Ngày 01-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/07: Thời đại mới thì con người phải mới – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
03:05 01/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".

Đó là lời Chúa
 
Bình an của Chúa chan chứa niềm vui
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:20 01/07/2022

BÌNH AN CỦA CHÚA CHAN CHỨA NIỀM VUI

Thế giới lúc này đang đầy những xáo trộn vì chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát… khiến người ta bất an, lo sợ. Trong tình cảnh ấy, Lời Chúa tuần này là một Tin Mừng tuyệt vời: Chúa ban bình an cho nhân loại, Chúa sai chúng ta đem bình an cho nhau, để cuộc đời này chan chứa niềm vui hạnh phúc.

1. Bình an. Bài Phúc Âm kể chuyện Chúa Giêsu sai các môn đệ hiệp hành đến các nơi, vào các gia đình và công bố: “Bình an cho nhà này!” Nên nhớ, bình an ở đây không phải là bình an của con người đem đến cho nhau nhờ tiền bạc hay những tiện nghi vật chất, vì Chúa đã căn dặn: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép,” mà là bình an của Chúa yêu thương chăm sóc chúng ta như mẹ hiền bồng bế, nâng niu, cho con thơ bú mớm (bài đọc 1). Một sự bình an của những đứa con được Chúa như mẹ yêu thương che chở, và những đứa con ấy chia sẻ tình thương cho nhau như anh em một nhà.

2. Niềm vui. Đón nhận và chia sẻ bình an của Chúa trong tình yêu thương như thế thì đời sống sẽ chan chứa niềm vui. Niềm vui anh em được cùng nhau đồng bàn ăn uống, niềm vui anh em nâng đỡ, chữa lành cho nhau, niềm vui được sống trong triều đại Thiên Chúa, và nhất là niềm vui vì “tên anh em đã được ghi trên trời.” Đó là niềm vui đời đời vĩnh cửu chứ không phải là niềm vui trần gian mau qua.

Sống giữa thế giới hiện đại, đầy đủ của cải vật chất mà con người vẫn cảm thấy bất an lo lắng. Điều đó cho thấy tự sức con người không thể đem bình an và niềm vui đích thực cho nhau. Con người sống hạnh phúc không phụ thuộc nơi tiền bạc vật chất, nhưng phụ thuộc nơi lòng tín thác vào Chúa quan phòng và lòng yêu thương con người dành cho nhau. Chỉ khi con người mở lòng đón nhận và chia sẻ đức tin và tình yêu, thì con người mới có bình an và niềm vui đích thực, đời đời. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 01/07/2022

17. Việc mong đợi càng nhiều thì tâm con người càng tản mạn; chỉ mong đợi một việc thì tâm con người mới có thể chuyên nhất.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 01/07/2022
99. CON SÂU RƯỢU NGỤY BIỆN.

Khổng Quần vì thường uống rượu nên làm hỏng việc, bạn bè khuyên ông ta:

- “Uống rượu nhiều không tốt, miệng bình rượu làm bằng vải thường thường bị thối nát, khiến cho người uống rượu cũng rất nguy hiểm.”

Khổng Quần trả lời:

- “Các anh không thấy à, bỏ thịt vô trong bình rượu thì cũng dễ mục nát vậy?”

(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 99:

Tai hại của việc uống quá nhiều rượu thì ai cũng biết, kể cả người say rượu, nhưng khi say thì không ai nói mình say cả, mà nói là rượu say chứ họ không say !

Thường thì khuyên bảo những người ngoại đạo theo đạo dễ hơn là khuyên người có đạo mà thờ ơ với đạo, bởi vì chính họ luôn cho cái thờ ơ với Chúa của mình là đúng.

Họ tức tối phê bình ông cha sở:

“Cha cố gì mà ham tiền, xin lễ không đủ tiêu chuẩn năm mươi ngàn thì không làm ngay, ai xin trên một trăm ngàn thì có trống với kèn, hát với hò, con nhà nghèo làm sao xin lễ được?”

Họ nhạo cười phê bình mấy ông bà Đạo Binh Đức Mẹ:

“Mấy người đó đi khuyên bảo gì mà khuyên bảo, con cái họ cả đời không đến nhà thờ, gia đình thì lục đục dâu con, chồng thì rượu chè cả ngày, vậy mà đi khuyên bảo ai được, mắc cở như thế mà không chịu ở nhà...”

Bởi vì họ đã có thành kiến như thế nên khuyên bảo họ “quay về với Chúa” thì thật khó hơn dời núi; bởi vì họ giữ đạo là giữ cho ông cha sở và mấy ông mấy bà đạo binh Đức Mẹ, chứ không phải giữ đạo vì Chúa vì đức tin của họ...

Tuy nhiên, xét cho cùng, tôi cũng có một phần trách nhiệm trong sự thờ ơ của họ đối với Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 14 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:27 01/07/2022
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 10, 11-12; 17-20.

“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”.


Bạn thân mến,

“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.

Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi chủ động cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây:

1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.

Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.

Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…

Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…

2. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.

Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.

Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.

Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.

Bạn thân mến,

Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ý thức truyền giáo
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
21:12 01/07/2022
Ý THỨC TRUYỀN GIÁO

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Theo thống kê, thế giới hiện có hơn 7 tỷ người, nhưng chỉ khoảng 1,5 tỷ người Công Giáo.

Tại Việt Nam có hơn 90 triệu người nhưng chỉ có khoảng hơn 7 triệu tín hữu Công Giáo.

Một cánh đồng truyền giáo còn bát ngát trên mọi phương diện. Vì thế, Hội Thánh của Chúa Kitô vẫn cần mọi tấm lòng của mọi tín hữu Kitô dành hết tâm huyết của mình cho việc mở rộng biên giới Nước Trời tại trần gian.

Chính vì thế, lời Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” mãi mãi mang tính thời sự, mãi mãi vẫn là lời thúc bách hết sức hiện thực dành cho từng người chúng ta.

Bởi tính cấp bách của sứ vụ truyền giáo, nên ngay sau khi thông báo: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít”, Chúa Kitô vừa căn dặn: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”, vừa phác lệnh: “Các con hãy đi”. Nhưng thật lạ lùng. Lời sai đi của Chúa lại kèm theo lời cảnh báo đáng sợ: “Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng…”.

Như vậy, con đường mà Kitô hữu phải bước lên đó để thực hành sứ mạng truyền giáo, không phải là con đường trải thảm, không phải là nhung lụa, càng không bao giờ là con đường mang lại vinh quang, bình an hay lợi lộc theo nghĩa tìm kiếm sự vinh thân, phì da, sung túc cho cuộc sống đời này…

Người môn đệ của Chúa thực hành công tác truyền giáo, sẽ là người quăng mình vào mọi nơi, mọi ngỏ ngách, chỉ có lý tưởng Tin Mừng, lý tưởng tình yêu Chúa Kitô làm lẽ sống. Mang lấy lý tưởng cao cả ấy để ra đi, người môn đệ Chúa Kitô chỉ còn biết hiến thân mình cho công cuộc mang ơn cứu rỗi đến trong tâm hồn con người.

Người môn đệ Chúa Kitô bất chấp tất cả mọi hiểm nguy, mọi bấp bênh, mọi thiếu thốn, mọi bách hại, mọi chống đối, mọi thách thức của hoàn cảnh, của thái độ cứng cõi và lòng người thâm ác… để chỉ băng mình sống chết cho sự nghiệp Tin Mừng mà mình đang cưu mang.

Hình ảnh người môn đệ ra đi truyền giáo như chiên hiền lành giữa bầy sói, khiến chúng ta nhớ lại lời Ðức Gioan Phaolô II, trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8.1981, khi nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại nhiều nơi trên thế giới:

"Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình..."

Y như lời Đức cố Giáo hoàng, tại Việt Nam đang xảy ra sự chênh lệch quá mức giữa nhu cầu thợ và tính cấp bách của cánh đồng lúa mà chính Chúa Kitô đã nhìn thấy cách đây hơn 2000 năm.

Đó cũng chính là lời cảnh báo về “chiên” và “sói” mà Chúa Kitô, trong khi sai các môn đệ ra đi, đã từng lên tiếng cảnh báo:

Bởi sống giữa một đất nước, tuy chưa phải là quốc gia phát triển về kinh tế, nhưng đã có hiện tượng, người ta đâm đầu chạy theo thói hưởng thụ, càng ngày càng đẩy mạnh lối sống tục hóa, cộng vào đó, những thủ đoạn khuếch trương chủ nghĩa vô thần, thậm chí nhiều nơi còn gây gắt trong việc thực hành đạo của người tín hữu Kitô, đã làm cho gánh nặng về việc truyền giáo như nặng hơn.

Cũng tại Việt Nam, có nhiều khu vực rộng lớn không có một ngôi nhà thờ nào, không tìm thấy một người Công Giáo nào. Nhiều nơi khác, một vài người Công Giáo phải sống chung phần lớn với những anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Thêm vào đó, ý thức về trách nhiệm, về ơn gọi truyền giáo chưa thật sự ăn sâu và cảm nhận đủ nơi tâm tư mỗi Kitô hữu. Nhiều người sống giữa người ngoại giáo, trở thành lai căng, pha trộn, hoặc chối bỏ hẳn đức tin của mình. Rõ ràng, lời kêu gọi của Chúa Giê-su: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” luôn thiết thực và cấp bách.

Vì thế, vâng lời Chúa và thực hiện chính mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng…”, là một đòi hỏi can đảm, một đòi hỏi dấn thân không biết sợ thử thách mà tất cả những ai ý thức, hãy cố gắng thực hiện cho bằng được, vì lợi ích của Hội Thánh, lợi ích thiêng liêng của chính đồng bào mình.
 
Con đường dẫn đến tự do
Lm. Minh Anh
23:07 01/07/2022
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO
“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay!”.

Một nhà ẩn tu nói, “Bạn muốn được tự do? Bạn muốn khám phá sự tự do thực sự trong cuộc sống của mình? Chắc chắn là bạn muốn! Nhưng điều đó có ý nghĩa gì? Và làm thế nào để bạn có được nó? Hãy nghe tôi, hãy sống một đời sống chay tịnh!”.

Kính thưa Anh Chị em,
“Để có tự do, hãy sống một đời sống chay tịnh!”. Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó! Chúa Giêsu cho biết, khách dự tiệc sẽ không ăn chay bao lâu còn chàng rể, “Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay!”. Sẽ rất hữu ích khi chúng ta xem xét mối quan hệ giữa chay tịnh và tự do. Thoạt tiên, liên kết này có vẻ khá lạ thường; nhưng nếu hiểu một cách đúng đắn, chay tịnh sẽ là một phương tiện giúp đào sâu đức tin và là ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực!

Chay tịnh có một vị trí nhất định trong việc nên thánh; bởi lẽ, nó tạo ra một cơn đói triền miên, đói khát Thiên Chúa! Mục đích của chay tịnh là nâng cao một điều tốt đẹp tự nhiên, giúp tâm hồn thanh thoát, tự do, để nhạy bén hơn với những của cải siêu nhiên, những gì thuộc về Thánh Thần. Chay tịnh là sự im lặng của xác thịt giúp cho sự khao khát thiêng liêng đối với Thiên Chúa trở nên mãnh liệt hơn. Trong cuộc sống, chúng ta cần có tự do để gạt qua các mối bận tâm cho những ‘điều tốt’, hầu quan tâm đến những ‘điều thánh!’. Vì thế, khi tự do từ chối bản thân, chúng ta sẽ sẵn sàng mở lòng mình ra, một sự mở ra của một bầu rượu mới vốn sẽ không rạn nứt khi Thiên Chúa đổ vào đó rượu mới Nước Trời.

“Tự do từ bỏ tự do để được tự do!”. Chính nhờ tự do, con người sống một cuộc sống trọn vẹn, trải nghiệm hạnh phúc khôn lường mà Thiên Chúa muốn ban cho nó. Tự do đích thực là tự do thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ hay khuynh hướng xấu để sống trong niềm vui với Thiên Chúa. Hơn bất cứ điều gì khác, tự do là một trải nghiệm về niềm vui sống với Chúa, sống gần Chúa, như được ‘Chàng Rể’ hằng luôn ở bên; đó là niềm vui đời đời, “Tiệc Cưới Con Chiên”. Như thế, chay tịnh, ‘con đường dẫn đến tự do’ giúp chúng ta vượt qua những ham muốn trần thế và xác thịt để phó mình cho Chúa Thánh Thần; nhờ đó, tâm hồn có thể luôn khao khát Chúa.

Trong cuộc đời chúng ta, có những lúc “Chàng Rể bị đem đi”. Đó là những lúc chúng ta cảm nhận sự vắng bóng của Chúa Kitô trong cuộc đời mình. Điều này có thể xảy đến do tội lỗi của chính chúng ta; ngược lại, nó cũng có thể đến do chúng ta ngày càng tự do đến gần Chúa hơn. Và lúc bấy giờ, chay tịnh có một vai trò quan trọng. Tại sao? Trường hợp thứ nhất, chay tịnh có thể giúp giải phóng chúng ta khỏi những ràng buộc tội lỗi đã mắc phải; nó củng cố ý chí, thanh lọc những ham muốn lăng loàn. Trường hợp thứ hai, những lúc chúng ta đang tiến rất gần Chúa Kitô, và kết quả là Ngài che giấu sự hiện diện của chính Ngài. Điều này thoạt nghe có vẻ lạ lùng, nhưng nó vẫn xảy ra, để chúng ta biết tìm kiếm Ngài nhiều hơn. Trong trường hợp này, chay tịnh có thể trở thành một phương tiện giúp đào sâu đức tin và sự cam kết với Ngài.

Anh Chị em,
“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay!”. Thời khắc của Thương Khó và tang tóc sẽ đến. Việc chay tịnh mà các môn đệ đã sống, cũng như Giáo Hội và chúng ta đang sống là phương tiện hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô đau khổ. Như vậy, việc từ bỏ bản thân để làm theo ý Thiên Chúa trở thành sự tham dự vào Sự Cứu Chuộc của Ngài; và đó là ‘con đường dẫn đến tự do’ của Phục Sinh vinh hiển, là đường dẫn đến bữa tiệc đời đời! Qua bài đọc Amos hôm nay, Thiên Chúa phán, “Từ các núi non, rượu nho mới sẽ chảy tuôn tràn; từ các đồi, rượu sẽ vọt ra lai láng. Dân Ta sẽ trồng nho và sẽ uống rượu nho”. Chính Thiên Chúa là Đấng sẽ làm lại, trả lại gấp bội cho ai biết mở lòng ra với Ngài, trở về với Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Điều chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin hãy làm mới trong con khát vọng thánh thiện là tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự. Để được vậy, cho con dám kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hiệu sách Công Giáo ở Houston bị phóng hỏa
Đặng Tự Do
05:34 01/07/2022


Một vụ hỏa hoạn vào tối thứ Bảy đã gây ra thiệt hại lớn cho Cửa hàng Sách Công Giáo của Công ty Sacco ở trung tâm thành phố Houston. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn đang được điều tra.

Đám cháy bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối ngày 25 tháng 6 tại cửa hàng, có diện tích hơn 6.000 feet vuông. Tòa nhà nằm trên đường San Jacinto cách Nhà thờ Thánh Tâm năm dãy nhà về phía nam.

Chủ cửa hàng cho biết họ vẫn mở cửa kinh doanh trực tuyến và tại một địa điểm khác ở Houston.

