Ngày 16-07-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lắng nghe Lời Chúa là điều tốt nhất
Jos. Vinc. Ngọc Biển
08:14 16/07/2013
Lắng nghe Lời Chúa là điều tốt nhất

(Suy niệm Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm C)

Trong truyền thống Việt Nam, văn hoá ứng xử qua việc giao tiếp là quan trọng, điều này đã được cha ông chúng ta rất đề cao. Qua việc đón tiếp khách, người ta đánh giá được sự hiếu khách hay không của gia chủ; đồng thời nó cũng thể hiện sự văn minh và nền giáo dục của gia đình đó như thế nào.

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu ghé thăm gia đình của Martha. Nơi đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của của hai chị em Martha và Maria. Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng đều thể hiện sự kính trọng, yêu mến mà hai cô dành cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, kết quả lại khác nhau, bởi vì hệ tại ở hành vi lựa chọn.

1. Cuộc đời là một sự lựa chọn không ngừng

Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta thấy: có rất nhiều điều cần phải “lựa” và “chọn”. Khi còn nhỏ, cha mẹ lựa chọn cho con cái trường nào tốt để gửi con vào học; khi lớn lên một chút, ta lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn thầy để học, lựa chọn nghề để mưu sinh, lựa chọn người yêu để cưới… Như vậy, có lẽ trong cuộc đời, chỉ có lần sinh ra và chết đi là ta không có quyền chọn lựa mà thôi, còn mọi trường hợp đều đòi ta phải có sự chọn lựa.

Có những lựa chọn tích cực và những lựa chọn tiêu cực. “Lựa chọn” trong đời thường là lọc ra những thứ không cần thiết và chọn cho mình những thứ cần dùng. Còn “lựa chọn” theo Kinh Thánh là nghe theo tiếng Chúa và thi hành.

Thật vậy, có biết bao điều cần phải lựa chọn. Lựa chọn cái tốt, tốt vừa, tốt hơn, hay tốt nhất? Đây chính là điều đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo trước khi chọn.

Mỗi sự chọn lựa đều có giá của nó, và ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chính ta qua sự chọn lựa của mình. Nếu lựa chọn đúng thì sẽ đem lại hạnh phục. Lựa chọn sai thì sẽ dẫn đến sự bất hạnh. Chọn lựa được coi là “đích đến” và “bánh lái” cho cuộc đời nếu lựa chọn đó là tốt, là đúng. Còn nếu lựa chọn sai thì sẽ bị tác dụng ngược lại. Lựa chọn là khởi đầu của một hành trình, thì sống sự lựa chọn đó là đi về đích điểm. Thật hạnh phúc cho những ai biết quyết định và lựa chọn đúng với thánh ý của Thiên Chúa.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy: Martha lựa chọn phục vụ Chúa qua việc nấu nướng để thiết đãi Chúa một bữa ăn thịnh soạn. Maria thì lựa chọn việc ngồi để lắng nghe Chúa nói. Đây là tư thế và thái độ của người môn đệ trước vị tôn sư của mình… Nếu Martha thể hiện lòng kính trọng và yêu mến Chúa qua việc nấu ăn, thì Maria cùng một lòng kính trọng và tình yêu mến Chúa như Martha, nhưng Maria thì thể hiện cách khác là lắng nghe Lời Chúa. Hai công việc đều phát xuất từ lòng mến và được khởi đi từ sự kính trọng. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài, một bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Hôm nay Chúa khen và nói Maria đã chọn phần tốt nhất, còn Martha có thể đã chọn phần tốt hoặc tốt hơn chứ chưa phải là tốt nhất

2. Lắng nghe lời Chúa là điều tốt nhất

Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.

Trong Cựu Ước, Chúa phán: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển, tên của ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48,18-19b).

Sang thời Tân Ước, Kinh Thánh đã ca ngợi Mẹ Maria là người luôn suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2,19.51). Vì thế, Đức Giêsu đã khen Mẹ trước mặt mọi người: “Mẹ và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). “… Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em”(1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Lời ấy chính là Đức Kitô.

Trong cuốn Đắc nhân tâm, bà Carnegie đã viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc”.

Quả thật, thái độ của Maria thật thích hợp để làm vui lòng Chúa trong thời điểm này, bởi vì Chúa sắp lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, nên việc lắng nghe để chia sẻ những tâm tư của Chúa và thi hành phải là điều quan trọng nhất chứ không phải tiệc tùng ăn uống, dẫu biết rằng thức ăn nuôi sống thể xác là điều cần thiết cho cuộc sống của con người, nhưng trong hoàn cảnh này thì việc lắng nghe Lời Chúa là của ăn tinh thần phải là điều quan trọng thiết yếu. Thật thế, Maria đã lựa chọn điều tốt nhất là được ở bên Chúa (x. Lc 10,42), nghe lời Chúa dạy (x. Lc 10,39) và lo lắng đến những gì thuộc về Ngài (x. 1Cor 7,32). Bà đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời, bởi lẽ Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng Sống. Vì thế, có Đức Giêsu là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Chúa nói với mình và đem ra thực hành thì được ví như “… người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá " (Mt 7, 25). Đức Giêsu chính là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa Cha đã đem trồng vào trong mảnh vườn nhân loại. Sống trong Ngài là được trở nên nghĩa thiết với Ngài và được Ngài yêu thương, để Ngài ở đâu, chúng ta cũng sẽ được ở đó với Ngài. Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã có được đầy đủ các yêu tố trên, nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người có phúc: “chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

3. Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội và nơi mỗi chúng ta

Giáo Hội được sinh ra và sống bằng Lời Chúa. Vì thế, “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa”.

Khi dành cho Lời Chúa một vị trí quan trọng và ngang hàng với chính Chúa như thế, Giáo Hội muốn xác tín niềm tin của mình vào sức mạnh vạn năng của Lời ấy: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội.” (x. DV, số 21).

Như vậy, trong mọi thời, Giáo Hội luôn mời gọi con cái của mình hãy siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm và đem ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối xóm, giáo xứ và bất cứ môi trường nào... Thế nhưng, vì quen lối sống đạo xưa kia, nên chúng ta nhiều khi chỉ thuộc kinh và không mấy coi trọng Thánh Kinh. Khi nói như thế, chúng ta không có ý phủ nhận lối sống đạo bình dân của cha ông, vì trên thực tế, đời sống đạo truyền thống này đã sản sinh cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng và chúng ta ngày hôm nay được kế thừa niềm tin cũng nhờ cung cách sống đạo bình dân đó.

Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, mọi lời Giáo huấn, truyền thống của Giáo Hội, mọi lời kinh từ bao thế hệ đều được khởi đi và suy tư từ Thánh Kinh mà ra. Nếu chúng ta am tường và hiểu biết Thánh Kinh càng nhiều, thì đời sống đạo của chúng ta càng sống động. Thật thế, thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gợi lên cho chúng ta cách tiếp cận cụ thể với Thánh Kinh như sau:“Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.” (x. Thư Chung 1980, số 8). Như vậy, chúng ta dành ưu tiên cho việc đào sâu "Kiến thức siêu việt về Chúa Giêsu Kitô" (Pl 3,8).

Như vậy, qua hình ảnh, thái độ của Maria, và nhất là được nghe lời chúc phúc của Đức Giêsu cho cô, mỗi người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, chăm chỉ đọc Thánh Kinh, và nhất là đem Lời Chúa ra thực hành. Đây chính là điều cao trọng nhất để ta thể hiện lòng yêu mến Chúa trọn vẹn. Yêu mến Chúa mà không giữ Lời Chúa thì là người nói dối; giữ Lời Chúa như một luật lệ cứng ngắc, thậm chí chỉ giữ trong nhà thờ mà thôi thì ta sẽ bị rơi vào tình trạng giữ đạo hình thức, hời hợt bên ngoài. Nếu đời sống đạo của chúng ta đúng như vậy, thì chẳng khác gì người mang danh và đeo cái mác Công Giáo, chứ thực ra không phải là người mang Đạo trong mình. Làm thế nào để vừa giữ được những yếu tố bên ngoài mà vẫn có chiều sâu bên trong. Nói cách khác, mọi hoạt động của đời tông đồ nơi chúng ta phải được đời sống nội tâm thúc đẩy. Qua đời sống nội tâm, chúng ta suy niệm về cuộc đời, ý định và sứ vụ của Đức Kitô, rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chia sẻ và loan báo về một Đức Kitô đã được mặc khải trong Thánh Kinh và nhờ đời sống nội tâm sâu xa bên trong. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được tình trạng “cho cái chúng ta không có”.

Nhưng để nghe được tiếng Chúa và kết hợp với Ngài cách mật thiết, chúng ta cần phải loại bỏ một số thứ không cần thiết; đồng thời phải lựa chọn ưu tiên cho việc thinh lặng nội tâm. Làm được như thế, tâm hồn chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và để chúng ta dễ nhận ra tiếng Chúa trong Thánh Kinh, cuộc sống và qua lương tâm.

Mong thay, mỗi chúng ta biết chọn sao cho trọn. Chọn điều tốt sẽ dẫn đến kết quả tốt. chọn điều xấu ắt sẽ xấu. Nhưng trong tất cả mọi sự chọn lựa, Lời Chúa phải chiếm địa vị quan trọng nhất, và thực hành Lời Chúa phải là điều chúng ta quan tâm thực sự để trong cuộc sống, chúng ta làm cho Chúa được hiện tại hóa trong lời nói, cử chỉ, hành động của mỗi chúng ta.

Có thế, Lời Chúa mới thực sự bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong đời sống đạo của chúng ta.

Ước gì Lời Chúa khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta khi chúng ta thành tâm đi tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa bằng việc lắng nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm chủ tể đời chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.
 
Chỉ một chuyện cần mà thôi
Lm. Đan Vinh
08:18 16/07/2013
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN C

St 18,1-10a ; Cl 1,24-28 ; Lc 10,38-42


CHỈ MỘT CHUYỆN CẦN MÀ THÔI

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 10,38-42

(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. (39) Cô này cứ ngôi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” (41) Chúa đáp: “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá ! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

2. Ý CHÍNH: Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay có 3 nhân vật chính: Đức Giê-su và hai chị em Mác-ta Ma-ri-a. Hai chị em này phục vụ Chúa mỗi người một cách: Mác-ta thì bận rộn lo việc cơm nước, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Chúa và nghe Lời Người. Mác-ta khó chịu với em và xin Chúa can thiệp bảo Ma-ri-a giúp đỡ mình. Nhưng Người lại cho biết việc nghe Lời Chúa mà Ma-ri-a đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả.

3. CHÚ THÍCH:

- C 38-39: + Trong khi Thầy trò đi đường vào làng kia: Đức Giê-su vào làng Bê-ta-ni-a, cách Thủ đô Giê-ru-sa-lem 3 cây số. + Có một người phụ nữ tên là Mác-ta: Đây là chị cả trong một gia đình có ba chị em. Mác-ta chưa lập gia đình, vì nếu đã có chồng thì người chồng đã đứng ra tiếp đón Đức Giê-su. Là chị cả nên Mác-ta phải đảm đương mọi việc. Bà lo dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. + Đón Người vào nhà: Người Do thái vốn hiếu khách. Đức Giê-su không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga 11,5). Thái độ tiếp đón này trái với thái độ dân làng Sa-ma-ri trước đó đã từ chối không đón tiếp Người (x. Lc 9,53). Trong thời điểm những ngày cuối đời, việc đón tiếp Đức Giê-su của Mác-ta còn là hành động can đảm. Vì Người khi ấy đang bị các đầu mục Do thái nghi kỵ theo dõi, và ai đón tiếp Người có thể bị coi là đồng đảng và có thể bị khai trừ khỏi hội đường nữa (x. Ga 9,22 ; 12,10.42). + Người em gái tên là Ma-ri-a: Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác với Ma-ri-a làng Mác-đa-la (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân mẫu Gia-cô-bê và Giô-sép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an (x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mác-ta, là chị của La-da-rô. Chính cô đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga 12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy: Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 8,35 ; Cv 22,3)

- C 40-42: + Em con để mình con phục vụ...: Mác-ta luôn tỏ ra quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên và lắng nghe lời Thầy đang khi cô phải vất vả lo dọn bữa ăn cho Người. Do đó cô đã yêu cầu Đức Giê-su cho Ma-ri-a xuống bếp giúp cô một tay. + Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi: Chuyện cần thiết duy nhất này là gì ? Đó là điều cô em Ma-ri-a đang làm: “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Đức Giê-su không đánh giá thấp việc nội trợ bếp núc của Mác-ta. Nhưng việc tìm biết thánh ý Thiên Chúa lại là điều duy nhất cần thiết. Hơn nữa, Lời Chúa là của ăn tinh thần nên có giá trị cao hơn của ăn vật chất như Người đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4) và “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).

4. CÂU HỎI: 1) Tin mừng đã kể ra mấy phụ nữ tên Ma-ri-a và các bà này liên quan thế nào với Đức Giê-su ? 2) Có mấy người phụ nữ đã xức dầu thơm cho chân Đức Giê-su ? 3) Đức Giê-su đã cho biết quan điểm thế nào giữa hai việc làm phục vụ Người: Một là việc phục vụ bàn ăn của Mác-ta và hai là việc ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người của Ma-ri-a?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10,39-40).

2. CÂU CHUYỆN: GIÁ TRỊ CỦA CẦU NGUYỆN.

PHÊ-ĐÊ-RIC Ô-DA-NAM (Federic Ozanam), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi đang là sinh viên đại học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pa-ri. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra đó không ai khác hơn là nhà bác học Ăm-pe (Ampère), giáo sư của anh, một nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan sát nhà bác học khi ấy đang cầu nguyện rất sốt sắng. Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây ?” Chàng thanh niên nhỏ nhẹ thưa: “Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi thầy một vấn đề về đức tin !” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp: “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo đức chuyên cần cầu nguyện hay không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc: “Con ơi! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”.

3. SUY NIỆM:

1) Về hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a : Câu chuyện được Lu-ca đặt trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su (c 38). Làng Bê-ta-ni-a là một trong những nơi Đức Giê-su đi ngang qua trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x Lc 13,22). Chính trong ngôi nhà của ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô này mà Đức Giê-su sẽ cho biết thái độ nào cần thiết để đón nhận được Tin Mừng Nước Thiên Chúa ấy.

- “Thầy chẳng quan tâm”: Mác-ta đã tỏ thái độ bất mãn trước sự thờ ơ của Đức Giê-su và của cô em Ma-ri-a khi để mặc cô phải làm bữa một mình. Cô nhờ Đức Giê-su nhắc Ma-ri-a giúp cô. Trong câu trả lời, Đức Giê-su cho biết đâu là thái độ Người muốn (c 41). Đức Giê-su không bác bỏ việc vất vả làm bữa phục vụ của Mác-ta, nhưng Người muốn cô nhận biết đâu mới là việc tốt nhất và cần thiết để có được Nước Thiên Chúa làm phần sản nghiệp của mình. Khi nhận xét về thái độ của Mác-ta, Đức Giê-su dùng từ “nhiều chuyện”, nghĩa là quá lo lắng về việc phục vụ bữa ăn cho Người.

- “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” : Đức Giê-su không chê trách thái độ phục vụ của cô chị Mác-ta, vì đó là dấu chỉ lòng mến cô đã dành cho Người. Tuy nhiên, qua thái độ của cô em Ma-ri-a, Đức Giê-su nhìn thấy một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe lời Chúa, đặt Chúa làm trung tâm cuộc đời của mình. Ở đây, Đức Giê-su muốn dùng Ma-ri-a làm mẫu gương cho các tín hữu chúng ta. Tuy đang sống giữa trần gian, phải tất bật lo tìm kiếm cái ăn cái mặc giống như cô Mác-ta, nhưng chúng ta cũng phải biết dành ra thời giờ để cầu nguyện, bằng việc lắng nghe lời Chúa và tâm sự với Người noi gương cô Ma-ri-a.

2) Về sự cầu nguyện trong cuộc đời người tín hữu:

- Gương sáng về sự cầu nguyện: Nhân vật thứ nhất là AM-PE, tên đầy đủ là André-Marie Ampère (1775–1836), một nhà vật lý lừng danh người Pháp, đã để lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học về điện học, nam châm điện... ang lại nhiều ích lợi cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng, Am-pe không coi những thành quả đó là lớn lao khi nói rằng: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Nhân vật thừ hai là Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta, một vị nữ tu thánh thiện sồng giữa đời thường. Mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Can-quýt-ta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đến “nhà hấp hối” để an ủi những kẻ đau liệt, Mẹ Tê-rê-sa đều cùng các chị em nữ tu trong nhà quì chầu Thánh Thể tại nhà nguyện một giờ đồng hồ.

- Ích lợi của sự cầu nguyện: Ngày nay, trong một thế giới thực dụng, coi trọng hiệu quả vật chất bề ngoài, Hội thánh đang có nhiều Mác-ta và có rất ít Ma-ri-a. Nhiều người đã coi việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện là xa xỉ phẩm, là mất thời giờ vô ích, là thái độ ù lì thụ động. Nhưng thực ra có hành động nào hiệu quả bằng nghe và thực hành Lời Chúa ? Hoạt động tông đồ là mang tình yêu Chúa đến với tha nhân. Vậy tại sao chúng ta lại không múc đầy tình yêu nơi Thánh Tâm Chúa là suối nguồn yêu thương vô tận. Cho dù hoạt động truyền giáo, từ thiện bác ái, hay sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cũng đừng quên “chọn phần tốt nhất” này. Hãy nhớ Lời Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

- Sự cần thiết phải cầu nguyện: Đôi tay của cô Mác-ta phục vụ bữa ăn cho Đức Giê-su là việc làm quan trọng và không thể thiếu để phục vụ Chúa về phần thể xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của cô Ma-ri-a lại quan trọng và cần thiết hơn vì nó mang lại sự sống đời đời như lời Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay (x Lc 10,42).

- Tập cầu nguyện ngay khi đang làm việc: Một Hội thánh sẽ trở nên quân bình khi có cả Mác-ta và Ma-ri-a. Một tín hữu sẽ quân bình khi vừa chu tòan các việc bác ái tông đồ phục vụ Chúa và tha nhân, nhưng đồng thời còn phải luôn sống cầu nguyện hiệp thông với Người. Đừng đợi tới khi rảnh việc mới đến gặp Chúa, vì chính khi đang bận rộn làm việc lại là lúc chúng ta cần tới sự nâng đỡ của Chúa hơn cả.

TÓM LẠI: Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thống nhất đời sống: Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành một ít giờ phút cho việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại, chúng ta dành cho các sinh hoạt khác. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt đời thường như: ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc... kia trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ, bằng việc dâng ngày mỗi buổi sáng khi vừa thức giấc, bằng những lời nguyện tắt dâng lên Chúa trước mỗi công việc… Nhờ đó, chúng ta sẽ biến những việc làm ấy trở thành lễ vật hy sinh, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu Chúa Giê-su đang được dâng trên các bàn thờ mỗi ngày. Nhờ đó chúng ta mới có sự sống đời đời như lời Chúa dạy.

4. THẢO LUẬN: 1) Qua Lời Chúa dạy hôm nay, bạn thấy cầu nguyện có cần thiết không ? Mỗi ngày bạn thường cầu nguyện vào những lúc nào ? Bạn thường cầu nguyện bằng cách nào ? 2) Noi gương cô Ma-ri-a, có bao giờ bạn cầu nguyện bằng cách đọc một đoạn Tin mừng, sau đó suy nghĩ và cầu nguyện dựa theo ý tưởng mà Lời Chúa gợi ra hay không ? 3) Bạn có thể dùng cách nào để biến các việc làm hằng ngày trở thành lời cầu nguyện liên lỉ dâng len Thiên Chúa không ?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi con bị bao vây bởi những tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng bên Chúa. Khi con vất vả với trăm công nghìn việc, xin cho con biết quý trọng những lúc được an nghỉ bên Chúa. Khi con bị kéo ghì bởi những đam mê dục vọng, xin cho con được ơn giải thoát và bay lên cao nhờ biết kêu cầu Danh Chúa.

- LẠY CHÚA. Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả cuộc sống của con, để chúng con có thể cầu nguyện không ngừng trong cuộc sống hằng ngày như lời thánh Phao-lô đã dạy: "Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Lễ Chúa Cứu Thế: Ơn cứu chuộc chứa chan nơi người
Anmai, CSsR
08:25 16/07/2013
LỄ CHÚA CỨU THẾ

(Chúa Nhật tuần III trong tháng 7)

ƠN CỨU CHUỘC CHỨA CHAN NƠI NGƯỜI

Ga 3, 13-18.21

Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị luận phạt; nhưng kẻ không tin, thì bị luận phạt rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Trong dòng chảy lịch sử cứu độ, chúng ta bắt gặp được Lời Chúa nói với chúng ta. Chúa hiện diện với chúng ta qua lời của Ngài.

Trong kho tàng Thánh Kinh, ta thấy được tâm tình của dân Thiên Chúa. Lúc thì như có vẻ trách móc sao Thiên Chúa bỏ dân nhưng có những lúc dân lại cảm nghiệm được tình thương của Ngài.

Đặc biệt trong lúc chơi vơi, trong lúc kêu cứu, tâm tình tin tưởng của Dân Chúa đã được biệu lộ rõ ràng. Có một số Thánh vịnh đề cao đặc biệt tâm tình này, khiến chúng ta gặp được một nền đạo đức thiêng liêng thật siêu thoát. Có lẽ loại Thánh vịnh này phát xuất từ môi trường Lêvi. Qua các bài thơ, bài hát, chúng ta như được chia sẻ sự an bình, thanh thản và niềm vui nội tâm bất tận của những con người đã chọn Chúa làm gia nghiệp, tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngoài chiều kích nội tâm sâu xa, chúng ta còn thấy được niềm tin kiên vững của vịnh gia giữa bao gian truân, uẩn khúc của cuộc đời. Niềm vui, sự an bình của những con người có đời sống nội tâm kết hợp với Thiên Chúa còn được phơi bày ra qua lòng yêu mến, gắn bó của họ với đền thờ, nơi Chúa ngự. Từ đó họ thường kết thúc bài Thánh vịnh tin tưởng bằng cách mời gọi mọi tìn hữu hãy tìm cách nương thân nơi Thiên Chúa bằng cách ẩn náu nơi nhà Chúa.

Dừng lại một chút để chúng ta nghe, đọc, suy gẫm Thánh Vịnh 130.

Thánh Vịnh 130 (129) (Psalm 130, cũng được dùng làm Kinh Vực Sâu - De Produndis) là một trong 15 Thánh Vịnh Lên đền (Từ thánh vịnh 120 cho đến 134) và là một trong 7 Thánh Vịnh Sám hối. Bản Thánh Vịnh này cũng nằm trong Kinh Thần vụ, thường được đọc hay hát trong giờ kinh chiều và luôn luôn được đọc hay hát trong kinh Thần vụ cầu cho người qua đời.

Nội dung của Thánh Vịnh này là cầu xin Thiên Chúa khoan dung, cũng như tỏ bày lòng tín nhiệm vào Thiên Chúa. Thánh vịnh này nói lên niềm hy vọng ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Ở một số nơi, người ta đọc Thánh Vịnh này trước 9 giờ tối, khi chuông nhà thờ đổ. Còn ở Ireland, Thánh Vịnh này thường được đọc trong thánh lễ sau bài Phúc Âm cuối lễ để cầu cho các nạn nhân bị bắt/bách đạo trước kia.

Theo "Chỉ nam các ân xá" mới được duyệt lại thì Giáo Hội Công Giáo đồng ý ban ơn tiểu xá cho tín hữu mỗi khi đọc Thánh Vịnh 130 này.

Tiếng kêu từ vực thẳm

Ca khúc lên Đền.

Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,

muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.

Dám xin Ngài lắng tai để ý

nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,

nào có ai đứng vững được chăng?

Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ

để chúng con biết kính sợ Ngài.

Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,

cậy trông ở lời Người.

Hồn tôi trông chờ Chúa,

hơn lính canh mong đợi hừng đông.

Hơn lính canh mong đợi hừng đông,

trông cậy Chúa đi, Israen hỡi,

bởi Chúa luôn từ ái một niềm,

ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Chính Người sẽ cứu chuộc Israen

cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Giê-su)" (Dt 1,1-2).

Thánh Tử Giêsu không chỉ phán dạy bằng lời mà phán bằng chính cuộc đời của Ngài.

Sinh ra vì tình yêu, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.

Trên đồi cao, trong gió lao xao gọi mời tình yêu

Giêsu gục ngã, treo thân thập giá dang cánh tay ôm tội đọa đầy

Thân tàn hơi con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi

Ôi nhân loại hỡi, sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi

Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian

Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu

Để cứu muôn người lỗi tội

Đưa về trời đẹp tươi

Trên đồi cao trong tiếng ngân chuông chiều vọng tình yêu

Giêsu lặng lẽ, môi khô bờ hé, tim nát tan gai nhọn bạo tàn

Ân tình sâu ai có mau quay về nguồn yêu thương

Ôi Cha Người hỡi xin tha lầm lỗi những tháng năm ru đời biệt tăm

Chúa đã chết cho tình yêu.

Vì tội lỗi, vì kiêu căng, con người đã treo Đấng Cứu Độ trần gian trên cây thập giá nhưng chính từ cây thập giá, ơn cứu độ lại trào tràn cho muôn dân.

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe thánh Gioan thuật lại : Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị luận phạt; nhưng kẻ không tin, thì bị luận phạt rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Họ sẽ nhìn lên chính Đấng mà họ đâm thâu. Như xưa con rắn đồng được treo lên để ai bị rắn cắn sẽ được chữa lành thì con người tội lỗi ngày hôm nay nhìn lên cây thập giá hay nói đúng hơn là nhìn lên Đấng treo trên thập giá và tin và Đấng ấy thì sẽ được cứu độ.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa trào tràn từ cây thập giá, từ Đấng chịu treo trên đó : “Ơn cứu độ chứa chan người Người”

Chúng ta còn nhớ hình ảnh của anh trộm lành trên đồi Gôngôta ngày xưa. Ý thức được thân phận tội lỗi của mình để rồi anh xin với Chúa Giêsu : "Khi nào Ngài vào Thiên Đàng, xin hãy nhớ đến tôi". Chúa Giêsu quay qua bên anh và nhìn anh, thỏ thẻ nói với anh: "Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta".

Lời hứa cứu độ được trao ban cho người trộm lành, cho con người tội lỗi.

Ơn cứu độ từ cây thập giá lan tràn.

Thâp Giá Đức Ki-tô, niềm vinh dự của ta.

Thập giá Đức Ki-tô, đã khơi nguồn ơn thánh hóa.

Nhờ máu nước tim Ngài, từ khổ giá tuôn trào mà Ngài thương giải thoát cứu độ ta.

Chính Thánh Phaolô đã xác nhận niềm tin vào ơn cứu độ đó qua tâm tình của Ngài gửi cho Timôtê : Đây là lời đáng tin đáng nhận, Chúa Giêsu đã chết và sống lại để cứu những người tội lỗi và người đầu tiên đó là tôi.

Trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô : “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên thập giá” (1Cr 2, 2).

“Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng Thiên Chúa để xử sự với anh em” (2Cr 13, 4).

“Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8 nhưng chính vì thế mà Đức Giêsu Kitô được siêu tôn là Chúa. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19).

“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”(Cl 1,24).

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”(Gl 6,14).

Nhìn lại chặng đường đã qua, dân Do Thái trong Cựu Ước tiêu biểu qua các vịnh gia, trên đỉnh đồi thập giá qua người trộm lành và qua người môn đệ đầy yếu đuối như Phaolô chúng ta lại có quyền tin nhận và hy vọng ơn cứu độ chứa chan nơi Người từ Người treo trên Thập giá, Người bị thiên hạ đâm thâu.

Ngày hôm nay, chúng ta dừng lại, chúng ta nhìn lên cây thập giá, nhìn lên Đấng Cứu Độ trần gian, nhìn lên Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người đó tâm tình chúng ta như thế nào ? Có hy vọng, có tin vào nguồn ơn cứu độ đó hay lại cứ loay hoay mãi đi tìm cái gì khác ngoài ơn cứu độ.

Dĩ nhiên, trong cái thời đại chạy theo danh vọng, chạy theo đồng tiền, chạy theo chức quyền mà nói về ơn cứu độ quả là khó. Khó nói lắm bởi lẽ thực tế cái người ta đi tìm là đi tìm vinh quang của thế gian, lợi lộc của trần gian chứ người ta không đi tìm cái Đấng mà người ta treo trên thập giá nữa. Nếu thật lòng người ta đi tìm Đấng mà người ta treo trên thập giá, tìm Nguồn Ơn Cứu Độ chứa chan nơi Người thì cuộc sống của ta sẽ khác.

Vẫn là con người mang trong mình phận yếu đuối của con người để chúng ta vẫn còn lần bước trong những thực tại của trần gian, của cơm áo gạo tiền. Dĩ nhiên tất cả những thứ đó cần cho cuộc sống của chúng ta nhưng nó không phải là căn cốt, là cùng đích của đời ta.

Chuyện quan trọng, chuyện căn cốt của cuộc đời này đó là được cứu độ hay bị hư mất mà thôi. Giàu sang, phú quý, nghèo hèn, cuối cùng cũng phải trở về với cát bụi mà thôi. Và vì thế, chuyện quan trọng, chuyện căn cốt là ta có tin vào Đấng Cứu Độ trần gian để được cứu hay bị hư đi mà thôi.

Dòng Chúa Cứu Thế ! Rất hãnh diện được mang tên Chúa Cứu Thế, được ghi dấu Chúa Cứu Thế trên đời mình.

Tất cả tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế trong tu viện cũng như những ai hay lui tới với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng được gọi là những người con của Chúa Cứu Thế ngoài tu viện cũng hãnh diện về danh hiệu, về tước hiệu Chúa Cứu Thế trên đời mình.

Chúng ta có quyền hãnh diện nhưng chúng ta cũng phải dừng lại để xét lại niềm tin, niềm trông cậy, niềm hy vọng của chúng ta vào ơn cứu độ chứa chan nơi Người.

Đừng mang tên Dòng Chúa Cứu Thế, con cái Chúa Cứu Thế như là cái nhãn, cái mác hay là cái tên như để trang trí bên mình nhưng hãy sống hãy diễn tả niềm tin vào Ơn Cứu Chuộc chan chứa nơi Người bằng chính đời sống đượm tình bác ái yêu thương của chúng ta.

Hãy cùng với tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cất lên lời nguyện xin :

Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội, Chúa đã muốn cho gia đình Dòng Chúa Cứu Thế được khai sinh như một cây nho chính tay Chúa trồng và săn sóc từ thuở ban đầu cho đến ngày nay.

Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này. Bao lần, Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại. Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn. Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho tay phải, Chúa đã vun trồng, xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh, hoa tốt để mang lại cho thế giới những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.

Xin Chúa thương gìn giữ anh em tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế trong tu viện cũng như ngoài tu viện trong tình yêu thương chan chứa của Ơn Cứu Chuộc Chúa Chan nơi Đức Kitô.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn lên án vụ hãm hiếp tập thể một nữ tu
Đặng Tự Do
07:33 16/07/2013
ĐHY Oswald Gracias
Đức Hồng Y Oswald Gracias của tổng giáo phận Mumbai hay còn gọi là Bombay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, đã lên án vụ một nhóm Ấn Giáo cực đoan đã hãm hiếp một nữ tu ở bang Orissa phía đông Ấn Độ.

"Tôi cực lực lên án vụ hãm hiếp tập thể một nữ tu trẻ. Vụ hãm hiếp này là chủ nghĩa khủng bố cả về thể lý lẫn tinh thần."

Ngài nói tiếp:

"Vụ tấn công vào một nữ tu trẻ của chúng tôi là hành động tàn ác gây đau thương cho người đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Hãm hiếp là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự vi phạm độc ác chống lại danh dự của phụ nữ và phản ánh tình trạng thê thảm của phụ nữ trong xã hội, trong cộng đồng và đất nước chúng ta."

Người Công Giáo tại Orissa đã hết sức phẫn nộ vì một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7. Ngày 13 tháng 7 sau khi được thả, chị đã báo cáo với cảnh sát. Hai tên đã bị bắt.

Đây không phải là lần đầu tiên một nữ tu Công Giáo bị bắt cóc và bị hãm hiếp. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

Đức Hồng Y nói thêm:

"Sự thờ ơ của các cơ quan chính phủ thật là kinh khủng. Có một sự chà đạp nghiêm trọng pháp luật và tình hình trật tự ở Kandhamal. Biến cố đau thương này không phải là một trường hợp vi phạm cá biệt. Cuối tháng Mười năm ngoái, hai cô gái Công Giáo mới 13 tuổi đã bị hãm hiếp tại Kandhamal."
 
Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng với các nhân viên dịch vụ tại Castel Gandolfo.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
09:58 16/07/2013
CASTEL GANDOLFO (Zenit.org) –
Trước hết tôi muốn cám ơn Giám Mục Albano, Thị Trưởng Castel Gandolfo và Giám đốc Nhà Nghĩ Giáo Hoàng, vì sự đón tiếp chân tình của các vị, là điều giải thích những tâm tình của tất cả anh chị em và của tất cả các công dân. Tôi cám ơn từng người và tất cả mọi người trong anh chị em vì sự tiếp đón này.

Tôi đến đây dể gặp gỡ các công dân Castel Gandolfo, với những người hành hương và tất cả khách thăm viếng là những người yêu mến chỗ này. Họ được thích thú bởi vẻ đẹp của nó, họ gặp may để nghỉ tại đây…Nhưng tôi cũng đến để bày tỏ với anh chị em, là những lẻ làm việc tại Nhà Giáo Hoàng, lòng biết ơn của tôi đối với công việc quí báu của anh chị em. Và với anh chị em tôi chào và biết ơn những gia đình anh chị em, những gia đình bằng cách nào đó tham dự trong việc phục vụ của anh chị em cho Tòa Thánh. Xin Chúa giúp đỡ anh chị em mãi mãi, giúp đỡ việc làm của anh chị em và sư sống gia đình của anh chị em ; xin Chúa ban cho anh chị em ân sủng của Người và đồng hành anh chị em trong tình yêu phụ tử của Người.

Tôi nghĩ tới toàn thể Giáo Phận Albano, và tôi khuyên các thành viên đổi mới với niềm vui trong sự cam kết của họ về việc công bố và minh chứng cho Tin Mừng.

Tôi ngõ lời cám ơn chân thành tới Bà Milvia Monachesi, Thị Trưởng thành phố này, và toàn thể ban hành chánh , vì công việc giúp cộng đồng. Tôi xin Bà gởi lời chào chân tình của tôi và sự bảo đảm trong kinh nguyện của tôi cho toàn thể dân chúng, là những người tôi khuyến khích nên một dấu hy vọng và hoà bình, luôn luôn lưu ý tới những người và những gia đình đang ở trong sự khốn khổ hơn hết. Điều này là quan trọng! Chúng ta phải luôn luôn nên một dấu hy vọng và hoả bình trong lúc này. Hãy mở cửa cho hy vọng, hầu sự hy vọng đi tới, và phổ biến hoà bình , mãi mãi!

Trong lúc này, những ý nghĩ của tôi quay về Chân Phước Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI, những vị đã thích trải qua mùa hè tại đây trong nhà nghĩ giáo hoàng này. Nhiều người trong anh chị em có khả năng gặp các ngài và đón tiếp các ngài, và tích trữ một kỷ niệm thân yêu. Mong sao chứng từ của các ngài luôn luôn nên một sự khích lệ anh chị em trong lòng trung với Chúa Kitô và trong sự cố gắng liên tục sống một sự sống nhất quán với những đòi hỏi của Tin Mừng và những huấn giáo của Giáo Hội.

Anh Chị Em thân yêu, tôi giao phó anh chị em cho sự phù hộ hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria –Đấng chúng ta sẽ tôn kính là Trinh Nữ Núi Carmel trong hai ngày nữa- hầu anh chị em có thể có khả năng thực hiện những nhiệm vụ của anh chị em trong lợi ích và bình thản. Mong sao Đức Bà của chúng ta luôn luôn canh phòng anh chị em và các gia đình anh chị em! Xin cũng cầu nguyện cho tôi –tôi cần sự này- và cho việc phục vụ của tôi. Tôi đổi mới với tất cả anh chị em và tôi chúc lành anh chị em từ tấm lòng tôi. Chân thành cám ơn !
 
Đại hội giới trẻ thế giới mang dấu ấn tử đạo
Lê Đình Thông
13:38 16/07/2013
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI MANG DẤU ẤN TỬ ĐẠO

16/07 - 7 ngày trước Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio, Giáo Hội hoàn vũ đã cử hành lễ kính trọng thể chân phước André de Soveral, Ambroise-François Ferro và 28 bạn tử đạo tại Brazil.

30 anh hùng tử đạo Brazil bị các thành phần Tin lành cực đoan Hòa Lan hành hình tại Cunhau và Uruacu dưới thời thuộc địa. Trong số có một người Bồ Đào Nha, một người Tây Ban Nha, một người Pháp, 27 người Brazil. Trong thực tế, số người tử đạo còn cao hơn nhiều.

Linh mục André de Soveral người Brazil, sinh ở Sao Vicente. Linh mục Ambrosio Francisco Ferro người Bồ Đào Nha. Cuộc thảm sát theo lệnh của Jaco Rabe. Các lính Hòa Lan bao vây nhà thờ Công Giáo, tàn sát các tín hữu đang dự thánh lễ Chúa Nhật. Cha André nhắc nhở các tín hữu xin Chúa tha tội trước khi bị hành hình tập thể. Trưiớc khi bị móc tim, chân phước Matias Moreira đã ca ngợi Thánh thể. Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại tấm gương của chân phước Moreira nhân lễ bế mạc Đại hội Thánh thể Quốc tế. Lễ phong chân phước tử đạo Brazil đã được cử hành vào Năm Thánh 2000.

Măt khác, một mảnh áo của thánh nữ Têrêxa, bổn mạng JMJ, sẽ được đặt trong Nhà nguyện Thiên triệu ở Rio. Thánh tích này được đưa từ Lisieux, đến Rio ngày 29/07/2013, với sự hiện diện của hai nữ tu Marie-Christine và Dominique Menvielle đại diện Đền thánh Têrêxa ở Lisieux. Theo linh mục Arnaldo Rodriques, giám đốc ủy ban tổ chức, thánh tích của thánh Têrêxa và chân phước Gioan-Phaolô II sẽ được cung nghóinh tại các thánh đường tại Rio.
 
Phỏng vấn: Thông điệp ”Lumen fidei - Ánh sáng đức tin”
Linh Tiến Khải
10:10 16/07/2013
Phỏng vấn giáo sư Elio Guerriero, thần học gia kiêm sử gia Giáo Hội

Ngày mùng 5-7-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp ”Lumen fidei - Ánh Sáng Đức Tin” bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Cách đây ít lâu Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Thông điệp này được viết bằng ”bốn tay”, nghĩa là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã soạn thông điệp nhân dịp chuẩn bị kết thúc Năm Đức Tin, nhưng chưa hoàn thành. Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng tài liệu này để hoàn thành Thông điệp, và nó cũng trở thành Thông điệp đầu tiên của ngài.

Nó thuộc bộ ba Thông điệp mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI dành cho ba nhân đức đối thần là đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Đó đã là ý hướng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhưng sau khi suy tư về đức Ái và đức Hy vọng, ngài đã không thể kết thúc suy tư về đức Tin, trước khi từ nhiệm sứ vụ Phêrô ngày 11-2-2013 và bắt đầu có hiệu lực từ lúc 20 giờ ngày 28-2-2013.

Trong 8 năm làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố ba Thông điệp. Thông điệp đầu tiên đề ngày ngày 25 tháng 12 năm 2005 nhưng ban hành vào tháng Giêng năm 2006 tựa đề ”Deus caritas est”. Thông điệp thứ hai tựa đề ”Spe salvi” công bố ngày 30 tháng 11 năm 2007. Và thông điệp thứ ba ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2009 tựa đề ”Caritas in veritate”. Đây là thông điệp về giáo huấn xã hội của Hội Thánh và gắn lién với Thông điệp ”Populorum progressio” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố năm 1968. Tài liệu này của Đức Phaolô VI duy trì nguyên vẹn giá trị của nó trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay.

Thông điệp ”Lumen fidei - Ánh sáng đức tin” gồm 59 số. Ngoài phần mở đầu (các số 1-7) và kết luận (các số 58-59), Thông điệp chia làm bốn chương. Chương I tựa đề ”Chúng tôi đã tin vào tình yêu” (các số 8-22) nhắc tới tổ phụ Abraham như là cha của các kẻ có lòng tin, đức tin của dân Israel, sự tràn đầy trong đức tin kitô, ơn cứu rỗi nhờ lòng tin, hình thức Giáo Hội của đức tin. Chương hai có tựa đề ”Nếu anh em không tin anh em sẽ không hiểu” (các số 23-36) khai triển các tương quan giữa đức tin và chân lý, sự hiểu biết chân lý và tình yêu thương, đức tin như là sự lắng nghe và nhìn thấy, đối thoại giữa đức tin và lý trí, đức tin và việc tìm kiếm Thiên Chúa, đức tin và thần học. Chương ba tựa đề ”Tôi thông truyền cho anh em điều tôi đã nhận được” (các số 37-49) trình bầy Giáo Hội như là mẹ đức tin của chúng ta, các bí tích và việc truyền đạt đức tin, đức tin cầu nguyện và Mười Điều Răn, sự hiệp nhất và toàn vẹn của đức tin. Chương bốn tựa đề ”Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một kinh thành” nói tới đức tin và công ích, đức tin và gia đình, một ánh sáng cho cuộc sống trong xã hội, một sức mạnh ủi an trong khổ đau.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Elio Guerriero, thần học gia kiêm sử gia Giáo Hội về Thông điệp ”Ánh Sáng Đức Tin”.

Hỏi: Thưa giáo sư Guerriero, giáo sư nghĩ gì về Thông điệp có ”bốn tay viết” này?

Đáp: Đây là một thí dụ và là biến cố của sự ”hiệp thông Giáo Hội”, một Thông điệp do hai Giáo Hoàng viết. Nó là một ơn thánh Chúa ban cho chúng ta.

Hỏi: Đây có phải là một biến cố ngoại thường chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội hay không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng thế. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử qúa khứ, thì chỉ thấy các thí dụ tiêu cực thôi. Qúy vị hãy nghĩ tới trường hợp của Đức Giáo Hoàng Celestino V, là vị Giáo Hoàng duy nhất đã khước từ sứ vụ Phêrô một cách tự do như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI; và Đức Celestino V đã bị Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII nhốt tù vì sợ xảy ra một vụ ly giáo. Hay qúy vị hãy nghĩ tới thời gian các Giáo Hoàng phải sống tại Avignon bên Pháp, với hai rồi ba vị Giáo Hoàng chống đối nhau. Tội đọc hiểu việc chọn Đức Thánh Cha Phanxicô như là một việc trở lại thời Giáo Hội của các Tông Đồ.

Hỏi: Giáo sư hiểu nó như là thời Giáo Hội khai sinh?

Đáp: Vâng, đúng như thế. Ngoài ra có vài thư của thánh Phaolô đã được viết cùng với Sostene hay với Timôthê. Dĩ nhiên, đây là các biến cố khác, nhưng tôi đọc hiểu nó như là một ơn Thiên Chúa ban. Cũng như đã xảy ra hồi năm 1965 khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Costantinopoli Atenagora cùng ký vào thư chung hủy vạ tuyệt thông xảy ra hồi năm 1054.

Hỏi: Như thế Thông điệp do ”bốn bàn tay viết” là một dấu chỉ của sự hiệp thông Giáo Hội?

Đáp: Sự lựa chọn của Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ có nghĩa là kết thúc một tài liệu đã được Đức Thánh Cha Buiển Đức XVI bắt đầu, nhưng còn và cũng muốn nói rằng tiếp nhận thông điệp đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bắt đầu và hoàn tất nó như dấu chỉ của sự tiếp nối và hiệp thông.

Hỏi: Như thế nó là một tài liệu trộn lẫn sự nhậy cảm của cả hai vị Giáo Hoàng?

Đáp: Chắc chắn là nó diễn tả một sự hiệp thông lớn và một sứ điệp Giáo Hội đặc biệt. Cũng như trường hợp một Giám Mục rời chức vụ của mình và có một Giám Mục khác thay thế, chính trong sự tiếp nối mà tôi đã nói tới trên đây.

Hỏi: Nhưng mà trong các thông điệp người ta tìm thấy nhiều điều từ lịch sử cá nhân của Đức Giáo Hoàng có phải vậy không, thưa giáo sư?

Đáp: Tôi nghĩ rằng mỗi một vị Giáo Hoàng có cung cách riêng và nhân phẩm của mình, biểu lộ ra từ các thông điệp các ngài công bố. Nhưng đồng thời tôi cũng đọc thấy sự tiếp nối tư tưởng lớn trong vài đề tài. Chúng ta hãy lấy thông điệp đức tin này làm thí dụ. Về đề tài đức tin làm sao mà không nhớ đến tông huấn ”Evangelii nuntiandi” Đức Phaolô VI ban hành tháng 12 năm 1975 được - như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc tới. Trong đó Đức Phaolô VI nói đến sự cần thiết ngày nay phải có một kiểu mới trong việc loan báo Tin Mừng. Đề tài này là nền tảng Tông thư Tự sắc ”Porta Fidei - Cánh cửa đức tin” được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố hồi tháng 10 năm 2011. Và giờ đây là thông điệp về đức tin.

Hỏi: Trong lịch sử của Giáo Hội đã có trường hợp các Giáo Hoàng lấy lại các tài liệu hay các thông điệp mà vị tiền nhiệm đã không hoàn thành và bổ túc chúng hay không thưa giáo sư Guerriero?

Đáp: Có thể nói tới các sợi chỉ đỏ chạy dọc vài đề tài lớn, mà các Giáo Hoàng khác nhau đã muốn diễn tả tư tưởng của các vị. Hãy nghĩ tới đề tài giáo lý xã hội của Hội Thánh, khởi đầu với Thông điệp ”Rerum novarum” ”Tân Sự” của Đức Giáo Hoàng Leô XIII công bố năm 1891. Nó tìm thấy tiếng vang trong thông điệp ”Quadragesimo - Năm thứ bốn mươi” đo Đức Giáo Hoàng Pio XI ban hành năm 1931; rồi vang vọng trong Thông điệp ”Mater et magister - Mẹ và thầy” do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố năm 1963; tiếp đến là trong Tông thư ”Octogesima adveniens - Đến năm thứ tám mươi” do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố năm 1971; và trong Tông thư ”Centesimus annus - Năm thứ một trăm” do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1991, sau đó lại vang vọng trong Thông điệp ”Caritas in veritate - Bác ái trong Chân lý” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố năm 2009.

Hỏi: Thưa giáo sư có phải Thông điệp về Đức Tin nằm trong ba thông điệp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nghĩ tới về đức tin, đức cậy và đức mến hay không?

Đáp: Đây là một sự kiện mà tôi muốn nêu bật. Thật vậy, với quyết định này Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ hạn chế trong việc bổ túc một tài liệu đã do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chuẩn bị, nhưng cũng bao gồm việc chia sẻ một chương trình tái phát động đức tin, mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã có trong tâm trí. Chính ở điểm này tôi đọc hiểu ý muốn của một mong ước chung tiếp: đó là tục việc loan báo đức tin để phục vụ Giáo Hội, phục vụ các tín hữu và cũng phục vụ toàn thế giới nữa. (Avvenire 14-6-2013)
 
Đức Thánh Cha: Hãy cầu xin ân sủng để đừng sợ canh tân Phúc Âm, thay đổi các cơ cấu lỗi thời .
Pt Huỳnh Mai Trác
11:40 16/07/2013

Đức Thánh Cha: Hãy cầu xin ân sủng để đừng sợ canh tân Phúc Ậm, đừng sợ hãi sự đổi mới của Chúa Thánh Thần, cũng như đừng sợ hãi thay đổi những cơ cấu già nua lỗi thời đang vây phủ chúng ta . . .

Chúng ta đừng sợ hãi đổi mới những cơ cấu của Giáo Hội . . . Là người Công Giáo không chỉ “thi hành các điều răn sẵn có”, nhưng còn thực hành những điều mới mẽ được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần . Rượu mới phải đựng trong bình mới, như lời Chúa Giêsu phán trong Phúc Âm ngày hôm nay .

Đức Thánh Cha ngừng lại về việc đổi mới mà Chúa Giêsu mang đến . “tinh thần luật lệ được Chúa Giêsu làm cho thêm phong phú, Chúa đã đổi mới tất cả mọi sự . Các đòi hỏi của Chúa thật là mạnh mẽ, lớn lao hơn cả lề luật” . Lề luật cho phép thù ghét kẻ thù, còn Chúa Giêsu thì dạy hãy cầu nguyện cho kẻ thù .
Chính là” triều đại của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã rao giảng” . Một sự đổi mới trước tiên được xẩy ra trong tim của chúng ta”.

“Chúng ta nghĩ là người Công Giáo chúng ta phải làm điều này điều khác . Nhưng không phải như vậy .
Là người Công Giáo chúng ta phải để Chúa Gie6su làm mới lại cuộc đời của chúng ta . Tôi là người Công Giáo tốt, mỗi ngày Chúa Nhật, từ 11 giờ đến trưa, tôi đi dự thánh lễ, tôi làm viêc này, việc kia kê khai một danh sách . . .

Đời sống của người Công Giáo không phải là môt sưu tập . Nhưng là một sinh họat tòan diện hài hòa. Do Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn! Không thể là một người Công Giáo bán thời gian, điều này không thể chấp nhận được! Mà phải tòan diện,trong mọi thời gian .Và việc đổi mới nàydo chính Chúa Thánh Thần sửa sai . Dùng lời của Chúa Giêsu, . . .Đức Thánh Cha nói: “Là người Công Giáo, phải trở thành một thứ rượu mới” .

“Trong đời sống người Công Giáo cũng như đời sống của Giáo Hội, có những cấu trúc cổ xưa, những cơ cấu già nua: điều cần thiết là phải đổi mới! Và Giáo Hội luôn chú trọng điều này , là luôn cởi mở đối thọai với tất cả mọi nền văn hóa” .

“Giáo Hội luôn tựdo: Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội tiến tới . Tin Mừng dạy cho chúng ta điều đó: tự do để tìm kiếm những điều mới mẽ trong Phúc Âm, trong đời sống của chúng ta, cũng như trong các cơ cấu tổ chức” . . .

Chúng ta hãy cầu xin ân sủng là đừng sợ hãi sự mới mẽ của Phúc Âm, cũng đừng sợ hãi sự canh tân của Chúa Thánh Thần, cũng như là hủy bỏ những cơ cấu lỗi thời giam hãm chúng ta . . .(News.va)
 
Top Stories
Aparecida awaits Pope Francis
Vatican Radio
11:46 16/07/2013
2013-07-16 Vatican - As Pope Francis prepares to travel to Brazil for the upcoming World Youth Day celebrations we bring you this Vatican Radio English translation of an interview done in Portugese with Cardinal Raymundo Damasceno Assis, Archbishop of Aparecida

Q: On July 24, the Pope will be in Aparecida.What will happen on this day?

A: I met Pope Francis at the Domus Sanctae Marthae, where I stayed this week, and found him very peaceful and happy about his trip to Brazil - Rio de Janeiro for the World Youth Day and in Aparecida for the visit to the National Shrine . The Pope wants to express his love and his devotion to Our Lady, called in Brazil under the title "Our Lady of Aparecida", the patron saint of all our country and our people. The Holy Father will arrive in Aparecida around 10:00 am and Mass will begin at 10:30 am inside the Basilica. The Holy Father also told me that at the end of the celebration, he will look down from the balcony (christened with the name of Pope Benedict XVI) to pray with the faithful outside the Sanctuary who will follow the Mass on giant screens. The Pope does not remain aloof from the people. In addition to this meeting to be held immediately after the Mass, the Pope will travel in the 'Popemobile' to the line that separates the Basilica of the Seminary. The same will happen in the afternoon when Pope Francis will do the reverse path from the seminary to the Basilica to take the helicopter that will bring him back to Rio de Janeiro. Pope Francis will remain throughout the afternoon at the Seminary, where he will have lunch together with his entourage and in the company of seminarians. It will be a private dinner. After there is a moment of rest. The Pope will bless an image of St. Anthony de Santana Galvão (Frei Galvão, the first Brazilian saint, who was canonized by Pope Benedict XVI in 2007 in São Paulo), born in the city of Guaratinguetá, and is part of the Archdiocese of Aparecida. This image will then be carried in procession, probably in October, during the feast of the saint, in the place where in future there will be a shine built dedicated to him. Again at the seminary, Pope Francis will receive three nuns from cloistered monasteries of our region.

Q: Before Mass, there will be a moment of prayer before the image of Our Lady of Aparecida ...

Before the Mass, the Pope will stop in the Chapel of the Apostles to contemplate the original image of Our Lady of Aparecida. The throne of the image is mobile, so if the Pope wants to, it can be turned, so that the image of the Madonna can be directed towards Chapel for him to say this prayer of consecration to Our Lady in the presence of guests and the priests that will be present. This consecration will, in practice, be the same as we do, although there will be slight variations. After the consecration, this will become the new official prayer that we will do every time at the end of a Mass to consecrate the people of Our Lady of Aparecida.
 
SECAM African Bishops call upon African leaders to serve the interests of the people
Vatican
11:48 16/07/2013
Vatican City, 13 July 2013 (VIS) – The African bishops have concluded the 26th plenary meeting of the Symposium of Episcopal Conferences of Africa and Madagascar (SECAM), calling upon the political leaders of the continent to work not in their own interests, but for the benefit of all the African population. The theme of the plenary was “The Church, the family of God in Africa at the service of reconciliation, justice and peace”, and its aim was to adopt new pastoral orientations for reconciliation through the Gospel.

The prelates, who met in Kinshasa, Congo, from 9 to 14 July, invited Africans to commit themselves urgently to the struggle for a just social order and to enable the rights proper to human dignity to be enjoyed by all, in all areas of life. They also called for an end to the war in the Democratic Republic of Congo, that has been destroying the country for years and which has caused millions of deaths and serious human rights violations, in addition to the rape of thousands of women and girls. “We cannot remain silent before a drama which appears to have been forgotten”, said the bishops. “We launch an urgent appeal to the United Nations, the European Union, the African Union and the governments of other countries in any way involved to take resolute action to bring an end to this war which has already lasted too long”.

The bishops also focused on the situations in the Central African Republic, the countries of the Horn of Africa, Mali, Nigeria, South Sudan, Madagascar, Rwanda, Uganda, Tunisia and Egypt.
 
Conference of European Churches adopts new constitution
Vatican
11:49 16/07/2013
Vatican City, 13 July 2013 – Following the conclusion of a meeting in Budapest this month, the Conference of European Churches (CEC) has begun operating under a new Constitution that includes moving its original offices from Geneva to Brussels to improve ties with the European Union.

As our correspondent Stefan Bos reports, the move comes amid pressure on CEC members to show more unity more between the different churches and to increase social programs among impoverished migrants and other vulnerable groups:Listen...

After a sometimes turbulent 14th Assembly of the Conference of European Churches, or CEC in Hungary's capital Budapest, delegates approved the group's new Constitution "to help the European Churches to share their spiritual life, to strengthen their common witness and service, and to promote the unity of the Church and peace in the world."CEC's new document will impact its members, including 115 Orthodox, Protestant, Anglican and Old Catholic Churches from all European countries, and 40 associated organizations.

Anglican Bishop of Guildford, England, Christopher Hill, was elected as new president of the CEC to lead the group under the new Constitution.The document came after Hungary’s Human Resources Minister Zoltán Balog, a Reformed pastor, warned that “relations among the churches seem to have estranged”, 20 years after the collapse of Communism in Central and Eastern Europe "just as the enthusiasm they exhibited in 1989 has vanished, too."

Balog said it was also "regrettable" that in this new era not enough has been done to "renew Europe on the basis of Christian values," though he praised cooperation in the area of integration of impoverished Roma, also known as gypsies.Europe's struggling migrants was another key topic during the gathering. The CEC announced that the European Social Charter of the Council of Europe, Europe's main rights watchdog, will investigate its complaint about the situation of undocumented migrants in the Netherlands who it claims are mistreated, despite that country's rich resources.

The General Secretary of the World Council of Churches, Olav Fykse Tveit, said it was important for the different denominations to work with migrant churches and not to forget the Church's mission. "If the churches in Europe together do not, in humbleness and with commitment, transmit faith in our Triune God to the next generation, who will do so,?" he asked. Apparently feeling a social calling under the new Constitution, CEC's original expensive offices that have been in Geneva, Switzerland since its foundation in 1959, will be merged "as soon as possible" into the Conference’s location in Belgium's capital Brussels, "home of the European Union and related institutions.

The office in Strasbourg, France, will continue, though its future remains somewhat uncertain.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin Giáo Hội Việt Nam 10/7 - 16/7/2013
VietCatholic Network
08:52 16/07/2013
'>Video: Tin Giáo Hội Việt Nam 10/7 - 16/7/2013

1. TIN GP LẠNG SƠN


Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân thăm mục vụ giáo xứ Thất Khê

Như thường lệ, từ chiều Chúa Nhật đến sáng thứ hai, 08/07/2013, sau khi thăm các giáo xứ miền Cao Bằng. Đức Cha Giuse giám mục giáo phận đã đến thăm mục vụ giáo xứ Thất Khê và gặp gỡ giáo dân. Ngài đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ.

Bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Cha đã chia sẻ bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 quanh năm.

Đặc biệt nhìn lại lịch sử, 100 năm đã qua của giáo phận, với biết bao thăng trầm, thử thách. Có những lúc, tưởng như Lời Chúa nơi xứ Lạng bị chết nghẹt, nhưng Đức Ki-tô vẫn luôn hiện diện và hoạt động nơi các nhà truyền giáo. Sức mạnh của Tin Mừng vẫn âm thầm được gieo vãi và tăng triển. Chúng ta cảm nhận được đó là hồng ân của Thiên Chúa, nơi miền đất xa xôi này.

Cuối thánh lễ, cha xứ Phê-rô đã đại diện giáo dân lên, cám ơn Đức Cha đã quan tâm đến cộng đoàn giáo xứ Thất Khê. Ngài cầu chúc Đức Cha nhiều sức khoẻ, niềm vui và ơn thánh Chúa để Đức Cha chu toàn sứ vụ trên cánh đồng truyền giáo, vùng giới tuyến.

Đáp lại, Đức Cha hy vọng ở niềm tin và lòng mến của anh chị em giáo xứ Thất Khê là dấu chỉ cao đẹp của Tin Mừng mà chúng ta cần loan báo.

Sáng thứ hai, ngày 08/07, Đức Cha dâng thánh lễ cầu nguyện với giáo xứ lần nữa, rồi Ngài đến thăm mái ấm Vinh Sơn, của các Nữ Tu dòng Đaminh đang giúp cho các em khuyết tật. Sau đó Đức Cha trở về Toà Giám Mục, kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ vùng xa.

Thanh Hoa đọc:

2. TIN GP BÙI CHU

Đức Khâm sứ Tòa Thánh đến thăm các Nữ Tu Dòng Mân Côi.

Chúa Nhật, ngày 07 tháng 07 năm 2013, Hội Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, giáo phận Bùi Chu hân hoan chào đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli (Lê Ô- Pôn Đô - Zi Ren Li) đặc sứ Tòa Thánh tại Việt Nam đến thăm Hội Dòng và thăm bệnh xá của các Nữ Tu.

Cùng đi với Đức Tổng Giám Mục, có linh mục thư ký và hai Đức Cha giáo phận Bùi Chu: Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm và Đức Cha Phó Tôma Vũ Đình Hiệu.

Sau bài hát chào mừng, Đức Tổng Giám Mục và phái đoàn tiến lên nhà Nguyện của Hội Dòng, cầu nguyện trước Thánh Thể.

Tiếp đến, Sơ Tổng Phụ Trách Vũ Thị Tươi ngỏ lời chào mừng Đức Tổng và phái đoàn, đồng thời bày tỏ niềm hạnh phúc, lòng biết ơn sâu xa, của chị em trong Hội Dòng với Tòa Thánh. Sau đó, Sơ Đặng Thị Chung đã giới thiệu với Đức Khâm Sứ sơ lược về lịch sử của Hội Dòng.

Đức Khâm Sứ với tư cách vị đại diện Đức Thánh Cha đã chia sẻ tâm tình với các Nữ Tu.

Trong bài chia sẻ, Đức Khâm Sứ đã mời gọi các Sơ hãy sống ơn gọi của Mẹ Mân Côi bằng cách theo gương của Mẹ Maria suy gẫm 20 tràng chuỗi Mân Côi, sẵn sàng lên đường để làm chứng cho Chúa, nhất là phục vụ những người nghèo.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Khâm Sứ đã cùng các Sơ cất cao lời ca “Nữ Vương hay Cứu Giúp” để cùng với Mẹ, tạ ơn Chúa, vì những gì Ngài đã, đang và sẽ thực hiện nơi đây.

Trước khi ban phép lành, Đức Khâm Sứ nói rõ hơn về sự hiện diện thăm viếng của Ngài hôm nay. Với tư cách là vị đại diện Đức Thánh Cha, Ngài gửi lời chào thân ái và ban phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô tới toàn thể các Nữ Tu trong Hội Dòng.

Sau khi thăm nhà Dòng, Đức Khâm Sứ đã qua thăm khu vực nhà trẻ và bệnh xá của Dòng. Được chứng kiến tận mắt những hoạt động của các Sơ. Ngài tỏ ra rất vui mừng và cầu chúc Hội Dòng mỗi ngày, một thăng tiến hơn. Ngài cũng rất cảm động trước những bệnh nhân nghèo khổ nơi đây. Đức Khâm Sứ cầu nguyện và ban phép lành cho các bệnh nhân, sau đó phái đoàn rời nơi đây, kết thúc chuyến viếng thăm Hội Dòng.

3. TIN GP THÁI BÌNH

Khai mạc khóa thường huấn cho các Tân Viên Chức Hội Đồng Giáo Xứ (HĐGX) trong toàn giáo phận.

Sau thánh lễ khai mạc sứ vụ cho các tân viên chức HĐGX tại nhà thờ Chính Tòa Thái Bình.

Ngày 08.7.2013, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã đến giáo xứ Thượng Phúc, khai mạc khóa thường huấn HĐGX cho các tân viên chức thuộc giáo hạt Thái Thụy.

Tham gia vào Ban giảng huấn, có: Đức Cha Phêrô giám mục giáo phận, Cha Đaminh Đặng Văn Cầu, đặc trách các HĐGX của Giáo phận và cha Giuse Trịnh Tiến Thành.

Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các cha trong giáo hạt.

Buổi thường huấn được khai mạc vào lúc 7 giờ 00 sáng với sự tham dự của khoảng gần 300 tân viên chức HĐGX đến từ 20 giáo xứ.

Ngay sau lời giới thiệu của cha Luca Nguyễn Văn Định – Quản hạt Thái Thụy, là phần thuyết giảng:

Đề tài thứ I do cha Đaminh Đặng Văn Cầu với chủ đề: “Vai trò và tầm quan trọng của các viên chức hội đồng giáo xứ và giáo họ”.

Đề tài thứ II do cha Giuse Trịnh Tiến Thành về:“Phương pháp làm việc và cách thức tổ chức giáo xứ, giáo họ”, qua cách trình bày khéo léo và dí dỏm của Cha Thành, đã giúp cho các viên chức hiểu rõ hơn về các phương pháp tổ chức như: chuẩn bị trước khi tổ chức, trong khi tổ chức và tổng kết rút kinh nghiệm sau khi hoàn tất.

Qua giải lao, đến giờ thảo luận, do Đức Cha Phêrô chủ tọa. Không khí của buổi thảo luận trở nên sinh động hơn, nhờ các câu hỏi của các tham dự viên, về những vấn nạn chính liên quan đến việc sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ và giáo họ.

Đức Cha đã lắng nghe và giải đáp thỏa đáng, từng câu hỏi củ các tham dự viên.

Sau đó Đức Cha đã cử hành thánh lễ được vào lúc 10 giờ 30 sáng. Đối với cấp Giáo hạt, đây cũng là thánh lễ khởi sự sứ vụ của các tân viên chức HĐGX trong nhiệm kỳ mới.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha thay mặt toàn thể giáo phận ngỏ lời cảm ơn các cựu viên chức HĐGX đã hy sinh công sức, xây dựng và phát triển các giáo xứ và các giáo họ. Cách đặc biệt, Ngài cầu xin Chúa Thánh Thần ban tràn đầy ơn thiêng, trợ giúp các tân viên chức hoàn thành sứ vụ trong tương lai. Kết thúc thánh lễ, tất cả các viên chức cùng chia sẻ với nhau bữa cơm thân mật tại khuôn viên nhà xứ Thượng Phúc.

4. TIN GP VINH

Đá bóng giao hữu của các Linh mục thuộc 2 giáo hạt Thuận Nghĩa và Phủ Quỳ

Chiều ngày 08 tháng 07 năm 2013, trên sân vận động Vũ Đăng Khoa thuộc giáo xứ Thuận Nghĩa, đã diễn ra trận đấu, bóng đá giao hữu giữa các anh em linh mục của hai giáo hạt Thuận Nghĩa và Phủ Quỳ thuộc giáo phận Vinh.

Đây là lần đâu tiên, anh em linh mục hai giáo hạt gặp nhau trên sân cỏ, nên có sự thu hút đông đảo của khán giả từ khắp nơi. Đặc biệt từ các giáo xứ của hai giáo hạt.

Sau lời giới thiệu thành phần của ban tổ chức, ban kèn giáo xứ sở tại đã trổi nên những bản nhạc hùng tráng và phấn khởi.

Tiếp đến, Ban tổ chức đã tặng hoa cho các trọng tài và các cầu thủ trước khi trận đấu mở màn.

Trước giờ lăn bóng, Cha Quản hạt Thuận Nghĩa đã nói lên mục đích và ý nghĩa của trận đấu: “Trận đấu được tổ chức nhằm mục đích tăng thêm tình đoàn kết, hiệp thông giữa anh em linh mục và giáo dân của hai giáo hạt”.

Mặc dầu các cầu thủ không chuyên nghiệp, nhưng đã cống hiến cho khán giả những đường bóng rất đẹp và hào hứng. Những tràng pháo tay cổ vũ, dòn dã không ngớt vang lên, cổ động cho cả hai đội bóng. Trận đấu diễn ra rất sôi nổi và kết thúc thật hào hứng.

5. TIN TGP HUẾ

TGP Huế tổ chức ngày truyền thông về y tế phòng chống phá thai và ngừa thai

Sáng Chúa Nhật 07/7/2013, nhóm Bảo vệ Sự sống và Văn phòng Caritas Giáo phận Huế đã tổ chức ngày truyền thông, về y tế phòng chống phá thai

Đoàn truyền thông gồm có Linh mục Trần Văn Quí, Giám đốc Caritas giáo phận Huế, các Soeurs Dòng Thánh Phaolô, nhóm Bảo vệ Sự sống.

Giáo xứ Khe Sanh đã qui tụ hơn 300 tham dự viên gồm có các phụ nữ đang trong tuổi sinh sản, các thanh niên, thanh nữ và các gia trưởng.

Đa số tham dự viên là những người sắc tộc thiểu số, nhiều gia đình phải đem theo cả con nhỏ.

Nội dung trình bày: tác dụng và hậu quả của các biện pháp tránh thai, không tự nhiên.

Giới thiệu các phương pháp tránh thai tự nhiên, được sự chấp nhận của Giáo Hội.

Tác hại của các biện pháp ngừa thai. Cách đề phòng dị tật, sởi Rubella (Ru Ben La) để tránh tình trạng phá thai, do thai nhi bị dị tật bẩm sinh.

Soeur Matta Nguyễn Thị Bảo Vân, Bề trên Dòng Mến Thánh Giá tại Khe Sanh, nói rằng: “Đây là một chương trình rất tốt, để các giáo dân nhận thức về các phương pháp tránh thai theo luật Giáo Hội, và để giảm tỉ lệ phá thai do thiếu hiểu biết.”

Trước khi kết thúc, Linh mục Quản xứ và Nhóm Truyền Thông đã phát quà cho các giáo dân do các ân nhân gởi tặng. Buổi truyền thông kết thúc vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày.

6. TIN GP PHAN THIẾT

27 Nữ Thỉnh Sinh Dòng Mến Thánh Giá gia nhập Tập Viện

Chúa Nhật ngày 7/7/2013, các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết (MTG/PT) từ khắp các cộng đoàn gần xa, đã tề tựu về nhà Mẹ, thay mặt cho giáo phận, Chầu Thánh Thể.

Hôm nay cũng là ngày các Nữ Tu nhận bài sai, đi phục vụ các nơi, cho niên khoá mới 2013 – 2014.

Niềm vui càng tăng thêm, vào lúc giờ Kinh chiều, tại nguyện đường, có nghi thức gia nhập tập viện cho 27 nữ thỉnh sinh.

Trải qua 3 năm tuyển chọn và 1 năm Tiền Tập, tìm hiểu và tu tập trong Dòng MTGPT. Hôm nay các nữ thỉnh sinh đã chính thức được gia nhập gia đình “Nhà tập” của Hội Dòng.

Trong nghi thức này, Soeur Tổng Phụ Trách đã thẩm vấn các ứng sinh. Các ứng sinh đã tuyên thệ và trao tờ cam kết cho Soeur Bề Trên. Kế đến Soeur Tổng Phụ Trách đã trao tu phục cho các ứng sinh với lời nhắn nhủ: “Các em hãy nhận lấy tu phục này, như dấu chỉ đời sống Thánh Hiến và tập sống xứng đáng với ‘Kho tàng thánh thiện’ Thiên Chúa trao phó cho Hội Dòng". Cuối cùng Soeur Tổng Phụ Trách đã trao phó các Tân Tập Sinh cho Soeur Giám Đốc Tập Viện để các tập sinh bước vào chương trình huấn luyện.

7. TIN GP PHAN THIẾT

Các linh mục Hạt Đức Tánh thăm các giáo họ vùng Đami

Với sự kêu mời và khích lệ của cha Hạt trưởng hạt Đức Tánh. Sáng thứ hai ngày 8 tháng 7, các linh mục và quý thầy trong giáo hạt đã lên đường đến thăm các linh mục vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh như Đami.

Xe khởi hành vào lúc 8 giờ 00 sáng, trên một hành trình dài hơn 50 cây số, xuyên qua những đoạn đường dốc, cong queo, ngoằn ngèo, khúc khủyu. Lúc lên dốc, khi xuống đèo thật ngoạn mục và thú vị.

Xe đến Đa-kim II vào lúc trời đã qúa trưa. Đón tiếp phái đoàn là cha Giuse Nguyễn Tiến Dũng quản xứ cùng quý thầy, quý soeur và một số bà con gíao dân.

Giáo họ Đa-kim II nằm sâu trong vùng đồi núi, một màu xanh bạt ngàn, giăng trải đến vô tận. Nơi đây, cha xứ và bà con giáo dân đang khai phá, kiến thiết trên các mảnh rừng hoang sơ. Đức tin vào Chúa đã làm vang vọng giữa núi rừng trùng trùng, điệp điệp.

Điểm dừng chân tiếp theo là La-dày, nơi cha Gia-cô-bê Tống Thành Luyến đang phục vụ.

Bữa cơm trưa đạm bạc cây nhà lá vườn, với những tiếng cười thật giòn giã. Đặc biệt nơi này, trái sầu riêng, mít, chuối và gà thả vườn là đặc sản. Qua bữa cơm thân mật, với những tấm chân tình nồng nàn, được gởi trao nhau.

Từ giã hai cha La dày và Đa-kim II, cuộc hành trình được tiếp tục. Điểm dừng chân kế tiếp là: Đa-gu-ry, nơi cha Phanxicô Assi Nguyễn Đức Quang đang phụ trách, với sự nhiệt tâm của cha xứ: Thánh đường, các tượng đài, nhà xứ, những công trình kiến thiết, đang từng ngày thay đổi, đã để lại ấn tượng cho phái đoàn khi viếng thăm.

Từ giã các anh em linh mục trên miền sơn cước, quý cha cũng không quên ghé lại kính viếng Đức Mẹ Tàpao, như một lời kinh chân thành cảm tạ ơn Mẹ phù trợ cho chuyến đi bình an.

8. TIN GP BÀRỊA

Khai mạc khóa “Ra khơi 2013″ tại giáo xứ Phước Thành, giáo hạt Vũng Tàu.

Vào dịp hè hằng năm, Ban Phụ trách Giáo lý, giáo phận Bà Rịa tổ chức lớp đào tạo Giáo lý viên cấp III nhằm nâng cao kiến thức giáo lý, phương cách sinh hoạt cho các giáo lý viên trong toàn giáo phận.

Chiều ngày 8/7/2013, khóa Ra Khơi 2013 đã được khai mạc tại giáo xứ Phước Thành, Giáo hạt Vũng Tàu.

Tham dự khóa đào tạo năm nay, có 275 giáo lý viên đến từ các giáo xứ, giáo họ biệt lập trong toàn giáo phận. Sau phần khởi động làm quen bằng những bài hát sinh động, vui tươi, các Giáo lý viên đã hân hoan nghênh đón Cha Tổng Đại diện Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đến chủ tọa lễ khai mạc khóa huấn luyện.

Trong phần giới thiệu, cha Trưởng ban Giáo lý giáo phận Anphongsô Nguyễn Văn Thế, giám đốc khóa học, đã giới thiệu thành phần ban tổ chức, gồm: quý cha trong Ban Giáo lý giáo phận, quý thầy đại chủng viện và quý thành viên Ban Hành Giáo sở tại.

Ngài cũng giới thiệu danh mục các môn học cùng vị phụ trách hướng dẫn mỗi môn:

- Bốn sách Tin Mừng – Cha Antôn Nguyễn Văn Toàn

- Các thư Thánh Phaolô – Cha Phaolô Vũ Xuân Quế

- Chủ đề thần học trong Tin mừng Gioan và Sách Công vụ – Cha Giuse Hoàng Cao Nguyên

- Nguyên tắc Luân lý – Cha Giuse Nguyễn Công Luận

- Luân lý chuyên biệt – Cha Phaolo Phạm Minh Tân

- Kỹ năng sinh hoạt – Anh Phêrô Nguyễn Hoài Nam

- Các thư chung – Cha Vinhsơn Nguyễn Xuân Minh

- Giáo dục dự phòng – Cha FX Nguyễn Minh Thiệu SDB.

Trong phần huấn từ của Cha Tổng Đại diện, đã nhắc lại vai trò quan trọng của các Giáo lý viên trong việc truyền rao đức tin và giáo dục đức tin cho các em thiếu nhi. Ngài cũng nhấn mạnh: Ngoài lòng nhiệt thành, mỗi giáo lý viên cần phải có một kiến thức nền tảng vững chắc mới có thể thực hiện tốt sứ vụ của mình. Sau cùng, Cha ần cần động viên và nguyện chúc Ban Giáo lý, Ban Điều hành khóa Ra khơi 2013 đạt được những thành quả tốt đẹp. Dự kiến, khóa huấn luyện sẽ kéo dài trong 5 ngày, từ thứ hai 7/8 /2013 đến thứ sáu 12/7/2013

9. TIN GP PHÚ CƯỜNG

Ngày Cử Hành Năm Đức Tin cho Giới Trẻ Di Dân

Hòa chung với Giáo Hội Hoàn Vũ Cử hành Năm Đức Tin, lúc 8g30 ngày 07.07.2013, tại khuôn viên nhà thờ Bà Trà – giáo phận Phú Cường, Ủy Ban Di Dân giáo phận đã tổ chức ngày cử hành Năm Đức Tin cho giới trẻ Di Dân thuộc giáo phận.

Hơn 600 thanh thiếu niên Di Dân từ các giáo hạt, hiện đang làm việc tại Bình Dương, Sàigòn và Tây Ninh đã quy tụ về giáo xứ Bà Trà để tham gia sinh hoạt và cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Chương trình được khởi động với những bài ca sinh hoạt thật sôi nổi, hào hứng và trẻ trung, làm cho bầu không khí thêm phấn khởi với những tràng pháo tay vang rền

Các bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ, nhiều nhóm đã hào hứng tham gia sinh hoạt và giao lưu, với sự đồng hành của các thầy thuộc tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin. Đặc biệt, các bạn trẻ Di Dân được nghe sự chia sẻ của cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu – Thư ký uỷ ban Di Dân Tổng Giáo phận Sàigòn, cha là người có nhiều năm đồng hành cùng giới trẻ Di Dân Tổng Giáo phận và được giao lưu với cha qua những câu hỏi về những vấn nạn mà người Di Dân gặp phải. Các bạn đã mạnh dạn nói lên những ưu tư, khó khăn và thuận lợi trong đời sống đức tin của mình khi phải sống xa nhà, nhất là sống trong một thành phố phát triển, giữa một đô thị ồn ào và đầy cạm bẫy.

Chương trình buổi chiều bắt đầu bằng chương trình giao lưu văn nghệ của chính các nhóm Di Dân ở các giáo xứ và giáo hạt, các tiết mục thật hay thật hào hứng của các bạn trẻ đã xua đi những mệt mỏi nơi các bạn. Đặc biệt, có sự tham dự của các ca sĩ Công Giáo: Đức Thiện, Phi Nguyễn, Thuỷ Tiên, Tuyết Mai Ly, Kim Cúc, đã làm cho chương trình giao lưu thêm phần phấn khởi, náo nức và gần gũi.

Nối tiếp buổi giao lưu, là phần gặp gỡ chia sẻ và giao lưu của Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường với các bạn trẻ Di Dân. Mở đầu, một bạn trẻ Di Dân đã có những đúc kết ngắn gọn rút ra từ những tâm tư, chia sẻ mà các bạn Di Dân đã thảo luận và trao đổi cùng Cha Thiệu trong suốt buổi sáng để trình bày với Đức Cha về những khó khăn thường gặp, đó là sự khác biệt về văn hóa, lối sống. Bên cạnh đó, các anh chị cũng đưa ra một số kiến nghị gửi đến Ban Mục vụ Di Dân Giáo phận. Thứ nhất, là nơi "đất lành chim đậu" Giáo phận Phú Cường thu hút một lực lượng anh chị em Di Dân đông đảo đến sinh sống và làm việc. Như thế cũng sẽ đối diện với những vấn đề mới, những thách đố mới. Những người Di Dân xa gia đình, xa quê hương rất cần những sân chơi lành mạnh, những hướng dẫn cần thiết từ những người hữu trách để các bạn có thể định hướng cho đời sống của mình. Kế đến, các bạn trẻ cũng mong muốn Giáo phận có những chương trình Mục vụ Di Dân để các bạn được giao lưu học hỏi nhằm xây dựng cuộc sống xã hội và Giáo Hội nơi các bạn tạm cư ngày một tốt đẹp hơn. Hơn nữa, các bạn cũng đề xuất tại các giáo xứ nơi các bạn đang sinh sống cần có các ban đại diện của người Di Dân để các bạn có thể liên lạc, để được hỗ trợ và hướng dẫn trong đời sống đức tin cũng như đời sống xã hội.

Các bạn trẻ đã trình lên Đức Cha những thao thức và những tâm tình. Đức Cha rất vui mừng và đã có những chia sẻ, những gợi mở, những lời động viên đối với các bạn trẻ Di Dân thể hiện tấm lòng yêu thương của vị Chủ chăn đối với đoàn chiên.

Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã chủ sự Thánh lễ. cùng đồng tế có Cha Giuse Phan Trọng Quang – Giám tỉnh Tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, Cha Micae Hoàng Đô Đốc, chánh xứ Bà Trà - Trưởng ban Ủy Ban Di Dân, giáo phận Phú Cường, và 5 linh mục đã và đang phục vụ tại giáo xứ Bà Trà.

Có khoảng hơn 600 bạn trẻ tham dự, là các sinh viên, công nhân, từ các giáo hạt đến đây tạm trú, đi học và đi làm trong giáo phận Phú Cường.

Bài giảng trong thánh lễ, Đức Cha đã chia sẻ về những khó khăn và thách đố trong đời sống đức tin giữa một xã hội đang có sự phát triển về văn hóa, kinh tế khá mạnh mẽ.

Sau đó Đức Cha đã trao 10 Thánh giá cho 10 bạn trẻ, đại diện cho các bạn trẻ Di Dân trong giáo phận, với lời mời gọi, hãy vác lấy Thánh giá, lên đường với đầy quyết tâm: “Di dân – Tin yêu và Hy vọng trong Đức Kitô”.

Ngày Cử hành Năm Đức Tin kết thúc, mọi người ra về trong hân hoan và vui mừng
 
Tiếp sức Mùa Thi 2013 tại giáo xứ Xây Dựng Saigòn
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
08:18 16/07/2013
Đây là năm thứ 8, cả Giáo xứ Xây Dựng hưởng ứng viêc tiếp sức các thí sinh đến Saigon tham dự thi vào đại học. Giáo xứ Xây Dựng chỉ nhận “tiếp sức” cho thí sinh nghèo thật tại vùng sâu vùng xa nhất là thi sinh thuộc dân tộc thiểu số.

Thi đợt I: gồm 193 thì sinh (nam: 94 nữ: 99). Dân tộc: gồm 7 dân tộc (Kinh: 157 Chăm 24 Êđê: 02 Hoa: 02 K.Ho: 03 Nùng: 22 Mạ 01). Có 12 phụ huynh đi theo con.

Tôn giáo: Thiên Chúa: 53 Bàlamôn: 22 Phật giáo: 10 Bàni 1 01 Tin lành: 01 Không tôn giáo: 106.

Từ các nơi đến: Quảng bình, Nghệ an, Thanh hóa, Quảng trị, Phú yên, Huế, Đà nẵng, Quãng Ngãi, Khánh hòa, Ninh thuận, Bình thuận, Lâm đồng. Daklak. Đakrông, Buôn mê thuột, Gia lai, Kontum, Bình phước Trà vinh, Kiên giang, Đồng tháp, Tây ninh, Vũng tàu, Long an, Binh dương, Đồng nai.

Thi đợt 2: gồm 220 thí sinh và 13 Phụ huynh. Dân tộc gồm 9 dân tộc (Kinh: 174 Chăm: 31 Raglai: 01 Cili 91 Nùng: 04 Stiêng: 01 K.Ho: 03 Mạ: 04 Tầy 01).

Tôn giáo: Thiên Chúa: 86 Bàlamôn: 19 Bàni: 06 Tin lành: 04 Không tôn giáo: 89).

Từ các nơi đến: Nam định, Thanh hóa, Hà tĩnh, Quảng bình, Daklak. Daknông, Bình định, Đà nẵng Quảng ngãi, Ninh thuận, Khánh hòa, Bình thuận, Lâm dồng, Bảo lộc, Vũng tàu, Cần giờ, Bình phước, Tây ninh, Long an, Đồng tháp, Tiền giang, Kiên giang, Bình tây, Đồng nai.

Thí đợt 3: gồm 145 thí sinh và 11 phụ huynh. Dân tôc gồm 9 dan tộc (Kinh 1 122, Chăm: 07 Hoa: 03 Nùng: 01 Ma: 03 Cili: 02 Tày: 02 Raglai: 02.

Tôn giáo và không tôn giáo: Nghe75 an, Thanh hóa, Quảng trị, Phú yên, Huế, Đà nẵng, Quảng nam, Quảng ngãi, Khánh hòa, Ninh thuận, Lâm đồng, Daklak, Daknông, Buôn mê thuột, Gia lai, Kontum, Bình phước, Tra vinh, Kiên giang, Đồng tháp, Tây ninh, Vũng tàu, Long an, Bình dương, Đồng nai.

Các thí sinh đươc tiếp đón như người con và như người khách quý. Bà con trong giáo xứ giúp thì sinh: nấu ăn, xe Honda đứa thí sinh đi và về phần lớn là những người “bố mẹ” trong gia đình đến cộng tác nên dễ dàng cháp nhận thì sinh như con của mình: săn sóc bữa ăn (nấu chín, ăn chín và ngon miệng) gồm bốn thức ăn luôn thay đổi).

Săn sóc sức khỏe (nhờ quý soeurs Dòng Mân côi tiếp xúc với nữ thí sinh phát hiện ngay em nào bị sỗ mũi hoặc có thể sốt, ho. Có bác sĩ Thanh, thầy thuôc ưu tú, thầy thốc nhân dân, thuộc bệnh viện Thánh Mẩu tới phát thuốc. Có Thạc sĩ Bác sĩ Minh Tâm, có y tá trực.

Đợt một xong, một nử thí sinh thuộc dân tôc ít người ở vùng sâu Lâm dồng lên cơn sốt, thầy Ngô van Thịnh đưa bênh nhân đến bệnh viện Thánh Mẫu cho chuyền serum, em khỏe lai nhưng tối hôm sau lên cơn, sau mấy giờ em bị thổ, thầy Thịnh phải đưa em đến bệnh viện Thống nhất khoảng 23 giờ “cấp cứu” đóng viện phí ba triệu. Em được chuyền 11 chai serum với viện phí 6 triệu. Thầy Thịnh phải gọi mẹ em ở xa tới săn sóc cho tiện. Bệnh viện Thống nhất đã săn sóc em cách tuyệt vời. Bác sĩ Giám đốc bệnh viên nhìn vào thẻ bảo hiểm sức khỏe diện dân tộc ít người thay vì phải trả 6 triệu chỉ phải trà 300.000 đ. Bà cầm số tiển đóng trước đóng trước 3 triêu nhở bảo hiểm bệnh viện trả lai cho bà 2.700.000 đ về trả cho thầy Thịnh, thầy bàn với cha xứ cho bà 500,000 tiền xe. Nều em nầy ở nhà, nhà em không có khả năng đưa em đi bênh viện !

Điều chúng tôi phải quan tâm nhất là số thí sinh ghi “không tôn giáo” vì những đợt đầu tiên các em thường ghi đạo ông bà, đạo tổ tiên, rất ít em ghi không tôn giáo. Bây giờ, các em ghi rõ ràng không tôn giáo (tổ tiên, ông bà bién mất). Như vậy, giáo dục của trường học về phương diện “không tôn giáo” đả thành công ???) mặc dầu trên tám ngàn lễ hội tin ngưỡng nơi các đinh miếu nở rỗ khắp nước.

Chúng tôi không có dịp tìm hiểu số Công Giáo sang “không tôn giáo” nhưng cũng xin ghi một việc mới xảy ra có thật trăm phần trăm: bốn thanh niên Công Giáo ở vùng Nha trang lên Lâm đồng làm thuê, nhưng không tìm được việc làm. Bốn anh nầy hết tiền, khoảng 10 giờ đêm vào nhà một xứ xin cha sở cho mỗi người mừoi ngàn để mua thức ăn. Cha sở la mắng không cho, có lẽ nhìn thấy thanh niên khỏe mạnh mà đi xin! Bốn anh nầy đến chúa và được vị sư cho. Từ đó, họ không đi nhà thờ nũa. Nhờ tiếp sức mùa thi. một trong bốn anh cộng tác, chắc là anh ta suy nghĩ lại, rõ ràng anh ta đã đi lại nhà thờ.
 
Linh mục chánh xứ là ai?
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
08:38 16/07/2013
LINH MỤC CHÁNH XỨ LÀ AI ?

Linh mục Chánh xứ (parochus ) là mục tử chính của giáo xứ đã được Đức Giám Mục địa phận cắt cử coi một hay nhiều giáo xứ để chu toàn công việc mục vụ cho cộng đoàn dưới quyền Đức Giám Mục địa phận tức là thông phần tác vụ của Chúa Kitô đã trao cho Đức Giám Mục để thực hiện các nhiệm vụ: giáo huấn, thánh hóa, hướng dẫn cộng đoàn với sự cộng tác của các Linh mục hay phó tế và giáo dân trợ giúp chiếu theo luật (Can 519).

Định nghĩa mô tả rõ ràng Linh mục Chánh xứ là cộng tác viên của Đức Giám Mục. Nói mạnh như Hiến chế Lumen gentium: Linh mục là dụng cụ của Đức Giám Mục trong việc phục vụ dân Chúa (số 28). Vì rằng Đức Giám Mục (Đức Cha Chính) là mục tử, là chủ chiên toàn địa phận, giáo xứ là phần của địa phận do Ngài phân chia và trao cho Linh mục Chánh xứ phụ giúp Ngài. Do đó, một nguyên tắc rất hợp lý: chỉ có Đức Giám Mục địa phận (Đức Cha Chính) là chủ của Giáo xứ và có quyền tự do bổ nhiệm Linh mục phục vụ tại giáo xứ (Linh mục Chánh xứ, Can 157, 523; Linh mục quản xứ, Can 539; Linh mục phụ tá xứ, Can 547).

Theo truyền thống trong Giáo Hội và Giáo luật cũ nói tới:

- Giáo xứ bất khả chuyển dịch (paroeciae inamovibiles) thì cũng nói tới Linh mục bất khả chuyển dịch (parochos inamovibiles) tức là tại chức ở Giáo xứ đó mãn đời.
- Giáo xứ khả chuyển dịch (paroeciae amovibiles) thì cũng nói tới Linh mục khả chuyển dịch (parochos amovibiles) nghĩa là tại chức Linh mục Chánh xứ trong một thời gian.
- Công đồng Vatican II đã dạy: bãi bỏ việc phân biệt các Linh mục Chánh xứ cố định (parochos inamovibiles) và Linh mục Chánh xứ khả dịch (parochos amovibiles) (Sắc lệnh Christus Dominus số 31).

Thay vào đó, Công đồng Vatican II dạy: “Trong Giáo xứ của mình, Linh mục Chánh xứ còn được quyền tại chức lâu bền như ích lợi của các linh hồn đòi hỏi (idem số 31) như vậy là duy trì được sự công bằng tự nhiên.

Điều 522 Bộ Giáo luật hiện hành quy định: Linh mục Chánh xứ phải hưởng quyền lợi bền vững và vì vậy phải được bổ nhiệm cho một thời gian vô hạn định (parochus stabilitate gaudeat oportet ideoque ad tempus indefinitum nominetur) tức là khi vị Linh mục đã được lên chức Linh mục Chánh xứ thì chức danh Chánh xứ là vô hạn định. Thí dụ: Ở xứ A, làm Chánh xứ, đi xứ B, xứ X vẫn làm Chánh xứ.

Tuy nhiên, chức danh Chánh xứ được miễn chức do:

- Chính Linh mục Chánh xứ đó xin từ chức.
- Đến 75 tuổi, Giáo luật đề nghị Linh mục Chánh xứ làm đơn từ chức.
- Trong địa phận mà Đức Giám Mục bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ trong một thời gian và được Hội đồng Giám mục chấp nhận bằng một sắc lệnh (Can 522).
- Hoặc bị bãi chức khi có lý do quan trọng và phải giữ đúng thể thức luật định (Can 193,1).

Giáo luật dành cho Đức Giám Mục địa phận tự do bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ (Can 523), nhưng Giám luật “cầm tay” Đức Giám Mục địa phận một phần đối với Linh mục Chánh xứ: Tính bền vững của Linh mục Chánh xứ, 75 tuổi mới hưu, muốn bãi chức Linh mục Chánh xứ phải theo đúng thể thức luật định (Can 193, 194).

Còn Đức Giám quản địa phận (Administrator)

Linh mục Giám quản địa phận hoặc Giám mục Giám quản địa phận hoặc Giám quản Tông tòa cũng phải theo luật quy định sau đây:

“Nếu địa phận trống ngôi hoặc bị cản trở được một năm thì Giám quản địa phận mới có quyền bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ” (Can 525,2).

a) Việc bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ

Để bổ nhiệm thành sự (valide): phải là người có chức Linh mục (Can 521,1).

Để bổ nhiệm hợp pháp (licite), Linh mục phải có:

- Kiến thức giáo thuyết lành mạnh vượt trội.
- Chín chắn, trưởng thành.
- Nhiệt thành với các linh hồn và các nhân đức.
- Có các đức tính mà luật chung, luật riêng đòi phải có để phục vụ giáo xứ (Can 521,2).
- Hội đủ một số khả năng cần thiết (do Đức Giám Mục đưa ra và có thể khảo hạch) (Can 521,3).

b) Cách thức nhập xứ

Linh mục được bổ nhiệm Chánh xứ chỉ được quyền và phải thi hành quyền từ giây phút sau khi nhận xứ (Can 527,1). Trước đó, Ngài không được nhúng tay vào các việc trong xứ. Xen mình vào trước khi nhận xứ là bất hợp pháp (tham chiếu Can 382,1), và có thể bị phạt (Can 1384).

Đấng bản quyền địa phương hoặc Linh mục được ủy làm đại diện sẽ chủ tọa lễ nhận xứ theo cách thức của Luật riêng và thói quen hợp pháp. Đấng bản quyền địa phương có thể chuẩn lễ nghi nhận xứ khi có lý do chính đáng, và thay vào bằng một thông báo cho giáo xứ biết ơn chuẩn đó (Can 527,2).

Đấng bản quyền địa phương ấn định thời gian nhận xứ. Linh mục không đi nhận xứ trong thời gian đó khi không có lý do chính đáng, Ngài có thể công bố giáo xứ trống ngôi (Can 527,3) và bổ nhiệm người khác.

Lễ nghi tựu chức theo luật và thói quen như sau:

- Tập họp trước nhà thờ giáo xứ.
- Một Linh mục đọc sắc bổ nhiệm.
- Đấng bản quyền địa phương hoặc đại diện và Linh mục chính xứ đi vào nhà thờ, mọi người cùng chào.
- Đứng trước bàn thờ chính, Linh mục chính xứ tuyên xưng Đức Tin chiếu theo luật (Can 833,5).
- Cả hai cùng lên bàn thờ chính trong khi ban hát hát Antiphon về Thánh bổn mạng nhà thờ, rồi Cha xứ đọc lời nguyện.
- Linh mục Chánh xứ nhận chìa khóa nhà tạm (mở và đóng).
- Hát “Deus adjutorium”, Linh mục chính xứ đi tới ngồi tòa giải tội, lên tòa giảng, chào giáo dân.
- Đấng bản quyền địa phương hoặc vị đại diện tuyên bố: Linh mục Chính xứ đã tựu chức.
- Vào nhà mặc áo, Linh mục Chính xứ nhận các sổ sách.

c) Chức vụ Linh mục Chính xứ

Rao giảng Lời Chúa:

- Giảng lễ Chúa Nhật, lễ buộc…
- Dạy giáo lý cho thiếu nhi, thanh niên, người lớn, tân tòng, hôn nhân… để giúp giáo dân hiểu và sống Lời Chúa.

Thánh hóa (các lễ nghi dành riêng cho Linh mục Chính xứ):

- Rửa tội
- Thêm sức cho người lâm cơn nguy tử (luật cũng mở rộng cho tất cả những Linh mục khác gặp trường hợp này, Can 883,3).
- Ban của ăn đàng, xức dầu bệnh nhân và ban phép lành Tòa Thánh.
- Chứng hôn và làm phép Hôn phối.
- Cử hành lễ nghi an táng.
- Làm phép giếng Rửa tội trong mùa Phục sinh.
- Chủ sự rước kiệu ngoài nhà thờ và ban phép lành trọng thể ngoài nhà thờ.
- Cử hành Thánh lễ trọng thể các Chúa Nhật và các lễ buộc (Can 530).

GHI CHÚ: Giáo luật dành cho Linh mục Chánh xứ có những trách vụ và quyền hạn rõ rệt, trong khi đó Linh mục Phụ tá được hiểu là người phụ giúp cho linh mục chính xứ trong sứ vụ coi sóc đoàn chiên Chúa. Hiều được rõ lý do, thì sẽ có sự hài hòa giữa Cha xứ và Cha phó.

Hướng dẫn dân Chúa:

- Như mục tử biết và chăm sóc từng “con chiên” (tín hữu và người lương trong xứ).
Quản lý tài sản của nhà thờ, nhà xứ…
Gìn giữ nơi Thánh (nhà thờ, nhà nguyện, nghĩa trang) chỉ được cử hành những gì liên quan tới thờ phượng, đạo đức.
Cấm bất cứ điều gì không phù hợp với sự thánh hiến của nơi Thánh. Nhưng Đấng bản quyền có thể cho phép từng lần một dùng vào việc khác, miễn là không nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy (Can 1210). Ai dám phạm đến của Thánh, động sản hay bất động sản, thì bị vạ thích đáng (Can 1376). Không có phép mà dám bán, nhượng tài sản của Giáo Hội thì bị vạ phạt tương xứng (Can 1377).
(Xem thêm: Đời sống cộng đoàn; Can 275,1; 280. Can 542; 543. Y phục Giáo sỹ: Can 284; Can cũ 138, 1)

d) Quyền của Linh mục Chính xứ

Đức Cha Chánh quản trị Địa phận với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo luật (Can 391,1), Linh mục chính xứ là cộng tác viên của Ngài, không thể lập luật riêng cho giáo xứ mình, không thể ra án phạt và khấu trừ tội.

Linh mục Chính xứ tự ý ra vạ phạt, không thành sự vì không có quyền. Người bị vạ phạt không mắc vạ, coi chừng người ra vạ lại mắc vì “bất cứ ai lạm dụng chức vụ trong Giáo Hội thì bị vạ tương xứng” (Can 1381,1).

Linh mục Chính xứ lãnh quyền do luật chung, luật riêng (Can 89) và những nố Đức Giám Mục Địa phận ủy cho:

Quyền miễn chuẩn

1. Miễn chuẩn từng trường hợp một khỏi ăn chay, kiêng thịt, dự lễ Chúa Nhật và lễ buộc, kiêng việc xác khi có lý do chính đáng do luật chung ban cho và quy luật của Đức Giám Mục Địa phận hướng dẫn (Can 1245).

Ban phép chuẩn chung kiêng việc xác… là thuộc quyền Đức Giám Mục Địa phận (Can 87,1). Năng quyền thập niên 70 ban phép cho tất cả Linh mục nào đã nhận Giáo phận hoặc giáo vụ được tha làm việc xác cho giáo hữu (tha cách chung và thường xuyên, nhưng không vĩnh viễn) trừ các lễ Phục sinh, Hiện xuống, Giáng Sinh (số 18) còn giá trị.

2. Miễn chuẩn lời khấn tư (lời khấn không có Bề trên hợp pháp nhân danh Giáo Hội chấp nhận) miễn là không phạm đến quyền lợi của người khác (Can 1196,1).

3. Miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân trong trường hợp nguy tử và trường hợp hôn lễ đã sẵn sàng mà không dễ dàng chạy đến Đấng bản quyền địa phương (Can 1079,2).

Quyền giảng và Giải tội

- Có quyền ưng thuận hoặc từ chối Linh mục hoặc phó tế giảng tại nhà thờ mình coi sóc (xem Can 764: Linh mục thủ từ, Quản đường cũng có quyền như vậy).

- Có quyền giải tội trong Giáo xứ của mình (Can 968,1) (ở đây nói tới quyền do chức vụ, có tính đương nhiên, khác với ủy quyền, cho phép). Không có quyền từ chối Linh mục khác đã lãnh quyền giải tội ngồi tòa trên phần đất của mình vì chi có Đấng bản quyền địa phương mới có quyền từ chối (Can 967,2) (tới nhà dòng thì theo luật chung của Giáo Hội và hiến pháp nhà dòng).

Quyền ân bổng

- Hưởng trợ cấp của Tòa Giám mục (Can 281,1274).
- Được xin hưởng trợ cấp xã hội (Quỹ an ninh xã hội, nếu có) (Can 281,2). Bổng lễ và các bổng của tác vụ thánh khác theo mức độ của Tòa Giám mục ấn định (Can 952, 1 và 2).
- Của dâng cúng các dịp lễ. Dù Linh mục khác chu toàn nhiệm vụ nào trong giáo xứ thì các của dâng cúng nhận được trong dịp đó cũng phải bỏ vào quỹ nhà xứ trừ khi ý muốn người dâng tự ý tặng chủ lễ. Vấn đề này, sẽ theo qui luật Địa phận như một phần thù lao cho chủ lễ, một phần bỏ vào quỹ nhà xứ (Can 531).

e) Các nhiệm vụ của Linh mục Chính xứ

Các nhiệm vụ này phát xuất từ 3 chức vụ:

- Rao giảng Lời Chúa.
- Cử hành các Bí tích, Á bí tích (thánh hóa).
- Hướng dẫn dân Chúa.

Xin kể ra đây mấy điểm:

1/ Không được từ chối ban Bí tích:

Thừa tác viên thánh không được khước từ ban Bí tích cho thụ nhận xin chịu trong lúc thuận tiện khi họ đã sẵn sàng và không bị luật cấm chịu (Can 843,1).

2/ Chọn giờ thuận tiện:

Phải liệu giải tội cho tín hữu khi họ xin một cách hợp lý và phải định giờ giấc thuận lợi cho họ (Can 986,2).

Thuận lợi cho giáo dân hay Linh mục? Giáo luật trả lời: thuận lợi cho giáo dân.

3/ Thánh lễ và rước lễ:

Linh mục Chính xứ phải liệu để phép Thánh Thể rất Thánh trở thành trung tâm của cộng đoàn tín hữu giáo xứ. Cố gắng cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và giải tội thật sốt sắng để nuôi lòng đạo đức giáo dân. Làm sao cho giáo dân siêng năng cầu nguyện ở gia đình và ở nhà thờ, biết tham dự phụng vụ một cách có ý thức, linh động và hiệu quả (xem Can 528,2).

Về việc rước lễ, luật dạy: bất cứ ai đã rửa tội mà không bị luật cấm đều có thể và phải rước lễ (Can 912).

Luật cấm người chưa chịu phép rửa tội, trẻ con dưới 7 tuổi, người bị bệnh tâm thần nặng, người bị vạ tuyệt thông và cấm chế mà án đã công bố và người cố tình sống công khai trong tình trạng tội nặng (trọng) (Can 97, 99, 914, 915).

Rước lễ là quyền của tín hữu, Linh mục chủ lễ hoặc cha sở không có quyền định cho rước lễ trong Thánh lễ nào tùy ý. Khi thời giờ không cho phép, chủ lễ phải trình bày lý do “không cho tín hữu rước lễ” để mọi người vui vẻ, thông cảm. Chủ lễ hoặc cha sở chỉ có quyền từ chối những người bị lề luật cấm mà thôi.

4/ Chỉ lễ cho giáo dân

Sau khi nhận chức Linh mục Chánh xứ phải chỉ lễ cho dân của ngài trong các Chúa Nhật và các lễ buộc của địa phận. Khi bị ngăn trở hợp pháp, ngài phải nhờ Linh mục khác chỉ lễ thay hoặc sẽ chỉ vào ngày khác. Buộc chỉ một lễ dầu làm nhiều lễ trong ngày đó. Coi sóc nhiều xứ cũng chỉ buộc chỉ một lễ cho tất cả các dân các xứ của ngài (Can 534). Chưa chu toàn thì phải làm sớm hết sức đủ số lễ phải chỉ cho dân (Can 534,3).

Tại nước ta, Thánh bộ Phúc âm hóa (rao giảng Tin Mừng) dạy Linh mục Chánh xứ chỉ lễ cho dân trong các ngày lễ: Hiển Linh, Thánh cả Giuse, Phục sinh, Thăng Thiên, Hiện Xuống, Mình Máu Chúa Kitô, Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Mẹ hồn xác lên trời, các Thánh nam nữ, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và Giáng Sinh.

5. Cư trú tại Giáo xứ

Linh mục Chánh xứ phải cư trú tại nhà xứ gần nhà thờ. Nhưng trong trường hợp riêng, vì lý do chính đáng, Đấng bản quyền địa phương có thể cho phép Ngài cư ngụ nơi khác, nhất là trong nhà tập thể Linh mục, miễn là có thể chu toàn nhiệm vụ đối với giáo xứ cách đúng luật và thích hợp (Can 543,1).

6/ Được vắng mặt trong các trường hợp

- Nghỉ hè (nghỉ phép thường niên) 1 tháng.
- Đi tĩnh tâm thường niên.
- Vắng mặt vì lý do quan trọng khác.

Trong bất cứ trường hợp nào, vắng mặt trên một tuần, phải báo cho Đấng bản quyền địa phương biết (Can 533,2) để Đức Giám Mục địa phận cắt cử Linh mục tạm quản, nếu chưa có quy định của địa phận về vấn đề này (xem Can 533,3) (có thể nhờ một Linh mục quen biết, hoặc Linh mục Phụ tá xứ tạm quản và trình Đấng bản quyền địa phương biết).

7/ Giữ sổ sách nhà xứ

Mỗi giáo xứ phải có sổ sách riêng, gồm có sổ rửa tội, hôn phối, sổ tử và các sổ khác chiếu theo quy định của Hội đồng Giám mục hoặc của Đức Giám Mục địa phận. Linh mục Chính xứ ghi sổ kỹ lưỡng và cất giữ cẩn thận (Can 535,1).

Luật lưu ý ghi thêm vào sổ rửa tội:

- Thêm sức
- Hôn nhân với các tình trạng…
- Dưỡng tử (nếu có)
- Chức thánh đã lãnh nhận (Can 535,2).

8/ Giữ ấn tín và văn khố

Mỗi giáo xứ phải có “con dấu”. Các giấy chứng nhận được cấp chiếu theo luật Giáo Hội và tất cả văn kiện có tầm quan trọng theo luật định, phải được Linh mục Chánh xứ hoặc vị thừa ủy ký tên và đóng dấu (Can 535,3).

Theo luật nước ta “con dấu tròn” dành cho các cơ quan nhà nước, các giáo xứ không thể sử dụng con dấu tròn như trước nữa. Vấn đề này cần có chỉ thị của Hội đồng Giám mục hoặc Đức Giám Mục địa phận để có hình thức con dấu chung và hợp pháp.

9/ Mỗi giáo xứ cần có văn khố

để lưu trữ các sổ sách của giáo xứ và công văn của Địa phận, và các văn kiện khác, đừng để lọt vào tay người “vô phận sự” các giấy tờ trên. Đức Giám Mục địa phận có quyền đòi xem xét văn khố xem có tổ chức cẩn thận, chu đáo không (Can 535,4). Cũng phải giữ sách vở, sổ sách khác của giáo xứ cẩn thận (Can 535,5).

“Văn khố” của giáo xứ có thể là một vài tủ sách làm bằng gỗ rất bền vững, kín đáo, tránh được dán xâm nhập, mối mọt đục khoét, tránh mưa gió làm ẩm ướt, có khóa cẩn thận.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cứu trợ nạn nhân là nghĩ avụ pháp lý và đạo đức
Hà Minh Thảo
15:48 16/07/2013
CỨU TRỢ NẠN NHÂN LÀ NGHĨA VỤ PHÁP LÝ VÀ ĐẠO ĐỨC

Đó là lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 08.07.2013 nhân dịp đến viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia. Nơi đây, Người cho biết mình đến đảo này để tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, gặp gỡ những người di dân, và cử hành Thánh Lễ cho mọi người, để thức tỉnh lương tâm nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn.

Đảo này rộng 20,2 cây số vuông, lớn nhất trong quần đảo Pelagie trong Địa trung hải, cách bờ biển Sicilia (Italia) 127 cây số, với 5 ngàn dân cư. Do vị trí địa lý, trong khoảng 10 năm qua, Lampedusa đã trở thành một mục tiêu trên đường vượt biên của các thuyền nhân, từ Phi châu nam sa mạc Sahara, tìm đường vào Âu Châu. Họ bị khai thác bởi những tay buôn người vô lương tâm, từ Libia và Tunisia, đòi trả những số tiền lớn để được đi trên những con thuyền máy cũ kỹ hầu vượt biển tới Âu châu. Trong năm 2011, là năm Mùa Xuân Ả rập bùng nổ ở Tunisia, đạt 51.753 người, là một con số kỷ lục.

