PHÚC ÂM: Mt 13, 10-17
“Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?”. Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật, còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: Vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành. Phần các con, phúc cho mắt các con, vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”.
Đó là lời Chúa.
“Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người!”.
Maria Fedorovna, hoàng hậu Nga, được biết đến với lòng nhân ái của mình. Cô đã từng cứu một tù nhân khỏi lưu đày Siberia, ‘một điều không thể’, bằng cách chuyển ‘một dấu phẩy’ duy nhất trong lệnh đã viết, “Pardon impossible, to be sent to Siberia!”, tạm dịch, “Không thể tha thứ, được gửi đến Siberia!”. Sau can thiệp của cô, nội dung trở thành, “Pardon, impossible to be sent to Siberia!”, tạm dịch, “Hãy tha thứ, không thể được gửi đến Siberia!”. Cuối cùng, người tù được thả.
Kính thưa Anh Chị em,
Maria Fedorovna đã làm một ‘điều không thể trở thành có thể’, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến một điều tương tự với những ai thuộc trọn về Thiên Chúa. Có bao giờ Anh Chị em phải ‘đối mặt với một điều không thể’ theo sức người không? Êlisê, người của Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã từng đối mặt như thế, nhưng các ngài đã vượt qua điều tưởng như không thể đó!
Bài đọc thứ nhất, sách các Vua kể chuyện, chỉ với hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa, ngôn sứ Êlisê, người của Thiên Chúa tự tin bảo tiểu đồng của mình cứ dọn ra cho dân chúng ăn; tiểu đồng cự nự, nhưng Êlisê bảo, “Cứ dọn cho dân chúng, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư’. Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay ngợi khen Thiên Chúa vì hồng ân đại lượng của Ngài rằng, “Chúa thương rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê!”.
Đúng thế, với con người, đây quả là điều không thể; nhưng về mặt thiêng liêng, điều đó thật dễ dàng đối với Thiên Chúa. Phép lạ hôm nay nói lên cam kết của Thiên Chúa đối với con người, rằng, Ngài ‘nuôi’ chúng ta bằng mọi cách; không chỉ ‘nuôi’ bằng thức ăn, nhưng Ngài còn sẵn sàng ‘nuôi, cứu thoát và chữa lành’ linh hồn chúng ta bằng ân sủng, để chúng ta cũng có thể vượt qua bất cứ khó khăn hoặc thử thách nào mà cuộc sống có thể ném tới. Có ân sủng Ngài, chúng ta có tất cả! Mỗi khi phải đối mặt với một số thử thách, những điều tưởng như không thể vượt qua; điều này có thể dẫn đến tuyệt vọng và vỡ mộng, thì chính lúc ấy, chúng ta phải suy gẫm về những phép lạ như thế này để nhận ra rằng, mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa.
Vấn đề thường gặp là khả năng chúng ta phân biệt giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý tưởng hạn chế của mình khi ‘đối mặt với một điều không thể’. Nhiều điều chúng ta nghĩ là tốt, là đúng nên bắt đầu cầu xin điều đó; thế nhưng, ý tưởng và ý muốn của Thiên Chúa lại khác với những gì chúng ta có thể nghĩ ra rất nhiều; và tất nhiên, vĩ đại hơn nhiều. Ngài có một kế hoạch mà chúng ta không bao giờ có thể tự mình nghĩ ra; kế hoạch của Ngài hoàn hảo hơn nhiều, hơn cả những gì chúng ta có thể mơ ước. Thiên Chúa biết điều gì là tốt nhất và Ngài có thể làm cho kế hoạch đó nên hiện thực. Về phần mình, chỉ cần chúng ta tìm biết kế hoạch đó, đầu hàng nó, đặt trọn niềm tin vào tình yêu, lòng thương xót và quyền năng hoàn hảo của Ngài.
Anh Chị em,
Có thể, ngay hôm nay, chúng ta cũng đang ‘đối mặt với một điều không thể’ nào đó! Corona, một dịch bệnh ‘không thể’; một bề trên ‘không thể’; một người chồng, một người vợ ‘không thể’; một đứa con ‘không thể’; hoặc một tình huống ‘không thể’ vượt qua nào đó. Liệu chúng ta có là ‘người của Thiên Chúa’ như Êlisê, như Chúa Giêsu không! Chúa Giêsu đã hoà mình vào cuộc sống của chúng ta, Ngài hiểu sự mệt mỏi và những giới hạn của mỗi người; Ngài không để cho bất cứ ai đói khát, hư mất hoặc tuyệt vọng; Ngài nuôi chúng ta bằng Thịt Máu Ngài, Lời Ngài. Ngài luôn ở đó, nói với chúng ta rằng, “Mỗi khi ‘đối mặt với một điều không thể’, con có biết tìm đến Ta không?”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con biết đầu phục ý muốn hoàn hảo của Chúa; cho con biết chạy đến với Chúa, tuyệt đối tin tưởng rằng, Chúa có thể biến điều không thể của con thành có thể”, Amen.
(Tgp. Huế)
2. Con người ta nếu kiên tâm nương tựa vào Chúa, thì tự nhiên không đi tìm kiếm sự an ủi của thế tục.
(sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một cử nhân làm thơ và đem dán cao trên tường.
Anh của cử nhân đi khoe tài làm thơ của em mình, có một người bạn cũng phụ họa nói:
- “Bài thơ này có rất nhiều mùi vị (phong cách) của (nhà) Đường”.
Có một khách nhân nghe vậy thì vội vàng tìm cái thang gỗ, mọi người không hiểu gì cả…
Chỉ thấy người ấy đem cái thang gỗ dựng trên tường, bò lên, đến bên bài thơ thì lấy lưỡi mà liếm thử, nói:
- “Có mùi vị của “đường”, sao lại không liếm chứ?”-
Mọi người cười ha ha.
(Tiếu Tiếu lục)
Suy tư 9:
Con người ta ai cũng có tính khoe khoang, không nhiều thì ít, đó là vì nhu cầu được mọi người biết đến mình và khẳng định tài năng của mình, nói cách khác, là để cho mọi người biết mình đang tồn tại giữa xã hội này.
Có người khoe khoang tài năng mình như rao bán hàng hóa, kể vanh vách xuất xứ những gì mình đã học được; có người khoe khoang tài học của mình như là bác sĩ kê toa thuốc cho bệnh nhân; lại có người khoe khoang mình có “mác” du học ngoại quốc, có “phong cách” của Mỹ của Pháp.v.v…để tạo sự chú ý của người khác…
Người Ki-tô hữu không khoe khoang mình là người tin vào Thiên Chúa, hoặc phô trương mình là người được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng họ sẽ giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho mọi người bằng việc làm tốt lành của mình, bằng việc thi hành lời dạy của Đức Chúa Giê-su trong Phúc Âm là yêu mến tha nhân như chính mình.
Người liếm thơ không phải vì thơ có “đường”, nhưng là để bày tỏ thái độ nhạo báng vì sự khoe khoang khoác lác của họ.
Cũng vậy, người ta sẽ không dùng lưỡi để “liếm” cái chúng ta khoe khoang, nhưng họ sẽ nhổ toẹt vào mặt chúng ta, khi chúng ta khoe khoang đạo mình là tốt lành, nhưng bản thân mình lại sống như người không có đạo, không có niềm tin vào Thiên Chúa…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tự sắc Traditionis Custodes của Đức Phanxicô tiếp tục nhận được nhiều phản ứng rất khác xa nhau. Nhưng không thiếu những người, nhân dịp này, hoặc đề cao Đức Phanxicô hoặc hạ thấp vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô, hơn là bình luận về chính tự sắc. Andrea Grillo, trên La Croix International, chẳng hạn, có hẳn một bài so sánh Traditionis Custodes (TC) và Summorum Pontificum (SP).
So sánh đầu tiên: Traditionis Custodes tái lập quyền Giám Mục đối với phụng vụ trong giáo phận, một nguyên tắc Giáo Hội học và cơ cấu đã được Vatican II phục hồi và nên được bảo vệ như một của qúy. Chứ không phải thứ “ngụy biện trơ trẽn (bold sophistry) ‘hai hình thức của cùng một Nghi Lễ Rôma’” của Summorum Pontificum . So sánh thứ hai: Sách lễ năm 1970 là biểu thức duy nhất của lex orandi trong Giáo Hội vì phù hợp với Vatican II, chứ không phải thứ “ngụy biện trơ trẽn” của Summorum Pontificum chủ trương “cùng hiện hữu song hành” hai hình thức nghi lễ “mâu thuẫn nhau”. So sánh thứ ba: với Summorum Pontificum , linh mục muốn cử hành hình thức nào tùy ý, “đó không phải là nguyên tắc hòa giải, mà là nguyên tắc tan rã”. Traditionis Custodes đã vượt qua thứ “ngụy biện này và trở về với lương tri [common sense]. So sánh thứ tư: thay vì tạo ra cân bằng, học hỏi lẫn nhau, Summorum Pontificum tạo ra phân cực vượt bực vì “chủ nghĩa song đôi nghi lễ được trên cao chúc phúc”. Với Traditionis Custodes , chỉ còn một: truyền thống Nghi lễ Rôma tìm thấy ở đó, không nơi nào khác...
Grillo nhận định thêm rằng “nhờ Summorum Pontificum , Thánh lễ Cũ, trên thực tế, đã trở thành biểu tượng của việc chống lại Vatican II”. Ông cho rằng, điều ngoại thường là “sự kiện là 14 năm qua, người ta đã cố gắng biện minh cho 1 điều không thể biện minh được”...
Người đọc kỹ Traditionis Custodes không thể có những so sánh và nhận định như trên. Như Đức Phanxicô quả quyết trong Traditionis Custodes và mọi người có lương tri đều thấy Summorum Pontificum không đi ngược Vatican II, vì Vatican II không hề cấm Thánh Lễ theo nghi thức năm 1962; cổ vũ hợp nhất (hội Thánh Piô X, hội Thánh Phêrô); thỏa mãn yêu cầu của các tín hữu muốn được hưởng lại nét thánh thiêng của nghi thức năm 1962. Tất cả đều hợp lý và hợp pháp, phản ảnh các thực tại có thật trong sinh hoạt Giáo Hội. Sự kiện nó bị lợi dụng cho các mục tiêu khác đâu phải là dụng ý của nó.
Sự kiện lợi dụng noí trên quả có đó. Có những người vẫn cho rằng Giáo Hội trước Vatican II mới là Giáo Hội thực và nghi lễ Rôma 1962 mới là lex orandi của Giáo Hội. Nhưng thực ra, những người này có trước cả Summorum Pontificum , chứ không phải do Summorum Pontificum đẻ ra. Đã đành, Summorum Pontificum có thể bị một số người giải thích theo chiều hướng trên và do đó họ cũng ngả theo chiều hướng đó, làm con số những người chỉ thừa nhận Giáo Hội và Nghi lễ Rôma trước Vatican II gia tăng.
Nhưng con số này là bao nhiêu? Đây là câu hỏi được rất nhiều người nêu ra. Trong đó có Đức Hồng Y Raymond Burke. Trong một tuyên bố, ngài mong Tòa Thánh công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến các Giám Mục của Bộ Giáo Lý Đức Tin về vấn đề này, nhất là phương pháp khoa học hướng dẫn cuộc thăm dò và giải thích kết quả.
Riêng tờ The Pillar, thì đi tìm con số những người hiện đang tham dự Thánh Lễ Ngoại thường, dựa vào Danh bạ Thánh Lễ Latinh (Latin Mass Directory) mà họ cho là chính xác từ 80% đến 90%.
Danh bạ trên liệt kê 657 địa điểm cung cấp Thánh Lễ Ngoại thường ở Hoa Kỳ. Các địa điểm trên thuộc 49 nhà thờ, nhà nguyện, hoặc các nơi thánh khác do các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Phêrô (FSSP), mà theo Đức Hồng Y Burke, được Đức Gioan Phaolô II giúp thiết lập, và 32 do các dòng tu hoặc các hội linh mục khác trông coi.
Phần còn lại được cung cấp bởi có linh mục triều hay không cho biết danh tính của vị chủ tế. Danh bạ không bao gồm các Thánh lễ do các linh mục hoặc tổ chức ở bên ngoài Giáo Hội cử hành, trong đó có Hội Thánh Piô X. 413 địa điểm liệt kê dâng ít nhất 1 Thánh Lễ Ngoại thường mỗi Chúa nhật, trong khi 244 địa điểm kia chỉ dâng Thánh Lễ Ngoại thường vào 1 số Chúa nhật hay cuối tuần.
Hiện có gần 17,000 giáo xứ Công Giáo đang hoạt động, nên 657 địa điểm chỉ là 4% mọi địa điểm Thánh lễ ở Hoa Kỳ. Huynh Đoàn Thánh Phêrô là tổ chức linh mục lớn nhất chuyên cung ứng Thánh Lễ Ngoại thường. Nhóm này chiếm ít nhất 7.5% các dịa điểm liệt kê và gần 0.3% mọi địa điểm Thánh Lễ ở Hoa Kỳ. Nhóm này có 112 linh mục làm việc tại Hoa Kỳ, chiếm 0.315% tổng số 35,513 linh mục Công Giáo tại Hoa Kỳ.
The Pillar cho hay rất khó đo lường con số các linh mục triều cử hành Thánh Lễ Ngoại thường. Đến 88% các địa điểm được liệt kê cử hành Thánh Lễ Ngoại thường là các nhà thờ không do các huynh đoàn và dòng tu chuyên lo cử hành loại Thánh lễ này trông coi. Nên có thể kết luận một cách hữu lý là đa số các Thánh Lễ Ngoại thường tại Hoa Kỳ được các linh mục triều cử hành.
Vương quốc Thống nhất (Anh) có khoảng 2,400 nhà thờ giáo xứ Công Giáo hoạt động, trong đó, 157 (hay 6.5%) cung cấp Thánh Lễ Ngoại thường. Con số ở Pháp càng khó kiếm hơn, vì nước này có đến khoảng 45,000 ngôi nhà thờ do chính phủ sở hữu. Nhưng vì chỉ có khoảng 7,000 linh mục dưới tuổi 75, nên tờ này ước lượng 199 địa điểm cử hành Thánh Lễ Ngoại thường được danh bạ liệt kê ở Pháp đại diện khoảng từ 1.5% đến 3% các Thánh lễ hiện có.
Thành thử nhiều nhà bình luận lấy làm lạ liệu con số những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ Ngoại thường tương đối ít ỏi như thế có biện minh được số lượng chú ý đang dành cho vấn đề này hay không.
So sánh với những nhóm người khác trong Giáo Hội, họ chẳng thấm thía gì. Thí dụ, theo thăm dò của Gallup năm 2021, 0.7% người Hoa Kỳ tự nhận là đồng tính nữ, 1.4% là đồng tính nam, 3.1% là lưỡng tính, và 0.6% là đổi phái. Con số này, theo thăm dò cũng của Gallup năm 2017, là 24%. Nhưng dường như quan tâm mục vụ chưa được hướng vào những nhóm người này.
Thành thử những người như tiến sĩ Weigel coi việc ban hành Traditionis Custodes như một động thái “bắt nạt” của phe cấp tiến. Tựa đề bài báo của ông là “chủ nghĩa toàn trị cấp cấp tiến và Thánh Lễ Latinh Truyền thống” (Liberal authoritarianism and the traditional Latin Mass).
Weigel cho rằng ông là người của Novus Ordo (Thánh Lễ 1970), không ưa gì Thánh Lễ Latinh. Dù thế, ông vẫn coi Traditionis Custodes “bất nhất về thần học, chia rẽ về mục vụ, không cần thiết, tàn bạo, và là một điển hình đáng buồn của bọn bắt nạt cấp tiến đã trở nên quá quen thuộc ở Rôma trong những năm gần đây”.
Rất tiếc Weigel không khai triển gì thêm về những lời buộc tội khá gay gắt ấy. Ông chỉ nhắc lại rằng “Summorum Pontificum là một hành vị chăm lo mục vụ cho những người Công Giáo thấy sẽ hữu hiệu hơn nếu được thờ phượng theo sách lễ 1962...”. Và ông hy vọng Thánh Lễ Ngoại thường sẽ dẫn đến việc tái thánh thiêng hóa việc thờ phượng của Giáo Hội theo hình thức thông thường của Sách lễ 1970.
Ông cũng cho rằng hy vọng trên đã được chứng nghiệm tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới Trẻ tại Crakow, trong đó thánh lễ tại cuộc hội thảo do ông hướng dẫn được cử hành theo Novus Ordo, nhưng sử dụng bình ca cho phần thường lễ và các ca khúc Latinh cũng như ca khúc Taizé hiện đại (bằng cả Latinh lẫn tiếng Anh) trong phần nhập lễ, dâng lễ, rước lễ. Các người tham dự đã tham dự “trọn vẹn, tích cực, và đầy ý thức” trong bầu khí trang nghiêm, tôn kính, và hướng tới thánh thiêng.
Thực ra đó cũng là điều chính Đức Phanxicô rất hay thực hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô và được toàn thế giới “thưởng ngoạn”: Thánh lễ theo Novus Ordo và toàn diện bằng tiếng Latinh. Ngài đâu có công kích chi tiếng Latinh. Ngài cũng đâu có công kích Thánh lễ 1962. Ngài chỉ công kích những ai coi thánh lễ ấy, dù bằng tiếng bình dân, như là lex orandi duy nhất hợp pháp đến bác bỏ cả Vatican II và Giáo Hội sau Vatican II.
Vì thế, việc Đức Hồng Y Kasper châm biếm một số linh mục cử hành thánh lễ tại các bàn thờ phụ ở Nhà thờ Thánh Phêrô tại Rôma bằng tiếng Latinh là điều hoàn toàn không đúng. Chỉ một mình các “Dominus vobiscum” [Chúa ở cùng anh chị em], “Orate fratres” [anh em hãy cầu nguyện] mà thôi đâu chắc đã là Novus ordo hay Vetus Ordo để mà châm biếm (xem https://www.ncregister.com/blog/cardinal-kasper-responds-to-pope-francis-new-motu-proprio-on-the-mass). Ngài có biết đâu các linh mục ấy cử hành theo Novus Ordo hay Vetus Ordo!
Cũng vậy, trong tuyên bố của ngài, Đức Hồng Y Raymond Burke hình như muốn châm biếm Đức Phanxicô khi cho rằng đáng lẽ Đức Phanxicô phải công bố Traditionis Custodes bằng tiếng Latinh mới đúng, thay vì tiếng Ý (https://gloria.tv/post/fLmTDWQkqmQP6Wc4Fyiy76YpF). Nhưng thực ra, ngôn ngữ không quan trọng ở đây. Như trên đã nói, không phải là Thánh Lễ bằng tiếng Latinh hay Thánh lễ bằng tiếng bình dân, mà là Thánh Lễ theo sự cải tổ của Vatican II (1970) và Thánh Lễ có trước đó dù đã được người triệu tập Vatican II hiệu đính lần cuối cùng (1962). Và cũng không phải cả hai loại Thánh Lễ này, mà là các ý nghĩ, chủ trương và thái độ của những người cử hành Thánh Lễ 1962. Chỉ sai và cần được loại bỏ là các ý nghĩ và chủ trương cho rằng chỉ có nó mới hợp pháp và hệ luận là Nghi lễ Rôma 1970 và Giáo Hội sau Vatican II là sai lạc.
Lúc 10g sáng Chúa Nhật 25 tháng 7, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên lần thứ nhất thay cho Đức Thánh Cha Phanxicô
Sau bài Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella đã đọc bài giảng sau đã được Đức Thánh Cha Phanxicô soạn trong dịp này.
Trong Ngày dành cho ông bà và người cao niên này, chúng ta hãy suy ngẫm về ba khoảnh khắc đó: Chúa Giêsu thấy đám đông đói khát; Chúa Giêsu chia sẻ tấm bánh; Chúa Giêsu yêu cầu thu gom thức ăn thừa. Ba khoảnh khắc có thể được tóm gọn trong ba động từ: nhìn xem, chia sẻ, giữ gìn.
Nhìn xem. Khi bắt đầu bài tường thuật của mình, thánh sử Gioan chỉ ra rằng Chúa Giêsu ngước nhìn lên và thấy đám đông đang đói sau khi đi một đoạn đường xa để gặp Ngài. Đó là cách phép lạ bắt đầu: với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng không thờ ơ cũng không quá bận rộn để có thể cảm nhận được cơn đói của một nhân loại mệt mỏi. Chúa Giêsu quan tâm đến chúng ta; Ngài quan tâm đến chúng ta; Ngài muốn thỏa mãn những khao khát cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của chúng ta. Trong mắt Người, chúng ta thấy cách nhìn của riêng Thiên Chúa. Ánh mắt của Người là ánh mắt quan tâm; Người nhạy cảm với chúng ta và với những hy vọng mà chúng ta ôm ấp trong lòng. Ánh mắt ấy nhận ra sự mệt mỏi của chúng ta, và nhận ra niềm hy vọng giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Ánh mắt ấy hiểu được nhu cầu của mỗi người. Vì trong mắt Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, chỉ có những cá nhân với cơn đói và cơn khát của riêng họ. Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn chiêm nghiệm. Ngài nhìn vào cuộc sống của chúng ta; Ngài nhìn thấy và thấu hiểu.
Ông bà và những người cao niên của chúng ta đã nhìn cuộc sống của chúng ta bằng chính ánh mắt đó. Đó là cách các ngài quan tâm đến chúng ta, kể từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Bất chấp cuộc sống vất vả và hy sinh, các ngài không bao giờ quá bận rộn để không còn thời gian cho chúng ta, hay thờ ơ với chúng ta. Các ngài nhìn chúng ta với sự quan tâm và yêu thương dịu dàng. Khi chúng ta lớn lên và cảm thấy bị hiểu lầm hoặc sợ hãi về những thử thách trong cuộc sống, các ngài để mắt đến chúng ta; các ngài biết chúng ta đang cảm thấy gì, kể cả những giọt nước mắt ẩn giấu và những ước mơ thầm kín của chúng tôi. Các ngài ôm chúng ta vào lòng và quỳ xuống bên cạnh chúng ta. Tình yêu đó đã giúp chúng ta trưởng thành.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thấy ông bà và những người cao niên của chúng ta như thế nào? Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao niên để thể hiện sự gần gũi của chúng ta và hưởng lợi từ những điều các vị nói với chúng ta là khi nào? Tôi lo lắng khi nhìn thấy một xã hội đầy rẫy những con người không ngừng vận động, quá cuốn vào những công việc của riêng các ngài khiến không còn thời gian cho một cái nhìn, cho một lời chào hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn có thể nhìn lên và nhận ra nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và tình yêu của chúng ta; các ngài mong mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên nhìn các ngài, như Chúa Giêsu nhìn chúng ta.
Chia sẻ. Thấy dân chúng đói khổ, Chúa Giêsu muốn cho họ ăn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nhờ một thanh niên đưa năm ổ bánh và hai con cá. Thật cảm động biết bao, ở trung tâm của phép lạ mà nhờ đó khoảng năm nghìn người lớn đã được cho ăn, chúng ta thấy một người trẻ sẵn sàng chia sẻ những gì anh ta có.
Ngày nay, chúng ta cần một giao ước mới giữa người trẻ và người cao niên. Chúng ta cần chia sẻ kho báu của cuộc sống, cùng nhau ước mơ, vượt qua xung đột giữa các thế hệ và chuẩn bị một tương lai cho tất cả mọi người. Nếu không có sự chia sẻ giao ước như vậy về cuộc sống, ước mơ và tương lai, chúng ta có nguy cơ chết vì đói, khi các mối quan hệ tan vỡ, sự cô đơn, ích kỷ và sức mạnh của sự tan rã ngày càng gia tăng. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta thường đầu hàng trước quan niệm “mỗi người vì chính mình”. Nhưng điều đó là chết người! Tin Mừng mời gọi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta đang có và những gì chúng ta sở hữu, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới tìm thấy sự thỏa mãn. Tôi thường nhắc đến những lời của tiên tri Giô-ên về việc trẻ và già đến với nhau (xem Giô-ên 3: 1). Những người trẻ tuổi, như những nhà tiên tri của tương lai, những người trân trọng lịch sử của chính họ. Người cao niên, những người tiếp tục ước mơ và chia sẻ kinh nghiệm của các ngài với người trẻ, mà không cản đường họ. Trẻ và già, kho tàng của truyền thống và sự tươi mới của Thánh Linh. Trẻ và già cùng nhau. Cùng nhau trong xã hội và trong Giáo hội.
Giữ gìn. Sau khi đám đông đã ăn xong, Phúc âm kể lại rằng bánh còn lại rất nhiều. Vì vậy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6:12). Điều này cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa: Ngài không chỉ ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta cần, mà Ngài còn quan tâm đến việc không có gì bị mất, dù chỉ là một mảnh vụn. Một mẩu bánh có vẻ là một thứ nhỏ nhặt, nhưng trong mắt Thiên Chúa, không có gì là thứ để vứt bỏ. Thậm chí hơn thế nữa, không có người nào bị loại bỏ. Chúng ta cần thực hiện lời kêu gọi tiên tri này được nghe giữa chúng ta và trong thế giới của chúng ta: hãy thu thập, giữ gìn cẩn thận, và bảo vệ. Ông bà và người cao niên không phải là đồ thừa của cuộc sống, là đồ bỏ đi. Các ngài là những miếng bánh quý giá còn sót lại trên bàn đời vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”.
Chúng ta đừng đánh mất ký ức được gìn giữ bởi những người cao niên, vì chúng ta là con cái của lịch sử đó, và không có cội nguồn, chúng ta sẽ khô héo. Các ngài đã bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên, và bây giờ đến lượt chúng ta bảo vệ cuộc sống của các ngài, giảm bớt khó khăn của các ngài, quan tâm đến nhu cầu của các ngài và bảo đảm rằng các ngài được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và không cảm thấy cô đơn. Chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi đã đến thăm ông bà, những người thân lớn tuổi của mình, những người lớn tuổi trong khu phố của tôi chưa? Tôi đã lắng nghe các ngài chưa? Tôi đã dành thời gian cho các ngài chưa?” Chúng ta hãy bảo vệ các ngài, để không có gì trong cuộc sống và ước mơ của các ngài có thể bị mất. Cầu xin cho chúng ta không bao giờ phải hối tiếc rằng chúng ta đã thiếu quan tâm đến những người thân yêu của chúng ta, và là những người đã cho chúng ta cuộc sống.
Anh chị em, ông bà và các cụ cao niên là tấm bánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài vì những ánh mắt dõi theo đã quan tâm đến chúng ta, những cánh tay đã ôm chúng ta và những chiếc đầu gối đã quỳ xuống với chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài vì những bàn tay đã ôm chúng ta và nâng chúng ta lên, vì những trò chơi mà các ngài đã chơi với chúng ta và vì sự thoải mái khi chúng ta được vuốt ve. Xin đừng quên các ngài. Chúng ta hãy giao ước với các ngài. Chúng ta hãy học cách tiếp cận các ngài, lắng nghe các ngài và không bao giờ loại bỏ các ngài. Chúng ta hãy trân trọng các ngài và dành thời gian cho các ngài. Chúng ta sẽ trở nên tốt hơn vì điều đó. Và, cùng nhau, dù già hay trẻ, chúng ta sẽ tìm thấy sự thỏa mãn trong bàn tiệc chia sẻ, được Chúa chúc lành.
Source:Holy See Press Office
Chúa Nhật 25 tháng Bẩy Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 17 Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta câu chuyện Chúa hóa bánh và cá ra nhiều nuôi sống hơn 5,000 người.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư. Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng của phụng vụ Chúa Nhật tuần này thuật lại câu chuyện nổi tiếng về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giêsu đã cho khoảng 5 ngàn người đến nghe Người ăn (x. Ga 6,1-15). Thật là thú vị khi thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tạo ra bánh và cá từ hư không, mà Ngài làm việc này với những gì các môn đệ mang đến cho Ngài. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Câu 9). Nó là ít, nó không là gì, nhưng nó là đủ cho Chúa Giêsu.
Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu chú bé chia sẻ mọi thứ chú bé ấy mang theo ăn dọc đường. Đó có vẻ là một đề xuất không hợp lý, hay nói đúng hơn là bất công. Tại sao lại tước đi của một người, thực sự là một đứa trẻ, những gì đứa bé ấy đã mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy đi của một người những gì không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi luận lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Trái lại, nhờ món quà anh hùng nhỏ bé được ban tặng nhưng không đó, Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học lớn cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Chúa có thể làm được rất nhiều điều với những gì chúng ta chấp nhận bỏ ra theo thánh ý của Ngài. Sẽ rất tốt nếu anh chị em tự hỏi bản thân mình mỗi ngày: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?”. Ngài có thể làm được nhiều điều với một lời cầu nguyện của chúng ta, với một cử chỉ bác ái đối với người khác, ngay cả với một trong những đau khổ của chúng ta được dâng lên cho lòng thương xót của Ngài. Những điều nhỏ nhặt của chúng ta dâng lên cho Chúa Giêsu, và Ngài làm phép lạ. Đây là cách Thiên Chúa ưa thích hành động: Ngài làm những điều lớn lao, bắt đầu từ những điều nhỏ bé, những điều được trao ban một cách nhưng không.
Tất cả các nhân vật chính vĩ đại của Kinh thánh - từ tổ phụ Ápraham, đến Đức Maria, đến cậu bé trong Phúc Âm ngày hôm nay - đều thể hiện logic của sự nhỏ bé và cho đi. Logic của sự nhỏ bé và sự cho đi. Logic của việc cho đi rất khác so với chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và gia tăng những gì chúng ta có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, và giảm bớt. Chúng ta thích toán cộng, chúng ta thích bổ sung; Chúa Giêsu thích toán trừ, lấy một thứ gì đó đi để cho người khác. Chúng ta muốn nhân lên cho chính mình; Chúa Giêsu đánh giá cao khi chúng ta chia sẻ với người khác, khi chúng ta trao ban. Điều thú vị là trong những lời tường thuật về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều trong các sách Phúc âm, động từ “nhân lên” không bao giờ xuất hiện: không. Trái lại, các động từ được dùng có nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “cho”, “phân phát” (x. Câu 11; Mt 14:19; Mc 6:41; Lc 9:16). Còn động từ “nhân lên” không được sử dụng. Chúa Giêsu nói, phép lạ thực sự không phải là sự nhân lên tạo ra sự phù phiếm và quyền lực, mà là sự chia sẻ làm gia tăng tình yêu thương và để cho Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Chúng ta hãy cố gắng chia sẻ thêm: chúng ta hãy cố gắng noi theo cách Chúa Giêsu dạy chúng ta.
Ngay cả ngày nay, sự gia tăng hàng hóa cũng không thể giải quyết được vấn đề của thế giới nếu không có sự chia sẻ công bằng. Bi kịch của nạn đói xuất hiện trong tâm trí tôi, đặc biệt khi nạn đói ấy ảnh hưởng đến những đứa trẻ nhỏ. Người ta đã tính toán chính thức rằng mỗi ngày trên thế giới có khoảng bảy nghìn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì suy dinh dưỡng, vì chúng không có những gì chúng cần để sống. Đối mặt với những vụ tai tiếng như thế này, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời mà cậu bé có lẽ đã nhận được trong Tin Mừng, người không có tên tuổi và là người mà tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình: “ Hãy can đảm, cho đi những gì bé mọn anh chị em có, tài năng của anh chị em, của cải của anh chị em, hãy làm cho những điều ấy có sẵn cho Chúa Giêsu và cho các anh chị em khác. Đừng sợ, anh chị em sẽ không mất gì cả, vì nếu anh chị em chia sẻ, Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy loại bỏ mặc cảm giả tạo khi cảm thấy mình còn thiếu sót, hãy tin tưởng vào bản thân. Hãy tin vào tình yêu, tin vào sức mạnh của sự phục vụ, tin vào sức mạnh của sự nhưng không.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã trả lời “xin vâng” trước lời đề nghị chưa từng có của Thiên Chúa, giúp chúng ta mở lòng đón nhận những lời mời gọi của Chúa và mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa cử hành Phụng vụ Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên lần thứ nhất. Xin một tràng pháo tay cho tất cả các ông bà, tất cả mọi người! Ông bà và cháu chắt, già trẻ lớn bé cùng nhau thể hiện một trong những khuôn mặt đẹp đẽ của Giáo hội và thể hiện giao ước giữa các thế hệ. Tôi mời anh chị em cử hành ngày này trong mọi cộng đồng và đến thăm ông bà và người già, nhất là những người cô đơn, để chuyển tải thông điệp của tôi đến họ, được truyền cảm hứng từ lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày”. Tôi cầu xin Chúa rằng ngày lễ này giúp chúng ta, những người theo năm tháng sẽ già đi hơn biết đáp lại lời mời gọi của Ngài trong lứa tuổi này, và cho xã hội thấy giá trị của sự hiện diện của ông bà và người già, đặc biệt là trong nền văn hóa vứt bỏ này. Ông bà cần những người trẻ và những người trẻ cần ông bà: họ phải nói chuyện, họ phải gặp gỡ nhau! Ông bà có nhựa sống của lịch sử giúp thăng tiến và tiếp thêm sức mạnh cho cây cối ngày càng phát triển. Tôi nghĩ có lần tôi đã nhắc với anh chị em câu này của một nhà thơ: “Tất cả những gì nở hoa trên cây đều đến từ những gì bị chôn vùi”. Không có cuộc đối thoại giữa những người trẻ và ông bà, lịch sử không tiếp diễn, cuộc sống không tiếp diễn: cần phải nối lại điều này, đó là một thách thức đối với nền văn hóa của chúng ta. Ông bà có quyền ước mơ khi dõi mắt nhìn người trẻ, và người trẻ có can đảm nói tiên tri bằng cách kín múc nhựa cây từ ông bà. Hãy làm điều này: gặp gỡ ông bà và những người trẻ tuổi và trò chuyện với họ. Và điều này sẽ làm cho tất cả mọi người hạnh phúc.
Những ngày gần đây, mưa xối xả đã đổ xuống thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou, 郑州市) và tỉnh Hà Nam (Henan, 河南省), bên Trung Quốc, gây ra lũ lụt kinh hoàng. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và tôi bày tỏ sự gần gũi và đoàn kết với tất cả những người phải gánh chịu thảm họa này.
Thế vận hội lần thứ 32 đã khai mạc tại Tokyo hôm thứ Sáu. Trong thời đại đại dịch này, những cuộc thi đấu này là một dấu chỉ của hy vọng, một dấu chỉ của tình anh em phổ quát nhân danh sự cạnh tranh lành mạnh. Xin Chúa chúc lành cho ban tổ chức, các vận động viên và tất cả những ai cộng tác cho ngày hội thể thao trọng đại này!
Tôi xin gửi lời chào thân ái tới anh chị em, những người Rôma và những người hành hương. Đặc biệt, tôi xin chào nhóm các ông bà từ Rovigo - cảm ơn các bạn đã đến tham dự!; những người trẻ tuổi của Albinea đã đi bộ qua Via Francigena từ Emilia đến Rôma; và những người tham gia cuộc tuần hành “Rally di Roma Capitale”. Tôi cũng chào cộng đồng Cenacle. Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt! Xin chúc mừng các bạn trẻ những người con của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội!
Source:Holy See Press Office
Đức Tổng Giám Mục Nhật Bản Tarcisio Isao Kikuchi của Tokyo đã được bầu làm tổng thư ký của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC.
FABC là một hiệp hội của các hội đồng giám mục Công Giáo ở Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á, nhằm thúc đẩy tình đoàn kết và trách nhiệm chung vì phúc lợi của Giáo hội và của xã hội trong khu vực.
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi sẽ thay thế Đức Cha Stêphanô Lý Bân Sinh (Lee Bun-Sang, 李彬生) của Ma Cao sau khi vị giám mục này từ chức vào đầu tháng Bảy vừa qua.
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi là chủ tịch Caritas Á Châu từ năm 2011 đến năm 2019. Ngài cũng là thành viên của Ủy ban Phát triển Nhân văn của FABC.
Đức Cha Tarcisio sinh ngày 1 tháng 11 năm 1958, và là thành viên của Dòng Ngôi Lời Truyền Giáo. Ngài được truyền chức linh mục vào ngày 15 tháng 3 năm 1986.
Là một nhà truyền giáo, ngài đã phục vụ trong các cuộc truyền giáo ở Ghana, Tây Phi và phục vụ tại Koforidua với tư cách là cha sở trước khi được bầu làm Giám tỉnh của dòng vào năm 1999, khi ngài trở lại Nhật Bản.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Niigata vào ngày 29 tháng 4 năm 2004. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Tokyo vào ngày 25 tháng 10 năm 2017.
