Ngày 06-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 06/08/2008
SAU KHI CHẾT MỚI LÊN THIÊN ĐÀNG

N2T


Cha sở đi vào phòng tiệc, mắt nhìn các tín hữu của giáo xứ đều ở bên trong thì rất phẩn nộ. Bèn tập họp họ lại, ngài đi đầu trở dẫn họ trở về nhà thờ, và nghiêm túc tuyên bố:

- “Phàm là ai muốn lên thiên đàng thì đứng phía bên trái.”

Mọi người đều bước qua, chỉ có một người đứng bất động, cha sở trương mắt nhìn ông ta nói:

- “Ông không muốn lên thiên đàng à ?”

- “Không muốn.”

- Ông đứng ở đây, tức là nói với tôi là ông chết không muốn lên thiên đàng ?”

- “Sau khi chết thì đương nhiên lên thiên đàng, con nghĩ rằng bây giờ các cha nên chết đi là vừa !”


(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Mục đích sống ở đời này của người Ki-tô hữu là nên thánh, tức là được lên thiên đàng sau khi từ giả cõi đời tạm này. Nhưng nên thánh không có nghĩa là không đi dự tiệc cười chung vui với người khác, nên thánh cũng không có nghĩa là ngày ngày quỳ trong nhà thờ đọc kinh cầu nguyện mà quên mất bổn phận của mình với tha nhân là sống bác ái.

Ông cha sở chỉ biết kính Chúa để lên thiên đàng chứ không biết đến chia sẻ niềm vui với tha nhân, có lẽ ngài là người tu hành nhiệm nhặt nên không biết gì đến chia sẻ với người khác, nên giận dữ khi thấy giáo dân của mình trong phòng tiệc !

Chết rồi thì chưa chắc một mạch là lên thiên đàng, còn có luyện ngục và hỏa ngục. Ai cũng muốn sau khi chết là được lên thiên đàng, nhưng nếu bây giờ không chuẩn bị cho mình cuộc sống tốt lành với nhiều ơn Chúa ban, không chịu đi lễ nhà thờ, đón nhận các bí tích, làm việc lành, cả ngày chỉ biết nhậu nhẹt sống trong tội, thì làm sao lên thiên đàng được chứ ?

Chúng ta đã chuẩn bị tốt một con đường đi về phía trước, nhưng vẫn cứ là thắng xe bị trục trặc nên không chạy được...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 06/08/2008
N2T


31. Thiên Chúa muốn người thế gian phải cùng nhau cầu nguyện để chuyển thông ân điển từ trời cao.

(Thánh Teresa of Lisieux)
 
Nhận ra Chúa trong những cơn Giông Tố Cuộc Đời
Phaolô Phạm Xuân Khôi
20:18 06/08/2008
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm A

Các bài đọc Chúa Nhật tuần này có một điểm giống nhau là nói về thái độ khác nhau của những người tin vào Thiên Chúa khi gặp Ngài trong những cơn giông tố của cuộc đời.

Đời tôi là một cuộc hành trình tiến về quê trời. Trong cuộc hành trình ấy, tôi đã, đang và sẽ gặp rất nhiều gian nan thử thách. Như ngôn sứ Êlida phải đương đầu với Hoàng Hậu Giadêbel và phải chạy trốn vào hang núi, tôi cũng bị người ta tẩy chay vì muốn làm theo lời Chúa dạy, và đôi khi cũng muốn chạy trốn. Như dân Do Thái bị dày xéo dưới ách nô lệ ngoại bang và mong chờ Đấng Mêsia đến cứu, thì tôi cũng có những tật xấu không tài nào bỏ được, cũng có những hoàn cảnh éo le vô phương cứu chữa, cần Chúa giúp đỡ. Như các môn đệ vật lộn với sóng gió trên Biển Hồ mà không biết sao chèo chống mặc dù họ là những ngư phủ nhà nghề, đời tôi cũng gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác mà không biết sao giải quyết! Và trong cả ba trường hợp, Thiên Chúa đều hiện đến để cứu giúp. Phản ứng của ngôn sứ Êlida, của dân Do Thái và của các môn đệ là bài học cho tôi hôm nay.

1) Ngôn sứ Êlida nhận ra Thiên Chúa trong tiếng gió hiu hiu, thay vì trong cơn bão xé non nghiền đá, thay vì trong cơn động đất kinh hoàng. Ngôn sứ Êlida đã dễ dàng nhận ra Chúa trong cơn gió nhẹ hiu hiu và đã tiến ra cửa hang đá để đón Ngài vì suốt đời ông đã luôn lắng nghe Lời Chúa và làm theo huấn lệnh của Ngài.

2) Dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn thành dân riêng và luôn cứu giúp. Họ hãnh diện vì họ “được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa” (Rom 9:4) như Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai. Ngay cả các tổ phụ đức tin của chúng ta cũng là của họ. Và chính Đấng Mêsia, là Đức Kitô, cũng là dân của họ, có cùng một giòng máu và màu da như họ. Thế mà khi Ngài đến trong lúc họ đang nôn nóng mong chờ Ngài, họ đã không nhận ra Ngài, dù Ngài đã làm bao nhiêu phép lạ như hóa bánh ra nhiều được kể trong bài Tin Mừng tuần qua. Sở dĩ họ đã không nhận ra Ngài vì họ muốn có một Đấng Mêsia theo ý họ chứ không theo ý Chúa. Họ nuôi trong lòng một hình ảnh một Đấng Mêsia sẽ đưa đến cho họ một thứ vinh quang và uy quyền trần thế; một Đấng Mêsia có đoàn quân hùng mạnh như những cơn giông bão xé non nghền đá, như những cơn động đất chuyển núi rời non; một Đấng Mêsia sẽ cho họ bá chủ hoàn cầu đến muôn đời. Chính vì quan niệm như thế nên họ đã không nhận ra Ngài trong hình dạng một bậc thiền sư “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29), trong hình dạng một người “cùng bàn với bọn thu thuế và phường tội lỗi?” (Mt 9:11; Lc 5:30), và cuối cùng là một tử tội bị chết treo trên Thập Giá.

3) Còn các môn đệ trong lúc đang vật lộn với cơn sóng gió Biển Hồ cũng đã không nhận ra Chúa. Tuy tin vào Chúa, nhưng các ông vẫn dựa vào sức mình mà vật lộn với ba đào. Khi Chúa đến cứu thì các ông đã tưởng là “ma”. Không chỉ lần này, mà cả lần sau khi Ngài sống lại hiện ra với các ông, các ông cũng “tưởng là ma” (x. Lc 24:37). Sở dĩ các ông có thái độ ấy vì lòng tin của các ông còn quá yếu.

Chúa nhiều lần xuất hiện trong đời tôi dưới những khuôn mặt tầm thường mà tôi cũng không biết và không nhận ra. Tôi thường tìm Chúa trong những hình ảnh do mình dựng nên, theo những quan niệm mà tôi đã có sẵn về Ngài, nên khi Ngài xuất hiện cách khác tôi không tài nào nhận ra được. Ngài hiện diện hằng ngày nơi những người chung quanh tôi, nơi vợ con và bạn bè tôi mà tôi không biết. Ngài đã xuất hiện như một em bé bất lực trong lòng Mẹ Maria. Và ngày nay Ngài vẫn đang xuất hiện như những trẻ em còn trong bụng mẹ đang cần tôi bênh vực vì người ta đang nhẫn tâm giết chết cả mấy chục triệu em mỗi năm, mà không một mảy may thương xót. Ngài đang hiện thân nơi những người nghèo hèn bệnh tật đang cần tôi giúp đỡ. Sở dĩ tôi không nhận ra Ngài vì tôi đang coi thường những người yếu thế trong xã hội, đang đi tìm một Đấng Mêsia thế tục là tiền tài, danh vọng và thỏa mãn cá nhân, chứ không phải đi tìm một Thiên Chúa nhân từ trong ngọn gió hiu hiu. Ngài xuất hiện trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể để ở cùng tôi “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20), mà một tuần tôi đến được với Ngài mấy lần? Và nhiều khi tôi đến vì bất đắc dĩ, thân xác thì ở đó mà lòng trí thì vẫn lo toan tính sự đời. Ngài ở trong Thánh Kinh mà tôi để trong tủ cả năm không một lần đụng đến!

Nhiều khi trong những cơn giông tố cuộc cuộc đời, trong những đau khổ thất vọng ê chề, trong khi vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống, Chúa cũng đã sai nhiều người đến để giúp đỡ, nhưng vì tôi không ưa họ hoặc vì nghe thấy họ nói những lời chói tai, nên tôi cũng tưởng họ là “ma” mà không tin họ. Ngài cũng xuất hiện trong Thánh Kinh, trong các sách đạo đức và những lời giảng dậy mà tôi đọc hay nghe thấy mỗi ngày, nhưng tôi đã coi thường. Ngài còn xuất hiện trong nhiều biến cố của đời tôi, nhưng tôi không biết hoặc không muốn biết.

Đôi khi tôi cũng tin vào Ngài và thử nghe lời Ngài, bước ra khỏi thuyền để đi bộ trên nước như Thánh Phêrô. Nhưng thường thì tôi chưa làm đã mong thấy thành công. Giống như Thánh Phêrô, thay vì nhìn lên Chúa để đi về phía Người, tôi đã nhìn xuống mặt biển và hãnh diện rằng rằng mình đang đi trên nước. Mới thấy mình thành công một tí đã tự hào là mình tài giỏi, mà quên rằng tất cả những gì tốt tôi làm được là do hồng ân Chúa ban. Chính vì thế chỉ gặp một chút thử thách là tôi đã chán nản bỏ cuộc, như Thánh Phêrô vì thấy sóng gió mà mất niềm tin nên đã bị chìm.

Lạy Chúa, đời con có quá nhiều giông tố như con thuyền đang vất vả với ba đào nơi biển cả. Xin cho con biết vững tin chèo lái vì biết rằng lúc nào Chúa cũng ở bên con. Xin cho con biết luôn hướng tâm về Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời để quân thù không làm hại được con. Xin cho con biết kêu cầu cùng Chúa khi gặp hiểm nguy: "Lạy Chúa, xin cứu con!" Amen.
 
Một điểm tựa duy nhất trên cõi đời
LM Inhaxiô Trần Ngà
22:34 06/08/2008
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN (Mt 14, 22-33)

Một điểm tựa duy nhất trên cõi đời

Đang chèo thuyền giữa khơi trong bóng đêm dày đặc, các môn đệ bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên sóng nước. Mọi người hốt hoảng la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giê-su. Ngài trấn an họ: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”. Biết vậy, Phê-rô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Ngài”.

Được Chúa chấp thuận, Phê-rô bước ra khỏi thuyền, bước chân chao đảo trên sóng nước như người say. Thế rồi một cơn gió mạnh thổi đến, nước xô ập vào người làm Phê-rô chới với. Ông hoảng hốt la lên: “Lạy Thầy, xin mau cứu con!”.

Lập tức, Chúa Giê-su nắm lấy tay Phê-rô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự. Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phê-rô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh, hỗn độn. Mới đây còn đang vui đùa, nhảy múa reo cười… đùng một cái, bỗng hoá ra người thiên cổ! Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như một giấc chiêm bao!

Cuộc đời đầy dẫy tai ương

Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy... đã gây ra tổn thất khủng khiếp về nhân mạng cũng như về tài sản.

Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố, đàn áp, bóc lột, bệnh tật, đói nghèo...

Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống? Biết dựa vào sức mạnh nào để đương đầu?

Chẳng có chi vững bền

Trên cõi đời nầy, tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?

Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật và chết chóc.

Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.

Chẳng có gì kiên cố

Toà tháp đôi ở Newyork cao đến 110 tầng (417- 425 mét) đứng uy nghi sừng sững giữa trời, vượt hẳn lên các công trình kiến trúc hoành tráng chung quanh, ngạo nghễ thách thức với cả những cơn địa chấn mạnh nhất, nằm ở trung tâm một đất nước phồn vinh và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng có ai ngờ: nó đã bị tấn công, bị bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ tan tành trước sự kinh hoàng của hàng tỉ người trên thế giới, chôn vùi ngót năm ngàn nạn nhân dưới khối bê tông khổng lồ của nó trong một biến cố gây chấn động thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Mọi thứ đều bấp bênh

Hành trình của con người trên dương gian không khác chi hành trình của Phê-rô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền.

“Ôi nhân sinh là thế: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Khuyết danh)

Biết nương tựa vào đâu

Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.

Cần phải có một “quyền lực” nào đó ở bên trên, ở một bờ bến vững vàng, mới có thể cứu vớt những ai đang chìm đắm trong biển đời chao đảo. Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giê-su

Duy chỉ có bàn tay Chúa Giê-su mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.

Bàn tay Chúa Giê-su đã đẩy lùi bệnh tật ra khỏi kiếp người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên “những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành” (Lc 4, 40)

Bàn tay Chúa Giê-su trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng. (Mt 9,29. 20, 34))

Bàn tay Chúa Giê-su đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: nắm lấy bàn tay bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em. (Mt 9,24)

Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phê-rô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong thuyền bình an vô sự. (Mt 14, 31)

Lạy Chúa Giê-su,

Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.

Bàn tay Chúa vẫn đưa ra và sẵn sàng nắm lấy bàn tay yếu đuối của con người đắm chìm giữa biển đời tối đen đầy sóng gió, nhưng tiếc thay, người đời không chịu để cho Chúa nắm lấy tay mình.

Chúa yêu mến con người và sẵn sàng cứu vớt họ, nhưng đồng thời Chúa cũng luôn tôn trọng tự do của họ.

Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.

Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Năm cám dỗ với ''Sự Sống Con Người''
Vũ Văn An
02:52 06/08/2008
Năm cám dỗ với “Sự Sống Con Người”

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ban hành thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae), một thông điệp được Đức Cha Angel Lagdameo, Tổng giám mục Manila, đánh giá là gây tranh cãi nhưng có tính tiên tri, Đức Hồng Y James Francis Stafford, đứng đầu Tông Tòa Ân Giải, có viết một bài tựa là Năm Cám Dỗ, 1968 (The Year of the Peirasmòs – 1968) được Hãng Thông Tấn Catholic News Agency phổ biến.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha. Peirasmòs, chữ Hy Lạp dùng trong câu này để chỉ “cám dỗ”, có nghĩa là thử thách hay thử nghiệm. Các môn đệ xin Chúa che chở mình chống lại cơn thử nghiệm lớn lao do các lực lượng phản Chúa phát động. Cơn thử thách này có liên hệ tới chén đắng của Chúa Giêsu trong vườn Diệtsimani, cùng một chén đắng các môn đệ sau này sẽ uống (Mc 10:35-45). Khía cạnh đen tối bên trong chén đắng ấy là vực thẳm. Nó cho thấy hậu quả khủng khiếp của án phạt mà Thiên Chúa vốn dành cho nhân loại tội lỗi. Tháng Tám năm 1968, sức nặng do cơn thử thách của phúc âm mang tới đã đè nặng lên rất nhiều linh mục, kể cả cá nhân tôi.

Đó là năm có cuộc chiến tồi tệ, năm người ta dùng sự ngây thơ phức tạp mà thánh hóa việc đổ máu người. Paul Johnson, nhà sử học Anh, gọi 1968 là năm “Nước Mỹ Toan Tính Tự Sát”. Năm ấy, xẩy ra vụ Tấn Công Tết (Mậu Thân) tại Việt Nam gây ra nhiều hiệu quả giống như sóng thần trong đời sống và nền chính trị Mỹ, vụ ám sát Tiến Sĩ Martin Luther King Jr. ở Memphis, Tennessee. Ngoài ra, còn những vụ lộn xộn xẩy ra ở nhiều thành phố Mỹ vào dịp cuối tuần Chúa Nhật Lễ Lá; vụ ám sát Thượng Nghị Sĩ Robert F. Kennedy vào tháng Sáu tại miền nam California. Năm ấy cũng là năm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố thông điệp về việc truyền sinh nhân bản, Sự Sống Con Người (SSCN). Ngài gặp sự chống đối ngay tức khắc, đầy tiên kiến và vô tiền khóang hậu từ nhiều nhà thần học và mục tử Mỹ. Nhìn từ khía cạnh nào, năm 1968 vẫn là một chén đắng.

Đức Hồng Y J.F. Stafford
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ban hành SSCN, tôi được yêu cầu suy tư về một biến cố trong năm ấy, tức việc một số linh mục và thần học gia tại một Tổng Giáo Phận Mỹ bất đồng về phương diện học lý nhân dịp thông điệp kia được công bố. Trách vụ này chẳng dễ và đáng hoan nghênh bao nhiêu. Nhưng vì hy vọng rằng nó có thể giúp một số môn đệ Chúa Giêsu sống được điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là một cuộc sống nhiều “kỷ luật” hơn (SSCN 21), tôi sẽ cố gắng thăm dò biến cố ấy.

Hè 1968 đạt kỷ lục là mùa nóng nhất của Chúa. Người ta không quên được các hoài niệm về nó, vì chúng quả làm họ đau. Các hoài niệm ấy tiếp tục sống động y như cơn lốc xoáy trên các đồng bằng Colorado. Chúng chứa chấp cơn gió lốc mà tâm điểm chính là cơn thịnh nộ của Chúa. Năm 1968, một điều khủng khiếp quả đã xẩy đến trong lòng Giáo Hội. Bên trong hàng ngũ linh mục thừa tác, các đứt đoạn đổ vỡ phát triển khắp nơi, giữa bạn bè với nhau, không hòng hàn gắn. Và các vết thương ấy tiếp tục ảnh hưởng tới toàn bộ Giáo Hội. Cơn biến bất đồng cùng với việc các lãnh tụ lèo lái cơn giận do nó lên men quả đã trở thành cơn thử thách vô chừng. Nó thay đổi mọi liên hệ căn bản trong lòng Giáo Hội. Đối với nhiều người, nó quả là một Peirasmòs.

Tưởng cần phải trình bầy một số tư liệu nền. Đức Hồng Y Lawrence J. Shehan, Tổng giám mục thứ sáu của Baltimore, lúc ấy là bề trên giáo quyền của tôi. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cử nhiệm ngài cùng với nhiều vị khác làm thành viên phụ trội cho Hội Đồng Giáo Hoàng Nghiên Cứu Các Vấn Đề Gia Đình, Dân Số và Sinh Xuất, do chính Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII lập đầu tiên vào năm 1963 giữa lúc có Công Đồng Vatican II. Trước năm 1968, từ Rome, đã có nhiều tranh luận và đình hoãn cũng như các phúc trình không có thẩm quyền rồi. Hội Đồng nới rộng được yêu cầu trình các khuyến cáo về các vấn đề ấy lên Đức Giáo Hoàng. Để soạn thảo các tham luận, Đức Hồng Y gửi nhiều thư kín cho một số nhân vật thuộc Giáo Hội Baltimore để hỏi ý kiến. Tôi cũng nhận được những lá thư như thế. Câu trả lời của tôi dựa nhiều vào kinh nghiệm, cả kinh nghiệm bản thân lẫn kinh nghiệm mục vụ. Gia đình và giáo dục đã cho tôi cái hiểu về tính dục. Óc tưởng tượng hết sức Công Giáo của gia đình tôi, của bạn bè và thầy cô tôi đã giúp tôi có thái độ cởi mở đối với thực tại này; lòng tôi đầy thán phục trước huyền nhiệm của nó. Tôi không cần đến các lý lẽ thần học cũng đủ xác tín sự nối kết chặt chẽ giữa hành vi tính dục và sự sống mới. Chân lý ấy được tôi chấp nhận lúc đang học các lớp giữa của ban tiểu học tại Giáo xứ Thánh Giuse thuộc Tu Viện Passionist ở Baltimore. Ngay đầu thời niên thiếu, cha tôi đã dẫn nhập tôi vào ý nghĩa đầy đủ của tính dục nhân bản và nhu cầu cần có kỷ luật. Việc can thiệp của người mở đường cho tôi vượt qua các mê cung trận của tuổi thiếu niên ấy.

Nhờ gia đình, trường học và giáo xứ, tôi kết thân với nhiều thiếu nữ. Tôi hẹn hò với một vài người trong số ấy một cách thường xuyên. Tôi khâm phục nét đẹp của họ. Đức can đảm của Thánh Maria Goretti, được phong hiển thánh năm 1950, gây ấn tượng mạnh đối với thế hệ của tôi như một cơn bão núi cực mạnh. Cuối thời niên thiếu, tôi hiểu rõ hơn tình bạn với các thiếu nữ phức tạp ra sao. Họ đi vào thời thanh xuân của đời tôi như nhịp điệu liên hợp của một bài thơ. Tôi ngạc nhiên khám phá ra: niềm vui kết thân với họ luôn được phong phú hóa nhờ cầu nguyện, nết na và các Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể.

Sau này, việc giáo dục và đào luyện trong các chủng viện đã được xây dựng trên các cảm nghiệm trên. Trong một lá thư gửi bạn năm 1953, Flannery O’Connor miêu tả ý nghĩa nhân đức trong sạch cho nhiều người Công Giáo thời ấy như sau: “Ngày nay, coi Chúa Kitô là Thiên Chúa và là người có lẽ không khó khăn như trước đây nữa…Đối với bạn, rất có thể khó mà chấp nhận được điều bạn gọi là việc đình chỉ các luật của xác thịt và vật lý, nhưng phần tôi, tôi nghĩ khi tôi biết rõ luật xác thịt và vật lý thực sự là gì, tôi sẽ biết rõ Chúa là ai. Ta biết các luật ấy theo điều ta thấy về chúng, chứ không theo điều Chúa thấy về chúng. Đối với tôi, chính việc sinh hạ mà vẫn còn đồng trinh, chính sự Nhập Thể, sự sống lại mới là các định luật đích thực của xác thịt và vật lý. Còn chết, hư thối, tiêu hủy là việc đình chỉ các luật ấy. Tôi luôn ngạc nhiên trước việc Giáo hội nhấn mạnh tới thân xác. Giáo hội không nói linh hồn sẽ sống lại vinh hiển, mà là thân xác. Tôi luôn nghĩ rằng trong sạch là nhân đức mầu nhiệm hơn cả, nhưng đối với tôi nó sẽ không bao giờ lọt được vào ý thức người ta nếu họ không mong đợi việc phục sinh của thân xác, lúc xác thịt và thần trí kết hiệp với nhau trong bình an, theo cách thế chúng hiện diện nơi Chúa Kitô. Việc phục sinh của Chúa Kitô rõ ràng là cao điểm trong luật tự nhiên”. Thần học của O’Connor với đặc điểm hết sức cánh chung của nó đã dọn đường cho giáo huấn của Công Đồng Vatican II, “Sự thật là chỉ ở trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm con người mới được soi sáng” (Vui Mừng và Hy Vọng, số 22). Trong những năm ấy, tôi chưa sử dụng được các ngôn từ minh nhiên của Công Đồng để giải thích quan điểm của tôi về tính dục và việc sử dụng nó. Một khi đã khám phá ra các ngôn từ ấy, thì tính dục đã trở thành người chị em thiêng liêng.

