Ngày 25-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa chạnh lòng thương
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
02:01 25/07/2011
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 14, 13-21

Chúa Giêsu trong ba năm đi giảng đạo cùng với các môn đệ, Ngài đã đối diện với đám đông dân chúng. Ngài đã hiểu rõ dân cần gì, dân khao khát gì. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không dạy giáo lý với những lý thuyết xa vời, khô khan. Ngài đã không cho dân chúng những lời nói cứng nhắc, hay những tư tưởng cao vời, những khái niệm trừu tượng, trên mây trên gió. Chúa luôn thực tế, Ngài chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền, xoa dịu những người đau khổ, khó khăn. Ngài thương dân chúng bơ vơ, lạc lõng không có người chăn dắt. Hôm nay, Chúa thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy, Ngài sợ họ đói, họ khát, nên “ Ngài chạnh lòng thương “ ( Mt 14, 14 ).

Lịch sử dân Do Thái còn rõ rành rành cho nhân loại và bài học Thiên Chúa nuôi dân Do Thái đi trong sa mạc về đất hứa xưa luôn là bài học để đời. Môsê đã cầu khẩn Chúa khi dân chúng không có lương thực, không có nước uống trong sa mạc tiến về hứa địa. Lời khẩn cầu của Môsê luôn được Chúa chấp nhận. Ngài đã ban Manna cho họ. Hôm nay, trước một đám dân đông đúc, Chúa thương họ. Dù rằng các môn đệ cũng thương dân nhưng các Ngài vẫn chưa hiểu thấu nỗi lòng của những người dân trong hoang địa hiu quạnh, xa vắng, không có gì ăn. Nên, lòng thương xót của Chúa quả thực cao vời, Ngài đã làm cho bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi dân chúng. Và chỉ với năm chiếc bánh, với hai con cá, Chúa đã làm phép lạ để nuôi “ năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà trẻ con “ ( Mt 14, 21 ) được ăn no nê và còn dư dật. Chúa thực hiện phép lạ này để minh chứng lòng thương xót của Chúa đối với đám đông, đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta. Nếu giải pháp các môn đệ đưa ra là “ giải tán đám đông “ được coi là ổn thì quả thực lòng thương xót chưa phải là thật vì đó mới chỉ là thương xót nói trên đầu môi, chóp lưỡi. Chúa thực hiện phép lạ ấy để dạy chúng ta hãy làm như Chúa, hãy sống và đối xử, có thái độ như Chúa trước nhu cầu thiết thực của con người.

Ngày nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé và hết sức âm thầm của mình cho anh em đồng loại, đặc biệt cho những người nghèo chung quanh chúng ta. Chúa đợi chờ chúng ta một chút tế nhị, một chút tình thương. Chắc chắn, qua cử chỉ bác ái, qua tình thương của chúng ta đối với những người nghèo, những người gặp khó khăn, nhiều người sẽ nhận ra bộ mặt đầy nhân từ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vâng, những người nghèo sẽ không đáng chết vì thế giới còn biết bao nước giầu, thế giới còn biết bao lương thực, tài nguyên chưa được phân phối đồng đều. Tin Mừng cho thấy, người phú hộ giầu có đâu có biết chạnh thương người nghèo Lazarô ăn xin.Thế giới còn nhan nhản những người giầu ăn không hết, của cải không biết bỏ đâu, nhưng họ không biết cho đi, chia sẻ và làm việc từ thiện. Nhiều nước giầu đã đem lương thực đổ ra biển vì sơ quá hạn xử dụng. Thế giới quả không thiếu lương thực nhưng chỉ thiếu những người biết chạnh lòng thương. Lương thực rất cần thiết để sống nhưng con người rất cần tình thương để tồn tại. Chúa Giêsu đã thấu hiểu điều đó, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ :” Chính các con hãy cho họ ăn “.

Biết bao nhiêu gương của những vị thánh, của những con người có lòng tốt, có lòng chạnh thương đã để lại cho nhân loại sự kính phục, trân trọng vì nhờ họ mà bao nhiêu người được chia sẻ, được cứu sống. Chân phước Têrêsa Calcutta đã làm say đắm và thán phục cả thế giới vì gương bác ái của Mẹ. Biết bao vị thánh đã trao ban chính bản thân của mình để cứu nhiều người. Bạc tiền, lương thực cần thật đó, nhưng lòng thương sâu xa sẽ giải thoát và cứu sống con người. Thánh Phaolô đã nói :” Cho thì có phúc hơn nhận lãnh “.

Thế giới này, nhân loại này sẽ đẹp, sẽ tốt hơn, sẽ ấm áp hơn nếu con người có lòng chạnh thương và biết cho đi, biết trao ban. Chúa Giêsu đã làm gương cho nhân loại khi Ngài trao ban chính Mình Máu của Người làm lương thực nuôi sống con người. Tình yêu vô vị lợi, tình yêu xả kỷ của Người được thể hiện nơi Thập Giá. Chính cái chết của Chúa Giêsu nơi Thập Giá là lời chứng hùng hồn nhất về tình yêu xả kỷ, tình yêu trao ban Chúa để lại cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.

Trao ban sẽ được lại và cho đi sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại tình yêu cao vời nhất, tình yêu hoàn hảo nhất :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13) và Ngài nói :” Chính tôi là bánh trường sinh . Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ “ ( Ga 6, 35 ).

Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời ( Lời nguyện hiệp lễ, Chúa Nhật XVIII thường niên, năm A ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Tại sao các môn đệ lại xin Chúa giải tán đám đông ?
2. Thấy đám đông đông đúc, Chúa Giêsu làm sao ?
3. Tại sao Chúa lại dùng 05 chiếc bánh và 02 con cá để làm phép lạ ?
4. Qua phép lạ này, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì ?
5. Chúng ta cảm nghiệm sao khi Chúa hóa bánh và cá để nuôi sống đám đông dân chúng ?
6. Thế giới sẽ ra sao khi con người yêu thương nhau ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tôn giáo và các cuộc tranh chấp hoàn cầu
Vũ Văn An
06:22 25/07/2011
Gần đến ngày kỷ niệm 10 năm cuộc tấn công 11 tháng 9, vai trò của tôn giáo trong các cuộc tranh chấp và chính trị tiếp tục được các nhà chuyên môn tranh luận. Một trong các đóng góp gần đây vào cuộc tranh luận này là cuốn “Tôn Giáo, Bản Sắc, Và Việc Cai Trị Hoàn Cầu: Các Ý Niệm, Chứng Cớ, và Thực Hành” (Religion, Identity, and Global Governance: Ideas, Evidence, and Practice) do Đại Học Toronto xuất bản và được Patrick James, thuộc Đại Học Nam California, chủ biên, gồm nhiều tham luận đọc trong một hội nghị hồi tháng 10 năm 2007.

Jonh F. Stack, một giáo sư tại Đại Học Quốc Tế Florida, phụ trách một trong các chương nói về sự thách đố đối với học thuyết liên hệ quốc tế. Ông cho rằng ngay trước các biến cố của thập niên trước, điều rõ ràng là tôn giáo, thay vì biến mất, vẫn còn là một lực lượng mạnh mẽ có tính hoàn cầu.

Tại Mỹ, chẳng hạn, các ảnh hưởng của Thệ Phản và Tin Lành vẫn đóng vai trò chính trong nền chính trị trong nước. Từ ngày chế độ Cộng Sản xụp đổ, tôn giáo đã trở lại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ. Trong khi ấy, ảnh hưởng của Hồi Giáo đã trở nên hiển nhiên tại Phi Châu, tại Á Châu, và Âu Châu.

Dù thế, Stack cho rằng học thuyết liên hệ quốc tế phần lớn làm ngơ vai trò của tôn giáo. Nhiều trường hợp trong thế kỷ 20, các tư tưởng gia có ảnh hưởng trong ngành khoa học xã hội đã đưa ra lý thuyết cho rằng tôn giáo không những không có liên hệ gì, mà còn đang từ từ biến mất.

Lý thuyết ấy đang bị sự hiện diện dai dẳng của tôn giáo và ảnh hưởng rõ ràng của nó buộc phải thay đổi. Stack cho rằng tôn giáo vẫn còn nhiều liên hệ, vì nó là chiều kích căn bản của đời người, luôn ảnh hưởng tới văn hóa, truyền thống và thế giới quan.

Ông bảo: “niềm tin tôn giáo có thể không thoải mái đối với các khoa học gia xã hội của Tây Phương trong việc họ nghiên cứu tác phong các cá nhân, các nhóm, các phong trào xã hội, hay các nhà nước, nhưng nó vang động một cách sâu xa trong các giá trị và chọn lựa nền tảng nhất”.

Nói thế rồi, ông nhìn nhận việc đôi khi khó có thể tính toán được vai trò đặc thù của tôn giáo và biện phân được việc phải chăng tôn giáo chỉ là cái vỏ bọc cho nhiều nhân tố khác như tính sắc tộc, văn hóa hay các nhóm quyền lực.

Phản ứng cực đoan

Tham luận của Ron E. Hassner thì cho rằng thập niên vừa qua cho ra đời rất nhiều nghiên cứu về tôn giáo và sự vụ quốc tế. Là phụ tá giáo sư tại Đại Học California ở Berkeley, tác giả này cho hay: kể từ biến cố 11 tháng 9, số sách nói về Hồi Giáo và chiến tranh đã vượt hẳn số sách nói về cùng những đề tài này kể từ đó trở về lúc sáng chế ra nghề in.

Nhưng ông chỉ trích điều ông gọi là “phản ứng cực đoan sùi bọt mép có tính thế tục” của rất nhiều sách vở hiện nay. Ông bảo: “bác bỏ tôn giáo như một hình thức điên loạn tập thể đầy nguy hiểm không những là vô lý mà còn vô ích nữa vì người ta không thể vừa bác bỏ vừa tìm cách hiểu tôn giáo’.

Hassner cho rằng các tác giả như Richard Dawkins, Sam Harris, và Christopher Hitchins cho thấy một thứ tiêu chuẩn nước đôi lộ liễu. Bất cứ nơi đâu tôn giáo có liên hệ với chiến tranh, các tác giả này đều cho là có liên hệ nhân quả. Đồng thời, họ lại bác bỏ bất cứ sự liên kết nào giữa tôn giáo và việc cổ vũ luân lý, văn hóa hay khoa học.

Trong tham luận của mình, Cecilia Lynch, một giáo sư tại Đại Học California, đề xuất một phương thức nghiên cứu tôn giáo khác hẳn với phương thức của Dawkins và nhiều người khác. Bà cho hay: điều quan trọng là phải nhìn vào việc thực hành tôn giáo, chứ không phải tín lý.

Ta cũng cần hiểu rằng dù tôn giáo cung cấp các hướng dẫn đạo đức, nhưng luôn có những khoảng cách dành cho việc giải thích. Lynch khẳng định rằng: Các tín lý và truyền thống tôn giáo không bao giờ chiếm hết mọi biến cố điều hướng tác phong người ta.

Ngoài ra, ta phải quan niệm rằng niềm tin và hành động tôn giáo luôn được lên khuôn nhờ các hoàn cảnh và truyền thống lịch sử cũng như các nhân tố kinh tế và xã hội hiện nay. Một trong các phạm vi của tôn giáo được Lynch chú tâm là việc họ can dự vào hoạt động nhân đạo. Sau một số tranh chấp trong các thập niên qua liên hệ tới cả người Kitô Giáo lẫn người Hồi Giáo, hiện nay, các cơ quan nhân đạo của họ đã bắt làm việc chung với nhau.

Ngoài ra, các nhóm thế tục cũng buộc phải thích ứng khi làm việc tại các xã hội đa số theo Hồi Giáo. Tuy nhiên, kể từ các biến cố trong năm 2001, một số quốc gia tỏ ra hoài nghi đối với các nhóm viện trợ duy Hồi Giáo.

Chiến tranh chính nghĩa

James L. Heft, một linh mục thuộc Dòng Marianist và là giáo sư tại Đại Học Nam California, thì khảo sát lý thuyết chiến tranh chính nghĩa và cách giải thích về nó của Đức Gioan Phaolô II. Theo ngài, Đức Gioan Phaolô II khai triển một lối hiểu giáo huấn về chiến tranh chính nghĩa làm cho người ta khó biện minh chiến tranh hơn; Đức Giáo Hoàng cũng đặt thứ chiến tranh này trong một khuôn khổ đạo đức đòi phải dùng các phương tiện bất bạo động để giải quyết các tranh chấp.

Vị linh mục này cho biết thêm: khuynh hướng trên thực ra đã có trước cả Đức Gioan Phaolô II. Sau khi bị mất các lãnh thổ giáo hoàng và quyền bính thế tục, Giáo Hội Công Giáo được tự do hơn trong việc bênh vực quyền lợi người khác và có khuynh hướng chống đối chiến tranh nhiều hơn. Ngài nói rằng khuynh hướng này đặc biệt hiển nhiên trong thông điệp Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII, công bố năm 1963. Rồi ngày 4 tháng 10 năm 1965, Đức Phaolô VI nói chuyện tại tại Liên Hiệp Quốc với lời kêu gọi thống thiết: “Đừng có chiến tranh nữa, đừng bao giờ gây chiến lại nữa”.

Thời Đức Gioan Phaolô II, linh mục Heft cho rằng cả trong các thông điệp lẫn các diễn văn, vị giáo hoàng này đều bênh vực nhân quyền và liên tiếp chống đối chiến tranh. Ngài không hoàn toàn loại bỏ việc dùng vũ lực, nhưng phải hạn chế việc đó. Theo vị linh mục này, các biến cố trong năm 1989, tức việc giải phóng Đông Âu mà không cần chiến tranh, đã củng cố xác tín của Đức Giáo Hoàng vào sức mạnh của các phương thế bất bạo động. Đó là điều được ngài chi tiết hóa trong thông điệp "Centesimus Annus" hai năm sau đó.

Trong các năm sau đó, Đức Gioan Phaolô II cực lực phản đối cuộc xâm lăng Iraq. Tuy thế, theo linh mục Heft, Đức Giáo Hoàng đã thận trọng ủng hộ việc lật đổ chính phủ Taliban ở Afghanistan. Trong thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002, ngài nói người ta có quyền tự vệ chống lại khủng bố. Song song với chủ trương ấy, ngài cũng ủng hộ việc can thiệp nhân đạo tại Nam Tư cũ. Xét chung, vì ý thức được các hậu quả của chiến tranh, nên Đức Gioan Phaolô II chống đối việc sử dụng bạo lực,

Làm trung gian

Đề cập tới hòa bình, Robert B. Lloyd nói đến các phương thức có nền tảng đức tin để giải quyết tranh chấp. Là một giáo sư tại Đại Học Pepperdine, Lloyd nhấn mạnh rằng nhiều nhân vật như cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ, bà Madeleine Albright, đã quả quyết rằng nền ngoại giao đặt căn bản trên đức tin là phương thế hữu ích trong chính sách ngoại giao.

Lloyd tập trung chú ý vào Kitô Giáo. Ông cho hay: thế giới không thiếu người trung gian, nhưng một trung gian Kitô Giáo có khác, nhờ được đào tạo trong một cộng đồng tôn giáo đặc thù. Liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, Lloyd cho rằng Giáo Hội này có một lịch sử làm trung gian lâu dài. Hiệp Ước Tordesillas năm 1494, do Đức Giáo Hoàng Alexander VII làm trung gian, đã giải quyết được cuộc tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đối với quyền kiểm soát các lãnh thổ vừa khám phá được ở Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu.

Gần đây, năm 1984, một hiệp ước đã được ký kết giữa Chile và Argentina để giải quyết cuộc tranh chấp đối với các đảo tại Vịnh Beagle. Việc làm trung gian của Giáo Hội đã giúp giải quyết được cuộc tranh chấp lúc ấy đang làm hai quốc gia đứng bên bờ chiến tranh.

Lloyd cũng nhắc người ta nhớ tới Cộng Đồng Sant'Egidio ở Rôma. Cộng Đồng này đóng một vai trò chủ chốt trong việc làm trung gian để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 15 năm tại Mozambique. Có điều gì khác biệt trong việc làm trung gian của Kitô Giáo không? Lloyd bảo có. Theo ông, người Kitô hữu nhấn mạnh hơn tới hòa giải hoặc xây dựng các mối liên hệ trước đó không có. Một quan tâm khác của họ là tìm kiếm một giải pháp công chính. Công lý dựa trên Thánh Kinh cung cấp thêm động lực cho người Kitô Giáo hơn các trung gian viên khác.