Source:Licas News
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết trong một quyết định có thể khôi phục hàng triệu đô la cho các trường Công Giáo, tiểu bang California đã phán quyết rằng Học khu Thống nhất Los Angeles, gọi tắt là LAUSD, đã vi phạm luật liên bang khi cắt giảm khoản tiền trợ giúp cho các học sinh gặp khó khăn trong học tập tại Tổng giáo phận Los Angeles.
“Báo cáo điều tra” dài 58 trang do Bộ Giáo dục California ban hành ngày 25 tháng 6 cho LAUSD thời hạn 60 ngày để thiết lập “các tiếp xúc kịp thời và có ý nghĩa” với tổng giáo phận ngõ hầu có thể sửa chữa bất kỳ sai sót nào trong việc tính toán nhu cầu của học sinh. Bộ Giáo dục California đã ra lệnh cho LAUSD phải “cung cấp các dịch vụ đã thỏa thuận cho các học sinh của tổng giáo phận đủ điều kiện bắt đầu từ đầu năm học 2021-2022.”
Tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại vào tháng 9 năm 2019, sau khi LAUSD ngăn chặn tất cả 85 trong số 102 trường Công Giáo đủ điều kiện, và trước đây đã được nhận quỹ Title One của liên bang, nhằm hỗ trợ các học sinh có vấn đề về môn toán, và tiếng Anh. Báo cáo gọi hành động của LAUSD là “nghiêm trọng”. Nó thể hiện hoặc là một sự kỳ thị ra mặt, hoặc là một mưu toan tham ô hàng triệu Mỹ Kim.
Theo phúc trình vừa được công bố, trong ba năm trước năm 2019, LAUSD nhận được trung bình hàng năm khoảng 291 triệu đô la trong quỹ Title One và phân bổ từ 2% đến 2.6% cho các trường tư thục. Nhưng vào năm 2019, khi Tổng thống Trump công bố chương trình trợ giúp đặc biệt cho ngành giáo dục, học khu đã nhận được hơn 349 triệu đô la, họ lập tức loại 85 trong số 102 trường Công Giáo ra khỏi danh sách, và phân bổ chưa đến 0.5% cho các trường tư thục.
Hệ quả là tổng số tiền được chia cho các trường tư thục đã giảm từ 7.5 triệu đô la xuống còn 1.7 triệu đô la. Bi đát hơn nữa, trong số các trường tư thục, các trường học Công Giáo chiếm đa số, thế mà các trường Công Giáo chỉ nhận được 11% tổng số tiền cho các trường tư thục, cụ thể là vào khoảng 190 ngàn Mỹ Kim.
Các viên chức Tổng giáo phận bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột trong sự phân bổ của LAUSD sau nhiều thập kỷ mà Giáo hội được coi là quan hệ đối tác hiệu quả giữa các trường tư thục và khu học chính.
Title One hỗ trợ cho những học sinh có vấn đề về học lực, bất kể chúng theo học tại các trường công lập, tư thục hay các trường của các tôn giáo. Theo luật, học khu có trách nhiệm phân phối quỹ một cách công bằng nhưng vì sự thù địch với niềm tin tôn giáo, hay sao đó nên họ đã chặn lại hầu hết các khoản tiền trợ cấp cho các trường Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em vài nét về tình trạng Giáo Hội tại Việt Nam qua góc nhìn của Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành nguyên giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trong cuộc phỏng vấn dành cho cô Têrêsa Phạm Thanh Nghiên. Tiêu đề của cuộc phỏng vấn này là “Cuộc cử hành Lời Chúa trên các đường phố”
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, xin cha chia sẻ đôi chút suy nghĩ của mình về tác động của cơn đại dịch đối với đời sống người dân? Và với tư cách là một Linh mục, cha có cái nhìn thế nào về Giáo Hội Công Giáo (GHCG) trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, đặc biệt khoảng hơn hai tháng nay, khi Sài Gòn bị giãn cách?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Vâng, chắc hẳn tình hình dịch bệnh đang là vấn đề quan tâm và nỗi lo lắng hàng đầu của người Việt Nam hiện nay, cách riêng đối với người dân Sài Gòn. Thẳng thắn mà nói thì từ tháng 5 đến đầu tháng 7, chúng ta đã thấy sự lúng túng, yếu kém của những người có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương qua việc đối phó với dịch bệnh. Điều này đã được minh chứng trên thực tế. Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia cũng đã phân tích, lên tiếng về nhiều vấn đề như biện pháp cách ly, phong tỏa, ngăn sông cấm chợ…,nhưng dường như không được để tâm. Tuy nhiên, dấu hiệu đáng mừng là hiện nay những người có trách nhiệm bắt đầu lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của giới chuyên môn. Dù muộn nhưng là điều thật cần thiết lúc này.Ví dụ đồng ý để các trường hợp F1, hay là F0, không có triệu chứng nặng thì được tự cách ly ở nhà. Rồi hướng tới việc giảm các ca nhiễm bệnh, giảm thương vong v.v...
Nhưng thôi, vì không có chuyên môn nên tôi chỉ xin chia sẻ một cách chung chung như thế. Tôi là một Linh mục và tôi muốn nói về Giáo Hội của tôi, về Mẹ của tôi, đặc biệt là Hội Thánh trong thành phố này. Suốt từ đầu tháng 5 đến nay, Sài Gòn đã trải qua những diễn biến hết sức đau buồn. Ngoài số người mắc bệnh và tử vong, phải kể đến cuộc sống của những người nghèo khổ, sống nhờ vào vỉa hè, người buôn thúng bán bưng, lao động khổ cực, người làm nghề tự do không có hợp đồng… Và chính trong cơn khốn khó này, ta thấy được sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người dân, cách riêng chúng ta thấy hình ảnh của Giáo Hội trong đó. Các Giáo xứ, các vị Linh mục, Tu sĩ, các Kito hữu đã bước ra khỏi Nhà thờ, bước ra khỏi Giáo xứ hay căn nhà của mình để đến với người nghèo, với người cần giúp đỡ.
Tôi thấy có những nơi thì đưa lên truyền thông, nhưng cũng có nhiều Linh mục, Tu sĩ làm một cách âm thầm. Họ quan tâm đến cái đói, cái khổ của những người bị mất việc làm, mất kế mưu sinh. Mỗi một cái sân nhà thờ là một cái “Chợ 0 đồng”, mỗi cánh cổng Tu viện là một “Siêu thị 0 đồng”. Trên mạng xã hội, tràn ngập hình ảnh của những Tu sĩ, Linh mục vất vả ngược xuôi, thức khuya dậy sớm lo cho người nghèo. Đây là cơ hội để những người dưới đáy của xã hội, những người xưa nay bị bỏ rơi nhận được sự trân trọng. Tôi rất xúc động trước hình ảnh những bạn trẻ ân cần quỳ xuống, trao một bữa cơm, nói lời yêu thương nhỏ nhẹ với bà già ăn mày, với người bán vé số… Tôi coi đó là những trang Tin Mừng được mở ra ngay giữa thành phố này.
Tôi tin Giáo Hội Việt Nam, cách riêng Giáo Hội tại thành phố này có một nội lực Đức Tin rất lớn. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, Đức Tin, Đức Yêu Mến ấy được thể hiện rõ ràng.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Bên cạnh những điều tốt đẹp mà cha vừa chia sẻ, một cách khách quan, cha có thể nói về những điều Giáo Hội chưa làm, hoặc làm chưa tốt không thưa cha?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Vâng, chúng ta không phải ở trong Nước Trời ngay bây giờ để mà vui vẻ. Bên cạnh những điều đã thấy, còn nhiều hình ảnh không được tốt đẹp lắm. Vẫn còn những Nhà thờ, những Tu viện đóng kín. Các đấng có những lý do của các đấng. Dầu sao, với bất kỳ lý do nào thì lời kêu gọi “Mở cửa ra” của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong “Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng” vẫn là một thách thức, vẫn là điều mà mỗi người phải trả lời trước mặt Chúa. Đức Giáo Hoàng nói rằng sau cơn đại dịch, sẽ phải hình thành một cái “bình thường mới” (New normal).Tức là nó là “cái mới” phải được đề cập đến, nhưng là điều “bình thường”. Hay có thể hiểu rằng “nó là cái bình thường nhưng bây giờ mới được đề cập, được chú ý tới”.
Điều tôi suy nghĩ là Giáo Hội sẽ mở ra hướng đi nào sau cơn đại dịch?
Từ Tông huấn của Đức Thánh Cha, các nhà Xã hội học đã đưa ra những cái bình thường mới mà con người cần phải thực hiện. Ví dụ, rửa tay thường xuyên hơn, giữ khoảng cách với nhau khi giao tiếp, không dùng đũa gắp chung thức ăn để tránh lây bệnh v.v… Tôi nghĩ, Giáo Hội Việt Nam nên nghĩ đến một cái “bình thường mới” như lời Đức Giáo Hoàng đã đề cập.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Vậy “Những cái bình thường mới” mà Giáo Hội cần hướng tới là gì, thưa cha?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Như chị thấy đó, thời gian qua khi Nhà thờ bị đóng cửa, anh em Linh mục không thể thi hành các tác vụ trực tiếp cho giáo dân như dâng lễ, giải tội….Bối cảnh ấy làm lộ ra một điều rằng, người tín hữu “khao khát ân sủng” qua các bí tích. Họ diễn tả rằng thèm được dự Thánh lễ, thèm được nghe giảng, thèm được đến Nhà thờ. Vậy thì Giáo Hội sẽ phải thực hiện một nếp sống mới cho con cái của mình để đáp ứng lại nguồn khao khát ân sủng của các tín hữu.
Tôi nhận thấy rằng, thứ nhất, từ việc không thể đến Nhà thờ đã bắt đầu hình thành những buổi gặp gỡ, cầu nguyện, chia sẻ tại gia đình. Khi bị cách ly, tuyệt vọng hay đứng trước nguy cơ bị lây bệnh, người ta cầu nguyện nhiều hơn. Vai trò của “người trưởng lão, người đầu mục” trong gia đình vì thế mà được chú trọng hơn. Họ phải lãnh đạo, nâng đỡ các thành viên gia đình vượt qua mọi khó khăn trong sự vững tin vào tình yêu của Chúa. Phải ăn năn sám hối, làm mẫu gương cho người khác. Họ phải học hỏi nhiều hơn Lời Chúa để chia sẻ, làm của ăn, thỏa mãn khát khao ân sủng cho các thành viên còn lại của gia đình.
Thứ hai, sự hình thành các nhóm “cầu nguyện online”, gặp gỡ trên mạng và cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh, cùng suy tư và nâng đỡ nhau. Đây là hình ảnh của “một cộng đồng cơ bản”. Tôi được tham dự 3 nhóm đọc kinh/cầu nguyện online như thế. Việc lần chuỗi Mẫn Côi là cách cầu nguyện đơn giản nhất mà các nhóm bám vào đó như là trụ cột trong đời sống Đức Tin của mình. Không chỉ đọc kinh, các thành viên còn nâng đỡ nhau cả vật chất lẫn tinh thần như cầu nguyện cho nhau, trợ giúp y tế và cả hỗ trợ lương thực, thực phẩm nữa. Cả ba nhóm này đều có bác sĩ tham gia. Họ đã cho hình thành một “Tủ thuốc về dịch bệnh”, gửi đến từng thành viên trong cộng đoàn của mình. Họ sẵn sàng giúp đỡ, chuẩn đoán, hướng dẫn cách chữa trị khi gặp nguy hiểm qua điện thoại, các phương tiện truyền thông. Việc hình thành các nhóm cầu nguyện như thế tôi gọi đó là “những cộng đồng cơ bản”. Đó chính là “cái bình thường mới”. Sau khi cơn đại dịch qua đi, chúng ta sẽ phải bước vào một xã hội mới với những thói quen mới nhân văn hơn, tốt đẹp hơn.
Điều thứ ba, là các Đức Giám Mục, các Linh mục đã rất nhanh chóng tận dụng mọi phương tiện truyền thông để hướng dẫn, mục vụ thần học cũng như mục vụ Thánh Kinh cho tín hữu. Mới hơn 1 năm, các chương trình giảng dạy, các Thánh lễ online, cầu nguyện online, lần chuỗi online được tổ chức khá phong phú, khá hoàn bị. Kể cả 1 người cao tuổi không rành sử dụng các phương tiện truyền thông cũng tham dự được. Có người khoe tôi ngày nào cũng đọc kinh Phụng vụ với Nhà Dòng này, hay tham dự thánh lễ với Đức cha kia, hoặc đọc kinh cầu nguyện với nhóm này, nhóm khác. Giáo Hội đang tận dụng rất tốt các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, ngoài những điều như cha nói về việc quản trị Giáo Hội, về việc giảng dạy, giáo huấn của Giáo Hội, còn điều gì khác cha thấy cần đề cập đến trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhất là khi Sài Gòn và nhiều nơi khác đang bị “giãn cách” như hiện nay không?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Cảm ơn chị đã đẩy tôi đến việc phải trả lời một câu hỏi mấu chốt, đó là công cuộc loan báo Tin Mừng, (một người anh em Linh mục của tôi đề nghị gọi là “Phúc âm hóa”). Trong “Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng”- Tông huấn đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxico đề cập đến chính là sứ mạng “Loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh.
Đối với Chúa Giêsu, ngay đầu sứ vụ Ngài đã xác minh sứ mạng của Ngài là Loan Báo Tin Mừng Cho Người Nghèo, cho người cùng khốn, người tù tội, người bị bỏ rơi. Công bố cho họ biết họ sẽ bước vào thời đại Hồng ân của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đặt để sứ vụ đầu tiên cho các Tông đồ là “Anh em hãy đi để loan báo Tin Mừng”. Chúa Giêsu nói rằng “Thần khí Thiên Chúa ngự trên tôi, xức dầu tấn phong tôi, Thiên Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo”.
Thế thì lời Tin Mừng đó, lời Sai Đi đó suốt hơn 1 năm qua, nhất là hai tháng gần đây, Giáo Hội ở thành phố này thực hiện thật sống động, tôi gọi đó là “Cuộc cử hành Lời Chúa trên các đường phố”. Những người nghèo, người bị bỏ rơi, què cụt, đui mù, không nhà cửa, chui rúc tạm bợ trong các hang cùng ngõ hẻm đều được các bạn trẻ là những Thiện nguyện viên tìm đến tận nơi. Nhân danh Chúa Giêsu, nhân danh người Công Giáo và trao cho họ tình yêu thương, lời ủi an. Mời họ một bữa cơm mà các cha gọi là “bữa cơm tình thương”, “bữa cơm nụ cười”, “bữa cơm nhân ái”… Đấy là Tin Mừng thật sự cho người đang nghèo, đang đói. Rõ ràng, trong Tông Huấn niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói rằng “trong tất cả các đối tượng phải loan báo Tin Mừng thì người nghèo là đối tượng cần ưu tiên hơn cả”. Thời gian này nhiều người dân, nhiều khu phố tại Sài Gòn bị rào lại, bị cách ly. Họ bị thiếu thốn, tuyệt vọng, và chính khi ấy Giáo Hội đến. Đấy chính là một “Cuộc cử hành Lời Chúa trên các đường phố”. Là một Linh mục, tôi ước ao một Giáo Hội như thế và hơn thế nữa, sau cơn đại dịch này, điều đó phải là một cách sống Đạo “Bình thường mới”.
Thiên Chúa và thế giới
Đặc biệt trong việc thảo luận về Thiên Chúa như được lý trí con người biết đến, thánh Tôma đã mạnh dạn phản bác Aristốt. Đối với Aristốt, thế giới vật chất không do nguyên nhân nào tạo ra. Và ông còn khoái chí khi chỉ trích thuyết kiểu mẫu [exemplarism] của Platông hay ảnh hưởng của một nguyên nhân mô thức siêu việt ngoại tại của thế giới. Thực vậy, Thánh Tôma đã chỉnh sửa suy tư thần học của Aristốt với sự giúp đỡ của Platông.
Tuy nhiên, độc giả nào từng nghiên cứu cả Platông lẫn Aristốt sẽ nhận ra rằng, khi dành địa vị trung tâm cho hiện hữu, Thánh Tôma đã tự tách mình ra khỏi cả hai bậc thầy này. Việc tách mình này không hẳn tùy tiện. Nó phù hợp với truyền thống Platông thành hình sau cái chết của Plotinus. Mặc dù trong bộ ba do Plotinus đưa ra, tức Thể Duy nhất, Tinh thần (nous) và Linh hồn Thế giới, Thể Duy nhất Tối cao được coi như vượt trên hữu thể, vốn chỉ hiện diện ơ bình diện Tinh thần. Porphyry quả có nói tới hữu thể như Nguyên tắc Đệ nhất. Và ở thế kỷ thứ tư, một Kitô hữu theo thuyết Platông là Marius Victorinus, trong công trình của ông về Chúa Ba Ngôi, đã nói tới Chúa Cha như hữu thể. Có lẽ ý niệm khá thịnh hành cho rằng nền siêu hình của Thánh Tôma được dẫn khởi từ Avincenna và/hoặc Sách Xuất Hành tự nó phải được giải thích do sự tối tăm xung quanh thuyết Tân Platông cả ngoại giáo lẫn Kitô giáo. Có rất nhiều bản văn của Thánh Augustinô cho thấy Thánh Augustinô vẫn nghĩ Thiên Chúa như hiện hữu (esse), nhưng ngài không khai triển nền siêu hình về hiện hữu ở bình diện hữu hạn.
Nhiều ngả đường dẫn tới thuyết tân Platông đã được mở ra cho Thánh Tôma. Có những bản dịch của John Scotus Erigena các tác phẩm của Dionysius Đồi Areopagus, của Thánh Maximus Hiển Tu và của Thánh Grêgôriô thành Nyssa. Thánh Tôma thường nhắc đến Thánh Gioan Đamascênô. Ngài trở thành quen thuộc với các giáo phụ Hy Lạp khi hiệu đính cuốn Catena Aurea, tức tuyển tập các chú giải về Tân Ước của các giáo phụ. Nhưng các bình luận của Thánh Tôma về các công trình của Boethius cho chúng ta biết chắc ngài có tiếp xúc với hình thức Tây Phương của thuyết Tân Platông Kitô giáo. Và nếu Boethius, người từng viết một tác phẩm về Chúa Ba Ngôi, đã có trong tay Bốn Sách về Chúa Ba Ngôi của Marius Victorinus Afer, thì việc này chứng tỏ có sự tiếp xúc trực tiếp với một thuyết Tân Platông hoàn toàn chính thống Kitô giáo. Ông có thể đã thấy rằng thuyết Tân Platông không cần phải tiếp nhận hình thức Phân Chia Tự Nhiên [Division of Nature] của Scotus Erigena. Và khi Thánh Tôma đọc cuốn Về Chúa Ba Ngôi [De Trinitate] của Boethius (cuốn mà ngài có chú giải, thực sự chỉ bàn những vấn đề do cuốn này nêu ra), hẳn ngài đã tiếp xúc gián tiếp với thuyết Tân Platông Kitô giáo vủa Victorinus trong đó, esse hay hiện hữu [be-ing] là tên chính xác nhất cho Thiên Chúa Cha. Và liệu có thể có việc Thánh Augustinô, người vốn viết một cuốn Về Thiên Chúa [de Trinitate] không biết gì đến cuốn cùng tên của Victorinus? Clark cho rằng hiện nay, ta chỉ có thể nói rằng việc nghiên cứu phạm vi này vẫn đang tiếp diễn.
Và như thế, khi Thánh Augustinô và Thánh Tôma tìm cách hiểu đức tin của các ngài, các ngài hẳn phải tiếp xúc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với Victorinus, nhà Tân Platông Kitô giáo đầu tiên của Tây Phương.
Thế nhưng người ta vẫn chưa hoàn toàn thiết định được việc liệu chính Victorinus, để có được quan điểm về esse, có lệ thuộc vào Porphyry, người đã sửa đổi Plotinus để nói về Thể Duy Nhất như Hữu Thể, hay liệu ông ta có lệ thuộc cuốn chú giải Tân Platông thế kỷ thứ tư về Parmenides, hay liệu Porphyry có là tác giả của cuốn chú giải nặc danh, như P. Hadot gợi ý hay không. Dù sao, với Porphyry, ngôi thứ hai cũng đã ngang hàng [equal] với Đấng Duy Nhất rồi và khi chỉnh sửa Candidus (có thể là ngụy danh) của Phái Ariô, Victorinus chứng minh rằng vivere (sống) và intelligere (hiểu) hàm ngụ chứ không lệ thuộc esse.
Ý niệm esse như là nguồn mọi hoàn hảo là đá nền của việc tham gia/siêu hình của Tân Platông Kitô giáo, cũng như của triết học và thần học Thánh Tôma.Việc tự mạc khải của Chúa Cha là cả sự sống lẫn khôn ngoan đối với Victorinus thế nào, thì với Thánh Tôma, thế giới của chúng ta biểu lộ Thiên Chúa hằng sống, và việc nhập thể của khôn ngoan kết hợp chúng ta với Người thế ấy.
Mọi giáo phụ không thận trọng như nhau đối với các lý thuyết tham gia của Platông. Nhưng xem ra khá chắc chắn là các thần học gia Tân Platông Kitô giá có khả năng có trước việc Thánh Augustinô tiếp xúc với Plotinus. Khi Thánh Augustinô đọc Plotinus, ngài lập tức giải thích bộ ba ở đó như Thiên Chúa Ba Ngôi của Kinh Thánh. Origen đã xử lý “việc tham gia” một cách không có hiệu quả hoàn toàn chính thống Kitô giáo. Nhưng Thánh Grêgôriô thành Nyssa không thấy sự bất khả nào trong cả việc Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha lẫn việc Người ngang hàng với Chúa Cha. Thánh nhân nhấn mạnh quan điểm thống nhất hóa trong giải thích của ngài về mối tương quan với Thiên Chúa của con người tự nhiên và mối tương quan với Thiên Chúa của con người đã được rửa tội: cả hai đều là hồng ân của Thiên Chúa bao lâu yếu tính con người cũng như hiện hữu Kitô hữu là “do việc tham gia”. Điều đầu là việc tham gia vào hiện hữu tạo dựng tự nhiên; điều sau là tham gia vào hiện hữu tạo dựng thần thiêng. Tham gia nghĩa là “không có gì do bản nhiên, nhưng tiếp nhận từ trên cao” (từ điều có giá trị tuyệt đối). Do cách này, điều rõ ràng là người tham gia thực sự khác biệt so với người được tham gia và Thiên Chúa, như sự thiện hảo vô hạn, là nền tảng cho khả thể hoàn hảo vô hạn của con người, cho việc họ vô hạn lớn lên trong sự thiện luân lý.
Như vậy đâu là điều chủ yếu hơn đối với tổng hợp triết học của Thánh Tôma, tức sự phân biệt giữa thế giới khả niệm và thế giới khả giác, hay sự phân biệt thế giới không tạo dựng và thế giới tạo dựng? Theo Clark, sự phân biệt sau chủ yếu hơn. Và do đó, chúng ta có thể kết luận rằng triết học của Thánh Tôma tân Platông hơn Platông và hơn thế nữa, có tính Kinh Thánh hơn tính Aristốt.
Và mặc dù sự phân biệt giữa Thiên Chúa và thế giới, giữa tự nhiên và ơn thánh được thực hiện nhờ tham gia được Ngôi Lời Trường Cửu môi giới ở trường hợp đầu và được Ngôi Lời Nhập Thể môi giới trong trường hợp sau, điều mà việc tham gia nhắm một cách sâu xa và đạt được là mầu nhiệm hợp nhất kỳ diệu.
Các lý thuyết khác của Plotinus lên đặc điểm cho nền thần học tự nhiên của Thánh Tôma. Có một cách tiêu cực để nói về Thiên Chúa khi mọi sự bất toàn hay hoàn hảo lẫn lộn bị bác bỏ khỏi Người. Có một chỗ, Thánh Tôma quả quyết rằng chỉ khi nào chúng ta thừa nhận rằng chúng ta không thực sự biết được điều gì về sự cao cả của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự hé biết được Thiên Chúa chút đỉnh. Quan niệm của Thánh Tôma về Thiên Chúa như Hữu Thể xem xét cả tính siêu việt của Thiên Chúa lẫn tính nội tại của Người bằng quyền lực, hiện diện và yếu tính bất cứ nơi đâu có những sự vật tiếp nhận hiện hữu. Nhưng làm thế nào nhờ các năng lực tự nhiên, con người có thể nhận biết một Thiên Chúa siêu việt một cách tích cực? Thánh Tôma cho hay, các hoàn hảo mà chúng ta khám phá thấy nơi các tạo vật nhất thiết phải hiện diện nơi nguồn sáng tạo, ít nhất một cách tiềm tàng [virtually], nhưng cũng một cách rõ ràng tuyệt hảo. Trong vấn đề này, Thánh Tôma không chấp nhận giải đáp của Moses Maimonides, người vốn cho rằng các phẩm tính như sự thật, sự thiện, sự mỹ, nhận thức, và yêu thương chỉ là những đồng nghĩa đối với nhau, tất cả đều đồng nhất với Thiên tính. Không, Thánh Tôma mở một con đường thận trọng giữa thuyết bất khả tri và thuyết nhân hình [anthropomorphism]. Chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa tốt lành, nhưng không phải theo lối tốt lành hữu hạn của các vật khả giác. Nên nếu chúng ta nghĩ tới sự tốt lành hữu hạn, chúng ta phải nói tiêu cực [negate] về sự tốt lành của Thiên Chúa. Hai phán đoán vừa rồi phát sinh ra một khẳng định cao hơn đúng cho cả hai: Thiên Chúa cực tốt lành [supergood] (ta thường nói Thiên Chúa tốt lành nhưng một cách siêu phàm hơn sự tốt lành của con người). Ở đây, sự tốt lành của Thiên Chúa được nâng lên bình diện hiện hữu vô hạn, nó trở nên không tài nào biết được đối với tâm trí hữu hạn của ta nhưng quả Thiên Chúa tốt lành một cách vượt quá bất cứ trải nghiệm nào chúng ta có về sự tốt lành. Đó là cái biết tích cực. Thánh Tôma không bao giờ cho rằng cái biết này cho chúng ta biết tất cả về Thiên Chúa nhưng điều nó biết là điều chắc chắn. Vì cái biết này dựa trên sự giống nhau giữa Thiên Chúa và tạo vật qua việc tham gia vào hiện hữu, nên nó được gọi là cái biết nhờ loại suy. Nhờ nó, chúng ta cũng biết được cả sự quan phòng của Thiên Chúa...
Clark cho rằng Thánh Tôma dùng nhiều minh họa hơi kỳ lạ đối với các độc giả ngày nay để khai triển suy nghĩ của ngài. Nhưng bà cho rằng ta không nên bám vào các thí dụ của khoa vật lý trung cổ được thánh Tôma sử dụng chỉ để minh họa một điểm đã được lập luận. Cũng nên nhớ rằng việc coi là lỗi thời “khoa học tự nhiên” của Thánh Tôma không làm lỗi thời nền siêu hình học của ngài, vốn là việc phân tích cấu trúc của hữu thể tạo vật như được tạo dựng. Bao lâu hữu thể hữu hạn còn ở với chúng ta, thì phân tích của Thánh Tôma vẫn đáng được lắng nghe. Nhà siêu hình học làm việc ở một bình diện sâu hơn khi hỏi câu hỏi “tại sao?” hơn là các khoa học gia khi họ hỏi câu hỏi “thế nào?”
Và có lẽ đây là chỗ để nói rằng Thánh Tôma chưa bao giờ cho rằng 5 con đường để ráng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, đặt trong Tổng Luận liền ngay sau lời tuyên bố sự hiện hữu ấy không tự nó hiển nhiên đối với chúng ta, là “các chứng cớ của ngài”. Ngài đặt chúng dưới thẩm quyền các triết gia ngoại giáo và một số Kitô hữu đi trước ngài. Ở đây, cuốn sách của Sillem khá hữu ích. Sự kiện chỉ có một Thiên Chúa duy nhất xuất hiện khi Thiên Chúa được coi như esse hay hữu thể.Trước khi Thánh Tôma viết Tổng Luận khá lâu, ngài đã viết tại Paris một tuyệt tác siêu hình ngắn Về Hữu Thể và Hiện Hữu [On Being and Essence]. Trong cuốn đó, ngài lập luận, như Aristốt chưa bao giờ lập luận:
“Cho nên, mọi sự hiện hữu một cách mà sự hiện hữu của nó khác với bản chất của nó đều phải có sự hiện hữu của nó từ môt hữu thể khác. Và vì mọi sự hiện hữu nhờ một hữu thể khác được dẫn trở lại với hữu thể tự mình hiện hữu như trở lại với nguyên nhân đệ nhất của nó, thì phải có một điều duy nhất là nguyên nhân cho sự hiện hữu trong mọi sự vì một mình nó là HÀNH VI HIỆN HỮU [ACT-OF-BEING]”.
Vì không hữu thể nào khác có sự hiện hữu bằng chính yếu tính của nó nên cũng không tạo được sự hiện hữu trong một hữu thể khác; cho nên, bất cứ nơi nào có một sự vật nào đó, thì Thiên Chúa phải hiện diện như là Đấng ban sự hiện hữu, ban một cách tích cực, năng động khai triển nó trong và với các sức mạnh tự nhiên của tác nhân hay ngôi vị. (Đó là sự hiện diện tự nhiên của Thiên Chúa bên trong chúng ta, một sự hiện diện vốn tạo cơ sở cho đời sống ơn thánh – ý thức và thông đạt).
Khi khẳng định Đấng Chuyển Vận Đầu Hết Bất Di Bất Dịch như một tư duy suy tưởng, Aristốt bảo đảm sự tinh ròng của hành vi cao cả nhất bằng cách lồng nó vào vẻ huy hoàng của cảnh cô lập thần thiêng. Thiên Chúa của Aristốt không những “tách biệt” như là khác biệt về hữu thể học với mọi hữu thể khác, mà còn khuyết diện về hữu thể học với mọi hữu thể khác. Loại hiện diện duy nhất đáng được ngài thực hiện nơi các sự vật là khát vọng được các sự vật này cảm nghiệm đối với Người, và việc này giữ cho chất thể và mô thức chuyển vận. Khát vọng này không hiện diện nơi Đấng Chuyển Vận Không Bị Chuyển Vận (unmoved mover). Nhưng không như thế trong thế giới của Thánh Tôma. Mối tương quan của sự vật với Thiên Chúa được xác định ở đó theo trật tự hiện hữu. Điều này tạo ra sự lệ thuộc thâm sâu. Ngôn ngữ của cả Aristốt lẫn Platông không thể phát biểu được điều đó. Có lẽ lý do khiến quá nhiều người cùng thời với Thánh Tôma không nhìn thấy tính độc đáo trong các đóng góp của ngài là vì họ không nói ngôn ngữ hiện hữu.
Sự kiện hiện hữu là sợi dây nối kết mọi sự trên thế giới với nhau và với Thiên Chúa làm cho vũ trụ của Thánh Tôma trở thành một vũ trụ tôn giáo. Trong chính hiện hữu của chúng, một điều dù sao dường như cũng là một đặc điểm chung, sự vật giống nguyên nhân của chúng. Ở đây, do đó, tìm thấy ý nghĩa đích thực của bằng chứng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu theo cách hiểu của Thánh Tôma: chúng ta đến với Đấng Hiện Hữu [him-who-is] bằng cách khởi đi từ những đối tượng hay chủ thể nào ta có thể nói chúng hiện hữu. Một bằng chứng như thế gọi là hậu thiên [à posteriori], nó có tính thực nghiệm khi thực nghiệm [empirical] không chỉ giới hạn vào việc mô tả một loại kinh nghiệm: tức khả giác mà thôi.
“... từ những điều đã được chứng minh, Thiên Chúa là chính Hiện Hữu, tự mình tồn hữu [ipsum esse per se subsistens]. Thành thử, Người phải chứa đựng trong chính Người trọn sự hoàn hảo của hiện hữu”.
Cho nên, nói rằng Thiên Chúa là hữu thể vô hạn không phải là nói rằng Người là một sự trừu tượng hay một sức mạnh vật lý, nhưng là nói rằng Người là một hữu thể có bản vị. Và do đó, khi Thiên Chúa hiện diện một cách sáng tạo trong mọi sự, Người hiện diện một cách đầy ý thức và yêu thương. Con người tham gia trọn vẹn vào hiện hữu hơn động vật và cây cỏ. Và do đó, là con người cũng có nghĩa là có hiện hữu bản vị, như chính kinh nghiệm của chúng ta cho thấy. Một trong những đặc ân của hiện hữu bản vị là có được muôn vàn cách tự biết mình. Và khi biết được mình cũng biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Kỳ tới: Con người
1. Các linh mục Phi Luật Tân vác thánh giá trên đường phố để cầu nguyện xin chấm dứt đại dịch
Các giáo sĩ của Giáo Phận Borongan ở miền trung Phi Luật Tân đã tổ chức ba kilomet “đi bộ sám hối” vào hôm Thứ Ba 20 tháng 7 để cầu nguyện cho mau chấm dứt đại dịch. Diễn biến này đã xảy ra trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tại quốc gia này đang tăng rất mạnh.
Các linh mục đã mang tượng Chúa chịu nạn trong cuộc rước từ nhà thờ chính tòa Borongan đến nhà thờ Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm ở thị trấn Sabang.
Cha Mike Gadicho, cha xứ của Giáo xứ nhà thờ chính tòa Borongan cho biết:
Các “ngày cầu nguyện và ăn chay” là “một biểu hiện của tình đoàn kết với những người bị mất người thân” và những người nhiễm bệnh.
“Ngày cầu nguyện và ăn chay này là phản ứng đơn sơ của chúng ta để nhắc nhở chúng ta về căn tính thực sự của chúng ta trong tư cách là người Công Giáo, “.
Source:Licas News
2. Bình luận viên đài phát thanh bị bắn chết ở miền trung Phi Luật Tân
Reynante Cortes, người dẫn chương trình bình luận “Engkwentro”, bị bắn chết trước đài phát thanh DyRB ở Cebu
Một bình luận viên đài phát thanh đã bị bắn chết sau khi rời đài phát thanh ở thành phố Cebu, miền trung Phi Luật Tân hôm thứ Năm, 22 tháng Bảy.
Anh Reynante Cortes, nhân viên phụ trách chương trình bình luận “Engkwentro”, đã bị bắn chết trước đài phát thanh DyRB vào khoảng chín giờ sáng.
Các nhân chứng cho biết, tay súng vẫn chưa được xác định danh tính đã bỏ trốn trên một chiếc xe máy.
Cảnh sát điều tra đang xem xét lý lịch của bình luận viên này để biết động cơ giết người.
Trong một tuyên bố, Liên minh các nhà báo quốc gia của Phi Luật Tân tại Cebu bày tỏ sự báo động về các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo và nhân viên truyền thông mà họ cho rằng “tiếp tục gia tăng và ngày càng trở nên bình thường một cách vô cảm”.
“Chúng tôi tiếp tục lên án thứ văn hóa giết người không bị trừng phạt đã khuyến khích những thủ phạm thực hiện những tội ác này.”
Hội đồng Báo chí-Công dân Cebu kêu gọi các nhà chức trách “điều tra kỹ lưỡng và nhanh chóng” vụ giết Cortes.
“Cho dù anh ta là một nhân viên bình thường hay một ký giả thượng thặng của DyRB đi nữa thì điều đó không thay đổi sự thật này: Anh ta là một người hành nghề truyền thông mà những kẻ giết người phải bị bắt và truy tố”.
Cortes dường như không có mâu thuẫn với ai đến mức bị người ta lấy mạng. Người duy nhất anh ta mâu thuẫn xem ra chính là tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều linh mục lên tiếng trước các sai trái của y trong cuộc chiến chống ma túy cũng từng bị thảm sát.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Rodrigo Duterte đã có 223 vụ tấn công và đe dọa các thành viên của các phương tiện truyền thông, trong đó ít nhất đã xảy ra 19 vụ giết người, 8 vụ ám sát và 52 vụ đe dọa.
Phi Luật Tân đứng thứ 136 trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021, cho thấy “tình hình khó khăn” của tự do báo chí ở nước này.
Source:Licas News
3. Thư ngỏ của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ: “Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid -19”
Hôm 22 tháng 7, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Bắc Ninh, Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã công bố một lá thư có tựa đề Đức ái trong đời sống thánh hiến qua đại dịch Covid -19. Ngài viết như sau:
Kính gửi: Quý Bề trên các Hội Dòng
Trong hơn một năm qua, nhân loại phải đối đầu với đại dịch do biến chủng mới của Virus Corona gây ra với những hậu quả nặng nề. Hầu như chưa bao giờ, thế giới phải chứng kiến cảnh gần 200 triệu người nhiễm bệnh, trong đó đã có hơn 4 triệu người tử vong. Riêng ở Việt Nam, làn sóng dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát như một cơn sóng thần, khiến nhiều người hoang mang, các đơn vị phòng chống dịch cũng bất ngờ vì tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng mới.
Dịch bệnh hoành hành làm xã hội bất ổn, kinh tế đình trệ nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Giữa nỗi khổ cực của đồng loại, nhiều tu sĩ ở khắp nơi trên khắp thế giới đã và đang xả thân nhiệt thành cộng tác vào việc đẩy lui dịch bệnh và xoa dịu nỗi đau của con người. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây có không ít hội dòng, tu sĩ đã tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Tại Giáo phận Bắc Ninh, Hội dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất ở tỉnh Bắc Giang đã tự nguyện dùng trường mầm non làm cơ sở cách ly tập trung, cùng với đó một nhóm nữ tu đã tình nguyện ở lại phục vụ anh chị em trong khu cách ly. Tại Xuân Lộc, đáp lại lời mời gọi của Đức Giám Mục giáo phận các tu sĩ dòng Gioan Thiên Chúa ở Hố Nai đã tình nguyện đến các bệnh viện và khu cách ly tập trung để phục vụ chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 với phương châm “ở đâu có bệnh nhân, ở đó có chúng con”. Đặc biệt, theo thống kê của văn phòng ủy ban tu sĩ trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, hiện tại đã có 531 tu sĩ nam nữ đáp lại lời mời gọi của Đức cha chủ tịch Hội đồng giám mục, sẵn sàng lên đường phục vụ các bệnh nhân, trong đó 430 tu sĩ đã được chọn để phục vụ các cơ sở y tế và cách ly tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh (nơi đang là tâm điểm của dịch bệnh).
Thánh Têrêxa Avila nhắc nhở chúng ta: “Hôm nay Đức Kitô nhìn người khác bằng mắt chúng ta, yêu người khác bằng trái tim chúng ta, đến với người khác bằng đôi chân chúng ta và phục vụ người khác bằng đôi tay của chúng ta.” Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của các tu sĩ tại những nơi dịch bệnh bùng phát chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu và Chúa Giêsu đã “yêu đến cùng” thế nào.
Trong cơn đại dịch này, chúng ta nhớ đến mẫu gương của thánh tu sĩ Luy Gonzaga (1568 - 1591). Ngài vốn là con của một vị lãnh chúa nhưng năm 17 tuổi ngài đã từ bỏ mọi vinh hoa để gia nhập Dòng Tên với ước nguyện được sang Á Đông truyền giáo. Tuy nhiên vào năm 1591, Châu Âu bị dịch bệnh hoành hành, Luy Gonzaga cùng với các anh em khác tình nguyện đến thăm các bệnh nhận, đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích trước khi qua đời. Cuối cùng, Luy Gonzaga đã phục vụ bệnh nhân tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh và qua đời đêm 20 tháng 6 năm 1591 khi mới 23 tuổi.
Khi những con số bệnh nhân gia tăng hàng ngày, số người chết cũng ngày một nhiều thêm, cuộc sống trở nên ngột ngạt, cũng là lúc anh chị em tu sĩ chúng ta được mời gọi làm chứng nhân cho Tin mừng, bằng việc chăm sóc, an ủi và xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân COVID-19. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên niềm mong đợi của ngài nơi các tu sĩ “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Bởi vậy, tu sĩ chúng ta phải là những người tiên phong dấn thân mang lại niềm hy vọng và niềm vui cho các nạn nhân dịch cúm Covid qua việc tận hiến phục vụ tha nhân. Qua lá thư này, trên cương vị chủ tịch ủy ban tu sĩ và với tư cách là một tu sĩ, tôi tha thiết mời gọi những người sống đời thánh hiến tiếp tục tình nguyện dấn thân phục vụ các nạn nhân của đại dịch. Cũng vậy, xin các cộng đoàn tu sĩ tiếp tục trợ giúp và rộng cửa đón tiếp những nạn nhân COVID-19 trong khả năng có thể.
Xin gửi đến quý bề trên và tất cả quý tu sĩ nam nữ đang dấn thân giúp đỡ những nạn nhân Covid 19. Chúa Giêsu đã “yêu chúng ta đến cùng”, xin cho chúng ta, mỗi người tùy hoàn cảnh, cũng biết yêu thương anh chị em đến cùng, cách riêng là những anh chị em nhiễm dịch. Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, hai thánh tu sĩ Têrêxa Avila, thánh Luy Gonzaga và vô số những tu sĩ khác, cùng với các thánh tử đạo Việt Nam, xin Chúa chúc lành cho chúng ta, các bệnh nhân, các thân nhân và mọi người đang săn sóc người bệnh ở Việt Nam và toàn thế giới.
Bắc Ninh, ngày 22 tháng 7 năm 2021
CHỦ TỊCH ỦY BAN TU SĨ
Cosma Hoàng Văn Đạt S.J.
Giám Mục Bắc Ninh
Lúc 10g sáng Chúa Nhật 25 tháng 7, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên lần thứ nhất thay cho Đức Thánh Cha Phanxicô
Sau bài Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella đã đọc bài giảng sau đã được Đức Thánh Cha Phanxicô soạn trong dịp này.
Trong Ngày dành cho ông bà và người cao niên này, chúng ta hãy suy ngẫm về ba khoảnh khắc đó: Chúa Giêsu thấy đám đông đói khát; Chúa Giêsu chia sẻ tấm bánh; Chúa Giêsu yêu cầu thu gom thức ăn thừa. Ba khoảnh khắc có thể được tóm gọn trong ba động từ: nhìn xem, chia sẻ, giữ gìn.
Nhìn xem. Khi bắt đầu bài tường thuật của mình, thánh sử Gioan chỉ ra rằng Chúa Giêsu ngước nhìn lên và thấy đám đông đang đói sau khi đi một đoạn đường xa để gặp Ngài. Đó là cách phép lạ bắt đầu: với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng không thờ ơ cũng không quá bận rộn để có thể cảm nhận được cơn đói của một nhân loại mệt mỏi. Chúa Giêsu quan tâm đến chúng ta; Ngài quan tâm đến chúng ta; Ngài muốn thỏa mãn những khao khát cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của chúng ta. Trong mắt Người, chúng ta thấy cách nhìn của riêng Thiên Chúa. Ánh mắt của Người là ánh mắt quan tâm; Người nhạy cảm với chúng ta và với những hy vọng mà chúng ta ôm ấp trong lòng. Ánh mắt ấy nhận ra sự mệt mỏi của chúng ta, và nhận ra niềm hy vọng giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Ánh mắt ấy hiểu được nhu cầu của mỗi người. Vì trong mắt Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, chỉ có những cá nhân với cơn đói và cơn khát của riêng họ. Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn chiêm nghiệm. Ngài nhìn vào cuộc sống của chúng ta; Ngài nhìn thấy và thấu hiểu.
Ông bà và những người cao niên của chúng ta đã nhìn cuộc sống của chúng ta bằng chính ánh mắt đó. Đó là cách các ngài quan tâm đến chúng ta, kể từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Bất chấp cuộc sống vất vả và hy sinh, các ngài không bao giờ quá bận rộn để không còn thời gian cho chúng ta, hay thờ ơ với chúng ta. Các ngài nhìn chúng ta với sự quan tâm và yêu thương dịu dàng. Khi chúng ta lớn lên và cảm thấy bị hiểu lầm hoặc sợ hãi về những thử thách trong cuộc sống, các ngài để mắt đến chúng ta; các ngài biết chúng ta đang cảm thấy gì, kể cả những giọt nước mắt ẩn giấu và những ước mơ thầm kín của chúng tôi. Các ngài ôm chúng ta vào lòng và quỳ xuống bên cạnh chúng ta. Tình yêu đó đã giúp chúng ta trưởng thành.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thấy ông bà và những người cao niên của chúng ta như thế nào? Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao niên để thể hiện sự gần gũi của chúng ta và hưởng lợi từ những điều các vị nói với chúng ta là khi nào? Tôi lo lắng khi nhìn thấy một xã hội đầy rẫy những con người không ngừng vận động, quá cuốn vào những công việc của riêng các ngài khiến không còn thời gian cho một cái nhìn, cho một lời chào hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn có thể nhìn lên và nhận ra nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và tình yêu của chúng ta; các ngài mong mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên nhìn các ngài, như Chúa Giêsu nhìn chúng ta.
Chia sẻ. Thấy dân chúng đói khổ, Chúa Giêsu muốn cho họ ăn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nhờ một thanh niên đưa năm ổ bánh và hai con cá. Thật cảm động biết bao, ở trung tâm của phép lạ mà nhờ đó khoảng năm nghìn người lớn đã được cho ăn, chúng ta thấy một người trẻ sẵn sàng chia sẻ những gì anh ta có.
Ngày nay, chúng ta cần một giao ước mới giữa người trẻ và người cao niên. Chúng ta cần chia sẻ kho báu của cuộc sống, cùng nhau ước mơ, vượt qua xung đột giữa các thế hệ và chuẩn bị một tương lai cho tất cả mọi người. Nếu không có sự chia sẻ giao ước như vậy về cuộc sống, ước mơ và tương lai, chúng ta có nguy cơ chết vì đói, khi các mối quan hệ tan vỡ, sự cô đơn, ích kỷ và sức mạnh của sự tan rã ngày càng gia tăng. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta thường đầu hàng trước quan niệm “mỗi người vì chính mình”. Nhưng điều đó là chết người! Tin Mừng mời gọi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta đang có và những gì chúng ta sở hữu, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới tìm thấy sự thỏa mãn. Tôi thường nhắc đến những lời của tiên tri Giô-ên về việc trẻ và già đến với nhau (xem Giô-ên 3: 1). Những người trẻ tuổi, như những nhà tiên tri của tương lai, những người trân trọng lịch sử của chính họ. Người cao niên, những người tiếp tục ước mơ và chia sẻ kinh nghiệm của các ngài với người trẻ, mà không cản đường họ. Trẻ và già, kho tàng của truyền thống và sự tươi mới của Thánh Linh. Trẻ và già cùng nhau. Cùng nhau trong xã hội và trong Giáo hội.
Giữ gìn. Sau khi đám đông đã ăn xong, Phúc âm kể lại rằng bánh còn lại rất nhiều. Vì vậy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6:12). Điều này cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa: Ngài không chỉ ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta cần, mà Ngài còn quan tâm đến việc không có gì bị mất, dù chỉ là một mảnh vụn. Một mẩu bánh có vẻ là một thứ nhỏ nhặt, nhưng trong mắt Thiên Chúa, không có gì là thứ để vứt bỏ. Thậm chí hơn thế nữa, không có người nào bị loại bỏ. Chúng ta cần thực hiện lời kêu gọi tiên tri này được nghe giữa chúng ta và trong thế giới của chúng ta: hãy thu thập, giữ gìn cẩn thận, và bảo vệ. Ông bà và người cao niên không phải là đồ thừa của cuộc sống, là đồ bỏ đi. Các ngài là những miếng bánh quý giá còn sót lại trên bàn đời vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”.
Chúng ta đừng đánh mất ký ức được gìn giữ bởi những người cao niên, vì chúng ta là con cái của lịch sử đó, và không có cội nguồn, chúng ta sẽ khô héo. Các ngài đã bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên, và bây giờ đến lượt chúng ta bảo vệ cuộc sống của các ngài, giảm bớt khó khăn của các ngài, quan tâm đến nhu cầu của các ngài và bảo đảm rằng các ngài được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và không cảm thấy cô đơn. Chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi đã đến thăm ông bà, những người thân lớn tuổi của mình, những người lớn tuổi trong khu phố của tôi chưa? Tôi đã lắng nghe các ngài chưa? Tôi đã dành thời gian cho các ngài chưa?” Chúng ta hãy bảo vệ các ngài, để không có gì trong cuộc sống và ước mơ của các ngài có thể bị mất. Cầu xin cho chúng ta không bao giờ phải hối tiếc rằng chúng ta đã thiếu quan tâm đến những người thân yêu của chúng ta, và là những người đã cho chúng ta cuộc sống.
Anh chị em, ông bà và các cụ cao niên là tấm bánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài vì những ánh mắt dõi theo đã quan tâm đến chúng ta, những cánh tay đã ôm chúng ta và những chiếc đầu gối đã quỳ xuống với chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài vì những bàn tay đã ôm chúng ta và nâng chúng ta lên, vì những trò chơi mà các ngài đã chơi với chúng ta và vì sự thoải mái khi chúng ta được vuốt ve. Xin đừng quên các ngài. Chúng ta hãy giao ước với các ngài. Chúng ta hãy học cách tiếp cận các ngài, lắng nghe các ngài và không bao giờ loại bỏ các ngài. Chúng ta hãy trân trọng các ngài và dành thời gian cho các ngài. Chúng ta sẽ trở nên tốt hơn vì điều đó. Và, cùng nhau, dù già hay trẻ, chúng ta sẽ tìm thấy sự thỏa mãn trong bàn tiệc chia sẻ, được Chúa chúc lành.
Lời nguyện giáo dân
Mở đầu phần lời nguyện giáo dân, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, kêu gọi
Thiên Chúa là Cha của chúng ta, gần gũi với những ai tìm kiếm Ngài với tấm lòng chân thành. Chúng ta hãy vững dạ thành tâm dâng lời cầu nguyện.
1. Xin Chúa củng cố Đức Thánh Cha Phanxicô, các giám mục, linh mục và phó tế của chúng con: xin ban cho các ngài sức mạnh đức tin khiến các ngài không sợ hãi trong việc loan báo chân lý Tin Mừng.
2. Xin Chúa hãy nhìn đến các dân tộc trên trái đất bị chia cắt bởi hận thù và bạo lực: xin Chúa cho mỗi người chúng con biết mở lòng mình ra để đón nhận Lời của Con Chúa, là nguồn mạch của hòa giải và hòa bình.
3. Xin Chúa lắng nghe tiếng kêu của biết bao anh chị em của chúng con đã và đang vật lộn với những đau khổ về thể xác và tinh thần: xin ân sủng Chúa mang đến cho họ ơn an ủi, và lòng bác ái của những người sống bên cạnh họ.
4. Xin Chúa giúp chúng con biết ơn những người già và ông bà, và giúp đỡ các vị trong tuổi già: xin cho trẻ em vui vầy với các bậc ông bà, những người trẻ tuổi quý trọng những lời khuyên của họ, người lớn quan tâm đến sự yếu đuối của họ.
5. Xin Chúa ghé mắt nhân từ trên những người đã khuất, đặc biệt là trên tất cả những người già đã chết vì đại dịch: xin cho chúng con hằng nhớ đến và cầu nguyện cho họ, xin cho họ được đón nhận vào chốn bình an muôn đời.
Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella dâng lời nguyện kết thúc phần lời nguyện giáo dân.
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Đấng hằng chú ý đến những biến cố của cuộc đời chúng ta, xin nhậm lời cầu nguyện của con cái Chúa và giúp chúng con nhận ra với đức tin những dấu chỉ của sự can thiệp chu đáo của Chúa. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con Amen.
Source:Holy See Press Office
1. Đức Tổng Giám Mục Tokyo được bầu làm tân tổng thư ký của liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu
Đức Tổng Giám Mục Nhật Bản Tarcisio Isao Kikuchi của Tokyo đã được bầu làm tổng thư ký của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC.
FABC là một hiệp hội của các hội đồng giám mục Công Giáo ở Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á, nhằm thúc đẩy tình đoàn kết và trách nhiệm chung vì phúc lợi của Giáo hội và của xã hội trong khu vực.
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi sẽ thay thế Đức Cha Stêphanô Lý Bân Sinh (Lee Bun-Sang, 李彬生) của Ma Cao sau khi vị giám mục này từ chức vào đầu tháng Bảy vừa qua.
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi là chủ tịch Caritas Á Châu từ năm 2011 đến năm 2019. Ngài cũng là thành viên của Ủy ban Phát triển Nhân văn của FABC.
Đức Cha Tarcisio sinh ngày 1 tháng 11 năm 1958, và là thành viên của Dòng Ngôi Lời Truyền Giáo. Ngài được truyền chức linh mục vào ngày 15 tháng 3 năm 1986.
Là một nhà truyền giáo, ngài đã phục vụ trong các cuộc truyền giáo ở Ghana, Tây Phi và phục vụ tại Koforidua với tư cách là cha sở trước khi được bầu làm Giám tỉnh của dòng vào năm 1999, khi ngài trở lại Nhật Bản.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Niigata vào ngày 29 tháng 4 năm 2004. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục Tokyo vào ngày 25 tháng 10 năm 2017.
Source:Licas News
2. Không tin cũng xảy ra: Công Giáo bị chèn ép ngay trên đất Mỹ, hàng triệu Mỹ Kim bị chặn lại
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết trong một quyết định có thể khôi phục hàng triệu đô la cho các trường Công Giáo, tiểu bang California đã phán quyết rằng Học khu Thống nhất Los Angeles, gọi tắt là LAUSD, đã vi phạm luật liên bang khi cắt giảm khoản tiền trợ giúp cho các học sinh gặp khó khăn trong học tập tại Tổng giáo phận Los Angeles.
“Báo cáo điều tra” dài 58 trang do Bộ Giáo dục California ban hành ngày 25 tháng 6 cho LAUSD thời hạn 60 ngày để thiết lập “các tiếp xúc kịp thời và có ý nghĩa” với tổng giáo phận ngõ hầu có thể sửa chữa bất kỳ sai sót nào trong việc tính toán nhu cầu của học sinh. Bộ Giáo dục California đã ra lệnh cho LAUSD phải “cung cấp các dịch vụ đã thỏa thuận cho các học sinh của tổng giáo phận đủ điều kiện bắt đầu từ đầu năm học 2021-2022.”
Tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại vào tháng 9 năm 2019, sau khi LAUSD ngăn chặn tất cả 85 trong số 102 trường Công Giáo đủ điều kiện, và trước đây đã được nhận quỹ Title One của liên bang, nhằm hỗ trợ các học sinh có vấn đề về môn toán, và tiếng Anh. Báo cáo gọi hành động của LAUSD là “nghiêm trọng”. Nó thể hiện hoặc là một sự kỳ thị ra mặt, hoặc là một mưu toan tham ô hàng triệu Mỹ Kim.
Theo phúc trình vừa được công bố, trong ba năm trước năm 2019, LAUSD nhận được trung bình hàng năm khoảng 291 triệu đô la trong quỹ Title One và phân bổ từ 2% đến 2.6% cho các trường tư thục. Nhưng vào năm 2019, khi Tổng thống Trump công bố chương trình trợ giúp đặc biệt cho ngành giáo dục, học khu đã nhận được hơn 349 triệu đô la, họ lập tức loại 85 trong số 102 trường Công Giáo ra khỏi danh sách, và phân bổ chưa đến 0.5% cho các trường tư thục.
Hệ quả là tổng số tiền được chia cho các trường tư thục đã giảm từ 7.5 triệu đô la xuống còn 1.7 triệu đô la. Bi đát hơn nữa, trong số các trường tư thục, các trường học Công Giáo chiếm đa số, thế mà các trường Công Giáo chỉ nhận được 11% tổng số tiền cho các trường tư thục, cụ thể là vào khoảng 190 ngàn Mỹ Kim.
Các viên chức Tổng giáo phận bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột trong sự phân bổ của LAUSD sau nhiều thập kỷ mà Giáo hội được coi là quan hệ đối tác hiệu quả giữa các trường tư thục và khu học chính.
Title One hỗ trợ cho những học sinh có vấn đề về học lực, bất kể chúng theo học tại các trường công lập, tư thục hay các trường của các tôn giáo. Theo luật, học khu có trách nhiệm phân phối quỹ một cách công bằng nhưng vì sự thù địch với niềm tin tôn giáo, hay sao đó nên họ đã chặn lại hầu hết các khoản tiền trợ cấp cho các trường Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
3. Quá sức trơ trẽn: Viện dẫn đức tin Công Giáo, Pelosi bảo vệ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân
Hôm thứ Năm 22 tháng 7, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân Chủ đơn vị California, đã bảo vệ nỗ lực cho phép liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn, và viện dẫn đức tin Công Giáo của chính bà ta để biện minh cho hành động đó.
Một dự thảo luật về ngân sách gần đây đã được Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện thông qua sẽ cho phép liên bang tài trợ cho các ca phá thai tự chọn trong Medicaid. Nó loại trừ Tu chính án Hyde, là chính sách liên bang từ năm 1976 cấm tài trợ cho hầu hết các ca phá thai bằng Medicaid.
Trong phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần của bà ta ở Điện Capitol Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm, Pelosi cho biết bà ta ủng hộ việc bãi bỏ tu chính án Hyde vì đây là “một vấn đề sức khỏe của nhiều phụ nữ ở Mỹ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh thu nhập thấp và ở trong các trạng huống khác nhau”.
“Và nó là cái gì đó đã là một ưu tiên hàng đầu đối với nhiều người trong chúng ta trong một thời gian dài”, Pelosi nói.
Trích dẫn đức tin của mình, và lưu ý các ký giả rằng bà ta là “một người Công Giáo sùng đạo và là mẹ của 5 người trong 6 năm, tôi cảm thấy rằng Chúa đã ban phước cho chồng tôi và tôi với gia đình đẹp đẽ của chúng tôi, năm đứa con trong sáu năm gần như mỗi năm một đứa”.
Bà ta nói thêm rằng bà ta sẽ không đưa ra quyết định cho những phụ nữ khác, về gia đình của họ và về việc phá thai.
Pelosi nói rằng “tài trợ cho việc phá thai bằng Medicaid là một vấn đề về công bằng và công lý cho những phụ nữ nghèo ở đất nước chúng tôi”.
Joe Biden loại bỏ Tu chính án Hyde trong yêu cầu ngân sách của mình với Quốc hội cho năm tài chính 2022. Các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu đã thúc đẩy việc chấm dứt chính sách này trong những năm gần đây. Do nắm được cả Hành Pháp và Lập pháp, các dự luật phân bổ Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Giáo dục và Các Cơ quan Liên quan gần đây đã được Ủy ban Chuẩn chi thông qua mà không có bất kỳ sửa đổi nào.
Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300,000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.
Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.
Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60,000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.
Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi các nhà lập pháp bảo vệ Tu chính án Hyde, và hiện đang lưu hành một bản kiến nghị ủng hộ chính sách vì sự sống hiện có hơn 130.000 chữ ký.
Tháng Giêng năm nay, trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy và gọi họ là những người phản bội nền dân chủ Mỹ.
Pelosi đã chỉ trích những cử tri phò sinh đã chọn dồn phiếu cho Donald Trump về vấn đề phá thai, và nói rằng lá phiếu của họ khiến bà ấy “rất đau lòng trong tư cách là một người Công Giáo” và cáo buộc họ “sẵn sàng bán đứng toàn bộ nền dân chủ xuống sông chỉ vì một vấn đề đó.”
Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của tổng giáo phận San Francisco, là Giám Mục của bà Pelosi, nói:
“Bản thân tôi không thể giả định rằng tôi biết những gì trong tâm trí của các cử tri Công Giáo khi họ bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống mà họ lựa chọn, bất kể ứng cử viên ưa thích của họ là ai. Có nhiều vấn đề liên quan đến các hậu quả luân lý rất nghiêm trọng mà người Công Giáo phải cân nhắc trong lương tâm ngay lành của mình khi bỏ phiếu. Nhưng có một điều rõ ràng là: Không một người Công Giáo nào có lương tâm ngay chính lại có thể ủng hộ việc phá thai. ‘Quyền được lựa chọn’ là một hỏa mù nhằm duy trì cả một ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ một trong những tệ nạn kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Mảnh đất của chúng ta thấm đẫm máu của những người vô tội, và nó phải dừng lại.
Đó là lý do tại sao, với tư cách là những người Công Giáo, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng thay mặt những người không có tiếng nói để nói cho họ, cũng như tiếp cận, an ủi và hỗ trợ những người đang phải chịu đựng những vết sẹo sau khi phá thai. Chúng tôi sẽ làm như vậy, cho đến khi vùng đất của chúng ta cuối cùng thoát khỏi cái tội ác đáng khinh bỉ này.”
Source:Catholic News Agency