Ngày 14-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời mời gọi tin và ăn bánh hằng sống
LM. Trần Bình Trọng
00:07 14/08/2009
LỜI MỜI GỌI TIN VÀ ĂN BÁNH HẰNG SỐNG

Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm B
Cn 9:1-6; Ep 5:15-20; Ga 6:51-59


Khi ma qủi thách thức Ðức Giêsu biến đá thành bánh mà ăn, Chúa liền trích lời sách Ðệ nhị Luật (Dt 8:3) mà quở trách nó: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4:4). Lời Chúa trong Thánh kinh đã trở thành lẽ sống cho người Do thái hằng bao nhiêu ngàn năm, ngay cả trước khi Chúa cứu thế giáng trần. Họ đặt tin tưởng vào lời Chúa, lời Chúa hứa qua tổ phụ Áp-ra-ham, và qua các ngôn sứ đại khái như sau: Chúa là Thiên Chúa của họ, Ðấng sẽ bảo vệ họ, săn sóc họ và đưa họ về đất hứa. Người Tin lành cũng sống bằng lời Chúa: lời Chúa giữ vững niềm tin của họ, lời Chúa là ánh sáng và là niềm hi vọng của họ. Còn đối với người công giáo, ngoài lời Chúa là lời hằng sống, là của ăn thiêng liêng, còn có Mình thánh Chúa là bánh hằng sống.
Phúc âm hôm nay mời gọi dân chúng tin vào bánh hằng sống. Chúa Giêsu biết lời Người giảng dạy về bánh hằng sống làm dân chúng chướng tai. Họ thắc mắc hỏi nhau: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được (Ga 6:52)? Ngay cả các môn đệ cũng cảm thấy chói tai, khi nghe Chúa giảng dạy về của ăn thiêng liêng là thịt máu Người. Tuy nhiên Chúa không rút lại lời Người giảng dạy. Chúa không thay đổi lời Người rao giảng với hi vọng bắt được mẻ cá lớn, nghĩa là thu hút được nhiều người nghe theo. Lời giảng dạy của Chúa là lời xác tín. Và bởi vì Chúa xác tín về lời Người giảng dạy, nên Chúa không thoả hiệp theo quan niệm và ước muốn của quần chúng, Người vẫn nói sự thật: Thịt tôi là thật của ăn, và máu tôi là thật của uống (Ga 6:55).

Không phải chỉ có người Do thái tranh luận với nhau làm sao ông Giêsu có thể ban cho họ thịt máu Người làm của ăn thiêng liêng. Trải qua suốt dòng lịch sử Ki-tô giáo, người ta cũng tranh luận tương tự như vậy về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể. Từ khi Lu-tê-rô tách rời khỏi Giáo hội công giáo và thiết lập giáo phái riêng, thì từ đó nhiều giáo phái Kitô giáo xuất hiện. Ða số các giáo phái Kitô giáo ngày nay chỉ nhấn mạnh đến việc giảng lời Chúa, mà không tin mình thánh Chúa. Một số giáo phái Kitô giáo khác, ngoài phần rao giảng lời Chúa, còn có nghi thức tưởng nhớ bữa tiệc ly của Chúa và các môn đệ, được cử hành tương tự như thánh lễ công giáo. Tuy nhiên họ chỉ coi việc bẻ bánh như một kỉ niệm, một hình bóng biểu hiệu sự hiện diện của Chúa mà thôi, chứ không coi đó thực sự là mình thánh Chúa.

Ðó là lí do tại sao Giáo hội công giáo không thể mời gọi người ngoài công giáo lên rước lễ trong nhà thờ công giáo. Mời gọi người không tin có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh thể lên rước lễ trong nhà thờ công giáo thì sợ rằng đó là việc phạm thánh chăng? Giáo hội công giáo cũng không cho phép người công giáo rước lễ trong nhà thờ không phải là công giáo. Lí do là vì người công giáo tin rước lễ là rước mình thánh Chúa mà khi rước lễ trong nhà thờ mà bánh không phải là mình thánh Chúa thực sự, thì e rằng việc tin tưởng của người công giáo là việc tin ngẫu tượng chăng?

Ngày nay có những người công giáo bị ảnh hưởng bởi những giáo phái khác, có khuynh hướng nhấn mạnh đến việc đọc lời Chúa, họp nhau chia sẻ lời Chúa, mà không quan tâm đến việc đi dự lễ để được rước Mình thánh Chúa. Ðối với người công giáo, lời Chúa và Mình thánh Chúa đều là lương thực thiêng liêng. Ðọc lời Chúa và suy gẫm lời Chúa mà không đi dự lễ để được kết hiệp với Chúa trong Bí tích Thánh thể thì mất đi căn tính của người công giáo. Cha ông ta thường nói quen quá hoá nhàm, nghĩa là người ta không quí trọng điều mà ngưòi ta có trong tay. Chỉ khi nào ngưòi ta mất đi, người ta mới cảm thấy luyến tiếc. Giả sử trong một thời gian khá lâu vắng bóng linh mục và không có thánh lễ, người ta mới đánh giá đuợc tầm quan trọng của thánh lễ.

Ðể làm tăng triển đức tin về sự diện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, người tín hữu nên đi thăm viếng những nơi có phép lạ Thánh Thể xẩy ra hầu hết tại Ý Đại lợi. Khoảng năm 750, ở Luciano, Ý Đại lợi, một linh mục dòng hồ nghi sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể. Chúa muốn làm chứng sự hiện diện thực sự cùa Người trong Bí tích Thánh thể, thì ngay sau khi đọc lời truyền phép bánh rượu, linh mục đó thấy bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu. Phép lạ bánh rượu trở thành thịt máu vẫn được giữ trong nhà nguyện tại Luciano. Những thử nghiệm được thực hiện gần đây một số lần do những chuyên viên khác nhau đều xác quyết đó là thịt máu, không bị hư nát.

Dịp lễ phục sinh năm 1171 tại Vương cung Thánh đường thánh Maria ở Ferrara, Ý Ðại Lợi, đang khi bẻ bánh trong thánh lễ, một linh mục thấy máu thánh từ bánh thánh tuôn toé lên trần bàn thờ. Ngày nay người ta vẫn còn thấy vết máu thánh trên trần bàn thờ Vương cung Thánh đường.

Vào năm 1263, một linh mục người Ðức, nổi tiếng về khôn ngoan và đạo đức, nhưng lại đa nghi: cho rằng sao bánh rượu sau khi truyền phép có thể trở thành thịt máu thánh Chúa? Vào một dịp kia khi linh mục đương sự đến thăm Bolsena, Ý Đại Lợi, xin dâng thánh lễ tại nhà thờ thánh Christina. Lúc đọc lời truyền phép, thấy bánh thánh biến thành thịt có vết máu và khăn thánh có thấm máu. Hoảng sợ, linh mục đó ngừng dâng lễ, đặt Mình Thánh với lòng kính tin và tôn thờ vào nhà trạm, ăn năn sám hối về tội hồ nghi, vội vàng đến xưng thú tội với Ðức Giáo hoàng Urbano I đang cư ngụ tại Orvieto gần Bolsena lúc bấy giờ. Ðức Giáo hoàng cho rước Mình Thánh Chúa qua phép lạ về nhà thờ chính toà Orvieto và đặt trong nhà trạm. Đó là buổi rước kiệu Thánh Thể đầu tiên trong Giáo hội. Năm sau: 1264, Ngài thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa. Hằng năm vào ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, phép lạ Thánh Thể này được trưng bầy cho dân chúng đến chiêm ngưỡng.

Rồi còn phải nhắc đến những phép lạ Thánh thể như phép lạ Thánh thể của thánh Antôn Padua tại Ý Đại Lợi, năm 1227; phép lạ thánh thể tại Alatri, Ý Ðại lợi năm 1228; phép lạ Thánh thể của thánh Clara, năm 1240 tại Ý Đại lợi; phép lạ thánh thể ở Bagno Romagna tại Ý Ðại Lợi, năm 1412; phép lạ Thánh thể tại Turin, Ý Ðại lợi, năm 1453; phép lạ Thánh thể ở Siena, cũng tại Ý, năm 1730; phép lạ thánh thể chữa bệnh ở Lộ Ðức, Pháp quốc, năm 1888; phép lạ Thánh thể chữa bệnh mù của chị Marie Louise Horeau, năm 1889; phép lạ Thánh thể chống bệnh tê liệt của Gabriel Gargam tại Bordeau, năm 1899; phép lạ có hình in trên Bánh thánh tại đảo La Réunion, Phi Châu, năm 1902. (1)

Lại có những người mang những khổ đau, tủi nhục trong thân xác cũng như tâm hồn, mà không thể tâm sự được với ai, cũng không khóc được trước mặt người nào. Họ chỉ có thể khóc trước nhà trạm có Mình Thánh Chúa ngự. Và như vậy thì không gọi được là phép lạ thánh thể sao? Lần kia một linh mục VN sống ở ngoại quốc quyết định đi cấm phòng riêng tại một tu viện nhỏ miền đồi núi. Chiều tối linh mục đương sự vào nhà nguyện một mình, quì trước Thánh Thể Chúa ngự chỉ cách nhà trạm khoảng một mét. Trước khi nói ra lời, nước mắt linh mục đó tuôn trào đầm đìa trên hai gò má. Từ đó, đời ông linh mục đó, về một vài phương diện nào đó, đã được thay đổi.

Giờ phút cảm nghiệm được sự thân mật với Chúa Thánh thể, đến với mỗi người vào những thời điểm, hoàn cảnh và trường hợp khác nhau. Không ai giống ai.

Lời cầu nguyện xin cho được lòng tin vào Bí tích Mình Máu thánh Chúa:

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể!
Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con
lương thực thiêng liêng là Mình Máu Thánh Chúa.
Xin Chúa tha thứ những lần con rước lễ bất xứng,
những lần con hồ nghi sự hiện diện của Chúa
trong Bí tích Thánh thể.
Xin Mình Máu Thánh Chúa mà con lãnh nhận
làm no thoả những đói khát thiêng liêng của con. Amen.


_____________________
1. Các phép lạ Thánh thể ghi trong bài này được tóm tắt từ: Coggi, R. Little Catechism on the Eucharist. New Hope, Kentucky. New Hope Publications, 2005, trang 56-79.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:04 14/08/2009
CON NHỆN TÁM CẲNG

N2T


Con ngỗng hỏi con nhện:

- “Anh có rất nhiều chân, mỗi lần đi thì sử dụng chân nào trước?”

Nhện không hiểu, nói:

- “Tôi có tám cái cẳng sử dụng cùng một lúc”.

- “Anh sai rồi”- con ngỗng bắt đầu dạy bảo, khuyên nhủ hết nước hết cái, rồi nói tiếp: “Anh nên có kế hoạch cho tốt, muốn đi đến chỗ nào, đi đường nào xa đường nào gần, lại quyết định sử dụng chân nào đi trước, tức là đã có tiết kiệm thể lực, lại không đến nỗi tự mình làm rối loạn tiền tiêu trận địa của mình”.

Con nhện suy nghĩ liền cảm thấy có lý, bèn quyết định tuân theo lời dạy của con ngỗng.

Kết quả phát hiện là: mỗi khi cất bước, không phải giữa chân với chân không phối hợp, mà là giữa chân với chân đánh nhau, làm cho nó không nhích chân được một bước, buồn khổ quá chừng, chỉ có cách là hướng về Đấng tạo hóa mà cầu cứu.

Đấng tạo hóa cười lớn, nói:

- “Con nên quên mất cái chân của mình đi”.

Con nhện có tám cái cẳng, làm thế nào để quên mất chứ ? Nó càng nghĩ càng buồn rầu, quyết định nên điền [cái chân] vào cái bụng là chủ yếu, đúng lúc ấy, nó nhìn thấy một con ruồi bay qua, con nhện chuyển thân chồm qua, mới phát hiện mình bản lĩnh linh hoạt, sử dụng chân nào trước một chút cũng không quan trọng.

Con nhện không còn nghĩ đến vấn đề của cái chân mà con ngỗng cứ cho rằng nó dạy đúng cách.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Trời đã sinh ra như thế rồi, cái gì cũng có ích cho mình cả, sao lại chặt bỏ đi ?

Mỗi bộ vị trong thân thể đều phối hợp đến mức tuyệt vời, mà chẳng có nhà khoa học nào làm được đến mức hoàn hảo như thế.

Con nhện không có lập trường, nó không biết công dụng của cái chân nó hay sao? Biết chứ, nhưng con ngỗng nói hay quá, có lý quá nên nó quên mất lập trường của mình.

Chúng ta đã tìm được lời Thiên Chúa là lời ban sự sống, chúng ta đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống, nhưng ma quỷ đã cám dỗ chúng ta, khuyên chúng ta hãy ăn chơi cho thoả thích, hãy tìm kiếm danh lợi trước, từ từ rồi hối cải, Chúa rất nhân từ không phạt liền đâu mà sợ.v.v…

Thế rồi chúng ta nghi ngờ về sự sống đời đời, nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thậm chí có lúc chúng tra buông trôi cho cuộc sống đẩy đưa, mất cả niềm tin.

Giữ vững lập trường, không nghe lời thế gian, không tranh cãi, nhắm mục tiêu là nên thánh mà tiến tới, đó là mục đích ưu tiên và bắt buộc của chúng ta khi còn sống ở thế gian này.

Chúa vẫn ở với chúng ta!

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Đức Mẹ Maria hồn xác lên trời
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:06 14/08/2009
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lễ trọng)

Tin mừng: Lc 1, 39-56.

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”


Bạn thân mến,

Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để bạn và tôi suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Maria, là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.

Người giáo hữu ưu việt.

Đức Mẹ Maria là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng những lời của Thiên Chúa.

Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ, và Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản của người Ki-tô hữu phải có, để được trở thành người giáo hữu noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.

Đấng cầu bàu

Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian, Đức Mẹ Maria cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác chính là một cách tôn vinh của Thiên Chúa, dành cho những ai khi còn sống ở trần gian mà đã yêu mến và thực hành lời của Ngài…

Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và xứng đáng, và càng chính đáng xứng đáng hơn nữa, khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Maria, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4)

Bạn thân mến,

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi con người của Mẹ, nhưng chúng ta cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của mình, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân, là để chúng ta đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Thiên Chúa và Mẹ Maria. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, mà không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.

Xin Đức Mẹ Maria luôn cầu bàu cho bạn và tôi khi còn ở đời này, biết yêu mến những sự trên trời và để sống như đang sống với Mẹ ở trên trời vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:09 14/08/2009
N2T


25. Chú ý đến khuyết điểm của mình, không nên chú ý đến khuyết điểm của người khác, luôn nghĩ mình thấp kém hơn tất cả mọi người.

(Thánh John Berchmans)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:11 14/08/2009
N2T


198. Cần cù lao động một ngày thì có thể được một ngày ngủ yên; một đời lao động phấn chấn thì có thể an giấc ngàn thu.

 
Bữa tiệc Thánh Thể
Đinh Lập Liễm
05:09 14/08/2009
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN B

BỮA TIỆC THÁNH THỂ

+++

A. DẪN NHẬP

Ăn uống là nhu cầu khẩn thiết cho con người, nó cần thiết đến nỗi người ta phải nói: ”Dĩ thực vi tiên”. Trong cuộc lữ hành của dân Do thái đi về đất hứa, Thiên Chúa đã ban manna cho họ để làm lương thực hằng ngày trong suốt 40 năm ở hoang địa. Tuy manna ấy là vật từ trời xuống nhưng chỉ là bánh vật chất nuôi thể xác, không có sức đem lại sự sống vĩnh cửu cho người ăn. Cha ông họ đã ăn manna ấy nhưng đã chết.

Đức Giêsu hứa sẽ ban cho người Do thái và cho chúng ta hôm nay một thứ manna khác từ trời xuống có sức đem lại sự sống đời đời cho người ăn. Bánh ban sự sống trường sinh ấy là Mình và Máu Đức Kitô. Ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô tức là lãnh nhận bí tích Thánh Thể, thì ở đời này sẽ được kết hiệp mật thiết với Ngài, được tham dự vào đời sống thần linh của Ngài, và trong ngày sau hết sẽ được sống lại.

