Ngày 31-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy nghe Ta để các con có sự sống
Lm Jude Siciliano OP
07:56 31/07/2008
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN (A)

Isaia: 55: 1-3; Tv 145; Rôma 8: 35,37-39; Matthêu 14: 13-21

Anh chị em thân mến,

Cách đây vài năm tôi đi giảng trong một thành phố. Ở đó có một nơi phát đồ ăn cho những người nghèo do các nữ tu công giáo phụ trách. Nhưng có sự khác lạ là nơi phát của ăn bố thí này lại giống như một tiệm ăn. "Khách" bước vào thì có những tình nguyện viên của nhà thờ đón tiếp ở cửa, họ được mời ngồi vào bàn có trải khăn ăn. Rồi họ được xem thực đơn và có thể chọn món ăn. Có nhiều cách phát thức ăn cho người nghèo một cách mau lẹ hơn, nhất là lúc này có nhiều người vô gia cư, và đói khát ngồi dọc lề đường. Những chổ phát cơm như vậy nhiều lúc không theo kịp số người đông đảo đến lảnh thức ăn và xin quần áo. Hiện nay số người đói ngày càng tăng, và các cơ quan từ thiện xin thức ăn và quần áo chỉ vừa đủ để giúp những người trong trường hợp cấp bách.

Nhưng cách phát thức ăn như tôi nói ở trên là điều vẫn hằng ở trong tâm trí tôi luôn. Tôi xem đó là một dấu hiệu đẹp mà kinh thánh nói đến hôm nay về thức ăn và của uống nơi bàn tiệc Chúa. Ở bàn tiệc này chúng ta được xem như là khách quý, và ở đó không ai thiếu thức ăn hay quần áo.Theo như kinh thánh nói thì "tất cả các con cái Thiên Chúa đều sẽ có giầy dép". Đó là lời hứa mà chúng ta có thể tin cậy vững vàng. Chúng ta sẽ là những khách quý nơi bàn tiệc thánh và sẽ không một ai thiếu điều gì cả.

Vậy chúng ta tin lời hứa đó hay chúng ta còn sống trong ảo mộng? Nghỉ đến biết bao nhiêu người nghèo, vô gia cư, bị bỏ rơi trong thế giới hiện nay, ai dám mạnh dạn hứa với họ một tương lai đầy đủ hơn, vì hiện trạng xã hội hiện nay rất tồi tệ? Trong cách nói của ngôn sứ; Thiên Chúa và chúng ta sẽ cố gắng gây dựng nên một thế giới đẹp hơn; làm chúng ta nghe như trong mộng. Các ngôn sứ thật gan dạ, trong thời kinh thánh và ngay cả bây giờ cũng vậy, ngôn sứ nói như là những người tâm thần.

Ngôn sứ mà chúng ta gọi là "như Isaia" (thế kỷ thứ 6 trước T.C) sống với dân Giu Đa nơi bị đi đày. Việc nói tiên tri của ông ta không phải là để khiển trách dân Giu Đa vi họ thất trung nên mới bị đi đày, nhưng lời nói của ông là để an ủi họ, bằng cách cho họ biết là Thiên Chúa không quên họ, mặc dù các dấu chỉ đều đi ngược lại với lời an ủi đó. Ngôn sứ nói rằng họ sẽ bắt đầu một đời sống mới. Như những ngày trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa sẽ cứu họ ra khỏi kiếp nô lệ, đem họ qua sa mạc, và sẽ cho họ nước uống và của ăn đường để đưa họ về tới quê nhà bình an.

Chính lúc này "Nhà Hàng" do các nữ tu và những tình nguyện viên phụ trách hiện ra trong trí tôi. Những người bị ruồng bỏ, bị thất bại, bị đày đọa, được mời vào tiệm như "khách" của Thiên Chúa. Họ được mời vào để ăn uống mà không mất tiền. "Hởi những ai đang khát, hãy đến uống nước đây. Cả những ai không có tiền cũng hảy đến! hảy nhận lấy mà ăn"

Với Thiên Chúa bao giờ cũng như thế. Khi nào chúng ta thất bại đến cùng cực: Bị đày đọa hay bị khốn khó, chúng ta dễ nhận được một thư mời chúng ta trở về quê nhà, và ở đó bữa cơm đã sẳn sàng cho đời sống chúng ta. Thư mời nói rằng "Cha không cần biết con đã làm gì, hãy trở về nhà. Để Cha cung cấp thức ăn mà con thèm muốn, mà con đã đi tìm không đúng nơi. Cha có những gì con cần và Cha muốn ban tặng cho con, con không cần phải trả tiền bạc gì cả. Thôi, con ơi, con hãy quên quá khứ đi, và Cha con chúng ta hảy nhìn về tương lai" Ở miền nam nước Mỷ người ta nói như sau "Thôi về đi. Về đây rồi ăn, có nghe không"? Câu nói của người miền nam kết thúc với chữ "nghe không?" (Chử đó có nghĩa là nếu người đó là dân từ Nửu Ước xuống miền nam thì ở đó không có chổ đứng cho bạn) "Con có nghe Cha nói gì không? Hãy tin lời Cha" hoặc "Cha nói thật với con đây" Trong bài kinh thánh Isaia lời Chúa nói như vậy lập đi lập lại ba lần": "Hãy nghe Ta...hãy ghé tai nghe Ta...hãy nghe..." Mặc cho hoàn cảnh họ đang sống, Thiên Chúa dùng ngôn sứ để cam kết với họ là những người đang bị lưu đày và muốn họ tin tưởng vào lời Chúa hứa là Ngài sẽ cứu ho, sẽ đem họ về quê nhà cho họ đủ ăn, đủ uống và không tốn tiền. Thiên Chúa không quên họ. Họ cần phải nghe lời Thiên Chúa và họ nên trả lời là chúng con nghe, "và chúng con sẽ về".

Qua Chúa Giêsu, như trong cựu ước; Thiên Chúa lại gởi lời mời gọi đến chúng ta là "khách" đến bàn ăn. Thiên Chúa mời một bữa ăn đặc biệt, cho những người "khô khan cằn cổi" mà không phải trả tiền. Bề ngoài không có gì sang cả. Nơi đây không có bàn trải khăn và khăn ăn, không có "sơn hào hải vị" như trong bài ngôn sứ hứa cho dân của Chúa. Nhưng nơi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, lời Thiên Chúa hứa lại được thực hiện một lần nửa cho người đời. Và hình ảnh thức ăn tràn trề của Chúa đúng là sự thật cho những ai có mắt mà xem, có tai mà nghe. Ngôn sứ Isaia một lần nữa khuyên chúng ta: "Hãy nghe Ta, các ngươi sẽ có thức ăn. và cao lương mỹ vị hưởng tùy theo sở thích" Hay như chúng ta nói ngày hôm nay "hảy nghe đi".

Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều là phép lạ cả thể. Nhưng chỉ khởi sự với một hình ảnh khiêm tốn cùng với những người dân bình thường. Chúa Giêsu thường khởi sự một phép lạ như vậy, để dân chúng không tự cho là phép lạ bởi họ mà ra. Đấy mới là việc Thiên Chúa làm. Chính Ngài muốn cho những kẻ đói được ăn nơi phép lạ nầy.

Dù sao đi nữa, theo phúc âm thánh Matthêu thì dân chúng cũng dự phần vào phép lạ ấy, mặc dù là phần rất nhỏ. Các môn đệ thấy quần chúng quá đông, và các ông không đủ tiền để mua thức ăn cho cả khối người ấy.. Họ không còn gì hơn ngoài "5 chiếc bánh và 2 con cá mà thôi". Nhưng họ nghe lời Chúa Giêsu và thưa với Ngài biết những gì họ có. Đúng ra các ông có thể dựa theo nhu cầu bản thân để đem theo nhiều bánh và cá cho họ. Nhưng quần chúng đang đói, và họ phải lo đồ ăn cho những người đó, nên các môn đệ giao cho Chúa Giêsu chút đồ ăn họ đang có để tùy Ngài giải quyết.

Có những lúc chúng ta cần phải phó thác mọi sự cho Chúa, để tùy Chúa quyết định, và cộng tác với Chúa trong việc Ngài làm. Như trong tuần vừa qua chúng ta nghe dụ ngôn người bán tất cả gia tài để mua thửa ruộng, hay mua viên ngọc quý. Và hai tuần trước chúng ta cũng nghe lời Chúa Giêsu nói "ai có tai nghe thì hảy nghe" và Ngôn sứ Isaia cũng nói như vậy trong phép lạ làm bánh và cá hóa ra nhiều "Hãy nghe Ta, để các con có sự sống"

Vậy,Thiên Chúa muốn chúng ta dự phần vào việc Ngài làm. Chúng ta dâng tất cả những gì chúng ta có để làm việc Chúa, nhưng không phải chúng ta đứng sang một bên để Ngài làm hết mọi sự, nhưng Thiên Chúa xăng tay áo làm việc chung với chúng ta. Chúng ta phải tin tưởng vào điều đó. nếu không chúng ta không bao giờ tham dự vào những việc lớn lao mà chúng ta đang gặp trong thế giới hiện nay như nạn đói khắp thế giới, nạn kỳ thị chủng tộc, chiến tranh, sự xét xử bất công, nạn khủng bố, bệnh tật, bất bình đẳng trong xã hội, v.v....Chúng ta làm những gì chúng ta có thể làm được, mặc dù có vẻ nhỏ bé và không có kết quả mấy. Nhưng chúng ta giao cho Chúa vì Ngài đã bảo chúng ta "hãy đem đến đây cho Thầy" và chúng ta sẽ thấy Ngài làm hoàn tất những gì chúng ta đem đến.

Hôm nay nơi bàn tiệc thánh, lễ vật chúng ta dâng rất nhỏ bé, chỉ chút bánh và rượu, Chúng ta nhân danh Chúa Giêsu mang của lễ đến để chia xẻ với tất cả các anh em. Nơi đây chúng ta tất cả như nhau, mặc dù khác giai cấp trong xã hội, khác màu da nước tóc, khác dòng giống, khác ngôn ngữ. Chúng ta đều ngang nhau cả vì chúng ta đều cần Thiên Chúa đến cho chúng ta ăn uống. Chúng ta ngang nhau vì lễ vật chúng ta dâng lên cho Chúa là những của bé mọn so với những nhu cầu to lớn của thế giới. Chúng ta cần "Thiên Chúa cộng tác" với chúng ta để giải đáp những gì chúng ta không làm được là nuôi sống tất cả những người nghèo đói khắp hoàn cầu, hay phát quần áo cho những người rách rưới như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải làm (23:31-46).

Nơi đây chúng ta cảm thấy được an ủi vì chúng ta biết sự đói khát trong tâm hồn chúng ta hôm nay được no thỏa nơi bàn tiệc thánh. Chúng ta hảy nhớ Chúa Giêsu mở rộng lòng thương đến cả những nhu cầu vật chất của nhóm quần chúng đông đảo, lúc Ngài trông thấy họ khi bước ra khỏi thuyền. Thánh Matthêu nói rằng "Ngài chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ". Sau đó Ngài cho họ ăn uống. Ngài chú ý đến những nhu cầu vật chất của họ.

Và ngày hôm ấy không ai phải đói cả. "Ai nấy đều ăn và được no nê". Chúng ta nguyện cầu nơi bàn tiệc thánh hôm nay Chúa Thánh Linh hãy đến trên của lễ bé mọn, bánh và rượu chúng ta dâng để trở thành mình và máu thánh Chúa Kitô để nuôi chúng ta. Chúng ta cũng cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh hảy đến trong tâm hồn chúng ta là những người đang họp nhau đây nghe lời Chúa, được hướng dẫn và thêm sức mạnh để phục vụ Thiên Chúa. Ước gì "những chiếc bánh và cá" trong đời sống hằng ngày của chúng ta có thể nuôi những kẻ đói khát mà Chúa Kitô gởi đến để chúng ta nuôi họ trong thế giới ngày nay.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Phẩm giá cao cả của người nghèo
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:18 31/07/2008
PHẨM GIÁ CAO CẢ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Sau 18 năm làm việc cho phường Montagnole ở Savoie, miền Trung Đông nước Pháp, bà Bernadette Joly dấn thân trong giáo xứ và giúp Trung Tâm đón tiếp Bệnh Nhân tại Lộ Đức. Sau đây là chứng từ của bà về phẩm giá cao cả của con người, bất luận là ai: sang hèn, giàu nghèo, trẻ già và lành tật.

Tôi làm y tá từ 34 năm và phải thành thật thú nhận rằng, tôi may mắn hành nghề tôi chọn: một nghề tuy khó khăn nhưng đầy hứng khởi, một nghề tôi yêu thích. Trong nhiều lãnh vực khác nhau suốt thời gian hoạt động nơi nhà thương, nghề nghiệp của tôi không diễn ra một chiều. Tôi có thể quả quyết:

- Tôi cho đi ít hơn là nhận lãnh về mọi phía: từ bệnh nhân đến gia đình của họ và từ các bạn đồng nghiệp.

Hiện nay tôi hợp tác với khoảng 30 y tá và 10 bác sĩ. Tất cả là nhân viên thiện nguyện, làm việc cho trạm phát thuốc của thành phố. Trạm nối liền với Bệnh Viện là nơi đón tiếp, chẩn bệnh và chữa trị cho người cùng khổ, phần đông vô gia cư, không nghề nghiệp. Đây là môi trường giúp tôi tiếp xúc trực tiếp với cái nghèo khổ, dưới đủ mọi hình thái. Nhờ đó, tôi ý thức cái dòn mỏng của thân phận con người. Cùng lúc, công việc giúp tôi luôn sống khiêm tốn, kiên nhẫn và khoan dung. Cứ mỗi lần trông thấy một người trở lại trạm chẩn bệnh với cùng một vấn đề như nghiện rượu, ma túy, lòng tôi dâng lên niềm thông cảm sâu xa. Nhưng nhất là, người ấy nhắc tôi nhớ rằng:

- Tôi là tội nhân luôn sa đi ngã lại, phạm cùng một thứ tội. Nhưng cứ mỗi lần đi xưng tội, tôi lại được THIÊN CHÚA tha thứ và yêu thương.

Những khuôn mặt tôi gặp tại trạm phát thuốc miễn phí thường hằn sâu nét cứng cỏi vì điều kiện sống khó khăn, hay phải tranh đấu để sống còn. Thế nhưng, đó cũng là những gương mặt dấu ẩn nhiều ân huệ tuyệt vời. Những người này đôi khi có hành động cộc-cằn, nhưng họ cũng có khả năng tiếp đón, giúp đỡ tha nhân cách mau mắn lạ thường. Khi chứng kiến nghĩa cử cao đẹp ấy, tôi tự nhủ:

- Đây là dấu chứng sự hiện diện của THIÊN CHÚA nơi mỗi người. Vâng, đúng thế, cuộc đời mỗi người là một cuốn truyện thánh thiêng!

... Sau đây là cuộc theo Đạo Công Giáo của anh Didier, người Pháp.

Anh Didier bị tổn thương vì cuộc sống. Anh từng lang thang trên các vỉa hè thành phố, từng vào tù ra khám, từng nghiện ngập rượu chè, ma túy. Sau cùng, anh đến ăn mày lòng thương xót của các tín hữu Công Giáo, trước thềm nhà thờ xứ đạo Nimes (Nam Pháp).

Vào một buổi sáng Chúa Nhật tháng 10 năm 1997, anh Didier đứng nơi chỗ thường lệ, giơ tay xin của bố thí. Sau Thánh Lễ, rời nhà thờ, khi đi qua mặt anh, các tín hữu có thói quen trao đổi vài câu thăm hỏi ngắn ngủi, trước khi bỏ vào mũ anh vài đồng tiền bác ái. Người sau cùng rời thánh đường là Nữ Tu mà anh Didier quen biết từ ít lâu nay. Anh ngước mắt nhìn Nữ Tu và nói:

- Thưa Chị, em muốn được Rửa Tội!

Thoáng một giây ngỡ ngàng, Nữ Tu đứng lại nói chuyện và hiểu câu nói quả xuất phát từ lòng ước muốn chân thành. Anh Didier ghi danh theo học khóa giáo lý dành cho người lớn. Trong vòng hai năm, anh trung thành tham dự các buổi học giáo lý. Anh khám phá ra cuộc đời và giáo huấn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của loài người. Kinh nguyện anh yêu thích nhất là Kinh Lạy Cha.

Sau cùng, buổi cử hành bí tích Rửa Tội được ấn định vào ngày thứ bảy 14-7-1999. Trước đó, toàn giáo xứ và các giáo xứ phụ cận cũng được loan báo tin vui. Mọi người hân hoan chuẩn bị cho cuộc đại lễ, mừng ngày gia nhập Giáo Hội Công Giáo của một người con thân yêu, sau bao tháng ngày rong chơi bụi đời. Hôm ấy, nhà thờ được trang hoàng đầy hoa và ánh sáng. Đông đảo giáo hữu có mặt. Anh Didier thật sự cảm động và sung sướng. Từ nay, anh có một gia đình, với không biết bao khuôn mặt thân yêu, trìu mến.

Tuy nhiên, cuộc theo Đạo Công Giáo của anh Didier không dừng tại đó. Sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, anh quyết định trở về nguyên quán, đoàn tụ với gia đình. Anh muốn bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống làm chứng tá cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ nơi gia đình và quê hương anh.

... ”Chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Côrintô 4,16-18).

(”Annales d'Issoudun”, Avril/2000, trang 9+8)
 
Đói khát tâm linh! SOS!!!
LM Anmai, CSsR
09:28 31/07/2008
Chúa nhật 18 thường niên (Is 55, 1-3; Rm 8, 35.37-39; Mt 14, 13-21)

Đói khát tâm linh ! SOS !!!

Các bài đọc trong Thánh lễ 18 thường niên hôm nay phảng phất lên những phép lạ, những dấu lạ mà Thiên Chúa vẫn làm chỗ này chỗ kia trong cuộc sống hiện tại. Những dấu lạ ấy thật ý nghĩa với con người thời hiện tại.

Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta là dân chúng vì đi theo Chúa Giêsu, vì nghe Chúa Giêsu giảng nhiều quá nên rồi họ đói và họ khát. Chúa thấy hiện trạng của họ để rồi Chúa chạnh lòng thương, Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Không chỉ hoá bánh ra nhiều mà thôi mà Chúa còn chữa lành nhiều bệnh nhân của họ nữa.

Thời đại ngày hôm nay, gần nhất là con người Việt Nam đây thật sự mà nói thì cuộc sống vẫn còn đó, vẫn còn ngổn ngang những mảnh đời khó khăn thiếu thốn nhưng thật ra thì đời sống vẫn ổn hơn thời bao cấp nhiều. Ngày hôm nay thật sự mà nói thì đói khát cơm bánh thì ít mà đói khát tâm linh thì nhiều.

Ai đã trải qua thời đó thì đều có cảm nghiệm, đều trải nghiệm được những khó khăn vất vả của thời ấy. Thế nhưng có điều lạ là chính trong những lúc thiếu thốn cơm bánh thể xác, cơm bánh vật chất ấy thì Thiên Chúa được con người đón nhận, tin nhận nhiều. Ngày nay thì hoàn toàn ngược lại, đời sống vật chất, sự phát triển khoa học kỹ thuật nó tỷ lệ nghịch với niềm tin. Những ngày bao cấp, sống trong cái bấp bênh của cuộc sống, sống trong cái lo lắng thiếu ăn thiếu mặc nhưng mà tình thương, tình huynh đệ, lòng tin nó cứ rực lên như lửa, nồng nàn và ấm áp dường bao.

Và như vậy, cái trống vắng, cái thiếu vắng niềm tin, cái mất mát về tình huynh đệ, cái đói khát về tâm linh nó quan trọng hơn đói khát về vật chất nhiều. Đành biết rằng vật chất, của cải, bánh ăn, nước uống cần cho đời sống con người như thế nào nhưng nó vẫn chưa là điều căn cốt của con người. Con người còn cần hơn cái lương thực, cái bánh ăn hay hư nát đó chính là Lời Chúa như trong sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa được nghe:

“Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống”. (Is 55,3).

Không chỉ trong đoạn sách Isaia này Chúa mới nói về chuyện lắng tai, nghe nhưng mà chúng ta thấy phảng phất đâu đó rất nhiều trong Thánh Kinh từ Cựu Ước đến Tân Ước Chúa vẫn nhắc với dân của Ngài về tầm quan trọng của Lời, tầm quan trọng của thức ăn thiêng liêng, thức ăn tâm linh. Phảng phất rất nhiều, rất nhiều trong áng văn Tân Ước Chúa gợi lên cho chúng ta về chuyện khát Lời, khát tâm linh.

Có lẽ chúng ta hoặc là vô tình hay cố ý nên không phân biệt được lương thực nào là cần hơn cho cuộc sống chúng ta. Chúa không phủ nhận nhu cầu của thân xác để rồi hôm nay Chúa làm dấu lạ để nuôi thân xác. Nhưng bên cạnh đó Chúa muốn gửi đến cho con người dấu lạ. Vấn đề ngày hôm nay là Chúa vẫn làm dấu lạ này dấu lạ khác cho con người thời đại nhưng chuyện quan trọng là con người có nhận ra dấu lạ của Chúa, có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này hay không mới là chuyện quan trọng.

Thời gian gần đây chúng ta thấy khá nhiều dấu lạ đấy chứ ! Không phải là dấu lạ ban cho con người được nhiều bánh như trong tin mừng theo Thánh Matthêu nhưng dấu lạ cảnh báo cho con người biết rằng con người đang thiếu về tâm linh, đang thiếu về niềm tin.

Chuyện lạ ở La Vang, chuyện lạ ở Tapao, chuyện lạ ở nhà thờ Đức Bà, chuyện lạ ở giáo xứ Bạch Lâm (Gia Kiệm) không phải là chuyện lạ nói lên đời sống tâm linh của con người ngày nay xuống dốc đó sao ? Tại sao Đức Mẹ khóc ? Tại sao Đức Mẹ nhắn nhủ phải ăn năn lần hạt Mân Côi ?

Tại vì con người ngày hôm nay đã quá tôn sùng của cải vật chất. Tại con người ngày hôm nay quá tôn sùng chủ nghĩa danh giá, chủ nghĩa bề ngoài, chủ nghĩa chức quyền, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ.

Đáng tiếc là ngày hôm nay con người cứ mãi miết sống trong lời trách than của Đức Chúa: “Sao lại phí tiền bạc …”. Vâng ! Đức Chúa đã phán đúng như vậy, nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta đã quá phí sức vào để tìm cái ăn, cái mặc, cái vật chất nuôi thân mà chúng ta quên đi tình trạng thiêng liêng của mình.

Mới đây, một người chị họ đến với tôi nhờ tôi giúp cho con của chị vì con của chị đang bị “sơ cứng” về tâm linh. Chúng gần như bỏ đạo !

Nhìn lại gia đình chị, cuộc đời của chị hoá ra là gia đình chị may mắn hơn nhiều người là có của ăn của để và thậm chí dư ăn dư để nữa nhưng hiện tại đang phải đối đầu với sự đói khát tâm linh. Giàu có đó nhưng chắc gì là hạnh phúc ? Nhà lầu xe hơi bạc tỷ đó nhưng lấy gì bình an ? Hình như bên dưới sự dư dật về của cải vật chất thì gia đình chị vẫn đói, vẫn khát về tâm linh. Và chuyện đói khát tâm linh này chẳng ai có thể bù đắp cho chị, cho chồng, cho con ngoài Chúa. Linh mục, các soeurs, các giáo lý viên, các đoàn thể cũng chẳng có thể giúp gì được cho chị nếu như chị không “lắng tai và đến với Ta, hãy nghe Ta thì các ngươi sẽ được sống”. Thế thôi ! Đứng trước sự lựa chọn là lắng nghe Chúa hay bôn ba vất vả đi tìm cái đời tạm này đó chính là lựa chọn không phải của riêng chị mà của mọi kitô hữu.

Lý do tại sao ? Lý do chắc ai cũng biết rồi: đó chính là không kết hợp mật thiết với Chúa. Như Thánh Phaolô tông đồ, chúng ta ai cũng biết, gần như cả đời Ngài đã không biết Chúa, Ngài đã bắt Chúa nhưng khi cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa dành cho mình Ngài đã hoán cải cuộc đời. Chính tình yêu sâu đậm giữa Ngài và Chúa thắm thiết để rồi Ngài gửi tấm chân tình của mình cho cộng đoàn Rôma mà chúng ta cũng vừa nghe: “Thưa anh em, ai có thê tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8, 35)

Thế đấy ! Ngài nói rằng dù khốn khó, dù có đói đi chăng nữa cũng không thể tách được ra tình yêu của Chúa trong khi đó nhân loại, con người ngày nay lại được dư đầy vật chất của cải nhưng lại đói, lại khát tâm linh !

Ngài còn khẳng định với chúng ta: “Nhưng trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. (Rm 8,37).

Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, Chúa yêu chúng ta lắm rồi, quá yêu, yêu cho đến chết nhưng chúng ta có tin vào tình yêu của Chúa hay không mà thôi.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta nhận ra cơn đói cơn khát tâm linh của mỗi người chúng ta để chúng ta chạy đến Chúa kín múc nguồn mạch tâm linh từ nơi Chúa để chúng ta được mạnh sức, được bình an trên con đường lữ thứ về nhà Cha trên trời.

Nguyện xin Chúa là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch tân linh đến và ở lại với mỗi người chúng ta để dẫu rằng trong cuộc sống chúng ta còn thiếu điều này khát điều kia nhưng chúng ta không khát về tâm linh, không khát về Chúa.
 
Mỗi Ngày Một câu Kinh Thánh - Tháng 8.2008
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
18:37 31/07/2008
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Tháng 8-2008

Ngày 01-0-08: Người về quê giảng dạy, trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những việc như thế? (Mt 13, 54)

Người đồng hương chỉ để ý tới cái tầm thường của người họ biết. Xin cho con biết nhận ra sứ điệp ngôn sứ mà Thiên Chúa gởi đến.

Ngày 02-8-08: Đức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ. (Mt 14, 14)

Đám đông nói lên mọi người hôm nay đang khao khát công bình. Xin dạy con biết chia sẻ tình thương cho người nghèo khổ bên con.

Ngày 03-8-08: “Nơi đây hoang vắng và đã muộn, xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” (Mt 14, 15)

Chúa Giêsu muốn chính bạn và tôi thực hiện bác ái cho tha nhân. Xin giúp con có tâm hồn rộng mở trước các anh em túng nghèo.

Ngày 04-8-08: Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than…như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9, 36)

Chúa có ý nói trách các mục tử vô trách nhiệm, bỏ bê dân Chúa. Con quyết chu toàn trách nhiệm đang lãnh nhận Chúa trao hôm nay.

Ngày 05-8-08: Sao môn đệ của ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? (Mt 15, 2)

Người Pharisêu và kinh sư hôm nay cũng giữ luật rất hình thức. Xin dạy con đừng vì truyền thống mà mà lỗi phạm Tin Mừng của Chúa.

Ngày 06-8-08: Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái. (Mt 17, 4)

Niềm vui của ông Phêrô đã nói lên sự vui sướng vì thấy Chúa. Xin Mẹ Maria giúp con cảm nghiệm tình Chúa xót con thương như Mẹ.

Ngày 07-8-08: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. (Mt 16,19). Chìa khóa hay cầm buộc Chúa trao cho Phêrô được phép quyết định. Xin dạy con biết tuân giữ những điều phải Hội thánh dạy.

Ngày 08-8-08: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.(Mt 16,24). Thánh Đaminh và các thánh đã thực hành đúng câu Kinh Thánh này. Xin giúp con quên mình để đáp lại tiếng Chúa mời gọi.

Ngày 09-8-08: “Tại sao chúng con đây lại không trừ được tên quỷ ấy? Chúa nói: “Tai các anh kém tin.” (Mt 17, 19-20)

Chúa muốn bạn có lòng tin mãnh liệt, không do dự trước khó khăn.

Xin Đức Mẹ giúp con một lòng tin sâu xa và phó thác vào Chúa.

Này 10-8-08: Đức Giêsu bảo: “Cứ đến! ông Phêrô từ thuyền bước xuống và đến với Đức Giêsu. (Mt 14, 29)

Ông Giêsu đã được Chúa Giêsu ban sức mạnh thắng sự dữ. Xin ban lòng tin sắt đá cho con không xa Chúa, trước sóng gió cuộc đời.

Ngày 11-8-08: Ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái…vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội, và còn được sự sống…(Mt 19, 29)

Chúa có ý dạy tôi hiến dâng tất cả sẽ có là hạnh phúc ngay bây giờ, và nhận được một cuộc sống vĩnh cữu khi tôi hy sinh vì danh Chúa.

Ngày 12-8-08: Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy. (Mt 18, 5)

Chúa dạy tôi cần quý mến kẻ khiêm nhường và những người còn yếu kém về Lời Chúa. Xin cho con tôn trọng và giúp đỡ mọi người.

Ngày 13-8-08: Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. (Mt 18, 20)

Cầu nguyện chứng tỏ hiệp nhật với nhau trong việc lắng nghe Lời Chúa. Đức Giêsu xác định sự hiện diện của Ngài trong Thánh Linh.

Ngày 14-8-08: Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu. (Ga 15, 15)

Chúa Giêsu yêu tôi vô điều kiện, ngài còn muốn làm bạn hữu với tôi. Xin giúp con sống tình bằng hữu với những người sống bên con.

Ngày 15-8-08: Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11, 28)

Đức Mẹ đã thực hiện niềm tin sắt son và lắng nghe Lời Thiên Chúa.

Xin Mẹ dạy con sống Lời Chúa là quan trọng của người Tín hữu.

Phó tế: GB Nguyễn Văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
19:26 31/07/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (46)

461. “Ở Ars, cha không có việc gì để làm đâu.”

Tân linh mục Gioan Maria Vianê được “vớt” để làm linh mục vì bề trên xét là kém về mặt học hành. Vì thế, bề trên được cố vấn góp ý hãy đưa cha Vianê đến một giáo xứ nhỏ và hẻo lánh.
Giáo xứ Ars được chọn: một giáo xứ nhỏ bé, tồi tàn, xa hút, không có cha quản xứ, không mấy ai biết đến.
Có người nói với linh mục tân quản xứ Ars khi ngài đi nhậm chức (đi một mình, đi bộ, không ai đưa đi, đi mà không biết giáo xứ Ars ở đâu, phải vừa đi vừa hỏi): “Ở Ars, cha không có việc gì để làm đâu.” Cha Vianê trả lời lại một câu rất khó hiểu: “Thế là tôi có mọi chuyện phải làm.”
Ngay ngày đầu tiên đến giáo xứ Ars, cha Vianê làm ngay “mọi chuyện phải làm” như sau: dậy lúc hai giờ sáng, vào nhà thờ gặp Chúa Giêsu Thánh Thể nơi Nhà Tạm. Đọc kinh Thần Vụ trước Nhà Tạm Thánh Thể. Nguyện gẫm. Dọn mình dâng Thánh Lễ.
Sau Thánh Lễ, cha Vianê cầu nguyện tại nhà thờ cho tới trưa: quỳ gối trên nền nhà, không tựa vào đâu hết, tay lần hạt, mắt chăm chú nhìn lên Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm.
Đời sống yêu mến và tôn thờ Thánh thể của cha Vianê, trong một thời gian vắn, lôi kéo nhiều tâm hồn đến với giáo xứ nghèo nàn của ngài. Thế là nhà thờ đầy ắp các tín hữư khắp nơi tuôn đến. Vô vàn hối nhân chen chúc trước toà giải tội, nơi mà thường mỗi ngày, cha Vianê ngồi từ 15 đến 18 tiếng đồng hồ.
“Phép lạ” Ars do đâu?
Do sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể từ Nhà Tạm Nhà Thờ Ars toả ra và lôi cuốn.
Do đời sống của một linh mục quản xứ nghèo nàn, được đánh giá là “không có tài giỏi gì”, chỉ có tài giỏi một điều, là: say mê Chúa Giêsu Thánh Thể.

462. “Thiên Chúa còn là Tình Yêu.”

Ngày kia, hoàng tử Ả Rập Abd-ed-Kader cùng với một vị quan nước Pháp, đi thăm hải cảng Marseille.
Khi thấy trên đường có một linh mục đang đem Mình Thánh Chúa đến cho một bệnh nhân, vị quan nước Pháp nầy liền cung kính cất mũ và quỳ gối ngay trên đường để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đi ngang qua.
Vị quan nầy đứng lên khi linh mục đã đi qua rồi. Ông trả lời cho vị hoàng tử Ả Rập đang hết sức thắc mắc về cử chỉ lạ lùng nầy: “Tôi thờ lạy Chúa mà linh mục đem đi cho bệnh nhân.”
Vị hoàng tử Ả Rập liền đưa ra nhận xét ngay:
- “Sao lại có chuyện như vậy được? Ông tin Chúa Trời là Đấng cao cả, mà lại làm cho mình ra tầm thường, đến ở nhà người nghèo khó sao? Người Hồi giáo chúng tôi ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng rất cao cả.”
Vị quan nước Pháp trả lời một cách xác tín:
- “Thiên Chúa tuy rất cao cả, nhưng Ngài còn là Tình Yêu.”

463. Các Thánh đều tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể

Các ngài, những lúc được ở bên Chúa Giêsu Thánh Thể, đều cho là quá ít, quá ngắn ngủi.
Các ngài đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để thờ phượng, chúc tụng, ngợi khen, cầu nguyện, như Mađalêna dưới chân Chúa, nhìn ngắm Chúa Giêsu vô tận, yêu mến Chúa Giêsu vô vàn.
Thánh Foucauld, trong vùng sâu hút của sa mạc Sahara, thức những đêm dài để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thánh Gérard Majella, vì luật nhà dòng nên phải thôi chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, khi ra về, cứ ngoái lui, ngoái lui nhìn Nhà Tạm.
Nữ tu Marie Eustelle, biệt danh là “Thiên Thần của Phép Thánh Thể”, khi nào có đôi chút thời giờ rảnh, vào nhà thờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.
Nữ tu Aimée de Jésus, thuộc Dòng Kín Paris, thổ lộ: “Khi nào có thể được, tôi đều làm các việc thiêng liêng trước Mình Thánh Chúa.”

