Ngày 10-08-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa muốn cứu rỗi mọi người
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
07:01 10/08/2011
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A
+++
A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa không dành riêng ơn cứu độ cho một dân tộc nào, mà muốn dành cho mọi dân tộc không phân biệt mầu da, tiếng nói. Dân Do thái là dân được tuyển chọn, dân riêng của Chúa được chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ, đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu , nhưng họ đã từ chối, lại còn chống đối Ngài.

Người đàn bà Canaan là đại diện cho dân ngoại được đón nhận đức tin, được Chúa ban hồng ân theo lòng tin khiêm tốn và kiên trì của bà. Chính Chúa Giêsu đã phải bỡ ngỡ về lòng tin sắt đá của bà nên đã khen ngợi :”Lòng tin của bà mạnh thật”, và đáp lại lòng tin ấy Chúa Giêsu đã nói :”Bà muốn sao thì được như vậy”.

Chúng ta là những Kitô hữu , ai cũng đã có đức tin nhưng nhiều khi còn non yếu, có khi còn non yếu hơn cả người ngoại. Hãy củng cố đức tin ấy và sẵn sàng đón nhận những thử thách Chúa gửi cho để đức tin của chúng ta mỗi ngày một tăng trưởng dưới sứ hướng dẫn và che chở của Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : Is 56,1.6-7

Tiên tri Isaia đã viết đoạn sách này từ một thế kỷ sau cuộc lưu đầy ở Babylon. Dân Israel được trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ Giêrusalem, và đền thờ trở nên trung tâm của mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Isaia cho biết : Thiên Chúa không những chỉ dành ơn cứu độ cho dân riêng của Ngài là Israel, Ngài còn muốn mở rộng dân này bằng cách nhận tất cả những ai thừa nhận Ngài như là Đức Chúa chân thật và duy nhất, mà hiến thân phục vụ Ngài vì “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

+ Bài đọc 2 : Rm 11,13-15.29-32

Trên bước đường truyền giáo, thánh Phaolô thấy dân Do thái đã được chuẩn bị đón Chúa lại khước từ không nhận Ngài. Tuy thế, Ngài không thất vọng, vì dân ngoại đã có lòng tin mạnh mẽ nên được Thiên Chúa xót thương, để cho dân Do thái, dân đã có đạo từ lâu, thấy mình không được ơn thương xót cứu giúp vì kém lòng tin, nên phải có lòng tin mạnh mẽ mới mong được ơn thương xót của Chúa.

Lòng thương xót của Chúa đối với dân ngoại là một đòn bẩy gián tiếp bẩy dân có đạo noi gương lòng tin mạnh mẽ của dân ngoại, đánh thức lòng tin của dân Chúa để sẽ được Chúa xót thương.


+ Bài Tin mừng : Mt 15,21-28

Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta : Thiên Chúa không phải chỉ dành riêng cho dân Do thái mà còn ban ơn cho cả dân ngoại. Người đàn bà Canaan là một người dân ngoại, đáng lẽ bà không được hưởng hồng ân của Chúa ban vì Đức Giêsu chỉ muốn thi hành sứ mệnh của Ngài với dân Do thái mà thôi, theo lời Ngài đã hứa với họ, nhưng Chúa không ngần ngại nhận lời cầu xin của người dân ngoại này.
Tại sao Chúa ban hồng ân cho bà ấy ? Vì bà đã có đức tin rất khiêm nhường và hoàn toàn trông cậy nên bà ấy đã làm cho Chúa xiêu lòng : Ngài đã nhận lời cầu xin của bà và hứa cho con bà khỏi bị quỉ ám.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lòng tin của bà mạnh thật

Lòng tin mạnh mẽ cần thiết, thế nên lòng tin ấy cần phát sinh tâm tình khiêm hạ, can đảm, kiên trì cũng như niềm hy vọng thật sự thì lòng tin ấy mới có hiệu lực và ích lợi. Người đàn bà Canaan ngày hôm nay, do lòng tin mạnh mẽ, nên bà đã khiêm hạ thực sự, nhìn nhận tất cả những thành kiến của người khác đối với mình, sự khiêm hạ này đã khiến Đức Kitô động lòng như thế nào ?

Bà cũng đã can đảm nói lên ước muốn và kiên trì xin cho được một ân huệ, bất chấp sự thinh lặng hững hờ của Chúa Giêsu, và bà đã không thất vọng vì những câu trả lời của Đức Giêsu đối với các môn đệ. Trái lại, qua những lời bà nghe thấy, bà nắm chắc được tia hy vọng lóe sáng ở đó : Ngài để cho vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống... nhờ niềm hy vọng mà lời cầu xin của bà ta có sức mạnh.

I. NÓI VỀ ĐỨC TIN

1. Tin là gì ?

Đức tin là hạt giống thiên ân. Hạt giống đức tin vun trồng nhờ ơn thánh và sự nỗ lực của từng cá nhân. Tin là đòi hỏi chúng ta chấp nhận những điều vượt trên sự lý giải của lý trí. “Tin là chấp nhận vô điều kiện và bước theo” (ĐHY Nguyễn văn Thuận).

Phân tích chữ TIN.
Chữ TIN bởi chữ TÍN.
Theo Hán học, chữ TÍN gỗm chữ ‘nhân” và chữ “ngôn”, nghĩa là tin vào lời người khác nói.
Tiếng Pháp thì chữ CROIRE , nguyên ngữ của nó nghĩa là ‘dựa vào lời lẽ kẻ khác và chứng kẻ khác mà tin” vì họ không thể sai lầm và không thể đánh lừa ta.

Chữ TIN còn có nghĩa rộng là nhận làm chắc chắn những cái ngũ quan ta không thấy, chỉ nhờ lý luận của ta mà biết có thực. Ví dụ : Tôi thấy có vùng khói trước mặt tôi, tôi tin có lửa sau bức tường che mắt tôi.
Theo SPINOZA và những triết gia khác đã phân tách : tin là việc hoàn toàn tùy thuộc vào lý trí, chúng ta tin vì những lý chứng hiển nhiên đáng cho ta tin. Một ý tưởng hiển nhiên nó thúc bảo chúng ta phải tin, chúng ta không thể phủ nhận không tin được ...

Ông J. Calvet nói :”Dĩ nhiên lòng tin phải dựa vào lý chứng bởi vì một phần nào nó cũng là kiến thức về chân lý, nhưng nó là một hành động tự do của ý chí cho chúng ta tin tưởng gieo mình vào cánh tay của Thiên Chúa, khi ta tới chỗ nào mà khoa học không còn gì cho ta biết nữa” (J. Calvet, Prends et lis dịch bởi Lê thành Trị, Tìm hiểu Duy linh, tr 91-92).

2. Thấy và hiểu mới tin ư ?

Khó hiểu là một chuyện mà phi lý lại là một chuyện khác ! Khó hiểu mà hợp với chân lý thì không sao. Chỉ sợ khó hiểu mà đi ngược với chân lý thôi.
Biết bao điều bí ẩn trong vũ trụ mà ta chưa hiểu hết được, hay nói một cách thông thường, chán chi những sự dễ dàng trước mắt mà ta không hiểu nổi và không hiểu hết.

Trí khôn con người chỉ hiểu biết một mức nào thôi, cũng ví như cậu học sinh không thể hiểu biết được ngang với trình độ giáo sư. Ví dụ : một em bé, học mới trình độ toán cộng, em làm một bài toán : 1+1+1 = 3. Nhưng tôi lại bảo rằng cũng phương pháp làm toán mà ba con số 1 bằng số 1 : 1x1x1 = 1.

Em bé chưa hiểu quy tắc phép nhân nên không hiểu biết được. Vậy thì hỏi em bé này có tin phương pháp làm toán này không ? Ví dụ trên cũng như trăm ngàn ví dụ khác đều chứng minh cho ta thấy rằng : chán chi sự việc trong đời rất tầm thường mà ta không thể hiểu hết được nhưng ta vẫn tin (Sđd, tr 88-89).

Truyện : Hiểu mới tin
Một vị trạng sư tự phụ rêu rao trước mặt đông người rằng : mình chỉ tin cái mình hiểu thôi. Trong đám đông có một thằng nhỏ đã được nghe cha xứ giảng, đứng lên hỏi :
- Thưa ông, nếu vậy ông không tin những gì ông không hiểu ư ?
- Dĩ nhiên thế.
- Thưa ông, vậy xin ông cho cháu biết : tại sao ông cử động được ngón tay ?
- Tại vì ta muốn, chỉ có thế thôi.
- Ông muốn, vậy sao ông không thể cử động được hai tai ?
Vị trạng sư bí lối không biết trả lời thế nào, bèn mắng :
- Thằng nhỏ này mày muốn giảng cho ta phải không ?
Nghe vậy mọi người đều cười.
(Trần công Hoán, Tìm hiểu ít thắc mắc, tr 50)

II. ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN

Người đàn bà Canaan ngoại giáo này có một đức tin đặc biệt đã làm cho Chúa phải xiêu lòng mà ban cho bà được như ý sở nguyện :”Bà muốn thế nào sẽ được như vậy “(Mt 15,28). Như vậy, đức tin của người đàn bà này có nhiều đặc tính, chúng ta cùng tìm hiểu.

1. Đức tin mạnh mẽ

Tại sao một số người co đức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém ? Tại sao một số người thấy đức tin là điều dễ dàng đang khi số khác lại thấy đó là điều khó khăn ? Người đàn bà ngoại giáo này biết mình là người ngoại, không hy vọng được Chúa đoái nghe vì người Do thái không ưa người Canaan, nếu không muốn nói là ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm, khó chịu và muốn xua đuổi của các Tông đồ đối với bà ? Nhưng bà tin rằng thế nào Chúa cũng phải thương bà. Bà có lòng tin như một người ngoại khác là viên bách quan kia :”Thưa Thầy, tôi chẳng đáng Thầy vào nhà tôi, song xin Thầy chỉ phán một lời”(Mt 8,8). Nghe vậy Chúa Giêsu bỡ ngỡ nói với các kẻ theo Ngài :”Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin như thế nơi một người nào trong Israel”(Mt 8,10).

2. Tin và khiêm nhường

Chữ “con cái” thì hiểu về dân Do thái, “chó con” thì hiểu về dân ngoại. Chúa Giêsu dùng cách nói thông thường của người Do thái chứ không có ý mỉa mai. Dùng chữ “chó con” mà không dùng chữ “chó” không. Chó con giống nuôi trong nhà được vỗ về, còn chó hay chạy bậy nơi đường phố có ý nghĩa khinh bỉ. Và chính tiếng “chó con” đã gợi cho bà này một lời thỉnh nguyện đầy khiêm nhường và tin tưởng.

Các Tông đồ đuổi bà đi mà không được, và chính Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói hơi nặng lời :”Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà sụp lạy trước mặt Ngài hơn lũ chó con nằm chực vụn bánh trên bàn chủ rơi xuống, nên không lạ gì bà đã thưa :”Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn những vụn bánh trên bàn rơi xuống”. Thật đáng kinh ngạc ! Không ai trong dân Israel hay dân có đạo nào lại khiêm tốn, hạ mình xuống đến thế trước mặt Ngài.

3. Tin và yêu thương

Người đàn bà Canaan này có đứa con gái bị qủi ám đau khổ lắm. Bà thương con vô cùng mà không biết làm cách nào để cứu chữa con, bà bất lực hoàn toàn trong cảnh huống này. Vì quá thương đứa con gái bị qủi ám nên đã lặn lội đi tìm Đức Giêsu, nài nỉ van xin Ngài, bị các Tông đồ xua đuổi nhiều lần, bị Chúa Giêsu có vẻ hững hờ và còn nói những lời khinh bỉ nữa. Bà vẫn kiên trì, lòng yêu thương con bà giúp bà chịu đựng tất cả. Bà đến với Chúa Giêsu là vì người khác chứ không vì chính bà, bà đã đến vì tình yêu, đã đến với tư cách một người mẹ đầy lòng yêu thương, tin tưởng. Lòng yêu thương của bà đối với đứa con đã làm cho Chúa cảm động và nhận lời cầu khẩn của bà. Còn tình yêu nào cảm động cho bằng câu chuyện dưới đây :

Truyện : Người mẹ Arménia.
Câu truyện này xẩy ra vào tháng 12 năm 1987. Một cơn động đất đã xẩy ra ở Armenia thuộc Liên xô cũ giết chết hàng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 thuổi kêu lên :”Mẹ ơi, con khát quá”. Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo : bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng :”Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống”.

4 .Tin và kiên nhẫn

Người đàn bà này gặp cản trở vì không phải là người Do thái. Bà ấy thuộc về một dân tộc không những là ngoại giáo, nhưng từ lâu còn là thù địch của dân được Chúa tuyển chọn. Thế mà bà đã cứ kêu to nài xin Chúa Giêsu cứu chữa con của bà bị qủi ám.

Bà mẹ người Canaan này là người dân ngoại. Bà biết ít hay không biết gì về Đấng là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên, rõ ràng là bà đã nghe biết phép lạ của Chúa Giêsu, bà kêu lớn tiếng :”Lạy Ngài là con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tóm lại, bà này không tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng bà tin Ngài là một người khác thường và có quyền năng tuyệt vời.

Các môn đệ cứ muốn đuổi bà ấy đi, còn Chúa Giêsu thì thoái thác. Nhưng bà mẹ khôn ngoan và kiên trì này không thất vọng. Bà kêu lớn tiếng :”Lạy Ngài, xin giúp tôi”… Người đàn bà này đến với Chúa không phải chỉ vì Ngài có thể giúp đỡ, nhưng Ngài là nguồn hy vọng duy nhất của bà. Bà đến với niềm hy vọng tha thiết với nhu cầu thúc bách, với quyết tâm không chịu nản lòng. Người đàn bà này có một đức tính tối cần để cho lời cầu nguyện được hữu hiệu, đó là bà có lòng kiên nhẫn và thiết tha vô cùng. Cầu nguyện đối với bà không phải là một nghi thức nhưng là dốc đổ ước vọng nung nấu linh hồn bà, khiến bà cảm biết mình không thể bị từ chối.

III. ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA THẾ NÀO ?

Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội muốn mời gọi chúng ta noi gương bắt chước người ngoại giáo này để có một đức tin chân thành, khiêm tốn và kiên trì trong khi cầu nguyện.

Trong cuộc đời, rất nhiều khi ta bị hay được Thiên Chúa thử thách, nghĩa là Ngài cố tình để ta lâm vào cảnh đau khổ, cùng khốn, khó khăn. Cả cuốn sách về ông Gióp trong Kinh thánh nói lên sự thử thách có thể tới mức rất khủng khiếp của Ngài. Và thái độ của Đức Giêsu đối với người đàn bà Canaan là một thí dụ. Nhưng cuộc thử thách nào cũng phát xuất từ tình thương vô biên của Ngài đối với ta. Vì thử thách tới một mức độ nào đó rất là cần thiết để giúp con người tiến bộ, phát triển đức độ hoặc tài năng. Qua thử thách ta mới được rèn luyện vững vàng, bản lãnh. Và nhờ có thử thách ta mới chứng tỏ được đức tin, đạo đức, tài năng hay bản lĩnh của ta tới mức độ nào.

Kinh thánh nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thử thách rất quan trọng cho con người trong cả đời sống vật chất cũng như tinh thần, nhất là trong đời sống thiêng liêng. Tổ phụ Abraham được gọi là “Pater credentium” (cha của những kẻ tin) vì ông đã chịu một thử thách quá sức tưởng tượng mà ông đã thắng .

Khi nghe tiếng Thiên Chúa phán, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi con trẻ tuổi, chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp : nhưng Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12,4), lại đã lập gia thất (St 11,29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít, lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho Tổ phụ.

Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi : nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Harân, một thị xã miềm Mêsopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Harân đã chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn ? Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến rồi làm ăn có nổi chăng ? Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu của ông Abraham (St 12,2-3) : nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế (St 18,11-12) ?

Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi xuớng một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cơn khói lửa của chiến tranh (St 12,10 và 14,13-14). Abraham đã gỡ mọi dây liên ái để gia nhập đất khách quê người : mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABBRAHAM ĐÃ TIN.

Đức tin bao giờ cũng là một cuộc VĨNH BIỆT, CHIA LY : vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác : trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa
(Nguyễn huy Lịch, báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7).
Trong mọi gian nan thử thách, chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa luôn ở bên chúng ta để nâng dờ, khích lệ mặc dầu chúng ta không trông thấy. Con mắt Ngài hằng theo dõi chúng ta như người mẹ hiền đang tập cho con bước đi. Đứa con cứ tin tưởng bước đi trong vòng tay của mẹ, nếu có ngã thì vòng tay của mẹ đã ôm vào lòng.
Truyện : Chính ba tôi cầm tay lái.
Ông Byron, một thi sĩ Anh, có viết một câu truyện như sau :
Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mông lung. Phía chân trời xa, một chòm mây xám chờn vờn nổi lên. Bầu trời quang đãng không mấy chốc đã bị phủ kín đen đặc. Rồi cơn giống tố ầm ầm phát nổ. Sấm chớp kinh hoàng. Và càng lâu mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách hoảng hồn mất vía kêu la thất thanh, hỗn loạn. Duy có một đứa trẻ cứ ngồi chơi trên cầu tầu, bình tĩnh ngồi nhìn con tầu chòng chành nghiêng ngửa, giữa muôn con sóng dữ tợn gầm gừ đang lao mình tới, như không có việc gì xẩy ra.
Lạ lùng ! Một thủy thủ giương to đôi mắt hỏi :
- Em không sợ chết sao ?
- Sao lại sợ ? Chính ba tôi cầm tay lái con tầu này kia mà.

Chớ chi ta cũng trả lời được như vậy trước mỗi một cơn thử thách, mỗi một bước gập gềnh trên biển dương thế đầy giao động vì chính Cha chúng ta đang cầm lái con tầu trần gian !

Chớ chi ta biết áp dụng vào đời sống lời Chúa đã nói lên trước ngày Thương khó :
“Tôi phải đâu một mình đơn côi ?
“Tôi có Người Cha vạn năng ở bên cạnh”
(Ga 16,32)

Xin Chúa cho mọi người chúng con cũng có một lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa như người đàn bà Canaan nọ, và từ niềm tin đó chúng con cũng biết khiêm hạ, trước nhan Chúa, nhưng không khiếp sợ; trái lại, can đảm kiên trì bầy tỏ tất cả những ước muốn chất chứa trong cõi lòng chúng con với niềm hy vọng sâu xa vào sự giúp đỡ của Chúa. Có như thế đời sống của chúng con sẽ đầy tràn sự thỏa mãn và hạnh phúc.

