Ngày 04-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một kiến thức trọn vẹn
Lm. Minh Anh
00:13 04/08/2022

MỘT KIẾN THỨC TRỌN VẸN
“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”.

Một nhà tu đức nói, “Hiểu biết ai, có kiến thức về ai, mới chỉ là ‘cái có’ trong đầu! Theo Thánh Kinh, “biết” ai là yêu mến, cam kết và đi theo người ấy... “Tôi biết chiên của Tôi, và chiên Tôi biết Tôi!”. Trả lời được câu hỏi, “Thầy là ai?”, cũng sẽ là đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Bởi lẽ, “biết” Chúa Giêsu, có ‘một kiến thức trọn vẹn’ về Ngài, đòi buộc chúng ta phải thay đổi tận căn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay xoay quanh việc Chúa Giêsu muốn biết dư luận quần chúng về Ngài; quan trọng hơn, các môn đệ nghĩ sao về Ngài! Cuộc đối thoại này đưa chúng ta về một câu hỏi cực kỳ quan trọng, “Tôi là ai?”; kiến thức của tôi về Chúa Giêsu là ‘một kiến thức từng phần’ hay ‘một kiến thức trọn vẹn’ theo nghĩa “thay đổi tận căn” của nhà tu đức trên? Nói cách khác, Chúa Giêsu có thay đổi cuộc đời tôi, cách sống của tôi và tôi có ngày càng nên giống Ngài hơn không?

Con người thu thập kiến thức qua sách vở hay kinh nghiệm; người đương thời Chúa Giêsu biết Ngài qua kinh nghiệm với ‘kiến thức từng phần’. Họ cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ. Các nhân vật này có thể phù hợp phần nào với Chúa Giêsu; nhưng hiểu biết này không tiết lộ toàn bộ con người Ngài. Hiểu biết về một ‘Giêsu’ nơi họ chỉ khiến họ thán phục, ngưỡng mộ… nhưng không bao giờ biến đổi họ trở nên môn đệ Ngài; thậm chí cuối cùng, họ giết Ngài! Tại sao? Kiến thức của họ về Ngài chỉ dừng lại với hiếu kỳ, vui tai và chạy theo phép lạ; và một khi các yếu tố vật chất không còn, họ bỏ Ngài! Căn bản, họ không nhận ra ‘Giêsu’ đó là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Thế Giới; đang khi các ngôn sứ hoặc Gioan chỉ là những ánh sao le lói dọn đường. Ngài phần nào giống các vị ấy, nhưng vượt trỗi các vị; thay thế các vị, chiếu sáng các vị! Không ai trong những kẻ dọn đường này có thể mô tả cạn kiệt các chiều kích trong con người Ngài. Họ chỉ là những vệt sáng; ‘Giêsu’ mới chính là Vầng Hồng!

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô thưa, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”. Tuyệt vời! Hoàn toàn đúng, nhưng Phêrô lại hiểu sai; vì vậy ông ngăn cản Ngài khi Ngài nói đến thập giá; và tiếp tục hiểu sai khi chối nhận Ngài. May thay, Phêrô được xót thương nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy; ông dần dần hồi tỉnh và bắt đầu có ‘một kiến thức trọn vẹn’ về Ngài. Mãi đến sau biến cố Phục Sinh của Thầy; chính xác, sau lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần, Thầy Dạy đức tin, mới giúp Phêrô và các tông đồ “biết” Thầy mình một cách trọn vẹn. Từ đó, họ đã “thay đổi tận căn” từ nghi ngờ nên xác tín, từ sợ sệt nên can đảm, từ cửa đóng then cài đến mở toang; mở toang cửa, mở toang lòng… ra đi loan báo Tin Mừng. Các ngài “cam kết, dấn thân” cho Nước Trời đến nỗi bằng cả cái chết của mình. Như vậy, không chỉ hiểu đúng, nhóm Mười Hai còn được mời gọi sống đúng điều mình “biết!”. Đó là ‘một kiến thức trọn vẹn’ Chúa muốn.

Anh Chị em,

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Đây là một câu hỏi mà Thánh Thần không ngừng khơi lên trong tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta phải quyết định hay bắt đầu thực hiện một điều gì. Và thật thú vị, câu trả lời đòi mỗi người đặt thêm một câu hỏi khác, “Tôi là ai?”. Trả lời câu hỏi thứ hai, “Tôi thuộc về Chúa Kitô”, tôi suy nghĩ, tôi chọn lựa, “Tôi sống như Chúa Kitô sống trong tôi”. Và như thế, tôi đã “biết” Ngài cách trọn vẹn nhất, một sự “biết” của chiên đối với Chủ Chiên đích thực nhất, ‘một kiến thức trọn vẹn’ nhất, tận căn nhất. Từ đó, tôi “yêu mến, cam kết và đi theo” Ngài. Thật trùng hợp, bài đọc Giêrêmia cũng nói lên điều tương tự, “Chúng không còn dạy bảo nhau, ‘Hãy học biết Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến lớn, sẽ biết Ta”. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng!”. Ai có tâm hồn trong trắng của một em bé, sẽ dễ nhận biết Thiên Chúa. Nhưng xin đừng quên, đây còn là công việc của Thánh Thần!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đọc Tin Mừng, Chúa khiến con mê mệt, nhưng chỉ ân sủng mới có sức biến đổi con, để con biết con là ai, Chúa là ai. Và như thế, tri thức của con về Chúa mới trọn vẹn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 05/08: Chết từng giây phút –Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR.
Giáo Hội Năm Châu
01:41 04/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. Thầy bảo thật anh em : trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”

Đó là lời Chúa
 
Chuyển đổi của tạm đời nầy để lấy kho tàng thiên quốc
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
09:21 04/08/2022


Khi ra nước ngoài, dù có mang theo cả tỷ đồng tiền Việt, người ta cũng không thể mua sắm trên thị trường nước bạn. Vì thế, khi phải giao dịch mua sắm trên xứ bạn, cần phải chuyển đổi đồng Việt Nam ra tiền nước đến.

Chuyển đổi tiền thế gian ra tiền thiên quốc

Chúng ta biết rằng: trần gian chỉ là quán trọ, Nước Trời mới là quê thật. Không ai có thể bám víu vào mặt đất nầy mãi mãi.

Mai đây không sớm thì muộn, bất cứ ai cũng phải rời bỏ thế gian nầy để bước sang thế giới khác, hoặc là lên thiên đàng hưởng phúc đời đời hay là phải sa vào chốn ngục hình muôn đời đau khổ.

Cũng như tiền Việt không thể sử dụng để giao dịch trên thị trường thế giới, thì tiền của thế gian cũng không chút giá trị trên cõi thiên đàng. Vì thế, chuyển đổi tiền của thế gian ra tiền thiên quốc là điều tối cần thiết.

Chuyển đổi cách nào?

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phương cách chuyển đổi, đó là: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không hao vơi ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.”

Khi dạy “bán tài sản của mình đi mà bố thí” hoặc “sắm những túi tiền không hư nát, một kho tàng không hao hụt trên trời”, Chúa Giê-su muốn chúng ta sử dụng những ân huệ và vốn liếng Chúa ban như tiền bạc, của cải, thời giờ, tài năng, sức khỏe… của mình để phục vụ và giúp ích cho người khác, nhất là những người gặp khó khăn, bất hạnh, túng thiếu.

Khi đem những gì mình có để giúp đỡ người khác, chúng ta không hề thua thiệt, nhưng được lời lãi gấp ngàn; chúng ta không nghèo đi, nhưng trở nên giàu có… Vì nhờ đó, ta sẽ có một kho tàng quý báu không hề hao hụt trên thiên quốc. Mai đây, tha hồ vui hưởng. Đây là một chọn lựa, một lối sống cực kỳ khôn ngoan.

Trái lại, khi khư khư giữ lại tất cả cho riêng mình, để mưu cầu lợi ích cho bản thân… thì đến lúc phải lìa bỏ đời nầy ra đi, chúng ta phải rũ bỏ lại tất cả, chẳng có chút gì mang theo nên chẳng được Chúa đón nhận vào quê trời. Làm như thế thì vô cùng thua thiệt.

Chuyển đổi ngay từ hôm nay, không đợi đến ngày mai

Sau khi nghe lời Chúa dạy cần phải chuyển đổi của tạm đời nầy để lấy kho tàng vĩnh cửu trên thiên quốc, có người bảo: Thật là chính đáng! Đó là chọn lựa khôn ngoan và hết sức cần thiết, nhưng vội gì? Đời còn dài mà! Từ từ rồi ta sẽ liệu!

Nghĩ như thế chẳng khác gì người tôi tớ mê ngủ, không tỉnh thức đón đợi chủ về trong đêm khuya. Chúa Giê-su thường nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo canh phòng, vì giờ Chúa đến bất ngờ không ai tiên đoán được.

Lịch sử cho thấy lắm khi cái chết chụp xuống bất ngờ đang lúc thiên hạ tưởng là an toàn tuyệt đối.

Tại New York, ngày 11 tháng 9 năm 2001, hai tòa tháp uy nghi đồ sộ của Trung tâm Thương mại Thế giới 110 tầng, cao 415m bất ngờ bị quân khủng bố tấn công, bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ sau vài giờ, làm cho hơn 3.000 người thiệt mạng, khiến cả thế giới hết sức bàng hoàng!

Và tại Nhật Bản, ngày 11 tháng 3 năm 2011, cơn địa chấn kinh hoàng từ ngoài khơi đảo Honshu đã gây ra trận sóng thần cao đến 40 mét ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó và gây ra cái chết đau thương cho gần 16.000 người và 2.500 người mất tích!

Ngoài ra, cái chết còn chụp xuống rất nhiều người khác trong những lúc bất ngờ, nhiều không kể xiết. Vậy thì chúng ta cần chuyển đổi ngay hôm nay, không đợi đến ngày mai.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con ghi khắc lời Chúa dạy: “Hãy sắm cho mình những túi không hư nát, và kho tàng không hao vơi trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát” và đem ra áp dụng ngay từ hôm nay. Amen.
 
Trở nên người bạn của Thập giá
Lm. Minh Anh
17:49 04/08/2022

TRỞ NÊN NGƯỜI BẠN CỦA THẬP GIÁ
“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”.

Nick Vujicic, người không có tứ chi; đúng hơn, chỉ có 1 bàn chân 2 ngón. Từ 8 tuổi, muốn tự tử; khi lên 10, tự dìm mình vào bồn tắm. Ấy thế, tình yêu của Thiên Chúa và của cha mẹ đã giúp cậu vượt qua! Vujicic nói, “Chúa đã lên kế hoạch cho cuộc đời tôi, tôi không thể tự dìm mình xuống. Tự coi mình là vô giá trị, bạn đặt giới hạn cho những điều kỳ diệu. Tôi không có tay để chạm vào người khác, nhưng trái tim tôi sẽ làm điều đó; nó làm rung động trái tim nhiều người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Vujicic chỉ muốn quyên sinh mãi cho đến khi bằng lòng ôm lấy thập giá đời mình. Ôm lấy nó, anh đã trở nên một khí cụ tuyệt vời của Thiên Chúa; anh đã đến 26 quốc gia, truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người. Phải chăng Vujicic đã sống bí quyết Chúa Giêsu tiết lộ qua Lời Chúa hôm nay, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”; nói cách khác, Vujicic đã ‘trở nên người bạn của thập giá’ là chính thân thể không bình thường của mình.

Rất nhiều Kitô hữu sẵn sàng làm bạn với Chúa Giêsu trong thời gian thuận lợi; tuy nhiên, vẫn có một số khác là bạn thực sự của Ngài, họ luôn ôm lấy thập giá, cả trong những hoàn cảnh xấu nhất. Tất nhiên, không bao giờ là dễ dàng để ‘trở nên người bạn của thập giá’; cũng thế, Chúa Giêsu và Tin Mừng không luôn là những gì đem lại hân hoan, xuôi may và bình an, nếu không nói là ngược lại! Đời sống Kitô hữu là một trận chiến liên tục, một trận chiến khốc liệt kéo dài cả đời, trận chiến từ bỏ chính mình. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để đào ngũ khỏi chiến cuộc khắc nghiệt lúc này lúc khác; tuy nhiên, sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chúng ta không bằng lòng ôm chặt thập giá đời mình; cũng như không thể mong đợi một vinh quang vĩnh cửu đầy ắp kỷ niệm và niềm vui nếu không đổ một ít máu, mồ hôi và nước mắt ở đây, trong hoàn cảnh của mình, trên trái đất này, vì lợi ích của Chúa Kitô và lợi ích của anh chị em mình.

Chúa Giêsu còn nói, “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?”. Ngài muốn nói, tiền không mua được linh hồn và tình yêu; không quan trọng bạn có bao nhiêu trong tài khoản, ‘bằng cấp’ các loại, cho đến khi bạn ‘bằng lòng’ với thập giá đời mình. Bạn dành cả đời để ky cóp đủ thứ xa xỉ, nhưng sẽ rất vô ích; bạn sẽ bỏ lỡ ý nghĩa đích thực của cuộc sống và kho tàng đích thực của tình yêu. Đừng phạm sai lầm khi ra sức làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và thoải mái; bởi lẽ, càng ôm ấp nó, bạn càng kết thúc trong vô vọng, khổ đau và cô đơn tột cùng.

Trong cuộc sống, vì nhiều lý do, chúng ta lạc lối khi tránh thập giá, ngại thập giá và sợ thập giá! Nói như Đức Phanxicô, “Chúng ta chỉ tìm kiếm hạnh phúc ở những thứ, hoặc ở những người mà chúng ta coi như vật”. Vậy mà, hạnh phúc thực sự chỉ đến một khi tình yêu đích thực bắt gặp chúng ta, cho dù đó là một tình yêu ‘bước xuống’ từ thập giá. Đó sẽ là một tình yêu ‘làm cho ngạc nhiên’, ‘làm cho thay đổi’ con người chúng ta từ trong lẫn ngoài, từ trái tim đến ý chí. Tình yêu đó thay đổi tất cả; nó có thể biến đổi mỗi người, với một điều kiện, tôi ‘trở nên người bạn của thập giá!’. Vujicic đã chứng minh điều đó, các vị thánh đã chứng minh điều đó!

Anh Chị em,

“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”. Mời gọi người khác đi theo Ngài, Chúa Giêsu lại nói đến một điều không ai muốn nghe, nhưng đó là một sự thật ‘không thể thay thế’. Ngài không đòi chúng ta vác thập giá người khác, nhưng là thập giá của mình, của gia đình mình. Hãy ôm trọn nó và thánh hoá sự khó chịu, sự khó dạy và cả tội lỗi… từ bệnh tật, từ tính khí, từ công việc, từ con cái, từ anh chị em mình… và chúng ta sẽ nên thánh! Con Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị thần thánh mà vác lấy thập giá cả trần gian để cứu độ cả gian trần! ‘Trở nên người bạn của thập giá’ đời mình, chúng ta không những biến đời sống hiện tại không mấy vừa ý nên nhẹ nhàng, mà còn để thập giá trở nên phương dược cứu linh hồn mình và tha nhân.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn trở nên một người bạn nghĩa thiết của Chúa; điều đó bao hàm việc con luôn ôm chặt thập giá đời mình. Được như thế, nhất định con sẽ nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 04/08/2022

22. Chúng ta đem bao nhiêu tình yêu để phân chia cho con người thụ tạo, thì trộm của Thiên Chúa bấy nhiêu tình yêu.

(Thánh Philip Nêri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:01 04/08/2022
60. CÂY THUỐC CÁO TRẠNG

Các loại cây thuốc trong “cương mục bản thảo” hợp lại ký tên khải tấu Thần Nông:

- “Các tiểu thần hoặc là ôn hoặc là mát, hoặc là bổ hoặc là tá, mỗi thứ đều có đặc tính riêng, nhưng nào ngờ các thầy thuốc trên thế gian đem chúng tôi pha với nước nóng, lại còn kiến giải nhảm nhí thêm quân thần tá sử (1) nữa chứ. Một chặp thì lấy thuốc này làm vua, một chặp thì lấy thuốc nọ làm thần, nội trong một ngày, không biết bị họ đảo lộn tùng phèo mấy lần nữa? Do đó mà chúng tôi không an tâm với bản vị, nên đặc biệt xin ngài ban bố thánh chỉ, đốc thúc nhân viên đi điều tra chân thực tình huống mà đưa ra quyết định chính xác, để an định tâm tư của mọi người”.

Thần Nông nhìn bản tấu thì cười lớn, nói:


- “Đây là quan lệ bầu cử tổng thống của quốc gia dân chủ, chưa đủ để gởi, hà tất phải lấy làm lạ”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 60:

Có một vài người Ki-tô hữu sau khi lãnh bí tích Hòa Giải xong thì nói với bạn bè: “Tớ phạm tội không đáng kể, mà ông cha giải tội cho tớ làm việc đền tội nặng quá”. Làm việc đền tội cũng là một cách uống thuốc để chữa lành bệnh trong tâm hồn, bằng không thì bệnh sẽ càng nặng thêm. Một trong những lý do mà các giáo dân dễ dàng tái phạm cùng một tội đó là họ không làm việc đền tội cách sốt sắng và chỉ làm qua loa chiếu lệ.

Những cây thuốc kiện cáo với vua Thần Nông, vì chúng nó không hiểu quy tắc chế biến thuốc của các thầy thuốc. Cũng vậy, người Ki-tô hữu nào cứ than trách là cha giải tội cho họ làm việc đền tội quá nhiều, thì chứng tỏ họ không hiểu hết hậu quả của tội mà họ đã phạm, sẽ gây thiệt hại cho linh hồn và thân xác của họ như thế nào.

Làm việc đền tội nhiều hay ít cách sốt sắng với ý thức tin cậy vào lòng thương xót của Chúa, thì chúng ta đang đi vào ngưỡng cửa hạnh phúc; bằng ngược lại thì ôi thôi, cửa hỏa ngục đang mở rộng để chào đón chúng ta đấy.

(1) Lấy thuốc chủ trị làm vua, lấy thuốc bổ trị làm thần, và thuốc chủ trị tuy tương phản mà khớp nhau làm tá (giúp đỡ), thuốc dẫn làm sử.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tỉnh thức chờ đón Chúa
Lm. Thái Nguyên
18:28 04/08/2022




TỈNH THỨC CHỜ ĐÓN CHÚA
Chúa Nhật 19 Thường Niên, năm C: Lc 12, 32-48

Suy niệm

Bài Phúc Âm tuần rồi, Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ tránh mọi thứ tham lam và đừng dại khờ chỉ lo thu tích của cải vật chất như người phú hộ, kẻo mọi thứ sẽ tiêu tan trong phút chốc, cần phải khôn ngoan là lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Đoạn Phúc Âm này tiếp nối ý hướng đó, Ngài gọi các “môn đệ” là “đoàn chiên nhỏ bé”, và trấn an họ: “Đừng sợ!”, vì Chúa Cha sẵn sàng ban cho họ kho tàng ở trên trời, chỉ cần họ biết sử dụng của cải vật chất như món quà để trao tặng. Đó cũng là thái độ của người luôn sẵn sàng tỉnh thức để đón chờ ngày giờ Chúa đến, mà Đức Giêsu sẽ giảng giải trong đoạn Phúc Âm này.

Ngài tự ví mình như một ông đi ăn cưới tới khuya, không biết sẽ về vào giờ nào. Vì thế, người đầy tớ phải tỉnh thức để chờ đợi: thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, nghĩa là luôn trong tư thế sẵn sàng để mở cửa cho chủ vào. “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ”. Tiếp theo Đức Giêsu cho thấy một hành vi quá đỗi bất ngờ của ông chủ, đó là hạ mình xuống làm người tôi tớ: ông thắt lưng, mời các đầy tớ vào bàn ăn và phục vụ. Một ông chủ Giêsu quá tuyệt vời! Ông không cố ý về bất ngờ để bắt quả tang, nhưng muốn thấy tình yêu của người đầy tớ dành cho chủ, và đó cũng là sự bất ngờ rất thú vị mà chủ muốn dành cho người đầy tớ. Đức Giêsu không bắt chúng ta gắn bó với Ngài như những tên nô lệ, dù tư cách chúng ta đúng là như thế. Sự gắn bó với Ngài sẽ đưa tới niềm vui và hạnh phúc mà Ngài ban cho sau này. Chúa muốn chúng ta sống theo ý Ngài chỉ là để ban cho chúng ta tất cả.

Ðức Giêsu còn tự ví mình như một ông chủ vắng nhà và giao hết trách nhiệm cho người quản gia, để cắt đặt công việc và phân phát lương thực cho các đầy tớ. Các thủ lãnh của cộng đoàn cũng được mời gọi suy nghĩ về cách mình đang chu toàn trách nhiệm. Mọi quyền bính trong Hội Thánh bắt nguồn từ Ðức Kitô, và phải được sử dụng như phương tiện để phục vụ dân Chúa, nhưng quyền bính luôn có nguy cơ bị lạm dụng để phục vụ cho bản thân. Đức Giêsu đòi các ngài phải “trung tín và khôn ngoan” trong khi thi hành bổn phận, không chỉ tránh việc đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, mà còn phải tạo nên sự bình an và hiệp nhất yêu thương trong cộng đoàn dân thánh Chúa. Vì các ngài đã được giao phó nhiều nên phải bị đòi lại nhiều.

Việc Đức Giêsu trở lại trong ngày sau hết phù hợp với việc phán xét cuối cùng của chúng ta và của toàn thể nhận loại, nhưng cũng phù hợp với mỗi giây phút sống của chúng ta hôm nay: mỗi giây phút sống cho ta thấy mình trung thành hay bất tín, trưởng thành hay ấu trĩ trong tương quan đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chúa vẫn đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh và trong mọi tình huống. Không gặp được Ngài một cách nào đó là vì ta không chú tâm tìm kiếm Ngài, vì còn đang chú tâm tìm kiếm những thứ khác. Người ta chỉ tha thiết và gắn bó với những gì họ mong muốn:“kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đấy”. Kho tàng của chúng ta đặt nơi Chúa thì chắc chắn lúc nào chúng ta cũng tỉnh thức để ôm ấp giữ gìn, để tỉnh thức canh chừng. Có tình yêu sâu đậm với Chúa, ta mới phấn khởi trong mọi việc, kiên trì trong mọi khó khăn, trung tín trong mọi thử thách, sáng suốt trong mọi lựa chọn, và khôn ngoan trong mọi hành động.
Khi đưa ra thái độ tỉnh thức, Chúa mong muốn chúng ta luôn biết sống với Chúa bằng tất cả tấm lòng Tin, Cậy, Mến, để không còn bị khống chế bởi thế giới vật chất này nữa, nhưng biết làm chủ nó, sử dụng nó để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Chúng ta phải làm ăn sinh sống và phát triển ngành nghề của mình cho thật tốt; phải góp phần xây dựng gia đình, xã hội, đất nước, con người, nhưng qua mọi việc đó, tâm hồn chúng ta vẫn luôn sống bên Chúa, vẫn ý thức mình thuộc về Chúa, vẫn hết tâm thực hiện ý Chúa, vẫn khao khát Chúa là cùng đích viên mãn của đời mình. Tâm tình sống như thế sẽ giúp ta luôn thanh thoát và bình an giữa những cám dỗ và lôi kéo của cuộc đời này.

Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Điều đó không làm chúng ta lo sợ nhưng khiến chúng ta cẩn trọng trong từng giây phút sống, và sống với niềm vui hồi hộp được gặp Chúa cách bất ngờ. Chỉ cần chúng ta có một tình yêu trung thành và một sự khôn ngoan đạo đức, là chúng ta đang sống tỉnh thức để chờ đón Chúa trong an vui hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết luôn tỉnh thức,
để nhận ra Chúa Đấng thường hay đến,
lúc con không ngờ, giờ con không biết.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới sáng suốt trong mọi tình thế,
cư xử khôn ngoan trong mọi tình trạng,
biết sống vững vàng trong mọi tình huống,
tâm trí nhạy bén trong mọi tình hình.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới phát hiện ra Chúa trong đời,
qua mọi người mọi lúc mọi nơi,
qua vui buồn và sướng khổ từng ngày,
qua thay đổi giữa cuộc đời hôm nay.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thoát sa lầy và cạm bẫy,
những cám dỗ trói buộc của thế gian,
những hưởng thụ và lạc thú lan tràn.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới vui mừng bắt gặp Chúa,
đang âm thầm đến với cuộc đời con,
làm mới lại cuộc sống đã hao mòn.
Nhưng thực tế con lại dễ ngủ mê,
nhắm tương lai mà quên đi hiện tại
dễ lê thê với những chuyện trần thế,
theo đam mê đến quên mất nẻo về.
Chúa biết thân con nặng nề yếu đuối,
đừng để con lầm lũi trong mê muội,
xin kích hoạt cho tâm con phấn khởi,
luôn tập trung vào Chúa, Đấng sẽ tới,
Đấng làm cho thế giới sẽ đẹp ngời,
Đấng lòng con khao khát mãi khôn vơi. Amen.
 
Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:34 04/08/2022
Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng

(Chúa Nhật XIX TN C)

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Sự gì Thiên Chúa đã trao ban thì Người không bao giờ lấy lại. Nước Trời là vương quốc tình yêu, nơi tràn đầy hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa đã trao ban Nước Trời. Có thể nói đây là điều kiện cần, là nguyên nhân tác thành hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Thế nhưng còn cần sự đáp trả của phía con người, xét như là loài có ý thức và tự do. Và có thể gọi đây là điều kiện đủ để con người, từng người đạt đến hạnh phúc đích thực.

Chìa khóa của sự đáp trả phía con người đó là niềm tin. Khởi đầu nghi thức ban Bí tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành, người xin lãnh nhận bí tích đã xin ơn đức tin và khẳng định rằng đức tin đem lại cho họ sự sống đời đời. Vậy thử hỏi tin là gì? Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái dùng hình ảnh tổ phụ Abraham để giảng giải hành vi đức tin đó là đón nhận và thực thi lời Thiên Chúa phán dạy, cho dù nhiều khi với lý trí tự nhiên khó có thể hiểu cặn kẻ nội dung những lời được truyền. Chính nhờ đức tin mà Abraham đã vâng theo lệnh Thiên Chúa, dẫu cho lệnh ấy làm ông phải quặn thắt ruột gan, chẳng hạn như lệnh truyền hiến tế chính người con trai duy nhất (x.Dt 11,8-19). Tin là chấp nhận những gì Chúa phán dạy đều là chân thật vì Thiên Chúa không hề lừa gạt ai (x.Dz 3008).

Bài trích Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật XIX, Giáo Hội cho chúng ta nghe những lời dạy của chính Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô. Để có được kho tàng ở trên trời là hạnh phúc vĩnh cửu, Chúa Kitô truyền dạy chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Sống tỉnh thức: Thái độ tỉnh thức là không mê đắm, không bị trói buộc trong những sự tạm thời, chóng qua ở đời này. Dù cho những thiện hảo đời này có tốt, có đẹp bao nhiêu đi nữa thì chúng chỉ là nhất thời và qua đi. Chúa Kitô đã dùng hình ảnh bị mối mọt, bị ten sét, bị trộm cướp để minh hoạ sự thật này. Các bậc hiền giả xưa nay cũng chân nhận rằng sắc đẹp không qua khỏi làn da, của tiền không theo chúng ta vào nấm huyệt lạnh, công danh quyền chức chỉ là một thời.

Người sống tỉnh thức là người biết tự do với cả mạng sống mình ở đời này. Thân xác thì hơn áo mặc, mạng sống thì hơn của ăn và hạnh phúc vĩnh cửu thì hơn cả mạng sống đời này. Họ là những người không nao núng trước quyền lực chỉ có thể làm hại sự sống đời này của họ nhưng không thể làm hại đến sự sống đời đời.

Sống sẵn sàng: Suy xét đến cùng thì thái độ sống tỉnh thức chỉ dừng lại ở mặt tiêu cực. Kitô hữu sống tự do với các thực tại đời này không phải để cho bản thân thoát khỏi những hệ lụy tiêu cực của những sự chóng qua mà anh em Phật tử gọi là vòng khổ ải, nhưng là để sống yêu thương cho đến cùng. Đây là nội hàm của tinh thần sẵn sàng mà Chúa Kitô dạy.

Khi thánh Phêrô hỏi về dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức sẵn sàng đợi chủ đi ăn cưới về thì Chúa Giêsu đã giảng giải tinh thần sẵn sàng qua hình ảnh người quản gia trung tín, khôn ngoan phân phát thóc gạo đúng giờ cho kẻ ăn người ở. Sự sẵn sàng ở đây không hướng đến những người vai vế ở trên, nhưng là đối với những người ở phận dưới (x.Lc.12,41-48; Mt 25,45-50).

Những người ở phận dưới trước hết là những người mà chúng ta đang có trách nhiệm cách trực tiếp như đàn chiên Giáo Hội trao phó, con cái, học trò… Họ cũng là những người thấp cổ, bé phận trong xã hội, những người xấu số, kém may mắn trước mặt ngưòi đời, nói chung là tất cả những tâm hồn bé mọn mà Tin Mừng đề cập. Thánh sử Matthêu đã tường thuật cho chúng ta dụ ngôn Chúa Giêsu kể về ngày cánh chung nhắc nhớ chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận yêu thương với những tâm hồn ấy.

Mỗi khi dâng Thánh Lễ, Kitô hữu chúng ta đều đấm ngực ăn năn về nhiều tội đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vẫn có đó nhiều con cái Chúa chưa hình dung rõ ràng về những tội thiếu sót. Theo ngôn ngữ tiếng Việt thì người ta dễ lầm tưởng đó là những tội quên sót. Xin khẳng định rằng những tội mà chúng ta dễ quên hay dễ bỏ sót khi xét mình thì hình như không đáng gọi là tội. Nếu thực sự là tội theo đúng nghĩa thì một Kitô hữu trưởng thành, ngay chính không dễ gì quên hay bỏ sót. Tội thiếu sót là tội chúng ta đã bỏ qua những việc tốt, những việc phải làm trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta theo nghĩa vụ sống yêu thương. Bản dịch Anh ngữ thì hình như khá rõ về điều này: “I confess to almighty God, and to you, my brothers and sisters, that I have greatly sinned, in my thoughts and in my words, in what I have done and in what I have failed to do…”

Vì sao người ta lại bỏ qua những việc phải làm? Cũng có thể vì sự vô tâm. Tuy nhiên cần phải nói rằng số người sống vô tâm, bạc tình có lẽ không nhiều. Nhưng số người mắc phải tội “quên sót’ thì không ít. Vì dính bén chút của tiền hay danh vọng, vì quá quyến luyến sự sống đời này nên người ta đã bỏ qua những việc cần làm, những việc phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nhất là theo đòi hỏi tình yêu Tin Mừng. Một thực tế khó bề chối cãi, đó là người ta dễ dàng sẵn sàng với người phận trên, với kẻ nhiều tiền hay quyền cao chức trọng, nhưng lại thờ ơ với những người thấp cổ bé phận. Xin chớ quên lời của Chúa Kitô: Hạnh phúc Nước Trời hệ tại ở chính những nghĩa cử chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn chứ không phải cho những người phận cao.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mục Tử Nhân Lành: Một Chân Dung Của Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:35 04/08/2022
Mục Tử Nhân Lành: Một Chân Dung Của Thiên Chúa

(Lễ ngày thứ Sáu đầu tháng 8-2022 tại đồi Thánh Tâm, Điểm Hành Hương của Gp. BMT)

Chân dung Thiên Chúa Tình yêu được mạc khải cách trọn hảo qua Đức Giêsu Kitô. Qua ba bài đọc Thánh Kinh lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm C, Hội Thánh như muốn giới thiệu với chúng ta chân dung Thiên Chúa Tình yêu qua hình ảnh người mục tử nhân lành (Ed 34,11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7). Xin được chia sẻ đôi tâm tình.

1. Vị mục tử nhân lành với trái tim nhân hậu và công minh. Chương 34 sách Tiên Tri Edêkien khởi đầu bằng những lời của Chúa hạch tội các mục tử gian ác. Họ chỉ biết lo cho bản thân mình mà không chăm lo đến các con chiên đau yếu, bệnh tật, lạc đàn…Họ thống trị đàn chiên một cách tàn bạo và hà khắc. Vì thế Giavê Thiên Chúa sẽ đòi lại chiên từ tay các mục tử gian ác ấy. Và chính Thiên Chúa sẽ chăm sóc đàn chiên (x. Ed 34,1-10).

Thời ngôn sứ Êdiêkiel có đó một vài kẻ trộm kẻ cướp đóng vai người chăn chiên. Và có đó rất nhiều kẻ chăn thuê hành nghề mục tử. Đã là chăn thuê thì mục đích nhắm là tiền công thu được chứ không phải là sự sống và hạnh phúc của đàn chiên. Đã là kẻ chăn thuê thì không hề có ý tưởng sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên được giao phó. Chúa Giêsu đã tự nhận mình là mục tử nhân lành. Người đã làm trọn lời tiên báo về hình ảnh vị mục tử nhân lành trong sách Êdêkien. Người biết chiên của Người. Người luôn đi trước đàn chiên để bảo vệ chúng khỏi sói dữ và để dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, đến dòng suối trong lành. Người cho chiên nghỉ ngơi trong an bình. Con nào bị mất, Người cất công đi tìm; con nào bị thương, Người tìm cách băng bó; con nào bệnh tật, Người chữa cho lành. Người sẽ quy tụ các chiên về cùng một đàn (x Êd 34, 13-16; Ga 10,1-18). Cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu là lời minh chứng sống động và khả tín rằng Người chính là vị mục tử nhân lành.

Chúa Giêsu không chỉ là vị mục tử nhân lành, Người còn là vị mục tử công minh. Tiên tri Êdêkien đã làm chúng ta chưng hửng khi nói rằng người mục tử sẽ triệt hạ (détruire- destroy) các con chiên béo mập (Êd.34, 16). Một hành vi hình như tương phản với thực tế trong chăn nuôi. Trong một bầy đàn các vật nuôi, người nuôi thường nâng niu, vuốt ve những con béo mập, xinh tốt. Thế mà Thánh Kinh lại nói Người mục tử sẽ triệt hạ các con béo mập, láng mỡ. Quả thật, chúng ta không thể chối cãi hiện thực này: trong một đàn vật nuôi, những con béo mập thường là những con giành phần ăn của các con khác. Chúng được béo mập là bởi sự bất công mà chúng có được bằng việc sử dụng sức mạnh hay mánh khóe. Đến đây ta mới nhận ra sự công minh của vị mục tử. Vì Người “sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Êd. 34,16).

Quả vậy, đến thế gian, Chúa Giêsu đã biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, triệt hạ những kẻ quyền thế, và nâng cao những người phận nhỏ (x.Lc 1,51-52). Không quanh co, không khiếp sợ, Chúa Giêsu đã thẳng thừng vạch rõ những lầm lỗi của những người đứng đầu trong dân thời bấy giờ. Điệp khúc “khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ; khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái…” chính là những lời từ miệng Đấng chăn chiên lành.

2. Vị Mục tử nhân hậu với trái tim có chỗ cho từng người, cho mọi người. Thiên Chúa không muốn bất cứ ai phải hư mất. Người sẵn sàng bỏ 99 con chiên trên núi để tìm cho được một con chiên lạc đàn. Trong tình yêu hình như không có chỗ cho “số lượng” mà chỉ có “chất lượng”. Đã yêu là không cần cân đo đong đếm.

Tình yêu đích thực không màng đến hiệu quả trước mắt. Vẫn đi tìm dù chỉ một con chiên đang đi lạc. Chắc gì tìm được và có thể xôi hỏng bỏng tay. Vì một con chiên mà như quên 99 con còn lại. Quả là sự “điên dại” của tình yêu. Biết đâu lại phải rước họa vào chính bản thân. Điều này đã thành hiện thực. Người mục tử nhân hậu đã phải chịu đâm thâu cạnh sườn. Máu cùng nước đã chảy ra. Thánh Tông đồ dân ngoại đã cảm nghiệm sự thật này. Ít có ai chết cho người công chính thế mà “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Trong trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu mỗi người đều có một chỗ mà không ai có thể thay thế. Chúa yêu thương mọi người, và Người yêu thương từng người trong chúng ta cách đặc thù. Không một ai là đồ bỏ đi. Vì thế, ta không được phép thất vọng về bản thân mình và cũng không được quyền thất vọng về bất cứ một ai. Với Thiên Chúa, mọi sự đều là có thể.

Chiêm ngắm tình yêu bao la của Thiên Chúa qua Trái Tim của vị Mục Tử nhân lành, ước gì niềm tin dẫn chúng ta đến niềm hy vọng. Và sự hy vọng sẽ giúp ta sống an bình. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép sống an bình cách ích kỷ. Đến với Chúa nơi đồi Thánh Tâm, trung tâm hành hương của giáo phận nhà, hẳn nhiên chúng ta đại đa số đều mong hưởng nhận lòng thương xót của Chúa, mong hưởng nhận ơn này ơn khác từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đây là tâm tình chính đáng. Tuy nhiên ơn lành mà Chúa muốn ban hơn đó là chúng ta khi chiêm ngắm tình yêu bao la của vị mục tử nhân lành đã vắt kiệt giọt máu giọt nước cuối cùng từ Trái Tim bị đâm thâu thì tấm lòng của chúng ta được mở ra với tha nhân trong tình yêu liên đới.

Xin Chúa đổ thần khí mới vào lòng chúng ta, biến đổi trái tim bằng đá của ta thành trái tim thịt mềm (x.Êd 36, 26), để ta biết chung nhịp đập với Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu trong tình yêu thương. Đó là một trái tim của người mục tử biết sống vì đàn chiên, vì từng con chiên trong đàn lẫn ngoài đàn. Đó là một trái tim của người mục tử đầy tình nhân hậu và sự công minh, vừa biết chăm sóc các chiên bệnh tật, cô thế yếu thân, vừa biết sửa trị các chiên láng mỡ, béo phì vì được hưởng lợi do bởi sự bất công.

Để sống được điều này, chắc chắn trái tim ta dẫu không bị rách nát thì cũng rỉ máu. Quy luật muôn đời của tình yêu là thế. Xin Thánh Tâm Chúa đốt nóng lửa tình yêu trong lòng chúng con.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
 
Kho Tàng
Lm Vũđình Tường
23:37 04/08/2022
Ai cũng mong ước có được cuộc sống mạnh khoẻ và an toàn. Hầu như đây là ước mơ nhiều hơn hiện thực. Hầu hết đều phải phấn đấu với bệnh tật, may rủi trong cuộc sống và may rủi trong công ăn việc làm. Những điều này hoặc của chính mình, hoặc cùng chung vai gánh với thân nhân, thân hữu. Đức Kitô thấu hiểu những lo lắng, bất an trong cuộc sống. Ngài nói với đám đông, đừng quá lo lắng và đừng thất vọng, hãy tin tưởng đặt trọn hy vọng vào Thiên Chúa bởi,

'Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em' c.32.

Đây không phải là lời hứa suông mà là một thực thể, bởi lời hứa đó đến từ Chúa Cha, Đấng luôn trung thành với điều Ngài hứa ban. Thời gian ban do Ngài quyết định khi nào? cho ai?. Nước trời Thiên Chúa ban cho mọi người. Việc của Kitô hữu là chuẩn bị đón nhận món quà trời ban. Chuẩn bị nhận như thế nào?

Đoạn hai trong bài đọc nhắc đến nhiều hình ảnh Đức Kitô dùng để rao giảng cách dùng cuộc sống hiện tại để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu nơi thiên Quốc. Ngài nói về cách chuẩn bị đón nhận Nước Trời như sau.
Hình ảnh thứ nhất là cầm đèn sáng trong tay, (câu 35-38). Đây là dụ ngôn Mười Trinh Nữ đi đón chàng rể; vì chàng rể đến chậm nên giữa đêm có loan báo chàng rể đến. Năm cô chuẩn bị sẵn sàng vào tiệc cưới. Các cô thiếu chuẩn bị đến chậm không được dự tiệc vì đến sau khi đã khai tiệc.

Hình ảnh thứ hai (câu 39-40) nhắc đến chủ nhà cẩn thận, chuẩn bị kĩ càng không để cho trộm lọt vào nhà. Hình ảnh thứ ba ( câu 41-48) nhắc đến người làm công trung tín. Người làm công trung tín trong công việc, dù chủ ở gần hay đi xa, người đó luôn trung tín trong công việc được trao phó. Đối nghịch là người làm công thất tín, không mong làm xong việc, chỉ mong mau hết giờ. Người làm công trung tín là người được thưởng, và người làm thất tín mất lòng tin nơi chủ. Những hình ảnh trên qui tụ về một điểm duy nhất, đó là sự sống trường sinh, xảy đến cách bất ngờ.

Chúng ta nghe nói con người phục vụ Thiên Chúa. Bài đọc hôm nay nói điều ngược lại. Chính Thiên Chúa phục vụ chúng ta. Chúa là Đấng toàn thiện nên Ngài chẳng thiếu chi. Bởi không thiếu chi nên sao Kitô hữu có thể phục vụ Đấng không hề thiếu chi? Vì thế khi nói phục vụ Chúa có nghĩa là phục vụ anh chị em, con cái Chúa, những người Chúa yêu mến. Phục vụ, lo lắng cho anh chị em chính là phục vụ Chúa bởi Chúa coi mọi người là hiện thân, hình ảnh của chính Chúa. Khi Kitô hữu lo lắng, chăm sóc anh chị em khác, Đức Kitô nói tình yêu ta dành cho tha nhân sẽ không bị quên lãng bởi Chúa coi như ta làm cho chính Chúa, và Ngài ghi nhận việc lành đó trên Nước Trời.

'Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. hãy sắm lấn túi tiền không hề hư nát, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời'. c.33

Điều này không có nghĩa là ta có thể mua được Nước Trời bằng cách bố thí tài sản, làm việc lành, phúc đức. Thiên Chúa là Đấng duy nhất ban Nước Trời cho con cái Chúa. Nước Trời là quà Chúa tặng, không bán. Kẻ nhận được không thể bán. Vì thế không thể mua bán, đổi chác. Làm việc bác ái là nhận biết Chúa ban cho con người khả năng biến của hư nát nơi trần gian thành của không hề hư nát nơi Thiên Quốc. Bác ái là việc lành, thánh, nên làm. Ta làm việc bác ái để tỏ lòng yêu mến Chúa, và yêu mến những gì Chúa yêu mến. Đây còn là dấu chỉ cho biết tấm lòng của ta hiện đang ở đâu. Đức Kitô nói,

'Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó'.c.33

Mục đích cuối cùng trên đời là được sống muôn đời. Mọi tạo vật Chúa dựng nên đều có giới hạn. Chúa tạo dựng chúng cho con người hưởng dùng. Con người cần dùng chúng cách khôn ngoan, trong tâm tình tương thân, tương ái. Chính cách dùng này biến của hư nát thành gia tài bất diệt.

Chúng ta xin ơn biết hướng về trời.

TiengChuong.org

Treasure

Having a healthy long life and security for our future is what we all want to have, but for most of us, it is a dream more than reality. We all have to struggle hard, either on our own or with relatives and friends, to deal with sickness, misfortune and job security. Knowing our longing, Jesus offers hope for those who have experienced that life is a heavy burden. He told them, do not to lose hope, but to trust in God because it is the Father's pleasure to give His children the heavenly gift v.33. This offer is not an empty promise, but rather a sure thing because it comes from the Father. Whatever the Father loves to do; His will be done, not at our own time, but God's. This gift is given to those who appreciate it. How can we can get this heavenly gift?

The second paragraph packs several images that Jesus used to talk about our preparation for the heavenly gift. These images serve as reminders of his previous teaching. The first image (vv.35-38) is the lit lamp which reminds us of the parable of the wedding banquet. Because the groom arrived late, only the guests who were watchful to enter the wedding hall; the careless ones arrived after the door of the wedding hall had closed, were denied entry.
The second image (vv. 39-40) is about readiness. It is the house owner who had secured his house well to deter thief entering. Today the Gospel (vv.41-48) is about the faithfulness of servants. Some are faithful and some are untruthful. The Master of the estate would return at the time which they were unexpected. It is a blessing for those servants who are faithful to their assignments, and a curse for those who disobeyed the Master's commands. All these images talk about one single reality, and that is eternal life which will happen unexpectedly.

We often say we serve God, but today's reading tells us that it is not us who serve God, but rather God serves us and looks after us. There is nothing we humans can add to the divine's greatness. God is perfect that there is no more room to add on anything. When we say we serve God we mean that through serving God's people, we serve God. It is not God in whom we serve, but rather God's people. In caring for others we do it for God because God identifies himself to each one of us. When we serve others; God makes it as if we serve God himself. Jesus told us, that our love for others would never be forgotten because it is God who keeps the records of our kindness to others. That is how 'your purses do not wear out, treasure that will not fail you'. v. 33. Giving alms that generate treasure in heaven implies God gives us the power to change corruptible things of this world into the incorruptible treasure in heaven. This doesn't mean that we can gain salvation by acts of charity. No. Salvation is God's gift to us. Giving alms is a noble thing to do. They are the concrete signs that we love God and love people whom God loves dearly. Giving alms are also signs telling us about our hearts. Jesus told us that

'Where your treasure is, there will your heart be also'. v.33

Our final goal in life is everlasting life. All created things have their time limit. They are there for us to use. We need to use them wisely by means of sharing with others. By sharing them we transform the corruptible materials into the incorruptible in value, and that lasts forever in God's kingdom.

We pray to take heart in Jesus' teaching.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chế độ Ortega ở Nicaragua sử dụng bạo lực đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo
Đặng Tự Do
17:21 04/08/2022


Cảnh sát Nicaragua đã đột nhập vào giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót vào đêm 1 tháng 8 ở thị trấn Sébaco thuộc Giáo phận Matagalpa để đóng cửa một đài phát thanh Công Giáo. Đó là một trong 5 đài phát thanh Công Giáo bị chính quyền Daniel Ortega đóng cửa hôm thứ Hai.

Trên Facebook, giáo xứ đã phát trực tiếp việc cảnh sát đến cửa giáo xứ cũng như việc họ xâm nhập bằng vũ lực.

Kênh Công Giáo ở Sébaco cũng phát sóng trực tiếp cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà nguyện Chúa Hài Đồng Prague. Đài báo cáo rằng các viên chức cộng sản đã bắn chỉ thiên và bắn hơi cay để xua đuổi những người đến ủng hộ Cha Uriel Vallejos, giám đốc cơ quan truyền thông.

“Chúng tôi xin, các anh em, hãy cùng chúng tôi cầu nguyện. Tất cả những người đang ở nhà của họ, vào lúc này, xin vui lòng, chúng tôi yêu cầu các bạn quỳ xuống, thắp một ngọn nến trước ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Cầu mong Đức Mẹ bảo vệ chúng tôi với lớp áo thiên đàng của Mẹ,” phát thanh viên nói.

Giáo phận Matagalpa, nơi được cai quản bởi Đức Cha Rolando Álvarez, là một trong những người chỉ trích chính phủ, đã báo cáo rằng cơ quan quản lý của đất nước, Viện Dịch vụ Bưu chính và Viễn thông Nicaragua, đã thông báo cho ngài vào thứ Hai về việc đóng cửa Đài Hermanos.

“Vào thời điểm này, chúng tôi được thông báo rằng họ cũng đã đóng cửa Đài Đức Mẹ Lộ Đức ở La Dalia, Đài Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande, Đài Alliens ở San Dionisio, và Đài Mount Carmel ở Río Blanco,” Đức Cha thông báo trong tuyên bố của mình.

Giáo phận cho biết lập luận của bọn cầm quyền về việc đóng cửa Đài Hermanos là “kể từ ngày 30 tháng Giêng năm 2003, chúng tôi đã không có giấy phép hoạt động hợp lệ.”

Tuy nhiên, giáo phận cho biết vào ngày 7 tháng 6 năm 2016, “đích thân giám mục Rolando Álvarez của chúng tôi đã xuất trình tài liệu” trước cơ quan nói trên để yêu cầu các giấy phép hoạt động hiện tại cho Đài phát thanh Hermanos, Đài phát thanh Đức Mẹ Lộ Đức ở La Dalia, Đài phát thanh Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande, Đài phát thanh Mount Carmel ở Río Blanco, Đài phát thanh St. Lucy ở Ciudad Darío, Đài phát thanh Công Giáo ở Sebaco, và Đài phát thanh St. Joseph ở Matiguas.

Giáo phận lưu ý rằng yêu cầu của ngài “không bao giờ được trả lời.”

“Tất cả tài liệu này đều có sẵn cho nhà chức trách, cộng đồng quốc gia và quốc tế,” vị giám mục nói thêm.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Guadalajara: Cần điều tra kỹ lưỡng về phép lạ thánh thể đang được đồn đãi tại Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
17:23 04/08/2022


Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mễ Tây Cơ, gần đây đã lên tiếng về một phép lạ thánh thể được tường trình trên mạng xã hội, và được cho là xảy ra tại một giáo xứ trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Hồng Y Robles cho biết vụ việc là “rất nghiêm trọng, bởi vì đó là vấn đề của bí tích lớn nhất trong đức tin của chúng ta, nơi chúng ta chắc chắn về sự hiện diện thực sự, sống động của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể.”

“Đó là một vấn đề rất nhạy cảm khi một số yếu tố phi thường được ghi lại hoặc công bố chính thức mà không có thẩm quyền của giáo hội. Đức Hồng Y cho biết Giáo Hội cần phải thấu hiểu xem điều gì đã xảy ra, xem xét các chi tiết để nói rằng đó là một hành động siêu nhiên, phi thường, một phép lạ”.

Đức Hồng Y lưu ý rằng “cho đến thời điểm này, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào từ linh mục quản xứ, cũng như từ linh mục hướng dẫn buổi cầu nguyện, cũng như từ chính các tín hữu đã trải nghiệm những gì họ thấy.”

“Hoàn toàn không có ai tiếp cận tôi để nói rằng 'đây là những gì đã xảy ra, bằng chứng chúng tôi có, Đức Hồng Y hãy quyết định.' Không ai tiếp cận tôi cả”

Đức Hồng Y đã phát biểu trước những đồn thổi liên quan đến một biến cố diễn ra ngày 22 tháng 7 tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Zapotlanejo, cách Guadalajara khoảng 20 dặm về phía đông.

Các video, được đăng trên mạng xã hội, dường như cho thấy Mình Thánh Chúa, được trưng bày trong một buổi chầu Thánh Thể, đã có những chuyển động như thể đó là một trái tim.

Cha Carlos Spahn, người đã dâng thánh lễ trước đó và hướng dẫn các buổi cầu nguyện cho việc chầu thánh thể, trong đó phép lạ thánh thể được cho là diễn ra, vào ngày 26 tháng 7, nói với ACI Prensa rằng những gì được thấy trong video là “xác thực” và thực tế là không phải tất cả mọi người có mặt đều nhìn thấy điều đó cho thấy nguồn gốc thiêng liêng của biến cố này. “

Cha Spahn là một linh mục người Á Căn Đình, người sáng lập và là bề trên của Dòng Trái tim Vô nhiễm và Lòng Chúa Thương xót. Ngài đang thực hiện một sứ vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi và chỉ ở đó một thời gian ngắn.

Phát biểu ngày 31 tháng 7, Đức Hồng Y Robles cảnh báo: “Hãy tưởng tượng rằng ai đó đặt ra một kịch bản phép lạ có thể xảy ra và sau đó đấng bản quyền chỉ đơn giản tuyên bố đó là phép lạ, và sau đó điều đó được chứng minh là một kịch bản thấp hèn.”

“Mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô, và thẩm quyền của Giáo hội ở đâu?” ngài đặt câu hỏi, và cảnh báo rằng “đó là một vấn đề rất nhạy cảm và nghiêm trọng.”

Đức Tổng Giám Mục Guadalajara nhắc lại rằng “cho đến nay tôi không có cách nào để tuyên bố” về tính xác thực hay giả mạo của phép lạ thánh thể được tường trình”.

“Tôi sẽ phải thực hiện một cuộc điều tra nghiêm chỉnh và xác định ý nghĩa,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “có rất nhiều video và rất nhiều thứ có thể được tạo ra có vẻ như thực.”

“Vấn đề rất nhạy cảm, nhiều chuyện đùa giỡn với tình cảm, với niềm tin của người dân đang diễn ra, nó làm mất uy tín, và sự trang nghiêm của Giáo hội,” ngài than thở.

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng “đối với Giáo hội, trong mỗi Bí tích Thánh Thể được cử hành, Chúa Giêsu trở nên hiện diện thực sự trên bàn thờ và thực sự trong bánh thánh hiến và trong rượu thánh hiến, bất kể bánh thánh có chảy máu, có rung động hay không.”

“Điều kỳ diệu là sự hiện diện sống động của Chúa Giê Su Kitô được nhận ra và đức tin của chúng ta thông thường không cần những biểu hiện siêu nhiên này”

“Điều được trình bày như một phép lạ thánh thể phải được xác minh với tất cả sự nghiêm túc và phải xem xét mọi khía cạnh.”
Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Quân Putin kiệt sức: 2 tuần vẫn bại ở Bakhmut, núp trong nhà máy điện hạt nhân pháo vào dân thường
VietCatholic Media
03:24 04/08/2022


1. Nga kiệt sức, đánh hơn hai tuần lễ vẫn thất bại tại thành phố Bakhmut của Donetsk

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 4 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết sau hơn 10 ngày tấn công vào thành phố Bakhmut của Donetsk, quân Nga vẫn thất bại với những thiệt hại rất nặng.

Trong bản cập nhật hàng ngày của mình, Bộ Tổng tham mưu cho biết trong ngày qua quân đội Nga đã tiến công từ phía tây bắc về phía Bakhmut nhưng đã bị đẩy lùi.

“Kẻ thù đã phát động một cuộc tấn công ở khu vực ngoại ô phía tây của Berestove, nhưng không thành công và rút lui bỏ lại xác đồng đội.” Berestove là một ngôi làng cách Bakhmut khoảng 30 km.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói thêm rằng tình hình cũng giống như vậy theo các hướng về phía bắc giữa Volodymyrivka và Yakovlivka, và theo hướng đông từ Semyhiria đến Kodema.

Giao tranh cũng tiếp tục về phía bắc dọc theo Volodymyrivka đến Soledar và về phía đông từ Pokrovske đến Bakhmut.

“Các binh sĩ Ukraine đã gây ra thiệt hại hỏa lực mạnh mẽ trên các hướng Vidrodzhennia-Kodema và Dolomytne-Semyhiria và buộc quân chiếm đóng phải rút lui”.

Ở những nơi khác ở Donetsk, Ukraine cho biết Nga cũng cố gắng thực hiện một động thái nhằm vào Avdiivka.

“Kẻ thù đã pháo kích vào khu vực Avdiivka. Nó đã cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật, không thành công, rút lui với tổn thất.”

Cuộc chiến tại Bakhmut trong 10 ngày qua chứng minh Nga không thể thắng trong cuộc xâm lược Ukraine. Tại Bakhmut, họ có rất nhiều thuận lợi. Họ không gặp vấn đề về hậu cần vì vùng này gần với lãnh thổ Nga và cái gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk tự xưng. Vùng này cũng nằm trong phạm vi của trọng pháo từ biên giới Nga bắn sang. Chiếm không nổi Bakhmut, khả năng người Nga chiến thắng trong cuộc xâm lược Ukraine là hoàn toàn hoang tưởng.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Hôm 5 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có một cuộc họp với Putin để báo cáo về chiến thắng tại Lysychansk. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nga kháo rằng quân Nga đã chiếm được toàn bộ vùng Luhansk.

Điều đó không đúng sự thật. Quân Ukraine vẫn còn giữ được một phần. Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 20 tháng 7, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley khẳng định Ukraine vẫn còn giữ được một phần của vùng Luhansk. Các khu vực do Ukraine kiểm soát ở Luhansk hầu hết là đất nông nghiệp với những khoảnh rừng và bị chia cắt bởi sông Seversky Donets - nơi bị quân đội Ukraine bắn liên tục – rất khó có thể vượt qua.

Người Nga đã thành công trong việc chiếm được Lysychansk chỉ sau khi dùng pháo hạng nặng tấn công các vị trí của Ukraine và tiến được tối đa là một km trong một hoặc hai ngày. Họ đã chiếm được Lysychansk với các tổn thất rất nặng nề. Tuy nhiên, quân Nga đã thất bại trong việc bao vây một nhóm lớn quân Ukraine chỉ cách Lysychansk vài km về phía nam. Quân Ukraine rút lui chủ yếu là đi bộ dưới hỏa lực dày đặc - đến những ngọn đồi xung quanh các thành phố Seversk và Bakhmut.

Sau khi quân Nga chiếm được Lysychansk vào ngày 2 tháng 7, một tuần sau đó Putin đã ra lệnh cho họ tạm nghỉ để tái phối trí các lực lượng. Giờ đây, dưới áp lực của các phương tiện truyền thông diều hâu của Nga, các sĩ quan Nga đang tung ra những nỗ lực chiếm nốt phần còn lại của Luhansk bằng mọi giá.

Nhưng những gì phía trước quân đội Nga ở Donetsk phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Cần nhớ rằng Ukraine vẫn kiểm soát gần một nửa khu vực Donetsk - và đã dành gần 8 năm để xây dựng các tuyến phòng thủ ở đó.

2. Nga yếu đến mức phải xoay qua nịnh bợ Trung Quốc trong vụ Nancy Pelosi

Hôm thứ Tư, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng bênh vực lập trường của Trung Quốc và cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi điều mà cô ta gọi là “thảm họa” ở Ukraine mà Washington “tự tay tạo ra”.

“Đây là một thảm họa tuyệt đối mà chính Hoa Kỳ đã tạo ra bằng chính bàn tay của mình xung quanh Ukraine, sự thất bại của tất cả mọi thứ liên quan đến vấn đề này theo hướng Âu Châu. Người Âu Châu đã quay sang Washington và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi vì mùa đông đã đến gần. Sự bế tắc đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình thông tin, là điều mà Pelosi đã làm.”

Mạc Tư Khoa đã dùng năng lượng như một thứ vũ khí để đánh vào Liên Hiệp Âu Châu. Tin tức hàng đầu tại Âu Châu hôm 1 tháng 8 là về một đợt tăng giá khí đốt trên thị trường Âu Châu lên trên 2.000 USD trên 1.000 mét khối. Đây là đòn khủng bố giá có chủ đích của Nga đối với Âu Châu. Sử dụng Gazprom, Mạc Tư Khoa đang làm mọi cách để biến mùa đông này trở nên khắc nghiệt nhất đối với các nước Âu Châu.

Mạc Tư Khoa đã tìm cách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, vì sự ủng hộ của Trung Quốc đã giúp đỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi ông phải đối mặt với tình trạng quốc tế do cuộc xâm lược Ukraine.

Zakharova mô tả động thái của Pelosi, quan chức cấp cao nhất của Mỹ trong 25 năm tới thăm Đài Loan, không gì khác hơn là “chiêu trò vận động dư luận” cho thấy Washington đã sẵn sàng hy sinh danh tiếng của mình vì những lợi ích ngắn hạn.

Nói năng nhảm nhí, không bằng không chứng, Zakharova tuyên bố như một bà điên rằng:

“Mỹ không đặt một xu nào cho bất kỳ đối tác nào của mình, cho dù họ là đồng minh thân cận nhất, đồng minh chiến lược, cho dù họ là đối tác, cho dù họ là quốc gia có quan hệ đang phát triển theo nhiều hướng khác nhau, họ không quan tâm”, bà ta nói tiếp.

“Vì lợi nhuận nhất thời, vì lợi ích tức thời, vì lợi ích vận động nội bộ và bên ngoài khét tiếng này, họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả những tàn dư của danh tiếng của chính họ,” Zakharova nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với chính quyền Biden và văn phòng của Pelosi để đưa ra bình luận.

Ngay sau khi Pelosi đến Đài Loan vào cuối ngày thứ Ba, Bắc Kinh cho biết họ sẽ đáp trả bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự trả đũa. Quân đội Trung Quốc đã công bố bản đồ các cuộc tập trận sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới bao quanh hòn đảo tranh chấp.

Washington chính thức cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979, ba thập kỷ sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập thông qua chiến thắng năm 1949 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước chính phủ quốc gia của Tưởng Giới Thạch. Quốc Dân Đảng đã thành lập Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. Mỹ vẫn duy trì các mối quan hệ không chính thức thông qua các cuộc tiếp xúc chính trị và hỗ trợ quân sự đã gia tăng trong những năm gần đây. Cho đến nay, Trung Quốc luôn tuyên bố đảo Đài Loan tự trị là của mình.

3. Lực lượng Nga trong nhà máy hạt nhân và pháo kích vào thường dân

Các lực lượng Nga đang pháo kích vào các thị trấn ở miền nam Ukraine từ một vị trí bên trong nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã cho biết như trên vào hôm thứ Tư.

Các quan chức Ukraine cho biết, pháo binh Nga bắn từ bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya trên sông Dnipro không sợ bị đáp trả, bởi vì thiệt hại của một cuộc tấn công từ phía Ukraine có thể là thảm khốc, New York Times đưa tin.

Oleksandr Sayuk, thị trưởng Nikopol - một thị trấn Ukraine nằm bên kia sông đối với nhà máy, nói với tờ báo.

“Tại sao họ lại ở trong nhà máy điện? Sử dụng một vật thể như vậy làm lá chắn là rất nguy hiểm”.

Nhà máy điện - cách thành phố cùng tên do Ukraine kiểm soát khoảng 75 dặm - có sáu lò phản ứng hạt nhân, trong đó người Nga đã xây dựng một tiền đồn nhỏ sau khi giành quyền kiểm soát vào đầu tháng Ba.

Kể từ tháng 7, các đơn vị đồn trú đã bao gồm ít nhất một bệ phóng nhiều hỏa tiễn BM-30 Smerch và một số hệ thống hỏa tiễn BM-21 Grad cũ hơn, theo một báo cáo trên Wall Street Journal.

Quân đội Nga được cho là đã đặt mìn và đào hào để bảo vệ họ.

Ở những nơi khác trong nước, các lực lượng Ukraine đã sử dụng hệ thống radar đối kháng của phương Tây và bệ phóng hỏa tiễn chính xác tầm xa để tiêu diệt các đơn vị pháo binh Nga đã tấn công các thành phố và vị trí quân sự của Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Tuy nhiên, tại nhà máy điện, không có loại pháo nào đủ chính xác để bảo đảm nguy cơ bắn vào lò phản ứng hạt nhân.

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine tháng trước thông báo rằng họ đã sử dụng một máy bay không người lái tự sát để tấn công các vị trí của Nga tại nhà máy, khiến 3 người thiệt mạng và 12 người bị thương trong các lều của Nga tại địa điểm này.

Dmytro Orlov, thị trưởng lưu vong của Enerhodar - thị trấn nơi đặt cơ sở - là một cựu kỹ sư của nhà máy. Ông nói với New York Times hôm thứ Hai rằng chỉ một cú đánh trực tiếp vào các lò phản ứng sẽ xuyên thủng các bồn chứa bê tông dày một thước Anh.

Nhưng một cú đánh như vậy có thể rất thảm khốc, khiến nhà máy rơi vào tình trạng tan chảy hoặc có nguy cơ xảy ra một vụ nổ khiến bụi phóng xạ bay đi hàng trăm dặm.

Orlov cũng cho biết có nguy cơ một quả đạn pháo sai lầm của Ukraine có thể bắn trúng kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng của cơ sở, điều này sẽ làm phát tán chất phóng xạ cao trong một khu vực kín hơn, giống như một quả bom.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã vận động để Nga cho tiếp cận nhà máy nhưng cho đến nay vẫn không thành công.

Tháng trước, cùng ngày tình báo Ukraine tuyên bố tấn công bằng máy bay không người lái của họ nhằm vào các lực lượng Nga đang ẩn náu trong nhà máy, IAEA đã đưa ra một tuyên bố lo ngại về “tình hình ngày càng đáng báo động” tại cơ sở này.

“Điều cực kỳ quan trọng là không được thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của nhà máy này, cũng là nhà máy lớn nhất Âu Châu. Trong một cuộc xung đột như thế này, một cơ sở hạt nhân có thể bị hư hại ngoài ý muốn. Cơ quan này cho biết phải tránh bằng mọi giá.

4. Liên Hiệp Quốc âu lo trước hành động của Nga núp trong nhà máy điện hạt nhân pháo kích vào thường dân Ukraine

Người đứng đầu hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu ở Ukraine “hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát” - đồng thời kêu gọi Mạc Tư Khoa cho phép các chuyên gia tiếp cận và kiểm tra địa điểm này nhằm tránh một thảm họa tiềm tàng.

Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cho biết tình trạng của nhà máy Zaporizhzhia ở thành phố Enerhodar, thuộc quyền kiểm soát của Nga kể từ đầu tháng Ba, đang xấu đi theo từng ngày.

Grossi nói: “Mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân đều đã bị vi phạm. Những gì đang bị đe dọa là cực kỳ nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng và đáng âu lo.”

Grossi đã liệt kê nhiều vi phạm về an toàn của nhà máy, đồng thời nói thêm rằng nó đang là “nơi diễn ra chiến tranh”.

Ông nói, tính toàn vẹn vật lý của cơ sở chứa các lò phản ứng hạt nhân đã không được tôn trọng, và than phiền về các cuộc pháo kích ngay từ đầu cuộc chiến khi quân Nga chiếm nơi này và tiếp tục có thông tin từ Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công tại Zaporizhzhia.

Tờ New York Times đưa tin hôm thứ Hai, trích dẫn các quan chức Ukraine, rằng người Nga đã núp trong nhà máy điện hạt nhân này để pháo kích vào các thị trấn, vì biết rằng các lực lượng Ukraine sẽ không tấn công lại vì sợ kích hoạt một vụ nổ hạt nhân.

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine tháng trước thông báo rằng họ đã sử dụng một máy bay không người lái liều chết để tấn công các vị trí của Nga tại nhà máy, khiến 3 binh sĩ Nga thiệt mạng và 12 người khác bị thương.

Grossi giải thích rằng có “một tình huống nghịch lý” trong đó nhà máy do Nga kiểm soát, nhưng các nhân viên Ukraine của họ vẫn tiếp tục điều hành các hoạt động hạt nhân ở đó, dẫn đến các cuộc đụng độ không thể tránh khỏi và bạo lực. Trong khi IAEA có một số liên hệ với các nhân viên ở đây, những liên hệ này chỉ có tính cách chắp vá, khi được khi không.

Grossi cho biết chuỗi cung ứng thiết bị và phụ tùng đã bị gián đoạn, “vì vậy chúng tôi không chắc nhà máy có đáp ứng được tất cả những gì nó cần”.

IAEA cũng cần thực hiện các cuộc kiểm tra quan trọng để bảo đảm rằng vật liệu hạt nhân đang được bảo vệ an toàn, “và có rất nhiều vật liệu hạt nhân ở đó cần được kiểm tra,” ông nói

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chào đón chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên từ cảng Odesa đến được Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng Hai.

“Cảng bắt đầu hoạt động, lưu lượng xuất khẩu bắt đầu và đây có thể được gọi là tín hiệu tích cực đầu tiên cho thấy thế giới có cơ hội ngăn chặn sự phát triển của cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu,” Zelenskiy nói trong video gởi quốc dân đồng bào hàng ngày của mình.

Đồng thời, ông cảnh báo, “Chúng ta không thể ảo tưởng rằng Nga sẽ không cố gắng làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của Ukraine. Nga liên tục gây ra nạn đói ở các nước Phi Châu và Á Châu, những quốc gia có truyền thống nhập khẩu một lượng lớn thực phẩm của Ukraine. Và bây giờ - trong điều kiện nắng nóng gay gắt như năm nay ở Âu Châu, nguy cơ khủng hoảng giá cả và tình trạng thiếu lương thực nhất định cũng đang hiện hữu đối với một số nước Âu Châu”.

Zelenskiy nói rằng 16 tàu đang đợi đến lượt để được vận chuyển và “chúng tôi sẵn sàng đóng góp thích đáng vào việc bình ổn thị trường lương thực thế giới”.

Ông cũng nói rằng hơn một triệu việc làm ở Ukraine phụ thuộc vào việc lưu thông trở lại.

Zelenskiy cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về xuất khẩu nông sản và các vấn đề quốc phòng cũng như về hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Ông nói rằng ông đã yêu cầu Macron “giúp chúng tôi gỡ bỏ những vấn đề tài chính vĩ mô, vốn đã bị đình trệ ở Âu Châu. Tôi muốn nhắc tất cả các nhà lãnh đạo rằng đó là 9 tỷ euro. Đây không phải là những thứ vặt vãnh đối với chúng tôi, mà là những thứ quan trọng của xã hội - đây là lương hưu của chúng tôi, đây là tiền lương của chúng tôi, hỗ trợ cho người nhập cư”.
 
Cán bộ Giám Mục dọa treo chén các linh mục không vào Hội Yêu Nước. Pelosi đến Đài Loan, TQ phẫn nộ
VietCatholic Media
05:06 04/08/2022


1. Giám Mục Trung Quốc đe dọa treo chén tất cả các linh mục không gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết tại Giáo phận Hà Bắc, vị giám mục chính thức đã công bố một lá thư mục vụ tuyên bố rằng trong vài tháng qua, ngài đã đồng tế với 30 linh mục cho đến nay thuộc Giáo hội thầm lặng. Sử dụng các hướng dẫn mục vụ do Vatican ban hành vào năm 2019, ngài đang cố gắng kêu gọi người Công Giáo gia nhập Hiệp hội Yêu nước. Một nguồn tin địa phương cảnh báo rằng hàng giáo sĩ đã phải chịu áp lực chưa từng có. Giáo hội địa phương đã chống lại việc gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước cho đến nay, nhưng bây giờ đang có sự lầm lạc lan rộng.

Vào ngày 15 tháng 7, Giám Mục Phanxicô An Thục Tâm (An Shuxin, 安淑心) giám mục chính thức của Bảo Định (Baodinh, 保定), đã công bố một lá thư mục vụ về việc ghi danh gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước của các giáo sĩ tại Giáo phận Bảo Định.

Cán bộ Giám Mục viết rằng tuân theo Thỏa thuận Trung Quốc -Vatican năm 2018, hướng dẫn mục vụ do Tòa thánh ban hành liên quan đến việc ghi danh hộ tịch của các giáo sĩ ở Trung Quốc vào tháng 6 năm 2019, cũng như các tuyên bố khác của Đức Giáo Hoàng khuyến khích giáo sĩ ghi danh chính thức để tạo thuận lợi cho sự hợp nhất của Giáo phận.

Cán bộ Giám Mục viết rằng bất cứ ai không chấp nhận tình trạng này sẽ bị rút lại các năng quyền cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích, và bị từ chối mọi đặc quyền được Tòa thánh ban cho vào tháng 6 năm 1978.

Một nhà quan sát ở Trung Quốc viết: “Ngoài việc hạn chế hoàn toàn quyền tự do cá nhân của các giáo sĩ thầm lặng và cho phép chính quyền Trung Quốc lạm dụng thông qua các áp lực thể chất và tinh thần, các hướng dẫn mục vụ của Tòa thánh đã được sử dụng như một mối đe dọa nhằm cưỡng bức việc gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước”.

Khó khăn lớn nhất là Tòa Thánh chưa bao giờ công bố nội dung của Thỏa thuận Trung Quốc -Vatican. Điều này đặt trong tay bọn cầm quyền Trung Quốc cơ hội giải thích ý chí của họ như là ý muốn của Tòa Thánh.

“Vì lý do này, một số người nói rằng các hướng dẫn mục vụ thực sự là một vũ khí lợi hại trong tay chính phủ. Nhiều linh mục chưa từng xem các hướng dẫn trước đây và khi chính quyền đọc cho họ nghe, họ đã ký tên và chấp nhận các điều kiện. Họ cho rằng đây thực sự là ý muốn của Tòa thánh. Nhưng điều này không làm giảm bớt sự hoang mang hoặc nghi ngờ của họ.”

“Sau khi ký tên, một số linh mục bị suy nhược thần kinh, trong khi những người khác hối hận về những gì họ đã làm và phản ứng với nỗi buồn lớn. Trong một số trường hợp, các linh mục đã gia nhập Giáo hội chính thức bị giáo dân từ chối và phải về nhà và tự cô lập. Hệ quả là Giáo phận Bảo Định hiện đang ở trong tình trạng hỗn loạn chưa từng có”.
Source:Asia News

2. Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc phẫn nộ

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến Đài Loan vào cuối ngày thứ Ba trong một chuyến đi mà bà nói cho thấy cam kết vững chắc của Mỹ đối với hòn đảo tự trị do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc lên án chuyến thăm cấp cao nhất trong 25 năm qua của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đối với hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan.

Pelosi và phái đoàn của bà đã đáp máy bay vận tải của Không quân Mỹ đến sân bay Tùng Sơn ở trung tâm thành phố Đài Bắc sau khi hạ cánh vào ban đêm trên chuyến bay từ Malaysia để bắt đầu chuyến thăm có nguy cơ đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp mới. Họ đã được chào đón bởi ngoại trưởng Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu, 吳釗燮) và Sandra Oudkirk, đại diện hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đài Loan.

Sự xuất hiện của bà đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng quốc tế gia tăng do cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ ý địng sử dụng vũ lực để thôn tính Đài Loan. Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng chuyến thăm này như một cái cớ để thực hiện các hành động quân sự chống lại Đài Loan.

“Chuyến thăm của phái đoàn quốc hội của chúng tôi tới Đài Loan tôn vinh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ nền dân chủ sôi nổi của Đài Loan,” Pelosi nói trong một tuyên bố ngay sau khi hạ cánh. “ Sự đoàn kết của Hoa Kỳ với 23 triệu dân Đài Loan ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết, khi thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ”.

Pelosi, người đứng thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống Mỹ, là một nhà phê bình lâu năm đối với Trung Quốc.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã gặp Pelosi vào sáng thứ Tư và sau đó ăn trưa cùng nhau, văn phòng tổng thống cho biết. Pelosi, đi cùng sáu nhà lập pháp Mỹ khác, đã trở thành nhà lãnh đạo chính trị cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1997.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã phản đối mạnh mẽ với Hoa Kỳ, nói rằng chuyến thăm của Pelosi gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, “có tác động nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ, và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.”

Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã rầm rộ bay ở khu vực đường phân chia eo biển Đài Loan trước khi bà Nancy Pelosi đến. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẽ tiến hành “các hoạt động quân sự có mục tiêu” để đáp lại chuyến thăm của Pelosi.

Quân đội Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận chung trên không và trên biển gần Đài Loan bắt đầu từ đêm thứ Ba và phóng thử hỏa tiễn thông thường ở vùng biển phía đông Đài Loan, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã mô tả các cuộc tập trận bắn đạn thật và các cuộc tập trận khác xung quanh Đài Loan diễn ra từ thứ Năm đến Chúa Nhật.

Pelosi đang có chuyến thăm các quốc gia Á Châu bao gồm các chuyến thăm đã được công bố đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyến thăm Đài Loan của bà không được báo trước nhưng được nhiều người mong đợi.

Trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post sau khi hạ cánh, Pelosi giải thích chuyến thăm của mình, ca ngợi cam kết của Đài Loan đối với chính phủ dân chủ trong khi chỉ trích Trung Quốc đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng với Đài Loan trong những năm gần đây.

“Chúng tôi không thể đứng nhìn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đe dọa Đài Loan - và chính nền dân chủ,” Pelosi nói.

Pelosi cũng trích dẫn “cuộc đàn áp tàn bạo” của Trung Quốc đối với những nhóm bất đồng chính kiến ở Hương Cảng và cách đối xử của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và các dân tộc thiểu số khác, mà Hoa Kỳ đã coi là hành vi diệt chủng.

Khi đoàn xe của Pelosi đến gần khách sạn của bà, được hộ tống bởi những chiếc xe cảnh sát với đèn xanh và đỏ nhấp nháy, rất nhiều người ủng hộ đã hò reo và chạy về phía những chiếc xe màu đen với cánh tay dang rộng và máy quay điện thoại. Đoàn xe chạy thẳng vào bãi đậu xe của khách sạn.

Vào đêm thứ Ba, tòa nhà cao nhất Đài Loan, Đài Bắc 101, bừng sáng với những thông điệp bao gồm: “Chào mừng đến với Đài Loan”, “Chủ tịch Hạ Viện Pelosi” và “Đài Loan trong trái tim Hoa Kỳ”.

3. Phản ứng của Tòa Bạch Ốc trước những hăm dọa của Trung Quốc

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết sau khi bà Pelosi đến Đài Loan rằng Hoa Kỳ “sẽ không bị đe dọa” bởi những lời hăm he hoặc những lời lẽ ngụy biện của Trung Quốc và không có lý do gì chuyến thăm của bà Pelosi lại gây ra một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan, bảo vệ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và tìm cách duy trì liên lạc với Bắc Kinh”, Kirby nói trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ “sẽ không tham gia vào các cuộc tấn công phá hoại.”

Kirby cho biết Trung Quốc có thể tham gia vào “hành động ép buộc kinh tế” đối với Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng tác động đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ phụ thuộc vào hành động của Bắc Kinh trong những ngày và tuần tới.

Pelosi, 82 tuổi, là đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cả hai đều là thành viên của Đảng Dân chủ và đã giúp định hướng chương trình lập pháp của ông thông qua Quốc hội.

Bốn nguồn tin cho biết Pelosi cũng được lên lịch vào thứ Tư để gặp các nhà hoạt động thẳng thắn về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị luật pháp Hoa Kỳ ràng buộc phải cung cấp cho nước này các phương tiện để tự vệ. Trung Quốc coi các chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Đài Loan là một tín hiệu khích lệ cho phe ủng hộ độc lập trên hòn đảo này. Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo.

Một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay gần đường phân cách giữa eo biển Đài Loan vào sáng thứ Ba trước khi rời đi vào cuối ngày, một nguồn tin nói với Reuters. Nguồn tin cho biết, một số tàu chiến của Trung Quốc cũng đã đi gần đường phân chia không chính thức kể từ hôm thứ Hai và vẫn ở đó.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 21 máy bay Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của nước này hôm thứ Ba, và rằng Trung Quốc đang cố gắng đe dọa các cảng và thành phố quan trọng bằng các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo. Lực lượng vũ trang của Đài Loan đã “củng cố” mức độ cảnh giác của họ, nó nói thêm.

Taylor Fravel, một chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts về quân sự của Trung Quốc, cho biết các cuộc tập trận theo kế hoạch của Trung Quốc có vẻ như có quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995 và 1996.

“Đài Loan sẽ phải đối mặt với các cuộc tập trận quân sự và thử hỏa tiễn từ phía bắc, nam, đông và tây của mình. Đây là điều chưa từng có, “Fravel nói.

Bốn tàu chiến của Mỹ, bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, đã được bố trí ở vùng biển phía đông Đài Loan theo cách mà Hải quân Mỹ gọi là các cuộc triển khai thường lệ.

Nga, đối đầu với phương Tây về cuộc xâm lược Ukraine, đã lên án chuyến thăm của Pelosi. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi Hoa Kỳ là “kẻ khiêu khích cấp nhà nước”.
 
Ngày chiến tranh căng thẳng: Sợ lính Nga đầu hàng, Putin đưa quân đến cứu Kherson, Ukraine phục kích
VietCatholic Media
14:58 04/08/2022


1. Trọng pháo Nga, xe tăng bị phá hủy trong Ngày Chiến tranh 'Căng thẳng'

Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 4 tháng 8, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã gọi ngày thứ Tư 3 tháng 8 là Ngày Chiến tranh 'Căng thẳng'.

Tại chiến trường phía Nam, Quân đội Ukraine cho biết đã loại khỏi vòng chiến 20 quân Nga, phá hủy nhiều xe tăng, thiết giáp và hạ gục một khẩu trọng pháo trong một ngày được coi là ngày “căng thẳng” trong cuộc chiến giữa nước này với Nga.

Theo báo cáo sơ khởi, quân Ukraine đã phá hủy hai xe tăng T-72, cùng với một trọng pháo “Msta-B” và bốn xe quân sự bọc thép. Chiến trường ở miền nam Ukraine được mô tả là đặc biệt “phức tạp và căng thẳng.”

Quân Ukraine đã phục kích và bắn hỏa tiễn HIMARS vào các đoàn xe Nga được điều động tiếp cứu cho chiến trường Kherson. Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine chưa có các báo cáo kiểm đếm từ mặt trận. Mạc Tư Khoa sợ nhất là một cuộc đầu hàng tập thể tại Kherson. Theo các quan sát viên, một cuộc đầu hàng lớn như thế sẽ khiến cho uy tín của ông Putin nhanh chóng bị đặt thành vấn đề.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng nói rằng nguy cơ Nga tấn công hỏa tiễn đối với dân thường Ukraine vẫn ở mức cao, vì sự hiện diện của một hạm đội gồm 13 tàu và thuyền của đối phương ở Hắc Hải, một số tàu có thể mang hỏa tiễn. Quân đội nhắc nhở dân thường hành động theo cảnh báo và tuân theo lệnh thiết quân luật.

“Với thực tế là mối đe dọa từ các cuộc tấn công hỏa tiễn và ở một số khu vực, pháo kích vẫn ở mức cao, đừng bỏ qua các tín hiệu cảnh báo trên không. Nếu thấy phù hợp, hãy tuân theo quy tắc hai bức tường, có chỗ dựa”.

“Đừng để mình gặp nguy hiểm, hãy tuân thủ các quy tắc và hạn chế của chế độ thiết quân luật, chỉ tin tưởng vào các nguồn thông tin đã được xác minh và lực lượng phòng vệ”

Trước đó không quân Ukraine cũng cho biết rằng vũ khí phòng không và một máy bay chiến đấu của họ đã bắn hạ bảy trong số tám hỏa tiễn của Nga đang hướng về miền trung, miền nam và miền tây Ukraine sau khi được phóng từ hai chiếc Tu- 95 của Nga. Tu-95 là loại máy bay ném bom chiến lược của Nga.

Trong khi đó, bình luận mà Thiếu tướng Ukraine Vadym Skibitsky đưa ra hôm thứ Hai, khi ông nói rằng Ukraine đang sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp với sự trợ giúp của “thông tin thời gian thực của tất cả các loại”, đã làm dấy lên cáo buộc của Nga rằng Mỹ hiện đang “tham gia trực tiếp” vào chiến tranh.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nga để đưa ra bình luận.

2. Ukraine HIMARS tấn công các căn cứ của Nga trong cuộc phản công lớn

Liên tiếp trong hai đêm mùng 2 và mùng 3 tháng 8, một số căn cứ và kho vũ khí của Nga đã bị tấn công ở vùng Kherson bằng các bệ phóng đa hỏa tiễn tiên tiến HIMARS do Mỹ cung cấp.

Trang tin Ukraine Obozrevatel cho biết một căn cứ của Nga ở Chornobaivka, một vùng ngoại ô Kherson đã nổ tung tối mùng 3 tháng 8.

Bộ chỉ huy chiến dịch phía Nam đã xác nhận tin trên trong bản báo cáo sáng thứ Năm 4 tháng 8. Phát ngôn nhân cho biết: “Các lực lượng Ukraine đã tấn công cứ điểm Chornobaivka vào đêm mùng 3, và trước đó chúng tôi đã đánh trúng một kho đạn ở Berislav, nằm xa hơn nữa trên bờ sông Dnipro từ Kherson”.

Theo Obozrevatel, mục tiêu đã bị tiêu diệt thành công, với nhiều vụ nổ thứ cấp khi đạn dược lưu trữ bị kích hoạt.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukrainee cũng báo cáo ba cuộc tấn công vào các “cứ điểm” của Nga ở quận Berislavsky và Bashtansky, cùng với một cuộc tấn công khác vào một bãi chứa đạn trong cùng khu vực.

Các lực lượng Ukraine đang đặt nền móng cho một chiến dịch giải phóng Kherson, nơi bị quân đội Nga chiếm đóng trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trong video gởi quốc dân đồng bào rằng họ đang đạt được tiến độ “từng bước”.

Việc tái chiếm Kherson sẽ giúp bảo đảm an toàn cho Odesa, là cảng nằm bên bờ Hắc Hải quan trọng nhất của Ukraine và là mục tiêu của Nga ngay từ những ngày đầu của cuộc xâm lược.

Trong khi đó tại miền Bắc, “Quân đội Ukraine pháo kích bằng một trọng pháo M777 do Mỹ sản xuất từ vị trí của họ trên chiến tuyến ở khu vực Kharkiv của Ukraine, bắn trúng các mục tiêu của Nga đang tập trung chuẩn bị cho một hành động xâm lược.”

Hôm thứ Hai, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby thông báo Washington sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều hỏa tiễn hơn cho HIMARS của họ, như một phần của gói hỗ trợ mới trị giá 550 triệu USD.

Ukraine đã và đang sử dụng HIMARS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu của Nga ở phía sau chiến tuyến, chẳng hạn như các bãi chứa đạn dược và các trung tâm chỉ huy.

Theo Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling, HIMARS là một “người thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, khiến lực lượng của Điện Cẩm Linh “rơi vào tình trạng thảm khốc”.

Lực lượng Ukraine đã tấn công ba cây cầu qua Dnipro bằng HIMARS, khiến quân Nga khó tăng cường quân đội của họ ở Kherson.

Chúng bao gồm cây cầu Antonovsky cực kỳ quan trọng hiện nay không sử dụng được.

Lực lượng Nga tại các khu vực bị chiếm đóng của Kherson cũng đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy từ quân du kích Ukraine, với các âm mưu phá hoại và ám sát nhằm vào một số cộng tác viên địa phương.

Nói với BBC, một du kích quân giải thích cách nhóm của ông theo dõi các chuyển động của quân đội Nga, sau đó chuyển thông tin chi tiết cho quân đội Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công bằng HIMARS.

Một quan chức trong chính quyền địa phương do Nga cài đặt đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe, trong khi một số người khác bị thương.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine là Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Zelenskiy và Stoltenberg thảo luận về sự hỗ trợ của NATO đối với Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có một cuộc điện đàm để thảo luận về sự hỗ trợ quân sự của liên minh đối với Kyiv.

“Tôi đã có một cuộc nói chuyện rất hữu ích với tổng thống Zelenskiy về các ưu tiên hỗ trợ quân sự,” Tướng Stoltenberg đã cho biết như trên. Điều quan trọng là NATO và đồng minh sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine và nhanh hơn nữa.”

Văn phòng của tổng thống Zelenskiy lặp lại phát biểu của Stoltenberg, kêu gọi các đồng minh của Ukraine gửi hỗ trợ quân sự với tốc độ nhanh hơn.

“Tổng thống Ukraine đã thông báo riêng với tướng Jens Stoltenberg về tình hình trên chiến trường và sự cần thiết của Ukraine có thể nhanh chóng nhận thêm vũ khí hạng nặng từ các nước thành viên NATO để đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của Nga và tiến hành một cuộc phản công tiếp theo”.

“Ngoài ra, tổng thống Volodymyr Zelenskiyy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận viện trợ quân sự phi sát thương từ Liên minh càng sớm càng tốt trong khuôn khổ gói toàn diện được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid”

Hai bên cũng nhấn mạnh việc nối lại các chuyến hàng ngũ cốc từ các cảng Hắc Hải của Ukraine.

4. Theo các quan chức Ukraine, việc di tản bắt buộc khu vực Donetsk đã bắt đầu

Các quan chức Ukraine cho biết việc di tản bắt buộc ở khu vực Donetsk đã bắt đầu, với chuyến tàu đầu tiên rời Pokrovsk và đến xa hơn về phía tây ở thành phố Kropyvnytskyi.

“Chuyến tàu đầu tiên đến Kropyvnytskyi sáng nay. Phụ nữ, trẻ em, người già, người gặp khó khăn trong vận động. Mọi người đều được đáp ứng nơi ăn chốn ở, mọi người đều được giúp đỡ,” Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết như trên. “Cảm ơn các dịch vụ địa phương, các tổ chức quốc tế và các tình nguyện viên.”

Người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Donetsk, Pavlo Kyrylenko, cũng thông báo về việc bắt đầu di tản, đồng thời cho biết thêm rằng các chuyến tàu sẽ khởi hành hai ngày một lần.

“Mỗi ngày được đánh số theo cặp, một chuyến tàu di tản sẽ khởi hành từ Pokrovsk đến Kropyvnytskyi với điểm dừng ở Oleksandria. Thời gian khởi hành là 16:30. Đừng trì hoãn - hãy di tản! Di tản cứu sống nhiều người! “

Theo Đường sắt Ukraine, Ukrzaliznytsia, 136 hành khách - trong đó có 44 người bị hạn chế khả năng di chuyển - đã có mặt trên chuyến tàu di tản đầu tiên. Các tình nguyện viên từ World Central Kitchen đã cung cấp thức ăn cho mọi người, trong khi Dịch vụ Bưu điện Ukraine, Ukrposhta, trao tiền cho mọi người tại nhà ga.

5. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thành lập phái bộ tìm hiểu thực tế về vụ tấn công nhà tù ở Ukraine

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng Liên Hiệp Quốc đang tìm cách thành lập một nhóm tìm hiểu thực tế để nghiên cứu vụ tấn công vào một cơ sở giam giữ của Ukraine khiến ít nhất 50 người chết và hàng chục tù binh Ukraine bị thương.

Ông Guterres nói với các phóng viên ở New York, Nga và Ukraine đều yêu cầu một cuộc điều tra về vụ tấn công. Ông nói thêm rằng các điều khoản tham chiếu cho cuộc điều tra sẽ cần được Nga và Ukraine chấp nhận trước khi nhiệm vụ tìm hiểu sự thật bắt đầu.

Guterres cũng cho biết nhóm tìm hiểu sự thật sẽ không phải là một cuộc điều tra hình sự, đồng thời nói thêm rằng Liên Hiệp Quốc đang tìm kiếm “các thành viên trong nhóm điều tra độc lập này”.

Trước đó, Nga đã mời các chuyên gia từ Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế tiến hành một “cuộc điều tra khách quan” về cái chết của các tù nhân Ukraine bị giam giữ tại nhà tù Olenivka ở vùng Donetsk, theo một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy.

Tuy nhiên, Hội Hồng Thập Tự Quốc tế nói với CNN hôm thứ Bảy rằng “yêu cầu truy cập” vào địa điểm đã không được chấp thuận.

Cục Tình báo Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Tư tuyên bố rằng vụ nổ tòa nhà được thực hiện bởi Wagner, nhà thầu quân sự tư nhân có các chiến binh đã tham gia vào cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng như các cuộc xung đột khác ở Phi Châu và Trung Phía đông.

Ukraine đã liên tục cáo buộc các lực lượng Nga thực hiện vụ tấn công vào đêm thứ Năm tuần trước, để đáp lại tuyên bố của Nga rằng Ukraine đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn pháo cơ động cao của Mỹ để tấn công trung tâm nhằm ngăn chặn các tù nhân Ukraine thừa nhận tội ác chiến tranh.

6. Sóng gió đối với Đệ nhất phu nhân Ái Nhĩ Lan vì cuộc chiến ở Ukraine

Sabina Higgins, vợ của tổng thống Ireland Michael D Higgins, đã lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraine và nói rằng bà “mất tinh thần” trước những lời chỉ trích mà bà đã nhận được trong những ngày gần đây.

Các thượng nghị sĩ và nhà phê bình chính phủ đã chỉ trích Higgins vì bà đã viết một bức thư kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, mà các nhà phê bình cho rằng nó chỉ là một trò tuyên truyền của Điện Cẩm Linh vì nó dường như đánh đồng hành động gây hấn của Mạc Tư Khoa với cuộc chiến sinh tồn của Kyiv.

Sabina Higgins đã thực hiện lời kêu gọi trong một bức thư gửi đến Thời báo Ái Nhĩ Lan được xuất bản vào tuần trước - và cũng được đăng trên trang web chính thức của tổng thống.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối thứ Ba, Higgins cho biết bà đã “mất tinh thần” trước những lời chỉ trích.

Bà ấy nói: Ngay từ đầu, tôi đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraine và tôi hết sức thất vọng khi thấy có người cho rằng có điều gì đó không thể chấp nhận được trong lời cầu xin hòa bình và đàm phán khi tương lai của nhân loại bị đe dọa bởi chiến tranh, sự nóng lên toàn cầu và nạn đói.

Sau khi bị phản đối kịch liệt bởi người Ukraine - bao gồm cả một thành viên quốc hội Ukraine - bức thư đã biến mất khỏi trang web nhưng tổng thống đã chống lại những lời kêu gọi công khai bác bỏ bức thư hoặc làm rõ quan điểm của mình về lá thư đó.

Một phát ngôn viên của tổng thống hôm thứ Hai cho biết ông đã “dứt khoát” trong việc lên án cuộc xâm lược của Nga là bất hợp pháp, trái đạo đức và không chính đáng. Ông đã kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức và chấm dứt bạo lực.

Các chính trị gia Ái Nhĩ Lan cho rằng tuyên bố này của tổng thống là không đủ và rằng Higgins - và chính phủ - cần phải tách biệt rõ ràng nhà nước Ái Nhĩ Lan khỏi bức thư đó.

7. Thủ tướng Đức lên án Nga sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí chiến tranh

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng Đức phải ngừng nuôi “hy vọng rằng các hợp đồng cung cấp sẽ công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom tôn trọng, ngay cả khi các dòng khí đốt tiếp tục chảy qua đường ống Nord Stream 1”.

Việc cung cấp khí trong đường ống Nord Stream 1 đã giảm đáng kể và Gazprom đã đổ lỗi cho các vấn đề kỹ thuật liên quan đến tuabin.

“Rõ ràng và đơn giản: tuabin ở đó. Nó có thể được chuyển giao. Tất cả những gì ai đó phải làm là nói: Tôi muốn nó. Sau đó, nó sẽ đến đó rất nhanh chóng,” Scholz nói trong chuyến thăm thành phố Ruhr của Mülheim vào thứ Tư.

Thủ tướng, người đã có mặt ở đó để kiểm tra một tuabin đường ống gần đây đã được bảo dưỡng ở Canada, nói rằng không có lý do pháp lý hoặc kỹ thuật hoặc lệnh trừng phạt nào ngăn cản việc xuất khẩu tuabin này sang Nga.

“Phải luôn luôn rõ ràng rằng luôn có thể có một số loại lý do vô cớ dẫn đến một cái gì đó không hoạt động. Các lý do kỹ thuật được cho là đã cản trở việc xuất khẩu khí đốt sang các nước Âu Châu khác. Không thể hiểu nổi điều đó”, Thủ tướng Scholz nói.

“Tuy nhiên, đối với chúng tôi, điều này có nghĩa là chúng tôi phải chuẩn bị cho thực tế là ngay cả khi việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 hoạt động tốt trở lại, thì vẫn có thể xảy ra các vấn đề gì đó một lần nữa vào bất cứ lúc nào.”

Tuần trước, công ty năng lượng quốc doanh của Nga cho biết họ sẽ tiếp tục giảm lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, tạm dừng một tuabin để sửa chữa. Theo các nhà chức trách Đức, dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống kể từ đó đã ở mức 20%.

Khí đốt qua Nord Stream 1 trước đây đã chảy với 40% công suất sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine của nước này.
 
Đức Tổng Giám Mục lên tiếng về một biến cố ngoạn mục đang được đồn đãi là Phép Lạ Thánh Thể tại Mễ Tây Cơ
VietCatholic Media
17:16 04/08/2022


1. Chế độ Ortega ở Nicaragua sử dụng bạo lực đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo

Cảnh sát Nicaragua đã đột nhập vào giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót vào đêm 1 tháng 8 ở thị trấn Sébaco thuộc Giáo phận Matagalpa để đóng cửa một đài phát thanh Công Giáo. Đó là một trong 5 đài phát thanh Công Giáo bị chính quyền Daniel Ortega đóng cửa hôm thứ Hai.

Trên Facebook, giáo xứ đã phát trực tiếp việc cảnh sát đến cửa giáo xứ cũng như việc họ xâm nhập bằng vũ lực.

Kênh Công Giáo ở Sébaco cũng phát sóng trực tiếp cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà nguyện Chúa Hài Đồng Prague. Đài báo cáo rằng các viên chức cộng sản đã bắn chỉ thiên và bắn hơi cay để xua đuổi những người đến ủng hộ Cha Uriel Vallejos, giám đốc cơ quan truyền thông.

“Chúng tôi xin, các anh em, hãy cùng chúng tôi cầu nguyện. Tất cả những người đang ở nhà của họ, vào lúc này, xin vui lòng, chúng tôi yêu cầu các bạn quỳ xuống, thắp một ngọn nến trước ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Cầu mong Đức Mẹ bảo vệ chúng tôi với lớp áo thiên đàng của Mẹ,” phát thanh viên nói.

Giáo phận Matagalpa, nơi được cai quản bởi Đức Cha Rolando Álvarez, là một trong những người chỉ trích chính phủ, đã báo cáo rằng cơ quan quản lý của đất nước, Viện Dịch vụ Bưu chính và Viễn thông Nicaragua, đã thông báo cho ngài vào thứ Hai về việc đóng cửa Đài Hermanos.

“Vào thời điểm này, chúng tôi được thông báo rằng họ cũng đã đóng cửa Đài Đức Mẹ Lộ Đức ở La Dalia, Đài Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande, Đài Alliens ở San Dionisio, và Đài Mount Carmel ở Río Blanco,” Đức Cha thông báo trong tuyên bố của mình.

Giáo phận cho biết lập luận của bọn cầm quyền về việc đóng cửa Đài Hermanos là “kể từ ngày 30 tháng Giêng năm 2003, chúng tôi đã không có giấy phép hoạt động hợp lệ.”

Tuy nhiên, giáo phận cho biết vào ngày 7 tháng 6 năm 2016, “đích thân giám mục Rolando Álvarez của chúng tôi đã xuất trình tài liệu” trước cơ quan nói trên để yêu cầu các giấy phép hoạt động hiện tại cho Đài phát thanh Hermanos, Đài phát thanh Đức Mẹ Lộ Đức ở La Dalia, Đài phát thanh Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande, Đài phát thanh Mount Carmel ở Río Blanco, Đài phát thanh St. Lucy ở Ciudad Darío, Đài phát thanh Công Giáo ở Sebaco, và Đài phát thanh St. Joseph ở Matiguas.

Giáo phận lưu ý rằng yêu cầu của ngài “không bao giờ được trả lời.”

“Tất cả tài liệu này đều có sẵn cho nhà chức trách, cộng đồng quốc gia và quốc tế,” vị giám mục nói thêm.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Guadalajara: Cần 'điều tra kỹ lưỡng' về phép lạ thánh thể đang được đồn đãi tại Mễ Tây Cơ

Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mễ Tây Cơ, gần đây đã lên tiếng về một phép lạ thánh thể được tường trình trên mạng xã hội, và được cho là xảy ra tại một giáo xứ trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Hồng Y Robles cho biết vụ việc là “rất nghiêm trọng, bởi vì đó là vấn đề của bí tích lớn nhất trong đức tin của chúng ta, nơi chúng ta chắc chắn về sự hiện diện thực sự, sống động của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể.”

“Đó là một vấn đề rất nhạy cảm khi một số yếu tố phi thường được ghi lại hoặc công bố chính thức mà không có thẩm quyền của giáo hội. Đức Hồng Y cho biết Giáo Hội cần phải thấu hiểu xem điều gì đã xảy ra, xem xét các chi tiết để nói rằng đó là một hành động siêu nhiên, phi thường, một phép lạ”.

Đức Hồng Y lưu ý rằng “cho đến thời điểm này, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào từ linh mục quản xứ, cũng như từ linh mục hướng dẫn buổi cầu nguyện, cũng như từ chính các tín hữu đã trải nghiệm những gì họ thấy.”

“Hoàn toàn không có ai tiếp cận tôi để nói rằng 'đây là những gì đã xảy ra, bằng chứng chúng tôi có, Đức Hồng Y hãy quyết định.' Không ai tiếp cận tôi cả”

Đức Hồng Y đã phát biểu trước những đồn thổi liên quan đến một biến cố diễn ra ngày 22 tháng 7 tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Zapotlanejo, cách Guadalajara khoảng 20 dặm về phía đông.

Các video, được đăng trên mạng xã hội, dường như cho thấy Mình Thánh Chúa, được trưng bày trong một buổi chầu Thánh Thể, đã có những chuyển động như thể đó là một trái tim.

Cha Carlos Spahn, người đã dâng thánh lễ trước đó và hướng dẫn các buổi cầu nguyện cho việc chầu thánh thể, trong đó phép lạ thánh thể được cho là diễn ra, vào ngày 26 tháng 7, nói với ACI Prensa rằng những gì được thấy trong video là “xác thực” và thực tế là không phải tất cả mọi người có mặt đều nhìn thấy điều đó cho thấy nguồn gốc thiêng liêng của biến cố này. “

Cha Spahn là một linh mục người Á Căn Đình, người sáng lập và là bề trên của Dòng Trái tim Vô nhiễm và Lòng Chúa Thương xót. Ngài đang thực hiện một sứ vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi và chỉ ở đó một thời gian ngắn.

Phát biểu ngày 31 tháng 7, Đức Hồng Y Robles cảnh báo: “Hãy tưởng tượng rằng ai đó đặt ra một kịch bản phép lạ có thể xảy ra và sau đó đấng bản quyền chỉ đơn giản tuyên bố đó là phép lạ, và sau đó điều đó được chứng minh là một kịch bản thấp hèn.”

“Mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô, và thẩm quyền của Giáo hội ở đâu?” ngài đặt câu hỏi, và cảnh báo rằng “đó là một vấn đề rất nhạy cảm và nghiêm trọng.”

Đức Tổng Giám Mục Guadalajara nhắc lại rằng “cho đến nay tôi không có cách nào để tuyên bố” về tính xác thực hay giả mạo của phép lạ thánh thể được tường trình”.

“Tôi sẽ phải thực hiện một cuộc điều tra nghiêm chỉnh và xác định ý nghĩa,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “có rất nhiều video và rất nhiều thứ có thể được tạo ra có vẻ như thực.”

“Vấn đề rất nhạy cảm, nhiều chuyện đùa giỡn với tình cảm, với niềm tin của người dân đang diễn ra, nó làm mất uy tín, và sự trang nghiêm của Giáo hội,” ngài than thở.

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng “đối với Giáo hội, trong mỗi Bí tích Thánh Thể được cử hành, Chúa Giêsu trở nên hiện diện thực sự trên bàn thờ và thực sự trong bánh thánh hiến và trong rượu thánh hiến, bất kể bánh thánh có chảy máu, có rung động hay không.”

“Điều kỳ diệu là sự hiện diện sống động của Chúa Giê Su Kitô được nhận ra và đức tin của chúng ta thông thường không cần những biểu hiện siêu nhiên này”

“Điều được trình bày như một phép lạ thánh thể phải được xác minh với tất cả sự nghiêm túc và phải xem xét mọi khía cạnh.”
Source:Catholic News Agency

3. Hội Hiệp sĩ Malta kêu gọi tăng cường chống buôn người

Hội Hiệp sĩ Malta kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp hữu hiệu hơn chống nạn buôn người và chính Hội này tái quyết tâm chiến đấu chống nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân.

Hội Hiệp sĩ Malta đưa ra lời kêu gọi trên đây, nhân ngày Thế giới chống nạn buôn người, cử hành hôm 30 tháng Bảy vừa qua, với chủ đề “Việc sử dụng và lạm dụng các kỹ thuật mới”.

Hội Hiệp Sĩ Malta là một tổ chức có qui chế của một thực thể quốc tế, hiện hữu từ gần 1.000 năm nay, có chủ quyền như một quốc gia và có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 106 nước trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, Hội có qui chế như một dòng tu Công Giáo và dưới khía cạnh này Hội tùy thuộc Đức Giáo Hoàng.

Tuyên bố hôm 28 tháng Bảy vừa qua, ông Albert Boeselager, Chưởng Ấn của Hội Hiệp sĩ, khẳng định rằng: “Nạn buôn người là một vấn đề hoàn cầu và vì thế đòi phải có một câu trả lời hoàn vũ”.

Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có khoảng hai triệu người trở thành nạn nhân của nạn buôn người, phần lớn là những người trốn chạy chiến tranh, nghèo đói và thiên tai. Họ rơi vào tay những kẻ bất lương gian ác, kể cả những nhóm khủng bố, bắt cóc người với mục đích biến họ thành nô lệ tình dục, cưỡng bách lao động, hoặc bóc lột dưới những hình thức khác. Thường chúng chiêu dụ các nạn nhân với những lời hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong số các nạn nhân, phần lớn là phụ nữ và thiếu nữ dễ bị tổn thương nhất. Trong năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện trên thế giới, thì có 5 phụ nữ và 2 thiếu nữ. Và theo tổ chức “Save the Children”, Hãy cứu các trẻ em, một phần tư các nạn nhân nạn buôn người ở Âu châu là những trẻ vị thành niên.

Ông Michel Veuthey, Đại sứ của Hội Hiệp sĩ Malta cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Genève, đặc trách theo dõi và bài trừ nạn buôn người, mặc dù đã có một khuôn khổ pháp lý quốc tế chống nạn buôn người, nhưng con số các nạn nhân bị phát hiện và việc kết án những kẻ bị cáo về tội buôn người vẫn ở mức độ rất thấp: chỉ có một trên tổng số 2.154 vụ đi đến bản kết án. Ông nói: “Các biện pháp ngày nay để truy tố những kẻ buôn người, và bảo vệ, giúp đỡ các nạn nhân đều không đủ và thiếu hiệu năng. Các luật lệ và cơ cấu hiện nay trên bình diện địa phương, miền và hoàn vũ, tuy đã có nhưng chúng không thích hợp để đương đầu với những thách đố đang gia tăng do nạn buôn người”.

Từ năm 2017, Hội Hiệp sĩ Malta dấn thân tích cực trong việc gây ý thức trong dư luận quần chúng về tệ nạn kinh khủng này. Hội tham gia và lên tiếng trong các khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về những hình thức khác nhau trong nạn buôn người hoặc nạn nô lệ tân thời như cưỡng bách lao động, cưỡng bách kết hôn, và mang thai, bán trẻ em, dâm ô và nạn buôn bán cơ phận.

Hội cũng gia tăng liên kết và cộng tác với các đại học ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ về vấn đề này.