Ngày 25-07-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa, Cơm Hằng Sống
Nguyễn Trung Tây, SVD
00:21 25/07/2009

Chúa, Cơm Hằng Sống


Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.


Người Việt Nam có một câu chuyện cổ tích về hạt gạo. Vào những ngày đầu tiên của nhân loại, người ta không phải làm lụng vất vả. Ngày ngày họ chỉ rong chơi, hát quan họ, hội hè, chờ đợi hạt gạo được Ông Trời ban tặng. Khi trời hừng sáng, những hạt gạo ngọc ngà bắt đầu buông mình rời bỏ trời cao. Từng hạt gạo tự động lăn vào cửa ngõ của từng gia đình. Sau cùng hạt gạo dừng lại ngay cửa nhà. Hạt gạo, tặng phẩm từ trời cao, được ban phát đồng đều cho mọi người. Ông Trời trong văn hóa Việt Nam không thiên vị ai, già, trẻ, lớn, bé, mọi người đều nhận được hạt gạo đủ dùng trong một ngày. Điều kiện duy nhất Ông Trời đòi hỏi là vào mỗi sáng sớm, người ta phải quét dọn nhà cửa, từ trong ra ngoài, từ đầu cửa cho tới cuối sân, mọi nơi phải sạch sẽ, không bụi bậm, không rác rưởi để đón nhận hạt gạo từ trời cao.

Trong một thôn xóm nhỏ, có cặp vợ chồng son. Người vợ ngoan hiền xinh đẹp nhưng lại lãng trí, dặn trước quên sau. Một hôm người chồng bận công chuyện phải đi xa. Trước khi rời nhà, anh ta căn dặn người vợ phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón tiếp hạt gạo ngọc ngà. Sau khi người chồng ra đi, người vợ bắt đầu nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm trưa. Quay ra quay vô trong căn nhà bếp chật hẹp một hồi, người đàn bà quên mất lời dặn dò. Bất chợt nhớ lại lời căn dặn của người chồng, người vợ vội vàng quơ lấy cây chổi bắt đầu quét sân. Ngay khi đó, hạt gạo ngọc trời ban tặng bắt đầu lăn vào cửa ngõ. Khi nhận ra căn nhà mình đang tiến vào còn ngập tràn rác rưởi, hạt gạo bất ngờ thay đổi hướng đi. Thay vì lăn vào nhà, hạt gạo chầm chậm lăn ra khỏi cửa ngõ. Thấy vậy, người đàn bà vội vàng cuống quít lấy cây chổi chặn lại hạt gạo. Nhưng đã quá trễ! Hạt gạo nhấc mình bay bổng lên cao, dần dần biến mất vào bầu trời xanh.

Và bắt đầu từ đó, Ông Trời không gửi gạo ngọc xuống trần thế nữa. Bởi thế, con người phải làm lụng vất vả, ngày ngày cong lưng cày bừa trên cánh đồng lúa cho từng hạt gạo trắng tinh thơm nồng.

Đây cũng chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng câu chuyện đã minh họa và nói lên được tầm quan trọng của hạt gạo trong đời sống của người Việt Nam, đó là, gạo là lương thực chính của người Việt Nam.

I. Người Việt Nam và Gạo
Vào năm 1945 ruộng lúa miền Bắc được lệnh phá bỏ. Thay thế vào đó, người ta trồng đay theo lệnh của phát xít Nhật. Khi những nhánh lúa non đang vươn mình lên bầu trời, người ta được lệnh nhổ tận gốc những cây mạ xanh. Không có những nhánh mạ xanh non, không có những cây lúa xanh tươi. Không có những cây lúa ngậm sữa trổ đòng đòng, người Việt Nam không có gạo. Năm 1945 mùa gặt không về trên nhiều thôn làng miền Bắc. Mùa gặt không tới, gạo không về nhà! Và người ta bắt đầu chết đói! Bao nhiêu người ngã rạp xuống bờ cỏ gốc cây trên những con đường dẫn về thủ đô Hà Nội. Bao nhiêu người chết! Bao nhiêu xác người đen đủi, gầy gò nằm chết la liệt. Người ta chết dễ hơn là đi ngủ! Người ta chết dễ dàng như con sâu cái kiến. Người ta chết dễ như chưa bao giờ có dịp được chết! Người ta tranh nhau chết, chết đói!

II. Người Do Thái và Manna, Bánh Mì
A. Manna

Không giống như người Việt Nam, người Do Thái ăn bánh mì. Bánh mì là lương thực chính được dùng trong những bữa ăn hằng ngày. Trên con đường tiến về Đất Hứa, theo như Sách Xuất Hành 16:4-36, trong sa mạc dân Do Thái không trồng được lúa mì. Không có lúa mì đồng nghĩa với không có bánh mì. Không có bánh mì, người Do Thái sẽ chết đói. Bởi thế ngày ngày Giavê Thiên Chúa đã khiến manna từ trời cao rơi xuống. Tương tự như câu chuyện thần thoại của người Việt Nam, vào mỗi sáng sớm dân chúng bước ra khỏi lều, và họ thấy trên mặt đất những hạt trắng tinh, mùi thơm thanh khiết. Họ hỏi nhau, “Cái chi vậy?”, trong tiếng Cổ Do Thái, manna có nghĩa là “Cái chi vậy?”. Ông Môisen đã dạy dân chúng tha hồ thu nhặt những hạt manna về nhà làm bánh mì. Muốn nhặt bao nhiêu thì nhặt. Đừng lo cho ngày mai bởi ngày mai sẽ tới với những hạt ngọc manna từ trời cao tiếp tục rơi xuống. Những hạt ngọc manna đã liên tục từ trời cao rơi xuống cho dân chúng bốn mươi năm lang thang trong sa mạc. Nếu không có những trận mưa trời manna rơi xuống vào mỗi sáng sớm, những người Do Thái đã biến mất trên bản đồ của thế giới. Có mưa trời manna, có tất cả. Không có mưa trời manna, người Do Thái đã chết, chết chắc!

B. Bánh Mì
Theo thánh sử Gioan 6:1-15, khi thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài trong hoang địa mệt và đói lả, Đức Giêsu nói với ông Philip,
— Làm sao chúng ta có thể kiếm được thức ăn cho từng này người?

Ông Anrê trả lời,

— Ở đây có một cậu bé với năm ổ bánh mì và hai con cá…

Và Đức Giêsu quyết định can thiệp. Từ năm ổ bánh mì và hai con cá, bánh mì và cá bỗng dưng ngập tràn đất khô của hoang địa. Người ta ăn no nê bánh mì. Người ta ngập tràn với cá. Bánh mì và cá xuất hiện khắp nơi. Khắp nơi là bánh mì. Mọi nơi là cá. Vây bọc chung quanh đám đông 5000 người không còn là đói khát nữa, mà là những ổ bánh mì thơm nồng và những con cá thơm tho. Không có những ổ bánh mì và những con cá, đám đông đi theo Đức Giêsu đã gục ngã bên những lùm cây bụi cỏ trong hoang địa.

III. Chúa, Manna, Bánh Mì, và Gạo
Bởi có Chúa, người Do Thái có manna, có bánh mì. Và người ta không chết nữa. Ngược lại người ta sống hân hoan, sống vui, và sống khỏe. Từ manna, một dân tộc mới phát sinh, dân tộc Do Thái. Từ những ổ bánh mì, một tôn giáo mới chào đời, tôn giáo Kitô. Bất hạnh thay, người Việt Nam không được may mắn như vậy. Vào năm 1945, mùa gặt Ất Dậu không tới! Mùa gặt không tới, mùi cơm thơm nồng vào những buổi chiều đã không ghé ngang ân cần hỏi thăm từng căn nhà. “Nhà hết gạo rồi!”, câu nói này tiếp tục vang lên trên từng cửa miệng. Và thế là người Việt Nam chết đói. Hai triệu người Việt Nam đã bỏ mạng năm Ất Dậu 1945, bởi người ta không có gạo, không có cơm.

IV. Chúa, Cơm Hằng Sống
Đức Giêsu phán,

— Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời (John 6:58 ).

Bánh đây là bánh chi? Bánh bông lang? Bánh đa? Bánh cuốn? Bánh chưng? Trong tiếng cổ Hy Lạp, bánh hay ἄρτος, ártọs, có nghĩa là một ổ bánh mì. Như vậy, bánh ở đây không phải là bánh bông lang, hay tất cả những loại bánh gì khác, mà chính là bánh mì. Nếu vậy, Đức Giêsu đã nói, “Ta là bánh mì hằng sống”. Bởi Đức Giêsu là người Do Thái, một dân tộc lấy bánh mì làm lương thực chính cho những bữa ăn, cho nên Ngài nói, “Ta là bánh mì hằng sống”.

Trong văn hóa Việt Nam, câu nói này phải được hiểu trong một khía cạnh khác. Người Việt Nam thông thường chỉ ăn bánh mì vào buổi sáng. Sáng sớm người ta mua một ổ bánh mì kẹp chả hoặc kẹp thịt xá-xíu, kèm thêm mấy miếng dưa leo, một chút nước tương, vài cọng ớt. Người Việt Nam không ăn bánh mì trong bữa ăn trưa và tối, nhưng người ta ăn cơm. Không ăn bánh mì, không ăn sáng, không ai chết. Nhưng nếu bỏ ăn cơm trưa, bỏ luôn bữa cơm tối trong một khoảng thời gian, người Việt Nam sẽ chết, chết chắc! Bởi vậy, trong văn hóa Việt Nam, câu nói “Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” không nói lên được trọn vẹn ý nghĩa của Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu là người Việt Nam, có thể Ngài sẽ nói,

— Ta là cơm hằng sống từ trời ban xuống. Ai ăn cơm này sẽ sống đời đời!

Qua câu nói được lồng trong nền văn hóa của gạo trắng cơm thơm, người Việt Nam sẽ hiểu toàn vẹn điều Đức Giêsu muốn nói.

V. Mẹ Maria, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và Evà
Maria, cô gái của phố Nazareth, qua câu nói, “Này tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” đã chấp nhận ăn bánh mì từ trời ban xuống, mặc dù cô thiếu nữ biết rất là khó ăn loại bánh mì này. Và đúng là như vậy, sau lời “Xin Vâng”, cuộc đời của Mẹ ngập tràn với những bị hiểu lầm và mất mát. Nhưng đúng như lời Đức Giêsu đã phán, bởi Mẹ đã chấp nhận ăn bánh mì hằng sống, Mẹ đã không chết nữa. Mẹ được đưa lên trời cả hồn cả xác, Mẹ được tôn kính với danh hiệu “Nữ Vương Thiên Đàng” và “Mẹ Thiên Chúa”.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam đã chấp nhận Đức Kitô là cơm hằng sống từ trời ban xuống. Các ngài đã ăn cơm hằng sống, và các ngài không chết nữa. Các ngài sống đời đời trong lòng Giáo Hội hoàn cầu và Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

Còn tôi thì sao? Mỗi khi đến nhà thờ, tôi vẫn được nhận lãnh Cơm từ trời ban xuống qua hình ảnh tấm bánh mà niềm tin xác định đó chính là thân xác Chúa Giêsu Kitô. Ngày xưa người đàn bà lãng trí quên quét dọn nhà cửa, Ông Trời nổi giận, và gạo trời thôi không lăn vào nhà nữa. Ngày hôm nay tôi vẫn đến nhà thờ nhận lãnh Cơm Trời ban xuống, mặc dù tôi không xứng đáng lãnh nhận Cơm Trời. Ngày hôm nay Cơm Trời vẫn được ban tặng để tôi được sống đời đời, mặc dù căn nhà tâm hồn của tôi luôn luôn ngập tràn rác rưởi. Ông Trời trong văn hóa Việt Nam nổi giận, nhưng Chúa Kitô Thánh Thể thì khác. Ngài luôn luôn là từ bi, đại lượng, khoan dung, và nhân hậu.

Evà đã chọn lựa ăn lương thực từ cây Biết Lành Biết Dữ, một loại bắp, một loại bo bo không bao giờ được tiêu hóa trong dạ dày của con người. Bởi thế, Evà và con cái của cô ta đều chết. Mẹ Maria đã chọn lựa ăn bánh mì. Thánh Dũng Lạc, nữ thánh Đê, thánh Thiện và các thánh Tử Đạo Việt Nam đã ăn cơm hằng sống. Mẹ và các vị thánh Việt Nam không bao giờ chết nữa. Còn tôi, giữa Cơm Trời và cơm không phải từ trời ban xuống, tôi sẽ chọn cơm nào?

www.nguyentrungtay.com
 
Vụn Bánh
Lm Vũđình Tường
00:29 25/07/2009
Phúc Âm đọc trong lễ Chúa Nhật năm B thường trích từ thánh Marcô. Tuần này và bốn Chúa Nhật kế tiếp có sự thay đổi đột ngột. Chúng ta nghe đọc Phúc Âm thánh Gioan, chương sáu, nói về Đức Kitô, Đấng ban Bánh Hằng Sống, là chính Máu và Thịt Ngài làm của ăn nuôi linh hồn ta. Bánh Hằng Sống vì Đức Kitô phán

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời Gn 6,51

Chỉ có hai con cá và năm cái bánh, Đức Kitô làm phép lạ, dư bánh nuôi năm ngàn người. Phép lạ nuôi đám đông còn huyền diệu hơn, trường cửu hơn, khi Ngài dùng chính Mình và Máu Thánh Ngài để nuôi muôn dân. Không phải một lần mà nhiều lần, vô tận. Mình, Máu Chúa ban không giới hạn thời gian, kéo dài từ đời nọ đến đời kia, thế hệ này sang thế hệ nọ. Vô tận. Bao lâu còn người kêu cầu Danh Thánh dâng lễ tế; bấy lâu còn Mình Máu Thánh.

Tất cả vì yêu

Đức Kitô ban bánh hằng sống vì Ngài yêu ta. Tình yêu Ngài không chỉ giới hạn riêng cho linh hồn. Tình yêu Ngài thể hiện tài tình qua các phép lạ chữa lành bệnh thân xác. Ngài diễn tả tình yêu cao vời bằng nhiều cách, vượt thời gian, không gian. Mọi cử chỉ, lời nói, việc làm, lời giảng cũng như phép lạ đều phục vụ một mục đích duy nhất. Diễn tả tình Chúa yêu ta.

Đức Kitô xuống thế nhận thân phận làm người, chung sống với nhân loại. Sống gần kề con người. Ngài đến để cảm thông nỗi đau khổ, vất vả của con người và mở đường dẫn con người về cùng Chúa Cha, Đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng.

Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Gn 14,6

Là con người, Đức Kitô trải qua vui buồn, sướng, khổ như chúng ta. Qua kinh nghiệm bản thân, Ngài an ủi kẻ sầu khổ, hạnh phúc cho kẻ bất an, hy vọng cho người tuyệt vọng. Kẻ mù mừng vui thấy ánh sáng, vẻ đẹp thiên nhiên của Đấng Hóa công. Ngài chữa lành mọi ốm đau, bệnh tật. Người điếc reo hò chân nhảy điệu nhạc vui. Kẻ câm cất tiếng hát vang lời cảm tạ. Người què vất nạng xó bếp, chân bước đều, đồng hành cùng mọi người. Đức Kitô diễn tả tình yêu Chúa cao vời, vượt trên trí hiểu biết con người. Khôn ngoan, trí óc tưởng tượng không nổi, nói chi đến giải thích, phân tích. Để tạm hiểu tình yêu Chúa, có một cách duy nhất: dùng tình yêu đáp trả tình yêu. Ngoài cách này ra, không còn cách nào khác.

Tình yêu cao vời

Ngoài cách diễn tả tình yêu gần gũi, bình thường như chữa bệnh, và các dấu lạ. Đức Kitô còn diễn tả tình yêu Chúa một cách lạ thường. Ngài cho người chết sống lại. Ban ơn tha tội cho những ai thống hối. Bênh vực kẻ nghèo hèn. Ngài xin Chúa Cha coi sóc và thánh hiến kẻ tin vào Ngài. Xin Chúa Cha tha cho kẻ phản bội, giết Ngài. Ban ơn tha thứ cho kẻ trộm ăn năn, thống hối. Vì yêu ta Đức Kitô hi sinh chết thay cho ta đuợc sống. Thánh Phaolô nói chết thay cho người công chính đã hiếm, Chúa chết thay cho kẻ tội lỗi, còn ban Bí Tích nâng đỡ, ban ân sủng, sức mạnh giúp người đó an tâm trở về.

Cao vời khôn ví

Ngoài trí tưởng tượng của ta. Tình Chúa cao vời khôn ví. Chúa lập phép Thánh Thể, hiện diện trong hình bánh nhỏ, trong giọt rượu nho, trong lời kinh, để gần người yêu.

Tình Ngài bất biến

Ngoài mối tình gia đình. Chúng ta yêu nhau có điều kiện, hoặc là hợp tính nết, cùng lứa tuổi, chung sở thích, gặp nhau do cách nói chuyện, thân thiết vì cùng kiến thức. Tình Chúa yêu ta không thay đổi theo thời gian. Trước sau luôn như một. Từ muôn thuở Chúa đã yêu ta bằng mối tình yêu không biên giới. Vì yêu mà chúng ta có mặt trên đời. Vì yêu Chúa cùng đồng hành với ta trong mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc sống. Vì yêu Chúa không chọn người đẹp; chê người xấu. Chúa đón nhận và mong mỏi ngự vào mọi tấm lòng. Dù tấm lòng đó luôn thay đổi lúc trắng, lúc đen. Khi trung thành, lúc bất trung. Khi thương mến, lúc giận hờn. Khi sốt sắng đón chào, lúc khác lại xua đuổi. Lúc đuổi Ngài lúc đuổi anh chị em Kitô hữu tôn thờ Ngài. Đức Kitô đón nhận mọi tâm hồn khi tâm hồn đó có dấu chỉ thống hối. Tất cả vì Chúa yêu ta.

Phép lạ bánh ít hoá nhiều, con người xịa của, ăn dư vất đầy sân cỏ. Các môn đệ thu được mười hai thúng đầy. Ngày nay, trong một số trường hợp, người ta vẫn đối xử với Chúa như miếng bánh rơi sân cỏ năm xưa. Đón nhận Mình Máu Thánh một cách ơ hờ, thiếu chuẩn bị, thất kính. Chúa không chấp, vẫn một mực yêu thương. Nếu có thất kính là bất kính với người đồng đạo hơn là bất kính với Chúa.

Tự hào

Con người tự hào vì biết vẽ chân dung để nhớ lại người thân quá cố. Tài giỏi hơn nữa là chế tạo máy chụp chân dung người thân, lộng kiếng treo trong phòng. Tân tiến hơn là quay hình ảnh sống động các sinh hoạt của từng người, trong các biến cố cuộc sống. Tất cả đều là những hình ảnh không cảm giác, không sự sống. Tương lai còn chế tạo những gì chưa ai rõ. Điều rõ ràng, chắc chắn là trước khi con người biết vẽ, chế tạo máy chụp hình lưu niệm và máy quay phim hình ảnh di chuyển. Thiên Chúa, ngay lúc khởi nguyên, đã đi trước con người hàng triệu thế kỉ. Ngài sáng chế ra hình ảnh sống động, biết cảm xúc, biết yêu thương. Đó là sự hiện hữu của mỗi chúng ta. Chúa tạo dựng ta theo hình ảnh Chúa để qua ta Chúa nhìn thấy chính Chúa.

Xin ban ơn giúp con nhìn ra chân dung Chúa nơi mọi người.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:40 25/07/2009
ĐỐI THOẠI VỚI BÙN [2]

N2T


Có người hỏi bùn:

- “So với sen, nó có ngoại hình đẹp đẽ, nó có hương vị thơm tho, nó có dáng điệu lộng lẫy. Từ xưa đến nay, trong nước, ngoài nước, bao nhiêu tao nhân mặc khách ngâm thơ làm nhạc tán tụng nó; bao nhiêu hoạ gia, nghệ nhân miêu tả nó; bao nhiêu người thưởng thức nó; bao nhiêu người yêu thích nó, còn anh, anh cái gì cũng không có…”

Bùn nói:

- “Anh sai rồi, tôi có trải qua toàn bộ sinh trưởng của sen, tôi đã chia sẻ mầm sống mới của nó; sự vui mừng, lo sợ, kinh ngạc trong thời gian thanh xuân của nó, tôi hiểu biết sự buồn khổ của nó; nơi sự thẹn thùng đãi phóng của nó, tôi chia sẻ những sự việc giấu trong lòng của nó; tài hoa nhất đời của nó, tôi mặc hưởng vinh dự và tiếng vỗ tay của nó; lúc sảng khoái thành thục, chúng tôi cùng hoan hô vui mừng được mùa. Nó đi thẳng một mạch đến khô tàn tử vong, tôi vẫn vì nó mà gánh vác trách nhiệm chăm bón thế hệ sau.

Anh biết không, tất cả cái mà các anh biết, bất quá chỉ là hình tượng bên ngoài của sen, mà tôi thì lại có đủ toàn bộ cuộc sống của nó”.

Suy tư:

Con người ta hay ghen ghét, thấy ai hơn mình điều gì thì chịu không nỗi, tìm mọi cách để hạ bệ, để công kích.

Có người xét bụng ta ra bụng người, mình không thích nhưng thường mượn lời anh em để nói xấu người khác.

Câu chuyện của bùn chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng có tính giáo dục cao.

Càng hiểu anh chị em, thì càng yêu mến anh chị em nhiều hơn; biết người anh em chị em có những khuyết điểm, thì càng thương yêu giúp đỡ nhiều hơn nữa.

Có người nói tôi rất hiểu bạn tôi, chẳng ai hiểu nó bằng tôi, nhưng lại thường hay chỉ trích, nói xấu và luôn luôn không bằng lòng người anh em chị em của mình.

Trước khi nói mình hiểu người khác, thì nên hiểu mình trước.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 17 B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:42 25/07/2009
CHỦ NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 1-15.

“Đức Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.”


Bạn thân mến,

Phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, chắc chắn bạn và tôi đã nghe nhiều lần, và chính đoạn Tin Mừng này đã củng cố đức tin cho rất nhiều tín hữu tin vào quyền năng, và tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhờ đó mà họ cảm thấy công lao khó nhọc của họ được đền đáp xứng đáng.

1. Năm cái bánh và hai con cá.

Hơn năm ngàn người ăn mà chỉ có năm cái bánh và hai con cá, thì mỗi người e rằng chỉ ngửi mùi thơm của bánh và cá mà thôi, thì cũng không đủ mùi thơm của cá và bánh để cho họ ngửi, vì người quá đông. Nhưng Chúa Giê-su vẫn cứ đãi họ một bữa tiệc no nê và còn dư thừa đến mười hai thúng đầy, đó là sự lạ chưa từng thấy của người Do Thái.

Năm cái bánh và hai con cá là phần ăn của một em bé đem theo để ăn khi nghe Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng em đã quảng đại dâng tặng cho Chúa Giê-su, mà không nghĩ là Ngài sẽ làm phép lạ nuôi năm ngàn người ăn, sự quảng đại này của em bé đã làm cho Chúa Giê-su cảm động và thúc đẩy Ngài mau thực hiện phép lạ của lòng thương xót vì đám đông dân chúng đã đi theo nghe Ngài giảng dạy.

Sự quảng đại chân thành sẽ luôn được đáp đền cách xứng đáng không ngờ.

2. Hướng đến bí tích Thánh Thể.

Chỉ với năm cái bánh và hai con cá cho hơn năm ngàn người ăn, mà vẫn còn dư thừa mười hai thúng đầy. Với người Do Thái thời ấy thì đây là một kỳ công chưa từng có của Chúa Giê-su đã làm cho họ, nhưng với người có đức tin như bạn và tôi ngày hôm nay, thì đó là sự thưởng công cho những ai ngày đêm khát vọng được nghe Lời Chúa, và đi xa hơn nữa, đó chính là hình bóng của phép lạ vĩ đại hơn mà Chúa Giê-su đã thực hiện, đó chính là bí tích Thánh Thể mà Ngài lập ra, không phải chỉ nuôi ăn năm ngàn người mà thôi, nhưng là tất cả những ai tin vào Ngài trên kháp thế giới này.

Năm cái bánh và hai con cá là của một em bé dùng để nuôi hơn năm ngàn người ăn; bí tích Thánh Thể là chính thân mình của Chúa Giê-su nuôi sống linh hồn của những kẻ tin, đây là bánh thiên thần, là bánh trường sinh, là lương thực tối cần thiết cho bạn và tôi, và cho tất cả những người Ki-tô hữu, bởi vì nếu ai từ chối đón nhận thứ lương thực thần thiêng này, thì nơi họ không có sự sống đời đời, như thánh Gioan Bốt-cô đã nói: “Những thanh thiếu niên nào không muốn đi rước lễ, thì đó là dấu hiệu chúng nó sẽ mất linh hồn.”

Bạn thân mến,

Phép lạ bánh hóa nhiều mà bạn và tôi vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, không những làm cho bạn và tôi suy nghĩ đến những lần đi rước lễ của mình: có lúc bạn và tôi mình mang tội trọng mà đi rước Chúa, có lúc bạn và tôi vẫn còn cay cú giận hờn người anh em chị em, mà vẫn cứ đi rước lễ khi chưa nói lời xin lỗi hoặc tha thứ cho nhau...

Phép lạ bánh hóa nhiều trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng đã làm cho bạn và tôi nghĩ đến những người giàu có và những nghèo khổ chung quanh mình, chúng ta nghĩ đến những người giàu ăn uống tiêu xài quá độ, ăn uống thừa mứa, hưởng thụ đến nổi quên mất tính đồng loại nơi mình; chúng ta cũng nghĩ đến những người nghèo khó đang lam lũ vất vả làm ăn mà không đủ, họ đang hy vọng cuộc sống ngày mai tươi đẹp hơn, do phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giê-su nơi những người anh em chị em đồng loại giàu có của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:43 25/07/2009
N2T


10. Thích được nhục mạ là biểu lộ sự khiêm tốn và đạo đức.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:45 25/07/2009
N2T


183. Chân chực chính là cái đẹp.

 
Năm linh mục: đọc lại ''Chia sẻ mục vụ Giáo Xứ trong thời đại ngày nay''(tiếp theo và hết)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:56 25/07/2009
2. Giới trẻ

a. Hoà đồng và sống tự nhiên

Trong giáo xứ dù cha sở có lập đoàn thể thanh thiếu niên hay không, thì giáo xứ vẫn có các bạn trẻ ấy, đó là một thực tại không chối bỏ, do đó, để cho các bạn trẻ trong giáo xứ cảm thấy cha sở trẻ trung của mình rất gần gũi thân thương, thì việc trước tiên của linh mục là hoà đồng vui vẻ với các bạn trẻ của mình.

Tuy nhiên “Hoà đồng mà gượng ép thì khó coi, tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu” - đây là một thực tế mà có một vài linh mục trẻ không để ý, chính vì khi hoà đồng với các bạn trẻ là chúng ta thấy được sức sống của Giáo Hội Chúa Ki-tô nơi họ, do đó, và vì để cho các bạn trẻ có ấn tượng về mình, nên có một vài linh mục trẻ có những hành động khó coi và những lời nói không phù hợp với thiên chức linh mục và mục tử của mình, do đó mà sinh ra gương xấu hoặc là phản tác dụng giáo dục Ki-tô giáo.

Tôi được chứng kiến có một linh mục trẻ nọ, được cha sở giao trách nhiệm giúp ngài chấn chỉnh và hướng dẫn các bạn trẻ thanh niên trong giáo xứ, quan niệm của vị linh mục trẻ này là phải hoà đồng với các bạn trẻ, cho nên mỗi chiều chủ nhật ngài tập họp các bạn trẻ lại được khoảng năm sáu người, khi thì ở một nhà giáo dân mà ngài rất thường lui tới, khi thì tại phòng riêng của ngài với một...can rượu trắng hai mươi lít và uống với họ, các bạn trẻ thấy cha “chịu chơi” nên cũng uống gần hết can rượu, kết quả là cha trẻ say xỉn, các bạn trẻ có men rượu ăn nói lung tung không còn lễ phép lịch sự với cha trẻ nữa, và các bạn ra về nói nhỏ to lần sau không đến nữa...

Nhưng cái hậu quả to lớn nhất của việc hoà đồng này là: sau đó vị linh mục này về nhà thờ dâng lễ chiều chủ nhật thì mắt đỏ kè, giọng lè nhè và dáng đi xiêu vẹo trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ, làm cho giáo dân ngao ngán và chửi rủa ông cha trẻ này là: ông cha mất nết !

Hoà đồng không có nghĩa là phải làm như các bạn trẻ, nhưng phải đem cái tinh thần trẻ trung của mình đi với giới trẻ, hướng dẫn họ đến với Chúa Giê-su Ki-tô là chính Đấng làm cho sự hoà đồng của linh mục với giáo dân được kết trái, tức là nhà thờ càng ngày càng có đông các bạn trẻ, và họ sống tốt lành như vị linh hướng trẻ trung của họ vậy. Có rất nhiều cách để chúng ta thu hút các bạn trẻ, mà cách thu hút có hiệu quả lâu dài nhất, chính là đời sống gương mẫu và trung thực của chúng ta.

Thái độ tự nhiên khi hành xử của một linh mục rất là dễ thương và đầy “quyến rủ”, quyến rủ đây không phải như nam nữ quyến rủ trong tình yêu, nhưng chính là sự đơn sơ của các ngài đã làm cho giáo dân không còn cảm thấy xa lạ với các linh mục của mình nữa.

Tuy nhiên, có một vài linh mục có thái độ rất tự nhiên với mọi người, nhưng cái tự nhiên này sẽ biến thái khi các ngài quá tự nhiên với các thiếu nữ cũng như với các phụ nữ, dù gì chăng nữa thì hành động tự nhiên đó cũng sẽ là việc “không thuận mắt” với giáo dân, dù cho các ngài ở nước ngoài hay ở trong nước thì các ngài cũng vẫn là người Việt Nam, thái độ quá tự nhiên “ôm hôn thắm thiết” thì chắc chắn không phải là thái độ của người linh mục, nhất là khi dùng thái độ ấy để đối xử với các thiếu nữ và các phụ nữ, với các bạn trẻ nữ thì càng phải tế nhị hơn thế nữa, “tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu” là ở đó.

Thái độ tự nhiên không kiểu cách của một linh mục là: thấy người lớn tuổi bằng tuổi cha ông mình, thì xưng hô như mình xưng hô với cha ông của mình; thấy người đáng tuổi anh chị mình thì xưng hô như anh chị của mình; thấy người đáng em trai em gái của mình thì đối xử như em trai em gái của mình, làm được như thế thì các linh mục có hai cái lợi: một là xoá khoảng cách giữa mình với giáo dân và làm cho họ thấy linh mục của mình là người dễ mến; hai là tập cho mình đức khiêm tốn với hết mọi người.

Có nhiều linh mục nói rằng phải xưng cha con với mọi người là để giáo dân khỏi lờn mặt ! Suy nghĩ như thế thì quả là chúng ta coi thường giáo dân của mình, bởi vì lờn mặt hay không thì không hệ tại ở cách xưng hô, nhưng chính là hệ tại hành vi thái độ của linh mục đối với giáo dân có diễn tả được tình yêu của Chúa Giê-su hay không mà thôi.

Các bạn trẻ thời nay sống rất tự nhiên thì linh mục càng phải nghiêm trang, nghiêm trang không có nghĩa là bặm môi trợn mắt hoặc là đứng xa xa mà nói chuyện với họ, hoặc là thường trách cứ lời nói hay thái độ của các bạn trẻ, nhưng nghiêm trang chính là lời nói thái độ của mình chừng mực hợp với tư cách của một linh mục, một mục tử và là một người bạn lớn của các bạn trẻ.

Hãy mời gọi các bạn trẻ nên gia nhập vào một đoàn thể nào đó trong giáo xứ, chẳng hạn như Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn Hướng Đạo, ban lễ sinh.v.v... để được huấn luyện có hệ thống, và khi đã vào các đoàn thể rồi thì không còn chuyện mỗi lần họp là mỗi can rượu. Nơi các đoàn thể này, nếu không vì bận mục vụ chung, thì các linh mục trẻ nên đến tham gia với họ như khi đi dã trại hoặc các khóa huấn luyện, bởi vì sự hiện diện của cha sở (cha phó) trong ngày trại, là một sự phấn khởi và niềm vui của các bạn trẻ.

Có một vài linh mục trẻ khi đi trại với các bạn trẻ thì cứ đạo mạo như ông cụ non, không dám xếp hàng sinh hoạt vòng tròn với các bạn trẻ vì sợ dơ áo quần, hoặc đến ngó ngó chỉ chỉ chỏ chỏ rồi đi về, đến cho có lệ...

b. Giới trẻ và tri thức

Khoa học ngày càng phát triển, tri thức rất cần thiết cho mọi người, và nhất là các linh mục là những người lãnh đạo giáo dân, và lớp trẻ thì ngày càng thông minh và hiểu biết hơn nhiều, do đó mà các linh mục trẻ cần phải biết tế nhị trong hạn chế của mình, dù rằng các bạn trẻ rất kính trọng các linh mục của mình, nhưng không phải vì thế mà các linh mục trẻ coi thường họ.

Giới trẻ ngày nay có rất nhiều việc phải lo phải làm hơn một cha phó ở giáo xứ, đó là chuyện có thật mà chúng ta cần phải nhạy bén trong việc huấn luyện và giáo huấn: các bạn trẻ phải lo học mà giờ học của họ thi dày đặc cả tuần, rảnh rỗi là họ đi thư viện hoặc đi học thêm, vì thế mà họ rất ít có thời giờ để đến nhà thờ sinh hoạt. Vì thế mà các linh mục trẻ phải làm thế nào để khi quy tụ lớp trẻ lại thì làm cho họ thấy mình là một người cha, người bạn, người anh rất biết thông cảm và sẵn sàng chia sẻ với họ về các vấn đề tâm linh cũng như những vấn đề khác.

Nhu cầu hiểu biết của giới trẻ ngày càng nhiều, trình độ của họ ngày càng cao, cách sống của họ ngày càng phức tạp, mà nếu không có kiến thức căn bản thì không thể lãnh đạo và thu hút họ được.

Có một vài linh mục trẻ cứ nghĩ rằng mình đã “đỗ” chức linh mục rồi nên không cần đọc sách đọc vở gì nữa, có đọc chăng là hể gần đến ngày chủ nhật thì lấy sách lễ ra coi Phúc Âm và chuẩn bị bài giảng rồi thì chấm hết, còn biết bao nhiêu là thời gian rảnh rỗi mà các ngài không đọc sách đọc báo, không sưu tầm tài liệu, không coi một quyển sách để mở thêm kiến thức của mình. Các bạn trẻ sẽ thích đến nhà thờ hơn khi các cha sở biết thông cảm và hiểu được những bức xúc của họ, để an ủi và hướng dẫn họ đi theo lý tưởng của mỗi người mà không đánh mất đức tin của mình, đó chính là điều mà mỗi linh mục đều hiểu rõ ràng hơn những người khác.

Linh mục không phải là quyển tự điển bách khoa cái gì cũng biết, nhưng các ngài có thể nói cho các bạn trẻ những vấn đề thời sự của ngày hôm nay đang xảy ra ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, các ngài cũng có thể bàn luận với các bạn trẻ về vấn đề cái lợi và cái hại của internet đang xảy ra đối với các bạn trẻ... Đó là những việc mà chỉ cần các linh mục trẻ chịu khó mỗi ngày “để mắt” đến vài tờ báo khoa học, hoặc vài tờ báo thời sự thì biết ngay chứ khó khăn gì đâu.

Các bạn trẻ trong giáo xứ có người thì đang học phổ thông, có người đang học đại học, có người tốt nghiệp đại học, và có người đang làm thầy giáo, bác sĩ, kỷ sư.v.v... cho nên các linh mục trẻ cần phải trang bị cho mình vốn liếng kiến thức, mà kiến thức hay nhất chính là các ngài sống gương mẫu phù hợp với lời giảng của các ngài, điều này làm cho các bạn trẻ thích thú và hãnh diện về các linh mục của mình.

Thiên Chúa không chọn linh mục để các ngài hạch sách nạt nộ giáo dân, Ngài cũng không chọn linh mục để khinh dể người nghèo, nhưng Thiên Chúa chọn linh mục để thay mặt Ngài dạy dỗ và hướng dẫn giáo dân đi trên con đường trọn lành đến với Ngài, và nhất là các ngài giới thiệu khuôn mặt hiền hậu của Chúa Giê-su cho mọi người. Giới trẻ cũng là thành phần của dân Thiên Chúa, tức là dân được tuyển chọn bởi bí tích Rửa Tội, nên giới trẻ cũng đáng được Giáo Hội coi trọng, và như thế, các linh mục cũng phải coi trọng các bạn trẻ, đừng bao giờ nghĩ rằng chúng nó –các bạn trẻ- là con nít, là thành phần hạng thứ trong giáo xứ, nhưng phải yêu thương và nâng đỡ các bạn trẻ khi họ cần lời khuyên bảo của các ngài, giúp cho họ thấy rằng được làm người Kitô hữu thì hạnh phúc vô cùng, và chỉ cho họ thấy rằng, Giáo Hội đang cần đến họ cộng tác để Nước Trời được rộng mở ở trần gian này và viên mãn trên trời mai sau.

3. Thiếu nhi

Một kinh nghiệm nho nhỏ xin chia sẻ với các linh mục trẻ về công tác thiếu nhi trong giáo xứ của mình.

Các em thiếu nhi là mầm non của Giáo Hội, là những đoá hoa làm cho giáo xứ rộn rã tiếng vui cười và sinh động hẳn lên, nhất là vào những ngày chủ nhật khi các em đến nhà thờ để theo học các lớp giáo lý của mình.

a. Các lớp giáo lý.

Hồi tôi còn giúp xứ ở một nhà thờ tại Saigon, trong giáo xứ chỉ có cha sở và tôi làm hết mọi công việc, vì nhà thờ nghèo, giáo dân cũng nghèo mà đa phần là dân vùng kinh tế mới trở về, tệ nạn là số một của Saigòn nên việc dạy giáo lý cho các em là một vấn đề lớn, quy tụ các em lại thì càng khó hơn, bởi vì không có sân chơi, không có các điều kiện để các em sinh hoạt, nhưng cha sở vẫn cứ tin tưởng mà giao cho tôi dạy tất cả các lớp giáo lý, từ lớp giáo lý vỡ lòng cho đến lớp giáo lý hôn nhân, tôi đều phụ trách, sau này các em lớn đã trở thành giáo lý viên phụ giúp tôi dạy các lớp nhỏ, tôi vẫn còn nhớ cha sở đã nói với tôi như thế này: “Có hai lớp giáo lý quan trọng nhất mà thầy phải đích thân dạy, đó là lớp giáo lý vỡ lòng và lớp “giáo lý bao đồng”, bởi vì lớp vỡ lòng là các em bắt đầu làm quen với Chúa Giê-su và giáo huấn của Ngài, lớp bao đồng là vì các em đã lớn dễ dàng bị cám dỗ với những thói xấu của xã hội, nên thầy phải đích thân dạy để giúp các em trong hai giai đoạn này”.

Giáo lý cho trẻ em, đó là điều quan trọng bậc nhất của cha sở; giáo lý cho trẻ em, đó là chìa khoá mở tâm hồn trong sáng của các em đón nhận Chúa Thánh Thần, cho nên cha sở đừng tiếc công tiếc của đầu tư vào các “ngân hàng” rất có ích cho tương lai sau này của xã hội và Giáo Hội, nhất là của giáo xứ. Đừng coi thường việc dạy giáo lý cho trẻ em, nhưng hãy tôn trọng Chúa Thánh Thần đang ở trong tâm hồn của các em, vì chính Ngài chứ không ai hết, sẽ là Đấng làm cho các em dễ dàng đón nhận những điều mà Chúa Giê-su đã dạy qua Giáo Hội và –quan trọng hơn- qua cha sở và những người cộng tác với ngài trong việc dạy dỗ cho các em.

Mà quả thật như thế, sau này làm linh mục đến giáo xứ nào tôi cũng chú trọng đến hai lớp giáo lý này, dù cho đã có các giáo lý viên, nhưng không phải khoán trắng cho họ, bởi vì chính họ -các giáo lý viên- cũng không muốn như thế, cái họ muốn là cha sở thường xuyên ghé đến họ ít nữa là một tháng một lần.

b. Thánh lễ trẻ em.

Đa phần các linh mục trẻ đều nói: giảng lễ cho tụi nhỏ khó hơn giảng cho người lớn. Đó là một thực tế mà nếu không “khổ tâm” nghiên cứu thì khó mà thu hút trẻ em, để cho chúng đó không xầm xì trò chuyện lúc tham dự thánh lễ.

Thánh lễ cho trẻ em là một vấn đề quan trọng của cha sở, bởi vì hầu như chúng ta chỉ chú tâm đến những thánh lễ dành cho người lớn mà quên đi, hoặc không chuẩn bị gì cho thánh lễ trẻ em, như thế là một thiếu sót lớn không thể chấp nhận được.

Đành rằng chúng ta có đội ngũ giáo lý viên giỏi, đành rằng chúng ta có nhiều phương tiện để giảng dạy Lời Chúa, nhưng chúng ta –cha sở, cha phó- không trực tiếp đứng lớp để dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, cho nên chúng ta cần phải lợi dụng thánh lễ trẻ em này, để giáo huấn và truyền đạt những việc cần làm của thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta, để thống nhất một chương trình từ người lớn đến trẻ em.

Thánh lễ trẻ em, thì xin giao hoàn toàn cho các giáo lý viên chuẩn bị, và cha sở chỉ can thiệp khi các giáo lý viên lúng túng trong các lễ nghi hay giáo lý mà thôi, ngoài ra còn phải để cho các giáo lý viên hướng dẫn các em, và trong thánh lễ cha chủ tế đừng làm gì ngoài chương trình mà các giáo lý viên đã chuẩn bị cho các em, cũng đừng “cắc cớ” hỏi các em về những gì mà các em chưa học hay chưa biết, bởi vì như thế là làm “bẻ mặt” các giáo lý viên và hạ giá các giáo lý viên trước mặt các em. Cứ hồn nhiên đưa ra những câu hỏi mà các em đã thuộc và đã biết, để hướng dẫn các em thực hành trong cuộc sống, đó chính là điều cần thiết hơn là đem kiến thức thần học của linh mục ra hỏi trẻ em...

Tôi đã thấy một linh mục trẻ nọ (học chưa xong chương trình nhưng được chịu chức chui) được cha sở của tôi mời phụ trách dâng thánh lễ cho trẻ em mỗi chủ nhật lúc tám giờ sáng, khi giảng thì ngài khoe với các em rằng ngài học rất giỏi biết ba thứ ngoại ngữ, nào là tiếng La Tin, tiếng Pháp và tiếng Anh, rồi sau đó thì chọc cho các em cười mà không nghe ngài nói gì về nội dung của bài Phúc Âm, hoặc đưa các em đi vào nội dung của thánh lễ...

Giảng cho trẻ em không phải là việc dễ làm, cho nên nếu thấy mình không thích hợp với các em thì cha sở (cha phó) nên mời một linh mục khác có năng khiếu giảng cho trẻ em đến dâng lễ, đừng để thánh lễ trẻ em thành một lớp thần học hay một buổi cầu nguyện theo kiểu của các tu sĩ... bởi vì như thế các em sẽ không phấn khởi tham dự thánh lễ của các em.

Theo kinh ngiệm của tôi, các linh mục trẻ (tốt nhất là lúc đang còn học trong chủng viện) nên tham dự các khoá huấn luyện của hướng đạo sinh, các khoá huấn luyện về sinh hoạt trong các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể.v.v... thì các ngài sẽ gặt được nhiều thành quả trong cách sinh hoạt với thanh thiếu niên, và như thế thánh lễ thiếu nhi sẽ sinh động và thu hút các em hơn.

Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa xin chia sẻ với các linh mục trẻ, là đối với các em đừng bao giờ chấp tay sau lưng trợn mắt nạt nộ các em, đừng bao giờ làm ra vẻ đạo mạo với các em khi chúng nó đang đùa giỡn, nhưng hãy làm cho các em thấy cha sở là người hiền hoà như Chúa Giê-su, yêu thương và chăm lo cho các trẻ em.

Ở Việt Nam chúng ta, có những nơi trẻ em sợ cha sở hơn sợ...ông kẹ, bởi vì chúng nó thấy cha sở bặm môi bạt tai các thanh thiếu niên, chứ chúng nó chưa thấy cha sở của mình có thái độ thân thiện với trẻ em mà chỉ có nhéo tai và hăm doạ, có em thấy cha sở đi đường kia thì lo chạy trốn, không phải các em làm sự tội mà trốn, nhưng các em chạy trốn vì sợ cha sở, dù cái sợ này các em cũng không hiểu tại sao mà sợ. Một ngày nọ, tôi đi đến một nhà thờ lớn để coi người ta trang hoàng như thế nào nơi bàn thờ thánh cả Giu-se để bắt chước, khi dắt xe đạp vào trong sân nhà thờ rộng lớn thì thấy một tốp các em nhỏ khoảng mười, mười hai tuổi ôm cặp sách chạy tán loạn, vừa chạy vừa la to: “Ông cha ra đó, ông cha ra đó...” và quả thật tôi nhìn vào thì thấy cha sở của nhà thờ đang vừa đi vừa chỉ tay về phía các em hăm doạ, không cho chúng nó vào sân nhà thờ chơi giỡn...

Giáo dục trẻ em thì có rất nhiều cách, nhưng cách hay nhất vẫn làm là dịu dàng và vui vẻ với các em, các em rất dễ thân thiện nhưng đồng thời cũng khó quên những cái bạt tai, và những cái nhéo tai của người lớn không phải là bố mẹ của các em.

C. CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THÁNH

a. Thánh lễ

- Cử điệu, giọng nói tự nhiên

Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn để -qua các ngài- Thiên Chúa tiếp tục chương trình cứu chuộc của Ngài ở trần gian, nhất là việc cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho giáo hữu, cho nên vai trò của linh mục trong Giáo Hội rất là quan trọng, và quan trọng hơn nữa đối với đời sống tâm linh của giáo dân đó chính là thánh lễ.

Giáo dân đến nhà thờ để tham dự thánh lễ tức là đến để chúc tụng, ngợi khen và cám tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ trong cuộc sống, và với đức tin mà họ đã lãnh nhận được, họ tin rằng ơn cứu chuộc đến từ nơi Thánh Giá trên đồi Calvê ngày xưa ấy vẫn đang tiếp tục hiến tế mỗi ngày trên bàn thờ, và qua linh mục, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến tế trên bàn thờ mọi ngày cho đến tận thế.

Cho nên từ cử chỉ động tác cho đến đọc các lời nguyện trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế cần phải ý thức cách trọn vẹn rằng mình đang tiếp tục vai trò thánh thiện của Chúa Giê-su ngày xưa trên đồi Golgotha, tức là dâng hiến Chúa Giê-su trên bàn thờ để xin ơn tha tội cho thế gian. Vì thế mà mỗi ngày, các linh mục luôn tự nhắc nhở mình là phải chuẩn bị chu đáo khi dâng thánh lễ, sự nhắc nhở này cần phải thôi thúc hơn trước khi tiến ra bàn thờ cử hành thánh lễ.

Có một vài linh mục trẻ chỉ chú trọng đến bài giảng sao cho chải chuốc đầy ý đầy tứ, và chú ý giọng lưỡi sao cho truyền cảm, mà không để ý đến thái độ cử chỉ của mình trên bàn thánh khi dâng thánh lễ: có vị thì giang tay rộng hết cở khi đọc lời nguyện, có vị khi đọc lời nguyện hay kinh nguyện Thánh Thể thì đọc nhanh như sợ ai giành đọc, lại có vị thì cử điệu y như là biểu diễn thời trang rất ư là không tự nhiên, đôi lúc làm cho giáo dân cảm thấy khó chịu và lo ra, vì cha chủ tế cứ uốn giọng sửa tướng trên bàn thờ trước mắt họ.

Thiên Chúa ban cho chúng ta hình hài như thế nào thì cứ thế mà làm sáng danh Ngài, Thiên Chúa ban cho chúng ta dáng đứng tướng đi như thế nào thì cứ như thế mà làm đẹp lòng Ngài.

Có một vị linh mục lớn tuổi nọ, sau khi cử hành thánh lễ đồng tế đã nói với vị chủ tế là một linh mục trẻ mới chịu chức được một năm như sau: “Khi đọc lời nguyện cha dang hai tay quá rộng che mất hai cha đồng tế đứng hai bên phải trái của cha...”- Vì để “khẳng định” mình là người được học những môn “thần học phụng vụ” mới, nên các linh mục trẻ “thoải mái” pha chế thêm bớt những điều ngoài quy định của Giáo Hội về cử hành thánh lễ: có vị thì ưa thông báo lúc nào trong thánh lễ thì thông báo, có vị trước khi đọc lời truyền phép thì nhắc nhở “đôi điều” giáo lý về Thánh Thể, có vị thì coi thánh lễ như là dịp để mình khoe khoang cái hay cái kiến thức uyên bác của mình, mà không chú trọng đến điều cốt lõi để giáo dân đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, đó là cử điệu đoan trang, giọng nói rõ ràng, thái độ cung kính đầy đức tin và một tâm hồn yêu thương.

Thánh lễ tự nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người Kitô hữu do ân sủng của Thiên Chúa ban cho, nhưng thái độ cử chỉ của vị chủ tế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tham dự sốt sắng của giáo dân, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa thì vô hình, nhưng cử điệu lời nói của linh mục chủ tế thì hữu hình, cho nên giáo dân sẽ miễn cưỡng đến nhà thờ tham dự thánh lễ với một vị chủ tế mà khi cử hành thánh lễ thì giống như...thầy pháp vẽ bùa, làm cho nhanh, cho qua chuyện. Mặc dù thâm tâm linh mục có đức tin, hiểu biết sự cao quý của thánh lễ hơn giáo dân rất nhiều, nhưng lại không bày tỏ ra dáng điệu cử chỉ đoan trang thánh thiện khi cử hành thánh lễ, thì cũng là một cớ gây vấp phạm cho giáo dân...

- Trên bàn thờ.

Khi đi dự tiệc chúng ta thấy trên bàn tiệc được bày biện rất đẹp mắt, lịch sự và trang nhã, khiến cho chúng ta vui vui và khen ngợi sự bày biện của nhà hàng.

Cũng vậy, bàn thờ là tượng trưng cho Chúa Giê-su, là nơi để cử hành Thánh Thể, là trung tâm của thánh lễ và nơi quy tụ giáo dân lại, đó là một dấu hiệu hữu hình của thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô.

Tôi đã thấy có một vài linh mục trẻ đã làm cha sở, phòng ngủ của các ngài sang trọng và sạch sẽ hơn phòng thánh, bàn làm việc của ngài rất trật tự, bàn ăn của ngài thì sạch sẽ bày biện đẹp mắt hơn bàn thờ dâng lễ nhất là khi có khách. Có những cha sở làm cái bàn thờ rất đắc tiền, bằng đá cẩm thạch hoặc gỗ quý, nhưng trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ thì quá lộn xộn không ngăn nắp trật tự: khăn thánh thì ố vàng nhăn nhó, chén thánh thì đã bạc màu, sách lễ thì quá cũ và gáy sách đã mất, thậm chí có nhiều trang không đọc rõ chữ, khi các ngài chuẩn bị đọc lời truyền phép thì dĩa thánh và chén thánh trên bàn thờ đều để không ngay ngắn trật tự, không giống sự ngăn nắp trên bàn ăn của các ngài, thật không xứng đáng là bàn thờ tế lễ Thiên Chúa. Thánh Gioan Maria Vienaney sống rất khó nghèo, nhưng áo lễ của ngài thì đẹp lộng lẫy, chén thánh dĩa thánh của ngài rất sang trọng, những khăn thánh rất sạch sẽ, bởi vì ngài ý thức rằng mình đang tế lễ Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất cao sang vô cùng.

Chúng ta chỉ chú trọng đến việc xây nhà thờ thật cao to lộng lẫy, làm bàn thờ thật đắc tiền, nhưng đồ dùng cho việc trực tiếp hiến tế là dĩa thánh, chén thánh, áo lễ, khăn thánh thì lại coi thường. Có giáo dân nọ than phiền với tôi về việc nhà thờ kia cha sở cái gì cũng mua sắm rất đắc tiền, nhưng chén thánh dĩa thánh và khăn thánh thì quá tồi tệ, cái áo lễ đã bạc màu, áo trắng dài (alba) thì cáu bẩn lâu ngày không giặt, không biết ngài bỏ tiền đâu cả mà không thay cái mới hơn để dùng cho việc thờ phượng Thiên Chúa ? Giáo dân không tiếc tiền với nhà thờ thì tại sao cha sở lại tiếc tiền với Thiên Chúa !?

Giáo dân ngày xưa và giáo dân ngày nay khác nhau về trình độ giáo lý, cũng như hiểu biết về thánh lễ hoặc về những việc liên quan đến lễ nghi của Giáo Hội, giáo dân ngày nay bức xúc khi thấy một linh mục dâng thánh lễ không nghiêm trang, cảm thấy buồn lòng khi nghe một linh mục trẻ măng lên giọng cha chú dạy đời giáo dân, và rất bực mình khi thấy một linh mục trẻ ăn nói xấc láo với giáo dân đáng cha chú của mình. Cho nên khi cử hành thánh lễ -có hay không có giáo dân tham dự- thì linh mục cần phải nhớ rằng mình đang đứng trước ngai toà Thiên Chúa để cử hành thánh lễ, để nhờ đó mà mọi cử điệu của ngài sẽ luôn là cử điệu của Chúa Giê-su trong nhà tiệc ly và trên đồi Golgotha: khiêm tốn và yêu thương.

Có một vài linh mục trẻ được phái đi làm cha phó, trên mặt còn phảng phất nét hào quang và thoả mãn của ngày chịu chức, đã hùng hổ tuyên bố trên toà giảng với giáo dân rằng: “Thần học mà cha học là thần học mới, phụng vụ mà cha học là phụng vụ đổi mới”, và thế là mấy em giúp lễ hoặc mấy dì phước dọn phòng thánh của nhà thờ phải mệt đứ người vì cha sở làm lễ thì đơn giản, còn cha phó trẻ làm lễ thì phải thêm cái này bớt cái kia cho phù hợp với phụng vụ mới !?

Thánh lễ là trung tâm của người Ki-tô hữu, do đó vai trò chủ tế của linh mục rất quan trọng, bởi vì nơi các ngài, Thiên Chúa đã trao quyền tế lễ, để nhân danh Chúa Giê-su và Hội Thánh cử hành hiến tế tạ ơn. Quyền tế lễ này không một ai trên mặt đất này thay thế được, nên vai trò của linh mục càng quan trọng gấp bội, và giáo dân vì đức tin, vì Giáo Hội, vì Thiên Chúa mà chấp nhận chúng ta như là những đại diện Chúa Giê-su. Nếu chức tư tế này có thể thay thế -thì có lẽ- giáo dân sẽ thay một người khác đạo hạnh, khiêm tốn và nhân đức hơn chúng ta nhiều để cử hành thánh lễ cho họ.

