Ngày 08-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vầng trán của Mẹ (thơ)
Hoàng Quang
03:25 08/08/2008
VẦNG TRÁN NHĂN CỦA MẸ

Con đã thấy rồi,
Vầng trán nhăn của Mẹ
Đã đọng về từ bao đêm thao thức khôn nguôi !
Đời mẹ ngược xuôi, đếm thời gian
Mười bốn đứa con mang nặng trong đời
Ba đứa bỏ, mười một người khôn lớn !...
Chừ năm chúng con thành gia trong cuộc sống,
Vai mẹ gầy trĩu nặng sáu em thơ …

Mẹ ơi có bao giờ
Giấc mơ của Mẹ
Được vuông tròn giữa thực tế khắt khe ?!
Áo mẹ che con ấm
Như lòng mẹ hằn đậm nỗi thương con,
Thời gian ơi, nước chảy đá mòn
Mà vẫn còn bao ưu tư
Vẫn còn bao nếp nhăn trên vầng trán mẹ
Bởi vẫn còn những thực tế khắt khe !!

Con thưa gì hơn với Mẹ bây chừ,
Niềm tư lự đã khởi từ cuộc sống
Khi yêu thương thành lòng sông lắng đọng
Thì phù sa nào chẳng màu mỡ tô bồi ?!
Chúng con lớn khôn rồi
Dầu cách trở xa xôi cũng khát mong đoàn tụ
Thèm về với Mẹ già như ngày thơ them bú
Mái huyên đường vẫn là chốn trở về !...

Mẹ ơi, Mẹ là quê
Mẹ ở đâu thì quê hương ở đó !
Có đứa con nào bị quê hương ruồng bỏ,
Có đứa con nào nỡ ruồng bỏ quê hương ?!!

Ví dầu như đời là bãi chiến trường,
Có Mẹ là tấm gương
Cho chúng con bền gan chiến đấu !...
Tương lai mai hậu,
Sức sống Mẹ trao là hai chữ “hy sinh”
Mẹ suốt đời hy sinh !!
Chịu giá băng cho mọi khát khao mình,
Để đời con thành mùa xuân rạng rỡ !
Chân lý ấy trong lòng sáng tỏ,
Nên bỗng khóc òa – thương Mẹ quá Mẹ ơi !

Chúng tôi van dòng đời,
Xin ngừng lại đừng đổi dời chi nữa !
Cho thôi mắt mẹ buồn, thôi tuổi già lần lữa,
Thôi mùa màng nghiệt ngã tiễn mẹ đi !!!...

Chúng con biết thưa gì,
Bên thềm xuân vừa tới …
Lũ cháu nội ngoại đang quay quần trông đợi
Miếng dưa hấu ngon đỏ thắm tựa lòng bà !

Con nghe đất trời nở hoa,
Vì Thiên Đường đã mở ra,
Từ…
Những nếp nhăn
Trên vầng trán mẹ - thương yêu !!!

(kinh tặng Thầy NLH nhân dịp hội ngộ lớp Khai Khá Thủ Đức)
 
Con đường của Chúa
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
03:27 08/08/2008
Chúa nhật 19 Thường niên

CON ĐƯỜNG CỦA CHÚA

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Mt 14, 22-33)

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế ? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi ? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi ? Trong Phúc âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc âm thánh Gioan thì nói rõ: "Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua" (Ga 6, 14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.

Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.

Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.

Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta"(Mt 16, 24). Trong các trường học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: "Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ" (Lc 22, 26).

Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói khoe khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thày ra đi chịu chết (x. Mt 16, 23). Cơn cám dỗ khốc liệt tiếp tục trong vườn Giệtsimani khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cơn cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.

Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.

Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hội Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.

Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  • 1- Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không ?
  • 2- Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó khiêm nhường ?
  • 3- Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không ?
 
Mẹ của kẻ đi đường
+ GM JB Bùi Tuần
05:27 08/08/2008
MẸ CỦA KẺ ĐI ĐƯỜNG

Cuộc đời là một chuyến đi. Dù đứng, dù ngồi, dù nằm, tôi vẫn trên đường đi. Tôi dđang đi về cuối đời. Rồi sẽ tới sự chết. Từ sự chết, tôi bước vào cõi sau. Cõi sau là một huyền nhiệm. Hạnh phúc đời đời, khổ cực đời đời sẽ được định đoạt ở đó.
Vì thế, trong chuyến đi cuộc đời, tôi phải lo đi đúng đường. Đường đó tạm gọi là đường lành.
Đâu là đường lành, tôi đâu dễ thấy. Mà dù có thấy, tôi đâu dám nói là tôi đủ can đảm để chọn con đường đó. Và dù đã chọn, tôi đâu dám quả quyết là tôi đủ sức để luôn đi đúng con đường đã chọn.
Rất may là trong chuyến đi cuộc đời, tôi có Đức Mẹ Maria. Tôi gọi Mẹ là mẹ của tôi. Mẹ ở bên tôi. Mẹ cùng đi với tôi. Mẹ trên đường với tôi.
Hôm nay, nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ về trời, tôi xin chia sẻ đôi điều về Mẹ.
Đường đời của tôi tới đây được kể là khá dài. Tôi đi trên đường đó với biết bao thăng trầm. Tôi luôn nhìn vào Mẹ. Và tôi đã đón nhận từ Mẹ những điều đơn sơ mà hết sức quan trọng. Dưới đây chỉ là vài kinh nghiệm của kẻ còn trên đường dương thế.

1/ Toàn cảnh trước mắt

Mẹ cho tôi biết toàn cảnh trước mắt gồm có:

Thế giới thiên đàng tràn ngập tình yêu sáng láng của Chúa. Những ai hiệp thông với tình yêu đó, sẽ được hạnh phúc đời đời bên Chúa là Cha.
Thế giới hoả ngục sôi bỏng khổ đau, cô đơn, tăm tối. Những ai bị quăng vào đó sẽ phải chịu cực hình đời đời với quỷ dữ.
Thế giới trần gian pha trộn lành dữ. Đây là nơi thử thách và phấn đấu. Ai đi đúng đường tới phút chót sẽ được về với Cha trên trời.
Để được thế, tôi phải luôn tỉnh thức đón nhận Chúa Giêsu. Người ngự vào tâm hồn tôi. Người ở lại trong tôi. Người dần dần cải đổi tôi nên con người mới. Con người mới này sẽ có những nét hơn kém giống Người. Nét đặc biệt nhất là luôn sống theo thánh ý Chúa Cha.

2/ Sống theo thánh ý Chúa Cha

Sống theo thánh ý Chúa là thao thức thường xuyên của người con Chúa đi về với Cha. Nếu không có Mẹ dạy dỗ nhắc nhở, tôi sẽ không quan tâm đủ đến đòi hỏi đó.
Mới rồi, tôi trao đổi với một người tương đối sùng đạo. Tôi thấy họ nghèo, phải vay mượn để sống. Nhưng khao khát của họ là sắm được xe sang, có đồng hồ vàng, di động loại tốt. Thao thức của họ là khẳng định mình không kém bè bạn, trong hưởng thụ và mua sắm.
Từ trường hợp đáng buồn đó, tôi lo cho những người khác và cho chính tôi. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ để mình bị sai khiến bởi đam mê, bởi ý riêng, bởi những phong trào thế tục xấu, bởi bạn bè không tốt, bởi dư luận vô trách nhiệm, bởi số đông chạy theo thói đời.
Nhưng, khi tôi đến bên Mẹ, xin Mẹ giúp tôi biết chọn lựa những gì thực sự là thánh ý Chúa, tôi mới thấy phải tỉnh thức và cầu nguyện rất nhiều.
Cầu nguyện sẽ không là nói nhiều, mà là lắng nghe nhiều. Thánh Thần Chúa nói. Người nói nhỏ nhẹ tận thẳm sâu tâm hồn. Người cũng nói âm thầm qua Lời Chúa, qua những biến cố lặng lẽ của thế giới nội tâm và tình hình lịch sử.
Tiếng gọi đó là từ trên. Sứ điệp đó phát xuất từ thế giới khác. Thế giới khác ấy cho tôi nhìn thế giới này với bề dày của nó. Tôi khám phá ra chính cuộc sống thường ngày của người con Chúa. Nó có một hơi thở khác, toả ra một ánh sáng khác.
Tôi cũng thấy có nhiều cách sống đạo khác nhau. Nhưng tôi nhận ra không phải mọi cách sống đạo đều làm chứng cho Chúa.
Sự chọn lựa nào cũng đòi nhiều tỉnh thức để vâng phục Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Mẹ sẽ giúp điều đó cho kẻ cậy trông Mẹ.

3/ Trái tim được mở rộng

Trên đường đời, tôi không đi một mình. Tôi đi với những người khác, tôi đi giữa đám đông. Tôi cảm thấy sự gần gũi, nhưng cũng cảm thấy sự khác biệt. Sự khác biệt dễ đưa tôi vào thái độ xa cách, nghi kỵ, loại trừ. Lòng tôi vì thế dễ khép lại, ẩn mình trong một ranh giới nhỏ hẹp.

Nhưng, Mẹ của kẻ đi đường dạy tôi về yêu thương. Không có yêu thương trừu tượng. Nhưng yêu thương là cụ thể hoá trên những con người cụ thể. Mẹ nhắc nhở tôi hãy bắt chước Mẹ, nhìn mọi người với tâm hồn bao dung kính trọng. Hãy thờ Chúa không phải chỉ trên núi này hay trong đền thờ nọ. Nhưng hãy thờ Chúa trong tinh thần và trong chân lý. Khi thờ Chúa như vậy, người ta sẽ thấy lòng mình mở ra, nhận ra Chúa trên những khuôn mặt nhiều người, nhất là những người đau khổ. Ánh mắt của những người đó sẽ như những cửa sổ chiếu xa về cõi đời đời. Nước Trời rộng hơn người ta tưởng.
Lúc nhận ra điều đó, tôi sẽ được tập quen biết coi thường những vẻ bề ngoài trên mỗi con người, nhưng sẽ nhìn tâm hồn họ và hoàn cảnh họ như Chúa nhìn.
Đây là một cuộc chiến đấu của tình yêu và cho tình yêu. Trong cuộc chiến đấu đó, tôi được đón nhận hơn là cho đi. Đó là đón nhận tình yêu của Chúa giấu ẩn nơi những kẻ khác, nhất là nơi những kẻ khốn cùng.

4/ Gắn chặt vào thân cây

Còn nhiều điều có thể nói về Mẹ của kẻ đi đường. Nhưng một điều vắn gọn có thể nói thay cho tất cả. Đó là Mẹ đưa những người con Mẹ vào sự sống mật thiết với Chúa Giêsu. Gắn bó mật thiết như cành cây với thân cây.
Để được như vậy, Mẹ luôn nâng đỡ, ủi an, cứu giúp. Người con Mẹ được Mẹ dạy về sự cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, sự sám hối, sự đền tội, sự đứng lên sau khi vấp ngã, sự sống mầu nhiệm thánh giá và mầu nhiệm Giáo Hội.
Mẹ Maria ơi, Mẹ đã tới đích. Còn con vẫn trên đường. Mọi sự của con đều còn dang dở và rất mong manh, khó tránh được những bất ngờ. Xin Mẹ luôn ở bên con. Mẹ là nguồn đem lại cho con sức sống, chân lý, niềm tin cậy và sự bình an. Con thuộc về Mẹ. Con xin cùng với Mẹ khiêm tốn tập trung vào Đức Kitô, đi về với Chúa Cha giàu lòng thương xót.
 
Lậy Thầy! Xin thêm lòng tin cho chúng con
LM Anmai, DCCT
13:18 08/08/2008
Lậy Thầy! Xin thêm lòng tin cho chúng con

Liệu người ta có sống được không khi không có lòng tin? Câu trả lời dường như quá dễ dàng, người ta chết vì thiếu cơm thiếu gạo, thiếu chất dinh dưỡng hay thuốc men chứ có ai chết vì thiếu lòng tin!

Nhưng cứ thử hình dung, một đứa trẻ nếu không có lòng tin vào tình thương, vào trách nhiệm của cha mẹ mình thì dù có ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ mọi tiện nghi, thậm chí được học hành thì đứa trẻ ấy cũng chẳng bao giờ được sung sướng. Nếu sống như vậy nó chỉ là một đứa trẻ vất vưởng mồ côi, có lẽ trong số những trẻ bỏ nhà đi bụi đời nhiều em đã mang theo cõi lòng tan hoang như thế. Bình thường, ra khỏi cái thế giới của gia đình, một thiếu niên có thêm lòng tin mới, tin vào thầy cô bạn bè, nhà trường. Chúng đau khổ khi bị bạn bè chơi xấu, và đâu đó nhà trường đã biến thành thị trường, người dạy không vì chúng mà vì túi tiền của cha mẹ chúng nên chúng đã hỗn láo, hư hỏng hoặc lớn lên ra trường đi làm, chúng tìm mọi cách để tận thu lại với đời.

Vợ chồng mà không tin nhau thì dù nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm thì cũng chỉ là một sự "liên hiệp", và những cuộc hành lạc hợp pháp. Không niềm tin thì không thể có tình yêu, còn hạnh phúc càng là chuyện hoang tưởng.

Một cuộc sống thiếu lòng tin thì đó không phải là cuộc sống…

Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.

Nhan nhản, sách báo, tivi, các chương trình truyền thông đại chúng cho chúng ta thấy một cuộc đời thật ê chề, thật chán chường. Tất cả chỉ là những lời hứa hão huyền, những lời hứa cuội. Mới đây thôi, tuần qua, một sự kiện đáng nhớ của người dân Sài Gòn: cơn mưa chiều ngày 1 tháng 8 đã biến Sài Gòn thành một dòng sông. Do đâu ? Do người ta hứa hẹn, người ta thiếu trách nhiệm để ma lo cho dân. Ngân sách rót ra cho chuyện sửa chữa cầu cống, ngập lụt đổ ra bạc tỷ, tiền ấy gom góp từ mồ hôi nước mắt của dân, vậy mà sau những trận mưa thì người dân hoàn toàn chịu trận. Chịu riết rồi chẳng còn ai tin vào lời hứa là sẽ lo cho dân, sẽ phục vụ dân nữa. Một lần, hai lần, ba lần người ta còn cố gắng chờ đợi để mà tin nhưng nhiều lần quá chẳng ai còn can đảm để mà tin.

Ngoài đường là như vậy, còn trong nhà thì sao ? Trong nhà hình như cũng nhuốm một cái màu đen tối của sự mất niềm tin vào nhau. Ai cũng sợ sống sự thật, đối diện với sự thật để rồi người ta không còn đến với nhau thật lòng nữa. Chắc có lẽ từ cái lối sống “làm láo báo cáo hay” nó nhen nhúm vào trong con người ta khi nào mà người ta không hay để rồi ai cũng báo cáo, cũng “nổ” cũng tô son trát phấn về mình. Vì sao ? Vì sợ người đối diện biết cái bộ mặt thật của mình nên người ta phải làm như vậy. Và khi làm như vậy đến một lúc nào đó cũng xuất đầu lộ diện thì thử hỏi còn ai dám tin vào nhau nữa ?

Cay đắng, bi đát ở chỗ là con người, ai ai cũng thấy và cần sống với những người có niềm tin vào nhau nhưng rồi người ta cư xử với nhau làm sao đấy. Cứ thật thật giả giả lẫn lộn để rồi đi tìm một lòng tin nguyên vẹn hơi bị hiếm.

Đứng trước vấn nạn của lòng tin, chúng ta có lòng tin như thế nào với người xung quanh và người xung quanh chúng ta có tin chúng ta hay không ? Cách riêng, người kitô hữu, người có Chúa thì sống lòng tin như thế nào ?

Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục … được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta ?

Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào ? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.

Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh:

Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời
Thì hơn tin cậy ở người trần gian
Tin vào thần thế vua quan
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời
(Tv 117, 8.9)

Cuộc đời mỗi người chúng ta vẫn bị giằng co, vẫn đứng giữa cái ngã ba đường là dựa vào Chúa hay dựa vào thần thế vua quan, tin vào Chúa hay tin vào của cải vật chất ? Đây không phải là chuyện đơn giản mà là chuyện chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật.

Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn lại tất cả các biến cố lớn bé từ khi cất tiếng khóc chào đời đến ngày hôm nay chúng ta thử hỏi xem ai đã quan phòng cho cuộc đời chúng ta ? Ai yêu thương chúng ta ? Ai là thành luỹ đời chúng ta ? Ai là cùng đích đời chúng ta ? Vậy mà chúng ta đã không dựa vào tình yêu, vào đấng quan phòng, vào thành luỹ, vào Chúa của đời chúng ta mà chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong cái thế giới vật chất, trong cái thế giới mau qua chóng tàn này.

Tuần trước, khi đang giúp cho một đôi hôn phối do một cha trong Dòng nhờ bỗng dưng cô bé nói với tôi rằng: “Mẹ bạn trai con đi coi thầy rồi, phải là trong tháng 10 này phải cưới vì tuổi của con và tuổi của anh ấy chỉ cưới trong tháng 10. Nếu không thì chúng con phải đợi đến 3, 4 năm nữa mới cưới được !”.

Tôi nghe xong tôi ngạc nhiên vì tôi biết rằng hai bên đều là đạo gốc, được học hành giáo lý nghiêm túc ở một giáo xứ lớn hẳn hoi mà nói với tôi như thế ! Hoá ra là mẹ của chú rễ dù là người có đạo nhưng hình như chẳng còn tin vào Chúa mà tin vào ông thầy bói. Tôi bèn nói với hai bạn trẻ rằng tôi cảm ơn mẹ của chú rễ. Và, nếu được xin kính mời bà mẹ của chú rễ đến đây, dẫn tôi đến với ông thầy bói nào đó đã coi cho hai bạn. Tôi nói rằng:

Thứ nhất: tại sao ông thầy bói coi cho hai bạn được mà sao không coi tương lai cho ông như thế nào ? Tại sao ông phải đi lượm bạc cắc từ những người nhẹ dạ và thiếu lòng tin vào Chúa ? Nếu giỏi, sao ông không coi chiều nay xổ số ra số mấy để ông mua nguyên tập vé số để có nhà lầu xe hơi mà phải đi coi bói thế này ?

Thứ hai: nếu được nhờ ông coi xem tương lai tôi có làm giám mục hay không ? Nếu tôi làm giám mục tôi mời ông về ở trong “Toà” với tôi ? Làm gì mà ông coi được ? Ngay cái bản thân của ông ông không biết ông sống ngày nào, chết ngày nào sao mà coi được cho ai ?

Và còn nữa về chuyện thiếu lòng tin vào nhau, thiếu lòng tin vào Chúa nên đến với bói toán. Nhất là các cô các chị. Đôi khi chồng mình mệt mỏi hay có vấn đề gì không chịu hỏi, chạy tới hỏi ông thầy bói và khi mở bài lên con đầm bích. Ông phán ngay cho một câu là chồng chị có một người nước da ngăm ngăm theo đuổi ! Thế là về nhà mặt nặng mày nề với ông chồng mà không chịu hỏi thực hư !

Thời buổi ngày hôm nay người ta thường nói đùa với nhau là “lên cung trăng” rồi mà người ta còn tin vào bói toán. Thật ra số người tin vào bói toán ngày nay còn nhiều chứ không phải là ít, cách riêng là nữ giới. Vì nhẹ dạ, vì thiếu lòng tin và nhất là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên họ dựa vào bói toán là điều dễ hiểu. Lẽ ra trong những cơn gian nan thử thách của cuộc đời họ tìm đến Chúa, họ cậy vào Chúa nhưng không, họ đã tìm đến những con người tầm thường của thế gian.

Và như đã nói ở trên, cuối đời Phêrô hối hận về tất cả những gì mình làm buồn phiền Thầy mình nên Ngài đã làm lại tất cả những gì có thể được để minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thầy Chí Thánh. Và với lời nguyện xin quen thuộc của Ngài khi Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh với mẻ cá lạ, mỗi người chúng ta trong từng phút từng giây của cuộc đời cũng biết thưa như Phêrô: “Lạy Ngài ơi thương đến ! Xin củng cố giúp con ! Này lòng tin con đây còn mỏng dòn non yếu ! “Lạy Ngài ơi thương đến ! Xin củng cố giúp con ! Này lòng tin con đây hầu đã vỡ tan rồi” (bài Con tin thưa Thầy – linh mục Thành Tâm)

Khi và chỉ khi ta đặt niềm tin của ta vào Chúa như Phêrô thì cuộc đời ta mới bình an giữa muôn sóng sóng gió của cuộc đời này được.

Nguyện xin Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch của lòng tin đến và ở lại trên cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta luôn trao phó cuộc đời của chúng ta vào trong bàn tay của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào mà chúng ta đang sống.
 
Hãy luôn vững tin vào Thiên Chúa
Lm Nguyễn Hữu Thy
16:05 08/08/2008
Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên/A

Hãy luôn vững tin vào Thiên Chúa


(Mt 14,22-23)

«Lạy Chúa, xin cứu con với!»

Môn đệ Phêrô đã hoảng hốt kêu lên cùng Chúa như thế trong cơn nguy tử. Thoạt đầu, Phêrô đầy lòng tin tưởng vào Sư Phụ của ông và đã bước đi trên mặt nước. Nhưng không được bao lâu. Chỉ sau vài ba bước là ông đã bắt đầu hoài nghi và sợ hãi. Thánh sử Mát-thêu viết «Khi Phêrô thấy gió thổi thì đâm sợ, và khi bắt đầu chìm xuống nước thì ông hoảng sợ la lên: ‘Lạy Chúa, xin cứu con với!’» Và Ðức Giêsu đã giơ tay đỡ lấy ông và dắt ông lên thuyền.

Phêrô hoảng sợ kêu lên: "Lạy Chúa, xin cứu con với"
«Lạy Chúa, xin cứu con với» cũng phải là lời đầu tiên trên môi miệng mỗi người trong chúng ta khi gặp phải bất cứ nguy hiểm hay khó khăn nào. Vì đúng như miệng người đời vẫn nói, cuộc sống chúng ta là một chuỗi «lên voi xuống chó», một sự thay đổi không ngừng giữa bão táp và yên lặng, giữa vui mừng và đau khổ, giữa hạnh phúc và khốn cùng, v.v… Nhưng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy luôn giữ lòng trung tín và tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Ðó chính là vấn đề trọng yếu. Bởi vì chúng ta luôn vững tin rằng Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, luôn đồng hành với chúng ta, luôn hiện diện bên chúng Ta. Chúng ta hãy tin tưởng kêu lên cùng Người như Phêrô xưa: «Lạy Chúa, xin cứu con với!»

Một điều chắc chắn là sự vui mừng và đau khổ, sự tin tưởng và nghi nan, sự an bình và bất ổn, v.v… là những yếu tố của cuộc sống trần thế của chúng ta. Nhưng một điều khác cũng chắc chắn như vậy là không có bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống chúng ta lại có thể gọi là con đường cùng, là hoàn toàn hết hy vọng, nếu chúng ta không đánh mất lòng tin tưởng vào Thiên Chúa.

Ðức tin và lòng trông cậy thực sự là niềm an ủi và hy vọng to lớn nhất của đời sống Kitô hữu của chúng ta trong mọi cơn khó khăn vất vả và trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc sống. Chúng ta luôn ý thức được rằng Ðức Giêsu hằng luôn hiện diện bên cạnh như một người anh cả để nâng đỡ và dìu dắt chúng ta trong cuộc sống; cùng Người chúng ta luôn luôn có thể kêu lên với tất cả lòng tin tưởng: «Lạy Chúa, xin cứu con với!» Và chắc chắn rằng Ðức Giêsu sẽ giơ tay đỡ lấy chúng ta, như xưa người đã đỡ lấy Phêrô. Dĩ nhiên, những gì Người làm cho chúng ta không luôn luôn nhất thiết phải là điều chúng ta mong muốn, nhưng là điều hữu ích cho phần rỗi vĩnh cửu của chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải can đảm và đầy thâm tín thưa cùng Người: Xin Chúa đừng làm theo ý con xin, nhưng theo thánh ý Chúa mà thôi.

Là con người, tự mình chúng ta không thể làm được gì cả, nhưng cùng với Ðức Giêsu, chúng ta sẽ làm được tất cả. Bởi vì vũ trụ hiện hữu được là nhờ Người và trong Người. «Không có Ðức Giêsu thì chẳng có gì được tạo thành» (Ga 1,3). Vậy, cũng như việc Người đã làm cho năm chiếc bánh hóa nhiều đến nỗi đủ cho hơn năm ngàn người ăn no, phép lạ Người bước đi trên mặt nước hồ như đi trên đất liền, là một bằng chứng hùng hồn nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa trên tất cả mọi tạo vật và một điểm tựa vững chắc, củng cố đức tin của các môn đệ.

Thực ra, Thiên Chúa đã biết hết trước tất cả những nhu cầu, những gì mà con người cần cho cuộc sống (x. Mt 6,8). Nhưng Người cũng muốn để cho chính con người cảm nhận được sự yếu hèn và khả năng hạn hẹp của mình, để con người biết khiêm tốn chạy đến với Người và tin tưởng phó thác vào sự giúp đỡ chở che của Người, và nhất là để họ nhận ra được rằng chỉ mình Người là Chúa Tể muôn loài, là Thiên Chúa Toàn Năng.

Bởi vậy, «Lạy Chúa, xin cứu con với!» phải là lời cầu xin duy nhất đầu tiên mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong mọi nỗi túng quẩn và cơ cực của chúng ta, chứ không phải chạy theo tìm an ủi nơi các thứ «thần» giả dối khác, như thần rượu, thần ma-túy, thần á-phiện hay những phương tiện bịp bợm khác, những thứ chỉ đưa dẫn những kẻ liên hệ vào trong một ngõ cụt không có lối thoát của cuộc sống.

Vâng, trở về cùng Thiên Chúa, tin tưởng tìm nương tựa nơi Thiên Chúa, là con đường duy nhất dẫn tới sự cứu rỗi, nếu người ta không muốn bị quanh quẩn trong ngõ cụt của định mệnh mình. Chấp nhận sự bất toàn và khả năng giới hạn của mình, cũng như biết tin tưởng phó thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa là một sự chọn lựa khôn ngoan và hợp lý mà mỗi người trong chúng ta cần phải quyết định, bởi vì sự hạnh phúc chân chính của chúng ta đều tùy thuộc vào đó. Xin Thánh Linh Chúa soi sáng cho chúng ta.
 
Đã Tin và chưa Tin
Lm Phêrô Nguyễn Hương
19:16 08/08/2008
Đã Tin và Chưa Tin

CN XIX TNA

Như có lần chúng ta đã nói: Sống là một hành trình tìm kiếm liên lĩ, tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa tối hậu cuộc đời. Có bao nhiên con người thì có bấy nhiêu cuộc hành trình. Với người kitô hữu, hành trang cuộc đời không gì khác hơn là Đức Tin. Đức tin là kim chỉ nam, là bảng chỉ đường hướng dẫn chúng ta đi tới mục đích.

Vậy thì tin có nghĩa là gì? Sách Giáo lý Công Giáo mới có một đĩnh nghĩa rất vắn gọn: “Tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải và hiến mình cho con người, khi ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình” (s. 26).

Tin không phải là tin vào một cái gì, vào một học thuyết, một ý thức hệ, một số lề luật, nhưng tin chính là gắn bó, là gặp gỡ, là bước theo một Con Người, và để Con Người đó hướng dẫn ta, chỉ cho ta biết đâu là hạnh phúc đích thực và ý nghĩa tối hậu cuộc đời. Con người đó có tên là Đức Giêsu Nazareth. Như thế tin là sống với, sống như, sống cho Đức Kitô và cùng với Người bước đi trong cuộc đời này.

Những sóng gió của Đức tin

Nhưng sống niềm tin vào Đức Kitô đó trong bối cảnh của ngày hôm nay đang gặp sóng gió mà Lời Chúa hôm nay nói tới với những hình ảnh đầy tính biểu tưởng.

Nếu “biển” là biểu tượng của cuộc đời này, thì sóng gió là những thử thách và trở ngại của con thuyền Đức tin.

Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng: Các môn đệ và nhất là Phêrô là những người “đã tin mà vẫn chưa tin”, đã tín thác mà vẫn còn hoài nghi ngờ vực, khi họ phải đối diện với sóng gió cuộc đời. “Thấy Chúa đi trên biển, họ hoảng hồn mà nói rằng: Ma kìa”! Đúng là những người kém tin, nên mới “nhìn gà hóa cáo” thôi. Trước những khó khăn, họ không còn nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Chúa nữa!

Nhìn vào các tông đồ để chúng ta cũng soi bóng mình và thấy mình ở trong đó. Các tông đồ và Phêrô chính mỗi người chúng ta, những người đã tin mà vẫn còn chưa tin.

Ngày hôm nay chúng ta đang bị thử thách bởi một nền văn hóa vắng bóng Thiên Chúa (nhiều người thấy Chúa tưởng là ma, thấy ma tưởng là thiên thần, thấy thiên thần tưởng là quỉ dữ!), một nền văn hóa đề cao tiền bạc, tính dục, và hưởng thụ cá nhân. Sự hấp dẫn của chúng đã khiến nhiều người bỏ Chúa để chạy theo những lối sống dễ dãi, thực dụng và vì cái lợi trước mắt mà quên nhân phẩm và đạo lý của mình.

Cũng như các môn đệ, khi bình an, thành công, thì chúng ta dễ dàng tin Chúa, đến với Chúa, nhưng những khi hoạn nạn, thất bại thì chúng ta thất vọng, bỏ Chúa, không cầu nguyện và đến nhà thờ nữa, như bài thơ Dấu Chân Trên Cát diễn tả: khi bình an yên ổn thì con nhận ra dấu chân Chúa bên cạnh dấu chân con, lúc con đau buồn lẫn cô đơn. Con chỉ thấy một dấu chân trên cát. Nhưng Chúa trả lời, chính lúc đó lúc Ta đang ẳm bồng con!

Phải có một Đức Tin mang tính cá vị để khám phá sự hiện diện của Chúa

Trước những thử thách của cuộc sống, mỗi người chúng ta phải có một Đức Tin mang tính cá vị vào Đức Kitô. Có nghĩa là Đức Tin đó phải dựa trên một xác tín, một chọn lựa và dấn thân riêng của tôi để sống gắn bó với Chúa mỗi ngày. Dù có nhiều lối rẽ, cám dỗ mời mọc hấp dẫn, tôi vẫn xác tín rằng: Chỉ có Chúa mới mang lại cho tôi ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc bền vững. Dù có bị thử thách, bị chao đảo, nhưng tôi xin chọn “Chúa là gia nghiệp của riêng mình” (Tv 32, 12b), tôi vẫn bám lấy Chúa, trung thành với Chúa cho đến cùng. Đức tin như thế là cuộc gặp gỡ mang tính cá vị với Đức Giêsu, chỉ có đức tin đó mới giúp chúng ta vững vàng trước sóng gió cuộc đời và chỉ có Đức Tin đó mới giúp chúng ta khám phá sự hiện diện, dấu chân và cánh tay yêu thương của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa, con thuyền đức tin của Chúng con đang bị sống gió cuộc đời vùi dập, xin Chúa ban cho chúng con có một Đức tin sống động, mang tính cá vị và biết tĩnh thức, để dù có phải trải qua những thử thách, chúng con vẫn trung kiên theo Chúa đến cùng. Xin cho cặp mắt đức tin của chúng con luôn sáng ngời để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời chúng con. Amen!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 08/08/2008
GIỮ HANG RỖNG

N2T


Thần giữ của đem vàng chôn dưới một gốc cây trong sân, mỗi tuần đào lên một lần và nhìn nó mấy tiếng đồng hồ. Một hôm kẻ trộm đến cướp mất vàng đem đi, thần giữ của đến coi lại thì chỉ thấy một cái hang trống rỗng.

Ông ta cất tiếng thở dài, hàng xóm chạy đến coi chuyện gì xảy ra, sau đó có một người nói: “Số vàng đó ông tiêu xài bao nhiêu ?”