Đặc điểm thứ ba được Lloyd nhắc đến là việc các trung gian viên Kitô Giáo chuộng vai trò của thương thảo hơn, và nhất là thiết lập ra những đường truyền thông giữa các phe tranh chấp ở những nơi trước đó không có. Giống các đối tác thế tục, các trung gian Kitô Giáo không luôn luôn thành công, nhưng Llyod cho rằng việc này cho thấy bản sắc mạnh về tôn giáo không phải chỉ là nguồn gốc gây tranh chấp, nhưng nó cũng là một phương thế tạo hòa bình và hoà giải.

Theo Cha John Flynn, LC, Zenit 24 tháng 7
 
Đức TGM Charles Chaput nói về bổ nhiệm mới của mình
Jos. Trần Quang Khôi
06:35 25/07/2011
Denver, CO - Ngày 19 Tháng 7, Đức Hồng Y Justin Rigali công bố, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã chấp nhận đơn từ chức của Ngài và bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục giáo phận Denver, Charles Joseph Chaput, OFM Cap làm Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Philadelphia, Pennsylvania. Đức tân Tổng Giám Mục sẽ nhậm chức vào ngày 8 tháng 9.

Đây là bài phỏng vấn của ký giả Roxanne King, bán nguyệt san Denver Catholic Register (DCR) với Đức Tổng Giám Mục Chaput về việc bổ nhiệm.

King: Khi nào và như thế nào Đức Cha được biết về sự bổ nhiệm?

ĐTGM Chaput: Tôi biết về thông tin này tại Denver, trong văn phòng của tôi, vào khoảng 12:15PM ngày Thứ Ba, ngày 5 tháng 7. Vừa kết thúc một cuộc họp, thư ký của tôi thông báo Đức Tổng Giám Mục (Pietro) Sambi đang chờ tôi trên điện thoại. Sau một số lời của chào mừng, Đức Tổng Giám Mục Sambi nói với tôi rằng Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tôi là Tổng Giám Mục Philadelphia và hỏi sự đồng ý của tôi. Tôi đã thưa xin vâng.

King: Phản ứng của Đức Cha với thông tin đó như thế nào?

ĐTGM Chaput: Có nhiều tin đồn cho rằng tôi có thể chuyển đến Philadelphia, nhưng trên thực tế, các vị Giám Mục không rời Colorado để đến Philadelphia, ít ra là không phải thường xuyên. Tôi chưa bao giờ đón nhận các tin đồn một cách nghiêm túc, vì vậy tôi thực sự rất ngạc nhiên về điều này khi nó được xảy đến. Tôi không từng mong đợi vào sự bổ nhiệm này.

King: TGP Philadelphia đang gặp khủng hoảng của một vụ bê bối lạm dụng tình dục. Điều gì khiến Đức Cha cảm thấy tự tin để gánh vác trách nhiệm của một giáo phận trong tình trạng như vậy?

ĐTGM Chaput: Tôi muốn đi đến Philadelphia bằng một trái tim rộng mở, tâm hồn rộng mở và mong chờ được trở thành người cha của giáo phận. Mỗi gia đình đều có riêng nhiều vấn đề và đôi khi những ký ức lịch sử này khó khăn hơn những ký ức khác.

Tôi biết rằng TGP Philadelphia đang ở trong một thời điểm quan trọng trong của lịch sử. Đồng thời, Philadelphia đã và đang có được một Giáo Hội tốt đẹp và huy hoàng trong nhiều năm, kể từ khi thành lập đất nước của chúng ta. Điều quan trọng là không để đánh mất niềm tin vào tương lai bởi những chuyện đang xảy ra trong hiện tại. Tôi đến với giáo phận bằng sự tự tin và hy vọng rằng sự hiện diện của tôi sẽ giúp các linh mục và người dân của Tổng Giáo Phận trong những cách thức phù hợp, để mọi người được giúp đỡ và vinh quang Thiên Chúa được thể hiện.

King: Con biết Đức Cha sẽ nhận Tông Tòa ở Philadelphia vào tháng Chín, Đức Cha sẽ ở đâu trong suốt thời gian này?

ĐTGM Chaput: Tôi gần như sẽ ở Denver từ bây giờ và cho đến thời điểm đó. Tôi suy tính sẽ đến Philadelphia một thời điểm nào đó để trao đổi về ngày nhậm chức, nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc ở Tổng Giáo Phận Denver cho đến khi được nhận Tông Tòa ở Philadelphia... Cũng giống như tôi, Đức Hồng Y Rigali tiếp tục điều hành tổng giáo phận cho đến khi tôi nhậm chức.

King: Đức Cha đã ở Denver trong 14 năm, những điều gì khiến Đức Cha tự hào nhất về sứ vụ của mình?

ĐTGM Chaput: Tôi tự hào nhất là toàn thể Giáo Hội tại Denver. Tại đây, chúng tôi có một cộng đoàn tuyệt vời bao gồm cả giáo sĩ và giáo dân. Chúng tôi cũng có những phong trào tông đồ tràn đầy sức sống.

Tôi cũng rất tự hào về hai chủng viện và số lượng các chủng sinh đang sinh hoạt. Tôi tự hào về các công trình sáng tạo, được minh chứng bằng các đoàn thể ở đây như là ENDOW (Giáo dục về Thiên nhiên và phẩm giá của người phụ nữ, hướng dẫn phụ nữ ở mọi lứa tuổi về sự bình quyền mới theo Chân Phước Gioan Phaolô II); FOCUS (Hội ái hữu của sinh viên Đại học Công giáo); và Viện Cao Học Augustine.

Và chúng tôi có các phong trào như Way Neocatechumenal (Rửa Tội cho người tân tòng), Cộng đoàn của Tám Mối Phúc Thật, Thánh Thể và Tự Do (Community of the Beatitudes, Communion and Liberation), và những cộng đoàn khác. Những phong trào này là một dấu hiệu của sự sống lâu dài. Tôi có nhiều sự nhiệt huyết từ những gì tôi được nhìn thấy trong cuộc sống tràn đầy niềm tin hàng ngày của hàng giáo sĩ và giáo dân, cũng như sự dấn thân thân phục vụ tông đồ của họ, và tôi được đánh động bởi những điều như vậy. Những điều này có được từ trong quá trình nâng đỡ lẫn nhau: Tôi hy vọng mình là nguồn khuyến khích cho mọi người, nhưng chắc chắn rằng mọi người là niềm khuyến khích trong tôi bằng bởi sự thánh thiện và sống tuân giữ Lời Chúa trong cuộc sống.

King: Trong sự liên hệ với phong trào dự tòng (Way Neocatechumenal), con nhận thấy nhiều thành viên trong giáo phận rất là thân thiện với họ hơn những người khác. Đức Tổng Giám Mục tiền nhiệm, Đức Hồng Y J. Francis Stafford đã chào đón phong trào dự tòng ở đây. Đức Cha đang hướng dẫn phong trào này cũng như tất cả các phong trào khác trong Tổng Giáo Phận và tất cả đã được phát triển mạnh mẽ ở đây. Đức Cha sẽ nói gì với họ, những người chứng kiến sự phát triển vượt bậc và những người lo sợ về những gì có thể xảy ra sau khi Đức Cha ra đi.

ĐTGM Chaput: Nhiều sự sợ hãi xảy ra mỗi khi có quá trình chuyển đổi, đặc biệt là khi có liên quan đến phong trào và các tổ chức, mà không phải là trong nhóm và của chính họ trên nền tảng giáo xứ, giáo phận. Bởi vì sự hỗ trợ của các giám mục tông tòa là rất quan trọng và đem lại sự tự tin cho các phong trào. Tôi muốn nói rằng chính Chúa Thánh Thần là cội nguồn của các phong trào được đua nở và phát triển mạnh mẽ. Tôi không nghĩ rằng Chúa Thánh Thần sẽ để cho mọi người thất vọng. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần phải cầu nguyện cho một vị giám mục nhân lành, người sẽ tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội tại đây trong nhiều và nhiều năm sau nữa. Chúng ta hy vọng Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục hướng dẫn chúng ta bước vào tương lai như kế hoạch Ngài đã tiền định.

King: Cảm xúc của Đức Cha về việc rời khỏi Denver là gì?

ĐTGM Chaput: Tôi cảm thấy rất buồn với việc rời khỏi Denver: đây là ngôi nhà trong suốt 14 năm qua, cũng như rất nhiều người luôn luôn sẳn lòng giúp đỡ cho tôi, trước tiên là hàng giáo sĩ, ngay từ những ngày đầu tiên cho đến hôm nay. Đối với tôi, sự ra đi giống như rời xa gia đình của mình. Đối với hàng giáo sĩ, như là mất đi một người cha và khi điều đó xảy ra, luôn luôn là một sự chia tay đau lòng. Nhưng tôi là một người đàn ông của sự vâng lời. Trong niềm vui và bình an, tôi biết những điều tốt đẹp sẽ đến cho một người biết vâng lời. Vì thế khi Đức Giáo Hoàng nói rằng hãy đi đến Philadelphia, tôi không ngần ngại thưa xin vâng, dù chỉ trong giây lát, bởi vì tôi cảm nhận được đó là điều nên thực hiện. Đó là một phần của bản chất Capuchin và được rèn luyện trong tôi, hãy luôn luôn đáp trả xin vâng mà không cần tính toán thiệt hơn cho chính mình.

King: Đức Cha đã đón nhận cuộc đời tu sĩ Capuchin, sống một cuộc đời rất giản dị. Rõ ràng là cuộc lữ hành của Đức Cha được đón nhận bằng những kinh nghiệm và nhiều điều ý nghĩa. Bản thân Đức Cha hiểu như thế nào, khi ơn gọi căn bản của mình là đi theo một đời sống đơn sơ?

ĐTGM Chaput: Khi nhìn vào ơn gọi của mình, tôi bắt đầu ơn gọi trong một chủng viện như là một chủng sinh của giáo phận, đón nhận cuộc đời của Thánh Phanxicô và là một tu sĩ Phanxicô. Vì vậy, đó là sự lựa chọn cá nhân của tôi trong trong ơn gọi là một linh mục dòng Phanxicô Capuchin và là tất cả những niềm thôi thúc trong tôi. 23 năm trước, tháng này, Thiên Chúa gọi tôi ra khỏi nhà Dòng và trao cho tôi tác vụ làm giám mục tại Rapid City, SD.

Khi một người là một giám mục thì cũng là một linh mục, Ngài thực sự là linh mục đứng đầu các linh mục trong giáo phận được phục vụ. Tôi đã nhìn thấy chính mình trong 23 năm qua như là một linh mục giáo phận nhiều hơn như một tu sĩ Capuchin, nhưng là một linh mục giáo phận được thôi thúc các giá trị và và đức hạnh của một tu sĩ Phanxicô. Điều đó có ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi tại Rapid City, ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi tại Denver và tôi không thể hình dung điều đó sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi ở Pennsylvania.

Một trong những điều thú vị về điều này là, tôi đã trải qua 10 năm như là một tu sĩ Capuchin ở miền Tây Pennsylvania gần Pittsburgh, không phải ở Philadelphia, nhưng ít ra nơi đây là một phần của Pennsylvania. Tôi rất thích thời gian đó và những người chung quanh. Một vài ý niệm để tôi quay lại Pennsylvania. Đây không phải là đi đến một nơi của những người xa lạ, nhưng đó là sự quay về một phần của ký ức cuộc đời tôi, nơi cảm nhận được sự êm dịu và tốt lành. Tôi đã không bao giờ có suy nghĩ sẽ có ngày quay trở lại, nhưng điều đó lại được xảy ra trong kế hoạch của Thiên Chúa, vì vậy tôi đón nhận ân sủng bằng tất cả những gì tốt nhất của mình.

King: Bây giờ Đức Cha sẽ đến với giáo phận lớn thứ sáu tại Hoa Kỳ, Đức Cha có suy nghĩ gì về chuyện này?

ĐTGM Chaput: Tôi tin rằng Giáo Phận Denver đứng thứ 25 hoặc thứ 28, tôi đã không hình dung Philadelphia lớn thứ sáu. Trên hành trình là một giám mục tại Rapid City và Denver, tôi dấn thân vào tất cả mọi việc. Tôi được trao cho các trách nhiệm và được thông báo chi tiết về tất cả các sinh hoạt của giáo phận. Tôi có trách nhiệm trả lời riêng từng bức thư gửi đến tôi từ Denver và tất cả mọi nơi trên thế giới, nhưng tôi đang gặp phải một vấn đề lớn hơn và không biết rằng, tôi có đủ thời gian để tiếp tục làm được như vậy hay không. Mong muốn của tôi, tất nhiên, là để tiếp tục hoạt động tông đồ một cách rất cá nhân và không trở nên quá quan liêu. Việc chuyển đến Philadelphia, điều khiến tôi bận tâm là tầm cỡ và với cương vị một giám mục, tôi sẽ làm mục vụ thế nào trong một giáo phận lớn như vậy?

King: Hai tuần sau khi nhậm chức, Đức Tổng Giám Mục Rigali đã được tấn phong làm Hồng Y. Thời gian qua, đã có những tin đồn, một ngày nào đó Đức Cha sẽ được tấn phong làm Hồng Y. Suy nghĩ của Đức Cha về điều đó là gì?

ĐTGM Chaput: Mỗi giáo phận đều nghĩ rằng giám mục của mình nên được tấn phong làm Hồng Y, bởi vì họ yêu mến vị giám mục đó, và tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt lành. Nhiều vị chủ chăn của Philadelphia đã được tấn phong làm Hồng Y. Đức Giáo Hoàng có quyền tự do để tiếp tục thực hiện điều đó hay không. Tôi không nghĩ có một liên hệ tự nhiên giữa việc đến Philadelphia và trở thành một Hồng Y, do đó tôi không mong đợi điều đó xảy đến. Nếu điều đó xảy ra, đó như là ý của Thiên Chúa, nhưng phần quan trọng nhất ở Philadelphia là trở thành người phục vụ cho các linh mục và đàn chiên ở đó, và sống ở hiện tại chứ không phải sống trong tương lai.

King: Đức Cha có chia sẻ thông điệp gì giành cho các tín hữu ở đây về sự ra đì của mình?

ĐTGM Chaput: Thông điệp mà tôi muốn giành cho các tín hữu đó là, một kinh nghiệm tuyệt vời khi tôi được phục vụ ở đây. Tôi ra đi với nỗi buồn to lớn, nhưng với lòng biết ơn và hy vọng cho tương lai. Tôi chắc chắn sẽ bắt đầu cầu nguyện ngay từ bây giờ, đã và đang cầu nguyện, cho vị giám mục kế vị sẽ phục vụ tốt hơn, nhiều hơn những gì tôi đã làm và dẫn dắt Tổng Giáo Phận Denver vào một tương lai tốt hơn và hoàn hảo hơn. Tôi sẽ nhớ điều này trong những lời cầu nguyện và suy nghĩ của tôi trong nhiều tháng tiếp theo.

Roxanne King là biên tập viên của bán nguyệt san Công Giáo Denver (Denver Catholic Register)
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI: Mỗi người đều được mời gọi để làm việc lành
Bùi Hữu Thư
08:02 25/07/2011
Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 24 tháng 7

ROME, (Le Monde vu de Rome) – Theo gương Vua Salômôn, một nhà vua nổi tiếng về đức khôn ngoan và sự công chính của các phán xét, mỗi người chúng ta - và nhất là những ai được mời gọi để lãnh đạo - đều được đòi hỏi cầu nguyện với Thiên Chúa để xin ban cho một "trái tim vâng lời" và có thể phân định giữa sự lành và sự dữ. Đây là điều Đức Thánh Cha đã khẳng định trong Kinh Truyền Tin ngài đọc Chúa Nhật vừa qua tại Castel Gandolfo.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã dừng lại nơi hình ảnh của Vua Samômôn, là người con và đấng kế vị Vua Đa Vít.

Khi Thiên Chúa hiện ra với nhà vua và hứa "ban cho những gì vua đã xin trong khi cầu nguyện," Salômôn "không xin sống lâu, giầu có hay tiêu diệt kẻ thù của mình" nhưng nhà vua đã nói với Chúa: "Xin ban cho tôi tớ của Người một trái tim biết phán xét đầy đủ để cai trị dân Chúa, để biết phân định sự lành và sự dữ" (Sách Các Vua Quyển Thứ Nhất 3,9). "Và Thiên Chúa đã ban cho như lời xin khiến cho Salômôn được nổi tiếng trên toàn thế giới về đức khôn ngoan và quyền phán xét."

Đức Thánh Cha giải thích: Khi xin cho có một "trái tim vâng lời", Salômôn xin cho có "một lương tâm biết lắng nghe, biết nhậy cảm đối với tiếng nói của chân lý, và có khả năng phân biệt sự lành và sự dữ."