Thánh Thể là bàn tiệc Thiên Chúa dọn sẵn cho con người, có đủ mùi vị thơm ngon. Chúa mời mọi người tới tham dự. Chúng ta hãy là người khôn ngoan không những biết tìm của ăn vật chất để nuôi thân, nhưng còn biết tìm lương thực thần linh có sức bổ dưỡng và đem lại cho linh hồn sự sống đời đời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cn 9,1-6

Đây là một ngụ ngôn trong sách Châm ngôn. Khôn ngoan đây là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đó là chính Thiên Chúa. Khôn ngoan được nhân cách hóa như một Mệnh phụ hào phóng dọn một bữa tiệc thịnh soạn và kêu mời mọi người đến dự. Những ai sẽ được mời ? Đó là những kẻ nghèo và tất cả những ai sẽ chấp nhận hoán cải khỏi những lầm lạc, họ là những kẻ khôn ngoan chứ không như những kẻ khờ dại.

Những món ăn được dọn để dùng có giá trị tượng trưng: nhằm trình bầy những giáo huấn Thiên Chúa dạy để mọi người đem ra thực hành hầu cho cuộc sống được thành đạt mỹ mãn. Như vậy, hình tượng về sự khôn ngoan nói trên sẽ được thực hiện bởi Đức Giêsu.

+ Bài đọc 2: Ep 5,15-20

Đoạn thư này cũng trùng hợp với hai bài Cựu ước và Tân ước vì cùng nói đến sự khôn ngoan. Trong đoạn thư này, thánh Phaolô khuyên tín hữu Êphêsô không nên làm uổng phí thời giờ mà phải tận dụng để sống khôn ngoan theo Thần Khí hướng dẫn và thúc đẩy, chứ đừng sống như những kẻ khờ dại.

Đây là lời khích lệ mời gọi tỉnh thức: chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đam mê dâm loạn. Với tư cách là một Kitô hữu khôn ngoan, chúng ta hãy tránh xa những điều phù phiếm ấy mà hướng lòng về Chúa và điều chỉnh cuộc sống theo thánh ý Ngài.

+ Bài Tin mừng: Ga 6,51-56

Đây là cao điểm của bài diễn từ của Đức Giêsu về bánh ban sự sống. Ngài quả quyết rằng chính Ngài là nguồn mạch sự sống trường sinh và là bánh ban sự sống từ trời xuống.

Ngài giáo dục dân chúng theo cách tiệm tiến: Chúa nhật 18 Ngài chỉ khẳng định mình là Bánh hằng sống từ trời xuống. Chúa nhật 19 vừa qua Ngài nói rõ hơn: ”Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta đây”(Ga 6,51). Hôm nay Đức Giêsu hướng thính giả về bí tích Thánh Thể: Ngài nói rõ hơn về Bánh ban sự sống, đó là Thịt và Máu Ngài:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”

Đức Giêsu còn nhấn mạnh thêm: Ai muốn Thiên Chúa ban cho sự sống thật, kẻ đó phải lấy đức tin mà lãnh nhận mình Ngài đã hiến tế và máu Ngài đã đổ ra, thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Ngài ban chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người. Nếu chúng ta biết rước mình máu Ngài thì hiệu quả sẽ là:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời... thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bữa tiệc Thánh Thể

Tiếp nối Tin mừng của hai Chúa nhật trước nói về sự khác biệt giữa của ăn vật chất mau hư nát và Bánh Hằng sống từ trời xuống nuôi linh hồn loài người, trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu khẳng định một cách quyết liệt Bánh hằng sống từ trời đó chính là Thịt và Máu Ngài và hứa sẽ ban Bánh hằng sống đó trong phép Thánh Thể.

I. LỜI KHẲNG ĐỊNH CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Lời khẳng định tiệm tiến

Đức Giêsu không nói ngay đến Bánh hằng sống là Mình Máu Ngài được ban trong phép Thánh Thể, mà Ngài còn dọn lòng dân chúng để họ có thể chấp nhận chân lý cao siêu mà Ngài muốn dạy dỗ họ. Trước tiên, Đức Giêsu phân biệt hai thứ bánh: bánh vật chất nuôi xác tức Manna trong Cựu ước và bánh thiêng liêng nuôi hồn tức là Thánh Thể Chúa Kitô trong Tân ước. Tiếp đến Ngài nói đến việc Ngài ban mình làm Bánh hằng sống từ trời xuống và kêu gọi người ta ăn bánh đó. Hôm nay Ngài khẳng định Bánh Hằng Sống đó chính là Thịt và Máu Ngài và hứa Bánh hằng sống ấy trong phép Thánh Thể.

2. Lời khẳng định quyết liệt

Hôm nay Đức Giêsu dọn lòng dân chúng tiến dần đến tột điểm cùng đích của Ngài, đón nhận một mầu nhiệm thẳm sâu, Ngài cho biết rằng Bánh sự sống chính là Thịt và Máu của Ngài khi Ngài phán:”Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống”(Ga 6,55). Phép Thánh Thể là một bữa tiệc hy lễ trong đó chúng ta thực sự “ăn thịt và uống máu Chúa”. Lời tuyên bố vừa được nói ra thì nhiều người phản đối, ngờ vực, bỏ đi. Ai lại làm một việc kinh tởm như vậy ? Nhưng Đức Giêsu chẳng những không làm nhẹ bớt ý nghĩa mà lại nói cách rõ rằng hơn, không có thể hiểu một cách khác được: ”Thật, Ta bảo thật các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”(Ga 6,53-54).

3. Phản ứng từ phía dân chúng

Khi nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu: Thịt Ngài là của ăn, máu Ngài là của uống cho sự sống muôn đời thì người Do thái đã phản ứng rất mạnh:”Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được”?(Ga 6,52) ? “Ông này chẳng phải ông Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói:”Ta từ trời xuống”(Ga 6, 42).

Trước phản ứng dữ dội của họ, Đức Giêsu vẫn không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm:”Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”. Hơn nữa con người còn đi vào sự kết hiệp mật thiết với Ngài:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong kẻ ấy”(Ga 6, 56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ nói:”Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi”(Ga 6,60). Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui không còn đi với Ngài nữa.

4. So sánh Manna xưa và nay

Nhân dịp người Do thái gợi ra câu chuyện Manna, Đức Giêsu lại dùng ngay câu chuyện ấy để so sánh và mạc khải về Bánh bởi trời đích thực, bánh ban sự sống muôn đời.

Nếu ngày xưa, manna như một thứ nhựa cây, ngày nay bánh Thánh Thể chính là Mình Máu Đấng là Thiên Chúa làm người. Nếu ngày xưa ăn manna chỉ là ăn bánh, ngày này lãnh bí tích Thánh Thể là ăn chính Chúa Kitô. Ngày xưa manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, thì hôm nay lòng thương xót của Thiên Chúa đã trao tặng cho con người chính Người Con Một yêu dấu. Ngày xưa manna chỉ là của ăn mang lại sự no nê cho thể xác, ngày nay mình máu Chúa Kitô trở thành thần lương không chỉ nuôi sống linh hồn mà còn củng cố khả năng hướng thiện của người rước lấy. Ngày xưa manna chỉ là phương tiện cứu đói tạm thời, ngày nay Mình Máu Chúa Kitô không chỉ là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức mạnh, đủ nghị lực tiếp bước hành trình về quê trời, mà lại còn đưa họ vào vĩnh cửu và sống vĩnh cửu. Ngày xưa manna cho thấy Chúa không bỏ dân của Ngài, ngày nay Chúa hiện diện giữa Hội thánh và hiện diện giữa thế giới này bằng chính Con của Ngài trong bí tích Thánh Thể (Vũ xuân Hạnh)

II. PHẢI HIỂU LỜI CHÚA THẾ NÀO ?

1. Hiểu theo nghĩa đen

Những lời Đức Giêsu giảng dạy ở đây nói về phép Thánh Thể, chúng ta phải hiểu theo nghĩa nào: nghĩa đen hay là nghĩa bóng, nghĩa tượng trưng ? Anh em Tin lành không tin có Đức Giêsu trong phép Thánh Thể. Để phủ nhận, đoạn văn về việc hứa lập phép Thánh Thể phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen được. Còn đối với chúng ta, giáo lý công giáo đã dạy chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen thông thường khi nói về phép Thánh Thể, chứ không theo nghĩa bóng được.

Ta thử đọc lại đoạn văn này: Đức Giêsu nói:”Ta là Bánh hằng sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trên rừng và họ đã chết. Đây là Bánh từ trời xuống: ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Bánh Ta sẽ cho chính là Thịt Ta cho thế gian được sống”(Ga 6,48.49.51).

Người Do thái nghe Đức Giêsu nói thế thì lẩm bẩm rằng:”Ông Ta lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn sao được”(Ga 6,52) ? Thế là họ hiểu theo nghĩa đen, đúng như ý Ngài muốn nói. Cho nên, Đức Giêsu không chữa lại (nghĩa là không bảo rằng: các người lẩm bẩm làm chi, Ta nói bóng đấy mà), mà còn nói hăng hơn: ”Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người, và uống máu Ngài, thì các ngươi không có sự sống trong mình... Vì thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống”(Ga 6,53.55).

Nhiều người trong môn đệ nghe nói thế, rất khó chịu nên nói: ”Lời nói chướng tai quá, nghe sao được”(Ga 6,60). Ngài không rút lời, không cải chính, nên có một số môn đệ bỏ đi. Giả như Đức Giêsu nói nghĩa bóng, thì Ngài giải thích cho họ chứ ? Chẳng những không cải chính, Ngài còn quay lại hỏi các Tông đồ rằng:”Còn các con, các con có muốn bỏ mà đi không” ? Nghĩa là Ngài muốn nói: nếu các con không tin mà bỏ Ta, thì Ta cũng cứ nói thế, chứ không rút lại lời đã nói.

2. Sự hiện diện thực sự

Dân chúng trong hội đường Capharnaum đã không hiểu hay không muốn hiểu. Ngày nay cũng có nhiều người không muốn hiểu và muốn coi đó chỉ là một cách nói. Còn chúng ta, chúng ta tin rằng lời Chúa là sự thật. Khi chúng ta “ăn thịt và uống máu Chúa”, không phải chỉ là một sự hiện diện, mà là sự thông phần thực sự vào Thánh Thể vinh quang của Ngài. Sự sống của Ngài tuôn chảy trong mạch quản của chúng ta. Ngài ở trong Ta và Ta ở trong Ngài.

Thánh Cyrillô nói:”Đừng nghi ngờ đó là sự thật, nhưng tốt hơn nên đón nhận Lời của Đấng Cứu thế trong đức tin, vì Ngài không thể nói dối”.

Truyện: Ông Daniel Connell

Daniel Connell, người đã giải phóng dân tộc Ái-nhĩ - lan, là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi có một số bạn bè theo đạo Tin lành chế nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Bấy giờ Daniel đã trả lời như sau:”Sao các ông lại hỏi tôi ? Lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giêsu mới đúng. Phần tôi, tôi chỉ tin vào lời Chúa nói. Nếu Lời Chúa khẳng định rằng: ”Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” mà thực sự không đúng, thì người nói là Đức Giêsu mới đáng trách chứ không phải là tôi ! Nhưng tôi luôn tin rằng: Lời Chúa là sự thật, là Lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời”.

Câu nói của Daniel Connell cho ta thấy: niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, là sức sống của ta, là căn bản đức tin của ta, la lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, ta cần phải có thái độ tôn trọng Lời Chúa, yêu mến và thực hành Lời Chúa, là đều kiện để ta được ơn cứu độ (Vietcatholic).

3. Lời Chúa và Thánh Thể

Ngày nay có những người Công giáo bị ảnh hưởng các giáo phái khác, có khuynh hướng nhấn mạnh đến việc đọc lời Chúa, họp nhau chia sẻ lời Chúa, mà không quan tâm đến việc đi dự lễ để được rước Mình thánh Chúa. Đối với người công giáo, Lời Chúa và Mình thánh Chúa đều là lương thực thiêng liêng. Đọc lời Chúa và suy gẫm lời Chúa mà không đi dự lễ để được kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể thì không còn cái căn tính của người công giáo. Cha ông ta thường nói: ”Quen quá hoá nhàm”, nghĩa là người ta không qúi trọng cái mà người ta có trong tay mà còn muốn tìm cái khác...

Đức tin của người công giáo về bánh hằng sống khác hẳn với người Tin lành. Người công giáo tin có Chúa hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể, và tin việc rước lễ là rước Mình thánh Chúa. Vì nếu ta tin Chúa có quyền phép, ta cũng tin Chúa có thể biến đổi bánh rượu thành Mình thánh Người, mặc dù hình thái bên ngoài vẫn giống bánh rượu. Nếu ta tin Chúa có quyền thế, ta cũng tin Chúa trao quyền cho Linh mục, để truyền cho bánh rượu trở thành Mình Máu thánh Người.

III. HÃY ĐẾN DỰ BÀN TIỆC THÁNH THỂ

1. Thánh Thể là bữa tiệc

Thánh lễ trong đó có Thánh Thể là bữa tiệc mà Đức Giêsu đáp ứng cho các môn đệ Ngài. Tất cả chúng ta đều đến dự bữa tiệc ấy với cái đói, chúng ta đều cần bánh ăn mà chỉ có Đức Giêsu có thể ban cho – bánh của sự sống đời đời. Và tất cả chúng ta đều được nuôi sống và được vinh dự, bởi vì ở đây mỗi người cho là một vinh dự. Ở đây mọi người trở nên bình đẳng, vì tất cả chúng ta là những người nghèo về mặt thiêng liêng nên tất cả đều được ăn uống no nê. Ngoài ra, tất cả những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia sẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã tự hiến mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến ăn, tại sao chúng ta không đến dự ?

Truyện: Người mẹ hy sinh để con sống.

Vào cuối thế kỷ trước, bên Anh có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc châu. Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ goá chồng, mang theo một đứa con thơ đang bú sữa mẹ. Sau khi đi được một tuần, thì một cơn bão bất ngờ ập tới làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm bị gẫy. Từ đó, con thuyền phải lênh đênh trên mặt biển trong nhiều ngày. Lương thực trên tầu hầu như cạn kiệt. Nhiều người trên thuyền bị chết đói và bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ kia đã bị chết đói, đang khi đứa con bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà mẹ này trước khi chết đã dùng dao cắt đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu mình thay cho dòng sữa. Bà đã hy sinh chết để cho con bà được sống !

Về sau đứa bé lớn lên đã trở thành một dân biểu nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ và biết ơn người mẹ thân thương và một ngày kia, ông đã đứng trên diễn đàn quốc hội, kể lại câu chuyện đau thương cuộc đời mình, và đề nghị Quốc hội chọn một ngày trong năm làm ngày để nhắc nhở con cái tỏ lòng biết ơn đối với mẹ mình. Đó là nguồn gốc của Ngày Quốc tế các Bà Mẹ hiện nay.

3. Hiệu quả việc tham dự Thánh Thể

Đức Giêsu đã giãi bầy tâm sự với các môn đệ: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”(Ga 6,56). Khi chúng ta rước mình và máu thánh Chúa thì chúng ta được kết hợp với Ngài như Ngài ở trong chúng ta vậy. Một cuộc kết hợp giao thân như cành nho với thân nho (Ga 15,4-7), một cuộc trao đổi tình thương có một không hai, chỉ có trong phép Thánh Thể.

Để minh hoạ cho sự kết hợp trên, tôi xin đưa ra hình ảnh cụ thể: Đây là tủ sách của tôi, trong đó có một quyển sách mà tôi chưa hề đọc. Dù cho quyển sách đó có qúi và bổ ích đến bao nhiêu, nhưng nếu tôi không đọc đến thì nó vẫn ở ngoài tôi. Nhưng một ngày kia, tôi lấy nó ra đọc, tôi cảm thấy hồi hộp, lôi cuốn và rung cảm. Câu truyện đó thôi thúc tôi, những dòng chữ quan trọng được ghi khắc vào tâm trí tôi. Bây giờ lúc nào cần, tôi có thể lấy những điều kỳ diệu đó từ bên trong, hồi tưởng lại, suy gẫm nó bồi dưỡng tâm trí mình. Trước kia cuốn sách đó vốn ở ngoài tôi, nằm trên kệ sách. Bây giờ, nó đã thâm nhập vào tôi, tôi có thể lấy nó để nuôi mình. Những kinh nghiệm và từng trải trọng đại trong đời cũng vậy, chúng vẫn ở ngoài ta cho đến khi chúng ta nhận lấy cho riêng mình.