“Chúng tôi đã bị hỏa hoạn vào tối thứ Bảy. Nó đã phá hủy hầu hết cửa hàng của chúng tôi,” Andrew Sacco, chủ cửa hàng, nói với CNA ngày 27 tháng 6. Đó là một cú tấn công khá lớn. Đó là một doanh nghiệp do gia đình sở hữu. Chúng tôi đã ở địa điểm đó hơn 30 năm. Đó là một cú tấn công đáng kể đối với chúng tôi.”

Sacco cho biết anh ta không biết bất kỳ dấu hiệu phá hoại, đốt phá hoặc đe dọa nào

“Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về điều đó vào lúc này. Vụ cháy vẫn đang được điều tra,” ông nói với CNA. “Chúng tôi đang chờ đợi những nhà điều tra và thanh tra bảo hiểm. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ cháy.”

Các nhà điều tra của cảnh sát đã có mặt tại hiện trường vụ cháy, KPRC 2 News đưa tin.

Một phát ngôn viên của Sở Cứu hỏa Houston nói với CNA hôm thứ Hai rằng cuộc điều tra sự việc vẫn được coi là mở và đang hoạt động.

Vụ hỏa hoạn xảy ra trong bối cảnh lo ngại về việc đốt phá và phá hoại tại các nhà thờ, trung tâm trợ giúp mang thai và các cơ sở khác sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyết định năm 1973 Roe v. Wade vào tuần trước.

Cửa hàng bị hỏa hoạn là địa điểm chính của Công ty Sacco và là nơi để toàn bộ hàng tồn kho.

“Chúng tôi sẽ phải xây dựng lại kho dự trữ của mình. Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp của mình,” Sacco nói. “Bất kỳ đơn đặt hàng cần thiết nào đều có thể được thực hiện.”

Vị trí Phố San Jacinto tạm thời bị đóng cửa. Địa điểm khác của công ty, Hiệu sách Công Giáo Veritas, vẫn mở trên khu phố 2900 của Đường Chimney Rock ở phía tây Houston.

“Chúng tôi đang phát triển cửa hàng chị em của mình, Nhà sách Công Giáo Veritas,” Sacco nói. “Chúng tôi vẫn đang hoạt động, chúng tôi đang nỗ lực để mọi thứ trở lại và chạy đều như cũ… Chúng tôi vẫn đang nhận các đơn đặt hàng của nhà thờ. Chúng tôi có thể giao hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất của chúng tôi.”
Source:Catholic News Agency
 
Tòa án tối cao đứng về phía huấn luyện viên túc cầu trong trường hợp cầu nguyện
Đặng Tự Do
05:35 01/07/2022


Tòa án Tối cao đã phán quyết hôm thứ Hai với tỷ số 6-3 ủng hộ một huấn luyện viên túc cầu tại một trường trung học trong một trường hợp Tu chính án thứ nhất liên quan đến quyền cầu nguyện trên sân của anh ta bị vi phạm.

Cả hai bên của vụ án, Kennedy kiện Bremerton School District, lập luận rằng vụ kiện liên quan đến tự do tôn giáo. Cựu huấn luyện viên, Joseph Kennedy, nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo của anh ta và chủ nhân cũ của anh ta, trường trung học Bremerton, nhấn mạnh đến quyền tự do tôn giáo của học sinh.

Kennedy, một Kitô Hữu, đã mất việc làm huấn luyện viên túc cầu tại trường công lập ở Bremerton, Washington, vì từ chối ngừng cầu nguyện ở vạch 50 yard sau các trận đấu.

Tòa án phán quyết rằng khu học chánh đã vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận của Kennedy.

Ý kiến của tòa án bởi Thẩm Phán Neil M. Gorsuch viết: “Ở đây, một thực thể chính phủ đã tìm cách trừng phạt một cá nhân vì tham gia vào một hoạt động tôn giáo cá nhân ngắn gọn, yên tĩnh, được bảo vệ gấp đôi bởi Điều khoản Tự do Ngôn luận và Tự do tôn giáo của Tu chính án thứ nhất. Và lời biện minh có ý nghĩa duy nhất mà chính phủ đưa ra để trả đũa dựa trên một quan điểm sai lầm rằng họ có nhiệm vụ xua đuổi và đàn áp những người theo tôn giáo ngay cả khi nó cho phép các bài phát biểu thế tục có thể coi là tương đương.”

“Hiến pháp không bắt buộc cũng như không dung thứ cho kiểu phân biệt đối xử đó”

Các thẩm phán John G. Roberts, Clarence Thomas, Samuel A. Alito, Amy Coney Barrett, và Brett M. Kavanaugh đã tham gia vào ý kiến của Gorsuch. Thomas và Alito đã đệ trình các ý kiến đồng tình.
Source:Catholic News Agency
 
Vatican bắt đầu tờ báo hàng tháng của người nghèo và với người nghèo
Đặng Tự Do
16:57 01/07/2022


Vatican đang bắt đầu xuất bản hàng tháng một ấn phẩm mới dành riêng cho người nghèo và những người sống bên lề, nhằm mục đích không chỉ kể câu chuyện của họ mà còn liên quan đến việc sản xuất và phân phối báo chí

Ấn bản đầu tiên của tờ L'Osservatore di Strada (Quan Sát Viên Đường Phố), xuất phát từ tên của nhật báo L'Osservatore Romano, nghĩa là Quan Sát Viên Rôma, của Vatican, ra mắt ngày 29 tháng 6, một ngày lễ đặc biệt của Rôma dành riêng cho hai Thánh Phêrô và Phaolô.

Trong tương lai, Vatican có kế hoạch phân phối ấn phẩm vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô, do khách của một nhà tạm trú cho người vô gia cư gần đó phân phối. Nhà tạm trú cho người vô gia cư này do một tổ chức bác ái Công Giáo điều hành. Văn phòng truyền thông của Vatican cho biết trong một tuyên bố rằng họ hoan nghênh các khoản đóng góp với bất kỳ số tiền nào.

Sáng kiến này là bằng chứng hữu hình về nỗ lực của Đức Phanxicô trong việc mang đến tiếng nói và giá trị cho các nhóm thường bị gạt ra ngoài lề xã hội như người nghèo, người vô gia cư và người di cư. Mục đích là để họ tham gia viết và minh họa những câu chuyện của chính họ, bằng thơ, ảnh hoặc các tài năng khác, và cung cấp cho họ nguồn lực để làm việc đó, nếu cần.

“Osservatore di Strada sẽ không chỉ là một tờ báo của người nghèo và dành cho người nghèo, nó muốn trên hết là một tờ báo với người nghèo,” tuyên bố của Vatican cho biết.

Ấn bản đầu tiên có thiết kế của nghệ sĩ đường phố Maupal. Tờ Quan Sát Viên Rôma có một ấn bản hàng tháng khác dành riêng cho phụ nữ, được gọi là Women, Church, World.
Source:AP
 
Đức Giám Mục Pháp thông báo về chuyến thanh tra tông tòa sau khi lễ phong chức linh mục bị đình hoãn vô thời hạn
Đặng Tự Do
16:58 01/07/2022


Trong một lá thư mục vụ gửi giáo phận của mình, Đức Cha Dominque Rey, Giám Mục Toulon đã xác định một số lý do, bao gồm cả việc thực hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, dẫn đến cuộc thanh tra tông tòa của Vatican với đỉnh điểm là việc hoãn các cuộc truyền chức linh mục năm nay.

Đức Cha Rey cũng vạch ra một số điểm hành động mà ngài sẽ thực hiện trong những tuần và những tháng tới để giải quyết các vấn đề khác liên quan đến quản trị, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn các cộng đồng và phong trào hiện diện trong giáo phận, nỗ lực nhiều hơn để tích hợp các nhóm có “sự nhạy cảm phụng vụ khác nhau”, cũng như thực hiện chu kỳ “thăm viếng mục vụ” trong toàn giáo phận bắt đầu từ năm học tiếp theo.

Đức Cha Rey đã thông báo vào đầu tháng này rằng lễ truyền chức linh mục của giáo phận, dự kiến vào Ngày 29 tháng 6 Lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, sẽ bị hoãn lại vô thời hạn. Đó là một cú sốc đối với nhiều người, vì giáo phận Toulon được coi là một trong những giáo phận hưng thịnh nhất ở Pháp.

Toulon nói chung có một đội ngũ giáo sĩ trẻ, hàng năm mang lại nhiều ơn gọi, và được biết đến như một trung tâm chào đón các cộng đồng, phong trào và linh mục từ các khu vực khác với bối cảnh xuất thân và đặc sủng khác nhau.

Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của giáo phận ở La Castille, nơi các thanh niên sẽ được thụ phong vào cuối tháng đang theo học, là chủng viện lớn thứ ba ở Pháp về số lượng và sẽ kỷ niệm một trăm năm thành lập vào năm nay.

Đây cũng là nơi cư trú của các linh mục và chủng sinh từ nhiều nguồn gốc và sở thích phụng vụ khác nhau, điều này rõ ràng đã đặt ra những thách thức về việc nuôi dưỡng ý thức về tình huynh đệ hợp nhất và cộng đồng trong chủng viện này.

Trong thông báo ban đầu của mình về việc hoãn truyền chức, Đức Cha Rey cho biết Đức Tổng Giám Mục Jean-Marc Aveline của giáo tỉnh Marseille, mà giáo phận của ngài thuộc về, đã tiến hành một “chuyến viếng thăm huynh đệ” tại giáo phận Fréjus-Tolone theo yêu cầu cụ thể của Rôma vào năm 2021, và rằng các cuộc trò chuyện đang diễn ra đã được trao đổi với Rôma - cụ thể là với Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican - về “việc tái cấu trúc chủng viện và chính sách chào đón mọi người đến giáo phận.”

Trong lá thư mới nhất gửi giáo phận của mình, được công bố ngày 26 tháng 6, Đức Cha Rey nói rằng “nguồn gốc của các ơn gọi và sự đa dạng của các con đường đào tạo có thể đã bị đặt thành vấn đề ở Rôma,” nhưng đó không phải là vấn đề luân lý.

Ngài nói: “Thành phần đa dạng của linh mục đoàn của chúng ta,” nghĩa là toàn bộ linh mục trong giáo phận, và sự hiện diện của các cộng đồng khác nhau “khiến đôi khi giáo phận gặp khó khăn trong việc đồng hành và hòa nhập họ,” cũng là những nguyên nhân khiến Rôma lo ngại.

Đức Cha Rey nói rằng một trong những “điểm nhạy cảm” khác mà Rôma nêu ra là “vị trí của thế giới truyền thống trong chủng viện và trong giáo phận của chúng ta,” sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống vào năm ngoái.

Trong quá khứ, Đức Cha Rey - người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm đến Toulon vào năm 2000 - đã phong chức linh mục cho các phó tế ở Toulon bằng cách sử dụng sách lễ cũ năm 1962 và cũng đã sử dụng nghi thức cũ hơn để truyền chức trong các cộng đồng tôn giáo trong giáo phận của ngài.

Ngài tỏ ra hoài nghi sau quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc hạn chế sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, công khai bày tỏ lo ngại về tác động của quyết định này đối với các linh mục và cộng đồng trong giáo phận của ngài vẫn cử hành theo Nghi thức Cũ.

Trong lá thư của mình, Đức Cha Rey cho biết Toulon luôn được phân biệt bởi “sự hiện diện của các ứng viên thuộc các cộng đồng có sự nhạy cảm phụng vụ và các đặc sủng giáo hội khác nhau,” và rằng cả sự hài hòa của quần thể và những thách thức của nó, đều được nêu ra trong chuyến thăm năm 2021 của Đức Tổng Giám Mục Marseilles.
Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân giáo xứ Nhân Khang Hà Nội trong ngày lễ tạ ơn
BBT - TGP Hà Nội
09:47 01/07/2022
“Hôm nay chúng ta vui mừng hân hoan, tạ ơn Chúa nhân dịp giáo họ Nhân Khang được thiết lập thành Giáo xứ, từ nay có tư cách pháp nhân theo giáo luật quy định’’. Lời bày tỏ trên đây của Đức Tổng Giám Mục Giuse, cũng là tâm tình của toàn thể bà con nơi Tân giáo xứ Nhân Khang trong giây phút trọng đại được công bố lên hàng Giáo xứ vào thứ Sáu, ngày 01/7/2022.

Xem Hình

Đây được coi là một biến cố mang tính lịch sử, ghi dấu son cho sự hình thành và phát triển trong đời sống Đức tin của Tân giáo xứ Nhân Khang.

Tân giáo xứ Nhân Khang tọa lạc trên địa bàn xóm 5, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Trước đây, giáo họ Nhân Khang trực thuộc giáo xứ Khoan Vỹ. Nhận thấy sự phát triển ngày càng lớn mạnh trong đời sống Đức tin cũng như cơ sở vật chất của Giáo họ, ngày 18/11/2021 Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã ký quyết định nâng giáo họ Nhân Khang lên hàng giáo xứ với 1 giáo họ trực thuộc là họ Nội Thôn. Tổng nhân danh toàn xứ là 883 người. Tân giáo xứ nhận Đức Mẹ Mân Côi (07/10) làm Quan thầy và chầu lượt thay mặt Giáo phận vào Chúa Nhật I của tháng 9 dương lịch hàng năm.

Thánh lễ công bố thiết lập Tân Giáo xứ do Đức TGM Giuse chủ sự. Hiện diện trong Thánh lễ còn có quý cha Quản hạt, quý cha bản hương, quý cha trong và ngoài giáo phận, quý cha dòng Thánh Tâm Huế, quý nam nữ Tu sĩ, quý khách và cộng đoàn dân Chúa từ khắp các giáo xứ, giáo họ lân cận.

Nghi thức công bố thiết lập Tân giáo xứ diễn ra trước khi bước vào Thánh lễ. Cha Quản hạt Lý Nhân Phanxico Xavie Lê Thanh Nghị đã đọc toàn văn bản quyết định nâng giáo họ Nhân Khang lên hàng Giáo xứ. Quyết định này ngay sau đó đã được Đức TGM Giuse trao cho cha quản xứ Giuse Mai Hữu Phê trong niềm vui hân hoan của toàn thể cộng đoàn.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, suy tư đến khởi nguồn với những điều kì diệu và nhiệm mầu của Giáo hội, Đức TGM Giuse nhấn mạnh đến đời sống Đức tin mà ngay từ trong truyền thống của Giáo hội, chính các Tông đồ đã hăng hái ra đi loan truyền Tin Mừng của Chúa. Và ngài mong mỏi Tin Mừng ấy sẽ được tiếp tục được loan truyền qua các thế hệ các Kito hữu hiện nay.

Nhắn nhủ cách đặc biệt tới Tân giáo xứ cũng trong tư tưởng ấy, Đức TGM Giuse bày tỏ: “Chính vì mục đích để duy trì và phát triển Đức tin mà tòa TGM Hà Nội đã thiết lập giáo họ Nhân Khang trở thành Giáo xứ. Đây là một biến cố quan trọng trong lich sử phát triển của cộng đoàn nơi đây. Chúng ta đã đón nhận Đức tin từ các bậc tiền nhân truyền lại cho chúng ta và chúng ta có bổn phận phải truyền lại Đức tin cho thế hệ các con cháu”.

Niềm vui tạ ơn được nối kết linh thiêng trong hiến lễ hy sinh qua Bàn Tiệc Thánh Thể, với sự tham dự sốt sáng của cộng đoàn Phụng vụ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, một vị đại diện cho Tân giáo xứ đã dâng lời tri ân tới Đức TGM Giuse, quý Cha, quý khách và toàn thể cộng đoàn.

Ước mong với niềm vui được chính thức nâng lên sánh ngang với các giáo xứ trong Tổng Giáo Phận, Tân giáo xứ Nhân Khang sẽ ngày một thăng tiến cả về đời sống Đức tin và đời sống hàng ngày. Cách đặc biệt, biết sống đúng như Vị chủ chăn Giáo phận nhắn nhủ “ Không phải tự hào về cái danh mà cùng nhau loan báo Tin Mừng”.

Sơ lược lịch sử Tân giáo xứ Nhân Khang

Giáo họ Nhân Khang, được tách ra từ giáo xứ Khoan Vỹ, với tổng số 883 nhân danh: bao gồm nhà xứ là 775 nhân danh, và giáo họ Nội Thôn 108 nhân danh.

Theo các bậc tiền nhân kể lại, Tân giáo xứ Nhân Khang trước đây có tên gọi là Nhân Giả, sau được đổi thành giáo họ Nhân Khang, đã được lãnh nhận đức tin ngay từ giữa thế kỉ XIX, khi một vị quan trong làng tên là Trần Đức Thăng theo đạo. Từ đó số người theo đạo ngày càng tăng lên.

Năm 1905, để việc thờ phượng Chúa được sốt sáng, cha cố Lu-y đã cho xây dựng một ngôi nhà thờ bằng gỗ lim với chiều dài 21m, rộng 8m. Tuy nhiên, trải qua thời gian mưa gió, ngôi nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng ngôi nhà thờ mới để đảm bảo an toàn và đáp ứng việc thờ phượng, cha nguyên chính xứ Giuse Mai Xuân Lâm đã xin phép Bề trên cho chúng con được khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới vào năm 2006.

Nhờ lòng quảng đại hy sinh của giáo dân cũng như của các ân nhân xa gần trong và ngoại đạo, Giáo xứ đã xây dựng được ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ ngay trên nền của ngôi nhà thờ cũ, với chiều dài 33 m, rộng 10m, và đã được Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn về dâng Thánh lễ tạ ơn khánh thành năm 2013.

Cùng với việc xây dựng ngôi nhà thờ, Tân giáo xứ cũng tiếp tục xây dựng các công trình như: nhà Giáo lý, Đền thánh Vicente, 14 nơi Thương khó và gần đây nhất là tượng đài Lòng Chúa thương xót.

Đặc biệt, Tân Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo hội 1 Linh mục dòng Thánh Tâm Huế, 1 Thầy dòng Tôi tớ Đấng bầu cử, và 5 nữ tu thuộc các Hội dòng khác nhau.

Tất cả là Hồng ân, dù trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, nhưng từ khi hạt giống Đức tin được gieo vào mảnh đất Nhân Khang, đến nay giáo họ không ngừng lớn mạnh, không chỉ thay đổi về diện mạo bề ngoài với các công trình xây dựng mà còn được củng cố thêm nhiều về đời sống đức tin.

Trước sự trưởng thành về đức tin và nhu cầu của giáo dân, cha nguyên chính xứ Antôn Nguyễn Văn Diện và cha Quản hạt Lý Nhân đã hướng dẫn Giáo họ làm đơn đệ trình Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse xin được nâng lên Giáo xứ.

Vào ngày 18/11/2021, Đức TGM Giuse đã ký quyết định nâng giáo họ Nhân Khang lên thành Giáo xứ.

BBT TGP Hà Nội
 
Công Nghị Hiệp Hành Giáo Phận Đà Nẵng – Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Lần Thứ XVI
Tôma Trương Văn Ân
16:03 01/07/2022
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI ở cấp độ địa phương, tại Giáo phận Đà Nẵng đã được Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Giáo phận khai mạc và Chủ tọa Công nghị lúc 8 giờ 30, thứ sáu, ngày 1 / 7 / 2022 tại Trung tâm mục vụ Giáo phận Đà Nẵng. Chủ tịch đoàn, còn có Cha Bonaventura Mai Thái, Tổng Đại diện - Trưởng ban Linh hoạt Hiệp Hành. Cha Phao-lô Trần Quốc Việt – Đại diện Giám mục.

Xem Hình

Ban thư ký có: Cha Phê-rô Hoàng Gia Thành – Hạt Trưởng Hạt Đà Nẵng, Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thịnh – Hạt Trưởng Hạt Hội An, Cha Marcello Đoàn Minh – Giám đốc Caritas Giáo phận, Cha vinh–sơn Nguyễn Công Chính(CM) – Đại diện nam Tu sĩ và Sơ Luxia Huỳnh Thị Kim Cúc ( Mến Thánh Giá Qui Nhơn) – Đại diện nữ Tu sĩ.

Có 236 Tham dự viên ( TDV) dự Công nghị, trong đó có: 86 Linh mục, 18 nữ Tu, 132 Đại biểu đại diện của 60 Giáo xứ, Giáo họ biệt lập và các Đoàn thể cấp Giáo phận.

Công nghị với Chủ đề: “ ĐIỂM HẸN HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, CÙNG THAM GIA VÀ SỨ VỤ”

Công nghị là cuộc tập họp cao nhất của một Giáo Hội địa phương hiệp nhất với Giáo Hội toàn cầu. là thời điểm Tham dự viên (TDV) cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định tiếng Chúa Thánh Thần gửi đến Giáo phận.

Trong lời Khai mạc Công nghị, Đức Giám Mục vui mừng vì Cộng đoàn Giáo phận sau 10 năm, kể từ Đại Hội dân Chúa Giáo Phận Đà Nẵng năm 2012, nay có cơ hội qui tụ trong Công Nghị Hiệp Hành, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hướng tới Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp Thông, Tham Gia, Sứ Vụ. Đức Cha cảm động khi được biết: tất cả các thành phần dân Chúa Giáo phận cùng tham gia học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm sống Đức tin. Hướng tới Hội Thánh Hiệp Hành, từ các Giáo xứ, đến Giáo hạt, và các bản đúc kết được gởi đến Ban Thư ký Hiệp Hành của Giáo phận. Điều này làm khai mở và tiến tới điểm hẹn hiệp hành hôm nay.

Tham dự viên được nghe 3 Bài Tham Luận với 3 chiều kích: HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ VỤ

Sơ Maria Vũ Thị Hương Lan ( SP )- Đại diện liên Tu sĩ, đã trình bày Tham luận với chiều kích Hiệp Thông: Hiệp thông từ những việc nhỏ trong gia đình và giờ Kinh nguyện của gia đình. Sơ ước mong đọc Kinh trong gia đình trong toàn Giáo phận. Có 11 ý kiến của Tham Dự viên (TDV) chia sẻ thảo luận đề nghị: cần có những Mẫu Kinh Gia đình chung, đọc Kinh Online cho các bạn trẻ kết hợp với đọc Kinh truyền thống, các gia đình cần có tập sách 5 phút mỗi ngày… và các Linh mục cần đồng hành trong việc đọc kinh online ( nếu có). Đây là những việc làm cụ thể, khả thi, thiết thực, phát huy sự hiệp thông trong gia đình, cộng đoàn và Giáo phận.

Cha Phao-lô Đoàn Quang Dân, Hạt trưởng Hạt Hòa Vang, chia sẻ Tham luận về chiều kích Sứ Vụ của Hội Thánh Hiệp Hành. Hiệp thông dẫn đến Sứ vụ. Đúng như cẩm nang Thượng hội đồng viết: “Hội Thánh hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Sứ mạng của Chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại”. Cha Phao-lô đặt câu hỏi: Truyền Giáo cho ai, ở đâu và như thế nào? Cha tiếp: “ không thể cho người cái mình không có!” chính vì vậy, người Giáo dân cần đào tạo chính mình. cần giáo dục con em, gia đình thành vườn ươm đức tin, phải sống đức bác ái yêu thương, công bằng, tôn trọng sự thật … trong môi trường mình đang sống và làm việc. Cha Phao-lô đề cập đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông, gạn đục, khơi trong các thông tin và nhất là truyền tải các thông tin hoạt động tín lý, phụng vụ và những giá trị Ki-tô Giáo trên các trang mạng. Cha cũng đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam có những hướng dẫn thích ứng với văn hóa xã hội, việc hội nhập văn hóa, dùng chính văn hóa bản địa chuyển tải Tin Mừng.

Về mẫu thức Truyền Giáo, Cha đã đưa ra các mẫu thức: Khơi lên ý thức truyền Giáo với mọi thành phần dân Chúa; Đối thoại bằng việc làm bác ái, thăm viếng, bảo vệ môi trường…; Đối thoại liên Tôn; Hội nhập văn hóa; Truyền Giáo bằng Phụng vụ. Cha đã đưa ra việc cụ thể để thực thi sứ vụ: mỗi năm, mỗi Giáo xứ, đoàn thể, Ban mục vụ … có kế hoạch truyền Giáo. Mỗi Tín hữu quyết tâm đưa 1 người nguội lạnh, hoặc 1 người thân quen chưa biết Chúa đến với Chúa.

Có 22 ý kiến với bài Tham luận này. Các kinh nghiệm về việc thăm viếng, hội nhập văn hóa, mục vụ di dân, bác ái xã hội, cách thức truyền Giáo …. Được TDV chia sẻ phân tích sâu sát từng vấn đề.

Ông Phê-rô Trương Ngọc Lân, Đại diện cho các Hội đồng mục vụ các Giáo xứ và Hội đoàn cấp Giáo phận, trình bày Tham luận về chiều kích Tham Gia. Tham gia là yếu tố diễn tả và làm nên sức sống sinh động của Hội Thánh. Do Ơn của Bí tích Rửa tội, tất cả thành phần dân Chúa được mời gọi tham gia vào Sứ mạng của Hội Thánh với tinh thần trách nhiệm và liên đới. Tham gia trong gia đình, tham gia trong Giáo xứ, trong Giáo phận. Ông cũng nêu cách thức để tham gia được tốt là việc lắng nghe giữa các thành phần dân Chúa. Giáo dân lắng nghe Cha quản xứ. Giáo sĩ, tu sĩ lắng nghe Giáo dân. lắng nghe và đối thoại rất cần thiết cho làm việc chung. Ông gợi ý những mội trường người Giáo dân có thể tham gia như: Giáo dục người trẻ, quan tâm tới người trẻ, định hướng đào tạo nhân cách người trẻ, y tế, bác ái xã hội, bảo vệ môi trường, đối thoại liên Tôn … Ông cũng nêu những khó khăn và cách khắc phục trong việc tham gia.

Có 15 ý kiến của TDV xoay quanh vấn đề tham gia. Vấn đề đào tạo nhân sự, cần tôn trọng sự khác biệt, không chê bai người khác, ý thức bảo vệ môi trường sống… cần mở thêm nhiều Giáo điểm, cần đưa ra kế hoach trong 5 năm đến về việc truyền Giáo, việc đào tạo Giáo lý viên, việc thành lập những nhóm Cộng đoàn nhỏ để dể quan tâm chăm sóc lẫn nhau cả về đời sống Đạo và xã hội. Cần có hướng dẫn cụ thể từ Giáo quyền về việc hội nhập văn hóa trong tang lễ và Cưới hỏi, trong các lễ hội tập quán văn hóa tại địa phương.

Trong phần đúc kết, Ban thư ký đã đưa ra tầm nhìn định hướng: xây dựng Giáo phận thành một cộng đoàn “ Hiệp nhất, CÙNG sống Đức Tin và Loan báo Tin Mừng”. có 2 việc làm cụ thể từ nay đến năm 2027: 1. Đọc Kinh Gia đình; 2. Mỗi Giáo xứ, Giáo hội, Ban mục vụ, Cộng đoàn Dòng tu, Hội đoàn… mỗi năm, thực hiện 1 chương trình cụ thể cho Sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Sau một ngày Công nghị thảo luận với 3 chiều kích. Lúc 16 giờ, Đức Giám Mục Giáo phận đã Công bố QUYẾT NGHỊ của Công nghị Giáo phận, là kim chỉ nam cho Giáo Hội Hiệp Hành. Nội dung quyết nghị có các phần chính: 1. Tiếp tục tầm nhìn của Đại Hội dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng năm 2012 và theo định hướng Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2023. Mời gọi tất cả thành phần dân Chúa cùng cộng tác xây dựng Giáo phận, thành cộng đoàn hiệp nhất, sống đức tin và loan báo Tin Mừng. 2. Toàn thể Công nghị chỉ định 2 hoạt động cụ thể tiến hành trong 5 năm tới: duy trì đọc Kinh tối trong gia đình và Phát động kế hoạch loan báo Tin Mừng trên toàn Giáo phận: a. Giáo xứ, Giáo họ, Hội đồng mục vụ, Hội đoàn, Dòng tu, cộng đoàn … mỗi năm có 1 chương trình truyền Giáo cụ thể; b. Giáo phận cũng cố các Giáo điểm của Giáo phận, với việc tăng nhân sự, bổ nhiệm nhân sự tại các Giáo điểm. Giáo phận giúp đỡ đồng hành, hỗ trợ pháp lý cho các Giáo điểm, sáng kiến cùng nhau cho mục đích này ….

Trước lúc Đức Cha tuyên bố bế mạc Công nghị, Đức Cha có lời cám ơn Quí Cha Ban thư ký, Ban liên lạc, Ban điều hành, Ban tổ chức các chương trình Hiệp hành, quí Cha văn phòng, quí Chức của các Hội đồng mục vụ, quí Thầy của Trung tâm mục vụ, các Thuyết trình viên và tất cả những ai đã hy sinh cách âm thầm đóng góp cho thành công của Công Nghị. … Đức Cha cũng cám ơn Cộng đoàn Giáo phận, đã cầu nguyện và chia sẻ kinh nghiệm sống Đức tin, để có yếu tố cần thiết cho Quyết Nghị.

Thánh lễ đồng tế do Đức Giám Mục chủ sự, mang sứ điệp: mỗi Tham dự viên lên đường loan báo tin mừng bằng yêu thương sẻ chia, bằng nụ cười thân thiện nâng đỡ cộng tác…. Đi con đường Giê-su, làm nên giá trị đẹp nhất, khi sống Hiệp Nhất - Sống Đức Tin và loan báo Tin Mừng. đã kết thúc Công nghị Hiệp Hành Giáo phận Đà Nẵng.

Tôma Trương Văn Ân
 
Đại hội Thánh Mẫu La Vang giáo phận Orange khai mạc
Người Việt
21:29 01/07/2022
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1/7/22 Chuyện Cười Hay Nhất- Trà Lũ
Trà Lũ
08:23 01/07/2022
Lá thư Canada : Chuyện Cười Hay Nhất

Canada mừng lễ quốc khánh giữa mùa hè, ngày 1 tháng 7, trước quốc khánh Hoa Kỳ 4 ngày. Vui vẻ hết sức. Quốc gia trẻ trung này mới có 155 năm tuổi, trẻ hơn quốc gia đàn anh là Hoa Kỳ phía dưới. Đọc sử thì thấy nước đàn anh khi xưa xém nuốt cả đàn em, nhưng may là khi đó đàn anh chưa mạnh đủ, và đàn em còn bám vào được nước mẹ là Anh Quốc. Rồi nhờ các tỉnh phía đông biết kết hợp mà năm 1864 đã liên kết với nhau và đã cử đại biểu sang tận nước mẹ điều đình. Cuối cùng Canada đã ra đời với 4 tỉnh bang tiên khởi trẻ trung miền đông là Ontario, Quebec, Nova Scotia và New Brunswick. Các tỉnh miền tây gia nhập liên bang Canada về sau, và con đường sắt xuyên bang dài 6.350 cây số đã là cột xương sống nối kết quốc gia lại từ năm 1885. Lễ quốc khánh bao giờ cũng có diễn hành, pháo bông, hòa nhạc, và lễ nhập quốc tịch cho các công dân mới. Lễ to nhỏ tùy vùng. Nhóm làng An Lạc chúng tôi đến Canada từ năm 1975 nên là những tân công dân sớm nhât.

Trước lễ quốc khánh có lễ mừng các người cha, Father’s Day, phe các bà trong làng An Lạc của tôi phụ trách nấu ăn. Chị Ba Biên Hòa làm đầu bếp và Cụ B.95 làm cố vấn. Chị Ba nấu bữa ăn quốc khánh với toàn món khoai tây. Sao lại khoai tây? Số báo trước tôi có kể hầu các cụ món đặc trưng của Canada là món Poutine, món khoai tây chiên với sauce, lần này cũng khoai tây nhưng không phải poutine mà khoai Canada nhưng nấu với gia vị VN và bàn tay VN. Chị Ba đã thao thao bất tuyệt về lịch sử củ khoai này. Không ai ngờ chị giỏi như vậy, anh John mê chị là phải. Trong khi nấu các món ăn, Chị Ba tức nhà sử học kể rằng khoai tây có gốc từ Nam Mỹ, từ thế kỷ 16 khi các ông thực dân Tây Ban Nha đem củ khoai này về cố quốc nhưng củ khoai đã nằm yên trong vườn bách thảo 200 năm, mãi về sau họ mới biết củ khoai này là một kho thuốc bổ, mới bắt đầu xài và phổ biến khắp Âu Châu. Rồi người Anh mới đem nó sang Bắc Mỹ. Nó đến Bắc Mỹ nhưng dân ở đây vẫn chưa tin ngay. Ban đầu khoai tây chỉ dùng để nấu rượu và nuôi gia súc, bây giờ thì khoai tây có mặt trên mọi bàn ăn, Các nhà dinh dưỡng cho biết mỗi ngày chỉ cần ăn nửa ký khoai tây và một quả trứng gà là đủ chất bổ cho một người nặng 70 ký. Ở Bắc Mỹ này, một em bé đang khóc mà cho nó gói French fries, khoai chiên với ketchup, là nó hết khóc ngay lại còn cười nữa.

Mọi người đang say sưa nghe Chị Ba thì anh John chồng chị giơ tay nói : Xin các bác chú ý : Món khoai chiên ở McDonalds không phải làm từ khoai tươi mà làm từ khoai bột ép đông lạnh đó nha. Không tin mời các bác mua một gói ăn thử coi. Các cụ đã thấy chưa, cả hai vợ chồng anh đều rành ăn và rành nấu nữa. Đáng nể qúa.

Tôi mắc bệnh viết miên man, đang khoai tây trong bếp VN mà lại sắp sửa sang bếp Canada. Bữa ăn lễ quốc khánh Chị Ba đã nấu món bò hầm với khoai, gọi là beef stew. Miếng khoai và miếng thịt được ninh thật nhừ, nước nó sền sệt. Món thứ hai cũng khoai, được xắt lát mỏng, chiên vàng rồi đổ thịt bò lên trên. Đây là món chính. Món tiếp theo cũng khoai, được chiên cho cháy cạnh rồi hầm với gà và càri. Đáng lẽ ăn với bánh mì nhưng làng tôi đã ăn với cơm. Cơm VN ăn với khoai Canada, nó hợp nhau quá chừng. Và món tráng miện là chè khoai. Không phải khoai tây mà là khoai lang mật, nhập cảng từ VN. Ôi ngon làm sao !

Nghe tới khoai lang mật thì mắt cụ B.95 sáng rực lên. Cụ nói với Chị Ba : Cô làm tôi nhớ quê ngoài Bắc quá. Khoai môn, khoai sọ, khoai mỡ, khoai lang là những thứ tôi ăn từ bé. Nó ngon đậm đà vô cùng. Khoai tây ở Canada này làm sao bì được với các thứ khoai ở quê mình !

Nghe đến đây thì Cụ Chánh tiên chỉ làng lên tiếng xin nhà bếp thôi nói chuyện khoai để còn nói chuyện thời sự và chuyện cười. Ai cũng đồng ý. Và chuyện thời sự có ngay.

Nhưng làng tôi không nói chuyện Dịch Cô Vít, chuyện Ngài Putin đem quân xâm lăng Ukraine, chuyện xăng lên giá, ngấy quá rồi. Chuyện thời sự hiện đang được chú ý là lễ mừng 70 năm làm vua của Nữ hoàng Elizabeth II. Ôi, vinh quang hết mực, nào diễn binh, nào tiệc mừng, nào hòa nhạc, nào đua ngựa. Mỗi lần thấy Nữ hòang là tôi nhớ ngay tới Hoàng tử Charles, hoàng tử đã già 73 mà vẫn chưa được lên ngôi, là tôi nhớ ngay tới bài diễn văn nổi tiếng ‘ The young in heart’ của nữ hoàng khi đăng quang. Hồi đó bọn tôi học lớp cuối cùng bậc trung học, ban văn chương nên ai cũng phải học bài này.

Tại Canada ngày chủ nhật cuối tháng 6 vừa qua có buổi lễ ra mắt sách, rất trang trọng tại trụ sở làng Dưỡng Lão Tuổi Hạc Ontario. Đó là tác phẩm nổi tiếng Hài Khúc Tuyệt Vời, Divina Commedia, của Dante Alighieri người Ý viết vào thế kỷ 13 do Giáo Sư Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ. Và tác phẩm ‘Luận về nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa con người’, Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes, của J.J. Rousseau người Pháp viết vào thế kỷ 18, do Giáo Sư Dương Văn Hóa dịch thuật. Hai tác phẩm nổi tiếng do 2 dịch giả nổi tiếng chuyển ngữ này do Học Viện Công Dân của hai ông bà Tiến Sĩ Nông Duy Trường - Nguyễn Phúc Anh Lan in ấn và phát hành. Các cụ còn nhớ Học Viện ICEVN này chứ? Một tổ chức văn hóa ở hải ngoại chuyên phát hành những dịch phẩm uy tín về văn hóa thế giới.

Tôi ngấy chuyện vua Putin xâm lăng Ukraine nhưng có một chuyện nhỏ trên mạng về cuộc chiến này làm tôi nhớ mãi, chắc suốt đời, xin chép lại cho hậu thế soi gương. Đó là chuyện một người tỵ nạn Ukraine vô cùng tốt bụng. Rằng có một cư dân Ukraine muốn trốn chạy giặc Nga nhưng không có phương tiện, ông kể : tôi rời hầm trú bom và nhìn thấy một chiếc xe hơi mầu đỏ đậu gần. Xe mở và chìa khóa gắn sẵn. Tôi nhìn cái xe và ao ước giá được chủ nhân cho đi nhờ. Tôi chờ 2 giờ mà không thấy chủ nhân xuất hiện liền leo lên rồi chở cả gia đình chạy trốn. Tôi thấy trong ngăn xe có cái điện thoại bèn cầm lên, và quay số của chủ nhân đã ghi sẵn. Tôi nói lời xin lỗi vì đang xài xe để cứu cả gia đình. Bên kia là chủ nhân trả lời ngay : Tốt quá, tạ ơn Chúa. Xin bạn đừng lo. Tôi có 4 cái xe, gia đình tôi chạy trốn bọn Nga chỉ cần một chiếc, nên tôi để lại 3 chiếc ở 3 nơi khác nhau, đã đổ đầy xăng, và số điện thoại để liên lạc. Như vậy là tôi đã nhận được đủ 3 cuộc gọi lại, như vậy là 3 xe của tôi đã cứu được 3 gia đình. Tạ ơn Chúa. Xin bạn an lòng và bảo trọng.

Bạn thấy chuyện này sao cơ? Tôi mà có trong tay 4 cái xe và gặp biến thì cũng chẳng nghĩ ra được việc bác ái vô cùng thông minh như thế này.Tôi vừa kể đến đây thì ông Từ Hòe giơ tay xin tiếp sức. Rằng lần trước bác kể chuyện cô thư ký phi trường Newark bên Mỹ đã đối đáp tuyệt vời với một tên khách hàng ăn nói mất dạy ‘ Mày có biết tao là ai không?’ làm tôi nhớ tới chuyện cũng y chang về nàng Jane Fonda và Ted Turner đi ăn nhà hàng ở Montana. Bữa đó nhà hàng đông nghẹt, và bao nhiêu người phải sắp hàng chờ. Jane Fonda không giữ chỗ nhưng cứ đòi có bàn ngay. Cô tiếp viên từ chối nên Fonda hỏi : Cô có biết tôi là ai không? Cô ta đáp ngay : Dạ biết, nhưng bà phải chờ 45 phút. Fonda gặp manager, cũng bị từ chối và cũng hỏi lại câu như trên và đòi gặp chủ nhà hàng. Chủ nhân ra tiếp và Fonda hỏi ‘Ông có biết tôi là ai không. Chủ nhân trả lời tỉnh bơ : Biết chứ, biết quá chứ, bà là người thuộc phe phản chiến, đã đi Hà Nội bắt tay với VC đâm sau lưng chúng tôi lúc đó đang chiến đấu ở VN. Bà không có chỗ tối nay, tối mai và mãi mãi về sau. Chào ông bà. Cụ nào có dịp đi Mỹ nhớ tới ăn món steak của nhà hàng nổi tiếng này nha: Sir Scott Oasis Steak House, 204 W. Main, Manhattan.

Nghe đến đây thì cụ già B.95 trong bếp lên tiếng xin thôi các chuyện mà cụ cho là cao siêu. Cụ xin tiếng cười, và thần tượng của cụ là anh John lên tiếng hỏi : Cụ muốn chuyện cười quốc tế hay chuyện cười VN? Cụ đáp bữa nay xin đổi món, xin nghe chuyện cười quốc tế. Anh John là bồ chuyện cười nên có ngay. Cháu xin kể chuyện cười viết trong tạp chí quốc tế Reader’s Digest. Cháu xin mở ngoặc nói chút xíu về tờ báo danh tiếng này. Báo vừa mừng lễ 100 tuổi, do ông bà D.Wallace thành lập năm 1922 ở Hoa Kỳ. Báo này có 49 ấn bản bằng 21 ngôn ngữ khác nhau, có hơn 10 triệu độc giả khắp hoàn cầu. Năm 2009 tạp chí hỏi ý độc giả : trong các chuyện cười đã đăng thì chuyện cười nào hay nhất, và độc giả đã chọn chuyện cười 2 người đi săn. Năm nay, kỷ niệm 100 năm, tạp chí cũng đặt câu hỏi như vậy và chuyện 2 người đi săn vẫn được chọn là hay nhất Các cụ có biết chuyện này không cơ? Hôm nay tôi xin dịch chuyện này trực tiếp từ tạp chí để các cụ thưởng thức nha :

… Bữa đó có 2 người bạn rủ nhau vào rừng đi săn, anh A và anh B, Đi được một lúc thì anh B tự nhiên té lăn đùng xuống đất, mắt đờ đẫn, không thở gì. Anh A sợ quá, liền móc máy gọi 911. Anh nói : Tôi nghĩ rằng bạn tôi chết rồi, vậy bây giờ tôi phải làm gì? Bên cứu thương đáp ngay : Xin bình tĩnh. Có chắc rằng bạn anh đã chết không? Yên lặng rồi tự nhiên có tiếng súng nổ. Rồi anh A nói tiếp : Bây giờ thì chắc bạn tôi chết thật rồi…

Hết chuyện.

Các cụ thấy thế nào cơ? Cụ B.95 trả lời ngay : Nhạt như nước ốc ! Rồi cụ nói tiếp với anh John : Anh là dân Canada chính hiệu, anh hãy kể cho tôi nghe vài chuyện cười Canada. Anh John nghĩ một lúc rồi nói : cháu xin kể 4 chuyện cười tiêu biểu về đối thoại giữa 1 cặp vợ chồng trẻ.

Chuyện 1 : Vợ hỏi chồng : Sao bữa nay đi làm mà anh về sớm thế? Chồng đáp : Vì lão giám đốc giận anh quá nên hắn quát anh : Cút ngay về nhà cho khuất mắt tao !

Chuyện 2 : Vợ bảo chồng : Em ước mình là tờ nhật báo để anh ôm em mỗi buổi sáng. Chồng đáp : Anh cũng ước em là tờ nhât báo để anh có báo mới mỗi ngày.

Chuyện 3 : Một cặp vợ chồng da trắng có đứa con đầu tiên, nhưng da nó đen. Anh chồng không nghĩ đứa bé là con mình. Anh ta mới hỏi vợ : tại sao con chúng ta lại da đen. Vợ đáp : vì lúc yêu nhau thì anh cũng cuồng nhiệt, em cũng cuồng nhiệt, cả hai chúng ta cùng cuồng nhiệt nên nóng cháy, nên da con chúng ta mới đen là thế.

Chuyện 4 : Vợ hỏi chồng : Anh đang tìm kiếm cái gì thế? Chồng đáp : có tìm cái gì đâu ! Vợ nói ngay : Không tìm cái gì à? Em thấy anh đọc tờ hôn thú cả một giờ rồi mà. Chồng : À, anh tìm ngày hết hạn.

Nghe xong 4 chuyện về vợ chồng Canada nói với nhau, thấy cả làng chỉ cười chút xíu cho đúng phép lịch sự, ông bồ chữ Từ Hòe liền xin góp một chuyện cũng về chuyện nói giữa hai vợ chồng ngày xưa ở Bắc Kỳ. Rằng bữa đó là ngày họp làng, các đấng kỳ mục vừa nhậu vừa bàn. Giữa tiệc thì hết rượu. Anh sãi bõ làng mới sai vợ đi mua rượu. Không hiểu sao chị đi đã lâu mà không thấy mang rượu về, biết các cụ chờ rượu nên anh sãi ra đầu làng đón vợ. Mãi mới thấy vợ đem rượu về. Tới cổng làng thì bà vợ mót đái quá nên đã ngồi xuống tè. Ông chồng sốt ruột quá, bèn nói lớn như ra lệnh : Mẹ mày đái lẹ lẹ lên rồi mang ngay vào cho các cụ uống !

Còn đây cũng là chuyện nấu ăn ngày giỗ. Bữa đó cô con dâu đứng nấu bếp nhưng vì mùa hè trời nóng quá nên cô ăn mặc hở hang. Một ông bác thấy vậy thì ngứa mắt bèn bảo : Cháu đừng bày biện ra nhiều thế. Cô con dâu không hiểu ý, bèn đáp ngay : Chả mấy khi các bác đến chơi nên cháu có bao nhiêu thì cháu xin bày biện ra hết để mời các bác xơi cho thỏa ạ.

Cả làng vỗ tay khen hay nên được hứng ông Từ Hòe liền kể thêm một chuyên nữa cũng về việc ăn. Rằng bữa đó trên chuyến xe đò về lục tỉnh, xe rất đông khách. Giữa đường có một bà xồn xồn nói với ông tài xế : Tôi mót ị quá, chỗ nào tiện thì ông cho tôi xuống vài phút, tôi ị xong thì ông muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Phe các bà nghe đến đây thì la lên : Sao mợ ta ăn nói như vậy ! Ông Từ Hòe phải cắt nghĩa ngay : Cái chữ ĂN mà bà xồn xồn có ý nói là ăn công, lấy công, cái công ông ấy đã ngừng xe để cho bà ta xuống đi cầu…

Các cụ có thấy cái tiếng Việt nhà mình nó rầy rà không. Khi bà con mình di cư tới đất Canada gấm hoa này, nó cũng ảnh hưởng tới việc học tiếng Anh và tiếng Pháp. Chuyện này nhiều và dài vô cùng, kẻ hèn này xin trình vài chuyện còn nhớ. Rằng bữa đó là giờ Pháp văn, cô giáo vừa dạy xong bài về đếm số từ 1 tới 10, un deux trois…và bảo cả lớp ngày mai sẽ học tiếp từ 20, 30 đến 100. Có một bà xồn xồn không biết sợ hãi hay mắc cở gì cả, liền nói : khỏi cần, chúng tôi biết đếm từ ‘un deux trios tới dix’ là đủ rồi, là đã biết đếm các con số khác rồi, vì 10 là dix, vậy 20 sẽ là deux dix, 30 sẽ là trois dix…Cô giáo nghe dịch xong liền phá ra cười và thích chuyện này lắm, cô bảo cô sẽ ghi vào sổ sự thông thái này. Chưa hết. Chuyện học pháp văn chưa hết. Rồi đến ngày lễ quốc khánh Canada, cả lớp mời cô giáo đi ăn ở nhà hàng VN. Bữa đó ăn món cua luộc nên ai cũng phải ăn bằng tay, và sau đó là màn rửa tay để ăn tiếp món khác. Cái bà xồn xồn trên đây ngồi bên cô giáo nên bà ta mời cô giáo rửa tay trước rồi bà sẽ rửa sau, bà nói : Vous lavez votre avant, je vous laverai votre dèrriere ! Cô giáo nghe xong bụm miệng cười mãi không thôi.

Ông Từ Hòe nghe xong thì gật gù : Học ngoại ngữ thì phải nói bạo như vậy mới chóng tiến bộ và chóng biết nói. Rồi ông xin góp thêm một chuyện cùng ý này. Rằng nhóm ông hay họp nhau cuối tuần nhậu nhẹt. Bữa đó nhóm ông vừa nhậu vừa bàn về câu nói danh tiếng trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô tất Tố : Câu nói của ông chủ nhà dê xồm, đêm tối mò xuống dê cô tớ gái. Cố gái sợ quá van xin vì mình phận tôi tớ. Ông chủ nhà dê xồm trấn an ngay : ‘Tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh’. Nhóm ông đã ra công dịch câu nói bất hủ này sang tiếng Pháp và tiếng Anh, mà không dịch xong vì không ai chịu ai. Nghe các ông cãi nhau mãi thì có một bà vợ chắc có máu giống cái bà xồn xồn trên đây liền xin góp ý : Khó gì câu đó ! theo tôi thì tôi dịch thế này :

Pháp văn : Sans lumière, numéro un même chose numéro dix !

Anh văn : No light, number one same same number ten !

Các cụ thấy sao cơ, lời dịch của vị nữ lưu được bao nhiêu điểm cơ?

Cụ nào có bệnh khó ngủ, khi lên giường cứ nghĩ về mấy chuyện cười này thì sẽ ngủ ngon ngay. Thuốc tiên đó nha.

Xin kính mừng 2 lễ quốc khánh Canada và Hoa Kỳ.

TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Ukraine tiết lộ thiệt hại nặng của Nga ở Đảo Rắn. Căng thẳng Anh-Nga về hội chứng đàn ông tiểu nhân
VietCatholic Media
03:11 01/07/2022

1. Phát ngôn nhân của Vladimir Putin tấn công tuyên bố của Bộ trưởng Vương quốc Anh rằng Putin mắc 'hội chứng người đàn ông tiểu nhân'

Nhà ngoại giao nữ hàng đầu của Vladimir Putin đã đánh trả Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace sau khi ông này gọi Putin là “kẻ mất trí” và nói rằng bạo chúa mắc “hội chứng người đàn ông tiểu nhân”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng nhận xét rằng phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova - người được các phương tiện truyền thông Nga coi là ứng viên sáng giá cho chức ngoại trưởng Nga trong tương lai – là một “con hề múa may trong một vở hài kịch”.

Trước đó, Boris Johnson đã tuyên bố rằng Vladimir Putin sẽ không xâm lược Ukraine nếu ông là một phụ nữ và tin rằng cuộc chiến là một “ví dụ hoàn hảo về nam tính độc hại”.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau, thủ tướng đã đưa ra nhận định của ông rằng giới tính của tổng thống Nga là một yếu tố góp phần vào cuộc xung đột.

Johnson nói với đài truyền hình ZDF: “Putin chắc chắn không phải là phụ nữ, nhưng nếu ông ta là một phụ nữ, thì tôi thực sự không nghĩ rằng ông ấy sẽ dấn thân vào một cuộc chiến tranh xâm lược và bạo lực điên cuồng, man rợ theo cách mà ông ấy đã làm”

“Nếu bạn muốn một ví dụ hoàn hảo về nam tính độc hại, đó là những gì anh ấy đang làm ở Ukraine.”

Phát biểu của Thủ tướng Johnson diễn ra sau khi Nga pháo kích vào trung tâm mua sắm đông đúc ở Kremenchuk khiến ít nhất 18 người thiệt mạng. Một cuộc tấn công hỏa tiễn khác nhằm vào dân thường đang lấy nước ở Lysychansk khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và những cuộc tấn công trên diện rộng vào Kharkiv khiến ít nhất năm người thiệt mạng.

Bộ trưởng Wallace đã nghi ngờ lý thuyết của Boris Johnson rằng một phụ nữ ít có khả năng tham gia vào “một cuộc chiến tranh xâm lược và bạo lực điên cuồng, thứ cuồng bạo của đấng nam nhi”. Ông nói rằng Zakharova, 46 tuổi, là, “chắc chắn là một phụ nữ. Bà ta cũng một người mất trí giống như Putin vậy, ngày nào bà ta cũng hăm dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân."

Zakharova, một người ủng hộ nhiệt tình về cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã giận dữ trả lời: “Chính phủ Anh có chuyện gì vậy? Điều gì khiến họ quan tâm nhiều đến chủ đề giới tính và tình dục ngày nay?”

Trong một đoạn dài hơn trên kênh Telegram của mình, cô ấy nói với 415.000 người theo dõi của mình: “Theo chân Thủ tướng của ông ấy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Wallace…. đã nói 'Maria Zakharova, rõ ràng là phụ nữ, hàng tuần đều đe dọa ném bom mọi người bằng bom hạt nhân'”

“Hỡi Bộ trưởng Anh Wallace: trừ khi ông muốn bị cả thế giới coi là kẻ nói dối trơ trẽn, hãy cho chúng tôi một ví dụ về cách tôi 'hàng tuần đe dọa ném bom mọi người bằng bom hạt nhân'.”

“Ông sẽ không thể tìm thấy một câu trích dẫn nào, vì thế tôi buộc ông tội vu khống và truyền bá những tin giả”.

“Nhưng điều quan trọng là ông Wallace đã nhận ra một sự thật quan trọng: phụ nữ Nga đối với ông vẫn là phụ nữ.”

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, Avril Haines, nhận xét rằng cuộc chiến kéo dài 4 tháng sẽ tiếp tục diễn ra, “trong một khoảng thời gian dài”.

“Nói tóm lại, bức tranh vẫn còn khá ảm đạm và thái độ của Nga đối với phương Tây đang trở nên cứng rắn hơn,” Haines phát biểu tại một hội nghị của Bộ Thương mại.

Bà nói thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng có cùng mục tiêu chính trị mà chúng tôi đã cảnh báo trước đây, có nghĩa là ông ấy vẫn muốn chiếm phần lớn lãnh thổ Ukraine.

Sau cuộc xâm lược vào tháng 2, nghị sĩ đảng Bảo thủ Julian Lewis nói rằng Putin có “hội chứng người đàn ông tiểu nhân” tại Hạ viện.

Ông cũng nói rằng Putin có một “sự phức tạp của Napoléon”.

Lewis cho rằng đây có thể là lý do khiến Putin ra lệnh cho quân đội của mình xâm lược Ukraine. Và sau đó, cựu lãnh đạo Lao động Brown, người từng là Thủ tướng Vương quốc Anh từ năm 1997 đến năm 2007 dưới thời Thủ tướng Tony Blair, cũng tán đồng quan điểm trên.

2. Kho đạn của quân Nga bị phá hủy bằng máy bay không người lái Valkyrja của Ukraine ở mặt trận phía đông

Các tay súng Ukraine đã tấn công kho đạn của Nga ở mặt trận phía đông bằng hệ thống máy bay không người lái Valkyrja do Ukraine sản xuất.

Trong bản báo cáo sáng 1 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Valkyrja nổi tiếng của Ukraine một lần nữa tấn công quân xâm lược Nga! Tại vùng Donbas, bằng cách sử dụng hệ thống máy bay không người lái, quân phòng thủ của chúng tôi đã tấn công chính xác kho đạn Uragan và phá hủy nó”

Trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, tổng thiệt hại khi chiến đấu của Nga tại Ukraine lên tới khoảng 35.600 quân.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết thêm pháo binh của Lữ đoàn Dù số 95 đã tiêu diệt một đoàn xe chở đạn dược của Nga vừa vượt biên giới Nga vào trong lãnh thổ Ukraine.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng nhắc lại rằng, vào ngày 26 tháng 6 năm 2022, một lính dù Ukraine của Lữ đoàn Dù số 95 đã bắn hạ trực thăng Ka-52 'Alligator' của Nga bằng hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động Igla.

3. Lực lượng phòng vệ Ukraine giải phóng các khu định cư ở các hướng Kryvyi Rih và Kurakhove

Trong tuần qua, lực lượng phòng vệ Ukraine đã giải phóng hai khu định cư ở hướng Kryvyi Rih và Kurakhove.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Phó Cục trưởng Cục Tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksii Hromov trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine.

“Mặc dù duy trì phòng thủ trên toàn giới tuyến, nhưng ở một số khu vực nhất định, lực lượng của chúng tôi cố gắng tiến hành các hoạt động tấn công và gây thiệt hại cho đối phương. Trong tuần qua, Lực lượng Phòng vệ đã giải phóng và giành quyền kiểm soát Potiomkine ở hướng Kryvyi Rih và Pavlivka ở hướng Kurakhove,” Hromov nói.

Tại Donbas, quân Nga sử dụng chính sách 'thiêu đốt dân sinh', tức là dùng pháo phá hủy các khu định cư để đánh chiếm dễ dàng hơn.

Hromov nói: “Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ đang tiến hành các hoạt động liên quan, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí mà chúng tôi nhận được từ các đối tác của mình. Các hoạt động chống lại quân xâm lược đang được tiến hành; các trung tâm chỉ huy, kho đạn, vũ khí và nhiên liệu của địch bị phá hủy. Các cuộc tấn công của chúng tôi không ồ ạt như các cuộc tấn công của đối phương, nhưng chúng chính xác hơn nhiều. Hromov lưu ý rằng quân Nga bị tổn thất đáng kể.

4. Quân đội Ukraine bắn hạ chiếc Ka-52 của Nga tới gần Đảo Rắn để tiếp cứu

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 1 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong đêm thứ Tư 29 tháng 6, quân Ukraine đã mở cuộc tấn công tái chiếm Đảo Rắn. Quân Nga đã đưa trực thăng đến cứu nhưng quân đội Ukraine đã bắn rơi một máy bay trực thăng Ka-52 'Alligator' của Nga trên Hắc Hải, khi nó đang đến gần Đảo Rắn.

“Một ngày trước đó, một trong bốn máy bay trực thăng Ka-52, đang đến gần Đảo Rắn vào đã bị trúng đạn và rơi xuống biển, giữa Đảo Rắn và mỏ ngưng tụ khí Odesa, 3 chiếc còn lại đã bỏ chạy”

Theo Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam, người Nga đã cố gắng tổ chức một chiến dịch tiếp cứu bằng những chiếc trực thăng đã từng tham gia cùng tàu tuần dương hỏa tiễn Mạc Tư Khoa, vốn đã bị chìm trước đó. Chiến dịch tiếp cứu đã không thành công.

Nhằm giảm cường độ bắn hỏa tiễn và pháo binh của Quân đội Ukraine trên đảo Rắn, quân đội Nga đã hai lần tấn công khu vực bờ Hắc Hải ở phía nam Vùng Odesa bằng máy bay chiến đấu Su-35. Máy bay địch đã bắn ba quả hỏa tiễn Kh-31D. Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được ghi nhận.

Ở Hắc Hải, nhóm hải quân của đối phương lúc này bao gồm hai tàu hỏa tiễn và hai tàu đổ bộ lớn. Họ tiếp tục phong tỏa phần tây bắc của Hắc Hải nhưng giữ khoảng cách xa, sau khi hệ thống phòng không của Nga trên Đảo Rắn bị phá hủy.

5. Quân đội Ukraine đẩy lùi các hoạt động tấn công của Nga theo ba hướng

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 1 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lùi các hoạt động tấn công của đối phương trên các hướng Kharkiv, Sloviansk và Bakhmut. Trên hướng Lysychansk, quân xâm lược Nga đã phần nào giành được thành công.

Tính đến 06:00 chiều, ngày 30 tháng 6 năm 2022, tình hình vẫn không thay đổi ở các hướng Volyn và Polissia. Một trong những đơn vị đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ gần Pinsk, dự kiến sẽ luân chuyển. Các lực lượng vũ trang Belarus đang sử dụng hệ thống tác chiến điện tử tại các khu vực giáp ranh với Vùng Volyn.

Trên hướng Siverskyi, quân đội Nga tiếp tục tổ chức các đơn vị ở khu vực biên giới của Vùng Bryansk và Vùng Kursk. Đối phương nã pháo vào các vị trí của Ukraine. Những kẻ xâm lược Nga đã tiến hành trinh sát đường không bằng máy bay không người lái gần làng Kysla Dubyna. Họ cũng triển khai hệ thống tác chiến điện tử gần Oleshnya, Vùng Kursk.

Ở hướng Kharkiv, quân chiếm đóng của Nga đang bảo vệ các biên giới đã chiếm được trước đó. Quân Nga đã tiến hành các cuộc không kích gần Prudianka và Odnorobivka và một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Kharkiv.

Các hoạt động tấn công của Nga trên hướng Kochubeivka-Dementiivka ngay lập tức bị lực lượng Ukraine ngăn chặn.

Đối phương bắn vào các khu định cư như Pytomnyk, Dementiivka, Ivanivka, Rubizhne, Yavirske, Petrovka, Ruski Tyshky và Kutuzivka bằng pháo binh. Quân đội Nga cũng tiến hành trinh sát đường không bằng UAV Orlan-10 gần Prudianka và Ruska Lozova.

Theo hướng Sloviansk, quân đội Nga đang tập hợp lại. Quân trú phòng Ukraine đã đẩy lui thành công các hoạt động tấn công của đối phương trên hướng Dovhenke-Mazanivka. Địch rút lui. Những kẻ xâm lược Nga cũng tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm giành toàn quyền kiểm soát Bohorodychne nhưng không thành công.

Quân đội Nga đã nổ súng gần các khu định cư như Bohorodychne, Krasnopillia, Kurulka, Vernopillia và Chervona Poliana.

Trên hướng Kramatorsk, quân Nga không có hành động tích cực ngoại trừ một cuộc không kích gần Tetianivka.

Trên hướng Lysychansk, quân xâm lược Nga bắn vào các vị trí của Ukraine gần thành phố Lysychansk. Quân Nga đang tiến hành các hoạt động tấn công trong khu vực Nhà máy lọc dầu Lysychansk. Quân đội Nga đã đạt được một phần thành công và đang duy trì các phần phía tây bắc và đông nam của nhà máy. Cuộc tấn công của đối phương theo hướng Nhà máy Gelatin Loskutivka-Lysychansk đã bị chặn lại bởi lực lượng Ukraine, và quân chiếm đóng phải rút lui.

Trên hướng Bakhmut, quân đội Nga đã phóng hỏa tiễn và không kích gần Soledar. Đối phương đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo vào các quận như Bilohorivka, Pokrovske, Klynove và Novoluhanske.

Quân trú phòng Ukraine đã ngăn chặn thành công mọi nỗ lực tiến hành các hoạt động tấn công và tấn công của đối phương trên các hướng như Mykolaivka-Spirne, Volodymyrivka-Pokrovske, Dolomitne-Vuhlehirska TPP.

Trên Hắc Hải, 3 tàu sân bay hỏa tiễn Kalibr của đối phương đã sẵn sàng nã hỏa tiễn vào lãnh thổ Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh: “Không thể chịu được hỏa lực của các đơn vị pháo binh, hỏa tiễn và hàng không của chúng tôi, quân xâm lược Nga đã bỏ chạy khỏi Đảo Rắn để lại một số lượng lớn khó tài chiến tranh. Do đó, Vùng Odesa đã được giải phóng hoàn toàn”
 
Phóng sự: Lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại Vatican
Giáo Hội Năm Châu
05:30 01/07/2022
 
Cầu nguyện bị đuổi, kiện lên Tối Cao Pháp Viện, thắng bạc triệu. Thượng Hội đồng Đức đang lây nhiễm
VietCatholic Media
05:33 01/07/2022


1. Hiệu sách Công Giáo ở Houston bị phóng hỏa

Một vụ hỏa hoạn vào tối thứ Bảy đã gây ra thiệt hại lớn cho Cửa hàng Sách Công Giáo của Công ty Sacco ở trung tâm thành phố Houston. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn đang được điều tra.

Đám cháy bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối ngày 25 tháng 6 tại cửa hàng, có diện tích hơn 6.000 feet vuông. Tòa nhà nằm trên đường San Jacinto cách Nhà thờ Thánh Tâm năm dãy nhà về phía nam.

Chủ cửa hàng cho biết họ vẫn mở cửa kinh doanh trực tuyến và tại một địa điểm khác ở Houston.

“Chúng tôi đã bị hỏa hoạn vào tối thứ Bảy. Nó đã phá hủy hầu hết cửa hàng của chúng tôi,” Andrew Sacco, chủ cửa hàng, nói với CNA ngày 27 tháng 6. Đó là một cú tấn công khá lớn. Đó là một doanh nghiệp do gia đình sở hữu. Chúng tôi đã ở địa điểm đó hơn 30 năm. Đó là một cú tấn công đáng kể đối với chúng tôi.”

Sacco cho biết anh ta không biết bất kỳ dấu hiệu phá hoại, đốt phá hoặc đe dọa nào

“Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về điều đó vào lúc này. Vụ cháy vẫn đang được điều tra,” ông nói với CNA. “Chúng tôi đang chờ đợi những nhà điều tra và thanh tra bảo hiểm. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ cháy.”

Các nhà điều tra của cảnh sát đã có mặt tại hiện trường vụ cháy, KPRC 2 News đưa tin.

Một phát ngôn viên của Sở Cứu hỏa Houston nói với CNA hôm thứ Hai rằng cuộc điều tra sự việc vẫn được coi là mở và đang hoạt động.

Vụ hỏa hoạn xảy ra trong bối cảnh lo ngại về việc đốt phá và phá hoại tại các nhà thờ, trung tâm trợ giúp mang thai và các cơ sở khác sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyết định năm 1973 Roe v. Wade vào tuần trước.

Cửa hàng bị hỏa hoạn là địa điểm chính của Công ty Sacco và là nơi để toàn bộ hàng tồn kho.

“Chúng tôi sẽ phải xây dựng lại kho dự trữ của mình. Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp của mình,” Sacco nói. “Bất kỳ đơn đặt hàng cần thiết nào đều có thể được thực hiện.”

Vị trí Phố San Jacinto tạm thời bị đóng cửa. Địa điểm khác của công ty, Hiệu sách Công Giáo Veritas, vẫn mở trên khu phố 2900 của Đường Chimney Rock ở phía tây Houston.

“Chúng tôi đang phát triển cửa hàng chị em của mình, Nhà sách Công Giáo Veritas,” Sacco nói. “Chúng tôi vẫn đang hoạt động, chúng tôi đang nỗ lực để mọi thứ trở lại và chạy đều như cũ… Chúng tôi vẫn đang nhận các đơn đặt hàng của nhà thờ. Chúng tôi có thể giao hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất của chúng tôi.”
Source:Catholic News Agency

2. Tòa án tối cao đứng về phía huấn luyện viên túc cầu trong trường hợp cầu nguyện

Tòa án Tối cao đã phán quyết hôm thứ Hai với tỷ số 6-3 ủng hộ một huấn luyện viên túc cầu tại một trường trung học trong một trường hợp Tu chính án thứ nhất liên quan đến quyền cầu nguyện trên sân của anh ta bị vi phạm.

Cả hai bên của vụ án, Kennedy kiện Bremerton School District, lập luận rằng vụ kiện liên quan đến tự do tôn giáo. Cựu huấn luyện viên, Joseph Kennedy, nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo của anh ta và chủ nhân cũ của anh ta, trường trung học Bremerton, nhấn mạnh đến quyền tự do tôn giáo của học sinh.

Kennedy, một Kitô Hữu, đã mất việc làm huấn luyện viên túc cầu tại trường công lập ở Bremerton, Washington, vì từ chối ngừng cầu nguyện ở vạch 50 yard sau các trận đấu.

Tòa án phán quyết rằng khu học chánh đã vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận của Kennedy.

Ý kiến của tòa án bởi Thẩm Phán Neil M. Gorsuch viết: “Ở đây, một thực thể chính phủ đã tìm cách trừng phạt một cá nhân vì tham gia vào một hoạt động tôn giáo cá nhân ngắn gọn, yên tĩnh, được bảo vệ gấp đôi bởi Điều khoản Tự do Ngôn luận và Tự do tôn giáo của Tu chính án thứ nhất. Và lời biện minh có ý nghĩa duy nhất mà chính phủ đưa ra để trả đũa dựa trên một quan điểm sai lầm rằng họ có nhiệm vụ xua đuổi và đàn áp những người theo tôn giáo ngay cả khi nó cho phép các bài phát biểu thế tục có thể coi là tương đương.”

“Hiến pháp không bắt buộc cũng như không dung thứ cho kiểu phân biệt đối xử đó”

Các thẩm phán John G. Roberts, Clarence Thomas, Samuel A. Alito, Amy Coney Barrett, và Brett M. Kavanaugh đã tham gia vào ý kiến của Gorsuch. Thomas và Alito đã đệ trình các ý kiến đồng tình.
Source:Catholic News Agency

3. Sandro Magister: Thượng Hội đồng Đức đang lây nhiễm toàn bộ Giáo Hội, nếu không có sự ngăn cản của Đức Giáo Hoàng

Giáo Hội đang trong tiến trình Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị. Giai đoạn đầu tiên từ tháng 10 năm 2021 đến tháng Tư vừa qua là giai đoạn lắng nghe và phân định tại các giáo phận và các Hội Đồng Giám Mục.

Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican vừa có bài viết liên quan đến vấn đề này nhan đề “Il sinodo tedesco contagia l’intera Chiesa, senza che il papa lo freni”, nghĩa là “Thượng Hội đồng Đức đang lây nhiễm toàn bộ Giáo Hội, nếu không có sự ngăn cản của Đức Giáo Hoàng”, trong đó ông cảnh báo rằng ở nhiều quốc gia như Pháp, và Ái Nhĩ Lan, kết quả lắng nghe và phân định tại các giáo phận đã đưa ra các thỉnh cầu không có gì khác hơn là các bản sao các đề nghị trong Tiến Trình Công Nghị Đức. Cụ thể là những yêu sách đòi bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, và thay đổi tín lý về tính dục.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với các giám đốc của các tạp chí Dòng Tên ở Âu Châu, được ghi lại và xuất bản bởi “La Civiltà Cattolica” – hay “Văn Minh Công Giáo” - Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến “Tiến Trình Công Nghị” đang được tiến hành ở Đức. Theo quan điểm của ngài, “vấn đề nảy sinh khi Tiến Trình Công Nghị này đến từ giới tinh hoa trí thức, thần học, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các áp lực bên ngoài,” thay vào đó, nó nên được thực hiện “với các tín hữu, với dân chúng”.

Rắc rối là khi tiến trình này xảy ra, nghĩa là khi các đề xuất được đưa ra từ cơ sở hoặc khi ý kiến của các tín hữu được khảo sát, kết quả thực tế giống như kết quả được đưa ra bởi giới tinh hoa thống trị hoặc bởi áp lực bên ngoài, với một chuỗi dài không thể tránh khỏi các yêu cầu từ loại bỏ luật độc thân linh mục đến phong chức linh mục cho phụ nữ, từ luân lý mới về tình dục và tình dục đồng giới cho đến việc dân chủ hóa việc quản trị Giáo Hội.

Đức Phanxicô bày tỏ nỗi lo sợ của mình về Tiến Trình Công Nghị Đức trong một bức thư vào tháng 6 năm 2019 rằng ngài “tự mình viết tất cả bằng tiếng Tây Ban Nha”. Nhưng sau đó ngài để tiến trình ấy tiếp tục mà không có bất kỳ sự kiềm chế nào và không có dấu hiệu lắng nghe ngay cả những tiếng kêu báo động ngày càng tăng từ Đức Hồng Y Walter Kasper, là người mà vào đầu triều đại giáo hoàng đã là tham chiếu thần học của ngài; nhưng chính Đức Hồng Y lại là người đã hoài nghi rằng Thượng hội đồng Đức, mà ngài gọi là một “nỗ lực đảo chính”, có “thực sự là Công Giáo” hay không.

Không chỉ có vậy. Có một nguy cơ dễ thấy hơn bao giờ hết là chương trình nghị sự của “Tiến Trình Công Nghị” Đức sẽ kết thúc trong một thượng hội đồng khác của Giáo Hội hoàn vũ mà Đức Giáo Hoàng đã triệu tập vào năm 2021, bắt đầu từ không ai khác ngoài các vùng ngoại vi và cơ sở, và sẽ có phiên họp đỉnh cao của nó tại Rôma vào tháng 10 năm 2023.

Ban đầu, sự triệu tập Thượng hội đồng chung này thậm chí không tạo được tin tức. Chủ đề mà Đức Phanxicô đã gán cho nó, “tính đồng nghị”, có vẻ trừu tượng và nhàm chán đến mức làm nản lòng mọi người quan tâm đến các phương tiện truyền thông.

Nhưng sau đó, ngay khi các giáo phận bắt đầu đánh giá tình trạng tâm trí của các linh mục và tín hữu, thì người ta thấy rõ ràng ngay lập tức những yếu tố nào được đưa vào chuỗi những thỉnh cầu. Kết quả là bây giờ các Hội Đồng Giám Mục, khi xem xét giai đoạn đầu tiên được phân quyền của thượng hội đồng, đã tìm thấy trong tay các ngài một bản sao của “Tiến Trình Công Nghị” Đức, được chính các tín hữu của các ngài đưa ra.

Pháp là một trường hợp điển hình. Vào giữa tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã họp chính xác trong một phiên họp đặc biệt để hoàn thiện tác phẩm “Collecte des synthèses sinodales” – “Hợp tuyển các tổng hợp về Thượng Hội Đồng” - được đưa lên từ các giáo phận khác nhau và sau đó gửi tài liệu này đến Rôma. Khi biểu quyết về văn kiện, Hội Đồng Giám Mục đã không chấp thuận nội dung của nó, nhưng chỉ giới hạn trong việc xác minh rằng những điều này có phù hợp với yêu cầu của hàng ngàn linh mục và tín hữu được phỏng vấn hay không. Các yêu cầu được gửi đến Rôma bao gồm chính xác việc loại bỏ luật độc thân linh mục, phong chức phó tế và chức linh mục cho phụ nữ hoặc ít nhất, “như một bước đầu tiên,” giao cho các phụ nữ giảng trong các Thánh lễ. Bên cạnh đó là các yêu cầu thực hiện một cuộc cải cách triệt để phụng vụ và những ngôn ngữ phụng vụ mà “bây giờ không thể chấp nhận được”, cũng như sự chấp nhận một cách tổng quát các bí tích dành cho các cặp vợ chồng đã ly dị và tái hôn và đồng tính luyến ái.

Ở Ái Nhĩ Lan cũng vậy. Ngoài các báo cáo về các cuộc tham vấn trong mỗi giáo phận, các giám mục cũng sử dụng một cuộc thăm dò ý kiến lớn giữa các tín hữu. Và nó nổi lên rằng gần như toàn bộ người Công Giáo Ái Nhĩ Lan muốn loại bỏ luật độc thân linh mục và phong chức linh mục cho phụ nữ, 85% muốn xóa bỏ mọi kết án hành vi đồng tính luyến ái, 70% muốn giáo dân cũng có quyền quyết định trong Giáo Hội, và những người khác muốn loại bỏ khỏi Thánh lễ các bài đọc “rướm máu” trong Cựu ước

Cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan được tổ chức vào giữa tháng Sáu cũng có sự tham dự của Sơ Nathalie Becquart, phụ tá tổng thư ký của Thượng hội đồng về tính đồng nghị tại Rôma, là người nói rằng trong hai ngàn năm lịch sử, đây là lần đầu tiên Giáo Hội tổ chức một cuộc tham vấn toàn cầu, mà Đức Phanxicô muốn bắt đầu từ cơ sở. Không ai biết Thượng hội đồng này sẽ kết thúc ở đâu, Sơ kết luận, nhưng chính vì lý do này mà người ta phải cởi mở với “sự ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần”.

Sơ Becquart, người trong thượng hội đồng sẽ có quyền bỏ phiếu ngang hàng với các giám mục, là một phần của bộ ba cấp tiến rõ rệt mà Đức Phanxicô đã đặt ở vị trí đứng đầu thượng hội đồng, cùng với tổng thư ký, Hồng Y người Malta Mario Grech, và vị tổng tường trình viên, là Hồng Y Dòng Tên người Luxembourg, Jean-Claude Hollerich.

Và dường như điều đó là chưa đủ, với cả hai vị Hồng Y này, Đức Phanxicô đã thành lập một nhóm làm việc về cách hòa giải Tiến Trình Công Nghị Đức với Thượng Hội Đồng Giáo Hội hoàn vũ. Tin tức được công bố vào ngày 3 tháng 2 vừa qua bởi chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, giám mục Georg Bätzing của Limburg, người có khao khát cách mạng thậm chí còn mãnh liệt hơn chính vị Hồng Y liều lĩnh Hollerich, đến mức gần đây đã nói rằng ông “thất vọng” bởi tốc độ quá chậm của Đức Giáo Hoàng.

Thật vô ích khi không ít giám mục và Hồng Y đã gõ cửa Bộ Giáo Lý Đức Tin, yêu cầu các luận điểm trơ trẽn nhất của Hồng Y Hollerich phải bị bác bỏ, đặc biệt là những luận điểm lật ngược học thuyết về tình dục và đồng tính luyến ái. Đức Giáo Hoàng đang giữ im lặng và mọi người đều tin rằng chính Đức Giáo Hoàng đang áp đặt việc bịt miệng.

Trong số các vị Hồng Y mới được Đức Phanxicô công bố vào Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên có ít nhất một cặp những nhà vô địch của cuộc cách mạng tín lý này: đó là giám mục San Diego Robert McElroy và tổng giám mục Manaus Leonardo Ulrich Steiner.

Hiệu quả của sự thông qua thực tế được Đức Giáo Hoàng trao cho “Tiến Trình Công Nghị” của Đức là ngày càng có nhiều người trong Giáo Hội cảm thấy được ủy quyền để hành xử tùy ý.

Ở Đức, đã có một sự xôn xao đối với ba trăm anh em dòng Phanxicô, những người vào giữa tháng 6 đã bầu Markus Fuhrmann làm Bề trên tỉnh dòng. Ông ta là người vài tuần trước đó đã gây xôn xao khi công khai xác nhận mình là một người đồng tính luyến ái cũng như là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho những đổi mới trơ trẽn trong các công trình của “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức.

Và vài ngày sau, một lần nữa tại Đức, không biết là lần thứ bao nhiêu, đã xuất hiện những yêu cầu đổi mới tương tự - bao gồm cả việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính luyến ái trong nhà thờ từ người đứng đầu hệ thống giáo quyền Đức, là Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục Munich và là thành viên nổi bật của hội đồng Hồng Y cố vấn do Đức Giáo Hoàng lập ra để hỗ trợ ngài điều hành Giáo Hội hoàn vũ.

Tại Thụy Sĩ, ở giáo phận Chur, Giám mục Joseph Maria Bonnemain đã buộc các linh mục và nhân viên giáo phận phải ký một bộ luật cầu vồng, trong đó họ cam kết “từ bỏ những đánh giá tiêu cực nói chung về hành vi được cho là phi Kinh thánh trong các vấn đề về khuynh hướng tình dục.”

Tại Ý, tại tổng giáo phận Bologna, vào ngày 11 tháng 6, một cặp nam giới đã kết hôn dân sự tại tòa thị chính thành phố và ngay sau đó cử hành sự kết hợp của họ trong nhà thờ, trong một thánh lễ do trưởng ban chăm sóc mục vụ gia đình của tổng giáo phận, Cha Gabriele Davalli, chủ tế. Một tuyên bố gây mâu thuẫn sau đó từ tổng giáo phận đã cố gắng biện minh cho vụ việc, khẳng định không bằng không chứng rằng nó chỉ đơn giản là một thánh lễ tạ ơn cho nhóm LGBT Công Giáo “In cammino,” mà cả hai đều thuộc về. Nhưng đừng ai quên sự thật rằng tổng giám mục của Bologna là Hồng Y Matteo Zuppi, là người đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý được một tháng, theo sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng, và cũng là người đầu tiên trong bảng xếp hạng các ứng viên cho mật nghị tương lai. Có khả năng tình tiết này sẽ làm hỏng nỗ lực kế vị Đức Phanxicô, khiến ngài mất đi số phiếu bầu mà ngài lẽ ra có thể thu thập được trong số các Hồng Y bảo thủ.

Nói tóm lại, sự lây lan của “Tiến Trình Công Nghị” Đức, không được Đức Giáo Hoàng kiểm soát, hiện đã vượt ra ngoài biên giới và có nguy cơ ảnh hưởng đến thượng hội đồng chung về tính đồng nghị. Lá thư ngỏ chân thành được gửi tới các giám mục Đức vào ngày 11 tháng 4 bởi các Hồng Y Francis Arinze, Raymond Burke, Wilfried Napier, George Pell, Camillo Ruini, Giuse Trần Nhật Quân, và khoảng một trăm tổng giám mục và giám mục từ khắp nơi trên thế giới cũng không đi đến đâu.

Giáo Hội Công Giáo có thể bị biến thành một loại Thượng hội đồng vĩnh viễn, với các yêu cầu từ cơ sở, nghĩa là từ nền văn hóa thống trị, đóng vai chủ đạo, là một trong những mối nguy hiểm khác được Hồng Y Kasper tố cáo.

Trong mọi trường hợp, theo nhận định của một vị Hồng Y khác, Đức Hồng Y Camillo Ruini người Ý, một bộ phận đáng kể của Giáo Hội đã vượt qua ranh giới của tín lý Công Giáo trên ít nhất một điểm: đó là sự chấp thuận các hành vi đồng tính luyến ái. “Tôi không phủ nhận rằng có nguy cơ ly khai,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 5 với “Il Foglio.” “Nhưng tôi tin rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, điều đó có thể được vượt qua.”
Source:Sndro Magister
 
Ukraine dùng M777 san bằng căn cứ Nga. Số phận 3 thanh niên Belarus phá đường sắt chở vũ khí Nga
VietCatholic Media
16:48 01/07/2022


1. Quân đội Ukraine san bằng căn cứ quân Nga

Trong bản báo cáo ngày 1 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã tấn công một căn cứ của Nga trong vùng Donbas, san bằng bộ chỉ huy, một nhà kho và các phương tiện bọc thép của họ

Quân đội Ukraine cho biết họ đã sử dụng trọng pháo M777 do Anh sản xuất để phá hủy căn cứ của Nga. Các hình ảnh thu được từ máy bay không người lái cho thấy bộ chỉ huy, 3 chiếc thiết giáp, một nhà kho và các phương tiện giao thông khác đã bị phá hủy.

Được sản xuất bởi bộ phận Hệ thống chiến đấu toàn cầu của BAE Systems, M777 được sử dụng bởi lực lượng bộ binh của Úc, Canada, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Ukraine và Hoa Kỳ.

2. Sergei Lavrov cho biết 'bức màn sắt' mới đã hạ xuống giữa Nga và phương Tây

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, cho biết, một “bức màn sắt” mới đang hạ xuống giữa Nga và phương Tây, và rằng Mạc Tư Khoa sẽ không tin tưởng Washington và Brussels “từ bây giờ”.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Liên quan đến bức màn sắt, về cơ bản nó đã ha xuống rồi.” Lavrov nói rằng tiến trình cô lập đối với các nước khác quy trình “đã bắt đầu” sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Belarus.

Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Liên Hiệp Âu Châu không “quan tâm chút nào” trong việc tìm hiểu các lợi ích của Nga, đồng thời nói thêm:

“Họ chỉ quan tâm đến những gì đã được quyết định ở Brussels. Và những gì đã được quyết định ở Washington cũng đã được quyết định ở Brussels”.

3. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo hoàn tất thỏa thuận chuyển giao 39 xe hỗ trợ chiến đấu bọc thép cho Ukraine.

Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Trudeau nói rằng các xe hỗ trợ chiến đấu bọc thép, gọi tắt là ACVS, ban đầu được dự trù dành cho quân đội Canada và đang trong quá trình chuyển giao nhưng thay vào đó sẽ được chuyển hướng đưa tới Ukraine.

“Các phương tiện bọc thép hạng nhẹ mà chúng tôi đang gửi đến sẽ cực kỳ hiệu quả,” Trudeau nói với các phóng viên hội nghị thượng đỉnh. Chúng tôi rất vui khi được giúp đỡ và chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và đáp ứng những thứ Ukraine cần.”

Ông trấn an các phóng viên rằng quân đội Canada sẽ tiếp tục tăng thêm kho dự trữ: “Dự trữ cho quân đội Canada sẽ được bổ sung nhanh nhất có thể... Chúng tôi cần bảo đảm rằng phụ nữ và nam giới của Lực lượng Canada có trang bị mà họ cần để tiếp tục sứ mệnh của họ và nâng cao khi cần thiết.”

Trudeau nói thêm, “Chúng tôi cũng nhận ra rằng cách sử dụng tốt nhất, ngay bây giờ, những thứ như trọng pháo và súng bắn tỉa và tất cả các thiết bị khác mà chúng tôi đã gửi đến Ukraine – hiện nay tốt nhất cho an ninh Canada, cho sự ổn định địa chính trị - là dưa chúng vào trong tay của người Ukraine.”

4. Estonia và Latvia mua sắm các hệ thống phòng không tầm trung

Các bộ trưởng quốc phòng Estonia và Latvia đã ký một bức thư chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid về việc mua sắm chung các hệ thống phòng không tầm trung.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cho biết: “Sự gây hấn của Nga ở Ukraine cho thấy rõ ràng sự cần thiết của các hệ thống phòng không.” Ông nói thêm rằng động thái này sẽ hỗ trợ hợp tác khu vực và phòng thủ chung giữa các nước Baltic khi khu vực này phản ứng với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

“Hội nghị thượng đỉnh NATO đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng sự giúp đỡ sẽ được trao cho những người sẵn sàng tự vệ,” Ngoại trưởng Estonia, Pabriks Kalle Laanet, nói thêm.

Cả Estonia và Latvia đều là thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

Một đề xuất cụ thể về việc mua sắm các hệ thống này dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 7, nhưng vẫn chưa có thông tin chi tiết nào được công bố về chi phí hoặc ngày giao hàng.

5. Nga triệu tập Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa để phản đối những nhận xét xúc phạm của Thủ tướng Anh

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa, Deborah Bronnert, để phản đối những nhận xét “xúc phạm” của Boris Johnson liên quan đến Nga và Vladimir Putin.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Đại sứ Anh đã được nghe sự phản đối mạnh mẽ về “những tuyên bố rõ ràng là ngớ ngẩn của giới lãnh đạo Anh liên quan đến Nga, nhà lãnh đạo và đại diện chính thức của chính quyền, cũng như người dân Nga”.

Bộ Ngoại Giao Nga cho biết Đại Sứ Bronnert đã được trao một bản ghi nhớ nói rằng “những lời lẽ xúc phạm từ các đại diện của chính quyền Vương quốc Anh là không thể chấp nhận được”

Phát ngôn nhân Zakharova nói Nga phản đối các tuyên bố của Anh có chứa “thông tin cố ý sai lệch, đặc biệt là về ‘các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân’”.

Động thái này của Nga diễn ra sau khi Thủ tướng Johnson nói rằng Putin sẽ không bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine nếu ông là phụ nữ và nói rằng hoạt động quân sự là “một ví dụ hoàn hảo về nam tính độc hại”.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã kích động Mạc Tư Khoa khi ông nhấn mạnh thêm rằng cả phụ nữ Nga cũng cay độc không thua cánh đàn ông, và cáo buộc phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, “hàng tuần, đe dọa sẽ ném hạt nhân vào tất cả mọi người.”

6. Tổng thống Nga, Vladimir Putin, phủ nhận việc Nga vũ khí hóa lương thực

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã phủ nhận việc Mạc Tư Khoa đang ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine; và tìm cách hạ thấp tác động của việc hàng hóa nông nghiệp của Ukraine vắng mặt trên thị trường lương thực thế giới.

Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, ông Putin nói: “Chúng tôi không ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Quân đội Ukraine đã thả thủy lôi ngăn cản việc tiếp cận các cảng của họ, không ai ngăn cản họ dọn những quả mìn đó và chúng tôi bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển ngũ cốc ra khỏi đó”.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra các vấn đề trên thị trường lương thực toàn cầu và làm giá cả tăng cao.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gặp Putin tại Điện Cẩm Linh sau khi có chuyến thăm Kyiv.

Tổng thống Widodo, nói với các phóng viên rằng Indonesia sẽ tiếp tục hợp tác với Nga và nói rằng điều quan trọng là phải tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông cho biết ông đã “chuyển” một thông điệp từ Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tới Putin, đồng thời bày tỏ “sự sẵn sàng” của mình để giúp bắt đầu “giao tiếp” giữa hai nhà lãnh đạo.

7. Ba thanh niên Belarus phá hoại đường sắt chở khí tài chiến tranh của Nga đối diện với án tử hình

Những người đàn ông bị cáo buộc phá hoại đường sắt để làm chậm bước tiến của quân Nga sẽ phải đối mặt với cái chết ở Belarus.

Ba người đàn ông được cho là đã cố gắng làm chậm bước tiến quân sự của Nga qua Belarus vào đầu cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với án tử hình vì tội phản quốc với tình tiết gia trọng.

Ba người đàn ông, những người được cáo buộc là thành viên “đảng đường sắt,” không được nêu tên nhưng được cho là ở độ tuổi 29, 33 và 51. Họ bị các công tố viên Belarus cáo buộc là “khủng bố” và “phản bội”.

Họ bị chế độ Belarus - thường được coi là chế độ độc tài cuối cùng ở Âu Châu - buộc tội phản quốc vì cáo buộc đã làm hư hại một tuyến đường sắt trong nỗ lực ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị của Nga quá cảnh qua Belarus để đến Ukraine.

Họ hiện đang phải đối mặt với cáo buộc phản quốc và khủng bố từ chế độ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người nắm quyền từ năm 1994 và là đồng minh thân cận của Putin, đến mức cho phép Nga sử dụng Belarus như một khu vực tập trung lực lượng Nga ngay từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, khi quân đội Nga tấn công để chiếm thủ đô Kyiv.

Vào cuối tháng 5 năm 2022, Lukashenko đã ký một đạo luật, theo đó,mọi nỗ lực “khủng bố” đều bị “trừng phạt bằng cái chết.”

Ủy ban Điều tra của Cộng hòa Belarus cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Cuộc điều tra vụ án hình sự đối với những kẻ thực hiện hành vi khủng bố trên đường sắt đã hoàn tất.”

“Cục Điều tra Tội phạm có Tổ chức và Tham nhũng đã hoàn tất việc điều tra vụ án hình sự đối với những kẻ phản bội Tổ quốc.”

“Theo cuộc điều tra, một cư dân 29 tuổi của Svetlogorsk vào tháng 2 năm nay, theo sáng kiến của riêng mình, đã tham gia vào nhóm cực đoan 'Peramoga'. Từ những người lãnh đạo nhóm này, anh ta đã nhận nhiệm vụ vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng đường sắt trong vùng Gomel”.

“Các thành viên lãnh đạo của nhóm tội phạm này đã gửi cho anh ta những hướng dẫn chi tiết về cách chế tạo các công cụ và cách phạm tội, cũng như các khuyến nghị về các biện pháp cần áp dụng khi thực hiện âm mưu”.

“Thanh niên này đề nghị một số bạn bè tham gia vào nhóm tội phạm. Hai người đàn ông, một người 33 tuổi và một người 51 tuổi, đã đồng ý tham gia. Để thúc đẩy họ phạm tội, đại diện của nhóm cực đoan đã trả cho họ mọi chi phí chuẩn bị, đồng thời chuyển tiền 'cho công việc đã hoàn thành' vào một tài khoản điện tử. Tổng cộng, các bị cáo được trả hơn 1.000 đồng Belarus, khoảng hơn 290 đô la, một chút”.

“Sau khi thảo luận về kế hoạch, nhóm khủng bố phân công, thảo luận về các phương án cho âm mưu và đường thoát. Đúng thời gian đã định, đêm 28-2, theo phân công nhận được, các đối tượng đã phóng hỏa tủ tiếp điện gây nguy cơ tạo ra những hậu quả thảm khốc, bao gồm cả việc sập các đoàn tàu.”

“Cuộc điều tra xác định rằng các hành động phạm tội của các bị cáo gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Cộng hòa Belarus, là phản bội Tổ quốc.”

“May mắn thay, thảm họa và thương vong về người do hậu quả của cuộc tấn công khủng bố trên đường sắt đã được tránh khỏi, nhưng thiệt hại do hành động phạm tội của các bị cáo lên tới khoảng 55.000 đồng Belarus hay 16.160 USD”.

Theo trung tâm nhân quyền Belarus Viasna, ít nhất 11 người đã bị buộc tội “hành động khủng bố” liên quan đến phá hoại đường sắt.
 
Bạn thân Putin tiết lộ: Nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra, Putin sẽ bắn vào thành phố nào trước.
VietCatholic Media
16:54 01/07/2022


1. Sau khi hủy chuyến đi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Parolin đến thăm Phi Châu

Sau khi miễn cưỡng từ bỏ chuyến tông du Phi Châu theo lịch trình của mình vào tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cử quan chức cấp cao thứ hai của Vatican thay thế ngài.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết:

“Sau khi hoãn chuyến tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cử Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đến Kinshasa và Juba để thể hiện sự gần gũi của ngài với những người thân yêu.”

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Parolin sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 8 tháng Bảy.

Tòa thánh lần đầu tiên thông báo vào ngày 10 tháng 6 rằng chuyến đi vào tháng 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bị hoãn lại vì lý do sức khỏe, đặc biệt là vì chứng đau đầu gối của ngài. Chúa Nhật tuần sau đó, Đức Giáo Hoàng đã xin lỗi vì đã hoãn chuyến đi của mình vì đau đầu gối và hứa sẽ lên lịch lại “càng sớm càng tốt.” Trong lần xuất hiện gần đây trước công chúng vào tháng này, ngài đã phải sử dụng xe lăn hoặc chống gậy.

Đức Giáo Hoàng sẽ đến Canada theo như dự trù để dự lễ Thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu, được tôn kính bởi một nền văn hóa tôn trọng người cao tuổi.

Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Edmonton, Thành phố Quebec, và Iqaluit trong chuyến đi kéo dài sáu ngày, đã được sắp xếp với lịch trình có phần nhẹ nhàng hơn bình thường, vì lý do sức khỏe của Đức Giáo Hoàng 85 tuổi.

Chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo qua Đại Tây Dương là một phần của quá trình thống hối và hòa giải do Giáo hội ở Canada khởi xướng, một quá trình đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ nhưng được khởi động trở lại sau khi phát hiện ra các ngôi mộ tập thể vào năm 2021 của các trường dành cho người bản địa, một số do Giáo hội quản lý trong thế kỷ 19 và 20.

Vào cuối tháng 3, Đức Giáo Hoàng đã tiếp ba phái đoàn gồm các dân tộc thổ dân tại Vatican, do các giám mục Canada dẫn đầu. Trong sự kiện này, ngài đã lắng nghe những lời chứng của họ, chính thức cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ của các thành viên của Giáo hội, và bày tỏ mong muốn được đến thăm vùng đất của họ.

Chương trình của Đức Thánh Cha Phanxicô bao gồm nhiều cuộc gặp gỡ và thăm viếng có liên quan trực tiếp đến vấn đề trường học dành cho người bản địa, công việc tưởng nhớ, chữa lành và tha thứ, và quảng bá văn hóa của các dân tộc thổ dân.

Theo chương trình chính thức do Tòa thánh Vatican công bố, ngày 24-7, Đức Thánh Cha sẽ hạ cánh xuống sân bay Edmonton, tỉnh Alberta vào ngày 24/7. Không có gì khác được lên kế hoạch trong ngày, để cho phép Đức Giáo Hoàng nghỉ ngơi sau chuyến bay kéo dài 10 giờ và thay đổi những múi giờ khác nhau, các giám mục Canada cho biết trong tuyên bố của các ngài.

Ngày hôm sau, 25 tháng 7, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Maskwacis, ngôi nhà của trường dành cho người bản địa Ermineskine trước đây, một trong những trường lớn nhất trong nước, cách Edmonton khoảng 100 km. Ngài sẽ gặp gỡ các dân tộc First Nations, Métis và Inuit và sau đó kết thúc một ngày tại Nhà thờ First Nations ở Edmonton. Tòa nhà gần đây đã được phục hồi sau trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2020.

Vào ngày 26 tháng 7, lễ kính Hai Thánh Joachim và Anna, Đức Giáo Hoàng dự kiến cử hành thánh lễ tại sân vận động của Edmonton - có sức chứa 65.000 người - và sau đó sẽ đến Hồ Thánh Anne, cách thủ đô của Alberta 75 km. Một cuộc tụ họp Công Giáo đã được tổ chức ở đó hàng năm kể từ năm 1886 để tôn vinh Thánh Anna, vị thánh bảo trợ của người Canada. Theo truyền thống, sẽ có hàng chục nghìn người Cree, Dene, Blackfoot và Métis, là những người có lòng sùng kính đặc biệt đối với bà ngoại của Chúa Giêsu, tượng trưng cho tầm quan trọng của hình bóng người cao tuổi trong cộng đồng của họ.


Source:Catholic News Agency

2. Vatican bắt đầu tờ báo hàng tháng của người nghèo và với người nghèo

Vatican đang bắt đầu xuất bản hàng tháng một ấn phẩm mới dành riêng cho người nghèo và những người sống bên lề, nhằm mục đích không chỉ kể câu chuyện của họ mà còn liên quan đến việc sản xuất và phân phối báo chí

Ấn bản đầu tiên của tờ L'Osservatore di Strada (Quan Sát Viên Đường Phố), xuất phát từ tên của nhật báo L'Osservatore Romano, nghĩa là Quan Sát Viên Rôma, của Vatican, ra mắt ngày 29 tháng 6, một ngày lễ đặc biệt của Rôma dành riêng cho hai Thánh Phêrô và Phaolô.

Trong tương lai, Vatican có kế hoạch phân phối ấn phẩm vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô, do khách của một nhà tạm trú cho người vô gia cư gần đó phân phối. Nhà tạm trú cho người vô gia cư này do một tổ chức bác ái Công Giáo điều hành. Văn phòng truyền thông của Vatican cho biết trong một tuyên bố rằng họ hoan nghênh các khoản đóng góp với bất kỳ số tiền nào.

Sáng kiến này là bằng chứng hữu hình về nỗ lực của Đức Phanxicô trong việc mang đến tiếng nói và giá trị cho các nhóm thường bị gạt ra ngoài lề xã hội như người nghèo, người vô gia cư và người di cư. Mục đích là để họ tham gia viết và minh họa những câu chuyện của chính họ, bằng thơ, ảnh hoặc các tài năng khác, và cung cấp cho họ nguồn lực để làm việc đó, nếu cần.

“Osservatore di Strada sẽ không chỉ là một tờ báo của người nghèo và dành cho người nghèo, nó muốn trên hết là một tờ báo với người nghèo,” tuyên bố của Vatican cho biết.

Ấn bản đầu tiên có thiết kế của nghệ sĩ đường phố Maupal. Tờ Quan Sát Viên Rôma có một ấn bản hàng tháng khác dành riêng cho phụ nữ, được gọi là Women, Church, World.


Source:AP

3. Đồng minh của Putin tuyên bố thành phố đầu tiên Nga sẽ tấn công nếu Thế chiến 3 bắt đầu

Một nhà lập pháp ở Nga đã trở thành khách mời mới nhất trên kênh truyền hình do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn để cảnh báo về một cuộc tấn công hỏa tiễn vào một thủ đô của Âu Châu. Ông ta đã nêu tên thành phố mà ông tin rằng phải là mục tiêu đầu tiên của Mạc Tư Khoa nếu Thế chiến thứ ba nổ ra.

Andrey Gurulyov, cựu phó chỉ huy quân khu phía nam của Nga, đã đưa ra những bình luận trong cuộc thảo luận về việc Lithuania phong tỏa khu vực lân cận Kaliningrad của Nga.

Mạc Tư Khoa đã đe dọa sẽ trả đũa sau khi Vilnius thực thi các biện pháp trừng phạt hàng hóa bị cấm vận quá cảnh vào lãnh thổ Biển Baltic của Nga.

Gurulyov bác bỏ đề nghị mà nhiều người đưa ra là vận chuyển hàng hóa cho Kaliningrad qua một hành lang từ Belarus tới Lithuania vì quân đội Nga có thể bị NATO vây từ hai phía.

Thay vào đó, ông nêu ra triển vọng xâm lược vùng Baltic nhằm đánh chiếm hai nước Lithuania và Estonia. Ông ta mơ mộng việc hoàn nguyên thủ đô Vilnius của Lithuania trở lại danh tính cũ là Vilno và thủ đô Tallinn của Estonia trở lại danh tính từ thời Nga hoàng là Reval.

Cả Estonia và Lithuania đều là các quốc gia NATO và bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga sẽ kích hoạt Điều 5, và có khả năng gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba, là điều mà Gurulyov cho rằng phương Tây sẽ không dám làm.

Ông nói với chương trình Vremya Pakazhet, nghĩa là Thời Gian Sẽ Cho Thấy: “Chúng tôi sẽ phá hủy toàn bộ các vệ tinh không gian của quân thù trong chiến dịch không quân đầu tiên”.

“Bất kể họ là Mỹ hay Anh, chúng tôi sẽ coi họ đều là NATO”, ông nói và nói thêm rằng Nga sau đó sẽ “giảm nhẹ toàn bộ hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn” và rằng “chúng tôi chắc chắn sẽ không bắt đầu từ Warsaw, Paris hoặc Berlin.”

“Người đầu tiên bị tấn công sẽ là London. Không còn nghi ngờ gì nữa, mối đe dọa đối với thế giới đến từ người Anglo-Saxon”, ông nói khi cảnh báo rằng Nga sẽ tấn công vào các địa điểm cực kỳ quan trọng nhằm làm tê liệt và cắt hết điện của Âu Châu.

Ông nói rằng Mỹ sau đó sẽ phải yêu cầu Tây Âu tiếp tục chiến đấu “trong cái lạnh mà không có thức ăn và điện đóm.”


Source:Newsweek

4. Đức Giám Mục Pháp thông báo về 'chuyến thanh tra tông tòa' sau khi lễ phong chức linh mục bị đình hoãn vô thời hạn

Trong một lá thư mục vụ gửi giáo phận của mình, Đức Cha Dominque Rey, Giám Mục Toulon đã xác định một số lý do, bao gồm cả việc thực hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, dẫn đến cuộc thanh tra tông tòa của Vatican với đỉnh điểm là việc hoãn các cuộc truyền chức linh mục năm nay.

Đức Cha Rey cũng vạch ra một số điểm hành động mà ngài sẽ thực hiện trong những tuần và những tháng tới để giải quyết các vấn đề khác liên quan đến quản trị, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn các cộng đồng và phong trào hiện diện trong giáo phận, nỗ lực nhiều hơn để tích hợp các nhóm có “sự nhạy cảm phụng vụ khác nhau”, cũng như thực hiện chu kỳ “thăm viếng mục vụ” trong toàn giáo phận bắt đầu từ năm học tiếp theo.

Đức Cha Rey đã thông báo vào đầu tháng này rằng lễ truyền chức linh mục của giáo phận, dự kiến vào Ngày 29 tháng 6 Lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, sẽ bị hoãn lại vô thời hạn. Đó là một cú sốc đối với nhiều người, vì giáo phận Toulon được coi là một trong những giáo phận hưng thịnh nhất ở Pháp.

Toulon nói chung có một đội ngũ giáo sĩ trẻ, hàng năm mang lại nhiều ơn gọi, và được biết đến như một trung tâm chào đón các cộng đồng, phong trào và linh mục từ các khu vực khác với bối cảnh xuất thân và đặc sủng khác nhau.

Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của giáo phận ở La Castille, nơi các thanh niên sẽ được thụ phong vào cuối tháng đang theo học, là chủng viện lớn thứ ba ở Pháp về số lượng và sẽ kỷ niệm một trăm năm thành lập vào năm nay.

Đây cũng là nơi cư trú của các linh mục và chủng sinh từ nhiều nguồn gốc và sở thích phụng vụ khác nhau, điều này rõ ràng đã đặt ra những thách thức về việc nuôi dưỡng ý thức về tình huynh đệ hợp nhất và cộng đồng trong chủng viện này.

Trong thông báo ban đầu của mình về việc hoãn truyền chức, Đức Cha Rey cho biết Đức Tổng Giám Mục Jean-Marc Aveline của giáo tỉnh Marseille, mà giáo phận của ngài thuộc về, đã tiến hành một “chuyến viếng thăm huynh đệ” tại giáo phận Fréjus-Tolone theo yêu cầu cụ thể của Rôma vào năm 2021, và rằng các cuộc trò chuyện đang diễn ra đã được trao đổi với Rôma - cụ thể là với Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican - về “việc tái cấu trúc chủng viện và chính sách chào đón mọi người đến giáo phận.”

Trong lá thư mới nhất gửi giáo phận của mình, được công bố ngày 26 tháng 6, Đức Cha Rey nói rằng “nguồn gốc của các ơn gọi và sự đa dạng của các con đường đào tạo có thể đã bị đặt thành vấn đề ở Rôma,” nhưng đó không phải là vấn đề luân lý.

Ngài nói: “Thành phần đa dạng của linh mục đoàn của chúng ta,” nghĩa là toàn bộ linh mục trong giáo phận, và sự hiện diện của các cộng đồng khác nhau “khiến đôi khi giáo phận gặp khó khăn trong việc đồng hành và hòa nhập họ,” cũng là những nguyên nhân khiến Rôma lo ngại.

Đức Cha Rey nói rằng một trong những “điểm nhạy cảm” khác mà Rôma nêu ra là “vị trí của thế giới truyền thống trong chủng viện và trong giáo phận của chúng ta,” sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống vào năm ngoái.

Trong quá khứ, Đức Cha Rey - người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm đến Toulon vào năm 2000 - đã phong chức linh mục cho các phó tế ở Toulon bằng cách sử dụng sách lễ cũ năm 1962 và cũng đã sử dụng nghi thức cũ hơn để truyền chức trong các cộng đồng tôn giáo trong giáo phận của ngài.

Ngài tỏ ra hoài nghi sau quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc hạn chế sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, công khai bày tỏ lo ngại về tác động của quyết định này đối với các linh mục và cộng đồng trong giáo phận của ngài vẫn cử hành theo Nghi thức Cũ.

Trong lá thư của mình, Đức Cha Rey cho biết Toulon luôn được phân biệt bởi “sự hiện diện của các ứng viên thuộc các cộng đồng có sự nhạy cảm phụng vụ và các đặc sủng giáo hội khác nhau,” và rằng cả sự hài hòa của quần thể và những thách thức của nó, đều được nêu ra trong chuyến thăm năm 2021 của Đức Tổng Giám Mục Marseilles.


Source:Crux