Ngày 15-07-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 15 Mùa Quanh Năm 16/07/2017 dành cho người đau yếu
VietCatholic Network
03:58 15/07/2017
Bài Đọc Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm A – 16/07/2017

Bài đọc 1: Is 55,10-11

Mưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đây lời Đức Chúa phán: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 64,10.11-12.13-14

Hạt gieo vào đất mỡ màu sinh hoa kết quả dồi dào gấp trăm.
Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc,
cho ngập tràn phú túc giàu sang,
suối trời trữ nước mênh mang,
dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Đ.
Tưới từng luống, san từng mô đất,
khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm,
bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi.Đ.
Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ,
cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh,
chiên cừu phủ trắng đồng xanh,
lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào,
câu hò tiếng hát trổi cao.Đ.

Bài đọc 2: Rm 8,18-25

Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.

Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng

Allêluia. Allêluia. Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Allêluia.

Tin Mừng: Mt 13,1-23

Người gieo giống đi ra gieo giống.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Đó là lời Chúa.
 
Dụ ngôn “Gieo giống” Vì sao Chúa giảng dạy bằng dụ ngôn ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:21 15/07/2017
CN 15 QN A :Dụ ngôn “Gieo giống” Vì sao Chúa giảng dạy bằng dụ ngôn ?

Mở bài dài : [Các linh mục thường kể cho nhau giai thoại này: Có một cha xứ miền quê, khi đến Chúa Nhật 15 thường niên năm A, tức Chúa Nhật hôm nay, thì lý luận thế này : Giảng là giải bài Phúc Âm (mà chúng ta vừa nghe). Chúa Giêsu nói về dụ ngôn người gieo hạt giống. Các môn đệ hỏi Chúa ý nghĩa. Chúa giảng giải ý nghĩa đó luôn. Cha xứ miền quê lý luận : Không ai giải hay bằng chính tác giả của dụ ngôn, nhất là tác giả đó lại là Chúa. Nên trước khi đọc Phúc Âm, cha xứ đó nói với dân vài lời : Phúc Âm hôm nay cũng là bài giảng của chính Chúa, nên tôi sẽ đọc thật chậm để anh chị em cùng nghe. Và cha xứ đó đã kéo dài bài đọc Tin Mừng cho đủ giờ khắc của bài giảng Chúa Nhật.]

[Xứ chúng ta không phải là xứ miền quê, và giai thoại thì không chắc có thật. Vì thế tôi đã không dám noi gương cha xứ miền quê trong giai thoại trên để chỉ đọc chậm chậm mà không dọn ít lời.]

Mở bài : Ít lời hôm nay nhằm vào phần II của bài Tin Mừng. Phần I : Chúa công bố dụ ngôn người gieo giống. Phần III: Chúa giải thích dụ ngôn đó nghĩa là gì. Còn Phần II: Chúa trả lời cho câu hỏi của các tông đồ: Vì sao Chúa lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng.

Vì sao Chúa lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng ?

Chúng ta thử trả lời và chúng ta nghe Chúa Giêsu trả lời.

1. Chúng ta thử trả lời:

Nếu để chúng ta trả lời cho câu hỏi ”vì sao Chúa dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng,” thì nghĩa thật đơn giản : Chúa dùng dụ ngôn để cho dân dễ hiểu. Mầu nhiệm Nước Trời thì cao siêu sâu thẳm, Chúa phải dùng những ví dụ, những hình ảnh quen thuộc trong đời thường của người dân luc đó, như cây nho ai cũng thấy, như hạt lúa ai cũng hay, như mẻ cá ai cũng rõ, như đàn chiên ai cũng tỏ, như đám cưới ai cũng có thể tường và cảm được vv… để diễn tả những mặt khác nhau của mầu nhiệm Nước trời.

Một bài giảng không có những ví dụ, bài giảng đó sẽ khô khan. Một cours triết không có những hình ảnh, sẽ tối nghĩa..., vì thế dj ngôn là những hình ảnh, những ví dụ trong Tin Mừng nhằm làm cho dân chúng dễ hiểu.

2. Chúa trả lời

Nhưng câu trả lời rất dễ hiểu của chúng ta lại không phải là câu giải đáp của Chúa khi tông đồ hỏi : Tại sao lại dùng dụ ngôn Chúa đã trả lời ngược hẳn lại với ý của chúng ta : Thầy dùng dụ ngôn để dân chúng không hiểu được !

“Bởi thế Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. [Rồi Chúa còn trích lời ngôn sứ Isaia xưa làm ta thêm lúng túng: Kẻo mắt họ thấy được, tai họ nghe được và họ hiểu được mà hối cải rồi ta lại chữa lành cho họ].

Quả vậy dụ ngôn khi đẩy đến nghệ thuật cao sẽ trở thành câu đố bí hiểm. Người không được khai tâm, người không có khoá giải mã sẽ không hiểu được.

Trong Cựu Ước đầy dẫy những hình ảnh mật mã câu đố ấy. Như Samson đố người Philitinh: “Tự đứa ăn của ăn xuất, tự đứa mạnh, ngọt ngào ra” nếu giải được thì thưởng 30 bộ trang phục.

Không có gì mạnh bằng sư tử, không có gì ngọt bằng mật ong.

Con sư tử bị Samson giết bằng tay không hôm nào, nay đàn ong đến đóng tổ trong đầu nó, ong hút nhuỵ hoa, sản xuất mật : tự đứa ăn của ăn xuất. Đàn ong vào làm tổ trong đầu sư tử, Samson lấy mật ong từ đầu sư tử : tự đứa mạnh, ngọt ngào ra. (sách Thủ Lãnh 14,4tt).

Việt Nam có nhiều câu đó tương tự : Một đàn cò trắng phau phau, ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm. Đó là chén bát ăn cơm.

Is 5,17 cho một dụ ngôn khác: “Bạn ta có một vườn nho, rào dậu chăm bón, nhưng nho lại sinh trái dại, chủ vườn nho thịnh nộ : Ta sẽ cấm mây trời đổ mưa xuống trên nó …” Bí mật vẫn còn bao trùm. Tấm màn bí ẩn chỉ bị xé rách khi cuối bài đó, Isaia cho biét: Vườn nho của Đức Chúa các cơ binh chính là nhà Israel.

Một ngày kia, Thiên Chúa cho ngôn sứ Amos thấy một giỏ trái cây chín. Và Người phán: Ngươi thấy gì hỡi Amốt. Tôi thưa : Một giỏ trái cây chín. Và Đức Chúa bảo tôi: Dân Israel đã chín tới thời tận. Chín có nghĩa là gặt hái, thu lượm kết quả. Nhưng chín cũng có nghĩa là tận cùng, rơi rụng, .. Phải giải thích, giải mã mới hiểu.

Các dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng phải được giải thích và Chúa lại chỉ giải thích cho các môn đệ nhóm người bé nhỏ. Còn đối với dân thì cứ để họ không hiểu.

Câu trả lời kế tiếp của Chúa còn làm ta lúng túng hơn khi Chúa trích lời Isaia: Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu. Kẻo mắt họ thấy được, tai họ nghe được, lòng họ mở ra, và họ hối cải, thì ta lại chữa lành. Cứ như mạch văn đây thì: dạy bằng dụ ngôn là để cho dân không hiểu. Không muốn cho dân hiểu, kẻo họ hiểu rồi hối cải thì ”Ta” sẽ chữa lành mất.

Ta phải hiểu câu này thế nào. Có nhiều lối giải thích, từ uyên bác đến đơn sơ, từ lịch sử đến đạo đức, kể cả lối giải thích gọi là lịch sử hình thành các bản văn. Nhưng ở đây lối hiểu theo văn phạm giúp ta dễ vượt qua hơn cả.

Khi ta nói : ăn để mà sống. Chữ “để” có nghĩa là mục đích. Ăn có mục đích làm cho sống. Nhưng ta cũng có thể nói : Ăn để chết chữ “để” không có ý nghĩa mục đích nữa mà là thể liên tiếp, thể hậu quả. Cứ ăn đi rồi tới lúc phải chết. Câu nói của Chúa Giêsu trong trường hợp này cũng vậy, không phải chỉ mục đích, nhưng vì là Thiên Chúa thấu suốt cả tương lai, nên Ngài biết hậu quả là như thế. Giảng bằng ngụ ngôn để họ không hiểu, họ không tin, họ không trở lại.

Câu Chúa Giêsu nói đây trích từ sách Isaia. Thời Isaia, khi được sai đi, Đức Chúa đã cho biết Dân mà Isaia giảng cho, nghe mà không chịu hiểu đâu, để ngôn sứ đừng ngã lòng.

Thời Đức Giêsu, mấy kẻ theo Ngài, chỉ trừ một nhóm nhỏ hiền lành,chất phác.

Thời các tông đồ, dân Do Thái cũng chẳng tin là là bao đến nỗi cuối sách Công Vụ khi Phaolô được giải tới Roma, ngài gặp cộng đoàn Do Thái tại đó trước, nhưng họ chẳng tin, nên Phaolô cũng trích lại câu Isaia trên kia : nghe mà không hiểu, trố mắt mà chẳng thấy (Cv 28, 26-27)

Mãi cho tới nay, 2000 năm sau, một dân Do Thái vẫn vững mạnh với Cựu Ước: 5 triệu người Do thái, đếm được mấy ai tin Đức Giêsu.

Đức Yêsu là người Israel, sống tại Israel, giảng đạo tại Israel. Đức Mẹ, thánh Giuse, các tông đồ đều là người Israel, vậy mà cho đến hôm nay họ vẫn quyết liệt từ chối Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người. Hình như ”không tin, cứng lòng” là định mệnh của họ. Số của họ là vậy. Ôi Dân Ta mà chẳng nghe lời, Israel nào đâu có chịu, thì Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá, muốn đi đâu thì cứ việc đi. (Tv 80).

Họ có trách nhiệm gì không trong việc cứng tin này, chúng ta không biết được. Nhưng thánh Phaolô trong Rm 11,25 đã hé cho ta thấy kế hoạch của Thiên Chúa: Sau khi chư dân đã tin, thì tất cả Israel cũng được ơn cứu độ. Việc Israel cứng tin chỉ là sự kích thích cho dân ngoại (dân không phải Do thái) tin vào. Và khi nói đến đó thánh Phaolô đã ca tụng sự khôn ngoan vô lường của Thiên Chúa và ý định của Người. Ôi sâu thẳm muôn trùng, sự khôn ngoan thông minh của Thiên Chúa. Ý định Người không ai dò thấu. Đường lối Người không sức dõi theo.

Chúng ta Kitô hữu Việt Nam là Dân ngoại so với dân Israel, nhưng lại là Israel mới, là Dân thánh. Israel cũ cứng tin, nhưng Israel mới là chúng ta vững tin và trong khi cầu nguyện cho Israel cũ tức dân Do Thái tin Đức Kitô, thì chúng ta hãy vững vàng tuyên xưng niềm tin của mình trong kinh Tin Kính : tin Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Chúa Nhật XV Thường Niên A: Hạt Giống Và Đất Trồng
Lm. Vinh Sơn
18:33 15/07/2017
Chúa Nhật XV Thường Niên A: Hạt Giống Và Đất Trồng

Is 55,10-11 ; Rm 8,18-23 ; Mt 13,1-23

Tại Úc Châu có dân tộc Chimbu thuộc đảo Tân Ghinê. Hàng ngàn năm qua họ sống khép kín trong những bộ tộc riêng tại vùng núi hiểm trở. Các bộ tộc này không quan hệ với nhau họ sống hoàn toàn biệt lập. Vì thế, chỉ có 3 triệu người mà họ nói tới 700 ngôn ngữ.

Khi các vị thừa sai đến loan báo Tin Mừng, các ngài cố học được một ngôn ngữ, và dựa vào đó mà đặt ra một thứ tiếng chung gọi là Esperanto, có nghĩa là Niềm Hy Vọng. Tiếng này được rút ta từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau để làm nên một thổ ngữ Melanesien.

Khi chị nữ tu Mary Claude đem Lời Chúa đến rao giảng thì được họ đón nhận rất dễ dàng. Dường như lịch sử truyền khẩu của họ qua các thế hệ đều nói tới một Vị nào đó sẽ đến.

Chị Mary Claude kể: "Có một bà góa trẻ làm công cho địa điểm truyền giáo để kiếm tiền nuôi ba đứa con. Xảy ra có những người thuộc bộ lạc của bà đến xin tiền. Tôi khuyên chị nên tiết kiệm tiền để lo cho các con. Nhưng chị ấy đã nói một câu làm tôi bất ngờ: Chúa Giêsu dạy rằng ai cho người thân cận đang túng thiếu là cho chính Chúa, nên con phải có bổn phận giúp đỡ họ".

Cho đi đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Chimbu và chia sẻ đã đi vào bản sắc dân tộc của họ. Được như thế, chính là nhờ Lời Chúa đã thấm nhập vào máu thịt của họ, vào từng suy nghĩ, hành vi của họ, Lời Chúa đã đưa họ thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, và qui tụ họ lại thành một cộng đoàn yêu thương (Trích trong Như Thầy Đã Yêu).

Thật thế chính hại giống Lời Chúa đã gieo và đơm hạt cho dân tộc Chimbu.

Trong Tin mừng Mt 13,1-23, Đức Giêsu dùng dụ ngôn "Người gieo giống" để dạy chúng ta về giá trị của Lời Chúa như hạt giống, nếu chúng ta biết lắng nghe, suy niệm và đem ra thực hành, thì cuộc sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều bông hạt.

Để hiểu dụ ngôn người gieo giống này, chúng ta trở lại khung cảnh địa dư của đất Do thái, rất khác với những cánh đồng lúa tại nước ta, vốn là những đồng lúa phì nhiêu nhiều nước, trong lúc đất tại Do Thái khô cằn nhiều sỏi đá, dọc triền đồi núi.

Vào vụ mùa gieo, trước hết người nông dân phải dọn đất cho tương đối bằng phẳng; kế đến là làm đường tức là trên miếng đất đã dọn ấy người ta vạch một con đường nhỏ nên đất cho cứng để đi lại trên đó ; sau cùng là gieo giống. Nhưng có khác một điều quan trọng là: vì xứ Do thái nhiều đồi núi, đất canh tác không nhiều, vì thế nông dân phải tận dụng bất cứ chỗ đất nào có hy vọng trồng trọt được.

Hơn nữa ở Do Thái, đất đai ở đây rất nhiều đá, cho nên Người Do Thái nói khôi hài rằng khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, có ba túi đá thì Chúa làm rớt hết hai túi xuống đất Palestin... (theo Cha Nguyễn Công Đoan SJ).Trong nhà nông của Do Thái, việc lượm đá là một động tác quen thuộc cũng như làm cỏ, đến nỗi từ "đá" (xêla) khi dùng như một động từ ở thể hành động (xalêa) thì có nghĩa là lượm đá để dọn một mảnh đất. Ðá lượm ra xếp thành bờ ngăn các thửa ruộng, do đó mép bờ cũng là nơi gai mọc. Ở những vùng đất thiếu nước thì gai là loài cây dại phổ biến nhất, vì nó có sức chịu khô lâu nhất. Người nông dân ở Palestin xưa kia dọn đất xong thì gieo hạt rồi cày lấp đi (giống như xạ lúa ở miền Tây).

Khi biết và hiểu địa dư của đất nông nghiệp Do Thái, chúng ta dễ hiểu 4 vị trí mà hạt giống có thể rơi xuống khi người nông dân gieo lúa: đá, mặt lối đi, bụi gai và đất tốt như Đức Kitô đã nhấn mạnh đến các chi tiết trong dụ ngôn.

Muốn gieo cho kín ruộng mình thì người nông dân phải chấp nhận có sự hao hụt vì khi vung tay gieo hạt, một số nào đó sẽ rơi vào 3 loại vị trí không kết quả: “xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. “Hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt…”. Hình ảnh người nông dân gieo giống tượng trưng Thiên Chúa luôn vững tay phân phát thật rộng rãi để hạt giống được phủ kín mảnh ruộng. Đó là thái độ quảng đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, Ngài làm tất cả, đôi lúc có phung phí ân sủng, vì Ngài mong ít ra có những hạt giống rơi trên đất tốt.

Mảnh đất được gieo trồng mang hình ảnh tâm hồn tôi và tâm hồn bạn. Để cho mảnh đất trở nên đất tốt hầu hạt giống của Thiên Chúa gieo vào sinh hoa, chúng ta cần phải chuẩn bị, như người nông dân luợm những hạt đá để trên bờ rào. Hình ảnh đó gợi nên cho chúng ta tâm tình biết sửa chữa mình không ngừng để cuộc sống chúng ta luôn tràn ngập bình an, ân sủng, đó là giống đã được nảy mầm, kết hoa và đơm hạt.

Nếu cứ để tâm hồn chúng ta hoang sơ như những mảnh đất chưa được nhặt luợm những sỏi đá, cỏ lùng không bị tàn diệt, dù hạt giống ân sủng được nảy mầm, chắc chắn đời sống chúng ta như Chúa ví trong dụ ngôn: rễ không đủ sâu gặp nắng gắt chết khô, hay chết nghẹt vì bụi gai…

Thiên Chúa gieo giống, Ngài luôn mong đến viêc sinh hoa kết quả nơi các tâm hồn được tượng trưng bằng hình ảnh nhiều loại đất gieo trồng tiếp nhận hạt giống. Ngài luôn tưới gội, mưa nắng để cho đất vốn được nhặt sỏi kỹ lưỡng nảy thêm trù phú tạo điều kiện cho hạt giống nảy mầm như Thánh Vịnh có nói: “Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần” (Tv 64).

Ngài luôn tuôn trào hồng ân cho mảnh đất con người, nuôi dưỡng hạt giống do chính Ngài gieo, được nảy mầm sinh hoa như ngôn sứ Isaia đã cảm nhận: "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm” (Is 55,10).

Thật thế, Thiên Chúa làm tất cả để giống nảy mầm cho trổ sinh hoa trái như Thánh Vịnh đã trải nghiệm hồng ân của Thiên Chúa: “Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất”(Tv 64). Điều mong ước mà Đức Giêsu muốn chúng ta thực hiện là con người sinh hoa trái, một đời sống tràn đầy, phong phú như Thánh Mattheu đã ghi nhận rải rác trong Tin Mừng (Mt 3,10; 12,33; 13,23-26; 12,43). Sự quảng đại của Chúa trong việc ban phát mọi ơn lành cho chúng ta làm cho tôi và bạn luôn an tâm và tin tưởng vào Tình Yêu của Ngài. Ngài chẳng bao giờ rút lại Tình Yêu ấy, chỉ có chúng ta từ chối khi không chịu nhặt sỏi đá nên hạt giống hồng ân không bén rễ sâu vì chết khô hoặc bóp nghẹt không cho tình yêu của Ngài triển nở trong chúng ta khi không tận lưc nhổ cỏ lùng.

Thiên Chúa qua hình ảnh người gieo hạt giống, đã làm tất cả để hạt - lời Ngài giảng dạy nảy sinh mầm. Hạt giống Lời Chúa sinh được hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt. Giống không sinh được hạt nếu không có sự cộng tác của con người. Mảnh đất- tâm hồn phải được dọn cỏ lùng, mảnh đất phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.

Hãy nhặt đi những sỏi đá trong mảnh đất hồn tôi, hãy nhổ đi những cụm cỏ lùng luôn đe dọa đến hạt giống như Đức Giêsu đã thường xuyên cảnh báo các môn đệ chống lại ảnh hưởng của thế gian (x.Lc 9,57-62; 14,28-33; 16,19-31; Ga 15,19; 12,6), hay những lo toan trần thế, làm quên niềm tin như lời nhận định của Thánh Têrêsa Avila :“…Những lo lắng thế gian và sự giàu có của vật chất làm cho giống chết nghẹt” (Thánh Têrêsa Avila).

Biết rằng đời mình còn nhiều sỏi đá, cỏ lùng. Đừng thất vọng mà để hoang tàn, nhưng xin vẫn cứ chăm chỉ: chăm chỉ nhặt sỏi, chăm chỉ nhổ cỏ, vun trồng chuẩn bị tốt cho mảnh đất của đời mình để sẵn sàng đón nhận hạt giống được gieo trong mùa màng hồng ân.

Hạt rơi nơi đất tốt tươi

Hạt sinh sáu chục, hạt trổ một trăm...

Lm. Vinh Sơn
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chile hy vọng cuộc thăm viếng của ĐGH Phanxicô sẽ mang lại ‘cuộc cách mạng hài hòa’.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:36 15/07/2017
Chile hy vọng cuộc thăm viếng của ĐGH Phanxicô sẽ mang lại ‘cuộc cách mạng hài hòa’.

(EWTN News/CNA) Trưởng ban truyền thông về cuộc thăm Chile sắp tới của ĐGH Phanxicô nói rằng đất nước này đang trong giai đoạn bất ổn xã hội, nhưng họ hy vọng rằng chuyến viếng thăm của ĐGH sẽ giúp tái thiết đất nước trên căn bản yêu thương và hài hòa.

Cha Felipe Herrera nói với đài EWTN vào ngày 12 tháng Bẩy, “Chúng tôi thực sự hy vọng rằng ngài sẽ khởi điểm cho một cuộc cách mạng hài hòa” theo như văn từ của ĐGH.

“Chúng tôi đã không có sự gắn bó xã hội… người dân đầy lòng căm ghét chính quyền, quốc hội, chống lại Giáo Hội, chống lại các doanh nghiệp lớn cũng như nhỏ, hằng xóm láng giềng nghi kỵ thù ghét nhau. Chúng tôi cần tái thiết xã hội của chúng tôi dựa trên tình yêu thương, tình huynh đệ và sự tự do. Do đó chúng tôi hy vọng sẽ được nghe những điều đó từ ĐGH.”

Cha Pelipe Herrera, hiện là linh mục của Tổng Giáo Phận Santiago nói rằng tất cả dân chúng Chile, dù không phải là Công Giáo, cũng rất nông nóng về cuộc thăm viếng này.

Vậy thông điệp chính của cuộc viếng thăm này là gì? Cha Herrra nói “Chỉ có ĐGH là người biết rõ điều đó, nhưng mọi người hy vọng ngài sẽ đem lại “Lời của Chúa Kitô, lời của Thiên Chúa, đặc biệt kêu gọi các Kitô hữu hãy tham gia vào đời sống xã hội.”

“Đôi khi là người tín hữu trong Giáo Hội, chúng ta chỉ sống quanh quẩn trong “đền thờ” của mình và chúng ta cần bước ra ngoài xã hội và làm nhân chứng cho tình yêu ở mọi nơi. Trong trường hợp này, chúng ta cần tái thiết đất nước của chúng ta trong tình huynh đệ và tin tưởng lẫn nhau.”

Chi tiết về cuộc thăm viếng của ĐGH chưa được tiết lộ, nhưng vào tháng Sáu, tòa thánh Vatican đã công bố là ĐGH Phanxicô sẽ thăm Santiago, Temuco và Iquique từ ngày 15-18 tháng Giêng, năm 2018. Từ đó ĐGH sẽ đến thăm Peru từ 18-21 tháng Giêng.

Bước dừng chân đầu tiên của ngài sẽ là thủ đô Santiago, rồi sẽ đi về miền nam để thăm Temuco, một trong những thành phố bị tàn phá bởi vụ cháy rừng kéo dài hàng tuần vào tháng Giêng năm 2017. Đây là vụ cháy gây thiệt hại nhất trong lịch sử của Chile, có ít nhất 11 người chết, hàng ngàn ngôi nhà, gia súc, đồng cỏ bị cháy rụi. Cuộc thăm viếng của ĐGH rơi đúng vào những ngày cháy rừng năm ngoái.

Theo cha Herrera thì Temuco là một thành phố đẹp, quê hương của người Mapuche bản địa và đã có sự tranh chấp về chủ quyền đất đai kéo dài hằng nhiều thập niên qua. Ngay từ đầu cuộc tranh chấp vào thập niên 1990, người Mapuche đã đốt rừng, bắn giết và thực hiện những vụ bắt cóc ở trong nước sau khi các cuộc đàm phán để trả lại chủ quyền đất đai hợp pháp của họ do nhà độc tài Augusto Pinochet cưỡng chiếm bị ngưng trệ.

Trong năm 2016, đã có 227 vụ bạo động xảy ra ở vùng Araucania và Biobio gồm 61 tòa nhà bị đốt cháy, trong đó có 16 ngôi nhà thờ và các cơ sở tôn giáo khác.

Cha Herrera nói rằng sự xung đột này xảy ra vì đất đai của người có chủ quyền hợp pháp bị chiếm đoạt. “Tôi nghĩ ĐGH sẽ mang lại thông điệp ngưng chiến cho khu vực này.”

Về phía bắc của đất nước thì có Iquique, một thành phố được gọi là thủ đô của các lễ hội tôn giáo và thành phố này cũng đón tiếp hầu hết những người nhập cư vào Chile và hy vọng là ĐGH cũng sẽ có một thông điệp cho những người di dân ở thành phố này.

Khoảng gần 50 dặm về phía đông là thành phố La Tirana, có đền Đức Mẹ Núi Carmel (Our Lady of Mount Carmel). Hằng năm từ ngày 12 -16 tháng Bẩy, người dân Chile tổ chức tuần lễ mừng kính Đức Mẹ, gồm đốt pháo bông và múa truyền thống.