- “Một chút cũng không, mỗi tuần tôi chỉ đến coi một lần.”

- “Vậy à, đối với vàng mà ông sử dụng như thế, thì sau này mỗi tuần ông nên dứt khoát đến đây để coi cái hang rỗng !”


(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Giàu hay nghèo thì đều không hệ tại có vàng có bạc, mà hệ tại mình có biết hưởng thụ nó hay không. Tỉm kiếm tiền tài hạnh phúc nhưng không có khả năng hưởng thụ nó, thì giống như người hói đầu đi thu góp lược vậy...

Có người nhiều tiền nhiều của không biết làm gì thì bỏ vào ngân hàng kiếm lời tiêu xài; có người vàng bạc nhiều trong két sắt không biết làm gì cho hết nên tiêu xài phung phí; có người dùng tiền của để đầu tư làm giàu thêm nữa; có người dùng tiền của để tô đẹp con người của mình cho có thế giá với mọi người...

Nhưng có rất ít người dùng tiền bạc để đầu tư vào thiên đàng.

Ai giàu có thì tự biết mình phải làm gì để sinh lợi cho phần hồn, kẻo rồi một ngày kia khi ra trước tòa án của Thiên Chúa với bàn tay trắng không có gì cả, thì buồn lắm đó...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 08/08/2008
CHỦ NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 14, 22-23.

Xin Ngài truyền cho con đi trên mặt nước mà đền với Ngài.”


Bạn thân mến,

Đức tin mạnh mẻ thường đạt được những kết quả tốt và bất ngờ, nó làm cho chúng ta mau mắn nhận ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đức tin cũng cần phải được thử luyện qua những gian nan khốn khó mà chúng ta thường gặp phải hằng ngày, bởi vì chỉ có thử thách, gian nan, bắt bớ thì đức tin mới lớn lên và phát triển...

Bạn và tôi đều là những Phê-rô thứ hai rất hăng say với Lời Chúa khi mới tiếp xúc học hỏi, nhưng rồi vì những đòi hỏi của vật chất, sự gian lận dối trá của người này người nọ mà chúng ta cảm thấy Lời Chúa không còn linh nghiệm nữa, thế là chúng ta bị chìm trong cơn sóng biển trần gian; bạn và tôi đều là những Phê-rô mau mắn nhận ra thánh ý của Chúa trong các biến cố của cuộc sống, nhưng rồi sự mau mắn này đã trở thành nỗi hoài nghi khi có những linh mục và tu sĩ –là những người được tuyển chọn- như những tảng đá cản đường phát triển đức tin của mình bằng những lời đe dọa, chỉ trích với tâm hồn kiêu ngạo không thông cảm và khiêm nhường...

Thánh Phê-rô cầu xin Chúa Giê-su cho ngài được đi trên mặt nước để đến với Chúa, đó chính là một biểu hiện của một người có lòng tin mau mắn vào Chúa Giê-su. Mặt nước với những cơn sóng chính là trần gian với những biến cố đau thương thử thách, cầu xin để đi dến với Chúa trong giai đoạn này chính là một hành động can đảm và yêu thương.

Bạn và tôi đang sống giữa trần gian với nhiều đau khổ, thất vọng và có khi mất phương hướng vì có quá nhiều cám dỗ của thế gian, có quá nhiều bất công và đau khổ. Cũng có lúc bạn và tôi cầu xin cho mình vượt thắng những điều ấy để đến với Chúa, nhưng rồi vì đức tin không đủ mạnh, vì thiếu kiên trì trong cầu nguyện mà chúng ta –như thánh Phê-rô- bị chìm trong tội lỗi và những cạm bẫy của thế gian.

Bạn thân mến,

Hãy cầu xin đến với Chúa trong cơn gian khổ hay khi gặp thử thách, chứ đừng cầu xin Chúa cất khỏi những đau khổ thử thách rồi mới đi đến với Chúa...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 08/08/2008
N2T


33. Cầu nguyện là lương thực hằng ngày của chúng ta, là man-na mà chúng ta thu góp mỗi ngày.

(Thánh John Vianney)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc nghiên cứu tìm thấy rằng Truyền Hình Hoa Kỳ đề cập quá nhiều tới tình dục và gây nguy hại cho hôn nhân!
Anthony Lê
08:36 08/08/2008
Cuộc nghiên cứu tìm thấy rằng Truyền Hình xem chuyện Thông Dâm là Tích Cực

Còn chuyện Tình Dục trong Hôn Nhân được Truyền Hình xem như là một Chuyện Phiền Toái

Ông Tim Winter
LOS ANGELES (LifeSiteNews.com) - Hội Truyền Hình Của Các Bậc Làm Cha-Mẹ (The Parents Television Council hay còn được viết tắt là PTC) vừa công bố ra một cuộc nghiên cứu mới có nhan đề "Chưa Bao Giờ Có Hạnh Phúc Cả: Cách Thức mà Hollywood Đánh Giá Cao Chuyện Thông Dâm và Coi Chuyện Gần Gũi Thân Mật Trong Hôn Nhân lại là Sự Lang Chạ trong việc Phát Hình vào các Giờ Cao Điểm" (Happily Never After: How Hollywood Favors Adultery and Promiscuity Over Marital Intimacy on Prime Time Broadcast Television) - vốn qua đó tiết lộ ra rằng các mạng lưới phát hình đã phát họa chuyện quan hệ tình dục trong bối cảnh hôn nhân gần như không còn tồn tại nữa hoặc xem nó đúng là một chuyện phiền toái; trong khi đó lại có những phát họa hết sức tích cực về chuyện lang chạ tình dục bừa bãi ngoài hôn nhân, hay các mối quan hệ tình dục thông dâm với mức độ đáng báo động.

Đối với hầu hết các mạng lưới phát hình trên khắp cả nước Hoa Kỳ, báo cáo của PTC tìm thấy rằng: những đề cập bằng miệng hay qua ngôn ngữ của lời nói về chuyện ngoại tình thì nhiều hơn, so với việc đề cập đến chuyện quan hệ tình dục lành mạnh trong hôn nhân với tỉ lệ là 3 so với 1; và những đoạn phim hay hình ảnh phát họa vốn ám chỉ đến chuyện ngoại tình giữa những cặp không phải là hôn nhân với nhau cũng nhiều hơn so với chuyện quan hệ tình dục giữa các cặp hôn nhân với nhau theo tỉ lệ là 4 so với 1.

Ông Tim Winter - Chủ Tịch của PTC cho biết:

"Kết quả của những cuộc nghiên cứu này đề nghị ra rằng Hollywood đang chủ ý cố tình xem nhẹ chuyện hôn nhân bằng cách đưa ra những hình ảnh đó theo một cách hết sức tiêu cực. Thậm chí còn bạc đãi về chuyện quan hệ tình dục trong hôn nhân nữa là đằng khác; trong khi đó lại huy hoàng đề cao cho thứ tình dục ngoài hôn nhân; và nhất là trong những chương trình truyền hình gần đây thì chương trình nào cũng biểu hiện lối diễn đạt về kiểu ngoại tình đến mức quá trớn. Các trẻ em và những em đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên, giờ đây liên tục bị ám ảnh bởi những kiểu thái độ tình dục ngoại hôn nhiều hơn, so với các em ở thế hệ trước đây, khi đối tượng này hoàn toàn bị cấm khỏi những chương trình có sức đầu độc nguy hại đến như vậy."

Theo cuộc nghiên cứu của PTC, một số điều mà trước kia được coi là tối kỵ hay không thích hợp hoặc thiếu tính đứng đắn giờ đây được ngang nhiên tìm thấy trong các chương trình truyền hình vào giờ cao điểm bao gồm kiểu tình dục giữa 3 người với nhau; kiểu quan hệ tình dục trao đổi bạn đời; kiểu tình dục bệnh hoạn với các trẻ em, hay kiểu ấu dân; kiểu quan hệ tình dục bệnh hoạn với xác chết (necrophilia); kiểu tình dục thú tính (bestiality); và kiểu quan hệ tình dục với các gái đứng đường; đó là chưa kể đến việc phát họa ra những gái khỏa thân; việc đề cập đến chuyện thủ dâm (masturbation); việc đề cập đến các hình ảnh và sách báo khiêu dâm; việc đề cập đến việc sử dụng các dụng cụ để tự làm thỏa mãn nhục dục; cùng việc đề cao đến những kiểu thái độ lập dị, đỏng đảnh (kinky) hay lối thờ vật (fetishistic).

Ông Winter cho biết tiếp như sau:

"Những kiểu thái độ vốn trước kia được coi là có tính hủy hoại về mặt xã hội, bất luân lý, vô đạo đức, suy đồi và cực đoan (fringle), thì nay đã được ngành kỹ nghệ truyền hình đóng dấu chấp thuận. Và những cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy rằng các trẻ em hiện đang bị ảnh hưởng và bị đầu độc bởi những thứ suy đồi và bệnh hoạn này. Trong suốt dòng lịch sử của việc phát hình, các mạng lưới tự động tuân thủ chặt chẽ vào các nguyên tắc về đạo đức vốn được nêu ra rất rõ rằng: sự tôn trọng về tính bất khả xâm phạm của hôn nhân, và về giá trị đạo đức của gia đình cần phải được bảo tồn và phát huy. Báo cáo của chúng tôi phát hiện ra rằng không chỉ những biên giới đó giờ đã không còn được tôn trọng nữa, mà thậm chí chúng còn bị xóa sạch (obliterated) nữa là đằng khác."

PTC giám định tất cả các kịch bản của các chương trình giải trí vào giờ cao điểm trên các mạng lưới phát thanh truyền hình chính như: ABC, CBS, Fox, NBC, và CW, trong suốt 4 tuần lễ bắt đầu từ mùa phát hình 2007-2008 (tức từ 23 tháng 9 đến 22 tháng 10 năm 2007) cho tổng cộng là 207.5 giờ phát hình. Những cuốn phim, các tin tức, các chương trình thể thao, các chương trình về trò chơi và hiện thực được cho trình chiếu trên truyền hình thì không được xem xét đến trong những cuộc nghiên cứu này. Và mạng lưới My Network TV không có trình chiếu một chương trình nào cả vốn đáp ứng được các tiêu chuẩn của cuộc nghiên cứu trong thời gian cuộc nghiên cứu được tiến hành.

Trong số những thứ khác ra thì cuộc nghiên cứu còn tìm thấy rằng: việc đề cập đến chuyện thông dâm hay ngoại tình thì nhiều hơn gấp đôi so với việc đề cập đến chuyện tình dục trong hôn nhân.

Mặc dầu các mạng lưới truyền hình này cố tránh né việc đề cập đến chuyện tình dục trong bối cảnh hôn nhân, thế nhưng chúng đã không tránh né đến việc đề cập về chuyện thủ dâm, chuyện tình dục miệng (oral sex), chuyện tình dục qua hậu môn (anal sex), chuyện kích thích bằng tay, các thứ đồ chơi để kích dục, tình dục theo kiểu nô lệ, tình dục theo kiểu lập dị, đỏng đảnh và thú vật; và có tổng cộng là 74 lần - những thứ bệnh hoạn này đã được đề cập đến trong suốt thời gian diễn ra cuộc nghiên cứu.

Chương Trình Gia Đình (The Family Hour) - tức khoảng thời gian có đông số khán giả trẻ tuổi nhất - đã có chuyện đề cập đến thứ tình dục ngoại hôn là cao nhất, gấp 3.9 lần so với chuyện đề cập đến quan hệ tình dục trong hôn nhân lành mạnh. Trong suốt khoảng từ 9-10 giờ tối, những việc đề cập đến kiểu tình dục loạn luân và suy đồi nhiều gấp 2.5 lần so với chuyện đề cập đến tình dục trong bối cảnh của hôn nhân.

Còn những lần đề cập tới chuyện đứng nhìn người khác đang làm tình với nhau cho đến thứ bệnh thích xem các phim ảnh khiêu dâm (voyeurism) [tức một bên thứ 3 hiện diện, đang xem, hay đang quay hình trong khi chuyện tình dục đang xảy ra], đến chuyện người đàn ông đang mặc quần áo của phụ nữ/hay chuyển giới tính (transvestites/transsexuals); chuyện 3 người làm tình với nhau; chuyện làm tình theo kiểu nô lệ, lập dị, lối ác thống dâm (sado-masochism) và chuyện làm tình với những hạn gái đứng đường, nhiều hơn gấp 2.7 lần so với chuyện nhìn cặp hôn nhân đang làm tình với nhau.

Rồi chuyện ký hiệu (descriptor) về nội dung, có dụng ý là để báo động cho các bậc làm cha-mẹ biết về nội dung thoái thác và thiếu đứng đắn của các chương trình truyền hình giải trí vào giờ cao điểm này, vốn hoạt động rất hữu hiệu với con V-Chip nhằm giúp cho các bậc làm cha-mẹ có thể khống chế hay ngăn cản những chương trình có nội dung suy đồi và không mấy thích hợp cho các trẻ em, giờ đây vẫn thường bị bỏ lơ hay bị xem nhẹ đi.

Lấy ví dụ, trên ABC chẳng hạn, 38% các chương trình được cho trình chiếu trong Chương Trình Gia Đình đều có nội dung nói về tình dục mà không hề được ký hiệu là "S" [tức "Sex" - tình dục - NV] và trong suốt chương trình lúc 9h tối, 71% các chương trình có nội dung đối thoại về chuyện tình dục, lại không được mang ký hiệu là "D" [tức ám chỉ đến nội dung hội thoại theo kiểu tình dục tục tĩu - NV] cả.

Nói chung, mỗi một mạng lưới đều liên tục có những vấn nạn liên quan đến việc không được đánh giá đúng là "S" hay "D" trong hầu hết mỗi giờ phát sóng. Và trong số tất cả các mạng lưới phát thanh và truyền hình, thì ABC là mạng lưới truyền hình chuyên đề cập đến vấn đề quan hệ tình dục trong hôn nhân theo một khuynh hướng hết sức là tiêu cực. Ngược lại, chuyện quan hệ tình dục ngoài hôn nhân lại được cho là tích cực nhất hay trung lập nhất.

Trong suốt 46 giờ phát hình của NBC, thì chỉ có một lần duy nhất là đề cập tới chuyện quan hệ tình dục trong hôn nhân mà thôi, và việc đề cập đến chuyện ngoại tình, thông dâm thì được ghi nhận là 1 lần; và 11 lần đề cập đến chuyện quan hệ tình dục không phải là thuộc vào phạm vi của hôn nhân.

Những việc đề cập tới chuyện quan hệ tình dục loạn luân, chuyện ấu dâm, chuyện quan hệ tình dục bằng cách trao đổi bạn tình, chuyện quan hệ tình dục với những hạn gái đứng đường, chuyện quan hệ tình dục của những loại nguời chuyển đổi giới tính, chuyện quan hệ thú tính, và chuyện quan hệ tình dục với xác chết tổng cộng lại vượt qua cả sự đề cập đến chuyện tình dục trong hôn nhân tới 27 lần trên NBC.

Cũng đặc biệt trên NBC, có rất nhiều việc phát họa hay mô tả đến cảnh những người lớn làm tình với các trẻ em, cũng như những cảnh ám chỉ hay minh họa đến việc quan hệ tình dục giữa các cặp hôn nhân với nhau.

Ông Michael Medved
Michael Medved, Người Dẫn Chính của Tập Đoàn Phát Thanh Quốc Gia (Nationally Syndicated Talk Radio Host) và hiện cũng là một thành viên trong Ban Cố Vấn của PTC đã phải nhận xét như sau:

"Từ rất nhiều năm, các bậc làm cha-mẹ cứ mãi lo lắng đến chuyện truyền hình ca tụng hay tán dương đến kiểu thái độ tình dục có tính băng hoại. Bản báo cáo mới này lại trình bày ra một nguyên nhân khác nữa quan trọng hơn liên quan đến chuyện lo lắng đó là: việc hạ nhục hay coi thường đến hôn nhân. Các thống kê cho thấy rằng, đại đa số người Mỹ đều hoàn toàn cảm thấy khá thỏa mãn và thích thú trong chuyện hôn nhân của họ.

Ý niệm vốn cho rằng tình dục bên ngoài phạm vi của hôn nhân giờ đây đang là một sự thích thú mới, quan trọng hơn, và xứng đáng hơn, hòng để dùng nó như là chủ đề của lối kể chuyện rẻ tiền; lại là một bức thông điệp có tính độc hại và hủy diệt tàn bạo hơn bao giờ hết đối với các bậc làm cha-mẹ lẫn các con cái của họ.

Việc những nhà phát thanh và phát hình này, vốn biết rất rõ về khả năng của truyền hình trong việc làm ảnh hưởng đến thái độ và đạo đức của người xem, phải biết thực thi nghĩa vụ này một cách cẩn thận và bao quát hơn khi xử lý đến những tình huống nói về tình dục trong suốt các giờ trình chiếu cao điểm, để bỏ qua những nội dung hình ảnh tục tĩu, cũng như đừng quá say mê vào các cốt truyện nào vốn không cổ võ cho tính chung chạ, hay ngợi ca sự phạm tội, hoặc bôi nhọ (denigrate) đến chuyện hôn nhân một vợ-một chồng.

Mọi người dân Mỹ cần phải quy trách nhiệm cho các mạng lưới phát thanh phát hình này và các mạng lưới tiếp vận địa phương, vốn cố tình đẩy những chương trình có nội dung bất chính vào ngõ ngách của mỗi gia đình qua làn phát sóng phát hình công cộng. Thêm vào đó, những nhà quảng cáo cần phải xem xét lại vai trò của họ trong tư cách là những người ký nhận trách nhiệm về các kiểu tài liệu đó, hòng để xem xét là họ có nên gắn thương hiệu của họ vào những kiểu chương trình có nội dung suy đồi và tục tĩu, dâm ô (salacious) đó hay không, vì tai tiếng về những sản phẩm của công ty họ rất khó mà kiếm được nơi người tiêu dùng.

Trong khi Tòa Án Tối Cao đang chờ đợi tới phiên họ chính thức xem xét lại tính thiếu đứng đắn trên truyền hình, thì bây giờ chính là khoảng thời gian thích hợp nhất cho tất cả mọi gia đình (trong đó có cả các gia đình gốc Việt của chúng ta ở Hoa Kỳ này - NV) phải cùng nhau đồng lòng dóng lên một tiếng nói và một sự phản kháng chung để chống lại thứ trào lưu có nội dung và hình ảnh tục tĩu và suy đồ đang cố gắng len lõi vào từng ngõ ngách của gia đình chúng ta."

Để đọc qua toàn bộ kết quả chi tiết của cuộc thăm dò kể trên, kính mời Quý Vị hãy nhấn vào trang Web sau: http://www.parentstv.org/PTC/publications/reports/SexonTV/MarriageStudy.pdf.

Và sau cùng để xem qua những Đoạn Ví Dụ Minh Họa trên Truyền Hình mà cuộc Nghiên Cứu này thực hiện, xin mời Quý Vị hãy vào trang Web sau:

http://www.parentstv.org/ptc/publications/reports/sexontv/clip.asp
 
Thế vận hội Bắc Kinh và tự do tôn giáo
Vũ Văn An
23:18 08/08/2008
Thế vận hội Bắc Kinh và tự do tôn giáo

Trả tự do cho Kitô hữu Trung Hoa

Khánh thành Tòa Đại Sứ Mỷ tại Bắc Kinh, TT Bush nói về tự do tôn giáo
Thế vận hội Bắc Kinh biểu tượng cho việc Trung Hoa bước vào hàng tiền đạo của cộng đồng quốc tế. Nếu không xẩy ra ‘sự cố’ lớn nào, thì cuộc thế vận này hẳn nhiên sẽ là chiến thắng vẻ vang về tổ chức và là một cửa hàng trưng bầy ngoạn mục các tài năng thể thao của Trung Hoa: nước này tin tưởng sẽ chiếm được nhiều huy chương hơn bất cứ quốc gia nào.

Nhưng giữa những vinh quang ấy, người ta vẫn nghiêm chỉnh dè dặt trước câu truyện thành công của Trung Hoa. Ấy là vì Nhân dân Trung Hoa thực sự chưa được hưởng tự do, cả trí thức lẫn tâm linh.

Họ chưa được hưởng tự do ngôn luận, tự do tổ chức về phương diện chính trị hay tự do nhận những thông tin mà Chính Phủ không muốn họ nghe; và tự do tín ngưỡng và thờ phượng của họ hiện đang bị luật lệ của chính phủ bao vây nặng nề. Những ai dám vượt quá hàng rào của điều được phép liền bị bắt hay tống giam. Điều đó một phần phát sinh từ nền văn hóa trong đó các quyền lợi xã hội hay tập thể, theo truyền thống, vẫn trổi vượt hơn các quyền lợi cá nhân, là các quyền lợi được Phương Tây nhấn mạnh.

Nhưng phần lớn, nó nguyên tuyền phản ảnh sự kiện này là: chính phủ không tin chính nhân dân mình. Thế vận hội được hứa trao cho Trung Hoa, là vì lời chính phủ nước này hứa hẹn rằng họ sẽ tôn trọng bảo đảm nhân quyền. Nhưng theo Hội Ân Xá Quốc Tế, trong những ngày gần sát Thế Vận, nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn nhiều, rất có thể vì nhà cầm quyền nước này không muốn có bất cứ điều gì khiến quốc tế có hình ảnh quốc tế xấu về họ. Họ muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế họ là một quốc gia an bình với chính mình. Nghịch lý thay, việc ruồng bố đã khiến người ta nghĩ ngược lại.

Tuy thế, vẫn còn một cử chỉ mà chính phủ ấy có thể lợi dụng để đánh bóng ngay tức khắc hình ảnh của họ đối với quốc tế, một cử chỉ mà sớm muộn gì họ cũng phải đưa ra. Họ nên để cho Giáo Hội Công Giáo được sinh hoạt tự do trên toàn bộ xứ sở, như Giáo Hội vốn được hưởng tại Hồng Kông ngày nay.

Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa lục địa hiện đang bị phân rẽ thành hai: phần chính thức được nhà nước nhìn nhận mà xét theo ‘kỹ thuật’ thì thực ra không hiệp thông với Rôma, và phần kia không chính thức, không được nhà nước nhìn nhận, nhưng lại được Rôma nhìn nhận.

Gần đây, đường phân cách giữa hai bộ phận ấy đã mờ nhạt đi, và phần lớn các giám mục Công Giáo đã được cả hai thẩm quyền ấy nhìn nhận. Nhưng viễn ảnh bất chợt bị bắt giam vẫn còn treo lơ lửng trên đầu những vị tỏ lòng trung thành với Rôma, và hiện vẫn còn nhiều giám mục và linh mục Công Giáo trong các nhà tù hay bị giam tại nhà.

Người Công Giáo Trung Hoa cũng hãnh diện vì đất nước họ như bất cứ ai khác. Và quả họ có nhiều điều để tự hào. Việc giải phóng 400 triệu người Trung Hoa khỏi cảnh nghèo là một thành công được cả loài người ngưỡng mộ. Nhưng Đảng Cộng Sản cầm quyền, trong khi từ bỏ quyền kiểm soát trung ương đối với nền kinh tế, lại vẫn ráng duy trì quyền kiểm sóat ấy đối với tâm trí người dân. Phần lớn các vi phạm nhân quyền tại Trung Hoa thuộc loại này. Điều ấy cho thấy Chính Phủ Trung Hoa chưa muốn thấy một xã hội dân sự thực sự xuất hiện, chưa muốn giải phóng óc tưởng tượng của người dân Trung Hoa, chưa để cho tư tưởng được lưu chuyển tự do. Phần lớn người Trung Hoa rất có thể không biết họ đang thiếu thốn cái gì, vì họ đã quá quen thuộc với duy một quyền độc trị của Đảng Cộng Sản.

Nhưng con số những người khao khát thứ tự do đang không có ấy hiện mỗi ngày một đông hơn. Chính Kitô giáo tại Trung Hoa, dưới các dạng khác nhau, cũng đanglôi kéo một con số đáng kể nhiều người trở lại. Họ đang đi tìm một cái gì đó sâu sắc hơn của cải vật chất, giúp đời sống họ có ý nghĩa. Chính phủ Trung Hoa có thể tìm cho mình một sự hoan hô ủng hộ nồng nhiệt của toàn thế giới, nếu chịu nhìn nhận thứ tự do tối hậu ấy. Làm thế, họ sẽ tăng cường, chứ không phải phá hủy, thế đứng riêng của họ.

Lý do tham dự

Trên đây là nhận định của tờ The Tablet ngày 9 tháng 8 năm 2008, một ngày sau khi Thế Vận Hội 29 tưng bừng khai mạc tại Bắc Kinh. Xem Lễ Khai Mạc, ai cũng khó chịu mà thắc mắc thứ tự chi mà kỳ cục, chẳng còn biết đâu mà đoán, nước vần C lại đi sau nước vần F, thậm chí sau cả vần Q.

Người xướng ngôn của Đài Truyền Hình số 7 ở Sydney giải thích: đây là theo ‘mẫu tự’ Trung Hoa. Thế ra Trung Hoa cũng có một mẫu tự hay sao? Tôi vẫn cho là do cái hãnh tiến của ‘ông Tầu phù’ cộng với cái toàn trị của Cộng sản Trung hoa. Ông cứ nhất định dùng duy nhất một tiếng Trung Hoa để tuyên bố ‘Khai mac’ (Tôi chỉ nghe được câu ấy từ ông Hồ Sĩ Đào), trong khi ông Jacques Rogge, chủ tịch Thế Vận Quốc Tế, dù là người nói tiếng Pháp (và tiếng Pháp luôn được dùng là ngôn ngữ thứ nhất của bất cứ Thế Vận Hội nào), vẫn dùng tiếng Anh để thưa truyện với thế giới thưởng ngoạn thể thao. Thậm chí ‘ông Đài Loan’ cũng vì cái tính Tầu phù và Cộng sản toàn trị trên, mà đành quên cả cờ của mình, tham dự Thế Vận 29 với một lá cờ không phải là ‘thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng’! Toàn trị đến thế là cùng.

Có lẽ vì thế mà giám mục phó của Hồng Kông, Đức cha John Tong Hon đã phải lên tiếng giải thích tại sao ngài tham dự Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh “theo lời mời của Chính Phủ Trung Hoa”.

Theo vị giám mục này, việc chính phủ bách hại các Kitô hữu đã được hòa lẫn vào cái vui khi nước này đứng ra tổ chức Thế vận. Trong một bài báo trên tờ L’Osservatore Romano, ngài cho hay: ngay khi nhận được lời mời, ngài “hiểu ngay tôi phải tham khảo các bề trên của tôi. Tòa Thánh không lên tiếng phản đối chi, cả Đức Hồng Y Joseph Zen cũng khích lệ tôi lên đường. Thế là tôi nhận lời”.

Ngài nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng cho rằng Thế Vận Hội tại Trung Hoa “sẽ là một thành công vĩ đại”. “Tuy nhiên, trong khi các nhà lãnh đạo của sáu tôn giáo lớn nhất tại Hồng Kông được mời tới Bắc Kinh, thì chỉ có trường hợp Giáo Hội Công Giáo là lời mời không được gửi cho thẩm quyền cao nhất. Tôi hết sức bối rối vì chính phủ làm ngơ Đức Hồng Y Zen và đã mời tôi thay vào đó”.

Ngài cũng phát biểu điều lo âu của ngài là: “một số nhà lãnh đạo Công Giáo hiện còn đang bị giam tù hay quản thúc tại gia”, trong đó có sáu giám mục và nhiều linh mục cùng giáo dân “đang chịu đau khổ vì đức tin Công Giáo của chúng ta và vì lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha”.

Ngài hy vọng rằng một ngày kia, chính phủ Trung Hoa sẽ đặt cùng “một tầm quan trọng như nhau đối với tự do tôn giáo và tự do xã hội”, thứ tự do mà họ đã áp dụng trong việc giảm bớt nạn ô nhiễm ở Bắc Kinh, chuẩn bị cho Thế Vận Hội.

Đức cha Tong Hon nhận định rằng: các nhà cầm quyền Trung Hoa vẫn còn chưa tin tưởng người Công Giáo trung Hoa và “cảm thấy bị đe dọa khi chúng tôi thực hành đức tin”. Ngài đưa ra một thí dụ: ngày 24 tháng Năm, Ngày Cầu Nguyện Cho Trung Hoa, cảnh sát đã ngăn cản không cho tín hữu vào Đền Thánh Sheshan, thuộc ngoại ô Thượng Hải.

Tuy nhiên, theo ngài, không phải điều gì cũng tiêu cực. Ngài cho thấy một số dấu hiệu cởi mở của chính phủ, ngay sau trận động đất mới đây từng làm sững sờ đất nước. Cả nước “được động viên như một gia đình duy nhất để trợ giúp các nạn nhân”.

Ngài cũng nhận xét thêm: “Năm vòng tròn Thế Vận được khắp thế giới biết đến. Tôi mong rằng Trung Hoa sẽ dành cùng một tầm quan trọng cho cả năm khía cạnh chồng kết lên nhau của dân chủ, nhân quyền, pháp trị, công lý và hòa bình”.

Ngài nói tiếp: “Thế Vận Hội cho thấy sự tiến bộ của Trung Hoa. Người Kitô hữu chúng ta nhấn mạnh nhiều hơn đến tiến bộ thiêng liêng. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta muốn so sánh hành trình thiêng liêng của chúng ta với cuộc đua tới đích ‘nhằm đoạt được phần thưởng Chúa đã chuẩn bị sẵn cho ta trong Chúa Giêsu Kitô”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn trọn đời tại Dòng ĐaMinh Rosa Lima Việt Nam
Minh Nguyên
03:42 08/08/2008
11 DÌ KHẤN TRỌN ĐỜI VÀ 4 DÌ NGÂN KHÁNH KHẤN DÒNG- ĐAMINH ROSA LIMA VIỆT NAM

THỦ ĐỨC - Sáng ngày 06 tháng 8 năm 2008, lễ Chúa Biến Hình, tại nguyện đường nhà Mẹ Dòng Đaminh Rosa Lima diễn ra thánh lễ tạ ơn Khấn Dòng.

Hình ảnh Lễ Khấn Dòng

Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ nhà Dòng có hai thánh lễ khấn dòng liền nhau. Ngày mùng 1 tháng 8 với 44 chị tuyên khấn lần đầu và 17 dì Kim Khánh; hôm nay 11 chị tuyên khấn trọn đời và 4 chị mừng ngân khánh khấn Dòng. Đó chính là hoa trái của những năm học hành, những ngày tháng tập tu, những ngày tháng hiến dâng, những ngày tháng sống theo tinh thần của Cha Thánh Tổ Phụ Đaminh, những ngày tháng dõi theo bước chân Thầy Chí Thánh Giêsu.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã chia sẻ với cộng đoàn về ĐỜI DÂNG HIẾN. Đời dâng hiến gắn kết với Đức Kitô, đời dâng hiến gắn bó với một cộng đoàN và đời dâng hiến gắn bó với sứ mạng linh đạo của Dòng. Ngài nhắn nhủ với chị em dù ở trong bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào và trong bất cứ công việc gì, hãy phả vào đó tình yêu lớn, sự dâng hiến lớn.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên khấn trọn đời. Mười một chị em sau những năm tháng tìm hiểu và sống trong ơn gọi Đaminh, hôm nay các chị mạnh dạn can đảm tuyên khấn trọn đời. Để từ đây chị thuộc trọn về Chúa để loan báo cho thế giới Tin Mừng về Chúa Cha, Tin Mừng về vương quốc yêu thương vĩnh cửu, để nên như nhân chứng, như dấu chỉ, như đèn soi cho suốt cả bề dày cuộc sống. Sau lời thẩm vấn của Đức cha, giây phút quyết định cho cả đời người, các khấn sinh nằm phủ phục khẩn nguyện trong lời kinh cầu các Thánh.

Trong tay Bề Trên Tổng Quyền Agnes Nguyễn Thị thịnh và trước mặt cộng đoàn các chị công khai cam kết xin hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Mười một chị là mười một cung giọng khác nhau trong khi đọc lời tuyên khấn: sống khiết tinh, thanh bần và tuân phục theo tu luật thánh Augustin và luật dòng Nữ Đaminh Rosa Lima cho đến chết.

Có giọng đọc run lên thổn thức, mọi người chờ chị trải qua cơn xúc động, có giọng đọc thênh thang dứt khoát… tất cả đều dành riêng cho Giêsu, dành riêng cho một mình Ngài tất cả, không so đo tính toán, không phân biết thiệt hơn, để từ đây chị nhẹ nhàng lên đường cùng với anh chị em chia sẻ Tin Vui cho muôn người.

Khi Bề Trên Tổng Quyền đại diện Hội Dòng tuyên bố nhận chị em từ giây phút này chính thức là thành viên của Hội Dòng với mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Tiếng vỗ tay chia sẻ niềm vui với Dòng và với các chị tuyên khấn trọn đời từ bốn phía nguyện đường vang lên mãi cho đến khi Bề Trên bắt tay với từng chị khấn sinh.

Dấu ấn cho ngày tuyên khấn trọn đời hôm nay là chiếc nhẫn bạc đơn sơ mà Đức Cha đeo vào tay mỗi chị như dấu chỉ vĩnh viễn đời chị thuộc trọn về Chúa. Chiếc nhẫn mang trên tay là bằng chứng của sự thủy chung, ràng buộc và cũng là lời nhắc nhớ: chị đã trao dâng tình riêng để dấn thân theo Đức Kitô yêu thương phục vụ.

Sau đó là nghi thức tuyên lại lời khấn của các chị “lễ bạc”- ngân khánh-. Hai mươi lăm năm là một khoảng dài hành trình đời người đặc biệt trong ơn gọi Thánh Hiến là một hồng ân. Hai mươi lăm năm trước, đáp lại tiếng gọi của trời cao, chị đã ra đi lên đường và mạnh dạn tuyên khấn. Hai mươi lăm năm, trải qua những va vấp, những yếu đuối trong thân cát bụi phận người, hôm nay chị xác tín hơn vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chị.

Tạ ơn Chúa với quãng đường dài 25 năm tuân giữ lời khấn, sống theo ba lời khuyên của bốn chị mừng ngân khánh và tạ ơn Chúa với mười một chị mạnh dạn dấn thân vào con đường theo Đức Giêsu trong linh đạo Đaminh.

Thánh lễ kết thúc với lời chúc thật dễ thương và tràn đày hình ảnh ẩn dụ của Đức Cha Giuse: Chúng tôi đang đứng trên bàn thờ, nền gian cung thánh của nhà nguyện là hình đàn chim lạc hồng đang bay, và Ngài nói tiếp: ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn. Chúc cho các chị như những chú chim lạc hồng luôn bay cùng nhau, và không bao giờ lạc đường bay.

Trong lời ca kết lễ, cả cộng đoàn cùng hát bài ca cảm tạ Thiên Chúa, để chia vui và cầu nguyện cho các khấn sinh: Xin cho lửa nhiệt tình của lý tưởng dâng hiến được thắp lên từ trời sẽ cháy mãi, sáng mãi. Dù thân xác có hao mòn, nhưng vẫn tồn tại một ánh lửa tin yêu mãnh liệt của đời nhân chứng.

Ngày áp lễ Thánh Tổ Phụ Đaminh 07/8/2008
 
Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Giáo Xứ CTTĐVN Arlington Tuyên Hứa
Bùi Hữu Thư
09:26 08/08/2008

Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Giáo Xứ CTTĐVN Arlington Tuyên Hứa:



Arlington, VA (8/8/08): Ngày 7/8/08, nhân ngày lễ Vọng Thánh Đa Minh, Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Phạm Trọng Khảm đã tổ chức nghi thức tuyển chọn, tuyên hứa lần đầu và tuyên hứa vĩnh viễn cho 70 anh chị em: với 2 thỉnh sinh, 10 người khấn tạm, và 58 người khấn trọn đời. Nghi thức được cử hành trong thánh lễ vọng mừng kính Thánh Tổ của Dòng Đa Minh, với cha chủ sự là Linh Mục Nguyễn Đức Vượng, chánh xứ kiêm linh hướng của huynh đoàn và sự chứng kiến của Cha cựu Bề Trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Giuse Nguyễn Cao Luật, cha Phó Quốc Luân tân phó xứ, Sơ Tân Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Oregon Nguyễn Thị Trinh, và quý sơ, cùng các giáo dân hiện diện.

Sau đây là vài dòng về tiểu sử của đoàn: Được biết Huynh Đoàn Đa Minh Phạm Trọng Khảm xuất xứ từ Hội Cao Niên giáo xứ từ ngày 25/10/2000. Sau khi các hội viên thực tập đọc kinh thần vụ hàng tuần mỗi ngày chủ nhật, trong Sách Phụng Vụ Giờ Kinh, cha xứ Nguyễn Đức Vượng đã có ý định thành lập Huynh Đoàn bằng cách đặt mua Thủ Bản Dòng Ba và khởi sự học tập quy luật dòng ngày 15/08/2003.

Ngày 27/08/2003: Cha xứ gửi thư xin phép Đức Cha Loverde thành lập Dòng Ba và đã được Đức Cha Loverde chấp thuận ngày 15/09/2003. Sau đó giáo xứ tiếp tục gửi thư ngày 17/02/2003 xin Tỉnh Dòng Miền Đông Hoa Kỳ cho phép thành lập. Cha James Sullivan trả lời là Phụ Tá Bề Trên Tỉnh Dòng đã cho phép Giáo xứ thành lập dòng ba tại địa phận Arlington.

Ngày 23/02/2004: Cha xứ đề nghị chọn Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm làm quan thầy của Huynh Đoàn. Huynh Đoàn Đaminh của giáo xứ là huynh đoàn Việt Nam đầu tiền tại Miền Đông Hoa Kỳ.

Ngày 24/02/2004: Cha xứ Nguyễn Đức Vượng gặp cha bề trên Phụ Tỉnh tại Calgary để trình bày về diễn tiến thành lập và xin phép lập Huynh Đoàn tại Giáo Xứ.

Ngày 12/8/04: Cha Bề Trên Phụ Tỉnh Trần Trung Dung chủ tế thánh lễ và thâu nhận 68 thỉnh sinh của Huynh Đoàn Đaminh vào nhà tập. Đức Ông Phạm Văn Phương, cựu Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ giảng thuyết.

Ngày 8/8/05: 63 thành viên của Huynh Đoàn Đa Minh được thâu nhận vào nhà tập ngày 12/8/2004 đã được khấn tạm trong ba năm trong Thánh Lễ 7:30 PM ngày thứ hai 8/8/2005, ngày Lễ Thánh Đa Minh, Thánh Tổ của Dòng Đa Minh dưới sự chủ tọa của Cha Bề Trên Phụ Tỉnh Trần Trung Dung.

Ngày 2/10/05: Bầu cử thành phần ban Phục Vụ dưới sự chủ tọa của cha Linh Hướng: kết quả:

  • Anh Bùi Hữu Thư: Đoàn Trưởng
  • Anh Nguyễn Phước Nhâm: Đoàn Phó
  • Chị Bùi Như Mai: Huấn Đức
  • Anh Phạm Ngọc Hàm: Thư Ký
  • Chị Trần Lê Anh Phương: Thủ Quỹ
  • Anh Trần Văn Tính: Ủy Viên Xã Hội, Tông Đồ, Bác Ái
  • Anh Nguyễn Văn Sự Ủy Viên Giới Trẻ
Anh Trần Văn Tính đã qua đời, anh Nguyễn Đức Khiêm hiện thời thay thế.

Cuối tuần 31/7, 1/8 và 2/8/08: để chuẩn bị cho việc tuyên hứa, tất cả anh chị em trong Huynh Đoàn đã cấm phòng dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Phạm Quốc Văn, O.P. Nhờ việc xét mình xưng tội và nghe lời giảng của cha Văn trong ba ngày, anh chị em đã hết sức sốt sắng vì đã thấu hiểu vai trò, nhiệm vụ của một đoàn viên trong Huynh Đoàn đối với Nhà Dòng và đối với giáo xứ. Các anh chị em trước đây cảm thấy mình không xứng đáng hay không sẵn sàng để tuyên hứa vĩnh viễn đã nộp đơn xin và đã được cha linh hướng chuẩn y.

Các thỉnh sinh được mời lên tham dự nghi thức thâu nhận trước. Sau đó 10 anh chị em khấn tạm được mời đứng theo hang ngang trước cung thánh, trong khi các anh chị em khấn vĩnh viễn đứng theo hai hàng dọc giữa lối đi làm thánh hình một thánh giá.

Cảm động nhất là khi thấy những người lớn tuổi như bà cụ Thanh và bà cụ Mầu ngồi xe lăn cũng được tuyên hứa.

Cho đến nay sau 5 năm hoạt động, Huynh Đoàn đã có tất cả trên 100 đoàn viên, và Huynh Đoàn Đa Minh Phạm Trọng Khảm là huynh đoàn Việt Nam đầu tiền tại Miền Đông Hoa Kỳ.

Hội Cao Niên Giáo Xứ CTTĐVN Arlington trong đồng phục áo dài khăn đống chủ nhật đầu tháng với cha Nguyễn Đức Vượng, Cha Phó Ngô Văn Thích và cha Phạm Quốc Văn
Anh chị em đã khấn tạm trong đồng phục có huy hiệu là thành viên Ca Đoàn Lê Thị Thành
Hình anh chị em Huynh Đoàn Chụp chung với cha Vượng, Thích và Văn
Anh chị em đang đọc kinh trong cuối tuần cấm phòng
 
Xe bus chở người Việt đi Ngày Thánh Mẫu Missouri: số tử vong lên tới 17 người và 5 người còn trong tình trạng nguy kịch!
LM Trần Công Nghị
12:41 08/08/2008
SHERMAN — Tin mới nhất chúng tôi nhận được từ các vị hữu trách thuộc các giáo xứ Việt Nam ở Houston cho biết hiện đã có tới 17 người đã bị thiệt mạng, và trong số gần 40 người bị thương còn 5 người vẫn trong tình trạng nguy kịch! Khởi đầu khi bị nạn có 12 người tử vong, tiếp đến 2 người khác qua đờit ại bệnh viện, và cho tới 4:00g chiều (giờ Los Angeles) đã có thêm 3 người khác qua đời. Hiện nay tất cả các nạn nhân nằm tại 7 nhà thương trong vùng này từ thành Durant phía Bắc cho tới McKinny ở cphía Nam của Sherman.

Xem video tường trình từ Dallas Morning News
Xem video của đài CBS News
Xem hình ảnh chiếc xe bus bị nạn ở hiện trường

Sau khi hỏi tin tức từ các giáo xứ ở Houston, chúng tôi được biết như sau: Hội Legio Mariae thuộc 3 giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giáo xứ Lộ Đức, giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể và giáo xứ La Vang đã đứng ra tổ chức chuyến đi này. Chiếc xe bus bị nạn đa số là chở các ông bà thuộc Hội Legio Mariae, và chính ông Trưởng ban tổ chức cũng đã thiệt mạng trong tại nạn này.

Trước tình trạng con chiên trong các giáo xứ Việt Nam ở Houston bị tai nạn thảm thương này, LM Vũ Thành và một số các linh mục khác đã lên đường đi Durant và Sherman để thăm nom và an ủi các người bị thương cũng như gia đình của họ. Một số thân nhân của các khách hành hương trên chuyến bus định mệnh này cũng đã lên đường đến Sherman để ở bên với người thân yêu của họ.

Các giáo dân thuộc các giáo cứ Việt Nam ở Houston đã đến nhà thờ cầu nguyện, chia sẻ tin tức, đợi chờ tin.. an ủi và nâng đỡ nhau trong tinh thần con cái Chúa.

Cảnh sát thành phố Sherman (xa 54 dặm về phía Bắc thành phố Dallas) nơi xẩy ra tại nạn cho báo chí biết vào lúc gần 1 giờ sáng hôm nay, một chiếc xe bus chở 55 khách hành hương gốc Việt Nam đã bị lật vì mất tay lái, chiếc xe nằm ngả một bên gần Post Oak Creek, vừa qua khỏi đường West Park Avenue, thành phố Sherman.

Xe bị rơi xuống khỏi cầu xa lộ
Đây là một trong đoàn 3 chiếc bus được thuê chở đoàn hành hương từ Houston đi đến Dòng Công Công ở Carthage, Missouri đề tham dự Ngày Thánh Mẫu bắt dầu vào ngày hôm nay.

3 chiếc xe bus này chở người Công giáo Việt Nam từ 2 giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và giáo xứ Đức Mẹ la Vang ở Houston, một trong những khách hành hương cho cảnh sát biết như vậy.

Bà Holly Nguyễn 38 tuổi nói: "xin cầu nguyện cho chúng tôi". Bà ngồi trong xe bus sau chiếc bus bị tai nạn, nhưng không trông thấy chiếc bus kia bị nạn như thế nào. Bà đang lo lắng muốn biết xem ba của bà ngồi trong chiếc xe bux bị tai nạn còn sống hay chết.

Noi bị tai nạn thành phố Sherman
Các cảnh sát viên khi đến hiện trường có tai nạn cho hay: "một cảnh tượng hãi hùng, với những hành lý, xách tay và các miếng mảnh vụn chồng chất trên các xác người và người bị thương. Có những tiếng kêu cứu và than khóc. những nét mặt kinh sợ..."

Một vài hành khách bị bật tung qua cửa sổ xe, số người khác còn kẹt trong xe bị nát. Nhiều người bộ hành đi qua cố gắng giúp... và mấy người bị thương cố bò ra khỏi cửa xe đã bị bể.

Ngoài số 13 người bị chết, và sau một người chết tại nhà thương, số người sống xót có cả đàn bà người già và trẻ em. Tất cả hành khác đã được chở tới các bệnh viện trong vùng này.

Cảnh sát và người cứu thương được điều động từ thành phố McKinney và ngay cả từ Oklahoma tới giúp. Cần 18 chiếc trực thăng cấp cứu người bị thương. Y tá và người cứu hộ đã phải chiu qua cửa kính vỡ đằng trước và chiu vào lỗ hổng dưới gầm xe vào cứu người! Cảnh sát cho biết như vậy.

Chị Maria Nguyễn và các các chị bạn thuộc Gx Tử Đạo VN Houston
Ông Bryan Lam, 42 tuổi, đi từ Houston, nói rằng 2 em gái của ông và mẹ ở trên xe bị nạn. Em gái tên Đỗ Liên đã dùng phương pháp cấp cứu CPR cho mẹ già là bà Đặng Xuân Hoa, 59 tuổi, nhưng bà đã tắt thở. Cô em gái khác là Đỗ Trân bị thương ở đầu đã vào nhà thương.

Cảnh sát Sherman đang điều tra về nguyên nhân gây tai nạn, những dấu hiệu khởi đầu có thể cho thấy là bánh xe bị bể nên có thể vì thế tạo ra việc mất tay lái. Không có dấu hiệu là có xe nào khác gây ra tai nạn trên đoạn đường này.

Chiếc xe bus thuộc hãng Angel Tours. Và cảnh sát cho biết tài xế hiện ở trong tình trạng ổn định và đang bị cảnh sát thẩm vấn. Trong cuộc họp báo sáng nay, cảnh sát cũng không cho biết anh tài xế đã khai báo những gì.

Hội đồng Vận Tải An ninh Quốc gia đã cho mở cuộc điều tra tại chỗ về vụ này.

Vào lúc 5:30 sáng nay thì các thi thể của các người đã qua đời đã được cho phép chở tới các nhà quàn trong vùng địa phương.

Sau đây là một số các chi tiết liên quan tới các Nhà thương có người Việt nam bị tai nạn:

- Nhà thương Wilson N. Jones Medical Center in Sherman, tại đây còn 5 người torng tình trạng nguy kịch.
- Nhà thương The Medical Center of McKinney có 8 người bị thương, trong số có 3 người bị nguy hịch, 2 người trong tình trạng tạm ổn và 2 người đã được phép rời nhà thương.
- Nhà thương Methodist Dallas Medical CenterMedical Center of Southeastern Oklahoma ở Durant, tiểu bang Oklahoma, mỗi nhà thương có 2 người Việt bị thương.
- Nhà thương Texoma Medical Center ở Denison có nhận 5 người bị thương và họ ở trong tình trạng tạm ổn định. Một người đã được di chuyển tới Presbyterian Hospital ở Allen.

Ai muốn biết tin tức về các khách hành hương bị nạn có thể gọi số điện thoại: 866-GET-INFO (866-438-4636).
 
Những đóng góp của đạo Công giáo với văn hoá Việt
Tiến sĩ Phạm Huy Thông
13:45 08/08/2008
Những đóng góp của đạo Công giáo với văn hoá Việt

Đạo Công giáo du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ XVI. Các sử gia Công giáo lấy mốc năm 1533 vì có ghi trong Khâm định sử thông giám cương mục. Nhưng tư liệu này không chắc chắn vì ghi theo “dã sử”. Hơn nữa, giáo sĩ Inikhu nói ở sách này, cho đến nay vẫn không ai rõ tung tích. Đồng thời cả trong phần “cương” và “mục” của sách trên cũng nói rằng, “trước đã có lệnh cấm rồi”. Chứng tỏ tôn giáo này có trước cả thời điểm 1533. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn, đạo Công giáo đã có nhiều đóng góp với văn hoá Việt.

1- Trước hết, đạo Công giáo là cầu nối giao lưu giữa văn hoá Việt Nam và thế giới.

Đạo Công giáo ra đời từ Tiểu á nhưng lại phát triển mạnh ở châu Âu nên khi vào Việt Nam, nó cũng mang theo cả văn hoá, văn minh phương Tây vào theo. Thông qua Công giáo, người dân Việt Nam được thưởng thức những bản nhạc bất hủ của thế giới như Ave Maria, Holly Night, Jingle bell hay các hoạ phẩm Bữa tiệc ly, Đức Mẹ đồng trinh của các hoạ sĩ thiên tài L.Vinci, Raphael. Rồi những kiến trúc nhà thờ độc đáo kiểu gotic, roman, basilique của phương Tây cũng đã xuất hiện khắp nơi trên dải đất hình chữ S.

Trong số những nhà truyền giáo buổi đầu, không ít người được đào tạo bài bản trong các dòng tu, học viện phương Tây nên họ cũng là những nhà khoa học tinh thông nhiều lĩnh vực. Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) năm 1627 đã mang biếu Chúa Trịnh chiếc đồng hồ chạy bằng bánh xe và cuốn Kỷ hà nguyên bản của nhà toán học Euclide, đồng thời giảng giải cho Trịnh Tráng nghe. Giáo sĩ Badinoti (người ý) năm 1626 cũng được vời về phủ chúa để giảng về thiên văn, địa lý và toán học. Các giáo sĩ Da Coxta, Langerloi đã mang vào Đàng Trong phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y nên được nhà chúa cho mở nhà thương (bệnh viện). Có hai giáo sĩ là J.B Sanna (người ý) và S.Piere (người Bồ) được phong ngự y dưới thời Minh Vương. Các giáo sĩ cũng phổ biến kỹ thuật dệt vải mịn và khổ rộng bằng khung dệt mang từ nước ngoài vào để sản xuất tại dòng Mến Thánh giá Di Loan (Quảng Trị) và sản phẩm đã được trưng bày tại hội chợ Paris năm 1867. Kỹ thuật in ấn của ta trước đây là bản khắc gỗ rất lâu công. Các giáo sĩ đã đưa kiểu in bằng con chữ đúc đồng hay chì. Nhà in Vĩnh Trị thời Giám mục Jacques Longer (1752-1831) đã sử dụng kỹ nghệ mới về nghề in. Người ta cũng ghi nhận chính các giáo sĩ đã đưa giống cừu vào Phan Rang để nuôi và linh mục Henry cũng là người đầu tiên đưa cây phi lao về trồng ở xứ Hà úc (Huế).

Mặc dù sinh trưởng ở phương Tây nhưng nhiều giáo sĩ lại rất coi trọng văn hoá Việt. Linh mục Bunzomi, người đặt chân lên đất Đàng Trong ngày 18-1-1615 nhận xét: “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục”(1). Đắc Lộ thì khen cả pháp luật nước ta lúc đó “không rườm rà, lôi thôi”, các lương y của Việt Nam thì “chẳng thua gì các bác sĩ của ta và hơn nữa trong một vài môn, họ giỏi hơn nữa họ luôn dùng ba ngón tay để bắt mạch và thực ra họ rất thành thạo. Thuốc của họ không khó uống và thứ đắt nhất cũng chẳng giá hơn 5 xu” (2). Khi in ấn các tác phẩm của mình ra nước ngoài như Từ điển Việt- Bồ – La, Hành trình truyền giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Đắc Lộ hay Truyện xứ Đông Kinh của Bunzomi, Từ điển Việt – La, La- Việt của P.de Behaine và Tabert, Di tích lịch sử Quảng Bình, Lũy Thày Đồng Hới của L. Cadiere. Thế giới phương Tây đã biết đến Việt Nam và chắc không ít người cũng đã ngạc nhiên như Đắc Lộ: “Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới, vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (3).
Chính các giáo sĩ cũng đã giới thiệu cách làm kinh tế mới như rẻ mua, đắt bán, cho vay lấy lãi vừa phải và nhiều ghi chép của họ còn là bằng chứng về chủ quyền của nước ta ngày nay. Ví dụ, Giám mục J.Louis Tabert viết trên tạp chí Journal of the Royal Asian society of Bengal tháng 9-1837 như sau: “Quần đảo Panacels mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa gồm nhiều đảo chằng chịt với những đảo nhỏ và bãi cát mà các nhà hàng hải khiếp sợ một cách chính đáng do người Việt xứ Đàng Trong chiếm cứ. Năm 1816, vua Gia Long cắm cờ trên quần đảo này”.

2- Công giáo với việc xây dựng chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của nhiều giáo sĩ nước ngoài với sự cộng tác của người Việt. Dĩ nhiên mục đích của các nhà truyền giáo lúc đầu là để truyền giáo được dễ dàng hơn nhưng nó lại phù hợp với tiến trình phát triển và tinh thần độc lập, tự cường dân tộc nên các chí sĩ của phong trào Đông kinh nghĩa thục coi đó là “một trong sáu phương kế để mở mang dân trí”. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm nhận xét: “Các giáo sĩ người Âu đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng cho việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì thế lịch sử xui khiến, chữ ấy nay đã thành văn tự phổ thông cho cả dân tộc ta. Đành rằng, cũng như các công trình do người ta sáng tạo ra, thứ chữ ấy cũng có vài khiếm khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng, ở trên hoàn cầu này không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học bằng thứ chữ ấy”(4). Thành công của chiến dịch “diệt giặc dốt” sau cách mạng tháng 8-1945 và cả việc học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay dễ dàng học ngoại ngữ, tin học càng khẳng định vai trò của chữ Quốc ngữ.

Cũng cần nói rõ thêm là việc Hội Trí Tri cho dựng bia ghi công của Đắc Lộ trước đền Bà Kiệu (Hà Nội) năm 1941 và dịp sinh nhật lần thứ 400 của ông, tên Đắc Lộ đã được trả lại cho một đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh, rồi tấm bia trên sau một thời gian lưu lạc ở bờ đê sông Hông và bị một người dân lấy về làm cầu ao đã được Nhà nước đề nghị cho dựng lại ở Thư viện Quốc gia (tiếc rằng đến hôm nay nó vẫn còn nằm trong kho ở công viên Thống Nhất) không có nghĩa nói rằng chỉ Đắc Lộ là người duy nhất có công trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Vậy mà một số người như ông Bùi Kha cố tình vu cáo rằng Nhà nước Việt Nam đã “tôn vinh nhầm một tên gián điệp, đạo văn…”. Lý do như ông Bùi Kha đưa ra là Đắc Lộ có qua Pháp gặp vua Pháp và Pina mới là có công đầu với chữ quốc ngữ (5). Thật lạ, chẳng lẽ cứ qua Mỹ như ông Bùi Kha là làm gián điệp cho Mỹ cả hay sao? Còn chuyện Pina thì Đắc Lộ đã nói rõ trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài khi in bằng tiếng ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652 rồi.

Liên quan đến vai trò chữ Quốc ngữ, cũng có người cho rằng do thứ chữ này mà đạo Công giáo đã làm đứt đoạn văn hoá dân tộc vì người dân phải từ bỏ chữ Hán, chữ Nôm. Điều này cũng không chính xác. Bởi vì chỉ sau khi chính quyền bảo hộ từ năm 1910, buộc dùng chữ Quốc ngữ trong thi cử và giấy tờ hành chính thì chữ Hán, chữ Nôm mới mất vị trí phổ thông. Nhưng trong nhiều chủng viện Công giáo, các chủng sinh vẫn buộc phải học chữ Hán, chữ Nôm và rất nhiều ấn phẩm Công giáo được ghi bằng thứ văn tự này như Majorica (1591-1656) đã để lại 45 tác phẩm chữ Nôm với khoảng 1,2 triệu chữ. Cuốn Thánh giáo kinh nguyện bằng chữ Nôm vẫn được in tại Hà Nội năm 1929.

Chúng tôi không tán thành việc đề cao quá mức sự kiện xuất hiện chữ Quốc ngữ nhưng cũng không tán thành ý kiến cho rằng “sở dĩ mấy con rồng Đông Nam á trở thành rồng vì họ vẫn dùng chữ Hán đến ngày nay” (6). Bởi văn tự không phải là nhân tố quyết định sự phát triển của một đất nước. Thế nhưng chỉ một hiện tượng, nhiều giáo sĩ có chủ trương latinh hoá tiếng bản xứ như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên nhưng chỉ có Việt Nam là thành công, đã chứng tỏ tài năng của những người sáng lập chữ Quốc ngữ và kể cả sự nhanh nhạy nhìn xa của dân tộc Việt Nam nữa.

3- Văn hoá Công giáo làm phong phú văn hoá Việt

Tôn giáo là một thành tố quan trọng của văn hoá và bản thân tôn giáo cũng là văn hoá nên việc đạo Công giáo vào Việt Nam đã làm phong phú cho văn hoá Việt không chỉ thêm một tôn giáo mới mà còn bổ sung rất nhiều sắc thái mới khác nữa.

Công giáo là một đề tài mới cho văn học nghệ thuật nên đã có nhiều tác phẩm mới ra đời như Giáng sinh của các hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Chung và của nhiều nhạc sĩ, nhà văn khác như Văn Cao, Phú Quang, Chu Văn, Nguyễn Khải…Dòng văn học Công giáo cũng xuất hiện rất sớm với Truyện thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887- được coi là truyện vừa đầu tiên của văn học nước ta lấy trạng thái tâm lý làm đối tượng miêu tả. Rất nhiều tác giả người Công giáo cũng để lại dấu ấn của mình trên văn đàn như Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh, Nguyên Hồng, Bàng Bá Lân. Cả một kho tàng ca dao, tục ngữ Công giáo cũng đã được lưu hành để phản ánh về phong tục, tập quán của cộng đoàn này. Ví dụ các câu ghi kinh nghiệm sản xuất:

- Lễ Rosa (7-10) thì tra hạt bí
- Lễ Các thánh (1-11) thì đánh bí ra.
- Lễ Các thánh gánh mạ đi gieo
- Lễ Sinh nhật (25-12) giật mạ đi cấy.

Tranh tượng, thánh ca, kiến trúc, lễ hội Công giáo cũng làm thành một “trường phái”riêng đóng góp vào vườn hoa rực rỡ sắc màu của văn hoá Việt. Bây giờ lễ Valentin, Noel đâu còn phải là của riêng người Công giáo mà đã là lễ hội chung của rất nhiều người Việt nhất là giới trẻ. Báo chí Công giáo như tờ Nam Kỳ địa phận xuất hiện ở Sài Gòn ngày 26-11-1908 là một trong những tờ báo bằng chữ Quốc ngữ sớm nhất ở nước ta. Những nhà báo Công giáo như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là những người đã đưa lối làm báo “nói viết như thường” từ phương Tây vào Việt Nam qua tờ Gia định báo. Sang đầu thế kỷ XX, không giáo phận, dòng tu Công giáo nào không có báo riêng. Có tờ rất nổi tiếng như tờ Vì Chúa của linh mục L’Abbe Thích ở Cửa Tùng mà Phan Bội Châu thường cộng tác. Các tờ báo Công giáo ở miền Nam trước 4-1975 như Sống đạo, Đất nước, Đối diện, Chọn, Tin mừng hôm nay…cũng góp nhiều tiếng nói cho cuộc đấu tranh chô công bằng, tự do và dân chủ.

Cũng không thể không nói đến những danh nhân văn hoá người Công giáo như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Nguyễn Trường Tộ (1830- 1871), Đắc Lộ (1593-1660), L.Cadiere (1869-1955), Hàn Mặc Tử (1912-1940)…và chắc viết về mỗi người thì không thể nói hết trong vài trang giấy được. Ngay cả các nhà nghiên cứu về Công giáo hiện nay, không ai là không phải đọc các tác phẩm của các tác gia Công giáo như Bùi Đức Sinh, Trần Tam Tỉnh, Kim Định, Thanh Lãng, Hoàng Sĩ Quý, Đỗ Quang Chính…Cũng chính các tác gỉa này cùng với đạo Công giáo đang là một kênh quan trọng để giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam ngày nay ra thế giới. Một chuyến đi của Hồng y Crescenzio Sepe – Tổng trưởng Bộ Truyền giáo qua Việt Nam cuối năm 2005 chắc chắn sẽ hữu ích hơn cả hàng trăm bài giới thiệu về Việt Nam với bạn bè quốc tế.

4- Giáo lý Công giáo góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội

Cũng như nhiều tôn giáo khác, đạo Công giáo cũng luôn buộc các tín hữu phải sống lành mạnh, hướng thiện. Giáo lý Công giáo không chỉ cấm giáo dân làm điều ác mà cấm cả suy nghĩ không lành mạnh, trong sáng như ước ao chiếm dụng của cải, vợ chồng của người khác (điều răn thứ 9). Có nghiã là ngăn chặn tội ác từ trong ý nghĩ. Hôn nhân một vợ một chồng cũng là tiến bộ của xã hội và của giáo lý Công giáo. Theo số liệu của Toà án nhân dân tối cao, mỗi năm trước 1982 nước ta có trung bình 5672 vụ ly hôn. Năm 1991 tăng lên 22000 vụ, năm 1994 có 34376 vụ. Năm 1995 có 35684 vụ. Trong khi đó, ở làng Công giáo Trung Thành (Hải Vân Hải Hậu, Nam Định), nơi có 6000 giáo dân sinh sống mà suốt 5 năm 1990-1995 chỉ có 2 cặp ly thân. Đây là yếu tố hấp dẫn đối với người ngoài Công giáo đến với tôn giáo này.

Đạo Công giáo cũng cổ vũ cho các hoạt động bác ái, từ thiện nên các tấm gương của các nữ tu ở các trại phong cùi, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, chất độc màu da cam đã được xã hội tôn vinh như nữ tu Nguyễn Thị Mậu 40 năm ở trại phong Di Linh (Lâm Đồng) đã được phong anh hùng lao động. Chị Nguyễn Thị Mai (Quảng Bình) dũng cảm cứu người trong trận lũ lịch sử ngày 26-4-2004 và hy sinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Còn vợ chồng anh Tống Phước Phúc ở Nha Trang đã giúp đỡ nhiều cô gái lỡ mang thai được mẹ tròn con vuông và làm hẳn nghĩa trang cho hàng ngàn thai nhi đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen. Nếu trước đây, giáo hội cấm đoán giáo dân không được rượu chè, cờ bạc, dâm dật thì ngày nay lại ra sức mời gọi mọi người ngăn chặn nạn nghiện hút, sự đổ vỡ của gia đình cũng như phải chăm lo giáo dục con cái. Chính điều này đã làm cho cuộc sống ở những vùng đông giáo dân an bình, đỡ tội phạm hình sự hơn. Người Công giáo không chỉ tích cực tham gia các hoạt động bác ái mà con số cũng không nhỏ (Ví dụ Uỷ ban bác ái xã hội của HĐGMVN từ 2001-2007 đã trợ giúp 24,5 tỷ đồng cho các chương trình từ thiện) mà còn chủ động góp công của xây dựng quê hương như xã Quỳnh Thanh (Nghệ An) nơi có hơn 11.300 người Công giáo sinh sống thì 26,2% kinh phí xây dựng cơ bản tại địa phương (làm trường, đường, trạm y tế, nhà máy nước) là của các linh mục. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội kiến với Giáo hoàng Benedicto XVI tại Vatican ngày 25-1-2007 đã nhận xét: “ở Việt Nam, cộng đồng những người Công giáo là một cộng đồng năng động, kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.

Rõ ràng, đạo Công giáo đã để lại nhiều dấu ấn trên văn hoá nước ta và đây là điều người Công giáo Việt Nam có thể tự hào. Dĩ nhiên, không có sự tác động nào đơn phương một chiều cả. Giống như lửa thiêu cháy củi thì củi cháy lại làm cho ngọn lửa bốc cao hơn nên Công giáo ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam thì văn hoá Việt Nam cũng biến đổi tôn giáo này ngày càng gần gũi với văn hoá Việt. Đây là một đề tài thú vị mà chúng tôi hy vọng có thể trình bày trong một dịp khác.
---------------------
Chú thích:
1- Nguyễn Hồng- Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, SG Hiện Tại, 1959.
2- A. Rhodes: Hành trình truyền giáo, Tủ sách Đại kết 1994, tr.89
3- A.Rhodes: Hành trình…sđ d, tr.143.
4- Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn 1960, tr.180
5- Bùi Kha: Alexandre de Rhodes và những nhầm lẫn đáng tiếc, Tạp chí Huế xưa và nay, số 7-8 năm 2004, tr.55.
6- Xem Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo VN, Lưu hành nội bộ năm 2000, tr.13
 
Dòng Ba Đa Minh tại Toronto mừng kỷ niệm 10 Năm thành lập
Dominic David Trần
16:30 08/08/2008
Dòng Ba Đa Minh tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto tĩnh tâm, mừng lễ kính thánh Đa Minh và kỷ niệm 10 Năm thành lập Dòng (1998-2008)

TORONTO - Ngày 3 tháng 8 năm 2008 nhân dịp Lễ kính Thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng Thuyết Giáo, đồng thơì để kỷ niệm 10 Năm thành lập Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto (1998-2008) và ngày lễ khấn Dòng của một số đoàn viên, Cha Sở Giu-se Trần Văn Tập, đã chủ sự dâng thánh lễ vơí sự đồng tế của Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, cha sở-linh hướng tiền nhiệm của Dòng, vừa tốt nghiệp văn bằng Giáo Luật tại giáo đô Roma, nay là Phó Chưởng Ấn của Tổng Giáo Phận Toronto, Tu sĩ Claude Richard OP, Bề Trên-Tu Viện Trưởng St. Thomas Aquinas, Đại diện Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thuyết Giáo Canada tại Ontario, Tu sĩ Phillipe LeBlanc OP, Tu huynh Fernando Robles OP, và Phó tế Anthony Trần Vĩnh. Do bận dâng lễ với Cha Chính Xứ St. Bernadette ở Whitby nên Cha Cố Giu-se Trần Xuân Lãm, vị linh hướng đầu tiên đã về tham dự kịp lễ tiếp tân kỷ niệm 10 năm thành lập Dòng.

Các vị lãnh đạo và đại diện các Ban, Ngành, Đoàn thể và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ cùng với đông đảo bà con trong Giáo Xứ đã sốt sắng tham dự thánh lễ thông công vơí Dòng và cách riêng với 14 doàn viên được khấn Dòng trong năm nay. Hiệp thông trong Gia Đĩnh Đa Minh Canada tại Ontario có sự tham dự cuả Bà Mary Baier OP, Cố Vấn và Ông Bà O’Seasnain OP, thay mặt cho Dòng Ba Đa Minh Lucis Veritas Toronto-Mississauga.

Thật đúng như lời vinh tụng ca; ‘ Hồng ân Thiên Chuá bao la’, trong lễ kính Thánh Đa Minh và kỷ niệm 10 Năm lập Dòng, Giáo Xứ và Dòng Ba lại được chia xẻ: 50 Năm ngày thành hôn của Ông John Đỗ Trọng Chu và Bà Teresa Trần Thị Mầu, 30 Năm ngày thành hôn của Anh Chị Peter Trần Hữu Hạnh-Năng, Lễ phát tang cho Ông Tri, cha của Anh Tuấn trong Ca Đoàn Trinh Vương, vừa được Chuá goị về, Lễ cầu hồn cho Anh Lê Văn Hồng, anh của anh chị Hoàng Văn Tuấn-Thùy, vừa mơí qua đời.

Để cùng hiệp thông trong lễ giỗ cho các đoàn viên đã qua đơì: Joachim Vũ Viết Đoàn, Maria Trần Thị Yến và Maria Teresa Phạm Thị Hoàng-Yến cũng như các linh hồn ân nhân, thân nhân, các giáo phẩm và giáo dân đã xin dâng trong thánh lễ này.

Thánh Lễ kính nhớ Thánh Phụ Dòng Thuyết Giáo, kỷ niệm 10 Năm lập Dòng Ba và Khấn Dòng cho 14 đoàn viên đã kết thúc qua phần tụng ca Lạy Nữ Vương Salve Regina giai điệu Gregory tiếng Latinh của Ca Đoàn Trinh Vương. (Xin chân thành tri ân Linh Mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu vì đã tập huấn bài hát này)

Tiệc tiếp tân ngay sau thánh lễ với sự tham dự của qúy Cha, các Tu sĩ Dòng Đa Minh, qúy vị đại diện các Ban Ngành Đoàn thể trong Giáo Xứ và Đại diện Dòng Ba Lucis Veritas Toronto. Chương trình giúp vui văn nghệ do Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ nguyền Vicent Nguyễn Văn Hiển, diễn ngâm kinh kính thánh phụ Đa Minh của qúy Ông Đa Minh Trần Văn Tam và Gio-an Baotixita Phạm Văn Hưng, và hợp ca Đa Minh làm gợi nhớ đến ngày Lễ Đầu Dòng Đa Minh ngoài Bắc Việt Nam thưở xưa.

Tin mừng đặc biệt trong tiệc: Dòng Ba Đa Minh đã tặng hoa chúc mừng Ông Gio-an Baotixita Phạm Văn Hưng và Bà Têrêsa Phạm Thị Hưng nhân ngày kỷ niệm 60 Năm thành hôn của Ông Bà. Tu sĩ Claude Richard, Bề Trên Đại diện Giám Tỉnh Dòng đã nguyện kinh và ban phép lành của Dòng Đa Minh cho Ông Bà Phạm Văn Hưng trong tiếng vỗ tay reo hò chúc mừng của toàn thể Cộng Đoàn. Cha Bề Trên Claude Richard cũng tặng tất cả mọi người 2 tranh thánh Đa Minh và thánh nữ Catherine of Sienna được in riêng cho 10th Anniversary Toronto Dominican Vietnamese Laity 2008.

Dòng Ba Giáo Xứ xin cảm ơn thịnh tình hiệp thông của Quý Cha, Các Tu sĩ, Các Ban, Ngành Đoàn thể trong Giáo Xứ đặc biệt quý vị ân nhân, thân nhân, thân hưũ và đoàn viên đã góp công sức và qùa tặng hiện vật-hiện kim để cho ngày lễ kính thánh Đa Minh 2008, lễ kỷ niệm 10 Năm lập Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ và ngày khấn Dòng của 14 đoàn viên và ngày mặc áo Dòng của 5 đoàn viên được thành công. Dòng Ba cũng chân thành cảm ơn và cầu nguyện cho anh Joseph Phạm Tạo, Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và các vị khác do bận việc hoặc đi xa nhưng vẫn gởi thơ chúc mừng và hiêp thông cầu nguyện.

Nhân ngày tĩnh tâm 02 tháng 08 năm nay; Cha Sở Giu-se Trần Văn Tập, Linh hướng của Dòng đã ôn lại về linh đạo Dòng Đa Minh và những lời dạy chính yếu của thánh Phao-Lô, tông đồ của các dân ngoại nhân năm thánh Phao-Lô sắp đến: Con người với thân phận yếu đuối, mỏng dòn và tôị lỗi nếu được nện công chính và được cứu độ là do ân sủng của Chúa. Vì vậy chúng ta biết nhận lỗi, vui với người vui, khóc với kẻ khóc, sống khiêm nhường và bác ái trong cộng đoàn, bác ái đối với mọi người, và biết yêu thương là cố gắng chu toàn Lề Luật của Chuá.

Trong bài giảng phòng, Tu Sĩ Claude Richard, Bề Trên-Tu Viện Trưởng St. Thomas Aquinas đã dâng lời ca ngợi hồng ân Thiên Chúa và gởi đến Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ ‘Bốn món quà của Chúa trong vô vàn món qùa mà Thiên Chuá trao ban cho con ngừơi’ trích từ Kinh Thánh và Tin Mừng theo thánh Gio-an:

- Sự tốt lành trọn hảo (the goodness)
- Hy Vọng, đức cậy trông (the Hope)
- Sự khoan dung, tha thứ (the forgiveness)
- Môí đồng cảm và biết chạnh lòng thương giúp đỡ nhau (the Compassion).

Trong tâm tình thống hối và tạ ơn nhân ngày lễ kỷ niệm trọng thể năm nay của Dòng Ba. Ban Phục Vụ và toàn thể đoàn viên chân thành xin Giáo Xứ, qúy Cha, các Tu sĩ và mọi người tha thứ cho những điều lầm lỗi và không đẹp lòng mọi người. Xin chân thành tri ân sự giúp đỡ của Cha Sở Joseph Trần Văn Tập, Quý Cha, quý Tu sĩ, các Ban, Ngành, Đoàn thể trong Giáo Xứ, ân thân, thân nhân, thân hữu, và đoàn viên người còn sống cũng như đã qua đời đã không ngừng thương yêu, giúp đỡ Dòng Ba trong hơn 10 năm qua. Xin chân thành tri ân Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Tỉnh Dòng Mẹ của người đoàn viên Dòng Ba Đa Minh Việt Nam, Tỉnh Dòng Đa Minh Canada, Tỉnh Dòng quê hương thứ hai của những người Dòng Ba Đa Minh Việt Nam trên cõi đất lạnh tình nồng tạm dung thân này.

10 Năm, từ 13 người đầu tiên xây dựng cho đến tổng số 67 đoàn viên đã khấn Dòng ngày nay: đối với từng người đoàn viên và Dòng Ba Đa Minh Giáo Xứ điều đó có thể đã là một mốc thời gian thật sự đầy ý nghiã. Nhưng nếu so với lịch sử Giáo Hội và Dòng Đa Minh Việt Nam, và cuộc lữ hành trần thế của Giáo hội Công Giáo hướng về quê trời thì 10 năm ấy chỉ là chút gì mong manh nhỏ bé. Dù sao đi nữa, 10 Năm ấy biết bao cố gắng, công đức, ân tình cần phải tri ân và cảm tạ. Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto là một đại gia đình trong đó có Dòng Ba Đa Minh nay được 10 tuổi, xin hãy chia xẻ niềm vui với Dòng.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Xin cầu nguyện cho 14 người tử nạn trên đường tham dự Đại Hội Thánh Mẫu Carthage, Missouri
Văn phòng Liên Đoàn CGVNHK
13:15 08/08/2008


Kính gửi:

Qúi linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em thuộc Liên đoàn CGVNHK,

Chuyến xe bus chở 55 người khởi hành từ Houston, Texas chiều thứ Năm ngày 7 tháng 8 năm 2008 để đi tham dự Đại Hội Thánh Mẫu thường niên được tổ chức tại Dòng Đồng Công, Carthage, Missouri vào cuối tuần này, đã bị lật ngược trên đại lộ gần Dallas, Texas lúc 12:45 giờ sáng hôm nay 8/8/2008, khiến 14 người chết và những người khác đều bị thương.

Chiếc xe bị nạn là một trong 4 chiếc buses do Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam & Giáo xứ Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng Giáo phận Galveston-Houston thuê cho cuộc hành hương lần này.

Cha Giuse Vũ Thành, Chánh xứ Gx CTTĐVN từ Houston đã tới ngay hiện trường (4 giờ lái xe từ Houston tới Dallas) sáng sớm hôm nay. Cha Đaminh Trịnh Thế Huy, Chánh xứ Gx Đức Mẹ La Vang cho biết có 3 giáo dân của ngài bị tử nạn.

Đây là một đại tang chẳng những của hai Giáo xứ liên hệ, mà còn là tang chung cho Cộng Đồng Dân Chúa khắp nơi.

Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đang có mặt tham dự Ngày Thánh Mẫu, khi nghe tin tai nạn này, đã gửi tâm tình chia sẻ sâu sắc dâng lên Thiên Chúa là Cha Nhân Lành thương xót các tín hữu và gia đình bị nạn. Đồng thời ngài cũng mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân là những người anh chị em đồng đạo và đồng hương Việt Nam thân yêu.

Văn phòng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Những Sinh Hoạt Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
VP Liên Đoàn CGVNHK
21:57 08/08/2008


Những Sinh Hoạt Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

I- Thăm Viếng Linh Mục Đau Yếu:

Ngày 11 tháng 7 vừa qua, Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên Đoàn, đã về Ohio, thăm viếng Cha Nguyễn Tiến Huân, cựu Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Cincinnati, Ohio.
Cha Huân, trong thời gian qua, đã phải vào nhà thương mấy lần do Thận hư. Bệnh ngài hiện trong thời kỳ trầm trọng. Ngài hiện đang tĩnh dưỡng trong Nhà Xứ và phải đi lọc máu cách 2 ngày 1 lần.
Linh mục Chủ tịch chào mừng và cám ơn Cha Tân Quản Nhiệm, Cha Toản, đến từ Canada, hiện đang thay Cha Huân, coi sóc Cộng Đoàn.
Được biết, Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang và Giáo Dân tại đây luôn biết ơn Cha Nguyễn Tiến Huân, vì ngài đã gắn bó và lo lắng cho Giáo Đoàn từ năm 1975 đến nay.

Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn, trong buổi thăm viếng, cũng đã cám ơn Ngài đã dành hết cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và Cộng Đoàn. Cha cũng cầu chúc cho ngài luôn được an bình trong tinh thần và thể xác, trong sự phó thác vào Chúa và Mẹ La Vang.
Xin quý Cha nhớ đến Cha Huân, và những người anh em đau yếu khác trong Thánh Lễ.
Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn sẽ về tham dự Đại Hội Thánh Mẫu do Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ tổ chức tại Carthage, Missouri từ ngày 7 tới 10 tháng 8 này, và cũng sẽ đến thăm viếng các Linh mục đang hưu dưỡng tại đây.

II- Ủy Ban Giáo Luật

Linh mục Ngô Công Thắng, Trưởng Ban Giáo Luật Liên Đoàn, cho biết, Ủy Ban Giáo Luật dự định tổ chức Ngày Hội thảo & Chia sẻ về Giáo Luật, dự kiến trong tháng 9/2008 tại Orange County, CA, với mục đích là giúp cho giáo dân hiểu biết thêm về Luật Giáo Hội, cũng như giúp chia sẻ một số kiến thức căn bản trong vấn đề hôn nhân. Các chương trình chi tiết sẽ được phổ biến trong các bản tin ở địa phương.

Ủy Ban Giáo Luật của Liên Đoàn, dự định cũng sẽ tổ chức các buổi Hội thảo & Chia sẻ về Giáo Luật tại các Giáo xứ của các Miền trong thời gian sắp đến. Xin Quý Cha Chánh xứ, Quản nhiệm Cộng Đoàn, liên lạc với Cha Trưởng Ban, để biết thêm chi tiết, cũng như thu xếp lịch trình.

III- Ủy Ban Văn Hóa của Liên Đoàn

Ủy ban này dự trù cùng với một số thân hữu trong nhóm Sứ Điệp, tổ chức một cuộc Họp Mặt thân hữu với thành phần gồm một số Linh mục và các nhà văn, nhà thơ Công giáo. Cuộc họp mặt diễn ra tại Boston, Massachusetts vào thứ Bảy ngày 4 tháng 10, 2008 tới đây.

Cha Trần Cao Tường, Trưởng Ban Văn Hóa Liên Đoàn, cho biết, cuộc họp mặt sẽ bàn thảo về những nhu cầu, và bàn thảo các hướng đi, để phát triển và phát huy nền Văn Hóa, Văn Học Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm, trong dịp đi thăm viếng Miền Đông Bắc, cũng sẽ về tham dự cuộc Họp Mặt này.

IV- Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Miền Đông Nam, 13-17 tháng 10, 2008:

Linh mục Nguyễn Thanh Châu, Chủ tịch Miền Đông Nam, thông báo, miền sẽ tổ chức Tuần Lễ Tĩnh Tâm dành cho các Linh mục trong Miền Đông Nam, từ ngày13-17 tháng 10, 2008
tại Trung Tâm Tĩnh Tâm Dòng Ngôi Lời William J. Kelley, Bay St. Louis, Mississippi.

Các Linh Mục ở các Miền khác, nếu có nhu cầu đi tĩnh tâm trong năm nay, cũng hoàn toàn hoan nghênh và mời về tham dự. Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm cũng sẽ về tham dự tuần Tĩnh Tâm với các Linh mục dịp này.
Xin liên lạc và ghi danh với Lm. Nguyễn Thanh Châu, 15 W. Par St, Orlando, FL 32804, Phone: 407-896-4210, email: frchauorlando@yahoo.com

Tưởng cũng nên biết, Miền Đông Nam hiện chia ra 3 vùng: Atlanta, Florida, và New Orleans. Mỗi vùng thường tổ chức gặp nhau 3 tháng 1 lần. Các buổi gặp gỡ thu hút nhiều Linh Mục tham gia, và giúp nối kết tình thân giữa các vị Linh mục hơn.

V- Miền Tây Bắc:

A/ Sinh hoạt tôn giáo

1. Liên Tu Sĩ Miền có ba buổi họp mặt:

• Ngày 18/2, đón mừng Xuân Mậu Tý, Liên Tu sĩ đi tham quan Tàu hải quân tại Everett với sự hướng dẫn và bảo trợ của Cha Tuyên Úy Hải Quân là Cha Tài.
• Ngày 31/3, ngay sau dịp lễ Phục Sinh cuối tháng Ba, là mùa “Hoa Tulip blossom”, Liên Tu Sĩ họp mặt tại Giáo Xứ St. Mary, Anacortes, do Cha Chánh xứ Vũ chủ host.
• Ngày 19/5, tại một vùng núi rất thơ mộng và nên thơ, là tư gia của Thầy Tân Phó Tế Philip Nguyễn Đức Mậu.

2. Cổ động ơn gọi

• Có thêm được hai Tân Linh mục: Linh mục Michael Đỗ Đạt, Dòng Ngôi Lời mở tay ngày 8/6 và Linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Thảo, Dòng Tên mở tay ngày 22/6 tại Cộng Đồng CGVN, Seattle.
• Ngày 12/4, đã có buổi nhận định ý Chúa cho các em thiếu nữ do các soeurs dòng MTG Los Angeles hướng dẫn với sự chia sẻ của Cha Chánh xứ Đaminh Nguyễn Anh Tuấn và các soeurs dòng MTG Gò Vấp tại Tacoma.
• Ngày 15/6, chúc mừng các Soeurs MTG Gò Vấp đã khánh thành tu viện mới, Tu Viện St. Bernadette tại vùng Southwest Seattle.
• Ngày 2/7, chào đón Soeur Anne Nguyễn Thị Thanh, Tổng Phụ Trách Dòng MTG Gò Vấp, và Soeur Anna Nguyễn Thị Hiền, Tổng Thơ Ký của Dòng đến thăm Cộng Đồng và các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Seattle.
• Cùng ngày 2/7, có thêm 5 soeurs dòng MTG Gò Vấp đến từ Việt Nam do Đức Tổng Giám mục Brunett, Tổng Giám mục Giáo phận Seattle đã mời sang để phục vụ các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại TGP Seattle.

B. Sinh hoạt bác ái

Ngày 9/7, Cộng Đồng CTTĐVN đã gây quỹ yểm trợ cho các linh mục hưu dưỡng tại Việt Nam. Trong các Thánh Lễ, đã có xin tiền lần hai và đồng thời kêu gọi những người hảo tâm giúp đỡ các linh mục hưu dưỡng.

C. Sinh hoạt xã hội

1/ Thiếu Nhi Thánh Thể Miền Tây Bắc

• Tháng 11/2007 đã có hàng trăm em Thiếu Nhi Thánh Thể Miền tham dự Youth Convention 3 ngày tại Bellevue Community College, rất vui và rất hăng hái.
• Tháng 4 và 6/ 2008 Thiếu Nhi Thánh Thể miền Tây Bắc đã có các buổi Sa Mạc Huấn Luyện Dự Trưởng và Huấn Luyện Huynh trưởng tại Convington và Manchester S. Park, Washington.
• Tháng 6, các em TNTT Miền cùng nhau tổ chức đi tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tại Missouri.
• Tháng 7, các em tổ chức gây quĩ nhiều lần để cùng với phái đoàn của nhóm 117 tham dự Đại Hội Giới Trẻ bên Úc. Các em trở về trong niềm vui hớn hở vì đã gặt hái được nhiều điều hữu ích.
• Tháng 8, các buổi Trại Đoàn của Miền được tổ chức tại Samamish và Manchester S. Park.

2/ Các sinh hoạt tại Cộng Đồng và các Cộng Đoàn

• Ngày 24/5, Đức Tổng Giám Mục Brunett đã cùng Cộng Đồng người Việt dâng Thánh Lễ và làm phép khánh thành Tượng Đài Các Thánh Tử Đạo VN và Tượng Đức Mẹ LaVang tại Nghĩa Trang Holyrood.
• Tuần cuối tháng 5, chương trình Cung Nghinh Đức Mẹ Thánh Du đã diễn ra tại Seattle, bắt đầu là cuộc Rước kiệu trọng thể tại Cộng đồng CGVN, sau đó Tượng Đức Mẹ Thánh Du được lần lượt rước đến và ở lại với mỗi Cộng đoàn: Cộng Đoàn Trinh Vương-Everett, CĐ Mân Côi-Central Seattle, CĐ Thánh Giuse-Tacoma, CĐ Thánh Phêrô SW- Seattle, CĐ Mông Triệu-Eastside Seattle, và cuối cùng là CĐ Thánh Tâm-Auburn đã kết thúc Tuần Cung Nghinh với Thánh Lễ Đại Trào ngày 1/6 nhằm ngày mừng kính lễ Bổn Mạng -Thánh Tâm Chúa -với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Brunett và hàng ngàn người đến từ khắp mọi nơi.
• Ngày 6/7, cũng như mọi năm, Cộng Đồng CGVN và các Cộng Đoàn Seattle tổ chức buổi hành hương về núi Đức Mẹ Sầu Bi Portland, Oregon, năm nay rất đông người tham dự và tuần Tĩnh Tâm và Thánh Lễ bế mạc diễn ra rất trọng thể.

3/ Các Sinh hoạt kế tiếp

• Ngày 23/8, kiệu Đức Mẹ LaVang sẽ được tổ chức tại Cộng Đồng CTTĐVN, Seattle.
• Ngày 23/8, Cộng Đồng CTTĐVN dự trù cho buổi Lễ Ra Mắt của Ủy Ban Thường Vụ mới.
• Ngày 30 và 31/ 8 Cộng Đồng CTTĐ Seattle sẽ tổ chức buổi Hội Chợ Vui Hè với chủ đề “Reaching Out – Kết Vòng Tay Lớn”. Được tổ chức tại Sân Trường Gatzert với dự trù cho khoảng 10,000 người tham dự.

VI- Miền Đông Bắc:

Cha Vũ Xuân Thư cho biết trong mùa Hè và mùa Thu sắp tới sẽ có 3 cuộc họp mặt hội thảo và hành hương cho các Cộng đoàn Giáo xứ trong Miền.
Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm sẽ đến thăm viếng quý Linh mục, Phó tế, nam nữ Tu sĩ, và giáo dân Miền Đông Bắc vào đầu tháng 10, 2008.

VII- Miền Trung:

Cha Nguyễn An Ninh và Ông Nguyễn Văn Thông cho biết Miền Trung sẽ có Ngày Họp Mặt vào thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008 tại Giáo xứ La Vang, Grand Rapids, Michigan, nơi Cha Hoàng Xuân Nghiêm.

Chương trình dự trù gồm các mục hội thảo về các đề tài:
• Căn bản Giáo luật về Hội Đồng Giáo Xứ (sinh hoạt, bầu cử, bổ nhiệm và trách nhiệm).
• Sinh hoạt của Hội Đồng Giáo Xứ Mỹ & Việt Nam (so sánh Mỹ-Việt); phương thức chung.
• Bầu cử Chủ tịch Giáo Dân miền Trung Hoa Kỳ.

Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm sẽ đến thăm viếng quý Linh mục, Phó tế, nam nữ Tu sĩ và Giáo dân Miền Trung, và sẽ về tham dự Đại Hội.

VIII- Hội Nghị Di Dân, HĐGMCG Hoa Kỳ 28-30 tháng 7, 2008:

Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm đã cử Lm. Nguyễn Đức Vượng, đệ I Phó Chủ tịch Liên Đoàn, và Giáo sư Bùi Hữu Thư, Chủ tịch Giáo Dân Miền Trung Đông, tham dự Hội Nghị Di Dân, do Ủy Ban HĐGMCG Hoa Kỳ tổ chức tại thủ đô Washington D.C. ngày 28-30 tháng 7, 2008. Hội Nghị đã diễn ra hết sức tốt đẹp, với sự tham dự của nhiều chức sắc đạo đời.

Tưởng cũng nên biết, Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn vẫn liên lạc thường xuyên với Văn Phòng Á Châu Thái Bình Dương, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, để cập nhật những tin tức về các sinh hoạt của các cộng đồng Công Giáo Á Châu & Thái Bình Dương và của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam qua Liên Đoàn. Liên Đoàn cũng nỗ lực tham gia và đóng góp vào các sinh hoạt chung do Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ tổ chức, nói lên sự Hiệp Thông và Liên Kết với nhau.

IX- Đại Hội Thánh Mẫu, Dòng Đồng Công Hoa Kỳ, 7-10/8/2008:

Như thông lệ hằng năm, Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ đứng ra tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu.
Năm nay tổ chức từ ngày 7-10 tháng 8, 2008. Đây là một trong những biến cố tôn giáo quan trọng tại Hoa Kỳ của người Việt Nam và thu hút được nhiều người từ mọi nơi về tham dự. Xin mọi người góp lời cầu nguyện để Đại Hội được thành công tốt đẹp, hầu giúp cho những người đến với Đại Hội được nhiều ơn ích.

Linh mục Chủ tịch Liên Đoàn Giuse Nguyễn Thanh Liêm tham dự Đại Hội Thánh Mẫu, và Cha sẽ chia sẻ các tin tức, sinh hoạt của Liên Đoàn với anh em Linh mục, Phó tế và nam nữ Tu sĩ, cũng như thăm viếng các Linh mục đau yếu, hưu dưỡng tại đây. Cha cũng sẽ Chủ tế và Giảng thuyết trong Thánh Lễ dành cho Linh mục & nam nữ Tu Sĩ vào sáng thứ Bảy, 7:30am.

X- Tin tức Buồn Vui Trong Liên Đoàn:

+ Tin Buồn:

a) Nhạc mẫu anh Ngô Tam, Phụ tá Chủ tịch Giáo Dân Miền Đông Nam, là Bà Maria Nguyễn Thị Yến đã qua đời ngày 24-7-2008 tại New Orleans. Liên Đoàn xin phân ưu cùng ông bà Ngô Tam và gia quyến. Xin hiệp lời cầu nguyện cho Linh hồn Maria sớm hưởng phước trên nước trời.

Trong tháng 11 tới đây, xin mọi người cầu nguyện cho Linh hồn của những người quá cố trong Liên Đoàn: quý Linh mục, Phó tế, nam nữ Tu sĩ, quý Chức và Giáo dân.

b) Xin quý Linh mục, Phó tế, nam nữ Tu sĩ. và anh chị em cầu nguyện cho những người già yếu, neo đơn, bệnh tật. Đặc biệt xin cầu nguyện cho Bà Cố của Cha Lê Quang Hiền, Spokane, Washington, cựu Chủ tịch Liên Đoàn, và Thân Mẫu Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Cộng Đồng Giáo Dân. Hai người đang bị Tai Biến Mạch Máu Não. Xin cũng nhớ đến gia đình trong lúc này.

+ Tin Vui:

Văn Phòng Chủ Tịch Liên Đoàn nhận được các tin vui sau. Xin Chân thành chúc mừng.

Tháng 7/2008:

1) Tạ Ơn Thượng Thọ 80 tuổi và 47 năm Linh mục: Lm. Gioan Baotixita Trần Thúc Định, CA
2) Dòng Mến Thánh Giá, Los Angeles:

+ Lễ Khấn Trọn Đời:

Sr. Agnes Kimberly Phượng Nguyễn, LHC
Sr. Christen Thanh Nguyễn, LHC
Sr. Catheleen Anne Hoàng, LHC
Sr. Mary-Pauline Trâm Nguyễn, LHC

+ Ngân Khánh: Sr. Mary Bernadette Trân, LHC

Tháng 8/2008:


1. Giáo Hội Mẹ Việt Nam: Tòa Thánh bổ nhiệm thêm 1 Giám Mục, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Giáo phận Bắc Ninh.

2. Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Hoa Kỳ:
a) Lễ Tạ Ơn 20 năm Hồng Ân Hội Dòng (1988-2008)
b) Lễ Khấn lần đầu: Sr. Marie Faustina Phạm Thanh Tú.

3. Thánh Lễ Tạ Ơn thành lập Giáo Xứ Thể Nhân. Lm. Chánh xứ Nguyễn Quốc Hải, Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Norfork, VA.

4. Đan Viện Xitô, Lucerne Valley, San Bernardino, CA: Thánh Lễ Tạ Ơn, Làm Phép Đan Viện Xitô Thánh Giuse và Nhà Tĩnh Tâm Thánh Mẫu La Vang.

XI- Cập Nhật Địa Chỉ:

Văn Phòng Chủ Tịch Liên Đoàn kính xin quý Linh mục, Phó tế, quý Hội Dòng, có những thay đổi về nhân sự, địa chỉ, xin vui lòng cập nhật, để văn phòng gởi thư thông tin, cũng như liên lạc khi hữu sự. Xin điền form sau:

Xin Giúp Cập Nhật Địa Chỉ Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ

Tên: _________________________________________________________________________
(Thánh) (Họ, last) (Đệm, middle) (Gọi, first)

Ngày thụ phong Linh mục: ______________ Tại: _____________________________________

ĐỊA CHỈ (Tên Cộng đoàn): _______________________________________________________

Số nhà và tên đường: ____________________________________________________________

Thành phố: ___________________________ Tiểu Bang và Zip: _________________________

Số điện thoại (VP): ___________________________ (Cell): ____________________________

E-mail (điện thư): ___________________________________¬¬¬¬

Nếu sử dụng e-mail, xin gửi về Thư ký Văn phòng bantinliendoan@gmail.com

Nếu gửi qua đường Bưu Điện, xin gửi về địa chỉ:
Liên Đoàn CGVNHK
Rev. Joseph Nguyễn Thanh Liêm
231 Rothell Rd. Extension
Toccoa, GA 30577
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đất Lành
Dominic Đức Nguyễn
00:14 08/08/2008

ĐẤT LÀNH



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Anh Sẽ đưa em về miền đất lạ

Chỉ có bình minh tươi thắm nắng hồng

Suốt bốn mùa cây xanh mầu tươi lá…

(Trích thơ của Thy Lan Thảo)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền