Ngày 16-07-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:07 16/07/2014
BA CÁI TAI CỦA THỎ
N2T

Có một con thỏ có ba cái tai.
Những con thỏ khác nhìn nó không thuận mắt, nên nhao nhao phê bình, nói:
- “Thật kỳ quái, chúng ta đều có hai cái tai, tại sao một mình anh lại có ba cái ?”
- “Chắc chắn nó là một quái vật không bình thường”.
- “Đúng, chúng ta không cần quái vật, đuổi nó đi, đuổi nó đi”.
Để được sự đồng ý và tiếp nhận của chúng nhân, con thỏ ấy nhịn đau cắt đi một cái tai. Mấy năm sau, nó đi đến một khu rừng rậm khác, bổng phát hiện những con thỏ ở đây đều có ba cái tai.
Chúng nó hình như phát hiện ra người...ngoài hành tinh, vây quanh nó bình phẩm đủ điều:
- “Trời ạ, con thỏ xấu xí nầy ở đâu đến đây vậy ?”
- “Anh coi, nó thiếu một cái tai, chúng ta có bị truyền nhiễm không ?”
- “Thật tôi không thể chịu đựng khi ở cùng với loại thỏ như thế...”

Con thỏ nghi hoặc không hiểu gì cả, rốt cuộc có ba cái tai là bình thường hay là có hai cái tai mới đúng. Nhưng nó chỉ biết một điều duy nhất là chỉ cần nó không giống với người khác, thì nhất định bị coi là khác loài, không được đón tiếp.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Muốn vừa lòng ông chủ, những người làm công luôn nịnh hót để đánh mất nhân cách của mình; để cấp trên khen thưởng và để lấy lòng họ, các nhân viên thường che giấu cái tôi của mình, chịu lòn cúi, nịnh hót…
Con người ta khi đã đánh mất chính mình thì không còn là mình nữa, chỉ là những con người máy làm theo lệnh của cấp trên.
Vì quyền lợi cá nhân, vì địa vị, vì danh vọng, mà có rất nhiều người tự chặt bỏ đi sự can đảm, cương trực, ngay thẳng của mình.
Thánh Gioan Tiền Hô bị chặt đầu vì đã can ngăn tội loạn luân lăng loàn của vua Hê-rô-đê, ngài đã không đánh mất sự cương trực của mình.
Thánh nữ Ma-ri-a Gô-ret-ti đã bị đâm hàng chục nhát đao vì để bảo vệ sự trong trắng của mình.
Thánh Tô-ma Thiện thà chịu chết vì đạo Chúa, hơn là được quan gả con gái cho và được ra làm quan…
Bản chất của người Ki-tô hữu là bác ái và khiêm nhường, đừng vì danh lợi mà như gió thổi bên nào thì ngã bên ấy, để rồi đánh mất đi bản chất cao quý của người Ki-tô hữu nơi mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

----------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:10 16/07/2014
N2T

24. Phàm linh hồn yêu mến Thiên Chúa thật, thì không thể yêu cầu được an nghỉ.

(Thánh Terese of Avila)
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quân khủng bố Hồi Giáo ISIS trả tự do cho hai nữ tu
Sr. Maria Nguyễn Thị Minh Du
03:55 16/07/2014
Sau 17 ngày trong bị giam cầm, quân khủng bố Hồi giáo đã trả tự do cho hai nữ tu Công Giáo Chanđê và ba người trẻ Iraq tại Mosul. Đức Hồng Y Louis Sako là Thượng Phụ của Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng hai nữ tu là các sơ Miskinta và Atur Joseph, hiện nay đã được an toàn, cùng với hai thiếu nữ và một cậu bé. Cả ba người trẻ này đã bị bắt cóc cùng với các nữ tu.

Đức Hồng Y nói thêm rằng các chiến binh ISIS đã không ngược đãi các nữ tu. Trong thời gian bị giam cầm, năm người đã liên lỉ cầu nguyện cho hòa bình tại Iraq. Đức Thượng Phụ Sako cũng khẳng định rằng Giáo Hội không phải trả một khoản tiền chuộc nào.

Các nữ tu Chaldean coi sóc một trại mồ côi ở Mosul, nhưng họ đã sơ tán khi các quân khủng bố Hồi Giáo chiếm thành phố. Khi hai nữ tu trở lại để tìm các trẻ mồ côi bị thất lạc thì bị một số chiến binh bắt cóc.

Hai nữ tu và ba thường dân đã được đưa đến nơi an toàn trong Iraq Kurdistan, tức là khu vực người Kurd trên lãnh thổ Iraq. Đây là một khu vực tự trị ở phía bắc của đất nước. Mảnh đất bị tàn phá bởi chiến tranh này đã đón nhận hơn nửa triệu người sau khi quân khủng bố Hồi Giáo ISIS tuyên bố thành lập một caliphate, tức là một nhà nước Hồi Giáo.
 
Các Giáo Hội Trung Mỹ cương quyết nhổ tận gốc những nguyên nhân đưa đến nạn trẻ em di cư
Mai Anh
12:10 16/07/2014
MÊHICÔ: Trong một tuyên ngôn chung công bố hôm 10 tháng 7 vừa qua tại thành phố Mêhicô, các Giám Mục Trung Mỹ và Hoa Kỳ đã tái khẳng định nỗ lực chung nhằm nhổ bỏ tận gốc rễ những nguyên do khiến người trẻ Trung và Nam Mỹ tìm cách di cư bất hợp pháp, đồng thời đề ra những chương trình phát triển xã hội kinh tế ở nguyên quán và giúp đỡ những người trở về nước.

Trong những ngày vừa qua, đại diện các Giám Mục Hoa Kỳ, Mêhicô, El Salvador, Guatemala và Honduras đã nhóm họp tại thủ đô Mêhicô về vấn đề trẻ em di cư bất hợp pháp.

Theo những con số thu thập gần đây, từ tháng 10 năm ngoái 2013 đến tháng 6 vừa qua, tức chỉ trong 8 tháng, đã có hơn 57.000 trẻ em lọt đến biên giới Hoa kỳ cách bất hợp pháp, không có người lớn đi kèm. Chính phủ Hoa Kỳ báo động là con số này sẽ tiếp tục lên cao vì có tin đồn là Hoa Kỳ sẽ cấp giấp phép lưu trú đặc biệt cho các trẻ em này. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trong tuyên ngôn chung công bố nói trên, các Giám Mục Hoa Kỳ và Trung Mỹ tái xác định sự ủng hộ và đề cao ”Bản tuyên ngôn đặc biệt Managua”, theo đó, các quốc gia thành viên Hội đồng di dân trong vùng nhìn nhận trách nhiệm của từng nước và cam kết sẽ thực hiện tất cả những biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của người trẻ và sự hiệp nhất của gia đình, đồng thời quảng bá những nguy hiểm trên đường đi, minh nhiên sự kiện hoàn toàn không có việc Hoa Kỳ cấp giấy phép cư trú cho các trẻ em đến đây một mình, đồng thời chiến đấu chống lại các nhóm tội phạm buôn người (SD 14-7-2014).
 
ĐHY Parolin cầu chúc chính quyền và các đảng phái Mêhicô thành công trong việc canh tân đất nước
Linh Tiến Khải
12:12 16/07/2014
MÊHICÔ: Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cầu chúc chính quuền và các đảng phái chính trị thành công trong công cuộc cải tổ Hiến Pháp và các cơ cấu quốc gia, hầu đem lại nhiều thiện ích cho dân nước Mêhicô.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời cầu chúc này trong buổi gặp gỡ giới truyền thông xã hội Mêhicô trong khuôn khổ chuyến viếng thăm và tham dự Hội nghị về di cư và lưu động do chính quyền Mêhicô tổ chức những ngày vừa qua. Các cuộc cải cách và đổi mới đã có thể tiến hành nhờ sự đồng thuận của các đảng phái chính trị và các lực lượng xã hội, và chắc chắn chúng sẽ đem lại nhiều thành qủa cho dân nước Mehicô, đặc biệt là những người bị thiệt thòi nhất. Tinh thần đồng thuận này cho phép liều lĩnh đương đầu với những thách đố lớn như nạn di cư, nạn nghèo túng. Hai tệ nạn này làm nảy sinh ra nhiều vấn đề khác như cảnh gia đình phân tán, trẻ em di cư không có người lớn đi kèm. Thêm vào đó là nạn gian tham hối lộ và buôn người hay các bạo lực thường gắn liền với các tổ chức ma túy và tội phạm, hằng năm khiến cho bao nhiêu người bị giết. Để thắng vượt các khó khăn đó cần phải có sự liên đới giữa các chính quyền vùng miền, quốc tế và các chiến thuật chung và kiên trì thực hiện, nhất là trong việc thăng tiến phẩm giá và các quyền con người.

Trong thánh lễ đồng tế với các Giám Mục và linh mục cử hành tại đền thánh Đức Bà Guadalupe, có sự tham dự đông đảo của các tu sĩ và giáo dân nam nữ, Đức Hồng Y Parolin mời gọi mọi người noi gương Mẹ Maria thưa lên hai tiếng xin vâng, cộng tác vào việc thực hiện chương trình tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Khi chạy đến với Mẹ Guadalupe chúng ta hãy đặt để dưới chân Mẹ các lời cầu xin cho gia đình, cho con cái, cho các vấn đề kinh tế xã hội, nhưng nhất là hãy xin Mẹ giúp chúng ta trung thành với Chúa Kitô, là kho tàng lớn nhất Mẹ ban cho chúng ta. Với Chúa Kitô trong tim chúng ta có thể đương đầu với cuộc sống thường ngày với các vui buồn của nó, có can đảm và sức mạnh không đáp trả sự dữ bằng sự dữ và không bao giờ nói dối. Với Mẹ Maria chúng ta cũng học được rằng loan báo Tin Mừng có nghĩa là cao rao các việc kỳ diệu của Chúa, loan báo và khám phá ra các hoa trái của ơn cứu độ với con tim được canh tân.