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "Tấm gương của Vua Salômôn có giá trị đối với mọi người. Mỗi người chúng ta có một lương tâm để làm vua một cách nào đó, nghiã là để hành xử với phẩm giá cao cả của con người theo một lương tâm ngay thẳng trong khi hoạt động cho sự lành và tránh sự dữ."

Ngài tiếp: "Lương tâm luân lý giả định khả năng lắng nghe tiếng nói của chân lý, khả năng vâng lời nghe theo những hướng dẫn của lương tâm. Những ai được mời gọi để lãnh đạo đương nhiên có một trách nhiệm phụ trội, và như vua Salômôn - còn cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa nhiều hơn."

Đức Thánh Cha mời gọi phải coi chừng một "não trạng giả trá" đề nghị chúng ta "xin Thiên Chuá những điều có lợi hay những đặc ân." Ngài kết luận: "Thực ra, phẩm giá chân chính của cuộc sống chúng ta và đời sống xã hội tùy thuộc vào lương tâm ngay thẳng của mỗi người, về khả năng của mỗi người và của tất cả mọi người là nhận biết sự lành và tránh sự dữ, và biết kiên nhẫn tìm cách thực hành điều này."
 
Khủng bố ở Na uy: ĐTC Biển Đức XVI mời gọi tránh luận lý của sự dữ
Nguyễn Trọng Đa
08:39 25/07/2011
Khủng bố ở Na uy: ĐTC Biển Đức XVI mời gọi tránh luận lý của sự dữ

ROMA – ĐTC Biển Đức XVI bày tỏ "sự đau buồn sâu sắc" của Ngài sau hai vụ đánh bom khủng bố xảy ra ở Na Uy, ngày 22-7. Trong lúc đọc kinh Truyền Tin trưa ngày chủ nhật 24-7 tại dinh thự của Ngài ở Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức XVI mời gọi mọi người hãy tránh “các luận lý của sự dữ”.

"Thật không may, chúng ta một lần nữa biết tin tức về cái chết và bạo lực", ĐTC Biển Đức XVI khẳng định như thế, khi Ngài nhắc đến vụ tấn công nhắm vào trung tâm của thủ đô Oslo và đảo Utoeya, nơi hơn 700 thanh niên của Đảng Lao động Na Uy đang tham dự trại hè. Một báo cáo tạm thời cho biết có hơn 90 người thiệt mạng

ĐTC Biển Đức XVI nói: “Chúng ta tất cả đều cảm thấy một sự đau buồn sâu sắc đối với các cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng". Ngài bảo đảm cầu nguyện cho các nạn nhân, người bị thương và gia đình họ.

Ngài nói: “Tôi muốn nhắc lại cho mọi người lời mời gọi khẩn cấp là hãy từ bỏ mãi mãi con đường của hận thù, và tránh các luận lý của sự dữ”.

Ngày thứ bảy 23-7, ĐTC Biển Đức XVI đã gửi qua trung gian Quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, một điện chia buồn và tỏ hiện tình đoàn kết với vua Harald V của Na Uy.

Trong điện chia buồn, ĐTC Biển Đức XVI cũng đã nói về "bạo lực vô nghĩa của các cuộc tấn công khủng bố". Trong khi bày tỏ "sự đau buồn sâu sắc" của mình, ĐTC Biển Đức XVI mời gọi người dân Na Uy hãy "hiệp nhất tinh thần trong ý định chắc chắn là đẩy lùi các con đường thù hận và xung đột", và từ bỏ tất cả sự sợ hãi "để xây dựng một tương lai tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết và tự do vì các thế hệ tương lai". (Zenit 24-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Giáo Hội Trung Quốc hướng tới ly giáo không?
Phạm Kim An
08:41 25/07/2011
Trung Quốc: Giáo hội Trung Quốc hướng tới ly giáo không?

ROMA - Với ba cuộc tấn phong Giám mục bất hợp pháp - thực hiện mà không có sự đồng ý của ĐTC Biển Đức XVI - trong vòng tám tháng qua, sự căng thẳng lại trở nên mạnh giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.

Ngày 22-7, các thành viên cao cấp nhất của Giáo hội “công khai” ở Trung Quốc đã khẳng định phong trào sẽ tiếp tục, và ít nhất bảy cuộc tấn phong Giám mục khác, có khả năng là bất hợp pháp, đang được chuẩn bị.

Trong một bài báo, ông Gianni Valente, tổng biên tập tạp chí ‘30 Giorni’ (30 ngày), tự hỏi về triển vọng của một cuộc ly giáo có thể xảy ra giữa lòng Giáo Hội tại Trung Quốc, bởi vì sự gia tăng các cuộc tấn phong Giám mục bất hợp pháp làm cho người ta tin rằng một phần tín hữu Công giáo Trung Quốc muốn tách rời khỏi Giáo Hội phổ quát.

Nhà báo Ý nhắc lại rằng vào năm 1958, sau các cuộc tấn phong Giam mục bất hợp pháp đầu tiên được thực hiện bởi Bắc Kinh, Đức giáo hoàng chỉ một lần sử dụng từ ngữ "ly giáo”, sau đó các nhà truyền giáo nước ngoài đã nói với Ngài về các áp lực ghê gớm mà các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc phải chịu, và họ vẫn ước muốn sâu xa sống trong sự hiệp thông vối Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Hơn một nửa thế kỷ sau, lịch sử dường như lặp lại như thế.

Bài viết của Gianni Valente xuất hiện ngày 15-7 trên trang mạng Vatican Insider của La Stampa, vốn đưa tin thời sự của Giáo Hội. Để đọc các phân tích rõ hơn của bài báo này, xin xem ở địa chỉ http://vaticaninsider.lastampa.it/en/homepage/world-news/detail/articolo/cina-china-cattolici-cinesi-catholic-chinese-catolicos-chinos-4971/ (Zenit 24-7-2011)

Phạm Kim An
 
Indonesia: Công giáo kêu gọi sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm
Nguyễn Trọng Đa
08:46 25/07/2011
Indonesia: Thánh Lễ cổ vũ nông nghiệp bền vững

Giám Mục làm phép nông cụ
Sintang, Indonesia - Đức Giám Mục Agustinus Agus, giáo phận Sintang ở Tây Kalimantan, Indonesia, kêu gọi người Công giáo địa phương hãy sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm, và với con mắt hướng tới sự bền vững.

Ngài phát biểu với khoảng 2.000 giáo dân tham dự Thánh Lễ trọng thể ngày 20-7: "Hãy cày xới đất đai và trồng lúa. Cũng hãy trồng cây cao su nữa. Hãy lao động trong một cách tốt và có trách nhiệm. Nó sẽ cho anh chị em một tương lai tốt đẹp hơn".

Thánh Lễ đồng tế trọng thể, trong đó có việc Giám mục làm phép lúa giống, rựa và các công cụ canh tác khác, được tổ chức để mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập giáo phận, và ngày này trùng với lễ hội thu hoạch của bộ tộc Dayak được gọi là lễ hội Gawai Adat.

Theo Giám mục, Giáo hội địa phương ủng hộ văn hóa truyền thống và các tập quán canh tác.

Ngài nói: “Chúng ta muốn phát triển nghệ thuật truyền thống, văn hóa và phong tục, cũng như chúng ta củng cố đức tin và Giáo Hội của chúng ta vậy".

Một nông dân tham dự Thánh Lễ, và tự xưng tên là Melandang, cho biết ông hoan nghênh sự hỗ trợ của Giáo Hội.

Ông nói: "Chúng tôi đã được tăng thêm sức lực. Thánh Lễ trọng thể này là một biểu hiện của lời tạ ơn của chúng tôi cho vụ thu hoạch năm ngoái, và cung cấp một thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa gieo trồng năm tới, và cầu xin Thiên Chúa thương xót chúng tôi". (UCA News 22-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Hội Legio Mariae TGP Adelaide - Nam Úc kỷ niệm 90 năm thành lập
Jos. Vĩnh SA & Mai Bắc Hùng
09:07 25/07/2011
Lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật ngày 24 tháng 7 năm 2011. Có rất đông các hội viên, Hội Legio Mariae thuộc tổng giáo phận Adelaide đã qui tụ về nhà thờ chính toà Saint Francis Xavier để tham dự thánh lễ kỷ niệm sinh nhật năm thứ 90, ngày thành lập hội Legio Mariae trong tổng giáo phận Adelaide, do ĐTGM Philip Wilson TGM giáo phận Adelaide chủ tế.

Trước khi cử hành thánh lễ hội Legio Mariae đã dâng chuỗi hương hồng 50 chục kinh kính Mẹ Maria

Đại diện 5 cộng đồng sắc tộc đã thay nhau lên xướng kinh Kính Mừng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, của từng sắc tộc.

Xem Hình Nơi Đây

Hội Legio Mariae Việt Nam cũng được xướng một chục kinh Mân Côi bằng tiếng Việt.

Sau thánh lễ tất cả mọi người đã kéo nhau sang hội trường nhà thờ chính toà để cùng nhau tham dự tiệc liên hoan và cắt bánh mừng sinh nhật thứ 90.

Nhận thấy có rất nhiều món ăn khoái khẩu do hội viên của các hội Legio Mariae của các giáo xứ và các cộng đồng sắc tộc đã làm sẵn đem đến đóng góp.
 
Paraguay - Một chút suy tư
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
12:19 25/07/2011
PARAGUAY – MỘT CHÚT SUY TƯ

Tuần lễ Conferpar

Hàng năm, cứ vào dịp trung tuần tháng 7, khi mà tất cả các trường học được nghỉ Đông 2 tuần lễ sau khi kết thúc học kỳ I, Liên Tu Sĩ Paraguay tổ chức Tuần Lễ Conferpar (Conferencia Religiosa Paraguaya – Hội nghị Liên tu sĩ toàn quốc Paraguay) để gặp gỡ nhau, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nhất là bồi dưỡng kiến thức chuyên môn.

Năm nay thật là một dịp đặc biệt vì đây là lần đầu tiên một nữ tu thuộc Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ mà hình như ở Việt Nam mình chức danh này do một giám mục nắm giữ. Điều này chẳng có gì sai trái với Giáo Luật cả vì đây chỉ là một chức vụ điều hành 3 năm một lần do các bề trên thượng cấp của các Dòng họp lại và bầu bán. Trước đây chức vụ này thường do các cha bề trên giám tỉnh Dòng lớn đảm trách, nhưng lần này các giám tỉnh đã bỏ phiếu cho vị nữ giám tỉnh làm nữ chủ tịch ủy ban liên tu sĩ đầu tiên sau 52 năm thành lập ủy ban này.

Đề tài được chia sẻ năm nay cũng khá đặc biệt, đó là người tu sĩ hiểu gì về tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền? Vị diễn giả được mời cũng là một phụ nữ có 2 bằng tiến sĩ, là chuyên viên phân tích chính trị đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở Nam Mỹ và từng được đề cử làm Thủ tướng nhưng bà đã khiêm tốn từ chối.

Tôi còn nhớ những ngày đầu đặc chân đến vùng đất truyền giáo Paraguay, ngày nào tôi cũng nghe nghe người dân ở đây nói và bán đến chính trị. Nói ra thì hơi quê mùa vì tôi mù tịt chuyện này. Ở đây thì từ em bé mới tập nói, gia đình em đã dạy em biết em thuộc đảng nào. Những nông dân chất phác cũng biết phản kháng trước những bất công xã hội. Những phụ nữ chân yếu tay mềm cũng biết đứng lên đòi sự bình quyền. Các nữ tu già nua đạo đức cũng hô hào mọi người hãy bỏ phiếu cho ông Lugo dịp bầu cử 2008 để thay đổi thế chế chính trị để đất nước ngày một tiến lên. Tôi đã cố tránh né nhưng không thể nào tránh được. Vì thế, tôi đã thử tìm hiểu cái từ mà bấy lâu nay mình không thích, không ưa để biết đó là gì.

Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384-322 TCN) quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị.

Thực tình mà nói tôi không hề quan tâm đến chính trị, vấn đến quan tâm chính của tôi ở đây là làm thế nào để cho người dân tôi đang phục vụ biết sống tốt hơn, mọi người viết đối xử với nhau tử tế hơn và có một sự công bằng trong xã hội.

Quay lại chuyện người nữ thuyết trình viên nói về đề tài tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền. Tôi thật tâm phục, khẩu phục kiến thức uyên thâm và trình bày cách khách quan của vị nữ diễn thuyết này khi bà giúp cho những tham dự viên là các tu sĩ không nên thờ ơ trước những vấn đề sống còn của xã hội về tự do và nhân quyền. Paraguay và nhiều nước Nam Mỹ khác đã từng trải qua chế độ độc tài nên họ cảm nghiệm được điều này rất rõ. Và dù những vị lãnh đạo ở các quốc gia này hấu hết là Công giáo, ngay như ông Tổng thống của Paraguay từng là một cựu giám mục, nhưng không vì thế mà tôn giáo và chính trị pha trộn với nhau như chính quyền của các quốc gia Hồi giáo mà là hai thực thể khác biệt dù không chống đối nhưng đối trọng nhau để kiểm soát và cân bằng nhằm ngăn chặn những vi phạm sai trái của cơ quan thi hành luật pháp mà thường gây ra thiệt hại cho dân chúng.

Vị diễn giả chia sẻ rằng, các tu sĩ, linh mục luôn sống gần với mọi người, nên dễ phát hiện ra được những sự bóc lột bất công áp bức trong xã hội, và do đó cũng phải có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ người dân bằng cách làm áp lực bắt buộc chính quyền phải sửa sai chấn chỉnh lại cái lề lối cai trị của mình, phải bài trừ nạn sa đọa quan liêu tham nhũng của các viên chức nhà nước. Bà cũng nhấn mạnh rằng những bậc chân tu mà có thái độ im lặng, thụ động buông xuôi trước những bất công áp bức đầy rẫy trong xã hội thì rõ ràng là sự lẩn tránh trách nhiệm, là cái tội đồng lõa với giới cầm quyền thống trị ác nhân ác đức. Đây không phải là làm chính trị theo nghĩa đảng phái nhưng vì những người tu hành là những người có một lương tâm ngay thẳng (Buena conciencia), cộng với sự hi sinh nhẫn nại nên có thể góp phẩn làm thăng tiến xã hội và cùng với chính quyền đưa đất nước ngày một đi lên.

Khi nghe những điều mà vị nữ diễn giả thuyết trình một cách khách quan, nhiều người có vẻ e dè giống như tôi vì rất nhiều tu sĩ tham dự đến từ nhiều quốc gia và cũng không mấy mặn mà lắm đến cái món chính trị, chính em này. Chúng tôi cũng chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận thêm và nhất là được biết thêm sự phong phú đa dạng các hệ thống chính trị của các quốc gia.

Thật sự tuần lễ Conferpar đã để lại trong tối nhiều ấn tượng vì tôi được hiểu biết thêm và có dịp gặp gỡ những tu sĩ từ nhiều quốc gia và nhiều Dòng Tu trên thế giới đang làm việc tại Paraguay.

Tôi xem một phiên tòa

Trong những ngày này tôi cũng có xem một phiên tòa thật đặc biệt được phát trên truyền hình Paraguay do nữ tiến sĩ Ana María Polo người Mỹ gốc Cuba chủ tọa. Chương trình này được tổ chức ở bang Miami, Hoa Kỳ giành cho cộng đồng các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đang sống tại Mỹ nhằm giải quyết những xung đột gia đình và xã hội. Tôi rất thích chương trình này và khi có thời gian tôi luôn xem để học hỏi thêm văn hóa và cách giải thích tình huống của vị nữ thẩm phán tài năng này.

Sở dĩ tôi gọi là phiên tòa đặc biệt vì nguyên đơn là cặp vợ chồng trẻ vừa kết hôn được 4 năm và có với nhau 1 cặp song sinh. Tuy nhiên cặp song sinh này lại không giống nhau nên bên nguyên đơn đã tố giác là bệnh viện đã đánh tráo đứa một trong những đứa con song sinh của họ. Bên bị cáo là một bác sĩ, đại diện cho bệnh viện đã làm các xét nguyện ADN và trình cho vị thẩm phán. Ban đầu kết luận rằng 2 em bé song sinh ấy là con của cùng một người mẹ, nhưng chỉ một em bé song sinh là con của người bố, còn đứa khác thì không phải. Rắc rối là ở đây.