Với Chúa Giêsu cũng vậy. Bao lâu Ngài còn là một nhân vật trong sách, thì Ngài vẫn ở ngoài ta, nhưng một khi Ngài đã vào lòng chúng ta, thì Ngài ở trong chúng ta, chúng ta có thể nuôi dưỡng bằng sự sống, sức mạnh và sinh động mà Ngài ban cho. Đức Giêsu dạy chúng ta phải uống máu Ngài, điều ấy Ngài muốn nói “Các ngươi phải tiếp thu sự sống của ta, đưa vào bên trong các ngươi. Phải thôi nghĩ về Ta như một nhân vật trong sách hay một đề tài thảo luận thần học, mà phải nhận lấy Ta vào bên trong các ngươi, và các ngươi vào trong Ta, lúc ấy, các ngươi sẽ có sự sống, và đó là sự thật”. Đó là điều Đức Giêsu muốn nói khi Ngài đề cập đến việc chúng ta ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Khi Đức Giêsu dạy chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài là dạy chúng ta hãy lấy nhân tính của Ngài để nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn mình, hãy bồi bổ lại đời sống mình bằng sự sống của Ngài cho đến khi chúng ta được thấm nhuần, tràn ngập, đầy dẫy sự sống của Thiên Chúa (Trần văn Hàm, Tin mừng Chúa nhật, năm B, tr 185).

Muốn thực sự gặp gỡ Đức Kitô, muốn được kết hợp chặt chẽ với Ngài, có lẽ chúng ta phải có chút duyên như người ta thường nói:

Hữu duyên vạn lý năng tương ngộ,

Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Muốn gặp Chúa kết hiệp nên một với Ngài thì phải có “duyên” với Ngài, nghĩa là phải có một sự đồng cảm hay một sự giống nhau nào đấy với Ngài. Ta thấy dầu và nước không thể hoà tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất phải có những hoá tính căn bản giống nhau mới hoà tan với nhau được. Cũng vậy, “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,8.16), nên muốn gặp Ngài hay kết hiệp với Ngài thì chính mình cũng phải có ít nhiều tình yêu, có lòng vị tha, có thiện chí muốn gặp gỡ Ngài bằng bất cứ giá nào. Một người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước lễ cả chục lần một ngày. Thánh Gioan xác định:”Ai không yêu thương, thì không biết (=kinh nghirệm về) Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8); “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12); “Nếu ai có của cải thế gian mà thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao Thiên Chúa ở trong người ấy được?” (JKN).

Để kết thúc tôi xin đưa ra đây câu truyện có vẻ hơi “kỳ kỳ”, không biết có tương xứng không, nhưng cũng có thể giúp chúng ta suy nghĩ, may ra có thể kiếm được một vài tư tưởng nào đó để áp dụng vào cuộc sống mình:

Truyện: Thánh Gióng.

Thời vua Hùng Vương có một bà sinh đứa con tên là Gióng. Đứa bé lên ba rồi vẫn không biết lật, không biết ngồi, cũng không biết cười nói gì, cứ nằm ngửa đòi ăn.

Thời ấy giặc Ân kéo đến xâm chiếm, quân ta nhiều lần bại trận. Vua Hùng lo sợ, sai sứ đi khắp nước tìm kiếm tướng tài cứu nước. Nghe báo cứu nước, tự nhiên bé Gióng nhìn mẹ bật lên tiếng nói:

- Mẹ gọi sứ giả vào đây cho con.

Sứ giả vào nhà thấy bé liền hỏi:

- Bé ơi, bé bị tật như thế, mời ta vào làm gì ?

Bé dõng dạc nói:

- Về bảo vua đúc một con ngựa sắt, một mũ sắt đưa đến cho ta đi đánh giặc Ân.

Rồi bé bảo mẹ thổi nhiều cơm cho con ăn. Mẹ thổi bao nhiêu, bé ăn hết bấy nhiêu. Hết gạo, mẹ kêu làng xã mang gạo, khoai, bánh rượu, trâu bò cho bé ăn. Bao nhiêu cũng hết. Ăn xong, lúc vươn vai thành người khổng lồ, mặc áo giáp, câm gươm, hét lớn tiếng:

- Ta là tướng nhà trời.

Gióng nhảy lên ngựa sắt phun ra lửa, phi như bay đến phá tan giặc Ân. Dẹp xong giặc. Gióng chạy lên núi Sóc Sơn, cởi áo bỏ lại, biến lên trời. Vua phong thánh Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thở kỷ niệm ở làng quê (Vũ khắc Nghiêm).

Câu chuyện có vẻ thần thoại, nhưng cũng có ý nghĩa. Nếu sứ giả của nhà vua cùng bà mẹ và dân làng khinh chê đứa bé tàn tật, cố chấp không nghe lời bé Gióng, không góp công góp của một chút, thì đâu được bé Gióng là tướng nhà Trời đến cứu dân cứu nước. May thay, họ đã khiêm tốn nghe lời đứa bé ba tuổi tàn tật và họ đã được tướng nhà trời cứu sống.

Người Do thái đã không học bài học đó. Họ khinh chê Đức Giêsu, không tin lời Ngài vì Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse và cũng là người ở Nazareth, theo họ, tại Nazareth có cái gì hay đâu ! Ngày nay, người ta cũng chẳng khác gì người Do thái xưa. Đức Giêsu đã bảo họ: ”Ai có tai để nghe thì hãy nghe”, nhưng đâu người ta có nghe, nếu có nghe thì cũng chỉ như hạt giống gieo bên vệ đường chim trời ăn mất vì họ từ chối: ”Người đi thăm trại, kẻ đi buôn, đứa thì lo cưới vợ. Họ khinh thường lời nói của vua trời đất, họ sẽ bị tru diệt”(Mt 22,5-7).

Cuối cùng, chúng ta hãy đọc lại lời nói của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp Mysterium Fidei nói về việc tôn sùng phép Thánh Thể:

”Trong khi nhớ đến sự cao cả và lòng thương lạ lùng của Chúa Giêsu, Đấng đã ban sự sồng rất qúi giá của mình để làm giá cứu chuộc chúng ta và là Đấng đã ban thịt mình cho chúng ta ăn, các tín hữu hãy tin vững chắc và kính thờ sốt sắng mầu nhiệm Mình Máu thánh Người với một niềm kính trọng và đạo đức khả dĩ cho phép họ được năng rước lấy bánh siêu thể đó. Ước chi Người thực là đời sống của linh hồn họ, và là sức khoẻ vĩnh viễn của tinh thần họ; ước chi, sau khi được tăng cường bởi nghị lực của Người, từ cuộc hành trình gian khổ đời này dần dà họ tới nơi quê trời, để được ăn ở đó bánh không còn che phủ của các thiên thần: bánh mà bây giờ họ được ăn dưới những tấm màn thánh che phủ”.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Bánh Hằng Sống
Lm Vũđình Tường
13:55 14/08/2009
Sách Xuất Hành chương thứ ba kể chuyện Môisen nhìn thấy bụi cây bốc cháy nhưng bụi cây không tàn héo, vẫn xanh tươi. Thấy sự lạ Môisen tò mò dò bước tới xem. Gần đến nơi nghe tiếng phán, bỏ dép ra vì nơi ngươi đang đến là nơi thánh. Môisen hỏi thưa Ngài, Ngài là ai. Có tiếng đáp. Ta là Đấng Tự Hữu, Thiên Chúa của tổ tiên các ngươi, là Thiên Chúa hằng có đời đời.

Tin để hiểu

Gặp gỡ Thiên Chúa, Môisen không hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu nói dù đã nghe rõ từng chữ trong câu. Qua cuộc đối thoại đó Môisen học biết đức tin không phải để hiểu mà để tin. Môisen tin mà không hiểu. Qua niềm tin chân thành, Thiên Chúa dùng Môisen như khí cụ, thủ lãnh giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Pharaôn.

Tin thì quan trọng và có ích hơn hiểu. Tin là bước đầu giúp tìm hiểu, học hỏi nhận biết thêm về Thiên Chúa. Hiểu rồi mới tin là điều không thể xảy ra vì điều kiện tiên quyết, căn bản là đức tin.

Đức Tin vô cùng quan trọng. Tin là bước nền tảng, căn bản dẫn đến hiểu biết qua cầu nguyện, thành tâm học hỏi. Thiếu bước nền tảng này không thể bước đúng bước kế tiếp. Bước đầu tiên đã sai. Bước thứ hai tiếp tục sai. Càng bước càng sai.

Sức mạnh niềm tin

Tin vào Thiên Chúa đã không thiệt thòi gì còn được hưởng ân huệ Chúa ban. Ơn được làm con cái Chúa, ơn được gọi Chúa là Cha. Ơn trợ giúp khi gặp nguy khó. Ơn là anh chị em trong đại gia đình Chúa. Ơn trở thành phần tử của thân thể Đức Kitô, Ngài là đầu, chúng ta là chi thể. Những ơn này không lộ rõ ra bề ngoài nhưng mang lại hạnh phúc thật cho tâm hồn. Lúc bình thường, thuận buồm xuôi gió, sức mạnh đức tin tiềm ẩn, bàng bạc trong cuộc sống, vô ý không nhận biết. Khi gian nan, lúc khốn khó, sức mạnh đức tin xuất hiện, giúp mang an bình nội tâm. Trong gian truân đức tin mạnh tựa núi đá, thành trì vững chắc bảo vệ, giúp vượt qua phong ba, bão tố. Vì thế kẻ có đức tin thất bại chẳng nản lòng. Buồn khổ, lo lắng, vẫn một lòng phó thác. Khi tù đày vẫn cảm thấy Chúa gần bên.

Ân huệ ngàn trùng

Gần ngàn năm sau Đức Kitô xuống thế làm rõ nghĩa câu tổ phụ Môisen thắc mắc và suy gẫm trong lòng. Đức Kitô mặc khải Đấng Tự Hữu không phải là ai khác mà chính là Cha Ngài. Mặc khải này cho biết:

Đức Kitô đến từ Chúa Cha, Đấng Tự Hữu.

Đức Kitô là Đấng hằng sống.

Đức Kitô là Đấng ban bánh hằng sống.

Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời vì được phúc trường sinh. Sức riêng ta không kiếm được bánh trường sinh. Nhờ tin, ăn bánh mà được kết hợp với Đấng hằng sống. Bánh đó chính là tình yêu Chúa ban cho nhân loại. Để diễn tả tình Chúa bao la Đức Kitô dùng Thịt và Máu Người làm của ăn trường sinh.

‘Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời’ c.58

Khôn ngoan tự trời

Bánh Hằng Sống là Bánh Từ Trời ban xuống vì thế không thể dùng khôn ngoan trần thế nhận Bánh Từ Trời. Muốn nhận được cần lòng tin và khiêm nhường. Những gì thuộc về trời chỉ có thể giải thích bởi khôn ngoan nước trời. Khôn ngoan trần thế không thấy sự khác biệt giữa bánh trần thế và Bánh Bởi Trời. Chỉ những ai khiêm nhu nhận ơn Chúa, với lòng tin mới nhận ra Bánh Trường Sinh đến từ trời.

Muốn nhận khôn ngoan nước trời, phải sống khiêm nhường. Bước đầu của khiêm nhường là chấp nhận con người giới hạn cả tài, trí lẫn đức. Để vượt qua giới hạn, cần siêng năng luyện tập các nhân đức. Chính việc thao luyện giúp trưởng thành về mọi mặt. Cách thao luyện đòi hỏi thành tâm, khiêm nhường. Tuổi đời và trưởng thành nhân đức không đi song hành. Càng siêng luyện tập càng sớm trưởng thành. Thiếu luyện tập nhân đức bị còi, đẹt, thu hẹp thể hiện qua tính tình bủn xỉn, nhỏ mọn, dễ giận, mau cáu, nhanh tự ái và ưa thù vặt.

Tài trí và đức, cần thao luyện chung với nhau mới mong có cuộc sống quân bình. Có tài trí mà thiếu đức dễ gây hoạ cho đời. Họa nhỏ thành đại hoạ do lãnh đạo quân phiệt, độc tài, vô đạo và vô thần. Giầu đức độ mà thiếu tài trí dễ bị kẻ khéo ăn nói, giỏi nịnh nọt, lợi dụng, làm xiêu lòng, rơi vào cạm bẫy kẻ tà tâm.

Liên kết

Nhờ ơn khôn ngoan mà nhận biết Bánh Trường Sinh không những đã nuôi sống, ban sức sống mà còn nối kết với Đấng hằng Sống. Chính sự nối kết này là nguồn sinh lực ban sức sống trường sinh cho những tâm hồn liên kết với Ngài. Hình ảnh cây nho liền cành dẫn đưa ta đến hình ảnh tình yêu sống động Đức Kitô thực hiện cho dân Ngài.

Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy c.57.

Đây chính là hình ảnh của hôn ước nước trời. Ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô là liên kết với Ngài được tham dự tiệc cưới nước trời.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Đức Mẹ Maria và Vầng Trăng
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:28 14/08/2009

Đức Mẹ Maria và vầng trăng.



Cách đây 40 năm phi hành gia Neil Amstrong, con người đầu tiên đặt bước chân đầu tiên lên trên mặt trăng ngày 21.07.1969. Cả thế giới hồi hộp theo dõi trong sự vui mừng chiến thắng về mặt khoa học kỹ thuật biến cố vĩ đại này qua màn ảnh truyền hình trực tiếp từ mặt trăng.

Khi đặt chân xuống nền hành tinh mặt trăng lần đầu tiên, phi hành gia Neil Amstrong đã nói lên cảm tưởng của mình: “Đây là bước chân nhỏ bé của con ngưòi, nhưng lại là bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại!”

Dẫu vậy, hình ảnh của Amstrong đặt chân trên mặt trăng không phải là hình ành con người đầu tiên trên đó đâu. Mà đã có một hình ảnh khác của một con người đặt chân trên mặt trăng trước đó từ hơn hai ngàn năm rồi.

Đó là hình ảnh một người phụ nữ đôi chân đạp trên mặt trăng. Thánh Gioan Tông đồ trong thị kiến đã nhìn thầy hình ảnh này: “Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” ( Khải huyền 12, 1)

Giáo Hội của Chúa Giêsu nhìn người phụ nữ trong hình ảnh này là Đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa đã sinh ra Chúa Giêsu.

Đức mẹ Maria trong thị kiến trên trời chân đạp mặt trăng đầu đội triều thiên 12 ngôi sao có ý nghĩa gì vậy trong đời sống đức tin đạo đức?

Hình ảnh mặt trời và hình ảnh mặt trăng

Mặt trời và mặt trăng là hai hành tinh do Thiên Chúa tạo thành ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ trời đất vào ngày sáng tạo thứ tư ( St 1,16). Cả hai có hình thể to lớn khác nhau cùng vị trí nơi chốn làm việc hoạt động không giống nhau: Mặt trời chiếu ánh sáng ban ngày và mặt trăng chiếu tỏa ánh sáng ban đêm.

Có thể nói, như trong một vài ngôn ngữ có mạo tự phân biệt giống loại của hai hành tinh này: giống đực cho mặt trời và giống cái cho mặt trăng. Tiếng Pháp phân biệt le Solei và la Lune - tiếng Ý: il Sole và la luna- tiếng Tây ban nha: el sol và la luna.

Mặt trời lúc nào có cũng một hình thể không thay đổi cùng tự mình phát chiếu tỏa ánh sáng theo nguyên lý sự sống thuộc về thể loại giống đực, nam tính.

Mặt trăng thay đổi hình thể theo chu kỳ vận hành di chuyển cùng không có ánh sáng tự nơi mình nhưng tiếp nhận phản chiếu lại ánh sáng của mặt trời, nên thuộc thể lọai giống cái, nữ tính. Và đó cũng là hình ảnh có ý nghĩa về sự lệ thuộc, về sự mầu mỡ sinh xôi nảy nở.

Ngày xưa thời cổ, người Hy lạp và người Rôma tôn thờ thần mặt trăng và mặt trời là những vị thần thánh.

Những người tín hữu Chúa Giêsu thuở đầu tiên đã lấy hình ảnh mặt trời chỉ về Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại cùng là mặt trời công chính không hề lặn.

Mặt trăng là người yêu của mặt trời. Vì thế mặt trăng là hình ảnh chỉ về Đức Mẹ Maria và Giáo Hội của Chúa ở trần gian.

