Ngày 25-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Thần
Lm Vũđình Tường
08:50 25/07/2008
Từ xưa đến nay giới truyền thông thường đưa ra những nhận định khác nhau về Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Ngành truyền thông dùng quyền tự do ngôn luận đưa ra những bình phẩm ngoài phạm vi chuyên môn. Những vấn đề nhận chỉ trích nhiều nhất liên quan đến tu đức, luân lí và bảo vệ cũng như nâng cao phẩm giá con người. Theo họ Giáo Hội Thiên Chúa đang trên đà tuột dốc, không lối thoát.

  • Là Giáo Hội già nua, cổ hủ.
  • Số người dự thánh lễ ngày càng ít.
  • Người tin theo Đức Kitô giảm dần.
  • Nhiều người lơ là về đức tin.
  • Tương lai Giáo Hội đen tối mù mờ.
  • Thiếu người dấn thân rao giảng Tin Mừng.
  • Không ơn gọi tu trì.
  • Che dấu nhiều vấn đề nghiêm trọng.


Theo chiều gió

Ảnh hưởng bởi những bài viết trên nhiều Kitô hữu cảm thấy bi quan. Người có lòng đạo đức, yêu mến Giáo Hội tỏ ra lo ngại, dè dặt. Kẻ thờ ơ trong việc tu đức bị cuốn theo chiều gió, vào hùa với ngành truyền thông rêu rao, chỉ trích Giáo Hội. Thay vì tin vào giáo huấn và tiếng nói chính thức của Giáo Hội, họ tin vào các bài báo, các nhận định phát thanh. Tiếng nói nào là tiếng nói chính thức và đứng đắn? Nhà báo hay Giáo Hội? Mỗi người hãy tự tìm câu trả lời cho mình.

Ơn Thánh Thần

Kitô hữu trưởng thành cần dùng trí khôn Chúa ban để nhận xét và phán đoán những phê bình về tôn giáo, giáo huấn của Giáo Hội. Đừng quên ngày nay không cần học về ngành báo chí cũng có thể làm kí giả, phóng viên. Tệ hơn nữa nhiều người tự phong cho mình. Cũng đừng quên quan điểm và nhận xét của kí giả, phóng viên thường chiều theo xu hướng xã hội. Xã hội luôn nghiêng chiều xác thịt và thị hiếu quần chúng. Kí giả, phóng viên sống nhờ quần chúng nên tìm cách thoả mãn nhu cầu thị hiếu quần chúng. Số khác không tránh khỏi quan điểm chính trị ảnh hưởng đến quan điểm và lập trường. Vì thế Kitô hữu phải xử dụng ơn khôn ngoan và ơn thông hiểu là hai trong số bảy ơn Thánh Thần để nhận định và sống đức tin. Giáo huấn Giáo Hội không đi ra ngoài khuôn phép đó.

Hơn nữa phương pháp phỏng vấn, suy đoán đưa đến kết luận là cách làm việc của khoa xã hội được các kí giả, phóng viên xử dụng. Nguyên tắc này không phù hợp tìm hiểu, học hỏi về Thiên Chúa. Thực tế cho thấy kí giả lão thành hoặc học giả giầu kiến thức rất cẩn trọng khi đưa ra nhận định, phê bình vì họ tự trọng, bảo vệ uy tín và danh dự cá nhân. Vội vàng, nhanh nhẹn hấp tấp chụp cơ hội, đưa ra một loạt những bình phẩm, chỉ trích là tự loại mình ra khỏi thành phần kí giả lão thành. Làm thế may mắn được nổi tiếng; trái lại huề cả làng vì chưa có uy tín để mất. Không thiệt hại gì.

Đại Hội

Ngày đại hội giới trẻ lần thứ 23 vừa qua tại Sydney phủ nhận những nhận định bi quan về Giáo Hội. Họ tối tăm về sức mạnh của Thánh Thần.

Ba bốn ngày trước đại hội tôi chứng kiến cảnh hội trường đầy ắp thanh thiếu niên, nam nữ ngồi yên lắng nghe đề tài giáo lí. Thỉnh thoảng rộn lên tiếng cười rồi đột nhiên im bặt nhường lời cho giảng thuyết viên. Chưa bao giờ thấy họ lắng nghe kĩ đến thế, cái im lặng tuyệt vời dường như nghe được cả tiếng nhịp tim đập của người bên cạnh. Đoàn người chăm chú, thinh lặng lắng nghe 1.30 phút. Thỉnh thoảng có tiếng bước nhè nhẹ tiến đến gặp linh mục ngồi rải rác đó đây trong hội trường sẵn sàng lắng nghe bạn trẻ tâm sự, cởi mở tấm lòng. Ngoài Chúa Thánh Thần thôi thúc, sưởi ấm tâm hồn sức mạnh nào có khả năng làm việc đó.

Lên đường

Hai ngày thứ Bảy và Chúa Nhật thế giới chứng kiến đoàn người trẻ đông ngẹt đường phố Sydney, mọi ngõ ngách chật ních người. Con đường hành hương chính dài 12 cây số người. Đoàn người đi trong an bình, yên vui, ca hát, nhảy múa vui mừng. Tay xách, lưng đeo balô bước đi trong niềm vui, hy vọng, trao nhau những nụ cười, những câu nói hồn nhiên và sẵn sàng chào đón, thăm hỏi người đồng hành. Nơi đâu có mặt họ nơi đó có niềm vui.

Đông nghẹt đường vẫn trật tự, người lạ sẵn sàng làm quen, bỏ qua màu da, sắc tộc, thân thiện, cởi mở và cùng hướng cùng về sân đua ngựa Randwick ngủ qua đêm chờ đại hội giới trẻ do Đức Biển Đức chủ tế. Đoàn người đi suốt ngày mới dứt. Bên cạnh cột người dài ngoằng đó có những kẻ đi ngược đường, đó đây có chụm năm, túm ba ngồi nghỉ xả hơi ăn uống lấy sức nối tiếp đoàn hành hương tự nguyện, tự phát. Biển người đông đảo trên không hề gây nên bất cứ bất ổn, bạo động hay có gì đáng tiếc xảy ra. Biển người có những thành phần tham dự với mục đích riêng, không đi vì niềm tin. Điểm đáng ghi nhận là giới trẻ công giáo tham dự đại hội dùng bất bạo động kiềm chế bạo động.

Họ hát những bài thánh ca, thánh vịnh. Họ hoan hô, chúc tụng Thiên Chúa, hoan hô vị giáo hoàng chủ chăn. Tôi chứng kiến cảnh người đẩy xe lăn, kẻ nhảy cò cò trên nạng mà đi. Những bước chân xem có vẻ nặng nề nhưng khuôn mặt rạng rỡ, nở nụ cười tươi dưới nắng sáng đuổi bớt cái lạnh cuối đông.

Sáng sớm Chúa Nhật đoàn người vẫn tiếp tục tiến vào. Ban tổ chức cho biết họ dùng 300 kilo bột mì làm bánh lễ. 1200 linh mục cho rước lễ. Mỗi bình đựng 500 bánh thánh nhân lên con số 600000 người. Không kể thành phần tham dự đứng bên ngoài hàng rào vì không ghi danh nên không có thẻ đi vào khu dành riêng. Không thấy Thánh Thần xuất hiện nhưng khó chối bỏ được Thánh Thần âm thầm tác động trong tâm hồn các tín hữu.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Kho Tàng và Nước Trời - Chú Thích Dụ Ngôn Kho Tàng trong Ruộng, Viên Ngọc Quý và Chiếc Lưới
Phaolô Phạm Xuân Khôi
09:42 25/07/2008
Chú Thích Dụ Ngôn Kho Tàng trong Ruộng, Viên Ngọc Quý và Chiếc Lưới (Mt 13:44-52)

Trong ba tuần qua, Hội Thánh đã giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Nườc Trời. Tuần này chúng ta nghe về giá trị của Nước Trời. Ai muốn được Nước Trời thì phải bán hết gia tài mà mua. Đối với người đời, có lẽ đây là một canh bạc. Nhưng đối với những ai yêu mến Thiên Chúa thì đây là một hành động khôn ngoan vô giá. Hành động này cũng không khác gì việc vua Salômon đã xin sự khôn ngoan để biết phải trái mà thi hành nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó thay vì xin được sống lâu, giàu sang hay chiến thắng quân thù. Còn Thánh Phaolô thì cho chúng ta biết rằng tất cả mọi sự Thiên Chúa làm đều nhằm làm ích cho những ai yêu mến Ngài. Cho nên khi bán tất cả để mua lấy Nước Thiên Chúa chúng ta chẳng thiệt thòi gì, mà còn được lợi gấp ngàn lần, vì được Chúa là được tất cả.

Mt 13:44 (44a)Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống,

Ở Trung Đông ngày xưa kia cũng như ở Việt Nam, vì loạn lạc, người ta phải đem kho tàng chôn trong ruộng trước khi chạy loạn để hy vọng là khi hết loạn có thể trở về đào lên mà dùng. Khi chôn giấu như thế thường người ta chôn ở những chỗ không ai ngờ đến. Có nhiều chủ không bao giờ có dịp trở về để đào lại kho tàng của mình, nên chúng vẫn nằm trong ruộng. Theo luật Do Thái thời đó thì ai làm chủ thửa ruộng cũng làm chủ kho tàng ấy, nên muốn làm chủ kho tàng, người ta phải mua cho được thửa ruộng ấy. Người tìm thấy kho tàng này có lẽ là một nông phu làm công cho chủ ruộng mới. Và chính người chủ ruộng chắc cũng không biết rằng trong ruộng mình có kho tàng. Nếu người làm công này chân thật thì phải cho chủ ruộng biết, chứ không chôn lại rồi đi mua. Ở đây Chúa Giêsu không nói về tính cách luân lý của hành động có vẻ lương lẹo này, mà Người chỉ nói theo phản ứng và suy nghĩ thông thường của dân chúng để giúp họ dễ hiểu dụ ngôn của Người. Người muốn nhấn mạnh đến thái độ người này khi tìm được kho tàng để mọi người học theo.

Kho tàng của thế gian dù to lớn và quý giá thế nào đi nữa cũng không bao giờ làm cho con người thỏa mãn. Còn kho tàng của Thiên Chúa là kho tàng sung mãn vô tận. Thiên Chúa giấu kho tàng này trong một thửa ruộng gọi là Hội Thánh và kho tàng ấy chính là Đức Kitô. Người là kho tàng chứa đựng mọi ân sủng để cho chúng ta được sống sung mãn.

Tuy người tìm được kho tàng trong dụ ngôn tình cờ tìm thấy kho tàng trong khi đào bới đất. Nhưng nếu người ấy không đào bới, cày bừa thì cũng chẳng tìm được kho tàng trong ruộng ấy. Cũng thế, ai muốn tìm thấy Kho Tàng Nước Trời cũng phải cúi mình xuống mà cày bừa thửa đất Hội Thánh. Phải khiêm nhường học hỏi và vâng phục những gì Chúa truyền lại qua Hội Thánh. Thiên Chúa giấu kho tàng này khỏi mắt những “người khôn ngoan uyên bác, mà chỉ mặc khải cho những người bé nhỏ” (Mt 11:25). Người càng thông minh, uyên bác thì càng kiêu ngạo, chỉ biết nhìn lên nên không nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô ở dưới đất, trong những người tầm thường và bé nhỏ mà họ gặp hằng ngày, là hiện thân của Đức Kitô. Họ không nhận ra sự hiện diện thật của Đức Kitô trong tấm bánh quá bé nhỏ nơi Bí Tích Thánh Thể. Họ không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Hòa Giải qua thừa tác vụ của những vị linh mục xem ra bình thường như mọi người và đôi khi còn tầm thường nữa. Vì kiêu cằng nhiều người đã hãnh diện vì biết hết mọi túi khôn của loài người mà không biết Lời Chúa trong Thánh Kinh. Kho tàng của Thiên Chúa sờ sờ trước mắt họ mà họ không nhận ra. Chỉ có những ai có tinh thần khiêm nhường và bé nhỏ mới nhận ra kho tàng này mà thôi.

Giáo Lý Công Giáo viết: “Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn bé mọn, nghĩa là những người đón nhận với lòng khiêm hạ. Ðức Kitô được cử đến để "loan báo Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4:18) (x.Lc 7:22). Người tuyên bố rằng họ có phúc, bởi vì "Nước Trời là của họ" (Mt 5:3). Chúa Cha đã thương mặc khải cho những kẻ bé mọn điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết (x. Mt ll,25).” (GLCG 544)

(44b) vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.

Như đã nói ở trên là Chúa muốn nhấn mạnh đến thái độ của người tìm được kho tàng là “vui mừng” và nhất định “mua thửa ruộng ấy” bằng mọi giá.

Ngày 16/7/2008, Thông tấn CAN đăng tin cầu thủ bóng đá Chase Hilgenbrinck đã quyết định giải nghệ để học trở thành một linh mục Công Giáo. Anh nói: “Tôi biết là tôi đang chuyển sang một cái gì đó lớn hơn.” Một cầu thủ 26 tuổi thời danh, bỏ tất cả để đi tu làm linh mục. Thật là một chuyện ngược đời đối với nhiều người. Nhưng anh Chase nói, “Tôi cảm thấy cách mạnh mẽ là Chúa đã gọi tôi trở thành Linh Mục trong Hội Thánh Công Giáo”, và anh không thể chần chờ được vì “trì hoãn vâng lời là bất phục tùng.” Anh đã tìm thấy kho tàng là Đức Kitô và đã bán hết mọi sự để được Đức Kitô.

Hội Thánh cũng nhắc nhở cho chúng ta “trước hết phải tìm ‘mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô’; phải "’mất hết.. . để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người’, và để ‘biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, để nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết’ (Pl 3,8-ll)” (GLCG 428).

Mt 13:45-46 (45) Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. (46) Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Trong dụ ngôn trước, Chúa nói về kho tàng mà một người tình cờ tìm được mà chẳng tốn sức bao nhiêu. Trong dụ ngôn này Chúa nói về một người bỏ hết công đi tìm viên ngọc quý. Viên ngọc quý tượng trưng cho Chân Lý Nước Trời. Con người ai cũng đi tìm chân lý, nhưng phải mất rất nhiều công mới tìm thấy chân lý thật, bởi vì rất khó mà biết được đâu là chân lý thật. Nhiều người suốt đời đi tìm hạnh phúc mà chì là chạy theo ảo ảnh. Khi đạt được những gì họ tìm kiếm họ mới khám phá ra rằng họ đã tìm được những viên ngọc giả. Đó là lý do tại sao người ta ly dị. Đó là lý do tại sao người ta miệt mài theo đuổi tiền tài, danh vọng mà không bao giờ được thỏa mãn. Chân lý Nước Trời chính là Đức Kitô. Người “là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống” (Ga 14:6).

Hai dụ ngôn trên cho thấy rằng mỗi người có thể tìm thấy Đức Kitô một cách khác nhau, như người thấy trong ruộng, có lẽ cách tình cờ, còn người khác phải đi khắp nơi tìm mới thấy. Nhưng cả hai có cùng một thái độ. Vui mừng, và dứt khoát từ bỏ tất cả để được Đức Kitô. Ðó chính là thái độ mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có.

Mt 13:47 Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá.

Chúa Giêsu ví Nước Trời như một chiếc lưới thả xuống biển. Chiếc lưới (σαγηνη) là lưới kéo chứ không phải lưới quăng. Chiếc lưới này thả sâu xuống biển và được kéo bởi hai chiếc thuyền. Khi kéo như thế thì bắt được đủ mọi thứ. Nhiều bản dịch là bắt được đủ thứ cá. Nhưng đáng lẽ dịch là gom lại được đủ mọi thứ theo các bản Hy Lạp và La Tinh (εκ παντος γενους συναγαγουση - ex omni genere congreganti). Nghĩa là lưới này gom lại được đủ mọi thứ, trong đó có cả cá. Nước Trời tức là Hội Thánh Chúa. Bao lâu Hội Thánh còn ở dương thế thì bấy lâu chúng ta còn kéo lưới. Trong khi kéo lưới Hội Thánh cũng gom lại đủ mọi thứ người, to, nhỏ, sang, hèn, tốt, xấu…

Mt 13:48-50 (48) Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. (49) Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, (50) rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.

Giống như dụ ngôn cỏ lùng tuần trước, một lần nữa Chúa nhắc đến ngày tận thế và phán xét. Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người. Người lành sẽ được vào Nước Trời, còn kẻ dữ sẽ bị trầm luân trong Hỏa Ngục. Ngày này nhiều người lý luận rằng Thiên Chúa nhân lành vô cùng nên Ngài sẽ không tàn ác đến nỗi phạt người ta xuống Hoả Ngục đời đời. Thực ra Thiên Chúa không phạt ai xuống Hỏa Ngục cả, nhưng người ta đã tự chọn lấy Hoả Ngục bằng cách chối từ tình yêu của Thiên Chúa và không muốn làm theo Thánh Ý của Ngài ở đời này, nên đời sau họ vẫn được sống như họ đã chọn là sống trong tình trạng xa lìa tình yêu Thiên Chúa, là tình trạng Hỏa Ngục. Sở dĩ Chúa nói đi nói lại về Hỏa Ngục, không phải để đe dọa chúng ta, nhưng để xác định cho chúng ta rằng Hỏa Ngục có thật. Thánh Grêgôriô Cả nói rằng, “Tất cả những điều này được Chúa nói ra để chắc ăn rằng không ai có thể tự biện hộ rằng mình không biết những điều đó: sự bào chữa này chỉ hợp lệ nếu hình phạt đời đời chỉ được Chúa nói đến cách mập mờ.” (In Evangelia homiliae,11).

Mt 13:51 Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa rằng: "Có".

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa cũng chỉ cho chúng ta ba phương pháp sư phạm rất quan trọng. Trước hết Người dùng những gì quen thuộc với người nghe để giải thích những mầu nhiệm khó hiểu là Nước Trời qua dụ ngôn. Thứ đến là Người nhắc đi nhắc lại những điểm quan trọng bằng những cách khác nhau. Và giờ đây Người đặt câu hỏi để xem người nghe có hiểu những gì Người đã nói không. Ba điểm trên cũng rất quan trọng đối với một bài học hay một bài Giáo Lý của chúng ta.

Mt 13:52 Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình."

Luật sĩ là những người biết và dạy về Lề Luật Môsê. Chúa dùng luật sĩ đã được dạy về Nước Trời để chỉ các Tông Ðồ, là những người sẽ đóng vai trò thầy dạy trong Hội Thánh của Người. Cho nên các Tông Ðồ và các Giám Mục là những vị thầy trong Hội Thánh. Các ngài có quyền và nhiệm vụ giáo huấn. Các Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục thực thi quyền này cách trực tiếp. Các linh mục, phó tế và các giáo lý viên là những người được các Ðức Giám Mục trao quyền cộng tác với các ngài trong nhiện vụ giáo huấn.

Tuy nhiên, mọi tín hữu đã được thụ huấn Giáo Lý của Ðức Kitô đều là môn đệ, và có nhiệm vụ truyền giáo huấn này lại cho người khác. Vì thế các tín hữu có nhiệm vụ học cho biết rõ giáo huấn của Ðức Kitô, tức là Giáo Lý. Kho tàng mặc khải của Thiên Chúa quá phong phú và không bao giờ lỗi thời. Những người rao giảng Lời Chúa phải biết áp dụng những chân lý bất di bất dịch của Thiên Chúa trong Kho Tàng Ðức Tin sao cho phù hợp với thời đại của mình, nhưng không được thay đổi chân lý.

Đặc biệt đối với người Công Giáo Việt Nam chúng ta Thiên Chúa đã ban cho hai kho tàng là kho tàng văn hóa và kho tàng đức tin. Chúng ta cũng phải biết biết cách hội nhập văn hóa và đức tin. Biết lấy ánh sáng Phúc Âm mà làm sáng tỏ và thanh lọc nền văn hóa mà chúng ta được thừa hưởng từ tổ tiên, để làm sao đức tin của chúng ta thích hợp với văn hóa, và văn hóa không trái ngược với đức tin. Làm được như thế là chúng ta biết dùng “những cái cũ và mới trong kho tàng của mình.”

Lạy Chúa, Chúa chính là kho tàng mà con đã gặp, Chúa chính là viên ngọc quý mà con đang tìm, bởi vì Chúa là ngồn mạch mọi sự thiện hảo. Xin ban cho con có can đảm từ bỏ ý riêng mình để luôn luôn biết tìm và làm theo Ý Chúa. Lạy Mẹ, là Đấng luôn ấp ủ Lời Chúa và suy niệm trong lòng, xin giúp con biết sống một đời thấm nhuần Lời Chúa. Lạy Thánh Phaolô, xin cầu bầu cho con để con có can đảm bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Kitô. Amen
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
12:06 25/07/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (42)

411. Bên Đông cũng như bên Tây đều tin có hoả ngục, địa ngục

Hoả ngục là cái ngục để giam những kẻ gian ác, nơi đây, có đầy lửa rùng rợn, lửa không bao giờ tắt.
Địa ngục là cái ngục để giam những kẻ gian ác, ngục nầy nằm sâu dưới đất, nơi đen tối khủng khiếp, ai nghĩ đến cũng phải rùng mình.

412. Hai quan niệm sai lầm về hoả ngục

Có kẻ chủ trương rằng khồng có hoả ngục vì Thiên Chúa là Đấng từ bi vô cùng, yêu thương vô cùng (các kẻ nầy quên rằng Thiên Chúa cũng là Đấng công bình vô cùng).
Có kẻ chủ trương rằng tuy có hoả ngục nhưng hoả ngục không đời đời vì Chúa là Đấng tha thứ tất cả (các kẻ nầy quên rằng có những kẻ hết sức kiêu ngạo, chống đối Thiên Chúa một cách quyết liệt, chống đối toàn diện, chống đối từ đầu đến cuối, chống đôi từ A đến Z, hoàn toàn nhắm mắt không chịu nhận lấy sự tha thứ của Thiên Chúa, quyết không đội trời chung với Thiên Chúa; hộ khẩu của họ là trong hỏa ngục đời đời, quá đúng!)

413. Tại sao có hoả ngục?

Đức tin dạy chúng ta có hoả ngục vì bốn lý do:
- một là, vì có Chúa (Vì Chúa công bằng vô cùng nên Chúa phải thưởng hoặc phải phạt một cách hết sức công minh. / Chính Quyền trong nước phải có đủ loại hình phạt: tạm giam, giam có thời hạn, giam chung thân suốt đời.
- hai là, vì có Thiên Đàng (Nếu bất cứ ai cũng được Chúa cho lên thiên đàng, thì ta giữ Đạo làm gì?)
- ba là, vì có Ma Quỷ (Có kẻ muốn theo ma quỷ, muốn đồng số phận của ma quỷ.)
- bốn là, vì có Con Người (Chúa ban cho con người có tự do lựa chọn. Theo lời dạy của thánh Augustinô: Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta khi dựng nên chúng ta, nhưng muốn cứu rỗi chúng ta, Chúa phải được chúng ta chấp thuận.)

414. Ta có được lên thiên đàng không?

Chúa thương ta, cho ta biết có hoả ngục để ta tìm cách đừng sa vào (cha mẹ cho con cái biết chỗ nầy chỗ kia nguy hiểm để con cái biết mà xa tránh).
Chúa ban đủ ơn để cho ta khỏi sa hoả ngục mà lên thiên đàng: ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc, ơn thánh hóa, ơn hiện tại (hiện sũng), ơn đặc biêt (đặc sũng)
Bởi thế, Thiên Đàng hay Hoả Ngục là do ta: “Tên các con đã được khắc trên thiên đàng”. Nếu sau nầy không có tên của chúng ta trên thiên đàng, là do lỗi của ta, chứ không phải do Chúa.

415. Mười bài học của Thánh Giá

1. yêu kẻ thù
2. hiền hậu
3. kiên nhẫn
4. vâng lời
5. lòng Chúa thương xót
6. lòng Chúa tốt lành
7. sự Chúa công bình
8. sự Chúa toàn năng
9. linh hồn bất tử
10. kẻ chết sống lại

416. Cầu nguyện tối sáng trong gia đình

- để tỏ lòng yêu mến Chúa
- để biến Nhà Mình thành Nhà Thờ
- để xin ơn thánh hoá cho mọi người thân yêu trong gia đình,
- để xin ơn bằng an cho gia đình
- để xin các ơn lành hồn xác cho mọi người trong gia đình
- để xin ơn tha tội cho mọi người trong gia đình
- để giáo dục đức tin cho con cái
- để cho mọi người trong gia đình biết thêm giáo lý
- để truyền giáo: cầu cho những người ngoại đạo được biết Chúa / đọc kinh cho có ý nghĩa, đọc to, đọc nhịp nhàng để người ngoại quanh nhà mình nghe mà cảm phục Đạo Công giáo

417. Phương tiện thông tin

- phải dễ nhìn, dễ thấy, dễ nghe, dễ hiểu để mọi người có thể làm theo
- khi định phổ biến một chủ trương nào, thì phải biến chủ trương đó thành câu thơ, câu vè, tranh ảnh, bài hát, triển lãm lưu động, …

418. Làm việc có khoa học

- hết sức nghiêm túc trong việc xem xét từng vấn đề
- phân định chức năng thật rõ ràng: ai làm việc đó, làm trong điều kiện nào, làm trong quyền hạn nào, trong giới hạn nào
- tinh thần trách nhiệm của cá nhân phải thật cao đối với công tác được giao phó
- phân công nhiệm vụ thật cụ thể, sao cho mỗi người đều biết rõ trách nhiệm của mình là cái gì, và đừng có nhẩm chân lên nhau
- liên lạc thường xuyên với cấp dưới: tìm cách gặp gỡ nhân viên có trách nhiệm / đặc biệt tiếp đón cấp dưói khi họ đến gặp / hẹn giờ gặp chính xác để quý trọng thời giờ của mình và của kẻ khác

419. Thành công hay thất bại trong công việc của mình

Muốn công việc của mình được thành công tốt đẹp, bạn hãy tự làm lấy.
Muốn công việc của mình thất bại, bạn hãy giao khoán cho kẻ khác làm.

420. Hình thức cao siêu hơn hết của đức tự chủ

Theo Arnoux, đức tự chủ có ba hình thức cao siêu nhất: một là nhịn nói, hai là không quở trách, ba là không minh oan.
 
Để được khôn ngoan
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:08 25/07/2008
ĐỂ ĐƯỢC KHÔN NGOAN

(Chúa Nhật XVII TN A)

Theo truyền thống Kitô giáo, dựa vào sách tiên tri Isaia 11,1-2, thì một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần và cũng là ơn đầu tiên đó là ơn khôn ngoan. Để trình bày sự phát triển cách sung mãn của Đấng Cứu độ, thánh sử Luca ghi: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” ( Lc 2,52 ). Khôn ngoan là một trong những nhân đức đáng kính, đáng trọng, vì người khôn ngoan là người biết hành xử như là tạo vật trổi vượt trên các loài tạo vật hữu hình.

Khôn ngoan là nhân đức giúp ta biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, thiệt hơn… Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng, điều gì là nhất thời, chóng qua và điều gì là vạn đại thường tồn … Salômon, một vị vua nổi tiếng khôn ngoan khó có ai bì vì ngài đã biết xin Giavê ơn ấy, khi kế nghiệp vương đế của vua cha. “ Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Điều Salômon xin làm đẹp lòng Giavê nên Người đã “ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp” ( 1 V 3, 12 ).

Người khôn ngoan là người không chỉ biết phân biệt mà còn biết chọn lựa. Dĩ nhiên đã là khôn ngoan thì phải biết chọn điều tốt thay vì điều xấu, chọn điều đúng thay vì điều sai, chọn cái tốt hơn thay vì cái tốt kém…Không một sự chọn lựa nào mà không phải trả giá. Đã chọn điều này thì phải chấp nhận bỏ điều kia. Câu ngạn ngữ “ chọn lựa là hy sinh” một cách nào đó diễn tả quy luật này.

Qua hai dụ ngôn về Nước Trời như kho báu chôn giấu trong ruộng, như viên ngọc quý mà Chúa Giêsu kể thì người phát hiện đều sẵn sàng “bán đi tất cả những gì mình có” để mua cho được thuở ruộng hay mua viên ngọc quý. Bán đi một để được lợi gấp trăm, gấp nghìn lần là chuyện khỏi phải bàn, nếu ta có chút trí khôn suy xét hay có chút khôn ngoan để phân biệt. Những lợi lộc trần thế này thì hầu như ai cũng có thể cảm nhận vì nó cụ thể và thực tế trước mắt. Còn hạnh phúc Nước Trời thì sao đây ? Làm sao ta có thể được như thánh Phaolô tông đồ là “ chấp nhận mọi thua thiệt trước một mối lợi to lớn là được biết Chúa Kitô ?” “Chúa là gia nghiệp của con, vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc”. Đây là một sự thật mà ta chỉ có thể nhận biết nhờ đức tin.

TIN LÀ MỘT CÁCH THẾ KHÔN NGOAN

Để được khôn ngoan đích thực thì cần phải có đức tin. Có thể nói theo phương diện hiểu biết, thì tin là nhìn nhận mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa. Dù rằng đức tin trước hết là ơn Chúa ban. Tuy nhiên phần phía con người cũng cần có sự đáp trả. Có nhiều cách thế đáp trả trước ân ban của Thiên Chúa, nhưng một trong những cách thế gần gủi và thiết thực đó là tiếp cận với Lời Chúa qua Thánh Kinh. Càng đọc Thánh Kinh, càng nghiền ngẩm và gẩm suy Kinh Thánh thì ta càng có cái nhìn như Chúa nhìn, càng có lối nghĩ suy như Chúa suy nghĩ, càng có tâm tình như tấm lòng của Chúa.

Lời đáp ca mà Hội Thánh dọn cho ta trong Thánh lễ Chúa Nhật này như là thái độ cần có của Kitô hữu để được khôn ngoan đích thực. “ Luật pháp Ngài, Lạy Chúa, con yêu chuộng biết bao. Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu. Vì luật Chúa làm con vui sướng thỏa thuê. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay. Giải thích Lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu”.

Cần biết liều một chút: Dẫu sao đi nữa, đã nói là tin thì chọn điều mà mắt không hề thấy. Do vậy cần có một chút liều. Yếu tố liều là yếu tố không thể thiếu trong niềm tin. Tuy nhiên cái sự liều của chúng ta không là vô căn cớ hay là phi lý. Pascal, một tư tuởng gia lỗi lạc đã làm một thách đố với người không tin và ông đã chỉ ra kết quả là người tin chỉ có hòa và thắng chứ không hề thua. “Tôi tin có Chúa và nhận Người làm gia nghiệp, còn anh không tin. Nếu không có Người thì tôi và anh, kẻ tin, người không tin, vẫn hòa nhau, còn nếu thực sự có Người hiện hữu thì tôi lãi lớn”. Cái sự gọi là cá cược của Pascal tuy có vẻ hấp dẫn nhưng vẫn chưa mang tính thuyết phục, vì vẫn chưa làm nổi rõ sự cao trọng và quý giá của Nước Trời. Để có thể cảm nhận hay nói theo ngôn từ nhà Phật là ngộ ra sự vô giá của hạnh phúc Nước Trời, thiết tưởng chúng ta cần noi gương vua Salômon: Xin cho con có được một tâm hồn biết lắng nghe.

BIẾT LẮNG NGHE: MỘT THÁI ĐỘ TẤT YẾU CỦA NGƯỜI TIN

Về mặt tiêu cực: nhận ra sự hữu hạn và chóng qua của những điều được cho là tốt là đẹp ở đời này. Với một tâm hồn biết lắng nghe tức là biết thức tỉnh thì ta sẽ có thể nhận ra sự mong manh, bất toàn của các thiện hảo đời này. Sắc đẹp không qua khỏi làn da và cũng chẳng thoát được sự tàn phá của thời gian. Tiền bạc có thể mua được người tình mà chẳng có thể mua được tình yêu, có thể mua được thuốc tốt nhưng chẳng thể mua được sức khỏe, có thể mua được chiếc giường son, chăn ấm mà không thể mua được giấc ngủ ngon…Hơn nữa, không ai có thể mang của tiền theo mình xuống nấm mộ. Danh vọng hay quyền lực có thể làm cho cái tôi của mình phình rộng ra nhưng không thể làm cho nhân cách của mình lớn lên. Quyền cao chức trọng thì có thể sai bảo được nhiều người nhưng rồi chính bản thân lại không thể tự mình đi xuống huyệt lạnh. Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân.

Về mặt tích cực: nhận ra sự vô biên, hằng hữu, tuyệt hảo của Đấng dựng nên ta từ hư vô. Với một tâm hồn biết lắng nghe, đặc biệt bằng sự cầu nguyện, ta sẽ nhận ra rằng ta không tự mua lấy sự sống đời này. Không một phải trả một cái giá nào để làm người, để chào đời. Không một ai chọn cho mình hoàn cảnh làm người, môi trường chào đời, thời gian lịch sử làm người… Nhờ sự cầu nguyện, nhờ kết hiệp với Đấng là căn nguyên và cứu cánh đời ta thì ta sẽ cảm nhận phần nào đó hạnh phúc vĩnh cửu.

Các nhà thông thái, các triết gia rất có khả năng nhận ra tính phù du của tạo vật bằng sự phản tỉnh, nhưng chính các bậc thánh nhân mới là những người khám phá kho tàng vô giá của Nước Trời bằng đời sống cầu nguyện. Khi sinh thời Chúa Giêsu thường khuyên dạy các môn sinh và dân chúng là hãy biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn ( x.Mt 26,41 ).

Sự khôn ngoan không phải là nhân đức ta có được một lần cho cả đời nhưng là nhân đức ta cần chuyên chăm đón nhận và tập luyện cả đời. Khôn ba năm có thể khờ dại trong một giờ. Cuộc đời của vua Salômon là một đan cử điển hình. Về cuối đời vua Salômon đã chiều theo các bà vợ mà đánh mất sự khôn ngoan của một thời. Để được khôn ngoan, để biết chọn điều tốt nhất với bất cứ giá nào, cho dù phải bán đi tất cả những gì mình có, chắc chắn cần có niềm tin, một niềm tin dựa trên nền tảng Lời Chúa cùng với sự chuyên chăm tỉnh thức và cầu nguyện.
 
Cha mẹ Công giáo giáo dục con cái
+ GM JB Bùi Tuần
12:10 25/07/2008
CHA MẸ CÔNG GIÁO GIÁO DỤC CON CÁI

Sắp tới lễ kính hai thánh Gioakim và Anna (26/7). Dịp này, Hội Thánh tôn vinh hai đấng đã là cha là mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Lễ này cũng là dịp nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ phải biết giáo dục con cái.

Xin nhấn mạnh đến "phải biết giáo dục con cái", nghĩa là phải giáo dục con cái sao cho đúng tinh thần Phúc Âm.

Vấn đề rất mênh mông. Tôi chỉ xin nêu lên mấy điểm rút ra từ kinh nghiệm.

Trước hết, nên nhớ rằng: Giáo dục con cái cốt ở sự giúp cho con cái mình sống càng ngày càng xứng đáng người con của Chúa hơn.

Sự giúp đó là lời dạy dỗ, gương sáng, tạo môi trường thuận lợi, nhất là kết hợp với ơn Chúa.

Tất cả sẽ giúp cho con cái thấm nhuần những lẽ sống sau đây:

1/ Người con Chúa tin Đấng tạo dựng nên mình là Thiên Chúa tình yêu

Chúa muốn mọi con Chúa cũng phần nào trở nên giống Chúa là tình yêu. Càng giống Chúa là tình yêu càng sẽ được chia sẻ hạnh phúc của Chúa là tình yêu.

Người con Chúa là con người đầy ắp tình yêu của Chúa. Tình yêu cao thiêng đó sẽ đổi mới con người. Dần dần sẽ thấy như có một con người bên trong lớn mạnh. Con người bên trong mang sự sống Chúa Giêsu.

Muốn được như vậy, người con Chúa phải liên hệ với Chúa một cách gần gũi. Bằng cầu nguyện, gẫm suy Lời Chúa, đón nhận các bí tích. Như thể mình là cành, Chúa là thân cây. Mình phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Sự sống của Người, tình cảm của Người, ý muốn của Người được chia sẻ sang mỗi người con Chúa càng ngày càng nhiều, càng mạnh.

2/ Người con Chúa là người sống sự tự do của Chúa

Sự tự do nói đây là không bị các tính mê nết xấu và tội lỗi khống chế. Họ cũng bị cám dỗ, nhưng họ không sa chước cám dỗ. Họ sống trong thế gian có nhiều sức ép lôi kéo về đàng tà, nhưng họ không để mình bị làm nô lệ những quyền lực của sự ác.

Họ yêu thương trước những làn sóng hận thù ghen ghét. Họ tiết độ giữa những phong trào hưởng thụ.

Tự do của con cái Chúa là sự triển nở các hoa trái của Chúa Thánh Thần giữa một thế giới khô cằn.

Sự tự do của con cái Chúa là không đầu hàng hoàn cảnh phản nghịch Phúc Âm. Dù bị tước đoạt những của cải và địa vị, họ vẫn luôn biết tìm cách làm nhiều việc lành nhỏ mọn một cách thanh thản. Dù trong hoàn cảnh rất khó, họ vẫn mến Chúa, vẫn yêu người một cách chân thành.

3/ Người con Chúa là người thích phục vụ tha nhân trong yêu thương khiêm tốn

Khi phục vụ tha nhân vì động lực "vì là người con Chúa", người con Chúa sẽ mở lòng trí để nhìn thấy nhiều sáng kiến. Như cầu nguyện cho, đền tội thay, gieo rắc Lời Chúa bằng những cách trong tầm tay, giúp đỡ, chia sẻ, khích lệ, ủi an, khuyên bảo tế nhị.

Họ phục vụ mà không chờ đền đáp. Nếu bị chối từ cách này, họ vẫn tìm phục vụ bằng cách khác. Nếu bị hiểu lầm hoặc bị khinh chê, họ không vượt qua đau khổ cho bằng đón nhận đau đớn vào mình như một hy sinh.

Phục vụ tha nhân bằng yêu thương khiêm nhường đang là dấu chỉ để nhận ra ai là người con Chúa. Dấu chỉ đó được coi là tiêu chuẩn đúng. Dấu chỉ đó càng ngày càng làm xuất hiện những khuôn mặt đẹp bước ra từ những giai cấp thấp kém trong xã hội và trong Giáo Hội.

4/ Người con Chúa là người biết trả lời ơn Chúa gọi mình

Họ biết nhận ra sự Chúa đợi họ ở chỗ nào, để họ được hạnh phúc.

Họ nhận ra điều đó nhờ cầu nguyện, nhất là nhờ suy xét những biến cố xảy ra cho mình, từ tiêu cực đến tích cực, ngay trên chuỗi dài bậc thang đời sống, để đoán ra ý Chúa Quan Phòng đang muốn dẫn đưa đời họ về đâu. Những biến cố ấy là dấu Chúa gọi. Họ trả đáp với tất cả sự khiêm nhường và phó thác.

Mỗi chọn lựa của người con Chúa là một cách đáp lại ơn Chúa gọi mình. Đáp lại để chọn một bậc sống, đó là sống ơn gọi. Đáp lại để chọn một việc dấn thân, phục vụ, hay loan báo Tin Mừng, đó cũng là sống ơn gọi.

5/ Người con Chúa là người sống chiều kích đời đời một cách quyết liệt

Họ tin chắc chắn họ được tạo dựng nên, để đi vào cõi đời đời. Cõi ấy sẽ là thiên đàng dành cho những người sống xứng đáng là con của Chúa. Người con xứng đáng sẽ là kẻ sạch tội, hoặc chẳng may có tội thì đã sám hối trở về.

