Ngày 23-07-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa ban của ăn cho loài người
Lm Giuse Đinh lập Liễm
01:47 23/07/2009
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN B

A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người. Ngài ban cho họ của ăn dồi dào để dưỡng nuôi hồn xác. Ngài không bỏ rơi ai mặc dầu người ta không quan tâm đến Ngài, như Đức Giêsu đã nói:”Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”(Mt 5,45). Phép lạ của tiên tri Êlisê trong bài đọc 1 cũng nói lên điều đó. Phép lạ làm cho bánh hoá nhiều trong bài Tin mừng hôm nay chứng tỏ lòng thương và quyền năng của Chúa. Đức Giêsu làm phép lạ để thỏa mãn cấp thời cơn đói khát phần xác của đoàn dân chúng đi theo Ngài cả ngày. Ngài ban cho họ lương thực phần xác nhưng cũng ban cho họ luơng thực phần hồn là những lời dạy dỗ của Ngài và nhắc nhở họ hãy tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta nhiều điều. Ngài kêu gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài trong việc phục vụ con người. Tuy việc cộng tác của chúng ta chỉ nhỏ nhoi như 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng với ngần ấy vật liệu rất nhỏ mọn, Ngài làm nên một phép lạ lớn lao: nuôi sống 5000 người đàn ông ăn no nê, còn thu lượm được 12 thúng đầy những miếng bánh vụn.

Ngài còn dạy chúng ta phải biết chia sẻ cho nhau những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, bởi vì tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban, chúng ta đừng giữ lấy cho riêng mình. Sau cùng, Đức Giêsu khuyên chúng ta phải chú trọng đến của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn là Lời Chúa và phép Thánh Thể. Nhu cầu thiêng liêng phải vượt lên trên nhu cầu vật chất: ”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”(Mt 6,33).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: 2V 4,42-44: Trích đoạn sách Các Vua trùng hợp với bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Lúc ấy tại Israel xẩy ra nạn đói, tiên tri Êlisê làm phép lạ 20 chiếc bánh lúa mạch hoá ra nhiều cho 100 người ăn no nê mà vẫn còn dư. Phép lạ này minh chứng cho lòng tốt lành vô cùng của Thiên Chúa, Đấng ban phát của ăn cho mọi người. Bánh ăn vẫn còn dư nói lên lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên tính cách dư dật của bữa ăn “thời cuối cùng” dành cho những người nghèo của Thiên Chúa (Is 65,13).

+ Bài đọc 2: Ep 4,1-6: Đọc những dòng này, chúng ta có thể đoán được các tín hữu ở Êphêsô đang chia rẽ nhau. Tuy đang ngồi trong tù, thánh Phaolô rất băn khoăn lo lắng cho họ nên đã viết thư khuyên họ hãy sống hoà thuận hiệp nhất với nhau, hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Theo Ngài, phương cách chữa trị sự chia rẽ đó là sống bác ái đối với nhau, chịu đựng lẫn nhau trong sự khiêm tốn, nhẫn nại và hiền hoà.

Sự hiệp nhất mà thánh Phaolô muốn họ xây dựng đã có sẵn, đó là sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại. Hay nói chính xác hơn, đó là sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự hiệp nhất chỉ tồn tại trong sự đa dạng triệt để của các Ngôi Vị.

+ Bài Tin mừng: Ga 6,1-15: Chạnh lòng thương đoàn dân đã theo Ngài tự bên kia Biển hồ Tibériade, Đức Giêsu làm phép lạ cho bánh hoá nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá cho 5000 người đàn ông ăn no, còn dư lại 12 thúng đầy những miếng bánh vụn.

Đây là phép lạ duy nhất được bốn tác giả sách Tin mừng thuật lại. Trong trình thuật này, thánh Gioan không chú ý đến biến cố cho bằng nói lên ý nghĩa của nó. Phép lạ này gợi lên hình ảnh Manna trong sa mạc, một thứ bánh vật chất mau hư nát, còn thứ bánh mà Đức Giêsu ban cho là một thứ manna mới ban sự sống trường sinh.

Có nhiều chi tiết trong phép lạ này báo trước về phép Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ lập. Quả vậy, vài ngày sau phép lạ này, trong bài giảng thuyết về bánh sự sống, Ngài tuyên bố là Ngài sẽ ban thịt mình cho người ta ăn và máu Ngài cho người ta uống:”Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”(Ga 6,55).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Các con hãy cho họ ăn.

I. PHÉP LẠ HÓA BÁNH RA NHIỀU.

1. Đức Giêsu làm phép lạ.

Trình thuật trong bài Tin mừng hôm nay nối tiếp câu chuyện xẩy ra tuần trước. Đức Giêsu và các Tông đồ muốn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một chút sau cuộc truyền giáo đã thấm mệt, đồng thời Thầy trò trao đổi với nhau về công việc vừa qua, nhưng không thể được vì dân chúng kéo đến quá đông, khiến các Ngài không có thời giờ ăn uống. Đức Giêsu muốn đem các ông đến nơi thanh vắng để Thầy trò nghỉ ngơi và chỉ dẫn thêm cho các ông.

Nhưng vừa đến nơi thì dân chúng đã đến trước. Ngài chạnh lòng thương họ, bỏ chương trình nghỉ ngơi để dạy dỗ họ. Mà vì đây là nơi rừng vắng, nên dân chúng không tìm được thức ăn. Ngài thương họ đang đói khát nên làm phép lạ cho bánh hóa nhiều. Phép lạ này được kể trong thánh Marcô song Phụng vụ hôm nay mượn ở thánh Gioan.

Trong khung cảnh giữa nơi hoang vắng, trước một đám đông dân chúng hầu như mệt lả sau một ngày đi theo Chúa để được nghe Ngài giảng dạy và được chữa lành.. Đám môn đệ giờ đây cũng mệt nhoài không hơn gì họ. Thế mà Đức Giêsu lại bảo các Tông đồ hãy cho họ ăn. Các ông đều có ý nghĩ rằng trong nơi hoang địa này lấy gì cho họ ăn, giả như có được 200 đồng mua bánh đi nữa thì cũng chẳng thấm vào đâu với số người đông đảo này. Nhưng Đức Giêsu đã ra tay, chỉ với 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá, Ngài đã làm cho 5000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ, được ăn no nê, lại còn thu được 12 thúng đầy miếng bánh vụn.

Qua phép lạ này, dân chúng rất hồ hởi và muốn tôn phong Ngài làm vua vì coi Ngài như một tiên tri có quyền năng, Đấng phải đến trong thế gian. Nhưng Đức Giêsu thấy họ hiểu sai ý định của mình và có thể gây ra nguy hiểm cho việc truyền giáo nên Ngài lánh mặt họ, trốn lên núi một mình.

2. Sứ điệp Đức Giêsu gửi đến cho ta.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn no, không chỉ có mục đích làm cho người ta khỏi bị chết đói mà còn mang nhiều ý nghĩa cao quí hơn mà Đức Giêsu muốn gửi cho chúng ta qua phép lạ này.

a) Tiên báo phép Thánh Thể.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều không phải chỉ để nuôi 5000 người, mà để nuôi cả nhân loại qua mọi thế hệ. Như vậy phép lạ là dấu chỉ phép Thánh Thể. Bánh ấy là bánh ban sự sống, mà quần chúng đông đảo vô số kể là Giáo hội qua mọi thời đại. Đức Giêsu hiện diện trong Giáo hội sẽ thực hiện lại phép lạ mà Ngài làm hôm nay là biến bánh rượu nên Thịt và Máu để nuôi linh hồn chúng ta. Và nhân danh Ngài, các” cộng tác viên của Đức Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” còn tiếp tục ban phát Bánh hằng sống cho nhân loại (1Cr 4,1) (Hồng Phúc).

b) Tình thương và quyền năng của Đức Giêsu.

Tường thuật phép lạ làm cho bánh hoá nhiều của Tin mừng Gioan hôm nay – cũng như các tường thuật tương tự trong các sách Tin mừng khác – đều muốn nói với chúng ta về lòng thương và quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đức Giêsu tỏ lòng thương những người dân đơn sơ, chất phác đi theo Ngài không kể gian nan, không nghĩ đến việc phải tìm ra đâu của ăn. Nếu chúng ta đem so sánh Đức Giêsu với tiên tri Êlisê trong bài đọc 1 hôm nay, thì chúng ta thấy Đức Giêsu chẳng thua kém Êlisê chút nào về lòng thương yêu đối với những người đang đói. So với tiên tri Êlisê, Đức Giêsu lại trổi vượt hơn nhiều về quyền năng, vì Ngài đã làm cho bánh ra nhiều, còn Êlisê chỉ ban phát bánh mà ngài đã nhận được mà thôi, còn việc làm cho bánh ra nhiều lại là việc của Thiên Chúa: Êlisê khi nhận được những tấm bánh người ta biếu ông, thì đã nói với tiểu đồng: ”Phát cho người ta ăn”, nghĩa là ông chia sẻ những tấm bánh của mình với những người đang đói. Còn Đức Giêsu đứng trước hàng ngàn người bụng đang đói, đã thực hiện phép lạ biến 5 chiếc bánh và 2 con cá thành một khối lượng thật nhiều bánh và cá để làm cho mọi người no nê. Rõ ràng trong phép lạ bánh hoá nhiều, Đức Giêsu vừa thể hiện lòng thương, vừa thể hiện quyền năng của một vị tiên tri của Thiên Chúa (Vietcatholic)

c) Tin vào Chúa quan phòng.

Theo sách Sáng thế, trước khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vạn vật từ hư vô, và Ngài đã trao vũ trụ này cho con người quản lý. Thiên Chúa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con người làm việc để làm ra của ăn. Con người được sống trong cảnh an nhàn thư thái trong vuờn đdịa đàng. Sau khi phạm tội, con người bị đuổi ra khỏi vuờn địa đàng, phải làm việc cực nhọc mới có của ăn, nhưng Thiên Chúa vẫn tạo mọi điều kiện để con người làm việc và có đầy đủ của ăn.

Vì thế, ta thấy tư tưởng này được viết trong sách Kinh Thư mà các dân tộc Đông phương vẫn tin tưởng:”Thiên sinh chư dân hữu vật, hữu tắc”: Trời sinh muôn dân, cho có muôn vật, phép tắc. Người Việt nam cũng trình bầy tư tưởng đó trong ca dao tục ngữ như “Trời sinh, trời dưỡng” hoặc “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Như vậy, tất cả của cải trong trời đất đều do Thiên Chúa ban cho. Thánh vịnh cũng có câu:”Chúa thương mở tay ra và thi ân cho mọi sinh vật được no nê”(Tv 144,16).

Suốt chiều dài lịch sử loài người hoàn toàn sống nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không dựng nên vũ trụ vạn vật, như một kho tàng vô tận, con người phải tự lực cánh sinh thì chỉ trong năm mười phút, cả loài người đều bị tiêu diệt.

II. BÀI HỌC CHÚA DẠY CHÚNG TA.

Phép lạ hoá bánh ra nhiều có mục đích thoả mãn cơn đói khát vật chất của đám dân chúng đi theo Chúa cả một ngày đàng, nhưng còn hơn thế nữa, phép lạ này còn đem lại cho chúng ta nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống hằng ngày của Kitô hữu.

1. Cộng tác vào công trình của Chúa.

Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự theo ý Ngài, nhưng Ngài lại muốn chúng ta cộng tác vào công trình của Ngài. Ngài có thể biến đá thành cơm bánh, nhưng Ngài vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ pháp có câu:”Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn”.

Trong phép lạ bánh hóa nhiều, chúng ta không chỉ thấy tình thương và quyền năng của Đức Giêsu, mà chúng ta còn thấy giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, Đức Giêsu vẫn có thể làm phép lạ ra nhiều bánh để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho manna từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Issrael khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng ở đây có yếu tố 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé và chi tiết này đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học bổ ích.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Năm chiếc bánh và 2 con cá” của Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Đức Hồng y Bernard Law (nguyên hồng y giáo chủ giáo phận Boston, Hoa kỳ) đã viết: ”Một cậu bé đã đem đến cho Đức Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá, một tặng vật đơn sơ mà Đức Giêsu đã dùng để nuôi một đoàn dân đông đảo. Chúng ta cũng thế, dù tặng vật của mình nhỏ bé, chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa. Ngài sẽ dùng chúng để có một hiệu quả lớn lao trên đường của Ngài” (trang 5).

Truyện: Mẹ Têrêsa Calcutta.

Ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến với lũ người nghèo khổ, hung dữ. Nhìn thấy tình trạng bi đát trước mắt, bà nhủ lòng: ”Ta phải làm điều gì mới được”. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn nhà dơ dáy bẩn thỉu. Tuy căn nhà không khang trang lắm nhưng có thể dùng được. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con nít đem về dạy dỗ chúng.. ..

Thế rồi điều gì đã xẩy ra cho người phụ nữ và công việc bảo trợ của bà ấy ? Ngày hôm nay bà đã có 80 trường học trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện săn sóc người hấp hối, 30 viện săn sóc trẻ em bị bỏ rơi và 40.000 tình nguyện viên khắp thế giới sẵn lòng giúp bà. Người phụ nữ đó không ai khác chính là Mẹ Têrêsa Calcutta, ngày nay đã được phong lên hàng chân phước ( Theo M. Link).

2. Cộng tác bằng việc làm cụ thể.

Lòng thương cảm là một tình cảm tốt. Nhưng thương cảm suông thì chưa có giá trị, chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng thương cảm nhiều khi trở thành hình thức hay giả dối, như người ta thường nói:
Thương thương, nhớ nhớ, thương thương,
Nước kia muốn chảy mà mương không đào.


Lòng cảm thương ấy cũng có, nhưng số người ra tay hành động vì lòng thương cảm lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu phương tiện. Các Tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động.

Có một sự tương phản giữa Anrê và Philipphê. Khi Philipphê nói: “Hoàn cảnh thật là tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được”. Anrê thì nói:”Để coi thử, tôi có thể làm được gì và phần còn lại tôi trao cho Đức Giêsu”. Chính Anrê đã đem cậu bé đến với Đức Giêsu, và bởi việc đem cậu bé ấy lại mà phép lạ đã xẩy ra. Đức Giêsu bắt các ông vào cuộc, dù khó khăn cũng phải vượt qua. Với sự cố gắng của Anrê mà Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hoá nhiều từ 5 cái bánh và 2 con cá. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người và thu lượm được 12 thúng đầy bánh vụn. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Truyện: Thánh Vinh Sơn

Năm 1634, thánh Vinh Sơn họp mọt số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức ái như lời Chúa dạy. Họ ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm phương cách hành động. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà chẳng đi đến kết quả cụ thể nào. Một hôm, trong lúc họ đang hội họp như vậy, thì thánh Vinh Sơn từ bên ngoài buớc vào phòng họp, trên tay mang theo một vật gói trong khăn vải. Ngài đặt chiếc khăn xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái khoảng mới sinh được ba ngày, bị bỏ rơi bên cạnh đống rác công cộng, mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói:”Các bà muốn làm việc bác ái thì không cần nói nhiều nữa mà hãy làm việc cụ thể. Các bà hãy bắt tay mà làm ngay”! Dòng bác ái Vinh Sơn ra đời từ đó.

3. Phải tiết kiệm những của Chúa ban.

Đức Giêsu đã nói:”Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”(Mt 10,8). Thánh Phaolô cũng xác nhận: Mọi sự chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban khi Ngài nói:”Tất cả là hồng ân”. Ngày nay đói khát và dư thừa, thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái nguợc hiện nay trên thế giới. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh thừa. Đức Giêsu bảo các môn đệ đi thu lượm những miếng bánh thừa ấy. Ngài dạy cho mọi người biết tiết kiệm. Tiết kiệm là biết trân trọng những cái Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức rằng của cải trên thế giới là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Ngày nay, người ta có mối bận tâm về lương thực nhưng vấn đề khác nhau tùy từng khu vực của thế giới.

Trong thế giới phát triển, chúng ta có quá nhiều lương thực. Lo lắng chính của nhiều người là làm thế nào giảm bớt phần ăn để được giảm cân. Nhưng những người cứ mãi bận tâm về mình với vấn đề đó, không còn có chỗ dành cho yêu thương. Còn trong thế giới thứ ba, vấn đề là làm sao có được cái ăn cho mọi người.

Phép lạ của Đức Giêsu phải làm cho chúng ta biết ơn Thiên Chúa về lương thực mà chúng ta có được và cẩn thận không hoang phí nó. Phép lạ ấy cũng phải làm cho chúng ta tích cực quan tâm đến những người không có lương thực. Người ta biết rằng có hơn 700 triệu người trên thế giới ngày nay không đủ ăn. Một phần ba trẻ em châu Phi bị suy dinh dưỡng.

Phải làm gì với lương thực dư thừa là một vấn đề gây bối rối cho các Kitô hữu. Một câu trả lời là dự trữ lương thực. Nhưng chắc chắn việc dự trữ lương thực dư thừa cũng gây ra sự phẫn nộ lớn như dự trữ các võ khí hạt nhân. Một câu trả lời khác là giảm số lượng lương thực sản xuất. Nhưng điều này dẫn đến sự phẫn nộ của các nông dân được trả tiền để bỏ không đất đai mầu mỡ. Hầu hết nông dân không hài lòng với sự dàn xếp ấy (Flor MacCarthy).

Thế giới văn minh ngày nay vẫn còn là một thế giới đói nghèo, vì 80% của cải trên trái đất này đang nằm trong tay 20% những người giầu sang phú qúi. Vậy cái đói trên thân xác vẫn còn làm quay quắt con người thời nay. Có biết bao tâm hồn thiện nguyện xót xa trước cảnh đói nghèo đã bắt tay vào việc với niềm tin: dù chi với “năm chiếc bánh và 2 con cá”, Thiên Chúa cũng sẽ làm cho con người được no nê ân phúc. Ngài sẽ biến đổi khuôn mặt thế giới nên nhân bản hơn, Ngài sẽ tô điểm cho bộ mặt trái đất trở nên tốt tươi hơn.

4. Phải tìm của ăn thiêng liêng.

Khi ma qủi đến cám dỗ Đức Giêsu đang chay tịnh trong bốn mươi ngày, Ngài đã trả lời cho hắn:”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4). Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời, nhưng còn cần phải giải quyết các nạn đói khác nữa. Đó là nạn đói văn hoá. Đó là nạn đói những nhu cầu thiêng liêng.

Ngày nay được ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp cũng chưa đủ, người ta còn cần nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá nữa. Người ta muốn nâng cao tinh thần hơn, nếu chỉ biết ăn ngon ngủ kỹ thì không hơn con vật bao nhiêu. Con người có lý trí cần phải có nhu cầu hiểu biết, nhu cầu giải trí, tinh thần phải được vươn cao hơn vật chất. Tuy người ta chê người lười biếng không chịu làm việc, nhưng cũng nói lên rằng: ăn ngon ngủ kỹ cũng chưa đủ mà còn phải có nhu cầu giải trí nữa:
Ăn no rồi lại nằm quèo,
Thấy giục trống chèo, bế bụng đi chơi.


Con người có hai phần: linh hồn và thể xác. Linh hồn phải có những nhu cầu khác với thể xác, cao hơn thể xác, linh thiêng hơn. Nhu cầu tâm linh của con người ngày nay càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện.

Đối với đời sống thể xác, con người cần có của ăn vật chất để duy trì và phát triển sự sống. Đối với đời sống linh hồn, con người cũng cần phải có của ăn thiêng liêng để giúp linh hồn được sống và phát triển. Linh hồn có một nguồn lương thực dồi dào và không bao giờ cạn kiệt, đó là Lời Chúa và Thánh Thể:

- Lời Chúa là nguồn sống mới nuôi linh hồn ta: ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”(Lc 4,4).

- Thánh Thể là nguồn sống dồi dào và nhu cầu khẩn thiết cho linh hồn:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời... vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”(Ga 6,54-55).

Hai nguồn sống này Chúa vẫn ban cho ta mọi ngày trong Thánh lễ Misa. Mỗi lần đi tham dự Thánh lễ, Chúa ban cho chúng ta được dồi dào sự sống trong hai nguồn sống ấy.

Thánh lễ được chia ra hai phần:

- Phụng vụ lời Chúa: Chúng ta được trực tiếp nghe Lời Chúa trong các bài Sách Thánh và được tăng cường bằng các lời giảng dạy của Linh mục chủ tế. Thật vậy, Lời Chúa đem lại sự sống cho con nguời:”Lời Thầy nói là Thần khí và là sự sống”(Ga 6,63).

- Phụng vụ Thánh Thể: Bánh rượu được trở nên mình và máu Chúa Kitô để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. Chúa thiết tha mời gọi: ”Các con hãy nhận lấy mà ăn... Các con hãy nhận lấy mà uống”(Lc 22,17-20; 1Cr 11,25).

Tóm lại trong sứ điệp Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ Ngài đã làm trong Kinh thánh. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì – chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, sự hy sinh và nguồn lực của chúng ta – Ngài sẽ xử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta giống như Ngài đã biến đổi những chiếc bánh lúa mạch và hai con cá trong bài Tin mừng hôm nay. Đấy chính là lời mời gọi mà Đức Giêsu ngỏ với chúng ta trong những bài đọc hôm nay.

Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời kinh nguyện rất được thánh Igatiô Loyola yêu chuộng:
“Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tự do, trí nhớ, sự hiểu biết và toàn bộ ý chí của con. Xin hãy nhận lấy toàn thân con và tất cả sở hữu của con. Ngài đã ban tặng cho con, giờ đây con xin hiến tặng hết cho Ngài để Ngài tùy ý xử dụng. Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng, như thế là đủ cho con rồi và con không còn mong muốn điều chi khác nữa” (M. Link).
 
Linh Mục và nguồn gốc trong Cựu Ước
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
05:42 23/07/2009
Nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày chết của thánh Gioan Vianney, bổn mạng các linh mục, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã công bố Năm Linh Mục bắt đầu từ ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 19-6-2009 đến 19-6-2010. Chúng tôi sẽ có một số những bài viết về nguồn gốc hình thành, lịch sử phát triển, nền tảng thần học, và những giáo huấn của giáo hội về chức năng Linh Mục trong suốt Năm Linh Mục này. Các bài viết do cha Matthew Nguyễn Khắc Hy S.S., giáo sư đại chủng viện và đại học St. Mary’s phụ trách.

Mở đầu

Trong tập sách nhỏ Được Kêu Gọi Hiệp Thông: Hiểu Về Giáo Hội Ngày Nay,[1] trong phần đầu của chương bốn, Hồng Y Ratzinger, nay là Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, đã viết đến những khó khăn khi tìm hiểu về nguồn gốc của chức linh mục. Phần lớn các tài liệu thần học nói đến chức linh mục đều bắt đầu trong thời kì Tân ước, hay đúng hơn là bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô.

Sở dĩ như vậy vì chức năng linh mục mà chúng ta đọc thấy trong những giáo huấn hiện đại, hay trong cách hiểu của chúng ta hiện nay, đều nói đến tính cách giáo chức (ecclesiastical office) của chức năng này. Trong lịch sử, những giáo huấn hay cách hiểu này không trùng hợp với chức năng Tư Tế mà Do Thái giáo hiểu trong Cựu Ước. Và tác giả sách Tân Ước cũng không dùng từ “hiereus” để chỉ giáo chức như ta hiểu ngày nay.

Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái nhiều lần dùng từ “hiereus” là kết hợp sự hiểu biết giữa vai trò Tư Tế trong Cựu Ước với thần học cứu chuộc qua Cuộc Sống, Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Giêsu Kitô (mà thần học gọi tắt là Sự Kiện Vượt Qua – Paschal Event). Nghĩa là, tác giả thư này muốn nói đến Đức Giêsu Kitô là người thi hành chức năng của một Tư Tế được hiểu trong Cựu Ước: là việc Ngài dâng của lễ hi sinh lên Thiên Chúa để xin ơn tha tội.

Chỉ có điều là đến thời kì này, chính Đức Giêsu Kitô là vị Thượng Tế đã dâng của lễ là chính mình để đền tội cho loài người: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dothái 9:14).[2]

Vì cách hiểu của tác giả Tân Ước khá xa lạ với những gì chúng ta đang hiểu về chức năng linh mục hiện tại, việc tìm hiểu và so sánh chức năng linh mục hiện tại với quá khứ cần được xác định rõ ràng.

Hơn nữa, để tìm lại nguồn gốc lịch sử chức linh mục, nhất là trong hai thế kỉ đầu của giáo hội, chúng ta gặp hai khó khăn chính: a) không có những tài liệu rõ ràng, chính xác và đáng tin cậy ghi lại sự hình thành chức vị này; và b) sự hình thành phẩm trật giáo hội Kitô giáo (hàng giám mục, phó tế và linh mục) diễn tiến theo hình thức đáp ứng những yêu cầu về tổ chức của giáo hội phát triển thời bấy giờ hơn là những gì đã có sẵn hay được ghi lại trong Bốn Tin Mừng.[3]

Trong những bài sắp tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc hình thành, nền tảng thần học, lịch sử phát triển và những giáo huấn của giáo hội về chức năng và con người linh mục của giáo hội Công giáo. Đồng thời chúng ta cũng so sánh chức năng này giữa giáo hội Công giáo (La Mã) và những giáo phái khác trên thế giới. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu thêm sự khác nhau về căn tính linh mục mà tất cả các Kitô hữu đều lãnh nhận qua bí tích thanh tẩy (rửa tội), hay còn được gọi là “chức tư tế cộng đồng”, và chức linh mục của một số những người được chọn để lãnh nhận trong giáo hội (mà ta gọi là các linh mục/ các cha).

Từ Ngữ

Khó khăn đầu tiên khi học hỏi về chức năng linh mục là vấn đề danh xưng hay từ vựng được dùng để chỉ chức năng này. Trong thần học của giáo hội, những bản dịch kinh thánh sớm nhất từ Hi Lạp sang Latin, các dịch giả dùng từ “sacerdos” (Latin) để dịch từ “hiereus” (Hi Lạp) trong Tân Ước. Cả hai từ này đếu có mang ý nghĩa “hiến tế - cúng dâng lễ vật” và nói đến vai trò của các Tư Tế liên quan đến Đền thờ và các nghi thức tế lễ. Những yếu tố này liên quan đến hình ảnh Tư Tế quen thuộc của Do Thái giáo trong Cựu Ước, hình ảnh của các Tư Tế trong dòng dõi Lêvi dâng lễ trong các đền thờ.

Cũng trong những thế kỉ đầu của giáo hội, danh từ “presbyteros” (Hi Lạp) hay “presbyter” (Latin) được dùng đồng nghĩa với “hiereus” trong giáo hội Công giáo để chỉ những người làm chức năng tư tế.

Thực ra, danh từ “presbyteros” nguyên nghĩa là “người già/ người lớn tuổi” (mà thỉnh thoảng trong thánh kinh Việt Nam dịch là “trưởng lão”). Những “presbyteroi (số nhiều)” này không là những Tư Tế. Trong lịch sử Do Thái giáo, “presbyteros” đóng vai trò cố vấn hay lãnh đạo một cộng đoàn hơn là làm công việc tế tự (i.e, dâng của lễ). Vì thế, những Kitô hữu tiên khởi gọi những vị lãnh đạo trong giáo hội của họ là “presbyteros” hay “espiskopos” (từ episkopos ngày nay dịch là giám mục; từ presbyteros ngày nay ta thường lịch là linh mục. Trong thời kì đầu của giáo hội, hai danh từ này được dùng đồng nghiã với nhau để chỉ một chức vụ hay con người). [4]

Trở lại tiếng Việt Nam, chúng ta dùng danh từ “linh mục” để dịch từ “sacerdos” hay “presbyter” (mà tiếng Anh dịch ra là Priest và tiếng Pháp Prêtre) thì hoàn toàn không lột tả được những yêu cầu về ý nghiã thần học của nó. Vì từ “sacerdos” hay “presbyter” mang ý nghĩa Tư Tế, còn từ “linh mục” mang ý nghiã “coi sóc các linh hồn”. Từ “linh mục gắn liền với chức năng mục vụ (dịch sát nghiã theo danh từ “pastor” là người chăn chiên, là mục tử.)[5]

Vì tiếng Việt Nam đã dùng từ “Linh Mục” quá phổ biến để nói đến các “Priests - hay Prêtres”, người viết cũng sẽ dùng danh từ này cho quen thuộc với độc giả, mặc dù danh từ này không lột tả được ý nghĩa thần học muốn nói. Phần lớn ý nghĩa thần học của chức năng linh mục trong những bài viết này được hiểu theo nghiã Tư Tế hơn là Mục Tử.

Nguồn Gốc Chức Năng Linh Mục Trong Cựu Ước

Hầu hết các bài viết về thần học tìm hiểu chức năng linh mục như giáo hội Công giáo hiểu ngày nay đều bắt đầu bằng việc trở lại trong Tân Ước, vì hai lí do: (1) nói đến chức linh mục trong Tân Ước, tác giả thư gởi tín hữu Do thái liên kết chức năng này với Chúa Giêsu Kitô là vị Thượng Tế (Heb 3:1) (hay có người gọi là Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm); (2) hình ảnh và chức năng linh mục mà tác giả thư gởi Do Thái nói đến rất khác với hình ảnh và chức năng Tư Tế của Do thái giáo trong Cựu Ước.

Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu chức năng linh mục bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô Linh Mục trong Tân Ước, mà không thấy sự liên hệ của chức năng này trong Cựu Ước.

Trong Cựu Ước, chức năng Tư Tế có nhiều giai đoạn hình thành khác nhau nên được hiểu bằng nhiều cách khác nhau.

Trong thời kì sơ khai, chức Tư Tế không là một giai cấp riêng biệt. Thời kì các đấng tổ phụ, thường là những người cha trong gia đình, làm công việc của vị Tư Tế như dâng cúng lễ vật hi sinh (xem Abraham chuẩn bị hiến tế Isaac trong Gen 22:2; hay Jacob dâng tế lễ Gen 31:54).[6] Khi xã hội Israel phát triển và có tổ chức chặt chẽ, dân Israel bắt đầu thiết lập phẩm trật với một chức năng Tư Tế riêng, và có tính cách chuyên môn.

Lần đầu tiên kinh thánh nhắc đến chức năng chuyên môn và riêng biệt của Tư Tế Aaron trong Sách Xuất Hành “Phần ngươi, hãy tách Aharon, anh ngươi, và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta: Aharon và các con của Aharon là Na-đáp, A-vi-hu, E-la-da và I-tha-ma.” (Exo 28:1). Và luật lệ cũng qui định là chỉ có những người thuộc dòng dõi Aaron trong chi họ Levi mới được thực hiện những nghi lễ hiến tế trong Đền Thờ và trước Lều Tạm (Num 3:32; 25:11ff; 35:25, 38; Neh 12:10-12).

Câu hỏi được đặt ra là tại sao con cháu Aaron, chi họ Lêvi, được Thiên Chúa chọn? Có nhiều giải thích khác nhau, nhưng giải thích được nhiều người tán thành là vì chi họ Lêvi là những tôi tớ trung thành canh giữ Lều Tạm Chúa, và cũng là những người trung thành với Môisê khi nhiều người Israel bỏ Yahweh để thờ bò vàng (Exo 32:26-29). Lòng trung thành là nguyên nhân phần thưởng Chúa chọn.

Khi chức năng Tư Tế trở nên chuyên môn, bản thân các Tư Tế cũng đòi hỏi kiến thức và tài năng,[7] và một chi họ được Thiên Chúa chọn (họ Levi) để làm công việc này.[8]

Ý nghĩa thần học chức năng Tư Tế của chi họ Lêvi có nhiều liên quan đến việc tìm hiểu chức năng Tư Tế được nói đến trong Tân Ước.

Trong Cựu Ước, các chức năng Tiên tri, Quan Án và Vua không là “Ơn Gọi” hay “Đặc Sủng” (charism) như ta hiểu ngày nay. Họ là những người được Thiên Chúa ban cho những ân huệ và được Thiên Chúa gọi để làm các chức vụ này. Riêng với chức Tư Tế thì Thiên Chúa không chỉ chọn từng cá nhân mà chọn một dòng họ (chi họ) Levi. Vì thế Tư Tế phải là người sinh ra trong dòng họ Levi. Nếu hiểu theo nghĩa là Thiên Chúa chọn các Tư Tế thì phải hiểu là Ngài đã quan phòng cho họ được sinh ra trong dòng họ Levi. Có như thế ta mới hiểu được đoạn kinh thánh trong thư gởi tín hữu Do thái 5:1, 4 “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội….. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi.”

Cũng với quan niệm chức năng Tư Tế, trong Cựu Ước toàn dân Israel được gọi “là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Exo 19:6). Vì thế, các vị Tư Tế, dù không được kêu gọi theo nghĩa “Ơn Kêu Gọi” ngày nay, các vị này cũng đòi hỏi phải sống thánh thiện, vì cả một dân tộc là thánh (Lev 19:2)

Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lev 19:2), nên những nghi thức dâng lên Ngài đòi hỏi phải thánh. Nói chung, tất cả những gì liên quan đến nghi thức tế lễ cho Thiên Chúa đều phải được thánh hiến.

Quan trọng nhất là con người (các Tư Tế) phải là người của sự thánh thiện: Sách Lêvi nói: “Chúng sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa của chúng và không được xúc phạm đến danh Thiên Chúa của chúng, vì chúng là những người tiến dâng lên ĐỨC CHÚA các lễ hoả tế, là thức ăn dành cho Thiên Chúa của chúng; chúng phải sống thánh thiện…. Ngươi phải coi nó là thánh, vì nó là người tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của ngươi: đối với ngươi, nó sẽ là thánh, vì Ta là Đấng Thánh, Ta, ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hoá các ngươi.” (Levi 21:1-8). Họ buộc phải giữ mình thanh sạch trước khi dâng của lễ, như phải tắm rửa theo luật qui định, phải đeo dây hay mặc y phục như nghi thức đòi hỏi, họ phải kiêng khem việc vợ chồng trong thời gian thi hành chức vụ chủ lễ.

Công Việc của Các Tư Tế Trong Cựu Ước

Trong sách Đệ Nhị Luật, nói đến Ba chức năng căn bản của Tư Tế (Deut 33:8-10).

Thứ nhất là Kiếm Tìm Ý Chúa và Loan Báo cho dân biết. Trong cung thánh của Đền Thờ, các Tư Tế bốc thăm thẻ Urim và Thummin, đây là một hình thức tìm ý Chúa qua những lá thăm chọn lựa, muốn biết ý Chúa nói gì trong hoàn cảnh cụ thể (1 Sam 14:41-42). Với người dân Israel, họ vào cung thánh Đền Thờ là để “tìm kiếm ý Chúa” mà các Tư Tế là những dụng cụ Thiên Chúa dùng để mặc khải cho dân chúng.

Trong thời quân chủ, chức năng này mai một dần vì chức năng Tiên Tri chiếm dần vai trò bày tỏ ý định của Thiên Chúa cho dân hay cho nhà vua thay vì vị Tư Tế, nghĩa là những Ngôn Sứ này nói nhân danh Chúa. Đến thời kì gọi là Đền Thờ Thứ Hai (sau khi lưu đày ở Babaylon, khoảng 536 B.C) chức năng Tư Tế với tư cách “nói nhân danh Chúa” dần dần mất ảnh hưởng; và đến thể kỉ 2 B.C. thì gần như không còn nữa, nhường lại cho các Tiên Tri.[9]

Dù ngày nay chức năng Tư Tế trong Do thái giáo không còn là người truyền đạt ý định Thiên Chúa cho dân, nhưng ta cũng không quên là trong quá khứ, đây là một phần quan trọng cúa chức năng này. Và việc này ảnh hưởng đến cách thức Kitô hữu hiểu về chức năng Linh Muc sau này.

Thứ hai là chức năng Giảng Dạy được nhắc trong Đệ Nhị Luật 33:10 “Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Giacóp, luật của Ngài cho Ítraen.” Luật của Thiên Chúa được các Tư Tế giảng dạy, truyền đạt cho dân (xem Jer 18:18). “Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó.” (Mal 2:6).

Cũng nên biết rằng đối với đạo Do Thái, luật của Chúa là trọng tâm đời sống tín hữu. Luật được ghi khắc trong tâm khảm mọi người, là mẫu mực và luôn được nhắc đến trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Có thế ta mới hiểu được tầm quan trọng của người dạy Luật cho dân chúng. Môisê nói: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em)…. Mệnh lệnh đó không ở trên trời…không ở bên kia biển… lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.” (Deut 30:11-14).

Và cũng vào cuối thời kì Đền Thờ Thứ Hai, chức năng Dạy này cũng mất dần, và chuyển sang cho một nhóm khác là Rabbi (nghĩa đen là Thầy Dạy). Chính Chúa Giêsu cũng được các môn đệ và người khác gọi là Rabbi - Thầy.

Điều đáng chú ý với giáo dân Do Thái bấy giờ là Tư Tế hay Rabbi, khi đã dạy thì không phân biệt đạo với đời, vì tôn giáo và xã hội được đồng hoá trong cùng một tổ chức. Vì thế Thầy Dạy được kính trọng như những người khai sáng tâm trí cho người khác cả đạo và đời.

Thứ ba là chức năng Dâng Cúng những lễ vật hi sinh và dâng hương lên Thiên Chúa. Trong Đệ Nhị Luật nói: “Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài” (Deut 33:10).

Vì hai chức năng trước đã chuyển qua cho Tiên Tri và các Rabbi, nên chỉ còn chức năng này là chính yếu cho công việc của các Tư Tế. Nhiều người chỉ hiểu một chức năng này của Tư Tế trong Cựu Ước, nên khi học về chức năng Linh Mục trong Tân Ước, họ lầm tưởng Linh Mục cũng chỉ hiến dâng lễ vật mà thôi.

Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái viết: “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Heb 5:1). Tư tưởng “làm đại diện cho loài người" nói lên những đối tác giữa Thiên Chúa và con người.

Trong ba chức năng đã nói ở trên (Tìm kiếm và truyền đạt ý Chúa - Giảng Dạy – Dâng Hiến Lễ Vật), hai chức năng đầu nói đến tương quan theo chiều dọc từ trên xuống, nghĩa là từ Thiên Chúa đến với con người, và chức năng thứ ba là từ con người đến với Thiên Chúa.

Mẫu số chung của cả chức năng là vị Tư Tế chính là người trung gian, là nhịp cầu bang giao giữa Thiên Chúa và con người. Đây cũng là tư tưởng để hiểu chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu, và với một hình thức mở rộng, của chức năng linh mục trong giáo hội ngày nay.

Tóm lại, dù chức năng Tư Tế trong Cựu Ước có nhiều điểm xa lạ đối với chức năng linh mục trong giáo hội ngày nay, chúng ta không thể hiểu chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu nếu không hiểu chức năng Tư Tế trong Cựu Ước thế nào, và dĩ nhiên ta không thể hiểu chức năng linh mục ngày nay nếu không hiểu chức năng Tư Tế Chúa Giêsu thế nào.

Chú thích:

[1] Nguyên tác là “Zur Gemeinschaft gerufen: Kirche heute verstehen” (Herder, Freiburg im Breisgau, 1991).

[2] Chúng ta sẽ tìm hiếu thêm về chức năng Tư Tế mà tác giả nói đến Chúa Giêsu Kitô trong thư gởi Do Thái trong một bài sau này. Xin đọc thêm thêm Heb 9:11-14; 9:28; 10:8-18.

[3] Trong Bốn Tin Mừng (Mt, Mk, Lk, Jn) không hề nhắc đến từ “hiereus -Tư Tế” (priest) hay chức năng Tư Tế (priesthood) của Chúa Giêsu hay của các tông đồ, nhưng trong Công Vụ Tông Đồ và nhất là thư của Phaolô và Phêrô nói đến chức năng giám mục (episkopos) và phó tế (diakonos) khá rõ ràng. Chức linh mục (như “sacerdos” mà ta hiểu ngày nay) thì tìm thấy trong tài liệu các thánh Giáo phụ chứ không thấy trong Tân Ước.

[4] Trong những thư của thánh Phaolô, Ngài dùng danh từ “espiscopos” và không bao giờ dùng từ “presbyteros” để nói đến vai trò lãnh đạo của những “trưởng lão”, hay những người đứng đầu cộng đoàn. Nhưng trong Công Vụ Tông Đồ, Luca dùng cả hai danh từ, nhưng từ “presbyteros” nhiều hơn “episkopos”. Trong những bài viết về lịch sử Linh Mục trong Tân Ước, tôi sẽ giải thích rõ hơn về mối tương quan của hai từ này.

[5] Người Công Giáo Trung Hoa gọi “Linh Mục” là 神父(神 có nghĩa là “thần” hay còn có nghĩa là “thiêng” như 精神的 hay灵性的. Còn từ 父 là “người cha.) Họ gọi linh mục là “người cha thiêng liêng”. Tiếng Việt cũng hiểu theo nghiã này: linh mục là người coi sóc thiêng liêng, hay coi sóc phần hồn. Từ “Linh Mục” được dịch nghiêng theo nghĩa của từ “Pastor (Latin)” có nghĩa là “vị mục tử” hơn là từ “sacerdos” có nghĩa là “một tư tế dâng hi lễ.” Một bên nặng về thần học nói đến chức năng cứu độ (Tư Tế), một bên nặng về quản trị mục vụ của cộng đoàn (Mục Tử chăn đoàn chiên).

[6] Ta có thể đọc thêm chuyện ông Micah trong sách Thủ Lãnh để biết ông đã đặt con trai ông là chức tư tế. Nhưng khi hay biết có một người dòng họ Lêvi ghé qua, ông đã trao trách vụ tế tự này cho người Lêvi đó (xem Thủ Lãnh 17:1-13). Hoặc chuyện Gideon (Thủ Lãnh 6:20-28) và tiên tri Elijah (I Các Vua 18:30-38) để biết rằng những người này dâng hiến lễ cho Chúa nhưng không là Tư Tế. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng phẩm trật Tư Tế phát triển mạnh vào cuối thời kì gọi là Đền Thờ Thứ Nhất (khoảng thế kỉ 7 B.C.). Nhiều người khác cho rằng có sự khác nhau giữa vai trò người dân dâng hiến lễ và Tư Tế dâng hiến lễ trong một thời gian khá dài (từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 7 B.C.). Với những người này, họ tin là người dâng có thể chủ sự dâng lễ vật trên các Bàn Thờ ngoài Đền Thờ. Đến thời kì cải cách tôn giáo của vua Josiah xứ Judah (khoảng 622 B. C.), những nghi thức dâng lễ vật trên bàn thờ ngoài đền thờ bị cấm, và những hi lễ phải được dâng trong Đền Thờ Jerusalem. Lúc này thì vai trò chủ lễ trong Đền Thờ chỉ dành cho Tư Tế mà thôi.

[7] Từ chuyên môn đây không có nghiã thương mại, nhưng nói đến người được giao trách nhiệm dành nhiều thời gian và trí lực cho việc nhà chúa. Họ nghi thức hoá các cách thức tế tự, và đưa thành luật hay lệ những cử điệu, trang phục, của lễ v.v…

[8] Khi chi tộc Levi được chọn làm chi tộc chuyên giữ chức vụ Tư Tế, họ sống nhờ vào chức năng chuyên môn Tư Tế của mình, nhờ vào tiền của dâng cúng của tín hữu, và không có tên trong danh sách chia Đất Hứa của dân Israel, vì không phải đất nhưng Chúa là gia nghiệp của họ. Sách Dân Số ghi: “ĐỨC CHÚA phán với ông A-ha-ron: "Đất chia cho chúng, ngươi sẽ không có phần; ngươi không có gia nghiệp ở giữa chúng, và chính Ta là gia nghiệp của ngươi giữa con cái Ít-ra-en. Đây Ta ban cho con cái Lê-vi làm gia nghiệp tất cả thuế thập phân dân Ít-ra-en nộp, vì họ có công phục dịch Lều Hội Ngộ.” (Num 18:20-21).

[9] Vì thế chúng ta đọc thấy trong sách Ezra 2:63 và trong Nơkhemmia 7:65 ám chỉ: “Quan tổng đốc cấm họ không được ăn của thánh cho đến khi có một tư tế đứng lên xem thẻ xăm u-rim và tum-mim.”
 
Hãy đến ăn bánh sự sống
Lm. Jude Siciliano, OP
14:23 23/07/2009
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN B

2V 4:42-44; Tv 145; Ep 4:1-6; Ga 6:1-15

Thử đặt chúng ta vào vai quần chúng trong khung cảnh của bài Phúc âm hôm nay, và có đoán ra được những thắc mắc của họ sau phép lạ bánh hóa ra nhiều không? Họ đói thật, nhưng họ cũng cần được xoa dịu vì những bận bịu của đời sống vật chất của họ. Dân chúng lúc đó đang còn sống dưới ách nô lệ của đế quốc La Mã. Thánh Gioan nhắn đến ngày lễ Vượt Qua là lúc dân Israel sống dưới ách nô lệ của Ai Cập. Thiên Chúa gọi Mô-sê cứu họ thoát ách nô lệ, Ngài cho họ của ăn trong sa mạc và đưa họ đến phần đất tự do. Mô-sê hứa là Thiên Chúa sẽ gọi đến cho họ một tiên tri như ông (Đnl 18:15).

Đám quần chúng theo Chúa Giêsu ngày hôm đó ao ước được thấy lời hứa của Mô-sê thực hiện. Họ mong đợi không những là một tiên tri khác, mà phải là một Tiên Tri đặc biệt. Vì thế họ tự hỏi liệu Chúa Giêsu có phải là vị Tiên Tri đặc biệt đó không? Có phải đó là vị Tiên Tri để đưa họ đến bữa tiệc cuối cùng, khi Thiên Chúa thắng quyền lực trần gian và đưa họ đến nơi an nghỉ, ăn uống, hỷ hoan đấy không?

Qua câu chuyện trên, Thánh Gioan muốn người đọc Phúc âm thấy được Thiên Chúa đang thực hiện lời hứa của Mô-sê. Hãy để ý Thánh Gioan nhắc đến lễ Vượt Qua. Chúa Giêsu cũng như Mô-sê, đều cùng lên núi, và Ngài làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám dân chúng đông đảo theo Ngài. Cũng như tiên tri Ê-li-sa, trong bài đọc 1, Chúa Giêsu làm bánh lúa mạch; là bánh của người nghèo; hóa nhiều để nuôi đám dân chúng. Bài Phúc âm nói đến những người nghèo đang cần sự chú ý của chúng ta, nếu chúng ta là những người theo Chúa Giêsu.

Chúng ta cũng nên để ý Thánh Gioan liên kết giữa phép lạ bánh hóa nhiều với bí tích Thánh Thể, bằng cách dùng lời văn quen thuộc của các Kitô hữu sử dụng trong phụng vụ khi họ hội họp nhau. Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn” rồi phân phát cho những người ngồi đó. Sau khi mọi người ăn đầy đủ, Người bảo các môn đệ đi thu những miếng bánh thừa. Từ ngữ trong bản gốc là “miếng bánh vụn”, đó cũng là từ diễn tả bánh của phép Thánh Thể. (trong phúc âm tuần tới, Thánh Gioan sẽ nói nhiều hơn về phép Thánh Thể trong đoạn 6,33. “Bánh từ trời xuống, đem lại sự sống cho thế gian”)

Còn một cách “tụ họp” khác nữa vào lúc Chúa làm phép bánh hóa nhiều đó là trong phụng vụ hôm nay. Cũng như đám dân chúng trước kia, chúng ta đến từ nhiều nơi khác nhau, có nguồn gốc khác nhau. Nói chung chúng ta khác nhau trong sự thiếu thốn, và đang tản mác khắp nơi trong những mảnh vụn cuộc đời khác nhau vì tội lỗi, vì sai lầm trong lựa chọn, thiếu hiểu biết. Và hơn nữa, chúng ta từ các giáo xứ khác nhau đến, giáo xứ giàu hay nghèo, cùng một cộng đoàn hay bởi nhiều cộng đoàn khác nhau, chúng ta nói những thứ tiếng khác nhau, thành phần kinh tế khác nhau, giới tính khác nhau, thành phần chính trị khác nhau, giáo dục khác nhau, dân tộc khác nhau, người có gia đình, người độc thân v.v… Ai có thể thu hút chúng ta lại thành một cộng đoàn. Ai, nếu không phải là Chúa Kitô, Đấng có thể cho chúng ta của ăn và “tụ họp chúng ta lại với nhau”? Thư thánh Phaolo hôm nay nhắc chúng ta “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất”. Bằng cách sống khiêm tốn, với tấm lòng rộng mở chịu đựng và yêu mến nhau. Chúng ta là những mảnh vụn ráp lại với nhau hôm nay để nghe Lời Chúa, và lãnh nhận phép Thánh Thể nhờ đó sẽ thay đổi tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta liên kết với nhau mật thiết hơn.

Chúng Giêsu cùng dùng bữa hôm đó với nhiều người không phân biệt giai cấp. Mỗi khi chúng ta mừng lễ sinh nhật của ai, hoặc ngày lễ nào đó, chúng ta cố gắng tổ chức một bữa ăn thịnh soạn. và mời những người thân thuộc trong gia đình ăn những món đặc biệt mà ông bà cha mẹ đã dạy. Có người thường nói “đây là món ăn đặc biệt mẹ tôi thường làm mỗi khi có lễ sinh nhật, xin mời các bạn thử xem”. Hôm nay Chúng Giêsu cũng làm như vậy. Ngài ăn bữa tiệc với những người không cùng máu mủ với Ngài. Nhưng mọi người đều ăn chung một bữa với nhau, ai cũng như ai, và có thể trở nên một đại gia đình, gia đình của Chúa Giêsu. Đó là bữa Tiệc Thánh chúng ta được mời đến ăn và uống lương thực Thiên Chúa ban cho chúng ta từ trên núi này.

Hãy trở lại câu hỏi lúc đầu: Anh chị em có thể tự đặt mình vào hoàn cảnh những người được Chúa Giêsu cho ăn trên núi không? Và chúng ta có cảm nhận như họ đã nghĩ là mọi việc phải chăng đã đến hồi viên mãn? Vì sao chúng ta lại không để Chúa Kitô đến hôm nay và viết câu cuối cùng của lịch sử: không còn chiến tranh nữa, không còn đói khát nữa, không còn tranh chấp với nhau nữa, không còn bạo động và bất công nữa? Mỗi người trong chúng ta đều ao ước thấy được ngày chúng ta sẽ thở được một hơi nhẹ nhàng và nói “Thật rồi, mọi sự đã được hoàn tất! Thiên Chúa đã vinh quang, và đã xoa dịu mọi giọt nước mắt!”

Câu chuyện bánh hóa ra nhiều đều có trong bốn Phúc âm, đó là dấu chỉ về ý nghĩa quan trọng của câu chuyện cho các Kitô Hữu đầu tiên. Mỗi Phúc âm tường thuật câu chuyện một cách khác nhau. Nhưng chuyện gì đã xảy ra ngày hôm ấy, không phải là điều quan trọng. Trái lại, các thánh sử viết phúc âm muốn chúng ta tự vấn là “câu chuyện đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày hôm nay?” Khi nghe Phúc âm thánh Gioan hôm nay chúng ta thấy như thế nào. Chúng ta hãy đọc kỹ lại. Câu chuyện có hình ảnh và chi tiết nhiều hơn trong sách Tin Mừng Nhất Lãm làm cho chúng ta suy nghĩ. Trong đó Thánh Gioan nói nhiều đến Thánh Kinh Do Thái, nhắc lại cách Thiên Chúa nuôi dẫn họ qua sa mạc. Nhờ vậy sẽ giúp chúng ta suy niệm được nhiều hơn.

Anh chị em có thấy được vai trò của Chúa Giêsu trong câu chuyện của Phúc âm Thánh Gioan không? Trong đó Chúa Giêsu là nhân vật chính của bữa ăn trên sườn núi xa cách làng mạc. Ngài điều khiển mọi việc. Mặc dù Ngài hỏi ông Phi-líp-phê “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Thánh Gioan cho chúng ta biết ngay là Chúa Giêsu biết trước Ngài sẽ làm gì. Trong Tin Mừng Nhất Lãm viết: các môn đệ phát bánh, còn trong Phúc âm Thánh Gioan chính Chúa Giêsu phân phát bánh. Đúng thế, Ngài là người chủ tiệc, Đấng mà chúng ta tin tưởng. Ngài biết chúng ta đói khát thế nào, và chính Ngài đem của ăn đến trong mỗi bước đường đời của chúng ta, cho đến ngày cuối cùng là chúng ta về đến quê nhà bình an.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:34 23/07/2009
ĐỐI THOẠI VỚI BÙN [1]

N2T


Có người hỏi bùn:

- “Anh lấy toàn bộ sinh mệnh bồi bổ cho sen, sen cao quý đẹp đẽ, hưởng hết vinh hoa phú quý của nhân gian, mà anh thì lại chịu đựng đủ điều chế giễu ghẻ lạnh, anh không ghen ghét, không vì thế mà uất ức sao?”

Bùn nói:

- “Xưa nay chưa từng có ai làm mẹ mà ghét bỏ con gái đi lấy chồng; cũng như từ trước đến nay không ai làm bố mà ghen ghét thành tựu của con cái vượt qua mình”.

Trong tình yêu nếu không có bao dung, thì yêu không trọn vẹn.

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Chữ “bao包”, có nghĩa là ôm, gói, bọc, đùm…

Chữ “dung容”, có nghĩa là chứa, đựng và cũng có nghĩa là dung thứ…

Giải thích theo nghĩa của tình yêu, bao dung là tha thứ, là khoan dung.

Vợ hoặc chồng dung thứ cho nhau nhiều lắm là ba lần, qua lần thứ tư thì đem nhau ra tòa ly dị.

Bố mẹ dung thứ cho con cái ngỗ nghịch, nhiều hơn vợ chồng dung thứ cho nhau nhiều lần, nhưng đứa con nào quá quắc, chịu không nỗi, bố mẹ mới đăng báo từ con.

Nhưng sự bao dung của Thiên Chúa thì không thể kể hết được, sư bao dung của Ngài rộng lớn vô cùng, trời đất vạn vật không thể chứa nỗi.

Chúng ta luôn xúc phạm đến tình yêu của Ngài, luôn ngỗ nghịch với Ngài, nhưng Ngài chẳng đăng báo từ con, cũng chẳng đưa ra toà ly dị, trái lại, Ngài vẫn luôn đợi chờ chúng ta, sẵn sàng đưa tay ra ôm chúng ta vào lòng.

Sự bao dung của Thiên Chúa thật là quá lớn, cho nên tình yêu của Ngài cũng vô bến bờ.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:36 23/07/2009
N2T


9. Người khiêm tốn thường hưởng bình an, trong lòng người kiêu ngạo thường có tình cảm oán hận ghen ghét.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:38 23/07/2009
N2T


182. Tiêu chuẩn để phân biệt một người có phải là vĩ đại không, chính là coi họ có vì công việc của mình mà bỏ ra loại hy sinh nào.

 
Năm linh mục: đọc lại ''Chia sẻ mục vụ Giáo Xứ trong thời đại ngày nay''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:49 23/07/2009

CHIA SẺ

CÔNG TÁC MỤC VỤ

GIÁO XỨ

TRONG THỜI ĐẠI NAY



Lời ngõ,

Công tác mục vụ tại giáo xứ hay tại bất cứ nơi đâu đều là bổn phận và trách nhiệm của các linh mục, là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để thay mặt Ngài thánh hóa, dạy dỗ và cai quản đoàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho các ngài coi sóc...

Công tác mục vụ là một công việc khó khăn đòi hỏi các linh mục không những cần có ân sủng của Thiên Chúa, mà còn cần phải có tri thức và văn hóa, cùng với những đức tính nhân bản mà các ngài đã học và trau dồi trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì tất cả những gì chúng ta đã được tiếp thu khi còn ở trong chủng viện, chỉ là một phần nhỏ của cái lớn lao khi chúng ta làm công tác mục vụ trong thực tế.

Với những suy tư và kinh nghiệm nho nhỏ, tôi xin chia sẻ với các anh em linh mục trẻ của tôi trong năm truyền giáo này của Giáo Hội Việt Nam chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


---------------------------------------------------------------------------------


A- GIÁO XỨ

1. Phải xác định cách tích cực Giáo xứ là đại gia đình của mình.

Chịu chức xong thì các linh mục trẻ đầy nhiệt tình sẽ được nhận bài sai của đấng bản quyền địa phương (giám mục địa phận, bề trên dòng...) để đi làm mục vụ, cũng có nghĩa là được chính thức sai đi đến một nơi mà khi còn học trong chủng viện các ngài hằng mong ứơc, đó là làm cha phó (hoặc cha xứ).

Giáo xứ mà các linh mục được sai đến không như trong sách vở mà các linh mục trẻ đã học, nhưng là một giáo xứ với những con người sống động, những con người mà họ rất kỳ vọng vào các linh mục trẻ của mình, với tác phong vui tươi cởi mở với tất cả mọi người, dù linh mục trẻ ấy là cha sở hay cha phó, hoặc bất cứ linh mục trẻ nào. Nơi giáo xứ có nhiều hạng người giàu cũng như nghèo, có người trí thức cũng như có người lao động, có người là giáo sư là bác sĩ.v.v... cũng có những thành phần trong Giáo Hội là các tu sĩ nam nữ, và có khi có gia đình có con cái làm linh mục hoặc tu sĩ trong một hội dòng... tóm lại là một giáo xứ với nhiều tính năng động của nó.

Giáo xứ là một Giáo Hội địa phương được trao phó cho linh mục coi sóc, để giáo xứ dưới sự lãnh đạo của các ngài ngày càng phát triển về đàng nhân đức cũng như về mặt xã hội, có nghĩa là các linh mục coi sóc giáo xứ -trước hết- trên phương diện tinh thần, hướng dẫn giáo dân sống và thực hành tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su mà các ngài đã được huấn luyện, để trở thành vị mục tử chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho các ngài.

Cho nên, khi nhận được bài sai để đến một giáo xứ nào đó (dù lớn hay nhỏ) thì các linh mục phải cảm tạ ơn Thiên Chúa đã chọn ngài chứ không chọn ai khác để coi sóc giáo xứ ấy, và mau mắn lên đường làm nhiệm vụ...

Giáo xứ là một cộng đoàn lớn và phức tạp, cho nên để cho công việc mục vụ được dễ dàng thuận lợi, thì tâm tình trước tiên mà các linh mục phải có chính là biến cộng đoàn giáo xứ ấy trở thành gia đình của mình, một đại gia đình đúng nghĩa của nó, có như thế các ngài mới có thể vui vẻ lạc quan sống và làm việc bên cạnh các giáo dân của mình.

Có một vài linh mục trẻ khi được bài sai đến một giáo xứ nào đó, nếu giáo xứ giàu thì cười hả hê và thỏa mãn, nếu giáo xứ nghèo ở nơi khỉ ho cò gáy thì lại trách oán bề trên, những linh mục này sẽ không bao giờ coi giáo xứ của các ngài là một đại gia đình của mình, cho nên khi đến giáo xứ thì việc trước tiên là hạch sách giáo dân hoặc đòi điều kiện với cha sở là: chỗ ở phải tiện nghi có máy lạnh, phải có phòng ốc hẳn hoi, phải có chỗ vui chơi giải trí thì mới đến, bằng không thì mặc kệ, như thế tinh thần mục tử vì đàn chiên nơi các ngài không còn nữa, và như thế các ngài coi giáo xứ như là một công ty mà các ngài “buộc” phải đến làm việc, các ngài biến mình trở thành một công chức cao cấp để lãnh lương, chứ không phải là một linh mục đang làm trong vườn nho của Thiên Chúa...

Khi đã xác định được giáo xứ là đại gia đình của mình thì người linh mục không còn đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt, nhưng các ngài sẽ băn khoăn khi giáo dân của mình dân trí kém, cuộc sống khó khăn, có nhiều người rượu chè cờ bạc, và có nhiều tệ nạn xảy ra cần phải giáo dục họ họ sống đúng với tinh thần của Chúa Giêsu dạy: yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

2. Phải tâm niệm Giáo Xứ là cánh đồng truyền giáo của mình.

a. Thăm giáo dân (cày)

Chắc chắn các linh mục trẻ sẽ cười khi nghe câu ấy, bởi vì giáo xứ đã là nơi truyền giáo của các linh mục, bằng không thì làm linh mục để làm gì, hoặc đấng bản quyền sai mình đến đó để làm gì ! Nếu các linh mục trẻ hiểu được như thế thì Giáo Hội Việt Nam sẽ không lo âu vì các linh mục trẻ của mình ngày càng sống hưởng thụ hơn là làm việc truyền giáo, ngày càng sống xa hoa hơn là phục vụ.

Giáo xứ là cánh đồng truyền giáo của các linh mục, nhưng như thế nào là truyền giáo ? Có một vài linh mục khi đến giáo xứ thì “triển lãm” cái tính sống xa hoa của mình cho giáo dân thấy; có linh mục thì mới đến giáo xứ ngày hôm trước thì hôm sau đã phách lối nạt nộ giáo dân và đặt điều kiện này điều kiện nọ với họ, thì truyền giáo đâu chưa thấy chỉ thấy giáo dân than phiền: ông cha mới khó tính như ông cụ non ! Như thế thì sẽ không còn là truyền giáo nữa, nhưng là đến để làm ông chủ và “truyền” cá tính cộc cằn, hách dịch và kiêu căng của mình cho giáo dân, thật tội nghiệp cho họ, vì họ không nhìn thấy được Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhượng nơi vị mục tử trẻ trung của mình.

Muốn đồng ruộng tốt thì trước hết phải cày rồi sau mới “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Các linh mục cũng phải “cày” trên đồng ruộng giáo xứ của mình, các ngài phải “cày” ngay khi mới đến giáo xứ, “cày” tức là các ngài phải bỏ công sức là đi thăm giáo dân mà chúng ta gọi là “thăm mục vụ”, thăm giáo dân để biết tình trạng con chiên của mình như thế nào, nhà này ra sao nhà nọ thế nào, người này không bao giờ đến nhà thờ, người kia chưa một lần lên rước Mình Thánh khi đi dâng thánh lễ.v.v... đó là “cày” của các linh mục, việc này các linh mục trẻ dễ dàng làm hơn, vì sức còn mạnh và tay chân hoạt bát không ngại đường xa mưa gió nắng nôi...

Kinh nghiệm cho thấy, cha sở nào thường cùng với các đoàn thể (Legio Maria chẳng hạn...) đi thăm giáo dân của mình thì cha sở ấy đã thành công một nửa trong việc xây dựng giáo xứ của mình. Đi thăm giáo dân là để tìm hiểu cuộc sống tâm linh của họ, và có khi, cũng biết thêm đời sống vật chất của họ để thông cảm và khuyến khích họ sống tốt đẹp là một người Ki-tô hữu trong giáo xứ của mình.

Chí ít là một tuần đi thăm một vài gia đình, chương trình thăm ai, nhà nào thì nên có kế hoạch và bàn hỏi với đoàn thể mà mình cùng đi với họ đến thăm giáo dân, họ sẽ rất vui và cho mình biết hoàn cảnh của gia đình giáo dân mà mình đến thăm, nếu không có chuyện cấp bách về mục vụ (như xức dầu bệnh nhân...) thì không nên đi một mình và không nên ngồi quá lâu ở một nhà giáo dân, vì như thế sẽ không tốt cho các linh mục và ảnh hưởng đến công tác mục vụ của mình. Khi đến thăm nhà giáo dân thì thăm hỏi sức khoẻ của họ, phải tế nhị và đừng đụng chạm đến đời sống riêng tư của họ, nhưng hãy thật vui vẻ -có khi pha trò- để cuộc trò chuyện thêm tự nhiên xoá bỏ ngăn cách giữa linh mục và giáo dân. Đừng để họ bận rộn tiếp khách chuẩn bị thức ăn thức uống, nhưng cần phải nói ngay với họ rằng, chỉ uống một ly nước hoặc một ly cà phê (nếu có) và trò chuyện thân tình, rồi cáo từ sau năm hoặc mười phút trò chuyện. Tuy ngắn nhưng ảnh hưởng và ấn tượng lâu dài nơi giáo dân của mình...

Giáo dân cảm thấy xa cách cha sở -vị mục tử- của mình, vì các ngài không chịu bước ra khỏi nhà xứ để đến với họ, vì các ngài cảm thấy mình đến với giáo dân là quá hạ mình nên phải để giáo dân đến với mình trước !? Vì thế mà khi có nghe tin giáo dân nọ cần được xức dầu thì có một vài cha sở không biết giáo dân đó là ai !!!

Đừng ngại đi đến thăm giáo dân, cũng như người nông dân không ngại trời nắng trời mưa khi cày ruộng, bởi vì phải cày trước đã rồi mới gieo hạt hoặc cấy lúa, “cày” chính là việc đi thăm giáo dân của cha sở, bởi vì khi đi thăm giáo dân là cha sở đã làm một chiếc cầu bê tông cốt sắt chắc chắn để nối liền nhà thờ với họ, nối liền cha sở với giáo dân, mục tử với con chiên. Đi thăm giáo dân là “”cày” mảnh đất tâm hồn vủa họ cho tơi xốp, vì nó đã cứng khi không thấy được sự quan tâm của người mục tử, và cũng vì miếng cơm manh áo mà họ ít đến nhà thờ...

Đừng ngại đi thăm giáo dân nhưng hãy ngại là chỉ quen biết và đi thăm một hai gia đình thân thiết trong giáo xứ rồi thôi, bởi vì đôi lúc có một vài linh mục vì quá mệt và bận rộn với công việc giáo xứ, mà “trốn” đi đến một nhà giáo dân thân thiết để giải trí và thư giãn với cờ tướng hoặc tán dóc hoặc nghỉ ngơi cả buổi, lâu ngày làm cho giáo dân dị nghị và như thế việc truyền giáo và quản lý giáo xứ sẽ ảnh hưởng rất nhiều...

Khi đã “cày” xong thì chúng ta tiếp tục với câu tục ngữ của cha ông chúng ta “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để áp dụng vào cánh đồng truyền giáo của chúng ta, đó là giáo xứ.

b. Cầu nguyện. (nhất nước)

Cầu nguyện, đó là một niềm vui của người Ki-tô hữu được “đặc ân” trò chuyện với Thiên Chúa, là một sức mạnh cho những người cảm thấy mình quá nhỏ bé trong cuộc sống. Các linh mục là những “nhà chuyên môn” của việc cầu nguyện, các ngài có thể cầu nguyện luôn luôn trong mọi lúc dưới bất cứ hình thức nào, vì các ngài là những thầy dạy giáo dân về việc cầu nguyện, khi mà người ta cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện vì quá lo ra chia trí vì kế sinh nhai, vì thất tình lục dục, thì các linh mục là những con người mà họ cậy nhờ trong đời sống tâm linh của mình...

Có thể nói: cá cả ngày sống trong nước thế nào, thì các linh mục cả ngày sống trong ơn sủng của Thiên Chúa cũng như thế, tức là cầu nguyện.

Cầu nguyện rất cần thiết cho giáo xứ mình phục vụ cũng giống như nước rất cần cho đồng ruộng, không cầu nguyện thì các linh mục không thể làm cho tâm hồn tín hữu nguội lạnh thành nóng lên vì tình yêu của Thiên Chúa; không cầu nguyện thì các dự án, các cuộc thăm viếng chỉ là đánh trống bỏ dùi mà thôi, bởi vì cầu nguyện là “nước” nên nếu không nước thì đồng ruộng truyền giáo sẽ cháy khô.

Dâng thánh lễ là lúc cầu nguyện tuỵêt với nhất, và chỉ có khi dâng thánh lễ, thì người linh mục mới cảm thấy được hết tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã làm cho mình và cho nhân loại, đó chính là tình thương cao cả nhất mà chính linh mục là người thứ nhất cảm nghiệm được, bởi vì nếu khi linh mục dâng thánh lễ mà không cảm nhận được sự cao quý và cao cả của Thiên Chúa, thì chẳng khác chi một diễn viên sân khấu.

Bởi vì có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì chỉ thích chú trọng đến những cử điệu bên ngoài: dang hai tay thật rộng hết cở khi đọc lời cầu nguyện, giọng nói uốn lưỡi mất tự nhiên và cung giọng lên xuống sao cho truyền cảm để thu hút mọi người, vì thế cho nên không lạ gì có một vài linh mục cử hành thánh lễ như là diễn kịch trên sân khấu, nhưng diễn cũng không đạt vì những cử chỉ mà các ngài làm đều không diễn tả được là hành vi thánh, đôi lúc làm cho giáo dân thấy việc cử hành thánh lễ là một việc làm bất đắc dĩ của các linh mục, làm cho xong, làm cho qua, làm cho mau để hết...cục nợ !

Cầu nguyện là nước tưới trên cánh đồng truyền giáo của các linh mục, kinh nghiệm của thánh Gioan Maria Vianney đã cho chúng ta thấy được điều ấy: từ một giáo xứ khô cằn (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ngài đã làm cho nó sinh động tốt tươi cách kỳ diệu bằng lời cầu nguyện liên lĩ của mình. Cũng vậy, cầu nguyện là một sức mạnh kỳ diệu làm đổi mới mọi sự, mà theo suy nghĩ của con người sẽ không bao giờ làm được, nhưng việc gì mà con người không thể làm được, thì Thiên Chúa lại làm được.

Thánh lễ là giây phút hạnh phúc nhất của người Ki-tô hữu nói chung, và của các linh mục nói riêng, bởi vì càng suy tư đến mầu nhiệm hiến tế nơi bàn thánh, thì chúng ta càng thấy được Thiên Chúa quá ư là khiêm tốn và rất mực yêu thương nhân loại, cách riêng các linh mục, bởi vì chính linh mục –chứ không ai khác- diễn tả lại cuộc hi tế ngày xưa trên đồi Golgôtha của Chúa Giê-su. Trong mỗi một thánh lễ mà chúng ta –những linh mục- dâng lên Thiên Chúa có biết bao là hồng ân mà nhân loại được hưởng nhờ, có biết bao linh hồn được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Nói như thế để mỗi người trong chúng ta cảm nghiệm được rằng: tôi chỉ là một đầy tớ vô dụng, một dụng cụ bất xứng, và là một con người đầy những xấu xa hơn tất cả mọi người trên thế gian, vậy mà Thiên Chúa đã chọn tôi như là một khí cụ tình yêu của Ngài.

Chúng ta phải lợi dụng hồng ân trong thánh lễ để cầu nguyện cho giáo xứ của mình, tức là cho cánh đồng truyền giáo, mà trên cánh đồng ấy có không biết bao nhiêu là cỏ dại, sâu trùng, bọ xít làm hư hoại những hạt lúa tốt tươi của chúng ta.

Trong thánh lễ, chúng cầu nguyện cho em bé lem luốt hôm qua đứng bên vệ đường khóc vì đói được cơm ăn; chúng ta nhớ đến khuôn mặt của một giáo dân ngày hôm qua đã bị mọi người chửi mắng vì say rượu để cầu nguyện cho họ; chúng ta cũng nhớ đến những cô gái đứng gốc cây bên đường chờ khách, để cầu nguyện cho họ được có cuộc sống tốt đẹp hơn, và còn biết bao nhiêu là những người mà chúng ta phải nhớ đến họ trong thánh lễ để cầu nguyện cho họ... Như thế, cầu nguyện là phương thế tuyệt vời nhất, để cho cánh đồng truyền giáo của chúng ta ngày càng xanh tươi tốt đẹp hơn, và sẽ không một cây lúa (giáo dân) nào mà không được mát lòng nhờ lời cầu nguyện của chúng ta.

Tiếp đến, Phụng Vụ các giờ kinh mà ngày xưa chúng ta gọi là kinh nhật tụng, đóng một vai trò quan trọng thứ hai sau thánh lễ trong việc cầu nguyện của các linh mục.

Thời nay Giáo Hội khuyên các tín hữu cũng nên đọc giờ kinh phụng vụ theo cách của giáo dân, bởi vì đó là những lời ca ngợi, tán tụng, tạ ơn và cầu xin tuyệt vời nhất, mà Giáo Hội đã yêu cầu các linh mục, là những người đã được tuyển chọn thay mặt nhân loại đọc để chúc tụng Thiên Chúa, cho nên nếu được thì trong giáo xứ của mình, cha sở có thể tổ chức để giáo dân yêu thích dùng phụng vụ các giờ kinh để cầu nguyện, và các ngài cũng nên đọc chung với giáo dân ít nữa là giờ Kinh Sáng sau (hoặc trong thánh lễ) và giờ Kinh Chiều.

Đây là cách cầu nguyện chung giữa cha sở với giáo dân của mình, bởi vì các linh mục rất ít khi đọc kinh chung với giáo dân, buổi sáng khi giáo dân cùng nhau đọc kinh lần chuổi thì không thấy cha sở hoặc cha phó cùng đọc chung với họ, chỉ đợi khi gần giờ lễ rồi mới ra khỏi phòng và đi thẳng vào phòng thánh để chuẩn bị dâng lễ, lễ xong thì cũng “biến” đâu mất, rất ít khi trò chuyện với giáo dân, hỏi thăm quan tâm: “ông X... đâu rồi, sao mấy ngày nay không thấy đến nhà thờ; bà H... nghe nói bệnh phải không; Anh B..., con anh ra sao rồi tìm được việc làm chưa.v.v...” Mấy câu hỏi quan tâm đơn sơ sau thánh lễ ấy, là chất xúc tác để giáo dân không còn thấy ông cha sở của mình là cao cao sang sang nữa, nhưng rất thân tình như người trong nhà và làm cho giáo dân yêu mến nhà thờ hơn, đó là bí quyết truyền giáo xưa cũng như nay: tiếp xúc và quan tâm đến mọi giáo dân của mình.

Đọc kinh Phụng Vụ chung với giáo dân là cầu nguyện chung với họ, là nói cho họ biết giáo xứ chúng ta cần thêm nhiều lời cầu nguyện của mọi người, để xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho mỗi con chiên của Ngài trong giáo xứ này, và thế là giáo dân “thấy” được trong tâm hồn của vị mục tử của mình đầy ắp sự lo lắng, thương yêu giáo dân của ngài, và chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ nhậm lời và chúc lành cho công cuộc truyền giáo của các ngài.

Nước cần thiết cho đồng ruộng như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng rất cần thiết cho việc truyền giáo như thế.

c. Tổ chức. (nhì phân)

Có một vài linh mục trẻ rất có óc tổ chức giáo xứ của mình, những linh mục này tôi biết là ngoài việc các ngài có thiên khiếu về tổ chức ra, thì trong số các ngài còn có một vài linh mục tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo, nên cách tổ chức của các ngài rất có thứ tự lớp lang đàng hoàng.

Một cánh đồng kiểu mẫu không những năng suất cao mà còn là cách phân bờ phân đê làm sao cho hợp lý, để khi nước được bơm vào thì cả cánh đồng đều có nước giống nhau, chứ không phải cùng một cánh đồng mà chỗ này bơm nước một ngày, chỗ kia bơm nước ngày khác, đó là vì nhà nông không được học qua kỷ thuật về nông nghiệp tiên tiến. Ở Đài Loan nền nông nghiệp của họ thật tuyệt vời, thấy ruộng đồng của họ mà mê tơi vì nó bằng phẳng, thứ tự lớp lang, sạch sẽ, nhìn thấy là muốn xuống ruộng làm nghề nông, đó chẳng qua là nền nông nghiệp của họ đã đạt đến mức hoàn hảo.

Trong một giáo xứ, việc tổ chức các đoàn thể là điều cần thiết, từ ban hành giáo cho đến các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Lêgiô Maria, hội Con Đức Mẹ, hội các bà mẹ Công Giáo, hội cha gia đình, thanh niên.v.v... đều rất cần thiết cho sự truyền giáo của cha sở cũng như sự phát triển của giáo xứ, nhất là gây tình đoàn kết giữa các giáo dân với nhau cũng như giữa giáo dân và cha sở cha phó...

Có một vài cha trẻ nhưng tâm hồn thì đã già, cho nên thích an nhàn hưởng thụ hơn là tổ chức các sinh hoạt trong giáo xứ, mà nếu giáo xứ nào đã có các đoàn thể rồi, thì các ngài cũng ít quan tâm vì không phải “con của mình đẻ ra”, mặc kệ bây sinh hoạt hay không tuỳ tiện !?

Tổ chức là khâu quan trong trong việc quản lý cộng đoàn, cha sở phải làm sao để tất cả giáo dân của mọi thành phần trong giáo xứ tham gia các hội đoàn, để qua các sinh hoạt này mà cha sở truyền đạt lòng đạo đức kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân cho các con chiên của mình, bởi vì sẽ rất thiếu sót khi giáo dân thèm muốn có một hội đoàn hợp với lứa tuổi của mình, để chia sẻ những kinh nghiệm về cách sống đạo cho người khác, cũng như muốn học hỏi kinh nghiệm sống Lời Chúa nơi những giáo dân khác, mà cha sở thì cứ tà tà “để đó coi đã”, cái “tà tà” này là biểu hiệu của một tâm hồn không mấy thiết tha với giáo xứ mà mình đang coi sóc.

Tôi đã thấy một vài linh mục đã không làm gì sau mấy năm ở giáo xứ, bởi vì các ngài có một quan niệm rất “kỳ quặc” là mình không ở đời ở kiếp đây thì tổ chức đoàn thể này nọ làm gì cho mệt óc mệt xác chứ ! Thế là giáo xứ của các ngài ngày càng tẻ nhạt, giáo dân đến đi lễ vì bổn phận rồi về, họ không coi giáo xứ là nơi để họ lui tới học hỏi với cha sở cách sống đạo, cũng như nơi các giáo dân khác, bởi vì giáo xứ của họ không có một hội đoàn nào để họ tham gia sinh hoạt.

Thiên Chúa –đã vì thương yêu- mà chọn chúng ta làm những người thay mặt Ngài để dạy dỗ giáo dân biết sống đạo, và khi chọn ai thì nhất định Ngài cũng ban cho họ sự khôn ngoan để lãnh đạo, nghĩa là với sự khôn ngoan ấy, chúng ta tổ chức giáo xứ thành cánh đồng truyền giáo cho hợp với thời đại khoa học, hợp với đà tiến hoá của xã hội mà không làm cho giáo dân phải thốt lên: ông cha sở quá cấp tiến.

Khi đã tổ chức được các đoàn thể rồi thì cha sở phải hy sinh thêm rất nhiều thời gian cho các đoàn thể, bởi vì cha sở, cha phó là đầu tàu, là hạt nhân làm nổ tung các tâm hồn bấy lâu nguội lạnh với việc nhà Chúa, thì nay đã hăng hái tham giá cách tích cực các hội đoàn trong giáo xứ. Cha sở sẽ còn rất ít giờ để đọc sách và giải trí, nhưng tham gia sinh hoạt các đoàn thể là một niềm vui của ngài, bởi vì có việc để làm thì tốt hơn là không có việc gì để làm, rồi sinh ra những điều không tốt cho đời sống tu đức của linh mục.

Các linh mục là những người được đọc nhiều sách với nhiều đề mục, nhưng –đối với linh mục- thì tất cả đều là lý thuyết trên sách vở, duy chỉ có một điều đối với các ngài thì nó không còn là lý thuyết nữa nhưng là thực hành, đó là truyền giáo. Truyền giáo không phải là lý thuyết nhưng là phải thực hành, và đó chính là nghề chuyên môn của các ngài, do đó, người ta sẽ cừơi và trách các linh mục khi các ngài dửng dưng với công tác tổ chức các hội đoàn trong giáo xứ của mình.

Có một vài linh mục khi được phái đến coi sóc một giáo xứ nào đó thì thích xây dựng nhà thờ, phòng ốc, sân chơi, vườn hoa kiểng.v.v... đương nhiên tất cả những công việc này cũng đều là vì giáo xứ mà làm, để cho giáo xứ có bộ mặt đẹp đẽ và bề thế hơn. Nhưng, khi nhà thờ chưa xuống cấp mà đập tan nát ra xây lại; giáo dân không có chỗ để đi đứng sinh hoạt, thì lại xây cái vườn hoa kiểng to đùng đùng chiếm cả một khoảng lớn của nhà thờ; hoặc giáo dân thì nghèo cơm ngày ba bữa chưa đủ no, mà cha sở đập phá nhà thờ cũ để xây mới thì có hợp thời không...

Cái nên xây trước hết chính là xây dựng tâm hồn của giáo dân, làm cho tâm hồn của họ trở thành đền thờ của Thiên Chúa thật sự, chứ không phải chỉ đến nhà thờ đi lễ đi kiệu, nhưng khi ra khỏi nhà thờ thì tâm hồn của họ lại trở thành nơi ở của ma quỷ ? Xây dựng tâm hồn của các giáo hữu trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần thì không có gì hay cho bằng tổ chức các đoàn thể trong giáo xứ của mình, thông qua các đoàn thể chúng ta sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm nơi họ. Tổ chức các cộng đoàn hoạt động hữu hiệu, thì cha sở sẽ có một ngày bội thu trong niềm vui của người ra đi gieo giống trên ruộng mình, và vui mừng gặt hái thành quả ôm trong lòng, vác trên vai mà đi về nhà Cha...

d. Làm việc không biết mệt. (tam cần)

Ruộng lúa, dù đã trổ đòng đòng, nhưng nếu không chuyên cần làm cỏ thì sẽ trở về với hai bàn tay trắng, cũng vậy, tổ chức thật khoa học nhưng không thường xuyên giáo huấn dạy dỗ quan tâm đến giáo dân thì cũng chẳng thu hoạch được gì.

Có những linh mục làm việc không biết mệt mỏi, các ngài làm việc bất kể ngày đêm, dù mưa to gió lớn, dù ban đêm hay ban ngày, mà hể có người cần đến các ngài là a lê đi ngay đến để ban các bí tích cho họ, sự chuyên cần này được Thiên Chúa trả công rất bội hậu, mà trước mắt là giáo xứ của các ngài ngày càng có nhiều người đến tham dự thánh lễ hơn, và chính bản thân của mỗi người giáo hữu cũng rất muốn cộng tác với một cha sở nhiệt thành, vì các linh hồn mà phải hy sinh tất cả những chuyện riêng tư cá nhân...

Không chuyên cần làm việc thì các linh mục cũng đừng trông mong giáo dân cộng tác với mình, và các ngài cũng đừng trách cứ giáo dân sao mà xao nhãng việc đạo đức, lễ lạy không đến nhà thờ; không làm việc cách tích cực thì cha sở đừng trông mong giáo dân thân thiện với ngài, bởi vì cha sở nhạy cảm một nhưng giáo dân nhạy cảm gấp đôi các ngài, nhất là trong việc nhìn xem cha sở mình có tích cực làm việc mục vụ hay không rồi sau đó mới cộng tác.

Có một vài linh mục trẻ khi được sai phái đến làm cha phó một họ đạo nào đó thì khoáng trắng cho cha sở, còn mình thì làm việc cách tiêu cực, cha sở phân công thì làm mà không phân công thì thôi, ngồi chơi xơi nước hoặc làm việc không mấy có trách nhiệm. Đương nhiên trách nhiệm là của cha sở, nhưng trên cương vị cha phó hay cha phụ tá cũng đều có trách nhiệm trong phạm vi của mình, mà trách nhiệm này trước hết chính là phần vụ của linh mục tức là làm công việc truyền giáo dù cho làm cha sở hay cha phó, cha phụ tá hay làm bất cứ chức vụ nào chăng nữa cũng đều phải làm bổn phận của một linh mục.

Chúa Giê-su đã làm việc không biết mệt mỏi, đôi chân Ngài rảo khắp miền Galilêa để rao giảng, tìm và chữa lành những người đau yếu tật nguyền, cho nên có rất nhiều người đã đi theo Ngài mà không thiết đến ăn uống sự chuyên cần tích cực này rất đáng để cho chúng ta noi theo, và coi đây là một phương pháp, một bí quyết để thành công trong việc truyền giáo của mình.

Làm việc tác dụng rất nhiều trên đời sống tu đức của các linh mục, khi làm việc với các đoàn thể trong giáo xứ các linh mục sẽ nhận ra giáo dân của mình có những khả năng mà mình không ngờ đến, họ có thể giúp đỡ mình trong việc điều hành giáo xứ. Một linh mục làm việc nhiều là một linh mục luôn nhạy bén ứng xử năng động trong mọi tình huống của giáo xứ, nhưng cái quan trọng hơn, khi một linh mục dành nhiều thời gian cho việc mục vụ để phát triển giáo xứ, thì chính các ngài đã cảm thấy có một nhu cầu bức thiết hơn xuất hiện trong nội tâm của mình, đó là nhu cầu cầu nguyện, bởi vì càng làm việc càng thấy gánh càng nặng, càng thấy mình quá bất lực, nên cần phải xin Thiên Chúa ban thêm ơn cho mình để điều hành giáo xứ, và chăm nom các linh hồn mà Thiên Chúa đã trao cho mình.

Truyền giáo là mệnh lệnh của Thầy chí thánh –Chúa Giê-su- đã truyền cho các môn đệ của Ngài, trong đó có chúng ta là những linh mục được tuyển chọn để -ưu tiên- thực hành mệnh lệnh ấy. Vì thế không có một lý do gì để chúng ta khoán trắng việc truyền giáo cho người khác, mà người khác ấy cụ thể là cha sở hay cha phó của mình, hoặc khoán trắng cho giáo dân mà cụ thể là ban hành giáo.

Có một vài giáo xứ có mới các thầy đại chủng viện đến giúp xứ để thực tập mục vụ như dạy giáo lý, tập hát, dạy giúp lễ.v.v... giúp cho cha sở nhiều trong vấn đề mục vụ, đây là việc làm đúng và rất có ích cho các thầy sau này. Nhưng các cha sở (cha phó) phải luôn xác định rằng: các thầy đến để thực tập chứ không phải là đến để làm cha sở hay cha phó, cho nên đừng mỗi cái mỗi giao cho các thầy làm, còn mình thì rảnh tay để đi đánh ping-pong hoặc đánh cờ, hoặc tán ngẫu ở nhà.

Tôi có thấy ở một giáo xứ nọ, trong nhà cha sở có hai, ba thầy giúp xứ, khi có đám tang thì cha sở chỉ dâng lễ an táng, còn liệm xác và đưa ra phần mộ thì ngài lại giao cho một trong các thầy ấy đi ra huyệt mộ làm các nghi thức, còn cha sở ở nhà uống trà. Giáo dân rất không thích như thế, bởi vì không có cha sở thì thôi, chứ đã có cha sở thì cha sở nên đưa ra đến huyệt mộ cho trọn tình trọn nghĩa với người chết là giáo dân của mình, hơn nữa cũng là một việc truyền giáo cho các giáo hữu còn sống, nhất là với gia đình tang chế...

Làm việc chuyên cần là cách khẳng định năng lực quản lý giáo xứ của mình, không một linh mục nào mới chịu chức mà giám mục giao trách nhiệm làm cha sở ngay (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như tân linh mục đã giúp xứ quá lâu mười mấy hai chục năm, nay mới được chịu chức), cho nên phải tập làm việc ngay khi còn làm cha phó hay cha phụ tá, đừng nghĩ rằng bây giờ làm cha phó thì cứ tà tà mà làm, đợi đến khi làm cha sở rồi làm luôn thì lầm to, bởi vì không ai đưa một người không biết làm việc hoặc làm việc cách hời hợt lên làm cha sở, vì như thế có nghĩa là giám mục “đem gánh nặng trút lên đầu giáo dân, bắt họ chịu đựng một ông cha sở không biết làm việc mà chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi”. Do đó không một giám mục hay bề trên nào cho bài sai một linh mục mới chịu chức đi làm cha sở ngay, nhưng phải làm phó hoặc phụ tá một hai năm...

Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu mà Ngài làm việc không ngơi nghỉ để giữ gìn công trình sáng tạo của Ngài trong vũ trụ, Ngài làm việc nơi những con người thành tâm thiện chí vì lẽ công bằng và vì tình yêu thương đồng loại, và đặc biệt Thiên Chúa làm việc không ngơi nghỉ nơi các linh mục, là những người cộng tác đắc lực nhất của Ngài. Do đó, khi một linh mục không cảm thấy mình có trách nhiệm chu toàn bổn phận, thì là lãng phí ơn riêng của Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đừng sợ mình không có tài mà không làm, và cũng đừng lo là mình không có khả năng để làm, nhưng hãy mạnh dạn bắt tay vào việc với tinh thần vui tươi và lạc quan, Thiên Chúa sẽ gởi người tới phụ giúp chúng ta hoàn thành công tác, bởi vì không một người cha nào nhìn thấy con cái vất vả làm không xong việc mà không ra tay giúp đỡ ! Thiên Chúa chắc chắn là một người cha tuyệt vời hơn tất cả mọi người cha trên thế gian này.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. Vâng, đó là kinh nghiệm của người xưa và người thời nay, thử hỏi các linh mục lớn tuổi (cha sở) ngài sẽ chia sẻ cho những kinh nghiệm mục vụ đầy những mồ hôi và nước mắt, hãy nhìn những thành quả trong giáo xứ của chúng ta, thì thấy các cha sở trước đã vất vả như thế nào để xây dựng giáo xứ đẹp đẽ như ngày hôm nay, để thấy câu thánh vịnh trên đây thật chí lý và khích lệ cho chúng ta.

e. Suy tư. (tứ giống)

Các linh mục trẻ thân mến,

Có một vài anh em linh mục trẻ khi lên toà giảng để giảng thì giáo dân không biết ngài giảng cái gì, bởi vì ngài quá ỷ y vào tài lợi khẩu của mình nên chỉ một câu nói mà cứ nói lui nói tới, nói lòng vòng không đầu không đuôi; có một vài linh mục trẻ khi giảng thì không biết đối tượng mình giảng là ai, nên các ngài trích dẫn hết lập luận này đến lập luận kia, hết tổng luận thần học rồi đến tư duy triết lý, làm cho giáo dân nghe ngài giảng mà không hiểu gì cả, thật uổng công cho các ngài soạn bài giảng, và uổng công cho các giáo dân náo nức nghe cha giảng...

Sống là giảng và giảng là sống, sống sao giảng vậy, thì thu hút và đánh động tâm hồn người khác, hơn là lấy y chang bài giảng của người khác để giảng, bởi vì bài giảng của người khác thì chỉ gợi ý cho chúng ta mà thôi, chứ không như chúng ta sống, cho nên một linh mục thiếu suy tư thì cũng rất ít sống theo tinh thần Phúc Âm, và chắc chắn là các ngài không có chất liệu gì của mình để giảng dạy cho giáo dân.

Ruộng cày thật tơi xốp, nước nôi đầy đủ, chuyên cần có thừa, nhưng lúa giống không có hoặc giống xấu thì không thể đạt năng xuất được. Cũng vậy, trên cánh đồng truyền giáo mọi thứ đều được chuẩn bị đầy đủ, cha sở thức khuya dậy sớm để lo việc tổ chức mà không còn giờ để suy niệm về Lời Chúa, hay nói cách khác, cha sở không đào sâu kho tàng ân sủng của Thiên Chúa trong thánh kinh cũng như trong các loại sách thiêng liêng, thì không thể hướng dẫn giáo dân hăng hái tiến bước trên con đường mà mình đã làm sẵn cho họ đi.

Có giáo dân mỗi lần đi họp Legio Mariae về thì nói với nhau: cha linh hướng hôm nay nói gì đâu không ăn nhằm gì tới Legio; có các bạn trẻ thanh niên mỗi lần đến họp hành cũng chẳng thấy cha tuyên uý của mình nói câu gì cho mơi mới chút xíu, cứ lui tới nhắc nhở các bạn trẻ sống làm gương tốt, mà ngài thì không đưa ra những hình ảnh và phương pháp cụ thể để cho các bạn thấy mà học theo...

Suy tư, không nhất thiết là phải ngồi lỳ đóng cửa cả ngày trong phòng để tìm ý tưởng; suy tư, cũng không nhất thiết là phải tra cứu sách này sách nọ cho nó oai, để khi giáo dân có hỏi thì nói mình dọn bài dọn vở để soạn bài giảng căng thẳng cả đầu óc ! Nhưng bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư và áp dụng vào trong cuộc sống của mình:

-Suy tư khi thấy một tai nạn.

-Suy tư khi thấy một đám ma.

-Suy tư khi thấy một em bé đang khóc vì đói.

-Suy tư khi đọc được một câu chuyện hay.

-Suy tư khi nghe một lời chửi bới của bạn bè.

-Suy tư khi nghe hát một bài hát...


Tóm lại là bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư, và những suy tư ấy sẽ rất có ích cho cá nhân của mình, cũng như cho cộng đoàn mà mình đang phục vụ.

Càng suy tư thì càng có chất liệu để giảng dạy, mà chất liệu hiệu quả nhất chính là mình sống những gì mình đã suy tư và cảm nghiệm, bởi vì không ai cho cái mà mình không có...

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục dễ dàng thông cảm với những khuyết điểm của người khác nhất.

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn hoà nhã với mọi người.

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn có “bảo bối” là Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để hướng dẫn người khác đi theo mục đích mà Chúa Giê-su cũng như Giáo Hội của Ngài mong muốn.


Trong suy tư các ngài cảm nghiệm được tính liên đới mình với người khác, cảm nghiệm được những thiếu sót sai lầm của người khác cũng chính là thiếu sót và sai lầm của mình hôm qua cũng như ngày mai, và như thế các ngài rất dễ dàng nhận thấy vai trò linh mục mục tử của mình có ý nghĩa phục vụ hơn là lãnh đạo, tìm và chữa lành hơn là trừng phạt và răn đe, yêu thương hơn là kiểu cách, cũng có nghĩa là các ngài sẽ khiêm tốn hơn khi vấp phải vấn đề tế nhị giữa mục tử và giáo dân trong việc quản trị và điều hành giáo xứ.

Một trong những bổn phận của linh mục là giảng dạy, ngoài việc giảng dạy trên toà giảng thì các ngài cũng sẽ giảng dạy nơi các đoàn thể trong giáo xứ như hội Legio Mariae, hội Con Đức Mẹ, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Vinh Sơn.v.v... do đó mà các ngài cần phải suy tư nhiều hơn nữa về vai trò mục tử của mình, về những vấn nạn mà các đoàn thể đã và đang gặp phải...

Có những anh em linh mục trẻ chuẩn bị bài giảng trước cả mười ngày rất công phu, có những linh mục trẻ rất lo lắng khi soạn bài giảng, tất cả các anh em linh mục trẻ này đều có ý thức về bài giảng của mình, ngược lại có một vài anh em linh mục trẻ thấy mình đã đạt đến mức độ xuất khẩu thành bài giảng nên không chuẩn bị bài giảng gì cả, cứ lên toà giảng thì nói thao thao không ý không tứ, không đầu không đuôi và cuối cùng thì giảng như máy bay không có bãi đáp.

Nhưng tệ hơn là có một vài linh mục không thích suy tư, không thích soạn bài giảng, và nếu có soạn thì chỉ chú trọng đến bài giảng ngày chủ nhật mà thôi, cho nên khi họp các đoàn thể thì không có những lời lẽ để giáo huấn họ, mà nếu có nói thì nói chung chung kỳ họp trước cũng như kỳ họp này, không có ý tưởng đào sâu, làm cho giáo dân cảm thấy đơn điệu, và không lạ gì khi các thành viên của các đoàn thể đi họp rời rạc và ngày càng ít đi, dĩ nhiên là có những lý do khách quan khác, nhưng lý do “đi họp chán quá” cũng là vấn đề làm cho chúng ta –các cha sở- phải xét lại cách giáo huấn dạy dỗ của mình.

Tôi thấy có một vài anh em linh mục trẻ, sau khi dâng lễ sáng xong thì xách xe chạy một lèo đến chiều tối mới về, không ngồi yên ở nhà được; có anh em linh mục thì không bao giờ cầm đến một tờ báo hay đọc một cuốn sách thiêng liêng, nếu có đọc thì chỉ năm phút sau là...ngủ gật, thật uổng phí thời giờ. Theo kinh nghiệm bản thân mình, các cha sở (cha phó) nên kiếm việc mà làm hoặc phát huy khả năng của mình như sáng tác nhạc, viết sách, dịch sách; hoặc tay nghề của mình như làm thợ sửa cái bục giảng đang hư, sơn lại cái ghế quỳ.v.v... những công việc ấy sẽ giúp cho các linh mục rất nhiều trong cuộc sống tu đức, những lúc công việc nhà xứ rỗi rảnh thì bắt tay vào làm những việc ấy, để không còn thời gian để suy nghĩ lung tung, xách xe chạy đi tán dóc, coi xi nê, đánh cờ tướng mất cả ngày giờ mà không ích lợi gì cho công tác mục vụ của mình.

Mỗi ngày bỏ ra ít là một giờ để đọc sách và viết xuống những suy tư của mình, một tháng sau đọc lại thì thấy ý tưởng của mình tiến bộ, ý lực dồi dào và súc tích hơn, và mỗi năm sẽ tích luỹ được nhiều vốn liếng suy tư, thì lo gì mà không có chất liệu để giảng dạy chứ, đó là kinh nghiệm mà tôi thường chia sẻ với các anh em linh mục trẻ trong dòng của chúng tôi, và kinh nghiệm này đã giúp tôi có những suy tư rất đời thường nhưng rất thực tế, có ảnh hưởng trên đời sống giáo dân khi giảng dạy.

Suy tư là hạt giống để gieo vào mảnh đất truyền giáo của giáo xứ của mình, bởi vậy nó có giá trị không những cho đời sống tu đức của linh mục, mà còn có ích cho đời sống tâm linh của giáo dân trong giáo xứ của mình.

Có giáo dân than phiền về bài giảng của các linh mục trẻ quá dài và quá thiên về lý thuyết thần học triết lý, mà không đi vào thực tế sống đạo của người Ki-tô hữu, do đó mà họ cảm thấy rất “mệt” khi nghe các ngài giảng.

Tôi còn nhớ sau khi tốt mãn khóa học tại đại chủng viện thánh Tôma (Đài Bắc-Đài Loan) trở về nhà dòng và được sai đi giúp xứ, sau thánh lễ chủ nhật tôi đang ở trong phòng mặc áo của nhà thờ, thì có một giáo dân trung niên đến nói với tôi như sau: “Thưa thầy, nếu sau này thầy làm linh mục, khi giảng lễ thì xin thầy giảng Phúc Âm cách thực tế trong cuộc sống, để chúng tôi còn hiểu được và dễ thực hành, thầy đừng như cha sở hôm nay giảng gì mà tụi tôi không hiểu gì cả...” – Và kể từ hôm đó cho đến nay (và mãi sau này) tôi vẫn luôn nhớ đến lời góp ý chân thành của người giáo dân ấy, thế là tôi bắt đầu suy tư cách thực tế của đời sống làm người với tinh thần Phúc Âm là sống, là chia sẻ, là cảm nghiệm chứ không phải là lý thuyết sách vở...

Giáo dân không hiểu bài giảng của linh mục, thì không thể bắt họ sống tốt tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su, linh mục giảng mà không có tâm tình chia sẻ thực tế, thì không phải là bài giảng “nhớ đời” của giáo dân khi nghe các ngài giảng.

B. GIÁO DÂN

Linh mục được sai đi để phục vụ chứ không để được phục vụ, cho nên linh mục phải xác định cho rõ ràng đối tượng mà mình phục vụ chính là giáo dân, họ là những thành phần của dân Thiên Chúa tức là Hội Thánh địa phương mà mình đang phục vụ.

Giáo dân là thành phần dân của Thiên Chúa, tức là những thành phần được tuyển chọn để trở thành một dân tộc thánh, dân tộc được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giê-su, cho nên họ cũng có những đặc ân mà Thiên Chúa ban cho họ qua bí tích Rửa Tội và các bí tích khác mà họ đã lãnh nhận, cho nên linh mục được sai đến là đến với họ, cũng có nghĩa là từ giây phút này đây tôi được sai đến đây để phục vụ, và cộng đoàn giáo xứ này chính là gia đình của tôi chứ, không phải là cộng đoàn mà tôi phục vụ trước đó.

Có một vài linh mục đang phục vụ ở giáo xứ này mà lòng vẫn còn nghĩ đến giáo xứ trước đó, nên một vài tháng lại ghé đến thăm một nhà giáo dân mà mình quen thân và ở đó trọn ngày, hoặc là thỉnh thoảng giáo dân ở giáo xứ ấy có tổ chức gì thì mời riêng ngài đến tham dự...

Tình cảm giáo dân dành cho cha sở cũ của mình là điều đáng quý và đáng trân trọng, nhưng đa phần giáo dân không biết luật lệ Giáo Hội, cho nên có khi tình cảm đi quá đà mà quên mất ngài bây giờ không còn là cha sở của mình nữa, nhưng giáo xứ mình bây giờ đã có mục tử (linh mục) khác coi sóc, cho nên các linh mục trẻ cần phải để ý trong vấn đề rất tế nhị này, bằng không sẽ mang tiếng là cha sở không mặn nồng với giáo xứ mà ngài mới được sai đến.

Tất cả mọi giáo dân trong giáo xứ đều là con chiên bổn đạo của mình, cho nên, họ có quyền đòi hỏi cha sở (cha phó) đối xử bình đẳng với họ như mọi người, họ cảm thấy bức xúc khi cha sở của mình hể rảnh rỗi là đến nhà ông nọ bà kia ăn uống giải trí mà không đi đến các nhà khác. Trong cách đối xử này của cha sở (cha phó) sẽ làm cho việc truyền giáo của ngài, cụ thể là lời giảng dạy- sẽ mất đi sức thu hút và giảm đi sự kính mến của giáo dân nơi các ngài.

1. Kính trọng giáo dân lớn tuổi

Các bạn linh mục trẻ thân mến,

Một lần nọ, có giáo dân nói với tôi: “Linh mục X... tuy còn trẻ, tuổi chỉ đáng làm cháu bà Y..., vậy mà lớn tiếng la lối với bà ngay trong nhà thờ sau thánh lễ, không biết linh mục ấy có học nhân bản không ?”

Tôi có thể chia sẻ với các linh mục trẻ rằng, phách lối la mắng những giáo dân lớn tuổi đều là thái độ của ma quỷ đội lốt linh mục, bởi vì linh mục là thầy dạy nhân đức, tức là dạy giáo dân của mình biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, chứ không phải dạy con người ta làm điều xấu xa, mà cái xấu xa nổi bật nhất của ma quỷ chính là dạy con người ta làm đảo lộn trật tự tự nhiên của Thiên Chúa đã đặt sẵn trong vũ trụ và trên con người, mà cái trật tự tự nhiên là con cái phải yêu thương và thảo kính cha mẹ, người nhỏ tuổi phải biết kính nhường người lớn tuổi, trẻ em phải biết lễ phép, mọi người đều phải biết tôn trọng lẫn nhau...

Tôi đã thấy một linh mục trẻ nọ nói với giáo dân đáng tuổi của bố mình rằng : “Ông là đứa ngu, không biết gì cả”. Ông giáo dân tội nghiệp ấy “ngu” cũng phải, vì ông đâu có học phụng vụ như cha sở để thành thạo giúp lễ cho ngài. Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng” , lời này của Chúa Giê-su không một ai được miễn trừ, không một ai được viện cớ chức này chức nọ mà mắng anh em chị em là đồ ngu, bởi vì tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau trước mặt Thiên Chúa.

Linh mục là người cần phải có thái độ kính trọng những người lớn tuổi hơn mình, bất luận họ là giáo dân hay người ngoại giáo, tuổi đời của họ cũng đều đáng để cho chúng ta kính trọng; linh mục không kính trọng người lớn tuổi thì không thể dạy giáo dân mình thảo kính cha mẹ; linh mục không tôn trọng người già thì đừng mong giáo xứ của mình có tôn ti trật tự.

Một linh mục biết kính trên nhường dưới là một linh mục rất dễ dàng thân cận với giáo dân của mình, bởi vì nơi ngài người ta thấy được chức linh mục cao quý chứ không thấy con người phàm tục của các ngài, trái lại một linh mục luôn xấc láo với người già cả, kẻ cả với người trang lứa, thì người ta sẽ không nhìn thấy chức linh mục nơi các ngài, nhưng người ta sẽ nhìn thấy ngài là con người với những thói xấu sân si như người thường mà thôi.

Kính trọng người già cả còn là hợp với đạo lý của người Việt Nam chúng ta kính lão đắc thọ, thọ đây có thể là sống lâu ở đời này cũng như được hưởng phúc trường sinh mai sau trên thiên đàng với Thiên Chúa. Là nhà mô phạm, các linh mục luôn tự nói với mình rằng: tôi sẽ là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo trong việc kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, do đó mà người linh mục luôn trở thành ngọn đèn sáng, hướng dẫn giáo dân của mình đi theo con đường của Phúc Âm của Chúa Giêsu dạy.

Kính trọng người già cả là biểu lộ một tâm hồn khiêm cung nơi các linh mục, yêu mến và thân tình với họ chính là việc làm chính đáng của người môn đệ Chúa Giê-su, cho nên sẽ rất phản giáo dục và trái với đạo đức nếu chúng ta –các linh mục trẻ- coi thường và khinh dể các vị cao niên trong cộng đoàn giáo xứ của mình.

(còn tiếp)

[Sách có bán tại các nhà sách Công Giáo Saigon]

-------------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Biển Đức 16 và dịp kỷ niệm 900 năm qua đời của Thánh Anselmo
G. Trần Đức Anh, OP
06:06 23/07/2009
AOSTA - Chiều thứ sáu, 24-7-2009, ĐTC Biển Đức 16 sẽ đến Nhà thờ chính tòa giáo phận Aosta, bắc Italia, ở miền ngài đang nghỉ hè, để chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể 400 LM, tu sĩ và đại diện giáo dân trong giáo phận.

ĐTC sẽ đặc biệt kính viếng hài cốt thánh Anselmo được giữ tại Nhà thờ chính tòa này. Tại đây, ngày 21-4 năm nay đã diễn ra lễ bế mạc tuần lễ kỷ niệm 900 năm qua đời của thánh Anselmo, dòng Biển Đức.

Tiểu sử thánh Anselmo

Thánh Anselmo được gọi là Anselmo thành Aosta, hay Anselmo viện phụ Đan viện Le Bec, hoặc Anselmo thành Canterbury, tiến sĩ Hội Thánh, là một nhà thần học và triết gia nổi tiếng của Giáo Hội. Ngài sinh năm 1033 tại Aosta. Do ảnh hưởng của người mẹ rất đạo đức, Anselmo ước muốn sống đời tu trì nhưng gặp sự chống đối của thân phụ. Sau khi mẹ qua đời, quan hệ gia đình trở nên khó khăn, năm hơn 20 tuổi, Anselmo giã từ Aosta sang Pháp, trong khi thân phụ anh lại gia nhập tu viện mà trước đây ông không đồng ý cho con vào tu.

Năm 1059, khi được 26 tuổi, Anselmo đến Đan viện Biển Đức Đức Bà Le Bec ở miền Normandie, tây bắc Pháp, để theo học với giáo sư nổi tiếng Lanfranco thành Pavía, là bề trên và là giám đốc trường Đan viện. Năm sau đó, thầy Anselmo gia nhập Đan viện Biển Đức này rồi trở thành cộng tác viên của sư phụ trong việc giảng dạy. Chỉ 3 năm sau, Anselmo được bầu làm Bề trên thay thế thầy Lanfranco bấy giờ chuyển sang làm Viện phụ Đan viện thánh Stephano. Năm 1078, khi vị sáng lập Đan viện Đức Bà Le Bec qua đời, cha Anselmo được toàn thể Đan viện bầu làm viện phụ.

Cha sống và hoạt động khẩn trương tại đây cho đến năm 1092, soạn nhiều tác phẩm thần học và triết học, trong đó có hai cuốn nổi tiếng nhất là Monologion và Proslogion. Trong tư cách là Viện phụ, ngài cũng thường phải du hành nhiều nơi, kể cả Canterbury bên Anh quốc.

Năm 1093, cha Anselmo được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Canterbury. Tại Anh, ngài nhiều lần đụng độ với hai vua Williams II và Henry I, nên hai lần phải lưu vong tại tịch viện Villa Sclavia của dòng Biển Đức ở Italia. Về sau nhờ sự bình định giữa vua và Đức Giáo Hoàng, thánh nhân mới được trở về Canterbury và qua đời tại đây năm 1109, thọ 76 tuổi. 385 năm sau đó, ngài được tôn phong hiển thánh năm 1494, và được tôn làm Tiến Sĩ Hội thánh vào năm 1720.

Thánh nhân cũng để lại rất nhiều kinh nguyện và suy niệm, và nhiều thư từ với các bạn hữu và môn đệ.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Chiều ngày 21-4-2009, trong buổi lễ kỷ niệm 900 năm qua đời của thánh Anselmo, cử hành tại nhà thờ chính tòa Aosta, trước sự tham dự của đông đảo các tín hữu đặc biệt là Viện Phụ Tổng quyền Notker Wolf của dòng Biển Đức, ĐHY Giacomo Biffi, nguyên TGM giáo phận Bologna, Đặc Sứ của ĐTC đã tuyên đọc Sứ điệp, qua đó ĐTC gợi lại những nét đặc biệt trong cuộc đời, giáo huấn và linh đạo của Thánh Anselmo, đồng thời khích lệ các Đan sĩ dòng Biển Đức noi gương khôn ngoan của thánh Anselmo, liên kết chiêm niệm với việc nghiên cứu trí thức để hiểu biết các mầu nhiệm đức tin.

ĐTC viết: ”Dịp kỷ niệm này là cơ hội không nên bỏ qua để nhớ lại một trong những nhân vật sáng ngời nhất của trong truyền thống của Giáo Hội và trong lịch sử tư tưởng tây Âu. Kinh nghiệm gương mẫu về đời đan tu của Thánh Anselmo, phương pháp đặc sắc của ngài trong việc suy nghĩ lại mầu nhiệm Kitô giáo, đạo lý tinh tế của thánh nhân về thần học và triết học, giáo huấn của ngài về giá trị bất khả xâm phạm của lương tâm và về tự do, trong tư cách là sự gắn bó trong tinh thần trách nhiệm với sự thật và sự thiện, hoạt động hăng say của ngài trong việc chăm sóc các linh hồn, dồn toàn lực để thăng tiến tự do của Giáo Hội.. và việc kỷ niệm 900 năm thánh nhân qua đời cũng đang khơi dậy và cổ võ tại nhiều nơi, và bằng nhiều cách”.

”Trong dịp kỷ niệm vị Tiến sĩ tuyệt vời này, Giáo phận Aosta nơi có di hài của thánh nhân, không thể không trổi vượt. Giáo phận ưa coi thánh Anselmo như người con danh tiếng nhất của mình. Cả sau khi rời Aosta trong thời thanh xuân, thánh nhân vẫn tiếp tục nhớ đến những kỷ niệm tái xuất hiện trong ý thức vào những lúc quan trọng nhất trong cuộc sống. Trong số những kỷ niệm ấy, có hình ảnh rất dịu hiền của mẹ Ngài và phong cảnh núi non hùng vĩ trong vùng với những đỉnh cao vút luôn có tuyết phủ.. Qua hình ảnh này ngài thấy tượng trưng sự cao cả tuyệt đối của Thiên Chúa.. Ngay từ hồi còn bé, thánh nhân đã cho rằng để gặp Thiên Chúa, cần phải leo lên đỉnh núi. Thực vậy, càng ngày ngài càng ý thức rằng Thiên Chúa ở trên cao không thể leo tới được, ở ngoài những đích điểm mà con người có thể tới, xét vì Thiên Chúa ở ngoài những gì con người có thể tưởng nghĩ. Vì thế hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, ít là trên mặt đất này không bao giờ chấm dứt, nhưng sẽ luôn luôn là tư tưởng và khát mong, một tiến trình nghiêm túc của trí tuệ và là một lời khẩn nguyện của con tim”.

ĐTC nhắc đến những năm thánh Anselmo sống tại Đan viện Le Bec ở miền Normandie và khẳng định rằng: ”Dừng lại những năm đời sống đan tu của thánh Anselmo có nghĩa là gặp một tu sĩ trung thành, luôn sống với Thiên Chúa và trong các khoa thiên quốc đến độ đạt tới đỉnh cao của khoa học về Thiên Chúa, đi sâu vào trong đó và có thể giải thích những vấn đề thâm sâu nhất, trên hết là thiên tính của Thiên Chúa và đức tin của chúng ta, cảm nghiệm với những lý lẽ rõ ràng những gì thuộc về đạo lý chắc chắn của Công Giáo” (Vita Sancti Anselmi, I, 7)...

”Khi làm Bề trên và Viện Phụ Đan viện Le Bec, ngài nổi bật về đoàn sủng làm thầy dậy về đời sống thiêng liêng, biết và trình bày một cách khôn ngoan những con đường trọn lành đan tu. Đồng thời người ta cũng bị thu hút vì thiên tài giáo dục của thánh nhân, được biểu lộ qua phương pháp phân định (Ep 61), và đây cũng là một đường lối riêng của ngài trong suốt cuộc sống, một phương pháp bao gồm lòng từ bi và cương quyết. Sau cùng, là khả năng đặc biệt của ngài trong việc huấn luyện các môn đệ về kinh nghiệm cầu nguyện đích thực: các bài nguyện gẫm hoặc suy niệm của ngài rất được ưu chuộng và được sử dụng rộng rãi, đã góp phần giúp bao nhiêu người trong thời đại của thánh nhân trở thành những tâm hồn cầu nguyện. Người ta nói rằng ta tìm được thánh Anselmo chân thực nhất tại Le Bec, nơi ngài sống 33 năm trời, và cũng là nơi ngài bị bệnh nặng. Nhờ sự trưởng thành thủ đắc được trong một môi trường suy tư và cầu nguyện như thế, ngài có thể tuyên bố giữa những phiền muộn sau này khi làm GM rằng: ”Tôi không giữ trong tâm hồn một oán hận nào đối với một ai” (Ep 321). Sự tưởng nhớ đan viện luôn tháp tùng thánh nhân trong suốt cuộc đời. Ngài thú nhận như vậy khi buộc lòng phải rời bỏ đan viện để nhận sứ vụ Giám Mục mà ngài cảm thấy mình không thích hợp”.

Cha Anselmo được bổ nhiệm làm TGM Canterbury và thế là hành trình sầu khổ hơn của thánh nhân bắt đầu, và người ta cũng thấy rõ ràng tình yêu của ngài đối với chân lý (Ep 327), sự ngay chính của thánh nhân, lòng trung thành nhiệm nhặt của ngài đối với lương tâm, ”tự do giám mục” của ngài (Ep 206), sự liêm chính thành nhân như GM (Ep 314), hoạt động của thánh nhân trong việc giải thoát Giáo Hội khỏi những ảnh hưởng và áp lực trần thế và những tính toán nô lệ không thể dung hợp với bản chất thiêng liêng của Giáo Hội. Những lời ngài nói với vua Henry thật là gương mẫu: ”Tôi trả lời rằng trong khi chịu phép rửa tội cũng như trong khi chịu chức, tôi không hề hứa tuân giữ luật hoặc tập tục của thân phụ nhà vua hay của TGM Lanfranco, nhưng là tuân giữ luật của Thiên Chúa và tất cả các mệnh lệnh mà tôi nhận được” (Ep 319).

Đối với Thánh Anselmo, vị Giáo Chủ của Giáo Hội tại Anh quốc, nguyên tắc này luôn có giá trị: ”Tôi là Kitô hữu, tôi là đan sĩ, tôi là giám mục: vì thế tôi muốn trung thành với tất cả mọi người, theo nghĩa vụ của tôi đối với mỗi người” (Ep 314). Trong nhãn giới đó, ngài không do dự quả quyết” ”Tôi chẳng thà không đồng ý với con người còn hơn là đồng ý với họ nhưng lại không đồng ý với Thiên Chúa” (Ep 314). Chính vì thế, thánh nhân cảm thấy sẵn sàng chịu hy sinh tột cùng: ”Tôi không sợ đổ máu đào của tôi; tôi không sợ một vết thương nào trên thân thể tôi và cũng không sợ mất của cải” (Ep 311).

Và ĐTC kết luận rằng:

”Vì tất cả những lý do trên đây, chúng ta hiểu tại sao thánh Anselmo vẫn giữ nguyên tính chất rất thời sự và sự thu hút mạnh mẽ ngày nay và thật là điều rất hữu ích khi đọc lại và tái xuất bản các tác phẩm của Ngài, cũng như tái suy tư về cuộc đời của thánh nhân. Vì thế tôi vui mừng được biết nhân dịp kỷ niệm 900 năm qua đời của thánh Anselmo, giáo phận Aosta đã nổi bật trong việc đề ra một loạt các sáng kiến thích hợp và thông minh, nhất là ấn hành kỹ lưỡng các tác phẩm của thánh Anselmo với ý hướng phổ biến và giới mọi người yêu mến giáo huấn và gương lành của người con thời danh của mình.”

Và qua ĐHY Đặc sứ Giacomo Biffi, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy ngưỡng mộ và quí mến hướng nhìn người đại đồng hương của mình, ánh sáng của thánh nhân tiếp tục chiếu tỏa trong toàn thể Giáo Hội, nhất là lòng yêu mến của thánh Anselmo đối với chân lý đức tin và sự hăng say đào sâu các chân lý này nhờ lý trí. Thực vậy, đức tin và lý trì được liên kết tuyệt vời với nhau nơi thánh Anselmo.”
 
Đức Thánh Cha bắt đầu dùng máy thu âm
G. Trần Đức Anh, OP
06:09 23/07/2009
LES COMBES. Hôm 22-7-2009, Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ĐTC tiếp tục làm quen với hoàn cảnh mới sau tai nạn bị ngã gẫy cổ tay phải và bắt đầu dùng máy thu âm (dictaphone) để đọc những suy tư của ngài.

ĐTC dùng điểm tâm tại nơi nghỉ hè
Cha nói: ”ĐTC khỏe mạnh và vui tính, ngài tiếp tục học cách sống mới một cổ tay bị bó bột. Ngài có một máy thu âm để có thể đọc và thu những suy tư của ngài, vì không thể dùng cây viết. ĐTC cũng có những cuộc điện đàm đều đặn với anh ruột của ngài. Trong vài ngày nữa bào huynh của ngài (Đức Ông Georg Ratzinger - 85 tuổi) sẽ đến Castel Gandolfo và lưu lại đây 4 tuần lễ như hồi năm ngoái.

ĐTC có thói quen thực hiện những cuộc đi dạo ngắn sau bữa trưa và vào cuối buổi chiều. Hôm nay (22-7-2009), ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh đã đáp trực thăng từ Romano Canavese đến gặp ĐTC vào lúc 10 giờ rưỡi, nói chuyện với ĐTC và dùng bữa trưa với ngài. Ban chiều ĐHY trở lại Romano làng quê của ngài và ngài mai sẽ trở về Roma.

ĐHY Bertone đã được Chủ tịch Thượng viện Italia, ông Schifani, mời thuyết trình về thông điệp mới của ĐTC vào ngày 28-7 tới đây.

Ngoài ra chương trình kinh chiều do ĐTC chủ sự tại Nhà thờ chính tòa Aosta lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ sáu 24-7 tới đây đã được xác định. ĐTC sẽ dùng xe tới nhà thờ chính tòa và tại quảng trường vòng cung Augusto ngài sẽ được chính quyền đón tiếp, rồi sẽ đi xe tiếp đến trung tâm thành phố, qua cửa Pretoria để đến Nhà thờ chính tòa.

Tham dự kinh chiều sẽ có khoảng 400 người gồm các LM, tu sĩ nam nữ và, mỗi giáo xứ được cử 2 đại diện, cùng với các đại diện của các văn phòng giáo phận. Kinh chiều sẽ được hát bằng tiếng Ý và Pháp, ĐTC sẽ giảng. Sau kinh chiều, ĐTC sẽ ra trước thềm Nhà Thờ để chào thăm các tín hữu hiện diện. Trên đường về làng Introd, ĐTC sẽ chào thăm các bệnh nhân tại nhà dưỡng lão ở địa phương. (SD 22-7-2009)
 
ĐHY Trần Nhật Quân chỉ trích việc giải thích sai lệnh Bức Thư của ĐTC gửi người Công Giáo Trung Hoa
Nguyễn Hoàng Thương
16:09 23/07/2009
Hồng Kông - Theo Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Giáo phận Hồng Kông, Bức thư Gửi Người Công Giáo Trung Hoa mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết vào năm 2007 đã bị hiểu sai một cách trầm trọng. Điều này làm lợi cho nhà cầm quyền cộng sản, và làm lợi cho kế hoạch khuất phục Giáo Hội của họ. Để hiệu chỉnh vấn đề này, Tòa Thánh đã đưa ra Bản Tóm Lược Bức Thư dưới dạng hỏi đáp được Đức Thánh Cha phê chuẩn hôm 24/5. Hai năm sau khi Bức Thư được công bố, hồi giữa tháng Bảy, Đức Hồng y Giuse đã phát họa những đánh giá về Bức Thư công bố trên website Giáo phận Hồng Kông bằng Hoa ngữ và Anh ngữ.

Việc đánh giá này hòa trộn vào nhau. Bên cạnh các yếu tố tích cực, Đức Hồng y liệt ra những yếu tố tiêu cực. Ngài xác định yếu tố tiêu cực chủ yếu nằm ở chỗ “giải thích sai lạc” ở vài đoạn then chốt trong Bức Thư năm 2007 của Đức Thánh Cha. Việc giải thích sai theo thiển ý của ngài "đã đem lại những hậu quả tai hại trên khắp Giáo Hội ở Trung Hoa".

Dưới đây là bản dịch bức thư của Đức Hồng y Trần Nhật Quân đề ngày 29/06/2009 trên website Giáo phận Hồng Kông

Hai năm kể từ khi chúng ta nhận được bức thư từ Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến trong đại gia đình Giáo Hội Công Giáo chúng ta ở Trung Hoa,

Vào Lễ kính trọng thể Thánh Phêrô và Phaolô năm nay, chúng ta cũng đã cử hành kỷ niệm lần thứ hai Bức Thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô gửi Giáo Hội ở Trung Hoa.

Trong những ngày này, anh chị em đã nhận được Bản Tóm Lược Bức Thư của Đức Thánh Cha từ Tòa Thánh, nó giúp anh chị em dễ hiểu hơn những điều thiết yếu nơi những giáo huấn của Đức Thánh Cha và cũng để xóa tan sự giải thích sai lạc một điểm chính yếu trong Bức Thư.

Cho phép tôi nhấn mạnh một vài điều trong đó.

1. Câu hỏi 7 của Bản Tóm Lược

Trước hết, đối với anh em trong cộng đoàn hầm trú, tôi muốn chỉ ra Câu hỏi số 7 để dẫn chứng là nhiều trích dẫn rút ra từ Bức Thư, nơi Đức Thánh Cha bày tỏ niềm cảm kích và sự động viên của ngài đối với tất cả những người đã chịu đau khổ và đang chịu đau khổ vì đức tin Công Giáo.

Thường chúng ta nghe những than phiền từ những anh em chúng ta trong cộng đoàn hầm trú rằng họ cảm thấy bị bỏ rơi, bị bỏ mặc, thậm chí bị xem là mối gây thiệt hại. Chúng ta hiểu cảm giác này và những cảm xúc này của họ. Tuy nhiên, những trích dẫn phong phú từ Bức Thư của Đức Thánh Cha chứa đựng trong Số 7 của Bản Tóm Lược tái cam kết với họ rằng Đức Thánh Cha ủng hộ họ. Từ tận đáy lòng mình, tôi ước mong động viên những anh em tôi trong cộng đoàn thầm lặng để họ kiên vững lòng trung kiên mà không thỏa hiệp.

2. Chú thích số 2 và số 5 của Bản Tóm Lược

Tôi cũng muốn anh chị em chú ý đến chú thích số 2 và số 5 của Bản Tóm Lược.

Chú thích số 2 mang đến sự phân biệt quan trọng giữa "sự hòa giải tâm hồn của những con tim và sự hợp nhất về cơ cấu vào một một hệ thống". Đức Thánh Cha khuyến khích những người đi trước cần tiếp tục theo đuổi hầu hết những dấn thân và điều này thật cấp bách, trong khi việc thưc thi của những người đi sau nên vượt ra ngoài thiện chí đơn phương của chúng ta.

Chú thích số 5 nói rõ ràng rằng Đức Thánh Cha "không loại trừ khả năng chấp nhận hay tìm kiếm sự công nhận của chính quyền, và cũng không khuyến khích làm như thế". Mỗi một con người có thể hành động trong tự do không bị hạn chế, nhưng rất tiếc là trong nhiều trường hợp, "thực ra là trong hầu hết các trường hợp", không thể thực hiện được điều đó vì những điều kiện áp đặt lên chúng ta vốn không phù hợp với lương tâm Công Giáo của chúng ta. (Đối với cụm từ "indeed almost always - thực ra là trong hầu hết các trường hợp" trong bản dịch Hoa ngữ, vui lòng xem bản văn tiếng Hoa ngữ đã hiệu đính được đưa lên website Tòa Thánh Vatican từ ngày 24/10/2008, khi cụm từ này được thêm vào vì nó đã bị thiếu mất trong bản Hoa ngữ chính thức đầu tiên của Bức Thư).

Thật là đúng đắn khi Đức Thánh Cha để quyền quyết định cuối cùng cho từng giám riêng lẻ liệu có chấp nhận hay có yêu cầu sự công nhận của chính quyền không. Nhưng Đức Thánh Cha cũng nói rằng để đưa ra quyết định này là việc hết sức khó khăn, bởi vì, trong hầu hết các lần, các điều kiện mà chính quyền đưa ra áp đặt thì một quyết định tích cực là không thể xảy ra.

Không có gì gọi là bí mật về điểm nhạy cảm này nơi Bức Thư của Đức Thánh Cha, ngay sau khi được công bố, nó đã nhận được sự giải thích có dụng ý đi xa hơn những gì Đức Thánh Cha đã viết. Việc giải thích cho rằng, theo Đức Thánh Cha, không còn bất cứ lý do nào để duy trì tình trạng thầm lặng và rằng Đức Thánh Cha muốn tất cả các cộng đoàn hầm trú yêu cầu sự công nhận của chính quyền. Giải thích này cũng ủng hộ việc tham gia bừa bãi vào các cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Một quan niệm sai lầm như thế còn bao gồm trong quyết định bỏ qua nhiều bước đáng kể vốn rất cần thiết phải thực hiện và cứ nghĩ rằng người ta có thể tiếp cận mục tiêu ngay lập tức. Chúng ta có thể gọi đó là lỗi lầm của chủ nghĩa lạc quan nóng vội. Con người dễ dàng bị cám dỗ bởi tính lạc quan, do đó giải thích sai lầm này đã được phổ biến hết sức rộng rãi ở Trung Quốc và đã được nhiều người tin tưởng, cứ như là điều này là thiện ý đích thực của Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, vì một giải thích như thế không chỉ không đại diện cho ý định của Đức Thánh Cha, mà còn đi đến chống lại tính xác thực một cách thảm khốc nơi các sự việc được Đức Thánh Cha mô tả trong Bức Thư của ngài, trong hai năm qua việc giải thích này đã gây những hậu quả tai hại trên khắp Giáo Hội tại Trung Hoa.

Thực tại cơ bản là chính quyền vẫn giữ các chính sách không thay đổi về bản chất của mình, một chính sách nhắm đến nô dịch hóa toàn thể Giáo Hội. Đó là lý do tại sao chúng ta phải chứng kiến cảnh tượng đau thương thế này: các giám mục và các linh mục, những người nghĩ rằng họ đang vâng lời Đức Thánh Cha, hết sức nỗ lực để đi đến giao hảo với chính quyền; nhiều người trong họ phải đối mặt với những điều kiện không thể chấp nhận được do chính phủ áp đặt, rút lui, nhưng trong quá trình này hàng giáo sĩ không còn hiệp nhất như trước; những người khác, nghĩ rằng rút lui có thể là không vâng lời thiện ý của Đức Thánh Cha, đã phải cố gắng duy trì tình trạng thỏa hiệp, trong khi phải khó khăn đấu tranh để giữ bình an trong lương tâm họ, một tình trạng mâu thuẫn gây ra đau đớn hết sức không chỉ đối với các giám mục trực tiếp liên quan, mà còn đối với các linh mục không còn có thể hiểu được giám mục của họ.

Chính quyền, về phần mình, đã bộc lộ mình là người nhiệt tình thực hiện thiện ý của Đức Thánh Cha, tự tuyên bố là người cổ võ cho hiệp nhất, hiển nhiên là sự hiệp nhất dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Chính quyền bên trong cơ cấu hết sức chặt chẽ của một Giáo Hội độc lập.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì cuối cùng trong các chú thích số 2 và số 5 của Bản Tóm Lược, Tòa Thánh đã đưa ra giải thích có thẩm quyền về điểm này. Chúng ta hy vọng rằng Bản Tóm Lược có thể có khả năng giải quyết những mâu thuẫn đau đớn trong rất nhiều con tim tín hữu và có khả năng mang đến cho các cộng đoàn thầm lặng tái xây dựng sự hiệp nhất tín hữu của mình trong đau đớn.

Rõ ràng là trên bình diện hòa giải và hiệp thông tâm hồn giữa hai cộng đoàn giáo hội, đã có nhiều thứ được nỗ lực và được thực hiện càng sớm càng tốt, vượt qua mọi tình cảm tiêu cực gây ra bởi hoàn cảnh lịch sử mà chúng ta không mong muốn, nhưng lại áp đặt chúng ta từ bên ngoài.

3. Tự thẩm tra

Trong Bức thư của mình, Đức Thánh Cha đã trình bày bằng ngôn ngữ rõ ràng mang tính tông đồ của Giáo Hội, vốn luôn được dìu dắt bởi các giám mục, những người kế vị các Tông Đồ, trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu các Tông Đồ.

Đức Thánh Cha, bằng tất cả sự thân ái của tình thân phụ, đã đặt bút trình bày hoàn cảnh bất bình thường của Giáo Hội ở Trung Hoa, bị điều khiển và lãnh đạo bởi những thân xác không là Phẩm trật mà Chúa Giêsu Kitô thiết lập.

Những thách đố to lớn cho chúng ta hiện giờ là đưa Giáo Hội trở lại bình thường, là một Giáo Hội Công Giáo đích thực.

Hai năm đã trôi qua, từ khi Đức Thánh Cha viết Bức Thư gửi cho chúng ta. Có phải chúng ta đã tiếp cận được tư tưởng Kitô giáo chân thực được mô tả sinh động trong Bức Thư? Nếu đúng, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta phải suy tư nghiêm túc về lý do tại sao chúng ta đã lãng phí quà tặng quý giá như vậy từ thiên đường. Những gì chúng ta phải suy ngẫm nghiêm túc là chúng ta đã dự phần bản thân mình nhỏ hay lớn trong bổn phận hoàn thành mục tiêu tuyệt vời và gian khổ này. Chúng ta đã bỏ ra hai năm nay như thế nào? Đã bao lần chúng ta tự vấn mình: Tôi phải làm gì để biến ước mơ của Đức Thánh Cha trở thành hiện thực?

Ngày Cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa năm nay, trong khi viếng thăm Đan viện Montecassino, Đức Thánh Cha đã cổ vũ chúng ta "canh tân sự hiệp thông của chúng ta nơi đức tin vào Chúa Kitô và nơi lòng trung tín vào người kế vị Thánh Phêrô". Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng "sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu, tính phổ quát và tính toàn thể của Giáo Hội sẽ luôn được sâu sắc hơn và hiển nhiên hơn nữa". Những anh chị em trong cộng đoàn thầm lặng, có phải họ vẫn tin rằng thật đáng giá để chịu đau khổ vì đức tin và rằng những khổ đau sẽ mang lại chiến thắng mặc dù vào lúc này tất cả mọi thứ dường như là một thất bại? Những anh chị em trong cộng đoàn công khai, có phải họ tin rằng những nỗ lực của họ bước ra khỏi tình trạng khác thường về giáo luật là rất quan trọng và rằng sự gắn kết với tình trạng đang hiệp thông với Đức Thánh Cha của họ đòi hỏi họ phải can đảm?

Tất cả chúng ta đều sống trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Điều này mang lại cho chúng ta những nhiệm vụ cụ thể. Trách nhiệm rất đặc biệt của chúng ta ngày nay trong Giáo Hội ở Trung Hoa là trình bày cho người dân Trung Hoa bản tính thật sự của Giáo Hội Công Giáo, là tổ ấm của mọi dân tộc và mọi quốc gia. Sự hiệp nhất và tính phổ quát của Giáo Hội chào đón tất cả mọi người không phân biệt ai và do đó cũng không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực dân sự cụ thể nào.

Giáo Hội, nơi chăm sóc cho hạnh phúc của chúng ta trên địa cầu, cũng mang đến cho chúng ta mục tiêu đời đời: về nhà chúng ta trong vòng tay ôm ấp của Cha trên trời. Di sản phong phú thuộc về chúng ta đã đạt được qua sự đau khổ và cái chết của Đấng Cứu Độ chúng ta và đã được trao phó cho các Tông Đồ, vì thế nó đã được truyền một cách trung thực qua bao thế hệ. Của cải to lớn nhất của chúng ta là được kêu gọi gia nhập vào gia đình to lớn nhất này và trách nhiệm cao quý của chúng ta hiện nay là sống đức tin chúng ta bằng sự gắn kết và truyền đức tin vẹn toàn đó cho các thế hệ tương lai.

Có những người muốn tạo ra sự đối kháng giữa lòng trung tín với Giáo Hội và lòng yêu tổ quốc đối với đất nước chúng ta. Anh chị em biết rằng đây là một lối ngụy biện. Tất cả chúng ta đều biết rằng, bằng cách trung thành hoàn toàn với Giáo Hội chúng ta, chúng ta đang thực sự yêu nước, bởi vì xây dựng một Giáo Hội Công Giáo đích thực tại Trung Hoa là sự đóng góp cụ thể của chúng ta đối với Tổ Quốc to lớn của chúng ta.

Chúng ta phải cầu nguyện để các nhà lãnh đạo đất nước hiểu rằng một Giáo Hội Công Giáo tự do thì không phải là mối đe dọa cho đất nước. Trái lại, nếu chúng ta được phép vui sống đức tin, thì chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn cho phúc lợi và sự tiến bộ chung của người dân chúng ta.

Anh chị em thân mến, hãy ngước mắt nhìn lên, nhìn lên “rặng núi từ nơi ơn phù trợ tôi đến" (TV 121). Trong cuộc hành trình đức tin này, chúng ta được đoan hứa cả nỗi khổ cực và niềm ủi an. Bầu bạn và mẫu gương của chúng ta là Các Thánh và nhất là Các Thánh Tử Đạo hiển vinh.

Đức Maria, Mẹ Phù Hộ các Kitô hữu, mẹ tuyệt trần của chúng ta và Ngôi Sao của Hy Vọng, Đấng mà Đức Thánh Cha đã phó thác Giáo Hội chúng ta, sẽ dẫn dắt chúng ta đến chiến thắng an bình.

Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Ngày 29 tháng Sáu năm 2009

Để hiểu rõ hơn những điều Đức Hồng y Giuse đã đánh giá trong bức thư của ngài, dưới đây là bản dịch chú thích số 2, số 5 và câu hỏi số 7 trong Bản Tóm Lược Bức Thư Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi người Công Giáo Trung Hoa được ngài phê chuẩn hôm 24/05/2009:

Chú thích số 2

Chúng ta có thể thấy rằng Đức Thánh Cha nói về sự hòa giải tâm hồn, vốn có thể và phải thực hiện bây giờ, thậm chí trước khi sự hợp nhất về cơ cấu nơi các cộng đoàn Công Giáo chính thức và không chính thức được thực hiện. Thực sự của vấn đề, dường như Đức Thánh Cha đưa ra sự phân biệt giữa “sự hòa giải tâm hồn” và “sự hợp nhất về cơ cấu”. Ngài thừa nhận rằng hoà giải giống như một cuộc hành trình “không thể hoàn thành một sớm một chiều” (6.6). Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng các bước phải được thực hiện là cần thiết và cấp bách, vì thế không được trì hoãn – hoặc viện cớ - vì chúng khó khăn bởi vì đòi hỏi họ phải vượt thắng những lập trường và quan điểm cá nhân. Thời điểm và cách thức có thể khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương, nhưng sự dấn thân để hòa giải không thể bị bỏ rơi. Hơn thế nữa, đường hướng của sự hòa giải này không thể bị giới hạn chỉ trong lĩnh vực thiên liêng của cầu nguyện riêng tư mà còn phải được diễn tả bằng những bước thực hiện phù hợp với sự hiệp thông giáo hội (trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những chương trình mục vụ, những sáng kiến chung…). Cuối cùng, đừng quên rằng tất cả mọi người đều được mời gọi tham gia vào những bước này, không loại trừ một ai: giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Các bước thực hiện này mang ý nghĩa hòa giải tâm hồn, gồm cả hòa giải hữu hình, sẽ được thực hiện dần dần, một ngày nào đó sẽ đạt đến đỉnh điểm là hiệp nhất cơ cấu của mỗi cộng đoàn giáo phận quanh một Giám Mục giáo phận đó và của mọi cộng đoàn giáo phận với nhau và với Giáo Hội hoàn vũ. Trong bối cảnh này, thật là đúng luật và thích hợp để khuyến khích giáo sĩ và giáo dân đưa ra cử chỉ tha thứ và hòa giải theo chỉ dẫn này.

Chú thích số 5

Liên quan đến sự công nhận của nhà cầm quyền dân sự - cần cho hoạt động công khai – Đức Thánh Cha tái khẳng định một số nguyên tắc cơ bản: “Hoàn cảnh thầm lặng không phải là đặc điểm bình thường của đời sống Giáo Hội, và lịch sử cho thấy các vị Mục Tử và tín hữu chỉ chọn cách này trong lúc gian nan, với khao khát duy trì tính toàn vẹn của đức tin và để chống lại sự can thiệp của các cơ quan Nhà Nước trong các vấn đề có liên quan mật thiết đến đời sống Giáo Hội (8.10); Sự công nhận của chính quyền có thể được chấp nhận “miễn là điều đó không gắn liền với việc phủ nhận các nguyên tắc không thể đảo ngược của đức tin và sự sự hiệp thông giáo hội” (7.8): tuy nhiên, “trong hầu hết các trường hợp” những người có liên quan bị buộc phải “đưa ra những thái độ, phải làm những cử chỉ và thực hiện những cam kết những điều trái ngược với tiếng gọi lương tâm Công Giáo của họ” (7.8); Tòa Thánh để quyền quyết định cho cá nhân từng Giám Mục, người có thể tham khảo linh mục đoàn của ngài, có khả năng biết rõ hơn hoàn cảnh địa phương và cân nhắc những hệ quả. Vì thế, Đức Thánh Cha không ngăn chặn khả năng chấp nhận hay tìm kiếm sự công nhận của chính quyền cũng không khuyến khích làm việc đó: quan niệm sẽ bị bỏ rơi trong hoàn cảnh thầm lặng nhưng mọi thứ phụ thuộc vào những miễn cưỡng bị áp đặt. Nên thận trọng và phán quyết cuối cùng thuộc về Giám Mục địa phương, là người sau khi tham khảo linh mục đoàn (7.8). Đương nhiên, Giám Mục nên luôn hỏi ý kiến Tòa Thánh, để tìm sự trợ giúp khi gặp khó khăn trong công việc đánh giá hoàn cảnh địa phương và nhận thức rõ chiều hướng tốt nhất trong hành động, nhưng, cuối cùng, quyết định thuộc về ngài. Đó cũng là cơ hội nhắc nhở rằng hoàn cảnh hoàn toàn không giống nhau giữa vùng này và vùng khác, giữa giáo phận này và giáo phận khác (ví dụ, liên quan đến mức độ tự do hoạt động của Giáo Hội), và rằng ngay cả khi các điều kiện "khách quan" đã được đáp ứng (ví dụ, tính hợp pháp của vị Giám Mục), thì sự chín chắn và lương tâm của từng cá nhân người Công Giáo phải luôn luôn được tôn trọng.

Câu hỏi số 7: Đối với những người Công Giáo chịu đau khổ vì đức tin ở Trung Hoa, Đức Thánh Cha đề cập những gì?

Đức Thánh Cha hết sức cảm kích sự làm chứng của họ. Sự cảm kích của Ngài xuyên suốt toàn bộ Bức Thư ở những đoạn dưới đây:

“Do đó, tôi ao ước được chuyển đến tất cả anh chị em một biểu lộ tình huynh đệ gần gũi của tôi. Với niềm vui mãnh liệt, tôi nhìn nhận sự trung tín của anh chị em đối với Chúa Kitô và với Giáo Hội, một sự trung tín đã được anh chị em thể hiện “đôi khi với một giá đau khổ lớn lao” 1 vì “nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1:29)” (2.1)

“Lời Chúa lần nữa giúp chúng ta khám phá ý nghĩa huyền nhiệm và sâu xa về con đường của Giáo Hội trong thế giới. Thật vậy, “chủ thể của một trong những thị kiến quan trọng trong Sách Khải Huyền là Chiên Con trong hành động mở cuốn sách được đóng bẩy ấn niêm phong mà trước đó không ai mở được. Thánh Gioan đã cho thấy là ngài rơi lệ vì không ai xứng đáng mở được hay đọc được cuốn sách ấy (x Kh 5:4). Lịch sử vẫn y nguyên không giải mã được, không thể hiểu được. Không ai đọc được nó. Có lẽ, Thánh Gioan đã rơi lệ trước mầu nhiệm của một lịch sử quá u minh thể hiện nơi sự thất vọng của các Giáo Hội tại Á Châu trước sự yên lặng của Thiên Chúa khi phải đối diện với những bách hại xảy ra cho họ. Đó là một sự thất vọng có thể phản ánh rõ ràng nỗi tuyệt vọng của chúng ta trước những khó khăn nghiệm trọng, trước những hiểu lầm và sự thù địch mà Giáo Hội phải gánh chịu trong nhiều miền khác nhau trên thế giới. Đó là những thử thách mà Giáo Hội không đáng phải gánh chịu, cũng như Chúa Giêsu không đáng bị hành hạ. Tuy nhiên, chúng thể hiện cả sự tàn ác của con người, khi nó từ bỏ chính mình để chiều theo sự dữ; cũng như trật tự siêu việt của các biến cố nơi Thiên Chúa” (3.6).

“Trong tư cách Mục Tử toàn thể Hội Thánh, tôi muốn thể hiện lòng biết ơn chân thành với Thiên Chúa vì chứng tá được cảm nhận sâu xa về lòng trung tín do cộng đoàn Công Giáo tại Trung Hoa đưa ra trong những tình huống thật khó khăn. Đồng thời, tôi cảm nhận được nhu cầu cấp bách, như nghĩa vụ sâu xa và đòi buộc và như một thể hiện của tình phụ tử, cần xác nhận đức tin của người Công Giáo Trung Hoa và trợ giúp sự hiệp nhất trong họ bằng những phương thế thích hợp với Giáo Hội”. (4.1)

“Hơn thế nữa, anh chị em hãy nhớ rằng con đường hòa giải của anh chị em được nâng đỡ bởi những gương sáng và lời cầu nguyện của đông đảo các “chứng nhân đức tin”, những người đã đau khổ và đã thứ tha, đang dâng hiến cuộc đời mình cho tương lai của Giáo Hội tại Trung Hoa. Chính sự hiện diện này của họ tiêu biểu cho một ơn phúc trường tồn dành cho anh chị em trước Thiên Chúa Cha, và ký ức về họ không ngừng nảy sinh hoa trái dư dật”. (6.7)

“Nhiều thành viên của Hội Đồng Giám Mục Trung Hoa, những người đã hướng dẫn Giáo Hội trong những thập niên qua, đã và sẽ còn tiếp tục đưa ra một sự chứng tá sáng ngời cho các cộng đoàn của mình và cho Giáo Hội Hoàn Vũ. Một lần nữa, hãy để cho bài tụng ca tạ ơn chân thành được vang lên đến “Vị Mục Tử Tối Cao” của đàn chiên (Pr 5:4): thật vậy, chúng ta không được quên rằng nhiều vị Giám Mục đã phải chịu bách hại, đã bị cấm thi hành sứ vụ mục tử, và một số trong các vị này đã làm cho Giáo Hội thêm nhiều hoa trái bằng việc đổ máu mình”. (8.5)

“Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa vì sự hiện diện thường xuyên, không phải không có đau khổ, của các Giám Mục, những người được tấn phong theo đúng với truyền thống Công Giáo, nghĩa là, trong tình hiệp thông với Giám Mục Rôma, Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và dưới sự đặt tay của các vị Giám Mục được tấn phong hợp lệ và thành sự theo đúng với nghi thức của Giáo Hội Công Giáo”. (8.9)

“Vào những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử cận đại của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, các tín hữu, cả trong tư cách cá nhân và gia đình, cũng như trong tư cách là thành viên của các phong trào tu đức và tông đồ, đã chứng tỏ lòng trung tín hoàn toàn đối với Tin Mừng, ngay cả khi chính mình phải trả giá cho sự trung thành với Thiên Chúa. Anh chị em tín hữu thân mến, hôm nay cũng vậy, anh chị em cũng được mời gọi để thể hiện Tin Mừng trong cuộc sống của anh chị em và để làm chứng cho Tin Mừng qua sự phục vụ quảng đại và hiệu quả cho lợi ích của dân tộc và sự phát triển của đất nước: và anh chị em sẽ hoàn thành sứ mệnh này bằng cách sống như những công dân trung thực, và hoạt động như những cộng tác viên tích cực và có trách nhiệm trong việc truyền bá lời Chúa đến những người xung quanh anh chị em, ở nông thôn cũng như tại thành thị. Anh chị em, những người đã từng là những chứng nhân can đảm của đức tin trong thời gian gần đây, hãy duy trì niềm hy vọng của Giáo Hội cho tương lai! Điều đó đòi hỏi anh chị em một sự tham dự tích cực hơn bao giờ vào mọi lĩnh vực của đời sống Giáo Hội, trong niềm hiệp thông với các vị Mục Tử của mình”. (15.1)

“Để kết thúc lá thư này, tôi cầu nguyện xin cho anh chị em, những Mục Tử của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, các linh mục, những người sống đời tận hiến và anh chị em giáo dân yêu dấu, được “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1 Pr 1:6-7)” (20.1)

Chú thích người dịch:Riêng nội dung Câu hỏi số 7 trên đây được rút ra từ bản dịch Lá Thư của Đức Thánh Cha gởi người Công Giáo Trung Hoa của VietCatholic Network (Lm Trần Công Nghị, Đặng Minh An, Tường Huy, Phạm Hoàng Nghị, Anthony Lê, Thụy Nguyên) ngày 05/07/2007 (http://vietcatholic.org/News/Html/45362.htm)
 
Top Stories
Vietnam failing rights standard
Maran Turner
17:32 23/07/2009
WASHINGTON - There is much to celebrate in Vietnam these days, with substantial economic progress, reductions in poverty and deepening trade relationships all over the world, including with Hanoi's former battlefield adversary the United States. Indeed, Vietnam is still on an economic fast track, despite the global economic downturn and is quickly narrowing the gap with its richer Southeast Asian neighbors in attracting foreign direct investment.

While these efforts are impressive, Vietnam is not progressing on all fronts. Despite implementing wide-reaching economic reforms, Vietnam is still a monolithic one-party state and the country's citizens are often denied basic civil liberties, including freedom of expression, religion and association. One of the more prominent cases involves Father Nguyen Van Ly, a Roman Catholic priest who was imprisoned two years ago for allegedly disseminating material that was critical of the government's limitations on religious and political freedom.

Then the communist party-led government proudly televised Father Ly's four-hour trial, even though the proceedings clearly showed that the priest was denied the right to a lawyer and legal defense. The photograph of a security officer firmly covering Father Ly's mouth with two hands during the trial emerged on the Internet as an iconic image of Vietnam's ongoing repression.

Less than four months before Father Ly was arrested in February 2007, the US State Department lifted its designation of Vietnam as a "Country of Particular Concern" (CPC) - a diplomatic label reserved for countries where governments commit ongoing and egregious violations of religious freedom.

The conciliatory shift, made during the George W Bush administration, came as the US and Vietnam negotiated improved trade and investment ties. Now there are many voices in Washington calling for Vietnam to be redesignated as a CPC and several of them point to the case of the 63-year-old Father Ly, who is now in solitary confinement serving an eight-year sentence for his pro-democracy activism, as just cause for a US policy shift.

Father Ly is well known in the international community as an inspirational leader among those struggling for human rights in Vietnam. For his efforts, he has spent a combined 16 years in prison. His prior detention came after he provided written testimony to the US Commission on International Religious Freedom about the lack of religious freedom in Vietnam.

Under pressure from US policymakers and after Vietnam was designated a CPC, Father Ly served only four years of that previous 15-year sentence. But sadly his freedom was only short-lived and his ongoing detention now is complicating what have been warming diplomatic ties with Washington.

Just before the US's July 4 Independence Day celebrations, 37 US senators made a special request to Vietnamese President Nguyen Minh Triet to uphold his government's obligations under domestic and international law and to immediately release Father Ly.

Hanoi's response has been cautionary, saying through the state media that the bilateral relationship would suffer if US policymakers continued to meddle in Vietnam's internal affairs and listened to "flawed reports" from "biased sources".

Yet the US senators pointed to what they characterized as "serious flaws" in Father Ly's trial, flaws that flouted both Vietnam's constitution and just as importantly the International Covenant on Civil and Political Rights, a multilateral treaty to which Vietnam and the United States are both party and gives each the right to expect adherence from the other.

The letter, an initiative organized by the political prisoner advocacy group Freedom Now and Senators Sam Brownback and Barbara Boxer, also requested information about Ly's health and welfare. The US Senate's letter came hot on the heels of the US House of Representatives adoption of a new resolution calling for the State Department to re-designate Vietnam as a CPC, as recommended by the US Commission on International Religious Freedom.

If Vietnam was judged by the US State Department to warrant a new designation, it could damage significantly US-Vietnam trade relations. Re-entering the ranks of US-designated CPCs would require President Barack Obama to take certain economic measures, which could be limited to curbs on financial assistance and loans but could also include limits on trade and contracts with the Vietnamese government.

Despite mounting Congressional calls for Vietnam's redesignation, Secretary of State Hillary Clinton, now in the region to participate in an Association of Southeast Asian Nations meeting where her Vietnamese counterpart will be in attendance, has so far demurred by arguing that there is not sufficient evidence of specific religious persecution to warrant a new CPC designation.

Meanwhile, Vietnam has stepped up its harassment, albeit recently of non-religious activists, including the arrest last month of prominent human-rights lawyer Le Cong Dinh, who was arrested for "distributing propaganda against the state". According to Reporters Sans Frontiers (RSF), pro-democracy blogger Nguyen Tien Trung, one of the leaders of the Association of Young Vietnamese for Democracy, was arrested on July 7. RSF estimates 11 journalists and bloggers are now under detention in Vietnam.

The harshness with which the Vietnamese government continues to squash dissent may surprise those who have been distracted by the country's recent economic progress. Gross domestic product (GDP) has grown by more than 6% each year for the past five years, driven partially by the country's accession to the World Trade Organization (WTO) in January 2007. That's allowed for deepened commercial ties with the US: since Washington lifted its trade embargo in 1994, bilateral trade has increased on average by 35% per year. Last year bilateral trade was worth US$15.7 billion.

It has been argued by proponents of enhanced US-Vietnam ties that enhanced trade relations and economic progress would bring a commensurate improvement in human rights, civil liberties and religious freedoms. Two years since Vietnem joined the WTO and nearly three years after it ceased to be designated by the US as a CPC, that progress clearly has not been forthcoming. Rather, there is growing evidence that Vietnam is backsliding on its stated commitments to uphold and respect basic human rights.

The US and Vietnam have engaged in official human-rights dialogue since 2007, though without a formal structure or measurable benchmarks for progress, and so far without concrete results.

Washington has throughout contended that it has stood firm on human-rights promotion in Vietnam, even if the volume of that call has diminished as trade and investment has increased. A re-designation of Vietnam as a CPC - if the government does indeed meet the threshold for committing severe human-rights violations - may bring new urgency to the stalled dialogue.

Maran Turner is executive director of Freedom Now and serves as pro bono counsel to Father Nguyen Van Ly of Vietnam.
 
Vietnam government’s policy to nurture anti-American Hatred
J.B. An Dang
18:02 23/07/2009
Eleven Catholics who had been arrested and jailed since Monday were released. But, 7 are still in police custody. Also police threaten to take legal actions against their victims charging them with violating state policies on Americans’ War Crimes Memorial Sites.

“Police had arrested and jailed 18 Catholics of Tam Toa parish and neighboring parishes,” said Fr. Anthony Pham Dinh Phung in a statement signed on the evening of July, 22, two days after a violent police raid on the site of Tam Toa church that was confiscated by the Communist government since 1996.

According to the office of the diocese of Vinh, as of 23rd of July, Catholic activists who were reportedly wounded seriously were still in police's custody. The Secretary of the Bishopric also warned of an effort of police to initiate legal actions against their victims. In fact, those who were released had been forced to sign a statement admitting guilty, the statement said.

“Police charged our brothers and sisters of participating in ‘counter-revolutionary’ crimes, violating state policies on Americans’ War Crimes Memorial Sites, and helping the Americans to destroy evidences of their crimes,” said Ms. Thu Thuy in an interview with Free Asia Radio on July 22.

In his response, the Vice-Chairwoman of the Parish Council was determined to set the record straight: “We have nothing to deal with politics. We only know this is our church where we should be able to come for worshiping God”, she went on, pleading local authorities not to criminalizing the legitimate right of her parish to keep using the church for worshiping.

During the Vietnam War, Tam Toa church was hit by American bombing, but the facade and the bell tower are still standing. Once the bombings were over, the parishioners were so impoverished that they could not afford restoring their church. However, religious ceremonies had regularly been held on its land until 1996, when the People's Committee of Quang Binh province confiscated it. On March 26, 1997, the Committee issued a decree ruling that the church would become “a memorial site” to be “preserved and protected for future generations to remember the war crimes of the Americans ".

Within the area of 155.54 square meters of Dong Hoi city, there is only one church at Tam Toa. Facing the growing spiritual need of local faithful, Bishop Paul Maria Cao Dinh Thuyen had repeatedly asked in vain for the restitution of the church. On 2 February this year, despite the threats of the authorities, the bishop and 14 priests went to Tam Toa and celebrated Mass there, attended by thousands of Catholics.

Sister Marie Tan of the Cross Lovers Congregation of Huong Phuong in Quang Binh province disclosed that for years faithful in the area had to brave cold rain, hot sun, and biting wind to celebrate outdoor Masses. Therefore, she said “We really need a decent place for worshipping but police considered us as anti-revolutionary people.”

Police in Vietnam have granted with almost un-limited powers to extinguish any counter-revolutionary activities by all means and resources. In most of the cases, brutal violence has been employed.

“It was almost unbearable to see they beat our old people to bleeding,” added Sister Marie. She herself was beaten brutally and was taken away to be thrown into police van but the crowd managed to rescue her.

Since Washington lifted its trade embargo in 1994, bilateral trade between Vietnam and the United States of America has increased steadily on average by 35% per year. Last year bilateral trade was worth US $15.7 billion. US investment in Vietnam has amounted to US $8 billion last year. Also, most children of the communist leaders including those of the Prime Minister have come more and more to USA to study at prestige universities. Despite all these and conciliatory visits made by Bill Clinton and George W Bush administration, the incident at the bombed church of Tam Toa highlights the fact that Vietnam communist party-led government still firmly continues to follow a national policy from the Cold War era to nurture anti-Americanism among Vietnamese people.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phiên tòa xứ 15 giáo dân Phú Túc - Túc Trưng vào ngày 24.7.2009
Thiên Bình
05:55 23/07/2009
ĐỊNH QUÁN - Phiên tòa Phú Túc ngày 24/07: Các nạn nhân vẫn còn may mắn, chưa bị quy kết tội chống phá nhà nước XHCN

CSGT tên Giang, bà Huệ (đội mũ vành) và anh Lâm bị CSGT đánh.
Mấy hôm nay dân chúng Định Quán, Đồng Nai đang xôn xao, bàn tán về phiên tòa sắp được chính quyền “tổ chức” tại Trung tâm văn hóa xã Túc Trưng. Điều làm nhiều người bức xúc là trong phiên tòa sắp tới, người bị hại và người làm chứng lại trở thành bị cáo, còn kẻ gây tội ác lại trở thành nhân chứng.

Vụ việc xảy ra vào ngày 01/3/2009 tại xã Đồng Xoài, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Một anh thanh niên tên là Trần Ngọc Lâm đã bị cảnh sát giao thông đánh dã man. Những người qua đường bất bình trước hành động ngông cuồng của cảnh sát giao thông, nên đã đề nghị lập biên bản. Nhưng đám cảnh sát giao thông cố ý kéo dài thời gian, gọi đồng nghiệp và cánh công an chìm đến hậu thuẫn cho nhau, và quay phim chụp hình những người dân bất bình phản đối hành động đê tiện của họ. Vụ việc tưởng chỉ có vậy là kết thúc, nhưng ngay ngày hôm sau, chính quyền huyện Định Quán đã lần lượt tiến hành bắt tạm giam 15 người dân về tội mà chính quyền cho là gây rối trật tự công cộng.

Trong số 15 người dân bị bắt giữ, có bà Đặng Thị Huệ sinh năm 1960. Bà là người bán bánh mì gần ngay chỗ xảy ra vụ công an đánh đập người thanh niên. Bà là nhân chứng, chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối. Bà đã lên tiếng tố cáo hành động côn đồ của cảnh sát giao thông Nguyễn Trường Giang. Tuy nhiên, vì hành động can đảm đó mà bà đã bị bắt giữ một ngày sau khi xảy ra vụ việc. Từ tư cách là một nhân chứng, bà đã bị gán ghép, chụp mũ tội gây rối trật tự công cộng. Trong những ngày bị giam giữ, bà đã bị ép cung và bị buộc ký vào biên bản nhận tội.

Ngoài bà Đặng Thị Huệ, 14 người khác kịch liệt phản đối hành động côn đồ của công an cũng bị bắt giữ và cũng bị chụp mũ tội gây rối trật tự công cộng. Tất cả 15 người dân ngay thẳng, vô tội này sẽ bị chính quyền nhà nước XHCNVN đưa ra xét xử lưu động tại Trung tâm văn hóa xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vào sáng ngày mai 8 giờ, 24/07/09. Khi nhắc đến vụ việc này, nhiều người dân Định Quán ngao ngán thốt lên: 15 người dân vô tội của chúng tôi kể ra vẫn còn may mắn, vì mới chỉ bị gán ghép tội gây rối trật tự công cộng, mà chưa bị quy cho tội làm ảnh hưởng hoặc chống phá nhà nước XHCNVN.
 
Giáo xứ Hàm Long - Hà Nội hiệp thông cùng giáo dân Tam Tòa
GX Hàm Long
06:00 23/07/2009
Tổng Giáo Phận Hà Nội
Giáo xứ thánh Antôn Hàm Long

21- Hàm Long-TP Hà Nội


Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2009

THƯ HIỆP THÔNG

Kính gửi: Đức cha Phaolo Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh
Đồng Kính gửi: Quý linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo hạt Troóc, Quảng Bình
Cha Lê Thanh Hồng và các tu sĩ, giáo dân giáo xứ Tam Tòa

Kính thưa Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và giáo dân

Qua cha Phêro Lê Thanh Hồng, chính xứ Tam Tòa, qua quý cha trong giáo hạt, qua thông báo khẩn cấp của văn phòng Tòa Giám Mục Vinh, cũng như thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến xảy ra tại giáo xứ Tam Tòa trong những ngày vừa qua trên các phương tiện truyền thông, internet…Giáo xứ Hàm Long chúng con được biết các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân giáo xứ Tam Tòa đã bị chính quyền tỉnh Quảng Bình đàn áp dã man vào sáng ngày 20/7/2009, khi đang dựng mái che trong thánh đường giáo xứ Tam Tòa đã bị đổ nát. Và hiện nay đang bị công an trấn áp, bắt giữ,tra tấn bất công, ép cung nói sai sự thật cùng ép làm những điều trái luật pháp và trái lương tâm.

Trong tinh thần hiệp thông của Hội Thánh Mẹ chúng ta. Chúng con, các linh mục, tu sĩ và giáo dân xứ Hàm Long thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội tuyên bố:

  • Cực lực phản đối và lên án hành vi sử dụng bạo lực của chính quyền tỉnh Quảng Bình đã gây hấn rồi trấn áp các linh mục, tu sĩ và giáo dân tại nhà thờ Tam Tòa
  • Ủng hộ giáo xứ Tam Tòa và giáo phận Vinh trong việc bảo vệ và sử dụng chính đáng và hợp pháp nhà thờ, các cơ sở vật chất và đất đai thuộc khu vực nhà thờ Tam Tòa.
  • Yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Bình tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền tự do tôn giáo bằng cách tôn trọng hành vi tín ngưỡng, trả lại quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp nhà thờ Tam Tòa, các cơ sở vật chất, phần đất thuộc khuôn viên nhà thờ Tam Tòa cho giáo phận vinh và cụ thể là cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo xứ Tam Tòa.
  • Yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Bình trả tự do lập tức và vô điều kiện cho các giáo dân đã bị Công án bắt giữ bất công trái pháp luật, khi họ đang bày tỏ quyền tự do tín ngưỡng của mình tại nhà thờ Tam Tòa.
  • Yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Bình công bố danh tính đầy đủ những giáo dân đã bị công an bắt giữ, bảo đảm tính mạng, chữa trị thương tích, và bồi thường cho các nạn nhân này.
  • Yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền sinh hoạt tôn giáo hợp pháp của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Tam Tòa trên địa bàn giáo xứ Tam Tòa.
  • Giáo xứ Hàm Long tại Thủ Đô Hà Nội, sẽ hiệp thông thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình các nạn nhân bị bạo lực của công an tấn công và bắt giữ trong ngày 20/7/2009.

Kính thưa Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý anh chị em giáo dân.

Ý thức được tình hiệp thông trong Hội Thánh, tình liên đới truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và lương tâm nhân loại. Chúng con xin hiệp thông cầu nguyện và kêu gọi mọi người thành tâm thiện trí lên tiếng hành động cho công lý và sự thật được thực hiện trên quê hương đất nước, nhất là trên phần đất của giáo phận Vinh, giáo xứ Tam Tòa đang bị cường quyền đàn áp bất công.

Nguyện xin Chúa Cứu Thế, qua lời chuyển cầu của Mẹ La Vang, thánh Anton- Padua ban cho Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân, đặc biệt là cha xứ và anh chị em giáo dân xứ Tam Tòa được tràn đầy ơn Chúa, noi gương các thánh tử đạo Việt nam đứng vững trước thử thách đau thương, cùng vác thập giá với Chúa Giêsu để được chia sẻ vinh quang phục sinh với Ngài.

Hiệp thông trong kinh nguyện và hành động.

Các linh mục, tu sĩ, Giáo dân Giáo xứ Hàm Long,
TGP Hà Nội
 
Hình ảnh Dân oan biểu tình ở Saigòn đòi quyền sống và kêu oan vì bị cướp đất
Dương Hùng
08:44 23/07/2009
SAIGÒN - Ngày 20.7.2009 vừa qua, tại địa điểm số 210 đường Võ thị Sáu, Saigòn, dân oan từ các tỉnh Đồng Nai và các các tỉnh Miền Tây đã kéo về đây để cùng lên tiếng đòi quyền sống và đòi lại đất đai đã bị CSVN cướp đi. Cảnh sát và công an đã bao vây cô lập họ. Nhưng những dân oan này cương quyết nói lên nỗi oan ức của mình. Sau đây là hình ảnh mà chúng tôi nhận được từ một độc giả ở Saigòn gửi tới.







 
Lời chia sẻ với Giáo xứ Tam Tòa
Luật sư Lê Trần Luật
08:51 23/07/2009
Kính thưa Quý Linh mục và Cộng đoàn Giáo dân Tam Tòa

Mấy ngày qua, tin tức Giáo xứ Tam Tòa đã được truyền đi và liên tục cập nhật. Tin tức càng nhiều, sự thật càng được phơi bày, dân chúng càng bức xúc, phẫn nộ. Rất nhiều nhà thờ đã hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa. Dõi theo những tin tức ấy, lòng con cảm thấy xót xa cho quê hương mình.

Thưa Quý Linh mục, thưa Cộng đoàn Giáo dân Tam Tòa!

Từ sự trải nghiệm của bản thân, con luôn tin rằng: con, gia đình và cộng sự vẫn bình an cho đến bây giờ là nhờ ơn cưu mang của Chúa, nhờ sự đùm bọc, che chở và cầu nguyện của các Linh mục và rất nhiều Giáo dân. Trong sự tri ân đó, lòng con thôi thúc phải làm sao để chia sẻ “hoạn nạn” với Giáo xứ Tam Tòa. Con đã cầu nguyện! Vâng, con đã cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa “tai qua nạn khỏi”. Nhưng con vẫn thấy chưa đủ vì con đã mang ơn Thiên Chúa quá nhiều!

Thưa Quý cha và Giáo dân Tam Tòa!

Những ngày Thái Hà gặp “hoạn nạn”, rất nhiều nơi đã “kéo về” chia sẻ. Con chắc rằng trong đó có những Giáo dân Tam Tòa. Mặc cho đường xá xa xôi, nhiều sự cấm đoán và ngăn cản, các vị vẫn đến để được sống trong tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa!

Rồi những ngày bản thân con và cộng sự gặn hoạn nạn, hàng ngàn ngọn nến đã thắp lên để cầu nguyện cho con được bình an! Con cũng chắc rằng trong đó có những Giáo dân Tam Tòa!

Thưa Quý cha và Giáo dân Tam Tòa!

Trong những ngày “khó khăn” của Giáo xứ Tam Tòa, Quý cha và Giáo dân Tam Tòa cho con gởi tri ân này, như một lời chia sẻ và động viên đến Quý cha và Giáo dân.

Con biết con không giúp được gì nhiều cho Quý cha và các Giáo dân nhưng bất cứ lúc nào Quý cha, các Giáo dân cần sự hỗ trợ “pháp lý” thì con luôn sẵn lòng! Được hỗ trợ và tư vấn pháp luật cho Quý cha, các Giáo dân là niềm vui và vinh hạnh rất lớn của con!

Con xin chúc Quý cha, các Giáo dân Tam Tòa được nhiều sức khỏe, nhiều khôn ngoan và kiên định.

Mọi hoạn nạn sẽ qua đi, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa là bất diệt! Con đã và luôn tin như vậy!

Sài Gòn Ngày 23/07/2009
 
Nanh sói
Hoàng Quang
16:01 23/07/2009
Đêm khuya – trăng nhú – sói hú bầy
Bình minh – mặt trời nhô – chiên theo đàn
Không gian òa vỡ tan,
Khói lựu đạn cay, dùi cui điện bạo tàn đàn áp,
Giáo xứ Tam Tòa ngập tràn cơn bão táp !!!

Nhật Lệ bàng hoàng khóc một dòng sông,
Nước mắt nhạt nhòa hòa uất nghẹn biển Đông !
Sự Thật ngậm ngùi đứng trông. Bùng lửa !!...
Không thể để thế này được nữa !......

20/9/2008: linh địa Thái Hà bị chà đạp,
20/7/2009: giáo dân Tam Tòa bị trấn áp,
Thông tin một chiều có thể biện minh:
-Không phải chủ trương nhà nước !
Nhưng sao giống quá chừng,
Hành động tàn bạo của công an ?!!
-đánh dân lành tay không một cách dã man !
-bắt bớ vô cớ quẳng người lên xe như chó ghẻ !
Lẽ nào như thế ??!!!

Chúng tôi muốn sống,
Người dân Việt Nam có quyền được sống,
Trên mảnh dất quê hương mình !
Chúng tôi không thể lặng thinh,
Mặc dù khiêm hạ an bình theo ý Chúa !
Chúng tôi buộc phải dãy dụa,
Ngục tù cùm gông không khóa nổi tự do !
Chúng tôi không “xin và cho”,
Chính quyền từ nhân dân mà có !
Luật pháp đâu là cái rọ,
Bịt mõm thú cuồng diên !
Chính quyền không thể tự quyền,
Độc tài đảng trị !
Nhân quyền đòi công lý,
Dẫu một ngày hay thế kỷ trầm luân !!!

Hiệp thông cùng giáo xứ Tam Tòa
 
Một giáo dân tâm tình cùng giáo xứ Tam Toà
Hạnh Nguyên
17:09 23/07/2009
Những ngày qua, xãy ra sự việc Công an tỉnh Quảng Bình đã phá sập nhà tạm của giáo xứ Tam Tòa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Công an đã hành hung, đánh đập và bắt một số giáo dân bỏ vào xe bịt kín rồi chở đi, và còn lấy đi tài sản giáo xứ.

Từ ý tưởng của Đức Cha địa phận Vinh viếng thăm khi xãy ra cuộc đàn áp giáo dân Thái Hà tháng 9/2008, thư chia sẻ mới đây của Tỉnh Dòng CTT Việt Nam có viết: "Việc của Tam Tòa là việc của Thái Hà, việc địa phận Vinh cũng là việc của DCCT" là một sự hiệp thông cao qúy.

Tôi mong ước rằng: "Việc của Thái Hà, việc của Tam Toà, việc của DCCT, việc của địa phận Vinh, tất cả đều là việc của giáo dân Công giáo Việt Nam".

Tôi sống ở một giáo xứ, một nửa số lượng giáo dân là người làm nghề biển gốc Quãng Bình. Những ngày này, họ râm ran những tin không hay từ g/x Tam Toà và vô cùng bất bình trước cách cư xử của chính quyền Tỉnh Quảng Bình: chính quyền VN tỉnh Quãng Bình đối xử với người của mình còn tệ hơn là lính Trung Quốc xử với ngư dân Việt trên biển Đông

Gíáo dân Quảng Bình xứ tôi rất là chịu thương chịu khó, họ rất là quý trọng các đấng bản quyền và họ yêu quí ngôi Thánh đường như yêu chính ngôi nhà của mình.

Giáo dân Tam Toà cũng vậy:

- Họ có làm gì gây thắc mắc và mâu thuẩn với chính quyền đâu.
- Họ có phá rối an ninh, trật tự công cộng gì đâu? Chỉ là cầu nguyện trong khuôn viên của nhà thờ thôi mà.
- Họ đang thực hiện quyền tự do tín ngưỡng mà Hiến pháp nước CHXHCN VN cho phép người công dân VN thi hành.

Trong những năm chiến tranh, giáo dân Quảng Bình, những người nơi tuyến đầu tổ quốc, bỏ công, bỏ của, hứng chịu nhiều bom đạn, hy sinh cả tính mạng của mình để giữ gìn từng tất đất Quảng Bình thân yêu, đồng thời góp công rất lớn vào việc bảo vệ tổ quốc. Tôi nghĩ, với những tính cách và con người như thề, tại sao nhà nước VN lại vô tâm và vô tình như vậy. Hệ thống truyền thông cùa nhà nước nói sự việc này là "hàng trăm đối tượng quá khích, gây rối".

Suy nghĩ về mãnh đất giáo xứ Tam Toà đó, với mong muốn "Đem yêu thương vào nơi oán thù" của Đ.C. Cao Đình Thuyên.

Trong thời buổi mọi người trên thế giới xích lai gần nhau qua phương tiện truyền thông, qua những tổ chức thiện nguyện bác ái và qua mối bang giao Việt-Mỹ được hình thành từ những chữ vàng: "Bỏ lại quá khứ và cùng nhìn về tương lai"

Cái gọi là "di tích lịch sử" chỉ kéo dài sự hận thù với người Mỹ,hật vô bổ và vô ích, trong lúc đó nhu cầu của người công giáo Tam Toà rất cần một khuôn viên ngôi Thánh đường khang trang trong một TP Đồng Hới đang trên đà phát triển, thật vừa đẹp lòng giáo dân mà còn hoà hợp với nét văn hoá của con người Qũang Bình.

Giáo phận tôi, hàng ngũ Linh Mục, 2/3 là người gốc Vinh. Các Cha Vinh toát lên cái vẻ bình dân, gần gũi với giáo dân, chăm chút từng giờ kinh, công phu nơi những bài giảng của mình, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc, quyết liệt trong những sai pham và ù lì của giáo dân.

Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì người Vinh vốn tính là nổi dậy và bất khuất truớc những bất công của xã hội, những gì đi ngược lại với công ích, công bằng và công lý.

Viết ra được những dòng này, tôi cảm thấy thật bình tâm và hạnh phúc, vì được hiệp thông cùng giáo dân xứ Tam Toà Quảng Binh. Và một phần nào đó, chia sẻ với người giáo dân Quảng Bình xứ tôi, cùng với hàng ngũ LM gốc Vinh của giáo phận tôi.
 
Tam Tòa - Khúc hát thời gian
Nắng Sài Gòn
17:16 23/07/2009
TAM TÒA – KHÚC HÁT THỜI GIAN …

Tam Tòa ơi! bao năm chinh chiến,
Tiếng đạn bom át tiếng cầu kinh.
Dòng sông Nhật Lệ nặng tình,
Chứng minh lịch sử oai linh một thời.

Trong khói lửa bom rơi đạn phá,
Dân Tam Tòa một dạ tín trung.
Giữa bao đau khổ khốn cùng,
Ngổn ngang, đổ nát tương phùng lời kinh.

Sống trong cảnh đao binh khốn đốn,
Dẫu đói nghèo thiếu thốn triền miên.
Lửa hồng vẫn cháy trung kiên,
Niềm tin bừng sáng khắp miền quê hương.

Sầu tê tái Thánh Đường đổ nát,
Buồn ngậm ngùi nhìn tháp chuông đau.
Thời gian liều thuốc nhiệm mầu,
Giữ lòng chung thủy nặng sâu nghĩa tình.

Trong gian khó vẹn tình nghĩa khí,
Không sờn lòng vững chí niềm tin.
Mồ hôi quyện với lời kinh,
Không nơi thờ tự trung trinh một lòng.

Dẫu nắng gắt giữa đồng thiêu đốt,
Dẫu mưa dầm giá buốt tâm can.
Hiệp dâng Thánh Lễ giữa đàng,
Giữa bầy lang sói ngó ngàng trước sau.

Nay gặp cảnh thương đau oan ức,
Bầy sói rừng hậm hực, gian manh.
Tấn công áp bức dân lành,
Dùi cui, gậy gộc tranh giành mồi ngon.

Máu Tam Tòa hồng son anh dũng,
Dạ Tam Tòa bền vững kiên trung.
Đức Tin son sắt đến cùng,
Bài Ca Ngàn Trùng, theo bước cha ông.

Hôm nay dẫu đổ máu hồng,
Vững chí bền lòng, lên núi Can-vê.
Tam Tòa còn lắm nhiêu khê…

Sài Gòn 23/7/2009
 
Thông điệp đầu năm: từ thánh lễ cầu bình an năm mới tại giáo xứ Tam Tòa, Quảng Bình
GP Vinh
18:09 23/07/2009
TAM TÒA (04.02.2009) - Đến trung tâm Thành phố Đồng Hới, dọc theo đại lộ Lý Thường Kiệt rẽ về phía đông theo đường Hàn Mạc Tử khoảng 200m, quý khách sẽ nhìn thấy một ngôi tháp cao chừng 30m sừng sững bên bờ sông Nhật Lệ, chứng tích của một thời đạn bom máu lửa. Đến với Tam Tòa, Đồng Hới trong những ngày đầu xuân này, ta như được bước vào một vùng đất của mộng và thơ, của chiến tranh máu lửa binh đao một thời, hơn thế chúng ta hiểu được phần nào những trang sử của dân tộc cần được khép lại để mở ra một tương lai mới. Khép lại quá khứ, nhưng có vẻ vẫn còn khép... hờ. Ngôi thánh đường Tam Tòa bị trúng bom tan tành chỉ còn ngọn tháp, được giữ lại làm "di tích lịch sử ghi dấu tội ác chiến tranh" là một phế tích cho thấy chủ trương khép lại quá khứ còn mang tính nửa vời.

Nhưng giờ đây chúng ta hãy tạm gác qua một bên những bề bộn của hiện tại và quá khứ, những toan tính thực dụng đời thường để cùng nhau tận hưởng bầu khí tươi đẹp của một mùa xuân đã đến độ chín “trong làn nắng ửng khói mơ tan”. Giã biệt những giấc ngủ dài trong mùa đông lạnh giá, hôm nay cảnh vật như bừng tỉnh trong sắc màu của xuân xanh, rủ bỏ tất cả quá khứ, chôn chặt trong huyệt lòng người những đố kị, hận thù, để thanh thản vui hưởng một mùa xuân mới, mở ra một vận hội mới với nhiều hứa hẹn tốt đẹp hơn. Đó cũng là thông điệp đầu xuân giáo xứ Tam Tòa muốn gửi đến với hết thảy mọi người không phân biệt lương giáo trong toàn tỉnh Quảng Bình, cách riêng với người dân thành phố Đồng Hới trẻ đẹp thân thương này.

Sáng hôm nay, 02/02/2009, giáo dân Tam Tòa nói riêng, toàn tỉnh Quảng Bình nói chung hân hoan đón chào Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, vị Cha chung khả kính đến dâng thánh lễ cầu bình an năm mới cho mọi thành phần nhân dân. Đồng tế với Đức Cha có cha Tổng đại diện Fx Võ Thanh Tâm, cha Thư ký Antôn Phạm Đình Phùng cùng 14 linh mục trong giáo phận. Thánh lễ hôm nay có khoảng hơn 1000 người gồm cả lương dân, giáo dân và những thành phần khác… hiệp dâng lời cầu an năm mới, và đặc biệt cầu cho giáo xứ Tam Tòa sớm có một nơi thờ phượng Chúa xứng đáng hơn.

Đúng 9 giờ 30, trên đoạn đường Nguyễn Du từ ngã ba nơi giao với đường Lê Quý Đôn đến khu đất Tam Tòa dài khoảng 500m, đoàn rước Nhập lễ nghiêm trang vừa đi vừa hát những bài dâng kính Mẹ Maria. Dưới “làn” nắng sớm của mùa xuân, những tà áo với sắc màu đủ loại như tô điểm thêm cho cảnh đẹp TP Đồng Hới.

Mở đầu thánh lễ, cha Tổng đại diện đọc diễn từ nói lên những cảm nhận đầu xuân nơi mảnh hữu tình đã sinh ra thi sĩ trứ danh Hàn Mạc Tử với những thi phẩm “rút ruột đẻ ra” từ những thiên tình sử bi đát mà hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc thương thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Những dằn vặt đau thương trong cõi lòng tan nát ấy đã bật lên thành những tiếng nguyện lời cầu thống thiết xin thứ tha cho linh hồn tội lụy của “bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng” đã “trong bao đêm xao xuyến vũng sông hằng” mà bỏ quên tình yêu của Thiên Chúa nhân lành. Ai đó đã viết về Hàn Mạc Tử với những lời chí lý rằng: “Bằng tài năng xuất chúng, dưới áp lực của định mệnh cực kì nghiệt ngã, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quí báu với nhiều bài thơ ‘thần bút’. Nhà thơ cho chúng ta thấy tầm vóc siêu việt biết bao mà con người có thể và cần phải đạt tới. Đồng thời cuộc đời và thơ Hàn Mặc tử gợi mở về một lối sống không phải chỉ có phần ‘xác’ mà còn có phần ‘hồn’ ngàn lần kì diệu hơn”.

Đặc biệt diễn từ của cha Tổng đại diện còn đề cập đến một vấn đề khẩn thiết hơn mà nếu con người bỏ lỡ cơ hội sẽ không thể chuộc lại được lỗi lầm, ngài nói: “Hôm nay, Tết đã qua nhưng xuân vẫn còn với đất trời và với lòng người chúng ta, những khoảnh khắc tinh khôi rất nên thơ và đầy ý nghĩa của năm mới Kỷ Sửu còn rất linh động trước mắt chúng ta… Bước sang năm mới này ai cũng vui mừng vì được Chúa ban tặng cho một báu vật vô giá là thời gian. Người Trung Quốc có nói: Nhất khắc thiên kim - một khắc đồng hồ đáng giá bằng ngàn lạng vàng; nhưng đó là thời gian còn lượng giá được, thực ra thời gian vô giá vì không thể bỏ tiền mua được. Thánh Bernadin de Sienne đã nói mạnh mẽ nhưng rất hữu lý rằng: Thời gian có giá trị như Chúa. Con người được cứu chuộc trong thời gian - thời gian để ăn năn hối cãi những lỗi phạm của mình.

Hôm nay Đức Giám Mục quý mến của chúng ta tranh thủ thời gian vàng ngọc về đây dâng Thánh lễ đầu xuân trên mảnh đất Tam Tòa thân thương, giữa TP Đồng Hới trẻ đẹp này, để cầu Chúa thương ban ân phúc dồi dào cho quý cha, quý vị, toàn thể anh chị em, không phân biệt lương giáo, không phải chỉ ở Tam Tòa mà cho toàn thể tỉnh Quảng Bình Công giáo. Ngài thân ái gửi tới tất cả lời chúc xuân tươi thắm hạnh phúc, ngài mong ước cho anh chị em được nhiều điều may mắn nhất, tốt đẹp nhất về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất trong năm Kỷ Sửu này. Ngài muốn anh chị em dùng tốt mọi giây phút Chúa ban để làm việc lành phúc đức đừng bỏ qua giây phút nào kẻo sau này phải hối hận, vì như Orion Sweet Marden đã nói: ‘Sản nghiệp có tiêu tan đi thì bạn còn kiếm lại được bằng sức lao động và sự tiết kiệm, trí thức có suy giảm đi thì bạn còn phục hồi được bằng cách dùi mài đèn sách, sức khỏe có hao mòn đi bạn còn có thể lấy lại được bằng thuốc thang và điều độ, nhưng thời gian để lỡ qua đi bạn sẽ ân hận đến muôn đời’.

Trong thánh lễ này Đức Giám Mục kêu gọi chúng ta tha thiết cầu nguyện cho sớm có được một địa điểm thuận tiện, đẹp đẽ, xứng đáng để xây cất nhà thờ khang trang xứng với vị thế của TP Đồng Hới hiện địa này…”. Và cha Tổng đại diện đã liên tưởng đến những áng thơ tuyệt tác của thi sĩ Hàn Mạc Tử trong bài Mùa Xuân Chín. Không phải ngẫu nhiên mà con đường dẫn đến Tam Tòa lại mang tên Hàn Mạc Tử, thi nhân đã nhặt đầy túi thơ của mình những rung cảm tế vi của đất trời và lòng người để vón cục và nhỏ xuống Những Giọt Lệ thống hối, hay ngợi ca cảnh tươi đẹp mộng mơ của thiên nhiên để qua đó mà cảm tạ tri ân Thượng Đế. Và trong Quan niệm thơ, thi nhân đã gọi thi sĩ là loài thứ ba sau thiên thần và loài người, được sinh ra với sứ mệnh cao cả như khải thị những vẻ huyền nhiệm trong cõi đất trời cho muôn người nhận biết ra sự kỳ công của tay thợ Tạo Hóa mà giữa dòng đời tục lụy hôm nay bao kẻ phàm phu tục tử không thể nhìn ra được. Đường mang tên Hàn là vậy, dẫn đến một nơi chốn mở ra mọi lẽ khôn ngoan để con người biết mình và biết Chúa cả trời đất mà tôn thờ cho phải đạo. Thật vậy, đất trời hôm nay như được tô điểm thêm những vẻ đẹp kỳ khôi giữa mênh mông sóng gợn của dòng Nhật Lệ, trong làn gió sớm dưới ánh bình minh rực rỡ của xuân sang. Tam Tòa tọa lạc bên dòng Nhật Lệ hiền hòa êm trôi cho thấy sự an bài của Thiên Chúa tình thương trên thành phố Đồng Hới trẻ đẹp này.

Mồng 8 tháng Giêng năm Kỷ Sửu nhằm ngày 02/02/2009 dương lịch là ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Trong bài giảng, Đức Cha Phaolô Maria nói về ý nghĩa của thánh lễ, đó là cần có sự thống nhất hài hòa giữa lời nói và việc làm, giữa những tuyên tín trong đạo và cuộc sống, đòi hỏi hàng đầu của việc làm chứng cho Thiên Chúa giữa lòng xã hội hôm nay, ngài nói: “Ý nghĩa mà ngày lễ muốn gợi cho chúng ta là giữa những gì chúng ta tuyên xưng và những gì chúng ta sống, giữa những gì chúng ta rao giảng và chúng ta làm chứng, luôn có một khoảng cách. Đạt được sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa tin và sống, giữa nhà thờ và cuộc sống không phải là đơn giản”. Và để đạt được sự nhất quán giữa nói và làm, giữa tư tưởng và hành vi, không có gì khác hơn là phải noi gương Mẹ Maria: “Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta phải noi gương Đức Mẹ sống điều ta tin, thực hành điều ta rao giảng. Thánh Giacôbê đã diễn đạt một cách tuyệt hảo lời dạy của Chúa Giêsu khi Ngài nói: 'Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết' - tin mà không sống điều mình tin thì cũng chẳng khác nào không có đức tin”. Đức Cha Phaolô cũng nói về não trạng của con người thời đại - một thời đại bị bủa vây bao bọc bởi thông tin.

Giữa những luồng thông tin đa chiều trong một thế giới đa nguyên sẽ có nguy cơ làm cho con người rơi vào tình trạng mất hướng loạn chuẩn nếu không biết tĩnh táo sàng lọc chúng, đặc biệt là những thông tin không vì thiện ích chung của con người mà chỉ toàn là những lời hứa hão, những lời nói suông, những câu nói quen miệng, những khẩu hiệu giật gân, dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin: “Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin, con người thời đại đang choáng ngợp vì lượng thông tin và mệt mỏi vì những lời nói suông. Thời đại của thông tin cũng là thời khủng hoảng về lời nói. Đây chính là thách đố của người Kitô hữu. Nếu cuộc sống của họ không là một thể hiện của niềm tin, nếu cuộc sống đời thường của họ hoàn toàn cách biệt và xa lạ với những gì họ tuyên xưng trong nhà thờ thì cộng đồng của họ dù có được tập trung trong một nhà thờ nguy nga đồ sộ đến mấy cũng vẫn là một đám ma buồn tẻ chứ không là một cộng đồng dồi dào sức sống”.

Ngày lễ Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ còn mang một ý nghĩa cao cả hơn nữa nhằm mời gọi mỗi chúng ta nhìn thẳng về phía trước mạnh mẽ tiến bước theo Mẹ. Và sống đức tin, trước hết là để giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô lệ - nô lệ tội lỗi; giải phóng con người khỏi những áp bức của cường quyền, bất công, bạo lực. Và đó là con đường cam go đòi hỏi nhiều hy sinh thử thách. Đức Cha đã nhắc đến cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền và nói lên ý nghĩa cũng như cái giá của “con đường tự do”: “Con đường dẫn đến tự do bao giờ cũng là con đường hẹp đầy chông gai thử thách. Qua hình ảnh con đường của ông Mendela ta hiểu được con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra và đòi hỏi những ai muốn theo Ngài: Ai muốn theo ta phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ, đoàn rước lại nối dài từ ngôi tháp đổ của nhà thờ Tam Tòa đến nhà ông Trần Công Lý - nơi mà gần 300 giáo dân xứ Tam Tòa đang phải mượn tạm để dâng lễ, làm việc thờ phượng Chúa.

Một chính khách nào đó đã nói: Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi được tương lai. Vâng, quá khứ không thể thay đổi được, và quá khứ cần được khép lại. Nhưng nếu đã trắng thì trắng hẳn, đã đen thì đen hẳn, còn mập mờ trắng đen lẫn lộn là địch thù. Khép lại quá khứ nhưng xin đừng khép hờ, kiểu nửa kín nửa hở như một thứ văn hóa mặc khêu gợi làm rồ dại một xác thịt hơn là làm đẹp cho mình thì thật đáng tiếc. Đừng sợ không trung thành với quá khứ sẽ làm đứt gãy với truyền thống và mất gốc rễ lịch sử. Có những cách trung thành với quá khứ nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa đặc thù của lịch sử dân tộc - văn hóa ghi đậm dấu ấn của những cuộc chiến. Nhưng với quá khứ bi thương của chiến tranh, khép lại là một cách khôn ngoan, cũng như chúng ta không muốn nhắc đến địa danh Khe Sanh trong Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Và nói như nhà văn Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh thì: "Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người". Và khép lại quá khứ, trước hết phải xóa đi những dấu tích đó, làm lại từ đầu trên những đổ nát hoang tàn.

(Bài cũ đăng lại: http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3951)
 
Sự vững vàng của tháp nhà thờ Tam Tòa chính là thông điệp của Chúa!
Alfonso HoàngGia bảo
18:24 23/07/2009
Trong vụ Tam Tòa vừa xảy ra mấy ngày qua, cái ‘căn cứ pháp lý’ mà chính quyền tỉnh Quảng Bình đưa ra để đập phá nhà tạm, đánh đập và bắt đi khoảng 20 giáo dân, theo lời một quan chức từ Ủy ban Nhân dân phường Đồng Mỹ tỉnh Quảng Bình (muốn giấu tên) khi trả lời đài BBC đã cho biết, đó là vì giáo dân “vi phạm Pháp lệnh Tôn giáo và Nghị định 52 về quản lý đầu tư và xây dựng” .

Về cái lý lẽ ‘pháp lệnh tôn giáo’ xin bỏ qua để khỏi mất thời gian, bởi đối với một thể chế chủ trương chung sống với ‘vô thần’ thì làm gì có cái pháp lệnh tôn giáo nào được lập ra để chở che cho những việc làm đạo nghĩa?

Hơn nữa, chuyện thờ phượng thuộc về tín ngưỡng. Chúa ở khắp mọi nơi, người có đạo có thể đọc kinh cầu nguyện ở khắp mọi nơi, mọi lúc và các tôn giáo khác cũng đều như thế. Lôi pháp lệnh tôn giáo, các qui định hành đạo ra để buộc tội giáo dân làm việc thờ phượng, liệu có khác gì việc đem luật thế gian ra để buộc tội thần thánh?.

Do vậy chúng ta thấy chỉ còn mỗi cái lý do “vi phạm nghị định 52 về quản lý và đầu tư xây dựng” là còn đáng để xem xét. Tuy nhiên, khi tìm hiểu cái sự ‘phạm pháp’ của giáo dân Tam Tòa khi dựng nhà tạm ngay trên nền của nhà thờ Đồng Hới cũ, chúng ta lại thấy rằng nó có cùng nguyên cớ đang khiến cho hàng ngàn bao dân oan, giáo oan khác phải lao đao vì chuyện mất nhà mất cửa khác. Tất cả đều là do các do chính sách nhập nhằng, vô lý của Csvn về đất đai của họ gây ra.

Cụ thể như với luật đất đai hiện hành. Về quyền ‘sở hữu đất đai’ Điều 5 của luật này qui định rất ư là ‘chơi cha thiên hạ’ khi viết rằng “1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân (nhưng lại) do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. 2. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai… 3. Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai…. 4. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.”

Làm chủ nhưng lại phải giao tất tần tật toàn bộ quyền quản lý, sử dụng, lẫn khai thác tài sản của mình cho thằng đầy tớ rồi ngồi đó chờ nó ban phát lại cho chút quyền sử dụng, thử hỏi thế gian này còn kiểu làm chủ nào ‘quái gở’ hơn Csvn?

Tuy nhiên, theo chúng tôi việc làm ‘đáng tội’ nhất của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội 11 thời ấy, đó là việc ông ta đã thay mặt quốc hội ký tên vào cái Nghị Định 23/2003/QH11 cùng với ngày thông qua luật đất đai 2003. Mà Điều 1 mở màn của nghị định này đã giúp cho csvn chối bỏ trách nhiệm lịch sử một cách tàn nhẫn, nguyên văn như sau:

- Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991.

- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.


Chính vì sự ra đời của Nghị Định 23/2033/QH11 này mà Csvn đã dùng nó để ‘lách tội’ đối với hàng triệu nạn nhân khắp nơi, gồm dân oan lẫn giáo oan trong đó có cả Tòa Khâm Sứ và Thái Hà.

Tình trạng mất nhà thờ của giáo xứ Tam Tòa hiện nay có thể nói là bi đát nhất nước hiện nay. Giáo dân không có nhà thờ đã thế còn bị công an đánh phủ đầu tơi tả v.v… thế nhưng có một điều mà có thể còn ít người nhận ra được sự may mắn kỳ diệu của họ. Đó là ngôi nhà thờ này lại không hề bị lọt vào danh sách đối tượng của Nghị Định 23 khiến cho ‘bí đường’.đòi lại như TKS hay Thái Hà và nhiều nơi khác.

Cái lý lẽ mà của nhà cầm quyền đưa ra để từ chối không cho giáo xứ này tái thiết lại nhà thờ Tam Toà, là UBND tỉnh Quảng Bình đã ‘lỡ’ ra quyết định lấy nhà thờ Tam Tòa làm “di tích tội ác chiến tranh của Mỹ”!

Nhưng may mắn cho giáo xứ Tam tòa ở chỗ quyết định này lại được ban hành vào ngày 26.3.1997 tức sau thời điểm ‘chết’ 01/7/1991 !!!

Vấn đề còn lại là câu hỏi liệu tỉnh Quảng Bình khi đã ‘vơ đại’ tài sản này của giáo hội chuyển mục đích sử dụng mà không thèm hỏi han ý ‘khổ chủ’ như thế đã hợp pháp chưa? Luật nào cho phép họ hay lại tự ý ‘vượt đèn đỏ’ trái phép?

Chuyện này nghe rất giống với việc ông bộ trưởng Bộ VHTT tự động lấy tài sản của nhà thơ Xuân Diệu để sung quỹ Nhà nước khi thành lập Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu mà không hỏi ý gia đình đã bị Ls.Cù Huy Hà Vũ, là cháu ruột của nhà thờ này, đâm đơn kiện ra kiện ra tòa gần 2 năm trước đòi bồi thường nghe đâu gần cả trăm triệu. Việc này giáo xứ Tam Tòa và giáo phận Vinh có lẽ nên tham khảo ý kiến các luật sư như các anh Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, chị Tạ Phong Tần v.v…. để tìm ‘lối thoát’ khả thi nhất.

Chuyện phần số nhà thờ Tam Tòa chẳng may đã có thời bị đau thương nay lại còn bị Csvn chiếm đoạt lấy làm “di tích tội ách chiến tranh của Mỹ” chắc chắn sẽ còn rất nhiều chuyện để bàn thảo. Trước mắt và là người có đạo chúng tôi thấy có có điều này cần nêu lên để chúng ta suy nghĩ và cũng xin để kết thúc bài viết.

Đó là khi nghĩ đến những sự rắc rối mà linh mục, giáo dân Tam Tòa đang gặp phải với cái lý lẽ xà cùn ‘di tích tội ác Mỹ’ của tỉnh Quảng Bình, tôi bỗng lại muốn quay sang ‘trách cứ’ cái anh phi công Mỹ ngày ấy sao không chịu bỏ thêm 1-2 trái bom nữa làm cho nó sập hẳn luôn đi, thì nay có phải là đỡ khổ cho giáo xứ này thoát khỏi cái lý do ‘di tích’ với ‘di tiếc’ của Csvn biết mấy?

Chuyện bom đạn này khiến tôi bỗng nhớ lại một bài viết súc tích của tác giả Lữ Giang hồi đầu năm nay, có tựa đề “Một nhà thờ cho TP.Đồng Hới” trong đó có đoạn về chuyện đánh bom nhà thờ này như sau:

“Ngôi nhà thờ lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình là nhà thờ Tam Toà đã bị máy bay Mỹ phá sập vào năm 1968, chỉ còn chừa lại cái tháp cao chơi vơi. Hình như người Mỹ muốn giữ lại cát tháp này làm một dấu ghi nhớ (point de repère) để mỗi khi trở lại oanh tạc Đồng Hới, cứ theo dấu đó mà lao vào.

Lúc mới đọc xong đaọn này tôi thấy có vẻ cũng rất là có lý!

Thế nhưng mấy ngày xảy ra vụ giáo dân Tam Tòa bị công an đánh đập vừa rồi, tình cờ lang thang trên mạng, tình cờ tôi lại bắt gặp tấm hình khác về ngôi nhà thờ đổ nát này nhưng không chụp chính diện như chúng ta thấy nữa, mà được chụp ngang từ bên hông. (hình đính kèm)

Nhìn cái tháp chuông mỏng manh trong tấm hình này, tôi bất giác nhận ra rằng, cái tháp mỏng như thế cao như thế mà còn có thể đứng vững được cho đến nay, chắc chắn phải là do Thánh ý Chúa mà không thể vì điều gì khác được!

Thậm chí tôi còn ‘can đảm’ tưởng trượng ra rằng, rất có thể cái anh chàng phi công Mỹ ‘liều mạng’ nào đó sau loạt bom đầu ném xuống nhà thờ, khi quay vòng lại thấy tất cả đều đã thành bình địa nhưng riêng cái đỉnh cao nhất của nhà thờ lại vẫn cứ trơ trơ giữa trời đất. Không biết anh ta là người thế nào? Có tin vào Thiên Chúa hay không? Nhưng nếu là tôi, thậm chí ngay cả khi là kẻ vô thần theo Csvn mà gặp cảnh này thì chuyện quay đầu lại ngó cũng chẳng dám nói gì đến chuyện ném bom tiếp.

Chia sẻ suy nghĩ này để xin nói lên rằng, chắn chắn đã có một sự che chở rất linh thiêng nào đó mà ngọn tháp Tam Tòa chơi vơi như thế vẫn còn đứng vững được cho đến nay.

Trong bom đạn nhà thờ này đã không bị phá sập. Hơn bốn mươi năm qua lại tiếp tục giữa trời thi gan cùng tuế nguyệt. Vậy thì còn khó khăn nào có thể cản đường nổi ngôi nhà thờ này trở về cùng với giáo hội?

(Viết để kính tặng giáo xứ Tam Tòa đang khốn khổ vì bạo quyền Csvn)

Sàigòn, 23/7/2009
 
Thánh lễ và giờ cầu nguyện đặc biệt cho Giáo xứ Tam Toà tại Giáo xứ Vĩnh Giang
Văn Đình
18:44 23/07/2009
VINH - Giáo xứ Vĩnh Giang mới được thành lập năm 2008, tách từ giáo xứ Cồn Cả, có 1800 nhân danh do Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đính phụ trách. Tối nay, lúc 19h 30 khoảng gần 1000 giáo dân tập trung về nhà thờ giáo xứ hiệp dâng thánh lễ và làm giờ cầu nguyện đặc biệt cho anh chị em giáo xứ Tam Tòa.

Trước thánh lễ Cha quản xứ đã đọc những thông tin liên quan đến Tam Toà trong những ngày vừa qua, đặc biệt là bản tường trình của Linh mục phụ trách Tam Toà, thông cáo của Văn phòng Toà Giám Mục Vinh, thông báo của Cha tổng đại diện, khiếu nại của linh mục đoàn Giáo Phận…Cha Quản xứ đã khóc và toàn thể giáo dân nức nở khi đọc thư của Đức Giám Mục Giáo Phận gửi về từ Hoa Kỳ.

Sau khi kêu gọi mọi người hiệp thông trong tinh thần cầu nguyện, Cha quản xứ cùng toàn thể giáo dân sốt sắng cử hành thánh lễ trọng thể “Cầu cho các tín hữu đang bị bách hại” ở Tam Toà.

Cuối thánh lễ, toàn thể cộng đoàn cầm nến sáng trong tay, đọc năm kinh Lạy Cha, Kính Mừng sáng danh và hát kinh Hoà Bình sốt sắng.

Chắc chắn thời gian tới những thánh lễ và những giờ cầu nguyện như thế vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam chúng ta. Bởi vì, sự đàn áp người dân của nhà cầm quyền đã, đang và vẫn còn xảy ra nhiều nơi trên đất nước.

Chúng con xin Chúa ban ơn nâng đỡ những anh chị em chúng con đang bị bách hại. Xin Chúa cất bớt những bất công, xảo trá, lừa lọc, độc ác…trên đất nước chúng con. Amen
 
Tin Đáng Chú Ý
Việt Nam 'đứng đầu về gian lận quảng cáo'
BBC
16:36 23/07/2009
Việt Nam 'đứng đầu về gian lận quảng cáo'

Một phúc trình mới của hãng khảo sát mạng Anchor Intelligence cho biết Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về nạn gian lận click chuột trong quảng cáo (Click Fraud).

Click Fraud là thuật ngữ để chỉ hành động dùng các phần mềm chuyên dụng hay nhân công giá rẻ nhấn liên tục vào một hay các thanh quảng cáo (banner, logo, link…vv..) trên mạng nhằm tạo ra thành công giả tạo của chiến dịch quảng cáo.

Nói cách khác, các cú click chuột đó không tạo giá trị về kinh tế cho nhà quảng cáo mà chỉ phục vụ cho mục đích xấu của người nhấp chuột.

Các công ty dùng dịch vụ quảng cáo mạng thường phải trả tiền quảng cáo theo số lượng các cú click chuột vào quảng cáo của họ, và chuyện gian lận này có nghĩa là họ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Anchor Intelligence, công ty có trụ sở tại Mỹ, trong sáu tháng đầu năm 2009, Việt Nam đứng đầu thế giới về nạn Click Fraud, chiếm tới 48.3% trong tổng lượng nhấp chuột.

Tỉ lệ này là cao hơn rất nhiều so với nước bị xếp ở vị trí thứ hai về nạn gian lận click chuột quảng cáo, là Canada với 27.7%.

Hoa Kỳ là nước đứng ở vị trí thứ ba, với mức 25.6%.

10 nước đứng đầu về Click Fraud

Việt Nam: 48.3%
Canada: 27.7%
Hoa Kỳ: 25.6%
Saudi Arabia: 21.2%
Úc: 20.7%
Ai Cập: 18.7%
Ấn Độ: 16.9%
Đức: 16.8%
Malaysia: 16.7%
Anh Quốc: 16.2%

Trong danh sách ‘Top 10’ về gian lận này, còn có Ảrập Saudi, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Úc.

‘Đe dọa nghiêm trọng’

Phúc trình của Anchor Intelligence nói nạn gian lận click chuột quảng cáo đang tạo ra đe dọa nghiêm trong cho dịch vụ quảng cáo trên mạng, và là mối lo ngại hàng đầu cho cả người bán lẫn kẻ mua.

Đây là một vấn nạn trong bối cảnh các dịch vụ quảng cáo truyền thống trên báo in và truyền hình đang dần chuyển mạnh sang online.

Phúc trình nhận định nạn Click Fraud trong nửa đầu năm nay không chỉ lan tràn ở những nước vốn có ‘lịch sử’ có các hoạt động gian lận online như Việt Nam, Ai Cập, Ấn Độ, mà còn tăng mạnh tại các nước phát triển như Mỹ và Canada.

Các doanh nghiệp Việt Nam được biết đang hết sức lo ngại về vấn đề này, vì nạn Click Fraud có nghĩa là các báo cáo về số lượng truy cập và người truy cập trên mạng không có ‎ ý nghĩa gì, không tạo ra hiệu quả về kinh tế, trong khi lại làm họ tốn thêm tiền.

Ngoài nạn Click Fraud, tin tức và các diễn đàn mạng cho hay tình trạng gian lận trong thương mại điện tử ở Việt Nam tiếp tục lan tràn.