Có những bức vẽ hay tượng chạm khắc Đức Mẹ Maria bàn chân đứng trên mặt trăng hình lưỡi liềm và trên đầu có triều thiên 12 ngôi sao. 12 ngôi sao trên triều thiên Đức Mẹ Maria nhắc nhớ đến 12 chi tộc dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn là dân riêng của người và 12 thánh tông đồ do Chúa Giêsu kêu gọi lập nên Giáo Hội ở trần gian.

Vầng Trăng khuyết và tròn đầy.

Còn đâu là ý nghĩa hình ảnh Đức Mẹ Maria chân đứng đạp mảnh trăng khuyết hình lưỡi liềm?

Quan sát hình ảnh vầng trăng thay đổi từ khuyết hình lưỡi liềm biến đổi thành tròn đầy và rồi lại thay đổi sang nửa vòng và khuyết hình lưỡi liềm theo chu kỳ vận chuyền. Tương tự như vậy, cũng có thể nhận ra sự biến chuyển thay đổi trong đời sống Đức Mẹ khi xưa ở trần gian vui buồn đan chéo vào nhau.

Đọc trong Phúc âm thuật lại biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu. Trong những biến cố đó, Đức Mẹ Maria đã cùng có mặt, cùng gánh chịu là ngư ời mẹ của Chúa Giêsu: Thiên Thần hiện đến truyền tin Chúa Giêsu xuống thế làm người trong cung lòng Đức Mẹ: Đức mẹ Maria đi thăm chị họ Elisabeth; Đức Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu trên cánh đồng Bethlehem, gia đình di cư tỵ nạn sang Ai cập, hành hương lạc mất con hài nhi Giêsu trong đền thờ Giêrusalem, đi dự tiệc cưới Cana bầu cử xin Chúa Giêsu làm phép lạ nước hóa thành rượu ngon, theo sát cuộc thương khó Chúa Giêsu vác thập gía cùng bị đóng đinh trên đó, đứng dưới chân thập gía lúc Chúa Giêsu tử nạn, tháo xác và chôn Chúa Giêsu trong mộ, lo âu sợ hãi cùng với các tông đồ cầu nguyện đón chờ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Nơi Chúa Giêsu thì ngược hẳn lại. Cao điểm về đời sống của Chúa Giêsu sau cùng nằm ở nơi sứ mạng của ngài: nơi cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu, nơi sự sống lại và lên trời của ngài.

Có thể nói: Chúa Giêsu càng tỏ hiện ra, vai trò của Đức mẹ càng mờ nhạt ẩn lùi yếu đi. Ánh sáng mặt trời của Chúa Giêsu Kitô càng chiếu tỏ hiện, Đức Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa càng lùi vào bên trong, biến dần nhỏ đi sang vầng trăng khuyết hình lưỡi liềm.

Đây không là suy luận đánh gía làm cho kém đi vai trò của Đức Mẹ, của con người đâu. Trong đời sống đức tin, nếu người tín hữu Chúa càng nhận mình là tạo vật giới hạn do Thiên Chúa tạo thành cùng sống niềm tin tưởng phó thác vào Ngài, họ càng có đời sống gắn bó gần với Thiên Chúa hơn. Và như vậy, nguồn đời sống đổi mới, sự sáng tạo từ trong tâm trí càng bộc phát tỏ hiện ra cùng mang đến bình an cho tâm hồn được chúc phúc lành nhiều hơn.

Hai hình ảnh trên mặt trăng

Hình ảnh con người đầu tiên cách đây 40 năm đặt bước chân trên nền mặt trăng ẩn chứa niềm kiêu hãnh chiến thắng của một thành tích vượt bậc trổi vượt do con người làm ra. Nhưng hình ảnh đó toát ra vẻ lạnh lùng bơ vơ trên mặt trăng do tự sức mình đạt được. Cũng thế chúng ta, con người có tham vọng ước muốn vươn với tới hành tinh khác, mà vẫn không sao tự mình giải cứu cho mình được.

Hình ảnh người phụ nữ chân đạp mặt trăng hình lưỡi liềm trái ngược hẳn lại, nói lên sức mạnh do Thiên Chúa tạo dựng làm nên cùng chiếu tỏa một đời sống mới trọn vẹn tràn đầy. Hình ảnh vầng trăng thay đổi khi khuyết thành hình lưỡi liềm, khi tròn đầy lên hình ảnh về sự chóng qua và sự chết không còn nữa. Vì thế, mặt trăng được đặt dưới chân Đức Mẹ Maria.

***

Như ánh sáng mặt trăng tiếp nhận cùng tỏa chiếu ánh sáng từ mặt trời, Đức Mẹ Maria trong sự chết của người cũng được bao phủ trùm trong ánh sáng sự sống lại của Chúa Giêsu, là người con Đức Mẹ.

Con người chúng ta một ngày kia sau khi chết cũng sẽ được ánh sáng mặt trời của Chúa bao trùm khắp cả thân xác đã được thanh luyện cứu chuộc.

Mừng kính lễ Đức Mẹ lên trời cả hồn xác là niềm hy vọng cho con người cũng sẽ được Thiên cứu chuộc cho sống lại bao trùm trong ánh sáng mặt trời công chính của Chúa Giêsu.

Lễ Đức mẹ hồn xác lên trời
 
Mầu nhiệm Đức Tin
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
16:29 14/08/2009
Chúa Nhật XX Thường niên B

Một giáo lý viên muốn chơi khăm ông cha phó mới ra lò: “Thưa cha, Hội Thánh dạy rằng phải kiêng thịt mỗi ngày thứ sáu. Vì thế, hôm nay ngày thứ sáu, con không dám rước Chúa vì rước Chúa là ăn thịt, uống máu Chúa Giêsu. Mà ăn thịt là lỗi luật Hội Thánh dạy.” Chắc hẳn ông cha phó dù mới ra lò cũng có đủ cách, đủ kiểu để thoát cạm bẩy của mấy tay giáo lý viên ngổ nghịch ấy. Tuy nhiên, qua câu chuyện vui này, chúng ta có lẽ dễ thông cảm với người Do Thái xưa thấy khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” ( Ga 6,51 ). Tin mừng tường thuật rằng họ đã tranh luận sôi nổi với nhau rằng: “làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” ( Ga 6,52 ).

Kho tàng các chuyện dân gian về tình mẫu tử hay tình hiếu thảo vẫn có đó nhiều mẫu gương các bà mẹ cho con “uống máu”mình hay những người con hiếu thảo cắt thịt để nuôi mẹ già. Dù vậy, khi nghe đến các từ ăn thịt và uống máu người, thì chúng ta vẫn thấy gai gai, rờn rợn chút nào đó. Thế nhưng, có thể nói rằng tất cả mọi người đều đã từng ăn uống thịt máu người để được sống. Cứ vào mỗi dịp chuẩn bị cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, tôi thường nói lên sự thật này đó là con người chúng ta thoặt sinh ra hầu hết đều nhờ chính thịt máu của mẹ qua dòng sữa để sống và lớn lên. Đã từng một thời, nhiều bà mẹ không ý thức tầm quan trọng của dòng sữa mình trong việc nuôi con thưở con mới lọt lòng và khi con còn thơ bé. Nhờ khoa học tiến bộ và cũng nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, ngày nay người ta biết khôn ngoan hơn khi nhìn nhận: sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và các trẻ nhỏ” Qua hình ảnh dòng sữa mẹ, xin được chia sẻ đôi điều về chính Thịt Máu Chúa Kitô là quà tặng nhưng không, là phương dược kháng bệnh tuyệt vời và là nguồn ban sự sống đời đời.

Thánh Thể: Quà tặng nhưng không. Nói rằng nhưng không thì có thể là thừa, vì đã nói là quà tặng thì không đòi hỏi phải trả tiền hay công sức. Tuy nhiên, không nói thì cũng có thể thiếu vì trong thực tế đằng sau nhiều quà tặng vẫn có đó hậu ý “bánh ít trao đi, bánh nhì trả lại” hay chuyện trả nợ đời của những bữa tiệc cưới hỏi, đám đình. Dòng sữa mẹ trao ban cho con thơ thì như là tuyệt đối nhưng không, nghĩa là tất cả chỉ vì con và cho con, ngay cả khi con chưa cất tiếng khóc vì khát sữa. Thiên Chúa được nhân cách hóa bằng Đức Khôn ngoan đã bảo “ Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế ! Đừng ngây thơ khờ dại nữa…” ( Cn 9,5 ). Ngôn sứ Isaia cũng đã từng khẳng định: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon…”( Is 25,6 ) và ngài đã nói thay Thiên Chúa rằng: “Đến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây ! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mà mua mà dùng; đến mua rượu, mua sữa, không phải trả đồng nào” ( Is 55,1 ). Thánh Thể là quà tặng miễn phí, nhưng không. “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” ( Mt 10,8 ).

Thánh Thể: Phương dược kháng khuẩn, phòng bệnh tuyệt vời. Khôn ngoan hơn người xưa, các bà trẻ ngày nay ý thức tầm quan trọng của những “giọt sữa trong” của mình khi đứa con vừa chào đời, là một linh dược giúp đứa trẻ kháng bệnh tật cách tuyệt vời. Chúa Kitô minh nhiên phán: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” ( Mt 26,27-28 ). Mẹ Hội Thánh còn dạy chúng ta: “ Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, ‘đã phó nộp vì chúng ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi” ( GLCG chung số 1393 ).

Thánh Thể: Nguồn ban sự sống thần thiêng, nhờ được kết hiệp nên một với Chúa Kitô. Qua dòng sữa, đứa trẻ ngày càng khắng khít với người sinh ra nó. Nhờ dòng sữa, cái tình giữa người mẹ và đứa con thêm đậm đà. Chúa Kitô đã từng khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy”. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể: Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” ( Ga 6,57 ) ( GLCG chung số 1391 ).

Không ai tự nhận là người khờ dại. Chúng ta đều muốn là những người khôn ngoan, nhưng có thể là “khôn ngoan của con cái thế gian”. Người khôn ngoan kiểu này thì tìm mọi cách thế để có được những thiện hảo đời này kể cả những cách thế phi nghĩa ( x.Mt 16,1-8 ). Không chối cãi rằng vẫn có đó những bậc hiền triết và khôn ngoan đáng trân trọng. Tuy nhiên khôn ngoan theo kiểu này vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự sống đời đời vì người ta có thể ỷ lại vào luận lý nhân loại để khước từ Đấng là bánh hằng sống từ trời xuống ( x.Mt 11,25-56; Lc 10,21 ). Ngoài sự khôn ngoan chính đáng thì cần phải có lòng tin. Dù luận suy thế nào đi nữa thì Bánh hằng sống là nguồn ban sự sống đời đời, là phương dược xóa tội và giúp chống lại chước cám dỗ, là quà tặng nhưng không, mãi luôn là mầu nhiệm của đức tin.

Nói đến đức tin thì chúng ta nhìn nhận đó là hồng ân Chúa ban và cũng là sự dấn thân đáp trả của chúng ta. Sự đáp trả này đòi hỏi nhiều sự từ bỏ. Một trong những sự từ bỏ phải có, đó là chấp nhận sự hạn chế của lý trí trước các thực tại siêu nhiên, vì đối tượng của đức tin không minh nhiên rõ ràng theo sự luận lý của trí khôn nhân loại. Vì Chúa Kitô là Đấng có lời quyền năng trên bệnh tật, trên sự chết, trên cả thiên nhiên và Người là Đấng từ bi, nhân hậu, đầy lòng xót thương, nên chúng ta tin nhận những gì Người mạc khải.

Lạy Chúa, con tin, nhưng xin củng cố đức tin cho chúng con ( x. Mc 9,24 )
 
Chúa Giêsu năng đỡ chúng ta vượt lên trên sự bình thường
Jos. Tú Nạc, NMS
18:57 14/08/2009
Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm B (Proverbs 9: 1-6; Psalm 34; Ephesians 5: 15-20; John 6: 51-58)

Khi chúng ta nghe từ “bữa tiệc” (banquet) nó thường đưa đến những suy nghĩ liên quan về hàng loạt những đề tài xã hội và những bài phát biểu tản mạn, dài dòng. Nhưng trong Kinh Thánh không phải vậy: cả hai Giao Ước đều dùng ẩn dụ bữa tiệc để miêu tả một cuộc gặp gỡ bất ngờ được mời đến với Thiên Chúa từ nhân.

Sự khôn ngoan, tiên tri Isaiah và Tin Mừng của Luca tất cả đều nói về việc thết đãi cao quí nhất về của ăn và thức uống như một biểu hiện về sự phong phú và nhân từ của Thiên Chúa. Tuần vừa qua trong Tin Mừng của Thánh Gioan, Chúa Giê-su đã tự gọi Người là “bánh hằng sống” và là nguồn mạch của sự sống vĩnh cửu tới tất cả những ai mở rộng tư duy trước Thiên Chúa. Nhưng có một điều gì đó đặc biệt trong đoạn văn này từ Sách Khôn Ngoan. Trong cùng một cách thức, Đức Khôn Ngoan Mẹ Đồng Trinh chuẩn bị một bữa tiệc và ban tặng bánh và rượu dành cho sự sống. Lời mời mọc được giới hạn đến “đơn giản,” có nghĩa những ai có tầm nhìn tương đối rõ ràng về sự sống – không quá phức tạp và ảm đạm để nhận lãnh lời giáo huấn thiêng liêng.

Trong nhiều tác phẩm văn chương bác học về sự khôn ngoan của người Do Thái sau này tương xứng với Thiên Chúa, bằng cách sử dụng một số biểu tượng và ngôn ngữ áp dụng vào Chúa Giê-su trong Tân Ước. Sự khôn ngoan là bàn tay phải của Thiên Chúa, người thợ thủ công thiêng liêng, thánh thiện, hình ảnh phản chiếu trung thực về Thiên Chúa và hiện diện cùng Thiên Chúa từ lúc khởi thủy. Và những món quà của sự khôn ngoan – sự sáng suốt và hiểu biết dành cho sự sống – được ban phát tới những ai sẵn lòng đón nhận chúng. Sự mong muốn của Thiên Chúa là được chia sẻ bản tính thiêng liêng với loài người không chỉ duy nhất đối với Tân Ước mà còn là một phần kế hoạch của Thiên Chúa tự lúc sơ khai. Nhưng duy những ai không bị tì vết trong phạm vi vật chất của sự hiểu biết sẽ có thể và sẵn lòng hưởng ứng. Sự sống nhân loại được hiến dâng một bũa tiệc thịnh soạn nhưng thường chấp nhận những vụn vặt và tủn mủn, hoặc thậm chí những thứ mà không một chút dinh dưỡng.

Tác giả của Ê-phê-sô đã thừa nhận: sự khôn ngoan bao gồm sự hiểu biết làm thế nào để sống trong những phương cách phục hồi sinh khí và hướng về Thiên Chúa. Người dốc cạn cho cộng đồng của Người không để đầu hàng những cám dỗ của đời sống bằng những cách làm vẩn đục trí tuệ và linh hồn. Cuối cùng trong lúc sợ hãi, bấp bênh và bạo lực như khi chúng ta có thể bị đàn áp, giảm sút tinh thần và tạo ra một cảm giác bi quan, yếm thế và vô dụng. Nhưng dự tiệc những thức thuộc tinh thần và sự sống với lòng thành kính sẽ cho ta niềm hân hoan và thanh thoát tâm hồn.

Bàn bạc về sự mở rộng chủ đề “bánh hằng sống” của Chúa Giê-su trong Gioan 6 thì dài, quanh quẩn một điều gì đó và lặp đi lặp lại. Vì tầm quan trọng của vấn đề nó cho thấy những dấu hiệu của sự phản ảnh sâu rộng và hiệu đính bởi cộng đồng của Gioan. Nhưng bây giờ, những ẩn dụ của ông trở nên đỉnh cao khi trở thành cú sốc của ngôn ngữ. Nó chưa đủ để là bánh của sự sống: bây giờ Chúa Giê-su khẳng định rằng bất cứ ai muốn sự sống vĩnh cửu phải ăn thịt của Con Một Thiên Chúa và uống máu của Người. Ngoài ra sự kinh tởm ăn xác thịt loài người, truyền thống Do Thái đã có một điều cấm kỵ mạnh mẽ chống lại việc uống bất kỳ một thứ máu nào, do máu là nguồn mang lại sự sống. Chúa Giê-su bị những nhát búa đóng đinh thâu qua để mình và máu Người là của ăn và thức uống đích thực cho họ được trường sinh và họ có thể trở thành tín đồ tồn tại trong Người.