Đức Hồng Y cũng phó thác cho Đức Mẹ Bổn Mạng dân nước Mêhicô chương trình mục vụ của Giáo Hội Mêhicô thăng tiến hiệp nhất và hòa giải, đối thoại và cộng tác với mọi thành phần xã hội, dùng các giá trị và nguồn gốc kitô cho việc xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn, một xã hội dựa trên nền văn minh gặp gỡ, triệt để tôn trọng sự sống con người và không mệt mỏi phát huy sự thông cảm giữa mọi người. Ngoài ra còn có dấn thân thăng tiến các quyền con ngừơi và điều kiện sống tốt đẹp hơn cho dân để họ không bị bó buộc bỏ nhà cửa đất đai để di cư kiếm tìm các điều kiện sống tốt hơn ở nơi khác (SD 15-7-2014)
 
Hội đồng Giám mục Phi luật tân công bố tài liệu hướng dẫn cách thức áp dụng về sức khỏe sinh sản
Mai Anh
16:56 16/07/2014
MANILLA: Hội Đồng Giám Mục Philippinbe vừa công bố một tài liệu hướng dẫn mục vụ chi

tiết để giúp các tín hữu Công Giáo thấu hiểu cách thức áp dụng luật mới về sức khỏe sinh sản, đã được Tối Cao Pháp viện nước này nhìn nhận tính chất hợp hiến ngày 8-4 vừa qua.

Hội Đồng Giám Mục Philippine vừa kết thúc khóa họp khoáng đại trong những ngày này. Tài liệu về sức khỏe sinh sản bị Giáo Hội mạnh mẽ chống đối và đã được thảo luận trong vòng 16 năm dài trước khi chính thức trở thành luật, đề ra các phương thế kế hoạch hóa gia đình nhân tạo như thuốc ngừa thai trong các chương trình sức khỏe công cộng, với mục đích giảm đà gia tăng dân số. Tuy nhiên, khi nhìn nhận tính chất hợp hiến của luật về sức khỏe sinh sản, Tối Cao Pháp Viện Phi cũng công nhận quyền phản kháng lương tâm của các bác sĩ hay các bệnh viện tư. Chính vì thế, các Giám Mục Phi đã soạn thảo và công bố tài liệu nói trên để hướng dẫn các nhân viên làm việc trong các cơ cấu y tế công cũng như tư trong việc bảo vệ lương tâm của mình.

Trước hết bản chỉ dẫn của các Giám Mục Phi nhấn mạnh là Tối Cao pháp viện Phi tái xác nhận là phá thai và các loại thuốc trụy thai bị cấm trong luật sức khỏe sinh sản, vì ”quyền được sống dựa trên luật tự nhiên, vượt quá và đi trước mọi thẩm quyền hay luật lệ của con người. Vì thế, các Giám Mục Phi yêu cầu chính quyền kiểm soát chặt chẽ và đánh giá đúng đắn các loại thuốc ngừa thai, cả những loại thuốc đã có mặt trên thị trường từ lâu, làm sao để biết chắc là các loại thuốc đó không phải là thuốc phá thai. Mặt khác, các nhân viên y tế có thể từ chối không cung cấp thông tin về ngừa thai mà không bị kỳ thị vì lý do lương tâm. Đối với các biện pháp ngừa thai không thể tái phục hồi như cắt ống dẫn tinh hay dẫn trứng, cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng thay vì chỉ một mình đương sự mà thôi. Về mặt giáo dục tính dục, các Giám Mục Phi khẳng định rằng các trường học Công Giáo không bị lệ thuộc quyết định phải quảng bá luật sức khỏe sinh sản, nhưng phải chuẩn bị cho người trẻ biết làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Cuối cùng Hôi Đồng Giám Mục Phi mời gọi các giáo phận trong nước tổ chức các cuộc hội thảo đào sâu luật này, hầu giúp các nhân viên y tế hiểu thấu văn bản án lệnh của tối cao pháp viện về luật sức khỏe sinh sản. (SD 14-7-2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tưởng Nhớ “Cầu Thủ” Trần Phúc Nhân
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
03:24 16/07/2014
14-07-2014 - Khai mạc khoá tập trung 2
(đúng 1 tháng sau khi anh Trần Phúc Nhân qua đời)

Trước thánh lễ

Hôm nay 14-07, Hội Thánh mừng lễ thánh Ca-mi-lô chết cách đây đúng 400 năm. Từ một thanh niên sống buông thả rồi nhiễm bệnh, chính trong môi trường bệnh viện mà thánh nhân được ơn hoán cải, trở thành người sáng lập Hội Tôi Tớ các bệnh nhân, chuyên lập bệnh viện và săn sóc các bệnh nhân.

Hôm nay cũng là ngày chúng ta khai mạc khoá tập trung 2 trong năm, lần đầu tiên vắng anh Nhân: Anh đã được Chúa gọi về cách đây đúng 30 ngày. Chúng ta cảm tạ Chúa đã cho Nhóm chúng ta sống được 43 năm, cảm tạ Chúa vì sức sống Chúa ban cho Nhóm mà hai khoá tập trung đều đặn mỗi năm là một biểu hiện. Chúng ta nói với anh Nhân rằng anh vẫn sống trong lòng chúng ta, những người đang tiếp tục sứ mạng anh đã ôm ấp và thực hiện trong 43 năm kể từ khi Nhóm ra đời.

* * *

Suy niệm

Hôm nay kết thúc cuộc tranh tài bóng đá, diễn ra 4 năm một lần. Tôi không mê bóng đá nên không mất ngủ vì bóng đá. Nhưng sáng hôm qua xem truyền hình Pháp có một thiên phóng sự nói về việc làm các cúp bóng đá tại một thành phố ở Ý. Một hãng tôi không nhớ tên được vinh dự độc quyền sản xuất món quà quý giá này từ hơn 40 năm nay. Khi giải thích tại sao lại có hình 2 cầu thủ đội một quả cầu là hình chiếc cúp, bình luận gia nói parce qu’ on ne gagne pas seul . Không ai một mình lại có thể thắng, mà chỉ có thể thắng với đồng đội.

Tôi chợt nghĩ đến thánh lễ An Táng anh Nhân của chúng ta, với sự tham dự của 5 giám mục và gần 200 linh mục, trong đó chủ tế hết lời ca ngợi công đức anh Nhân, đặc biệt như một người đã hết tình yêu mến Lời Chúa và hết tâm phục vụ. Tôi miên man nhớ lại chuyến đi Pleiku của một số anh chị em chúng ta cách đây mới hơn 2 tháng. Tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Mang-đen, khi thấy một nhóm khách có người đến từ khá xa như Đồng Nai, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, giám mục Kontum đã nói: Thay vì chi một số tiền khá lớn cho một chuyến đi xa, nên chăng để dành tiền đó mua sách Kinh Thánh giúp cho những tín hữu nghèo không có tiền mua. Ngài cũng cho biết suốt nhiều năm qua đã âm thầm thực hiện kế hoạch mỗi tín hữu một cuốn Tân Ước và mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh trọn bộ. Trong thánh lễ hôm đó Đức Cha Oanh nói rõ: Tôi không xin anh chị em đóng góp tiền của xây dựng đền thánh Đức Mẹ Mang-đen, chuyện Đức Mẹ, Đức Mẹ lo. Mối quan tâm của tôi là làm sao cho anh chị em tín hữu có của ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng đời sống đức tin. Xem ra vị giám mục Kontum không mặn mà với loại tôn giáo lễ hội như chúng ta vừa nghe qua lời cảnh cáo của I-sai-a trong bài đọc 1 hôm nay, cũng như qua những đoạn sách A-mốt đọc trước đây một tuần.

Trong thánh lễ An Táng anh Nhân, anh được nhắc tới như một người hăng say phục vụ Lời Chúa. Việc này làm ta liên tưởng đến những giáo sư hay dịch giả Kinh Thánh của thế kỷ trước như cố Chính Linh, cha Trần Đức Huân, cha Đông Anh, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, cha Trịnh Hưng Kỷ, cha Trịnh Thiên Thu… đặc biệt hơn nữa là cha Nguyễn Thế Thuấn với bản dịch Kinh Thánh của cha đến nay vẫn còn được sử dụng trong các lớp Kinh Thánh. Nhưng nét đặc trưng của anh Nhân ở chỗ anh không phục vụ Lời Chúa một mình. Trong “đội banh” Các Giờ Kinh Phụng Vụ, anh không một mình dẫn banh vào lưới nhưng chơi cùng đồng đội. Là vì không ai có thể thắng một mình. “Cầu thủ” Trần Phúc Nhân đã nằm xuống, nhưng cuộc chơi vẫn tiếp diễn. Công trình phiên dịch anh góp phần khởi xướng và nuôi dưỡng suốt 43 năm vẫn tiếp tục. Lớp đàn anh trong đó anh niên trưởng Nguyễn Hữu Phú năm nay đã 85 tuổi vẫn hiện diện trong những ngày làm việc, ngay cả khi không còn khả năng làm công tác chuyên môn nữa thì sự hiện diện của các anh có tác dụng nâng đỡ tinh thần lớp trẻ miệt mài với công việc.

* * *

Sau khi hoàn thành bản dịch Kinh Thánh đã và đang được phổ biến rộng rãi, ở trong cũng như ngoài nước, thì từ nhiều năm qua chúng ta đã tra tay vào việc thực hiện bản dịch thứ 2 nhằm phục vụ việc dạy và học Kinh Thánh. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã hơn một lần so sánh Hội Thánh với một bệnh viện dã chiến và nói đến sứ mạng chữa lành của Hội Thánh. Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Ca-mi-lô, vị thánh đã được Chúa chữa lành về tinh thần cũng như thể xác và soi sáng cho ngài thành lập Tu Hội phục vụ bệnh nhân. Xin Thiên Chúa ban ánh sáng và sức mạnh giúp chúng ta trong việc phiên dịch Lời Chúa hay nói theo kiểu Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là tích cực góp phần đào tạo chuyên viên y tế, sản xuất dụng cụ y khoa và bào chế dược phẩm trong bệnh viện Hội Thánh Việt Nam. Tôi tin rằng anh Nhân của chúng ta như một huấn luyện viên dày kinh nghiệm đang đưa mắt nhìn những anh chị em trẻ khác nào những vận động viên đang nỗ lực đoạt chiếc cúp vàng. Và tôi dám tin rằng anh đang chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa.

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
 
Lễ Đức Mẹ núi Cát Minh tại Nữ Đan Viện Cát Minh Phú Cường
Giáo xứ Bến Sắn
08:20 16/07/2014
Lễ Đức Mẹ núi Cát Minh tại Nữ Đan Viện Cát Minh Phú Cường

Khác hẳn với không khí trầm mặc hàng ngày của Nữ Đan Viện Cát Minh Phú Cường, hôm nay 16/7/2014 Lễ Đức Mẹ núi Cát Minh bổn mạng Hội Dòng, theo truyền thống Đan Viện rộng mở đón tiếp đoàn con cái của Mẹ trong vùng đến tham dự.

Xem Hình

Thánh Lễ Mừng Kính Đức Mẹ núi Cát Minh do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Phú Cường chủ sự, cùng đồng tế có cha Micae Lê Văn Khâm Tổng Đại Diện giáo phận Phú Cường, linh mục Đa Minh Nguyễn Đức Trung, chánh xứ Bến Sắn, và 12 cha khách xa gần và đại diện nhiều cộng đoàn tu sĩ nam nữ, còn có sự hiện diện của các ân nhân và thân nhân, và bà con giáo dân giáo xứ Bến Sắn.

Vì Đan Viện chưa có nhà nguyện nên Thánh lễ được cử hành ngay sân nhà khách dưới hàng cây xanh mát, nhưng cũng không mất đi sự trang nghiêm vốn có của Đan Viện, sự kín nhiệm của các Nữ Đan sĩ Cát Minh không chỉ ẩn mình trong nơi xa vắng mà còn là sự hiện diện sống động giữa bao ngược xuôi của cuộc sống xã hội, những lời kinh tiếng ca mộc mạc chân thành, như hòa quyện với niềm vui rất sâu lắng, làm thanh thản tâm hồn những người hiện diện.

Hiện Đan Viện Cát Minh Phú Cường có khoảng 20 chị, hằng ngày ngoài những giờ Thần vụ, các Chị lao tác qua việc làm bánh lễ, may áo lễ, áo dòng, những mong muốn hiện nay của Nữ Đan Viện Cát Minh Phú Cường và cũng là những ưu tư hàng đầu của vị Mục Tử Giáo phận Phú Cường là Đan Viện mau chóng xây dựng được Nhà Nguyện và nhà tĩnh tâm, để đời sống tinh thần của các Nữ Đan sĩ được vươn lên cõi thinh không và tạo môi trường cho nhiều người gặp gỡ Thiên Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, theo truyền thống rất riêng của Đan viện Cát Minh, Đức Giám mục chủ tế đã làm phép áo Đức Bà để trao tặng cho những người hiện diện, ước mong tình thương Từ Mẫu của Mẹ rất thánh luôn bao bọc chở che chúng con trong Áo Thánh của Mẹ.
 
Hội Tấm Lòng Vàng hạt Phủ Quỳ mừng Lễ Bổn Mạng
Anthony Hoàng
09:33 16/07/2014
Sáng nay – 16.7.2014, khoảng 60 thành viên Hội Tấm Lòng Vàng (HTLV) hạt Phủ Quỳ đã tập trung tại giáo xứ Cồn Cả, trị sở của Giáo Hạt, để mừng lễ Đức Mẹ núi Cát Minh, Bổn Mạng của Hội.

Hình ảnh

Thánh lễ diễn ra vào lúc 10h. Ngoài các thành viên trong Hội, còn có sự hiện diện của cha quản hạt Phêrô Hoàng Biên Cương, cha đặc trách Antôn Hoàng Trung Hoa và ba cha trong Giáo Hạt.

Giảng giải lời Chúa trong Thánh lễ, lấy đoạn Tin Mừng Đức Maria đi thăm viếng bà Elisabeth, Cha Quản hạt nhắn nhủ các thành viên của HTLV: Như Đức Mẹ, bất chấp sự nguy hiểm của việc vượt đường sá xa xôi, đồi núi, khe suối; bất chấp thân nữ nhi mềm yếu và một cách nào đó, bất chấp cả việc nguy hiểm đến thai nhi mà mình vừa được cưu mang bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ đã lên đường thăm viếng và giúp đỡ cho người chị họ của mình – bà Elisabeth, chúng ta được mời gọi lên đường theo gương Mẹ. Như mục đích của việc thành lập Hội chúng ta là để sống đức tin, thực hiện công việc bác ái và hỗ trợ cho việc loan báo Tin Mừng, chúng ta hãy can đảm đem tin vui đến cho anh chị em. Lấy lại những tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Cha quản hạt nói, trong khi chúng ta chờ đợi sự thuận lợi trong Giáo Hạt để chúng ta có thể thực hiện việc loan báo Tin Mừng một cách có tổ chức, có hoạt động bên ngoài cụ thể, thì ngay lúc này, chúng ta được mời gia tăng đời sống cầu nguyện, thể hiện tình yêu trong đời sống gia đình, tình huynh đệ trong lối xóm, và sống niềm nở, hòa nhã với mọi người.

Xin được nói thêm nơi đây, giáo hạt Phủ Quỳ trải rộng trên năm huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và một phần nhỏ của huyện Quỳnh Lưu, cùng thị xã Thái Hòa. Chiều dài của Giáo Hạt gần 150 km. Dân số trong vùng khoảng 380.000, trong đó số dân Công Giáo chỉ hơn 14000 – hơn 90% tín hữu tập trung ở huyện Nghĩa Đàn, thì quả là một cánh đồng loan báo Tin Mừng bao la. Tuy nhiên, có nhiều lý do khách quan và chủ quan, công việc loan báo Tin Mừng nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

Trước Thánh lễ, Hội cũng có hơn một tiếng đồng hồ để lắng nghe báo cáo hoạt động trong năm vừa qua, và cùng với quý cha trong Giáo Hạt thảo luận phương hướng hoạt động cho năm tới.

HTLV hạt Phủ Quỳ được thành lập cách đây ba năm, với mục đích là quy tụ những anh chị em làm ăn - kinh doanh giỏi, để chăm lo cho đời sống đức tin, tâm linh của họ, và nối kết những người này vào công việc bác ái và loan báo Tin Mừng của Giáo Hội trong địa bàn nơi vùng Tây Bắc xứ Nghệ.

Cầu chúc cho HTLV hạt Phủ Quỳ ngày một phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, thực hiện hiệu quả hơn những mục đích của mình!
 
Giáo Phận Thanh Hóa Bế Giảng Khóa Đào Tạo Ca Trưởng Hè 2014
PV Thanh Hóa
11:32 16/07/2014
Giáo Phận Thanh Hóa Bế Giảng Khóa Đào Tạo Ca Trưởng Hè 2014

Giáo phận Thanh Hóa, thứ ba, ngày 15/07/2014, sau 12 ngày học hỏi và thực tập hăng say của các học viên, cùng với sự tận tụy của Ban giảng huấn, Ủy ban Thánh nhạc đã long trọng cử hành lễ bế giảng Khóa huấn luyện ca trưởng hè 2014. Trước đó, đêm 14/07/2014, tại hội trường Tòa Giám Mục đã diễn ra buổi báo cáo kết quả của khóa học.

Xem Hình

Tham dự buổi báo cáo và lễ bế giảng có cha Tổng Đại Diện Phêrô Vũ Tiến Phúc, cha Giuse Vũ Thanh Long – Chủ tịch Ủy Ban Ơn Gọi, cha Gioan B. Đinh Xuân Đức – Chủ tịch Ủy Ban Thánh Nhạc, cha Giuse Nguyễn Công Khương – Chủ tịch Ủy Ban Giáo Lý, cha Giuse Nguyễn Văn Hoàng – Phó Bề trên Tiểu Chủng Viện, cha Giuse Vũ Khoan Dong – Đặc trách giải tội, quý cha đang làm công tác mục vụ tại Tòa Giám Mục và nhà thờ Chính Tòa, cha Phêrô Nguyễn Mạnh Tám – quản xứ Đồng Mực, cùng với quý thầy cô trong ban giảng huấn, quý Sơ đại diện Dòng Mến Thánh Giá, quý Sơ đại diện Dòng Thánh Phaolô, quý thầy, quý chú ứng sinh và 147 học viên.

Trong bài phát biểu đêm báo cáo kết quả khóa học, đại diện ban huấn luyện, thầy Phaolô Nguyễn Ngọc Linh đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng giữa thánh nhạc và đức tin: “phát triển thánh nhạc để bảo vệ đức tin, để củng cố và làm triển nở đức tin”. cùng với đó, thầy cũng cho biết sự thành công của ca đoàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên người ca trưởng luôn giữ một vai trò quan trọng và được ví như là linh hồn của ca đoàn. Đan xen các bài báo cáo về thanh nhạc, điều khiển ca đoàn, điều khiển hợp xướng… là các tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính các học viên biên đạo và thể hiện. Đặc biệt, với tiết mục “Mùa Xuân Trên Bản Mèo” bằng âm thanh du dương của cây sáo trúc, học viên Achu người con của dân tộc Mường đã mang đến cho mọi người cảm giác như đang được tận hưởng những thanh âm đặc trưng của vùng cao, đưa con người lạc vào trùng điệp hùng vĩ của núi rừng xứ Thanh.

Sáng ngày 15/07/2014, mở đầu cho lễ bế giảng, các bạn học viên Cấp I đã trình bày vũ khúc sôi động: “Bay Đến Ước Mơ”. Tiếp đến, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cha Gioan B. Đinh Xuân Đức đã trình lên cha Tổng Đại Diện, quý cha và mọi người những thành quả mà thầy và trò đã đạt được trong khóa đào tạo:

- Khối cấp I có 99 học viên:

+ Trong đó có 16 học viên xếp loại giỏi đạt 16,1 %;

+ 55 học viên xếp loại khá đạt 55,6 %

+ và 28 học viên xếp loại trung bình chiếm 28,3 %.

- Khối cấp II có 28 học viên:

+ Trong đó có 5 học viên xếp loại giỏi đạt 17 %;

+ 20 học viên xếp loại khá đạt 71 %

+ và 3 học viên xếp loại trung bình chiếm 12 %.

- Khối cấp III có 17 học viên:

+ Trong đó có 4 học viên xếp loại giỏi đạt 21%;

+ 15 học viên xếp loại khá đạt 79%

+ Không có học viên xếp loại trung bình.

Trong số hoc viên đạt loại giỏi ban huấn luyện đã chọn được 23 em đạt danh hiệu xuất sắc trong khóa học năm nay.

Phát biểu tại lễ bế giảng, cha Giuse Vũ Thanh Long, đã lấy lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong thông điệp Bí Tích Tình Yêu, để nói lên tầm quan trong của lời ca tiếng hát trong phụng vụ: ca đoàn là thành phần giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa phụng vụ trần thế đi vào phụng vụ thiên quốc để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Cha cũng nhắn nhủ các bạn học viên hãy dùng lời ca và hát với trọn cả con tim để ca tụng Thiên Chúa.

Thay mặt Đức Cha giáo phận, cha Tổng Đại Diện Phêrô có lời cám ơn cha Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc, quý thầy trong ban tổ chức cùng tất cả những ai đã cộng tác vào công việc tổ chức khóa học. Cách riêng cha đã đặc biệt gửi lời cảm ơn tới quý thầy cô trong ban huấn luyện vì đã dành cho giáo phận Thanh Hóa những tình cảm đặc biệt, trong những mùa hè gần đây quý thầy cô đã trực tiếp đào tạo nhân sự về thánh nhạc cho giáo phận. Cha cũng động viên và kêu gọi các học viên hãy can đảm đem những gì đã học được về thực hành nơi các giáo xứ trong sự khiêm tốn và tinh thần phục vụ.

Sau cùng một đại diện các học viên đã nói lên lòng biết ơn đến Đức cha, quý cha, quý thầy cô,… đã cho các bạn có cơ hội để học tập trao dồi thêm kiến thức về thánh nhạc, để rồi từ đây các bạn tự tin hơn trong việc dấn thân phục vụ.

Khóa huấn luyện thánh nhạc khép lại với thánh lễ tạ ơn tại nguyện đường Tòa Giám Mục, do cha Tổng Đại Diện chủ tế, đồng tế với cha Tổng còn có quý cha Chủ tịch các Ủy ban của giáo phận và quý cha đang công tác mục vụ tại Tòa Giám Mục và nhà thờ Chính Tòa.
 
Giáo xứ Trung Quán: Ghi chép sau một chuyến đi
Song Ánh Kim
12:04 16/07/2014
Trình thuật Tin mừng Chúa Nhật XV thường niên (A) thuật lại dụ ngôn người gieo giống. Không thiên về xu hướng chú giải, tôi mạn phép được ngược dòng dụ ngôn trong Kinh thánh để kể về những hạt giống đức tin phía Nam Quảng Bình. Có thể nói những mầm xanh mọc trên sỏi đá hay gai góc nhưng không vì thế mà lụi tàn. Bước dần đều theo bao biến cố vui buồn dàn trải theo tháng năm, Trung Quán, Phúc Tín, Hoành Phổ, Bình Thôn vẫn kiên vững, soi bóng bên dòng Kiến Giang lịch sử. Thêm một lần thăm lại mảnh đất nồng thắm tình người, vẻ chân chất, mộc mạc khẽ mời gọi, nấn ná tôi ở lâu hơn nữa…

Hình ảnh

Gieo trong đau thương, gặt trong vui mừng

Như một duyên nợ, giáo hạt Quảng Bình thuộc giáo phận Huế băng qua lịch sử đầy chông gai và sóng gió. Từ vùng đất thân thương này, niềm tin nảy mầm sinh hoa kết trái. Bóng dáng thánh đường thấp thoáng bên lũy tre xanh. Tiếng chuông chiều ngân lên mỗi lúc hoàng hôn xuống như nối kết đời sống đạo với tình quê.

Bình yên nào có được bao lâu! Dòng chảy thời gian đổ ập tai họa xuống mảnh đất thanh bình, trù phú này. Đi qua hai cuộc chiến, xứ sở oằn mình hứng chịu “mưa bom bão đạn”. Tai hại hơn là đoàn chiên gần như mất tất cả: Cha sở, nhà thờ, tự do tôn giáo…

Sau 9 năm dài chìm trong binh lửa (1945-1954) kéo theo sự ra đời của hiệp định đình chiến Genève là biệt ly, tang tóc. Kẻ đi, người ở lưng tròng nước mắt. Một nỗi đau khắc khoải.

Ngoại trừ thời gian có hai cha GB Lương Văn Thể (1956-1962) và Antôn Trần Quang Nghiêm phục vụ, một số đông tín hữu sống trong sự thiếu thốn của ăn hai phần xác hồn. Chông gai và khổ đau, áp bức và kìm kẹp là những từ ngữ không mấy tốt đẹp khi nói về giai đoạn này.

Thế nhưng, chính việc đi qua những khó khăn cận kề sinh tử, người ta mới thấy được vẻ đẹp kiên vững và mạnh mẽ của đức tin. “Mất nhà thờ thì ta lại về nhà dân cầu nguyện, mất cha xứ thì ta chủ động họp nhau cử hành đức tin”. Cấm cách không làm tín hữu bỏ đạo, đời sống đức tin chuyển sang giai đoạn “thầm lặng”, tiềm ẩn những yếu tố sẵn sàng bừng cháy bất cứ lúc nào.

Và thời điểm thích hợp đã tới với cuộc chuyển giao giữa hai giáo phận. Ngày 25/5/2006, trước sự hiện diện của hàng trăm tín hữu và đại diện chính quyền, Đức Stephanô Nguyễn Như Thể, TGP Huế đã ký văn bản ghi nhớ việc chuyển giao quản lý sự đạo Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh mà đại diện là Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên. Như thế, các giáo xứ: Hà Lời, Sen Bàng, Tam Tòa, Trung Quán, Phúc Tín, Hoành Phổ, Bình Thôn chính thức gia nhập đại gia đình giáo phận Vinh.

Đảm nhận trọng trách mới đồng nghĩa với nhận thêm gánh nặng trên vai, những gánh nặng mà chỉ có các cha như Phêrô Nguyễn Bình Yên, Phêrô Lê Thanh Hồng, Phêrô Nguyễn Chí Thiện và những người trong cuộc mới hiểu.

Kể ra, người Công Giáo trên mảnh đất Nam Quảng Bình đã thực sự nhận lãnh món quà quý báu nhất. Mặc cho sóng gió dập vùi, hạt ngọc đó vẫn vẹn nguyên trong sáng và rực rỡ dưới nắng mai. Những đền thờ tưởng chừng mất đi dưới cái nhìn trần tục lại trở nên lung linh, huyền ảo trong tâm hồn tín hữu mà không gì sánh được.

Những người giữ lửa đức tin

Khi lướt qua vài hàng vắn tắt trên đây, tôi không có ý định phác họa lịch sử của một vùng đất thời danh. Chủ đích nhắm tới chỉ là việc nói về những con người thật, việc thật đã sống, quy chiếu đời mình vào lời Chúa như thế nào.

Có một cám dỗ khi đặt bút viết về các xứ đạo bờ nam sông Gianh là việc ôm đồm tư liệu lịch sử. Chính vì tư liệu lịch sử quá nhiều, quá phong phú nên cái gì cũng muốn đưa vào. Và một điểm bên lề khi nói về các giáo xứ Quảng Bình không thể nào qua mặt nhà báo lão thành Dương Kim Sinh. Bác tên thật là Dương Văn Kính, gốc Tam Tòa, sống tại Sài Gòn nhưng bất cứ lễ lớn nào đều bỏ công về với quê hương.

Qua những câu chuyện trao đổi, tôi biết thêm về những người hùng giữ lửa đức tin trên mảnh đất xưa. Gần 60 năm trong cuộc lữ hành đức tin đầy gian khó, miền đất này đang có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ. “Ăn cơm mới, nhắc chuyện cũ”, phút yên bình là lúc nhớ lại công khó của cha ông.

Cụ ông Antôn Ngô Đức Phát được quý cha cử hành lễ giỗ dịp 13/7 vừa qua là một người như vậy. Không may mắn trót lọt trong đợt di cư vào Nam, người giáo dân kiên trung của xứ Phúc Tín ở lại sống đời đức tin mẫu mực. Từ lúc cha xứ mất đi, ông là cột trụ của xứ đạo và những giáo điểm lân cận, là tấm gương sống để mỗi tín hữu nơi đây noi theo. Nhà ông trở thành nơi cầu nguyện và sinh hoạt thờ phượng. Có lẽ cũng chính vì ông mà đời sống đạo Phúc Tín vẫn giữ được nhiều nét căn bản…

Kể ra thì có rất nhiều những cụ ông Ngô Đức Phát khác đã làm sống lại đức tin và lòng đạo trên đất thiêng. Khi viết những hàng này, tôi chợt liên tưởng đến bài giảng vừa được nghe đâu đó trên mạng. Đại ý nói về hạt giống có vỏ cứng bảo vệ, khi được gieo vào lòng đất vỏ sẽ vỡ ra cho mầm đâm chồi. Sự sống vào đời mới bằng một cuộc phiêu lưu, bằng niềm phó thác cho tương lai và ẩn chứa trong nó một sức sống tiềm tàng mãnh liệt.

Quả thật, hạt giống đức tin trên mảnh đất Trung Quán, Phúc Tín, Hoành Phổ, Bình Thôn quê hương thánh tử đạo Tôma Thiện sẽ được những hậu duệ “người giữ lửa” nhen nhóm thêm lên để bừng cháy lửa mến yêu trên mảnh đất này.

Sáng ngày 16/7/2014, tại nhà thờ giáo xứ Trung Quán, Đức Giám Mục phụ tá giáo phận Vinh - Phêrô Nguyễn Văn Viên – đã cử hành thánh lễ mừng kính thánh chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện. Đồng tế với Đức Cha có đông đảo quý cha trong và ngoài hạt Nguồn Son. Hiện diện có quý thầy, quý sơ, quý khách và bà con các xứ đạo lân cận. Nhân dịp này, Đức Cha Phêrô cũng ban phép Thêm Sức cho các em học sinh vừa hoàn thành khóa học giáo lý hè 2014.
 
Danh sách cuối cùng: Ân nhân đóng góp cho gia đình nạn nhân ở Vinh
VietCatholic Network
14:34 16/07/2014
Số Tên Địa chỉ Quốc gia Số tiền
122 CGVN St Anthony – Fr. Austin Dorian San Gabriel, CA 91776 USA $993.00
121 Hoa Ban Quan Huntington Beach, CA 92647 USA $50.00
120 Thang Quang Le Niles, IL 60714 USA $200.00
119 Giáo dân Gx Thánh Lê V Phụng (Cha Tân) Baton Rouge USA $200.00
118 Giáo dân Gx Thánh Antôn (Cha Tân) Baton Rouge USA $300.00
117 John Pham Duc Thanh Columbia, MN 55421 USA $100.00
116 Joseph K Nguyen Aurora, CO 80013 USA $100.00
115 An T Le San Diego, CA 92121 USA $100.00
114 Nghi Duc Vu San José, CA 95132 USA $100.00
113 Thanh T Bui Phoenix, Az 85027 USA $50.00
112 Thanh V Tran Norcross, GA 30071 USA $30.00
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có được vỗ tay trong bài giảng không?
Nguyễn Trọng Đa
07:56 16/07/2014
Giải đáp phụng vụ: Có được vỗ tay trong bài giảng không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Các giáo dân trong nhà thờ của chúng tôi thường tự phát trong phản ứng của họ đối với bài giảng thật hay của cha giảng lễ. Đôi khi giáo dân trân trọng vỗ tay sau bài giảng, hoặc là để thông báo là họ đồng ý với linh mục, hoặc để nói lên sự đánh giá cao của họ đối với bài giảng. Tuy nhiên, có lần một tân linh mục đến dâng lễ, và điều này đã xảy ra sau khi cha giảng là rằng cha không hài lòng với việc vỗ tay không thích hợp của họ, và nhắc nhở họ rằng họ đang tham dự một Thánh Lễ, chứ không xem trình diễn văn nghệ. Từ đó, sự tự phát của giáo dân biến mất; thỉnh thoảng, người ta mới được nghe tiếng vỗ tay, nhưng người ta buồn bã cảm nhận một sự ngập ngừng nào đó. Thưa cha, xin cha soi sáng cho chúng con về sự thích đáng của việc vỗ tay sau bài giảng. D. B., Denver, Colorado, Mỹ.


Đáp: Trước hết, đó là một dấu hiệu rất hy vọng của sự cải thiện tổng thể trong chất lượng của bài giảng, mà các tín hữu xem là đáng vỗ tay.

Sau khi đã nói như thế rồi, tôi nhìn nhận là vị linh mục trẻ đã đúng khi nói rằng, nói chung, tiếng vỗ tay là không được khuyến khích trong Thánh Lễ

Tuy nhiên, đây không phải là một quy tắc tuyệt đối. Bài giảng của Đức Giáo Hoàng thường kết thúc với tiếng vỗ tay, và thậm chí đôi khi bị gián đoạn bởi tiếng vỗ tay kéo dài và nhiệt liệt nữa. Trong thế giới cổ đại, các bài giảng tuyệt vời, chẳng hạn như bài giảng của thành Âutinh, đã thỉnh thoảng xen kẽ với tiếng vỗ tay đánh giá cao về phía giáo dân.

Cũng có một số nền văn hóa, mà ở đó việc hoan hô hoặc vỗ tay là một dấu hiệu tự phát của sự kinh trọng, và thậm chí sự bái phục nữa. Ví dụ, một số dân nước châu Phi vỗ tay trong lúc truyền phép, vì đây là cử chỉ truyền thống của họ, được tuân giữ khi nhà Vua hiện diện, và dường như là tự nhiên khi họ thực hiện việc vỗ tay như thế, để chào mừng sự hiện diện của Vua các Vua trên bàn thờ.

Vì vậy, trong khi tôn trọng các sự khác biệt văn hóa, và không loại trừ đôi khi có một loạt vỗ tay sau một bài giảng gây cảm hứng đặc biệt, tôi sẽ đồng ý rằng việc thực hành này không nên được khuyến khích hoặc thường xuyên diễn ra trong khung cảnh giáo xứ phương Tây.

Trước tiên, truyền thống phụng vụ Rôma thường tiết kiệm và giản đơn trong các sự biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài. Điều này cũng đúng trong các nền văn hóa Công Giáo, vốn là cởi mở trong việc biểu lộ lòng đạo đức bình dân, chẳng hạn các cuộc rước kiệu ở châu Mỹ Latinh, bán đảo Iberia và miền nam Ý, nơi mà tiếng vỗ tay, sự cổ vũ… là các nét diễn tả bình thường.

Sau bài giảng, phụng vụ đề nghị một khoảnh khắc thinh lặng để suy ngẫm và thẩm thấu sứ điệp bài giảng. Việc vỗ tay dễ dàng phá vỡ sự tập trung, và làm cho người ta khó thu thập các suy nghĩ của mình, và khó làm cho họ tập trung vào các câu hỏi chính yếu để sống Tin Mừng.

Khi tiếng vỗ tay là không phổ biến và cũng không được chờ đợi, vị linh mục có thể chuẩn bị bài giảng với sự tự do lớn hơn, cả về đạo lý mà ngài muốn truyền tải, và cách thức tốt nhất để chuyển đạt cho giáo dân. Nói cách khác, mặc dù ngài luôn luôn cố gắng để chuẩn bị một bài giảng thật hay từ quan điểm hùng biện, việc không phải lo lắng về tiếng vỗ tay làm cho ngài ít chịu sự cám dỗ của phấn đấu nhiều hơn nữa, để làm hài lòng giáo dân hơn là để hướng dẫn và khuyên khích họ hướng đến sự thánh thiện.

Việc không chờ đợi tiếng vỗ tay cũng giải phóng cả linh mục và giáo dân khỏi nguy cơ đưa ra sự so sánh tinh tế và không tinh tế giữa các linh mục với nhau. Chẳng hạn, bài giảng cha X là đúng giờ; Cha Y được hoan nghênh nhiệt liệt, trong khi rao giảng Cha Z về luân lý Kitô giáo không được vỗ tay gì cả… Lẽ tất nhiên, tôi hơi phóng đại, nhưng vấn đề là bất kỳ yếu tố nào có thể gây ra bất hòa thì nên tránh.

Phản ứng tốt nhất cho một bài giảng có ý tưởng hay và truyền đạt tốt là một quyết định, để hướng về phía trước và tăng trưởng với tư cách là Kitô hữu. Nếu điều này là thiếu, thì việc vỗ tay sau bài giảng chỉ là vu vơ.

Trong cuốn sách "The Spirit of the Liturgy” (Tinh thần của phụng vụ), Hồng Y Joseph Ratzinger, sau là Giáo Hoàng Biển Đức XVI, đã viết: "Bất cứ khi nào tiếng vỗ tay nổ ra trong phụng vụ, do thành quả tốt của con người, đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng bản chất của phụng vụ đã hoàn toàn biến mất, và được thay thế bằng một thứ giải trí tôn giáo" (trang 198).

Bối cảnh nhận xét của Giáo Hoàng Biển Đức XVI là có liên quan đến việc vỗ tay, sau cái gọi là bài phụng vũ (múa phụng vụ); nó không trực tiếp nói đến trường hợp hiện tại của việc chúng ta vỗ tay, như là một dấu hiệu của sự tôn trọng và đồng ý với sứ điệp của bài giảng. Tuy nhiên, nguyên tắc liên quan việc hoan nghênh thành quả thuần túy con người của một trong các diễn viên phụng vụ, có thể là một nguyên tắc theo kinh nghiệm, để quyết định khi nào việc vỗ tay là thích hợp hay không. (Zenit.org 20-1-2009)

Nguyễn Trọng Đa
 
Nguyên văn tài liệu ''Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội''(5)
Vũ Văn An
19:51 16/07/2014

Chương hai: Cảm thức đức tin của tín hữu trong đời sống bản thân của họ



48. Chương hai này tập trung vào bản chất của cảm thức đức tin của tín hữu (sensus fidei fidelis). Nó đặc biệt lợi dụng cái khung lý luận và các phạm trù của nền thần học cổ điển để suy nghĩ về việc đức tin hành động ra sao nơi các tín hữu cá nhân. Mặc dù cái nhìn của Thánh Kinh về đức tin rộng lớn hơn, cái hiểu cổ điển chú ý nhiều hơn tới khía cạnh chủ yếu của nó, đó là việc qui phục của trí hiểu đối với chân lý mạc khải nhờ tình yêu. Việc ý niệm hóa đức tin này ngày nay vẫn được dùng để làm rõ cái hiểu về cảm thức đức tin của tín hữu. Trong chiều hướng này, chương hai cũng xem sét một số biểu hiện của cảm thức đức tin của tín hữu trong đời sống bản thân của họ; điều rõ ràng là hai khía cạnh bản thân và Giáo Hội của cảm thức đức tin không thể tách biệt nhau.

1. Cảm thức đức tin như một bản năng

49. Cảm thức đức tin là một loại bản năng thiêng liêng giúp tín hữu phán đoán một cách tự phát liệu một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tin Mừng và với đức tin tông truyền hay không. Nó được nối kết một cách nội tại với chính nhân đức đức tin; nó phát xuất từ và là một đặc tính của đức tin (62).Nó được sánh với bản năng vì nó không chủ yếu là kết quả của suy luận thuần lý, mà đúng hơn là một hình thức nhận biết tự phát và tự nhiên, một thứ tri giác (aisthesis).

50. Đầu tiên và trước nhất, cảm thức đức tin phát xuất từ tính đồng bản tính (connaturality) mà nhân đức đức tin vốn thiết lập giữa chủ thể tin và đối tượng chân thực của đức tin, nghĩa là chân lý của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô. Nói một cách tổng quát, tính đồng bản tính chỉ hoàn cảnh trong đó, thực thể A liên hệ với thực thể B một cách thân mật đến nỗi A chia sẻ các thiên hướng tự nhiên của B như thể đó là của mình. Tính đồng bản tính đem lại một hình thức nhận thức đặc thù và sâu sắc. Thí dụ, khi người bạn này kết hợp với người bạn kia, thì họ tiến tới chỗ có khả năng phán đoán được một cách tự phát điều hợp với người kia vì họ có cùng những khuynh hướng với người kia và do đó nhờ tính đồng bản nhiên, họ hiểu điều gì tốt điều gì xấu đối với người kia. Nói cách khác, đây là một nhận thức thuộc một trật tự khác với nhận thức khách quan; vì nhận thức khách quan diễn tiến theo lối ý niệm hóa (conceptualisation) và suy luận. Trái lại, đây là một nhận thức bằng tương cảm (empathy) hay nhận thức của trái tim.

51.Mọi nhân đức đều đồng bản tính hóa chủ thể của nó, nói cách khác, người sở hữu nó, với đối tượng của nó, nghĩa là, với một thứ hành động nào đó. Nhân đức ở đây có nghĩa một thiên hướng ổn định (hay một thói quen) khiến một người cư xử theo một cung cách nhất định nào đó về phương diện tri thức hay luân lý. Nhân đức là một loại “bản tính thứ hai”, nhờ đó, con người xây dựng chính họ bằng cách thể hiện một cách tự do và phù hợp với lý lẽ đúng đắn các năng động tính được phú bẩm ngay trong bản tính con người. Nhờ thế, nó đem lại cho hoạt động của các khả năng tự nhiên một xu hướng nhất định và ổn định; nó điều hướng các khả năng này tới những tác phong mà người có nhân đức từ nay thực hiện được “một cách tự nhiên”, “dễ dàng, tự chủ và hân hoan” (63).

52. Mọi nhân đức đều có một hiệu quả kép: thứ nhất, nó tự nhiên làm cho người sở hữu nó nghiêng về một đối tượng (một loại hành động nào đó) và thứ hai, nó tự phát làm cho họ xa lánh bất cứ điều gì ngược với đối tượng này. Thí dụ, người nào khai triển được nhân đức trong sạch đều có một thứ “giác quan thứ sáu”, “một thứ bản năng thiêng liêng” (64) giúp họ biện phân được cách cư xử đúng đắn dù trong những hoàn cảnh phức tạp nhất, tự phát nhận ra điều thích đáng phải làm hay điều thích đáng phải tránh. Người trong sạch, do đó, có được thái độ đứng đắn ngay trong bản năng của họ, trong khi, lối suy luận theo ý niệm của nhà luân lý học có thể chỉ dẫn tới phức tạp và do dự (65).

53. Trong trường hợp nhân đức đức tin, cảm thức đức tin là hình thức mà bản năng luôn đi theo mọi nhân đức vẫn thường mặc lấy. “Đối với thói quen của các nhân đức khác, người ta thấy được điều xứng hợp với thói quen đó thế nào, thì đối với thói quen đức tin, tâm trí con người cũng được điều hướng về việc qui phục những điều vốn xứng hợp với đức tin đúng đắn như thế, chứ không qui phục những điều khác” (66). Như một nhân đức đối thần, đức tin giúp tín hữu tham dự vào nhận thức mà Thiên Chúa vốn có về chính Người và về mọi sự. Nơi tín hữu, nó mang hình thức một “bản tính thứ hai” (67). Nhờ ơn thánh và các nhân đức đối thần, các tín hữu trở thành “những người tham dự vào bản tính thần linh” (2Pr 1:4), và có thể nói đã được đồng bản tính hóa với Thiên Chúa. Nhờ thế, họ phản ứng một cách tự phát dựa trên chính bản tính thần linh được tham dự ấy, giống như cách các sinh vật phản ứng theo bản năng đối với những gì hợp hay không hợp với bản tính của chúng.

54. Không giống thần học mà ta có thể mô tả là khoa học đức tin (scientia fidei), cảm thức đức tin của tín hữu (sensus fidei fidelis) không phải là một nhận thức có tính phản tỉnh về các mầu nhiệm của đức tin là nhận thức chuyên triển khai các khái niệm và sử dụng các thủ tục thuần lý để đạt tới các kết luận. Như danh xưng (cảm thức) đã chỉ rõ, nó giống như một phản ứng tự nhiên, tức khắc và tự phát, và có thể so sánh với một bản năng sinh tử hay một loại “thính hơi” (flair) nhờ đó, tín hữu tự phát nắm lấy những gì phù hợp với chân lý đức tin và xa lánh những gì trái ngược với chân lý này (68).

55. Cảm thức đức tin tự nó không thể sai lầm về đối tượng của nó: tức đức tin đích thực (69). Tuy nhiên, trong thế giới tâm tư hiện thực của tín hữu, các trực giác đúng đắn của cảm thức đức tin có thể bị trộn lẫn với nhiều ý kiến chỉ có tính phàm nhân hoặc ngay cả với nhiều sai lầm liên hệ tới các giới hạn chật hẹp của bối cảnh văn hóa đặc thù (70). “Dù đức tin đối thần đúng nghĩa không thể nào sai lầm, tín hữu vẫn có thể có những ý kiến lầm lạc vì không phải mọi suy nghĩ của họ đều phát xuất từ đức tin. Không phải ý tưởng nào được lưu truyền trong Dân Chúa đều tương hợp với đức tin” (71).

56. Cảm thức đức tin phát xuất từ nhân đức đối thần tin. Nhờ tình yêu thúc đẩy, nhân đức này là một thiên hướng bên trong giúp ta gắn bó một cách không dè dặt với toàn bộ chân lý được Thiên Chúa mạc khải ngay khi nó được nhận ra như thế. Do đó, đức tin không nhất thiết ngụ ý phải minh nhiên hiểu biết toàn bộ chân lý mạc khải (72). Thành thử, một thứ cảm thức đức tin nào đó vẫn có thể hiện hữu nơi “người đã rửa tội, được danh dự mang tên Kitô Hữu, nhưng chưa tuyên xưng đức tin Công Giáo trong sự toàn diện của nó” (73). Cho nên, Giáo Hội Công Giáo cần chú ý tới những gì Chúa Thánh Thần có thể nói với mình qua các tín hữu trong các Giáo Hội và các cộng đồng Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với mình.

57. Vì là một đặc tính của nhân đức đối thần tin, cảm thức đức tin của tín hữu khai triển tỷ lệ thuận với việc khai triển của nhân đức đức tin. Nhân đức đức tin càng bén rễ sâu vào tâm hồn và tâm trí tín hữu và soi sáng cuộc sống hàng ngày của họ, thì cảm thức đức tin của tín hữu càng phát triển và lớn mạnh trong họ. Nay, vì đức tin, hiểu như một hình thức nhận biết, vốn đặt căn bản trên tình yêu, nên cần có đức ái để sinh động hóa nó và soi sáng cho nó, ngõ hầu biến nó thành một đức tin sống động và từng được sống (fides formata). Như thế, việc tăng cường độ cho đức tin nơi người tín hữu đặc biệt tùy thuộc sự lớn mạnh của đức ái nơi họ, và do đó, cảm thức đức tin của tín hữu tỷ lệ thuận với sự thánh thiện của cuộc sống họ. Thánh Phaolô dạy ta rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ tràn vào trái tim ta qua Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban cho ta” (Rm 5:5), và do đó, việc khai triển cảm thức đức tin trong tinh thần người tín hữu đặc biệt là nhờ hành động của Chúa Thánh Thần. Vốn là Thánh Thần tình yêu, Đấng truyền dẫn tình yêu vào trái tim con người, Chúa Thánh Thần mở ra cho tín hữu khả thể nhận biết Chúa Kitô Chân Lý một cách sâu xa và thâm hậu hơn, dựa trên sự kết hợp của đức ái: “Chỉ cho thấy chân lý là một đặc điểm của Chúa Thánh Thần, vì chính tình yêu đem lại việc mạc khải các bí nhiệm” (74).

58. Đức ái giúp các ơn Chúa Thánh Thần nở rộ trong các tín hữu; Người dẫn dắt họ tới một cái hiểu cao hơn về các sự việc thuộc đức tin “với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng” (Cl 1:9) (75). Thực vậy, các nhân đức đối thần chỉ đạt được mức trọn hảo trong đời sống của tín hữu khi họ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ (xem Rm 8:14). Các ơn Chúa Thánh Thần chính là các thiên hướng bên trong có tính nhưng không và được phú bẩm dùng làm căn bản cho hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu. Nhờ các ơn này, nhất là các ơn thông hiểu (understanding) và suy biết (knowledge), các tín hữu có khả năng hiểu một cách thâm hậu “các thực tại thiêng liêng họ cảm nhận được” (76), và bác bỏ bất cứ cách giải thích nào đi ngược lại đức tin.

59. Nơi mỗi tín hữu đều có một sự tương tác sống còn giữa cảm thức đức tin và việc sống đức tin trong nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống bản thân. Một đàng, cảm thức đức tin soi sáng và hướng dẫn cách người tín hữu đem đức tin của mình ra thực hành. Đàng khác, nhờ giữ các giới răn và đem đức tin ra thực hành, tín hữu thủ đắc được một cái hiểu sâu sắc hơn về đức tin: “những ai thực hành điều đúng sẽ đến với ánh sáng, để người ta thấy rõ việc họ làm đã được làm trong Thiên Chúa” (Ga 3:21). Đem đức tin ra thực hành trong thực tế cụ thể của hoàn cảnh hiện sinh trong đó tín hữu hiện diện vì các liên hệ gia đình, nghề nghiệp hay văn hóa đều làm giầu cho cảm nghiệm bản thân của họ. Nó giúp họ khả năng thấy rõ giá trị cũng như giới hạn của một học lý nhất định nào đó, và đề xuất nhiều cách thế để cải tiến cách lên công thức cho nó. Đó chính là lý do tại sao những người giảng dạy nhân danh Giáo Hội nên chú ý trọn vẹn tới cảm nghiệm của các tín hữu, nhất là tín hữu giáo dân, những người cố gắng đem giáo huấn của Giáo Hội ra thực hành trong các phạm vi chuyên biệt của cảm nghiệm và chức năng của họ.

2. Các biểu hiện của cảm thức đức tin trong cuộc sống bản thân của tín hữu

60. Có thể làm nổi bật ba biểu hiện chính của cảm thức đức tin tín hữu trong cuộc sống bản thân của họ. Cảm thức đức tin của tín hữu giúp tín hữu cá nhân 1) biện phân được việc một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó họ thực sự gặp trong Giáo Hội có nhất quán với đức tin đích thực nhờ đó họ sống hiệp thông với Giáo Hội hay không (xem các số 61-63 dưới đây); 2) phân biệt được điều chính yếu và điều phụ thuộc trong những điều được giảng dạy (xem số 64 dưới đây); và 3) xác định và đem ra thực hành việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô mà chính họ cần đưa ra trong các bối cảnh lịch sử và văn hóa đặc thù trong đó họ đang sinh sống (xem số 65 dưới đây).

61. “Anh em thân mến, anh em đừng tin mọi thần khí, nhưng anh em phải cân nhắc xem các thần khí này có phát xuất từ Thiên Chúa hay không; trên thế giới, hiện đang có nhiều tiên tri giả” (1Ga 4:1). Cảm thức đức tin của tín hữu đem lại cho họ khả năng biện phân xem liệu một giáo huấn hay một thực hành nào đó có nhất quán với đức tin đích thực nhờ đó họ từng sống hay không. Nếu các tín hữu cá nhân tri nhận hay “cảm thấy” sự nhất quán ấy, một cách tự phát họ sẽ qui phục từ trong nội tâm các giáo huấn này hay cam kết sẽ đích thân thực hành chúng, bất kể đây là một vấn đề sự thật đã minh nhiên được giảng dạy hay chỉ là một vấn đề sự thật chưa được minh nhiên giảng dạy.

62. Cảm thức đức tin cũng giúp các tín hữu cá nhân biết tri nhận bất cứ sự thiếu hài hóa, thiếu nhất quán hay mâu thuẫn nào giữa một giáo huấn hay một thực hành nào đó và đức tin Kitô Giáo chân chính mà họ vốn sống. Họ phản ứng như một người yêu âm nhạc thường phản ứng trước một nốt nhạc sai trong một cuộc trình diễn tấu khúc nào đó. Trong những trường hợp như thế, các tín hữu chống lại các giáo huấn hay thực hành liên hệ này từ trong nội tâm và không nhìn nhận chúng hay tham dự vào chúng. “Thói quen (habitus) đức tin sở hữu được một khả năng qua đó và nhờ đó, tín hữu được ngăn cản không qui phục bất cứ điều gì mâu thuẫn với đức tin, giống như đức trong sạch bảo vệ ta chống lại bất cứ điều gì mâu thuẫn với nó” (77).

63. Được cảm thức đức tin báo động, các tín hữu cá nhân có khả năng bác bỏ, không qui phục ngay cả giáo huấn của các mục tử hợp pháp nếu họ không nhận ra tiếng nói của Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành, trong giáo huấn này. “Chiên theo (Mục Tử Nhân Lành) vì chúng biết tiếng ông. Chúng không theo người lạ, nhưng chạy trốn khỏi họ vì chúng không biết tiếng của người lạ” (Ga 10:4-5). Đối với Thánh Tôma, một tín hữu, dù không có khả năng thần học, vẫn có thể và phải nhờ cảm thức đức tin, mà cưỡng lại giám mục của mình khi vị này giảng những điều sai lầm (78). Trong trường hợp như thế, tín hữu không tự coi mình như tiêu chuẩn tối hậu của chân lý đức tin, mà đúng hơn, vì đương đầu với một lối giảng dạy “có thẩm quyền” về phương diện hữu hình (materially) mà họ thấy gây cho họ bối rối, nhưng không có khả năng giải thích tại sao, họ phải hoãn không qui phục và từ trong thâm tâm kêu gọi tới thẩm quyền cao hơn của Giáo Hội hoàn vũ (79).

64. Cảm thức đức tin cũng giúp tín hữu, trong các điều được giảng dạy, biết phân biệt điều nào chính yếu đối với đức tin Công Giáo chân chính và điều nào, dù không chính thức chống lại đức tin, nhưng chỉ phụ thuộc hay có khi dửng dưng đối với cốt lõi đức tin. Thí dụ, nhờ cảm thức đức tin, các tín hữu cá nhân có thể tương đối hóa một số hình thức đặc thù trong việc sùng kính Đức Mẹ ra khỏi việc qui phục đối với việc sùng kính ngài cách chân chính. Họ cũng có thể tách mình ra khỏi những lối giảng giải chuyên pha phôi cách bất xứng giữa đức tin Kitô Giáo và các giải pháp chính trị đảng phái. Nhờ giữ cho tinh thần tín hữu biết tập chú vào những điều chủ yếu của đức tin như thế này, cảm thức đức tin của tín hữu đã bảo đảm được nền tự do đích thực của Kitô Giáo (xem Cl 2:16-23), và góp phần vào việc thanh tẩy đức tin.

65. Nhờ cảm thức đức tin của tín hữu và được sự trợ lực của ơn khôn ngoan siêu nhiên do Chúa Thánh Thần ban, tín hữu có khả năng, trong các bối cảnh lịch sử và văn hóa mới mẻ, cảm nhận được điều thích hợp nhất để làm chứng một cách chân chính cho sự thật của Chúa Giêsu Kitô, và hơn nữa còn hành động phù hợp với nó nữa. Như thế, cảm thức đức tin của tín hữu thủ đắc được một chiều kích có nhiều triển vọng đến độ, dựa vào đức tin từng sống qua, nó giúp tín hữu biết dự ứng trước một khai triển hay một giải thích đối với thực hành Kitô Giáo. Vì mối liên kết qua lại giữa việc thực hành đức tin và việc hiểu nội dung của nó, cảm thức đức tin của tín hữu nhờ đó đã góp phần vào việc làm cho một số khía cạnh trong đức tin Công Giáo trước đây vốn mặc nhiên nay hiển hiện và được soi sáng; và vì mối liên kết qua lại giữa cảm thức đức tin của tín hữu cá nhân và cảm thức đức tin của Giáo Hội nói chung, tức cảm thức đức tin của các tín hữu, các khai triển như vừa nói không bao giờ có tính hoàn toàn tư riêng cả, mà luôn luôn có tính Giáo Hội. Các tín hữu luôn luôn có quan hệ với nhau, cũng như với huấn quyền và với các nhà thần học, trong hiệp thông Giáo Hội.

Còn tiếp
_______________________________________________________________________________________________________________________
(62) Cảm thức đức tin của tín hữu đòi hỏi tín hữu trước đó phải có nhân đức đức tin rồi. Thực vậy, chính kinh nghiệm sống đức tin giúp tín hữu biết biện phân liệu một học lý nào đó có thuộc kho tàng đức tin hay không. Cho nên, chỉ có thể nói một cách khái quát và theo nghĩa phái sinh (derivatively) rằng có thể gán việc biện phân cần có đối với hành vi khởi đầu của đức tin cho cảm nghiệm đức tin của tín hữu.
(63) Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1804.
(64) Vatican II, Perfectae Caritatis 12.
(65) Xem Thánh Tôma, Summa theologiae, IIa-IIae, q.45, a.2.
(66) Thánh Tôma, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.4, ad 3. Cf. IIa-IIae, q.2, a.3, ad 2.
(67) Xem Thomas Aquinas, Scriptum, III, d.23, q.3, a.3, qla 2, ad 2: ‘Habitus fidei cum non rationi innitatur, inclinat per modum naturae, sicut et habitus moralium virtutum, et sicut habitus principiorum; et ideo quamdiu manet, nihil contra fidem credit.’
(68) Xem J. A. Möhler, Symbolik, §38: ‘Der göttliche Geist, welchem die Leitung und Belebung der Kirche anvertraut ist, wird in seiner Vereinigung mit dem menschlichen ein eigenthümlich christlicher Tact, ein tiefes, sicher führendes Gefühl, das, wie er in der Wahrheit steht, auch aller Wahrheit entgegenleitet.’
(69) Vì liên hệ tức khắc với đối tượng của nó, bản năng không sai lầm. Nó vô ngộ tự trong nó. Tuy nhiên, bản năng động vật chỉ không sai lầm trong bối cảnh một môi trường nhất định. Khi bối cảnh thay đổi, bản năng động vật tỏ ra thiếu thích ứng. Trái lại, bản năng thiêng liêng có nhiều tầm xa hơn và nhiều tinh tế hơn.
(70) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.3, ad 3.
(71) Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Donum Veritatis, số 35.
(72) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.2, a.5-8.
(73) Lumen Gentium 15.
(74) Thánh Tôma Aquinô, Expositio super Ioannis evangelium, c.14, lect.4 (Marietti, số 1916).
(75) Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, §§91-92.
(76) Dei Verbum 8. Trong nền thần học về các ơn của Chúa Thánh Thần mà Thánh Tôma từng khai triển, ơn suy biết là ơn đặc biệt hoàn hảo hóa cảm thức đức tin của tín hữu thành một khả năng biết biện phân điều phải tin. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.9, a.1 co. et ad 2.
(77) Thánh Tôma Aquini6, Quaestiones disputatae de veritate, q.14, a.10, ad 10; cf. Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 2, ad 3.
(78) Thánh Tôma Aquinô, Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 4, ad 3: “[Tín hữu] không nên qui phục giáo phẩm nào giảng dạy ngược với đức tin… Thuộc cấp không hoàn toàn được miễn chước vì ngu dốt. Thực vậy, thói quen đức tin tự nhiên hướng họ về phía chống lại lối giảng dạy như thế vì thói quen này nhất thiết dạy họ bất cứ điều gì dẫn họ tới cứu rỗi. Ngoài ra, vì không ai nên tin bất cứ thần khí nào một cách dễ dãi, nên họ không được qui phục lời giảng dạy khác lạ nhưng phải tìm hiểu thêm nữa hay đơn sơ phó thác nơi Thiên Chúa không cần phải đi sâu thêm vào các bí nhiệm của Thiên Chúa quá cả khả năng của mình”.
(79) Xem Thánh Tôma Aquionô, Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 2, ad 3; Quaestiones disputatae de veritate, q.14, a.11, ad 2.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Huế Xưa
Nguyễn Ngọc Liên
21:25 16/07/2014
HUẾ XƯA
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Thành cổ rêu phong từ mấy độ
Chuông chùa vọng mãi tiếng ngàn xưa.
(Trích thơ của Tâm An)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 10/07 -16/07/2014 : Câu chuyện Thánh Phêrô quyết định làm phép rửa cho dân ngoại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:55 16/07/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi đọc Kinh Truyền Tin

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 13 tháng 7, một lần nữa Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Ngài khích lệ các giới chức chính trị làm mọi cố gắng có thể để đem lại hòa bình cho dân chúng vùng này.

Đức Thánh Cha nói:

“Trước các biến cố thê thảm xảy ra trong các ngày vừa qua, tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục khấn khoản cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Vẫn còn trong ký ức sống động của tôi là kỷ niệm của cuộc gặp gỡ ngày mùng 8 tháng 6 vừa qua với Đức Thượng Phụ Bartolomaios, tổng thống Peres và tổng thống Abbas, và cùng với các vị chúng ta đã khẩn nài ơn hòa bình và lắng nghe lời mời gọi bẻ gẫy vòng xoáy của thù hận và bạo lực. Có thể có người nghĩ rằng cuộc gặp gỡ ấy vô ích. Trái lại không, bởi vì lời cầu nguyện giúp chúng ta không để cho sự dữ chiến thắng, cũng không chịu trận để cho bạo lực và oán thù thắng thế trên đối thoại và hòa giải. Tôi khích lệ tất cả những ai có trách nhiệm chính trị trên bình diện địa phương và quốc tế đừng tiết kiệm lời cầu nguyện và bất cứ cố gắng nào để chấm dứt mọi thù nghịch và theo đuổi hòa bình. Và tôi mời tất cả hiệp nhất trong lời cầu nguyện.”

Đức Thánh Cha và mọi người đã thinh lặng một chút, rồi ngài nói lên lời nguyện sau đây: “Giờ đây lậy Chúa, xin Chúa giúp chúng con. Xin Chúa ban hòa bình, xin Chúa dậy chúng con hòa bình, xin Chúa hướng dẫn chúng con tới hòa bình. Xin mở mắt và trái tim chúng con và ban cho chúng con sự can đảm nói ‘không bao giờ chiến tranh nữa’. Với chiến tranh mọi sự đều bị tàn phá, Xin đổ tràn tâm hồn chúng con sự can đảm để có các cử chỉ cụ thể nhằm xây dựng hòa bình. Xin làm cho chúng con sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu của các công dân, xin chúng con biến đổi khí giới thành các dụng cụ của hòa bình, các sợ hãi của chúng con thành niềm tin tưởng và các căng thẳng của chúng con thành sự tha thứ. Amen.”

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích dụ ngôn người gieo giống mà Chúa Giêsu đã giảng cho dân chúng bên bờ hồ Galilea. Khi thấy dân chúng quá đông bao quanh, Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền, ra xa bờ một chút và từ đó giảng dậy họ. Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với tất cả mọi người, với các hình ảnh lấy từ thiên nhiên và các hoàn cảnh cuộc sống thường ngày.

Dụ ngôn dầu tiên dẫn là dụ ngôn người gieo giống ném hạt vung vãi trên mọi loại đất.

Đức Thánh Cha nói:

Và nhân vật chính đích thật của dụ ngôn là hạt giống, sản xuất ra ít nhiều hạt tùy theo mảnh đất mà nó rơi xuống. Ba mảnh đất đầu tiên không sản xuất: dọc theo đường đi hạt giống bị chim trời ăn mất; trên đất sỏi đá các mộng bị khô héo ngay vì không có rễ; giữa các bụi gai, hạt giống bị gai làm chết ngộp. Mảnh đất thứ tư là đất tốt và chỉ ở đó hạt giống mới đâm rễ và sinh hạt.

Chúa Giêsu không chỉ hạn chế ở việc trình bầy dụ ngôn, mà cũng giải thích cho các môn đệ nữa. Hạt rơi trên đường ám chỉ những người lắng nghe loan báo Nước Thiên Chúa, nhưng không tiếp nhận nó; như thế Kẻ Dữ đến và lấy mất đi. Thật vậy, Kẻ Dữ không muốn rằng hạt giống Tin Mừng nẩy mầm trong trái tim con người. Đó là so sánh thứ nhất.

Trường hợp thứ hai là hạt giống rơi trên đá: nó diễn tả những người lắng nghe lời Chúa và tiếp nhận ngay lập tức, nhưng một cách hời hợt, bởi vì họ không có rễ và không kiên trì; khi các khó khăn và bách hại xảy đến, những người này bị đốn ngã ngay.

Trường hợp thứ ba là hạt giống rơi vào giữa các bụi gai: Chúa Giêsu giải thích rằng đó là những người lắng nghe lời Người, nhưng vì các lo lắng trần tục và sự cám dỗ của giầu sang lời Chúa bị chết ngộp. Sau cùng hạt giống rơi trện đất phì nhiêu diễn tả những người lắng nghe lời, tiếp nhận, giữ gìn và thấu hiểu lời Chúa, và lời Ngài sinh bông hạt. Mô thức hoàn thiện nhất của thửa đất tốt này là Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Dụ ngôn này nói với chúng ta ngày nay, như đã nói với những người lắng nghe Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta là thừa đất, nơi Chúa không mệt mỏi ném hạt giống Lời Người và tình yêu của Người. Chúng ta sẵn sàng tiếp nhận như thế nào? Con tim của chúng ta ra sao? Và chúng ta có thể tự hỏi nó giống thửa đất nào: một con đường, một thửa đất sỏi đá, một bụi gai? Tùy nơi chúng ta trở thành thửa đất tốt không có các bụi gai, không có đá sỏi, nhưng đã đựơc vỡ đất và trồng tỉa cẩn thận, để có thể đơm bông hạt tốt lành cho chính chúng ta và cho các anh chị em khác. Ở đây sẽ tốt cho chúng ta đừng quên rằng cả chúng ta cũng là các người gieo giống. Loại hạt nào ra khỏi con tim và miệng chúng ta? Các lời nói của chúng ta có thể mang lại biết bao thiện ích cũng như biết bao sự dữ! Chúng có thể chữa lành và cũng có thể gây thương tích; chúng có thể khích lệ và có thể đè bẹp. Xin anh chị em hãy nhó điều quan trọng không phải là cái đi vào, mà là cái ra khỏi miệng và trái tim. Với gương của Người xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời, giữ gìn nó và làm cho nó phong phú nơi tha nhân”.

2. Câu chuyện Thánh Phêrô quyết định làm phép rửa cho dân ngoại

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại Xêdarê, Thánh Phêrô đã lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần và làm phép rửa cho những người dân ngoại đầu tiên. Biến cố là một bước ngoặt quan trọng vì đã mở rộng biên cương của Giáo Hội ra khỏi phạm vi người Do Thái.

Không có một quyết định quan trọng như thế, có lẽ chúng ta đã không thể biết Chúa.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em và anh chị em câu chuyện Thánh Phêrô rửa tội cho lớp dân ngoại đầu tiên, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ chương 10 từ câu 1 đến câu 48 và chương 11 từ câu 1 đến câu 18.

Ông Phêrô đi Xêdarê đến nhà viên Đại đội trưởng Conêliô.

Nhác thấy ông Phêrô ở đầu ngõ, ông Conêliô liền phủ phục dưới chân ông mà bái lạy. Nhưng ông Phêrô đỡ ông ấy lên và nói: "Xin ông đứng dậy, vì chính tôi đây cũng chỉ là người phàm".

Sau đó ít lâu tại Giêrusalem. Anh em phàn nàn cùng Phêrô rằng:

“Ông đã vào nhà những người không chịu cắt bì và lại còn ăn uống chung với họ.”

Ông Phêrô đáp:

“Tôi đang cầu nguyện gần thành Giaphô thì tôi xuất thần. Tôi thấy điều này: trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Nhìn chăm chú tôi thấy trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán rằng: ‘Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!’

Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ để những gì ô uế và không thanh sạch lọt vào miệng con’.

Lại có tiếng phán bảo tôi lần thứ hai: ‘Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì người chớ gọi là ô uế’.

Việc ấy xảy ra đến ba lần, trước khi những vật ấy lại được đưa lên trời.

Và này, ngay lúc ấy có 3 người đến nhà chúng tôi đang trọ. Họ được sai từ Xêdarê đến gặp chúng tôi.

Thần Khí bảo tôi: ‘Ðứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì, vì chính Ta đã sai họ đến’.

Có 6 anh em đây cùng đi với tôi.

Khi vào nhà ông Conêliô, thấy có đông người tụ họp ở đó, ông Phêrô nói với họ:

"Quý vị thừa biết: giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do Thái.

Nhưng Thiên Chúa của tôi đã cho tôi thấy là tôi không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch. Vì thế khi được mời, tôi đã đến mà không hề chống cãi. Vậy tôi xin hỏi: vì lẽ nào quý vị đã mời tôi đến?"

Ông Conêliô trả lời:

"Cách đây bốn hôm, vào khảng giờ này, lúc tôi đang đọc kinh giờ chín tại nhà, bỗng có một người đứng trước mặt tôi, y phục rực rỡ. Người ấy nói với tôi: ‘Ông Conêliô, Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của ông và nhớ đến việc bố thí của ông. Vậy ông hãy sai người đi Giaphô mời ông Simon, cũng gọi là Phêrô; ông ấy trọ tại nhà ông Simon, thợ thuộc da, ở gần bờ biển. Người ấy khi đến sẽ giảng giải cho ông mọi lẽ’. Lập tức tôi đã sai người đến mời ông, và ông đã có lòng tốt đến đây. Vậy bây giờ tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Thiên Chúa đã truyền cho ông".

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói:

"Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.

Lời mà Người đã gửi đến cho con cái nhà Ítraen là lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Ðức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Ðức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Dothái và tại chính Giêrusalem. Họ đã giết Người và treo lên cây gỗ. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.”

Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ. Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì được rửa trong Thánh Thần. Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta vì chúng ta tin vào Chúa Kitô thì tôi là ai mà dám ngăn cản.”

Phêrô dứt lời thì anh em hoan hỉ đáp lại:

“Như thế thì quả thật Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn sám hối để được sự sống muôn đời.”

Bình luận về sự kiện Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã rửa tội cho dân ngoại, hôm 12 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đó là chuyện không thể tưởng tượng được. Giống như vào ngày mai có nhóm người từ sao Hỏa đến đây với cái mũi dài và đôi tai lớn, hình thù quái dị…Và họ xin Giáo Hoàng rằng “Chúng tôi muốn được rửa tội! thì điều gì sẽ xảy ra”?

Phêrô biết việc mình làm khi ngài được soi sáng để nhận ra chân lý căn bản này là: những gì đã được Thiên Chúa thánh tẩy thì không thể gọi là “ô uế”. Khi kể lại sự kiện này với các kitô hữu đã trách ngài, Thánh Tông Đồ hòa giải và xoa dịu họ khi đưa ra tuyên bố này: “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa”?

Khi Chúa cho chúng ta thấy cách của Ngài, thì tôi là ai mà dám ngăn cản khi nói, ‘Không, lạy Chúa, điều đó không được khôn ngoan. Không được làm theo cách đó!” … Và Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi đi đến quyết định này: “Tôi là ai mà dám cản trở Thiên Chúa?” Một lời tốt đẹp nêu gương cho các giám mục, các linh mục và cho các Kitô hữu. Chúng ta là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?

Trong Giáo Hội sơ khai, thậm chí ngày hôm nay có một sứ vụ “gác cổng.” Người này làm công việc gì? Anh ta chỉ mở cửa, đón nhận mọi người và cho phép họ đi qua cửa. Anh không được phép đóng cánh cửa lại, ngăn cản một ai. Không bao giờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại rằng, Thiên Chúa trao ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn Giáo Hội. “Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, sẽ dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ” và “nhắc nhở chúng ta những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta làm”. “Chúa Thánh Thần là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Ngài gìn giữ Giáo Hội. Đưa Giáo Hội tiến về phía trước. Thánh Thần với các ân sủng của Ngài sẽ hướng dẫn Giáo Hội. Thánh Thần, Đấng An Ủi sẽ giúp chúng ta hiểu về Giáo Hội của Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao Thiên Chúa gởi Thánh Thần đến với chúng ta. Ngài tự do hoạt động và chúng ta không thể hình dung và tưởng tượng thấu đáo những công việc của Ngài. Thánh Gioan XXIII đã diễn tả Thánh Thần như sau: Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội. Ngài luôn luôn gìn giữ Giáo Hội. Người tín hữu phải cầu xin Chúa ban cho được ơn ngoan ngùy trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ nói trong trong tâm hồn chúng ta. Người nói với chúng ta trong mọi trạng huống của cuộc sống. Người nói với chúng ta trong đời sống Giáo Hội, trong cộng đoàn Kitô hữu. Người luôn luôn nói với chúng ta.