Để tới cõi đời đời, họ luôn cần đến ơn Chúa, cho từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.

Họ bám vào Chúa. Và Chúa ở bên họ. Họ đón nhận ơn Chúa với lòng cảm tạ.

Cõi đời đời, sự sống đời đời, hạnh phúc đời đời, cái nhìn đó của đức tin mang chiều kích quyết định. Họ nhớ lại lời Chúa cảnh giác: "Nếu được mọi sự thế gian, mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào được ích gì" (Lc 9,25).

Trong chân lý đó, người con Chúa sẽ cân nhắc mọi việc mình làm, mọi lời mình nói, mọi sự mình muốn, cũng như mọi dự kiến của mình.

Lúc này hơn lúc nào hết, bổn phận của các phụ huynh công giáo trong việc giáo dục con cái đang là nỗi bức xúc lớn.

Nỗi bức xúc lớn hơn thiết tưởng chính là sự các bậc phụ huynh cần được đào tạo nhiều hơn trong việc tin mến Chúa, trong việc phục vụ yêu thương người khác, nhất là trong việc gỡ bỏ cái tôi đối nghịch với Chúa Thánh Thần.
 
Đồng hành với tù nhân trong sự thật và tình yêu
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
12:29 25/07/2008
ĐỒNG HÀNH VỚI TÙ NHÂN TRONG SỰ THẬT VÀ TÌNH YÊU

Từ năm 1997, Cha Jean-Hubert Vigneau là Linh Mục Tổng Tuyên Úy các nhà tù tại Pháp. Cha thuộc tổng giáo phận Lille (Bắc Pháp). Cha nói về kinh nghiệm phục vụ anh chị em tù nhân như sau.

Đoàn Tuyên Úy Công Giáo toàn quốc các tù nhân gồm 400 người, trong số này 1/3 là Linh Mục Tuyên Úy và 2/3 là giáo dân thiện nguyện. Sứ mệnh của chúng tôi là đồng hành tinh thần với các tù nhân, nếu họ yêu cầu. Chúng tôi chia sẻ sứ mệnh với các đoàn tuyên úy tin lành và hồi giáo. Tất cả các đoàn tuyên úy sẵn sàng phục vụ tinh thần các tù nhân, những ai muốn chúng tôi giúp.

Đoàn Tuyên Úy Công Giáo tôn trọng quy luật riêng dành cho các nhà tù, bởi lẽ, nhà tù có qui chế đời và cộng hòa. Thêm vào đó, các tù nhân sống sau các song sắt gồm đủ mọi thành phần với tình trạng sống đặc thù.

Khung cảnh nhà tù cũng thay đổi rất nhiều. Lý do giam cầm các tù nhân đa số không giống như trước. Dĩ nhiên, tôi nói về các nhà tù hiện nay tại Pháp. Nạn cướp bóc, các băng đảng lớn tội phạm, nạn đĩ điếm, nhường chỗ cho các tù nhân thuộc lớp người bị xã hội loại trừ, ruồng bỏ. Ngoài ra còn có hạng tù nhân hậu quả của nạn nghèo đói, của các khu phố ngoại ô đầy dẫy bất lương. Chưa hết, còn có tù nhân đến từ các nhóm di dân bất hợp pháp, thất nghiệp, các gia đình tan vỡ và của nạn lạm dụng tính dục.

Trước thảm cảnh thiên hình vạn trạng của thế giới tù nhân, nhiệm vụ của Đoàn Tuyên Úy Công Giáo không chỉ nằm ở bình diện thiêng liêng.

Chúng tôi phải giúp các tù nhân thoát ra khỏi một số vấn đề đang vây bủa. Chẳng hạn, có tù nhân cần được dạy cho biết đọc biết viết. Có tù nhân cần được chữa trị về phương diện tâm lý. Có tù nhân cần được hỗ trợ để cai ma túy, rượu chè. Nói tắt một lời, nhu cầu của các tù nhân khác biệt nhau và cần được giúp đỡ riêng rẽ.

Sứ vụ đồng hành với các tù nhân đòi hỏi rất nhiều quan tâm săn sóc và khả năng biết lắng nghe. Dịp Đại Hội toàn quốc các Tuyên Úy nhà tù năm 1991, chúng tôi quyết định hợp tác với nhau. Đoàn Tuyên Úy Công Giáo toàn quốc ra đời từ đó. Sang đến kỳ Đại Hội toàn quốc năm 1996 chúng tôi lại quyết định hoạt động chung với tất cả những ai có liên hệ đến thế giới tù nhân. Trước hết là người đến từ thế giới bên ngoài: người đi thăm, thân nhân bạn bè, gia đình và những người tiếp rước họ. Tiếp đến là các nhân viên làm việc tại nhà tù.

Trong bối cảnh nhà tù như thế, THIÊN CHÚA không xen mình vào, không ép buộc ai. Nếu ai tìm kiếm Ngài thì sẽ gặp được Ngài. Nhiệm vụ của đoàn Tuyên Úy Công Giáo là giúp các tù nhân tìm kiếm THIÊN CHÚA. Chúng tôi tôn trọng tự do của từng tù nhân. Chúng tôi không lợi dụng hoàn cảnh đáng thương để loan báo Tin Mừng. Chúng tôi cũng không ve vuốt khiến họ mơ mộng hão huyền. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là giúp các tù nhân tìm ra sự thật về chính cuộc đời họ, nhận đúng lý do nào đưa họ vào tù. Cần phải có thời gian để xem xét lại cuộc đời mỗi người.

Để xây dựng tương lai, con người cần phải sáng suốt nhìn về quá khứ. Đây là thách đố cho nhiệm vụ tuyên úy tù nhân. Chúng tôi có bổn phận giúp các tù nhân nhìn rõ về chính mình. Điều này bắt buộc chúng tôi cư xử chân thật với các tù nhân. Chúng tôi không được phép tự lừa dối mình cũng không được lừa dối anh chị em tù nhân. Chúng tôi không dụ dỗ ai đi theo con đường của mình. Trái lại, chúng tôi tìm đến gặp gỡ họ trên chính con đường họ đang đi. Đây là điều kiện cho cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với các tù nhân. Và đó cũng là điều kiện cho các tù nhân gặp gỡ THIÊN CHÚA.

... Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ”Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thửơ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn; Ta khát, các con đã cho uống; Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước; Ta trần truồng, các con đã cho mặc; Ta đau yếu, các con đã thăm nom; Ta ngồi tù, các con đã đến thăm” (Matthêu 25,34-36).

(”Famille Chrétienne”, n.1120, Juillet/1999, trang 19)
 
Kho báu ẩn dấu và viên ngọc quí
Lm Pietro Nguyễn Hương
20:17 25/07/2008
Kho báu ẩn dấu và viên ngọc quí

Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lĩ. Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.

Trong tác phẩm nổi tiếng “la Pensées”, Pascal (triết gia công giáo pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng. Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp. Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.

Bậc thứ hai cao trọng hơn là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ. Đây là một bậc có một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài. Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.

Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng. Gounod cho rằng: “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng”. Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia. Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện. Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay trong chính đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này: Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa và phân biệt lành dữ. Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả.

Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa ruộng” và “viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báo” và ‘viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.

Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ secondhand, “hàng ế”! Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống. Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: “Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (Bài giảng ở Sydney 2008). Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.

Như hai người trong Tin Mừng tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời mình. Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải. Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ. Có một sự bận tâm cao hơn đó là “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”; có những giá trị còn lơn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta. Amen!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:37 25/07/2008
NGÔI LỜI TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM.

N2T


Trong Phúc Âm của thánh Gioan có một đoạn:

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.... ..

Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành,

và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”.


Chú mắt nhìn vào bóng tối, không lâu bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng, yên lặng chăm chú nhìn tất cả xung quanh, bạn sẽ phát giác ra: bóng tối sẽ không lâu, bạn liền nhìn thấy ánh sáng.

“Ngôi Lời đã trở thành người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta...”

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Bóng tối thường đồng lõa với tội lỗi, là hoàn cảnh thuận lợi cho sự dữ phát sinh và là nơi lý tưởng để ma quỷ lợi dụng.

Chúa Giê-su là ánh sáng giữa đêm đen, là ánh sáng soi dẫn đường chúng ta.

Đi trong bóng tối cuộc đời thì sợ hãi, nhưng đem Lời Chúa đặt phía trước mặt thì sợ hãi biến thành hy vọng; sống giữa những phong ba bão táp cuộc đời đương nhiên là sợ hãi, nhưng tay nắm chặt Thánh Giá của Chúa Giê-su như cái neo níu giữ con tàu, thì sợ hãi trở thành dũng cảm...

Chúa Giê-su là Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, Ngài chính là ánh sáng trong đêm tối, là sức mạnh giữa những lo sợ, là Đấng bảo vệ và chở che. Bạn có lúc nào nghĩ như thế không vè Chúa Giê-su ?

Không ai can đảm đứng lâu trong bóng tôi để nhìn thấy ánh sáng, nếu người đó không có hy vọng cuối đường hầm sẽ có ánh sáng. Nhưng người Ki-tô hữu vẫn luôn tin tưởng, trong bóng tối cuộc đời vẫn có ánh sáng của Chúa Giê-su Ki-tô chiếu dọi, Ngài cần chúng ta kiên trì và nhẫn nại.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:38 25/07/2008
CHỦ NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 13, 44-52.

“ Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.”

Bạn thân mến,

Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giê-su đưa ra ba dụ ngôn nói về Nước Trời với ba ý nghĩa khác nhau, để cho bạn và tôi cùng suy nghĩ xem mình có phải là người mừng vui khi tìm được Nước Trời hay không: Nước Trời ví như kho tàng chôn giấu trong ruộng, Nước Trời giống như thương gia đi tìm ngọc đẹp, Nước Trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển.v.v...

Bạn là người tìm được Nước Trời chôn giấu giữa thế gian, khi mà chung quanh bạn có rất nhiều người chưa tìm được kho tàng quý báu ấy, nhưng bạn có vui lòng bán tất cả, đánh đổi tất cả những gì bạn đang có để chiếm hữu Nước Trời không ? Bạn có so đo thời gan tham dự thánh lễ quá dài so với thời gian ngồi nhậu nhẹt với bạn bè không ? Bạn có sẵn lòng hy sinh sự nghiệp, hy sinh tình yêu, hy sinh tiền bạc, hy sinh tất cả, để chiếm lấy Nước Trời là kho tàng mà bạn đã tìm được giữa thế gian này không ?

Khi mà có rất nhiều đang mò mẫm đi tìm chân lý thì bạn đã tìm được chân lý là Chúa Giê-su Ki-tô; khi mà người ta đi tìm Thiên Chúa trên mặt trăng, dười biển sâu, trong các thư viện cổ kính giá trị, thì bạn đã tìm được Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của mình; khi mà người ta quyết đánh đổi tất cả để được sự bình an trong tâm hồn, thì bạn đã được sự bình an của Chúa Giê-su trong lòng. Tất cả những điều ấy chính là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa –vì yêu thương- đã trao ban cho bạn khi bạn tìm kiếm Ngài.

Bạn thân mến,

Có nhiều người Ki-tô hữu đã tìm được kho tàng quý giá là Nước Trời, nhưng họ không giữ được lâu bền, bởi vì họ đem kho tàng vô giá ấy đánh đổi với vật chất của thế gian. Nhưng bạn và tôi là những người được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, đã đem kho tàng Nước Trời mặc khải cho chúng ta, và giúp chúng ta phương pháp gìn giữ kho tàng ấy, đó chính là các bí tích và ân sủng của Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:39 25/07/2008
N2T


19. Người không cầu nguyện thì giống như cá không ở trong nước, như lính không có binh khí, như chim không có cánh, như thuyền không có chèo, hoàn toàn giống nhau.

(Thánh Christina)
 
Ước muốn và lựa chọn giá trị nước trời
LM. Trần Bình Trọng
23:31 25/07/2008

ƯỚC MUỐN VÀ LỰA CHỌN GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI



Chuá Nhật 17 Thường Niên, Năm A
1V 3:5, 7-12; Rm 8:28-30; Mt 13:44-52


Mỗi người đều có những ước muốn và lựa chọn khác nhau: người thì muốn giàu sang, người ham thích chức quyền, người khác muốn có nhiều bạn hữu.. Trẻ con cũng có những ước muốn khác nhau. Nếu hỏi trẻ con sau này lớn lên muốn làm gì, người ta sẽ được nghe các em trả lời: con muốn làm bác sĩ, con muốn làm linh mục, em muốn làm luật sư, em muốn làm cảnh sát, cháu muốn chơi đá banh, cháu muốn đấu đô vật. Ước muốn của trẻ con thường được thể hiện bằng cách thần tượng hoá mẫu người lý tưởng. Chẳng vậy mà trẻ con thường thích xin chữ ký của người lý tưởng hay nổi danh về phương diện nào đó để làm kỷ niệm. Có những trẻ em làm bộ bắt chước linh mục cử hành thánh lễ tại gia. Trẻ gái cũng có những ước muốn khác nhau. Tuy nhiên nhiều nghành chưa được mở rộng cho nữ giới, nên ước muốn của trẻ gái thường bị giới hạn.

Về vấn đề ước muốn của người lớn, thì đa số đều muốn được hạnh phúc. Tuy nhiên người ta bất đồng ý kiến làm sao để đạt hạnh phúc. Và người ta đầu tư vào của cải cho có thêm để được hạnh phúc hơn. Ước muốn là một chuyện, còn lựa chọn lại là chuyện khác. Ta có thể ước muốn nhiều chuyện, nhưng không chọn lựa được hết. Ðứng trước những chọn lựa khác nhau, vua Salômôn không xin cho được sống lâu hay quyền thế, không xin cho được giàu sang, hay thắng trận. Nhà Vua tự nhận thức rằng trí khôn của ông chưa trưởng thành, chưa đủ kinh nghiệm, mà dân nuớc thì lại đông đảo. Vì thế nhà Vua chỉ xin Chúa ban cho được sự khôn ngoan, một tâm hồn hiểu biết, để phân biệt thiện ác, lành dữ. Nhà Vua cũng xin cho được phán đoán ngay thẳng để hướng dẫn dân tình thế thái. Ðây là lời Vua xin cùng Chúa: Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái (1V 3:9).

Kết quả là Thiên Chúa tỏ lòng rộng lượng, ban cho nhà Vua một tâm hồn khôn ngoan trổi vượt, để từ đó vua Salômôn trở thành nhân vật khôn ngoan cho tới ngày nay mà bao nhiêu người hằng ngưỡng mộ: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp (1V 3:12). Thật vậy, sự khôn ngoan của vua Salômôn đã được nữ hoàng Sơva tìm đến học đòi như Phúc âm hôm nay ghi lại: Bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn (Mt 12:42).

Phúc âm hôm thánh Mát-thêu lại những phản ứng khác nhau khi người ta tìm được những bảo vật quí giá trong ba dụ ngôn. Kể chuyện dụ ngôn rất là khó vì nếu áp dụng không ăn hợp và thực tế thì giống như râu ông cắm cằm bà. Thế mà trong Phúc âm, Chúa kể nhiều dụ ngôn và dụ ngôn Chúa kể thì thật là tuyệt vời, hay ho và còn ý tứ nữa. Chúa dùng những hình ảnh như đồng áng, lúa miến, hoa cỏ, chim chóc, chiên cừu, quen thuộc với người nghe để dạy họ bài học luân lý. Khi kể dụ ngôn về người kia khám phá ra kho tàng chôn giấu trong ruộng, Chúa bảo bác phải lựa chọn bằng cách đi bán gia sản để mua kho tàng đó.

Thời đó miền đất mà Chúa sinh trưởng là Pa-lét-tin bị các đế quốc Babylon, Át-sua, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã thay nhau đô hộ cho nên việc chôn giấu tài sản dưới đất không phải là chuyện hiếm. Theo luật Ðế quốc La mã đang cai trị người Do thái thời bấy giờ thì ai tìm được vật gì quí giá, thì người ấy là sở hữu chủ. Còn luật Do thái lại dạy ai làm chủ ruộng đất nào thì có quyền sở hữu những sự vật dưới ruộng đất đó. Khi kể dụ ngôn người tìm được kho báu chôn giấu trong ruộng phải bán tàn tài sản để mua thửa ruộng đó, Chúa muốn cho người ấy giữ luật Do Thái thời bấy giờ thay vì luật của Ðế quốc La mã. Khi người lái buôn tìm được viên ngọc quí cũng về bán của cải để mua cho được viên ngọc đáng giá. Còn người chài lưới khi kéo lên mẻ lưới đầy cá thì thu cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu loại ra ngoài.

Vậy để đạt kho tàng qúi giá là nước Trời, người ta phải tìm kiếm và thực thi những giá trị nước Trời. Những giá trị nước Trời được tìm thấy ở đâu? Thưa là tìm thấy trong Thánh kinh và Phúc âm. Ðó là Mười Giới răn và Tám Mối Phúc Thật. Ðó là sự thật, sự công chính, sự thiện hảo, sự lành thánh, lòng yêu thương, tha thứ và bác ái.. Nước Trời không phải chỉ là thiên đàng trên Trời, mà còn là thiên đàng dưới thế. Nói như vậy có nghĩa là khi ta sống và thực thi những giá trị của nước Trời, thì nước Trời ngự trị trong tâm hồn ta.

Công Ðồng Vaticanô II nhận định rằng: Con người thời nay vẫn thấy lo lắng thắc mắc về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài (MV # 3). Ngày nay người ta phải đương đầu với những khủng hoảng về giá trị mà loài người chưa từng thấy. Người có tuổi cảm thấy những giá trị luân lý truyền thống đang bị lung lạc và đảo lộn. Vấn nạn lớn nhất của nhân loại đời nay là làm sao tìm cho ra ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. Không tìm được ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống có thể đưa con người đến chỗ sa đoạ, hư hỏng.

Chúa ban cho Salômôn sự khôn ngoan vì đã biết chọn đúng mức độ ưu tiên của bậc thang giá trị, thì ta cũng cầu xin Chúa ban cho ta được ơn khôn ngoan để biết đánh giá và chọn lựa cho đúng những giá trị Phúc âm của cuộc sống. Việc ta chọn lựa những giá trị của cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn của con cháu sau này. Trong Phúc âm, Chúa dạy ta chọn lựa: Trước hết hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác Người sẽ ban sau (Mt 6:33). Ðó là những kho tàng mà Chúa bảo: Mối mọt không làm hư hại, trộm cắp không đào nghạch và lấy đi được (Mt 6:20).

Lời nguyện xin cho biết tìm đúng bậc thang giá trị vững bền:

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng khôn ngoan siêu việt.
Sự khôn ngoan của Chúa vượt mọi thứ khôn ngoan của loài người.
Xin mở mắt con để con biết nhìn sự vật dưới ánh sáng chân lý.
Xin ban cho con được ơn khôn ngoan,
để con biết tìm kiếm và chọn lựa những giá trị ưu tiên của cuộc sống,
những giá trị thuộc về nước Trời,
hầu ảnh hưởng đến việc lựa chọn của con cháu con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WYD08 Video: Đàng Thánh Giá (chặng 7) Ông Simon giúp Chúa Giêsu vác thập giá (rất hay)
VietCatholic & IMG
00:25 25/07/2008
Chặng thứ 7: Ông Simon giúp Chúa Giêsu vác thập giá - Địa điểm: Darling Harbour.

Chặng Đàng Thánh Giá thứ 7 được mở đầu đoạn Tin Mừng thánh Luca nhắc tới việc ông Simon vác thập giá đỡ Chúa Giêsu.

Rồi đoàn người Aborigines, thổ dân gốc Úc châu trình diễn cảnh cơ cùng và những thống khổ kiếp người...

Chúa Giêsu vác thập giá đi qua rồi ngã xuống đất lần thứ 2, quân lính La mã bắt một người thổ dân vác thập giá đó...

Tiếp đến là cảnh Chúa Giêsu vác thập giá đi qua các con đường Sydney đến nhà Hòa nhạc ở Harbour và đoàn thập giá xuống phà lướt đi trên dòng sông và hải cảng Sydney. Đang khi đó ca đoàn suy niệm và hát thánh ca. Bài thánh ca trong đoạn Video này tên là "Đường Tình Nào" do nữ tu Thiên-Thanh sáng tác với tiếng hát ca sĩ Cam-Thơ, trích từ CD Nhạc "Đường Tình Thập Giá" của VietCatholic


Hướng dẫn: Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. (Luke 23:26).

Suy Niệm: Ông Simon thực ra đã không được quyền từ chối vác thánh giá. Simon, cũng như Chúa Giêsu, là một nạn nhân. Ông Simon bị buộc phải góp phần nào vào việc vác thánh giá và đóng đinh một cách bất chính và tủi nhục được thi hành nhân danh những người La-mã đang chiếm đóng. Có thể sau này ông không muốn nhắc tới câu truyện này nữa. Nhưng dầu muốn hay không, ông cũng đã bịlôi cuốn vào ‘công trình cứu độ của chúng ta’.

Vì vậy Ông cũng đã góp một phần trong việc hiến tế cuối cùng của Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha, món quà cứu rỗi của Chúa Giêsu cho nhân loại. Có nhiều cơ hội để giúp đỡ anh chị em chúng ta đã qua đi ‘trái ngược với ý muốn mình’. Những cơ hội đó đôi lúc đã đến với những cách mà chúng ta không thích chọn lựa, nhưng những cơ hội đó không đợi chúng ta đâu. Xin cho triển vọng và quyền năng của Chúa Kitô phục sinh là sự an ủi và là niềm hy vọng của chúng ta.

Lời Nguyện: Lạy Chúa, Chúa nói với chúng con rằng bất cứ những gì chúng con làm cho những người gặp cảnh khó khăn là chúng con làm cho Chúa. Chúa cũng đã nói với chúng con rằng không dễ gì mà nhận ra hình ảnh Chúa nơi những người khốn khó. Những người đau yếu hay những kẻ đói khát, những người bị tù đày hay bị chán nản thất vọng, những người tị nạn và những người xa lạ, có thể dường như không thích hợp với hình ảnh của Chúa, và điều này cũng vậy, không giống nhiều người thổ dân trong thế giới chúng con. Nhưng họ đúng thật là chị em và anh em của chúng con. Xin giúp chúng con đừng làm ra vẻ không biết đến họ, nhưng cùng đi với họ và làm nhẹ đi gánh nặng họ mang trên vai và trong cuộc sống.
 
Hãy tìm kiếm những đường hướng mới để trình bày sự thật bất biến của Tin Mừng
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:30 25/07/2008
Vatican (VIS) - Như VietCatholic đã đưa tin, trong các ngày 23 đến 26 tháng Bảy, Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa tổ chức một hội nghị với chủ đề: “Viễn tượng Mục vụ Tân Phúc Âm hóa trong bối cảnh Toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó đến nền Văn hóa Phi Châu” tại Bagamoyo, Tanzania.

Nhân dịp khai mạc hội nghị, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi một bức thư cho các giám mục Phi Châu đặc trách chăm sóc mục vụ văn hóa. Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc lại làm sao để loan báo Tin Mừng về văn hóa và hội nhập văn hóa Tin Mừng “là đề tài tuy đã cũ nhưng hãy còn là sứ mạng mới”. Ngài kêu gọi các giám mục tìm kiếm “những đường hướng mới và có hiệu quả để trình bày sự thật bất biến của Tin Mừng và nhất là các giá trị của niềm vui cuộc sống, việc tôn trọng trẻ nhỏ chưa chào đời, vai trò quan trọng của gia đình, ý thức sâu sắc về hiệp thông và liên đới đã được thể hiện trong nền văn hóa Phi Châu”.

Hội nghị đã được khai mạc bằng Thánh lễ do Đức Hồng y Polycarp Pengo, Tổng Giám Mục của Dar-es- Salaam, Tanzania chủ tế. Sau phần đọc bức thư của Đức Thánh Cha là bài tham luận của Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa mang tựa đề: “Các Thách Đố Văn Hóa của Trần Tục Hóa, được truyền bá do Toàn Cầu Hóa”. Vì lý do ngài không thể có mặt trong hội nghị nên bài tham luận này do Cha Bernard Ardura, thư ký Hội đồng trình bày thay. Những thách đố mà Đức Tổng Giám Mục đề cập đến là “sự lãng quên lợi ích chung, hành vi xã hội được hướng dẫn bởi logic của thị trường, nguyên nhân hủy hoại các kiểu mẫu đời sống được truyền thụ từ gia đình, nhà trường, giáo xứ cũng như sự đề cao chủ nghĩa cá nhân”.

Đức Cha Chủ tịch Hội đồng nhận xét rằng các quốc gia nghèo nhất là những nơi mà những nguy cơ về tính thiếu thuyết phục của toàn cầu hóa được phơi bày, dẫn đến “sự hủy hoại các giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên một cách dễ dàng, làm xói mòn lương tâm và đánh bật cội rễ văn hóa của các thế hệ làm cho bị cuốn vào đường xoắn ốc dẫn tới nghèo khổ và bần cùng”.

Đức Tổng Giám Mục viết thêm: “Trong bối cảnh trần tục hóa toàn cầu, Giáo Hội có cơ hội tạo nên đóa hoa “chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo”, tái đề xuất các giáo trị luân lý to lớn” và tuyên bố “Lời Chúa, vốn có khả năng biến những sa mạc của sự thờ ơ và hời hợt mang lại hoa quả”.
 
Một Giáo Xứ tại TGP Chicago đã Sống theo Tinh Thần của Tự Sắc ''Summorum Pontificum''
Anthony Lê
09:30 25/07/2008
Một Giáo Xứ tại TGP. Chicago đã Sống theo Tinh Thần của Tự Sắc "Summorum Pontificum"

Và Hiện Đang Dạy cho Các Giáo Xứ Khác Cách Cử Hành Thánh Lễ Truyền Thống Theo Sách Lễ Rôma 1962

Cha Frank Phillips, C.R. với Đức Hồng Y Francis George, O.M.I.
CHICAGO (Zenit.org).- Viễn ảnh của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI về hai dạng mới và củ của Phụng Vụ sẽ cùng tồn tại một cách hài hòa với nhau - và theo Cha Scott Haynes, S.J.C. cho biết: viễn ảnh đó đã và đang là một hiện thực trong rất nhiều năm qua tại Giáo Xứ Thánh Gioan Cantius ở Tổng Giáo Phận Chicago.

Cha Haynes, một Linh Mục thuộc Dòng Thánh Gioan Cantius cho biết là giáo xứ của Cha hiện đang cử hành cả hai dạng khác nhau của Thánh Lễ, tức Thánh Lễ truyền thống bằng tiếng La Tinh, và Thánh Lễ theo hình thức hiện nay bằng tiếng Anh, mỗi ngày trong suốt 18 năm qua.

Thứ Sáu ngày 14 tháng 9 năm 2007 vừa qua chính là ngày đầu tiên mà Giáo Xứ triển khai theo đúng với tinh thần của Tự Sắc "Summorum Pontificum."

Hãng tin Zenit đã hỏi Cha Haynes về sự khác nhau đã diễn ra như thế nào tại Giáo Xứ của Cha sau ngày Thứ Sáu đầu tiên thực hiện Tự Sắc của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Cha Haynes cho biết như sau:

"Nếu chú ý kỹ thì chẳng có gì là thay đổi cả vì rằng đây chính là điều mà chúng tôi hiện đang làm trong suốt 18 năm qua. Chúng tôi đã và hiện đang sống đúng với những gì mà Tự Sắc của Đức Thánh Cha đã nhắm tới."

Cha Federico Lombardi, S.J. - Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh - vào tháng 7 năm ngoái nói rằng:

"Đức Thánh Cha mong rằng việc cùng tồn tại của hai dạng củ và xưa thuộc Nghi Lễ Rôma sẽ cùng hướng dẫn lẫn nhau, chứ không hề đối kháng nhau, tức cùng làm phong phú thêm cho nhau."

Còn Cha Haynes thì cho biết:

"Tại hầu hết mọi nơi, hoặc là có Thánh Lễ truyền thống bằng tiếng La Tinh, hoặc là có Thánh Lễ được cử hành theo ngôn ngữ hiện nay. Chứ không hề có cả hai. Điều mà Tự Sắc thể hiện đó là cho phép hai dạng khác nhau của Thánh Lễ có thể cùng xảy ra tại bất kỳ giáo xứ nào, và đây đã là điều mà chúng tôi đang làm từ trước cho đến nay, do đó, ảnh hưởng của Tự Sắc đó là rất nhỏ đối với chúng tôi."

Chín năm trước đây, Đức Hồng Y Francis George [hiện đang là vị Chủ Tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ - NV], trong năm thứ nhì phục vụ Tổng Giáo Phận Chicago trong tư cách là Tổng Giám Mục, đã cùng cộng tác với Cha Frank Phillips, C.R. để thành lập ra một Dòng Tu mới, gọi là Dòng Canons Regular of St. John Cantius. Dòng này được đặt trên nền tảng của một cách tiếp cận độc nhất vô nhị về Phụng Vụ và khẩu hiệu của Dòng chính "Phục Hồi Lại Tính Thánh Thiên" (Restoring the Sacred) có trong Phụng Vụ.

Cha Haynes nói:

"Ngày hôm nay, Dòng chúng tôi hiện có tới 25 Linh Mục và các Thầy, và chúng tôi sẽ có thêm 3 Thầy nữa lãnh nhận thừa tác vụ Linh Mục vào năm 2008 này. Thay vì ly gián giữa hai dạng khác nhau của Thánh Lễ có trong Lễ Nghi Rôma, thì sự cân bằng đã mang đến sự thành công trong đời sống của xứ đạo, rất là hữu ích và đơm hoa kết trái. Đúng thực ra nó có tình đoàn kết và hiệp nhất mọi người trong giáo xứ lại với nhau.

Chúng tôi đã lôi kéo được đủ mọi hạng người về lại giáo xứ của chúng tôi, những người này vốn vẫn thường không hề đến một Giáo Xứ Công Giáo nào cả bao giờ.

Ca Đoàn hát Gregorian Chant của chúng tôi, cùng với 9 ca đoàn khác nữa và 2 dàn nhạc hằng ngày đã lôi kéo đủ mọi hạng người, vốn không phải là Công Giáo lẫn Kitô Giáo, đã đến với chúng tôi, kể cả rất nhiều nhạc sĩ vốn tôn trọng đến điều mà chúng tôi đang làm với loại nhạc thánh."

Những Giảng Dạy Rất Bổ Ích Trên Mạng

Dòng Thánh Gioan Cantius [như người viết đã có dịp giới thiệu qua trong bài viết có nhan đề "Tìm hiểu kỹ hơn về Tự Sắc của Đức Thánh Cha về Thánh Lễ La Tinh" - NV] cũng cho tung ra trang Web SanctaMissa.org bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: Anh Ngữ, Pháp Ngữ, La Tinh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Ngữ, vân vân... -- để trình bày ra một hình thức giảng dạy trên mạng Internet, rất quý giá và tiện lợi, dành cho tất cả các vị Linh Mục và các chú giúp lễ học biết về cách cử hành Thánh Lễ truyền thống theo Sách Lễ Rôma 1962.

Chính Đức Hồng Y Francis George đã yêu cầu các Tu Sĩ của Dòng Thánh Gioan Cantius này phục vụ về những nhu cầu mục vụ của người giáo dân trong suốt thời gian chuyển tiếp này.

Đối với những ai chưa hề học hay biết qua về Thánh Lễ La Tinh truyền thống, thì kỷ thuật hiện đại của thời nay đang cung cấp ra cho chúng ta một cách mới mẽ để học biết về Phụng Vụ theo hình thức củ.

Ngoài những chỉ dẫn cùng các tài liệu hướng dẫn được trình bày dưới dạng truyền thông đa phương tiện (multimedia) hiện đang có trên trang Web của Dòng, SanctaMissa.org cũng cung cấp thêm các chuyên mục, các đoạn hay các đề mục của Sách Lễ Rôma 1962 bằng Anh Ngữ, mọi nghi thức dành cho các chú giúp lễ, các bài viết nói về linh đạo của Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, và nghi lễ dành riêng cho nhạc thánh của Phụng Vụ.

Phần hướng dẫn dành cho các chú giúp lễ có cả video minh họa về Thánh Lễ Low Mass với một chú giúp lễ, cũng như là bản chỉ dẫn tóm lược vốn có thể in ra máy in để cho các chú giúp lễ học biết về cách phục vụ trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống.

Theo Cha Sở C. Frank Phillips, C.R. hiện tại của Giáo Xứ Thánh Gioan Cantius ở Chicago cho biết: Giáo Xứ vẫn thường có những khóa tĩnh tâm và giảng dạy về Thánh Lễ La Tinh cho tất cả những người tín hữu nào muốn tham dự, và ai không hiểu hay biết gì cả về Thánh Lễ La Tinh cũng đều có thể tiếp xúc ngài về điều này mà không cần phải ngần ngại gì cho lắm.
 
Hai dòng tu hợp tác mở trung tâm huấn nghệ cho giới trẻ di dân ở Madrid
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:31 25/07/2008
Madrid, Tây Ban Nha (Agenzia Fides) - Hôm 18 tháng Bảy vừa qua, các đại diện chính phủ thành phố Marid đã khánh thành Trung Tâm Trợ Giúp Giáo Dục – Xã Hội Lumbre do các tu sĩ dòng Don Bosco và các nữ tu Nữ tử Bác Ái điều hành. Trung tâm này sẽ giúp đỡ những người nhập cư trẻ, 15 đến 20 tuổi, những người có nguy cơ bị đẩy ra bên lề xã hội, bằng các hoạt động giáo dục và dạy nghề vừa học vừa làm nhằm mục đích giúp họ tìm được việc làm sau này.

Trong buổi lễ khánh thành có sự hiện diện của: Đoàn Đại biểu Sở Tư Vấn Người Nhập Cư và Gia Đình/Xã Hội thành phố Marid; Cha Luis Onrubia Miguel, Bề trên Giám tỉnh của Dòng Don Bosco ở Marid và Sr. Maria Cruz Gutierrez, Bề trên Giám tỉnh của Dòng Nữ tử Bác Ái. Trong buổi khánh thành, cả hai hội dòng đều đề cập đến tầm quan trọng của việc làm, nhất là nó là một phần đáp ứng của Giáo Hội đối với những nhu cầu của người trẻ thiệt thòi. Họ giải thích rằng tên của trung tâm “Lumbre” (hay “tổ ấm”) “diễn tả ý nghĩa đằng sau công việc sẽ được thực hiện nơi đây: chào đón, sưởi ấm và mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho những người trẻ nhập cư đến đất nước chúng ta”.

Sử dụng hội thảo, hướng dẫn và chăm sóc cá nhân về đặc tính xã hội và giáo dục, họ hy vọng rằng sẽ mang lại sự giáo dục nhằm mục đích phát triển cá nhân người trẻ và chất lượng nghề nghiệp, để giúp họ có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Nhiều người nhập cư trẻ sẽ gia nhập trung tâm từ những gia đình tan vỡ hay gia đình có tình trạng kinh tế xã hội khá thấp, họ không thể nuôi nấng chúng trong quá trình học hay trong quá trình trưởng thành, vì lý do thiếu thời gian qua những ngày dài làm việc hay vì bản thân họ thiếu giáo dục.
 
Thủ tướng Irak mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm
LM Trần Đức Anh, OP
13:35 25/07/2008
CASTEL GANDOLFO. Thủ tướng Irak, Ông Nuri Kámil Al Maliki, đã mời ĐTC Biển Đức 16 đến viếng thăm Irak. Thủ tướng Maliki đã mời ĐTC nhân dịp ông được ngài tiếp kiến riêng trưa ngày 25-7-2008 tại dinh thự Castel Gandolfo, cách Roma 25 cây số.

Thủ tướng Nuri al-Maliki gặp ĐGH Benedictô XVI
Trước đó tại Vatican, Ông Maliki đã gặp ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức TGM Ngoại trưởng Dominique Mamberti tháp tùng.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”các cuộc hội kiến diễn ra trong bầu không khí thân mật và đề cập tới một số khía cạnh cơ bản trong tình trạng của Irak, để ý tới bối cảnh của Trung Đông. Các vị đặc biệt chú ý đến vấn đề nhiều người tị nạn Irak, trong và ngoài nước, đang cần được trợ giúp, trong đó có cả việc hồi hương mà họ mong ước.

”Tòa Thánh tái lên án bạo lực hầu như hằng ngày vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều nơi ở Irak đang rất cần được an ninh nhiều hơn. Bạo lực ấy cũng không dung thứ các cộng đoàn Kitô.

”Tòa Thánh mong muốn rằng Irak có thể quyết liệt tìm lại được con đường hòa bình và phát triển nhờ sự đối thoại và cộng tác của mọi nhóm chủng tộc và tôn giáo, kể cả các thiểu số, trong niềm tôn trọng căn tính của mỗi nhóm, và với tinh thần hòa giải, tìm kiếm công ích, cùng nhau góp phần tái thiết đất nước về tinh thần và dân sự. Trong lãnh vực này, Tòa Thánh tái khẳng định tầm quan trọn gcủa việc đối thoại liên tôn như con đường cảm thông tôn giáo và sống chung trong xã hội. Thủ tướng đã mời ĐTC đến viếng thăm Irak.

Thủ tướng Máliki năm nay 58 tuổi (1950), trước kia từng bị nhà độc tài Saddam Hussein kết án tử hình. Ông là lãnh tụ đảng Hồi giáo ”Da Wa”, được quốc hội tín nhiệm hồi năm 2006 và nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm 2010 tới đây.

Hồi tháng 1 năm 2000, Đức Gioan Phaolô 2 đã được mời đến viếng thăm Irak, nhưng dự án này không thực hiện được vì những lý do chính trị. Nay ngài lại được mời, và tình trạng an ninh tại Irak tuy có phần được cải tiến nhưng vẫn chưa thể bảo đảm an ninh cho các tín hữu Công Giáo và các cuộc gặp gỡ của họ với ĐTC. Dầu sao lời mời của thủ tướng Maliki cũng nói lên sự tín nhiệm của chính quyền Irak hiện nay đối với ĐTC và ngành ngoại giao Tòa Thánh, đồng thời nhắc nhớ nỗ lực không biết mệt mỏi của Đức Gioan Phaolô 2 nhắm ngăn cản chiến tranh Irak hồi năm 2003.

Hiện nay 2 triệu người Irak đang phải tị nạn tại nước ngoài, nhất là Syrie và Giordani, trong khi đó có 2,7 triệu người Irak tị nạn trong nội địa. (SD 25-7-2008)
 
Hồi Ký - WYD2008 - Ngày Thứ Sáu & Thứ Bảy 18 &19.7.2008
Lm Francis Lý Văn Ca
17:22 25/07/2008
Hồi Ký Ngày Thứ Sáu & Thứ Bảy 18 & 19.7.2008 - WYD2008 Sydney

Ngắm Đàng Thánh Giá & Đêm Canh Thức


Đồng Hành WYD2008
Mới ngày nào đây mà nay đã vừa đúng 1 tuần…Trưa thứ Sáu tuần vừa qua trên đoạn đường từ Marrickville đến Convention Centre ở Sydney Harbour, tôi cùng đồng hành với cậu bé 8 tuổi cũng vai mang ‘Túi Hành Hương' như một hành hương viên trong chặng đường của Ngày Thứ Sáu. Theo tôi được biết chính cậu bé nầy đã mang trong tâm hồn một ước nguyện là gặp được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong chuyến hành hương của cậu… Cùng đi với cậu trong chuyến hành hương nầy, không những có Bố mà còn có 3 anh chị của cậu, đó là chưa kể đến những anh chị em - cousins - của cậu.

Tôi đã đã đọc được câu chuyện của cậu trên Vietcatholic Network sáng sớm ngày thứ Sáu tuần trước (18.7)… Cậu bé nầy đã đứng bên cạnh hàng rào nơi mà chiếc Popemobile sẽ chạy ngang qua trước khi tiến vào bên trong khán đài và cậu chờ đợi giây phút lịch sử ấy diễn ra với bao niềm ước mơ sẽ trở thành hiện thực… Chiếc xe chở ĐTC đã tiến gần đến chỗ của cậu đang đứng, cậu đã vẫy tay chào Đức Thánh Cha nhưng có lẽ - theo như cậu kể lại - là ĐTC đã không nhìn thấy cậu nên cậu đã khóc nức nở và lấy mobile phone gọi ngay cho người bố của cậu đang đứng phía bên trong hàng rào và đang quay phim ĐTC.

Như bài viết của tác giả - Sr Minh Nguyên - đã mô tả sự kiện đó như sau: “Đứng gần tôi là một cậu bé 8 tuổi, khi ĐGH đi ngang qua, em hô lạc cả giọng rồi khóc, khóc vì hân hoan, khóc vì hạnh phúc, khóc vì sung sướng làm cho các bạn trẻ đứng gần em cũng xúc
Holy Father! Holy Father! Holy Father!
động theo. Em nói: “Con không tin Đức Giáo Hoàng nhìn và vẫy tay chào con”.

Đức Thánh Cha Ban Phép Lành
Popemobile chạy giữa 2 hàng rào cách khoảng chỗ tôi với cậu nhìn đối diện nhau, cậu vẫy tay chào ĐTC còn tôi phía bên nầy giơ cao máy hình đúng lúc ĐTC giơ tay ban phép lành hướng về phía chỗ chúng tôi đang đứng là những ngưởi cuối cùng trước khi nhân viên an ninh mở cổng cho Popemobile chạy vào bên trong khán đài và ĐTC đã bước xuống đi bộ lên lễ đài.

Cậu Bé 8 tuổi có thể tượng trưng cho một trong muôn vàn sự ngưỡng mộ của biết bao tâm hồn trẻ đã đến Úc Châu trong những tuần vừa qua. Dĩ nhiên đã có không ít người đã lý luận rằng…’Tuổi trẻ ham vui, thích đi chơi, đi theo bạn và nhiều cái thích khác nữa… chứ đâu phải thích đi Tham Dự Đại Hội Giới Trẻ…’ Cho dù chúng ta có nghe những lời bình luận như thế, nhưng nếu như ai đó trong chúng ta thử làm một bài toán cộng tính xem ở mỗi Chặng Đàng Thánh Giá của ngày Thứ Sáu vừa qua, dù chỉ được nhìn Đàng Thương Khó của Chúa Kitô qua Màn Ảnh nhưng đã có không phải vài trăm mà vài trăm ngàn người theo dõi ở những nơi khác nhau dưới bầu trời lạnh giá và gió rét.

Dù chỉ nhìn thấy Đức Thánh Cha ở 1 trong 14 Chặng Đàng Thánh Giá, nhưng đoàn người hành hương vẫn tiếp tục theo dõi những Chặng Đàng mà Đức Kitô phải đi và ngay cả Đức Thánh Cha cũng ‘Theo Dõi - Đi Đàng Thánh Giá’ qua màn ảnh. Có mấy ai trong ngày thứ
Gió Rét Đồi Golgotha
6 tuần vừa qua đã ở Sydney mà thấy được tường tận bằng mắt những diễn viên được lựa chọn để đóng vai Chúa Kitô, Mẹ Maria, Gioan, quân lính không…?

Viết đến đây tôi nhớ lại lúc tôi thực hiện việc thiết kế màn ảnh và hệ thống Live Audio-Video Mass trong nhà thờ thì cũng không thiếu những người phản đối. Giờ đây, thử hỏi có bao nhiêu người được nhìn thấy Đức Thánh Cha Khai Mạc Tam Nhật Đại Hội Giới Trẻ ở Barangaroo, Nhà Thờ Chính Tòa và Thánh Lễ Bế Mạc ĐHGT tại Randwick hay là chỉ có thể nhìn trên Màn Hình những diễn biến trên Lễ Đài hay phong cảnh chung quanh mà thôi?

Xem Lễ hay Dự Lễ - hiểu theo nghĩa hạn hẹp - là có thành hay không thành khi người giáo dân tham dự Thánh Lễ mà ‘Không Thấy Vị Chủ Tế’? Tôi biết chắc là nhiều người đã không nhìn thấy Đức Thánh Cha hoặc có thấy thì chỉ thấy hình rất nhỏ vì ở quá xa… ngoài những vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục…trên lễ đài thì chỗ gần nhất lễ đài dành cho Linh mục… cũng phải cách xa bàn thờ và lễ đài ít là trên 50 mét.

Trở lại câu chuyện của cậu bé 8 tuổi, em đi Sydney chỉ có một mơ ước là được bắt tay Đức Thánh Cha và điều nầy em không được toại nguyện, nhưng bù lại, em được đứng ở một khoảng cách vài thước khi chiếc Popemobile đi ngang qua. Ngoài ra, đêm Canh Thức
Ký Giả Trẻ Nhất
tại Trung Tâm Hành Lễ Randwick, có lẽ em là đứa bé ‘Trẻ Nhất-Duy Nhất’ được theo ‘Đoàn Ký Giả-Báo Chí’ đứng ở một nơi dành riêng gần Lễ Đài Nhất. Từ những suy nghĩ và so sánh đi kèm với những lời giải thích Khôn Ngoan của người Bố, em bé 8 tuổi nầy đã khám phá những 'Hồng Ân' mà Chúa đã ban cho em trong những Ngày Đại Hội Giới Trẻ và em cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Trong lúc đó có biết bao trăm ngàn người mong được có một chỗ đứng của em ở Barangaroo và ở Trung Tâm Hành Lễ Randwick trong Đêm Canh Thức mà không được.

Qua câu chuyện của em bé 8 tuổi đi tham dự ĐHGT.TG và những Dụ Ngôn trong Tin Mừng của Chủ Nhật thứ 17 Quanh Năm đã tạo cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ… Qua những Dụ Ngôn, Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy đầu tư vào Nước Trời. Nói cách khác là sống trọn vẹn cho Chúa, đặt Chúa vào trung tâm của cuộc sống, vì thế cuộc sống phải chiến đấu không ngừng để bảo toàn viên ngọc quý là ‘Đức Tin’. Đức tin đó phải được tôi luyện luôn mãi qua những thăng trầm của cuộc đời.

Đồng Chia Sẻ Sự Thương Khó
Như cậu bé 8 tuổi, vai mang túi hành hương như mọi hành hương viên đi từ Convention Centre ở Sydney Harbour trước giờ cử hành Nghi Thức Đi Đàng Thánh Giá cho đến Barangaroo để tham dự những Chặng Đàng Cuối Cùng… cũng với túi hành hương trên vai em hiên ngang đi giữa rừng người… để cùng tham gia cuộc hành trình khổ giá của Đức Kitô. Em cũng đứng nhìn Đức Kitô đang run rẫy giữa 2 kẻ trộm cũng lạnh buốt giữa trời của Ngày Thứ Sáu tuần vừa qua trong lúc đó em cũng co ro run lập cập đứng nhìn hình ảnh đau thương của Chúa mà không than thở như một chút ‘Chia Sẻ’ những gì còn sót lại trong sự Thương Khó của Đức Kitô.

Chiều ngày thứ Bảy, cuộc hành trình của em vẫn tiếp tục như mọi người, với chiếc túi hành hương trên vai… em vội vã theo chân đoàn người đông đảo, em cũng phải khó khăn chen lấn để không bị lạc và cũng để theo kịp bố và đoàn ký giả leo lên chiếc xe Bus đưa đến Trung Tâm Randwick. Trên chuyến xe Bus chở đoàn ký giả lên đường đến Trung Tâm Randwick nhiều người nhìn em ngạc nhiên. Em đã “Chọn Lựa’ không đi theo các anh chị trong gia đình, cũng không ở nhà với mẹ mà đi Hành Hương.

Mỗi người trong chúng ta phải là người lái buôn khôn ngoan trong Phúc Âm của Chủ Nhật thứ 17 Quanh Năm, là sẵn sàng "Bán" những gì chúng ta có để chiếm hữu được đức tin và gìn giữ đức tin. Thực tế, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì chúng ta đã có đức tin. Đức tin được ban tặng cho chúng ta nhưng
Hiệp Thông-Thông Hiệp
không do tiền nhân anh dũng đã tử đạo. Tuy nhiên, để duy trì, nuôi dưỡng và củng cố đức tin đó cần phải nỗ lực và hy sinh trong nhiều phương diện khác nữa.

Trong tiết đông càng về đêm càng giá lạnh như những ngày qua tại Sydney, có người thích ngồi coi Tivi, phim ảnh, giải trí hay ở trong nhà bên cạnh lò sưởi cho ấm và theo dõi tất cả những chương trình của ĐHGT.TG đã diễn ra tại Sydney. Còn anh chị em Hành Hương thì đã "BÁN" giờ coi Tivi, giải trí, thời gian để đi Tham Dự ĐHGT.TG, đặc biệt nhất là với tiết đông lạnh lẽo đã có gần 200.000 người đã ở lại Canh Thức vì anh chị em đã ý thức kho tàng thiêng liêng vô giá chôn giấu. Đó là chưa kể đến những hy sinh khác hoặc những việc làm thiện nguyện cho ĐHGT.TG nói chung và trong những ngày Họp Mặt của Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam tại Whitlam Centre nói riêng.

Chúng ta cầu xin Chúa Kitô ban ơn để chúng ta biết canh tân cuộc sống và luôn kiếm tìm kho tàng vô giá là chính Chúa và những kho báu khác Chúa chôn giấu trong thế giới hôm nay. Xin cho chúng ta biết trân quý ơn đức tin mà Chúa đã trao ban qua những giọt máu đào tử đạo của Cha Ông, luôn sống tỉnh thức và phát huy bằng đôi mắt mở rộng và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố của cuộc đời, của thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho mỗi người trong chúng ta.
 
Vài gợi ý suy nghĩ dịp kỷ niệm 40 năm ban hành thông điệp Humanae Vitae- Sự Sống Con Người
Đặng Thế Dũng
17:34 25/07/2008
Roma (Apic 24 tháng 7)- Ngày 25 tháng 7 năm 1968, Đức Phaolô VI đặt bút ký ban hành thông điệp Humanae Vitae về Sự Sống Con Người. Hai từ tiếng latinh bắt đầu thông điệp “Humanae Vitae”, “Sự Sống Con Người” được dùng làm tên gọi của thông điệp. Nếu đọc thêm cho trọn “cụm từ” đầu tiên, chúng ta sẽ thấy được nội dung quan trọng của thông điệp: “Humanae Vitae Tradendae Munus Gravissimum”, có nghĩa là “Bổn Phận hết sức nghiêm trọng phải thông truyền sự sống con người”. Diễn lại cho xuôi ý, chúng ta có thể nói: “Thông truyền sự sống con người là bổn phận hết sức nghiêm trọng”. Đây là một xác định giáo lý có tính cách tiên tri! Nói cách nôm ra: con người không nên đùa giỡn với việc “truyền sinh”. Không được xem đó như là một “trò chơi”!

ĐTC Phaolô VI
40 năm đã qua, kể từ khi ban hành thông điệp “Sự Sống con người”- 25 tháng 7 năm 1968 và 25 tháng 7 năm 2008. Nhật báo Quan Sát Viên Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Toà Thánh, số phát hành ngày thứ sáu 25 tháng 7, đã dành nhiều trang đặc biệt để kỷ niệm biến cố này. Trong số các bài, có bài “xã luận” của Ông Gian Maria Vian, giám đốc của tờ báo, nhắc lại tính cách thời sự của Thông Điệp. Ông Gian Maria Vian đã gọi thông điệp bằng cụm từ “Dấu chỉ đích thực gây mâu thuẫn”. Ông ghi nhận là thông điệp xem ra như không được nhiều người “muốn nghĩ đến” nữa, bởi vì giáo huấn của thông điệp “rất đòi hỏi” và “đi ngược dòng” tâm thức thường tình con người. Nhưng, theo Ông Gian Maria Vian, Thông Điệp “Sự Sống con người” rất ăn khớp với những giáo lý quan trọng của Công Đồng Vaticanô II về hôn nhân và về gia đình. Dù vậy, khi được công bố, Thông Điệp như bị “nhận chìm” trong những tranh luận và chống đối, cả từ trong hàng ngũ những người con “ưu tú” của Giáo Hội, từ một số những linh mục và những thần học gia công giáo. Đức Hồng Y Francis Stafford, Chưởng Ấn Toà Án Tối Cao trong Giáo Hội, đã không ngần ngại gọi năm 1968 là “năm của thử thách”.

Ông Gian Maria Vian
Theo nhận định của Ông Gian Maria Vian, thì những chống đối thông điệp “Humanae Vitae” là “vô tiền khoáng hậu”, và do hoàn cảnh văn hoá phức tạp của những thập niên 60 và 70, và do những lợi lộc riêng tư sẽ bị thiệt thòi, nếu giáo huấn của Thông Điệp được các con cái giáo hội tuân phục thi hành.

Giờ đây, sau 40 năm, nhìn lại giáo huấn của Thông Điệp, Ông Gian Maria Vian cho rằng Thông Điệp đã nói lên tiếng nói rõ ràng và có tính cách cảnh tỉnh trước những nguy hiểm lèo lái sự sống con người, trước những phát triển kỹ thuật đáng e ngại trong lãnh vực sinh lý và truyền sinh.

Hôm ngày 10 tháng 5 vừa qua (năm 2008), khi tiếp kiến những tham dự viên của Hội Nghị Quốc Tế do Đại Học Lateranô, Roma, tổ chức, nhắm kỷ niệm 40 năm Thông Điệp “Sự Sống con người”, Đức Bênêđitô XVI đã lên tiếng “tố cáo” một lối “sinh hoạt tính dục” biến thái thành như là một “thứ thuốc phiện”. Đức Thánh Cha lúc đó đã mạnh mẽ nhắc lại rằng “không có kỹ thuật nào có thể thay thế cho hành động truyền sinh của tình yêu và dựa trên tình yêu. Với cách nói này, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo lý truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, không chấp nhận bất cứ phương pháp ngừa thai nhân tạo nào, và do đó không chấp nhận việc “truyền sinh do kỹ thuật y khoa thực hiện”. Đức Thánh Cha nhắc lại sự cần thiết của một chương trình giáo dục tương xứng về phái tính, nhất là dành cho giới trẻ.

Được biết, để soạn Thông Điệp “Humanae Vitae”, Sự Sống Con Người, Đức Phaolô VI lúc đó đã phải thiết lập các Ủy ban chuyên môn, làm việc trong vòng 5 năm. Cân nhắc kỹ lưỡng những đề nghị khác nhau của các Ủy Ban, Đức Phaolô VI đã quyết định cách rõ ràng rằng ngài quyết chọn tuân giữ giáo lý truyền thống của giáo hội, đã được nói lên nhiều lần, do bởi các vị giáo hoàng tiền nhiệm ngài.

Như thế, Thông Điệp đã được công bố như một “quả bom” bất ngờ trong dư luận thế giới, bởi vì lúc đó nhiều người tưởng nghĩ là giáo hội sẽ thay đổi “lập trường truyền thống”, để thích ứng với tâm thức dễ dãi của đa số.

Lễ kỷ niệm 40 TĐ Humanae Vitae tại Manila, Philippines ngày 25/7/2008
Giáo Lý truyền thống của giáo hội về truyền sinh được bảo vệ trọn vẹn. Thông Điệp xác nhận “mối dây liên kết không thể tách rời” giữa hai ý nghĩa của hành động phối hợp vợ chồng là kết hiệp và truyền sinh. Mọi hành động hôn nhân phải mở rộng đón nhận việc truyền sinh. Mọi phương pháp nhân tạo để điều hoà sinh sản là không thể chấp nhận được, vì tự chúng, những phương pháp nhân tạo đó là xấu, là “không chân thành”, là “ru ngủ lương tâm”, dẫn đến “phá thai”, giết người vô tội mà không nói ra. (Mọi thuốc “ngừa thai” đều có tác dụng phá thai, giết chết thai nhi vô tội). Một cách tích cực, Thông Điệp “Humanae Vitae”, Sự sống con người, nhìn nhận tính cách đúng luân lý của việc tuân theo “chu kỳ tự nhiên” trong những hành động hôn nhân. Theo giáo lý của giáo hội, việc điều hoà sinh sản cần tuân theo chu kỳ tự nhiên, khi người nữ trong giai đoạn không thụ tinh mang thai.
 
Dư âm báo chí Australia về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008
PV Vietcatholic Sydney
20:15 25/07/2008
DƯ ÂM VỀ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ WYD 2008 SYDNEY

Những ngày tiền Đại Hội, báo chí Úc Đại Lợi đã đăng những bài báo khá tiêu cực về WYD 2008 tại Sydney. Những tờ báo lớn như Sydney Morning Herald, Telegraph, Australian... Những băng tần Radio ABC, SBS... Đặc biệt họ chủ trương những tiêu cực về Đức Hồng Y Pell, về địa điểm Randwick, về than phiền của cư dân Úc Đại Lợi, về những nhóm có khuynh hướng bất mãn...

Nhưng bắt đầu vào Đại Hội, khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đặt chân lên Úc Đại Lợi vào Chúa Nhật ngày 13.7.2008, và các đoàn hành hương bắt đầu đến Úc Đại Lợi, các báo chí và Radio đã đổi mới với cái nhìn thiện cảm về WYD 2008.

Ngày Khai Mạc WYD 2008, các tờ báo lớn, các đài truyền hình chính, và các đài radio lớn... cùng đưa những tin tức đặc biệt về WYD 2008 với sự thương mến và thiện cảm đặc biệt.

Trong những ngày Đại Hội, ngoài đài truyền hình SBS đã trực tiếp truyền hình nhiều biến cố quan trọng của Đại Hội, các đài truyền thanh và truyền hình, các tờ báo lớn của Úc Đại Lợi, đã liên tục chuyển đi những thông tin của WYD 2008, với thái độ thiện cảm và yêu thương...

Riêng ngày Chúa Nhật 20.7.2008, tờ Sydney Morning Herald có ấn bản đặc biệt tường trình về WYD 2008. Ngay những trang đầu với tựa đế lớn: “Một hình ảnh tuyêt vời của một ngày nổi tiếng khi một ngôn từ đầy ý nghĩa “SORRY”... ĐGH xin lỗi những nạn nhân bị lạm dụng.” Trong tất cả nhưng trang đầu tiên, tờ Sydney Morning Herald đã đăng nhiều hình ảnh và bài viết về WYD 2008. Tờ báo tường trình ngắn gọn những diễn biến của Đại Hội:

  • 1. Chúa Nhật ngày 13.7.2008, ĐGH Bênêđictô đến Sydney với đoàn tuỳ tùng 27 người.
  • 2. Thứ 2 ngày 14.7.2008, tiếng hát, niềm hân hoan khắp nơi tại thành phố Sydney. Nhóm 13,000 ngưới hành hương từ nước ngoài đầu tiên đến Sydney trong tổng số ước lượng 215,000 khách hành hương ngoại quốc...
  • 3. Thứ 3 ngày 15.7.2008, 150,000 người đổ về Darling Harbour vùng Barangaroo tham dự Lễ Khai Mạc Đại Hội do ĐHY George Pell chủ tế.
  • 4. Thứ 4 ngày 16.7.2008, thành phố Sydney với 235 địa điểm giảng Giáo Lý bằng 29 ngôn ngữ khác nhau.
  • 5. Thứ 5 ngày 17.7.2008, tại Barangaroo, 150,000 người tập trung chào đón ĐGH cùng với 168 cờ các quốc gia đại diện, đã hân hoan vẫy cờ chào đón Ngài. Cả vùng Barangaroo đã chào đón Ngài và khoảng 500,000 người tại Sydney cố gắng theo dõi và chào mừng ĐGH.
  • 6. Thứ 6 ngày 18.7.2008, Chặng Đàng Thánh Giá đặc biệt tại thành phố Sydney, do diễn viên Alfio Stuto đóng vai Chúa Giêsu, bắt đầu từ Bữa Tiệc Ly tại Nhà Thờ Chính Toà Sydney, trải rộng qua các địa điểm nổi tiếng, và kết thúc với màn Chúa chịu chết tại North Baranagaroo...
  • 7. Thứ 7 ngày 19.7.2008, từ sáng sớm, người dân Sydney thức dậy do những tiếng hò reo vui tươi và hạnh phúc khác những ngày thường của những khách hành hương đi bộ từ North Sydney, qua cầu Harbour Bridge đổ về Randwick.
Trong khi đó, tại Nhà Thờ Chính Toà Sydney, Đức Giáo Hoàng chủ tế Thánh Lễ thánh hiến bàn thờ, và Ngài xin lỗi những nạn nhân do Giáo Hội gây ra...

Tờ báo Telegraph ngay trang đầu của ấn bản Chúa Nhật 20.7.2008, với hình ảnh vĩ đại của Thánh Lễ Bế Mạc và tựa đề: “Mass of Humanity-Thánh Lễ của Lòng Nhân Đạo.” Rất nhiều bài vở về WYD 2008. Telegraph đã tường trình về các sự kiện của WYD 2008, tường trình về Ngày Hành Hương thứ 7 ngày 19.7.2008 từ phía cầu Harbour Bridge Sydney, tường trình vế Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Toà Sydney với lời xin lỗi của ĐGH trong lời văn đầy thiện cảm...

Thứ 2 ngày 21.7.2008 sau Đại Hội, các tờ báo lớn: Sydney Morning Herald, Telegraph, Australian, các tờ báo địa phương tại Sydney, các đài truyền thanh truyền hình, đều nói về WYD 2008 với nhiều thiện cảm và thương mến...

Ngoài ra tờ Sydney Morning Herald cũng đã tường trình trong trang 4 hình Cờ Việt Nam và lời chú thích: Ngọn Cờ cho Tự Do. Chiến tranh đã chấm dứt, nhưng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ có mặt khắp nơi giữa những cờ của các quốc gia khác... Một người hành hương đã trả lời khi được Sydney Morning Herald phỏng vấn: “Đây là lá cờ của Việt Nam Tự Do... Chúng tôi mang lá cờ Vàng này để nhắc nhở mọi người: Nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại vẫn còn những áp lực về Tự Do Tôn Giáo.”

Cũng trong những trang đầu của Sydney Morning Herald, những con số của WYD 2008 được liệt kê như sau:

  • 1. Quãng đường dài ĐGH Bênêđictô đã di chuyển: 16,418km.
  • 2. Những thành phố chào đón Thánh Giá Giới Trẻ: 400 địa điểm.
  • 3. Số người tham dự Thánh Lễ Khai Mạc: 150,000 người.
  • 4. Số người hành hương ngủ tại Olympic Park’s Exhibition dome: 2000 người.
  • 5. Số người tham dự đoàn tầu và xe diễn hành của ĐGH: 500,000 người.
  • 6. Đi bộ từ North Sydney trong ngày hành hương trung bình: 9km.
  • 7. Số đường xá bị đóng không được di chuyển: 300.
  • 8. Thánh Lễ Bế Mạc tại Randwick: 400,000 người.
  • 9. Kỷ lục Thánh Lễ Bế Mạc đông nhất của WYD 1995 tại Manila Phi Luật Tân: 4 triệu người.
  • 10. Số xe lửa tăng cường tại Sydney: 930 chuyến.
  • 11. Tiền trả cho Australian Jockey Club tại Randwick: 41 triệu dollars.
  • 12. Tiền chi phí cho WYD 2008 lượng giá khoảng: 150,000,000 dollars.


Ngoài ra, theo thống kê của giới truyền thông, có tới 2000 cơ quan truyền thông đăng ký tham dự WYD. Khoảng 1 tỷ người theo dõi WYD 2008 bằng các phương tiện truyền thông khác nhau...

Đặc biệt tờ Sydney Morning Herald tường thuật lại câu chuyện của một cảnh sát tên là Gary Hill. Anh bị bạo bệnh ung thư giai đoạn chót, sắp vào nhà thương chỗ chờ đợi ra đi. Anh ước muốn gặp Đức Giáo Hoàng trước khi chết. Anh được toại nguyện để gặp ĐGH tại Kenthurst. Ngài chúc lành cho anh và cho anh chuỗi Mân Côi như một kỷ niệm...

Sáng thứ 2 ngày 21.7.2008 sau Đại Hội WYD 2008, lúc 7 giờ Sydney, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô dâng Thánh Lễ và gặp 4 nạn nhân bị lạm dụng tại Nhà Nguyện Nhà Thờ Chính Toà St Mary’s Sydney... Ngài đã nâng đỡ họ trong hoàn cảnh này... Sau đó, Ngài gặp gỡ và cám ơn 8000 thiện nguyện viên đã tích cực giúp đỡ cho Đại Hội WYD 2008 đạt được thành công... Ngài cũng chuyển lời cám ơn đến không những hàng Giáo Sĩ, mà còn cám ơn những thầy cô giáo, những gia đình đón nhận khách hành hương, cám ơn các trường học, các Giáo Xứ... đã sẵn sàng tiếp đón và cho cư trú các khách hành hương tham dự Đại Hội Giới Trẻ lần thứ XXIII tại Sydney.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô tới phi trường Sydney. Thủ Tướng Australia, Kevin Rudd, Vị Toàn Quyền Michael Jeffery, và nhiều những nhân vật quan trọng trong chính quyền và Giáo Quyền Úc Đại Lợi tiễn chân Ngài tại đây... Ngài đứng giữa hàng cờ Australia và Vatican để nói những lời từ giã sau cùng và ban Phép Lành cho Dân Tộc Úc Đại Lợi... Đức Giáo Hoàng cám ơn Thủ Tướng và Dân Tộc Úc Đại Lợi: “Cám ơn Ngài đã mở rộng cửa và mở rộng trái tim cho Giới Trẻ Thế Giới. Đại diện cho họ, xin chân thành cám ơn Ngài.”

Thủ Tướng Kevin Rudd đã nói lên lòng tri ân của Dân Tộc Úc Đại Lợi: “Trong tuần này, thưa Đức Thánh Cha, Ngài đã trở nên một phần tử trong chúng tôi, quả thật, Ngài đã trở thành một phần tử của chúng tôi.” Thủ Tướng cũng đã chỉ định Ông Tim Fischer là Đại Sứ chính thức cư ngụ tại Toà Thánh Vatican...

Ngài bước lên phi cơ Qantas và vẫy tay lần cuối để tạm biệt mọi người... Máy bay sẽ dừng lại ngắn hạn tại Darwin, sau đó, trực chỉ về Roma.

Đài Truyền hình trực tiếp chiếu cảnh từ giã Đức Giáo Hoàng trên phi trường... Theo dõi chuyến máy bay của Đức Giáo Hoàng cất cánh... và sau cùng, chiếc máy bay khuất dần, để lại hình ảnh của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, với 81 tuổi đời, với nhiều nét đẹp ngờì của tình yêu thương, của niềm tin, và niềm hy vọng cho mọi người, đặc biệt cho Giới Trẻ Thế Giới.
 
Một Hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ được bổ nhiệm vào Ủy Ban Châu Mỹ La Tinh
Bùi Hữu Thư
22:58 25/07/2008

Một Hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ được bổ nhiệm vào Ủy Ban Châu Mỹ La Tinh



VATICAN: 25 tháng 7, 2008 (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục San Antonio, Texas, làm một thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách về Châu Mỹ La Tinh.

Hôm nay Toà Thánh tuyên bố việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục José Horacio Gómez, 56 tuổi, người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ vào Ủy Ban đặc trách các vấn đề liên quan đến Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh.

Đức Giáo Hoàng cũng bổ nhiệm Đức Hồng Y Leonardo Sandri, 64 tuổi, Bộ Trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương vào cùng một Uỷ Ban này.

Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm các giám đốc quốc gia của các tổ chức Caritas tại Mễ Tây Cơ, Ba Lan và Pháp, và tổng thư ký Caritas Quốc Tế làm thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum.

Các thành viên mới là Linh Mục Marian Subocz, Tổng Giám Đốc Caritas Ba Lan; Linh Mục Oscar Arias Bravo, Phối Trí Viên Điều Hành Caritas Mễ Tây Cơ; François Soulage, Chủ Tịch Quốc Gia của Secours Catholique; và Lesley-Anne Knight, Tổng Giám Đốc Caritas Quốc Tế.
 
Top Stories
'It's not easy being green,' but it's part of God's plan, says pope
Catholic News Service
13:32 25/07/2008
VATICAN CITY (CNS) -- Visiting Australia in July gave Pope Benedict XVI an opportunity to develop further his creation morality, which he first explained in the northern Italian Alps a year ago.

While Pope John Paul II was the outdoorsman, Pope Benedict's three-year pontificate already is seen as the green papacy.

Accepting donations of solar panels and a reforestation project to offset the Vatican's carbon footprint, the 81-year-old pope has shown his concern for the environment is concrete.

But his July 12-21 trip to Australia also gave him an opportunity to demonstrate that his concern is theologically based, part of a broad moral code and is perhaps the best way to convince young people that there is such a thing as natural law -- that some actions are naturally always right or wrong.

Meeting priests in the Alps last year, the pope suggested that affirming young people's sensitivity to environmental concerns was the first step in showing them that they really believe God created all things and that God's plan for creation must be respected.

The next step, he said last year, was to explain that "we must not only care for the earth, but we must respect one another."

"Only with absolute respect for this creature of God, this image of God which is man, only with respect for living together on this earth can we move forward," the pope told the priests.

For Pope Benedict, the obligation to safeguard the environment flows from recognizing that God has a plan for creation as a whole and for all its components: air, water, mountains, forests, flora, fauna and -- especially -- human beings.

In Sydney for World Youth Day, the pope had an opportunity to explain to Catholic young people how it all fits together.

"God's creation is good and it is one," he said at the July 17 welcoming ceremony.

"The concerns for nonviolence, sustainable development, justice and peace and care for our environment are of vital importance for humanity," he said. "They cannot, however, be understood apart from a profound reflection upon the innate dignity of every human life from conception to natural death: a dignity conferred by God himself."

The earth and all it holds was created to sustain human life, he said, but neglect, greed and shortsightedness have led to the poisoning of air, water and soil and the destruction of the forests.

In a similar way, the pope said, people were created in God's image and likeness and destined to seek truth, beauty and goodness.

But in the human environment, as in the rest of nature, there exists "a poison which threatens to corrode what is good, reshape who we are and distort the purpose for which we have been created," he said.

Alcohol and drug abuse, violence, sexual degradation, abortion and other attacks on human life are all signs of how people ignore their own dignity or the dignity of others as the crown of God's creation, the pope said.

And, he told the young people, relativism -- thinking that there do not exist any absolute truths -- is one of the clearest signs of a waning recognition that God is the creator of all things and all people.

Under the guise of being "neutral, impartial and inclusive of everyone," relativism actually claims God's place and denies that there is any such thing as natural order, natural purpose and natural goodness, he said.

The world is fragile, the pope told them, and harm done in one area affects another.

"We have become more and more aware of our need for humility before the delicate complexity of God's world," he said.

The pope's message to the young people was that like the stars and the seas, the flowers and the cattle, "your very existence has been willed by God, blessed and given a purpose."

(Source: Cindy Wooden / Catholic News Service)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hai câu truyện từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:37 25/07/2008
HAI CÂU CHUYỆN TỪ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI

Trong tuần lễ đại hội Giới Trẻ tại Sydney, tôi đã tham dự các sinh hoạt chung như Thánh lễ, chào đón Đức Giáo Hoàng, Đi đàng Thánh giá, đêm canh thức và lễ bế mạc. Tôi chứng kiến nhiều cuộc tập họp đông đảo bạn trẻ chưa từng thấy.

Chiều thứ Ba 15/7, khoảng 140 ngàn người tập họp tại Barangaroo dự lễ khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới do Đức Hồng Y George Pell chủ lễ. Chiều thứ Năm 17/7, gần nửa triệu người tập trung tại sáu địa điểm trong thành phố Sydney để theo dõi màn trình diễn những giờ cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu.

Suốt trong ba tiếng đồng hồ, Sydney đã biến dạng thành các phố xá Giêrusalem xưa trong cuộc diễn lại hết sức vĩ đại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, một biến cố có tính đánh mốc các cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới.Bữa Tiệc Ly của Chúa và các Môn đệ được diễn lại tại các bậc thềm Nhà Thờ Chính Tòa St Mary, Chúa Giêsu bị lên án tử hình tại Viện Trưng Bày Nghệ Thuật tiểu bang New South Wales, bị đánh và phỉ nhổ tại Nhà Hát Con Sò, đi thuyền dưới Cầu Hải Cảng Sydney để vào Vịnh Cockle và chịu đóng đinh tại Barangaroo.

Tại Barangaroo theo LM Nguyễn Trung Tây thuật lại như sau: "Bến cảng Barangaroo của Sydney trở thành những chặng đàng cuối cùng của Ngắm Đàng Thánh Giá. Ngàn ngàn người tuổi trẻ mặc cho trời lạnh giá băng cúi đầu lần hạt tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Nơi đây, Người bị quân dữ đóng đinh trên cây thánh giá. Người trối lại Mẹ cho người Môn đệ thương yêu. Cũng chính nơi này, người tham dự chứng kiến cảnh Chúa chết đau thương, tủi nhục trên cây thánh giá. Tuổi trẻ chật kín bến cảng Barangaroo lặng lẽ tưởng niệm cuộc thương khó. Tuổi trẻ bập bẹ đôi môi đọc lời kinh Lạy Cha, lời kinh Kính Mừng. Tuổi trẻ long lanh nước mắt khóc thương Chúa tử nạn. Cả một khu đất rộng lớn Barangaroo thênh thang yên lặng hỏi nhau: 'Bạn đang đứng ở đâu khi người ta đóng đinh Chúa tôi vào cây thánh giá'?”

Tối thứ Bảy 19/7, hơn 200 ngàn bạn trẻ thế giới ngủ qua đêm tại Randwick. Trời giá rét, sương đêm ướt đẫm, trường đua ngựa chật kín chỗ. Sau cùng, khoảng 400 ngàn người đã dự Thánh Lễ bế mạc do Đức Giáo Hoàng đồng tế với gần 50 Hồng y, 450 Giám mục và 4000 linh mục vào sáng Chúa nhật 20/7/08.

Trong vô vàn sự kiện và câu chuyện của những ngày Đại hội, tôi chú ý đến hai câu chuyện cảm động.

Em bé Việt nam được Đức Giáo Hoàng ôm hôn

Trước lễ bế mạc, Đức Giáo Hoàng đã dùng xe đi vòng quanh trường đua Randwick để chào đón tín hữu. Không hẹn trước, xe Đức Giáo Hoàng đã dừng lại ba lần để ôm hôn ba em bé. Một trong ba em này tà Tumi Lê. Em Tumi Lê chỉ sinh ra được chín tháng và là con của gia đình người Việt. Gia đình em rất mộ đạo và đang cư ngụ tại Cabramatta, phía Tây Nam thành phố Sydney. Trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, gia đình này mở cửa đón nhận chín tín hữu hành hương cư ngụ. Theo lời kể của bà Bích Ly Lê, mẹ của em Tumi Lê: em bé được Đức Giáo Hoàng ôm hôn chính là hậu duệ của một vị thánh tử đạo Việt Nam. Thánh Giuse Lưu quê ở Vĩnh Long đã được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong thánh vào năm 1988. Đại hội diễn ra êm xuôi.

Một bạn trẻ Việt Nam được ĐGH ban Phép Thêm Sức

Trong Thánh Lễ Bế Mạc ĐHGTTG 2008, có 24 bạn trẻ được Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI ban phép thêm sức. Trong đó có một bạn trẻ Việt Nam ở Sydney là Long Nguyễn. Sau thánh lễ, tôi tìm gặp Long để chúc mừng. Giữa biển người, gặp các linh mục Việt nam, Long mừng lắm, tay bắt mặt mừng. Long kể về hành trình tìm kiếm đức tin của anh.

Anh kể: Tôi được giới thiệu vào đức tin Công giáo do người bạn gái và các bạn hữu trong liên đoàn Thanh Niên Công Giáo Việt Nam. Gia đình tôi không theo một tôn giáo nào nhưng cá nhân tôi thì luôn luôn tin tưởng vào một Đấng Cao Cả nào đó lớn hơn nhiều. Nhờ đức tin tôi mới hiểu được rằng điều tôi tìm kiếm suốt đời là Chúa Giêsu Kitô. Từ đầu năm nay tôi đã tham dự Thánh Lễ và học giáo lý thường xuyên ở Nhà thờ Thánh Felix, Bankstown với cha Dominic. Tôi là một thành viên tích cực của Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo Việt Nam gần 2 năm. Nhờ đức tin tôi đã tìm được niềm hy vọng mới mẻ và đời tôi cũng đã mang một ý nghĩa mới. Qua cuộc hành trình tìm kiếm đức tin, đời tôi cũng được chúc phúc rất nhiều. Tôi rất may mắn được hướng dẫn bởi những người thầy tận tuỵ dạy dỗ giáo lý trong suốt cuộc hành trình, và tôi rất là biết ơn những sự nâng đỡ mà tôi đã nhận được từ những bạn bè Công Giáo của tôi. Sau nhiều trăn trở tìm tòi và chắc chắn là với nhiều hồng ân soi sáng của Chúa Thánh Thần, tôi đã quyết định xin nhận bí tích Rửa Tội gia nhập vào gia đình Công Giáo, một vinh dự không thể nào chờ đợi lâu hơn. Thật là một cuộc dằn vặt cho cá nhân tôi khi muốn gia đình hiểu cho những lý do mà tôi đã theo đạo. Tôi hy vọng là tôi có thể đem Chúa Kitô đến cho những kẻ khác cũng đang ở trong trường hợp giống như tôi vậy.

Chia tay Long, chúng tôi mừng với anh đã lãnh nhận ấn tín ơn thiêng của Chúa Thánh Thần trong Thánh Lễ đặc biệt, tôi cầu chúc Anh sống đức tin trong niềm vui và hạnh phúc.

Trong bài giảng lễ Thánh bế mạc, Đức Giáo Hoàng nói đến nghịch lý của thời đại hôm nay: song song với sự thịnh vượng về vật chất, một sự trống vắng về tâm linh đang ngày càng bành trướng, một sự trống rỗng của nội tâm, một nỗi lo sợ vô căn, một cảm giác tuyệt vọng trong thâm sâu. Có biết bao người trong thời hiện đại đã xây nên những thùng chứa nước trống rỗng và hư hại (Gr 2:13) trong một cuộc tuyệt vọng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa tối hậu. Đó là một hồng ân cao cả của Phúc Âm Chúa Kitô. Từ đó, Đức Thánh Cha đặt niềm tin yêu vào giới trẻ: Giáo Hội cần đức tin, lý tưởng và lòng quảng đại của các con, để Giáo Hội luôn luôn được trẻ trung trong Thánh Thần (Lumen Gentium, 4). Giáo Hội đặc biệt cần đến tài năng của những người trẻ tuổi, tất cả những người trẻ tuổi. Giáo Hội cần phải lớn mạnh trong quyền năng Chúa Thánh Thần Đấng đang ban niềm vui cho tuổi trẻ của các con và linh hướng các con phụng sự Thiên Chúa trong niềm vui. Hãy mở rộng tâm hồn cho quyền năng đó! Cha khẩn thiết gởi lời yêu cầu đó đến các con, đặc biệt là những người mà Thiên Chúa đang gọi vào đời sống linh mục và thánh hiến. Đừng sợ hãi để thưa “xin vâng” với Đức Giêsu, để tìm nguồn vui và thực hành Thánh Ý Ngài, để dâng hiến hoàn toàn cho việc tìm kiếm sự thánh thiện, và tận dụng hết mọi khả năng để phục vụ tha nhân!

Tôi cầu nguyện cho Long và nhiều bạn trẻ sống lời mời gọi của Đấng kế vị Thánh Phêrô.
 
Phái đoàn Giới Trẻ Công giáo Paris tới Thái Hà cầu nguyện cho Công lý và Tự do
Phóng viên VietCatholic
12:27 25/07/2008
HÀ NỘI - Một đoàn linh mục, chủng sinh và thanh niên Tổng Giáo phận Paris, trên đường đi dự Đại hội giới trẻ, đã ghé qua Hà Nội. Không biết đoàn thăm quan những đâu ở Miền Bắc, nhưng chiều ngày 21.07.2008 cả đoàn đã đến dâng lễ ở Đền Thánh Giêrađô, thuộc Giáo xứ Thái Hà. Sau lễ, cả đoàn đã xếp hàng ra Phố Đức Bà thăm hỏi giáo dân và cầu nguyện cho công lý mau đến cùng Giáo xứ. Sau khi hành hương Phố Đức Bà đoàn Tây này sẽ sang hành hương bên Toà Khâm Sứ. Dưới đây là một ít hình ảnh chúng tôi nhận được.

Xem thêm hình ảnh phái đoàn cầu nguyện ở Phố Đức Bà, Thái Hà

 
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo xứ Buôn Hô
Anh Thư & Đoan Trầm
13:04 25/07/2008
BAN MÊ THUỘT - Ngày 24/7/2008, khắp Giáo xứ Buôn Hô tràn ngập không khí của ngày hội lớn. Hôm nay Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám quản Tông tòa Giáo phận Banmêthuột - đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường Giáo xứ Buôn Hô.

Nhà thờ mới Buôn Hô đang xây dựng
Từ 7g00 sáng, từng dòng người thuộc mọi thành phần, từ khắp nơi trong Giáo phận - tuôn đổ về đây để chia vui và cầu nguyện cùng Giáo xứ. Thôi thì đủ loại âm thanh: tiếng cười cười, nói nói, tiếng chào hỏi hòa lẫn tiếng cồng chiêng của dàn nhạc dân tộc, làm khung cảnh nơi đây càng trở nên tưng bừng, nhộn nhịp...

Đúng 9g30, đoàn rước Đức Giám mục và trên 50 Linh mục đồng tế tiến về lễ đài. Thánh lễ tạ ơn do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa chủ tế. Các bài đọc và thánh ca trong thánh lễ được thể hiện bằng tiếng Kinh và tiếng Dân tộc tạo nên một phong cách độc đáo, khiến chúng ta dễ dàng liên tưởng đến sự hiệp thông giữa mọi thành phần dân Chúa…

Qua bài giảng, Đức Giám mục hướng dẫn mọi người chiêm ngắm và khám phá vạn vật để nhìn nhận ra Thiên Chúa là Chúa tể càn khôn đã xây nhà cho nhân loại qua công trình tạo dựng vũ trụ - một công trình tuyệt tác. Ngài nói: “Nhân loại xây nhà cho Thiên Chúa thì nhỏ, nhưng Thiên Chúa xây nhà cho con người thật vĩ đại”. Đồng thời Đức Giám mục dẫn người tín hữu hướng tới đời sống đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô mà Ngài đặt trên nền tảng là vị tông đồ Phêrô. Vai trò của Hội thánh là đem ơn cứu độ của Đức Kitô đến cho nhân loại, xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu qua việc phục vụ đồng bào trong tinh thần yêu thương… Đức Giám mục cũng cầu chúc cho việc xây dựng ngôi Thánh đường được suôn sẻ, tốt đẹp, vượt qua mọi khó khăn…

Tham dự Thánh lễ có đại diện Chính quyền các cấp, đại diện các tôn giáo bạn đến tặng hoa và chia sẻ niềm vui với Giáo xứ trong ngày trọng đại này.

Để có được những thành quả bước đầu như hôm nay, Giáo xứ Buôn Hô đã phải đi qua một chặng đường khá dài, bắt đầu từ…

NHIỆT TÂM LO VIỆC NHÀ CHÚA (Tv 69, 10)

Nhà thờ Giáo xứ Buôn Hô được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh từ những thứ nhặt nhạnh, gom góp vì nhu cầu quá cấp thiết, do đó không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Trong suốt hơn 40 năm Ngôi Thánh đường này tồn tại, mỗi lần hiệp dâng Thánh lễ, mỗi người đều ý thức được việc phải làm điều gì đó để nhà thờ được trở nên tương xứng với sự lớn mạnh của giáo dân, để giáo dân có cảm giác an toàn, thoải mái khi tập trung dưới mái nhà đức tin này. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy nên sự truyền cảm lan tỏa nhanh từ Cha quản xứ tới mọi tín hữu và tạo thành sự đồng tâm nhất trí cao. Mọi tấm lòng nhiệt thành, chung sức chung lòng biến ý thức thành hành động thực tế: “phải xây dựng ngôi thánh đường mới”. Vì vậy Ban vận động xây dựng nhà thờ được thành lập, quy tụ mọi thành phần dân Chúa...

Kinh phí xây dựng là vấn đề hàng đầu, thiết yếu cho mỗi công trình xây dựng. Nhưng nguồn thu chủ yếu của giáo dân nơi đây là cà phê; bốn năm năm vận động không sao đủ ngân sách, thậm chí có vài ba năm không nhận được một đồng đóng góp. Mọi người rất thất vọng… Càng nghi ngờ, càng thất vọng hơn khi người chủ chăn dường như bỏ đoàn chiên trong cơn nguy biến, khó khăn nhất: Cha xứ Phêrô Trương Văn Khoa ra nước ngoài để kiện toàn một số môn thần học và mục vụ.

Nhưng không, sau hai năm Cha học về, phong trào vận động xây dựng lại được tái phát động, mọi người lại hy vọng, lại háo hức vào cuộc. Vì lòng khao khát của đoàn chiên, lòng nhiệt thành lại trỗi dậy trong Cha; lần nữa, Cha lại xuất cảnh để tìm kiếm thêm nguồn đóng góp từ những “tấm lòng vàng” ở nơi viễn xứ... Rồi Ban vận động xây dựng nhà thờ mới được củng cố và kiện toàn, mọi người cảm thấy như có luồng sinh khí mới, nhiệt tình đóng góp hơn, cộng thêm một số ngân khoản Cha đã quyên góp về. Mọi sự như thuận tiện, hợp lòng mong ước của dân. Cuối cùng, Cha xứ có một quyết định rất sáng suốt: “Đấu thầu bản vẽ” Nhà Thờ Mới.

Cộng đoàn toàn Giáo xứ được tham khảo bản vẽ của cả ba nhóm đấu thầu Bắc, Trung, Nam và tất cả đều thống nhất chọn bản vẽ hiện tại đang xây dựng của công ty Ly An - vừa có tính chất Gothique cổ kính, vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn có màu sắc truyền thống. Và sau 2 năm chờ đợi, cuối cùng nhà thờ cũng được cấp giấy phép xây dựng vào ngày 17/3/2008. Thời gian xúc tiến giấy tờ cũng là thời gian chuẩn bị vật liệu... Nhờ chuẩn bị đầy đủ, chu đáo nên tiến độ thi công không đình trệ một ngày nào.

Có giấy phép trong tay, vật liệu đã sẵn sàng, các ban giúp việc được thành lập, mọi công việc được khẩn trương tiến hành.

….RỒI ĐẾN TINH THẦN HIỆP NHẤT

Ngày 6/5/2008 đã đến, ngày mà cả Giáo xứ mong đợi hơn 10 năm trời. Đó là ngày lễ “Động thổ” xây dựng Nhà thờ Buôn Hô. Khí thế “ra quân” rầm rập, khoảng trên 300 người với đầy đủ vật dụng để sẵn sàng khởi công. Lễ động thổ tiến hành nghi thức đơn giản nhưng thấm đượm một sự quyết tâm và đoàn kết cao. Tất cả các Linh mục đã từng mục vụ ở Giáo xứ Buôn Hô đều về tham dự đầy đủ. Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp thị trấn cũng có mặt, có những phát biểu khích lệ, biểu hiện một sự nhất trí đồng thuận.

Trước ngày động thổ, các Linh mục và giáo dân đã hiêp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những vị tiền bối có công xây dựng nhà thờ cũ đã được Chúa gọi về, đồng thời cũng biểu dương những vị có công xây dựng ngôi nhà thờ cũ nay còn thượng tại. Xin Quý Vị anh linh cũng như Quý Vị còn hưởng thọ cho phép con cháu được tháo dỡ từng phần nhà thờ cũ để có đất xây dựng Nhà Thờ Mới.

Đây là một công trình thế kỷ mà Cha Chánh xứ Phêrô Trương Văn Khoa và giáo dân trong Giáo xứ đồng thanh tuyên bố: “CHA CON CÙNG LÀM”. Quả vậy, từ nhóm kỹ sư xây dựng cho đến những người thợ đều là con em trong Giáo xứ; những chiếc mũ, áo bảo hộ có dòng chữ “Xây dựng Nhà Thờ Buôn Hô” (đây là quà tặng của một giáo dân) càng tăng thêm vẻ hoành tráng và độc đáo. Lịch phân công các Giáo họ theo ngày trong tuần và tất cả đều tuân thủ nghiêm chỉnh đã phần nào nói lên sự vâng phục, đoàn kết để công việc luôn luôn trôi chảy. Cứ mỗi Chúa nhật, hàng trăm người từ cụ già đến em nhỏ đều có mặt tại công trường đóng góp tuỳ theo sức và năng lực của mình. Hơn hai tháng trời, trên công trường luôn sôi động không khí làm việc khẩn trương. Có những người vợ, người mẹ sẵn sàng quán xuyến mọi việc trong gia đình để chồng, con toàn tâm toàn ý đóng góp cho công việc chung của Giáo xứ; có cụ ông lê lết một chân, tay kẹp nạng, tay bốc đá; có những người dù hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không cao, hay những cụ bà dù một thân một mình còn nuôi cháu vẫn ủng hộ một số tiền dù không lớn nhưng đó là tất cả tấm lòng của họ... Những đóng góp của những con người ấy gợi cho chúng ta nhớ đến đồng tiền của bà goá trong Tin Mừng: “Thầy bảo thật anh em: Bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết”. (Lc 21,3)

Mới chỉ vỏn vẹn 70 ngày, công trình đã lên khuôn được móng và dàn cột đồ sộ. Hàng trăm tấn xi măng, hàng chục tấn sắt thép được “gieo” trong lòng đất để rồi “mọc” lên thành 62 trụ. Đó là kết cấu của Nhà thờ tương lai.

Một trong những bí quyết đi đến những kết quả tốt đẹp bước đầu là sự hiệp nhất các thành phần trong Giáo xứ. Cha xứ, Hội đồng Giáo xứ, Ban Xây dựng và toàn dân là một: một lòng một dạ, một ý chí, một quyết tâm: vâng phục thi hành mọi công việc theo kế hoạch, vượt qua mọi khó khăn gian khổ; góp ý, chia sẻ sáng kiến; góp sức và luôn biết lắng nghe để sửa chữa những thiếu sót hoặc những việc làm chưa tốt.

TRONG TÌNH HIỆP THÔNG

Cho đến hôm nay, công trình chỉ mới chớm mở đầu. Còn biết bao thử thách phía trước, nhưng chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cần phải nỗ lực rất nhiều trong chặng đường sắp tới, nhưng Giáo xứ Buôn hô tin rằng mình không đơn độc.

Trong tình hiệp thông, xin Cộng đoàn Dân Chúa ở khắp mọi nơi góp lời cầu nguyện cũng như giúp đỡ về vật chất để mọi sự hoàn tất như mong đợi. Tất cả để Vinh Danh Thiên Chúa và phần rỗi cho con cái Người.

Nguyện xin Thiên Chúa, Mẹ Maria và Thánh Giuse Quan Thầy của Giáo xứ hằng luôn che chở Quý Vị và gia đình.
 
Nghi Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày Chúa Nhật 7/9/2008 lúc 5 giờ chiều
Bùi Hữu Thư
23:28 25/07/2008

Nghi Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày Chúa Nhật 7/9/2008 lúc 5 giờ chiều.



Arlington, Virginia: Ngày 25, tháng 7, 2008


Kính thưa quý Đức Cha, Đức Ông, qúy Cha, quý Thầy, quý Sơ cùng toàn thể quý vị,

Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia được thành lập ngày 19/8/1979, cách nay gần 30 năm. Từ con số 25 gia đình năm 1976 đến nay giáo xứ đã có trên 2,000 gia đình và 8,000 giáo dân. Việc bành trướng cơ sở là một nhu cầu khẩn thiết.

Từ điạ điểm cũ trên Đường Annandale với sức chứa 276 người, đến điạ điểm hiện tại trên Đường Wakefield, với sức chứa tối đa 800 người, giáo xứ vẫn không có đủ chỗ cho giáo dân dự lễ. Mặc dầu cuối tuần có 5 thánh lễ tại đây và một thánh lễ tại St. Thomas à Becket, trong các thánh lễ đông, giáo dân vẫn phải ngồi ngoài hành lang và theo dõi trên màn ảnh truyền hình. Đặc biệt là các ngày lễ trọng như Phục Sinh và Giáng Sinh, nhiều người phải ở ngoài hành lang, bên vỉa hè và dưới Câu Lạc Bộ.

Tạ ơn Thiên Chúa, giáo xứ đã được Đức Giám Mục Arlington cho phép mở mang xây cất vào tháng 2, 2006. Sau hai năm trời nghiên cứu, phác họa, và gây quỹ việc xây cất sẽ được khởi công trong thời gian sắp tới.

Đức Cha Loverde đã chấp thuận cho giáo xứ được tổ chức nghi lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 9, 2008 lúc 5 giờ chiều. Đức Cha sẽ chủ tế thánh lễ 5 giờ chiều và cử hành nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên lúc 6 giờ chiều. Một bữa tiệc thân mật sẽ được tổ chức lúc 6 giờ 30, để ăn mừng và cảm tạ Thiên Chúa.

Nhân dịp này, giáo xứ chúng con cũng sẽ hân hoan đón chào Đức Cha Thomas Welsh, Giám Mục tiên khởi Giáo Phận Arlington, người đã ban nghi định thành lập giáo xứ.

Kính mời quý vị đến chung vui với giáo xứ chúng con nhân dịp trọng đại này.

Xin mời xem các hình ảnh 3 chiều của Nhà Thờ CTTĐVN tương lai trong Video đính kèm.

LM Gioan Baotixita Nguyễn Đức Vượng, Chánh Xứ

 
Giáo phận Quy Nhơn long trọng mừng lễ Á Thánh Anrê Phú Yên
GX. Mằng Lăng
23:39 25/07/2008
GIÁO PHẬN QUI NHƠN MỪNG LỄ Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

Để tạo thuận lợi cho sinh hoạt mục vụ chung của các giáo xứ, giáo phận Qui Nhơn được giáo xứ Mằng Lăng đăng cai tổ chức mừng lễ Á Thánh Anrê Phú Yên vào ngày 25.7.2008. Kết hợp với chương trình mừng 364 năm Sinh Nhật Trên Trời của Vị Tử Đạo Tiên Khởi, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, đã về Mằng Lăng chủ sự nghi lễ làm phép khánh thành "Đền Anrê Phú Yên" sau hai năm thi công hôm nay đã hoàn tất.

Về tham dự lễ mừng Á Thánh Anrê nam nay có đông đảo linh mục, chủng sinh, tu sĩ và bà con giáo dân từ khắp mọi miền giáo phận. Đặc biệt, trong số các vị khách quý và ân nhân tài trợ cho công trình Đền thánh, có học giả Phạm Đình Khiêm, tác giả của cuốn sách căn bản về lịch sử Á Thánh Anrê Phú Yên: Người chứng Thứ Nhất, có nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu, nhạc sĩ linh mục Kim Long...

Cuộc lễ diễn ra trong tâm tình hân hoan và sốt sắng. Hy vọng với sự hiện hữu của Đền Á thánh Anrê Phú Yên, nhiều người sẽ cơ hội thuận tiện hơn để cầu nguyện và khảo sát về lịch sử Á Thánh Anrê Phú Yên
 
Văn Hóa
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (2)
Vũ Văn An
20:33 25/07/2008
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (2)

Hôm sau, ngày 15, ngày chính thức khai mạc WYD. Cha Văn Chi gọi điện thoại tới cho hay hôm nay sẽ có cuộc họp của ban truyền thông Việt Nam. Ngài muốn tôi tham gia ban này để thông tin về Đại Hội, nhưng vì tôi thuộc loại ‘cổ lai hy’ nên ngài thương tình chia cho việc ở nhà để theo dõi báo chí Úc, ‘chứ ra ngoài mệt chết’. Cha đâu có ngờ là cả ngày hôm trước tôi đã ‘ra ngoài’, tuy mệt nhoài mà lòng thì vẫn thích tiếp tục ‘ra ngoài’ ấy. Hôm nay, chắc cũng vậy thôi, tuy về mặt ‘pháp lý’, không nên ‘ra ngoài’ như thế vì bất hợp lệ. Số là tôi chỉ đăng ký loại C nghĩa là tham dự hai ngày cuối tuần tức Thứ Bẩy và Chúa Nhật. Được cái theo thông báo của WYD4VN, cả những người đăng ký loại C cũng được tham dự Thánh Lễ Khai Mạc Trọng Thể dành cho các phái đoàn Việt Nam tại Trung Tâm Whitlam ở Liverpool và sau đó, tham dự sinh hoạt chung với giới trẻ Việt Nam khắp thế giới, lại còn được phép dự BBQ vĩ đại nữa, và buổi chiều được lên Barangaroo tham dự Thánh Lễ Khai Mạc WYD do Đức Hồng Y George Pell chủ tế. Như thế từ bất hợp lệ, tôi đã trở thành hợp lệ để tham dự các lễ hội WYD vào ngày hôm nay. Điều ước muốn nhất của tôi là được gặp một số thân quen rải rác khắp thế giới, trong đó có những người, những vị thân quen từ Việt Nam qua, trong đó phải kể Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng, người tôi từng được gặp năm 2005 tại Sydney và năm 2007 tại Hải Phòng. Phiền một điều bà xã nhà tôi nhằm ngay ngày hôm nay để đi khám ‘pap smear’ theo lịch trình được ấn định từ lâu, sau đó, còn đi châm cứu nữa. Không có xe, tôi đành ở nhà ‘chứ ra ngoài mệt chết’. Lần này thì không phải mệt về thân xác mà mệt vì tinh thần.

Bạn trẻ WYD tại Ga Trung Ương
Chờ bà xã đến 1 giờ 30 chiều cũng không thấy về, tôi đành ‘khăn gói quả mướp’ ít đồ lủng củng, trong đó có chiếc máy hình Cybershot Sony và máy quay phim Handycam cũng hiệu Sony. Quên mang theo chai nước và ít đồ ăn phòng khi độ đường xuống thấp. Cứ thế trực chỉ ga xe lửa Beverly Hills. Theo hướng dẫn của Cơ Quan Phối Hợp WYD của Tiểu Bang, người đi tuyến đường Airport-Easthills như tôi, nếu muốn tới Barangaroo, thì nên xuống xe tại Circular Quay. Nhưng ở Ga Beverly Hills, nhân viên hỏa xa lại khuyên công chúng đi Barangaroo phải xuống xe tại Ga Trung Ương. Không vâng lời cha Chi, chứ nhân viên hỏa xa thì tôi răm rắp tuân theo, nhất là trong những ngày có đến 200,000 người đổ vào trung tâm Thành Phố như thế này. Từ Ga trung Ương, tôi đi ngược hướng Eddy Avenue, để tới đường hầm thường dẫn các sinh viên tới Đại Học Kỹ Thuật Sydney (UTS) trên đường Broadway. Vì hôm trước, nhân đưa cha Dòng Phanxicô đi lãnh thẻ đồng tế ở Chippendale, tôi đã thấy các bảng chỉ đường dẫn tới Barangaroo từ đường hầm này rồi. Tôi hơi lấy làm lạ, sao chỉ lác đác một hai người hành hương theo lối này tới Barangaroo, trong khi người hành hương đi ngược chiều thì đông hơn hẳn. Được cái các thiện nguyện viên đứng dọc hai bên chỉ đường làm tôi vững bụng. Hết đường hầm thì gặp đường rầy ‘Light Train’, băng qua thư viện UTS, qua China Town. Người hành hương với ba-lô vàng đỏ mỗi lúc một đông. Đến Darling Harbour thì không khí Đại Hội quả đã hết sức sinh động. Nhiều đoàn vũ của người ở Đảo đang thay nhau trình diễn. Công chúng thư giãn nằm la liệt trên cỏ thưởng ngoạn. Nhìn kỹ người không phải dòng Caucasian đông hơn hẳn.

Bạn Trẻ WYD tại Darling Harbour
Tôi dừng ở đó một lúc, rồi mới tà tà tiếp tục đi tới Đông Cảng Darling, tới địa điểm Barangaroo, mà ngày xưa, nhân mùa suy thoái kinh tế, vốn là vũ đài của những tranh chấp cay đắng nhất trong lịch sử kỹ nghệ Úc Châu, được người đời tặng cho biệt danh Hungry Mile. Cứ tưởng nó nằm xát cạnh bên, nào ngờ 20 phút sau mới thấy bóng dáng Lễ Đài xa xa. Tôi phải dụi mắt một lúc lâu vì tưởng mình đang ngủ, mơ thấy Marienfeld của WYD 2005 tại Cologne. Sao hai lễ đài giống nhau đến thế. Chắc chỉ có tôi suy nghĩ vẩn vơ, vì đoàn người quanh tôi đang hòa tan vào nhau trong hân hoan, cười nói, thật thoải mái, thư giãn. Họ thuộc đủ mầu cờ, mầu da, lối ăn mặc, nói năng. Nhưng cùng một thứ ngôn ngữ cảm thông, hiệp nhất. Họ nói nhiều thứ tiếng, nhưng thứ tiếng nào, trong lúc này, cũng chỉ có một phát biểu, một âm vang, mà bạn chẳng cần hiểu cũng cảm được điều họ cảm. Tôi vì thế gần như quên mất mệt. Có điều, cũng như ngày hôm trước, sợ về đêm lạnh giá, nên quần cũng hai ba lớp mà áo thì còn nhiều hơn, thành ra đến lúc này, sau gần 40 phút đi bộ, mồ hôi bắt đầu làm tôi nhận ra sự hiện hữu của nó trong nách, trên lưng, trên tóc. Mặc tôi vẫn cứ ‘nhẩn nha’ tiến bước với đoàn người, thỉnh thoảng dừng lại chụp dăm ba tấm hình hay quay một vài đoạn phim các đoàn hành hương ngồ ngộ. Vào đến gần cổng 12, tôi bắt đầu nhận ra sự hiện diện của người Việt Nam. Thực ra, người Việt Nam cùng đồng hành với tôi từ Ga Trung Ương tới Barangaroo nào đâu có thiếu, nhưng làm sao biết chắc được cho bằng lúc họ đem theo lá cờ Tự Do. Đối với tôi, nếu chẳng may lá cờ này mất hết ý nghĩa chính trị hay bất cứ ý nghĩa nào khác, thì nó vẫn còn một ý nghĩa, ý nghĩa nhận diện. Điều ấy không lúc nào đúng bằng lúc này. Phía trước tôi, còn cách khoảng một trăm thước, ba lá cờ Việt Nam Tự Do đang phất phới. Tôi vội bỏ chai nước vừa mua xuống đất, cả chiếc áo khoác vì nóng quá vừa cởi ra, để móc máy hình và handycam ra chụp mấy tấm, quay mấy giây. Đến nơi mới hay là Dũng, một huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể kiêm giáo lý viên nhiệt thành, tôi từng gặp mỗi lần có Đại Hội Giáo Lý tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, một người thật trẻ nhưng lại ưu tư khá nhiều trong việc làm thế nào dạy giáo lý bằng tiếng Việt cách hữu hiệu cho các thiếu nhi Việt Nam. Dũng mời tôi cùng nhập đoàn, sau khi trao cho tôi vé vào Barangaroo ngày 15 tháng Bẩy, bảo rằng: không có vé, họ không cho bác vào đâu! Tôi bây giờ như lời Chúa Giêsu đại khái tiên đoán về Phêrô: lúc về già, anh sẽ để người ta thắt lưng và dẫn đi đâu thì đi (Ga 21:18).

Cờ VN Tự Do tại Cổng 12 Barangaroo
Đến cổng 12, tôi thấy một số ‘quan chức’ Việt Nam đứng sẵn ở đó, không rõ để làm gì. Sở dĩ gọi bằng quan chức, vì các vị ăn vận rất bảnh bao, không giống người hành hương. Và sở dĩ tôi biết họ là người Việt Nam, dù không mang cờ Việt Nam Tự Do, là vì trong số ấy có người ngày xưa (cách nay gần 50 năm) đã mài đũng quần với tôi tại cùng một ngôi trường. Thấy bọn tôi mang cờ, ông bạn cùng mài đũng quần cổ vũ: phất cao lên nhé. Mang cờ đến đây mà lại không phất cao, thì biết làm gì bây giờ. Em nhỏ phất cao thật, phất từ lúc vào cổng phất vào, tuy trong cơn gió mạnh từ Cảng thổi về, tôi chỉ sợ thân hình nhẹ bẫng của em có thể bay lên không trung trong nháy mắt. Các em rẽ về bên trái, tôi lại rẽ về bên phải, hy vọng gần khán đài hơn. Té ra, tính toán của mình sai. Nếu theo các em, tôi có thể được đứng ở địa điểm nhìn thẳng vào khán đài chính và do đó, được tham dự Thánh Lễ cách trực diện rồi, không cần đến màn ảnh vĩ đại nữa. Đàng này, không những tôi phải nhìn phía phải của khán đài, lại còn bị rào cản, không sao tiến gần hơn. Nhìn thấy Diệp Hải Dung ung dung đứng phía trong, tay lăm le chiếc máy ảnh như chỗ không người mà thèm. Nhưng thôi, phải lợi dụng tối đa tình thế hiện tại. Bèn lấy máy hình và máy quay phim ra làm việc. Cố gắng sao để thu cho được mấy lá cờ Việt Nam Tự Do vào ống kính. Phiền một cái, chả làm sao thu được hình nó trên nền lễ đài vì hai thứ này nằm ngược chiều nhau theo ống kính của tôi.

Rồi bỗng nhiên rào cản được dịch qua một bên, người hành hương thi nhau tiến lại gần khán đài. Tôi tới đứng ngay cạnh các linh mục mặc áo alba và dây stola. Nhưng trong cái may lại có cái rủi. Các cha cao quá, che hết tầm nhìn của mình. Khán đài gần mà lại hóa xa. Đành phải hướng tầm nhìn vào màn hình vĩ đại vậy. Cũng đủ để thấy Casey Donovan mập ú trình diễn cùng với những nghệ sĩ Thổ Dân khác. Ít khi được nhìn lại khuôn mặt và lối trình bầy của Australian Idol này kể từ ngày cô giật giải cách nay mấy năm. Đủ thấy Ngày Giới Trẻ Thế Giới ít nhất cũng có một tác động nào đó lên người Nghệ Sĩ trẻ tuổi này. Như thế, cùng với người giật giải đầu tiên là Guy Sebastian, Casey, người đoạt giải năm sau, đã mang Ngẫu Thần Úc (Australian Idol) tới chân bàn thờ, suy phục Thiên Chúa Chân Thực trong ngày WYD. Cứ lẩn thẩn như thế, nên khi người ta thông báo cờ các quốc gia tham dự WYD đang diễn hành, vội chạy ra, thì đã lỡ cơ hội thu hình được chàng tuổi trẻ Việt Nam với lá cờ Tự Do của anh trong đoàn rước. Tôi chỉ chụp được bức hình một lá cờ Việt Nam Tự Do do một bạn trẻ đứng sau rào cản phất lên, mà nhìn xa, tưởng là được phất lên trong đoàn cờ. Không như lá cờ của chàng tuổi trẻ kia mà sau này tôi được dịp chiêm ngưỡng, mười mươi là cờ trong đoàn rước.

TT Kevin Rudd tại Barangaroo
Rồi Thủ Tướng Kevin Rudd duyên dáng xuất hiện, có những người Úc đầu hết đứng sau lưng, những người dù rất ít về số lượng (trên dưới 500,000 khắp lụa địa Úc Châu) nhưng lại rất quan trọng về ý nghĩa đối với chính phủ do ông lãnh đạo, và cả với Giáo Hội Công Giáo tại Úc này nữa, một giáo hội đang ra sức cổ vũ một lối phát biểu Đạo bằng tâm thức của chính họ. Chỉ tiếc trong gần mười ngôn ngữ được ông dùng để chào mừng khách hành hương, không có tiếng Việt, mặc dù tôi có hô to: how about Vietnamese? Dĩ nhiên ông Rudd không nghe tiếng hô của tôi, chỉ có các linh mục đứng gần tôi nghe thấy mà thôi, nên ông đã chấm dứt việc khoe tài ngoại ngữ của ông, như ông từng làm tại Hội Nghị APEC năm ngoái tại Sydney, lúc ông còn là Trưởng Khối Đối Lập, và tại Bắc Kinh năm nay, lúc ông đã là Thủ Tướng Chính Phủ, mà quay qua ca tụng vai trò tôn giáo. Ít ra thì Kevin Rudd cũng thật xác tín về khía cạnh này, một điểm son, mà người đăng cai WYD 2011 tại Madrid lấy làm thèm thuồng. Cái dân tộc từng đâm rễ sâu xa vào Kitô giáo đến độ ‘ngưng không Kitô giáo nữa là ngưng không Tây Ban Nha nữa’ (Lời Đức Hồng Y A. Canizares, tổng giám mục Toledo nói nhân dịp WYD 2008 tại Sydney) quả đã thụt lùi so với dân tộc vốn thoát thai từ thềm hoang dã của những tên tội đồ. Âu cũng là một niềm an ủi đối với một cử tri từng buồn da diết khi thấy ông thắng John Howard.

Đức HY G. Pell
Đức Hồng Y George Pell cũng ‘khoe’ tài ngoại ngữ, nhưng ít hơn, và hạn chế trong những ngôn ngữ chính thức của Đại Hội. Nói như thế vẫn còn mơ hồ. Vì theo thông báo của WYD4VN, “Việt ngữ được chọn là 1 trong 7 ngôn ngữ chính thức trong ĐHGTTG 2008 Sydney”. Nhưng đã không được Đức Hồng Y dùng để chào mừng khách hành hương thập phương. Ngài chỉ dùng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Đức thì phải. Nói tóm lại đều là các ngôn ngữ Âu Mỹ. Dù Âu Mỹ xa Úc hơn lục địa Á Châu nhiều. Biết làm sao được. Số khách hành hương đến từ hai châu lục kia dù sao cũng đông gấp bội. Như thế, tiếng Việt chỉ được dùng để phiên dịch cho người Việt hiểu những nét chính của WYD. Âu cũng là một thành công nhờ số người tham dự đông đảo lần này. Còn nhớ số người Việt Nam tham dự WYD tại Cologne năm 2005 chỉ vào khoảng trên dưới một ngàn, ngồi chỉ vừa đầy ngôi thánh đường nhỏ (hình như là St Elizabeth) của Bonn. Nhưng lần này, nguyên người Việt Nam đăng ký chính thức đã trên 3,000 người rồi (vì nếu không thế thì tiếng Việt đã không được kể là 1 trong 7 ngôn ngữ được chính thức phiên dịch). Chưa kể số người không đăng ký, có thể lên bằng số ấy nữa. Nên địa điểm khởi thủy dự trù cho cộng đồng Việt Nam tại Nhà Thờ Sacred Heart, Cabramatta, đã không đủ sức chứa số người đông đảo này. Trung Tâm Whitlam tại Liverpool được chọn thay thế là vì vậy.

Như trên đã nói, đối với biển người muôn mầu phía dưới, dù các vị vọng có nói ngôn ngữ gì chăng nữa, thì cũng như khách thập phương tại Giêrusalem ngày nào, họ vẫn hiểu bằng chính ngôn ngữ của riêng họ. Vì ngôn ngữ họ nghe quả đã được sức mạnh Chúa Thánh Thần biến đổi thành ngôn ngữ của riêng họ, ngôn ngữ của hiệp thông. Quanh tôi là linh mục, nữ tu, là đàn ông đàn bà, là người già người trẻ, là Âu Tây, là người ở Đảo, là Đại Hàn, là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ái Nhĩ Lan, Trung Hoa, Việt Nam, Ấn Độ… nhưng ai cũng cười, cũng vỗ tay, cũng quay qua nhau nói một câu, mỉm cười một cái, cũng vẫy vẫy và nhất là cũng thưa kinh một lúc, thật âm vang, thật đồng điệu. Tôi quên không mang theo sách phụng vụ do Đại Hội cấp phát, nhưng không vì thế mà không ê a, không ngâm ngợi cùng cả cộng đoàn ngày Ngũ Tuần này. Một điều nữa: các linh mục, tuy không nhường ghế cho tôi ngồi, có thể vì sợ mất vẻ đẹp ‘hoành tráng’ (thật ra tôi chẳng hiểu rõ nghĩa chữ này bao nhiêu, chỉ là dùng bừa) của quang cảnh ngày lễ chăng, nhưng khi thấy tôi đứng lên không nổi từ chỗ ngồi dưới đất, đã tự ý cúi xuống nâng tôi đứng dậy. Tôi rất biết ơn các linh mục ấy. Họ vốn xa lạ với tôi, nhưng đã không xa lạ chút nào trong ngày WYD này.

Những cảm tình vừa tốt đẹp vừa gây xúc động ấy cứ theo tôi mãi trên đường về nhà. Tôi phải bỏ cuộc nửa chừng, lúc Đức Hồng Y Pell đọc lời truyền phép, vì xem ra đã thấm mệt sau một cuộc đi bộ khá dài từ Ga Trung Ương tới đây và sau nhiều giây phút xúc động, rất xúc động được chứng kiến nhiều hoạt cảnh đầy tính Ngũ Tuần. Tuy nhiên, sau khi từ ‘toilet’ đi ra, một thứ ‘toilet’ tuy không sang trọng và láng coóng như các toilets tại Crystal Cathedral bên Garden Grove, USA, nhưng khá sạch sẽ, hơn hẳn các toilets tại WYD ở Marienfeld năm 2005, tôi nán lại mấy phút trên bục cao, đảo mắt một vòng khắp cánh quạt Barangaroo, để thấy người trẻ trải dài đến tận mặt nước biển kia đang nghiêm trang theo dõi Thánh Lễ trên các màn ảnh thật xa Lễ Đài này, và tự hỏi các kết luận của linh mục kiêm nhà xã hội học Công Giáo Úc tên Michael Mason, trong phúc trình Linh Đạo Thế Hệ Y có hoàn toàn đúng không. Chắc chắn ngài đúng, bởi nếu không, các nhà lãnh đạo WYD2008 đã không ủy nhiệm cho ngài nghiên cứu về tác động của WYD này đối với nền linh đạo của tuổi trẻ Úc. Nhưng đồng thời tôi vẫn tin vào các đột biến, bỗng chốc xẩy ra một cách vũ bão, cuốn hút con người đến chỗ thay đổi. Những đột biến như thế đang xẩy ra trước mắt tôi.

Ra đến cổng 12, tôi bỗng nghe có tiếng gọi nhau ‘đi nhanh lên’ bằng tiếng Việt. Nhìn lại, thấy một nhóm bạn trẻ đang nhanh chân bước tới. Lá cờ họ mang theo tôi nhận không ra. Hỏi thì một em nói: đây là lá cờ đoàn bác ạ. Các em từ đâu tới? Chúng cháu từ Việt Nam. Vậy hả, từ Hà Nội hay từ Sài Gòn? Dạ không, chúng cháu từ Tiền Giang. Nghe thấy Tiền Giang mà ngớ ra mấy giây, sau mới ‘hoàn hồn’ nhận ra Mỹ Tho. À Mỹ Tho phải không? Dạ không, Tiền Giang lớn hơn Mỹ Tho chứ bác! Các cháu quả đúng hơn bác già lẩm cẩm này. Được cái, các cháu Tiền Giang không chú trọng đến nét lẩm cẩm của già này, nên tiếp tục kể cho nghe các cháu qua đây nhờ phương tiện do ai cung cấp: phần lớn bọn cháu có thân nhân bên này giúp đỡ. Vậy ra Úc Việt vẫn một nhà, dù mình không cùng mang một lá cờ.

Lần về không đến nỗi phải ‘vòng vo tam quốc’, nhân viên giữ trật tự mở rào cản cho đi thẳng một lèo. Có điều không biết đường từ đây về Ga Trung Ương như lời dặn của nhân viên hỏa xa Beverly Hills, hay về ga Town Hall như lời khuyên của mấy thiện nguyện viên. Lên tiếng hỏi một cảnh sát viên, thì được chỉ bảo như sau: ông tới Ga Trung Ương hay Ga Town Hall làm gì, ga Wynyard chỉ cách hai phút! Hỏi thêm thì anh ta chỉ về phía tay trái. Lững thững đi hết đoạn đường đó, rồi rẽ tay trái vào đường Erskine. Các nhân viên văn phòng làm trễ cũng đang bắt đầu ra về. Yên trí đi theo họ vì họ chẳng đi xe lửa, thì cũng đi xe buýt. Tôi từng dùng ga Wynyard này thường xuyên trong thập niên 90, lúc còn làm cho Sở Thuế Liên Bang. Nhưng dùng phía bên kia dẫn tới đường Hunter, chứ không bên này từ đường Erskine dẫn tới. Trời lại đã tối mịt. Nên đứng ngay trên hầm ga Wyndyard mà vẫn không nhận ra nó. Phải nhờ một nhân viên văn phòng dậm chân bảo: ngay phía dưới chân ông, mới tìm được cửa hầm bước xuống. Người dùng xe ở ga này, vào lúc gần 7 giờ tối, vẫn còn rất đông. Khi đã yên vị trong toa xe lửa rồi, mới thắc mắc: tại sao các vị hữu trách không nhắc đến Ga Wynyard trên đường tới Barangaroo. Hỏi xong là trả lời được ngay: Ga này vốn được coi là Ga bận rộn nhất của hệ thống xe lửa thành phố. Điều hòa lưu thông trong những ngày này tất nhiên không thể xem thường được. Tôi lọt vào Ga này lòng cũng hơi chút ân hận. Tuy nhiên, việc ấy đỡ cho tôi đến 35 phút đi bộ. Tưởng rằng đỡ, nhưng đêm về, tôi cà nhắc trông thấy, tưởng ngày hôm sau chỉ còn đường nằm nhà.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều
Đặng Đức Cương
00:12 25/07/2008

CHIỀU



Ảnh của Đặng Đức Cương

…Sải cánh nghiêng nghiêng, nắng nhuộm ngày

Giữa chốn thiên nhiên vô cùng tận

Hôn gió, ghẹo mưa, lướt cùng mây.

(Trích thơ Thâm Tâm)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền