Ngày 25-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chút xíu con đây ngài vui nhận
Lm Giuse Trương Đình Hiền
09:31 25/07/2015
CHÚT XÍU CON ĐÂY NGÀI VUI NHẬN
(Ga 6, 1-15)

Từ khi cửa địa đàng đóng lại,
Bước chân hoang quờ quạng lên đường
Gai gốc phủ đầy thân tê dại
Đói bánh cơm, đói khát tình thương,

Những nổi đau, ưu phiền, khát vọng,
Kiếp đọa đầy nối tiếp khôn vơi,
Nhân loại vẫn là nhân loại ấy,
Mà gian truân theo suốt cuộc đời.

Cho dẫu biết đêm hồng thuở nọ,
Vượt qua đời nô lệ tối tăm,
Có man-na theo về Đất Hứa,
Tưởng từ đây đại tiệc muôn năm.

Hết Mô-sê đến hồi Đa-vít,
Rồi Sa-lo-mon hay ngôn sứ Ê-li-a,
Sẽ đưa dân về trên đỉnh núi,
Thịt béo rượu ngon chảy đậm đà !

Nhưng rồi vẫn cùi, câm, đuôi, điếc,
Vẫn phận nghèo, nô lệ, tối tăm,
Đói yêu thương, công bình, sự thật,
Mong bàn tay đưa khỏi đường hầm !

Rồi đến một bình minh thuở ấy,
Bờ Gio-đan rầm rập bước chân,
Ai nấy nôn nao lòng chỗi dậy,
Tiếng trời cao nghe thấy thật gần !

Ô hay lại là anh thợ mộc !
Mới giã từ Na-da-rét quê chay.
Mà sao đổi đời trong phút chốc,
Uy nghi rỡ rạng phút giây nầy ?

Từ đó bao con đường vui lạ,
Tin què đi, câm nói, điếc nghe,
Từng đoàn phung hủi quay về phố,
Từ đây thôi kiếp sống bên lề.

Có hôm mấy nghìn người đùm túm,
Bỏ làng, bỏ phố dắt nhau nghe,
Nghe giảng Tin Mừng về Nước Chúa,
Quên khát, quên ăn, cả lối về.

Và Người thấy nôn nao trong dạ,
Phải làm sao cho họ no lòng !
Năm chiếc bánh và hai con cá,
Từ bàn tay em bé tinh trong…

Từ bữa tiệc ngon ngày xưa đó,
Bánh Trường sinh nối tiếp trong đời,
Vẫn mong tấm bánh và con cá,
Của những bàn tay giữa cuộc đời.

Hôm nay vẫn vạn người đang đói,
Đói niềm tin, chân lý, yêu thương,
Đói bánh cơm, hòa bình, công lý,
Đói niềm vui, hy vọng thiên đường…

Chút xíu con đây Ngài vui nhận,
Chỉ bằng 5 chiếc bánh ngày xưa,
Con vững tin trong bàn tay Chúa,
“Chút xíu con” vĩ đại ai ngờ !
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cai ngục thời cộng sản Rumani bị kết án 20 năm tù, bồi thường 330,000 Mỹ kim cho thân nhân các nạn nhân
Đặng Tự Do
07:46 25/07/2015
Radio Vatican cho biết một cai tù Rumani thời cộng sản đã bị kết án 20 năm tù giam về các tội danh chống lại nhân loại. Alexandru Vişinescu bị cáo buộc đã gây ra cái chết của 12 tù nhân.

Đây là phiên tòa công khai đầu tiên xử các cán bộ cộng sản phạm tội chống nhân loại. Cai ngục Vişinescu, 89 tuổi, đã bị buộc sống hai thập kỷ sau song sắt và thanh toán một số tiền lên đến 330,000 Mỹ Kim cho người thân của các nạn nhân.

Từ 1956-1963 Vişinescuran Râmnicu Sarat, đã là một nhà tù khét tiếng ở miền đông Rumani, nơi trí thức và quan chức chính trị và quân sự đã bị tra tấn và đôi khi bị giết.

Anca Cernea, người mà cả cha và ông nội đều là những tù chính trị, gọi phiên tòa này là "một thắng lợi luân lý". Quan điểm này được chia sẻ bởi Radu Preda, chủ tịch của Viện điều tra các tội phạm của cộng sản . "Rõ ràng là giờ đây chúng ta có thể nói về công lý cho các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản," ông nói. "Chúng ta đừng hối tiếc rằng con người này đã quá già và bản án này thực sự chẳng có nghĩa gì nhiều với ông ta ... Hãy xem câu chuyện này là khởi đầu của công lý cho các trường hợp khác."

Preda, là người khởi xướng việc truy tố Vişinescu vào năm 2013, đã gọi phán quyết của tòa án là "các quyết định quan trọng nhất từng được thực hiện bởi hệ thống tư pháp của Rumani về trách nhiệm của các viên chức thời cộng sản. "

Khoảng 500,000 người Rumani đã là các tù nhân chính trị trong thập niên 1950 và đầu thập niên 60. Nhưng kể từ khi nhà độc tài Rumani Nicolae Ceausescu bị lật đổ trong cuộc cách mạng năm 1989 đến nay nhiều quan chức cộng sản trước đây vẫn chưa bị truy tố. Visinescu là quan chức cộng sản đầu tiên bị ra hầu tòa.
 
ĐTGM Georg Gänswein đề cập đến Thượng Hội Đồng về Gia Đình: Tại sao một số Giám Mục cứ cố đề nghị những điều không thể?
Đặng Tự Do
08:40 25/07/2015
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã đặt câu hỏi tại sao một số Giám Mục - đặc biệt là các Giám Mục Đức, đồng hương với ngài - cứ kiên trì đề xuất việc cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ trong khi đó là điều không thể.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đã làm việc chặt chẽ với cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cũng nói về sự tương đồng giữa hai vị trong một cuộc phỏng vấn với One Plus, một tạp chí của Đại học Quốc tế Catalonia.

Trưóc hết, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng những giả thuyết cho rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thoái vị vì một số áp lực hoặc động cơ nào đó khác với tuyên bố ngắn gọn của ngài hôm 11 tháng Hai năm 2013, là "hoàn toàn vô căn cứ."

Mặc dù có sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa hai vị giáo hoàng, "Tôi tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cùng một suy nghĩ như người tiền nhiệm của ngài về tình trạng của Giáo Hội và thế giới”, Đức Tổng giám mục Gänswein nói. "Không phải là Đức Thánh Cha Phanxicô không quan tâm đến cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tương đối, nhưng ngài thấy rõ ràng là, trong triều đại giáo hoàng của mình, Thiên Chúa yêu cầu ngài tập trung vào các điểm khác, vào những thách đố khác."

Khi được hỏi về cuộc đàn áp các Kitô hữu đang diễn ra hiện nay, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng "Đức Giáo Hoàng rất rõ ràng về điểm này và, thật không may, các định chế lớn đều giữ im lặng hoặc, thiếu nhất quán trong lời nói và việc làm. Và điều này là rất nghiêm trọng. Đó là hành vi không thể chấp nhận . Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng là tiếng nói có sức thuyết phục và can đảm về thực chất của vấn đề. "

Quay trở về Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về gia đình, Đức Tổng Giám Mục nói:

“Rõ ràng Giáo Hội không nhắm mắt trước những khó khăn trong cuộc sống của các tín hữu đang trong các tình huống khó khăn. Tuy nhiên, Giáo Hội phải đưa ra những câu trả lời chân thành có định hướng, không a dua theo thời đại, nhưng nhất quán với Tin Mừng, với Lời của Chúa Giêsu Kitô và với truyền thống Công Giáo ...

Chắc chắn là những Kitô hữu đang ở trong một tình trạng hôn nhân mà thần học gọi là ‘bất thường’ phải đương đầu với nhiều thách đố. Chúng ta phải giúp đỡ họ, chắc chắn rồi, nhưng không phải theo cách giản lược vấn đề. Điều quan trọng là gần gũi với họ, để tạo liên lạc và duy trì sự liên lạc. Bởi vì họ là thành viên của Giáo Hội như mọi người khác, họ không bị trục xuất hay bị rút phép thông công.

Họ cần được nâng đỡ, nhưng có những vấn đề liên quan đến đời sống bí tích. Giáo Hội phải rất chân thành với các tín hữu sống trong tình huống này. Không phải chỉ là thông điệp: ‘Họ có thể, hay họ không thể.’ Và theo ý kiến của tôi, nó phải được giải quyết một cách tích cực. Các vấn đề tiếp cận với đời sống bí tích phải được giải quyết chân thành trên cơ sở của giáo huấn Công Giáo ...

Đúng là không phải tất cả các sai lầm đều đến từ Đức, nhưng trong chuyện này chắc chắn sai lầm xuất phát từ đó: 20 năm trước, sau một cuộc đàm phán lâu dài và mất thời gian, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không chấp nhận cho Kitô hữu tái hôn lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Bây giờ, chúng ta cũng không thể bỏ qua giao huấn của ngài và thay đổi mọi thứ.

Tại sao một số mục tử cứ muốn đề xuất một điều không thể như thế? Tôi không biết. Có lẽ họ chiều theo thời đại; có lẽ họ cho phép bản thân họ được hướng dẫn bởi những tràng pháo tay của con người gây ra bởi các phương tiện truyền thông ... Giữ một thái độ phê phán đối với các phương tiện truyền thông chắc chắn là điều ít ai muốn làm, nhưng một mục tử không thể đưa ra các quyết định trên cơ sở những tiếng vỗ tay ít nhiều của các phương tiện truyền thông. Cơ sở của các quyết định phải là Tin Mừng, đức tin, giáo lý lành mạnh, và Truyền thống.”
 
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015: Bản chất và vai trò Hội Thánh
TGP Philadelphia
14:21 25/07/2015
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015
TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO

BÀI CHÍN: BẢN CHẤT VÀ VAI TRÒ CỦA HỘI THÁNH: LÀ NGƯỜI MẸ, NGƯỜI THẦY, GIA ĐÌNH


Hội Thánh có những hình thức cơ chế, vì Hội Thánh phải hoạt động trong trần thế. Nhưng điều này không làm mất đi yếu tính của Hội Thánh. Hội Thánh là Tân Nương của Đức Kitô, một “ngôi vị” chứ không phải một “cái gì đó”. Theo ngôn từ của Thánh Gioan XXIII, Hội Thánh là mẹ chúng ta, là thầy chúng ta, là đấng an ủi và hướng dẫn chúng ta, là gia đình đức tin của chúng ta. Ngay cả khi giáo dân và người lãnh đạo trong Hội Thánh phạm tội, chúng ta vẫn cần đến sự khôn ngoan, các bí tích, sự nâng đỡ và rao giảng chân lý của Hội Thánh, vì Hội Thánh là chính thân mình Chúa Giêsu tại trần thế - là gia đình của dân Thiên Chúa.

Hội Thánh là Mẹ chúng ta, và chúng ta là con cái của người

174. Hội Thánh là Giêrusalem thượng giới, “Giêrusalem thượng giới ấy là Mẹ chúng ta”[1] (Gl 4,26). Hội Thánh là người “mẹ cho chúng ta được tái sinh”[2]. Hội Thánh, Tân Nương Trinh Khiết của Đức Kitô, hạ sinh những người con, nam và nữ, vốn được “sinh ra từ trên ... sinh bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,3.5).

175. “Sinh ra từ trên” nghĩa là gì? Có phải nghĩa là chúng ta không có căn tính trần thế nào hết sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội? Không, nhưng có nghĩa là “từ giếng nước rửa tội sinh ra một Dân duy nhất của Thiên Chúa của Giao Ước Mới, vượt trên tất cả mọi biên giới tự nhiên của các quốc gia, mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc và giới tính: ‘Vì bởi cùng một Thần Khí, chúng ta hết thảy được thanh tẩy để trở nên một thân thể”[3]. Nghĩa là với tư cách là con cái của Hội Thánh, chúng ta có một căn tính mới, vốn không tiêu hủy nhưng vượt trên tất cả mọi cách thức tự nhiên mà loài người dùng xây dựng căn tính của mình.

176. Là thành phần của Hội Thánh, chúng ta là thành phần của “một thân thể” vốn không được xác định bởi bất kỳ phẩm chất nào của con người, như tuổi tác, quốc tịch, trí thông minh, hay bởi bất kỳ thành tựu nhân bản nào, như hiệu quả, tổ chức, hay nhân đức luân lý. Nếu Hội Thánh được xác định bởi một phẩm tính nhân phàm nào trên đây, thì chúng ta sẽ không có được sự tái sinh “từ bên trên”, nhưng chỉ là từ bên dưới này mà thôi, bởi chính bản thân mình và bởi các năng lực hạn chế của mình. Vì bất kể là chúng ta có thông minh hay đức hạnh đến đâu, vẫn chẳng có gì sánh nổi với tình yêu tuyệt hảo của Đức Kitô, và Tân Nương của Người, Giêrusalem thiên quốc, Mẹ chúng ta, tức Hội Thánh. Trở nên con cái của Mẹ Hội Thánh, chúng ta lãnh nhận một ân huệ, một căn tính mới trong Đức Kitô, căn tính mà chúng ta không thể tự ban cho mình được.

Hội Thánh thánh thiện như thế nào và vì sao

177. Khi chúng ta nói Hội Thánh là “không tì vết”, không phải chúng ta không biết rằng tất cả mọi thành viên trong Hội Thánh đều là tội nhân, vì Hội Thánh “vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy”[4]. Sự thánh thiện của Hội Thánh là sự thánh thiện của Chúa Kitô, Phu Quân của Hội Thánh. Chính tình yêu của Đức Kitô Tân Lang, đã tạo nên Hội Thánh ngay từ đầu: “Hội Thánh được sinh ra trước hết là nhờ Đức Kitô tự hiến mình trọn vẹn cho chúng ta được cứu độ, được báo trước trong việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, và được hoàn tất trên Thập giá... Như Evà được tạo nên từ cạnh sườn Ađam đang ngủ, Hội Thánh cũng được sinh ra từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chết treo trên thập giá”[5].

178. Chúng ta có thể nói rằng Hội Thánh được “thành hình” nên không phải nhờ bất kỳ sự đức độ, thánh thiện, hay thành tựu nào chúng ta có thể đạt được, nhưng là bởi chính tình yêu tự hiến của Đức Kitô. Khi chúng ta sinh ra từ Hội Thánh là Mẹ chúng ta, thì chúng ta được sinh ra bởi tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu này thông ban cho Hội Thánh căn tính của mình, không phải như một quốc gia hay một tập thể, hoặc một nhóm nào cấu thành bởi những con người giống những tập thể khác, nhưng như là “Tân Nương”, người “Bạn Đời”, “một xương một thịt” của Đức Kitô, và như thế, là một Thân Mình duy nhất.

179. Tình yêu trong đó chúng ta được sinh ra trong Đức Kitô, là một tình yêu chúng ta không thể nào tự ban cho mình. Một khi được lãnh nhận, tình yêu này thanh tẩy, để cho Hội Thánh, nơi từng con cái mình, luôn luôn được biến đổi trong tình yêu của Đức Kitô cho đến khi Người nên hình nên dạng trọn vẹn nơi hết thảy chúng ta. Đây là ý nghĩa của hình ảnh Hội Thánh lữ hành, một Hội Thánh đang “trên đường hành hương” hướng đến sự hoàn hảo chung cuộc, sự hoàn hảo trong và nhờ chính tình yêu đã định hình cho Hội Thánh ngay từ đầu.

180. Cho đến lúc đó, Hội Thánh sẽ thấy cuộc lữ hành của mình là một cuộc hành hương thường xuyên đi “theo con đường sám hối và canh tân”[6] và Hội Thánh không thể, mà cũng không tự nhận mình toàn hảo, ngoại trừ của hồi môn của mình, là máu châu báu Chúa Kitô, tức là tình yêu của Người.

Người Công Giáo có tội cũng không làm mất đi sự thánh thiện của Hội Thánh

181. Hội Thánh đặt nền tảng nơi Đức Kitô, nghĩa là dù có tội lỗi trong Hội Thánh, thậm chí dù có tội lỗi nơi cả những thừa tác viên có chức thánh đi nữa, thì điều ấy cũng vẫn không thể vô hiệu hóa căn tính hay tính thánh thiện của Hội Thánh được, vì căn tính ấy không phải từ chúng ta mà ra, nhưng là từ Đức Kitô. Trong Cựu Ước, Dân Thiên Chúa, dân Israel, đã được xác lập bởi giao ước của họ với Thiên Chúa, và dù họ có tội lỗi lớn tới mức nào cũng không thể vô hiệu hóa ơn “được tuyển chọn” đó của họ, hay căn tính là Dân Thiên Chúa mà giao ước kia ban cho. Dù họ thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Bất kỳ ai gặp gỡ họ thì luôn luôn vẫn là gặp gỡ Dân Thiên Chúa, cho dù có ai trong Dân Chúa có tội lỗi đến đâu đi nữa.

182. Sự trung thành với giao ước của Thiên Chúa cũng áp dụng cho Hội Thánh. Điều kỳ diệu của Hội Thánh là tình yêu của Chúa Kitô vốn xác lập nên Hội Thánh không thể bị tẩy xóa bởi bất kỳ tội lỗi nào của các thành phần trong Hội Thánh. Hội Thánh là một xã hội hữu hình giữa trần thế, nhưng đó là một xã hội không được xác lập bởi bất kỳ điều gì “của” trần thế. Đây là vẻ đẹp tuyệt vời của Hội Thánh. Chúng ta không phải chờ nhóm mười hai người toàn hảo được tạo lập trước đã rồi mới có thể tuyên bố là chúng ta có một Hội Thánh đáng tin cậy. Chúng ta không đặt đức tin của mình nơi đức hạnh hay sự toàn hảo của con người, nhưng chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta, và nhờ máu của Ngài đã làm cho chúng ta trở nên “một giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, một dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để công bố những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền của Ngài” (1 Pr 2, 9).

Quyền và trách nhiệm giáo huấn của Hội Thánh

183. Hội Thánh, Mẹ chúng ta, khi thông truyền cho chúng ta một căn tính mới trong tình yêu và sự thánh thiện mà nhờ đó chính Hội Thánh được hình thành, cũng có trách nhiệm giáo huấn chúng ta, huấn luyện chúng ta ngày càng hoàn hảo hơn trong căn tính mới mà chúng ta đã lãnh nhận, không phải từ thế gian, nhưng là “từ thượng giới”. Không một thẩm quyền thế tục nào có thể xóa bỏ chức năng này, vì căn tính mà Hội Thánh nhận lãnh và thông ban, không xuất phát từ những thành tựu của thế gian, như chúng ta đã thấy, mà vượt trên các thành tựu ấy và hoàn thiện chúng. Thực ra, “bổn phận mục vụ của Huấn quyền”, hay quyền giáo huấn của Hội Thánh, “có mục đích chăm lo cho dân Chúa được kiên vững trong chân lý, một chân lý có sức giải phóng”[7].

184. Huấn quyền Hội Thánh phục vụ toàn thể dân Chúa qua việc gìn giữ chân lý của Tin Mừng được nguyên vẹn, cùng với tất cả các giáo huấn luân lý mạc khải, một cách minh nhiên và mặc nhiên, trong Tin Mừng, vốn nuôi dưỡng tự do con người. Những điều này bao gồm các chân lý như phẩm giá con người, sự tốt đẹp của tạo thành, sự cao trọng của đời hôn nhân, và khuynh hướng nội tại của hôn nhân hướng đến thông hiệp yêu thương trao ban sự sống. Những chân lý này không thể bị triệt tiêu vì tội lỗi con người mắc phải chống lại phẩm giá mà các chân lý này công bố. Đúng hơn, những tội lỗi như thế lại mời gọi Hội Thánh công bố những chân lý này một cách càng trung thành hơn nữa, ngay cả khi Hội Thánh tìm kiếm sự đổi mới trong chính những chân lý này, và trong tình yêu mà từ đó các chân lý này xuất phát.

Các cặp vợ chồng và các gia đình làm chứng cho Hội Thánh như thế nào

185. Các cặp vợ chồng Kitô hữu có vai trò then chốt trong việc công bố chính những chân lý này, sao cho thế gian thấy thuyết phục nhất, nghĩa là bằng đời sống không ngừng được biến đổi bởi tình yêu, vốn được thông ban cho họ trong Bí tích Hôn phối và xác lập sự hiệp thông vợ chồng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả một cách đầy xúc động chứng tá đức tin mà các cặp vợ chồng Kitô hữu có thể đem lại, nhờ các ân sủng của Bí tích Hôn phối:

Các cặp vợ chồng Kitô hữu không ngây thơ; họ biết các vấn đề khó khăn và các cám dỗ trong đời sống. Nhưng họ không sợ nhận lãnh lấy trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và trước xã hội. Họ không bỏ chạy, không trốn tránh, không lẩn tránh sứ mệnh xây dựng một gia đình và sinh thành và nuôi dạy con cái. Nhưng ngày nay, lạy Cha, thực là khó khăn… Hẳn nhiên thực là khó khăn! Đó là lý do vì sao chúng con cần ân sủng Chúa, ân sủng đến từ Bí tích! Các Bí tích không phải là những thứ thêm thắt trong cuộc đời – như khi người ta nói: Một đám cưới thật đẹp thay! Một nghi lễ trang trọng thay! Một bữa tiệc tưng bừng thay!…. Nhưng đó không phải là Bí tích Hôn phối. Đó chỉ là một trang điểm cho cuộc đời! Ân sủng không phải được ban cho để trang trí cuộc đời, nhưng là để cho chúng ta được tăng cường sức mạnh trong đời sống, cho chúng ta dũng cảm bước tới! Và vì không muốn tự cô lập mình nhưng muốn luôn luôn cùng ở bên nhau, nên các Kitô hữu cử hành Bí tích Hôn phối, vì họ biết họ cần điều đó![8].

186. Cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đều từng trích dẫn một đoạn trong tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii Nuntiandi) của Đức Phaolô VI: Con người thời nay sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu người ta lắng nghe các thầy dạy, là vì đó là những chứng nhân”[9]. Đức Phanxicô mời gọi các cặp vợ chồng Kitô hữu hãy là những thầy dạy mà người thời nay muốn lắng nghe, những thầy dạy dạy bằng chứng tá, và nhờ đó gìn giữ được chân lý và thể hiện tính thuyết phục của chân lý bằng cách đón nhận sự sống mới, bằng sự nồng ấm của tình yêu thương lẫn nhau, và qua sự sẵn sàng tiếp đón tha nhân, như những ốc đảo của tình yêu thương và lòng nhân hậu, trong một nền văn hóa thường hằn dấu của thói cay độc, nhẫn tâm và hay gây nản lòng.

187. Chứng tá của các cặp vợ chồng Kitô hữu có thể đem lại ánh sáng cho một thế giới đang xem trọng hiệu năng hơn con người, và xem trọng “sở hữu” hơn “hiện hữu” – do đó, quên mất giá trị của “nhân vị” và “hiện diện” cùng nhau. Ước mong những ai kết hôn trong Chúa Kitô sẽ là những chứng tá trung tín cho tình yêu của Người, và trở nên những thầy dạy sự thật, vốn có sức thuyết phục nội tại mọi nơi mọi lúc.

188. Hội Thánh là một định chế, nhưng luôn luôn còn hơn một định chế nữa. Hội Thánh là một người mẹ, một tân nương, một thân mình, một gia đình, và một giao ước. Tất cả những ai đã được rửa tội đều là con cái của Hội Thánh, nhờ Hội Thánh mà các Kitô hữu có được căn tính chân thực và căn bản nhất. Cũng như tội lỗi của chúng ta không bao giờ bôi xóa được việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và là thành viên trong gia đình Thiên Chúa, thì khi người Công Giáo phạm tội, điều đó cũng không bôi xóa đi được sự thánh thiện của Hội Thánh. Yếu tính của Hội Thánh tùy thuộc vào Chúa Giêsu, Người là nền tảng chúng ta dựa vào, nền tảng thâm sâu và bảo đảm hơn bất kỳ thành tựu nào của loài người. Cho dù có nhiều thất bại, Hội Thánh vẫn không thể trốn tránh trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, và như thế, chúng ta tiến hành sứ mệnh tình yêu của Hội Thánh.

Câu Hỏi Thảo Luận

a) Giao ước của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta như thế nào, ngay cả khi chúng ta phạm tội?
b) Tất mọi người đều có tội, kể cả các vị lãnh đạo Công Giáo. Vậy tại sao chúng ta lại nói Hội Thánh thánh thiện?
c) Chúa Giêsu muốn chúng ta làm gì khi Hội Thánh không sống đúng theo chuẩn mực của Người?
d) Tại sao Chúa Giêsu yêu thương Hội Thánh? Hội Thánh có gì khiến Người hài lòng? Và điều gì khiến Người thất vọng?

KINH NGUYỆN CHÍNH THỨC CÚA ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI TẠI PHILADELPHIA 2015

Lạy Chúa là Cha chúng con/
trong Chúa Giêsu, Con Cha/
Đấng Cứu Độ chúng con/
Cha đã cho chúng con được làm con cái Cha/
trong gia đình Hội Thánh./
Xin hồng ân và tình yêu của Cha/
giúp các gia đình chúng con/
khắp mọi nơi trên thế giới/
được hiệp nhất với nhau/
và trung thành với Lời Cha./
Xin cho tấm gương của Thánh Gia Thất/
với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần/
hướng dẫn mọi gia đình chúng con/
nhất là các gia đình đang gặp thử thách/
trở nên mái ấm của hiệp thông và cầu nguyện/
luôn biết tìm kiếm chân lý/
và sống trong tình yêu của Cha./
Chúng con nguyện xin Cha/
nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con./ Amen.
Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse/
Xin cầu cho chúng con!


NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
Cđ, Công đồng Vatican II
DCE, Deus Caritas Est
ĐGH, Đức Giáo Hoàng
DV, Dei Verbum
EG, Evangelii Gaudium
EN, Evangelii Nuntiandi
FC, Familiaris Consortio
GL, Giáo luật
GLHTCG, Giáo lý Hội thánh Công Giáo
GrS, Gratissimam Sane
GS, Gaudium et spes
Hc, Hiến chế
HTXHCG, Học thuyết Xã hội Công Giáo
HV, Humanae Vitae
LF,Lumen Fidei
LG, Lumen Gentium
MD, Mulieris Dignitatem
PP, Populorum Progressio
RH, Redemptor Hominis
RN, Rerum Novarum
Tđ, Thông điệp
Th, Tông huấn
VS, Veritatis Splendor

GHI CHÚ:
[1] Cf. GLHTCG, 757.
[2] GLHTCG, 169.
[3] GLHTCG, 1267. Cf. 1Cr 12,13.
[4] LG, 8; GLHTCG, 827.
[5] GLHTCG, 766.
[6] LG, 8; GLHTCG, 827.
[7] GLHTCG, 890.
[8] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Với những người tham dự trong cuộc hành hương của các gia đình trong Năm Đức Tin”, Vatican City, 26.10.2013.
[9] EN,41.
 
Người Công giáo các Giáo phận Italia hành hương Thánh Địa
Linh Tiến Khải
19:38 25/07/2015
GIÊRUSALEM: Trong các ngày qua nhiều Giám Mục Italia đã ra thông cáo mời gọi tín hữu tham gia các cuộc hành hương Thánh Địa mùa hè, để liên đới với các kitô hữu và trợ giúp kinh tế cho các anh chị em này.

Các GM viết trong thông cáo: “Chúng ta không nên sợ hãi tham dự các cuộc hành hương, vì có nhiều lý do để đi hành hương Thánh Địa. Trước hết các chuyến hành hương Thánh Địa quan trọng, vì khi tham dự có nhiều người trở lại với cuộc sống đức tin. Và thứ hai đây là phương thế cụ thể để trợ giúp các kitô hữu Thánh Địa.”

Năm nay chiến tranh tại Siria và các cuộc tấn công của các lực lượng hồi giáo cuồng tín đã tạo ra nỗi sợ hãi, khiến cho số tín hữu hành hương Thánh Địa giảm sút thê thảm, các khách sạn trống rỗng, người palestin không có việc làm và không bán được các đồ kỷ niệm là sản phẩm tiểu công nghệ của họ. Thực tại khó khăn này cũng là lý do khiến cho nhiều kitô hữu di cư ra nước ngoài. Thật ra tình hình Thánh Địa vẫn hoàn toàn thanh bình, không có gì đáng lo ngại.

Trong các đoàn hành hương Thánh Địa mùa hè này có đoàn 50 tín hữu, do ĐC Rodolfo Cetoloni, GM Grosseto, hưóng dẫn trong các ngày 20 đến 27 tháng 8. ĐC Enrico Solmi, GM Parma, hướng dẫn đoàn hành hương 80 người trong các ngày tù 10 đến 18 tháng 8, đa số là người trẻ tuổi từ 18 đến 30. LM Paolo Salvadori, đặc trách mục vụ giới trẻ giáo phận, cho biết đây là chặng kết thúc của lộ trình tinh thần của giới trẻ giáo phận kéo dài 3 năm. Các bạn là thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành và Hướng Đạo Sinh.

ĐC Nazzareno Marconi, GM giáo phận Macerata-Tolentino-Recanati-Cingoli-Treia, đã hướng dẫn đoàn hành hương trong các ngày từ mùng 2 tới mùng 9 tháng 7 cho biết đây là dịp rất tốt giúp tín hữu đào sâu đức tin và gặp gỡ tín hữu địa phương. Riêng đối với GM thì nó là cơ may tiếp xúc và chung sống với tín hữu như là mục tử giữa đoàn chiên của mình (SD 23-7-2015)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Giáo Xứ Hòa Nghĩa ​​ Giáo Phận Nha Trang.
Thới Hoa
18:58 25/07/2015
Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Giáo Xứ Hòa Nghĩa ​​ Giáo Phận Nha Trang.

(1966 – 2016)

Ngày 22 tháng 08 năm 1966, cách nay đúng 50 năm, các đoàn người di cư từ quảng Ngãi vào vùng đất Cam Đức - Cam lâm và định cư tại Giáo Xứ Hòa Nghĩa thân yêu này. Trải qua một quảng thời gian dài nhiều gian nan thử thách nhưng nhờ sự chăm lo coi sóc đoàn chiên của các vị mục tử nhân lành, cùng với sự đoàn kết của mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, nên Giáo Xứ Hòa Nghĩa mới phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay( giáo xứ có khoảng 6000 giáo dân, được chi thành 10 giáo họ.)

Xem Hình

Trong tâm tình tạ ơn mừng hồng ân Kim Khánh 50 nămthành lập Giáo Xứ Hòa Nghĩa thân yêu này, thay mặt cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Hòa Nghĩa, Cha quản xứ đã đệ đơn xin Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận Nha Trang, nhờ ngài kính chuyển lên Đức Thánh Cha Phanxicô qua Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh - Kim Khánh giáo xứ, để mọi thành phần dân Chúa tại giáo xứ Hòa Nghĩa dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ. Tòa Ân Giải Tối Cao đã cho phép Giáo xứ Hòa Nghĩa mở Năm Thánh với việc lãnh ơn toàn xá vào những ngày ấn định trong năm. Thời gian của Năm Thánh giáo xứ bắt đầu từ ngày 24-07-2015 đến ngày 15-08-2016 lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Đây là dịp để chúng ta cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã và đang đổ tràn trên giáo xứ, và cũng để cộng đoàn giáo xứ chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân đã góp phần thăng tiến đời sống đức tin của chúng ta. Không những thế, chúng ta cùng nhau nhìn lại quá khứ để vạch ra hướng phát triển giáo xứ trong tương lai.

Từ Sáng sớm ngày 24-07-2015 khuôn viên nhà thờ giáo xứ trở nên rộn ràng vui vẻ, cờ phướng tung bay trên bầu trời cùng với từng đoàn người kéo về khuôn viên nhà thờ đông đảo. Trong ngày trọng đại này giáo xứ còn có 165 em thiếu niên sẽ được lãnh nhân bích tích Thêm Sức nên làm cho bầu khí đại lễ thêm phần long trọng.

Đúng 7g15 tiếng chuông nhà thờ ngân vang, tiếng kèn cùng với tiếng trống dồn dập… từ trước cổng nhà thờ Đức Cha Giuse được cha quản xứ, cha phó xứ cùng ông chủ tịch HĐGX đón tiếp và trao cho Đức Cha vòng hoa tươi thắm. Trong tiếng vỗ tay của các em thiếu nhi, và cả cộng đoàn dân chúa đông đuc đang đón chào từ bên trong khuôn viên nhà thờ. Đức Cha tiến vào nhà thờ trên thảm đỏ trải dài tiếng vỗ tay kéo dài.

Diễn tiến buổi lễ được diễn ra như sau:

Đúng 7g30 Thánh lễ khai mạc năm Thánh được bắt đầu, đoàn đồng tế cùng Đức Cha có trên 20 linh mục tiến vào tiền đường nhà thờ với đoàn rước. Lúc này cửa nhà thờ đang đóng kín.

Trước tiên Cha Quản xứ thay mặt cộng đoàn giáo dân giáo xứ dâng lên lời chào mừng với Đức Cha cùng quý cha…. Và xin Đức Cha chúc lành cờ tòa thánh, cờ năm thánh, cờ các giáo họ và cờ các đoàn thể. Sau khi được chúc lành hai lá cờ tòa thánh và cờ năm thánh được đưa lên trụ cờ nơi bên phải tiền đường nhà thờ và được kéo lên trong tiếng kèn vang cùng với cờ của 10 giáo họ và cờ các hội đoàn đồng loạt kéo lên. Được biết những lá cờ này sẽ treo đến hết năm thánh.

Tiếp đến ông chủ tịch HĐGX dâng sắc lệnh của tòa ân giải tối cao lên Đức Cha và được cha tổng đại diện công bố sắc lệnh ban ơn toàn xá.

Sau đó dâng phép lành tòa thánh lên Đức Cha và được cha Phó xứ công bố năm hồng ân.

Tiếp đến bằng việc xứ tro lên trán cha quản xứ, cha phó xứ, và đại diện các đoàn thể Đức Cha mời gọi mọi thành phần dân chúa cùng sám hối với Ngài để chuẩn bị bước vào năm hồng phúc.

Đức Cha gõ cửa và tiến vào nhà thờ cùng với cộng đoàn dân Chúa trong tiếng hát vang của ca đoàn với khúc ca “Trời và trái đất đầy vinh quang Chúa…hãy tôn vinh hãy phụng sự Vua vinh quang…..”

Sau bài giảng lễ Đức Cha ban bí tích Thêm Sức cho 165 em thiếu niên trong giáo xứ.

Trước khi kết lễ Đức Cha trao nến sáng và chương trình năm thánh cho đại diện 10 giáo họ và các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ.

Sau đó đại diện giáo dân ông Chủ tịch HĐGX dâng lời cảm tạ lên Đức Cha cùng quý Cha đồng thời dâng lên Đức Cha đóa hoa tươi thể hiện long biết ơn sâu sắc với vị cha chung giáo phận Đức Cha Giuse kính yêu.

Đức Cha ban huấn từ.

Thánh lễ kết thúc với phép lành tòa thánh từ Đức Cha.

“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân,

Ngài gieo màu mở ngập tràn lối đi.”

Thới Hoa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Từ nguồn gốc khởi thủy
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:48 25/07/2015
Từ nguồn gốc khởi thủy

Bài tường thuật công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế ( St 1, -2,25) hằng năm vào đêm vọng lễ Chúa Giêsu Phục sinh được đọc lên. Và trong đời sống nhiều người cũng đã có lần đọc suy niệm về nguồn gốc vũ trụ cùng con người.

Phải chăng bài tường thuật công trình sáng tạo của Thiên Chúa đó cũng hao hao giống với những bài tường thuật về dự án công trình xây dựng đó đây trong dòng lịch sử? Đâu là ý nghĩa ẩn chứa trong bài tường thuật công trình sáng tạo của Thiên Chúa?

Bằng những hình ảnh đẹp thi vị gây ấn tượng, cuốn Kinh Thánh đầu tiên, sách Sáng Thế ký, diễn tả lịch sử Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và con người.

1. Sách Sáng Thế ký không phải là bản tường thuật dưới khía cạnh khoa học, nhưng chứa đựng khía cạnh suy ngắm chiêm niệm: tất cả mọi sự trong vũ trụ đều do Thiên Chúa tạo dựng nên - Ngài đã tạo dựng nên mọi sự tốt đẹp. Tất cả đều tốt lành. Triều thiên cao điểm công trình tạo dựng là con người. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng nên con người có Nam và Nữ. Sự song đôi giữa nam nữ đã cho con người trở thành giống hình ảnh của Thiên Chúa cùng tình yêu thánh thiêng của Ngài. Vẻ đẹp của Thiên Chúa phản ảnh trong vẻ sắc đẹp của công trình sáng tạo, và nhất là nơi con người.

Bản tường thuật về công trình sáng tạo trong sách Sáng thế ký (St 1,1-2,25 ) hướng con mắt tầm nhìn tâm trí chúng ta không chỉ về trở về qúa khứ, mà còn hướng về tương lai nữa.

2. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày . Ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Đây là hình ảnh cho đời sống con người. Sáu ngày là thời gian làm việc lao động. Và khi hoạt động làm việc con người tiếp tục làm công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nơi đó họ làm ăn xây dựng đời sống trên nơi đất, mà Thiên Chúa đã tin tưởng trao ban cho họ. Con người khai thác phát triển đất đai hoa mầu để có hoa qủa làm thực phẩm sinh sống, như Thiên Chúa hoạch định mong muốn. Và vào ngày thứ bảy con người chúng ta nghỉ ngơi sau saú ngày làm việc. Con người được thưởng thức hưởng dùng những cái mình sản xuất làm ra hữu ích cho đời sống. Các Thánh Giáo phụ ngày xưa đã có suy tư về đời sống con người là một lễ mừng kéo dài luôn mãi.

Ngày Chúa Nhật chúng ta mừng kính Thiên Chúa là nguồn gốc nền tảng cùng là đích điểm của đời sống mình. Nơi Thiên Chúa chúng ta có được niềm vui mừng trong sự thanh thản nghỉ ngơi, và thưởng thức.

3. Nhưng trong công trình sáng tạo tốt đẹp của Thiên Chúa có dấu vết sự rạn nứt: Con người chiều hướng theo sự dữ, điều không tốt đẹp.

3.1 Lịch sử về trường hợp sa chước cám dỗ con rắn của Ông Bà nguyên tổ Adong-Eva (St 3,1-24) muốn nói cho chúng ta biết con người tốt lành đã trở thành con người theo sự dữ, sự xấu như thế nào. Con người không thể nào đứng vững được, khi nó không là Thiên Chúa, khi nó phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên nó. Con người muốn mình như là Thiên Chúa. Trong căn rễ đó nảy sinh mầm tội nguyên tổ của con người: họ muốn nâng lên vượt cao hơn bản tính con người và trở thành như Thiên Chúa.

3.2 Khi con người muốn ngang hàng băng như Thiên Chúa, hậu qủa đưa họ đi đến đâu. Ba tường thuật lịch sử điển hình diễn tả những gì đưa đến hậu qủa đó.

Bài học trong trình thuật Kain giết Abel - (St 4,1-16)

Người nào muốn như Thiên Chúa, người đó muốn luôn luôn là người thứ nhất, to lớn nhất, cùng không thể vui mừng với người anh em bên cạnh mình, cùng muốn triệt hạ người nào lớn hơn mình. Chính vìn thế Kain đã giết Abel. Nhưng việc giết hủy hoại người khác không mang lại hạnh phúc cho nó. Trái lại mang đến cho nó mặc cảm tội lỗi. Tội lỗi làm nó mất bằng an trong đời sống. Tội lỗi làm người phạm tội không thể đứng ngồi an tâm được. Điều này thôi thúc nó tìm đến Thiên Chúa. Trong tha thứ chan chứa tình yêu thương con người có thể tìm lại được sự bình an.

Bài học nơi Noah và lụt đại hồng thủy 40 ngày đêm (St 6,9-9,17).

Nơi nhiều dân tộc cũng có tường thuật tương tự về lụt đại hồng thủy. Qua đó nói lên con người vì sự dữ, sự xấu vướng mắc đi sâu vào vòng chao đảo lộn xộn. Nhưng dẫu vậy lụt lội to lớn thế nào đi chăng nữa cũng không hủy diệt vũ trụ. Thiên Chúa đã ký kết với con người giao ước mới. Vòng cung hình cầu vồng trên nền trời là dấu chỉ của giao ước mới: Thiên Chúa không bỏ rơi , hủy diệt vũ trụ vì sự dữ, sự xấu của con người. Trái lại, Ngài mang đến niềm hy vọng mới, cho làm lại một khởi đầu mới.

Bài học từ ngọn Tháp Babel muốn vươn lên tới trời cao (St 11,1-9)

Con người muốn xây ngọn tháp Babel luôn luôn cao hơn. Điều này gây ra cho công trình xây dựng nhiều nguy hiểm hơn, khi nó càng cao hơn vươn lên trời cao. Điều này gây ra hậu qủa cho tất cả mọi hành động. Người nào muốn như Thiên Chúa, họ gây ra sự hỗn loạn trong vũ trụ. Công trình kiêu ngạo muốn như thần thánh của họ tự sụp đổ. Và ai muốn bầng như Thiên Chúa, họ tự tách biệt mình trong cô đơn.

Họ không có khả năng đi vào mạng lưới thông thương giao hảo thật sự. Họ nhìn toàn là thù địch nơi tất cả mọi người . Vì thế nó từ chối thông thương với những người khác, từ chối chia sẻ ngôn ngữ với nhau. Sự lộn xộn ngôn ngữ Babylon nói lên không chỉ ngày xưa đã xảy ra, mà cả tình trạng ngày hôm nay nữa. Những nhà ngôn ngữ học đã gọi ngôn ngữ ngày hôm nay của chúng ta là „ cuốn từ điển của những người không phải là người“ . Vì nó không là sự chia sẻ về kinh nghiệm tình yêu và niềm vui, nhưng nghiêng ôthiên về sự thống trị, sự quyết đoán và áp lực gây ảnh hưởng.

Những chương đầu của sách Sáng Thế ký muốn nhắc nhở con người đến nguồn gốc khởi đầu của mình. Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ trong trạng thái tốt lành đẹp đẽ. Và cả con người cũng được Thiên Chúa tạo dựng tốt lành. Nhưng cũng nhắc nhớ con người đến hậu qủa nguy hiểm do sự dữ, sự xấu gây ra.

Khi đọc những trình thuật lịch sử kinh thánh, chúng ta được mời gọi, hãy biết ơn Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ mọi sự tốt lành, và trong tinh thần ý muốn của Ngài. Cùng mời gọi cùng xây dựng và hưởng dùng công trình thiên nhiên do Thiên Chúa dựng nên.

Đồnig thời những tường thuật lịch sử đó cũng chỉ dẫn chúng ta về sự nguy hiểm, khi chính con người chúng ta tự nâng cao mình lên khỏi bậc sống con người của mình. Và hậu qủa là sự trả thù xảy ra trong chính đời sống của chúng ta.

Kinh Thánh không là bài tường thuật, sách nói về khoa học, khoa địa lý. Nhưng theo chiều tâm linh tinh thần chỉ vẽ cho chúng ta sự căng thẳng giữa hai cực sự tốt lành và sự dữ, sự xấu, giữa sự thành công trong đời sống và sự thất bại của đời sống.

Thiên Chúa đứng trên hết mọi sự, Đấng là sự tốt lành, sự thiện mỹ, đã tạo dựng nên công trình thiên nhiên. Và Ngài mong muốn hoàn thành nơi con người chúng ta.

„1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. 3 Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng.4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất. 6 Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước."7 Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy.8 Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai. 9 Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy.10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất", khối nước tụ lại là "biển". Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 11 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy.12 Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.13 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba. 14 Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm.15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy.16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất,18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư. 20 Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời."21 Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.22 Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất."23 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm. 24 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy.25 Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 26 Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."29 Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.“ Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người. Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo. „ (Sách Sáng Thế 1,1- 2, 4.).

Mùa Hè 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Hạnh phúc
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:17 25/07/2015
Chúng ta được sinh ra là để sống hạnh phúc. Được ơn hiện hữu ở đời là một món qùa vô giá. Kinh Cám Ơn mà chúng ta thường đọc: ‘Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…’. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài, đặc biệt là con người để chia phần hạnh phúc. Cùng đích của cuộc sống là hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.

Thật là hạnh phúc khi chúng ta nhìn cuộc đời một cách tích cực. Từ ngàn xưa, Tạo Hóa đã an bài mọi sự trong trời đất và môi trường để đón nhận các loài thụ tạo. Các nhu cầu cần yếu cho cuộc sống được Thượng Đế đặt để ăn khớp với nhau. Sự tuần hoàn nhịp điệu từ đại vũ trụ cho tới hạt nhân tinh vi đều di chuyển trong trật tự. Khi hòa nhập với thiên nhiên, con người sẽ tìm thấy niềm vui hạnh phúc an lạc. Chống đối lại sự xoay vần của luật lệ tự nhiên, con người sẽ gặp nhiều trắc trở, nghịch cảnh và khổ đau.

Chúng ta tự hỏi: Ai là người hạnh phúc hơn trong cuộc sống đời tạm này? Có phải là những người giầu sang phú quí, văn minh, khôn ngoan, trí thức giỏi giang, quyền cao chức trọng, địa vị quyền lực và kiêu căng tham vọng thì hạnh phúc hơn những người bình dân, đơn sơ nghèo nàn, khiêm nhu âm thầm và an cư tự tại không? Thước đo hạnh phúc chính là sự bình an đích thực trong tâm hồn. Chúng ta nhận biết rằng càng trở về với tự nhiên, tâm hồn càng thanh thoát. Một ông vua sống nơi cung điện giầu sang phú quí, chưa chắc đã hạnh phúc hơn một chú tiểu nghèo nàn đang chăn trâu ngoài đồng cỏ.

Trong cuộc sống xã hội, có những chủ trương sống lý tưởng dựa theo những triết thuyết khác nhau. Thí dụ: Vào đời nhập thế xông pha phấn đấu theo Nho Giáo hoặc rút về sống ẩn dật vô vi tránh xa sự đời của Lão Giáo. Hai cách sống đối ngược nhưng đều mong tìm về một nguồn hạnh phúc đích thực. Ai cũng mong tìm thỏa mãn ước mơ ở đời để sống những chuỗi ngày bình an hạnh phúc. Niềm vui hạnh phúc thật được kết nối qua những suy tư đúng đắn, lời nói chân thật và hành động tốt lành. Sự gian dối, giả tạo và hình thức không thể mang lại hạnh phúc thật sự. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi xây dựng hạnh phúc không những đời tạm này, mà còn phải hướng về hạnh phúc vĩnh cửu đời sau nữa.

Cuộc sống có muôn mặt. Chúng ta biết mỗi cá nhân có một đinh mệnh và sở thích riêng. Mỗi người tự tìm cho mình lối đi về nguồn hạnh phúc. Sống hạnh phúc là sống hài hòa, an lạc và thanh thản trong tâm hồn. Hạnh phúc nằm ngay trong cuộc sống, nếu chúng ta biết đón nhận. Chúng ta không thể tìm hạnh phúc ở cuối con đường, nhưng hạnh phúc bao trùm mỗi phút giây của đời sống. Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Ai không biết đón nhận, cơ hội sẽ vụt bay.

Có biết bao vị chân tu đã tìm nơi thanh tịnh để tu thân tích đức tìm sự an lạc. Có nhiều đan sĩ hiến thân sống đời cầu nguyện âm thầm lặng lẽ trong các đan viện để tìm sự an vui tự tại. Có rất nhiều người hiến dâng cuộc đời để phục vụ tha nhân trong bình an. Niềm vui hạnh phúc của tha nhân chính là niềm vui hạnh phúc của họ. Các vị không màng đến sự đua chen thế tục. Họ thoát tục để gắn bó một cuộc sống nội tâm thanh thản, bình an và hạnh phúc.

Sự khao khát sống hạnh phúc của con người sẽ không cùng. Ai cũng mong sống hạnh phúc, nhưng không phải mọi người được hưởng hạnh phúc cả đâu. Nhiều người đã hoang phí cuộc đời và phá vỡ hạnh phúc của mình và của người khác qua sự ích kỷ, thiển cận và tham lam. Trong cuộc sống chung, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm góp phần mang lại niềm vui hạnh phúc cho gia đình va xã hội. Chúng ta chỉ có hạnh phúc khi cùng biết chia sẻ tình yêu thương với nhau và với tha nhân.

Mỗi dịp lễ thành hôn và vu quy, những lời cầu chúc tốt đẹp mừng đôi tân hôn: Cầu chúc anh chị trăm năm hạnh phúc. Hy vọng tình yêu luôn mãi nở hoa trong cuộc sống gia đình. Ai mà chẳng mong muốn có cuộc sống an vui hạnh phúc. Thật thế, hạnh phúc luôn trong tầm tay: Dù giầu dù nghèo, dù long đong vất vả và dù sang dù hèn, vợ chồng đều có thể phấn đấu vượt qua: ‘Thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn’.

Sống là phải sống hạnh phúc. Chính hạnh phúc là nền tảng cốt lõi của cuộc sống gia đình. Khi cuộc sống gia đình ổn định, vợ chồng thương nhau và con cái hiếu thảo, hạnh phúc sẽ trào dâng mỗi ngày. Khi gặp khó khăn trong đời sống, đừng quên lời thề hứa khi vợ chồng trao nhau chiếc nhẫn ngày kết hôn: ‘Anh (em) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh (em)’. Lời cam kết yêu thương là chìa khóa khai mở cuộc sống hạnh phúc hôn nhân.

Trong thực tế cuộc sống gia đình hôm nay, sự bất hạnh đã len lỏi soi mòn và phá tán nhiều gia đình. Chúng ta cần tự vấn: Ai đang phá vỡ hạnh phúc gia đình? Có thể là do chồng, do vợ hoặc do con cái. Có một điều lạ là chúng ta thường gây gỗ và giận hờn với người chúng ta yêu thương nhất. Người ta thường nói: ‘Yêu nhau lắm, cắn nhau đau’. Vì sao vậy? Có thể vì chúng ta quá yêu và muốn người khác luôn phải làm theo ý mình, tự vệ, có thể là độc đoán, độc tài và ghen tuông, Và cũng có thể do cách cư xử thiếu tế nhị: Một lời nói cộc cằn, một thái độ dửng dưng, một sự hiểu lầm, một sai lỗi, một sự bất tín, một sự nghi ngờ và một sự so sánh hơn thiệt nào đó, là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ và khổ đau trong gia đình. Niềm an vui hạnh phúc lại bị đóng băng. Để hòa giải tìm lại hạnh phúc gia đình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên dạy ba điều cần thực hành: Gợi ý (xin phép), xin lỗi và tha lỗi.

Nhận thức rằng chúng ta không thể là mọi sự cho mọi người và không thể làm mọi thứ cùng một lúc. Trách nhiệm của chúng ta là nhận thức chúng ta là ai và sống thật với chính mình. Chúng ta nên học hỏi đừng ganh đua với người khác. Hãy sống với các giới hạn của bản thân. Hãy học biết sự kính trọng tha nhân, vì chúng ta đều là loài thụ tạo hay chết. Nhân vô thập toàn. Đời sống không phải là một vấn đề cần để giải quyết, nhưng là một món qùa để yêu thương.

Hạnh phúc là món qùa. Nếu chúng ta biết mở lòng đón nhận, món qùa sẽ là của chúng ta. Chấp nhận sự giới hạn khả năng và hoàn cảnh của chính mình. Hãy an vui với những gì mình đang có. Hãy năng chiêm ngắm vũ trụ vạn vật, trời cao biển rộng, đồi núi chập chùng, sông sâu suối ngàn, ruộng đồng bát ngát, hoa lá cỏ cây và muôn vật hài hòa. Chúng ta cũng đang được hòa nhập trong biển tình bao la của thiên nhiên. Chúng ta hãy tạ ơn Thượng Đế, tri ân con người và biết ơn đời đã trao ban hạnh phúc tuyệt vời.

Trong mọi hoàn cảnh, hãy tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Khổ đau là thử thách và là trái ngọt đắng ở đời. Thuốc đắng giã tật. Hãy sống vui với giây phút hiện tại. Con đường dẫn tới hạnh phúc là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc đời này sẽ dẫn tới hạnh phúc ngày sau.