Ngày 08-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trong Cơn Gió Nhẹ Vẫn Có Ngài
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:17 08/08/2020
TRONG CƠN GIÓ NHẸ VẪN CÓ NGÀI

(Chúa Nhật 19 TN A 2020)

Nếu quá trình hình thành “Dân ưu tuyển” trong thời “lịch sử cứu độ tiền Kitô” đã kinh qua không biết bao nhiêu cuộc “thăng trầm dâu bể”: tuyển chọn, di cư, nô lệ, xuất hành, vào đất hứa, xây dựng vương quốc, chiến tranh, chia cắt, lưu đầy, hồi hương, tan tác…, thì cũng qua bấy nhiêu cuộc “tang thương” đó, dân được chọn Israel cuối cùng cũng học được một kinh nghiệm tuyệt vời: THIÊN CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG LỊCH SỬ.

Phải chăng, chính nhờ “kinh nghiệm tín ngưỡng” có một không hai nầy mà chỉ có mình dân tộc Do Thái, sau gần hai ngàn năm bị xoá tên trên trên bản đồ thế giới, đã vùng lên tái lập lại đất nước, tái thiết dân tộc, mà cứ sự thường, đất nước đó, dân tộc đó, đã trở thành một cái tên vang bóng một thời của tro tàn lịch sử.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng muốn khơi gợi lại kinh nghiệm thiêng liêng độc đáo nầy cho Dân Mới khi được Phụng Vụ dẫn dắt vào việc hiểu và sống sứ điệp “mầu nhiệm Nước Trời” của Chúa Kitô, một chủ đề mà Tin Mừng Matthêô liên tiếp chuyển tải qua liền lạc mấy Chúa Nhật tiếp nhau.

Trước hết là kinh nghiệm “gặp gỡ Chúa của tiên tri Êlia trên núi Horeb” (Bđ 1): “Chúa không ở trong gió bão…; Chúa không ở trong cơn động đất…; Chúa không ở trong lửa…; Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.”.

Thì ra, đã từ xa xưa trong thời Cựu ước, cho dù không ít lần Thiên Chúa đã dùng những dấu lạ quyền uy để hiển dung và biểu lộ sự hiện diện quyền năng của Ngài: Những tai ương giáng xuống đất nước Ai Cập, cuộc xuất hành qua Biển Đỏ ráo chân, cuộc thần hiển ban Mười điều răn trên núi Sinai..., thì Ngài lại luôn đòi hỏi chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Ngài cho dù chỉ là “hiu hiu một cơn gió nhẹ thì thầm”, qua những hành vi quan phòng, yêu thương giản đơn, nhỏ nhặt giữa đời thường cuộc sống.

Quả thật, như một câu ngạn ngữ của người Trung Hoa: “Một cây đổ thì ồn ào hơn là một cánh rừng đang mọc”, đức tin đúng nghĩa vào sự hiện diện và sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa chính là nhận ra điều kỳ diệu, nhận ra “phép lạ” nơi “cánh rừng đang mọc”, nơi “những con chim sẻ không đáng mấy đồng xu”, nơi “cánh hoa huệ bên bờ ruộng giữa đồng quê”…

Và đó lại chính là sự mạc khải về dung mạo Thiên Chúa nơi thời Tân ước khi Thiên Chúa hoá thân nhập thể vào đời trong thân phận của “một kẻ phàm nhân ngoại trừ tội lỗi”.

Thật vậy, Đức Kitô, “Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel), đã chọn con đường hiện diện âm thầm, khiêm hạ và ẩn khuất: ba mươi năm lao động trong xưởng thợ mộc ở Na-da-rét, ba năm nắng dãi mưa dầu lên Bắc xuống Nam mà tài sản trong tay “một viên đá gối đầu cũng không có được”, hay những giây phút hấp hối đắng cay của môt tên tội đồ trần truồng trên cây thập giá ở đồi Can-Vê... Vâng, đó chính là Vị Con Thiên Chúa, Vua Nước Trời, Đấng Thiên Sai... mà chỉ những con người có đôi mắt “của người trộm bị đóng đinh bên phải Chúa” mới nhận ra: “Nếu Ngài đi vào Vương quốc của Ngài, xin nhớ đến con” !

Và Đức Kitô đã muốn các môn sinh của Ngài, Giáo Hội mà Ngài thiết lập, cũng phải đi qua kinh nghiệm “xương máu” đó, kinh nghiệm nhận ra Ngài, bám chặt vào Ngài, không phải qua những con đường thành công hãnh tiến, quyền lực ngợp trời…nhưng là trên những nẻo bấp bênh, bách hại, vùi dập…như “những bước chân trên sóng” của Tông Đồ Phêrô như Tin Mừng vừa công bố. Vâng, Phêrô đã “có những bước chân trên sóng” lao thẳng về phía Đức Kitô. Điều đó không có nghĩa là Phêrô mạnh mẽ, vững vàng, hay quyền năng tài phép. Không có gì hết. Vì chỉ mới mấy bước trên sóng, niềm tin hầu sụp đổ, ông ta sắp chìm xuống. Tuy nhiên, lời cầu khẩn của Phêrô lúc nầy xem ra lại là bước quyết định: “Lạy Thầy, xin cứu con !”.

Trong tác phẩm lừng danh “QUO VADIS”, Nhà văn Ba Lan, H. Sienkievich đã tái hiện lại tâm trạng nầy của “người chài lưới Phêrô” khi một thân một mình với đàn chiên ốm đói, thương tích đầy mình…phải đối diện với một Rôma uy quyền đầy thế lực: Phêrô đã run rẩy ngẩng mái đầu bạc trắng của mình lên trời cao mà thầm thĩ: “Chúa ơi ! Con biết làm gì đây

sự, đáng chúc tụng muôn đời.” (BĐ 2)

Vì thế, hãy cầu nguyện cho nhau luôn có đôi mắt tâm hồn tinh anh để luôn sớm nhận ra Chúa đang có mặt ở đây mà đưa tay cho Ngài nắm giữ, có đôi tai tâm hồn mẫn thính để sớm nghe được Lời Chúa vang lên nơi đây “Thầy đây đừng sợ” mà đón Ngài lên thuyền cuộc đời và có trái tim công chính, trinh trong để sớm tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa mà “đến bến bình an”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:19 08/08/2020

52. Các quân vương thường luôn dùng các phương thế nghiêm khắc để huấn luyện các tôi tớ, để họ có thể coi nhẹ tất cả những loại khó khăn gian khổ.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:23 08/08/2020
100. CẤM MẸ NIỆM PHẬT

Mẹ của Địch Vĩnh Linh rất thành kính với Phật, ngày ngày tụng kinh niệm phật, âm thanh không dứt.

Con trai là Địch Vĩnh Linh giả bộ kêu lên “mẹ”, bà ta bèn nói theo.

Vĩnh Linh không ngừng hô hoán, bà ta bực tức nói:

- “Không có chuyện gì, tại sao nó kêu ta nhỉ? ”

Con trai nói:

- “Con kêu mẹ ba bốn tiếng thì mẹ không vui, cái ông phật lớn Thích Ca Mâu Ni ấy mỗi ngày đều để mẹ kêu cả vạn tiếng, không biết ông ta bực tức đến độ nào chứ? ”

Bà mẹ nghe rồi thì có chút giác ngộ.

(Nhã Ngược)

Suy tư 100:

Tụng kinh cả ngày nhưng chưa chắc là được vào cõi niết bàn, bởi vì họ chỉ biết mở miệng mà không biết mở tai để nghe những lời cầu xin của người bất hạnh; đọc kinh lần chuỗi Mân Côi cả ngày nhưng chưa chắc đã đến được cửa thiên đàng, bởi vì họ chỉ biết mở miệng cầu xin cho mình, mà không biết mở tâm hồn để động lòng trắc ẩn trước những người đau khổ...

Chỉ đọc kinh cầu nguyện bằng môi miệng mà không bằng tâm hồn thì chỉ làm cho Chúa không vui mà thôi, nhưng đọc cả tâm hồn mến yêu thì chắc chắn là Chúa vui hơn nhiều.

Có những người Ki-tô hữu chỉ đọc kinh bằng giác quan, như: đọc kinh ra rả, làm việc bác ái khi có người vỗ tay khen, chỉ móc hầu bao ra khi tên mình được đọc to giữa nhà thờ để mọi người nghe biết, chứ không thờ lạy Thiên Chúa trong tâm hồn, cho nên họ bực mình và khó chịu khi có người nghèo đến xin họ bố thí giúp đỡ...

Đức Chúa Giê-su đã cảnh cáo hạng người ấy đừng thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, đừng nghĩ rằng cứ đọc kinh cho thật nhiều thì sẽ được vào thiên đàng, nhưng chỉ những ai biết thực hành lời của Ngài mới được vào thiên quốc mà thôi, mà Lời Chúa không phải là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình sao !

Vĩnh Linh mới kêu mẹ ba bốn tiếng mà mẹ đã giận không bằng lòng, cũng vậy nếu chúng ta cứ kêu Chúa mà không yêu mến thực hành Lời Chúa, thì Chúa cũng sẽ buồn lắm vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 19 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:25 08/08/2020
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 14, 22-33.

“Xin Ngài truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.


Anh chị em thân mến,

Đức tin của người Ki-tô hữu được thử thách từng giây từng phút trong cuộc sống, cũng như thánh Phê-rô được ở với Đức Đức Chúa Giê-su mà đức tin cũng bị lay chuyển khi đối diện với sự chết; cũng như các môn đệ khác khi thấy sóng to gió mạnh, nguy hiểm đến tính mạng, thì vội vàng hoảng sợ dù có Đức Chúa Giê-su ở cạnh mình.

Thế gian là bể khổ khi tâm hồn con người vắng bóng Thiên Chúa, bởi vì nơi đâu có hoài nghi thì ở đó có sự bất an, nơi đâu có bất an thì ở đó có ghen ghét phát sinh, ghen ghét sinh ra thù hận, thù hận sinh ra bạo lực, bạo lực phát sinh chết chóc và gây tang thương cho mọi người, đó là hậu quả của sự vắng bóng Thiên Chúa vậy.

Người Ki-tô hữu sống giữa đời như đi trong bể khổ nếu tâm hồn chúng ta cứ nghĩ đến những lợi lộc do tiền tài mang lại, dù cho chúng ta mỗi chúa nhật đều có đi tham dự thánh lễ, bởi vì như thánh Phê-rô vẫn cứ sợ khi thấy gió thổi mạnh, và các môn đệ khác sợ hãi khi thấy sóng to gió lớn khi mà Đấng tạo dựng nên gió và sóng biển –Đức Chúa Giê-su- vẫn đang ở trong thuyền với các ông.

Có những người đời sống vật chất không thiếu gì nhưng họ vẫn cứ kết liễu đời mình bằng viên độc dược vô tri vô giác, bởi vì tâm hồn họ thiếu vắng bình an của Thiên Chúa, bởi vì tiền bạc không mua được sự bình an của Thiên Chúa, nên dù cho có tất cả mọi sự trên thế gian thì cũng vô ích mà thôi...

Thế gian là nơi biển cả mát mẻ cho những ai đợi chờ Thiên Chúa đến nếu trong tâm hồn chúng ta có Thiên Chúa, có bình an của Ngài, tức là chúng ta biết trông cậy vào ơn của Thiên Chúa ban cho khi gặp thử thách; có rất nhiều người dù thiếu thốn vật chất nhưng họ vẫn cứ sống an vui mà không than trách Thiên Chúa, không tìm cách để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của mình, bởi vì họ biết giá trị của hy sinh, của thử thách là cao quý hơn tất cả mọi thứ ở trần gian này.

“Thưa Ngài, xin cứu con với” là lời cầu cứu khẩn thiết của thánh Phê-rô khi gặp cơn hoạn nạn, đây cũng là lời cầu cứu rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa, vì nó bày tỏ một tâm hồn khiêm tốn, yếu đuối và tin tưởng, chính Thiên Chúa sẽ giơ tay cứu vớt và nâng đỡ những ai ngày đêm cầu Ngài cứu giúp, và như thế họ đang ngụp lặn trong biển đời thấm mát tình yêu của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Một tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa thì cuộc sống của họ như thuyền không lái, lênh đênh trôi giạt trên biển đời rộng đầy những cạm bẩy của quỷ ma. Chỉ có người kiêu ngạo mới tự hào cho mình sống mà không cần đến Thiên Chúa, mà những người kiêu ngạo thì tâm hồn của họ đã thật sự vắng bóng Thiên Chúa rồi.

Mỗi ngày chúng ta đều tham dự thánh lễ và kết hợp với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể khi rước lễ, nhưng đừng tưởng đó là an toàn mà coi thường những cám dỗ của ma quỷ, bởi vì cũng như các tông đồ xưa kia, ở bên Đức Chúa Giê-su và cùng đồng bàn với Ngài, nhưng vẫn cứ sa chước cám dỗ, vẫn cứ yếu đức tin, vẫn cứ nghe theo cái tôi của mình hơn là mạnh dạn khước từ cám dỗ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Chúa Nhật 19A : Lưỡi dao cạo
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
11:24 08/08/2020
Có một nhà văn Anh (Somerset Maugham) viết cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: “Lưỡi dao cạo” (The Razor"s Edge), năm 1944, nhưng suốt trong mấy trăm trang của cuốn truyện không hề thấy một chữ “lưỡi dao cạo” nào. Ý của tác giả muốn diễn tả con đường mà Larry Darell nhân vật chính trong câu chuyện phải trải qua là một con đường khó khăn, y như bước đi trên cạnh sắc của lưỡi dao cạo vậy. Bài Tin Mừng hôm nay không có cạnh sắc của lưỡi dao cạo nào -ngược lại là đàng khác, dịu êm như đệm nước- nhưng ý nghĩa là tương đương như cạnh sắc của lưỡi dao: tức là cũng rất khó khăn để bước trên đó: đi trên mặt nước. Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Các môn đệ tưởng là ma. Ngài nói: Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ. Phêrô nghe vậy liền nói: Lạy Thầy, nếu là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước đến với Thầy. Đi trên mặt nước, chứ không phải bơi trong nước, không dễ, nên Phêrô đã chìm, phải cầu cứu thầy Giêsu: Lạy Thầy xin cứu con.

1. Cuộc sống Kitô hữu ở trần gian này ví như cuộc đi trên mặt nước.

Không phải chỉ một mình Phêrô mới đi trên mặt nước để đến với Thầy Giêsu, mà hầu như mọi người đệ tử của Thầy Giêsu là chúng ta đây đều được truyền hãy đi trên mặt nước để đến với Thầy : Lạy Thầy, nếu là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước đến với Thầy. Ta thử tưởng nghĩ ra một số trường hợp không xa lạ gì:

-An là một sinh viên sống xa gia đình và dĩ nhiên phải ở nhà trọ trên thành phố để đi học. Sáng Chúa nhật, trời lạnh, chăn ấm. An không muốn trỗi dậy đi lễ. Vả lại anh cũng ngại bị những bè bạn ngoại đạo cùng trọ thấy anh đi lễ và chê cười anh còn mê tín dị đoan. Sau vài phút dằng co, An cương quyết tung chăn ngồi lên chuẩn bị đi lễ. Nghĩa là An bắt đầu bước đi trên mặt nước, bất chấp sóng gió của cơn mê ngủ và sự dị nghị của bạn bè.

-Bình là một cô gái độc thân, sau một lần nhẹ dạ đã mang thai. Nếu gia đình hay được, nếu hàng xóm biết ra thì... ôi thôi, Bình không dám nghĩ tiếp ! Cô định đi phá thai. Con đường thật đơn giản, giống như ai đó ăn xong chùi mép. Nhưng rồi cô can đảm giữ lại bào thai ấy. Bình cũng đang bước đi trên mặt nước bập bình, nhưng lại an bình vì dám bất chấp bao sóng gió phũ phàng của dư luận, và bão bùng của muôn khó khăn không lường trước được.

-Công là một cảnh sát. Một tên buôn bán ma túy hứa cho anh một số tiền lớn, chỉ cần anh làm ngơ cho việc làm của hắn; Làm ngơ sẽ có tiền to, để mắt lo vào, coi chừng mất cả mạng sống. Đám tay chân đâm thuê chém mướn sẽ đến tính sổ với Công. Nhưng anh cương quyết chối từ. Công cũng đang đi trên mặt nước, đi ngược với sức quyến rũ của đồng tiền và dám đương đầu với sóng gió của đe dọa.

-Chính là nhà buôn. Nhà buôn nào chẳng muốn mau giàu. Giàu mau thật mau chỉ có một con đường là con đường tắt. Tắt trong thương trường mang nhiều nghĩa lắm, nào là bỏ qua con đường thuế má; nào là bỏ qua công đoạn phức tạp để có được một mặt hàng nhanh, rẻ giá thành, nhưng cứ bành trướng giá bán. Chính không muốn đi con đường tắt đó. Anh đang đi trên mặt nước, giữa sóng gió những lời chê bai của dòng họ bạn đời mình : “Mầy lấy phải một thằng chồng chẳng biết làm ăn gì cả.”

Chúng ta còn có thể nghĩ ra thêm rất nhiều thí dụ khác trong đó có thí dụ phù hợp với hoàn cảnh của chính mình. Mỗi người, bất kể ai, miễn là đệ tử của thầy Giêsu, đều được truyền đi trên mặt nước mà đến với Thầy.

2. Làm sao để đi trên mặt nước mà không chìm

Phêrô khi thốt lên lời xin: Lạy Thầy, nếu là Thầy thì xin truyền cho đi trên mặt nước đến với Thầy. Chúa nói: Cứ đến. Và Phêrô đã từ thuyền bước xuống đến với Đức Giêsu. Ta không biết Phêrô bước trên mặt nước được mấy bước. Một bước, hai, hay ba bước. Matthêu không nói (Marcô và Luca không thuật Phêrô đi trên nước, mặc dầu có thuật Chúa Giêsu đi trên mặt biển), nhưng chắc chắn Phêrô có đi được một số bước. Nếu không đi được bước nào, nhảy xuống là chìm liền, thì Tin Mừng Matthêu đã không ghi như thế này : Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu (Mt 14, 29). Chỉ khi thấy gió thổi, sóng nổi, ông mới sợ và bắt đầu chìm, vội la lên cầu cứu. Không phải ông đi được mấy bước rồi, mới có gió thổi lên, sóng to trở lại, mà sóng vẫn to, gió vẫn lớn, như Mt ghi trước đó, trước khi Chúa đi trên mặt nước đến với họ :“Thuyền đi xa bờ cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển đến với họ.” Vậy cái gì khiến Phêrô đi được mấy bước trước khi bị chìm? Chắc chắn không phải vì biển êm đột ngột, gió lặng hiu hiu làm Phêrô đi trên nước dễ dàng. Vì biển chỉ im khi Chúa cùng Phêrô lên thuyền. “Khi Thầy trò đã lên thuyền thì gió lặng” (Mt 14, 32). Các nhà chú giải Kinh Thánh lẫn các nhà giảng thuyết lừng danh vẫn đồng ý với nhau là Phêrô bước đi được là do Tin vào Thầy, mắt dán chặt vào Thầy. Khi hạ mắt xuống nhìn sóng to, ông lo sợ và bắt đầu chìm lỉm ngay. May mà Phêrô nhanh miệng kêu cứu, đúng lúc, đúng người. Kêu Thầy, chứ không phải “Gioan ơi, Giacobê hỡi cứu ta với.” Vậy khi ta tin vào Chúa, nhìn vào Ngài, ta sẽ đi trên mặt nước được.

Vào thời kỳ mới có thuyền buồm, một thiếu niên kia được vị thuyền trưởng cho đi thuyền vượt biển để học tập làm thủy thủ. Một hôm gió bão nổi lên làm mặt biển dậy sóng. Viên thuyền trưởng ra lệnh cho cậu ta phải leo lên cột buồm để tháo các cánh buồm ra, tránh cho con thuyền khỏi bị gió bão vùi dập. Khi cậu ta vừa leo vừa ngước mặt lên trời thì mọi sự đều suông sẻ. Chỉ thoắt cái là cậu đã leo đến lưng chừng cột buồm. Nhưng khi cậu bắt đầu nhìn xuống mặt biển đang nổi sóng trong cơn gió bão, thì cậu lập tức bị chóng mặt như sắp bị té xuống đến nơi. Bấy giờ một thủy thủ già nhiều kinh nghiệm đã la to lên rằng :"Này chú bé, mau ngước mặt lên trời đi chứ đừng nhìn xuống! Hãy tiếp tục nhìn lên trời đi!" Cậu bé làm theo lời chỉ dẫn đó và đã leo lên tới đỉnh cột buồm và cậu đã hoàn thành nhiệm vụ là tháo được sợi dây để thả cánh buồm xuống.

Lỗi của cậu thiếu niên cũng giống như lỗi của Phê-rô trong Tin Mừng hôm nay : Cậu ta đã bỏ đích nhắm là bầu trời để nhìn xuống mặt biển nổi sóng, giống như Phê-rô đã rời mắt khỏi Đức Giê-su để nhìn vào mặt biển đầy giông tố. Vì thế ông đã bị chao đảo và bắt đầu chìm xuống.

Cuộc đời các tín hữu chúng ta cũng vậy : Bao lâu chúng ta còn nhìn vào Chúa Giê-su thể hiện qua việc siêng năng dự lễ và rước lễ. Bao lâu chúng ta còn năng nhớ đến Chúa, thì ta còn sống đạo tốt. Nhưng ngày nào chúng ta bỏ những việc đạo đức kia, thì tâm hồn chúng ta bắt đầu chìm đắm dưới quyền lực của ma quỷ, sa đà vào các thói hư tật xấu và các đam mê bất chính khác. Nói theo chủ đề của bài giảng hôm nay, chúng ta không đi trên mặt nước được.

Mặc dầu không xao nhãng các công việc trần thế, như lời dạy của CĐ Vatican 2, nhưng chúng ta cần phải tâm niệm lời thánh Phaolô trong thư Cô-lô-xê 3, 1 : Anh em đã được sống lại cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Nói theo kiểu nói của Tin Mừng hôm nay: hãy dán mắt vào Đức Kitô, hãy tin vào Ngài, thì anh em sẽ dễ dàng lướt đi được trên mặt nước, tức vượt qua được những khó khăn thử thách ở đời này. Ước gì được như vậy. Amen.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Đã tin và chưa tin
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
18:11 08/08/2020
Chúa Nhật XIX Thường Niên

Đã tin và chưa tin

1V 19, 9-13; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33

Sống là một hành trình tìm kiếm liên lỉ, tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa tối hậu cuộc đời. Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cuộc hành trình. Với người Kitô hữu, hành trang cuộc đời không gì khác hơn là đức tin. Đức tin là kim chỉ nam, là bảng chỉ đường hướng dẫn chúng ta đi tới mục đích.

1- Tin là gì?

Vậy đức tin có nghĩa là gì? Sách Giáo lý Công Giáo mới có một định nghĩa rất vắn gọn: “Tin là lời con người đáp trả lại Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải và hiến mình cho con người, khi ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình” (số 26).

Tin không phải là tin vào một cái gì, vào một học thuyết, một ý thức hệ, một số lề luật, nhưng tin chính là gắn bó, là gặp gỡ, là bước theo một Con Người, và để Con Người đó hướng dẫn ta, chỉ cho ta biết đâu là hạnh phúc đích thực và ý nghĩa tối hậu cuộc đời. Con người đó có tên là Đức Giêsu Nazareth. Như thế tin là sống với, sống như, sống cho Đức Kitô và cùng với Người bước đi trong cuộc đời này.

2- Những sóng gió của Đức tin

Nhưng sống niềm tin vào Đức Kitô trong bối cảnh của ngày hôm nay đang gặp sóng gió mà Lời Chúa hôm nay nói tới với những hình ảnh đầy tính biểu tượng.

Nếu “biển” là biểu tượng của cuộc đời này, thì sóng gió là những thử thách và trở ngại của con thuyền Đức tin.

Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng: Các môn đệ và nhất là Phêrô là những người “đã tin mà vẫn chưa tin, ” đã tín thác mà vẫn còn hoài nghi ngờ vực, khi họ phải đối diện với sóng gió cuộc đời. “Thấy Chúa đi trên biển, họ hoảng hồn mà nói rằng: Ma kìa!” Đúng là những người kém tin, nên mới “nhìn gà hóa cáo” thôi. Trước những khó khăn, họ không còn nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Chúa nữa!

Nhìn vào các Tông Đồ để chúng ta cũng soi bóng mình và thấy mình ở trong đó. Các Tông Đồ, Phêrô và chính mỗi người chúng ta, những người đã tin mà vẫn còn chưa tin.

Ngày hôm nay, chúng ta đang bị thử thách bởi một nền văn hóa vắng bóng Thiên Chúa (nhiều người thấy Chúa tưởng là ma, thấy ma tưởng là thiên thần, thấy thiên thần tưởng là quỷ dữ!), một nền văn hóa đề cao tiền bạc, tính dục, và hưởng thụ cá nhân. Sự hấp dẫn của chúng đã khiến nhiều người bỏ Chúa để chạy theo những lối sống dễ dãi, thực dụng và vì cái lợi trước mắt mà quên nhân phẩm và đạo lý của mình.

Cũng như các môn đệ, khi bình an, thành công, thì chúng ta dễ dàng tin Chúa, đến với Chúa, nhưng những khi hoạn nạn, thất bại thì chúng ta thất vọng, bỏ Chúa, không cầu nguyện và đến nhà thờ nữa, như bài thơ Dấu Chân Trên Cát diễn tả: khi bình an yên ổn thì con nhận ra dấu chân Chúa bên cạnh dấu chân con, lúc con đau buồn lẫn cô đơn. Con chỉ thấy một dấu chân trên cát. Nhưng Chúa trả lời, chính lúc đó Ta đang ẳm bồng con!

3- Cần một đức tin mang tính cá vị

Trước những thử thách của cuộc sống, mỗi người chúng ta phải có một đức tin mang tính cá vị vào Đức Kitô. Có nghĩa là đức tin đó phải dựa trên một xác tín, một chọn lựa và dấn thân riêng của tôi để sống gắn bó với Chúa mỗi ngày. Dù có nhiều lối rẽ, cám dỗ mời mọc hấp dẫn, tôi vẫn xác tín rằng: Chỉ có Chúa mới mang lại cho tôi ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc bền vững. Dù có bị thử thách, bị chao đảo, nhưng tôi xin chọn “Chúa là gia nghiệp của riêng mình” (x. Tv 33, 12b), tôi vẫn bám lấy Chúa, trung thành với Chúa cho đến cùng. Đức tin như thế là cuộc gặp gỡ mang tính cá vị với Đức Giêsu, chỉ có đức tin đó mới giúp chúng ta vững vàng trước sóng gió cuộc đời và chỉ có đức tin đó mới giúp chúng ta khám phá sự hiện diện, dấu chân và cánh tay yêu thương của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa, con thuyền đức tin của chúng con đang bị sóng gió cuộc đời vùi dập, xin Chúa ban cho chúng con có một đức tin sống động, mang tính cá vị và biết tỉnh thức, để dù có phải trải qua những thử thách, chúng con vẫn trung kiên theo Chúa đến cùng. Xin cho cặp mắt đức tin của chúng con luôn sáng ngời để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời chúng con. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc: Các nơi thờ phượng buộc phải dâng cúng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc phải đóng cửa
Đặng Tự Do
01:47 08/08/2020
Mở rộng cuộc đàn áp các nơi thờ phượng, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt buộc các chức sắc tôn giáo phải đóng góp vào cái gọi là quỹ cứu trợ coronavirus, nếu không, họ sẽ không được phép mở cửa trở lại sau khi bị khóa.

“Năm nhân dân tệ cho bốn cái bánh nhồi thịt hấp”, một ni cô Phật giáo chào mời những người qua đường trên đường phố Thành Sơn (Chengshan - 成山) một thị trấn ở thành phố Trang Hà (Zhuanghe - 庄河) là một thành phố cấp quận thuộc tỉnh Liêu Ninh (Liaoning -辽宁). Chùa Pháp Hoa (Fahua - 法华) ở làng Cổ Thành (Gucheng - 古城) trong thị trấn, nơi sinh sống của ni cô này, vẫn chưa được phép mở cửa trở lại sau khi dịch coronavirus bùng phát. Vì hầu hết các ngôi chùa sống bằng tiền quyên góp từ du khách và tín đồ, nên giờ đây họ phải tìm các phương tiện thu nhập khác để tồn tại — như bán bánh chay và cả bánh mặn trên đường phố.

Vào tháng 5, một người trông coi ngôi chùa Phật giáo ở thành phố Tiên Đào (Xiantao - 仙桃), tỉnh Hồ Bắc (Hubei - 湖北), miền Trung nước này đã nhận được thông báo từ Cục Tôn giáo vụ địa phương, yêu cầu nhà chùa quyên góp cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát coronavirus.

“Bản thân tôi đang phải sống một cuộc sống khó khăn và không có tiền để dâng cúng”, thủ từ của ngôi chùa nói trong sự bất lực. Ngôi đền đã đóng cửa kể từ ngày 24 tháng Giêng và vì không có tiền quyên góp, người canh giữ chùa phải sống nhờ vào thức ăn từ các thiện nam tín nữ. “Đối với tôi như vậy là đủ, nhưng yêu cầu của chính phủ về việc quyên góp để cứu trợ dịch bệnh đã khiến tôi gặp khó khăn”, người thủ từ nói. “Họ thu thập thông tin về các khoản đóng góp của các đền chùa và nếu chúng tôi bỏ sót không khai một khoản đóng góp nào đó, chúng tôi sẽ bị trừng phạt và thậm chí bị đóng cửa”.

Hiệp hội Phật giáo Phụ Dương quyên ra 80, 000 nhân dân tệ
Hiệp hội Phật giáo thành phố Phụ Dương (Fuyang -阜阳) ở phía đông tỉnh An Huy đã phải quyên ra 80, 000 nhân dân tệ, tức là khoảng 11, 200 Mỹ Kim, cho các vùng bị dịch, mặc dù họ biết rằng những số tiền này cuối cùng chỉ chảy vào túi bọn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở địa phương.

Một mục sư trông nom một nhà thờ Tam tự ở Hà Trạch (Heze -菏泽), một thành phố cấp tỉnh ở phía đông tỉnh Sơn Đông (Shandong - 山东), giải thích rằng các nhà thờ do nhà nước điều hành cũng bị buộc phải đóng góp cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Ông nói thêm rằng các quan chức từ Cục Tôn giáo vụ địa phương đe dọa sẽ đóng cửa nhiều nhà thờ nếu họ không quyên góp.

Vào tháng Hai, chính quyền thị trấn Trương Thôn ( Zhangcun - 张村), trong địa hạt thành phố Đăng Châu (Dengzhou - 登州) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan - 河南), đã ban hành hạn ngạch quyên góp từ 4, 000 đến 10, 000 nhân dân tệ, tức là từ 560 đến 1, 400 Mỹ Kim, cho các nhà thờ Tam Tự. Các chức sắc nói họ không muốn dâng cúng tiền cho bọn cầm quyền địa phương nhưng yêu cầu được ký gửi những khoản đóng góp của họ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của các nạn nhân đại dịch. Nhưng các quan chức phụ trách tôn giáo vụ địa phương từ chối yêu cầu chính đáng này.

Vào ngày 3 tháng Hai, một số nhà thờ Tam tự ở Tiên Cư (Xianju -仙居), một quận do thành phố Đài Châu (Taizhou - 台州) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang -浙江), miền đông Trung Quốc quản lý, nhận được thông báo từ chính quyền thị trấn và Hội Tin Lành Yêu Nước, yêu cầu mỗi thành viên của giáo đoàn phải quyên góp 100 nhân dân tệ, tức là khoảng 14 Mỹ Kim, cho Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus.

“Những người đi nhà thờ ở thành phố Hàng Châu (Hangzhou- 杭州) của Chiết Giang cũng bị buộc phải quyên góp, ” một mục sư Tin Lành Tam Tự trong thành phố cho biết. “Một số thành viên hội thánh cao tuổi sống một mình và không có nguồn thu nhập, nhưng cũng bị buộc phải đưa tiền ra.”

Tin Lành Yêu Nước Thượng Hải quyên ra ba triệu nhân dân tệ
Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin rằng Hội Tin Lành Yêu Nước của thành phố Thượng Hải đã quyên góp ba triệu nhân dân tệ, tức khoảng 420, 000 Mỹ Kim, cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Những nơi thờ tự ở Trung Quốc cũng bị khai thác thường xuyên, không chỉ trong thời kỳ đại dịch mà thôi. Họ buộc phải dâng cúng cho bọn cầm quyền dưới chiêu bài đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo hoặc các dự án “từ thiện” khác của chính phủ.

“Năm ngoái, Cục Tôn giáo vụ đã yêu cầu chúng tôi thu tiền để sửa một cầu trượt trên sân chơi mẫu giáo, ” một chấp sự từ nhà thờ Tam tự ở thành phố Trú Mã Điếm (Zhumadian - 驻马店) nói với Bitter Winter. “Các cơ quan chính phủ yêu cầu chúng tôi đóng góp từ thiện hàng năm. Nếu chúng tôi từ chối, nhà thờ của chúng tôi sẽ bị đóng cửa “.

Theo một khảo sát về tôn giáo của Trung Quốc vào năm 2015, do Đại học Nhân dân Trung Quốc thực hiện, các thành viên thuộc hàng giáo phẩm của năm tôn giáo chính thức ở Trung Quốc nhận được trung bình 506 nhân dân tệ, tức là khoảng 70 Mỹ Kim, tiền lương hàng tháng. Bốn mươi mốt phần trăm không có bảo hiểm tuổi già. Các nhà sư Phật giáo thường nhận được 397 nhân dân tệ, tức khoảng 50 Mỹ Kim, mỗi tháng, trong khi một ngôi chùa Phật giáo thông thường phải quyên góp đến 41, 000 nhân dân tệ, tức là khoảng 5, 800 Mỹ Kim, hàng năm cho các hoạt động từ thiện.


Source:Bitter Winter
 
Tại sao Tổng thống Trump ra lệnh cấm chương trình ứng dụng TikTok?
Đặng Tự Do
08:19 08/08/2020
Hôm thứ Sáu 7 tháng 8, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam, lãnh đạo chính quyền Hương Cảng, cũng như các quan chức khác ở Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm ứng dụng nổi tiếng TikTok. TikTok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, là công ty ByteDance. Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cấm bất kỳ giao dịch nào giữa các công ty Mỹ và ByteDance.

Tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo (The Epoch Times - 大纪元时报) của Pháp Luân Công lên tiếng hoan nghênh quyết định này. Theo tờ báo này, quyết định của Tổng thống Trump là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.

Theo tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, tại trụ sở chính ở Bắc Kinh của công ty ByteDance hơn 130 nhân viên làm việc ở đây là các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt là CCP. Nhiều đảng viên làm việc ở các vị trí quản lý.

Con số đông đảo các thành viên của CCP trong ban quản lý ByteDance chứng tỏ mối quan hệ của công ty này với chế độ Trung Quốc, và điều đó đã làm dấy lên lo ngại về an ninh đối với TikTok.

Theo luật của bọn cầm quyền Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc bắt buộc phải thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản trong công ty của họ để bảo đảm rằng các chính sách kinh doanh và các nhân viên của họ tuân theo đường lối của Đảng. ByteDance, được thành lập vào tháng 3 năm 2012, đã thành lập Đảng bộ vào tháng 10 năm 2014.

Theo quy định của đảng, thành viên chủ chốt của công ty được bổ nhiệm tại các cuộc họp chi bộ với nhiệm kỳ ít nhất là năm năm.

Cho đến nay, người ta không thể biết chính xác có bao nhiêu đảng viên cộng sản trong số 60, 000 nhân viên của ByteDance tại 60 văn phòng trên toàn cầu. Tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo cho biết họ chỉ mới nắm được một phần danh sách các đảng viên chủ chốt tại trụ sở chính ở Bắc Kinh.

Theo danh sách nội bộ này, tại trụ sở chính, có ít nhất 138 nhân viên - hầu hết ở các vị trí quản lý hoặc kỹ thuật. Họ là các đảng viên trực thuộc thành ủy Bắc Kinh và có một ảnh hưởng rất lớn với công ty. Ít nhất 60 người trong danh sách này đang nắm giữ các chức vụ quản lý.

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trương Nghệ Minh (Zhang Yiming - 张艺明) và các giám đốc điều hành cấp cao khác đã công khai bày tỏ cam kết và ước muốn của công ty là ủng hộ các mục tiêu của đảng cộng sản.

Ông James Carafano, phó Giám Đốc Viện Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quỹ Di sản, cho biết mức độ đảng viên cộng sản có mặt trong ByteDance này là chuyện bình thường trong các công ty Trung Quốc.

Ông Carafano nói với Đại Kỷ Nguyên Thời Báo: “Tất cả các công cụ quyền lực đều gắn liền với Đảng Cộng sản, và bao gồm cả các công cụ quyền lực kinh tế.”

Ông nói rằng ở Trung Quốc, không công ty tư nhân nào mà không dính líu tới CCP và bị nó chi phối, do đó “các công ty này thực sự không thể được đối xử và tin cậy theo cách bạn giao tiếp với các công ty khác trong nền thương mại toàn cầu.”

Ông Carafano nhấn mạnh rằng sự hiện diện của ByteDance ở Hoa Kỳ qua TikTok làm dấy lên lo ngại, vì họ có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Những bảo đảm của TikTok cho rằng nó hoạt động độc lập với ByteDance là “chuyện vớ vẩn”, không thể tin được.

Theo ông Carafano: “Đó là một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Bạn không thể đặt niềm tin nơi cách thức họ thảo chương các nhu liệu. Bạn không tin tưởng được cách thức họ xử lý dữ liệu. Và bạn không thể tin rằng họ hoạt động độc lập không có sự chỉ đạo của cộng sản Trung Quốc.”

Vào ngày 25 tháng 4 năm 2019, ByteDance đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan phụ trách cảnh sát của Bắc Kinh.

Với sự giúp đỡ của ByteDance, công an địa phương thường xuyên bắt giữ và giam giữ những người đăng thông tin bị chính quyền cho là nhạy cảm. Công an Trung Quốc sở hữu hơn 50, 000 tài khoản trên các mạng xã hội, và có hơn 100 triệu người theo dõi.

Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng dữ liệu cá nhân của người Mỹ do TikTok thu thập có thể bị Bắc Kinh truy cập, vì các công ty Trung Quốc luôn bị CCP chi phối.

Tổng thống Donald Trump vào ngày 6 tháng 8 đã ban hành lệnh hành pháp cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với ByteDance và gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent Holdings Ltd. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày.


Source:Epoch Times
 
CDC cảnh báo: Các thiếu nhi nhiễm COVID-19 có triệu chứng khác với bình thường và dễ chết hơn.
Trần Mạnh Trác
13:42 08/08/2020
Theo bản tin cuả CDC (Centers for Disease Control and Prevention) mà các hệ thống truyền thông vừa đăng tải, thì các thiếu nhi dưới 10 tuổi vẫn có thể bị lây nhiễm và chết vì COVID-19 một cách bí ẩn, nghiã là trong khi những triệu chứng bên ngoài không có vẻ như các em đã bị lây dịch.

Một thí dụ do NBC News cho thấy một em trai 10 tuổi tên là William bỗng thức dây vào buổi sáng với một triệu chứng cổ cứng và đau bụng, nhưng mau chóng tay và chân cuả em sưng lên và nhiệt độ lên tới 104. Khi đưa tới bệnh viện Pittsburgh thì William đã bắt đầu khó thở!

CDC gọi đó là Hội chứng viêm đa hệ (MIS-C), một hội chứng viêm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến virus coronavirus. Nó có chung các triệu chứng cuả những bệnh sốc nhiễm độc và bệnh Kawasaki, tức là bị sốt, phát ban, sưng hạch và trong trường hợp nghiêm trọng là viêm tim.

Nói cách nôm na thì các triệu chứng bề ngoài có thể thấy được là ban da, đỏ mắt, sốt, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.

Bác sĩ Kevin Friedman, bệnh viện Nhi Đồng ở Boston, cho biết: “Điều này xảy ra trong khoảng từ ba đến sáu tuần sau khi tiếp xúc với một người bị COVID cấp tính. Trong một số trường hợp, người ta thậm chí không biết là các em bị nhiễm COVID vì không hề có triệu chứng cấp tính”.

Chỉ mới có bốn tháng trong muà dịch mà đã có 600 trẻ em ở Mỹ bị phát hiện là nạn nhân cuả MIS-C trong đó 10 em đã chết. Mà đó chỉ là những trường hợp đã được bá cáo lên CDC.

Vào tháng 5, CDC đã xuất bản một cẩm nang với chi tiết về hội chứng MIS-C và yêu cầu các bác sĩ lâm sàng báo cáo các trường hợp nghi ngờ của Hoa Kỳ cho các sở y tế địa phương và tiểu bang.

Ai có nguy cơ cao nhất?

Theo các chuyên gia, gần 3/4 số bệnh nhân là người gốc Latinh hoặc người Mỹ gốc Phi.

Tuổi trung bình của bệnh nhân là tám tuổi và hơn một nửa là con trai.

CDC cũng báo cáo rằng hầu hết các em bị nhiễm đều có tình trạng béo phì.

Và gần hai phần ba số các em bị bệnh cần phải cấp cứu ở ICU.

CDC cũng cho biết các báo cáo về COVID-19 ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh cũng cho thấy hội chứng này đã xuất hiện ở những quốc gia trên.
 
Caritas Liban: Chúng tôi đang sống trong một cơn ác mộng, nhưng chúng tôi sẽ không buông xuôi và sẽ tiếp tục giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
16:09 08/08/2020
Beirut (Agenzia Fides) - Hơn 300.000 người đã phải di dời khỏi nơi ở của họ, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm người thiệt mạng: đây là số tổng kết tạm thời do vụ nổ xảy ra vào thứ Ba, ngày 4 tháng 8 tại cảng Beirut (xem Fides, 5/8/2020). "Đó là một tình huống khủng khiếp và thảm khốc và cho đến hôm nay chúng tôi vẫn còn bàng hoàng sửng sốt", theo báo cáo của bà Rita Rhayem, giám đốc Caritas Liban, cho cơ quan Caritas quốc tế. Bà cho biết ban điều hành Cariatas Liban đã ngay lập tức hành động để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ.

Bà Rita Rhayem nhấn mạnh: "Tình hình rất nguy cấp và đây là lần đầu tiên chúng tôi phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp như thế này, nhưng chúng tôi sẽ không buông tay và sẽ tiếp tục giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn". "Nhiều người đã chết và bị thương, và theo quan điểm y tế, tình hình có thể sẽ xấu đi nhanh chóng do ảnh hưởng của khí độc. Caritas Liban đang chuẩn bị cho tình huống tồi tệ này, nhưng các trung tâm y tế của chúng tôi không có biện pháp nào để đối phó với tình huống đó và các hoạt động cứu thương cho các nạn nhân càng khó khăn hơn do thiếu điện ".

Thông báo gửi tới Hãng thông tấn Fides cho biết trụ sở Caritas Liban cũng đã bị hư hại nghiêm trọng do vụ nổ. Theo các nguồn tin địa phương, văn phòng đã đóng cửa ngay trước khi vụ nổ xảy ra và do đó không ai trong số các nhân viên bị thương.

Linh mục Michel Abboud, chủ tịch Caritas Liban, cho biết thêm: "Đất nước đã ngừng hoạt động và chúng tôi đang trải qua một cơn ác mộng. Chúng tôi hoàn toàn trắng tay không có gì để giúp đỡ người dân. Beirut bị tàn phá và chúng tôi hoàn toàn bị bó tay „lực bất tòng tâm“ trước quy mô của các biến cố này".

"Các tình nguyện viên của chúng tôi ngay lập tức được huy động để xác định vị trí và hỗ trợ những người bị thương, nhưng thật xui xẻo, vì có quá nhiều nạn nhân nên các trung tâm chăm sóc chính của chúng tôi cũng như bệnh viện đều quá tải. Mọi thứ đều thiếu, bao gồm cả thực phẩm để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng", Bà Rita Rhayem nhấn mạnh.

Ông Aloysius John, tổng thư ký Caritas Internationalis nhấn mạnh: "Các vụ nổ gây thêm thiệt hại cho một Liban đã ngã quỵ do khủng hoảng kinh tế và chính trị, bạo lực, đại dịch Covid-19 và hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Syria". Chúng ta không được quên hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế và bạo lực đã làm suy yếu đất nước này và đang đè nặng lên Liban, quốc gia ngày nay cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng ". Ông John kêu gọi " cộng đồng quốc tế can thiệp khẩn cấp và vô điều kiện để giúp đỡ người dân, để có hành động dứt khoát nhằm giảm bớt sự đau khổ của người Liban, bằng cách dỡ bỏ ngay các lệnh trừng phạt kinh tế ". (AP) (Agenzia Fides, 6/8/2020)


Source:Fides
 
El Salvador: Cha Giám đốc Đại chủng viện Romero bị ám sát
Thanh Quảng sdb
17:26 08/08/2020
El Salvador: Cha Giám đốc Đại chủng viện Romero bị ám sát

Cha Ricardo Antonio Cortez, Giám đốc Đại chủng viện thánh Óscar Arnulfo Romero của giáo phận Zacatecoluca, nước El Salvador, bị ám sát.

(Tin Vatican)

Trong một tuyên bố được công bố ngày thứ Sáu (7/8/2020) và được phát đi bằng video, Đức Cha Elías Samuel Bolaños Avelar, đã loan báo về “cái chết thương tâm” của Cha Ricardo Antonio Cortez, Giám đốc Đại chủng viện Thánh Óscar Arnulfo Romero của giáo phận Zacatecoluca. Ngài cho hay “các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thương tiếc” về cái chết của cha.

Lên án cái chết

Đức cha khẳng khái nói: "chúng tôi lên án và kết tội vụ ám sát đê hèn mà cha ấy phải gánh chịu."

Đức Giám Mục mô tả Cha Cortez là người “tốt lành, luôn niềm nở và tận tụy với đàn chiên của mình cũng như chăm lo việc đào tạo và giáo dục các chủng sinh và các tín hữu mà ngài được mời gọi phục vụ.”

Đức cha cho hay: Cái chết không đúng lúc và tàn bạo của ngài “không thể giải thích được!”

Đổ máu người vô tội


Đức cha nói: “Máu vô tội của các linh mục tốt lành một lần nữa thắm gội mảnh đất El Salvador, cũng bằng giờ hàng năm là dịp kỷ niệm 40 năm ngày tử đạo của Thánh Óscar Arnulfo Romero, ông Cosme Spessotto và bốn nữ tu bị bắn ở Bắc Mỹ. “Một lần nữa, Giáo phận của chúng ta lại chứng kiến máu vô tội của một mục tử tốt lành tận tụy với đàn chiên bị tuôn đổ!”

Đức cha Avelar cám ơn các bác sĩ pháp y và Bộ trưởng Tư pháp đã và đang quyết tâm thực hiện một cuộc điều tra tội phạm về cái chết của Cha Cortez.

Tang lễ

Thi hài của Cha Cortez được đưa về Nhà thờ Zacatecoluca vào lúc nửa đêm, Đức cha Avelar đã thân mời “Hội đồng Giám mục, các giáo sĩ trong Giáo phận, các giáo sĩ và tu sĩ khắp nơi” về tham dự Thánh lễ an táng được cử hành lúc 10 giờ sáng thứ Bảy (8/8/2020) theo giờ địa phương. Cha ấy sẽ được chôn cất vào lúc 11 giờ Chúa nhật (9/8/2020) với sự hiện diện của các thành viên của gia đình và thân thuộc của cha.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lược Sử Các Giáo Phận Việt Nam : Giáo Phận Bà Rịa
GP Bà Riạ
08:51 08/08/2020
LTS: Nhằm mục đích giúp độc giả hiểu thêm về lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ViệtCatholic, trong mục Khảo Cứu, sẽ lần lượt trích đăng lược sử 26 giáo phận Việt Nam.. Kinh mong quý độc giả theo dõi.

A. Lược Sử Giáo Phận Bà Rịa

1. Ðịa Danh Bà Rịa

Bà Rịa xa xưa là đất Chiêm Thành gồm cả một vùng rộng lớn từ Biên Hòa đến Bình Thuận. Năm 650 – 655, vùng này bị Thủy Chân Lạp thôn tính và đặt tên là nước Lịa, Lục Ðịa Thiết; về sau người địa phương đọc trại ra là Bà Rịa theo thổ âm.

2. Ðịa Hạt Bà Rịa

Linh mục JB. Errard, thuộc Hội Thừa sai Paris, là cha xứ Bà Rịa từ năm 1874 đến 1887, đã tường trình về địa hạt Bà Rịa có trước năm 1862. Ðịa hạt này gồm có năm họ đạo: Ðất Ðỏ là họ đạo chính có khoảng 1.100 giáo dân; Thôn bây giờ gọi là họ Long Tân có 500 giáo dân; Dinh bây giờ gọi là Phước Lễ (Bà Rịa) có 400 giáo dân; Thành bây giờ gọi là họ Long Ðiền có 200 giáo dân và Gò Sầm có 100 giáo dân. Như thế, địa hạt Bà Rịa lúc đó chỉ có tổng cộng 2.300 giáo dân.

3. Ðôi dòng tóm lược sự hình thành giáo phận Bà Rịa

Giáo phận Bà Rịa được tách từ giáo phận Xuân Lộc năm 2005, là một trong các giáo phận đàn em, nhưng việc sống Tin Mừng đã phát triển tại đây rất sớm (khoảng năm 1698). Trên 300 năm hình thành và phát triển, nhờ ơn Chúa và sự góp sức chung lòng của các thừa sai: dòng Tên, Hội Thừa Sai Paris, thừa sai thuộc Thánh Bộ, dòng Phanxicô, các linh mục, tu sĩ và giáo dân vùng Vũng Tàu – Bà Rịa đã viết nên trang sử của mình và góp phần vào trang sử Giáo hội Việt Nam.

Từ sắc chỉ cấm đạo của nhà Nguyễn năm 1630-1665, và cuộc khai phá đất Phương Nam (1698), các Kitô hữu đến vùng đất Bar-Ya hay Ba-ria (Bà Rịa), Dou-nai (Ðồng Nai), Ben-go (Bến Gỗ), Dat-do (Ðất Ðỏ)… để yên bề sinh sống và giữ đạo. Họ được các thừa sai dòng Tên đi theo phục vụ. Năm 1670, ở Xích Lam (Ðất Ðỏ), gần Bà Rịa đã có gần 300 gia đình Công Giáo. Năm 1692, Ðức cha F. Pérez kinh lý các họ đạo tại vùng Bến Gỗ. Theo Ðức cha M. Labbé, năm 1670, “miền Ðồng Nai có ít nhất trên 2.000 giáo dân”. Sự việc các cha dòng Tên ở Ðồng Nai, được cha Juan Antonio nhắc tới từ năm 1700, cụ thể năm 1738, cha Johann Grueber phục vụ 8.000 giáo hữu. Ngày 2-7-1740, Ðức cha E.F. de la Baume (khâm sai Tòa Thánh) ra nghị định phân chia địa sở cho các thừa sai hoạt động, trong đó Ðồng Nai được trao cho các cha dòng Tên coi sóc (trừ Bến Gỗ thuộc Hội Thừa Sai Paris). Theo cha Adrien Launay, năm 1747, vùng Ðồng Nai có số giáo hữu như: Ben-go (Bến Gỗ) 200 giáo hữu thuộc Hội Thừa Sai Paris. Các cha dòng Tên coi sóc: R. Dou-nai (Ðồng Nai) 400, Ben-go (Bến Gỗ) 250, Da-lua 500, Ke-tat 70, Dou-mon 40, R. Moxoai (Mô Xoài) 400, Ba-ria (Bà Rịa) 140, Nui-nua (Núi Nứa) 50 và Ðất Ðỏ 380.

Năm 1844, giáo phận Ðàng Trong được chia thành hai: Ðông Ðàng Trong (Quy Nhơn) và Tây Ðàng Trong (Saigòn). Tây Ðàng Trong gồm 6 tỉnh Nam Kỳ, xứ Cao Miên (Khơ Me) và các tỉnh phía Nam Ai Lao. Vùng đất Bà Rịa, Vũng Tàu, có đông giáo hữu thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong do Ðức cha D. Lefèbvre Ngãi coi sóc.

Năm 1850, Tòa Thánh tách trọn phần đất Khơ Me để thành lập giáo phận mới gọi là Nam Vang, trao cho Ðức cha J.C. Miche Mịch coi sóc. Từ ngày phân chia giáo phận đến hết năm 1862, các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc giáo phận Bà Rịa ngày nay đã phải gánh chịu cơn bách hại cách tàn khốc. Ngoài các bản án được triều đình phê chuẩn cụ thể như vụ thiêu sinh 4 ngục: ngục Dinh (Phước Lễ), ngục Thơm (Long Kiên), ngục Thành (Long Ðiền) và ngục Ðất Ðỏ (Phước Thọ) gồm 700 người. Ðêm 7-1-1862), nhà cầm quyền cho đốt bốn ngục thiêu sinh 444 giáo hữu thuộc 5 họ lẻ: Ðất Ðỏ, Thơm, Dinh, Thành, Gò Sâm (Thạnh Mỹ) hạt Bà Rịa, các vị tử đạo được thừa sai Croc Hòa và cha Trí mai táng trong ba ngôi mộ thập thể ngày 8-1-1862.

Năm 1924, giáo phận Tây Ðàng Trong được đổi tên thành giáo phận Sàigòn. Năm 1954, gần 800.000 người Công Giáo từ Bắc Việt di cư vào Nam và ở rải rác khắp các tỉnh từ miền Trung trở vào, một số rất đông đã tụ về miền Xuân Lộc, Bà Rịa, Vũng Tàu tạo nên các xứ đạo mới như Hố Nai, Gia Kiệm, Phương Lâm, Vũng Tàu… Năm 1960, Tòa Thánh chia giáo phận Saigòn thành 3 giáo phận: một giữ tên cũ giáo phận Saigòn, giáo phận Ðà Lạt và giáo phận Mỹ Tho. Vùng đất giáo phận Xuân Lộc thuộc giáo phận Saigòn.

Ngày 14-10-1965, Ðức Phaolô VI ban sắc chỉ tách giáo phận Saigòn thành 3 giáo phận: giáo phận Saigòn vẫn giữ tên cũ, giáo phận Phú Cường và giáo phận Xuân Lộc. Giáo phận Xuân Lộc gồm 3 tỉnh: Long Khánh, Biên Hòa và Phước Tuy (Bà Rịa). Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức cha Giuse Lê Văn Ấn làm giám mục tiên khởi. Khi thành lập, giáo phận Xuân Lộc gồm: 164.144 giáo dân trong tổng số dân 521.595 người với 133 giáo xứ, 135 linh mục triều, 19 linh mục dòng, 50 tu sĩ (La San, Gioan Thiên Chúa, Xitô, Ða Minh), 200 nữ tu (Thánh Phaolô, Mến Thánh Giá, Ða Minh). Năm 1974, có 374.560 giáo hữu trên tổng số 1.048.164 dân cư với 155 giáo xứ, 218 linh mục triều, 25 linh mục dòng, 97 đại chủng sinh, 215 tiểu chủng sinh, 109 tu sĩ, 949 nữ tu, 168 trường trung – tiểu học.

Ðức cha Giuse Lê Văn Ấn đã mở mang giáo phận Xuân Lộc về mọi phương diện. Ngài đã xây dựng những cơ sở cần thiết cho giáo phận như tòa Giám mục Xuân Lộc, chủng viện, Trung Tâm Hành Hương Ðức Mẹ Bãi Dâu. Ngày 17-6-1974, ngài đã qua đời sau một cơn bạo bệnh.

Ðức cha Ða Minh Nguyễn Văn Lãng được Tòa Thánh chỉ định làm Giám mục Chính Tòa Giáo phận Xuân Lộc ngày 11-8-1974. Từ giữa năm 1975, tình hình chính trị Việt Nam thay đổi, Ðức cha Ða Minh đã sáng suốt lèo lái con thuyền giáo phận Xuân Lộc trong những khó khăn thử thách lớn lao.

Vì nhu cầu mục vụ của giáo phận Xuân Lộc ngày càng tăng, Ðức cha Ða Minh, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, đã làm lễ tấn phong giám mục cho cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật và đặt ngài làm Giám Mục phó Giáo phận Xuân Lộc ngày 16-7-1975.

Ngày 22-2-1988, Ðức cha Ða Minh Nguyễn Văn Lãng đột ngột qua đời, Ðức cha Nguyễn Minh Nhật lên làm giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc trong thời kỳ đất nước đang đổi mới. Ngài đã tích cực xây dựng giáo phận, nhất là thúc đẩy phong trào học hỏi giáo lý trong toàn giáo phận, đào tạo Hội Ðồng Giáo Xứ và đặc biệt đào tạo các ơn gọi linh mục.

Năm 1992, cha Tôma Nguyễn Văn Trâm được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Xuân Lộc. Ngài được tấn phong ngày 7-5-1992.

Ngày 30-9-2004, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Ða Minh Nguyễn Chu Trinh làm giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc. Ngày 11-11-2004, lễ tấn phong giám mục được tổ chức tại nhà thờ Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc, cũng ngày này Ðức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chính thức nghỉ hưu.

Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã thiết lập Tân Giáo Phận Bà Rịa, tách ra từ Giáo phận Xuân Lộc, thuộc Giáo Tỉnh Sài Gòn, vừa đồng thời bổ nhiệm Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, làm Giám mục Chính toà tiên khởi của tân Giáo phận Bà Rịa. Nhà thờ giáo xứ Bà Rịa, được dâng kính hai thánh tông đồ Giacôbê và Philipphê, trở thành Nhà Thờ Chánh Toà.

Giáo phận Bà Rịa nằm trọn trong địa giới hành chính của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 1.975 km2, dân cư 1.027.226 người, trong đó, số tín hữu Công Giáo chiếm khoảng 24, 2% ( thống kê năm 2011). Số linh mục giáo phận là 106; số linh mục dòng: 58, nam tu: 215, nữ tu: 568, chủng sinh: 50 và tu sinh: 102 ( thống kê tháng 01 năm 2013 ).

4. Ký Ức Hào Hùng của Giáo phận Bà Rịa

Khi quân đội Pháp, năm 1861, thôn tính Sài Gòn – Gia Ðịnh và sẵn sàng tấn công Vũng Tàu Bà Rịa, quan quân triều Nguyễn đã bắt giam các tín hữu cư ngụ tại địa hạt Bà Rịa vào bốn trại giam:

a. Trại giam chính ở Bà Rịa giam cầm 300 đàn ông. Ngày nay còn di tích là Nhà Mồ các vị tử đạo Bà Rịa.

b. Trại giam thứ hai ở Long Ðiền, giam cầm 135 người. Còn vết tích là cây Thánh giá ở đất thánh họ Long Ðiền bây giờ.

c. Trại giam thứ ba ở họ Long Tân giam cầm 140 người.

d. Trại giam thứ tư là ở Ðất Ðỏ giam cầm 125 phụ nữ và trẻ em. Bây giờ còn mộ bia tại công viên Ðất Ðỏ.

Ngày 07 tháng 01 năm 1862, từ Vũng Tàu quân đội Pháp tiến công về Bà Rịa, quan quân triều Nguyễn trước khi rút lui đã thiêu sống các tín hữu ở cả bốn trại giam trên. Tổng số giáo dân bị chết thiêu là 444 người gồm có 288 đàn ông và 156 phụ nữ và trẻ em. Linh mục JB. Errard đã ghi bia đá danh sách 300 người và an táng chung tại huyệt mộ Bà Rịa. Ngôi Nhà thờ Mồ các vị tử đạo Bà Rịa vẫn tồn tại với năm tháng nơi quê hương này và đã trở thành chứng tích hào hùng của các chiến sĩ đức tin lấy máu mình làm nảy sinh các tín hữu, lấy mạng sống mình để vun đắp sự sống cho con cháu, là đức tin sống động đang lưu thông trong huyết quản từng tín hữu Bà Rịa hôm qua, hôm nay và mãi về sau.

B. Ðịa Lý

1. Ranh giới:

Giáo Phận Bà Rịa nằm trọn trong địa giới hành chính của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với diện tích 1.975 km2. Phía Ðông giáp giáo phận Phan Thiết. Phía Tây giáp giáo phận Saigòn. Phía Nam giáp Biển Ðông. Phía Bắc giáp giáo phận Xuân Lộc.

2. Sông Núi:

Thành phố Bà Rịa, tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm núi thấp và đồng bằng nhỏ ở ven biển. Như núi Dinh 125m; núi Lé 265m… Trong tỉnh có sông Cỏ Chi, sông Ray, sông Cá…

Thành phố Vũng Tàu là một thành phố du lịch và dầu khí, có 4 ngọn núi chính là núi Hòn Sụp cao 250m, núi Tương Kỳ 249m, núi Vũng Mây 240m và núi Tao Phùng 170m.

Sông lớn nhất là sông Dinh dài 11km, rạch Cây Khế dài 6km; rạch Bà dài 8km.

GP. Bà Rịa
 
Nước Belarus có 3 bà Trưng Triệu để chống lại nhà độc tài cuối cùng của châu Âu?
Trần Mạnh Trác
17:17 08/08/2020
(Tổng hợp) Bắt đầu Chuá nhật này, cuộc bầu cử tổng thống (2 ngày) cuả nước Belarus sẽ đến hồi kết thúc và cũng giống như 26 năm qua, kết quả chiến thắng thì không bao giờ có ai nghi ngờ cả, đó là vị đương kim tổng thống Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo độc tài đã cai trị một đất nước thuộc Liên Xô cũ từ năm 1994.

Nhưng buổi lễ đăng quang vẫn thường được kiểm soát suông sẻ những lần trước đây, ông Lukashenko, được gọi là "nhà độc tài cuối cùng của châu Âu", lần này phải đối mặt với một thách thức chưa từng có trong triều đại cuả ông.

Trước cuộc bầu cử, Belarus đã chứng kiến nhiều tuần biểu tình vì sự bất mãn về việc Lukashenko xử lý đại dịch coronavirus. Hàng chục nghàn người tham gia biểu tình ôn hòa ở thủ đô Minsk, và hàng nghìn người khác ở các thành phố nhỏ khắp đất nước. Cuộc biểu tình ở Minsk tháng trước là cuộc biểu tình lớn nhất ở Belarus kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Không chỉ phải đối mặt với sự bất mãn của dân chúng mà thôi, Lukashenko còn phải đối mặt với những bất bình lớn hơn trong giới lãnh đạo cao cấp của Belarus và đáng kể nhất là với nhà tài trợ chính của Belarus, là nước Nga.

Theo ông Alexander Feduta, từng là trợ lý chiến dịch tranh cử của Lukashenko vào những năm 1990 và nay là một nhà phân tích chính trị, nói: "Cho đến nay chưa từng có gì nghiêm trọng có thể đe dọa quyền lực của ông ấy. Nhưng bây giờ là lần đầu tiên, ông ấy có thể làm mất nó".

Các cuộc chống đối đã đoàn kết xung quanh ba người phụ nữ, đang cố gắng truất phế Lukashenko ra khỏi chức vụ. Đứng đầu là bà Svetlana Tikhanovskaya, một cựu giáo viên, mà cách đây vài tuần chỉ là một bà nội trợ ở nhà.

Bà Tikhanovskaya đã miễn cưỡng gánh vác vai trò này sau khi chồng cuả bà, ông Sergey Tikhanovsky, một blogger nổi tiếng, bị bỏ tù và không được ghi tên tranh cử.

Người quan trọng kế tiếp đang hậu thuẫn bà Tikhanovskaya là bà Veronika Tsepkalo, mà cả gia đình, ông chồng Valery Tsepkalo và các con, đã phải đào tẩu khỏi Belarus sau khi bị cấm tham gia bầu cử.

Người phụ nữ thứ ba, bà Maria Kolesnikova, là trợ lý cho chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên nổi tiếng là ông Viktor Babariko, một cựu nhân viên ngân hàng, đã bị bỏ tù ngay trước cuộc bầu cử với cáo buộc gian lận.

"Sự thúc đẩy cuả tôi là vì tình yêu, tình yêu cho chồng", bà Tikhanovskaya nói với ABC News trong một cuộc phỏng vấn ở Minsk hôm thứ Tư.

"Vào lúc đó, tôi thấy có rất nhiều người ủng hộ anh ấy và rất nhiều người muốn có sự thay đổi, họ đang mệt mỏi và tôi cảm thấy có trách nhiệm với tất cả những người này, " bà nói.

Chủ trương của bà Tikhanovskaya thì rất đơn giản: giải phóng các tù nhân chính trị và sau đó tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng mới trong vòng sáu tháng. Bà ấy cho biết bà không muốn tiếp tục làm chính trị một khi Lukashenko từ chức.

Ba người phụ nữ bản lĩnh này đang tận dụng làn sóng bất mãn, là sự tức giận về một nền kinh tế yếu kém dưới thời Lukashenko và một cú sốc khi Lukashenko tỏ vẻ khinh thường đại dịch coronavirus.

Lukashenko chế giễu đại dịch là cơn cuồng loạn toàn cầu và từ chối áp dụng các biện pháp kiểm dịch quan trọng ở Belarus, bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới. Ông ta đưa ra một số liệu thống kê về tử vong ở một mức thấp đáng ngờ, ngay cả khi số liệu chính thức cho thấy có ít nhất 68.000 trường hợp ở Belarus.

Không đặt kỳ vọng gì ở chính quyền được, người dân Belarus đã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa riêng, như giữ con cái nghỉ học ở nhà và thành lập các nhóm tình nguyện để cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Ông Yaroslav Romanchuk, một nhà kinh tế học và từng là ứng cử viên chống lại Lukashenko năm 2010 cho biết phản ứng của chính quyền khiến ông nhớ lại phản ứng của Liên Xô trước thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

"Đó là sự cẩu thả, ngu ngốc và kiêu ngạo cùng một lúc. Và đó là điều khiến mọi người vô cùng tức giận", Romanchuk nói. "Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu của các cuộc biểu tình lớn là khi các bậc cha mẹ, như tôi, không cho con mình đi học vì coronavirus."

Lukashenko đã đáp trả các cuộc chống đối bằng cách đưa ra những lời nhạo báng phụ nữ và vu cáo họ phục vụ cho các thế lực nước ngoài, mà ông cáo buộc là tìm kiếm một cuộc cách mạng giống như ở Ukraine vào năm 2014. Ông không chỉ đả kích các nước phương Tây mà thôi, ông còn đả kích một cách trực tiếp hơn ngay cả Moscow.

Tuần trước, lực lượng an ninh Belarus cho biết họ đã bắt giam 33 lính đánh thuê người Nga tại một khu nghỉ dưỡng ở gần Minsk. Họ cho rằng đám đánh thuê này được cử đến để gây bất ổn bầu cử. Truyền hình nhà nước Belarus đã phát sóng đám bị bắt giữ này và cho là một đám thuộc hạ cuả Wagner, là một nhà thầu quân sự tư nhân có liên hệ với điện Kremlin, từng được triển khai ở Syria và ở các điểm nóng khác trên thế giới.

Một số nhà phân tích đã từng nghi ngờ rằng đây chỉ là một màn kịch cuả Lukashenko trước cuộc bầu cử. Nhưng mà trong số những tên bị bắt có một số tên mà trước đây đã được các phóng viên biết đến là đã chiến đấu ở đông Ukraine, và chính phủ Ukraine cũng đã bày tỏ ý muốn được dẫn độ một số người trong số đó.

Dù sự thực có ra sao, thì vụ việc đã vạch trần sự mâu thuẩn giữa Moscow và Lukashenko, đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây và hiện đặt ra một vấn đề không nhỏ cho Lukashenko.

Nga và Belarus là hai quốc gia có sự hội nhập sâu rộng, nhưng gần đây, Điện Kremlin gây áp lực để buộc Lukashenko chấp nhận một liên minh sâu rộng hơn nữa. Để giải toả áp lực cuả Moscow, Lukashenko đã tìm cách quay sang phương Tây, đặc biệt là khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ mà trong năm nay sẽ khai mạc một toà đại sứ tại Minsk.

Các nhà phân tích cho rằng, điện Kremlin có thể đang tìm cách thay thế Lukashenko bằng một nhân vật khác thân thiện với Nga.

Ông Artyom Schraibman, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow, viết trong tuần này : “Càng ngày thì càng ít có khả năng là Điện Kremlin sẽ hỗ trợ Lukashenko trong những lúc căng thẳng chính trị ở Belarus.”

Giới quan sát quốc tế chưa hề một lần nào coi các cuộc bầu cử ở Belarus là tự do và công bằng. Các nhà phân tích đang đặt câu hỏi là sẽ có bao nhiêu người phản đối một cuộc bỏ phiếu gian lận trắng trợn và liệu Lukashenko có sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình hay không.

Trong những ngày gần đây, Lukashenko đã đi tham quan các căn cứ quân đội, và truyền hình nhà nước đã chiếu cảnh cảnh sát chống bạo động đang diễn tập với các loại vũ khí nặng. D0ống thời chính quyền cũng bắt đầu ngăn chặn các cuộc biểu tình hòa bình do bà TIkhanovskaya dẫn đầu. Hôm thứ Năm, quân lính đã được điều động đến một công viên ở Minsk, là nơi mà chiến dịch của bà TIkhanovskaya thường huy động được hàng chục nghìn người. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã bị giải tán và có bắt giữ.

Bà Tikhanovskaya cho biết nếu có phản đối sau bầu cử, thì bà sẽ tham gia. Bà cho biết nếu bị bắt sau cuộc bỏ phiếu, bà hy vọng sẽ có sự phản đối kịch liệt từ các quốc gia khác.

Những người biểu tình cho biết rằng bầu không khí cảm thấy khác so với những năm trước, phần lớn những nỗi sợ hãi đã biến mất, mặc dù điều đó có thể nhanh chóng thay đổi. Một số nhà quan sát cũng cho biết, một cuộc đàn áp bạo lực có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cho Lukashenko.

Nhà phân tích Romanchuk nói: "Ông ta (Lukashenko) đang mất dần quyền lực, từng bước, từng bước và thậm chí có thể bất ngờ nhanh hơn nếu ông ta sử dụng vũ lực vào các ngày bầu cử 9 và 10 tháng 8 này.”
 
Văn Hóa
Tài năng mệnh yểu
Đinh Quân
18:39 08/08/2020
TÀI NĂNG MỆNH YỂU

-Dụng tài chưa trọn vẹn,

Sự nghiệp bỏ dở dang,

Tài năng thường mệnh yểu,

Trả lại cho trần gian !


*Vùng tối lan mau. Những cây thập tự trắng nổi bật trong ánh nắng chiều tàn. Con chó trắng vội trốn qua hàng rào nghĩa trang khi thấy có người đến…

Nó đứng lặng trước mộ đứa em không thốt lên lời. Vai nó rung chuyển như lòng đất đang chuyển động dưới chân. Tiếng thằng bạn trầm và nhỏ dần như lời kinh xám hối. Hàng chữ trắng nổi dưới tấm hình: Đinh…23 tuổi và tên người yêu của nó trên tấm khăn tang vòng quanh cây Thập tự, bên dưới là bó hoa đã héo tàn. Nó nhìn mãi cho đến khi những dòng chữ mờ dần trong bóng đêm và ngấn lệ.

-Thằng mệnh yểu quá ! Sự nghiệp mới bắt đầu nhúm lên !

Tiếng than của người bạn thân khiến nó lịm vào trong vùng suy tư quá vãng.

Chiến tranh trên Quê hương đã khóet sâu đau thương tận đáy lòng, làm nó chợt nhớ đến câu thơ của Hữu Loan trong bài Màu hoa xim tím: ‘Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người em ở hậu phương’. (*)

*Con đường nhỏ xóm đạo chạy dài hai bờ sông, gió đồng thổi vuốt ve, ánh trăng soi loãng một vùng vắng lạnh, ếch nhái hòa ca. Tháp giáo đường vút nhọn trời cao mời gọi thế trần. Ánh đèn của người đi bẳt ếch lập lòe càng tăng vẻ buồn cô quạnh. Hai anh em đi bên nhau tâm tình rộng mở:

-Bao giờ anh vào Thủ Đức?

-Chắc khóa tới rồi.

-Anh có ý định xin đi ngành gì không?

-Ngành gì? Tao sẽ tình nguyện sang Lực Lượng Đặc biệt.

Thấy em im lặng, biết nó lo cho mình nhưng không có quyền phản đối.

-Còn mày sẽ làm gì khi tao vào lính?

-Còn vài năm nữa trước khi vào quân đội, em sẽ thi Sư phạm hay Quốc gia âm nhạc.

-Mày chưa cần vội như tao. Phải tiến thêm chút nữa ! Không phải xướng ca là vô loại, nhưng trên đất nước này nghệ sĩ thì nghèo lắm, nghèo cho tới khi chết. Mày đọc Sans Famille của Hector Malot chưa?

Cảnh sống khổ cực của ông già và thằng con nuôi với con khỉ thật là thương tâm. Buổi trình diễn dưới làn mưa tuyết, khán giả duy nhất chỉ có hai vợ chồng già vô tình đi qua dừng lại ít phút nghỉ chân. Hai ông cháu thay nhau thổi kèn kéo đàn và con khỉ nhảy múa cho đến khi đói lả mà cũng không kiếm được tiền cho bữa ăn đêm. Vì thế tao thà thấy mày trở thành ông giáo làng còn hơn một nghệ sĩ lang thang suốt đời. Hay mày muốn trở thành Dũng như trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, để rồi mỗi độ xuân về nghe tiếng pháo nổ mà tâm hồn cô quạnh nhớ đến gia đình xa cách. Tao nghĩ mày đi dạy học vẫn có thì giờ để vui văn nghệ. Tao đã sống qua bao mùa xuân với những đêm dài trằn trọc và mai ngày trên đường binh nghiệp chắc cũng như thế. À từ ngày bỏ quê hương đã mười mấy xuân qua rồi thế nhỉ ! Ôi những mùa xuân nghe tiếng súng nhiều hơn tiếng pháo ! Quê hương Miền Bắc giờ ra sao dưới gông cùm Cộng Sản? Còn thảm lúa vàng trải rộng trên cánh đồng khi mùa lúa chin, còn cánh diều vi vu uốn lượn trên bầu trời xanh, còn tiếng chuông giáo đường mời gọi 2 anh em mình theo mẹ đến buổi kinh chiều… Nhớ bao kỷ niệm thân thương không thể phai mờ !

Bỗng thằng em nhẹ nhàng cắt ngang dòng suy tư:

-Vậy anh có chia sẻ ý kiến với chị không?

-Đã lâu rồi anh tự mình quyết định cho cuộc sống em ạ !

Vầng trăng lên cao, trời đã về khuya, anh em lặng lẽ trở về với bao ý nghĩ trào dâng…

*Cha mẹ sớm mất khi đứa em út chưa tròn 8 tuổi.

Người chị cả lập gia đình năm 18. Chị kế 16 tuổi theo các bà bạn của mẹ buôn bán ngược xuôi gánh vác gia đình khi 3 em còn nhỏ.

Hoàn cảnh nghèo khổ nên đứa em út khôn lanh trước tuổi. Năm 1954 chia đôi Đất nước chị em lại vỡ đàn tan nghé. Tôi được một Linh mục nuôi dưỡng cho theo con tàu Pháp quốc đưa các Linh mục Tu sĩ xuôi Nam.

Đứa em 8 tuổi tách rời 2 chị len lỏi theo dòng người xứ đạo vào Nam và gần năm sau chị em lại đoàn tụ cùng chị cả nơi trại gia binh, vì chồng chị theo quân đội vào để ủng hộ Thủ tướng Ngô đình Diệm mới từ nước ngoài về chấp chánh…

Mấy năm sau tôi được giới thiệu kèm học thêm buổi chiều cho 4 em một gia đình cha người Pháp mẹ Việt. Tiền kèm trẻ phải tiết kiệm để thuê gác trọ sát mái tôn, mùa hè nóng bức hai anh em phải vào sở thú học. Hai buổi sáng chiều ăn tại quán cơm bình dân hỗ trợ cho sinh viên học sinh nghèo và người lao động, cũng có 3 món canh, kho, xào, còn cơm không giới hạn, nên 2 anh em chỉ ăn chung 1 phần cho đỡ tốn tiền.

Những tháng năm lăn lộn trôi qua, tôi đi dạy học rồi vào quân đội.

Em nghe lời tôi, thi đỗ cả 2 trường Sư phạm và Âm nhạc, nhưng em đã chọn học Sư phạm. Ra trường về dạy nhạc tại một trường Trung học Miền Tây. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nghĩ em sẽ dạy Việt văn, vì khi còn đi học em cũng ham viết lách trong nhóm học sinh do nhà văn Duyên Anh đỡ đầu hướng dẫn. Thằng này thật diệu kế vừa nghe theo lời anh, vừa không bỏ được ham muốn của mình cả Văn và Nhạc.

*Vào một chiều khi ánh nắng chỉ còn vương trên ngọn đồi phía xa, Các Trung đội Biệt Cách Dù chúng tôi được trực thăng thả xuống chung quanh ven rừng, truy tìm dấu vết địch. Qua mấy tiếng lầm lũi băng rừng, rồi vượt qua ngọn đồi phía trước, bỗng tiếng súng nổ vang tứ phía mở đầu cuộc tao ngộ chiến. Chúng tôi đã bị bao vây. Địch tràn lên tấn công biển người cùng tiếng kèn và tiếng hô xung phong. Nghe tiếng súng đáp trả, địch biết chúng tôi ít, nên cố tình bắt sống để khai thác hơn là tiêu diệt.

Chúng tôi cố thủ sau những mô đất, tảng đá và gọi về Bộ chỉ huy xin yểm trợ. Màn đêm đã chụp xuống khu núi rừng. Đoàn trực thăng ầm ầm bay lên tiếp cứu, bắn hỏa châu sáng rực trời đêm, đan vòng đai lửa quanh chân đồi ngăn không cho địch tràn lên. Pháo Việt cộng chung quanh ì ầm rót xuống đồi. Chúng tôi trong một thế kẹp gọng kìm tiến thoái lưỡng nan, phía dưới là địch phía trên đạn pháo.

Suốt một đêm dài cầm cự với tử thần trước mặt. Trời vừa sáng, các Đại đội Biệt Cách Dù và đơn vị bạn đổ quân tiếp ứng, giải vây mở đường máu để chúng tôi thoát ra mang theo chiến sĩ tử thương và bị thương. Trở về đơn vị, quân số đã hao hụt nhiều nên chúng tôi được nghỉ dưỡng sức chờ bổ sung. Tôi nhận được điện tín báo tin chú em bị bệnh đột ngột qua đời. Nhận giấy phép tôi vội vã theo chuyến bay đêm về Sài gòn.

Đứng trược mộ, nhìn ảnh đứa em thân thương trẻ trung tràn đầy sức sống, tôi nhỏ lệ nghẹn ngào không thốt lên lời. Xa xa tiếng bom đạn vang vọng như kêu gọi tôi trở về cùng đồng đội.

Về đơn vị chuẩn bị tiếp tục hành quân. Tôi thấy đau buồn nghĩ đến em mới mất và các đồng đội đã hy sinh. Tôi ghi lại chi tiết trận ác chiến vừa qua tựa đề ‘Ngọn đồi tử chiến’ và gởi về dự thi Phóng sự Chiến trường do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị vừa phát động trong toàn quân đội và tôi đã nhận được giải thưởng.

Từ bãi xuất quân chuẩn bị xâm nhập, một chiếc trực thăng tiếp tế đem theo công điện kêu tôi về trình diện Bộ Tư Lệnh để nhận nhiệm vụ mới.

Bước lên trực thăng tôi giơ tay vẫy chào tạm biệt đồng đội đã hơn một năm vui buồn sống chết

bên nhau…

Nếu em tôi còn sống nó cũng an tâm phần nào khi thấy tôi đỡ nguy hiểm hơn và anh em lại có nhiều dịp gần gũi chia sẻ vui buồn. Than ôi phải chăng là số mệnh an bài !

*Đời tôi gặp nhiều phân ly chia cắt.

Tôi không được gặp mặt cha mẹ và chị em lần cuối để nói đôi lời vĩnh biệt.

Giờ đây chỉ còn lại một mình phiêu bạt nơi đất khách quê người.

Khi nghèo khổ quây quần bên nhau đùm bọc yêu thương.

Khi no đủ lại chia lìa tiếc thương.

Nhân sinh trôi nổi bồng bềnh,

Giai nhân tài tử mỏng manh cuộc đời !

Rồi một ngày mới đây con chị hai qua Mỹ thăm con và ghé thăm tôi ít ngày. Cháu trao tôi một kỷ vật mà chị giữ mãi trong ví hơn 50 năm cho đến khi qua đời. Đó là bài tôi viết sau khi em mất, đăng trong Nguyệt san Bốn Phương Lực Lượng Đặc Biệt, lúc tôi đang phụ trách tờ báo Binh chủng.

Tôi đã từng cảm động nhận qua email của một học trò xưa với những dòng lưu bút tôi viết cho em trước khi vào quân đội mà em còn trân quí giữ lại hơn nửa thế kỷ.

Nhưng tôi rất xúc động cầm trang giấy đã vàng úa, chữ in đã mờ nhạt, vì đây chính là kỷ niệm về người em thân thương và người chị quí mến mà tôi coi như bà mẹ thứ hai.

Kỷ niệm gọi về dâng đầy tâm hồn khiến tôi ghi lại những dòng viết này.

Thôi em ạ ! Hãy nghỉ yên nhé !

Rồi sẽ có một ngày anh em mình lại đoàn tụ bên cha mẹ và các chị nơi cõi Vĩnh Hằng không còn khổ đau chia lìa.

“ Requiem aeternam dona eis, Domine!

Et lux perpetua luceat eis.”

( Lạy Chúa ! xin cho linh hồn được nghỉ yên muôn đời,

Và được hưởng ánh sáng ngàn thu. ) (*)

Đinh Quân

(*) Trích đoạn mở đầu Thánh ca Cầu Hồn REQUIEM của nhạc sư Mozart. -- Nguyên văn 2 câu thơ của Hữu Loan: ‘Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người ‘gái nhỏ’ hậu phương
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Đường TìnhTa Đi
Dominic Đức Nguyễn
20:39 08/08/2020
CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Con đường tình đẹp ta đi
Cỏ non cây lá thầm thì tình ca.
(bt)
 
VietCatholic TV
Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp gọi điện thoại cho các phụ nữ muốn làm Giám Mục và linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:01 08/08/2020


1. Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp gọi điện thoại cho các phụ nữ muốn làm Giám Mục và linh mục

Nhà thần học Anne Soupa, 73 tuổi, là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của Pháp chuyên đấu tranh để đòi hỏi các vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo. Như chúng tôi đã đưa tin, hôm 25 tháng 5, trong một cử chỉ khiêu khích, bà Anne đã gửi một lá thư đến Sứ thần Tòa Thánh ở Paris nói rằng bà muốn được làm Tổng Giám Mục lãnh đạo tổng giáo phận Lyon, là một tổng giáo phận đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội.

Bên cạnh lá thư xin việc rất chi tiết, bà còn đính kèm một sơ yếu lý lịch của mình.

Soupa là người đồng sáng lập tổ chức “Hội Nghị Những Người Nói Tiếng Pháp Đã Được Rửa Tội”, gọi tắt là CCBF.

Sau khi tin Soupa gửi đơn xin làm Tổng Giám Mục Lyon được công bố, 7 phụ nữ khác cũng bắt chước bà nộp đơn xin làm linh mục, tạo thành một liên minh gọi là Toutes Apôtres, nghĩa là “Tất cả đều là các Tông Đồ”. Trong tuyên cáo thành lập tổ chức này, họ nói rằng hội của họ được thành lập để thúc đẩy bình đẳng trong Giáo Hội đối với tất cả những ai đã được rửa tội không phân biệt giới tính, tình trạng hôn nhân, và định hướng nghề nghiệp.

Hôm 27 tháng 7 vừa qua, bảy người phụ nữ này đã đồng loạt nộp đơn xin làm linh mục tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Paris.

Mỗi người phụ nữ trong số 7 người này đã viết một lá thư xin việc, một lời giải thích về quan điểm của họ đối với chức tư tế và một bản lý lịch.

Đầu năm nay, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, trước đây là quan sát viên của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, đã được cử làm Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp từ ngày 11 tháng Giêng.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 31 tháng 7, Toutes Apôtres đã thông báo rằng bốn trong số bảy người phụ nữ đã gửi đơn vào hôm 27 tháng 7 đã nhận được một cú điện thoại từ thư ký của Đức Tổng Giám Mục Migliore, đề nghị một cuộc gặp gỡ trực tiếp với ngài vào tháng 9, vì hiện nay ngài đang nghỉ hè.

Ba phụ nữ khác không được gọi vì đã không ghi số điện thoại của họ trong đơn xin làm linh mục và cũng chẳng có địa chỉ liên lạc.

Trong tuyên bố của họ, Toutes Apôtres cho biết lời đề nghị một cuộc gặp gỡ như thế cho thấy vị tân Sứ thần Tòa Thánh “sẵn sàng đối thoại” nhưng nhấn mạnh rằng gặp chung một lượt 7 người thì họ đồng ý gặp, gặp riêng từng người thì họ sẽ không gặp.


Source:Crux
Papal envoy to meet women who ‘applied’ to be priests, bishops

2. Các nhà thờ Công Giáo ở thủ đô Manila lại bị đóng cửa lần thứ hai

Một Chỉ thị Mục vụ của Tổng giáo phận Manila đã chỉ đạo cho các nhà thờ đình chỉ các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự từ ngày 3 đến 14 tháng 8.

Trước đó, Tổng giáo phận Manila cho biết Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Quản Tông Tòa của Tổng giáo phận, đã thử nghiệm dương tính với COVID-19. Ngài là nhà lãnh đạo hàng đầu tại Phi Luật Tân mắc phải căn bệnh quái ác này.

Tổng giáo phận lưu ý rằng hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân được mời gọi sử dụng thời gian này “để đánh giá phản ứng Giáo Hội của chúng ta trước đại dịch kinh hoàng này và xem làm thế nào chúng ta có thể cải thiện các phản ứng ấy.”

Tổng giáo phận cho biết người Công Giáo chia sẻ “lòng từ bi của các nhân viên y tế trên tuyến đầu dành cho các bệnh nhân được đưa đến các bệnh viện của chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến sự phục vụ tận tình của họ dành cho những người đến với họ. Nhiều người trong số các nhân viên y tế này mệt mỏi và thậm chí nản lòng trước trách nhiệm nặng nề của mình. Vì vậy, chúng ta hỗ trợ thỉnh cầu của họ có được một thời gian nghỉ ngơi và tiếp tục cầu nguyện cho họ”.

Các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Phi Luật Tân đã tăng lên hơn 5, 000 người mỗi ngày. Virus đã cướp đi hơn 2, 000 mạng sống và nhiều bệnh viện ở thủ đô Manila sắp hết công suất.

Liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Đức Cha Giám Quản Tông Tòa, trong một lá thư gửi các linh mục và tu sĩ trong tổng giáo phận Manila, Đức Cha viết: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định, ” Đức Cha viết như trên khi trích dẫn thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Rôma, và nhấn mạnh rằng “Trong bất cứ điều gì xảy ra, tình yêu của Chúa luôn luôn ở bên chúng ta.”

“Tôi biết tôi sẽ vượt qua được thứ virus này, vì vậy xin đừng lo lắng cho tôi, mặc dù tôi biết ơn những lời cầu nguyện của anh chị em. Tạ ơn Chúa, tôi vẫn là con người bình thường của tôi nên các cuộc họp trực tuyến theo lịch trình mà chúng ta đã thiết lập sẽ được tiếp tục.”


Source:Manila Times
 
Tổng thống Trump cấm TikTok. Tại sao? Tai họa khôn lường cho an ninh cá nhân và các quốc gia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:44 08/08/2020


Hôm thứ Sáu 7 tháng 8, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Carrie Lam, lãnh đạo chính quyền Hương Cảng, cũng như các quan chức khác ở Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm ứng dụng nổi tiếng TikTok. TikTok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, là công ty ByteDance. Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cấm bất kỳ giao dịch nào giữa các công ty Mỹ và ByteDance.

Tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo (The Epoch Times - 大纪元时报) của Pháp Luân Công lên tiếng hoan nghênh quyết định này. Theo tờ báo này, quyết định của Tổng thống Trump là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.

Theo tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, tại trụ sở chính ở Bắc Kinh của công ty ByteDance hơn 130 nhân viên làm việc ở đây là các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt là CCP. Nhiều đảng viên làm việc ở các vị trí quản lý.

Con số đông đảo các thành viên của CCP trong ban quản lý ByteDance chứng tỏ mối quan hệ của công ty này với chế độ Trung Quốc, và điều đó đã làm dấy lên lo ngại về an ninh đối với TikTok.

Theo luật của bọn cầm quyền Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc bắt buộc phải thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản trong công ty của họ để bảo đảm rằng các chính sách kinh doanh và các nhân viên của họ tuân theo đường lối của Đảng. ByteDance, được thành lập vào tháng 3 năm 2012, đã thành lập Đảng bộ vào tháng 10 năm 2014.

Theo quy định của đảng, thành viên chủ chốt của công ty được bổ nhiệm tại các cuộc họp chi bộ với nhiệm kỳ ít nhất là năm năm.

Cho đến nay, người ta không thể biết chính xác có bao nhiêu đảng viên cộng sản trong số 60, 000 nhân viên của ByteDance tại 60 văn phòng trên toàn cầu. Tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo cho biết họ chỉ mới nắm được một phần danh sách các đảng viên chủ chốt tại trụ sở chính ở Bắc Kinh.

Theo danh sách nội bộ này, tại trụ sở chính, có ít nhất 138 nhân viên - hầu hết ở các vị trí quản lý hoặc kỹ thuật. Họ là các đảng viên trực thuộc thành ủy Bắc Kinh và có một ảnh hưởng rất lớn với công ty. Ít nhất 60 người trong danh sách này đang nắm giữ các chức vụ quản lý.

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trương Nghệ Minh (Zhang Yiming - 张艺明) và các giám đốc điều hành cấp cao khác đã công khai bày tỏ cam kết và ước muốn của công ty là ủng hộ các mục tiêu của đảng cộng sản.

Ông James Carafano, phó Giám Đốc Viện Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quỹ Di sản, cho biết mức độ đảng viên cộng sản có mặt trong ByteDance này là chuyện bình thường trong các công ty Trung Quốc.

Ông Carafano nói với Đại Kỷ Nguyên Thời Báo: “Tất cả các công cụ quyền lực đều gắn liền với Đảng Cộng sản, và bao gồm cả các công cụ quyền lực kinh tế.”

Ông nói rằng ở Trung Quốc, không công ty tư nhân nào mà không dính líu tới CCP và bị nó chi phối, do đó “các công ty này thực sự không thể được đối xử và tin cậy theo cách bạn giao tiếp với các công ty khác trong nền thương mại toàn cầu.”

Ông Carafano nhấn mạnh rằng sự hiện diện của ByteDance ở Hoa Kỳ qua TikTok làm dấy lên lo ngại, vì họ có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Những bảo đảm của TikTok cho rằng nó hoạt động độc lập với ByteDance là “chuyện vớ vẩn”, không thể tin được.

Theo ông Carafano: “Đó là một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Bạn không thể đặt niềm tin nơi cách thức họ thảo chương các nhu liệu. Bạn không tin tưởng được cách thức họ xử lý dữ liệu. Và bạn không thể tin rằng họ hoạt động độc lập không có sự chỉ đạo của cộng sản Trung Quốc.”

Vào ngày 25 tháng 4 năm 2019, ByteDance đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan phụ trách cảnh sát của Bắc Kinh.

Với sự giúp đỡ của ByteDance, công an địa phương thường xuyên bắt giữ và giam giữ những người đăng thông tin bị chính quyền cho là nhạy cảm. Công an Trung Quốc sở hữu hơn 50, 000 tài khoản trên các mạng xã hội, và có hơn 100 triệu người theo dõi.

Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng dữ liệu cá nhân của người Mỹ do TikTok thu thập có thể bị Bắc Kinh truy cập, vì các công ty Trung Quốc luôn bị CCP chi phối.

Tổng thống Donald Trump vào ngày 6 tháng 8 đã ban hành lệnh hành pháp cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với ByteDance và gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent Holdings Ltd. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày.


Source:Epoch Times