Ngày 10-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 11/08: Một vốn mà hai Lời – Mừng Kính Thánh Clara – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:49 10/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Bấy giờ, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em : anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.

Đó là lời Chúa
 
Gương sống đức tin trọn vẹn của Đức Mẹ
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:51 10/08/2022

GƯƠNG SỐNG ĐỨC TIN TRỌN VẸN CỦA Đức Mẹ
LỄ Đức Mẹ HỒN XÁC VỀ TRỜI

Cần nhận diện lại đức tin nơi lòng ta, nhằm dâng hiến Thiên Chúa một đức tin lấp lánh, khả dĩ đẹp lòng Chúa, cầu mong Chúa ban phúc dồi dào.

Nhưng không chỉ đức tin, mà phải là đức tin trọn vẹn như Đức Mẹ. Ước mong, dịp mừng lễ Đức Mẹ được triệu hồi hồn xác về trời, chúng ta cũng được Chúa ban thêm đức tin, để cũng tin trọn vẹn như Đức Mẹ. Càng ước mong nhiều hơn, nhờ đức tin trọn vẹn, qua một đời làm người, nhất là làm Kitô hữu, chúng ta sẽ được Chúa đưa về trời hưởng cuộc sống vững bền, quý báu.

Tin trọn vẹn vào Chúa, Đức Mẹ vững vàng ngay cả những lúc biến động nhất, đen tối nhất, thất vọng nhất. Đức Mẹ tin Chúa ngay cả khi xem ra như không còn gì để tin. Đức Mẹ ngã mình vào tay Chúa, để mặc Chúa dắt dìu, đưa lối và chủ động tất cả trong suốt hành trình dương thế của Người.

Như Đức Mẹ, và để thảo hiếu với Đức Mẹ, Chúng ta phải có lòng tin trọn vẹn. “Chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (Dt 10,22).

Như vậy, bằng một đức tin trọn vẹn, chúng ta được giải thoát, được cứu chữa, được thứ tha, đến nỗi lương tâm được tẩy sạch, thân xác được tinh tuyền.

Đức Mẹ, một khi đã tin tưởng, thì bằng chính đức tin sáng ngời, đã được giữ gìn, được thánh hóa đến mức hoàn hảo, đến mức trắng trong. Đức tin trọn vẹn đưa Đức Mẹ đến gần Chúa, đến với ơn thánh hóa lớn lao của Chúa.

Cũng vậy, thánh Phêrô khuyên hãy lấy đức tin mạnh mẽ mà chống lại ma quỷ, kẻ tìm đủ cách tiêu diệt đức tin chúng ta : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (Pr 5,8-9).

Cùng bàn về đức tin, thánh Gioan khuyên hãy tin thật trong lòng: “Ai tin Con Thiên Chúa, kẻ đó phải mang lời chứng ấy trong lòng mình” (1 Ga 5,10).

Có lòng tin, ta sẽ đủ mạnh chống lại ma quỷ, tránh xa tội, ngày càng lớn lên trong ân sủng. Lòng tin mạnh mẽ kết hợp Đức Mẹ với Chúa Giêsu, thì chúng ta, khi sống lòng tin, cũng nên một với Chúa như thế. Được kết hợp với Chúa là sức mạnh vô cùng chống lại sự dữ, chống lại cám dỗ, chống lại ba thù.

Đức tin giúp ta can đảm, bền đổ đến cùng để theo Chúa. Chúa Giêsu khuyên hãy chọn đứng về phía đức tin, để đời ta được bảo đảm, được bao bọc bởi phần rỗi cao cả đời đời, chứ không phải chỉ là sự chóng qua ở đời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn đời đời, nào được ích lợi gì?” (Mc 8,36).

Thư Do Thái cũng khuyên, sống bền đổ trong đức tin và đừng bao giờ bỏ cuộc: “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10,39).

Nhìn về Đức Mẹ, chúng ta an tâm khi đặt trọn đức tin vào Chúa. Bởi Đức Mẹ là hình ảnh báo trước mà Chúa đặt để như tấm bia, như vách núi sừng sững làm mẫu mực cho những ai tin Chúa, trung thành theo Chúa. Vì đã thưởng công Đức Mẹ thế nào, Chúa cũng sẽ trả công cho người tin Chúa như thế.

Nói cách khác, qua Đức Mẹ, Chúa ngỏ với chúng ta: Người tin trọn vẹn vào Chúa, sẽ được Chúa trọng hậu, yêu mến và ban chỗ đứng cao sang trong đời vĩnh cửu. Đức Mẹ đạt tới toàn mỹ, người tin Chúa cũng chạm đến toàn mỹ ấy.

Lòng tin trọn vẹn cũng đòi phải tuyên xưng ra bên ngoài. Chúa Giêsu nói rõ: “Ai chấp nhận Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ chấp nhận kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng sẽ chối kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời ” (Mt 10,32-33 ).

Thánh Phaolô quả quyết: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Thánh nhân còn căn dặn: “Con hãy sống gương mẫu về đức tin” (1 Tm 4,12).

Sống đức tin trọn vẹn đòi ta phải bênh vực đức tin. Thánh Phaolô mong tín hữu hiệp nhất để bênh vực: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban” (Pl 1,27-28).

Tắt một lời, đức tin là cánh cửa đầu tiên mở ra cho người Kitô hữu gặp Đấng Cứu Độ. Vì thế, ta cần trau dồi để có đức tin mạnh mẽ, đức tin kiên cường, đức tin vượt thắng, đức tin say sưa trong yêu thương, đức tin điên cuồng trong từng hoàn cảnh cho dù đau khổ hay hạnh phúc…

Đức Mẹ như vầng dương chiếu soi cho cuộc đời ta. Mạnh dạn sống như Người đã sống, mạnh dạn tin trọn vẹn như Người đã tin, ta không sợ lạc lối.

Đức Mẹ là khuôn mẫu lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa. Rập khuôn theo Đức Mẹ chúng ta yên lòng, bởi khuôn mẫu ấy chiếm được tình yêu của Chúa.

Chúa không chỉ đón nhận Đức Mẹ, mà là đón nhận một cách triều mến tác phẩm xinh đẹp của Chúa. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta tin chắc rằng, chúng ta cũng là tuyệt phẩm trong tay Chúa như Đức Mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ công nghiệp của Đức Mẹ, xin thánh hóa toàn bộ cuộc đời chúng con, để chúng con cùng được như Đức Mẹ, xứng đáng lãnh lấy phần thưởng đời đời trên thiên quốc. Amen.

 
Cộng tác làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu trong mọi người
Lm. Đan Vinh
05:57 10/08/2022

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN C
Gr 38,4-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53
CỘNG TÁC LÀM BÙNG CHÁY NGỌN LỬA TIN YÊU TRONG MỌI NGƯỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 12,49-53

(49) Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên ! (50) Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !”. (51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo anh em biết : Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau : ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

2. Ý CHÍNH :

- SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU : là đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Sứ vụ của Đức Giê-su là còn phải chịu một phép Rửa là trải qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho lòai người.

- NHỮNG ĐÒI HỎI ĐỐI VỚI MÔN ĐỆ : Đức Giê-su đòi môn đệ hãy chia sẻ sự đau khổ Người sắp phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ : trong cùng một nhà có những người tin Chúa và có kẻ không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ.

3. CHÚ THÍCH :

- C 49-50 : + Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất : Trong Thánh kinh, Lửa biểu tượng sự phán xét của Thiên Chúa, nhất là trong ngày tận thế, để thiêu hủy trừng phạt những kẻ gian ác và thanh luyện số ít người trung tín còn sót lại (x. Lv 10,2; Lc 3,9). Lửa cũng là biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa, hâm nóng lòng hai môn đệ làng Em-mau, khi họ cùng đi đường đàm đạo với Chúa Phục Sinh (x. Lc 24,32). Lửa Thần Khí cũng đậu xuống trên các Tông đồ để thánh hóa các ông vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3-19). Lửa còn ám chỉ những đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu để thanh luyện con cái Ít-ra-en giống như vàng được thanh luyện trong lửa để nên tinh ròng (x. Mc 13,1-4; Is 1,25). + Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên : Đức Giê-su mong ước ban Lửa Thần Khí cứu độ cho thế gian. Đó là nhiệm vụ duy nhất của Người. + Thầy còn một phép Rửa phải chịu : Phép Rửa là sự dìm mình dưới mặt nước. Thời Giáo hội sơ khai người chịu phép Rửa phải được nhận chìm toàn thân trong một hồ nước và sau đó trồi lên. Phép Rửa này tượng trưng cho sự chết của Đức Giê-su: Người cũng chịu chết và được an táng trong lòng đất, rồi ngày thứ ba sẽ trỗi dậy trong vinh quang. + Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất : Đức Giê-su thao thức chu toàn sứ vụ được Chúa Cha trao phó là phải trải qua cuộc Tử nạn và Phục sinh để ban ơn cứu độ cho loài người.
- C 51-53: + Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? : Hòa bình hay bình an (Shalom) là mức sung mãn của sự sống, là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mê-si-a (x. Is 9,5-6; Lc 1,79). + Không phải thế đâu : Thứ bình an Chúa ban không phải là thứ bình an dễ dãi nơi trần gian, như Người đã nói : “Thầy ban bình an của Thầy không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Cũng không phải là thứ “bình an vô sự” mà các ngôn sứ giả đã mơ tưởng (x. Gr 6,16; Ed 13,10.16). + Nhưng là đem sự chia rẽ : Đứng trước Đức Giê-su, người ta phải dứt khoát lựa chọn: Tin theo Chúa hay chống lại Người. Sự lựa chọn này là nguyên nhân gây ra chia rẽ ngay trong nội bộ mỗi gia đình. + Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai...: Theo lời các ngôn sứ thì sự chia rẽ là một đặc điểm của thời kỳ sau hết (x. Mk 7,6; Ml 3,24). Vào thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu chỉ là một thiểu số ở giữa một thế giới ngoại giáo lớn lao. Họ luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên trên tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và dấn bước đi theo Người (x. Lc 14,26; 18,29-30).

4. CÂU HỎI :

1) Theo Thánh kinh, Lửa là biểu tượng cho điều gì?
2) Phép Rửa mà Đức Giê-su sắp phải chịu ám chỉ sự kiện nào?
3) Bình an mà Đức Giê-su ban khác với bình an của thế gian ra sao?
4) Tại sao Đức Giê-su lại đến đem sự chia rẽ cho các gia đình thay vì lẽ ra phải đem sự bình an?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẮP SÁNG NGỌN LỬA TIN YÊU TRONG LÒNG MỖI NGƯỜI :
Một hôm, Mẹ Tê-rê-sa ghé thăm một người đàn ông đang sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong căn lều là cả một bãi rác : Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Mọi đồ đạc trong lều đều được che phủ bằng một lớp bụi dầy. Ông sống cô độc và không chịu lui tới với ai nên ông cũng đã bị mọi người chung quanh xa lánh. Mẹ Tê-rê-sa và các chị nữ tu đã vào trong lều và lên tiếng chào hỏi, nhưng ông làm thinh không đáp lại. Thấy căn lều hỗn độn và bụi bặm, các chị đã xin phép ông được dọn dẹp, nhưng ông cũng chẳng trả lời. Mặc kệ ! Các chị cứ bắt tay vào việc dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn dầu, mẹ Tê-rê-sa đã lấy ra lau chùi. Khi lớp bụi được chùi sạch, mẹ đã kêu lên:
- Ồ, cây đèn đẹp quá !
Ông lão bỗng lên tiếng :
- Đó là cây đèn tôi đã tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới. Mẹ hỏi :
- Ông không bao giờ thắp đèn lên sao?
- Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn cả.
- Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn lên cho ông không? Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý.
Từ đó, mỗi chiều các chị nữ tu đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn lên cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời hơn. Ông bắt đầu nói chuyện cởi mở với các nữ tu và khi được khuyến khích, ông cũng đã đi lại thăm viếng các nhà hàng xóm. Mọi người khác cũng bắt đầu đến thăm ông. Căn lều hiu quạnh của ông lão giờ đã trở nên ấm áp hơn. Trước kia, căn lều tăm tối không những vì ông không thắp đèn, mà còn vì ngọn lửa trong tim ông đã lịm tắt nên ông không nghĩ đến việc phải thắp sáng nó lên. Nay căn lều đã bừng lên niềm vui không phải do ánh sáng của ngọn đèn dầu, mà do ánh sáng tin yêu trong trái tim ông đã bùng cháy trở lại. Trước kia ông tỏ ra thù ghét xa lánh mọi người là do ánh lửa trong trái tim đã tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa tin yêu ấy lại bùng lên. Ông đã biết nghĩ đến người khác và đến thăm nhà hàng xóm, và ông cũng được mọi người chung quanh đến thăm và giúp đỡ ông.

2) LỄ MỪNG NGÂN KHÁNH MANG LẠI HIỆU QUẢ THIẾT THỰC :
Tại một giáo xứ kia, sắp đến ngày mừng ngân khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của cha sở. Giáo dân trong xứ đã âm thầm mở một cuộc lạc quyên để có tiền tổ chức liên hoan và biếu cha tiền vé máy bay và các chi phí khác cho một tháng nghỉ hè sắp tới của cha. Biết được ý định của giáo dân, cha sở đã phát biểu như sau : “Anh chị em thân mến. Tôi biết anh chị em lúc nào cũng quảng đại đối với tôi. Anh chị em đã dâng cúng tiền của để chi phí các khỏan sinh hoạt cho nhà thờ và cho tôi. Hiện nay tôi biết anh chị em đang quyên góp để cho tôi phương tiện đi nghỉ hè nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của tôi. Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị em. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ với anh chị em nguyện ước tha thiết nhất trong cuộc đời linh mục của tôi là : làm thế nào để đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa; Làm thế nào để những anh chị em công giáo siêng năng đến nhà thờ tham dự các thánh lễ Chúa nhật. Vậy nguyện vọng của tôi nhân dịp mừng ngân khánh linh mục không phải là tiền bạc vật chất, nhưng là làm sao có được 25 người quay về với Chúa. Cộng đoàn giáo xứ hiểu ý cha sở, nên trong ngày mừng ngân khánh linh mục của cha, họ đã chọn 25 người có quá khứ tội lỗi xếp hàng vào đòan dâng lễ vật hôm ấy. Những người này mặc quần áo trắng khi lên dâng lễ trên bàn thờ. Trong phần Lời nguyện Cộng đoàn, họ cũng nêu lên quyết tâm sẽ đi theo Chúa tới cùng và xin Chúa giúp họ từ bỏ những thói hư tật xấu như rượu chè, bài bạc...