Bên nguyên đơn vẫn cứ khăng khăng là bệnh viện đã đánh tráo con mình vì tại sao có sự lạ kỳ là hai đứa trẻ song sinh cùng một bọc lại khác nhau. Vị nữ thẩm phán đã mời thêm một bác sĩ chuyên viên để giải thích tình trạng này. Chính vị bác sĩ chuyên viên này sau khi phân tích kĩ càng những trường hợp song sinh cùng bọc và khác bọc và kết luận rằng 2 em bé song sinh cùng bọc này chính là do cùng một người mẹ sinh ra nhưng với hai người bố khác nhau, vì trong vòng 72 tiếng đồng hồ khi người phụ nữ giao hợp với các bạn tình, những tinh trùng khỏe mạnh có thể gặp trứng, và trong một xác suất rất nhỏ, 2 tinh trùng của hai người bạn tình khác nhau có thể đi vào cùng một buồng trứng của người phụ nữ. Và có thể đây là một trong những trường hợp hi hữu xảy ra như thế.

Khi nghe lập luận này, người chồng vội vàng nhiếc mắng người vợ ngoại tình và tuyên bố sẽ li dị ngay lập tức. Như chúng ta cũng biết, người dân Nam Mỹ cũng còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như người Á Đông và nhiều người đàn ông không bao giờ chấp nhận người bạn tình lẳng lơ, đa tình dù đa số người đàn ông ở đây không có sự chung thủy. Khi người chồng vừa tuyên bố li dị vợ mình do ngoại tình dù người vợ đã cố tình thanh minh là luôn chung thủy với chồng, vị nữ thẩm phản trấn an người đàn ông này và mời nhân chứng để giải oan cho người vợ. Nhân chứng ấy lại chính là người anh trai của cô vợ bé bỏng đang khóc sướt mướt vì sắp mất chồng. Người anh trai kể rằng chính anh là người làm mai mối em gái mình vì người chồng của em gái cũng lạ bạn chí thân của anh ta. Tuy nhiên anh ta hơi thất vọng vì bạn mình lo công việc làm ăn xa mà luôn bỏ bê em gái ở nhà một mình. Anh ta còn nói nếu em gái anh ta lỡ có ngoại tình là do lỗi của người chồng vì thiếu quan tâm, chăm sóc. Vị thẩm phán bèn ngắt lời nhân chứng và mời thêm một vị bác sĩ nữa để cho biết ai là người cha thứ hai của 2 em bé song sinh. Tất cả mọi người đều nín thở trước khi công bố danh tính của nhân vật này. Người đó không ai khác hơn chính là người anh trai đang làm chứng. Mọi người, và nhất là người chồng khi nghe đến đó đều la ó và chủi rủa hai anh em là loạn luân, nhưng ngay lập tức bà mẹ của hai anh em xuất hiện và khóc trong nước mắt mới thú nhận rằng họ không phải là anh em ruột thịt vì người mà gọi là anh trai chính là đứa con nuôi của bà mà bấy lâu nay bà hằng giấu kín. Vì ở chung một nhà nên hai người được gọi là anh em này trong một lần dự tiếc quá chén đã không làm chủ được mình và đã chung đụng với nhau nên giờ đây mới gây nên sự cố này.

Tất cả mọi khuất mắt giờ đây đã lộ ra. Vị nữ thẩm phán nói rằng thực tình 2 em bé song sinh không hề có tội tình gì. Còn những người từng là nguyên đơn, là nhân chứng bây giờ trở thành những nạn nhân vì ai cũng có một phần lỗi nên không ai có thể đỗ lỗi cho nhau được. Chính mỗi người phải tự quyết định phần còn lại của vấn đề mà mình gây nên. Phiên tòa khép lại với tiếng khóc nức nở của cô vợ, sự hối hận của “người anh trai” trong khi người chồng rời phiên tòa như trốn chạy. Một phiên tòa khá hay và không có một bản án nào được tuyên ngoại trừ chính những người trong cuộc tự tuyên cho mình.

Paraguay đang là mùa Đông khá lạnh nhưng lại nóng lên vì những trận bóng Copa Amercia mà Paraguay tranh chung kết và đạt á quân nên dân chúng hò reo suốt ngày. Mội tin buồn khác tôi vừa nhận từ Việt Nam cho hay là vị linh mục Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, người từng hướng dẫn tôi những ngày đầu tôi tập tu vừa mới qua đời. Cuộc sống đơn sơ, lạc quan và hi sinh cho đoàn chiên của cha Giuse đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Xin Chúa đoái thương linh hồn cha Giuse trong Nước Ngài. Requiescat in pace.

Paraguay, 25-7-2011

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giáo phận Xuân Lộc, viếng thăm Atlanta, Georgia
Pt Nguyễn Hòa Phú
10:24 25/07/2011
ATLANTA - Chiều ngày 21 tháng 7 năm 2011, GM Nguyễn Chu Trinh đã đến thăm Atlanta. Cùng đi với Đức cha có Linh Mục Đaminh Phạm Ngọc Thủy.

Xem hình ảnh

Trong lời giới thiệu Đức cha Trinh với cộng đồng Dân Chúa tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam, Đức Ông chánh xứ Phanxicô Phạm Văn Phương cho bíết: có 3 điểm đặc biệt giữa Đức Cha với Đức Ông: là bạn đồng liêu, bạn đồng môn và bạn đồng khoa. Dịp này, sau bài chia sẻ Tin Mừng và trước khi ban phép lành kết lễ, Đức cha Trinh đã nhắc lại những kỷ niệm thân thương giữa bố và con (Đức cha gọi Đức ông là bố - vì theo tiếng Việt Nam: ông đẻ ra bố, cộng đòan cười ổ); Đức cha cũng vắn tắt tường trình những sinh họat sinh động tại Giáo Phận Xuân Lộc. Hiện nay, theo lời Đức Cha, đây là giáo phận lớn nhất tại Việt Nam với tổng số 1 triệu giáo dân. Để chăm lo cho việc mục vụ, Giáo Phận hiện có 430 Linh Mục phục vụ trong đó có 30 vị đã về hưu.

Hướng về tương lai Giáo Hội Việt Nam, Giáo phận cách nay hơn một năm đã khánh thành Chủng Viện Xuân Lộc đủ tiêu chuẩn đào tạo và giáo dục cho 300 chủng sinh. Đức cha Trinh nhấn mạnh, có thể nói đây là một trong những chủng viện lớn nhất tại Đông Nam Á Châu và đây cũng là niềm vui và vinh dự cho Giáo Hội Việt Nam nói chung. Trong tâm tình cha con, Đức cha cũng phác họa đôi nét tổng thể và mơ ưởc xây dựng Giáo Hội Việt Nam tương lai tại Giáo phận.

Theo chương trình, Đức cha sẽ viếng thăm và dâng lễ tạ ơn 45 năm kỷ niệm thụ phong Linh mục tại hai nơi: Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam và Họ Đạo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Cha Thủy tháp tùng Đức cha cho biết, hai đấng sẽ trở về Việt Nam vào chiều ngày Thứ Hai 25 tháng 7 năm 2011. Thời gian viếng thăm tuy ngắn ngủi, song Đức cha Trinh đã để lại trong lòng giáo dân tại Atlanta lòng mến phục. Kính chúc Đức cha thượng lộ bình an và cầu chúc những mơ ước xây dựng Giáo Hội VN của Đức cha sớm thành hiện thực.
 
Giáo xứ Gia Định tổ chức sa mạc huấn luyện huynh trưởng TNTT
Nguyễn Xuân
09:22 25/07/2011
SA MẠC HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG & DỰ TRƯỞNG CỦA XỨ ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ GIA ĐỊNH

Nhằm bồi dưỡng các huynh trưởng về mặt kiến thức chuyên môn, về tinh thần cũng như về thể lý, xứ đoàn Thánh Tâm giáo xứ Gia Định đã tổ chức Sa mạc huấn luyện kết họp nghỉ dưỡng cho các HT-DT tại Bãi Dâu Vũng Tàu từ ngày ngày 22 đến 24/07/2011.

Với chủ đề Cùng Chúa Giêsu – Vui đời phục vụ, chương trình sa mạc bắt đầu từ thánh lễ buổi sáng, vào lúc 04g45 phút. Trong thánh lễ, cha tuyên úy xứ đoàn, Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt chia sẻ “ Nhân ngày lễ thánh nữ Maria Mađalêna, tông đồ của các tông đồ, các sa mạc sinh (SMS) cần học theo gương thánh nữ, bước theo Chúa âm thầm phục vụ trong khiêm tốn”.

Sau thánh lễ, điểm thi đua đầu tiên-tượng trưng bằng những hạt giống- được cha phát cho những SMS tham dự thánh lễ đúng giờ.

Trong tinh thần Vui để phục vụ, các SMS dấn bước lên đường miệng hát vang bài ca chủ đề : Đoàn ta cất bước theo Chúa đi vào đời. Hành trang ta mang trong tim phục vụ mọi nơi…

Không lãng phí thời gian, trên xe các SMS, cùng giới thiệu cho nhau những bài hát sinh hoạt, những trò chơi Thánh kinh…Cũng vì hăng say thi đua mà khoảng cách đường xa như ngắn lại, những bực mình do giao thông ùn tắc cũng không ảnh hưởng đến các SMS, chẳng mấy chốc xe đã đến Vũng Tàu.

Xem hình sa mạc huấn luyện

Trời hôm nay thật đep, biển xanh bao la, sóng vỗ hiền hòa. SMS tạ ơn Thiên Chúa tạo dựng và cũng tranh thủ hít lấy làn không khí trong lành của biển trong khi xe từ từ đi vòng quanh Núi lớn để vào Bãi Dâu.

Sau khi dâng lên Đức Maria kính yêu lời chào và tạ ơn Chúa vì một chuyến đi bình an, các SMS được hướng dẫn đến nơi nghỉ, Nhà Hành Hương Tổng giáo phận Tp HCM. Đó là một tòa nhà trắng nguy nga, kiên cố, kiến trúc Tây phương. Nhìn cảnh những cây dừa trồng quanh tường, một SMS thốt lên: Giống ở It-ra-ên quá? Cứ thế các SMS lại thích thú reo lên khi khám phá những ưu điểm của tòa nhà: nào là có sân xi măng rộng để sinh hoạt, có sân cỏ và các nhà chòi nhỏ hình dạng các nấm rất dễ thương, để ngồi nghỉ thư giản và suy niệm, có phòng họp thoáng mát, có nhà nguyện. Điều khám phá thích thú nhất là có sẵn một ô vuông lớn để để đốt lửa, để thực hiện Lửa Thiêng Thánh Thể. Dù bận xuýt xoa ngắm tòa nhà, các SMS không quên tranh thủ xuống biển bơi lội thỏa thích, mặc dù mặt trời lúc bấy giờ lên khá cao.

Ngày đầu tiên được gọi là ngày nghỉ dưỡng, không có bài khóa lý thuyết , nhưng sau giờ nghỉ trưa SMS được cha dẫn lên núi suy niệm Con đường thập giá của Chúa Giêsu. Qua từng chặng, SMS xét lại tinh thần và cung cách phục vụ của mình còn quá nhiều thiếu sót, SMS đã không khiêm tốn phục vụ mà chỉ thích đánh bóng cá nhân mình, không vâng phục, không kiên trì chu toàn bổn phận. Bài học đầu tiên là bài sám hối và xin Chúa thương xót ban thêm lửa sốt mến để phục vụ tốt hơn.

Các ngày tiếp theo, các SMS chia sẻ các đề tài. Qua đề tài: Tinh thần trách nhiệm và tinh thần phục vụ vô vị lợi của huynh trưởng, các SMS đã nói lên tinh thần phục vụ mà các trưởng cần phải có, biết chu toàn bổn phận, có tinh thần đoàn kết, phục vụ vì Danh Cha cả sáng và vì các thiếu nhi thân thương. Các bạn khẳng định việc mình làm không phải vì phần thưởng đời nầy mà vì các bạn ước muốn làm sinh lợi những nén bạc Chúa trao như: thời gian, sức khỏe, tài năng…

Cứ thế, các đề tài khác : Đạo dức của huynh trưởng , Tinh thần đoàn kết-tổ chức kỷ luật, Nghệ thuật làm trưởng được các bạn trẻ trình bày rất vững được cha và các huynh trưởng đàn anh đánh giá tốt. Đặc biệt, khi đề cập đến Nghệ thuật nói với thiếu nhi, một SMS đã giới thiệu cho các bạn một Siêu Sao, Đức Giêsu Kitô, Vị Thầy duy nhất mà mỗi huynh trưởng cần phải học theo, nhất là phương pháp giảng dạy của Ngài. Vị Siêu Sao nầy không cần sân khấu riêng, Ngài đi khắp nơi từ thành thị đến thôn làng, khán thính giả của Ngài thuộc mọi tầng lớp, người giàu sang cũng như người nghèo hèn, Ngài rao giảng qua mọi thời đại và ngày nay trong tâm tư của nhân loại vẫn tồn tại hình bóng Ngài, tình yêu của Ngài. Ngài là vị Thầy vừa cứu chữa, vừa thánh hóa, vừa hướng dẫn, vừa khích lệ, vừa sửa sai, vừa tha thứ và đồng hành với mỗi chúng ta mỗi ngày trên đường lịch sử

Và trong nghệ thuật giảng dạy: Để có thể nói cho các em nghe cần phải lắng nghe các em trước, cần phải hiểu rõ tâm lý các em để đối xử đúng mức. Để minh họa, bạn dùng hai hình ảnh: Hình ảnh Chúa Giêsu ôm em bé vào lòng trong khi nói chuyện với em. Hình ảnh thứ hai một anh thanh niên cùng ngồi với Chúa trên băng ghế nhưng giữa hai người có một khoảng cách như Chúa muốn tôn trọng khoảng trời riêng của anh, sự tự do của anh…Phải có nghệ thuật giao tiếp bằng việc lắng nghe.

Cha tuyên úy gợi ý :

Trong nghệ thuật làm trưởng phải có :

- Đời sống đức tin vững mạnh,

- Đam mê giảng dạy,

- Các đức tính,

- Vốn kiến thức, trình độ giáo lý, Lời Chúa

- Nghệ thuật giảng dạy

- Trình độ tổ chức

- Trình độ sinh hoạt

Thí dụ: khi giảng về Thánh lễ nếu không có nghệ thuật giảng dạy, ta nói với các em: Thánh lễ là việc Giáo Hội bắt buộc phải tham dự, đến với thánh lễ phải ngồi nghiêm trang, phải nghe, phải hát thì các em sẽ không hiểu và không dễ chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta ví Thánh lễ như một bữa tiệc sinh nhật mà các em được mời tham dự, thì các em sẽ mặc đẹp ra sao, sẽ mang quà gì , sẽ hát và trò chuyện lắng nghe nhau như thế nào?….

Hiểu tâm lý các em chưa đủ còn phải cảm thông và giúp em tiến nữa. Thí dụ đối với các em quậy, phân cho em một vai trò nào đó.

Về khả năng giảng dạy, cần phải học hỏi và luyện tập luôn, một trưởng không thể chỉ chuyên sinh hoạt thôi, cần phải luyện những mặt còn yếu .Trong năm học mới, cha sẽ giúp các bạn trẻ thực tập giảng dạy bằng cách cho bốc thăm dạy mẫu. Cuối cùng cha nhắc nhở “ Ngày nay, người ta cần những chứng nhân hơn những lời giảng thuyết suông, hơn ai hết huynh trưởng cần học theo Chúa Giêsu: Những gì Ngài nói luôn là là Chân Lý và không bao giờ đi ngược lại cuộc sống của Ngài”.

Những đề tài chia sẻ đã giúp cho các SMS có nhiều đường hướng mới trong công tác của mình cũng như cách làm việc chung. Nguyện chúc cho đời sống của mỗi huynh trưởng Nên Lời Ngôn Sứ:

Đôi khi ta nói lời yêu mến, nhưng tay ta khiên mộc gươm giáo, vô tình ta đã thành những Pharisiêu thuở nào …

Đôi khi môi âm thầm lặng lẽ, nhưng đôi tay nên lời nhân ái, ta thành ngôn sứ chở mến thương đến trao cho người…

Và như thế cuộc đời đổi mới vì ta sống như là ngôn sứ , tin vui trong tim, tin vui trên môi, tin vui qua tay, trọn yêu mến gửi trao đến người… dựng xây Nước Trời

Nguyễn Xuân
 
Chủng Sinh Thanh Hóa thăm Trại Phong Cẩm Thủy
Jos. Kế Nguyễn
17:26 25/07/2011
THANH HÓA - Cuộc đời con người luôn là những cuộc hành trình, đó là hành trình dài của một khát vọng hạnh phúc. Trong hành trình xa xôi ấy, mỗi người tự góp cho mình những hạnh phúc nho nhỏ để làm nên một hạnh phúc lớn hơn. Chúng tôi những Chủng sinh - Linh mục tương lai đã nhận ra hạnh phúc của đời mình qua số phận của biết bao con người khác, qua những hành động yêu thương mà chúng tôi trao đến mọi người. Nằm trong chương trình mục vụ của Tháng Huynh Đệ Chủng sinh đoàn Thanh Hóa, hôm nay, Chúa Nhật, ngày 24/ 07/ 2011, anh em Chủng sinh giáo phận có chuyến thăm mục vụ tại Trại phong Cẩm Thủy.