Sau một thời gian lắng dịu trong năm 2012, từ đầu năm nay, số thuyền nhân đến đây lại gia tăng và trong 6 tháng đầu năm nay, có gần 8 ngàn người đến Italia, trong số này có lối 3.650 người đổ bộ lên đảo Lampedusa. Trong khi vượt biển, nhiều thuyền nhân đã gặp nạn và bỏ mình trên biển cả. Mới đây, ngày 16.06.2013, bảy thuyền nhân bị chết đuối trong lúc cố gắng bám vào những hàng rào nuôi cá ngừ do một xuồng đánh cá Tunisia kéo đi. Người ta ước lượng trong vòng 17 năm, từ 1994 đến 2011, chỉ tại vùng gọi là ‘Con kênh Sicilia’ đã có 6.226 người chết và mất tích trên đường từ Libia, Tunisi và Ai cập, vượt biên sang Italia. Để so sánh, từ những ngày trong tháng 04.1975, khi kẻ xăm lược Bắc Việt thôn tính Miền Nam cho đến khi giải tán các trại tạm cư Hồng kông và Đông Nam Á, các Tổ chức phi chính phủ ước tính số thuyền nhân Việt chết trên biển cả lên đến 500.000 người.

Khi đến nơi, Đức Phanxicô đi trên chiếc tàu nhỏ tuần duyên của Hải quân Italia, có các ngư phủ Sicilia tháp tùng, và thả vòng hoa xuống biển để tưởng niệm mọi nạn nhân đã bỏ mình trên đường vượt biên. Tàu cập bến Punta Favarolo, Người tươi cười bắt tay, chào thăm một nhóm người di dân đến từ Phi châu. Đại diện những người này, nói tiếng Arập Tigrit, để chào đáp, cám ơn và xin Người giúp đỡ. Sau đó, Đức Thánh Cha đến sân thể thao Arena để chủ tọa Thánh Lễ đồng tế với Đức Cha Francesco Montenegro, Tổng Giám mục Agrigento, hai Đức Cha khách, Cha xứ Stefano Nastasi, khoảng 100 Linh mục và hơn 10 ngàn tín hữu đang chờ vị Cha Chung.

I.- Đức Thánh Cha THUYẾT GIẢNG.

Lễ đài thật đơn sơ, cạnh đó có đặt một con thuyền của những người vượt biển, bên phải bàn thờ là tượng Đức Mẹ bổn mạng dân đảo Lampedusa. Đức Thánh Cha mặc áo lễ tím vì đây là Thánh Lễ thống hối và cầu nguyện cho các nạn nhân bỏ mình trên biển cả trên đường tị nạn.

Đức Thánh Cha giảng trong Thánh Lễ (trích dịch): « ‘Người di dân chết trên biển, trên con thuyền lẽ ra là một đường hy vọng đã biến thành đường chết chóc’. Tôi đã nghe một tin rất tiếc là việc này đã bao lần xảy ra, tôi liên tục nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Tôi phải đến đây để cầu nguyện, để làm cử chỉ gần gũi, nhưng cũng để thức tỉnh lương tâm chúng ta để điều đã xảy ra không tái diễn nữa. Xin làm ơn, đừng để tái diễn nữa! Tôi chân thành cám ơn và khích lệ người dân đảo Lampedusa và Linosa này, các hiệp hội, những thiện nguyện viên và các lực lượng an ninh đã và đang quan tâm đến Con Người, trong hành trình hướng tìm một cái gì tốt đẹp hơn. Quý bạn là một thực tại nhỏ bé, nhưng nêu gương liên đới! Tôi cũng cám ơn Đức Cha Francesco Montenegro vì sự giúp đỡ và hoạt động, vì sự gần gũi mục tử. Tôi thân ái chào bà Thị trưởng Giusy Nicolini và cám ơn vì những gì bà đã và đang làm. Tôi nghĩ đến người di dân Hồi giáo đang bắt đầu tháng chay tịnh Ramadan, với lời cầu chúc họ được dồi dào những Ơn thiêng liêng. Giáo Hội gần gũi với anh chị em trong việc tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn cho bản thân và gia đình mình. Sáng nay, dưới ánh sáng Lời Chúa chúng ta vừa nghe, tôi muốn đề nghị vài lời để thức tỉnh lương tâm mọi người, thúc đẩy suy tư và thay đổi cụ thể một số thái độ. Đức Thánh Cha dựa vào bài sách Sáng Thế trong đó Chúa gọi hỏi Cain đã giết em mình là Abel: Em Ngươi ở đâu? Máu em ngươi ở đâu, gây thức tỉnh lương tâm mọi người trước thảm trạng người di dân.

Nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi, mất định hướng, khõng còn lưu tâm đến thế giới chúng ta đang sống, để chăm sóc những tạo vật Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta, và chúng ta không còn khả năng để những người này giúp đỡ những người khác… Ai là người có trách nhiệm tính mạng của những anh chị em này ? Không một ai ! Tất cả chúng ta đều đáp ‘Không phải tôi mà là những người khác’. Nhưng Thiên Chúa hỏi từng người trong chúng ta ‘Máu em ngươi ở đâu đã kêu thấu tận Ta ?’ Ngày nay, không ai còn cảm thấy mình có trách nhiệm. Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của trách nhiệm huynh đệ. Chúng ta đang rơi vào sự yêu chuộng cái đạo đức giả của linh mục và người phục vụ bàn thờ mà Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn người Samaria Nhân lành : chúng ta nhìn xem người anh em bán chết bán sống trên lề đường. Có thể chúng ta nghĩ ‘Người đáng thương hại !’ và tiếp tục cuộc hành trình. Đây không phải là việc của tôi và, như thế, là đủ. Nền văn hóa an thân dẫn chúng ta nghĩ đến chính mình trước hết, chúng ta trở thành bất cảm trước tiếng kêu của người khác, làm cho chúng ta như sống trong bọt xà bông đẹp đẽ, nhưng đó không là gì, chỉ là ảo giác về sự vô ích, nhất thời gây sự thờ ơ đối với những người khác, và cũng dẫn tới sự toàn cầu hóa về vô cảm… Tôi muốn hỏi : ai trong chúng ta đã khóc trước những biến cố này, trước cái chết của anh chị em này ? Ai đã rơi lệ cho những người sống trên những chiếc thuyền, những bà mẹ trẻ đang mang thai, những người đàn ông muốn tìm kiếm những gì để nuôi sống gia đình ? Xã hội chúng ta đã quên kinh nghiệm khóc, ‘đau khổ với’ : sự toàn cầu hóa về vô cảm !… Trong phụng vụ sám hối này, chúng ta hãy xin tha thứ về sự vô cảm đối với anh chị em… và cho những người, bởi quyết định của họ ở cấp toàn cầu, đã tạo ra những hoàn cảnh dẫn đến những thảm kịch này ».

II. NGƯỜI DI CƯ VƯỢT BIỂN TỪ QUÊ HƯƠNG.

1. Từ Bắc vào Nam vì từ chối chế độ cộng sản. Vì người cộng sản thỏa hiệp với thực dân Pháp để chia lãnh thổ Việt Nam làm hai mà Miền Bắc bị đặt với quyền cai trị của Hồ Chí Minh và đồng bọn. Đo đó, Hiệp định Genève đã dành 300 ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung. Dân chúng được tự do đi lại giữa 2 miền. Vì đồng bào khá hiểu về họ, phe Cộng sản, vi phạm ngay điều mình ký kết, đe dọa đánh đập và gây trở ngại hàng trăm ngàn người di tản từ Bắc vào Nam. Các quốc gia thuộc Thế giới Tự do để di chuyển và ăn uống, thuốc men đầy đủ. Đến miền Nam tự do, họ được chính phủ Ngô Đình Diệm cung cấp các phương tiện để khai phá rừng núi hoang và được cấp quyền sở hữu chủ để làm chủ đất đai (Việt Nam Cộng hòa không có cái thứ ‘đất đai thuộc quyền sở hữu chủ toàn dân để dễ dàng bị ngoại nhân cướp đi).

Việt Nam Cộng hòa đem lại sự Tự do, Dân chủ cho đồng bào. Do đó, Tự do đem lại cho người dân mọi điều kiện để tự phát triển, Dân chủ là mọi cử tri sử dụng lá phiếu trao quyền điều hành quốc sự cho một dân cử làm chính trị thay mình. Họ phải tôn trọng lợi tức quốc gia được chia đồng đều đúng khả năng đóng góp của mình.

2. Bỏ nước ra đi.

a/- Nguyên nhân. Dưới chiêu bài ‘thống nhất Đất Nước’ (trước đó, do chính chúng đã chia’, người cộng sản không từ một thủ đoạn dã man nào để giết hại người Việt. Trong cuộc tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, cộng sản Bắc Việt đã đẩy vào bắn giết người và bỏ mạng tại chiến trận Miền Nam những thiếu nhi có xăm chữ SBTN (Sinh Bắc Tử Nam) nơi vai Điều này đúng với đoạn bài đăng trên mạng Danlambao ngày 09.07.2013, chúng ta có thể đọc : Ngài có hối tiếc gì về 3-4 triệu người Việt Nam đã chết vì cuộc nội chiến ý thức hệ CS...” - (Non, pas du tout) “không hối tiếc”!?. (Võ Nguyên Giáp). Trích ‘Khe Sanh – hay khe ‘tử’ ?.

Thêm vào đó, ngoài những cuộc pháo kích bừa bãi vào khu nhà dân hay ném lựu đạn khủng bố vào đám đông để giết người vô tội càng nhiều càng tốt, chúng còn thành lập cái gọi là Mặt trận giải phóng Miền Nam (bị giải tán ngày 31.01.1977 với lý do ‘đã hoàn thành công tác’) vừa để cùng khối Phật giáo Ấn quang bằng biểu tình mang ‘bàn thờ Phật’ xuống đường và đưa ứng cử viên của cái gọi là ‘Thành phần Thứ Ba’* để lũng đoạn Hạ nghị viện. Sau đó, được ban thưởng chức tước và tiền bạc trong cái gọi là ‘Mặt trận Tổ quốc’ để đánh phá các Tôn giáo mình (như nhóm Huỳnh Công Minh đối với Giáo Hội Công Giáo, ngăn chận người có tài tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội như ông Cù Huy Hà Vũ hay Luật sư Lê Quốc Quân.

* Tại Miền Nam Việt Nam, từ khi Hội nghị Paris khai mạc, Hoa kỳ buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thành phần Thứ Nhất, nhìn nhận Mặt trận giải phóng Miền Nam, tức Việt cộng, Thành phần Thứ Hai, và Thành phần Thứ Ba tự cho là chống Mỹ và đòi Hòa bình giả trá cho Việt Nam.

b./ Hậu quả. ‘Thành phần Thứ Ba’ tiếp tay cộng sản đập tan nền Độc lập của Việt Nam Cộng hòa, tiêu diệt Tự do, Dân chủ trong tay người Miền Nam Nước Việt. Trước ngày 30.04.1975, những nhà sư, ông cha bị cảnh sát ông Thiệu bắt thì khóc lóc la đàn áp tôn giáo. Dân biểu thì nại quyền ‘bất khả xâm phạm dân biểu’ để đòi tha. Ngày nay, dưới chế độ cộng sản, mấy ai trong họ có can đảm biểu tình với lý do thật chính đáng là ‘Trường sa, Hoàng sa của Việt Nam’ hay đòi Công lý cho ‘Phương Uyên , Nguyên Kha, Minh Hạnh, Tạ Phong Tần…’

c./ Những đợt đào tị.

1 - Trước khi ra đi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhắn : « Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà nhìn những gì cộng sản làm ». Tin lời ông, những công chức, quân nhân được phương tiện phi cơ, tàu bè Việt Mỹ chở ra Đệ Thất hạm đội. Cộng quân cho đó là đám người ‘ác ôn’ níu gót Mỹ ngụy. Thế giới chưa lưu ý lắm cuộc tị nạn.

2 - Kế đến, lời hứa ‘khoan hồng’ của nhà nước cộng sản đã gạt các quân, cán, chính trình diện học tập trong một thời gian ngắn (15 ngày hay một tháng) để rồi đa số đã phải bị cực hình trong cả chục năm hay tử vong. Gia đình thì bị nhà nước đẩy ra khỏi thành phố đày đi khu ‘kinh tế mới, để cướp nhà. Lời dụ dỗ càng ngọt hơn ‘má má, con con’ lúc chúng đói, nhưng nay là ‘bên thắng trận’ thì cướp đất đai ân nhân để bán cả chục lần giá cao cho tư bản hay tàu khựa. Lần này, thế giới mới giật mình vì ngay cả những người nghèo cũng không thể sống được với cộng sản.

3 - Ngày 04.05.1975, được đàn anh Trung cộng khuyến khích, Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc, sáu ngày sau, đánh chiếm và hành quyết hơn 500 thường dân ở đảo Thổ Chu. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30 ngàn người Việt bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới. Ngày 06.01.1979, các đơn vị Việt Nam, vượt sông Mekong qua ngả Neak Luong và bắc Kompong Cham, hợp thành hai gọng kìm tiến vào Phnom Penh.

Trước năm 1975, người Hoa kiểm soát phần lớn nền kinh tế miền Nam và kiểm soát giá cả thị trường, bây giờ , vấn đề thêm trầm trọng khi họ treo cờ Trung cộng và ảnh Mao Trạch Đông trong khu Chợ lớn, làm chính phủ Việt Nam nghi ngờ lòng trung thành của họ. Tháng 01.1976, người Hoa ở miền Nam phải đăng ký quốc tịch. Phần đông họ đăng ký quốc tịch Trung quốc dù họ đã chuyển sang Việt tịch từ những năm 1956-1957. Việt Nam e ngại rằng Trung cộng có thể sử dụng Hoa kiều để ép Việt Nam theo các chính sách của họ, nên xem đây là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia. Trong các tháng 3, 4 năm 1978, khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn của người Hoa bị quốc hữu hóa, nhà nước thắt chặt kiểm soát nền kinh tế. Quan hệ đôi bên ngày càng xấu đi và số người Hoa rời Việt Nam cũng tăng. Ngoài ra, khoảng 250.000 Hoa sang Trung cộng qua biên giới phía Bắc từ tháng 04/1978 đến hè 1979, gây ra ‘nạn kiều’. Những chuyến vượt biên bán chính thức do nhà nước tổ chức để thu vàng. Đem về kiểm tại lầu 10 Ngân hàng nhà nước Sài gòn, nhân viên khám phá rất nhiều vàng giả. Khởi hành tại Việt Nam tháng 11.1978, tàu Hải Hồng chở đầy 2.500 người đến được Mã Lai Á nhưng không được phép cập bến nên trôi dạt 45 ngày trên biển, gây chấn động lương tâm mọi người. Nhưng thế giới không còn khả năng đón nhận những người không khả năng được quốc gia đệ tam nhận cho định cư và buộc họ phải trở về Việt Nam. Các quốc gia Tự do, như Liên hiệp Âu châu, trợ giúp tiền để người hồi hương có thể sinh sống lúc đầu và học nghề. Nhưng những trợ giúp này đã không tới tay họ và lý lịch họ bị bôi thêm đen.

4 - Những người vượt biên nhưng vì bị gạt hay chuyến đi bị ‘bể’ (gặp công an), nên hết lượng vàng (còn gọi là cây). Nếu có giấy bảo lãnh, họ có thể chờ đi chính thức do Cao ủy phủ Tị nạn (Haut Commissariat aux Réfugiés = HCR) tổ chức. Trong tiếng Việt, HCR có thể đọc là Hết Cây Rồi.

5 - Hoa kỳ cho phép người Việt Nam tị nạn nhập cảnh sau chiến tranh Việt Nam theo Chương trình Ra đi có Trật tự (Orderly Departure Program, ODP), được tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy phủ Tị nạn. Chương trình này được thành lập đầu tiên tại Bangkok (Thái lan) vào tháng 01.1980, nhằm vào ba nhóm đối tượng:
- diện HO (Humanitarian Operation) cho các cựu tù nhân trại cải tạo ;
- diện U11 là các cựu nhân viên chính phủ Hoa kỳ ;
- diện V11 là các cựu nhân viên công ty tư nhân hoặc tổ chức của Hoa Kỳ.
Trong thời gian thực hiện, ODP đã trợ giúp gần 500.000 người Việt tị nạn đến Hoa kỳ và đã chấm dứt ngày 14.11.1994.

Theo thống kê của Cao ủy phủ Tị nạn, trong thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ. Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người Việt Nam và Campuchia tá túc trên đảo Galang. Trên dường tìm Tự do, do bị bão, bị bệnh hoạn, bị hải tặc Thái lan cướp, hãm hiếp, giết chết, quăng xuống biển, chết đói và khát, các Tổ chức phi chánh phủ ước đoán có khoảng 500.000 người Việt Nam đã chết trên biển cả.
 
Giải đáp phụng vụ: Cần xưng gì khi thường xuyên xưng tội?
Nguyễn Trọng Đa
17:41 16/07/2013
Giải đáp phụng vụ: Cần xưng gì khi thường xuyên xưng tội?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Chúng tôi liên tục được dạy bảo đi xưng tội thường xuyên, và tôi tuân theo lời dạy này. Tuy nhiên, tôi đã bối rối trong một thời gian dài về tội nào cần phải xưng trên cơ sở thường xuyên đến với bí tích hòa giải. Tôi chắc chắn biết tội nào là tội trọng và tội nào là tội nhẹ. Tôi tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, rước lễ càng nhiều càng tốt và cố gắng giữ gìn bản thân, để tránh tội lỗi. Nhưng tôi thường xuyên cảm thấy bản thân mình không biết phải xưng tội nào trong tòa giải tội, trong khi mong muốn xưng tội trên cơ sở thường xuyên là ít nhất một lần mỗi tháng. Điều này có vẻ như một cuộc điều tra ngớ ngẩn, nhưng nếu tôi đang nghĩ như thế, chắc nhiều người khác cũng nghĩ như vậy nữa. - J. C., Miami, Florida, Mỹ.

Đáp: Mặc dầu đây không phải là một câu hỏi phụng vụ theo nghĩa chặt chẽ, bạn đọc này có lý khi bạn nhận thấy một khó khăn, mà nhiều người thực hành xưng tội thường xuyên gặp phải.

Có rất nhiều cách để giải quyết câu hỏi này, mặc dầu bản chất của mối quan hệ cá nhân của mỗi người đối với Thiên Chúa có nghĩa rằng bất kỳ câu trả lời chắc chắn nào vẫn là còn thiếu sót.

Tôi đã thấy rằng, ít nhất đối với tôi, đoạn Mt 21, 28-31 là sự hỗ trợ tuyệt vời trong việc hiểu được các động cơ và xung lực đàng sau ước muốn xưng tội thường xuyên. Trong đoạn này, người cha nói với hai con trai của mình đi làm việc trong vườn nho. Một người chấp nhận nhưng không đi, còn người kia ban đầu từ chối nhưng sau đó hối hận và đi làm. Cả hai con trai phải xin sự tha thứ của Cha, người đầu tiên là vì giả hình và bất tuân, người thứ hai là vì không vâng lời mau mắn và muốn làm vui lòng điều thuộc về mình.

Việc xưng tội thường xuyên, nhất là khi không có tội trọng để xưng, là giống như tình trạng của người con thứ hai. Chúng ta không đáp trả cho tình yêu của Chúa như chúng ta cần làm. Và chúng ta mong muốn rằng không nên có lỗi gì giữa chúng ta, thậm chí là sự bất hòa được mang lại bởi sự miễn cưỡng, sự ương ngạnh và một loạt các thái độ khác, vôn làm xấu đi vẻ đẹp của mối quan hệ của chúng ta đối với Chúa. Đây là lý do tại sao việc xưng tội về cơ bản là một hành động của tình yêu: Chúng ta xin sự tha thứ của các người chúng ta yêu mến. Lời xin lỗi miễn cưỡng là dành cho các đối thủ hay kẻ thù, chứ không dành cho các người chúng ta yêu mến.

Trong ánh sáng của mong muốn này, để duy trì vẻ đẹp của một mối quan hệ hiếu thảo với Chúa, không có khó khăn lớn trong việc thường xuyên xưng thú các lỗi lầm tương tự. Chúng thường phản ánh các điểm yếu quen thuộc của chúng ta, vốn chỉ được khắc phục theo dòng thời gian.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt trong thứ bậc. Có thể có một sự xưng đi xưng lại không hoàn hảo, khi một người đã học được từ thời niên thiếu một danh sách tiêu biểu của tội lỗi và cứ xưng đi xưng lại, mà không thực sự đi vào chiều sâu của mối quan hệ của mình đối với Thiên Chúa. Nhưng còn có một sự xưng đi xưng lại lành mạnh, vốn chính xác nhận ra các điểm yếu quen thuộc của mình, và phấn đấu để vượt thắng chúng.

Trong trường hợp thứ hai này, cũng đúng là khi linh hồn tiến triển, tội lỗi dường như là vẫn giống nhau, hay đúng hơn nó là cùng một gốc nhưng không cùng một vấn đề. Ví dụ, một người có thể xưng tội lười biếng vì người ấy chạy trốn bất cứ nỗ lực thể chất hoặc tinh thần nào. Tuy nhiên, người đó đang làm việc dưới sự thúc đẩy của ân sủng để vượt qua tật xấu này. Một năm sau, người ấy tiếp tục xưng tội lười biếng, nhưng do thời gian này người ấy không cỏn phải cố gắng nhiều để bớt lười biếng, và đôi khi còn thắng vượt nó nữa. Một vài năm sau, con người làm việc chăm chỉ và chăm chỉ cầu nguyện ấy cũng xưng tội lười biếng, vì nhận thức mình đã không tận dụng tốt nhất thời gian có sẵn, hoặc làm theo ý riêng mình, mà chống lại các sáng kiến mới của Chúa Thánh Thần. Sự nhận thức về tiến bộ này trong sự đơn điệu đều đặn rõ ràng, là một nguồn an ủi trong việc làm cho sự xưng tội thường xuyên trở nên một phần của đời sống thiêng liêng của mình.

Một phương pháp hữu ích để tránh sự đơn điệu đều đặn, nhất là khi một người có cha giải tội thường xuyên, là tập trung mỗi lần vào một loại tội lỗi thường phạm và xem xét chặt chẽ nó hơn so với các tội khác. Điều này có thể giúp chúng ta phát triển trong sự tinh tế của lương tâm. Đồng thời, hối nhân phải cẩn thận để không biến bí tích hòa giải, nhắm được tha thứ tội lỗi, thành sự linh hướng. Sự linh hướng là rộng hơn và bao gồm các yếu tố như động cơ, thái độ, ấn tượng, phản ứng cá nhân đối với ân sủng… Cả hai việc xưng tội và việc linh hướng đều tốt, nhưng như một quy luật chung, chúng cần được tách rời nhau hẳn. (Zenit.org 16-7-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đọc lại ''Lịch Sử Công Giáo Việt Nam Bị Cấm Và Bách Hại''
Trần Văn Cảnh
21:03 16/07/2013
" MỪNG 25 NĂM TUYÊN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT-NAM 1988-2013,

ĐỌC LẠI « LỊCH SỬ Công Giáo VIỆT NAM BỊ CẤM VÀ BÁCH HẠI »


LTS : Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp bày tỏ lòng mộ mến Các Thánh Tử Đạo Việt Nam một cách đặc biệt bằng cách cùng nhau tổ chức Đại Hội Lộ Đức từ 01 đến 05 tháng 08 năm 2013 để « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam - Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »

Để góp phần chia sẻ long mộ mến này, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài sau đây của Gs Trần Văn Cảnh.

"Mừng 25 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam 1988-2013,

đọc lại "Lịch sử Công Giáo Việt Nam bị cấm và bách hại "

1. Lịch sử những lý do và sắc chỉ cấm đạo

2. Chính sách cấm đạo của vua Minh Mệnh

3. Các Thánh Tử Đạo đích thực là tử đạo kytô hữu

4. Gương đốt sáng văn hóa Việt Nam của các Thánh Tử Đạo Việt Nam

5. Gương thăng hoa văn hóa Việt Nam của các Thánh Tử Đạo Việt Nam

6. Cộng sản quản lý Công Giáo Việt Nam thế nào? Công Giáo Việt Nam chinh phục Cộng Sản ra sao?


Bài 1 : LỊCH SỬ NHỮNG LÝ DO VÀ SẮC CHỈ CẤM ĐẠO [1]

Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam là do hoàn cảnh mà các vua quan Việt Nam đã tạo ra là họ muốn tiếp đón và có khi mời gọi người Âu Châu vào Việt Nam, hầu giao thương, buôn bán với mình. Trong thế kỷ XVI, lịch sử Việt Nam loạn lạc với những tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592). Bắc triều nhà Mạc, cũng như Nam triều nhà Lê đều mời đón người Âu châu vào buôn bán với mình. Sang thế kỷ XVII, với phân tranh Trịnh Nguyễn (1570-1786), Chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, ai cũng muốn tiếp xúc với người Âu Châu để võ trang cho mình [2]. Dưới thời Tây Sơn (1788-1802), năm 1789, Nguyễn Vương Ánh lấy được thành Gia Định ; lại xin được sự giúp đỡ của người Pháp, nhất là của Đức Cha Bá Đa Lộc, người đã mang về, từ Pháp, mấy chiến thuyền, đạn dược và những cố vấn, tăng cường võ trang quân sự [3]. Nhờ vậy, năm 1802, Nguyễn Vương mới thống nhất được giang sơn, mà xưng đế hiệu là Thế Tổ, lập lên một triều đại mới cho nhà Nguyễn.

Trong những người Việt Nam đầu tiên đã trở lại đạo Công Giáo, có nhiều người quan quyền hay hoàng tộc, có hiểu biết. Công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, là người Công Giáo đầu tiên vào khoảng những năm 1560-1570. Người thứ hai là công chúa Mai Hoa, chị của Hoàng Tử Lê Thái Tông, được rửa tội vào năm 1591[4]. Sau đó, Năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng và ban phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena [5]; . Năm 1627 tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), Cha Đắc Lộ đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng hồi đó xưng hiệu là Thanh Ðô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, ngài đã khuyên được em gái chúa Trịnh Tráng trở lại đạo Công Giáo mang thánh hiệu là Catarina, còn chính chúa Thanh Ðô Vương cho phép ngài lập nhà thờ bên cạnh đền vua.

Nhưng chính những thành quả kể trên cũng là cơ hội gây nên ghen tương, hiểu lầm. Vả nữa, vì sự kiện giáo dân càng ngày càng phát triển đông đúc, một số vua chúa, quan lại và cả giới Tăng Ni đã có những nhận xét vội vàng và nghi ngại, sợ mất đi một phần thần dân, một phần ảnh hưởng, một phần tín đồ. Thêm vào đó giáo lý của đạo Công Giáo đem tới có vẻ quá nghiêm khắc và bị lên án là gây xáo trộn trật tự xã hội, thí dụ trong gia đình, theo giáo lý Thiên Chúa, là chỉ có nhất phu nhất phụ, chứ không thể dung thứ, hay cho phép bảo tồn chế độ đa thê, tì thiếp, nàng hầu, là những sự kiện rất thịnh hành trong triều đình, trong giới quan lại, trong giai cấp thượng lưu giầu sang của thời xưa [6]. Ngoài ra, đối mặt với cảnh vật và xã hội Việt nam, những khó khăn hoà mình nơi các thừa sai vào với xã hội Việt nam không phải là thiếu [7]; cách biểu lộ sự tôn kính tổ tiên và lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ của người Công Giáo được thể hiện khác với các lễ nghi cổ truyền cũng là một cớ làm nhiều người chê trách. Ba sự kiện trên đã là những nguyên nhân thầm kín đầu tiên đưa đến việc cấm cản và bách hại đạo Công Giáo.

Thủa ban đầu có sự ghét đạo với những lý do ghen tương. Hai cha Buzomi và cha Carvalho củng 3 thầy trợ tá đã đến cửa Hội An ngày 18.01.1615. Mấy tháng sau, vào Lễ Phục Sinh, cha Buzomi đã xây xong một nhà nguyện mới và rửa tội được 10 tân tòng. Hội an đã là sở truyền giáo thứ nhất của các cha. Từ tháng 07, cha đi trấn Quảng Nam giảng đạo và đã rửa tội được 300 tân tòng, lập được một sở truyền giáo thứ hai ở đây. Chỉ vài năm sau, các Thầy Tăng Ni đã xúi dục Chúa Sãi ra lệnh cấm đạo, nhân vụ hạn hán, năm 1617 dưới thời chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1615-1635). Các Thầy Tăng Ni giải thích rằng : « Trời hạn hán là vì các thần nổi giận, thấy chúng bỏ đi theo đạo mới, để chùa chiền miếu mạo hoang vu, muốn cho các thần nguôi đi, chỉ có cách là đuổi các đạo sư tây giang ra khỏi nước » [8]. Có thật là vì các Thần Phật bất mãn hay vì các Thầy Tăng Ni ghen tương ?

Nhưng về sau, trong những cuộc bách hại đẫm máu, dần dần hiện rõ lý do chính thức tôn giáo. Hầu hết các sắc lệnh cấm đạo đều vì lý do tôn giáo, được thúc đẩy do lòng "hận thù tín ngưỡng : odium fidei". Hận thù đến từ một quan niệm đôc tôn Khổng Giáo. Khổng tử là một hiền triết đã đưa ra những quan điểm sống tích cực với cốt lõi là thuyết chính danh, ngũ luân, ngũ thường, tam tòng tứ đức… đã thật sự là món ăn tinh thần quý giá cho dân chúng đã mất niềm tin vào lẽ phải cuộc đời. Số người xin đến theo học với ông rất đông, tổng số có lúc lên đến 3000 học trò, gọi là tam thiên đồ đệ. Học trò và học thuyết của Khổng Tử đã góp phần thiết lập trật tự xã hội, xây dựng đạo đức và phẩm giá con người. Nhờ vậy mà xuất hiện “Thất thập nhị hiền” và hàng loạt những tinh hoa anh tài của xã hội. Người đời sau quá hâm mộ tư tưởng học thuyết Nho gia, trau chuốt, thêm bớt, rồi lồng vào tủ kính, xem Tứ thư Ngũ kinh là sách vở của Thánh hiền, là chân lý tuyệt đối, bất di bất dịch, và đó cũng là lúc Nho gia chuyển thành Nho giáo. Hán Vũ Đế đã “Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”, bắt dân chúng « Không được học gì ngoài sách vở Nho gia ». Thế là chân lý bị độc quyền, người cầm quyền yêu cầu giới học sĩ chỉ cần học thuộc và làm theo, không cần bàn bạc thảo luận chi cả. Tứ thư Ngũ kinh trở thành nội dung chủ yếu trong khoa cử, chỉ cần học thuộc chép lại là cũng có thể đỗ đạt, làm quan. Tư tưởng Nho gia từ chỗ là học thuyết xây dựng xã hội, làm người sống ở đời, trở thành những câu sáo ngữ có thể giúp người học thăng quan tiến chức. Các vua chúa nhận ra Nho Giáo, với tam cương, là một tôn giáo bảo vệ đắc lực cho quyền hành của mình, đã đặt nó lên hàng quốc giáo, chính đạo, độc tôn, bắt mọi người dân phải gia nhập, tuân giữ. Hận thù đổ vào tín ngưỡng Công Giáo xác tín sâu xa vào Thiên Chúa, sự tôn thờ Ngài là đấng Tạo dựng muôn loài, là vị Cứu tinh nhân loại và là Thẩm phán tối cao [9].

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam ghi nhớ tất cả 53 Sắc chỉ chính thức do các chúa (hai dòng họ Trịnh, Nguyễn: trong Nam ngoài Bắc), do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Thiên Chúa. Những lý do nào đã được nêu ra trong các lệnh cấm đạo, đặc biệt là những lệnh mà theo đó các thánh tử đạo đã bị bức tử ?

1. Ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn (1615-1778) cấm đạo vì « Đạo mới làm cho người ta mất hết tinh thần đạo giáo của tổ tiên ». Tất cả có tám 8 Sắc chỉ đã được đưa ra : Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1615) với sắc chỉ năm 1625, Chúa Thượng (Nguyễn Phước Lan, 1635-1648) với hai sắc chỉ năm 1639 và 1644. Chúa Hiền Vương (Nguyễn Phước Tần, 1648-1687) với hai sắc chỉ năm 1663 và 1665. Chúa Ngãi Vương (Nguyễn Phước Trân, 1687-1691) với sắc chỉ năm 1691. Chúa Minh Vương (Nguyễn Phước Chu, 1691-1725) với sắc chỉ năm 1700. Chúa Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát, 1725-1765) với sắc chỉ năm 1725. Trong những sắc chỉ trên, sắc chỉ năm 1644 đã là lý do khiến thầy Anrê Phú Yên bị bắt ngày 25.07.1644 và bị luận án xử ngày 26.07.1644 [10].

2. Ở Đàng Ngoài, các chúa Trịnh (1627-1786) cấm đạo vì : « Tà đạo Hoa Lang dùng lời nói lừa gạt mê hoặc lòng dân và còn truyền bá lan rộng đạo lý sai lầm, nghịch lại với luật lệ và thói tục quốc gia nên cần phải nghiêm cấm ». Tất cả, 17 sắc chỉ đã được ghi nhận : Chúa Trịnh Tráng (1627-1658) với 5 sắc chỉ các năm 1629, 1632, 1635, 1638 và 1643. Chúa Trịnh Tạc (1658-1682) với 3 Sắc chỉ các năm 1658, 1663 và 1669. Chúa Trịnh Căn (1682-1709) với sắc chỉ năm 1696. Chúa Trịnh Cương (1709-1729) với 4 Sắc chỉ các năm 1709, 1712, 1721 và 1722. Chúa Trịnh Giang (1729-1740) với sắc chỉ năm 1736. Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) với 2 sắc chỉ năm 1754 và 1765. Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) với sắc chỉ năm năm 1773. Ngày 22-1-1745, hai thánh đã bị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh Doanh là Francis Gil de Federich Tế và Mateo Alonso Liciana Ðậu [11]. Dưới thời Chúa Trịnh Sâm, cha Giaxinhtô Castanhêda Gia và cha Vinh Sơn Lê Quang Liêm đã xưng đạo và tử đạo ngày 7-11-1773 [12].

3. Nhà Tây Sơn (1775-1800) cấm đạo để « Chấn chỉnh đạo thật của tổ tiên và của các vua là thờ kính Khổng Tử và hủy diệt đạo ngoại lai của các người Tây Phương để duy trì bình an». Khởi nghĩa năm 1775, đóng đô tại Quy Nhơn, rồi năm 1786 kéo quân ra chinh phục Miền Bắc, Nhà Tây Sơn đã ra 6 sắc chỉ. Ba sắc chỉ ở trong Nam, do Vua Thái Đức vào năm 1785 và 1798. Ba sắc chỉ ở Ngoài Bắc : hai do Quan Thái Sư Bùi Đức Tuyên ban hành ngày 07.01 và 24/01/1795 ; một do Khâm Sai Bắc Việt Ngô Văn Sở vào năm 1799. Hai thánh đã bị tử đạo theo lệnh cấm đạo năm 1798 của Vua Cảnh Thịnh. Đó là Cha Emmanuel Triệu, bị bắt ngày 8-8-1798 và tử đạo ngày 17-9-1798 tại Bãi Dâu và Cha Gioan Ðạt, bị bắt ngày 25-8-1798 và tử đạo ngày 28-10-1798 tại Chợ Rạ [13].

4. Vua Minh Mạng (1820-1840) cấm đạo Thiên Chúa vì cho rằng đạo này là đạo xấu, nghịch lại với chính đạo (đạo Khổng), dẫu đã được vua cha Gia Long để lại di chúc « không được phép bách hại đạo » và mẹ ruột cản ngăn « đừng bắt đạo » : Vua Minh Mạng rất ghét đạo Công Giáo và đã ký 7 Sắc lệnh nghiêm cấm vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838. Nhà vua đã cấm một cách mưu mô, có kế hoạch.

Một đàng cho lệnh tập trung về Huế tất cả các Linh mục Thừa sai ngoại quốc. Bề ngoài nói khéo là nhà vua cần đến các vị để dịch sách ngoại ngữ ra tiếng Việt, nhưng thực ra là để cầm chân các nhà truyền đạo, không cho họ hoạt động và liên lạc với giáo đoàn. Trong khi đó chờ cơ hội có tàu ngoại quốc cập bến là đẩy số Thừa sai này về nước, đồng thời không cho vị Thừa sai mới nào được phép nhập cảnh Việt Nam. Ðàng khác tiêu diệt các cơ sở, các tổ chức Công Giáo địa phương, nhất là căng màn lưới kiểm soát gắt gao để lùng bắt các đạo trưởng người bản xứ.

Biết trong giáo lý đạo Công Giáo có "10 điều răn" và nhiều lễ nghi cử hành trong năm, ngày 15/07/1834, vua cho công bố một đạo luật trong đó gồm 10 khoản, lấy từ triết học Khổng Tử đem áp dụng vào xã hội Việt Nam để dạy đạo làm người.

Trước khi ra sắc lệnh cấm đạo, nhà vua xúi các quan làm kiến nghị, lên án đạo Thiên Chúa là tà đạo. Hai Kiến nghị (năm 1826 và 1830) yêu cầu nhà vua thẳng tay tiêu diệt đạo trưởng Thiên Chúa Giáo bằng án tử hình.

Những vụ tàn sát ở Nghệ An, ở làng Dương Sơn : Linh mục, giáo dân bị bắt, bị xử! Nhất là tại Nam Ðịnh do bàn tay khát máu của Thống Ðốc Trịnh Quang Khanh. Cuối năm 1837 ông bị nhà vua triệu về Kinh khiển trách nặng lời, vì chưa thẳng tay với Cộng đoàn Công Giáo miền Trung Châu và Duyên Hải Bắc Việt là hai địa điểm từ xưa đến nay vẫn là trung tâm Công Giáo phồn thịnh. Từ Huế trở về Nam Ðịnh, Trịnh Quang Khanh mang theo món quà 40 ảnh Thánh Giá cỡ lớn, quà của vua trao tặng, và 6 ngàn quân binh. Ảnh Thánh Giá được mang đặt khắp các cửa ngõ trong thành phố, hay là về sau di chuyển trong các họ đạo mỗi khi có các cuộc hành quân bách hại, trong khi đó từng ngàn quân mới được tiếp viện chạy đi bao vây khắp nơi, xua hết mọi gia đình Công Giáo ra ngoài, ép buộc họ phải bước lên ảnh Thập Giá, và bước lên ảnh Thập Giá có nghĩa là từ bỏ đạo thánh. Ba năm cuối đời Minh Mạng là những năm đau khổ nhất cho Giáo Hội Bắc Việt thời đó. Ðức Giám Mục Retord, Hội Thừa Sai Paris, diễn tả: "Không thể trốn thoát được nữa, vì không còn chỗ nào tối đủ để tránh né trăm nghìn con mắt rình rập [14] "!

Vì những chỉ dụ cấm đạo này, rất nhiều người đã bị bức tử vì theo đạo Thiên Chúa, trong đó 58 vị đã được phong hiển thánh tử đạo :

-3 vị sau sắc lệnh 1833 : Linh mục Phêrô Lê Tùy, Lm Gagelin Kính, MEP, Quan đội Phaolô Tống Viết Bường ;

-2 vị sau Mười điều Huấn dụ 1834 : Binh sĩ Anrê Trần Văn Trông, Lm Marchand Du, MEP ;

-2 vị sau sắc lệnh 1836 : Lm Cornay Tân, MEP, Thầy Phanxicô Xaviê Cần ;

-23 vị sau sắc lệnh 1838 : Thầy Phanxicô Xaviê Chiểu, Giám Mục Henares Minh, OP, Lm Vinh Sơn Đỗ Yến, Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển, Lm Phêrô Nguyễn Bá Tuấn, GM Delgado Y, OP, Lm Fernandez Hiền, OP, Lm Bênađô Vũ Văn Duệ, Lm Đaminh Nguyễn Văn Hạnh, OP, Lm Giacôbê Đỗ Mai Năm, Ông Lý Trưởng Micae Nguyễn Huy Mỹ, Ông Trùm Antôn Nguyễn Đích, Lm Giuse Đặng Đình Viên, Lm Phêrô Nguyễn Văn Tự, OP, Y sĩ Hoàng Lương Cảnh, Lm Jaccard Kính, MEP, Chú Tôma Trần Văn Thiện, GM Borie Cao, MEP, Lm Phêrô Võ Đăng Khoa, Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Diễm, Thầy Phaolô Nguyễn Văn Hào, Thầy Phêrô Nguyễn Văn Đường, Thầy Phêrô Vũ Văn Truật.

-13 thánh tử đạo đã bị hành quyết trong năm 1839, cũng dưới sắc lệnh 1838 và tăng cường với 2 sắc lệnh 29.07.1839 và 03.10.1839 : Lm Đaminh Tước, OP, Binh sĩ Augustinô Phạm Viết Huy, Binh sĩ Nicola Bùi Đức Thể, Binh Sĩ Đaminh Đinh Đạt, Lm Tôma Đinh Viết Dụ, OP, Thầy Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, Ông Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, Thầy Đaminh Bùi Văn Úy, Ông Nguyễn Mới, Ông Tôma Nguyễn Văn Đệ, Lm Anrê Trần An Dũng (Lạc), Lm Phêrô Phạm Văn Thi. Đến năm 1840,

-15 vị đã bị bức tử, do những sắc lệnh trên và tăng thêm với sắc lệnh ngày 03.10.1839 : Lm Phaolô Phạm Khắc Khoan, Thầy Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, Thầy Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, Lm Giuse Đỗ Quang Hiền, OP, Lm Luca Loan, Thầy Tôma Toán, Ông Antôn Nguyễn Hữu Năm, Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Lm Đaminh Trạch, OP, Lm Giuse Nguyễn Đình Nghi, Lm Phaolô Ngân, Lm Martinô Tạ Đức Thịnh, Ông Martinô Thọ, Ông Gioan Baotixita Cỏn, Y sĩ Simon Phan Đắc Hòa [15].

5. Vua Thiệu Trị (1840-1847) cấm đạo vì cho rằng người Công Giáo là lý do khiến người Pháp đến nước Nam và nghi rằng họ tiết lộ kế hoạch (của triều đình) cho người Pháp. Sang đời vua Thiệu Trị, mặc dầu trong một vài địa phương đã có phần giảm độ gắt gao, nhưng cuộc bách hại vẫn tiếp tục, nghĩa là vua vẫn để cho thi hành những sắc lệnh đã được công bố đời vua Minh Mạng. Hai thánh đã bị tử đạo. Tại Phúc Nhạc (Ninh Bình) Nữ Thánh Inê Lê Thị Thành (tức bà Thánh Ðê, vị nữ Thánh duy nhất trong 117 Thánh Tử Ðạo) bị bắt ngày 11-4-1841, vì can tội chứa chấp "đạo trưởng", tức hai linh mục Thừa sai Berneux và Galy. Bà đã anh dũng xưng đạo và cam chịu mấy cuộc tra tấn dã man đến chết trong tù ngày 12-7-1841 tại Nam Ðịnh. Tại Hà tĩnh, Linh Mục Phêrô Khanh bị bắt ngày 29-1-1842 và bị trảm quyết ngày 12-7-1842.

Vào tháng 03 năm 1847, sau khi thất bại trong cuộc tranh chấp với đoàn tầu Pháp tại Cửa Hàn, vua phản ứng bằng cách đổ hết tội lỗi trên đầu người Công Giáo, và ngày 3/05/1847 ban hành hai sắc lệnh lùng bắt các linh mục Thừa Sai ngoại quốc. Theo sắc lệnh này, thánh Mattêô Lê Văn Gẫm bị bắt ngày 8-6-1846 và bị xử trảm ngày 11-5-1847 [16].

6. Vua Tự Ðức (1847-1883) cấm đạo vì cho rằng Ðạo Công Giáo không chỉ là "Tả Ðạo" mà còn tệ hơn nữa, là một tôn giáo xấu xa "một dịch tễ" ; coi người Công Giáo là kẻ nội thù và phải tận diệt. Nếu tính số Sắc lệnh bắt đạo, dưới thời Tự Ðức lên tới 13 Sắc lệnh ký vào những năm 1848, 1851, 1855, rồi năm 1857: 4 Sắc lệnh; năm 1859: 3 Sắc lệnh; và năm 1860: 4 Sắc lệnh sau cùng. Nhiều lệnh như thế minh chứng ý chí nhà vua muốn tận diệt đạo Thiên Chúa bằng mọi giá, và tận diệt suốt trong 30 năm chấp chính. Chúng ta sẽ thấy nội dung những Sắc lệnh đó khủng khiếp tới mức nào!

Sắc lệnh: 7/06/1857) : truyền các cơ quan chính quyền phải ráo riết bài trừ Tả đạo. Lệnh cho các xã ủy, cai tổng (Sắc lệnh: Tháng 5 năm 1857). Ai không tuân theo sẽ bị cách chức (Sắc lệnh 7/06/1857). Lệnh cho Triều đình và các quan địa phương (Sắc lệnh 24/08/1857).

Phải bắt tất cả các tầng lớp Công Giáo : Hết mọi thanh niên trên 15 tuổi phải trình diện thường xuyên theo thời gian nhất định (Lệnh 17/01/1860). Người Công Giáo, dù học giỏi, có khả năng, cũng không được bổ nhiệm giữ chức vụ nào (Sắc lệnh 18/09/1855). Ðặc biệt giới ngư phủ: vì họ luôn luôn di chuyển và thường là chỗ ẩn náu cho các đạo trưởng (Sắc lệnh 18/09/1855). Những người chứa chấp đạo trưởng sẽ bị phân thây và buông sông (Sắc lệnh 30/03/1851). Giáo dân không chịu đạp lên Thánh Giá sẽ bị khắc hai chữ "Tả Ðạo" trên mặt và đi đầy biệt xứ (Sắc lệnh 18/09/1855). Ai cố chấp xưng đạo: đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 7/06/1857). Bắt các thành phần trong Hội đồng giáo xứ (Sắc lệnh tháng 10/1859). Binh sĩ Công Giáo không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Ðạo và bị đầy chung thân (Sắc lệnh Tháng 12/1859). Giới Quan lại Công Giáo, cả những ai đã chối đạo cũng bị cất chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết (Sắc lệnh 15/12/1859). Các Nữ tu : không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở, vì họ là những liên lạc viên đắc lực. Ai không tuân lệnh sẽ bị tù chung thân, hay làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 17/01/1860 và Sắc lệnh tháng 7/1860). Các Linh mục Việt Nam : đạp Thánh Giá hay không đều bị phân thây để nêu gương ; Ngoại quốc: bị trảm quyết, đầu phải treo luôn trong 3 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển (Sắc lệnh 15/09/1855).

Các cơ sở Công Giáo (nhà thờ, nhà xứ, tu viện, nhà trường) bị đốt phá và tiêu hủy (Sắc lệnh 18/09/1855 và Sắc lệnh 8/12/1857). Nhất là cơ sở tại Vĩnh Trị : phải bình địa hóa triệt để (Sắc lệnh 1/12/1857).

Những khổ hình dã man nhất : Phân sáp (1860) gồm 5 khoản : Khoản 1: Hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giầu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng bên lương. Khoản 2: Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo : cứ năm người lương canh gác một người Công Giáo. Khoản 3 : Tất cả các làng Công Giáo sẽ bị phá bình địa và tiêu hủy. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa sẽ bị chia cho các làng bên lương lân cận, và các làng bên lương này có nhiệm vụ phải nộp thuế hằng năm cho Chính Phủ. Khoản 4 : Phân tán nam giới đi một tỉnh, nữ giới đi một tỉnh khác, để không còn cơ hội gặp nhau, con cái thì chia cho những gia đình bên lương nào muốn nhận nuôi. Khoản 5 : Trước khi phân tán, tất cả giáo dân nam nữ và trẻ con đều bị khắc trên má trái hai chữ Tả Ðạo và trên má bên phải tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ, như thế không còn cách nào trốn thoát.

Pháp luật nghiêm khắc như thế, thảo nào số người Công Giáo bị ngã gục đã lên cao : trong tổng số 117 vị Thánh Tử Ðạo, 50 vị đã hy sinh mạng sống dưới đời Tự Ðức!

Ðọc lại trang sử rùng rợn trên đây chúng ta tự hỏi : con người với nhau, cùng là công dân một nước, cùng nói một ngôn ngữ, cùng sống một giang sơn, cùng đóng góp nghĩa vụ chung, tại sao lại có thể tàn bạo với nhau đến thế ? Những Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân Việt Nam thời xưa là những công dân tốt lành, họ truyền bá những điều hợp lý, họ sống đời sống gương mẫu, họ ăn ở lương thiện bác ái. Có những người bị bắt bớ vì tín ngưỡng, bị đeo gông cùm, nhưng nhiều lần được cả lính canh gác ngục tù cảm phục, tôn kính; nhiều lần trên pháp trường được cảnhững lý hình xin lỗi, thanh minh trước khi giơ tay hành quyết, tại sao họ bị bao vây tầm nã, bị đối xử dã man, tệ hơn những tội nhân phản loạn, bị coi rẻ hơn những thành phần bất hảo? Theo lý luận trần gian, sự kiện lịch sử làm cho chúng ta điên đầu không tìm ra câu giải đáp!

Nhưng rồi ngửa mặt lên nhìn vào cây Thập Giá. Từ đây một ánh sáng thiêng liêng sẽ cho chúng ta nhận thấy trong loài người ai đã thánh thiện bằng Chúa Kitô, ai đã thi ân cho nhân loại bằng Ngài, qua giáo lý Ngài công bố, qua phép lạ Ngài làm, qua đời sống trong sáng Ngài nêu cho cả thếgiới ? Nhưng rồi ai đã phải chết đau khổ bằng Ngài và như Ngài ? Chính Chúa Giêsu hồi xưa đã tiên báo: "Thầy phải đi Giêrusalem, ở đó sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ phải tử nạn và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Matt. 16,21). Sở dĩ Chúa đi chịu chết (và sau có phục sinh) là để: "Nhân danh Ngài sự ăn năn thống hối và ơn tha tội sẽ được lan truyền khắp nơi bắt đầu từ Giêrusalem" và Ngài trao cho các Tông Ðồ sứ mệnh "làm chứng nhân về tất cả những sự kiện đó" (Luc. 24,48-68).

Tự Ðức là vua sau cùng đã bách hại đạo Công Giáo, ý muốn của nhà vua là tiêu diệt tận gốc. Nhưng nhà vua, cũng như các người bách hại đạo Công Giáo trên thế giới, đâu có ý thức được rằng : đạo Thiên Chúa xây đắp không phải trong ranh giới thời gian, trong lãnh vực địa dư quốc gia, nhưng là được củng cố trong lương tâm, trong tâm hồn nhân loại, làm sao mà tiêu diệt nổi? Ðạo Thiên Chúa được mở rộng biên cương, được phát triển không phải bằng những phương tiện kinh tế, vật chất, binh đao, nhưng bằng một luật tiến triển siêu nhiên: "Hạt giống gieo xuống đất mà không mục nát sẽ không sinh hoa trái, nhưng nếu mục nát đi nó sẽ sinh nhiều hạt khác" (Gio. 12,24-25).

Theo những chỉ dụ cấm đạo này, số người đã bị bức tử vì theo đạo Thiên Chúa đã lên rất đông, trong đó 50 vị đã được phong hiển thánh tử đạo. 4 vị bị bức tử theo sắc lệnh 1848 và 1851 : Lm Augustinô Schoeffer Đông, MEP, Lm Louis Bonnard Hương, Lm Philipphê Phan Văn Minh, Ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu. 2 vị với sắc lệnh 1854 : Ông Trùm Anrê Thông, Lm Laurensô Nguyễn Văn Hưởng. 4 vị đã tử đạo sau các sắc lệnh trên, thêm với sắc lệnh 1857 : Lm Phaolô Lê Bảo Tịnh, Quan Micae Hồ Đình Hy, Thầy Phêrô Đào Văn Vân, GM Giuse Diaz Sanjurjo An.

Các sắc lệnh phân sáp và tận diệt người Công Giáo trong các năm 1860, 1861 và 1862 đã gây ra sự tang thương tàn khốc dã man chưa từng thấy : 115 linh mục bị tử đạo ; 2.000 nữ tu trong 80 tu viện bị phân tán, trong đó hơn 100 tử đạo ; Trên 10.000 đầu mục bị bắt ; Hơn 2.000 họ đạo bị hủy diệt ; Trên 300.000 giáo dân bị phân tán trong các làng bên lương, trong đó, khoảng 40.000 bị thiệt mạng. Trong tất cả những người tử đạo này, 40 vị đã được phong hiền thánh : GM Melchior Sampedro, Cai Đội Phanxicô Trần Văn Trung, Lm Đaminh Mầu, Cai Tổng Luca Phạm Viết Thìn, Quan Án Phạm Viết Khảm, Cai Đội Giuse Tả, Lm Phaolô Lê Văn Lộc, Lm Daminh Cẩm, Ông Phaolô Hạnh, Ông Trùm Emmanuel Lê Văn Phụng, Lm Phêrô Đoàn Công Quí, Lm Tôma Khuông, Cai Đội Giuse Lê Đăng Thị, Lm Phêrô Phanxicô Néron Bắc, MEP, Lm Théophane Vénard Ven, MEP, Lm Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Lm Giuse Tuân, Lm Gioan Hoan, Ông Matthêô Nguyễn Văn Đắc, Lm Phêrô Almato Bình, OP, Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang, GM Girôlamô Hermosilla, GM Berrio Ochoa, GM Stéphane Théodore Cuénot, Ông Giuse Tuân, Ông Laurensô Ngôn, anh Giuse Túc, Ông Đaminh Ninh, Ông Trùm Phaolô Đổng, hai cha con Đaminh Huyện và Đaminh Toái, Ông Vinh Sơn Dương và các bạn, hai cha con Phêrô Dũng và Phêrô Thuần, Đaminh Nguyện, Vinh Sơn Tường, Đaminh Mạo, Anrê Tường, Đaminh Nhì, Phêrô Đa [17].

7. Nhóm Văn Thân (1874-1886) với khẩu hiệu « Bình Tây, Sát Tả », đã đốt phá cả ngàn làng Công Giáo và giết hại có tới 60.000 tín hữu. Chính lý ra những cuộc bách hại chấm dứt dưới thời Tự Ðức, vì theo khoản 9 Hiệp Ước Giáp Tuất ký giữa Việt Nam và nước Pháp, ngày 15/03/1874, vua Tự Ðức đã ký nhận "quyền tự do theo đạo và hành đạo của người Công Giáo". Tuy nhiên lịch sử còn ghi chép: sau vua Tự Ðức sự bắt bớ Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam vẫn tiếp tục, không kém phần dữ dội tàn bạo, và diễn tiến trong hoàn cảnh rối ren khác biệt.

Các vua kế vị Tự Ðức : Hiệp Hòa lên chấp chính được 4 tháng rồi sau đó bị ép buộc phải uống thuốc độc quyên sinh. Kiến Phúc lên ngôi hồi mới 15 tuổi. Hàm Nghi lên kế vị lúc còn 12 tuổi. Do đó mọi quyền điều khiển quốc sự, giữa lúc đang phải đương đầu với ngoại bang, đều nằm trong tay hai vị đại thần: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Kết quả đưa đến chỗ không may mắn : do hai Hiệp ước 1883 và 1884 một phần lãnh thổ Việt Nam và quyền hành cai trị quốc gia sang tay người ngoại quốc!

Do đó từ năm 1874, phong trào Văn Thân nổi dậy từ đất Nghệ An, do hai người tú tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai, lập khẩu hiệu « Bình Tây, Sát Tả » (đuổi quân Tây diệt Tả Ðạo), lộng quyền trên đất nước, đặc biệt vùng Nghệ Tĩnh [18] và con vật hy sinh, một lần nữa, lại là nhân dân Công Giáo rải rác trên toàn quốc! Cuộc bách hại tàn ác vì lợi dụng hoàn cảnh "đục nước béo cò": chỉ trong mấy năm Văn Thân, số người Công Giáo bị tàn sát vì Tín ngưỡng đã lên cao gần bằng tổng số tín hữu đã hy sinh trong hơn hai thế kỷ bách hại, từ đời các chúa Trịnh, Nguyễn, cho tới hết đời Tự Ðức.

Những cuộc tàn sát thật ác liệt rùng rợn: từng lớp người, kể ra từng trăm từng ngàn, cứ mỗi lần phải qua một cơn bách hại là cứ tiếp tục ngã xuống, như những trái sung rụng trước cơn gió lộng! Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù. Nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại, chỉ vì là thành phần trong dân Thiên Chúa. Linh mục Ð. Trần Văn Phát, hồi xưa Tổng Quản Giáo Phận Huế, còn đi xuống những chi tiết "độ 100000 đấng Tử Ðạo : ước 58 vị Giám Mục và Linh Mục ngoại quốc, 150 vị Linh Mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 1 chủng sinh, 270 Chị Dòng Mến Thánh Giá và 99182 giáo dân" [19].

Trên đây chúng ta vừa xem qua 7 lý do khiến các vua quan đã cấm đạo Thiên Chúa và giết hại các tín hữu, tựu trung đều là vì lý do tôn giáo. Qua 7 thời đại cấm đạo khác nhau, từ thời các chúa Nguyễn (1615-1778) ở Đàng Trong, các chúa Trịnh (1627-1786) ở Đàng Ngoài, qua Nhà Tây Sơn (1775-1800), các vua Nhà Nguyễn : Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1840-1847), Tự Đức (1847-1883), đến nhóm Văn Thân (1885-1886), các lý do nêu ra đều không phải là chính trị hay xã hội. Nhưng tất cả đều là tôn giáo. Trong hai triều đại Thiệu Trị và Tự Đức, kèm theo lý do chính là tôn giáo, còn thấy nêu ra lý do chính trị. Chúng ta có thể kết luận rằng lý do chính khiến các vua chúa Việt Nam cấm đạo, diệt đạo và thảm sát các tín hữu Công Giáo là lý do tôn giáo. Họ cấm đạo và giết giáo hữu vì cho rằng Nho Giáo là chính đạo, chỉ có Nho giáo mới có quyền tồn tại, và các đạo khác phải bị tiêu diệt. Luật pháp của nhà Nguyễn và cả của nhà Lê đều qui định chỉ có Nho giáo là chính đạo, Nho giáo là độc tôn, còn tất cả các đạo khác đều là tà đạo, kể cả đạo Phật [20].

Qua 7 thời đại cấm đạo trên, tổng số các vị tử đạo ước lượng khoảng 130.000. Trong số 130.000 người đã bỏ mình vì đức tin, có 117 vị đã được Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phúc, qua bốn đợt :

- Năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ban Sắc Chỉ Fortissimorum Virorum (Những con người anh dũng) ngày 27.5.1900 đã tôn phong 64 vị.

- Năm 1906 Đức Giáo Hoàng Piô X ban Sắc Chỉ Martyrum Purpurata Sanguine (Máu Đào Tử Đạo) ký ngày 15.4.1906 trong Acta S. Sedis, vol. 40 (1907), pp. 203-3211, ngày 20.5.1906 đã tôn phong 8 vị.

- Năm 1909 Đức Giáo Hoàng Piô X ban Sắc Chỉ Martyrum Purpurata Sanguine ký ngày 11.4.1909 trong Acta S. Sedis, vol. 1, pp. 452-458, ngày 2.5.1909 đã tôn phong 20 vị.

- Năm 1951 Đức Giáo Hoàng Piô XII ban Sắc Chỉ Albae ad Messem (Đồng lúa đã chín) ký ngày 29.4.1951 trong Acta Ap. Sedis, vol. 43, pp. 305-310, đã tôn phong 25 vị.

Và ngày 19.06.1988 trước 80.000 người tham dự, 117 vị Chân Phước Tử Đạo trên đây đã được tuyên phong Hiển Thánh bởi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Rôma.

Theo quốc tịch, thành phần 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam được chia ra như sau:

- 11 vị người Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục thuộc Dòng Đa Minh.

- 10 vị người Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục Hội Thừa Sai Paris.

- 96 vị người Việt Nam: 37 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân.

Theo thời gian, các Ngài đã hy sinh tính mạng làm chứng nhân cho Chúa trong các triều đại:

- Chúa Trịnh Doanh (1740-1767): 2 vị

- Chúa Trịnh Sâm (1767-1782): 2 vị

-Vua Cảnh Thịnh (1782-1802): 2 vị

-Vua Minh Mạng (1820-1840): 58 vị

-Vua Thiệu Trị (1840-1847): 3 vị

-Vua Tự Đức (1847-1883): 50 vị

Theo các khổ hình phải chịu, các Ngài đã phải hành xử như sau :

-76 vị bị xử trảm quyết (bị chém rơi đầu)

-21 vị bị xử giảo (bị giây thừng thắt cổ)

-9 vị bị tra tấn và chết rũ tù

-6 vị bị thiêu sống

-5 vị bị lăng trì (bị phân từng mảnh thân thể, bị xẻo từng miếng thịt)

Nghe lời chủ chăn, về dự Đại Hội Lộ Đức từ 01 đến 05 tháng 08 năm 2013 để « Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam - Sống Đức Tin theo gương tiền nhân », các Công Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp cùng nhau dâng lời hoan ca :

" Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa,

Bài ca thấm nhuộm máu hồng,

từng đoàn người anh dũng tiến lên hy sinh vì Tinh yêu "

Paris, ngày 16 tháng 07 năm 2013

Trần Văn Cảnh

CHÚ THÍCH

1. Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, Giáo Hội Việt Nam, Những thời kỳ bị bách hại và những sắc chỉ cấm đạo ; Hoa Kỳ : 1987. (http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html)

2. LM Nguyễn Hồng : Lịch sử truyền giáo Việt Nam, quyển 1 ; Sài Gòn : Hiện Tại ; 1959, tr. 22, 25, 27, 32, 53-54, 61, 97.

3. Trần Trọng Kim : Việt nam sử lược, q. II ; Fort Smith : Sống Mới ; 1978, tr. 150-152.

4. LM Nguyễn Hồng, Sđd ; tr. 23-31.

5. Ibid. ; tr. 80-82.

6. Vũ Thành : Dòng máu anh hùng, tập 2 ; Franklin : Phong trào Thanh Sinh Công tại Hoa Kỳ ; 1987 ; tr. 3-7.

7. Đỗ Quang Chính : Tản mạn lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ; San Diego – Montréal : Antôn & Đuốc sáng ; 2005 ; tr. 76-

8. LM Nguyễn Hồng : Sđd, tr. 64

9. Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ : Sđd.

10. Vũ Thành : Sđd, tập 1, phần I, ch. 2

11. Ibid, III, 4

12. Ibid. III, 3

13. Ibid. III, 2

14. Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ : Sđd.

15. Vũ Thành, Sđd, tập 2, tr. 10-495.

16. Vũ Thành, Sđd, tập 3, tr. 18-23

17. Vũ Thành, Sđd, tr. 50-329

18. Trần Trọng Kim, Sđd, tr. 289-290

19. Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ : Sđd

20. Phan Phát Huồn, CSSR, Việt Nam Giáo Sử ; Long Beach : 1997 ; tr.398.
 
Thông Báo
Phân ưu: Thân sinh Tiến sĩ Trần An Bài qua đời tại San José
VietCatholic Network
10:03 16/07/2013
PHÂN ƯU:
Chúng tôi nhận được tin

Cụ Giuse Trần Ruy Dương (bút hiệu Trùng Dương)
Thân sinh của ÔB. Trần An Bài
qua đời ngày 8.7.2013 tại San José
hưởng thọ 97 tuổi.


Xin chân thành phân ưu cùng gia đình ÔB Trần An Bài và tang quyến
Xin Chúc thương ban phúc trường sinh nơi quê hương Thiên Đàng cho Cụ Giuse.

LM Gioan Trần Công Nghị
và Toàn Ban VietCatholic Network

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giữa Trời Thiên Nhiên
Nguyễn Đức Cung
21:24 16/07/2013
GIỮA TRỜI THIÊN NHIÊN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Thiên nhiên chẳng phụ lòng người;
Có chăng tâm thức ơ hờ đấy thôi.
(nđc phóng ngữ)

Nature never deceives us; it is we who deceive ourselves.
(Jean-Jacques Rousseau)