Hình ấy phải được kích động và gây chú ý trước đối tượng của Người. Tuy nhiên, đối với phần còn lại Tin Mừng của Thánh Gioan, biểu tượng và ngôn ngữ mơ hồ thường được dùng để tách sự sâu sắc tinh thần ra khỏi những ai nặng ý thức trần tục. Người đã thực hiện lời tuyên bố về vai trò của riêng Người trong đời sống nhân loại: Người là người duy nhất mà có thể nâng đỡ họ vượt lên trên những giới hạn bình thường thuộc tính người và gieo trồng sự hiện hữu thánh thiện trong tâm hồn họ. chúng ta không thể lãnh nhận hoặc phát sinh điều này tự bản thân – nó phải đến từ trời.

Nó không đủ để tôn thờ Chúa Giê-su hoặc thán phục Người như một người thầy. Đức Ki-tô – thế giới tạo ra xác thịt – phải được hấp thụ không chỉ là thứ thực phẩm bình thường, mà trở nên một phần tính chất tối quan trọng của chúng ta. Nhịp đập của con tim, hơi thở, suy nghĩ, lời nói và việc làm đã được thay đổi và tham gia với con người được gửi đến từ trời. Có nhiều cách để nuôi dưỡng, ấp ủ bởi mình và máu Đức Ki-tô – Phép Thánh Thể, lời nguyện, suy niệm. thấu triệt, những lời yêu thương, những nghĩ suy và hành động, và cởi mở trước những hành động cùa Thần Khí. Ý nghĩa về những lời kỳ diệu của Chúa Giê-su trong Tin Mừng của Thánh Gioan có thể chẳng bao giờ giải thích tường tận – luôn có điều gì đó nhảy múa ở những giới hạn của sự hiểu biết và ý thức mà nó thử thách chúng ta đắm mình sâu hơn trong mầu nhiệm thiêng liêng.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tấm bánh bẻ ra
LM Giuse Hoàng Kim Toan
19:00 14/08/2009
Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm B (Proverbs 9: 1-6; Psalm 34; Ephesians 5: 15-20; John 6: 51-58)Của Ăn Thân Xác

Không có một thứ cơm bánh nào nuôi đủ thân xác con người, khi con người không chỉ sống bằng cơm bánh (Mt 4, 4).

Của nuôi thân xác.

Miếng ăn miếng nhục: Con người khi chỉ mưu tìm cơm bánh cho mình là con người đau khổ nhất bởi vì cơm bánh kết từ lao khổ của con người. Con người gây đau khổ cho nhau vì cơm bánh, tranh chấp, hận thù cũng vì cơm bánh. Cơm bánh vừa là điều cần thiết để sống nhưng đồng thời cũng là “miếng nhục” ở giữa cõi đời. Trong đời sống vẫn có những con người chấp nhận miếng nhục để “vinh thân phì gia”, chấp nhận miếng nhục để tô son trét phấn lên khuôn mặt lọ lem của mình bằng những tiện nghi xa hoa và kể cả những con người “vì miếng ăn” trở thành kẻ hầu cận. “Miếng ăn giữa làng” ngày xưa các cụ bảo “hơn một sàng xó bếp” là miếng ăn của những kẻ giành giựt lấy, miếng ăn của những kẻ luồn cúi, miếng ăn chẳng để nuôi sống ra người mà ra ngợm. Cái miếng ăn được thêm vào nhiều nghĩa: ăn trộm, ăn cướp, ăn chặn, ăn hối lộ, ăn hiếp, ăn gian, ăn hôi, ăn lạm, ăn tham, ăn giựt, ăn …thôi thì đủ thứ ăn. Ăn làm sao, sống làm sao cho ra người mới là ăn.

Ăn tục nói phét: Miếng ăn hại đến xác phàm, không làm cho con người sống xứng đáng mà làm cho con người đánh mất đi danh dự của mình. Khốn nỗi kẻ ăn tục nói phét lại là những kẻ ăn trên ngồi trốc, vậy mới khốn cho nhiều người trong thiên hạ. Những kẻ ăn tục, người xưa diễn tả: ăn như rồng cuốn, cuốn vào mình bao nhiêu thứ mà chưa thấy đủ, lấy bao nhiêu của thu về cho cá nhân mình cũng vẫn thiếu. Vậy mới biết là “ăn như rồng cuốn”. “Nói như rồng leo”, cái ăn làm sao cái nói làm vậy. Rồng leo bao nhiêu hứa hẹn nhưng cũng chỉ là những tấm bánh vẽ cho những người đã bị tước đoạt. Dòng họ nhà hứa xem ra khá phát triển, rồng leo xem ra khá phong phú trong từ ngữ. “Làm như mèo mửa”, bao nhiêu thứ lộn xộn, mất vệ sinh, môi trường ô nhiễm, ngập úng, hôi thối,… đủ biết những thứ mèo mửa. Ca dao tục ngữ chẳng sai: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, cứ nhìn cái thực trạng ấy, kiếm ra tấm bánh đích thực cho thân xác còn rất khó.

Tấm bánh bẻ ra.

Tấm bánh cho thân xác: Khi nào con người biết bẻ tấm bánh của mình ra cho người khác lúc ấy mới là lúc con người biết sống. Con người được tạo dựng nên cho nhau và vì nhau, đấy là gốc rễ của tấm bánh bẻ ra cho người. Con người không thể sống một mình, con người cũng không thể chỉ sống cho mình. Con người được sinh ra luôn nhờ đến người khác, từ thưở thai nhi cho đến lúc trưởng thành, chính ví thế con người sống cần có trách nhiệm với nhau. Khi con người sống biết bẻ tấm bánh của mình chia cho người khác, con người sẽ sống sự sống của muôn người. Con người trong nét đặc trưng cơ bản này làm nên tính người trong con người. Thế nên, sống điều bình thường nhất cần là cách sống bẻ ra cho nhiều người được sống.

Tấm bánh thần linh: Tấm bánh Chúa Giêsu giới thiệu là “tấm bánh bởi trời”. Tấm bánh của thần linh trong con người cần thiết ngay từ khởi thủy tạo dựng nên con người: “Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi con người bụi đất” (St 1, 7). Thần tính của con người đã nhận lãnh từ nguyên thủy, nhưng con người phạm tội làm cho con người suy nhược. Con người lại được phục hồi, không chỉ bằng “thổi hơi” mà bằng “Chính Con Một của Thiên Chúa”. Tấm bánh bởi trời là Chúa Giêsu mang trọn vẹn thần linh đến cho con người nên: “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 54). Bánh bởi trời ban xuống để cho “con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Con người thuộc trần gian nên nỗ lực của con người làm ra cũng chỉ là bánh trần gian. Thứ bánh trần gian chỉ toàn mang lại đau khổ, nên con người cần nhận lấy “bánh bởi trời”, tấm bánh do Thiên Chúa tặng ban thì mới sống sự sống dồi dào của Thiên Chúa. Con người cần đến bánh thần linh này để tái hồi sự sống đã chết của trần gian này.

Tấm bánh Phục Sinh: Ăn thịt và uống máu, dĩ nhiên là thân mình Chúa Kitô Phục Sinh chứ không phải là thân xác khí huyết này. Chúa Giêsu đã mang lấy thân xác hay chết của con người, không phải là chết luôn, “Ngài đã phục sinh và về với Thiên Chúa”. Trong thân xác phục sinh về trời của Chúa Giêsu, nhà thần học Guardini đã thấy và vui sướng reo lên: “Trong Thiên Chúa có một con người”. Con người dưới thế này, từ nay đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày là mỗi ngày lao công, khốn khó trong thân xác trần gian này mang một cách thế mới, cách thế phục sinh mọi sự trong lao công, khó nhọc. Lao công không chỉ vì cơm bánh mà còn làm cho thực tại trần gian này đi vào sự vững bền của Thiên Chúa, con người lao động này không chỉ vì miếng ăn hư nát mà còn vì của ăn trường tồn, sống sự sống của Thiên Chúa. Con người đi vào bất tử ngay khi còn đang sống khi rước lấy Mình Máu Thánh Chúa và thực tại trần gian được biến đổi khỏi cảnh hư mất.

Con người được diễm phúc được nuối bằng “Bánh Bởi Trời”, ước chi ai cũng thấy cần thiết dùng Bánh này để trần thế này được sống trong hòa bình, yêu thương, đáng sống và đang được sống trong lời kinh cám ơn: “Đã không để con đời đời mà lại sinh ra con, cho con làm người”. Con người hạnh phúc vì Bánh Trường Sinh chính là Chúa Giêsu Kitô đã được ban cho.
 
Lễ Mẹ về trời: Hãy trở thành “Bước chân thăm viếng mới”
LM. Giuse Trương Đình Hiền
21:13 14/08/2009
LỄ MẸ VỀ TRỜI (09)

Hãy trở thành “Bước chân thăm viếng mới”



1. Mẹ Về trời vì Đức Kitô không hề phản bội:

Để minh họa cho nội dung nầy, chúng ta có thể nghe lại câu chuyện về người lính thủy Hoa Kỳ trong hạm đội hái Bình Dương thời đệ nhị thế chiến (…)

Người ta kể rằng, vào cuối thế chiến thứ hai, biển Thái Bình dương chính là chiến trường ác liệt của các hạm đội Hoa Kỳ và Nhật Bổn. Trong một cuộc chiến khốc liệt nọ gần Philippin, một thủy thủ hải quân tự động rời ổ tác chiến và nhảy xuống biển. Cũng may anh ta không chết. Sau đó cuộc chiến kết thúc, tòa án binh quyết định đem anh ra xử tội đào ngũ khi tác chiến, một tội có thể bị án tử hình với tội danh phản quốc. Trước tòa, vị thẩm phán hỏi lần cuối cùng: “Tại sao anh bỏ hàng ngũ trong lúc đang tác chiến”. Người thủy thủ bình thản móc trong túi áo ra một tấm hình đã nhạt nhòa gương mặt của một người phụ nữ và nói rằng: “Hôm đó, vì lo thao tác tất bật, tôi đã để rơi tấm hình của mẹ tôi xuống biển. Đây là kỷ vật cao quí và thiêng liêng duy nhất tôi không thể để mất, nên tôi vội nhảy xuống để vớt lên. Nếu đó là hành vi đào ngũ, phản bội, tôi xin sẵn sàng chịu tội”. Cả tòa án sững sờ. Vị Chánh án sau một phút im lặng, đã dõng dạc tuyên bố: “Một người con hiếu thảo với mẹ, không bao giờ là một người phản bội. Tôi tuyên bố, anh trắng án”.

Chúng ta ta hôm nay cũng có thể nói về Chúa Giêsu như thế trong tương quan giữa Ngài với Mẹ Maria, người Mẹ đã cưu mang Ngài trong dạ chín tháng, đã sinh hạ Ngài trong vất vả khổ cực giữa mùa đông giá lạnh nơi hang súc vật giữa đồng vắng Bê lem, đã cho Ngài bú mớm, đã tần tảo nuôi dạy Ngài suốt 30 năm nơi mái nhà Na-da-rét và sau đó đã tất bật khổ đau theo Ngài lên tận Đồi Sọ để đón nhận lời trăng trối sau cùng của Ngài và táng xác Ngài trong mộ đá…

Vâng, Chúa Giêsu là một người hiếu thảo với Mẹ, nên không thể là một người phản bội.

- Ngài không thể phản bội lại Mẹ, khi mặc kệ thân xác mẹ mình tan rửa với cái chết, trong khi thân xác của riêng mình lại phục sinh vinh hiển cao sang.

- Ngài không thể phản bội lại Mẹ, khi Mẹ vì mình mà cả một đời lận đận khổ đau để “cưu mang và bú mớm, để nghe và thực hành Lời Chúa”, nhưng cuối cùng “phúc đâu không thấy” mà cuộc đời cũng tan thành tro bụi như bao kiếp phận lầm than khác.

- Ngài không thể phản bội lại Mẹ, khi dõng dạc tuyên bố trước cửa mồ La-da-rô rằng; “Ai tin ta, dù có chết cũng sẽ được sống; và kẻ nào sống mà tin ta sẽ không chết bao giờ”, trong khi lại để thân xác Người Mẹ, Người đã tin, đã yêu, dã gắn bó hết mình với Ngài trên suốt chiều dài cuộc sống… phải thối rửa và bị hủy hoại bởi thời gian.

Không, Đức Kitô không phải là một người phản bội.

Đưa Mẹ mình cả hồn xác về trời vừa là một hành vi hiếu thảo, nhưng cũng là một kết quả tất yếu, một tiêu đích của công trình cứu độ mà sự phục sinh của Đức Kitô chính là động lực cốt lõi. “Một khi tôi bị treo lên, tôi sẽ kéo mọi sự lên với tôi” (Ga 12,32), “Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho tất cả những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20). Và như thế, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa thứ hai của lễ Mẹ Về Trời đó là: Kết quả viên mãn của hồng ân cứu độ, hay cũng là, kết quả của sự phục sinh của Đức Kitô.

2. Mẹ về trời: Kết quả của sự phục sinh của Đức Kitô:

Chân lý nầy đã được Thánh Phaolô khai triển rất nhiều lần trong các bức thư của Ngài. Cách riêng, trong trích đoạn của Thư Cô-rin-tô mới vừa được công bố, đã khẳng định cách dứt khoát chân lý nền tảng nầy: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu” (BĐ 2). Nếu cùng đích cuối cùng của chương trình cứu rỗi đó là tất cả những ai thuộc về Đức Kitô sẽ được sống trường sinh với Ngài, sẽ được biến đổi để mãi mãi sống kiếp phục sinh, thì Đức Maria phải là người tiên phong trong nhân loại đã thuộc về Đức Kitô trọn vẹn nhất và đã đi trước trong cuộc hành trinh vượt qua cái chết để bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Đức Cố GH Gioan-Phaolô II đã xác quyết chân lý nầy trong thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc): “Trong mầu nhiệm lên trời hồn xác là biểu hiện đức tin của Giáo Hội, theo đó, Đức Maria được hợp nhất với Chúa Kitô bằng mọt mối liên kết mật thiết và không thể chia lìa”. Và như thế, lễ Mẹ về Trời chính là một tín hiệu vui mừng, là dấu chỉ của niềm hy vọng bao la cho đoàn Dân Chúa, đoàn dân mà Mẹ chính là một “thành viên ưu tuyển” đi trước để dẫn đường như kinh Tiền Tụng Giáo Hội đọc lên hôm nay: “Hôm nay, Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế.”

Quả thật, cuộc sống nầy nếu chỉ hạn hẹp trong khoảnh khắc “100 năm trong cõi người ta” để rồi tất cả khép lại trước cửa mồ sự chết thì bi đát cho thân phận kiếp người biết bao.

Không, nếu “con người là ảnh hình Thiên Chúa”, và ngay từ buổi khai sinh lập địa “Thiên Chúa đã hà hơi thổi thần khí tác sinh” vào trong cái hình hài hữu hạn bùn đất kia, thì chẳng phải thân phận ấy đã tiềm tàng hạt giống vĩnh hằng đó sao ?

Rồi cho dù sau đó “cửa vườn địa đàng đóng lại”, tội lỗi và sự chết đã nhập vào thế gian theo sau biến cố A-đam-E-va với tay hái trái cấm…”, thì chẳng phải Thiên Chúa đã chẳng hề khép kín từ tâm mà đã “nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ Phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” khi “ban tặng Người Con Một, để ai tin vào Người con ấy, không phải chết nhưng được sống muôn đời” đó sao ? (Ga 3, 16). Nếu cái chết đã theo vào trần gian do ảnh hưởng của tội lỗi và sự liên đới với A-đam đầu tiên, thì sự phục sinh vĩnh hằng sẽ chiếu rọi ánh quang hy vọng xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại nhờ hậu quả của công trình cứu độ và sự liên kết với Con Thiên Chúa làm người. “Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15, 22). Cho nên chúng ta có thể nói được rằng: mầu nhiệm “Đức Maria hồn Xác Về Trời” là một cách cắt nghĩa cụ thể chân lý cuối cùng mà Hội Thánh tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”.

3. Mẹ Về trời: tiêu đích của cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa hôm nay

Mừng lễ mẹ về trời hôm nay, phụng vụ còn muốn nói với chúng ta rằng: ngày nay trên quê trời, chắc chắn Mẹ cũng đang dõi mắt theo từng bước chân của mỗi cuộc đời con cái dưới chốn trần ai. Như ánh mắt của bà mẹ Việt nam trong ca khúc “Huyền thoại Mẹ” của cố NS Trịnh Công Sơn: “Mẹ về đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa…Mẹ là gió uốn quanh trên đời con thầm lặng, trong câu hát thanh bình, mẹ làm gió mong manh…Mẹ là nước chứa chan trôi dùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…”.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc thăm viếng của Đức Maria nơi nhà Bà Isave để từ nơi mái nhà nầy đã vang lên lời tạ ơn và chúc tụng hồng ân cứu rỗi Thiên Chúa đã dành cho nhân loại mà người đầu tiên được hưởng nhờ là chính Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hởn hở vui mừng, vì Thiên chúa Đấng Cứu độ tôi….Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, thật Danh Người chí thánh chí tôn…”.

Hồng ân đó hôm nay và mãi mãi sẽ được ban tặng cho tất cả những ai biết đón nhận Đức Kitô vào cuộc đời với thái độ tin tưởng phó thác và xin vâng như Đức Trinh Nữ Maria, hay nhất là, như cách cắt nghĩa của Chúa Giêsu, hồng ân đó sẽ dành cho những ai “biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11,28).

Và cũng từ ý nghĩa đó làm tôi chợt nhớ tới câu chuyện “Những tấm hình của Mẹ”, một câu chuyện về bà mẹ Maria và cô con gái Christiana ở Brasil: ….Bà mẹ đi tìm con bằng cách dán khắp nơi tấm hình của mình với dòng chữ phía sau: “Dù con đã làm gì đi nữa, hay con đã trở thành gì, không thành vấn đề. Hãy trở về với mẹ”. Nhờ nhận ra tấm hình của mẹ với dòng chữ khoan nhân như thế, Christiana đã hồi tâm trở về với mẹ sau một cuộc đời phóng túng…

Chính vì thế, lễ Mẹ Về Trời lại mở ra cho chúng ta chiều kích của một “Cuộc Thăm viếng Mới”. Mẹ lại đến chia sẻ niềm vui ơn cứu độ và hy vọng phục sinh cho “con cháu E-và” đang dập vùi trong “chốn khách đày, nơi khóc lóc” (Kinh Lạy nữ Vương), và cũng lại một lần nữa gọi mời con cái Mẹ tiếp tục lên đường với Mẹ để mở ra những cuộc “thăm viếng khác” đến muôn vạn mái nhà, đến trăm nghìn địa chỉ, nhất là những địa chỉ tối tăm, đói khổ, tật bệnh, lầm lạc…đang cần bừng sáng lên những lời tin yêu Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi…”.

Để có được những “bước chân thăm viếng” như thế, chúng ta hãy mượn lời kinh nguyện của thánh J. Escriva để thân thưa với Đức Mẹ:

“Trái tim rất dịu dàng Mẹ Maria, xin dọn một con đường an toàn cho những người của Mẹ. Xin Mẹ hãy hướng dẫn những bước chân của chúng con trên trần gian nầy bằng sức mạnh và bình an. Xin trở nên một con đường cho chúng con bước theo, bởi vì nhờ tình yêu của Mẹ, Mẹ biết được con đường nào nhanh chóng và thẳng nhất để đến với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô”. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Gia đình truyền thống cần thiết cho xã hội hiện đại
Nguyễn Hoàng Thương
16:30 14/08/2009
VATICAN (CNS) - Một viên chức Tòa Thánh Vatican đã chỉ trích gay gắt một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Ý trong đó cho rằng không có sự khác biệt lớn về pháp lý giữa một gia đình được tạo lập từ hôn nhân và một gia đình do hậu quả từ việc sống chung chạ với nhau.

Phán quyết của Tòa Thượng Thẩm nại lý do "tiến hóa" trong tư duy về các hình thức mà một gia đình có thể hình thành trong xã hội hiện đại. Quyết định, vốn có liên quan đến một vụ kiện trộm cắp giữa một cặp trước đây chung chạ với nhau, được Giuseppe Dalla Torre, một chuyên gia pháp lý Công Giáo mô tả như là "một cuộc tấn công nghiêm trọng vào gia đình" trong một phỏng vấn với Vatican Radio hôm 08/08.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Gia Đình phát biểu trên Vatican Radio rằng ngày nay, truyền thống gia đình cần thiết hơn bao giờ hết đối với các thành viên trong gia đình cũng như đối với toàn thể xã hội. Ngài cho hay: "Tôi xem xét bằng mối ưu tư về chiều hướng cấp tiến huớng đến cá nhân hóa hơn nữa gia đình, cứ như thể gia đình đã không thích hợp cho xã hội".

Đức Hồng y cho biết thêm: "Nghiên cứu xã hội học gần đây tại nhiều quốc gia đã nêu bật hàng loạt các lợi ích mà cái gọi là gia đình truyền thống mang lại cho xã hội, và vô số các thiệt hại mà cái tưởng là các hình thức mới của gia đình đem đến cho xã hội - như gia đình chỉ có cha hoặc mẹ và việc sống chung chạ".

Đức Hồng y còn cho hay rằng vì hôn nhân là cùng nhau dấn thân, không chỉ trước Giáo Hội mà còn trước xã hội, nó thăng tiến ý thức trách nhiệm đứng đắn hơn nữa giữa những người có liên quan.
 
Báo Tòa thánh cho biết Đồng minh đã ít có nỗ lực nhằm ngăn chận nạn Holocaust
Phụng Nghi
19:22 14/08/2009
VATICAN CITY (CNS) - Trong một bài dài, nhật báo của Tòa thánh nói rằng các chính quyền Mỹ và Anh đã có được những tin tức đầy đủ chi tiết về kế hoạch của Đức Quốc xã nhằm tiêu diệt những người Do thái ở châu Âu trong thế chiến thứ II, nhưng trong suốt nhiều tháng trời họ đã không hành động gì mà trái lại còn ém nhẹm những bản tường trình về mức độ lớn lao của hành động diệt chủng Do thái đó.

Nhật báo L'Osservatore Romano đã làm nổi bật hình ảnh tương phản, một bên là sự bất động của Đồng minh và bên kia là những nỗ lực lặng lẽ của Đức giáo hoàng Piô XII đã thực hiện, qua sự trợ giúp bí mật, nhằm cứu vớt số người Do thái càng nhiều càng tốt.

Bài này đăng trong số báo phát hành ngày 13 tháng 8, đã duyệt xét các thông tin có tính cách lịch sử để hỗ trợ cho một luận cứ thường được các chuyên viên ở Vatican đưa ra: Trong khi có những phê bình chỉ trích nhắm vào cái gọi là “sự im lặng” của Giáo hoàng Piô về Holocaust, thì lại ít ai chú ý tới những chứng liệu nói rằng các chính phủ Mỹ và Anh không màng tới hoặc coi nhẹ đến mức tối thiểu các bản tường trình về những kế hoạch diệt chủng.

Bài báo trích dẫn nhiều từ cuốn nhật ký của ông Henry Morgenthau Jr., bộ trưởng Ngân khố Hoa kỳ trong thời gian chiến tranh. Ông nói rằng ngay từ tháng 8 năm 1942 các viên chức chính quyền Mỹ “đã biết rằng Quốc xã đang lập kế hoạch tiêu diệt hết mọi người Do thái ở châu Âu.”

Morgenthau đề cập tới một bức điện tín đề ngày 24 tháng 8 năm 1942 chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ, trình bầy một báo cáo về kế hoạch của Hitler nhằm giết từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu người Do thái, có thể sẽ dùng chất độc cyanide. Nhật báo của Tòa thánh có in bản sao bức điện tín này.

Trong thực tế, đầu năm 1944, tổng thống Hoa kỳ Franklin D. Roosevelt đã thiết lập Ủy ban Tỵ nạn Chiến tranh và tổ chức này đã có công cứu sống hàng chục ngàn sinh mạng người Do thái. Nhưng trong suốt 18 tháng trước đó, mặc dầu đã có những bản tường trình càng ngày càng nhiều để cảnh báo, các viên chức Hoa kỳ - Morgenthau viết trong nhật ký như sau – “đã nhẫn tâm trốn tránh trách nhiệm, chần chừ khi có những kế hoạch giải cứu cụ thể đặt trước mặt họ, mà ngay cả đến chuyện còn ém nhẹm cấm không cho loan những tin tức về những hành động tàn ác này.”

Tờ báo của Tòa thánh cũng trưng dẫn một loạt các chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ, rõ rệt nhằm ngăn chận các bản tường trình về thảm họa giết chóc của Đức Quốc xã không được công bố cho công chúng biết vì như thế họ sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền đòi hỏi phải có hành động.

Bài báo cho biết rằng sau cùng thì chính phủ Mỹ cũng được thuyết phục và bắt đầu một số nỗ lực để cứu vớt và định cư những người Do thái châu Âu, nhưng chính quyền Anh vẫn lảng tránh. Bài báo trích dẫn một điện thư của Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cảnh giác về “những nỗi khó khăn khi phải giải quyết trường hợp một số đáng kể người Do thái một khi họ được cứu thoát khỏi lãnh thổ do địch chiếm đóng” và khuyến cáo không nên lập ngân quỹ nào cho kế hoạch như thế.

Morgenthau mô tả thông điệp này là “một kết hợp tàn ác quỷ quái giữa sự lạnh nhạt của người Anh với lối nói hai mặt của trò ngoại giao, vừa lạnh lùng vừa đúng đắn, cộng thêm vào cho một bản án chết chóc.”

Báo của Tòa thánh nói rằng trong khi tất cả các sự việc đó tiếp tục xảy ra, thì trong vùng Roma bị Quốc xã chiếm đóng, Đức giáo hoàng Piô vẫn thực hiện “một hình thức duy nhất khéo léo và thực tiễn để bảo vệ người Do thái và những kẻ bị ngược đãi khác” - đó là ẩn giấu họ nơi nhiều cơ sở do giáo hội điều hành. Chung cuộc, tuy có 2 ngàn người Do thái bị trục xuất khỏi Roma và bị giết, nhưng 10 ngàn người Do thái khác ở Roma đã được cứu sống.
 
Tòa Thánh công bố chương trình cuộc Tụ Họp vĩ đại của các linh mục về Rôma
Peter Nguyễn Minh Trung
20:41 14/08/2009
VATICAN (CNA) - Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, đã cho biết Đức Thánh Cha Benedict XVI dự định kết thúc Năm Linh Mục bằng việc triệu tập một cuộc hội tụ vĩ đại của các linh mục đến từ khắp nơi trên thế giới vào ngày 9 đến 11 tháng 06 năm 2010 tại Rome.

Hình ảnh các Chủng sinh Trường Truyền Giáo Roma
Khoảng 407,000 linh mục Triều và Dòng trên thế giới được mời gọi về Kinh Đô Giáo Hội để cùng Đức Giáo Hoàng bế mạc Năm Linh Mục, với chủ đề: "Lòng trung thành của Đức Kitô, lòng trung thành của Linh mục."

Chương trình vừa được Bộ Giáo Sĩ công bố hôm nay, ngày đầu tiên của cuộc tụ họp khi các linh mục trên thế giới về Rome sẽ diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành với chủ đề "Sự trở lại và Sứ mệnh". Các hoạt động sẽ bao gồm việc cầu nguyện, một cuộc hội nghị để thảo luận về đề tài được công bố, Chầu Thánh Thể, giải tội và cuối cùng là cử hành Thánh Lễ.

Trong ngày thứ hai, tức ngày 10-06, chủ đề được thay đổi thành "Phòng Tiệc Ly, khẩn cầu cùng Chúa Thánh Thần qua Đức Maria, trong sự hiệp thông anh em". Các linh mục sẽ gặp nhau trong buổi sáng để suy ngẫm và cầu nguyện tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, buổi chiều tối sẽ có "Nghi thức vọng Linh Mục" tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Nghi thức vọng sẽ bao gồm phần các linh mục tuyên hứa lại lời thề ngày chịu chức, hát và chầu Thánh Thể. Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ hiện diện trong suốt buổi lễ và đọc diễn văn chào mừng các linh mục.

Thứ sáu ngày 11-06-2010, Lễ trọng kính Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ chủ sự Thánh Lễ bế mạc Năm Linh Mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Chủ đề ngày cuối cùng của cuộc gặp gỡ các linh mục hoàn cầu sẽ là: "Với Thánh Phêrô, trong sự hiệp thông giáo hội".
 
Top Stories
Viet Bishops call for peaceful dialogue
Catholic World News
00:19 14/08/2009
Catholic bishops in Vietnam are calling for peaceful dialogue amidst ongoing persecutions against Catholics in the Diocese of Vinh and the government’s unwillingness to settle property disputes with Catholics peacefully.

In a statement published on VietCatholic News on August 12, the Vietnam Conference of Catholic Bishops expressed growing concerns over the tensions caused by recent land disputes between Catholics and local authorities, and the extreme methods by which these disputes have been handled by the government.

According to Vietnamese bishops, the main cause of current Church-state tensions is the prolonged and unresolved controversy over lands that were seized from the Church by the government. The bishops argue that the country's land laws "must be revised to take the right to own private property into consideration as stated in the Universal Declaration of Human Rights." Under the government's current understanding, the bishops' statement notes, all land is treated as government property.

The bishops go on to observe that when Catholics have questioned the government's approach, they have been vilified and treated as enemies of the state. Decrying the media campaign against these Catholic activists, the bishops say that "only when the truth is respected can the media community finish their duty, which is to inform and educate the public of a just, democratic and civilized society."
 
Solutions for Church State tensions in Vietnam
Editorial
22:10 14/08/2009
1. Through mass media, recent land and property disputes leading to complaints and law suits have been exposed, and attracted the attention of wide sections of the population. Particularly, latest developments involving disputes between the Church and the government have caused great public concerns as they have often ended up in the government taking extreme measures including prosecuting and locking up large number of lay Catholics. Put simply, the governmental attempt to resolve land disputes by using outdated, inconsistent land laws and the application of extreme violent, and suppressive measures are absolutely unacceptable if not being viewed as barbaric by people of conscience.

The employment of 2003 Land Laws and decrees governing the process to resolve complaints and denunciations relating to land has indicated their inconsistency and their incapability to bring about just and acceptable solutions for disputes. Therefore, they must be revised to be appropriate with the current socio-economic conditions of Vietnam.

The Church in Vietnam in the document titled “The viewpoint of the Vietnamese Conference of Catholic Bishops (VCCB) on a number of issues under current circumstances" signed by Bishop Peter Nguyen Van Nhon, the President of the Conference, on Sept. 25, 2008 officially offered her opinion on the urgent need of the thorough revision of the 2003 Land Law.

In the said document, the VCCB insisted:

“Vietnam land laws must be revised to take into consideration the right to own private property as stated in the Universal Declaration of Human Rights: ‘Everyone has the right to own property alone as well as in association with others.’ and ‘No one shall be arbitrarily deprived of his property.’ (article17). We, therefore, assume that instead of resolving the issues by dealing with each case on an individual basis, authorities have to search for a more thorough solution, meaning to let the people have the right to own land and property. People in return must be responsible for the society. This demand becomes more urgent during the globalization process, when Vietnam has been more tuning in with the global rhythm. This should be the premise to resolve people’s complaints and denunciations on land and property; and at the same time, contributes to the economic growth and the steady development of the country.”

In any economy, land always plays key roles of asset, capital, and means of production. Land management, therefore, is one of the vital functions of the state. Unfortunately, there have been so many issues relating to the way land has been managed.

According to the current land laws, all land belongs to the people and is managed by the State on behalf of the people. With their status as the representative owner, however, the State has the absolute right to decide the fate of the land. Typically, pursuant to Rule 5 of the Land Laws, the State has the following rights: to decide the use of the land, to transfer land, to rent it out, to revoke land use, to modify the purpose of land use, to set value on land, to decide on the limit of land transfer and set time limit on land use...Should this enormous power is not tied up with any guideline and an effective body to supervise, it would be inevitable for abuse to flourish by land decision makers. The obvious problem is the abuse of power to gain personal interest, especially when land becomes a valuable commodity as it is now

Reality has shown that land has become people's ‘assets’, ‘capital’, ‘commodity’ in today's market. This is the premise or cause for desire to appropriate or to gain profits from land.

As land is undoubtedly has become a most lucrative source of profit, and subsequently the best breeding ground for corruption to take place, the goal to prevent potential abuse from happening cannot be ignored in the contents of Land Laws.

Acknowledgement and protection of individual ownership of land as well as preventing corruption to take place should be the main goals in the process of Land Laws modification.

Only when being able to reflect the above points, the Land Laws can be truly established because of and for the people.

Individual ownership of land is one of realistic solutions for untying the knots on the land issues which include those relating to the history of ownership of religions on homes, lands, schools, hospital, worshiping places confiscated or appropriated by the government.

2. As unresolved complaints and denunciations on land kept mounting, and had been transformed into massive rallies at public reception offices in Hanoi and Ho Chi Minh City, came the incident at Tam Toa church (Quang Binh province) on July 20, 2009, when the effect of what happened at the Hanoi nunciature and Thai Ha was still resonating.

At the said three locations, regrettable incidents occurred including scuffles between the law enforcements and the faithful, and the subsequent campaign of defamation and distortion on the mass media.

In the wake of the pessimistic situation arising from the Hanoi nunciature and Thai Ha incidents in 2008, and, in particular, the hostile attitude created by the state media, through the said document, the VCCB voiced its comment as follows:

"In the process of solving the disputes, a number of the mass media were proven to be effective in spreading doubts and mistrust instead of bridging the nation with mutual understanding and unification,"

The bishops earnestly proposed to those working in the communication section that:

"In reality, there has been distorted and tailored information as in the land dispute at Hanoi former nunciature. We, therefore, suggest that media personnel should take precaution in broadcasting or publishing the news and pictures, especially when reputation and integrity of individuals or a community are at stake. If incorrect information was given, it should be retracted or corrected".

The above viewpoint was laid out by the VCCB during the tense setting of Hanoi nunciature and Thai Ha incidents in 2008. Though it has not been reiterated at the Tam Toa church incident, but the VCCB's viewpoint on its asking for a change in the state media and media personnel has not been altered. The fundamental spirit the VCCB has asked - not only the mass media personnel but also people from all walks of life - is the respect for the truth, as "only when the truth is respected, the media can accomplish its goal which is to inform and educate the public in order to build up a democratic, just and civil society.

The truth has to be respected. The truth has to be put above everything. The ground on which all disputes, confrontations and conflicts can be resolved is to seek, recognize, and respect the truth.

Disputes which are civil by their nature should not be politicized.
Expressing a complaint is not a criminal act by its nature. It should not be criminalized.
If the dispute involves the history of the ownership, then relevant parties should seek out and listen to the voice of the evidence.
Past and present efforts to regain the ownership of land by their nature are not an act of hostility or a political plot. They are simply an aspiration for the legitimacy of land use to be recognized.

3. Vietnamese Catholics, through their shepherds during the 2009 Ad limina visit, received Pope Benedict XVI directives on how to be a witness for the Good News in the current socio-economic settings of Vietnam: "You know, as well as I do that healthy collaboration between the Church and the political community is feasible. In this regard, the Church invites all her members to be loyally committed to building a just, supportive and fair society. Her intention is certainly not to replace government leaders; she only wishes to be able to play a fair role in the nation's well being, at the service of the whole people, in a spirit of dialogue and respectful collaboration. The Church can contribute its part into the living of the country, in order to serve its entire people" (excerpt from Pope Benedict XVI speech at the reception ceremony for the Vietnamese bishops on Jun 17, 2009 at the Vatican)

As a matter of fact, during the most intense moments between the authority and the Catholic communities at certain locations, the faithful have not lost their faith in a prospective "healthy collaboration between the Church and the political community which can be feasible" as reminded by the Pope.

Vietnamese Catholics understand thoroughly the directive of the Church: "The Church never wants to replace the government, but rather hope that a spirit of dialogue and respectful collaboration, can contribute its part into the life of the country, in order for everyone to be served.”

Therefore when situation arises, prompting adverse opinions, they are simply put on the table for the benefit of our country as a whole, without any ambition other than the desire to contribute to the improvement of spiritual and material lives of the people. The opposing act of all people, Catholics included, if any, should be correctly perceived as the way people exercising their rights to sincere, earnest dialogue, in the direction of serving public interest. Therefore, any intention to distort their goodwill gesture would be considered as sabotaging to people's searching for the truth, causing disharmony and disrespect among people. In addition, it can cause further damage by extinguishing sincere citizens' enthusiasm.

Catholics, like any other people of good will, understand completely that for any result to be achieved there has to be a progress. For any reform to be fruitful, time is needed.

Life in our society has long been organized in a model different from the international community. Now that the country is in the process of integration back to the world, it is impossible to achieve the global living standards within days. Therefore, along with other people of good will, Vietnamese Catholics are patiently contributing to the common progression, being tolerant to shortcomings, sharing worries as well as hopes with our fellow countrymen, including our brothers and sisters who are serving in the government machinery.

Our burning desire now is for every social class to be invited to initiate dialogues, discussions, and debates which are straightforward, open and sincere, in the spirit of peace and mutual respect.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa Linh Thao SVCG Hà Nội: Thư gửi những người đi tìm hạnh phúc
Maria Điệp-SVCG TGP Hà Nội
03:41 14/08/2009
HÀ NỘI - Đó là kinh nghiệm của tôi và của gần 200 bạn sinh viên khác khi đã qua một khoá linh thao 5 ngày tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Còn chần chờ gì nữa, hãy tìm cách liên lạc với Ban điều hành sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội để váo tháng 8 năm sau bạn sẽ thốt lên: TÔI HẠNH PHÚC!

"Có một người bạn, đã đến bên tôi, kể cho tôi nghe về những yêu thương nồng nàn, và nói với tôi, đã yêu tôi, lâu lắm rồi..."

Bạn thân mến, nhìn những người xung quanh tôi tự hỏi: họ đang tìm kiếm điều gì? tiền bạc, danh vọng hay tình yêu?...Câu trả lời cuối cùng của tôi là: họ đang tìm hạnh phúc! Nhưng dường như tìm hoài chưa thấy, chỉ thấy "đời là bể khổ".

Hôm nay tôi khám phá ra hạnh phúc rất dễ tìm, rất dễ thấy. Bạn thử nghĩ xem tôi có hạnh phúc không khi tôi không phải lo toan bất cứ điều gì, vì người yêu tôi ban tặng tất cả những gì tốt nhất cho tôi. Người ấy chăm chút cho tôi, không bao giờ để tôi cô đơn.

Khi tôi chưa nhân ra người ấy, tôi chưa hạnh phúc! Khi nhận ra mà chưa đáp trả tình yêu tôi cũng chưa thấy hạnh phúc. Nhưng người ấy vẫn chờ đợi cho đến khi tôi thấy yêu thật sự...lúc đó tôi hạnh phúc!

Nếu bạn nghĩ chuyện đó là có thật trên đời này thì chỉ có tôi may mắn thế. Nhưng đấy là bạn chưa nhận ra, chính bạn, người đang thao thức đi tìm hạnh phúc, người đang đọc bức thư này...bạn cũng là người hạnh phúc như tôi nếu như bạn biết người đó yêu bạn thế nào.

Hàng năm người ấy vẫn chờ bạn, vẫn hẹn bạn...và dành cho bạn những điều bất ngờ nhất. Nhưng chuyện tình là của riêng mỗi người. Những gì người ấy làm cho tôi thấy hạnh phúc đến ngập tràn, tôi không thể "tung" ra hết cho các ban, tôi chỉ có thể công khai tên người ấy là Giêsu.Cũng như vậy, các bạn sẽ thấy chuyện tình yêu của các bạn thật thú vị và hạnh phúc! Bạn sẽ được gặp, con tim bạn sẽ bật lên những khúc nhạc reo vui và bạn không thể kìm nén nổi niềm hạnh phúc đến nỗi bạn muốn hét lên cho cả thế giới biết rằng bạn là người hạnh phúc!

Đó là kinh nghiệm của tôi và của gần 200 bạn sinh viên khác khi đã qua một khoá linh thao 5 ngày tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Còn chần chờ gì nữa, hãy tìm cách liên lạc với Ban điều hành sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội để váo tháng 8 năm sau bạn sẽ thốt lên: TÔI HẠNH PHÚC!

Thân chào và chúc các bạn tìm được niềm vui, bình an, hạnh phúc...đó là ý nghĩa cuộc đời bạn.
 
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao: Ngày hành hương dành cho Giới Trẻ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
04:38 14/08/2009
PHAN THIẾT - Bước vào tháng tám, Giáo hội hướng về Đức Maria – Mẹ diễm phúc được đặc ân Hồn Xác Lên Trời. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn và trang điểm cho muôn vẻ đẹp và ơn phước. Mẹ là “Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Mẹ!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria. Tên gọi tuyệt đẹp Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ luôn được yêu thương. Thiên Chúa còn ban tặng hồng ân cao cả. Mẹ về trời, sống trong hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành để tặng ban cho tất cả những ai thuộc về Chúa nhờ cả một đời sống thánh thiện nơi gian trần.Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, người Kitô hữu tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở. Trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, người tín hữu nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu để chia sẻ với người, với đời tình yêu mà mình đã nhận được.

Xem hình ảnh

Sau những cơn mưa nguồn, nước sông La ngà cuộn chảy phủ trắng cánh đồng kho. Núi rừng TàPao mượt mà thẫm một màu ngát xanh. Khí trời thật mát dịu trong lành. Hàng chục ngàn khách hành hương đến TàPao tham dự thánh lễ ngày 13.8, ngày hành hương dành cho các bạn trẻ.

Tháng tám, người đi hành hương như trẩy hội, đông hơn tháng trước. Xe cộ kín hết mọi ngõ trên đoạn đường dài hơn cây số từ ngã ba rẽ vào chân núi. Hơn 3.000 bạn trẻ từ các Giáo xứ đã đến từ thật sớm, hân hoan hối hả tiến về hướng lễ đài. Đường bờ ruộng trơn trượt băng qua đồng lúa xanh non, đoàn người hàng một tiến bước.

7 giờ sáng, ban tổ chức đón tiếp các đoàn bạn trẻ từ năm Giáo hạt. Chương trình được khởi động bằng những bài ca sôi động và trẻ trung. Các bạn trẻ liên kết với nhau trong sự năng động của tuổi trẻ, vui tươi nhộn nhịp.

8g30, đoàn rước bắt đầu. Đức Cha Phaolô cùng 30 linh mục hiệp thông thánh lễ cầu nguyện cho các bạn trẻ biết sống nhiệt thành tuổi trẻ thắp sáng ngọn lửa Tin mừng Chúa Giêsu.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ tế và giảng lễ, suy niệm câu chuyện Tin mừng: Đức Mẹ thăm viếng Bà Isave.

Cuộc hành hương tháng tám của chúng ta cũng là mùa Giáo hội ca ngợi tôn vinh Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đây vừa là đặc ân vừa là khuôn mẫu theo mô hình của người đệ nhất tín hữu, giúp chúng ta xây dựng và cũng cố đức tin của mình.

- Cuộc lên đường trong đức tin của Đức Mẹ. Sứ thần Gabriel đem đến cho Mẹ sứ điệp từ trời cao. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa. Niềm tin ấy không chỉ dừng lại nơi lời đáp trả mà là dọc dài cả cuộc sống. Từ lòng trí tới con tim. Từ tư tưởng đến hành động. Tất cả thể xác tâm hồn của Mẹ đi vào huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Đón nhận hồn phúc với trọn cả niềm tin, Mẹ vội vã lên đường để gặp gỡ Isave “người được mang thai cách lạ lùng trong tuổi già son sẻ”. Sự gặp gỡ của hai người mẹ diễm phúc nhất trần gian. Hai người mẹ cùng chia sẽ cho nhau những kinh nghiệm riêng tư lạ lùng mà Thiên Chúa trao tặng.

Đức tin của chúng ta luôn là một đức tin lên đường. Cuộc sống chúng ta là một hành trình đến với anh em, chia sẽ kinh nghiệm sống động về tình yêu Thiên Chúa.

- Kinh tạ ơn của Đức Mẹ trong tinh thần nghèo khó.

Từ niễm tin đến thái độ sống, bao giờ Đức Mẹ cũng khởi đi từ tâm hồn nghèo khó. Chúa Giêsu khởi đầu Hiến chương nước trời bằng mối phúc: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Tâm hồn nghèo khó là luôn biết kính sợ Chúa. Họ luôn đặt cuộc đời mình trong bàn tay Thiên chúa với niềm tin yêu phó thác. Đức Mẹ nhận mình là “ phận hèn” là “nữ tỳ hèn mọn”, tất là đều là hồng ân Chúa ban cho Mẹ ‘Phận nữ tỳ hèn mọn Chúa đoái thương nhìn tới”. Mẹ ca ngợi Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo, người khiêm nhường. Kinh tạ ơn Magnificat của Đức Mẹ là một thông điệp lớn cho những ai đi về nguồn cội của mình. Muốn tìm về Thiên Chúa, phải sống tinh thần nghèo khó với cả tâm tình hiền lành, khiêm nhường, tự hạ và trao ban.

Nắng lên khá gay gắt. Các chiếc dù bung ra để che nắng. Nhìn hàng ngàn bạn trẻ đang sốt sắng dự lễ, tôi nhớ lại những huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô trong kỳ đại hội giới trẻ thế giới tại Syney. Đức Thánh Cha đưa ra những thách thức cho các bạn trẻ.

Thách thức sống thánh thiện

Trong bài diễn văn đầu tiên khi ĐTC xuất hiện trong nghi thức tiếp đón chính thức vào ngày 17 tháng 7, thì thách thức đầu tiên ĐTC gởi đến các bạn trẻ là thách thức sống thánh thiện. ĐTC đã ngỏ lời với các bạn trẻ: “Qua tác động của Chúa Thánh Thần, ước chi nhũng người trẻ họp nhau nơi đây để cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, có được can đảm trở nên thánh. Đây là điều mà thế giới đang cần đến, hơn bất cứ điều gì khác!”. Với các bạn trẻ ngoài Công Giáo, ĐTC đã mời gọi hãy đến gần “lãnh nhận cái ôm hôn đầy yêu thương của Chúa Kitô, và hãy lãnh nhận “Giáo hội Công Giáo như là nhà của mình”.

Thách thức làm chứng trước thế giới cho niềm vui phát sinh từ sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Ngày 18 tháng 7, khi gặp gỡ với các “bạn trẻ kém may mắn”, đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương nghiện rượu, nghiện ma tuý, và đã có lúc muốn tự tử, ĐTC không bỏ cuộc, mà ngược lại, Ngài tin tưởng trao cho họ trách vụ hãy trở thành “những sứ giả của niềm hy vọng đối với tất cả những ai đang sống trong hoàn cảnh tương tự như họ trước đó”. ĐTC thách thức những người trẻ này như sau: “Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con hãy chọn sự sống, hãy chọn tình yêu thương, hãy làm chứng trước thế giới cho niềm vui phát sinh từ sức mạnh Chúa Thánh Thần”.

Thách thức làm chứng cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu Kitô mang đến.

Ngày 19 tháng 7, trong thánh lễ do Ngài chủ tế với các Giám mục Úc, dành cho chủng sinh và những tu sĩ nam nữ, ĐTC đã hướng về các chủng sinh và kêu gọi: “Chúng con đừng lo sợ! Hãy tin tưởng vào ánh sáng! Hãy đưa vào trong tâm hồn sự thật mà chúng ta đã nghe trong bài đọc 2: “Chúa Giêsu Kitô luôn là như vậy hôm qua, hôm nay và mãi mãi trong tương lai. Ứơc chi ánh sáng phục sinh tiếp tục đuổi xa đi những bóng tối!”

ĐTC kêu gọi các bạn trẻ Kitô hãy làm chứng cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu Kitô mang đến cho họ trong Tin Mừng. Đây là cái nhìn về sự sống, trong đó tình yêu ngự trị và các hồng ân lãnh nhận đều được đem ra chia sẻ; đây là cái nhìn về sự sống, trong đó sự hiệp nhất được cũng cố thêm mãi.

Thách thức sống thực sự cuộc sống của mình là để cho mình được bến đổi từ bên trong.

Đêm Canh Thức tối thứ bảy, ngày áp lễ bế mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nói với tren 250.000 bạn trẻ tham dự buổi canh thức, ĐTC đã vừa giải thích vừa thách thức: “Sống thực sự cuộc sống của mình là để cho mình được biến đổi từ bên trong, là mở rộng tâm hồn nhận sức mạnh của tình thương Thiên Chúa. Nhờ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng con có thể biến đổi gia đình chúng con, cộng đoàn chúng con, và đất nước chúng con. Chúng con hãy phát huy những hồng ân Chúa Thánh Thần. Hãy làm sao để các ơn khôn ngoan, thông hiểu, mạnh mẽ, hiểu biết, và đạo đức, trở nên những dấu chỉ cho sự cao cả của chúng con!”

Thách thức dấn thân trong đời tận hiến cũng như trong ơn gọi linh mục.

Ngày bế mạc, sáng Chúa nhật 20 tháng 7, trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã thách thức hỏi khoảng 500.000 người trẻ: “chúng con sẽ để lại điều gì cho thế hệ kế tiếp chúng con?” ĐTC đã yêu cầu họ hãy là “những kẻ có khả năng lôi cuốn anh chị em mình đến với Chúa Cha và có khả năng xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại”. Và lời thách thức đặc biệt của ĐTC dành cho một số bạn trẻ nam nữ nghe được tiếng Chúa mời gọi dẫn thân trong đời tận hiến cũng như trong ơn gọi linh mục: “Chúng con đừng sợ thưa ‘Vâng’ đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng con đừng sợ tìm gặp niềm vui trong việc thực thi thánh ý Chúa, vừa hiến thân trọn vẹn để đạt đến sự thánh thiện, vừa sử dụng những tài năng Chúa ban cho chúng con để phục vụ anh em!”

Thách thức trở thành những chứng nhân trung kiên cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô

Cuối thánh lễ bế mạc, sau khi xướng kinh Truyền tin và tuyên bố Madrid làm địa điểm cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2011, ĐTC thách thức các bạn trẻ: “Hãy cho thế giới nhìn thấy niềm vui của chúng con được làm chứng cho Chúa Kitô!”.

Lời huấn từ cuối thánh lễ, Đức cha Phaolô nhắn gởi các bạn trẻ.

Chúng con thân mến,

Học để mở mang kiến thức, thêm tri thức cho mình là một điều may mắn cho gia đình và cho xã hội, đây là phương diện tri thức mà ai cũng muốn đạt thành. Nhưng có một thứ tri thức vượt trên mọi tri thức của con người mà chúng ta cần phải học, đó là đạo đức. Xã hội càng phát triển, khoa học kĩ thuật càng tiến bộ vượt bậc, thì đạo đức cần phải đứng vị trí hàng đầu trong mọi lãnh vực.

Người đạo đức là người có đầy đủ Nhân, Trí, Dũng. Nhân để biết tha thứ, bao dung, đó là rộng lượng. Trí để nhìn xa thấy rộng, để biết việc mình làm, đó là khôn ngoan. Dũng để hành động, bảo vệ lẻ phải, bảo vệ sự bất bình mà không sợ bị trù dập, gọi là dũng cảm.

Học cao, kiến thức nhiều, mà không có đạo đức thì sẽ gây đau khổ cho gia đình, cho xã hội, người ta thường gọi hạng người này là gian hùng, nhưng nếu có đạo đức mà không có tri thức, thì chỉ bảo vệ được thân mình mà thôi, chứ không giúp ích được cho ai gì cả.

Muốn có tri thức thì cần phải học, và muốn có đạo đức thì không phải những phải học tập mà còn phải thực tập và sống nữa. Chúng ta có thể nói: tri thức và đạo đức như xác và hồn, nó cần phải tồn tại trong con người chúng ta, như thức ăn và nước uống mà mỗi ngày chúng ta cần phải dùng để được tăng thêm sức khoẻ và để sống mạnh.

Người có đạo đức thì như cây cao bóng mát, ai cũng thích ngồi dưới gốc của nó mà nghỉ ngơi, hóng mát sau khi làm việc mệt nhọc. Người không có đạo đức thì như gai nhọn, chẳng giúp ích gì cho xã hội, ai thấy cũng phải tránh.

Đạo đức là nền tảng của hoà bình.

Tri thức là chim bồ câu trắng trên nền tảng ấy..

Chúng con hãy nổ lực học tập và trau dồi đạo đức để trở thành những chứng nhân trung kiên cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúng con hãy dùng những tài năng và sự hăng say của tuổi trẻ để phục vụ cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúng con hãy cảm thấy mình có trách nhiệm rao giảng Phúc Âm cho những bạn đồng tuổi với chúng con. Và đặc biệt, các con phải là những chứng nhân sống động giữa cuộc sống đầy những thách đố và cạm bẫy của xã hội hôm nay.

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá. Các bạn trẻ lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.
 
TGP Hà Nội Mừng Kỷ Niệm 15 Năm Ngày Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng Nhận Chức Giám Mục
Lê Danh
20:06 14/08/2009
Hà Nội, 14/08/2009 - TGP Hà Nội đã long trọng tổ chức mừng Đức Cha Phaolô, nguyên giám mục phụ tá TGP Hà Nội, nhân ngày kỷ niệm 15 năm ngài nhận chức giám mục.

Đức cha Trọng
Đức Tổng Giám Mục Giuse cùng linh mục đoàn và bà con giáo dân đã về mừng lễ Đức Cha Phaolô tại giáo họ Kim Lâm, quê hương của Đức Cha Phaolô. Đức Tổng Giám Mục Giuse đã chủ sự thánh lễ. Cùng đồng tế với Ngài là Đức Cha Phụ Tá Lôrenxô, Đức Cha Phaolô, hơn 40 linh mục và đông đảo mọi thành phần giáo dân trong miền.

Đức Cha Phaolô nhận chức giám mục ngày 15/08/1994, ngày lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời. Nhưng để thuận lợi cho các cha trong việc mục vụ ngày đại lễ, Đức TGM Giuse đã quyết định tổ chức mừng Đức Cha Phaolô trước một ngày. Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã phác hoạ lại hình ảnh được mô tả trong bài trích sách Khải Huyền ngày lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời: sự không cân đối giữa hai thế lực:

Con rồng đỏ được mô tả có 7 đầu, 10 sừng, đuôi nó quét đi một phần ba tinh tú. Một con rồng với đầy rẫy mưu mô sảo quyệt, đầy sức mạnh của quyền lực. Người phụ nữ được mô tả mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Người phụ nữ đang chuyển dạ sắp sinh con. Một người phụ nữ yếu đuối đang trong hoàn cảnh bấp bênh nhất. Tuy nhiên, người nữ này mặc trên mình là sự công chính, chân đạp lên sự mờ ảo, phù phiếm mau qua.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức TGM Giuse đã mời gọi cộng đoàn biết giũ bỏ những phù phiếm ở thế gian, mặc lấy sự công chính theo gương Đức Mẹ để đối đầu với sự dữ đầy mưu mô sảo quyệt của ma quỷ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý, quản hạt hạt Hà Nội, đại diện cho linh mục đoàn và toàn thể giáo dân và Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế, quản hạt hạt Thanh Oai, đại diện cho giáo miền và giáo xứ, đã dâng lên Đức Cha Phaolô tâm tình mến yêu và cảm phục Đức Cha.

Đáp lại, Đức Cha Phaolô đã ngỏ lời chân thành tri ân Đức Tổng Giám Mục Giuse đã ưu ái tổ chức Thánh lễ mừng ngày kỷ niệm hôm nay. Ngài cũng khích lệ các anh em linh mục sống tinh thần tận hiến và cảm ơn mọi thành phần dân Chúa.

“Còn sống ngày nào, tôi chỉ mong góp chút ít công sức vào việc truyền giáo qua lời cầu nguyện của tôi. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi, để tôi được bền đỗ đến cùng, amen” Đức Cha Phaolô dí dỏm nói.

Đức Cha Phaolô năm nay đã 91 tuổi. Hiện ngài đang nghỉ dưỡng tại giáo họ Kim Lâm, quê hương của ngài, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30 km.

Cha Nguyễn Viết Trung
Kết thúc Thánh Lễ, Đức TGM Giuse đã chuyển tới cộng đoàn lời chào chúc của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI mà các ngài đã lãnh nhận trong chuyến Ad Limina vừa qua. Đồng thời Đức TGM Giuse, Đức Cha Phụ Tá Lôrenxô và Đức Cha Phaolô đã ưu ái ban phép lành toà thánh cho cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện.

Cũng trong ngày hôm nay, Đức TGM Giuse và các cha trong toà TGM đã đến thăm cha Gioan Nguyễn Viết Trung, quản xứ Tân Hội. Ngài bị tai biến mạch máu não hồi trung tuần tháng 7 năm nay. Hiện ngài đã dần hồi phục trí nhớ nhưng vẫn phải ngồi xe lăn.

(Nguồn: http://tgphanoi.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1046)
 
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Antôn Phùng Quang Mạnh
TGP TPHCM
21:08 14/08/2009
Cha Antôn Phùng Quang Mạnh (Phùng Sanh) (1922 – 2004)

A. Từ một người lương giáo

Cha Antôn Phùng Quang Mạnh chào đời ngày 12 tháng 9 năm 1922 trong một gia đình không công giáo tại thành phố Mỹ Tho. Cha của ngài là ông Phùng Hiệp, một bang trưởng Quảng Đông giàu có với nhiều hiệu buôn lớn và phố xá tại thành phố kỳ cựu này. Mẹ của ngài là bà Hà Thị Mai, một phụ nữ Nam Bộ hiền hậu. Cha của ngài quyết định sau này, khi lớn lên, ngài sẽ tiếp tục công việc kinh doanh rất phát đạt của ông. Nhưng ý Chúa lại định thể khác…

B. Trở nên con cái Chúa

Ngày 22-12-1928, cha Phêrô Nguyễn Văn Tiên, cha sở Mỹ Tho lúc bấy giờ, đã ban bí tích Thánh Tẩy cho toàn thể gia đình của ngài. Bắt đầu cuộc hành trình đức tin, Chúa gởi đến cho gia đình ngài biết bao thử thách gian truân: Ông Cố Phùng Hiệp bị bà con bên nội và bạn bè đồng hương chỉ trích dữ dội và quyết liệt tẩy chay vì họ cho rằng Ông Cố đã bỏ tổ tiên ông bà khi theo đạo Chúa; rồi cũng trong năm đó, Bà Cố lâm trọng bệnh và qua đời khi mới 32 tuổi; 4 năm sau, 1932, tất cả các hiệu buôn đều bị phá sản, phố xá bị tịch thu và trong lúc gia tài khánh kiệt, Ông Cố lại qua đời vào năm 1934. Thế là 7 anh chị em trở nên côi cút, bơ vơ, từ chỗ giàu sang rơi xuống cảnh bần cùng, thiếu thốn trăm bề, vô vàn khổ sở. Nhưng trong cảnh khốn cùng đó, Chúa đã gởi đến cho 7 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ một người mẹ khác thật tuyệt vời: đó là dì Ba, em gái của Bà Cố Mađalêna. Chính dì Ba là người tận tình nuôi dưỡng và nghiêm khắc dạy dỗ các cháu của mình nên những người Kitô hữu tốt, giúp các cháu giữ vững niềm tin trong cơn thử thách, và cũng chính dì Ba đã vun trồng ơn gọi linh mục cho các cháu trai của mình, nhờ đó 3 trong số 4 cháu trai đã trở thành linh mục của Chúa, đó là cha Antôn Phùng Quang Mạnh (giáo phận Sài Gòn), cha Antôn Phùng Thành (giáo phận Phú Cường), cha Giuse Phùng Cảnh (giáo phận Đà Lạt).

C. Trở thành linh mục của Chúa

Cha Antôn Mạnh chịu chức linh mục ngày 21-9-1947 tại nhà thờ Chính toà Sài Gòn cùng với 6 anh em khác, trong số đó có Đức Cố Tổng Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền. Hành trình phục vụ của ngài kéo dài 57 năm: từ nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (nhà thờ Cha Tam) ở Chợ Lớn, đến nhà thờ Bình Đại ở miền Duyên Hải tỉnh Bến Tre, hoặc lên Vườn Xoài hay qua Gia Định, ngài luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng giáo dân, cách riêng ở Gia Định, nơi ngài đã gắn bó suốt 43 năm, từ ngày 24-6-1961 cho đến khi ngài được Chúa gọi về vào sáng sớm ngày 16-1-2004. Mọi người đều nhận thấy nơi ngài:

1. Một cha sở đặc biệt có tinh thần Giáo Hội: Ngài luôn đặt lợi ích Giáo Hội lên trên lợi ích cá nhân, rất có lòng chung với công việc của giáo phận: từ việc xây dựng Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục ở Chí Hoà cho đến công trình xây dựng Nhà Khách và Văn Phòng Toà Tổng Giám Mục. Mỗi khi Toà Tổng Giám Mục có việc cần nhờ, ngài nhanh chóng điều động giáo dân đến giúp đỡ, chẳng hạn như cuộc đón tiếp Đức Hồng Y Etchegaray (năm 1989), lễ an táng Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (5-7-1995), việc rước Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về nhận giáo phận ngày 2-4-1998; ngoài ra, Chủng Viện là nơi được ngài quan tâm giúp đỡ nhiều nhất.

2. Một cha sở thật lòng yêu thương anh em linh mục, cách riêng các cha phó của mình: Trong 43 năm làm cha sở Gia Định, cha Antôn có rất nhiều cha phó. Có những cha làm phó cho ngài trên 20 năm, như cha Giuse Nguyễn Hữu Triết (1972-1993), cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân (1975-2004). Ngài luôn nâng đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các cha phó phát huy tài năng. Ngài cũng hết lòng quý mến anh em linh mục cũng như tu sĩ, sẵn sàng giúp đỡ các anh em linh mục nghèo khổ ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, thậm chí có lần ngài đã vét hết tiền riêng của ngài để chuộc mạng cho một anh em linh mục. Ngài luôn cảm thông và chia sẻ mọi buồn phiền với những anh em linh mục đang gặp đau khổ. Vì thế, nhiều linh mục đã xem ngài như một người cha thiêng liêng hoặc một người anh tinh thần …

3. Một cha sở hết lòng yêu thương giáo dân: Đối với những ai nghèo khổ bất hạnh, ngài âm thầm giúp đỡ và tìm dịp thăm viếng ủi an; mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí vào mỗi chiều Chúa nhật cho hàng trăm bệnh nhân nghèo túng; mở trường Trung Tiểu học Thánh Mẫu để nâng cao trình độ văn hoá của giáo dân; mở trường giúp các trẻ em chậm phát triển tâm thần hội nhập với cuộc sống bình thường; đối với nạn nhân chiến tranh, ngài tạo cho họ công ăn việc làm …

4. Một cha sở đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng ngôi nhà đức tin cho cộng đoàn Dân Chúa qua các lớp Thần học giáo dân, các lớp Thánh Kinh chuyên biệt, các cuộc cử hành bí tích sốt sắng, cách riêng cổ võ việc hát cộng đồng trong thánh lễ giúp thánh lễ trở nên sống động hơn.

5. Một cha sở sống giản dị, khó nghèo: Tất cả những gì ngài có là dành để phát triển và mở mang họ Gia Định, xây dựng 3 Nhà Nguyện cho 3 họ lẻ: Thánh Giuse 1964, Thánh Mẫu (Đồng Ông Cộ) 1970 và Đức Mẹ Lên Trời (Trần Kế Xương) 1973; trong khi bản thân ngài sống rất giản dị, nghèo khó. Ba ngày trước khi qua đời, lúc đang hấp hối trên giường bệnh, ngài vẫn quan tâm đến việc sửa chữa nhà thờ Gia Định. Rồi khi chết, ngài trối lại tất cả tiền bạc của cải cho họ Gia Định, chỉ xin trả lại cho gia đình ngài pho tượng Đức Mẹ mà Ông Bà Cố của ngài đã chuộc khi mới trở lại đạo vào năm 1928, và ngài đã mang pho tượng quý báu này theo ngài suốt 57 năm cuộc đời linh mục …

(Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=13&Act=Detail&ID=656&CateID=43)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nghe bài hát mới: Tam Tòa - Nước mắt Em Tôi
Phạm Trung
03:20 14/08/2009