3) NGỌN LỬA NHIỆT TÌNH TIN YÊU CHÚA CỦA Ô-DA-NAM :
Vào năm 1843, khi Thủ đô Paris nước Pháp đang xáo trộn do cuộc cách mạng. Đạo Công Giáo bị đe doạ, nhiều cơ sở tôn giáo bị cướp phá. Năm ấy Ô-da-nam (Ozanam) đang học ngành luật. Dầu mới chỉ là một thanh niên 17 tuổi, nhưng Ô-da-nam đã can đảm dùng ngòi bút và việc làm để bênh đỡ Hội Thánh đang gặp nguy nan. Cậu năng đọc Kinh Thánh, năng đến nhà thờ dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày. Cậu được thụ huấn với một vị giáo sư nổi tiếng là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu mạnh mẽ phục vụ Hội Thánh. Cùng với Ô-da-nam, các sinh viên trước kia rụt rè lo sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các vị giáo sư trong trường đều phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm sống lại một bầu khí đạo đức trong nhà trường. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác thành lập hội Bác ái Vinh sơn, để thăm viếng chia sẻ bác ái cho những người nghèo khổ bệnh tật. Năm 18 tuổi, cậu cùng các bạn trong hội đã thề hứa: Nhất quyết hy sinh và sẵn sàng hiến cả mạng sống cho người nghèo. Ô-da-nam đã trở nên một ngọn lửa hồng rực sáng của Đức Ki-tô. Hội Thánh hôm nay cũng rất cần những tín hữu nhiệt thành yêu mến và phục vụ Chúa nơi tha nhân giống như Ô-da-nam.

4) TÌNH YÊU ĐÃ CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT:
Thánh nữ PÉC-PÊ-TU-A (Perpetua) là con của một gia đình quí tộc, nhưng đã bị bắt vì tin theo đạo Công Giáo. Cha của cô là người lương đã đến nhà tù thuyết phục con gái bỏ đạo. Bấy giờ cô liền chỉ tay vào chiếc bình hoa và lễ phép thưa với cha : ”Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên khác với tên là cái bình không? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài tên là người tín hữu Ki-tô”. Tức quá, ông bố đã đánh đập cô tàn nhẫn, rồi bỏ đi không còn lui tới thăm viếng cô nữa. Perpetua có một con nhỏ đang còn bú mẹ, nên cô cảm thấy rất đau khổ khi phải xa con. Đứa bé bị đói lả được người nhà mang vào nhà tù xin lính canh để cô cho con bú. Họ hy vọng cô sẽ bỏ đạo để được tha về nhà với con, nhưng cô vẫn kiên quyết trung thành với Chúa.
Khi biết con gái sắp bị kết án tử hình, người cha lại đến khuyên con : ”Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và nhất là thương đến đứa con bé bỏng của con. Nó làm sao sống được nếu không có mẹ bên cạnh. Con hãy bỏ đạo đi, bỏ đi cái đạo đã làm cho gia đình nhà ta phải ly tán đau khổ ! ”.
Tuy rất cảm động, nhưng Perpetua chỉ biết nghẹn ngào trả lời cha : ”Thưa cha, chúng ta hãy cứ để cho quan tòa xét xử, bởi vì con đã tín thác mạng sống của con trong tay Chúa”. Hôm ra tòa, cùng với các bạn, do lửa tin yêu thôi thúc Perpetua đã can đảm tuyên xưng đức tin và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa.
Còn chúng ta hôm nay khi phải lựa chọn, chúng ta sẽ chọn Chúa hay chọn tình cảm gia đình, hay chọn theo các đam mê xác thịt, của cải hay chức quyền trần gian?

3. SUY NIỆM:

Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến trần gian với sứ vụ ban ơn cứu độ cho loài người. Tin mừng hôm nay cho thấy : Để thi hành sứ vụ Thiên Sai ấy, Người luôn thao thức đi theo ơn soi dẫn của Thánh Thần và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người cũng muốn các môn đệ và các tín hữu hôm nay tích cực cộng tác vào sứ vụ cứu độ này.

1) SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU :
Đức Giê-su đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người.
a- Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên ! (Lc 12,49) :
Lửa Đức Giêsu mang lại là loại lửa nào?
- Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy thành Sô-đô-ma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan yêu cầu thiêu hủy ngôi làng Sa-ma-ri dám từ chối đón tiếp Thầy trò? (Lc 9,55). Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (x.Mt 3,10), hay những cành nho khô héo bị quăng vào (x.Ga 15,6)? Lửa này có phải lửa kinh khủng của ngày phán xét?
- Trong cái nhìn bao dung của thánh Lu-ca, đây chính là Lửa Thánh Thần được đổ xuống trên Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai vào lễ Ngũ Tuần để gia tăng sức mạnh, giúp Hội Thánh vượt qua sợ hãi, và can đảm làm chứng cho Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian (x Cv 2,1-13).
Là Lửa Tin Yêu được Đức Giê-su mang vào thế giới tội lỗi, hận thù, giết hại lẫn nhau…, để làm bùng cháy lên tình thương “tứ hải giai huynh đệ”- bốn bể đều là anh em với nhau, hầu cho mọi người biết yêu thương và tạo niềm vui hạnh phúc cho nhau.
- Đức Giê-su ước mong cho ngọn Lửa ấy bùng cháy lên để thế giới sớm thành “Trời Mới Đất Mới” như sách Khải Huyền đã diễn tả như sau : “Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ: Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Cv 21,1.4). Khi ấy mọi dân nước đều nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha và sống chan hòa hạnh phúc với nhau trong đại gia đình có “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngự trị (1 Ga 4,8).
-Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !” :
Phép Rửa dìm mình trong nước thanh tẩy là hình ảnh diễn tả mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Người luôn vâng theo ý Chúa Cha là chấp nhận cứu chuộc nhân loại bằng con đường « qua đau khổ vào vinh quang » như Người đã ba lần tiên báo cho các môn đệ (x Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19).
Về sau, thánh Phao-lô Tông đồ cũng diễn tả ý nghĩa mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su hàm chứa trong nghi thức phép Rửa dìm mình trong nước như sau : «Anh em không biết rằng : Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại» (Rm 5,3-5).

2) GÓP PHẦN CHU TOÀN SỨ VỤ CỨU ĐỘ TRẦN GIAN CÁCH NÀO? :

a- Làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu Chúa :
Ngoài việc năng cầu xin Thánh Thần, mỗi tín hữu chúng ta cần siêng năng học sống Lời Chúa hằng tuần noi gương Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai. Nhờ đó chúng ta sẽ được gia tăng đức tin mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ. Khi gặp được Chúa, chúng ta sẽ nhiệt thành giới thiệu Chúa cho tha nhân, như hai môn đệ làng Em-mau đã lập tức quay lại Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhóm Tông đồ và các bạn (x Lc 24,13-35). Rồi đến lượt các môn đệ sau khi đón nhận lửa Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần, đã nhiệt thành đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa “tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tân cùng trái đất” (x. Cv 1,8).

b- Sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin : Không phải chỉ những người tội lỗi gian ác mới bị người đời thù ghét, mà cả những người lương thiện cũng có thể bị kẻ xấu ganh ghét bách hại do bất đồng quan điểm hoặc do lòng ganh ghét đố kỵ. Trong cuộc sống cũng có biết bao gương sáng của những vị anh hùng. Họ mang lửa nhiệt tình can đảm trong tim để làm chứng cho sự thật của Tin Mừng. Họ cũng đã trải qua “một phép rửa” đau khổ như Đức Giêsu đã phải chịu. Chẳng hạn : Mục sư MÁC-TIN LU-THƠ KINH (Martin Luther King) do can đảm bênh vực quyền bình đẳng cho người da đen nên đã bị bọn phân biệt chủng tộc ám sát. Đức Giám Mục HEN-ĐƠ CA-MA-RA (Helder Camara) cũng đã can đảm đấu tranh cho người nghèo nên đã bị thù ghét giết hại… Nhưng chính cái chết của các ngài lại trở thành ngọn lửa thiêng bùng cháy phát ra ánh sáng chân lý, giúp nhiều người nhận biết tin yêu Chúa và hợp tác chống lại sự gian ác của ma quỷ.

c- Hăng say loan báo Tin Mừng Nước Trời : Ngày nay Chúa Phục Sinh cũng sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng tình thương, để góp phần xua tan bóng tối “văn hóa sự chết” là những bất công hận thù, nghèo đói, dốt nát và tội ác… bằng cách làm bùng lên ánh sáng “văn hóa sự sống”, là lối sống yêu thương khiêm nhường phục vụ vô vụ lợi. Sở dĩ ngày nay sau hơn hai mươi thế kỷ loan báo Tin Mừng mà nhân loại vẫn còn nhiều bất công và tội ác, một phần cũng là do lỗi của các tín hữu chúng ta: do ngọn lửa tin yêu Chúa nơi chúng ta còn yếu, như MAHATMA GANDHI, vị thánh của dân tộc Ấn Độ đã nhận định : "Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa còn chưa đủ mạnh".

d- Sống Tình Yêu Thương cụ thể : Mỗi tín hữu chúng ta hãy cố gắng sống Tin Mừng Tình Thương không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng sự chia sẻ và phục vụ như lời cầu của mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA : “Lạy Chúa Giê-su thương mến. Xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin hãy làm tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sự sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim cháy lửa tin yêu Chúa.”

4. CÂU HỎI : Thế giới hiện còn nhiều bóng tối. Vậy bạn sẽ làm gì để đẩy lùi bóng tối của ma quỷ là nền văn hóa sự chết như : tội lỗi, bạo lực, đam mê và các tệ nạn xã hội… ra khỏi môi trường gia đình, khu xóm và nơi làm việc?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa hôm nay đòi chúng con phải chọn lựa dứt khoát. Xin cho chúng con biết chọn theo Chúa, sẵn sàng tuyên chiến với các đam mê tội lỗi. Cũng như hạt lúa cần phải bị mục nát đi mới có thể mọc lên thành cây lúa; Như bác nông dân cần phải chịu vất vả một nắng hai sương nơi cánh đồng lúa, mới hy vọng có được mùa gặt bội thu… Xin cho chúng con cũng sẵn sàng chịu đựng gian khổ gặp phải khi đi loan báo Tin mừng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa và góp phần biến đổi xã hội trần gian hôm nay thành Thiên Đàng hạnh phúc mai sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Hoàng Tử Bình an sao lại mang đến sự chia rẽ?
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:13 10/08/2022
Hoàng Tử Bình an sao lại mang đến sự chia rẽ?

Suy niệm Chúa nhật XX năm - C

(Lc 12,49-57)

Lửa của Chúa Giêsu

Câu đầu tiên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói : "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy những mong biết bao cho lửa ấy cháy lên" (Lc 12). Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa Giêsu như "Ðấng sẽ đến để thanh tẩy trong Thánh Thần và trong lửa". Hơn nữa, Người còn nói: "Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây: cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa" (Mt 3,10).

"Lửa" mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là "Lửa Thánh Thần", lửa của tình yêu và lòng mến. Chúa Giêsu đến để cho những ai tin Người được đầy tràn Thần Khí Chúa. Người hằng mong lửa Thánh Thần sẽ xuống trên các môn đệ, vì đó là mục đích cuộc giáng sinh cứu thế của Người.

Bình an của Chúa Giêsu

Đoạn Tin Mừng hôm nay chứa đựng một số lời được cho nghịch lý nhất chưa bao giờ được Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba : cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, nàng dâu chống đối mẹ chồng " (Lc 12, 51-53).

Chúng ta nghĩ sao đây khi mà sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa sáng tạo con người trong cảnh bình an, nhưng con người muốn tự quyết định vận mệnh của mình ngược với thánh ý Thiên Chúa, con người trở nên bất an và các mối tương quan của con người cũng không còn diễn ra trong trật tự và hòa hợp nữa (x. St 3,1-24). Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người và đã thiết lập giao ước bình an với con người : "Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời" (Ed 37,26).

Chúa Giêsu được Isaia loan báo là Thái Tử Hòa Bình, và ngày sinh nhật của Người được các thiên thiên chào đón với những lời ca tiếng hát : "Bình an dưới thế cho người thiện tâm", (Lc 2, 14) và khi đi rao giảng, Người cũng đã từng công bố : "Phúc cho những ai xây dựng hoà bình" (Mt 5, 9). Cũng chính Chúa Giêsu, khi bị bắt, đã truyền cho Phêrô "Hãy xỏ gươm vào bao! " (Mt 26, 52). Nay lại tuyên tuyên bố một câu thật sốc : "Thầy đến để đem sự chia rẽ" (Lc 12, 51). Chúng ta giải thích sự mâu thuẫn này như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt xem đâu là sự bình an và hiệp nhất mà Chúa Giêsu mang đến, và đâu là sự bình an và sự hiệp nhất Người muốn tẩy chay. Người đến ban bình an và hiệp nhất cho người lành, điều dẫn tới sự sống đời đời, và Người đã đến tẩy chay sự bình an và hiệp nhất giả trá, ru ngủ lương tâm và dẫn tới sự đồi bại.

Không phải Chúa Giêsu có ý đến để đem sự chia rẽ và chiến tranh, nhưng điều Người mang đến, không thể tránh được sự chia rẽ và sự chống đối, bởi vì Người đặt dân chúng trước một sự lựa chọn khi đối mặt với sự cần thiết phải chọn lựa.

Chính Chúa Giêsu đã phân biệt hai kiểu bình an khi nói với các môn đệ mình rằng : "Thầy để lại bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con; Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng" (Ga 14, 27). Bình An Giêsu, Đấng đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh, đem lại cho nhân loại. Bình an này đồng nghĩa với ơn cứu độ. Bình an của Chúa Giêsu là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, cho dù là sự chết. Thánh Phaolô quả quyết: "Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu" (Pl 4,7).

Chúa Giêsu nói rằng sự "chia rẽ' này cũng có thể xảy ra trong gia đình: giữa cha và con trai, mẹ và con gái, anh em và chị em, nàng dâu và mẹ chồng. Và vô phúc thay, chúng ta biết điều này thỉnh thoảng gây đau đớn thật sự. Người nào đã gặp được Chúa và muốn nghiêm chỉnh theo Chúa, thường thấy mình ở trong tình huống khó khăn phải lựa chọn: Hoặc làm cho những người nhà được hạnh phúc, lơ là Thiên Chúa và việc thực hành đạo đức, hoặc là theo những cái xấu và đặt mình xung đột với người nhà mình, những kẻ mang lại rắc rối cho mình vì lòng sốt sắng và sánh danh Thiên Chúa.

Nhưng sự chống đối thâm nhập còn sâu hơn, trong chính con người, và trở thành một trận chiến giữa xác thịt và tinh thần, giữa tiếng mời gọi đi tới ích kỷ, sự hưởng thụ quá đáng, và tiếng gọi lương tâm. Sự chia rẽ và xung đột bắt đầu bên trong chúng ta. Thánh Phaolô đã minh họa điều này cách rất kỳ lạ: "Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt; đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn" (Gal 5,17).

Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy: " Bản chất của hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32,7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động.

Lạy Thái Tử bình an, xin cho thế giới được hòa bình. Nữ Vương Bình An cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:59 10/08/2022

28. Chỉ mong con yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 10/08/2022
66. GIUN ĐẤT CẦU HỌC

Rắn không có chân nhưng đi rất nhanh nên giun đất rất ngưỡng mộ, bèn học cách đi của con rắn, nhưng động tác vừa vụng về vừa trì trệ.

Thế là con giun đất núp một bên đường len lén coi tư thế đi của con rắn, chỉ thấy nó uốn khúc hành động rất mau lẹ, thì cũng theo đó mà học tập, hết sức chuyển dịch, nhảy nhót, nhưng kết quả vẫn là không tiến phía trước. Hết cách, nên chỉ có cách là đi bái con rắn làm sư phụ.

Rắn tận lực giáo huấn, nhưng giun đất học cả trăm lần mà cũng không biết, rắn bèn chú ý quan sát tỉ mỉ hình thể động tác của giun đất, cuối cùng thở dài nói:

- “Mặc dù ta không có chân, nhưng từ đầu đến đuôi từng khúc đều có xương, còn mày toàn thân không có xương thì làm sao có thể đi trên thế giới này chứ?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 66:

Con người ta sa ngã phạm tội là vì coi thường sự học:

- Có một vài linh mục và tu sĩ làm bổn phận cách máy móc và đạo đức thì sa sút, bởi vì các vị ấy không thèm học thêm, bồi dưỡng thêm cách tu dưỡng đạo đức và phẩm chất của đời sống tu trì, nguyên nhân là vì họ nói họ đã đạt được mục đích rồi.

- Có những ông quan sa đọa ác độc, tham lam là vì họ không muốn học thêm cách làm quan là liêm khiết khi phục vụ nhân dân...

- Có những học sinh, sinh viên học giỏi, nhưng hạnh kiểm sa sút và cuối cùng thì thành tội phạm, một phần nguyên nhân là vì các em không học thêm nữa cách sống làm người, vì các em thỏa mãn với học lực trên ghế nhà trường của mình mà không vươn lên.

Học được điều gì tốt thì đó chính là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho con người, và đó là điều mà người Ki-tô hữu tin tưởng rằng: Thiên Chúa luôn chuẩn bị cho họ một con đường đi, để họ làm sáng danh Ngài giữa thế gian này.

Khi con người coi thường sự học, thì họ trở thành kẻ thụt lùi và có khi gây tai họa cho tha nhân. Ai hiểu được thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một đời thứ tha
Lm. Minh Anh
18:26 10/08/2022

MỘT ĐỜI THỨ THA
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”.

C.S. Lewis viết, “Lòng thương xót sẽ chỉ nở hoa khi nó mọc trong những kẽ hở của tảng đá công lý; cấy vào vùng đầm lầy của chủ nghĩa nhân đạo đơn thuần, nó trở thành một loài cỏ dại ăn thịt người, và trở nên nguy hiểm hơn. Lòng thương xót không coi thường công lý nhưng đòi hỏi một mảnh đất có khả năng xót thương vốn có thể thứ tha cho người khác!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của C.S. Lewis được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay khi Chúa Giêsu cho biết, dù không có giới hạn trong việc cho và nhận sự tha thứ; nhưng vì chúng ta được Thiên Chúa tha cho món nợ không thể trả nổi, nên chúng ta có bổn phận phải tha thứ cho người khác. Không phải một lần, bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy; nghĩa là, tha cả một đời, hay ‘một đời thứ tha!’.

Khi đặt câu hỏi về sự tha thứ, Phêrô trực tiếp đưa ra câu trả lời mà ông nghĩ là Chúa Giêsu sẽ hài lòng, “Thưa Thầy, có phải bảy lần không?”. Chúa Giêsu tiết lộ, ‘Gấp 70 lần’ số lần Phêrô dạm hỏi! Và Ngài kể dụ ngôn về hai món nợ rất khác nhau. Người đầu tiên nợ một số tiền khổng lồ; thời Chúa Giêsu, số tiền này lớn hơn tổng doanh thu của một tỉnh, nhiều hơn giá chuộc một vị vua! Tuy nhiên, người được tha món nợ đáng kinh ngạc này lại không thể tha cho người hàng xóm một món nợ rất nhỏ, chỉ bằng một phần trăm nghìn món nợ của chính anh ta.

Lòng thương xót không coi thường công lý! Vì thế, Chúa Giêsu nói, “Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ”; Ngài nói thêm, “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Đó chắc chắn không phải là những gì chúng ta muốn nghe từ Chúa Giêsu! Nhưng tin tốt lành là Ngài rất khao khát tránh được một cuộc đối đầu khủng khiếp như thế. Chúa Giêsu không muốn bất kỳ ai trong chúng ta chịu trách nhiệm về sự xấu xí của tội lỗi mình; mong muốn cháy bỏng của Ngài là ‘một đời thứ tha’ cho chúng ta, và chúng ta, ‘một đời thứ tha’ cho anh chị em mình!

Chúa Giêsu đã trả chính mạng sống Ngài để giải thoát chúng ta khỏi món nợ tội lỗi. Vì thế, không một lỗi lầm nào tha nhân xúc phạm chúng ta lại có thể sánh với khoản nợ cá nhân của chúng ta đối với Chúa. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, trước một dân ngỗ nghịch, Thiên Chúa sai Êzêkiel đi cảnh cáo dân; rằng, họ sẽ phải đi lưu đày nếu tiếp tục ăn ở bất xứng với Ngài. Thông điệp của Êzêkiel cho Israel cũng là thông điệp gửi đến chúng ta, Chúa nhân từ với chúng ta, chúng ta cũng phải nhân từ với tha nhân; Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Anh em đừng lãng quên những việc Chúa làm!”.

Anh Chị em,

“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?”. Đó là công lý của Thiên Chúa! Tha thứ cho người khác là thước đo tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Ai cảm nghiệm được Chúa thương và Chúa tha, người ấy mới có đủ sức thương tha. Như vậy, tha thứ cho người khác là giải thoát bản thân mình. Lòng thương xót là mặt trái của công lý nơi Thiên Chúa; nó “mọc lên từ kẽ hở của công lý”. Không có lòng thương xót, công lý chỉ là sự lạnh lùng, tính toán và thậm chí là tàn nhẫn, vì lúc đó, “nó là loài cỏ dại ăn thịt người”. Thương xót đi theo công lý và hoàn thiện nó. Cầu xin lòng thương xót Chúa mà không thương xót đồng loại là coi thường công lý; bởi lẽ, công lý của Chúa đòi buộc chúng ta ‘một đời thứ tha!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết thứ tha cho anh chị em con như Chúa đã tha thứ cho con; xin giải thoát con khỏi mọi đắng cay và oán hận để con có thể sống ‘một đời thứ tha!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Bí quyết để được yêu thương
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
20:14 10/08/2022


Có một bí quyết giúp chúng ta trở nên dễ thương và được mọi người quý chuộng, đó là đừng tự cao tự đại, đừng kiêu căng tự phụ nhưng phải sống khiêm tốn với mọi người. Bí quyết đó được Chúa Giê-su tóm gọn như sau: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Mt 23,12).

Bí quyết nầy cũng được Mẹ Maria để lại cho đời, khi Mẹ viếng thăm bà Ê-li-da-bét. Bấy giờ, Mẹ cất lời cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho Mẹ diễm phúc tuyệt vời. Những lời tôn vinh nầy chứa đựng bí quyết để được Thiên Chúa và mọi người yêu thương.

Trước hết, bài ca diễn tả ý tưởng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống” qua những câu sau đây:

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế…” (Lc 1,51-52).

Tiếp theo, bài ca nói về việc “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” qua câu:

“Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”

Mẹ nhìn nhận rằng chính vì Mẹ sống khiêm tốn như một tôi hèn, tớ mọn của Chúa nên được Chúa đoái thương và ban cho Mẹ diễm phúc lớn lao. Mẹ nói:

“Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.”

Tóm lại, bí quyết giúp ta được Thiên Chúa và người đời yêu mến là: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” và ai khiêm nhường sẽ được mọi người yêu mến.

Rất nhiều sự kiện trên đời giúp ta hiểu rõ bài học này: Tháp cao thì dễ nghiêng, cây cao thì dễ ngả, người tự cao thì dễ bị hạ xuống chỗ thấp hèn.

Trong khu rừng có hàng triệu cây lớn nhỏ, non già đủ loại; cây càng cao thì càng bị gió lay, dễ bị sét đánh, dễ bị bão tố làm gãy cành hay bật gốc... Trong khi đó, những cây nhỏ bé mềm mại như lau sậy… thường được an toàn trước phong ba bão táp.

Trong xã hội loài người cũng thế, những người tự cao tự đại thì thường bị người đời chê ghét và tìm cách hạ bệ; còn những người khiêm tốn thì luôn được người đời mến thương.

Thế nên, để tránh cho những cây cao không đổ ngả, người ta phải liệu cho chúng đâm rễ thật sâu hay phải chặt bớt ngọn; muốn cho những toà nhà cao tầng không nghiêng đổ, người ta phải đóng móng thật sâu. Tương tự như thế, người có địa vị hay tài năng trổi vượt người khác, cần phải “đâm rễ sâu” bằng nếp sống khiêm nhường. Có như thế mới tồn tại lâu bền.

Cuộc đời của Mẹ Maria là bằng chứng đầy thuyết phục cho quy luật nầy: Mẹ sống rất khiêm tốn nên Mẹ được Thiên Chúa tôn lên cao.

Hôm nay, bài “Ngợi Khen” của Mẹ Maria đề ra cho chúng ta hai chọn lựa:

Thứ nhất:

Muốn được Thiên Chúa và mọi người thương mến, thì hãy làm như người chăm sóc bảo vệ cây dày kinh nghiệm, biết chặt bớt những ngọn cây cao, kích thích cho bộ rễ đâm sâu vào lòng đất; hoặc làm như người xây dựng lành nghề, khi thi công những ngôi nhà cao tầng, phải đóng móng thật sâu vào lòng đất… Nói chung, là biết loại bỏ tính kiêu căng và sống khiêm tốn với mọi người.

Thứ hai:

Muốn bị người đời ghét bỏ và xa lánh, thì cứ việc sống như cây cao không đâm rễ sâu, như nhà cao tầng chẳng có móng vững, nghĩa là cứ dương dương tự đắc, tự cao tự đại mà chẳng biết khiêm tốn hạ mình.

Lạy Chúa Giê-su,

Không ai trên đời sống khiêm nhường và hạ mình như Chúa, nhờ đó, Chúa được tôn vinh chúc tụng đến muôn đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa và Đức Mẹ, để sống khiêm tốn dịu hiền, nhờ đó, chúng con sẽ được chung hưởng vinh phúc với Chúa và Mẹ trên thiên đàng vinh hiển. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: tuổi già, thời gian qua đi không phải đe dọa mà là hứa hẹn
Vũ Văn An
14:57 10/08/2022


Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư, ngày 10 tháng 8 năm 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh của Tòa Thánh.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Giờ đây, chúng ta dự buổi giáo lý cuối cùng dành cho tuổi già. Hôm nay chúng ta đi vào sự thân mật đầy xúc động của cảnh Chúa Giêsu từ biệt các môn đệ của Người, được kể lại đầy đủ trong Tin Mừng Gioan. Diễn từ chia tay bắt đầu bằng những lời an ủi và hứa hẹn: “Lòng các con đừng xao xuyến” (Ga 14: 1). “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (14: 3). Những lời này của Chúa thật đẹp đẽ.

Ngay trước đó, Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô rằng: “Sau này con sẽ đi theo” (13:36), nhắc ngài nhớ lại đoạn đường đi qua sự mong manh của đức tin ngài. Thời gian sống còn lại của các môn đệ chắc chắn sẽ là một chặng đường phải đi qua sự mong manh của chứng tá và các thách thức của tình huynh đệ. Nhưng nó cũng sẽ là một việc đi qua các phước lành đầy thích thú của đức tin: “ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa”(14:12). Nghĩ mà xem đây quả là một lời hứa hẹn lớn lao! Tôi không biết liệu chúng ta có nghĩ về nó một cách đầy đủ hay không, nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào nó! Tôi không biết, đôi khi, tôi nghĩ là không.

Tuổi già là lúc thích hợp để làm chứng một cách xúc động và hân hoan cho sự mong đợi. Người đàn ông và đàn bà lớn tuổi đang chờ đợi, chờ đợi một cuộc gặp gỡ. Nơi tuổi già, những việc làm của đức tin, tức những việc đưa chúng ta và những người khác đến gần hơn với Nước Thiên Chúa, giờ đây đã vượt quá sức mạnh của nghị lực, lời nói và sự thôi thúc của tuổi trẻ và sự trưởng thành. Nhưng chính bằng cách này, chúng làm cho lời hứa về đích đến đích thực của cuộc đời trở nên minh bạch hơn. Và đâu là điểm đến đích thực của cuộc đời? Một chỗ nơi bàn ăn với Thiên Chúa, trong thế giới của Thiên Chúa. Điều đáng lưu ý là xét xem liệu trong các Giáo hội địa phương có tài liệu tham khảo chuyên biệt nào nhằm mục đích làm hồi sinh thừa tác vụ đặc biệt trông đợi Chúa này hay không - đó là một thừa tác vụ, thừa tác vụ trông đợi Chúa - khuyến khích các đặc sủng cá nhân và các phẩm chất cộng đồng của người cao niên.

Tuổi già nào bị tiêu hao trong việc từ chối các cơ hội bỏ lỡ sẽ mang đến sự chán nản cho bản thân và cho những người khác. Trái lại, tuổi già nào sống hòa nhã, sống tôn trọng cuộc sống thực sự, dứt khoát xóa bỏ quan niệm sai lầm về một Giáo hội thích ứng với hoàn cảnh thế gian, nghĩ rằng làm như vậy, Giáo hội có thể dứt khoát cai quản sự hoàn thiện và nên trọn của mình. Khi chúng ta dứt bỏ được giả định này, thì thời gian già đi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta tự nó đã là một trong những công việc “lớn hơn nữa” mà Chúa Giêsu nói đến. Thực thế, đó là một nhiệm vụ mà Chúa Giêsu không được ban cho để hoàn thành: cái chết của Người, sự phục sinh và sự lên trời của Người đã làm cho chúng ta có thể thực hiện được điều đó! Chúng ta hãy nhớ rằng “thời gian vượt trội hơn không gian”. Đó là luật khai tâm. Đời sống chúng ta không được tạo ra để gói gọn trong chính nó, trong một sự hoàn hảo trần thế tưởng tượng: nó được định sẵn để đi tới bên kia, thông qua cái chết - bởi vì cái chết là một cuộc vượt qua. Thật vậy, nơi ổn định của chúng ta, điểm đến của chúng ta không phải là ở đây, mà là ở bên cạnh Chúa, nơi Người ngự mãi mãi.

Ở đây, trên trái đất này, diễn trình “nhà tập” của chúng ta bắt đầu: chúng ta là những người học việc cuộc sống, những người - giữa hàng ngàn khó khăn - học cách trân trọng hồng ân của Thiên Chúa, tôn trọng trách nhiệm chia sẻ nó và làm cho nó sinh hoa kết trái cho mọi người. Thời gian sống trên trái đất là ân sủng của cuộc vượt qua này. Sự cao ngạo muốn dừng thời gian lại - muốn trẻ mãi không già, hạnh phúc không giới hạn, quyền lực tuyệt đối - không những bất khả, mà còn là ảo tưởng.

Sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất là thời điểm khai tâm sự sống: nó là sự sống, nhưng là sự sống dẫn anh chị em tới một sự sống đầy đủ hơn, sự khai tâm của một sự sống trọn vẹn hơn; một sự sống chỉ tìm được sự nên trọn trong Thiên Chúa. Chúng ta không hoàn hảo ngay từ đầu, và chúng ta vẫn không hoàn hảo cho đến cuối cùng. Trong việc nên trọn lời hứa của Thiên Chúa, mối quan hệ được đảo ngược: không gian của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta một cách hết sức quan tâm, vượt trội hơn thời gian của cuộc sống trần thế của chúng ta. Do đó: tuổi già mang hy vọng về sự nên trọn này lại gần hơn. Đến đây, tuổi già biết một cách dứt khoát ý nghĩa của thời gian và các giới hạn của nơi chốn nơi chúng ta sống trong cuộc khai tâm của mình. Đây là lý do tại sao tuổi già là khôn ngoan: người già khôn ngoan vì lý do này. Đây là lý do tại sao nó đáng tin cậy khi nó mời gọi chúng ta hân hoan trong thời gian trôi qua: nó không phải là một mối đe dọa, nó là một lời hứa hẹn. Tuổi già là cao quý, không cần phải làm đẹp cho bản thân mới bày tỏ được sự cao quý. Có lẽ vì thiếu sự cao quý nên mới phải ngụy trang. Tuổi già đáng tin cậy khi nó mời gọi ta hân hoan trong thời gian trôi qua: nhưng thời gian vẫn trôi qua mà… Đúng, nhưng đây không phải là một mối đe dọa, đó là một lời hứa hẹn. Tuổi già nào biết tái khám phá chiều sâu của cái nhìn đức tin, từ bản chất không phải là bảo thủ, như người ta nói! Thế giới của Thiên Chúa là một không gian vô tận, trong đó thời gian trôi qua không còn quan trọng chi nữa. Và chính trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã dự phóng tới mục tiêu này, khi Người nói với các môn đệ: “Thầy bảo cho các con biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng các con uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29). Người đã đi quá bên kia. Trong lời rao giảng của chúng ta, Địa Đàng thường tràn đầy hạnh phúc, ánh sáng và tình yêu. Có lẽ nó thiếu sự sống một chút. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu nói về vương quốc của Thiên Chúa bằng cách đặt thêm sự sống vào đó. Phải chăng chúng ta không còn khả năng này? Sự sống vẫn tiếp tục…

Anh chị em thân mến, tuổi già, sống trong sự trông đợi Chúa, có thể trở thành “lời hộ giáo” đã nên trọn của đức tin, mang lại cơ sở cho mọi người, cho niềm hy vọng của chúng ta đối với tất cả mọi người (x. 1Pr 3:15). Bởi vì tuổi già làm cho lời hứa của Chúa Giêsu trở nên minh bạch, dự phóng tới Thành Thánh mà Sách Khải Huyền vốn nói tới (chương 21-22). Tuổi già là giai đoạn sống thích hợp nhất để truyền bá tin vui rằng cuộc sống là bước khai tâm dẫn tới sự nên trọn cuối cùng. Người già là một lời hứa, một chứng tá của lời hứa. Điều tốt đẹp nhất vẫn chưa tới. Điều tốt nhất vẫn chưa đến: nó giống như lời nhắn nhủ của những tín hữu cao niên, điều tốt nhất vẫn chưa đến. Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta một tuổi già có khả năng này! Cảm ơn anh chị em.
 
Một linh mục Dòng Phanxicô quả quyết chứng kiến Mình Thánh Chúa đập như tim người tại Mễ Tây Cơ
VietCatholic Media
17:29 10/08/2022


Một linh mục quả quyết phép lạ Thánh Thể đã xảy ra tại Mễ Tây Cơ

Như chúng tôi đã loan tin Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mễ Tây Cơ, gần đây đã lên tiếng về một phép lạ thánh thể được tường trình trên mạng xã hội, và được cho là xảy ra tại một giáo xứ trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Hồng Y Robles cho biết vụ việc là “rất nghiêm trọng, bởi vì đó là vấn đề của bí tích lớn nhất trong đức tin của chúng ta, nơi chúng ta chắc chắn về sự hiện diện thực sự, sống động của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể.”

“Đó là một vấn đề rất nhạy cảm khi một số yếu tố phi thường được ghi lại hoặc công bố chính thức mà không có thẩm quyền của giáo hội. Đức Hồng Y cho biết Giáo Hội cần phải thấu hiểu xem điều gì đã xảy ra, xem xét các chi tiết để nói rằng đó là một hành động siêu nhiên, phi thường, một phép lạ”.

Tuy nhiên, vị linh mục cử hành thánh lễ vẫn cả quyết là một sự kiện phi thường đã xảy ra. Mạng ChurchPOP có bài tường thuật nhan đề “Eucharistic Host Allegedly Beats Like Human Heart in Miraculous Viral Video”, nghĩa là “Mình Thánh Chúa được tường trình đập như tim người trong một video về phép lạ đang lan truyền nhanh chóng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Đoạn video được quay vào ngày 22 tháng 7 tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Zapotlanejo, một thị trấn ở bang Jalisco của Mễ Tây Cơ, trong một buổi Chầu Thánh Thể.

Linh mục người Á Căn Đình, Cha Carlos Spahn, người cử hành Thánh lễ và buổi Chầu Thánh Thể ngày hôm đó, nói rằng ngài đã chứng kiến sự kiện này.

Ngài giải thích rằng video là xác thực, tuy nhiên, ngài không thể xác nhận điều kỳ diệu đó là phép lạ, vì ngài “không có thẩm quyền làm điều đó”.

Chú thích của video có nội dung “Phép lạ ở Mễ Tây Cơ. Trong khi Cha Carlos Spahn đang chầu Mình Thánh Chúa, Thánh Thể bắt đầu lay động như trái tim đang đập”.

Cha Sphan nói với ACI Presna rằng hiện tượng ngoại thường này xảy ra trong khoảng 20 hoặc 30 giây.

“Chúng tôi đã chầu Mình Thánh, tôi đã đọc các lời cầu nguyện trước Thánh Thế, và khi tôi đứng dậy để đi đến phòng thánh, điều này bắt đầu xảy ra.”

Mọi người “không thể tin được những gì họ đã thấy,” ngài nói.

Vị linh mục nói thêm rằng những người tham dự “nhanh chóng lấy điện thoại di động của họ ra và quay phim.” Ngài yêu cầu họ chuyển video cho ngài ngay lập tức để chúng không thể bị thay đổi.

“Vì vậy, tôi chứng thực rằng điều này là xác thực, chính xác như thời điểm xảy ra,” Cha Sphan nói.

Vị linh mục cũng cho biết một bác sĩ đã phân tích đoạn video và người dẫn chương trình mô phỏng hiện tượng này như một trái tim đang đập.

Ngài nói: “Mình Thánh Chúa có nhịp đập của một trái tim, hoàn toàn giống như một trái tim con người. Một bác sĩ đã đo chuyển động của trái tim này, và ông ấy nói rằng nó tương ứng với nhịp đập của tim người.”

“Và một phụ nữ vừa mới theo đạo đã có một xác tín mạnh mẽ. Cô ấy đã rước lễ, và người Mình Thánh Chúa bắt đầu đập trong miệng cô ấy. Những gì đã xảy ra với cô đó trong miệng cô ấy cũng đang xảy ra ở bên ngoài - Mình Thánh Chúa được trưng bày trong buổi Chầu Thánh Thể đang đập như một trái tim.”

Cha Sphan cho biết trong một tuyên bố bổ sung rằng sự kiện lặp lại vào các trường hợp khác nhau từ 9 giờ tối đến 11 giờ tối. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người tham dự đều nhìn thấy Mình Thánh Chúa đang đập.

Ngài cho rằng điều này chỉ ra “nguồn gốc thần thánh, bởi vì nếu nó là một điều tự nhiên, tất cả mọi người sẽ nhìn thấy nó cùng một lúc.”
Source:Church POP
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Ánh sáng cho bệnh nhân nghèo
Truyền Thông Caritas Sài Gòn
09:01 10/08/2022
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Ánh sáng cho bệnh nhân nghèo

TGPSG - Đục thủy tinh thể là bệnh phổ biến ở người cao tuổi và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa. Bệnh có thể điều trị rất hiệu quả bằng phương pháp phẫu thuật nhưng nếu phẫu thuật muộn thì nguy cơ biến chứng cũng rất cao. Chính vì thế các chuyên gia khuyến cáo không được chủ quan với căn bệnh này.

Nhằm giúp các bệnh nhân nghèo thoát khỏi những nguy cơ trên. Vì thế, ngày 6/8/2022, Caritas TGP Sài Gòn đã tài trợ kinh phí giúp cho 13 bệnh nhân nghèo đến Phòng khám mắt Bác sĩ Chuyên khoa 2 Mai Đức Thọ, 147 đường Phan Văn Hớn Quận 12, TP HCM để mổ mắt cườm.

Ngay từ 6 giờ sáng chị Vũ Thị Xiêm nhân viên Ban Y tế Caritas, phụ trách mái ấm Chí Hòa và anh Huỳnh Quang Trung - Ban Y tế Caritas đã đến bệnh viện để đón các bệnh nhân đi khám sàng lọc, và 13 bệnh nhân đã đủ tiêu chuẩn để được thực hiện ngay ca mổ cườm mắt. Các bệnh nhân trên bao gồm: 3 người thuộc Tp HCM, số còn lại là những anh chị em đến từ vùng sâu thuộc tỉnh Bình Phước.

Đây là chương trình thường xuyên của Caritas TGP Sài Gòn, nhằm đáp ứng nguyện vọng giúp các bệnh nhân nghèo có cơ hội chữa trị mắt, mang lại đôi mắt sáng để lao động phục vụ bản thân và gia đình.

Trong khi chờ đợi được mổ cườm mắt, các bệnh nhân được chăm sóc bữa ăn sáng, trưa và được phục vụ nước uống. Sau khi bệnh nhân được các bác sĩ hoàn tất phần chữa trị, được dặn dò những việc cần thực hiện để bảo vệ mắt sau mổ. Người cuối cùng ra về lúc 15g cùng ngày.

Truyền Thông Caritas Sài Gòn
 
VietCatholic TV
Tư lệnh Lữ đoàn xe tăng Nga tử trận. Nổ rung chuyển Crimea, Nga dọa phóng hỏa tiễn tấn công Anh, Mỹ
VietCatholic Media
03:38 10/08/2022


1. Putin mất sĩ quan cấp tá thứ 100: Tư lệnh lữ đoàn tăng và thiết giáp tử trận

Vladimir Putin hiện đã mất ít nhất 100 đại tá trong cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh Hoa Kỳ cho biết có tới 80.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc giao tranh.

Trung tá Vitaly Tsikul, 36 tuổi và là chỉ huy xe tăng, được truyền thông Nga xác nhận là đã chết khi chiếu đoạn phim về đám tang của ông diễn ra ở thị trấn Chebarkul, miền trung nước Nga.

Tsikul phục vụ trong Sư đoàn xe tăng 90 của Nga tại Quân khu Trung tâm của Nga trước khi qua đời ở Ukraine. Tsikul là một người cha của hai đứa con. Lễ tang của anh ta đã diễn ra tại một Nhà thờ Chính thống giáo ở Chebarkul với đầy đủ lễ nghi quân cách nhưng dù vậy nó cũng cho thấy anh ta xuất thân từ một gia đình nghèo.

Tsikul đã bị giết vào tháng trước nhưng hiện giờ chỉ mới xuất hiện những chi tiết về đám tang của anh ta sau khi thi hài của anh ta được hồi hương. Nga thường trì hoãn việc đưa thi thể về nước để giấu kín con số thiệt hại của cuộc chiến. Không rõ chính xác làm thế nào hoặc ở đâu tại Ukraine, mà Trung Tá Tsikul đã gặp phải kết cục đáng buồn của mình.

Mặc dù phải gánh chịu một số lượng lớn thương vong ở Ukraine, Putin vẫn chưa chính thức tuyên chiến hay bắt đầu một cuộc tổng động viên dân số của Nga.

Điều này được cho là do ông lo ngại một cuộc nổi dậy của những người Nga bình thường chống lại sự lãnh đạo ngày càng độc đoán và đầy những sai lầm của ông ta.

Thay vào đó, ông chủ yếu dựa vào lính nghĩa vụ đến từ các vùng nghèo hơn hoặc xa xôi nhất của Nga, cả lính nghĩa vụ từ Ukraine bị chiếm đóng, tình nguyện viên và lính đánh thuê để chiến đấu cho mình.

Cái chết của Tsikul được tiết lộ trong bối cảnh Thứ trưởng Colin Kahl của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng có tới 80.000 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong cuộc xâm lược kéo dài gần sáu tháng.

Nga cũng được cho là đã điều binh lính đến từ Syria để chiến đấu, và trong những tuần gần đây đã bắt đầu đợt tuyển mộ các 'tiểu đoàn tình nguyện' mới.

Mức lương lên tới 3.400 bảng Anh mỗi tháng được đưa ra cho các sĩ quan sẵn sàng chiến đấu, bên cạnh đó còn có tiền thưởng hứa hẹn là 2.400 bảng Anh - một gia tài đối với những người sống ở các vùng nghèo của Nga hoặc Donbas.

2. Hàng loạt các vụ nổ tại căn cứ không quân của Nga ở Crimea. Truyền thông Nga kêu gọi phóng hỏa tiễn vào Hoa Kỳ và Anh để trả đũa.

Sáng thứ Tư 10 tháng 8, Mikhail Razvozhayev, thống đốc Sevastopol, do Nga dựng nên tại Crimea đã xác nhận các vụ nổ gần Novofedorivka, nơi có căn cứ không quân của Nga. Hình ảnh chia sẻ trên các mạng xã hội cho thấy các xe cứu thương đang lao tới hiện trường.

Razvozhayev cũng cho biết ngoài xe cứu thương của huyện Saky và Yevpatoria, các dịch vụ khẩn cấp đang hoạt động ở Novofedorivka.

Các nhân chứng ở địa phương cho biết họ nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn và nhìn thấy khói đen bốc lên từ hướng của một căn cứ quân sự Nga. Khói có thể nhìn thấy trên bãi biển ở Yevpatoria, cách Novofedorivka 30 km.

Sáu đến bảy vụ nổ đã được báo cáo, với các nhân chứng nói rằng họ nghe thấy “thứ gì đó giống như tiếng nổ của đạn pháo”

Trong cuộc họp báo sáng thứ Tư, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã từ chối bình luận về diễn biến này. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nga lên tiếng thúc giục tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhanh chóng phóng hỏa tiễn vào Washington DC và London, nếu không sẽ là quá trễ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu tỏ ra thực tế hơn các phương tiện truyền thông của nước này. Ông đã ra lệnh cho các lực lượng của họ tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine tập trung tiêu diệt HIMARS của Kyiv.

Trong khi đó, NATO tăng cường các chuyến bay bảo vệ không phận các quốc gia ở sườn phía Đông bao gồm Ba Lan, và các quốc gia vùng Baltic là các nước có nguy cơ bị tấn công thực tiễn nhất.

3. Kho đạn của Nga phát nổ gần Henichesk

Kho đạn của quân Nga đã phát nổ ở quận Henichesk, vùng Kherson, gần Crimea do Nga chiếm đóng, vào sáng sớm thứ Ba, ngày 9 tháng 8.

Phó Hội đồng Khu vực Kherson Serhii Khlan cho biết như trên:

“Trong vùng Kherson, chúng ta có thể chúc mừng Henichesk về sự khởi đầu. Bây giờ Lực lượng vũ trang Ukraine cũng tiếp cận khu vực đó. Vào buổi sáng, đạn dược của Nga đã phát nổ trong hơn một giờ rưỡi tại một khu vực giữa Partyzany và Novooleksiivka. Chúng tôi đang chờ các báo cáo chính thức”

Ông nói thêm rằng quận Henichesk nằm trên biên giới hành chính với Crimea. Giờ đây, không còn khu vực an toàn nào cho lực lượng Nga ở khu vực Kherson.

Theo trang tin Most có trụ sở tại Kherson, các kênh Telegram địa phương của “nhà chức trách” khu vực tự xưng đã giải thích rằng vụ nổ ở quận Henichesk sáng nay là do “vi phạm an toàn” gây ra.

4. Mỹ gửi cho Ukraine hỏa tiễn HIMARS tương đương với một cuộc không kích

Theo các quan chức Ngũ Giác Đài, Mỹ sẽ gửi thêm hỏa tiễn hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, tới Ukraine để giúp quân đội Kyiv đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Gói viện trợ mới bao gồm cả Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt có hướng dẫn, gọi tắt là GMLRS.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết “Đó là loại hỏa tiễn có hệ thống dẫn đường chính xác với phạm vi khoảng 70 km. Các hỏa tiễn GMLRS này sẽ có ảnh hưởng rất sâu sắc. Đầu đạn của nó nặng đến 200 pound, với sức công phá tương đương với một cuộc không kích. Thành thật mà nói – đó là một cuộc không kích được dẫn đường chính xác. Đây là những loại bom, đạn dẫn đường bằng GPS. Họ đã rất hiệu quả trong việc đánh vào những thứ mà trước đây người Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh một cách đáng tin cậy.”

Theo quan chức Ngũ Giác Đài, Ukraine đã sử dụng HIMARS như một phần của các gói hỗ trợ trước đó để tấn công các sở chỉ huy và các đồn bót kiểm soát, trung tâm duy trì và hậu cần của Nga cũng như các hệ thống radar quan trọng, cùng những hệ thống khác.

HIMARS do Mỹ cung cấp đã đạt đến một địa vị huyền thoại ở Ukraine, giúp quân đội Kyiv đánh trả quân đội của Mạc Tư Khoa ở khu vực Donbas. Theo các lực lượng Ukraine, mặc dù phía Nga chưa xác nhận con số, các hỏa tiễn do HIMARS bắn đã tấn công hơn 30 mục tiêu của Nga phía sau chiến tuyến của kẻ thù ở Ukraine.

Nga rõ ràng coi hỏa tiễn HIMARS là mối đe dọa đối với quân đội của họ ở Ukraine, thể hiện qua việc Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Sergei Shoigu, đã ra lệnh cho các lực lượng của họ tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine tập trung tiêu diệt HIMARS của Kyiv.

Ngũ Giác Đài nhận định rằng “Người Nga đã phải di chuyển một số khí tài chiến tranh xa tầm bắn của HIMARS. Điều này làm họ phải chậm lại. Nó khiến họ khó tiếp tế cho các lực lượng hơn. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng ngay cả khi chưa tấn công, HIMARS đã có những hiệu quả chiến lược thực sự”.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Mạc Tư Khoa đã phá hủy một kho đạn gần thành phố Uman của Ukraine, nơi lưu trữ hỏa tiễn HIMARS và pháo M777 do Mỹ sản xuất. Theo Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, hơn 300 hỏa tiễn đã bị phá hủy trong cuộc tấn công. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine bác bỏ điều này và coi là tin giả do Igor Konashenkov tung ra.

Dù thế nào, nhiều HIMARS sẽ được chào đón ở Kyiv, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói, ca ngợi thông báo của Mỹ rằng một gói hỗ trợ mới sẽ cung cấp nhiều đạn hơn cho các HIMARS đã được gửi đến Kyiv.

Trong số các vũ khí khác sẽ được cung cấp cho Ukraine như một phần của gói hỗ trợ mới nhất này, ngoài đạn dược HIMARS, còn có 75.000 viên đạn pháo 155 ly; hai mươi hệ thống súng cối 120 ly và 20.000 viên đạn cối 120 ly; đạn dược cho Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến NASAMS; và 1.000 Javelin và hàng trăm hệ thống chống thiết giáp AT4.

5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine bắt đầu từ Crimea và “phải kết thúc với Crimea” và việc giải phóng bán đảo

Như chúng tôi đã đưa tin, hàng loạt vụ nổ đã diễn ra tại bán đảo Crimea, và các phương tiện truyền thông Nga lên tiếng thúc giục tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhanh chóng phóng hỏa tiễn vào Washington DC và London, nếu không sẽ là quá trễ.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Tư, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã từ chối bình luận về diễn biến này. Nhưng trong bài phát biểu hàng đêm của mình với quốc dân đồng bào, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố rằng “Cuộc chiến này của Nga chống lại Ukraine và chống lại toàn bộ Âu Châu tự do bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea với sự giải phóng bán đảo này”

“Hôm nay, tôi không thể nói khi nào điều này sẽ xảy ra. Nhưng chúng tôi không ngừng bổ sung các thành phần cần thiết vào công thức giải phóng Crimea. Crimea là của Ukraine, và chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ nó”

Zelenskiy cũng cho biết việc Nga chiếm đóng Crimea tạo thành một “mối đe dọa” đối với toàn bộ lục địa và sự ổn định toàn cầu.

“Sự hiện diện của quân xâm lược Nga Nga ở Crimea là một mối đe dọa đối với toàn bộ Âu Châu và sự ổn định toàn cầu. Sẽ không có hòa bình ổn định và lâu dài ở nhiều quốc gia bên bờ Địa Trung Hải chừng nào Nga có thể sử dụng bán đảo của chúng tôi làm căn cứ quân sự”

Tổng thống Ukraine tiếp tục nhắc lại ý nghĩa lịch sử của bán đảo đối với người Ukraine, ông nói: “Nhà nước của chúng ta là nơi sinh sống của những người có nền văn hóa và khát vọng dân tộc được hình thành ở Crimea. Do đó, khi chúng ta làm việc để giải phóng bán đảo, chúng ta đang đấu tranh để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước chúng ta, và cho sự trở về quê hương của người dân bản địa Ukraine “.

Hôm thứ Ba, một loạt vụ nổ đã được báo cáo trong khu vực một căn cứ không quân của Nga ở Crimea. Hiện chưa có thông tin nào từ phía Ukraine về bất kỳ cuộc tấn công nào trong khu vực.

Nga xâm lược và sau đó sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

6. Biden nói Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ làm cho liên minh “mạnh hơn bao giờ hết”

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ăn mừng quyết định của Quốc Hội phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan vào hôm thứ Ba, và nói rằng việc họ gia nhập liên minh sẽ khiến NATO “mạnh hơn bao giờ hết”.

“Thụy Điển và Phần Lan có các thể chế dân chủ mạnh mẽ, quân đội mạnh và các nền kinh tế mạnh mẽ và minh bạch,” Tổng thống nói từ Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc. “Họ sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của NATO - chúng tôi tự tin về điều đó - và sẽ làm cho… liên minh của chúng ta mạnh hơn và sẽ làm cho nước Mỹ và người dân Mỹ an toàn hơn trong quá trình này”.

Biden nói Hoa Kỳ “cam kết với quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương” đặc biệt khi đối mặt với cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Trong thời điểm mà nước Nga của Putin đã phá vỡ hòa bình và an ninh ở Âu Châu, khi những kẻ chuyên quyền đang thách thức chính nền tảng của một trật tự dựa trên luật lệ, thì sức mạnh của Liên minh xuyên Đại Tây Dương và cam kết của Mỹ với NATO là quan trọng hơn bao giờ hết”.

Khi cuộc xâm lược bắt đầu, “Putin nghĩ rằng ông ấy có thể phá vỡ điều này” và “làm suy yếu quyết tâm của chúng ta”

“Khi Phần Lan và Thụy Điển nâng số lượng đồng minh lên 32, chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mạnh mẽ hơn bao giờ hết,” tổng thống Biden kết luận.

7. Newsweek kiểm tra sự thật: Liệu Triều Tiên có gửi 100 nghìn binh sĩ để chiến đấu chống lại Ukraine hay không?

Trong các ngày qua, dư luận sôi nổi với nguồn tin do Đại Tá Nga Igor Korotchenko đưa ra theo đó Kim Chính Ân sẵn sàng đưa 100.000 quân sang chiến đấu chống Ukraine. Trong một chương trình trước chúng tôi đã đưa ra những nhận định từ các đồng nghiệp Ukraine rằng Đại Tá Igor Korotchenko là vua nổ, chuyên tung tin giả. Tờ Newsweek vừa có bài báo nhan đề “Fact Check: Is North Korea Sending 100K Soldiers to Fight Against Ukraine?” nghĩa là “Kiểm tra sự thật: Liệu Triều Tiên có gửi 100 nghìn binh sĩ để chiến đấu chống lại Ukraine hay không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi các lực lượng Nga phải vật lộn để đạt được những thành tựu mới ở Ukraine trong bối cảnh giao tranh dữ dội và tinh thần của quân đội bị giảm sút, Mạc Tư Khoa được tường trình đã quay sang các đồng minh để yêu cầu hỗ trợ.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các phương tiện truyền thông và báo cáo tình báo đã tuyên bố rằng Nga đã nhận được hỗ trợ quân sự từ Syria, một số nước cộng hòa Phi Châu thân thiện với Điện Cẩm Linh và Iran, được cho là đã cung cấp máy bay không người lái chiến đấu của mình cho Nga, mặc dù cho đến nay Iran vẫn tiếp tục phủ nhận các tuyên bố này.

Triều Tiên là một đồng minh thân cận khác của Điện Cẩm Linh, nhưng các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin Bình Nhưỡng chuẩn bị gửi 100.000 binh sĩ “tình nguyện” đến chiến đấu ở Ukraine đã khiến một số người phải sửng sốt.

Hàng chục các phương tiện truyền thông đã tuyên bố trong vài ngày qua rằng có tới 100.000 “tình nguyện viên” từ Triều Tiên đã được đề nghị tới Mạc Tư Khoa để tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Một tweet nêu rõ “Tin nóng bất ngờ: Triều Tiên vừa đề nghị Nga 100.000 quân để giúp đánh bại Ukraine theo truyền thông nhà nước Nga”.

Các phương tiện truyền thông đưa ra tuyên bố này đã trích dẫn nhiều bài báo khác nhau, bao gồm một bài báo của trang web theo thuyết âm mưu Zero Hedge. Một số bài trích dẫn truyền hình nhà nước Nga.

Sự thật như thế nào?

Một số hãng tin đã đăng các bài báo lặp lại tuyên bố rằng 100.000 “tình nguyện viên” Triều Tiên có thể được cử đến để chiến đấu cho Nga ở Ukraine, bao gồm cả những cơ quan truyền thông có uy tín như Business Insider và National Review.

Một số phương tiện truyền thông đã trích dẫn một bài báo của New York Post, có vẻ như đây là trang báo tiếng Anh đầu tiên đưa ra tuyên bố.

“Triều Tiên đã đề nghị cử 100.000 binh sĩ để hỗ trợ cho nỗ lực xâm lược của Nga ở Ukraine, kênh truyền hình nhà nước Nga tuyên bố”, bài báo viết.

Bằng chứng là, nó bao gồm một đoạn ngắn từ chương trình tin tức trên kênh truyền hình nhà nước của Nga, trong đó chuyên gia quốc phòng Igor Korotchenko nói:

“Có báo cáo rằng 100.000 tình nguyện viên Triều Tiên đã chuẩn bị đến và tham gia vào cuộc xung đột.”

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng Triều Tiên có thể hỗ trợ “xây dựng lại” các thị trấn và cộng đồng Ukraine bị phá hủy hoặc hư hại trong cuộc xung đột, đồng thời ca ngợi “sự giàu có kinh nghiệm chiến tranh của quân Bắc Hàn”.

Korotchenko không trích dẫn nguồn tin cho tuyên bố của mình, mà ông đã đưa ra trong một chương trình phát sóng hôm thứ Năm, ngày 4 tháng 8 và dường như không có bất kỳ thông báo công khai nào của Mạc Tư Khoa hoặc Bình Nhưỡng ủng hộ cho tuyên bố của ông ta.

Một số hãng thông tấn Nga đã lặp lại tuyên bố của ông ta sau khi được các hãng tin trong nước và quốc tế loan tin, thông tin duy nhất trước đó về “lời đề nghị” và con số “100.000” xuất hiện trên báo cáo của hãng thông tấn Nga REGNUM, mà Liên Hiệp Âu Châu đã cáo buộc tội truyền bá “những câu chuyện tuyên truyền hiếu chiến và thiên vị chống lại Ukraine, và thúc đẩy thái độ tích cực đối với việc sáp nhập Crimea và các hành động của phe ly khai ở Donbas.”

Bài báo ngày 2 tháng 8 trích dẫn lời một nghị sĩ Nga, người đã đề cập đến “đề nghị” giúp đỡ của Triều Tiên trong một bài phát biểu tại Duma, tức là Hạ Viện Nga.

Dân biểu Sergei Mironov nói: “Không hề phóng đại, tôi tin rằng đây, là một khoảnh khắc lịch sử! Cả trong các nước cộng hòa Donbas đã được giải phóng, và trong việc thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với Triều Tiên!”

Bài báo sau đó nói tiếp rằng “Triều Tiên đã phát tín hiệu qua các kênh ngoại giao rằng họ sẵn sàng hỗ trợ việc bảo vệ các nước Cộng hòa Luhansk và Donetsk, bao gồm sự sẵn sàng gửi 100.000 binh sĩ của mình tới Donbas, cũng như thắt chặt quan hệ thương mại với Nga”.

“Bình Nhưỡng có thể gửi các đơn vị chiến thuật của mình đến Donbas; đổi lại, họ sẽ nhận được ngũ cốc và năng lượng từ các nước Cộng hòa”. REGNUM cho biết như trên mà không cho biết làm thế nào các tác giả có được quyền tiếp cận các trao đổi ngoại giao được nêu.

Các tuyên bố tương tự chưa được xác minh cũng đã xuất hiện trong tuần qua trên các kênh Telegram ẩn danh ủng hộ Điện Cẩm Linh, bao gồm một kênh có tên là “Nhà giặt Điện Cẩm Linh”, tương tự nói rằng “các bức điện ngoại giao” từ Triều Tiên cho thấy họ đã sẵn sàng để “hỗ trợ quân đội Cộng hòa bao gồm việc cung cấp 100.000 tình nguyện viên chiến đấu mạnh mẽ, cũng như các đơn vị chiến thuật đặc biệt.”

Cả báo cáo REGNUM cũng như các kênh Telegram ẩn danh đều không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho những tuyên bố này. Nhưng trong một ví dụ về việc tung thông tin giả có thể xảy ra như thế nào, những tuyên bố không có bằng chứng này đã nhanh chóng được lan truyền và được một số phương tiện truyền thông phương Tây khuếch đại trực tuyến, những phương tiện này đã chia sẻ lại chúng mà không cần tìm nguồn hoặc xác minh thích hợp.

Bản thân Korotchenko sau đó đã được tờ báo Nga MK phỏng vấn. Anh ta lặp lại tuyên bố trong cuộc phỏng vấn, nhưng với một số biến tấu.

Anh ta nói: “Triều Tiên tiếp tục thể hiện sự ủng hộ thực sự đối với Nga trong việc tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt. Hãy để tôi nhắc bạn rằng đây là một trong những người đầu tiên công nhận về mặt ngoại giao chủ quyền của Cộng hòa Nhân Dân Luhansk và Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, và kể từ đó đã hỗ trợ tinh thần cho họ. Bạn hoàn toàn có thể nói rằng họ đã sẵn sàng cho những hành động này. Nhìn chung, quân đội Triều Tiên có tinh thần cao nhất và hiệu quả cao”.

“Đối với những lời đề nghị giúp đỡ của Kim Chính Ân, tất cả đều được đưa ra phù hợp với sự ủng hộ rộng rãi hơn dành cho Nga”

“Và nếu chúng ta đồng ý với đề xuất này, thì Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên chắc chắn sẽ cử người của mình đến - không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Nhưng ở đây câu hỏi về tính hiệu quả chính trị nảy sinh. Liệu một quyết định như vậy có nên được thực hiện không? Tôi cảm thấy rất khó để trả lời câu hỏi này” Korotchenko kết luận.

Là đồng minh thân cận của Nga, Triều Tiên thực sự đã lên tiếng ủng hộ các hành động của Nga ở Ukraine, và thậm chí cùng với Syria, Bắc Hàn là một trong hai quốc gia công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa Donbas bị chiếm đóng trái phép.

Cũng đã có báo cáo, dựa trên tuyên bố của Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, Alexander Matsegora, rằng các công nhân Triều Tiên có thể được giao nhiệm vụ giúp “tái thiết miền Đông Ukraine.”

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chính thức không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc cử hoặc chuẩn bị cử bất kỳ quân đội hoặc đơn vị “tình nguyện” nào để chiến đấu cùng với người Nga. Các quan chức chính phủ Nga và Triều Tiên đều không có hồ sơ về bất kỳ kế hoạch hoặc thỏa thuận nào như vậy.

Newsweek đã liên hệ với Đại sứ quán Triều Tiên tại Nga và Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

Kết luận của chúng tôi sau khi kiểm tra sự thật là hầu hết những tuyên bố do Korotchenko đưa ra là sai, không có bằng chứng nào cả.

Tuyên bố rằng Triều Tiên có hoặc có kế hoạch cử tới 100.000 binh sĩ “tình nguyện” chiến đấu cùng với người Nga ở Ukraine chỉ là suy đoán của Korotchenko, một chuyên gia truyền hình Nga và một nghị sĩ đảng đối lập Nga, được các hãng tin nhà nước khuếch đại và các kênh Telegram ẩn danh tung lên trên mạng xã hội. Trong khi giới lãnh đạo Triều Tiên đã có những tiến bộ để thắt chặt quan hệ kinh tế và quân sự với Mạc Tư Khoa, họ không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào cho thấy việc triển khai quân đội của họ ở Ukraine sắp xảy ra.
 
Sự kiện lạ lùng xảy ra sau khi 800 người cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ
VietCatholic Media
04:50 10/08/2022


1. Sự kiện lạ lùng: Những người biểu tình la hét bỏ đi sau khi 800 người Công Giáo cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ

Trong bài “Screaming Protesters Leave After 800 Catholics Pray to St. Michael & Our Lady at Catholic Conference”, nghĩa là “Những người biểu tình la hét bỏ đi sau khi 800 người Công Giáo cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ tại một hội nghị Công Giáo”, Mạng ChurchPop đã tường thuật một hiện tượng lạ lùng như sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Viện Napa đã tổ chức hội nghị thường niên từ ngày 29 đến 31 tháng 7 tại Napa, California.

Trong hội nghị vào ngày 31 tháng 7, những người tham dự đã nghe thấy những người biểu tình chống Công Giáo la hét trong một bài phát biểu quan trọng. Khoảng 800 người sau đó đã cùng nhau cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ. Lập tức, những người biểu tình đã bỏ đi!

Một số video về vụ việc đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Cha Ken Geraci của Dòng Các linh mục của Lòng của Thương Xót nói, “Những người biểu tình xuất hiện. Chúng tôi bắt đầu reo hò và thử làm họ lắng xuống. Nhưng họ đã không dừng lại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ, Cầu nguyện sẽ là câu trả lời. Đó là cách chúng tôi đánh bại cái ác”.

“Vì vậy, tôi đến gần sân khấu, và tôi cố gắng kêu gọi vị chủ tịch của hội nghị thúc giục mọi người cầu nguyện, và dẫn dắt mọi người cầu nguyện. Hãy bắt đầu bằng Kinh Kính Mừng để mọi người dễ đọc theo”

“Sau đó, anh ấy nhìn và tôi, và anh ấy đưa micro cho tôi. Vì vậy, tôi cầm micro và hướng dẫn 800 người trong hội nghị Napa đọc Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, và Kinh Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, và chúng tôi đã hát cùng nhau Kinh Salve Regina, tức là Kinh Lạy Nữ Vương. Những người biểu tình đã biến mất.”
Source:Church POP

2. Sự tích Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương theo bản phổ thông như sau

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành

làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và

ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;

Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.

Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,

Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này?

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô ( + 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.

Thầy Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà thầy hằng chú tâm chăm sóc.

Sống trong tu viện khổ tu, nhưng thầy kiên trì học hành và nghiên cứu môn Thần học cùng môn Toán học tường tận, và trở thành nhà Thần học cùng là nhà chuyên môn về Toán học. Ngoài ra thầy còn nghiên cứu thêm về môn Lịch sử, môn Thiên văn. Chưa hết, thầy còn có tài năng sáng tác âm nhạc. Như thế, thầy tuy là một người tàn tật, nhưng có nhiều tài năng thiên phú ẩn chứa trong con người của thầy.

Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp thầy sống trọn vẹn ơn gọi tu sĩ, nhất là giúp thầy phát triển tài năng Chúa ban cho thầy!

Trong những giờ phút đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn một thầy dòng tàn tật tên Hermann.

Thầy Hermann đã đọc kinh Kính mừng Maria - Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ Maria là Nữ Vương: Salve Regina!

Đức Mẹ Maria có phải là nữ vương?

Chúa Giêsu trước mặt quan tổng trấn Philatô đã quả quyết: Phải, tôi là Vua! Và trên đầu thập giá Chúa Giêsu, có bảng viết: Giêsu Nadareth, Vua dân Do Thái!

Đức Mẹ Maria sau quãng đời sống trên trần gian đã được Chúa Giêsu, con của Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn thân xác. Vì thế, trên thiên quốc, Đức Mẹ là Nữ Vương.

Thầy Hermann qua đó muốn diễn tả tâm tư của mình: “Salve Regina - Kính chào Mẹ nữ vương trời đất!” Lời chào này không do Thiên thần hay sứ giả nào nói, nhưng do thầy dòng tàn tật Hermann nói thân thưa với Đức Mẹ Maria.

Xưng tụng Đức Mẹ Maria là Mẹ, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ hết tấm lòng của một người mẹ. Nên thầy thêm vào lời xưng tụng “Mẹ nhân lành - Mẹ xót thương” và còn hơn nữa “đời sống chúng con được vui được cậy”.

Qua những xưng tụng đó, thầy Hermann muốn nói lên tâm tình tin tưởng:

Đức Mẹ Maria không là trung gian cho sự chết. Nhưng phù trợ cho sự sống

Đức Mẹ Maria không chối từ sự cay đắng đau khổ. Nhưng khi cầu nguyện ta tìm nhận ra nơi Đức Mẹ nhân lành nguồn vui an ủi cho đời sống.

Đức Mẹ Maria không chỉ giúp cho đời sống trong một lúc khoảnh khắc ngắn ngủi gặp đau khổ, nhưng Đức Mẹ là người cùng đồng hành trung thành hướng dẫn cho đời sống tìm đến nguồn hy vọng nơi Thiên Chúa tình yêu thương.

Đức Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác bên ngai Thiên Chúa. Đó cũng là đích điểm của con người chúng ta mai sau cũng mong được về bên ngai Thiên Chúa.

Con người chúng ta còn đang là lữ khách ở trần gian, nên còn mang trong mình hậu qủa của tội nguyên tổ của Ông Bà Adong Evà. Đó là những đau khổ, bệnh tật, yêu đuối giới hạn cả về thân xác lẫn tinh thần.Vì thế, trần gian được gọi là nơi chốn thung lũng đầy nước mắt.

Thầy Hermann đã có cảm nghiệm này từ chính nơi đời sống riêng của mình về sự yếu hèn của khiếm khuyết, của tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thầy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó, thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, Đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.

Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.

Lời kinh Salve Regina không vẽ hay tô điểm một hình ảnh bi quan đen tối về đời sống. Nhưng tràn đầy niềm hy vọng của chính Thầy Hermann. Và đấy cũng là hy vọng của mọi Kitô hữu.

Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho rất nhiều nhạc sĩ từ xưa đến nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ khác nhau và rất danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy… Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học của Thánh Alphonsô Liguori - một vị Thánh Tiến sĩ Hội thánh.

Lời kinh Salve Regina trở thành lời kinh cầu nguyện không chỉ trong khuôn viên những tu viện, nhà dòng đọc hát vào giờ Kinh Chiều hay giờ Kinh Tối. Nhưng đã trở thành lời kinh trong “kho tàng” về kinh cầu nguyện của Giáo Hội, phổ thông cho mọi tín hữu, và người Công Giáo tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.
 
Tin vui: Nữ tu Ấn Độ được ơn xuất thần và thị kiến Chúa Giêsu tiến một bước trên đường tuyên thánh
VietCatholic Media
05:24 10/08/2022


1. Bộ Tuyên Thánh công bố các sắc lệnh mới

Cùng được Bộ Tuyên Thánh công bố sáng ngày 05 tháng Tám vừa qua, có năm sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của năm Tôi tớ Chúa, đặc biệt trong đó một nữ tu người Ấn Độ, đó là chị Maria Celina Kannanaikal, sinh năm 1931 tại tổng giáo phận Thrissur, miền nam Ấn, làm nghề giáo viên trước khi gia nhập dòng Ursuline năm 1954, khi được 23 tuổi.

Chị có lòng kính mến đặc biệt đối với Chúa Giêsu chịu đóng đanh, mong ước sống và chịu đau khổ vì Chúa. Những đau khổ thể lý mà Chúa Toàn Năng, cho phép chị chịu thật không thể tả được. Nhưng trong dòng, chị không được thông cảm như thế. Những kinh nghiệm thần bí khiến các bề trên nghi ngờ và bị coi là gây xáo trộn nơi các tập sinh khác.

Mẹ giáo tập nhìn nhận nơi chị Maria Celina một nỗ lực nên thánh, trái lại nhiều người khác đề nghị không cho tập sinh này được khấn dòng. Chị thường bị lên cơn sốt, nhức đầu và ói mửa với những vết máu. Không bác sĩ nào đưa ra một chẩn bệnh chắc chắn.

Chị Maria Celina thường được những ơn xuất thần và thị kiến Chúa Giêsu với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Sau khi kéo dài năm tập thêm sáu tháng, ngoài hai năm bình thường, chị Maria Celina được bề trên chuẩn nhận cho khấn dòng lần đầu, ngày 20 tháng Sáu năm 1957. Trong ngày chị khấn, Chúa Giêsu đã nói với chị Maria Celina rằng Ngài sẽ sớm đến để đưa chị về nhà vĩnh cửu.

Chị Maria Celina Kannanaikal qua đời ngày 25 tháng Bảy năm 1957 lúc mới 26 tuổi, 35 ngày sau khi khấn dòng.

Trước khi qua đời, chị nói với các chị em rằng: “Khi em về trời, em sẽ xin Chúa Giêsu chữa lành những vết thương trong tâm hồn và lau khô nước mắt của các chị.”

Án phong chân phước cho chị Maria Celina được khởi sự ngày 28 tháng Bảy năm 2007.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những người trẻ hướng về Chúa Giêsu như Chân phước Carlo Acutis đã làm

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những người trẻ Công Giáo hôm thứ Sáu rằng Chúa Giêsu không chỉ là một giới luật đạo đức mà còn là một con người và một người bạn tuyệt vời.

Ngài khuyến khích họ xây dựng và vun đắp mối quan hệ của họ với Chúa Kitô như Chân phước Carlo Acutis đã làm.

Là người đầu tiên sống trong thiên niên kỷ này được Giáo Hội Công Giáo phong chân phước, Carlo Acutis yêu mến sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. “Luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu, đây là chương trình cuộc sống của tôi,” anh viết năm 7 tuổi.

Phát biểu trước những người tham gia trại hè dành cho những người trẻ Ý trong một buổi tiếp kiến vào ngày 5 tháng 8 tại Vatican, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở họ về tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit, được công bố vào năm 2019: “Chúa Kitô đang sống và Người muốn bạn sống!”

Đức Giáo Hoàng giải thích rằng Chúa Giêsu là người mà một người Công Giáo trẻ tuổi nên hướng tới.

“Chúng ta đang sống trong sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta hơn chính chúng ta, và Đấng muốn mỗi người chúng ta tìm thấy sự hoàn thành cá nhân, độc đáo của riêng mình.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc nhận xét của mình bằng một lời cầu nguyện: “Cầu mong Chúa Giêsu trở thành Người bạn tuyệt vời, Người bạn đồng hành của các con trên suốt chặng đường. Cầu mong Chúa Giêsu hằng sống trở thành sự sống của các con! Mỗi ngày và mãi mãi.”

Alpha Camp là một “trại kéo dài một tuần do Giáo hội tài trợ dành cho những người trẻ tuổi ở miền trung nước Ý, dành riêng cho việc khám phá cuộc sống, đức tin và ý nghĩa”.


Source:Catholic News Agency

3. Bốn mươi giám mục bạn Phong trào Tổ Ấm nhóm tại Áo

Từ mùng 4 đến mùng 08 tháng Tám vừa qua, bốn mươi giám mục bạn của Phong trào Focolare, Tổ Ấm, đã nhóm họp tại giáo phận Graz bên Áo, cầu nguyện chung, trao đổi kinh nghiệm và nghỉ ngơi.

Các giám mục đến từ Âu, Á, Phi châu và Mỹ Latinh. Đây là lần thứ ba giáo phận Graz đón tiếp các giám mục Focolare và Đức Cha Wilhelm Krautwaschl, giám mục sở tại bày tỏ vui mừng vì điều này.

Trong những ngày gặp gỡ của các giám mục, chị Margaret Karram, người Palestine, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm, và linh mục Đồng Chủ tịch là cha Jesús Morán Cepedano, người Tây Ban Nha, đã đồng hành với các vị, qua những suy tư về linh đạo hiệp thông của phong trào. Một cao điểm trong cuộc gặp gỡ và cuộc hành hương tại Đền thánh Maria Osterwitz trên núi Deutschlandsberg, Núi Đức.

Từ năm 1977, các giám mục bạn của Phong trào Tổ Ấm vẫn gặp gỡ nhau theo gợi ý của chị Chiara Lubich, người sáng lập, và theo lời mời của Đức Cha Klaus Hemmerle, cố giám mục giáo phận Aachen bên Đức, để trao đổi với nhau, về sự dấn thân làm chứng cụ thể về tình huynh đệ sống thực trong Giáo hội.

Phong trào Tổ Ấm do chị Lubich sáng lập năm 1943 tại Trento, bắc Ý. Hiện nay Phong trào hiện diện tại hơn 180 nước trên thế giới, với hơn 140.000 thành viên, và hơn hai triệu người có nhiều tiếp xúc và sinh hoạt với phong trào. Mục đích của phong trào là sống tinh thần huynh đệ Kitô và linh đạo hiệp thông. Có nhiều tín hữu Kitô và tín hữu các tôn giáo khác cũng có những tiếp xúc và gần gũi với phong trào này.

Tiến trình điều tra để phong Chân Phước cho chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare, tức là Tổ Ấm, đã được bắt đầu ở cấp giáo phận vào hôm thứ Ba 27 tháng Giêng, 2015 dưới hình thức một buổi kinh chiều tại nhà thờ chính tòa Frascati, gần Rôma.

Chị Chiara Lubich đã được sinh ra ở Trento, miền Bắc nước Ý. Chị đã thành lập Phong trào Quốc tế Focolare, mà đặc sủng là thúc đẩy hòa bình và sự hiệp nhất của tất cả mọi người, ở Frascati.

Trong một thông điệp gởi đến những người tham dự buổi lễ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng rằng gương sáng của chị Chiara Lubich sẽ truyền cảm hứng cho “sự canh tân lòng trung thành với Chúa Kitô và lòng quảng đại phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội” giữa những người đã noi theo di sản tinh thần quý giá của cô.

Đức Hồng Y Parolin nói Đức Giáo Hoàng cũng mong mỏi cuộc đời và các tác phẩm của chị Chiara Lubich sẽ được các tín hữu trên toàn thế giới biết đến nhiều hơn.

Chị Chiara Lubich (tên rửa tội là Silvia) sinh tại thành phố Trentô, miền Bắc Italia, vào năm 1920. Năm 1943, giữa thời thế chiến thứ hai, cùng với vài người bạn, Chị Chiara Lubich đã bắt đầu sống thực hành giáo huấn phúc âm trong cảnh sống hằng ngày. Nhóm bạn sống phúc âm này quy tựu lại với nhau thành một cộng đoàn nhỏ, gọi là “Focolare”, tức “Tổ Ấm”, khai sinh một phong trào sống phúc âm giữa đời, mà hiện nay được biết đến với tên gọi “Phong Trào Tổ Ấm”, có mặt tại 182 quốc gia, thuộc khắp năm châu, với khoảng 4 triệu thành viên. Ðiều đặc biệt là trong số thành viên của Phong Trào “Tổ Ấm”, có cả những thành viên kitô, nhưng không phải là Công Giáo, đến từ 350 Giáo Hội kitô, hoặc cộng đồng Giáo Hội kitô khác nhau. Và có cả những anh chị em hồi giáo, do thái giáo, phật giáo, ấn độ giáo, lão giáo, vân vân,... đến sinh hoạt trong phong trào. Như thế, với dòng thời gian, từ một “tổ ấm” nhỏ sống tinh thần phúc âm, một phong trào lớn được khai sinh, dựa trên tinh thần tu đức hiệp thông, quy tụ những con người thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Ðó là những con người dấn thân trở thành “men tình yêu thương”, nhắm xây dựng một thế giới liên đới hơn, hiệp nhất hơn.

Nhìn chung, trong hơn 60 năm sinh hoạt, Phong Trào Tổ Ấm do chị Chiara Lubich sáng lập và làm chủ tịch, đã gợi hứng và khai sinh biết bao sáng kiến cụ thể, cho người lớn, cũng như cho các bạn trẻ và cho cả những trẻ nhỏ nữa.

Dấn thân của Chị Chiara Lubich đã mang lại nhiều giải thưởng tôn vinh chính cá nhân của Chị: năm 1977, Chị được giải thưởng Templeton vì sự Tiến Bộ Tôn Giáo; năm 1996, giải thưởng của UNESCO vì sự nghiệp giáo dục cho Hoà Bình; năm 1998, giải thưởng Âu Châu về Nhân Quyền. Ðặc biệt, từ năm 1996 đến khi qua đời, chị Chiara Lubich, đã nhận được 9 Bằng Tiến Sĩ Danh Dự, từ các Ðại Học tại Âu Châu, Mỹ Châu La Tinh, Á Châu và Hoa Kỳ. Nhiều thành phố trên thế giới đã công nhận Chị là “Công Dân Danh Dự” của thành phố.

Chị Chiara Lubich là một giáo dân đơn sơ, nhưng có một uy quyền tinh thần rất cao. Ðược Ðức Gioan XXIII đón tiếp, được Ðức Phaolô VI lắng nghe, và được Ðức Gioan Phaolô II mộ mến, Chị Chiara Lubich đã tham dự hai Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới


Source:kleinezeitung.at
 
Putin bàng hoàng: 9 máy bay Nga nổ tung ở Crimea. Lại có thêm vụ cháy lớn ở cảng Yeysk
VietCatholic Media
17:27 10/08/2022


1. Số người bị thương tăng sau vụ nổ tại căn cứ không quân Nga ở Crimea

Theo Mikhail Razvozhayev, thống đốc Sevastopol, do Nga dựng nên tại Crimea, số người bị thương do các vụ nổ lớn tại căn cứ không quân Novofedorivka ở Crimea đã tăng lên 13 người. Một người đã thiệt mạng do vụ nổ xảy ra từ trưa thứ Ba, tức là vào sáng thứ Tư theo giờ Việt Nam.

Theo hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga, các vụ nổ cũng gây ra thiệt hại ở một thị trấn gần đó, với các cửa sổ bị thổi tung. Các tòa nhà cao tầng bị mất điện, trong khi các cửa hàng và một trung tâm văn hóa bị hư hại.

Nga đã xâm lược và sau đó sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti ban đầu đưa tin các vụ nổ là do đạn dược hàng không tự nhiên bị kích nổ trên lãnh thổ của sân bay Saki gần Novofedorivka. Vài giờ sau lại có tin cho rằng quân Ukraine phải chịu trách nhiệm vì đã bắn vào sân bay bằng hỏa tiễn tầm xa.

Ukraine chưa chính thức cho biết lực lượng của họ có đứng sau vụ nổ này không. Một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, là ông Anton Gerashchenko, nói hôm thứ Tư rằng các hình ảnh vệ tinh của sân bay vài giờ trước cuộc tấn công cho thấy có hơn 30 máy bay và trực thăng ở đó. Ông tin rằng ít nhất có 9 máy bay của Nga đã bị phá hủy.

Một số phương tiện truyền thông Ukraine loan tin dè dặt rằng các kháng chiến quân Ukraine đứng sau vụ phá hoại này. Mikhail Razvozhayev bác bỏ ý tưởng này nhưng cũng không đưa ra lý do xảy ra vụ nổ tai hại này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết cuộc chiến “bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea – với sự giải phóng nó”.

“Hôm nay không thể nói khi nào điều này sẽ xảy ra. Nhưng chúng tôi không ngừng bổ sung các thành phần cần thiết vào công thức giải phóng Crimea.”

2. Lửa bùng phát sau vụ nổ ở cảng của Nga trên Biển Azov

Một đám cháy lớn đã bùng phát tại cảng Yeysk của Nga trên Biển Azov, gần biên giới Nga-Ukraine. Yeysk nằm gần thành phố Mariupol do Nga chiếm đóng, nơi bị tấn công nặng nề trong thời gian bắt đầu cuộc xâm lược.

Các video và hình ảnh trên mạng xã hội do CNN định vị địa lý cho thấy một đám khói đen dày đặc đang bay khắp thị trấn. Một video cho thấy một số vụ nổ đáng kể đang xảy ra.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết một đám cháy bùng phát tại một tòa nhà chứa máy bay rộng 550 mét vuông. Các dịch vụ khẩn cấp đang có mặt tại hiện trường và không có thương vong.

Chính quyền địa phương và khu vực chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào.

Vụ nổ đã khiến những người tắm nắng chạy từ các bãi biển gần đó khi một đám mây hình nấm khổng lồ bay lên bầu trời. Và sáng nay, một cột khói khác bùng lên từ một vụ nổ và hỏa hoạn tại một khu nghỉ mát ven biển ở lục địa Nga, cách đó 125 dặm.

Hình ảnh cho thấy một khu công nghiệp bốc cháy ở Yeysk, một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng trên Biển Azov gần biên giới với Ukraine.

Nga cho biết một kho hàng điện tử đã bốc cháy và bác bỏ tuyên bố trên các phương tiện truyền thông Ukraine rằng “kẻ phá hoại” đã tấn công một kho dầu.

Nga cũng phủ nhận đã có một cuộc tấn công vào sân bay Saki ở Crimea bị chiếm đóng ngày hôm trước.

3. Đài Truyền Hình Nga kêu gọi bắn hỏa tiễn đạn đạo vào Hoa Kỳ và Anh Quốc

Tờ Newsweek trong số thứ Tư 10 tháng 8 cho biết trong một diễn biến thật đáng quan ngại, các xướng ngôn viên của các đài truyền hình Nga đã đưa ra lời đe dọa hạt nhân mới nhất trên phương tiện truyền thông do Điện Cẩm Linh kiểm soát khi nói rằng hỏa tiễn cần phải được được bắn vào Hoa Kỳ và Anh quốc trước khi họ gọi là “quá muộn”.

Bình luận được đưa ra khi số phận của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya đang được thảo luận trong chương trình Vremya Pokazhet, nghĩa là Thời Gian Sẽ Trả Lời, trên kênh Một của đài truyền hình quốc gia Nga.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đang báo động mỗi lúc một khẩn thiết hơn về các hành động quân sự tại cơ sở nằm cách thành phố cảng Mariupol do Nga chiếm đóng khoảng 140 dặm về phía đông bắc.

“Nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya bị tấn công và một thảm họa hạt nhân xảy ra, hai hỏa tiễn sẽ hạ cánh ngay lập tức vào các trung tâm ra quyết định của các ngươi,” tham luận viên Yuri Kot nói, “một là ở Washington và một ở London.”

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine nằm trên lãnh thổ do Nga chiếm được từ tháng 3, nhưng vẫn tiếp tục được vận hành bởi các kỹ thuật viên Ukraine làm việc dưới sự giám sát của quân đội Mạc Tư Khoa.

Trước áp lực của các hỏa tiễn chính xác cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, mà Ukraine đã dùng để bắn vào ít nhất là 30 mục tiêu, giết chết hàng loạt các sĩ quan cao cấp của Nga, chỉ huy Nga phụ trách nhà máy hạt nhân lớn nhất Âu Châu đã đưa quân trốn vào trong nhà máy điện hạt nhân, và 'đã gài mìn khắp nhà máy điện và nói với người Ukraine rằng ông ta sẽ cho nổ tung nó nếu họ cố gắng tái chiếm', công ty năng lượng nguyên tử nhà nước Kyiv cho biết như trên.

Thiếu tướng Valery Vasilyev, người chỉ huy lực lượng bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, đã nói với người Ukraine làm việc trong nhà máy điện hạt nhân về những quả bom và cảnh báo: 'Đây sẽ là đất của Nga hoặc là đất bị thiêu rụi'.

Vasilyev cũng nói với binh lính Nga của ông ta rằng ngay cả khi họ nhận được 'mệnh lệnh khó khăn nhất, chúng ta phải thực hiện nó một cách vinh dự'.

Đoạn video của đài truyền hình Nga do Francis Scarr của BBC dịch ra tiếng Anh, cho biết, “đối với những người trong số các bạn có lẽ lo ngại về sự vắng mặt của các mối đe dọa hỏa tiễn hạt nhân gần đây trên kênh truyền hình nhà nước Nga, hôm nay đã có một video mới.”

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Newsweek: “Chúng tôi nghĩ rằng những lời lẽ khiêu khích liên quan đến vũ khí hạt nhân là nguy hiểm, chúng làm tăng thêm nguy cơ tính toán sai lầm”.

Các đài truyền hình nhà nước của Nga đã đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc xâm lược Ukraine, trong đó các khách mời và người hướng dẫn chương trình đã khoe khoang về khả năng vũ khí hạt nhân của đất nước họ và đe dọa các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Những mối đe dọa này đã được đẩy mạnh sau vụ thử thành công hỏa tiễn xuyên lục địa quốc tế Sarmat được các phương tiện truyền thông phương Tây gọi là Satan-2.

Các khách mời của các chương trình truyền hình cho biết thủ đô của các nước phương Tây ủng hộ Kyiv có thể là mục tiêu cho sức mạnh hạt nhân của Nga. Họ không nói về các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Âu Châu, hoặc viễn cảnh NATO sẽ trả đũa nếu một trong các thành viên của họ bị tấn công.

Vào đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng “không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được mở ra”. Sau tuyên bố của ông đài truyền hình nhà nước Nga đã thôi không đề cập đến những đe dọa hạt nhân. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng lặp lại những lời lẽ đáng sợ này sau khi xảy ra một vài vấn đề ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya; và đặc biệt mới đây nhất là một loạt các vụ nổ nhắm vào các căn cứ quân sự của Nga tại Crimea vào sáng ngày thứ Tư 10 tháng 8.

Sự hậu thuẫn quân sự mà Kyiv nhận được từ Anh, Mỹ và các đồng minh của họ đã góp một phần đáng kể trong những thất bại của Nga cho đến nay. Mỹ và Ukraine cho biết Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao M142 HIMARS do Mỹ cung cấp đã giúp lực lượng của Kyiv tấn công các trung tâm chỉ huy và kho đạn của Nga.

Vào tháng 7, Olga Skabeyeva nói trên kênh Russia-1 rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có thể khiến chiến tranh bùng phát thành xung đột giữa Nga và NATO, và hô hào người xem rằng “chúng ta sẽ đi đến tận Warsaw”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại Giao Nga để xin đưa ra các lời bình luận.

4. Sở chỉ huy Tiểu đoàn Chiến thuật Nga bị phá hủy ở phía nam

Trong bản báo cáo chiều thứ Tư 10 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, Không quân các lực lượng vũ trang Ukraine đã 7 lần tấn công ở phía Nam.

Tổng cộng, 35 binh sĩ Nga, 6 xe bọc thép, một xe tăng T-72 và một xe chỉ huy, đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, một kho đạn ở Novooleksiivka, một sở chỉ huy cấp Tiểu đoàn Chiến thuật và một đài quan sát của trung đoàn dù 217 của Nga gần làng Maksyma Horkoho đã bị phá hủy.

Quân Nga được tường trình đang chuyển quân từ miền Đông sang miền Nam để cứu nguy cho Kherson. Tuy nhiên, quân Nga tiến rất chậm vì sợ trúng phải HIMARS.

Tại quận Beryslav, quân Nga cố gắng tiến hành trinh sát trên không bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, một máy bay không người lái Orlan-10 đã bị bắn rơi bởi một đơn vị hỏa tiễn phòng không của Ukraine.

Một trung đội Dù của Nga cố gắng tiến hành trinh sát chiến đấu theo hướng Lozova vừa được giải phóng. Kế hoạch không thành công, quân Nga đành phải rút lui.

5. Người Ukraine nói rằng các cuộc tấn công vào lực lượng Nga ở khu vực Melitopol bị chiếm đóng đang chuyển biến nhanh chóng

Thị trưởng thành phố Melitopol của Ukraine, nơi bị quân Nga chiếm đóng, cho biết các cuộc tấn công đang tiếp diễn trong khu vực, và quân đội Nga đang được tăng cường.

Ivan Fedorov, người không còn ở trong thành phố, nói trên truyền hình Ukraine rằng tối nay “là đêm địa ngục thứ ba đối với quân xâm lược Nga trên lãnh thổ Melitopol bị chiếm đóng”.

Ông cho biết hai vụ nổ đã được nghe thấy vào tối thứ Ba gần làng Kyrylivka, một khu định cư ven biển trên Biển Azov.

Fedorov nói: “Khói dày đặc sau đó được quan sát thấy trong vài giờ. Trong vài tuần qua, quân xâm lược Nga đã đưa một lượng lớn thiết bị vào bờ gần cửa sông Radyvonivka, cũng như bờ Biển Azov gần Kyrylivka.”

Fedorov cũng tuyên bố rằng “quân du kích” vào đêm thứ Ba đã phá hủy văn phòng của đảng Nước Nga Thống nhất do Nga điều hành, đã được thành lập ở Melitopol.

Ông cũng lặp lại tuyên bố rằng các lực lượng Nga đang ngăn cản người dân rời Melitopol.

“Mọi người đang rời bỏ các lãnh thổ bị chiếm đóng hàng loạt. Việc di tản là rất khó khăn. Quân xâm lược không cho ai di chuyển trong hai ngày qua. Số người chết trong hàng chờ đợi đã lên đến 10 người. Hiện tại, hơn 1.000 xe hơi đang chờ để thoát ra khỏi Melitopol.”

Fedorov nói rằng người Nga đang ép buộc mọi người phải gửi con cái của họ đến các trường học do Nga hậu thuẫn.

“Bọn chiếm đóng áp dụng nhiều biện pháp để ép phụ huynh cho con đến trường học theo giáo trình của Nga. Quân xâm lược Nga báo cáo rằng bắt đầu từ ngày 1 tháng 9, họ sẽ không để trẻ em ra ngoài lãnh thổ bị chiếm đóng. Những phụ huynh đưa con đến trường sẽ nhận được 10.000 rúp từ quân xâm lược “

Tại khu vực Kherson lân cận, Serhii Khlan, cố vấn của người đứng đầu chính quyền quân sự dân sự, nói rằng các lực lượng Nga “liên tục phản công” các lực lượng Ukraine “nhưng Không Quân của chúng tôi đã đẩy lùi họ một cách mạnh mẽ.”

“Quân xâm lược Nga rút lui và thậm chí tại một số vị trí chúng tôi chưa đến họ đã bỏ chạy”

6. Không Quân Ukraine tiếp tục làm chủ bầu trời Kherson, 3 xe tăng, 11 thiết giáp Nga nổ tung

Trong bản báo cáo chiều thứ Tư 10 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đang giành được các chiến thắng quan trọng trong chiến dịch giải phóng Kherson.

Trong 24 giờ trước đó quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 110 lính Nga và nhiều thiết bị quân sự. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang đặt nền móng cho một cuộc phản công lớn với hy vọng chiếm lại thành phố Kherson do Nga chiếm đóng và các khu vực khác ở phía nam đất nước.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine báo cáo trong 24 giờ qua đã tiêu diệt 3 xe tăng, 4 pháo tự hành và 11 xe thiết giáp. Ngoài ra, pháo binh Ukraine đã phá hủy thêm kho đạn trong thành phố Kherson.

Quân đội Ukraine đã thực hiện 7 cuộc tấn công bằng các chiến đấu cơ nhắm vào các lực lượng, thiết bị và kho đạn dược của Nga ở nhiều quận.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, chiến lược của quân Ukraine là rất khôn ngoan. Tận dụng các hệ thống HIMARS, họ tập trung pháo kích sâu bên trong các đường giới tuyến, cụ thể là vào các sở chỉ huy và các kho đạn. Từ đó, họ cắt đứt liên lạc giữa các đơn vị của quân đội Nga, đập tan hệ thống chỉ huy, và làm cạn kiệt khả năng đánh trả khi số đạn dược của Nga bị nổ tung. Giờ đây, Không Quân Ukraine ra vào Kherson như chỗ không người khi hệ thống phòng không của Nga chống trả một cách yếu ớt.