồi lại giá trị cá nhân, nhưng đồng thời nó cũng đã dẫn đưa từng cá nhân quay trở lại với chính mình xét như chủ thể tư duy bằng một cách thức hoàn toàn mới mẽ. Từ đây những sự xác tín chỉ được lưu truyển bằng miệng đều bị “Quan tòa lý trí” (Kant) nghi ngờ và xem ra hoàn toàn mất hẳn giá trị của chúng.

Sự hoài nghi theo phương pháp

Và nhờ thế, “Những Suy Niệm về Đệ Nhất Triết Học” (Meditationes de prima philosophia), xuất bản năm 1641, - tác phẩm thứ nhất trong hai tác phẩm triết học quan trọng nhất của Descartes – đã liên kết hai cảm nghiệm nổi bật nhất về hoàn cảnh sống của ông lại với nhau, đó là:

1. Quay trở lại với lãnh vực chắc chắn duy nhất, mà theo Descartes là tư duy của chính chủ thể tư duy.

2. Sự cấu trúc chính thức phản ảnh sự cắt đứt với thế giới cảm giác vô thường và bất định thuộc cảm quan để chủ thể rút lui vào trong thế giới tư duy nội tại, tương tự như hành động một người lìa bỏ cõi tục để bước vào chốn thiền môn cô tịch, trong đó nhà triết học sống vào thời điểm lúc bấy giờ. Bởi vì tác phẩm đã được viết ra dưới hình thức ngã quy của tác giả, tương tự như một cuốn nhật ký của cuộc tĩnh tâm 6 ngày (tương ứng với 6 bài suy niệm) và như thế Descartes đã noi theo gương thực tập con đường thiêng liêng của vị sáng lập Dòng Tên, thánh Ignatius Loyola (1491-1556), người đã truyền cho áp dụng hình thức đó vào trong linh đạo của Dòng.

Trong diễn biến đó người ta không nên để cho mình thất vọng khi chủ thể tư duy được đặt làm trọng tâm một cách chủ ý đầy khéo léo. Nói cách khác, hình thức những suy niệm thực ra không được xây dựng trên tính chất duy ngã nông nổi và ích kỷ, nhưng là trình bày về phương pháp của tác giả. Nói cách khác, diễn tiến sự nhận thức – nơi Descartes là một tác động của tinh thần – cần phải mở ra trong những bước đi suy lý có trật tự không chỉ đối với chủ thể tư duy mà còn khả thi đối với độc giả nữa, là người cũng có thể tham dự vào hành động nhận thức.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là người ta cần phải nhận thức những gì? Chính Descartes đã tự đưa ra câu trả lời trong những ghi nhận do ông soạn thảo ra (Những Suy Niệm cần phải mang lại cho ông sự chuẩn y của đại học Sorbonne, tuy nhiên điều đó đã hoàn toàn bất thành. Trái lại, sau khi ông chết, tác phẩm “Meditationes” cùng với các văn bản khác của ông đã bị nêu tên trong danh mục những loại sách cấm vào năm 1663). Trong đó vấn đề chính yếu luôn luôn là những vấn nạn về Thiên Chúa và linh hồn con người, những điều mà chính cả lãnh vực triết học duy lý cũng đang đi tìm kiếm câu trả lời.

Tác phẩm bắt đầu với sự hoài nghi nổi danh của Descartes, đó là ngay trong bài suy niệm đầu tiên ông đã đặt sự xác tín thành vấn đề, tức liệu một tư tưởng có thể biểu tượng cho một sự vật cụ thể nào đó hay chỉ là tư tưởng thuần tuý mà thôi. Để có thể tiến nhanh hơn, Descartes đã lập tức hoài nghi về toàn bộ tất cả các ý niệm. Nói cách khác, tất cả các ý niệm chỉ có thể là những mộng mị mà thôi, nên vì thế đều sai lạc.

Tuy nhiên, người ta sẽ sai lầm khi cho rằng một sự hoài nghi như thế là muốn nói lên một sự nghi ngờ thuần tuý (và qua đó, sự hoài nghi sẽ đạt tới hình thức tuyệt đối của nó). Thật ra, sự hoài nghi chỉ được sử dụng như một phương pháp để nói lên sự cần thiết cho một sự bắt đầu mới trên lý thuyết một cách tuyệt căn và để chứng minh rằng chỉ thuần tuý nhờ vào những cảm nghiệm thuộc lãnh vực cảm giác cung cấp mà thôi người ta sẽ không thể có được những nhận thức chính xác rõ ràng được. Vì thế đối với Descartes, chỉ nhờ sự trợ giúp của sự hoài nghi theo phương pháp thì tinh thần con người mới có thể được giải phóng khỏi tất cả những tiên kiến và tìm ra được con đường để tạo ra được một nền tảng vững chắc và cơ bản cho tất cả những diễn tiến khác của tư duy.

Nền tảng của tất cả mọi hữu thể

Bởi vì, nếu tất cả mọi sự đều có thể bị nghi ngờ, thì ít ra một điều chắc chắn đối với tôi là tôi đang nghi ngờ. Để có được hoài nghi này, thì sự tách biệt cần thiết khỏi tất cả mọi tình huống ngoại cảnh phải được dựa trên một điều kiện rõ ràng mà người ta thường hay bỏ qua không nhìn thấy: Lý do tuyệt đối của tri thức mà Descartes cố công gầy dựng nên cần tới một vị trí đặc biệt của một chủ thể tự do. Bởi vì, chỉ khi đặt nền tảng trong sự tự do thì khả năng con người mới có thể tách mình ra khỏi tất cả những sự vật ngoại giới mà thôi. Qua đó, Descartes muốn nói rằng bây giờ ông đã tìm ra được một con đường dẫn tới một sự nhận thức rõ ràng chính xác cuối cùng, hoàn toàn bất khả đổi thay: Đó chính là sự hiện hữu cá thể của tôi như một hữu thể tinh thần.

Và từ đó còn phát xuất một sự phân biệt quan trọng khác nữa, đó là tinh thần được coi là “res cogitans” (vật thể tư duy), đối lập với thể xác được coi là “res extensa” (vật thể thuộc trương độ), và cả hai tuy cùng hợp nhất với nhau trong hành động, nhưng mỗi phía lại có những đặc tính riêng biệt mà phía kia lại không có; thí dụ: Tinh thần thiếu đi tính chất khuếch trương hay trương độ của thể xác; còn thể xác lại không có được sự ý thức như nơi tinh thần biết tư duy.

Bắt đầu từ nền tảng trên, Descartes có thể tiến thêm một bước khác, đó là băng qua sự phát triển thêm sự minh chứng mang tính cách hữu thể học về Thiên Chúa của Anselm von Canterbury và từ nền tảng nhận thức mang tính cách lý thuyết về nhân chủng học, ông đã đạt tới sự nhận thức chắc chắn rằng khi ông có ý tưởng về Thiên Chúa thì nhất thiết phải có một sự hiện hữu thực tại nào đó tương ứng với ý tưởng đó, bởi vì nguyên nhân của tất cả mọi hữu thể đều phải phát xuất từ nơi một mình Thiên Chúa mà thôi, đặc biệt nhất là với sự hiện hữu của Thiên Chúa người ta mới có được một nền tảng thực sự cho niềm xác tín về sự hiện hữu của các sự vật ở bên ngoài sự hiện hữu của tôi. Với sự minh chứng này về Thiên Chúa, Descartes đã đạt tới được đỉnh cao những dự định mà ông hằng nhắm tới. Cuối cùng, qua Thiên Chúa vấn đề về hữu thể đã được giải quyết. Hay như lời thánh Augustinô đã phát biểu: “Lạy Chúa, tâm hồn chúng con sẽ phải khắc khoải mãi, cho tới khi nó được nghỉ yên trong Ngài”.

Như thế, đồng thời vấn nạn về lý do cuối cùng sự tri thức của con người đã trở thành vấn nạn về sự khởi đầu và về nền tảng của toàn diện nền triết học. Qua suy tư khảo cứu của Descartes vấn nạn trên đã tìm ra được câu giải đáp trên hai lãnh vực khác nhau: Bởi vì, mặc dù trước hết tôi tìm thấy nền tảng đó cắm dùi trong tôi, nhưng đàng khác chính nó lại cũng được đâm rễ sâu trong sự hữu và qua đó nó bắt nguồn trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn cội mọi sự hữu.

Con đường của một chủ thuyết duy lý tân thời do Descartes vạch ra như thế, đã được các triết gia nối gót, từ Malebranche, Leibniz, Spinoza và Kant mãi cho tới chủ nghĩa duy tâm lý của Brentano và vì thế đã biến Descartes trở thành cha đẻ của nền triết học về ý thức trong thời tân đại. Điều đó cũng muốn nói lên rằng chính trong sự nổ lực phát huy một nền triết học vô chủ quan tính như chúng ta tìm gặp trong Hiện Tượng Luận của Edmund Husserl, luôn luôn lại phải tìm đến nương tựa nơi đường lối tư tưởng Descartes.

Nhưng ngay cả đến những nổ lực khác tìm cách vượt qua quan điểm duy lý của Descartes, như chủ nghĩa thực dụng hay sự chối bỏ sự nhận thức chắc chắn của Popper và Derrida cũng sẽ chỉ là một điều không tưởng nếu không có Descartes. Bởi vì vấn nạn còn để ngỏ chưa được giải đáp là trong mức độ nào hay đến điểm nào thì trong những tranh cãi hiện thời về sự phê bình lý trí hay về sự tự quyết của con người (gợi lên bởi sự khảo cứu về thần kinh học) dưới lớp vỏ mang màu sắc của ý niệm mới như nhị nguyên luận: “Nảo bộ-tinh thần” (một điều xem ra không có gì khác với nhị nguyên luận của Descartes: “Thể xác-linh hồn”) thì không phải là sự tái xuất hiện vấn nạn cũ mà Descartes đã nêu lên hay sao? Nếu sự thật của vấn đề hoàn toàn đúng như vậy, thì bấy giờ rất đáng cho chúng ta phải suy nghĩ lại về điều đó, cả đến việc phải chấp nhận những câu giải đáp mà Descartes đã tiên đoán trước với sự trân trọng.

_________________

Sách tham khảo:

Meditationen über die Grundlagen der Philosophie mit den sämtlichen Einwänden und Erwiderungen (Meditationes de prima philosophia). Felix Meiner Verlag, Hamburg 1994.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tam Ca
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
00:27 15/07/2008

TAM CA



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch. CMC, Carthage, MO.

Chim ca vang, điệu nhạc vàng, vang trong gió

Hát lên đi! Hãy nâng ly - Mừng đón chúa Xuân về..

(Trích Ca Khúc Mừng Xuân của Văn Phụng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền