Ngày 09-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hoa trái của sự thực hành Lời Chúa
Lm. Đan Vinh
02:48 09/07/2020

Chúa Nhật 15 Thường Niên A
Is 55, 10-11; Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-23

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 13, 1-23

(1) Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. (2) Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ. (3) Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không có nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu. (6) Nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và bị thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. (8) Có những hạt nơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, gạt được sáu chục, hạt được ba chục. (9) Ai có tai thì nghe”. (10) Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? ” (11) Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. (12) Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. (13) Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. (14) Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. (15) Vì lòng dân này đã ra đần độn. Chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. (16) Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy. Tai anh em thật có phúc vì được nghe. (17) Quả thế, Thầy bảo thật anh em: Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. (18) Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống: (19) Hễ ai nghe Lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. (20) Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá. Đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. (21) Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời. Khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. (22) Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (23) Còn kẻ được gieo trên đất tốt. Đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra: kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG

Tin Mừng hôm nay là một trong bảy “dụ ngôn về Nước Trời” của Đức Giê-su. Dụ ngôn người gieo giống này như sau: Nước Trời của Đức Giê-su rao giảng ví như việc gieo hạt giống của bác nông dân trên cánh đồng ruộng. Hạt giống Nước Trời chỉ phát sinh hiệu quả nơi những tâm hồn thiện chí muốn nghe và thực hành Lời Chúa. Đây là mảnh đất ruộng mầu mỡ, không cứng tin như vệ đường chai lỳ, không khô khan nguội lạnh như đất pha nhiều sỏi đá, không xấu xa do các thói hư như đất có nhiều gai góc mọc chung… Qua đó Đức Giê-su dạy môn đệ phải có thiện chí muốn nghe và thực hành Lời Chúa thì mới phát sinh nhiều bông hạt là các việc lành.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Ngồi ở ven Biển Hồ: Câu chuyện xảy ra ở bờ biển hồ Ghen-nê-xa-rét miền Ga-li-lê. + Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều: Dụ ngôn là những câu chuyện do người giảng đặt ra, dựa theo phong tục và nếp sống trong xã hội, với mục đích trình bày một giáo lý nào đó về siêu nhiên. Giữa hình ảnh tự nhiên và giáo lý siêu nhiên có những điểm giống nhau mà người đọc phải suy nghĩ mới nắm bắt được ý nghĩa khách quan của dụ ngôn. + Các dụ ngôn về Nước Trời: Khi diễn tả về cách tổ chức và sinh hoạt của Nước Trời sắp thiết lập. Đức Giê-su đã dùng bảy dụ ngôn sau đây: Dụ ngôn “Người gieo giống” (x. Mt 13, 1-23); Cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30); Hạt cải (x. Mt 13, 31-32); Men trong bột (x. Mt 13, 33); Kho báu và Ngọc quý (x. Mt 13, 44-46); Chiếc lưới (x. Mt 13, 47-50).
- C 3-8: + Dụ ngôn người gieo giống: Vệ đường, sỏi đá, bụi gai, đất tốt…: Hằng năm vào tháng 12 dương lịch, đất thánh bắt đầu mưa, nhà nông khởi công gieo hạt giống. Ga-li-lê là miền đất nhỏ nhiều đồi núi đất đá và ít ruộng đất tốt. Do đất chật người đông, nên ruộng bị chia thành nhiều thửa nhỏ. Mỗi thửa ruộng đều có đường biên có thể đi lại trên đó. Đất ruộng thường xấu vì pha trộn đá sỏi và gai mọc tràn lan. Tuy nhiên cũng có những chỗ đất tốt được người nông dân cày bừa gieo hạt và cây lúa mọc lên. Đến mùa lúa chín sẽ được gặt hái mang về nhà.
- C 9: + Ai có tai thì nghe: Đây là kiểu nói Đức Giê-su hay dùng để gây sự chú ý cho người nghe (x. Mt 11, 15; Mc 4, 23; Lc 8, 8). Có tai là có khả năng nghe, nhưng chưa chắc đã muốn nghe, như các kinh sư và Pha-ri-sêu Do thái tuy đến nghe Đức Giê-su giảng mà lòng không tin và không muốn đón nhận Tin Mừng Nước Trời. Ở đây Đức Giê-su kêu gọi mọi người: "Ai có khả năng nghe thì hãy lắng nghe !".
- C 10: + Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? : Sở dĩ Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà giảng Tin Mừng về Nước Trời là vì lý do như sau: Bấy giờ dân Do thái đang mong chờ một Đấng Thiên Sai dòng dõi vua Đa-vít, đến lập một Vương Quốc, bằng một đạo quân hùng mạnh và có sự trợ giúp của cơ binh các thiên thần trên trời. Vương quốc của Đấng Thiên Sai sẽ mở rộng ra khắp nơi, dẹp tan các nước của chư dân tôn thờ tà thần… Nhưng sứ mệnh của Đức Giê-su lại không giống như dân Do Thái trông mong: Người cũng đến để thiết lập Nước Trời, nhưng “Nước của Người không thuộc về trần gian”. Do đó, để tránh cho dân khỏi bị ảo tưởng, Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả các đặc tính siêu việt của Nước Trời mà Người muốn thiết lập.
- C 11: + Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không: “Mầu nhiệm Nước Trời” là chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giê-su. Đây là điều vượt quá sự hiểu biết của loài người. Chỉ Đức Giê-su là Đấng thiết lập Nước Trời mới có thể trình bày về Nước ấy bằng các dụ ngôn. Dụ ngôn là các ví dụ cụ thể giữa đời thường, được Đức Giê-su dùng để trình bày các đặc tính của Nước Trời mà Người sắp thiết lập.
- C 12: + Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất: Người Do thái thời Đức Giê-su đang có đức tin truyền thống về Đấng Thiên Sai (Mê-si-a). Trong bọn họ, ai tin vào Người sẽ được hiểu biết thêm về các mầu nhiệm Nước Trời. Còn những kẻ không tin Đức Giê-su thì ngay cả lòng tin họ đang có về Nước Thiên Sai trần thế cũng sẽ bị lấy mất.
- C 13: + Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu: Khi giảng cho dân Do thái đang khao khát một Nước Thiên Sai trần tục, Đức Giê-su một đàng phải trình bày đúng về Nước Trời mà Người muốn thiết lập. Đàng khác, Người phải uốn nắn các quan niệm sai lạc của họ đang mong chờ một Nước Thiên Sai trần tục. Vì thế Đức Giê-su phải dùng dụ ngôn để rao giảng. Dụ ngôn có tính cách vừa mở vừa đóng: mở để giúp người nghe nhận ra sự thật và đóng đối với những gì họ hiểu sai. Khi nghe các dụ ngôn về Nước Trời, chỉ những ai thành tâm chấp nhận lời giảng của Đức Giê-su như các môn đệ, mới lãnh hội được ý nghĩa của nó. Còn những kẻ mang nhiều thiên kiến, cố chấp trong sự sai lầm như các đầu mục Do thái, thì dù có nghe Đức Giê-su giảng, họ cũng không hiểu ý nghĩa thực sự của các dụ ngôn mà Người muốn dạy.
- C 14: + Ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: I-sai-a đã tuyên sấm các Lời Chúa phán khi sai ông đến giảng cho dân Do thái (x. Is 6, 9-10). I-sai-a có trách nhiệm nói với dân Do thái về các hình phạt mà Chúa sẽ giáng xuống do tội của họ. + “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn, cũng chẳng thấy…”: Lời tuyên sấm của I-sai-a về tình trạng của dân Do thái về thời Đức Giê-su cũng giống như thời của ông là bị dân Do thái không tin và từ chối đón nhận (x. Lc 2, 34). Mát-thêu cũng ghi nhận cách giảng của Đức Giê-su bằng dụ ngôn đã ứng nghiệm lời tiên báo trong Thánh Vịnh như sau: “Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố điều huyền bí thuở xa xưa” (Tv 78, 2).
- C 16-17: + Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy…: Các môn đệ Đức Giê-su không những được nhìn thấy các phép lạ Người làm và được nghe những Lời Người phán dạy, mà các ông còn có thiện chí muốn tìm hiểu để tin, nên các ông được phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính ở thời trước đây: dù có thiện chí muốn nghe muốn thấy, nhưng đã không được thấy được nghe Lời Người.
- C 18-23: + Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn Người Gieo Giống: Lời giảng dạy trong đoạn này xem ra không phù hợp với trọng tâm của dụ ngôn Người Gieo Giống ở phần trên: Dụ ngôn nhấn mạnh đến hành động gieo hạt giống là Nước Trời qua Lời Đức Giê-su rao giảng vào 4 tình trạng đất khác nhau, nhưng phần giảng giải thì lại chú trọng đến tình trạng đón nhận Lời Chúa nơi người nghe. Tâm điểm của dụ ngôn đã bị xê dịch từ lời dạy về mầu nhiệm Nước Trời sẽ gặp nhiều thử thách trước khi đạt kết quả sung mãn thời cánh chung, chuyển thành lời khuyến cáo hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Có lẽ phần giải thích dụ ngôn này là của Giáo Hội sơ khai, nhấn mạnh đến các thái độ khác nhau của những kẻ nghe Lời Chúa: Muốn cho Lời Chúa sinh sôi nẩy nở gấp bội, thì người nghe phải như mảnh đất tốt thể hiện qua thái độ "nghe và hiểu". Phải tránh thái độ chai lì cứng lòng như vệ đường, khô khan như sỏi đá và có các thói hư như gai góc…

4. CÂU HỎI:

1) Thế nào là dụ ngôn? Có mấy dụ ngôn về Nước Trời là những dụ ngôn nào? Ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống là gì?
2) Bốn tình trạng đất trong dụ ngôn Người Gieo Giống ám chỉ điều gì?
3) Câu: "Ai có tai thì nghe" có nghĩa thế nào?
4) Tại sao Đức Giê-su phải dùng dụ ngôn khi giảng về Nước Trời cho dân Do Thái, nhưng lại nói rõ sự thật về Nước Trời cho các môn đệ?
5) Tại sao ngôn sứ I-sai-a lại tuyên sấm Lời Chúa với dân Do Thái rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy"?
6) Tại sao các môn đệ có phúc hơn các ngôn sứ và các người công chính thời kỳ trước?
7) Phần giải thích dụ ngôn người gieo giống thực ra là của ai và mang nội dung thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra: kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TÔN GIÁO CÓ ÍCH GÌ?

Có một lần người thợ làm xà bông và một vị giáo trưởng đi dạo và chuyện trò với nhau. Người thợ làm xà bông nói:
- Tôn giáo có ích gì? Tôn giáo nào cũng rao giảng chân lý, bình an, lòng thiện hảo. Nhưng ngài hãy nhìn vào thực trạng của thế giới: chiến tranh, đói khổ, và bao nhiêu hệ lụy khác xem ra sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Tôn giáo đâu có giúp được gì cho nhân loại đâu?
Vị giáo trưởng im lặng và hai người tiếp tục đi qua một khu phố nghèo. Tại một con hẻm lầy lội, vị giáo trưởng chỉ vào một em bé ăn mặc bẩn thỉu, và nói:
- Ông hãy nhìn đứa bé kia. Ông cho rằng xà bông để tẩy xóa nhơ bẩn trên thân thể và quần áo của con người. Vậy ông hãy thử nhìn đứa bé kia. Xà bông của ông để làm gì? Với tất cả mọi thứ xà bông hiện có trên thế giới, đứa bé nhơ bẩn này vẫn cứ nhơ bẩn. Tôi chẳng biết xà bông dùng để làm gì?
Nghe lời ấy, người thợ làm xà bông cãi lại:
- Nó dơ bẩn là tại nó. Xà bông sẽ không có ích gì, nếu người ta không sử dụng nó để tắm rửa.
Bấy giờ vị giáo trưởng mới nhỏ nhẹ nói:
- Đúng thế, xà bông sẽ vô ích, nếu người ta không sử dụng nó. Tôn giáo cũng vậy. Tôn giáo sẽ vô ích nếu con người không thực hành theo đức tin tôn giáo của mình.

2) QUYỀN NĂNG BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI CỦA LỜI CHÚA :

PHA-MÁT là một tên cướp lừng danh tại một vùng kia ở Ấn Độ. Hắn ta cùng đồng bọn thường ra tay cướp đoạt tài sản của người đi đường rồi mau lẹ tẩu thoát mà không để lại một dấu vết nào. Một ngày nọ, Pha-mát bẻ khóa vào một ngôi nhà vắng chủ. Sau khi đã lấy hết tiền bạc quý kim trong tủ, hắn kiểm tra lại ngôi nhà lần cuối thì thấy còn một cuốn sách nhỏ bìa đen, giấy mỏng và dai. Hắn nhặt lên bỏ vào túi để làm giấy vấn thuốc hút. Từ đó, mỗi khi hút thuốc hắn đều xé một tờ để vấn thuốc. Một lần nọ, hắn thấy trên tờ giấy có các hàng chữ nhỏ, hắn tò mò đọc thử xem hàng chữ đó viết điều gì. Rồi từ đó mỗi lần hút thuốc hắn đều đọc một đọan lời Chúa trên tờ giấy. Vào một tối kia, sau khi đọc xong trang Lời Chúa, hắn để lại tờ giấy vừa xé vào trong cuốn sách, và quỳ gối xuống xin Chúa Giê-su tha tội và cứu hắn, giống như Người đã tha thứ cho tên cướp có lòng sám hối trên cây thập tự mà hắn vừa đọc được. Từ lúc ấy hắn cảm thấy tâm hồn thật bình an.
Hôm sau, hắn ăn mặc chỉnh tề rồi đi đến đồn cảnh sát xin đầu thú và nộp lại những đồ hắn đã ăn cắp còn lại. Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe hắn cho biết lý do ra đầu thú, hắn sẵn sàng tra tay vào còng và sau khi nghị án, tòa chỉ kết án hắn 10 năm tù giam vì có yếu tố giảm khinh. Trong thời gian mười năm ở tù, hắn vẫn tiếp tục đọc phần còn lại của sách Tân Ước và sẵn sàng kể lại cho các bạn tù muốn nghe. Dần dần nhờ sống khiêm tốn yêu thương và phục vụ theo gương Đức Giê-su, hắn đã làm cho các bạn tù cảm mến. Họ không còn thù ghét nhau và đàn áp bóc lột lẫn nhau như trước, nhưng mọi người đều biết quan tâm giúp đỡ nhau. Một số bạn tù còn xin học Lời Chúa với hắn và tình nguyện trở thành môn đệ của Đức Giê-su giống như hắn.

3) HẠT GIỐNG THA THỨ VA YÊU THƯƠNG ĐÃ PHÁT SINH HOA TRAI.

Ngày 6 tháng 7 năm 2002, kỷ niệm một trăm năm ngày vị thánh nữ trẻ MARIA GORETTI tuyên xưng tình yêu và lòng can đảm trung thành với Chúa Giêsu. Lên mười tuổi thánh nữ rước lễ lần đầu với tất cả lòng yêu mến Chúa Giêsu. Ba tháng trước khi mừng sinh nhật thứ 12, một người hàng xóm tên là ALESSANDRO SERENELLI đã cố hãm hiếp thánh nữ. Maria từ chối và kháng cự quyết liệt. Alessandro đã dùng dao đâm nhiều nhát vào người Maria. Ngày hôm sau, ngày 6 tháng 7 năm 1902, thánh nữ đã qua đời trước khi tha thứ cho kẻ đã cố tình hãm hiếp và giết người. “Phải, vì tình yêu của Chúa Giêsu tôi tha tội cho anh và tôi muốn anh cùng ở với tôi trên thiên đàng”.
Mang đầy tủi nhục, đớn đau và bị mọi người xa lánh, Alessandro đã bị kết án vào tù. Tuy nhiên, hạt giống tha thứ và yêu thương Maria đã gieo vào tâm hồn anh đã dần dần phát sinh hoa trái. Anh đã cảm nghiệm được ơn trở lại. Sau 27 năm tù, ngay sau khi được thả ra anh đi thẳng đến nhà mẹ của Maria để xin lỗi, đồng thời cùng với bà đi tham dự lễ Giáng sinh, anh đã bước lên trước mặt cộng đoàn, xác nhận tội lỗi của mình, và van xin sự tha thứ của Thiên Chúa, cũng như của cộng đoàn.
Chính anh đã đứng ra làm chứng để phong thánh cho Maria Goretti. Ngày 24 tháng 6 năm 1950 anh đã đứng ở quảng trường thánh Phêrô khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố Maria Goretti là một vị thánh. Sau cùng, Alessandro Serenelli đã chết vào ngày 6 tháng 5 năm 1970 trong tu viện Capuchin nơi anh đã xin vào làm vườn để ăn năn đền tội và cầu nguyện.

4) KHÔNG MUA ĐƯỢC HOA TRÁI MÀ CHỈ MUA ĐƯỢC HẠT GIỐNG THÔI:

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giê-su đang đứng bán ở quày hàng này.
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: “Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy? ”
Chúa trả lời: “Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.”
Chị nói liền một hồi: “Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi”. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: “Không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng con và cho những người thân yêu của con nữa.”
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây, Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).
Trong Tin mừng “Dụ ngôn người gieo giống” hôm nay (Mt 13, 1-23), Chúa Giê-su chính là người gieo giống. Mỗi người chúng ta là đất. Hạt giống là lời Chúa trong Thánh Kinh. Tùy vào thái độ của người nghe, chân thành đón nhận hay lười biếng khước từ, mà Lời Chúa sẽ phát sinh ra hoa trái là các việc lành hay không.

3. SUY NIỆM:

1) ĐỜI SỐNG CÁC TÍN HỮU NÓI CHUNG CHƯA TỐT HƠN LƯƠNG DÂN:

TIM KƠN-ROI (Tim Conroy) là một thanh niên đạo đức, siêng năng đến nhà thờ dự lễ hằng ngày. Một hôm, anh đã tâm sự với một người bạn thân về nỗi thao thức của anh về đức tin như sau: “Tớ xuất thân từ một gia đình gốc Công giáo. Hằng ngày tớ vẫn dự lễ và không quên đọc kinh sớm tối. Nhưng có điều lạ là: Tớ càng giữ đạo lâu năm thì lại càng thấy mình xuống dốc về mặt đạo đức như: bê tha rượu chè, quan hệ nam nữ bừa bãi, lại còn chích hút ma túy… không hơn gì những người lương không theo đạo. Vào ngày sinh nhật năm 25 tuổi, tớ đã tính ra số lần dự lễ, số lần nghe giảng Lời Chúa và lên rước lễ tới cả chục ngàn lần. Thế mà sao tớ vẫn không thấy mình tiến bộ bao nhiêu !” Thắc mắc của TIM đã được Chúa Giê-su gián tiếp trả lời trong dụ ngôn về người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay.

2) NGUYÊN NHÂN SỐNG CHƯA TỐT LÀ DO KHÔNG THỰC HÀNH LỜI CHÚA:

Trong một vườn nho kia có một gốc nho bị tàn héo đang khi các cây nho khác lại vẫn xanh tốt. Người làm vườn đã mất nhiều công sức đào sới đất chung quanh, rắc phân tro và tưới nước hằng ngày cho cây nho này. Nhưng sau một thời gian, mà cây nho đến mùa vẫn èo uột không sinh hoa trái. Cuối cùng ông đã đào bật gốc nho lên thì phát hiện có một miếng tôn nằm bên dưới gốc cây, khiến rễ cây không cắm sâu được xuống đất để hút các chất bổ dưỡng. Từ lúc lấy miếng tôn kia đi thì cây nho đã bắt đầu xanh tốt trở lại và sinh hoa trái như các cây nho khác. Cuộc đời chúng ta cũng vậy: Nếu sau một thời gian dài theo đạo, mà chúng ta vẫn như cây nho tàn úa không sinh hoa trái việc lành, không sống công bình nhân ái hơn anh em lương dân… là do chúng ta đã không lắng nghe Lời Chúa, không suy niệm để tìm hiểu và không quyết tâm sống theo thánh ý Chúa muốn.

3) BỐN LỐI SỐNG ĐẠO ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ DỰA THEO TIÊU CHUẨN THỰC HÀNH:

Dụ ngôn về người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay trình bày bốn loại đất tiếp nhận lời Chúa, tượng trưng cho bốn lối sống đạo của các tín hữu như sau:
* Loại sống đạo hình thức: Họ chỉ sống đạo tốt tại nhà thờ, còn khi về nhà thì lời Chúa lại không chút ảnh hưởng đến cuộc sống, nên họ thường đối xử bất công, hay gây sự và luôn căng thẳng bất hòa với người chung quanh. Đây là hạng tín hữu thiếu đức tin được ví như loại đất vệ đường chai lỳ!
* Loại sống đạo vụ lợi: Tuy có đến nhà thờ nhưng chỉ nhằm cầu danh lợi. Gặp lúc làm ăn thất bại hay khi mắc bệnh nan y thì chỉ biết than trời trách đất, bỏ việc đọc kinh dự lễ, có khi còn “hữu sự vái tứ phương” chạy đến với thày bói và bùa ngải mê tín… Hạng tín hữu này khi nghe giảng Lời Chúa cũng để ngoài tai. Họ giống như loại đất sỏi đá, cây lúa mọc lên cũng sớm bị chết khô vì bị khô hạn.
* Loại sống đạo xu thời: Đó là những tín hữu có nhiều thói hư như: cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách... Họ giống loại đất chứa nhiều gai góc. Hạt giống Lời Chúa nghe được cũng không thể phát sinh hoa trái là việc lành do bị các thói hư lấn át cản trở.
* Loại sống đạo chân thành: Đó là những tín hữu có lòng đạo thực sự, biểu lộ bằng thái độ thích đọc, thích nghe và suy niệm Lời Chúa để tìm biết ý Chúa và mau mắn xin vâng như Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa được Tin Mừng ghi lại: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Loại tín hữu này chính là loại đất tốt mà hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng sẽ dễ dàng phát sinh nhiều hoa trái bác ái. Họ sẽ trở thành môn đệ trung tín và chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa giữa xã hội hôm nay.

4) PHƯƠNG PHÁP GIÚP CÁC TÍN HỮU THỰC HÀNH LỜI CHÚA:

Để sống được Lời Chúa dạy, các tín hữu cần năng tham dự các buổi HIỆP SỐNG TIN MỪNG hằng tuần tại nhà thờ hay nhà sinh hoạt mục vụ. Chương trình họp nhóm gồm bốn bước như sau:
* Bước một của trí khôn: Cộng đoàn tìm hiểu Lời Chúa bằng cách đứng đọc chung một đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hay Tin Mừng theo chủ đề. Tiếp đến người hướng dẫn sẽ giúp cộng đoàn tìm hiểu ý Chúa muốn dạy qua đoạn Tin Mừng là gì?
* Bước hai của trái tim: Cộng Đoàn thảo luận để chọn ra một câu Lời Chúa quan trọng nhất phù hợp với ý Chúa muốn dạy để học thuộc và quyết tâm áp dụng vào đời sống. Mỗi người chia sẻ các câu chuyện các thánh đã sống Lời Chúa hoặc kinh nghiệm bản thân mình đã sống Lời Chúa và kết quả ra sao.
* Bước ba của ý chí: Cộng đoàn góp ý về cách áp dụng Lời Chúa nơi bản thân, cải thiện môi trường sống là gia đình, khu xóm, xứ đạo và xã hội ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn.
* Bước bốn của ơn Chúa: Việc sống theo Lời Chúa chỉ đạt kết quả tốt khi mỗi người tham dự biết xin ơn Chúa giúp như lời Người phán: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7, 7); “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5b). Cuối cùng kết thúc buổi Hiệp sống Tin Mừng bằng một lời nguyện tự phát hay một bài hát thích hợp.

4. THẢO LUẬN:

Mỗi người chúng ta hãy tự xét xem mình đang ở trong tình trạng nào: Mặt đường chai cứng, đất đá khô khan, đất nhiều gai góc hay đất tốt mầu mỡ… để Lời Chúa có thể phát sinh hoa trái là các việc lành?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, biết năng tham dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng. Xin giúp chúng con ý thức loại bỏ khô khan sỏi đá là thói lười biếng bỏ đọc kinh dự lễ; biết loại trừ gai góc là các thói hư tật xấu... Nhờ đó, tâm hồn chúng con trở thành đất tốt, để Lời Chúa có thể phát sinh nhiều hoa trái. Ước gì ngôi nhà đức tin của chúng con được xây trên nền đá là sự thực hành Lời Chúa, hầu đức tin của chúng con có thể đứng vững trước mọi thử thách, và chống trả được các cơn cám dỗ của 3 thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt mình.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:21 09/07/2020

23. Chúng ta chịu khổ vốn dĩ không phải là việc Thiên Chúa vui thích, nhưng rất cần thiết cho chúng ta.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:24 09/07/2020
70. CHỜ NGƯỜI ĐỀN MẠNG

Có người say rượu đi trên đường té trước té sau, thấy người thì đánh, thấy vật thì đá, người đi đường đều tránh xa, nhưng chỉ có Vu công đứng thẳng thân mình, hai tay chống nạnh, để cho nó đánh.

Có người nói:

- “Tại sao ông tự dưng lại để cho thằng quỷ say rượu hồ đồ đánh vào đầu vậy? ”

Vu công đáp:

- “Tôi thật muốn nó đánh tôi cho chết, nếu nó đánh chết tôi thì nó phải đền mạng !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 70:

Để cho người ta đánh chết mình rồi đòi đền mạng, thì quả là người có lòng tham không đáy, đền mạng khi mình đã...chết thì còn gì nữa mà nói...

Có một vài người Ki-tô hữu đòi ma quỷ đền mạng khi đã để cho ma quỷ giết chết linh hồn, họ nói: “Lo gì, bây giờ sống cho đã trong tội, rồi sau này trở về với Thiên Chúa cũng không muộn mà”, thế là họ bị ma quỷ giết mất linh hồn rồi còn gì nữa mà đòi đền mạng, còn gì nữa mà đòi trở về với Thiên Chúa chứ, đã chết rồi thì đến cả thế giới cũng không ích gì, chứ đừng nói là đền một mạng.

Lòng tham không đáy cũng đồng nghĩa với việc dễ dãi chiều theo cơn cám dỗ mà không muốn cự tuyệt.

Vu công đã làm một việc điên khùng: tự ý để cho người ta đánh chết rồi đòi đền mạng; người Ki-tô hữu cũng làm một việc khùng điên khi họ tự ý để cho ma quỷ cướp mất linh hồn của mình rồi nói: Lo gì, Chúa thông cảm mà !!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Hãy Đón Nhận Và Gieo Cách Hào Phóng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:43 09/07/2020
Suy niệm Chúa nhật XV thường niên – năm A

(Mt 13, 1 - 23)

“Dụ Ngôn Người Gieo Giống” của Chúa Giêsu được thánh Matthêu trình bày tuy bình dân, nhưng chứa đựng một sứ điệp rất quan trọng liên quan đến người kể và người nghe. Người gieo giống ở đây không ai khác ngoài Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu, đã được Chúa Cha gieo vào trần gian một cách hào phòng. Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn ai đón nhận, nơi ấy hạt sẽ đâm rễ và mọc lên.

Xem video và nghe bài giảng

Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa đi gieo hạt giống là chính thân mình vào trần gian, chôn vùi vào lòng đất khi nhập thể làm người, mục nát đi khi chịu chết và chôn trong mồ, mong có ngày bội thu là phục sinh cứu độ hết thảy mọi người. Nên dụ ngôn tự sự này có sức cuốn hút người nghe cách đặc biệt.

Bài đọc I, Lời Chúa được tiên tri Isaia ví “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất” (Is 55, 10). Mưa và tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và kết hạt. Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: “tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn” (Is 55, 10). Đó là những hình ảnh đẹp, sống động và rất gần gũi với giới bình dân chúng ta, diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống của ta, là Ánh Sáng đời ta, hạnh phúc cho đời ta hôm nay và mãi mãi.

Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống. Thông điệp thật rõ ràng: Thiên Chúa là người đi gieo giống, Ngài gieo cách hào phóng, nhưng kết quả cụ thể còn tùy thuộc vào thời tiết và cách thức gieo giống cũng như tự do của thửa đất đón nhận hạt giống là chúng ta. Kinh nghiệm thường ngày của nhà nông quả quyết rằng, kết quả tùy thuộc vào thửa đất, nơi gieo hạt. Ví dụ, trong số những sinh viên chung một lớp, học cùng trường, được thầy giáo dạy cũng một môn về tôn giáo, nhưng người này tin còn người kia vô thần. Dù cả lớp đều nghe giáo viên giảng những điều tương tự nhưng hạt giống đã rơi lại rơi vào mảnh đất là những người khác nhau. Chúng ta cũng thế, tất cả vừa cùng nghe sứ điệp Lời Chúa, nhưng ra về mỗi người sống khác nhau.

Thửa đất tốt là tâm hồn chúng ta, do Thiên Chúa dựng nên cách tự nhiên, Ngài đã phú ban nó cho chúng ta, chúng ta tự do đón nhận hay từ chối là quyền của ý chí của chúng ta. Có những người thích tận hưởng cuộc sống thay vì trở nên tốt hơn. Có những kẻ mê đắm sự đời thế gian, “Lời Chúa bị bóp nghẹt không mang lại hoa trái” (Mt 13, 22).

Nhưng trái lại, đối với một số người, vì muốn giữ giá trị của chính mình, họ đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến thế là đơm hoa kết trái là trăm số việc lành, cho dù phải hy sinh. Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12, 24). Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng, con đường dẫn đến sự cứu rỗi là con đường vào qua cửa hẹp (Mt 7, 14): tất cả đều có giá của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có giá trị nếu chúng ta không cố gắng.

Ai bị ước muốn sự đời hướng dẫn, người ấy sẽ có trái tim giống như một khu rừng nhiệt đới. Ngược lại như cây ăn quả, cây tốt ắt sẽ sinh trái tốt. Vì thế, các thánh đã không có cuộc sống dễ dàng, họ đã trở nên mẫu gương cho nhân loại. Đức Giáo Hoàng Piô XII nói: “Chắc chắn không phải tất cả chúng ta đều được kêu gọi chịu tử vì Đạo. Nhưng tất cả chúng ta được kêu gọi để có nhân đức Kitô giáo. Chúng ta kiên trì hoạt động, đừng chểnh mảng cho đến hết đời. Chính vì thế người ta cũng có thể nói về một tử đạo chậm và kéo dài”.

Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể : chúng ta hãy vui lòng làm như Chúa, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).

Điều căn bản là chúng ta cần chuẩn bị để chính mình là một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, đồng thời phải chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai “ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả” (Mt 13, 23).

Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nơi mình và trân trọng như một tài sản quý giá, người ấy sẽ hạnh phúc nếu nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi : Ngài sẽ chữa lành và làm cho họ được sống, “giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Chúa cách sâu sắc và kiên trì thực hành. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, trở nên “đất tốt”, để hạt gống Lời Chúa có thể sinh nhiều bông hạt, ngõ hầu chúng ta tiếp tục sứ mạng tông đồ đi gieo vãi Lời Cứu Rỗi khắp mọi nơi cho anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 15 Mùa Quanh Năm. Năm A. 12.7.2020
Lm Francis Lý văn Ca
10:21 09/07/2020
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện người gieo giống và hạt giống. Lời Chúa được gieo vào trong tâm khảm mỗi người như mưa trời rơi xuống cho kẻ lành người dữ, như hạt giống rơi trên mọi thứ đất. Nhưng kết quả thì tùy theo khả năng tiếp thu và công trình bón phân hay săn sóc như bài Tin Mừng mà chúng ta sắp nghe.

Để thấu hiểu Lời Chúa, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn, đó là mảnh đất để Lời Chúa có cơ hội phát triển trên mảnh đất đã đựợc vun xới, chuẩn bị sẵn. Ước chi mỗi người tín hữu chúng ta luôn khao khát học hỏi Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, nếu được như thế, mỗi ngày mảnh đất tâm hồn sẽ luôn được bồi dưỡng bằng Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh. Đó chính là ý nghĩa phụng vụ của Chủ Nhật hôm nay.

Giờ đây, xin kính mời Anh Chị Em cùng đứng lên để bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Đất nước Dothái là một quốc gia với nhiều sa mạc. Họ rất cần nước. Hình ảnh mưa tuyết như mang đến cho họ những sức sống mới, như hồng ân Chúa ban. Tiên tri Isaia dùng hình ảnh nầy để nói lên ơn Chúa luôn ban cho con cái loài người.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta ơn được làm con cái Chúa, khi được nhận lãnh phép rửa tội. Ơn cao trọng nầy chúng ta phải giữ gìn, lúc gian lao cũng như lúc sướng vui. Hãy cậy trông vào Chúa và nhắm đến phần rỗi đời đời.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Dụ ngôn về người gieo giống, sẽ giúp chúng ta suy nghĩ và áp dụng dụ ngôn vào đời sống thiêng liêng, trong khi va chạm với thực tế cuộc đời.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em Thân Mến,
Chúng ta vừa nghe Lời Chúa, đặc biệt về câu chuyện người gieo giống. Giờ đây, chúng ta dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, là một cộng đoàn đông đảo những người tin vào Chúa Kitô. Xin cho cộng đoàn nầy biết đem Lời Chúa áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Các Giám Mục, Linh mục và tu sĩ nam nữ, là những Đấng Chúa đã đặt lên để rao giảng Lời Chúa. Xin cho họ không ngừng học hỏi, nghiên cứu để áp dụng Lời Chúa trong hoàn cảnh của thế giới đa diện hôm nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho các thừa tác viên trong Giáo Hội: Đọc Sách, Giúp Lễ, Giảng Viên Giáo Lý, Các Phó Tế, luôn trung thành trong nhiệm vụ công bố Lời Chúa và phân phát Bánh Thánh Thể. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa hiệp nhất giữa các Giáo Hội trên trần thế, xin sức mạnh của Lời Chúa, giúp tất cả các Giáo Hội biết vượt thắng những ý kiến cá nhân độc đoán, lịch sử của mọi Giáo Hội, để cùng hướng đến sự hiệp nhất. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các linh hồn mồ côi và thân bằng quyến thuộc đã qua đời được yên nghỉ trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cầu nguyện cách riêng cho những nạn nhân của những vụ khủng bố, thanh trừng và tàn sát dã man những người Công Giáo tại Trung Đông hiện nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, là Cha nhân từ, Cha đã thể hiện tình yêu thương qua Thánh Tử Giêsu. Xin Cha ban cho chúng con được tràn đầy Thánh Thần, với ơn Thánh Linh, chúng con sẽ trung thành lắng rao giảng Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Trong hồn ta, Lời Chúa có sinh trưởng ?
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
18:52 09/07/2020

Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A

Gieo giống là hình ảnh rất quen thuộc với người Việt Nam, vì đa số dân Việt sống bằng nghề cày cấy, ruộng đồng. Hôm nay Chúa dùng hình ảnh quen thuộc này để nói đến việc gieo hạt giống Lời Chúa trong cuộc đời này.

Chúa không bỏ sót bất cứ cơ hội nào dù nhỏ nhất, cũng không hề tiếc bất cứ hạt giống nào dù cơ may mọc lên có mong manh. Bởi đất có chai cứng như vệ đường, có khô cằn như sỏi đá, có rậm rạp như bụi gai thì Chúa vẫn quảng đại gieo lời của Chúa vào đó. Chúa kiên nhẫn chờ đợi hạt giống mọc lên.

Kết quả sau thời gian gieo vãi, đó là nhiều hạt giống gặp đất phì nhiêu đã trổ sinh gấp nhiều lần: ba mươi, sáu mươi, hay một trăm như lòng Chúa mong đợi.

Lịch sử Hội Thánh cho ta không ít bằng chứng về kết quả khi hạt giống Lời Chúa được gieo vãi: nhiều cuộc đời của nhiều người thay đổi, nhiều tội nhân trở thành thánh nhân. Chẳng hạn:
Chỉ với một nhắc nhở của bạn mình là thánh Inhaxiô: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9, 25), khiến thanh niên Phanxicô Xaviê bỏ mọi ước muốn, mọi danh vọng nơi mái trường đại học Balê để vào dòng Tên, trở thành linh mục và thành nhà truyền giáo lớn cho Á châu.

Thánh Augustinô bứt phá ngoạn mục để đoạn tuyệt hoàn toàn với tội lỗi, giàu có, trải đầy nhung thảm của thế gian, sau khi được đánh động bằng một lời của Chúa trong thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13, 12-14).

Thánh Phanxicô thành Assisi từ một thanh niên giàu có, se sua, sang trọng, trác táng, bỗng dưng tự nguyện trút bỏ mọi sự bởi được sức mạnh của Lời Chúa Giêsu: “Con hãy về bán hết của cải mà theo Ta” (Mt 19, 21) chinh phục.

Lời Chúa gieo vào lòng các thánh như hạt giống gieo vào đất mầu mỡ, đã trổ sinh hoa trái. Một khi quả quyết Chúa làm chủ đời mình, các thánh để mặc Lời Chúa hướng dẫn, chi phối toàn bộ cuộc sống. Lời Chúa thành lẽ sống duy nhất của các thánh.

Nếu người gieo giống luôn ham thích gieo trên đất tốt, đất đã được chuẩn bị, đã cày bừa cẩn thận, thì hạt giống Lời Chúa cũng cần đất tốt để sinh sôi nảy nở.

Dụ ngôn người gieo giống cho thấy, Chúa muốn tâm hồn mỗi người cũng trở nên đất tốt để hạt giống Lời của Chúa tồn tại, dễ dàng mọc lên, phát triển, sinh nhiều hoa trái, gây ích lợi thiêng liêng cho bản thân và anh chị em.

Như chúng ta, các thánh cũng bị chi phối bởi những ồn ào của thế gian, những đam mê tật xấu của con người, những ham muốn khoái lạc, dục vọng, sang giàu, danh giá... Nhưng các ngài hơn chúng ta ở chỗ, biết dùng Lời Chúa làm sức mạnh chế ngự mọi ham muốn. Các ngài chiến đấu để từng bước gạt những ồn ào, những đam mê và ham muốn ấy để có thể nghe tiếng Chúa ngày càng rõ ràng hơn.
Nhìn lại đời mình, ta cần chân nhận, bản thân chưa sống Lời Chúa được bao nhiêu. Trong khi đó, ta lại để tâm hồn xao xuyến trước mọi lo lắng sự đời, mọi đam mê, mọi tham vọng địa vị quyền hành, tiền của…

Ta cần ý thức hơn nữa dụ ngôn người gieo giống hôm nay, để tự chỉnh đốn mình, làm sao từ nay trở đi, tâm hồn thực sự là đất tốt, thực sự là nơi mà Chúa cần để hạt giống Lời của Chúa sinh sôi nảy nở, sinh lợi ích cho chính ta và nhiều người.

Để được vậy, Chúa Giêsu dạy ta:

- Phải chuẩn bị mảnh đất tâm hồn bằng thái độ sẵn sàng đón nhận lời Chúa.
- Phải chân thành sám hối vì từ trước đến nay, do thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm với ơn Chúa, không quan tâm đến đời sống thiêng liêng của mình, mà Lời Chúa chưa thể đi vào trái tim, trí não và tâm hồn ta.
- Phải dành thời gian cho việc lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa, đồng thời bớt tham lam tìm kiếm vật chất, tìm kiếm những kiểu sống vương giả trong cuộc đời này.
- Biết thánh hóa, biết hiến dâng lên Chúa những biến cố, hoàn cảnh, thử thách xảy đến cho bản thân, gia đình và người thân... Xem chúng là tiếng Chúa nhắc nhở để can đảm tín thác vào Chúa và ly thoát những chèo kéo, những cuồng quay, những mãnh lực cuốn ta vào vòng xoáy của đời này, nhằm bật rễ đời ta khỏi những thứ tạm bợ.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, biết sống Lời Chúa, biết để cho Lời Chúa thấm nhập từng ngày vào đời sống chúng con. Nhờ đó, mỗi hành vi, mỗi lời nói, mỗi việc làm của chúng con đều phản ánh được sức sống của Lời Chúa đang bừng dậy trong tâm hồn chúng con. Amen.
 
Sức mạnh của Lời Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:39 09/07/2020

Chúa Nhật XV Thường Niên
Is 55, 10-11; Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-23

Với dụ ngôn “người gieo giống” rất quen thuộc, phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta tới một chủ đề nền tảng, đó là “sức mạnh của Lời Chúa.” Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ ba điểm chính yếu của dụ ngôn: người gieo giống, hạt giống và những thửa ruộng khác nhau.

1- Thiên Chúa gieo trong hy vọng

Trước hết, dụ ngôn nói về người gieo làm cho chúng ta không thể không ngạc nhiên trước sự quảng đại đến mức phung phí của người gieo giống. Ông hành động như kẻ không chuyên nghiệp, vung vãi hạt giống khắp nơi và hầu như không để ý tới hạt giống sẽ rơi vào đâu: trên vệ đường, trên sỏi đá, trên bụi gai, cuối cùng may mắn trên đất tốt. Hình ảnh người gieo giống là biểu tượng về một Thiên Chúa của hy vọng: Người gieo trong hy vọng “spes in semine; ” Người quảng đại ban phát ân sủng và Lời Chúa cho con người, đến độ “phung phí” bất luận con người có xứng đáng hay có muốn đón nhận hay không. Người gieo giống là hình ảnh về một Thiên Chúa yêu hết mọi người và ban hạt giống Lời Chúa cho tất cả chúng ta. Hay nói như thánh Phaolô: “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (x. 1 Tm 2, 4).

Theo cái nhìn đó, Thiên Chúa đã gieo những hạt giống chân lý trong thế giới này và trong các nền văn hóa, các tôn giáo dù chúng chưa được tin mừng hóa. Bởi thế, giáo phụ Giustinô (+165) gọi những giá trị trong các tôn giáo và trong các nền văn hóa là “Semi Verbi, ” những hạt giống của Lời. Đó là chân lý và những giá trị có nguồn gốc từ Thiên Chúa và chúng sẽ đạt tới sự viên mãn nơi Đức Giêsu Kitô. Những giá trị và những mầm chân lý đó giúp con người sống xứng đáng với nhân phẩm của mình và đặc biệt là giúp họ chuẩn bị đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu.

2- Hạt giống

Hình ảnh thứ hai trong dụ ngôn là “hạt giống.” Hạt giống biểu tượng những gì nhỏ bé nhưng lại chứa đựng một sức sống mãnh liệt hết sức kỳ lạ mà nhiều lúc không thể tin được. Hạt giống là biểu tượng của Lời Chúa, Lời được viết ra trong Sách Thánh. Lời Thiên Chúa được ban cho con người như là kim chỉ nam và là luật sống nhằm hướng dẫn đời sống con người. Lời Chúa có sức mạnh biến đổi thế giới và cuộc sống mỗi người trở nên đẹp đẽ và hoàn hảo hơn. Lời Chúa làm tăng trưởng các giá trị hiện có trong các nền văn hóa, thanh tẩy chúng và đưa chúng tới sự hoàn hảo. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi. Thiên Chúa gieo Lời Chúa vào lòng chúng ta. Lời đó sẽ sinh hoa kết quả như mưa rơi xuống ruộng đồng, như tuyết rơi xuống mặt đất tưới gội đất đai, làm cho đất đai màu mỡ và làm ruộng đồng phì nhiêu sinh hoa kết quả cho con người như tiên tri Isaia nói ở trong bài đọc I.

Nhưng hạt giống Lời Chúa cũng chính là Đức Kitô Giêsu, vì Người là Lời sống động của Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể làm người và ở giữa chúng ta. Người là Hạt Giống thần linh có một sức mạnh vô tận. Hạt giống đó được gieo vào thế gian, bị thối nát và sinh ra nhiều hạt giống khác. Quả thật, nhờ cái chết và phục sinh của Người, Đức Kitô mang lại ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời cho tất cả mọi người trên thế gian.

Thế giới này là cánh đồng của Thiên Chúa Cha. Nhờ hiệu quả của Lời Chúa và công trình cứu độ của Chúa Giêsu, thế giới này trở thành cánh đồng đẹp đẽ, phong phú và phì nhiêu như chúng ta chứng kiến hôm nay. Thành quả đó là do sức mạnh của Lời Chúa biến đổi.

3- Những mảnh đất khác nhau

Cuối cùng, dụ ngôn nói tới hạt giống được gieo trên bốn loại mảnh đất khác nhau:

1) Có những hạt rơi trên vệ đường, chim chóc đến ăn mất;
2) Có những hạt rơi xuống sỏi đá, nó mọc không sâu, và bị chết khô;
3) Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt;
4) Cuối cùng có những hạt rơi xuống đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được một trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi.

Những thửa đất này được Chúa Giêsu giải thích để nói về tình trạng tâm hồn của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa ban Lời và ân sủng cách quảng đại cho hết mọi người. Nhưng Người không ép ai phải theo. Ai có tai để nghe thì hãy nghe. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Người bằng việc mở tai, mắt và lòng chúng ta để đón nhận Lời Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi chuẩn bị lòng mình trở thành mảnh đất tốt để Lời Chúa được bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong cuộc đời của chúng ta.

Mỗi người chúng ta hãy xét mình thuộc loại đất nào trước Lời Chúa. Kết quả của Lời Chúa tùy thuộc vào tình trạng tâm hồn của chúng ta. Hạt được 30, hạt được 60 và hạt được 100! Sự khác nhau tùy thuộc vào thái độ đón nhận Lời và thực hành Lời của mỗi người chúng ta. Bởi vậy, hôm nay chúng ta được mời gọi áp dụng những bài học sau đây:

Hãy yêu mến và siêng năng tìm hiểu Kinh Thánh và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày. Hãy chuẩn bị cho lòng mình là mảnh đất tốt để Lời Chúa dễ bắt rễ, thấm sâu vào tâm hồn và hãy để cho Lời đó uốn nắn và biến đổi suy nghĩ, phán đoán và hành động của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi trở thành người gieo hạt giống Lời Chúa cho những người xung quanh chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một chiến thắng lớn cho các sơ Nữ Tử Bác Ái tại Hoa Kỳ
Thanh Quảng sdb
00:43 09/07/2020
Một chiến thắng lớn cho các sơ Nữ Tử Bác Ái tại Hoa Kỳ

Tòa án tối cao ủng hộ sự tự do tôn giáo cho các sơ Nữ tử bác ái. Quyết định của tòa án bảo vệ các dịch vụ xã hội dựa trên niềm tin trước những tranh cãi liên quan đến nhu cầu của những người mà các sơ phục vụ.

(The Register - Andrea Picciotti-Bayer)
Kể từ năm 2011, các tổ chức Công Giáo đã phải đương đầu với chính phủ liên bang, đòi hỏi họ phải cung cấp thuốc phá thai cho các chương trình bảo hiểm sức khỏe của dân chúng. Nhờ sự kiên trì của một nhóm nữ tu, Tòa án Tối cao vào thứ Tư (8/7/2020) đã giải quyết các tranh cãi này một lần cho mãi mãi.

Trong một phán quyết 7-2 ủng hộ lập trường của các sơ Nữ tử Bác ái phủ quyết quyền của chính phủ liên bang về quyền bảo vệ Đạo luật về Chăm sóc y tế, quyền phá thai, trước những phản đối tôn giáo tại tòa án tối cao ở bang Pennsylvania. Nói một cách đơn giản, là các nhân viên tôn giáo sẽ không bị buộc phải cung cấp thuốc phá thai cho người yêu cầu...

Trên thực tế, chính quyền Tổng Thống Trump đã cố gắng miễn trừ cho những người Công Giáo không bị ràng buộc bởi luật phải phân phát thuốc phá thai ACA cho người xin. Chúng ta cũng biết tổ chức ủng hộ phá thai đã chiến đấu, báo thù và tìm cách ngăn chặn sự miễn trừ này!
Quyết định hôm thứ Tư (8/7/2020) của Tòa án có hiệu lực cho phép các Tổ chức chống phá có quyền chọn lựa... Đây là một chiến thắng cho quyền tự do tôn giáo.

Quốc hội ban hành Đạo luật Chăm sóc Y tế vào năm 2010, Các tổ chức bảo hiểm sức khỏe đòi hỏi mọi tổ chức y tế phải cung cấp thuốc phá thai cho các thành viên của họ. Quốc hội không xác định được dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngừa thai của người Công Giáo, và nhường quyền phán quyết cho các cơ quan địa phương - Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Y tế (HRSA).

Hướng dẫn của HRSA bắt buộc tất cả các tổ chức y tế phải phát thuốc ngừa thai, một loại Dược phẩm được phê duyệt bao gồm bốn phương pháp ngừa thai được coi là phá thai.

Dòng Nữ tử Bác ái được thành lập tại Brittany vào năm 1839 bởi thánh Jeanne Jugan để chăm sóc những người già cả neo đơn, ngày nay Dòng đang điều hành hơn 25 Viện dưỡng lão ở Hoa Kỳ.

Những người nữ tu tuyệt vời này, tất nhiên, là những người Công Giáo trung thành với giáo huấn của Giáo hội. Họ tin rằng phá thai là một tội trọng về mặt đạo đức và việc tạo điều kiện để phá thai là một mối phức tạp về mặt đạo đức giống như đồng phạm vậy. Do đó, các sơ và các tổ chức do Công Giáo điều hành đã quyết định hành động.

Các sơ và các tổ chức Công Giáo tìm đến phán quyết của tòa án liên bang trước những hình phạt tiền hay phạt tù về các hành vi không cung cấp thuốc phá thai. Họ viện dẫn sự chống lại niềm tin tôn giáo và phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2014 tại Burwell nơi tòa đã quyết một hình phạt đáng kể lên việc nại vào niềm tin tôn giáo mà chống lại Đạo luật Tự do (RFRA).

Vào năm 2016, Tòa án Tối cao dưới sự chỉ đạo chính quyền Obama đã làm việc với các sơ và các tổ chức tôn giáo để giải quyết vấn đề, nhưng chính quyền Obama cứ cù cưa không giải quyết cho tới chính quyền Trump đã nhanh chóng đưa ra một phán quyết miễn trừ cho việc không buộc phải cung cấp thuốc ngừa thai ACA!

Câu chuyện của các sơ Nữ Tử Bác Ái đấu tranh cho sự tự do tôn giáo được chấm dứt khi chính phủ liên bang ban hành các quy tắc miễn trừ cho những nhân viên, vì niềm tin tôn giáo được từ chối cung cấp thuốc phá thai ACA. Nhưng điều này đã không thành công.

Chưởng lý của bang Pennsylvania và New Jersey từ chối phán quyết của chính phủ liên bang. Họ đã đưa ra tòa, và tuyên bố chính phủ liên bang đã bất lực trong việc bảo vệ chống lại việc đã để cho quyền tự do tôn giáo lấn át! Họ thuyết phục các tòa án cấp dưới ban hành và duy trì một lệnh cấm áp dụng cho toàn quốc, ngăn chặn không cho phán quyết của Tòa Liên bang có hiệu lực.
Tòa án tối cao vào thứ Tư vừa qua không dễ dàng để đưa ra một phán quyết mạnh mẽ. Như Chánh án Clarence Thomas, đã giải thích, Thuốc ngừa thai ACA được tổ chức HRSA cung cấp nhằm chăm sóc y tế và giúp ngừa thai đã dấy lên các vi phạm quyền tự do tôn giáo và đạo đức. Phần đa tiếp tục đòi phải tuân thủ các quy tắc này mà không có luật miễn trừ....

Dứt điểm. Kết thúc vấn đề.

Sau khi quyết định về vấn đề này, Tòa án Tối cao không đề cập tới việc miễn trừ cho những người nại tới tôn giáo để tuân thủ RFRA hay không. Luật này phán quyết rằng chính phủ sẽ không gây gánh nặng cho bất cứ một người náo đó vì niềm tin tôn giáo được miễn trừ trước những quyết định của chính phủ. RFRA đã đặt ra một quyết định đặc biệt, buộc chính phủ phải đòi buộc mọi người, mọi tổ chức phải tuân thủ quyết định mà không có một miễn trừ tôn giáo nào, trừ khi (1) là để thực hiện lợi ích chính phủ bắt buộc và (2) được thực hiện theo cách hạn chế tối thiểu có thể. Trong phán quyết quan trọng, ông Thomas khen ngợi chính quyền hiện tại đã xem xét RFRA khi đặt ra sự miễn trừ.

Phán quyết của tòa án tối cao chấm dứt những tranh chấp của chính phủ liên bang trước những cuộc tranh cãi lâu dài với các nhóm tôn giáo trước luật phải cung cấp thuốc ngửa thai ACA... Quan trọng hơn, nó bảo vệ các tổ chức xã hội dựa trên niềm tin khỏi những tranh cãi liên quan đến nhu cầu của những người mà họ phục vụ.

Quyết định vào hôm thứ Tư rất quan trọng đối với đất nước. Như tôi đã phác thảo trong một bản tóm tắt của amicus đệ trình lên Tòa án tối cao, người Công Giáo ở Mỹ trong lịch sử đã đóng góp cho phúc lợi của người nghèo và người yếu thế. Ngày nay, các tổ chức do Công Giáo điều hành, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ từ thiện phi chính phủ lớn nhất cho người nghèo và dễ bị tổn thương ở nước Mỹ.
Người Công Giáo hợp tác với chính quyền địa phương và chính quyền để giải quyết cuộc khủng hoảng chăm sóc người già đang gia tăng và cung cấp các cô nhi viện cho trẻ em mồ côi... Họ cũng đáp ứng nhu cầu của người nhập cư ở biên giới của chúng ta, điều hành ngân hàng thực phẩm và cung cấp đồ ăn cho những người vô gia cư, hỗ trợ phụ nữ mang thai, chống lại nạn buôn người và ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra sau thảm họa thiên nhiên, xung đột vũ trang và đàn áp tôn giáo. Bây giờ, hơn bao giờ hết, đất nước chúng ta đang cần giải quyết các nhu cầu của các nước láng giềng.

Phán quyết của Tòa án tối cao vào thứ Tư có nghĩa là các tổ chức do Công Giáo điều hành có thể tiếp tục phục vụ người nghèo ở giữa chúng ta. Và điều đó cũng có nghĩa là các nữ tu Nữ tử Bác ái Thánh Jeanne – một nữ y tá và người chăn cừu của vùng nông thôn nước Pháp đã phải đi xin tiền trên đường phố để thực thi sứ mệnh của mình – thì các nữ tu Nữ tử Bác ái ngày nay có thể tuyên bố chiến thắng mạnh mẽ trong việc bảo vệ thai nhi trong công cuộc phục vụ của họ.

Tác giả Andrea Picciotti-Bayer là một chuyên gia luật pháp và tự do tôn giáo cho Dự án Giáo dục Tư pháp
 
Bức thư của Giáo Hoàng danh dự Biển Đức XVI gửi đến đám tang của Bào Huynh Georg: chúng ta sẽ ở bên nhau
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
11:26 09/07/2020
Đức Ông George Ratzinger sinh ngày 15 tháng giêng năm 1924 tại Bavaria, con trưởng của ông bà Joseph và Maria Ratzinger. Ngài đã sớm chứng tỏ khả năng về âm nhạc, học đàn violin và organ khi còn nhỏ. Năm 1951, ngài được thụ phong linh mục cũng với em mình Joseph, sau trở thành Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Ngài phục vụ ca đoàn Regensburger Domspatzen, ca đoàn Nhà thờ chính tòa Regensburg từ năm 1964 đến 1991.

Vào ngày 8 tháng 7 năm 1951, tại nhà thờ Sankt Oswald ở Traunstein, một thị trấn ở miền đông Bavaria nơi họ lớn lên, Joseph và Georg Ratzinger đã cử hành Thánh lễ đầu tiên của họ, Cha Joseph cử hành lễ lúc 7 sáng và Cha Georg lúc 9 giờ sáng. Họ được thụ phong linh mục cùng nhau một tuần trước tại Nhà thờ chính tòa Freising. Ngày kỷ niệm 69 năm cuộc đời linh mục của Đức Ông Georg lại là ngày tang lễ của ngài, mà người em Joseph theo dõi trực tuyến từ nơi cư trú của ngài ở Vatican.

Thánh lễ an táng được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa Regensburg, thành phố nơi Đức Ông Georg Ratzinger đã sống và đã dành phần lớn cuộc đời mình chỉ huy dàn hợp xướng uy tín của “Domspatzen”, những Chim sẻ của Nhà thờ chính tòa, trong 30 năm. Giám mục Rudolf Voderholzer của Regensburg chủ tế thánh lễ đồng tế với các TGM Georg Gänswein, thư ký riêng của Giáo Hoàng danh dự và Trưởng phủ Giáo Hoàng, và TGM Nikola Eterovic, Khâm sứ Tòa thánh tại Đức. Các Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, Reinhard Marx và Giám mục Gregor Maria Hanke của Eichstätt cũng có mặt.

Trong bài giảng. Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer nhắc lại những khoảnh khắc về cuộc đời của Georg Ratzinger từ kinh nghiệm trong chiến tranh đến ơn gọi linh mục và công việc của nhạc sĩ nhà thờ. Ngài nhấn mạnh đến di sản của ĐÔ với quan điểm về vai trò quan trọng của âm nhạc nhà thờ trong việc truyền giáo.

Giáo Hoàng danh dự Biển Đức XVI đã ở Regensburg từ ngày 18 đến 22 tháng 6 để chào thăm bào huynh bị bệnh lần cuối cùng, và hôm qua ngài muốn bày tỏ cách công khai thương nhớ về bào huynh qua một thư gửi đến GM Voderholzer và TGM Gänswein đọc vào cuối Thánh lễ.

Sau khi cảm ơn Giám mục của Regensburg, đã gần gũi với anh ngài, đã giải quyết một cách lý tưởng "tất cả những người có mặt hoặc không có mặt bên cạnh anh ngài", với Georg và với những người tỏ lòng tri ân với anh ấy vì những gì anh ấy đã làm và chịu đựng cho họ trong cuộc sống của anh ấy. Tiếng vang của cuộc đời và công việc của anh ấy đã đến với tôi những ngày này dưới dạng thư, điện tín và email nhận được vượt xa những gì tôi tưởng tượng. Mọi người từ nhiều quốc gia, thuộc mọi thành phần xã hội và ngành nghề, đã viết thư cho tôi theo cách chạm đến trái tim tôi. Tôi nên trả lời từng người một, nhưng tiếc là tôi thiếu thời gian và sức lực. Tôi chỉ có thể nói với tất cả mọi người trong dịp này lời cảm ơn vì sự đồng hành của những giờ và ngày này. Đối với tôi bây giờ cụm từ của Hồng Y Newman trở thành sự thật: "Cor ad cor loquitur – Trái tim nói với trái tim", những trái tim nói thông qua tờ giấy và vượt ra ngoài mỗi tờ giấy».

Benedict XVI nhớ lại ba phẩm chất của anh Georg mà ngài thấy xuất hiện từ những lời chứng và những lời chia buồn. "Người ta nói rằng anh tôi đã nhận ra và hiểu biết ơn gọi linh mục cùng với ơn gọi âm nhạc", xác nhận cách giải thích này và nhớ rằng Georg, một đứa trẻ, đã cố gắng tìm hiểu được gọi là hình ảnh của vị linh mục xử lý âm nhạc trong Nhà thờ chính tòa, "Domkapellmeister", và anh ta ngay lập tức cảm thấy nghề đó là của riêng mình. Joseph nhớ lại niềm vui của anh trai mình khi nhận được công việc tại Nhà thờ chính tòa Regensburg, nói rõ rằng "sự thù hằn và chống đối liên quan đến anh không thiếu, đặc biệt là vào lúc đầu". Ngài nhắc lại "sự cởi mở", "hài hước" của Georg, "niềm vui cho những món quà của sự sáng tạo", bán tình anh là "một người đàn ông nói trực tiếp, người đã công khai nói lên niềm tin của mình" và là người thể hiện sức chịu đựng tuyệt vời trong hai mươi năm qua vật lộn với mù lòa tăng lên. Tuy nhiên, cuối cùng, Georg là "người của Chúa", "ngay cả khi anh không thể hiện điều đó, lòng đạo đức của anh là trung tâm thực sự của cuộc đời anh, trên hết là sự tỉnh táo và chính trực cá nhân".

“Tôi tri ân vì trong những ngày cuối đời anh ấy tôi đã ở bên anh một lần nữa » Joseph Ratzinger thêm, «anh ấy không yêu cầu tôi đến gặp anh ấy, nhưng tôi cảm thấy đã đến lúc phải làm điều đó. Tôi vô cùng tri ân Chúa vì đã cho tôi dấu hiệu bên trong này. Khi tôi nói lời tạm biệt với anh ấy vào buổi sáng Thứ Hai ngày 22 tháng 6, chúng tôi biết rằng đó là một lời từ biệt trên thế giới này. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng Thiên Chúa tốt lành đã cho chúng tôi cơ hội được ở bên nhau trong thế giới này, và Ngài cai quản cả thế giời khác, sẽ cho chúng tôi bên nhau một cách mới".

"Anh George thân mến, Chúa ban thưởng cho anh, vì tất cả những gì anh đã làm, đã chịu đựng và đã ban tặng tôi!" Giáo Hoàng dành dự Biển Đức XVI kết luận.

Đức Ông Georg Ratzinger đã được chôn cất tại khu vực dành riêng cho "Domspatzen" ở nghĩa trang dưới hầm của Regensburg.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn Avvenire
 
Biden thề sẽ tái lập lại chính sách Obama buộc phải mua bảo hiểm tránh thai và phá thai
Đặng Tự Do
16:56 09/07/2020
Các cơ sở tôn giáo, đặc biệt Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo, đã hết sức vui mừng trước phán quyết của Tối Cao Pháp Viện theo đó họ không còn bị bắt buộc phải hành động trái với lương tâm của mình là đóng bảo hiểm tránh thai và phá thai cho nhân viên. Tuy nhiên, cựu phó tổng thống Joe Biden đã tỏ ra hằn học với phán quyết này của Tối Cao Pháp Viện và thề sẽ khôi phục lại các chính sách thời Obama để buộc Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo phải bảo đảm điều ông ta gọi là quyền kiểm soát sinh đẻ và phá thai cho nhân viên.

Biden, người được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đã đưa ra lời thề này ngày 8 tháng 7, theo sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ủng hộ Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo trong vụ kiện chống lại tiểu bang Pennsylvania. Với phán quyết này của Tối Cao Pháp Viện, các nữ tu sẽ được miễn trừ không bị bắt buộc phải đóng bảo hiểm tránh thai cho nhân viên thông qua các kế hoạch chăm sóc sức khỏe của họ.

Ông Joe Biden nói: “Nếu tôi đắc cử, tôi sẽ khôi phục lại chính sách Obama-Biden tồn tại trước phán quyết Hobby Lobby của Tối Cao Pháp Viện vào năm 2014”, ông Biden nói trong một tuyên bố được đưa ra bởi chiến dịch tranh cử của mình. Phán quyết Hobby Lobby của Tối Cao Pháp Viện miễn trừ cho các nơi thờ phượng, và một dàn xếp tương nhượng cho các tổ chức phi lợi nhuận có các sứ vụ tôn giáo.

Cụm từ “dàn xếp tương nhượng”, hay accommodation được dùng trong phán quyết năm 2014 của Tối Cao Pháp Viện, nghĩa là “Các phụ nữ trong các tổ chức này được bảo hiểm tránh thai, không phải thông qua kế hoạch do chủ nhân cung cấp, nhưng thay vào đó thông qua công ty bảo hiểm hoặc quản trị viên bên thứ ba.”

Đạo luật Affordable Care, gọi tắt là ACA, nhằm bảo đảm cho người dân có thể được chăm sóc y tế với một chi phí vừa phải, đã được ký thành luật năm 2010, trong khi Biden đang giữ chức phó tổng thống. Tại thời điểm ACA được bỏ phiếu và ký ban hành, ACA không bao gồm bảo hiểm tránh thai. Nhưng vào ngày 1 tháng 8 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh lúc bấy giờ, là bà Kathleen Sebellius đã công bố một sắc lệnh tạm thời buộc tất cả các chương trình bảo hiểm phải bao gồm ít nhất một hình thức kiểm soát sinh đẻ, bao gồm cả triệt sản.

Sắc lệnh tạm thời này, sau khi được cải tiến vào ngày 20 tháng Giêng năm 2012, đã đưa ra một miễn trừ tôn giáo trong một nghĩa rất hạn hẹp đến mức chỉ bao gồm các nhân viên của một nhà thờ hoặc một tổ chức tôn giáo. Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo, một dòng tu Công Giáo dành riêng cho việc phục vụ người già và người nghèo, là một trong nhiều nhóm không được miễn trừ vì lý do tôn giáo vì phạm vi các sơ phục vụ không chỉ giới hạn trong số những người Công Giáo nhưng cho hết mọi người.

Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo đã nhiều lần tuyên bố rằng việc ủy quyền cho một quản trị viên bên thứ ba trong việc cung cấp tránh thai và phá thai cho nhân viên của các sơ vẫn là vi phạm niềm tin của các sơ và không phải là một sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được.

Sau một kháng cáo ban đầu vào năm 2016 lên Tối Cao Pháp Viện, năm 2017, chính quyền Trump đã cấp miễn trừ tôn giáo và đạo đức cho Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo và các nhóm khác có hoàn cảnh tương tự. Một số tiểu bang đã đệ đơn kiện rằng hành động của hành pháp đã trút gánh nặng cung cấp bảo hiểm lên các tiểu bang và tuyên bố chính quyền Trump đã vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính trong việc thiết lập sự miễn trừ này.

Hôm thứ Tư, Tối Cao Pháp Viện xác nhận rằng chính quyền Trump có thẩm quyền theo luật định để đưa ra sự miễn trừ đó, cũng như sự miễn trừ đạo đức được ban hành cùng lúc, và các quy tắc ban hành các miễn trừ này không có khiếm khuyết gì về mặt thủ tục.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện chỉ bênh vực thẩm quyền của tổng thống Trump trong hành động bênh vực Dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo. Nói cách khác, một chính quyền khác vẫn hoàn toàn có thể đưa ra một sắc lệnh khác buộc các nữ tu phải đóng bảo hiểm tránh thai và phá thai cho các nhân viên của các sơ.

Hôm thứ Tư, ông Biden nói:

“Tôi thất vọng về quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ngày hôm nay, là điều sẽ giúp Chính quyền Trump-Pence dễ dàng tiếp tục tước quyền chăm sóc sức khỏe của phụ nữ - trong cố gắng của họ đưa ra nhiều miễn trừ rộng rãi đối với ACA, làm như thế nhiều phụ nữ sẽ không thể truy cập miễn phí vào việc tránh thai.”


Source:Catholic News Agency
 
Phi thường: Bệnh viện Nhi Khoa của Tòa Thánh tách được hai được hai trẻ sinh đôi đầu dính vào nhau
Đặng Tự Do
17:29 09/07/2020
Cặp song sinh dính liền với nhau có thể trở về nhà trong vòng vài tháng từ bệnh viện Nhi Khoa của Vatican, nơi cơ thể của họ được các bác sĩ tách ra thành công và họ có cơ hội rất cao sẽ sống như các trẻ bình thường, bác sĩ phẫu thuật thần kinh bệnh viện nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.

Bệnh viện Bambino Gesù tuyên bố phẫu thuật tách thành công vào ngày 7 tháng 7, và nói rằng đây là ca phẫu thuật đầu tiên thuộc loại này ở Ý và có lẽ là đầu tiên trên thế giới.

Giai đoạn cuối cùng của phẫu thuật, diễn ra vào ngày 5 tháng 6, kéo dài 18 giờ và liên quan đến hơn 30 nhân viên y tế. Hai chị em hai tuổi dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn.

“Chúng tôi đã có thể đạt được một kết quả phi thường bất kể một dị tật phức tạp như vậy, và đã tách được hai em ra với một kết quả tối ưu. Từ quan điểm thần kinh, hai cô bé đang tiến triển rất tốt và có khả năng tuyệt vời sẽ có cuộc sống bình thường trong tương lai, ” tiến sĩ Carlo Efisio Marras, giám đốc phẫu thuật thần kinh của bệnh viện Bambino Gesù nói với CNA ngày 8 tháng 7.

Thành tựu này là thành quả của hơn một năm làm việc điều tra và chuẩn bị liên quan đến một số chuyên ngành và kỹ thuật chuyên môn tại bệnh viện này của Tòa Thánh. Có nhiều giai đoạn khó khăn vì phải trải qua một số phẫu thuật cần thiết, mỗi giai đoạn đều có những thách thức riêng, ông Marras nói với CNA

“Một điều khó khăn nhất liên quan đến hệ thống tĩnh mạch, đó là mạng lưới các ống dẫn đưa máu từ tim đến não để đưa oxy đến đó. Nếu chúng ta không thành công trong việc đối phó với hệ thống được chia sẻ bởi cả hai em bé, kết quả sẽ rất thảm khốc.”

“Tuy nhiên, hai đứa trẻ sinh đôi vẫn ổn: chúng tôi tin rằng chúng có thể được về nhà trong một vài tháng tới. Hai em sẽ phải trải qua giai đoạn phục hồi để tìm hiểu những chuyển động mà họ không thể thực hiện trước đó. Tôi hết lòng chúc mừng họ một tương lai hạnh phúc. Bây giờ họ đang trong tình trạng để trở lại cuộc sống bình thường.”

“Tôi phải cảm ơn bệnh viện của mình, nơi được biết đến như một nơi tập hợp các nghiên cứu, phát triển và đoàn kết, vì kinh nghiệm phi thường này, ” ông Marras nói thêm.

Bệnh viện cho biết cặp song sinh, Ervina và Prefina, được sinh ra vào ngày 29 Tháng 6 năm 2018 tại một ngôi làng khoảng 100km bên ngoài Bangui, thủ đô của nước Cộng hòa Trung Phi. Hai đứa bé có đầu dính vào nhau trong một hình thức hợp nhất giữa sọ và não hiếm nhất và phức tạp nhất, được gọi là “total posterior craniopagus”.

Mariella Enoc, Giám đốc của bệnh viện Bambino Gesù, đã gặp gỡ cặp song sinh vào tháng 7 năm 2018, trong chuyến thăm Bangui, nơi hai chị em đã được chuyển đến sau khi sinh. Enoc đã giúp giám sát việc mở rộng các dịch vụ nhi khoa ở nước này, một trong những nơi nghèo nhất thế giới, để đáp lại lời kêu gọi từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Cô quyết định đưa các cô gái đến Rôma để phẫu thuật.

Cặp song sinh đến Ý cùng mẹ, Ermine, vào ngày 10 tháng 9 năm 2018. Các xét nghiệm ban đầu xác nhận hai chị em khỏe mạnh, nhưng có huyết áp khác nhau, cho thấy một trong hai trái tim của các cô gái phải làm việc nhiều hơn để duy trì hoạt động khỏe mạnh của các cơ quan, bao gồm cả bộ não của họ.

Bệnh viện cho biết cặp song sinh được nối thông qua phía sau đầu, bao gồm cả gáy, chia sẻ cả da và xương sọ. Nhưng thách thức lớn nhất đối với các bác sĩ là họ được nối ở mức độ sâu hơn, chia sẻ màng bên trong hộp sọ cũng như hệ thống tĩnh mạch, qua đó máu được não sử dụng được đưa trở lại tim.

Bệnh viện nhấn mạnh rằng hai chị em có những tính cách riêng biệt, mô tả Prefina là vui tươi và sống động, khác và Ervina là nghiêm túc và chú ý quan sát hơn.

Một nhóm đa ngành, bao gồm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, đã chuẩn bị trong hơn một năm cho hoạt động tách cặp song sinh.

Sự tách biệt diễn ra trong ba giai đoạn. Đầu tiên, vào tháng 5 năm 2019, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh bắt đầu tách và xây dựng lại màng và hệ thống tĩnh mạch.

Lần thứ hai, một tháng sau đó, tập trung vào sự hợp lưu của các xoang trong não. Bệnh viện cho biết đây là giai đoạn quan trọng của việc điều trị vì không gian hoạt động là vài milimet.

Hai cuộc phẫu thuật đã chuẩn bị cho các cô gái cho giai đoạn thứ ba và cuối cùng của sự tách ly hoàn toàn vào ngày 5 tháng Sáu.

“Đây là một khoảnh khắc thú vị, một trải nghiệm tuyệt vời, không thể lặp lại. Đó là một mục tiêu rất tham vọng và chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để đạt được nó, với niềm đam mê, sự lạc quan và niềm vui. Bằng cách chia sẻ từng bước, nghiên cứu từng chi tiết đơn lẻ với nhau, ” bác sĩ Marras nói.

Bambino Gesù, thông thường được gọi là bệnh viện Nhi Khoa của Đức Giáo Hoàng, là một trong những bệnh viện nhi khoa quan trọng nhất trên thế giới. Được thành lập vào năm 1869 bởi nữ công tước Arabella Salviati, bệnh viện đã được hiến tặng cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11 vào năm 1924, với mục đích mang lại cho nó một tương lai ổn định hơn. Trong khi bệnh viện nằm ở Rôma, chứ không phải bên trong nội thành Vatican, nó nằm trong một khu vực ngoài quyền tài phán của Ý do Tòa Thánh quản trị.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo hội Bangladesh kêu gọi hòa bình chấm dứt bạo lực ở các vùng đồi núi Chittagong
Thanh Quảng sdb
18:09 09/07/2020
Giáo hội Bangladesh kêu gọi hòa bình chấm dứt bạo lực ở các vùng đồi núi Chittagong

Giáo hội Bangladesh kêu gọi hòa bình sau một cuộc giết hại một số nhà hoạt động chính trị trong một cuộc càn quyét ở vùng đồi núi Chittagong nằm ở phía đông nam Bangladesh, gây nên những hoảng loạn và bất an cho dân chúng trong vùng.

(Tin Vatican)

Giáo Hội Công Giáo kêu gọi đình chiến và ngừng chém giết nhau trong vùng Chittagong Hill Tracts (CHT) của Bangladesh, sau vụ thanh trừng một số thành viên của đảng chính trị yêu nước.

Các tay súng không rõ thuộc phe phái nào đã ập vào nhà của một thủ lĩnh thuộc phe đối thủ MN Larma của Parbatya Hayogram Jana Sanghati Samiti (PCJSS) tại quận Bandarban vào ngày 7 tháng 7, giết chết sáu người và làm ba người bị thương nặng.

Ông Bandarban Zerin Akhtar, Giám đốc sở Cảnh sát cho hay họ đang làm việc để tìm ra và bắt giữ những kẻ đứng sau vụ giết người này. Bạo lực đã gây lên những hoảng loạn cho dân chúng trong khu vực và chính quyền đã điều động cảnh sát và binh lính đến để canh giữ.

Sự leo thang vũ trang giữa các phe phái

Nhóm splinter MN Larma đang đổ lỗi cho nhóm PCJSS về vụ giết người này.

Nhóm Phiến quân Chittagong Hill Tracts (CHT) lâu nay đang đối diện với cuộc xung đột chính trị và vũ trang giữa chính phủ và nhóm vũ trang PCJSS Shanti Bahini, trước vấn đề tự trị và quyền đòi đất đai cho người bản địa (Jumma), chủ yếu là người Chakma.

Kể từ năm 1980, dòng người định cư Hồi giáo được nhà nước tài trợ đã về đây định cư để thay đổi cán cân dân số trong khu vực đã dẫn đến nhiều căng thẳng và bạo lực.

Trong suốt 22 năm qua, hơn 600 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc tranh chấp giữa nhóm PCJSS, phe nhóm Larma cùng hai đảng đối lập địa phương khác. Nhiều người bị bắt cóc, nhiều cuộc tấn công trả thù nhau nhan nhản xảy ra từng ngày mà không có ai nhận trách nhiệm.

Giáo phận Chittagong kêu gọi hòa bình

Giáo phận Chittagong nằm giáp biên giới Ấn Độ và Myanmar. Đây là khu vực đồi núi duy nhất của Bangladesh và là vùng có khoảng 25 sắc dân bản địa chung sống, chủ yếu là Phật giáo và một số Công Giáo. Khoảng hai phần ba trong số 32.000 người Công Giáo thuộc các nhóm sắc tộc.

Ủy ban Công lý và Hòa bình trong khu vực Chittagong CHT của Tổng giáo phận Chittagong đã lên án vụ giết người trong tuần qua và kêu gọi chấm dứt bạo lực trong khu vực. Bạo lực trong khu vực Chittagong CHT đã gây lên nhiều sự xáo trộn trong hàng ngũ các linh mục được sai đến các làng mạc, phải đối diện với sự giám sát của nhiều đảng phái chính trị khác nhau, và dân chúng thì sống trong sợ hãi. Cha Albert Soren, điều phối viên của Ủy ban Công lý và Hòa bình nói với Thông tấn xã UCA rằng: Tất cả các bạo lực phải được chấm dứt để tái lập hòa bình.

Ngài cũng cho hay Giáo hội địa phương đã đứng ra giao hòa với các nhóm đối thủ khác nhau, đưa đến bàn đàm phán, nhưng đã gặp nhiều chướng ngại nên thành quả thật là khiêm tốn!

Sanjeeb Drong, thư ký của Diễn đàn Dân tộc Bản địa ở Bangladesh (BIPF), cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực. Ông Garo Drong, một tổ chức Công Giáo cũng kêu gọi chính phủ hãy bảo đảm an toàn và an ninh cho mọi người dân trong nước.

Ông qui lỗi tình trạng bất ổn và bạo lực trong khu vực là vì chính phủ đã thất bại trong việc thực thi hiệp định hòa bình CHT năm 1997, nhằm giải quyết những tranh chấp đất đai giữa các sắc dân bản địa và người định cư ở Bengal, và tình trạng chia rẽ chính trị trong nước. (Nguồn: UCANews)
 
Tháp nhọn Nhà Thờ Đức Bà Paris sẽ được tái dựng theo thiết kế thế kỷ 19
Vũ Văn An
18:34 09/07/2020

Tháp nhọn Nhà thờ Đức Bà Paris bị sập do hoả hoạn năm ngoái sẽ được phục hồi theo thiết kế gôtích cũ.



Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố quyết định trên, chấm dứt các đồ đoán cho rằng ngọn tháp đó sẽ được tái thiết theo thiết kế hiện đại.

Ông Macron trước đây vốn có chủ trương như vậy. Nhưng nay, ông nói rằng ông muốn việc tái thiết được hoàn tất vào năm 2024 là năm Paris sẽ đứng ra tổ chức Thế vận hội. Và vì thế, theo Phủ Tổng Thống Pháp, ông không muốn trì hoãn việc tái thiết và làm cho nó ra phức tạp, sự việc cần phải được tiến hành nhanh chóng.

Phủ Tổng thống Pháp cho hay diễn trình thiết kế tháp nhọn theo lối hiện đại có thể gây ra nhiều trì hoãn không cần thiết vì đòi hỏi cuộc cạnh tranh quốc tế để chọn kiến trúc sư.

Điện Elysée nói rằng “Tổng thống tin tưởng các nhà chuyên môn và chấp thuận các phác thảo chính của dự án do trưởng kiến trúc sư trình bầy nhằm tái thiết tháp nhọn y như cũ”.

Lời tuyên bố trên diễn ra sau một cuộc họp của Ủy Ban di sản và kiến trúc quốc gia Pháp (CNPA).

Khi chiếc mái thế kỷ 13 của Nhà thờ Chính tòa Paris bị bốc cháy hồi tháng Tư năm 2019, trong lúc có cuộc chỉnh trang, nó gây xúc động lớn lao và đã khiến nhiều người khắp thế giới quyên tặng số tiền đáng kể.

Chỉ trong vòng hai ngày, đã có khoảng 900 triệu Euro (1 tỷ dollars hay 805 triệu Bảng Anh) được quyên tặng để tái thiết Nhà thờ.

Ngọn tháp nhọn đầu tiên của Nhà thờ được xây vào thế kỷ thứ 13, nhưng do các hư hại nặng nề, nó đã được tháo gỡ vào thế kỷ 18. Ngọn tháp thay thế nó, do kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc vẽ kiểu, đã được xây vào giữa thế kỷ 19.

Kể từ cuộc hoả hoạn năm rồi, cuộc thảo luận về việc phải tái dựng ngọn tháp ra sao đôi lúc rất căng thẳng.

Jean-Louis Georgelin, vị tướng lục quân được cử đứng đầu dự án tái thiết, muốn có ngọn tháp hiện đại thay thế. Ý tưởng này thoạt đầu được Tổng thống Macron ủng hộ, khi ông nói rằng ông muốn có “một cử chỉ hiện đại”.



Điều đó đã tạo ra một đợt đề nghị bất qui ước từ các kiến trúc sư khắp thế giới, trong dó, có thiết kế làm một hồ tắm trên mái nhà thờ, và một thiết kế khác có công viên và nhà xanh trên mái.

Nhưng trưởng kiến trúc sư Philippe Villeneuve của nhà thờ mạnh mẽ ủng hộ việc tái dựng như cũ theo thiết kế thế kỷ 19.

Trong một cuộc tranh luận nóng bỏng vào hồi tháng 11 năm ngoái, Tướng Georgelin nói với Ông Villeneuve "câm miệng lại" – khiến ai trong phiên họp của Ủy ban Văn hóa của Quốc Hội cũng phải ngỡ ngàng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Độc Ẩm
Nguyễn Trung Tây Lm.
17:11 09/07/2020
ĐỘC ẨM
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Không gọi không mời đại dịch quay lại,
lại thêm lần nữa, cửa đóng then cài,
Cali, Melbourne, Manila một trời phong tỏa!
Thôi, ở trong nhà, uống trà đợi xuân sang!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Đám tang Đức Ông George Ratzinger và tâm tình khóc anh của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Giáo Hội Năm Châu
02:17 09/07/2020
Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI viết lời tâm tình cùng người anh, Đức ông Georg Ratzinger, một linh mục và một nhạc sư…
(Tin Vatican)

Tang lễ của Đức ông Georg Ratzinger, anh của Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI, được tổ chức vào thứ Tư (8/7/2020) tại Nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô ở Regensburg, nước Đức.

Đức ông Georg Ratzinger qua đời ở tuổi 96, ngày 1 tháng 7 sau khi nhập viện ở Regensburg, thành phố nơi ngài sinh sống hầu như cả cuộc đời. Cái chết của ngài xảy ra sau cuộc thăm viếng của Đức Nguyên Giáo Hoàng trước đó hơn một tuần.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời phân ưu thân thương cá biệt tới vị tiền nhiệm, hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện cho Đức ông và cho Đức Benedict nữa.

Trong lễ tang do Đức cha Rudolf Voderholzer của Tộng Giáo phận Regensburg cử hành, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã đọc một lá thư đầy tâm tình, cảm xúc do Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI viết cho anh mình vào dịp này.

Lòng biết ơn
Vào giờ phút này, tôi hiệp thông với các huynh để tiễn đưa anh tôi tới nơi an nghỉ cuối cùng và tiễn biệt anh tôi một đoạn đường trần gian cuối cùng, tôi cùng với Đức đương kim Giáo hoàng hiệp thông cùng các huynh.

Giáo hoàng danh dự Benedict cho hay ngài rất cảm động trước nhiều yếu nhân và bạn bè thân hữu từ nhiều quốc gia, khác biệt chức vụ và nghề nghiệp trong xã hội đã viết thư cho ngài.

Ngài lấy làm áy náy, vì không thể trả thơ cho từng người một, nhưng ngài xin cảm ơn tất cả đã đồng hành cùng ngài trong những khoảng khắc chia ly này. Ngài cũng cảm ơn tất cả những người đã nâng đỡ anh của ngài cách này cách khác trong suốt những tuần qua.

Tiếng vang của cuộc sống và công việc của anh ấy mà tôi đã nhận được trong những ngày này dưới dạng thư từ, điện tín và email, vượt xa những gì tôi có thể tưởng tượng, đúng nhơ lời của Đức thánh Hồng Y Newman đã nói: Tâm tình của trái tim thì siêu vượt lên trên mọi diễn từ của bút mực...

Một Linh mục nhạc sĩ
Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI cho biết ba đặc điểm về người anh của ngài luôn sống động trong ký ức của ngài.

Điều đầu tiên là anh của ngài đã sống và thể hiện ơn gọi tư tế và âm nhạc cùng một lúc.

Ngài nhớ lại trong những năm đầu đời của anh ở Tittmoning, anh đã rập vào khuôn khổ nhiệm nhặt để tập luyện âm nhạc. Những nỗ lực này đã đưa anh trở thành một nhạc trưởng của Nhà thờ Chính tòa (Kapellmeister) ở Regensburg và điều khiển dàn hợp xướng của Nhà thờ chính tòa Regensburg - một biệt danh mà anh không dám nhận, nếu Mẹ của các ngài còn sống. Đức Giáo Hoàng danh dự kể lại mẹ ngài đã qua đời vào thời mà đại nhạc sư Kapellmeister Schrems, người tiền thân trước khi Đức ông Georg Ratzinger đảm nhận trách vụ này.

Đức Giáo Hoàng danh dự nhận xét công việc này đã đem lại niềm vui ngày càng nhiều cho người anh quá cố của ngài, mặc dầu không thiếu sự thù ghét, ghen tương đặc biệt khi anh mới bắt đầu đảm trách chức vụ này! Trong sứ vụ này anh đã trở thành một người cha cho nhiều ca viên và nhạc công trẻ trong dàn hợp xướng.

Lời cảm ơn chân thành của tôi cũng xin gửi đến tất cả các thành viên của dàn hợp xướng này đã giúp anh tôi hoàn tất sứ vụ linh mục, một linh mục nhạc sĩ.

Đặc điểm thứ hai về anh mà Đức nguyên Giáo hoàng nhớ, là sự vui vẻ, hài hước và niềm hoan lạc anh nhận được từ những món quà tốt đẹp của sự sáng tạo. "

Tuy nhiên, cùng lúc đó, ngài viết, anh là một người có khả năng xuất khẩu, anh đã diễn tả niềm tin của mình một cách cởi mở.

Đức Giáo Hoàng danh dự cũng cho hay dù gần như bị mù hoàn toàn trong suốt 20 năm qua, nhưng anh của ngài đã chấp nhận cảnh trạng để vượt qua nó.

Một con người của Thiên Chúa
Đức Giáo Hoàng danh dự nêu ra sự trong sáng và trung thực là trọng tâm thực sự của cuộc sống mà anh ngài đã sống… anh ấy luôn là người của Chúa.

Nhớ lại chuyến viếng thăm cuối cùng dành cho anh mình, Đức Giáo Hoàng danh dự cho hay lúc nói lời tạm biệt với anh vào ngày 22 tháng 6, anh đã cảm nghiệm đó là lời tạm biệt cuối cùng trên cõi đời này. Tuy nhiên, anh bày tỏ niềm xác tín Chúa là Thiên Chúa nhân lành, người đã liên kết anh em trong cõi đời này, thì ở thế giới khác Thiên Chúa sẽ liên đới chúng ta trong một mối giây mật thiết mới.

Cuối cùng, em xin cảm ơn anh đã cho em được ở bên anh lần cuối trong những ngày cuối đời của anh. Anh đã không xin em đến thăm lại anh... Nhưng em đã linh cảm và cố gắng đi thăm anh. Em vô cùng biết ơn về cơ hội này mà Chúa đã dàn xếp cho hai anh em mình gặp lại nhau.
Để kết luận, Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI cám ơn anh. Cám ơn anh thương mến, vì tất cả những gì anh đã làm và hy sinh cho em.
Đức Giáo Hoàng danh dự cũng cảm ơn Đức cha Rudolf Voderholzer vì sự giúp đỡ ưu ái của ngài dành cho người anh thân yêu của mình.

 
Tổng thống Trump vừa khẳng định một điều chưa tổng thống Mỹ nào dám nhìn nhận
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:51 09/07/2020


Tổng thống Trump vừa khẳng định một điều chưa tổng thống Mỹ nào dám nhìn nhận. Đó là trong xã hội Hoa Kỳ hiện nay đang có một cuộc chiến nhằm đánh bật gốc rễ Kitô Giáo.

Đức Cha Thomas Wenski, Tổng giám mục Miami, bang Florida, tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục Hoa kỳ về tự do tôn giáo, tố giác xu hướng bài Công Giáo, muốn đẩy các tín hữu Công Giáo khỏi lãnh vực công cộng chỉ vì tín ngưỡng của họ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, hôm 01 tháng 7 năm 2020, Ðức Tổng giám mục Wenski nói: “Chúng ta không phải là những công dân hạng nhì vì tín ngưỡng của chúng ta. Hiện nay có một làn sóng mới bất bao dung về tôn giáo, đẩy lui các tín hữu và tín ngưỡng ra khỏi đời sống công cộng”.

Đức Tổng Giám Mục nêu ví dụ luật của một vài bang, cấm dùng công quĩ để trợ giúp các trường của tôn giáo, những luật này đã bị Tối cao pháp viện Mỹ bác bỏ trong những ngày qua, và cả những sắc lệnh của Bộ y tế Mỹ dưới thời Obama, buộc các tổ chức và nhà thương tôn giáo phải cung cấp các phương tiện ngừa thai cho các nhân viên. Các Nữ tu dòng Tiểu Muội người nghèo cũng đang kiện ra tòa để chống lại qui luật này, hoặc vụ sinh viên Công Giáo Jack Denton, 21 tuổi, bị loại khỏi chức vụ đại diện sinh viên tại Ðại học bang Florida, vì bảo vệ giáo huấn của Giáo hội.

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói: “Sự thù nghịch công khai như thế đối với Công Giáo coi chúng ta như thể không đáng tham gia hoàn toàn vào mọi thiện ích của đời sống Hoa Kỳ”.

Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Tổng giám mục cũng nhắc đến tự do tôn giáo bị đe dọa tại một số nước khác, đặc biệt tại Trung Ðông và Trung Quốc, nơi có những Kitô hữu bị cầm tù, tra tấn và bị sát hại vì đức tin. Trong khi đó một số Giáo hội Kitô bị kẹt trong các vụ kiện với chính quyền tiểu bang hoặc địa phương về vấn đề hạn chế các buổi lễ công cộng trong thời đại dịch Covid-19. Bộ tư pháp Hoa Kỳ nói rằng những hạn chế đối với các Giáo hội phải có tính chất tạm thời và không thể giới hạn các tôn giáo nhiều hơn so với các hoạt động khác, như biểu tình phản đối hoặc buôn bán.

Một ngày sau đó, Tiến sĩ Taylor Marshall đã trả lời phỏng vấn trên mạng cáp truyền hình Hoa Kỳ One America News, gọi tắt là OAN về lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Wenski, và cuộc khủng hoảng hiện tại ở Mỹ.

Vài giờ sau cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Donald Trump đã gửi một tweet nhấn mạnh lời cảnh báo của nhà nghiên cứu Công Giáo này. Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng:

“Tác giả Tiến sĩ Taylor Marshall nói: ‘Đang có một cuộc chiến chống lại Kitô giáo’”. Tiến sĩ Marshall đã chỉ ra rằng các cuộc tấn công hiện tại vào các di tích và biểu tượng cuối cùng không chỉ là cuộc tấn công một ứng cử viên tổng thống, mà còn là cuộc tấn công nền văn minh Kitô giáo của chúng ta.

Với dòng tweet của mình, Tổng thống Hoa Kỳ tán thành quan điểm của Tiến sĩ Marshall rằng nói cho cùng những gì bị đe dọa trong cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta là một sự phá hoại hoàn toàn gốc rễ Kitô giáo của xã hội Mỹ.

Tiến sĩ Marshall nói với OAN rằng “những cuộc bạo loạn và những nhóm thù hận” không chỉ nhắm đến George Washington và các nhân vật chính trị khác, nhưng “bây giờ họ đang tấn công các biểu tượng Kitô, các thánh giá, và ảnh tượng. Chúng ta thực sự đang rơi vào trong một cuộc chiến tranh đối với trung tâm của nền văn minh.”

Tiến sĩ Marshall là học giả theo trường phái Thánh Tôma và là tác giả của nhiều cuốn sách về nền văn minh xuất phát từ Kitô giáo.”

Theo Tiến sĩ Marshall, “Những điều tốt lành mà chúng ta đã được hưởng ở đất nước chúng ta xuất phát từ một nền văn hóa Kitô giáo. Và những người vô thần, những người xã hội chủ nghĩa, những người mácxít này, họ biết điều đó và họ đang tấn công cội rễ này của chúng ta.”

“Ở đây, chúng ta phải nhớ rằng chính người sáng lập chủ nghĩa Mác, chính Karl Marx đã từng tuyên bố rằng ‘tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân’, và các nước Cộng sản đã luôn luôn đàn áp các tín hữu Kitô”.

Tiến sĩ Marshall phàn nàn rằng trong những ngày gần đây, đã có những bức tượng Công Giáo bị chặt đầu, bức tượng Thánh Louis ở thành phố St. Louis bị tấn công và hai bức tượng của Thánh Junipero Serra giật sập, bất chấp một thực tế là Thánh Serra “là một nhà vô địch vĩ đại cho các quyền của người bản địa. Ông cũng nhấn mạnh đến một thực tế rằng và vào thời của Thánh Louis, cụ thể là vào thế kỷ 13, “không hề có chuyện mua bán nô lệ liên lục địa”.

Bất chấp các cuộc thăm dò, vô tình hay hữu ý, khách quan hay bị lèo lái bởi các chủ ý chính trị, theo đó Joe Biden đang dẫn trước tổng thống Trump trong cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới đây, Tiến sĩ Marshall bày tỏ hy vọng của ông là Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử. “Tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng: 'Chúng ta không muốn sống trong một Nước Mỹ hỗn loạn. Chúng ta muốn luật pháp và trật tự xã hội'“

Trong cuộc phỏng vấn với OAN, Tiến sĩ Marshall cũng nhắc đến lá thư của Đức Tổng Giám Mục Viganò và khẳng định rằng cuộc chiến hiện nay tại Hoa Kỳ không phải chỉ là một cuộc đấu tranh về mặt chính trị nhưng cả về tâm linh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong bức thư dài ba trang đề ngày 7 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Viganò cảnh báo tổng thống Trump về một trận chiến tâm linh mà ngài tin rằng đang diễn ra giữa thiện và ác ở Hoa Kỳ.

Ngài đề cập đến cuộc chiến này như một điều đã được Kinh Thánh đề cập đến và cho rằng đó là cuộc chiến giữa “con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối.”

Vị Tổng Giám Mục nghỉ hưu giải thích hai bên như “sự tách biệt rõ ràng giữa con cái của người Phụ Nữ và con cái của Con Rắn, “ và rằng những nhóm “chìm sâu trong bóng tối” đang “tiến hành chiến tranh” chống lại sự tốt lành.

Đức Tổng Giám Mục Viganò giải thích thêm:

“Đây là lần đầu tiên, Hoa Kỳ có ngài là một tổng thống can đảm bênh vực quyền sống, không xấu hổ khi tố cáo chính sách khủng bố nhắm vào Kitô hữu trên khắp thế giới, và là người công khai nói về Chúa Giêsu Kitô và quyền tự do thờ phượng của công dân.”

“Việc ngài tham gia Tuần Hành Cho Cuộc Sống, và gần đây hơn là lời loan báo tháng Tư là Tháng Quốc Gia Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên, là những hành động xác nhận rõ rệt ngài muốn tiếp tục chiến đấu cho phía nào.”

“Và tôi dám tin rằng cả hai chúng ta đều ở cùng một phía trong trận chiến này, dù với vũ khí khác nhau.”

Đức Tổng Giám Mục cũng đề cập đến những gì ngài tin là sự tấn công của truyền thông chính mạch vào sự thật và sự thiện. Ngài khuyến khích “con cái của ánh sáng” hãy “ đến với nhau và làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe” thông qua sức mạnh của lời cầu nguyện.

“Thưa Tổng thống, để làm được điều này còn cách nào hiệu quả hơn là lời cầu nguyện kêu cầu Chúa bảo vệ ngài, Hoa Kỳ, và toàn thể nhân loại khỏi trận tấn công khổng lồ này của Kẻ Thù? “

“Trước sức mạnh của lời cầu nguyện, sự lừa dối của con cái bóng tối sẽ sụp đổ, âm mưu của chúng sẽ bị vạch trần, sự phản bội của họ sẽ được phơi bày, sức mạnh đáng sợ của họ sẽ kết thúc trong vô vọng, bị đưa ra ánh sáng và phơi bày cho người ta thấy nó không gì khác hơn là một sự lừa dối địa ngục.”


Source:Lifesite News