Xem hình ảnh

Cuộc hành trình hôm nay có sự hiện diện của cha Giuse Vũ Thanh Long - Chủ tịch Ủy ban Ơn gọi (UBƠG) và 44 Đại chủng sinh thuộc các khóa IX, X, XI; 2 cô sinh viên người Pháp đang tham gia giảng dạy ngoại ngữ cho các chú Ứng sinh của TCV. Lê Bảo Tịnh và 1 bạn đệ tử dòng Phaolô. Đúng 7 giờ 30 sáng, hai chiếc xe chở phái đoàn bắt đầu lăn bánh từ TGM. Thanh Hóa, để tiến về Trại phong. Trời hôm nay thật mát mẻ thoáng đãng, cuộc hành trình bắt đầu bằng lời kinh cất lên cầu xin bình an của Chúa và xin Mẹ Maria cùng đồng hành.

Xe cứ thế nhằm hướng Cẩm Thủy thẳng tiến với niềm vui qua những tiếng hát, tiếng cười vui nhộn. Đúng 9 giờ 45, chúng tôi đã dừng ở trước cổng khu Điều điều dưỡng (Trại phong) Cẩm Thủy, tuy gặp một chút trục trặc nhỏ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được với các bệnh nhân nơi đây. Đón chúng tôi ở khu điều dưỡng có: Thầy phó tế Giuse Vũ Văn Tín, hai Thầy thuộc ĐCV. Hà Nội đang tham gia tháng mục vụ tại đây và gần 30 bệnh nhân của khu điều dưỡng.

Những giờ phút gặp gỡ giữa phái đoàn chúng tôi với các bệnh nhân rất thân thiện, chan chứa tình Chúa và đầy ắp tình người, như lời của một bài hát đã nói lên được tâm tình ấy: “từ muôn hướng ta về đây chung tấm lòng, từ muôn hướng ta về đây chung cuộc sống. Cùng nắm tay nhau kết tình thân ái, cùng nắm tay nhau thương mến mãi hoài”. Một khuôn mặt như đã rất quen thuộc với các bệnh nhân nơi đây, vì không cần chờ Thầy MC giới thiệu, mọi người đã gọi cha Long, và vui vẻ bắt tay với ngài. Trong lời phát biểu mở đầu cho cuộc gặp gỡ, cha Giuse Vũ Thanh Long nói: “Như một lời hẹn với quý ông bà, hàng năm chúng tôi có ba lần đến với quý ông bà (Giáng sinh, Tết, Hè). Hôm nay, là một ngày thật đặc biệt, vì có rất đông các Đại chủng sinh được đến với ông bà. Mục đích của chuyến đi hôm nay, trước hết là chúng tôi đến để thăm hỏi sức khỏe quý ông bà, thứ đến là để giúp các Đại chủng sinh, là những người đang muốn nên giống Đức Kitô là Chúa của chúng tôi. Một Chúa Kitô luôn hướng và đến với những người nghèo, những người kém may mắn”. Cha cũng chuyển lời thăm hỏi sức khỏe – bình an của Đức Giuse đến với các bệnh nhân. Sau đó cha đã đại diện cho phái đoàn trao quà cho các bệnh nhân. Mỗi xuất quà gồm: 100.000 VNĐ, 1 chai dầu ăn, 1 gói bột ngọt, 10 kg gạo, 1 túi cá khô và 1 chai nước mắm. Cha nói thêm: “một chút quà nó không thể nói được tất cả những tâm tình của chúng tôi. Bởi đó và trên hết, xin quý ông bà hãy nhận nơi chúng tôi những tâm tình thân thiện nhất”.

Tiếp đến mọi người được cùng nhau ăn bữa cơm hiệp thông – huynh đệ. với những món ăn đã được chúng tôi chuẩn bị từ nhà để mang đến đây. Trong bữa ăn trưa đặc biệt hôm nay, chúng tôi còn tổ chức giao lưu văn nghệ “Hát Cho Nhau Nghe” làm cho buổi gặp gỡ thêm ấn tượng. Các Thầy hát, nhất là hai cô sinh viên ngoại quốc, tình cảm, lòng cảm thông đã vượt qua rào cản ngôn ngữ, hai cô đã hát tặng mọi người một bài hát rất vui tươi. Điều khiến mọi người cảm động hơn cả đó là giọng hát của một cụ bà trong trại điều đưỡng, “Giận thì giận, mà thương thì thương,…” lúc này chúng tôi thấy các cụ không còn là những bệnh nhân nữa, các cụ đã vượt lên số phận để sống lạc quan và tin tưởng. Vậy là những suy nghĩ về niềm vui được trao đến chút yêu thương cho các cụ, giờ lại trở thành những những cảm nhận về yêu thương và hạnh phúc trao ban trở lại cho mỗi người phái đoàn chúng tôi.

Có một điều rất thú vị trong buổi gặp gỡ hôm nay, đó là, trong khi mọi người hát cho nhau nghe, quý Thầy đã quyên góp được hơn 200.000 VNĐ, để ủng hộ em Hoài Thu, là cháu của một bệnh nhân, đã có thành tích cao trong học tập.

Sau cùng, một đại diện các bệnh nhân ở khu điều dưỡng đã có lời cám ơn phái đoàn và lời chúc sức khỏe tới mọi người trong phái đoàn.

Chúng tôi rời trại phong Cẩm Thủy sau một cuộc gặp gỡ đầy niềm vui và tình thân ái. Bước trên chặng đường mới của hành trình cuộc đời, chúng tôi hiểu rằng, cuộc đời người Linh mục là sự kết nối của yêu thương và nhiệt huyết, nếu mỗi người biết cầm tay nhau, chúng tôi sẽ trở nên nhân chứng thật sống động cho tình yêu ấy.

Trước khi về lại TGM, chúng tôi còn được Cha trưởng đoàn cho đi thăm Thác Muốn (còn gọi là Thác Mơ). Đây là một địa điểm du lịch rất thú vị của huyện Bá Thước –Thanh Hóa.

Chuyến thăm mục vụ hôm nay, đã để lại cho mỗi người chúng tôi những ấn tượng, những niềm vui, những cảm xúc và cả những thao thức, những quyết tâm mới trong sứ vụ Tông đồ của riêng mình.
 
Paraguay - Một chút suy tư
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
11:59 25/07/2011
Tuần lễ Conferpar

Hàng năm, cứ vào dịp trung tuần tháng 7, khi mà tất cả các trường học được nghỉ Đông 2 tuần lễ sau khi kết thúc học kỳ I, Liên Tu Sĩ Paraguay tổ chức Tuần Lễ Conferpar (Conferencia Religiosa Paraguaya – Hội nghị Liên tu sĩ toàn quốc Paraguay) để gặp gỡ nhau, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nhất là bồi dưỡng kiến thức chuyên môn.

Năm nay thật là một dịp đặc biệt vì đây là lần đầu tiên một nữ tu thuộc Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ mà hình như ở Việt Nam mình chức danh này do một giám mục nắm giữ. Điều này chẳng có gì sai trái với Giáo Luật cả vì đây chỉ là một chức vụ điều hành 3 năm một lần do các bề trên thượng cấp của các Dòng họp lại và bầu bán. Trước đây chức vụ này thường do các cha bề trên giám tỉnh Dòng lớn đảm trách, nhưng lần này các giám tỉnh đã bỏ phiếu cho vị nữ giám tỉnh làm nữ chủ tịch ủy ban liên tu sĩ đầu tiên sau 52 năm thành lập ủy ban này.

Đề tài được chia sẻ năm nay cũng khá đặc biệt, đó là người tu sĩ hiểu gì về tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền? Vị diễn giả được mời cũng là một phụ nữ có 2 bằng tiến sĩ, là chuyên viên phân tích chính trị đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở Nam Mỹ và từng được đề cử làm Thủ tướng nhưng bà đã khiêm tốn từ chối.

Tôi còn nhớ những ngày đầu đặc chân đến vùng đất truyền giáo Paraguay, ngày nào tôi cũng nghe nghe người dân ở đây nói và bán đến chính trị. Nói ra thì hơi quê mùa vì tôi mù tịt chuyện này. Ở đây thì từ em bé mới tập nói, gia đình em đã dạy em biết em thuộc đảng nào. Những nông dân chất phác cũng biết phản kháng trước những bất công xã hội. Những phụ nữ chân yếu tay mềm cũng biết đứng lên đòi sự bình quyền. Các nữ tu già nua đạo đức cũng hô hào mọi người hãy bỏ phiếu cho ông Lugo dịp bầu cử 2008 để thay đổi thế chế chính trị để đất nước ngày một tiến lên. Tôi đã cố tránh né nhưng không thể nào tránh được. Vì thế, tôi đã thử tìm hiểu cái từ mà bấy lâu nay mình không thích, không ưa để biết đó là gì.

Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384-322 TCN) quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị.

Thực tình mà nói tôi không hề quan tâm đến chính trị, vấn đến quan tâm chính của tôi ở đây là làm thế nào để cho người dân tôi đang phục vụ biết sống tốt hơn, mọi người viết đối xử với nhau tử tế hơn và có một sự công bằng trong xã hội.

Quay lại chuyện người nữ thuyết trình viên nói về đề tài tôn giáo và chính trị, tự do và nhân quyền. Tôi thật tâm phục, khẩu phục kiến thức uyên thâm và trình bày cách khách quan của vị nữ diễn thuyết này khi bà giúp cho những tham dự viên là các tu sĩ không nên thờ ơ trước những vấn đề sống còn của xã hội về tự do và nhân quyền. Paraguay và nhiều nước Nam Mỹ khác đã từng trải qua chế độ độc tài nên họ cảm nghiệm được điều này rất rõ. Và dù những vị lãnh đạo ở các quốc gia này hấu hết là Công giáo, ngay như ông Tổng thống của Paraguay từng là một cựu giám mục, nhưng không vì thế mà tôn giáo và chính trị pha trộn với nhau như chính quyền của các quốc gia Hồi giáo mà là hai thực thể khác biệt dù không chống đối nhưng đối trọng nhau để kiểm soát và cân bằng nhằm ngăn chặn những vi phạm sai trái của cơ quan thi hành luật pháp mà thường gây ra thiệt hại cho dân chúng.

Vị diễn giả chia sẻ rằng, các tu sĩ, linh mục luôn sống gần với mọi người, nên dễ phát hiện ra được những sự bóc lột bất công áp bức trong xã hội, và do đó cũng phải có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ người dân bằng cách làm áp lực bắt buộc chính quyền phải sửa sai chấn chỉnh lại cái lề lối cai trị của mình, phải bài trừ nạn sa đọa quan liêu tham nhũng của các viên chức nhà nước. Bà cũng nhấn mạnh rằng những bậc chân tu mà có thái độ im lặng, thụ động buông xuôi trước những bất công áp bức đầy rẫy trong xã hội thì rõ ràng là sự lẩn tránh trách nhiệm, là cái tội đồng lõa với giới cầm quyền thống trị ác nhân ác đức. Đây không phải là làm chính trị theo nghĩa đảng phái nhưng vì những người tu hành là những người có một lương tâm ngay thẳng (Buena conciencia), cộng với sự hi sinh nhẫn nại nên có thể góp phẩn làm thăng tiến xã hội và cùng với chính quyền đưa đất nước ngày một đi lên.

Khi nghe những điều mà vị nữ diễn giả thuyết trình một cách khách quan, nhiều người có vẻ e dè giống như tôi vì rất nhiều tu sĩ tham dự đến từ nhiều quốc gia và cũng không mấy mặn mà lắm đến cái món chính trị, chính em này. Chúng tôi cũng chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận thêm và nhất là được biết thêm sự phong phú đa dạng các hệ thống chính trị của các quốc gia.

Thật sự tuần lễ Conferpar đã để lại trong tối nhiều ấn tượng vì tôi được hiểu biết thêm và có dịp gặp gỡ những tu sĩ từ nhiều quốc gia và nhiều Dòng Tu trên thế giới đang làm việc tại Paraguay.

Tôi xem một phiên tòa

Trong những ngày này tôi cũng có xem một phiên tòa thật đặc biệt được phát trên truyền hình Paraguay do nữ tiến sĩ Ana María Polo người Mỹ gốc Cuba chủ tọa. Chương trình này được tổ chức ở bang Miami, Hoa Kỳ giành cho cộng đồng các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đang sống tại Mỹ nhằm giải quyết những xung đột gia đình và xã hội. Tôi rất thích chương trình này và khi có thời gian tôi luôn xem để học hỏi thêm văn hóa và cách giải thích tình huống của vị nữ thẩm phán tài năng này.

Sở dĩ tôi gọi là phiên tòa đặc biệt vì nguyên đơn là cặp vợ chồng trẻ vừa kết hôn được 4 năm và có với nhau 1 cặp song sinh. Tuy nhiên cặp song sinh này lại không giống nhau nên bên nguyên đơn đã tố giác là bệnh viện đã đánh tráo đứa một trong những đứa con song sinh của họ. Bên bị cáo là một bác sĩ, đại diện cho bệnh viện đã làm các xét nguyện ADN và trình cho vị thẩm phán. Ban đầu kết luận rằng 2 em bé song sinh ấy là con của cùng một người mẹ, nhưng chỉ một em bé song sinh là con của người bố, còn đứa khác thì không phải. Rắc rối là ở đây.

Bên nguyên đơn vẫn cứ khăng khăng là bệnh viện đã đánh tráo con mình vì tại sao có sự lạ kỳ là hai đứa trẻ song sinh cùng một bọc lại khác nhau. Vị nữ thẩm phán đã mời thêm một bác sĩ chuyên viên để giải thích tình trạng này. Chính vị bác sĩ chuyên viên này sau khi phân tích kĩ càng những trường hợp song sinh cùng bọc và khác bọc và kết luận rằng 2 em bé song sinh cùng bọc này chính là do cùng một người mẹ sinh ra nhưng với hai người bố khác nhau, vì trong vòng 72 tiếng đồng hồ khi người phụ nữ giao hợp với các bạn tình, những tinh trùng khỏe mạnh có thể gặp trứng, và trong một xác suất rất nhỏ, 2 tinh trùng của hai người bạn tình khác nhau có thể đi vào cùng một buồng trứng của người phụ nữ. Và có thể đây là một trong những trường hợp hi hữu xảy ra như thế.

Khi nghe lập luận này, người chồng vội vàng nhiếc mắng người vợ ngoại tình và tuyên bố sẽ li dị ngay lập tức. Như chúng ta cũng biết, người dân Nam Mỹ cũng còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như người Á Đông và nhiều người đàn ông không bao giờ chấp nhận người bạn tình lẳng lơ, đa tình dù đa số người đàn ông ở đây không có sự chung thủy. Khi người chồng vừa tuyên bố li dị vợ mình do ngoại tình dù người vợ đã cố tình thanh minh là luôn chung thủy với chồng, vị nữ thẩm phản trấn an người đàn ông này và mời nhân chứng để giải oan cho người vợ. Nhân chứng ấy lại chính là người anh trai của cô vợ bé bỏng đang khóc sướt mướt vì sắp mất chồng. Người anh trai kể rằng chính anh là người làm mai mối em gái mình vì người chồng của em gái cũng lạ bạn chí thân của anh ta. Tuy nhiên anh ta hơi thất vọng vì bạn mình lo công việc làm ăn xa mà luôn bỏ bê em gái ở nhà một mình. Anh ta còn nói nếu em gái anh ta lỡ có ngoại tình là do lỗi của người chồng vì thiếu quan tâm, chăm sóc. Vị thẩm phán bèn ngắt lời nhân chứng và mời thêm một vị bác sĩ nữa để cho biết ai là người cha thứ hai của 2 em bé song sinh. Tất cả mọi người đều nín thở trước khi công bố danh tính của nhân vật này. Người đó không ai khác hơn chính là người anh trai đang làm chứng. Mọi người, và nhất là người chồng khi nghe đến đó đều la ó và chủi rủa hai anh em là loạn luân, nhưng ngay lập tức bà mẹ của hai anh em xuất hiện và khóc trong nước mắt mới thú nhận rằng họ không phải là anh em ruột thịt vì người mà gọi là anh trai chính là đứa con nuôi của bà mà bấy lâu nay bà hằng giấu kín. Vì ở chung một nhà nên hai người được gọi là anh em này trong một lần dự tiếc quá chén đã không làm chủ được mình và đã chung đụng với nhau nên giờ đây mới gây nên sự cố này.

Tất cả mọi khuất mắt giờ đây đã lộ ra. Vị nữ thẩm phán nói rằng thực tình 2 em bé song sinh không hề có tội tình gì. Còn những người từng là nguyên đơn, là nhân chứng bây giờ trở thành những nạn nhân vì ai cũng có một phần lỗi nên không ai có thể đỗ lỗi cho nhau được. Chính mỗi người phải tự quyết định phần còn lại của vấn đề mà mình gây nên. Phiên tòa khép lại với tiếng khóc nức nở của cô vợ, sự hối hận của “người anh trai” trong khi người chồng rời phiên tòa như trốn chạy. Một phiên tòa khá hay và không có một bản án nào được tuyên ngoại trừ chính những người trong cuộc tự tuyên cho mình.

Paraguay đang là mùa Đông khá lạnh nhưng lại nóng lên vì những trận bóng Copa Amercia mà Paraguay tranh chung kết và đạt á quân nên dân chúng hò reo suốt ngày. Mội tin buồn khác tôi vừa nhận từ Việt Nam cho hay là vị linh mục Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, người từng hướng dẫn tôi những ngày đầu tôi tập tu vừa mới qua đời. Cuộc sống đơn sơ, lạc quan và hi sinh cho đoàn chiên của cha Giuse đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Xin Chúa đoái thương linh hồn cha Giuse trong Nước Ngài. Requiescat in pace.

Paraguay, 25-7-2011
 
Nhóm 117 từ Hoa Kỳ tham hội Đại hội Giới Trẻ tại Madrid
Lm Trần Công Danh
12:26 25/07/2011

"Bén rễ sâu và được xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô, vững mạnh trong đức tin"

“Đã bao nhiêu người ghi danh rồi?” một câu hỏi mà cha Vũ Hải Đăng, cũng như cha Đồng Minh Quang đã hỏi cha Nguyễn Hoài Chương tại Công Trường Thánh Phêrô, nhân dịp các cha có mặt tại Roma để tham dự Thánh lễ mở Án Phong Thánh cho ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận và tiền trạm cho phái đoàn hành hương mùa hè 2011. “Còn 2 chỗ nữa không thưa cha?” một người trẻ đã viết mail hỏi cha Trần Công Danh. Trong gần 7 tháng qua những cú điện thoại viễn liên và biết bao nhiêu thư mail qua lại trên địa chỉ email của Nhóm 117 và những lời kêu gọi trên làn sóng truyền hình của đài SBTN, mời gọi người trẻ Việt Nam đáp lại lời mời gọi của người Cha Già kính yêu của Giáo Hội là Đức Thánh Cha Benêdictô đến thành phố Madrid, Tây Ban Nha để "Bén rễ sâu và được xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô, vững mạnh trong đức tin" (Cl 2,7). Cùng với bao người trẻ từ muôn phương đang chuẩn bị lên đường, để cùng nhau đến với người Cha Già đáng kính, cầu nguyện và mong mỏi sẽ “bén rễ” sâu hơn trong đời sống Đức Tin của mình và trong cuộc hành trình hướng về nhà Chúa.

Nhóm 117 nhiều năm qua đã đứng tiên phong liên kết những người trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Gia Nã Đại lại với nhau qua dòng máu và gương sống đạo của các anh hùng tử đạo Việt Nam. Họ đã vác thánh giá và lá cờ mang đầy gương hy sinh và can đảm của cha ông từ Đại Hội Giới Trẻ tại Toronto, Canada, đến Koln, Germany và Sydney, Australia. Nhóm 117 và thành viên của Bút Nhóm Lửa Việt cùng với nhóm sinh viên Dấn Thân Nguyễn văn Thuận đã không ngừng lại tại những chuyến đi đó, mà họ đã về và đi trên các nẻo đường của 3 miền đất nước Việt Nam để được đồng hành với người phong ở Pleiku, khám bệnh cho người nghèo ở Đơn Dương, ở Cần Thơ, ghé vào cầu nguyện tại một giáo đường nhỏ ở Sapa, và đã xây nhà cho người nghèo tại Phú Yên, Đơn Dương. Để rồi hôm nay, những gì đã thực hiện và hứa hẹn ngay trên đất Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney khi Đức Thánh Cha Benêdictô XVI tuyên bố "World Youth Day 2011 will take place in Madrid, Spain...Until then, let us continue to pray for one another and let us joyfully bear witness to Christ before the world," Nhóm 117 đã và đang tiếp tục làm điều đó từ ngày chúng con rời Úc Châu và mong đợi sẽ gặp lại Đức Thánh Cha tại Madrid. Chúng con đã cầu nguyện và cố gắng là dấu ấn của Chúa Kitô trong cộng đồng và trong cuộc sống ngày hôm nay.

Báo cáo mới nhất của Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ hiện này gần 450,000 bạn trẻ từ nhiều quốc gia đã ghi danh tham dự. Từ Hoa Kỳ đã có hơn 26,000 bạn trẻ tham dự, trong con gần 300 người trẻ từ các giáo xứ, cộng đồng Việt Nam. Có hơn 5,639 bạn trẻ từ Gia Nã Đại ghi danh. Dẫn đầu với con số lớn nhất là nước chủ nhà (Tây Ban Nha) – hơn 82,000 người trẻ. Từ Úc Châu, đã có hơn 4,300 bạn trẻ tham dư viên và hơn 380 bạn trẻ từ Việt Nam đã ghi danh. Với con số ghi danh như hiện nay và theo ước lượng của BTC, con số đó sẽ tăng đến 1,500,000 bạn trẻ sẽ về tham dự. Ban Tổ Chức còn ước lượng ngày lễ bế mạc vào sáng Chúa Nhật ngày 21 tháng 8, sẽ có 2,000.000 bạn trẻ tham dự thánh lễ đồng tế do Đức Thánh Cha chủ sự cùng với 1,600 Đức Giám Mục và 30,000 linh mục. Chúng con đang nghe vang vang lời ca “lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời…”

Với một con số hơn 250 bạn trẻ và quí tu sĩ và linh mục Việt Nam từ Hoa Ky tham dự, quả là một con số quá khiêm nhường. Nhưng nếu chúng ta để ý và nhìn chung quanh giáo đoàn và giáo xứ của chúng ta – thì người trẻ Việt Nam đã trưởng thành, đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong đời sống Đức Tin và đời sống Bác Ái của họ, cũng như trong các sinh hoạt của giáo đoàn và giáo xứ. Thêm vào đó, nếu ai trong chúng ta được dịp tham dư các Đại Hội lớn chắc chắn qúy vị sẽ hãnh diện và tự hào niềm tự hào của dân tộc Việt khi nghe tiếng trống và nét múa kiêu hùng của Giới Trẻ Lasan nổi vang tại các Đại Hội Giới Trẻ ở Toronto, Canada, Koln, Germay, Sydney, Austrailia và mai này tại Madrid, Spain. Giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại đã trưởng thành và đang hành trình với giáo hội Hoàn Vũ vì họ đã được “Bén rễ và được xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô, vững mạnh trong đức tin" (Cl 2,7) qua gương sống đạo của các anh hùng tử đạo Việt Nam. Trong suốt cuộc hành trình của những đại hội giới trẻ vùa qua - họ tìm được nơi 2 người cha già luôn luôn chia sẻ tình yêu thương và hành trình đức tin là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II vừa được phong lên Chân Phước và Đức Cố Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận phong là Tôi Tớ Chúa. Những người trẻ trong Nhóm 117 đến từ các Giáo Đoàn San Jose và Orange County (CA), Denver (CO), Tampa (FL), Atlanta (GA), Charlotte (NC), Portland (OR), Fort Worth và Houston (TX), Fairfax (VA), Seattle và Tacoma (WA), và Edmonton, Canada. Họ là các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, là sinh viên, là giáo lý viên, là những doanh nghiệp trẻ đang sinh hoạt trong các giáo đoàn và giáo xứ. Đặc biệt là trong gần 12 năm qua, những người bạn trẻ từ các giáo đoàn tại Seatle, WA đã nối vòng tay lại với nhau và với sự cổ động của vị linh mục chánh xứ, những người bạn trẻ và huynh trưởng TNTT như Ngô Ngọc Hiếu, Nguyễn Nga, Nguyễn Phụng… đã kêu gọi và đưa gần 30 người trẻ tham dự các kỳ Đại Hội. Và sau đó, từ đất Đại Hội họ trở về sinh hoạt và làm nhân chứng của đời sống người Kitô trong giáo đoàn, trong giáo xứ của họ. Cha Trần Công Danh, linh mục dòng Don Bosco, không những phải lo từng vé máy bay, từng chuyến xe bus hay xe lửa cho từng người trong phái đoàn mà cha còn là một bloger và một Facebooker để chia sẻ đời sống đức tin và hành trình với tất cả thành viên trong Nhóm 117.

Nhóm 117 đã ghi danh trước ngày 31/03 nên được bớt 5% trong số tiền chi phi ăn ở tại đất Đại Hội. Tiền vé máy bay cứ tăng lên tăng xuống, trong những tháng qua theo tình hình chính trị tại các quốc gia dầu hỏa. Trong email, cha Công Danh gởi ra và nhắc nhở các linh mục và tu sĩ tuyên uý trong phái đoàn – là mọi người sẽ trả tiền vé và tiền ăn ở. Việc này sẽ giảm cước phí cho tất cả mọi người trẻ trong đoàn. Cha Công Danh cũng quả quyết rằng sẽ không có “travel agency” nào có giá vé như Nhóm 117 a) gần 21 ngày tham quan và du lịch ở Ý, Pháp và Tây Ban Nha chỉ có $4,000 hay b) hay $3,000 cho gần 17 ngày tham quan và du lịch ở Pháp và Tây Ban Nha … Tuy nói thế Ban Điều Hành và Tuyên Úy của Nhóm 117 đã đưa ra những chương trình gây quỹ để làm giảm đi phần nào chi phí cho chuyến hành hương này. Quí anh chị em tại miền Tây Bắc Hoa Kỳ với sự hướng dẫn của các huynh trưởng TNTT và Giới trẻ đã tổ chức chương trình gây quỹ, linh mục Vũ Hải Đăng và các cộng tác viên đã phát động Vé Số cho Đại Hội Giới Trẻ - cảm ơn tinh thần hy sinh của các anh chị xa gần và của rất nhiều linh mục trong rất nhiều giáo đoàn, giáo xứ đã tham dự, linh mục Nguyễn Thanh Châu (Orlando, FL) nhận 500 vé, linh mục Trần Tuấn (Atlanta, GA) nhận 1000 vé, quí linh mục trong Tu Đoàn Nhà Chúa nhận 1000 vé, linh mục Trần Việt Hùng (Metuchen, NJ) nhận 200 vé … Linh mục Hải Đăng nhắc nhở “đây sẽ là cuộc sổ số đặc biệt nhất vì sẽ xổ trong đêm canh thức với ĐTC Benêdictô tại sân bay Cuatro Vientos, Madrid. Nhờ những phương cách này Ban Điều Hành giảm được một phần nào phí tổn cho các thành viên tham dự.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một mong muốn và là sáng kiến của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đại Hội Giới Trẻ Thế giới được Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân tổ chức kể từ năm 1986 qui tụ các bạn trẻ trên khắp hoàn cầu tại một thành phố lớn trước sự hiện của Đức Thánh Cha. Đại Hội Giới Trẻ kỳ thứ XVI này đánh dấu là Đại Hội đã được “Bén rễ sâu và được xây dựng trên nền tảng Chúa Kitô, vững mạnh trong đức tin" qua chứng từ Yêu Thương và Can Đảm của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phalo II vừa được phong lên Chân Phước. Đại Hội kỳ XXVI này thật là một dịp để người trẻ lên đường mang cành vạn tuế. Đây là ngày hội có quy mô và lớn nhất dành cho người trẻ trên toàn thế giới.

Ban Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Madrid ủng hộ các nước dùng các ngôn ngữ khác nhau. Trang chủ của Đại Hội có trang tiếng Việt (http://www.madrid11.com/vi/trang-chu-1) hay bằng cách cung cấp các phương tiện phát hình và phát thanh qua Trung Tâm Báo Chí Quốc Tế. Hôm 30/5/2011, Ông Rafa Rubio, Giám Đốc Văn Phòng Truyền Thông của Đại Hội Giới Trẻ Madrid, “Oficina de prensa JMJ Madrid 11,” đã chấp thuận đơn ghi danh của Viet Catholic như là một trong các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp tại Đại Hội Giới
Trẻ Thế Giới. Một tin mừng cho Nhóm 117 nói riêng là linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, dòng Don Bosco, cha phó giám đốc Viet Catholic, chủ nhiệm báo Dân Chúa Úc Châu sẽ dẫn đầu phái đoàn của VietCatholic News. Nhóm 117 trong kỳ Đại Hội vừa qua tại Úc Châu đã được cha Quảng, nữ tu Thùy Linh và gần 100 người bạn trẻ chào đón, tiếp rước trong những ngày ghé thăm giáo phận Melbourne, thêm vào đó linh mục Stêphanô Bùi Thượng Lưu, chủ nhiệm báo Dân Chúa Âu Châu sẽ dẫn đầu phái đoàn VietCatholic TV tại Trung Tâm Báo Chí Quốc Tế WYD Madrid.

Nhóm 117 xin gởi lời chào các phái đoàn Giới Trẻ Thế Giới, nhất là từ Việt Nam từ Úc và Âu Châu… “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời

Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng
Cùng với lớp sóng người hành hương
Về Nhà Chúa đi về Nhà Chúa đi….”

Nhóm Trẻ 117 - Mary Help of Christians Center - Youth 117 – World Youth Day: 6400 E. Chelsea St., Tampa, FL 33610
For more information, please visit us at www.vietmartyrs.info; Or contact us at Phone: (813) 323-2390; Email: wydviet@gmail.com
 
Hành trình tận hiến tiến về Đại hội Giới Trẻ Madrid 2011
Lm. Hải Đăng, SDD
12:30 25/07/2011


“Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường.
Đường đưa ta đi lên đền Chúa ta.
Lòng hân hoan ta hòa chung tiếng hát nhịp nhàng
Vui hát mừng danh Thánh cứu độ ta….”
(Lm. Thành Tâm)

“Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời
Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng
Cùng với lớp sóng người hành hương
Về Nhà Chúa đi về Nhà Chúa đi….”
(Lm. Hoài Đức)

Bài hát “Từ Muôn Phương” và “Hành Trang Người Trẻ” như đang thể hiện tâm trạng vui mừng hân hoan của chúng tôi. Nhóm 117 các bạn trẻ từ nhiều tiểu bang trên tòan nước Mỹ đang háo hức lên đường đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay được tổ chức ở Madrid, Tây Ban Nha với chủ đề “Bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Chúa Kitô”. Lần tham dự WYD (World Youth Day) này Nhóm 117 có 125 thành viên tham dự bao gồm có 4 Sơ, 1 Thầy, 117 các bạn trẻ và có “Cha-Cha-Cha”: Lm. Trần Công Danh, SDB; Lm. Nguyễn Hoài Chương, SDB và tôi Lm. Vũ Hải Đăng, SDD. Cùng đồng hành tiến về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới theo lời mời gọi của vị Cha Chung ĐGH Benecito XVI. Chuyến đi của chúng tôi sẽ bắt đầu từ ngày 27/7 cho đến 22/8.

Trên đường đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ, nhóm Trẻ 117 chúng tôi sẽ có dịp ghé thăm Giáo đô Roma, tham dự vào giờ kinh truyền tin trong ngày thứ tư cùng với ĐGH Benedictô tại Công trường Thánh Phêrô và nhận phép lành từ Ngài, nơi có thể chứa vài trăm ngàn người do kiến trúc sư Bernini xây giữa các năm 1656-1667 rộng 240m, dài 340m chung quanh có 2 hàng mái hiên có 38 trụ lớn và 280 cột lớn bên trên có 140 tượng các Thánh. Chúng tôi sẽ viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, đây là Thánh Đường lớn nhất thế giới với diện tích 15.160m. Sẽ được chiêm ngắm những tác phẩm và những kiệt tác của Michelangelo như “La Pieta” (Đức Mẹ Sầu Bi), “Creation” (Sáng Tạo), “The Judgment Day” (Ngày Phán Xét) v.v… Chúng tôi sẽ ghé Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ở ngoại thành nơi vua Constantino xây thánh đường trên mộ Thánh Phaolô bi chặt đầu vào năm 67. Sẽ viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran mà trên 10 thế kỷ liên tiếp các Giáo Hoàng đã sống trong dinh Laterano. Đây cũng chính là Nhà Thờ Chánh Tòa của Đức Giám Mục Roma là Đức Giáo Hoàng của toàn Giáo Hội Roma. Chắc chắn không thể không ghé Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả tương truyền vào đêm August 4, 352, Đức Mẹ đã hiện ra với Giovani và ĐGH Liberio và truyền xây một nhà thờ để kính Đức Mẹ.

Chúng tôi sẽ viếng thăm Hang Toại Đạo (Catacombs) là nơi các tín hữu tiên khởi đã trốn tránh tụ họp nhau tại đây để tham dự các nghi lễ và chôn cất các anh hùng tử đạo. Sẽ viếng thăm mộ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đang được Toà Thánh xúc tiến điều tra để phong Thánh. Ngài là chứng nhân của Niềm Hy Vọng. Sẽ có dịp viếng thăm ngôi mộ của Thánh Phanxicô Khó Khăn ở Asisi, đi Florence, Milan, Venice v.v… rồi sau đó sẽ đi qua Pháp, thăm Kinh Đô Ánh Sáng với Tháp Eiffel, viếng thăm Dòng Kín nơi chị Thánh Teresa Hài Đồng đã từng sống, làm việc, cầu nguyện. Viếng Nhà Thờ Đức Mẹ Ban Ơn, nơi có xác Thánh Catherine còn nguyện vẹn qua nhiều năm tháng được để trong lồng kính cho mọi người chiêm ngắm và cầu nguyện. Sẽ tham dự Tĩnh Tâm tại Taizé rồi đi Lourdes (Lộ Đức) nơi Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần với Thánh Nữ Bernadette, cùng rước kiệu Đức Mẹ, đi Đàng Thánh Giá trên núi, rồi sau đó cùng uống và tắm nước suối đã từng chữa lành biết bao nhiêu người trên thế giới. Phép lạ vẫn tiếp tục xảy ra từng ngày, nơi những con người có lòng tin vào Thiên Chúa. Hành Trình Tận Hiến của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tiến gần hơn và hấp dẫn hơn khi chúng tôi có mặt tại Madrid Tây Ban Nha.

Mục đích của mỗi lần đi tham dự WYD là để giúp cho các bạn trẻ được đến gần Chúa Kitô hơn. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được Chân Phước Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng từ ngày Chúa Nhật Lễ Lá (15/4/1984) Năm Thánh Cứu Độ 1984 tại Roma. Để rồi từ đó Đại Hội Giới Trẻ thường được tổ chức 3 năm một lần tại các nước thuộc các Châu khác nhau trên thế giới và mỗi năm một lần theo cấp Giáo Phận. Vào các Ngày Đại Hội, các bạn trẻ sẽ hân hoan gặp gỡ nhau, cầu nguyện, hát hò, làm những băng reo thật vui để gây hào hứng hay phô trương nét đẹp, sắc thái khác nhau của quê hương đất nước họ. Ngoài ra các bạn trẻ còn được vui chơi, tham dự các khóa hội thảo để trao đổi với nhau về kinh nghiệm sống thật quý giá, học hỏi về đức tin để mở mang kiến thức hoặc làm hành trang cho hành trình đức tin sống giữa thế giới đầy cạm bẫy chông gai hôm nay. Đồng thời các bạn trẻ cũng có dịp tìm hiểu thêm về ơn gọi theo Chúa, tham dự các Thánh Lễ của nhiều quốc gia khác nhau và những buổi hòa nhạc, văn nghệ do nhiều quốc gia trình diễn. Dịp này các bạn trẻ cũng có dịp gặp gỡ một số những người nổi tiếng trên thế giới về mọi lãnh vực, dĩ nhiên họ đều là những con chiên của Chúa Kitô.

Chương Trình Đại Hội thường được bắt đầu vào ngày Thứ Ba, để rồi từ ngày hôm đó cho đến Thứ Sáu. Buổi sáng các Khóa Giáo Lý và các buổi Hội Thảo do các Đức Giám Mục và các Linh mục hướng dẫn. Buổi chiều là các sinh hoạt vui chơi giải trí, các chương trình văn nghệ, hòa nhạc, các cuộc thăm viếng tại các Nhà Thờ đã được chỉ định để được lãnh nhận Ơn Toàn Xá. Buổi tối là các giờ cầu nguyện, chầu Thánh Thể có nghi thức sám hối và ban Bí tích hòa giải. Các Thánh Lễ sẽ được cử hành ở nhiều nơi khác nhau. Đặc biệt vào buổi chiều Thứ Sáu mọi người sẽ cùng tham dự Đàng Thánh Giá trọng thể do hàng trăm các bạn trẻ cùng diễn rất quy mô vĩ đại. Kịch bản được dàn dựng khéo léo hài hòa với những dàn giao hưởng tuyệt vời, kết hợp với âm thanh ánh sáng thật sống động. Với những màn ảnh thật khổng lồ và hệ thống âm thanh thật rõ thì các bạn trẻ sẽ được tham dự đầy đủ dù có ngồi ở nơi rất xa hay thậm chí đang ngồi ở một nơi khác trong khuôn viên tổ chức của WYD. Thứ Bảy là ngày nhộn nhịp nhất, vui nhất, mệt nhất và cũng thật thánh thiện nhất vì sáng hôm đó mọi người sẽ phải đi bộ để làm việc hy sinh hành hương tiến về địa điểm canh thức cầu nguyện và nghỉ qua đêm ở ngoài trời “khách sạn ngàn sao” cho dù nắng hay mưa, lạnh hay nóng… để cùng “thức với Thầy” không những chỉ một giờ mà là nhiều giờ cùng với ĐGH Benedicto XVI. Chúng tôi sẽ đi bộ khoảng từ 15 km đến 30 km, sẽ qua nhiều làng mạc và thành phố, vừa đi vừa cầu nguyện hoặc ca hát, nếu trên đường đi gặp những nhóm bạn trẻ đến từ các nước khác, chúng tôi sẽ chào hỏi và trao cho nhau những món quà lưu niệm hoặc chụp hình với những nụ cười thân thiện vì cùng nhận ra nhau là anh chị em trong Chúa Giêsu Kitô. Khi mệt mỏi thì lại ngồi nghỉ dưới bóng cây, gẩy đàn Guitar hát những bài Thánh ca và du ca để quên đi những mệt mỏi của những kẻ lữ thứ hành hương.

Năm nay cỗ mặt nhật Arfe nổi tiếng đang được lưu giữ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Toledo sẽ được sử dụng trong giờ chầu Thánh Thể do ĐGH chủ sự tại buổi canh thức cầu nguyện đêm Thứ Bảy 20 tháng 8 tại phi trường Cuatro Vientos. Ngoài ra được biết có khoảng 17 nhà nguyện sẽ được dựng lên ngay tại khu vực phi trường để các bạn trẻ đến suy tôn Thánh Thể trong suốt đêm canh thức.

Đêm canh thức hôm đó, Nhóm 117 sẽ cầu nguyện đặc biệt cho những thân nhân, ân nhân những người đã hy sinh cầu nguyện và giúp đỡ vật chất cho các bạn trẻ để có khả năng tham dự Hành Trình Tận Hiến này. Sau bữa ăn tối vội vàng hôm đó chúng tôi sẽ có chương trình xổ số vé số giúp cho các bạn trẻ 117 có một chút quỹ chi phí cho chuyến WYD và quỹ từ thiện. Tất cả những giải trúng số sẽ được chúng tôi thông báo trên các đài truyền hình VHN và SBTN, hoặc có thể vào website: www.vietmartyrs.info. Những số trúng sẽ phải lãnh trong vòng 30 ngày kể từ ngày xổ số 20/8/2011 cho đến 20/9/2011. Sau 30 ngày số tiền đó nếu không có người lãnh nhận sẽ được xung vào Quỹ Từ Thiện của Nhóm 117. Làm sao có thể quên được quý ân nhân và thân nhân trong đêm canh thức cầu nguyện đặc biệt đó. Thật là một đêm khó quên với những ánh nến nhỏ bé được đốt lên, kết hợp thành cây Thánh Giá cuộc đời qua những lời nguyện và chia sẻ của các bạn trẻ. Những bản nhạc của Taizé được lập đi lập lại không nhàm chán như lời xác tín của các bạn trẻ “Vâng! Lạy Chúa con đây – Chúa muốn con làm gì?”

Thường sau Đại Hội Giới Trẻ, khi ra về các bạn trẻ sẽ có một cách nhìn mới về Giáo Hội, đức tin sẽ vững mạnh hơn. Sẽ có nhiều bạn trẻ đáp trả tiếng gọi theo Chúa dấn thân đi tu hoặc hăng say làm việc tông đồ bác ái nhiều hơn. Hy vọng sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này các bạn trẻ sẽ được bám rễ sâu hơn vào Đức Giêsu Kitô để kín múc nguồn ân sủng dạt dào để sinh nhiều hoa trái: trở thành người con ngoan của gia đình, người công dân tốt của quốc gia họ sinh sống và là người giáo hữu tốt lành của Giáo Hội Công Giáo.

Nhóm Trẻ 117 - Mary Help of Christians Center - Youth 117 – World Youth Day: 6400 E. Chelsea St., Tampa, FL 33610
For more information, please visit us at www.vietmartyrs.info; Or contact us at Phone: (813) 323-2390; Email: wydviet@gmail.com
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Mẹ Maria trong các hệ phái Tin Lành và Hồi Giáo
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
21:34 25/07/2011
ÐỨC MARIA TRONG CÁC HỆ PHÁI TIN LÀNH VÀ HỒI GIÁO (2)

Trong những chuyến đưa các phái đoàn du lịch và hành hương qua Medjugorje, thuộc nước cựu Nam Tư (Yugoslavia), vào khoảng giữa thập niên 80s, người viết bài này đã có dịp chứng kiến rất nhiều anh chị em Kitô hữu ngoài Công Giáo, nhưng rất sốt sắng và nhiệt thành trong việc tôn sùng Ðức Mẹ. Nhiều người trong họ còn tập xử dụng tràng chuỗi mân côi để cầu nguyện và tham dự các thánh lễ không khác gì giáo dân Công Giáo thuần thành.

Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá nhân không làm sự khác biệt về thần học, trong việc sùng kính Ðức Mẹ, giữa Công Giáo và các hệ phái Tin Lành hay Thệ Phản (Protestants) có thể biến đi trong một sớm một chiều. Chúng ta sẽ tìm hiểu từ những hệ phái có nền thần học gần gũi với Công Giáo nhất đến những giáo phái mà vai trò của Ðức Mẹ trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô chỉ được nhắc qua trong giáo thuyết của họ một cách hết sức nhạt mờ.

Trong khi đó, Hồi Giáo (Islam), một tôn giáo hết sức khác biệt với Thiên Chúa Giáo, lại có những điểm tương đồng thích thú. Một trong những điểm tương đồng đó là sự tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria trong tôn giáo và văn hóa của họ.

TRONG GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG ÐÔNG PHƯƠNG (Eastern Orthodox)

Việc sùng kính Ðức Mẹ trong giáo hội Chính Thống Đông Phương (CTÐP) được coi là nhiệt thành và rầm rộ bề ngoài hơn cả giáo hội Công Giáo Tây Phương (La Mã), ít là trong hiện tại. Giáo thuyết của họ về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ không giống giáo hội La Mã. Họ cho rằng Ðức Mẹ là một thụ tạo tinh tuyền nhất, trong sạch hơn cả các Thiên Thần. Nhưng mặt khác họ lại tin rằng việc giao hợp nam nữ, dù rằng giữa vợ chồng, là một điều tội lỗi. Như vậy việc kết hợp giữa các Thánh Gioakim và Anna không thể sinh ra một Maria “vô nhiễm nguyên tội” được. Tiền đề của họ đã không giống giáo hội La Mã nên kết đề của họ khác xa như vậy là việc hiển nhiên.

Giáo hội CTÐP chấp nhận tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Họ cũng tin rằng Ðức Mẹ được quyền năng cầu bầu cùng Chúa cho các kẻ tội lỗi. Giáo thuyết của giáo hội CTÐP ảnh hưởng nhiều bởi lý thuyết của Theophanes thành Nicea (chết năm 1381), môn đệ của nhà huyền nhiệm học Gregory Palamas, cho rằng Ðức Maria là vị đầu tiên được tạo dựng giữa các thiên thần Seraphim, sau đó mới trở thành người. Lý thuyết này còn được Isidore Glabas (chết năm 1397) tán đồng. Ông ta cho rằng Ðức Mẹ không hẳn là thiên thần, cũng không hẳn là người, nhưng là cả hai, đã được chính Chúa sai xuống trần.

Nhà thần học và Thánh Mẫu học (Mariology) thời danh của giáo hội CTÐP là Sergius Bougakov (1871-1944), đã từ một kẻ Marxist trở về với Chúa và được thụ phong linh mục trong giáo hội CTÐP năm 1918 và đã từng dạy môn thần học ở Paris. Ông cho rằng “Trong sự thiếu sùng kính Ðức Mẹ ở giáo thuyết, Tin Lành (Protestantism) đã khác biệt trong cùng một mức độ với Chính Thống cũng như với Công Giáo. Mến yêu và sùng kính Ðức Trinh Nữ là linh hồn của nền đạo đức Chính Thống, là trái tim sưởi ấm và đem sinh khí đến toàn thể con người. Một Ðức Tin trong Ðức Kitô mà không nhắc đến việc Ngài giáng sinh bởi Ðức Trinh Nữ, và không tôn sùng Mẹ của Ngài, là một Ðức tin khác biệt, một Kitô giáo khác biệt hẳn với Chính Thống giáo.” (First Lady of the world, Peter Lappin, p. 159).

TRONG ANH GIÁO (Anglicanism)

Thái độ của Anh Giáo đối với Ðức Mẹ đã thay đổi theo từng thời và khác biệt giữa những nhóm độc lập trong giáo hội của họ. Thuở khởi đầu cuộc ly giáo với giáo hội mẹ là Công Giáo (thế kỷ XVI), họ đã đập phá tất cả các thánh tượng và đền thánh của Ðức Mẹ, ngăn cấm việc cầu xin với Ðức Mẹ và các Thánh.

Ðến thế kỷ thứ XVII những người Carolines (môn đệ của Charles II) đã cố gắng gây lại một chút sùng kính Ðức Mẹ, nhưng họ vẫn không chấp nhận việc cầu xin cùng Ðức Mẹ. Những kẻ theo chủ nghĩa hợp lý (Rationalism) ở thế kỷ thứ XVIII lại hủy bỏ tất cả những việc sùng kính Ðức Mẹ được gây lại trong thế kỷ trước.

Nhưng vào thế kỷ thứ XIX, phong trào sùng kính Ðức Mẹ lại bột phát và có phần mạnh mẽ hơn cả thế kỷ XVII. John Keble xuất bản tập thơ “Ave Maria” trong đó Ðức Mẹ được xưng tụng là “Nữ Tì có phước” và “hoa huệ trong vườn địa đàng.” Tập thơ đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giáo hữu Anh Giáo. Ngoài ra phong trào ở Ðại Học Oxford cũng giúp các giáo hữu nhận biết tầm quan trọng của Ðức Mẹ trong chương trình cứu chuộc của Chúa.

Ngày nay, nhiều nhóm trong giáo hội Anh Giáo đã công khai dựng tượng Ðức Mẹ trong hoặc trước thánh đường của họ, mà tượng Ðức Mẹ Lộ Ðức được ưa chuộng nhiều nhất. Một vài linh mục Anh Giáo còn lần chuỗi mân côi với các giáo hữu, có khi họ còn đọc kinh chung với các tín hữu Công Giáo nữa. Tuy nhiên, hai tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời vẫn là những vấn đề cần bàn thảo thêm giữa các nhà thần học Công Giáo và Anh Giáo.

TRONG GIÁO HỘI LUTHERAN VÀ CÁC GIÁO HỘI TIN LÀNH KHÁC

Một sử gia về tôn giáo nổi tiếng, Tiến Sĩ Ross Mackenzie, đã phát biểu rằng: “Dù bất cứ thực tại nào đang có trong các giáo phái Tin Lành hôm nay, không một nhà cải cách (Reformers) nào kể cả những người kế vị họ đã đặt vấn đề về nền tảng Kinh Thánh của hai câu trong kinh Tin Kính, rằng Ðức Chúa Giêsu “bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria.” Calvin, Luther và Swingli đều đã dạy về sự trinh khiết muôn đời của Ðức Mẹ. Những nhà cải cách tiên khởi còn gọi Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), bởi vì...“Mẹ đã mang thai Ngài, mà Ngài là Thiên Chúa.” Những người theo Luther và Calvin cùng đồng ý rằng lời tiên tri của Ðức Mẹ “muôn đời sẽ khen tôi có phúc” luôn luôn được thể hiện trong giáo hội. Calvin đã kêu gọi các giáo hữu theo ông phải sùng kính và ca tụng Ðức Mẹ như một lương sư, đã dạy dỗ họ qua mệnh lệnh của con Mẹ. Gần đây nhất là khoảng năm 1655, những người thuộc nhóm Waldensians, trong tập “Confession” của họ còn ghi nhận rằng Ðức Nữ Trinh Cực Thánh và các Thánh vinh hiển đáng được “chúc tụng, sùng kính và noi theo.” Ðức Trinh Nữ đã được gọi là “có phúc trong mọi người nữ.” (Trích lời phát biểu của tiến sĩ MacKenzie ở Washington, 4/1976, ibid. p.162).