Cho nên chúng ta -những linh mục trẻ- đường truyền giáo còn dài, cần phải khiêm tốn và luôn trau dồi đức hạnh cũng như trí tuệ của mình mỗi ngày, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh ấy.

b. Cử hành bí tích.

Hồi tôi còn giúp xứ, cha sở của tôi đã chỉ cho tôi cách làm bản đồ địa bàn giáo xứ và ghi chú rất cặn kẻ chi tiết tên tuổi, địa chỉ, tên đường, hẽm, số nhà và đánh dấu những ký hiệu thật dễ nhớ, ngài giải thích: “Phải chi tiết như thế, để khi có ai kêu đi xức dầu bệnh nhân thì hỏi rõ tên và tự mình đi cũng được, khỏi phiền giáo dân”. Và quả thật phương pháp này rất có lợi cho cha sở cũng như cho tôi là thầy giúp xứ biết rõ hơn về giáo dân trong họ đạo...

Giáo dân nhờ các linh mục để lãnh nhận các bí tích mà Chúa Giê-su đã lập ra, để chuyển ban ơn cứu độ của Ngài cho họ, cho nên cũng có thể nói cách chắc chắn rằng làm linh mục là vì phần rỗi của giáo dân.

Đời sống tâm linh của giáo dân rất cần đến các bí tích chữa lành, cứu sống và kiện khang, đó là bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể và bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Ba bí tích này chỉ có các linh mục mới được cử hành, cho nên chúng ta -các linh mục- cần phải đáp ứng nhu cầu của giáo dân khi họ mong muốn lãnh nhận các bí tích này.

Có một vài cha sở từ chối thẳng thừng với giáo dân khi họ gõ cửa xin ngài ngồi toà giải tội ngoài giờ quy định. Tại sao chúng ta từ chối không ban bí tích Giải Tội cho họ chứ, tại sao chúng ta từ chối một tội nhân muốn làm hoà với Thiên Chúa chứ, tại sao chúng ta từ chối đón nhận họ trở về với đời sống mới trong bí tích hoà giải chứ ? Có một vài giáo dân đã nhiều năm không đến toà cáo giải, nay nhờ ơn Thiên Chúa giúp họ ăn năn hối cải trở về với Ngài, nếu chúng ta từ chối ban bí tích hoà giải cho họ, thì vì mặc cảm, vì tức giận, vì thất vọng họ lại sa ngã trong tội thì sao ? Càng suy nghĩ tôi càng thấy sợ hãi vì vai trò của linh mục là chữa lành, là cứu sống, là hoà giải tội nhân với Thiên Chúa, bây giờ lại từ chối người anh em đang cần đến mình để về với Thiên Chúa là cha nhân từ !

Chúng ta là mục tử nhưng chúng ta không học gương Chúa Giê-su đi tìm con chiên lạc trở về, chúng ta là thầy thuốc tâm hồn nhưng chúng ta không học gương Chúa Giê-su là nhân ái và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn của giáo dân, giáo dân gọi chúng ta là cha nhưng chúng ta chưa bày tỏ cho họ thấy lòng quảng đại của người cha như ý Thiên Chúa muốn.

Dù cho giáo xứ có quy định giờ ngồi toà cáo giải, dù cho mỗi ngày chúng ta –linh mục- ngồi toà trước và sau thánh lễ, thì chúng ta cũng cần phải luôn vui vẻ, sẵn sàng khi có giáo dân đến xin xưng tội ngoài những giờ ấy, bởi vì những quy định ấy phần nhiều là dành cho giáo dân thường xuyên đi đến nhà thờ hoặc giáo dân nhiệt tình, nhưng không phải giáo dân nào cũng đợi đúng giờ mới đi xưng tội, mà trong giáo xứ vẫn còn có những giáo dân thánh thiện muốn đi xưng tội ngay sau khi đã ăn năn thống hối tội mình.

Linh mục nghĩa phụ (bố đỡ đầu) của tôi đã dạy tôi rằng: “Sau này thầy làm linh mục thì đừng bao giờ từ chối giáo dân khi họ đến xin xưng tội hoặc mời đi xức dầu bệnh nhân bất kể giờ giấc nào trong ngày, bởi vì làm linh mục là để ban bí tích và phục vụ, mà khi giáo dân cần đến mình thì tại sao lại từ chối, thế thì làm linh mục để làm gì ?” Lời dạy này của ngài vẫn ngày ngày ở trong tâm hồn tôi và càng suy nghĩ thì càng thấy là thấm thía, cho nên từ đó, khi đã làm linh mục thì hể nghe chuông điện thoại reo có người mời đi xức dầu hoặc đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, là tôi vội vàng đi ngay dù đang tiếp khách hay làm việc viết lách, hoặc chuông cửa reo có người muốn xưng tội là tôi vội vã xuống ngay nhà thờ với nụ cười trên môi, để cho họ thấy là mình không làm phiền cha sở.

Và đó là bí quyết để giáo dân thích đến toà cáo giải hơn, khi họ có vấn đề nan giải với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được thể hiện rõ ràng nhất nơi các linh mục nói chung và các cha sở cha phó nói riêng, bởi vì linh mục là Chúa Ki-tô thứ hai, nghĩa là nơi các ngài phải có một tình thương yêu mọi người, nhất là những người đau yếu linh hồn, như Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương yêu đám đông dân chúng theo Ngài...

Một linh mục trẻ nói với tôi với giọng chưa hết tức tối: “Anh coi, mở mắt là kêu là réo, họ không biết giờ này là em đang đọc kinh sao, xưng tộì thì từ từ, chết liền đâu mà sợ”, tôi cũng thấy một linh mục trẻ đã không mau mắn ngồi toà cho một giáo dân vì ngài đang bận tiếp khách, đến khi tiễn khách về thì không thấy người giáo dân ấy nữa, vì ông ta đợi quá lâu...

Thánh Vinh Sơn dạy rằng: “Đức ái cao hơn mọi việc, bỏ Chúa thì được Chúa”. Ý nghĩa của câu nói này thì cha Vincent Lebbe giải thích cho các con cái ngài như sau: “Cầu nguyện là công việc cần thiết nhưng Đức Ái thì cao hơn, khi các con đang cầu nguyện (đọc kinh phụng vụ, lần hạt Mân Côi...noi tắt là cầu nguyện) mà nếu có người muốn gặp các con để xin giúp đỡ, để xin xưng tội, để bàn việc khẩn cấp.v.v... thì các con hãy tạm ngưng cầu nguyện nhưng đồng thời nội tâm vẫn kết hợp với Thiên Chúa để đi thi hành bác ái, vì tha nhân mà phục vụ” . Câu nói đầy tinh thần bác ái này của thánh Vinh Sơn thiết tưởng rất thích hợp cho các cha sở, cha phó và những người làm công tác truyền giáo, bởi vì khi chúng ta “tạm bỏ Chúa” để thi hành bác ái vì danh Ngài thì hiệu quả càng cao, và chúng ta lại được Thiên Chúa không phải nơi kinh nguyện nhưng là nơi tha nhân, họ là những hình ảnh sống động của Ngài...

Từ chối người tội lỗi đến xin hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải Tội, là linh mục tự tay mình xô hối nhân xuống hố tội lỗi, và trách nhiệm này các linh mục phải trả lời trước mặt Thiên Chúa trong ngày thẩm phán của Ngài, bởi vì chính các linh mục là người hiểu rất rõ về tình yêu của Thiên Chúa và sự công bằng của Ngài hơn các giáo dân.

b. Xin lễ và bổng lễ

Đây là việc tế nhị dù rằng có quy định rõ ràng của Giáo Hội và của đấng bản quyền địa phương, nhưng giáo dân vẫn cảm thấy như có một cái gì đó ngăn họ đến với Thiên Chúa khi nói đến số tiền (bổng lễ) mà cha sở quy định cho giáo dân. Giáo dân hiểu rất rõ rằng không thể dùng tiền để mua thánh lễ, vì đó là phạm thánh và là gương mù để cho những người ghét Giáo Hội có cớ để nói xấu và chỉ trích Giáo Hội của mình.

Cũng vì chuyện xin lễ và bỗng lễ mà có nhiều giáo dân không đến nhà thờ, và đối với họ việc xin lễ và bổng lễ là một cách giúp đỡ cho Giáo Hội và cha sở của mình sinh sống, không có gì phải nói, nhưng cái mà họ không mấy phấn khởi khi đi xin lễ nơi cha sở là vì cha sở có những quy định mà –đối với họ- giống như mua bán thánh lễ, làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc xin lễ.

Tại giáo xứ nọ, giáo dân hầu hết là nghèo khổ chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối, giáo dân phần đông làm nghề nuôi tôm, nhưng gặp lúc thất mùa vì mưa lụt, lại càng khổ hơn. Có giáo dân bòn mót được năm mươi ngàn đồng (VN) giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, vị giáo dân này đến cha sở để xin lễ giổ giáp năm cho ba mình, cha sở từ chối không nhận tiền lễ ba mươi ngàn đồng, người giáo dân năn nỉ với ngài là nhà hết gạo rồi bán tháo bán đổ mẻ tôm mất mùa được năm chục ngàn, con giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, nhưng cha sở đã không động lòng thương xót đòi cho bằng được bổng lễ năm chục ngàn, vị giáo dân nghèo khổ này đành phải về nhà đem nốt hai mươi ngàn đồng bạc để mua gạo ấy đến xin lễ giỗ cho ba của mình...

Tôi được biết là người giáo dân hơn bốn mươi tuổi có hiếu với ba mình này đã rơm rớm nước mắt, vì thương ba và tủi cho cảnh nghèo của mình, và chắc chắn trong tâm họ sẽ nghĩ không tốt về cha sở của mình.

Giáo luật về bổng lễ Giáo Hội chỉ định rất rõ ràng, nhưng có một vài cha sở đã không làm đúng như luật Giáo Hội dạy. Giáo luật dạy rằng: “Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo cả khi không có bổng lễ” . Không một ai nhẫn tâm trước cảnh khốn khó của người khác, huống chi là một linh mục của Chúa Giê-su, làm linh mục không bao giờ đói cả, mà nếu ngài có đói một ngày cũng không sao, hơn là cả gia đình giáo dân phải nhịn đói để xin lễ giỗ cho ba của mình. Tấm lòng của giáo hữu với cha sở thì quá lớn nhưng cha sở trên đây tính từng đồng và –nói theo tu đức- ngài đã không có tâm hồn thương xót người nghèo như là một người cha nhân từ và một mục tử chân chính của Chúa Ki-tô.

Đạo lý của Chúa Giê-su là ở chổ biết yêu thương người thân cận như chính mình, giúp đỡ người nghèo đói là giúp đỡ cho Ngài, điều này các linh mục hiểu rõ hơn bất cứ người nào trên mặt đất này, và sự giúp đỡ yêu thương này các linh mục rất có nhiều cơ hội để thực hiện, cụ thể là vui vẻ dâng lễ cho những giáo dân nghèo không có tiền làm bổng lễ để xin lễ cho người thân của mình.

Có một vài linh mục mà tôi quen biết đã rất hào phóng làm việc bác ái với giáo dân của mình, các ngài không nhận bổng lễ khi giáo dân có đám tang, đám cưới, bởi vì quan niệm của các ngài là: họ là con chiên của mình, đời người có một lần (đám ma, đám cưới) mình là cha sở phải chia buồn (đám ma) và chia vui (đám cưới) với họ bằng cách dâng lễ và cầu nguyện cho họ, đó là bổn phận của một cha sở... Ôi, tâm tình đầy yêu thương giáo dân của các linh mục này đã làm cho tôi suy nghĩ và quyết tâm học theo gương của các ngài khi làm linh mục, và bây giờ tôi đã và đang thực hiện điều ấy: không bao giờ nhận bổng lễ hoặc bất cứ lễ vật nào khác của giáo dân khi có đám cưới hoăc đám tang. Đó cũng là một cách truyền giáo rất thực tế mà chúng ta- các linh mục trẻ- cần phải khai thác với tất cả sự yêu thương.

Có một vài cha sở lại bày ra luật lệ của mình để chất gánh nặng lên vai giáo dân: các ngài ấn định lễ có hát và lễ không có hát với bổng lễ khác nhau, lễ nhiều tiền là làm ngay theo ý người xin, và lễ ít tiền thì bỏ vào cái hòm phía trước nhà thờ mỗi tuần cha sở mở ra một lần để làm lễ theo ý họ.

Đành rằng tiền chi phí điện nước, ca đoàn, giúp lễ là phải có (nên công khai danh mục chi phí này để họ biết mà làm theo đó, lâu ngày thành thói quen) nhưng phần bổng lễ dành cho cha sở thì nên vui vẻ chân tình nói với họ rằng người chết là giáo dân của tôi, tôi có bổn phận phải dâng lễ cầu nguyện cho họ nên không nhận bổng lễ, nếu mỗi cha sở biết làm như thế thì không những ngài có uy tín với giáo dân, lại còn là một mục tử tốt lành dưới con mắt họ, bởi vì không phải ngày nào cũng có người chết cũng như không phải ngày nào cũng có đám cưới mà sợ không có gì ăn !

Có một vài cha sở trẻ rất là không tế nhị về điểm này: có vị thì lên tòa giảng nói khéo để giáo dân xin lễ, có vị nói thẳng lớn tiếng với giáo dân là không biết giữ đạo vì không biết xin lễ, lại có vị thì chỉ trích thẳng mặt với giáo dân có thân nhân ở nước ngoài là keo kiệt vì họ chỉ xin đúng số tiền quy định.v.v... nếu không tế nhị và nếu không có tâm hồn quảng đại thì chúng ta –các linh mục- sẽ là người gây chia rẻ trong giáo xứ của mình về việc bổng lễ: người giàu và người nghèo, mà người phân biệt đối xử trước nhất chính là cha sở khi ngài quy định lễ hát, lễ không hát và lễ ít tiền trong giáo xứ của mình.

Giáo dân không có tiền để xin lễ hoặc xin lễ không đúng với số bổng lễ quy định thì đã sao, bởi vì không một tiền bạc vật chất nào trên thế gian này có thể mua nổi một thánh lễ Misa, thì tại sao chúng ta lại đòi cho đúng năm mươi ngàn đồng khi gia đình giáo dân ở nhà con cái thiếu ăn ? Nếu không vì lễ giáp năm của bố mình thì chắc chắn người giáo dân ấy sẽ không xin lễ với giá không đúng với số tiền đã quy định, nhưng vì chữ hiếu mà xin lễ và vì con cái không có cơm ăn mà phải giữ lại gần nửa số tiền đã bán tôm. Chúa Ki-tô đã chết trên thánh giá để trở nên của lễ toàn thiêu vô giá dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội cho thế gian, thì tại sao chúng ta lại kỳ kèo với người giáo dân nghèo của mình cho đúng với số tiền đã quy định chứ ?

Chúng ta là linh mục tức là những mục tử của giáo dân, mà mục tử thì phải hy sinh –có khi hy sinh tính mạng- để đàn chiên được béo tốt, là đi tìm nơi nào có đồng cỏ tươi tốt để cho chiên ăn chứ không phải bắt chiên mà ăn thịt.

Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen tốt lành là xin lễ rất nhiều, đến nổi có cha sở làm không hết lễ cho một năm, cho nên có những lúc tôi và các anh em linh mục trong dòng nói đùa với nhau rằng: làm linh mục ở Việt Nam sướng hơn ở ngoại quốc, mà đúng như thế, vì giáo dân Việt Nam chúng ta rất kính trọng các linh mục, kính trọng quá mức. Còn giáo dân ở nước ngoài thì họ vẫn kính trọng linh mục theo cách của họ, họ vẫn yêu thương các linh mục của họ, dù cha sở của họ là người bản địa hay là người ngoại quốc họ đều yêu quý như nhau, nhưng họ ít có thói quen xin lễ như ở Việt Nam, có giáo xứ quanh năm cha sở chỉ làm vài lễ theo ý giáo dân xin, có giáo xứ mỗi tuần cũng có xin lễ vài ba ngày.v.v... cho nên –xét cho cùng- cha sở ở Việt Nam sung sướng hơn làm cha sở ở ngoại quốc nhiều, xét về mặt xin lễ.

Giáo xứ của tôi phụ trách là một giáo xứ có thể nói được là có tổ chức quy mô và dân trí cao của giáo phận, vì vị trí của giáo xứ gần các trường đại học nổi tiếng nên đa số các giáo sư công giáo đều ở tại giáo xứ của tôi, tri thức vì trình độ trên đại học và tiến sĩ, thạc sĩ của giáo dân chiếm ¾ giáo xứ, còn lại là đang học đại học hoặc trung học. Tri thức là như thế, nhưng giáo lý thì không thể so với các giáo dân ở Việt Nam chúng ta, và việc xin lễ thì càng hiếm hơn nữa, bởi vì họ ít có thói quen xin lễ...

Nói như thế để cho các linh mục trẻ của chúng ta hiểu rằng, ở Việt Nam, nếu một năm các cha sở trẻ làm “miễn phí” một vài lễ thì chắc chắn là không chết đói so với giáo dân của mình đem năm chục ngàn đến xin lễ mà trong nhà không có gì ăn.

Có giáo dân nói với tôi là cha sở của họ rất là phân biệt người nghèo người giàu, bởi vì thấy người lao động chân lấm tay bùn vào nhà xứ xin gặp cha sở thì ngài không có thái độ vồn vã chào hỏi, ghi sổ lễ xong là nói: tôi bận. Nhưng nếu có người giàu có trong giáo xứ vào gặp ngài thì ngài rất vồn vã, tự tay rót nước mời khách và ngồi trò chuyện rất lâu.v.v...

Có lẽ cha sở có việc của ngài, và giáo dân nghèo có lẽ mặc cảm với cái nghèo của mình nên nghĩ ra như thế chăng ? Tuy nhiên đây là một thực tế có thật mà giáo dân rỉ tai nhau nói như thế.

Con người ta nhân vô thập toàn, các linh mục cũng thế, nhưng cái mà mỗi người chúng ta cần phải đạt cho được trong cuộc sống của mình, đó là nên thánh, các linh mục tu sĩ nên thánh trước và kéo theo giáo dân nên thánh với mình, đó là bổn phận và trách nhiệm của người tu hành mà cụ thể là các linh mục, tu sĩ nam nữ. Giáo dân kính trọng các linh mục và các linh mục tu sĩ nam nữ là ở chỗ họ luôn luôn nêu gương sáng cho mọi người, mà người Trung Hoa có câu như sau: “dĩ thân tác tắc” nghĩa là lấy mình làm gương, mà muốn “dĩ thân tác tắc” thì chúng ta nên công khai cuộc sống của mình, công khai cuộc sống của mình là hoà đồng với hết mọi người, giàu cũng như nghèo, là tiếp đón vui vẻ với mọi giáo dân không phân biệt một ai, bất luận họ đến nhà xứ với lý do gì thì cũng đều coi họ như người trong gia đình, thân tình tự nhiên mà không kiểu cách đạo mạo như ông chủ...

Hãy nói nguyên tắc làm việc của mình cho rõ ràng với giáo dân, bởi vì nguyên tắc nào cũng phải làm cho giáo dân càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, cho nên chẳng còn gì vui thích bằng khi giáo dân nói cho nhau nghe: cứ tới cha sở đi, đừng ngại gì cả, vì ngài rất bình dân hoà đồng và sẵn sàng ngổi toà giải tội lúc nào cũng được. Chúng ta đừng sợ giáo dân quấy rầy mình, bởi vì họ rất tôn trọng các linh mục, nếu họ có đến thì chỉ có những dịp này: xin xưng tội, hôn phối, an táng và đem quà đến chia sẻ với cha sở của mình mà thôi, không một giáo dân nào ngày ngày đều đến nhà cha sở trò chuyện, cũng không có giáo nào quý cha sở đến mức ngày ngày đến hầu chuyện với ngài...

Xin lễ là việc đạo đức thánh thiện và bày tỏ lòng quảng đại của giáo dân đối với Giáo Hội, cũng như đối với các cha sở và cha phó hay bất cứ linh mục nào của Giáo Hội, nhưng việc xin lễ sẽ mất đi ý nghĩa của nó nếu chúng ta –các linh mục- không đặt tình thương yêu trên số tiền xin lễ của giáo dân, bởi vì của lễ thì không thể nào quý trọng bằng tâm hồn yêu thương của người xin lễ...

D. MỘT NGÀY CỦA LINH MỤC

Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi về một ngày sống của mình, xin chia sẻ với quý linh mục trẻ để có thể giúp cho các ngài được chút gì chăng ?

Đời sống của linh mục thì cũng giống như đời sống của những người khác, cũng là làm việc, ăn uống, ngủ, giải trí, học hành và kinh nguyện, nhưng nói như thế không phải là đời sống của một linh mục hoàn toàn giống như của người khác, bởi vì linh mục có những công việc của ngài mà không ai có thể làm giùm được, cũng như người khác có công việc của họ mà không ai có thể thay thế được.

Từ sáng sớm ngài đã thức dậy lúc 4, 5 giờ để đọc Kinh Sách và suy tư cho thánh lễ mà ngài chuẩn bị cử hành sáng nay, đây là giây phút yên tĩnh nhất và có thể nói là dễ chịu nhất trong ngày, sau khi tập vài bài thể dục để giữ gìn sức khỏe, làm vệ sinh cá nhân và nếu được thì tắm nước lạnh để cho tinh thần sảng khoái, sau đó ngồi vào bàn viết đọc sách, suy tư cho đến khi chuông nhà thờ đổ thì xuống nhà thờ cùng đọc kinh lần hạt với giáo dân. Ngài sẽ ngồi trong tòa giải tội để đợi giáo dân đến làm hòa với Thiên Chúa, nếu không có giáo dân đến xưng tội thì ngài sẽ ngồi ở đó để đọc kinh, đây là hình ảnh đẹp của bức tranh “mục tử nhân lành” của giáo xứ: con cái đọc kinh, cha sở ngồi bên cạnh canh chừng và bảo vệ đoàn chiên của mình bằng bí tích Giải Tội, giáo dân thấy cha sở ngồi trong tòa, tay đang lần hạt (hoặc đọc sách thiêng liêng) làm cho họ thêm phần an ủi và vui tươi, và họ rất an lòng vào xưng tội để chuẩn bị tâm hồn tham dự thánh lễ cách sốt sắng...

Giờ lễ Misa đã đến, ngài thật nghiêm trang và thánh thiện tiến ra bàn thờ, và mời gọi giáo dân hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để cử hành mầu nhiệm thánh.

Trong thánh lễ, ngài dẫn đưa giáo dân của mình đến bàn tiệc thánh bằng lời giáo huấn đã chuẩn bị hợp với ý lễ ngày hôm đó, và trong bài giảng, ngài chia sẻ cho giáo dân biết những gì mà ngài đã cảm nghiệm, đã suy tư và đã sống, để qua ngài, các giáo dân dễ dàng đến với Chúa Ki-tô hơn.

Thánh lễ xong, ngài quỳ lại hai ba phút để tạ ơn Thiên Chúa, vì những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trong thánh lễ, sau đó ngài chuyện trò ít phút với giáo dân, hỏi thăm sức khỏe và công ăn việc làm của họ và con cái họ, ai đau yếu cần đưa Mình Thánh Chúa, ai bệnh nặng muốn ngài đến nhà cho giải tội, có ai nằm bệnh viện cần ngài đến an ủi..v... tất cả những hành vi và thái độ ấy được ngài thực hiện với cả tâm hồn yêu mến và chăm lo, chỉ cần vài phút ấy thôi, ngài đã làm cho giáo xứ của mình trở thành một đại gia đình đúng nghĩa yêu thương của nó.

Buổi sáng sau thánh lễ, ngài sẽ tranh thủ vừa điểm tâm vừa đọc báo số ra hằng ngày, hoặc ngài sẽ coi truyền hình để biết thêm tin tức trong nước cũng như những tin tức của thế giới. Sau đó ngài chính thức làm việc: đi thăm giáo dân, dạy giáo lý hôn phối, trả lời thư, đọc sách, hoặc làm những việc gì khác mà ngài đã lên chương trình cần phải làm trong ngày.

Linh mục trẻ, linh mục đẹp trai, linh mục có tiền, linh mục có địa vị, linh mục có học thức.v.v... tất cả những danh từ ấy người đời gán cho các linh mục, vì họ thấy đời sống của các linh mục thật cao sang và hưởng thụ hơn người khác, đó là sự thật. Cho nên, nếu trong ngày mà các linh mục không có việc làm thì sẽ như thế nào ? Thưa, các linh mục sẽ chạy xe đi chơi, đi uống cà phê, đi giải trí, đi đấu láo và đi uống rượu, nếu không là như thế thì các ngài sẽ coi phim trên video, trên TV hoặc trên internet đến nổi quên cả đi xức dầu cho bệnh nhân, và cuối cùng thì...

Các linh mục trẻ thân mến,

Hãy kiếm việc mà làm đừng để cho mình rảnh rỗi, đó là một kinh nghiệm mà các linh mục trẻ thử đi hỏi các vị linh mục đàn anh xem sao, các vị ấy cũng sẽ trả lời như thế: kiếm việc mà làm. Có người sẽ cười việc gì mà kiếm ? Thì tôi xin trả lời là việc của nhà xứ, việc của các đoàn thể, việc của cá nhân linh mục (học hành, đọc sách.v.v...), tóm lại là đừng để cho mình ở không mà không làm gì cả, bởi vì mối thứ bảy trong bảy mối tội đầu là: làm biếng, bởi vì tất cả các tội, các tệ nạn xã hội cũng đều từ đó mà ra không loại trừ một ai cả...

Tôi vẫn thường cảm nghiệm rằng: nếu một linh mục mà không làm gì cả ngoài việc cử hành thánh lễ, các bí tích, đi thăm bệnh nhân.v.v... thì đời sống tu đức của linh mục ấy sẽ không được triển nở tốt đẹp, bởi vì không phải ngày nào cũng có người sắp chết để đi xức dầu thánh cho họ, không phải ngày nào cũng đi cho kẻ liệt (người bệnh) rước Mình Thánh Chúa, cũng không phải ngày nào từ sáng đến tối ngồi trong tòa giải tội, và cũng không phải ngày nào cũng họp hành. Cho nên ngoài những giờ ấy ra, nếu chúng ta –các linh mục- không tự kiếm việc làm thì chắc chắn sẽ có nhiều điều không tốt xảy ra cho đời sống tu đức và vai trò mục tử của chúng ta.

Có linh mục ngoài việc mục vụ ra thì dùng thời gian rảnh rỗi tự mình sửa điện trong nhà thờ, có linh mục thì làm thợ mộc đóng vài cái kệ để sách hoặc làm bục giảng rất đẹp, có linh mục thì viết sách, dịch sách, lại có linh mục thì dạy học hoặc đi học thêm.v.v... tất cả những việc làm ấy sẽ chiếm khoảng trống thời gian không cần thiết của linh mục, và sẽ là nguồn cảm hứng cảm nghiệm của các ngài trong cuộc sống, để qua suy tư các ngài có đủ chất liệu cần thiết để giảng dạy cho giáo dân của mình...

Tối đến, trong khuôn viên nhà thờ ngài có thể vừa đi vừa lần hạt Mân Côi cũng như để suy tư, sau đó ngài ngồi vào bàn làm việc viết xuống những suy tư của mình đã cảm nghiệm hoặc vừa mới nảy sinh trong ý tưởng của mình.

Buổi tối công việc tạm lắng xuống và khi ngồi trước bàn viết, lắng đọng suy tư thì dễ cảm nghiệm được ơn Thiên Chúa đã ban cho mình trong một ngày qua. Đây là giây phút hoàn toàn dành cho mình, mọi ý tưởng sẽ như giòng suối chảy ra làm tâm hồn phấn khởi hân hoan. Mặc dù đang yên tĩnh nhưng ngài vẫn sẵn sàng nghe điện thoại khi có người gọi đến mà không bực mình, bởi vì ngài luôn luôn trong tư thế “sẵn sàng” để đứng dậy và mau mắn đi đến với người hấp hối để xức dầu thánh cho họ, hoặc trả lời những câu hỏi mà giáo dân –qua cú điện thoại- hỏi chúng ta là những cha sở, cha phó về những sinh hoạt trong giáo xứ...