464. Dọn mình rước Chúa Giêsu Thánh Thể

Linh hồn Thánh Thể không chỉ chuẩn bị một chút trước khi lên rc Chúa. Chuẩn bị như thế, ít được ơn ích.
Cần phải dọn mình xa thật sốt sắng như các thánh, khi đó, ta mới được hưởng những hiệu quả tuyệt diệu của Chúa Giêsu Thánh Thể ban.
Thánh Phanxicô Salêsiô thú nhận: “Nếu bây giờ thiên thần đặt tay trên vai tôi và hỏi tôi đang làm gì, tôi trả lời ngay là tôi đang dọn mình làm lễ.”
Ai hỏi đang làm gì, linh mục hãy trả lời ngay: “Tôi đang dọn mình dâng Thánh Lễ.”
Ai hỏi đang làm gì, giáo dân hãy trả lời ngay: “Tôi đang dọn mình rước Chúa Giêsu Thánh Thể.”

465. Gương một nữ tu sống đời Thánh Thể

Mẹ bề trên Gertrude chú trọng tất cả đời sống bên trong của mình vào Chúa Giêsu Thánh Thể.
Bà viết: “ Bây giờ tôi sống đời Thánh Thể, một đời sống thật sống động, do Chúa Giêsu luôn luôn làm cho tôi trở nên trọn lành, còn tôi thì hoàn toàn kết chặt với Chúa, biến tan trong Chúa bằng tình yêu… Như thế là tôi luôn sống trong sự cầu nguyện, luôn sống trước mặt Chúa. Đạt đến đời sống nầy cũng khá dễ dàng. Đó chính là sự thánh thiện.”

466. Đừng tin vào ai hết, ngay cả con cái thân yêu của mình!

Trước khi chết, một người cha trối điều quan trọng nầy cho người con trai: “Sau khi cha chết, con hãy tìm cách trả số nợ cho người đó.”
Cha qua đời lâu rồi mà người con không tìm cách trả số nợ đó. Ai nhắc thì anh ta trả lời như sau:
- “Nếu cha tôi lên thiên đàng, thì cần gì tôi phải trả. Nếu cha tôi xuống hoả ngục, thì tôi trả cũng vô ích. Nếu cha tôi ở trong lửa luyện ngục, thế nào cha tôi cũng ra khỏi đó mà lên thiên đàng.”

467. Cầm trí và chú ý khi làm việc

Có người khi làm việc thì cầm trí và chú ý lâu giờ. Điều nầy đáng khen, nhưng không phải là cần thiết tuyệt đối cho sự thành công trong khi làm việc.
Nếu vì thời giờ hạn hẹp, nếu vì hoàn cảnh hạn chế, nếu vì sức khoẻ và bệnh tật không cho phép, bạn hãy cầm trí và chú ý làm việc một chút, rồi nghỉ. Rồi khi nghe khoẻ, bạn hãy tiếp tục làm việc.
Nếu bạn kiên trì làm việc theo cách nầy, bạn cũng đạt được thành công.
Nhiều người sức khoẻ yếu kếm, hay đau bệnh, nhưng nhờ làm việc kiểu nầy mà trở thành những người đáng phục như Pascal, Spencer, Poincaré.

468. Có người quan sát con chim khi thức dậy mà biết sống một ngày thanh thản

Đây là một kỹ nghệ gia giàu có, nhưng ông ta sống đời quá căng thẳng: sáng thức dậy, ăn sáng vội vàng như ăn cướp, rồi hấp tấp làm việc suốt ngày.
Một sáng kia, ông quan sát một con chim đang ngủ trên cây. Đầu nó rút dưới cánh, lông xù ra. Lúc nó thức dậy, nó rút mỏ khỏi cánh, nhìn dáo dác xung quanh, duỗi dài một chân ra, đồng thời xòe một bên cánh che cho chiếc chân đang duỗi ra. Hết chân bên nầy, nó duỗi đến chân bên kia, động tác cũng như thế. Rồi nó lại rúc đầu vào rỉa lông. Sau đó, nó nhìn xung quanh, rồi lại xòe cánh và chân một lần nữa, rồi cất tiếng hót rất trong trẻo như ca mừng một ngày mới. Sau đó, nó nhảy xuống hồ, uống một hơi nước lạnh rồi bay đi kiếm mồi.
Thấy cảnh tượng con chim hạnh phúc nầy, ông kỹ nghệ gia nầy bắt chước sự thanh thản của nó.
Từ đó, ông không còn căng thẳng, hấp tấp nữa. Ông ca, ông hát. Ông bình tĩnh. Và ông lại càng làm được nhiều việc hơn nữa. (x. Tư tưởng tích cực)

469. Phải xây đời mình cho chắn chắn

Không gì phủ phàng bằng cuộc đời của mình: thế nào sóng gió của biển đời – sóng gió ác cảm, sóng gió ghen tỵ, sóng gió bất công, sóng gió hận thù, sóng gió thất bại - thế nào cũng đánh phủ đầu con thuyền đời của chúng ta.
Bởi vậy, chúng ta phải xây đời mình cho thật chắc chắn, xây trên những nền tảng vững chắc của sự bình tĩnh, vui vẻ, đại độ, thanh cao, can đảm và cương quyết.
Kim Tự Tháp đứng vững vì được xây trên nền đá vững chắc. Người ta không thể nào xây Kim Tự Tháp trên đất cát bùn lầy. Mà nếu tìm cách xây được, thì Kim Tự Tháp nầy sẽ bị lún sâu và sụp đổ.
Vì thế, đại thi hào Goethe rất có lý khi đòi buộc cuộc đời chúng ta phải giống như một Kim Tự Thấp, nghĩa là phải có nền tảng chắc chắn.

470. Khoa vạn năng, làm gì cũng thành công, là đức kiên tâm

Nghe đồn thầy nầy danh tiếng, có người đến xin học cho được khoa vạn năng, khoa làm gì cũng được.
Thầy nầy làm thợ rèn. Thầy nhận người đến xin học khoa vạn năng. Thầy nói phải nhiều năm mới học được. Người nầy bằng lòng, mấy năm cũng được, miễn là học được khoa vạn năng. Thầy nói ngày nào cũng thụt ống bễ.
Sau hơn mười năm, thấy người học trò nầy cứ kiên trì thụt ống bễ, thầy liền nói: “Con đã học được khoa vạn năng rồi, đó là đức kiên tâm.”
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:43 31/07/2008
THÁP ĐEN
N2T


Có một người đi đến trước một cái tháp cao, bước vào trong tháp thì phát hiện toàn bộ tháp tối mò. Nhân lúc nhìn quanh thì phát hiện cầu thang hình xoay tròn, anh ta tò mò coi cầu thang thông ra đến chỗ nào, bèn bước lên cầu thang. Khi trèo lên thì trong lòng bắt đầu có chút bất an, anh ta đi phía sau để coi thì lại phát hiện cầu thang mình đã đi qua đều biến mất từng bậc. Bậc thềm trước mặt thì từng cấp lượn quanh đi lên, nhưng lại không biết dẫn đi hướng nào, chỉ biết là phía sau lưng bày ra một hang động đen sì.

(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Bản chất của linh tính là tìm tòi.

Con người ta khi bảy, tám tuổi là đã biết tò mò nhìn sự vật, đó là khởi đầu của sự tìm tòi, tuổi càng lớn thì càng muốn tìm tòi khám phá, và trên thế gian có nhiều hạng người tìm tòi:

Có người tìm tòi để học hỏi, đây là hạng người luôn thấy đầu óc mình kém cỏi, tối thui tri thức, và muốn vươn lên.

Có người tìm tòi để bêu xấu người khác, đây là hạng người vạch là tìm sâu, lòng dạ nhỏ nhen ích kỷ.

Có người tìm tòi để phát minh, đây là hạng người có khối óc khám phá vũ trụ.

Có người tìm tòi để thỏa tính tò mò, đây là hạng người vô thưởng vô phạt.

Có người tìm tòi để phục vụ và dấn thân, đây là hạng người có tâm hồn yêu thương của Chúa Giê-su và trí óc của thánh nhân.

Cuộc đời là một cái tháp tối đen với nhiều cầu thang xoắn ốc đi lên, nếu biết tìm tòi khám phá với sự hướng dẫn của Lời Chúa, thì cuộc đời sẽ là một tháp ngà ánh sáng đưa chúng ta đến gần cung điện Thiên Chúa. Bằng không, thì sự đen tối sẽ làm cho chúng ta ngã gục trong tối tăm của tội lỗi.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:44 31/07/2008
N2T


25. Nếu anh luôn hy vọng Thiên Chúa ban cho hạnh phúc đời đời, thì anh phải thường cầu nguyện luôn.

(Thánh Augustine)
 
Khi người ta biết chia bánh cho nhau thì thế giới sẽ không còn nạn đói
LM Inhaxiô Trần Ngà
21:25 31/07/2008
Khi người ta biết chia bánh cho nhau thì thế giới sẽ không còn nạn đói

Chúa Nhật 18 thường niên (Matthêu 14, 13-21)

Phép lạ bánh là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng cùng thuật lại, và có tác giả thuật đến hai lần như Matthêu (Mt 14, 13-21 và15, 32-38.) và Mác cô (6,35-44 và 8, 1-10) Luca (9, 12-17) và Gioan (6, 1-13). Như vậy, chắn chắn sự kiện nầy chứa đựng một nội dung hết sức quan trọng.

Nội dung đó là: khi người ta biết chia bánh cho nhau, thì thế giới sẽ không còn nạn đói. Tài nguyên trái đất gồm hoa màu ruộng đất, các loài gia súc cầm thú, chim trời cá biển được Thiên Chúa dựng nên dư thừa để nuôi những cư dân trên mặt đất.

Thế thì tại sao có nhiều người đói?

Sở dĩ có nhiều người đói vì có một số người thu gom cho mình thật nhiều, tích trữ cho mình dư dật nên mới xảy ra tình trạng “người thì ăn không hết, người thì làm không ra”.

Một chủ tiệc hào phóng dọn ra một ngàn phần ăn đủ cho một ngàn người ăn uống no say. Nhưng có một số khách mời khoẻ hơn, nhanh tay hơn, chạy vào phòng tiệc vơ vét nhiều thực phẩm cho mình, lại còn tọng đầy những túi mang theo để dành cho ngày mai, ngày mốt và cho con cháu thế là những khách mời đến sau phải đói.

Thế giới hôm nay cũng là một phòng tiệc vĩ đại mà Thiên Chúa dọn sẵn cho mọi người. Lương thực trên mặt đất, dưới biển có dư cho mọi người hưởng dùng. Nếu mọi người biết chia sớt cho nhau, thì chắc chắn không có ai phải thiếu đói.

Nhưng tiếc thay, có những người nắm trong tay những phương tiện sản xuất hiện đại, nắm bắt những công nghệ tiên tiến nên đã thu vén cho mình dư đầy của cải, khiến cho những người sa cơ thất thế phải lâm cảnh thiếu đói triền miên.

Qua phép lạ bánh hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định với mọi người rằng: nếu ai cũng biết chia sẻ số bánh ít ỏi đang có cho nhau, thì tất cả mọi người đều no đủ, không những no đủ mà còn dư.

Hôm ấy, dân chúng theo Chúa Giê-su, say mê nghe lời Người giảng dạy quên cả giờ về. Khi ngày tàn, nhóm Mười Hai đề nghị Chúa Giê-su giải tán đám đông để họ kịp trở về các làng mạc chung quanh kiếm thức ăn, vì hiện nay mọi người đang ở nơi hoang vắng.

Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, lấy gì nuôi đủ cả năm ngàn người ăn?”

Thế rồi “Chúa Giê-su truyền cho dân chúng ngồi xuống, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.”

Các môn đệ trố mắt nhìn Chúa Giê-su kinh ngạc! Chừng nầy cá và bánh thì ai ăn ai nhịn? Thôi thì cứ theo lệnh Chúa mà làm. Các vị phân phát phần bánh và cá ít ỏi cho dân.

Thế là người nầy trao qua, người kia chia lại, mọi người tỏ lòng hào phóng với nhau. Và đang khi họ chấp nhận trao phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả năm ngàn người ăn không hết còn dư lại cả mười hai thúng đầy!

Phép lạ nầy cũng như hũ bột của bà goá Sa-rép-ta: Dù đang giữa cơn hạn hán trầm trọng, dù nạn đói hoành hành khắp nơi, dù chỉ còn chút bột ít ỏi trong hũ và chút dầu còm cõi trong bình, bà goá thành Sa-rép-ta vẫn vâng theo lời tiên tri Ê-li-a truyền dạy, đem phần ăn ít ỏi của mình cống hiến cho người khác. Thế là hũ bột không vơi, bình dầu không cạn cho đến khi Chúa cho mưa xuống làm hoa trái tốt tươi. (I Vua 17, 7-16) Nếu hôm nay, nhân loại biết nghe theo lời Chúa Giê-su: “Các con hãy cho họ ăn” để rồi mọi người biết chia bánh cho người người chung quanh mình, thì chắc chắn nạn đói sẽ không còn tồn tại trên mặt đất nầy.

Xin mượn lời kể của Mẹ Têrêxa thành Cacutta để thay cho phần kết: Ngày nọ, có một thiếu phụ và tám đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".

Mẹ Têrêxa kết luận: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau.
 
Chính Anh Em Hãy Cho Họ Ăn
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
22:45 31/07/2008
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 18 TN- A (03-08-08)

CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN

* Cứ đến mà dùng, không phải trả đồng nào *

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau:(ReflectionS & share)

Bài đọc 1: Isaia (55:1-3). “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống…Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon…(câu 2)

a/ Chúa muốn tôi đừng tiêu xài phí phạm để kiếm những của cải chóng qua. Tôi đang dùng sức lực, tiền bạc để mua mhững gì cho sự sống vĩnh cửu?

b/ Thiên Chúa dọn sẵn cho con người một bữa tiệc Lời ban sự sống. Hàng ngày bạn đã dùng thì giờ để lắng nghe Lời Chúa và thực hành thế nào?

Bài đọc 2: Thư Rôma (8:35; 37-39). “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đưc Kitô ? Phải chăng là gian chuân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? ( câu 35)

a/ Thư Rôma đoạn 8 là đỉnh cao của tình yêu Đức Kitô với mọi Tín hữu. Lâu nay tôi đã suy niệm và sống gắn bó với đọan Kinh Thánh này thế nào?

b/ Những gian chuân, khốn khổ, đói rách đã làm bạn nao núng? Tại sao?

Tin Mừng: Mat (14:13-21). “Đức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.”(c.14)

a/ Đức Giêsu thấy dân chúng theo Người giảng rất đông thì thương yêu họ. Là người có trách nhiệm, tôi đã quan tâm tới các Tín hữu như thế nào?

b/ Nhiều người đang bị bệnh thể xác và tâm hồn vì thiếu của ăn Lời Chúa. Bạn đang làm gì cho những người anh em đang đói khát sự sống này?

B- Ý Chúa muốn nói gì với tôi: (Theme: The Messianic Banquet)

1/ Một hình ảnh, một hành động: Đám người đông đúc theo Chúa Giêsu nói lên dân Ít-ra-en đã theo ông Môsê trong hoang địa Xi-nai xưa. Chúa tỏ lòng thương dân chúng và chữa lành các bệnh nhân, đó là thái độ và hành động của Mục tử lý tưởng rao giảng Lời Chúa hôm nay trong Giáo hội. Bạn và tôi đang làm gì cho sứ vụ hiện tại trong gia đình và xã hội ?

2/ Lời Ngôn sứ Ê-zê-ki-en nói làm tôi giật mình lo sợ: Lời Chúa phán với tôi: Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tôị các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, các mục tử đó: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đoàn chiên sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh, chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên đi lạc các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chiụ đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của ta chạy tán lọan vì thiếu mục tử…” (Êdêkien 34, 1-10)

2/ Cần quan tâm, lo lắng cho người khác: Chúa và môn đệ bàn thảo vắn tắt về: phải lo cho dân theo Chúa ăn vì đã chiều rồi. Chúa có thể làm phép lạ cho họ ăn được; nhưng Người muốn các môn đệ cộng tác, chính là bạn là tôi hôm nay: Hãy lo cho anh em ăn. Ăn đây chính là chia sẻ vật chất và tinh thần là Lời Chúa cho mọi Tín hữu chung quanh ta. Tôi đang chăm sóc những của ăn này thật cụ thể cho Gia đình, cho Giao xứ là…

3/ Chúa đòi hỏi bạn và tôi phục vụ, chia sẻ: Năm chiếc bánh và hai con cá chẳng giải quyết được gì; nhưng nó tượng trưng cho lòng thành của tôi cộng tác, để Chúa làm phép lạ từ cái đó. Ý chí của con người muốn hiến dâng, phục vụ, thì Chúa sẽ thực hiện theo ý muốn của Ngài. Tại sao gia đình tôi bị ly tan, đòan thể của bạn chia rẽ, phong trào kia bị khủng hoảng, giáo xứ nọ thiếu đoàn kết…Vì tôi không chịu chia sẻ, không khiêm tốn ngồi lại với nhau, gặp gỡ, vui vẻ trao đổi. Tôi đã không chịu Sống Mầu nhiệm Thánh Thể là Chia sẻ là chia sẻ cho anh em. Vì thế Chúa Giêsu dạy: “Họ không cần phải đi đâu xa, chính anh em hãy cho họ ăn.” (câu 16)

Công Đồng dạy: Hiền thê của Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể là Giáo hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để hiểu biết kinh Thánh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cháu mình,… để cung ứng nhiều thừa tác viên Lời Chúa, cung cấp lương thực Thánh Kinh dồi dào cho dân Chúa qua những khóa học hỏi Kinh Thánh. (MK # 23)

D- Bạn và tôi cùng thực hành Lời Chúa: (Action)

a/ Thực hiện những việc bác ái từ trong gia đình, đòan thể, phong trào….

b/ Tổ chức các buôỉ học hỏi, chia sẻ Lời Chúa và kinh nghiệm Sống Đạo.

E-Bạn và tôi cùng cầu nguyện với Lời Chúa: (Prayer in Action)

Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy: Họ không cần phải đi đâu xa, chính anh hãy cho họ ăn. Thế mà con chẳng quan tâm gì đến người chung quanh, chỉ đòi hỏi, ra lệnh mà không có tầm hồn chia sẻ, để họ đói khát về vật chất và Lời Chúa là sức sức sống, là ánh sáng cho họ. Xin giúp con mau thực hành những điều Chúa đã dạy trên.

Hoa thơm cỏ lạ: KIM CHỈ NAM TI-VI TỐT NHẤT LÀ KINH THÁNH

The Best Tivi guide is the Bible

Phó tế: GB. Nguyễn văn Định: johndvn@yahoo.com

Cùng gởi các Nhóm, Đoàn thể, Phong trào... học hỏi chia sẻ Lời Chúa toàn cầu
 
Ai sẽ có thể tách biệt chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô?
Phaolô Phạm Xuân Khôi
23:45 31/07/2008
Chú Giải Thánh Thư Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm A (Rom 8: 35, 37-39)

Trong bài đọc tuần trước Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm tất cả mọi sự đều nhằm ích lợi cho những ai yêu mến Ngài, là những người được mời gọi theo ý định của Ngài. Và ý định đó là những người ấy trở nên giống hình dạng Con của Ngài. Trước khi sang bài đọc hôm nay, Thánh Nhân đưa ra ba câu hỏi: (1) Nếu Thiên Chúa về phe chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta được? (2) Ngài là Ðấng đã không tha cho chính Con Một Mình, nhưng đã trao nộp Người vì tất cả chúng ta, thì làm sao Ngài lại không ban cho chúng ta tất cả những điều khác cùng với Người? (3) Ai sẽ truy tố những người đã được Thiên Chúa chọn? (x. Rom 8:31-33) Hôm nay ngài kết luận bằng câu hỏi cuối cùng: “Ai sẽ có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?”

35 Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô được?

“Lòng yêu mến” hay nói đúng hơn là tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta. Chúa Giêsu yêu chúng ta trước đến nỗi Người đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là những người tội lỗi (x. Rom 5:8). Và Người đã làm thế vì quá yêu chúng ta như Người đã nói “Không ai có tình yêu cao trọng hơn tình yêu này, là hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Chính vì tình yêu ấy mà Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta trừ khi chúng ta bỏ Người. Bao lâu chúng ta còn trung thành với Thiên Chúa thì ngoại cảnh không làm gì được chúng ta.

Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao?

Ở đây Thánh Phaolo đưa ra một loạt những nghịch cảnh mà các môn đệ Chúa có thể gặp phải. Danh sách trong bản dịch này là theo bản Latin Vulgate cũ. Hầu hết các bản mới liệt kê theo thứ tự sau: “gian truân, khốn khổ, khủng bố, đói khổ, trần truồng, hiểm nghèo, hay gươm giáo.” Tất cả những từ dùng ở đây đều không diễn tả hết những gì Thánh Phaolô muốn nói theo tiếng Hy Lạp. Chính Đức Kitô đã chấp nhận và trải qua tất cả những điều này vì yêu chúng ta. Người đã cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng sẽ phải đương đầu với chúng. Người bảo chúng ta rằng “Môn đệ không hơn thầy, hoặc đầy tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy, đầy tớ được như chủ, là đã đủ rồi” (Mt 10:24-25).

1) Gian truân (θλιψις) có nghĩa là những áp lực do những khó khăn từ bên ngoài tạo ra, như bị chỉ trích, bị cáo gian, bị chèn ép, kỳ thị,…

2) Khốn khổ (στενοχωρια) là những áp lực từ bên trong như lo âu, buồn phiền, không biết phải xoay xở ra sao giống như một người bị mắc kẹt ở một chỗ chật hẹp. Thánh Phaolô có ý nói rằng trong những hoàn cảnh, dù khó khăn thế nào đi nữa, Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài đã viết cho giáo đoàn Côrinthô rằng, “tôi còn mối bận tâm hằng ngày là lo lắng cho tất cả các giáo đoàn! Có ai yếu đuối mà tôi lại không yếu đuối chăng? Có ai vấp phạm mà tôi lại không nóng lòng sao?” (2 Cor 11:28-29). Chính Chúa Giêsu cũng phải đương đầu với cảnh này trong vườn Cây Dầu đền nỗi Người phải than thở vời các môn đệ: ““Linh hồn Thầy buồn rầu đến nỗi chết được” (Mc 14:34). Rồi trên Thập Giá Người còn thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34).

3) Khủng bố (διωγμος) là những đau khổ phải chịu về tinh thần hay thể xác do những kẻ thù nghịch hoặc chống đối Đức Kitô gây ra như bắt bớ, tù đày, tẩy chay, đe dọa, làm khó làm dễ, ngược đãi, cấm đoán làm theo lương tâm…. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh đã viết: “Nhà tù ở đây thực sự là hình ảnh Hỏa Ngục muôn đời: thêm vào bên cạnh những đòn tra tấn dã man gồm đủ mọi cách – gông cùm, xiềng xích, đe dọa –là thù hận, trả thù, tai ương, thô bạo tục tằn, cãi vã, hành động độc ác, chửi thề, cũng như những nỗi âu lo và than khóc. Nhưng chính Chúa là Đấng đã giải thoát 3 trẻ nhỏ khỏi lò lửa hãi hùng, đã ở với cha luôn luôn; Ngài đã giải thoát cha khỏi những khốn cùng này và làm cho chúng nên dịu ngọt, vì lòng từ bi Chúa muôn đời. Những gian truân này thường làm kinh khiếp nhiều người khác, thế nhưng với cha, nhờ ơn Chúa, cha tràn đầy niềm vui và phúc lạc, bởi vì cha không ở một mình – Đức Kitô ở với cha...” (Spe Salvi, 37). Từ xưa đến nay các môn đệ của Chúa luôn gặp khó khăn như thế. Chúa đã nói trước và đã hứa: “Các con sẽ bị mọi người ghét vì danh Thầy. Nhưng ai bền chí đến cùng, sẽ được cứu thoát” (Mt 10:22, Mk 13:13; Lc 21:17)

4) Đói khổ (λιμος), trần truồng (γυμνοτης) nói về những thiếu thốn về vật chất mà những người trung thành với Chúa phải chấp nhận. Những ai sống theo giáo huấn của Chúa thì phải thành thật, không ăn gian, nói dối. Và làm như thế nhiều khi không trở nên giàu có được. Họ không theo thiên lạ làm giàu bằng mọi giá, và biết rằng Thiên Chúa mới thật sự là chủ, và họ chỉ là quản lý. Họ là những người được Chúa chúc phúc (x. Mt 5:3) và ban cho dư đầy ân phúc (Lc 1:53). Thánh Giacôbê hỏi chúng ta rằng “Thiên Chúa đã chẳng chọn những người nghèo khó trước mặt thế gian, để trở nên giàu có trong đức tin, và thừa tự của vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao?” (Gia 2:5).

5) Hiểm nghèo (κινδυνος) là những nguy hiểm chúng ta phải chịu vì Chúa. Thánh Phaolô viết rằng ngài “ở tù thường xuyên, … bị đánh đòn quá mức, …. nhiều phen suýt chết…. Năm lần tôi bị đánh ba mươi chín roi; ba lần bị đánh bằng gậy; một lần bị ném đá; ba lần đắm tàu; một đêm và một ngày trôi dạt giữa biển khơi!.... phải thường xuyên hành trình,…. hiểm nguy trên nước, hiểm nguy bị trộm cướp, hiểm nguy do những người đồng hương, hiểm nguy từ Dân Ngoại, hiểm nguy ở thành phố, hiểm nguy ngoài hoang địa, hiểm nguy giữa biển khơi, hiểm nguy do những kẻ mạo nhận là anh em gây ra (2Cor 11:24-26).

Ngày nay có những nguy hiểm khác, thường không hại đến thân xác, nhưng hại linh hồn chúng ta, và đặc biệt là con cháu chúng ta. Lời Thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê phải đề phòng những nguy hiểm như thế cách đây 2000 năm vẫn còn thích hợp cho thời đại chúng ta, “Con cũng hãy hiểu điều này, là vào những ngày sau hết sẽ có những lúc hiểm nghèo. Vì người ta sẽ thành ra ích kỷ, mê tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ơn, vô đạo, vô nhân, vô tâm, vu khống, trác táng, hung tợn, ghét điều lành, xảo trá, nông nổi, lên mặt tự phụ, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa, giữ đạo cách hình thức, nhưng chối bỏ quyền năng của đạo. Con hãy xa lánh những người như thế” (2Tim 3:1-5).

6) Gươm giáo (μαχαιρα) có nghĩa là bị sát hại hay giết chết vì Chúa. Chém đầu là cách xử tử thông thường nhất trong thời Thánh Phaolô. Trong tất cả các Thánh Tông Đồ, ngoài Thánh Gioan ra thì tất cả đều tử vì đạo. Quả thật Hội Thánh được xây dựng bằng máu các Thánh Tử Vì Đạo. Các ngài không sơ gươm giáo vì Chúa Giêsu đã nói trước, “người ta sẽ nộp các con để chịu đau khổ, và sẽ giết các con; và các con sẽ bị mọi dân tộc ghét vì danh Thầy” (Mt 24:9).

Thời nay, nhất là ở Âu Mỹ, người ta không còn cấm đạo công khai, nhưng cấm chúng ta hành đạo dưới những chiêu bài như tôn trọng “tự do chọn lựa”, “dân chủ”,…. Dù thế gian có tìm cách nào để hại chúng ta đi nữa, chúng ta cũng vẫn nhất tâm theo Chúa. Theo Chúa thời nào cũng là một cuộc mạo hiểm có tính toán vì biết chắc rằng Chúa không thể đi lạc. Mỗi người chúng ta ý thức rằng: “‘Chúa là Đấng Chăn Chiên của tôi: tôi không thiếu gì... dù tôi bước qua thung lũng tối tăm sự chết, tôi không sợ sự dữ nào, bởi vì Chúa ở cùng tôi...’ (Tv 23 [22]:1, 4). Người chăn chiên thực là người biết cả đến những nẻo đường băng qua thung lũng sự chết; người mà bước đi với tôi dẫu là nẻo đường cuối cùng của hiu quạnh, nơi mà không ai có thể bước với tôi, hướng đạo cho tôi đi qua: thì chính người đã bước qua nẻo đường đó, người đã xuống tận cõi chết, đã chiến thắng sự chết, và giờ đây đã trở về để dẫn đưa chúng ta và cho chúng ta niềm xác tín rằng, cùng với người, chúng ta tìm ra một con đường đi qua được” (Spe Salvi, số 6).

37 Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Đấng đã yêu thương chúng ta.

Dịch câu này là “vượt thắng được trong tất cả những sự ấy” thì chưa lột được ý nghĩa của bản Hy Lạp. Dịch sát nghĩa là “chúng ta còn hơn cả những người thắng trận trong những điều ấy” hoặc dịch như nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ: “trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng.” Chúng ta toàn thắng tất cả mọi khó khăn kể trên bởi vì một khi có “Thiên Chúa về phe chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta được?” (Rom 8:31)

38 Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh,

Trong câu 38 và 39, Thánh Phaolô lại đưa ra một loạt những trở ngại khác mà chúng ta sẽ gặp.

Sự chết hay sự sống - Đối với những người không tin vào Thiên Chúa thì “sống ‘không có Thiên Chúa’ … là sống trong một thế giới tối tăm, đối diện với tương lai mịt mù” (Spe Salvi, 2). Còn đối với các Kitô hữu là sống “có tương lai, không phải là họ biết tường tận chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết cách tổng quát là cuộc sống của họ không kết thúc trong hư không. Khi tương lai được bảo đảm như một thực tại tích cực thì lúc đó hiện tại trở nên có thể sống được” (Ibid). Vì họ xác tín như Thánh Bakhita rằng: “Tôi nhất định được [Thiên Chúa] yêu thương và dù điều gì xảy đến cho tôi – tôi vẫn đang được chờ đón bởi Tình Yêu này. Và vì thế đời tôi thật là đẹp” (Spe Salvi, 3).

Thiên thần hay ma quỷ - Bản này dịch chữ αρχαι là “các bậc quyền quý”. Thật ra αρχαι thường được dịch là “quyền thần”. Chữ này trong Thánh Kinh được dùng cả cho các Thiên Thần (thần lành) lẫn cho ma quỷ (thần dữ). Theo mạch văn, Thánh Phaolô vừa nói đến sống hay chết, thì kế tiếp phải dịch là Thiên Thần hay ma quỷ để chỉ sự tương phản. Tuy nhiên ở đây cũng có thể hiểu là các thần minh của người Hy Lạp và Rôma. “Thánh Phaolô nhắc nhở dân thành Êphêsô rằng trước khi gặp gỡ Chúa Kitô, họ sống ‘không hy vọng và không có Thiên Chúa trên đời’ (Eph 2:12). Dĩ nhiên, thánh nhân biết rõ họ đã từng có những thần minh, ngài biết là họ đã từng có tín ngưỡng, nhưng những thần minh của họ đã cho thấy là đáng ngờ vực, và chẳng có tia hy vọng nào loé lên từ những huyền thoại đối kháng nhau” (Spe Salvi, 2). Những thần minh này thật ra chỉ là gỗ đá không làm hại gì được ai.

39 dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Cao hay sâu – Cao (υψωμα) hay sâu (βαθος) là những từ dùng trong khoa chiêm tinh để chỉ sự xa gần của một tinh tú so với thiên đỉnh (zenith). Chúng dùng để chỉ những quyền lực trong vũ trụ mà Dân Ngoại thời đó tin là có thể chi phối đời sống con người. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết về những thần linh này: “Tuy người ta có thể cảm nhận được thần thánh trong những cách thế khác nhau nơi những lực của vũ trụ, nhưng một Thiên Chúa mà người ta có thể cầu nguyện với Ngài thì không hiện hữu. Thánh Phaolô đã minh họa khá chính xác vấn nạn then chốt của tôn giáo trong thời kỳ này khi ngài tương phản cuộc sống ‘theo Chúa Kitô’ với cuộc sống dưới sự khống chế của ‘các lực vũ trụ’ (Cl 2:8). Về phương diện này, một đoạn văn của Thánh Grêgôriô thành Nazianzen có thể giúp soi sáng. Ngài nói rằng chính khi Ba Nhà Đạo Sĩ, được hướng dẫn bởi vì sao, thờ lạy Chúa Kitô vị Tân Vương, thì khoa chiêm tinh đã đến hồi kết thúc, vì các vì sao giờ đây di chuyển trong một quỹ đạo được xác định bởi Chúa Kitô. Cảnh tượng này thực ra lật ngược thế giới quan của thời đó, một thế giới quan trong một cách thế khác đã trở nên thịnh hành một lần nữa trong thời đại hôm nay. Không phải những lực lượng trong vũ trụ, những luật vật chất, chi phối tối hậu thế giới và nhân loại, nhưng chính Thiên Chúa cai quản các vì sao, nghĩa là vũ trụ; không phải những định luật về vật chất và tiến hóa có tiếng nói sau cùng nhưng là lý trí, ý chí, tình yêu – một Ngôi Vị. Và chúng ta biết Ngôi Vị này, và Ngài cũng biết đến chúng ta, thành ra, thực sự là thế lực mù quáng của các yếu tố vật chất không còn tiếng nói sau cùng; chúng ta không phải là những nô lệ của vũ trụ và các định luật của nó, chúng ta là những người tự do. Trong những thời cổ đại, sự suy xét lý trí cách thành thực cũng nhận ra điều này. Thiên đàng không phải là hư vô. Đời sống không chỉ là hệ quả của những định luật và sự ngẫu nhiên, nhưng bên trong mọi thứ và cùng lúc vượt lên mọi thứ là một ý chí, một Thần Khí mà qua Đức Giêsu đã tỏ lộ chính Ngài cho chúng ta như một Tình Yêu” (Spe Salvi, 5).

Tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Kitô là một nền tảng bất di dịch của đời sống và hy vọng của mọi Kitô hữu. Không một điều gì hay một ai hoặc một quyền lực nào có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu ấy bao lâu chúng ta thực tâm gắn bó với Đức Kitô.

Kết Luận

Không có gì thích hợp hơn để kết luận bài này bằng lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Con người được giải thoát bởi tình yêu. Điều này đúng ngay cả đối với thế giới ngày nay. Khi một người cảm nghiệm được một tình yêu cao đẹp trong đời, đó là giây phút người ấy được ‘giải thoát’, là giây phút đem đến một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Nhưng chẳng mấy chốc người ấy nhận ra rằng tình yêu được trao ban trên mình tự nó không giải quyết được vấn nạn đời mình. Đó chỉ là một tình yêu giữ nguyên tính mong manh của nó. Tình yêu đó có thể bị huỷ diệt bởi cái chết. Con người cần đến một tình yêu vô điều kiện. Con người cần đến một sự chắc chắn khiến họ nói được: ‘cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực sâu hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, sẽ không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’ (Rom 8:38-39). Nếu tình yêu tuyệt đối này tồn tại, với sự chắc chắn tuyệt đối của nó, thì lúc đó – và chỉ khi đó – con người được ‘cứu rỗi’, dù cho chuyện gì sẽ xảy đến với người ấy trong những điều kiện cụ thể của họ. Điều này nói lên là: Chúa Giêsu Kitô đã ‘cứu rỗi’ chúng ta. Qua Ngài chúng ta trở nên chắc chắn về Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa không phải là một ‘căn nguyên (first cause)’ xa xôi của thế giới, bởi vì Con một-tự hữu của Ngài đã hóa thành phàm nhân và mọi người có thể nói về Người: ‘Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi’ (Gl 2:20)” (Spe Salvi, 26).

Lạy Chúa, xin đừng bao giờ để con lìa xa Tình Yêu Chúa. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người đồng tính luyến ái hoàn toàn cảm thấy bất hạnh
Paul Anh
10:36 31/07/2008
Những người đồng tính luyến ái hoàn toàn cảm thấy bất hạnh

Vị Linh Mục Chính Thống Giáo Nga Sô cảnh cáo về những mối Nguy Hiểm của Lối Sống Đồng Tính Luyến Ái

Linh Mục Vsevolod Chaplin
MOSCOW (LifeSiteNews.com & Hilary White) - Sau những cuộc diễn hành bất hợp pháp của những người đồng tính luyến ái diễn ra tại Moscow, Nga Sô vào đầu tháng này, các nhà hoạt động xã hội chuyên cổ võ cho đời sống đồng tính luyến ái đang mạnh mẽ lên tiếng tố cáo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga Sô vì đã nhấn mạnh đến những giảng dạy của Kitô Giáo có liên quan đến giới tính, và lên tiếng kêu gọi những người đồng tính luyến ái phải từ bỏ ngay "kiểu sống đồng tính luyến ái" này.

Một thành viên của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là Linh Mục Vsevolod Chaplin, trong bài phỏng vấn với tờ báo Komsomolskaya Pravda khi nói về những người đồng tính luyến ái, Cha cho biết rằng:

"Những người sống theo kiểu sống đồng tính luyến ái hoàn toàn cảm thấy bất hạnh, u buồn và khổ sở. Sở dĩ tôi biết được điều này là vì họ đã đến thú tội với tôi, và từ vô số những câu chuyện có liên quan đến cảnh sống tội lỗi và bất luân lý này. Do đó, chẳng phải là chuyện tình cờ khi những người chọn lối sống theo kiểu này đã phải kết liễu cuộc đời của họ rất sớm, và càng ngày càng có thêm nhiều những vụ tự tử, những trường hợp bị nghiện ma túy và rượu bia trong số họ."

Những lời bình luận của Cha Chaplin được mạnh mẽ hậu thuẩn bởi những cuộc nghiên cứu gần đây, vốn được thực hiện rộng rãi nơi cộng đồng của những người đồng tính luyến nam lẫn nữ, cho thấy rằng: những người chọn kiểu sống bất luân lý này không những phải gánh chịu những loại bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cao hơn hết so với những người bình thường, mà còn phải gánh chịu thêm những bất ổn về mặt tâm lý, việc nghiện ma túy, rượu bia và tự tử nữa.

Trong khi đó những ai chống đối lại lối sống bệnh hoạn này đã mạnh mẽ lên tiếng khẳng định thêm rằng: những kết quả của các cuộc nghiên cứu đó rõ ràng cho thấy bản chất hủy diệt và điêu tàn của lối sống đồng dục nam lẫn nữ, và những người chọn lối sống này đã bị áp chế và do đó mau chóng bị sụp đổ về mặt tinh thần lẫn thể lý, từ đó khiến họ phải tìm vào những cách giải sầu khác như: bia rượu, ma túy, các độc dược nguy hiểm khác, và thậm chí cả cái chết nữa.

Cha Chaplin cho biết:

"Giáo Hội luôn lúc nào cũng yêu thương và chấp nhận bất kỳ ai, kể cả những người có đam mê về những người khác cùng giới với mình. Thế nhưng vì Giáo Hội quá yêu mến họ, nên Giáo Hội mạnh mẽ nói cho họ biết rằng: tình yêu đồng giới, hay mối tình đồng dục chính là một tội trọng, một thứ tội có tính hủy diệt cao nhất."

Chính vì thế mà cho đến nay các phong trào bảo vệ việc đồng tính luyến ái vẫn từ chối chấp nhận sự khác biệt mà Cha Chaplin đã đưa ra, giữa người đang bị cám dỗ để theo lối sống đồng tính luyến ái, và những người đã và đang sống theo lối sống đồng dục nam lẫn nữ rồi. Giáo Hội luôn xem trường hợp sau cùng hết chính là một lối sống suy đồi, bất luân lý và vô đạo đức, và Giáo Hội luôn mạnh mẽ lên án kiểu sống này.

Trong khi đó, nguồn tin dành cho những người ủng hộ cho lối sống đồng tính, Pinknews.com, đã cho thuật lại một câu chuyện phân tích về những lời nhận xét của Cha Chaplin, với một hàng tít lớn vốn bóp méo sự thật và cho rằng không có sự khác biệt nào cả giữa người người chọn lối sống đồng tính luyến ái, và hành động đồng tính luyến ái.

Còn Cha Chaplin thì cho biết rằng: "Chính bản thân tôi cũng chẳng là người đồng tính nam lẫn đồng tính nữ, do đó, tôi phải có trách nhiệm để lên tiếng cảnh cáo về những mối nguy hiểm của lối sống tội lỗi theo kiểu này."

Vào tháng 5 vừa qua, Yuri Luzkhov, Thị trưởng của Moscow, đã ra lệnh cấm cuộc diễn hành của những người đồng tính. Thế nhưng vào ngày 1 tháng 6 vừa qua, một nhóm gồm 30 nhà hoạt động cổ võ về lối sống đồng tính luyến ái đã tụ tập để biểu tình trước Tòa Thị Chính của Moscow mà không hề bị bắt giữ. Sau đó 4 nhà hoạt động cho nhóm đồng tính luyến ái đã bị bắt giữ tại một căn hộ ở Moscow, vì đã tham gia vào cuộc biểu tình bất hợp pháp và bất tuân lệnh của cảnh sát.

Những người này đã nộp đơn xin phép tổ chức ra 5 cuộc diễn hành trong một ngày và ngày nào cũng vậy trong suốt cả tháng 5, thế nhưng đơn của họ đã bị các giới chức thành phố bác vì "những cuộc diễn hành này ảnh hưởng đến trật tự công cộng, cũng như tạo ra những phản ứng bất lợi về phía đại đa số quần chúng."

Cũng trong tháng 5 vừa qua, một bản báo cáo của ABC News cho biết rằng:

"Đối với những ai đã từ bỏ lối sống đồng tính luyến ái, thì họ càng ngày càng bị xã hội bỏ rơi, và họ phải đành sống trong sự thinh lặng, không dám hó hé gì cả về lối sống quá khứ của họ vì sợ những người hiện đang theo lối sống đồng tính luyến ái sẽ ăn thịt hay xử tử họ. Chính nhóm PFOX [tức Nhóm gồm các Cha Mẹ và Bạn Bè của những người đã từng theo lối sống đồng tính luyến ái trước kia và những người hiện đang theo lối sống đồng dục này hay có tên tiếng Anh là Parents and Friends of Ex-Gays and Gays] đã từng làm chứng cho biết rằng họ đã từng quan sát và chứng kiến những vụ hành quyết trên bình diện khá rộng những người cựu đồng tính luyến ái bởi những người hiện đang đeo đuổi lối sống đồng tính luyến ái."

PFOX đưa ra tuyên cáo cho biết rằng:

"Rất nhiều người cựu-đồng tính luyến ái rất sợ hãi để lộ diện vì những sự bẽ mặt mà họ sẽ nhận được vì tên tuổi của họ, các số điện thoại của họ và các thông tin cá nhân của họ, đã được chính thức đăng tải trên các trang web của những người theo lối sống đồng tính luyến ái hay theo lối sống đồng dục; và họ vẫn thường hay bị tấn công, đó là chưa kể đến những thông cáo báo chí được đưa ra để chống lại họ, vân vân ..."

Thậm chí ngay cả các chính phủ ngày nay đang lao vào một cuộc săn tìm gọi là "săn tìm phù thủy" (witch hunt) để chống lại bất kỳ những người Kitô Giáo nào vốn bày tỏ quan điểm chống đối lại những người đeo đổi lối sống phóng túng và suy đồi đồng dục nam lẫn nữ.

Bà Iris Robinson
Iris Robinson, một người thuộc Bắc Ái Nhĩ Lan, là Chủ Tịch của một Ủy Ban Y Tế trong Quốc Hội, và cũng là phu nhân của Thứ Trưởng, hiện đang mạnh mẽ đứng lên chống đối lại những lời kêu gọi Bà từ chức sau khi Bà đã phát biểu trên đài Phát Thanh BBC rằng: "Những người đồng tính luyến ái có thể từ bỏ đi những cám dỗ tội lỗi để sống một đời sống lành mạnh, và bình thường như những người khác khác."

Chia sẽ với các thính giả của Đài Phát Thanh BBC, Bà nói:

"Tôi nghĩ rằng vào lúc này đây đang có một cuộc săn tìm phù thủy nhằm để bóp nghẹt, hay thật sự bịt miệng, hoặc ngăn chặn những người Kitô Giáo đã dám lớn tiếng để nói ra sự thật, để lên án lối sống bệnh hoạn đồng dục của những người đồng tính luyến ái, và tôi không hề nói lời xin lỗi nào cả về những gì mà tôi đã nói, bởi vì đó chính là lời của Thiên Chúa."

Bà Robinson đã lập đi lập lại rất nhiều lần rằng:

"Tôi hoàn toàn lên án chính 'thứ tội' về đồng tính luyến ái, chứ không phải về những người đã phạm phải thứ tội trọng này. Cũng giống như một sát nhân vốn cũng có thể được cứu rỗi bởi máu của Chúa Kitô thì một người phạm tội đồng tính luyến ái cũng vậy."

T.B. Để hiểu rõ hơn về những mối nguy hiểm của đời sống đồng dục nam cũng như nữ, xin mời Quý Vị đọc thêm các bài viết sau bằng Anh Ngữ:

(1) The Mother of the Homosexual Movement - Evelyn Hooker PhD tại http://www.lifesitenews.com/ldn/2007/jul/07071603.html

(2) NARTH Report Shows Gay Activist Influence on Mental Health Organizations tại http://www.lifesitenews.com/ldn/2006/feb/06020902.html

(3) Ex-Gays Afraid to Come Out for Fear of Persecution: ABC News Report tại http://www.lifesitenews.com/ldn/2008/may/08050719.html
 
Một linh mục cùng nhóm thiện nguyện phục vụ cho việc cảm hóa tù nhân
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:38 31/07/2008
Maradi, Nigeria (Agenzia Fides) - Trong nhà tù và với tiện nghi cảm hóa, Cha Dondeynaz, Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đã dấn thân nhiều năm như là người tiên phong làm công tác mục vụ trong tù, nhất là phục vụ cho những tù nhân là Kitô hữu, chủ yếu từ Nigeria và Cameroon.

Khi mới bắt đầu công việc, ngài chỉ giới hạn công việc viếng thăm và đưa ra những chỉ dẫn về tôn giáo, nhưng không lâu sau đó, một đội 16 thiện nguyện viên Kitô giáo đã lập nhóm “Prisonniers Sans Frontières” nhằm liên đới với Cha Dondeynaz. Nhóm này bắt đầu công việc bằng một trung tâm tư vấn và đã tổ chức một loạt các cuộc gặp gỡ và thảo luận về các chủ đề như “Trách nhiệm”, “Tình yêu công việc”… nhằm mục đích làm dịu đi những lo sợ và âu lo tương lai bấp bênh. Hiện nay, giáo dục là họat động chính của nhóm này và đã nhận được sự tham gia của một bộ phận các tù nhân, những người chưa bao giờ được đến trường.

Một nghiên cứu vào tháng Hai năm 2007 cho thấy những sự kiện đáng chú ý. Trong sống 375 người trong tù, 80 phần trăm là người có thói quen phạm tội vì lý do duy nhất là trong tù họ có nơi ăn chốn ở. Đối mặt với tình hình rối loạn này, họ đã tổ chức các phân xưởng về đan len, may vá và đan rổ để khi các phụ nữ được trả tự do, họ ra đi với chút ít kỹ năng về nghề nghiệp. Với chút kiến thức này, người phụ nữ được ban cho một loạt các quyền lợi và những giấy phép ra tù để họ có thể tham dự vào các khóa huấn luyện chuyên nghiệp.

Đối với nam giới, một trong những sáng kiến được nhóm “Prisonniers Sans Frontières” đưa ra là cho họ làm việc trên 2 hécta đất. Tám mươi phần trăm sản lượng thu họach được sử dụng cho việc bồi bổ các các tù nhân và phần dư được đem bán. Qua hoạt động này, các tù nhân được học về tầm quan trọng của lao động và có thể nhìn về phía trước cho một tương lai hy vọng hơn.
 
Nữ tu người Anh được đề nghị phong thánh
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:43 31/07/2008
Một nữ tu làm việc phục vụ người nghèo ở Manchester vào thế kỷ mười chín có thể là vị thánh kế tiếp của nước Anh. Nữ tu Elizabeth Prout đã mở trường học và đem cả đời mình dành cho hàng ngàn người trong cuộc cách mạng công nghiệp từ một góc của thành phố. Công việc của Chị, vốn chú trọng đến những người phụ nữ nhập cư bần cùng đổ xô vào thành phố làm việc trong các công xưởng, đã đưa Chị có thể trở vị nữ thánh đầu tiên của nước Anh trong 40 năm qua.

Một hồ sơ về đời sống của Chị đã được chuẩn bị từ 14 năm qua sẽ được gửi đến Tòa Thánh Vatican trong giai đọan đầu tiên của tiến trình phong thánh. Nếu được chấp thuận thì các thẩm phán sẽ đến Chilê để hoàn tất giai đoạn tiếp theo và tim bằng chứng về hai phép lạ có sự góp phần của Chị. Hai bệnh nhân giai đọan cuối, một người đàn ông bị ung thư và một phụ nữ bị bệnh não, cả hai đều nói đã được chữa trị sau khi cầu nguyện với Sr. Elizabeth.

Nữ tu Elizabeth Prout con được biết với tên `Victorian Mother Teresa', sinh năm 1821 ở Shrewsbury và trở thành nữ tu vào khoảng 20 tuổi.

Chị phục vụ ở nhà thờ Thánh Chad ở Cheetham Hill vào thời điểm mà những khu nhà ổ chuột mọc lê rộng khắp thành phố.
 
Liên hiệp Anh giáo đề nghị lập diễn đàn giáo sĩ hầu tránh nguy cơ tan vỡ
Peter Nguyễn Minh Trung
11:05 31/07/2008
CANTERBURY (CNA) - Với hy vọng ngăn chặn một cuộc đại ly giáo toàn Liên hiệp Anh giáo, Đức Tổng Giám Mục Canterbury Rowan Williams đã đề xuất thành lập một nhóm với quyền trừng phạt bất kỳ Giáo hội Anh giáo nào phá vỡ nguyên tắc khi truyền chức giáo sĩ cho những người đồng tính và chúc hôn cho những cặp đồng giới. Nhóm này, được gọi là Diễn đàn Giáo sĩ, cũng sẽ được trao quyền kỷ luật những giáo hội nào truyền chức Giám mục cho những giáo sĩ không thuộc địa giới giáo luật của mình.

Tài liệu về Diễn đàn Giáo sĩ được đề xuất hôm thứ hai vừa qua có thể được xem như là một tập hợp của "những quan sát sơ bộ về sự tan vỡ niềm tin" trong lòng Liên hiệp Anh giáo, nơi nhiều vấn đề nghiêm trọng chưa bao giờ được đề cập đến.

Tờ Telegraph cho biết Giám mục Clive Handford, chủ tịch nhóm Windsor Continuation, nói: "Chúng tôi tin rằng Diễn đàn Giáo sĩ sẽ giúp chúng tôi phục hồi trở lại, lôi kéo hơi thở và sức sống như truyền thống trở về."

Giám mục Handford cho biết thêm rằng diễn đàn có thể nhanh chóng trả lời bất cứ vấn đề ở bất kỳ khu vực nào thuộc Liên hiệp Anh giáo. Diễn đàn cũng sẽ "đề xuất giải pháp và hướng dẫn" cho những giáo hội nào bất phục tùng, "hạ bớt vị thế" của giáo hội đó trong Liên hiệp xuống, điều đó có nghĩa là, những vị đứng đầu các giáo hội bất phục tùng sẽ bị loại trừ ra không được tham gia những Hội nghị các lãnh đạo Giáo hội hoặc Hội nghị Lambeth.

Theo luật của diễn đàn thì những giáo xứ Anh giáo nào không đặt mình dưới quyền tài phán của giáo hội quốc gia của họ sẽ bị "loại trừ cách đặc biệt" cho đến khi nào họ chịu phục tùng trở lại.

Đức Tổng Giám Mục thành Canterbury sẽ là chủ tịch Diễn đàn Giáo sĩ và là người ra quyết định vị Giám mục nào sẽ đảm nhận vị trí đứng đầu và những vị nào sẽ là thành viên.

Giám mục phụ tá giáo phận Episcopal Los Angeles, Sergio Carranza, trả lời một cách hoài nghi về đề xuất thành lập Diễn đàn Giáo sĩ. Vị Giám mục này nói: "Nếu diễn đàn sắp lập ra có quyền phạt hay kỷ luật các Giáo hội thì tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ hiệu quả."

Tờ Telegraph trích dẫn lời vị Giám mục này cho biết: "Chúng tôi không muốn có một tòa án xét xử chúng tôi và chúng tôi cũng chẳng muốn có một nhóm chuyên làm ra các đạo luật."
 
Hành trình đức tin Công giáo của Thống đốc Bobby Jindal
Phụng Nghi
11:16 31/07/2008
New Orleans (The Deacons Bench ) – Ông Bobby Jindal được nêu tên trên bản danh sách rút gọn của những người có thể được Thương nghị sĩ John McCain chọn đứng chung liên danh ra ứng cử. Và lúc này đây thống đốc bang Louisiana đang được giới truyền thông tìm hiểu tỉ mỉ.

Tờ Wall Street Journal mới đây đã dõi theo con đường tìm đến đức tin của ông:

Thống đốc Boby Jindal và gia đình
Năm 1988, cậu bé Piyush Jindal 16 tuổi, chỉ còn mấy tuần lễ nữa là tốt nghiệp trường trung học Baton Rouge, đã làm tan tành chiếc xe mới tinh của cha trong một tai nạn xe. Piyush – vào thời gian đó và lúc này đây ưa thích cái tên gọi thân mật “Bobby” cậu lấy từ show truyền hình “The Brady Brunch" – đã phải đối phó với cha mẹ không phải chỉ vì tai hại gây ra cho chiếc xe mà thôi.

Ông Jindal, hiện đang làm thống đốc bang Louisiana, hồi tưởng lại câu hỏi mẹ mình đặt ra sau khi ông thoát chết trong tai nạn xe hơi đó. Bà tên Raj, một người theo Ấn giáo ngoan đạo, hỏi ông:

“Mày phải cảm ơn vị Chúa nào đã cứu mày thoát chết vậy?”

Đối với một đứa trẻ, con của người di dân đến từ Punjabi (Ấn độ), mới cho biết mình theo Kitô giáo mùa hè năm trước, câu hỏi đó thật khó trả lời.

Hai mưới năm sau, ông Jindal, một người cải đạo theo Công giáo, được nêu tên trong danh sách những người đứng đầu bảng có thể được John McCain chọn làm ứng viên phó tổng thống trong liên danh của đảng Cộng hòa.

Ấn giáo là một tôn giáo đa dạng, có nhiều hệ phái. Từ văn phòng tại Baton Rouge mới đây ông Jindal nói rằng cha mẹ đã nuôi dậy ông “trong một gia đình theo độc thần giáo, với niềm tin vững chắc vào một đấng Thượng Đế nơi tôn giáo mang những giá trị truyền thống – cùng loại như những giá trị các bạn thấy trong Mười Giới Răn hoặc các tôn giáo theo dòng chính khác.” Ông nhớ lại quan niệm của cha mẹ cho rằng tôn giáo của họ “không phải là một niềm tin ràng buộc chặt chẽ vào kinh sách cổ truyền đặc biệt hay một sự mặc khải nào” mà cha mẹ ông “tự tạo lấy đức tin riêng của họ.”

Thật họa hiếm mới có người Ấn giáo cải đạo theo Kitô giáo hoặc tôn giáo nào khác. Theo một bản thăm dò của Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống Công cộng mới phổ biến hồi đầu năm nay, cứ 10 người Mỹ gốc Ấn được nuôi dậy theo Ấn giáo từ nhỏ thì 8 người vẫn giữ niềm tin đó khi trưởng thành.

Nhắc lại chuyện cải đạo của mình, ông Jindal nói đó là một “cuộc hành trình dựa rất nhiều trên tri thức. Tôi đã không có được một hiện tượng hiển linh ngay sau một đêm ngủ như nhiều người khác”, mà ông đã phải nghiên cứu bao nhiêu sách vở về tôn giáo. “Xét theo nguồn cội và cá tính của tôi, thì đó là một phần quan trọng trong tiến trình.” Tuy nhiên, ông cho biết: “Tôi không nghĩ là bạn có thể chính mình cứ việc “đọc” rồi tin theo được. Tôi đã phải đi tới chỗ biết lịch sử đã nói gì về con người tên là Giêsu này, về những gì Người đã thực hiện trên mặt đất… Tôi nghĩ rằng ở một thời điểm nào đó bạn phải “nhảy bổ” vào đức tin.”

Ông cho biết khi còn trong lớp tuổi thiếu niên, lúc đi kiếm một tôn giáo để tin theo, ông đã tìm đến các vị tuyên úy tại Trường Đại học Bang Louisiana gần nơi cư ngụ. Năm 1987, tại nguyện đường trong khuôn viên Đại học này, giữa buổi trình diễn âm nhạc nhân mùa Phục sinh của một nhóm thanh niên, khi nghỉ giải lao người ta cho chiếu cuốn phim đen trắng về cuộc tử nạn của Chúa. Ông nói: “Tôi không biết tại sao lúc đó tôi bị đánh động thật mạnh mẽ.”

“Cuốn phim đặc biệt đó không có gì làm say mê cả… Nhưng coi cách diễn xuất của một diễn viên đóng vai Đức Giêsu trên thập giá, tôi bị đánh động, mạnh mẽ hơn từ trước đó nhiều. Nếu đấy thực là con của Thiên Chúa, và Người thực sự chết cho tôi, thì tôi cảm thấy bắt buộc phải quỳ gối xuống thờ kính Người.”

Ông nói về giây phút đó: “Thật là một thời điểm giải thoát. Từ trước kia cho đến lúc ấy, cuộc sống cầu nguyện của tôi chỉ như đứa bé trò chuyện với ông già Noel – trả giá với Chúa khi nói: con sẽ ngoan ngoãn, nhưng để bù lại con muốn có cái này, cái kia.”

Những ngày sau đó, ông bắt đầu cầu nguyện và sốt sắng đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các dụ ngôn trong Tân Ước. Ông nói: “Cứ như các từ ngữ nhẩy ra khỏi trang sách vậy. Thực tưởng chừng những trang sách đó được viết ra cho riêng tôi.”
 
Giới trẻ sẽ qui tụ bên Đức Thánh Cha Benedictô XVI tại Lộ Đức
Peter Nguyễn Minh Trung
15:17 31/07/2008
PARIS (CNA) - Hội Đồng Giám Mục Pháp tuyên bố rằng trong suốt chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Pháp từ ngày 12 đến 15 tháng 09 sắp tới, một "Đại hội Giới trẻ" sẽ được tổ chức cùng với ngài để kỷ niệm 150 năm Đức Maria hiện ra tại Lourdes (Lộ Đức).

Đại hội Giới trẻ này sẽ bao gồm 3 đêm canh thức tại Lourdes với Đức Thánh Cha. Vào thứ 6 ngày 12 tháng 09, một buổi canh thức hòa nhạc được Phong trào Emmanuel tổ chức sẽ diễn ra lúc 09 giờ tối.

Ngày tiếp theo, lúc 11 giờ đêm, sẽ là đêm canh thức cầu nguyện dành cho giới trẻ và, sẽ có bài nói chuyện đặc biệt từ Đức Hồng Y Philippe Barbarin, TGM Lyon.

Chúa nhật ngày 14 tháng 09, vào lúc 09 giờ tối, lại một buổi canh thức hòa nhạc nữa được Cộng đoàn Thánh Gioan tổ chức.

Hội Đồng Giám Mục Pháp ước tính hơn 250.000 người, phần lớn là giới trẻ, sẽ tham dự Thánh lễ Bế mạc được ĐTC Benedict XVI chủ sự với hàng trăm Giám mục và Linh mục.
 
Fatima: Những giờ phút sau cùng đầy linh thiêng của người con yêu dấu của Mẹ Maria
Lm Nguyễn Hữu Thy
15:20 31/07/2008
Fatima: Những giờ phút sau cùng đầy linh thiêng của người con yêu dấu của Mẹ Maria

Nữ Tu Lucia, người đã được diễm phúc nhìn thấy Đức Mẹ
Nếu bình thường đối với người đời, sự chết là cả một sự mất mát hoàn toàn, một sự đoạn tuyệt với tất cả những gì họ chiếm hữu, kể cả những gì thân thương gần gũi nhất, mà trước tiên chính là sự sống của họ. Vì thế, người ta thường chỉ ham sống và ham sống thật lâu, và rất sợ chết. Thế nhưng ba trẻ thị kiến Fatima lại hoàn toàn ngược lại. Các em mong ước được chết để mau được Thiên đàng hưởng thánh nhan Thiên Chúa và vị Thiên Nữ dấu yêu của các em. Dĩ nhiên, các em muốn chết và muốn mau được lên Thiên đàng, không phải vì các em là những người cực đoan mù quáng, nhưng vì các em đã từng được Đức Mẹ cho nếm thử trước trong một chốc lát niềm hạnh phúc bất tận của Thiên đàng.

Niềm khao khát cháy bỏng mau được về Thiên đàng đó của ba trẻ Fatima, kể từ khi Đức Mẹ đã hứa với ba trẻ vào năm 1917 là sẽ đưa các em về Thiên đàng, thì hai em Phan-xi-cô và Gia-xin-ta đã được toại nguyện vài ba năm sau đó. Riêng Lucia thì Đức Mẹ muốn em còn phải ở lại trần thế chỉ «một ít lâu nữa.»«một ít lâu nữa» đó đã kéo dài 88 năm trời. Vào ngày 13.02.2005, Lucia, trẻ thị kiến cuối cùng của biến cố Fatima, đã qua đời tại Tu Viện Cát-minh ở Coimbra dưới danh xưng ‘Sơ Maria Lucia của Trái Tim Vô Nhiễm’.

Sau đây chúng ta hãy nghe Sơ Maria Celina, Bề Trên Dòng Kín Các-men ở Coimbra, nơi Sơ Lucia vào tu từ năm 1948, đã thuật lại các diễn biến những giờ phút cuối đời của Sơ Lucia như sau:

Hôm 13.02.2005, sau Thánh Lễ thì chúng tôi đã cho rút kim dẫn chất dưỡng sinh vào người Sơ Lucia, vì chất dưỡng sinh không chảy được nữa. Nhờ thế hai tay của Sơ Lucia được tự do, hết bị vướng víu. Trong những ngày này, Sơ Lucia thường hay giơ tay làm dấu Thánh giá trên mình hơn. Việc làm dấu Thánh giá vốn là một thói quen xưa nay của Sơ, đến nỗi cả khi uống một hớp nước Sơ cũng làm dấu Thánh giá. Sáng nay, Sơ tỏ ra hoàn toàn tươi tỉnh và mở hai mắt, xem chừng như Sơ không đau đớn gì cả. Tôi liền giơ ngón tay chỉ lên trời và Sơ đã trả lời bằng cái gục đầu. Tôi cầm tượng Thánh giá giơ ra trước mặt Sơ cách khoảng 30cm. Sơ Lucia liền đưa mắt nhìn cắm chặt vào Thánh giá, Sơ cử động con ngươi mắt Sơ như thể Sơ đang nói chuyện lâu với ai vậy. Tiếp đến Sơ giơ ngón tay trỏ lên miệng, nhìn tôi và xin đưa tượng Thánh giá đến gần Sơ hơn, và tôi đã làm như vậy. Nhưng Sơ không còn đủ sức để hôn tượng Thánh giá nữa. Chắc chắn Sơ sẽ hôn bằng con tim mà thôi.
Cộng Đoàn Dòng Kín Coimbra: Nữ Tu Lucia đứng hàng sau cùng phía tay trái tượng Đức Me


Người ta cho tôi hay là Đức Giám Mục đã tới nhà Dòng. Tôi liền đi ra nhà khách gặp ngài. Đức Cha D. Albino tới để mang sứ điệp và phép lành của Đức Thánh Cha cho Sơ Lucia. Ngài đã gửi cho chúng tôi qua Sứ thần Tòa Thánh. Tôi đã hỏi Đức Giám Mục là ngài có muốn đến thăm bệnh nhân không, thì ngài trả lời là hiện ngài vội phải đi ngay, nhưng sau trưa vào khoảng 5 giờ chiều ngài sẽ trở lại. Tôi từ giã Đức Giám Mục và trở lại phòng Sơ Lucia, một nơi hoàn tất của lễ hy sinh của một cuộc sống cao cả và quý báu. Sơ Lucia là trung tâm của toàn thể cộng đoàn Tu Viện. Sơ mở hai mắt, chứ không nhắm lại như mấy ngày trước nữa. Tôi ghé vào sát tai Sơ và đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Sơ nghe. Nhưng Sơ giơ tay và muốn cầm bức sứ điệp đang nằm trên chiếc chăn Sơ đang đắp tới thắt lưng. Tôi trao cho Sơ kính mắt và Sơ đã nhìn kỹ vào bản văn, không phải với một cái nhìn qua loa mệt mỏi, nhưng là đọc qua từng hàng. Trong giây lát này tôi đã có được một hình ảnh đẹp như là nhân chứng cho cuộc sống thánh thiện này. Một hồi lâu sau đó, khi Sơ Lucia xem xong bức thư, Sơ liền trao lại cho tôi. Sơ đã nằm yên tĩnh mãi cho tới giữa trưa. Có lần Sơ đã cố gắng như muốn nói điều gì đó, nhưng sức khỏe không còn cho phép nữa. Vào buổi sáng, bà bác sĩ cũng tới khám và vào 5 giờ chiều bà sẽ trở lại cùng với cô y- tá một lần nữa.

Vào giữa trưa, Sơ Lucia đã bắt đầu tiến gần «sự giải thoát.» Sức khỏe lại bắt đầu yếu dần và hơi thở trở nên khó khăn hơn, xem chừng hai lá phổi không còn có thể nạp đủ được dưỡng khí nữa. Sự ra đi của Sơ càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn. Khi bà bác sĩ trở lại vào khoảng trước 5 giờ chiều, tôi đã xin bà đừng tiêm vào người Sơ Lucia nữa. Bà bác sĩ trả lời: «Nhưng tôi có bổn phận phải làm tất cả cho tới cùng!» Tôi đồng ý với bà, nhưng tôi xin bà hãy để lương tâm tôi chịu trách nhiệm về điều đó. Tiếp đến, cô Y tá tới. Mọi người đến đúng 5 giờ chiều! Bấy giờ Đức Giám Mục cũng tới. Nhưng ngài vừa tới nơi, tôi đã nói với ngài là người chị em yêu quý của chúng tôi đang trên đường hồi hương trở về nhà Cha. Vâng, Sơ Lucia sắp ra đi về Thiên đàng, không còn hoài nghi gì nữa! Tất cả mọi chị em trong cộng đoàn Tu Viện được gọi tập trung về chiếc phòng nhỏ bé của Sơ Lucia. Đức Giám Mục hỏi bà bác sĩ là bà có nghĩ rằng chúng tôi đang chứng kiến một cuộc chiến đấu với tử thần. Nhưng đó là một cuộc chiến đấu thanh thản. Đức Giám Mục bắt đầu đọc các Kinh cầu cho kẻ đang hấp hối. Mọi người chúng tôi càng trở nên bồi hồi xúc động hơn, khi biết chắc là chúng tôi sắp sửa mất đi một kho báu vĩ đại. Khi những Lời Kinh chấm dứt, Đức Giám Mục đã bộc phát xướng lên những Lời Kinh cho người hấp hối và tất cả chúng tôi lặp lại:

• Xin Chúa Giêsu Kitô đón nhận con, vì con đã tận hiến đời con cho Người!

• Xin Đức Mẹ đón nhận con, Đấng sáng ngời hơn cả mặt trời và cũng là Đấng đã hiện ra với con!

• Xin Thánh Thiên Thần nước Bồ Đào Nha tiếp nhận con, Đấng đã hiện ra với con!

• Xin Chân Phước Phan-xi-cô tiếp nhận con, Đấng đã cùng con được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria!

• Xin Chân Phước Gia-xin-ta tiếp nhận con, Đấng đã cùng con được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria!

• v.v…

Thật hoàn toàn bất khả diễn tả được bầu không khí an bình, mà chúng tôi đã trải qua trong giờ phút linh thiêng đó. Vâng, trong giây phút đó, khi mà cái nhìn của Sơ Lucia ở đời này đã khép lại, thì nó lại được mở ra cho ánh sáng vĩnh cửu của Thiên Chúa. Và trong phút chốc không ai ngờ, thì đôi mắt thường đã được nhìn xem những sự vô hình, bỗng chốc mở ra và quan sát! Sơ Lucia đưa mắt nhìn tất cả chị em. Sau đó Sơ quay về phía phải và nhìn thẳng vào tôi. Tôi hoàn toàn bất lực để có thể diễn tả lại sự cao sâu của cái nhìn đó. Thật vô cùng ấn tượng. Tôi giơ tượng Thánh giá về phía Sơ và Sơ lại nhắm mắt lại. Đó là sự vĩnh biệt cuối cùng.

Sơ Maria Lucia từ giã cuộc sống hay chết đời này, để với sự nhanh nhẹn của tuổi thanh xuân vĩnh cửu «bước theo Con Chiên, nơi nào Con Chiên đi, và bắt đầu hát lên một bài ca mới!» Trên Thiên đàng ba trẻ chăn chiên sẽ đoàn tụ với nhau! Đó là 17giờ 25 chiều ngày 13.02.2005.

Mọi người đều muốn ở lại nơi đây, trong căn phòng bé nhỏ của Sơ Lucia, nơi mà trong tám tháng qua đã trở thành căn phòng của tất cả mọi chị em trong Dòng, trong căn phòng đã trở nên nhân chứng cho một cuộc sống đầy hy sinh, đầy đau khổ, đầy hiến dâng cho thế giới. Căn phòng này là thánh cung của những tâm giao giữa Sơ Lucia với Đức Mẹ, với Vị Lang Quân!... Căn phòng của một Nữ tu Các-men, nơi chôn dấu những bí mật, mà khi về Thiên đàng chúng ta mới có thể khám phá ra hết được…

Những ai từng quen biết cuộc sống hết sức đơn sơ giản dị của Sơ Lucia, sẽ không thể tưởng tượng được ngọn lửa luôn cháy rực trong con người thấp nhỏ và thanh nhã này. Sơ Lucia không bao giờ tự giới thiệu mình như một người thị kiến Đức Mẹ và Sơ không hề tự ý nói bất cứ điều gì về biến cố Fatima. Sơ nói là chính Gia-xin-ta là người đã phát biểu.

Và Đức Mẹ đã thường hiện đến trong Tu Viện với Sơ như thế nào? Chúng tôi chưa biết được. Nhưng có một ngày nọ, chính tôi đã chứng kiến một điều cho thấy rằng Sơ Lucia đã tiếp xúc với thế giới siêu nhiên cũng dễ dàng như với cuộc sống bình thường vậy. Số là vào ngày 26.05.2003, khi tôi và Sơ Lucia vào phía dưới Ca Tòa (nơi các Sơ hát kinh), để chụp một tấm hình Sơ với tượng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, mà có người vừa biếu tặng Tu Viện chúng tôi. Tấm hình tôi chụp đó, được in đính kèm đây.

Sau khi tôi đã chụp hình xong, Sơ Lucia vẫn còn chăm chăm nhìn vào bức tượng. Tôi cứ để Sơ được yên như thế. Nhưng sau đó, Sơ quay về phía tôi và nói đầy vẻ lo âu: «Đức Mẹ đang khóc!!!» Qua những lời nói đó, tôi đã cảm nhận được sự tinh tuyền đơn sơ của Sơ. Ôi! êm đềm hạnh phúc biết bao trong giây phút đó. Sơ Lucia - người đã được diễm phúc thị kiến những điều siêu nhiên vô hình và không bao giờ kể lại cho bất cứ ai về điều gì cả – đã tưởng rằng trong giây phút đó chính tôi cũng đã được thị kiến như Sơ. Phần tôi, tôi nghĩ rằng, câu nói chứng thực trên của Sơ cũng là một câu hỏi được đặt ra cho tôi, nên tôi đã trả lời Sơ: «Làm gì có chuyện đó». Khi nghe tôi nói thế, Sơ Lucia biết mình đã lỡ lời, và thái độ lúng túng của Sơ làm cho tôi có cảm tưởng như Sơ đã bị bắt quả tang tại trận một việc làm mà Sơ muốn dấu diếm, tương tự như một đứa bé bị mẹ nó bắt đang lấy trộm bánh kẹo vậy. Tôi rất trân trọng sự kiện này. Bấy giờ tôi thấy là không nên hỏi Sơ gì thêm nữa. Tôi đã giữ kỹ bí mật đó cho tới hôm nay. Tôi ao ước rằng bức tượng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ với cái nhìn đầy tình mẫu tử sẽ che chở cho thi hài của Sơ Lucia, mãi cho tới khi Sơ được chở tới nhà thờ Chánh Toà Coimbra.

Sơ Lucia được sinh ra vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi thân mẫu Sơ đã rước lễ xong. Vì thế Sơ thường nói là Sơ đã được rước lễ lần đầu trước khi sinh ra. Sơ qua đời vào Năm Thánh Thể và giờ đây Sơ yên nghỉ ngay sát bên cạnh Nhà Tạm trong Nguyện Đường Tu Viện chúng tôi, dưới ánh mắt nhìn của Đức Mẹ Fatima, của hai Chân Phước Phan-xi-cô và Gia-xin-ta. Sơ Lucia yên nghỉ trong hầm mộ số 3, một hầm mộ còn mới như hầm mộ đã an táng Chúa Giêsu xưa.

Sau khi tin tức về cuộc an táng của Sơ Lucia được loan đi, thì dòng thác những hoa nến đã không ngừng tuôn chảy về Tu Viện. Hàng ngày các thư từ gửi cho Sơ vẫn tiếp tục tới. Các thư đó được xếp vào trong một cái giỏ được đặt bên cạnh mộ của Sơ.

Thi hài Sơ Lucia đang được long trọng rước vào an táng trong Vương Thánh Đường Fatima
Giờ đây chúng ta hãy cùng tưởng nhớ đến hai người bạn, hai người con yêu của Mẹ Maria: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Sơ Maria Lucia. Hai Vị sẽ canh thức cho chúng ta nơi Bàn Tiệc vĩnh cửu. Trong Tu Viện, mỗi góc nhà là cả một kỷ niệm nhắc nhở đầy thương tiếc! Một nhắc nhở đến từng bước chân của Sơ: Hoặc là một bước đi nhẹ nhàng hay là một bước đi mệt mỏi do cuộc đời đầy tuổi tác gây ra! Đâu đây còn vọng lại giọng hát của Sơ, khi Sơ hát những bài hát tình ca về Đức Mẹ, đó là những bài mà Sơ đã hát khi còn là một đứa bé gái nhỏ, khi Sơ còn đi chăn chiên của gia đình Sơ. Tiếng vọng lại của bài hát Ave-Maria, mà Sơ đã từng âm thầm cầu nguyện. Như những nụ hồng non, Sơ đã dâng trọn tình yêu cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, Đấng đã rất sớm trạch tuyển Sơ cho riêng mình. Căn phòng của Sơ vẫn còn đó, dù không có sự hiện diện thể lý của Sơ; nhưng chứa đầy ắp kỷ niệm! Vâng, ở đây, trong căn phòng cô quạnh này, nơi đã từng xảy ra biết bao nhiêu điều tâm giao nghĩa thiết với Thiên Chúa. Bao nhiêu trang Sơ đã viết ra trong cuốn sách cuộc đời, một điều rồi đây chúng ta sẽ cảm nhận được trong nơi vĩnh cửu! Bao nhiêu ơn thánh Sơ đã nhận lãnh được nơi đây cho nhân loại qua sự hy sinh và lời cầu nguyện của Sơ! Nơi đây chúng tôi đã trải qua với Sơ trong những tháng ngày cuối cùng của đời Sơ – của một cuộc đời, mà chúng tôi đã được hân hạnh chia sẻ với bao yêu thương – đã cùng nhau bước lên những bậc cuối cùng của sự hoàn thiện, trên con đường Hư Không của ngọn núi Các-men! Vâng, đoạn tuyệt và lột bỏ hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc, ngay cả đến ý muốn riêng tư, để trở nên đứa bé trong bàn tay Thiên Chúa, hoàn toàn tận hiến cho Thánh Ý của Người. Nơi đây chúng tôi đã nhìn thấy Sơ từ từ tắt lịm dần, hầu như không ai để ý, nhẹ nhàng và âm thầm tựa làn hương trầm thơm tho thoảng bay! Nơi đây Sơ vẫn còn hiện diện, như một dấu ấn sáng chói với nhiều câu chuyện kể, và đó chính là câu chuyện của tình yêu.

Sơ thuộc về những kẻ bé nhỏ của Phúc Âm,

Dù rằng tuổi đời Sơ kéo dài nhiều năm tháng.

Đó là ân huệ lênh láng tựa nguồn pha lê,

Sơ vui mừng ca hát ngay cả khi đang sa lệ!

Cả đời Sơ luôn vâng chịu đau đớn thanh tao,

Dù Sơ chưa lên trời cao, nhưng ngày kia sẽ tới!

mãi tới lúc Sơ quay trở lại làm trẻ thơ,

Như xưa kia khi Sơ được nhìn trông thấy Mẹ.

Sơ trung thành tin tưởng tiếng trời cao,

Giã từ tấm thân đã mệt mỏi mòn hao,

Và Đức Mẹ đã đến chào rước Sơ đi.

Từ chốn Thiên đàng, Sơ sẽ chẳng hề quên ai,

Sơ theo dõi chúng ta bằng mỉm cười tươi thắm,

Cùng chúng ta Sơ nắm tay dẫn vào chốn Thiên đàng!


Sr. Maria Celina

Coimbra, Carmelo der Santa Teresa, 13.05.2005(*)

Tòa Thánh Vatican đã bắt đầu tiến hành thủ tục phong Chân Phước cho Sơ Lucia

Vatican city: 13.2.2008 – Theo tin tức của Thông tấn xã AP cho hay thì Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, trong Thánh Lễ chiều thứ tư vừa qua tại Coimbra, Bồ Đáo Nha, đã loan báo tin ĐTC Bênêđíctô XVI đã chấp thuận việc tiến hành thủ tục phong Chân Phước cho Sơ Lucia, một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917 tại Fatima thuộc nước Bồ Đào Nha. Sơ Lucia tạ thế vào năm 2005, hưởng thọ 97 tuổi. Theo thủ tục thông thường, thời hạn để được cứu xét phong Chân Phước là 5 năm, nhưng trường hợp của Sơ Lucia, cũng giống như trường hợp Mẹ Têrêxa Calcutta và Đức Gioan Phaolô II, đã được Đức Giáo Hoàng đặc miễn.

Tên thật của Sơ Lucia trong giấy khai sinh là Lucia de Jesus dos Santos. Sau khi tạ thế, Sơ Lucia được an táng tại Tu Viện của các Sơ Dòng Kín Carmelô ở Coimbra là nơi Sơ đã sinh sống từ năm 1948. Sau đó, thi thể của Sơ được di dời về chôn trong Vương Cung Thánh Đường Fatima, bên cạnh mộ của các Chân Phước Gia-xin-ta và Phan-xi-cô, là hai Chân Phước đã cùng với Sơ Lucia được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

______________________

(*) Sr. Maria Celina de Jesus Crucificado OCD: „Schwester Lucia: Die Erinnerung, die wir von ihr haben“, nhà xuất bản Carmelo de Coimbra, Secretariado dos Pastorinhos, 2. Ausgabe - September 2006, trang 42-47.
 
Tượng Trái Tim Cực Thánh Chúa ở Madrid bị phá hủy
Peter Nguyễn Minh Trung
15:25 31/07/2008
MADRID (CNA) - Tuần trước, một nhóm tội phạm chưa xác định được danh tính đã chặt lìa đầu của bức tượng mang tên Trái Tim Cực Thánh được đặt tại khu vườn của tu viện San Antionio de la Florida ở Madrid, Tây Ban Nha, nơi sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011.

Tu viện San Antionio de la Florida ở Madrid
Theo nhật báo Tây Ban Nha "La Razon", bức tượng cao gần 5 foot vừa bị phá hủy tuần trước là bản sao của bức tượng nổi tiếng từng nằm trên đỉnh của Cerro de los Angeles tại Madrid. Bức tượng mới bị chặt đi phần đầu ấy được làm từ những mẫu đá còn sót lại từ bức tượng gốc bị phá hủy trong thời gian nội chiến Tây Ban Nha.

Ông Alejandro Diaz, thư ký của giáo xứ cho biết: "Vào hôm thứ ba khi các tín hữu đến tham dự thánh lễ vào buổi sáng, họ phát hiện thấy bức tượng đã nằm trên mặt đất. Từ những lẽ đó suy ra cho chúng ta thấy, vụ phá hoại chắc chắn xảy ra trong khoảng từ đêm thứ hai cho đến sáng sớm thứ ba mà thôi."

Ông Diaz cũng cho biết thêm rằng những kẻ tấn công đã đập nát phần bệ bức tượng thành từng mảnh trước khi chặt đầu và phá hủy bức tượng.
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Phản ứng từ Anh Quốc
Vũ Văn An
22:59 31/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Phản ứng từ Anh Quốc

Sophie Caldecott là một sinh viên Văn Chương Anh tại Đại Học Durham. Cô tham dự WYD theo nhóm hành hương của Nhà Nguyện Oxford. Bài cảm nhận của cô sau đây được đăng trên tờ The Catholic Herald bên Anh và tạp chí Second Spring do Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Thomas Moore ấn hành.

Hai tuần trước đây, hơn 223,000 người Công Giáo tụ tập nhau tại Sydney để cử hành niềm tin chung của họ trong một biến cố lớn nhất xưa nay tại Úc, tức Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD).

WYD 2008
Bất chấp sự kiện hầu như ngõ ngách nào của thế giới cũng cử đại biểu tới tham dự biến cố hết sức năng động này, bất chấp bầu không khí hết sức phấn chấn, đầy năng lực và yêu thương, và bất chấp những buổi thuyết trình đầy thích thú, giới truyền thông Anh lại chỉ chú tâm tới một nhóm phản đối tương đối hết sức nhỏ nhoi, nhóm người hết sức cố gắng trong việc gióng lên lời phản đối của họ đối với Giáo Hội Công Giáo.

Góc độ mà giới truyền thông ấy xoay quanh xem ra hết sức phi lý đối với những ai có mặt tại nơi, hòa mình vào ca hát nhẩy múa trong một đám đông muôn mầu muôn sắc. Và họ không phải là bất cứ đám đông nào, những đám đông mà ở nơi khác và vì những lý do khác người trẻ của thế giới thường tụ họp nhau để say sưa hay ma túy, ở đây họ tụ họp nhau trong một phong cách ân cần và thân hữu đối với nhau, đầy hân hoan, phấn chấn và không chỉ nghĩ về mình. Rõ ràng họ là một cái gì khác, một cái gì hết sức độc đáo và hấp dẫn mà giới truyền thông kia đã thất bại không nắm bắt được, một cái gì chẳng ăn uống chi với những người phản đối.

Những người phản đối muốn sự hiện diện của mình được người ta nhận ra chung quanh các biến cố của Ngày Giới Trẻ Thế Giới có thể chia thành các nhóm chính sau đây: các đại biểu của cộng đồng đồng tính luyến ái, những người nổi giận vì các trường hợp lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, những người vô thần cố gắng ‘giáo dục các tín hữu ngu dốt’, những người Thệ Phản vốn tin rằng Giáo Hội Công Giáo là ‘con điếm Babylon’ và những người tin rằng áo mưa là giải pháp duy nhất chống bệnh AIDS.

WYD 2008
Kiến thức hời hợt của một số người phản đối đang trương biểu ngữ và đứng ngắm các thanh thiếu niên Công Giáo diễn hành qua kia có lẽ không thể đoán ra phản ứng của đám đông này, nhưng rõ ràng họ sẵn sàng chờ đợi phản ứng tệ. Ấy thế nhưng, thay vì nhục mạ, những người mang cờ Cầu Vồng với hàng chữ “Đồng tính, Tự do, Hạnh phúc” lại nhận được những cái vẫy tay hoan hô và mỉm cười rạng rỡ, trong khi không thiếu người cho rằng những người phản đối đang trương các biểu ngữ với hàng chữ “Hãy nghĩ kỹ: Đừng làm Đoàn Cừu” thực sự là người Công Giáo, và là một thành phần của quần chúng WYD.

Phải một lúc lâu chúng tôi mới nhận ra những tờ truyền đơn người ta trao tận tay khi chúng tôi vừa bước ra khỏi một trạm xe lửa, những tờ truyền đơn nói rằng ta được ơn thánh Chúa cứu độ, chứ không nhờ việc làm tốt, thực ra không phải của anh em Công Giáo đồng đạo mà là của anh em Baptist, những người quan tâm tới linh hồn chúng tôi.

WYD 2008
Ngược với sự dự đóan của quảng đại quần chúng và có lẽ của những người ban hành các khoản luật về “quấy rầy” (annoyance), rất nhiều bạn trẻ tham dự WYD thích có dịp được thảo luận cách thân hữu với những người gặp trên hè phố vốn hiểu sai lạc về Giáo Hội Công Giáo và các giáo huấn của Giáo Hội này.

Chúng tôi rất muốn có nhiều thì giờ hơn để nói truyện với các người phản đối, hòng đề cập tới gốc rễ sự tức giận của họ và chia sẻ với họ quan điểm của chúng tôi. Bất hạnh thay, thu gọn ý kiến vào một khẩu hiệu trên áo thung hay một biểu ngữ ít khi có thể là phương thế thích đáng để nói lên một ý kiến.

Trong suốt tuần WYD, một diễn giả, ông Christopher West, đã trình bầy một loạt bài về Nền Thần Học Thân Xác của Đức Gioan Phaolô II. Khi lắng nghe ông, chúng tôi không thể cầm được nước mắt, mong sao những người chỉ trích Giáo Hội nghe được giáo huấn này.

Giáo huấn này không phải là một mớ luật lệ độc đoán, có tính áp chế như phần lớn người ta hay nghĩ. Nó là giáo huấn của tự do, của yêu thương và hợp luận lý. Đây là sự thật mà toàn thế giới đang tìm kiếm, đang tuyệt vọng khao khát, dù họ có nhìn nhận hoàn toàn hay không.

WYD 2008
Đức Gioan Phaolô II cho thấy các thiếu sót của nền tư duy hiện đại về tính dục, trong khi giải đáp khát vọng sâu xa muốn được yêu thương, một khát vọng hết thẩy chúng ta đều cảm nhận được, bằng cách đưa ta trở về với giáo huấn muôn thuở của Giáo Hội trong dòng lịch sử, một giáo huấn cho rằng con người có phẩm giá nội tại, rằng ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa, trong tư cách những người đàn ông và những người đàn bà được chính Người coi là ‘rất tốt lành’.

Tôi trở nên xác tín sâu xa rằng cùng với các thành viên khác của Giáo Hội, tôi được mời gọi làm nhân chứng cho Chúa Kitô để giải đáp khát vọng mà thế giới đang cảm nghiệm. Như ông West đã trình bầy, bạn chỉ buồn nôn bao lâu rúc đầu ngốn nghiến rác thối mà thôi. Thế giới này đã rúc đầu ngốn nghiến rác rưởi từ lâu, nó cần được dẫn lối tìm đến những buổi tiệc cưới linh đình.

Đức Bênêđíctô XVI ủy nhiệm cho người trẻ chúng ta làm chứng nhân can đảm của Chúa Kitô cho đến mốc tận cùng thế giới, biết cầu nguyện cho một lễ Hiện Xuống mới và một tuôn trào mới ơn Chúa Thánh Thần. Bản thân tôi, tôi xác tín rằng Thần Học Thân Xác của Đức Gioan Phaolô II là chìa khóa giúp tôi thực hiện điều ấy.

Tham dự WYD là cảm nghiệm Giáo Hội trong nét huy hoàng chói lọi và năng lực tươi trẻ của Giáo Hội. Mầu cờ muôn nước ở Sydney trong tuần lễ WYD cho thấy tính phổ quát của Giáo Hội, cho thấy con cái Giáo Hội, nhờ được các bí tích nuôi dưỡng, đã sống và thở như một cơ thể trong Chúa Kitô.

Lý do khiến thế giới thế tục không nhận ra trọng điểm của WYD có lẽ vì không có Chúa Kitô, nhân loại không tìm ra đường hiệp nhất nhau trong sự thật và trong yêu thương.

WYD 2008
Niềm vui lớn được giới trẻ Công Giáo thế giới dùng để chào mừng Đức Bênêđíctô XVI chứng tỏ rằng Giáo Hội không những sống động và đang lớn mạnh, mà còn sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần đang lên tiếng qua miệng người kế vị Thánh Phêrô.

Truyền thông thế tục buộc phải tập chú vào những người phản đối mà bỏ qua trọng điểm đích thực của WYD, vì họ không biết phải làm gì với những lời lẽ mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng nói với người trẻ đầy kỳ vọng của Giáo Hội: “Thế giới chúng ta đã trở nên rã rời vì tham lam, áp bức và chia rẽ, tẻ ngắt vì thần tượng giả dối và những giải pháp rời rạc, và đau đớn vì những hứa hẹn lừa phỉnh. Tâm trí chúng ta khao khát một cái nhìn về cuộc đời trong đó yêu thương được bền vững, ơn phúc được sẻ chia, hiệp nhất được xây đắp, tự do tìm được ý nghĩa trong sự thật, và bản sắc được tìm thấy nơi hiệp thông đầy kính trọng. Đó mới chính là công trình Chúa Thánh Thần! Đó mới là niềm hy vọng do Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô mang lại. Chính để làm chứng cho thực tại ấy mà các con đã được tạo dựng như mới trong phép rửa và được củng cố nhờ ơn Chúa Thánh Thần trong phép thêm sức. Chớ chi đó là sứ điệp các con sẽ từ Sydney mang đến cho thế giới!” (Diễn văn tại Barangaroo, Sydney, ngày 17 tháng Bẩy).
 
Top Stories
Catholics Fear Obama Considering Pro-Abortion Catholic Veep
Fidelis
09:36 31/07/2008
CHICAGO, July 29, 2008 - Catholic voters attuned to speculation over possible vice presidential candidates are expressing concern over reports that Senator Barack Obama is seriously considering a pro-abortion Catholic as his running mate. According to Fidelis, a national Catholic based advocacy group, such a choice would represent a major insult to Catholic voters who are still evaluating his candidacy.

"The choice of a pro-abortion Catholic for vice president would deal a major blow to any efforts by the Obama campaign to reach out to Catholic voters," said Brian Burch, President of Fidelis. "Both the bishops and the laity continue to wrestle with the scandal of prominent Catholic politicians who support abortion, and the choice of a pro-abortion Catholic running mate would amount to scratching at a deep and festering wound in the American Catholic Church."

Most recently, Virginia Governor Tim Kaine has been discussed as a good fit for Obama given his Catholic faith and purported "pro-life" views.

"Tim Kaine deserves some credit for supporting a ban on partial birth abortion, but he has also made clear that he is totally committed to protecting the right to kill unborn children, in direct opposition to his Church," said Burch.

"Opposing the barbaric practice of infanticide is better than Barack Obama, but it hardly qualifies one as pro-life," said Burch. "Sadly Kaine represents yet another politician who professes to be 'personally opposed' yet refuses to back any meaningful efforts to stop abortion in America."

Kansas Governor Kathleen Sebelius also has received attention as a possible running mate, yet her own Bishop recently asked that she refrain from receiving communion because of her heavy handed opposition to any effort to protect women and children from the tragedy of abortion. The Catholic governor was also recently exposed for hosting notorious late term abortion doctor George Tiller at the governor's mansion.

Separately, Senators Joe Biden and Chris Dodd have both been mentioned as possible vice presidential picks. Both Senators are notorious supporters of abortion with consistent voting records in support of abortion. Dodd also recently insulted millions of Catholics by receiving communion during the papal mass celebrated by Benedict XVI.

"Given his position on abortion, everyone expects Senator Obama to select a pro-abortion vice presidential candidate. But the choice of a Catholic who publicly rejects the teachings of their faith on this 'foundational' issue could be disastrous," said Burch. "Just ask John Kerry or Rudy Giuliani."

(Source: Fidelis)
 
Vatican official: Anglican Communion must stay true to Scriptures
Catholic News Service
09:38 31/07/2008
VATICAN CITY (CNS) -- The Anglican Communion needs to find a way to affirm the dignity of all people and encourage the active role of women in the church while remaining faithful to the Christian tradition and Scriptures, said Cardinal Walter Kasper.

The cardinal, president of the Pontifical Council for Promoting Christian Unity, spoke July 30 at a session for bishops attending the Anglican Communion's Lambeth Conference, which is held once every 10 years, in England.

Offering "Roman Catholic Reflections on the Anglican Communion," the cardinal told the bishops he spoke "as a friend" representing a church committed to dialogue with Anglicans and praying that the Anglican Communion does not split as a result of differences over ordaining women and over homosexuality.

The ordination of women bishops, the blessing of same-sex unions and the ordination of an openly gay bishop in some Anglican provinces are seen as practices that will make Roman Catholic-Anglican unity impossible, in addition to straining relations among Anglicans.

The text of his presentation was published in the Vatican newspaper, L'Osservatore Romano.

In his address, the cardinal said, "We hope that we will not be drawn apart, and that we will be able to remain in serious dialogue in search of full unity so that the world may believe."

Cardinal Kasper told the bishops, "It is a strength of Anglicanism that even in the midst of difficult circumstances, you have sought the views and perspectives of your ecumenical partners, even when you have not always particularly rejoiced in what we have said."

He said even as the Roman Catholic Church prays that Anglicans will find ways to strengthen their communion the bishops must remember that what is at stake "is nothing other than our faithfulness to Christ himself."

The Catholic Church is convinced that its teaching that homosexual activity is sinful "is well-founded in the Old and in the New Testament" as well as in the tradition of Christianity, he said.

And, Cardinal Kasper said, the popes have made it very clear to Anglican leaders that the Roman Catholic Church is convinced that because Jesus chose only men to be his apostles the church has no authority to ordain women.

"The Catholic Church finds herself bound by the will of Jesus Christ and does not feel free to establish a new tradition alien to the tradition of the church of all ages," the cardinal told the bishops.

The ordination of women priests in many Anglican provinces and the authorization for women bishops in several provinces means "the Catholic Church must now take account of the reality that the ordination of women to the priesthood and the episcopate is not only a matter of isolated provinces, but that this is increasingly the stance of the communion," he said.

Cardinal Kasper told the bishops that he had to be clear about the impact those decisions would have on Roman Catholic-Anglican relations.

"While our dialogue has led to significant agreement on the understanding of ministry, the ordination of women to the episcopate effectively and definitively blocks a possible recognition of Anglican orders by the Catholic Church," he said.

"It now seems that full visible communion as the aim of our dialogue has receded further," he said.

The dialogue will continue and "could still lead to good results," the cardinal said, but "it would not be sustained by the dynamism which arises from the realistic possibility of the unity Christ asks of us, or the shared partaking of the one Lord's table, for which we so earnestly long."

The cardinal also said the tensions and possible fractures created within the Anglican Communion by differences over women's ordination and homosexuality raise real questions for the Roman Catholic Church, including "Should we, and how can we, appropriately and honestly, engage in conversations" with traditionalist Anglicans while maintaining a dialogue with the Anglican Communion as a whole?

Cardinal Kasper repeated a hope expressed by Pope Benedict XVI that members of the Anglican Communion would find a way forward that would allow them to respond to modern concerns while remaining united among themselves, faithful to the Scriptures and Christian tradition.

In an apparent reference to the desire to affirm the equal dignity of women and men and of heterosexuals and homosexuals, the cardinal said the Catholic Church was not asking the Anglican Communion to renounce "your deep attentiveness to human challenges and struggles, your desire for human dignity and justice (or) your concern with the active role of all women and men in the church."

But, the cardinal said, responding to challenges posed by modern sensitivities requires solutions that are clearly in line with the teaching of the Gospel and the constant tradition recognized not only by Roman Catholics, but also by the Orthodox and Oriental Orthodox as well.

The Lambeth Conference, which started in mid-July, runs until Aug. 3.
 
Vatican giving ''serious attention'' to the proposal of union request from Anglicans
Zenit
11:03 31/07/2008
VATICAN CITY, JULY 30, 2008 - The Holy See is following with "serious attention" the request from the Traditional Anglican Communion for "full, corporate, sacramental union" with Rome.

This was affirmed by the prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, Cardinal William Levada, in a July 5 letter to the primate of the Anglican group, Archbishop John Hepworth.

The letter was written before the beginning of the Lambeth Conference, the once-a-decade gathering of Anglican leaders that is under way in England through Aug. 4. The Lambeth Conference is facing unprecedented controversy, and some bishops boycotted it altogether.

The conflict within the Communion has arisen over debate about the possibility of ordaining homosexual bishops and blessing homosexual marriages. A synod decision this summer to pave the way for the episcopal ordination of women has further alienated some Anglican leaders, many of whom were in disagreement with the Communion's decision to ordain women as priests.

According to Cardinal Levada's letter, "over the course of the past year, the Congregation for the Doctrine of the Faith has studied the proposals which you presented on behalf of the House of Bishops of the Traditional Anglican Communion during your visit to the offices of this dicastery on Oct. 9, 2007."

"As the summer months approach, I wish to assure you the serious attention which the congregation gives to the prospect of corporate unity raised in that letter," the cardinal added.

The Traditional Anglican Communion states that its aim is "to recall Anglicanism to its heritage, to heal divisions caused by departures from the faith, and to build a vibrant church for the future based on powerful local leadership." By some counts, it has about 400,000 faithful. If the request for "corporate union" is deemed possible, it would imply the entrance of entire parish communities into communion with Rome.

Cardinal Levada acknowledged that "the situation within the Anglican Communion in general has become markedly more complex" since the Traditional Anglican Communion's request was originally made.

He affirmed that "as soon as the congregation is in position to respond more definitely concerning the proposals you have sent, we will inform you."

The Anglican primate received the letter via the apostolic nuncio in Australia last Friday.

He immediately made public a note expressing his gratitude for the Vatican message.

"It is a letter of warmth and encouragement," he said. "I have responded, expressing my gratitude on behalf of 'my brother bishops,' reaffirming our determination to achieve the unity for which Jesus prayed with such intensity at the Last Supper, no matter what the personal cost this might mean in our discipleship."

"This letter should encourage our entire Communion, and those friends who have been assisting us," Archbishop Hepworth added. "It should also spur us to renewed prayer for the Holy Father, for Cardinal Levada and his staff at the Congregation for the Doctrine of the Faith, and for all our clergy and people as we move to ever closer communion in Christ with the Holy See."
 
Phoenix lander confirms ice in Martian soil
AP
22:16 31/07/2008
LOS ANGELES - The Phoenix spacecraft has tasted Martian water for the first time, scientists reported Thursday. By melting icy soil in one of its lab instruments, the robot confirmed the presence of frozen water lurking below the Martian permafrost. Until now, evidence of ice in Mars' north pole region has been largely circumstantial.

Robotic Arm on NASA's Phoenix Mars Lander
In 2002, the orbiting Odyssey spacecraft spied what looked like a reservoir of buried ice. After Phoenix arrived, it found what looked like ice in a hard patch underneath its landing site and changes in a trench indicated some ice had turned to gas when exposed to the sun.

Scientists popped open champagne when they received confirmation Wednesday that the soil contained ice.

"We've now finally touched it and tasted it," William Boynton of the University of Arizona said during a news conference in Tucson on Thursday. "From my standpoint, it tastes very fine."

Phoenix landed on Mars on May 25 on a three-month hunt to determine if it could support life. It is conducting experiments to learn whether the ice ever melted in the red planet's history that could have led to a more hospitable environment. It is also searching for the elusive organic-based compounds essential for simple life forms to emerge.

The ice confirmation earlier this week was accidental. After two failed attempts to deliver ice-rich soil to one of Phoenix's eight lab ovens, researchers decided to collect pure soil instead. Surprisingly, the sample was mixed with a little bit of ice, said Boynton, who heads the oven instrument.

Researchers were able to prove the soil had ice in it because it melted in the oven at 32 degrees — the melting point of ice — and released water molecules. Plans called for baking the soil at even higher temperatures next week to sniff for carbon-based compounds.

The latest scientific finding is the first piece of good news for a mission that has been dogged by difficulties in recent weeks.

An electrical short on one of Phoenix's test ovens threatened the instrument, but scientists said the problem has not recurred. The lander, which spent the past several weeks drilling into the hard ice, also had trouble delivering ice shavings into an oven until the success this week.

NASA said Phoenix has achieved minimum success thus far. The space agency on Thursday announced that it would extend the mission for an extra five weeks until the end of September, adding $2 million more to the $420 million price tag, said Michael Meyer, Mars chief scientist at NASA headquarters.

Unlike the twin rovers roaming near the Martian equator, Phoenix's lifetime cannot be extended much more because it likely won't have enough power to survive the Martian winter

The science team also released a color panorama of Phoenix's landing site using more than 400 images taken by Phoenix. The view "was painstakingly stitched together," said Mark Lemmon of Texas A&M University, who headed the effort.

The portrait revealed a Martian surface that was coated with dust and dotted with rocks.

(Source: Alicia Chang, AP Science Writer)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đôi Dòng Lịch Sử về GX Nam Lỗ, GP Thái Bình, dịp Kỷ Niệm 100 năm
Lm. Dom Nguyễn Văn Quát
00:01 31/07/2008
KỶ NIỆM BÁCH CHU NIÊN THÀNH LẬP GIÁO XỨ 1908 – 2008


GIÁO XỨ NAM LỖ


Nhờ Thờ GX Nam Lỗ
Giáo xứ Nam Lỗ gồm 13 ngôi nhà thờ lớn nhỏ, nằm trên phần đất của 6 xã thuộc huyện Đông Hưng và 1 xã thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Nhà thờ chính của giáo xứ tọa lạc giữa một làng dân cư nhỏ bé, yên tĩnh trên một cánh đồng lúa mênh mông. Khúc sông Tiên Hưng uốn mình bao bọc lấy ngôi làng thân thương này. Đây là ngôi nhà thờ mẹ, nơi quy tụ của cộng đoàn giáo xứ và được gọi với cái tên thật dễ thương: Nam Lỗ.

Nhà thờ Nam Lỗ cách TP Thái Bình khoảng 20 Km về phía Bắc; trên quốc lộ 39A đường Thái Bình đi Hưng Yên, từ cột mốc Km70 đi vào chừng 5 cây số.

I - MẤY DÒNG LƯỢC SỬ

Nhà thờ Nam Lỗ tọa lạc trên phần đất của trại Đồng My hay còn gọi là Đồng Mư, thuộc làng Sổ, tổng Cao Mỗ, huyện Thần Khê, tỉnh Thái Bình. Vì thế, người ta thường gọi xứ Nam Lỗ là xứ Sổ và Nhà thờ xứ Nam Lỗ là Nhà thờ Đồng My hay Đồng Mư.

Năm 1722, họ giáo trại Đồng Mư, Làng Sổ được thành lập, với tên gọi Họ giáo Sổ, thuộc về xứ Sa Cát. Sau 186 năm thăng trầm, họ giáo Sổ đã được nâng lên hàng Giáo xứ và cùng với các họ lân cận thành một giáo xứ mới. Các Đấng Bản quyền đã đặt tên xứ mới này là xứ Nam Lỗ.

Theo tài liệu nghiên cứu của Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm thì: Nam Lỗ là tên rất đặc biệt mà Đức Cha Pierre Munagorri Y Obenita, tên Việt Nam của Ngài là Trung (Đức Cha Pierre Munagorri Y Obenita Trung, gốc Người Tây Ban Nha), cai quản Giáo Phận Bùi Chu từ Nam 1907 đến 1936 đã chọn. (Chú thích: Nam 1908, lúc bấy giờ Giáo Xứ Nam Lỗ còn đang trực thuộc vào Giáo Phận Bùi Chu. Ngày 09 Tháng 3 Năm 1936, Giáo Phận Thái Bình mới được thành lập và tách rời khỏi Giáo Phận Bùi Chu. Đức Cha Casado Thuận là Giám Mục tiên khởi của Thái Bình).

Cha Pierre Munagorri Y Obenita, khi còn là Linh Mục và còn trẻ được Nhà Dòng gửi sang Á Châu truyền giáo, trên đường từ Tây Ban Nha đi đến Việt Nam, Cha Pierre Munagorri Y Obenita đã có dịp đến Nước Tàu (tức Trung Quốc ngày nay) vài tháng. Sau đó đến Việt Nam để thực thi sứ mạng truyền giáo và làm việc mục vụ, Ngài đã lấy tên Việt Nam là Trung.

Năm 1907, Cha Pierre Munagorri Y Obenita Trung được Toà Thánh đề cử lên làm Gám Mục và đặt Ngài cai quản Giáo Phận Bùi Chu (kế vị Đức Cha Maxime Fernandez Định, 1987-1907). Đức Cha Trung duyệt xét lại phần địa dư và phạm vi mục vụ của toàn Giáo Phận thì thấy Sa Cát là một giáo xứ lớn, và có quá nhiều giáo họ lẻ, trong đó có giáo họ lẻ tại Làng Sổ nằm trên mảnh đất Đồng My có đông giáo dân hơn cả và nhiều họ lẻ nhỏ khác chung quanh - Ngài đã quyết định tách biệt Giáo Họ Sổ và những họ lẻ ấy ra thành một Giáo Xứ mới l?y tên là Nam L?.

Đức Cha Trung đích thân đến viếng thăm và nghiên cứu về giáo họ lẻ Làng Sổ và các họ lẻ lân cận này trong 3 ngày. Thời bấy giờ, không có xe ô tô, Đức Cha và Phái Đoàn Phòng Bộ phải đi xa cả ngày đường từ Bi Chu và đến Làng Sổ thì trời vừa tối. Ngài lưu lại đó 1 ngày và 2 đêm. (Chuyến đi trong 3 ngày, gồm 1 ngày đi, rồi ở lại Làng Sổ 2 đêm và 1 ngày, và 1 ngày đi bộ trở về Bùi Chu). Qua 2 đêm, sau các bữa cơm tối, Ngài đi dạo vòng quanh bên ngoài để cầu nguyện. Đức Cha Trung chiêm ngắm bầu trời đẹp với muôn ngàn tinh tú, trăng sao, nhất là nhìn lên Chùm Sao Bắc Đẩu, rồi Ngài nhớ lại lịch sử truyền giáo của Nước Tàu, trong đó có phần đất của Nước Lỗ (cũ) mà Cha Mettéo Ricci, Dòng Tên, xưa kia đã đặt chân đến truyền giáo rất thành công.

Đứng bên bờ sông Tiên Hưng, nơi mảnh đất của làng Kinh Môn (Cửa Đền Vua Nước Trời), hướng lên Chùm Sao Bắc Đẩu -Ngài nhìn về phía Bắc là Nước Lỗ, Ngài cũng nhìn về Làng Sổ có phần đất Đồng My đang nằm ở phía Nam, nên trong ý định của Ngài - Ngài đã quyết định đặt tên Giáo Xứ mới này là GIÁO XỨ NAM LỖ (tức là phía Nam của Nước Lỗ). Như vậy, chúng ta đã có tên lịch sử của Giáo Xứ Nam Lỗ là phần đất truyền giáo mới, phía Nam của Nước Lỗ. (Theo Lm. Joseph Nguyễn Thanh Liêm, chuyển ngữ sang Tiếng Việt từ Sách “Histoire du Vietnam” của Delliviers, Un mandarin catholique de 32ans, Trang 263, Quyển IV, reputé pour sa parfaile intégrité, sa compétence et son intelligence, Số kiểm duyệt: 0.00.599708.9. Giấy phép xuất bản số: 0.225.66350.3, Tái xuất bản tại Rome, 25-3-1945, Sách đang được lưu giữ trong Thư Viện Madrid Libreria –Spain).

Năm 1955, do sự phân chia lại địa lý hành chính, trại Đồng My và trại Đồng Cừ tách khỏi Làng Sổ (Xã Chương Dương) và sát nhập vào Xã Hợp Tiến (Làng Ngói). Đồng My ngày nay là Thôn Ai Quốc, Xã Hợp Tiến, Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình.
Đại Lễ Kỷ Niệm 100 năm


II - HẠT GIỐNG TIN MỪNG

Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất này khá sớm. Theo sử liệu, năm 1722 nơi đây đã thành một họ đạo, Họ Sổ thuộc xứ Sa Cát. Rồi Tin Mừng lan tỏa theo thời gian, các họ đạo xung quanh dần dần được hình thành.

Năm 1908, cùng với sự trưởng thành của các giáo họ chung quanh thì Giáo Họ Sổ là lớn nhất và đã đủ để bước lên hàng giáo xứ. Đức Cha Trung đã tách 17 họ lẻ khỏi Giáo Xứ Sa Cát và thành lập nên Giáo Xứ Nam Lỗ, đồng thời đặt Cha Phêrô Trứ làm Cha Xứ tiên khởi.

Theo sử ký Địa phận Trung xuất bản năm 1916 (gồm Bùi Chu và Thái Bình ngày nay) thì giáo xứ Nam Lỗ có 17 họ lẻ: 10 họ bổn đạo gốc và 7 họ bổn đạo mới, với tổng số 1197 giáo dân.

Sau đây là đoạn trích nguyên văn về giáo xứ Nam Lỗ năm 1916:

XỨ NAM LỖ

Xứ này trước thuộc về xứ Sa Cát, Đức Cha Trung mới biệt ra từ năm 1908.

Thầy cả coi sóc xứ thì trước có cụ Trứ, rồi đến cụ Thiêm đang coi sóc bây giờ.

Xứ này gồm lại 10 họ Bổn đạo gốc và 7 họ Bổn đạo mới, các họ ấy về 13 xã.

Các họ về xứ này:

Tên họ Quan thầy Nhân danh

Nam Lỗ Đức bà Rosa 521

Duyên Tục Ông thánh Augustin 186

Kinh Môn Ông thánh Phêrô 135

An Lạc Làng Đức Bà lên 3 tuổi 235

Lũ Đăng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi 81

Cổ Khúc Đức Bà Bảy Sự 115

Duyên Trang Ông thánh Phanxicô 120

An Lạc Trại Ông thánh Vincentê 154

Cổ Cốc Ông thánh Tômasô 61

Họ Phạm Ông thánh Gioachim 38

Sổ Làng Bổn đạo mới 54

Thổ Khối Bổn đạo mới 30

An Thái Bổn đạo mới 33

Phú Điền Bổn đạo mới 10

Lộ Xá Bổn đạo mới 08

Hoàng Nông Bổn đạo mới 08

Kim Ngọc Bổn đạo mới 11

Cộng 1197

Các ông dòng bà dòng về xứ này được 84 người.

Năm 1929, Đức cha Trung đã nâng họ Duyên Tục lên hàng Giáo xứ, và cắt họ Duyên Trang về xứ mới này.

Năm 1930, họ giáo Y Đún được thành lập, và nhân thánh Têrêsa Hài Đồng Jêsu làm bổn mạng.

Năm 1948, Đền Đức Mẹ Fatima được xây dựng tại Khu Sốc thuộc họ Nhà xứ.

Biến cố năm 1954, một phần lớn giáo dân của xứ di cư vào miền Nam. Số giáo dân còn lại thưa thớt, lại gặp những năm tháng chiến tranh và khó khăn, một vài họ bị xóa sổ.

Sau năm 1975, một số giáo dân vì kế sinh nhai, lại tiếp tục vào các tỉnh phía Nam để sinh sống, giáo xứ lại bớt đi một số người.

Năm 1978, ngôi nhà thờ họ Kinh Môn bị tháo dỡ. Nay chỉ còn một khu đất nền nhà thờ trước đây làm vết tích. Số diện tích xung quanh nhà thờ của họ giáo này đã bị san ủi thành ruộng cấy.

III - CÁC LINH MỤC COI SÓC GIÁO XỨ

Từ ngày thành lập giáo xứ, Nam lỗ luôn được các cha trông coi phục vụ. Khi thì trực tiếp, lúc thì gián tiếp. Bao ân tình sâu nặng, bao kỷ niệm êm đềm, bao thành quả vật chất và tinh thần mà các Ngài để lại.

Hôm nay nhìn lại, từ ngày ấy,100 năm qua đã có 12 linh mục coi sóc xứ này:

1. Từ năm 1908 đến 1914: cha Phêrô Trứ, cha xứ tiên khởi. Người xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ.

2. Từ năm 1915 đến 1928: cha Phêrô Thiêm coi sóc.

3. Từ năm 1929 đến 1935: cha Thôma Vũ Nguyên Sùng.

4. Từ năm 1936 đến 1945: cha già Giuse Khuông coi sóc.

5. Từ 10-1945 đến 8-1954: cha Giuse Phạm Hữu Đoàn coi sóc.

Sau khi cha Đoàn vào Nam, giáo xứ trống vắng. Đức cố giám mục Đaminh Đinh Đức Trụ bấy giờ là Giám quản giáo phận, gián tiếp trông coi giáo xứ, với sự cộng tác của cha già Sùng. Từ đây giáo xứ không còn cha xứ trực tiếp trông nom.

6. Từ 11-1955 đến 10-1960: cha Vinhsơn Nguyễn Khắc Hiếu, cha xứ An Lập, phụ trách.

7. Từ 11-1960 đến 5-1973: cha Gioachim Trần Trọng Uyên từ chủng viện Mỹ Đức, phụ trách.

8. Từ 5-1973 đến 5-1978: cha Gioan B. Phạm Ngọc Châu cũng từ Mỹ Đức, phụ trách.

9. Từ 5-1978 đến 4-1996: cha chính Giuse Bùi Văn Cẩm từ Mỹ Đức, phụ trách.

10. Từ 4-1996 đến 6-2001: cha Giuse Trần Đức Hạnh chánh xứ Thuần túy, phụ trách.

11. Từ 6-2001 đến 7-2002: cha Phêrô Nguyễn Kiêm Toàn, chánh xứ An Lập, phụ trách.

12. Ngày 12-7-2002, cha Đaminh Nguyễn Văn Quát, cha xứ đương nhiệm đã về phục vụ giáo xứ. Chấm dứt khoảng thời gian 48 năm trống vắng, không có cha xứ trực tiếp ở với giáo xứ.

Như vậy, 100 năm từ ngày lập xứ, thì một nửa thời gian không có cha xứ trực tiếp ở giáo xứ. Đó lại là một thời kỳ có nhiều khó khăn phức tạp. Nên giáo xứ chịu nhiều thiệt thòi mất mát.

IV - NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con của Nam Lỗ vẫn giữ được hào khí của cha ông.

Quả vậy, ngay sau khi đón nhận hạt giống Tin mừng, các bậc tiền nhân của cộng đoàn này đã làm trổ sinh hoa trái. Các cộng đoàn phát triển. Các nhà giáo, nhà nguyện, nhà thờ lần lượt mọc lên. Đời sống Đức Tin vững mạnh. Nơi đây cũng là quê hương của biết bao anh hùng tử đạo, những người đã đổ máu đào, hiến dâng mạng sống vì Đức Tin. Bẩy phần mộ của các ngài ở họ Khuốc, 13 bộ hài cốt có kèm thẻ ở họ Tăng là những bằng chứng. Riêng tại phần đất khu vực thánh đường Nam Lỗ còn có hài cốt của một số vị tử đạo có danh tánh mà hồ sơ của các Ngài hiện đang được lưu giữ tại Bộ Phong Thánh ở Rôma chờ ngày cứu xét để phong Chân Phước.

Theo tra cứu của Cha cố Sơn thì:

Trong số 1264 hồ sơ các vị Tử đạo Việt nam tại Bộ Phong Thánh Rôma sẽ được cứu xét, có 5 vị sinh quán tại giáo xứ Nam Lỗ, giáo phận Thái Bình, miền Bắc Việt Nam:

1. Ông Vincentê Quỳnh 70 tuổi, người cha có 2 con tử đạo. (hồ sơ số 834)

2. Ông Phêrô Quân, con cả ông Quỳnh (hồ sơ số 800)

3. Ông Đaminh Đệ, con thứ. (hồ sơ số 252)

4. Thầy Đaminh Chiêu, Thầy giảng. (hồ sơ số 176)

5. Ông Phêrô Đán 50 tuổi, có gia đình (hồ sơ số 219)

Tất cả các vị đã có đầy đủ hồ sơ cần thiết, xin sốt sắng cầu cho các Ngài chóng được phong lên chân phước (Á thánh). (Trích thư của Cha quý hương, cố Lm. Polycarpo Trần Thái Sơn, CMC)

Đó mới chỉ là 5 vị trong số 14 Hiền phúc Tử Đạo của Nam Lỗ đã được công nhận là chết vì Đạo và đang thỉnh cầu phong Chân phước. Theo cuốn VƯỜN VẠN TUẾ THÁI BÌNH ( tủ sách Họ Hoàng Bồ Ngọc xuất bản năm 2006), Nam Lỗ có các vị Tử đạo sau đây:

1 - Hiền phúc Linh Mục Vinh Sơn TRÍ, họ Nhà Xứ.

2 - Hiền phúc Thầy giảng Đaminh CHIÊU, họ Nhà Xứ

3 - Hiền phúc Vinh Sơn QUỲNH, họ Nhà Xứ,

4 - Hiền phúc Đaminh ĐỆ, họ Nhà Xứ,

5 - Hiền phúc Phêrô QUÂN, họ Nhà Xứ,

6 - Hiền phúc Phêrô ĐÁN, họ Nhà Xứ,

7 - Hiền phúc Phêrô THỊNH, họ Tăng.

8 - Hiền phúc Phêrô MÂY, họ Tăng.

9 - Hiền phúc Đaminh DI, họ Tăng.

10 - Hiền phúc Đa minh NGHIÊM, họ Tăng.

11 - Hiền phúc Đaminh HUỆ, họ Tăng.

12.- Hiền phúc Đaminh PHƯƠNG, họ Tăng.

13 - Hiền phúc Đaminh KHANG, họ Khuốc

14 - Hiền phúc Đaminh HIẾN, họ Cốc

Rước GX Nam Lỗ
Thừa hưởng gia tài Đức tin của tiền nhân, những người con Nam Lỗ các thế hệ luôn phát huy truyền thống hào hùng của cha ông. Quả vậy, ngay sau khi đạo được bình an, với số giáo dân không nhiều, phương tiện thô sơ, mọi sự tự lực, thế mà các nhà thờ lớn nhỏ được mọc lên. Trước nhỏ rồi sau to. Trước đơn sơ rạ lá, rồi sau cột gỗ tường xây, cứ thế tiến lên.

Kể từ ngày lập xứ (1908) với số giáo dân toàn xứ có hơn một nghìn người, thế mà các nhà thờ mới trong xứ liên tiếp được xây dựng:

Năm 1911, họ nhà xứ với số giáo dân chưa được 500 người đã hoàn thành ngôi thánh đường to đẹp và vững chắc mà chúng ta đang thừa hưởng đây.

Cùng năm ấy, họ Cốc với số dân khoảng 50 người cũng đã khánh thành ngôi nhà thờ mà nay vẫn còn giữ được một phần di sản quý giá đó.

Năm 1912, họ Khuốc với khoảng 100 nhân danh cũng xây dựng ngôi nhà thờ và năm 1932 được tái thiết. Nhà thờ này đã bị hoả hoạn thiêu rụi năm 1960, duy ngọn tháp đến hôm nay vẫn còn đang vươn thẳng.

Năm 1914, họ Phạm với hơn 30 nhân danh cũng đã xây dựng ngôi thánh đường mà ngày nay vẫn còn chắc chắn.

Cùng năm đó, họ Sổ Làng với khoảng 50 nhân danh cũng xây dựng nhà thờ, và nay còn giữ lại một phần các vì kèo gỗ khi xây dựng lại ngôi thánh đường mới năm 1998.

Năm 1916, với 232 nhân danh, họ đàn anh Lác Làng xây dựng ngôi nhà thờ gỗ kiên cố chẳng thua kém gì nhà xứ, nay vẫn còn vững chắc.

Họ Kinh Môn với 135 nhân danh khi lập xứ cũng xây dựng được ngôi nhà thờ gỗ to đẹp và bị tháo dỡ năm 1978, nay ai cũng hối tiếc.

Năm 1944 họ bổn đạo mới An Thái xây dựng ngôi thánh đường khang trang, còn tới ngày nay.

Năm 1948 họ nhà xứ lập Đền Đức Mẹ tại khu Sốc.

Các họ khác cũng gắng công xây dựng nhà thờ tùy sức của mình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh thời cuộc và thời tiết các nhà thờ này đã phải tái thiết nhiều lần, một vài nhà thờ bị xóa sổ. Đó là 3 họ Lộ Xá, Phú Điền và Kim Ngọc.

V - TRANG SỬ MỚI

Sau biến cố năm 1954, số giáo dân còn lại quá ít ỏi, thời thế không thuận lợi, thời tiết nhiều khi khắc nghiệt, gây nhiều khó khăn cho những người con dân trong xứ.

Tuy khó khăn nhưng những người con Nam Lỗ tại quê hương vẫn giữ được truyền thống cha ông, sống đạo, bảo toàn đức tin, bảo tồn những di sản tinh thần, vật chất của tổ tiên để lại. Cho dù có một vài họ bị mất mát đất đai trong nơi thờ tự nhưng nhìn chung vẫn giữ được tương đối vẹn toàn. Được như vậy là nhờ sự hy sinh quên mình và lòng nhiệt thành của con dân trong xứ.

Một điều rất đáng tự hào là suốt 48 năm (1954 – 2002) Giáo xứ không có Cha xứ ở trực tiếp, nhưng đời sống đức tin vẫn tốt, mọi sinh hoạt vẫn diễn tiến đều đặn. Các nhà thờ vẫn được bảo dưỡng, tu sửa. Một vài nhà thờ nhỏ của các họ cũng như các công trình nhỏ khác vẫn được xây dựng. Những thành quả đó nhờ sự hỗ trợ của các đấng bậc coi sóc giáo xứ, nhưng cũng là sự hy sinh không mệt mỏi của dân xứ, nhất là trong những thời điểm khó khăn.
Rước trong Khuôn Viên Nhà Thờ


VI - NAM LỖ HÔM NAY

Nhìn lại 100 năm từ khi lập xứ thì 46 năm Nam Lỗ có Cha xứ ở trực tiếp (1908 - 1954). Tiếp đó là 48 năm nhà xứ trống vắng (1954 – 2002), và sáu năm trở lại đây, nhờ ơn Chúa lại có cha xứ.

Sáu năm qua, giáo xứ được phục sức nhanh chóng. Mọi người cố gắng, bà con đồng hương, anh em xa gần giúp đỡ nên bộ mặt giáo xứ đã có được như ngày hôm nay. Tuy vậy, kết quả vẫn còn quá khiêm tốn và công việc phải làm còn rất nhiều, từ nhà xứ đến các họ.

Hiện tại Nam Lỗ có 1377 nhân danh, 13 nóc nhà thờ, gồm họ nhà xứ, 11 họ lẻ và Đền Đức Mẹ thuộc nhà xứ. Con số thực tế của các họ như sau:

TT Tên họ Quan thầy Nhân danh

1 Nhà xứ Đức Bà Rosa 590

2 Lác làng Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ 155

3 Lác trại Thánh Vincentê 154

4 An thái Thánh Giuse công nhân 165

5 Khuốc Đức Mẹ Bảy sự 94

6 Sổ làng Thánh Gioan Baotixita 84

7 Tăng Đức Mẹ Vô nhiễm 36

8 Cốc Thánh Thômasô tiến sỹ 21

9 Phạm Thánh Gioachim 08

10 Ngói Th. Phêrô Nguyễn Bá Tuần Tử đạo 33

11 Hoàng nông Thánh Giuse bầu cử (19-3) 07

12 Y đún Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu 30

Tổng Cộng 1377

Giáo xứ luôn có:

- Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Ban trùm các họ: đây là những người nòng cốt, hy sinh phục vụ trong các cộng đoàn. Một số phải gánh vác trách nhiệm lâu dài (vì không có người thay thế) và đã trải qua nhiều khó khăn phức tạp.

- Hội gia trưởng với trên 100 thành viên

- Hội con Đức Mẹ cũng xấp xỉ 100 thành viên.

- Huynh đoàn giáo dân Đa Minh với gần 200 đoàn viên mà tiền thân là “các ông dòng bà dòng”. Đây là nhóm người nòng cốt của việc cầu nguyện trong các cộng đoàn.

- Thêm vào đó còn có hội Tân tòng, quy tụ hơn 70 anh chị em tân tòng trong cả xứ.

- Giáo xứ vẫn duy trì được đội kèn, đội trống, tuy có nhiều khó khăn về tài chánh và nhân sự.

- Giới trẻ của giáo xứ cũng phát triển về nhiều mặt:

Việc học giáo lý vẫn duy trì thường xuyên, đều đặn. Mỗi Chúa nhật trước thánh lễ ban chiều, 7 lớp học với trên 200 học sinh trong toàn xứ. Nhiều cháu ở các họ xa phải đạp xe 7- 8 km, lại còn phải qua đò qua sông. Rất vất vả.

Học văn hóa mỗi ngày một nâng cao, số học sinh theo học cấp III ngày một tăng. Toàn giáo xứ có trên 20 em vào Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, trong đó một số đã thành đạt và có công ăn việc làm tốt.
Rước qua các làng và Đồng Quê


VII - DẤN THÂN PHỤC VỤ

Phát huy truyền thống của tiền nhân trong đời sống đức tin, những người con Nam Lỗ dấn bước theo Chúa lên đường phục vụ tha nhân trong đời sống tu trì, và luôn có mặt trong các giai đoạn.

Chúng ta còn ghi lại được nhờ sử liệu, thì ngay buổi đầu Nam Lỗ đã có một Linh mục và một Thầy giảng tử đạo: cha Vinh-Sơn Trí, thầy Đaminh Chiêu.

Những thế hệ kế tiếp, rất tiếc chúng ta không có sử liệu để xác định. Nhưng gần đây Nam Lỗ đã có một số đóng góp đáng kể cho Giáo Hội:

A. Có 10 Linh mục và 1 Phó tế, đó là:

1. Cha Đaminh Bùi Duy Hưng, họ Khuốc, qua đời tại trại Thanh Hoá.

2. Cha Cố Polycarpo Maria Trần Thái Sơn (họ Nhà xứ), dòng Đồng Công, qua đời tại hoa Kỳ ngày 20-6-2003.

3. Cha Tôma Trần Thiên Định (Lác Làng), đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

4. Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm (An Thái), đang phục vụ tại Úc.

5. Cha Giuse Trần Duy Kim (Lác Làng), đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

6. Cha Vincentê Phạm Ngọc Anh Tuấn (họ Phạm), đang phục vụ tại Giáo phận Xuân Lộc.

7. Cha Vincentê Nguyễn Xuân Tuấn, (Nhà xứ), giáo phận Phú Cường, đang du học tại Roma.

8. Cha Giuse Nguyễn Văn Nhật, (Kinh Môn), đang phục vụ tại Giáo phận Mỹ Tho.

9. Cha Vincentê Trần Thanh Thoả, (quê ngoại Nam Lỗ) đang phục vụ tại giáo phận Long Xuyên.

10. Cha Đaminh Bùi Ngọc Hải, (quê ngoại Nam Lỗ), cha xứ Võng Phan, giáo phận Thái Bình.

11. Phó tế Đaminh Vũ Công Khương (Nam Lỗ), Tu viện Lời Chúa, Phú Cường.

B. Tu sĩ :

* Có các thầy:

1. Thầy FX Đặng Văn Hậu, (sổ Làng), Dòng Đồng Công. Qua đời năm 1974.

2. Thầy Gioan. Baotixita Bùi Quang Tâm, (Sổ Làng), đang phục vụ tại giáo phận Mỹ Tho.

3. Thầy Đaminh Trần Ngọc Nam, (Lác Làng), Dòng Bệnh Viện Thánh Gioan Thiên Chúa.

4. Thầy Vincentê Trần Trung Bảo (Lác Làng), Dòng Ngôi Lời, Hoa Kỳ.

5. Tu Sinh Đaminh Nguyễn Đức Trụ (Họ An Thái), đang tu học tại Úc trong Dòng Truyền Giáo Thánh Tâm (Missions of Sacred Heart’s Congregation).

Các nữ tu:

1. Dì Maria Đặng Thị Kính (Sổ Làng, em Thầy Hậu), qua đời 1953.

2. Dì Maria Trần Thị Nhường, (Sổ Làng), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, qua đời năm 2005

3. Dì Têrêsa Trần Thị Tuyết Trinh, (Nhà xứ), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố nai

4. Dì M.Têrêsa Trần Thị Hiền, (Nhà xứ), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố nai.

5. Dì Têrêsa M.Trần Thị Hải, (Nhà xứ), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố nai.

6. Dì Cêcilia Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, (An Thái), Dòng Đức Mẹ Từ Bi, (Congregation of the Sisters of Mercy), đang phục vụ tại Africa, Phi châu.

7. Dì Mary Vũ Thuỳ Linh, (An Thái), Dòng Trinh Vương Việt Nam tại Úc, đang phục vụ tại Sydney.

8. Dì Maria Phạm Thị Hiên, (Lác trại), MTG Tân Lập, đang phục vụ tại Thái Bình.

9. Dì Maria Đặng Thị Nụ, (Lác làng), MTG Tân Lập, đang phục vụ tại Thái Bình.

10. Dì Maria Phạm Thị Dung, (Nhà xứ), MTG Tân Lập.

11. Dì Maria Nguyễn Thị Thu Hảo, (Kinh Môn), Dòng Chúa Quan Phòng, Cần Thơ.

Ngoài ra còn một số ứng sinh chủng viện và đê tử các dòng tu nam nữ gốc Nam lỗ tại quê hương cũng như hải ngoại.

Chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi tu trì của giáo xứ ngày thêm phát triển để có thêm nhiều người con Nam Lỗ đóng góp trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.

VIII - HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Điều đáng quan tâm là ngày nay hoàn cảnh cuộc sống xã hội chi phối, các thế hệ trẻ của giáo xứ phải xa xứ nhiều. Những phức tạp đến với họ, và những khó khăn cho người ở nhà là không nhỏ. Đời sống đạo đức nói chung bị đe dọa, xuống cấp.

Một số nhà thờ trong giáo xứ đã cao niên, cần phải tu sửa hoặc tái thiết. Hạ tầng cơ sở cũng như trang thiết bị trong nhà thờ của các họ còn thô sơ và một số họ kể như chưa có gì. Trong khi số dân quá ít ỏi lại không có khả năng nhiều trong lãnh vực kinh tế cũng như xã hội.

Trước thực tế đó, định hướng của giáo xứ là tăng cường việc giáo dục Đức Tin cho giới trẻ qua việc học hỏi Giáo lý, tích cực tham gia các sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời đẩy mạnh việc học văn hóa. Mặt khác, cổ vũ các việc đạo đức cho các giới. Kể cả những việc đạo đức bình dân. Đặc biệt hướng tới việc bác ái xã hội để góp phần loan báo Tin Mừng.

Công việc nhiều, ước mơ lớn. Nhưng khả năng rất giới hạn. Ước mong được lời cầu nguyện, sự chỉ bảo và giúp đỡ của các đấng bậc cũng như mọi người thân yêu để với truyền thống hào hùng của cha ông, những người con của Nam Lỗ hôm nay quyết vươn lên vượt qua trở ngại để luôn sống tốt đạo đẹp đời, góp phần xây dựng Hội thánh và Quê hương.

CÁC HIỀN PHÚC TỬ ĐẠO NAM LỖ

(Trích từ VƯỜN VẠN TUẾ THÁI BÌNH)


GIÁO XỨ NAM LỖ

Nam lỗ cũng gọi là Sổ, trước đây thuộc tổng Cao Mỗ, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Ngày nay Nam Lỗ thuộc xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Nam Lỗ được các thừa sai Đaminh từ Sa Cát đến truyền giáo vào đầu thế kỷ thứ 18, rồi trở thành một họ lẻ thuộc xứ Sa Cát, nhận Đức Mẹ Mân Côi là Quan Thầy.

Năm 1908, Đức Cha Phêrô Trung (Pierre Munagorri y Obineta) chia xứ Sa Cát thành ba xứ, xứ Nam Lỗ được thành lập, gồm 10 họ lẻ bổn đạo gốc và 7 họ giáo tân tòng. Cha xứ đầu tiên là linh mục Phêrô Trứ, chịu chức năm 1891. khi cha Trứ đổi về Tiên Chu thì cha Phêrô Thiêm, chịu chức năm 1897, về coi sóc.

Thời kỳ bắt đạo, tín hữu Nam Lỗ vẫn trung kiên giữ đức tin. Vùng Nam Lỗ thời đó có hai nơi giam giữ các tù đạo là Thổ Khối và Trinh Nguyên, nhiều vị tử đạo bị xử tại hai nơi ấy. Nhờ gương sáng các tù đạo, người Thổ Khối đã xin tòng giáo, trở thành một họ lẻ ( họ Ngói) của giáo xứ bây giờ.

Nam Lỗ cũng có nhiều tín hữu hy sinh mạng sống để minh chứng đạo Chúa, trong số đó có 14 Hiền Phúc đã được Hội Thánh công nhận là chết vì đạo Chúa, đã có hồ sơ làm án xin phong Chân Phúc. Các ngài là những nghành lá thắm tươi trong vườn vạn tuế Thái Bình.

1.- Hiền phúc Linh Mục Vinh Sơn TRÍ (505)

Xứ Nam Lỗ (Sổ), Thái Bình.

Hiền phúc Linh Mục Vinh Sơn Trí, Dòng Đaminh, người Nam Lỗ(Sổ), tỉnh Thái Bình, 61 tuổi, con ông Cố Sen. Từ nhỏ đã vào Nhà Chúa, chịu chức Linh Mục và khấn dòng năm 1830. cha coi xứ Quần Cống, phải trốn ẩn nhiều thời gian. Sau khi thánh An Khảm và các vị tử đạo Quần Cống bị bắt, quân lính càng ráo riết tầm nã cha. Sau cùng, ngày 1-3-1859, Cha bị bắt giải nộp cho tổng đốc Nam Định, Cha liền bị bỏ tù. Trong tù Cha viết thư cho Đức Cha thánh Vinh vui mừng tỏ ý muốn phúc tử đạo. Quan đòi Cha ra toà, bắt khoá quá, cha hết sức sốt sắng hôn tượng Thánh Gía đặt dưới đất và trang trọng giảng thuyết về đạo Chúa. Vì thế tổng đốc Hưng tức giận nói với Cha: “tao có quyền xử tử mày, không cần đợi sắc chỉ của Vua”. Những quan khác thì cần sắc chỉ ấy, nhưng Thượng Hưng Nguyễn Đình Tân vì là nhạc phụ Vua Tự Đức ( ông có con gái được tuyển vào cung, phong đến bậc Châu phi), nên tự tiện lên án các vị tử đạo. Cha bị trảm quyết tại Nam Định ngày 24-3-1859.

2.- Hiền phúc Thầy giảng Đaminh CHIÊU (506)

Xứ Nam Lỗ (Sổ), Thái Bình.

Hiền phúc Thầy giảng Đaminh Chiêu, người Nam Lỗ, hơn 20 tuổi, con ông Diên hay Duyên, hiền lành đạo đức và rất nết na. Thầy giúp việc Cha Gioan An, cho tới ngày cả hai bị bắt ở Bái Bồ Trang cùng với hai Thầy giảng khác là Lãng và Tựu, bị giải lên Hưng Yên và chịu giam cầm. Thầy mạnh mẽ xưng đạo ra trước mặt các quan. Vì thế phải lên án xử tử. Ba Thầy bị trảm quyết đầu năm 1862.

3- Hiền phúc Vinh Sơn QUỲNH (518)

xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Vinh Sơn Quỳnh, người Nam Lỗ, gần 70 tuổi, con ông Khiết. Hiền phúc Quỳnh là cha của hiền phúc Quân và Đệ sẽ nói sau. Hiền phúc là trùm họ đạo, là nông dân, rất sốt sắng giữ đạo. Năm 1859. ông bị bắt vì là chức dịch trong họ đạo, bị giải lên Hưng Yên, bị giam tù cùng với Hiền phúc Đán (số522). Ơ đấy hai năm hay hơn, ông phải chịu vô số hình khổ, nhất là vì già cả nên càng đau đớn. Nhưng ông luôn vui tươi, năng sốt săng đọc kinh Văn Côi với Hiền phúc Đán bạn tù, vững vàng xưng đức tin ra luôn luôn. Không bao giờ ông chịu khoá quá, mặc dầu bị quan quân xui giục ráo riết và lôi mạnh qua Thánh giá. Vì thế ông chịu trảm quyết ngày 31-5-1861.

4- Hiền phúc Đaminh ĐỆ (519)

Xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Đaminh Đệ, người Nam Lỗ, Thái Bình, con của Hiền phúc Quỳnh. Ông hơn 20 tuổi, nhưng không muốn lập gia đình, để có thể cùng với các học trò Nhà Chúa học hành chữ nghĩa, cùng với họ, ông năng đi nhà thờ, ông cùng với anh là Phêrô Quân (số 520) bị bắt và bị giam ở ngục Hưng Yên.

Những người biết ông đều hết sức ca tụng ông, vì ông rất can đảm chịu đòn vọt và những khổ hình khác, do ông không chịu khoá quá. Ông chịu trảm quyết năm 1861.

5 - Hiền phúc Phêrô QUÂN (520)

Xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Phêrô Quân, người Nam Lỗ, chừng 40 tuổi, là con của Hiền phúc Quỳnh ( số 518) và là anh của Hiền phúc Đệ ( số 519). Ông bị bắt cùng với em mình, nhưng khi bị giải lên phủ, vì quân lính phủ hành hạ ông quá lẽ nên ông ngất đi ở dọc đường, quan phủ bắt lính vác ông lên mà đưa qua Thánh giá, sau đó cười nhạo ông là thằng dại mà tha về. Sau ít lâu, ông phủ ấy chết, ông kế quyền thấy tên ông trong sổ, nên truyền bắt ông mà đầy lên các làng Phú La và Bông Cói, tỉnh Hưng Yên. Bấy giờ Hiền phúc đã lành mạnh, nên lại bị giục khoá quá. Ông không chịu, nên phải chịu nhiều hình khổ khác, mà vẫn luôn vững vàng. Vì thế ông phải trảm quyết ở Hưng Yên, có lẽ cùng với em Đệ của ông.

6 - Hiền phúc Phêrô ĐÁN (522)

xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Phêrô Đán người Nam Lỗ, trên 50 tuổi, con ông Hiền, đã có vợ con. Ông bị bắt vì là một hương chức trong làng. Ông phải giải lên phủ Tiên Hưng, rồi sang Hưng Yên mà chịu giam cầm. Trong tù ông năng xưng tội với một Linh Mục cũng bị giam ở đó. Ít là hai lần ông bị đánh đòn rất dữ vì không chịu khoá quá. Và vì thế mà chịu trảm quyết ở Hưng Yên, không tìm thấy thi hài ông.

7- Hiền phúc Phêrô THỊNH (513)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Phêrô Thịnh, người họ Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, con ông Trí và là anh của Hiền phúc Phêrô Mây (số 514), hai anh em cùng bị bắt với bốn người làng vì đi đạo, bị đầy lên làng Bông và Suôi tỉnh Hưng Yên chín tháng. Hai tháng đầu, lòng các vị hơi bối rối, nhưng về sau lấy lại được sự bình an, các vị càng ngày càng tỏ ra tinh tường, lớn tiếng đọc kinh với nhau, không còn sợ sệt gì ai nữa, nhưng sẵn sàng chịu chết vì đạo. Hiền phúc Thịnh là thanh niên tốt, bị bắt cùng với cha mẹ và anh chị em, nhưng phải đi đày với em và bốn người khác như đã nói trên. Ông hoàn toàn noi gương các bạn mình, nên vui vẻ chịu chém cùng với Hiền phúc Di (số 523) ở làng Suôi, vào chính ngày bốn bạn kia chịu chém ở làng Bông.

8 - Hiền phúc Phêrô MÂY (514)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Phêrô Mây, người Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, con ông Trí và là em Hiền phúc Thịnh (số 513). Ong là thanh niên còn độc thân, làm ruộng, có những tư chất tốt. Ông bị bắt cùng với cả gia đình cũng như anh Thịnh, nhưng trốn thoát được. Sau bị bắt lại, người ta truyền ông khoá quá, ông hoàn toàn không chịu. Vì thế ông phải đeo gông rất lớn, đầy lên hàng Bông, nơi cha mẹ ông đang bị cầm giữ, vì ông nói với quan huyện là mình muốn đi theo cha mẹ. Bị giam ở đó chín tháng mà vẫn vững vàng, nên ông bị án trảm quyết vì cùng một duyên cớ như anh ông và các bạn tử đạo khác. (xem thêm số 513).

9.- Hiền phúc Đaminh DI (523)

Lũ Đăng, Xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Di, người Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ. Ông rất khiêm nhu, ăn ở hiền lành, không làm hại ai, là nông dân, đã có vợ và một con gái. Ông bị bắt vì đạo với ông Thịnh (số 513), cùng với nhiều người khác sẽ nói sau. Cùng với các vị ấy, ông đã luôn hăng hái vững vàng xưng đạo ra, nên ông phải chịu nhiều hình khổ. Nhưng các ông không cùng bị hành xử với nhau. Hiền phúc Di bị trảm quyết với Hiền phúc Thịnh tại làng Suôi (xem số 513).

10.- Hiền phúc Đaminh NGHIÊM (524)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Nghiêm, người họ Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, còn trẻ, mới 16 tuổi, con ông Uẩn. Tính cậu tốt lành, hiền hoà, cong đang đi học. Cậu cũng là bạn tử đạo với ông Thịnh nói trên, chịu nhiều khổ hình như nhau và vẫn vững bền xưng đạo. Nhưng cậu bị giết ở làng Bông ( các điều khác như ở số 513).

11.- Hiền phúc Đaminh HUỆ (528)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Huệ, người Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, con ông Thoan, là thanh niên còn độc thân. Ông là bạn tử đạo với ông Thịnh (số 513), nhưng bị trảm quyết tại làng Bông với ông Nghiêm (số 524) và ông Phương (số 529). Các điều khác nói ở số 513.

12.- Hiền phúc Đaminh PHƯƠNG(529)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Phương, người Lũ Đăng, không biết tên cha mẹ và niên tuế, nhưng biết rằng ông là thanh niên làm ruộng, còn độc thân, không mắc tiếng xấu gì, ông là bạn tù đạo với ông Thịnh, nhưng lại rất dũng cảm chịu trảm quyết vì đức tin với ông Huệ tại làng Bông ( các điều kiện khác như ở số 518).

13- Hiền phúc Đaminh KHANG (527)

Cổ Khúc, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Khang, người Cổ Khúc, xứ Nam Lỗ, con ông Thịnh. Cậu là học trò Nhà Chúa, vì bệnh phải về gia đình uống thuốc mà bị bắt vì đức tin tại nhà. Cha cậu là Thịnh, anh cậu là Sĩ và chính cậu bị đầy lên làng Bông Cói. Ơ đây cha con cậu luôn đọc kinh cầu nguyện và đan thúng đan rá. Vợ ông Sĩ đem thúng rá ấy ra chợ bán, lấy tiền nuôi ba cha con suốt mười tháng như vậy. Các nhân chứng không nói gì hơn nữa về các hiền phúc Thịnh và Sĩ. Nhưng về hiền phúc Khang thì họ quả quyết rằng: cậu học sinh Nhà Chúa đó luôn vững vàng trong đức tin, sốt sắng khuyến khích các kitô hữu bị giam ở đấy hãy vững lòng giữ đạo cho đến chết. Mặt khác còn được biết rằng: hiền phuíc Khang khi đứng trước mặt viên quan tên Riễn, nổi tiếng độc ác, nhận được tin phải chết vì đạo, hiền phúc đã rất vui mừng và sốt sắng dọn mình chịu chết. Vì không chịu khoá quá nên hiền phúc Khang phải trảm quyết năm 1862 tại Lang Lô, làng Thanh Cù.

14.- Hiền phúc Đaminh HIẾN (530)

Cổ Cốc, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Hiến, người Cổ Cốc, xứ Nam Lỗ, con ông Tri, 18 tuổi, còn độc thân, ngoan ngoãn, hiền lành. Theo lệnh viên quan tri phủ Riễn rất độc ác, tất cả giáo hữu ít oi ở Cổ Cốc đều bị bắt, trong đó có cậu Hiến. Các vị bị đưa đến làng Quán Dâu, sau sang làng Thanh Cầm, xứ Ngọc Đồng, Hưng Yên. Xem ra cư dân ở đây là kitô hữu kín đáo, vì họ đối xử với những kitô hữu bị giam ở đây rất nhân đạo. Mặt khác, các tín hữu bị lưu đày của làng Cổ Cốc không bị đưa ra toà nào, nhưng chỉ do lệnh vua mà phải giết nếu còn trong tù. Cậu Hiến và người cùng làng bị đem đi xử với rất nhiều người khác trong trường hợp như sau:

Thượng Hưng từ Nam Định và các viên quan khác đến nơi gọi là Rồng Chầu ( Long Triều chăng?), truyền đem tất cả các kitô hữu bị giam ở các nơi lân cận đến. Các kitô hữu biết mình bị đem đi xử, nên vui mừng hát kinh cầu các thánh và đọc nhiều kinh khác mà đi, người làng lấy làm lạ lắm. Thế rồi không một án quyết, những con chiên hiền lành ấy, con số tới hơn hai trăm người, theo lệnh Thượng Hưng, bị gươm chém tất cả ở Rồng Chầu, ngày 2-6-1862.

Hiền phúc Hiến vì tỏ ra sốt sắng hơn mọi người nên giơ cổ ra trước nhất. Chứng nhân Khoan kể lại rằng: chính hiền phúc đã quỳ xuống hai ba lần để chịu chém, nhưng lý hình bảo: “thằng này gầy nhom và còn nhỏ, chạy đi, chúng tao không muốn giết mày”.. Khi đã thảm sát hết hơn hai trăm người, lính tráng đào những huyệt lớn, xô lẫn lộn thi hài các vị xuống mà chôn tập thể. Ông Khoan là chứng nhân mục kích đã nói như vậy.
Đội Trắc GX Nam Lỗ


Kính thưa Quý vị,

Trên đây là mấy dòng phác thảo, mạo muội trình bày đôi nét về giáo xứ Nam Lỗ, nhân dịp BÁCH CHU NIÊN THÀNH LẬP GIÁO XỨ. Vì khả năng giới hạn, tư liệu thiếu và nói chung mọi mặt hạn chế, nên chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết. Kính xin Quý đấng bậc, quý vị cao minh, cao niên đồng hương hiểu biết nhiều về Nam lỗ, vui lòng chỉ giáo, bổ sung và góp thêm bài vở để cuốn KỶ YẾU của Giáo xứ được thêm hoàn thiện và phong phú.

Rất mong có những bài Hồi Ký về các cộng đoàn giáo họ trong toàn xứ, để các thế hệ trẻ biết thêm về các bậc tiền nhân của mình.

Nhà thờ Nam Lỗ, Hợp tiến, Đông Hưng, Thái Bình, Việt nam


Xin chân thành cám ơn và xin Thiên Chúa trả công bội hâu cho lòng quảng đại và những hy sinh của qúy vị.

Nam lỗ, Xuân Mậu Tý - 2008

NHÓM BIÊN SOẠN

=================================================

Lịch Sử Giáo Họ An Thái

Giáo Xứ Nam Lỗ


Sông Tiên Hưng
Nằm trên triền sông Tiên Hưng, và bờ bên kia là Nhà xứ Nam Lỗ, làng An Thái trải dài như cùng con sông uốn mình bao quanh nhà thờ xứ. Trong ngôi làng an bình và thư thái này có một họ đạo và một ngôi nhà thờ rất nên thơ. Nhà thờ họ An Thái.

Làng An Thái thuộc tổng An Lạc, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Nay là thôn An Thái, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào nơi đây và trổ sinh rất tốt đẹp. Cuối Thế kỷ 19, mới có một gia đình công giáọ, gia đình cụ Đaminh Trần Văn Thứ (cụ Hậu Thứ), cụ bà là Maria Nguyễn Thị Đang, với hai người con trai là cụ Lang Khiêm và cụ Chánh Lễ. Các cụ làm nghề lang thuốc, cứu chữa được nhiều ngườị. Vả lại các cụ là người phúc đức, nên được dân làng mến chuộng. Cụ bà lại rửa tội được nhiều trẻ em và người lớn hấp hốị. Một số sau này bình phục đã theo Đạọ, ít lâu sau lại có gia đình cụ Đaminh Bội và Đaminh Nghĩa từ Tịnh Xuyên đến định cư. Tiếp đó lại có một số gia đình các cụ khác nữa tới đâỵ. Đó là các cụ phó Tằng, cụ trùm Trinh, cụ trùm Chi, cụ Dựa, cụ Nhị, cụ cán Viêng, cụ cai Tề, cụ Hảo, cụ Thử và cụ Chuyên v.v…

Theo sử ký địa phận Trung xuất bản năm 1916, thì năm 1908 nơi đây đã hình thành một họ giáo tân tòng, họ An Thái thuộc về xứ Nam Lỗ. Cụ Hậu Thứ làm trùm và ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ được dựng lên, trên mảnh đất diện tích 5 sào, do gia đình cụ tiến cúng. Nhà thờ này kính thánh Đaminh.

Năm 1916, họ tân tòng An Thái có 33 nhân danh. Cộng đoàn phát triển tốt đẹp. Sau cụ Hậu Thứ, đến các cụ trùm Thử, cụ trùm Khiêm, cụ trùm Nhung, cụ trùm Lễ, cụ trùm Trinh, cụ trùm Chi, cụ trùm Linh, cụ trùm Khoát, cụ trùm Huyên, cụ trùm Nghị…

Năm 1944, dân họ đã lên tới 45 gia đình và gần 200 nhân danh. Ngôi nhà thờ đã trở nên chật hẹp.

Với sự giúp đỡ của gia đình và con cái của cụ Hậu Thứ, ngôi nhà thờ mới được xây dựng. Ngôi nhà thờ cũ được bán cho Ninh Cường, Bùi Chụ và mua nếp nhà thờ mới của Sâm Bồ ở Hải Phòng. Các cụ kể lại: Nhà thờ Sâm Bồ đang xây dựng thì người Nhật bắt phá, để xây dựng sân bay Cát Bi.

Khi xây dựng nhà thờ An Thái, thì gặp nạn đóị Họ giáo gặp khó khăn. Dân làng cũng như dân họ giáo chết đói và phiêu bạt đến 1/3. Thợ làm phải ăn cháo, thật là gian truân. Lúc đó cụ trùm Linh làm trùm họ và ngôi nhà thờ mới này đã nhận Ông Thánh Giuse Công Nhân làm bổn mạng.

Nhà thờ vừa xây xong thì gặp nạn vỡ đê Hà Xá (1945), nước ngập hết móng, nhà thờ bị ngâm nhiều ngày nước mới rút. Tiếp đó, Nhật đảo chính Pháp. Người Nhật đã đưa muối đem vào để trong nhà thờ An Thái cũng như nhà thờ Khuốc. Thời điểm này cụ trùm Khoát đương nhiệm. Cụ Huyên làm chánh kiểm hàng xứ. Cụ Huyên đã mạnh dạn ra can thiệp với người Nhật, đề nghị họ để muối xa chân tường và chân cột. Họ chấp nhận. Tuy vậy muối vẫn làm hư hại lớn đến công trình nhà thờ. Ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài cho đến ngày hôm naỵ, tường vẫn bị muối phá huỷ, áo bị rữa, mặc dù đã sửa chữa nhiều lần. Thêm vào đó, do sự rung chuyển của bom đạn thời chiến tranh, tường bị nứt, kèo bị giãn. Độ đứng của tường đã bị rã ra ngoài ở hai gian cuối tới vài chục phân mét.
Đò Ngang Sông Tiên Hưng


Năm 1954, biến cố di cư vào Nam. Cụ trùm Nghị đương nhiệm và giáo dân họ giáo ra đi quá đông. Chỉ còn lại 17 gia đình, với 85 nhân khẩu. Ông quản Lịch lên làm trùm chánh, ông Đức làm trùm phó.

Tuy chỉ còn ít người, nhưng trong họ vẫn duy trì sinh hoạt kinh sách hàng ngày và gìn giữ nguyên vẹn ngôi thánh đường cũng như 5 gian Nhà phòng, cho dù có gặp khắc nghiệt của thời tiết và nhiều khó khăn khác.

Năm 1958-1959, lát gạch nền nhà thờ và xây sân khấu cuối nhà thờ.

Năm 1963, các vì cuốn trong nhà thờ bị giãn, cha già Uyên và Đức cha Trụ cho họ giáo 6 cây sắt phi 30 để khoá giằng các đầu cột lạị, lúc đó cụ Tạo làm trùm họ.

Năm 1968, nhà thờ bị sập cột và đổ hai gian đầụ, lại gặp chiến tranh bắn phá miền Bắc, Ông trùm Nghiên đương chức bị bệnh nặng và qua đờị. Giáo dân phải chuyển tượng ảnh và đọc kinh dưới nhà phòng suốt 2 năm trờị. Cụ Lâm lên làm trùm và phải 2 năm sau mới sửa lại được 2 gian đầu nhà thờ.

Một điều cũng lấy làm lạ, là khi giáo dân đang đọc kinh cầu nguyện trong nhà thờ khá đông, thì những miếng chắp mê bằng gỗ nặng hàng tạ, từ trên đầu cột rớt xuống mà không trúng vào ai.

Năm 1978, ông trùm Trắc đương nhiệm, thì trong họ lại có 4 hộ với 17 khẩu bỏ làng đi kinh tế mới ở Đắc Lắc. Cụ Tạo lại tiếp tục làm trùm. Thời điểm này có chính sách quy hoặch dân cư. Một số gia đình xung quanh nhà thờ phải chuyển qua đê bên bờ sông. Các Miếu, Đình cũng phải chuyển hết đi nơi khác. Nhà nước đưa một đội máy ủi, máy gạt về san phẳng khu vực này thành ruộng cấỵ. Riêng ngôi nhà thờ thì khi máy ủi vào ủi sát chân móng tường và đưa đất xuống lấp ao nhà thờ, đến đường ủi thứ hai thì máy đi quá đà nên chúc đầu xuống ao, không thể nào lùi lên được và bị chết máỵ Nhân cơ hội đó, cụ Tạo đã đề nghị với lãnh đạo của đội máy về việc san ủi như vậy sẽ đổ mất nhà thờ. Họ trả lời là chỉ làm theo lệnh cấp trên, ông lên tỉnh mà hỏị. Cụ Tạo đã lên ngay huyện Đông Hưng gặp Công an và Mặt Trận huyện. Các vị trả lời, ông cứ về, đề nghị của ông chúng tôi sẽ điện về ngaỵ. Khi cụ Tạo về đến nhà thờ thì mọi sự đã được yên ổn. Vài ngày sau, đội máy cho chiếc máy khác đến kéo chiếc máy chết lên. Nhưng không phải kéo, chiếc máy ủi lại nổ máy và tự lùi lên được. Từ đấy đến nay khu vực thánh đường được ổn định. Riêng có ruộng ở ngoài đồng thì bị xung công mất 2 sào ở bờ La và 1 sào ở bờ sông gọi là Vườn Vải Ông Thánh.

Năm 1983, nhà thờ bị giột nát nhiều và hư hỏng nặng. Cha chính Cẩm và Đức cha Bỉnh đã giúp họ giáo, đảo lại toàn bộ mái ngói nhà thờ.

Năm 1984-1989 ông Cường làm trùm, đã cho đảo mái ngói Nhà phòng.

Đầu năm 1990, ông Hiện làm trùm. Họ giáo gặp khó khăn. Vốn quỹ không còn gì. Trong khi nhà thờ lại hư hỏng nặng: Mối xông toàn bộ hoành rui, không có khả năng đứng vững được nữạ. Dân họ ra công làm gạch, ngói để sửa nhà thờ. Với sự giúp đỡ của cha chính Cẩm và Đức cha Phanxicô, họ giáo đốt được 5 vạn gạch và 2 vạn ngói, mua được 5 khối rưỡi gỗ lim. Nhờ vậy đã thay sửa được hoành rui hư hỏng và đảo lại được mái ngói.

Năm 1991, xây hai bờ tường bao khuôn viên nhà thờ.

Năm 1992 làm thêm 7 vạn gạch và năm 1993 xây 800m2 sân xung quanh nhà thờ cùng với dậu xung quanh sân.

Năm 1994, mua được quả chuông Tây nặng 180 Kg. Thời điểm này họ giáo có 31 gia đình và 131 nhân danh. Lúc này họ giáo hàng tuần thường xuyên có Thánh lễ.

Năm 1996, ông Thấu lên làm trùm. Thời kỳ này cha Giuse M. Trần Đức Hạnh từ Thuần Tuý sang phụ trách giáo xứ. Họ giáo lại làm thêm 6 vạn gạch nữa để chuẩn bị xây Nhà giáo lý.

Năm 1997, đặt tượng Thánh Quan Thầy trên trước cuối nhà thờ, do ông bà Kỷ phúng.

Năm 1998, ông trùm Hiện lại tái nhiệm đến 15-8-2004.

Năm 2000 đúc lại chuông và mua thêm một quả chuông mới, xây Nhà Giáo lý.

Năm 2004 lát toàn bộ gạch men trong nền nhà thờ, sửa sân khấu cuối nhà thờ, với sự hỗ trợ của gia đình cụ cố Vượng bên Úc. Lúc này cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Quát đã về xứ. Ông trùm Oanh đương nhiệm khoá này, từ 15-8-2004 đến 15-8-2008.

Vài dòng sơ lược về họ giáo, không thể nói hết được những nét đẹp của cộng đoàn nàỵ. Chúng ta có thể nói rằng: Họ giáo có được như ngày hôm nay, ngoài sự giúp đỡ của các đấng bậc, các ân nhân xa gần, còn có một yếu tố quan trọng là sự hy sinh cố gắng cao độ của các ban trùm cũng như bà con trong họ giáo qua mọi thời kỳ. Nhất là trong những giai đoạn khó khăn.

Nhờ lòng đạo đức nhiệt thành của tiền nhân và dân họ mà họ giáo tuy nhỏ và là tân tòng, mà nay cũng đã đóng góp cho Hội Thánh được một số những người con ưu tú. Đó là:

-Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, đang phục vụ tại TGP Brisbane, Úc Châu.

-Tu Sinh Đaminh Nguyễn Đức Trụ, đang tu học Dòng Thánh Tâm tại Sydney, Úc Châu

Các nữ tu:

-Dì Cecilia Nguyễn Thị Thanh Thủy RSM, Dòng Đức Mẹ Từ Bi, Brisbane, Úc Châu, đang phục tại Africa, Phi Châu.

-Dì Mary Vũ Thùy Linh, Dòng Trinh Vương Việt Nam tại Úc Châu đang phục vụ tại Sydney.

Ngoài ra còn một số mầm non ơn gọi đang phát triển.

Hy vọng với truyền thống tốt đẹp sẵn có, cộng đoàn An Thái sẽ lớn lên trong tình yêu Chúa mỗi ngàỵ.

Lm. Dom Nguyễn Văn Quát

Quản Nhiệm giáo xứ Nam Lỗ


&

Joseph Vĩnh Nguyễn of Resource

********************

PHẦN HỒI KÝ

Ký ức về quê Ngọai:


Chiếc xe đang bon bon trên đường gần tới Nam Lỗ, thì một người trên xe hỏi tôi:

Ông cố Cha Thỏa ở Võng Phan, Hưng Yên. Võng Phan - Nam Lỗ đường xá xa xôi như vậy, sao Ông cố lại quen được Bà cố mà cưới nhau, chắc mối tình phải lâm ly lắm nhỉ ?

Tôi trả lời: Hồi đó tôi làm mai cho Ông cố tôi đó. Cả xe cười rộ lên. Một người hỏi:

Hồi đó Cha ở nơi mô mà làm mai rứa?

Cả xe lại được dịp cười thỏai mái. Trên xe hôm đó có một số Việt Kiều Úc, cha Liêm, bà cố Vượng và tôi về thăm quê ngọai lần thứ hai vào đầu tháng 12 năm 2000. Từ đó hình ảnh quê ngoại đã khơi dậy trong trí tôi biết bao kỷ niệm ấu th. Hồi còn bé tôi đã được theo Ba Má về thăm quê ngọai mấy lần. Vì còn nhỏ nên tôi thấy quê ngọai bao la, làng mạc nằm trên cánh đồng lúa, bên cạnh là con đê lớn song song với con sông rộng và sâu. Tôi nhớ nhà ông Kiểm Lâm là em ruột Bà ngoại, ở sát bên cạnh bờ sông và con đê. Nhà ông có một vườn cây, tôi rất thích thú được trèo lên cây để hái ổi hái táo. Rồi từ đó đi vào làng phải xuống một con dốc. Bờ tre quanh làng xen lẫn hàng hoa giấy và hoa Tầm xuân nở rộ quanh năm đỏ rực. Con đường làng quanh co qua nhiều cái ao rộng, trồng hoa sen hoa súng. Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Đi sâu vào giữa làng, một ngôi nhà thờ nguy nga, ngọn tháp cao vút, khu nhà xứ rất rộng. Bà ngoại tôi là bà Nguyễn Thị Sinh, ông ngoại đã chết lâu rồi, sau khi sanh được hai người con la Bác Tuệ ở Tuộc, và bà Nguyễn Thị Tòng là bà cố tôi. Hai con đi ở riêng nên bà ngoại về ở với ông cậu út là ông Kiểm Xuyên. Nhà ông Cậu cạnh nhà xứ và nhà thờ, trước cửa có trồng nhiều cây dâu tằm. Tôi thường leo lên cây dâu để hái quả và đẽo sâu dâu về nướng ăn.

Ôi quê ngoại sao đẹp và vĩ đại thế. Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là con đò nhỏ, Mẹ về nón lá nghiêng che. Quê hương nếu ai không hiểu sẽ không lớn nổi thành người.

Ngoài mấy lần theo cha mẹ về thăm quê ngoại, sau tôi còn được diễm phúc về sống hai năm trên mảnh đất quê ngoại. Cha già Vinh Sơn Nguyễn Hữu Thụy là em ruột bà nội tôi, Ngài về hưu ở họ An Lạc (Lác Làng) thuộc xứ Nam Lỗ năm 1949 – 195, Ngài bắt tôi theo Ngài và nói:

Tao muốn gây dựng cho mày để sau này trở thành giống má. Tôi chẳng hiểu “ giống má” là gì.

Chỉ nhớ nhà và đòi về. Thỉnh thoảng Ngài lại cho tôi sang bên ngoại để chơi khuây khỏa. Rồi hôm ngoại qua đời, tôi được đại diện thay mặt Ba Má theo tiễn đưa ngoại đến nơi an nghỉ.

Lúc bấy giờ thời thế chia làm hai vùn, Tự do và làng Tề. Ba má tôi ở vùng Tề nên không thể về dự lễ an táng được.

Tôi được nghe người ta kể lại: Cha già Thụy là em ruột của bà nội tôi. Hồi Ngài đang coi xứ Tuộc, Ngài đã mai mối để Ba Má tôi cưới nhau. Trong gia đình bên nội, có nhiều anh em, nhưng ngài thương Ba tôi nhất. Mỗi khi về thăm quê, Ngài thường ở nhà Ba Má tôi. Có lẽ vì thế mà Ngài đã lưu tâm gây dựng cho tôi trở thành “giống má”.

Kính thưa Cha già kính yêu,

Con đang viết những giòng chữ này, con xin chắp tay lạy Cha ba lậy một qùy để tạ lỗi, vì hồi đó còn thơ dại, con chẳng hiểu biết gì. Sau lớn lên con mới biết Cha già thương con lắm.

Con nhớ một hôm con nằng nặc đòi về, vì nhớ nhà, con cứ khóc và vùng vằn. Đường xá xa xôi cách trở, làm sao mà đưa con về được. Cha già khuyên bảo con, con không chịu nghe cha già không dám đánh con, vì ngài thương đứa cháu nhỏ phải xa cha mẹ. Ngài quay mặt đi và cho Thày Thông con Ngài đánh con ba roi. Thế là con giận cha già mãi..... .

Tháng 7 năm 1950 ban đêm con ngủ ở ngoài hè với mấy đứa trẻ, người ta đánh thức con dậy và nói: “dậy đi, dậy đi mau lên, để đưa cha già xuống nhà ngang dưới”. Con chẳng biết gì tưởng người ta dắt cha già xuống nhà dưới, sau đó con mới biết cha già vừa mới qua đời. Thế mà con chẳng có một giọt nước mắt để khóc thương cha già. Ngày hôm sau Thày Thông may cho con một bộ quần áo vải sô và một cái khăn tang. Thày dặn con: “Ngày mai khi đưa đám tang cha già, phải mặc quần áo sô và đội khăn tang đi trứơc Quan Tài, thay mặt cho Ba Má và họ hàng”. Không ai đến dự đám tang được, đường xá xa xôi cách trở vì hai vùng tề và tự do khác nhau, không đi lại được.

Cha già ơi; thật là vinh hạnh cho con được đại diện cho cả dòng họ để đưa tiễn cha già. Nhưng lại thật tệ bạc vì con chẳng biết gì. Con đã không nghe lời Thày Thông, và con đã bỏ trốn không mặc áo sô, để tang vì sợ mắc cở với chúng bạn.

Sau mấy ngày an táng cha già xong Thày Thông mới tính tội con. Thày chỉ cho con thấy những lỗi lầm và sự tệ bạc. Thày đánh con 5 roi, rồi cho bà cụ Luận đưa con về quê để báo tin cha già đã qua đời. Dù phải đòn đau nhưng sắp được về quê con thấy sung sướng và quên hết đau.

Về tới quê Võng Phan, mấy ngày sau thì trong xứ làm lễ phát tang cha già tại sân nhà thờ thật long trọng. Cụ Trần Bát Đẩu thay họ hàng đọc bài điếu văn khóc cha gìa:

Than rằng: Thấy hình Tử đạo treo ra

Nhìn xem sự tích xót xa lòng vàng.

Ngán thay sinh tử đôi đàng

Ai ân cắt rẽ can tràng làm hai.

Kính nhớ cha già bản quán

Thánh hiệu Vinh thiêng

Vốn xưa tính nết khoan hoà

Kiệm cần bác ái thật là khôn ngoan.

Nhà thờ nhà xứ lo toan.

Tài cao khéo vá vận hàn nổi danh.

Trải bao nhiêu xứ chung quanh

Thuộc trong ba tỉnh rành rành đến nay.

Ý trên mầu nhiệm ai hay?

Tám mươi lăm tuổi vừa đầy can chi.

Cha già sao đã vội đi

Để cho đâu đấy sầu bi rầu rầu.

Mộ phần AN LẠC đới sầu

VÕNG PHAN cây cỏ trăm chiều ủ ê.

Họ hàng thương cảm tiếng ve

Cháu con cảm động canh kê ngập ngừng.

Cây muốn lặn, gió chẳng đừng,

Hiếu chung hai chữ nửa chừng đắng cay.

Cha ơi có thấu chăng hay?

Muốn đem hiếu nghĩa mà xây bên mồ

Chẳng may đang lúc nhậm mù

VÕNG PHAN NAM LỖ đừơng cù xa xôi.

Cha về chầu Chúa Ba Ngôi,

Để cho quê quán ngậm ngùi nhớ thương.

Cầu xin Rất Thánh Nữ Vương

Rước Cha về nước Thiên Đàng Amen.


Thời thế biến đổi, tháng Tư năm 1954 mọi người kéo nhau vào miền Nam, tưởng chẳng bao giờ được về thăm quê ngoại và viếng mộ cha già nữa.

Tháng năm 1975 đất nước giải phóng hai miền Nam Bắc sum họp một nhà, thế là lại có dịp về quê ngoại và thăm mộ cha già. Từ năm 1995 đến nay tôi đã trở về thăm quê hương 5 lần và ba lần về quê ngoại, và viếng mộ cha già, và đã sửa lại mộ phần Cha già.

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông Quê ngoại dù không phải nơi chôn rau cắt rốn, nhưng có phần mộ Tổ Tiên của Ngoại, hơn nữa lại có Mộ phần của Cha già bên Nội, nên đời con cháu làm sao có thể quên được. “Quê Hương nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nổi thành người “.

Lm. Vinh Sơn Trần Thanh Thoả

========

NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG NAM LỖ

Vài cảm nghĩ lần đầu tiên về thăm quê ngoại GIÁO XỨ NAM LỖ

Quê nội tôi là giáo xứ Võng Phan: ba tôi vẫn nói VÕNG PHAN NAM LỖ ĐƯỜNG CÙ XA XÔI..

Ra đi từ khi tôi lên 5 tuổi, tôi đã về quê nội hai lần, nhưng lần đầu tiên được về thăm quê ngoại và cũng là quê hương của chồng tôi.

Ngồi trên ôtô từ xa xa nhìn vào đã thấy tháp chuông cao vút của những nhà thờ giáo họ thuộc giáo xứ Nam Lỗ.

Cha xứ Đa Minh Nguyễn Văn Quát đã ra đón chúng tôi từ ngã ba Dình Thuong, có Cha Anh và anh em chúng tôi.

Về tới nhà thờ Lác Làng một hồi chuông vang lên, tôi đã thấy từ các ngõ đường dẫn đến nhà thờ các cụ già, người lớn, em bé mấy phút sau đã chật ních phòng khách giáo họ. Tôi cảm động vô cùng về lòng hiếu khách của cha xứ và giáo dân.

Chúng tôi được cha xứ dẫn về thăm giáo họ An Thái, nơi có các phần mộ tổ nội gia đình chồng năm an nghỉ bên cạnh giáo đường.

Nhìn ngôi thánh đường giáo họ An Thái, tôi nhớ lại hồi mới về làm dâu bà Nội chồng kể cho nghe về những ngày xây dựng ngôi thánh đường năm 1945 là năm đói. Các cụ đang xây thì có những người thợ đến xin làm không công, họ chỉ cần được ăn no. Ở nhà có một cót thóc lớn ngày nào cũng xúc thóc xay gạo cho thợ ăn mà sao cót thóc vẫn cứ đầy. Rồi con sông trước mặt tiền nhà thờ, tự nhiên nổi lên một cồn cát, thợ và giáo dân cứ ra xúc cát về xây. Khi hoàn thàhn xong ngôi thánh đường thì cồn cát cũng biến mất.

Trải qua 60 năm nhà thờ vẫn hiên ngang xừng xững với thời gian vẫn đẹp về lối kiến trúc cổ kính.

Về đến giáo họ Lác làng, Cha xứ dẫn chúng tôi viếng mộ Cha già Thụy là ông Cậu Nội của chúng tôi, đã an nghỉ bên cạnh đầu nhà thờ, tôi đã rơi lệ khi bao năm qua mà giáo dân ở đây vẫn có lòng kính mến cha già, người đã có những năm tháng quản nhiệm giáo họ Lác làng và gắn bó quãng đời về hưu ở đây. Tôi không nhớ được hình dáng của cha già cố. Nhưng ba tôi vẫn kể khi còn nhỏ anh em chúng tôi hay chơi chốn tìm, tôi là người hay chạy vào ẩn nấp trong áo chùng thâm của cha già ( vì cha già hay về nhà ba mẹ của tôi chơi hoặc dưỡng bệnh.)

Giáo họ Lác Làng cũng là nơi có phần mộ cố ngoại của ông xã tôi nằm an nghỉ bên cạnh giáo đường. Vì các ngài là những vị ân nhân của giáo họ.

Chúng tôi về là vào dịp lễ mừng bổn mạng của giáo họ Lác làng (Lễ Đức mẹ Dâng Mình) Chúng tôi được tham dự thanh lễ trọng thể, co ken tây va trong.

Vì thời gian eo hẹp, chúng tôi lại được Cha xứ đưa về giáo xứ Nam Lỗ nơi quê ngoại cúa chúng tôi bao la cánh đồng lúa và những vườn chè, nơi mà mẹ tôi đã sinh ra và lớn lên từ giáo xứ này, nơi mà mẹ tôi đã được dạy dỗ và học bao điều ở đó, hiền hòa, chân thật và nhẫn nại để mẹ về làm dâu giáo xứ Võng Phan và đã dạy dỗ anh chị em chúng tôi nên người.

Từ biệt giáo xứ Nam Lỗ, giáo họ An Thái, giáo họ Lác Làng, chúng tôi cứ luyến tiếc ngẩn ngơ và mong sẽ có ngày về quê hương để thăm lại.

Xin cảm ơn tiền nhân những người đã hy sinh và dùng cuộc đời mình như những viên gạch để xây nên một giáo xứ Nam lỗ.

Cuối cùng để tất cả chúng ta những người hậu duệ còn ở nơi quê nhà hay làm ăn phương xa luôn luôn nhớ đến và tự hào về mảnh đất thân thương này./.

Maria Thanh Nguyên

***

Hồi Ký Một Giáo Dân An Thái, Gốc Xứ Nam Lỗ


Quê Hương

Tôi sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, thuộc làng An Thái, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình Bắc Việt. Nhà tôi nằm trong một thửa đất rộng cỡ khoảng 1 mẫu Tây, có 2 cổng ra vào, chung quanh nhà có hàng rào tre, trúc và dậu găng, bao bọc chung quanh. Nhà tôi đối diện với nhà thờ giáo họ An Thái, chỉ cách bên này bờ và bên kia con đường làng

Tổ tiên của tôi đã xây cất lên những dãy nhà ngói đồ sộ nguy nga hình chữ U vuông nằm ngược. Khu nhà tôi ở có 2 cổng ra vào. Một cổng chính còn gọi là cổng (1) đi vào sân nhà ông bà Nội của tôi là Cụ Lang Khiêm và một cổng (2) đi vào sân nhà Cụ Chánh Lễ em ruột Cụ Lang Khiêm. Phía bên trong các cổng đều có sân lát gạch rất rộng, nối liền từ cổng vào nhà. Bên trái sân gạch cổng (1) là một dãy nhà ngói dài 5 gian của Cụ Lang Khiêm có nền cao chừng 1 thước rưỡi, muốn vào nhà phải bước lên nhiều bậc. Bên phải sân gạch là nhà bếp, chuồng trâu và bể chứa nước mưa, hứng từ cây mít chảy xuống. Bể nước mưa và nhà bếp được xây cất dọc theo bên bờ, hồ cá, ao bèo lớn. Bờ hồ có 4 mặt, 2 mặt giáp 2 con đường làng, 2 mặt còn lại giáp với nhà tôi và nhà ông phó Chuyên. Hồ có hàng rào găng cao, mọc lên theo hai bên bờ hồ, song song với 2 con đường làng, để đề phòng kẻ gian vào bắt trộm cá.
Nhà Thờ An Thái


Cùng dùng chung hồ cá, ao bèo rộng lớn này với gia đình tôi là gia đình nhà ông bà phó Chuyên. Nhà ông bà Chuyên nằm ngay góc ngã ba từ đường cái đổ dốc xuống đường làng và từ bờ sông quẹo trái xuống nhà thờ An Thái. Gia đình nhà ông bà Chuyên có anh Cần, anh Lập và chị Huê. Nhà họ nằm phía bên phải bờ hồ đối diện với nhà tôi.

Cổng (2) vào khu nhà Cụ Chánh Lễ, phía bên trái cổng (2) có một dãy nhà ngói, sau nhà Cụ Chánh Lễ có hàng rào găng, được trồng để ngăn cách giữa nhà cụ Chánh Lễ với nhà ông bà Chuẩn bên cạnh. Cổng (2) đi thẳng vào sân gạch phía trước nhà chú thím Nghị. Hai dãy nhà này thì nền thấp, từ sân bước lên chỉ cao khoảng 1 hay 2 bậc. Dãy nhà Cụ Chánh Lễ và dãy nhà chú thím Nghị, nối liền góc vuông thước thợ với nhau theo hình chữ L ngược.
Mồ Mả Tổ Tiên tác giả


Nhà Thờ An Thái

Giáo Họ An Thái
Dọc theo bờ sông có con đường Cái nối liền các làng, từ Hoàng Nông sang Lác Trại. Làng An Thái của tôi nằm ở giữa khoảng đường này và có con đường rẽ xuống nhà tôi và nhà thờ An Thái. Vừa rẽ xuống đường làng thì gặp ngay cái hồ sen ông Thánh phía bên trái cuối nhà thờ giáo họ. An Thái nhận Thánh Giuse thợ làm quan thầy, lễ kính hàng năm vào tháng Năm. Do đó gia đình chúng tôi cũng nhận Thánh Giuse làm Thánh Bổn Mạng.

Quê tôi là một họ lẻ của giáo xứ Nam Lỗ, thuộc giáo phận Thái Bình và có cái tên rất hiền hòa là An Thái. Theo lời kể của Bố Mẹ tôi. Tổ tiên tôi là những người tân tòng Công Giáo, nhưng vì nhờ phước đức ông bà, cho nên giòng họ làm ăn khá giả. Vì thế cụ Hậu Thứ là ông Cố Nội của tôi và là thân sinh của các các Cụ Lang Khiêm và Cụ Chánh Lễ đã tự xuất tiền túi ra xây nhà thờ An Thái để cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho các cụ tìm biết Chúa. Nhà thờ được 2 cụ Lang Khiêm, cụ Chánh Lễ và Bố tôi trông coi, bảo quản cho đến ngày di cư vào Nam 1954, thì bỏ nhà thờ và tất cả tài sản lại sau lưng.

Gia đình chúng tôi cũng có ruộng đất thâm canh và thuê mướn người canh tác. Thỉnh thoảng tôi theo Bố Mẹ và các chị ra ruộng đạp guồng, tát nước lên ruộng và đem cơm nước cho các cô, chú canh nông. Nhưng đồng ruộng chỉ là nghề phụ, còn gia đình chúng tôi sống bằng nghề chính là nghề thầy thuốc Đông Y, chuyên bào chế thuốc gia truyền, chữa trị cho các bệnh nhân để “Cứu nhân độ thế”.

Nội tôi, được song than là Cụ Hậu Thứ gửi sang Tàu theo học ngành Đông Y. Cụ Lang Khiêm có 3 người con là: Bác Trùm Dậu gái, nhà ở gần nhà thờ Nam Lỗ, bác Lý Việt gái nhà ở Phục Lễ và Bố tôi. Nội tôi là người đức độ nổi tiếng, mát tay đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân. Dân làng, xã, huyện nhiều người kính nể. Cụ là Thầy thuốc giỏi, chuyên bắt mạch, khám bệnh, phê toa. Còn Bố tôi thì trông coi phòng thuốc, chuyên bốc thuốc theo toa cho các bệnh nhân từ phòng mạch ông Nội chuyển qua. Bà Nội và Mẹ tôi thì lo luyện thuốc hoàn tán và thuốc tễ. Ông Nội và Bố tôi đều thông thạo nho học, đọc thông viết thạo Hán văn.

Ngày còn nhỏ, cha Liêm và tôi, hai anh em chúng tôi lén bốc trộm thuốc tễ đang phơi của bà Nội và Mẹ tôi ăn vụng, suýt chết. Cha Liêm bị trúng thuốc, lở hết cả người, còn tôi thì bị tiêu chảy đến nỗi lõm sâu cả 2 con mắt. May nhờ có ông Nội cho uống thuốc giải kịp thời, nên đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ông Nội tôi là Cụ Lang Khiêm qua đời khi tuổi còn trẻ, vì bị Tây càn, bắt đi tải đạn nặng nề và bị đánh đập tàn nhẫn, khiến Cụ bị chấn thương, bệnh nặng rồi qua đời, trong lúc đó Bố tôi cũng bị Tây càn, bắt đi lao động biệt tăm tích gần 2 năm trên vùng cao. Khi ông Nội tôi chết, Bố tôi còn đang bị giam ở Yên Phụ, Yên Tử, Bắc Giang.. Sau này Bố tôi vượt tù, chạy bán sống, bán chết, trốn về được đến nhà.

Ngày an táng Ông Nội tôi là một ngày rất đau buồn, vì lối xóm không ai dám tụ tập đông người, sợ Tây về làng càn quét bắt đi. Mẹ tôi thắt cho tôi chiếc khăn tang, quấn tròn trên đầu, rồi tôi cũng ngẩn ngơ khóc như mọi người, đi theo sau quan tài của Ông lên nhà thờ, cùng với mọi người đọc kinh cầu nguyện, rồi đem Ông ra chôn cất phía bên hông trái nhà thờ An Thái, kế bên mộ song thân của Ông là 2 cụ Hậu Thứ.

Qua nhiều biến cố thời đại, sau 1975 nhà thờ An Thái bị xuống cấp trầm trọng. Ban Hành Giáo của giáo họ đã gửi thư sang Úc, đề nghị gia đình chúng tôi trợ giúp trùng tu lại Thánh Đường và bốc hài cốt các Cụ, cải táng lên khuôn viên phía bên phải nhà thờ An Thái chôn cất lại như ngày nay, để gìn giữ di tích lịch sử, ghi nhớ công ơn của các Cụ đã xây dựng lên nhà thờ giáo họ An Thái. Chúng tôi đã làm theo lời yêu cầu của Ban Hành Giáo An Thái.

Khi còn nhỏ, tôi vẫn theo ông chú của tôi là Cụ Chánh Lễ vào nhà thờ An Thái vây lưới bắt chim sẻ. Bày chim sẻ thường hay chui qua các lỗ cửa sổ, gần mái nhà thờ. Chúng bay vào trong nhà thờ làm tổ và đậu trên các bàn thờ, tượng ảnh, phóng uế bừa bãi, dơ dáy các nơi thờ phượng, nên Cụ Chánh Lễ thỉnh thoảng huy động con cháu, vây lưới bắt chim làm thịt đánh chén. Cụ sai chúng tôi đóng hết các cửa lại, vây lưới chung quanh các cửa sổ, rồi lùa cho chim bay, dính vào lưới. Chúng tôi bắt được cả 100 con, bỏ vào lồng đem dìm chúng xuống dưới nước cho chết, rồi nhúng vào nước sôi nhổ lông, mổ bụng làm sạch sẽ, thịt bằm nhuyễn với hành tiêu, mộc nhĩ, rồi vo lại thành viên, bỏ vào nồi nấu măng miến cùng với tim, gan, lòng ruột. Món chim sẻ nấu miến ăn rất ngon và khóai khẩu.

Ngày nay, mặc dù ở một phương trời xa, dưới tận cùng của trái đất, cách quê nhà cả hàng chục ngàn dặm, nhưng cứ mỗi lần nhắc nhớ đến quê hương, tổ tiên, là tôi lại thèm “món chim sẻ nấu măng miến và mút những trái vải, nhãn lồng, có vỏ bóng láng trong khu vườn của gia đình tôi, quê hương An Thái”

Hồi đó, mỗi sáng Chúa Nhật chúng tôi phải sang quê ngoại, nhà xứ Nam Lỗ để tham dự Thánh Lễ, đường sang quê ngoại phải qua sông bằng con đò ngang của nhà ông Thận, hay còn gọi là bến đò Sổ. Có khi chị em chúng tôi rủ nhau đi sang nhà Ngoại sớm vào chiều thứ Bảy chơi, rồi ngủ tối bên đó, để sáng Chúa Nhật đi Lễ cho tiện và gần. Vì Lễ sáng Chúa Nhật được cử hành rất sớm khoảng 4 hoặc 5 giờ sáng. Lễ xong, mà trời vẫn còn tối.

Tôi còn nhớ, sau khi tan Lễ, ra khỏi nhà thờ, thì nhìn thấy hai bên đường đi vào nhà thờ, người ta bày rất nhiều nia, thúng để bán hàng, trong các nia có để các thức ăn và rau, quả như: Thịt trâu, bò hay thịt lợn, bánh, rau qủa, cá múa, tôm tép mới bắt được. Trên những chiếc nia được lót một lớp lá chuối xanh, bày bán thịt, tiết canh lòng lợn, tôi nhìn thấy mà phát thèm, nhỏ rãi. Các tô tiết canh được mấy ông hàng xáo, đánh rất nghệ thuật, tiết đông đến nỗi họ úp ngược tô xuống nia mà tiết vẫn không rớt ra khỏi tô.

Mỗi lần sang nhà ông Ngoại, chúng tôi thường ra sân cuối nhà thờ Nam Lỗ vui chơi đuà giỡn. Phía cuối nhà thờ Nam Lỗ có một bức tường và tháp chuông cao, dưới bức tường có những cái cửa, phía trên hình tròn. Chúng tôi rủ nhau chui qua, chui lại và chơi trò năm mười, ẩn núp, tìm bắt.

Thỉnh thoảng chúng tôi được quan sát ông Cận giật chuông, ông Cận có tật ở chân, nên ông phải đi khập khễnh. Mỗi khi ông kéo dây chuông xuống, thì quả chuông lại văng lên, kéo theo sợi dây chuông và người ông cũng đu lên theo quả chuông, nhìn rất buồn cười.

Theo Bố Mẹ tôi kể lại, thì tôi chào đời tại quê hương An Thái và được bế sang nhà thờ xứ Nam Lỗ cho cha Giuse Phạm Hữu Đoàn rửa tội, lúc đó có thầy Điều con thiêng liêng của cha Đoàn còn đang giúp xứ, thầy Điều hiện nay là cha già cố Đa Minh Nguyễn Trinh Đức đã cao tuổi và bị lãng trí, đang nghỉ hưu dưỡng ở giáo xứ Thánh Tâm, kênh B2, Cái Sắn, giáo phận Long Xuyên.

Lúc chị em chúng tôi lớn khoảng 4 hay 5 tuổi, thì Bố Mẹ cho chúng tôi gia nhập vào đoàn nghĩa binh của giáo xứ, do ông Quản Bột làm quản giáo nghĩa binh, coi sóc chúng tôi. Ông Bột có liên hệ bà con với Mẹ tôi, tôi gọi bằng bác Bột, ông cũng là là em ruột của bà Chánh Lễ, bà thím của tôi. Tướng tá bác Bột cao ráo giống như Tây lai. Thời kỳ cải cách ruộng đất sau 1954, bác bị tòa án nhân dân địa phương kết tội gì đó.....rồi đem Bác đi xử bắn. Bác bị chết oan. Nghe đâu sau này, nhà nước xin lỗi và phục hồi nhân phẩm cho Bác. Cũng tội nghiệp cho bác Bột của tôi.

Những năm gần di cư vào Nam 1954, thì bác Trùm Viêm, bố của Cha Sơn làm trùm chánh trương xứ Nam Lỗ, bác trùm Viêm gái là con của bà Lý Ngàn. Bà Ngoại tôi và bà Lý Ngàn là chị em ruột, bác trùm Viêm gái với Mẹ tôi là chị em đôi con dì. Còn bác trùm Viêm trai là con cả của Cụ Chánh Chuẩn, nhà bác ở phía bên phải, đối diện nhà thờ Nam Lỗ, Đồng Mư. Nhà Ông Ngoại tôi thì ở phía bên trái, gần góc sân, cuối nhà thờ xứ. Đối diện nhà ông Ngoại tôi là nhà bác Báo. Bác Báo và Mẹ tôi cũng là con dì. Đàng sau nhà ông Ngoại tôi là nhà ông phó Đoán, rồi đến nhà bác Bột có các anh Quyền, Hy, Vọng …con bác.

Bà Ngoại tôi mất khi Mẹ tôi còn rất nhỏ, lúc đó cậu Huấn, cậu út của tôi chưa đầy một tuổi. Bà Ngoại tôi qua đời, ông Ngoại tôi hãy còn ở lứa tuổi thanh niên, mới có 27 tuổi. Cụ ở vậy, gà trống nuôi con, nuôi 3 chị em Mẹ tôi là: bác Hữu gái 5 tuổi, Mẹ tôi 3 tuổi và cậu Huấn chưa đầy 1 tuổi. Ông Ngoại tôi tần tảo, vất vả nuôi con, sau này ông phải nhờ cậy đến bà Sinh là bà chị ruột của Ông Ngoại, cũng là bà Ngoại của cha Thỏa và bà Cần vào phụ giúp trông coi 3 chị em Mẹ tôi. Tôi cảm phục Ông Ngoại tôi, một thanh niên có chí khí nam nhi với lòng chung thủy phu thê đáng khâm phục. Ông thủ tiết nuôi các con cho đến ngày lâm trọng bệnh, qua đời tại nhà tôi trên Sàigòn năm 1971, thọ 79 tuổi.

Đi học miền Bắc

Khi lớn lên khoảng 3 hay 4 tuổi, chị em chúng tôi được Bố chở lên tỉnh Thái Bình mua cho mỗi đứa một cái cặp gỗ, loại cặp như cái hộp nhỏ chừng 4 tấc vuông, có chân gấp xéo, giống cái bàn của mấy anh bán kẹo kéo.

Mỗi buổi sáng chị em chúng tôi, ăn cơm nước xong, đeo cặp, đi bộ sang làng Lác học, chúng tôi phải đi qua Mả Vừa (nghĩa địa) làng Lác. Vì còn nhỏ hay sợ ma, cho nên mỗi khi đi qua nghĩa địa, tôi cảm thấy người hơi rờn rợn tóc gáy.

Trường làng là một căn nhà ngói, thô sơ của thầy giáo Sánh, căn nhà này đã từng bị bom của Tây đánh sập. Tất cả các học sinh đều phải ngồi xếp bằng trên các manh chiếu rách để học, bò chổng mông lên viết bài, ngoại trừ mấy chị em tôi có bàn viết. Sau giờ học chúng tôi về nhà đóng cổng, chơi với nhau trong sân, không được ra ngoài lêu lổng.

Hồi đó, trong làng chỉ mình Bố tôi có chiếc xe đạp, nên Bố tôi giữ rất kỹ. Lúc bấy giờ, xe đạp là loại hiếm quí, nó được coi là vật xa xỉ, giống như nhà giầu có cái xe hơi hiệu Mercedes bây giờ và còn qúi hơn nữa.

Với những kỷ niệm lưu luyến, Bố tôi thường dùng xe đạp, đèo 2 anh em chúng tôi lên tỉnh Thái Bình dạo chơi và mua sắm các đồ dùng cần thiết cho gia đình. Xe đạp kiểu đàn ông, được Bố tôi buộc thêm một cái ghế mây nhỏ, cột chặt vào khung phía trước xe, gần sát ghi đông (tay lái). Ghế loại trẻ con này dành cho tôi ngồi. Còn chiếc bargar phía sau dành cho cha Liêm. Mấy Bố con chúng tôi cũng thường hay lên Thái Bình vào tiệm chụp hình, chụp những tấm hình kiểu với chiếc xe đạp, để kỷ niệm. Khi di cư vào Nam, gia đình chúng tôi mang theo được những tấm hình này, nhưng một thời gian sau, căn nhà ở dinh điền Cái Sắn, tỉnh Long Xuyên của chúng tôi bị bão lụt, nên những tấm hình quí giá này bị hủy hoại hoàn toàn. Năm 1954, lúc trốn khỏi làng, di cư, gia tài Bố con tôi chỉ đem theo độc nhất có chiếc xe đạp. Ra đến tỉnh Hải Dương, Bố tôi đã phải bán nó, để lấy tiền độ đường, mua vé tàu hỏa xuống Hải Phòng.

Di cư

Cũng 1954, sau vụ cải cách ruộng đất, có những kẻ ác cảm muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình chúng tôi, chúng đã xếp gia đình chúng tôi vào loại địa chủ, chuẩn bị đưa gia đình chúng tôi ra đấu tố. Mặc dầu Cha, Ông chúng tôi chỉ là những thầy thuốc Đông Y chuyên lo “Cứu Nhân Độ Thế”. Hơn nữa Ông Nội và Bố tôi đã bị Tây càn, bắt đi lao động, giam giữ gần 2 năm tại vùng rừng sâu nước độc mãi tận Bắc Giang..

Trong thời điểm 1954. Dân chúng được thông tin, ai muốn đi vào Nam thì tập trung, rồi sẽ có cán bộ hướng dẫn ra đi, do đó dân làng kéo nhau xuống bến đò Gồ Láo, làng Lác, bên kia sông là làng Sốc để vượt sông di cư. Nhưng trên thực tế, các cán bộ thôn, xã đã được chỉ thị bằng mọi cách giữ dân lại. Khi dân chúng tập trung tại bến đò ngang để qua sông tìm đường ra Hải Dương, Hải Phòng, thì cán bộ cho dấu đò ngang và tuyên truyền để đồng bào giải tán trở về nhà làm ăn, xóa bỏ ý định dời quê hương.

Bố tôi trốn trại tù của Tây về nhà được vài tháng thì lại bị Ủy Ban thôn xã, bắt đi nhân công tải đạn tiếp tế vào Nam. Sau nhiều lần tập trung họp tại đình làng An Thái để xác định bổ xung công tác. Vào một đêm không trăng sao, khoảng 1 hay 2 giờ sáng, bố tôi đã xé rào, trốn khỏi làng, chỉ dẫn có một mình tôi đi theo. Lý do chúng tôi phải xé rào trốn đi, vì dân quân họ gác chặn các nơi đầu làng, xó chợ, để giữ dân lại.

Cha con tôi vượt thoát khỏi làng, đạp xe đến cầu đổ Quỳnh Côi, lúc đó trời mới tờ mờ sáng, thì ngã xe xuống ruộng, ướt hết cả người, tôi rét run cầm cập. Bố tôi cởi hết quần áo của tôi ra, vắt sạch nước cho khô, rồi mặc lại cho tôi. Ra tới Hải Dương thì đã trưa, Bố tôi vào đồn Tây xin cơm cho tôi ăn. Tôi nhìn thấy tên Tây đen thì khóc thét, ôm chặt lấy Bố tôi. Sau đó Bố tôi đi tìm người mua, gạ bán chiếc xe đạp để lấy tiền độ đường, mua vé tàu hỏa đi xuống Hải Phòng.

Tới Hải Phòng, hai cha con tôi vào tạm trú ở trại tỵ nạn, căng Thượng Lý để đợi Mẹ tôi. Chừng 1 tuần sau, thì Mẹ tôi dẫn được bà Nội, chị Lạc tôi, cha Liêm và em trai tôi 1 tuổi và người chị họ cùng trốn thoát được đến Hải Phòng. Hai cha con tôi gặp lại gia đình thì mừng rỡ. Thế là ngày hôm sau chúng tôi bồng bế nhau xuống tàu “Há Mồm” di cư vào Nam ngay, vì sợ ở lại Hải Phòng lâu, có thể sẽ bị đuổi về An Thái.

Lên Tàu Thủy dời bến Hải Phòng, sau 3 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển cả, tàu chúng tôi đã cặp bến cảng Sàigòn. Mọi người xuống tàu, được đoàn xe cam nhông chờ sẵn, chở chúng tôi lên trại định cư Lạc An, Tân Uyên, Biên Hòa. Nơi đây đã có sẵn nhà cửa, được làm bằng cỏ tranh do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam xây dựng sẵn cho đồng bào di cư.

Xuống xe chúng tôi phải qua phà để sang trại Lạc An phía bờ bên kia thượng nguồn sông Đồng Nai. Nơi đây đã có hàng chục ngàn người di cư đến trước chúng tôi. Chúng tôi tìm kiếm những người gốc giáo xứ Nam Lỗ như: Sổ làng, Lác Làng, An Thái, Sốc v.vv.. tụ họp nhau lại, rồi đi vào xa và sâu hơn để nhận nhà. Vì chúng tôi đến sau các giáo xứ khác.

Đến trại Lạc An, Tân Uyên, Biên Hòa, chúng tôi như rắn không đầu, cố gắng qui tụ lại với nhau, lập thành nhóm đồng hương giáo dân gốc xứ Nam Lỗ, rồi cùng nhau xây dựng lên nhà thờ, lập thành giáo họ Nam Lỗ, Lạc An để tưởng nhớ quê hương. Tôi thấy chưa bao giờ chúng tôi có sự đoàn kết, thân tình đồng hương, như những lúc phải xa quê hương như thế này..Giáo họ Nam Lỗ, Lạc An chúng tôi được sát nhập vào giáo xứ Vạn Đồn, Lạc An do cha Phêrô Mai Trí Thuật làm quản xứ. Kế bên giáo họ Nam Lỗ là giáo xứ Cao Xá, Lạc An do Cha già Khuông quản xứ, Ngài ghiền ăn trầu. Tôi còn nhớ Cha già Khuông có 2 người con linh tông là thầy Khang và thầy Khải. Thầy Khang đỗ linh mục vào thập niên 60, hình như sau đó được về làm quản xứ giáo xứ Thái Bình, Xóm Mới, Gò Gấp, Sàigòn và thầy Khải sẹo, xuống Cái sắn Kinh B theo cha Tân giúp xứ Bình Cát (Thái Bình, Sa Cát) vài năm, thầy Khải đỗ linh mục thuộc giáo phận Cần Thơ rồi được cử đi làm quản xứ giáo xứ Hòa Tú, Cổ Cò, Sóc Trăng.

Ngoài ra Cha Đoàn còn dẫn theo một số đông giáo dân gốc nhà xứ Nam Lổ vào vùng rừng núi Bà Nhã, Bời Lời, Trảng Bảng, Tây Ninh định cư, thành lập lên giáo xứ mới Nam Lỗ, Bời Lời, Tây Ninh.

Xuống miền cực Nam lập nghiệp

Định cư ở 2 vùng Lạc An và Bà Nhã, Bời Lời được gần 2 năm. Tình hình kinh tế làm ăn khó khăn, chỉ trông cậy vào nghề thủ công nghệ. Thanh niên, đàn ông phải vào tận rừng sâu nguy hiểm: chặt tre, đốn giang, đóng bè lao xuống sông, thả trôi theo dòng nước về trại, vớt lên: chẻ tre, vót nan, đan, lát, thành thúng mủng, rổ rá, giao cho con buôn đem về Sàigòn bán. Hàng ngày dân chúng chỉ ngóng cổ, trông cậy vào viện trợ lương thực của giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ, nên Đức Cha Phạm Ngọc Chi giám đốc đặc trách phong trào di cư, đã liên lạc với Phủ Tổng Ủy Di Cư của chính quyền miền Nam, xin cho di dân xuống các dinh điền thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây như: Mộc Hóa, Sóc Trăng, hay Cái Sắn, Rạch Giá, Long Xuyên.

Thế là cuộc di cư vĩ đại lần thứ 2 lại được thực hiện vào năm 1956. Tât cả bà con đồng bào thuộc trại Lạc An ai muốn đi xuống vùng nông thôn lập nghiệp thì chuẩn bị xuống tàu, di cư xuống tận cùng của miền Nam nước Việt. Gia đình chúng tôi cũng nằm trong diện của hàng chục ngàn dân di cư này. Lại bảo nhau thu dọn, bồng bế xuống chành lúa do chính phủ thuê bao để xuôi Nam.

Miền Nam gọi là “Chành Lúa” là những chiếc thuyền khổng lồ chở thóc, lúa. Mỗi chiếc có trọng tải được hàng ngàn tấn thóc. Cứ mỗi chiếc chở được khoảng 100 gia đình. Mỗi một đoàn Chành Lúa gồm 10 chiếc, do một chiếc tàu thủy có máy lớn kéo đi. Vị chi cứ mỗi lần 10 chành luá như vậy, thì đã di chuyển được cả ngàn gia đình xuống Cái Sắn, Long Xuyên, Rạch Giá.

Xuống Cái Sắn vào đầu năm 1956, nhìn thấy sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cánh đồng bát ngát, bao la, ai nấy được thở một không khí trong lành mát mẻ tự do. Chính phủ miền Nam đã đào kênh dẫn nước, chia cắt ruộng đất và làm nhà cửa sẵn sàng cho dân. Họ cấp phát tiền và viện trợ lương thực hàng ngày cho từng nhân khẩu và chia cho mỗi gia đình một thửa đất chiều ngang 30 mét tây, chiều dài 1 cây số 200 mét, (30m x 1,200m = 36,000m vuông) khoảng gần 4 mẫu tây ruộng, độ chừng 26 công tầm cắt, (kiểu đo ruộng của người dân miền Nam. Mỗi công tầm cắt rộng khoảng 3 sào 6 miền bắc) và cứ 3 gia đình thì được cấp phát cho một con trâu.

Ruộng đồng thẳng cánh cò bay, ai nhìn cũng ngán. So sánh với miền bắc, mọi người ai cũng thắc mắc, sao mà chính phủ cho ruộng nhiều thế, làm sao mà cày cấy cho hết, chắc phải bỏ hoang.

Người dân di cư còn đang hoang mang vì nhiều ruộng đất, thì chính phủ cho đội máy cày cả 100 chiếc xuống, cầy ruộng khai hoang cho đồng bào, phát thóc giống cho bà con gieo mạ cấy cày. Đội cán bộ canh nông đến hướng dẫn bà con xạ lúa theo kiểu miền Nam, chứ không cấy lúa theo kiểu miền bắc và cũng không phải tát nước be bờ. Chỉ cần cầy ruộng lên, rắc thóc xuống ruộng, cho máy bừa lại một lần, trời mưa xuống là lúa mọc lên. Lúa mùa mọc lên theo mực nước sông Cửu Long, nước dâng lên tới đâu, lúa mọc lên tới đó. Nước dâng lên tràn ngập cánh đồng trong 6 tháng. Khi nước rút xuống thì lúa chín, người dân chuẩn bị gặt lúa. Họ chỉ cần dùng cái liềm cắt bông lúa, còn rạ bỏ lại cánh đồng, đốt làm phân tro.

Dân di cư cảm thấy vui mừng phấn khởi, vì cách làm ruộng của nông dân miền Nam thật dễ dàng, không vất vả như làm ruộng ở miền bắc, mà lại gặt được nhiều thóc luá. Mỗi năm, trung bình mỗi gia đình có thể thu hoạch được 400 dạ lúa (Mỗi dạ 2 thùng, mỗi thùng 20 lít) khoảng 800 thùng thóc. Nếu đem so sánh với một gia đình miền bắc thì người di cư giầu có và sung sướng. Chẳng bao lâu người dân di cư vào Nam đã tái lập lại đời sống, trở nên phồn vinh. Các nhà xứ và giáo đường bắt đầu mọc lên nguy nga và tráng lệ. Song song với sự phát triển đó, giáo dân gốc giáo xứ Nam Lỗ đã qui tụ lại với nhau thành lập lên những giáo họ, hoặc giáo xứ gốc Nam Lỗ.

Riêng kênh B2 vùng Cái Sắn, các gia đình gốc Nam Lỗ đã qui tụ lại thành một khu, xây cất lên nhà thờ giáo họ Nam Lỗ, kênh B.

Sau khi Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ về thành lập giáo phận Long Xuyên, Ngài chia cắt, phân định lại ranh giới các giáo xứ cho rõ ràng, mạch lạc. Ngài phân chia mỗi kênh làm 2 giáo xứ (Mỗi kênh dài 12 cây số, Đức Cha phân chia mỗi giáo xứ 6 cây số chiều dài, cắt ngang kênh bằng Kênh Đòn Giông). Do đó giáo họ Nam Lỗ kênh B phải lệ thuộc theo giáo xứ có tên mới là Thánh Tâm. Kinh B có đông giáo dân từ nhiều giáo xứ gốc giáo phận Thái Bình. Nên Giáo họ Nam Lỗ theo qui định ranh giới mới, qui tụ giáo dân của nhiều xứ khác miền Bắc gom lại, nên giáo dân đã bầu lại Ban Hành Giáo và biểu quyết đổi tên mới là giáo họ Hợp Tiến, để thể hiện tinh thần đoàn kết, xóa bỏ tên cũ Nam Lỗ từ đấy. Giáo họ Hợp Tiến có một ½ số giáo dân là gốc Nam Lỗ di cư, bây giờ trực thuộc giáo xứ mới Thánh Tâm do cha Đa Minh Nguyễn Trinh Đức (thầy Điều) con cha già Đoàn Nam Lỗ làm chánh xứ.

Đối diện kênh B là kênh Rivera, giáo dân gốc Nam Lỗ cũng đông, do cha Đoàn dẫn dắt, đã thành lập nên giáo xứ Nam Lỗ, nhưng giáo xứ này lại có đông giáo dân thuộc các giáo xứ khác ngoài miền bắc di cư cũng thuộc giáo phận Thái Bình cùng chung một khu, nên Cha Đoàn phải họp Hội Đồng Giáo Xứ lại, đổi tên mới là Bình Nam (do cái tên Nam Lỗ và Thái Bình gom lại) cho có sự thống nhất và đoàn kết. Giáo dân kênh Rivera theo chân cha Đoàn, thì đa phần là gốc thuộc họ nhà xứ Nam Lỗ ngoài bắc..

Khi Đức Cha Ngữ phân chia lại giáo xứ. Gx Bình Nam không nằm trong địa bàn qui định, nên bị mất xứ, xóa sổ. Cha Đoàn phải ra đi xuống kinh 8, gần tỉnh Rạch Giá, Kiên Giang để thành lập giáo xứ mới. Một vài gia đình gốc Nam Lỗ cũng theo Cha Đoàn xuống kênh 8 và kênh 7 lập nghiệp.

Hàng năm các con chiên gốc giáo xứ Nam Lỗ như kinh B, kinh Rivera tổ chức thuê đò máy, rủ nhau xuống chúc Tết cha già Đoàn. Đặc biệt Cha già Đoàn, Ngài ghiền thuốc lào, nên lúc nào cũng có cái điếu để trên bàn nơi phòng khách. Ai vào thăm, Ngài chào một câu, rồi kéo ngay cái điếu lại, bắn một bi thuốc lào xong, khà một cái cho đã, rồi mới nói chuyện tiếp khách.

Lên Sàigòn

Sinh sống ở Cái Sắn, Long Xuyên được vài năm, đến năm 1962, một trận đại hồng thủy đã tràn ngập khắp nơi trên vùng đồng bằng miền Tây sông Cửu Long, tàn phá hoa màu, nhà cửa ruộng vườn của người dân nông thôn. Gia đình chúng tôi đành bỏ Cái Sắn bồng bế nhau lên Sài Gòn lập nghiệp và buôn bán, để lại ruộng đồng cho người thân trông coi, một chốn hai nơi. Tuy sinh sống ở Sàigòn nhưng hàng năm chúng tôi vẫn về Cái Sắn ăn Tết và thu hoạch lúa mùa.

Đến năm 1975, sau biến cố 30 tháng Tư. Thì gia đình tôi từ từ chuyển nhượng tất cả nhà cửa, ruộng đất Cái Sắn cho cậu Huấn em út của Mẹ tôi.

Vượt biển đến Úc

Sau biên cố 30 tháng 4 năm 1975. Gia đình chúng tôi có cửa hàng buôn bán tạp hóa tại Sàigòn, nhưng đã bị chính quyền giải phóng tịch thu, xếp vào loại tư sản, nên họ đã cho đội dân phòng đến niêm phong cửa hàng và tịch thu, lấy đi tất cả hàng hóa của gia đình tôi.

Thế là sau hơn 20 năm thắt lưng buộc bụng, làm ăn buôn bán ở miền Nam, gia đình chúng tôi bây giờ lại trở nên trắng tay, vô sản. Anh em chúng tôi không được tiếp tục đi học nữa, mà phải tham gia vào lực lượng lao động, đi kinh tế mới. Chúng tôi đã bôn ba lên các vùng kinh tế mới, để tìm nơi lập nghiệp dung thân, nhưng chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng.

Người dân kinh tế mới sau 1975 phải dùng sức lao động, tự tay phá hoang rừng rẫy, bằng những dụng cụ thô sơ thời đồ đá, không máy móc, không được sự giúp đỡ của chính quyền hay bất cứ cơ quan nào. Chỉ ra sức lao động cật lực để phá hoang, kiếm sống, tìm cây dựng lều, che nắng, che mưa, nằm gai nếm mật, trong nỗi buồn tuyệt vọng.

Tôi quyết định trở về thành phố và tìm đường vượt biển đi tìm tự do. Sau những tháng năm, lặn lội, trốn tránh, lùng kiếm mua ghe, thuyền, đem vào ụ thuê người sửa chữa, lắp máy, rồi kín đáo cất dấu kỹ lưỡng một nơi, chờ thời cơ, chọn một đêm tối tăm, mù mịt không trăng sao, hẹn giờ tụ tập xuống thuyền vượt biển trốn thoát, cũng như lúc di cư năm 1954.

Vượt thoát khỏi Việt Nam cuối năm 1979. Chúng tôi cập vào bến bờ đất nước Mã Lai và được Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đón tiếp, rồi cho chúng tôi xuống tàu, đưa sang trại tỵ nạn trên đảo Pulau Bidong, Mã Lai tạm trú và bao bọc trợ cấp. Ở trên đảo Pulau Bidong khoảng 3 tháng, thì chúng tôi được phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn Úc nhận, cho sang Úc Châu định cư.

Đặt chân xuống phi trường thành phố Adelaide, Nam Úc, như từ đáy giếng được vớt lên. Chúng tôi được nhân viên Bộ Di Trú và các cơ quan Từ Thiện di cư ra đón tiếp rất nồng hậu. Họ đưa chúng tôi vào trại tạm cư Pennington Hostel, tạm trú. Cứ 2 người độc thân thì nhận 1 phòng ngủ riêng biệt, sau đó lên hội trường làm thủ tục tái khám sức khỏe và lãnh tiền trợ cấp xã hội. Họ nuôi nấng và phát tiền cho chúng tôi hàng tuần. Ăn uống hàng ngày đã có Canteen, giống như nhà hàng nấu nướng sẵn cho, cứ việc xắp hàng đến lấy thức ăn ra bàn ngồi ăn, chẳng khác gì một restaurant sang trọng. Họ giúp đỡ chúng tôi, cho đến khi đủ sức hội nhập vào xã hội Úc, có thể kiếm được công ăn việc làm.

Hàng ngày chúng tôi được gửi đến trường, học Anh Văn để giao tiếp với người dân bản xứ. Mỗi buổi sáng, chúng tôi dậy sớm kéo nhau xuống Canteen ăn sáng rồi đi học. Chúng tôi vào canteen lựa chọn các thức ăn và nước uống nào mà mình thích, sau đó nhận phần ăn trưa đem theo đi học. Chiều đi học về, chúng tôi nghỉ ngơi tắm rửa đi dạo phố, rồi lại kéo nhau xuống canteen ăn tối.

Thời gian ở Hostel là thời gian rảnh rỗi, phè phỡn nhất, chúng tôi cảm thấy thật sự sung sướng. So sánh với đất nước Việt Nam thì đây là một Thiên Đàng hạ giới, vừa có cơm ăn, áo mặc lại còn được phát tiền tiêu sài hàng tuần. Nhưng chỉ có một nỗi buồn là nhớ quê hương, thương Cha Mẹ, anh chị em còn bỏ lại VN, thật là đau đớn xót xa.

Anh em chúng tôi ở trong Hostel một thời gian ngắn, thì Cha Thụ dòng Tên Việt Nam, Ngài sang Úc du học trước kia, đã giúp đỡ, thuê nhà cho chúng tôi ra ngoài ở, nhường lại các phòng trong trại tạm cư Hostel cho những đồng bào đến sau. Chúng tôi mướn một căn nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, một phòng giải trí với 2 toilets trong nhà, giá thuê $25 dollars/một tuần, được chính phủ trợ cấp chu đáo, tiền nhà, tiền ăn phát hàng tuần. Đối với người Việt, thì dư giả để sống và có thể tiếp tục đi học lại, hoặc đi tìm việc làm. Vốn liếng Anh Văn của chúng tôi bây giờ cũng tạm đủ để hội nhập với xã hội Úc. Tôi trở lại trường học, đi học nghề một thời gian ngắn, sau đó kiếm việc làm. Anh em chúng tôi đều kiếm được việc làm, trong các công xưởng, ngoại trừ cô em út Thủy còn nhỏ phải tiếp tục đi học.

Khi đã có việc làm, chúng tôi đủ điều kiện bảo lãnh thân nhân sang Úc đoàn tụ. Người đầu tiên chúng tôi bảo lãnh là Bố Mẹ tôi.

Chỉ 2 năm sau ngày tôi đến Úc, thì một niềm vui vô tận lại đến cho anh em chúng tôi là nhận được thư của Bộ Di Trú thông báo, Bố Mẹ của chúng tôi đã được chính phủ chấp nhận cho sang Úc đoàn tụ và sẽ được đến Úc một ngày rất gần.

Tháng Ba năm 1982. Cả 4 anh em chúng tôi cùng với một đoàn xe gồm những bạn bè thân quen và gia đình những người bạn Úc ân nhân, đã hồ hởi lũ lượt kéo nhau ra phi trường Adelaide chào đón Bố Mẹ tôi sang đoàn tụ, trong nỗi vui mừng, hân hoan xúc động. Không còn nỗi vui mừng nào khôn tả hơn lúc này.

Bố Mẹ tôi đặt chân đến Úc cũng được hưởng tiền trợ cấp xã hội như mọi người. Đến Úc được vài tuần, tôi ghi danh cho 2 cụ đi học Anh Văn để bập bẹ chào hỏi, hội nhập vào xã hội mới, có thể trò chuyện với những người bạn Úc láng giềng chung quanh. Ở bên Úc, thỉnh thoảng Bố tôi cũng giúp đỡ đồng hương, bắt mạch phê toa cắt thuốc theo đông y cho những ai cần thuốc Nam để chữa bệnh, tránh sử dụng nhiều thuốc Tây làm cho bệnh nhân nôn nóng khó chịu. Bố tôi bắt mạch phê toa, hốt thuốc cho họ, lưu truyền nghề tổ tiên xưa. Bên Úc thuốc bắc, nam rất nhiều, nhưng vì Tây y hiện đại, đã trấn át ngành Đông Y, nên Bố tôi từ từ lui dần vào bóng tối. Đến đời chúng tôi thì tịt luôn mất gốc.

Một bộ sách thuốc của Ông Nội tôi viết bằng Hán tự cách nay cả 100 năm, bỏ lại miền bắc sau ngày di cư vào Nam năm 1954, bác Phúc bên nhà xứ Nam Lỗ đã sang An Thái thu gom về nhà và lưu giữ cho đến khi Bố Mẹ tôi từ Úc về thăm lại quê hương An Thái lần đầu tiên sau hơn 40 năm xa cách. Bác Phúc đã trao lại toàn bộ sách qúi này cho Bố tôi đem về Úc làm gia phả. Hiện nay Bố tôi còn lưu giữ trong nhà. Có lẽ đến đời chúng tôi, thì chỉ còn nước đóng hòm, cất làm kỷ vật.

Nghĩ lại thời xa xưa, lúc chúng tôi đến Úc chỉ vỏn vẹn có một cái giỏ nhỏ và mỗi một bộ quần áo do Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ phát, trước ngày lên máy bay dời Mã Lai. Thế mà giờ đây chúng tôi đã an cư lạc nghiệp và làm lại cuộc đời, còn hơn cả lúc ở bên Việt Nam với tuổi trẻ thanh xuân đầy sức lực. Chắc có lẽ chúng tôi được may mắn là nhờ phúc ấm của Ông Bà Tổ Tiên, đã bỏ công sức xây dựng nhà thờ An Thái để cảm tạ hồng ân Chúa, một cái Zen trong máu lưu truyền lại cho chúng tôi được hưởng.

Giờ đây nhìn lại khoảng thời gian trôi qua, bước sang tuổi lục tuần, thời thanh xuân đã hết. Sư nghiệp đã ổn định trên xứ lạ, quê người. Nỗi niềm hoài hương vẫn ray rứt trong lòng chẳng khi nào nhạt phai.

Ôn lại ký ức, dĩ vãng: Chôn rau, cắt rốn từ An Thái. Rèn luyên đức tin và sống đạo thuở ấu thơ từ giáo xứ Nam Lỗ. Lớn lên từ Cái Sắn, Long Xuyên. Thành nhân từ phố thị Sàigòn. Bôn ba tạo lập sự nghiệp ở Úc Châu và còn gì nữa....

Cuộc đời của gia đình tôi là những chuỗi thời gian lưu vong biệt xứ. Với tôi chắc cũng sẽ nằm xuống nơi vùng trời đất Úc cách xa quê hương thăm thẳm. Cái Gen Cha bỏ xứ, Con bỏ nước ra đi vẫn còn tiềm ẩn trong tôi.

“Bố tôi bỏ quê An Thái, dìu dắt gia đình di cư, xuống mãi tận miền cực Nam của đất Việt định cư”.

“Còn tôi phải bỏ nước ra đi, xuống mãi tận miền cực Nam của Địa Cầu lập nghiệp”.


Nghĩ về quê hương xứ sở, thỉnh thoảng tôi mở DVD coi lại chương trình Paris By Night, rồi ngâm nga, hát bản nhạc:

1954 Cha Bỏ Quê

1975 Con Bỏ Nước


Bản nhạc này, ca sĩ Elvis Phương đã hát cách nay trên 10 năm, để tưởng nhớ lại những ngày dời xa quê hương.

Một ngày Năm Bốn (54) Cha bỏ quê xa

Chốn đất chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời

…………

Một ngày 54 Cha bỏ Đất Bắc vô Nam,

Dắt díu theo nhau, vô sống nơi Biên Hòa

……

Một ngày Bảy Lăm (75) Con bỏ nước ra đi

Hai mươi năm là Hai lần ta biệt xứ

……

Và giờ này con lưu lạc nơi xứ lạ

……………..


Jo. Vĩnh
 
Văn Hóa
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (5)
Vũ Văn An
01:59 31/07/2008
Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Đứng ngoài một tổ chức chính thức có cái hay là tránh được cảnh ‘trên đe dưới búa’. Nói với đe, đe chẳng tha mà nói với búa, búa cũng chả thèm đoái hoài. Biết hay thấy mà không nói thì không những không yên lòng yên dạ mà còn bị thiên hạ chê là dổm, tệ hơn nữa còn là thiên lệch, phe nhóm, tả khuynh hữu huynh, chống… hay không chống…Mà nói ra cho ‘đẹp mọi bề’ thì đòi một nghệ thuật hết sức cao siêu, một nghệ thuật bản thân tôi không bao giờ chịu tập và chịu tập cho thành thạo. Đứng ngoài có nhiều cái lợi mà lợi hơn cả là không ai trách nếu mình thiếu sót hay ‘cố tình’ thiếu sót.

Con Tầu Sydney 2000
Nhưng đứng ngoài quả có nhiều cái thiệt mà cái thiệt hơn cả là không tham dự được những biến cố ‘đáng đồng tiền bát gạo’. Người đứng ngoài bao giờ cũng là người chỉ nhìn nghiêng chứ khó mà nhìn thẳng, nhìn bóng chứ ít khi nhìn được người thật việc thật. Họ để lỡ biết bao nhiêu là biến cố có tính lịch sử. Như biến cố ngày hôm trước. Trên con tầu có tên Sydney 2000 kia, diễn ra nhiều sự kiện hết sức có ý nghĩa, nhưng dưới con mắt tôi, nó chỉ là một khối sắt to từ từ khuất dạng dưới cây cầu Harbour Bridge nổi tiếng thế giới. Dù biết trên đó có người khách từ muôn dặm ‘nhân danh Chúa mà đến’, nó vẫn chỉ có ý nghĩa thiêng liêng đối với một tâm hồn tạm gọi là ngoan đạo như tôi thôi. Đâu có ngờ, trên đó lại diễn ra cảnh một thanh niên Việt Nam trao tặng (và có người còn quả quyết là quàng) chiếc cờ Việt Nam Tự Do cho Đức Bênêđíctô XVI.

Dũng tại Randwick
Về đến nhà tôi mới được biết tin ấy, do một khách hành hương, vì lấy lộn hành lý tại phi trường Sydney, phải ở lại nhà để bà xã tôi hướng dẫn ra đó trao đổi, kể lại. Hôm sau thì thấy hình Đức Thánh Cha với lá cờ Việt Nam Tự Do quanh vai. Hôm sau nữa, một người bạn cho đọc ‘ké’ e-mail của một người ở Brisbane gửi cho bạn bè, trong đó có mấy tấm hình chụp lại diễn biến ‘quàng cờ cho Đức Giáo Hoàng’ mà có người cảm kích quá gọi là ‘Đức Giáo Hoàng làm phép cờ Việt Nam Tự Do’. Nhìn hình người thanh niên, tôi đã ngờ ngợ là Dũng, người đã trao cho tôi thẻ vào Barangaroo ngày 15 để tham dự Thánh Lễ Khai Mạc. Nhưng không dám chắc chắn lắm. Phải sau Thánh Lễ Bế Mạc tại Trường Đua Randwick, tôi mới chắc chắn trăm phần trăm người thanh niên đó chính là Dũng, do một tấm hình trên Net chụp Dũng tại Thánh Lễ, mình mặc áo vét, tay dăng rộng lá cờ ‘dài thoòng’ giống hệt lá cờ đã quàng vào vai Đức Bênêđíctô XVI ngáy 17. Dũng cũng là người đã thủ vai ‘tử đạo’ trong đoản kịch trình diễn đêm 16 tại Whitlam Centre ở Liverpool. Thực ra khi xem anh trình diễn, tôi không nhận ra anh. Nhưng nhân lúc đang lăng xăng và loay hoay tìm chỗ đứng thuận tiện để quay màn đồng ca của Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, tôi gặp Dũng đứng xớ rớ trong bóng tối ở cánh phải sân khấu, bèn hỏi: đã trình diễn chưa? Dũng bảo: cháu trình diễn rồi? Lúc nào? Màn tử đạo vừa rồi đó? À, anh đóng vai tử đạo đó hả? Vâng. Tôi chưa có dịp gặp lại Dũng sau hai ngày 15 và 16, nên chưa hiểu tâm tình anh ra sao. Nhưng nhìn vào nụ cười tươi trong tấm hình chụp anh ở Randwich, tôi nghĩ hẳn anh phải rất vui vì hành động của mình. Rất có thể anh cũng là người đã phất cờ Việt Nam Tự Do tại cuộc rước cờ các quốc gia tại Barangaroo vào ngày 15.

Cũng vì cái tính muốn ‘đi lẻ’ như thế mà tôi mắc khá nhiều lầm lẫn mà lầm lẫn rõ và lớn nhất xẩy ra hôm Thứ Sáu, ngày WYD đi Đàng Thánh Giá. Lầm lẫn bắt đầu vào buổi sáng. Số là mấy người anh em họ từ Mỹ qua toàn thuộc lớp những người Công Giáo ‘không biết làm gì thì đi lễ!’. Tôi có chút bận vào buổi sáng hôm ấy, không dẫn họ đi đây đó được. Nên họ ‘đòi’ đi lễ tại nhà thờ sở tại. Nghĩ rằng đây cũng là dịp để họ đỡ nhớ quê hương thứ hai, dù mới chỉ rời xa quê hương ấy được hơn một ngày, nên tôi để họ đi. Nhà thờ Beverly Hills vốn được xây cất để tưởng niệm trận Coral Sea trong Thế Chiến Hai trong đó người Úc chiến đấu bên cạnh người Mỹ chống lại Phát-xít Nhật. Vì thế tuy danh xưng là Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng) nhưng bên dưới có thêm hàng chữ lớn Memorial Church, Để Dâng Tặng Tình Thân Hữu Giữa Hai Dân Tộc Úc Và Mỹ. Bước vào bên trong Nhà Thờ, bạn sẽ thấy cánh phải bàn thờ là nhà nguyện có cờ Úc, còn bên trái là nhà nguyện có cờ Hoa Kỳ. Anh con trai ‘dở hơi’ của tôi chẳng thà đi lễ Việt Nam dù chẳng hiểu bao nhiêu còn hơn đi lễ ở Nhà Thờ này chỉ vì cái lá cờ Mỹ to chình hình trưng cạnh bàn thờ. Tôi hy vọng, lá cờ đó không gây một phản ứng như thế từ những người Việt Nam đến từ đất nước ấy. Mà họ thích thật. Chỉ có điều ngồi chờ từ 9 giờ sáng đến gần 10 giờ sáng, vẫn chẳng thấy cha nào chịu ra làm lễ, mà nhà thờ thì toàn những người ‘xi lô xì lồ’ một thứ tiếng không phải là tiếng Anh. Đến khi họ trở về ‘tay không’, tôi mới kịp nhớ ra: trong tuần đại hội WYD, Nhà Thờ ấy được trưng dụng làm nơi học giáo lý cho nhóm 350 khách hành hương nói tiếng Bồ Đào Nha, còn trường học của Giáo Xứ, ngay bên cạnh, được dùng làm nơi cư ngụ cho 200 khách hành hương, không rõ nói tiếng gì. Nên hôm ấy không có thánh lễ như thường lệ.

(Xin mở một ngoặc đơn ở đây vì một hung tín mới vừa xẩy ra cho trường học giáo xứ Regina Coeli: theo tờ Bankstown-Canterbury Torch, số ngày 30 tháng Bẩy, một trận hỏa hoạn đầy hoài nghi đã xẩy ra vào lúc 4 giờ 20 chiều Chúa Nhật, ngày 27 vừa qua. Trận hỏa hoạn gây thiệt hại khoảng hơn 100,000 dollars này phá hủy hoàn toàn khu nhà tắm lưu động từng được khách hành hương sử dụng cách tốt đẹp trước đây hơn tuần lễ!)

Nhà Thờ St Mary
Anh em vội chuẩn bị ăn ‘brunch’ (đúng là ‘brunch’ thật: gom cả bữa sáng và bữa trưa làm một) rồi chuẩn bị ra Ga lên Nhà Thờ Chính Tòa dự Đàng Thánh Giá. Lầm lẫn lớn thực sự bắt đầu từ đây, làm vai trò ‘tour guide’ của tôi hoàn toàn mất hết thế giá! Tôi đã toan đưa họ lên Barangaroo, nhưng nghĩ tới bác Anne-Marie mà ngại, đi bộ xa đã đành, nhưng lỡ ‘họ’ không cho vào vì không có vé thì tội lắm, giá gặp được Dũng để xin anh ta một số vé vào cửa thì hay biết mấy! Thôi, đành đưa họ tới Nhà Thờ Chính Tòa vậy, dù sao chỗ này cũng gần xát Ga St James. Biết rằng nơi đây sẽ rất đông vì có sự hiện diện của Đức Bênêđíctô XVI, nhưng không hệ gì, coi màn ảnh lớn cũng đâu có sao. Dù gì thì theo thông báo của WYD4VN, mọi người đều được mời tham dự Đàng Thánh Giá mà. Chỗ nào chả được. Thế là ‘ông’ hướng dẫn viên lẫn người ‘bị’ hướng dẫn vui vẻ lên đường nhằm Ga St James mà bước xuống. Người đi xe lửa hôm ấy đến 99 phần trăm là khách hành hương, nên ở Ga St James, mầu vàng đỏ cứ gọi là kín mít. Được một điều dòng người ấy ‘xuôi chẩy’ hết sức êm đẹp: nửa theo hướng tới đường Macquarie, nửa theo hướng ra đường Elizabeth. Chúng tôi theo lối thứ hai. Ra khỏi đường hầm, bầu khí ngày hội còn sinh động hơn gấp bội. Hyde Park ngày ấy rực một mầu cờ và dù là ngày Đi Đàng Thánh Giá, nhạc vui vẫn hết sức trổi vượt.

Chúng tôi tiến về phía bồn nước rồi băng qua đó tới hông Nhà Thờ Chánh Tòa, dọc đường College. Người là người, không thấy nơi cử hành chặng thứ nhất đã đành, mà màn ảnh lớn như hứa hẹn cũng không thấy mô. Bác Anne-Marie làm tôi bắt đầu thấy bấn, chỉ biết thưa lại: thì mình đang đi kiếm đây. Tiến về phía phải hơn một chút thì thấy lưng một màn ảnh lớn. Tâm trạng oán trách bắt đầu làm việc, khởi đầu còn ‘thầm lặng’ sau phát ra thành tiếng: quái, sao ‘họ’ lại dựng màn ảnh quay lưng vào dân! Thôi, qúy vị đứng đây, để tôi đi ‘thám hiểm’ xem sao!

Mấy người ‘bị’ tôi hướng dẫn đành nín re, chứ biết làm sao. Có khách hành hương người Úc khuyên “qúy vị nên ra Domain”. Nhưng sao lại phải ra Domain, dù Domain chẳng cách đây bao xa, mà sao chính ông ta không ra Domain mà vẫn ‘chôn chân’ ở chỗ này, ở chỗ không thấy gì chỉ thấy những người hành hương như mình! Phải có ‘cái gì’ chứ! Toàn một thứ lý luận chẳng căn cứ vào đâu. Nhưng điều ấy không làm tôi thay đổi. Tôi luồn trở lại phía bồn nước, rồi rẽ trái về hướng đường Liverpool, tìm cách có thể nhìn thấy mặt tiền Nhà Thờ Chánh Tòa. Trong lúc tìm đường như thế, tôi mới thấm thía nhận ra cái lầm của mình hay cái lầm của WYD4VN? Nhiều người chìa cả thẻ ‘package’ A hay B ra vẫn không được phép vào bên trong. Chỉ những ai có thẻ ‘St Mary’ hay ‘Cathedral’ mới lọt được vào mà thôi. Mà cả những người như thế cũng đã được chỉ thị dừng lại bên này đường College, cách lễ đài thật nhiều vòng rào cản.

Chặng Thứ Nhất
Dù lắc đầu liên tiếp tỏ vẻ ‘không thể nào hiểu được’, tôi vẫn trở lại chỗ mấy người em họ, và ra hiệu cho họ theo mình. Chúng tôi len lỏi một hồi, cũng tới được đường College, đứng hẳn trên đường ấy nhưng không được tiến thêm, phần vì rào cản, phần vì nhân viên cảnh sát khá đông ở đấy. Họ chỉ mở cổng cho các nhân viên truyền thông ra vào. Không thấy cảnh chặng thứ nhất tức Bữa Tiệc Ly, nhưng được thấy Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước cửa Nhà Thờ Chánh Tòa. Người đàn bà di dân âu yếm chào Ngài: “helo, Papa”. Nghe mà ấm cả lòng trong cái lạnh giá của buổi chiều mùa Đông Sydney. Chúng tôi đứng đó, ở một thế căng thẳng, vì sợ dẵm lên cây cỏ của Hyde Park, cơ quan mà vào những ngày gần xát WYD từng lên tiếng không chịu để WYD sử dụng cơ sở của họ. Chung quanh chúng tôi, trọn một gia đình đông đúc đang chăm chú theo dõi Đàng Thánh Giá qua màn ảnh cũng có, tuy từ rất xa, mà qua tập sách Phụng Vụ của WYD cũng có. Nhìn họ, tôi biết Giáo Hội Công Giáo vẫn đang sinh động, rất sinh động như lời nhận định của Đức Bênêđíctô XVI ngày Ngài đăng quang.

Theo dõi được chặng Philatô kết án Chúa Giêsu, phần vì cảnh sát không muốn chúng tôi tiếp tục ở đấy, phần vì thế đứng căng thẳng làm mình hơi đuối sức, phần vì cái lạnh cũng bắt đầu tăng độ, chúng tôi tìm đường về nhà, hy vọng còn kịp để theo dõi tiếp các chặng Đàng Thánh Giá còn lại trên màn ảnh truyền hình. Nhưng vừa tới khu vực bồn nước, thấy đoàn hành hương Newcathecumenal Way của New York vui quá, nên đã dừng lại, khởi đầu chỉ là khách thưởng ngoạn, sau đã nhập bọn với họ, ca hát nhẩy múa hân hoan, thành hai vòng trong ngoài nhộn nhịp. Không một người nào trong bọn tôi đứng ngoài. Cả bác Anne-Marie cũng quên tuổi già, cùng vỗ tay nhún nhẩy theo điệu nhạc. Một hồi, mới lững thững tiến ra đường Elizabeth.

Dân Mỹ nhiều tiền, thấy đường Market bên kia rực sáng các cửa tiệm, nhất là David Jones, nên đã quên cả Đàng Thánh Giá, rủ nhau tuôn qua bên ấy. Nói cho ngay, họ không phải là những người duy nhất làm vậy. Đường Market nhan nhản những chiếc túi đeo lưng mầu vàng đỏ. Chúng tôi chỉ vào David Jones, chứ nhiều người còn tiến sâu hơn về phía Centre Point, dưới chân Sydney Tower. Dám có người còn vào thang máy lên tới tận điểm cao nhất của Sydney nữa không biết chừng.

Sydney Pietà
Phải giục mãi, bà con mới rời David Jones ra ga xe lửa về lại Beverly Hills. Tới nhà chỉ kịp giờ coi cảnh tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thánh Giá. Cũng đủ rồi, để được thấy hết nét bi thảm và hùng tráng của biến cố Cứu Chuộc. Không rõ người thanh niên thủ vai Đấng Mêxia Chịu Đóng Đinh, đang trần trụi, được ‘môn đệ’ khiêng đi giữa cái rét lạnh căm của mùa đông Sydney, cảm nghĩ ra sao. Nhưng Đàng Thánh Gía tại WYD 2008 ở Sydney quả đầy ý nghĩa: ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa thánh kinh, ý nghĩa phụng vụ, ý nghĩa tôn sùng bình dân, ý nghĩa liên tôn, ý nghĩa đại kết, mà ai ai cũng nắm được kể cả những người xưa nay vốn e ngại nhất, tức con cháu ‘Abraham, Isaac và Jacob’. Mong rằng nó là nguồn gợi hứng để hình thức sùng kính đặc trưng Công Giáo này cũng như nhiều hình thức sùng kính đặc trưng Công Giáo khác tìm được sinh lộ giữa một thế giới mỗi ngày một tục hóa hơn.

Tuy nhiên, cái ức phải đứng ngoài tham dự nghi thức được nói là ‘ai cũng được mời’này không phải vì sự thành công của nó mà tan đi ngay. Tìm hiểu mới hay: biến cố xẩy ra ở Nhà Thờ St Mary chiều ngày Thứ Sáu chỉ dành cho khách được mời mà thôi. Ban tổ chức dĩ nhiên có quyền hạn chế như thế. Chỉ vì ‘lầm chẳng biết’, không chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn, nên mới ra nông nỗi. Chứ chịu khó cuốc bộ thêm một chút nữa qua Domain, thì đâu đến nỗi. Đứa con gái thứ hai của tôi, nhờ làm việc ở gần đó, mà được Đi Đàng Thánh Giá rõ mồn một. Rõ mồn một không biết có đồng nghĩa với nên một hay không thì con nhỏ không nói.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Từ Bi
Nguyễn Ngọc Danh
00:29 31/07/2008

HOA TỪ BI



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Nụ Cười Từ Bi

Ngày em thấp thoáng bên đời

Môi xinh là nguyệt – miệng cười là hoa

Vai gầy đường nắng phôi pha

Nhịp chân nhân hậu - hồn ta dại khờ

Mai kia em bỏ chốn này

Môi thôi là nguyệt – vai gầy mù khơi.

Quê hương vắng bóng em rồi

Núi rừng thưong nhớ nụ cười từ bi.

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền