Ngày 20-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Điệp khúc tình yêu bằng máu đỏ
Lm Giuse Trương Đình Hiền
08:08 20/07/2020
Mừng kỷ niệm 376 năm “Sinh nhật trên trời” của Chân phước Anrê Phú Yên 26.7.1644 – 26.7.2020

Xét cho cùng, cuộc đời của Chân phước Anrê Phú Yên là một “phép lạ”; riêng cuộc tử đạo của ngài là một “phép lạ đặc biệt”, “phép lạ xảy ra ngay khi cái đầu của vị tử đạo đang lìa khỏi cổ” vào chiều ngày 26.7.1644 cách đây đúng 376 năm. Nếu có ai nghi ngờ “phép lạ đặc biệt” nầy, thì xin mời lắng nghe chính lời tường thuật của cha Đắc Lộ, người thầy và cũng là người chứng kiến tận mắt, giây phút tử đạo của Á Thánh Anrê Phú Yên, được tài liệu sách “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” trích lại nguyên văn nơi trang 75: “...Người thanh niên thánh thiện này vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa..."[1]

Thế nhưng, để có được tiếng “GIÊSU” cuối cùng như một điệp khúc tình yêu trọn hảo vang lên, chắc chắn, Anrê Phú Yên đã nhận được tiếng “Giêsu đầu tiên” nơi người mẹ đạo đức thánh thiện là bà Gioanna khi anh còn nằm nôi hay trên gối mẹ hiền. Chúng ta có thể thấy hình ảnh của Bà Gioanna, mẹ của Chân phước Anrê Phú Yên, trong chân dung của “bà mẹ chứng kiến bảy người con tử đạo” mà sách Macabêô đã khắc hoạ: “Đặc biệt là bà mẹ đáng ca tụng và ghi nhớ: chỉ trong một ngày, bà chứng kiến bảy đứa con mình chết, bà vui lòng chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa…Bà đầy khôn ngoan, dùng tiếng nói của cha ông, can đảm khuyên bảo từng đứa con; bà dùng sự hăng say nam nhân mà nâng đỡ tâm hồn phụ nữ của bà…”.

Dĩ nhiên, vào chiều ngày 26.7.1644, tại pháp trường Dinh Chiêm không có mặt của Bà Gioanna để khuyên Anrê Phú Yên những lời cuối cùng (như bà mẹ thời Macabêô); nhưng chắc chắn, tận sâu thẳm cõi lòng, nếu có lời nào của mẹ ngài vang lên lúc đó thì phải là những lời của người mẹ mà sách Macabêô nhắc đến: “Con ơi, … đừng sợ tên lý hình nầy, một hãy nhận lãnh cái chết, để nhờ lòng lân tuất của Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng với các anh con”.

Từ người mẹ khuyên con can đảm tử đạo thời Cựu ước đến người mẹ Gioanna truyền thụ đức tin cho người con Anrê, chúng ta gặp thấy một người mẹ khác, mới đây thôi, mẹ của hai bé dính đôi Trúc Nhi và Diệu Nhi, đã cầm tay hai con giúp làm dấu Thánh Giá trước khi lên bàn mổ. Nếu thế giới nầy, quê hương nầy còn có những người mẹ đạo hạnh, niềm tin can trường như thế, thì chúng ta hy vọng vẫn còn những Anrê Phú Yên “lấy tình yêu đáp trả tình yêu” trong cuộc đời nầy!

Mà thực ra, để có được lựa chọn anh hùng và thái độ trung thành cho đến chết vì đức tin, chắc chắn người thanh niên tân tòng nầy, ngoài việc được đón nhận lời dạy và gương lành từ người mẹ, niềm tin và đức hạnh của Anrê Phú Yên còn được hun đúc bởi một vị tôn sư lỗi lạc Dòng Tên là linh mục Đắc Lộ và được tôi luyện, thử thách qua những lần mò, trải nghiệm trong cuộc sống tông đồ giữa một thời gian khó. Tất cả những “may mắn diệu kỳ” đó đã trở thành con đường của ân sủng để dẫn lối đưa đường tới ân huệ cao cả cuối cùng: ơn tình yêu đáp trả, ơn thuộc về Chúa Giêsu trọn hảo, ơn Tử đạo, như di chúc bất tử của ngài còn lưu lại: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống…Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”[2]. Vâng, “Tử Đạo”, trước hết và trên hết, chính là một hồng ân cao cả. Cảm tạ Chúa !

Chúng ta cũng đừng quên một chi tiết rất đặc biệt nầy: mấy câu “chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” được cha Đắc Lộ ghi lại bằng chính chữ quốc ngữ của thời mới khai nguyên. Điều đó cũng cho thấy một ý nghĩa sâu xa và phong phú của cuộc đời Chân phước Anrê Phú Yên: Ngài chính là “cuộc gặp gỡ của đức tin và văn hoá”. Đức tin: là chứng nhân tiên khởi của Giáo Hội tại Việt Nam vào thời “mở cõi Tin Mừng”; Văn hoá: Đánh dấu giai đoạn đầu tiên của việc hình thành chữ quốc ngữ, mà cha Đắc Lộ và Hội Thầy Giảng (hay Nhà Đức Chúa Trời) chính là một trong những viên đá nền móng.

Có một điều rất đáng lưu ý. Theo như chứng từ của cha Đắc Lộ, cuộc tử đạo của Thầy Giảng Anrê Phú Yên và chiều ngày 26.7.1644 được nhiều người chứng kiến, trong số đó, có rất đông anh em lương dân và đều dành cho ngài một sự trân trọng, kính mến. Trong bản tường thuật sau đó 5 ngày (1.8.1644), cha Đắc Lộ ghi rõ: “Dân chúng đến thật đông, cả Kitô hữu lẫn người lương. Đặc biệt những người lương này thật ngỡ ngàng khi thấy một việc chưa từng có trong xứ sở của họ: có người muốn chết vì Đạo và vì chân lý; đó là hoa quả đầu mùa của vùng đất này, và điều này càng quý hơn nữa, đến nỗi cả những người lương cũng khóc lên trước cảnh tượng ấy”.[3] Riêng đối với thầy Anrê, thì đi ra pháp trường mà thanh thản, vui tươi giảng đạo và bước nhanh như đi trẫy hội: “Vào lúc 5 giờ chiều, người ta điệu Thầy ra pháp trường, hay nói đúng hơn là dẫn đến nơi lãnh triều thiên tử đạo vinh quang. Tâm hồn mọi người cảm thấy se lại khi thấy nét mặt thanh thản của Thầy trong lúc bước đi, và bước chân của Thầy nhanh nhẹn đến nỗi chúng tôi phải chạy theo và vất vả lắm mới đuổi kịp Thầy”.[4]

Quả thật, trước những con mắt và con tim chưa biết Đức Kitô là ai và chưa tin nhận Ngài, thì “tử đạo” quả là một việc dị thường, một chuyện phải “ngỡ ngàng”. Những thị dân Rôma 2000 năm trước, khi thấy từng đoàn Kitô hữu, miệng ca hát, vui vẻ tiến ra hý trường Côlôsêum để chịu hành hình, cũng đã từng ngỡ ngàng hỏi nhau “Tại sao họ lại hát? ”. Nhưng đối với ai đã thuộc về Đức Kitô và chứng nhân của Ngài, thì, như Thánh Phaolô (Bđ 2), chết chóc, thua thiệt...đã trở thành dấu chỉ của niềm vui và hạnh phúc, của hy vọng và sức sống: “...bị coi như là đang dẫy chết, nhưng nầy chúng tôi vẫn sống; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui, bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có, bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả”. Không biết, trong số những người chúng ta đang hiện diện ở đây có được bao nhiêu người cảm được, sống được một chút gì đó của những lời chứng trên?

Riêng Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Bắc Ninh, khi còn là linh mục, đã cảm nhận cái “nét vui” của cuộc đời theo Chúa và làm chứng cho Chúa của Chân phước Anrê bằng những dòng sau: “Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.”[5]

Sau 376 năm, trên bầu trời Giáo Hội Việt Nam, Anrê Phú Yên vẫn là một “vì sao rực sáng”, như dấu chỉ của một “lựa chọn anh hùng”, một “cuộc đời trung tín” và một “lời chứng vui tươi”; và như lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Bài giảng lễ phong Á Thánh cho ngài ngày 5.3.2000, Anrê Phú Yên vẫn còn là “mẫu gương và niềm gợi hứng” cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.[6] Nói cách khác, cuộc đời và cuộc tử đạo của ngài là một điểm quy chiếu sinh động và cần thiết cho những ai lựa chọn con đường mà Đức Kitô đã đề nghị từ 2000 năm trước: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta”.

Riêng các bạn giáo lý viên, các bạn trẻ, nếu trên sân khấu cuộc đời các bạn đã từng nghe “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao…Và sao không là bão, là giông là ánh lửa đêm đông; và sao không là hạt giống cho đất mẹ bao dung. Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc; sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư…”[7], thì hôm nay, trong Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, các bạn một lần nữa nghe lại di chúc: “Tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống báo đền mạng sống” của “Người trẻ anh hùng Anrê Phú Yên”; mà không chỉ là “di chúc bằng giấy mực” mà là một “điệp khúc tình yêu” bằng máu đỏ, một “lời chứng đức tin bằng tử đạo”. Vâng, chúng ta không được quên cội nguồn và phải lên đường viết tiếp những trang sử anh hùng của Anrê Phú Yên trên quê hương chúng ta. Amen.

Trương Đình Hiền

[1] (SĐD): BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian. NXB. Antôn & Đuốc sáng 2017. Tr. 75.

[2] Ibid. Tr. 74-78; (xem thêm: LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Rực sáng một vì sao, nxb. Tôn Giáo 2006, tr.152-153).

[3] Ibid. (Rực sáng một vì sao). Tr. 14-15.

[4] Ibid. Tr. 15.

[5] Ibid. Tr. 145-146.

[6] Ibid. Tr. 133: “Chân phước Anrê, Vị Tử Đạo tiên khởi của Việt Nam, hôm nay trở nên gương mẫu cho Giáo Hội tại quê hương của ngài. Chớ gì tất cả môn đệ Chúa Kitô tìm được nơi ngài sức mạnh và nâng đỡ trong thử thách và lo lắng giữ gìn vững chắc mối thân tình với Chúa, lòng hiểu biết các mầu nhiệm Kitô, lòng trung thành với Giáo Hội và tinh thần truyền giáo”.

[7] Những lời trong bài hát “KHÁT VỌNG” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:10 20/07/2020

33. Con Thiên Chúa đã dùng sự khổ nạn để hoàn thành công việc cứu chuộc, dạy người ta cứu linh hồn để làm vinh danh Thiên Chúa, cứu người đẹp nhất chính là chịu đau khổ, đó đúng là vì yêu Chúa mà chúng ta chịu đau khổ, trở thành con đường chân thực và thiết yếu không chút hoài nghi.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:13 20/07/2020
80. ĐỂ KHÔNG RÃ ĐÁM

Hàng xóm mời Tô Đông Pha uống rượu.

Trên bàn có một dĩa chim sẻ rán đỏ, tất cả là bốn con. Có một vị khách ăn liên tục ba con rồi mới mời Tô Đông Pha nếm thử một con.

Tô Đông Pha nói:

- “Thôi thì ngài ăn luôn đi, để mấy con sẻ vàng đó khỏi rã đám.”

(Nhã Ngược)

Suy tư 80:

Khi ăn cơm, người ta có thể biết được tâm hồn và cá tính của người ăn, bởi vì khi ăn cơm thì con người bộc lộ ra mình có tính “động vật” nhiều nhất, cho nên cần phải để ý cách ăn uống cho ra người văn minh lịch sự, và hơn thế nữa, cho ra một con người được giáo dục nhân bản đàng hoàng hơn người khác, nhất là các linh mục và tu sĩ.

Khi ăn cơm, người Ki-tô hữu cũng có thể thực hành hy sinh, yêu người và vui tươi.

Hy sinh là ăn ít những món ăn mà mình thích để cho những người cùng bàn cũng thích ăn những món ấy có thể ăn, khi chúng ta làm như thế là đã thực hiện đức yêu người và không những đem lại niềm vui cho chính mình mà còn cho người cùng bàn, hơn là cắm đầu ăn một mạch mà không để ý những khách đồng bàn.

Có một vài người, trong đó có cả linh mục và tu sĩ, khi ăn cơm thì húp canh kêu rồn rột khiến người đồng bàn khó chịu, hoặc khi nhai thức ăn thì chép chép cái miệng phát ra âm thanh lớn rất là khiếm nhã, làm người đồng bàn cảm thấy ăn không ngon và mất vui, lại còn dính thức ăn trên môi miệng mà không để ý, cứ nói cười oang oang có khi cơm canh đang nhai bay vào người đối diện...

Ăn uống cũng là một đức hạnh nói lên nhân cách và trình độ tu đức của mình, do đó mà người ta có thể biết nhân cách của mình có “rã đám” hay không trong khi mình ăn uống và vui chơi vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về hành động biến một đại đền thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo.
Đặng Tự Do
05:11 20/07/2020
Trong lịch sử 1, 500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul đã là một đền thờ Công Giáo trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo. Trong 84 năm qua, nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai. Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha Joseph C. Bambera Giám Mục giáo phận Scranton, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn Đề Liên Tôn Và Đại Kết của USCCB, đã tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác trong việc bày tỏ sự bất mãn trước quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez và Đức Cha Bambera như sau:

Hiệp cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Kể từ khi được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo vào năm 537, Hagia Sophia đã trở thành một trong những kho báu nghệ thuật và tâm linh vĩ đại trên thế giới. Trong nhiều năm qua, địa điểm đẹp và được ưu ái này đã là một bảo tàng nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể đến để trải nghiệm sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó cũng được coi là một dấu chỉ thiện chí và sự chung sống hòa bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo và là một biểu hiện cho khao khát của loài người muốn được hiệp nhất và yêu thương.

Thay mặt các giám mục anh em của chúng tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đảo ngược quyết định không cần thiết và đau đớn này và khôi phục Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.


Source:USCCB

 
Cô gái Công Giáo Pakistan, bị bắt cóc và buộc phải theo đạo Hồi, đã bị hãm hiếp và đang mang thai
Đặng Tự Do
05:12 20/07/2020
Tabassum Yousaf là luật sư đại diện cho cha mẹ của cô gái trẻ Công Giáo, Huma Younus, năm nay 15 tuổi, bị bắt cóc vào tháng 10 năm 2019 và buộc phải theo đạo Hồi. Nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cô đã đưa ra một bản cập nhật thật bi thảm về tình hình cá nhân và pháp lý của cô gái vị thành niên này, là người bị buộc phải kết hôn với người bắt cóc cô.

Người bắt cóc cô gái là tên Abdul Jabbar. Hắn có một người anh trai tên là Mukhtiar, là một cảnh sát viên. Luật sư Yousaf cho biết tên này đã liên lạc với cha mẹ của Huma, qua các cuộc gọi điện thoại video và trực tiếp đe dọa họ, cho họ xem vũ khí của mình và nói với họ rằng hắn ta sẽ giết chết họ nếu họ đến tìm con gái mình. Tên khốn nạn này còn nói thêm là nếu tất cả các Kitô hữu hợp lại để biểu tình đòi mang Huma trở lại, hắn ta sẽ giết cả cha mẹ cô và bất cứ ai cố gắng giúp đỡ họ.

Huma đã gọi điện cho bố mẹ cô, nói với họ rằng hiện nay cô đã mang thai do bạo lực tình dục mà cô phải chịu. Khi được cha cô hỏi liệu cô có thể rời khỏi nhà của kẻ bắt cóc và trở về nhà của cha mẹ cô không, cô nói với ông rằng cô không được phép rời khỏi nhà và cuộc sống của cô đang trở nên khó khăn hơn, vì hiện tại cô đang bị giam cầm trong bốn bức tường của một căn phòng nhỏ hẹp.

Về mặt pháp lý, luật sư của gia đình Huma, giải thích rằng tòa sơ thẩm Đông Karachi, đã khép lại vụ án với lý do thiếu bằng chứng. Luật sư đã kháng cáo lên tòa trên và phiên tòa tiếp theo đã được ấn định vào ngày 13 tháng 7 năm 2020.

Trong phiên tòa luật sư Yousaf đã trình bày hai tài liệu chính thức chứng minh rằng cô gái chưa đủ tuổi kết hôn. Một tuyên bố của trường học và giấy chứng nhận rửa tội từ giáo xứ Công Giáo Thánh Giacôbê Tông Đồ ở Karachi đều nêu rõ ngày sinh của Huma là ngày 22 tháng 5 năm 2005. Như thế, cô gái mới 15 tuổi và dưới 18 tuổi là tuổi được phép kết hôn.

Luật sư đại diện cho Huma, đang làm những gì có thể để chạy đua với thời gian, bởi vì trong ba năm nữa, cô gái sẽ 18 tuổi và rất có khả năng vụ án sẽ được hoãn lại vô thời hạn.

