Ngày 07-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 8/7: Hãy luôn đặt niềm tin vào sự quan phòng của Chúa. Suy niệm của linh mục Xuân Đường, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
00:43 07/07/2021

Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều ngày 07-July-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 10, 7-15

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn. “Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

Đó là lời Chúa.
 
Đi Thực Tập
Lm Vũđình Tường
02:34 07/07/2021
Trước khi trở thành môn đệ Đức Kitô, các ngư phủ có thuyền, chài, lưới riêng làm gia nghiệp. Trở thành môn đệ Đức Kitô, các ông bỏ mọi sự tin theo. Đức Kitô hứa biến các ông trở thành 'ngư phủ người' (Mk 1:17). Đây là lần đầu tiên Đức Kitô gởi các môn đệ đi thực tập trở thành 'ngư phủ người'. Bởi vì là lần đầu, Đức Kitô cẩn thận căn dặn môn đệ những gì các ông cần mang theo và cách xử thế khi các ông sống ở cánh đồng truyền giáo. Ngài nói các ông không cần mang theo gì trên đường đi, ngoại trừ cây gậy và đôi dép. Đi thực tập là cách thực hành tại chỗ, chuẩn bị cho sứ mạng rao giảng tương lai. Cây gậy tượng trưng cho sứ mạng lãnh đạo của người chăn chiên tương lai. Đôi dép nhắc nhở, các ông là khách, người trên đường lữ hành, không phải đóng 'đô' tại một chỗ cố định, mà cần tinh thần sẵn sàng di chuyển bất cứ khi nào cần.

Không mang theo tiền bạc, của cải muốn nói đến lòng tin của môn đệ nơi Thầy Chí Thánh. Đức Kitô, theo cách huyền bí riêng của Ngài, cung cấp nhu cầu cần thiết cho môn đệ. Tin tưởng nơi Thầy Chí Thánh, dù mắt không nhìn thấy môn đệ tin Đức Kitô hiện diện giữa các ông.

Môn đệ trung tín đặt trọn niềm tin, không phải nơi của cải, vật chất, thế lực trần gian, nhưng đặt trọng tâm, hoàn toàn tin tưởng nơi Thầy Chí Thánh, nguồn sống, nguồn sinh lực duy nhất các ông cần. Thầy Chí Thánh sẽ ban cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, và ban ơn hoàn thành sứ mạng trao phó. Tông đồ không đi riêng lẻ một mình, mà đi chung với vị tông đồ khác để nói lên tin thần cộng đoàn, tinh thần chung vai, sát cánh cùng hỗ trợ nhau trên đường truyền giáo. Tông đồ không mang theo vật chất, của cải, nhưng mang theo món quà vô giá, đó là Tin Mừng, sự sống đời đời.

Đức Kitô dặn các ông, đừng chọn lựa nơi ăn, chốn ở, đi từ nhà này sang nhà kia. Nơi nào đón tiếp thì ngụ tại đó; nơi nào không chào đón anh em (câu 10) im lặng, nhẹ nhàng ra đi. Tông đồ không mang theo tiền bạc, thực phẩm ăn đường nhưng dựa vào lòng bác ái của người các ông phục vụ. Đây là kinh nghiệm mới mẻ đối với các ông. Trước đây, khi còn làm nghề chài lưới, người phụ giúp là đồng nghiệp bởi họ có đủ kinh nghiệm cần thiết để giúp. Bây giờ người giúp các ông không cần kinh nghiệm, nhưng cần tấm lòng chân thành, tình bác ái. Bước chuyển tiếp này rất quan trọng, từ kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm chuyên môn, chuyển sang tấm lòng, sang con tim. Kinh nghiệm trước đây đến từ khối óc, kinh nghiệm hiện tại đến từ con tim chân thành, yêu mến.

Các ông nhận tấm lòng từ tâm, bác ái; các ông cũng trao ban ban tâm tình từ tâm, bác ái, không phải của các ông mà của chính Đức Kitô. Đây là món quà đến từ trời cao, món quà tình yêu Đức Kitô, qua tay các ông, trao ban. Ai chân thành đón nhận các ông, họ nhận được sự sống trường sinh, và bình an Đức Kitô. Món quà cao trọng này đòi hỏi con tim chân thành, trong sáng vì thế các tông đồ kêu gọi người đón nhận thống hối, sửa đổi cõi lòng, thay đổi cách sống. Món quà tình yêu Chúa ban có sứ mạnh thay đổi tấm lòng họ. Ai từ chối tông đồ, họ từ chối các ông, đồng thời từ chối luôn cả Tin Mừng các ông trao ban.

Đức Kitô dặn các ông nơi nào từ chối đón nhận Tin Mừng, các ông ra đi trả lại cho họ ngay cả hạt bụi dính chân. Điều này nói lên tinh thần dứt khoác, không dính bén bất cứ thứ gì, ngay cả thứ tầm thường nhất là hạt bụi cũng phủi trả lại.

Các tông đồ ra đi, trở về tâm tình đầy ắp niềm vui, niềm hoan lạc. Điều này cũng cho biết 'kẻ chài lưới người' đã sẵn sàng cho sứ vụ trong tương lai.

Đức Kitô tin tưởng nơi các ông. Ngài ban cho các ông sức mạnh thần linh, sức mạnh mà ma quỉ lánh xa, bệnh tật vâng phục.

Mỗi người trong chúng ta được mời gọi tham gia việc rao giảng Tin Mừng trong cuộc sống. Tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mỗi người mà rao giảng. Làm thế nào cuộc sống hàng ngày thể hiện điều rao giảng là cách rao giảng hữu hiệu nhất. Bởi người ta nhìn vào cuộc sống Kitô hữu mà nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Kitô.

TiengChuong.org

Apprenticeship

Before following Jesus, the apostles were fishermen. They had their own boats and nets for the trade. They had left everything to follow Jesus, and Jesus promised to make them 'fishers of men Mk 1:17'. This is the first time Jesus sent His apostles to do work experiment. Because it was their very first time, Jesus gave them instructions in detail; what they needed to bring, and how to conduct themselves, while they were on the mission. Jesus told them to travel light, to bring nothing, except a staff and sandals for the journey. Work experience is a practical way to prepare people for a future mission. A staff would be the symbol of the apostles' future leadership. The sandals reminded them, they were on the journey; they were the pilgrims. Carrying no food nor money would mean Jesus, in His mysterious way, would provide for their essential needs. This would reveal their trust in Jesus. Trusting in God, the apostles believed, Jesus was with them. He was invisible amongst them.

True Jesus' disciples put their trust not on worldly materials but in Jesus. God, through others, provides for their essential needs. God was the centre of their lives and mission. They went in pairs to say having companions on the way was most important. It also indicated that Christ's disciples would not live in isolation, but live, and pray in the spirit of a community. The apostles carried with them not worldly materials, but the Good News, the message of eternal life.

Jesus gave further instruction, not to move from house to house. If any place does not welcome you, just simply walk away (v.10). The apostles carried neither food nor money, but relied on the generosity of people whom they served. This is a turning point for the apostles. Relying on others for food was a profound experience for them. Fishermen would prefer help from their peers rather than from non- fishermen, because they would have insufficient skills, and experience required to do the job. This time the help required not skills and experience, but hospitality.
In return for their hospitality, the apostles had the most beautiful gift to offer. They gave those who welcomed them the holy message of eternal life, and God's peace. The message of eternal life was so precious, that it required some form of preparation to receive it. The message they gave had the power to change the lives of those who genuinely received it with an open heart. Repentance manifested itself through the act of welcoming both the message and the apostles. Those who refused to welcome the apostles, didn't know, they refused not only the apostles, but also their message of eternal life, and peace. The apostles 'Shake off dust from their feet v.11': This meant disconnectedness. They took nothing from that place; not even tiny specks of dust from their feet.

Sending the apostles to do work experience, Jesus showed He trusted them. It also revealed how these 'fishers of men' were ready for their future mission. Jesus trusted the apostles. He allowed them to share the power to cast out devils and to cure sick people in Jesus' Name.

These apostles returned happy, full of joy.

Each of us is called to share the Good news in our own way. We share the Good News message according to our ability and capacity. When our daily living reflects the spirit of the Good News message, we are truly Jesus' disciples.
 
Mô hình ơn gọi
Lm. Minh Anh
03:27 07/07/2021
MÔ HÌNH ƠN GỌI
“Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Ngài lại”.

Hiện nay, xem ra ngày càng nhiều người quên lời khuyên khôn ngoan của Henry Ford. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông, người ta hỏi ông về bí quyết hạnh phúc và tuổi thọ của hôn nhân; Henry Ford trả lời, “Cũng giống như trong kinh doanh xe hơi, hãy gắn bó với một mô hình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một mô hình, đó là ‘mô hình ơn gọi’ của mỗi người chúng ta. Nếu để xây dựng mô hình ‘Israel cũ’ của Cựu Ước, Thiên Chúa cần đến 12 con trai của Giacóp, thì để xây dựng mô hình ‘Israel mới’ của Tân Ước, Chúa Giêsu cần đến 12 môn đệ của Ngài. Trong nhóm Mười Hai này, mỗi người chúng ta tìm thấy ‘mô hình ơn gọi’ của chính mình.

Bài đọc Sáng Thế hôm nay là câu chuyện dài về sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, khi Ngài cho phép điều xấu nhất xảy ra với một trong 12 người con của Giacóp; đó là Giuse bị các anh mình bán sang Ai Cập. Thế nhưng, đó cũng là con người được Thiên Chúa sai đi để chuẩn bị cho dân Ngài thoát một mùa đói kém khắp xứ. Trình thuật hôm nay nói đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Giuse và các anh mình; Giuse đã nhận ra các anh, nhưng họ thì không. Thánh Vịnh đáp ca là một lời tạ ơn cũng là lời cầu xin Thiên Chúa tiếp tục đổ tình thương của Ngài trên những ai Ngài chọn, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”.

Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu từ chối ‘show diễn một người’; nói cách khác, khi thành lập Vương Quốc Nước Trời, Chúa Giêsu không muốn ‘độc diễn’, Ngài cần những người khác. Và Ngài đã bắt đầu với nhóm Mười Hai; trong đó, chúng ta tìm thấy ‘mô hình ơn gọi’ của mọi ơn gọi Kitô. Đó là những con người sẽ truyền bá Tin Mừng không chỉ bằng lời nói nhưng bằng cuộc sống và cả cái chết của mình. Nếu không có sự đáp lại của những con người quảng đại này, sẽ không có Nước Trời, sẽ không có Hội Thánh!

Nhiều người đã ở trên núi với Chúa Giêsu ngày hôm ấy, nhiều người bị thu hút bởi Ngài và khao khát được ở gần Ngài; thế nhưng, chỉ có mười hai người nhận được lời gọi dứt khoát để trở nên tông đồ. Từ Thiên Chúa, mọi ơn gọi và mọi sứ mệnh luôn khiến chúng ta có cảm giác mình được yêu thương cách riêng; và sẽ không ai khác có thể đáp ứng được những gì mà vì đó, chúng ta được lựa chọn. Một phần nào đó, đúng như vậy! Chúng ta được gọi đích danh bằng tên, có nghĩa là Thiên Chúa biết rõ chúng ta khi Ngài gọi, bao gồm tất cả những khiếm khuyết và yếu đuối. Ngài không hỏi nhóm Mười Hai về sở thích của họ, cũng không nhìn điểm của các học phần hoặc xem xét kỹ lưỡng lý lịch; sự lựa chọn của Ngài được tiết lộ sau một đêm cầu nguyện và đó là quyền năng tối cao trong hành động chọn lựa của Ngài, không ai có quyền thắc mắc. Nhóm Mười Hai không thể nghĩ rằng, đã có một sai lầm hoặc một tính toán không chính xác nào đó; bởi lẽ, tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng không lừa dối và cũng không thể bị lừa dối, đang nói, đang gọi.

Liệt kê mười hai tông đồ, các Tin Mừng đều nhắc đến Giuđa Iscariôt và gọi ông là “kẻ phản bội”; các thánh sử ý thức một trong những con người đặc tuyển này đã phản bội; họ không tìm cách che đậy thực tế đau buồn này. Điều đó cho thấy tự do của con người; Chúa Kitô đã tự do kêu gọi; và trong tự do, các tông đồ đáp lại; Giuđa đã đáp lại theo cách của y. Ơn gọi làm tông đồ của chúng ta không phải là vấn đề chúng ta muốn; cũng không phải do tài năng hay cảm xúc của chúng ta đối với điều này, điều kia, nhưng là sự nhận biết dựa trên đức tin của chúng ta về việc Thiên Chúa đang mời gọi và chúng ta đáp lại cách quảng đại, yêu mến và tự do như các tông đồ.

Anh Chị em,

Dù đang ở bất cứ vị trí nào trong ơn gọi của mình, bậc gia đình hay bậc tu trì… chúng ta không bao giờ hiểu được đầy đủ lý do, tại sao tôi ở đây? Chỉ Thiên Chúa mới biết được chiều sâu của sự khôn ngoan nơi chính Ngài; và đây là mầu nhiệm Nước Trời đầu tiên chạm đến cá nhân mỗi người chúng ta; rằng, Thiên Chúa đã gọi, và chúng ta thưa, “Vâng”, thế thôi! Đây là câu trả lời duy nhất mà bất cứ người môn đệ nào cũng phải tìm kiếm. Mọi thứ khác sẽ làm chậm trễ sứ mệnh và làm gián đoạn cuộc đối thoại của tình yêu và sự phục vụ cho sứ mệnh này. Mỗi người chúng ta hãy khẳng định với Chúa rằng, tất cả công việc của chúng ta hôm nay sẽ là sự đáp lại ơn gọi trở thành môn đệ và là ánh sáng cho những người khác trên thế giới. Chính các tông đồ đã là những ‘mô hình ơn gọi’ tuyệt vời cho chúng ta noi theo.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ nghi ngờ bản chất đặc biệt và hoàn hảo của kế hoạch Chúa dành cho con; cho con luôn vững tin và rộng lượng đáp lại tiếng gọi của Ngài như các tông đồ, là những ‘mô hình ơn gọi’ cho mọi thời”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hãy nên nhân chứng loan báo Tin Mừng
Lm. Đan Vinh
05:48 07/07/2021
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13
HÃY NÊN CHỨNG NHÂN LOAN BÁO TIN MỪNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mc 6,7-13.

(7) Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; (9) được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. (12) Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

2. Ý CHÍNH : Đức Giê-su sai 12 Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Người chỉ thị cho các ông phải rao giảng Tin mừng: Phải liên kết từng hai ngừơi thành một nhóm, sống siêu thoát khó nghèo và đầy lòng cậy trông phó thác. Các ông đã vâng lời ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa bằng việc kêu gọi sám hối, xua trừ ma quỷ và xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

3. CHÚ THÍCH :
-C 7 : + Người gọi nhóm Mười Hai lại : Trước đây Đức Giê-su đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai, để các ông “ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (x. Mc 3, 13-14). + Sai đi từng hai người một : Tông đồ (Apostolus) nghĩa là “người được sai đi”. Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi từng hai người để nâng đỡ nhau và biểu lộ sự hiệp nhất yêu thương là dấu hiệu môn đệ đích thực của Người (x. Ga 13,35).+ Ban cho các ông quyền trừ quỷ : Quỷ (diabolos - nghĩa là kẻ vu khống), hoặc Xa-tan (nghĩa là địch thủ), thường được dùng để chỉ về một nhân vật vô hình, chuyên nói dối và xúi giục loài người phạm tội chống lại Thiên Chúa. Sứ mệnh của Đức Giê-su là “tiêu diệt ma quỷ” (x. Dt 2,14), xua trừ chúng ra khỏi người bị nhập (x. Mc 5,8.13). Hôm nay Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ ( c 13) và sau khi trở về các ông đã báo cáo với Người như Tin mừng Lu-ca ghi lại như sau: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy thì cả ma quỷ cũng phải chịu khuất phục chúng con” (x. Lc 10,17).
-C 8-9 : + Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đuờng: Nghĩa là các ông phải có phong cách đơn giản khi đi truyền giáo. + Chỉ trừ cây gậy : Được mang gậy là biểu tượng quyền mục tử và là vật hộ thân khi đi đường. + Không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng: Không mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc vật chất để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa quan phòng sẽ lo mọi sự cho mình. + Được đi dép : Tin mừng Mác-cô cho đi dép (x Mc 6,9) đang khi Tin Mừng Mát-thêu lại cấm đi giày hay cầm gậy theo (x. Mt 10,10). Sở dĩ có sự khác nhau về một vài chi tiết phụ này là tùy theo tác giả đứng trên quan điểm văn hóa Hy Lạp hay Do Thái khi viết Tin Mừng. + Không được mặc hai áo: Người Do Thái khi đi đường thường mặc hai áo : Áo trong và áo choàng ngoài. Áo choàng là áo mặc ngoài để che nắng nóng ban ngày và làm mền đắp ấm ban đêm. Đức Giê-su không cho các Tông đồ mặc hai áo vì là cuộc hành trình truyền giáo ngắn hạn nên việc mang hai áo không thực sự cần thiết.
-C 10-11 : + Đã vào nhà nào thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi : Theo phong tục Đông Phương, dân chúng rất hiếu khách. Do đó khi các Tông đồ đã đến ở trọ nhà nào, thì phải ở đó cho đến lúc ra đi. Nếu tự ý đổi chỗ ở sẽ làm cho chủ nhà buồn lòng và các ông sẽ bị đánh giá là người “trọng phú khinh bần”. + Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ : Giũ bụi chân là một cử chỉ người Do Thái thường làm khi đi từ miền đất của dân ngoại trở về miền đất của Do thái. Cử chỉ giũ bụi chân biểu lộ sự tuyệt giao vì dân Do Thái bị cấm tiếp xúc với dân ngoại. Ở đây giũ bụi chân làm bằng chứng họ đã từ chối Tin Mừng được loan báo.
-C 12-13 : + Đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối : Sám hối là việc phải làm trước tiên để dọn tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Khi đi thực tập truyền giáo, các Tông đồ mới chỉ được Đức Giê-su trao nhiệm vụ kêu gọi người ta ăn năn sám hối, giống như Gio-an Tẩy Giả đã làm (x Mt 3,2). + Các ông trừ được nhiều quỷ : Các Tông đồ đã trừ được nhiều quỷ nhân danh Đức Giê-su và nhờ quyền năng của Người. Tuy nhiên có lần các ông không trừ được quỷ vì các ông không mạnh bằng lòai quỷ dữ đó (x. Mc 9,17-18). Các ông chỉ trừ được chúng do quyền năng của Đức Giê-su ban cho nhờ cầu nguyện và ăn chay (x. Mt 17,21). + Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh : Xức dầu là cách chữa bệnh phổ biến thời Đức Giê-su. Có những loại dầu trị bá chứng được dùng để chữa mọi thứ bệnh thông thường. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu cho thấy ông ta cũng dùng dầu và rượu để chữa vết thương cho người gặp nạn (x. Lc 10,34). Ở đây, việc xức dầu còn mang tính bí tích nữa như thánh Gia-cô-bê dạy : “Ai trong anh em ốm yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến. Họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh. Người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu đã phạm tôi, thì sẽ được Chúa thứ tha” (x. Gc 5,14-15).

4. CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su tuyển chọn Nhóm Mười Hai nhằm mục đích gì?
2) Tại sao Đức Giê-su lại sai từng hai người đi truyền giáo?
3) Quỷ hay Xa-tan ám chỉ ai? Đức Giê-su có sứ vụ gì đối với ma quỷ?
4) Đức Giê-su đã ra lệnh cho các Tông đồ phải làm gì và các ông đã thi hành thế nào?
5) Đức Giê-su chỉ thị cho các Tông đồ được mang và không được mang theo những gì khi đi truyền giáo? Tại sao?
6) Lý do có sự khác biệt trong các chỉ thị của Đức Giê-su giữa Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu?
7) Tại sao các ông chỉ nên ở trọ trong một nhà và không được dời từ nhà này sang nhà khác?
8) Việc giũ bụi chân lại khi gặp thành không tiếp nhận lời các ông giảng dạy có ý nghĩa thế nào?
9) Tại sao trước hết các ông phải kêu gọi ngừơi ta ăn năn sám hối?
10) Do đâu mà các Tông đồ khử trừ được nhiều quỷ?
11) Tại sao có lần các ông không trừ được một quỷ câm? Theo Đức Giê-su thì muốn trừ được lọai quỷ này cần phải có điều kiện nào? 12) Tại sao Đức Giê-su truyền cho các Tông đồ xức dầu để chữa bệnh? Thánh Gia-cô-bê dạy gì về bí tích Xức Dầu bệnh nhân?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (Mc 6,13).

2.3. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM :

1) THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Một hôm thánh Phanxicô gọi một tu sĩ trong dòng cùng đi với mình đi rao giảng Tin Mừng. Hai thầy trò rảo qua các đường phố tại Assie cách thật nghiêm trang, vừa đi vừa suy gẫm về Chúa. Về tới nhà, tu sĩ lấy làm ngạc nhiên thắc mắc khi không thấy thánh nhân dừng lại ở chỗ nào để giảng dạy. Bấy giờ thánh nhân mới mỉm cười và trả lời rằng: “Chúng ta đã giảng bằng chính gương sáng, bằng lòng sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn”.

** SUY NIỆM:
-Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ và trao sứ mệnh truyền giáo cho các ông như sau: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).
-Qua bí tích rửa tội, đặc biệt là bí tích thêm sức, người Kitô hữu cũng được sai đi đến với tha nhân, được sai đi với tinh thần siêu thoát và với sức mạnh của Thánh Thần.
-Đối tượng mà chúng ta cần rao giảng không ở đâu xa mà chính là những người đồng hương, bạn đồng nghiệp và những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc… Thánh Phao-lô đã khẳng định về nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của người tín hữu như sau: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1Cr 9, 16).
-Trong sắc lệnh về truyền giáo (Ad gentes) Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng khẳng định như sau: “Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cũng tiến bước trên con đường mà Chúa Giê-su đã đi, là nghèo khó, vâng phục, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết”.

2) TẠI SAO PHẢI SỐNG SIÊU THOÁT KHI ĐI TRUYỀN GIÁO?
Người ta kể rằng: có một thanh niên muốn từ bỏ mọi sự thế gian để sống cuộc đời tu trì. Anh quyết định vào trong một khu rừng vắng để sống ẩn tu trong một chiếc lều tạm. Hành trang duy nhất anh mang theo là chiếc áo vải thô để mặc khi đi khất thực hằng ngày như các tu sĩ thời đó.
Một ngày kia, anh rất buồn khi thấy chiếc áo thô anh phơi ở bờ sông đã bị lũ chuột cắn nát. Anh đành phải vào trong làng xin một chiếc áo thô khác. Nhưng rồi chiếc áo thứ hai này cũng cùng chung số phận bị chuột cắn. Anh liền nghĩ ra cách phải nuôi mèo để bảo vệ chiếc áo. Nhưng rồi, khi có mèo mỗi ngày anh lại phải lo thêm phần ăn cho mèo để nó đuổi chuột.
Ngày ngày đeo bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng cho dân làng. Nghĩ thế, anh đã cố gắng tiết kiệm để dành tiền mua một con bò để hằng ngày khỏi phải đi xin ăn. Nhưng khi có bò rồi, hằng ngày thay vì đi khất thực anh lại phải đi kiếm cỏ cho bò ăn. Việc chăn nuôi bò ngày càng phát triển khiến anh không còn thời giờ để cầu nguyện tối sớm như trước. Rồi anh phải thuê thêm người đi cắt cỏ để nuôi đàn bò. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ dần biến thành một trang trại rộng lớn. Do đàn bò ngày một sinh sôi nảy nở nên anh phải thuê thêm nhân công cho trang trại. Con người ban đầu muốn từ bỏ mọi sự để thành một tu sĩ, nay lại trở nên một ông chủ trang trại nuôi bò sữa to lớn.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có thêm người bạn đời để sớm hôm chia sẻ gánh nặng công việc. Anh đã lấy vợ sinh con và trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình như bao người khác. Thế là anh đã đánh mất lý tưởng tu trì chỉ vì muốn bảo vệ một chiếc áo vải thô.

** SUY NIỆM:
-Câu chuyện trên cho thấy một người ban đầu có thiện chí muốn đi theo lý tưởng tu trì cao đẹp, nhưng khi bắt đầu bận tâm lo làm ăn kinh tế, anh đã không còn hứng thú với việc cầu nguyện và suy niệm là hai yếu tố giúp anh trung thành với lý tưởng tu trì.
-Rồi xác thịt có đặc điểm “được đằng chân, lân đằng đầu”: Một khi thân xác đã được hưởng thụ các tiện nghi vật chất, thì nhu cầu muốn được thỏa mãn thêm các tiện nghi khác sẽ ngày một gia tăng.
-Như vậy lòng tham lam tiền bạc chính là nguyên nhân làm cho người ta ham hưởng thụ các tiện nghi và dần dần đánh mất đi lý tưởng cao đẹp. Vì thế Đức Giê-su đã chỉ thị cho các tông đồ phải sống siêu thoát để dễ dàng chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.

3) THIÊN CHÚA THƯỜNG HÀNH ĐỘNG NHỜ TAY LOÀI NGƯỜI:
Vào một buổi sáng mùa đông, một người đàn ông đi ngang qua một ông lão ngồi ăn xin trên vỉa hè tuyết rơi lất phất. Ông lão run lên từng cơn vì trời lạnh và bụng đói. Nhìn thấy lão ăn xin, người đàn ông cảm thấy thương hại liền thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa lại không làm gì để giúp đỡ cho lão ăn mày đáng thương này?” Và ông đã nghe Thiên Chúa trả lời: “Ta đã làm rồi”.
Ông ta lại thưa với Chúa: “Phải chăng việc Chúa làm có vẻ như không làm?”.
“Đúng thế”, Chúa đáp.
Ông ta lại hỏi: “Nhưng Chúa giúp lão ăn mày này bằng cách nào?”
Chúa đáp: “Ta đã tạo dựng nên con và Ta muốn con hãy thay Ta mà giúp đỡ cho người anh em nghèo khó này đó”.

** SUY NIỆM:
- Chúa Giê-su đã chọn lựa các môn đệ, huấn luyện họ trong một thời gian và sai họ đi thực tập truyền giáo noi gương Người.
- Trên đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đòi các môn đệ phải có nếp sống siêu thoát: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy”. Gậy là biểu tượng vai trò mục tử và là vật hộ thân khi đi đường; “Không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng” để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa quan phòng; “Được đi dép” là nhu cầu tối thiểu, “nhưng không được mặc hai áo” do không cần thiết, vì việc truyền giáo chỉ vài ba ngày.
- Người muốn các ông thể hiện dấu chỉ của người môn đệ đích thực là yêu thương hiệp nhất khi sai các ông đi từng nhóm hai người một (x. Mc 6,7) và phải đi đến với mọi người không phân biệt Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, giàu có hay nghèo khó…
- Các ông đã đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối (x. Mc 6,12) và đã làm chứng cho Chúa bằng việc: xua trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa bệnh cho nhiều người đau ốm (x. Mc 6,13).
- Mối tín hữu chúng ta hôm nay cũng được Chúa chọn, để được huấn luyện và được sai đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng với ơn trợ lực của Thánh Thần. Vậy chúng ta sẽ làm gì để chu toàn sứ vụ của mình?

4) CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA:
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công Giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su. Tuy nhiên, sau cuộc chiến thì bức tượng đã bị bom đạn phá hủy thành nhiều mảnh vung vãi trên mặt đất. Còn bàn tay bức tượng thì đã bị biến mất.
Một nhóm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn của bức tượng và cẩn thận lắp ráp lại thành pho tượng như cũ. Riêng hai bàn tay bức tượng bị biến mất thì họ đề nghị nhờ thợ điêu khắc đến làm lại hai bàn tay khác. Nhưng vị linh mục lại từ chối và nói: “Chúng ta hãy cứ để pho tượng không có bàn tay, và dưới chân đế của bức tượng sẽ để hàng chữ như sau: Chính bạn là đôi tay của Chúa”.

** SUY NIỆM :
Quả thật, nhiều khách đến viếng thăm ngôi nhà thờ đổ và bức tượng không bàn tay đã hiểu được ý nghĩa của câu nói trên như sau:
-Giờ đây tuy bức tượng Đức Giê-su không có bàn tay nhưng Người muốn mỗi tín hữu chúng ta hãy cho Người mượn đôi tay để nâng đỡ những anh em tội lỗi được đứng dậy, băng bó những vết thương đau, chia sẻ cơm áo vật chất cho người nghèo đói;
-Người muốn dùng bàn chân của chúng ta để đi tìm những con chiên lạc mang về đoàn chiên Hội Thánh;
-Người muốn chúng ta dùng đôi tai để lắng nghe và cảm thông với những người bất hạnh;
-Người muốn chúng ta dùng miệng lưỡi để động viên những kẻ khốn cùng, giúp họ tín thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa.

5) SỐNG BÁC ÁI LÀ PHƯƠNG THẾ HỮU HIỆU ĐỂ CHU TOÀN SỨ VỤ:
Cô SO-PHI BÉC-ĐĂNG-CA (Sophie Berdanska) là một tín hữu Công Giáo vừa có tài giáo dục trẻ thơ lại vừa có đức tin mạnh mẽ. Một hôm cô được nhận vào làm gia sư trong gia đình Méc-tơn (Merston) giàu có nhưng lại theo Do thái giáo. Công việc chính của cô là dạy kèm cho năm đứa con mới bị mồ côi mẹ. Ngày đầu tiên, khi biết So-phi là người Công Giáo, ông Méc-tơn đã cấm cô giảng đạo cho mấy đứa con của ông và cô đành miễn cưỡng chấp nhận. Buổi tối hôm ấy, trong căn phòng riêng dưới tầng hầm, sau khi đọc kinh tối xong, So-phi đã viết lời cầu vào một mảnh giấy nhỏ, xếp gọn rồi nhét vào trong cái hộp nhỏ xíu gắn phía sau chiếc huy chương hình thánh giá. Đây là kỷ vật mà người cha thân yêu đã tặng cô trước khi ông chết, với lời trăn trối cô phải chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa mọi lúc mọi nơi. Từ ngày cha chết, So-phi luôn đeo chiếc huy chương để nhắc cô về sứ vụ truyền giáo phải thực hiện dù trong hòan cảnh không thuận lợi.

Từ ngày được cô giáo So-phi chăm sóc dạy dỗ, lũ trẻ nhà Méc-tơn ngày càng trở nên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành khác hẳn lúc trước. Chúng quí mến và coi cô như bà mẹ thứ hai. Rồi một ngày kia, tai nạn lần lượt đổ xuống nhà Méc-tơn: Trước tiên là cô bé út Na-ta-cha bị sốt cao khiến ông Méc-tơn rất lo lắng. Ông vội mang con đến bệnh viện cấp cứu. Trong thời gian này, cô So-phi đã luôn túc trực bên giường bệnh để chăm sóc đứa bé. Rồi đến lượt hai đứa khác cũng bị lây bệnh và cũng được cô giáo tận tình chăm lo cho đến khi cả ba anh em hoàn toàn bình phục. Sau cùng chính cô So-phi lại bị ngã bệnh ! Đây là hậu quả của những ngày vất vả chăm sóc bệnh nhân. Sau hai tuần lễ liệt giường, các bác sĩ đành bó tay không thể chữa cô khỏi bệnh. So-phi đã từ giã cuộc đời trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình Méc-tơn. Trước khi lìa đời, Sophi đã tặng chiếc huy chương hình thánh giá cho Na-ta-cha là cô học trò bé nhỏ của cô.

Thấm thoát đã đến ngày giỗ đầy năm của So-phi. Hôm ấy cả gia đình Méc-tơn dậy sớm và cùng đi nhà thờ dự lễ cầu nguyện cho cô. Tại sao có sự kiện lạ lùng này? Số là sau khi So-phi chết được một tuần, ông Méc-tơn đến thăm các con lúc đó vẫn đang ưu sầu thương nhớ cô gia sư mới chết. Tình cờ ông thấy chiếc huy chương trong tủ kính. Tò mò cầm lên xem, ông mở hộp nhỏ phía sau chiếc huy chương, lấy ra một mẩu giấy và đọc thấy hàng chữ như sau: “Lạy Chúa, trong nhà Méc-tơn này, con đã bị cấm nói về Chúa với lũ trẻ. Vậy xin Chúa giúp con nói với chúng bằng hành động khiêm nhường yêu thương và phục vụ. Con hy vọng gia đình này có ngày sẽ tin vào Chúa và cũng được hưởng ơn cứu độ giống như con”. Ông Méc-tơn rất xúc động khi đọc những hàng chữ này. Ông trao cho các con cùng đọc và chúng cũng xúc động như ông. Rồi cả gia đình Méc-tơn đã đến xin học giáo lý tại một nhà thờ Công Giáo gần nhà và đã được nhận phép Rửa Tội gia nhập đạo Công Giáo vào lễ Đêm Vọng Phục Sinh năm đó.

** SUY NIỆM:
-Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy cũng là những chứng nhân”. Chỉ có các hành động yêu thương kèm theo lời giảng mới có sức thuyết phục con người thời nay tin theo Đức Giê-su.
-Mỗi tín hữu hôm nay cần gắn bó với Chúa Giê-su như cành nho tháp nhập vào thân cây nho. Vì nếu không có ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ không thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Chúa được (x Ga 15,5).
-Hãy học tập lối sống của các tín hữu thời Hội Thánh Sơ Khai, đã được sách Công Vụ ghi lại như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).
-Trong cuộc sống xã hội, mỗi người chúng ta hãy biết nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân và quảng đại tha thứ các xúc phạm của họ, luôn nghĩ đến người khác và khiêm tốn phục vụ họ, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để được mối lợi là thêm nhiều người tin yêu Chúa và cùng chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng ta.

4. THẢO LUẬN :
1) Bạn có kinh nghiệm nào nơi bản thân hay nơi tha nhân về hiệu quả của việc truyền giáo bằng lối sống chứng nhân bác ái không?
2) Trong những ngày này, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để giới thiệu Chúa là Tình Thương cho bạn bè và người thân chưa biết Chúa?

5. LỜI CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa, cho chúng con luôn chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng lối sống quên mình vị tha, dấn thân hy sinh và khiêm nhường phục vụ tha nhân cách chân thành. Nhờ đó, người ngòai sẽ nhận biết tôn thờ và tin theo Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ đời đời với chúng con.- AMEN.
 
Được chọn làm con để trở nên tinh tuyền thánh thiện
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:38 07/07/2021
Được chọn làm con để trở nên tinh tuyền thánh thiện

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XV – B

(Mc 6, 7 - 13)

Thể theo lời thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô chương 1, 3-6, chúng ta thấy được ơn lớn nhất mà Thiên Chúa dành cho chúng ta là ơn gọi làm con Chúa, tức làm thánh.

Câu hỏi được đặt ra là Chúa chọn chúng ta khi nào?

Thưa : Chúa không chọn chúng ta làm con Chúa ngày hôm qua, hay hai ngàn năm trước, nhưng là, “trước khi tạo dựng thế gian”. Thiên Chúa biết rằng trong thế kỷ này có một người là tôi, mà Ngài đã nhận làm con. Trước khi tạo thành thế gian, Chúa đã chọn tôi, và việc tôi nay là người tốt hay xấu không thành vấn đề. Chúa không để ý xem tôi có xứng đáng không. Thật ra, chẳng ai trong chúng ta xứng đáng được chọn làm con Chúa.

Ðáng lẽ mọi người chúng ta đều phải gánh chịu sự chết khi tổ tông loài người phạm tội. Nhưng Chúa không đành, mà lại cho chúng ta trở thành con Chúa do ân sủng : “Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5). Được làm con Chúa, chúng ta có một người Cha hằng chăm sóc, lo lắng và có quyền năng giải quyết mọi khó khăn của chúng ta. Ðiều quan trọng là chúng ta phải biết nhìn vấn đề theo con mắt đức tin, để thấy được những ơn cao trọng. Ðược Thiên Chúa nhận làm con, chúng ta có được quyền lợi cũng như trách nhiệm của người con trong gia đình Thiên Chúa. Chúng ta được quyền gọi Thiên Chúa là Cha, Abba – Cha ơi và được thừa hưởng tất cả những ơn từ Cha. Khi linh hồn lìa khỏi thể xác, chúng ta sẽ được về nhà Cha, vì là con của Ngài. Không những có người cha trên Trời, chúng ta con có anh chị em trong Hội Thánh, vì mọi người đều là con Thiên Chúa. Người ngồi cạnh chúng ta hôm nay là anh chị em của chúng ta vì có cùng một Cha trên Trời.

Chúa chọn chúng ta để làm gì?

Thưa, “để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 1, 4). Chữ “Thánh” có nghĩa là “tách riêng ra.” Trong thời Cựu Ước, đền thánh là nơi được giành riêng để thờ phượng Chúa; thầy tế lễ là người được tách biệt ra để lo việc thờ phượng Chúa. Cũng vậy, Chúa chọn chúng ta làm con, và tách biệt chúng ta để chúng ta thuộc về Ngài.

Ngài làm cho chúng ta nên thánh. Đúng như vậy, vì khi nhìn tôi, Thiên Chúa không còn thấy những tội lỗi của tôi nữa. Dòng máu cứu chuộc của Chúa Giêsu đã tẩy sạch tội tôi, để tôi trở nên tinh tuyền trước nhan thánh Chúa. “Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài” (Ep 1, 4).

Bài học về chức phận làm con

Chúng ta học được gì qua những điều Phaolô nói ở đây?

Thứ nhất, chúng ta phải sống xứng đáng với chức phận làm con Chúa. Ðời sống chúng ta phải phản ảnh được địa vị cao trọng này. Chúng ta phải càng ngày càng giống Chúa hơn.

Thứ hai, hãy vững tin vào địa vị làm con Chúa. Chúa chọn chúng ta không dựa vào những việc làm tốt chúng ta làm, để có thể “từ” chúng ta nếu chúng ta phạm tội. Nói như thế cũng không có nghĩa là chúng ta giờ đây cứ tha hồ phạm tội. Bị giam hãm trong xác thịt này, chúng ta sẽ còn phạm tội; và nếu lỡ lầm phạm tội, đừng vì thế mà đánh mất niềm tin, nghĩ rằng Chúa không còn yêu mình nữa. Chúa sẽ gìn giữ chúng ta cho đến giây phút cuối cùng.

Thứ ba, chúng ta phải khiêm nhường, vì Chúa chọn chúng ta không dựa vào công trạng chúng ta. Ngài không chọn chúng ta vì chúng ta giàu sang, hay nghèo đói, học cao hay thấp. Ngài chọn chúng ta trước khi chúng ta có thể làm một điều lành nhỏ.

Hãy đi rao giảng Tin Mừng làm chứng về Chúa

Là con, chúng ta phải làm chứng về Cha của mình với mọi người. Nhiều người cho rằng, nếu Chúa đã chọn từ lâu, thì chúng ta không cần làm chứng cho ai nữa! Nhưng nếu không có ai nói về Cha thì làm sao người khác tin được? Chúa đã chọn họ, nhưng Chúa cũng đã chọn chúng ta để nói với họ về Ngài. Nếu có một người chịu nghe lời chứng của chúng ta, ấy là Chúa đã chọn người đó để nghe chúng ta, và đã chọn chúng ta để đem Tin Mừng đến với họ. Khi chia sẻ niềm tin với một người, chúng ta phải biết rằng đằng sau khả năng yếu kém, lời nói vụng về của chúng ta là sự chọn lựa của Thiên Chúa. Chúng ta không đánh trận bằng xác thịt, dựa vào khả năng riêng của mình, nhưng dựa vào sự chọn lựa của Chúa đã có sẵn từ trước.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được ơn gọi làm con Chúa thì phải làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm trong đời sống hằng ngày của chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 07/07/2021

26. Không có thử thách của cám dỗ thì đức hạnh là cái gì chứ? Bởi vì không có địch quân thì làm gì có chiến tranh, không có chiến tranh thì không có thắng lợi.

(Thánh Lê-ô)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:07 07/07/2021
93. ĂN TRỘM MẤT TRỘM

Có một tên ăn trộm, buổi tối đào tường vào ăn trộm đồ của nhà người ta, nhà người này rất nghèo, trong nhà không có gì cả, chỉ có trên đầu giường một hủ gạo. Tên trộm cởi áo ra bỏ trên đất chuẩn bị ôm hủ gạo.

Lúc ấy ông chồng ngủ trên giừơng đã tỉnh, qua ánh trằng dọi thì thấy tên trộm, lại thấy trên đất có cái áo, bèn nhè nhè khều cái áo của tên trộm qua và giấu trên giường. Tên trộm quay lại thì không thấy cái áo, gặp lúc vợ chủ nhà tỉnh dậy nghe tiếng động, hỏi:

- “Trong nhà có tiếng động, có phải là kẻ trộm đến không?”

Ông chồng cố ý trả lời:

- “Tôi tỉnh giấc lâu rồi, không nghe gì cả, làm gì có trộm đến?”

Tên trộm vội vàng lên tiếng:

- “Cái áo của tôi để trên đất đã bị trộm lấy, sao lại nói không có trộm đến chứ!”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 93:

Tên trộm có lòng tham nên đi ăn trộm, người chủ nhà nghèo cũng có lòng tham nên không bắt trộm vào trong nhà mình, vì tham mà cả hai trở thành ăn trộm.

Vì lòng tham ấy của con người mà Đức Chúa Giê-su xuống thể làm một người nghèo khó, sống nghèo khó và chết nghèo khó, nhưng sống lại thật vinh quang, là để dạy cho chúng ta biết sống như Ngài đã sống: có tinh thần từ bỏ, để được thanh thoát hơn trong cuộc sống, để nhẹ nhàng trở nên người của mọi người…

Ở đời, ai cũng có lòng tham: có người tham quên cả tương lai, có người tham quên cả mạng sống, có người tham quên cả danh dự, lại có người tham quên cả nước thiên đàng…

Ăn trộm thì trước sau gì cũng mất cả chì lẫn chài, tức là mất cả thân xác và linh hồn trong tay ma quỷ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Được chọn gọi – được huấn luyện – được sai đi
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
21:56 07/07/2021
Được chọn gọi – được huấn luyện – được sai đi

Gợi Ý Giảng Lễ Chúa Nhật 15 Tn B

Sứ vụ loan báo Tin mừng bắt nguồn từ Thiên Chúa khi sai Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô xuống làm người. Đức Giê-su xuất hiện nơi trần gian nhằm để loan báo Nước Thiên Chúa đã gần đến, và kêu gọi con người ăn năn hối cải để đón nhận ơn cứu độ. Ngang qua biết bao lời giảng dạy cùng với các phép lạ, Đức Giê-su muốn con người nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa để con người được sống và sống dồi dào. Ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su là ở đó được thi ân giáng phúc. Nơi nào Đức Giê-su có mặt là người què đi được, người câm nói được, người mù được nhìn thấy, người điếc được nghe, người bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, ngay cả người chết cũng được hồi sinh,…Qua đó, nhiều người đã tin nhận vào Đức Giê-su và đi theo Ngài.

Với vai trò là Thiên Chúa làm người, Đức Giê-su có thể làm được mọi sự và không cần sự cộng tác của con người để loan báo Tin mừng cứu độ cho muôn người. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận thấy Đức Giê-su đã chọn gọi các môn đệ Ngài muốn để các ông ở lại với Ngài, rồi Ngài sai họ đi rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi. Tin mừng hôm nay (Mc 6, 7-13) cho chúng ta thấy việc Đức Giê-su sai các Tông đồ ra đi loan báo Tin mừng. Nhưng để hiểu rõ hơn bối cảnh của bài Tin mừng này, chúng ta phải biết rằng làm sao các Tông đồ được sai đi nếu trước đó không ở lại với Đức Giê-su? Làm sao ở lại với Ngài nếu không được chọn gọi bởi Đức Giê-su?

Chính vì thế, chúng ta phải khởi đi từ việc chọn gọi các Tông đồ. Quả thật, để tiếp nối sứ vụ loan báo Tin mừng cho muôn dân, Đức Giê-su đã đích thân chọn gọi cho mình những môn đệ Ngài muốn. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” (Mc 3, 13-15). Chính Đức Giê-su chủ động chọn gọi các ông như Ngài đã nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.” (Ga 15,16). Ngài đi bước trước để kêu gọi cho mình những người nối nghiệp trung thành và can đảm trong việc loan báo Tin mừng. Như vậy, chúng ta biết rằng ơn gọi làm môn đệ, ơn gọi loan báo Tin mừng là xuất phát từ ý định của Thiên Chúa chứ không phải tự ý con người. Chính Thiên Chúa kêu gọi và con người cần đáp trả để kế hoạch của Ngài được thực hiện.

Thế nhưng, chọn gọi xong không có nghĩa là đủ khả năng để thực thi sứ vụ, mà các môn đệ phải ở lại và hiện diện với Đức Giê-su để cùng với Ngài rảo bước khắp mọi nẻo đường nhằm giúp các môn đệ biết nhìn, biết nghe, biết yêu, biết tha thứ, biết cảm thông, biết chạnh lòng thương, biết gần gũi với những kẻ bị coi là tội lỗi, biết thân thiện với những mảnh đời éo le và khổ sở,…Vì thế, trước khi được sai đi, các Tông đồ phải bắt buộc phải ở vói Đức Giê-su. Vì Ở vói Đức Giê-su, để các môn đệ học cung cách cư xử đối với mọi người nhằm loan truyền “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Ở với Đức Giê-su để học hỏi các nhân đức của Ngài là khiêm nhường, là hiền lành, là hy sinh, là quảng đại, là vị tha, là bao dung, là cởi mở, thân thiện và gần gũi. Ở với Đức Giê-su để biết chấp nhận mọi sỉ nhục, mọi đau thương, ngay cả sẵn sàng chịu chết để mưu ích phần rỗi cho muôn người. Như thế, ở lại với Chúa là để được huấn luyện trở nên những nhà thừa sai cứng cáp, nhiệt huyết, nhiệt thành, can đảm, và hăng say dấn thân ra đi rắc gieo Tin mừng khắp muôn nơi.

Quả thật, sau khi đã được hướng dẫn, được học hỏi và được huấn luyện cũng như chịu nhiều thử thách nơi Thầy Giê-su, các Tông đồ bắt đầu đón nhận sứ vụ sai đi của Thầy mình. Như Tin mừng hôm nay trình thuật: “Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế.” (Mc 6, 7). Đức Giê-su sai đi ‘từng hai người một’, là muốn họ có tinh thần cộng đoàn, nghĩa là họ không làm việc đơn lẻ nhưng làm việc theo nhóm, theo anh em. Chúng ta thấy điều đó trong Công vụ Tông đồ khi các môn đệ luôn luôn đồng hành từng cặp với nhau: Phê-rô và Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô và Barnabe (Cv 13, 2); Giuđa và Sila (Cv 15, 22b),…Khi sai đi, Đức Giê-su cũng ban cho các Nhóm Mười Hai một quyền năng của Ngài, đó là quyền trừ quỷ, như một trong dấu chỉ xác thực rằng sự hiện diện của Nước Thiên Chúa giữa trần gian.

Bên cạnh đó, khi sai các Tông đồ ra đi rao giảng, Đức Giê-su mong muốn các ông không được lệ thuộc vào của cải vật chất, các tiện nghi nhưng hãy sống ký thác mọi sự cho Chúa và sống nhẹ nhàng khoan thai. “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (c.8-9). Như vậy, người ra đi rao giảng Tin mừng không được màng tới hoặc đòi hỏi những đồ dùng này đồ dùng kia, không phải lo lắng cho bản thân quá nhiều, mà cần thanh thoát, bỏ đi những thứ xem ra cần thiết cũng như không cần thiết để dễ dàng phục vụ và dấn thân cho tha nhân. Đức Giê-su xác tín cho các ông rằng hãy hết mình khi ra đi rao giảng và hy sinh phục vụ, mọi sự khác sẽ có Chúa và mọi người lo liệu. Vì làm thợ thì đáng được nuôi ăn. Một sự sẵn sàng lên đường mà lòng không vướng bận là điều mà một người loan báo Tin mừng luôn luôn phải có. Cứ dấn thân, cứ nhiệt huyết, cứ hăng say, cứ ra đi, cứ gặp gỡ,…Chúa sẽ dùng nhiều cách thế để giúp đỡ, để an ủi và bổ túc tất cả những thiếu thốn khác ngang qua các ân nhân hoặc các mạnh thường quân trong hành trình sống.

Hơn nữa, Đức Giê-su còn căn dặn các Tông đồ : “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.” (c.10). Nói như vậy là Đức Giê-su muốn những nhà thừa sai, những người loan báo Tin mừng đừng chọn nhà này hơn nhà khác, đừng chọn theo sở thích của bản thân mình nhưng hãy thoả mãn và vui vẻ chấp nhận sự chật hẹp hay khó khăn nơi gia đình, nơi làng xóm mà mình được sai đến. Thật vậy, theo bản tính con người, ai ai cũng thích chỗ sung sướng, thoải mái, ăn ngon mặc đẹp, phòng ốc đàng hoàng, có điều hoà khi thời tiết nóng, có nóng lạnh khi mùa đông đến,…nhưng theo Đức Giê-su, một khi đã được sai đi rao giảng Tin mừng, chúng ta không màng tới điều đó nhưng biết hội nhập tất cả cũng như chịu đựng những khó khăn nơi vùng miền được sai đến.

Điều đặc biệt các Tông tồ cần hướng đến là đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối để được ơn tha tội và được hưởng ơn cứu đội của Thiên Chúa. Ngang qua việc trừ quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa lành các bệnh nhân, các Tông đồ dễ dàng giới thiệu cho mọi người biết về tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như Lòng thương xót của Ngài. Cũng vậy, nơi người loan báo Tin mừng ngày hôm nay cũng được mời gọi hãy sống bằng chứng nhân, bằng những việc làm cụ thể là bác ái yêu thương, là hy sinh phục vụ các bệnh nhân, người già cả neo đơn, là tiếp đón người nghèo mà không phân biệt lương giáo, hay sắc tộc. Qua những việc làm cụ thể và thiết thực đó, chúng ta đang thu hút và cảm hoá nhiều người biết về đạo yêu thương, đạo của Chúa Giê-su. Quả thật, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh điều đó rằng Giáo hội phát triển không phải bằng chiều dụ nhưng bằng sức thu hút. Như vậy, Đức Giê-su mong muốn mỗi người hãy là muối, là ánh sáng cho trần gian (x.Mc 9, 50; Lc 14, 34-35) ngang qua cách sống yêu thương và tha thứ của chúng ta.

Quả thật, ơn gọi trở nên chứng nhân của Chúa cho con người ngày hôm nay là ơn gọi phổ quát, tuy nhiên, có những người đặc biệt đã được chọn gọi, được huấn luyện tại các trường Đại chủng viện, học viện, tu viện để trở nên những thừa sai đích thực, chuyên môn và nhiệt huyết nhằm ra đi lan toả Tin mừng cho mọi người ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng mà Chúa Giê-su mong muốn là ai được sai đi dấn thân phục vụ Tin mừng và giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho muôn dân thì tiên vàn phải là người cầu nguyện, là người có đủ ơn Chúa, đủ sức mạnh từ Chúa; là người thanh thoát với của cải vật chất để chủ tâm cho công việc loan báo Tin mừng; là người sống nối kết với anh chị em mà không ích kỷ hay riêng rẽ; là những chứng nhân đích thực ngang qua cách sống vui vẻ, cởi mở, thân thiện, quảng đại, vị tha và đượm tình bác ái yêu thương.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trại hè cuả Nhà Thờ đang gây ra lây nhiễm COVID-19 lớn quanh vùng Houston Texas
Trần Mạnh Trác
10:08 07/07/2021
Then tin FOX News và nhiều nguồn tin khác thì một cộng đồng Tin Lành ở quanh vùng Houston TX (Houston, League City, Friendswood) có tên là 'Clear Creek Community Church' vừa báo cáo ngày 27 tháng 6 là họ đã phát hiện ra 125 trường hợp dương tính COVID-19 trong số 400 học sinh và phụ huynh, từ lớp 6 đến lớp 12, tham dự một khoá trại hè 5 ngày (từ 23 đến 27 tháng 6) gọi là Tejas Ministry ở Galveston TX để học hỏi Kinh Thánh cuả họ.

Trong khi phần đông những trường hợp lây nhiễm là mới, tức là với những người chưa được tiêm chủng, thì đã có 6 trường hợp là đột phá, tức là lây nhiễm sau khi đã được tiêm chủng đầy đủ và trong số này có 3 biến thể Delta, tức là biến thể COVID xuất phát từ Ấn Độ và đang gây khốn đốn cho nhiều quốc gia có số tiêm chủng thấp hay đã tiêm chủng bằng thuốc cuả Trung Hoa.

Sở Y tế Quận Galveston cho biết họ cũng đã ghi nhận nhiều lời khai báo từ những bệnh nhân mới, trong đó có 57 trường hợp khai rằng họ đã tham dự trại hè và hơn 90 trường hợp khác liên quan đến những cư dân sống ngoài Quận Galveston. Sở Y Tế nói thêm rằng ít nhất có 10 trường hợp xẩy ra cho những thiếu niên dưới 12 tuổi.

Bác sĩ Philip Keizer cuả Sở y tế, cho biết "hầu hết những người có kết quả xét nghiệm dương tính đều đã đủ tuổi để được tiêm phòng."

Ông nói tiếp: “Biến thể Delta rất dễ lây lan hơn các loại khác...Tôi cần phải nhấn mạnh rằng - các bạn không có lý do gì để không tiêm phòng nếu đã đủ lớn. Và hiện nay chúng tôi có rất nhiều vắc xin."

Trên trang Facebook cuả Nhà Thờ, vào ngày 3 tháng 7, người ta đã đọc được một tuyên bố như sau:

"Thật không may, khi trở về từ trại, hơn 125 trại viên và người lớn đã báo cáo với chúng tôi rằng họ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19"

"Ngoài ra, hàng trăm người khác có thể đã tiếp xúc với những người bị lây nhiễm tại trại. Và hàng trăm người khác có khả năng bị lây nhiễm khi những người nhiễm bệnh trở về nhà. Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với những người bị ảnh hưởng."

Nhà Thờ cho biết họ hợp tác với sở y tế đị phương và ngưng mọi dịch vụ cho đến ngày 11 tháng 7. Họ cũng đăng lên mẫu đơn cho thấy trước khi nhập trại, các trại sinh đã ký giấy đồng ý tôn trọng các biện pháp phòng ngừa COVID của Nhà Thờ và đề cập đến những nguy cơ lây nhiễm COVID trong khi sinh hoạt ở trại.
 
Chỉ sau một giờ phá phách các nhà thờ California theo kiểu Canada, kẻ phá hoại đã bị bắt
Đặng Tự Do
16:51 07/07/2021


Hình thức tấn công các nhà thờ Công Giáo bằng cách vẽ những bàn tay bằng sơn đỏ đang có nguy cơ lan rộng. Tuy nhiên, cảnh sát tại California đã tỏ ra rất kiên quyết với hành động này.

Cảnh sát ở thành phố Merced cho biết họ đã bắt giữ một nghi phạm tấn công một nhà thờ Công Giáo ở Merced bằng cách vẽ bậy những bàn tay đỏ, và truy tố y về tội phá hoại.

Một người đàn ông đang bị bắt giữ sau khi cảnh sát ở Merced xác định được y đang phá hoại một nhà thờ Công Giáo trong thành phố. Nghi can đã được nhìn thấy trên đoạn phim giám sát sử dụng sơn đỏ để tạo các dấu tay màu đỏ trên tường nhà thờ, cũng như các tòa nhà xung quanh và một bức tượng.

Cảnh sát cho biết vụ việc đã được camera an ninh ghi lại vào ngày 4 tháng 7, vào khoảng 7:30 sáng, tại nhà thờ ở số 671 đại lộ E. Yosemite. Theo Giáo phận Fresno, nhà thờ này Nhà thờ Công Giáo Thánh Patrick.

Trong một diễn biến hiếm khi xảy ra, cảnh sát đã ngay lập tức công bố danh tính nghi phạm là Frank Perez, 54 tuổi, với cáo buộc phạm tội ác thù hận và phá hoại một nhà thờ. Các nhà điều tra cũng xác định rằng chính nghi phạm này đã phá hoại Nhà thờ Yosemite khoảng 20 phút sau khi gây án tại ngôi thánh đường đầu tiên.

Cảnh sát cũng tung lên các phương tiện truyền thông xã hội và các mạng xã hội hình ảnh của Frank Perez, và yêu cầu rằng bất kỳ ai có thêm thông tin về nghi phạm hay các vụ tấn công này, xin liên hệ với sĩ quan cảnh sát Dejong theo số (209) 769-6263.
Source:Your Central Valley
 
Độc tài Lukašenko đe dọa Giáo Hội Công Giáo vì một bài thánh ca
Đặng Tự Do
16:52 07/07/2021


Hôm 6 tháng 7, nhà độc tài Aleksandr Lukashenko, tổng thống bất hợp pháp của Belarus đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi các nhà thờ Công Giáo tại Belarus hát bài thánh ca có nhan đề “Magutnyj Boža” /ma-gút-ni-dép bố-già/, nghĩa là “Chúa toàn năng yêu mến quê hương chúng ta”. Bài thánh ca đã được hát tại tất cả các nhà thờ Công Giáo vào ngày 3 tháng 7, ngày lễ độc lập của Belarus.

Bài thánh ca chứa đựng một lời cầu nguyện xin Chúa ban sự thịnh vượng cho Belarus. Nó được sáng tác vào năm 1943 bởi nhà thơ Công Giáo Natalia Arsenieva. Năm 1947, Belarus đang rơi vào tay Liên sô, nhà soạn nhạc Nikolai Ravensky đã phổ thơ của Natalia thành nhạc. Bài hát đã trở nên rất phổ biến. Belarus có thời bị Đức Quốc xã chiếm đóng, nhưng đó là khoảng thời gian trước đó. Hitler đã bại trận từ năm 1945, hơn hai năm sau bài thánh ca ấy mới ra đời. Mặc dù vậy, do không ưa bài thánh ca này, tên độc tài Lukašenko đã táo tợn gọi nó là ‘bài thánh ca của phát xít’.

Lời bài hát này như sau: “Lạy Chúa toàn năng! Chúa tể của vũ trụ / của những mặt trời vĩ đại và những trái tim nhỏ bé! / Trên đất nước Belarus, hòa bình và thân thiện / Chúa đã lan tỏa những tia sáng vinh quang của Người. / Xin ban cho chúng con sức mạnh trong công việc hàng ngày giữa những khó khăn vất vả / ban cho chúng con lương thực hàng ngày, và ban cho quê hương chúng con, / sự tôn trọng và sức mạnh cùng với sự vĩ đại của đức tin, / vào sự thật của chúng con, vào tương lai của chúng con! / Xin hãy mang lại màu mỡ cho những cánh đồng lúa mạch, / chúng đã được đập bằng tay của chúng con! / Xin ban sức mạnh và hạnh phúc / cho đất nước và nhân dân chúng con!”

Dưới tiêu đề Magutnyj Boža, thành phố Mogilev đã tổ chức lễ hội âm nhạc tôn giáo từ năm 1993. Bây giờ là năm thứ 23, lễ hội diễn ra vào ngày lễ độc lập quốc gia vào đầu tháng 7, với sự kiện cuối cùng được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Tuy nhiên, Lukašenko, coi đây là một sự khiêu khích: “Bạn thấy đấy, họ muốn phá hủy ký ức lịch sử của chúng ta, phục hồi ông bà cố của họ và hoàn thành những gì họ đã bắt đầu. Họ muốn phá hủy quốc gia có chủ quyền của chúng ta, vẫy các cờ xí của bọn lính đánh thuê và ca ngợi bài hát của những người Công Giáo Đức Quốc xã, nhưng chúng tôi sẽ bắt họ phải trả giá”.

“Các cờ xí của bọn lính đánh thuê” thực ra là những lá cờ trắng - đỏ - trắng, biểu tượng của đất nước trước khi Liên Sô chiếm đóng. Đó chính là lá cờ mà Lukashenko đã tuyên thệ khi lên nắm quyền vào năm 1994.
Source:Asia News
 
Giáo phận Burlington chứng kiến số lượng linh mục thấp kỷ lục
Đặng Tự Do
16:53 07/07/2021


Giáo phận Burlington đã báo cáo số lượng linh mục thấp kỷ lục trong năm nay, chỉ còn 50 linh mục triều phục vụ cho toàn bộ tiểu bang Vermont.

“Việc giảm mất tám linh mục trong một năm khiến chúng tôi bị bất ngờ. Giờ đây, chúng ta chỉ còn 50 linh mục triều phục vụ giáo xứ,” Đức Cha Christopher Coyne của Burlington nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm 2 tháng 7.

Đầu năm nay, bốn linh mục quốc tế đang phục vụ trong giáo phận đã phải trở về nước sau khi thị thực của các ngài hết hạn. Ba trong số các linh mục đến từ Phi Luật Tân, và một đến từ Nigeria.

Giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 3 tháng 5 rằng các linh mục phải trở về nhà vì thị thực của họ sẽ hết hạn trước khi bất kỳ đơn xin thẻ xanh nào có thể được chấp thuận. Mặc dù giáo phận cho biết họ đã bắt đầu xin gia hạn thị thực kịp thời, nhưng những phát triển gần đây đã kéo dài quá trình gia hạn thêm khoảng một năm so với dự kiến. Đức Cha Coyne cho biết vào thời điểm đó, các linh mục có thể trở lại giáo phận sau 12 tháng.

Ngoài 50 linh mục triều, giáo phận còn có 44 phó tế vĩnh viễn và 15 tu sĩ đang phục vụ tại 68 giáo xứ. Giáo phận phục vụ 110,000 người Công Giáo trong tiểu bang. Trong số 50 linh mục của giáo phận, chỉ có 36 vị được liệt kê vào số các linh mục đang hoạt động mục vụ thường xuyên, 14 vị khác trong tình trạng đau yếu.

Giáo phận, được thành lập vào năm 1853 và bao gồm toàn bộ tiểu bang Vermont, bắt đầu với 53 linh mục và theo thời gian, là nơi cư trú của hàng trăm linh mục. Ơn gọi trong giáo phận bắt đầu giảm vào cuối thế kỷ 20, đạt mức thấp kỷ lục là 50 linh mục vào năm 2021.

Cha Robert Murphy là linh mục duy nhất được thụ phong trong giáo phận trong năm nay, và chủng sinh Gregory Caldwell được phong chức phó tế chuyển tiếp; cả hai vị đều được thụ phong vào hôm Thứ Bảy, ngày 19 tháng Sáu, tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Burlington.

Giáo phận lo ngại chỉ còn 40 linh mục trong một “tương lai gần”.

Đức Cha Coyne nói với CNA rằng giáo phận không nghĩ sẽ có một sự sụt giảm đột biến khác, và gọi năm này là một năm “bất thường” đối với giáo phận. Ngài hy vọng rằng với sự trở lại của các linh mục nước ngoài trong thời gian một năm, giáo phận “sẽ ở một vị thế ổn định hơn”.
Source:Catholic News Agency
 
Thông báo tối thứ Tư 7/7 của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về tình trạng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
17:05 07/07/2021


Trước các đồn thổi liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 12 giờ trưa giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam, ngày thứ Tư mùng 7 tháng 7, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông báo sau bằng 3 thứ tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha.

Toàn văn thông báo viết:

Tiến triển hậu-phẫu thuật của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục diễn ra đều đặn và khả quan.

Đức Thánh Cha đã tiếp tục ăn uống thường xuyên và liệu pháp truyền dịch đã không cần phải dùng đến nữa.

Kiểm tra mô học cuối cùng đã xác nhận một chứng hẹp đại tràng nghiêm trọng với các dấu hiệu của các vết sẹo trên thành đại tràng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm động trước nhiều thông điệp và tình cảm nhận được trong những ngày này, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn về sự gần gũi và lời cầu nguyện.
Source:Holy See Press Office
 
Văn Hóa
Truyện ngắn : Bó Hoa Hồng Trắng-Nữ Tu Mai Thị Lành
Nữ Tu Mai Thị Lành
08:10 07/07/2021
Truyện ngắn của nữ tu Mai Thị Lành – Dành mến tặng các chị Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương khấn trọn và khấn lần đầu ngày 8.7.2021

Đêm nay, đêm thật lạ, khí trời tiết tháng Mười Âm lịch thật u buồn. Tuần đầu tiên của mùa Vọng, trời đất xám xịt phủ màu tang tóc. Mưa rả rích, tí tách suốt ngày đêm. Cứ mười phút, cơn gió lạnh thổi tới. Một cảm giác lạnh lẽo, buốt giá đến thấu xương. Tay chân lạnh như thân thể người chết bị chôn vùi trong băng tuyết hàng mấy thế kỷ. Gió thổi, mưa bụi bay. Tiếng gió lùa vào miếng bạt trên trần nhà nghe ù… vù…; rồi bập bành… bập bành…đập vào thanh rui, mè trên mái ngói. Ngoài trời mưa cứ rơi tí tách. Thỉnh thoảng cơn gió lạnh ùa vào khiến cho ai cũng phải “rùng mình”. “Nó” may mắn chui giữa ba cái chăn dầy ấm áp, còn bên ngoài lại quá lạnh lẽo. “Nó” tròn vo trong chiếc tổ mới của mình rồi yên bình đi ngủ.

Nằm hồi lâu, “nó” không tài nào ngủ được. “Nó” nghĩ về gia đình. Nghĩ về những kỷ niệm, những giây phút hạnh phúc bên những người mà “nó” yêu quý. Tâm trí “nó” hiện lên hình ảnh của họ rõ mồn một; từng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ … Nhớ về họ, “nó” nhoẻn miệng cười.

Màn đêm yên tĩnh, mọi người chìm sâu trong giấc ngủ, cảnh vật thiên nhiên lẫn con người. Dường như cả thế giới đã tạm thời “đóng băng” trong cái tiết trời giá rét này. Không gian tĩnh mịch trầm lặng, một tiếng thở của “nó” cũng đủ làm chú chó ngoài hè phải tỉnh giấc. “Nó” nhẹ nhàng hít thở: hít…thở…hít…thở… nhẹ nhàng để không làm ai tỉnh giấc, cũng không muốn phá vỡ thế giới im lặng ấy. Vậy mà, bỗng nhiên từ đâu một cơn gió thổi tới: … “vù vù… rít… vù …vù”… cơn gió lẫn mưa bụi. Thình lình, gió mưa thổi mạnh trên mái nhà. Tiếng mưa nghe “rào rào…”. Một lớp bụi, sạn đất bám trên trần mái nhà lâu ngày rớt xuống, rơi trúng ngay chỗ chiếc giường, lọt qua những khe lỗ nhỏ của chiếc mùng cũ rơi xuống đầy mặt “nó”, và trên chiếc mền “nó”đang nằm. Cảnh vật thay đổi hẳn. Tất cả hết thảy đều vùng mình lên, quằn quại, sau cơn gió, rồi trở lại như ban đầu khi cơn gió đã đi qua. “Nó” lật tung chiếc mền, phủi sạch những bụi bẩn trên mặt, trên mền, trên chiếu xuống đất, rồi nằm xuống ngủ lại. “Nó” không ngủ được. “Nó” nhớ đến những con người bất hạnh, nghèo khổ, những người lang thang không cơm ăn, không nhà ở, không một mảnh áo che thân… Đến mọi vật mà còn phải “quằn quại” sau những rét lạnh, buốt giá huống chi con người yếu đuối mỏng giòn. Hình ảnh cô bé mồ côi nằm co ro, chết vì đói và lạnh vào đêm ba mươi tết trong truyện “Cô bé bán diêm” “nó” học hồi lớp ba cứ hiện lên trong đầu “nó”. “Nó” tự hỏi: “trên đời này còn bao nhiêu cô bé bán diêm như vậy?, còn bao nhiêu em bé không gia đình, cha mẹ, không một miếng cơm ăn, không có manh áo mặc cho đỡ lạnh, hay một chỗ trú thân những lúc mưa gió…?, rồi còn biết bao nhiêu những hoàn cảnh đáng thương khác…? Chúa ơi! Họ sẽ sống như thế nào trong cuộc đời đầy đen tối, thiếu may mắn nơi trần thế này? Sau những cơn rét buốt, đói lả đó… họ sẽ ra sao”?...!

Quờ tay sờ soạng dưới chiếc gối đầu, tay “nó” chạm vào vật gì với những hạt nho nhỏ, tròn tròn. “Nó” nhận ra đó là tràng chuỗi mân côi- tràng chuỗi mà “nó” được thằng bạn thân tặng trước khi đi tu. Tay cầm tràng chuỗi đưa lên miệng để hôn tượng Đức Mẹ- một cử chỉ quen thuộc “nó” vẫn quen làm mỗi khi đọc kinh Mân Côi, “nó” bỗng nhớ tới thằng bạn thân thuở nhỏ. Những kỉ niệm của một thời thơ ấu cùng nhau đi hái rau heo, những buổi chiều rủ nhau đi ra bờ sông hái hoa dại về dâng dưới chân Mẹ, rồi những buổi sáng tháng 6, í ới gọi nhau đi học giáo lý mùa hè vang khắp một xóm nhỏ… Bao nhiêu kí ức bỗng từ đâu ùa về trong lòng “nó”. “Nó” nhớ lại…

…Tối hôm đó, sau giờ tập hát, như thường lệ thằng bạn thân tiễn “nó” về nhà. Nhà “nó” ở cách xa nhà thờ một đoạn xa chừng một cây số. Ngôi nhà nhỏ nằm bên cạnh cánh đồng lúa đang độ trổ bông. Cơn gió nhè nhẹ qua, những đám lúa rung rinh ngả mình xô đẩy vào nhau như đùa giỡn. Hương lúa non thơm nhẹ một mùi hương thoang thoảng, ngọt ngào. Ánh trăng sáng, ánh sáng vừa lung linh, vừa mơ màng, in rõ bóng đôi bạn dưới con đường! Khẽ hít hơi làn không khí trong lành của đồng quê, Yến Nhi vươn vai một cách thoải mái và nói:

- “Ôi! Trăng đêm nay đẹp quá. Lâu rồi mình không được ngắm trăng Tùng nhỉ”!

- “Ừ. Chắc cũng phải mấy tháng rồi, từ dịp tết đến giờ chứ ít ỏi gì. Mà… “bà” có vẻ thích ngắm trăng lắm thì phải”?

- “Thích chứ, trăng đẹp vậy mà. Vả lại, tôi thấy trăng trong sáng, lung linh. Ánh trăng còn có thể chiếu soi cho mọi người mọi vật thấy rõ... Mỗi khi ngắm trăng, tôi nhớ đến Mẹ Maria, trăng kia đẹp nhưng… Mẹ đẹp và trong sáng hơn ánh trăng kia nhiều. Tôi ước mong sao lòng mình cũng được trong sáng, thanh cao như ánh trăng kia vậy”! Yến Nhi nhoẻn miệng cười, ánh trăng sáng nhìn thấy rõ hai má lúm đồng tiền lộ ra trên khuôn mặt bầu bĩnh.Tùng cũng cười theo. Ngập ngừng, dừng bước Tùng hỏi:

- “Nhi này, có phải … bà … sắp đi tu không”? Nhi trả lời:

- “Ừ. Mà… tôi chưa nói gì với ông sao”?

- “Chưa? Tôi nghe mẹ bà nói hồi tối, lúc tôi đến nhà đợi bà đi tập hát. Tôi tưởng mẹ bà nói đùa, vậy… bà tính đi tu thật hả”?...

- “Ừ. Tôi đã quyết định. Nếu không có gì thay đổi… cuối tuần này tôi sẽ đi. Sao vậy ông”?

- “Bà … bà đi tu còn tôi... tôi thì sao? Tôi đi đâu”? Tùng ngập ngừng.

- “Ơ hay, cái ông này, ông bị sao thế. Chân của ông, ông muốn đi đâu thì đi chứ sao lại hỏi tôi”?

- “Vậy không hỏi bà… tôi biết hỏi ai đây”? Tùng nói như giận dỗi.

- “Sao bà có thể nói những câu vô tình, không một chút suy nghĩ gì như vậy”?

Tùng có vẻ sẳng giọng. Cậu bước nhanh, vượt trước Nhi một quãng độ vài mét. Nhi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với Tùng nhưng thấy vậy, cô vội chạy theo, kéo áo Tùng lại và khẽ hỏi:

- “Ông giận tôi à? Có chuyện gì vậy?

Hay tại tôi chưa nói với ông nên ông giận phải không? Tôi xin lỗi. Tôi cứ tưởng hôm trước gặp ông ở nhà thờ tôi nói với ông rồi chứ. Thôi đừng giận nữa, ông biết tôi quý ông là bạn tốt của tôi mà”.

Trước sự chân thành của Nhi, và đôi mắt tròn xoe của Nhi đang nhìn thẳng vào Tùng không chớp, Tùng hiểu Nhi đang chờ đợi nơi mình một câu trả lời. Nén lại cảm xúc trong lòng, Tùng nói:

- “Tùng không giận Nhi đâu. Nhi nói đúng, Tùng có chân của mình để bước đi; Nhi cũng có cuộc sống và chọn lựa của Nhi. Tùng không nên chỉ vì mình mà đòi hỏi Nhi điều gì. Nhi không có gì sai cả, cũng không cần phải xin lỗi Tùng, người xin lỗi là Tùng mới phải. Chỉ vì…”… Thấy Tùng ngập ngừng không nói nên lời, Nhi hỏi tới:

- “Nhưng… vì sao...”?. Không đợi Nhi nói xong, Tùng đã ngắt lời.

- “Tới nhà Nhi rồi, Nhi vào nhà đi. Tùng về đây”! Vừa nói, Tùng vừa quay mặt và nhanh chân bước đi không nhìn mặt Nhi không để Nhi kịp nói gì. Nhi vội nói với theo Tùng:

- “Sao hôm nay Tùng về sớm thế, không vào nhà Nhi ăn bắp nướng sao?”

- “ Không, Tùng có việc bận”. Tùng đi vừa trả lời. Cậu cố gắng không quay đầu lại nhìn. Trăng vẫn chiếu sáng lối đường. Không gian im ắng, đường không một bóng người. Tùng bước một mình lầm lũi... Tiếng côn trùng kêu khiến cho không gian trở nên buồn tẻ, vắng lặng, cô đơn hơn... Tùng thấy lòng sao nặng trĩu, có gì đó đau nhói trong lòng... Ánh trăng sáng chiếu xuống in bóng một người lẻ loi trên đường...

Sau đêm hôm ấy, suốt mấy ngày liền Tùng không đón, đưa Nhi đi về như mọi ngày; Nhi cũng không gặp Tùng ở nhà thờ, ở phòng tập hát cũng không có Tùng. Nhi cảm thấy lo lắng, không biết đã xảy ra chuyện gì với Tùng. Tới nhà Tùng hỏi thì Mẹ Tùng nói Tùng vẫn mạnh khỏe. Nhi trở về mà lòng vẫn không hết lo lắng, suy nghĩ...

… 8h sáng, xe khách đón Nhi tại cổng nhà thờ. Đã gần tới giờ lên xe, nhưng Nhi vẫn chưa thấy Tùng xuất hiện. Tối qua, Nhi tới nhà Tùng chào ngày mai đi vào nhà dòng nhưng không gặp Tùng. Tiếng bác tài xế gọi lên xe. Nhi cố ra vẻ nhanh nhẹn chuyển bao khoai lên xe, rồi không may làm đổ bao khoai xuống đất phải cúi xuống lượm lên. Nhi cố gắng kéo dài thời gian và hy vọng Tùng sẽ tới. Lượm hết khoai vào bao rồi mà vẫn không thấy Tùng, Nhi cảm thấy hết hy vọng. Tiếng bác tài lại vang lên giục giã làm Nhi bối rối: “Chẳng lẽ Tùng không tới tiễn Nhi sao? Hai đứa là bạn thân của nhau bao nhiêu năm nay. Nhi đi tu mà, biết bao giờ được về để gặp đây, mà có được về chắc gì đã gặp Tùng”? Tiếng gọi lên xe của bác tài cắt ngang dòng suy nghĩ của Nhi. Nhi giật mình. Cúi xuống xách túi đồ bước lên xe, Nhi nhoẻn miệng cười chào tạm biệt mọi người.

Vừa đặt chân lên bậc cửa xe, có tiếng gọi:

- “Nhi ơi! Chờ đã... chờ đã...ã... Nhi ơ..ii”! là Tùng, giọng nói của Tùng. Đúng tiếng của Tùng rồi. Nhi vội quay đầu lại. Tùng chạy tới, thở hổn hển và nói:

- “Tùng xin lỗi vì..ì... tới trễ. Tùng tặng Nhi cái này”. Vừa nói, Tùng vừa rút từ trong túi áo ra một vật gì đó nho nhỏ. Kéo tay Nhi lại và đặt vào tay Nhi, Tùng nói:

“ Nhi đi tu, Tùng không có gì để tặng. Tùng biết Nhi rất yêu Mẹ Maria, Nhi lại thích màu trắng,… nên tặng Nhi tràng chuỗi này. Nhi hãy giữ lấy. Tùng nghe người ta nói đi tu khổ lắm, lại khó khăn và thử thách cũng nhiều; rồi còn phải bỏ mình, phải kiên trì, và cố gắng lắm. Chắc chắn cũng sẽ có những đau khổ, thử thách…đến với Nhi, Nhi hãy năng cầu nguyện với Chúa và lần chuỗi Mân côi xin Chúa và Mẹ gìn giữ Nhi. Tùng mong Nhi sẽ được như ý muốn. Nhi hãy nhớ trông cậy vào Chúa và Mẹ nhé. Dù có khó khăn, đau khổ như thế nào cũng phải luôn cố gắng, trung thành… không được có ý định bỏ cuộc giữa đường đâu đấy. Tùng sẽ luôn cầu nguyện cho Nhi”...!

Những lời dặn dò của Tùng khiến Nhi cảm thấy bùi ngùi. Chưa bao giờ Nhi thấy Tùng giống “ông cụ non” như lúc này. Nhi cảm thấy khóe mắt cay cay… cổ họng ngẹn lại không nói nên lời. Nhi không thể thốt lên lời cảm ơn, dù trong lòng tràn ngập niềm cảm kích…

Tiếng bác tài xế lại vang lên giục giã. Anh lơ xe ra hiệu cho Nhi vào chỗ ngồi để đóng cửa xe. Chiếc xe từ từ chuyển bánh. Nhi nhìn lại đằng sau: bố mẹ, anh chị, các cháu và cả Tùng nữa, tất cả đang giơ tay tạm biệt Nhi. Bóng họ khuất xa dần. Nhi cảm tạ Chúa đã ban cho Nhi những người thân yêu quý, và còn cho Nhi có một “ông” bạn thân tốt bụng. Nhi hứa với lòng mình sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ tình yêu mà mọi người dành cho Nhi. Dù có khó khăn hay đau khổ, thử thách…, Nhi sẽ không từ bỏ ơn gọi mà Chúa đã ban. Khẽ giơ tay lên đẩy cánh cửa xe cho thoáng gió, nhìn ra ngoài thấy đám trẻ thơ đang vui chơi cười đùa vui vẻ. Bên lề đường, mấy bà già ngồi bán rau nhai trầu đỏ bờ môi, hàm răng đen chỉ còn lại vài ba cái nhưng vẫn tươi nụ cười… Gạt mấy sợi tóc xõa vương trên vầng trán, Nhi không hay giọt nước mắt khẽ rơi, đang lăn dài xuống trên gò má… Vòng xe lăn bánh đưa Nhi ngày càng xa những người thân yêu ấy. Bánh xe quay mang theo cả nỗi nhớ về một thời đáng nhớ; mang theo cả hình ảnh của một đôi bạn thân ngày ngày đi học giáo lý, chiều chiều vẫn đi cắt rau heo, và đi hái hoa dại cùng nhau…



Năm năm sau. Sau ngày khấn đầu, Nhi được nhà Dòng cho về thăm gia đình. Nhi rất vui. Trong lòng rộn lên bao cảm xúc. Không biết gia đình Nhi, mọi người có khỏe không? có thêm được đứa cháu nào ra đời không? quê Nhi có gì thay đổi không hay vẫn nghèo như vậy? Thằng Tuấn, con Trang, cả thằng Hưng “sún”… không biết đã có gia đình chưa? Bọn nó có còn nhớ đến Nhi hay đã quên rồi? … Còn Tùng- đứa bạn thân nhất của Nhi nữa, không biết đã lấy vợ chưa? Có mấy con rồi… Gặp Tùng, Nhi sẽ kể cho Tùng nghe những gì Nhi đã học được ở trong nhà Dòng. Nhi sẽ kể cho Tùng nghe cảm xúc của Nhi trong ngày Khấn như thế nào. Hẳn Tùng sẽ rất vui … Ôi! Có biết bao nhiêu câu hỏi Nhi chờ đợi. Nhi nóng lòng được gặp mọi người.

Xuống xe ngay đường Quốc lộ chỗ rẽ xuống cổng làng, từ xa Nhi đã nhìn thấy dáng ai như dáng anh trai đang giơ tay lên vẫy. Xe dừng lại. Anh trai nhanh tay xách đồ xuống cho Nhi. Anh vẫn gầy như trước. Những vất vả của cuộc sống mưu sinh khiến anh già hơn, nhưng nụ cười trên môi anh thì chẳng già chút nào. Cột túi đồ lên xe, anh quay lại nói với Nhi:

“Em à!... thằng Tùng… nó chết rồi”.

Nhi không tin vào tai mình nữa. Chân Nhi muốn khụy xuống… Nhi thấy không thở được… Tùng chết rồi sao? Tùng còn trẻ mà sao lại chết? Nhi vẫn còn chưa kể chuyện cho Tùng nghe mà?... Ôi Chúa ơi, con có nghe nhầm không vậy?

Anh trai khẽ nắm tay Nhi và nói:

“Em lên xe, anh chở về gặp Tùng lần cuối. Sáng mai đưa Tùng đi chôn rồi”! Nhi nghẹn ngào:

“Vì sao Tùng chết hả anh”?

“Vì tai nạn xe em à. Nghe người ta kể: mới thấy Tùng chạy xe ra ngã ba mua một bó hoa hồng trắng. Đi về tới khúc đường rẽ vào núi, thì bị xe tải chạy đối diện lao tới đâm vào. Tùng chết ngay tại chỗ. Nhưng”…

“Nhưng sao anh”? Nhi chờ đợi.

Nghe nói lúc Tùng bị xe đâm vào, Tùng bị nảy lên cao rồi rớt xuống. Nhưng người ta thấy Tùng vẫn nắm chặt bông hoa hồng trắng trong tay… Trước khi tắt thở, Tùng còn cười đó em”.

“Hoa hồng trắng? Màu trắng”?...! Dường như Nhi hiểu ra điều gì đó. Nhi im lặng suốt chặng đường về.

Đoạn đường từ cổng làng hôm nay bỗng dưng trở nên xa tít. Lòng Nhi như xát muối. Nhi không thể tin, càng không muốn tin đó là sự thật. Qua khúc đường nhỏ rẽ vào ngõ nhà Tùng, hai bên đường treo đầy cờ tím, lá cờ chỉ dùng những khi có người tín hữu trong giáo họ qua đời. Bước vào sân nhà, xếp đầy những bàn ghế chỉ trừ ra một lối đi nhỏ. Nhi tiến vào trong nhà. Đối diện trước mặt Nhi là chiếc quan tài gỗ, hai bên là gia đình Tùng đang ngồi phục tang. Nhi nhìn tấm di ảnh, khuôn mặt Tùng đang cười tươi mà lòng Nhi thắt lại. Nhi đã mất Tùng, mất đi một người bạn tốt.

Trước ngày trở lại nhà Dòng, Nhi lên mộ thăm Tùng và đem theo một bó hoa hồng trắng rất to. Cô ngồi lặng trước mộ Tùng hồi lâu. Không ai biết Nhi đã nói những gì với Tùng. Kể từ ngày đó, Nhi không còn thích màu trắng nữa!

Càng về khuya, không khí càng trở lạnh. Ngoài trời gió đã ngừng thổi. Xung quanh, cảnh vật im lìm. Có lẽ không còn ai tỉnh giấc. Khẽ kéo chiếc mền lên che kín mặt để gió lạnh không thổi vào hai lỗ tai, Nhi chuẩn bị cho giấc ngủ an bình sau một ngày học tập và làm việc mệt nhoài. Nhi thầm tạ ơn Chúa đã yêu thương Nhi cách đặc biệt. Nhi nhận ra một điều quan trọng: Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, Chúa luôn chuẩn bị cho chúng ta những con người, những hoàn cảnh tốt nhất cho ta hoàn thành sứ mạng Chúa trao. Và khi thấy đã đủ, Ngài sẽ tùy ý rút họ khải chúng ta hoạc tiếp tục gửi cho ta những người khác để đồng hành với ta. Cảm ơn Chúa đã cho Nhi một người bạn thân. Lời dặn dò của Tùng trước lúc chia tay đã giúp Nhi có thêm sức mạnh và trợ lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…

Cầm tràng chuỗi trong tay, Nhi nhoẻn miệng cười rồi dần chìm vào trong giấc ngủ. Xa xa, có tiếng chó nhà ai sủa động vọng tới, khiến cho chú chó nằm ngoài góc sân nhà tỉnh giấc vểnh đôi tai lên nghe ngóng. Trời mỗi lúc một rét hơn...

Mai Thị Lành (Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương)
 
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô giáo: Nguyên văn Phần II trong Pensées, Mục XVII
Vũ Văn An
20:16 07/07/2021

MỤC XVII. Những suy nghĩ khác nhau về tôn giáo.

I. Chủ nghĩa Pyrrhon từng phục vụ chính nghĩa tôn giáo; vì xét cho cùng, con người, trước khi Chúa Giêsu Kitô xuất hiện, không biết họ từ đâu, vĩ đại hay nhỏ nhoi. Và những người nói điều này hay điều nọ không biết gì về điều đó, và suy đoán một cách vô cớ và ngẫu nhiên: và tuy nhiên họ vẫn luôn luôn tin, bằng cách loại trừ điều này hay điều nọ.



II. Ai sẽ qui lỗi cho các Kitô hữu đã không thể đưa ra lý do cho niềm tin của họ, khi chính họ tuyên xưng một tôn giáo mà họ không thể đưa ra lý do? Họ tuyên bố ngược lại, bằng cách trình bày nó cho dân ngoại rằng đó là sự ngu xuẩn, stultitiam, v.v.; và sau đó nếu bạn phàn nàn rằng tôn giáo của họ là như thế, thì họ sẽ không chứng minh! Nếu họ có chứng minh điều đó đi nữa, họ cũng sẽ làm sai lạc điều họ quả quyết: chính việc thiếu bằng chứng này làm điều họ nói không thể hiểu được. Đúng; nhưng mặc dù điều này bào chữa cho họ trong việc họ trình bầy nó như họ đã trình bầy và cho việc công bố nó mà không có bằng chứng, nhưng không bào chữa cho những người, dựa vào trình bầy học lý của họ, từ chối tin học lý này.

III. Bạn có tin rằng không thể có việc Thượng đế là vô hạn, không có các bộ phận? Đúng. Do đó, tôi muốn cho bạn thấy một điều vô hạn và không thể phân chia: đó là một điểm di chuyển khắp mọi nơi với một tốc độ vô hạn; vì nó ở khắp mọi nơi, và hoàn toàn ở mỗi một nơi. Hãy để hiện tượng tự nhiên, điều mà thoạt đầu có thể xem ra như không thể, sẽ dẫn bạn đến chỗ nghi ngờ rằng có thể có những chân lý khác mà bạn chưa biết. Trong giai đoạn tập sự của mình, bạn đừng suy diễn cho rằng không còn gì để bạn học biết; nhưng đúng hơn hãy suy diễn rằng có vô số điều để bạn học biết.

IV. Sự ứng xử của Thiên Chúa, Đấng giải quyết mọi sự một cách nhân từ dịu dàng, là ươm đặt tôn giáo vào trí hiểu nhờ lý luận, và vào trái tim nhờ ơn thánh của Người. Nhưng muốn đặt nó vào trái tim và trí hiểu bằng vũ lực và đe dọa, thì không phải là ươm đặt tôn giáo, mà là ươm đặt khủng bố. Hãy bắt đầu bằng cách thương hại những người không tin: họ đã đủ bất hạnh rồi. Họ chỉ nên bị xúc phạm nếu điều đó hữu ích; nhưng thực ra, điều này luôn làm hại họ. Tất cả đức tin đều bao gồm trong Chúa Giêsu Kitô và Ađam; và tất cả nền luân lý bao gồm trong tư dục và ơn thánh.

V. Trái tim có các lý lẽ của nó mà lý lẽ không biết; người ta cảm nhận điều này theo hàng nghìn cách. Nó yêu hữu thể phổ quát một cách tự nhiên; và yêu bản thân một cách tự nhiên, khi nó muốn; nhưng nó tùy hứng chống lại cả hai một cách cứng rắn. Bạn bác bỏ điều này và duy trì điều kia: điều ấy có phù hợp với lý lẽ không?

VI. Thế giới tồn tại để thực thi lòng thương xót và sự phán xét: con người không bị cư xử như họ đang bị cư xử nếu họ vẫn y như lúc họ phát xuất từ bàn tay của Thiên Chúa, nhưng như kẻ thù của Người, Thiên Chúa, vì lòng thương xót, ban cho họ ánh sáng đủ để trở lại với Người, nếu họ sẵn sàng muốn tìm kiếm và tuân theo Người; nhưng đủ để trừng phạt họ, nếu họ từ chối tìm kiếm và tuân theo theo Người.

VII. Hãy để con người muốn nói gì thì nói, nhưng tôi phải thú nhận rằng có một điều gì đó đáng kinh ngạc trong Kitô giáo! Một số người cho rằng “ông có thiên kiến đề cao tôn giáo này vì ông sinh ra trong đó”. Không, trái lại; tôi khảo sát nó rất kỹ, kẻo thiên kiến sẽ dẫn tôi vào sai lầm. Nhưng, mặc dù tôi sinh ra trong đó, tôi không thể không thấy nó như tôi khẳng định.

VIII. Có hai cách thuyết phục người ta để họ tin sự thật của tôn giáo chúng ta: một bằng sức mạnh của lý lẽ, cách khác bằng thẩm quyền của người nói. Chúng ta không sử dụng cách thứ hai, nhưng cách đầu tiên. Chúng ta không nói: phải tin điều đó vì Kinh thánh, tức Kinh nói điều đó, là lời Thiên Chúa. Nhưng chúng ta nói: phải tin điều đó bởi lý lẽ này hoặc lý lẽ nọ. Đây là lý luận yếu ớt, vì lý lẽ có thể bị lèo lái đủ cách.

Dường như những người phản đối vinh quang của tôn giáo nhiều nhất sẽ không vô dụng đối với người khác. Chúng ta sẽ đưa ra lập luận đầu tiên cho rằng có một điều gì siêu nhiên trong tác phong của họ; vì sự mù quáng loại này không phải là điều tự nhiên; và nếu sự điên rồ của họ khiến họ trở nên trái ngược với lợi ích của chính họ, nó sẽ giúp bảo vệ người khác khỏi điều đó bằng cách kích thích sự kinh hoàng đối với một tấm gương đáng trách và một sự điên rồ đáng thương hại như thế.

IX. Nếu không có Chúa Giêsu Kitô, thế giới sẽ không tiếp tục hiện hữu; vì nhất thiết nó sẽ bị phá hủy hoặc giống như địa ngục.

Có phải kẻ duy nhất biết bản chất của mình sẽ chỉ biết nó khốn cùng? Có phải kẻ duy nhất biết bản chất của mình là người duy nhất bất hạnh?

Con người không cần thấy điều gì cả; họ cũng không cần thấy đủ để tin rằng họ sở hữu sự thật; nhưng họ nên thấy đủ để biết mình đã đánh mất nó; vì biết điều mình đã mất, người ta phải thấy và không thấy cùng một lúc; và đấy chính là thân phận của bản chất ta.

Tôn giáo đích thực phải dạy con người về sự vĩ đại và khốn cùng của họ; nó phải dẫn họ đến lòng tự trọng và sự khinh miệt chính họ, đến tình yêu và lòng thù hận chính họ.

Tôi thấy Kitô giáo được xây dựng trên một tôn giáo trước đây, và đó là bằng chứng nó có sự thật.

Ở đây tôi không nói về những phép lạ của Môsê, của Chúa Giêsu Kitô và của các Tông đồ; bởi vì thoạt nhìn, xem ra chúng không có tính thuyết phục, và tôi chỉ muốn đề nghị trình bầy ở đây mọi chứng cớ nền tảng của Kitô giáo mà không ai có thể nghi ngờ.

X, Tôn giáo là một đối tượng có tính vĩ đại đến nỗi những ai không chịu khó tìm kiếm nó, nếu thấy nó mờ mịt, đáng bị lấy mất nó. Vậy thì, chúng ta phàn nàn điều gì, nếu nó là một đối tượng chỉ có thể tìm thấy bằng cách đi tìm nó?

Kiêu căng đối trọng và nâng đỡ chúng ta chống lại mọi khốn cùng của ta. Con người quả là một loài kỳ lạ, và là một sai lầm tỏ tường xiết bao! Quả họ đã rơi khỏi vị trí cao cả của mình, và hốt hoảng tìm kiếm nó trở lại!

Vì nhân loại sống trong sư sa đọa, nên đúng ra mọi người phải biết điều đó; cả những người bằng lòng với nó, lẫn những người không bằng lòng với nó. Nhưng không phải là chuyện công bằng khi ai cũng thấy ơn cứu chuộc.

Khi nói rằng Chúa Giêsu Kitô không chết cho mọi người, bạn đang ủng hộ một ngụy biện của những người ngay lập tức biến họ thành một ngoại lệ; điều này chỉ thúc đẩy sự thất vọng, thay vì chuyển hướng họ hướng tới hy vọng.

XI. Những người vô đạo, những người mù quáng phó mình cho các đam mê của họ mà không biết Thiên Chúa và không thèm tìm kiếm Người, hãy tự mình kiểm chứng nền tảng đức tin mà họ chống lại này: đó là bản chất con người là sống trong trạng thái sa đọa. Và những người Do Thái, những người cố chấp chống lại Kitô giáo, xác minh thêm một nền tảng khác của cùng một đức tin mà họ tấn công: đó là Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêxia thật, và Người đã đến để cứu chuộc loài người, và kéo họ ra khỏi sự sa đọa và nỗi khốn cùng họ mắc phải, bởi cả thân phận hiện nay của họ, từng được tiên đoán trong các lời tiên tri, lẫn bởi những lời tiên tri hiện họ nắm giữ, và được họ gìn giữ một cách bất khả xâm phạm và bao gồm các dấu ấn để nhận ra Đấng Mêxia. Như thế, các bằng chứng về sự sa đọa của con người và về sự cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, là hai chân lý chính mà Kitô giáo đã thiết lập, được rút ra từ những kẻ vô đạo sống thờ ơ với tôn giáo, và từ những người Do Thái vốn là các kẻ thù không thể hòa giải của nó.

XII. Trong tình trạng vô tội của họ, phẩm giá con người hệ ở việc thống trị các tạo vật, và trong việc sử dụng chúng; nhưng ngày nay nó hệ ở việc tách khỏi chúng và khuất phục chúng.

XIII. Có nhiều người còn sai lầm một cách nguy hiểm hơn nữa đến nỗi lấy một sự thật làm nguyên tắc cho sai lầm của họ. Lỗi của họ không phải là theo sự giả mạo, mà là theo một sự thật để loại trừ sự thật khác. Có rất nhiều chân lý cả trong đức tin lẫn luân lý, có vẻ đáng ghét và mâu thuẫn, nhưng tất cả đều tồn tại một cách hòa hợp đáng ngưỡng mộ. Nguồn gốc của tất cả các dị giáo là việc loại trừ một số trong các sự thật này; và nguồn gốc của tất cả những phản bác mà những kẻ dị giáo gây ra cho chúng ta là sự thiếu hiểu biết một số trong các chân lý của chúng ta. Và thường xảy ra là, vì không thể quan niệm được mối liên hệ giữa hai chân lý đối lập, và vì tin rằng việc chấp nhận chân lý này bao hàm phải loại trừ chân lý kia, họ trở nên gắn bó với chân lý này, và loại trừ chân lý kia. Phái Nestoriô muốn có hai ngôi trong Chúa Giêsu Kitô, bởi vì Người có hai bản tính; và người Eutychiô, ngược lại, cho rằng chỉ có một bản tính duy nhất, bởi vì chỉ có một ngôi duy nhất. Người Công Giáo là Chính thống vì họ hợp hai chân lý về hai bản tính và một ngôi vị lại với nhau. Chúng ta tin rằng bản thể của bánh biến đổi thành bản thể của thân thể Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, nó hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh. Đây là một trong các sự thật. Một sự thật khác nữa là, bí tích này cũng là hình bóng của thập giá và vinh quang, và là một tưởng niệm của cả hai. Đó là đức tin Công Giáo, bao gồm hai chân lý xem ra đối lập nhau. Phe lạc giáo ngày nay, vì không quan niệm rằng bí tích này chứa đựng tất cả mọi sự với nhau, cả sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, lẫn hình bóng của Người, nghĩa là cùng một lúc cả sự hy sinh lẫn việc tưởng niệm sự hy sinh ấy, nên tin rằng người ta không thể thừa nhận một trong những chân lý này mà không loại trừ chân lý kia.

Vì lý do này, họ gắn bó với điểm này, là Bí tích chỉ có nghĩa bóng; và về điều này họ không phải là dị giáo. Họ nghĩ rằng chúng ta nên loại trừ sự thật này; và do đó, họ phản đối chúng ta rất nhiều về những đoạn văn của các Giáo phụ nói điều đó. Cuối cùng họ phủ nhận sự hiện diện thực sự; và trong điều này họ là những kẻ dị giáo.

Đó là lý do tại sao cách ngắn nhất để ngăn chặn dị giáo là giáo huấn về mọi sự thật; và cách chắc chắn nhất để phản bác họ là tuyên bố mọi sự thật. Ơn thánh sẽ luôn hiện hữu trong thế giới, và thiên nhiên cũng vậy. Sẽ luôn có người Pelagiô và luôn luôn có người Công Giáo, vì lần sinh thứ nhất tạo nên những người đầu, và lần sinh thứ hai tạo nên những người sau.

Đây là Giáo Hội, cùng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng không thể tách biệt khỏi Giáo Hội, đáng được sự hoán cải của tất cả những người hiện không ở trong tôn giáo đích thực; và rồi chính những người trở lại đạo này sẽ giúp đỡ người mẹ đã sinh ra họ. Thân thể không thể sống động nếu không có đầu, giống như đầu không thê sống động mà không có thân thể. Ai tách khỏi điều này hay điều kia thì không còn thuộc về thân thể, và không còn thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Tất cả các nhân đức, ơn tử đạo, các tu hành nhiệm nhặt, và mọi việc lành, đều vô ích nếu ở bên ngoài Giáo hội, và ở bên ngoài sự hiệp thông với vị đứng đầu Giáo hội, là Đức Giáo Hoàng.

Một trong những sự khiếp đảm của những kẻ bị trầm luân là bị lên án bởi lý lẽ của chính họ, lý lẽ qua đó, họ có cao ngạo kết án Kitô giáo.

XIV. Có một điểm chung giữa cuộc sống bình thường của con người và của các thánh, đó là tất cả mọi người đều khao khát hạnh phúc; và họ chỉ khác nhau về đối tượng họ đặt nó vào. Cả hai đều gọi mọi sự là kẻ thù của họ khi ngăn cản họ đến được hạnh phúc.

Chúng ta phải xét đoán tốt hay xấu theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng không thể bất công cũng không mù quáng; chứ không theo ý riêng của chúng ta, những người luôn đầy rẫy những ác tâm và sai lầm.

XV. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô vốn đã cho ta dấu hiệu này để nhận ra những người có đức tin, đó là họ sẽ nói một ngôn ngữ mới; và quả thực, sự đổi mới các suy nghĩ và mong muốn tự nhiên tạo ra việc canh tân ngôn ngữ. Vì những điều mới lạ này, những điều làm nó không thể làm mất lòng Thiên Chúa, cũng như con người cũ không thể làm hài lòng Người, những điều mới lạ ấy khác với những điều mới lạ của trái đất, ở chỗ mọi sự trong thế giới, dù có mới đến đâu, cũng cũ đi theo thời gian: trong khi tinh thần được canh tân này càng tiếp tục hiện hữu thì càng được đổi mới. Thánh Phaolô nói: Con người bên ngoài bị hủy diệt (2 Cr 4:16), còn con người bên trong được đổi mới hàng ngày; nhưng nó sẽ chỉ hoàn toàn đổi mới trong cõi vĩnh cửu mà thôi, nơi chúng ta sẽ không ngừng hát bài ca mới này mà Đavít từng nói đến trong các thánh vịnh của ngài (Tv 32:3), nghĩa là bài hát khởi đi từ tinh thần bác ái mới.

XVI. Khi Thánh Phêrô và các tông đồ (Cv 15) nghị bàn việc bỏ phép cắt bì, và liệu nó có trái với lề luật Thiên Chúa hay không, các vị đã không hỏi ý kiến các tiên tri, mà chỉ đơn giản căn cứ vào việc tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong con người của người không cắt bì. Các vị phán đoán một cách chắc chắn hơn rằng Thiên Chúa chấp thuận những người được Người đổ đầy Chúa Thánh Thần chứ không phải những người tuân giữ lề luật; các vị biết rằng cùng đích của lề luật chỉ là Chúa Thánh Thần; và do đó, vì người ta đã có Người mà không cần cắt bì, nên cắt bì không cần thiết.

XVII. Hai luật đủ để điều hành toàn bộ nền cộng đồng Kitô giáo, tốt hơn mọi đạo luật chính trị: tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu người lân cận. Kitô giáo được thích ứng với mọi loại tâm trí. Điểm chung của con người là hài lòng với tình trạng và định chế (établissement) hiện tại; và tôn giáo của chúng ta hay đến nỗi một mình định chế của nó đủ để chứng minh sự thật của nó. Nhiều người khác thấy nó có từ thời kỳ tông đồ. Những người thông sáng hơn thấy nó có từ lúc khởi đầu của thế giới. Các thiên thần còn thấy nó nhiều hơn thế, và từ xa hơn; vì các vị thấy nó trong chính Thiên Chúa. Những người được Thiên Chúa ban cho tôn giáo từ tâm tình của trái tim là những người rất hạnh phúc và rất được thuyết phục. Nhưng đối với những người không được diễm phúc này, chúng ta chỉ có thể cung cấp nó cho họ qua lý luận, tin tưởng rằng chính Thiên Chúa sẽ in nó vào lòng họ; nếu không, đức tin sẽ vô ích cho ơn cứu rỗi.

Để dành cho mình quyền dạy dỗ chúng ta, và để làm cho mầu nhiệm về thân phận chúng ta trở nên khó hiểu, Thiên Chúa đã giấu chúng ta cái nút thắt này cao đến mức, hay nói tốt hơn, thấp đến mức chúng ta không thể với tới được. Đến nỗi, không phải bởi sự kích động của lý trí của chúng ta, nhưng bằng sự phục tùng đơn thuần của lý trí, chúng ta mới có thể thực sự biết chính mình.

XVIII. Những người vô đạo tức những người tuyên bố tuân theo lý trí hẳn phải là những người mạnh mẽ một cách kỳ lạ về lý trí. Vậy họ muốn nói gì? Họ nói, há chúng ta không thấy, động vật cũng như con người, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Kitô hữu đều chết và sống đó sao? Họ cũng có các nghi lễ riêng, các tiên tri riêng, các tiến sĩ riêng, các thánh riêng, tôn giáo riêng, như chúng ta, v.v. Điều này có chống lại Kinh thánh không? Há Kinh Thánh đã không nói tất cả những điều này sao? Nếu bạn không quan tâm chi đến việc biết sự thật, thì điều đó đủ để bạn nghỉ ngơi. Nhưng nếu bạn hết lòng muốn biết sự thật, thì điều đó chưa đủ; bạn phải đi vào chi tiết. Có lẽ sẽ đủ đối với một suy diễn triết học viển vông; nhưng ở đây, liên quan đến mọi điều... Và tuy nhiên, sau một suy tư hời hợt kiểu này, người ta lại vui chơi trở lại, v.v. Thật là một điều kinh khủng khi cảm thấy tất cả những gì người ta có đều đã trôi đi; nhưng chúng ta vẫn gắn bó với chúng, mà không muốn tìm kiếm xem liệu có thứ gì đó vĩnh viễn hay không.

Phải sống cách khác trên thế giới này theo những giả định khác nhau này: Liệu chúng ta có thể luôn luôn ở đó; liệu có chắc chắn chúng ta sẽ không ở đó lâu; và không chắc liệu chúng ta có ở đó trong một giờ hay không. Giả định cuối cùng là giả định của chúng tôi.

XIX. Với giả thiết nào, bạn cũng phải chịu khó tìm kiếm sự thật: vì nếu bạn chết mà không tôn thờ nguyên lý đích thực, bạn sẽ hư mất. Nhưng bạn nói, nếu Người muốn tôi thờ lạy Người, hẳn Người phải để lại cho tôi những dấu hiệu của thánh ý Người chứ. Người đã làm như thế; nhưng bạn làm ngơ chúng. Ít nhất bạn hãy tìm kiếm chúng; điều này đáng làm lắm. Người vô thần hẳn phải có những lý do hoàn toàn rõ ràng cho các tâm tư của họ. Tuy nhiên, hẳn người đó phải đánh mất mọi lương tri mới dám quả quyết rằng hoàn toàn rõ ràng là linh hồn không bất tử. Tôi sẽ không bắt lỗi bất cứ ai vì đã không dò tìm tận đáy các ý kiến của Copernicus: nhưng điều quan trọng đối với trọn cuộc sống là phải biết linh hồn tử sinh hay bất tử.

XX. Những lời tiên tri, cả những phép lạ, và những bằng chứng khác của tôn giáo chúng ta, không thuộc loại mà người ta có thể nói chúng có sức thuyết phục về mặt hình học. Nhưng hiện nay, tôi hài lòng nếu bạn chịu cho rằng việc tin chúng không phải là tội phạm đến lý trí. Chúng có cả ánh sáng lẫn bóng tối, để soi sáng những người này và làm tối tăm những người khác. Nhưng sự rõ ràng của chúng ở mức vượt qua, hoặc ít nhất là ngang bằng bất cứ sự rõ ràng nào ở phía đối nghịch; để lý trí không thể quyết định không chấp nhận chúng; và quả thực, có lẽ việc họ bác bỏ chỉ là vì tư dục và ác tâm của trái tim. Vì vậy, có đủ sự rõ ràng để lên án những người không chịu tin, và không đủ để thu phục họ; để chứng tỏ rằng nơi những người theo ánh sáng, chính ơn thánh, chứ không phải lý trí, đã khiến họ tuân theo nó; và nơi những người trốn chạy ánh sáng, chính tư dục, chứ không phải lý trí khiến họ trốn chạy.

Ai có thể không ngưỡng mộ và đón nhận một tôn giáo biết giải thích trọn vẹn các điều mà chúng ta biện phân được thực tại của chúng, theo tỷ lệ thuận với việc gia tăng soi sáng của chúng ta?

Người nào tìm thấy bằng chứng của Kitô giáo cũng giống như người thừa kế tìm thấy các văn tự của di sản mình. Liệu anh ta có nói rằng chúng là giả mạo không? và liệu anh ta có làm ngơ việc khảo sát chúng không?

XXI. Có hai hạng người biết Thiên Chúa: những người có tấm lòng khiêm nhường, và những người ưa khinh miệt và bị hạ thấp, bất chấp họ có mức độ hiểu biết nào, thấp hay cao; hoặc những người có đủ thông minh để nhìn ra sự thật, bất chấp họ có thể bị phản đối. Các nhà hiền triết trong các dân ngoại, những người nói rằng chỉ có một Thiên Chúa, đã bị bách hại, người Do Thái bị ghét bỏ, các Kitô hữu thậm chí còn bị ghét bỏ nhiều hơn thế.

XXII. Tôi không thấy có khó khăn nào trong việc tin vào sự phục sinh của thân xác và việc vừa thụ thai lạ lùng vừa trinh khiết của Đức Trinh Nữ lớn hơn là sự khó khăn tin vào việc sáng thế. Tái tạo một người có khó khăn hơn là sản sinh ra họ không? Và nếu chúng ta không biết cách thế sinh đẻ thông thường, liệu chúng ta có thấy lạ khi một đứa trẻ sinh từ một mình cô gái, hơn là từ một người nam và một người nữ?

XXIII. Có một sự khác biệt lớn giữa sự nghỉ ngơi và lương tâm an ổn. Không có gì có thể cho ta sự yên nghỉ ngoại trừ sự chân thành tìm kiếm sự thật, và không có gì có thể đảm bảo ngoài việc sở hữu được sự thật.

Có hai chân lý đức tin không thể thay đổi như nhau: một là con người, trong tình trạng sáng thế, hoặc trong tình trạng ơn thánh, được nâng cao hơn mọi tạo vật, được tạo dựng giống như Thiên Chúa, và được tham dự vào Thần tính; hai là con người trong tình trạng sa đọa và tội lỗi, họ bị rơi khỏi tình trạng trên, và bị biến thành tương tự như loài thú. Hai mệnh đề này đều vững vàng và chắc chắn. Kinh thánh tuyên bố chúng rõ ràng với chúng ta, khi nó nói ở một vài nơi: Deliciæ meæ, esse cum filiis hominum [ta đùa vui với con cái loài người] (Cn 8:31). Effundam Spiritum meum super omnem carnem [Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm] (St, 3:1). Dii estis, [các ngươi đây đều là bậc thần linh] v.v. (Tv 82: 6.) Và nó nói ở những chỗ khác: Omnis caro foenum [Người phàm nào cũng đều là cỏ] (Is. 40:6). Homo comparatus est jumentis insipientibus, et similis factus est illis [ con người giống như những thú vật không có lương tri, và trở nên giống như chúng] (Tv 48:13). Dixi in corde meo de filiis hominum, ut probaret eos Deus, et ostenderet smiles esse bestiis [Về con cái loài người, tôi tự nhủ: Thiên Chúa muốn thử thách họ và cho họ thấy chính họ chỉ là thú vật mà thôi v.v. (Gv 3: 18)].

XXIV. Những điển hình về cái chết đại lượng của những người Laconie và những người khác hầu như không làm chúng ta cảm động; bởi vì tất cả những điều ấy là những gì đối với chúng ta? Nhưng tấm gương về cái chết của các thánh tử đạo làm chúng ta cảm động; bởi vì họ là thành viên của chúng ta. Chúng ta có một mối liên kết chung với họ: sự quyết tâm của họ có thể tạo nên sự quyết tâm của riêng chúng ta. Điển hình về những người ngoại đạo không có gì là như vậy cả: chúng ta không có mối liên hệ nào với họ; như sự giàu có của một người xa lạ không làm nên sự giầu có của chúng ta, mà là sự giầu có của một người cha hoặc một người chồng.

Còn tiếp
 
Tôi thương và biết ơn Sài Gòn
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
23:22 07/07/2021
TÔI THƯƠNG VÀ BIẾT ƠN SÀI GÒN

Khi tôi đặt bút viết bài này, Sài Gòn đang bị giặc covid tấn công nặng nề. Dẫu trong đời mình, tôi chỉ là cư dân Sài Gòn chừng mười năm, nhưng tôi yêu Sài Gòn thật nhiều. Sài Gòn đã giữ trọn trong lòng mình thời trẻ trung của tôi. Bù lại, Sài Gòn đong đầy trong tôi nhiều kỷ niệm của thời trẻ trung ấy.

Mười chín tuổi, tôi bước ra khỏi làng quê, ngôi nhà và người thân của mình để hòa nhập vào cuộc sống vô cùng huyên náo của một nơi đã từng là đô thành lớn nhất miền Nam.

Sài Gòn thuở ấy gắn bó thân thiết với tôi, đã cùng tôi học tập, cùng tôi ra chợ Ông Hoàng - Tân Bình bán hàng, cũng có lúc chứng kiến tôi bưng bê trong cửa hàng gần ga Hòa Hưng để có tiền trang trải.

Sài Gòn nhiều lần chứng kiến tôi ăn vội, cùng tôi ngủ không đầy giấc. Sài Gòn dạy tôi cách sống tự lập. Sài Gòn uốn tôi từ thằng nhà quê thành kẻ có chút mùi phố thị. Sài Gòn cho tôi kiến thức, giúp tôi chốn học hành để tôi là chính tôi của hôm nay. Sài Gòn hung đúc tôi cứng cáp đủ để đối đầu cùng bão tố.

Giữa phồn hoa đô hội, Sài Gòn nắn đúc trong tôi nét trầm tư, sự vững chãi, sự trưởng thành, sự kiên cường và bền bỉ. Sài Gòn cho tôi kinh nghiệm sống. Sài Gòn rèn nghị lực trong tôi, để đừng bao giờ chùn bước trước khó khăn, nghèo đói hay bất cứ thử thách nào...

Tuy nhiều gian lao, nhưng giữa lòng Sài Gòn, không thiếu những trải nghiệm cho niềm hạnh phúc, sự vui đùa, nhất là những thể hiện cho tình người mà nhiều năm không phai trong lòng tôi...

Sài Gòn theo tôi những buổi sáng và những buổi chiều đạp xe thong thả dưới hàng me "tử tội" (bị người ta cưa ngọn) trên đường Nguyễn Du hay những hàng cây cổ thụ trên đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn Chí Thanh...

Nhớ những chiều tan học sớm, trước giờ lễ của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, trong lúc đợi nhà thờ mở cửa, tôi đã từng một mình lặng lẽ ngồi dưới gốc cây to bên ngoài bờ tường nhà xứ Đức Bà, hay phía trước trường Hòa Bình, hướng về phía tượng Đức Mẹ Hòa Bình mà đọc thầm những lời kinh của chuỗi Mân Côi...

Tôi còn có dịp quan sát những con người. Kia là bà bán nước sâm ướp lạnh; chị đẩy xe bánh khúc, chú bán các loại đồ chơi bằng nhựa từ đâu trờ tới dựng xe bên lề đường; bên trong quảng trường Hòa Bình, dưới chân tượng đài Đức Mẹ, nhiều đứa trẻ mời mọc những ông bà khách (có cả người Tây) đánh giày, mua tem cũ, đồng bạc cũ, vé số, hoặc chìa tay xin tiền...

Mười năm chớp nhoáng trôi như cụm ráng vàng phía trời tây trong chiều gió heo may thoang thoảng, tôi từ giả Sài Gòn để trở lại quê nhà...

Cho đến bây giờ, sau nhiều chục năm xa cách, Sài Gòn vẫn chiếm ngự trong tim tôi. Mỗi khi có dịp, tôi vẫn thích rong ruỗi bằng những bước chân chậm chạp qua nhiều dãy phố, nhiều công viên... Nhất là dạo quanh, ít nhất một vòng trong sân nhà thờ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp, trước sân nhà dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Đaminh Ba Chuông, chùa Vĩnh Nghiêm..., dù hiện tại Sài Gòn đã nhiều thay đổi, nhiều kỷ niệm của tôi đã biến mất...

Đã có lần tôi tiếc đến ngơ đến ngẩn khi nghe tin chợ Cầu Muối (cầu Ông Lãnh) bị giải tán. Đó là khu chợ mà bọn sinh viên nghèo chúng tôi hay tìm đến để lượm những rau củ quả, tuy đã cũ, nhưng vẫn còn sử dụng được mà các bà bán hàng bỏ đi. Hoặc xót vô cùng hàng cây cổ thụ chạy dài từ Trung tâm Mục vụ giáo phận Sài Gòn, ngang qua Ba Son đến bến Bạch Đằng...

Tôi biết ơn Sài Gòn. Sài Gòn gánh cả nước. Để bất cứ ai muốn thoát thân nơi vùng quê của mình, họ đều bảo nhau: Lên Sài Gòn!
Sài Gòn che chở cho biết bao nhiêu thân phận những con người. Không thể sống nổi ở nơi mình chôn nhau, người ta vào Sài Gòn với một xấp vé số, với một gánh hàng rong, với một quán cơm nhỏ xíu bên hè phố... Hoặc giữa lòng Sài Gòn, người ta xin ăn, người ta làm thuê, người ta khuân vác mướn...

Có những người cao sang, trí thức, không thể kiếm hay không muốn kiếm tiền tại quê nhà, cũng nhờ cậy Sài Gòn. Hay những tỉnh xa, điều kiện y tế kém, để giữ mạng sống của mình, của người thân mình, người ta cũng vào Sài Gòn.

Nhiều xứ đạo, nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều nhà thờ, nhà chùa, nhiều công trình phúc lợi, nhiều cơ sở từ thiện... trong đạo, ngoài đời, khi cần xây dựng, sửa chữa, người ta cũng tìm đến Sài Gòn. Sài Gòn nộp ngân sách trung ương đứng hàng "tóp" của cả quốc gia...

Đâu chỉ hiện tại, nhưng từ những ngày xưa của thế kỷ trước, đặc biệt, những năm giữa thế kỷ ấy, Sài Gòn đã từng mở rộng trái tim mình, dang rộng vòng tay mình, đón hàng hàng lớp lớp những đoàn người di cư, tìm sự sống ở bên này chiến tuyến...

Sài Gòn bao dung. Sài Gòn thắm tình đồng bào cốt nhục. Sài Gòn trân quý lẽ yêu đương. Sài Gòn mạnh mẽ tình người. Dẫu chỉ mười năm tôi và Sài Gòn có với nhau một khoảng trời ký ức, nhưng sao tôi yêu quá Sài Gòn.

Vừa mới đây, được tin chỉ vài giờ nữa thôi, bắt đầu từ nửa đêm nay (tức đầu ngày thứ sáu 9.7.2021) Sài Gòn phải chấp hành lệnh "ngăn sông cấm chợ", tôi muốn thốt lên lời an ủi Sài Gòn, "người yêu" cũ của tôi, nơi đã chiếm trọn thời trẻ trung, sôi động nhất của đời tôi, lời động viên thốt ra từ tận cõi hồn mang theo cả niềm yêu thương và lòng biết ơn: Hãy cố lên! Cố lên Sài Gòn ơi. Không đầu hàng nhưng phấn đấu liên tục, tôi tin Sài Gòn sẽ chiến thắng!

Rồi đây, chiến thắng của Sài Gòn sẽ cùng với trận dịch lịch sử đi vào lòng trang sử của dân tộc. Rồi đây, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ ngước nhìn Sài Gòn, mến phục Sài Gòn, tự hào về Sài Gòn, khi dịch tễ như cơn sóng dữ sẽ đi qua, để lại một Sài Gòn nụ cười mới, bắt đầu mới, xây dựng mới...

Sài Gòn ơi, thương lắm! Và biết ơn lắm!...
 
VietCatholic TV
Phải chăng Tòa Thánh đã đầu hàng Trung Quốc?
Giáo Hội Năm Châu
04:57 07/07/2021

Theo Gianni Criveller của UCA News, hồi tháng 3 năm 2021, Ký giả Gerard O’Connell của tạp chí America có phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, về Trung Quốc và Hồng Kông.



Câu hỏi của O’Connell như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô lớn tiếng chống đàn áp ở Myanmar. Tại sao ngài im lặng đối với Trung Quốc và Hồng Kông?”.

Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục Gallagher, theo Criveller là: Tòa Thánh nhận thấy có sự chia rẽ trong cộng đồng Công Giáo ở những nơi đấy. Ký giả này nhận định rằng đúng là có sự chia rẽ, nhưng không có sự chia rẽ về tự do và dân chủ, như nhiều người muốn họ có. Mà đúng hơn là sự chia rẽ về việc liệu Giáo Hội có nên công khai ủng hộ phong trào đòi tự do và dân chủ hay không hay liệu phong trào có nên chấp nhận các kết quả phiến diện hay tiếp tục các cuộc biểu tình. Mặt khác, sự chia rẽ gia tăng vì thiếu một Giám Mục với trọn thẩm quyền hành động.

Thành thử ký giả này cho rằng chẳng qua vì Tòa Thánh mạnh với kẻ yếu (Myanmar) mà yếu với kẻ mạnh (Trung Quốc). Dù sao, “không hành động” vì có sự chia rẽ không hẳn là một chính sách tốt. Sứ mệnh của Tòa Thánh không phải là giải quyết các chia rẽ này hay sao?

Có lẽ vì những phản ứng như trên, mà gần đây nhất, ngày 25 tháng 6, 2021, Courtney Mares của CNA tường trình rằng, “bộ trưởng ngoại giao” của Tòa Thánh cho rằng lớn tiếng về Hồng Kông “không hề tạo được bất cứ sự khác biệt nào”.

Lần này thì đối trọng không phải là Myanmar mà là Lebanon. Đức Tổng Giám Mục Gallagher được hỏi điều gì làm cho bất ổn dân sự ở Lebanon khác với phong trào phản kháng ở Hồng Kông, khiến Tòa Thánh can thiệp vào Lebanon mà không can thiệp vào Hồng Kông, ngài trả lời rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh không thấy mình có thể thực hiện được bất cứ đóng góp tích cực nào tại Hồng Kông.

Nguyên văn câu nói của Đức Tổng Giám Mục trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 6: “Hiển nhiên Hồng Kông là đối tượng được chúng tôi quan tâm. Lebanon là nơi chúng tôi tri nhận mình có thể thực hiện được một đóng góp tích cực. Chúng tôi không tri nhận điều đó ở Hồng Kông”.

“Người ta có thể nói khá nhiều, chúng tôi dám nói, những lời lẽ thích đáng được báo chí quốc tế và nhiều nơi trên thế giới đánh giá cao, nhưng tôi, và tôi nghĩ, nhiều đồng nghiệp của tôi, còn cần được thuyết phục là nó sẽ tạo được bất cứ sự khác biệt nào”.

Điều đáng lưu ý, theo CNA, là nhận định trên được nói ra chỉ mấy ngày trước khi ngoại trưởng Mỹ, Anthony Blinken, viếng Vatican để chủ ý nói đến tự do tôn giáo và cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngày 11 tháng 6, Blinken tỏ ý quan ngại với các viên chức Trung Quốc trước việc “suy thoái các qui pham dân chủ ở Hồng Kông và nạn diệt chủng tiếp diễn và các tội ác chống nhân loại, chống người Ngô duy nhĩ phần lớn theo Hồi Giáo và thành viên các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo khác”.

Đó cũng là quan ngại của cựu ngoại trưởng Pompeo khi viếng thăm Vatican hồi tháng 10 năm ngoái. Trước khi đến, Pompeo nói rằng người ta rất mong chờ “chứng tá tinh thần” của Vatican trong việc hỗ trợ các tín hữu tôn giáo”. Tháng 9 năm ấy, Ông việt trên tờ First Things rằng “Tòa Thánh có khả năng và nghĩa vụ độc đáo trong việc lôi kéo thế giới lưu ý tới các vi phạm nhân quyền, nhất là các vi phạm của các chế độ toàn trị như Bắc Kinh. Cuối thế kỷ 20, thế lực chứng tá tinh thần của Giáo Hội vốn giúp gây hứng cho những người giải phóng Trung và Đông Âu khỏi chủ nghĩa cộng sản. Cùng một thế lực chứng tá tinh thần ấy cần được triển khai đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Dư luận thế giới nói chung vẫn luôn mong mỏi Vatican lên tiếng đối với các vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc về Hồng Kông. Bởi thế, họ rất khó hiểu trước sự im lặng của Tòa Thánh. Câu đáp của ngoại trưởng Tòa Thánh nếu hiểu trong chính sách không muốn khoa môi gõ mõ, dùng những tĩnh từ rỗng tuếch, như ngài nói hồi tháng 3 vừa qua, nhưng khôn khéo đi đường thương thuyết ngầm thì còn hiểu được. Đàng này, ngài lại cho rằng các can thiệp của Tòa Thánh không tạo được kết quả gì đối với chế độ Bắc Kinh, để rồi không làm gì cả, thì quả Tòa Thánh đã tự cởi bỏ nghĩa vụ tiên tri của mình.

Đó là nhận định của tờ The Pillar trong bản tin ngày 29 tháng 6 của họ. Thực vậy, Ed. Condon, một trong các người chủ trương của tờ này, cho chạy hàng tít: “Prophecy vs realpolitik: Has the Vatican chosen state over Church in China?” (Nói tiên tri ngược với chính trị thực tiễn: Phải chăng Vatican chọn nhà nước hơn Giáo Hội ở Trung Quốc?)

Condon cho rằng xét về phương diện ngoại giao thuần túy, nhận định của Đức Tổng Giám Mục Gallagher không hẳn vô nghĩa. Vì quả tình, bản chất chế độ Trung Quốc là như thế: các cố gắng của họ để triệt hạ tư thế đặc biệt về chính trị và luật lệ của Hồng Kông vẫn tiếp diễn bất chấp phản kháng hoàn cầu. Các chính sách chống người Ngô duy nhĩ vẫn tiếp tục bất chấp các tường trình khắp thế giới về các trại tập rung, thanh trừng sắc tộc, hãm hiếp có hệ thống, buộc phải phá thai và triệt sản và nhiều tàn ác khác.

Riêng với Vatican, bất chấp thỏa hiệp với Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục bắt giam, giam giữ, và sách nhiễu các giáo sĩ Công Giáo không chịu thừa nhận quyền tối thượng của Đảng đối với Giáo Hội tại đất nước, và vẫn tiếp tục triệt hạ các nhà thờ địa phương.

Nhưng mặt khác, theo The Pillar, cả các nhà quan sát Giáo Hội lẫn các nhà quan sát Trung Quốc đều cho rằng việc Vatican im lặng đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và trơ trẽn của Trung Quốc là một sự ủng hộ ngầm đối với chế độ cai trị ở đấy và đó là một tai tiếng to lớn.

Và mặc dù sự im lặng đó có thể có tính chiến lược, nó vẫn gây hại cho khả năng của Giáo Hội trong việc lớn tiếng cách đáng tin đối với các cuộc khủng hoảng dân sự và chính trị trên thế giới.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh xem ra đã tách rời vai trò tiên tri của mình khỏi các cố gắng ngoại giao thực tiễn, trong khi nguyên lý khiến Tòa Thánh đòi cho mình tư thế một quốc gia có chủ quyền, và do đó, có quyền có các liên hệ ngoại giao chính là để được tự do lên tiếng như một tiên tri không cần phải e dè các chính phủ dân sự.

Nếu các cam kết ngoại giao giống như thoả hiệp Vatican-Trung Quốc hành xử nhằm hạn chế, dù là âm thầm, khả năng của Giáo Hội trong việc làm chứng cho sự sống và quyền tự do của con người, thì toàn bộ mục đích của tư thế chủ quyền trở nên việc tự lấy mình làm qui chiếu, hiện hữu vì chính sự hiện hữu của mình, thay vì phục vụ việc rao giảng Tin Mừng.

The Pillar đi xa hơn, cho rằng chiến lược giữ im lặng này thực ra không phục vụ cả Giáo Hội ở Hồng Kông. Sau nhiều chần chờ, do dự, thăm dò, rõ ràng với các xem xét chính trị, trong khi nhà cầm quyền áp lực đòi mọi người phải chấp nhận định nghĩa mới cho ‘lòng ái quốc”, Giáo Hội mới công bố được tên tuổi vị tân Giám Mục cho thành phố độc đáo này. Đó là Cha Stephen Chow, bề trên tỉnh của Dòng Tên tại Trung Hoa. Nhưng vị này vẫn chưa được nắm trọn thẩm quyền Giám Mục, ít nhất, cho đến tháng 12 năm nay, lúc ngài được chính thức tấn phong. Người ta tự hỏi, tại sao lại cần một thời gian dài đến thế từ bổ nhiệm đến lúc tấn phong? Phải chăng là để nhà cầm quyền Trung Quốc đủ thì giờ dẹp bỏ các tự do dân chủ ở Hồng Kông như đóng cửa Nhật Báo Daily Apple chẳng hạn.

The Pillar có nhắc lại nhận định của tân Giám Mục Chow tại cuộc họp báo đầu tiên hồi tháng 5 của ngài: “Tự do tôn giáo là nhân quyền căn bản. Chúng tôi muốn ghi nhớ điều ấy trong các cuộc đối thoại của chúng tôi với chính phủ, để nó không bị lãng quên”.

Hôm 25 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng “chúng tôi hy vọng vị tân Giám Mục sẽ làm được rất nhiều việc”.

Nhưng làm sao tân Giám Mục có thể làm được gì với chính phủ Trung Quốc khi họ biết rõ chính Vatican đã xác tín không điều gì mình nói hay làm tạo được bất cứ khác biệt nào.

Nhận định cuối cùng của tờ The Pillar là lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gallagher diễn ra cùng ngày với việc người Hồng Kông nối đuôi nhau mua ấn bản cuối cùng của tờ Apple Daily, tờ báo hàng ngày buộc phải đóng cửa sau khi chủ nhân của nó, Ông Jimmy Lai, một người Công Giáo, bị bắt và tống giam.
 
Chuyện gì xảy ra nếu một vị Giáo Hoàng đau yếu hay hôn mê? Ai là người lãnh đạo Giáo Hội?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:07 07/07/2021


Một số phương tiện truyền thông Ý, nổi bật là tờ báo hàng đầu của Rôma Il Messdowro, đã đưa tin rằng “một số biến chứng” đã phát sinh trong ca phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột kết bên trái của Đức Giáo Hoàng, khiến ca phẫu thuật kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu. Nhiều người nêu câu hỏi trong trường hợp một vị Giáo Hoàng đau yếu hay thậm chí hôn mê thì ai sẽ là người lãnh đạo Giáo Hội.

Nicole Winfield, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican có bài phân tích nhan đề “Pope, though hospitalized, is still in charge”, nghĩa là “Dù nằm bệnh viện, Đức Giáo Hoàng vẫn là người lãnh đạo Giáo Hội”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Đức Giáo Hoàng, dù phải nằm bệnh viện đi chăng nữa, vẫn lãnh đạo Giáo Hội.

Vatican có luật lệ, nghi lễ và các phân công rất chi tiết để bảo đảm việc chuyển giao quyền lực khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị. Nhưng không có bất kỳ giao thức nào trong số những điều này được áp dụng khi ngài đau yếu cho dù là hôn mê đi chăng nữa, và không có một chuẩn mực cụ thể nào quyết định những gì sẽ xảy ra khi một vị Giáo Hoàng trở nên mất khả năng hoạt động bình thường.

Thành ra, mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn phải nằm bệnh viện trong khi hồi phục sau cuộc phẫu thuật đường ruột vào hôm Chúa Nhật tại bệnh viện Gemelli ở Rôma, ngài vẫn là Giáo Hoàng và có trách nhiệm rất lớn. Tòa thánh Vatican cho biết hôm thứ Ba, Đức Phanxicô đã ăn sáng, đọc báo và đi dạo, và quá trình hồi phục sau phẫu thuật của ngài vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, ngài vẫn phải ở trong bệnh viện một tuần. Đây là lần đầu tiên trong triều Giáo Hoàng của ngài, ngài phải nằm bệnh viện lâu như thế. Điều đó đã làm dấy lên sự quan tâm về cách thức thực hiện quyền bính của Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thánh, quyền bính ấy được chuyển giao như thế nào và trong hoàn cảnh nào.

Đây là cách quyền bính của Đức Giáo Hoàng hoạt động.

Vai trò của Đức Giáo Hoàng

Theo giáo luật hiện hành của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, là người đứng đầu giám mục đoàn, là đại diện của Chúa Kitô, và là mục tử của toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên trái đất.

Không có gì thay đổi trong vị thế, vai trò hoặc quyền lực của ngài kể từ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng thứ 266 vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngay cả khi ngài đã trải qua ba giờ phẫu thuật vào hôm Chúa Nhật để cắt bỏ một nửa ruột kết của mình.

Tình trạng đó là do thiết kế thần học.

Luật sư giáo luật Nicholas Cafardi nói: “Quyền lực của Đức Giáo Hoàng là tối cao, đầy đủ và phổ quát. Nếu quyền hạn của ngài ở mức như thế, ai có thể quyết định rằng ngài không còn năng lực thực hiện quyền bính đó nữa? Không có ai ở trên Đức Giáo Hoàng”.

Giáo triều Vatican

Đức Phanxicô lãnh đạo, nhưng ngài đã ủy thác việc điều hành hàng ngày công việc tại Vatican và Giáo Hội trên hoàn vũ cho một nhóm các viên chức Tòa Thánh điều hành dù ngài có ở Tông Tòa hay không, và ngài có tỉnh táo hay không.

Đứng đầu trong các viên chức là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Trong một dấu hiệu cho thấy việc Đức Phanxicô nhập viện không tiên báo bất cứ sự thay đổi nào đối với việc điều hành Giáo Hội, Đức Hồng Y Parolin thậm chí không có mặt ở Vatican trong cuộc phẫu thuật kéo dài ba giờ đồng hồ của Đức Phanxicô. Ngài đã có mặt ở Strasbourg, bên Pháp, để kỷ niệm 1,300 năm ngày mất của thánh nữ Odile, vị thánh bảo trợ vùng Alsasce.

Các chức năng khác của Vatican vẫn diễn ra bình thường. Bản tin buổi trưa hàng ngày của Vatican được phát hành vào hôm thứ Ba với tên của các giám mục mới được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm ở Nicaragua, Nigeria và Anh quốc. Có lẽ chúng đã được chấp thuận trước thời hạn, mặc dù Đức Phanxicô có thể ký các sắc lệnh và xử lý các vấn đề quan trọng khác từ giường bệnh của mình, như Thánh Gioan Phaolô II đã từng làm trong nhiều lần nhập viện của ngài.

Điều gì xảy ra khi một vị Giáo Hoàng đau yếu?

Giáo luật có quy định về trường hợp một giám mục giáo phận bị đau yếu và không thể điều hành giáo phận của ngài, nhưng không có quy định nào cho Đức Giáo Hoàng. Điều 412 bộ giáo luật nói rằng “Tòa giám mục được coi là bị cản trở, nếu Giám mục giáo phận không thể chu toàn nhiệm vụ mục vụ của mình trong giáo phận, đến nỗi ngài không thể giao thiệp với những người trong giáo phận, ngay cả bằng thư từ, vì bị giam cầm, bị quản thúc, bị lưu đày hoặc vì trở thành vô năng.” Trong những trường hợp như vậy, việc điều hành giáo phận hàng ngày chuyển sang một Giám Mục Phụ Tá, một tổng đại diện hoặc một người nào khác.

Mặc dù Đức Phanxicô là giám mục của Rôma, không có điều khoản rõ ràng nào cho Đức Giáo Hoàng nếu ngài bị “cản trở”. Giáo luật 335 tuyên bố một cách đơn giản rằng khi Tòa Thánh “trống tòa hoặc hoàn toàn bị cản trở”, thì không được thay đổi bất cứ điều gì trong việc lãnh đạo Giáo Hội phổ quát nhưng phải tuân hành những luật lệ đặc biệt đã được ban hành cho những hoàn cảnh ấy. Tuy nhiên, điều 335 không nêu rõ “hoàn toàn bị cản trở” nghĩa là gì, và những điều khoản nào có thể có hiệu lực nếu điều đó xảy ra.

Luật sư giáo luật Nicholas Cafardi nói: “Thực sự, chúng ta không có quy tắc nào cho việc này. Không có giáo luật và cũng chẳng có tài liệu riêng biệt nào nói về cách xác định tình trạng mất năng lực, hay cách xác định liệu tình trạng mất năng lực có thể là vĩnh viễn hay tạm thời, và thậm chí quan trọng hơn là ai sẽ quản lý Giáo Hội vào thời điểm đó. Không có gì. Hoàn toàn không có gì. Chúng ta phó thác cho Chúa Thánh Thần”.

Còn lá thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thì sao?

Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết thư cho niên trưởng Hồng Y đoàn với giả thuyết rằng nếu ngài bị bệnh nặng, niên trưởng và các vị Hồng Y khác nên chấp nhận quyết định thoái vị của ngài.

Đức Phaolô Đệ Lục đã thấy trước khả năng rằng khi các vị Giáo Hoàng tiếp tục sống lâu hơn, các ngài có thể trở nên mất khả năng hoạt động do đột quỵ, sa sút trí tuệ hoặc một số bệnh tiến triển lâu dài khác khiến các ngài không thể thực hiện công việc của mình và không thể tự do thoái vị.

Trong một lá thư, được công bố vào năm 2018, ngài đã trích dẫn một tình trạng bệnh tật “được cho là không thể chữa khỏi, hoặc diễn ra trong thời gian dài, và điều này ngăn cản việc thực hiện đầy đủ các chức năng của sứ vụ tông đồ”.

Những dặn dò trong bức thư đó không bao giờ được thực hiện, vì Đức Phaolô Đệ Lục đã sống thêm 13 năm và qua đời trong khi đang tại vị.

Nhưng các chuyên gia cho rằng lá thư của Đức Phaolô Đệ Lục dường như đã không được sử dụng vì giáo luật yêu cầu sự từ chức của Đức Giáo Hoàng phải được “thể hiện một cách tự do và hợp luật” - như trường hợp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tuyên bố thoái vị vào năm 2013.

Kurt Martens, luật sư giáo luật và giáo sư tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ cho rằng: “Bối cảnh mà Đức Phaolô Đệ Lục đã hình dung – nghĩa là đặt ra cơ sở cho việc thoái vị tại một thời điểm mà ngài có thể không còn tỉnh táo hoặc không đủ khả năng nhận thức - là không hợp lệ, bởi vì để một vị Giáo Hoàng chỉ có thể từ chức hợp lệ khi ngài vẫn còn minh mẫn”.

Điều gì xảy ra khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị?

Lần duy nhất quyền bính Giáo Hoàng đổi chủ là khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc thoái vị. Vào thời điểm đó, toàn bộ một loạt các nghi thức và nghi lễ bắt đầu hoạt động để chi phối “interregnum” – tức là khoảng thời gian giữa sự kết thúc của một triều đại Giáo Hoàng và việc bầu ra một Tân Giáo Hoàng.

Trong thời kỳ đó, được gọi là “sede vacante”, hoặc “trống tòa”, Hồng Y nhiếp chính điều hành việc quản lý hành chính và tài chính của Tòa thánh. Ngài xác nhận cái chết của Đức Giáo Hoàng, niêm phong các phòng của Giáo Hoàng và chuẩn bị cho việc chôn cất Giáo Hoàng trước khi mật nghị bầu Tân Giáo Hoàng xảy ra. Chức vụ này hiện được đảm nhiệm bởi Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống.

Hồng Y nhiếp chính không có vai trò hoặc nhiệm vụ nào nếu Đức Giáo Hoàng chỉ bị bệnh hoặc mất khả năng hoạt động.

Martens nói: “Bạn có hai lựa chọn: Hoặc bạn có một vị Giáo Hoàng hoặc bạn không có một vị Giáo Hoàng, và chừng nào bạn còn có một vị Giáo Hoàng – thì cho dù ngài đau yếu đi nữa ngài vẫn cai quản Giáo Hội. Ngay cả khi ngài sắp qua đời, ngài vẫn lãnh đạo Giáo Hội.”

Còn Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 thì sao?

Mặc dù có một vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu sống trong khuôn viên Vatican, nhưng ngài cũng không có vai trò chính thức nào.

Đức Bênêđíctô, 94 tuổi, thoái vị vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, khi ngài trở thành Giáo Hoàng đầu tiên sau 600 năm từ chức. Ngài đã sống trong một tu viện đã được trùng tu trong khu vườn của Vatican kể từ đó.

Đài truyền hình nhà nước RAI, dẫn lời Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài, cho biết Đức Bênêđíctô đang cầu nguyện cho sự bình phục của Đức Phanxicô.
Source:Crux
 
Độc tài tiểu nhân Lukašenko thề ăn thua đủ với Giáo Hội Công Giáo tại Belarus vì một bài thánh ca
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:50 07/07/2021


1. Chỉ sau một giờ phá phách các nhà thờ theo kiểu Canada, kẻ phá hoại đã bị bắt

Hình thức tấn công các nhà thờ Công Giáo bằng cách vẽ những bàn tay bằng sơn đỏ đang có nguy cơ lan rộng. Tuy nhiên, cảnh sát tại California đã tỏ ra rất kiên quyết với hành động này.

Cảnh sát ở thành phố Merced cho biết họ đã bắt giữ một nghi phạm tấn công một nhà thờ Công Giáo ở Merced bằng cách vẽ bậy những bàn tay đỏ, và truy tố y về tội phá hoại.

Một người đàn ông đang bị bắt giữ sau khi cảnh sát ở Merced xác định được y đang phá hoại một nhà thờ Công Giáo trong thành phố. Nghi can đã được nhìn thấy trên đoạn phim giám sát sử dụng sơn đỏ để tạo các dấu tay màu đỏ trên tường nhà thờ, cũng như các tòa nhà xung quanh và một bức tượng.

Cảnh sát cho biết vụ việc đã được camera an ninh ghi lại vào ngày 4 tháng 7, vào khoảng 7:30 sáng, tại nhà thờ ở số 671 đại lộ E. Yosemite. Theo Giáo phận Fresno, nhà thờ này Nhà thờ Công Giáo Thánh Patrick.

Trong một diễn biến hiếm khi xảy ra, cảnh sát đã ngay lập tức công bố danh tính nghi phạm là Frank Perez, 54 tuổi, với cáo buộc phạm tội ác thù hận và phá hoại một nhà thờ. Các nhà điều tra cũng xác định rằng chính nghi phạm này đã phá hoại Nhà thờ Yosemite khoảng 20 phút sau khi gây án tại ngôi thánh đường đầu tiên.

Cảnh sát cũng tung lên các phương tiện truyền thông xã hội và các mạng xã hội hình ảnh của Frank Perez, và yêu cầu rằng bất kỳ ai có thêm thông tin về nghi phạm hay các vụ tấn công này, xin liên hệ với sĩ quan cảnh sát Dejong theo số (209) 769-6263.
Source:Your Central Valley

2. Độc tài Lukašenko đe dọa Giáo Hội Công Giáo vì một bài thánh ca

Hôm 6 tháng 7, nhà độc tài Aleksandr Lukashenko, tổng thống bất hợp pháp của Belarus đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi các nhà thờ Công Giáo tại Belarus hát bài thánh ca có nhan đề “Magutnyj Boža” /ma-gút-ni-dép bố-già/, nghĩa là “Chúa toàn năng yêu mến quê hương chúng ta”. Bài thánh ca đã được hát tại tất cả các nhà thờ Công Giáo vào ngày 3 tháng 7, ngày lễ độc lập của Belarus.

Bài thánh ca chứa đựng một lời cầu nguyện xin Chúa ban sự thịnh vượng cho Belarus. Nó được sáng tác vào năm 1943 bởi nhà thơ Công Giáo Natalia Arsenieva. Năm 1947, Belarus đang rơi vào tay Liên sô, nhà soạn nhạc Nikolai Ravensky đã phổ thơ của Natalia thành nhạc. Bài hát đã trở nên rất phổ biến. Belarus có thời bị Đức Quốc xã chiếm đóng, nhưng đó là khoảng thời gian trước đó. Hitler đã bại trận từ năm 1945, hơn hai năm sau bài thánh ca ấy mới ra đời. Mặc dù vậy, do không ưa bài thánh ca này, tên độc tài Lukašenko đã táo tợn gọi nó là ‘bài thánh ca của phát xít’.

Lời bài hát này như sau: “Lạy Chúa toàn năng! Chúa tể của vũ trụ / của những mặt trời vĩ đại và những trái tim nhỏ bé! / Trên đất nước Belarus, hòa bình và thân thiện / Chúa đã lan tỏa những tia sáng vinh quang của Người. / Xin ban cho chúng con sức mạnh trong công việc hàng ngày giữa những khó khăn vất vả / ban cho chúng con lương thực hàng ngày, và ban cho quê hương chúng con, / sự tôn trọng và sức mạnh cùng với sự vĩ đại của đức tin, / vào sự thật của chúng con, vào tương lai của chúng con! / Xin hãy mang lại màu mỡ cho những cánh đồng lúa mạch, / chúng đã được đập bằng tay của chúng con! / Xin ban sức mạnh và hạnh phúc / cho đất nước và nhân dân chúng con!”

Dưới tiêu đề Magutnyj Boža, thành phố Mogilev đã tổ chức lễ hội âm nhạc tôn giáo từ năm 1993. Bây giờ là năm thứ 23, lễ hội diễn ra vào ngày lễ độc lập quốc gia vào đầu tháng 7, với sự kiện cuối cùng được tổ chức tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Tuy nhiên, Lukašenko, coi đây là một sự khiêu khích: “Bạn thấy đấy, họ muốn phá hủy ký ức lịch sử của chúng ta, phục hồi ông bà cố của họ và hoàn thành những gì họ đã bắt đầu. Họ muốn phá hủy quốc gia có chủ quyền của chúng ta, vẫy các cờ xí của bọn lính đánh thuê và ca ngợi bài hát của những người Công Giáo Đức Quốc xã, nhưng chúng tôi sẽ bắt họ phải trả giá”.

“Các cờ xí của bọn lính đánh thuê” thực ra là những lá cờ trắng - đỏ - trắng, biểu tượng của đất nước trước khi Liên Sô chiếm đóng. Đó chính là lá cờ mà Lukashenko đã tuyên thệ khi lên nắm quyền vào năm 1994.
Source:Asia News

3. Giáo phận Burlington chứng kiến số lượng linh mục thấp kỷ lục

Giáo phận Burlington đã báo cáo số lượng linh mục thấp kỷ lục trong năm nay, chỉ còn 50 linh mục triều phục vụ cho toàn bộ tiểu bang Vermont.

“Việc giảm mất tám linh mục trong một năm khiến chúng tôi bị bất ngờ. Giờ đây, chúng ta chỉ còn 50 linh mục triều phục vụ giáo xứ,” Đức Cha Christopher Coyne của Burlington nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm 2 tháng 7.

Đầu năm nay, bốn linh mục quốc tế đang phục vụ trong giáo phận đã phải trở về nước sau khi thị thực của các ngài hết hạn. Ba trong số các linh mục đến từ Phi Luật Tân, và một đến từ Nigeria.

Giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 3 tháng 5 rằng các linh mục phải trở về nhà vì thị thực của họ sẽ hết hạn trước khi bất kỳ đơn xin thẻ xanh nào có thể được chấp thuận. Mặc dù giáo phận cho biết họ đã bắt đầu xin gia hạn thị thực kịp thời, nhưng những phát triển gần đây đã kéo dài quá trình gia hạn thêm khoảng một năm so với dự kiến. Đức Cha Coyne cho biết vào thời điểm đó, các linh mục có thể trở lại giáo phận sau 12 tháng.

Ngoài 50 linh mục triều, giáo phận còn có 44 phó tế vĩnh viễn và 15 tu sĩ đang phục vụ tại 68 giáo xứ. Giáo phận phục vụ 110,000 người Công Giáo trong tiểu bang. Trong số 50 linh mục của giáo phận, chỉ có 36 vị được liệt kê vào số các linh mục đang hoạt động mục vụ thường xuyên, 14 vị khác trong tình trạng đau yếu.

Giáo phận, được thành lập vào năm 1853 và bao gồm toàn bộ tiểu bang Vermont, bắt đầu với 53 linh mục và theo thời gian, là nơi cư trú của hàng trăm linh mục. Ơn gọi trong giáo phận bắt đầu giảm vào cuối thế kỷ 20, đạt mức thấp kỷ lục là 50 linh mục vào năm 2021.

Cha Robert Murphy là linh mục duy nhất được thụ phong trong giáo phận trong năm nay, và chủng sinh Gregory Caldwell được phong chức phó tế chuyển tiếp; cả hai vị đều được thụ phong vào hôm Thứ Bảy, ngày 19 tháng Sáu, tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Burlington.

Giáo phận lo ngại chỉ còn 40 linh mục trong một “tương lai gần”.

Đức Cha Coyne nói với CNA rằng giáo phận không nghĩ sẽ có một sự sụt giảm đột biến khác, và gọi năm này là một năm “bất thường” đối với giáo phận. Ngài hy vọng rằng với sự trở lại của các linh mục nước ngoài trong thời gian một năm, giáo phận “sẽ ở một vị thế ổn định hơn”.
Source:Catholic News Agency