 
Chữa lành
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:17 10/08/2011
CHỮA LÀNH.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy" (Mt 15,28).

Chúa xót thương và động lòng trắc ẩn khi thấy dân chúng bơ vơ như đàn chiên không có người chăn. Chúa dạy dỗ, chữa lành và nuôi dưỡng họ. Chúa Giêsu đã thực hiện rất nhiều phép lạ trong dân chúng. Chúa đã củng cố lòng tin của mọi người qua các phép lạ. Đã có lần sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, họ lại tìm đến với Chúa Giêsu và Chúa đã thấu tỏ lòng của họ: Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê (Ga 6,26). Nếu chúng ta sống đạo mà chỉ trông chờ các phép lạ xảy ra, thì niềm tin của chúng ta trở thành ảo vọng. Vì chúng ta bước đi trong niềm tin chứ không bởi nhãn lực (We walk by faith, but not by sight).

Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ngài có uy quyền trong cả lời nói và hành động. Ngài giáng trần để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Các tiên tri đã loan báo về Ngài và chính Ngài đã hoàn tất mọi sự: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4.18-19). Lời tiên báo của tiên tri Isaia đã được nên trọn nơi con người của Chúa Giêsu.

Trong ba năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã thực hiện biết bao phép lạ. Chúa Giêsu đã thực hiện các phép lạ là để giúp con người nhận ra Chúa chính là Đấng được Xức Dầu và là Con Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Chúa không dừng lại ở các sự kiện lạ này nhưng Chúa muốn con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Phép lạ không là cùng đích. Có cả ngàn người lãnh nhận hồng ân của Chúa qua các phép lạ như nghe giảng dậy, nuôi ăn, chữa bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ ma quỷ. Thế mà trong lúc Chúa bị đổ vạ cáo gian và bị kết án tử hình cách bất công, chẳng có mấy ai dám lên tiếng bảo vệ Chúa hay tuyên xưng niềm tin vào Chúa.

Đi tới đâu, Chúa cũng động lòng thương xót dân chúng. Người ta tuôn đến với Chúa mọi nơi để nghe Chúa giảng dạy. Tâm linh khao khát lời hằng sống. Có nhiều người ngoại giáo cũng chạy đến với Chúa nài xin ân huệ. Chúa thách thức lòng tin của họ, nhưng Chúa không từ chối lời van xin. Vào mọi thời, nhu cầu tâm linh luôn là một lời mời gọi khẩn thiết cần được đáp ứng. Con người mong tìm thỏa mãn những khao khát của tâm hồn như nai khát mong dòng nước.

Một trong những nhu cầu đuợc nhiều người, dù có đạo hay ngoại đạo, ưa thích nhất trong cuộc sống hiện nay là việc “Chữa lành”. Bất cứ nơi đâu, khi nghe nói có nghi thức đặt tay hay phép lạ chữa lành, nhiều người sẽ tuôn đến để xin ơn chữa lành. Trong các sinh hoạt tôn giáo có nhiều nghi thức chữa lành cả tâm linh và thể xác như cầu nguyện chữa lành, đặt tay chữa lành và thánh lễ chữa lành. Thật vậy, ai mà không muốn được ơn chữa lành chứ! Trong thời buổi kinh tế thị trường và cuộc sống khó khăn, ai trong chúng ta cũng mong ước ơn chữa lành mà không phải chi trả. Chỉ cần thành tâm cầu nguyện và khơi dậy lòng tin vào Thiên Chúa hy vọng chúng ta sẽ được ơn. Người đàn bà Canaan là người ngoại giáo. Bà đã đến xin Chúa chữa cho con của bà bị qủy ám. Vì lòng mạnh tin, Chúa đã chữa lành cho con gái của bà khỏi bệnh.

Phép lạ là một sự cố xảy ra vượt ngoài luật tự nhiên và có sự can thiệp của thần linh. Đôi khi một biến cố lạ được gán cho các vị thánh, vị lãnh đạo tôn giáo hay một người được ơn đặc sủng riêng. Có khi Thiên Chúa hành động qua luật tự nhiên nhưng con người nhận thức như là phép lạ. Các nhà thần học nói rằng với sự quan phòng, Thiên Chúa tự do tác động qua các loài thụ tạo trong thiên nhiên.

Thời Cựu Ước, có nhiều sự lạ xảy ra. Thí dụ: Tiên tri Elia làm phép lạ cho đứa con trai của bà góa sống lại từ cõi chết (1 Vua 17, 17-24) và Elisa làm phép lạ cho bình dầu của bà góa không cạn (1Vua 4,1-7) và cho con trai bà Shunem sống lại (2 Vua 4,18-37). Trong thời Tân Ước, phép lạ được diễn tả như là sự can thiệp của thiên Chúa vào trong luật tự nhiên. Các sách Phúc Âm ghi lại việc Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu lạ qua việc: Trừ quỷ, chữa lành bệnh tật và các dấu lạ cả thể, nhất là sự lạ Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.

Chúa Giêsu giải thích rằng tất cả các phép lạ được thực hiện niềm tin vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu phán: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được ( Mt 17,20). Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ của Chúa đã nhân danh Chúa để xin ơn chữa lành. Các Tông đồ đã làm được nhiều việc lạ lùng. Mục đích của các dấu lạ là để chứng minh rằng Chúa Giêsu vẫn sống và đang sống giữa chúng ta.

Người Công Giáo nhận biết các phép lạ như là tác động trực tiếp bởi Thiên Chúa hoặc qua lời cầu khẩn của các thánh. Mục đích đặc biệt của phép lạ được liên đới với ơn cứu độ con người. Giáo hội rất thận trọng đánh giá trị thực sự của các phép lạ. Tiến trình chuẩn nhận các phép lạ được nghiên cứu kỹ lưỡng qua các minh chứng của khoa học hiện đại và qua sự nghiên cứu quyết định của Bộ Phong Thánh.

Giáo Hội chuẩn nhận một số phép lạ đã xảy ra. Các phép lạ như sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, Bánh Thánh trở thành Mình Máu Chúa như phép lạ ở Lanciano. Phép lạ Mặt trời nhảy múa tại Fatima, Portugal ngày 13 tháng 10 năm 1917. Có cả 100 ngàn người chứng kiến mặt trời đổi mầu, xoay và nhảy múa trên nền trời.

Thánh Tôma Aquinas, tiến sĩ của Giáo Hội đã phân chia các phép lạ ra làm ba loại trong cuốn Tổng Luận chống lại người Ngoại giáo. Các phép lạ có những chuẩn mực và mức độ khác nhau. Chuẩn mực cao nhất trong phép lạ bao gồm những sự việc đôi khi có sự can thiệp của Thiên Chúa mà tự nhiên không bao giờ có thể thực hiện. Thí dụ: một thân xác xuất hiện cùng một lúc ở cả hai nơi, mặt trời đứng lặng yên, biển phân rẽ và làm thành lối đi qua.

Cấp bậc thứ nhì trong phép lạ là những sự việc Thiên Chúa thực hiện, đôi khi thiên nhiên có thể tác động nhưng không cùng một thứ tự. Sự kiện của tự nhiên: Một con vật đang sống, nhìn thấy và bước đi; phép lạ xảy ra là một con vật đã chết được sống lại, bị mù nay thấy được và bị tàn tật nay có thể bước đi, thiên nhiên không thể tác động nhưng đôi khi Thiên Chúa đã thực hiện những việc này bởi phép lạ. Trong những phép lạ này, có nhiều mức độ, tùy theo sự kiện được hoàn thành vượt khỏi khả năng của tự nhiên.

Mức độ thứ ba của phép lạ là khi Thiên Chúa thực hiện sự kiện sẽ được hoàn thành bởi tiến trình của tự nhiên, nhưng không có tác động của những nguyên lý tự nhiên. Thí dụ: Bởi quyền năng của Chúa, một người được chữa lành khỏi cơn sốt hay khi trời mưa mà không có sự vận hành của các nguyên lý của tự nhiên.

Một trong những điều kiện để nhận lãnh ơn lạ là con người phải có lòng tin. Nếu chúng ta có lòng tin dù nhỏ bé cũng có thể vượt khó. Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em (Lc 17,6). Mỗi khi Chúa làm phép lạ chữa lành hay tha thứ tội lỗi, Chúa ban ơn tùy vào lòng tin của họ. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi (Mc 2,5). Chúa chữa người bất toại qua lòng tin của bạn bè và của chính anh: Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." (Lc 17,19). Với người đàn bà tội lỗi qùy phục và lấy tóc mình mà lau chân Chúa: Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an." (Lc 7,50). Tin là phó thác hoàn toàn trong quyền năng của Chúa.

Với lòng tin mạnh mẽ, Chúa đã cứu chữa con gái của người đàn bà Canaan. Bà đã tỏ lộ sự khiêm nhường thẳm sâu. Bà biết thân phận mình là người ngoại giáo. Bà chỉ mong được hưởng những miếng bánh vụn từ bàn của chủ rớt xuống. Từng ngày chúng ta lãnh nhận biết bao hồng ân qua lòng nhân lành của Chúa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa mọi nơi và mọi lúc. Hãy đặt trọn niềm tin và phó thác nơi sự quan phòng của Chúa. Chúa phán rằng: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7-8).

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:18 10/08/2011
TRĂNG THÔ
N2T

Có một người, mỗi lần nói chuyện với ai, bất luận là nói chuyện gì thì vẫn cứ thích dùng chữ “thô” để bày tỏ mình là người khiêm tốn.
Một đêm nọ, ông ta mời khách đến nhà ăn cơm, khách ca ngợi bàn ghế của ông ta điêu khắc tinh xảo, ông ta lập tức khiêm tốn nói:
- “Đây chẳng qua chỉ là một vài thứ thô lỗ sót lại mà thôi, không đáng để khen”.
Khách lại ca ngợi ly tách, bát dĩa đều rất tinh xảo, ông ta lập tức lại rất khiêm tốn nói:
- “Đây chẳng qua chỉ là một vài thứ đồ gốm thô thiển còn sót lại mà thôi, chẳng có gì để khen”.
Ăn cơm xong thì khách cáo từ ra về, vừa ra khỏi cửa nhà thì thấy ánh trăng vằng vặc trên bầu trời, khách nói:
- “Ô, trăng đêm nay thật đẹp”.
Người ấy lập tức lại khiêm tốn nói:
- “Đây chẳng qua chỉ là một mặt trăng thô thiển còn sót lại, chẳng có gì đáng khen cả”.

Suy tư:
Khiêm tốn là một nhân đức chứ không phải là một khẩu hiệu hô hào trên môi miệng cho mọi người biết, khiêm tốn là một đức hạnh chứ không phải là một bảng hiệu treo trên cửa nhà để quảng cáo.
Khiêm tốn được chia là hai loại, một là khiêm tốn bên ngoài tức là khiêm tốn giả tạo, hai là khiêm tốn bên trong tức là khiêm tốn thật.
Người khiêm tốn giả tạo là giả vờ khúm núm trước mặt người trên, nhưng trong lòng thì chê bai ghét ghen và kiêu ngạo, đây là loại khiêm nhường ống điếu cong vòng xuống rồi lại oằn lên với cục vố to; trái ngược với người khiêm tốn giả tạo là người khiêm tốn thật, họ không khúm núm với người trên nhưng họ biết giới hạn của mình, biết khả năng của mình, để nới với người trên là mình làm được hoặc không làm được, chứ không giả vờ được nói không, không nói được...
Khiêm tốn thật là nền móng để xây căn nhà nhân đức, nhân sinh và nhân quan trong tình yêu của Chúa Giê-su.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 10/08/2011
N2T

9. Làm việc, làm việc ! Các con phải không ngừng nổ lực làm việc để cứu các linh hồn.

(Thánh Gioan Bosco)
 
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:28 10/08/2011
Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Trong dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi có đến Nhà thờ Thăm Viếng, nơi có tượng Đức Mẹ ngũ. Từ Nhà thờ kính Thánh Gioan Tẩy Giả tại En Kerem, đi bộ một đoạn đường khá xa, lên một dốc cao rồi bước thêm đúng 66 bậc thang mới đến Nhà thờ. Từ trên ngọn đồi nhìn xuống thung lũng xa xa, quê hương Thánh Gioan Tiền Hô đẹp như một bức tranh mờ trong sương sớm.

Nhà thờ dâng kính cuộc thăm viếng của Đức Mẹ. Khi nghe tin bà Isave mang thai, Đức Mẹ đã vượt đường sá xa xôi đến thăm và giúp đỡ. Từ Nazarét về tới En Kerem đường xa lắm, chừng 90 km và rất nhiều trắc trở hiểm nguy. Mẹ đã thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt đến người chị họ Isave. Nơi đây bài Magnificat đã được viết trên tường bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt Nam.

Nhà thờ thăm viếng trên đỉnh đồi.

Sau kinh cầu nguyện trong Nhà thờ thăm viếng, chúng tôi đi xuống tầng hầm, mỗi người thành kính quỳ gối lần hạt trước tượng Đức Mẹ ngũ. Nhìn Đức Mẹ thánh thiện ngũ giấc bình an, ai cũng cảm động nguyện cầu khấn xin. Nhiều người thổn thức bên Mẹ.

Theo truyền thống xa xưa, Đức Mẹ không chết mà chỉ ngũ một giấc rồi Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Mẹ dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Deposotio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào Nước Chúa). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới cái chết của Đức Mẹ. Tiếng “assumptio” ( bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ), lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Mẹ được đưa vào vinh quang của Chúa (giống như các thánh); về sau từ ngữ này được dùng để chỉ việc Mẹ được cất về trời. Giáo hội phân biệt hai từ ngữ ”ascensio” áp dụng cho Chúa Giêsu vì Ngài lên trời do quyền năng riêng, còn “assumptio” áp dụng cho Mẹ để nói rằng Mẹ đựơc Chúa đưa về trời.

Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố vào ngày 1.11.1950: “Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về trời cả xác hồn”. Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rằng Đức Maria không phải chết và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về trời cả xác và hồn.

Nhìn Đức Mẹ ngũ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ ngũ.

Hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Nước Trời.

Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave.

Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.

Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn nầy lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả...Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Đức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là ”Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.

Trong bài giảng tại Thánh địa La Vang ngày 15/8/2007, Đức TGM Huế đã suy niệm: Đức Mẹ lên trời sau khi đã đi qua hết mọi nẻo đường đời của một người bình thường nghèo khó: nẻo đường không nơi trú ngụ; phải sinh con trong hang đá Bêlem; nẻo đường lánh cư sang Ai Cập đầy tiếng khóc than của các bà mẹ mà những đứa con thơ vô tội bị vua Hêrôđê sát hại; đường vào tiệc cưới Cana có tiếng vui cười của thực khách và đôi tân hôn; đường lên núi Calvariô, có tiếng nguyền rủa, tiếng búa đóng đinh của các lý hình; đường loan Tin mừng Chúa Phục Sinh và đường thẳng lên trời hồn xác trong tiếng reo vui của đất trời, của thần thánh, của loài người. Đức Mẹ đã sống thánh giữa đời, đã nên thánh qua những chặng đường vui, đường sáng, đường thương, đường mừng.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng đang đi lại những chặng đường của Đức Mẹ: có cả vui, sáng, thương, mừng. Chúng ta lần hạt, tràng chuỗi nơi tay, miệng thầm thỉ, lòng kết hiệp với các mầu nhiệm vui mừng và đau thương của Đức Mẹ. Chúng ta cũng lần hạt một cách thiết thực nữa trong cuộc sống hằng ngày, mà tràng chuỗi và những hạt chuỗi giờ đây chính là những hạt mồ hôi, những giọt nước mắt, những khổ đau, những oan ức..., và cũng chính là những tiếng vui cười, những tia hy vọng, những niềm hân hoan... Đó là tràng chuỗi sống, đi đôi với việc đọc kinh lần hạt suy niệm của chúng ta.

Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau nầy cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức: Hội Nhi đồng Truyền giáo hỗ trợ 2.785 dự án cho trẻ em trên toàn thế giới
Phạm Kim An
08:29 10/08/2011
Đức: Hội Nhi đồng Truyền giáo hỗ trợ 2.785 dự án cho trẻ em trên toàn thế giới

Aachen - Hội Nhi đồng Truyền giáo Đức (Die Sternsinger) báo cáo một sự gia tăng 9,9% tiền đóng góp trong năm 2010 cho tổng số 73 triệu euro (104,9 triệu USD), trong đó gần 41 triệu euro (58,9 triệu USD) đã được quyên góp bởi sáng kiến của “Các ca sĩ ngôi sao 2009/2010". Phần còn lại đến từ các khoản hiến tặng tư nhân và các sáng kiến giáo xứ, hoặc các nhóm Nhi đồng Truyền giáo Đức.

Với các khoản hiến tặng quyên góp được, 2.875 dự án ở 121 nước trên thế giới đã được tài trợ. Đức Ông Klaus Kramer, Giám đốc quốc gia và Chủ tịch của Hội Nhi đồng Truyền giáo ở Đức nói: “Điều này có được là nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm Đức. Chúng tôi rất biết ơn họ!. Tiền quyên góp năm ngoái đã được thực hiện nhờ tình cảm được gợi nên bởi các thiên tai tại Haiti và Pakistan".

Tại hai quốc gia này, cùng với các đối tác địa phương, tiền cứu trợ khẩn cấp đã được gửi đến.

Theo Đức Ông Kramer, các dự án tái thiết dài hạn vẫn còn cần thiết.

Đức ông Kramer nhấn mạnh: "Ở trung tâm sự cam kết của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em trên toàn thế giới. Do đó, ưu tiên kinh phí tập trung vào các dự án trong giáo dục".

Ngoài giáo dục, các chương trình của Hội Nhi đồng Truyền giáo giúp các nước châu Phi, châu Mỹ La tinh, Châu Á, Châu Đại Dương và Đông Âu, về các dự án dinh dưỡng, hội nhập xã hội, công tác mục vụ và sức khỏe. (Agenzia Fides 9-8-2011)

Phạm Kim An
 
Malaysia: Chính trị dẫn đến sự chia rẽ các tôn giáo
Nguyễn Trọng Đa
08:31 10/08/2011
Malaysia: Chính trị dẫn đến sự chia rẽ các tôn giáo

Kuala Lumpur - Đức Cha Phaolô Tan Chee, Dòng Tên (SJ), giám mục giáo phận Melaka-Johor, phê bình gay gắt các chính trị gia Malaysia vì đã khuấy động hận thù liên tôn. Thường dân Malaysia không bao giờ nghĩ hoặc cảm nhận được sự phân chia theo biên giới tôn giáo.

Đức Cha nói: “Người dân biết sự khôn ngoan nhìn thấy các con người khác được nắm bắt trong vẻ đẹp và lao động của các con người bình thường phấn đấu. Đáng buồn thay, các chính trị gia quanh co và thông đồng nhìn thấy sự việc cách khác nhau".

Khi trả lời một số câu hỏi do tờ báo Free Malaysia Today đặt ra, Giám mục nói rằng các chính trị gia bị qui lỗi cho nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến Kitô giáo trong thời gian gần đây. Ngài nói: “Điều này là do sự thao túng và lừa dối của các chính trị gia, khi họ muốn kiếm phiếu bầu cho mình nơi các người cả tin và không biết gì".

Cuộc tranh cãivề từ ngữ Allah thay từ ngữ Chúa trong Kinh Thánh, việc thu giữ Kinh Thánh bằng tiếng Malay, và âm mưu qui cho Kitô giáo về phá hoại qui chế của Hồi giáo, nằm trong số các vấn đề gây ra quan hệ căng thẳng giữa Kitô hữu và chính phủ, ngay cả khi Malaysia và Tòa Thánh đang làm việc để thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, sau chuyến thăm mới đây gặp ĐTC Biển Đức XVI của Thủ tướng Malaysia.

Sự kiện mới nhất liên quan đến một nhà thờ, vốn đã bị đột kích tuần trước bởi Ban Tôn giáo Hồi giáo Selangor (JAIS), sau khi Ban nhận được đơn khiếu nại của người Hồi giáo tại một bữa ăn tối địa phương.

Mặc dù bị chỉ trích về cuộc đột kích, ông Thành viên Hội đồng bang về Tôn giáo, Hasan Ali, tuyên bố rằng các Kitô hữu đã tham gia vào việc khuyến dụ người Hồi giáo trở lại đạo mình.

Đức Cha Paul Tan Chee cho biết: "Nếu khiếu nại này là đúng, tôi sẽ phát huy bản thân để bắt đầu hành động sửa lỗi và sám hối cho tín hữu của tôi. Nếu không, tôi muốn thấy sự rút lại ý kiến và một lời xin lỗi. Không gì đơn giản và rõ ràng bằng vậy”.

Bình luận về tuyên bố của ông Trưởng Ban Tôn giáo Hồi giáo Selangor (JAIS), Marzuki Hassan, nói rằng cuộc đột kích được thực hiện nhằm bảo vệ lợi ích của người Hồi giáo, Đức Cha Tan cho biết: "Tôi nghĩ rằng các lợi ích của người Hồi giáo nên được bảo vệ tốt hơn bằng cách nói sự thật cho các cán bộ của Ban, chứ không phải là các kế hoạch gieo hoang mang sợ hãi".

Ngài nói thêm: “Nhưng nếu có ai muốn chúng tôi chia sẻ đức tin của chúng tôi với họ, chúng tôi sẽ không ngần ngại làm như vậy, bởi vì niềm tin của chúng tôi là tôn giáo có thể được đề nghị, chứ không bị áp đặt cho ai cả". (AsiaNews 9-8-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Indonesia: Công nghị Giáo phận nêu ra tầm nhìn và nhiệm vụ mới
Phạm Kim An
08:33 10/08/2011
Indonesia: Công nghị Giáo phận nêu ra tầm nhìn và nhiệm vụ mới

Các vấn đề môi trường giữ vai trò lớn trong kế hoạch 10 năm của Giáo phận

Pangkal Pinang - Giáo phận Pangkal Pinang, tỉnh Bangka-Belitung, Indonesia, đã kết thúc công nghị lần thứ hai ngày 8-8, sau khi thiết lập một tầm nhìn mới và các nhiệm vụ sẽ được thực hiện trong 10 năm tới.

Đức Cha Hilarius Moa Nurak, Dòng Ngôi Lời, Giám mục giáo phận Pangkal Pinang, nói trong Thánh Lễ tại Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse ở Pangkal Pinang: "Công nghị đã nêu ra nhiều khuyến nghị, mà chúng ta có thể tập trung vào để phát triển công việc của giáo phận này".

Thánh Lễ đã kết thúc Công nghị diễn ra từ ngày 2 đến ngày 8-8, với sự tham dự của 160 linh mục và đại diện của tất cả 14 giáo xứ trong giáo phận.

Theo Giám mục, các khuyến nghị bàn đến tầm nhìn cho tương lai,chiến lược truyền giáo và kế hoạch hành động.

Về tầm nhìn, Giáo phận chọn các tín hữu của Chúa, được cảm hứng bởi Thiên Chúa Ba Ngôi, để làm thành một Giáo Hội tham gia.

Đức cha Nurak cho biết: “Một Giáo Hội tham gia bao gồm ba yếu tố, cụ thể là làm cho Chúa Kitô trở thành là trung tâm của đời sống, phát triển một sự hiệp thông, và thực hiện sứ mệnh của Chúa Kitô".

Ngài nói thêm, ba yếu tố có thể chỉ được thực hiện thông qua các cộng đồng Giáo hội cơ bản, nơi người Công giáo có thể sống với nhau trong các cộng đồng nhỏ.

Công nghị cũng đã đưa ra ít nhất 16 nhiệm vụ. Trong số đó có sự chú trọng đặc biệt đến các vấn đề sinh thái, bằng cách thành lập một Ủy ban môi trường.

Ngài nói thêm: "Cac vấn đề môi trường là quan trọng, bởi vì giáo phận này bao gồm các tỉnh Bangka-Belitung và tỉnh Đảo Riau, vốn có hàng ngàn hòn đảo xinh đẹp".

Ngài cho biết rằng việc khai thác thiếc trên địa bàn tỉnh đảo Bangka Belitung, và khai thác mỏ bauxite ở tỉnh Đảo Riau có ảnh hưởng phá hoại đối với môi trường.

Một nhiệm vụ khác liên quan đến quản lý tài chính của Giáo Hội.

Đức Cha nói: “Đây là việc tôi sẽ quan tâm nhiều. Ở nhiều nơi trong giáo phận này, có các vấn đề về quản lý tài chính, trong đó có việc kiểm kê tài chính và tham nhũng". (UCA News 10-8-2011)

Phạm Kim An
 
Hội Đồng Giám mục HK tố cáo nghị định mới về bảo hiểm sức khỏe can thiệp vào tôn giáo
Trần Mạnh Trác
17:06 10/08/2011
(CNA / EWTN News 8-8-11). Phát ngôn viên của hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Sơ Mary Ann Walsh vừa lên án Bộ Y tế và Nhân sự đã can thiệp vào nội bộ các tôn giáo trong những trường hợp các bệnh viện không muôn tham gia vào chương trình tránh thai miễn phí.

Với lời lẽ gay gắt bất thường, Sơ Walsh nói rằng Chính phủ "không cần phải dán mũi (câu châm ngôn là mũi lạc đà ) vào nhà riêng (lều) của các giáo hội," (“must not stick its proverbial camel's nose under the church tent,” ). "Nhưng bây giờ Bộ Y tế và Nhân sự Hoa Kỳ đã dí mũi của nó vào cả những nơi không thuộc về nó." ("has gone beyond nuzzling its nose where it does not belong.”)

"Họ đã ngồi chễm chệ ngay giữa cung thánh. (“It has plunked itself right in the middle of the sanctuary.) Họ muốn phán bảo những gì một tôn giáo có thể và không có thể làm ".

Sơ Walsh đã đưa ra những phản ứng gay gắt này về thông cáo ngày 1 tháng 8 của Bộ Y tế qui định rằng các chương trình bảo hiểm sức khỏe từ nay phải bao gồm các biện pháp tránh thai và triệt sản theo quy định của đạo luật chăm sóc sức khỏe năm 2010.

Sơ Walsh nói rằng mặc dù thông cáo có cung cấp những miễn trừ cho người có đạo - chứng tỏ rằng ít nhất chính phủ đã "thừa nhận ngầm rằng những qui định mới có thể vi phạm Hiến pháp về tự do tôn giáo" - Nhưng những miễn trừ nói trên vẫn chứa đựng một cái bẫy ngầm.

"Đó là các cơ sở tôn giáo chỉ có thể sử dụng quyền đặc miễn đối với những người đồng đạo mà thôi", Sơ giải thích thêm. "Và còn một số yêu cầu khác, chẳng hạn như cơ sở phải có đa số nhân viên là người đồng đạo."

Điều này có nghĩa là, Sơ Walsh cho biết, bộ Y tế "tự cho mình có thẩm quyền để xác định những gì là mục vụ và ai mới là người mà Chúa Giêsu có ý nói tới khi Ngài kêu gọi hãy phục vụ cho 'các anh em bé mọn nhất của tôi. '"



Sơ Walsh lưu ý rằng các bệnh viện, các cơ sở từ thiện và giáo dục của Công Giáo đã cung cấp những dịch vụ giá trị khoảng 30 tỷ hàng năm, mà không một ai "phải xuất trình một giấy chứng nhận rửa tội tại phòng cấp cứu."

"Những người đói khát không hề phải đọc kinh Tin Kính để có được của ăn tại các bàn phân phối thực phẩm," Sơ nói thêm. "Các sinh viên có thể ghi tên theo học tại các trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, như trường Villanova (trường của dòng Augustine gần Philadelphia, Pennsylvania) hoặc bất kỳ một đại học Công Giáo nào khác mà không bao giờ bị hạch hỏi về giáo lý."

Sơ nhấn mạnh rằng "Sư cam kết phục vụ cho người nghèo đói, người bệnh tật, người thất học, là bản năng của Công giáo".

Sơ nói thêm rằng các bệnh viện Công Giáo chữa trị cho khoảng 5,6 triệu người mỗi năm ", là một phần sáu tổng số người phải đi nhà thương tại Hoa Kỳ", còn Catholic Charities thì phục vụ cho hơn 9 triệu người mỗi năm.

"Không có một quy luật liên bang nào hạn chế giáo hội chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho người Công giáo mà thôi", Sơ nói thêm rằng rõ ràng Bộ Y tế đã "không hiểu tí gì về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, là người đã giúp những người xa lạ đơn giản chỉ vì những người đó cần được giúp".

Sơ Walsh cũng lưu ý rằng các trường cao đẳng và đại học Công Giáo dạy 850.000 sinh viên hàng năm trong đó có đủ hạng người, người Công giáo, Tin Lành, Do Thái, Hồi giáo, vô thần, theo thuyết bất khả tri "và các thành viên của bất kỳ tôn giáo hay vô tôn giáo khác mà bạn có thể kể ra được."

Sơ nói thêm rằng hiện nay thì Bộ Y tế đã "lui một bước để có một không gian thỏai mài hơn" bằng cách cho phép công chúng trong hai tháng tới có thể đề nghị một định nghĩa "thay thế" về thế nào là một "chủ nhân thuê mướn lao động tôn giáo."

"Đó là một điều tốt bởi vì việc cải cách y tế phải có mục đích làm tăng thêm những dịch vụ chăm sóc cơ bản, chứ không phải là đẩy các nhóm tôn giáo ra ngòai hoặc buộc họ vi phạm các nguyên tắc của họ hay phải từ chối dịch vụ cho những người không cùng tôn giáo."

"Vả lại, Cung Thánh đã chật người rồi. Đây là thời điểm ", Sơ nói thêm, cho bộ Y tế " tìm cách rút chân ra ngòai."
 
Cơn Lốc Đi Qua – Tình Người Ở Lại !
Vũ Hưu Dưỡng
17:45 10/08/2011
Cơn Lốc Đi Qua – Tình Người Ở Lại !

Chẳng hiểu tại sao tôi lại được đặt chân đến thành phố Joplin - tiểu bang Missouri của Mỹ để được tận mắt nhìn tận cảnh một Joplin phải đón nhận quá nhiều đau thương do cơn lốc vừa xảy đến trong tuần cuối tháng 5 vừa qua. Tôi đến đây có lẽ nhờ cơn “lốc” tình thương của Chúa vì tự sức mình, tự bản thân mình không thể hiện diện trên mảnh đất thân yêu này được.

Xem cơn lốc tàn phá

Tranh thủ giờ trống của kỳ Đại Hội Thánh Mẫu, gia đình một người quen đã đưa tôi đến thăm hiện trường sau cơn lốc.

Như báo giới đã đưa tin, gió xoáy giết chết ít nhất 2 người ở Kansas và làm “nhiều trăm người bị thương” trước khi di chuyển theo hướng đông và làm thiệt mạng 3 người khác ở Arkansas. Dù vậy bão vẫn còn ở Missouri, Arkansas và nam Illinois.

Sau đó bão tiến vào Kentucky, Tennessee và Mississippi. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cũng đã ra báo động cho hai tiểu bang Illinois và Indiana. Vận tốc gió trong trận tàn phá thành phố Oklahohoma lên tới hơn 240km/giờ. Các trận bão lốc kèm theo mưa đá lớn đã lật đổ cây cối, phá hủy xe cộ và gần như mọi thứ cản đường đi của chúng.

Giờ khắc bi thương nhất là tối ngày 22 tháng 5, một trận lốc xoáy kinh hoàng đã đến với thành phố nhỏ Joplin (tiểu bang Missouri).

Theo con số thống kê chính thức, đã có ít nhất 126 người ở riêng thành phố này thiệt mạng. Ba phần tư thành phố với 50.000 dân cư này đã bị phá hủy hoàn toàn trong cơn lốc xoáy có tốc độ lên tới 320km/giờ. Đây là trận lốc xoáy gây nhiều chết chóc nhất ở Mỹ kể từ năm 1947.

Nhìn thực tế hiện trường thấy sao kinh khủng thế ! Không thể tưởng tượng được chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ thôi mà ra nông nỗi như thế này. Thật sự không thể hiểu nổi.

Vừa được xem hiện trường vừa được kể lại những câu chuyện hết sức cảm động ở nơi này. Người dân ở đây sau khi bị nạn thì được nhiều người cấp tốc phụ giúp. Chẳng kể ngày, chẳng kể đêm và cũng chẳng cần ai bảo ai, ai làm được gì có thể đều về đây để cứu người, phụ dọn dẹp. Đến mảnh đất này, thấy tan thương thật nhưng bên dưới sự tan thương ấy chính là tình người. Tình người ở lại khi cơn lốc dữ đã qua đi.

Đến nay, cơn lốc đi qua hơn 2 tháng nhưng còn đó ngỗn ngang của những ngôi nhà, ngôi trường, bệnh viện, nhà thờ đổ nát. Để dọn dẹp, để làm mới lại thành phố này người ta dự đoán phải mất hơn 2 năm.

Chuyện thời tiết, chuyện thiên nhiên đều xảy ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Con người phải làm gì, phải đối xử với nhau như thế nào đó mới là chuyện quan trọng.

Đến thăm vùng nạn này lại nghĩ đến những vùng nạn nào đó ở chỗ nọ chỗ kia. Ở chỗ nọ chỗ kia thi thoảng cũng gặp bão, cũng gặp gió, cũng gặp lũ, cũng gặp lụt nhưng rồi sự trợ giúp, sự nâng đỡ nó làm sao đó. Kẻ có công, người có của mang đến nhưng làm gì được đến tận chỗ, phát tận nơi chút tấm lòng người ta góp lại. Có chăng là phải chuyển cho những người có trách nhiệm để rồi người có trách nhiệm phân phát cho dân chúng. Nhưng kỳ thực, để đến tay với những người bị nạn thì họ được bao nhiêu ? Đau lòng hơn nữa là sau những lần bị nạn đó, người dân luôn nhận được những mặt hàng quá quen thuộc là mì gói và gạo. Biết rằng mì gói và gạo rất cần cho cuộc sống sau cơn lũ nhưng điều đáng buồn là nhận toàn đồ hết “đát”. Bên cạnh đó còn có những bao quần áo cũ mà khi moi ra làm giẻ rách cũng chẳng đặng đừng.

Vấn đề lớn của cứu trợ, của sự nâng đỡ cho những người gặp nạn vẫn là ở tấm lòng. Khi lòng người ta khép lại thì người ta cho đi những gì là không dùng đến, cho đi những gì là sắp qua hạn hay đã qua hạn cho sạch cửa sạch kho.

Nhớ lại những vùng vốn đã nghèo mà còn tình thương còn bị đánh cắp nữa sao thấy thương quá ! Những con người ở những vùng đó đã bị thiên nhiên tàn phá đã đành, nay khi được cứu trợ họ lại bị con người vô tâm tàn phá một lần nữa bởi những phần hàng cứu trợ chẳng ra làm sao cả.

Những ai rơi vào cảnh khó của sự tàn phá của thiên nhiên vẫn cần lắm, cần lắm một tấm lòng.

Nhìn những người ở Joplin, dù sao họ cũng còn may mắn hơn những người ở chỗ khác là họ được tình thương chia sẻ thật sự. Cơn lốc dữ đã đến, cơn lốc dữ đã làm mất đi biết bao nhiêu tiền, bao nhiêu của và bao nhiêu con người nhưng rồi khi cơn lốc dữ đi qua thì tình người lại lộ lên một cách mãnh liệt.

Chẳng lẽ trước khi đi mua nhà phải dò hỏi nơi đấy có tình thương hay không rồi mới mua hay sao ? Chẳng lẽ được chọn đến để ở một thành phố, một đất nước mà có đời sống an sinh xã hội cao, tình thương và lòng người cao hay sao ? Phận đời, phận người đâu được chọn như thế !

Với những người kém may mắn chắc có lẽ họ phải tập, phải tập để đón nhận tất cả những khổ đau do con người mang lại ngoài cái khổ đau đến tự thiên nhiên.

Đời nhiều người đã kém may mắn mà còn gặp những nơi thiếu tình thương, thiếu lòng nhân hậu thì quả thật là đắng cay.

Vũ Hưu Dưỡng
 
Top Stories
Viet Nam urged to release jailed blogger
Amnesty International
17:47 10/08/2011
AMNESTY INTERNATIONAL PRESS RELEASE
10 August 2011

Viet Nam urged to release jailed blogger

The Vietnamese authorities must immediately release a French-Vietnamese blogger who has been sentenced to three years in prison on national security charges, Amnesty International said today.

Professor Pham Minh Hoang, a maths lecturer who holds dual nationality, was accused of writing articles that “blackened the image of the country” by the judge at the trial in Ho Chi Minh City.

He told the court his writings were not aimed at overthrowing anyone, and that Vietnam needs to be more democratic, reports said.

“To imprison a blogger for peacefully exercising his right to freedom of expression is outrageous. The authorities should immediately release Professor Hoang, and stop their harsh crackdown on peaceful government critics and activists” said Donna Guest, Amnesty International’s Deputy Director for the Asia-Pacific.

“Tuesday’s sentence, and the continuing arrests of activists and bloggers paint an increasingly bleak picture of freedom of expression and association in Viet Nam,” she said.

Professor Pham Minh Hoang, who is a member of the banned US-based opposition group Viet Tan, joined other activists in criticizing a Chinese-backed bauxite mine in Viet Nam’s Central Highlands, which they believe risks causing environmental degradation in the area.

The lecturer, who blogged under the name Phan Kien Quoc, moved to France in 1973 but returned in 2000 to settle in Viet Nam, where he taught mathematics at the Polytechnic University of Ho Chi Minh City.
Dozens of peaceful political critics and activists have been sentenced to long prison terms since Viet Nam began a crackdown on freedom of expression in October 2009.
Amnesty International is calling on the Vietnamese government to allow judicial independence, and to repeal or reform vaguely worded security legislation used to prosecute peaceful critics.
Pham Minh Hoang’s family says he will appeal against the sentence.

Public Document
****************************************
For more information please call Amnesty International's press office in London, UK, on +44 20 7413 5566 or email: press@amnesty.org
International Secretariat, Amnesty International, 1 Easton St., London WC1X 0DW, UK

--
Working to protect human rights worldwide
DISCLAIMER
This email has been sent by Amnesty International Limited (a company registered in England and Wales limited by guarantee, number 01606776 with registered office at 1 Easton St, London WC1X 0DW). Internet communications are not secure and therefore Amnesty International does not accept legal responsibility for the contents of this message. If you are not the intended recipient you must not disclose or rely on the information in this e-mail. Any views or opinions presented are solely those of the author and do not necessarily represent those of Amnesty International unless specifically stated. Electronic communications including email might be monitored by Amnesty International for operational or business reasons.

This message has been scanned for viruses by Postini. www.postini.com
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Việt Nam: 1 trong 12 nước ở Châu Á-TBD cản trở tự do tôn giáo nhất
VOA
08:51 10/08/2011
Việt Nam: 1 trong 12 nước ở Châu Á-TBD cản trở tự do tôn giáo nhất

Kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew về tôn giáo và đời sống dân chúng vừa công bố cho thấy Việt Nam có tên trong danh sách 12 nước hàng đầu tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà tôn giáo bị chính quyền cản trở nhiều nhất.

Trong số các nước cùng có tên trong danh sách này với Việt Nam có Brunei, Lào, và Ấn Độ.

Theo khảo sát của Pew, gần 1/3 dân số toàn cầu, tức hơn 2,2 tỷ người trên thế giới, đang sống tại các nước mà tình trạng bị chính quyền cản trở tôn giáo hoặc gặp sự chống đối từ xã hội đối với tôn giáo gia tăng, tính trong giai đoạn từ giữa năm 2006 đến giữa năm 2009.

Cuộc khảo sát trên 198 quốc gia, tức hơn 99,5% dân số thế giới, đã kết hợp phương pháp câu hỏi thăm dò và các nguồn thông tin có uy tín, trong đó có các báo cáo của Liên hiệp quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch.

Nguồn: Pewforum.org, Today’s Zaman
 
Thông Tấn Xã AsiaNews viết về LM. Jos. Đinh Huy Hưởng
Lã Thụ Nhân
12:42 10/08/2011
AsiaNews: Cha Đinh Huy Hưởng, một chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô đã qua đời

LM Đinh Huy Hưởng đi khám bệnh phát thuốc cho người nghèo
Rôma (AsiaNews) – Sáng hôm 09/08/2011, cha Giuse Đinh Huy Hưởng, một linh mục có lẽ nổi tiếng nhất Việt Nam, đã qua đời. Cha Giuse, tên thường gọi là "Út", đã tận hiến cuộc đời mình để hỗ trợ các công việc mục vụ, các dấn thân xã hội của Giáo Hội công tác bác ái, hỗ trợ người nghèo, những người phong cùi, những bà mẹ đơn độc, trẻ mồ côi, bệnh nhân AIDS, người Thượng không phân biệt có phải là người Kitô giáo hay không: ngài chứng tá của lòng bác ái Chúa Kitô trong một đất nước được đánh dấu bởi sự thù hận của chiến tranh, phát triển quay cuồng và mất cân đối, tham nhũng, và bỏ mặc người nghèo

Trong nhiều thập kỷ, sự dấn thân đã mang ngài đi đây đó trên chiếc xe gắn máy và sau đó là xe hơi (do bị bệnh tim) khắp hai miền Nam, Bắc của đất nước, mang lại viện trợ, an ủi các giám mục và linh mục, tổ chức những đáp trả tình yêu đối với một xã hội thường nhẫn tâm.

Cậu "Út" sinh ngày 06 tháng Năm năm 1940 tại Giáo phận Phát Diệm, nhưng trở thành một linh mục của giáo phận Sài Gòn, làm chánh xứ giáo xứ Đức Tin ở vùng ngoại ô Sài Gòn trong 15 năm (1994-2009).

Trước năm 1975, ngài cũng là tuyên úy cho binh lính Mỹ tại Việt Nam, do vậy mà khi chính quyền cộng sản ra đời, ngài đã nhận được đề nghị rời khỏi đất nước để sang Hoa Kỳ, nhưng ngài đã từ chối. Quyết định của ngài đã trả giá bằng 10 năm lao động khổ sai (1975-1985), nơi mà ngài thường nhắc lại rằng ở giữa đau đớn khốn khổ, niềm an ủi duy nhất của ngài là lặp lại vài trang Tin Mừng Thánh Gioan đã thuộc lòng.

Năm 1986, Việt Nam đã mở cửa để phát triển kinh tế và mở cửa cho thị trường quốc tế (đổi mới). Nhưng những cải cách này đã tạo ra sự mất cân bằng kinh tế, di dân từ các vùng nông thôn mang lại nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng lớn đến gia đình và giáo xứ. Để cứu vớt các bà mẹ đơn độc khỏi vướng vào vòng tệ nạn mại dâm, cha Giuse đã nỗ lực xây dựng một "tổ ấm nhỏ" dành cho các cô gái, nhất là các phụ nữ mang thai và giúp họ để họ không bỏ đứa bé. "Đó là một nỗ lực nhỏ - ngài nói với hãng Tin Tức Á Châu - nhằm giúp các cô gái đang mang thai. Nếu không giúp họ, họ sẽ bị buộc phải giết con cái của mình".

Giờ "tổ ấm nhỏ" đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho 40 đứa trẻ, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của các nữ tu của Mẹ Teresa (x. Mái ấm ở Sài Gòn cứu vớt những người vô tội, 09/03/2006).

Một dấn thân quan trọng khác của cha Giuse là giúp người Thượng có trường học, công việc, nhà thờ, trong một xã hội gạt bỏ họ và chính quyền ngày càng nghi ngờ họ.

Ngay cả những người cùi cũng chủ yếu nhận được viện trợ từ cha Giuse. Trong khi chính quyền có kế hoạch loại trừ và kết liễu, đẩy họ ra xa các thành phố vào các vùng hoang dã không có người ở, thì vị linh mục đã lập ra các tổ chức hướng dẫn họ về nông nghiệp, phân phát thuốc và Sulfones trong điều trị phong, dạy giáo lý và cầu nguyện.

Thực tế, tất cả các dự án này đã bị chính quyền Cộng sản cấm nhằm mục đích ngăn chặn các tác động xã hội của Giáo Hội bằng mọi. Tuy nhiên, áp lực để đáp ứng những nhu cầu này, mà các nhà lãnh của đất nước không quan tâm, đã làm cho công an và chính quyền địa phương nhắm mắt làm ngơ. Và cha Giuse đã không dừng lại, lập ra các trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường kỹ thuật, phòng khám. Ngay cả các đảng viên cũng xin ngài đưa con vào các trường huyện nhỏ của ngài để được đảm bảo "giáo dục đạo đức" tốt hơn so với các trường công.

Với sự căng tăng quan hệ giữa chính quyền và Tòa thánh Vatican, các dự án và cam kết đã trở nên chính thức, từ năm 2006 đến 2009 ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Caritas ở Sài Gòn. Nhờ sự cống hiến của ngài, mỗi giáo xứ đã thiết lập các hoạt động xã hội và từ thiện để giúp đỡ người nghèo và các nhóm.

Nữ tu Maria, người đã từng là đồng nghiệp của ngài, cho hay "Cha Giuse đã giúp ít nhất 200 gia đình Công giáo và không Công giáo ở huyện Cần Giờ. Năm 2008, một cơn bão đã phá hủy nhà cửa và cây trồng của họ, cha Giuse phân phát gạo, giúp một ít vốn để khôi phục, giúp tài chính cho các gia đình ở các giáo xứ miền Bắc, hỗ trợ học hành cho giới trẻ trên khắp Việt Nam".

Vào năm 2009, do bị bệnh tim, ngài đã phải sống trong nhà hưu dưỡng Phát Diệm. Tuy sức khỏe kém nhưng cũng không ngăn được ngài: ngài đã lập ra một quỹ bác ái mang tên Quỹ Bác Ái Du Sinh để hỗ trợ người nghèo và người bị bỏ rơi tại Việt Nam.

Và trên hết ngài đã lập ra những nhóm người tận tâm tham gia vào việc giúp đỡ những người neo đơn, tàn tật, người già, trẻ mồ côi, những người phong cùi, những nạn nhân AIDS, người Thượng ở mọi miền đất nước. Các nhân viên hỗ trợ các dự án này đến từ giới trẻ của giáo xứ Đức Tin, Hoàng Mai, Hạnh Thông Tây, Vĩnh Hiệp, từ các cộng đoàn nữ tu, chủng sinh, nhân viên xã hội, bác sĩ, những người dấn thân không lấy phí.

Một trong những dự án cuối cùng của ngài - sinh ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay - là "các chợ thực phẩm", tương tự như bếp ăn, nơi mà người nghèo có được bữa ăn.

Đến thăm ngài ở nhà Phát Diệm, Đức Cha. Giuse Đặng Đức Ngân của Lạng Sơn, đã nhấn mạnh giá trị làm chứng của cha Giuse, người "rộng lượng, dấn thân, giàu lòng tin thể hiện tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu."

Về phần mình, cha "Út" luôn luôn thích nói rằng: "Tất cả những nỗ lực này luôn bắt đầu và chỉ bắt đầu bằng cách cầu nguyện với Thánh Giuse Ngài được cho là có một lời chuyển cầu mạnh mẽ và hỗ trợ các nhu cầu của chúng ta".

Tiểu sử tóm tắt của cha Giuse Đinh Huy Hưởng (theo Giáo phận Phát Diệm)

- Sinh ngày 06.05.1940 tại Trì Chính, Phát Diệm. (Gia đình ở Họ Phát Ngoại, Phát Diệm)

- 1955-1962: Học tại Tiểu Chủng Viện Phaolô Phú Nhuận.

- 1962-1969: Học tại Đại Chủng Viện Sài Gòn.

- 29.04.1969: Thụ phong Linh Mục tại Sài Gòn (Linh mục gốc Phát Diệm, nhập Giáo Phận Mỹ Tho và Sài Gòn)

- 1969-1972: Phụ tá Giáo Xứ Rạch Cầu, Mỹ Tho.

- 1972-1975: Tuyên Uý tại Hậu Nghĩa.

- 1975-1985: Lao động.

- 1985-1994: Nghỉ ngơi.

- 1994-2009: Chánh xứ Giáo Xứ Đức Tin, Sài Gòn.

- 2010-2011: Giám Đốc Trụ Sở Phát Diệm Xóm Mới.
 
Trường Tình Thương Phan Rí Cửa khai giảng năm học 2011-2012
Tâm Phúc
12:52 10/08/2011
Trường Tình Thương Phan Rí Cửa khai giảng năm học 2011-2012

Sáng thứ hai ngày 08.08.2011, Trường Tình Thương Phan Rí Cửa, thuộc giáo xứ Phan Rí Cửa, Gp Phan Thiết rộn ràng khai giảng Năm học mới 2011-2012. Sau hai tháng nghỉ hè tất bật với việc phụ giúp cha mẹ kiếm sống, nay trở lại trường, các em với ánh mắt tròn xoe vui mừng thấy trường đã được khoát lên bộ áo mới.

Xem hình lễ khai giảng

Hiện diện trong lễ khai giảng có Cha Angustinô Nguyễn Văn Lạc, linh mục quản xứ Phan Rí Cửa, kiêm Hiệu trưởng trường, Đại diện Caritas Phan Thiết là đơn vị bảo trợ, đại diện Caritas giáo xứ Phan Rí Cửa, quý khách mời, quý phụ huynh và các em học sinh.

Trong mùa hè 2011, được sự quan tâm hỗ trợ của quý ân nhân trong và ngoài giáo xứ, đặc biệt là Caritas Phan Thiết, trường Tình Thương Phan Rí Cửa đã được tu bổ lại mới từ lớp học, nhà ăn đến phòng hội họp. Trong các phòng được trang trí đẹp và lắp đặt thêm quạt máy. Cả trường như khoát lên mình bộ cánh mới đón chào các bạn học sinh. Niềm vui nở tươi trên mặt mọi người, ai cũng kỳ vọng trong điều kiện thuận lợi này, các em sẽ có những tiến bộ đáng kể trong học tập.

Linh mục Hiệu trưởng trong bài phát biểu tha thiết mời gọi các phụ huynh hãy cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục học vấn và nhân bản cho các em. Ngài mong phụ huynh ý thức tầm quan trọng của việc học trong việc thăng tiến cuộc sống của các em, vì chỉ có học đến nơi đến chốn các em mới có cơ hội thoát nghèo, đừng vì cái lợi trước mắt mà bắt các em nghỉ học phụ giúp gia đình.

Nữ tu Maria Ngô Vân, đại diện Caritas Phan Thiết, chúc mừng nhà trường đã có một diện mạo khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập. Chị cũng nhắn nhủ các em và phụ huynh đừng phụ lòng quý ân nhân đã hy sinh và quảng đại đóng góp để lo cho các em được có cơ hội đi học. Qua Caritas Phan Thiết, trong năm học này quý ân nhân đã gởi học bổng cho 10 em học sinh cũ của trường hiện đang học cấp II và cấp III. Đây là một khích lệ thực tế để các em học sinh mạnh dạn tiếp tục theo học sau khi hoàn tất chương trình tiểu học của trường Tình Thương.

Cô Phương Anh, Phó Hiệu trưởng, cho biết toàn thể Cán bộ, giáo viên, học sinh của trường rất cảm kích sự quan tâm giúp đỡ của Caritas Phan Thiết và quý ân nhân xa gần đã tạo những điều kiện thuận lợi các em học sinh nghèo, cơ nhỡ khu vực Phan Rí Cửa được đến lớp. Trong năm qua, trường tạo điều kiện cho khoảng 80 học sinh nghèo, cơ nhỡ trong khu vực được học hoàn toàn miễn phí từ lớp 1 đến lớp 5, có 5 em niên học này đã chuyển vào lớp 6. Năm nay, trường tiếp tục kết hợp với các ban ngành đoàn thể của giáo xứ cố gắng vận động để có nhiều em được gia đình cho đến lớp hơn và nhất là không để học sinh phải bỏ học.

Một năm học nữa lại bắt đầu với quyết tâm phấn đấu cố gắng học tốt - dạy tốt của cô trò trường Tình Thương Phan Rí Cửa. Các em học sinh vui mừng nâng niu từng cuốn vở mới, từng cây bút và những cuốn sách giáo khoa cũ vừa được trao tặng với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Trường Tình Thương Phan Rí Cửa xin tri ân Quý Ân Nhân đã quảng đại giúp đỡ cho trường trong những năm qua. Vui đó nhưng nỗi băn khoăn còn đó, bởi còn rất nhiều trẻ em nghèo trong khu vực vẫn chưa được đến lớp bởi khả năng đáp ứng của trường vẫn còn hạn chế. Ban Giám hiệu và Giáo viên của trường mong ước có thêm điều kiện để các em có được môi trường học tập tốt hơn.

Tâm Phúc

Quý Ân Nhân lưu tâm đến vấn đề học vấn của trẻ em nghèo Phan Rí Cửa, xin liên hệ:

Linh mục Hiệu trưởng Aug. Nguyễn Văn Lạc

Nhà thờ Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận

Email: augustinolac@yahoo.com

ĐT: 062. 3855514

Hoặc: Ban Bác ái Xã Hội – Caritas Phan Thiết

Địa chỉ: 422 Trần Hưng Đạo, Tp Phan Thiết, Bình Thuận

Email: caritaspthiet@gmail.com

ĐT: 062. 3814118 – 0913 105 761
 
Thương tiếc Linh mục Giuse Đinh Huy Hưởng, bạn của người nghèo
PM. Cao Huy Hoàng
17:59 10/08/2011
Thương tiếc Linh mục Giuse Đinh Huy Hưởng, bạn của người nghèo

Nhớ một buổi chiều bất ngờ, cha Giuse về đến xóm tôi ở miền quê nghèo, ghé thăm một gia đình nghèo. Tôi cũng không hiểu do đâu mà cha biết gia đình này đông con, lao động vất vả, con hiếu học, và nghèo. Cha vào nhà, xin ăn một bữa cơm dưa muối. Bà N vừa lạ lùng vừa bỡ ngỡ: “Thưa Cha, nhà con có gì ăn đâu”. “Tôi xin ăn một bữa dưa muối mà. Cứ cho đi”. Cha dùng cơm tối với gia đình, thật đơn giản: một đĩa trứng, một đĩa rau, một chén cà, một chén mắm nêm. Dùng cơm xong, Cha nói là về nhà xứ thăm cha Phêrô. Tối hôm ấy cha nghỉ ở nhà xứ. Sáng hôm sau, Cha đi đâu không biết, chỉ biết là có người chở đến cho Bà N một bao gạo. Chúa nhật, đi lễ, tôi nghe Cha sở Phêrô có lời cảm ơn Cha Giuse về khoản trợ giúp cho những người nghèo trong xứ.

Tôi gọi Cha Giuse là Bạn Của Người Nghèo, vì được biết, suốt đời Cha quan tâm cách đặc biệt đến người nghèo- những người nghèo ngay trong thành phố sang trọng, những người nghèo ở các giáo phận xa xôi, những người nghèo cần sự quan tâm và sự chia sẻ nơi những trại cùi, viện mồ côi, nhà tình thương, nhà dưỡng lão… cả những học sinh sinh viên nghèo thiếu tiền ăn học, cả những chủng sinh nữ tu nghèo và cả những tổ chức văn học, y tế nghèo cha đều quan tâm và tìm cách trợ giúp.

Xem hình tang lễ cha Đinh Huy Hưởng

Quỹ Bác Ái Du Sinh gần như rất âm thầm đồng hành và lớn lên trong suốt cuộc đời Cha Giuse. Âm thầm cả cách nhận và cả cách cho. Thế mà từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng đậm dấu ấn “bữa cơm của người nghèo” - những bữa cơm có thịt có cá, thay cho những bữa cơm dưa muối, cà mắm nêm mặn điếng. Cha vẫn đi và đến đúng địa chỉ của những người nghèo, bạn chí thiết của Chúa Giêsu, và phân phát lương thực phần xác, niềm ủi an phần hồn cho họ. Sau những chuyến đi của Ngài về Phan Thiết, lên Lâm Đồng, xuống tận Long An, ra mãi tới Lạng Sơn Phát Diệm… không nghe thấy ai nói gì, cũng không rêu rao thông truyền việc của tay phải làm.

Mãi đến những năm sau này, khi căn bệnh của Ngài không cho phép Ngài lưu diễn tình bác ái khắp nơi, Ngài đành rút về Trụ Sở Phát Diệm để tổ chức “quán cơm phục vụ miễn phí” cho người nghèo mỗi tuần ba bữa cơm trưa, mỗi bữa khoảng 250 xuất cơm ngon lành hơn bữa cơm thường nhật. Và nếu trước đây, Ngài âm thầm đến với người nghèo thế nào, thì hôm nay, bên cạnh Ngài có đến hơn 20 anh chị em được Ngài nhận làm môn sinh của lòng bác ái, cũng âm thầm chuyên lo cơm nước cho những người nghèo trong tinh thần phục vụ cách nhưng không, nhưng rất nhiệt thành vì tình yêu mến. Trong bếp của Quán Cơm Phục Vụ Miễn Phí , có những câu Lời Chúa thật sống động: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,12); “Đức Tin không có việc làm là Đức tin chết” (Gc 2,17), “Thiên Chúa hằng thương và nhận lời kẻ khốn khổ nài van, và ban cho người đói khát được no đầy” (lời cầu kinh chiều thứ 6, tuần I); “Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống” (Kinh Thương Xác Bảy Mối)

Những câu Lời Chúa này hẳn đã là linh đạo của đời Cha, và cũng là linh đạo cho tất cả những anh chị em phục vụ. Thật đáng quí thay!

Người nghèo cần có cái ăn. Nhưng người nghèo còn cần cái mặc, cần cái thuốc để chữa bệnh. Ý tưởng ấy khai sinh “phòng khám bệnh phát thuốc miễn phí” cũng ngay trong Trụ Sở Phát Diệm, tại Gò Vấp. Mỗi tháng một lần, Ngài mời nhiều Bác Sĩ giỏi về khám bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân. Các Bác Sĩ không phân biệt tôn giáo, có cơ hội làm việc Bác ái theo cách Bác Ái Kitô Giáo: nhiệt tình cho đi mà không đòi nhận lại, cả chút lương bổng đến lời chúc khen ca tụng.

Mấy ngày cuối cùng ở Bệnh viện 175, chống chọi với những cơn đau khủng khiếp, thế mà, Ngài vẫn mãi nghĩ đến những người nghèo, thăm hỏi việc lo cho người nghèo, đôn đốc thúc giục anh chị em chu toàn bổn phận của Đức Ái, và nhất là trong Di chúc, có để lại một điều lạ lùng: “Xin tổ chức đám tang Cha thật đơn giản, dành tiền lo cho người nghèo”.

Đó là ý của Cha Giuse, di chúc của Cha Giuse. Nhưng ai có thể cấm cản nỗi tình mến thương, lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn, và nhất là lời ca tụng Thiên Chúa đã ban cho cuộc đời một linh mục không chỉ làm lễ trên bàn thờ, mà còn tế lễ mình mọi lúc mọi nơi để trở nên của nuôi sống phần xác phần hồn cho đoàn dân Chúa.

Vì thế, hai ngày 9 và 10-8-2011, Trụ Sở Phát Diệm đã trở thành một điểm đến của muôn lòng biết ơn: biết ơn Cha Giuse và biết ơn Thiên Chúa. Đến kính viếng xác Ngài, đã có Đức Hồng Y, nhiều Giám Mục, có những GM ở tận Giáo Tỉnh Hà Nội, các Hội Dòng, các linh mục tu sĩ, giáo dân… và không thiếu những người nghèo của Thiên Chúa, những người được cha quan tâm từng bữa ăn đã đến dâng lên Cha những bông hoa, những lẵng hoa, những tâm tình quí mến, ngưỡng mộ, biết ơn Cha Giuse: Bạn Của Người Nghèo.

Thiết tưởng, những thánh lễ sốt sắng ngay trước thi hài của Cha, những tình cảm quí mến của nhiều thành phần Dân Chúa dành cho Cha, những vòng hoa kính viếng, những giọt lệ tiếc thương, những hy sinh cho cuộc tang lễ…. là phần thưởng cho Cha Giuse một đời vì yêu người nghèo. Nhưng, phần thưởng lớn nhất mà chúng con tin tưởng do lòng thương vô biên của Chúa, chính là lời của Chúa Giêsu mời gọi Cha vào hưởng niềm vui Thiên quốc: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Lc 25, 34-36).

Xin Chúa lòng lành tha thứ cho Cha những lỗi phạm, những thiếu sót, và ban thưởng cho Cha trên Nước Trời.

PM. Cao Huy Hoàng, 10-8-2011
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ly dị, tội hay không tội
Vũ Văn An
01:42 10/08/2011
Jack Dominian, trong cuốn Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu, xuất bản tại Luân Đôn năm 1981, có đưa ra một bảng liệt kê những đơn xin ly dị và được phép ly dị xẩy ra tại Anh và Wales trong khoảng thời gian từ năm 1911 đến năm 1980. Theo đó, năm 1911, chỉ có 902 đơn xin ly dị và 650 trường hợp đuợc ly dị. Các con số tăng dần lên đến 31,905 đơn xin ly dị và 25,394 vụ ly dị vào năm 1961. Nhưng đến năm 1971, có đến 110,900 đơn xin ly dị và 74,400 vụ ly dị đã xẩy ra. Một trong những yếu tố góp phần vào hiện tượng tăng vụt ấy chính là Đạo Luật Canh Cải Ly Dị ban hành năm 1969 và có hiệu lực kể từ đầu tháng Giêng năm 1971, cho phép một cuộc ly dị xẩy ra không cần phải có vi phạm trong hôn nhân, mà chỉ cần chứng minh rằng cuộc hôn nhân ấy bế tắc đến độ vô phương cứu chữa. Đạo Luật Gia Đình năm 1975 của Úc cũng chấp nhận cùng một nguyên tắc ấy. Và thế là cả ở Úc nữa, tỷ lệ ly dị tăng vọt: có người ước lượng đến 40% tổng số các cặp vợ chồng kết hôn hợp lệ. Tuy nhiên, phần đông các nhà xã hội học không đồng ý đổ lỗi hoàn toàn cho việc thay đổi luật lệ. Ly dị có những nguyên nhân sâu xa hơn những thay đổi luật lệ kia. Chính Giáo Hội Công Giáo cũng nhìn nhận như vậy. Và thực tế, dường như mức độ ly dị đang ảnh hưởng mạnh đến đường hướng mục vụ của Giáo Hội Công Giáo, đến độ vấn đề Ly Dị, Tội Hay Không Tội là một vấn đề đang đặt ra cho rất nhiều lương tâm Công Giáo.

1. Ly dị

Trong cuốn Cẩm Nang Giáo Luật Thực Dụng, ấn hành năm 1991, Linh Mục Bùi Đức Tiến đã không minh nhiên định nghĩa hạn từ ly dị. Ngài chỉ nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Ly Thân và Ly Dị. Theo đó, với ly thân, tuy hai người không sống chung với nhau, nhưng giao ước hôn phối của họ vẫn tồn tại, họ vẫn là vợ, là chồng của nhau và vẫn bị ràng buộc bởi luật chung thủy (số 291, tr.270). Từ đó có thể suy ra: với ly dị, giao ước hôn phối không còn nữa, hai người hết còn là vợ, là chồng của nhau và do đó luật chung thủy không còn áp dụng nữa.

Như vậy ly dị đồng nghĩa với tiêu hôn (dissolution of a marriage). Đó là quan điểm chung xưa nay vẫn được mọi người nhìn nhận. Và với nghĩa ấy, thật khó có thể nói ly dị là không có tội. Vì Thiên Chúa đã nói qua Tiên Tri Malaki: "Ta ghét việc ly dị" (Malaki, 2:14). Truyền thống Công Giáo không có vấn đề tiêu hôn, mà chỉ có việc tuyên bố một hôn nhân vô hiệu (invalid) vì khi giao ước, hai bên mắc vào một trong những yếu tố làm cho hôn nhân của họ không thành sự. Mà đã không tiêu hôn, thì không có ly dị. Các Giáo hội Kitô khác đã dựa vào Tin Mừng Matthêu đoạn 19, câu 9 để cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình. Riêng Giáo Hội Công Giáo vẫn chủ trương không ly dị vì bất cứ lý do gì, kể cả một bên đã bất tín.

2. Có tội

Thực tế, nhiều người Công Giáo đã ly dị. Một nghiên cứu gần đây tại Anh và Wales cho thấy tỷ lệ ly dị của người Công Giáo La Mã cũng tương tự như tỷ lệ của xã hội nói chung (Hornsby Smith, Roman Catholic Opinion. University of Surrey, 1979). Những người này đã nghĩ gì về thân phận họ và thực tế đã được đối xử ra sao trong cộng đồng Giáo Hội? Linh mục John Hosie, trong tác phẩm Catholics, Divorce & Remarriage xuất bản năm 1991, cho hay: Nhiều người Công Giáo ly dị nghĩ rằng khi làm như thế, họ không còn xứng đáng lãnh nhận các bí tích nữa, nhất là Bí Tích Thánh thể, và nếu họ tái kết hôn khi không được toà án hôn phối của Giáo hội tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu, là họ lập tức bị rút phép thông công (tr.x). Đấy là ý nghĩ của Morris West, một văn sĩ nổi danh của Úc. Trong tác phẩm A View From The Ridge, The Testament Of A Pilgrim, viết năm 1996, Morris West nhắc lại những cảm quan của ông khi cuộc hôn nhân thứ nhất của ông thất bại và niềm khắc khoải vì cái ám ảnh bị tức thời rút phép thông công (ipso facto excommunication) do hành động ấy gây ra. Thân nhân những người Công Giáo ly dị thuờng có thái độ thù nghịch. Đối với họ, nhận rằng một thành viên trong gia đình ly dị là nhận một sỉ nhục giống như thể thân nhân mình bị kết tội hình phải đi tù vậy. Cho nên họ cắt đứt liên lạc với người ly dị. Ngay cả bạn bè cũng thế: nhiều người ly dị cho hay bạn hữu tránh không muốn tiếp xúc với họ. Cái cảm thức bị ruồng rẫy (rejection) quả là một áp lực nặng nề làm đau thêm cái đau vốn đã quá nặng của họ.

3. Không có tội

Về phía những vị chăn chiên, một số khá đông trong cái nhiệt tâm bảo vệ đặc tính vĩnh viễn, bất khả tiêu của hôn nhân, đã kịch liệt lên án ly dị mà không phân biệt giữa cái ác của ly dị và người ly dị. Nói chung, mục vụ dành cho người ly dị hầu như bị lãng quên. Rất may, các thái độ trên đang thay đổi đáng kể. Năm 1982, Hội Đồng Giám Mục Tân Tây Lan ra thư luân lưu chính thức lên tiếng về Mục Vụ Dành Cho Người Công Giáo Ly Thân và Ly Dị, tựa đề là Khi Mộng Tan Đi (When Dreams Die). Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi cũng dùng cùng một thư luân lưu này gửi các tín hữu của mình. Trong thư luân lưu này, các tín hữu Công Giáo được chỉ dẫn rằng ý niệm cho ly dị có tội là một ý niệm không đúng, và rằng phải làm sao để những người ly thân và ly dị không cảm thấy bị loại trừ, trái lại nên khích lệ họ tham dự vào sinh hoạt bí tích của cộng đoàn Công Giáo. Giáo huấn mới mẻ này bắt nguồn từ Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolo II ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1981. Đi xa hơn thế, Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales ngày 22 Tháng 4 Năm 1994, qua tờ The London Catholic Herald, đã chính thức lên tiếng xin lỗi những ngưòi ly thân và ly dị vì sự thiếu chăm sóc mục vụ của mình đối với họ. Tuy thế, rất nhiều người Công Giáo ly dị và nói chung quảng đại quần chúng Công Giáo vẫn còn rất mù mờ về quan điểm chính thức hiện nay của Giáo Hội, đến độ dù Tông huấn của Đức Gioan Phaolo II đã được công bố cách đó 16 năm, thư luân lưu của Hội Đồng Giám Mục Úc được công bố cách đó 15 năm, họ vẫn tỏ ra ngạc nhiên đến thích thú khi nghe Đức Cha David Cremin, giám mục phụ tá tại Sydney, tuyên bố trong một thánh lễ dành cho Hội Các Cha Mẹ Đơn Lẻ (Single Parents) mà phần lớn hội viên là những người Công Giáo đã ly dị: "Nói cho cùng, ly dị không có tội" (Tập San Inform, số 39, Tháng 7 Năm 1994, Sydney).

4. Ly dị nào không có tội?

Phải chăng, học thuyết của Giáo Hội về ly dị nay đã thay đổi đến độ người Công Giáo được phép ly dị mà vẫn được tham dự đầy đủ đời sống bí tích của Giáo Hội ? Vấn đề thực ra không đơn giản như vậy. Vì như trên đã nói, định nghĩa của Giáo Hội về ly dị trước sau vẫn là một và do đó ly dị luôn là một điều xấu, hay nói theo thuật ngữ của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, ly dị là một thứ bệnh dịch (số 47). Tuy nhiên, ngày nay Giáo Hội phân biệt hai loại ly dị, hay nói đúng hơn hai trường hợp ly dị: ly dị dân sự nhưng không tái kết hôn, và ly dị dân sự rồi sau đó tái kết hôn. Các tuyên bố của các giám mục đôi khi không nói rõ sự phân biệt ấy. Nhưng Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolo II đề cập đến sự phân biệt ấy một cách hết sức minh nhiên. Trường hợp thứ nhất, Đức Thánh Cha nói rõ, không bị trở ngại trong việc chịu các bí tích. Vì thực ra nó giống trường hợp ly thân đã được Linh mục Bùi Đức Tiến định nghĩa như trên (dây hôn phối vẫn còn). Trường hợp sau, Đức Thánh Cha nói rõ, là một sự xấu, và dù dưới bất cứ nguyên cớ nào, cũng không được chịu Thánh Thể vì hai lý do sau đây: bậc sống của họ mâu thuẫn với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được biểu hiện qua Phép Thánh Thể và mặt khác cho phép họ Rước Lễ sẽ làm các tín hữu khác lầm lẫn và hiểu sai giáo huấn của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân (các số 83-84). Thực ra giáo huấn này không hẳn mới mẻ gì. Chính Đức Kitô đã phân biệt như thế khi Người nói: "Ai ruồng rẫy vợ mình và cưới lấy người đàn bà khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ thứ nhất; nếu một phụ nữ bỏ chồng để đi cưới người khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." (Mc 10:9; xem thêm Mt 19:9, Lc 16:18). Chỉ bỏ vợ hoặc chồng mà thôi chưa thành tội (ngoại tình). Thánh Phaolo đã hiểu như thế khi viết: "Vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân." (1 Cor 7:10-11). Thành ra khi nói rằng ly dị không có tội, các thẩm quyền Giáo Hội muốn nói đến việc ly dị dân sự: nguyên việc chấm dứt hôn ước trước toà án dân sự mà thôi chưa có tội. Nhưng nếu sau đó, người ly dị dân sự tự ý tái kết hôn, họ chính thức phá đổ giao ước hôn nhân, đi ngược lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, như Chúa Kitô đã nói trong các Phúc âm Nhất Lãm. Dù vậy, Đức Thánh Cha cho hay, họ vẫn không bị loại trừ khỏi Giáo Hội: "Cùng với Thượng Hội Đồng, Tôi khẩn thiết kêu gọi các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu giúp đỡ những người ly dị, và với sự săn sóc đầy nhiệt tâm hãy làm sao bảo đảm rằng họ không tự coi họ như những người bị tách biệt ra ngoài Giáo Hội, vì là những người đã chịu phép Rửa, họ có thể, và thực ra phải, chia sẻ đời sống của Giáo Hội. Nên khích lệ họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, kiên tâm cầu nguyện, đóng góp vào các công việc bác ái cũng như các cố gắng của cộng đòan phục vụ công lý, nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô Giáo, trau dồi tinh thần và thực hành thống hối và ngày đêm khẩn cầu ơn Chúa." (Tài liệu đã dẫn, số 84). Nói tóm lại, dù hiểu theo nghĩa nào, ly dị vẫn không đồng nghĩa với rút phép thông công. Quả là một thay đổi lớn lao, thật khác với thời Morris West. Ông thuật lại cố gắng của ông trong việc xin toà án hôn phối của Giáo Phận tuyên bố hôn nhân thứ nhất của ông vô hiệu. Đơn của ông bị bác. Ông lên toà Tổng Giám Mục để được giải thích. Vị Tổng Đại Diện của giáo phận cho ông hay dù lương tâm ông tin hôn nhân đầu không thành nhận, nhưng vì thiếu chứng cớ, nên toà án giáo phận phải kết luận rằng dây hôn phối ấy thành nhận. Morris West cực lực phản đối cho rằng phán quyết ấy bất công ở chỗ đã thiên về định chế hôn nhân (favor matrimonii) chứ không quan tâm đến những con người kết ước. Vị Tổng Đại Diện tỏ ý tiếc không thể làm gì hơn và cho ông hay: nếu ông tái kết hôn bên ngoài Giáo Hội, ông sẽ tự động bị trục xuất ra khỏi Giáo hội (sách đã dẫn, tr.96).

5. Tái kết hôn mà vẫn rước lễ?

Kể từ khi Tông huấn Familiaris Consortio được công bố đến nay, chiều hướng mục vụ ở một vài nơi còn tiến xa hơn đến chỗ chấp nhận cho cả những trường hợp ly dị dân sự sau đó tái kết hôn được rước lễ, dù toà án hôn phối của Giáo Hội đã bác không tuyên bố vô hiệu hôn nhân đầu.

Theo Linh mục John Hosie, đó có thể là trường hợp những người thành thực tin hôn nhân trước của mình thiếu yếu tố thành nhận, nhưng không có hy vọng được tuyên bố vô hiệu, không phải vì trường hợp của họ không đủ mạnh, nhưng chỉ vì các nhân chứng không liên lạc được hoặc liên lạc được nhưng từ chối không chịu để toà hôn phối phỏng vấn, cũng có thể vì nhân chứng chủ yếu nay đã mệnh một. Trường hợp tương tự là khi người Công Giáo kết hôn với người đã ly dị không Công Giáo và họ có đủ lý do để tin rằng hôn nhân trước của người phối ngẫu mình có thể đã không thành, nhưng người phối ngẫu này không chịu nạp đơn lên tòa hôn phối vì sự phức tạp phải yêu cầu thân nhân, bạn hữu và cả người phối ngẫu đầu tiên ra làm chứng trước tòa. Giáo Hội có gì giúp những người như thế không?

Linh mục Hosie cho rằng có: trong những trường hợp như vậy, người Công Giáo có thể căn cứ vào tòa trong (internal forum) để quyết định theo lương tâm và tiếp tục rước lễ. Theo ngài, đây là một nguyên tắc luân lý hoàn toàn đúng đắn và chính thống. Vì ngày 4 tháng 11 năm 1973, Đức Hồng Y Seper, lúc ấy là Tổng Trưởng Bộ Tín Lý của Tòa Thánh, ra một thư luân lưu khuyên các chủ chăn linh hồn phải quan tâm săn sóc những người đang sống trong những cuộc hôn nhân bất thường, bằng cách khi phải giải quyết những trường hợp như thế, thì, ngoài các phương thế đúng đắn khác, nên áp dụng tập tục toà trong vốn đã được giáo hội nhìn nhận. (Canon Law Digest, 9:503f). Nói theo ngôn ngữ bình dân, điều ấy có nghĩa: đối với những cuộc hôn nhân không được giáo hội nhìn nhận, thì ngoài những phương thế đúng đắn khác (như nhắc họ nạp đơn xin tuyên bố vô hiệu hôn nhân trước), các linh mục nên áp dụng tập tục từng được giáo hội nhìn nhận cho phép người ta quyết định theo lương tâm. Điều ấy sẽ cho phép họ được rước lễ.

Tuy nhiên, hai năm sau thư luân lưu của Đức Hồng Y Seper, người kế vị ngài là Đức Tổng Giám Mục Hamer đã đưa ra một số nguyên tắc hướng dẫn những quyết định lương tâm trên. Thứ nhất, cần phải sống một cuộc sống Kitô hữu xứng đáng. Thứ hai, phải tránh gương mù bằng cách chỉ nên rước lễ ở những nơi không ai biết trường hợp của họ (Canon Law Digest 9:504f).

Gương mù là hành vi có thể dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Không phải những người giả bộ hoặc những người phán đoán khắc nghiệt, loại người biệt phái mà Chúa Kitô lên án là giả hình. Ta không cần phải khuôn rập tác phong ta để làm họ vui. Lại có những người không biết gì về việc một hôn nhân có thể được vô hiệu hoá khiến người kết ước có thể tái hôn trong lòng Giáo Hội. Họ cũng không phải là loại người ta cần phải tránh gương mù. Cuối cùng, cần phải chú ý: không nên giả thiết về gương mù. Nếu hoàn cảnh tái hôn ít được quảng đại quần chúng biết đến (nên biết một điều: danh sách những người được vô hiệu hoá hôn nhân không bao giờ được công bố trên báo chí), thì người tái hôn có thể rước lễ ngay tại giáo xứ của mình. Một điểm cần nhấn mạnh nữa là chính người tái hôn phải quyết định theo lương tâm, chứ không phải ai khác, và quyết định ấy không bao giờ là chính thức cả, nó áp dụng cho lương tâm họ mà thôi. Điều này không dễ đối với đa số người Công Giáo vốn được giáo dục trong môi trường tiền Công Đồng Vatican 2 là môi trường không khích lệ sự tự ý quyết định theo lương tâm mình. Nhưng nay, đó lại là điều Giáo Hội muốn nơi họ. Quyết định theo lương tâm không thuần chỉ vì ý muốn được rước lễ, đúng hơn phải dựa vào niềm xác tín rằng hôn nhân thứ nhất của mình không phải là một hôn nhân thành nhận, dù thẩm quyền Giáo Hội không nhìn nhận như vậy.

6. Không ly dị mà là ly dị?

Linh mục Hosie còn đi xa hơn, cho rằng giáo luật được thi hành ở hai bình diện: bình diện khách quan, phổ quát và bình diện lương tâm bản thân. Sự suy đoán của luật (presumption of law) thuộc bình diện phổ quát, ở đây ta thấy lời của Đức Gioan Phaolo II liên quan đến hôn nhân có giá trị trên bình diện này: hôn nhân, kết ước hộp lệ, được suy đoán là thành nhận cho đến khi bị tuyên bố là vô hiệu. Lời của ngài cho thấy Giáo Hội giữ vững một cách không mập mờ giáo huấn của mình về đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân. Nhưng trong khi khích lệ người ta nạp đơn xin tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu, ngài không hề nói rằng không có hoàn cảnh nào cho phép họ được rước lễ nếu đơn của họ bị bác. Khi Đức Thánh Cha lên tiếng công khai, với công chúng, hoặc qua văn bản, ngài nói trên bình diện khách quan, phổ quát. Nhưng ngài cũng từng nói trên bình diện bản thân nữa. Đó là lúc những con người chân thực đến gặp ngài trên bình diện bản thân, qua toà giải tội chẳng hạn, những lúc như vậy, ngài có thể nói với họ thẳng vào lương tâm từng người mà không sợ bị hiểu lầm.

Hai bình diện của giáo luật có thể được minh thị bằng thí dụ sau: trên bình diện kỹ thuật, Giáo Hội không nhìn nhận ly dị, nhưng như trên đã thấy, ở một số nơi, Giáo Hội đòi buộc phải ly dị dân sự rồi mới nạp đơn xin vô hiệu hôn nhân. Cũng thế, nhiều người tái kết hôn (theo dân luật), trước khi được tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu. Như thế, trước khi được tuyên bố vô hiệu, họ đã một "cách khách quan" không thi hành giáo huấn của Giáo Hội. Điều đáng lưu ý là một khi được tuyên bố vô hiệu, và việc tái hôn của họ "được chúc lành", Giáo Hội coi hôn nhân thứ hai đã bắt đầu không phải từ lúc được Giáo Hội chúc lành, mà là từ lúc lời thề hứa được thực hiện ngoài dân sự (có nghĩa là lúc họ, trên bình diện khách quan, không thi hành luật phổ quát của Giáo Hội về đặc tính bất khả tiêu).

Theo thiển ý, việc có hai bình diện là điều có thực. Nhất là từ thời Công đồng Vatican 2 với việc nhấn mạnh đến vai trò lương tâm con người trong các quyết định luân lý. Và thuật ngữ toà ngoài tòa trong vốn đã có từ lâu nay. Vì nói cho cùng, biểu thức truyền thống về trọn bộ nội dung giáo luật được tóm lại trong câu sau đây: In Ecclesia, suprema lex salus animarum (trong Giáo Hội, luật trên hết là lợi ích của các linh hồn). Nói cách khác, luật vì con người, chứ không phải con người vì luật. Tuy nhiên nhận định của linh mục Hosie, qua những thí dụ trên, không hoàn toàn chính xác. Thứ nhất, Giáo hội không bao giờ đòi buộc tín hữu mình nếu muốn nạp đơn xin tiêu hủy hôn nhân phải ly dị dân sự trước. Trong Giáo hội, như thánh Phaolo đã nói, vợ chồng không được bỏ nhau, và nếu bỏ nhau thì phải ở độc thân, và phải tìm cách làm hòa với nhau, nghĩa là chỉ được ly thân (khi có lý do chính đáng, nếu lý do ấy không còn thì phải làm hoà với nhau). Bao lâu, dây hôn phối vẫn còn đó, thì còn có hy vọng trở về với nhau. Một khi dây hôn phối đã bị bẻ gẫy qua hành vi ly dị dân sự, thì biện pháp cuối cùng phải là luật lệ, để hoạ may giải quyết bằng cách tìm hiểu xem hôn nhân trước có thành hay không. Tuyên bố vô hiệu do đó là một biện pháp đến sau để giải quyết một bế tắc hơn là gây ra bế tắc ấy. Thứ hai, sự kiện, một khi tuyên bố vô hiệu, thì hôn nhân thứ hai được kể là có hiệu lực từ ngày kết ước dân sự, chứ không phải kể từ ngày hôn nhân đầu được tuyên bố vô hiệu, chỉ là quảng diễn ý niệm căn bản của việc vô hiệu hoá: vô hiệu hóa là tuyên bố rằng hôn nhân thứ nhất, dù bề ngoài xem ra như một hôn nhân, thực tế chưa bao giờ là một hôn nhân cả vì khi kết ước, hai bên thiếu một trong những yếu tố làm cho hôn nhân ấy thành hiệu. Cho nên về phương diện luật, hai người được kể là "độc thân" nghĩa là không bị trói buộc. Hôn nhân thứ hai vì vậy mà có hiệu lực kể từ ngày hai vợ chồng mới kết ước, sự kết uớc giữa hai con người có đủ năng quyền, không bị một trói buộc nào. Giáo Hội luôn luôn tôn trọng một hôn nhân kết ước tự nhiên như thế. Cho nên không thể nói: trước khi được tuyên bố vô hiệu, hai người "khách quan" không tuân phục nguyên tắc bất khả tiêu hôn nhân của Giáo Hội.

Nói tóm lại, ly dị vì bất cứ lý do gì cũng là điều không được Chúa Kitô chấp nhận. Và nếu Chúa Kitô đã không chấp nhận, thì Giáo Hội, bạn chí thánh của Người, cũng không thể nào chấp nhận. Việc một người đã ly dị dân sự, tái kết hôn dù hôn nhân trước không được tuyên bố vô hiệu, nhưng lương tâm ngay thẳng của họ tin rằng nó vô hiệu, và trong tâm tình bác ái của một người con Chúa tránh gây "gương mù gương xấu" cho anh em, quyết định vẫn tiếp tục rước lễ, ta chỉ biết tôn trọng sự quyết định của họ và trao họ cho sự quan phòng và phán quyết của Chúa. Chỉ có Người mới biết thực sự họ ra sao.
 
Hàng Không Mẫu Hạm Trung Quốc: Đem đồ đồng nát đi hù dọa ai trên Thái Bình Dương?
Dominic David Trần.
13:43 10/08/2011
Hàng Không Mẫu Hạm Trung Quốc: Đem đồ đồng nát đi hù dọa ai trên Thái Bình Dương?

Bắc Kinh: theo bản tin lúc 9AM EST ngày 10/08/2011 của liên Thông Tấn Xã AP và Canadian Press tại Bắc Mỹ cho biết : Hàng không Mẫu hạm đầu tiên của Tàu bắt đầu thực tập trên biển Đông mặc cho những ai quan tâm về những tham vọng bành trướng bá quyền của họ.

Biên tập viên Christopher Bodeen cho biết cái gọi là ... Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên của Tàu ... đã rẽ qua làn sóng nước phủ đầy sương mù vào sáng sớm ngày thứ Tư hôm nay để bắt đầu những cuộc thử nghiệm trên biển đã làm cho những mối quan ngại về sức mạnh quân sự nước Tầu đang phát triển cùng hòa điệu với những lập luận không ngừng lớn tiếng đòi chủ quyền của họ trên các vùng lãnh hải đang còn đầy tranh chấp.

Công việc sửa chữa, tân trang và gắn đặt thêm các trang thiết bị vào các xác tàu mang nhãn hiệu Varyag một thời trước đây của Liên Sô đã đánh dấu một bước đầu tiên trong việc chuẩn bị xuất xưởng chiếc HKMH này trong tình trạng được trang bị hoàn toàn đầy đủ để sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng phía nước Tàu lại nói rằng chiếc tàu này được dự định phục vụ cho việc nghiên cứu và huấn luyện, đồng thời ám chỉ rằng Tàu đang có kế hoạch dài hạn để đóng thêm 03 (ba) chiếc nữa theo nguyên mẫu HKMH này tại các Xưởng đóng tàu riêng của nước Tàu. (China says the ship is intended for research and training, pointing to longer-term plans to build up to three additional clones of the carrier in China's own shipyards.) Điều này có nghĩa là họ bảo cái xác HKMH đồng nát Varyag đã mua - đem về gắn thêm hỏa tiễn và hải pháo vào chỉ là một chiếc tàu -ship- để nghiên cứu và huấn luyện chứ không phải để do thám và quấy rối lãnh hải nước khác....và rằng họ có dư khả năng để đóng thêm 3 cái như thế này nữa.!!!!

Hoàng Thiệu Phu, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Liên -Thái Bình Dương của Trường Đại học Thượng Hải tuyên bố; " Như là một cường quốc kinh tế, Trung quốc, ở mặt này nên gánh thêm các trách nhiệm trên thế giới (!) và một mặt khác nó vừa có thêm những lợi ích về an ninh quốc gia rất mới mà Trung quốc cần phải bảo vệ (!!). Trong những trường hợp này, sức mạnh Hải quân của Trung quốc cần phải đượcphát triển tương xứng với cả hai mặt trên. (Vậy là sau hơn 1000 năm và 200 năm, những suy nghĩ của giáo sư học giả Tàu Hán này và phe nhóm của ông ta vẫn giống y như của Thái thường Bác sĩ Hầu Nhân Bảo, Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, Nguyên soái Ô Mã Nhi, các Thái tử Hoằng Tháo, Thoát Hoan thuở trước ... )

Các chi tiết về ...cái hải thuyền này (cruise) đã được bảo vệ rất kín đáo nhất theo cái gọi là luật bảo vệ quân sự của Trung quốc, tuy nhiên Tân Hoa Xã đã chính thức công bố những giai đoạn phát triển của chiếc HKMH này. Tàu chiến này dài hơn 300 mét (300-meter vessel) đã lướt sương mù rẽ sóng từ cảng phía bắc của Liên Hợp Công Nghệ Đóng Tàu Đại Liên ra khơi. (Dalien Shipbuilding Industry Corp, xem hình kèm theo)

Tân Hoa Xã cho biết thêm; " sau khi hoàn tất cuộc hải hành thử nghiệm về lại xưởng Đại Liên, chiếc HKMH này (aircraft carrier) sẽ được tiếp tục tiếp nhiên liệu, gắn thêm trang thiết bị mới và thực hiện các cuộc kiểm nghiệm khác. (Ghi chú: phóng viên Mỹ đã phải dùng các từ ngữ như: ship, vessel, cruise trong khi đó phía Tàu dùng các chữ carrier, aircraft carrier để diễn tả cái gọi là hàng ... không mẫu Hạm này. Nếu là aircraft carrier thì cái này phải carry được nhiều aircraft, nhưng đây nó giống như một cái dàn nhảy ski thi nhào lộn trượt tuyết trên biển thì không biết gọi thế nào cho phải. Vậy xin phép chuyển ngữ cho nó cái tên là: " hàng ... không... mẫu Hạm )

Nước Tàu đã dành gần hết 10 năm với biết bao tiền của , trí lực để tân trang đánh bóng lại cái gọi là carrier Mẫu Hạm này vốn mang tên là Varyag của thời mồ ma Liên Sô trước đây. Sau khi Liên Sô tan rã, Liên bang Nga gán nợ và chia của cho nước Cộng hòa Ukraine chiếc HKMH này sau khi Nga đã tháo gỡ đi những thiết bị công nghệ quân sự tối mật nhất. Năm 1998 các Công Ty Công nghệ Giải trí Cờ bạc tại Macao đã mua lại chiếc Varyag này và đem về Tàu. Thế nhưng trước khi nó được kéo ra khỏi lãnh thổ Ukraine thì trước khi giao hàng Ukraine đã tiếp tục tháo gỡ các động cơ, hệ thống vũ khí cũng như hướng dẫn hải hành còn sót lại của nó. (China has spent the better part of a decade refurbishing the carrier formerly known as the Varyag after it was towed from Ukraine in 1998, minus its engines, weaponry, and navigation systems. Nghĩa là phía Macao đại diện cho Trung quốc ẩn danh đi mua cái vỏ HKMH này với gía gần 400 triệu USD và mướn một Công Ty khác mất thêm 2 năm nữa để kéo được nó về đến bến xưởng Đại Liên hiện nay.)

Chương trình đóng HKMH của Bắc Kinh được coi như là mức phát triển tự nhiên của sự bành trướng âm ỉ về quân sự của nước Tàu hiện hưởng lợi từ một ngân sách quốc phòng tăng trưởng gần như liên tiếp với tỷ lệ hai con số trong 20 năm qua. Hiện nay Trung Quốc đã tuyên bố là chi phí quân sự của họ đã tăng lên đến mức 91.5 tỷ USD trong năm 2010, tức là họ đã đứng vào hàng thứ hai cao nhất thế giới - chỉ đứng sau lưng có mỗi nước Mỹ mà thôi.

Trong khi các mẫu hạm được Tàu phát triển phần lớn dựa trên sự tuyên truyền huênh hoang về các chủ quyền và đặc quyền đặc lợi quốc gia của họ - nhưng chính những tham vọng về lãnh hải của Trung quốc thông qua những lập luận đòi chủ quyền một cách sống sượng của họ trên những vùng lãnh hải bao quanh Đài Loan và vùng biển Đông Nam Á đã gây nên sóng gió trên Biển Đông và mang lại sự quan ngại của các nước có liên quan cũng như sự lưu tâm của cộng đồng quốc tế.

Đài Loan, đảo quốc tự trị theo chế đô dân chủ thường bị Trung quốc coi là lãnh thổ của riêng họ. Đài Loan đã đáp trả lại những mối đe dọa không ngừng tăng lên của Trung quốc bằng cách nghiên cứu phát triển và chế tạo các loại hoả tiễn có tầm tấn công và đánh trúng các mẫu hạm ngay trên biển. Ngay trong sáng thứ Tư hôm nay, tại thủ đô Đài Bắc, Đài Loan đã trưng bày công nghệ kỹ thuật quân sự của riêng họ: một phần biểu diễn cho thấy Hoả tiễn Hùng Phong đời thứ 3 (Hsiung Feng III) đang đánh trúng một Hàng không Mẫu hạm có vóc dáng trang bị từa tựa như cái Hàng không Mẫu hạm Varyag thứ thiệt thuở xưa tức là HKMH Varyag có đầy đủ hệ thống công nghệ điều khiển hỏa tiển và máy bay chiến đấu thật sự của Hạm Đội Liên Sô hồi đó - chứ không phải cái đồ đồng nát đem tô sơn vẽ phấn hiện nay.

Trong những năm vừa qua Tàu đã lớn giọng gây hấn, đôi co tranh chấp với Nhật Bản, Phi Luật Tân và Việt Nam; đồng thời tạo nên căng thẳng trong quan hệ với Nam Hàn: tất cả các quốc gia này đã và đang tìm sự ủng hộ từ Hoa Thịnh Đốn - quyền lực Hải quân siêu việt từ lâu tại Á Châu. (nguyên văn: All of which have sought support from Washington, long the pre-eminent naval power in Asia.)

Phía Tàu lý sự với lập luận cho rằng chương trình đóng và thử nghiệm mẫu hạm của họ bằng cách nói rằng; " Trung quốc chỉ là nước thành viên duy nhất trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hiện nay chưa phát triển đóng các mẫu hạm như vậy trong khi đó Trung quốc lại có một đường lãnh hải to lớn và có các tài sản mênh mông trên biển cần được bảo vệ. Trung quốc cũng muốn nói rằng các mẫu hạm của Trung quốc cũng sẽ được dùng cho các nỗ lực về nhân đạo quốc tế, mặc dù cái sàn phóng máy bay chiến đấu cuả cái mẫu hạm Varyag thuở trước coi rất giống cái dàn đài môn thi nhảy nhào lộn trượt tuyết trên không nhưng thực ra nó lại giới hạn số lượng các máy bay chiến đấu có thể mang theo được trên mẫu hạm đó.

Với tư cách là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, Trung quốc đã đi đằng sau các tiểu quốc như Thái Lan và Ba Tây; và cũng đã tụt hậu sau nước địch thủ trong khu vực là Ấn Độ vốn đã mua được một số các Hàng Không Mẫu Hạm chính thức và toàn diện từ các cường quốc quân sự khác. (nguyên văn: As the world's second-largest economy, China says it lags behind smaller nations such as Thailand and Brazil, as well as regional rival India, which have purchased carriers from abroad. While Chinese carriers could challenge U.S. naval supremacy in Asia, China still has far to go in bringing such systems into play, experts said.)

Các chuyên gia quân sự quốc phòng phát biểu; trong suy tư cho rằng các mẫu hạm của Trung quốc đã có thể thách thức siêu quyền lực Hải quân của Hoa Kỳ tại Á Châu, thật ra thì Trung quốc còn lâu lắm mới có thể đem được những hệ thống đúng nghĩa có đủ sức mạnh quân sự quốc phòng đó để vào cuộc chơi với Mỹ. Hải quân Hoa Kỳ hiện nay đang bố trí 11 Hàng Không Mẫu Hạm và các Hạm đội hộ tống chiến đấu trên các vùng biển và những Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ có công nghệ kỹ thuật khoa học rất siêu việt, khoa học tiên tiến, to lớn hơn hẳn các Hàng Không Mẫu Hạm hiện nay của các quốc gia khác.

Cuộc thực tập từ hôm thứ Tư này chẳng qua căn bản là thử nghiệm hệ thống lực đẩy con tàu mà thôi, còn nếu nói là để thử các chương trình chuẩn bị sẵn sàng để phóng và thu hồi các phi cơ chiến đấu từ trên cái mẫu hạm này thì hãy còn một quãng đường lâu dài lắm. Cái vụ thử nghiệm hôm nay thực ra chỉ nặng phần khoe khoang - để trình diễn mà thôi. Cái gọi là hàng ... không có hạm (carrier) này còn khuya mới được gọi là Hàng Không Mẫu Hạm (aircraft carrier). Andrei Tưởng, chủ bút tạp chí Kanwa- Quốc Phòng Châu Á đã nhận định như vậy; (Wednesday's exercise was essentially a test of the ship's propulsion system, with preparations to launch and recover aircraft still a long way off. This was really just for show. They still have a long way to go)

Bản thông báo của Tân Hoa Xã không nói rõ cho biết chuyến thử nghiệm trên biển dài bao lâu. Thế nhưng một bản tuyên bố đăng trên trang nhà của Cục An Toàn Hàng Hải tại Liêu Ninh đã thông báo là Cấm tất cả các tàu bè không được đi vào một hải đạo nhỏ gần cảng Đại Liên cho đến 6:00PM (10:00 GMT) ngày Chúa Nhật.

Khi hạ thủy và giao được nhiệm vụ đầy đủ cho một Hàng Không Mẫu Hạm đúng nghĩa bên ngoài lãnh hải của họ thì có nghĩa là Trung quốc đã mở rộng được tầm hoạt động của các phi đội chiến đấu thuộc Hải quân của họ và đồng thời cũng tăng cường được khả năng của Hải quân Tàu tấn công đến các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại lãnh thổ Nhật Bản, Nam Hàn, và có thể đến tận căn cứ ở hải đảo Guam nữa.

Người ta tin rằng Bắc Kinh hiện đang phát triển một loại Mẫu Hạm mang mật danh J-15 nhưng thực ra là nhái theo phiên bản thiết kế Hàng Không Mẫu Hạm loại Su-33 của Liên Bang Nga. Đây là một bước đi đã gây cho các quan chức quốc phòng cao cấp tại Moscow rất tức giận; các quan chức này đã tố cáo Trung Quốc là ăn cắp công nghệ kỹ thuật quốc phòng bí mật của Nga.

Cả hai khối Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ đã áp dụng lệnh cấm bán vũ khí quân sự cho Trung quốc, vì thế chỉ còn có mỗi nước Cộng Hòa Liên Bang Nga là người duy nhất cung cấp vũ khí quân sự và trên biển cho nước Tàu.

Trong khi kỹ nghệ quốc phòng của Moscow đang suy giảm về cả nghiên cứu sáng kiến lẫn mức sản xuất , thì những người cầm đầu công nghệ quân sự quốc phòng tại Trung quốc đã cố gắng làm mọi cách để kết hợp các trang thiết bị, lý thuyết sẵn có và mua lại của Liên Sô trước đây với những công nghệ kỹ thuật tiên tiến của Trung quốc thủ đắc . Phương cách tương tự như vậy được áp dụng cho chương trình không gian của Trung quốc như mọi người đã biết: đem cái xác phi thuyền căn cứ từ bản thiết kế phi thuyền-trạm không gian mang tên Soyuz, "Chào Mừng" của Liên Sô ra thiết kế lại và dùng thêm công nghệ kỹ thuật gọi là ... mới nhất để cho nó cái tên Thần Châu, cho bay lên khoe để với thiên hạ và dân nước họ là Tàu cũng có phi thuyền không gian và phi hành gia như các cường quốc Mỹ và Nga vậy.

Thế nhưng theo các nhà phân tích quân sự quốc phòng của Tây Phương thì, "ngược lại với hàng loạt những tuần dương hạm, tàu ngầm và các chiến hạm mới của Trung quốc mới khoe ra gần đây, thì cái gọi là ... mẫu hạm mới này thực ra sẽ chẳng tăng thêm chút đỉnh sức mạnh nào cho các năng lực hải quân của nước Tàu." (In contrast to China's slew of new frigates, submarines, and other warships, the carrier will actually add little to the country's naval capabilities, according to Western analysts.)

Jonathan Holslag, chuyên gia của Học Viện Nghiên cứu về các vấn đề Trung quốc đương đại có trụ sở tại Brussels Bỉ đã nhận định rằng; " Chí ít ra thì nó cũng gây nên ... chút ít sóng gió ... trên vùng biển Đông Nam Á và hù dọa được những nước có lực lượng hải quân trang bị nghèo nàn kém cỏi như của Việt Nam, Nam Dương và Phi Luật Tân mà thôi! (nguyên văn "At best, it could makes some waves in the South China Sea and intimidate the poorly equipped navies of Vietnam, Indonesia and the Philippines," nghĩa là đem hàng dỏm đi hù dọa người nghèo mà lại yếu gan nhỏ mật thôi chứ người nghèo mà có can đảm thì họ không dễ để bị bắt nạt đâu.)

Dominic David Trần.
 
Kinh tế Mỹ không đến nỗi tệ, theo lời vị đứng đầu ngân hàng Vatican
Trần Mạnh Trác
18:05 10/08/2011
(CNA Rome 10-8-11). - Hoa Kỳ không nhất thiết là "một quốc gia đang trên đà suy thóai hoặc đang bị đập một cú thấu xương" (“a nation in decline or struck to the core”), là lời bình luận trên báo L'Osservatore Romano của vị đứng đầu Ngân hàng Vatican, ông Ettore Gotti Tedeschi.

"Hoa Kỳ vẫn là quốc gia công nghệ tiên tiến nhất thế giới, với GDP cao nhất, hơn 1 phần rưỡi GDP của châu Âu, hơn Trung quốc 4 lần, và hơn nước Ý tới mười lần. "

Ý kiến của ông được đưa ra ngay vào giữa thời điểm sôi nổi của một tuần bất ổn tài chính toàn cầu mà phần lớn là do những lo ngại về nền kinh tế Mỹ. Tuần trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor đã hạ thấp tín dụng của Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử, trong bối cảnh có những lo ngại về khả năng thanh toán các khoản nợ của Mỹ.

"Thực tế là việc giảm cấp đã không đè bẹp nước Mỹ xuống tận đất đen, nhưng có thể sẽ làm cho Mỹ khiêm tốn hơn và mở rộng sự hợp tác với châu Âu", theo lời ông Gotti Tedeschi.

Qua quá trình một sự nghiệp lâu dài và xuất sắc, ông Gotti Tedeschi, 66 tuổi, đã có nhiều bài viết về ngân hàng, kinh doanh và học thuật. Ông đã nhận chức giám đốc Ngân hàng Vatican - còn gọi là Institute for Works of Religion (Viện cho các Hoạt Động Tôn giáo) - từ năm 2009.

Soi mói ra những điều yếu kém của nền kinh tế Mỹ thì là một sai lầm giống như là thổi phồng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Quốc gia châu Á lớn này chỉ có một GDP không cao hơn nước Đức là bao nhiêu nhưng phải đối mặt với một loạt các vấn đề không dễ dàng: như giải quyết sự suy giảm nghiêm trọng về xuất khẩu, và nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng trong bối cảnh chi phí sản xuất thì mỗi ngày mỗi cao, khả năng cạnh tranh thì suy giảm, và nguy cơ lạm phát gia tăng".

Để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Gotti Tedeschi đề xuất một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, với ý thức rằng tất cả các nền kinh tế đang trong cùng một con thuyền tài chính.

"Không còn lúc mà có một quốc gia nào đó có thể được miễn từ khỏi cuộc khủng hoảng hoặc được miễn dịch khỏi sự cám dỗ vay nợ thêm để giải quyết vấn đề của mình. Những nỗ lực và giải pháp đơn lẻ chỉ làm tình hình chung xấu hơn và khuyến khích sự đầu cơ tích trữ. "

Hội nghị thượng đỉnh, ông cho biết, có thể đưa đến một kết luận chung, tuy khó chịu nhưng không thể tránh khỏi, là "phải qua một thời kỳ thắt lưng buộc bụng, quản lý một cách tổng thể, mới là chìa khóa thực sự cho sự tăng trưởng trở lại. "

Trong phần kết luận, ông phác thảo một chiến lược đặc biệt cho sự phát triển dựa trên việc khuyến khích các gia đình tiết kiệm - và sau đó đầu tư một khoản tiết kiệm vào các doanh nghiệp nhỏ và trung bình.

"Chiến lược này sẽ đảm bảo nguồn lực mới cho đầu tư mà các ngân hàng và các quỹ ngày nay không thể có được, nó sẽ khuyến khích các chương trình tăng trưởng một cách tích cực hơn, gia tăng công ăn việc làm và thậm chí cung cấp đảm bảo tài chính cho các ngân hàng."

Cuối cùng, ông đề nghị rằng các chính phủ nào mà vẫn chưa có một hội đồng tư vấn kinh tế thường trực, gồm có các học giả và các nhà công nghiệp, thì nên suy nghĩ làm sao để tạo ra một cơ chế như vậy.
 
Một số ý niệm chủ chốt trong Tin Mừng Gioan
Vũ Văn An
23:18 10/08/2011
1. Ngôi Lời

Theo Leon Morris, trong The Gospel According to John (WM. B. Berdmans Publishing Co. Grand Rapids, Michigan), hạn từ Logos (Lời) rất được người Hy Lạp sử dụng. Nó có thể được coi như một cái gì ở bên trong con người để chỉ ý nghĩ hay lý lẽ. Nhưng nó cũng có nghĩa như một cái gì được nói ra để phát biểu ý nghĩ kia, tức lời nói. Nghĩa triết học thường theo nghĩa thứ nhất, để chỉ hồn vũ trụ, hay nguyên lý phổ quát, nguyên lý thuần lý của vũ trụ. Nó là năng lực sáng tạo, theo một nghĩa nào đó, mọi vật đều do nó mà ra. Ít nhất nó đã được sử dụng từ thời Heraclitus (thế kỷ thứ 6 trước công nguyên). Triết gia này cho rằng Lời “luôn luôn hiện hữu”, và “mọi vật đều xẩy tới qua Lời này”. Ông quan niệm thực tại đầu cùng đôi khi là Lửa, đôi khi là Thiên Chúa, và đôi khi là Lời. Theo James Adam, “trong Heraclitus, ba ý niệm Lời, Lửa và Thiên Chúa căn bản đều như nhau. Trong tư cách Lời, Thiên Chúa là sự khôn ngoan luôn luôn hiện hữu qua đó muôn vật được điều hướng” (The Religious Teachers of Greece. Edinburgh, 1909). Heraclitus thấy rằng con người vốn quan niệm vũ trụ bằng ngôn từ vật lý. Nên ông đưa ý niệm Lời vào để giải thích trật tự ông thấy trong vũ trụ (kosmos). Lời chính là nguyên lý ổn định, điều hướng vũ trụ.

Các tư tưởng gia sau Heraclitus phần lớn không nối tiếp dòng tư tưởng ấy. Platon chẳng hạn chỉ thỉnh thoảng lắm mới nhắc đến Lời, vì ông ta quan tâm nhiều hơn đến việc phân biệt thế giới vật chất với thế giới thực tại, tức thế giới “ý niệm”. Chính các triết gia khắc kỉ (stoics) đã quảng diễn ý niệm Lời. Họ từ bỏ các nguyên hình thiên giới của Platon để chọn quan điểm cho rằng vũ trụ thấm đầy Lời, tức nguyên lý trường cửu. Hạn từ Lời diễn tả niềm xác tín của họ vào tính thuần lý của vũ trụ. Họ không ý niệm Lời như có ngôi vị, nên họ không hiểu nó như ta hiểu về Thiên Chúa. Đối với họ. yếu tính của nó là một nguyên lý, một sức mạnh. Nhưng quan trọng ở điểm nó không phải chỉ là một nguyên lý bất cứ nào đó, mà là nguyên lý tối cao của vũ trụ. Nó là sức mạnh phát sinh, thấm nhiễm và điều hướng muôn vật.

Cho nên, khi thánh Gioan dùng hạn từ Lời, ngài đã dùng một hạn từ rất quen thuộc của thế giới Hy Lạp. Dĩ nhiên người bình dân không hiểu nghĩa triết học của nó. Nhưng ít nhất họ cũng hiểu nó chỉ về một điều rất quan trọng. Thánh Gioan khi dùng hạn từ đó, tất nhiên không tránh khỏi khơi dậy trong tâm trí người nói tiếng Hy Lạp ý nghĩ trên. Tuy nhiên, tư tưởng chính yếu của ngài lại không phát xuất từ hậu cảnh Hy Lạp ấy. Quả vậy, Tin Mừng của ngài cho thấy ngài rất ít quen biết với triết học Hy Lạp, chứ đừng nói đến chuyện lệ thuộc thứ triết học ấy. Đối với người Hy Lạp, các thần minh được coi như cách biệt đối với thế giới, vô tình trước các gian nan, tan tác cõi lòng, các hân hoan sợ hãi của con người. Ngôi Lời của thánh Gioan khác hẳn thế. Đó là một Thiên Chúa đã can dự một cách cuồng nhiệt vào lịch sử con người. Vì Ngôi Lời đã đến đây, đã mang lấy bản nhiên của ta, đi vào cuộc đấu tranh của thế giới, và qua cuộc đấu tranh ấy, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Điều quan trọng hơn để hiểu Tin Mừng này nói chung và việc sử dụng hạn từ Ngôi Lời nói riêng chính là hậu cảnh Do Thái của nó. Các chữ mở đầu “lúc khởi đầu” buộc ta phải so sánh với Sáng thế 1:1, trong khi “Ngôi Lời” khiến ta nhất định phải chú ý đến những chữ được lặp đi lặp lại “và Thiên Chúa phán” của chương mở đầu Thánh Kinh. Ngôi Lời vì vậy chính là Lời sáng tạo của Thiên Chúa (câu 3). Bầu không khí vì thế là bầu không khí DoThái Giáo, không thể lầm lẫn được.

Một điểm trong giáo huấn của Cựu Ước được thế kỷ đầu rất chú ý là việc nó sử dụng các quan niệm như “Lời”, “Sự Khôn Ngoan” v.v... Dù các quan niệm này không có gì phạm đến chủ nghĩa độc thần căn bản của Do Thái Giáo, nhưng càng ngày người ta càng chú ý đến những đoạn trong đó các thực tại kia mang dáng dấp một hiện hữu độc lập. Cứ như thế, dọc dài Cựu Ước, Lời Thiên Chúa được quan niệm như một tác nhân hữu hiệu thể hiện thiên ý. “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời” (Tv 33:6). Khi Thiên Chúa nói là Người làm một cái gì đó. Lời của Người cũng chính là hành động của Người. Hành động mạc khải của Thiên Chúa đôi khi được miêu tả là lời Thiên Chúa “đến” với các tiên tri. Để giữ truyền thống ấy, tiên tri có khi gán cho Lời một sự hiện hữu ít nhiều độc lập, như trong Isaia chẳng hạn, tiên tri cho hay Chúa phán “Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta trao phó” (Is 55:11). Và trong Thánh Vịnh 29, “tiếng” của Thiên Chúa cũng được quan niệm như vậy.

Cựu Ước cũng đã gần như ngôi vị hóa Khôn Ngoan hay Lề Luật. Do đó, Khôn Ngoan đã được miêu tả như một ngôi vị Thiên Chúa : “Đức Chúa đã dựng nên Tta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất... Đã có Ta hiện diện khi Người thiết lập ra cõi trời... Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả; ngày ngày Ta là niềm vui của Người “ (Cn 8: 22 và kế tiếp).

Cũng thế, Isa 2:3 và Mic 4:2 cho thấy “Lề Luật” và “Lời” cũng chỉ cùng một sự vật như vậy. Trong các đoạn ấy, “Khôn Ngoan”, “Lề Luật” hay “Lời” đều có tính thần linh tuy không hoàn toàn y hệt Thiên Chúa.

Trong các bản Targums, ta cũng thấy việc sử dụng có tầm quan trọng. Khi tiếng Hípri không còn được sử dụng làm tiếng nói nữa, thì Thánh Kinh vẫn còn tiếp tục được đọc bằng ngôn ngữ ấy trong các buổi lễ tại hội đường. Để bù vào, người ta có thói quen thoát dịch các đoạn được đọc. Các lời thoát dịch này chính là các bản Targums. Thoạt đầu, Targums chỉ là các bài dịch thoát khẩu, về sau mới được ghi chép thành văn. Những bản còn lại đến nay cho thấy chúng chỉ những lời diễn giải chứ không phải lời dịch đúng nghĩa. Chúng được thực hiện vào thời điểm người DoThái vì lòng cung kính cũng có mà vì sợ phạm đến điều răn thứ ba cũng có đã tránh không dám đọc đến tên Thiên Chúa nữa. Khi đọc đến những đoạn có thánh danh Thiên Chúa, các nhân viên đọc sách cũng như các dịch giả bèn thay thế thánh danh ấy bằng những từ ngữ họ cho là cung kính đủ như “Đấng Thánh” hay “Thánh Danh”. Đôi khi họ dùng hạn từ “Lời” (Memra). Chẳng hạn, trong khi Thánh Kinh của ta viết “Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa” (Xh 19:17), thì bản Targum lại ghi như sau: “... để nghênh đón Lời Thiên Chúa”. Lối dùng này khá quen thuộc. Theo Barclay, nguyên trong bản Targum của Jonathan mà thôi, kiểu nói ấy cũng đã được sử dụng đến 320 lần. Điều muốn nhấn mạnh ở đây không phải để nói rằng các thuật ngữ kia được dùng để chỉ một đấng tách biệt với Thiên Chúa, nhưng chỉ để nói rằng nơi nào người ta quen thuộc với các bản Targum, họ đều cũng quen thuộc với hạn từ ‘Lời” để chỉ về Thiên Chúa. Cách dùng của thánh Gioan không hẳn theo lối của Targum, nhưng chắc chắn không tránh khỏi việc khiến người ta phải liên tưởng đến chúng.

Trong thời gian giữa Cựu và Tân Ước, người ta đã nới rộng việc sử dụng các từ ngữ đang bàn đến. Có những phát biểu rất ngạc nhiên về Khôn Ngoan. Như trong sách Huấn Ca chẳng hạn, Khôn Ngoan nói như sau về chính mình: “Ta xuất phát từ miệng đấng Tối Cao và như mây mù, Ta bao phủ cõi đất. Ta cắm lều trên nơi cao thẳm và đặt ngai Ta trên cột mây. Duy có mình Ta đi vòng cả bầu trời và rảo bước khắp vực sâu thăm thẳm” (Hc 24:3 và kế tiếp). Rõ ràng, Khôn Ngoan rất gần gũi với Thiên Chúa, dù soạn giả đã cẩn thận nhắc đến nó như một thụ tạo: “Người đã dựng nên Ta trước muôn đời từ khởi thủy” (Hc 24:9). Trong sách Khôn Ngoan, ta thấy Khôn Ngoan “làm rạng ngời vinh hiển, bởi luôn sống cùng Thiên Chúa” (Kn 8:3) và “hiểu biết về Thiên Chúa và quyết định về những công trình của Người” (Kn 8:4). Soạn giả còn cầu nguyện như sau: “Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên, lạy Đức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người” (Kn 9:1, đây là một đoạn cho thấy soạn giả không phân biệt giữa Khôn Ngoan và Lời). Lời còn được ngôi vị hóa một cách mạnh bạo hơn nữa: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt...đầu đụng trời chân đạp đất” (Kn 18:14 và kế tiếp). Đồng ý không thể cho rằng các soạn giả trên coi Khôn Ngoan hay Lời hiện diện độc lập với Thiên Chúa, nhưng các hình ảnh mạnh dạn của họ chắc chắn đã dọn đường cho ý niệm Lời của thánh Gioan.

Khó mà biết được nên coi Philo như một tư tưởng gia Do-Thái hay Hy-Lạp. Tuy nhiên người Do-Thái vĩ đại sống tại Alexandria này đã đưa ra một tổng hợp giữa triết học Hy-Lạp và tư tưởng Cựu Ước. Ông đề cập nhiều đến Lời, và các phát biểu của ông không hẳn dễ dàng hoà hợp với nhau. Đôi khi ông nói về Lời như thể “Thiên Chúa thứ hai”, đôi khi lại như một Thiên Chúa đang hành động. Nếu ta muốn mạo hiểm trong việc tổng quát hóa, ta có thể nói rằng ông coi Lời như nhịp cầu đáng kính về phương diện triết học để nối liền Thiên Chúa siêu việt với thế giới vật chất. Ông không hề có ý định từ bỏ Cựu Ước. Nhưng ông chấp nhận các ý niệm triết học của thời ông, và dùng chúng để giải thích Cựu Ước. Do đó, quan niệm của ông về Lời là một triết học hiện hành, một thứ triết học đã được sửa đổi, hơn là quan niệm có tính tôn giáo về Cựu Ước.

C.H. Dodd cho rằng cách hiểu của Philo về Lời là một phần hậu cảnh đưa tới Tự Ngôn của thánh Gioan. Ông cho rằng Philo giúp chúng ta hiểu những thuật ngữ rất khó giải thích nếu chỉ dựa vào hậu cảnh Do-Thái như thuật ngữ ‘Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Theo Dodd, những lời mở đầu của Tự Ngôn “rõ ràng chỉ có thể hiểu được nếu ta nhìn nhận rằng Lời, mặc dù có liên hệ đến Lời Thiên Chúa trong Cựu Ước, đồng thời cũng có nghĩa như nhóm Khắc Kỉ chủ trương được Philo sửa đổi, và song hành với ý niệm Khôn Ngoan trong các soạn giả Do-Thái khác”. Tuy nhiên điều đó hình như hàm nghĩa rằng trọn bộ quan niệm về Lời của thánh Gioan phải được giải thích một phần bằng các hậu cảnh của nó, dù hậu cảnh ấy là Do-Thái, là Hy-Lạp hay bất cứ điều gì bạn muốn. Điều này rất đáng tranh luận. Vì tư tưởng của thánh Gioan rất độc đáo. Ngài dùng một hạn từ mà ai cũng có thể hiểu bất kể hậu cảnh của họ. Và dù hậu cảnh của họ là như thế nào, họ vẫn không thấy tư tưởng của thánh nhân đồng nhất với hậu cảnh của họ. Ý niệm của thánh nhân về Lời có yếu tính rất mới mẻ.

Ta có thể dùng lời của William Temple để kết luận phần thảo luận này. Ông nói, Ngôi Lời “đối với người Do-Thái lẫn Dân Ngoại, đều biểu tượng cho sự kiện thống trị vũ trụ, và tự phát biểu mình ra của Thiên Chúa. Người Do-Thái sẽ tâm niệm rằng ‘các tầng trời đã được dựng nên bởi Lời Thiên Chúa’; còn người Hy-Lạp sẽ cho đó là nguyên lý thuần lý mà mọi định luật tự nhiên đều chỉ là những phát biểu đặc thù. Cả hai đều đồng ý rằng Ngôi Lời này là khởi điểm muôn loài”. Thánh Gioan đã sử dụng một hạn từ vốn được người mọi nơi quen sử dụng, dù với nhiều nghĩa khác nhau. Chắc chắn ngài mong mọi người nhận ra ý nghĩa yếu tính của mình.

Như thế đấy là hậu cảnh cho tư tưởng của thánh Gioan. Nhưng không phải là chính tư tưởng của ngài. Ngài có ý niệm phong phú hơn, sâu sắc hơn và đầy đủ hơn tư tưởng của những người đi trước. Đối với ngài, Lời không phải là một nguyên lý, nhưng là một Hữu Thể sống động và là nguồn sự sống; không phải chỉ là một ngôi vị hóa mà là một Ngôi Vị và là một Ngôi Vị Thiên Chúa. Lời không là ai khác mà là chính Thiên Chúa. Ngài là người đã phát biểu trọn vẹn điều ấy, nhưng ta cần thấy rằng việc phát biểu ấy chỉ là kết quả cuối cùng của một khuynh hướng vốn đã có sẵn trong Kitô giáo từ thuở ban đầu.

“Lời” đã được dùng thay cho trọn bộ tin mừng của Kitô giáo trong các đoạn như Maccô 2:2 (chỉ giáo huấn của đức Giêsu) và Maccô 8:32 (xem bản An Sơn Vị, chỉ cái chết của Con Người). Allan D. Galloway thì coi Lời như ám chỉ công trình của đức Giêsu, chứ không hẳn Con Người của Người. Ông muốn nói đó là một hạn từ tóm gồm toàn bộ ý nghĩa cứu độ phổ quát của đức Kitô. Người, tức Ngôi Lời, không phải chỉ là một vị cứu tinh cục bộ, nhưng là hy vọng duy nhất của toàn thể nhân loại. Lời và tin mừng do đó liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Khi thánh Luca nói đến những ai “làm nhân chứng và thừa tác viên của lời” (Lc 1:2), ta khó có thể tránh được cảm nghĩ là ngài hiểu chữ “lời” ở đây không phải chỉ có nghĩa là giáo huấn mà thôi. Hẳn ngài phải nghĩ đến mối tương quan chặt chẽ giữa đức Kitô và tin mừng và gần như muốn gọi đức Giêsu là “Lời” vậy.

Một lần nữa, ta thấy thánh nhân xem ra như không muốn phân biệt giữa giảng lời (Cv 8:4) và giảng đức Giêsu (Cv 11:20). Nhiều lần, thánh Phaolô nói đến việc giảng đức Kitô (1 Cor 1:23; 2 Cor 4:4; Gal 3:1). Trong Col 1:25 và kế tiếp, ngài giải thích “lời Thiên Chúa” như một “một mầu nhiệm” và mầu nhiệm này như là “đức Kitô trong anh em”. Mặc dù cái bước gọi đức Kitô là “Lời” chưa được ai bước (dù có đoạn như 1 Ga 1:1; Kh 19:13), nhưng rõ ràng đường đã được mở ra. Việc mở đường này cũng đã có ngay trong phạm vi ý niệm, thí dụ trong các đoạn như Phil 2: 5 và kế tiếp, Col 1:15 và kế tiếp, dù từ ngữ có khác, nhưng thánh Phaolô đã gán cho đức Kitô những phẩm tính và hoạt động giống như Cựu Ước đã gán cho Khôn Ngoan. Kết luận không thể tránh được là trong khi sử dụng một hạn từ rất quen thuộc và mang theo nhiều ý nghĩa tùy theo hậu cảnh của mỗi người, tư tưởng của thánh Gioan trong yếu tính có tính chất Kitô Giáo rõ rệt. Khi nói đến đức Giêsu như Ngôi Lời, ngài quả đã đặt để một khối đá tảng để cả một toà nhà vĩ đại sẽ được xây trên đó dọc dài qua suốt Tân Ước.

Sau Tự Ngôn, thánh Gioan không áp dụng hạn từ đặc thù Ngôi Lời cho đức Giêsu nữa nhưng không nên quên rằng ngài luôn nhấn mạnh đến “lời” của đức Giêsu hay của Thiên Chúa. Ngài cho ta thấy rõ lời của đức Giêsu chính là lời Thiên Chúa (3:34; 14:10, 24; 17:8, 14), điều ấy khiến cho việc tin tưởng chúng trở thành thiết yếu (5:47). Thực thế, ở trong lời của đức Giêsu cũng có nghĩa là làm môn đệ của Người (8:31). Lời của đức Giêsu đem lại sự sống (5:24; 6:68; 8:51) và thực sự là chính sự sống (6:63). Chúng đem lại sự thanh tẩy (15:3) và hiệu lực trong cầu nguyện (15:7). Phía trái của đồng tiền là nếu từ khước lời đức Giêsu là lãnh lấy án phạt (12:47). Ai từ khước không nghe lời Người là thuộc về ma quỉ (8:47). Điều quan trọng là “giữ” lời đức Giêsu (14:23; 15:20; 17:6). Còn nhiều đoạn khác nữa. Cho nên hiển nhiên một điều là việc dùng hạn từ Lời ở ngưỡng cửa Tin Mừng này không phải là một chuyện tình cờ. Nó đầy ý nghĩa và dẫn ta đến việc hiểu trọn bộ Tân Ước.

2. Con người

Cũng theo Leon Morris, trong The Gospel According to John (WM. B. Berdmans Publishing Co. Grand Rapids, Michigan), “Con Người” là một thuật ngữ rất lạ, và ít thông dụng cả trong Hy Ngữ lẫn Anh Ngữ. Nó là chữ dịch nguyên văn từ tiếng Aramaic và có nghĩa là “người”. Trong các Tin Mừng, nó được đức Giêsu quen dùng để chỉ về chính Người, ít ra cũng hơn 80 lần. Không ai khác đã dùng thuật nghữ này để gọi Người, ngoại trừ Stephen (Cv 7:56) và trong Tin Mừng Gioan, người ta hỏi xem Người có ý chỉ ai khi dùng thuật ngữ ấy (12:34). Sự kiện họ hỏi như thế chứng tỏ từ ngữ này không được chấp nhận trong ý nghĩa Xức Dầu. Nói chung, ta có thể nói rằng đức Giêsu dùng hạn từ này theo ba nghĩa: (i) để thay cho đại danh từ “tôi”, (ii) chỉ Con Người sẽ từ trời suống trong vinh quang, và (iii) chỉ Con Người phải chịu thống khổ để đem ơn cứu độ lại cho con người. Nguồn gốc hạn từ này có lẽ phải tìm trong Dan 7:13 và kế tiếp nơi một Hữu Thể thiên giới đã được chỉ tên như thế.

Một trong những giải thích lý do đức Giêsu nhận tên này “trước nhất bởi vì nó là một hạn từ ít khi dùng và không có liên tưởng gì tới một ý nghĩa ái quần ái quốc gì hết, và do đó không liên lụy đến bất cứ rắc rối chính trị nào...Thứ hai, nó có âm hưởng khiến người ta nghĩ đến thần tính. J. P. Hickinbotham còn đi xa hơn bằng cách quả quyết rằng ‘Con Người’ là một tước hiệu chỉ thiên tính chứ không chỉ nhân tính. Thứ ba, vì hệ lụy có tính xã hội. Con Người theo nghĩa này bao hàm sự cứu chuộc dân Chúa. Thứ tư, nó có hàm nghĩa nhân tính. Người mang lấy sự yếu đuối của chúng ta. Nó là cách vừa ám chỉ vừa che đậy tư cách Đấng Xức Dầu của Người, vì quan niệm Đấng Xức Dầu của Người rất khác với quan niệm của đại đa số.

Trong Tin Mừng thứ tư, còn có thêm một hay hai lý do nữa. Ở đây, hạn từ ấy luôn luôn có liên hệ đến hoặc vinh quang trên trời của Chúa Kitô hoặc sự cứu độ Người đến để thực hiện. Do đó, có những chỗ nhắc đến Người như là đấng có chìa khóa vào trời hay đang ở trên trời rồi (1:51; 3:13; 6:62). Câu 1:51 mang ý niệm Người đem Trời đến cho con người. Người là đấng duy nhất đã từng lên trời và xuống thế (3:13). Người sẽ là quan án luận phạt loài người vào ngày sau hết (5:27). Hai lần Chúa Giêsu nhắc đến việc Con Người được nâng lên (3:14; 8:28) và cũng hai lần nhắc đến việc Người được tôn vinh (12:23; 13:31). Con Người ban bánh hằng sống, một lương thực sẽ không bao giờ cạn (6:27), và ai tiếp nhận bánh này là đã ăn mình Người và uống máu Người (6:53). Ơn ban sự sống đời đời của Người có lẽ cũng bao hàm trong lệnh truyền Người tỏ cho người mù từ lúc mới sinh phải tin vào Con Người (9:35). Trong phương cách đặc trưng của thánh Gioan, đôi lúc có sự phối hợp hai thể tài thống khổ và vinh quang (12:23; 13:31). Vinh quang thực nằm ngay trong các thống khổ của Người. Hạn từ “Con Người” do đó cho ta thấy quan niệm của Chúa Kitô về chính Người như đấng có nguồn gốc thiên giới và như đấng đã chiếm được vinh quang. Nhưng đồng thời nó cũng cho thấy sự thấp hèn của Người và sự thống khổ Người phải chịu vì muôn người. Hai ý nghĩa ấy chỉ là một.

Còn theo Mogens Muller, trong The Oxford Companion to the Bible, mấy điểm sau đây đáng lưu ý: Trong các Tin Mừng nhất lãm, kiểu nói “Con Người” thuộc hai nhóm: một nhóm nói đến sứ mệnh và số phận của Con Người trên mặt đất (xem Mc 2:10; 2:28; 10:45) cùng với những lời tiên báo thụ nạn (Mc 8:31; 9:31; 10:33), nhóm kia liên quan đến địa vị và vai trò của Con Người lúc sống lại và hiển dương cũng như việc Người sẽ tái lâm (parousia) (xem Mc 8:3; 13:26; 14:62). Trong các Tin Mừng này, khi nói về sứ mệnh, về số phận, và địa vị của đức Giêsu, dường như càng ngày càng chỉ dùng thuật ngữ này mà thôi. Trái lại trong Tin Mừng Gioan, nó được dùng song song với thuật ngữ “Ta là đấng đó” (“I am”) hoặc thuật ngữ “Con” (“the Son”); tuy nhiên trong những lời công bố long trọng, thì thuật ngữ “Con Người” luôn được sử dụng.
 
Thông Báo
Thông báo của TGM Kontum
VP TGM
08:45 10/08/2011
Kính thưa Quý Cha trong Giáo phận Kontum,

TL. Đức Giám Mục Giáo phận

VP TGM kính mời Quý Cha

về Toà Giám Mục Kontum,

146 (số cũ 56) Trần Hưng Đạo, Tp. Kontum

để học tập và đóng góp suy tư

Tài Liệu TÂN PHÚC ÂM HOÁ ĐỂ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN KITÔ GIÁO (Lineamenta) của Thường HĐGM Thế Giới XIII phổ biến ngày 2/2/2011 vừa qua.

Thời gian: từ 9g00, ngày 25/8/2011 đến 16g00, ngày 26/8/2011.

Xin các Cha đọc và nghiên cứu trước Tập Tài Liệu Lineamenta (tài liệu đã photo và đã gửi đến Quý Cha, hoặc Quý Cha đọc trong tập tin đính kèm e-mail Thư Mời này).

Chân thành cám ơn,

VP TGM kính thông báo.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Miếng Ngon
Lê Trị
22:01 10/08/2011
MIẾNG NGON
Ảnh của Lê Trị
Miếng ngon ăn ít ngon nhiều
Người khôn dẫu nói nửa điều cũng khôn.
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền