Ngày 15-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/07: Người cấm họ không được tiết lộ Người là ai? – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
03:17 15/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:

"Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người".

Đó là lời Chúa
 
Chiếc thang nối tận trời
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:15 15/07/2022

CHIẾC THANG NỐI TẬN TRỜI
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Đọc Cựu Ước, tôi thấy Chúa ban cho Tổ phụ Giacób có khả năng lắng nghe và thấu hiểu tiếng Chúa ở mức độ cao.

Chẳng hạn, trong một giấc mơ đêm, trên đường xa đến nhà cậu ruột là ông Laban, nhằm vâng lời cha là Issaác, cưới con của cậu làm vợ mình, Tổ phụ Giacób nhìn thấy chiếc thang cao tận trời. Trên đỉnh thang, có Thiên Chúa ngự. Tổ phụ cũng nhìn thấy đông đảo các thiên thần lên lên xuống xuống trên thang.

Từ một giấc mơ, Tổ phụ đã không xem đó chỉ là giấc mơ. Tổ phụ nhìn xuyên thấu điều tưởng chừng chỉ là giấc mơ, để khám phá tình yêu của Thiên Chúa, để nhận ra Đức Chúa của cha ông mình luôn ở cùng mình.

Tổ phụ cầu nguyện cùng Thiên Chúa ngay sau “biến cố” giấc mơ: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi” (St 29, 20-21).

Không chỉ ấp ủ lòng biết ơn Thiên Chúa, Tổ phụ Giacób còn lập bàn thờ để tỏ bày lòng biết ơn ấy. Nhờ khả năng lắng nghe và thấu hiểu tiếng Chúa ở mức độ cao, từ giấc mơ đẹp, Tổ phụ biết rằng, trên dặm trường xa, Chúa vẫn theo mình. Chúa không ngừng đưa bàn tay phù trợ bao bộc, đỡ nâng, che chở.

Nhờ khả năng lắng nghe và thấu hiểu tiếng Chúa ở mức độ cao, Tổ phụ Giacób cảm nhận bình an của Chúa suốt hành trình đời mình. Tổ phụ luôn biết ơn Chúa, luôn trung thành vâng nghe thánh ý Chúa.

Hôm nay:

1. Khi Chúa nói cho cả hai chị em Matta và Maria biết, “Chỉ có một sự cần mà thôi”, đó là hãy lắng nghe Lời Chúa, hãy uống lấy từng lời Chúa dạy, hãy nỗ lực làm cho Lời Chúa chi phối lẽ sống, hãy để cho Lời Chúa điều khiển mọi hành vi, mọi lời nói, mọi biểu cảm của mình.

2. Là Chúa muốn nhấn mạnh:

Chúng ta hãy bám lấy, hãy theo sát Lời Chúa trong suốt hành trình cuộc sống của mình. Cuộc sống đó sẽ là những nụ cười hay tiếng khóc, là lúc thăng hay lúc trầm, lúc khỏe mạnh hay yếu đau, lúc thành công hay thất bại, lúc bị phản bội hay được đón nhận, lúc nhận ra sự yêu đương hay lòng thù hận…

Hãy luôn hiểu rằng, Lời Chúa luôn vang lên mọi nơi mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi cơ hội, dù đó là thời khắc tĩnh mịch y như hình ảnh chị Maria thanh thản, an nhàn, thoải mái, vô tư, hạnh phúc ngồi bên chân Chúa...

Nhưng Lời Chúa vẫn vang vọng không ngừng giữa những tất bật, những ồn ào đầy bôn ba chật vật chẳng khác chi hình ảnh chị Matta bộn bề, khổ sở, trăm vất vả, ngàn lo âu...

Hãy khắc sâu tâm niệm này: Chúa không ngừng ở bên ta. Chúa vẫn luôn lên tiếng suốt dọc dài cuộc sống của ta trong mọi khoảnh khắc, mọi thời gian. Hiện diện của Chúa là hiện diện đầy. Chúa hiện diện bền bỉ, liên lỉ.

Như vậy:

- Ta lắng nghe Lời Chúa nói là lắng nghe qua từng thời gian, từng biến cố, từng hoàn cảnh của mình, hay của bất cứ ai, bất cứ nơi nào mà ta có mặt hay tham dự vào. Ta xin Chúa hãy dạy ta, hãy làm cho ta được sống theo thánh ý Chúa, sống theo Lời của Chúa.

Không thể lắng nghe và thấu hiểu tiếng Chúa ở mức độ cao như Tổ phụ Giacob, thì ít ra, ta cần tập cho mình thói quen lắng nghe Lời Chúa nói không trừ bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào, biến cố nào.

- Thái độ của hai chị em Mattha, Maria và lời đáp“chỉ có một sự cần mà thôi” của Chúa Giêu, còn dạy ta hãy quân bình đời sống thường nhật với trách nhiệm Kitô hữu.

Sự quân bình ấy giúp ta sống ơn gọi nên thánh giữa đời. Một mặt, ta không thể không làm lụng vất vả tạo ra cơm ăn áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng không vì thế, biến mình thành kẻ suốt ngày chỉ “cơm-áo-gạo-tiền”, quên mất Thiên Chúa, quên mất nghĩa vụ làm người con thảo hiếu với Cha trên trời. Sự sống thân xác không bao giờ là lý do cho phép ta vịn vào ngụy biện cho lối sống nguội đạo, lạnh nhạt đức tin.

Mặt khác, ta cũng không được nại vào sự cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, dạy hay học giáo lý... mà quên bổn phận thánh hóa lao nhọc khi phải sống vất vả giữa đời.

Tập lắng nghe tiếng Chúa trong cuộc sống chính là “chiếc thang Giacób” nối lòng ta với tình yêu bền chặt của Chúa. Nhờ đó, ta có thể gặp và kết hiệp nên một cùng Chúa.

Cần lắm, việc chúng ta bắc một “chiếc thang” nối lòng mình đến lòng Thiên Chúa, để mãi trung thành trong đức thờ phượng, đức tin, đức cậy và lòng mến, dù cuộc sống có biến thiên đến mức nào đi nữa.

Hãy như Tổ phụ Giacób đã tạ ơn Chúa. Chúng ta cũng sẽ lập bàn thờ là chính tâm hồn mình, để thờ phượng Chúa.

Có Chúa ngự nơi bàn thờ tâm hồn, chắc chắn ta sẽ thấu biết Lời Chúa phán xuyên qua chuỗi ngày sống của ta.

Có Chúa làm khởi điểm và đích đến, có Lời Chúa làm điểm tựa cho sự sống là có tất cả lẽ sống, tình yêu sống, sự bình an lớn lao của tâm hồn, dù đó là lúc êm ả, lắng đọng hay chao đảo, mất phương hướng...
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:27 15/07/2022

2. Có tình yêu thì không có nhọc nhằn; cho dù có nhọc nhằn thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu hóa lỏng.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:30 15/07/2022
12. VƯƠNG BI ĂN VỎ.

Đại đô đốc Vương Bi có tính thanh liêm, nhưng do tính thanh liêm đó mà khiến cho khách khứa thường lúng túng.

Lúc trấn thủ ở Hà Đông, triều đình phái đến một sứ giả, Vương Bi mời khách, vì sứ giả đem những chỗ bị cháy của bánh tráng khô vứt đi rồi mới ăn, Vương Bi bèn nói:

- “Cày cấy thu hoạch trăm ngàn đắng cay, từ khi bóc vỏ xay bột cho đến khi thành cái bánh càng không phải nhất thời mà thành, ngài bới móc chọn lựa như thế, nhất định là không đói”.

Nói xong liền ra lệnh cho tả hữu đem bánh tráng xuống, sứ giả bị “chơi” rất là khó chịu.

Lại có một ngày, cùng ăn dưa với khách, khách cắt bỏ đi vỏ dưa dày sát tận cùi bên trong, Vương Bi “thương xót” không thôi, bèn vội vàng lấy vỏ gặm cùi.

(Bắc sử)

Suy tư 12:

Lãng phí và hợp vệ sinh thì là hai chuyện không nhằm nhò chi với nhau, nhưng nó ảnh hưởng trên nhau.

Có lần vì sợ lãng phí và tiếc công làm rẫy, đến mùa thu hoạch bắp (ngô) tôi đã ăn những trái bắp mà chuột đã ăn hết một nửa trái, rốt cuộc bị đau bụng và mùi hôi của chuột để lại trên trái bắp đã làm cho tôi mấy năm sau mới dám ăn lại bắp, bây giờ nghĩ lại mới thấy là mình ngu.

Cái lãng phí đáng sợ nhất chính là lãng phí những ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, có người nói ân sủng của Chúa chính là các bí tích và thánh lễ, giữ trọn thánh lễ và tham dự các bí tích thì lấy gì mà lãng phí chứ? Câu trả lời rất đúng, nhưng vẫn còn thiếu, vì sức khỏe cũng là ân sủng Chúa ban cho, tài năng là ân sủng Chúa ban cho, có khuôn mặt đẹp là ân sủng Chúa ban cho, cha mẹ còn sống là ân sủng Chúa ban cho.v.v... tắt một lời, mọi thứ chúng ta có đều là ân sủng Chúa ban cho.

Sức khỏe là ân sủng nhưng đem sức khỏe quăng vào những cuộc nhậu thâu đêm, ăn chơi trác táng, chính là lãng phí ân ủng; tài năng là ân sủng nhưng đem tài năng đi làm những việc hại người, đó không những là lãng phí ân sủng mà còn mắc tội; có khuôn mặt đẹp dễ thương khả ái là ân sủng mà không thấy một nụ cười thân thiện, tươi vui, ngày ngày cứ kênh kiệu trên trời, coi ai cũng không đẹp bằng mình thì cũng là lãng phí ân sủng của Chúa vậy; cha mẹ còn sống là ân sủng của Chúa ban để chúng ta có dịp trả hiếu đền đáp công nghĩa sinh thành, nhưng lại coi cha mẹ như là một gánh nặng cho mình, thì chính là lãng phí ân sủng rồi chứ còn gì nữa. Có, mà lãng phí không dùng như ý Chúa, thì một ngày nào đó “ân sủng không đơm hoa kết trái” thì cũng sẽ bị lấy lại và đem cho người khác.

Trong cuộc đời của tôi, tôi đã nhận rất nhiều ân sủng của Thiên Chúa ban cho, nhưng cũng có rất nhiều lần vì tính ích kỷ hà tiện và chiều theo tính xác thịt, tôi đã lãng phí ân sủng cao quý mà Chúa đã vì yêu mà ban tặng cho tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 16 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:32 15/07/2022
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 10, 38-42.

“Cô Mác-ta đón Đức Chúa Giê-su Ki-tô vào nhà. Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất”.


Bạn thân mến,

Trong cuộc sống hàng ngày, ai trong chúng ta cũng muốn chọn phần tốt nhất, hảo hạng nhất hơn người khác, bởi vì đó chính là bản năng thích hưởng thụ của con người. Khi ăn chúng ta chọn món ngon nhất, khi uống chúng ta chọn loại hảo hạng nhất, khi tìm việc chúng ta mong được chỗ làm tốt nhất, khi ngồi xe chúng ta muốn chọn chỗ tốt nhất… đó là những chọn lựa đẹp và tốt cho cuộc sống thường ngày…

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy chọn cho mình phần tốt nhất như cô Ma-ri-a đã chọn.

1. Chọn phần tốt nhất là sống nghèo

Sống nghèo là sống như Đức Chúa Giê-su: Ngài rất giàu có vì Ngài là Thiên Chúa và Ngài cũng rất nghèo khó vì Ngài là con người. Khi chọn đời sống nghèo nàn Đức Chúa Giê-su đã nêu lên một tấm gương sáng chói cho chúng ta trong việc thờ phượng và làm sáng danh Thiên Chúa, đó là khó nghèo để được tự do lo việc Thiên Chúa là rao giảng Tin Mừng của Nước Trời, và để làm tăng thêm giá trị đích thực của nhân phẩm con người: người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.

Sống nghèo là một lựa chọn độc đáo của Đức Chúa Giê-su trong chương trình cứu chuộc nhân loại, là một phương pháp làm cho nhân loại đến gần với hạnh phúc đích thực hơn, đó là biết thông cảm và yêu thương người thân cận, chia sẻ những lo âu và cảm nghiệm được rằng, khi chọn sống nghèo là chúng ta chia sẻ rất sâu xa mật thiết với thân phận con người của Đức Chúa Giê-su hơn bất cứ lúc nào.

Phần tốt nhất của thế gian chính là sự hưởng thụ cho thân xác thoải mái, phần tốt nhất của thế gian cũng chính là con đường rộng dẫn nhân loại đi vào cõi đau khổ đời đời.

Chọn sống nghèo là làm nổi bật danh tính người Ki-tô hữu giữa xã hội:

Sống nghèo để tập yêu thương.

Sống nghèo để tập cảm thông.

Sống nghèo để tập phục vụ.

Sống nghèo để tập tha thứ.

Sống nghèo để trở nên người của mọi người.

2. Chọn phần tốt nhất là Thiên Chúa

Cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất vì cô đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp của mình, chọn Thiên Chúa tức là lắng nghe lời dạy của Ngài, cô Ma-ri-a đã ngồi dưới chân Đức Đức Chúa Giê-su để nghe Ngài nói.

Gia đình nghèo của chị em Mat-ta, Ma-ri-a và La-gia-rô là hình ảnh của một tu viện thu hẹp: hoạt động và cầu nguyện. Hoạt động thì có Mat-tha, cầu nguyện thì có Ma-ri-a, nhưng cái chính không phải là ở đó nhưng ở trong cung cách lựa chọn của mình: chọn Thiên Chúa hay chọn làm Thiên Chúa, bởi vì khi chúng ta chọn Thiên Chúa cho mình, thì dù hoạt động hay cầu nguyện, dù đi đông đi tây rao giảng Tin Mừng, hay ngồi trong bốn bức tường kín mít của dòng Kín thì Thiên Chúa cũng là gia nghiệp của chúng ta, và việc chúng ta làm là làm sáng danh Thiên Chúa mà thôi. Còn nếu chúng ta muốn chọn làm Thiên Chúa thì chúng ta cứ lên án anh chị em, cứ phê phán tha nhân, cứ thọc gậy bánh xe, cứ vỗ ngực tuyên bố mình là người được Thiên Chúa chọn để chửi người này, để cải tổ Giáo Hội, để sửa dạy các linh mục trong Giáo Hội.v.v… thì cứ làm.

Bạn thân mến,

Chọn sống nghèo và chọn Thiên Chúa làm phần tốt nhất của mình trong một xã hội quá hưởng thụ, và đặt các giá trị vật chất trên tinh thần không phải là việc dễ dàng, bởi vì dù chúng ta là ai, là thân phận nào chăng nữa thì chúng ta cũng vẫn là con người có tham sân si, cho nên khi chọn sống nghèo thì đồng thời chúng ta cũng chọn Thiên Chúa làm phần gia nghiệp tốt nhất của mình, nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng khước từ những vật chất không cần thiết cho sinh hoạt khi chúng ta quyết tâm sống nghèo, do đó chúng ta cần phải cầu xin ơn Thiên Chúa giúp, tập sống nghèo với người nghèo, sống nghèo giữa những người giàu.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chọn Điều Tốt Nhất
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:05 15/07/2022
Chọn Điều Tốt Nhất

(Chúa Nhật XVI TN C)

Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng thánh sử Luca kể chuyện hai chị em nhà Bêtania, thì người ta dễ liên tưởng đến việc so sánh hơn kém giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Mọi sự thường có nguyên do. Đã một thời các nhà tu đức căn cứ vào đoạn tin mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm. Không riêng gì Kitô hữu mà anh chị em lương dân và bà con khác đạo vốn kính trọng những con người như là “xuất thế” trong các đan viện. Chính vì thế ít có ai thắc mắc khi hình ảnh cô Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người tâm sự được ví với đời sống chiêm niệm thì được đề cao hơn đời sống hoạt động qua hình ảnh cô Matta bận rộn với chuyện nấu nướng.

Thế nhưng nếu đọc kỹ lời Chúa Giêsu nói với Matta thì chúng ta sẽ thấy lối so sánh và áp dụng ở trên có phần khập khiễng và khiên cưỡng cách nào đó. “Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Khi khẳng định rằng Maria đã chọn phần tốt nhất thì Chúa Giêsu cũng hàm ý rằng cô chị Matta cũng chọn phần tốt nhưng chưa tốt nhất, mà nói nôm na là tốt nhì, tốt ba hay tốt tư…

Chị em nhà Bêtania chọn điều tốt để cho mình hay để dâng? Câu hỏi dường như đã có câu trả lời cụ thể qua hành vi của cô chị Matta. Matta chọn điều tốt không phải cho mình mà để dâng cho Chúa Giêsu. Đó là các món thức ăn mà chị đang tất bật nấu nướng. Và có thể nói rằng đó không chỉ là món ngon mà còn nhiều đến nỗi cô chị phải cầu cứu Chúa Giêsu biểu cô em phụ giúp một tay. Chọn các món ăn để kính dâng Chúa là một hành vi tốt đẹp. Dâng trao cho ai đó cái mà chúng ta có, tuy tốt đẹp nhưng vẫn còn hạn chế, vì những cái chúng ta có, nếu làm bản liệt kê thì quá nhiều không sao kể xiết và có lẽ chúng ta không thể dâng tất cả được. Trái lại khi dâng trao cái chúng ta là, thì chúng ta đã dâng trao trọn vẹn con người chúng ta.

Matta dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể kính dâng tất cả những gì cô có cho Chúa Giêsu. Bằng chứng là mới chỉ có chuyện cơm nước, cô đã tất bật đủ bề mà vẫn như chẳng xuể. Một nhận định thực tế, đó là những gì Matta chọn để dâng cho Chúa Giêsu thì “sẽ bị những ai đó lấy mất”, nghĩa là Chúa Giêsu không thể tự mình dùng tất cả những thức ăn Matta dâng. Xin đừng quên sự hiện diện của các tông đồ. Trái lại phần của Maria dâng cho Chúa Giêsu thì sẽ không bị ai lấy mất vì Maria đã dâng cho Thầy Chí thánh cái mình là, đó là con người của chị. Khi ta thật tình chăm chú lắng nghe một ai đó tâm sự, thì một cách nào đó ta đã dâng trao trọn tấm lòng của mình cho người ấy.

Một nghịch lý của tình yêu: Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và có thể lãnh nhận lại gấp bội so với phần đã hiến dâng. Bài đọc thứ nhất trích Sách Sáng Thế tường thuật tấm lòng hiếu khách của Abraham dành cho ba sứ thần của Thiên Chúa đã được đền đáp. Một chút nước để các vị rửa chân, một ít bánh, chút thịt bê cũng như chút sữa chua kính dâng các vị ấy dùng có thấm vào đâu với phần mà Abraham lãnh nhận lại. “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Chắc hẳn Abraham và bà Sara phải rất đỗi kinh ngạc trước phần mình sẽ lãnh nhận. Có được một đứa con trai làm người thừa tự trong cảnh hai ông bà đã cao niên mà còn son sẻ quả là một hạnh phúc vượt quá mọi niềm mơ ước.

Khi Maria dâng trao cho Thầy Giêsu tấm lòng của mình như là một người môn đệ ngồi dưới chân Người mà lắng nghe thì Maria đâu có ngờ rằng cô không chỉ được đón nhận một vị Thầy, một Vị Chúa mà còn đón nhận được một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Chúng ta có thể đoán chắc rằng trong cuộc nói chuyện hôm ấy, Chúa Giêsu ít nhiều đã tỏ cho cô Maria biết về hành trình lên Giêrusalem của Người cũng như cuộc khổ nạn Người sắp chịu. Tin Mừng thánh Gioan tường thuật sự kiện cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà nức mùi thơm khiến cho ông Giuđa Iscariô phải chép miệng tiếc rẻ. Và chính Chúa Giêsu đã phân minh cho cô Maria rằng cô ấy đã dùng số dầu thơm hảo hạng ấy để làm trước việc mai táng mình (x.Ga 12,1-8).

Chuyện kể rằng có một vị vua thuộc hàng “minh quân lẫn thánh quân” trong một lần kia đi thị sát vương quốc mình bỗng gặp một ông lão hành khất ngồi bên vệ đường. Xuống xa giá, vua đến bên người hành khất. Người hành khất kia khấp khởi mừng, chìa bàn tay ra trong im lặng và chờ đợi ân lộc vua ban. Nhưng người hành khất kinh ngạc vì đức vua không ban gì mà lại ngửa bàn tay trước mặt mình. Hai bên nhìn nhau một lúc, người hành khất cho tay vào bị lấy ra ba hạt lúa bỏ vào bàn tay đức vua. Đức vua nắm tay lại, cám ơn, rồi lên xa giá tiếp tục hành trình. Dù lẩm bẩm kêu trách “sự keo kiệt” của vị vua vốn được dân tôn xưng là minh quân, thánh quân”, người hành khất vẫn tiếp tục việc ăn xin. Ngày hôm ấy cũng có nhiều người hảo tâm đổ vào bị ông ta nhiều bát lúa. Tối đến, người ăn xin đổ bị lúa ăn xin ra để đong đếm thành quả. Bỗng nhiên ông thấy lấp lánh ba hạt lúa bằng vàng to bằng đầu ngón tay ở giữa nhúm lúa ăn xin hôm ấy. Nhớ lại chuyện gặp đức vua hôm nay, ông lão hành khất đoán ra sự việc và cười sung sướng. Bỗng nhiên ông ta lại khóc to tiếng với lời rủa thầm trong lòng: tiếc quá, giá như sáng nay mình dâng cho đức vua hết cả bị lúa này.

“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Biết lấy gì để dâng lên Thiên Chúa, vì mọi sự đều là của Người. Thiên Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Người, nhưng Người lại muốn chúng ta trao dâng cho nhau, nhất là cho những người anh em bé mọn những gì tốt nhất của mình. Chắc hẳn cái tốt nhất của chúng ta, cái mà không ai có thể lấy mất được đó chính là con người chúng ta, tấm lòng của chúng ta, một tấm lòng huynh đệ như thủ túc, một tấm lòng bằng hữu nghĩa thiết. Và dù nhiều khi chúng ta không biết thì Thiên Chúa vẫn nhận đó là đã làm cho chính Người (x.Mt 25,31-46).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mácta và Maria: Chuyện cần và phần tốt
Lm. Nguyễn Xuân Trường
20:57 15/07/2022

MÁCTA VÀ MARIA: CHUYỆN CẦN VÀ PHẦN TỐT

Phúc Âm kể chuyện hai chị em Mácta và Maria đón Chúa tới thăm. Mácta thì mau mắn nấu nướng đãi Chúa. Maria thì mộ mến mải mê lắng nghe Chúa. Hai chị em mỗi người mỗi việc, bổ túc cho nhau thật tuyệt vời: người lo cơm nước, người ngồi tiếp chuyện. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại bảo: “Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất.”

1. Chuyện cần thiết. Trong đời chúng ta làm nhiều việc, nhiều chuyện. Nhưng để làm theo đúng ý Chúa thì việc cần thiết trước tiên là lắng nghe Lời Chúa như Maria đã làm. Mácta mau mắn phục vụ, nhưng cô làm theo ý mình thích chứ không phải ý Chúa muốn. Cô lấy mình làm trung tâm, rồi cô cau có khó chịu với cô em, hơn nữa, cô còn trách cả Chúa đã không quan tâm để ý việc cô đang làm. Cô đã đảo ngược trật tự: thay vì làm theo ý Chúa, thì cô lại sai khiến Chúa làm theo ý mình. Điều này cũng chất vấn đời sống đạo của chúng ta: Tôi làm theo ý Chúa hay là cứ nài nỉ Chúa theo ý thích của tôi?

2. Phần tốt nhất.
Maria đã chọn phần tốt nhất là phần gì? Đó là phần được ngồi chung với Thầy, được tham dự đầy đủ vào đời sống môn đệ Chúa. Ngày nay người ta đấu tranh cho nam nữ bình quyền. Thế nhưng cách đây 2 ngàn năm, giữa một xã hội trọng nam khinh nữ, thì Maria đã đàng hoàng ngồi vào chỗ của nam giới khi cô ngồi bên chân Chúa cùng các môn đệ khác. Tuần qua lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Thánh Cha bổ nhiệm 3 phụ nữ làm thành viên Bộ Giám mục. Thế nhưng, từ thời Chúa Giêsu, có thể nói Maria đã làm thành viên của Bộ Giám mục rồi, đấy là phần tốt nhất Maria đã chọn cho phẩm giá phụ nữ.

Mácta đón Chúa vào nhà và bà vẫn là chủ. Còn Maria đã đón Chúa vào lòng, để Chúa làm chủ đời mình. Lắng nghe Lời Chúa dạy, để Chúa làm chủ đời mình, đấy là chuyện cần thiết nhất trong đời sống tâm linh. Amen.
 
Cuộc chữa lành thầm lặng
Lm. Minh Anh
21:02 15/07/2022

CUỘC CHỮA LÀNH THẦM LẶNG
“Nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu. Biết vậy, Ngài lánh khỏi nơi đó!”.

Addison Alexander nói, “Sẽ đến một thời điểm, không ai biết lúc nào! Sẽ có một nơi, không ai biết ở đâu! Nó đánh dấu số phận vinh quang hay tuyệt vọng của mỗi người! Và sẽ có một ranh giới ẩn khuất giữa sự kiên nhẫn của Chúa và cơn thịnh nộ của Ngài. Nhưng với những ai tin vào một Đấng đời đời yêu thương, thì tất cả cuộc sống chỉ là một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tất cả cuộc sống chỉ là một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’”. Ý tưởng của A. Alexander được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu cho thấy cách ứng xử tuyệt vời của Ngài. Biết người ta đang tìm giết mình, “Ngài lánh khỏi nơi đó!”. Lánh khỏi nơi đó, không vì sợ; cũng không vì chưa chuẩn bị đủ để đối đầu; nhưng vì lòng người chưa sẵn sàng để đón nhận sứ điệp cứu độ. Lánh khỏi nơi đó, nhưng Ngài vẫn tiếp tục chữa lành họ, một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’. Lánh khỏi nơi đó, Chúa Giêsu đi đâu? Có thể Ngài ra ngồi đâu đó, đùa vui với lũ sẻ trời!

Trước ác tâm của giới biệt phái, Chúa Giêsu không báng bổ họ, cũng không kích động một cuộc đối đầu không cần thiết. Mỗi khi thách thức ai, Ngài muốn dẫn người đó đến một suy gẫm sâu sắc hơn về bản thân họ và cuối cùng, là sự hoán cải. Đây không phải là lúc để thu hút các biệt phái về mặt trí tuệ, vì đầu óc họ hẹp hòi và lòng họ đầy ganh tị; và điều này đã khiến trái tim họ đóng lại và họ không muốn lắng nghe. Vì thế, Chúa Giêsu lánh đi để chờ đợi! Đó cũng là một giai đoạn trong tiến trình chữa lành các linh hồn, một ‘cuộc chữa lành thầm lặng!’.

Cả chúng ta, đôi khi chúng ta thấy mình có những bất đồng, thậm chí với những người thân. Một khi những cảm xúc này dấy lên, rõ ràng là vì một hoặc cả hai bên chưa sẵn sàng cho sự thật… thì điều cần làm là lánh đi, rút khỏi hoàn cảnh và đợi cho đến thời điểm mà trái tim chúng ta rộng mở hơn để lắng nghe; cũng như chờ đợi người anh em, chị em không còn đóng kín cánh cửa trái tim họ. Và điều này thật cần thiết trong chuỗi tiến trình chữa lành!

Bài đọc Mikha hôm nay cũng không nằm ngoài ý định một ‘cuộc chữa lành thầm lặng’ của Thiên Chúa dành cho dân Ngài; đúng hơn, cho những người giàu. Ngôn sứ Mikha lên tiếng cảnh báo người quyền thế làm giàu trên người nghèo. Này rồi đây, kẻ thù sẽ tàn phá tất cả và những gì họ đã cướp bóc của người nghèo lại sẽ rơi vào tay ngoại bang, “Vì đó sẽ là thời tai hoạ”, cũng là thời mà “Chúa không quên những người nghèo khổ” như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo!

Trở lại với bài Tin Mừng, một chi tiết quan trọng cần lưu ý, “Dân chúng đi theo Chúa Giêsu đông đảo và Ngài chữa lành hết!”. Đừng nghĩ rằng, tất cả các cuộc chữa lành ấy đều là vật lý! Không chỉ thế, Ngài chữa trị linh hồn và tinh thần nữa! Đó là những ai bị vùi dập bởi cuộc sống, thử thách và tội lỗi… Ngài vẫn tiếp tục chữa lành ngày nay. Ngài là thầy thuốc vĩ đại, sẵn sàng cứu chữa mọi người, dù đó là một cuộc chữa lành công khai hay một ‘cuộc chữa lành thầm lặng’.

Anh Chị em,

“Ngài lánh khỏi nơi đó!”. Chúa Giêsu, Đấng mà gió lẫn biển phải tuân lệnh và ma quỷ cũng phải cúi đầu; thế mà trước con người, đôi khi, Ngài phải lánh đi. Ngài nhân hậu, nhẫn nhịn, và hiền lành như Isaia loan báo, “Ngài không cãi vã, không to tiếng; cây lau bị giập, không đành bẻ gãy; ngọn đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi!”. Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cư xử của con cái Thiên Chúa; giáo huấn Ngài đòi chúng ta vượt quá tự ái, chấp nhận thua thiệt vì lợi ích tha nhân… và đôi khi, phải trả giá bằng sỉ nhục và cả cái chết. Ngài đã trả giá đến chết trên thập giá, để không chỉ trở nên Đấng chữa lành mà còn là Đấng Cứu Độ Thế Giới. Thế nhưng, đây là cách ứng xử cao thượng của người môn đệ Chúa Giêsu, một cách ứng xử mang tính cứu độ! Hãy nghĩ đến các ‘cuộc chữa lành thầm lặng’ này để dám hy sinh thực sự cho những ai cần được xót thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa kiên nhẫn với con hơn ai hết! Xin cho con một đôi khi, cũng biết ‘rời đi nơi khác’ để chờ đợi người anh em trong ‘cuộc chữa lành thầm lặng’ mà con dành cho họ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô coi việc Tổng thống Biden, một người Công Giáo, ủng hộ quyền phá thai, là thái độ không nhất quán
Đặng Tự Do
03:33 15/07/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả đó là một “sự không nhất quán” khi Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo, ủng hộ phá thai.

Trong cuộc phỏng vấn với Univisión và Televisa phát sóng ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về phá thai và lập trường của Biden, sau khi được hỏi về việc có nên cho các chính trị gia cổ vũ phá thai rước lễ hay không.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng có những dữ liệu khoa học cho thấy “một tháng sau khi thụ thai, DNA của thai nhi đã tồn tại và các cơ quan đã được sắp xếp theo trật tự. Có sự sống của con người”.

“Chẳng phải đó là sự loại bỏ một mạng người sao?” ngài hỏi.

Đối với các hành động bảo vệ việc phá thai của tổng thống Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng ngài để cho “lương tâm” của Biden phán xét.

“Hãy để Biden nói chuyện với mục tử của ông ấy về sự không nhất quán đó,” Đức Giáo Hoàng nói.

Mặc dù là một người Công Giáo, Biden đã nhiều lần ủng hộ quyền phá thai bất chấp giáo huấn của Giáo hội rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ ngay từ khi được thụ thai.

Tuần trước, Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ quyền tiếp cận phá thai để đáp lại quyết định của Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết trong vụ án Roe kiện Wade, là phán quyết hợp pháp hóa việc phá thai trên khắp Hoa Kỳ

Tổng thống gọi đây là “thời điểm để khôi phục các quyền đã bị tước đoạt khỏi chúng ta và thời điểm để bảo vệ quốc gia của chúng ta khỏi một chương trình nghị sự cực đoan trái ngược với mọi thứ mà chúng ta, những người Mỹ, tin tưởng.”

Vào tháng 9 năm 2021, Biden cho biết ông ta không “đồng ý” rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai.

“Tôi đã và đang tiếp tục là một người ủng hộ mạnh mẽ cho phán quyết Roe kiện Wade,” ông nói tại Tòa Bạch Ốc khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề phá thai. “Tôi tôn trọng họ - những người tin rằng cuộc sống bắt đầu từ thời điểm thụ thai và tất cả - tôi tôn trọng điều đó. Không đồng ý, nhưng tôi tôn trọng điều đó,” Biden nói.

Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington đã bình luận ngay sau đó rằng “Giáo Hội Công Giáo dạy và đã dạy rằng cuộc sống - cuộc sống con người - bắt đầu từ lúc thụ thai. Vì vậy, tổng thống không thể hiện giáo huấn Công Giáo “.

Đức Hồng Y Gregory nói với một nhà báo vào tháng 11 năm 2020 rằng ngài sẽ không từ chối Thánh Thể với một chính trị gia ủng hộ việc luật hóa phá thai trong luật liên bang và người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai. Biden hỗ trợ cả hai chính sách.

Vào tháng 6 năm 2021, hội đồng giáo xứ của giáo xứ Holy Trinity của tổng thống Washington, đã tuyên bố đồng thuận với ý kiến của Hồng Y Gregory “liên quan đến các vấn đề xung quanh việc trao Thánh Thể cho các chính trị gia Hoa Kỳ.”

Tuyên bố cho biết: “Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity sẽ không từ chối Thánh Thể cho những người tự lên nhận Thánh Thể.”

“Là một giáo xứ có bề dày lịch sử chào đón tất cả mọi người, chúng tôi đồng tình và ủng hộ đường lối mục vụ của Đức Tổng Giám Mục của chúng tôi.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Cha người Costa Rica đón nhận Thừa sai Bác ái bị trục xuất khỏi Nicaragua, trong đó có một sơ Việt Nam
Đặng Tự Do
03:34 15/07/2022


Hôm 6 tháng 7, Đức Cha Eugenio Salazar Mora, Giám Mục giáo phận Tilarán-Liberia ở Costa Rica, đã quỳ gối khi chào mừng bề trên của Dòng Thừa sai Bác ái, người đã bị chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega trục xuất khỏi Nicaragua.

Các chị em của dòng do Thánh Teresa thành Calcutta thành lập đã được chào đón đến Costa Rica tại một giáo xứ ở thị trấn Cañas.

Một đoạn video được giám mục đăng trên Facebook cho thấy ngài chào hỏi từng nữ tu một, họ lần lượt hôn chiếc nhẫn giám mục của ngài. Khi đến gặp bề trên, Salazar đã quỳ xuống và chính ngài là người hôn tay vị nữ tu.

Giáo phận Tilarán-Liberia giải thích rằng “dấu hiệu tôn kính mà Đức Cha dành cho mẹ bề trên là dấu hiệu cho thấy sự kính trọng trước thái độ sẵn sàng phục vụ cộng đồng này của các nữ tu”.

“Khi tiếp nhận các chị em, chúng tôi đã tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô”

Trong một video khác, được đăng vào ngày 7 tháng 7, vị giám mục nói rằng ngài không biết lý do bọn cầm quyền Nicaragua trục xuất các nữ tu, những người “thầm lặng phục vụ, vì tâm linh của họ không tìm kiếm sự công nhận, không tham gia vào các cuộc tranh cãi, và họ cống hiến nỗi đau của họ cho người dân Nicaragua.”

“Họ đã có những khoảng thời gian khó khăn, lo sợ cho sự an toàn cá nhân của mình, biết rằng họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và một số trong số họ đã lớn tuổi. Họ đã rất lo lắng cho đến khi họ đến lãnh thổ Costa Rica,” vị giám mục nói tiếp.

“Nếu điều đó tùy thuộc vào họ, họ sẽ ở lại Nicaragua; họ yêu Nicaragua, người dân Nicaragua, đặc biệt là những người đang cần nhất,” Đức Cha nói.

Ngài nhấn mạnh: “Tôi không thấy có lỗi gì về phía họ, họ chỉ là những người phụ nữ, theo chân Chúa Giêsu Kitô, những người chỉ nhằm mục đích phục vụ người nghèo, làm nhiều điều mà nhiều người khác không làm”.

“Nhưng, đó là cuộc sống của Kitô hữu; chiều kích tử đạo cũng là một phần của linh đạo Kitô giáo. Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô là Giáo hội bị đàn áp - nếu không nó sẽ không thuộc về Chúa Giêsu Kitô,” Đức Cha Salazar nói.

Theo gương Thánh nữ Têrêxa thành Calcutta, “họ chỉ tìm kiếm một đặc ân: yêu thương và phục vụ người nghèo, những người túng thiếu nhất”.

Sau khi yêu cầu những lời cầu nguyện cho Nicaragua, vị giám mục nhấn mạnh rằng “khi tiếp nhận các chị em, chúng tôi đã tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô. Các chị là những người phụ nữ dũng cảm, giản dị”

Chế độ của Ortega, nắm quyền trong 15 năm, đã trục xuất 18 Nhà truyền giáo bác ái khỏi quốc gia Trung Mỹ vào ngày 6 tháng 7.

Theo hãng thông tấn EFE, việc giải thể Hội Thừa sai Bác ái và 100 tổ chức phi chính phủ khác ở Nicaragua đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 trên cơ sở “khẩn cấp” và không có bất kỳ tranh luận nào.

Quốc hội, cơ quan lập pháp của Nicaragua, được kiểm soát bởi Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, do Ortega lãnh đạo.

Trong số 18 chị em, có bảy người Ấn Độ, hai người Mễ Tây Cơ, hai người Phi Luật Tân, hai người Guatemala, hai người Nicaragua, một người Tây Ban Nha, một người Ecuador và một người Việt Nam.

Cuối thông điệp của mình, Đức Cha Salazar nói rằng “tình yêu sẽ vượt qua, tình yêu sẽ chiến thắng. Chúa có lời cuối cùng chứ không phải con người. Nicaragua tiến lên, những Kitô hữu Nicaragua tiến lên! Chúa Kitô Vua muôn năm!”
Source:Catholic News Agency
 
Giáo phái Thống nhất được đề cập đến trong vụ ám sát cựu Thủ Tướng Shinzo Abe là gì?
Đặng Tự Do
03:36 15/07/2022


Tetsuya Yamagami, kẻ bắn chết Cố Thủ Tướng Shinzo Abe cho rằng anh ta căm thù Giáo phái Thống nhất nên đã ra tay sát hại ông vì cho rằng ông có liên quan đến giáo phái này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản tường trình của CNN qua phần trình bày của Thụy Khanh về Giáo phái Thống nhất.

Giáo phái Thống nhất, ban đầu được gọi là Hiệp Hội Thánh Linh Cho Sự Thống Nhất Của Kitô Giáo Thế Giới, được thành lập bởi Ông Văn Tiên Minh (Moon Sun-myung, 문선명) vào năm 1954. Cần nói ngay rằng dù danh xưng của HIệp Hội này đề cập đến Thánh Linh và Kitô Giáo, The National Council of Churches in Korea hay Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Kitô Nam Hàn không công nhận giáo phái này là Kitô Giáo vì tin tưởng của họ khác xa với niềm tin Kitô truyền thống.

Giáo phái này nổi lên vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, một thời kỳ đầy biến động ở Hàn Quốc, vào thời điểm Hàn Quốc đang chuyển đổi từ một quốc gia nghèo đói bị chia cắt bởi nội chiến thành một trong những nền kinh tế hiện đại nhất thế giới.

Đến những năm 1980, giáo phái này đã vươn ra toàn cầu và ngày nay nó vẫn nổi bật ở các vùng của Á Châu. Nó tiếp tục trở thành tiêu đề quốc tế vì các đám cưới tập thể, trong đó hàng ngàn cặp kết hôn với nhau cùng một lúc. Thậm chí, một số cô dâu và chú rể gặp nhau lần đầu tiên trong ngày cưới của họ.

Ông Văn Tiên Minh, được những người theo dõi gọi là “Cha Văn”, qua đời ở Hàn Quốc vào năm 2012 ở tuổi 92.

Tận dụng các chiến thuật của những người bán hàng tận nhà, Giáo phái Thống nhất nhắm vào những người già, đau buồn, cô đơn và việc khai thác hình ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng. Theo các nhà điều tra nghiên cứu về tinh thần và tài chính của Ông Văn Tiên Minh, Giáo hội Thống nhất đã dành nhiều thập kỷ để thiết lập tại Nhật Bản những trung tâm lợi nhuận đáng tin cậy nhất của mình.

Hình thức chủ yếu để khai thác hình ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng là mời họ nói chuyện bằng một số tiền thù lao hậu hĩnh về những vấn đề mà họ tâm đắc, và sẵn sàng nói, không có tiền họ cũng nói vì đó là những vấn đề mà họ quan tâm. Thủ Tướng Shinzo Abe và cả tổng thống Donald Trump đều là những người được mời nói chuyện. Họ nhận lời nhưng không có nghĩa là họ tán thành đường lối của giáo phái này. Cho rằng những diễn giả này là các thành viên của giáo phái thì còn xa sự thật hơn nữa.

Bây giờ, sau khi kẻ tình nghi là kẻ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với cảnh sát rằng anh ta đổ lỗi cho một nhóm tôn giáo khiến mẹ anh ta phá sản, và giáo phái Thống nhất xác nhận rằng mẹ của kẻ xả súng là một thành viên của chi nhánh Nhật Bản, vai trò của giáo phái, từ lâu đã gây tranh cãi tại Nhật Bản, lại một lần nữa bị soi xét.

Tetsuya Yamagami, kẻ bị tình nghi, khai với cảnh sát rằng mẹ anh ta đã bị hủy hoại tài chính sau khi bị áp lực quyên góp số tiền lớn cho giáo phái Thống Nhất.

Tomihiro Tanaka, người điều hành chi nhánh Nhật Bản của nhà thờ, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng mẹ của Yamagami gia nhập tổ chức vào năm 1998, sau đó bỏ đi một thời gian và quay trở lại vào năm nay. Một viên chức giáo phái cho biết ông không có thông tin về các khoản quyên góp của người mẹ cho tổ chức và cũng không có hồ sơ về việc bản thân Yamagami đã từng thuộc về giáo phái hay chưa.

Hôm thứ Ba, các hãng truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng các lỗ đạn đã được tìm thấy trên mặt tiền của tòa nhà của giáo phái Thống nhất ở Nara. Theo đài truyền hình Nhật Bản Fuji News Network, nghi phạm nói với các nhà điều tra rằng anh ta đã thử súng ở đó trước khi bắn Abe.

Giáo phái Thống nhất kiểm soát hàng chục cơ sở ở Nhật Bản, trong đó có một cơ sở ở Nara, cách nơi Cố Thủ Tướng Abe bị bắn hôm thứ Sáu vài trăm mét.

Cựu Thủ Tướng Abe, giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, đã xuất hiện tại các sự kiện liên quan đến giáo phái Thống nhất với tư cách là một diễn giả được trả tiền, gần đây nhất là vào tháng 9 trên một chương trình có sự tham gia của cựu tổng thống Donald Trump, đã phát biểu qua liên kết video.

Cho đến nay, cảnh sát tỏ ra không mấy tin tưởng vào lời khai của hung thủ.
Source:Washington Post
 
Kẻ trộm trả lại nhà tạm 2.000 năm tuổi được cho là chứa máu của Chúa Kitô
Đặng Tự Do
16:55 15/07/2022


Một nhà tạm bằng vàng 2.000 năm tuổi, được cho là chứa máu của Chúa Giêsu, đã được tìm thấy sau khi nó bị đánh cắp khỏi một nhà thờ ở Pháp.

Thánh tích “Máu Châu Báu Chúa Kitô”, một trong những hiện vật thiêng liêng nhất của Giáo Hội Công Giáo, đã bị đánh cắp khỏi Tu viện Fecamp ở Normandy vào ngày 2 tháng 6. Cảnh sát tin rằng những tên trộm đã trốn trong nhà thờ qua đêm để lấy cắp thánh tích, bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật và những miếng vàng.

Thám tử Hà Lan Arthur Brand, người được gọi là “Dutch Indiana Jones” vì khả năng khôi phục các tác phẩm bị đánh cắp, cho biết những tên trộm đã liên lạc với anh ta một cách ẩn danh ba tuần trước và để lại nhà tạm này trước cửa nhà anh ta cách nơi nó bị đánh cắp hơn 300 dặm.

“ Người này đã tiếp cận tôi thay cho một người khác, đang giữ các di vật bị đánh cắp,” Brand nói.

“Vài ngày sau, vào lúc 10:30 tối, chuông cửa vang lên. Tôi nhìn từ ban công ra ngoài và trong bóng tối, tôi thấy một chiếc hộp,” Brand nói. “Tôi chạy xuống cầu thang, sợ ai đó lấy mất chiếc hộp. Khi ra đến bên ngoài tôi nhìn xung quanh, nhưng không có ai ở đó”.

Brand đã tweet hôm thứ Hai “Tôi đã tìm lại được” nhà tạm “Máu Châu Báu Chúa Giêsu” huyền thoại của tu viện Fecamp, một trong những di tích lâu đời nhất và linh thiêng nhất của Giáo Hội Công Giáo.”

Brand, người đã phục hồi hơn 200 tác phẩm nghệ thuật vô giá, cho biết anh đã chuyển giao di tích thiêng liêng cho cảnh sát Hà Lan hôm thứ Ba.

Ngôi đền chứa hai lọ chì, được cho là đựng máu của Chúa Giêsu sau khi ngài bị đóng đinh. Thánh tích được lấy cắp hai tuần trước khi lễ trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa được cử hành hàng năm tại tu viện Fecamp, nơi mà những người hành hương đã tụ tập trong 1.000 năm để chiêm bái thánh tích “Máu Châu Báu Chúa Giêsu”.
Source:UPI
 
Chủ tịch Ủy ban Các hoạt động phò sinh phản đối sắc lệnh hành pháp của Biden về việc tiếp cận phá thai
Đặng Tự Do
16:56 15/07/2022


Hôm thứ Sáu, ngày 8 tháng 7, Tổng thống Hoa Kỳ đã ký một sắc lệnh hành pháp về việc tiếp cận phá thai để đáp lại quyết định của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, qua đó Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã lật ngược quyết định Roe kiện Wade và Planned Parenthood kiện Casey. Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra phản ứng sau.

“Để đáp lại quyết định của Tối Cao Pháp Viện, tôi kêu gọi hàn gắn vết thương và sửa chữa những chia rẽ xã hội, phản ánh lý trí và đối thoại dân sự, và cùng nhau xây dựng một xã hội và một nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó mọi phụ nữ đều có những thứ cô ấy cần được hỗ trợ, và các nguồn lực cần thiết để đưa con mình vào thế giới này trong tình yêu thương.”

“Và với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phục vụ kế hoạch tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người, và hợp tác với đồng bào của chúng tôi để thực hiện lời hứa của Hoa Kỳ là bảo đảm quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người.”

“Thật là đáng lo ngại và bi thảm khi Tổng thống Biden đang lựa chọn sử dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ để thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc phá thai ở đất nước chúng ta, tìm mọi cách có thể để từ chối những đứa trẻ chưa sinh ra, quyền dân sự và nhân quyền cơ bản nhất của các thai nhi là quyền được sống. Thay vì sử dụng quyền lực của cơ quan hành pháp để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, sắc lệnh hành pháp của tổng thống chỉ tìm cách tạo điều kiện cho việc tiêu diệt những con người không có khả năng tự vệ, không có tiếng nói”.

“Tôi cầu xin tổng thống từ bỏ con đường dẫn đến chết chóc và hủy diệt này và lựa chọn cuộc sống. Như mọi khi, Giáo Hội Công Giáo luôn sẵn sàng làm việc với Chính quyền này và tất cả các quan chức được bầu để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và bảo đảm rằng các bà mẹ mang thai và nuôi dạy con cái được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái của họ trước và sau khi sinh.”
Source:USCCB
 
Giám Mục Anh Giáo phàn nàn thiếu định nghĩa chính thức về phụ nữ
Đặng Tự Do
16:57 15/07/2022


Đức Cha Robert Innes, Giám mục Anh Giáo ở Âu Châu, đã nói rằng cộng đồng giáo hội Anh Giáo không có định nghĩa về phụ nữ bởi vì những định nghĩa như vậy đã được cho là hiển nhiên từ lâu.

Bình luận của ngài được đưa ra giữa phiên họp của Đại hội đồng, cơ quan lập pháp của Giáo hội Anh, đang được tổ chức tại York từ ngày 8 đến 12 tháng 7.

Đức Cha Robert Innes đặt ra câu hỏi với Thượng hội đồng, “Định nghĩa của Giáo hội Anh về một người phụ nữ là gì?”

Rồi ngài Innes trả lời rằng: “Không có định nghĩa chính thức, phản ánh thực tế là cho đến gần đây các định nghĩa về loại này được cho là hiển nhiên, như được phản ánh trong nghi lễ hôn nhân,” The Telegraph đưa tin ngày 10 tháng 7.

Nhiều người không đồng ý với Đức Cha Robert Innes cho rằng đang có xu hướng tái định nghĩa lại mọi thứ theo mầu sắc ý thức hệ. Vị Giám Mục xem ra đang cố gắng gây sốc khi đặt vấn đề cần phải có một định nghĩa phụ nữ là gì.

Đức Cha Robert Innes là người khởi xướng chương trình Living in Love and Faith, nghĩa là Sống trong Tình yêu và Đức tin, gọi tắt là LLF.

Ngài nói: “Dự án LLF đã bắt đầu khám phá những phức tạp trong hôn nhân liên quan đến bản sắc giới tính và chỉ ra sự cần thiết phải chăm sóc bổ sung và cần được đưa ra để hiểu những điểm chung và khác biệt của chúng ta khi con người tạo ra theo hình ảnh của Chúa,” ngài nói thêm.

Sống trong Tình yêu và Đức tin “là một phần của việc sáng tỏ con đường tiến lên của Anh Giáo liên quan đến các vấn đề về căn tính, tình dục, các mối quan hệ và hôn nhân,” theo trang web của tổ chức này.

Khối Hiệp Thông Anh giáo, trong đó có Giáo hội Anh, đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây bởi sự chia rẽ về các vấn đề đạo đức và tình dục.

Năm 2018, Giáo hội Anh đã xuất bản các hướng dẫn mục vụ cho các phụng vụ liên quan đến chuyển đổi giới tính. Những nghi thức phụng vụ này nhằm khẳng định và tán dương sự chuyển đổi của một người sang bản sắc giới đã chọn, và để “công nhận sự chuyển đổi giới tính của một người về phương diện pháp lý.”

Các hướng dẫn nêu rõ rằng phép Rửa Tội là “bối cảnh phụng vụ tự nhiên để công nhận và tôn vinh giới tính mới của một người chuyển giới trong Chúa Kitô và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ” và khuyến khích các thừa tác viên chấp nhận và sử dụng các đại danh từ theo “sở thích của một người chuyển giới trong lễ rửa tội của họ”.

Hướng dẫn cho biết: Các thành viên đã được rửa tội của Giáo hội Anh phải được cung cấp các nghi lễ đặc biệt thích hợp “để công nhận sự chuyển đổi giới tính của một người”

Các hướng dẫn lưu ý rằng Giáo hội Anh “hoan nghênh và khuyến khích sự khẳng định vô điều kiện giới tính mới của những người chuyển giới” và tuyên bố rằng các cử hành để công nhận giới tính mới của họ phải có “tính cách ăn mừng”.
Source:Catholic News Agency
 
Các nhận định của báo chí về cuốn sách mới của Giáo Hoàng Hàn lâm viện Sự Sống
Vũ Văn An
23:14 15/07/2022

Dù Đức Tổng Giám Mục Paglia đã rào trước đón sau về chủ trương “dạn dĩ” của cơ quan do ngài làm chủ tịch, sẵn sàng quảng bá cả những quan điểm lạ lẫm đối với Thánh kinh và Thánh truyền, với ý hướng đối thoại với những người không đồng quan điểm với mình và coi những điều trong cuốn sách không có giá trị huấn quyền mà chỉ trợ giúp huấn quyền biện phân dưới ánh sáng Thánh kinh và Thánh truyền, nhưng qua các trao đổi trên Tweeter của chính Hàn lâm viện với các người dùng và nhất là bài duyệt sách đầy thiện cảm của tờ Civiltà Cattolica với “lời tiên đoán” sẽ có cả một thông điệp với cái tên hấp dẫn Gaudium vitae [không ảm đạm như Humanae Vitae của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI] của Đức Phanxicô theo chiều hướng của cuốn sách, nhiều người tỏ ý lo ngại.



Điều gì xẩy ra tại Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự Sống?

Ngày 13 tháng 7, tờ The Pillar có bài viết tựa đề như trên về cuốn sách vừa được xuất bản của Giáo Hoàng Hàn lâm viện Sự Sống. Tờ này cho rằng: Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống đã trở thành tâm điểm của một cơn bão trên mạng xã hội, với tài khoản chính thức của Hàn lâm viện bị chỉ trích mạnh mẽ về việc xuất bản cuốn sách mới.

Vì tài khoản Twitter của Hàn lâm viện đăng lại các bài duyệt sách tích cực cho cuốn “Đạo đức thần học về sự sống. Thánh kinh, Thánh truyền, Các Thách thức thực tế,” nhiều độc giả, bao gồm các nhà thần học và đạo đức học, bắt đầu đặt nghi vấn về cuốn sách.

Ngay sau đó, tài khoản chính thức của định chế giáo hoàng này đã lên tiếng chê bai “những lời lăng mạ và chỉ trích mất kiểm soát” và dường như ám chỉ một cuộc duyệt xét giáo huấn của Giáo hội về một loạt các vấn đề đạo đức, bao gồm ngừa thai, thụ tinh trong ống nghiệm và các vấn đề khác về sự sống.

Không kể các dòng tweet giận dữ, cả những người chỉ trích lẫn những người ủng hộ đều cho rằng cuốn sách là một công trình thách thức các chuẩn mực lâu đời có thể ảnh hưởng đến lập trường của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề đạo đức sinh học.

Tờ The Pillar trích dẫn lời phê bình của Luisella Scrosati trên trang mạng tiếng Ý Daily Compass, cho hay: cuốn sách mới đã thách thức việc Giáo Hội lên án biện pháp ngừa thai, được tái khẳng định trong thông điệp Humanae Vitae [Sự sống Con người] năm 1968.

Bà nói rằng nó "ủng hộ luận đề cho rằng ‘trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế có thể khiến việc lựa chọn sinh sản thành vô trách nhiệm’, người ta có thể sử dụng ‘một lựa chọn khôn ngoan’ đối với các kỹ thuật ngừa thai..."

Bà lập luận rằng “việc thúc đẩy nền đạo đức sinh học thần học” này trực tiếp nhắm vào việc tương đối hóa các giới luật phủ định của luật luân lý, y hệt như tông huấn Amoris laetitia [Niềm vui Yêu thương] đã làm: tính tuyệt đối của các giới luật phủ định chỉ giới hạn trong lý thuyết, để tương đối hóa chúng - và do đó phủ nhận chúng là tuyệt đối - trong trường hợp cụ thể.”

Trên tài khoản Twitter của Hàn lâm viện, một độc giả tự mô tả mình là “con trẻ của Thánh truyền” cho rằng cuốn sách đi trệch hẳn giáo huấn của Giáo hội, chứ không hẳn cổ vũ “tranh luận và đối thoại”. Khi ông gợi ý rằng “phản ứng chính xác là *không hàm hồ* bảo vệ giáo huấn của Giáo hội và lên án những bất đồng chính kiến về những vấn đề đã được giải quyết này,” người đại diện của Giáo hoàng Hàn lâm viện đã trả lời: “Ý của bạn là 'lên án' những con người có thực, những con người cụ thể gặp khó khăn trong cuộc sống riêng tư của họ và trong các mối liên hệ mật thiết của họ. Tôi nghĩ rằng phương thức đúng đắn là lòng thương xót và đối thoại. Thí dụ Luca 6:36-37…”

Người đại diện này viết thêm: “Hãy cẩn thận: những gì là bất đồng quan điểm ngày nay, có thể thay đổi. Nó không phải là thuyết tương đối, nó là động lực của sự hiểu biết về các hiện tượng và khoa học: Mặt trời không quay quanh Trái đất. Nếu không sẽ không có tiến triển và mọi thứ sẽ đứng yên. Ngay cả trong thần học. Hãy suy nghĩ về điều đó”.

“Các vấn đề về sự sống không phải là [sic] vấn đề chủ trương các lập trường cực đoan đến trở thành ý thức hệ, mà là mở ra cuộc tranh luận trong cộng đồng các nhà thần học đạo đức,” tài khoản này cho biết như thế trong một tweet diễn giải một trích dẫn trong một bài báo về phán quyết phá thai của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

The Pillar cho hay điều trên đã khiến một số độc giả, gồm cả các nhà thần học đạo đức, trưng dẫn các tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về các vấn đề như phá thai và yêu cầu tài khoản của Hàn lâm viện làm rõ phạm vi tranh luận và liệu Đức Giáo Hoàng có đang sử dụng ngôn ngữ "cực đoan" hay không.

Quay trở lại thập niên 1960? Hàn lâm viện Sự Sống thúc đẩy việc đi trệch khỏi tín lý về ngừa thai

Đó là tựa đề bài nhận định của National Catholic Register cũng ngày 13 tháng 7, nhấn mạnh rằng tài liệu này đoạn tuyệt với 5 thập niên giáo huấn giáo hoàng sau Công Đồng; những người ủng hộ nó thúc giục Đức Phanxicô biến các chủ trương của nó thành chính thức.

Theo tác giả, cách đây 55 năm, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố Humanae Vitae, một thông điệp giáo hoàng minh xác không hàm hồ việc Giáo Hội chống đối việc làm tình chống thụ thai nhân tạo. Mặc dù giáo huấn này phải đương đầu với sự phản kháng của một số nhà thần học và thậm chí cả các giám mục vào thời điểm đó, nhưng nó đã được tái khẳng định và phát triển thêm bởi giáo huấn giáo hoàng sau đó, từ Evangelium Vitae của Thánh Gioan Phaolô II đến phiên bản hiện tại của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Phanxicô sửa đổi gần đây, mô tả việc thực hành này là “xấu xa từ nội tại”.

Thế mà bây giờ, một định chế của Vatican, oái oăm thay được chính vị thánh giáo hoàng vĩ đại người Ba Lan quá cố thành lập, đang thúc đẩy một "sự thay đổi mô hình" trong thần học luân lý, kể cả việc đi trệch ra ngoài giáo huấn đã được thiết lập về việc ngừa thai, cũng như an tử và các hình thức thụ thai nhân tạo - và những người ủng hộ "sự thay đổi triệt để" này đang thúc giục Đức Thánh Cha Phanxicô làm theo họ bằng một thông điệp khẳng định sự đoạn tuyệt này với sự đồng thuận của huấn quyền hậu công đồng từ năm thập niên qua.

Những động thái trên được đưa vào một bản văn gần đây do Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống, một cơ quan tư duy của Giáo hội do Thánh Gioan Phaolô thành lập năm 1994 để nghiên cứu và cung cấp hướng dẫn “về các vấn đề chính của y sinh học và luật lệ, liên quan đến việc cổ vũ và bảo vệ sự sống, nhất là trong mối liên hệ trực tiếp của chúng với nền luân lý Kitô giáo và các chỉ thị của huấn quyền Giáo hội.”

Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống mô tả cuốn sách của mình Đạo đức Thần học về Sự sống. Kinh thánh, Truyền thống, những Thách thức Thực tế, một bản tổng hợp dài 528 trang về các đóng góp tại một hội thảo thần học do Hàn lâm viện Sự sống tài trợ năm 2021, là “một đóng góp nhằm khai triển một cách chi tiết viễn kiến của Kitô giáo về sự sống bằng cách trình bầy nó từ quan điểm nhân học thích hợp với trung gian văn hóa của đức tin trong thế giới ngày nay."

Trong phần dẫn nhập cuốn sách, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện từ năm 2016, cho rằng cuốn sách này kết hợp các quan điểm không những của các chủ trương thần học khác nhau, mà còn của cả những người không Công Giáo và không tin.

Tuy nhiên, dường như một số thành viên tích cực của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống không được tham khảo ý kiến trong việc sản xuất tài liệu này.

Elena Postigo, một nhà đạo đức sinh học người Tây Ban Nha, chia sẻ trên Twitter, “Với tư cách là một thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống: cuốn sách không phải là một tuyên bố chính thức nhưng là hồ sơ ghi lại cuộc hội thảo trong đó 20 người đã đưa ra tuyên bố cá nhân của họ. Nhiều thành viên không biết về nó và rất ngạc nhiên.”

Cuộc tranh cãi om sòm mới nhất tại Hàn lâm viện Sự Sống nêu lên các nghi vấn về mục đích, tự chế

John Allen Jr. của Crux, một tác giả lúc nào cũng nhìn thấy 2 mặt của một đồng tiền, vừa khen vừa chê cuốn sách hay đúng hơn về thái độ của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự Sống nhân dịp xuất bản cuốn Đạo đức Thần học về Sự sống. Kinh thánh, Truyền thống, những Thách thức Thực tế.

Thực vậy, theo Allen, trong cuốn sách trên, một số thần học gia cho rằng trong một số trường hợp có giới hạn, vợ chồng có thể được biện minh khi chọn việc ngừa thai. Cả việc sinh sản nhân tạo cũng thế. Ông cho rằng, việc chủ trương này bị một số người Công Giáo bảo thủ phản đối là chuyện bình thường như mặt trời mọc rồi mặt trời lặn.

Tuy nhiên, theo Allen, các ấn phẩm của một giáo hoàng hàn lâm viện không mang thế giá huấn quyền. Mặc dù một số nhà báo và cư dân các phương tiện truyền thông xã hội có thể vẫn cứ tường trình chúng như thể “Tòa Thánh” vừa mới tuyên bố thế này thế nọ, nhưng thực sự, một hàn lâm viện, trong căn bản, chỉ là một nhóm tư duy [think tank] nhằm kích thích suy tư chứ không hẳn giải quyết vấn đề một cách dứt khoát.

Có suy đoán cho rằng ấn phẩm của Hàn lâm viện Sự sống có thể mở đường cho một thông điệp giáo hoàng nay mai. Nhưng đống rác lịch sử thiếu chi các thông điệp được loan truyền mà đâu có thành sự thật.

Allen cũng nhân dịp này đỡ đòn cho Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống: Hiện có đến 11 Giáo hoàng Hàn lâm viện, nhưng chỉ có Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống là được người ta chú ý vì nó bàn tới các vấn đề nhậy cảm nhất trong giáo huấn luân lý Công Giáo, trong đó, có kiểm soát sinh đẻ, phá thai, an tử, thụ thai trong ống nghiệm, và gia đình. Trước đây, thời Đức Hồng Y Elio Sgreccia làm chủ tịch, Hàn lâm viện này là địa bàn hoạt động của các nhà bảo thủ đấu tranh phò sự sống. Từ năm 2016, với Đức Tổng Giám Mục Paglia, Hàn lâm viện có vóc dáng cấp tiến nhiều hơn, rất phù hợp với viễn kiến mục vụ của Đức Phanxicô. Điều này cho thấy, các người chỉ trích nó phần lớn phát xuất từ cánh hữu trong Giáo Hội.

Thành thử, nhân viên của Hàn lâm viện nên chấp nhận việc người ta phê bình mình như cái giá phải trả cho việc làm của mình, chứ không nên phóng chiếu sự mếch lòng hay ngạc nhiên khi lời phê bình xuất hiện.Trong mấy ngày qua, theo Allen, tài khoản Tweeter của Hàn lâm viện rất bận rộn trong việc đáp trả các ta thán về cuốn sách. Trong một trường hợp, nó đe dọa rằng “điều là bất đồng hôm nay có thể thay đổi”. Allen cho rằng tự chế là một nhân đức, hết sức quan trọng trong thời đại trả lời ngay lập tức này.
 
VietCatholic TV
Putin ác quá: Tầu ngầm bắn vào dân. Quân đội thứ hai thế giới tiếp tục bỏ chạy. Đưa Nga ra Tòa Hague
VietCatholic Media
03:21 15/07/2022


1. Quân Nga bỏ chạy ở Vuhlehirska

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 15 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trên hướng Donetsk, Lực lượng vũ trang Ukraine lại gây thêm tổn thất cho quân xâm lược Nga và buộc họ phải rút lui.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng quân Nga tiếp tục chịu những tổn thất lớn ở Ukraine, khiến tinh thần và tình trạng tâm lý của họ càng giảm sút. Số binh sĩ và sĩ quan Nga cố gắng tránh các cuộc chiến bằng mọi cách không ngừng tăng lên.

Tối thứ Tư, quân đội Nga đã cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của họ gần Verkhniokamianske và Kamianka, đồng thời muốn chiếm Nhà máy Nhiệt điện Vuhlehirska. Tuy nhiên, trong ngày thứ Năm quân trú phòng Ukraine đã gây tổn thất cho đối phương bằng hỏa lực chính xác và buộc các binh sĩ Nga bỏ chạy khỏi Vuhlehirska.

Theo hướng Sloviansk, quân trú phòng Ukraine cũng đã đẩy lui thành công một cuộc tấn công của đối phương gần làng Kurulka.

Trên hướng Kharkiv, quân xâm lược Nga đang cố gắng duy trì các biên giới và vị trí đã chiếm được trước đó. Đối phương sử dụng xe tăng, súng cối, đại bác và pháo phản lực để nổ súng vào nhiều khu định cư trong vùng Kharkiv nhưng không mở các cuộc tấn công lấn chiếm.

Quân đội Nga tiến hành các cuộc không kích gần Petrivka và đã tiến hành trinh sát đường không bằng máy bay không người lái Orlan-10 gần các khu định cư như Vasylenkove và Shevchenkove. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định có thể quân Nga sẽ mở cuộc tấn công vào hai khu định cư này trong những ngày tới

2. Hỏa tiễn Nga tấn công Vinnytsia: Số người nhập viện tăng lên 71

Hậu quả của vụ tấn công hỏa tiễn vào Vinnytsia, 117 người phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế, 71 người phải nhập viện.

“Tính đến 21h thứ Năm 14 tháng 7, 23 người trong đó có 3 trẻ em đã thiệt mạng và 71 người phải nhập viện vì các vết thương nghiêm trọng,” Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết như trên.

Cô cho biết hôm thứ Năm 14/7, quân Nga đã tấn công trung tâm thành phố Vinnytsia bằng hỏa tiễn hành trình Kalibr, được chúng phóng từ một tàu ngầm ở Hắc Hải. Hai hỏa tiễn đã bị Lực lượng Không quân của Lực lượng vũ trang Ukraine bắn rơi.

3. Zelenskiy kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Nga là một “quốc gia khủng bố” sau vụ tấn công Vinnytsia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi cộng đồng quốc tế chính thức công nhận Nga là một quốc gia khủng bố trong bài phát biểu hàng đêm của ông hôm thứ Năm sau vụ tấn công Vinnytsia.

“Nga đã thể hiện thái độ xem thường của mình đối với luật pháp quốc tế, đối với Âu Châu và toàn bộ thế giới văn minh,” Zelenskiy nói.

Ông nói thêm, “Thành ra, không ai có thể nghi ngờ rằng một Tòa án đặc biệt về sự xâm lược của Nga đối với Ukraine là cần thiết, và càng sớm càng tốt.”

Phát biểu của Zelenskiy được đưa ra sau khi hỏa tiễn tấn công thành phố Vinnytsia hôm thứ Năm. Ông nói rằng trong số 23 người thiệt mạng có ba trẻ em dưới 10 tuổi.

Tổng thống kêu gọi tịch thu “tất cả tài sản và quỹ của Nga ở tất cả các nước trên thế giới” để bồi thường “cho các nạn nhân của khủng bố Nga”.

Ông Zelenskiy nhấn mạnh rằng: “Cần phải thực hiện càng sớm càng tốt những hạn chế như vậy đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, điều này sẽ không cho phép những kẻ khủng bố trang trải chi phí của chúng với cái giá phải trả của cộng đồng quốc tế”.

Theo Zelenskiy, con số thương vong cuối cùng vẫn đang được làm rõ vì “việc rà phá các mảnh vỡ đang diễn ra” và “hàng chục người được liệt kê là mất tích.”

“Một trong những hỏa tiễn đã phá hủy trung tâm y tế Neuromed. Có người bên trong.”

Tổng thống nói rằng trong số những người thiệt mạng có một bé gái 4 tuổi tên là Liza và nói thêm rằng mẹ của cô bé “hiện đang trong tình trạng nguy kịch.”

Zelenskiy nói: “Nước Nga đã kết liễu cuộc đời của cô gái vào đúng lúc một hội nghị về tội ác chiến tranh của Nga đang diễn ra ở Hà Lan, ở The Hague.

4. Thổ Nhĩ Kỳ thông báo thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một thỏa thuận với Ukraine, Nga và Liên Hiệp Quốc nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị Nga chặn, nâng cao triển vọng chấm dứt bế tắc khiến hàng triệu người có nguy cơ chết đói.

Hôm thứ Tư, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thỏa thuận sẽ được ký kết khi các bên gặp lại vào tuần tới và sẽ bao gồm các biện pháp kiểm soát chung để kiểm tra ngũ cốc tại các cảng và Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm an toàn cho các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Hắc Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thành lập một trung tâm điều phối với Ukraine, Nga và Liên Hiệp Quốc về xuất khẩu ngũ cốc. Chánh văn phòng của tổng thống Volodymyr Zelenskiy, Andriy Yermak, đã viết trên Twitter: “Nhiệm vụ của trung tâm điều phối sẽ là thực hiện giám sát chung và điều phối hàng hải an toàn ở Hắc Hải.”

Trong bài phát biểu hàng ngày của mình, Zelenskiy, Tổng thống Ukraine, cho biết: “Chúng tôi thực sự đang nỗ lực đáng kể để khôi phục nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới. Và tôi biết ơn Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vì những nỗ lực tương ứng của họ”.

Ukraine, quốc gia bị Nga xâm lược vào tháng 2, trước đó đã nói rằng một thỏa thuận đã ló dạng “chỉ còn hai bước nữa” khi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán bốn bên tại Istanbul.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, cho biết “một bước tiến quan trọng” đã được thực hiện nhằm phục hồi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhưng cảnh báo rằng “hiện nay sẽ cần nhiều công việc kỹ thuật hơn để hiện thực hóa tiến độ ngày nay”.

“Hôm nay là một bước quan trọng và thực chất, một bước trên con đường đi đến một thỏa thuận toàn diện”. Ukraine và Nga đã cho thấy họ có thể nói chuyện, nhưng “về vấn đề hòa bình, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước,” ông nói với các phóng viên ở New York.

Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine hay Nga, cả hai đều nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

5. Nga tấn công đến những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉ trích cuộc chiến của Putin

Theo báo cáo hôm thứ Ba của Bloomberg, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Nga sống ở các quốc gia khác đã bị buộc tội hình sự theo “luật tin tức giả” mới của Nga sau khi họ lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Ukraine,

Bloomberg trích dẫn các cuộc phỏng vấn và các tài liệu của tòa án Nga cho thấy nhiều người Nga đang sinh sống ở nước ngoài chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị buộc tội. Cơ quan này cho biết họ không thể thống kê chính xác số lượng người Nga sống ở nước ngoài bị tấn công cho các hoạt động trên mạng xã hội, nhưng họ đã nêu tên một số người có ảnh hưởng và các nhà bình luận chính trị đã bị kết án tù hoặc sẽ phải đối mặt với cáo buộc khi trở về quê hương của họ.

Vào tháng 3, Quốc hội Nga đã thông qua một đạo luật hình sự hóa việc phát tán “tin tức giả” về quân đội Nga, được Putin nhanh chóng ký. Luật mới này quy định rằng người dân và các tổ chức báo chí có thể bị trừng phạt vì những lời lẽ gây hiểu lầm về cuộc xâm lược Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng các thuật ngữ như “chiến tranh” cho cái mà Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”. Những người bị truy tố có thể phải đối mặt với mức án 15 năm tù.

“Nếu bạn nói bất cứ điều gì về bất cứ tội lỗi nào của quân đội Nga, họ sẽ cố gắng tiêu diệt bạn”, Michael Nacke nói với Bloomberg. Anh là một nhân vật có ảnh hưởng trên YouTube được cho là sẽ phải đối mặt với 5 đến 10 năm nếu anh ta quay trở lại Nga.

Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật trừng phạt các công dân Nga đăng thông tin sai lệch về quân đội nước này. Một báo cáo hôm thứ Hai cho biết luật này đang được sử dụng để trừng phạt những người nước ngoài đăng tải những thông điệp phản chiến trên mạng xã hội.

Theo Bloomberg, những người bị tấn công vì các bài đăng trực tuyến bao gồm các nhà hoạt động chính trị như Violetta Grudina - một đồng minh của nhà phê bình Putin bị bỏ tù Alexei Navalny - người bị buộc tội hồi tháng trước vì bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội về quân đội của Putin. Nhưng các nhà hoạt động và nhà báo không phải là mục tiêu duy nhất của Điện Cẩm Linh; Bloomberg cho biết nhà văn khoa học viễn tưởng Dmitry Glukhovsky và người có ảnh hưởng về nấu ăn và phong cách sống Veronika Belotserkovskaya cũng đã bị buộc tội vì các nội dung liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Roskomnadzor, cơ quan kiểm duyệt truyền thông của Điện Cẩm Linh, được cho là đã gây áp lực lên các công ty truyền thông. Bloomberg báo cáo rằng họ đã xem các email được gửi từ nhóm pháp lý của các mạng xã hội yêu cầu một số người dùng Nga lấy tài liệu sau khi Roskomnadzor gửi yêu cầu chính thức.

Một chiến thuật được báo cáo khác được các công tố viên Nga sử dụng để cắt giảm các chỉ trích trên internet là chụp mũ một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội là “đặc vụ nước ngoài”. Bloomberg đã viết rằng trong số những người nước ngoài được chỉ định là đặc vụ nước ngoài có các nhà báo, blogger và các nhà hoạt động. Sau khi những người này bị coi là “điệp viên nước ngoài”, họ phải thêm tuyên bố từ chối trách nhiệm vào các bài đăng và video của mình nếu không sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự nếu quay trở lại Nga.

Phát ngôn nhân của nhóm nhân quyền OVD-Info nói với Bloomberg rằng tuyên bố từ chối trách nhiệm của những người bị cáo buộc là “điệp viên nước ngoài” có thể khiến các nhà quảng cáo không làm việc với những người có ảnh hưởng và do đó cắt đứt doanh thu của họ.

6. Iran phủ nhận việc gửi máy bay không người lái cho Nga

Iran đã đáp trả các cáo buộc của Mỹ rằng Tehran đã sẵn sàng gửi các máy bay không người lái có vũ trang đến Nga trong bối cảnh Mạc Tư Khoa đang tham chiến ở Ukraine; nhưng nhấn mạnh rằng mặc dù không có thỏa thuận nào gần đây được thực hiện, nhưng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước vẫn còn nguyên vẹn.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba thông báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ công du Tehran vào tuần tới. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani trả lời câu hỏi của Newsweek về tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan hôm thứ Hai rằng “Chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới vài trăm máy bay không người lái, bao gồm cả các máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí, trong một thời hạn khẩn cấp”.

Kanaani trả lời rằng “sự hợp tác giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Liên bang Nga có từ trước khi chiến tranh Ukraine bắt đầu và không có sự phát triển cụ thể nào gần đây về vấn đề này”,

Ông nói thêm rằng “lập trường của Cộng hòa Hồi giáo Iran về cuộc chiến Ukraine là hoàn toàn rõ ràng và đã được tuyên bố chính thức hết lần này đến lần khác”

Kanaani, người được bổ nhiệm làm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran vào tháng trước, cũng cáo buộc Washington đạo đức giả khi phủ nhận thỏa thuận nêu trên, đồng thời cáo buộc rằng Mỹ và các cường quốc đồng minh đã tràn vào Trung Đông bằng vũ khí, bao gồm cả những vũ khí dành cho những quân Nga hàng đầu của Iran, là Israel và Ả Rập Saudi.

“Kanaani cho biết quan chức Mỹ đưa ra tuyên bố như vậy vào thời điểm mà chính phủ Washington và các nước Âu Châu đã biến các nước chiếm đóng và xâm lược, bao gồm cả ở Tây Á thành một kho vũ khí sát thương đa dạng của họ,” tuyên bố cho biết.

“Không nghi ngờ gì nữa, nếu không có những vũ khí đó, những người theo chủ nghĩa Zionist sẽ không thể tiếp tục tội ác, gây hấn và chiếm đóng Palestine trong hơn bảy thập kỷ.”

Hoạt động buôn bán vũ khí của Iran đã bị hạn chế từ lâu bởi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua vào năm 2010 nhằm đáp trả các hoạt động hạt nhân của Tehran, nhưng lệnh cấm đó đã hết hạn vào tháng 10 năm 2020 theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết cùng với các cường quốc. Chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump, đơn phương từ bỏ thỏa thuận vào năm 2018, và đã cố gắng gây áp lực để các nước duy trì lệnh cấm không cho Iran xuất khẩu vũ khí, nhưng nỗ lực ấy cuối cùng đã thất bại.

Dưới thời Biden, Mỹ đã tìm cách đàm phán để quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, nhưng không có bước đột phá nào xảy ra sau một loạt các cuộc đàm phán được tổ chức kể từ tháng 4 năm ngoái. Mỹ cũng tiếp tục cảnh báo về mối đe dọa gây ra bởi việc Iran đầu tư vào các khí tài chiến tranh phi hạt nhân, bao gồm cả hỏa tiễn và máy bay không người lái tiên tiến.

Trong cuộc họp báo của mình, ông Sullivan cáo buộc rằng Iran cũng đang “chuẩn bị huấn luyện các lực lượng Nga sử dụng các UAV này với các khóa huấn luyện ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 7”.

“Không rõ liệu Iran đã giao bất kỳ máy bay không người lái nào trong số này cho Nga hay chưa,” Sullivan nói thêm, “nhưng đây chỉ là một ví dụ về cách Nga đang tìm kiếm các quốc gia như Iran để tìm kiếm các khả năng cũng đang được sử dụng, tôi có thể nói thêm, hoặc đã được sử dụng trước khi chúng tôi có lệnh ngừng bắn ở Yemen, để tấn công Ả Rập Saudi”.

Khi nói đến Ukraine, Iran đã nhiều lần kêu gọi hòa bình và ngoại giao, nhưng đồng thời cũng lên tiếng tố cáo Nga đổ lỗi cho việc mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng dẫn đến bùng nổ chiến tranh hồi tháng Hai. Tehran đã chọn bỏ phiếu trắng trước các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc xung đột.

Nhưng vai trò của Iran đã được chú ý khi nước này trở thành một trung tâm trong thương mại ngày càng tăng giữa Nga và Ấn Độ, quốc gia cũng đã chọn trung lập trong cuộc xung đột Ukraine. Ấn Độ đã tìm cách đầu tư vào cảng Chabahar của Iran và tích hợp nó vào Hành lang Vận tải Bắc Nam Quốc tế dài gần 4.500 dặm sẽ giúp hợp lý hóa đáng kể việc vận chuyển giữa Mạc Tư Khoa và New Delhi.

Mạc Tư Khoa và Tehran cũng đã xây dựng mối quan hệ chiến lược trên các mặt trận khác và quan hệ đối tác của họ chỉ tiến triển khi cả hai cùng can thiệp thay mặt cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Syria.

Hôm thứ Ba, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova xác nhận rằng ông Putin dự định tới Tehran vào ngày 19/7 và gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Maria Zakharova nói với các phóng viên: “Các hoạt động sắp xếp đang được tiến hành cho chuyến thăm của tổng thống tới Tehran.”

Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo, gọi tắt là IRNA báo cáo hôm thứ Tư rằng “Iran và Nga đã đạt được thành công đáng kể trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế của họ thông qua việc thiết lập các kênh và giao dịch dựa trên tiền tệ quốc gia nhằm lật đổ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với cả hai nước.

Iran cũng đã nộp đơn xin gia nhập hai khối quan trọng về an ninh và kinh tế do Nga và Trung Quốc dẫn đầu là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và BRICS. Tehran cũng đã tăng cường quân sự với hai cường quốc này, tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương và tham gia các cuộc thi quân sự đa phương, chẳng hạn như cuộc thi bắn tỉa được gọi là Sniper Frontier sẽ được tổ chức vào tháng tới tại Venezuela.
 
Giáo phái Thống nhất theo lời khai kẻ bắn hạ TT Abe là gì? Sơ Việt Nam bị độc tài Ortega trục xuất
VietCatholic Media
03:25 15/07/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô coi việc Tổng thống Biden, một người Công Giáo, ủng hộ quyền phá thai, là thái độ không nhất quán

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả đó là một “sự không nhất quán” khi Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo, ủng hộ phá thai.

Trong cuộc phỏng vấn với Univisión và Televisa phát sóng ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về phá thai và lập trường của Biden, sau khi được hỏi về việc có nên cho các chính trị gia cổ vũ phá thai rước lễ hay không.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng có những dữ liệu khoa học cho thấy “một tháng sau khi thụ thai, DNA của thai nhi đã tồn tại và các cơ quan đã được sắp xếp theo trật tự. Có sự sống của con người”.

“Chẳng phải đó là sự loại bỏ một mạng người sao?” ngài hỏi.

Đối với các hành động bảo vệ việc phá thai của tổng thống Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng ngài để cho “lương tâm” của Biden phán xét.

“Hãy để Biden nói chuyện với mục tử của ông ấy về sự không nhất quán đó,” Đức Giáo Hoàng nói.

Mặc dù là một người Công Giáo, Biden đã nhiều lần ủng hộ quyền phá thai bất chấp giáo huấn của Giáo hội rằng mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ ngay từ khi được thụ thai.

Tuần trước, Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ quyền tiếp cận phá thai để đáp lại quyết định của Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết trong vụ án Roe kiện Wade, là phán quyết hợp pháp hóa việc phá thai trên khắp Hoa Kỳ

Tổng thống gọi đây là “thời điểm để khôi phục các quyền đã bị tước đoạt khỏi chúng ta và thời điểm để bảo vệ quốc gia của chúng ta khỏi một chương trình nghị sự cực đoan trái ngược với mọi thứ mà chúng ta, những người Mỹ, tin tưởng.”

Vào tháng 9 năm 2021, Biden cho biết ông ta không “đồng ý” rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai.

“Tôi đã và đang tiếp tục là một người ủng hộ mạnh mẽ cho phán quyết Roe kiện Wade,” ông nói tại Tòa Bạch Ốc khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề phá thai. “Tôi tôn trọng họ - những người tin rằng cuộc sống bắt đầu từ thời điểm thụ thai và tất cả - tôi tôn trọng điều đó. Không đồng ý, nhưng tôi tôn trọng điều đó,” Biden nói.

Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington đã bình luận ngay sau đó rằng “Giáo Hội Công Giáo dạy và đã dạy rằng cuộc sống - cuộc sống con người - bắt đầu từ lúc thụ thai. Vì vậy, tổng thống không thể hiện giáo huấn Công Giáo “.

Đức Hồng Y Gregory nói với một nhà báo vào tháng 11 năm 2020 rằng ngài sẽ không từ chối Thánh Thể với một chính trị gia ủng hộ việc luật hóa phá thai trong luật liên bang và người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai. Biden hỗ trợ cả hai chính sách.

Vào tháng 6 năm 2021, hội đồng giáo xứ của giáo xứ Holy Trinity của tổng thống Washington, đã tuyên bố đồng thuận với ý kiến của Hồng Y Gregory “liên quan đến các vấn đề xung quanh việc trao Thánh Thể cho các chính trị gia Hoa Kỳ.”

Tuyên bố cho biết: “Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity sẽ không từ chối Thánh Thể cho những người tự lên nhận Thánh Thể.”

“Là một giáo xứ có bề dày lịch sử chào đón tất cả mọi người, chúng tôi đồng tình và ủng hộ đường lối mục vụ của Đức Tổng Giám Mục của chúng tôi.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Cha người Costa Rica đón nhận Thừa sai Bác ái bị trục xuất khỏi Nicaragua, trong đó có một sơ Việt Nam

Hôm 6 tháng 7, Đức Cha Eugenio Salazar Mora, Giám Mục giáo phận Tilarán-Liberia ở Costa Rica, đã quỳ gối khi chào mừng bề trên của Dòng Thừa sai Bác ái, người đã bị chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega trục xuất khỏi Nicaragua.

Các chị em của dòng do Thánh Teresa thành Calcutta thành lập đã được chào đón đến Costa Rica tại một giáo xứ ở thị trấn Cañas.

Một đoạn video được giám mục đăng trên Facebook cho thấy ngài chào hỏi từng nữ tu một, họ lần lượt hôn chiếc nhẫn giám mục của ngài. Khi đến gặp bề trên, Salazar đã quỳ xuống và chính ngài là người hôn tay vị nữ tu.

Giáo phận Tilarán-Liberia giải thích rằng “dấu hiệu tôn kính mà Đức Cha dành cho mẹ bề trên là dấu hiệu cho thấy sự kính trọng trước thái độ sẵn sàng phục vụ cộng đồng này của các nữ tu”.

“Khi tiếp nhận các chị em, chúng tôi đã tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô”

Trong một video khác, được đăng vào ngày 7 tháng 7, vị giám mục nói rằng ngài không biết lý do bọn cầm quyền Nicaragua trục xuất các nữ tu, những người “thầm lặng phục vụ, vì tâm linh của họ không tìm kiếm sự công nhận, không tham gia vào các cuộc tranh cãi, và họ cống hiến nỗi đau của họ cho người dân Nicaragua.”

“Họ đã có những khoảng thời gian khó khăn, lo sợ cho sự an toàn cá nhân của mình, biết rằng họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và một số trong số họ đã lớn tuổi. Họ đã rất lo lắng cho đến khi họ đến lãnh thổ Costa Rica,” vị giám mục nói tiếp.

“Nếu điều đó tùy thuộc vào họ, họ sẽ ở lại Nicaragua; họ yêu Nicaragua, người dân Nicaragua, đặc biệt là những người đang cần nhất,” Đức Cha nói.

Ngài nhấn mạnh: “Tôi không thấy có lỗi gì về phía họ, họ chỉ là những người phụ nữ, theo chân Chúa Giêsu Kitô, những người chỉ nhằm mục đích phục vụ người nghèo, làm nhiều điều mà nhiều người khác không làm”.

“Nhưng, đó là cuộc sống của Kitô hữu; chiều kích tử đạo cũng là một phần của linh đạo Kitô giáo. Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô là Giáo hội bị đàn áp - nếu không nó sẽ không thuộc về Chúa Giêsu Kitô,” Đức Cha Salazar nói.

Theo gương Thánh nữ Têrêxa thành Calcutta, “họ chỉ tìm kiếm một đặc ân: yêu thương và phục vụ người nghèo, những người túng thiếu nhất”.

Sau khi yêu cầu những lời cầu nguyện cho Nicaragua, vị giám mục nhấn mạnh rằng “khi tiếp nhận các chị em, chúng tôi đã tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô. Các chị là những người phụ nữ dũng cảm, giản dị”

Chế độ của Ortega, nắm quyền trong 15 năm, đã trục xuất 18 Nhà truyền giáo bác ái khỏi quốc gia Trung Mỹ vào ngày 6 tháng 7.

Theo hãng thông tấn EFE, việc giải thể Hội Thừa sai Bác ái và 100 tổ chức phi chính phủ khác ở Nicaragua đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 trên cơ sở “khẩn cấp” và không có bất kỳ tranh luận nào.

Quốc hội, cơ quan lập pháp của Nicaragua, được kiểm soát bởi Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, do Ortega lãnh đạo.

Trong số 18 chị em, có bảy người Ấn Độ, hai người Mễ Tây Cơ, hai người Phi Luật Tân, hai người Guatemala, hai người Nicaragua, một người Tây Ban Nha, một người Ecuador và một người Việt Nam.

Cuối thông điệp của mình, Đức Cha Salazar nói rằng “tình yêu sẽ vượt qua, tình yêu sẽ chiến thắng. Chúa có lời cuối cùng chứ không phải con người. Nicaragua tiến lên, những Kitô hữu Nicaragua tiến lên! Chúa Kitô Vua muôn năm!”
Source:Catholic News Agency

3. Giáo phái Thống nhất là gì?

Tetsuya Yamagami, kẻ bắn chết Cố Thủ Tướng Shinzo Abe cho rằng anh ta căm thù Giáo phái Thống nhất nên đã ra tay sát hại ông vì cho rằng ông có liên quan đến giáo phái này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản tường trình của CNN qua phần trình bày của Thụy Khanh về Giáo phái Thống nhất.

Giáo phái Thống nhất, ban đầu được gọi là Hiệp Hội Thánh Linh Cho Sự Thống Nhất Của Kitô Giáo Thế Giới, được thành lập bởi Ông Văn Tiên Minh (Moon Sun-myung, 문선명) vào năm 1954. Cần nói ngay rằng dù danh xưng của HIệp Hội này đề cập đến Thánh Linh và Kitô Giáo, The National Council of Churches in Korea hay Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội Kitô Nam Hàn không công nhận giáo phái này là Kitô Giáo vì tin tưởng của họ khác xa với niềm tin Kitô truyền thống.

Giáo phái này nổi lên vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, một thời kỳ đầy biến động ở Hàn Quốc, vào thời điểm Hàn Quốc đang chuyển đổi từ một quốc gia nghèo đói bị chia cắt bởi nội chiến thành một trong những nền kinh tế hiện đại nhất thế giới.

Đến những năm 1980, giáo phái này đã vươn ra toàn cầu và ngày nay nó vẫn nổi bật ở các vùng của Á Châu. Nó tiếp tục trở thành tiêu đề quốc tế vì các đám cưới tập thể, trong đó hàng ngàn cặp kết hôn với nhau cùng một lúc. Thậm chí, một số cô dâu và chú rể gặp nhau lần đầu tiên trong ngày cưới của họ.

Ông Văn Tiên Minh, được những người theo dõi gọi là “Cha Văn”, qua đời ở Hàn Quốc vào năm 2012 ở tuổi 92.

Tận dụng các chiến thuật của những người bán hàng tận nhà, Giáo phái Thống nhất nhắm vào những người già, đau buồn, cô đơn và việc khai thác hình ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng. Theo các nhà điều tra nghiên cứu về tinh thần và tài chính của Ông Văn Tiên Minh, Giáo hội Thống nhất đã dành nhiều thập kỷ để thiết lập tại Nhật Bản những trung tâm lợi nhuận đáng tin cậy nhất của mình.

Hình thức chủ yếu để khai thác hình ảnh của các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng là mời họ nói chuyện bằng một số tiền thù lao hậu hĩnh về những vấn đề mà họ tâm đắc, và sẵn sàng nói, không có tiền họ cũng nói vì đó là những vấn đề mà họ quan tâm. Thủ Tướng Shinzo Abe và cả tổng thống Donald Trump đều là những người được mời nói chuyện. Họ nhận lời nhưng không có nghĩa là họ tán thành đường lối của giáo phái này. Cho rằng những diễn giả này là các thành viên của giáo phái thì còn xa sự thật hơn nữa.

Bây giờ, sau khi kẻ tình nghi là kẻ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với cảnh sát rằng anh ta đổ lỗi cho một nhóm tôn giáo khiến mẹ anh ta phá sản, và giáo phái Thống nhất xác nhận rằng mẹ của kẻ xả súng là một thành viên của chi nhánh Nhật Bản, vai trò của giáo phái, từ lâu đã gây tranh cãi tại Nhật Bản, lại một lần nữa bị soi xét.

Tetsuya Yamagami, kẻ bị tình nghi, khai với cảnh sát rằng mẹ anh ta đã bị hủy hoại tài chính sau khi bị áp lực quyên góp số tiền lớn cho giáo phái Thống Nhất.

Tomihiro Tanaka, người điều hành chi nhánh Nhật Bản của nhà thờ, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng mẹ của Yamagami gia nhập tổ chức vào năm 1998, sau đó bỏ đi một thời gian và quay trở lại vào năm nay. Một viên chức giáo phái cho biết ông không có thông tin về các khoản quyên góp của người mẹ cho tổ chức và cũng không có hồ sơ về việc bản thân Yamagami đã từng thuộc về giáo phái hay chưa.

Hôm thứ Ba, các hãng truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng các lỗ đạn đã được tìm thấy trên mặt tiền của tòa nhà của giáo phái Thống nhất ở Nara. Theo đài truyền hình Nhật Bản Fuji News Network, nghi phạm nói với các nhà điều tra rằng anh ta đã thử súng ở đó trước khi bắn Abe.

Giáo phái Thống nhất kiểm soát hàng chục cơ sở ở Nhật Bản, trong đó có một cơ sở ở Nara, cách nơi Cố Thủ Tướng Abe bị bắn hôm thứ Sáu vài trăm mét.

Cựu Thủ Tướng Abe, giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, đã xuất hiện tại các sự kiện liên quan đến giáo phái Thống nhất với tư cách là một diễn giả được trả tiền, gần đây nhất là vào tháng 9 trên một chương trình có sự tham gia của cựu tổng thống Donald Trump, đã phát biểu qua liên kết video.

Cho đến nay, cảnh sát tỏ ra không mấy tin tưởng vào lời khai của hung thủ.
Source:Washington Post
 
Putin tê tái: 2 Đại Tá và 2 Thiếu Tá Nga tử trận cùng một lúc. 44 vùng của Kherson được giải phóng
VietCatholic Media
16:50 15/07/2022


1. Bốn sĩ quan cấp tá của Nga đã tử trận trong một cuộc tấn công HIMARS của Ukraine

Bốn sĩ quan cấp tá của Nga đã tử trận trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine, vào sân bay Chornobaivka, trong khu vực Kherson ở phía nam của Ukraine. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã xác nhận như trên vào chiều thứ Sáu 15 tháng 7.

Sân bay Chornobaivka, trong vùng Kherson, đã bị lọt vào tay quân Nga ngay trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, và hiện vẫn còn trong tay quân Nga, đang được sử dụng như một căn cứ hải quân lớn của quân xâm lược. Cho đến thời điểm cách đây không lâu, sân bay này đã nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine.

Trướ đó, Ông Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên của quân đội khu vực Odessa, cho biết pháo binh Ukraine đã phá hủy hàng chục máy bay trực thăng và gây thương vong nặng nề cho sân bay này. Người ta cho rằng Ukraine hiện đang ưu tiên tấn công các mục tiêu của Nga bằng hệ thống Hỏa tiễn Cơ động Cao M-142 HIMARS do Mỹ cung cấp. Hỏa tiễn HIMARS có thể bắn xa từ 70 km đến 80 km.

Theo Bratchuk, cuộc tấn công đã loại khỏi vòng chiến 150 quân nhân Nga, trong số đó có 5 sĩ quan cao cấp. Trong số 5 sĩ quan tử trận, có 4 sĩ quan cấp tá của Nga bao gồm Đại tá Sergey Kens, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 810, Đại tá Andrei Gorobyets chỉ huy Sư Đoàn súng trường cơ giới số 20. Cũng thuộc Sư Đoàn súng trường cơ giới số 20 còn có Thiếu tá Koval, trưởng phòng tác chiến của Sư Đoàn, và Thiếu tá Gordeev, chỉ huy pháo binh của Sư Đoàn.

Như thế, tính từ đầu cuộc chiến tại Ukraine cho đến nay, ít nhất đã có 64 sĩ quan cấp tá của Nga tử trận trên chiến trường Ukraine.

Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, trong một cuộc điện thoại bị chặn, một sĩ quan Nga nói với bạn mình rằng các sĩ quan này đang tham dự một cuộc họp thì bị tấn công bằng hỏa tiễn HIMARS, và xác nhận rằng riêng trong căn phòng này đã có 12 thi thể không còn sự sống.

Các quan chức Nga tại Mạc Tư Khoa đã phủ nhận báo cáo từ phía Ukraine hoặc hạ thấp vụ việc, các phương tiện truyền thông Nga cho rằng chỉ có 5 sĩ quan đã thiệt mạng và 7 người mất tích.

Diễn biến này xảy ra khi Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk liên tục kêu gọi dân chúng di tản khỏi Kherson.

“Chắc chắn là sẽ có giao tranh, sẽ có pháo kích... và do đó chúng tôi kêu gọi mọi người di tản khẩn cấp. Chúng tôi không mong có phụ nữ và trẻ em ở đó, vì họ sẽ trở thành lá chắn con người cho quân Nga.”

Ukraine đã không nói chính xác khi nào cuộc phản công sẽ diễn ra để bảo mật quốc phòng. Tuy nhiên, trong những ngày qua, quân Nga đã tháo chạy và rút về cố thủ trong thành phố Kherson.

Vùng Kherson bao gồm thành phố Kherson, trước chiến tranh có dân số gần 300.000 người. Cho đến nay, không biết còn bao nhiêu cư dân của thành phố vẫn ở đó. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết trong những ngày qua, quân Nga đã bắt đi một số các viên chức Ukraine. Có lẽ chúng muốn đề phòng nội ứng, và cũng có thể muốn tiêu diệt giới tinh hoa Ukraine trước khi bỏ chạy.

2. Bốn mươi bốn địa phương của vùng Kherson được giải phóng

Tổng cộng 44 địa phương của vùng Kherson đã được giải phóng. “Có những vùng lãnh thổ, những địa phương đông dân đã được giải phóng. Tôi hoàn toàn dựa vào dữ liệu chính thức đã thống nhất với Bộ Tổng tham mưu. Tất cả là 44 địa phương, bao gồm các làng mạc, thị trấn trong vùng Kherson,” Dmytro Butriy, quyền lãnh đạo Quân sự khu vực Kherson, cho biết tại cuộc họp báo dành cho các nhà báo Kherson, do Trung tâm Báo chí Điều tra tổ chức.

Các địa phương thuộc các cộng đồng lãnh thổ Velyka Oleksandrivka, Kochubeyivka, Novovorontsovka.

Tình hình rất căng thẳng, nó đã như vậy kể từ những ngày đầu tiên, Butriy lưu ý.

Người đứng đầu chính quyền lưu ý rằng ông đã nói chuyện với quân đội ở tiền tuyến giải phóng vùng Kherson. Họ làm việc rất hiệu quả và “vô cùng năng động”.

Một ngày trước đó, lực lượng phòng vệ Ukraine đã tấn công vào hai cứ điểm kiểm soát của quân địch và một bãi đáp ở Nova Kakhovka.

3. Quân Nga cố gắng đột phá theo hướng Izium, các trận chiến diễn ra ác liệt ở Barvinkove - Syniehubov

Các hoạt động thù địch đang diễn ra ở phía bắc, đông bắc và đông nam của Vùng Kharkiv. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên trong báo cáo hôm thứ Sáu 15 tháng 7.

“Hiện các cuộc chiến đang diễn ra ở phía bắc của Khu vực Kharkiv, theo hướng đông bắc và hướng đông nam, tức là hướng Izium. Đây là ba hướng chính, nơi các hoạt động thù địch đang được tiến hành. Đối phương liên tục thực hiện các nỗ lực tấn công các vị trí của quân đội Ukraine nhưng không thành công và rút lui về các vị trí đã chiếm được trước đó. Đối phương bị thiệt hại đáng kể về nhân lực và trang thiết bị”.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định người Nga đang kéo một số lượng lớn quân đến hướng Izium để duy trì một hành lang dùng để điều quân từ Nga sang Donetsk và Luhansk. Ngoài ra, quân Nga đang liên tục cố gắng xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine, cụ thể là ở Barvinkove. Các trận chiến đang diễn ra ác liệt ở đó vào thời điểm hiện nay.

Các khu định cư nằm gần Kharkiv vẫn còn dưới hỏa lực của quân Nga. Đặc biệt, quân đội Nga đã bắn vào Chuhuiv, Pechenihy và Zolochiv liên tục trong hai tuần qua.

“Quận Izium cũng nằm dưới làn đạn của quân Nga. Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghiệp vẫn còn ở đó đang bị ảnh hưởng, mặc dù họ hoàn toàn không liên quan gì đến quân sự và quốc phòng.”

4. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết người Nga hoảng sợ trước khả năng của vũ khí mới Ukraine nhận được từ các đối tác phương Tây

Một vụ đánh chặn mới cho thấy khả năng tấn công của các loại vũ khí hiện đại mới mà Lực lượng vũ trang Ukraine đang nhận được từ các đối tác phương Tây, đang khiến quân đội Nga hoảng sợ.

Trong một cuộc điện thoại bị Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là SBU, đánh chặn, một người lính Nga phàn nàn với vợ: “Họ đang ngồi đó, nhâm nhi cà phê, bấm nút, và dội những trận mưa đạn vào tụi anh”.

Người lính Nga phàn nàn rằng quân đội Ukraine đã phá hủy một số lượng lớn xe tăng và các thiết bị khác của họ, trong khi người Nga không thể bắn trả, không thể xác định được họ đang bị tấn công từ đâu.

Người phụ nữ đưa ra một số lời khuyên: “Sao các anh không dùng xe tăng của mình để đánh trả, phải bắn trả chứ.” Nhưng người lính Nga đã sửa chữa ý tưởng sai lầm của người vợ về chiến tranh hiện đại: “Họ bắt đầu đánh mình cách xa 3 hay 4 km. Xe tăng của mình có thấy họ đâu mà bắn?”

Một vụ đánh chặn khác do SBU thu được minh chứng cho tâm trạng cuồng loạn của quân đội Nga về số lượng đồng đội bị giết và bị thương. Binh lính Nga chỉ mơ ước được trở về nhà còn sống, trong khi các cuộc tấn công của Ukraine khiến những kẻ xâm lược suy nhược thần kinh.

5. Mỹ kêu gọi Nga ngừng ngay lập tức việc bắt cóc có hệ thống người Ukraine đưa sang Nga

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi ngừng ngay việc bắt cóc công dân Ukraine đưa sang Nga, cáo buộc Nga “cố tình tách trẻ em Ukraine khỏi cha mẹ của chúng và bắt cóc những trẻ em khác từ các trại trẻ mồ côi trước khi đưa chúng làm con nuôi ở Nga”.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Blinken nói: “Việc bắt cóc bất hợp pháp những người được bảo vệ là vi phạm nghiêm trọng công ước Geneva lần thứ tư về bảo vệ dân thường và là một tội ác chiến tranh”.

Nga phải ngừng ngay lập tức các hoạt động bắt cóc có hệ thống của mình ở Ukraine. Ông cáo buộc Nga đã giam giữ hoặc bắt cóc khoảng 1,6 triệu người Ukraine vô tội, trong đó có 260.000 trẻ em”.

6. Nữ quân nhân Nga đầu tiên được báo cáo đã tử trận

Anastasia Savitskaya, một hạ sĩ đến từ thành phố Volgograd, miền tây nam nước Nga, là nữ quân nhân Nga đầu tiên được báo cáo là đã tử trận trong cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin chống lại nước láng giềng Ukraine, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

Trang tin v1.ru dẫn lời chủ tịch hội đồng cựu chiến binh của Volgograd, Alexander Strukov, cho biết Anastasia Savitskaya, 35 tuổi đã tử trận trong cái gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” của Putin.

“Savitskaya trở thành nữ quân nhân Nga đầu tiên chết trong cuộc chiến này,” Strukov cho biết như trên nhưng không giải thích chi tiết và hoàn cảnh xung quanh cái chết của cô ấy.

Ông cho biết Savitskaya đã được chôn cất vào hôm thứ Tư, ngày 13 tháng Bảy.

Hãng tin này dẫn lời người thân và bạn bè của Savitskaya nói rằng ước mơ được phục vụ trong quân đội Nga là ước mơ của cô.

“Từ khi còn nhỏ, cô ấy đã mơ ước được phục vụ trong quân đội, cô ấy đã đăng lính vào năm 18 tuổi,” bạn bè của Savitskaya nói, và lưu ý rằng cô ấy đã chọn tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine.

Theo hãng tin điều tra độc lập iStories của Nga, khoảng 136 binh sĩ trong thị trấn Volgograd đã thiệt mạng trong trận chiến ở Ukraine kể từ khi ông Putin tiến hành cuộc xâm lược vào tháng Hai.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào tháng 5 năm 2020 rằng khoảng 41.000 phụ nữ đã tình nguyện nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang Nga. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, con số này đại diện cho khoảng 4,26% tổng lực lượng làm nhiệm vụ tại ngũ.

Việc tham gia quân đội Nga không bắt buộc đối với phụ nữ.

Nga hiếm khi tiết lộ tổn thất quân sự của mình. Mạc Tư Khoa công bố số liệu lần cuối vào ngày 25 tháng 3, khi một tướng lĩnh nói với truyền thông nhà nước rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương. Chính phủ Anh phản đối con số này là quá thấp, che đậy sự thật; và cho biết Nga đã mất ít nhất là 15.000 quân tính đến thời điểm đó.

Lực lượng vũ trang Ukraine, thường xuyên cập nhật về tổn thất của Nga, hôm thứ Tư cho biết Nga đã mất 37.570 quân nhân, 3.832 xe chiến đấu bọc thép và 839 hệ thống pháo kể từ ngày 24/2.

7. Tổng thống Zelenskiy kêu gọi các đối tác quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga càng sớm càng tốt

Việc không trừng phạt những kẻ khủng bố khuyến khích những kẻ khác, do đó, các biện pháp trừng phạt mới nên được áp dụng đối với Nga càng sớm càng tốt.

“Khủng bố là một loại virus. Và nếu một trong những kẻ khủng bố không bị trừng phạt, nó chỉ khuyến khích những kẻ khác. Các biện pháp trừng phạt mới đối với khủng bố là cần thiết, và càng sớm càng tốt “, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu mới nhất.

Đồng thời, Tổng thống nhấn mạnh rằng việc thiết lập một tòa án đặc biệt về sự xâm lược của Nga; và hình thành một cơ chế bồi thường nhằm chuyển ngân quỹ của nhà nước khủng bố cho những kẻ mà nó muốn tiêu diệt cũng là điều cần thiết.

Theo quan điểm của ông, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt những hạn chế như vậy đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, điều này sẽ không cho phép những kẻ khủng bố trang trải chi phí của chúng bằng tiền của cộng đồng quốc tế.

“Và tôi muốn nhấn mạnh: tất cả những điều này không chỉ cần ở Ukraine, không chỉ của các công dân của chúng tôi, những người đang bị khủng bố Nga đe dọa. Điều này là cần thiết bởi tất cả các bạn, tất cả mọi người trên thế giới, những người coi trọng mạng sống con người.”

Nguyên thủ quốc gia Ukraine nhấn mạnh rằng người Ukraine biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi: mọi nhà nước, các cơ cấu quốc tế, các hiệp hội trên toàn thế giới, các doanh nghiệp có lòng từ tâm, và mọi người quan tâm”.

“Nhưng đã đến lúc thế giới dân chủ phải lưu giữ tất cả những điều này trong các công cụ pháp lý thích hợp; và tuyên bố Nga là một nhà nước khủng bố.”

Vào ngày 24 tháng 2, Liên bang Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, tiếp tục cuộc xâm lược vũ trang đã diễn ra từ năm 2014. Quân đội Nga bắn phá và phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng, bắn ồ ạt vào các khu dân cư của các thành phố và làng mạc Ukraine bằng cách sử dụng pháo, hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, bom trên không và hỏa tiễn đạn đạo.

8. Putin ký luật áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt để hỗ trợ quân đội

Hôm thứ Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật cho phép chính phủ áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Nga trong quá trình “chống khủng bố và các hoạt động khác” bên ngoài đất nước.

Khi các biện pháp đặc biệt được áp dụng, các công ty sẽ không thể từ chối các hợp đồng của chính phủ và nhân viên sẽ phải làm việc vào ban đêm và ngày nghỉ.

Chính phủ cũng nhận được quyền tạm thời kích hoạt lại khả năng huy động vốn và cơ sở vật chất và quyền khai thác tài sản vật chất cho dự trữ nhà nước.

Mặc dù chính phủ Nga tiếp tục bác bỏ việc coi xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến, nhưng các biện pháp mới có hiệu quả đồng nghĩa với việc nước này đang tái định hình ngành công nghiệp của mình để hỗ trợ cuộc xâm lược đang diễn ra.

Hôm thứ Năm, ông Putin cũng đã ký các luật bổ sung bao gồm các biện pháp cứng rắn hơn đối với các cá nhân hoặc thực thể bị Nga coi là điệp viên nước ngoài, và mở rộng trách nhiệm hình sự đối với hành vi đào tẩu tới mức độ xem đó là hành vi phản quốc nghiêm trọng.

9. Bộ Quốc Phòng Mỹ cả quyết Nga đang thương thảo với Iran về máy bay không người lái

Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về truyền thông chiến lược John Kirby nói trong cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Nga đang xoay sang Iran để tìm kiếm sự hỗ trợ các máy bay không người lái. Điều đó nói lên rất nhiều về tình trạng cô lập của cả hai quốc gia này khỏi cộng đồng quốc tế. No cũng cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có “các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc bổ sung nhu cầu quốc phòng của chính mình”.

Tướng Kirby nói: “Việc Nga quay sang Iran để được giúp đỡ đã nói lên nhiều điều về mức độ mà cả hai quốc gia này ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập, vì các hành động của họ trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới”.

Tướng Kirby khẳng định rằng tình báo Mỹ có các bằng chứng cho thấy Iran dự kiến sẽ cung cấp cho Nga “hàng trăm” máy bay không người lái - bao gồm cả máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí - để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Thêm vào đó, ông cho biết Iran đang chuẩn bị bắt đầu huấn luyện các lực lượng Nga về cách vận hành chúng sớm nhất là vào cuối Tháng Bảy này.

“Chúng tôi biết các biện pháp trừng phạt đang gây khó khăn cho họ; chúng tôi biết các kiểm soát xuất khẩu đang làm khó họ. Chúng tôi biết khả năng bổ sung bom, đạn, và các máy bay không người lái của Nga là rất hạn chế vì áp lực mà phần còn lại của thế giới đang đặt lên ông Putin”, Kirby nói thêm.

“Rõ ràng, Iran có năng lực sản xuất trong nước. Tôi không biết các thông số của thỏa thuận mà ông Putin đã đạt được; Tôi không thể nói cụ thể về việc Iran sẽ có thể đáp ứng yêu cầu này như thế nào.”

Tướng Kirby nhấn mạnh rằng “lựa chọn ưu tiên” của Biden với Iran vẫn mang tính ngoại giao, nhưng Mỹ “sẽ không loại bỏ bất kỳ lựa chọn nào.”

10. Hỏa tiễn tầm xa mới của Ukraine của Mỹ đang tạo ra tác động vượt xa tiền tuyến của Nga

Có một yếu tố mới rất quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine: đó là khả năng của Ukraine sử dụng các hệ thống được cung cấp gần đây của phương Tây để tấn công các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và kho đạn của Nga ở một khoảng cách xa tiền tuyến, sâu trong hậu phương của Nga. Cục Tình Báo Bộ Nội Vụ Ukraine đã cho biết như trên.

Trong tuần qua, đã có nhiều vụ nổ lớn tại một số khu vực bị chiếm đóng ở các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Bằng chứng hiện có, từ hình ảnh vệ tinh và các nhà phân tích phương Tây, cho thấy việc tấn công đã đạt hiệu quả cao.

Trong nhiều tháng, quân đội Ukraine đã cầu xin các hệ thống hỏa tiễn và pháo chính xác tầm xa từ các đối tác phương Tây. Bây giờ họ đã có chúng và đang triển khai chúng để đạt được hiệu quả đáng kể ở cả phía nam và phía đông của đất nước.

Quân đội Ukraine không đưa ra nhiều thông tin cụ thể nhưng Vadim Denysenko, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, cho biết rằng trong hai tuần qua, “trên tất cả mọi thứ, nhờ vào những vũ khí mà Ukraine nhận được, chúng tôi đã có thể tiêu diệt khoảng hai chục kho chứa vũ khí và kho dự trữ nhiên liệu. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cường độ của hỏa lực mà người Nga có thể tập hợp,” ông nói.

Tiêu biểu nhất là hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp, nhưng Ukraine cũng đã nhận được pháo M777 từ Mỹ và Canada và pháo tầm xa Caesar từ Pháp.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Năm rằng Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo cần thiết và cử người hướng dẫn giúp Ukraine bắn Donbas bằng hệ thống hỏa tiễn HIMARS.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cáo buộc rằng: “Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã sử dụng rộng rãi các bệ phóng hỏa tiễn HIMARS nhận được từ Hoa Kỳ và đã làm như vậy với sự hỗ trợ trực tiếp của phía Hoa Kỳ, điều này không chỉ cung cấp thông tin tình báo cần thiết mà còn bí mật biệt phái những người hướng dẫn đã giúp các đại diện của chế độ Kyiv.”

Cho đến nay, Ukraine vẫn nhất quyết khẳng định họ không có nhiều hỏa lực nên họ chỉ nhắm vào hai mục tiêu là các sở chỉ huy và các kho chứa khí tài quân sự. Tuy nhiên, Zakharova cáo buộc rằng “việc gia tăng đáng chú ý các cuộc tấn công bằng pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine có liên quan đến việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng này, rõ ràng là đã nhận được lệnh từ Kyiv mà không chút do dự trong việc chống lại dân thường.” Cáo buộc này của Nga đã bị phía Ukraine bác bỏ.
 
Hi hữu: Nhà tạm bằng vàng 2.000 năm tuổi chứa máu Chúa Kitô bị đánh cắp. Kẻ trộm tự nguyện trả lại
VietCatholic Media
16:54 15/07/2022


1. Kẻ trộm trả lại nhà tạm 2.000 năm tuổi được cho là chứa máu của Chúa Kitô

Một nhà tạm bằng vàng 2.000 năm tuổi, được cho là chứa máu của Chúa Giêsu, đã được tìm thấy sau khi nó bị đánh cắp khỏi một nhà thờ ở Pháp.

Thánh tích “Máu Châu Báu Chúa Kitô”, một trong những hiện vật thiêng liêng nhất của Giáo Hội Công Giáo, đã bị đánh cắp khỏi Tu viện Fecamp ở Normandy vào ngày 2 tháng 6. Cảnh sát tin rằng những tên trộm đã trốn trong nhà thờ qua đêm để lấy cắp thánh tích, bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật và những miếng vàng.

Thám tử Hà Lan Arthur Brand, người được gọi là “Dutch Indiana Jones” vì khả năng khôi phục các tác phẩm bị đánh cắp, cho biết những tên trộm đã liên lạc với anh ta một cách ẩn danh ba tuần trước và để lại nhà tạm này trước cửa nhà anh ta cách nơi nó bị đánh cắp hơn 300 dặm.

“ Người này đã tiếp cận tôi thay cho một người khác, đang giữ các di vật bị đánh cắp,” Brand nói.

“Vài ngày sau, vào lúc 10:30 tối, chuông cửa vang lên. Tôi nhìn từ ban công ra ngoài và trong bóng tối, tôi thấy một chiếc hộp,” Brand nói. “Tôi chạy xuống cầu thang, sợ ai đó lấy mất chiếc hộp. Khi ra đến bên ngoài tôi nhìn xung quanh, nhưng không có ai ở đó”.

Brand đã tweet hôm thứ Hai “Tôi đã tìm lại được” nhà tạm “Máu Châu Báu Chúa Giêsu” huyền thoại của tu viện Fecamp, một trong những di tích lâu đời nhất và linh thiêng nhất của Giáo Hội Công Giáo.”

Brand, người đã phục hồi hơn 200 tác phẩm nghệ thuật vô giá, cho biết anh đã chuyển giao di tích thiêng liêng cho cảnh sát Hà Lan hôm thứ Ba.

Ngôi đền chứa hai lọ chì, được cho là đựng máu của Chúa Giêsu sau khi ngài bị đóng đinh. Thánh tích được lấy cắp hai tuần trước khi lễ trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa được cử hành hàng năm tại tu viện Fecamp, nơi mà những người hành hương đã tụ tập trong 1.000 năm để chiêm bái thánh tích “Máu Châu Báu Chúa Giêsu”.
Source:UPI

2. Chủ tịch Ủy ban Các hoạt động phò sinh phản đối sắc lệnh hành pháp của Biden về việc tiếp cận phá thai

Hôm thứ Sáu, ngày 8 tháng 7, Tổng thống Hoa Kỳ đã ký một sắc lệnh hành pháp về việc tiếp cận phá thai để đáp lại quyết định của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, qua đó Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã lật ngược quyết định Roe kiện Wade và Planned Parenthood kiện Casey. Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra phản ứng sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

“Để đáp lại quyết định của Tối Cao Pháp Viện, tôi kêu gọi hàn gắn vết thương và sửa chữa những chia rẽ xã hội, phản ánh lý trí và đối thoại dân sự, và cùng nhau xây dựng một xã hội và một nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó mọi phụ nữ đều có những thứ cô ấy cần được hỗ trợ, và các nguồn lực cần thiết để đưa con mình vào thế giới này trong tình yêu thương.”

“Và với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phục vụ kế hoạch tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người, và hợp tác với đồng bào của chúng tôi để thực hiện lời hứa của Hoa Kỳ là bảo đảm quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người.”

“Thật là đáng lo ngại và bi thảm khi Tổng thống Biden đang lựa chọn sử dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ để thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc phá thai ở đất nước chúng ta, tìm mọi cách có thể để từ chối những đứa trẻ chưa sinh ra, quyền dân sự và nhân quyền cơ bản nhất của các thai nhi là quyền được sống. Thay vì sử dụng quyền lực của cơ quan hành pháp để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, sắc lệnh hành pháp của tổng thống chỉ tìm cách tạo điều kiện cho việc tiêu diệt những con người không có khả năng tự vệ, không có tiếng nói”.

“Tôi cầu xin tổng thống từ bỏ con đường dẫn đến chết chóc và hủy diệt này và lựa chọn cuộc sống. Như mọi khi, Giáo Hội Công Giáo luôn sẵn sàng làm việc với Chính quyền này và tất cả các quan chức được bầu để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và bảo đảm rằng các bà mẹ mang thai và nuôi dạy con cái được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái của họ trước và sau khi sinh.”
Source:USCCB

3. Giám Mục Anh Giáo phàn nàn thiếu 'định nghĩa chính thức' về phụ nữ

Đức Cha Robert Innes, Giám mục Anh Giáo ở Âu Châu, đã nói rằng cộng đồng giáo hội Anh Giáo không có định nghĩa về phụ nữ bởi vì những định nghĩa như vậy đã được cho là hiển nhiên từ lâu.

Bình luận của ngài được đưa ra giữa phiên họp của Đại hội đồng, cơ quan lập pháp của Giáo hội Anh, đang được tổ chức tại York từ ngày 8 đến 12 tháng 7.

Đức Cha Robert Innes đặt ra câu hỏi với Thượng hội đồng, “Định nghĩa của Giáo hội Anh về một người phụ nữ là gì?”

Rồi ngài Innes trả lời rằng: “Không có định nghĩa chính thức, phản ánh thực tế là cho đến gần đây các định nghĩa về loại này được cho là hiển nhiên, như được phản ánh trong nghi lễ hôn nhân,” The Telegraph đưa tin ngày 10 tháng 7.

Nhiều người không đồng ý với Đức Cha Robert Innes cho rằng đang có xu hướng tái định nghĩa lại mọi thứ theo mầu sắc ý thức hệ. Vị Giám Mục xem ra đang cố gắng gây sốc khi đặt vấn đề cần phải có một định nghĩa phụ nữ là gì.

Đức Cha Robert Innes là người khởi xướng chương trình Living in Love and Faith, nghĩa là Sống trong Tình yêu và Đức tin, gọi tắt là LLF.

Ngài nói: “Dự án LLF đã bắt đầu khám phá những phức tạp trong hôn nhân liên quan đến bản sắc giới tính và chỉ ra sự cần thiết phải chăm sóc bổ sung và cần được đưa ra để hiểu những điểm chung và khác biệt của chúng ta khi con người tạo ra theo hình ảnh của Chúa,” ngài nói thêm.

Sống trong Tình yêu và Đức tin “là một phần của việc sáng tỏ con đường tiến lên của Anh Giáo liên quan đến các vấn đề về căn tính, tình dục, các mối quan hệ và hôn nhân,” theo trang web của tổ chức này.

Khối Hiệp Thông Anh giáo, trong đó có Giáo hội Anh, đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây bởi sự chia rẽ về các vấn đề đạo đức và tình dục.

Năm 2018, Giáo hội Anh đã xuất bản các hướng dẫn mục vụ cho các phụng vụ liên quan đến chuyển đổi giới tính. Những nghi thức phụng vụ này nhằm khẳng định và tán dương sự chuyển đổi của một người sang bản sắc giới đã chọn, và để “công nhận sự chuyển đổi giới tính của một người về phương diện pháp lý.”

Các hướng dẫn nêu rõ rằng phép Rửa Tội là “bối cảnh phụng vụ tự nhiên để công nhận và tôn vinh giới tính mới của một người chuyển giới trong Chúa Kitô và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ” và khuyến khích các thừa tác viên chấp nhận và sử dụng các đại danh từ theo “sở thích của một người chuyển giới trong lễ rửa tội của họ”.

Hướng dẫn cho biết: Các thành viên đã được rửa tội của Giáo hội Anh phải được cung cấp các nghi lễ đặc biệt thích hợp “để công nhận sự chuyển đổi giới tính của một người”

Các hướng dẫn lưu ý rằng Giáo hội Anh “hoan nghênh và khuyến khích sự khẳng định vô điều kiện giới tính mới của những người chuyển giới” và tuyên bố rằng các cử hành để công nhận giới tính mới của họ phải có “tính cách ăn mừng”.
Source:Catholic News Agency