Tiến Sĩ Mackenzie còn kêu gọi các giáo hữu Tin Lành “thay đổi tâm lòng.” Ông ghi nhận rằng những lời la hét “không giáo hoàng” và “không thánh mẫu học” có thể gây những tiếng vang, nhưng cải cách thật sự phải mang ý nghĩa lắng nghe Lời của Chúa. Ðặt ngôi vị của Ðức Maria đúng chỗ trong chương trình Cứu Chuộc của Ngài.

Sự chểnh mảng trong việc nghiên cứu về Ðức Maria ở các giáo hội Tin Lành, cũng như trong các cuộc phụng tự của họ, đã đưa đến sự sa sút trong niềm tin và không thấu hiểu vai trò của Mẹ. Tiến sĩ Donald Dawe, chủ tịch tiên khởi của Hội Hòa Ðồng Tôn Giáo của Ðức Trinh Nữ Maria ở Hoa Kỳ đã viết rằng chúng ta phải cám ơn những nhóm hội học về Tân Ước. Những cuộc nghiên cứu này đã giúp cả người Tin Lành lẫn Công Giáo thông hiểu ơn về ý nghĩa nhân tính thực sự của Chúa Giêsu, và vai trò của Mẹ ngài trong chương trình Cứu Chuộc.

Một cách tổng quát, trong các giáo hội Kitô, chỉ có Chính Thống Giáo, Anh Giáo (ở Mỹ được gọi là giáo hội Episcopal) và giáo hội Lutheran là còn sự tôn kính Ðức Mẹ trong tín lý của họ. Các giáo hội Thệ Phản còn lại đã dùng sự bất tôn kính Ðức Mẹ và các Thánh như một trong những chủ đề chung của họ để chống lại giáo hội Công Giáo.

NỖ LỰC HIỆP NHẤT CỦA CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Nhân lễ Truyền Tin, 25/3/1987, Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho công bố tông thư Mẹ Ðấng Cứu Thế (Redemptoris Mater), trong đó Ngài mời gọi tất cả các Kitô hữu hãy chấp nhận Ðức Mẹ như nguồn lực kết hợp. Tông thư được công bố nhằm chuẩn bị các giáo hữu Công Giáo hướng về Năm Thánh Mẫu, từ 7/6/1987 đến 15/8/1988.

Ðức Thánh Cha nêu rõ sự trùng hợp thích thú giữa Năm Thánh Mẫu và lễ kỷ niệm 1,000 năm Phép Thanh Tẩy của Thánh Vladimir và trong cùng khoảng thời gian Kitô Giáo đã được giảng dạy trong miền đất Ukraine, nơi có nhiều nhà thờ Chính Thống. Ngài kêu gọi giáo dân Công Giáo vào Chính Thống Giáo cùng liên hoan mừng lễ trong lời cầu nguyện.

Ðối với các giáo hữu Anh Giáo và Lutheran, ÐTC ghi nhận sự khác biệt trong tín lý của họ về Ðức Mẹ, nhất là trong hai tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời. Trong khi các nhà lãnh đạo của hai giáo hội đó ước mong giáo hội Công Giáo xóa bỏ lời kết án và truất phép thông công (Anathemas) đối với những ai không tin vào hai tín điều này. LM thần học gia Avery Dulles (Mỹ, được đặc cách vinh thăng Hồng Y khi ngài đã về hưu) và nhiều nhà thần học Công Giáo khác đã thỉnh cầu giáo hội tháo bỏ án phạt nói trên như một cử chỉ hòa đồng đối với những người ngoài Công Giáo.

Mặc dù các giáo hữu của hai giáo hội nói trên không hẳn đã đồng ý với tất cả những điều Chân Phúc Gioan Phaolô II đã trình bày trong tông thư, nhưng họ đã rất phấn khởi và đón chào thông điệp của Ngài. Ðối với Ðức Thánh Cha, Ngài đã có một cái nhìn đầy hy vọng và lạc quan về một tương lai mà các giáo hội Kitô Giáo Tây Phương đến gần nhau hơn và cùng chấp nhận rằng Ðức Mẹ đóng một vai trò lớn hơn trong niềm tin của họ.

ÐỨC MẸ TRONG THẾ GIỚI HỒI GIÁO (Islam)

Lịch sử cho chúng ta thấy đã hai lần, vào các thế kỷ thứ IX và XVI, người Hồi Giáo đã tấn công, bao vây và hăm dọa sự tồn vong của Kitô giáo. Bởi những sự kiện đó và bởi những khác biệt trong tín điều, không ai có thể tin vào một sự kết hợp giữa hai tôn giáo lớn nhất hoàn cầu này.

Nhưng trong ngày 28/11/1979, tại nguyện đường của tòa đại sứ Ý ở Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), ÐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đến một niềm tin chung giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo là hai giáo hội phải công nhận và cùng phát triển một sự liên kết tinh thần để đương đầu với vật chất chủ nghĩa. Tại Yaounde thuộc nước Camaroons (Phi Châu), ÐTC đã phát biểu cùng các nhà lãnh đạo Hồi Giáo rằng trong thời đại phân hóa này Hồi Giáo và Kitô Giáo phải tìm đến đối thoại với nhau.

Ngày 19/8/1985, đánh dấu lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng được mời đến thăm viếng một quốc gia nhận Hồi Giáo làm quốc giáo. Tổng Thống Marocco, đồng thời là giáo chủ Hồi Giáo của quốc gia này, đã ân cần thỉnh cầu ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm xứ sở của ông. Gần 100 ngàn người đã tràn ra đường phố dương cao khẩu hiệu chào đón vị giáo chủ Công Giáo: “Chào Mừng Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đến Morocco, quê hương Hồi Giáo.” Ðáp lại ÐTC đã kêu gọi dân chúng Hồi Giáo và Kitô Giáo chấp nhận nhau trong sự khiêm nhường và chịu đựng.

Nhìn vào thế giới Hồi Giáo, người Kitô hữu không thể không nhìn thấy một vài gía trị thực hữu. Qua những khiếm khuyết trong các xã hội Tây Âu, người Hồi Giáo đã cương quyết không để những tệ nạn, như hoang dâm, ma túy, tội phạm...xâm nhập vào xã hội của họ. Ðối với họ, Tây Âu đã đi qúa xa trong sự sa đọa, không thể cứu vãn được nữa mà sự tàn phá của bom, hỏa tiễn nguyên tử sẽ là cả hình phạt lẫn sự cứu chữa. Một vài người còn đi xa hơn, cho như là bổn phận, đòi phải giải phóng Tây Âu khỏi cảnh sa đọa, khỏi tay quỉ dữ.

Trong bối cảnh này, Ðức Maria đã đóng vai trò gì? Ngài đã được cả hai tôn giáo vĩ đại nhất chấp nhận và ân cần đón tiếp, trở nên điểm tương đồng cho họ. Ðối với người Công Giáo, Fatima là linh địa, nơi Ðức Mẹ đã hiện ra để cảnh tỉnh thế gian, nếu nhân loại không cải đổi và ăn năn đền tội, thảm họa sẽ diễn ra, kể cả việc một số quốc gia sẽ bị xóa tên.

Ðối với người Hồi Giáo, Fatima là tên người con gái rất được thương yêu của tiên tri Mohammed, bà được tôn vinh nhất trong mọi người nữ và đáng được phụ nữ Hồi Giáo noi gương. Hệ phái hồi giáo Shiites tin rằng chỉ có con cháu của bà Fatima là xứng đáng được cai trị dân Hồi Giáo.

Một số người Hồi Giáo thuộc giống Moors, từ Marocco đã theo chân tiên tri Mohammed chinh phục bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha hiện nay. Họ đã để lại dấu tích của họ ở hai nơi quan trọng là Granada, với lâu đài nổi tiếng Alhambra, và Fatima.

Trong đền thờ Hồi Giáo “Mái Vòm Trên Ðá” (Dome of the Rock), ở Jerusalem, nơi tiên tri Mohammed “lên trời”, người ta đã ghi tạc lời sách Koran bênh đỡ Ðức Maria, trước sự tấn công của người Do Thái về sự không hề bị tiêm nhiễm các tội của Mẹ. Sách Koran ghi nhận: “Trong Bà, Ðấng luôn luôn trinh khiết, Chúa sẽ thở hơi Thánh Linh.”

Người Hồi Giáo chấp nhận Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, mặc dù họ không tin vào tội tổ tông. Họ cho rằng trong khi tất cả những linh hồn khác đều bị qủi Satan bắt giữ từ khi sinh ra, thì linh hồn Ðức Maria đã không bị. Họ cũng chấp nhận tín lý Hồn Xác Lên Trời của người Kitô. Sách Koran đã dùng những từ ngữ của Kinh Thánh, “Issa bin Maryam” (Giêsu, con Ðức Maria) để nhắc đến Chúa.

Người Hồi Giáo còn coi trọng Ðức Mẹ hơn bà Fatima của họ. Bà Fatima là “phụ nữ vĩ đại nhất thế giới, sau Ðức Trinh Nữ Maria.” Sau khi bà Fatima qua đời, tiên tri Mohammed đã viết về con ông rằng Fatima “có chỗ cao nhất trên thiên đàng, sau Ðức Trinh Nữ Maria.”

Chúng ta có quyền hy vọng rằng với mối thiện cảm mà người Hồi Giáo hiện có đối với Ðức Maria, sẽ làm cho họ cùng đứng chung chiến tuyến với người Kitô, chống lại kẻ thù chung là các chủ nghĩa vật chất và vô thần. Cô Jacinta, một trong ba trẻ ở Fatima được nhìn thấy và nhận lệnh của Ðức Mẹ, đã dẹp tan tất cả những nghi ngờ về vai trò hòa giải của Ngài, khi cô nói rằng “Chúa đã trao nền hòa bình trên thế giới cho Ðức Mẹ.”

Trở lại với những tín hữu Kitô ngoài Công Giáo, đã lặn lội sang tận Medjugorje, đất Nam Tư, để minh chứng niềm tin vào Ðức Mẹ, kẻ viết bài này đã bị “cám dỗ” trong tư tưởng muốn mời họ tham gia vào việc chia sẻ Mình Thánh Chúa. Thánh Lễ là việc thờ phượng Chúa không thể thiếu đối với những người có lòng tin Công Giáo, càng không thể thiếu trong việc “dự tiệc” với Ngài. Những người anh chị em đó, dù chưa mang danh Công Giáo, dù giáo hội của họ vẫn còn thiếu sót trong việc tôn vinh Ðức Mẹ, nhưng từ những tấm lòng thành khẩn, thiết tha của họ, Ðức Mẹ không thể không nhìn đến và thương yêu họ cũng như tất cả con cái của Mẹ, là toàn thể nhân loại, trên cõi thế này.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
 
Thông Báo
Cáo phó: Nữ tu Têrêsa Phạm thị Thanh đã từ trần
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ
17:31 25/07/2011
CÁO PHÓ
“Nhờ Thánh Giá tới Ánh sáng vinh quang của Đấng Phục Sinh” (HC 65)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Trân trọng kính báo : Người chị em chúng con
Nữ tu TÊRÊSA PHẠM THỊ THANH
Sinh ngày 01 tháng 02 năm 1941 tại Cách Tâm – Ninh Bình
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 23 giờ 55’ Chúa Nhật, ngày 24 tháng 07 năm 2011
Tại Tu viện Nhà Mẹ, 578 Lê Đức Thọ, Phường 16, Quận Gò Vấp.
Hưởng thọ 70 tuổi - Khấn Dòng 46 năm.

Nghi thức tẩm liệm : 16 giờ 00’ Thứ Hai, ngày 25 tháng 07 năm 2011
Nghi thức di quan : 04 giờ 45’ Thứ Tư, ngày 27 tháng 07 năm 2011
Thánh lễ đồng tế An Táng sẽ được cử hành vào lúc :
5 giờ 00’ Thứ Tư, ngày 27 tháng 07 năm 2011 tại Nguyện Đường Nhà Mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.
Sau đó sẽ được An táng tại nghĩa trang An Dưỡng Viện Phát Diệm, Phường 15, Gò Vấp.

Chúng con kính xin Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Bề Trên,
Quý Chị Tổng Phụ Trách các Hội dòng Mến Thánh Giá, Quý Tu sĩ Nam Nữ và Quý Vị
thương cầu nguyện cho linh hồn Têrêsa – người chị em của chúng con sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Hội dòng chúng con xin chân thành cảm tạ.
Tổng Phụ Trách
 
Văn Hóa
Ánh hừng đông
Thanh Sơn
17:40 25/07/2011
Con chào NGÀI khi hừng đông vừa đến
Ân Thánh NGÀI như ánh nến tỏa lan
Xóa bóng tối mây mù giữa đại ngàn
Và đem đến muôn vàn "Ơn Sự Sống"

Vươn lên mãi hoa đời đẹp hơn mộng
"Ánh Sáng NGÀI" trải rộng đến ngàn sau
Cho địa đàng hoa nở đẹp muôn màu
Con lãnh nhận sang giàu "Ơn Thánh Ái"

Ở trong NGÀI linh hồn con sống mãi
"Thánh Tâm NGÀI" quảng đại tràn "Yêu Thương"
Khi lâm nguy NGÀI dẫn lối chỉ đường
NGÀI chính là "Thần Lương" nuôi con sống

Lượng hải hà từ bi như biển rộng
Cho con vào kiếp sống giữa trần gian
Từ bụi tro được yêu mến nồng nàn
Hơn tất cả giữa muôn ngàn tình tú

"NGÀI là Chúa" của muôn ngàn vũ trụ
Xin cho con làm khí cụ nhỏ nhoi
Như cây kim vá áo chẳng đua đòi
Chỉ cặm cụi xuyên soi nối chỗ rách

Từng mũi chỉ nghèo nàn nhưng trong sạch
Dưới "Ánh Sáng NGÀI" vạch sẵn lối đi
Con ước thế chứ NGÀI đâu cần gì
Cho tự do để tìm nguồn hạnh phúc

Nhưng đường đời luôn đầy tràn uẩn khúc
Mức chia đôi vinh, nhục chỉ một ly
Bả vinh hoa phú qúy có là gì?
Trước mặt NGÀI có khi là tội lỗi

Trên đường đời con trở về nguồn cội
Đầy ngã rẽ lầy lội phải bước qua
"Xin Thánh Linh"soi tỏ lối về nhà
Và "Mẹ Maria" luôn giúp sức

Ai trên đời dám khoe mình đạo đức?
Là lấn qua làn mức của kiêu căng
Là tâm linh đang mất sự cân bằng
Là thần dữ! khen rằng, ta anh dũng

Hãy dừng ngay! kẻo mất hết ân sủng
Lu-ci-phe xưa cũng bởi kiêu căng
Nên tối tăm bao phủ cả cung hằng
Và trở nên hung hăng thành thần dữ

Hay E-và mộng đẹp người thiếu nữ
Đã đánh mất vinh dự NGÀI ban cho
Muốn nhiều hơn cả gan dám tò mò
Cây trái cấm nàng thò tay qua hái

Để muôn đời con cháu ngươi vẫn dại
Nhưng tình NGÀI quảng đại vẫn thứ tha
Vẫn chờ con mau thống hối về nhà
Vòng tay NGÀI giăng ra chờ con mãi

Về đi con! về đi đừng ngần ngại
Dù cho con trót dại trăm ngàn lần
"Thánh Tâm Cha" luôn mãi đầy "Hồng Ân"
Mong con về ở gần bên CHA mãi

Ôi! Tình CHA vô bờ trong quảng đại.
26.07.2011
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: An Nhiên Một Mình – Lonely
Nguyễn Đức Cung
21:33 25/07/2011
AN NHIÊN MỘT MÌNH - Lonely
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Một mình "thiền" để dễ quên
Một mình quán tưởng sáng lên diệu kỳ.
(Trích thơ của Trịnh Hưng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Video quảng bá WYD 2011: Kinh Thành Madrid - Plaza de Cebeles
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:19 25/07/2011