Tình cảnh bi thảm của Huma Younus là rất phổ biến tại Pakistan. Luật sư Yousaf, trích dẫn một nghiên cứu cho biết khoảng 2000 trường hợp như vậy mỗi năm. Có các trường hợp được báo cáo cho cảnh sát, và có các trường hợp gia đình nạn nhân sợ người Hồi Giáo đến mức không dám báo cáo.

Luật sư Yousaf nhận xét rằng cay đắng rằng nếu một trường hợp tương tự xảy ra liên quan đến một cô gái Hồi giáo chưa đủ tuổi, chính quyền sẽ hành động ngay lập tức. Còn đối với các tín hữu Kitô, luật pháp ở quốc gia này chỉ coi họ là công dân hạng hai.


Source:Aid To Church In Need
 
Những hướng dẫn mới của Thánh bộ Giáo sĩ về Giáo xứ trong sứ mệnh truyền giáo.
Thanh Quảng sdb
08:13 20/07/2020
Những hướng dẫn mới của Thánh bộ Giáo sĩ về Giáo xứ trong sứ mệnh truyền giáo.

Thánh bộ Giáo sĩ của tòa thánh vừa phát hành một tài liệu mới giúp hướng dẫn việc cải tổ các cộng đoàn giáo xứ. Tài liệu này có tựa đề “Hướng mục vụ mới cho các cộng đồng Giáo xứ để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo hội”.

(Tin Vatican - Isabella Piro)

Trong Giáo hội mọi người đều có chỗ đứng, đồng thời được Giáo hội tôn trọng ơn gọi của từng cá nhân. Ý tưởng này được khai triển như trọng tâm của các hướng dẫn về giáo xứ, mà Thánh bộ Giáo sĩ Tòa thánh mới phát hành vào hôm nay thứ Hai (20/7/2020).

Tài liệu này không ban hành một luật lệ mới nào, nhưng đề ra các phương pháp mới để áp dụng các quy tắc hiện hành cho có hiệu năng hơn, theo giáo luật. Mục đích là để cổ súy sự đồng trách của những người đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy và thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ dựa trên sự gần gũi và hợp tác giữa các giáo xứ.

Điều nổi bật nhất từ những Hướng dẫn mới này thật cấp bách, cần cho việc đổi mới sứ vụ truyền giáo, một sự chuyển đổi mục vụ của giáo xứ, để các tín hữu có thể tái khám phá ra sự năng nổ và sáng tạo cho phép giáo xứ lúc nào cũng "đi ra", được hỗ trợ và đóng góp của tất cả mọi thành phần Dân Chúa.

Chỉ thị gồm 11 chương và được chia thành hai phần:

- Phần thứ nhất (gồm các chương 1-6) đưa ra một suy tư sâu rộng về việc đổi mới mục vụ, tiếp cận việc truyền giáo và các giá trị của giáo xứ trong bối cảnh đương đại.

- Phần thứ hai (gồm các chương 7-11) tập trung vào việc phân chia các khu vực (hạt) của nhiều cộng đồng giáo xứ, các vai trò mục vụ khác nhau theo nhu cầu mới, và các đường hướng trước việc trông coi các khu vực (hạt) này.

Giáo xứ: "Một ngôi nhà giữa nhiều ngôi nhà"

Hướng dẫn mô tả giáo xứ là một ngôi nhà giữa nhiều ngôi nhà, một dấu chỉ trường tồn của Đấng Phục sinh ở giữa dân của Ngài, đã được phần một của tài liệu khai triển.

Bản chất truyền giáo của giáo xứ là nền tảng cho việc truyền giáo. Toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số đã làm thay đổi sự liên kết cụ thể của nó về lãnh thổ mà nó bao trùm. Do đó, giáo xứ không còn là một không gian địa lý, mà là một không gian hiện hữu. Chính trong bối cảnh này, "tính linh hoạt" của giáo xứ xuất hiện, cho phép nó đáp ứng những yêu sách của thời đại và thích nghi việc mục vụ với các tín hữu trong thời khắc lịch sử.

Đổi mới công cuộc truyền giáo

Hướng dẫn, do đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc đổi mới sứ mệnh truyền giáo trong các cấu trúc của giáo xứ. Sự Đổi mới này cần thay đổi tư duy về ý niệm giáo xứ cũ và cứng nhắc. Thay vào đó, nên tập trung vào sự năng động tâm linh và sự đổi mới mục vụ dựa trên việc loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích và nhân chứng qua việc từ thiện.

"Văn hóa gặp gỡ" cần cung cấp bối cảnh thiết yếu cho việc đối thoại, đoàn kết và cởi mở đón nhận mọi người. Theo cách này, các cộng đồng giáo xứ có thể phát triển một "nghệ thuật đồng hành" thực sự. Đặc biệt, Hướng dẫn khuyến nghị trở nên chứng nhân về đức tin, trong đức ái và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chăm sóc người nghèo mà giáo xứ nhắm tới.

Mỗi người tín hữu được rửa tội phải là một nhân tố tích cực trong việc truyền giáo. Do đó, một sự thay đổi về tâm thức và đổi mới nội tâm là điều thiết yếu để thực hiện một cuộc cải tổ truyền giáo chăm sóc mục vụ.

Đương nhiên, các quá trình thay đổi này, cần phải được linh hoạt và tiệm tiến, và mọi dự án phải được đặt trong bối cảnh thiết thực của đời sống của cộng đoàn, không nên áp đặt và không nên "giáo sĩ trị" việc chăm sóc mục vụ.

Những Phân bổ trong giáo phận

Phần hai của Tài liệu đề ra sự phân tích trong việc phân chia ra nhiều khu vực (hay hạt) trong giáo phận.

Trước tiên, tài liệu giải thích, các giáo xứ cần tuân thủ theo một nguyên tắc chính là sự gần gũi, trong khi xét tới những điểm tương đồng về dân số và những đặc điểm của địa hạt. Sau đó, tài liệu tập trung vào các điểm cụ thể liên quan đến việc thành lập, sáp nhập hoặc phân chia các giáo xứ, và về các điều khoản liên quan đến Vicariates Forane (còn được gọi là một hạt), tập hợp một số giáo xứ và các đơn vị mục vụ qui tụ một số hạt (Vicariates Forane).

Linh mục chính xứ: "Cha xứ" của cộng đoàn

Sau đó, Tài liệu đi sâu vào chủ đề chăm sóc mục vụ của các cộng đoàn giáo xứ, theo cách thông thường và cách phi thường.

Trước hết, vai trò của linh mục chính xứ là một "mục tử" của cộng đồng. Ngài phục vụ giáo xứ, chứ không ngược lại (nghĩa là giáo xứ phục vụ cha xứ!). Vai trò của ngài liên quan đến việc chăm sóc toàn bộ các linh hồn. Do đó, linh mục chính xứ phải là một giáo sĩ có chức linh mục, chứ không phải là một người nào khác, ngay cả khi họ có khả năng.

Cha xứ chịu trách nhiệm về tài sản của giáo xứ và là đại diện pháp lý của giáo xứ. Ngài nên được bổ nhiệm vô hạn định, vì lợi ích của linh hồn, và vì sự ổn định cũng như những kiến thức về cộng đồng. Tuy nhiên, Chỉ thị cũng nhắc nhở cho Giám mục có thể bổ nhiệm một linh mục chính xứ cho một thời gian cố định, với điều kiện là không ít hơn năm năm theo như Hội Đồng Giám mục đia phương ấn định bằng văn bản.

Khi cha xứ tới tuổi 75, linh mục chính xứ có bổn phận do giáo luật quy định, ngài phải làm đơn từ chức, dù việc từ chức chỉ bắt đầu khi được Đức Giám Mục chấp thuận và thông báo chấp thuận bằng văn bản. Trong mọi trường hợp, sự chấp nhận luôn dành cho Đấng bản quyền hầu tránh tình trạng có thể xảy ra là giáo xứ không có người coi xóc.

Các phó tế: các thừa tác viên được phong chức, không phải là người 'nửa linh mục và nửa giáo dân'

Một phần lớn của chương thứ tám dành riêng nói về các phó tế. Họ là cộng sự viên của Đức Giám Mục và của các linh mục trong sứ mạng truyền giáo. Các phó tế được thụ phong chức phó tế và tham dự vào Bí tích Truyền chức, để chú tâm vào lĩnh vực truyền giáo và từ thiện bác ái, bao gồm việc quản trị tài sản, loan báo Tin Mừng và phục vụ tại bàn tiệc Thánh Thể.

Họ không được coi là "nửa linh mục và nửa giáo dân", theo những hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ơn gọi của họ cũng không được coi là nhân viên duy giáo sĩ hay một người chỉ đảm trách duy một chức năng.

Chứng nhân của những người tận hiến (tu sĩ) và sự dấn thân quảng đại của giáo dân

Tài liệu được phát hành bởi Thánh bộ các giáo sĩ nhưng cũng có phần nói về các tu sĩ nam nữ, cũng như giáo dân, trong các cộng đồng giáo xứ.

Những tu sĩ nam nữ là những người đầu tiên đóng góp vào việc “chứng tá của những môn sinh theo Chúa Kitô”.

Giáo dân là những người tham dự vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội. Họ được mời gọi cộng tác một cách quảng đại, sống chứng nhân Tin mừng trong cuộc sống hàng ngày, trong khi phục vụ cộng đồng giáo xứ.

Người giáo dân cũng dấn thân trong các thừa tác “Đọc sách và Thánh thể” (Lector và Acolytes) trong việc phục vụ Bàn thánh và các công tác được trao phó. Những người này phải được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, được huấn luyện đầy đủ và có một đời sống cá nhân mẫu mực.

Ngoài ra, trong những hoàn cảnh đặc biệt, họ có thể nhận được các nhiệm vụ khác từ Đức Giám Mục, "theo phán quyết thận trọng của Đức cha". Những việc này bao gồm việc cử hành Phụng vụ Lời Chúa và các nghi thức thức an táng, cử hành Bí tích Thanh tẩy, hướng dẫn chuẩn bị hôn nhân – và với phép của Tòa Thánh – họ có thể giảng trong Nhà thờ hoặc nhà nguyện trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không một người giáo dân nào được giảng trong các thánh lễ, trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể.

Các cơ quan đồng trách nhiệm trong giáo hội

Chỉ thị cũng phản ánh về các cơ quan của giáo xứ trong công việc đồng trách nhiệm trong giáo hội, bao gồm Ban Tài chính Giáo xứ, được thành lập như một cơ quan tư vấn, do cha xứ chủ trì, và được thành hình nếu có ít nhất là ba thành viên.

Tài liệu cũng đề cập tới việc quản lý vật chất của giáo xứ như là một lãnh vực quan trọng của việc truyền giáo và của việc làm chứng tá truyền giáo, trong lãnh vực Giáo hội và xã hội dân sự.

Thánh bộ Giáo sĩ xác quyết: Tất cả tài sản thuộc về giáo xứ, chứ không thuộc về linh mục chính xứ. Do đó, nhiệm vụ của Ban Tài chính Giáo xứ sẽ thúc đẩy một "văn hóa đồng trách nhiệm, minh bạch hành chính và phục vụ cho các nhu cầu của Giáo hội.

Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đóng vai trò cố vấn, và cho các đề nghị cần thiết. Cần loại bỏ đi cái ý niệm đây là một cơ quan công quyền quan liêu, ngược lại Hội đồng Mục vụ là đại diện, đóng góp tâm tư của Dân Chúa, để lo cho sứ mệnh truyền giáo, mà mọi tín hữu đã lãnh nhận được ơn của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thanh Tẩy và Thêm sức phải tích cực đóng góp vào công cuộc truyền giáo này của Giáo hội.

Chức năng chính của Hội đồng Mục vụ là đề ra cách thiết thực, các sáng kiến mục vụ và công việc từ thiện bác ái của giáo xứ, kết hợp hài hòa với các chương trình của giáo phận. Tất cả các đề xuất phải được sự chấp thuận của cha xứ trước khi được mang ra thi hành.

Các Bí tích được ban nhưng không

Chương cuối tập trung vào việc dâng (xin) lễ.

Tài liệu nêu rõ việc cử hành bí tích là một hành vi nhưng không. Tuy nhiên các linh mục là con người nên cũng cần có tiền bạc để chi tiêu, nên Tài liệu hướng dẫn rõ rệt trong mọi chi tiêu của cha xứ phải rõ ràng và minh bạch! Cả trong lãnh vực quản trị tài chánh của giáo xứ. Theo chiều hướng này, các tín hữu được khích lệ coi việc chi thu của giáo xứ, cũng là việc của riêng họ.

Các hướng dẫn trước đây

Nên nhớ rằng: Những Hướng dẫn mới này dựa trên những Hướng dẫn được phát hành năm 1997, qua Tự sắc "Ecèreia de mysterio: Các vấn đề liên quan đến sự cộng tác của tín hữu với cha xứ" và những Hướng dẫn của năm 2002, cũng được Thánh bộ các Giáo sĩ phát hành đề cập tới "Linh mục chính xứ và Giáo xứ. (bản dịch từ tiếng Anh, bản dịch tiếng Anh được dịch từ bản tiếng Ý)
 
Hung thủ đấm vào đầu những người Công Giáo tại St. Louis đã bị bắt
Đặng Tự Do
16:19 20/07/2020
Như chúng tôi đã tường thuật hôm thứ Bẩy 27 tháng 6, Cha Stephen Schumacher, một linh mục của Tổng giáo phận St. Louis, và anh chị em giáo dân đã can đảm đứng lên bảo vệ bức tượng Thánh Louis trong cuộc biểu tình dữ dội của những người da đen và những kẻ lợi dụng người da đen cho các nghị trình ý thức hệ của họ.

Bức tượng có tên “Đỉnh cao của Thánh Louis”, nằm trong Công viên rừng lâm nghiệp trước Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis. Nó được dựng lên vào năm 1906 và mô tả vua Louis thứ Chín của Pháp, nơi mà thành phố được đặt tên.

Theo St. Louis Post-Dispatch, hàng trăm người đã có mặt trong cuộc biểu tình với khí thế sôi sục. Những người Công Giáo đã tham gia với cha Schumacher bảo vệ bức tượng. Họ đã cầu nguyện với kinh Mân Côi và hát các bài thánh ca.

Trong khi có nguy cơ rất cao là bị đám đông cuồng nộ xúm lại đánh chết, cảnh sát đã đến nơi và tách họ ra khỏi những người biểu tình mặt mày hằm hè dữ tợn.

Một người đàn ông ở St. Louis đã bị buộc tội bốn tội tấn công cấp bốn sau khi cảnh sát xem qua các videos thu hình tại hiện trường cho thấy hắn đã đấm vào những người Công Giáo đang cầu nguyện và bảo vệ bức tượng của Thánh Louis.

Sở cảnh sát thành phố St. Louis cho biết tên này đã bị bắt vào hôm thứ Bẩy 18 tháng 7.

Trước khi bị bắt, Terrence Page, 34 tuổi, thừa nhận với News 4 rằng y đã tung ra những cú đấm, và nói thêm rằng “Sự thay đổi thật sự không thể xảy ra trừ khi bạn chấp nhận những rủi ro đó”.

Video được đăng trực tuyến như cho thấy tên Page đã rất hung hăng và liên tục đấm vào đầu nhiều người. Cảnh sát nói rằng y đã đấm bốn người Công Giáo trong vụ tấn công. Một trong những nạn nhân này được chẩn đoán bị chấn động ở não bộ.

Tên Page vẫn hung hăng bảo vệ hành động của mình. Y nói với Tin tức 4, “Đôi khi bạn phải tát hay đấm vào đầu ai đó thì họ mới nghĩ khác đi được.”

Bức tượng có tên “Đỉnh cao của Thánh Louis”, nằm trong Công viên rừng lâm nghiệp trước Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis. Nó được dựng lên vào năm 1906 và mô tả vua Louis thứ Chín của Pháp, nơi mà thành phố được đặt tên.

Thánh Louis là Vua của Pháp từ năm 1226 đến năm 1270, và ông đã tham dự cuộc Thập tự chinh thứ bảy và thứ tám. Ông hạn chế cho việc vay nặng lãi và thành lập các bệnh viện, và đích thân chăm sóc người nghèo và người phong cùi. Ông được phong thánh năm 1297.

Nhiều bức tượng của các nhân vật lịch sử đã bị kéo xuống trong những tuần gần đây trong bối cảnh các cuộc biểu tình và bạo loạn đang diễn ra trên khắp đất nước. Trong khi một số cuộc biểu tình đã phá hủy các bức tượng của các nhân vật Liên minh như là một phần của lời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, các bức tượng khác cũng đã bị phá hủy từ các địa điểm nổi bật, bao gồm một trong những bức tượng của George Washington.

Sau khi Tổng thống Trump cảnh cáo ít nhất 10 năm tù cho những kẻ dám giật sập các bức tượng, người ta ghi nhận những kẻ quá khích đang nhắm đến các bức tượng nhỏ hơn trong các ngôi nhà thờ Công Giáo.
Source:Catholic News Agency

 
Cảnh sát treo giải thưởng cho ai chỉ điểm kẻ đã chặt đầu một tượng Chúa Chiên Lành tại Miami-Dade
Đặng Tự Do
16:21 20/07/2020
Trong thông báo đưa ra hôm thứ Bẩy, 18 tháng 7, tổng giáo phận Miami cho biết Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski đã chính thức yêu cầu các cơ quan thi hành pháp luật điều tra vụ một bức tượng Chúa Chiên Lành bị chặt đầu tại Miami-Dade.

Bức tượng Chúa Chiên Lành đã được tìm thấy bị chặt đầu và bị đánh bật khỏi bệ tượng bên ngoài một nhà thờ trong vùng Tây Nam Miami-Dade, và Tổng giáo phận Miami tin rằng vụ việc này không phải là một tai nạn.

Bức tượng đã được tìm thấy bị chặt đầu và di chuyển khỏi bệ tượng bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Chúa Chiên Lành, vào sáng ngày thứ Tư 15 tháng 7.

Cha Edvaldo DaSilva, là cha sở nhà thờ trong ba năm qua ghi nhận rằng “những vụ phá hoại diễn ra từ sau cái chết của anh George Floyd rõ ràng là đang chuyển hướng nhắm vào các nhà thờ.”

Khi được hỏi liệu có thể xảy ra là gió mạnh đã khiến bức tượng bị lật nhào xuống không, Cha DaSilva nói: “chắc chắn là không, điều đó không thể nào xảy ra. Phải có một số bàn tay rất mạnh xô đổ bức tượng. Cứ nhìn những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta, chúng ta có thể chắc chắn là như thế.”

Cha DaSilva đặc biệt chỉ ra một sự biến cố xảy ra tại một nhà thờ ở Ocala hôm thứ Bảy trước đó, trong đó thủ phạm đã cố ý phóng hỏa với dụng tâm độc ác là thiêu sống anh chị em giáo dân đang cầu nguyện bên trong.

Một email liên quan đến bức tượng bị phá hoại đã được gửi đến cộng đoàn giáo xứ vào sáng thứ Tư.

Trong thông báo, Tổng giáo phận Miami cho rằng đây này là một tội ác xuất phát từ lòng căm thù đức tin. Tội ác ở Miami này phản ánh các cuộc tấn công ngày càng gia tăng vào các nhà thờ Công Giáo trên cả nước.

Cảnh sát Miami-Dade đang điều tra, và giáo xứ hy vọng các camera giám sát sẽ dẫn đến việc mau chóng bắt giữ những kẻ phải chịu trách nhiệm.

Chi khu cảnh sát Miami-Dade đã trao giải thưởng lên đến 1, 000 Mỹ Kim cho bất cứ ai cung cấp các thông tin dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm của vụ này. Những ai có thông tin liên quan đến vụ này có thể gọi số 305-471-TIPS là số điện thoại của Bộ Phận Ngăn Chặn Tội Phạm Miami-Dade. Cảnh sát lưu ý rằng sẽ bảo đảm không tiết lộ danh tính của người tố cáo và phần thưởng 1, 000 Mỹ Kim sẽ được trao cho bất cứ ai cung cấp dù một chi tiết nhỏ có thể dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm.
Source:WSVN

 
Đài Loan ám ảnh đàng sau các thương thảo đang diễn ra giữa Trung Quốc với Tòa Thánh
Vũ Văn An
19:19 20/07/2020

Mimi Lau của South China Post tiếp tục bài thứ hai trong ba bài nói về các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và Toà Thánh hiện đang diễn ra nhằm triển hạn thỏa hiệp tạm thời ký giữa hai bên năm 2018. Xin xem nguyên bản tại https://www.scmp.com/news/china/article/3092830/chinas-july-talks-vatican-will-have-taiwan-looming-background.



Bắc kinh và Vatican sẽ ngồi xuống để đàm phán trong tháng 7 nhằm nối tiếp cuộc đối thoại kéo dài nhiều thập niên về việc Giáo Hội Công Giáo có thể hoạt động ra sao tại một đất nước hiện được cai trị bởi Đảng Cộng sản Trung Hoa. Vấn đề gai góc là ai nắm giữ thẩm quyền bổ nhiệm các Giám Mục tại Trung Quốc, nhưng Đài Loan tự trị cũng là một phần trọng yếu trong cuộc đôi co ngoại giao này.

Bắc Kinh đoạn giao với Vatican từ năm 1951 và lập ra Hội Công Giáo Trung Hoa Yêu Tổ Quốc, trực tiếp lệ thuộc Đảng Cộng sản, chứ không phải Vatican. Tuy bị đuổi khỏi Trung Quốc, Vatican vẫn duy trì liên hệ ngoại giao với Đài Loan, một quốc gia bị Trung Quốc coi như một tỉnh ly khai đang chờ thống nhất, bằng vũ lực nếu cần.

Thị quốc Vatican nay là quốc gia Âu Châu duy nhất vẫn công nhận Đài Loan, một điều được các nhà bình luận cho là lý do chủ yếu khiến Bắc Kinh buộc phải tiếp tục nói chuyện với Vatican, một phần trong chiến lược cô lập Đài Loan thêm. Nhưng một nhân tố khác cũng có thể là, vì Trung Quốc đang phải đối đầu với hàng loạt các chỉ trích quốc tế khác về đại dịch Covid-19, nên các cuộc thương thuyết ngoại giao tích cực với Vatican có thể giúp cải thiện hình ảnh của họ.

Một chuyên gia về tôn giáo sự vụ của Trung Hoa Lục Địa dấu tên nói rằng “Nếu các vấn đề với Đài Loan được giải quyết, thì tôi không nghĩ chúng tôi còn tiếp tục các cuộc thương thuyết tích cực như thế với Vatican”. Nhưng cho dù Vatican khó lòng có thể cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan trong một tương lai tức khắc, “thì điều không khôn ngoan [đối với Trung Quốc] là quay lưng khỏi các cuộc thương thuyết”.

Francesco Sisci, một nhà Trung Quốc học của Đại học Nhân dân Trung Hoa, cho rằng Bắc kinh đang phải đối đầu với đủ thứ thách thức trong các liên hệ quốc tế của họ, thành thử sẽ là một đại họa nếu các cầu nối với Vatican bị phá sập. Ông nói rằng “mối liên hệ tích cực với Rôma” có lợi cho Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc phá vỡ các cuộc thương thuyết với Tòa Thánh, họ sẽ chỉ biện minh cho luận lý học của mọi lời phê phán ở bên ngoài rằng ‘ngay cả một người thánh thiện cũng không chịu nổi Trung Quốc’”.

Một nguồn tin của Vatican, người cũng xin dấu tên, cho biết một lợi ích khác của việc Đức Giáo Hoàng hỗ trợ Trung Quốc là tiềm năng cải thiện các liên hệ với các quốc gia có dân số Công Giáo lớn.

Các cuộc đàm phán Bắc Kinh-Vatican trong tháng này tại Rôma sẽ tìm cách gia hạn thỏa thuận Trung Quốc - Vatican năm 2018, sẽ hết hạn vào ngày 22 tháng 9. Các nội dung chi tiết của thỏa thuận này không bao giờ được công bố, nhưng điểm chính của nó là một thỏa hiệp trong việc bổ nhiệm các giám mục cho 12 triệu người Công Giáo.

Các nhà phê bình nói rằng Trung Quốc đã không sống đúng một phía của thỏa thuận. Họ cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn tám giám mục được Bắc Kinh bổ nhiệm trong Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc sau khi thỏa thuận được ký kết. Tuy nhiên, họ nói, chính quyền Cộng sản đã không đáp lại như thế đối với các giám mục được Đức Giáo Hoàng phê duyệt cho điều gọi là Giáo Hội Công Giáo hầm trú, là Giáo Hội tuân theo thẩm quyền Rôma, chứ không phải thẩm quyền Bắc Kinh.



Những người ủng hộ thỏa thuận có tính đột phá năm 2018, một thỏa thuận cần đến ba thập niên để đàm phán, nói rằng nó đánh dấu việc sẵn sàng đầu tiên của nhà nước cộng sản muốn chia sẻ một số thẩm quyền nào đó với một nhà lãnh đạo tôn giáo ở bên ngoài. Họ cũng lưu ý rằng, một tháng sau thỏa thuận, lần đầu tiên Bắc Kinh cho phép hai giám mục Trung Quốc tham dự một thượng hội đồng giám mục thế giới ở Rôma, một cơ quan tư vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Tổng giám mục tân cử của Đài Loan, Đức Cha Thomas Chung An-zu, nhắc lại dịp này, nói rằng vào thời điểm đó, người ta không thể tưởng tượng được việc các giám mục Trung Quốc từ đại lục - nơi mà người Công Giáo không được coi là một phần của Giáo Hội hoàn cầu - được phép du hành qua Rôma và gặp gỡ các giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Cha Chung, trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, nói “Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xúc động đến nỗi thậm chí đã nghẹn ngào nước mắt trong khi cử hành Thánh Lễ”.

Tuy nhiên, một trong các mục tiêu của Vatican là tái lập các liên hệ ngoại giao với Trung Hoa đại lục, một điều hàm nghĩa sẽ phải chuyển đại sứ quán của mình đến Bắc Kinh. Nhưng, nguồn tin Vatican cho hay điều này sẽ không phải là một cuộc đụng đầu với Đài Loan.
Nguồn tin trên cho biết “Đài Loan không nên cảm thấy bị xúc phạm nếu đại sứ quán ở Đài Bắc được chuyển về địa chỉ ban đầu ở Bắc Kinh”. Nguồn tin này nói thêm rằng về mặt kỹ thuật, không đúng chút nào khi mô tả Vatican là “đồng minh ngoại giao duy nhất của Đài Loan”.

“Điều này không chính xác vì Vatican chưa bổ nhiệm một đại sứ toàn quyền ở Đài Loan”. Đại sứ quán Vatican ở Đài Bắc - được gọi là Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Trung Quốc - đã không được lãnh đạo bởi một nhà ngoại giao có đầy đủ tư cách đại sứ trong gần 50 năm nay. “Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đức Thánh Cha sẽ từ bỏ Đài Loan, vì lợi ích của chúng tôi không phải là chính trị”.

Theo Jose Miguel Encarnacao, một nhà bình luận về các vấn đề Công Giáo có trụ sở tại Macao, đại sứ cuối cùng được bổ nhiệm tại Đài Bắc là Hồng Y người Úc Edward Cassidy vào năm 1970. Ông Encarnacao nói rằng “Tòa Thánh đã bãi bỏ chức danh đại sứ cho đại diện của mình tại Đài Loan sau khi Liên Hợp Quốc công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào tháng 10 năm 1971, gây thiệt hại cho Đài Loan”.

Trong cố gắng gần đây của Đài Loan để tham gia các cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHO) - Cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới - trong đại dịch Covid-19, Vatican là đồng minh ngoại giao duy nhất không bỏ phiếu cho sự tham gia của Đài Loan.

Lawrence Reardon, phó giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học New Hampshire, cho biết vấn đề không phải là “liệu” mà là “khi nào” Vatican sẽ công nhận Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc của đại lục là chính phủ hợp pháp.

Mặc dù việc công nhận ngoại giao là một công cụ đàm phán chủ chốt, Reardon nói rằng Vatican sẽ không hy sinh người Công Giáo Đài Loan để công nhận đại lục. “Thay vào đó, Vatican sẽ tìm cách hòa giải Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa lớn hơn và bảo đảm sự toàn vẹn và độc lập của người Công Giáo Đài Loan cùng với người Công Giáo Hồng Kông.

Đức Cha Chung - người sẽ chính thức nhậm chức vào cuối tháng này trong tư cách Tổng Giám mục Đài Bắc để lãnh đạo khoảng 200, 000 người Công Giáo Đài Loan - cho biết các mối liên hệ sẽ không bị cắt đứt với Vatican ngay cả khi “chính phủ Trung Quốc đại lục yêu cầu”. Ngài nói rằng “trong thực tế, thỏa thuận Trung Quốc - Vatican đã không có tác động thực sự đến mối liên hệ của Đài Loan với Vatican”.
Đức cha Chung nói: Văn phòng ngoại giao của Vatican tại Đài Loan “nên được duy trì”, cho dù việc di dời đến Bắc Kinh diễn ra, và việc mở lại một đại sứ quán của Vatican ở Bắc Kinh “có thể xảy ra sớm nếu chính phủ Trung Quốc ở đại lục có tinh thần cởi mở và dễ tiếp thu hơn đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma”.

Điều đó có vẻ khó xảy ra, khi xét đến việc Bắc Kinh tiếp tục thù địch đối với các tôn giáo có tổ chức và các biện pháp mới của họ nhằm hạn chế cả việc tham dự các hoạt động tôn giáo lẫn hoạt động của các nhóm từ thiện tôn giáo.

Đức Cha Chung nói “Đây là một thời kỳ khó xử. Chúng ta đang chứng kiến các giám mục vẫn còn bị nhốt giam và tự do tôn giáo đang xấu đi ở đại lục giữa lúc các cuộc đàm phán diễn ra giữa Rôma và Bắc Kinh”.

“Có một số thay đổi trong cử chỉ nhưng trong thực tế, không có gì được cải thiện. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang quan sát. Chúng tôi có tự do tôn giáo ở Đài Loan nhưng chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những ai không thể phát biểu đức tin của mình, có sức mạnh để giữ vững đức tin của họ.
 
Cộng sản Tầu chiêu hồi được thêm một Giám Mục Thầm Lặng
Đặng Tự Do
21:33 20/07/2020
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa chiêu hồi được thêm một Giám Mục Thầm Lặng. Lời tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đặc biệt là chính sách Trung Quốc Hoá tôn giáo của Đức Cha Phaolô Mã Tồn Quốc (Ma Cunguo - 馬存國) cho thấy rõ điều đó.

Đức Cha Mã Tồn Quốc sinh năm 1971, được thụ phong linh mục trong Giáo Hội thầm lặng vào ngày 23 tháng Ba, năm 1996. Ngày 15 tháng Ba, 2007, sau cái chết của Đức Cha Bônaventura La Quyên (Luo Juan - 罗娟), Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Cha Mã Tồn Quốc làm Giám Mục Sóc Châu (Shouzhou -朔州) ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây (Shanxi -山西) khi ngài mới 36 tuổi.

Bọn cầm quyền Bắc Kinh đã không công nhận quyết định bổ nhiệm này của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 cho đến gần đây sau khi Đức Cha Mã Tồn Quốc đồng ý gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước.

Buổi lễ nhận tòa chính thức đã được tổ chức vào ngày 9 tháng 7 và được chủ trì bởi người đứng đầu Hiệp hội Yêu nước tỉnh Sơn Tây, cùng với Phó giám đốc ủy ban hành chính tỉnh và Đức Cha Mạnh Ninh Hữu (Meng Ningyou - 孟宁友), là Giám Mục giáo phận Thái Nguyên (Taiyuan -太原).

Trong lời tuyên thệ trước các cán bộ tỉnh ủy Sơn Tây, Đức Cha Mã Tồn Quốc nói:

“Tôi, ký tên dưới đây là Phaolô Mã Tồn Quốc, theo sự sắp đặt khôn ngoan của Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, đã được bổ nhiệm làm Giám Mục của giáo phận Sóc Châu, mặc dù tôi không cảm thấy xứng đáng với nhiệm vụ này, tôi đã khiêm tốn đáp lại lời kêu gọi của Chúa và các trách nhiệm của Giám Mục.

Tôi sẽ tuân giữ các điều răn của Chúa. Tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm trong sứ vụ Giám Mục, tôi sẽ loan báo Tin Mừng một cách trung thành, và luôn trung thành với Giáo Hội Thánh Thiện, Duy Nhất, và Tông Truyền, tôi sẽ ra sức làm việc để xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo hội, và hiến mạng sống của tôi cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

Tôi sẽ tôn trọng các giáo huấn từ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Tôi sẽ hướng dẫn các linh mục và tín hữu của giáo phận tôn trọng Hiến pháp, bảo vệ sự thống nhất của đất nước và sự hòa hợp xã hội, yêu đất nước và Giáo hội, theo phương châm Trung Quốc Hóa Công Giáo, góp phần hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa.”

Đức Cha Mã Tồn Quốc trở thành Giám Mục thầm lặng thứ ba ra “hồi chánh” với bọn cầm quyền chỉ trong vòng hơn một tháng. Hai “hồi chánh viên” khác là Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源) của giáo phận Phượng Tường (Fengxiang - 凤翔) và Đức Cha Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善) của giáo phận Phúc Châu (Fuzhou -福州).

Giáo phận Sóc Châu có hơn 10 ngàn tín hữu, và vài chục linh mục và nữ tu, là giáo phận thầm lặng thứ ba bị xóa sổ sau khi các vị chủ chăn được kết nạp vào Hội Công Giáo Yêu Nước.


Source:Asia News
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sống Vui Khoẻ
Nguyễn Đức Cung
14:51 20/07/2020
SỐNG VUI KHOẺ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Những ai yêu mến thiên nhiên
Sống vui, sức khoẻ, tâm yên nhẹ nhàng
(nđc)
 
VietCatholic TV
Tội ác kêu thấu trời cao: Thiếu nữ Công Giáo bị bắt cóc, hãm hiếp, có thai và bị buộc theo Hồi Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:06 20/07/2020
1. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về hành động biến một đại đền thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo.

Trong lịch sử 1, 500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul đã là một đền thờ Công Giáo trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo. Trong 84 năm qua, nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai. Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha Joseph C. Bambera Giám Mục giáo phận Scranton, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn Đề Liên Tôn Và Đại Kết của USCCB, đã tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác trong việc bày tỏ sự bất mãn trước quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez và Đức Cha Bambera như sau:

Hiệp cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Kể từ khi được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo vào năm 537, Hagia Sophia đã trở thành một trong những kho báu nghệ thuật và tâm linh vĩ đại trên thế giới. Trong nhiều năm qua, địa điểm đẹp và được ưu ái này đã là một bảo tàng nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể đến để trải nghiệm sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó cũng được coi là một dấu chỉ thiện chí và sự chung sống hòa bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo và là một biểu hiện cho khao khát của loài người muốn được hiệp nhất và yêu thương.

Thay mặt các giám mục anh em của chúng tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đảo ngược quyết định không cần thiết và đau đớn này và khôi phục Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.


Source:USCCB

2. Ðại diện Tông tòa giáo phận Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ mong mỏi chính quyền cho các tín hữu Kitô đến cầu nguyện tại Hagia Sophia.

Ðức Cha Paolo Bizzeti, Ðại diện Tông tòa giáo phận Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ nỗi buồn trước quyết định biến đền thờ Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo, và bày tỏ hy vọng trong tương lai các tín hữu Kitô cũng có thể cầu nguyện trong thánh đường này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia, hôm 13 tháng 7 năm 2020, Ðức Cha Bizzeti, người Italia và thuộc dòng Tên, đã chia sẻ đau buồn của Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng như bao nhiêu vị lãnh đạo khác, đạo cũng như đời, về vụ đền thờ Hagia Sophia bị chính phủ Thổ biến thành đền thờ Hồi giáo.

Trong diễn văn ngày 10 tháng 7, ông Erdogan nói rằng Hagia Sophia sẽ được mở cho tất cả mọi người và sẽ không phải trả tiền vào cửa. Đức Cha nói: “Chúng tôi đang chờ đợi xem đền thờ này sẽ được bố trí như thế nào và có một khu vực được dành riêng trước các bức tranh khảm Kitô hay không.”

Ðức Cha Bizzeti nói thêm: “Trong diễn văn của tổng thống Erdogan, có nói đến đức tin và việc cầu nguyện làm tôi hy vọng có thể đến đó cầu nguyện cho những người tị nạn Kitô, và cũng hy vọng nhà nước cho mở các nhà nguyện trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Với tư cách là người có tín ngưỡng và tôn giáo, tổng thống có thể cho các tín hữu Kitô, không ở Istanbul được có các nơi thờ phượng. Tại Istanbul, có nhiều nhà thờ, trong khi tại các nơi khác không có nhà nguyện, dù là nhỏ bé. Các Kitô hữu cần có nơi để họp nhau cầu nguyện, cử hành thánh lễ và gặp gỡ nhau.” Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt ngăn cản các chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng các nơi thờ phượng của các tôn giáo thiểu số.

Đức Cha than thở rằng “Chúng tôi có quá nhiều khó khăn khi muốn mở các nơi thờ phượng mới.”

Trong bối cảnh như thế, Đức Cha đề nghị một giải pháp tương nhượng là các nơi thờ phượng có thể là một nơi do chính quyền sở hữu, và giữ an ninh.


Source:SIR

3. Cô gái Công Giáo Pakistan, bị bắt cóc và buộc phải theo đạo Hồi, đã bị hãm hiếp và đang mang thai

Tabassum Yousaf là luật sư đại diện cho cha mẹ của cô gái trẻ Công Giáo, Huma Younus, năm nay 15 tuổi, bị bắt cóc vào tháng 10 năm 2019 và buộc phải theo đạo Hồi. Nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cô đã đưa ra một bản cập nhật thật bi thảm về tình hình cá nhân và pháp lý của cô gái vị thành niên này, là người bị buộc phải kết hôn với người bắt cóc cô.

Người bắt cóc cô gái là tên Abdul Jabbar. Hắn có một người anh trai tên là Mukhtiar, là một cảnh sát viên. Luật sư Yousaf cho biết tên này đã liên lạc với cha mẹ của Huma, qua các cuộc gọi điện thoại video và trực tiếp đe dọa họ, cho họ xem vũ khí của mình và nói với họ rằng hắn ta sẽ giết chết họ nếu họ đến tìm con gái mình. Tên khốn nạn này còn nói thêm là nếu tất cả các Kitô hữu hợp lại để biểu tình đòi mang Huma trở lại, hắn ta sẽ giết cả cha mẹ cô và bất cứ ai cố gắng giúp đỡ họ.

Huma đã gọi điện cho bố mẹ cô, nói với họ rằng hiện nay cô đã mang thai do bạo lực tình dục mà cô phải chịu. Khi được cha cô hỏi liệu cô có thể rời khỏi nhà của kẻ bắt cóc và trở về nhà của cha mẹ cô không, cô nói với ông rằng cô không được phép rời khỏi nhà và cuộc sống của cô đang trở nên khó khăn hơn, vì hiện tại cô đang bị giam cầm trong bốn bức tường của một căn phòng nhỏ hẹp.

Về mặt pháp lý, luật sư của gia đình Huma, giải thích rằng tòa sơ thẩm Đông Karachi, đã khép lại vụ án với lý do thiếu bằng chứng. Luật sư đã kháng cáo lên tòa trên và phiên tòa tiếp theo đã được ấn định vào ngày 13 tháng 7 năm 2020.

Trong phiên tòa luật sư Yousaf đã trình bày hai tài liệu chính thức chứng minh rằng cô gái chưa đủ tuổi kết hôn. Một tuyên bố của trường học và giấy chứng nhận rửa tội từ giáo xứ Công Giáo Thánh Giacôbê Tông Đồ ở Karachi đều nêu rõ ngày sinh của Huma là ngày 22 tháng 5 năm 2005. Như thế, cô gái mới 15 tuổi và dưới 18 tuổi là tuổi được phép kết hôn.

Luật sư đại diện cho Huma, đang làm những gì có thể để chạy đua với thời gian, bởi vì trong ba năm nữa, cô gái sẽ 18 tuổi và rất có khả năng vụ án sẽ được hoãn lại vô thời hạn.

Tình cảnh bi thảm của Huma Younus là rất phổ biến tại Pakistan. Luật sư Yousaf, trích dẫn một nghiên cứu cho biết khoảng 2000 trường hợp như vậy mỗi năm. Có các trường hợp được báo cáo cho cảnh sát, và có các trường hợp gia đình nạn nhân sợ người Hồi Giáo đến mức không dám báo cáo.

Luật sư Yousaf nhận xét rằng cay đắng rằng nếu một trường hợp tương tự xảy ra liên quan đến một cô gái Hồi giáo chưa đủ tuổi, chính quyền sẽ hành động ngay lập tức. Còn đối với các tín hữu Kitô, luật pháp ở quốc gia này chỉ coi họ là công dân hạng hai.


Source:Aid To Church In Need
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình thế giới
Giáo Hội Năm Châu
05:09 20/07/2020


 
Cảnh sát Miami trao giải cho ai chỉ điểm kẻ chặt đầu tượng Chúa. Bắt được kẻ đấm vào đầu các tín hữu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 20/07/2020
1. Hung thủ đấm vào đầu những người Công Giáo đã bị bắt

Như chúng tôi đã tường thuật hôm thứ Bẩy 27 tháng 6, Cha Stephen Schumacher, một linh mục của Tổng giáo phận St. Louis, và anh chị em giáo dân đã can đảm đứng lên bảo vệ bức tượng Thánh Louis trong cuộc biểu tình dữ dội của những người da đen và những kẻ lợi dụng người da đen cho các nghị trình ý thức hệ của họ.

Bức tượng có tên “Đỉnh cao của Thánh Louis”, nằm trong Công viên rừng lâm nghiệp trước Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis. Nó được dựng lên vào năm 1906 và mô tả vua Louis thứ Chín của Pháp, nơi mà thành phố được đặt tên.

Theo St. Louis Post-Dispatch, hàng trăm người đã có mặt trong cuộc biểu tình với khí thế sôi sục. Những người Công Giáo đã tham gia với cha Schumacher bảo vệ bức tượng. Họ đã cầu nguyện với kinh Mân Côi và hát các bài thánh ca.

Trong khi có nguy cơ rất cao là bị đám đông cuồng nộ xúm lại đánh chết, cảnh sát đã đến nơi và tách họ ra khỏi những người biểu tình mặt mày hằm hè dữ tợn.

Một người đàn ông ở St. Louis đã bị buộc tội bốn tội tấn công cấp bốn sau khi cảnh sát xem qua các videos thu hình tại hiện trường cho thấy hắn đã đấm vào những người Công Giáo đang cầu nguyện và bảo vệ bức tượng của Thánh Louis.

Sở cảnh sát thành phố St. Louis cho biết tên này đã bị bắt vào hôm thứ Bẩy 18 tháng 7.

Trước khi bị bắt, Terrence Page, 34 tuổi, thừa nhận với News 4 rằng y đã tung ra những cú đấm, và nói thêm rằng “Sự thay đổi thật sự không thể xảy ra trừ khi bạn chấp nhận những rủi ro đó”.

Video được đăng trực tuyến như cho thấy tên Page đã rất hung hăng và liên tục đấm vào đầu nhiều người. Cảnh sát nói rằng y đã đấm bốn người Công Giáo trong vụ tấn công. Một trong những nạn nhân này được chẩn đoán bị chấn động ở não bộ.

Tên Page vẫn hung hăng bảo vệ hành động của mình. Y nói với Tin tức 4, “Đôi khi bạn phải tát hay đấm vào đầu ai đó thì họ mới nghĩ khác đi được.”

Bức tượng có tên “Đỉnh cao của Thánh Louis”, nằm trong Công viên rừng lâm nghiệp trước Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis. Nó được dựng lên vào năm 1906 và mô tả vua Louis thứ Chín của Pháp, nơi mà thành phố được đặt tên.

Thánh Louis là Vua của Pháp từ năm 1226 đến năm 1270, và ông đã tham dự cuộc Thập tự chinh thứ bảy và thứ tám. Ông hạn chế cho việc vay nặng lãi và thành lập các bệnh viện, và đích thân chăm sóc người nghèo và người phong cùi. Ông được phong thánh năm 1297.

Nhiều bức tượng của các nhân vật lịch sử đã bị kéo xuống trong những tuần gần đây trong bối cảnh các cuộc biểu tình và bạo loạn đang diễn ra trên khắp đất nước. Trong khi một số cuộc biểu tình đã phá hủy các bức tượng của các nhân vật Liên minh như là một phần của lời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, các bức tượng khác cũng đã bị phá hủy từ các địa điểm nổi bật, bao gồm một trong những bức tượng của George Washington.

Sau khi Tổng thống Trump cảnh cáo ít nhất 10 năm tù cho những kẻ dám giật sập các bức tượng, người ta ghi nhận những kẻ quá khích đang nhắm đến các bức tượng nhỏ hơn trong các ngôi nhà thờ Công Giáo.


Source:Catholic News Agency

2. Cảnh sát treo giải thưởng cho ai chỉ điểm kẻ đã chặt đầu một tượng Chúa Chiên Lành tại Miami-Dade

Trong thông báo đưa ra hôm thứ Bẩy, 18 tháng 7, tổng giáo phận Miami cho biết Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski đã chính thức yêu cầu các cơ quan thi hành pháp luật điều tra vụ một bức tượng Chúa Chiên Lành bị chặt đầu tại Miami-Dade.

Bức tượng Chúa Chiên Lành đã được tìm thấy bị chặt đầu và bị đánh bật khỏi bệ tượng bên ngoài một nhà thờ trong vùng Tây Nam Miami-Dade, và Tổng giáo phận Miami tin rằng vụ việc này không phải là một tai nạn.

Bức tượng đã được tìm thấy bị chặt đầu và di chuyển khỏi bệ tượng bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Chúa Chiên Lành, vào sáng ngày thứ Tư 15 tháng 7.

Cha Edvaldo DaSilva, là cha sở nhà thờ trong ba năm qua ghi nhận rằng “những vụ phá hoại diễn ra từ sau cái chết của anh George Floyd rõ ràng là đang chuyển hướng nhắm vào các nhà thờ.”

Khi được hỏi liệu có thể xảy ra là gió mạnh đã khiến bức tượng bị lật nhào xuống không, Cha DaSilva nói: “chắc chắn là không, điều đó không thể nào xảy ra. Phải có một số bàn tay rất mạnh xô đổ bức tượng. Cứ nhìn những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta, chúng ta có thể chắc chắn là như thế.”

Cha DaSilva đặc biệt chỉ ra một sự biến cố xảy ra tại một nhà thờ ở Ocala hôm thứ Bảy trước đó, trong đó thủ phạm đã cố ý phóng hỏa với dụng tâm độc ác là thiêu sống anh chị em giáo dân đang cầu nguyện bên trong.

Một email liên quan đến bức tượng bị phá hoại đã được gửi đến cộng đoàn giáo xứ vào sáng thứ Tư.

Trong thông báo, Tổng giáo phận Miami cho rằng đây này là một tội ác xuất phát từ lòng căm thù đức tin. Tội ác ở Miami này phản ánh các cuộc tấn công ngày càng gia tăng vào các nhà thờ Công Giáo trên cả nước.

Cảnh sát Miami-Dade đang điều tra, và giáo xứ hy vọng các camera giám sát sẽ dẫn đến việc mau chóng bắt giữ những kẻ phải chịu trách nhiệm.

Chi khu cảnh sát Miami-Dade đã trao giải thưởng lên đến 1, 000 Mỹ Kim cho bất cứ ai cung cấp các thông tin dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm của vụ này. Những ai có thông tin liên quan đến vụ này có thể gọi số 305-471-TIPS là số điện thoại của Bộ Phận Ngăn Chặn Tội Phạm Miami-Dade. Cảnh sát lưu ý rằng sẽ bảo đảm không tiết lộ danh tính của người tố cáo và phần thưởng 1, 000 Mỹ Kim sẽ được trao cho bất cứ ai cung cấp dù một chi tiết nhỏ có thể dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm.


Source:WSVN

3. Hội đồng Giám mục Ý lo âu vì sinh suất tại quốc gia này giảm đến mức kỷ lục.

Ðức Hồng Y Bassetti, Tổng giám mục giáo phận Perugia, và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, lo âu vì sinh suất tại nước này trong năm 2019 giảm đến mức kỷ lục là 4.5% so với năm trước đó.

Theo thống kê mới nhất, trong năm 2019 chỉ có 420, 170 trẻ em sinh ra tại Italia, tức là ít hơn 19, 000 trẻ em so với năm 2018. Cả số trẻ em cha mẹ ngoại quốc sinh ra tại Italia cũng giảm sút trong năm 2019.

Trong một bài được hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia phổ biến hôm 15 tháng 7 năm 2020, Ðức Hồng Y Gualtiero Bassetti nhận định rằng: “Sự suy giảm sinh sản ngày nay thực là một điều khẩn cấp tại Italia và có lẽ đó là điều cấp thiết lớn nhất của Âu châu. Ðây không phải là một vấn đề chính trị tả phái hay hữu phái, cũng chẳng phải là vấn đề tiền bạc hoặc giảm bớt thuế má, nhưng là một vấn đề văn minh. Thực vậy, sự suy giảm số trẻ em sinh ra là một dấu hiệu chứng tỏ một cuộc khủng hoảng văn hóa có những nguồn gốc sâu xa trong quá khứ gần đây của chúng ta”.

Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia cũng nhận xét rằng “sự suy giảm số sinh cũng là điều được Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu châu quan tâm. Nó cho thấy đây là một đại lục ngày càng già nua, số trẻ em sinh ra ngày càng giảm”.

Ðức Hồng Y Bassetti lưu ý rằng, ngày nay trên toàn Âu châu, và có lẽ trên toàn thế giới tây phương, gia đình và con cái bị coi như một gánh nặng, một cản trở lớn đối với sự thành đạt, con đường tiến thân và sự tự quyết của cá nhân và thậm chí ngăn cản sự phong phú bản thân. Con cái sinh ra không còn được coi như một sự phong phú cho gia đình và xã hội, trái lại như một lý do gây ra lầm than, cản trở thành công và trong một số trường hợp, con cái bị coi như nguồn mạch gây ra lo âu”.

Trong bối cảnh đó, Ðức Hồng Y Bassetti kêu gọi thay đổi não trạng và quan niệm. Cần ý thức rằng một trẻ em sinh ra là một sự phong phú cho tất cả, chứ không phải là một gánh nặng cho vài người.


Source:SIR