Với lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, hy vọng ĐGH Phanxicô sẽ ghé thăm một trong các đền thánh Đức Mẹ tại đất nước này, có thể là đền Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, với tượng Mẹ cao 46 bộ, đứng trên bệ cao 27 bộ, tọa lạc trên đỉnh đồi Santiago’s San Cristobal.

ĐGH Gioan Phaolô II đã đến thăm đền thánh này khi ngài thăm Chile vào năm 1987. Cuộc viếng thăm cách đây 30 năm của ngài vẫn còn được người dân nhớ mãi và hằng nhắc đến. Mong rằng cuộc viếng thăm sắp tới của ĐGH Phanxicô cũng sẽ để lại một ấn tượng tốt đẹp như thế.

“Chúng tôi hy vọng cuộc thăm viếng sắp tới của ĐGH Phanxicô sẽ thực sự mang lại cho đất nước chúng tôi một cuộc ‘cách mạng hài hòa’ giữa mọi người dân Chile và sẽ được nhắc mãi trong 30 năm tới.”

“Chúng tôi cần một cuộc cách mạng hài hòa, yêu thương lẫn nhau, và chan hòa tình huynh đệ giữa tất cả mọi người dân Chile.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận Đà Nẵng tổ chức hội trại truyền thống
Tôma Trương Văn Ân
09:40 15/07/2017
Hội Trại Truyền Thống Liên Đoàn Thánh Linh Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo Phận Đà Nẵng năm 2017

Trung tuần tháng 7 hằng năm , Liên Đoàn Thánh Linh – Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận Đà Nẵng ( gọi tắt Đoàn HTDC GP) tổ chức hội trại truyền thống , với tâm tình biết ơn và cầu nguyện cho Cha Anton Bùi Hữu Ngạn- Đấng Sáng lập Phong trào HTDC GP nhân dịp Lễ Giỗ của Ngài ( 20 / 7 / 1973-2017) . Và cùng hiệp ý cầu nguyện cho các Cha Linh Hướng , các Sơ Trợ Úy , Cựu Trưởng và các Vị Ân nhân đã dày công nâng đỡ và phát triển phong trào HTDC GP , mà nay đã qua đời. Đồng thời Các em ôn lại truyền thống của phong trào , học hỏi, làm việc nhóm, vui chơi… phát triển khả năng và tổ chức của các em.

Xem hình

Hội trại năm nay được Ban Điều Hành Liên Đoàn tổ chức vào ngày 13 & 14.7.2017 , dịp Lễ Giỗ lần thứ 44 của Cha Anton, tại sân nhà thờ Giáo xứ Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu.

Có 320 em , Cơ Chinh và Cơ Chiến của 15 xứ đoàn tham dự. Hội trại năm nay rất đặc biệt vì có thêm 50 Cựu trưởng tại Gp Đà Nẵng và 6 Cựu trưởng từ miền nam cùng đến tham dự , chung chia niềm vui với các em.

Cha Bonaventura Mai Thái, Tổng Đại diện- Đại diện Đức Giám Mục Giáo phận đã đến chúc mừng , khích lệ…. và Chủ sự Thánh lễ Tạ ơn lúc 10g00 ngày 13.7.2017. “Tạ ơn vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” ( Tv117,1 ) .

Buổi chiều , các em thi tìm hiểu phong trào , đố vui qua hình thức rung chuông vàng. Đây là một hình thức học hỏi tuyệt vời. Vừa bồi thêm kiến thức, vừa kiểm tra kiến thức hiểu biết của các em.

Sau đó , tất cả các Xứ đoàn tập trung tại sân Trung tâm hành hương , ôn lại nội qui , kỷ thuật và kỷ năng hàng đội.

Chương trình văn nghệ với Chủ đề “ Chuẩn bị cho Người trẻ bước vào đời sống hôn nhân” theo đường hướng mục vụ của Giáo Hội trong năm 2017 và lửa trại lúc 19 giờ cùng ngày , được các em chờ mong và chào đón hào hứng nhất. Có 16 tiết mục gồm đa dạng thể loại (ca múa , ca nhạc kịch , Hò vè, đồng diễn ….) được các em trình diễn rất điêu luyện chuyên nghiệp. Mặc dù mưa có lúc nặng hạt, nhưng các em vẫn diễn cách say sưa hào hứng. Cao trào càng lên đỉnh điểm khi ngọn lửa trại bừng bừng rực cháy . Các điệu nhảy , các cử điệu diễn tả từ vũ trụ sơ khai hồng hoang , đến hình thành muôn thú , biển khơi mênh mông mênh mông , vũ trụ đầy muôn tinh tú ,…. Ôi xinh đẹp biết bao … đến đỉnh cao là sự lắng đọng tâm hồn các em khi lửa tàn đêm đen. Cha Giuse- Cố vấn gợi mở tâm hồn các em quy hướng về Thiên Chúa là Cha yêu thương , đã cứu vớt con người khỏi tội lỗi vì sa ngã…

Hôm sau , ngày 14 /7/2017 :

Buổi sáng, sau giờ Thánh lễ sáng và điểm tâm, các em chơi Trò Chơi lớn, Trò Chơi nhỏ… Các hiểu biết và kỷ năng được tích lũy học hỏi trong phong trào, được các em vận dụng cách nhuần nhuyễn cho các trò chơi ….

11g00 trưa , các em vào Chầu Thánh Thể Chúa , lắng đọng tâm hồn để xin Thiên Chúa kín múc bình an và Ân sủng ….là năng lực cần thiết cho đời sống tâm hồn và thể xác trong mọi hoạt động, yêu thương , sẻ chia, quan tâm nâng đỡ….động lực sống tuyệt vời.

Buổi chiều , các em chung kết thi Giáo lý , nội dung các bài Giáo lý cho Giới trẻ trong sách Youcat, các tìm hiểu học hỏi về Mùa Chay , Mùa Vọng , Mùa Thường niên…. Cuộc thi cũng được tổ chức theo hình thức Rung chuông vàng, rất dễ theo dõi và học hỏi.

Hội trại kết thúc lúc 17 giờ cùng ngày.

Bịn rin chia tay , các em tranh thủ lưu lại vài tấm hình lưu niệm , ơi ới cho nhau thông tin hình ảnh để liên lạc, để lưu lại những kỷ niệm đẹp của cuộc đời , và đâu đó có sự kết đôi nên một gia đình mới, một tế bào mới của Giáo Hội và xã hội ……

Toma Trương Văn Ân

Được biết :

1. Ban điều hành Liên đoàn HTDC GP gồm:

Anh PX Thái Văn Liên – Trưởng Liên đoàn

Cha PX Nguyễn Ngọc Hiến – Linh hướng

Cha Giuse Đinh Công Hạnh – Cố vấn

Cha Giacôbê Nguyễn Hồng Phong – Phó Tuyên Úy

Và một số Trưởng cùng cộng tác điều hành.

2. Các Trưởng và cựu Trưởng, trong một năm, có một ngày gặp và cắm trại riêng , thường đầu năm , tại Phú Thượng.

3. Liên Đoàn HTDC GP hiện nay có 22 Xứ đoàn

4. Một số cựu Trưởng hiện nay không có điều kiện hướng dẫn trực tiếp các em , nhưng rất ưu tư nặng lòng với phong trào HTDC GP , sẵn sàng hỗ trợ bằng lời cầu nguyện, chia sẻ vật lực , tài lực…. và nhiều phương cách khác nhau cho sự phát triền của Liên đoàn và đời sống Đức tin và nhân bản cho các em .

5. Sau năm 1975 , tất cả các Đoàn thể Công Giáo tiến hành tại Giáo phận Đà Nẵng ngưng hoạt động vì giai đoạn lịch sử nhạy cảm. Đến Lễ Thánh Tâm 1 / 7 / 2011, Bổn mạng Gp Đà Nẵng , Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri - Nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng vào thời điểm đó , đã Quyết định tái lập Liên Đoàn HTDC GP.
 
Dòng Camillô : Thánh Lễ Mừng Bổn mạng và Vĩnh khấn.
Người Giồng Trôm
09:48 15/07/2017
Dòng Camillô : Thánh Lễ Mừng Bổn mạng và Vĩnh khấn.

Hôm nay, 15 tháng 7, tại ngôi giáo đường thân thương của Dòng Camillô vẫn thường đến dâng Lễ, cầu nguyện lại hân hoan chào đón mọi người về đây với Nhà Dòng để dâng Thánh Lễ tạ ơn mừng bổn mạng Nhà Dòng cũng như Thánh Lễ tuyên lời khấn vĩnh viễn của 2 Thầy.

Xem Hình

Sau những năm tháng tìm hiểu, tu học, sống lời khấn trong Dòng Camillô và đặc biệt sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, hai tu sĩ Giuse Trần Quốc Hùng, MI và Phanxicô Xaviê Cần Trần Đình Long, MI quyết định tuyên lời khấn vĩnh viễn trong Dòng Camillô. Hòa cùng niềm vui với quyết định thánh thiện đó, cộng đoàn cùng nhau trở về ngôi thánh đường thân quen với Hội Dòng là nhà thờ Đồng Tiến để tham dự Thánh Lễ mừng Bổn Mạng Dòng Camillo cũng như tuyên lời khấn trọn của Hai Thầy.

Từ rất sớm, gia đình, bè bạn, anh chị em thân quen với hai Thầy cũng như thân quen với Hội Dòng đã tuy tụ về nhà thờ Đồng Tiến. Có những vị khách ở rất xa đến chung vui và cầu nguyện với hai Thầy hôm nay. Có những vị “khách” không còn là khách nữa chính là anh chị em ca đoàn Mai Tâm. Ca đoàn Mai Tâm sau nhiều ngày chuẩn bị, cũng đã đảm trách hát Thánh Ca trong Thánh Lễ tuyên khấn vĩnh viễn hôm nay.

9 giờ, 00, cộng đoàn cùng với ca đoàn Mai Tâm cât cao lời “Hãy ca mừng Thiên Chúa …”

Chủ tế Thánh Lễ tuyên lời khấn vĩnh viễn hôm nay là Cha Giuse Trần Văn Phát. Cùng đồng tế với Cha Giuse là quý Cha trong và ngoài Dòng Camillo. Có Cha giám đốc Caritas, Cha chánh xứ Mẫu Tâm – Tân Bình và quý Cha thân quen với hội dòng.

Để bắt đầu Thánh Lễ, Cha Giuse mời cộng đoàn cầu nguyện cho Nhà Dòng nhân dịp mừng bổn mạng, cầu nguyện cho hai Thầy tuyên khấn vĩnh viễn hôm nay.

Sau bài Tin Mừng là phần thỉnh vấn và bài chia sẻ Tin Mừng. Trong bài chia sẻ rất thân tình, Cha G.B. Phương Đình Toại chia sẻ rất thân tình với 2 người em tuyên lời vĩnh khấn hôm nay. Cha mời gọi cộng đoàn cùng suy nghĩ về lời vĩnh khấn cũng như dấn thân đời tu phục vụ bệnh nhân của Dòng Camillo. Cha xin cộng đoàn cùng tiếp tục cầu nguyện cho Hội Dòng, cho 2 Thầy tuyên khấn hôm nay.

Bài chia sẻ kết thúc là Kinh Cầu Các Thánh, nghi thức khấn dòng …

Nghi thức khấn dòng khép lại trong cử chỉ hết sức thân tình đó là quý cha quý thầy đã khấn trọng ôm chúc bình an cho 2 Thầy. Sau đó, 2 Thầy đi chúc bình an cho người thân và gia đình.

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ, Thầy đại diện đã ngỏ tâm tình của mình cám ơn Cha Giám Tỉnh, Cha Bề Trên, quý Cha … đặc biệt cảm ơn Cha Sở G.B Trần Thanh Cao – Chính xứ Đồng Tiến … cùng cộng đoàn.

Lời cảm ơn của hai tân khấn kết thúc.

Một tràng pháo tay thật lớn sau lời chúc mừng bổn mạng của Cha Bề Trên Giuse Trần Văn Phát. Cha nói với cộng đoàn hôm nay mừng bổn mạng Nhà Dòng, gia đình Camillo, ca đoàn Mai Tâm nhận Thánh Camillo làm bổn mạng cũng như các mái ấm nơi nhà dòng phục vụ, giới y bác sĩ Công Giáo,

Cha Giuse Trần Văn Phát trong cung cách hết sức bình dị ngỏ đôi lời thay mặt nhà dòng cảm ơn quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn, Cha cũng không quên cảm ơn quý ông bà cố, Cha Chánh Xứ Đồng Tiến đã tạo mọi điều kiện cho Dòng Camillo hiện diện nơi giáo xứ này.