Một ngày của linh mục sẽ chấm dứt khi chuông đồng hồ gõ mười hai giờ đêm, và ngài bình an phó thác giấc ngủ trong tay Thiên Chúa đã yêu thương ngài cách đặc biệt.

E. LỜI KẾT

Trên đây là những kinh nghiệm mục vụ, mà tôi đã áp dụng vào đời sống của một linh mục dòng đang làm công tác mục vụ ở giáo xứ, dù là linh mục của dòng tu, nhưng khi làm mục vụ tại giáo xứ thì cũng đều như các linh mục khác là đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người.

Khi mà xã hội càng ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh tiến bộ và cuộc sống của họ ngày càng mong muốn hưởng thụ vật chất hơn của ăn tinh thần, trong đó cũng có những người Kitô hữu là giáo dân của chúng ta. Họ ngợp mắt trước những thú vui thế gian, họ ngưỡng mộ những minh tinh màn bạc và thích có đời sống hưởng thụ sung sướng, thì vai trò linh mục của chúng ta càng quan trọng hơn nhất là nơi giáo xứ của mình, bởi vì chính chúng ta là những người có trách nhiệm bảo vệ chân lý đức tin và làm cho nó được phát triển đến với mọi tâm hồn.

Giáo Hội Việt Nam chúng ta rất tự hào vì có rất nhiều ơn gọi làm linh mục, tu sĩ nam nữ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp bách là rao giảng Lời của Thiên Chúa cho mọi người, vì thế chúng ta –những linh mục- cần thấy rõ vai trò của mình hơn để vì Thiên Chúa vì Giáo Hội mà hy sinh chính bản thân của mình cho công cuộc truyền giáo ngay trong giáo xứ của mình.

Giáo dân ngày càng trưởng thành trong cách sống đạo thì chúng ta không thể nói với họ rằng: lời cha (cha sở) là lời của Thiên Chúa khi mà chúng ta đem những điều bất hợp lý đặt lên vai của giáo dân, chúng ta lại càng không thể như một chủ nhân ông chỉ tay năm ngón với thái độ hách dịch khi tiếp xúc với giáo dân, bởi vì giáo dân ngày nay không như giáo dân của thế kỷ trước, họ sống đức tin giữa đời nhiều hơn là ở trong nhà thờ, họ tìm thấy Thiên Chúa nơi chợ búa hơn là nơi một thánh đường lộng lẫy hùng tráng nhưng cha sở thì quá hưởng thụ vật chất hơn cả họ.

Truyền giáo tức là đem cái đạo của mình tin mình sống mình thực hành nói cho người khác biết để họ cùng tin cùng làm như mình.

Truyền giáo là bổn phận của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà trách nhiệm hướng dẫn giáo dân truyền giáo là của các linh mục.

Truyền giáo là diễn lại đời sống yêu thương và hy sinh của Chúa Giêsu ngay trong đời sống của mình.


Truyền giáo ở giáo xứ của mình không đòi hỏi phải lặn lội mất ăn mất ngủ mất sức khỏe, như đi khai phá thêm những cánh đồng truyền giáo mới, cho nên xét cho cùng, chỉ cần các linh mục có một tinh thần nhiệt thành với công tác mục vụ, một tâm hồn khiêm tốn khi làm mục vụ, một quả tim yêu thương và sự hy sinh khi làm mục vụ thì có thể biến giáo xứ của chúng ta trở thành một đại gia đình mà trong đó mọi giáo dân biết yêu thương và kính trọng nhau.

Linh mục sẽ là người của mọi người khi ngài biết sống hòa đồng và lắng nghe, ngài cũng sẽ là người mà giáo dân lấy làm hãnh diện vì lòng khiêm tốn và sự tận tụy trong công tác mục vụ giữa giáo dân của ngài...

Năm truyền giáo sẽ qua đi nhưng công cuộc truyền giáo sẽ phải vẫn còn và tiếp tục cho đến ngày Chúa Giê-su lại đến, và việc truyền giáo đạt kết quả hay không là do chúng ta –các linh mục- cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa ban cho trong bí tích truyền chức thánh, có nghĩa là chúng ta phải tích cực thi hành sứ mạng và sứ vụ mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội để tiếp tục công việc cứu độ của Chúa Kitô cho đến ngày Ngài lại đến.

Bài chia sẻ đến đây là chấm hết, nhưng nó vẫn cứ còn tiếp tục trong cuộc sống truyền giáo của chúng ta là những linh mục của Chúa Ki-tô, mỗi lời nói mỗi việc làm đều phản chiếu lại tình thương của Chúa Ki-tô trên giáo dân của mình, như chính Ngài đã bôn ba lặn lội đi tìm con chiên lạc và chữa lành cho họ.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô linh mục,

Chúa đã đến trong thế gian để loan báo tin vui Nước Trời,

để đi tìm và chữa lành

để an ủi

những con chiên lạc, những con chiên bệnh hoạn,

khổ đau

và cuối cùng đã chết trên thập giá

với tất cả tình yêu và tha thứ

để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Ngày hôm nay,

Qua chúng con –là những linh mục-

Chúa cũng đang đi tìm và chữa lành, an ủi,

những người con của Chúa đang bôn ba giữa đời:

đang đau khổ vì không nhà để trú,

đang thất vọng vì thấy đời quá bất công,

đang buồn phiền vì bị phân biệt đối xử

đang đói khát vì không có gì ăn...

Họ đang chờ một lời an ủi của chúng con,

đang chờ nụ cười chào hỏi thân tình của chúng con,

để thấy lóe lên niềm hy vọng

hy vọng của tình người

được thắp lên từ nơi chúng con,

và từ đó

họ nhận ra được dung mạo của Chúa nơi chúng con

là yêu thương, là tha thứ, là phục vụ...

Mọi ngày của linh mục đều là thánh lễ

thánh lễ hi sinh và đền tội,

hi sinh chính mình và đền tội cho tha nhân...


Viết xong ngày 1.10.2004

Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng

Taipei-Taiwan

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Chúa ban cho chúng con hằng ngày dùng đủ
Tuyết Mai
04:09 25/07/2009
Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. (Ga 6, 1-15).

Trong thời buổi càng văn minh càng tân tiến, con người ta hiện tại đã có thể phóng những phi thuyền lên mãi tận những hành tinh mãi tít xa, xa có thể mang về lại trái đất cho chúng ta những hình ảnh thật ngoạn mục, thật thích thú, thật khó mà tưởng tượng nổi khối óc của con người bây giờ. Ấy thế mà có phải chúng ta càng lên được bao xa, thì chúng ta lại cảm thấy càng mất hút trong một vũ trụ bao la không có biên giới ấy! Cũng y như khi chúng ta có dịp xem được những phim ảnh phóng sự về chiều sâu của biển cả, của cả một đại dương thật sâu thẳm, mà cho đến ngày hôm nay, phương tiện cũng chưa cho chúng ta có quyền khai thác chiều sâu không có biên giới ấy của biển cả! Thế mới cho chúng ta biết quyền năng tác tạo vĩ đại của một Thiên Chúa vô cùng kỳ diệu của chúng ta.

Các nhà khoa học của mọi thời đại, dù có thông minh đến tận đâu, cũng chỉ mới có dùng chưa đến 10% chất xám của cả một khối óc mà Thiên Chúa đã ban cho họ, còn chúng ta thì sao!? Như tôi không biết có dùng được hết 5% chất xám hay không nữa! Nhưng tôi biết khả năng của tôi, thà thế mà tôi phải luôn cần đến sức mạnh của Thiên Chúa. Thà thế mà tôi luôn bám và trụ trì trong nhà của Chúa tôi, để tôi có được nơi tựa nương thật vững vàng và vững chắc. Tôi chỉ cầu Chúa ban cho tôi và gia đình hằng ngày dùng đủ, vì cơm bánh nuôi bụng tôi sao sánh ví cho bằng cơm bánh nuôi linh hồn và tâm linh của tôi là Lời Chúa, và Mình Máu Thánh Chúa chứ!? Vì cái bụng Chúa ban cho ta hễ biết đói thì nó đòi phải được ăn, là để nuôi sống thân xác hằng ngày của chúng ta, thì là cái lẽ đương nhiên Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta tất cả, thật đầy đủ thật dư đầy những thực phẩm thiên nhiên, trong trời đất, chung quanh chúng ta, những gì là cần thiết Chúa đã ban cho nhưng không, như những con gia súc chúng ta nuôi được trong nhà, ngoài sân nhà, hay ngoài đồng ruộng. Trái cây thì oằn nặng đầy dẫy ngoài sau vườn. Cây cải cùng mọi thứ rau tươi cũng thật xanh um Chúa ban cho bốn mùa không mùa nào mà thiếu những cây, rau, trái, và cá thịt. Nếu quả cuộc đời của chúng ta chỉ cần có bấy nhiêu, và chỉ có bấy nhiêu thôi! Thì thiết tưởng trên thế giới không có cái cảnh chết đói đến độ dẫn đưa anh chị em của chúng ta đến sự chết chóc, bệnh tật, và khổ nghèo.

Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Ở đây tôi thực sự cảm phục và cảm mến tấm lòng của đứa bé trai. Trong tay bé có được năm chiếc bánh lúa và hai con cá. Ở đâu mà đứa bé trai này có được một tấm lòng như thế!?? Có phải vì đứa bé trai này xuất thân từ một gia đình mà gương mẫu là cha mẹ của bé hay không!? Chứ một đứa bé được lớn lên không người dậy dỗ, sống một cuộc sống bon chen, đua đòi, ngoài chợ đời, tranh dành và phải ăn cắp để nuôi thân, thì tôi không tin là có được tấm lòng như thế đâu! Nói thế không phải để tôi trách móc gì những đứa trẻ phải lớn lên ở chợ đời từ cái thuở được lọt lòng mẹ. Nhưng tôi nói lên đây là để nhắc nhở những anh chị em trẻ, phải biết có trách nhiệm trên những gì mình làm, mà kết quả thì không cho ta một điều gì gọi là hữu ích, là lành mạnh, là thánh thiện, là an bình cả! Thưa có đúng không anh chị em! Ngay cả những bậc cha mẹ có được chứng dám rõ ràng trước mặt Thiên Chúa, linh mục, và toàn thể gia đình hai họ hai bên, cùng tất cả anh chị em bằng hữu nữa!

Cuộc đời đã khó khăn bởi sự đòi hỏi của chúng ta nhiều, làm cho chúng ta lãng phí thật nhiều thời giờ mà tìm kiếm những sự vô bổ vô ích, đổ lên gia đình của chúng ta. Vì mải mê tìm kiếm những vật chất để cung phụng trên thân thể lười biếng, thiếu trách nhiệm, yếu đuối, và tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đã vô tình xa lánh Chúa vì đến với Chúa chúng ta kiếm cớ là không có thời giờ dành cho Chúa. Rồi thì chúng ta cố tình làm thêm giờ, chạy theo những xa hoa vật chất, mà bỏ bê gia đình của mình trong khi người chồng con mang tiếng là có vợ có mẹ đó chứ, nhưng sự thật chồng con chẳng mấy thấy mặt, để mà lo cho được một miếng ăn đàng hoàng, mà không phải là hằng ngày đưa tiền cho chồng con, để đến bữa ăn thì tự động mà đi kiếm gì ăn, cho nó khoẻ, vì vợ và mẹ phải bôn ba đi kiếm tiền. Tiền mà chúng ta để chúng làm chủ, thì bao nhiêu gọi là cho vừa, và rồi một ngày nào đó tất cả người thân của chúng ta lần lượt bỏ chúng ta ra đi không một lời từ giã!??? Vì thế vô hình chung, chúng ta đã làm gương xấu cho con cái của chúng ta. Nói láo với mọi người trước mặt chúng. Làm chứng gian ngay trước mặt chúng. Ăn lời ăn lãi, làm cân gian xảo, đồ giả bán giá thật. Ăn gian nói dối và chửi lộn không ngớt trên chóp miệng của chúng ta. Cho nên bài học của cậu bé có tấm lòng quảng đại không phải dễ tìm thấy ở thời buổi của ngày nay đâu!

Thật là một điều phũ phàng thay! khi chúng ta có một cách sống chạy đua với dòng đời, khi mà điều kiện của một người cần phải có để mà có thể lập gia đình, để mà có thể có được bộ mặt với xã hội, để mà không bị khi dể, v.v...... Đàn ông con trai ở tuổi kiếm vợ thì chí ít phải có được cái bằng cấp kỹ sư, phải có công ăn việc làm vững chắc, phải có xe xịn, phải có khả năng mua được nhà, và còn phải có khả năng ở nhiều lãnh vực nữa! Còn những gì gọi là luân thường đạo lý thì thời nay coi như là cổ hữu lắm vậy! Nhà Thờ ngày nay cũng vắng bóng con cái Chúa nhiều lắm lắm!. Một số trước đây đã làm biếng không thích đi nhà thờ nay kiếm cớ đổ lỗi cho kinh tế tuột dốc phải đi làm thêm giờ để kiếm thêm tiền. Một số khác đã lấy lý do đổ lỗi cho các linh mục đã làm gương mù gương xấu cho Giáo Hội và cho đàn chiên sẵn đã thiếu linh mục, những người này chắc trước đây đi nhà thờ là để tìm đến những ông cha này chứ không phải đến với Chúa.

Một số giới trẻ ngày nay đã thiếu đi rất nhiều những người lớn sống một cuộc đời gương mẫu ngay lành từ trong gia đình, ngoài xã hội, trong giáo hội, để hướng dẫn chúng đi ngay đường thẳng lối!??. Nhưng điều chính yếu nhất vẫn là sự sống mẫu mực sống gương mẫu trong một mái ấm gia đình, mà thời buổi ngày nay rất hiếm thấy. Phần nhiều gia đình trên toàn thế giới đã có mức độ ly dị báo động đến thật đáng sợ. Rồi thì những người đồng tình luyến ái, cũng đã sống một cách công khai với nhau. Chẳng những thế mà có một vài tiểu bang bên Mỹ này đã đồng ý cho họ lấy nhau, và lại còn cho họ cái quyền được xin con nít về làm cha mẹ nuôi của chúng nữa chứ!?? Chúng ta thử tưởng tượng xem một gia đình như thế sao gọi là một gia đình Thánh Gia được chứ!??? Ôi thôi! Thời buổi ngày nay vàng thau lẫn lộn. ... hay được gọi là thời buổi của quỷ ma ra đời. ... hay tận thế đang sắp sửa đến trên thế gian này mà không một ai tưởng và ngờ được hay sao!????

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình. Lại nữa, sao chúng ta không bắt chước đức tánh khiêm nhường của Thầy chí ái Giêsu của mình nhỉ!? Sau khi Ngài làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi tất cả con cái của Ngài đang đói lả và không có chỗ có nơi để cho họ có thể tự túc mà lo cho họ miếng ăn được!?? Ngài hiểu được rằng phép lạ Ngài đã làm, đã chứng kiến, và đã nuôi ăn tất cả là 5000 người đàn ông, chưa kể đàn bà và con nít, lại còn hốt lại được bao nhiêu thùng bánh dư nữa! Những gì con người trần thế chúng ta tìm kiếm thì lẽ đương nhiên không thể nào giống được với những những gì cao cả của Thiên Chúa chúng ta. Bởi đấy không phải là giá trị đích thực của Nước Trời. Ai muốn làm lớn trên Nước Trời thì phải làm chức phận nhỏ bé nhất trên trần gian. Ai đi theo tiền bạc và để chúng làm chủ thì sẽ mất linh hồn. Chúa Giêsu là con một duy nhất của Thiên Chúa Cha trên Trời, mà Ngài đã còn không cần, thì bả phù hoa trên trần gian này có là gì cho Ngài chứ!?? Chúng ta thử suy nghĩ mà xem!???

Chúng ta thử tưởng tượng mà xem bản tánh rất là tầm thường của chúng ta là luôn ham thích tìm kiếm sự phô trương, được khoe khoang xem chừng như rất trơ trẽn, tục trần, ham hố, và thái quá của chúng ta?? Ai đời lại có thể bỏ đi khi mà mọi người đang coi chúng ta là ngôi sao rực sáng, đang là được mọi người cung kính, nể trọng, và nể vì. ...??? Bài học của Thầy chí ái về đức tính khiêm nhường luôn rành rành ra đó! Nhưng chẳng mấy khi chúng ta bắt chước cho được, thành thử cho nên cuộc đời của chúng ta ngày lại ngày, hoàn toàn luôn tất bật và vất vả! Bởi chúng ta luôn tìm kiếm những của phù du mau tàn, chóng qua, chóng rỉ sét, và luôn bội bạc. Còn Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng có một tình yêu vô cùng luôn ban phát nhưng không cho con cái của Ngài, thì chúng ta chẳng một mảy may nghĩ đến, để cảm tạ, tri ân, và suy tôn Ngài. Có phải Ngài hằng ngày vẫn ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta tìm kiếm và cầu xin ngay trên trần gian này và cả sự sống đời sau!?. Nhưng không, tội lỗi và hiểm họa cho chúng ta thay! vì chúng ta sống quá mù quáng đã để cho quỷ ma, chúng đang lừa dối, và lấy mất linh hồn đời đời của chúng ta, mà nào chúng ta có hay biết!???

Mong Phép Lạ của Chúa biến bánh và cá ra nhiều trước mắt chúng con, đã nuôi chúng con ăn thật no nê, nhờ vào lòng hảo tâm của một cậu bé có trái tim độ lượng giống Chúa, nên chúng con mới có bánh và cá mà ăn; cậu bé đã dậy chúng con sống thật, biết chia sẻ, với lòng quảng đại của cậu mà phép lạ của Chúa Giêsu mới có được. Amen.
 
Cộng tác và trung thành
Thanh Thanh
04:11 25/07/2009
Cả bốn trình thuật Tin Mừng đều kể về việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều: Matthêu 14,13-21; Luca 9,10-19; Maccô 6,34-44; 8,1-10; Gioan 6, 1-13. Nét đẹp mà Lời Chúa cho ta thấy, đó là lòng trung thành và tinh thần cộng tác.

Cộng tác

Một số người nói khi nào có đủ điều kiện thì tôi cộng tác, chia sẻ, giúp đỡ. Điều kiện ở đây là: sức khoẻ, tinh thần, vật chất, tài năng, thời gian.

Nghe nói có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại không hợp lý chút nào. Thế nào là đủ ?

Sức khoẻ ư, thế nào là khoẻ.

Thời gian ư, mỗi người có 24 giờ mỗi ngày mà như nhau. Không ai nhiều hơn ai.

Còn tài năng thì đến bao giờ ta mới giỏi, mới tài?

Về tiền bạc, dù có tỉ đồng trong nhà thì vẫn thiếu, hay ngàn tỉ ta vẫn thấy chưa đủ, vẫn nghèo, cả thế giới được trao vào lòng bàn tay thì ta cũng vẫn chưa thoả mãn.

Thế rồi thời gian trôi qua: mười năm, vài chục năm, đến lúc nhắm mắt lìa đời ư. Vậy đến bao giờ và như thế nào ta mới có đủ điều kiện để cộng tác, chia sẻ, phục vụ.

Lời Chúa trong trình thuật hoá bánh cho ta thấy nét đẹp của nhiều thành phần cộng tác mà không ai đưa ra điều kiện nào, mọi sự tuỳ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của mình:

. Năm chiếc bánh và hai con cá đâu phải của người lớn, mà của một em bé.

. Anrê tông đồ thì có công cầm phần lương thực của em bé cho Thầy.

. Các tông đồ khác chuyển phần bánh và cá sau khi tạ ơn phân phát cho dân chúng.

. Kết quả là nhiều ngàn người ăn no, vui vẻ.

Thiên Chúa luôn trân trọng và quý tấm lòng của con người. Đó cũng là ân sủng khi Ngài mở đường cho ta có thể góp phần bé nhỏ của mình vào công trình cứu độ của Chúa.

Trung thành

Nói đến trung thành, đúng nghĩa chỉ có nơi Thiên Chúa. Nhìn vào lịch sử dân thánh, ta biết được Người đã thực hiện lời hứa như thế nào.

Chúa Giêsu nhập thể cũng là để tiếp tục thực hiện lời hứa của Chúa Cha với với tổ phụ xưa. Đến khi về trời Ngài còn hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Một lời hứa đầy an ủi cho con người.

Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện bằng nhiều cách. Nhưng cách dễ hiểu, gần gũi hơn cả là qua Bí tích Thánh thể.

Xưa dân thánh đã được bánh Manna để sống trong samạc thế nào, thì nay, Ngài ban cho ta chính Thịt Máu Ngài.

Xưa, Ngài bắt đầu bằng việc giảng dạy dân chúng nhiều điều, rồi ban cho họ lương thực.

Nay, trong thánh lễ, chúng ta vẫn cử hành và tham dự với cách thức Chúa Giêsu đã làm là phụng vụ Lời Chúa: đọc, nghe, giải thích… Sau là phụng vụ Thánh thể, bánh nuôi sống linh hồn và đưa ta đến sự sống muôn đời.

Thiên Chúa luôn trung tín trong mọi lời Chúa phán và công minh trong mọi việc Người làm.

Thế giới tốt đẹp

Nếu mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đoàn bắt chước Thiên Chúa trung thành và cộng tác, thì chắc chắn thế giới sẽ bình an tốt đẹp và chan chứa tình người, tình nghĩa hơn.

Cộng tác. Nhờ những bàn tay chia sẻ, giúp đỡ của con người mà thế giới được phát triển, thăng tiến. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nữa nếu mỗi người đều, tuỳ theo sức của mình mà hăng say nhiệt tình cộng tác xây dựng hoà bình, phát triển và thăng tiến cuộc sống, thì chắc chắn mọi người đều được ấm no, hạnh phúc, sống trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Trung thành. Nếu con người biết bắt chước Thiên Chúa, Đấng trung thành thì thế giới sẽ ít bất công, bớt tàn phá và tranh chấp với nhau hơn.

Có nhiều lời hứa trong đời: khi lãnh Bí tích Rửa tội, Giải tội, Thêm sức, lúc Rước lễ bao đồng, khi cử hành Hôn phối; Rồi đến các lời hứa khi lãnh Tác vụ, khi nhận Chức Thánh, khi khấn Dòng. Có nhiều lời hứa với Chúa, với nhau.

Nếu ai ai cũng trung thành với lời hứa thì Chúa đỡ mệt, người đời cũng bớt tranh chấp. Gia đình sẽ bớt chia rẽ bất hoà. Cuộc sống thanh bình và êm ả như thế thì có gì đẹp bằng. Cuộc sống thú vị và thi vị như thế thì có gì đẹp bằng.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một xã hội không có Thiên Chúa không biết sẽ đi về đâu
Nguyễn Hoàng Thương
18:38 25/07/2009
Một xã hội không có Thiên Chúa không biết nó sẽ đi về đâu

Vatican (AsiaNews) - Trong khi cử hành Kinh Chiều tại Nhà Thờ Chánh Tòa Aosta, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về sứ mạng của Giáo Hội loan báo cho thế giới biết về Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. Đức Thánh Cha giải thích rằng chúng ta phải tìm mọi cách để làm cho mọi người lại biết về Thiên Chúa, "nhắc" họ và thế gian biết về Ngài, vì một xã hội không có Thiên Chúa "thì không có phương, không có hướng". Chúng ta phải làm cho mọi người biết rõ rằng quyền năng thực sự thuộc về Đấng Toàn Năng, chính là sự tha thứ và lòng khoan dung, không giống như "Stalin đã hỏi Vatican có được bao nhiêu sư đoàn".

Đức Thánh Cha cũng đã có cuộc trò chuyện vui vẻ trong lần xuất hiện công khai hiếm hoi qua chuyến nghỉ hè ngắn ngủi của ngài ở Valle d’Aosta, vùng núi phía Bắc nước Ý.

Mặc dù bị té ngã làm gãy cổ tay phải, nhưng tối 24/7, Đức Thánh Cha xuất hiện khá thoải mái, mĩm cười, sẵn lòng chào đón hàng ngàn người xếp hàng bên đường khi chiếc xe mui trần của ngài đi qua cũng như người tham dự chật ních Nhà thờ Chánh Tòa.

Khi rời khỏi nhà thờ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói đùa về tai nạn của ngài: "Cha chỉ muốn cảm ơn về lòng thương cảm và quý mến của các con đã dành cho cha. Cha cầu chúc các con có một kỳ nghỉ hè tốt đẹp giống như kỳ nghỉ của cha, nhưng đừng có bất kỳ tai nạn nào".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bắt đầu bài giảng của mình rằng: "trong Thông Điệp mới đây, tôi cố gắng trình bày Thiên Chúa là một ưu tiên ra sao trong lịch sử cá nhân chúng ta, trong lịch sử xã hội và thế giới". Ngài lưu ý là tất nhiên, Thiên Chúa như là một ưu tiên cá nhân chính là "điều căn bản; nếu đó không phải là chủ động thì đó là sự trải nghiệm" và "tất cả những ưu tiên khác của họ không thể tìm thấy hình thức đúng đắn.[.. . ] Đây chính là đúng đắn đối với nhân loại. Nếu thiếu Thiên Chúa, thì không có la bàn để tìm đường đi, tìm phương hướng". "Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ những người khác tìm thấy điều này?". Đức Giáo Hoàng giải thích rằng trong các chuyến hành hương ad limina của các Giám Mục Á Châu và Phi Châu, các truyền thống tôn giáo đã được thảo luận. "Có những nhân tố chung. Mọi người đều biết rằng Thiên Chúa tồn tại, rằng chỉ một Thiên Chúa duy nhất; rằng các vị thần không phải là Thiên Chúa". Đồng thời, dù rằng một Thiên Chúa xuất hiện vô hình, xa xôi, ẩn dấu như thế, chúng ta không biết Ngài như thế nào và vì thế các tôn giáo hướng về những quyền năng gần gũi hơn, như những linh hồn, ông bà tổ tiên.

"Loan báo Tin Mừng đúng đắn gồm cả làm cho Thiên Chúa xa xôi thật sự gần gũi hơn, vốn Ngài cho chúng ta được biết về Ngài, mạc khải chính Ngài. Bức màn biến mất và Thiên Chúa tỏ lộ khuôn mặt của Ngài. Ngài "gần gũi với chúng ta, nhập thế". Chúng ta không cần phải "dàn xếp" với các quyền lực trung gian "bởi vì Ngài là quyền năng đích thực, Đấng Toàn Năng".

Mặc dù chúng ta "cảm thấy hầu như bị đe dọa bởi sự toàn năng này", vốn "dường như để hạn chế sức mạnh của chúng ta, chúng ta phải học cách không lo sợ vì Thiên Chúa có thể làm tất cả mọi điều" vì "Ngài là lòng nhân hậu, tình yêu, [và] tự do. Bất kể thế nào Ngài không thể chống lại lòng nhân hậu, tình yêu, [và] tự do đích thực. "Thiên Chúa là "người bảo vệ cho tự do của chúng ta", không "một cái nhìn tội ác nào có thể khống chế chúng ta", thực tế là "ngài ban cho chúng ta điều chắc chắn rằng rằng lòng nhân từ tồn tại", "đó là tình yêu ban cho chúng ta, vốn là điều tốt đẹp để sống".

Trong diễn từ của mình, Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến lời cầu nguyện của một người Rôma kêu cầu Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng vô hạn của Ngài qua sự tha thứ và lòng khoan dung. Điều này cho thấy "đỉnh cao của quyền năng Thiên Chúa chính là lòng khoang dung và tha thứ".

Trong câu hỏi "Giáo Hoàng? Ông có được bao nhiêu sư đoàn?", Stalin thấy quyền năng trong sức mạnh quân đội; "tuy nhiên, Sách Khải Huyền bảo chúng ta rằng đó không phải là quyền năng. Quyền năng đích thực chính là quyền năng của ân huệ và khoan dung, và Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng thực sự", vì Thiên Chúa "đã đau khổ"; "qua Người Con chịu đau khổ với chúng ta". Quyền năng của Thiên Chúa thì bền vững, vì "Ngài có thể đau khổ với chúng ta". Để làm điều đó, Ngài "tỏ cho chúng ta quyền năng thực sự của Ngài để trong đau khổ, chúng ta không bao giờ cô đơn".

"Vẫn còn một câu hỏi khó: Tại sao cần phải đau khổ để giữ gìn thế gian?" Câu trả lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho rằng "một đại dương tội lỗi tồn tại trên thế gian, một đại dương của bất công, thù hận, [và] bạo lực. Nhiều nạn nhân của nó có quyền công bằng và Thiên Chúa không thể bỏ qua tiếng khóc của những người đau khổ hay bị áp bức". Vì "tha thứ không có nghĩa là bỏ qua nhưng là biến đổi, Thiên Chúa phải đến để chống lại đại dương tội lỗi này với quyền năng hùng mạnh hơn”. Ngài phải đến như một "dòng sông bất tận" mang theo điều thiện, là điều "lớn lao hơn tất cả các bất công trên trần gian này hợp lại; một dòng sông của lòng nhân hậu, chân lý và tình yêu". "Bằng cách này, Thiên Chúa có thể biến đổi thế giới của chúng ta", làm cho "dòng sông nhân hậu chảy siết hơn tất cả các tội lỗi được tìm thấy ở trong đó," với một lời mời gọi "để tất cả chúng ta trôi qua khỏi đại dương tội lỗi và đi vào dòng sông của tình yêu Thiên Chúa".

Đây là một vấn đề mà các linh mục phải nói đến. "Là các linh mục, chúng ta có nhiệm vụ thánh hóa thế gian để nó có thể trở thành một nơi lưu trú và phụng vụ sống động, để vũ trụ trở thành ngôi nhà sống động".

Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời mời gọi: "Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa phù giúp các linh mục trong ý nghĩa này" để "đời sống chúng ta thuộc về Thiên Chúa, là phụng vụ đích thực loan báo Thiên Chúa, và là quà tặng đích thực của chính chúng ta dâng lên Thiên Chúa".
 
Top Stories
Encyclical: the teachings of Pope viewed by the people and the church in Vietnam
Asia-News
13:28 25/07/2009
In Vietnam, the economic growth of recent years has forced into the background ethical formation. The impact of the global crisis is bringing out increasingly evident social issues. Caritas in Veritate is a help to the Church and the Vietnamese people to build a new vision of life and concretely combat the materialism of the government.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - In recent years, Vietnam is experiencing the biggest economic development in its history. With an average annual growth exceeding 6%, it is now one of the main economic players in South East Asia. Building on this development, the Communist government has focused only on economic issues. It pays little attention to social issues such as human rights, freedom of thought and religion. Local authorities aim to achieve maximum profit in the minimum time possible, forgetting the traditional values and culture of the country. This approach is causing dangerous social imbalances that every day become more evident.

Benedict XVI in his encyclical Spe Salvi stated that: " If technical progress is not matched by corresponding progress in man's ethical formation, in man's inner growth, then it is not progress at all, but a threat for man and for the world" (Spe Salvi No. 22).

In light of the content expressed in the new encyclical Caritas in Veritate, the work of the Catholic Church is to help the poor and young people to move forward in faith and to address the daily problems by developing values such as love and brotherhood.

Father Nguyen Van Tan of the De la Salle Congregation tells AsiaNews; "our goal is to help young people progress in education and in life values”. He continues saying that "it is as if we were on a river. As if we were a boat navigating the rapids of a fast river. If we do not work together then, the ship of the family and the Christian community will founder and sink to the depths".

The current crisis is in fact bringing out into the light of day the limits of the system developed by the government. The head of the Vietnamese bishops' conference, Msgr. Peter Nguyen Van Nhon, wrote in a letter dated July 15 addressed to priests and laity that "now, Vietnam is beginning to suffer the impact of international economic crisis. Parents are focused on the income of their families. But parenthood is expressed through the education of children”. In his message, the bishop also says that "we adults must sustain and admonish our children to live honestly. In particular we must set them good example by following God and His law. "
 
Response Letter of The Bishopric of Vinh Diocese regarding meeting with the People’s Committee of Quang Binh
Rev. Anthony Pham Dinh Phung
15:01 25/07/2009
The Bishopric of Vinh Diocese
No. 21/09 VTTG

Re: Response Letter to the People’s Committee of Quang Binh

Xa Doai, July 24, 2009

To: The People’s Committee of Quang Binh

The Bishopric of Vinh Diocese has just received your letter No. 1630/UBND-NC, dated July 24, 2009 summoning us to a meeting on “the situation of Catholic activities on the area”.

We would like to response that:

While our Cross – a great holy symbol of our faith is still being profaned by the police of Quang Binh, and while our faithful are still being jailed unjustly, we cannot come to talk with the Provincial Committee.

Once our demands are satisfied, we would be willing to come for a meeting with your Committee.

On behalf of the Bishopric of Vinh Diocese
Chief Secretary’s Office
(signed and sealed)
Rev. Phạm Đình Phùng


Recipients: see above
- Bishop’s Office Archive
 
Response Letter of The Bishopric of Vinh Diocese to accusations of the People’s Committee of Quang Binh
Rev. Anthony Pham Dinh Phung
15:50 25/07/2009
The Bishopric of Vinh Diocese
No. 20/09 VTTG

Re: Response Letter to the People’s Committee of Quang Binh

Xa Doai, July 24, 2009

To: The People’s Committee of Quang Binh

The Bishopric of Vinh Diocese has just received your letter No. 1628/UBND-NC, dated July 24, 2009 on “the illegal construction within the premise of the War Crimes Memorial Site of Tam Toa church bell tower.”

We would like to response that:

1) Parishioners of Tam Toa did not violate the laws when they build patios on the ground of Tam Toa church. Up till now, Tam Toa church premise, and its bell tower still remain in the ownership of Tam Toa parish of the diocese of Vinh.
2) The parishioners did not disrupt public order. They only erected aluminum patios of 9m length by 6m width. They did not build a solid building that required a government permit or a report.
3) The Committee said that people in the area and Catholics fought against each other. It was NOT true. We have enough evidence to state that the police of Quang Binh had beaten our faithful before arresting them illegally. Police seized our Cross and confiscated other Church properties as well as our faithful's ones.

Therefore, we demand the government:

1) Release immediately and completely all Catholics who have been beaten, arrested and jailed.
2) Provide medical care for wounded Catholics beaten by police.
3) Make compensation for the patios of Tam Toa parish.
4) Return the Cross and other Church properties as well as our faithful's ones.
4) Stop immediately the distortion of truth, the defamation of religion, and the instigation of hatred between Catholics and non-Catholics.


On behalf of the Bishopric of Vinh Diocese
Chief Secretary’s Office
(signed and sealed)
Rev. Phạm Đình Phùng


Recipients: see above
- Bishop’s Office Archive.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
42 năm Hoan Thiện '67 hội ngộ
Trương Minh Phương
17:53 25/07/2009
HUẾ - Năm 1967, anh em chúng tôi vào Tiểu Chủng Viện HOAN THIỆN, Với 120 chủng sinh đã qua kỳ tuyển chọn mùa hè. Chúng tôi được chia thành hai lớp: Đệ Thất A và Đệ Thất B. Đến năm Đệ Ngũ, sau nhiều lần thanh lọc sĩ số chỉ còn lại một lớp. Một số anh em chỉ học được một năm, có người 2 năm. Lớp chúng tôi có nhiều kỷ niệm đặc biệt do nhiều biến cố lịch sử như Tết Mậu thân, mùa hè đỏ lửa 1972 và nhất là ngày giải phóng thống nhất đất nước. Cho đến hôm nay, trong số 120 người chỉ còn lại 5 anh em được nhận chức Thánh Linh Mục:

Xem hình ảnh cuộc Hội ngộ

1/Đức Ông Phanxicô xaviê CAO MINH DUNG, hiện đang làm việc tại Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

2/Đức Ông Phêrô NGUYỄN MINH TÂM, hiện ở Australia.

3/Linh mục Phêrô TRẦN NGỌC ANH, Giáo sư Đại chủng viện Sao biển Nha trang.

4/Linh mục Phêrô LÊ MINH CAO, Quản xứ Quãng thuận thuộc Giáo phận Nha Trang.

5/Linh mục Phao lô NGUYỄN LUẬN, Quản xứ Hà Úc thuộc Tổng giáo phận Huế.

Đây là niềm vinh dự và là tự hào của anh em lớp chúng tôi, cũng là nguồn động lực thúc đẩy anh em chúng tôi thường xuyên gặp gở từng vùng miền và những lần hội ngộ toàn quốc. Nhân năm Linh Mục 2009, chúng tôi vận động anh em họp mặt tại Huế. Đây là lần Hội Ngộ VỀ NGUỒN: thăm lại Mái trường xưa, thăm các cha giáo và hành hương về bên Mẹ LaVang từ ngày21 đến ngày24tháng 7.

Ngày 21. 7. 2009: tại TRUNG TÂM MỤC VỤ Tổng Giáo phận Huế:

Khởi hành từ Sài gòn lúc 5giờ sáng ngày 20. 7, chiếc xe khách 50 chổ đón anh em các vùng Xuân lộc, Ninh thuận, Nha trang, Ban mê thuột, Đà nẵng và đến Huế chiều 21. 7. Anh em vùng Huế chúng tôi đón anh em tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận. Gặp nhau ôm nhau, những giọt nước mắt vui mừng sau bao năm xa cách. Những khuôn mặt đầy thân thương già nua theo năm tháng nhưng những nét thân quen trong ký ức vẫn còn đó: Cao gà (cha Lê minh Cao), Huy cày (Lê Huy), Xuân mèo(Nguyễn viết Xuân)v. v. Những biệt danh chúng tôi đặt cho nhau thời xa xưa vẫn còn đó. Hình ảnh xúc động nhất đập vào mắt chúng tôi là Trần văn Thuận chỉ còn lại một chân ngồi trên xe lăn thế mà vẫn vượt đường xa để cùng anh em hội ngộ. Các bà vợ và con cháu mau chóng làm quen hòa cùng niềm vui với nhau.

Được sự ưu ái tạo điều kiện của linh mục Thư ký Tòa Tổng Giám mục Antôn Nguyễn văn Thăng, anh em cùng gia đình có chổ ở tắm rửa thoải mái sau 2 ngày dong ruỗi trên đường. ăn tối xong anh em được thưởng thức Ca Huế trên giòng sông Hương thơ mộng, ngồi trên thuyền rồng ngắm cảnh Huế về đêm. Những phút thư giãn làm tan đi những nhọc mệt, anhem quay về Tòa Tổng Giám mục nghỉ ngơi lúc 21 giờ.

Ngày 22. 7. 2009: Hội ngộ thầy trò, thăm lại mái trường xưa:

Sau 2 ngày đường mệt nhọc nên anh em đều ngũ ngon trong những phòng ốc khang trang của Trung tâm Mục vụ. Riêng anh em vùng Huế chúng tôi thì cứ bồn chồn thao thức mong trời sáng để lại tiếp tục gặp nhau. Mặc dù theo chương trình đến 8 giờ mới họp mặt và dâng Thánh lễ nhưng từ sáng sớm chúng tôi đã có mặt tại Trung tâm mục vụ. Chúng tôi thật tiếc khi vắng mặt Đức Tổng Giám mục và Đức Giám mục Phụ tá cũng là những cha giáo của chúng tôi.

Với tấm Panô vẻ hình Đức Mẹ Vô nhiễm bổn mạng của lớp, tháp chuông Tiểu chủng viện Hoan thiện là biểu tượng và cầu Tràng tiền bắc qua giòng sông Hương, chúng tôi cùng quây quần bên nhau với sự hiện diện của các cha giáo Phêrô Nguyễn hữu Giải, Phaolô Lê văn Cao, Stanis Laô Nguyễn đức Vệ tâm tình và ôn lại những kỷ niệm xưa. Các bà vợ cũng cùng nhau chuyện trò và tỏ sự tự hào có những phu quân là những cựu chủng sinh, nền tảng căn bản đẻ tạo nên một gia đình đạo đức và hạnh phúc. Thánh lễ cầu nguyện cho các cha giáo và những anh em đã qua đời. Các cha giáo nhắc nhở anh em chúng tôi luôn ý thức rằng anh em cũng là những linh mục trong gia đình và trong xã hội, luôn là mẫu gương đạo đức của một cựu chủng sinh dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào.

Bữa cơm trưa thân mật và rộn ràng niềm vui của ngày gặp mặt. Những tiếng hát tâm tình của các cha giáo. Anh em liên tục nâng ly chúc mừng nhau đến gần 14 giờ mới kết thúc và nghỉ trưa. Buổi chiều anh em cùng vợ con được về thăm lại mái trường chủng viện thân yêu, được chụp ảnh bên ngôi nhà nguyện và tháp chuông. Xao xuyến bùi ngùi bên hồ cá gợi lại biết bao kỷ niệm thời niên thiếu. Sau đó chúng tôi lên xe hướng về Thánh địa LaVang.

Tối 22 và ngày 23. 7: Bên Mẹ LaVang và thăm lăng tử đạo:

Một đêm sốt sắng nguyện cầu dưới chân Linh Đài Mẹ. Một tràng chuổi Mân côi với năm sự mừng, suy niệm về mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu. Trong màn đêm u tịch và đầy uy nghiêm, với bầu khí linh thiêng của Thánh địa. Chúng tôi cầu nguyện cho nhau và tạ ơn Mẹ đã cho chúng con có cuộc hội ngộ này.

Chúng tôi cùng ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự, mượn chén rượu giúp vui ôn lại biết bao kỷ niệm. Kể cho nhau nghe những gian khổ sướng vui đã trải qua. Những giọng hát trầm buồn cất lên giữa đêm khuya thanh vắng làm xao xuyến lòng người. Nguyễn Đức Thủy tâm sự đã sáng tác một bài hát duy nhất trong đời, lúc khó khăn tuyệt vọng để cầu xin Mẹ đở nâng. Với giọng hát trầm lắng thiết tha làm anh em xúc động, với nỗi lòng tạ ơn Mẹ đã dìu dắt vượt qua khó nguy. Anh em tạm nghỉ ngơi lúc 2 giờ sáng để thức dậy lúc 4giờ30 chuẩn bị thánh lễ. Những bà vợ âu yếm trao cho chồng khăn mặt và bàn chải đã được nặn kem. Tạ ơn Chúa đã cho anh em chúng tôi những bà vợ tuyệt vời, yêu thương chăm sóc chồng con. Nhiều bà đã bộc lộ nỗi niềm: tuổi mấy ông mà không chăm để mấy ông chết sớm thì mình khổ trước.

Đúng 6giờ sáng chúng tôi cùng nhau dâng thánh lễ tạ ơn trước Linh đài Mẹ, cầu nguyện cho những anh em đã khuất, xin Thiên Chúa và Mẹ Maria LaVang đưa họ về nước Chúa. Sau đó chúng tôi về thăm giáo xứ Trí Bưu, nơi đây dưới thời Văn thân đã thiêu sống hơn 600 anh hùng tử đạo, cầu nguyện bên lăng mộ các ngài. Chúng tôi cũng đã về thăm mộ người anh cả: Thánh Tôma Thiện. Xót xa và ưu tư bên nấm mộ sơ sài, mơ ước làm sao có thể xây được ngôi mộ khang trang làm nơi phụng thờ hương khói.

Tối 23 và sáng ngày 24. 7: Nổi buồn chia tay:

Buổi chiều về thăm giáo xứ Hà úc của cha Luận, được thưởng thức những dặc sản miền quê ven biển thật ngon miệng. Chỉ còn một đêm cuối cùng bên nhau nên cả 3 cha đều cùng chúng tôi quây quần ca hát và chuyện trò. Các bà vợ cũng rất chân tình tỏ bày mong ước gặp lại nhau từng năm. Đây là dịp thư giãn tốt nhất sau một năm vất vả lo cơm gạo áo tiền, là dịp được cùng anh em bạn bè thân thiết của chồng hòa niềm vui ôn lại những kỷ niệm thời niên thiếu mà không phải ai cũng có được. Thật vậy, thời gian trôi đi bào mòn sức khỏe, chúng tôi đã là U60 gần đất xa trời biết có còn cơ hội gặp lại lần sau. Ai cũng cảm thấy thời gian trôi nhanh quá, chưa thỏa lòng mong nhớ đã đến lúc chia tay nên cố gắng thức thêm một đêm. Nhưng lực bất tòng tâm, chúng tôi nghỉ ngơi lúc gần 12giờ đêm. Thức dậy lúc 4giờ để chuẩn bị dâng thánh lễ tạ ơn lúc 4giờ30, cầu chúc cho các đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc.

Những ngày hội ngộ rồi cũng mau trôi qua, đã đến lúc chia tay, những đôi mắt hoe đỏ, những giọt lệ lại trào, những cái bắt tay đầy lưu luyến không muốn rời xa. quyến luyến rồi cũng phải chia tay. Chiếc xe lăn bánh mang theo những người bạn quý mến nhất trong cuộc đời. Có thể nói không một tình bạn nào như anh em cựu chủng sinh chúng tôi, những người bạn từng cùng nhau học một lớp, ngũ chung một phòng, ăn chung một nhà, cùng nhau chơi đùa, không giận hờn nhau. Một tình bạn đặc biệt mà không phải ai cũng có trong cuộc đời.

Để có được những ngày hội ngộ này, chúng tôi chân thành cảm ơn Đức Ông Cao Minh Dung, Đức Ông Nguỹen Minh Tâm, bạn Trần Minh Phước, Em Nguyễn Ấn lớp HT72 và các bạn đã giúp đở và tạo điều kiện cho anh em chúng tôi tổ chức cuộc hội ngộ này. Đặc biệt, bạn Vũ Quang Hà, mạnh thường quân của lớp luôn xung phong trong những lúc anh em trong lớp gặp khó khăn. Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria Vô Nhiễm ban nhiều ơn lành cho anh em.
 
Thư Mục Vụ của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh về việc Giáo Phận Phát Diệm có tân Giám Mục
+GM. Giuse Nguyễn Chí Linh
18:46 25/07/2009
THƯ MỤC VỤ

ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH

GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

CHA GIUSE NGUYỄN NĂNG ĐƯỢC BỔ NHIỆM GIÁM MỤC PHÁT DIỆM

Phát Diệm ngày 26-07-2009

Anh chị em thân mến,

Ngày thứ bảy 25-07-2009 vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã công bố Tông Sắc của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Năng, Giám Đốc Đại chủng viện Xuân Lộc, làm Giám mục Giáo Phận Phát Diệm.

Mười giờ sáng ngày Chủ Nhật 26-07-2009, tất cả các nhà thờ của giáo phận Phát Diệm đã đổ chuông để biểu lộ niềm vui. Ngày 27-07-2009, tôi sẽ dẫn một phái đoàn đại diện giáo phận vào tận Xuân Lộc để bái kiến, chúc mừng và nhất là để bày tỏ tình con thảo cũng như lòng vâng phục của cộng đoàn dân Chúa Phát Diệm đối với vị chủ chăn mới.

Nhiệm kỳ giám quản của tôi đến đây là hết. Nhưng trong tình nghĩa và thể theo sự ủy thác của Đức cha mới, tôi sẽ tiếp tục phục vụ anh chị em, cho đến khi ngài có thể bắt đầu sứ mạng giám mục của ngài tại Phát Diệm cách trọn vẹn.

Chúng ta đã cầu khẩn, mong đợi ngày này từ rất lâu và hồng phúc thay, Chúa đã nghe lời chúng ta. Vậy trước hết, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và hãy tri ân Đức Thánh Cha đã ưu ái an bài để đàn chiên giáo phận chúng ta lại có người coi sóc.

Chúng ta cũng không quên ơn Quý Đức Cha và Giáo Phận Xuân Lộc cũng như các bậc sinh thành đã dày công cưu mang và tặng cho chúng ta một món quà vô cùng quý giá là Đức cha Giuse Nguyễn Năng.

Sinh ra tại Phúc Nhạc, ngài là một người con thân thương của Phát Diệm. Cùng với gia đình di cư vô Nam năm 1954, người con ấy nay trở về trong tư cách một vị giám mục, nhưng cũng với một con tim nồng nàn dành cho nơi chôn nhau cắt rốn. Phải chăng đó là lý do ngài đã chọn HIỆP THÔNG – PHỤC VỤ làm châm ngôn cho đời giám mục của ngài ?

Thánh lễ tấn phong Đức giám mục tân nhiệm sẽ diễn ra lúc 8g30 sáng ngày 08 tháng 09 năm 2009 tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Để chuẩn bị, tôi xin anh chị thực hiện các việc sau đây:

1. Kể từ ngày 26-07-09, sau khi đọc lời cầu cho Đức Giáo Hoàng Bênêđitô trong các thánh lễ cử hành trên lãnh thổ Phát Diệm, xin các cha đọc lời cầu cho ĐỨC CHA GIUSE (Nguyễn Năng), vì ngài đã chính thức là Bản Quyền của giáo phận.

2. Các giáo xứ và cộng đoàn giáo phận, tùy theo sáng kiến của mình, làm tuần cửu nhật kính thánh Phêrô và Phaolô quan thầy giáo phận từ tối thứ sáu 29-08-2009 đến tối Chủ nhật 06-09-2009 để xin ơn bầu cử cho Đức cha mới.

3. Mọi thành phần dân Chúa hãy đóng góp tích cực vào công cuộc chuẩn bị, tổ chức lễ tấn phong và đón tiếp Đức Tân Giám mục.

Món quà tinh thần đẹp nhất để tặng cho ngài, đó là chúng ta thể hiện được tình liên đới, hợp tác và yêu thương của đại gia đình giáo phận Phát Diệm.

Xin Chúa chúc lành cho trang sử mới anh chị em sắp cùng viết với vị cha chung mới của anh chị em.

Thân ái trong Chúa Kitô

+ Giuse Nguyễn chí Linh

Nguyên Giám quản Tông tòa Phát Diệm
 
Bốn bổ nhiệm Giám Mục cho Giáo Hội tại Việt Nam
G. Trần Đức Anh OP
19:51 25/07/2009
VATICAN. Hôm 25-7-2009, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết ĐTC Biển Đức 16 đã tiến hành việc bổ nhiệm GM cho 4 giáo phận tại Việt Nam: Thái Bình, Phát Diệm, Phan Thiết và Xuân Lộc.

- Trước hết ĐTC nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, 77 tuổi (1932), GM giáo phận Thái Bình và bổ nhiệm người kế nhiệm là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, 63 tuổi, thuộc dòng Don Bosco, cho đến nay là GM Phụ tá giáo phận Bùi Chu.

- Thứ hai là ĐTC bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Năng làm tân GM giáo phận chính tòa Phát Diệm. Đức tân GM năm nay 56 tuổi, sinh ngày 24-11 năm 1953 tại Phúc Nhạc, Phát Diệm, học tiểu chủng viện Sàigòn từ năm 1962 đến 1970, rồi lên Đại chủng viện Thánh Piô 10 Đà Lạt từ năm 1975 đến 1978. Trong thời gian thụ huấn, thầy Giuse Năng phục vụ trong Tu Hội Tông Đồ Nhỏ ở Bạch Lâm, Thống Nhất, Đồng Nai (1977-1988) rồi tại giáo xứ Thuận Hoa, Biên Hòa (1988-1990) cho đến khi thụ phong Linh mục ngày 9-6-1990 thuộc giáo phận Xuân Lộc.

Sau khi thụ phong, cha Giuse Năng làm cha sở và quản hạt Thuận Hoa, Biên Hòa trong 8 năm trời (1990-1998) cho đến khi được gửi sang Roma du học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana và đậu tiến sĩ thần học tín lý năm 2002. Trở về nước, Cha Giuse Năng làm Giám đốc đại chủng viện Xuân Lộc.

Giáo Phận Phát Diệm có 152 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 920 ngàn dân cư, với 69 giáo xứ, 55 LM, 34 đại chủng sinh và 140 nữ tu. Giáo phận trống tòa từ hơn 2 năm nay sau khi Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến năm nay 67 tuổi (1942), xin từ chức ngày 14-4 năm 2007.

- Bổ nhiệm thứ ba ĐTC quyết định cho Giáo Hội tại Việt Nam là ngài nhận đơn từ chức vì lý do của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, 77 tuổi, GM giáo phận Phan Thiết và cử người kế nhiệm là Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, 57 tuổi (1952) cho đến nay là GM Phụ tá Tổng giáo phận Thành Phố Hồ chí Minh.

- Sau cùng, ĐTC bổ nhiệm Cha Tôma Vũ Đình Hiệu làm tân GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Đức tân GM năm nay 55 tuổi, sinh ngày 30 tháng 10 năm 1954 tại Ninh Mỹ, giáo phận Bùi Chu, theo học tại tiểu chủng viện Xuân Lộc, trước khi lên Đại chủng viện thánh Piô 10 Đà Lạt. Do tình trạng chính trị khó khăn của đất nước, Thầy Tôma Hiệu phục vụ tại giáo xứ Tân Mai trong 10 năm trời (1977-1988) trước khi về Tòa GM Xuân Lộc làm bí thư của Đức Cha Nguyễn Minh Nhật từ năm 1988 đến 1999 là năm thầy thụ phong Linh Mục (22-1-1999).

Sau khi thụ phong, Cha Tôma Hiệu tiếp tục phục vụ tại tòa GM rồi được gửi sang Pháp năm 2000 học thần học luân lý tại Học viện Công Giáo Toulouse, đậu cao học thần học tại đây năm 2006 rồi trở về nước, làm Chưởng ấn tòa GM Xuân Lộc. (SD 25-7-2009)
 
Thư Mục Vụ giáo phận Thái Bình về việc ĐTC bổ nhiệm Tân Giám Mục
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
20:30 25/07/2009
THƯ MỤC VỤ CỦA ĐỨC CHA F.X. NGUYỄN VĂN SANG
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA GP THÁI BÌNH
NHÂN DỊP TOÀ THÁNH CÔNG BỐ
VĂN THƯ BỔ NHIỆM ĐỨC GIÁM MỤC KẾ VỊ NGÀI LÀM TÂN GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH


Kính thưa quý cha,
Các nam nữ tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo hữu thân mến,

Như anh chị em biết tin từ Toà Thánh Vatican công bố, Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám Mục phụ tá Gp Bùi Chu, thuộc dòng Don Bossco, kế vị tôi làm chủ chăn Gp Thái Bình. Trước đây một tuần, tôi đã được Thánh Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc gửi một điện văn nội dung như sau:

THÁNH BỘ TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
Số 3077/09 Ngày 06 tháng 07 năm 2009

Kính gửi Đức Cha F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Gp Thái Bình - Việt Nam


Đức Cha kính mến,

Tôi vui mừng thông báo với Đức Cha: Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, dòng Don Bosco, hiện đang là Giám Mục phụ tá Gp Bùi Chu, làm người kế vị Đức Cha trong cương vị Chủ Chăn Gp Thái Bình, và việc bổ nhiệm này sẽ được công bố vào ngày 25 tháng 07 năm 2009, nhằm ngày lễ kính thánh Gia-cô-bê Tông đồ.

Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc chân thành cảm ơn Đức Cha về sự lãnh đạo trong cương vị mục tử mà Đức Cha đã thi hành một cách tận tâm trong suốt 19 năm qua. Tôi cầu xin Chúa cho những gì Đức Cha đã vun đắp và gieo trồng một cách quảng đại trong suốt những năm dài của đời Mục Tử đem lại những hoa trái dồi dào không chỉ nơi địa phận Thái Bình nhưng cho tất cả Giáo Hội của Chúa tại Việt Nam. Tôi cũng cầu xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho Đức Cha sức khoẻ dồi dào trong tuổi già, ngõ hầu Đức Cha vẫn có thể phục vụ Giáo Hội và các linh hồn cách hiệu quả theo những cách thức khác nhau.

Cầu chúc Đức Cha vui, khoẻ, bình an và xin nhận nơi đây những tình cảm chân thành và huynh đệ của tôi trong trái tim Hiền Mẫu của Mẹ Maria.

Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng
Robert Sarah, Thư ký


Bức thư và tin được công bố đem lại cho chúng ta nhiều vui mừng. Về phần tôi – là Giám Mục của anh chị em đã 19 năm và đã đệ đơn xin từ chức cách đây 4 năm, khi còn ở tuổi 75. Nay tôi được 78 tuổi rồi, Toà Thánh đã chiếu cố đến bản thân tôi cũng như ích lợi của Giáo phận và đã bổ nhiệm Đức Cha Phêrô đáng kính coi sóc Gp Thái Bình thay tôi.

Theo thư của Thánh Bộ gửi cho tôi trước đây để trả lời việc xin từ chức, trong đó có chú thích rằng “việc từ chức được chấp nhận và có kết quả khi đấng kế nhiệm nhận quyền cai quản địa phận. Việc này phải được diễn ra trong vòng 2 tháng theo như giáo luật quy định”. Hiện nay, Đức Cha Phêrô đi vắng chưa về, nên tôi cố gắng tiếp xúc với ngài để bàn thảo ngày giờ và cách thức trao quyền hành. Tôi viết thư mục vụ này để loan báo tin vui mừng cho mọi thành phần Dân Chúa và cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và các thánh tử đạo Việt Nam, Chúa đã ban cho chúng ta có một Vị Giám Mục - Chủ Chăn mới của giáo phận. Vậy, chúng ta hợp ý cầu nguyện, cảm tạ đội ơn Thiên Chúa, cảm ơn Đức Thánh Cha và Toà Thánh Vatican và cầu xin cho Đức Giám Mục mới sẽ nhận quyền mai đây, được nhiều ơn Chúa trong tinh thần cũng như thể xác.

Về phần tôi, tôi đã phục vụ giáo phận và anh chị em trong một thời gian dài. Nay được về nghỉ ngơi, tôi vẫn ở trong giáo phận và làm những công việc theo ý của đấng bản quyền mới và làm những việc gì tuỳ theo sức khoẻ và hoàn cảnh cho phép tôi.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn mọi thành phần trong giáo phận đã tận tình giúp đỡ tôi trong những năm tháng tôi phục vụ tại giáo phận. Chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết sai sót. Xin anh chị em cầu nguyện để được Chúa nhân lành tha thứ và anh chị em thông cảm cho tôi.

Để kết thúc, tôi muốn cùng anh chị em hát lên lời ca ngợi của Đức Trinh Nữ Maria trong kinh Magnificat:

"Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời
.” (Lc 1,46-55).

Thái Bình, ngày 24 tháng 07 năm 2009
+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Gp Thái Bình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Xin hãy cứu giáo dân Tam Tòa: Thư gửi cộng đoàn dân Chúa các nơi
Tôma Nguyễn Hoàng Giáp
00:26 25/07/2009
Con là một giáo dân Công Giáo ở Đồng Hới viết lá thư này kính gửi đến các Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ và toàn thể Giáo Dân Công Giáo trong và ngoài nước để trình bày một số ý kiến về vụ Giáo Dân Tam Tòa.

Thưa qúy vị,

Như qúy vị đã biết, vào ngày 20 tháng 7 năm 2009 giáo dân giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình đã dựng lều cầu nguyện trên phần đất ngôi giáo đường của giáo xứ bị đổ nát vì chiến tranh. Công an và chính quyền Quảng Bình đã đến phá hủy nhà tạm, đã đánh đập dã man và làm bị thương nhiều giáo dân. Sau đó họ còn bắt đi một số giáo dân.

Trước sự kiện này, hàng giáo phẩm từ Đức Giám Mục Cao Đình Thuyên đến các Linh Mục và Giáo Dân Giáo Phận Vinh đã cực lực lên tiếng phản đối, đòi hỏi chính quyền thực thi công lý, đồng thời giáo dân cả điạ phận, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã một lòng một ý cầu nguyện cho các giáo dân Tam Tòa, nhất là những người bị đánh trọng thương và những người hiện đang bị công an giam giữ.

Về phía chính quyền, họ không những cố chấp dùng những lập luận tráo trở sai sự thật để bào chữa cho hành động vô nhân đạo của họ mà hiện nay còn vận động cả một hệ thống báo chí và truyền thanh, truyền hình vô cùng mạnh mẽ của đảng để tuyên truyền với nhân dân cả nước rằng, giáo dân Tam Tòa là những kẻ gây rối, có âm mưu chính trị, phản cách mạng. Và sự kiện nghiêm trọng nhất là họ sẽ đưa ra tòa 7 giáo dân đã tham gia xây dựng trên phần đất của nhà thờ, bắt những người này phải nhận họ là chủ mưu. Thực ra, trong lúc hỗn loạn 7 anh chị em đấy cũng chỉ là những người công an đã bắt ngẫu nhiên mà thôi.

Tâm tình của giáo dân Tam Tòa hiện nay là âu lo vì bị công an liên tục khủng bố. So với vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội, vụ Tam Toà ở vào vị thế rất bất lợi vì số giáo dân ít, ở xa thủ đô là nơi có đông đúc dân chúng, có tai mắt của các tòa đại sứ và hàng ngũ báo chí ngoại quốc; do vậy công an và chính quyền đã không dám áp dụng biện pháp tàn ác, đối với giáo dân ở Hà Nội. Nhưng ở Tam Tòa thì khác, vì không có những lợi thế nêu trên nên công an đã dã man đánh đập giáo dân.

Trước tình hình này, giáo dân Tam Tòa chỉ còn biết trông nhờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông người Việt ở hải ngoại nói chung và các Cơ quan Truyền thông Công Giáo nói riêng. Đối với các cộng đồng Công Giáo hải ngoại, xin qúy vị có thẩm quyền hãy loan báo cho giáo dân biết tình hình nghiêm trọng ở Tam Tòa, xin hãy tổ chức những buổi đốt nến cầu nguyện, và bằng mọi cách thức hãy cho cả thế giới biết số giáo dân ít ỏi tại Tam Tòa đang cô đơn, đang bị đàn áp dã man vì một nguyện vọng đơn sơ và chính đáng là được thờ Chúa ngay tại phần đất ngôi thánh đường mà cha ông họ đã xây dựng hàng trăm năm trước đây. Ánh lửa công lý đã bùng lên, xin qúy vị hỗ trợ số giáo dân ít ỏi và cô thế tại Tam Tòa.

Trân trọng

Đồng Hới, ngày 23 tháng 7 năm 2009
 
Công văn số 1628/UBND-NC của UBND Tỉnh Quảng Bình gởi Tòa Giám Mục Vinh
UBND Tỉnh Quảng Bình
11:20 25/07/2009
 
Văn thư của TGM Xã Đoài trả lời các công văn của UBND Tỉnh Quảng Bình
TGM Vinh
11:21 25/07/2009
 
Thông Cáo số 2 (24/7/2009) của VP Thư ký Tòa Giám mục Giáo phận Vinh
Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng
13:47 25/07/2009
24.07.2009

VĂN PHÒNG THƯ KÝ
TÒA GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI

Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An
Đt: 0383 611 845; 0977006526
Email: tgmxadoai2004@yahoo.com

Ngày 24 tháng 7 năm 2009

THÔNG CÁO
(SỐ 2)

V/v Tam Tòa tại Đồng Hới, Quảng Bình

1. Trong 2 ngày qua, sau khi Thông Cáo số 1 (ngày 22/7/2009) của Văn phòng thư ký Tòa Giám mục Xã Đoài được chuyển tải, rất nhiều người đã hiệp thông, theo dõi sự việc tại Tam Tòa. Nhờ đó giáo phận Vinh được thêm can đảm, giáo dân Tam Tòa được an ủi rất nhiều.

2. Sáng 23/7/2009, cha Tổng đại diện cùng 5 linh mục và Ban Bác ái, Ban Truyền thông giáo phận Vinh vào thăm Tam Tòa. Trước khi vào Tam Tòa, đoàn đã gặp số đông linh mục miền Quảng Bình đang tề tựu tại Hướng Phương, sở hạt Mẹ Bình Chính. Tại đây, đoàn đã được nghe tất cả các linh mục miền Quảng Bình nói lên những gì tai nghe mắt thấy về những bất công, đau đớn mà giáo dân Tam Tòa đang phải gánh chịu. Và cũng tại đây, các linh mục đã bàn thảo những việc cần làm cho Tam Tòa trong những ngày sắp tới.

3. Buổi chiều, cha Tổng đại diện và quý cha đã tới thăm những người bị bắt vừa được thả về, thăm các gia đình có người thân đang bị bắt giữ. Được gặp trao đổi trực tiếp với các nạn nhân và các nhân chứng, cha Tổng đại diện và quý Cha càng hiểu thêm những đau đớn, bất công mà con cái mình đang là nạn nhân. Các ngài không thể hiểu nổi những hành động thô bạo, vô nhân đạo của một số công an Quảng Bình đã đối xử với giáo dân Tam Tòa.

4. Chiều 23/7/2009, Tòa Giám mục nhận được Thư của Đức Cha Phaolô Maria Giám mục Giáo phận Vinh từ Hoa Kỳ gửi về. Các linh mục đang làm việc tại Tòa Giám mục đọc thư và điện đàm ngay với Đức Cha, xin Đức Cha cứ an tâm thực hiện tiếp chương trình đã định. Con cái Vinh ở đâu cũng muốn được gặp Đức Cha. Theo sự hướng dẫn của Đức Cha, việc ở nhà con cái Đức Cha đã có những phương cách giải quyết.

5. Sáng 24/7/2009, tại Tòa Giám mục có cuộc họp mở rộng các linh mục quản hạt và đại diện các Ban trong giáo phận. Tất cả các linh mục đã thống nhất các việc sẽ thực hiện đồng loạt, đồng bộ trong Toàn giáo phận để thể hiện tình liên đới, sự hiệp thông, chia sẻ với Tam Tòa theo thông báo của Tòa Giám mục.

6. Chiều 24/7/2009, Tòa Giám mục nhận được Văn thư của UBND tỉnh Quảng Bình, số 1628/UBND-NC, đề ngày 24/7/2009, gửi tới Tòa Giám mục địa phận Vinh, về việc "dựng nhà trái phép tại khuôn viên chứng tích tội ác chiến tranh - Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa". Đồng thời Tòa Giám mục cũng nhận được văn thư của UBND tỉnh Quảng Bình, số 1630/UBND-NC, đề ngày 24/7/2009, về việc "mời làm việc về tình hình sinh hoạt công giáo trên địa bàn".

7. Cũng chiều 24/7/2009, Tòa Giám mục đã có 2 Văn thư trả lời UBND tỉnh Quảng Bình về các vấn đề trên.

8. Các việc làm thể hiện tình liên đới, hiệp thông của Tòan giáo phận Vinh sẽ được đồng loạt bắt đầu từ Chúa nhật (26/7/2009).

9. Xin tiếp tục cầu nguyện cho Tam Tòa, giáo phận Vinh.

Văn phòng Thư ký Tòa Giám mục
Chánh Văn phòng

(Đã ký và đóng dấu)

 
Nửa triệu người Công giáo giáo phận Vinh tập trung cầu nguyện cho Tam Tòa
J.B Nguyễn Hữu Vinh
16:49 25/07/2009
VINH - Theo tin mới nhận được từ Tòa Giám mục Xã Đoài, ngày mai Chúa Nhật ngày 26/7/2009, đúng 7 giờ sáng, tất cả gần 500.000 giáo dân Giáo phận Vinh sẽ tập trung cầu nguyện cho nạn nhân Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình.

Mục đích của cuộc cầu nguyện này, nhằm cầu xin Thiên Chúa ủi an các nạn nhân bị Công an Quảng Bình bắt giữ, đánh đập và hiện đang bị giam cầm. Cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Quảng Bình sáng suốt biết phân biệt lẽ phải, sự thật, công lý, hòa bình trong việc hành xử với các nạn nhân và giáo dân.

Tất cả giáo xứ sẽ không có lễ sáng, mọi giáo dân sẽ kéo về nhà thờ của 19 Giáo Hạt trong toàn giáo phận Vinh để tập trung cầu nguyện.

Tất cả các Thánh đường, cơ sở tôn giáo của các Giáo xứ, Giáo họ, Giáo hạt sẽ được căng băng rôn khẩu hiệu: Cầu nguyện cho các nạn nhân bị công an Quảng Bình đánh đập, bắt giữ.

Đây sẽ là cuộc tập trung cầu nguyện rầm rộ nhất, lớn nhất trong toàn Giáo phận Vinh từ trước tới nay.

Xin mọi người yêu chuộng công lý, sự thật và hòa bình, cùng con cái Giáo phận Vinh khắp nơi hiệp ý cầu nguyện với toàn thể giáo phận.
 
Xử bất công tại phiên tòa ở Định Quán, Đồng Nai: can phạm trở thành nhân chứng!
Đức Nghĩa
17:04 25/07/2009
TÚC TRƯNG - Phiên tòa xét xử 15 người dân ở Định Quán, Đồng Nai: “Chỉ vì nói ra điều mình chứng kiến mà bây giờ tôi ra nông nỗi này”

“Khi bị chính quyền bắt giữ và bảo rằng tôi đã phạm tội gây rối trật tự công cộng, thì tôi mới biết là vậy, chứ thực tình tôi chứng kiến cảnh công an đánh người thì tôi la toáng lên: các anh ơi đứng đánh nữa, máu chảy rồi đấy, không khéo là chết người đấy. Có vậy thôi, rồi Lâm bảo tôi: sau này cô làm chứng cho con nhá; thì tôi có nói: Dù đi đến đâu cô cũng làm chứng cho con. Chỉ vì nói có thế thôi mà bây giờ tôi ra nông nỗi này. Xin Tòa nếu được thì cho tôi hưởng án tréo, kẻo bây giờ tôi ngồi tù thì ai nuôi các con tôi” - Đó là lời sau cùng của bà Đặng Thì Huệ trước khi Tòa án nhân dân huyện Định Quán tuyên án 2 năm tù cho bà về tội mà tòa cho là gây rối trật tự công cộng.

Sáng ngày 24/7/2009, Tòa án nhân dân huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa lưu động xét xử 15 người dân bị cho là phạm tội gây rối trật tự công cộng. Phiên tòa diễn ra từ 10h45 đến 17h50 cùng ngày. Khoảng trên 200 người dân trong khu vực xã Túc Trưng tham dự phiên tòa dưới sự canh chừng của gần 100 nhân viên an ninh và cảnh sát cơ động.

Tòa án nhân dân huyện Định Quán mở phiên tòa này để xét xử vụ việc xảy ra vào 9h20 sáng ngày 01/3/09 tại địa bàn xã Đồng Xoài, huyện Đinh Quán. Nội dung của vụ việc là anh Nguyễn Ngọc Lâm đi trên chiếc xe hiệu Dream đang lưu thông trên đường, thì được cảnh sát giao thông Nguyền Trường Giang chạy ra giữa đường ra lệnh cho dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Vì được lệnh dừng xe bất ngờ, nên anh Lâm không kịp thắng xe, và bánh xe trước đã chạm vào ngón chân cái bên phía chân trái của cảnh sát Giang. Ngay lập tức Giang và đồng nghiệp đánh anh Lâm tới tấp. Thấy máu ở phía mí mắt phải của anh Lâm trào ra, bà Đặng Thị Huệ bán bánh mì gần đó hoảng quá la toáng lên: “Ối các anh ơi, đừng đánh nữa, máu chảy rồi đấy, không khéo là chết người đấy”.

Thấy sự việc như vậy, những người qua đường cũng dừng lại, bức xúc và yêu cầu lập biên bản việc cảnh sát giao thông đánh người. Sự việc kéo dài gần 2 giờ đồng hồ và kết thúc khi gia đình anh Lâm đưa anh về nhà mà không hề có một biên bản nào được lập về việc cảnh sát giao thông đánh người. Sau một ngày sự việc xảy ra, viện kiểm sát nhân dân ra quyết định truy tố nhân chứng chính của sự việc là bà Đặng Thị Huệ và 14 người khác về tội mà Viện kiểm sát cho là gây rối trật tự công cộng.

Trong phiên tòa xét xử hôm nay 24/7, Viện kiểm sát nhân dân trong vai trò công tố viên đã xác định 15 người, đứng đầu danh sách là bà Trần Thị Huệ, sinh năm 1960, nghề nghiệp: bán hàng rong, đã phạm vào tội gây rối tật tự công cộng, gây hậu nghiêm trọng là làm cho 612 chiếc xe ôtô, chưa kể xe môtô phải lưu thông trên đoạn vòng dài 50km, với mức thiệt hại tiền xăng dầu lên đến hơn 80 triệu đồng, chưa kể sự thiệt hại về thời gian và sức khỏe của nhân dân.

Trong phần tranh tụng với Viên kiểm sát tại tòa, luật sư Nguyễn Thị Dư, người bào chữa cho bị cáo Lê Hoàng Trung Nghĩa, đã đề nghị Tòa án trả lại hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát để điều tra lại. Theo luật sư Dư, Viện kiểm sát và Tòa mới chỉ xét phần ngọn của vụ án, còn phần gốc của vụ việc thì lại bị bỏ qua một bên. Luật sư Dư cũng cho thấy sự khuất tất của phiên tòa ở chỗ, nghi can phạm tội như cảnh sát Nguyễn Trường Giang lại trở thành nhân chứng, ngay cả chứng của anh này cũng đối chọi nhau: lúc thì anh nói rằng anh chỉ có nắm cổ áo của anh Lâm, lúc thì anh lại nói rằng anh túm gáy Lâm mà không hề đánh đập. Luật sư Dư khẳng định trước Tòa, những người bảy tỏ sự bức xúc trước sự ngang trái thì không thể bị kết án tội gây rối trật tự được. Luật Pháp còn quy định công dân có nghĩa vụ tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật người khác. Kết thức phần bào chữa, luật sư cho rằng sẽ là một thiệt thòi lớn cho các bị cáo hôm nay nếu họ bị kết án, và lòng dân sẽ không thuận khi mà những người chính yêu gây ra vụ việc lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Để xoa dịu sự bức xúc của những người tham dự phiên tòa, bà Phạm Thị Thanh Thủy, chủ tọa phiên tòa bảo rằng tòa sẽ chuyển ý kiến của luật sư Dư cho Viện kiểm sát nhân dân để nghiên cứu, xem xét là có nên điều tra thêm vụ cảnh sát giao thông đánh người hay không, còn phiên tòa hôm nay chỉ xét xử vụ gây rối trật tự công cộng mà thôi.

Phiên tòa kết thúc với phần tuyên án. Người lãnh mức án cao nhất lại là bà Đặng Thị Huệ với 2 năm tù giam. Anh Trần Ngọc Lâm, người bị cảnh sát đánh, nhận mức án 18 tháng tù giam, những người còn lại nhận mức án từ 6 – 8 tháng tù giam.

Những người tham dự phiên tòa ra về khi trời bắt đầu nhá nhem tối. Đôi mắt của của nhiều phụ nữ đỏ hoe. Mọi người ngậm ngùi thương thầm cho những con người ngay thẳng, vì tỏ bày bức xúc trước bất công, bạo quyền mà bây giờ phải vào vòng lao lý.
 
Vụ án Phú Túc: Cảnh sát giao thông đánh người vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật
Hiếu Minh
17:21 25/07/2009
TÚC TRƯNG - Ngày 24/7/2009 tôi tham dự từ đầu đến cuối phiên tòa lưu động sơ thẩm xét xử 15 nạn nhân bị truy tố về cái gọi là “gây rối trật tự công cộng” tại Trung tâm văn hóa xã Túc Trưng, Định Quán, Đồng Nai. Sau đây là một số nhận định về phiên tòa có nhiều điều khuất tất này.

Trước hết là giờ khai mạc phiên tòa bị chậm lại hơn hai tiếng đồng hồ nhưng không có một lời giải thích của HĐXX: lẽ ra bắt đầu lúc 8g00 nhưng mãi đến 10g20 mới khai mạc. Cuối phiên tòa “bị cáo” Trần Ngọc Lâm cho biết xe chở 15 nạn nhân bị tai nạn nhưng may mắn thoát chết! Người dân cho hay chiếc xe tù này bị lật trên đường đến nơi xử án, lúc đó khoảng 7g15 và cách nơi xử án khoảng 6 km. Điều này cho thấy cách làm việc thiếu minh bạch của tòa án huyện Định Quán khi không thông báo cho dân biết nguyên nhân việc khai mạc trễ. Đáng trách hơn đó là sự vô tâm của bà chủ tọa phiên tòa: các nạn nhân vừa bị tai nạn lật xe, mình mẩy ê ẩm và đau đớn thế mà vẫn bị buộc phải đứng rất lâu trong thời gian xử án, như thể những người khỏe mạnh. Tại sao không để cho họ được ngồi? Đây chính là sự thể hiện tính nhân đạo của toà án Việt Nam đó sao? Đúng là “khẩu phật tâm xà”!

Các nạn nhân trước tòa
Trong phần thủ tục, khi luật sư Nguyễn Thị Dư thuộc đoàn luật sư TP. HCM yêu cầu tòa triệu tập nhân chứng tên Hoàng Yến là người có liên quan nhưng hiện nay vắng mặt trước tòa thì HĐXX cho biết cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều lần nhưng người này vẫn không đến và hiện vắng mặt tại địa phương! Chẳng lẽ nghiệp vụ của cơ quan điều tra công an huyện Định Quán kém đến thế sao? Thế mà tòa còn ngụy biện một cách tinh vi rằng “sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng tới phiên tòa”.

Phần bào chữa của luật sư Nguyễn Thị Dư rất tuyệt vời. Những người dân tham dự phiên tòa đều khen. Chị cho rằng trong vụ án này HĐXX chỉ giải quyết “phần ngọn” mà quên đi “phần gốc”. Nguyên nhân gây ra việc làm cho người dân bức xúc và dẫn đến tụ tập đông người chính là việc CSGT Nguyễn Trường Giang đánh bị thương Trần Ngọc Lâm. Nếu công an tiến hành lập biên bản vụ việc va chạm giữa CSGT Giang và Lâm theo đề nghị của một số người khi xảy ra sự việc (như bà Đặng Thị Huệ và những người khác) thì chắc chắn sẽ không có việc người dân tụ tập lâu giờ ngoài đường gây cản trở giao thông đến hơn hai tiếng mà giờ đây họ phải bị khung hình phạt khá nặng theo khoản 2c, điều 245 bộ luật hình sự là từ 2 đến 7 năm tù. Nếu không giải quyết phần gốc thì quả là một thiệt thòi cho các bị cáo ở đây. Luật sư Dư đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

Hội đồng xét xử
Đáng tiếc là bà Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy, chủ tọa phiên tòa không chấp nhận điều này. Bà cho rằng việc CSGT đánh người được tách ra thành một vụ án khác. Đây là kiểu lập luận “lấp liếm” và lợi dụng quyền Thẩm phán để lách luật. Khi nào thì vụ án “CSGT đánh người” được khởi tố? Việc tách vụ án của bà Thẩm phán Thủy là không thể chấp nhận được. Việc CSGT đánh người xảy ra trước sao không được xét xử trước? Nhiều người dân tham dự bày tỏ sự phẫn nộ khi nghe bà lập luận: phiên tòa này chỉ xét xử tội ‘gây rối trật tự công cộng’ của các bị cáo chứ không xét đến việc bị cáo Lâm có bị CSGT Giang đánh bị thương hay không? Vậy chẳng lẽ nếu CSGT giết chết một người dân, vì việc này nên những người chứng kiến bức xúc đã tụ tập gây cản trở giao thông tương tự như vụ này, thì bà cũng tách ra để chỉ xử “phần ngọn”, còn “phần gốc” thì để “xử lý nội bộ” hay sao? Thật là bất công và vô nhân đạo! Như thế mà vẫn cứ ngồi ở vị trí “cầm cân nẩy mực”.

Bà Thủy còn đòi hỏi vô cùng ngớ ngẩn là nếu luật sư Dư cung cấp cho bà những đoạn phim có cảnh Nguyễn Trường Giang đánh Trần Ngọc Lâm thì HĐXX mới cứu xét! Chắc bà tưởng rằng Giang đánh Lâm trong một khoảng thời gian đủ dài để có người đến quay phim chụp hình hay sao? Khi CSGT đánh dân thì ai biết trước mà quay phim chụp hình? Một thẩm phán như bà mà đòi hỏi điều đó thì thật là… bó tay! Bà lập luận rằng trừ bà Huệ ra (nếu có) thì không ai thấy CSGT đánh dân mà chỉ nghe nói; và các bị cáo vì căn cứ vào một điều “không rõ thực hư” mà tụ tập làm tắc nghẽn giao thông thì bị coi là vi phạm tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Chẳng lẽ bà Huệ nhìn thấy CSGT đánh dân chưa đủ hay sao mà bà còn đòi hỏi gì nữa hỡi bà thẩm phán?

Ls Nguyễn Thị Dư là người ngồi giữa
Về phía các luật sư bào chữa, chỉ một mình Luật sư Dư thực hiện vai trò bào chữa của mình cho thân chủ một cách xuất sắc, đúng nghĩa chức năng của một luật sư. Ba luật sư còn lại là Ngô Văn Dũng, Phan Mạnh Hoàng và Bùi Quang Vui đều chỉ làm một công việc duy nhất là xin HĐXX giảm án cho các thân chủ của mình vì lý do này lý do kia. Việc này các bị cáo còn lại không mời luật sư đều có thể tự làm được, vì họ thực hiện quyền bào chữa của họ chỉ để xin giảm án vì thế này thế khác. Những người tham dự cảm thấy buồn cho ba luật sư tuy là “phận trai” nhưng lại không bằng một luật sư nữ.

Nếu xét xử một cách công tâm thì CSGT Nguyễn Trường Giang và các đồng nghiệp cũng giữ vai trò “đồng phạm tích cực” khi để xảy ra tình trạng dân chúng tụ tập đông gây cản trở giao thông nghiêm trọng, vì họ có thể chủ động giải quyết được tình trạng này nhưng đã không làm. CSGT mà không khai thông được xe cộ ngay nơi họ đang làm nhiệm vụ thì trách nhiệm của họ tới đâu trong vụ này? Chắc chắn không tránh khỏi “đồng phạm”.

CSGT nhân chứng Giang (mặc áo thu mầu nâu
Lương tâm của bà Thẩm phán Phạm Thị Thu Thủy trong việc xét xử ngày 24/7/2009 như thế nào sau vụ án này? Liệu bà có ăn ngon ngủ yên được không khi đã đưa bà Đặng Thị Huệ vào tù với mức án 2 năm chỉ vì bà Huệ là người nhìn thấy CSGT Nguyễn Trường Giang đánh người dân đã yêu cầu lập biên bản vụ việc. Ai đã chỉ đạo cho bà Thẩm phán đã chà đạp lên sự thật và sự lương thiện của bà Huệ? Từ nay có lẽ không ai còn dám lên tiếng trước những bất công trong xã hội nữa, để khỏi phải tù tội. Gia đình bà Huệ không biết sẽ đi về đâu khi bị tước đi một lao động chính là bà. Có lẽ hai đứa con thơ của bà Huệ sẽ khó mà tha thứ cho sự bất lương của tòa án này.

Lương tâm của CSGT Nguyễn Trường Giang và các đồng nghiệp ra sao? Họ có cảm thấy hổ thẹn khi họ đã hứa trước tòa là nói sự thật? Sự thật khách quan đó như thế nào thì chính lương tâm của họ biết hơn ai hết. Họ đã làm gì để che đậy hành vi phạm tội của mình để cho nhiều người vô tội phải vô tù?

Chính phiên tòa của lương tâm sẽ phán xét họ.
 
Vụ Tam Tòa: Nhà cầm quyền “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”!
JB. Nguyễn Hữu Vinh
18:09 25/07/2009
Việc nhà cầm quyền Quảng Bình dùng công an và một số người mặc thường phục tấn công đánh đập tàn nhẫn, man rợ, và bắt đi một số giáo dân đang dựng ngôi lán tạm trên nền đất Nhà thờ Tam Tòa cũng như phá hoại và tịch thu tài sản của họ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp đất nước bởi những người có lương tri và thiện chí hòa bình. Không chỉ có trong nước mà cả thế giới đang được đánh thức bởi một địa danh vốn lặng lẽ tồn tại: Tam Tòa

Khắp nơi, từ Nam ra Bắc, làn sóng hiệp thông, cầu nguyện cho Tam Tòa đang dâng cao mạnh mẽ. Trên thế giới, các hãng thông tấn lớn đã có những thông tin nhanh chóng về vụ việc này, nhiều tổ chức quốc tế đã bày tỏ thái độ.


Kích động hằn thù, chia rẽ tôn giáo - con bài ngu xuẩn

Xưa nay, việc kích động xung đột tôn giáo trong lòng dân tộc là những điều mà kẻ ngu xuẩn nhất cũng không bao giờ làm. Vì đó sẽ là đại họa cho dân tộc, sẽ là vết thương khó chữa lành nhất trong mọi vết thương trên đất nước. “Kẻ cầm gươm sẽ chết vì gươm, người châm lửa sẽ chết vì lửa” là kinh nghiệm mà bao đời nay đã đúc kết.

Đã có biết bao cuộc chiến day dứt triền miên không thể giải quyết triệt để chỉ vì xung đột tôn giáo, sắc tộc. Không có một đất nước nào được bình yên khi các mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc tồn tại.

Mới đây cuộc xung đột sắc tộc ở Tây Tạng rồi Tân Cương - Trung Quốc với hàng trăm người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và nhiều tài sản, xe cộ bị đốt cháy, đập nát… là một ví dụ còn nóng tính thời sự.

Rồi những cuộc xung đột sắc tộc ở Kenya và những cuộc xung đột tôn giáo như ở Ấn Độ, ở Indonesia, Ai Cập… luôn luôn làm cho đất nước bất ổn và nhà cầm quyền phải đau đầu.

Chính vì lẽ đó, bất cứ nhà cầm quyền nào cũng phải nhận biết điều này nếu muốn có một đất nước yên bình và hùng mạnh.

Thế nhưng, hầu như gần đây, cách hành xử của nhà cầm quyền nhiều nơi trên đất nước Việt Nam lại thể hiện một điều rằng: họ không học thuộc bài học này. Việc dùng các phương tiện truyền thông nhục mạ lãnh tụ tôn giáo, bóp méo sự thật, vẽ thêm râu thêm vuốt cho người Công giáo thời gian qua trong vụ Thái Hà và Tòa Khâm sứ là một ví dụ. Việc dùng đám “quần chúng tự phát… tiền” và đám thanh niên đến bao vây nơi thờ tự và gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là đi minh chứng điển hình.

Việc dùng bạo lực cướp bóc tài sản nhân dân là những hành động đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa lòng dân.

Mới đây, nhà cầm quyền Quảng Bình lại lao sâu vào tội ác khi dùng những người vô đạo có quyền lợi khi chiếm đất đai Nhà thờ đến đánh đập giáo dân ngay giữa thanh thiên bạch nhật với những đòn thù tàn bạo mất nhân tính, dùng công an đánh đập dã man giáo dân và lấy đi tài sản, Thánh Giá – Biểu tượng tối cao tinh thần tôn giáo của họ.

Hệ thống truyền thông lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại”, vu cáo giáo dân, bóp méo sự thật. Theo người dân Quảng Bình cho biết, Đài TH Quảng Bình còn vu cáo giáo dân Tam Tòa “tiếp tay cho Đế Quốc Mỹ nhằm che giấu tội ác chiến tranh” (?)

(Việc ai che giấu tội ác thì nhiều ví dụ thực tế đã rõ, những người dân Việt đánh cá trên biển của mình thời gian qua phải nằm bờ vì lệnh cấm của Trung Quốc, việc các nạn nhân ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển mà không được sự bảo vệ cách chính đáng đã là hành động che giấu tội ác hiển nhiên. Việc Ải Nam Quan, một số đảo Trường Sa rơi vào tay quân thù của đất nước mà người dân không được tự do bày tỏ tinh thần yêu nước của mình thì đó là gì?

Đài TH Quảng Bình nên định nghĩa lại khái niệm về tội ác và che giấu tội ác).

Qua những ví dụ trên, người ta thấy rằng: Họ dường như chưa chịu học lấy bài học về xung đột tôn giáo.

Nói cách khác họ “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”.

Phải chăng, họ đang muốn gây nên một cuộc xung đột tôn giáo mới giữa một bên là tôn giáo từ hàng ngàn năm nay vẫn đứng vững, với một tôn giáo dựa trên bạo lực, súng đạn và sự dối trá?

Chân mình cứt lấm bê bê…

Vị thánh trẻ Anrê Phú Yên tử đạo
Trước hết, cần nói ngay rằng: Việc nhà cầm quyền Quảng Bình ngang nhiên lấy đất đai, tài sản nhà thờ cho mục đích làm “chứng tích tội ác” là một việc làm bất chấp pháp luật và lòng dân. Bởi trước khi thực hiện điều này, tài sản đó đang là của một cộng đồng tôn giáo ở đây mà họ không hề đếm xỉa đến.

Hẳn nhà cầm quyền Quảng Bình cũng biết một điều đơn giản: Khi mình muốn vào nhà ai đó làm gì, trước hết phải xin phép chủ nhà, ngược lại điều đó là sự vi phạm, lấy nhà người khác ngang nhiên là sự cướp.

Hầu như cái não trạng chính quyền coi của người khác là của mình, những bổn phận mình phải làm khi hưởng lương của người dân là một sự ban ơn đã khắc sâu và in đậm vào tâm trí của họ. Vì vậy khi chiếm đoạt cơ sở thờ phượng của người dân, của tổ chức tôn giáo, họ coi như thò tay vào túi lấy tiền mình?

Điều này chỉ hợp với những năm tháng chiến tranh đóng chặt cửa với thế giới bên ngoài. Lúc đó cũng giống như những ngôi nhà đóng chặt cửa, ông bố nghiện hút tha hồ đánh đập, hạch sách vợ con mà xã hội không hề hay biết.

Nhưng thời thế đã đổi khác, khi hội nhập với thế giới, những tư duy đó phải bị đào thải, tất cả phải theo Hiến pháp và Pháp luật. Người dân đã ý thức cao hơn về một nhà nước pháp quyền phải như thế nào. Do vậy, việc lấy đất đai của một tổ chức xã hội, tôn giáo bất chấp ý kiến của đương sự là điều không ai có thể chấp nhận được.

Dù họ có biện minh kiểu nào đi nữa, dù có hứa hẹn năm hay mười địa điểm khác nhau, nhưng đến nay, khi chưa có sự đồng thuận của giáo dân và giáo quyền mà họ đã cướp đoạt, sử dụng đất đai đó thì đều là trái pháp luật. Đến nay đất đai đó vẫn thuộc giáo xứ Tam Tòa, đó là điều không thể chối cãi.

Phải chăng, họ đang học theo con bài của UBND TP Hà Nội ngang nhiên lấy đất Thái Hà cho Xí nghiệp Dệt thảm len Đống Đa, sau chuyển cho Công ty Cổ phần May Chiến Thắng, rồi lại lấy đất đó làm công viên, điều đó được thực hiện bằng súng, đạn, chó, công an và muôn vàn mưu kế khác nhau? Khuôn viên Tòa Khâm sứ cũng tương tự, cuối cùng Hà Nội có hai vườn hoa bất đắc dĩ?

Chưa cần nói đến tính hợp pháp, chỉ tìm hiểu vì sao chứng tích tội ác lại phải là nhà thờ? Điều này không chỉ có ở Quảng Bình, mà ngay ở Nghệ An cũng đã thực hiện.

Phải chăng, nhà cầm quyền cũng hiểu rằng: Việc phá hoại tài sản tôn giáo, ném bom các nhà thờ, nơi thờ tự của tôn giáo là tội ác khó được tha thứ nhất dù là trong chiến tranh, vì vậy chứng tích tội ác thì nhất định phải là nhà thờ?

Nếu họ đã hiểu điều đó thì họ cũng nên hiểu thêm điều này: Khi người khác xâm phạm đời sống tín ngưỡng là tội ác, vậy khi họ xâm phạm ngang nhiên tài sản và tín ngưỡng của nhân dân có là tội ác không? Việc họ muốn xây dựng chứng tích tội ác bằng cách thực hiện những tội ác mới với chính nhân dân mình, đồng bào mình thì được định nghĩa là gì?

Thật chí lý khi cha ông ta nói rằng: “Chân mình cứt lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.

Hậu quả không nhỏ cho thói hung hăng dựa trên bạo lực

Thói thường, những kẻ hung hăng, thích sử dụng bạo lực lại là những kẻ ít suy nghĩ bằng cái đầu. Trong dân gian, người ta gọi dùng nhiều ngôn từ khác nhau để chỉ những kẻ dùng sức trâu bò giải quyết các xung đột.

Nhà cầm quyền Quảng Bình đã đối xử với giáo dân bằng bạo lực, bằng chia rẽ tôn giáo và kỳ thị một bộ phận nhân dân với nhiều trò ma quỷ. Điều đó sẽ dẫn đến cái gì?

Có thể nhà cầm quyền Quảng Bình đã suy nghĩ thật đơn giản như khi trấn áp một đám dân chúng bức xúc vì các dự án ảnh hưởng môi sinh mà họ không đồng tình, cứ dùng công an, vũ lực bắt, rồi xét xử dăm bảy năm tù những người nào có uy tín để đe dọa, răn đe những người khác phải ngậm miệng, câm nín cho nhà cầm quyền tha hồ hành động…

Với đại đa số quần chúng nhân dân, khi những việc chung của mọi người nhưng ảnh hưởng đến cá nhân mình, thì đành im lặng, đó cũng là thói quen “cha chung không ai khóc” được rèn luyện cho mỗi cá nhân thấm nhuần sau hơn 60 năm trời sống dưới chế độ cộng sản với lý thuyết “làm chủ tập thể”(!).

Nhưng, khi họ sử dụng con bài đó với giáo dân, dù là ít ỏi, thì họ đã nhầm lẫn một cách tai hại.

Họ không biết rằng với người công giáo, dù bất cứ nơi đâu, ở tại địa phương hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tài sản và danh dự của Giáo hội đều được giáo dân quyết tâm bảo vệ, dù phải trả bằng máu. Nhất là với những biểu tượng tôn giáo của mình như Thánh Giá, ảnh tượng, nhà thờ...

Họ không biết rằng, Giáo phận Vinh với gần 500.000 giáo dân luôn sẵn sàng đứng bên nhau để bảo vệ lẽ phải và sự công bằng, luôn đoàn kết và được dẫn dắt dưới một hàng giáo phẩm và đội ngũ các linh mục kiên trung luôn sẵn sàng hi sinh vì đoàn chiên.

Họ không biết rằng dù Giáo xứ Tam Tòa là một địa danh nhỏ, nhưng nơi đây đã là nơi đánh dấu nhiều dấu tích của ơn kêu gọi, nơi đây đã sản sinh cho Giáo hội Việt Nam những con người làm rạng danh Giáo hội và đất nước. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình Thế giới tại Tòa Thánh Vatican đã từng sống và làm mục vụ tại đây hiện đang được lập hồ sơ phong Thánh.

Đức Cha phó Võ Đức Minh – Giáo phận Nha Trang đã là người từ nơi này sinh ra. Ngài cũng chính là người đã tặng GX Tam Tòa cây Thánh giá hiện đang bị nhà cầm quyền Quảng Bình cướp đoạt. Nhà thơ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ nổi tiếng nhiều thời đại đã từng nhận ơn gọi làm tín hữu nơi đây… Vì vậy, địa danh Tam Tòa là địa danh mà nhà cầm quyền có muốn, cũng không thể nào xóa được.

Và một điều nữa họ chưa hề biết, đó là tinh thần tử đạo của giáo dân Giáo phận Vinh luôn luôn mãnh liệt. Sự đoàn kết của họ đã được chứng minh qua nhiều thử thách.

Trong lịch sử VN hiện đại, người ta còn nhớ thời cộng sản sắt máu nhất là những năm chiến tranh 1969, một giáo xứ nhỏ nằm lẻ loi như Đông Yên, đã giữ gìn linh mục Vũ Đình Giáo hàng hơn nửa năm trời bằng tất cả tấm lòng mình, đến khi nhà cầm quyền buộc phải nhờ TGM với Đức Cha Trần Hữu Đức can thiệp mới đưa nổi Ngài ra khỏi đó, thì ngày nay đừng nghĩ đơn giản rằng dùi cui, hơi cay hoặc bạo lực có thể làm họ khuất phục.

Ngày mai và những ngày sau đó, Giáo dân Giáo phận Vinh sẽ làm gì khi các nạn nhân oan khuất vẫn bị giam giữ, những người bị đánh đập vẫn mang trên mình đầy thương tích, những giáo dân đang đứng trước một sự đe dọa của những phiên tòa xét xử các Giáo dân làm chứng cho Đức Kitô?

Hãy đọc những văn bản, những hành động mạnh mẽ, kiên quyết và vững vàng thống nhất của Tòa Giám mục Xã Đoài để hiểu hậu quả của hành động hung bạo nhất thời này.

Xin nhắc lại lời cuối của bản kiến nghị từ TGM Xã Đoài: “Nếu những yêu cầu trên không được đáp ứng, Chính quyền tỉnh Quảng Bình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và công lý”.

Trách nhiệm của mỗi giáo dân chúng ta là phải hiệp thông với tất cả anh chị em bị hoạn nạn khi làm chứng cho Đức Kitô, “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:14b,15).

Hà Nội, Ngày 25/7/2009
 
Từ Trung Tâm Mục Vụ Công giáo Xã Đoài mọi giáo xứ trong Giáo phận Vinh hướng về Tam Tòa đã được giăng lên
Người đi đường
18:13 25/07/2009
VINH - Như trong Thông cáo số 2, ở điểm thứ 8, của Văn phòng Thư Ký Tòa giám mục Xã Đoài đã cho biết, Chúa nhật, này 26.07.2009, toàn giáo phận đồng loạt thể hiện tình liên đới, hiệp thông với anh chị em giáo xứ Tam Tòa. Do đó, xế chiều hôm nay, trước cổng Tòa giám mục Xã Đoài, biểu ngữ và cờ vàng trắng đã được treo lên để làm mô mẫu và mời gọi các tín hữu thể hiện cụ thể công việc liên đới và hiệp thông với giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

 
Từ “nhà thờ cụt đầu Berlin” nghĩ đến “nhà thờ Tam Tòa”
Hà Long
19:04 25/07/2009
BERLIN – Thành phố thủ đô Berlin là một thành phố đẹp cho du khách và có bề dày lịch sử về văn hóa, kinh tế và đặc biệt về chính trị, sau thống nhất Berlin còn được gọi là thủ đô văn hóa của châu Âu. Hàng triệu người đổ vào Berlin thăm viếng hàng năm.

Xem hình ảnh nhà thờ cụt đầu tại Bá Linh và nhà thờ Tam Tòa

Công trường Breitscheidplatz ở Bá Linh nơi có nhà thờ cụt đầu"
Vào hè 2009 những khách du lịch đến Berlin và di chuyển theo giao thông công cộng, nhất là với xe điện ngầm thì có thể gặp khó khăn đôi chút vì theo kiểm tra an toàn định kỳ cho các xe điện ngầm các nhà kỹ thuật khám phá bánh xe sắt có các vế nứt ngầm, từ đó có thể xảy ra tai nạn cho người dân vì thế hơn 2/3 xe điện ngầm phải nằm ụ chờ ngày thay bánh xe. An toàn tuyệt đối của Tây phương là như thế và đôi khi thái quá, trách như vậy thôi chứ tốt cho người dân vì họ hưởng được sự an toàn tuyệt đối. Khơi mào bằng cuộc trật đường rầy của xe điện ngầm ngày 01-5-2009 ở đoạn đường Berlin-Kaulsdorf, may là lúc ấy xe chạy chậm hẳn lại vì sắp gần đến bến ga. May mắn không một ai bị thương tích. Từ lâu phương tiện giao thông dưới lòng đất của Berlin thật hoàn hảo, các loại xe điện ngầm (được gọi là U-Bahn) và xe cao tốc (S-Bahn) chạy chồng chéo lên nhau và dày đặc theo vòng tròn và xuyên tâm theo bốn hướng. Có những đường hầm ở trạm Potsdam hoặc nhà ga trung tâm mới của Berlin xâu thăm thẳm trong lòng đất. Sự cố này chưa giải quyết được làm cho khoảng 400.000 hành khách hàng ngày phải tìm các phương tiệc di chuyển khác. Thông thường hệ thống xe điện ngầm tại Berlin chuyên chở 1.300.000 khách di chuyển mỗi ngày với 552 xe điện. Một điều thú vị khi được biết khoảng 100 năm nay chưa bao giờ có hiện tượng xe điện phải nằm ụ đợi sửa chữa lâu như thế.

Công trường tại Bá Linh nơi "nhà thờ cụt"Berlin đã được trở lại thành thủ đô của nước Đức thống nhất. Đông Tây chia cắt trong 40 năm đã trở thành một khi chủ nghĩa cộng sản khát máu bị đánh đổ bằng biểu tượng toàn dân giật sập bức tường ô nhục Berlin vào tháng 11/1989. Như con cờ Đôminô toàn khối Đông Âu cùng sụp đổ tan rã. Tuy nhiên không ai phải đổ máu, không ai phải chết cho cuộc cách mạng diệu kỳ, tưởng chừng chỉ được thực hiện trong một giấc mơ.

Cách mạng dân chủ tự do đến với Đông Đức, đến với toàn khối Đông Âu thật tuyệt vời: không khát máu hận thù, không trại cải tạo, không bắt bớ, không cướp đất, không lộng quyền, không trí trá, không công an mật vụ, ngược lại được diễn tiến trong tự do dân chủ, trong nhân bản tình người, trong trật tự luật pháp. Đến ngay tên tội đồ lớn nhất là chủ tịch Erich Honecke còn được dung tha để có một cái chết bình yên vào ngày 29-5-1994 tại Santiago nước Chí Lợi, ngay cả vợ ông ta vẫn còn hưởng được chế độ lương bổng nghỉ hưu cho đến bây giờ. Nhân bản như thế trong một xã hội tự do dân chủ, như chưa bao giờ có trong một thế giới cộng sản luôn được bao trùm trong chiếc áo trả thù, đầy đọa ngục tù, đánh người bịt miệng…

Nhà thờ "cụt đầu" tại Bá Linh
Thủ đô Berlin thật đẹp, cả thế giới đã được đón chào thân thiện qua World Cup 2006. Các tàn tích lạc hậu, nghèo đói của Đông Berlin đã được xóa nhòa rất ngắn trong 20 năm sau thống nhất. Khó có thể tưởng tượng được người Đức xây dựng và tiến mau quá, tiến trình thống nhất được xúc tiến như tên bắn và các công trình xây dựng lớn nhất Âu Châu hầu như đã được kết thúc hoàn hảo: nào là cơ sở hạ tầng qua các xa lộ nối liền Đông Tây, nào là nhà quốc hội lịch sử, phủ thủ tướng, nha ga trung tâm hiện đại nhất thế giới, trung tâm thương mại Potsdamer Platz, v.v…

Theo sử sách Berlin luôn là một thành phố lịch sử quan trọng, nhìn vào bản đồ Âu Châu thì chính địa điểm này là trục chính cho toàn khối Châu Âu, nơi thông thương trong khối Liên Hiệp Âu Châu. Hiện nay thành phố Berlin không chỉ đơn thuần là trung tâm kinh tế của Đức mà còn là thủ đô văn hoá của châu Âu.

Trong quá khứ cũng chính nơi Berlin đã gây ra tai họa cho Thế Chiến I và Thế Chiến II rồi nơi này chịu biết bao đau thương đổ nát vì thua trận.

Khi Hồng Quân Nga tiến vào Berlin treo cờ chiến thắng trên tòa nhà quốc hội vào ngày 09-5-1945 là lúc đó Berlin chỉ còn là một đống tro tàn, hơn 70% nhà cửa, hệ thống hạ tầng cơ sở bị chiến tranh san bằng. Khoảng 2,5 triệu dân Berlin đã phải sống khổ sở trên đống tro bụi này. Từ lúc này thành phố Berlin bị chia đôi giữa Đông và Tây. Nửa phía Tây do phe đồng minh Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát theo khối tự do dân chủ và nửa phía Đông do Liên Xô vây quanh trong bức tường ô nhục của chủ nghĩa cộng sản.

Rũ được tro tàn của chiến tranh, Berlin lại tỏa sáng trong xây dựng và ổn định. Tuy nhiên mọi nơi vẫn còn lưu giữ lại những chứng tích chiến tranh để cho hậu thế nhìn vào đó nhận ra chiến tranh là phi nghĩa. Có những dấu tích chiến tranh dùng để phục vụ cho sự hòa giải và tha thứ, tiêu biểu nhất là nhà thờ Kaiser-Wilhelm-Gedächtniskirche (Nhà thờ tưởng niệm vua Wilhelm) nằm bên công trường ngày xưa gọi là Auguste-Viktoria-Platz (ngày nay Breitscheidplatz).

Nhà thờ nguyên thủy Kaiser-Wilhelm-Gedächtniskirche
Nhà thờ Kaiser-Wilhelm-Gedächtniskirche được khánh thành ngày 01-9-1895 để tưởng niệm hoàng đế Wilhelm I. Nhà thờ đã bị dội bom trong Thế Chiến II ngày 22-11-1943, tất cả tan tành chỉ còn tháp chuông nhà thờ đứng vững và bị cụt đầu. Từ đó tháp chuông được giữ nguyên trạng cụt đầu để thành một nơi nhắc nhở dân tộc Đức về tội phạm chiến tranh và cuối cùng tháp chuông cụt này cũng trở thành biểu tượng của Tây Berlin tự do, một điểm du lịch quan trọng sau cổng thành Brandenburger Tor.

Người Việt không quen đọc tên Kaiser-Wilhelm-Gedächtniskirche, quá dài và phát âm lại khó cho nên đã đặt cho một tên gọi dễ nhớ theo hình thù là "Nhà thờ cụt đầu Berlin".

"Nhà thờ cụt đầu Berlin" là gia sản của Giáo Hội Tin Lành, nhà nước không có một chút quyền nào về đất đai ở đây và cũng chẳng cướp được của người dân viện lý do giữ gìn di tích. Bởi thế theo nhu cầu của giáo dân vào đầu thập niên 1960 giáo xứ đã bàn thảo về việc phá đi xây dựng nhà thờ mới hoặc muốn giữ lại chứng tích. Giáo xứ muốn giữ lại di tích và xây dựng nhà thời mới theo kiểu tháp chuông bát giác cộng thêm toà nhà 8 tầng nằm kế bên. Ngày 17/12/1961 khu nhà thờ mới đã được khánh thành.

Di tích "Nhà thờ cụt đầu" do giáo dân trong giáo xứ quyết định, nhưng bằng khôn ngoan và lợi ích cho cả dân tộc Đức. Cả đạo lẫn đời đều hài lòng về dấu tích của chiến tranh được bảo quản này.

Điểm nhấn ở đây khu đất "Nhà thờ cụt đầu" thật đẹp và có thể nói đắt giá nhất Berlin, một con đường thương mại xầm uất với nhiều cửa hàng hiệu nổi tiếng, với rất nhiều khách sạn, tụ điểm văn hóa và nhà hàng. Không vì thế mà chính phủ Đức lại áp đặt cướp đi với danh nghĩa di tích cần phải giữ lại hoặc giáo xứ tham tiền chạy theo lợi nhuận để phá hủy di tích để cho mặt bằng sử dụng lớn thêm ra. Người Đức thực tế, khôn ngoan biết gìn giữ lịch sử và cũng tôn trọng quyền tư hữu của người dân. Chính quyền biết tôn trọng tự do tôn giáo, biết gìn giữ kỷ cương luật pháp. Chính vì thế nước Đức trở nên hùng mạnh mau chóng, ngay cả các đau thương tuyệt vọng đổ vỡ trong chiến tranh đã được họ khôn khéo xóa sạch và vươn lên trong tự do, dân chủ và phú cường.

Nhìn vào "Nhà thờ cụt đầu Berlin“ chúng ta có thể nghĩ đến nhà thờ Tam Tòa tại Đồng Hới: cả hai đều bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Tại Berlin nhà thờ chỉ còn một tháp chuông cụt đầu cũng như nơi Tam Tòa còn lại một tháp chuông hình tròn nguyên vẹn và hơn Berlin một bức tường và một cây cột gạch đỏ đứng chơi vơi giữa trời. Cả hai nơi đều nằm trên một khu phố đẹp, có lẽ Tam Tòa đẹp hơn vì nằm bên cạnh dòng Nhật Lệ có một vị trí thật đẹp và lý tưởng.

"Nhà thờ cụt đầu Berlin“ chỉ cần sau 10 năm chiến tranh được giáo xứ xác định là một di tích chiến tranh phải được bảo quản gìn giữ. Tuy nhiên không phải là một tố cáo tội phạm chiến tranh nhưng dùng nhà thờ thành một nơi hòa giải cho dân tộc Đức với nhau và với thế giới bên ngoài, nhất là với dân tộc Do Thái. Một mục đích thật cao cả, người ta tìm đến đây để ăn năn thống hối và chung bàn tay kiến tạo hòa bình.

Nhà thờ Tam Tòa tại Đồng Hới đã bị tàn phá năm 1968, đúng 41 năm, chính quyền cộng sản VN đã làm được gì? Họ quan tâm điều gì nơi nhà thờ đổ nát? Khát vọng của giáo dân không có nhà thờ tại Đồng Hới được chính quyền đối xử ra sao? Một điều quan trọng thế giới biết rằng cả nước Việt Nam trong một thành phố không có một nhà thờ để giáo dân thể hiện quyền tự do tôn giáo, đó là Đồng Hới. Điều này là lời tố cáo mạnh mẽ nhất về vi phạm tôn giáo của csVN. Sau 1975 tất cả nhẫn nại từ tòa Tổng giám mục Huế đến giáo dân Đồng Hới đều bị chính quyền địa phương độc địa từ khước không cho một bóng dáng linh mục nào về Đồng Hới phục vụ giáo dân với một lý do vu vơ không có giáo dân ở đấy. Đó là nguyên nhân làm cho giáo dân Tam Tòa bơ vơ như đàn chiên thiếu bóng chủ chiên.

Nhà thờ Tam Tòa di tích lịch sử quá khứ
Đến tháng 5-2006, Đức TGM giáo phận Huế, Đức Cha Têphanô Nguyễn Như Thể quyết định cho sát nhập giáo hạt Nam Quảng Bình (trong đó có giáo xứ Tam Tòa) vào giáo phận Vinh. Từ đó cha Linh mục Lê Thanh Hồng được cử về giáo xứ Sen Bàng cách thành phố Đồng Hới 15 km về hướng Tây.

Một chi tiết thật quan trọng được Gia Minh, phóng viên RFA cho biết trong cuộc phỏng vấn cha Phạm Đình Phùng, gốc Tam Tòa vào ngày 22-7-2009:

„Từ năm 1997 khi Tổng giám mục giáo phận Huế nhờ Giáo phận Vinh cử linh mục vào giúp. Nhưng lúc đó vào giúp một cách kín thôi vì chính quyền không nhất trí.

Năm 2006, Ban tôn giáo chính phủ yêu cầu Giáo Phận Huế phải bàn giao cho Giáo Phận Vinh thì mới cho linh mục vào làm mục vụ. Ngày 15-5-2006 hai giám mục theo yêu của UBND tỉnh Quảng Bình gặp nhau tại ủy ban tỉnh Quảng Bình ký bàn giao sự quản lý về mặt đạo.

Sau đó chúng tôi có đề nghị tái lập lại giáo xứ Tam Tòa tại nhà thờ bị bom phá; lúc đầu thì chính quyền nói tại Đồng Hới không có giáo dân, nhưng sau đó chúng tôi đưa ra giáo dân gồn 600 tín hữu, và sau đó có thêm nhiều người nhập cư làm ăn và sinh viên nên số giáo dân lên đến 1.000.

Sau đó chính quyền thừa nhận có người có đạo sau đó mời tòa giám mục vào và nhất trí cho làm lễ nhưng chỉ cho làm lễ Noel thôi; nhưng chúng tôi vẫn phải làm liều và sau đó thì họ cho làm lễ tại một nhà dân; nhưng rồi số giáo dân đông lên nên không thể làm lễ tại nhà giáo dân đó.

Chúng tôi đề nghị phải được làm lễ trên nền nhà thờ cũ; sau đó thì đức giám mục và cha tổng đại diện cũng vào làm lễ tại đó mấy lần.

Vừa rồi tỉnh Quảng Bình nói nên để phần đất đó để làm di tích chiến tranh, còn nếu tòa giám mục muốn phần đất nào thì họ sẽ cấp cho nơi đẹp nhất, thuận lợi; Tòa giám mục có đề nghị một số lần mà họ không trả lời, nhưng sau đó thì họ chỉ cho 5 phần đất nhưng rất xa có muốn xây nhà thờ cũng không xây được vì quá xa thành phố.

Vừa rồi thì Cha Lê Thanh Hồng phụ trách giáo xứ đề nghị xây dựng một lán trại để làm lễ tạm nhưng khi công việc gần xong thì công an đến phá, rồi đánh đập giáo dân một số bị trọng thương và bắt đi“.


Cộng sản VN có thực sự chăm lo cho đời sống nhân dân không? Có chăm lo đến các di tích quan trọng không? Chỉ nhìn vào tháp nhà thờ Tam Tòa trên một mặt bằng chơ vơ đổ nát vì không một ai bảo quản cho đúng nghĩa một di tích lịch sử suốt 41 năm qua thì người dân dễ dàng nhận ra bẳn mặt độc ác của người csVN còn thua kém hơn cả chế độ thực dân về nhân bản, quyền tư hữu, tư pháp lẫn tôn giáo. Đúng ra csVN qua UBND tỉnh Quảng Bình đã cướp đi nhà thờ Tam Tòa của giáo dân, cướp đi quyền sở hữu của giáo xứ Tam Tòa từ năm 1997 chỉ vì vài chữ mỹ miều làm „di tích tội ác chiến tranh của Mỹ“. Danh gọi này chỉ gây thêm hận thù thay vì tìm cách hòa giải. Điếm nhục thay luôn chửi Mỹ, bây giờ lại ngửa tay cầu viện như một đứa ăn mày cho đến cả việc rước Mỹ vào VN hợp tác quốc phòng song phương để làm le với giặc Tàu phương Bắc.

Các linh mục Quảng Bình thăm Tam Tòa sau khi kh giáo dân bị bắt
CsVN thô bạo đàn áp, đánh đập, bắt bớ giáo dân Tam Tòa, họ phô trương một thế lực công an mật vụ trước những giáo dân tay không tấc sắt. Thế lực này làm việc thật hoàn hảo cà thu dọn hiện trường không còn một vết tích, cả cây thánh giá cũng bị cướp mất đi. Nếu họ thực hiện kiên quyết như thế trong những trường hợp trị an thì đất nước được nhờ rất nhiều. Bài báo Tiền Phong ra ngày 25-7-2009 nói đến trách nhiệm của tỉnh Quảng Bình về vụ „Lâm tặc làm chủ Rào Tre“: „Chỉ cách trung tâm xã Trọng Hóa, Quảng Bình khoảng bảy kilômét đường chim bay, khu vực Rào Tre được xem là địa điểm khai thác gỗ trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở huyện Minh Hóa… Tận mắt chứng kiến hệ thống đường kéo gỗ chằng chịt như ô bàn cờ và hàng chục bãi tập kết gỗ lớn, tỷ lệ thuận với những cánh rừng phòng hộ nơi đây, mới thấy lõi rừng phòng hộ đầu nguồn đang chỉ còn một lớp vỏ bao. Ở khu vực Rào Tre, lâm tặc xây dựng nên một hệ thống đường vận chuyển gỗ liên kết với nhau như ô bàn cờ, mỗi chặng đều có trạm dừng chân và khu vực tập kết gỗ với khối lượng lớn. Điểm dừng của tất cả các tuyến đường vận chuyển gỗ đều ở ven khe Rào Tre. Đặc biệt, ở một số điểm tập kết gỗ, lâm tặc còn đào hố, trữ nước cho trâu tắm để lấy lại sức sau một ngày vất vả kéo gỗ… Những gì mà các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đang tận thấy tại hiện trường chỉ mới là mặt nổi của một vụ phá rừng quy mô đại công trường, có thâm niên tồn tại… Câu hỏi đặt ra là, lực lượng hữu trách Quảng Bình không biết hay cố tình làm ngơ, cùng bắt tay với lâm tặc và các chủ nậu gỗ để phá rừng phòng hộ? Họ có vô can trước tài sản của quốc gia giao cho họ ngày một cạn kiệt, và để cho một nhóm nhỏ ngang nhiên trục lợi?“

Hỡi nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Quảng Bình, thay vì xua quân hùng dũng đánh phá giáo dân Tam Tòa, xin UBND tỉnh Quảng Bình hãy để sức mạnh giải quyết tận gốc nạn lâm tặc Rào Tre, đó mới là trách nhiệm chính đáng của lực lượng công an. Chắc chắn nếu đưa số lượng công an hùng mạnh đến Rào Tre như đã từng đàn áp người dân tại Tam Tòa thì bọn lâm tặc Rào Tre đã không còn lộng hành từ nhiều năm nay.

Trở lại Berlin, người Đức gây ra chiến tranh, hối hận về chiến tranh và nhìn thấy tương lai phải bằng mọi cách ngăn chặn chiến tranh qua việc hòa giải với chính mình và với thế giới. Qua tư duy này giúp họ mau chóng xây dựng đất nước hùng mạnh. Nhà thờ cụt đầu Berlin đã giúp dân tộc Đức không ít trong quá trình tiến triển này ngay trong hiện tại mà còn cho cả tương lai nước Đức thống nhất và cho Liên Hiệp Âu Châu nữa.

Nhà thờ Tam Tòa sẽ làm được vai trò hòa giải như Nhà thờ cụt đầu Berlin nếu giáo dân Tam Tòa được thực hiện quyền tự do tôn giáo, trên hết csVN phải tôn trọng quyền sở hữu đất đai. Tam Tòa sẽ có ích lợi cho VN nếu được giáo dân ở đây xây dựng thành một trung tâm hòa giải theo phương cách của "Nhà thờ cụt đầu Berlin".
 
Tọa đàm về Biển Đông và Hài đảo Việt Nam tại Sàigòn
Trần Hải Châu, Radio Chân Trời Mới
19:25 25/07/2009
SAIGÒN (radiochantroimoi 24/7/2009) - Sau nhiều nỗ lực của ban tổ chức, chiều ngày 24 tháng 7 năm 2009 tại số 43 đường Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn buổi tọa đàm về chủ đề BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM đã chính thức khai mạc. Dự kiến ban đầu, tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục số 182 Nguyễn đình Chiểu – Quận 3, đã không thành và phải chuyển về một phòng nhỏ thuộc giáo xứ Mai Khôi.

Trong diễn văn khai mạc Linh mục P. Nguyễn Thái Hợp, đại diện cho ban tổ chức bao gồm Câu Lạc Bộ Phao Lô Nguyễn văn Bình và Nhà Xuất Bản Tri Thức, nói lên quyết tâm tổ chức buổi tọa đàm dù gặp rất nhiều khó khăn. Ông cho hay vào tháng 3/2009 một cuộc Hội Thảo về chủ quyền ở Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội. Nhưng buổi đó chỉ thu hẹp trong giới chuyên viên chứ không mở rộng cho nhiều thành phần xã hội dân sự. Và đó là lý do hình thức tọa đàm này rất cần thiết đối với một vấn đề của cả dân tộc.

Sau diễn văn khai mạc là Phiên I của cuộc tọa đàm do luật sư Nguyễn Ngọc Bích chủ trì. Trong Phiên I này có 3 tham luận được trình bày:

1. Tham luận: “Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây” của linh mục Thiện Cẩm, O.P. . Ông kể về kỷ niệm 1 chuyến đi thăm Trường Sa và những cảm xúc của ông về nơi đón mặt trời đầu tiên của tổ quốc.

2. Tham luận: “Chủ quyền Biển Đông và Hải Đảo” của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc. Ông đề cập đến nhiều tài liệu và nghiên cứu hơn 20 000 bản đồ để chứng minh những tuyên bố của Trung Quốc là vô căn cứ. Ông đề cập đến nhiều phát hiện mới và vững chắc chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Theo ông, giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Malaysia là khuôn mẫu tuyệt vời để giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Philippin. Phần trình bày của ông dài khoảng 30 phút và được khán phòng tán thưởng sôi nổi.

3. Tham luận: “Đường lưỡi bò trên Biển Đông và Luật quốc Tế” của Thạc sĩ Hoàng Việt giảng viên Đại Học Luật Thành phố trình bày. Ông trình chiếu các hình ảnh tàu hải quân Trung Quốc bắt bớ và ức hiếp các ngư dân Quảng Ngãi. Ông tuyên bố: “Những ‘tàu lạ’ mà báo chí hay dùng chính là tàu của Trung Quốc” giữa tiếng vỗ tay đồng ý của mọi người.

Sau các tham luận là phần dành cho các câu hỏi từ những người tham dự. Chủ yếu các câu hỏi được đặt cho ông Đinh Kim Phúc và ông Hoàng Việt về các luật lệ quốc tế liên quan đến vấn đề tranh chấp hải phận. Trong phần này, bất ngờ tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đăng đàn đóng góp cho phần trả lời, và cả hội trường nóng lên từ đó. Khi trả lời câu hỏi về công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/10/1958, vị tiến sĩ nghẹn ngào một hồi lâu rồi bật lên cảm xúc xót xa, ông nói: “Cần phải điều chỉnh ý thức hệ chiến tranh lạnh. Cả dân tộc ta là nạn nhân của chiến tranh lạnh”. Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết, theo hiệp định Genève thì từ vĩ tuyến 17 trở vào là của Miền Nam, nên ông Phạm văn Đồng không có quyền gì mà công nhận nó là của ai và trao tặng nó cho ai. Ngay cả chính quyền Việt nam Cộng Hòa cũng không có quyền làm việc sai trái như vậy.

Sau phần giải lao là Phiên II của buổi tọa đàm. Phần này có 2 bài tham luận:

1. Tham luận: “Vai trò của Nhà Nguyễn với Biển Đông” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng. Ông là tác giả cuốn HOÀNG SA & TRƯỜNG SA. Trước khi trình bày bài tham luận ông thuật lại việc bị công an xách nhiễu mấy ngày nay. Ông đi đến buổi tọa đàm trễ vì bị an ninh làm khó dễ. Hôm kia thì họ khuyên ông không nên tham dự làm gì. Chiều hôm qua (23/7/2009) thì họ báo tin là buổi tọa đàm đã kết thúc và người ta đang tổ chức ăn mừng. Ông gọi điện kiểm tra thì quả đúng là “tin vịt”.

Ông cũng cho biết: “Cuốn sách HOÀNG SA & TRƯỜNG SA bị làm khó dễ nhưng cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi và đã phát hành”. Có nhà báo đe dọa ông coi chừng bị tình báo Trung Quốc “khử” nhưng ông mặc kệ. Và nhà báo này cho hay là tình báo Trung Quốc hoạt động ở Việt nam nhiều vô kể. Tham luận của ông chính là bản tóm tắt cuốn sách đó.

Ông cho biết Bộ Ngoại Giao đã liên lạc với ông và chịu trả chi phí để ông dịch cuốn này sang Anh Ngữ để phát hành ở “Hải Ngoại”.

Ông bức xúc khi chính “Ông chủ tịch huyện Đảo Hoàng Sa” ở Thành phố Đà Nẵng, quê hương của ông, gọi vào hỏi thăm “chứ ông viết cái gì ở trong đó?”. Câu hỏi ngớ ngẩn ấy làm cả khán phòng bật cười.

Người tham dự vỗ tay hăng hái nhất khi ông so sánh giữa việc Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho các nhà nghiên cứu của họ đi tìm chứng cứ về “Tây Sa và Nam Sa” và sự thờ ơ của nhà cầm quyền Việt Nam về chủ quyền của ta trên “Hoàng Sa và Trường Sa”.

Do ông trình bày khá “đụng chạm” nên linh mục Nguyễn Thái Hợp có ý nhắc nhở. Ông đành dứt lời để nhường cho diễn giả kế tiếp.

2. Tham luận: “Quan Điểm của Việt Nam về Trường Sa và Hoàng Sa” của tiến sĩ Nguyễn Nhã. Ông công bố việc dân binh Quảng Ngãi giúp triều đình nhà Nguyễn trồng cây xanh trên các đảo và nhiều chứng cứ khác về chủ quyền của Việt Nam. Trong phần này, ông Nguyễn Nhã bớt xúc động hơn phần ông trả lời ban đầu nhưng vẫn rất quyết liệt. Ông phản bác các tuyên bố của phía Trung Quốc rằng Hoàng sa và Trường Sa vô chủ cho đến năm 1909. Và vào năm đó Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra Hoàng Sa và Trường Sa. Ông thách thức các học giả, các luận án tiến sĩ chứng minh Trường Sa và Hoàng Sa vô chủ đến năm 1909. Ông dẫn chứng thí dụ 1 tiến sĩ uy tín của Đài Loan đã rất ngạc nhiên khi thấy những chứng cứ lịch sử của Việt Nam do ông cung cấp.

Khoảng 200 diễn giả và người tham dự say sưa theo dõi các trao đổi bất kể sự trà trộn của hơn 10 nhân viên công an mà chúng tôi nhận mặt được qua các động thái của họ. Chúng tôi cũng thấy có 2 sinh viên mặc áo thun trắng in hình bản đồ Việt Nam với hàng chữ Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, tiến sĩ Chu Hảo và Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đã không đến được buổi tọa đàm hôm nay như đã dự trù trong chương trình.

Phiên III của buổi tọa đàm sẽ bắt đầu vào sáng ngày mai, lúc 8 giờ ngày 25 tháng 7 năm 2009, do chính linh mục Nguyễn Thái Hợp chủ trì.

Theo chương trình sẽ có 3 bài tham luận – nhà sử học Nguyễn Đình Đẩu với tham luận Sưu tập bản đồ về Biển Đông và hải đảo VN; tiến sĩ Phan Đăng Thanh với tham luận Luật pháp Quốc tế về Biển Đông và hải đảo; và nhà văn Nguyên Ngọc với tham luận Nỗi niềm Biển Đông.

Ban tổ chức cung cấp các số điện thoại 0918456754, 0903962431, 0903110140 để giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cách đến địa điểm tọa đàm.

(Nguồn: http://radiochantroimoi.wordpress.com/)
 
Thông cáo khẩn cấp của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo
19:47 25/07/2009
Theo nội dung thông cáo số 2 đề ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Văn Phòng Thơ Ký Tòa Giám Mục Xã Đoài, bắt đầu vào ngày Chúa Nhật 26 tháng 7 năm 2009, toàn thể giáo phận Vinh, từ Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ, đến toàn thể giáo dân sẽ ĐỒNG LOẠT THỂ HIỆN TINH THẦN HIỆP THÔNG cầu nguyện cho Tam Tòa và giáo phận.

Và cũng theo tin của Liên Hiệp Truyền Thông mới nhận được từ Xã Đoài, ngày mai, Chúa Nhật 26/7/2009, đúng 7 giờ sáng, 500.000 giáo dân Giáo phận Vinh sẽ tập trung cầu nguyện cho các giáo dân và các nạn nhân Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình, đồng thời cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Quảng Bình sáng suốt biết phân biệt lẽ phải, sự thật, công lý, hòa bình trong việc giải quyết vụ giáo xứ Tam Tòa.

Tòan thể các giáo dân sẽ tập trung về nhà thờ của 19 Giáo Hạt trong toàn giáo phận để cử hành thánh lễ Chúa Nhật cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa và tất cả các thánh đường, cơ sở tôn giáo của các Giáo xứ, Giáo họ, Giáo hạt sẽ được căng băng rôn với khẩu hiệu nói lên lòng bất khuất của giáo dân trong vụ Tam Tòa

Trước tinh thần quyết tâm và kiên cường của giáo dân Giáo Phận Vinh Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo tâm đầu ý hợp hiệp thông với Giáo Phận Vinh, và đồng thời đề nghị tất cả các cộng đoàn, giáo xứ, giáo họ, các giáo phận trong và ngoài nước, khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật ngày mai 26.7.2009, xin dành ra mấy phút đặc biệt truớc hay sau thánh lễ để cầu nguyện cho hàng giáo phẩm và những anh chị em giáo phận Vinh, đặc biệt giáo dân Tam Tòa vượt thắng được biến cố nghiêm trọng đầy chính nghĩa này.
 
Giáo xứ Thanh Dạ hiệp thông cùng giáo phận vinh hướng về Tam Toà
Gx Thanh Dạ
21:47 25/07/2009
VINH - “Lạy Chúa xin cho chúng con được hợp nhất nên một”

Được nghe công báo của toà Giám Mục Xã Đoài về vụ việc ngày 20/7/2009 tại giáo xứ Tam Toà (thuộc giáo phận Vinh), Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Giáo xứ Thanh Dạ hiệp thông cùng giáo phận Vinh hướng về Tam Toà cầu nguyện cho sự thật công lí được mau thể hiện.

Ước vọng của giáo dân giáo xứ Tam Toà là mong muốn có một ngôi thánh đường để làm nơi cầu nguyện và dâng thánh lễ. Ước vọng đó đã trở thành hiện thực nhờ những tấm lòng hảo tâm và tinh thần xây dựng nhà Chúa trong điều kiện thời tiết nóng như lửa thiêu, giáo dân nơi đây đã dựng một nhà tạm trên nền nhà thờ Tam Toà để có nơi thờ tự và dâng lễ. Ngôi nhà tạm là nơi để quy tụ mọi người dân của giáo xứ, là nơi tôn kính linh thiêng, là linh hồn và là niềm tự hào của giáo xứ Tam Toà. Thế mà công việc vừa hoàn thành thì Công an tỉnh Quảng Bình đã tới phá đổ nhà tạm, đánh đập và bắt giữ nhiều giáo dân, lấy đi tất cả những tài sản nơi hiện trường, một bà cụ khi nhìn thấy Cây Thánh Giá của ngôi nhà tạm bị rơi xuống bà đã ôm Thánh Giá khóc thế mà cũng bị công An bắt bỏ lên xe bịt kín đem đi.

Trước tình cảnh đau thương và bất công của giáo xứ Tam Toà, bà con giáo dân xứ Thanh Dạ vừa cảm thông vừa căm phẫn trước những hành động đối xử bất công và tàn nhẫn của công an thành phố Quảng Bình đối với bà con giáo xứ.

Trong tình hiệp nhất cùng với hơn nữa triệu giáo dân trong toàn giáo phận Vinh và những người yêu chuộng công lí và hoà bình trên toàn thế giới, giáo xứ Thanh Dạ dưới sự hướng dẫn của cha quản xứ đã tổ chức một cuộc rước nến và chầu Thánh thể quy mô lớn với hơn mười ngàn người tham gia, những con tim như cùng một nhịp đập không ai bảo ai đúng vào lúc 19h 45 phút ngày 23/7/2009 tất cả cùng cầm nến trên tay quy tụ về nhà thờ đi vào đoàn rước một cách sốt sắng và trang nghiêm với lời kinh hoà bình.

Sau cuộc rước mọi người quy tụ về nhà thờ xứ và chầu Thánh Thể cầu nguyện cho giáo hội Việt Nam nói chung và giáo phận Vinh nói riêng, đặc biệt là cho giáo xứ Tam Toà, những người bị bách hại được trả tự do. Những mảnh đất thánh thiêng bị xâm lấn, những tài sản của giáo hội đang bị cướp bóc được trả về.

Xin Chúa cho những nhà lãnh đạo biết nhận ra tự do, nhân quyền, công lí và sự thật, biết tôn trọng những giá trị của người khác đặc biệt là những người dân lương thiện.

Sau giờ chầu Thánh Thể mọi người tin rằng có ơn Chúa tác động và chở che nhờ lời cầu bầu của mẹ Maria người dân giáo xứ Tam Toà sẽ biến đau thương thành những hành động và công lí sẽ được thực thi, hoà bình lại đến với đoàn chiên trong giáo phận.
 
Giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa
Gx Tân Lộc
21:56 25/07/2009
CỬA LÒ, VINH - Tối nay vào lúc 7h ngày 25/7/2009, Toàn thể con cái giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò tập trung về trung tâm giáo đường cùng với tượng Mẹ Hằng Cứu giúp để chầu Thánh Thể và thắp nến cầu nguyện " Cho anh chị em giáo xứ Tam Toà bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ".

Khoảng 18h ngày 25/7 tất cả các công tác chuẩn bị cho công việc thắp nến cầu nguyện và thánh lễ ngày mai toàn giáo hạt về hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em giáo xứ Tam Toà đã hoàn tất, các băng rôn, khẩu hiệu được treo chính giữa trung tâm trên tháp chuông nhà thờ với nền vàng chữ đỏ mang dòng chữ " Cầu nguyện cho giáo dân xứ Tam Toà bị công an Quảng Bình đánh đập và bắt giữ" ngoài đường trục lộ 46 đi vào giáo xứ có băng rôn với dòng chữ" Cầu nguyễn cho giáo xứ Tâm Toà" các băng rôn của các đoàn thể cũng được làm xong cho thánh lễ ngày mai 26/7 rước nhập lễ.

Trước, trong, sau buổi thắp nến cầu nguyện và giờ chầu Thánh Thể, cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng kêu gọi tất cả mọi người hãy hướng về anh chị em giáo xứ Tam Toà đặc biệt là những anh chị em đang bị đánh đập và bắt giữ, Ngài nhấn mạnh trong thời đại đầy bất công của một chế độ độc ác và giã man này chúng ta hãy cảnh giác trước mưu mô thâm độc của ma quỷ, một chế độ vô thần thì không thể còn sợ tội và không hề có đạo đức lương tâm và khi cần thì nó sẻ làm bừa bất chấp mọi thủ đoạn gian ác, cả hàng nghìn con tim giáo xứ Tân Lộc bên bến cảng thương mại và khu du lịch Cửa Lò nổi tiếng đang nghẹn ngào thương xót cho những anh chị em mình, mấy ngày hôm nay trên mạng đã đưa tin rất nhiều về tình hình giáo xứ Tam Toà, nhất là những cuộc phỏng vấn ngắn của một số anh chị em tại xứ Tam Toà, bà con đã được nghe, được đọc và được nhìn thấy một số sự việc xảy ra tại giáo xứ Tam Toà, nếu công an không cướp đi tất cả những chứng cứ như máy ảnh, quay phim thì chắc rằng những hành động dã man ghê rợn mà công an quảng bình đã làm trong buổi sáng ngày 20/7 sẻ làm cho cả thế giới kinh hoàng.

Đêm nay 21 bàn thờ Mẹ Hằng Cứu Giúp được 21 tổ chia sẻ rước về trung tâm giáo đường để cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp và hơn 6000 com tim giáo xứ Tân Lộc hướng về con cái Mẹ, những anh chị em giáo xứ Tam toà thân yêu của chúng ta đang bị bách hại nặng nề, tất cả như muốn cùng Mẹ gửi tới những anh chị em giáo xứ Tam Toà rằng" anh chị em hảy kiên vững chúng tôi luôn đồng hành với anh chị em". Buổi cầu nguyện kết thúc trong sự thổn thức nghẹ ngào vì không biết đêm nay những vết thương của anh chị em giáo xứ Tam Toà mình có bị cào rách bởi bầy quỷ dữ ngày đêm xâu xé làm cho đau đớn canh dài. Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp đến nâng đỡ và thoa dịu cùng an ủi vỗ về canh chừng và ru cho con cái Mẹ yên giấc trong đêm.
 
Anh chị em Giáo xứ Tam Tòa tiếp tục cầu nguyện cho anh em còn đang bị giam giữa
Jos_Thong
22:05 25/07/2009
HÀ NỘI - Tối nay lúc 21h thứ 7 ngày 25-7, Giáo Xứ Tam Tòa tiếp tục cầu nguyện cho anh chị em hiện đang bị chính quyền Quảng Bình bắt giữ.

Cầu nguyện đó là một điểm nỗi bật trong Đức Tin của người KiTô hữu, cũng như thường lệ cộng đoàn Tam Tòa quy tụ bên nhau, bên ngôi nhà nguyện tầng 3 của một tư gia để dâng lên Thiên Chúa là Cha những vui buồn sướng khổ của cuộc sống thường ngày.

Đêm nay không khí có thêm phần bi ai, não nề hơn, bởi trong những ngày qua Tam Tòa trở nên tang tóc đau thương vì Chúa mình bị xúc phạm, anh chị em thì đang bị bắt bớ giam cầm, hiện vẫn chưa có thông tin gì về những người thân này.

Trong nỗi bi ai của Tam Tòa, họ chỉ biết cầu nguyện là niềm sức mạnh thiêng liêng giúp họ vượt qua những đau khổ hiện tại họ đang phải gánh chịu.

Trước tình hình đó, Tam Tòa hơn bao giờ hết cần sự hiệp thông sâu xa của tất cả mọi Tín Hữu và những người yêu chuộng công lý bằng lời cầu nguyện và những việc làm cụ thể.

Ánh nến sáng mà anh chị em Tam Tòa thắp đêm nay như một thông điệp nối dài gửi tới mọi người khắp toàn thế giới hãy ra đi làm chứng cho công lý và sự thật, nhờ đó thế giới bớt đau thương và bất công.

Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, chúng ta tin rằng một ngày nào đó Tam Tòa cũng sẽ Phục sinh như Người, bởi vì họ đã tin vào Chúa và đã cùng qua đau khổ như Đức KiTô.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tràng Tiền Đêm Trên Sông Hương
Lm. Tâm Duy
14:06 25/07/2009

TRÀNG TIỀN ĐÊM TRÊN SÔNG HƯƠNG



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Đêm trườn dần vào sông Hương

tiếng hò vỡ dưới gầm Tràng Tiền

Khúc Nam Ai những cung phi góa bụa

chèo thuyền vớt xác mình trên sông..!

(Trích thơ của Phan Huyền Thư)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền