Ngày 05-08-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:26 05/08/2024

39. Cầu nguyện chính là như người bạn tâm giao chuyện trò thân mật với Thiên Chúa.

(Thánh Nicetas of Constantinople)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:30 05/08/2024
25. LO XA TRƯỚC KHI CHẾT

Người nọ trước khi chết thì lập di chúc muốn con trai đóng hai cái gậy bằng đồng có hai vòng lớn hai bên quan tài.

Con trai hỏi:

- “Làm vậy có tác dụng gì chứ?”

Ông bố trả lời:

- “Tao biết sau này tụi mày nhất định sẽ nghe lời ông thầy địa lý mà đem ta dời chỗ này qua chỗ nọ !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 25:

Con người ta, vì bất lực trước những vấn nạn đã gặp trong cuộc sống, nên thường tìm đến một vị tối cao linh thiêng mà con người gọi đó là thần, và khi gặp những thử nguy hiểm đến mạng sống thì cầu xin thần phù hộ...

Tin vào thầy địa lý cũng là một trong những điều mê tín mà người ta nói chỉ có các dân tộc lạc hậu mới nảy sinh nhiều chuyện mê tín, nhưng thực tế, người ta càng văn minh thì càng tin vào những điều gọi là dị đoan ấy, chẳng hạn như ở Đài Loan, một nước có nền khoa học tiên tiến và văn minh, nhưng cũng lắm ông thầy địa lý và những điều dị đoan khác đến mức báo động; chẳng hạn như ở các nước Mỹ và âu châu văn minh và hiện đại, vẫn có rất nhiều bè phái nhảm nhí xuất hiện, có những giáo phái xuất hiện công khai thờ quỷ sa tan, như thế thì biết, con người ta vẫn luôn phải nhờ vào sức mạnh vô hình để có thể cầu xin và bảo hộ.

Không có người Ki-tô hữu nào lập di chúc cho con cái phải đóng quan tài cho thật chắc kẻo bị dời đi theo lời thầy địa lý, bởi vì họ biết rằng, thân xác này sẽ trở về với tro bụi; nhưng cũng có rất ít người Ki-tô hữu lập di chúc nói với con cái rằng, các con phải sống yêu thương hòa thuận với nhau và phải sống nên thánh...

Người khác thì lập di chúc chia gia tài của cải cho con cháu nên con cháu bất hòa, còn người Ki-tô hữu khi lập di chúc thì trối lại cho con cháu rằng, phải sống đạo cho tốt và sống yêu thương nhau nên con cái được thuận hòa.

Đó là lo xa trước khi chết vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 06/08: Bước vào con đường của Chúa – Lễ Chúa Hiển Dung – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:11 05/08/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

Đó là lời Chúa
 
Chốn cực lạc
Lm. Minh Anh
16:46 05/08/2024
CHỐN CỰC LẠC

“Lạy Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”.

“Lạy Chúa, Ngài đem đến gian lao và cũng chính Ngài cất đi mọi nguy khốn. Ngài trừng phạt con bằng bao cực hình tột độ. Nhưng con được bình an, vì Ngài đã kịp chìa cho con cây sào thật đúng lúc để cứu con khỏi dòng nước cuốn. Ôi có Ngài - thiên đàng của con - con không còn đớn hèn bạc nhược vốn chỉ biết say sưa với khoái lạc, kiêu hãnh và dâm ô. Ôi, Giêsu - chốn cực lạc - Ngài giúp con hoàn thành những dự án giá trị và khả thi trong đời!” - Paul Verlaine.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Paul Verlaine, ba môn đệ trên núi Taborê xem ra cũng được Chúa Giêsu chìa cho cây sào thật đúng lúc khi lòng họ đang rối loạn vì những gì Ngài nói về cuộc thương khó sắp tới. Phêrô, Giacôbê và Gioan hạnh phúc tột độ khi Ngài biến hình sáng láng trước mặt họ, một phép lạ chưa từng thấy! Với họ, Taborê, một ‘chốn cực lạc’ ngọt ngào!

Vậy mà cuộc Hiển Dung trên núi được mừng kính hôm nay vẫn không phải là một phép lạ! Tại sao? Vì đã có một phép lạ ‘thực sự’ và ‘thường xuyên’ khi Con Thiên Chúa ‘duy trì’ một sự xuất hiện trong dáng vẻ bình thường của một phàm nhân trên những nẻo đường Palestina! Qua đó, các môn đệ và những người đương thời đã chiêm ngắm Ngài, ‘chốn cực lạc’ - ‘thiên đàng hạ thế!’.

Kỳ diệu thay! Trên những con đường ấy, những con đường triền đồi đầy đá và những thung lũng lặng lẽ của Đất Thánh, khuôn mặt của Thiên Tử Giêsu đã ‘không bừng sáng’ như mặt trời. Sự bình thường của ‘nhân tính’ Ngài kín kẽ bền vững, che khuất thường xuyên ‘thiên tính’ rạng rỡ của Ngài. Đó là phép lạ của sự khiêm nhường, phép lạ của sự hạ mình với ơn gọi nhập thể, ngôn sứ, chịu đau khổ và chết đi cho nhân loại. Và này, Ngài sẽ lên trời - ‘chốn cực lạc’ - kéo nhân loại mà Ngài đến để đem về nơi nó phải về.

Đaniel tiên báo ‘chốn cực lạc’ ngọt ngào ấy, nơi mà toà cao cả của Thiên Chúa rạng ngời uy nghi - bài đọc một. Đấng Lão Thành là hình ảnh Chúa Cha, “Tôi thấy có ai như Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành”. Thánh Vịnh đáp ca reo lên, “Chúa là Vua Hiển Trị, là Đấng cao cả trên khắp địa cầu!”.

Phêrô cũng xác tín những gì đã chứng kiến trên núi ngày ấy - bài đọc hai. Đức Kitô mà Phêrô và các tông đồ rao giảng không phải là chuyện hoang đường, nhưng là một Thiên Chúa làm người, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người”. Phêrô quả quyết đã nghe tiếng Chúa Cha trên núi ngày ấy, “Hãy nghe lời Người!”.

Anh Chị em,

“Lạy Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”. “Ở đây” là ở với Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, một Đức Giêsu Kitô Phục Sinh cho dẫu Ngài phải trải qua đau khổ, thập giá và sự chết. Sự kiện Biến Hình mang đến cho chúng ta một thông điệp hy vọng; mời gọi chúng ta ước ao sống với Chúa Giêsu, ở lại với Ngài ngay hôm nay qua những anh chị em mà chúng ta phục vụ; mời gọi chúng ta vượt qua khổ đau, đừng quá gắn bó với những gì trần tục, để thực hiện một hành trình hướng về thiên đàng, chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đời đời. Vì thiên đàng chính là Ngài, ‘chốn cực lạc’, một con người, hơn là một địa điểm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa biển đời dậy sóng khổ đau, cho con biết cố sức bơi về ‘chốn cực lạc’ Giêsu; ở đó, Ngài đang đợi để kịp chìa cho con cây sào!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Lutheran-Orthodox kêu gọi đọc Kinh Tin Kính mà không có công thức Filioque
Đặng Tự Do
00:28 05/08/2024
Trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê-Constantinôpôli, đoạn nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta đọc:

“Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” trong đoạn, “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.”

Lời tuyên xưng “và Đức Chúa Con” được gọi là công thức Filioque. Chữ Filioque là tiếng Latinh, nghĩa là “và bởi Đức Chúa Con”.

Ủy ban Quốc tế Hỗn hợp về Đối thoại Thần học giữa Liên đoàn Thế giới Lutheran và Giáo hội Chính thống đã công bố một tuyên bố chung về phần Filioque.

Trong tuyên bố chung ký ngày 27 tháng 5 và được công bố hôm 30 tháng 7 vừa qua, ủy ban cho biết: “Chúng tôi biết rằng Filioque đã được Giáo hội Latinh đưa vào Kinh Tin kính Nicê-Constantinôpôli để đáp lại tà giáo Arianô. “Đánh giá văn bản Kitô giáo cổ xưa và đáng kính nhất này, chúng tôi đề nghị sử dụng bản dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, nghĩa là không có phần Filioque với hy vọng rằng điều này sẽ góp phần hàn gắn những chia rẽ lâu đời giữa các cộng đồng của chúng ta.”

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, cho biết như sau:

Điều 246: Công thức theo truyền thống Latinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.” Công đồng Florentina, năm 1439, giải thích: “Chúa Thánh Thần… có bản tính và hữu thể của Ngài bởi Chúa Cha và một trật bởi Chúa Con, và từ đời đời Ngài xuất phát bởi Hai Ngôi như bởi một nguyên lý duy nhất và bởi một hơi thở duy nhất… Và bởi vì mọi sự, vốn là của Chúa Cha, chính Chúa Cha đã ban cho Con Một khi sinh ra Con Một, trừ cương vị làm Cha, nên việc Thần Khí xuất phát bởi Chúa Con, thì từ đời đời Chúa Con có việc xuất phát đó là bởi Chúa Cha, Đấng cũng sinh ra Chúa Con từ đời đời.”

Điều 247: Lời khẳng định “và bởi Đức Chúa Con” (Filioque) không có trong Kinh Tin Kính công bố năm 381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô, dựa theo truyền thống cổ xưa của Latinh và Alexandria, đã công bố điều này như một tín điều vào năm 447,57 trước khi Rôma, tại Công đồng Chalcêđônia năm 451, biết đến và tiếp nhận Kinh Tin Kính của năm 381. Việc sử dụng công thức này trong Kinh Tin Kính được dần dần đưa vào phụng vụ Latinh (từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11). Tuy nhiên, việc phụng vụ Latinh đưa công thức Filioque vào trong Kinh Tin Kính Nicê – Constantinôpôli, đã tạo nên sự bất đồng, mãi cho đến nay, với các Giáo Hội Chính Thống.

Điều 248: Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ Chúa Cha” (Ga 15:26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con (a Patre per Filium procedere). Còn truyền thống Tây phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Truyền thống này nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý”, bởi vì theo trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”, là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa Thánh Thần xuất phát “như từ một nguyên lý duy nhất.” Sự bổ túc hợp pháp này, nếu không bị thổi phồng, thì không tác động gì đến sự đồng nhất của đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng.


Source:Luthern World
 
Các vụ chống Kitô giáo gia tăng ở Israel
Đặng Tự Do
00:49 05/08/2024
Một nghiên cứu mới cho thấy các hành động hung hăng chống lại các Kitô hữu ở Thánh địa đang trở nên phổ biến hơn.

Trung tâm Rossing có trụ sở tại Giêrusalem đã báo cáo “sự gia tăng đáng lo ngại” về các vụ việc từ phá hoại đến quấy rối cá nhân trong năm 2023. Báo cáo chỉ ra việc đập vỡ các bức tượng trong nhà thờ và các cuộc đối đầu trên đường phố, trong đó Kitô hữu bị xúc phạm, đe dọa hoặc ra lệnh dỡ bỏ thánh giá.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, hoan nghênh báo cáo này và nói: “Chúng ta cần biết chuyện gì đang xảy ra”. Ông nói thêm rằng thông tin về các vụ việc hung hãn nên được cung cấp cho chính quyền địa phương. “Ngay cả khi họ không làm gì, họ cũng không thể nói rằng điều đó không xảy ra.”

Cảnh tượng thường thấy ở Thánh Địa là những người Do Thái chính thống cực đoan nhổ nước bọt xuống đất bên cạnh đám rước Kitô hữu nước ngoài mang cây thánh giá bằng gỗ đã gây ra sự phẫn nộ dữ dội và làn sóng lên án ở Thánh địa.

Kể từ khi chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử của Israel lên nắm quyền vào cuối năm 2022, các nhà lãnh đạo tôn giáo - bao gồm cả Thượng phụ Latinh có ảnh hưởng do Vatican bổ nhiệm - đã ngày càng lo ngại về tình trạng quấy rối ngày càng gia tăng đối với cộng đồng Kitô giáo 2.000 năm tuổi trong khu vực.

Nhiều người cho rằng chính phủ, với các quan chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đầy quyền lực, như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, đã khuyến khích những kẻ cực đoan Do Thái và tạo ra cảm giác không bị trừng phạt.

Yisca Harani, một chuyên gia về Kitô giáo và là người sáng lập đường dây nóng của Israel về các cuộc tấn công chống Kitô giáo, cho biết: “Điều đã xảy ra với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cánh hữu là bản sắc Do Thái ngày càng phát triển xung quanh việc chống Kitô giáo”. “Ngay cả khi chính phủ không khuyến khích điều đó, họ cũng ám chỉ rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt nào”.

Những lo lắng về sự bất khoan dung ngày càng gia tăng dường như vi phạm cam kết đã nêu của Israel về quyền tự do thờ phượng và sự tin tưởng thiêng liêng đối với các thánh địa, được ghi trong tuyên bố đánh dấu sự thành lập của nước này cách đây 75 năm. Israel chiếm được Đông Giêrusalem trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó sáp nhập khu vực này trong một động thái không được quốc tế công nhận.

Ngày nay có khoảng 15.000 Kitô hữu ở Giêrusalem, phần lớn trong số họ là người Palestine tự coi mình đang sống dưới sự xâm lược.

Văn phòng của ông Netanyahu hôm thứ Ba nhấn mạnh rằng Israel “hoàn toàn cam kết bảo vệ quyền thiêng liêng về thờ phượng và hành hương tới các thánh địa của tất cả các tín ngưỡng”.

Ông nói: “Tôi mạnh mẽ lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa các tín hữu và tôi cam kết thực hiện hành động ngay lập tức và kiên quyết chống lại hành động đó”.

Hôm 4 Tháng Mười, năm ngoái, cảnh khạc nhổ, được ghi lại bởi một phóng viên của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel, cho thấy một nhóm người hành hương nước ngoài bắt đầu cuộc rước của họ qua mê cung đá vôi của Thành phố Cổ, nơi có vùng đất linh thiêng nhất của Do Thái giáo, ngôi đền linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo và các địa điểm Kitô giáo lớn.

Nâng cao một cây thánh giá bằng gỗ khổng lồ, những người đàn ông và phụ nữ quay trở lại con đường Thành phố Cổ mà họ tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã đi trước khi bị đóng đinh. Trên đường đi, những người Do Thái chính thống cực đoan trong bộ vest đen và đội mũ đen rộng vành chen lấn những người hành hương qua những con hẻm hẹp, trên tay cầm những lá cọ nghi lễ của họ cho ngày lễ Sukkot kéo dài một tuần của người Do Thái. Khi họ đi ngang qua, ít nhất bảy người Do Thái chính thống cực đoan nhổ xuống đất bên cạnh nhóm Kitô Hữu du lịch.

Càng làm tăng thêm sự phẫn nộ, Elisha Yered, một nhà lãnh đạo định cư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và là cựu cố vấn cho một nhà lập pháp trong liên minh cầm quyền của Netanyahu, đã bảo vệ những người nhổ nước bọt, cho rằng nhổ nước bọt vào các giáo sĩ Kitô giáo và tại các nhà thờ là một “phong tục cổ xưa của người Do Thái”.

Ông viết trên X, trước đây gọi là Twitter: “Có lẽ dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chúng ta đã phần nào quên mất Kitô giáo là gì”. “Tôi nghĩ hàng triệu người Do Thái phải chịu cảnh lưu đày sau các cuộc Thập tự chinh… sẽ không bao giờ quên.”

Yered, bị tình nghi liên quan đến vụ sát hại một thanh niên Palestine 19 tuổi, vẫn bị quản thúc tại gia.

Trong khi video và bình luận của Yered lan truyền như cháy rừng trên mạng xã hội, thì làn sóng chỉ trích ngày càng tăng. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho biết việc nhổ nước bọt vào Kitô hữu “không đại diện cho các giá trị của người Do Thái”.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo của đất nước, Michael Malkieli, một thành viên của đảng Shas Chính thống cực đoan, lập luận rằng việc khạc nhổ như vậy “không phải là cách của Kinh Torah”. Một trong những giáo sĩ trưởng của Israel khẳng định việc khạc nhổ không liên quan gì đến luật Do Thái.

Các nhà hoạt động ghi lại các cuộc tấn công hàng ngày chống lại Kitô hữu ở Thánh địa đã rất ngạc nhiên trước làn sóng chú ý bất ngờ của chính phủ.

Harani, chuyên gia cho biết: “Các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu đã gia tăng 100% trong năm nay, không chỉ khạc nhổ mà còn ném đá và phá hoại các bảng hiệu”.


Source:holyspiritcatholicchurchonireke.org
 
Phát ngôn nhân Vatican thận trọng ủng hộ quan điểm của các giám mục Venezuela trong cuộc bầu cử. Maduro thề ra tay tàn bạo với ai dám thắc mắc kết quả cuộc bầu cử
Đặng Tự Do
01:02 05/08/2024
Trong một tuyên bố với những từ ngữ được cân nhắc cẩn thận, đại diện của Vatican tại Tổ chức các Quốc gia Mỹ Châu, gọi tắt là OAS, đã đề nghị hỗ trợ các giám mục Venezuela, và nói rằng chỉ có đối thoại và sự tham gia tích cực và đầy đủ của tất cả các chủ thể chính trị” mới có thể giải quyết một cuộc khủng hoảng về cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Venezuela

Đức Cha Juan Antonio Cruz Serrano không bình luận trực tiếp về nghị quyết kêu gọi chính phủ Maduro đưa ra bằng chứng rõ ràng về kết quả bầu cử chính xác; ngài chỉ thừa nhận rằng các đại diện của OAS đã tán thành nghị quyết đó.

Phát ngôn nhân của Vatican nói rằng Tòa thánh ủng hộ “ơn gọi dân chủ của người dân Venezuela, được thể hiện qua ‘sự tham gia đông đảo, tích cực và mang tính dân sự của tất cả người dân Venezuela trong quá trình bầu cử.'“

Nhà độc tài Venezuela Nicolás Maduro đã thề sẽ “đập tan” thách thức mới nhất đối với chế độ của mình và nói với quân đội rằng ông “sẵn sàng làm bất cứ điều gì” để bảo vệ “cuộc cách mạng” của mình trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích về cuộc đàn áp diễn ra sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tuần trước.

Maduro cho biết hơn 2.000 người đã bị bắt trong những ngày kể từ cuộc bỏ phiếu ngày 28 tháng 7 trong khi các nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 22 người đã thiệt mạng vì bị các lực lượng an ninh của Maduro đánh chết trong các cuộc biểu tình.

Hôm Chúa Nhật, 04 Tháng Tám, Liên Hiệp Âu Châu cho biết họ “rất quan ngại” về số vụ bắt giữ tùy tiện ngày càng tăng ở Venezuela và tình trạng quấy rối đối với phe đối lập, nơi đã đưa ra bằng chứng cho thấy ứng cử viên của họ, Edmundo González, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

“Liên minh Âu Châu kêu gọi chính quyền Venezuela chấm dứt các vụ bắt giữ tùy tiện, đàn áp và lời lẽ bạo lực đối với các thành viên của phe đối lập và xã hội dân sự, đồng thời trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị”, nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng ngoại giao Canada Mélanie Joly cũng lên án bạo lực trong một tuyên bố vào hôm Chúa Nhật và cho biết các nhân chứng là công dân và các nhà quan sát quốc tế đã cung cấp “bằng chứng đáng tin cậy” rằng kết quả do chính quyền Maduro đưa ra “không phản ánh ý chí của người dân Venezuela”.

Maduro, người tuyên bố mình đã thắng cử nhưng vẫn chưa đưa ra bằng chứng, đã bác bỏ những lời chỉ trích như vậy vào hôm Chúa Nhật trong một buổi lễ quân sự ở Caracas.

“Liên Hiệp Âu Châu là một sự ô nhục”, Maduro nói với các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Bolivar, một nhánh của quân đội đã tham gia vào cuộc đàn áp.

Khi trao huy chương cho những người lính mà Maduro cho biết đã bị thương khi ứng phó với các cuộc bạo loạn sau bầu cử vào thứ Hai và thứ Ba tuần trước, tổng thống độc tài của Venezuela cho biết: “Chúng tôi đang đối đầu, đánh bại, ngăn chặn và phá hủy một nỗ lực đảo chính ở Venezuela”.

Maduro, người được bầu sau cái chết của Hugo Chávez năm 2013, đã thúc giục các chỉ huy quân đội ra lệnh “triển khai toàn diện” quân đội của họ để đáp trả thách thức của phe đối lập. Trước đó, tổng thống Venzeuela đã nói với quân đội được trang bị súng trường và khiên chống bạo động: “Các bạn có thể chắc chắn rằng chúng tôi sẽ truy đuổi tất cả bọn tội phạm và tất cả bọn phát xít vì chủ nghĩa phát xít sẽ không nắm được quyền lực ở Venezuela. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì và tôi tin tưởng vào các bạn sẽ bảo đảm việc thực thi trật tự, luật pháp và hiến pháp.”


Source:The Gurdian
 
Tổng thống Erdogan thảo luận về lễ khai mạc Olympic và xung đột ở Trung Đông với Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
01:08 05/08/2024
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ quan điểm của mình về lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris. Ông chỉ trích sự kiện này, nói rằng dưới chiêu bài tự do ngôn luận và khoan dung, các giá trị tôn giáo và đạo đức đã bị chế nhạo, xúc phạm cả người theo Kitô giáo và người theo đạo Hồi.

Tổng thống Erdogan cũng đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông trong cuộc thảo luận với Đức Thánh Cha. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã leo thang thành tội ác diệt chủng, được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự khoan dung của một số quốc gia.

Theo một tuyên bố từ Ban Giám đốc Truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: “Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng những sự kiện vô đạo đức trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris đã gây ra sự phẫn nộ và phản ứng trên quy mô lớn. Ông tuyên bố rằng với lý do tự do ngôn luận và khoan dung, phẩm giá con người đã bị chà đạp, các giá trị tôn giáo và đạo đức bị chế nhạo, xúc phạm cả người Hồi giáo và thế giới Kitô giáo. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết phải có một phản ứng thống nhất cho những vấn đề này. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng Thế vận hội Olympic, nhằm mục đích đoàn kết mọi người, thay vào đó lại đặt câu hỏi về các giá trị tôn giáo và tuyên truyền những thông điệp xuyên tạc, cho thấy sự suy đồi về mặt luân lý”.

Liên quan đến tình hình ở Gaza và vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, ông Erdogan đã nói Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã trở thành tội ác diệt chủng, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và rằng Israel đang tiến hành các vụ thảm sát nhờ vào những hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và quân sự của một số quốc gia.” Ông nói thêm rằng vụ ám sát Ismail Haniyeh và cuộc tấn công vào Li Băng chứng tỏ rằng Israel gây ra mối đe dọa cho toàn bộ khu vực, thế giới và nhân loại. Erdogan kêu gọi hành động toàn cầu ngay lập tức để bảo đảm hòa bình cho người Hồi giáo và Kitô giáo ở Palestine.

Tuyên bố cũng lưu ý rằng “Tổng thống Erdogan tin rằng uy tín của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các quốc gia hỗ trợ Israel có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công và bảo đảm hòa bình lâu dài, ngăn ngừa thiệt hại vĩnh viễn đối với các cấu trúc chính trị, an ninh và xã hội của khu vực và thế giới”.

Trong bài phát biểu gần đây trước các quan chức đảng, Tổng thống Erdogan bày tỏ sự chỉ trích mạnh mẽ cộng đồng LGBTQI liên quan đến lễ khai mạc Thế vận hội Olympic ở Paris. Ông đề cập rằng ông đã từ chối lời mời từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới tham dự buổi lễ sau khi cháu gái 13 tuổi của ông cảnh báo ông về sự kiện LGBTQI trong chương trình. Erdogan lên án buổi lễ, nói rằng, “Những gì đang được tìm kiếm ở Paris là một kế hoạch hạ thấp con người xuống dưới mức động vật” và tuyên bố rằng “nhóm vận động hành lang LGBTQI đang bắt giữ con tin phương Tây.” Ông cũng nhận xét rằng “cảnh tượng khét tiếng ở Paris đã xúc phạm không chỉ thế giới Công Giáo và Kitô Giáo nói chung, mà còn cả người Hồi Giáo chúng ta”.


Source:Orthodox Times
 
Thư ngỏ của các Hồng Y và Giám mục Công Giáo gửi Ủy ban Olympic quốc tế
J.B. Đặng Minh An dịch
01:26 05/08/2024
Các Hồng Y và Giám Mục trên thế giới đã gởi một lá thư ngỏ đến Ủy ban Olympic quốc tế. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó.” (2 Sử Biên Niên 7:14)

Thế giới bị sốc khi chứng kiến Thế vận hội mùa hè ở Paris khai mạc bằng màn trình diễn Bữa Tiệc Ly một cách lố bịch và báng bổ. Thật khó hiểu tại sao đức tin của hơn 2 tỷ người lại có thể bị xúc phạm một cách ngạo mạn và cố ý như vậy.

Chúng tôi, các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới, thay mặt cho các Kitô hữu khắp nơi, yêu cầu Ủy ban Olympic bác bỏ hành động báng bổ này và xin lỗi tất cả những người có đức tin. Mặc dù khó có thể tin rằng một sự nhạo báng có chủ ý đầy thù ghét như vậy đối với bất kỳ tôn giáo nào khác lại được trưng bày trên trường thế giới, nhưng hành động hèn hạ này vẫn đe dọa mọi người thuộc mọi tôn giáo và không thuộc tôn giáo nào, vì nó mở ra cánh cửa cho những kẻ có quyền lực làm bất cứ điều gì họ muốn với những người họ không thích.

Để vâng theo lời kêu gọi của Thiên Chúa hãy hạ mình cầu nguyện và tránh xa cái ác, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, cam kết thực hiện một ngày cầu nguyện và ăn chay để đền tạ vì tội báng bổ này. Là một phần của lời cầu nguyện của chúng tôi, mỗi người chúng tôi sẽ dâng Hy lễ Thánh trong Thánh lễ, trong đó Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng việc chúng ta tuân theo giới răn mà Người đã ban cho chúng ta trong Bữa Tiệc Ly, “hãy làm điều này để nhớ đến Thầy.”

Bữa Tiệc Ly là bữa ăn mà Chúa Giêsu thành Nazareth đã chia sẻ với những người bạn thân nhất của Người vào đêm trước khi Người chết vì họ và vì chúng ta. Chúng tôi cầu nguyện rằng những kẻ tìm cách làm hại người khác bằng quyền lực của mình và những người bị tổn hại sẽ noi gương tình yêu hy sinh quên mình của Người, để hòa bình, lễ phép và tôn trọng lẫn nhau được lập lại trên thế giới.


Source:Catholic News Agency
 
Thư Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Vai Trò Của Văn Học Trong Quá Trình Đào Tạo
Vũ Văn An
18:46 05/08/2024
Theo tin Tòa Thánh, Đức Phanxicô vừa cho công bố Bức thư của ngài nói về vai trò của văn học trong việc đào tạo các linh mục tương lai. Bức thư được ký ngày 17 tháng 7, năm 2024 và được công bố ngày 4 tháng 8 vừa qua. Nhân dịp này, ngài cũng mở rộng phạm vi phổ biến bức thư tới mọi tín hữu Ki-tô giáo. Hãng tin Catholic World News cho hay: năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Đức Phanxicô, Tòa Thánh đã công bố một tài liệu tái duyệt về việc đào tạo chủng sinh nhưng tài liệu này không nhắc gì tới vai trò của văn học, mặc dù nó là bản thay thế tài liệu năm 1985, công bố dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Tài liệu vừa nhắc có nói tới việc đào tạo văn học.

Chúng tôi chuyển dịch toàn văn Bức thư của Đức Phanxicô, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh
:

1. Ban đầu, tôi đã chọn đặt tiêu đề cho Bức thư này là đào tạo linh mục. Tuy nhiên, khi suy nghĩ thêm, chủ đề này cũng áp dụng cho quá trình đào tạo của tất cả những người tham gia vào công tác mục vụ, thực sự là của tất cả các Kitô hữu. Điều tôi muốn đề cập ở đây là giá trị của việc đọc tiểu thuyết và thơ như một phần trong con đường trưởng thành của một người.

2. Thường thì trong những khoảng thời gian buồn chán khi đi nghỉ, trong cái nóng và sự tĩnh lặng của một khu phố vắng vẻ nào đó, việc tìm thấy một cuốn sách hay để đọc có thể mang đến một ốc đảo giúp chúng ta tránh xa những lựa chọn khác kém lành mạnh hơn. Tương tự như vậy, trong những khoảnh khắc mệt mỏi, tức giận, thất vọng hoặc thất bại, khi chính việc cầu nguyện không giúp chúng ta tìm thấy sự thanh thản bên trong, một cuốn sách hay có thể giúp chúng ta vượt qua cơn bão cho đến khi chúng ta tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Thời gian dành cho việc đọc sách có thể mở ra những không gian nội tâm mới giúp chúng ta tránh bị mắc kẹt bởi một vài suy nghĩ ám ảnh có thể cản trở sự phát triển bản thân của chúng ta. Thật vậy, trước khi chúng ta tiếp xúc liên tục với phương tiện truyền thông xã hội, điện thoại di động và các thiết bị khác như hiện nay, đọc sách là một trải nghiệm phổ biến và những ai đã từng trải qua đều hiểu ý tôi. Nó không phải là thứ gì đó hoàn toàn lỗi thời.

3. Không giống như phương tiện truyền thông nghe nhìn, nơi sản phẩm có tính độc lập hơn và thời gian dành cho việc "làm phong phú" câu chuyện hoặc khám phá ý nghĩa của nó thường khá hạn chế, một cuốn sách đòi hỏi sự tham gia bản thân nhiều hơn từ phía người đọc. Theo một nghĩa nào đó, người đọc viết lại một văn bản, mở rộng phạm vi của nó thông qua trí tưởng tượng của họ, tạo ra toàn bộ thế giới bằng cách đưa vào sử dụng các kỹ năng, trí nhớ, ước mơ và lịch sử bản thân của họ, với tất cả sự kịch tính và biểu tượng của nó. Theo cách này, những gì xuất hiện là một văn bản hoàn toàn khác với văn bản mà tác giả dự định viết. Do đó, một tác phẩm văn học là một văn bản sống động và luôn hữu hiệu, luôn có khả năng nói theo những cách khác nhau và tạo ra một bản tổng hợp độc đáo từ phía mỗi người đọc. Trong quá trình đọc, chúng ta được làm giàu từ những gì chúng ta nhận được từ tác giả và điều này cho phép chúng ta phát triển nội tâm, để mỗi tác phẩm mới mà chúng ta đọc sẽ đổi mới và mở rộng thế giới quan của chúng ta.

4. Vì lý do này, tôi rất trân sự kiện ít nhất một số chủng viện đã phản ứng với nỗi ám ảnh về “màn hình” và tin tức giả mạo độc hại, hời hợt và bạo lực, bằng cách dành thời gian và sự chú ý cho văn học. Họ đã làm điều này bằng cách dành thời gian để đọc sách một cách yên tĩnh và thảo luận về những cuốn sách, mới và cũ, vẫn tiếp tục có nhiều điều để nói với chúng ta. Tuy nhiên, đáng tiếc là nền tảng đầy đủ về văn học thường không phải là một phần của các chương trình đào tạo cho chức thánh. Văn học thường chỉ được coi là một hình thức giải trí, một “nghệ thuật phụ” không nhất thiết phải nằm trong chương trình giáo dục các linh mục tương lai và quá trình chuẩn bị cho chức thánh. Ngoại trừ một số ít trường hợp, văn học được coi là không thiết yếu. Tôi cho rằng điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng cách tiếp cận như vậy là không lành mạnh. Nó có thể dẫn đến sự nghèo nàn nghiêm trọng về trí thức và tâm linh của các linh mục tương lai, những người sẽ bị tước mất quyền tiếp cận đặc quyền mà văn học mang lại cho chính trái tim của nền văn hóa nhân loại và cụ thể hơn là trái tim của mỗi cá nhân.

5. Với Bức thư này, tôi muốn đề xuất một sự thay đổi triệt để. Về vấn đề này, tôi đồng ý với quan sát của một nhà thần học rằng, “văn học… bắt nguồn từ cốt lõi không thể giản lược nhất của con người, bình diện mầu nhiệm [của hữu thể họ]… Văn học là cuộc sống, có ý thức về chính nó, đạt đến sự tự phat biểu đầy đủ thông qua việc sử dụng tất cả các nguồn lực khái niệm của ngôn ngữ”. [1]

6. Do đó, văn học phải liên quan, theo cách này hay cách khác, đến những mong muốn sâu sắc nhất của chúng ta trong cuộc sống này, vì ở bình diện sâu sắc, văn học gắn kết sự hiện hữu cụ thể của chúng ta, với những căng thẳng bẩm sinh, mong muốn và trải nghiệm có ý nghĩa của nó.

7. Khi còn là một giáo viên trẻ, tôi đã khám phá ra điều này với học sinh của mình. Từ năm 1964 đến năm 1965, ở tuổi 28, tôi đã dạy văn học tại một trường Dòng Tên ở Santa Fe. Tôi đã dạy hai năm cuối trung học và phải đảm bảo rằng học sinh của mình học El Cid. Học sinh không vui; chúng thường hỏi liệu chúng có thể đọc García Lorca thay thế không. Vì vậy, tôi quyết định rằng chúng có thể đọc El Cid ở nhà và trong các bài học, tôi sẽ thảo luận về các tác giả mà học sinh thích nhất. Tất nhiên, các em muốn đọc các tác phẩm văn học đương thời. Tuy nhiên, khi các em đọc những tác phẩm mà các em quan tâm vào thời điểm đó, các em đã phát triển một sở thích chung hơn đối với văn học và thơ ca, và do đó các em chuyển sang các tác giả khác. Cuối cùng, trái tim chúng ta luôn tìm kiếm điều gì đó lớn lao hơn, và các cá nhân sẽ tìm thấy con đường riêng của họ trong văn học. [2] Về phần mình, tôi yêu các nhà bi kịch, bởi vì tất cả chúng ta đều có thể đón nhận các tác phẩm của họ như của chính mình, như những biểu hiện của vở kịch bản thân của chúng ta. Khi khóc cho số phận của các nhân vật của họ, về cơ bản chúng ta đang khóc cho chính mình, cho sự trống rỗng, những thiếu sót và cô đơn của chính mình. Tất nhiên, tôi không yêu cầu bạn đọc những thứ giống như tôi đã đọc. Mọi người sẽ tìm thấynhững cuốn sách nói lên cuộc sống của chính họ và trở thành người bạn đồng hành đích thực cho hành trình của họ. Không có gì phản tác dụng hơn là đọc một điều gì đó vì cảm giác bổn phận, nỗ lực đáng kể chỉ vì người khác đã nói rằng điều đó là cần thiết. Ngược lại, trong khi luôn cởi mở với sự hướng dẫn, chúng ta nên chọn cách đọc của mình với một tâm trí cởi mở, sẵn sàng ngạc nhiên, có sự linh hoạt và sẵn sàng học hỏi nhất định, cố gắng khám phá những gì chúng ta cần ở mọi thời điểm trong cuộc sống của mình.

Đức tin và văn hóa

8. Văn học cũng chứng tỏ là điều cần thiết đối với những người tin chân thành tìm cách đối thoại với nền văn hóa của thời đại họ, hoặc đơn giản là với cuộc sống và kinh nghiệm của những người khác. Có lý do chính đáng, Công đồng Vatican II nhận xét rằng, “văn học và nghệ thuật… tìm cách thâm nhập vào bản chất của chúng ta” và “làm sáng tỏ nỗi đau khổ và niềm vui, nhu cầu và tiềm năng của chúng ta”. [3] Thật vậy, văn học lấy cảm hứng từ thực tế của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những đam mê và biến cố, “hành động, công việc, tình yêu, cái chết và tất cả những điều tồi tệ lấp đầy cuộc sống” của chúng ta. [4]

9. Làm sao chúng ta có thể tiếp cận được cốt lõi của các nền văn hóa cổ xưa và mới mẻ nếu chúng ta không quen thuộc, bỏ qua hoặc bác bỏ các biểu tượng, thông điệp, biểu hiện nghệ thuật và những câu chuyện mà chúng đã nắm bắt và gợi lên những lý tưởng và khát vọng cao cả nhất của họ, cũng như những đau khổ, nỗi sợ hãi và đam mê sâu sắc nhất của họ? Làm sao chúng ta có thể nói với trái tim của những người đàn ông và đànn bà nếu chúng ta bỏ qua, gạt sang một bên hoặc không đánh giá cao những "câu chuyện" mà họ tìm cách phja1t biểu và phơi bày sự kịch tính của trải nghiệm sống của họ trong các tiểu thuyết và bài thơ?

10. Trong kinh nghiệm truyền giáo của mình, Giáo hội đã học cách biểu lộ tất cả vẻ đẹp, sự tươi mới và mới lạ của mình trong cuộc gặp gỡ của mình - thường là thông qua văn học - với các nền văn hóa khác nhau mà đức tin của mình đã bén rễ, mà không ngần ngại tham gia và khai thác những điều tốt nhất mà mình tìm thấy trong mỗi nền văn hóa. Cách tiếp cận này đã giải thoát Giáo hội khỏi sự cám dỗ của một sự tự tham chiếu hẹp hòi, theo chủ nghĩa chính thống coi một "ngữ pháp" văn hóa-lịch sử cụ thể là có khả năng phát biểu toàn bộ sự phong phú và chiều sâu của Tin Mừng. [5] Nhiều lời tiên tri về ngày tận thế hiện đang tìm cách gieo rắc sự tuyệt vọng bắt nguồn chính từ niềm tin như vậy. Việc tiếp xúc với các phong cách văn học và ngữ pháp khác nhau sẽ luôn cho phép chúng ta khám phá sâu hơn tính đa âm của sự mặc khải thần linh mà không làm nghèo nàn nó hoặc giảm nó xuống theo nhu cầu hoặc cách suy nghĩ của riêng chúng ta.

11. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà thời cổ đại của Kitô giáo, chẳng hạn, đã nhận ra rõ ràng nhu cầu phải tham gia nghiêm túc vào nền văn hóa cổ điển của thời đại đó. Thánh Basilêô thành Xêdarêa, một trong những Giáo phụ của Giáo hội Đông phương, trong Bài diễn văn gửi đến giới trẻ, được sáng tác vào khoảng năm 370 đến 375, và rất có thể là dành cho các cháu trai và cháu gái của mình, đã ca ngợi sự phong phú của nền văn học cổ điển do hoi éxothen (“những người bên ngoài”) tạo ra, như ngài gọi các tác giả ngoại giáo. Ngài thấy điều này cả về mặt lập luận, tức là lógoi (các diễn ngôn), hữu ích cho thần học và chú giải, và nội dung đạo đức của nó, cụ thể là práxeis (hành vi, tác phong) hữu ích cho đời sống khổ hạnh và đạo đức. Thánh Basilêô kết thúc tác phẩm này bằng cách thúc giục các Ki-tô hữu trẻ xem các tác phẩm kinh điển như một ephódion (“viaticum” = của ăn đàng) cho nền giáo dục và đào tạo của họ, một phương tiện “lợi ích cho linh hồn” (IV, 8-9). Chính từ cuộc gặp gỡ giữa Ki-tô giáo và nền văn hóa thời đó mà một cách trình bày mới mẻ về sứ điệp Tin Mừng đã xuất hiện.

12. Nhờ sự phân định văn hóa theo tinh thần truyền giáo, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong nhiều trải nghiệm của con người, nhìn thấy những hạt giống của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã được gieo vào các biến cố, cảm xúc, mong muốn và khát khao sâu sắc hiện diện trong trái tim và trong các bối cảnh xã hội, văn hóa và tâm linh. Ví dụ, chúng ta có thể thấy điều này trong cách tiếp cận của Thánh Phao-lô trước Areopagus, như được kể lại trong Công vụ Tông đồ (17:16-34). Trong bài phát biểu của mình, Thánh Phao-lô nói về Chúa: “‘Trong Người, chúng ta sống, chuyển động và hiện hữu’; và như một số nhà thơ của chính các bạn đã nói, ‘Chúng ta cũng là dòng dõi của Người’.” (Công vụ 17:28). Câu thơ này có hai trích dẫn: một trích dẫn gián tiếp từ nhà thơ Epimenides (thế kỷ thứ sáu TCN), và trích dẫn trực tiếp từ Phaenomena [các hiện tượng] của nhà thơ Aratus xứ Soli (thế kỷ thứ ba TCN), người đã viết về các chòm sao và các dấu hiệu của thời tiết tốt và xấu. Ở đây, “Thánh Phao-lô tiết lộ rằng ngài là một ‘người đọc’ đồng thời cũng chứng minh phương pháp tiếp cận văn bản văn học của ngài, đó là sự phân định văn hóa theo Tin Mừng. Người Athen coi ngài là một spermologos, một ‘kẻ ba hoa’, nhưng theo nghĩa chiểu tự là ‘một người thu thập hạt giống’. Điều chắc chắn được cho là một sự xúc phạm đã được chứng minh, thật trớ trêu, là sự thật sâu sắc. Thánh Phao-lô đã thu thập hạt giống của thơ ca ngoại giáo và vượt qua ấn tượng đầu tiên của mình (xem Công vụ 17:16), thừa nhận rằng người Athen ‘cực kỳ sùng đạo’ và nhìn thấy trong các trang văn học cổ điển của họ một praeparatio evangelica [chuẩn bị cho Tin Mừng] thực sự” [6].

13. Thánh Phao-lô đã làm gì? Ngài hiểu rằng “văn học làm sáng tỏ những vực thẳm bên trong bản vị con người trong khi sự mặc khải và sau đó là thần học tiếp quản để chỉ ra cách Chúa Kitô đi vào những chiều sâu này và soi sáng chúng”. [7] Đối diện với những chiều sâu này, văn học do đó là một “con đường” [8] giúp những người chăn dắt các linh hồn bước vào cuộc đối thoại hữu hiệu với nền văn hóa của thời đại họ.

Không bao giờ là một Chúa Kitô không có thân xác

14. Trước khi khám phá những lý do cụ thể tại sao nên khuyến khích nghiên cứu văn học trong quá trình đào tạo các linh mục tương lai, trước tiên tôi muốn nói đôi điều về bối cảnh tôn giáo đương thời. “Sự trở lại với điều thánh thiêng và việc tìm kiếm tâm linh đánh dấu thời đại của chúng ta là những hiện tượng mơ hồ. Ngày nay, thách thức của chúng ta không phải là chủ nghĩa vô thần mà là nhu cầu đáp ứng đầy đủ cơn khát Thiên Chúa của nhiều người, kẻo họ cố gắng thỏa mãn cơn khát đó bằng những giải pháp xa lạ hoặc bằng một Chúa Giêsu không có thân xác”. [9] Nhiệm vụ cấp bách là công bố Tin Mừng trong thời đại chúng ta đòi hỏi các tín hữu, và đặc biệt là các linh mục, phải đảm bảo rằng mọi người đều có thể gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô đã nhập thể, đã làm người, đã làm nên lịch sử. Chúng ta phải luôn cẩn thận không bao giờ đánh mất “xác thịt” của Chúa Giêsu Kitô: xác thịt được tạo nên từ những đam mê, cảm xúc và tình cảm, những lời thách thức và an ủi, những bàn tay chạm đến và chữa lành, những cái nhìn giải thoát và khích lệ, xác thịt được tạo nên từ lòng hiếu khách, sự tha thứ, sự phẫn nộ, lòng can đảm, sự không sợ hãi; nói một cách ngắn gọn, là tình yêu.

15. Chính ở bình diện này, sự quen thuộc với văn học có thể khiến các linh mục tương lai và tất cả những người làm công tác mục vụ nhạy cảm hơn với toàn bộ nhân tính của Chúa Giêsu, trong đó thần tính của Người hiện diện hoàn toàn. Theo cách này, họ có thể công bố Tin Mừng theo cách giúp mọi người có thể trải nghiệm chân lý trong giáo huấn của Công đồng Vatican II rằng, “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm về con người mới thực sự trở nên sáng tỏ”. [10] Đây không phải là mầu nhiệm của một nhân tính trừu tượng nào đó, mà là của tất cả mọi người nam và nữ, với những tổn thương, ham muốn, ký ức và hy vọng của họ vốn là một phần cụ thể trong cuộc sống của họ.

Một điều tốt đẹp tuyệt vời

16. Theo quan điểm thực tế, nhiều nhà khoa học cho rằng thói quen đọc sách có nhiều tác động tích cực đến cuộc sống của con người, giúp họ có được vốn từ vựng rộng hơn và do đó phát triển khả năng trí thức rộng hơn. Nó cũng kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của họ, cho phép họ học cách kể câu chuyện của mình theo những cách phong phú và biểu cảm hơn. Nó cũng cải thiện khả năng tập trung, giảm mức độ suy giảm nhận thức và làm dịu căng thẳng và lo lắng.

17. Hơn thế nữa, việc đọc sách giúp chúng ta chuẩn bị để hiểu và do đó giải quyết các tình huống khác nhau phát sinh trong cuộc sống. Khi đọc, chúng ta đắm mình vào những suy nghĩ, mối quan tâm, bi kịch, nguy hiểm và nỗi sợ hãi của các nhân vật, những người cuối cùng đã vượt qua những thách thức của cuộc sống. Có lẽ, khi theo dõi một câu chuyện đến cuối, chúng ta cũng có được những hiểu biết sâu sắc mà sau này sẽ hữu ích trong cuộc sống của chính chúng ta.

18. Trong nỗ lực khuyến khích việc đọc sách này, tôi xin đề cập đến hai văn bản của các tác giả nổi tiếng, những người, tóm lại, có nhiều điều để dạy chúng ta:

Tiểu thuyết giải phóng “trong chúng ta, trong không gian của một giờ, tất cả những niềm vui và bất hạnh có thể có mà trong cuộc sống, chúng ta phải mất nhiều năm mới biết được dù chỉ một chút, và những điều dữ dội nhất sẽ không bao giờ được tiết lộ cho chúng ta vì sự chậm chạp mà chúng xảy ra ngăn cản chúng ta nhận ra chúng”. [11]

“Khi đọc những tác phẩm văn học vĩ đại, tôi trở thành một ngàn người đàn ông nhưng vẫn là chính mình. Giống như bầu trời đêm trong bài thơ Hy Lạp, tôi nhìn bằng vô số con mắt, nhưng tôi vẫn là người nhìn. Ở đây, giống như trong sự tôn thờ, trong tình yêu, trong hành động đạo đức và trong sự hiểu biết, tôi vượt qua chính mình; và không bao giờ là chính mình hơn khi tôi làm như vậy”. [12]

19. Tuy nhiên, tôi không có ý định chỉ tập trung vào những lợi ích bản thân có được từ việc đọc sách, mà là suy gẫm về những lý do quan trọng nhất để khuyến khích tình yêu đọc sách mới.

Lắng nghe tiếng nói của người khác

20. Khi nghĩ đến văn học, tôi nhớ đến điều mà nhà văn vĩ đại người Á Căn Đình Jorge Luis Borges [13] từng nói với học trò của mình, cụ thể là điều quan trọng nhất chỉ là đọc, tiếp xúc trực tiếp với văn học, đắm mình vào văn bản sống động trước mắt, thay vì tập trung vào các ý tưởng và bình luận phê bình. Borges giải thích ý tưởng này với học trò của mình bằng cách nói rằng lúc đầu, các em có thể hiểu rất ít về những gì mình đang đọc, nhưng trong mọi trường hợp, các em đều đang nghe thấy “tiếng nói của người khác”. Đây là định nghĩa về văn học mà tôi rất thích: lắng nghe tiếng nói của người khác. Chúng ta không bao giờ được quên rằng việc ngừng lắng nghe tiếng nói của người khác khi họ thách thức chúng ta là nguy hiểm như thế nào! Chúng ta ngay lập tức rơi vào trạng thái tự cô lập; chúng ta bước vào một loại “điếc tâm linh”, điều này có tác động tiêu cực đến mối quan hệ của chúng ta với chính mình và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, bất kể chúng ta có học bao nhiêu thần học hay tâm lý học.

21. Cách tiếp cận văn học này, khiến chúng ta nhạy cảm với mầu nhiệm của người khác, dạy chúng ta cách chạm đến trái tim họ. Ở đây, tôi nghĩ đến lời kêu gọi can đảm mà Thánh Phaolô VI đã đưa ra cho các nghệ sĩ và do đó cũng cho các nhà văn vào ngày 7 tháng 5 năm 1964: “Chúng tôi cần các bạn. Sứ vụ của chúng tôi cần sự hợp tác của các bạn. Vì như các bạn biết, sứ vụ của chúng tôi là rao giảng và đảm bảo rằng thế giới của tinh thần, của điều vô hình, của điều không thể diễn tả, của Thiên Chúa, có thể tiếp cận và hiểu được, thực sự đang chuyển động. Và các bạn là bậc thầy trong công việc này, thể hiện thế giới vô hình theo những cách dễ tiếp cận và hiểu được”. [14] Đây là vấn đề: nhiệm vụ của các tín hữu, và đặc biệt là của các linh mục, chính là “chạm đến” trái tim của người khác, để họ có thể mở lòng đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu. Trong nhiệm vụ lớn lao này, sự đóng góp mà văn học và thơ ca có thể mang lại có giá trị vô song.

22. T.S. Eliot, nhà thơ có thi ca và tiểu luận phản ảnh đức tin Ki-tô giáo của ông, có vị trí nổi bật trong nền văn học hiện đại, đã mô tả một cách sâu xa cuộc khủng hoảng tôn giáo ngày nay là cuộc khủng hoảng về khả năng cảm xúc lan rộng. [15] Nếu chúng ta tin vào chẩn đoán này, thì vấn đề đối với đức tin ngày nay không phải chủ yếu là tin nhiều hơn hay tin ít hơn đối với các tín lý đặc thù. Đúng hơn, đó là sự bất lực của rất nhiều người đương thời của chúng ta không thể xúc động sâu sắc trước Thiên Chúa, tạo vật của Người và những con người khác. Ở đây, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc chữa lành và làm giàu khả năng phản ứng của chúng ta. Khi trở về từ Chuyến tông du Nhật Bản, tôi được hỏi rằng tôi nghĩ phương Tây phải học gì từ phương Đông. Câu trả lời của tôi là, "Tôi nghĩ rằng phương Tây thiếu một chút thi ca". [16]

Một "sự đào tạo về phân định"

23. Vậy thì, một linh mục được lợi ích gì khi tiếp xúc với văn học? Tại sao cần phải xem xét và thúc đẩy việc đọc các tiểu thuyết lớn như một yếu tố quan trọng trong paideia [cái học] của linh mục? Tại sao điều quan trọng đối với chúng ta, trong quá trình đào tạo các ứng viên cho chức linh mục, là khôi phục lại sự sáng suốt của Karl Rahner rằng có một mối quan hệ tâm linh sâu sắc giữa linh mục và nhà thơ? [17]

24. Chúng ta hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này bằng cách lắng nghe những gì nhà thần học người Đức này muốn nói với chúng ta. [18] Đối với Rahner, những lời thơ của nhà thơ đầy hoài niệm, như thể chúng giống như “những cánh cổng vào vô cực, những cánh cổng vào điều không thể hiểu được. Chúng kêu gọi điều không có tên. Chúng vươn tới điều không thể nắm bắt được”. Thơ “tự nó không trao tặng điều vô hạn, nó không mang lại và chứa đựng điều vô hạn”. Đó là nhiệm vụ của lời Chúa và, như Rahner nói tiếp, “lời thơ kêu gọi lời Chúa”. [19] Đối với các Ki-tô hữu, Lời là Chúa, và tất cả những lời nói của con người chúng ta đều mang dấu vết của một khao khát nội tại đối với Chúa, một xu hướng hướng tới Lời đó. Có thể nói rằng lời thơ thực sự tham gia một cách tương tự vào Lời Chúa, như Thư gửi tín hữu Do Thái đã nêu rõ (x. Dt 4:12-13).

25. Theo quan điểm này, Karl Rahner có thể rút ra một song hành nổi bật giữa linh mục và nhà thơ: chỉ có từ ngữ mới có thể cứu chuộc được điều tạo nên sự giam cầm cuối cùng của mọi thực tại không được diễn tả bằng từ ngữ: sự câm lặng khi nhắc đến Thiên Chúa”. [20]

26. Do đó, văn học giúp chúng ta nhạy cảm hơn với mối quan hệ giữa các hình thức diễn đạt và ý nghĩa. Nó cung cấp một việc huấn luyện về phân định, mài giũa khả năng của linh mục tương lai để có được cái nhìn sâu sắc vào nội tâm của chính mình và vào thế giới xung quanh. Do đó, việc đọc trở thành “con đường” dẫn ngài đến với sự thật về hữu thể của chính mình và là cơ hội cho một quá trình phân định tâm linh sẽ không thiếu những khoảnh khắc lo lắng và thậm chí là khủng hoảng. Thật vậy, nhiều trang văn học tương ứng với những gì Thánh Inhaxiô gọi là “sự hoang tàn” [desolation] về mặt tâm linh.

27. Đây là cách Thánh Inhaxiô giải thích: “Tôi gọi sự hoang tàn là bóng tối của linh hồn, sự hỗn loạn của tinh thần, khuynh hướng về những gì thấp hèn và trần tục, sự bồn chồn xuất phát từ nhiều sự xáo trộn và cám dỗ dẫn đến thiếu đức tin, thiếu đức cậy, thiếu đức mến. Linh hồn hoàn toàn lười biếng, thờ ơ, buồn bã và tách biệt, như thể, khỏi Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa của mình”. [21]

28. Sự khó khăn hoặc nhàm chán mà chúng ta cảm thấy khi đọc một số văn bản nhất định không nhất thiết là xấu hay vô ích. Bản thân Thánh Inhaxiô đã quan sát thấy rằng ở “những người đang đi từ xấu đến tệ hơn”, tinh thần tốt lành hoạt động bằng cách khơi dậy sự bồn chồn, kích động và bất mãn. [22] Đây sẽ là ứng dụng theo nghĩa đen của quy tắc đầu tiên của Thánh Inhaxiô để phân định các tinh thần, liên quan đến những người “đi từ tội trọng này đến tội trọng khác”. Ở những người như vậy, tinh thần tốt lành, bằng cách “sử dụng ánh sáng của lý trí sẽ khơi dậy sự cắn rứt lương tâm và lấp đầy họ bằng sự hối hận”, [23] và theo cách này sẽ dẫn họ đến với điều tốt lành và vẻ đẹp.

29. Rõ ràng là người đọc không chỉ là người nhận được một thông điệp xây dựng, mà là một người được thử thách để tiến về phía trước trên một địa hình thay đổi, nơi ranh giới giữa sự cứu rỗi và sự diệt vong không phải là điều hiển nhiên và rõ ràng tiên thiên. Đọc, như một hành động “phân định”, liên quan trực tiếp đến người đọc với tư cách là “chủ thể” đọc và là “đối tượng” của những gì đang được đọc. Khi đọc một tiểu thuyết hoặc một tác phẩm thơ, người đọc thực sự trải nghiệm “việc được đọc” bởi những từ mà họ đang đọc. [24] Do đó, người đọc có thể được so sánh với những người chơi trên sân: họ chơi trò chơi, nhưng trò chơi cũng được chơi thông qua họ, theo nghĩa là họ hoàn toàn bị cuốn vào hành động. [25]

Chú ý và tiêu hóa

30. Về nội dung, chúng ta nên nhận ra rằng văn học giống như "một chiếc kính thiên văn", sử dụng hình ảnh nổi tiếng của Marcel Proust. [26] Như vậy, nó hướng đến các sinh vật và sự vật, và cho phép chúng ta nhận ra "khoảng cách vô tận" ngăn cách toàn bộ trải nghiệm của con người với nhận thức của chúng ta về nó. "Văn học cũng có thể được so sánh với một phòng thí nghiệm ảnh, nơi các bức ảnh về cuộc sống có thể được xử lý để làm nổi bật các đường nét và sắc thái của chúng. Đây chính là mục đích của văn học: nó giúp chúng ta "phát triển" bức tranh về cuộc sống" [27], thách thức chúng ta về ý nghĩa của nó và nói một cách khác, để trải nghiệm cuộc sống như nó vốn có.

31. Tuy nhiên, quan điểm thông thường của chúng ta về thế giới có xu hướng "bị thu hẹp" và bị thu hẹp bởi áp lực mà nhiều mục tiêu thực tế và ngắn hạn của chúng ta gây ra cho chúng ta. Ngay cả cam kết phục vụ của chúng ta – phụng vụ, mục vụ và bác ái– cũng chỉ có thể tập trung vào các mục tiêu cần đạt được. Tuy nhiên, như Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta trong dụ ngôn về người gieo giống, hạt giống cần phải rơi vào đất sâu để chín muồi theo thời gian, mà không bị đất đá hay gai nhọn làm chết nghẹt (Mt 13:18-23). Luôn có nguy cơ này là việc quá quan tâm đến hiệu năng sẽ làm giảm khả năng phân định, làm suy yếu sự nhạy cảm và bỏ qua tính phức tạp. Chúng ta vô cùng cần phải cân bằng lại sự cám dỗ không thể tránh khỏi này đối với lối sống điên cuồng và thiếu phê phán bằng cách lùi lại, chậm lại, dành thời gian để nhìn và lắng nghe. Điều này có thể xảy ra khi một người chỉ dừng lại để đọc một cuốn sách.

32. Chúng ta cần khám phá lại những cách liên hệ với thực tại chào đón hơn, không chỉ mang tính chiến lược và chỉ nhắm đến kết quả, những cách cho phép chúng ta trải nghiệm sự vĩ đại vô hạn của hữu thể. Cảm giác về viễn cảnh, sự nhàn nhã và tự do là dấu hiệu của cách tiếp cận thực tại tìm thấy trong văn học một hình thức diễ đạt ưu tuyển, mặc dù không phải là độc quyền. Văn học do đó dạy chúng ta cách nhìn và thấy, cách phân định và khám phá thực tại của các cá nhân và tình huống như một mầu nhiệm chứa đầy ý nghĩa mà chỉ có thể hiểu được một phần thông qua các phạm trù, các lược đồ giải thích, động lực tuyến tính của nguyên nhân và kết quả, phương tiện và mục đích.

33. Một hình ảnh nổi bật khác về vai trò của văn học đến từ hoạt động của cơ thể con người, và cụ thể là hành động tiêu hóa. Đan sĩ William xứ Saint-Thierry thế kỷ thứ mười một và tu sĩ Dòng Tên Jean-Joseph Surin thế kỷ thứ mười bảy đã phát triển hình ảnh một con bò nhai lại thức ăn của mình - ruminatio - như một hình ảnh của việc đọc chiêm niệm. Surin đã nhắc đến "dạ dày của linh hồn", trong khi tu sĩ Dòng Tên Michel De Certeau đã nói về một "sinh lý học đích thực của việc đọc một cách tiêu hóa". [28] Văn học giúp chúng ta suy gẫm về ý nghĩa của sự hiện diện của chúng ta trên thế giới này, để "tiêu hóa" và đồng hóa nó, và nắm bắt những gì nằm bên dưới bề mặt trải nghiệm của chúng ta. Nói một cách khác, văn học phục vụ cho việc diễn giải cuộc sống, để phân định ý nghĩa sâu xa hơn và những căng thẳng cốt lõi của nó. [29]

Nhìn qua con mắt của người khác

34. Về mặt sử dụng ngôn ngữ, việc đọc một văn bản văn học đặt chúng ta vào vị trí “nhìn qua con mắt của người khác”, [30] do đó có được góc nhìn rộng mở giúp mở rộng nhân tính của chúng ta. Chúng ta phát triển sự tương cảm [empathy] giàu trí tưởng tượng cho phép chúng ta đồng nhất với cách người khác nhìn, trải nghiệm và phản ứng với thực tại. Nếu không có sự tương cảm như vậy, sẽ không có sự liên đới, chia sẻ, lòng cảm thương, lòng thương xót. Khi đọc, chúng ta khám phá ra rằng cảm xúc của chúng ta không chỉ đơn thuần là của riêng chúng ta, chúng mang tính phổ quát, và vì vậy ngay cả người thiếu thốn nhất cũng không cảm thấy cô đơn.

35. Sự đa dạng kỳ diệu của nhân tính, và tính đa nguyên dị đại [diachronic] và đồng đại [synchronic] của các nền văn hóa và lĩnh vực học tập, trong văn học, trở thành một ngôn ngữ có khả năng tôn trọng và diễn đạt mọi tính đa dạng của chúng. Đồng thời, chúng chuyển thành ngữ pháp tượng trưng khiến chúng có ý nghĩa đối với chúng ta, không xa lạ mà được chia sẻ. Sự độc đáo của văn học nằm ở chỗ nó truyền tải sự phong phú của trải nghiệm không phải bằng cách khách quan hóa nó như trong các mô hình mô tả của khoa học hay các phán đoán của phê bình văn học, mà bằng cách thể hiện và diễn giải ý nghĩa sâu xa hơn của nó.

36. Khi chúng ta đọc một câu chuyện, nhờ vào khả năng mô tả của tác giả, mỗi chúng ta có thể thấy trước mắt mình tiếng khóc của một cô gái bị bỏ rơi, một bà già kéo chăn đắp cho đứa cháu trai đang ngủ, những cuộc đấu tranh của một người bán hàng đang cố gắng kiếm sống, nỗi xấu hổ của một người phải chịu đựng những lời chỉ trích liên tục, cậu bé tìm nơi ẩn náu trong những giấc mơ như lối thoát duy nhất khỏi cuộc sống khốn khổ và bạo lực. Khi những câu chuyện này đánh thức những tiếng vọng yếu ớt của những trải nghiệm bên trong chúng ta, chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với những trải nghiệm của người khác. Chúng ta bước ra khỏi chính mình để bước vào cuộc sống của họ, chúng ta đồng cảm với những cuộc đấu tranh và mong muốn của họ, chúng ta nhìn mọi thứ qua con mắt của họ và cuối cùng chúng ta trở thành bạn đồng hành trên hành trình của họ. Chúng ta bị cuốn vào cuộc sống của người bán trái cây, gái mại dâm, đứa trẻ mồ côi, vợ của thợ nề, gái già vẫn tin rằng một ngày nào đó nàng sẽ tìm thấy hoàng tử quyến rũ của mình. Chúng ta có thể làm điều này bằng sự tương cảm và đôi khi bằng sự dịu dàng và hiểu biết.

37. Như Jean Cocteau đã viết cho Jacques Maritain: “Văn học là điều không thể. Chúng ta phải thoát khỏi nó. Không ích gì khi cố gắng thoát ra thông qua văn học; chỉ có tình yêu và đức tin mới giúp chúng ta thoát khỏi chính mình”. [31] Tuy nhiên, chúng ta có thể thực sự thoát khỏi chính mình nếu những đau khổ và niềm vui của người khác không bùng cháy trong trái tim chúng ta? Ở đây, tôi muốn nói rằng, đối với chúng ta là các Ki-tô hữu, không có gì là con người lại thờ ơ với chúng ta.

38. Văn học không phải là tương đối; nó không tước đi các giá trị của chúng ta. Biểu tượng tượng trưng cho thiện và ác, chân lý và sự dối trá, như những thực tại trong văn học mang hình thức của các cá nhân và biến cố lịch sử tập thể, không loại trừ sự phán xét về mặt đạo đức nhưng ngăn chúng ta khỏi sự lên án mù quáng hoặc hời hợt. Như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, “Sao anh thấy cái rác trong mắt người lân cận, mà lại không thấy cái xà trong mắt mình?” (Mt 7:3).

39. Khi đọc về bạo lực, sự hẹp hòi hoặc yếu đuối của người khác, chúng ta có cơ hội suy gẫm về những trải nghiệm của chính mình về những thực tại này. Bằng cách mở ra cho người đọc một góc nhìn rộng hơn về sự vĩ đại và đau khổ của trải nghiệm con người, văn học dạy chúng ta sự kiên nhẫn trong việc cố gắng hiểu người khác, sự khiêm nhường khi tiếp cận những tình huống phức tạp, sự nhu mì trong việc phán đoán cá nhân và sự nhạy cảm với tình trạng con người của chúng ta. Sự phán đoán chắc chắn là cần thiết, nhưng chúng ta không bao giờ được quên phạm vi hạn chế của nó. Sự phán đoán không bao giờ được đưa ra bản án tử hình, loại bỏ con người hoặc đàn áp nhân tính của chúng ta vì mục đích tuyệt đối hóa luật pháp một cách vô hồn.

40. Cái khôn sinh ra từ văn học truyền cho người đọc góc nhìn rộng hơn, ý thức về giới hạn, khả năng coi trọng kinh nghiệm hơn tư duy nhận thức và phản biện, và chấp nhận sự nghèo đói mang lại sự giàu có phi thường. Bằng cách thừa nhận sự vô ích và thậm chí là sự bất khả thi của việc thu hẹp mầu nhiệm của thế giới và nhân loại thành một cực đối lập giữa chân và giả hoặc đúng và sai, người đọc chấp nhận trách nhiệm đưa ra phán đoán, không phải như một phương tiện thống trị, mà là động lực để lắng nghe nhiều hơn. Và đồng thời, sự sẵn sàng tham gia vào sự phong phú phi thường của một lịch sử là do sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng được ban tặng như một ân sủng, một sự kiện không thể đoán trước và không thể hiểu được, không phụ thuộc vào hoạt động của con người, mà định nghĩa lại nhân tính của chúng ta theo hướng hy vọng được cứu rỗi.

Sức mạnh tinh thần của văn học

41. Tôi tin rằng, với những suy gẫm ngắn gọn này, tôi đã nhấn mạnh vai trò mà văn học có thể đóng góp trong việc giáo dục trái tim và khối óc của các mục tử và các mục tử tương lai. Văn học có thể kích thích rất nhiều việc sử dụng lý trí một cách tự do và khiêm tốn, sự công nhận hữu hiệu tính đa dạng của ngôn ngữ loài người, sự mở rộng các giác quan của con người và cuối cùng là sự cởi mở tinh thần to lớn để lắng nghe Tiếng nói phát ra qua nhiều giọng nói.

42. Văn học giúp người đọc lật đổ các thần tượng của một ngôn ngữ tự tham chiếu, tự mãn giả tạo và quy ước tĩnh tụ đôi khi cũng có nguy cơ làm ô nhiễm diễn ngôn giáo hội của chúng ta, giam cầm sự tự do của Lời. Từ ngữ văn học là một từ khiến ngôn ngữ chuyển động, giải phóng và thanh lọc ngôn ngữ. Cuối cùng, nó mở ra cho ngôn ngữ đó những viễn cảnh diễn đạt và mở rộng hơn nữa. Nó mở ra những lời nói của con người để chào đón Lời vốn đã hiện diện trong lời nói của con người, không phải khi nó tự coi mình là kiến thức đã đầy đủ, dứt khoát và hoàn chỉnh, mà là khi nó trở thành sự lắng nghe và mong đợi Đấng đến để làm mới mọi sự (x. Kh 21:5).

43. Cuối cùng, sức mạnh tinh thần của văn học đưa chúng ta trở lại với nhiệm vụ nguyên thủy mà Thiên Chúa giao phó cho gia đình nhân loại của chúng ta: nhiệm vụ “đặt tên” cho các hữu thể và sự vật khác (x. St 2:19-20). Sứ mệnh trở thành người quản lý công trình sáng tạo, được Thiên Chúa giao cho Ađam, đòi hỏi trước hết là sự công nhận phẩm giá của chính ông và ý nghĩa của sự hiện hữu của các hữu thể khác. Các linh mục cũng được giao phó nhiệm vụ nguyên thủy này là “đặt tên”, ban tặng ý nghĩa, trở thành công cụ hiệp thông giữa tạo vật và Ngôi Lời đã nhập thể và quyền năng của Người để soi sáng mọi chiều kích của thân phận con người chúng ta.

44. Do đó, mối quan hệ giữa linh mục và nhà thơ tỏa sáng trong sự kết hợp bí tích mầu nhiệm và không thể tách rời giữa Ngôi Lời thần thiêng và lời nói của con người, tạo nên một thừa tác vụ trở thành một việc phục vụ phát sinh từ sự lắng nghe và lòng cảm thương, một đặc sủng trở thành trách nhiệm, một tầm nhìn về chân lý và điều thiện tự bộc lộ dưới dạng vẻ đẹp. Làm sao chúng ta có thể không suy gẫm những lời mà nhà thơ Paul Celan để lại cho chúng ta: “Những ai thực sự học cách nhìn, sẽ đến gần hơn với những gì vô hình”. [32]

Ban hành tại Rome, tại Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 17 tháng 7 năm 2024, năm thứ mười hai của Triều đại Giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ

[1] R. LATOURELLE, ‘Văn học’, trong R. LATOURELLE & R. FISICHELLA, Từ điển Thần học Cơ bản, New York 2000, 604.

[2] So sánh A. SPADARO, “J. M. Bergoglio, người sáng tạo bậc thầy. Intervista all'alunno Jorge Milia”, trong La Civiltà Cattolica 2014 I 523-534.

[3] CÔNG ĐỒNG VATICAN THỨ HAI, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes, 62. [4] K. Rahner, “Il futuro del libro religioso”, in Nuovi saggi II, Roma 1968, 647. [5 ] Xem Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 117. [6] A. SPADARO, Svolta di respiro. Spiritualità della vita contemporanea, Milano, Vita e Pensiero, 101.

[7] R. LATOURELLE, 'Văn học', trong R. LATOURELLE & R. FISICHELLA, Từ điển Thần học Cơ bản, New York 2000, 603.

[8] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi các nghệ sĩ, ngày 4 tháng 4 năm 1999, 6.

[9] Tông huấn Evangelii Gaudium, 89.

[10] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes, 22.

[11] M. PROUST, À la recherche du temps perdu - Du côté chez Swann [Đi tìm thời gian đa mất ở phía Swann] Paris 1914, 104-105.

[12] C.S. LEWIS, Một thí nghiệm trong phê bình, 89.

[13] Xem J.L. BORGES, Borges, Oral, Buenos Aires 1979, 22.

[14] Thánh Phao-lô VI, Bài giảng, Thánh lễ với các nghệ sĩ, Nhà nguyện Sistine, ngày 7 tháng 5 năm 1964.

[15] XemT.S. Eliot, The Idea of a Christian Society [Ý niệm Xã hội Ki-tô giáo], London 1946, 30.

[16] Họp báo về chuyến bay trở về Rome, Chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản, ngày 26 tháng 11 năm 2019.

[17] So sánh A. SPADARO, La grazia della parola [ân sủng của lời]. Karl Rahner và thơ ca, Milano, Jaca Book, 2006.

[18] Xem K. Rahner, Theological Investigations (Các điều tra Thần học], Tập. III, Luân Đôn 1967, 294-317.

[19] Như trên 316-317.

[20] Như trên 302.

[21] THÁNH INHAXIÔ LOYOLA, Linh Thao, số 317. [22] Xem đa dẫn, số 335.

[23] Như trên, số 314

[24] Xem K. Rahner, Điều tra thần học, Tập. III, Luân Đôn 1967, 299.

[25] X. A SPADARO, La pagina che illumina. Scrittura creativa come esercizio spirituale[Trang chiếu sáng. Viết sáng tạo như một linh thao], Milano, Ares, 2023, 46-47.

[26] M. PROUST, À la recherche du temps perdu. Le temps retrouvé [đi tìm thời gian đã mất. Thời gian tìm lại], Vol. III, Paris 1954, 1041.

[27] A SPADARO, La pagina che illumina. Scrittura creativa come esercizio spirituale [Trang chiếu sáng. Viết sáng tạo như một linh thao], Milano, Ares, 2023, 14.

[28] M. DE CERTEAU, Il parlare angelico. Figure per una poetica della lingua (Secoli XVI e XVII) [Nói như thiên thần. Những hình tượng thi pháp ngôn ngữ (thế kỷ 16 và 17), Firenze 1989, 139 ff.

[29] A SPADARO, La pagina che illumina. Scrittura creativa come esercizio spirituale, Ares, 2023, 16.

[30] Cf. C.S. LEWIS, Một thử nghiệm về phê bình.

[31] J. COCTEAU – J. MARITAIN, Dialogo sulla fede [đối thoại về đức tin], Firenze, Passigli, 1988, 56; Cf. A SPADARO, La pagina che illumina. Scrittura creativa come esercizio spirituale, Milano, Ares, 2023, 12-11.

[32] P. CELAN, Microliti, Milano 2020, 101.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Chúa Hiển Dung
Đinh văn Tiến Hùng
17:57 05/08/2024
LỄ CHÚA HIỂN DUNG

(Kính 6/8 hàng năm)

Các ngươi hãy vâng nghe lời Người ! “

*Phút giây rực sáng vòm trời,

Tông đồ ngây ngất dâng lời ngợi ca,

Uy quyền Chúa đã tỏ ra,

Thân con tạo vật chỉ là bụi tro !

Giáo Hội Công Giáo rất tôn trọng Thánh Kinh vì phát xuất từ Mặc khải và Thánh truyền, nên công nhận Thánh Kinh chính là Lời Chúa. Công đồng Vatican II đã công bố:

“ Thánh Kinh viết bởi Chúa Thánh Thần “

Trong Tin Mừng, 3 Thánh Sử Matthêu, Luca và Marcô đều trình thuật những sự kiện tương đồng nên được gọi là Tin Mừng Nhất Lãm. Theo các nhà Kinh thánh và Thần học cho rằng các ngài đã được linh ứng và dựa theo những tài liệu có cùng nguồn gốc, nội dung gần giống nhau.

Chính vì thế, việc Chúa Hiển Dung hay thường gọi Chúa Biến Hình có những điểm tương tự trong 3 đoạn Tin Mừng như sau:

-Chúa Biến Hình uy nghi rực rỡ trên núi.

-Chúa đem theo 3 Tông đồ thân yêu: Phêrô, Gioan và Giacôbê.

-Cùng xuất hiện với Chúa, có tổ phụ Môsê và tiên tri Êlia.

-Các Tông đồ say mê ngây ngất, Phêrô xin dựng 3 lều cho Chúa, Môsê và Êlia.

-Tiếng phán từ trời: “Này là con Ta yêu dấu ! Hãy vâng nghe lời Người ! “

Ta hãy đọc 3 đoạn Tin Mừng của 3 Thánh Sử để thấy rõ những điều trình bày trên:

*Mátthêu - Chương 17 từ câu 1 đến 8:

“Sáu ngày sau, Đức Giê-su mang theo mình Phêrô, Giacôbê và Gioan em ông, và đưa họ riêng biệt ra, lên một núi cao. Ngài đã Biến Hình trước mặt họ, mặt Ngài sáng láng như mặt trời, áo Ngài nên trắng phau như ánh sáng. Và này có Môsê và Êlia hiện ra cho họ, đang đàm đạo với Ngài. Cất tiếng lên, Phêrô nói với Đức Giêsu: Thưa Thày ! May quá có chúng tôi ở đây. Nếu Thày muốn chúng tôi sẽ dựng 3 lều, 1 cho Thày, 1 cho Môsê, 1 cho Êlia. Ông còn đang nói, thì đây một đám mây sáng ngời rợp bóng trên họ và tiếng tự đám mây phán rằng: Ngài là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sùng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài ! Vừa nghe, các tông đồ ngã sấp mặt xuống và kinh hãi quá đỗi. Nhưng Đức Giêsu tiến lại và đụng đến họ. Ngài nói: Hãy chỗi dậy, đừng sợ ! Ngẩng mặt lên họ không thấy ai, duy chỉ có một mình Đức Giêsu thôi.”

*Marcô- Chương 9 từ câu 2 đến 8:

“Sáu ngày sau, Đức Giêsu mang theo mình Phêrô, Giacôbê cùng Gioan và đưa chỉ một mình họ lên núi cao, riêng biệt ra. Ngài đã Biến Hình trước mặt họ, áo Ngài nên rạng ngời trắng tinh, không thợ giặt trần gian nào làm được trắng như thế. Có Êlia hiện ra cho họ cùng với Môsê và hai vị đàm đạo với Đức Giêsu. Cất tiếng lên, Phêrô nói với Đức Giêsu: Rabbi ! May quá, có chúng tôi ở đây. Để chúng tôi dựng 3 lều, 1 cho Thày, 1 cho Êlia, 1 cho Môsê. Vì ông không biết phải nói gì, vì họ kinh hãi quá. Xảy đến, một đám mây rợp bóng trên họ và một tiếng phán ra từ đám mây: Ngài là Con chí ái Ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài ! Bỗng đưa mắt nhìn quanh, họ không thấy ai, duy chỉ có mình Đức Giêsu ở với họ.”

*Luca – Chương 9 từ câu 28 đến 36:

“Xảy ra từ sau những lời đó, chừng được 8 ngày, thì đem theo mình Phêrô, Gioan và Giacôbê, Ngài lên núi cầu nguyện. Trong lúc cầu nguyện thì sắc mắt Ngài ra khác, y phục Ngài nên trắng ngời chớp sáng. Này có hai người đang đàm đạo với Ngài, đó là Môsê và Êlia hiện ra trong vinh quang. Hai vị nói đến việc ra đi Ngài sắp hoàn tất tại

Giêrusalem. Phêrô cùng các bạn li bì giấc ngủ. Tỉnh dậy, họ thấy vinh quang của Ngài và có hai người đứng với Ngài. Vào lúc hai vị đang từ biệt Ngài, Phêrô nói với Đức Giêsu: Thưa Thày ! May quá có chúng tôi ở đây, để chúng tôi dựng 3 lều, 1 cho Thày, 1 cho Môsê, 1 cho Êlia. Nhưng ông không biết mình nói gì. Ông đang nói thế, thì một đám mây kéo lại và rợp bóng trên các Ngài và lúc các Ngài đi vào đám mây thì các môn đệ kinh hãi. Có tiếng phán ra từ đám mây: Ngài là Con Ta, KẻTa đã chọn, các ngươi hãy nghe Ngài. Trong khi tiếng phán ra thì chỉ còn mình Đức Giêsu ở đó, họ không hề mách lại gì cho ai hay các điều họ đã được thấy.”


Vinh Quang Thiên Chúa- Hiển Dung Nhân Trần ***

Phút giây rực sáng vòm trời,

Tông đồ ngây ngất dâng lời ngợi ca,

Uy quyền Chúa đã tỏ ra,

Thân con tạo vật chỉ là bụi tro!

Thân thương tình nghĩ Thày trò,

Đem bao tâm huyết chăm lo tháng ngày,

Ân cần săn sóc từng giây,

Mong cho đệ tử tràn đầy đẹp tươi

Một ngày giữa chốn núi đồi,

Mây bao bốn phía từ trời phán ra:

“Này là Con Ta yêu dấu !

Người đẹp lòng Ta! Hãy nghe lời Người ! “

Êlia, Môsê xuất hiện hai bên,

Song hành cung kính ngước lên bái chào,

Khiêm tốn, tùng phục biết bao,,

Chứng minh Thiên Chúa tối cao uy quyền.

Linh Thân Thiên Chúa biến hình,

Hào quang rực rỡ, trắng tinh áo Ngài,

Sấm chớp âm vang kéo dài,

Tông đồ chỗi dậy bài hoài thất kinh.

Quyền năng của Đấng Thanh Linh,

Phê-rô chân thật cúi mình xin thưa:

“Nơi đây hồng phúc đổ mưa,

Một lều Chúa ngư, hai lều tiên tri.”

Lời Chúa con vẫn khắc ghi,

Vững tin vào Chúa con còn sợ chi,

Chúa dạy trước lúc biệt ly:

“Thày ở đâu các con cùng ở với Thày”

- Thánh Phêrô là một nhân chứng hùng hồn, vì Ngài là một trong 3 tông đồ đã chứng kiến việc Chúa Biến Hình trên núi, Ngài đã thuật lại trong Thư thứ 2 từ câu 16-19:

Vì không phải như những kẻ học đòi những chuyện hoang đường xảo mị, mà chúng tôi thông rõ cho anh em quyền năng và quang lâm của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Song như những người đã được phúc cung chiêm sự oai nghi lẫm liệt của Ngài. Vì Ngài đã lĩnh lấy nơi Thiên Chúa Cha vinh dự huy hoàng, khi mà vinh quang lẫm liệt đã được tuyên ra về Ngài một lời thề này: Ngài là Con Chí Ái Ta, kẻ Ta đem lòng sùng mộ ! Tiếng ấy chúng tôi đã nghe từ trời ban xuống, lúc chúng tôi được ở với Ngài trên núi thánh. “

-Trong Thánh Vịnh cũng báo trước sự Hiển Dung của Chúa qua tường thuật sau:

“Chúa là Vua hiển trị ! Hỡi địa cầu hãy nhảy mừng lên, vui lên đi ngàn muôn hải đảo !

Mây u ám bao quanh Người, bệ rồng là công minh chính trực.

Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến trước nhan vị Chúa Tể hoàn cầu.

Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người
.”

( Tv.97: 1- 2 & 5- 6 )

-Đặc biệt, Thiên Chúa đã mặc khải cho Thánh Gioan qua sách Khải Huyền được xác quyết ngay đoạn mở đầu

Chương I từ câu 1- 3:

“Mặc khải của Đức Giêsu Kitô: Thiên Chúa ban cho Ngài để Ngài tỏ cho các tôi tớ Ngài biết các điều kịp phải xảy đến và Ngài đã sai Thần sứ của Ngài đến triệu báo cho tôi tớ Ngài là Gioan, kẻ đã làm chứng về Lời của Thiên Chúa,

cùng về chứng của Đức Giêsu Kitô, về mọi điều ông thấy. Phúc cho người đọc và những kẻ nghe lời lẽ của sấm ngôn và nắm giữ các điều đã viết trong đó, bởi chưng thời buổi đã gần.”


Trong Cựu Ước việc Chúa Hiển Dung không trực tiếp qua sự xuất hiện của Ngài, nhưng thường qua những thị kiến như ánh sáng, ngọn lửa, sấm chớp,đám mấy, tiếng phán ra từ trên không hay qua lời các Thiên Sứ và Tiên Tri.

Gần đây, ngay trong thời đại chúng ta, Chúa cũng đã Hiển Dung qua các thị kiến mà các Vị Thánh đã nhận:

-Thánh Teresa Avila được thi kiến về Hỏa ngục.

-Thánh Margaret Mary Alacoque về Thánh Tâm Chúa Giêsu.

-Thánh Faustina Kowalska – Sứ giả Lòng thương xót- thị kiến về Hỏa ngục.

-Chân phước Anne Catherine Emmerich về buổi Tiệc ly.

-Đấng Nhân đức Maria Valtorta được mặc khải qua thị kiến về cuộc đời Chúa Giê-su.

-Sơ Mary of Jesus of Agreda thuật lại những mặc khải qua tác phẩm ‘Thần đô Huyền nhiệm’.

-Nhưng trong Tân Ước, sự kiện Chúa Biến Hình màu nhiệm và xác tín hơn báo trước việc Chúa chịu nhiều đau khổ và chết trên thập giá để cứu chuộc loài người, toàn thắng sự chết để Phục Sinh và vinh quang uy quyền Về Trời.

Hiển nhiên hơn cả là trong nhiệm tích Thánh Thể để mãi mãi chứng tỏ Lòng Chúa thương xót loài người.

Ta có thể xác tìn mạnh mẽ Chúa Hiển Dung là sự nối kết chặt chẽ của Trình tự Cứu nhân loại qua THẬP GIÁ- PHỤC SINH- LÊN TRỜI- THÁNH THỂ.

Qua dẫn chứng việc Chúa Hiển Dung trình thuật trong Tin Mừng cho chúng ta những bài học giá trị:

-Núi cao một địa điểm cách xa trần tục, tượng trưng cho cao cả, thánh thiện.

-Chúa chỉ mặc khải cho 3 tông đồ thân yêu nhất được tuyển chọn, vì kẻ được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít.

-Chúa Biến Hình thay đổi hình dạng, dạy chúng ta phải thay đổi cuộc sống tối tăm tội lỗi.

-Dung Nhan Chúa sáng chói và áo trắng tinh, thể hiện uy quyền và trong sáng của Chúa.

-Chúa đưa 3 tông đồ lên núi để xác tín sự liên hệ của Ngài với Thiên Chúa. Con đường khổ nạn theo kế hoạch của Thiên Chúa và qua đau khổ sẽ tới vinh quang.

-Môsê đại diện Lề luật, người đại diện cho nhân loại nhận 10 Giới Luật Chúa truyền và Chúa muốn Lề luật phải nên trọn hảo- Elia đứng đầu các Ngôn sứ, lời các tiên tri về Đấng Thiên Sai phải được kiện toàn.

-Sáu ngày trước, khi Chúa thông báo cho các môn đệ về cuộc tử nạn Ngài sẽ chịu, nên các ông tỏ ra buồn chán thất vọng, vì các ông cũng suy nghĩ như người Do Thái đương thời, tin vào Đức Giêsu Đấng Thiên Sai đầy quyền lực sẽ giải phóng dân tộc, chinh phục và thống trị thế giới. Nên Phêrô hỏi Chúa: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày, vậy chúng con sẽ được gì? Và cả 2 anh em ông Giacôbê và Gioan cũng xin được ngồi bên tả hữu Thày. Các ông bị Ngài khiển trách, nên Chúa đưa các ông theo để vực dậy niềm tin yêu mạnh mẽ cho các ông.

-Vẻ đẹp rực rỡ báo trước Phục Sinh vinh hiển, mà chính Chúa Cha tôn vinh Chúa Con: ”Này là con Ta yêu dấu!”

Và chúng ta muốn được sống lại vinh quang theo Chúa: ”Hãy vâng nghe lời Ngài ! “

Sự ngất ngây của 3 tông đồ trên núi, chính là tiên báo sự hưởng hoan lạc Nước Trời. Muốn được diễm phúc Nước Trời, chúng ta phải biến đổi mình trong cuộc sống hàng ngày, xa rời bóng tối tội lỗi, để ánh sáng yêu thương của Thiên Chúa luôn bao bọc chúng ta. Lên Núi Thánh- Cửa Nước Trời muốn đạt tới đỉnh phải gạt bỏ những tội lỗi cồng kềnh khỏi vướng mắc.

Giờ đây, mỗi ngày, mỗi phút giây, Chúa vẫn tiếp tục Biến Hình trong thiên nhiên, tạo vật, nhân loại và trong chính mỗi người chúng ta. Hãy đón nhận và cám tạ Hồng Ân đầy tình thương cao vời của Thiên Chúa.

-Ôi sáng láng hỡi nguồn reo ánh sáng,

Hãy lắng nghe từng tiếng nguyện lời kinh,

Chiếu hào quang xua đuổi bóng tội tình,

Biến chúng con thành chói lòa xán lạn !

( Thánh Thi Phụng vụ )

“Lạy Chúa Giêsu xin biến đổi con qua lời cầu nguyện.

Mỗi lần con nhìn thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi vui của Chúa trong nụ cười của con.

Thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Ki-tô hữu có bộ mặt chán nản thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh – Amen.

*Suy niệm: ( Lm Antony Trung Thành )

-Biến cố Hiển Dung trở thành niềm hy vọng, an ủi cho hết thảy mọi người Kitô hữu.

Thật vậy, đứng trước đau khổ, con người thường có thái độ chán chường, thất vọng. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa đau khổ, nhất là khi biết nhìn vào biến cố Hiển Dung, con người sẽ tìm được niềm hy vọng và nguồn an ủi. Cho nên, biến cố Hiển Dung là niềm hy vọng và sự nâng đỡ cho những ai đang trong tình trạng đau khổ về tinh thần cũng như thể xác: Đó là những bệnh nhân đang ở trên dường bệnh; Đó là những tù nhân đang ở trong các trại giam; Đó là những ai đang ở trên bờ vực thẳm của đau khổ, sự chết…Chắc chắn họ sẽ tìm được sự nâng đỡ và ủi an khi suy niệm về biến cố Hiển Dung này. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Đức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Đức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: “Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi.” Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Đêm Tối, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu.” (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ của Radio Veritas Asia ).

- Biến cố Hiển Dung mời gọi mọi người chúng ta “biến hình” mỗi ngày.

Đức Giêsu đã biến hình để cho các môn đệ thấy bản tính Thiên Chúa của Ngài. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Nhưng với thời gian, tội lỗi đã làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa. Muốn gần Thiên Chúa, muốn giữ được bản tính làm Con Thiên Chúa, chúng ta cần phải “biến đổi”: Nếu chúng ta đang là con người xấu, chúng ta hãy biến đổi trở thành con người tốt. Nếu chúng ta đang trong tình trạng tội lỗi hãy biến đổi thành con người lành thánh. Nếu chúng ta đang là những con người dối trá, lừa lọc hãy biến đổi thành những con người trung tín, thành thật. Không những chúng ta biến đổi mà còn giúp người khác biến đổi. Để biến đổi, chúng ta cũng phải lên núi cao và sống tinh thần tĩnh lặng giữa chúng ta với Chúa: Đó là những khi chúng ta cầu nguyện; Đó là khi chúng ta đọc và suy gẫm Lời Chúa; Đó là khi chúng ta đọc kinh phụng vụ; Đó là khi chúng ta tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích; Đó là thời gian chúng ta tĩnh tâm, chúng ta đang ở riêng với Chúa.

Chúa phán với ba môn đệ rằng: ‘Đây là Con của Ta yêu dấu, Ta hài lòng về ngươi ‘- Biến cố Hiển Dung cũng nhắc nhở chúng ta vâng nghe Lời Đức Giêsu.

Đức Chúa Cha hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Vâng nghe Lời Đức Giêsu tức là vâng nghe những giáo huấn của Ngài được ghi lại trong các cuốn Tin mừng. Vâng nghe lời Đức Giêsu là tuân giữ Mười điều răn của Chúa, sáu điều răn Hội Thánh. Vâng nghe không chỉ bằng môi miệng nhưng phải đem ra thực hành trong đời sống, vì “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,17)

Tóm lại, biến cố Chúa Hiển Dung không những củng cố đức tin cho các môn đệ mà còn củng cố đức tin cho mỗi người chúng ta vào Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đồng thời, qua biến cố này, giúp các môn đệ và mỗi người chúng ta chấp nhận và vượt qua những thử thách đau khổ trong cuộc đời với niềm hy vọng được phục sinh vinh quang.

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con như xưa Chúa đã cũng cố đức tin cho các môn đệ. Xin giúp mỗi người chúng con hiểu biết nguyên tắc căn bản này là muốn tới vinh quang phải qua con đường thập giá. Amen.

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp
 
VietCatholic TV
Cận cảnh TT Zelenskiy bên cạnh những chiếc F-16, ra lệnh cất cánh. Iran sôi sục trước giờ nổ súng
VietCatholic Media
03:02 05/08/2024


1. F-16 chính thức bay lên bầu trời Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “F-16s Officially Take to the Skies in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận hôm Chúa Nhật, 04 Tháng Tám, rằng các phi công Ukraine “đã bắt đầu” sử dụng những chiếc F-16 do phương Tây tài trợ trên bầu trời Ukraine.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói: “Tôi tự hào về tất cả những người của chúng ta đã làm chủ được những chiếc máy bay này và đã bắt đầu sử dụng chúng cho đất nước của chúng tôi”. “Máy bay F-16 đang ở Ukraine. Chúng ta làm được rồi.”

Các báo cáo lan rộng vào cuối tháng 7 cho thấy các máy bay phản lực do Lockheed Martin sản xuất mà Kyiv đã yêu cầu từ lâu, cuối cùng đã đến nước này.

Mặc dù bản thân chúng không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi, nhưng các máy bay phản lực được cam kết sẽ là một bản nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Ukraine thời Liên Xô, vốn đã bị vùi dập sau gần 2 năm rưỡi chiến tranh toàn diện với hạm đội đông đảo và vượt trội của Nga.

Họ dự kiến sẽ được trang bị vũ khí tiên tiến, giúp chống lại những bước tiến ngày càng gia tăng của Nga về phía tây ở miền đông Ukraine. Kyiv cũng cho biết các máy bay phản lực sẽ đóng vai trò quan trọng trong phòng không.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis dường như đã xác nhận việc giao lô F-16 đầu tiên vào ho thứ Tư, vào thời điểm chưa có bình luận chính thức nào từ lực lượng không quân Ukraine.

“Tôi biết ơn tất cả các đối tác đã thực sự giúp đỡ về F-16 và các quốc gia đầu tiên chấp nhận yêu cầu của chúng tôi về máy bay — Đan Mạch, Hòa Lan, Hoa Kỳ và tất cả các đối tác của chúng tôi — chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của các bạn,” Tổng thống Zelenskiy nói.

Hòa Lan đã cam kết cung cấp tổng cộng 24 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine trong khuôn khổ liên minh quốc tế với Đan Mạch, Na Uy và Bỉ để cung cấp cho Kyiv các chiến đấu cơ tiên tiến. Ukraine cũng sẽ nhận được 19 chiếc F-16 của Đan Mạch.

Ukraine sẽ nhận được tổng cộng khoảng 80 máy bay phản lực, một con số thấp hơn nhiều so với tổng số lượng mà Kyiv cho biết họ cần. Hiện chưa rõ có bao nhiêu cơ sở đang hoạt động ở Ukraine.

Mỹ đã bật đèn xanh cho việc chuyển giao máy bay do Mỹ sản xuất cách đây một năm. Những lời hứa về F-16 được đưa ra ngay sau đó, nhưng thời gian biểu để đưa các máy bay phản lực này vào hoạt động ở Ukraine đã bị trì hoãn.

Những người ủng hộ phương Tây của Ukraine lúc đầu miễn cưỡng cam kết cung cấp máy bay phản lực thế hệ thứ tư, đây là một cam kết lớn hơn nhiều so với các thiết bị như xe tăng hoặc hệ thống pháo binh vốn có trong các gói viện trợ quân sự trong suốt cuộc chiến.

Các phi công của Kyiv đã được đào tạo ở các nước NATO. Các quốc gia tài trợ cho biết nhân viên Ukraine phải hoàn thành các chương trình đào tạo cũng như trang bị tất cả cơ sở hạ tầng và phương tiện cần thiết để vận hành trong nước trước khi các máy bay phản lực có thể bay lên bầu trời.

Căng thẳng đã nổ ra giữa Kyiv và những nước ủng hộ nước này về số lượng phi công Ukraine hoàn thành các chương trình đào tạo này.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết những chiếc F-16 đầu tiên đang trên đường tới Ukraine từ Đan Mạch và Hòa Lan.

2. Hamas và Iran sẽ phản ứng thế nào sau vụ ám sát các lãnh đạo hàng đầu của Hamas

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “How Hamas and Iran will respond to the assassinations of top Hamas leaders”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tahani Mustafa, một chuyên gia về Iran, nói với tờ Politico rằng Israel đã tuyên bố từ ngày 8 tháng 10 năm ngoái rằng họ sẽ nhắm đến mục tiêu là loại bỏ toàn bộ lãnh đạo Hamas. Và họ có thể đã làm được như vậy. Họ có thể giết Ismail Haniyeh ở Qatar, nơi ông sống, hoặc ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc ở các quốc gia Ả Rập khác mà ông đã đến thăm, nhưng họ đã chọn làm điều đó ở Tehran, và họ đã chọn làm điều đó chỉ một ngày sau lễ nhậm chức của một tân tổng thống Iran.

Vì thế, đối với người Iran, đó không chỉ là một vụ ám sát mà còn là sự khiêu khích cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Iran. Đây có lẽ là cách người Iran hiểu về biến cố này, rằng cuộc tấn công được thiết kế để làm nhục Iran. Đó thực sự là một cuộc tấn công vào một quốc gia, vào một sự kiện nhà nước rất quan trọng bên trong Iran.

Haniyeh đã ở Iran với thị thực ngoại giao, hộ chiếu ngoại giao cho một quốc gia với tư cách là khách mời cho một sự kiện nhà nước rất quan trọng, và việc giết ông ấy ở đó, về cơ bản, là tấn công vào lễ nhậm chức tổng thống đó.

Chính vì thế, trong các cuộc phỏng vấn trên đường phố, người dân Iran ít nhiều đều muốn có một cuộc trả thù Israel theo một cách nào đó.

Tuy nhiên, đó chỉ là tình cảm của dân chúng. Trong các giới chức chính phủ có lẽ không mấy ai muốn chiến tranh. Tehran đã thể hiện điều đó rất rõ ràng trong 9 tháng qua.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy vũ khí của Nga quá non yếu trước vũ khí của Hoa Kỳ và các nước này phương Tây khác. Cho nên, một cuộc chiến tổng lực với Hoa Kỳ và Israel nằm ngoài suy nghĩ của người Iran. Có thể có sự khác biệt nhất định trong suy nghĩ của Tướng Hossein Salami, Tư Lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, là người rất ngưỡng mộ người Nga. Tuy nhiên, nhìn chung những người khác tỏ ra thực dụng hơn.

Điều tương tự cũng xảy ra với Hezbollah và Li Băng. Họ hiểu rằng bản thân Li Băng không có khả năng gánh chịu hậu quả của bất kỳ cuộc chiến toàn diện nào với Israel, đơn giản vì Israel có xu hướng tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự. Bạn biết đấy, đó là công việc mang tính hệ thống mà Israel thực hiện. Điều đó đã xảy ra vào năm 2006. Đó là yếu tố ngăn chặn chính đối với Hezbollah.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc Israel tiếp tục khiêu khích có thể sẽ đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh. Câu hỏi đặt ra là, rốt cuộc điều gì sẽ trở thành điểm bùng phát? Thật khó để nói liệu điều này có xảy ra hay không. Nhưng nếu Israel tiếp tục hành động, nếu không có ranh giới đỏ nào đặt ra cho Israel, nếu không có gì cản trở Israel, thì Israel sẽ tiếp tục làm những gì họ cho rằng cần thiết để bảo vệ an ninh tối đa.

3. Tướng Hossein Salami là ai?

Hossein Salami là một sĩ quan quân đội Iran, là tổng tư lệnh của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, gọi tắt là IRGC. Sinh ra ở Golpayegan, ông ta gia nhập IRGC trong Chiến tranh Iran-Iraq khi còn là sinh viên đại học. Ông thăng tiến qua các cấp bậc, trở thành phó chỉ huy. Vào ngày 21 tháng 4 năm 2019, Lãnh đạo tối cao Iran, Ali Khamenei, đã bổ nhiệm ông làm Tổng tư lệnh mới của IRGC, thay thế thiếu tướng Mohammad Ali Jafari.

Salami nổi bật trong số các chỉ huy của IRGC vì sử dụng những bài phát biểu nảy lửa và hung hãn nhắm vào Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi. Ông được mô tả là “người thực hành chiến tranh tâm lý hàng đầu”. Theo nhà nghiên cứu Mehdi Khalaji, ông đã dựa vào “các biện pháp lách luật trừng phạt kinh tế một cách sáng tạo, phát triển chương trình hỏa tiễn của Iran và duy trì chính sách khu vực đầy thách thức của chế độ”.

Vào ngày 7 Tháng Giêng năm 2020, Salami phát biểu tại đám tang của người đồng đội của mình và cấp dưới lực lượng IRGC Quds, Qasem Soleimani, người đã bị giết gần Sân bay Quốc tế Baghdad của Iraq bởi một cuộc không kích của Mỹ: “Tôi nói lời cuối cùng ngay từ đầu : chúng tôi sẽ trả thù. Chúng ta sẽ trả thù, một cuộc trả thù cứng rắn, mạnh mẽ, dứt khoát, dứt điểm và sẽ khiến họ phải hối hận”.

Về vấn đề chuyến bay PS752 của UIA bị bắn hạ vào ngày 8 Tháng Giêng năm 2020 do hỏa tiễn IRGC, vào ngày 13 tháng Giêng, Salami đã đến Quốc hội Iran và nói “Chúng tôi đã phạm sai lầm. Có đồng bào chúng ta đã tử vì đạo vì lỗi lầm của chúng tôi nhưng đó chỉ là vô ý... Cả đời tôi chưa bao giờ tiếc nuối nhiều như bây giờ. Không bao giờ... Tôi ước gì tôi đã ở trên tàu và bị thiêu cháy cùng họ... Xin Chúa tha thứ cho chúng tôi và sau đó người dân Iran và gia đình các nạn nhân sẽ tha thứ cho chúng tôi. Và chúng tôi vì sự việc này, chúng tôi càng quyết tâm hơn nữa để bù đắp”.

Vào ngày 5 tháng 3 năm 2020, Salami cho biết khi đề cập đến COVID-19 rằng “Chúng ta hiện đang đối mặt với một cuộc chiến tranh sinh học”. Ông lập luận rằng nó “có thể là sản phẩm của chiến tranh sinh học của Mỹ”. Lý thuyết này đã được phóng đại vào ngày 8 tháng 3 bởi Press TV do nhà nước điều hành.

Sau cuộc tấn công của Iran năm 2024 vào Israel, Salami tuyên bố: “Thông tin của chúng tôi về tất cả các vụ tấn công vẫn chưa đầy đủ nhưng về phần các vụ tấn công mà chúng tôi có các báo cáo chính xác, được ghi chép và liên quan đến hiện trường cho thấy rằng hoạt động này đã được thực hiện và đã được thực hiện thành công ngoài sự mong đợi”.

Theo tờ Politico, cuộc chiến ở Ukraine cho thấy vũ khí của Nga quá non yếu trước vũ khí của Hoa Kỳ và các nước này phương Tây khác. Cho nên ngày càng có nhiều nhân vật cao cấp của Iran tỏ ra thực dụng và tìm mọi cách tránh đối đầu với Hoa Kỳ và Israel. Tướng Hossein Salami ngày càng ít có ảnh hưởng trong chính quyền Iran. Tuy nhiên, người ta thừa nhận rằng sự ưa chuộng của công chúng Iran đối với ông ta có vẻ chưa phai nhạt bao nhiêu.

4. Iran có trả đũa hay không?

Vali Nasr, một chuyên gia về các vấn đề Trung Đông nói với tờ Politico rằng phương Tây hiện nay đang hy vọng Hezbollah và Iran thể hiện sự kiềm chế và không hành động theo cách có thể đưa cuộc xung đột này sang bước tiếp theo. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng có rất nhiều hoạt động ngoại giao qua kênh ngầm đang diễn ra khi chúng ta đang nói chuyện nhưng về cơ bản, chúng ta đang ở trong một tình huống giống như sau tháng 4, khi Israel lần đầu tiên tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus. Sau đó, Iran tấn công Israel và trong hai tuần, thế giới nín thở.

Cuộc tấn công này đặt trách nhiệm trả đũa lên Iran và Hezbollah. Và rất khó để Iran không trả đũa, bởi vì đây là một hành động công khai ở thủ đô của họ nhân dịp lễ nhậm chức của một tổng thống mới, đến mức tôi thấy rất khó để người Iran có thể phớt lờ nó. Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào họ phản ứng? Họ phản ứng thế nào? Và sau đó, Hoa Kỳ sẽ giải quyết tình hình một lần nữa ra sao?

Tôi nghĩ Iran và Hezbollah, cùng với Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Ai Cập và Qatar, cũng muốn có một lệnh ngừng bắn. Vì vậy, mặc dù giữa họ có những bất đồng rộng rãi về các đường lối chung, nhưng tất cả họ đều muốn ngừng bắn và không muốn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Tôi nghĩ quốc gia duy nhất hiện nay không muốn kết thúc chiến tranh ở Gaza và cũng đang đùa giỡn với lửa trong khu vực, đó là Israel. Và không ai có ảnh hưởng tới Israel ngoài Mỹ.

Nếu Hoa Kỳ không sẵn lòng hoặc không thể tác động đến việc ra quyết định của Israel vào thời điểm này, thì về cơ bản, chúng ta có thể rơi vào tình thế rất nguy hiểm, bởi vì chúng ta sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mơ ước rằng Iran và Hezbollah về cơ bản sẽ không trả đũa. Bởi vì nếu họ làm vậy thì bạn biết đấy, đây có thể là một chu kỳ leo thang rất nhanh thành một cuộc chiến lớn hơn nhiều.

Kể từ đầu, Hoa Kỳ đã không vạch ra ranh giới đỏ và trong những trường hợp họ cố gắng đặt một số loại mục tiêu, nhưng những mục tiêu đó liên tục dịch chuyển. Chừng nào Mỹ còn cho phép Israel làm bất cứ điều gì có thể thì Israel sẽ tiếp tục làm như vậy. Vì vậy, bạn biết đấy, đây là một chỉ báo khá chắc chắn về điều đó. Tôi thực sự không thể nói lý do đằng sau chính quyền Hoa Kỳ nhưng rõ ràng là những điều như thế này vẫn chưa đủ để cố gắng kiềm chế Israel.

Ai Cập, Ả Rập Saudi, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã hy vọng vào một lệnh ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh Israel-Hamas ở Gaza. Họ đã hy vọng rằng sẽ không có sự leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn làm tổn hại đến lợi ích của họ. Và đó chính xác là hướng mọi thứ đang diễn ra. Và khi nhìn vào Washington, họ thấy rằng Washington không còn khả năng kiềm chế Israel nữa, hoặc Washington hoàn toàn không biết gì, hoặc Washington đã thực sự bật đèn xanh cho Israel. Và tất cả những kịch bản này đều không tốt cho Hoa Kỳ. Các đồng minh trong khu vực dựa vào Mỹ để duy trì quyền kiểm soát và là lực lượng ổn định. Vì vậy, ấn tượng rằng Israel về cơ bản có thể đi vòng qua Mỹ để leo thang trong khu vực gây ra sự mất bình tĩnh.

Vấn đề Palestine vẫn tồn tại ngay cả khi các nhà lãnh đạo của nó đã bị loại bỏ trong nhiều thập niên và tôi không nghĩ đây thực sự là một giải pháp cho vấn đề lớn hơn. Chúng ta cần phải đạt được lệnh ngừng bắn. Phải có một giải pháp chính trị cho vấn đề Palestine, và sau đó, bạn có thể giải quyết các vấn đề lớn hơn trong khu vực xung quanh Hezbollah, Iran, v.v., từng bước một. Con đường chúng ta đang đi hiện nay cho thấy các giải pháp sẽ được thực hiện thông qua chiến tranh và tôi không nghĩ điều đó sẽ mang lại hiệu quả cho khu vực. Nếu chúng ta kết thúc trong chiến tranh, nó sẽ đẫm máu, sẽ tốn kém và phương Tây sẽ không tránh khỏi những hậu quả.

5. Tư lệnh Không quân: Ukraine tiêu diệt hơn 8.000 mục tiêu trên không của Nga kể từ 24 Tháng Hai/2022

Lực lượng Không quân Ukraine đã tiêu diệt hơn 8.000 mục tiêu trên không của Nga kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mykola Oleshchuk báo cáo hôm Chúa Nhật, 04 Tháng Tám.

“Trong hai năm rưỡi, Không quân đã tiêu diệt hơn 8.000 mục tiêu trên không của đối phương: hàng trăm máy bay và trực thăng, hàng ngàn hỏa tiễn hành trình và máy bay điều khiển từ xa. Các phi công Ukraine đã thực hiện hơn 20.000 phi vụ chiến đấu, hầu hết đều liên quan đến việc sử dụng vũ khí hàng không”, Trung Tướng Oleshchuk cho biết.

Theo báo cáo ngày 4 tháng 8 của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, Nga đã mất 363 máy bay, 326 máy bay trực thăng và 13.103 máy bay điều khiển từ xa kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện.

Trong tuyên bố của mình, Tư Lệnh Oleshchuk cũng chúc mừng các binh sĩ Ukraine nhân Ngày Lực lượng Không quân quốc gia, được đánh dấu vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 8 ở Ukraine.

“Trong cuộc xâm lược toàn diện, vì lòng dũng cảm và sự cống hiến cá nhân của họ được thể hiện trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, 4.475 quân nhân Không quân đã được trao tặng danh hiệu cấp nhà nước. Trong số đó, 47 người đã được vinh danh là Anh hùng Ukraine, thật không may là 25 người đã được truy tặng,” ông nói.

“Cuộc chiến giành bầu trời vẫn tiếp tục. Suốt ngày đêm, đối phương tấn công chúng ta bằng bom và hỏa tiễn, tiến hành trinh sát trên không và tấn công hàng đêm bằng máy bay điều khiển từ xa tấn công”.

“Lực lượng Không quân sát cánh cùng lực lượng phòng không của tất cả Lực lượng Phòng vệ Ukraine, đẩy lùi các cuộc tấn công. Càng nhiều càng tốt, họ tiêu diệt các phương tiện tấn công trên không của đối phương, tấn công đối phương từ trên không và giữ vững hệ thống phòng thủ trên mặt đất.”

Cuối ngày, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết rằng “Ukraine sẽ luôn biết ơn tất cả những người đã trung thành phục vụ đất nước chúng ta hàng ngày và bảo vệ mạng sống của người dân chúng ta khỏi sự khủng bố của Nga”.

Ông nói: “Hôm nay, chúng tôi đặc biệt cảm ơn tất cả những người bảo vệ bầu trời của chúng ta, các chiến binh Ukraine thuộc Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine – vì mọi mục tiêu của Nga bị bắn hạ, vì tính hiệu quả và độ chính xác của họ”.

6. CEO Nga tiết lộ sắp tung ra 'Máy bay điều khiển từ xa ngày tận thế' mới để sử dụng trong chiến tranh hạt nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian CEO Reveals New 'Doomsday Drone' to Use in Nuclear War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân leo thang, Nga đã phát triển một loại máy bay điều khiển từ xa ngày tận thế để chuẩn bị cho các kịch bản tấn công hạt nhân tiềm tàng, giám đốc điều hành cao cấp của một nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa của Nga cho biết hôm Thứ Bẩy, 03 Tháng Tám.

Dmitry Kuzyakin, giám đốc điều hành của Trung tâm Giải pháp điều khiển từ xa tích hợp, gọi tắt là CUS, nói với Tass, một cơ quan truyền thông nhà nước của Nga, rằng máy bay điều khiển từ xa ngày tận thế có góc nhìn thứ nhất, do các chuyên gia Nga phát triển, có khả năng theo dõi bức xạ nền và bảo đảm an ninh cho nhân viên gần đó trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công hạt nhân và ô nhiễm sau đó.

Máy bay điều khiển từ xa nhỏ, dễ điều khiển này có thời gian bay chủ động là 20 phút, với phạm vi thay đổi từ ba phần mười dặm đến hơn một dặm, tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm hạt nhân. Theo báo cáo, nó có thể được cất giữ gọn gàng cùng với các thiết bị trên mặt đất.

“Tôi tin tưởng rằng sự khôn ngoan sẽ thắng thế và thế giới sẽ hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân và máy bay điều khiển từ xa ngày tận thế của chúng ta sẽ không bao giờ cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sẽ là một tội ác nếu không chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất”, Kuzyakin nói với Tass.

Diễn biến này diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng toàn cầu leo thang và việc Nga liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài gần hai năm rưỡi sau động thái của Mạc Tư Khoa. cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Tháng 6 vừa qua, Putin đã cảnh báo lãnh đạo Bộ Ngoại giao nước ông rằng “chúng ta đã đến gần điểm không thể quay lại một cách không thể chấp nhận được”, đề cập đến lời đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân của Mạc Tư Khoa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Putin đã phê duyệt các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật và vài ngày trước, Nga đã tiến tới giai đoạn thứ ba, nhằm “chuẩn bị cho các đơn vị của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga sử dụng các vũ khí hạt nhân phi chiến lược”.

Vào đầu năm 2024, Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử, một tổ chức phi lợi nhuận do các nhà lãnh đạo rủi ro hạt nhân đứng đầu, “một lần nữa đặt Đồng hồ Ngày tận thế ở mức 90 giây đến nửa đêm vì nhân loại tiếp tục phải đối mặt với mức độ nguy hiểm chưa từng có”.

Nga ước tính có khoảng 5.580 đầu đạn hạt nhân, theo báo cáo năm 2024 của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, trong đó cho biết Mỹ có 5.044 đầu đạn. Bảy quốc gia khác sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó có Bắc Hàn, nước đã ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự chiến lược với Nga vào tháng 6. Tuy nhiên, các quốc gia này được cho là có lượng dự trữ không bằng lượng mà Mỹ và Nga nắm giữ.

John Isaacs, thành viên cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, một tổ chức phi lợi nhuận phi đảng phái nhằm giảm các mối đe dọa hạt nhân, đã giải thích về mức độ nghiêm trọng và sự xóa sổ hoàn toàn của chiến tranh hạt nhân trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Newsweek vào tháng 6.

Isaac giải thích rằng chiến tranh hạt nhân có nghĩa là “kết thúc hầu hết sự sống trên trái đất - gây thiệt hại nặng nề cho đất nước của bạn cũng như các quốc gia khác”.

Ông nói: “Nếu Putin bắt đầu sử dụng vũ khí hạt nhân, ông ấy sẽ chết, rất nhiều người ở Nga, rất nhiều người ở Hoa Kỳ hoặc NATO cũng sẽ chết - nói cách khác, đó là hành động tự sát đối với bất kỳ quốc gia nào”.

7. Tỉnh Donetsk tuyên bố bắt buộc di tản hơn 700 trẻ em

Hơn 700 trẻ em từ bốn cộng đồng ở tỉnh Donetsk sẽ được di tản khỏi tiền tuyến, Thống đốc tỉnh Donetsk Vadym Filashkin cho biết như trên hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, khi các trận chiến ác liệt tiếp tục diễn ra theo hướng Pokrovsk.

Filashkin đưa ra thông báo này sau khi tổ chức một cuộc họp về tình hình an ninh địa phương, đặc biệt là ở các làng tiền tuyến Hrodivka và Novohrodivka ở Pokrovsk Raion.

Hrodivka và Novohrodivka hiện nằm cách tiền tuyến khoảng 5 km. Vào đầu năm 2024, các thị trấn nằm cách mặt trận khoảng 20 km.

Filashkin nói: “Chúng tôi phải di tản 744 trẻ em và gia đình của chúng từ bốn cộng đồng đến các khu vực an toàn hơn của Ukraine”.

Lệnh di tản bắt buộc được ban hành đối với trẻ em đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp vì lực lượng Nga đang tấn công vào “những cộng đồng này bằng bom trên không mỗi ngày”, Thống đốc Filashkin nói.

Việc di tản trẻ em sẽ được thực hiện bằng xe thiết giáp “vì đối phương đang tích cực sử dụng máy bay điều khiển từ xa FPV trên lãnh thổ của những cộng đồng này”, Filashkin nói thêm.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 30 Tháng Bẩy cho biết Nga bắt đầu tập trung nỗ lực ở phía đông, “ném mọi thứ họ có” về hướng Pokrovsk, sau khi cuộc tấn công mới vào Kharkiv thất bại.

Theo chính quyền địa phương, khoảng 60.000 người, trong đó có 4.000 trẻ em, vẫn ở Pokrovsk, nơi cách chiến tuyến khoảng 20 km.

Trung bình mỗi tháng có khoảng 500 người phải di tản và 4.000 trẻ em đã được di tản khỏi Pokrovsk.

8. Máy bay NATO xuất kích chặn 2 máy bay Su-30 Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Jets Scrambled To Intercept Two Russian Su-30 Aircraft”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng không quân Berlin cho biết Thụy Điển và Đức đã điều động các chiến đấu cơ của họ để đánh chặn máy bay Nga hôm thứ Bảy.

Lực lượng Không quân Đức hôm thứ Bảy đã tiết lộ cuộc chạm trán trên không mới nhất giữa lực lượng đồng minh và quân đội Nga. Họ thông báo rằng hai máy bay Eurofighter của Đức đã phát hiện hai chiến đấu cơ Su-30 của Nga bay trên vùng biển quốc tế.

Không quân Đức nhận xét: “Các phi công Nga cư xử bất hợp tác nhưng không hung hãn”

Biển Baltic gần như được bao quanh hoàn toàn bởi các quốc gia thành viên NATO, được mệnh danh là “Hồ NATO”, ngoại trừ vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và Vịnh Phần Lan – giáp với thành phố St. Petersburg của Nga ở phía đông.

Máy bay quân sự của Nga thường quá cảnh giữa Kaliningrad và lục địa Nga và bay gần không phận của các quốc gia thành viên NATO láng giềng, khiến việc các chiến đấu cơ của NATO ngăn chặn máy bay Nga trong khu vực trở nên phổ biến.

Theo NATO, khi radar phát hiện máy bay khả nghi trong không phận Âu Châu, tổ chức này sẽ phóng các chiến đấu cơ làm “Thiết bị đánh chặn cảnh báo phản ứng nhanh” để đánh chặn và nhận dạng trực quan máy bay, đồng thời hộ tống mục tiêu hạ cánh hoặc rời khỏi không phận NATO nếu cần thiết.

Tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển, những thành viên mới nhất của NATO, đã chặn hai máy bay Nga trên biển Baltic.

NATO cho biết Su-30 không gửi trước kế hoạch bay và không có liên lạc vô tuyến với trạm kiểm soát không lưu. Họ cũng bị cáo buộc vi phạm các quy định hàng không quốc tế do không sử dụng tín hiệu thu phát đáp.

Theo NATO, các cuộc đánh chặn máy bay Nga tiếp cận không phận của đồng minh trên khu vực Biển Baltic đã tăng từ 20% đến 25% trong quý đầu tiên của năm 2024

Nguồn tin của NATO nói thêm rằng hầu hết các vụ đánh chặn hiện nay thường liên quan đến máy bay giám sát hoặc đôi khi là máy bay vận tải, hơn là chiến đấu cơ.

9. Cựu Tổng thống Trump than phiền về cuộc trao đổi tù nhân Nga-Mỹ

Tại cuộc mít tinh ở Georgia hôm 3 Tháng Tám, cựu Tổng thống Trump đã mỉa mai cuộc trao đổi tù nhân Nga-Mỹ khi nhận định rằng nhà độc tài Nga Vladimir Putin đã được một cú quá hời trong vụ trao đổi tù nhân lịch sử do Tổng thống Mỹ Joe Biden dàn xếp đã giải thoát 16 người bị giam oan ở Nga, trong đó có phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal.

“Nhân tiện, tôi muốn chúc mừng Vladimir Putin vì đã đạt được một thỏa thuận tuyệt vời nữa”, Ông Trump nói. “Bạn có thấy thỏa thuận chúng ta đã thực hiện không? Bây giờ hãy nhìn xem, chúng tôi đã đưa người về nước. Chúng tôi có 59 con tin - tôi chưa bao giờ phải trả bất cứ thứ gì cả.”

“ Họ đã thả một số kẻ giết người nguy hiểm nhất ở bất cứ đâu trên thế giới”. “Một số kẻ giết người độc ác nhất mà họ có. Và chúng tôi đã lấy lại được người của mình, nhưng các bạn ơi, họ đã thực hiện một số giao dịch khủng khiếp, thật khủng khiếp. Và thật vui khi nói rằng chúng ta đã lấy lại được họ, nhưng điều đó có đặt ra tiền lệ xấu hay không?

Vụ thả lịch sử bao gồm 16 tù nhân được trả tự do khỏi Nga, trong đó có 5 người Đức và 7 công dân Nga đang bị giam giữ làm tù nhân chính trị. Tổng thống Joe Biden cảm ơn Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ việc trao đổi tù nhân giữa nhiều quốc gia.

Tổ chức Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò hòa giải trong cuộc trao đổi tù nhân ngày 1 tháng 8.
 
Trọn ổ gián điệp Nga sa lưới. Sợ F16 đánh tới, Putin ra lệnh di tản máy bay. TOS1A hiếm quý tan tành
VietCatholic Media
15:15 05/08/2024


1. Video Ukraine cho thấy hệ thống TOS-1A hiếm hoi của Nga bị xóa sổ trong cuộc tấn công

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Video Shows Rare Russian TOS-1A System Being Wiped Out in Strike”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kyiv cho biết Ukraine đã “phá hủy thành công” một loại vũ khí pháo nhiệt áp của Nga ở phía nam đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Cơ quan an ninh SBU của Kyiv đã triển khai hệ thống TOS-1A, hay Solntsepyok, ở khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, đã chia sẻ đoạn phim nhìn đêm dường như cho thấy máy bay điều khiển từ xa ở góc nhìn thứ nhất đang hướng tới hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt TOS-1A. Một máy bay điều khiển từ xa riêng biệt xuất hiện để ghi lại khoảnh khắc va chạm và vụ nổ nhấn chìm TOS-1A.

Pháo nhiệt áp sử dụng hai vụ nổ để tạo ra vụ nổ có sức tàn phá lớn hơn vũ khí thông thường. Loại vũ khí này, còn được gọi là bom chân không, được quân đội Liên Xô sử dụng ở Afghanistan và Chechnya cũng như quân đội Mỹ vào những năm 1960.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng 3 năm 2022, những hỏa tiễn nhiệt áp này tạo ra “hiệu ứng cháy và nổ” kéo dài hơn so với chất nổ thông thường.

Bộ cho biết: “Tác động của TOS-1A là rất tàn khốc”. “Nó có thể phá hủy cơ sở hạ tầng và gây ra thiệt hại đáng kể cho các cơ quan nội tạng và gây bỏng nhanh, dẫn đến tử vong cho những người bị phơi nhiễm.”

Nó thường được sử dụng để chống lại các mục tiêu như tòa nhà và chiến hào.

TOS-1A có thể bắn vài chục hỏa tiễn nhiệt áp và được gắn trên các khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhau, tùy thuộc vào phiên bản. Theo quân đội Mỹ, đây là phiên bản nâng cấp của TOS-1, với “tầm bắn tăng lên nhờ hỏa tiễn dài hơn”.

Nhà xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport mô tả TOS-1A là súng phun lửa hạng nặng có thể sẵn sàng khai hỏa trong vòng 90 giây, khiến nó trở thành “vũ khí cực kỳ nguy hiểm với khả năng chiến đấu tuyệt vời”.

Bộ Quốc phòng Nga đã mô tả TOS-1A là một loại vũ khí “đáng gờm” và “gây hoảng loạn”.

Đại Úy Yusov cho biết hệ thống này là “niềm tự hào” của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga và là mục tiêu hiếm hoi ở tiền tuyến.

Vào tháng 6 năm 2023, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết các bệ phóng nhiệt áp là “tài sản pháo binh có sức tàn phá cao nhưng khan hiếm”.

Chúng là “mặt hàng được ưu tiên cao” đối với quân đội Nga, nhưng Mạc Tư Khoa chỉ có “một số lượng nhỏ” hệ thống vận hành, chuyên gia công nghệ quốc phòng và quân sự David Hambling trước đây nói với Newsweek.

SBU của Ukraine cho biết hệ thống TOS-1A “được trang bị đầy đủ đạn dược và sẵn sàng tấn công” khi lực lượng Kyiv định vị và tấn công vào hệ thống.

Ukraine trước đó cho biết họ đã phá hủy TOS-1A, bao gồm cả khu vực Zaporizhzhia.

2. Ukraine cho biết các phi trường ở Crimea không còn máy bay Nga nào sau cuộc tấn công

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Airfields Left Without Russian Aircraft After Strikes, Ukraine Says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hải quân Kyiv cho biết, hai căn cứ không quân của Nga ở Crimea không còn tiếp nhận các máy bay được sử dụng để tấn công Ukraine, khi họ kết thúc chiến dịch tấn công các căn cứ không quân của Mạc Tư Khoa.

Mạc Tư Khoa hiện có 5 phi trường quân sự ở Crimea, “nhưng 2 trong số đó hiện không có máy bay”, Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của hải quân Ukraine, cho biết trong bài phát biểu được truyền thông Ukraine đưa tin hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám.

Lực lượng Nga “có thể di dời các máy bay vào đất liền, nhưng họ cần có hệ thống hậu cần phù hợp để cung cấp nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác”.

Kyiv đã liên tục tấn công vào các căn cứ không quân, trung tâm hậu cần và cơ sở hải quân của Nga ở Crimea trong hơn hai năm chiến tranh toàn diện.

Nga đã kiểm soát Crimea kể từ khi sáp nhập bán đảo này vào năm 2014, nhưng hành động này không được quốc tế công nhận. Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại Crimea.

Kyiv cũng đã nhắm đến các căn cứ không quân bên trong lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, bao gồm căn cứ Engels-2 chứa máy bay ném bom tầm xa ở vùng Saratov và căn cứ không quân Kushchyovskaya ở Krasnodar.

Hôm thứ Bảy, quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công vào phi trường Morozovsk ở khu vực Rostov của Nga, tấn công các kho chứa đầy đạn dược, bao gồm cả những kho chứa bom dẫn đường đã tấn công Ukraine trong nhiều tháng.

Sau khi Kyiv tấn công Kushchyovskaya hồi đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga có thể sẽ phải phân tán các chiến đấu cơ của mình để chống lại các cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine.

Truyền thông Ukraine xác định 5 căn cứ không quân của Nga ở Crimea là cơ sở Saky – phía đông nam thành phố Yepatoriya phía tây Crimea – căn cứ không quân Belbek gần Sevastopol, căn cứ không quân Dzhankoi ở phía bắc, cùng với căn cứ Kacha cũng gần Sevastopol và Hvardiyske ở trung tâm của bán đảo.

Vào cuối tháng 7, quân đội Ukraine cho biết lực lượng hỏa tiễn của họ đã tấn công căn cứ không quân Saky, nơi Nga sử dụng để “kiểm soát không phận” ở Hắc Hải và phối hợp tấn công Ukraine.

Đề cập rõ ràng đến các cuộc tấn công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông muốn “đặc biệt khen ngợi các chiến binh của chúng tôi đang tấn công các căn cứ và hậu cần của Nga trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”.

“Mọi căn cứ không quân của Nga bị phá hủy, mọi máy bay quân sự của Nga bị phá hủy - dù trên mặt đất hay trên không - đều cứu sống người Ukraine. Tôi cảm ơn các chiến binh của chúng tôi vì sự chính xác của họ”, ông nói.

Vào ngày 10 tháng 6, Ukraine cho biết họ đã tiến hành một cuộc tấn công trong đêm nhằm vào hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Nga ở Dzhankoi và hai hệ thống khác gần Yevpatoriya và Chornomorske, ở rìa phía tây Crimea.

Vào giữa tháng 5, Ukraine đã tấn công phi trường Belbek và các hình ảnh vệ tinh cho thấy ba chiến đấu cơ của Nga bị phá hủy và các tòa nhà bị hư hại tại cơ sở này. Kyiv trước đó đã tấn công vào căn cứ này vào cuối tháng Giêng, phá hủy một cơ sở radar.

3. SBU bắt được mạng lưới phá hoại của FSB quy mô lớn trên khắp Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, Artem Dekhtiarenko cho biết họ đã bắt được một mạng lưới phá hoại “quy mô lớn” do Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, tổ chức, hoạt động trên ít nhất sáu vùng và liên quan đến hai quan chức chính phủ Ukraine.

Theo SBU, mạng lưới này bao gồm chín cá nhân bị bắt cùng một lúc tại các vùng Dnipropetrovsk, Sumy, Zaporizhzhia, Kirovohrad, Donetsk và Odesa.

Một trong những người bị bắt giữ là thành viên của Hội đồng thành phố Dnipro và một người khác là quan chức trong hội đồng thành phố Yuzhne, một thị trấn ở Odesa Oblast.

Những cá nhân này bị cáo buộc do thám các vị trí cơ sở hạ tầng quan trọng và các vị trí quân sự của Ukraine, sau đó chia sẻ thông tin chi tiết với những người điều khiển họ là người Nga.

Những nghi phạm đã bị buộc tội phản quốc và có thể phải chịu án tù chung thân nếu bị kết tội, ông Artem Dekhtiarenko.

Trong tổng số gần 36 triệu dân Ukraine, 17,3% là người gốc Nga, và 0,6% là người Belarus. Tất cả những người bị bắt đều là người gốc Nga.

4. Thanh tra kháng cáo lên Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Thập Tự cáo buộc Nga hành quyết tù binh Ukraine

Hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, Thanh tra nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets thông báo rằng ông đã kháng cáo lên Hội Hồng Thập Tự quốc tế, gọi tắt là ICRC, và Liên Hiệp Quốc để phản hồi về bức ảnh được cho là thi thể của một tù nhân chiến tranh Ukraine bị Nga hành quyết.

Bức ảnh đang lan truyền nhanh trên các mạng xã hội Nga từ hôm Thứ Bẩy, 03 Tháng Tám, cho thấy thi thể một người bị chặt đầu và tứ chi. Không rõ bức ảnh được chụp khi nào. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh điều đó.

Các báo cáo về việc tù binh Ukraine bị tra tấn hoặc giết chết khi bị Nga giam giữ đã xuất hiện nhiều hơn kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine. Tính đến tháng 6, Văn phòng Tổng công tố cho biết 28 cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành liên quan đến vụ hành quyết 62 tù binh Ukraine.

Lubinets nói: “Đây không chỉ là hành vi vi phạm Công ước Geneva liên quan đến việc đối xử với tù nhân chiến tranh, đây là hành vi của những con quái vật”.

Thanh tra viên yêu cầu các tổ chức quốc tế ghi lại một hành vi vi phạm nhân quyền khác của Nga và kêu gọi cơ quan thực thi pháp luật Ukraine xác minh danh tính của người bị giết và thực tế của tội ác.

“Tù binh chiến tranh nằm trong tay một quốc gia thù địch và quốc gia này phải chịu trách nhiệm đối xử với họ. Vì vậy, trách nhiệm giết chóc và cắt xẻo không chỉ thuộc về binh lính Nga mà còn thuộc về Liên bang Nga”, Lubinets nói thêm.

Tính đến tháng 3 năm 2024, Văn phòng Tổng công tố Ukraine đã thu thập thông tin trước khi xét xử về hơn 128.000 nạn nhân của tội ác chiến tranh. Các công tố viên cho biết họ đang điều tra vụ án ít nhất 54 tù binh Ukraine bị Nga hành quyết.

Tổng công tố Andrii Kostin hôm 18 Tháng Sáu cho biết các chỉ huy Nga đã ra lệnh “không bắt giữ các quân nhân Ukraine mà thay vào đó là giết họ một cách tàn ác vô nhân đạo”. Ông đưa ra tuyên bố này sau khi các mạng xã hội của Nga tiết lộ đoạn phim quay cảnh một binh sĩ Ukraine bị quân đội Nga chặt đầu.

5. Pháp tham gia cùng các nước kêu gọi công dân rời khỏi Li Băng ngay khi căng thẳng khu vực gia tăng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “France joins countries urging citizens to leave Lebanon as regional tensions mount”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Chúa Nhật, 04 Tháng Tám, Pháp đã kêu gọi công dân của họ ở Li Băng khẩn cấp rời khỏi đất nước, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông sau vụ sát hại các thủ lĩnh Hezbollah và Hamas vào tuần trước, được cho là do Israel thực hiện.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố: “Trong bối cảnh an ninh có nhiều biến động… chúng tôi mời gọi mọi người thu xếp ngay bây giờ để rời Li Băng càng sớm càng tốt,” Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng một số chuyến bay thương mại từ Beirut đến Pháp vẫn sẵn sàng.

Pháp là quốc gia phương Tây mới nhất kêu gọi công dân của mình rời khỏi Li Băng, khi căng thẳng khu vực gia tăng sau vụ sát hại một chỉ huy Hezbollah do Israel dàn dựng vào tuần trước ở thủ đô Li Băng đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và nhóm chiến binh này có thể thay đổi. vào một cuộc chiến toàn diện.

Nhật báo L'Orient-Le-Jour tiếng Pháp của Li Băng đưa tin, Hezbollah đã tuyên bố chịu trách nhiệm về “hàng chục” cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào Israel chỉ trong đêm, gọi đây là hành động trả đũa cho các cuộc tấn công trước đó của Israel ở miền nam Li Băng.

Mỹ, Anh và Thụy Điển cũng đưa ra khuyến nghị tương tự yêu cầu công dân rời khỏi Li Băng ngay lập tức. Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Anh David Lammy đã thúc giục các công dân Anh ở Li Băng “rời đi ngay” vì “tình hình có thể xấu đi nhanh chóng”.

Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani chiều Chúa Nhật kêu gọi người Ý tạm thời ở Li Băng không đi du lịch đến miền nam đất nước và quay trở lại Ý càng nhanh càng tốt bằng các chuyến bay thương mại.

Tajani cho biết: “Trước tình hình ngày càng tồi tệ, chúng tôi mời những người Ý đang tạm trú ở Li Băng tuyệt đối không đi du lịch đến miền nam đất nước và quay trở lại Ý bằng các chuyến bay thương mại càng sớm càng tốt”.

Một số công ty hàng không đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi Beirut do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, bao gồm các nhà khai thác của Pháp Air France và Transavia France, và hãng hàng không mang cờ Đức Lufthansa.

6. Syrskyi: Sự xuất hiện gần đây của F-16 sẽ đồng nghĩa với việc 'nhiều hỏa tiễn và máy bay bị bắn rơi hơn'

Hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám,, Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi cho biết, việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine gần đây đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều vụ bắn rơi “các hỏa tiễn và máy bay bị bọn tội phạm Nga sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraine”.

Syrskyi đã đưa ra bình luận này, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy xác nhận trước đó trong ngày rằng các phi công Ukraine đã sử dụng lô F-16 đầu tiên được giao gần đây.

Syrskyi cảm ơn các đồng minh vì quyết định của họ.

Tờ Times ngày 1 Tháng Tám đưa tin lô máy bay đầu tiên bao gồm 6 máy bay phản lực do Hòa Lan cung cấp, trong khi tờ Economist ngày 4 Tháng Tám đưa tin Ukraine đã nhận được 10 máy bay F-16 vào cuối tháng 7.

Mặc dù một số chuyên gia quốc phòng không kỳ vọng F-16 sẽ trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến, nhưng các máy bay phản lực này có thể tăng cường khả năng phòng không của Ukraine và bảo vệ các trung tâm dân cư của nước này khỏi các cuộc oanh tạc hàng ngày của Nga.

Kyiv đã kêu gọi sử dụng các máy bay phản lực thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất này kể từ năm đầu tiên của cuộc chiến tranh toàn diện nhằm củng cố lực lượng không quân của mình, vốn bao gồm các máy bay do Liên Xô sản xuất và đã bị suy giảm đáng kể trong những năm qua. chiến tranh.

7. Nga mở cuộc tấn công lớn để săn lùng chiến đấu cơ F-16

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết các cuộc tấn công của Nga trên khắp Ukraine đã giết chết ít nhất một thường dân và làm bị thương ít nhất bảy người trong 24 giờ qua.

Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash cho biết Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ tất cả 24 máy bay không người lái “kamikaze” do Nga phóng trong đêm, đánh chặn chúng trên 7 tỉnh của Ukraine. Ông nhận xét rằng có vẻ như Nga đang muốn thăm dò nơi Ukraine chứa các chiến đấu cơ F-16 vì các cuộc tấn công tập trung quanh các phi trường của Ukraine.

Thống đốc Serhii Lysak cho biết: Quận Nikopol ở tỉnh Dnipropetrovsk đã hứng chịu hỏa lực dữ dội của máy bay không người lái và pháo binh Nga trong đêm. Khu vực thị trấn khai thác mỏ nhỏ Pokrov chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Một người đàn ông 26 tuổi và một phụ nữ 70 tuổi đã bị thương ở đó, trong khi một quán cà phê, một cửa hàng, nhà cửa, tòa nhà cao tầng, địa điểm cơ sở hạ tầng năng lượng và các tòa nhà và tài sản khác đã bị hư hại, Lysak cho biết.

Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết tại tỉnh Donetsk, một người đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong một cuộc tấn công của Nga vào Hrodivka

Một thường dân nữa được báo cáo là bị thương ở Ukrainsk và một người khác ở Vesele.

Các cuộc tấn công của Nga vào Kherson đã làm bốn người bị thương trong ngày qua.

Cô cho biết các vùng Chernihiv, Luhansk, Mykolaiv và Zaporizhzhia cũng bị tấn công, nhưng không có thương vong nào được báo cáo.

8. Có khả năng một hỏa tiễn Ukraine đã bắn hạ tàu ngầm 'Rostov-On-Don' của Nga lần thứ hai sau 11 tháng

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “It’s Possible A Ukrainian Missile Blew Up Russia’s ‘Rostov-On-Don’ Submarine—For The Second Time In 11 Months”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Rostov-on-Don, một tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga thuộc Hạm đội Hắc Hải của hải quân Nga, xui xẻo đến mức bị nổ tung không chỉ một lần mà đến hai lần. Cả hai lần đều do hỏa tiễn hành trình của Ukraine.

Hôm Thứ Bẩy, 03 Tháng Tám, cậu bé 10 tuổi Rostov-on-Don đang ở cảng Sevastopol, vùng Crimea bị Nga tạm chiếm thì một hỏa tiễn Ukraine đã lao vào. “Kết quả của cuộc tấn công là tàu ngầm bị chìm. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố.

“Làm tốt lắm, các chiến binh,” Bộ nói thêm. “Cá Hắc Hải sẽ thích thú với ngôi nhà mới của chúng.”

Đây là một tổn thất vô cùng đáng xấu hổ đối với Hạm đội Hắc Hải đã bị tàn phá. Các báo cáo cho thấy người Ukraine bắt đầu tấn công vào khuya hôm Thứ Sáu, 02 Tháng Tám. Đến rạng sáng thứ Bẩy, họ phá tan tành 4 hệ thống phòng không S-400 của Nga. Đến lúc này người Nga bắt đầu nhận ra mục tiêu chính của cuộc tấn công. Đó là chiếc tàu ngầm 300 triệu Mỹ Kim Rostov-on-Don. Khi các hệ thống phòng không đã hoàn toàn im tiếng, chiếc Rostov-on-Don như các nằm trên thớt. Cú cuối cùng quyết định số phận con tàu. Mặt trận đột nhiên yên tĩnh, trong khi con tàu chìm dần dưới đáy đại dương. Đâu đó, trên bầu trời, có những tiếng vo ve của máy bay điều khiển từ xa đang thản nhiên trinh sát kết quả của cuộc tấn công.

Với ba chục tàu chiến lớn, hạm đội này đã áp đảo đáng kể hạm đội Ukraine nhỏ bé trong những ngày đầu của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine 29 tháng trước. Nhưng ngay cả sau khi một số tàu lớn cuối cùng bị chìm xuống đáy Hắc Hải, hải quân Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu, và thường phối hợp tấn công với không quân Ukraine.

Tấn công bằng tàu điều khiển từ xa và hỏa tiễn hành trình, người Ukraine đã phá hủy hoặc làm hư hại 1 phần 3 số tàu của Nga, bao gồm cả soái hạm của họ, là tàu tuần dương hỏa tiễn Moskva, bị hai hỏa tiễn Ukraine đánh chìm vào tháng 4 năm 2022.

Rostov-on-Don là một nạn nhân gần đây. Vào ngày 13 tháng 9, năm ngoái 2023 một máy bay ném bom Sukhoi Su-24 của không quân Ukraine đã bắn thứ có lẽ là hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất vào Sevastopol, tấn công Rostov-on-Don và một tàu đổ bộ lân cận trong khi hai tàu này đang ở ụ tàu để bảo trì.

Hỏa tiễn bắn trúng Rostov-on-Don không chỉ làm hư hại con tàu dài 240 feet hay 73 m, nặng 3.100 tấn. Không, đầu đạn song song gồm hai phần của hỏa tiễn đầu tiên đục một lỗ trên tàu ngầm và sau đó phát nổ bên trong. Những bức ảnh chụp sau cuộc đột kích cho thấy thiệt hại nặng nề bên trong và bên ngoài.

Thật đáng kinh ngạc, người Nga vẫn tiếp tục làm việc ở Rostov-on-Don, rõ ràng quyết tâm đưa con tàu bị tàn phá trở lại tuyến đầu. Công việc vẫn tiếp tục ngay cả khi phần còn lại của Hạm đội Hắc Hải rút lui khỏi các cảng Crimea ngày càng dễ bị tổn thương và tái triển khai đến các cảng ở miền nam nước Nga.

Vào mùa hè năm nay, chiếc tàu ngầm lớp Kilo này gần như đơn độc ở Sevastopol. Thân tàu của nó được vá lại, và nó đã rời ụ tàu vào tháng 6 để thử nghiệm dự kiến ở bến cảng.

Những cuộc thử nghiệm này có thể đã được tiến hành khi Ukraine tấn công vào Rostov-on-Don lần thứ hai - có thể bằng một Storm Shadow khác, hoặc có thể bằng một hỏa tiễn SCALP-EG tương tự do Pháp sản xuất hoặc một hỏa tiễn Neptune sản xuất trong nước.

9. Các chính trị gia Đức kêu gọi phản ứng của Liên Hiệp Âu Châu sau khi Budapest phá bỉnh đơn giản hóa việc nhập cảnh cho người Nga

Các chính trị gia Đức đang yêu cầu một phản ứng trên toàn Liên Hiệp Âu Châu sau khi Hung Gia Lợi đơn giản hóa các yêu cầu nhập cảnh đối với công dân Nga và Belarus vào tháng 7, hãng tin Bild của Đức đưa tin vào ngày 3 tháng 8.

Thành viên của Nghị Viện Âu Châu người Đức Manfred Weber, nhà lãnh đạo Nhóm Đảng Nhân dân Âu Châu, gọi tắt là EPP, trung hữu trong Nghị viện Âu Châu, nói với Bild rằng “phải có hậu quả” đối với quyết định của Hung Gia Lợi.

Weber nói: “Bất kỳ ai cho phép người Nga vào Liên Hiệp Âu Châu mà không kiểm tra họ đều đang gây nguy hiểm lớn cho an ninh của Âu Châu”. “Những kẻ gián điệp và sát nhân của Putin đã gây ra nhiều thiệt hại ở Liên Hiệp Âu Châu và Đức. Bây giờ phải ngăn chặn thiệt hại thêm nữa.”

Weber đã gửi một lá thư vào cuối tháng 7 tới Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, cảnh báo rằng động thái của Budapest đã tạo ra “những lỗ hổng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp”.

Hung Gia Lợi đã đơn giản hóa các yêu cầu đầu vào đối với công dân Nga và Belarus vào tháng 7, khi nước này lặng lẽ đưa công dân từ các quốc gia này vào chương trình Thẻ Quốc gia, cho phép họ làm việc ở Hung Gia Lợi trong tối đa hai năm.

Không có quy trình kiểm tra đặc biệt nào ở cấp độ Âu Châu dành cho chủ thẻ Quốc gia, quy trình này dành cho những người quan tâm đến làm việc hoặc tiến hành kinh doanh tại Hung Gia Lợi.

Michael Stubgen, cựu nghị sĩ Đức và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao của Brandenburg, nói với Bild: “Không thể chấp nhận được việc một quốc gia Liên Hiệp Âu Châu cho phép người Nga vào nước này mà hầu như không bị kiểm soát”.

Stübgen cho biết, các biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn nên được áp dụng tại biên giới của Hung Gia Lợi với các nước Liên Hiệp Âu Châu khác vì “các hiệp ước Âu Châu cho phép kiểm soát biên giới trong các tình huống đặc biệt”.

Hung Gia Lợi giáp với các nước Liên Hiệp Âu Châu gồm Slovakia, Rumani, Croatia, Áo và Slovenia, cũng như Serbia và Ukraine.

Thẻ Quốc gia của Hung Gia Lợi mang lại một số lợi ích, bao gồm đoàn tụ gia đình, đủ điều kiện trở thành thường trú nhân sau ít nhất ba năm và khả năng thay đổi tình trạng mà không cần quay trở lại quê hương.

Sau khi có Thẻ Quốc gia trong ba năm, những người không phải là công dân Hung Gia Lợi có thể đủ điều kiện để trở thành thường trú nhân.

Budapest từ lâu được coi là quốc gia thân thiện nhất với Điện Cẩm Linh trong Liên Hiệp Âu Châu, liên tục cản trở các biện pháp trừng phạt chống Nga và viện trợ quân sự cho Kyiv.

10. Mali cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine

Hôm Thứ Hai, 05 Tháng Tám, Phát ngôn nhân của chính phủ, Đại tá Abdoulaye Maiga, tuyên bố rằng Chính phủ chuyển tiếp của Mali đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine vì bị cáo buộc ủng hộ quân nổi dậy do Tuareg lãnh đạo.

Thông báo này được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng binh lính Mali và lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đã chịu tổn thất đáng kể trong trận chiến gần đây với các nhóm chống chính phủ ở phía bắc Mali.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm 29 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, đã ám chỉ khả năng hợp tác giữa các cơ quan tình báo Ukraine và phiến quân Mali.

Yusov nói: Phiến quân “đã nhận được thông tin hữu ích, và không chỉ có vậy, cho phép họ thực hiện thành công một chiến dịch quân sự chống lại tội phạm chiến tranh Nga”.

Trong một tuyên bố, Maiga cho biết tuyên bố của Yusov là sự thừa nhận “Ukraine có liên quan đến một cuộc tấn công hèn nhát, nguy hiểm và dã man của các nhóm khủng bố có vũ trang”.

Maiga cho biết Mali quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine và quyết định đó “có hiệu lực ngay lập tức”.

Quốc gia Mali ở Tây Phi đã trở thành đối tượng trong chiến dịch gây ảnh hưởng đáng kể của Nga kể từ khi quân đội Mali lật đổ chính phủ trong một cuộc đảo chính vào năm 2021.

Nhóm lính đánh thuê Wagner, do Yevgeny Prigozhin quá cố thành lập, đã hoạt động đặc biệt tích cực ở Mali và bị cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh cũng như cướp bóc trên quy mô lớn.

Giao tranh ác liệt nổ ra ở ngoại ô làng Tinzawaten vào cuối tháng 7, với các chiến binh của liên minh chống chính phủ báo cáo rằng họ đã tiêu diệt “toàn bộ đội quân Malian và lính đánh thuê Nga”.

Các chi nhánh của Tập đoàn Wagner sau đó xác nhận rằng lính đánh thuê đã chịu tổn thất đáng kể trong các cuộc đụng độ.

Hãng tin Le Monde của Pháp đưa tin vào ngày 1 tháng 8 rằng các cơ quan đặc biệt của Ukraine đã hợp tác với các chiến binh do Tuareg dẫn đầu, bao gồm cả việc huấn luyện về hoạt động của máy bay điều khiển từ xa.

Mohamed Elmaouloud Ramadane, phát ngôn nhân của liên minh ủng hộ độc lập cho biết: “Chúng tôi có mối liên hệ với người Ukraine, nhưng cũng giống như chúng tôi có với những người khác, người Pháp, người Mỹ và những người khác”.

Quyết định cắt đứt quan hệ với Kyiv của Mali được đưa ra khi Ngoại trưởng Dmytro Kuleba bắt đầu chuyến công du khu vực lần thứ tư tới các quốc gia Phi Châu. Kuleba sẽ đến thăm Malawi, Zambia và Mauritius từ ngày 4 tháng 8 đến ngày 8 tháng 8.
 
Các HY và GM phản đối Ủy ban Olympic phỉ báng bí tích Thánh Thể. Trận đấu 46 giây gây căm phẫn
VietCatholic Media
16:43 05/08/2024


1. Thư ngỏ của các Hồng Y và Giám mục Công Giáo gửi Ủy ban Olympic quốc tế

Các Hồng Y và Giám Mục trên thế giới đã gởi một lá thư ngỏ đến Ủy ban Olympic quốc tế. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó.” (2 Sử Biên Niên 7:14)

Thế giới bị sốc khi chứng kiến Thế vận hội mùa hè ở Paris khai mạc bằng màn trình diễn Bữa Tiệc Ly một cách lố bịch và báng bổ. Thật khó hiểu tại sao đức tin của hơn 2 tỷ người lại có thể bị xúc phạm một cách ngạo mạn và cố ý như vậy.

Chúng tôi, các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới, thay mặt cho các Kitô hữu khắp nơi, yêu cầu Ủy ban Olympic bác bỏ hành động báng bổ này và xin lỗi tất cả những người có đức tin. Mặc dù khó có thể tin rằng một sự nhạo báng có chủ ý đầy thù ghét như vậy đối với bất kỳ tôn giáo nào khác lại được trưng bày trên trường thế giới, nhưng hành động hèn hạ này vẫn đe dọa mọi người thuộc mọi tôn giáo và không thuộc tôn giáo nào, vì nó mở ra cánh cửa cho những kẻ có quyền lực làm bất cứ điều gì họ muốn với những người họ không thích.

Để vâng theo lời kêu gọi của Thiên Chúa hãy hạ mình cầu nguyện và tránh xa cái ác, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, cam kết thực hiện một ngày cầu nguyện và ăn chay để đền tạ vì tội báng bổ này. Là một phần của lời cầu nguyện của chúng tôi, mỗi người chúng tôi sẽ dâng Hy lễ Thánh trong Thánh lễ, trong đó Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng việc chúng ta tuân theo giới răn mà Người đã ban cho chúng ta trong Bữa Tiệc Ly, “hãy làm điều này để nhớ đến Thầy.”

Bữa Tiệc Ly là bữa ăn mà Chúa Giêsu thành Nazareth đã chia sẻ với những người bạn thân nhất của Người vào đêm trước khi Người chết vì họ và vì chúng ta. Chúng tôi cầu nguyện rằng những kẻ tìm cách làm hại người khác bằng quyền lực của mình và những người bị tổn hại sẽ noi gương tình yêu hy sinh quên mình của Người, để hòa bình, lễ phép và tôn trọng lẫn nhau được lập lại trên thế giới.

2. 46 giây quyền anh nữ thổi bùng ngọn lửa chiến tranh văn hóa

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “46 seconds of women’s boxing fanned the culture war flames”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Thủ tướng Ý Meloni gọi thất bại của người đồng hương trước một vận động viên trước đó đã bị ngăn cản thi đấu với phụ nữ là 'không công bằng'.

Trận đấu đã gây tranh cãi ngay từ khi chưa bắt đầu. Khi Angela Carini của Ý đầu hàng và bật khóc sau khi bị đấm chỉ hai lần, một phản ứng dữ dội thậm chí còn lớn hơn đã trở thành điều không thể tránh khỏi.

Đối thủ của cô, Imane Khelif người Algeria, trước đây đã bị cấm thi đấu với phụ nữ vì cơ thể của cô, sản sinh ra lượng testosterone cao. Điều bất thường là cô được tường trình có nhiễm sắc thể giới tính XY – trong khi hầu hết phụ nữ đều có nhiễm sắc thể giới tính XX. Nói một cách dễ hiểu là cô ta có đặc điểm di truyền nam giới. Có các nguồn tin cho rằng Khelif là người chuyển giới, nhưng theo tờ Politico, Khelif không phải là người chuyển giới.

Angela Carini của Ý là một người Công Giáo, và theo thói quen, cô làm dấu thánh giá trước khi thi đấu. Imane Khelif, chúng tôi gọi trống không như thế cho khỏi vướng vòng tù tội và không làm trái với lương tâm của mình, đã đấm cô hai cú vào chỗ cô vừa làm dấu thánh giá, với sức mạnh bão táp của một võ sĩ quyền anh đánh với nam cũng thắng, nói chi là nữ. Chỉ 46 giây ngắn ngủi, Angela Carini xin đầu hành. Không đầu hàng, nó đánh chết, chứ sống không nổi. Trận đấu được ghi vào guiness là trận đấu quyền anh ngắn ngủi nhất trong lịch sử.

Các tường thuật của báo chí cho biết Imane Khelif nói sau trận đấu rằng khi đấm thẳng vào trán của đối phương, người võ sĩ Algeria muốn dạy cho cô gái Ý hiểu rằng chẳng có Chúa nào cả. Chỉ có sức mạnh của cú đấm.

Sau trận đấu, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã lên tiếng về vụ việc, đặt câu hỏi về quyết định của Ủy ban Olympic quốc tế cho phép vận động viên Algeria thi đấu trong giải dành cho nữ giới.

“Theo quan điểm của tôi, đây không phải là một cuộc cạnh tranh bình đẳng,” Meloni nói với các phóng viên hôm thứ Năm. “Tôi cho rằng các vận động viên có đặc điểm di truyền nam giới không nên tham gia các cuộc thi dành cho nữ. Không phải vì chúng tôi muốn phân biệt đối xử với bất kỳ ai mà để bảo vệ quyền của các vận động viên nữ được thi đấu bình đẳng.”

Carini chịu thua sau cú đấm thứ hai của Khelif do mũi cô bị đau nặng. Sau khi trọng tài tuyên bố chiến thắng của Khelif, Carini đã từ chối bắt tay đối thủ của mình. Trong cơn đau buồn, cô ngã xuống đất trên sàn thi đấu và bắt đầu khóc. Hình ảnh của cô bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội.

“Tất cả chúng tôi đều ở bên bạn,” đội tuyển quốc gia Ý viết trên X. Phó Thủ tướng Matteo Salvini gọi đây là một “cảnh thực sự không giống Olympic”.

Salvini nói: “Thật xấu hổ cho những quan chức đã cho phép một trận đấu rõ ràng là không bình đẳng.

Tác giả JK Rowling, người thường xuyên đóng góp cho các cuộc chiến văn hóa giới tính, cũng cân nhắc khi viết cho ban tổ chức: “Các bạn là một kẻ đáng xấu hổ, việc 'bảo vệ' của các bạn chỉ là một trò đùa và #Paris24 sẽ mãi mãi bị hoen ố bởi sự bất công tàn bạo gây ra cho Carini.”

Khelif trước đó đã bị loại khỏi Giải vô địch thế giới của Hiệp hội Quyền anh Quốc tế. Nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế đã cho phép cô trong ngoặc kép này thi đấu quyền anh nữ tại Thế vận hội Paris.

Hôm thứ Bảy tới đây, Khelif sẽ trở lại sàn đấu ở tứ kết hạng bán trung hạng nhẹ. Đối thủ của cô là Anna Luca Hamori của Hung Gia Lợi. Nhiều người tin chắc chắn rằng Anna cũng sẽ thảm bại trước Khelif.

Văn phòng của bà cho biết Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã gặp Chủ tịch IOC Thomas Bach vào sáng thứ Sáu để bày tỏ mối quan ngại của bà về việc cho phép Khelif thi đấu “và vấn đề các quy tắc bảo đảm sự công bằng”.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật, 04 Tháng Tám, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 18 Mùa Quanh Năm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!

Hôm nay Tin Mừng kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, mời gọi đám đông đang tìm kiếm Người hãy suy ngẫm về những gì đã xảy ra để hiểu ý nghĩa của nó (x. Ga 6,24-35).

Họ đã ăn thức ăn được chia sẻ và chứng kiến dù với rất ít nguồn lực, tất cả đều được cho ăn và no nê nhờ lòng quảng đại và lòng dũng cảm của một chàng trai trẻ đã sẵn sàng chia sẻ những gì mình có cho người khác. (x. Ga 6,1-13). Dấu hiệu rất rõ ràng: nếu mọi người cho người khác những gì họ có, thì với sự giúp đỡ của Chúa, dù bắt đầu chẳng có bao nhiêu cuối cùng mọi người cũng có thể có được thứ gì đó. Chúng ta đừng quên điều này: nếu một người cho người khác những gì mình có, thì với sự trợ giúp của Chúa, dù bắt đầu chẳng có bao nhiêu cuối cùng mọi người cũng có thể có được thứ gì đó.

Đám đông không hiểu: họ nhầm Chúa Giêsu với một loại phù thủy nào đó và quay lại tìm Người, hy vọng Người sẽ lặp lại phép lạ như thể đó là phép thuật (x. câu 26).

Họ là những nhân vật chính của một trải nghiệm trong hành trình của mình, nhưng họ không hiểu được ý nghĩa của nó: sự chú ý của họ chỉ tập trung vào bánh và cá, là những thức ăn thực sự có thể được tiêu thụ ngay lập tức. Họ không nhận ra rằng đây chỉ là một công cụ mà qua đó Chúa Cha, trong khi thỏa mãn cơn đói của họ, đã tiết lộ cho họ một điều quan trọng hơn nhiều. Và Chúa Cha đã mạc khải cho họ điều gì? Thưa: Ngài chỉ cho họ con đường sự sống tồn tại bất diệt, và hương vị bánh trường sinh đem đến sự thỏa mãn không thể đo lường được. Tóm lại, bánh đích thực đã và là Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Người đã hóa thành nhục thể (x. câu 35), Đấng đã đến chia sẻ sự nghèo khó của chúng ta để dẫn chúng ta vượt qua sự nghèo khó đó đến niềm vui hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta(x. Ga 3,16).

Của cải vật chất không mang lại sự viên mãn cho cuộc sống. Chúng giúp chúng ta tiến về phía trước và rất quan trọng, nhưng chúng không làm tròn đầy cuộc sống của chúng ta. Chỉ có tình yêu mới có thể làm được điều đó (x. Ga 6,35). Và để điều này xảy ra, con đường phải đi là con đường bác ái, không giữ gì cho riêng mình nhưng chia sẻ mọi thứ. Tình yêu chia sẻ mọi thứ.

Và phải chăng điều này cũng không xảy ra trong chính gia đình của chúng ta? Chúng ta có thể nhìn thấy nó. Chúng ta hãy nghĩ đến những bậc cha mẹ đang nỗ lực cả đời để nuôi dạy con cái tốt đẹp và để lại cho chúng một điều gì đó cho tương lai. Đẹp biết bao khi thông điệp này được hiểu, và các em biết ơn và lần lượt trở nên hỗ trợ lẫn nhau như anh chị em! Mặt khác, thật đáng buồn khi họ tranh giành quyền thừa kế – tôi đã thấy rất nhiều trường hợp và thật đáng buồn – và họ đang đánh nhau và có lẽ họ đã không nói chuyện với nhau trong nhiều năm! Thông điệp của cha mẹ, di sản quý giá nhất của họ, không phải là tiền. Đó là tình yêu mà họ trao cho con cái mình tất cả những gì họ có, giống như Thiên Chúa làm với chúng ta, và bằng cách này, các ngài dạy chúng ta yêu thương.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có mối quan hệ như thế nào với của cải vật chất? Tôi có phải là nô lệ của chúng hay tôi sử dụng chúng một cách thoải mái như những công cụ để cho và nhận tình yêu? Tôi có thể nói lời “cảm ơn” với Thiên Chúa và anh chị em vì những hồng ân tôi đã nhận được không? Và tôi có biết cách chia sẻ chúng với người khác không?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Chúa Giêsu, dạy chúng ta biết biến mọi sự thành khí cụ của tình yêu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh Chị Em thân mến!

Thứ Sáu tuần trước tại Bkerke, Li Băng, Thượng phụ Estephan El Douaihy đã được phong chân phước. Ngài đã lãnh đạo Giáo hội Maronite bằng sự khôn ngoan từ năm 1670 đến năm 1704 trong thời kỳ khó khăn cũng được đánh dấu bằng sự đàn áp. Là một thầy dạy đức tin và một mục tử chu đáo, ngài là chứng nhân của niềm hy vọng luôn gần gũi với mọi người. Ngay cả ngày nay, người dân Li Băng cũng phải chịu đau khổ rất nhiều! Đặc biệt, tôi nghĩ đến gia đình các nạn nhân vụ nổ ở cảng Beirut. Tôi hy vọng rằng công lý và sự thật sẽ sớm được thực hiện. Xin vị tân Chân phước nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng của Giáo hội tại Li Băng, và chuyển cầu cho đất nước thân yêu này. Chúng ta hãy hoan hô vị Chân phước mới!

Tôi hết sức quan tâm theo dõi những gì đang diễn ra ở Trung Đông và tôi hy vọng rằng cuộc xung đột, vốn đã đẫm máu và bạo lực khủng khiếp, sẽ không lan rộng hơn nữa. Tôi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân, đặc biệt là những trẻ em vô tội, và bày tỏ sự cảm thông của tôi với cộng đồng Druze ở Thánh địa và người dân ở Palestine, Israel và Li Băng. Chúng ta đừng quên Miến Điện. Chúng ta hãy can đảm nối lại đối thoại để có lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và trên mọi mặt trận, các con tin được giải thoát và người dân được giúp đỡ bằng viện trợ nhân đạo. Các cuộc tấn công, kể cả những cuộc tấn công có chủ đích và giết chóc không bao giờ có thể là giải pháp. Chúng không giúp bước đi trên con đường công lý, con đường hòa bình, mà còn tạo ra thêm hận thù và trả thù. Đủ rồi các anh chị em! Đủ rồi! Đừng bóp nghẹt lời của Thiên Chúa Hoà Bình, nhưng hãy để nó là tương lai của Thánh Địa, Trung Đông và toàn thế giới! Chiến tranh là một thất bại!

Tôi cũng quan ngại không kém về Venezuela, quốc gia đang trải qua tình thế nguy cấp. Tôi chân thành kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm sự thật, kiềm chế, tránh bất kỳ hình thức bạo lực nào, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, đặt lợi ích thực sự của người dân chứ không phải lợi ích phe phái. Chúng ta hãy phó thác đất nước này cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Coromoto, người được người dân Venezuela rất yêu mến và tôn kính, cũng như lời cầu nguyện của Chân phước José Gregorio Hernandez, vị chứng nhân hiệp nhất tất cả chúng ta.

Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Ấn Độ, đặc biệt là Kerala, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa xối xả, gây ra nhiều vụ lở đất, khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người phải di dời và thiệt hại nặng nề. Tôi mời gọi các bạn cùng tôi cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa tàn khốc như vậy.

Hôm nay, lễ nhớ Thánh Cha xứ Ars, một số quốc gia cử hành “lễ linh mục quản xứ”. Tôi bày tỏ sự gần gũi cũng như lòng biết ơn của tôi đối với tất cả các linh mục quản xứ, những người với lòng nhiệt thành và quảng đại, đôi khi giữa bao đau khổ, đã hiến thân vì Thiên Chúa và dân chúng. Chúng ta hãy hoan hô các linh mục giáo xứ của chúng ta!

Tôi chào anh chị em, người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm đến từ Cộng hòa Tiệp, các bạn đồng hành của Thánh Ursula, các tín hữu từ Chiusa Sclafani và Siderno, các bạn trẻ đến từ San Vito dei Normanni, các bạn trẻ đến từ vùng San Vito dei Normanni. Giáo xứ Sacro Cuore ở Padua và những người đi xe đạp từ Sambuceto. Tôi vui mừng gửi lời chào đến những người tham gia Đại hội Giới trẻ Bồ Đào Nha lần thứ nhất được tổ chức tại Fatima. Các bạn trẻ thân mến, tôi thấy rằng kinh nghiệm đầy nhiệt huyết năm ngoái ở Lisbon vẫn tiếp tục đơm hoa kết trái. Tạ ơn thần! Tôi cầu nguyện cho các bạn và xin hãy cầu nguyện cho tôi tại Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra.

Tôi chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.