Cha Giuse cũng ngỏ lời mời cộng đoàn đến ngày 9 tháng 12 tới đây cùng đến đây để hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa vì 25 năm nhà dòng hiện diện tại Việt Nam. 25 năm qua, có được 25 cha và thầy nên con số còn khiêm tốn và xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ cho Hội Dòng.

“Xin dâng lời cảm tạ …” gói ghém tất cả tâm tình tạ ơn của 2 Thầy cũng như của Hội Dòng Camillô. Xin cảm tạ Chúa, xin cảm ơn gia đình ông bà cố, xin cảm ơn tất cả thân ân ân nhân đã thương đến quý tu sĩ trong Dòng Camillo, xin tiếp tục cầu nguyện, chia sẻ bằng cách này hay cách khác để chung chia với công việc lo lắng cho những bệnh nhân, những người nghèo theo đúng linh đạo của Hội Dòng.

Đôi nét về nhà dòng Camillô

Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (The Order of the Ministers of the Infirm - MI) hay gọi là Dòng Camillô, do Thánh Camillô De Lellis sáng lập năm 1591, nhằm phục vụ những người nghèo khổ, đau yếu.

Thánh Camillô De Lellis, sinh ngày 25.5.1550 tại làng Bucchianico, miền Trung nước Ý. Ngài mồ côi mẹ ngay từ nhỏ, và ảnh hưởng bởi xã hội thời đó, nên Ngài đã trải qua một thời gian sống buông thả.

Một ngày, Ngài bị một vết thương ở mắt cá chân, nên phải nhập bệnh viện chữa trị nhiều lần, nhưng vết thương không lành. Ngài đã tỏ lòng sám hối và ý thức con người tội lỗi của mình. Qua đó, thánh nhân đã cảm thông sự đau khổ của bệnh tật, nên đã tận tâm chăm sóc người bệnh như “Mẹ hiền chăm sóc đứa con duy nhất của mình bị đau yếu”.

Thánh Camillô chịu chức linh mục năm 1584, sáng lập dòng và dành trọn cả cuộc đời phục vụ bệnh nhân, cho đến khi qua đời vào ngày 14.7.1614.

ĐGH Bênêdictô XIV tôn phong Ngài lên bậc hiển Thánh năm 1746.

ĐGH Pio XI công bố Thánh Camillô là bổn mạng nhân viên y tế và y bác sĩ.

Giáo Hội mừng kính Thánh Camillô vào ngày 14 tháng 7 hằng năm.

Năm 1993, Dòng Camillô đã hiện diện ở Việt Nam. Cho tới nay đã có nhiều tu sĩ dấn thân phục vụ bệnh nhân tại các cơ sở từ thiện, các mái ấm và các phòng khám.

Địa chỉ liên lạc Dòng Camillô Việt Nam:

165/2 Tam Châu, khu phố 2, P.Tam Bình, Q. Thủ Đức

Email: camillovn@gmail.com

Tel: 08.62916969
 
Lễ ban bí tích thêm sức tại xứ Lộc Lâm, GP Xuân Lộc
Giuse Nguyễn Trường Kỳ
20:52 15/07/2017
Lễ ban bí tích thêm sức tại xứ Lộc Lâm, GP Xuân Lộc

Sáng thứ sáu, ngày 14 tháng 07 năm 2017, tại Giáo xứ Lộc Lâm, Giáo hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Gioan ĐỖ VĂN NGÂN, Giám mục Phụ tá Giáo phận đã đến kinh lý mục vụ và ban Bí Tích Thêm Sức cho 386 em thiếu nhi Giáo xứ.

Xem Hình

Để chuẩn bị cho ngày giờ trọng đại này, cộng đoàn giáo xứ đã nghinh đón Đức Cha ngay từ cổng chính. Vào lúc 8 giờ 30, Đức Cha Gioan đã hiện diện tại cổng chào và đoàn xe rước đã tháp tùng Ngài đến nhà thờ trong tiếng chuông và tiếng vỗ tay chào mừng của các em thiếu nhi và cộng đoàn dân xứ. Cha xứ Giuse Phạm Văn Hoàng và Cha phó Gioan B. Vũ Minh Tân đã ra chào đón Ngài.

Trước giờ lễ Đức Cha đã gặp gỡ Ban đại diện Giáo dân và nghe báo cáo về các sinh hoạt chung của Giáo xứ, Ngài chia sẻ và động viên các quý chức tinh thần phục vụ trẻ trung và năng động, cho dù bề bộn với công việc gia đình nhưng hãy phục vụ cộng đoàn trong thời còn sức trẻ. Đó mới là cho đi, là phục vụ hết mình giống như bà góa phụ đã dâng hiến đồng bạc cuối cùng của mình cho đền thờ.

Thánh lễ do Đức Cha chủ sự, cùng đồng tế với Ngài có sự hiện diện của Cha Giuse Nguyễn Ý Định trưởng ban Giáo dân giáo phận kiêm phó quản hạt Hố Nai, quý cha trong hạt Hố Nai, hai Cha Gioan đồng hương, Cha khách ở Pháp với sự hiệp dâng của quý tu sĩ và cộng đoàn dân xứ.

Thánh lễ được cử hành trong bầu khí nghiêm trang và sốt sắng. Do số em được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức khá đông nên trong nghi thức ban Bí Tích, Đức Cha đã trao quyền cho Cha Giuse đại diện Ban giáo dân cùng sức dầu với Ngài.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Ông Trưởng Ban hành giáo đại diện cộng đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn tới Đức Cha chánh Giuse và Đức Cha phụ tá Gioan đã quan tâm cách ưu ái, đến thăm mục vụ cộng đoàn giáo xứ và ban Bí Tích Thêm Sức cho các con em của giáo xứ.

Sau Thánh lễ, Đức Cha Gioan ở lại dùng cơm trưa thân mật với quý Cha và quý chức đại diện cộng đoàn dân Chúa.

Giuse Nguyễn Trường Kỳ

MVTT Gx. Lộc Lâm – Hạt Hố Nai
 
Văn Hóa
Các truyện ma quái kinh dị, nghệ sĩ nhạc jazz, và các nhà khoa học, tất cả đều chỉ về Thiên Chúa
Vũ Văn An
19:07 15/07/2017
Ngày 9 tháng 7 vừa qua, chương trình Fox News có một đóng góp của Rick Stedman, vốn được mô tả là một người mê sách, một triết gia và là một mục sư, trong hai thập niên qua, vón lãnh đạo Adventure Christian Church tại Roseville, California, và tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn 31 Surprising Reasons to Believe in God: How Superheroes, Art, Environmentalism and Science Point Toward Faith.

Trong bài này, Mục Sư Stedman, tuy đặt tựa đề trên, nhưng chủ yếu, ông thuật lại câu truyện ông chinh phục được một nhà vô thần tôn thờ khoa học, chỉ nhắc qua các truyện xác chết thành người sống và các nghệ sĩ nhạc jazz.

Tôi ngồi xuống dùng bữa trưa với một kỹ sư vô thần và cảm thấy – lúng túng!

Vợ anh ta là người đề nghị chúng tôi gặp nhau vì anh ta hoài nghi tất cả mọi chuyện liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội, những điều vợ anh ta bắt đầu dự phần.

Nhưng chúng tôi không có điều gì chung với nhau cả. Anh ta là một nhà khoa học còn tôi, theo cái nhìn của anh ta, chỉ là một anh gàn tôn giáo. Tệ hơn nữa, tôi còn là một anh gàn tôn giáo chuyên nghiệp, vì tôi là mục sư của một nhà thờ. Trong đầu óc anh ta, tôi được trả lương để phi lý.

Còn anh ta, trên tất cả những cái khác, là một nhà duy lý – và tự hào về nó.

Chúng tôi trao đổi những chuyện vui đùa hời hợt khi gọi món ăn, nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy không thoải mái. Bởi thế, với một lòng tự tin ở bình diện sức mạnh kỹ nghệ, anh ta lập tức bóp cò điều tôi cảm thấy như một nhận định của kẻ cả.

“À này, vợ tôi đề nghị chúng ta ăn trưa với nhau và bàn về các nghi vấn của tôi đối với tính hợp lý của tôn giáo. Có lẽ ông chưa nghe kiểu nhận định này bao giờ trước đây, nên tôi hy vọng ông không phật lòng”.

Tôi than thầm trong lòng “Ôi, làm ơn đi, anh ta nghĩ anh ta đã làm tôi chết điếng chắc. Anh ta không biết mình từng học triết ở trình độ Ph.D tại một đại học thế tục hay mình từng nói chuyện với thật nhiều, thật nhiều, người hoài nghi trong nhiều năm qua. Hơn nữa, mình còn là một mục sư, nên lúc này mình cần phải kiên nhẫn hơn mới được, nên mình phải kiểm soát súc cảm và lắng nghe…”

Nhưng mục tiêu của tôi là trợ giúp vợ anh ta chứ không chọc giận anh ta, nên tôi chỉ nói, “Vậy thì anh hãy cứ tự nhiên nói đi”.

Thế là anh ta nói. Và nói. Về khoa học, về vụ nổ tạo ra vũ trụ (big bang), và về Bertrand Russell và việc anh ta gián mắt vào cây vả này.

Nhưng đây không phải là cuộc đấu sức đầu tiên của tôi, nên tôi biết lý luận không dẫn tới việc thay đổi cõi lòng. Hơn nữa, tôi biết một điều mà anh ta không biết: cả hai chúng tôi đều thực sự đang tin và quan tâm tới nhiều điều y như nhau. Tôi từng học tập để tìm ra cơ sở chung với những người hoài nghi và vô thần, và thuc đẩy họ suy nghĩ sâu hơn những điều họ vốn trân trọng.

Nên tôi bắt đầu với khoa học. “Tôi rất vui việc anh yêu khoa học và luôn tìm cách đeo đuổi phương pháp khoa học. Tôi cũng yêu khoa học. Nhưng tôi nhận thấy có một số điều phương pháp khoa học không thể chứng minh”.

“Như điều chi?”

“Dạ, nhiều điều lắm, nhưng đây là điều hệ trọng: anh không thể chứng minh phương pháp khoa học bằng phương pháp khoa học”.

Im lặng. Một lần nữa - lúng túng.

Nên tôi hỏi “Những ai là nhà khoa học mọi thời được anh ưa thích?”

Anh ta trả lời “Galileo, Kepler, Newton, Einstein”.

“Tôi cũng thế. Những thiên tài lạ thường, mọi người họ. Và, nhân tiện, tất cả bọn họ đều tin vào Thiên Chúa. Nhất là Newton, người vốn viết nhiều trang sách về nghiên cứu Thánh Kinh hơn là về khoa học”.

“Tôi không biết điều đó”.

Tôi bảo “Thật đó. Vả lại, anh có biết phương pháp khoa học chỉ phát triển trong nền văn minh Tây Phương vì nó dựa vào các nguyên lý của Kitô Giáo không?”

“Điều đó không đúng”.

“Dạ, tôi có các bằng cấp hậu đại học về triết học và thần học, và có một số cuốn sách tuyệt diệu của các sử gia về khoa học kiểm chứng điều đó - một cuốn do Oxford mới xuất bản. Anh có thích đọc nó với tôi không, và bọn mình thảo luận các trang của nó trong khi ăn trưa?”

Anh ta kêu lên: “Tôi rất thích! Và cả vợ tôi nữa!”. Cả hai chúng tôi đều cười.

Trong các năm sau đó, tôi và anh ta đọc hàng tá sách với nhau. Và anh ta trở thành một người bạn thân – và, với thời gian, thành một người đồng đạo.

Từ đó, tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ với những người hoài nghi khác và luôn thấy rằng chúng tôi có nhiều điều chung với nhau. Chúng tôi yêu âm nhạc, bất luận là nhạc rock cổ điểnn hay nhạc jazz; chúng tôi thích phim ảnh và sách vở, từ khoa học giả tưởng tới các câu truyện xác chết thành người sống; và chúng tôi thích thể thao hoặc viện bảo tàng. Hơn nữa, chúng tôi mạnh mẽ chống đối mãi dâm ở đây và ở khắp thế giới, chúng tôi ghét những người tàn bạo với thú vật, và chúng tôi nghĩ Hitler và tên gian ác và xứng đáng bị đánh bại.

Nhưng ngạc nhiên hơn cả là khi tôi nhìn sâu hơn vào những điều thích và không thích đa dạng trên đây, tôi thấy mỗi điều đều chỉ về Thiên Chúa, theo cốt cách độc đáo riêng của chúng. Nghĩa là mỗi điều đều có nghĩa lý trong quan điểm hữu thần hơn là trong quan điểm vô thần.

Tôi đã học thấy Thiên Chúa quả có thực, nhưng Người ẩn mình trong những điều ta thích hay ghét sâu xa nhất, sẵn sàng mạc khải Người cho chúng ta trong những phần đời sống mà ta quan tâm nhiều nhất.