Tám năm trong thừa tác vụ linh mục, từ 1958 tới 1966, ở Washington và Baltimore, đã mở rộng kinh nghiệm của tôi. Không cần nhiều thời gian lắm, tôi cũng khám phá ra các thay đổi trong thái độ của người Mỹ đối với nhân đức trong sạch. Cả hai thành phố này đều kinh qua những gia tăng đáng kể về con số các vụ thai nghén ngoài hôn nhân. Tỷ lệ tại các khu nội thành Baltimore vào khoảng 18% trong năm 1966 và trong mấy năm sau, còn gia tăng hơn nữa. Trong hai năm 1965-1966, Hội Đồng Y Tế và Phúc Lợi của Đô Thị Baltimore thực hiện một cuộc nghiên cứu để cố vấn cho nhà cầm quyền thành phố cách giải quyết vấn đề. Lúc đó, các thành viên Giám Đốc của Hội Đồng, trong đó có tôi, đặt hết niềm tin không phê phán vào các chuyên viên và các cuộc nghiên cứu xã hội. Ngay chính Công Đồng Vatican II cũng phát biểu niềm tin không hạn chế vào vai trò của các chuyên viên tốt lành ấy (Vui mừng và Hy vọng, số 57). Không một nhà chuyên nghiệp quen biết nào dự ứng được cơn khủng hoảng niềm tin đang lấp ló ngay trong các mối liên hệ giữa đàn ông và đàn bà. Cái nhìn của chúng tôi không thiết lập ra được các điều kiện công bình và trong sạch cho tâm hồn để việc thán phục và đánh giá có thể đóng được vai trò của chúng. Chúng tôi quả đã lỗi thời và không còn hy vọng gì nữa. Chúng tôi đã làm ngơ cấu trúc cuả cuộc đời. Ngay lúc ấy, đã có nhiều dấu chỉ cho thấy các thảm họa đang đe dọa trẻ thơ, cả những em đã sinh ra và những em chưa sinh ra. Trong tư cách một nhân viên phụ trách các ca đặc biệt (caseworker) và tư cách một linh mục suốt thập niện 1960, một phần thừa tác vụ của tôi là huấn đạo các gia đình và cha mẹ đơn lẻ ở nội thành. Lần đầu tôi biết được có giáo dân sử dụng ma túy là năm 1961. Một thiếu niên 16 tuổi đã bị giam tại nhà tù ở Quận Anne Arundel thuộc Maryland. Lúc chiều tối khi tôi đến thăm, thì cậu bé đang bị ma túy hành mà không ai ở đó để săn sóc cậu, một mình cậu cô đơn trong xà lim nhỏ xíu. Tiếng la của cậu dội hết dẫy hành lang và các xà lim kế cận. Qua những chấn song sắt phân cách, tôi hoảng hốt nhìn cậu vật vã trong cơn hành hạ. Hố thẳm cậu đang nhìn vào quả là khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi. Trong cơn co quắp đến hấp hối trên sàn nhà gần cầu xí công cộng của tuổi trẻ ghiền ma túy ấy, tôi nhìn ra hoa trái đắng đót của việc ra xa lạ giữa người đàn ông và người đàn bà. Mẹ cậu, sau khi ly dị với chồng, lúc đó sống với các con trong một căn ‘flat’ lầu ba, nóng như lửa, ở Đường Light, trong khu Nam Baltimore củ rích. Người cha không hề thấy mặt. Sự thất bại của người đàn ông trong vai trò làm cha và làm chồng được trải dài ra trước mắt và tai tôi. Từ ngày đó, càng ngày càng có nhiều người đàn ông khước từ trách nhiệm đối với tính dục của họ.

Trong một thư kín để trả lời yêu cầu của ngài, tôi chia sẻ một cách tổng quát các quan tâm trên. Ý kiến của tôi với Đức Hồng Y Shehan rất thực tiễn và đặc thù. Tôi trình bầy một cách lạnh lùng điều tôi cảm nhận được và điều Giáo Hội và xã hội lúc ấy đang làm. Tôi tìm được ý niệm hết sức tỉnh lược (elliptical): phải để tình yêu đơm hoa kết trái. Hai định điểm ấy phải được coi là hằng số. Ý niệm đơn giản này soi sáng mọi điều như tia chớp trong cơn giông. Tôi viết một cách trịnh trọng hơn cho Đức Hồng Y: không thể tách biệt hai ý nghĩa kết hiệp và phụ tạo (procreative) của hôn nhân. Do đó, cố ý loại bỏ đặc tính truyền sinh ra khỏi hành vi phu phụ là một điều xấu nội tại. Khuyến khích hay chấp nhận một lạm dụng như thế sẽ dẫn tới việc làm lu mờ tình phụ tử và bất kính đối với phụ nữ. Kể từ đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho chúng ta nhiều cái nhìn sáng suốt có tính bổ túc và tuyệt diệu về ý nghĩa phu phụ của thân xác con người. Nhiều thập niên sau, tôi đã đọc được một câu nói tương tự của Meister Eckhart: “Lòng biết ơn đối với món quà nhận được chỉ có thể biểu lộ khi để nó đơm hoa kết trái”.

Ít lâu sau, Hội Đồng Giáo Hoàng trình các khuyến cáo lên Đức Giáo Hoàng. Đa số nêu ý kiến: nên thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về việc ngừa thai vì hoàn cảnh nay đã khác. Đức Hồng Y Shehan cũng thuộc đa số ấy. Ngay trước khi ký và công bố thông điệp, lá phiếu của ngài đã bị tiết lộ cho công chúng dù không do sáng kiến của ngài. Như chúng ta biết, Đức Giáo Hoàng đã quyết định cách khác. Quyết định ấy đã dọn sẵn sân khấu cho một bi kịch đầy bi thảm xẩy ra ngay sau ngày công bố thông điệp tức ngày 29 tháng Bẩy năm 1968. Trong hồi ký của mình, Đức Hồng Y Shehan miêu tả phản ứng tức khắc của một số linh mục ở Washington đối với thông điệp: “Sau khi nhận được các tin tức đầu tiên về việc công bố thông điệp, Cha Charles E. Curran, giáo sư thần học luân lý tại Trường Đại Học America, từ Miền Tây, nơi ngài đang cư ngụ, bay về Washington. Vào buổi tối cùng ngày, do sắp xếp trước, ngài đã họp với 9 giáo sư thần học khác của Đại Học Công Giáo tại Caldwell Hall để thâu nhận, cũng do sắp xếp trước với tờ Washington Post, từng phần từng phần của thông điệp khi chúng vừa được các báo chí in tải. Câu truyện sau đó cho thấy khoảng 9 giờ đêm hôm ấy, họ nhận được trọn bộ thông điệp, đọc nó, phân tích nó, chỉ trích nó và soạn thảo ‘Tuyên Bố Bất Đồng’ dài 600 chữ của họ. Rồi họ khởi sự hàng loạt dài những cuộc điện đàm của họ với các nhà thần học Miền Đông, mà theo tờ Washington Post, kéo dài tới tận 3 giờ 30 sáng, để xin phép điền tên những vị này vào danh sách những người chấp thuận (ký nhận là chữ đã được dùng) bản tuyên bố, mặc dù những người họ điện đàm với không có dịp được đọc cả bản thông điệp lẫn bản tuyên bố của họ. Trong khi ấy, nhờ một hệ thống truyền hình địa phương, họ đã sắp xếp để bản tuyên bố của họ được phát hình ngay đêm hôm đó”... Năm 1982, Đức Hồng Y viết: “Điều đầu tiên ta cần ghi nhận về toàn bộ sự việc này là: như tôi có thể nhận thức, chưa bao giờ trong lịch sử có ghi chép của Giáo Hội lại có việc người ta tiếp nhận một công bố long trọng của Đức Giáo Hoàng cách đầy bất kính và khinh mạn trong bất cứ nhóm Công Giáo nào như thế”.

Cơn Peirasmòs, cơn thử thách có tính bản thân bắt đầu từ đấy. Tại Baltimore, vào đầu tháng Tám năm 1968, ít ngày sau khi thông điệp được công bố, tôi nhận được lời mời qua điện thoại của một cha phụ tá mới chịu chức, đến tham dự một cuộc gặp mặt các linh mục tại nhà xứ giáo xứ Thánh William thành York thuộc tây nam Baltimore, để thảo luận về thông điệp. Cuộc gặp mặt dự trù tổ chức vào tối Chúa Nhật, mồng 4 tháng Tám. Tôi đồng ý đến dự. Cuối cùng, rất đông các linh mục đã gặp nhau tại tầng hầm nhà xứ. Tôi biết mặt hết mọi người.

Lúc chạng vạng tối, trời tuy trong nhưng nóng và ẩm thấp. Khu tầng hầm chật cứng người. Chúng tôi ngồi trên những hàng ghế dài và ghế dựa và được một cha xứ giáo phận ở nội thành hướng dẫn, ngài rất nổi tiếng trong các công tác phụng vụ và liên hệ sắc tộc. Cũng có cả một số linh mục Xuân Bích thuộc Chủng Viện Thánh Maria ở Baltimore đến giúp ngài trong việc điều hợp cuộc họp. Tôi không còn nhớ con số chính xác về họ.

Lòng hoài mong của tôi về cuộc họp tỏ ra không thực tiễn. Tôi hy vọng đến đó hội họp để tiếp nhận thông điệp rồi thảo luận. Nhưng tôi thật lầm. Cả hai điều ấy đều không xẩy ra.

Sau khi chào mừng chúng tôi và giới thiệu ban lãnh đạo, vị cha xứ nội thành đi thẳng vào trọng điểm. Ngài mong chúng tôi ký tên vào bản “Tuyên Bố Bất Đồng” đã được phổ biến trên tờ Washington Post. Pha lẫn lòng say mê với tính hài hước, ngài giải thích các lý do. Các lý do này đi từ việc duy trì khả tín tính cho Giáo Hội giữa hàng ngũ giáo dân tới nhu cầu phải dành ‘mềm dẻo’ cho các cặp vợ chồng để họ đào luyện lương tâm của họ đối với việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Trước khi chúng tôi tới, các vị triệu tập cuộc họp quyết định rằng việc các linh mục Baltimore bác bỏ thông điệp của đức giáo hoàng phải được công bố sáng hôm sau trên tờ The Baltimore Sun, một trong các báo hàng ngày tại đó.

Bản tuyên bố trên báo Washington Post được đọc to lên. Rồi vị chỉ huy yêu cầu mỗi người chúng tôi đồng ý để tên mình vào đó. Ngài không dành một thì giờ nào để chúng tôi thảo luận, suy nghĩ, hay cầu nguyện. Mỗi linh mục hiện diện được yêu cầu đích danh nói có hay không.

Tôi không thể ký nhận được. Tôi nhớ lại bức thư trước đây tôi gửi cho Đức Hồng Y Shehan. Tôi hoàn toàn xác tín sự thật trong các phán đoán và kết luận của mình. Nhận thấy mình ngồi cuối dẫy trong căn hầm chật cứng người này, tôi để ý lắng nghe từng câu trả lời của các linh mục, hy vọng có ai ủng hộ mình chăng. Niềm hy vọng ấy không thành sự thực. Mọi người đều nhất trí ký vào bản tuyên bố. Không một ai bỏ phiếu trắng cả! Đến lời yêu cầu cuối cùng, tôi thấy mình thật cô lập. Căn hầm trở nên hết sức ngột ngạt.

Lúc ấy, màn đêm đã buông xuống. Căn phòng đầy căng thẳng. Một cái gì có tính thời đại đang xẩy ra. Rõ ràng chiến thuật của các tay lãnh tụ đã được dàn binh bố trận câẩ thận từ trước. Nó cứ thế tiến hành không gặp trở ngại chi. Kỹ năng ăn nói của họ đã đạt được hiệu quả dự liệu. Họ đã cẩn thận đặt kế hoạch làm thế nào để có thể giáng một đòn ép uổng cả về xúc cảm lẫn tri thức. Bạo lực bằng mưu mẹo khéo léo quả là điều mới mẻ trong hàng ngũ linh mục Baltimore.

Phản ứng của vị hướng dẫn đối với việc tôi từ chối không ký dĩ nhiên có thể đoán trước và hết sức khủng khiếp. Toàn bộ diễn trình trở thành một trận chiến gay go, một thử thách đáng sợ, một peirasmòs. Vị linh mục chủ tọa, dùng thứ ngôn từ khá tục tĩu từ lúc còn phục vụ Thủy quân Lục chiến thời Thế chiến II, đã đáp lễ một cách khinh miệt quyết định của tôi. Ngài nhất định buộc tôi phải thay đổi. Ngài tỏ ra hết sức giận dữ và thóa mạ tôi đủ lời. Nét bạo hành ngầm bên dưới, cái thứ bạo hành ‘anh em’ mỗi lúc một rõ nét thêm. Ngài tra vấn rồi cười nhạo sự trong sạch của tôi. Ngài đe dọa cả tương lai giáo sĩ của tôi.. Cuộc nhục mã cứ thế tiếp tục. Với một gắn bó chặt chẽ không ngờ, cuối cùng tôi đã có thể trả lời được rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng tối thiểu cũng đáng được ta đọc mới phải. Nhưng chẳng ai trong chúng ta đã đọc nó. Tôi nói tiếp: trên thực tế, tôi đã đồng ý và đã chấp nhận giáo huấn của Đức Giáo Hoàng vốn được truyền thông phúc trình rồi. Câu trả lời của tôi kéo thêm nhiều chế diễu khác… Cuối cùng, thấy tôi cương quyết không thay đổi, vị cựu lính thủy đánh bộ này đành phải kết thúc công việc bằng cách hoãn lại cuộc họp. Các nhà tổ chức sau đó soạn thảo một lời tuyên bố cho tờ báo hàng ngày vào sáng hôm sau.

Cuộc họp chấm dứt. Tôi vội thoát ra ngoài, nhẹ nhõm nhưng mất hướng. Ra đến ngoài, màn đêm hoàn toàn phủ lấy tôi. Tất cả chúng ta đang hứng chịu một điều gì rất mới trong Giáo Hội, một điều hết sức bất ngờ. Một cha xứ và một số giáo sư chủng viện đã lạm dụng tài ăn nói để phá hoại chân lý trong cộng đoàn phúc âm. Khi bị chống đối, họ lại thủ vai bạn bè của Gióp. Sự khinh mạn của họ quả là một cơn ác mộng. Trong đêm khua, hình như bàn tay mù của Chúa đang giương ra đập vào mặt tôi.

Sự bất đồng của một số giáo sư chủng viện Xuân Bích càng làm gia trọng sự mất hướng của tôi. Trong chủng viện Baltimore ngày xưa của họ, tôi từng nắm được sợi dây nối kết tự do với nội tâm tính và đức vâng lời. Dùng thước giáo hội nào để đo, đáng lý họ phải ý thức được rằng diễn trình họ ủng hộ đêm đó đã vượt quá “các quy phạm của một bất đồng hợp pháp”. Đàng này, họ tỏ ra không quan tâm chi đến sự trầm trọng của biến cố có tính thần học và mục vụ ấy. Họ thấy chẳng có chi là bất xứng trong việc đánh lộn con đen giữa việc lấy tiếng (publicity) và thần học. Họ không tỏ ra bất cứ dấu hiệu bồn chồn lo lắng chi, cả lúc đó lẫn sau này, về bản chất cưỡng ép của cuộc họp tháng Tám đó…

Trong một thời gian dài, tôi cứ tự hỏi mình hoài về ý nghĩa của biến cố trên. Nó là một tai biến khó lòng thoát được nguyên vẹn. Nhưng sự việc từ từ cũng được sáng tỏ. Sau này, Henri de Lubac cho thấy một phần ý nghĩa của nó: “Không điều gì chống đối chứng tá mạnh hơn là việc thông tục hóa. Không điều gì không giống việc tông đồ bằng việc tuyên truyền”. Còn Hannah Arendt cho ta nhiều cái nhìn trong sáng hết sức hữu ích liên quan tới cái thế thăng bằng nguy hiểm trong nền văn hoá tây phương của thế kỷ 20 giữa điều bất hạnh không thể tránh và niềm lạc quan liều lĩnh. “Ta nên khám phá ra những quy trình bí ẩn qua đó mọi yếu tố cổ truyền thuộc thế giới chính trị và tâm linh của ta đã bị hoà tan vào một khối hỗn tạp trong đó mọi sự đều mất đi giá trị đặc thù, và đã trở thành điều trí hiểu con người không nhận ra, điều vô dụng đối với mục tiêu nhân bản. Đầu hàng diễn trình hòa tan đơn thuần đó đã trở thành cơn cám dỗ không thể cưỡng lại được, không những chỉ vì nó đã tự mặc cho mình nét cao cả giả tạo của một ‘tất yếu lịch sử’, mà còn vì mọi sự bên ngoài nó đã bắt đầu trở nên hết sinh lực, hết máu huyết, vô nghĩa và không có thực”. Cái thế giới bí ẩn, từng kè kè bên các cộng đồng Kitô Giáo mà cha ông ta vốn đặt tên cho là chủ nghĩa ngộ đạo, nay lại trồi lên và cố gắng chiếm đoạt lấy chân lý của truyền thống Công Giáo.

Cùng với những nhận định của Lubac về bạo lực… và của Arendt về nền văn hóa phương tây trong thế kỷ 20… trên đây, ký ức trước đó kể từ tháng Tư năm 1968 có thể giúp ta hiểu rõ hơn về những điều sẽ xẩy ra vào tháng Tám, 1968. Thực vậy, lúc những cuộc bạo loạn năm 1968 tại Baltimore lên đến đỉnh cao, tiếp theo sau vụ tiến sĩ Martin Luther King Jr bị ám sát, tôi có điện thoại cho vị cha xứ nội thành đã điều khiển cuộc hội họp tháng Tám đã nói ở trên. Cú điện thoại đó là một trong nhiều cú điện thoại tôi thực hiện với các cha xứ nội thành trong đêm vọng Chúa Nhật Lễ Lá. Theo yêu cầu của chính quyền thành phố, tôi hỏi xem các cha xứ hoặc giáo dân của các ngài, lúc ấy đang bị vây khốn, có cần thực phẩm, săn sóc y tế hay điều gì khác hay không.

Cuộc điện đàm với ngài vào đêm tháng Tư ấy được kể là cuộc điện đàm đáng nhớ hơn cả. Trong khi điện đàm, ngài kể cho tôi nghe quang cảnh ngài nhìn thấy từ trong nhà xứ. Trong khung cửa số là cả một khu phố đang tan biến đi; giáo xứ của ngài đang trở thành một biển lửa cuồng bạo. Ngài nói: “Từ đây, tôi không thấy gì ngoài lửa đang tàn phá khắp nơi. Mọi sự đều đang bắt lửa mù trời. Cho đến giờ này, nhà thờ và nhà xứ chưa hề hấn gì”. Ngài không muốn rời chân hay di tản. Giọng nói của ngài cho thấy cả chán chường lẫn sợ hãi. Sau này, chúng tôi được hay các tòa nhà của giáo xứ được an toàn. Việc làm sáng tỏ hai biến cố bạo lực trên sẽ còn được tiếp tục trong nhiều tháng và năm sau đó. Đường đạn vòng của tháng Tư và của tháng Tám thực ra đã bất ngờ giao nhau ở một điểm. Hoài niệm về cuộc bạo động vật lý trong thành phố vào tháng Tư năm 1968 đã giúp tôi đặt tên được cho biến cố sẽ xẩy ra hồi tháng Tám cùng năm. Bất đồng trong Giáo Hội có thể trở thành cuộc bạo động thiêng liêng cả về hình thức lẫn nội dung. Một cái nhìn sâu sắc mới và gây bối rối xuất hiện. Không thể trộn lẫn giữa bạo lực và chân lý. Khi chân lý bị bất cứ hình thức phát biểu bạo lực nào tấn kích, thì hậu quả nghịch lý hết sức trầm trọng.

Tôi muốn nói gì đây? Hãy nhìn hậu quả của hai biến cố trên. Sau cuộc bạo loạn vào Chúa Nhật Lễ Lá, cuộc đối thoại dân sự ở đô thị Baltimore bị phá vỡ và chấm dứt. Nó nhường chỗ cho hận thù và đổ lỗi công khai giữa người da trắng và người da đen. Cuộc bạo động trong phiên họp của các linh mục hồi tháng Tám đã làm gia tăng tính gay gắt dữ dằn của chính nó. Các chuyện trò giữa các linh mục với nhau thẩy đều bị nhiễm vi trùng sợ sệt. Nghi ngờ lẫn nhau giữa các linh mục trở thành kinh niên. Đâu đâu cũng có sợ sệt. Và sợ sệt cứ thế kéo dài. Hàng ngũ linh mục của Tổng Giáo Phận mất đi điều gì đó đã trở thành toàn bộ thân ái mà các linh mục Baltimore từng biết trong nhiều thế hệ. Năm 1968 quả đã đánh dấu một đứt đoạn trong tình hiệp thông giữa các thế hệ trong hàng ngũ linh mục Baltimore, một tình hiệp thông vốn liên tục được chủng viện và phân khoa do các cha Xuân Bích củng cố. Tình anh em linh mục đã bị thương tổn nặng nề. Sự bất đồng về mục vụ đã tấn công thẳng vào nền tảng Thánh Thể của Giáo Hội. Ý nghĩa phu phụ của nền tảng ấy đã bị bác bỏ. Một số linh mục coi các giám mục của họ chẳng là gì khác hơn những tượng mẫu La Mã.

Nhưng cũng có điều gì khác nữa đã xẩy ra cho các linh mục vào cái đêm bạo lực tháng Tám trên. Tình bạn trong Giáo Hội bị tấn công trực diện. Chúa Giêsu, khi gọi những kẻ theo Người là bằng hữu, đã biến tình bằng hữu thành một loại suy (analogy) rất trân qúy của Giáo Hội. Loại suy ấy đã bị che khuất sau khi một số lớn linh mục nặng lời lăng nhục các nhà lãnh đạo của họ và bác bỏ giáo huấn của các ngài.

Sau này, Đức Hồng Y Shehan cho hay: buổi sáng Thứ Hai, ngày 5 tháng Tám, ngài ‘hết sức bỡ ngỡ khi đọc thấy trên tờ The Baltimore Sun rằng 72 linh mục thuộc khu vực Baltimore đã ký tên vào bản Tuyên Bố Bất Đồng”… Tuy nhiên, đêm ấy không hoàn toàn là một mất mát. Cơn thử thách ấy bất ngờ và không ai chào đón nó. Các hậu quả làm mất thăng bằng của nó còn kéo dài. Sự bất đồng đầy lạm dụng và cưỡng bức đã trở thành một thực tại trong lòng Giáo Hội và buộc Giáo Hội phải chịu đựng nhiều cuộc tranh cãi bạo động, làm tê liệt, vô bổ, và kinh niên. Nhưng tôi vẫn khám phá ra một điều gì đó mới mẻ. Nhiều người khác cũng khám phá như tôi. Khi đến ngày đến giờ cho người Kitô hữu làm chứng nhân, không Kitô hữu nào có thể bị cưỡng bức nếu họ từ khước không chịu cưỡng bức. Dù có cái tân thời bị đối xử như một đối tượng của lăng nhục và chế diễu, đêm đó tôi đã không trở thành ‘xấu hổ vì Phúc Âm’, nhưng đã tìm thấy ‘khoan khoái dịu ngọt trong điều đúng’. Đó không phải là một bài học tồi. Đức vâng lời trong Giáo Hội đã chạy được một khoảng đường xa.

Khám phá thứ nhất của tôi rằng Chúa Kitô là người đầu tiên bất chấp lăng nhục đã đem lại cho tôi sự mạnh dạn cả trong ý nghĩa hiện sinh lẫn ý nghĩa quan phòng. “Chúng ta hãy kiên nhẫn chạy cuộc đua trước mắt, luôn dõi nhìn Chúa Giêsu, Đấng đi tiên phong và là Đấng hoàn thiện hóa đức tin của ta, Đấng nhờ niềm vui trước mắt đã vui lòng chịu vác thánh giá, bất chấp lăng nhục”. Nghịch lý thay, chính trong cái đêm tháng Tám nóng bức ấy, một dấu chỉ mới bất ngờ đã xuất hiện trên nẻo đường đời tương lai. Dấu chỉ ấy đọc lên như sau: “Chúa Giêsu học biết vâng lời qua diễn trình đau khổ của Người”.

Sự bạo hành của việc bất vâng phục lúc ban đầu chỉ là khúc nhạc dạo cho nhiều cuộc bạo hành đầy thuyết phục sau này nữa. Nhiều linh mục âm thầm khóc tại các cuộc hội họp vì sự thao túng của anh em mình. Sự khinh miệt chân lý, dù tấn kích hay thụ động, đã trở thành thông thường trong đời sống Giáo Hội. Các linh mục, các thần học gia và giáo dân bất đồng tiếp tục thi hành các kỹ thuật cưỡng bức của họ. Ngay từ đầu, báo chí đã sử dụng họ để đẩy mạnh các nghị trình lươn lẹo của mình.

Tất cả những điều ấy dẫn tới các khám phá sau này. Biện biệt là điều chủ yếu trong thừa tác vụ giám mục. Với ơn thánh của “Thần Trí cai trị”, các kỹ năng biện biệt của vị giám mục phải được lớn lên. Vị giám mục phải chú tâm vào những gẫy đổ/gián đoạn mà Chúa Giêsu đã dẫn khởi và được Thánh Phaolô miêu tả trong câu trả lời những kẻ bất đồng ở Côrintô: “ Các ông muốn có bằng chứng là Chúa Kitô nói trong tôi. Người không yếu đuối khi xử sự với các ông đâu, nhưng Người rất mạnh mẽ nơi các ông. Vì tuy Người chịu đóng đinh trong yếu đuối, nhưng nay sống bằng sức mạnh Thiên Chúa. Tuy chúng tôi yếu đuối trong Người, nhưng khi xử sự với các ông, chúng tôi sống với Người bằng sức mạnh Thiên Chúa. Hãy xét mình các ông xem liệu các ông có đang giữ vững đức tin của các ông không. Hãy thử nghiệm chính các ông đi” (2Cor 13:3-5).

Sự gẫy đổ gián đoạn trong cái chết bạo hành của Chúa Giêsu đã thay đổi cái hiểu của chúng ta về bản tính Thiên Chúa. Sự sống Ba Ngôi của Người trong yếu tính là cho mình đi và yêu thương. Nhờ Phép Rửa, mọi môn đệ của Chúa Giêsu đều được in dấu Ba Ngôi bằng nước. Ngôi Lời Nhập Thể đến để thực thi ý Đấng đã sai Người. Đức vâng lời hiện đại của các môn đệ đối với các vị kế nhiệm Thánh Phêrô không thể nào tách biệt khỏi đức khó nghèo tinh thần và đức trong sạch tâm hồn đã được Ngôi Lời trên Thánh Giá lên khuôn thước và chiến thắng được.

Một lời ngắn sau cùng. Năm 1978 hay gần sau đó, trong một cuộc thăm viếng mục vụ tại giáo xứ của ngài, tôi có dịp dùng bữa trưa với vị cha xứ ở Baltimore, tức vị cựu lính thủy đánh bộ từng điều khiển cuộc hội họp tháng Tám năm 1968 ngày nào. Tôi là khách tại nhà xứ của ngài. Ngài vẫn còn đáng sợ như hồi ấy. Cuộc nói truyện của chúng tôi xoay quanh giáo xứ của ngài, giáo xứ ngài từng chăn dắt trong thời có những bạo loạn năm 1968. Bầu không khí nay đã thành thân hữu. Đang khi dùng bữa ăn đơn giản tại nhà bếp, tôi có quyết định không mấy dễ chịu. Vì chúng tôi chưa bao giờ thảo luận với nhau về cái đêm tháng Tám năm 1968 đó, nên tôi quyết định khởi đầu cuộc đối thoại về nó. Tôi vắn tắt và khách quan, ôn tồn nhắc lại các biến cố, bao lâu hoàn cảnh còn cho phép. Tôi hy vọng nhận được một soi sáng nào đó từ phía ngài về một biến cố từng trở thành tâm điểm đối với kinh nghiệm của nhiều linh mục, trong đó có tôi. Trong khi tâm trí tôi đang nhắc lại các biến cố của đêm đó, thì ngài hoàn toàn im lặng. Sự im lặng của ngài cứ thế tiếp tục.Dù không quên, nhưng ngài không hề bình luận điều chi. Đến đôi mắt, ngài cũng không ngước lên. Ngọn lửa trong trái tim ngài xem ra đã tắt ngúm.

Ngài không nói lời nào. Nên tôi đành để vấn đề lơ lửng ở đấy. Năm 1968, không thể có đối thoại; mà năm 1978, đối thoại cũng chẳng có thể có được. Chúng tôi không có cơ sở chung nào. Cả hai chúng tôi đành nhìn vào một hố thẳm, từ hai phía đối nghịch. Thống khổ và lắng lo phủ lấp hoàn toàn niềm hy vọng xa xăm muốn có hòa giải và thân hữu. Chúng tôi không bao giờ còn trở lại chủ đế ấy nữa. Sau đó, ngài đã qua đời lúc còn đang phục vụ một giáo xứ lớn vùng ngoại ô. Giải pháp duy nhất còn lại là đấm ngực mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nhớ đến những giá trị bí ẩn trong mọi điều vô giá trị nhân bản nơi chúng con”. Hàng ngũ linh mục giáo phận chưa hoàn toàn hồi phục từ các đêm tháng Bẩy/tháng Tám năm 1968. Nhiều người trong hàng ngũ tu trì cũng đã thất bại trước cơn thử thách của phúc âm. Từ tháng Giêng năm 2002, hố thẳm đã mở ra tại nhiều nơi khác. Toàn bộ dân Chúa, cả trẻ em lẫn các thiếu niên, ngày nay cần nhìn thẳng vào cái hố thẳm ấy và nhận ra những con thú dữ khủng khiếp tận đáy của nó. Mỗi người chúng ta đều phải rùng mình trước cơn thịnh nộ của Chúa, mỗi người chúng ta cần phải hối hận than khóc các tôi lỗi mình và cầu xin Chúa Cha nhân hậu nhớ tới đức vâng lời của Chúa Kitô.
 
Thế nào là sự khác biệt giữa Chapel, Church, và Oratory?
Anthony Lê
09:10 06/08/2008
Thế nào là sự khác biệt giữa Chapel, Church, và Oratory?

Nối tiếp bài viết có nhan đề: "Thế nào là sự khác biệt giữa Basilica, Cathedral, và Shrine?" và theo sự yêu cầu của độc giả, người viết lần này triển khai thêm về chủ đề có liên quan đến sự khác biệt giữa Chapel, Church và Oratory, cũng dựa vào các tài liệu của Cha William P. Saunders trong cuốn sách của ngài có nhan đề "Những Câu Trả Lời Thẳng Thắng" (Straight Answers), và cuốn Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) Vol. 3 hầu giúp Quý Vị độc giả phân biệt và hiểu biết thêm về các cấu trúc kể trên.

Christ Church Cathedral - Oxford
(1). Xét về mặt ngữ nghĩa tiếng Việt thì:

Chapel có nghĩa là Nhà Nguyện hay một Nhà Thờ Nhỏ (ở trại tù, hay ở căn cứ đồn đóng quân, vân vân... ).

Church có nghĩa là Nhà Thờ, ngôi giáo đường, ngôi thánh đường, hay Giáo Hội - nhưng trong phạm vi của bài viết này, người viết phần lớn nghiêng về ý nghĩa của Church như là Nhà Thờ hơn là Giáo Hội.

Còn Oratory cũng có nghĩa như Chapel, tức cũng là Nhà Nguyện hay Nhà Thờ Nhỏ, thế nhưng cách dùng của nó thì hoàn toàn khác hẳn so với Chapel.

(2). Church (Nhà Thờ, Ngôi Thánh Đường hay Ngôi Giáo Đường):

Chữ Church xuất phát từ một chữ trong tiếng Hy Lạp đó là ekklesia, có nghĩa là việc cùng nhau quy tụ lại (gathering) hay cộng đoàn (assembly).

Theo nghĩa của từ gốc kể trên thì Church không có nghĩa là một tòa nhà, mà có nghĩa là "mọi người" hay "người" (people)

Còn khi nói về Nhà Thờ theo nghĩa tiếng Việt, thì đó chính là một tòa nhà hay một cấu trúc được xây dựng và thiết kế để dùng trong việc phụng tự và việc cử hành các Phép Bí Tích. Tòa nhà hay cầu trúc đó chỉ trở thành một Nhà Thờ hay một giáo đường, hoặc một ngôi thánh đường, sau khi nó được vị Giám Mục địa phận thánh hiến mà thôi.

Tất cả các Nhà Thờ nằm trong Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận đều nằm dưới quyền cai quản của vị Giám Mục địa phận và Vị ấy chính là người chủ sở hữu của các ngôi Nhà Thờ đó, chứ không phải Cha Sở hay Cha Phó của họ đạo.

Việc xây dựng nên một Nhà Thờ phải đáp ứng được tất cả mọi mặt về kiến trúc Thánh, về ý nghĩa tâm linh, về những điều kiện có liên quan đến thực tế, vân vân....

Vì Nhà Thờ thường là nơi mà giáo dân cùng nhau quy tụ lại để cùng tham dự Thánh Lễ, và để học hỏi về đức tin của Giáo Hội, do đó Nhà Thờ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh, và đức tin của tất cả mọi người tín hữu. Vì tầm quan trọng như vậy, nên nghĩa vụ của mọi người giáo dân trong họ đạo của Nhà Thờ đó, là phải có trách nhiệm hổ trợ về mặt tài chánh, nhân lực, trí lực, vân vân.... để cùng phụ giúp với Cha Sở và Đức Giám Mục địa phận, lẫn Tòa Thánh trong việc giữ gìn, bảo tồn, và cai quản ngôi giáo đường đó.

(3). Chapel (Nhà Nguyện hay Nhà Thờ Nhỏ):

a. Xét về Tính Nguồn Gốc:

Xét từ nguồn gốc tiếng La Tinh, thì Chapel chính là capella; còn theo tiếng Pháp thì là chapelle.

Những nơi thờ tự của những người Kitô Giáo thời tiên khởi nhất có thể được gọi là các Nhà Nguyện là bởi vì chúng chính là những nhà thờ không chính thức, tức là một phòng hay một viện trong một căn nhà. Những Nhà Nguyện đầu tiên này tuy hoàn toàn khác biệt hẳn so với các tòa nhà (buildings) - nơi mà vị Giám Mục và Linh Mục Chánh Xứ thường hay chủ tọa Thánh lễ cho các cộng đồng Kitô Giáo cùng nhau quy tụ lại - thế nhưng chúng lại là những nơi để ghi nhớ hay kỷ niệm về các vị tử đạo.

Chính vì thế mà Công Đồng Gangra vào năm 350 đã mạnh mẽ lên tiếng phê phán những sự xúc phạm hay sự buông thần bán thánh đến các lăng mộ của các vị tử đạo, và đến những việc hy tế và lễ nghi được cử hành tại các Nhà Nguyện này. Công Đồng Carthage Thứ Năm vào năm 400 đã truyền lệnh cho các vị Giám Mục phá trụi toàn bộ những bàn thờ không chính thức và các đài kỷ niệm của các vị tử đạo được dựng nên tại các cánh đồng bao la rộng lớn hay tại các vệ đường trừ phi chúng được Giáo Hội thừa nhận.

Sử liệu ghi nhận về trường hợp đầu tiên hết của một nhà nguyện riêng đó là của Constantine (tức một kiểu nhà nguyện hoàng gia) - vị hoàng đế này đã có một nhà nguyện riêng ngay trong cung điện của mình tại Constantinople. Một ví dụ khác nữa về một nhà nguyện nằm ở bên trong một tòa nhà khác thời tiên khởi được ghi nhận đến đó là một nhà nguyện rất nhỏ, vốn giờ đây được biết đến như là Sancta Sanctorum ngay bên trong mảnh vụn còn sơ sót lại trong cung điện Lateranô cổ. Đó chính là nhà nguyện riêng của các vị Gaío Hoàng, vốn đã có từ năm 583 khi Đức Pelagius II đặt tại nhà nguyện đó một số thánh tích cổ.

Các vị Tổng Giám Mục của Ravenna cũng có Nhà Nguyện riêng ngay trong cung điện của các Vị vốn vẫn con được nhìn thấy mãi cho đến ngày nay - Nhà Nguyện này ít ra đã được xây dựng hay tái trang trí lại lần cuối cùng nhất bởi Đức Tổng Giám Mục Peter Chrysologus vào khoảng năm 430.

Việc lan truyền ra đạo Kitô Giáo từ các thành phố ra đến các vùng quê cũng là dịp để xây dựng nên những Nhà Nguyện cho các tín hữu sống tại những vùng hẻo lánh, xa xôi với nhà thờ hay ngôi giáo đường của vị Giám Mục. Chính Thánh Chrysostom đã hô hào tất cả những quý ông giàu có thuộc giới quý tộc hãy xây dựng lên các Nhà Nguyện tại các miền quê và làng mạc của các ông, rồi sau đó giao cho các vị Linh Mục, Phó Tế, và các thư ký để giúp dâng Thánh Lễ vào các ngày Chủ Nhật; để cử hành các Thánh Lễ và các giờ đọc kinh bang sáng lẫn ban chiều vào những ngày thường, cũng như giảng dạy về giáo lý cho các trẻ em và các chú giúp lễ.

Về sau Công Đồng Laodicea (vào khoảng năm 350) đã cấm việc cử hành Phụng Vụ tại các nhà riêng ở các thành phố, là nơi vẫn thường xuyên có các Thánh Lễ được cử hành tại các nhà thờ. Việc tự do xây dựng nên các Nhà Nguyện cuối cùng cũng bị giới hạn lại vì cơ cấu mục vụ chưa được quy định một cách rõ ràng.

Hiện nay, tại các tòa án viện, các bệnh viện, và dĩ nhiên tại các dòng tu và các trang trại (hay các nghiệp đoàn nông dân) đều có các Nhà Nguyện kể từ thời trung cổ cho đến nay, và dĩ nhiên việc bổ nhiệm các vị Linh Mục phục vụ tại các Nhà Nguyện này vẫn thuộc về quyền của vị Giám Mục địa phương.

b. Các Loại Nhà Nguyện:

b1. Những Nhà Nguyện bên trong một Nhà Thờ Lớn (Chapels within a Church):

Tu Viện Romain-Moutier
Đó chính là những Nhà Nguyện Đức Bà, những Nhà Nguyện nằm ở phía bên hông, hay những Nhà Nguyện nằm ở phía mặt tiền, vân vân, được gắn kết hay nằm bên dưới mái của một ngôi Nhà Thờ lớn. Dạng Nhà Nguyện nhỏ tiên khởi nhất nằm bên trong một ngôi Nhà Thờ lớn được nhìn thấy tại nằm song song với nhau ở phía đằng sau cung thánh của các ngôi nhà thờ cổ, vốn được vây quanh bởi khu thánh đường chính.

Ở Phương Đông, những ngôi Nhà Nguyện này thường được dùng như là chổ để các đồ đạc hay phòng thay hay mặc áo lễ cho các giáo sĩ và các chú giúp lễ. Khác với Phụng Vụ theo Lễ Nghi Rôma, Phụng Vụ theo Nghi Lễ Đông Phương thường có phần dâng lễ vật dẫn nhập trước khi Thánh Lễ chính thức được diễn ra. Nghi lễ này đầu tiên là được cử hành ngay tại bàn thờ bên trong Nhà Nguyện trước, rồi sau đó các lễ vật mới được long trọng chuyển sang bàn thờ chánh trong lúc diễn ra phụng vụ thật sự của Thánh lễ. Các Nhà Nguyện ở cánh bắc do đó trở thành những nơi để dâng hiến của lễ trước.

Mặc dầu hình dạng kiến trúc của các Nhà Nguyện nằm song song với nhau ở phía đằng sau cung thánh của các ngôi nhà thờ cổ được giới thiệu ra lần đầu tiên tại Phương Tây, thế nhưng các nghi thức theo Lễ Nghi Rôma phần lớn vẫn thuần túy được xuất phát từ phòng thay hay mặc áo lễ, chứ không phải từ các Nhà Nguyện như Phụng Vụ theo Nghi Lễ Đông Phương.

Còn những Nhà Nguyện nằm ở phía mặt tiền đôi lúc cũng có các bàn thờ nhỏ và được sử dụng cho các mục đích Phụng Vụ. Những Nhà Nguyện theo kiểu này thường có dạng của một cổng vào rất lớn nằm phía tây của Nhà Thờ. Những ví dụ về những kiểu Nhà Nguyện nằm ở mặt tiền có thể được nhìn thấy tại Vương Cung Thánh Đường St-Front (Périgueux) ở Pháp Quốc; tại Tu Viện Romain-Moutier bên Thụy Sĩ; và tại Tu Viện Jumièges ở Pháp Quốc.

b2. Những Nhà Nguyện dành cho các vị Đại Sứ (Ambassadors' Chapels):

Việc sử dụng đến một Nhà Nguyện riêng cho các vị Đại Sứ của một quốc gia Công Giáo tại một Tòa Án của Tin Lành hay ngược lại, vẫn thường được cho phép như là dấu chỉ của việc lịch sự trong cung cách ngoại giao, dẫu rằng nó không hề được qui định một cách rõ ràng cho lắm trong luật lệ quốc tế. Tại Anh Quốc, vào lúc mà việc thực hành đạo Công Giáo hoàn toàn bị cấm cản bởi các luật lệ hình sự, thì những vị Đại Sứ Công Giáo được cho phép có những kiểu Nhà Nguyện như vậy nối liền với các Tòa Đại Sứ của họ.

Các vị Đại Sứ của Ý, Pháp, Áo, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều có các Nhà Nguyện riêng ở Luân Đôn. Các Nhà Nguyện này thậm chí còn mở rộng cả cho công chúng, và dần dà chúng trở thành những nhà thờ của các giáo xứ. Hiện tại, hai Nhà Nguyện của Do Thái (được xây dựng nên vào năm 1648) và của Đức (được xây dựng vào năm 1747) vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.

b3. Những Nhà Nguyện dành cho các vị Giám Mục (Bishops' Chapels):

Nhà Nguyện của vị Giám Mục trước tiên không gì khác hơn đó là Vương Cung Thánh Đường hay Nhà Thờ Chánh Tòa là nơi mà Vị ấy thường chủ tế Thánh Lễ cùng với vị Linh Mục chánh xứ, thế nhưng vì sự phong kiến hóa, do đó vị Giám Mục nên có một Nhà Nguyện riêng tách rời ra. Một trong những kiểu Nhà Nguyện rất đẹp dành cho vị Giám Mục vốn còn tồn tại cho đến ngày nay đó là tại Reims ở Pháp Quốc; hay Nhà Nguyện của vị Giám Mục Giáo Phận Ely, nhằm tôn kính Thánh Etheldreda ở Luân Đôn, Anh Quốc là hiện do các Cha Dòng Bác Ái quản lý từ năm 1876 cho đến nay.

Palatine Chapel
b4. Những Nhà Nguyện nơi Nghĩa Trang hay nơi Nhà Xác (Cemetary / Mortuary Chapels):

Những Nhà Nguyện thuộc loại này thường có nguồn gốc xuất xứ từ rất lâu đời, vốn được xây cất nên để làm nơi tang chế cho một vị tử vì đạo, hay nói chung hết là cho các giáo dân khi họ đã đến lúc yên nghỉ cuối cùng. Các hầm mộ thời La Mã xưa chính là những bằng chứng điển hình cho những kiểu Nhà Nguyện này. Sau những ngày bị hành quyết, những người Kitô Giáo có thể phụng tự tại những nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã qua đời này mà không phải kín đáo hay sợ bị xúc phạm hoặc coi thường, và do đó những kiểu Nhà Nguyện nơi nghĩa trang hay tại nơi chôn cất cứ thế mà mọc lên kể từ thời Trung Cổ.

Hai Nhà Nguyện theo kiểu này, vốn tạo sự tò mò của dân chúng đó là tại Sarlat ở vùng Dordogne, và Avioth ở vùng Meuse bên Pháp Quốc. Nhà Nguyện tại Sarlat có kiểu cấu trúc hình nón, cao khoảng 40 feet, có chứa một Nhà Nguyện tròn bên trong nhà xác nơi tầng trệt, và trên đỉnh có một ngọn đèn hải đăng, được xây cất vào thế kỷ 12. Còn Nhà Nguyện tại Avioth được xây dựng vào thế kỷ 15 theo dạng một cung thánh mở rộng được hổ trợ bởi các cột và một ngọn đèn hải đăng chiếu từ trên xuống.

Những Nhà Nguyện với vẽ nguy nga, và tráng lệ thường được xây dựng nên để làm các nơi chôn cất của các vị vua và những người thuộc dòng dõi quý tộc có quyền thế. Nổi tiếng nhất chính là tại Vương Cung Thánh Đường Aachen ở Đức Quốc, vốn cất giữ ngôi mộ của Vua Charlemagne, tại Nhà Nguyện Palatine.

b5. Những Nhà Nguyện trong Nhà Thờ (Chantry Chapels):

Những Nhà Nguyện này hoàn toàn khác với các Nhà Nguyện được đề cập ở Mục b1 nêu trên, là vì chúng được xây dựng nên để cử hành những Thánh Lễ Cầu Hồn (Requiem Masses) liên tục cho một vài linh hồn cá nhân cụ thể nào đó mà thôi, thường là cho chính vị sáng lập ra Nhà Thờ, Vương Cung Thánh Đường, hay Nhà Thờ Chánh Tòa đó mà thôi. Những vị Linh Mục đặc biệt thường được chỉ định để phục vụ tại các Nhà Nguyện này, mà người Anh hay người Mỹ vẫn thường gọi là "Chantry Priests."

Những Nhà Nguyện theo kiểu này chưa trở nên phổ biến mãi cho đến thế kỷ thứ 13. Đôi lúc, Nhà Nguyện theo kiểu này được xây cất ở phía trên của ngôi mộ và có thể lên xuống qua một cầu thang xoắn như tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô (Christ Church Cathedral) ở Oxford, Anh Quốc.

Những ngôi Nhà Nguyện này đôi lúc cũng được xây dựng và bảo trì bởi một nhóm hội địa phương (local guild) như Hội Chúa Thánh Thần (Guild of the Holy Ghost) tại Beccles và Hội Palmers (Palmers' Guild) tại Anh Quốc.

b6. Những Nhà Nguyện Giáo Hoàng (Papal Chapels):

Xét về mặt kỷ thuật mà nói, Nhà Nguyện Giáo Hoàng là dành không những cho riêng vị Giáo Hoàng mà còn cho cả các vị thuộc Giáo Triều Rôma hay Hồng Y Đoàn. Nhà Nguyện Giáo Hoàng được hình thành nên từ việc dẹp bỏ Tòa Án / Cung Điện Giáo Hoàng (Papal Court) khỏi La Mã vào năm 1305, khi các nghi lễ và các lễ kính truyền thống, vốn trước đây vẫn thường được cử hành tại các Vương Cung Thánh Đường khác nhau tại Rôma, được chuyển sang Nhà Nguyện Palatine tại Avignon ở Pháp Quốc.

Lúc quay trở về Rôma vào năm 1377, vì rất nhiều lý do khác nhau, các vị Giáo Hoàng vẫn tiếp tục cử hành những nghi lễ này tại một Nhà Nguyện riêng thay vì tại các Vương Cung Thánh Đường. Đức Giáo Hoàng Nicolas V đã xây dựng nên một Nhà Nguyện ngay bên trong Vaticăn là vì mục đích này, vốn sau này bị Đức Giáo Hoàng Phaolô III phá bỏ đi để làm chổ cho Nhà Nguyện Phaolô do chính Ngài xây dựng nên.

Một Nhà Nguyện khác ở Vaticăn, vốn giờ đây chủ yếu được dùng đến cho những chức năng quan trọng của vị Giáo Hoàng đó là Nhà Nguyện Sistine, được xây cất nên bởi Đức Giáo Hoàng Sixtus IV vào năm 1473. Nhà Nguyện này được biết đến là vì có ca đoàn rất nổi tiếng, hơn là vì các bức tranh vẽ của Raphael, Michelangelo và các họa sĩ danh tiếng khác vốn trang hoàng cho các trần và tường của Nhà Nguyện.

Thực chất mà nói, Nhà Nguyện Giáo Hoàng cũng không khác gì cho lắm so với các Nhà Nguyện riêng của các vị Giám Mục, hay Hồng Y vốn đang cai quản một (Tổng) Giáo Phận. Tại nhà nghỉ hè của Đức Thánh Cha ở Castel Gandolfo cũng có một Nhà Nguyện riêng dành cho Ngài; và ở Vaticăn, Đức Thánh Cha hiện tại vẫn thường hay cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh hằng ngày tại Nhà Nguyện nhỏ của Ngài, nối liền với căn hộ mà Ngài đang cư ngụ.

b7. Các Nhà Nguyện Đặt/Nghỉ/Tạm (Chapels of Repose):

Theo nghi lễ Anh Quốc lâu đời vốn cũng là thói quen trong suốt thời Trung Cổ, vào buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, việc đặt một trong các Bánh (Host) Thánh - vốn đã được thánh hóa vào Thứ Năm Tuần Thánh, cùng với cây thánh giá được sử dụng trong Thánh Lễ ban sáng - vào cái được gọi là Mộ Phục Sinh (Easter sepulchre) hay Nhà Nguyện Đặt/Nghỉ/Tạm, và để mang các Bánh Thánh đó ra trở lại vào buổi sáng Phục Sinh với nghi lễ và các bài ca tụng trọng thể, vốn biểu trương cho việc chôn cất Thi Hài của Chúa Kitô bên trong Ngôi Thánh Mộ, và việc Phục Sinh của Chúa Kitô từ chính ngôi mộ đó.

Còn trong Nghi Lễ Rôma, cụm từ "Chapel of Repose" được ám chỉ đến bàn thờ hay Nhà Nguyện nơi mà Mình Thánh Chúa được long trọng cất giữ giữa Thánh Lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh và Thánh lễ Chúa Chịu Chết vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

b8. Các Nhà Nguyện Hoàng Gia (Royal Chapels):

Tại các quốc gia Công Giáo cũng như Tin Lành, thật là một đặc ân lớn để có được các Nhà Nguyện riêng ngay bên trong các cung điện thuộc hoàng gia. Nổi tiếng nhất vẫn là Nhà Nguyện do chính Thánh Luois của Pháp Quốc xây dựng nên vào năm 1248 để chứa các Thánh Tích về Vương Miện Đầy Gai (Crown of Thorns) mà vị Thánh đã nhận được từ Hoàng Đế Constantinople, và nó năm sát vách với cung điện của Ngài ở La Cité bên Pháp Quốc. Vị kiến trúc của Nhà Nguyện đó chính là Pierre de Montereau - một kiến trúc gia nổi tiếng mà cho đến bây giờ chưa ai có thể qua mặt được. Phần dưới chính là một Nhà Nguyện dành cho các người hầu của cung điện, và phần trên chính là Nhà Nguyện của hoàng gia.

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc Cách Mạng Pháp, Nhà Nguyện hoàng gia này đã bị phỉ báng và một lần nữa trở nên một Nhà Nguyện hoàng gia trong một thời gian ngắn dưới thời của Vua Louis Philippe. Kể từ đó trở đi, và lần mới đây, Nhà Nguyện hoàng gia này chỉ được dùng một lần trong một năm mà thôi, đó là cho "Thánh Lễ Đỏ" (Red Mass) dành cho các Luật Sư, Chánh Án, và Công Tố Viên. Giờ đây nó chỉ thuần túy là một đài kỷ niệm quốc gia mà thôi.

Các Nhà Nguyện hoàng gia khác phải được kể đến đó là Nhà Nguyện Thánh George ở Windsor, Anh Quốc; Nhà Nguyện La Sainte-Chapelle ở Paris, Pháp Quốc; Nhà Nguyện Thánh Giacôbê ở Luân Đôn, Anh Quốc; và Nhà Nguyện Savoy được Vua Henry VII của Anh xây cất nên vào năm 1773.

c. Luật Lệ của Giáo Hội có liên quan đến những ngôi Nhà Nguyện:

King College Chapel - Cambridge
Luật lệ của Giáo Hội hiện nay, tuy không có đặt nhiều hạn chế vào việc xây dựng nên các Nhà Nguyện vốn cũng là một phần rộng lớn hay nới rộng ra của Nhà Thờ hay giáo xứ, thế nhưng lại có những quy định rất rõ ràng và cụ thể có liên quan đến những Nhà Nguyện riêng. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho những ai có ý định cử hành Thánh Lễ mà thôi; và dĩ nhiên không có bất kỳ giới hạn nào cả có liên quan đến việc dành riêng ra một căn phòng, hay một viện trong một ngôi nhà riêng để dùng cho các mục đích cầu nguyện và sùng kính riêng.

Thế nhưng, đối với một Nhà Nguyện vốn có Thánh Lễ được cử hành, thì Giáo Luật quy định về điều này một cách rất nghiêm ngặt. Các vị Hồng Y, các vị Giám Mục (ngay cả các vị Giám Mục hiệu tòa) và các vị Giám Mục thường, được phép dùng một Nhà Nguyện riêng của mình để cử hành Thánh Lễ; còn đối với những người khác, thì phải có sự cho phép đặt biệt riêng của Tòa Thánh.

Vị Giám Mục của một Giáo Phận có thể cho phép cần thiết về việc thành lập nên một Nhà Nguyện ngay bên trong một cơ sở hay một viện, ví dụ như Dòng Tu, trại tế bần, bệnh viện, nhà tù, trại cải tạo (workhouse), thì những Nhà Nguyện như vậy thường để cho công chúng hay nửa công chúng đến.

Tuy nhiên, đối với một Nhà Nguyện hoàn toàn mang tính cách riêng tư trong một ngôi nhà riêng tư của một cá nhân nào đó, với mục đích là sự tiện lợi dành cho các thành viên trong nhà, thì một sự cho phép đặc biệt của Đức Thánh Cha phải cần nhận được trước khi có Thánh Lễ được cử hành bởi bất kỳ vị Hồng Y, Giám Mục hay Linh Mục nào. Và Đức Thánh Cha chỉ ban hành đặc biệt đó cho những ai có đầy đủ những lý do chánh đáng nhất mà thôi, ví dụ vì khoảng cách khá xa để có thể đến được Nhà Thờ; vì căn bệnh hết sức hiểm nghèo của một thành viên trong gia đình, vân vân...

Việc cử hành Thánh Lễ tại một Nhà Nguyện riêng tư của một gia đình đã không được phép rồi, huống hồ chi đến việc cử hành Thánh Lễ tại gia.

Do đó, sẽ là hoàn toàn trái với Luật Lệ Giáo Hội, nếu như có Thánh Lễ được cử hành tại một nhà riêng ngay trong phòng khách, hay phòng ăn gì gì đó, vốn gần đây chúng ta đã đọc được khi tác giả có danh xưng là Giáo Sư đã "trơ trẽn" đưa tin đó lên VietCatholic về việc một Đức Hồng Y cử hành Thánh Lễ tại một tư gia nào đó ở một tiểu bang gần Washington, D.C.

Đó suy cho cùng cũng là một sự coi thường trắng trợn, và một sự lạm dụng trầm trọng vốn hãy còn tồn tại trong Phụng Vụ Thánh nhất là sau Công Đồng Chung Vaticăn II khi Thánh Lễ theo hình thức như hiện nay được phổ biến rộng rãi cho đại đa số quốc gia và quần chúng.

Những giảng dạy của Giáo Hội qua các Tông Hiến lẫn Tông Thư, kể cả Giáo Luật [mà người viết sẽ triển khai sâu sắc hơn qua các bài viết sắp tới - NV] có quy định rất rõ ràng về địa điểm, hoàn cảnh, và nơi chốn để cử hành một Thánh Lễ - vì suy cho cùng, Thánh Lễ mang một ý nghĩa hết sức long trọng về Sự Hy Tế Thánh của Chúa Giêsu trên Thập Giá cho Thiên Chúa Cha, do đó, không phải Thánh Lễ có thể được cử hành tại bất kỳ nơi đâu mà vị chủ tế muốn cả, hay vì sự yêu cầu của bất kỳ gia đình nào cả.

Thánh Lễ tại gia chỉ xảy ra đối với nhà hay gia đình nào có tang chế, hay gia đình nào có người bệnh nặng sắp qua đời mà thôi, chứ không phải tại những gia đình có đồng tiền, hay thứ vật chất tầm thường để khống chế hay làm lung lạc Giáo Hội lẫn các chủ chăn, cho dẫu theo cách trực hay gián tiếp!

Còn liên quan tới việc hoàn thành bổn phận tham dự Thánh Lễ nơi các Nhà Nguyện riêng, thì luật lệ xưa của Giáo Hội có quy định rằng: bổn phận tham dự Thánh Lễ chỉ có thể được thỏa mãn bằng việc tham dự Thánh Lễ tại một Nhà Thờ của Giáo Xứ mà thôi, chứ không phải Thánh Lễ tại tư gia. Công Đồng Trent phần nào đã điều chỉnh về luật lệ này, và kể từ đó trở đi các thần học gia thường có nhiều ý kiến rất khác nhau về đâu mới là luật chính xác.

Và để giải quyết những mâu thuẩn này, Đức Cố Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1899 đã quy định rằng:

c1. bổn phận tham dự Thánh Lễ chỉ có thể được thỏa mãn bởi bất kỳ ai tham dự Thánh Lễ tại các Nhà Nguyện công cộng hay bán công mà người giáo dân đó có thể đến; nhưng

c2. bổn phận đó thường không được thỏa mãn, khi người đó đến tham dự Thánh Lễ tại một Nhà Nguyện hoàn toàn mang tích cách riêng tư của bất kỳ ai, ngoại trừ những người đã nhận được sự cho phép đặc biệt riêng của chính Đức Thánh Cha vì họ có căn bệnh hiểm nghèo mà thôi.

(4). Oratory (Nhà Nguyện hay Nhà Thờ Nhỏ):

a. Xét về Tính Nguồn Gốc:

An Oratory
Chữ Oratory trong tiếng La Tinh chính là oratorium, vốn xuất phát từ chữ orare có nghĩa là: to pray hay cầu nguyện.

Xét về mặt nghữ nghĩa tổng quát thì chữ Oratory nhấn mạnh đến một nơi để cầu nguyện, thế nhưng xét về mặt kỹ thuật, chữ này lại có nghĩa là một cấu trúc (structure) vốn hoàn toàn khác với một ngôi giáo đường của giáo xứ, hay một nhà thờ của một họ đạo. Cấu trúc này được Giáo Hội dành riêng ra để cầu nguyện, và cũng là nơi để cử hành Thánh Lễ.

Trông có vẽ như những Oratories này có nguồn gốc xuất phát từ những ngôi Nhà Nguyện (Chapels) được xây dựng bên trên những ngôi mộ của các vị tử đạo tiên khởi, vốn là nơi mà các tín hữu thường hay lai vãng tới để cầu nguyện, và cũng là nơi để phụng tự cho những ai sống tại các vùng miền quê, xa xôi, hẻo lánh khi việc tham dự Thánh Lễ chỉ giới hạn cho những ai sống tại các thành phố vốn có Nhà Thờ Chánh Tòa, hay Vương Cung Thánh Đường xưa kia mà thôi.

Có những Oratories riêng để cho các vị Giám Mục cử hành Thánh Lễ, và sau này chúng được gắn liền với các Tu Viện, hay chổ cư ngụ của giới quyền tộc quý phái.

Tại Giáo Hội Đông Phương nơi mà cơ cấu tổ chức giáo xứ không có hoàn chỉnh và nghiêm ngặt như tại Phương Tây, thì những Oratories riêng tư có quá nhiều đến nổi tạo ra một sự lạm dụng trắng trợn về Phụng Vụ Thánh.

b. Các Loại Oratories:

b1. Các Oratories Bán Công (Semipublic Oratories):

Chính là những Oratories, mặc dầu được dựng lên trong một tòa nhà riêng, thế nhưng chúng được dùng bởi cộng đồng. Đó chính là những Oratories của các chủng viện, các Dòng Tu đạo đức, các trường đại học, các bệnh viện, các nhà tù, và các học viện. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều Oratories trong một căn nhà, thì chỉ có Oratory nào có Mình Thánh Chúa được gìn giữ, thì Oratory đó mới có được những đặc quyền như là một Oratory bán công mà thôi.

Tất cả những Oratories bán công (vốn bao gồm luôn cả Nhà Nguyện riêng của một vị Giám Mục) đều có quyền ngang bằng như những Oratories công cộng, liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ tại đó. Mỗi một Oratory của một Dòng Tu đều có lịch Phụng Vụ kính các Thánh riêng của Dòng Tu đó.

Tại những Oratories nào vốn là của các nữ tu, thì những Thánh Lễ kính của cộng đoàn các nữ tu đó, chỉ được cử hành theo đúng với những sắc lệnh và sự cho phép đặc biệt mà cộng đoàn các nữ tu đó nhận được từ phía Tòa Thánh mà thôi.

Những vị Linh Mục Dòng nào đó đến viếng thăm các Oratories bán công này, đều không được phép cử hành Thánh Lễ kính các Thánh của Dòng mình, trừ khi lịch phụng vụ của Oratory đó có quy định hay cho phép việc cử hành một Thánh Lễ Tạ Ơn đó.

Những Oratories công cộng và bán công đều nằm dưới quyền kiểm soát của vị Giám Mục địa phương.

Thánh Bộ đặc trách về Các Nghi Lễ (Congregation of Rites) vào ngày 23 tháng 1 năm 1899 đã công bố rằng: "Tại những Oratories này, vốn nằm dưới quyền cai quản của vị Giám Mục bản quyền, thì Thánh Lễ có thể được cử hành, và tất cả những ai tham dự Thánh Lễ đều thỏa mãn những gì mà Giáo Hội đòi hỏi người tín hữu vào những ngày lễ buộc."

b2. Các Oratories Riêng (Private Oratories):

Chính là những Oratories được dựng nên tại những ngôi nhà riêng vì sự tiện lợi của một số người hay của gia đình, vốn đã được sự cho phép đặc biệt của Tòa Thánh. Những Oratories này chỉ được phép xây dựng nên chừng nào có được sự cho phép của Đức Thánh Cha mà thôi.

Những Oratories có trong các ngôi nhà riêng tư tồn tại từ thời các Tông Đồ khi Các Mầu Nhiệm Cực Thánh (Sacred Mysteries) không thể nào được cử hành một cách công khai vì sẽ bị tù tội, bắt giam hay xử trảm. Thậm chí ngay cả sau khi thời bình của Hoàng Đế Constantine, thì tục lệ đó vẫn còn tiếp diễn. Những vị vua chúa và những người thuộc giới quý tộc đều có những Oratories riêng được xây dựng lên ngay bên trong các cung điện của họ. Mãi cho tới thời của Hoàng Đế Justinian thì các sử gia mới tìm thấy được những luật lệ có liên quan đến các Oratories riêng tư, và việc cấm cử hành Thánh Lễ tại các ngôi nhà riêng này.

Thánh Bộ Kỷ Luật các Phép Bí Tích (Congregation of the Discipline of the Sacraments) vào ngày 7 tháng 2 năm 1909 đã ban hành ra sắc lệnh vốn có những quy định hết sức chặt chẽ về việc dựng nên các Oratories riêng tư này tại các nhà riêng, và việc có Thánh Lễ được cử hành, vốn phải nhận được sự cho phép của cả vị Giám Mục bản quyền lẫn của chính Đức Thánh Cha thì mới được làm như vậy.
 
Đức Hồng y Chicago sẽ dẫn đoàn 200 người hành hương đến Lộ Đức
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:24 06/08/2008
Chicago (Suntimes) - Mười lăm thập kỷ kể từ khi cô thiếu niên Bernadette Soubirou lần đầu tiên nhìn thấy Đức Nữ Đồng Trinh Maria hiện ra ở Lộ Đức, Pháp quốc. Vị trí mà cô xuất thần đã trở thành đền thờ được thăm viếng nhiều nhất trong thế giới Kitô giáo.

Trong vài ngày tới, Đức Hồng y Francis George và một nhóm gần 200 người hành hương của Tổng Giáo phận Chicago sẽ hoà nhập vào số đông tín hữu để họp nhau tại Lộ Đức, nơi hàng năm thu hút khoảng 6 triệu khách du lịch.

Họ đến hẻm núi Pyrenees nhân kỷ niệm 150 năm Lộ Đức để cầu nguyện và tự dìm mình trong nước được cho có phép lạ chữa bệnh và có sức mạnh làm cho phục sồi sức sống. Nhiều người đến đây kiếm tìm sự chữa trị đã được khỏi bệnh nặng.

Lộ Đức cũng là nơi mà sự khiêm tốn và tính nhân bản là sự biểu thị không ngừng. Kevin McDonell, một tham dự viên cuộc hành hương, 16 tuổi, sinh viên của Viện hàn lâm Loyola ở Chicago cho hay: "Thật là khác biệt vì ở những nơi như Hoa kỳ, chúng tôi hướng tới cũng chỉ để lờ đi những người kém may mắn hơn chúng ta". Đây là cuộc đi hành hương thứ hai của anh tới Lộ Đức trong nhiều năm.

Josephine Harrison cùng chồng là Jeph, cả hai cùng 57 tuổi, cư dân Wilmette, hằng năm hành hương đến Lộ Đức từ năm 2000. Vài năm nay, họ làm việc trong những bể bơi nổi tiếng. Harrison nói về lý do hành hương do công việc: “Đó là công việc rất nhạy cảm và rất khó khăn về thể chất”.

Một cuộc "Hành hương tại Nhà" đồng thời cũng được tổ chức ở Chicago, bao gồm các thánh lễ, xức dầu bệnh nhân và đốt đuốc diễu hành lần chuỗi Mân Côi trùng với những sự kiện tương tự ở Pháp.

Mặc dù có sức lôi cuốn mang tầm quốc tế, cũng có nhà tư bản đến Lộ Đức với khía cạnh khiếm nhã đã làm dấy lên sự chỉ trích. Một số người nói rằng nơi nổi tiếng như là một trung tâm của những phép lạ thiêng liêng và được Giáo Hội công nhận đã bớt tính thánh thiêng khi bị thương mại hoá. Những vật rẻ tiền mang tên Lộ Đức, từ những bình lấy nước hào nhoáng đến những xâu chuỗi luôn được những nhà cung cấp sẵn sàng. Khu vực này đầy tiếng ồn ào từ khách du lịch. Suzanne K. Kaufman, phó giáo sư về lịch sử của Đại học Loyola, Chicago nói về vấn đề này: "Có nhiều cách để thấy khía cạnh thương mại của Lộ Đức. Một số người thấy nó như là sự làm giảm giá trị của đức tin đích thực. Nhưng tôi nghĩ rằng đối với tín hữu, những đồ vật này rẻ tiền, dễ mua, tạo điều kiện thuận lợi cho một sự kết nối với nơi đó".

Kaufman cũng chỉ ra rằng lời khẩn cầu to lớn của Lộ Đức thì không bị ảnh hưởng gì. Nó đã có thời gian dài được tiếp cận và được thăng tiến tốt.

Cha Wayne Watts, Giám đốc của cuộc hành hương Chicago và là người trải qua 21 lần đến Lộ Đức, vẫn còn nhiệt thành bởi kinh nghiệm: "Thấy người trẻ và người già [ở đó] đang hồ hởi, hàng ngàn người trong họ mỗi ngày đến với nhau trong đức tin sâu sắc để kết nối nhau… Bạn hầu như không thể thốt nên lời về điều đó".
 
Đại hiệp sĩ Kha Luân Bố kêu gọi nói “không” với chính trị gia phò phá thai
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:26 06/08/2008
Montreal, Quebec - (Marketwire) - Phát biểu trước giới lãnh đạo và hơn 1.000 thành viên của Hiệp sĩ Đoàn Kha Luân Bố (Knights of Columbus) cùng gia đình họ trong Hội nghị Thường niên lần thứ 126 được tổ chức ở Quebec, Đại Hiệp sĩ Carl Anderson đã nêu bật những thành quả của tổ chức trong những năm qua, và đưa ra viễn tượng cho tương lai trong đó các giá trị đóng vai trò then chốt. Bài diễn văn cũng đã được truyền hình trực tiếp qua hệ thống truyền hình Công Giáo ở Canada, Hoa Kỳ và truyền khắp thế giới qua truyền thanh và truyền hình EWTN.

Sau khi nghe lời chúc mừng gửi đến các hiệp sĩ của Đức Thánh Cha qua Đức Hồng y Quốc vụ Khanh, và các Tổng Thống Hoa Kỳ, Mêxicô và Phi Luật Tân, Ông Anderson có bài phát biểu trong đó nêu bật công tác từ thiện phi thường của tổ chức này đã làm trong năm qua, với tổng số hơn 144 triệu Mỹ kim và hơn 68 triệu giờ dâng tặng cho công tác từ thiện bởi 1,75 triệu hiệp sĩ trên thế giới.

Ông Anderson cũng kêu gọi người Công Giáo “hãy chiếu rọi một vệt sáng ngăn cách giữa chính họ và tất cả các chính trị gia bảo vệ cho phán quyết hợp pháp hoá phá thai Roe v. Wade (của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ)”. Ông nói: “Hãy hình dung nếu trong năm nay hàng triệu cử tri Công Giáo nói ‘không’ – nói không với mỗi ứng viên của đảng chính trị ủng hộ phá thai. Đã đến thời điểm chúng ta chấm dứt ủng hộ cho các chính trị gia phò phá thai, và thời điểm mà chúng ta bắt đầu yêu cầu họ ủng hộ chúng ta. Ứng viên hoặc đảng phái chính trị nào có thể trụ lại được khi mất hàng triệu cử tri Công Giáo trong kỳ bầu cử này hay kế tiếp?”

Ông đưa ra kết luận: “Các cử tri Công Giáo có sức mạnh để chuyển biến nền chính trị của chúng ta. Và nếu các công dân tín hữu có thể xây dựng nền chính trị mới, là nền chính trị được xây dựng trên nền văn hoá mới của sự sống. Có hơn 150 triệu người Công Giáo ở Bắc Mỹ và nếu chúng ta cùng nhau đứng lên và đòi hỏi các nhà chính trị của chúng ta tốt hơn, chúng ta có thể biến đổi nền chính trị. Và nếu chúng ta thực sự hy vọng về một nền văn hoá sự sống và một nền văn minh tình thương, thì chúng ta phải suy nghĩ trước và sau đó hành động trong những đường hướng mới”.
 
Thế nào là sự khác biệt giữa Chapel, Church, và Oratory?
Anthony Lê
09:35 06/08/2008
Thế nào là sự khác biệt giữa Chapel, Church, và Oratory?

Nối tiếp bài viết có nhan đề: "Thế nào là sự khác biệt giữa Basilica, Cathedral, và Shrine?" và theo sự yêu cầu của độc giả, người viết lần này triển khai thêm về chủ đề có liên quan đến sự khác biệt giữa Chapel, Church và Oratory, cũng dựa vào các tài liệu của Cha William P. Saunders trong cuốn sách của ngài có nhan đề "Những Câu Trả Lời Thẳng Thắng" (Straight Answers), và cuốn Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) Vol. 3 hầu giúp Quý Vị độc giả phân biệt và hiểu biết thêm về các cấu trúc kể trên.

Christ Church Cathedral - Oxford
(1). Xét về mặt ngữ nghĩa tiếng Việt thì:

Chapel có nghĩa là Nhà Nguyện hay một Nhà Thờ Nhỏ (ở trại tù, hay ở căn cứ đồn đóng quân, vân vân... ).

Church có nghĩa là Nhà Thờ, ngôi giáo đường, ngôi thánh đường, hay Giáo Hội - nhưng trong phạm vi của bài viết này, người viết phần lớn nghiêng về ý nghĩa của Church như là Nhà Thờ hơn là Giáo Hội.

Còn Oratory cũng có nghĩa như Chapel, tức cũng là Nhà Nguyện hay Nhà Thờ Nhỏ, thế nhưng cách dùng của nó thì hoàn toàn khác hẳn so với Chapel.

(2). Church (Nhà Thờ, Ngôi Thánh Đường hay Ngôi Giáo Đường):

Chữ Church xuất phát từ một chữ trong tiếng Hy Lạp đó là ekklesia, có nghĩa là việc cùng nhau quy tụ lại (gathering) hay cộng đoàn (assembly).

Theo nghĩa của từ gốc kể trên thì Church không có nghĩa là một tòa nhà, mà có nghĩa là "mọi người" hay "người" (people)

Còn khi nói về Nhà Thờ theo nghĩa tiếng Việt, thì đó chính là một tòa nhà hay một cấu trúc được xây dựng và thiết kế để dùng trong việc phụng tự và việc cử hành các Phép Bí Tích. Tòa nhà hay cầu trúc đó chỉ trở thành một Nhà Thờ hay một giáo đường, hoặc một ngôi thánh đường, sau khi nó được vị Giám Mục địa phận thánh hiến mà thôi.

Tất cả các Nhà Thờ nằm trong Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận đều nằm dưới quyền cai quản của vị Giám Mục địa phận và Vị ấy chính là người chủ sở hữu của các ngôi Nhà Thờ đó, chứ không phải Cha Sở hay Cha Phó của họ đạo.

Việc xây dựng nên một Nhà Thờ phải đáp ứng được tất cả mọi mặt về kiến trúc Thánh, về ý nghĩa tâm linh, về những điều kiện có liên quan đến thực tế, vân vân....

Vì Nhà Thờ thường là nơi mà giáo dân cùng nhau quy tụ lại để cùng tham dự Thánh Lễ, và để học hỏi về đức tin của Giáo Hội, do đó Nhà Thờ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh, và đức tin của tất cả mọi người tín hữu. Vì tầm quan trọng như vậy, nên nghĩa vụ của mọi người giáo dân trong họ đạo của Nhà Thờ đó, là phải có trách nhiệm hổ trợ về mặt tài chánh, nhân lực, trí lực, vân vân.... để cùng phụ giúp với Cha Sở và Đức Giám Mục địa phận, lẫn Tòa Thánh trong việc giữ gìn, bảo tồn, và cai quản ngôi giáo đường đó.

(3). Chapel (Nhà Nguyện hay Nhà Thờ Nhỏ):

a. Xét về Tính Nguồn Gốc:

Xét từ nguồn gốc tiếng La Tinh, thì Chapel chính là capella; còn theo tiếng Pháp thì là chapelle.

Những nơi thờ tự của những người Kitô Giáo thời tiên khởi nhất có thể được gọi là các Nhà Nguyện là bởi vì chúng chính là những nhà thờ không chính thức, tức là một phòng hay một viện trong một căn nhà. Những Nhà Nguyện đầu tiên này tuy hoàn toàn khác biệt hẳn so với các tòa nhà (buildings) - nơi mà vị Giám Mục và Linh Mục Chánh Xứ thường hay chủ tọa Thánh lễ cho các cộng đồng Kitô Giáo cùng nhau quy tụ lại - thế nhưng chúng lại là những nơi để ghi nhớ hay kỷ niệm về các vị tử đạo.

Chính vì thế mà Công Đồng Gangra vào năm 350 đã mạnh mẽ lên tiếng phê phán những sự xúc phạm hay sự buông thần bán thánh đến các lăng mộ của các vị tử đạo, và đến những việc hy tế và lễ nghi được cử hành tại các Nhà Nguyện này. Công Đồng Carthage Thứ Năm vào năm 400 đã truyền lệnh cho các vị Giám Mục phá trụi toàn bộ những bàn thờ không chính thức và các đài kỷ niệm của các vị tử đạo được dựng nên tại các cánh đồng bao la rộng lớn hay tại các vệ đường trừ phi chúng được Giáo Hội thừa nhận.

Sử liệu ghi nhận về trường hợp đầu tiên hết của một nhà nguyện riêng đó là của Constantine (tức một kiểu nhà nguyện hoàng gia) - vị hoàng đế này đã có một nhà nguyện riêng ngay trong cung điện của mình tại Constantinople. Một ví dụ khác nữa về một nhà nguyện nằm ở bên trong một tòa nhà khác thời tiên khởi được ghi nhận đến đó là một nhà nguyện rất nhỏ, vốn giờ đây được biết đến như là Sancta Sanctorum ngay bên trong mảnh vụn còn sơ sót lại trong cung điện Lateranô cổ. Đó chính là nhà nguyện riêng của các vị Gaío Hoàng, vốn đã có từ năm 583 khi Đức Pelagius II đặt tại nhà nguyện đó một số thánh tích cổ.

Các vị Tổng Giám Mục của Ravenna cũng có Nhà Nguyện riêng ngay trong cung điện của các Vị vốn vẫn con được nhìn thấy mãi cho đến ngày nay - Nhà Nguyện này ít ra đã được xây dựng hay tái trang trí lại lần cuối cùng nhất bởi Đức Tổng Giám Mục Peter Chrysologus vào khoảng năm 430.

Việc lan truyền ra đạo Kitô Giáo từ các thành phố ra đến các vùng quê cũng là dịp để xây dựng nên những Nhà Nguyện cho các tín hữu sống tại những vùng hẻo lánh, xa xôi với nhà thờ hay ngôi giáo đường của vị Giám Mục. Chính Thánh Chrysostom đã hô hào tất cả những quý ông giàu có thuộc giới quý tộc hãy xây dựng lên các Nhà Nguyện tại các miền quê và làng mạc của các ông, rồi sau đó giao cho các vị Linh Mục, Phó Tế, và các thư ký để giúp dâng Thánh Lễ vào các ngày Chủ Nhật; để cử hành các Thánh Lễ và các giờ đọc kinh bang sáng lẫn ban chiều vào những ngày thường, cũng như giảng dạy về giáo lý cho các trẻ em và các chú giúp lễ.

Về sau Công Đồng Laodicea (vào khoảng năm 350) đã cấm việc cử hành Phụng Vụ tại các nhà riêng ở các thành phố, là nơi vẫn thường xuyên có các Thánh Lễ được cử hành tại các nhà thờ. Việc tự do xây dựng nên các Nhà Nguyện cuối cùng cũng bị giới hạn lại vì cơ cấu mục vụ chưa được quy định một cách rõ ràng.

Hiện nay, tại các tòa án viện, các bệnh viện, và dĩ nhiên tại các dòng tu và các trang trại (hay các nghiệp đoàn nông dân) đều có các Nhà Nguyện kể từ thời trung cổ cho đến nay, và dĩ nhiên việc bổ nhiệm các vị Linh Mục phục vụ tại các Nhà Nguyện này vẫn thuộc về quyền của vị Giám Mục địa phương.

b. Các Loại Nhà Nguyện:

b1. Những Nhà Nguyện bên trong một Nhà Thờ Lớn (Chapels within a Church):

Tu Viện Romain-Moutier
Đó chính là những Nhà Nguyện Đức Bà, những Nhà Nguyện nằm ở phía bên hông, hay những Nhà Nguyện nằm ở phía mặt tiền, vân vân, được gắn kết hay nằm bên dưới mái của một ngôi Nhà Thờ lớn. Dạng Nhà Nguyện nhỏ tiên khởi nhất nằm bên trong một ngôi Nhà Thờ lớn được nhìn thấy tại nằm song song với nhau ở phía đằng sau cung thánh của các ngôi nhà thờ cổ, vốn được vây quanh bởi khu thánh đường chính.

Ở Phương Đông, những ngôi Nhà Nguyện này thường được dùng như là chổ để các đồ đạc hay phòng thay hay mặc áo lễ cho các giáo sĩ và các chú giúp lễ. Khác với Phụng Vụ theo Lễ Nghi Rôma, Phụng Vụ theo Nghi Lễ Đông Phương thường có phần dâng lễ vật dẫn nhập trước khi Thánh Lễ chính thức được diễn ra. Nghi lễ này đầu tiên là được cử hành ngay tại bàn thờ bên trong Nhà Nguyện trước, rồi sau đó các lễ vật mới được long trọng chuyển sang bàn thờ chánh trong lúc diễn ra phụng vụ thật sự của Thánh lễ. Các Nhà Nguyện ở cánh bắc do đó trở thành những nơi để dâng hiến của lễ trước.

Mặc dầu hình dạng kiến trúc của các Nhà Nguyện nằm song song với nhau ở phía đằng sau cung thánh của các ngôi nhà thờ cổ được giới thiệu ra lần đầu tiên tại Phương Tây, thế nhưng các nghi thức theo Lễ Nghi Rôma phần lớn vẫn thuần túy được xuất phát từ phòng thay hay mặc áo lễ, chứ không phải từ các Nhà Nguyện như Phụng Vụ theo Nghi Lễ Đông Phương.

Còn những Nhà Nguyện nằm ở phía mặt tiền đôi lúc cũng có các bàn thờ nhỏ và được sử dụng cho các mục đích Phụng Vụ. Những Nhà Nguyện theo kiểu này thường có dạng của một cổng vào rất lớn nằm phía tây của Nhà Thờ. Những ví dụ về những kiểu Nhà Nguyện nằm ở mặt tiền có thể được nhìn thấy tại Vương Cung Thánh Đường St-Front (Périgueux) ở Pháp Quốc; tại Tu Viện Romain-Moutier bên Thụy Sĩ; và tại Tu Viện Jumièges ở Pháp Quốc.

b2. Những Nhà Nguyện dành cho các vị Đại Sứ (Ambassadors' Chapels):

Việc sử dụng đến một Nhà Nguyện riêng cho các vị Đại Sứ của một quốc gia Công Giáo tại một Tòa Án của Tin Lành hay ngược lại, vẫn thường được cho phép như là dấu chỉ của việc lịch sự trong cung cách ngoại giao, dẫu rằng nó không hề được qui định một cách rõ ràng cho lắm trong luật lệ quốc tế. Tại Anh Quốc, vào lúc mà việc thực hành đạo Công Giáo hoàn toàn bị cấm cản bởi các luật lệ hình sự, thì những vị Đại Sứ Công Giáo được cho phép có những kiểu Nhà Nguyện như vậy nối liền với các Tòa Đại Sứ của họ.

Các vị Đại Sứ của Ý, Pháp, Áo, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều có các Nhà Nguyện riêng ở Luân Đôn. Các Nhà Nguyện này thậm chí còn mở rộng cả cho công chúng, và dần dà chúng trở thành những Nhà Thờ của các giáo xứ. Hiện tại, hai Nhà Nguyện của Ý (được xây dựng nên vào năm 1648) và của Đức (được xây dựng vào năm 1747) vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.

b3. Những Nhà Nguyện dành cho các vị Giám Mục (Bishops' Chapels):

Nhà Nguyện của vị Giám Mục trước tiên không gì khác hơn đó là Vương Cung Thánh Đường hay Nhà Thờ Chánh Tòa là nơi mà Vị ấy thường chủ tế Thánh Lễ cùng với vị Linh Mục chánh xứ, thế nhưng vì sự phong kiến hóa, do đó vị Giám Mục nên có một Nhà Nguyện riêng tách rời ra. Một trong những kiểu Nhà Nguyện rất đẹp dành cho vị Giám Mục vốn còn tồn tại cho đến ngày nay đó là tại Reims ở Pháp Quốc; hay Nhà Nguyện của vị Giám Mục Giáo Phận Ely, nhằm tôn kính Thánh Etheldreda ở Luân Đôn, Anh Quốc - hiện do các Cha Dòng Bác Ái quản lý từ năm 1876 cho đến nay.

Palatine Chapel
b4. Những Nhà Nguyện nơi Nghĩa Trang hay nơi Nhà Xác (Cemetary / Mortuary Chapels):

Những Nhà Nguyện thuộc loại này thường có nguồn gốc xuất xứ từ rất lâu đời, vốn được xây cất nên để làm nơi tang chế cho một vị tử vì đạo, hay nói chung hết là cho các giáo dân khi họ đã đến lúc yên nghỉ cuối cùng. Các hầm mộ thời La Mã xưa chính là những bằng chứng điển hình cho những kiểu Nhà Nguyện này. Sau những ngày bị hành quyết, những người Kitô Giáo có thể phụng tự tại những nơi yên nghỉ cuối cùng của những người đã qua đời này mà không phải kín đáo hay sợ bị xúc phạm hoặc coi thường, và do đó những kiểu Nhà Nguyện nơi nghĩa trang hay tại nơi chôn cất cứ thế mà mọc lên kể từ thời Trung Cổ.

Hai Nhà Nguyện theo kiểu này, vốn tạo sự tò mò của dân chúng đó là tại Sarlat ở vùng Dordogne, và Avioth ở vùng Meuse bên Pháp Quốc. Nhà Nguyện tại Sarlat có kiểu cấu trúc hình nón, cao khoảng 40 feet, có chứa một Nhà Nguyện tròn bên trong nhà xác nơi tầng trệt, và trên đỉnh có một ngọn đèn hải đăng, được xây cất vào thế kỷ 12. Còn Nhà Nguyện tại Avioth được xây dựng vào thế kỷ 15 theo dạng một cung thánh mở rộng được hổ trợ bởi các cột và một ngọn đèn hải đăng chiếu từ trên xuống.

Những Nhà Nguyện với vẽ nguy nga, và tráng lệ thường được xây dựng nên để làm các nơi chôn cất của các vị vua và những người thuộc dòng dõi quý tộc có quyền thế. Nổi tiếng nhất chính là tại Vương Cung Thánh Đường Aachen ở Đức Quốc, vốn cất giữ ngôi mộ của Vua Charlemagne tại Nhà Nguyện Palatine.

b5. Những Nhà Nguyện trong Nhà Thờ (Chantry Chapels):

Những Nhà Nguyện này hoàn toàn khác với các Nhà Nguyện được đề cập ở Mục b1 như đã mô tả chi tiết ở trên, là vì chúng được xây dựng nên để cử hành những Thánh Lễ Cầu Hồn (Requiem Masses) liên tục cho một vài linh hồn cá nhân cụ thể nào đó mà thôi, thường là cho chính vị sáng lập ra Nhà Thờ, Vương Cung Thánh Đường, hay Nhà Thờ Chánh Tòa đó mà thôi. Những vị Linh Mục đặc biệt thường được chỉ định để phục vụ tại các Nhà Nguyện này, mà người Anh hay người Mỹ vẫn thường gọi là "Chantry Priests."

Những Nhà Nguyện theo kiểu này chưa trở nên phổ biến mãi cho đến thế kỷ thứ 13. Đôi lúc, Nhà Nguyện theo kiểu này được xây cất ở phía trên của ngôi mộ và có thể lên xuống qua một cầu thang xoắn như tại Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô (Christ Church Cathedral) ở Oxford, Anh Quốc.

Những ngôi Nhà Nguyện này đôi lúc cũng được xây dựng và bảo trì bởi một nhóm hội địa phương (local guild) như Hội Chúa Thánh Thần (Guild of the Holy Ghost) tại Beccles, và Hội Palmers (Palmers' Guild) tại Anh Quốc.

b6. Những Nhà Nguyện Giáo Hoàng (Papal Chapels):

Xét về mặt kỷ thuật mà nói, Nhà Nguyện Giáo Hoàng là dành không những cho riêng vị Giáo Hoàng mà còn cho cả các vị thuộc Giáo Triều Rôma hay Hồng Y Đoàn. Nhà Nguyện Giáo Hoàng được hình thành nên từ việc dẹp bỏ Tòa Án / Cung Điện Giáo Hoàng (Papal Court) khỏi La Mã vào năm 1305, khi các nghi lễ và các lễ kính truyền thống, vốn trước đây vẫn thường được cử hành tại các Vương Cung Thánh Đường khác nhau tại Rôma, được chuyển sang Nhà Nguyện Palatine tại Avignon ở Pháp Quốc.

Lúc quay trở về Rôma vào năm 1377, vì rất nhiều lý do khác nhau, các vị Giáo Hoàng vẫn tiếp tục cử hành những nghi lễ này tại một Nhà Nguyện riêng thay vì tại các Vương Cung Thánh Đường. Đức Giáo Hoàng Nicolas V đã xây dựng nên một Nhà Nguyện ngay bên trong Vaticăn là vì mục đích này, vốn sau này bị Đức Giáo Hoàng Phaolô III phá bỏ đi để làm chổ cho Nhà Nguyện Phaolô do chính Ngài xây dựng lên.

Một Nhà Nguyện khác ở Vaticăn, vốn giờ đây chủ yếu được dùng đến cho những chức năng quan trọng của vị Giáo Hoàng đó là Nhà Nguyện Sistine, được xây cất lên bởi Đức Giáo Hoàng Sixtus IV vào năm 1473. Nhà Nguyện này được biết đến là vì có ca đoàn rất nổi tiếng, hơn là vì các bức tranh vẽ của Raphael, Michelangelo và các họa sĩ danh tiếng khác vốn trang hoàng cho các trần và tường của Nhà Nguyện.

Thực chất mà nói, Nhà Nguyện Giáo Hoàng cũng không khác gì cho lắm so với các Nhà Nguyện riêng của các vị Giám Mục, hay Hồng Y vốn đang cai quản một (Tổng) Giáo Phận. Tại nhà nghỉ hè của Đức Thánh Cha ở Castel Gandolfo cũng có một Nhà Nguyện riêng dành cho Ngài; và ở Vaticăn, Đức Thánh Cha hiện tại vẫn thường hay cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh hằng ngày tại Nhà Nguyện nhỏ của Ngài, nối liền với căn hộ mà Ngài đang cư ngụ.

b7. Các Nhà Nguyện Đặt/Nghỉ/Tạm (Chapels of Repose):

Theo nghi lễ Anh Quốc lâu đời vốn cũng là thói quen trong suốt thời Trung Cổ, vào buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, việc đặt một trong các Bánh (Host) Thánh - vốn đã được thánh hóa vào Thứ Năm Tuần Thánh, cùng với cây thánh giá được sử dụng trong Thánh Lễ ban sáng - vào cái được gọi là Mộ Phục Sinh (Easter sepulchre) hay Nhà Nguyện Đặt/Nghỉ/Tạm, và để mang các Bánh Thánh đó ra trở lại vào buổi sáng Phục Sinh với nghi lễ và các bài ca tụng trọng thể, vốn biểu trương cho việc chôn cất Thi Hài của Chúa Kitô bên trong Ngôi Thánh Mộ, và việc Phục Sinh của Chúa Kitô từ chính ngôi mộ đó.

Còn trong Nghi Lễ Rôma, cụm từ "Chapel of Repose" được ám chỉ đến bàn thờ hay Nhà Nguyện nơi mà Mình Thánh Chúa được long trọng cất giữ giữa Thánh Lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh và Thánh lễ Chúa Chịu Chết vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

b8. Các Nhà Nguyện Hoàng Gia (Royal Chapels):

Tại các quốc gia Công Giáo cũng như Tin Lành, thật là một đặc ân lớn để có được các Nhà Nguyện riêng ngay bên trong các cung điện thuộc hoàng gia. Nổi tiếng nhất vẫn là Nhà Nguyện do chính Thánh Louis của Pháp Quốc xây dựng nên vào năm 1248 để chứa các Thánh Tích về Vương Miện Đầy Gai (Crown of Thorns) mà vị Thánh đã nhận được từ Hoàng Đế Constantinople, và nó nằm sát vách với cung điện của Ngài ở La Cité bên Pháp Quốc. Vị kiến trúc của Nhà Nguyện đó chính là Pierre de Montereau - một kiến trúc gia nổi tiếng mà cho đến bây giờ chưa ai có thể qua mặt được. Phần dưới chính là một Nhà Nguyện dành cho các người hầu của cung điện, và phần trên chính là Nhà Nguyện của hoàng gia.

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc Cách Mạng Pháp, Nhà Nguyện hoàng gia này đã bị phỉ báng và một lần nữa trở nên một Nhà Nguyện hoàng gia trong một thời gian ngắn dưới thời của Vua Louis Philippe. Kể từ đó trở đi, và lần mới đây, Nhà Nguyện hoàng gia này chỉ được dùng một lần trong một năm mà thôi, đó là cho "Thánh Lễ Đỏ" (Red Mass) dành cho các Luật Sư, Chánh Án, và Công Tố Viên. Giờ đây nó chỉ thuần túy là một đài kỷ niệm quốc gia mà thôi.

Các Nhà Nguyện hoàng gia khác phải được kể đến đó là Nhà Nguyện Thánh George ở Windsor, Anh Quốc; Nhà Nguyện La Sainte-Chapelle ở Paris, Pháp Quốc; Nhà Nguyện Thánh Giacôbê ở Luân Đôn, Anh Quốc; và Nhà Nguyện Savoy được Vua Henry VII của Anh xây cất nên vào năm 1773.

c. Luật Lệ của Giáo Hội có liên quan đến những ngôi Nhà Nguyện:

King College Chapel - Cambridge
Luật lệ của Giáo Hội hiện nay, tuy không có đặt nhiều hạn chế vào việc xây dựng nên các Nhà Nguyện vốn cũng là một phần rộng lớn hay nới rộng ra của Nhà Thờ hay giáo xứ, thế nhưng lại có những quy định rất rõ ràng và cụ thể có liên quan đến những Nhà Nguyện riêng. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho những ai có ý định cử hành Thánh Lễ mà thôi; và dĩ nhiên không có bất kỳ giới hạn nào cả có liên quan đến việc dành riêng ra một căn phòng, hay một viện trong một ngôi nhà riêng để dùng cho các mục đích cầu nguyện và sùng kính riêng.

Thế nhưng, đối với một Nhà Nguyện vốn có Thánh Lễ được cử hành, thì Giáo Luật quy định về điều này một cách rất nghiêm ngặt. Các vị Hồng Y, các vị Giám Mục (ngay cả các vị Giám Mục hiệu tòa) và các vị Giám Mục thường, được phép dùng một Nhà Nguyện riêng của mình để cử hành Thánh Lễ; còn đối với những người khác, thì phải có sự cho phép đặt biệt riêng của Tòa Thánh.

Vị Giám Mục của một Giáo Phận có thể cho phép cần thiết về việc thành lập nên một Nhà Nguyện ngay bên trong một cơ sở hay một viện, ví dụ như Dòng Tu, trại tế bần, bệnh viện, nhà tù, trại cải tạo (workhouse), thì những Nhà Nguyện như vậy thường để cho công chúng hay nửa công chúng đến.

Tuy nhiên, đối với một Nhà Nguyện hoàn toàn mang tính cách riêng tư trong một ngôi nhà riêng tư của một cá nhân nào đó, với mục đích là sự tiện lợi dành cho các thành viên trong nhà, thì một sự cho phép đặc biệt của Đức Thánh Cha phải cần nhận được trước khi có Thánh Lễ được cử hành bởi bất kỳ vị Hồng Y, Giám Mục hay Linh Mục nào. Và Đức Thánh Cha chỉ ban hành đặc biệt đó cho những ai có đầy đủ những lý do chánh đáng nhất mà thôi, ví dụ vì khoảng cách khá xa để có thể đến được Nhà Thờ; vì căn bệnh hết sức hiểm nghèo của một thành viên trong gia đình, vân vân...

Việc cử hành Thánh Lễ tại một Nhà Nguyện riêng tư của một gia đình đã không được phép rồi, huống hồ chi đến việc cử hành Thánh Lễ tại gia.

Do đó, sẽ là hoàn toàn trái với Luật Lệ Giáo Hội, nếu như có Thánh Lễ được cử hành tại một nhà riêng ngay trong phòng khách, hay phòng ăn gì gì đó, vốn gần đây chúng ta đã đọc được khi tác giả có danh xưng là Giáo Sư đã "trơ trẽn" đưa tin đó lên VietCatholic về việc một Đức Hồng Y cử hành Thánh Lễ tại một tư gia nào đó ở một tiểu bang gần Washington, D.C.

Đó suy cho cùng cũng là một sự coi thường trắng trợn, và một sự lạm dụng trầm trọng vốn hãy còn tồn tại trong Phụng Vụ Thánh nhất là sau Công Đồng Chung Vaticăn II khi Thánh Lễ theo hình thức như hiện nay được phổ biến rộng rãi cho đại đa số quốc gia và quần chúng.

Những giảng dạy của Giáo Hội qua các Tông Hiến lẫn Tông Thư, kể cả Giáo Luật [mà người viết sẽ triển khai sâu sắc hơn qua các bài viết sắp tới - NV] có quy định rất rõ ràng về địa điểm, hoàn cảnh, và nơi chốn để cử hành một Thánh Lễ - vì suy cho cùng, Thánh Lễ mang một ý nghĩa hết sức long trọng về Sự Hy Tế Thánh của Chúa Giêsu trên Thập Giá cho Thiên Chúa Cha, do đó, không phải Thánh Lễ có thể được cử hành tại bất kỳ nơi đâu mà vị chủ tế muốn cả, hay vì sự yêu cầu của bất kỳ gia đình nào cả.

Thánh Lễ tại gia chỉ xảy ra đối với nhà hay gia đình nào có tang chế, hay gia đình nào có người bệnh nặng sắp qua đời mà thôi, chứ không phải tại những gia đình có đồng tiền, hay thứ vật chất tầm thường để khống chế hay làm lung lạc Giáo Hội lẫn các chủ chăn, cho dẫu theo cách trực hay gián tiếp!

Còn liên quan tới việc hoàn thành bổn phận tham dự Thánh Lễ nơi các Nhà Nguyện riêng, thì luật lệ xưa của Giáo Hội có quy định rằng: bổn phận tham dự Thánh Lễ chỉ có thể được thỏa mãn bằng việc tham dự Thánh Lễ tại một Nhà Thờ của Giáo Xứ mà thôi, chứ không phải Thánh Lễ tại tư gia. Công Đồng Trent phần nào đã điều chỉnh về luật lệ này, và kể từ đó trở đi các thần học gia thường có nhiều ý kiến rất khác nhau về đâu mới là luật chính xác.

Và để giải quyết những mâu thuẩn này, Đức Cố Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1899 đã quy định rằng:

c1. bổn phận tham dự Thánh Lễ chỉ có thể được thỏa mãn bởi bất kỳ ai tham dự Thánh Lễ tại các Nhà Nguyện công cộng hay bán công mà người giáo dân đó có thể đến; nhưng

c2. bổn phận đó thường không được thỏa mãn, khi người đó đến tham dự Thánh Lễ tại một Nhà Nguyện hoàn toàn mang tích cách riêng tư của bất kỳ ai, ngoại trừ những người đã nhận được sự cho phép đặc biệt riêng của chính Đức Thánh Cha vì họ có căn bệnh hiểm nghèo mà thôi.

(4). Oratory (Nhà Nguyện hay Nhà Thờ Nhỏ):

a. Xét về Tính Nguồn Gốc:

An Oratory
Chữ Oratory trong tiếng La Tinh chính là oratorium, vốn xuất phát từ chữ orare có nghĩa là: to pray hay cầu nguyện.

Xét về mặt nghữ nghĩa tổng quát thì chữ Oratory nhấn mạnh đến một nơi để cầu nguyện, thế nhưng xét về mặt kỹ thuật, chữ này lại có nghĩa là một cấu trúc (structure) vốn hoàn toàn khác với một ngôi giáo đường của giáo xứ, hay một nhà thờ của một họ đạo. Cấu trúc này được Giáo Hội dành riêng ra để cầu nguyện, và cũng là nơi để cử hành Thánh Lễ.

Trông có vẽ như những Oratories này có nguồn gốc xuất phát từ những ngôi Nhà Nguyện (Chapels) được xây dựng bên trên những ngôi mộ của các vị tử đạo tiên khởi, vốn là nơi mà các tín hữu thường hay lai vãng tới để cầu nguyện, và cũng là nơi để phụng tự cho những ai sống tại các vùng miền quê, xa xôi, hẻo lánh khi việc tham dự Thánh Lễ chỉ giới hạn cho những ai sống tại các thành phố vốn có Nhà Thờ Chánh Tòa, hay Vương Cung Thánh Đường xưa kia mà thôi.

Có những Oratories riêng để cho các vị Giám Mục cử hành Thánh Lễ, và sau này chúng được gắn liền với các Tu Viện, hay chổ cư ngụ của giới quyền tộc quý phái.

Tại Giáo Hội Đông Phương nơi mà cơ cấu tổ chức giáo xứ không có hoàn chỉnh và nghiêm ngặt như tại Phương Tây, thì những Oratories riêng tư có quá nhiều đến nổi tạo ra một sự lạm dụng trắng trợn về Phụng Vụ Thánh.

b. Các Loại Oratories:

b1. Các Oratories Bán Công (Semipublic Oratories):

Chính là những Oratories, mặc dầu được dựng lên trong một tòa nhà riêng, thế nhưng chúng được dùng bởi cộng đồng. Đó chính là những Oratories của các chủng viện, các Dòng Tu đạo đức, các trường đại học, các bệnh viện, các nhà tù, và các học viện. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều Oratories trong một căn nhà, thì chỉ có Oratory nào có Mình Thánh Chúa được gìn giữ, thì Oratory đó mới có được những đặc quyền như là một Oratory bán công mà thôi.

Tất cả những Oratories bán công (vốn bao gồm luôn cả Nhà Nguyện riêng của một vị Giám Mục) đều có quyền ngang bằng như những Oratories công cộng, liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ tại đó. Mỗi một Oratory của một Dòng Tu đều có lịch Phụng Vụ kính các Thánh riêng của Dòng Tu đó.

Tại những Oratories nào vốn là của các nữ tu, thì những Thánh Lễ kính của cộng đoàn các nữ tu đó, chỉ được cử hành theo đúng với những sắc lệnh và sự cho phép đặc biệt mà cộng đoàn các nữ tu đó nhận được từ phía Tòa Thánh mà thôi.

Những vị Linh Mục Dòng nào đó đến viếng thăm các Oratories bán công này, đều không được phép cử hành Thánh Lễ kính các Thánh của Dòng mình, trừ khi lịch phụng vụ của Oratory đó có quy định hay cho phép việc cử hành một Thánh Lễ Tạ Ơn đó.

Những Oratories công cộng và bán công đều nằm dưới quyền kiểm soát của vị Giám Mục địa phương.

Thánh Bộ đặc trách về Các Nghi Lễ (Congregation of Rites) vào ngày 23 tháng 1 năm 1899 đã công bố rằng: "Tại những Oratories này, vốn nằm dưới quyền cai quản của vị Giám Mục bản quyền, thì Thánh Lễ có thể được cử hành, và tất cả những ai tham dự Thánh Lễ đều thỏa mãn những gì mà Giáo Hội đòi hỏi người tín hữu vào những ngày lễ buộc."

b2. Các Oratories Riêng (Private Oratories):

Chính là những Oratories được dựng nên tại những ngôi nhà riêng vì sự tiện lợi của một số người hay của gia đình, vốn đã được sự cho phép đặc biệt của Tòa Thánh. Những Oratories này chỉ được phép xây dựng nên chừng nào có được sự cho phép của Đức Thánh Cha mà thôi.

Những Oratories có trong các ngôi nhà riêng tư tồn tại từ thời các Tông Đồ khi Các Mầu Nhiệm Cực Thánh (Sacred Mysteries) không thể nào được cử hành một cách công khai vì sẽ bị tù tội, bắt giam hay xử trảm. Thậm chí ngay cả sau khi thời bình của Hoàng Đế Constantine, thì tục lệ đó vẫn còn tiếp diễn. Những vị vua chúa và những người thuộc giới quý tộc đều có những Oratories riêng được xây dựng lên ngay bên trong các cung điện của họ. Mãi cho tới thời của Hoàng Đế Justinian thì các sử gia mới tìm thấy được những luật lệ có liên quan đến các Oratories riêng tư, và việc cấm cử hành Thánh Lễ tại các ngôi nhà riêng này.

Thánh Bộ Kỷ Luật các Phép Bí Tích (Congregation of the Discipline of the Sacraments) vào ngày 7 tháng 2 năm 1909 đã ban hành ra sắc lệnh vốn có những quy định hết sức chặt chẽ về việc dựng nên các Oratories riêng tư này tại các nhà riêng, và việc có Thánh Lễ được cử hành, vốn phải nhận được sự cho phép của cả vị Giám Mục bản quyền lẫn của chính Đức Thánh Cha thì mới được làm như vậy.
 
Nancy Pelosi thề sẽ giết chết Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân Truyền Thống và vẫn muốn được Rước Lễ
Paul Anh
10:25 06/08/2008
Nancy Pelosi thề sẽ giết chết Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân Truyền Thống và vẫn muốn được Rước Lễ

Và Bà rất vui mừng vì chưa có Vị Giám Mục nào có đủ can đảm để nhắc nhở Bà về quan điểm phò phá thai rất mạnh mẽ của Bà

Nancy Pelosi
SAN FRANCISCO (LifeSiteNews.com & Peter J. Smith) - Phát Ngôn Viên Hạ Viện Hoa Kỳ, Bà Nancy Pelosi - một người Công Giáo gốc Ý đến từ tiểu bang California - đã thề là sẽ cùng với Ông Barack Obama để thực hiện một chiến dịch mới là sẽ giết chết Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act hay DOMA) truyền thống giữa một người nam và một người nữ, và hứa sẽ tiếp tục lên Rước Lễ mà không hề e sợ bất kỳ sự khiển trách hay vạ tuyệt thông nào cả của Giáo Hội Công Giáo.

Trong cuộc họp báo vào ngày Thứ Năm tuần qua, Pelosi đã nói cho các nhà báo biết rằng Bà dự định hổ trợ cho Thượng Nghị Sĩ Barack Obama trong nổ lực của Ông ấy nhằm bãi bỏ Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân, nếu như người dân Mỹ chọn Ông đen này làm Tổng Thống của họ.

Học Viện Văn Hóa và Truyền Thông (The Culture and Media Institute) báo cáo cho biết rằng: Pelosi đã trả lời một cách rất kiên quyết rằng trong khóa họp của Hạ Viện vào năm tới, Bà sẽ dẫn đầu mọi nổ lực để giết chết Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân, vốn hiện đang cấm cản những cặp đồng tính luyến ái, mặc dầu "đã cưới hỏi" với nhau rồi tại California hay Massachusetts, không được phép kiện tụng hay yêu cầu các tiểu bang phải dẹp bỏ đi các lệnh cấm về loại hôn nhân "đồng dục" hết suy đồi và bệnh hoạn này.

Nói với các thính giả của C-SPAN, Pelosi cho biết rằng Bà rất biết ơn là cho đến nay Bà vẫn được phép lên Rước Lễ trong khi mạnh mẽ thực hiện một chiến dịch nhằm chống lại mọi nổ lực của những người phò sinh, khi họ vận động để giới hạn hay hủy bỏ hoàn toàn việc hợp pháp hóa chuyện phá thai.

Trong cuộc phỏng vấn được trình chiếu trên C-SPAN vào Chủ Nhật vừa qua, Pelosi giải thích rằng: trong khi các chính trị gia Công Giáo khác gặp rất nhiều trở ngại về việc bị từ chối cho lên Rước Lễ từ các vị Giám Mục của họ, còn đối với Bà, Bà chẳng gặp một sự phản đối hay trở ngại nào cả đến từ phía Đức Tổng Giám Mục của San Francisco là George Niederauer lẫn Đức Tổng Giám Mục Donald W. Wuerl của Tổng Giáo Phận Washington, D.C. cả.

Bà nói: "Tôi vốn là người vẫn thường lên Rước Lễ, do đó sẽ là một cú đấm rất mạnh vào mặt nếu như tôi bị từ chối để được cho lên Rước Lễ!"

[Thực chất mà nói, hại vị Tổng Giám Mục này theo đường lối rất phóng khoáng (liberal) nên đã không hành động, so với vị cựu Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận St. Louis và Tổng Giáo Phận Denver - Thật là một điều đáng buồn! Cũng chính vì vậy mà Đức Thánh Cha đến Washington, D.C. và tên của Donal Wuerl chưa bao giờ được lọt vào Danh Sách mà Đức Thánh Cha phong tước vị Hồng Y cả - NV]

Có rất nhiều người Công Giáo tín trung với Giáo Hội đã phải kinh hoàng và sửng sốt khi không có vị Lãnh Đạo nào của Giáo Hội Công Giáo, dám công khai lên tiếng về hành động của Pelosi - một người tự nhận mình là Công Giáo nhưng lại mạnh mẽ và điên cuồng hổ trợ cho việc phá thai và thứ hôn nhân đồng dục bệnh hoạn cả!

Và Bà này còn dám lộng hành hơn khi viết ra cuốn sách có nhan đề: "Biết Được Quyền Lực của Mình" (Know Your Power) qua đó Bà nói rằng: "Cha-Mẹ của tôi không phải nuôi tôi để trở thành một Phát Ngôn Viên, mà họ nuôi tôi để trở thành một người thánh thiện."

[Không biết Pelosi định nghĩa "thế nào là sự thánh thiện" theo thiển ý của riêng Bà cả? - NV]

Đứng trước tình trạng nguy hiểm và khẩn cấp này, khi mà Hôn Nhân Truyền Thống đang bị đe dọa một cách trầm trọng và trắng trợn, hơn ai hết, chính những Quý Vị Công Giáo hiện cư ngụ tại tiểu bang California và Washington, D.C. - Quý Vị cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ những giảng dạy truyền thống của Giáo Hội về Hôn Nhân Truyền Thống, bằng cách viết thư, gọi điện thoại hay gởi email bày tỏ nổi bức xúc của Quý Vị về hành động quá coi thường này của Pelosi tới cho hai Vị Tổng Giám Mục của San Francisco và Washington theo các thông tin dưới đây:

Most Reverend George Niederauer

Archbishop of San Francisco

1 Peter Yorke Way

San Francisco, CA 94109

Tel: (415) 614-5500

Email: info@sfarchdiocese.org

Most Reverend Donald W. Wuerl

Archdiocese of Washington

P.O. Box 29260

Washington, DC 20017-0260

Tel: (301) 853-4500


Nếu được thì Quý Vị hãy cùng vận động cả Giáo Xứ lẫn các bạn bè người Mỹ Công Giáo đạo đức để tất cả nhau cùng hành động, vì nếu không, chính các thế hệ trẻ của con cái chúng ta sẽ bị thiệt hại và chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa vì đã không dám hành động để bảo vệ cho khía cạnh đạo đức nền tảng mà Ngài đã giảng dạy cho chúng ta qua Giáo Hội!
 
Báo L’Osservatore Romano vinh danh Alexander Solzhenitsin
Phụng Nghi
10:46 06/08/2008
Rome (CNA) – Báo của Tòa thánh tuần này đã vinh danh một trong những nhà trí thức quan yếu nhất của nước Nga, người đoạt giải Nobel Văn chương năm 1970, đó là Alexander Solzhenitsin. Ông là một tín hữu Kitô giáo phái Chính thống, mới qua đời hôm Chủ nhật, hưởng thọ 89 tuổi. Ông đã từng là nạn nhân của những tàn bạo khủng khiếp trong các Gulag tức là những trại tập trung của Liên xô, nơi hàng triệu người đã thiệt mạng.

“Một ngày trong đời Ivan Denisovich” (A Day in the Life of Ivan Denisovich ) và “Quần đảo Gulag” (Archipelago Gulag) là hai trong số các tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của nhà tư tưởng Thiên Chúa giáo này, đã trình bày cho thế giới biết những điều man rợ xảy ra ở các Gulag, nơi cả các linh mục và tu sĩ cũng là những người trong số hàng triệu nạn nhân đã chết.

Solzhenitsin sinh tại Kislovodsk ngày 11 tháng 12 năm 1918, vào năm phôi thai của cuộc cách mạng tại Nga. Tuy ưa chuộng văn chương, nhưng ông đã tốt nghiệp các văn bằng về vật lý và toán học.

Ông sống tại Ukraine từ 1942 đến 1943 và viết bài chỉ trích Stalin. Ông bị bắt ngày 9 tháng 2 năm 1945 và bị kết án 8 năm trong các Gulag. Theo trình thuật trên nhật báo của Tòa thánh thì trong thời gian này ông đã kinh qua cuộc sống gian khổ của một người chống đối, cuộc đời lưu đầy của một nhà trí thức bí mật.

Trong thời gian bị giam giữ tại Gulag, ông viết rằng có nhiều nhà bất đống chính kiến rải rắc kháp nước Nga và “mỗi người chúng tôi đã viết về những điều chúng tôi biết được theo tiếng nói của danh dự và lương tâm, nghĩa là, về những sự thật thiết yếu, không phải bịa đặt ra chỉ vì bị giam hãm trong các nhà tù, đối mặt với các đội hành quyết, hay trước nguy cơ bị trục xuất. Khi đến thời cơ, chúng tôi sẽ cùng trồi lên từ vực thẳm, và từ đó, nền văn chương vĩ đại của chúng ta - mà chúng tôi phát triển từ những đáy biển trong cuộc Đại Cách Mạng – sẽ được tái tạo.”

Từ 1973 đến 1976, Solzhenitsin viết cuốn Quần đảo Gulag trong đó ông mô tả chế độ của Stalin trong nửa đầu thế kỷ 20 như là một “nhà tù toàn diện” đối với hàng triệu người sinh sống tại Liên bang Sô viết.

Tang lễ
Vào những năm cuối đời, người phản kháng nổi danh này đã xuất bản một cuốn nhật ký và hàng loạt những bài văn – viết giữa những năm 1967 và 2003 – dưới nhan đề “Phác thảo từ chốn lưu đầy” (Sketches from Exile) trong đó ông biện luận về một nền nhân bản Kitô giáo hiện đại có thể cứu nước Nga, phương tây và cả thế giới.

Ông viết: “Chúng ta phải xây dựng một thế giới đạo đức. Sự bùng nổ mới đây của chủ nghĩa vật chất tư bản tạo ra một mối nguy cơ cho tất cả mọi tôn giáo.” Tờ báo của Tòa thánh khen ngơi Solzhenitsin vì đã kiên trì giữ vững đức tin, niềm tin đã nâng đỡ ông trong chốn tù đầy và cho ông can đảm tiếp tục khuyến khích những người khác biết tin tưởng vào một “kế hoạch cao vời hơn”, một kế hoạch làm cho ta đáng sống trên trần gian này.
 
Tưởng niệm 30 năm Đức Phaolô VI qua đời
Linh Tiến Khải
11:26 06/08/2008
Tưởng niệm 30 năm Đức Phaolô VI qua đời

Cách đây 30 năm ngày mùng 6 tháng 8 năm 1978 Đức Phaolô VI đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, vào đúng chiều ngày lễ Chúa Hiển Dung. Vài ngày trước khi qua đời Đức Phaolô VI đã nói “Tôi đã duy trì lòng tin”. Câu nói này tóm gọn chân dung của một vị Giáo Hoàng khiêm tốn và cứng rắn, say mê Chân Lý và là người đã lèo lái con thuyền Giáo Hội trong những năm sóng gió của thế giới và Giáo Hội thời hậu Công Đồng.

Thởi điểm đầy hứng khởi của ĐGH Phaolô VI và Tổng thống Kennedy
Với thời gian qua đi càng ngày người ta càng nhận ra gương mặt của người như một chứng nhân khiêm tốn và can đảm của sự thật, tông đồ của hòa bình, con người của đối thoại giữa các dân tộc và các nền văn hóa.

Khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Phaolô VI đã tuyên bố ngay lập tức là người muốn tiếp tục Công Đồng bị bỏ dở vì cái chết của Đức Gioan XXIII, tiếp tục công cuộc cải tổ Giáo Luật và theo đuổi con đường đối thoại đại kết.

Sau khi Công Đồng Vatican II kết thúc, Đức Phaolô VI can đảm bắt đầu công trình áp dụng các quyết định của Công Đồng, giữa đủ mọi chướng ngại, chống đối và phản kháng. Hoạt động đại kết của người đặc biệt quan trọng và sâu rộng, với các gặp gỡ trao đổi phong phú với Giáo Hội Anh Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Cuộc gặp gỡ của Đức Phaolô VI với Đức Thượng Phụ Constantinpoli Athenagoras đã là một biến cố lịch sử bắt đầu đánh tan băng giá trong tương quan giữa hai bên.

Đức Phaolô VI đã công bố nhiều Thông Điệp và Tông Huấn quan trọng như ”Ecclesiam suam”, Populorum progressio”, Evangelii nuntiandi”, Humanae vitae”, ”Communio et progressio”, ”Marialis cultus”, ”Gaudete in Domino”. Giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời người ghi đậm dấu buồn thương của vụ Lữ Đoàn Đỏ bắt cóc và sát hại người bạn rất thân của người là chính trị gia Aldo Moro thuộc đảng Thiên Chúa Giáo.

Khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Hồng Y Giovan Battista Montini đã tuyên bố: ”Có lẽ Thiên Chúa đã gọi tôi vào việc phục vụ này, không phải để tôi có thái độ nào trong chức vụ đó, mà để tôi đau khổ một chút cho Giáo Hội”. Sự thông minh bén nhậy đã cho phép Đức Phaolô VI trực giác được một cách thực sự ngay từ ban đầu, khía cạnh nặng nề nhất của một sứ mệnh tràn đầy gian truân và bất trắc bất thình lình đổ trên vai người và thử thách tính tình và sức khỏe của người một cách nặng nề.

Đức Phaolô VI sinh tại Concesio thuộc tỉnh Brescia, bắc Italia, năm 1897 trong gia đình trung lưu khá giả, cha là luật sư Giorgio Montini và mẹ là bà Giuditha Alghini. Ngay khi vừa sinh ra bé Giovan Battista đã yếu ởt đến độ các bác sĩ xác tín rằng cậu bé chỉ có thể sống tới ngày hôm sau thôi. Nhưng bé Giovan Battista hồi phục, nhưng lớn lên một cách khó khăn và lúc nào cũng yếu ớt. Cậu bé có tính tình giống mẹ, tế nhị, dễ thương và tràn đầy tình yêu đối với gia đình nhưng dè dặt, không hướng ngoại. Ông thân sinh Giorgio trái lại là người hoạt động, hăng say phổ biến các tư tưởng và tham gia các cuộc chiến đấu chống lại khuynh hướng bài giáo sĩ lan tràn trong xã hội Italia hồi thế kỷ XIX. Năm 1881 ông trở thành giám đốc nhật báo công giáo ”Công dân Brescia” (Il Cittadino di Brescia) cho tới năm 1912. Trong các năm này luật sư Giorgio đưa ra rất nhiều sáng kiến giúp thăng tiến cuộc sống của người dân và củng cố Giáo Hội Công Giáo như thành lập các hiệp hội “Liên minh trắng” trong vùng quê Brescia, ”Hiệp hội lao động” và hội hưu dưỡng học đường. Ông cũng thành lập nhà xuất bản ”Học đường” và dấn thân nắm giữ các chức vụ công cộng và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV giao việc đặc trách một phân bộ của tổ chức Công Giáo Tiến Hành và là dân biểu ba lần liên tiếp.

Trong nhiều năm trời gia đình Montni đã là nơi gặp gỡ của giới trí thức và chính trị gia, trong đó có Linh Mục Luigi Sturzo, chính trị gia Romolo Murri và Alcide De Gasperi. Cha Sturzo và ông Murri đã cùng ông Giorgio thành lập Đảng Nhân Dân Italia, từ đó năm 1943 nảy sinh ra Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.

Tất cả các sinh hoạt này của thân phụ đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên thiếu niên Giovan Battista. Nhưng bầu khí tươi vui nhộn nhịp của gia đình không thay đổi tính tình của vị Giáo Hoàng tương lai, vốn nghiêm khắc và man mác buồn. Tình hình sức khỏe yếu kém với các cơn sốt bất chợt khiến cho gia đình phải giao thiếu niên Giovan Battista cho một gia đình nông dân nuôi dưỡng trong 14 tháng. Nhưng khi cậu trở về Brescia các bác sĩ vẫn lo lắng cho sự phát triển của cậu. Chính sức khỏe mong manh thời thơ ấu đã khiến cho Giovan Battista sau này có tính tình nhút nhát, qúa nhậy cảm, bất an và lo lắng.

Thời gian theo học tại trường các cha dòng Tên xen kẽ với các ngày đau yếu và giai đoạn phải học tư tại gia. Tuy thế khi thế chiến thứ I bùng nổ thanh niên Giovan Battista cũng tình nguyện nhập ngũ, nhưng bị loại ngay. Chứng bệnh tim bộc phát sau đó lại càng gia tăng sự nhút nhát khiến cho Giovan Battista luôn gầy gò xanh xao. Chỉ có đôi mắt là vẫn luôn tinh anh.

Con đường ơn gọi linh mục của Giovan Battista đã chỉ đến từ từ. Vì lý do sức khỏe thầy Giovan Battista theo học đại chủng viện, nhưng như là sinh viên ngoại trú. Tuy bị kiệt lực một thời gian dài, nhưng ngày 29 tháng 5 năm 1920 thầy cũng được thụ phong Linh Mục. Vì là con của luật sư Montini nổi tiếng trong giới công giáo nên Đức Giám Mục Brescia gửi cha Giovan Battista về Roma tu học. Trước đó chỉ trong vòng 5 tháng cha Montini đã trình luật án tiến sĩ Giáo Luật tại Milano và mùa thu năm 1920 cha đến Roma ghi danh học thần học tại Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana, đồng thời ghi danh học văn chương tại đại học nhà nước.

Cha Montini vừa là sinh viên vừa là Tuyên Úy của Liên Hiệp các đại học công giáo Italia, là lò đào tạo các chính trị gia tương lai. Một dân biểu Brescia biết Giovan Battista từ hồi còn nhỏ giới thiệu vị linh mục trẻ đầy khả năng này với Đức Hồng Y Gasparri hồi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thế là vài tuần sau cha Montini được gửi vào trường ngoại giao Tòa Thánh. Vào tháng 6 năm 1921 Cha Montini dọn vào ở trong Vaticăng và bắt đầu làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khi mới 24 tuổi.

Cha đậu tiến sĩ thần học, rồi lấy bằng ngoại giao, nhưng phải bỏ chương trình tiến sĩ văn chương. Trong Phủ Quốc Vụ Khanh cha nổi tiếng là người làm việc không ngưng nghỉ, và được mọi người gọi là ”linh mục bé không bao giờ đi nghỉ hè”. Trong số các bạn bè cùng làm việc có nhiều Đức Ông, Giám Mục và Hồng Y tương lai như Ottaviani, Tardini, Spellman, Maglione, Tedeschini vv... Năm 1922 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV qua đời, Đức Cha Achille Ratti, Tổng Giám Mục Milano, được bầu lên thay thế lấy tên là Pio XI. Cha Montini cũng bắt đầu tiến nhanh trong các chức vụ tại trung ương Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Gasparri, người đỡ đầu vị linh mục trẻ nhiều khả năng, gửi cha Montini sang Paris học ba tháng, sau đó sang làm thư ký tòa Sứ Thần Varsava bên Ba Lan 4 tháng. Nhưng khí lạnh Ba Lan khiến cho cha Montini bị đau nên phải trở về Roma. Tại đây cha làm tuyên úy cho giới sinh viên và tổ chức các sinh hoạt, kể cả các cuộc du ngoạn và cắm trại cho họ. Cha Montini rất được người trẻ thương mến. Năm 1925 Đức Pio XI chỉ định cha làm tuyên úy Liên hiệp sinh viên đại học công giáo toàn nước Italia cho tới năm 1933.

Chính trong thời gian này cha Montini quy tụ giới trí thức công giáo có khả năng nhất, sau này trở thành các chính trị gia tên tuổi lãnh đạo Italia như Aldo Moro, Amintore Fanfani, Giulio Andreotti, Paolo Emilio Taviani, Giuseppe Dossetti, Giorgio La Pira và Guido Carli.

Khi Đức Hồng Y Gasparri qua đời, Đức Tổng Giám Mục Eugenio Pacelli lên thay thế trong chức vụ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Người tái tổ chức cơ quan này và chọn Đức Ông Montini làm cộng sự viên thân tín của mình. Năm 1937 khi mới 40 tuổi Đức Ông Montini được chỉ định làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đặc trách thường vụ, trong khi Đức Ông Domenico Tardini là Phụ Tá đặc trách ngoại vụ. Tuy tôn trọng nhau, nhưng hai vị không hợp tính tình nhau vì Đức Ông Tardini thì bảo thủ và nhẹ dạ, còn Đức Ông Montini thì cởi mở và thận trọng. Trong 18 năm trời ảnh hưởng của hai vị khiến cho người ta có cảm tưởng tại Phủ Quốc Vụ Khanh cũng có hai phe bảo thủ và cấp tiến. Riêng Đức Ông Montini trở thành bóng của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pacelli, giữ gìn các bí mật ngoại giao và đặc trách các liên lạc thư từ của Đức Hồng Y Pacelli.

Năm 1939 Đức Giáo Hoàng Pio XI đột ngột qua đời, và Đức Hồng Y Pacelli được bầu lên thay thế lấy tên là Pio XII. Đức Hồng Y Luigi Maglione được chỉ định làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và hai vị Phụ tá vẫn giữ nguyên chức vụ của mình. Khi Đức Hồng Y Maglione qua đời năm 1944, Đức Giáo Hoàng Pio XII quyết định để trống chức vụ này. Và hai vị Phụ tá làm việc thay thế.

Triều đại của Đức Giáo Hoàng Pio XII bị ghi dấu bởi thế chiến thứ II với tình hình thê thảm của nó. Những gì Đức Pio XII đã làm trong việc làm trung gian giữa các phe lâm chiến, cứu Roma thoát khỏi cảnh tàn phá, cứu sống người Do thái và trợ giúp các người tị nạn, tổ chức cứu trợ của Tòa Thánh, sự nảy sinh chính trị, văn hóa và kinh tế của Italia bị thua trận và tàn phá vv... sẽ được các sử gia lượng định. Bên cạnh Đức Pio XII có Đức Ông Montini hiện diện trong mọi hoạt động của Tòa Thánh, từ việc tổ chức cứu trợ, cho tới liên lạc ngoại giao giữa các phe lâm chiến và giới chức công giáo của cả hai bên.

Thế chiến thứ II kết thúc với cảnh thế giới bị phân chia thành hai khối Đông Tây, dân chủ và cộng sản, Hoa Kỳ và Liên Xô với Âu châu bị tàn phá nằm ở giữa. Chẳng bao lâu nó biến thành sự chiến đấu giữa Kitô giáo và chủ nghĩa vô thần. Tại Roma người dân sống với khẩu hiệu ”Hoặc là Roma, hoặc là Matscơva”.

Là người có bản tính thận trọng, Đức Ông Montini xung khắc với ông Luigi Gedda Chủ tịch Công Giáo Tiến Hành Italia nhưng đã chiếm được cảm tình của Đức Pio XII, và người tổ chức giới trẻ công giáo tiến hành trong hình thái cực đoan công khai chống lại chế độ cộng sản, từ đó người bị mang tiếng là ”cấp tiến”.

Đức Ông Montini làm việc 16 giờ mỗi ngày và tổ chức Năm Thánh 1950. Người cũng thành lập Hiệp Hội Công nhân công giáo Italia cũng như tổ chức cứu trợ của Tòa Thánh. Là cánh tay mặt của Đức Giáo Hoàng Pio XII, Đức ông Montini tiếp đón mọi nhân vật ngoại giao và đảm trách công việc của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng như ngoại trưởng, nhưng đã không được Đức Giáo Hoàng Pio XII thăng chức, mà chỉ sống đơn sơ bé nhỏ như một Đức Ông. Trong mật nghị Hồng Y đoàn năm 1953 tên của hai Đức ông Montini và Tardini đã không có trong danh sách các tân Hồng Y mặc dù hai vị rất xứng đáng được vinh thăng.

Sự chống đối giữa hai cánh bảo thủ và cấp tiến ngày càng mạnh mẽ hơn. Khi biết Đức Ông Montini ủng hộ ông De Gasperi trong cuộc bầu cử hành chánh năm 1952, Đức Pio XII đã không tha thứ cho người, và năm sau đó chỉ định Đức ông Montini làm Tổng Giám Mục Milano, với ý định là loại người ra khỏi các nhân viên trung ương của Tòa Thánh.

Lễ tấn phong Giám Mục cho Đức ông Montini đã được Đức Hồng Y Tisserand, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, chủ sự tại đền thờ thánh Phêrô. Đức Pio XII bị bệnh đã chỉ chúc mừng và chúc lành cho ”người con yêu dấu”.

Tháng giêng năm 1954 Đức tân Tổng Giám Mục rời Roma sau 30 năm làm việc tại đây để làm chủ chăn giáo phận lớn nhất Italia, với hành trang kinh nghiệm mục vụ ít ỏi. Do đó nhiều người cho rằng Đức Cha Montini bị đi đầy, nhưng sau cùng phải công nhận đó là sự sắp xếp của Chúa Quan Phòng.

Trong bầu khí chuyển động thời hậu thế chiến, mọi người chờ đợi một vị chủ chăn chính trị gia. Nhưng họ đã lầm chỉ, vì trong một thời gian ngắn Đức Montini đã bỏ hết mọi thói quen của giáo triều Roma, để trở thành một chủ chăn nhiệt thành. Người tái thiết tòa GM bị bỏ hoang, tổ chức lại mọi cơ cấu giáo phận, chăm chỉ lần lượt viếng thăm giới công nhân viên làm việc trong các hãng xưởng khác nhau, thuyết phục giới tài chánh trợ giúp xây cất các nhà thờ mới. Đức Cha Montini cai quản giáo phận Milano với rất nhiều thành công trong 9 năm trời cho tới khi Đức Pio XII qua đời tại Castel Gandolfo ngày mùng 9 tháng 10 năm 1958, mà vẫn không được vinh thăng Hồng Y, như truyền thống vẫn có từ xưa.

Trong Mật nghị Hồng Y Đức Hồng Y Angelo Roncali, Thượng Phụ Venezia, được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Gioan XXIII. Lá thư đầu tiên Đức Gioan XXIII viết là để báo tin vinh thăng Tổng Giám Mục Montini làm Hồng Y. Trong nhiều dịp khác Đức Gioan XXIII nói: ”Người con yêu qúy của chúng tôi ở Milano, trong khi ở đây chúng tôi chiếm chỗ của nó”. Đức Gioan XXIII gửi Đức Hồng Y Montini đi nhiều nơi trên thế giới như là đặc sứ, để giúp Đức Montini hiểu biết và đào sâu thế giới Kitô cũng như các tôn giáo khác và trở thành Giáo Hoàng tương lai.

Ngày mùng 3 tháng 6 năm 1963 Đức Gioan XXIII qua đời sau khi triệu tập và chủ sự lễ nghi khai mạc Công Đồng Chung Vaticăng II. Trong Mật Nghị Hồng Y đoàn ngày 21 tháng 6 cùng năm, Đức Tổng Giám Mục Montini, 66 tuổi, người con yếu đuối của vùng đất Brescia, được bầu là người kế vị thánh Phêrô thứ 265 lấy tên là Phaolô VI. Đức Paholo VI đứng trước trách nhiệm hết sức nặng nề là tiếp tục và hoàn thành Công Đồng Chung Vaticăng II, và nhất là áp dụng các quyết định cách mạng của Công Đồng vào cuộc sống giáo hội.

Người đã viết các Thông Điệp nền tảng trình bầy giáo lý của Giáo Hội như Thông Điệp ”Giáo Hội Người”, ”Mầu nhiệm đức tin”, ”Tiến bộ các dân tộc” và ”Sự sống con người”. Thông điệp cuối cùng này liên quan tới việc hạn chế sinh sản và chức làm cha có trách nhiệm, đã gây sóng gió khiến Đức Phaolô VI phải công khai tự bênh vực mình.

Sau bao nhiêu thế kỷ Đức Phaolo VI là vị Giáo Hoàng đầu tiên ra khỏi biên giới Italia và dùng máy bay để thực hiện các chuyến công du mục vụ khiến cho mọi người đều hứng khởi. Năm 1964 người viếng thăm Thánh Địa. Tiếp đến năm 1967 người gặp gỡ Đức Athenagoras, Thượng Phụ constantinopoli: đây là lần đầu tiên sau 14 thế kỷ chia rẽ, một vị Giáo Hoàng gặp gỡ một vị Thượng Phụ.

Phù hợp với tinh thần cải cách của Công Đồng Chung Vaticăng II Đức Phaolô VI hủy bỏ các huy hiệu, các tàn che, mũ ba tầng, và các cung cách bisantin rườm rà của các lễ nghi, cũng như kiệu giáo hoàng, và các đội cận vệ gồm giới thượng lưu, các buổi rước. Ngai giáo hoàng được thay thế bằng một chiếc ghế đơn sơ vv.... Đức Phaolô VI cũng công bố tự sắc xác định là sau 80 tuổi các Hồng Y không có quyền bầu Giáo Hoàng nữa. Người cũng cho xây đại thính đường Phaolô VI để tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương. Ngoài ra người còn tân trang các văn phòng, các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, trang bị các máy vi tính và các dụng cụ truyền thông tối tấn nối liền Tòa Thánh với khắp nơi trên thế giới. Đức Phaolô VI cũng cải cách các chức vụ và các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tái lượng định vai trò của Thánh Bộ, và quốc tế hóa các nhân viên Tòa Thánh, bằng cách mời gọi người của nhiều quốc gia khác nhau về làm việc tại các Bộ.

Đức Phaolo VI đã phải đương đầu với nhiều khó khăn như các mới mẻ của “Sách giáo lý Hòa Lan”, sự bất phục tùng của tín hữu và các linh mục lan tràn trong Giáo Hội khiến cho người âu lo, sự bất đồng ý kiến của các Giám Mục và các Hội Đồng Giám Mục, các phản đối bạo lực đối với chính con người của ngài, như xảy ra tại Cagliari.

Đức Phaolô VI cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Ấn Độ, trụ sở tổ chức Liên Hiệp Quốc, Fatima bên Bồ Đào Nha, và công du tại Colombia, Australia, Indonesia, Hông Kông, Phi Luật Tân và các thành phố và giáo phận Italia và các giáo xứ Roma.

Người cũng chống lại nạn ly dị, phá thai, và đau đớn chứng kiến cảnh Giáo Hội thua trận không ngăn cản được các luật ly dị và phá thai. Vào các năm cuối đời sức khỏe của người suy yếu và bị thấp khớp rất nặng, bị giải phẫu tuyến tiền liệt, và đau đớn chứng kiến sự nổi loạn đến như ly giáo của Đức Cha Marcel Lefèbvre.

Thế rồi còn có nỗi đau trước cái chết thê thảm của người bạn thân là chính trị gia Aldo Moro, bị Lữ Đoàn Đỏ sát hại vào tháng 5 năm 1978 mặc dù Đức Phaolô VI đã tha thiết yêu cầu tổ chức này trả tự do cho ông.

Vài tháng trước khi qua đời ngày mùng 6 tháng 8 năm 1978 tại Castel Gandolfo, Đức Phaolô VI đã viết một lời kinh cảm động cho đám táng của ông Moro, do chính người chủ sự tại đền thờ thánh Gioan Laterano ở Roma, trong đó người thấy trước sự kết thúc 15 năm Giáo Hoàng đầy phong phú và biến động cũng như 81 năm tuổi đời của người: ”Lậy Thiên Chúa là Cha thương xót, xin cho sự hiệp thông không bị đứt quãng, cho dù trong đêm đen của cái chết, xin cho sự hiệp thông đó từ cuộc sống tạm này bầu cử cho những người chết và chúng con tất cả còn sống trong ngày hôm nay của một mặt trời lặn không thể ngăn cản được....” (SD 4-8-2008)
 
Giám Mục Nigeria kêu gọi chính quyền trả lại các Trướng học Công giáo
Pr. Hoàn Chỉnh
22:38 06/08/2008
LAGOS, Nigeria - Ngày 06/08/2008. Đức Cha Francis Alonge, giám mục Giáo phận Ondo, Nigeria đã kêu gọi chính quyền trả lại các trường học mà trước đây họ đã tiếp quản. Ngài lên tiếng than phiền về sự xuống dốc của các chuẩn mực giáo dục tại Nigeria và khẳng định nguyên nhân của sự tụt dốc này là bởi sự tiếp quản của chính phủ. Ngài xác quyết rằng chính sự tiếp quản này đã “quyét sạch hoàn toàn những giáo huấn về đạo đức của Giáo hội”

Trong buổi gặp gỡ với các phóng viên nhân dịp kỷ niệm 45 năm linh mục, ngài nói rằng “chính sự thay đổi đó đã thổi bay lĩnh vực giáo dục của đất nước này”. Ngài cũng nói sự hỗ trợ tài chính nên đi đôi với việc trao trả các trường học cho khổ chủ của chúng, bởi vì các trường học hiện nay đang rất thiếu thốn về trang thiết bị giáo dục và nhân lực. Ngài quả quyết việc phục hồi các chuẩn mực đạo đức được thiết lập bởi các thừa sai sẽ phục hồi các chuẩn mực về giáo dục của quốc gia.

Cũng nên nhắc lại Chính quyền Nigeria đã tiếp quản tất cả các trường tư và các trường Công giáo từ giữa thập niên 70 của thế kỷ 20.
 
Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI gặp riêng với hàng giáo sĩ giáo phận Bolzano.
Đặng Thế Dũng
22:39 06/08/2008
Roma (Apic 6 tháng 8): Linh Mục Federico Lombardi, giám đốc Phòng báo Chí Toà Thánh, vừa cho biết Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, đã gặp riêng với hàng giáo sĩ giáo phận Bolzano, vào ngày hôm qua, thứ tư mùng 6 tháng 8, tại Bressanone, nơi ngài đang nghỉ hè.

ĐTC đã trả lời cho 6 câu hỏi của hàng linh mục, với nội dung liên quan đến các vấn đề như: môi sinh, các bí tích và sự đau khổ con người.

Cha Lombardi cho biết, ĐTC đã tỏ ra hết sức khiêm tốn khi trả lời các câu hỏi được đặt ra, với quả quyết rằng: ngài không có câu trả lời “vô ngộ” (không thể sai lầm) cho những vấn đề được nêu ra. Ngài nói: “Chúng ta cần đi tìm những câu trả lời, chung với nhau, chung với Giáo Hội và các giám mục.”

Ngày mai, chúng tôi sẽ trình bày thêm các chi tiết về cuộc gặp gỡ này.
 
Kỷ Niệm 63 Năm bom nguyên tử ném xuống trên thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản
Đặng Thế Dũng
22:47 06/08/2008
Tin Hiroshima/Nhật Bản (Apic 6 tháng 8): Lúc 8:15 phút sáng hôm qua, thứ Tư, mùng 6 tháng 8, tại CôngViên Hoà Bình của thành phố Hiroshima, Nhật Bản, 45 ngàn người tựu họp trong thinh lặng để tưởng niệm giây phút kinh hoàng cách đây 63 năm, khi quả bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ,- được gọi cách dí dỏm bằng danh hiệu “Cậu Bé Tí Hon” (Little Boy)- được thả xuống trên thành phố Hiroshima, giết chết liền ngay ít nhất 140 ngàn người.

Hiroshima diêu tàn sau khi bị bom!
Như mọi người đã biết, ba ngày sau quả bom nguyên tử thứ nhất thả xuống Hiroshima, thì quả bom nguyên tử thứ hai,- được mệnh danh là “Chàng Mập, Gã Béo” (Fat Man)- được thả xuống thành phố NAGASAKI, giết chết liền ngay khoảng 80 ngàn người.

Từ đó đến nay, hằng năm số người bị thiệt mạng vì chất phóng xạ của hai quả bom nguyên tử này, vẫn còn. Năm 2007 vừa qua, đã có 5.302 người bị thiệt mạng do hậu quả phóng xạ. Tổng số người bị thiệt mạng vì phóng xạ trong vòng 63 năm qua, là 253.310 người.

Tên tuổi của những người bị thiệt mạng vì hai quả bom nguyên tử này, được khắc vào một “mặt bằng” nơi Công Viên Hoà Bình của thành phố Hiroshima. Dĩ nhiên, danh sách mỗi năm một thêm nhiều hơn.

Vị đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, đặc trách tài giảm vũ khí, ông Sergio de Queiroz, nhân dịp kỷ niệm này, đã gởi đến Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, lời kêu gọi sự cộng tác của các quốc gia, để giải phóng thế giới khỏi nguy hiểm của các loại vũ khí nguyên tử.

Được biết nghi thức tưởng niệm những nạn nhân của hai quả bom nguyên tử đã được tổ chức hằng năm, với sự tham dự của nhiều tổ chức và đoàn thể Nhật bản, cùng với các phái đoàn ngoại giao của 55 quốc gia. Phái đoàn của Liên Bang Nga—trước đây là Liên Xô—tham dự nghi thức kỷ niệm này, từ năm 1999. Phái đoàn Trung Quốc tham dự lần đầu tiên vào năm nay (2008).

Nghi thức tưởng niệm tại Hiroshima được kết thúc với Tuyên Ngôn Hoà Bình của Ông Thị Trưởng Hiroshima, Ông Tadatoshi Akiba, và việc thả lên trời hàng trăm chim Bồ Câu, biểu tượng cho Hoà Bình. Trong Tuyên ngôn Hoà Bình, Ông Thị Trưởng Hiroshima đã nhắc lại rằng năm 2007 vừa qua, đã có 170 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Nghị Quyết của Chính Phủ Nhật bản gởi Liên Hiệp Quốc, yêu cầu hủy bỏ toàn diện các loại vũ khí nguyên tử. Tuyên ngôn còn nhắc rằng: “Vị Tổng Thống tương lai của Hoa Kỳ cần chú ý đến đa số những con người nam nữ đang bênh vực cho sự sống con người, như một ưu tiên trên mọi ưu tiên.”
 
Top Stories
There Can be No Women 'Priests' in the Catholic Church
Chiesa
22:00 06/08/2008
ROMA - According to Catholic Teaching, ordinations of women are invalid and those who attempt them are excommunicated. Yet, over fifty women claim to have been "ordained".

As the Lambeth Conference of the Church of England comes to a close, one of the divisive issues facing the Anglican communion is the decision of some Bishops to break with the ancient tradition and ordain women to the priesthood and, recently to the episcopacy. The Catholic and Orthodox Churches have reaffirmed that there is no authority to change this teaching.

ROMA (Chiesa) - The ordination of women to the priesthood and the episcopate is a question that divides the Anglican Communion down the middle, as shown by the Lambeth Conference that concluded yesterday.

But the question is also present in the Church of Rome, although to a decidedly lesser extent.

The proof is in two recent countermeasures adopted by the Catholic hierarchy.

The first is a decree issued by the congregation for the doctrine of the faith "regarding the delict of attempted sacred ordination of a woman."

The second is the interdiction ordered by the archbishop of Saint Louis, Raymond Leo Burke, against a sister of his diocese, Louise Lears, found guilty of assisting and supporting the ordination of two women to the priesthood.

The decree from the congregation for the doctrine of the faith bears the date of December 19, 2007, but it went into effect last May 30, when it was published in "L'Osservatore Romano."

The order from Saint Louis is from June 26. The following day, the archbishop of this American diocese was called to Rome as the new prefect of the supreme tribunal of the apostolic signatura.

The decree from the congregation for the doctrine of the faith states that excommunication is the penalty for "both the one who attempts to confer a sacred order on a woman, and the woman who attempts to receive a sacred order." The excommunication is "latae sententiae," meaning that it is applied automatically. Its removal is reserved to the Apostolic See.

In commenting on the decree in "L'Osservatore Romano" of June 1, the secretary of the congregation for the doctrine of the faith at the time, Archbishop Angelo Amato – now prefect of the congregation for the causes of saints – explained the decision to issue it as follows:

"There have been individual episodes of so-called ordinations of women in various areas of the world. Moreover, the general decree is an instrument of assistance for the bishops, to ensure a uniform response from the whole Church in the face of these situations."

In effect, the instance in Saint Louis is only the latest in a series of ordinations of women to the priesthood and the episcopate that have taken place in recent years within the Catholic Church.

These ordinations are held to be invalid, and therefore null and void, by Church authorities. Canon 1024 of the Code of Canon Law establishes, in fact, that "a baptized male alone receives sacred ordination validly."

And this isn't all. The ordination of women to the priesthood and the episcopate was defined as inadmissible, always and forever, by John Paul II in an apostolic letter dated May 22, 1994, "Ordinatio Sacerdotalis."

There is complete agreement on this between the Church of Rome and the Orthodox and Eastern Churches. But the Anglicans and various Protestant denominations are moving in the opposite direction.

In the Catholic Church, pressure for the admission of women to holy orders was manifested above all after the publication of "Ordinatio Sacerdotalis." Serious impact was made by a document signed by forty bishops of the United States, and published in July of 1995 in "Origins," the magazine of the bishops' conference.

It presented the complaint that "Ordinatio Sacerdotalis" was issued "without any previous discussion and consultation," even though it concerned a matter "that many Catholics believe requires further study." The forty expressed their hope that the episcopal conferences would respond blow for blow "to the documents of various kinds that come from Rome," beginning with the one on the admission of women to the priesthood.

The main promoter and drafter of the document of the forty bishops was the archbishop of Milwaukee at the time, Rembert Weakland, former head of the worldwide Benedictine confederation and a star of the American "liberals." In 2002, Weakland was disgraced by accusations from a man with whom he had had a relationship, and whom he had paid to keep quiet.

When "Ordinatio Sacerdotalis" was published, news began to trickle out of the ordinations of women to the priesthood that had taken place secretly in communist Czechoslovakia, by Catholic bishops who were convinced they were operating legitimately in a situation of extreme emergency. One of those ordained, Ludmila Javorova, from Brno, appealed to John Paul II to be recognized as a priest and allowed to exercise her ministry. But naturally, the response was in the negative. The pope appointed then-cardinal Joseph Ratzinger to study and close the case of the Czechoslovakian women priests.

The first real act of defiance, in a matter of women priests, took place in 2002 on the Danube River, not far from Passau, on the border between Austria and Germany. There, on a boat, schismatic Argentinian bishop Romulo Braschi ordained seven women to the priesthood. They were the first ordinations of the movement called Roman Catholic Womenpriests, which today numbers about fifty women ordained mainly in the United States and Canada, including four women bishops.

On July 10, 2002, the Vatican reacted to the ordinations on the Danube with a decree of excommunication. After this, it left it up to the individual bishops to intervene in similar cases in their respective dioceses.

But the theater of the latest ordination of Roman Catholic Womenpriests was Saint Louis. On November 11, 2007, in the Central Reform Synagogue headed by Rabbi Susan Talve, the female bishop Patricia Fresen, a former Dominican sister who had studied at the Angelicum in Rome, ordained two women to the priesthood, Rose Marie Dunn Hudson and Elsie Hainz McGrath (see photo). The ceremony was attended by about six hundred people, including an active supporter of the ordination, Sister Louise Lears, a member of the pastoral council of the parish of Saint Cronan, and the coordinator of religious education in the archdiocese.

During the ritual, a dozen Protestant pastors also laid their hands on the two women being ordained, concelebrated the Mass, and received communion.

Archbishop Burke reacted by informing the people responsible for the ordination that they had incurred excommunication, and opening a canonical process against Sister Lears, which resulted in the interdiction, meaning the exclusion of the sister from the sacraments and from positions of responsibility in the diocese.

The issuing of the sentence against Sister Lears, on June 26, followed shortly after the publication of the decree of the congregation for the doctrine of the faith, which provided all of the bishops with guidelines for responding to such actions in a more coordinated and decisive manner.

In Rome, in fact, the fear is that the number of ordained women will continue to increase. Roman Catholic Womenpriests is thought to have another 150 women waiting to become priests. Moreover, in some countries, agreement with the ordination of women seems to be on the rise. For example, after her sentencing, the signs of support for Sister Lears multiplied.

There is, finally, the suspicion that some of the bishops are assisting the operation. Patricia Fresen, the former sister who is one of the four bishops of Roman Catholic Womenpriests, affirms that she was ordained to the episcopate in 2005 by three Catholic bishops whose names she is keeping secret. The same is thought to be the case for the other three women bishops of the movement.

(Source: Sandro Magister / Chiesa)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn của các đan sĩ Thiên An- Huế
Minh Phương
22:30 06/08/2008
HUẾ - Sáng ngày 06.08.2008, Đan viện Thiên An xưa nay vốn yên tĩnh và cô mịch nhưng hôm nay rộn ràng xe cộ của khách phương xa đến hiệp dâng thánh lễ mừng hồng ân Thánh hiến của 8 đan sĩ tuyên khấn lần đầu, 2 đan sĩ vĩnh khấn và mừng Ngọc khánh 60 năm tận hiến của đan sĩ Micae Nguyễn Ngọc Châu.

Trong ngôi nguyện đường nằm chìm dưới lòng đất, Đan viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh đã dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn thánh hiến của các đan sĩ. Cùng đồng tế có các linh mục bề trên các dòng tu với sự hiệp thông của các tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa là ân nhân, thân nhân của Đan viện.

Các đan sĩ khi vào tu viện được tiếp thụ đời sống khó nghèo, cô tịch, khiêm tốn, cầu nguyện, đơn sơ và hiệp nhất trong Chúa Kitô. Sau thời gian 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm, các đan sĩ đã ý thức được rằng họ đến với Chúa Kitô bằng lời cầu nguyện và cảm thấy thật hạnh phúc khi được sống trong cộng đoàn và chết trong đan viện. Khi đó đan sĩ sẽ quyết định đi đến việc khấn trọn đời nghĩa là nhận đời sống vĩnh cư trong đan viện.

Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, trong cộng đoàn Đan viện, Đan viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, là một con người khiêm hạ, khó nghèo và luôn nhẹ nhàng trong lời nói, là mẫu mực cho cộng đoàn đồng thời tạo cho người nào tiếp xúc sẽ cảm nhận được tất cả những gì thánh thiện của một vị đan tu. Đan sĩ không hoạt động ngoài xã hội mà chỉ khiêm tốn tĩnh lặng bằng lời cầu nguyện âm thầm nhưng bao trọn nhân loại trong tim mình. Nhiều người ví von đời sống của các đan sĩ luôn gò mình dưới lòng đất, âm thầm nhưng lời cầu nguyện của họ theo tháp chuông lên đến trời xanh.

Chính vì thế trải qua bao thời gian, đến nay Đan viện Thiên An cũng chỉ có 80 đan sĩ trong đó có 6 linh mục 8 thầy đang theo học thần học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế. 8 đan sĩ tuyên khấn lần đầu với lời khấn do chính mình soạn ra và đọc trước Đan viện phụ cùng cộng đoàn, sau đó Đan viện phụ trao tu phục và sách luật do Thánh tổ phụ Biển Đức lập ra để các thầy thực hiện trong vòng một năm.

Các đan sĩ trước khi khấn trọng phải đến quỳ trước mặt thân mẫu của mình để được đặt tay lên đầu và dâng lời cầu nguyện phó thác con mình cho Thiên Chúa, tiếp đó các thầy sẽ đọc lời khấn và dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa xin Chúa đón nhận các thầy. Sau khi tuyên Vĩnh khấn Đan viện phụ sẽ ôm hôn bày tỏ sự đón nhận vào cộng đoàn, tiếp theo là các linh mục và đan sĩ đã Vĩnh khấn. Đan sĩ Micae Nguyễn Ngọc Châu mừng Ngọc khánh 60 năm lập lại lời tuyên khấn và hát lời ca ngợi Chúa. Mặc dù đã 88 tuổi nhưng người vẫn khỏe mạnh, giọng ca còn cao vút khiến nhiều người phải xúc động.

Sau thánh lễ, mọi người đều hân hoan chúc mừng các tân khấn sinh và cầu chúc các thầy luôn vững bước trong cuộc sống đan tu âm thầm lặng lẽ.
 
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hải ngoại tổ chức Lễ khấn trọn đời cho tu sĩ Dòng
Thanh Nguyên
22:59 06/08/2008
WEST COVINA - Chúa Nhật ngày 03 tháng 08 năm 2008, lúc 16 giờ 00 chiều tại Thánh Đường St. Christopher, West Covina CA. Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngọai đã cử hành lễ khấn trọn đời của 4 Thày: Giuse Hồ Nguyễn Anh Nghĩa CSsR, Đaminh Nguyễn Ngọc Khánh CSsR, Anphongsô Nguyễn Phước Hạnh CSsR và Tôma Hà Quốc Dũng CSsR.

Xem hình ảnh Lễ Khấn Dòng

Chủ tế thánh lễ do Cha Đaminh Đinh Minh Hải và cùng đồng tế có 20 Linh mục thuộc DCCT hải ngọai, cha khách, và hai thày Phó tế. Số giáo dân tham dự trên một nghìn người gồm thân nhân quý Thày, ân nhân hội bảo trợ và cộng đoàn địa phương. Cha chủ tế cũng phụ trách phần thuyết giảng, nội dung nhiều ý nghĩa về khấn trọn đời.

Sau thánh lễ có tiếp tân do Hội bảo trợ khoản đãi và Chi hội Mân côi và cộng đoàn West Covina cùng tổ chức. Ngoài ra lúc 10 giờ 00 sáng ngày thứ Bảy 02-08-2008 tại Nhà Dòng Baldwin Park CA có lễ mặc áo dòng của 5 Thày: Gioan Vũ Thanh Sang, Đaminh Phạm Ngọc Hảo, Giuse Lê Minh Duy, Phêrô Phạm Hùng Phước và Gioan Baotixita Trần Sơn; và tái khấn của 3 Thày: Đaminh Vũ Bá Cường, Giuse Nguyễn Tấn Đạt và Giuse Nguyễn Minh Quang.

Thánh lễ do Cha Đaminh Đinh Minh Hải Chủ Tế và đồng tế có 13 Cha thuộc Nhà Dòng Baldwin Park, Long Beach, Houston, Dallas. Cha Nguyễn Văn Thạch, Giám học nhà Houston thuyết giảng. Trên 100 giáo dân tham dự gồm thân nhân các Thày và các ân nhân hội bảo trợ tại California và Texas. Đặc biệt trong thánh lễ Cha Giám phụ tỉnh cũng chúc mừng cha Phan Phát Hườn kỷ niệm 60 năm khấn Dòng. Sau thánh lễ có tiếp tân do Chi hội Mân Côi West Covina phụ trách.
 
Văn Hóa
Góp Nhặt Kinh Nghiệm từ Đại Hội WYD08 của Giới Trẻ thuộc Gx St Mark Inala Úc Châu
Phạm Minh Nhật & Hồ Thị Bạch Yến
09:58 06/08/2008
Dịp Đại Hội Giới Trẻ vừa qua, Giáo Xứ St Marks có 26 người trẻ tham dự. Giới trẻ giáo xứ chúng tôi đi hành hương với Giáo Hạt Tây thuộc Tổng Giáo Phận Brisbane. Chúng tôi đi xe bus tới Sydney ngày 14 tháng 7 và trở lại Brisbane ngày 21 tháng 7. Tại Sydney, chúng tôi ở nhà trọ trong thành phố cùng với hơn 100 các bạn trẻ khác trong hạt.

Đại Hội Giới Trẻ là ngày mà chúng tôi đã mong chờ từ năm ngoái, khi chúng tôi ghi danh tham dự. Trong gần một năm qua, chúng tôi tổ chức rất nhiều sinh hoạt và chương trình gây quỹ để chuẩn bị cho Đại Hội. Chúng tôi cũng nhận được nhiều ủng hộ và giúp đỡ của bố mẹ, anh em, bạn bè và giáo dân trong xứ. Và cuối cùng, ngày Đại Hội đã đến. Trong bài viết này chúng tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm của giới trẻ giáo xứ St Mark trong tuần Đại Hội và một vài điều mà chúng tôi học được trong những ngày qua.

Tác dụng của Đại Hội

Đại Hội đã tạo nhiều điều kiện cho chúng tôi sinh hoạt và hình thành được một mạng lưới nối kết giới trẻ trong giáo xứ. Qua những hoạt động này, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với những bạn trẻ khác trong xứ. Những ngày tham dự Đại Hội không chỉ mang lại cho chúng tôi tình bạn bè và tình huynh đệ Ki-tô hữu gần gũi hơn, mà những ngày đó cũng giúp chúng tôi ý thức được trách nhiệm của người Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ. Trong những ngày này, sự hiện diện của Chúa và Giáo Hội có lẽ được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc sống chúng tôi.

Học giáo lý

Lời hướng dẫn của các giám mục trong những buổi học giáo lý tại Đại Hội giúp chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của vai trò giới trẻ trong Giáo Hội. Chúng tôi ghi nhớ lời chỉ dạy của Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Tổng Giáo Phận Canberra. Ngài dạy chúng tôi làm sao để làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết của việc cầu nguyện trên con đường đi tìm Chúa. Đức Giám Mục Greg O’Kelly, Tổng Giáo Phận Adelaide, cũng hướng dẫn chúng tôi nhận ra được vai trò của việc cầu nguyện trong đời sống Ki-tô hữu. Lời chia sẻ của ngài, nhất là về ơn gọi của chính ngài, làm cho chúng tôi nhận thấy rằng cuộc sống còn rất nhiều điều mà chúng tôi chưa trải qua. Những kinh nghiệm này sẽ hướng dẫn cuộc sống và con người chúng tôi như chúng đã hướng dẫn cuộc sống Đức Giám Mục O’Kelly. Sau bài thuyết trình, nhiều bạn trẻ hăng hái nêu câu hỏi với các giám mục để các bạn hiểu thêm về việc áp dụng những lời chỉ dẫn của các ngài trong cuộc sống.

Lời giảng của Đức Hồng Y George Pell trong thánh lễ khai mạc Đại Hội vẫn còn sống động trong lòng chúng tôi. Ngài dạy, “Đừng sống cuộc đời các con theo kiểu ngồi giữa hai hàng chiến tuyến, muốn bắt cá hai tay, bởi vì chỉ có lòng quyết tâm mới đem lại sự hòan thiện. Hạnh phúc đến từ việc hòan thành trách nhiệm, từ việc chu tòan bổn phận, nhất là trong những điều nhỏ nhặt thường ngày, để từ đó chúng ta có thể vươn lên mà vượt qua những thứ thách khó khăn hơn.” (Đức Hồng Y George Pell, Sydney, 15/07/08, trích từ bài dịch của Mỹ Hạnh, Vietcatholic). Lời dạy của Đức Hồng Y làm chúng tôi suy nghiệm về cuộc sống và trách nhiệm hằng ngày. Ngài giúp chúng tôi không những nhận thức được bổn phận trong gia đình và trong xã hội, mà còn giúp chúng tôi nhớ tới bổn phận của giới trẻ trong Giáo Hội và cụ thể là giáo xứ.

Viếng Nhà Thờ Chính Tòa St Mary

Vào ngày 16 tháng 7, chúng tôi đi viếng Nhà Thờ Chính Tòa St Mary. Phải chờ mất gần ba tiếng chúng tôi mới vào được nhà thờ. Chúng tôi chờ đợi với lòng mong ước tìm hiểu thêm về Chân Phước Mary MacKillop và Chân Phước Pier Giorgio Frassati, Đấng Quan Thầy của Đại Hội Giới Trẻ 2008. Trong nhà thờ chúng tôi cùng với hàng trăm bạn trẻ khác âm thầm cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ.

Sau khi cầu nguyện, chúng tôi đến viếng linh cửu Chân Phước Pier Giorgio Frassati trong nhà thờ. Ngài là một thanh niên người Ý 24 tuổi đã được Giáo Hội phong Chân Phước và được rất nhiều giới trẻ trên thế giới khâm phục qua những gương sáng của ngài. Chúng tôi xúc động bởi sự tôn nghiêm và thiêng liêng trong ngôi nhà thờ chính tòa này. Rất nhiều các bạn trẻ quỳ im lặng cầu nguyện. Những hình ảnh này làm chúng tôi nhớ tới niềm tin vững mạnh của giới trẻ và một Giáo Hội Công Giáo đầy sức sống và năng lực.

Randwick

Ngày 19 tháng 7, chúng tôi cùng với hàng ngàn những bạn hành hương khác đi bộ từ thành phố ra sân Randwick. Dĩ nhiên kinh nghiệm đi bộ “nhúc nhích” này không thể quên được. Ngủ qua đêm tại sân Randwick với hàng trăm ngàn bạn hành hưong khác là một kinh nghiệm khó có thể quên. Mặc dù thời tiết Sydney là điều mà nhiều bạn trẻ trong nhóm chúng tôi hơi bị e ngại khi nghĩ tới phải ngủ qua đêm ngoài trời, nhưng những lời cầu nguyện, nghi thức chầu Thánh Thể, lòng ước ao được nhìn thấy Đức Thánh Cha và tham dự thánh lễ do Ngài chủ tế làm chúng tôi quên đi những cảm giác ái ngại này. Chúng tôi ghi nhớ những lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ trong bài giảng của ngài. Lời mời gọi của ngài xin giới trẻ dùng tài năng xây dựng Giáo Hội là một điều mà chúng tôi sốt sắng lắng nghe với một tấm lòng hăng hái và đầy năng lực trong ân sủng Chúa Thánh Thần.

Những kỷ niệm vui

Chúng tôi không thể quên được những kỷ niệm của những ngày Đại Hội, những ngày vui đùa nhộn nhịp trên đường phố Sydney, những ngày thèm khát đồ ăn Việt Nam, những câu hát “St Mark’s… Flip Flop Flip Flop…”, những giấc ngủ “đông đá” ngoài trời, những câu nói đùa và tiếng cười trước khi ngủ, những điệu nhảy múa tại Hyde Park, những mẫu chuyện về ai thấy được Đức Thánh Cha ở xa hay gần, xe ngài đi nhanh hay chậm, cuộc đi bộ đau chân, và tiếng ngáy của người nằm bên cạnh. Những kỷ niệm này là những điều mà chúng tôi luôn nhớ tới trong những tuần qua đặc biệt là khi xem lại những bức hình chụp tại Đại Hội.

Sau Đại Hội

Đại Hội đã kết thúc. Một lần nữa chúng tôi lại trở về gia đình, bạn bè và giáo xứ. Nhưng lần trở về này không như những lần khác. Chúng tôi trở về với một niềm tin được củng cố với năng lực và ân sủng Chúa Thánh Thần.

Trong thánh lễ kết thúc Đại Hội, Đức Thánh Cha hỏi giới trẻ những câu hỏi như sau:

“Bản thân các con sẽ để lại những gì cho thế hệ kế tiếp? Các con có đang xây dựng cuộc đời trên những nền tảng vững chắc hay không, có đang xây dựng những gì bền vững hay không? Các con có đang sống sao để tấm long được mở rông cho Chúa Thánh Thần trong một thế giới nhiễu nhương chỉ muốn quên đi Thiên Chúa, hay ngay cả chối bỏ Ngài để nhân danh một quyền tự do lầm lạc. Các con sẽ làm sao để tận dụng những ơn Chúa Thánh Thần mà các con đã được lãnh nhận, sức mạnh mà Chúa Thánh ngay trong giây phút này đang sẵn sàng phát huy trong lòng các con? Các con sẽ để lại những di sản gì cho thế hệ trẻ kế tiếp? Các con sẽ thay đổi được những gì?” (ĐTC Benedict XVI, Sydney, 20/07/08, trích từ bài dịch của Mỹ Hạnh, Vietcatholic)

Đây là những câu hỏi mà chúng tôi phải suy tư trong những ngày tới đây. Giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và phương hướng của tương lai đó nằm trong bàn tay chúng tôi. Câu trả lời cho những câu hỏi này không những đòi hỏi suy nghĩ và phân tích sâu sắc nhưng nó đòi hỏi hành động, hành động qua tác dụng của sức mạnh Chúa Thánh Thần mà chúng tôi nhận được. Thật vậy, Đại Hội Giới Trẻ đã để lại “trong mọi người một ấn tượng nội tâm sâu sắc” (ĐTC Benedict XVI, Castel Gandolfo, 27/07/08).

Chúng ta hãy cầu nguyện cho giới trẻ trên toàn thế giới để nhờ ơn Chúa Thánh Thần họ có được sự khôn ngoan và can đảm nhận thức được những “quyền tự do lầm lạc” của thế giới ngày nay. Xin sức mạnh Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi và các bạn trẻ trên toàn thế giới khắc phục được những thử thách và khó khăn của một thế giới thay đổi không ngừng.

Mời xem hình ảnh của giới trẻ giáo xứ St Mark Inala Úc Châu.

Brisbane 12/7/08 - Ngày Hội cho khách hành hương quốc tế trước Đại Hội: http://www.stmarksinala.net.au/wyd08brisfestival/index.html

Brisbane 12-13/7/08 - Chia tay giới trẻ Papua New Guinea: http://stmarksinala.net.au/wyd08png2/index.html

Sydney 14-20/7/08 - Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới: http://stmarksinala.net.au/wydjul08/index.html
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thì Thầm Bên Nhau
Lm. Tâm Duy
01:01 06/08/2008

THÌ THẦM BÊN NHAU



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Biển bên kia, em bên này

có nhau, chiều vàng rạng rỡ

tung tăng bên triều sóng vỗ

bàn tay nắm lấy bàn tay!

(Trích thơ Phan Anh Dũng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền