Ngày 14-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lửa bừng cháy
LM. Vinh Sơn Dũng scj
08:52 14/08/2016
Chúa Nhật XX Thường Niên C: LỬA BỪNG CHÁY

Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53

Perpetua thuộc gia đình quí tộc, bị bắt vì đạo. Cha của nàng vẫn là dân ngọai, thuyết phục nàng bỏ đạo. Chỉ vào chiếc bình, nàng lễ phép nói với cha: “Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không ? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Kitô hữu”. Tức quá, ông đánh đập nàng tàn nhẫn, rồi bỏ đi nhiều ngày không tới. Perpetua có một đứa con đang bú, rất khổ vì phải xa con. Đứa bé kiệt sức nên người ta đưa lại cho mẹ nó, và nàng quên hết đau khổ vì có con bên cạnh.

Vì biết con gái mình sắp bị án tử, người cha lại đến với những lời thảm thiết: “Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đến con nhỏ của con nữa, nó sống làm sao nếu không có con. Con hãy bỏ đạo, bỏ đi điều đã làm cho chúng ta mất tất cả”.

Tuy rất cảm động và đau khổ, Perpetua chỉ nghẹn ngào trả lời: “Thưa cha, tại tòa án sẽ xẩy ra điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình”. Người cha còn cho đem đứa trẻ đến năn nỉ :”Con hãy thương đến đứa con nhỏ của con”.

Tuy nhiên trước tòa án, cùng với các bạn khác, Perpetua đã công khai tuyên bố trung thành với Chúa và bằng lòng hy sinh tất cả.

Perpetua đi trên đường thập giá của thầy chí thánh tiến về Giêrusalem thiên quốc

Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem để đi vào cuộc Thương Khó và phục sinh, để lửa tình yêu được đốt lên bùng cháy giữa lòng nhân thế, Đức Giêsu đã phải đi qua một đoạn đường dài của sự tranh đấu, đoạn đường Chúa phải đối diện với biết bao lo âu, xung đột nội tâm, ly biệt thầy trò... Chỉ qua cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người. Ngài đã nói đến ước muốn lửa được bùng cháy nhưng Ngài cũng thổ lộ sự thao thức gian nan để lửa được đốt lên: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 50). Khắc khoải vì Ngài phải bước trên con đường tiến về núi Calvaire và phép rửa bằng chính máu Ngài đổ ra để cho bừng sáng lửa Phục sinh được cháy trong thế giới luôn mãi.

Trong Tin Mừng Luca 12, 49-53, ba hình ảnh rất mạnh và ấn tượng được Chúa Giêsu nói đến: Lửa, Phép rửa bằng máu và sự xung đột - chia rẽ. Ba hình ảnh đó như tuyên bố về thân phận của người tin phải trải qua, từ các ngôn sứ, với tiêu biểu thân phận của Giêrêmia xuyên qua Chúa Giêsu và đến mỗi chúng ta - những người đón nhận lửa tình yêu, lửa niềm tin từ trời. Giêrêmia được chọn làm ngôn sứ, đem lửa Lời Chúa đến cho dân: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20, 9), ông nói lời Thiên Chúa, lời Chân lý đối kháng lại những gì xa rời sự thật, xa rời Giavê, vì thế Giêrêmia đã trở thành tường đồng chống lại cả dân tộc quốc gia, cự lại các vua Giuđa và hàng khanh tướng. Hàng tư tế cũng tuyên chiến với ông (x. Gr 1). Ông đã bị bách hại bởi chính dân tộc ông và cuộc sống bị đầy ải đến chết. Giêrêmia đã trở thành ngôn sứ đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của ông báo trước cuộc tử nạn, phép rửa máu của Đức Kitô.

Trong ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng, tất cả những xung đột, chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến, đó là hình ảnh biểu tượng những sự việc xảy ra trong quá trình đốt lửa phục sinh để đưa tới hiệp nhất và bình an mà ngài thực hiện trong hành trình tiến về Giêrusalem. Các ngôn sứ cũng nói về hình ảnh biểu tượng chia rẽ của ngày sau hết, thời kỳ Mêssia: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7, 6; x. Ml 3, 24).

Thật thế, trong thời kỳ Mêssia, Đức Kitô thắp lửa bùng cháy trong đêm phục sinh cũng đã phải trải qua sự xung đột nội tâm, chia rẽ ý chí và thánh ý của Thiên Chúa Cha nơi Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Ngài khủng hoảng trước con đường sắp phải đi, thao thức lo sợ trước chén đắng sắp phải uống và phép rửa máu sắp lãnh nhận (x. Mt 26, 36-46; Lc 22, 39-45), đến nỗi Ngài muốn từ bỏ: “Xin cất chén này khỏi con” (Lc 22, 42) nhưng vì muốn lửa tình yêu Thiên Chúa bùng lên và tỏa sáng, đốt cháy mọi vết nhơ nhân loại, như ông Dacaria đã được linh hứng trước về sứ mạng của Đức Kitô: “Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tối tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1, 79), giữa những giằng co xung đột, Ngài đã đặt quyết tâm mạnh: “xin theo ý Cha đừng xin theo ý con” (Lc 22, 43).

Trong cuộc sống hằng ngày, ngay ở giữa chúng ta thấy, có biết bao gương của những con người theo gương thầy Giêsu mang lửa tình yêu và lòng nhiệt tình can đảm trong tim để làm chứng cho sự thật Phúc âm. Họ cũng đã phải chịu “một phép rửa” của đau khổ như Đức Giêsu đã chịu. Chúng ta thấy rõ nơi các nhân vật:

• Cựu Tổng thống Nam phi Nelson Mendela, người được giải thưởng Nobel về Hòa bình, đã bị cầm tù 27 năm vì đấu tranh chống lại nạn kỳ thị chủng tộc đem lại tự do công bình ở Nam phi.

• Yitzak Rabin, cựu thủ tướng Do thái, vì những cố gắng không mệt mỏi mang hòa bình cho dân tộc Do Thái và Palestina đã bị ám sát...

• Đức Tổng Giám mục Oscar Rômêrô vì bảo vệ người nghèo, người bị bóc lột, chống lại quyền lực quân phiệt ở El Salvado, Ngài đã bị đe dọa và bị bắn chết ngay lúc đang dâng Thánh lễ.

Từ kinh nghiệm của Chúa Kitô, của các vị anh hùng mà chúng ta vừa nói trên, gợi lên cho chúng ta - người Kitô hữu khi đối diện trước xung đột nội tâm, chia rẽ, những cảnh tang thương... trong cuộc sống hắng ngày. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng nội tâm bị chia rẽ và đang tranh đấu hiệp nhất trong thánh ý Cha của Đức Kitô nơi vườn Cây Dầu để tiếp tục chiến đấu, vượt qua xung đột hầu lửa tình yêu và bình an được đốt lên trong tâm hồn. Mặc lấy tâm tình của tác giả thư Do Thái: “Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu -Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).

Thật thế, lửa ấy đã bùng lên....

Lm. Vinh Sơn, Sài gòn 13/08/2016.
 
Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lm Anthony Trung Thành
09:14 14/08/2016
Suy Niệm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đây là một trong bốn đặc ân đặc biệt Chúa ban cho Đức Mẹ. Lên Trời là lên Thiên Đàng. Thiên Đàng là nơi Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh hiển trị và là đích điểm của mỗi người kitô hữu chúng ta. Vậy, làm thế nào để được lên Thiên Đàng? Thưa, hãy đi con đường Mẹ đã đi. Con đường đó là: mến Chúa, yêu người và thực hiện những mệnh lệnh Mẹ truyền.

1. Con đường Mẹ đã đi

1.1.Mến Chúa

Mẹ được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là những vị thánh, đó là Thánh Gioakim và Thánh Anna. Cho nên, từ nhỏ Mẹ đã được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản và đạo đức. Chỉ mới ba tuổi, Mẹ đã dâng mình vào Đền Thánh. Từ đó, Mẹ đã gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, suy gẫm và sống Lời Chúa. Chính lúc Thiên Thần Gabriel mang tin vui đến cho Mẹ thì Mẹ đang chìm đắm trong kinh nguyện. Khi bà Êlizabét cất lời ngợi khen Mẹ là người có phúc, Mẹ đã đáp lại bằng lời kinh Magnificát. Dù là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn đưa Hài Nhi Giêsu dâng trong đền thờ theo như luật định. Tiếp đó, khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, Mẹ cùng Thánh Giuse đưa Đức Giêsu hành hương lên đền thờ Giêruzalem. Mẹ cùng với các Tông đồ cầu nguyện trong phòng tiệc ly để đợi chờ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Tất cả những sự kiện đó cho chúng ta thấy: Mẹ là một người luôn yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa trong lời cầu nguyện.

1.2. Yêu Người

Hai tiếng “Xin Vâng” nói lên sự đáp trả của Mẹ Maria đối với Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, hai tiếng “Xin vâng” cũng nói lên tình Yêu Thương của Mẹ đối với nhân loại chúng ta. Vì hơn bao giờ hết, Mẹ hiểu được tình trạng của con người lúc bấy giờ - đã hàng ngàn năm chờ đợi Đấng Cứu Thế. Nhân loại lúc đó tùy thuộc vào hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ. Chúng ta thử hình dung, nếu như Mẹ từ chối lời yêu cầu của Thiên thần thì nhân loại sẽ như thế nào? May mắn thay, điều đó không xảy ra, vì Mẹ đã thưa “Xin vâng.” Mẹ thưa xin vâng, vì Mẹ yêu thương nhân loại. Tình thương của Mẹ đối với nhân loại còn được thể hiện qua các biến cố sau đây:

Biến cố Mẹ đi thăm viếng Bà Êlizabéth: Sau khi chấp nhận lời yêu cầu của Thiên thần, Mẹ đã khăn gói lên đường thăm bà chị họ. Một mặt, để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở. Mặt khác, Mẹ muốn chia sẻ với bà chị họ hạnh phúc vì được cưu mang Con Thiên Chúa. Biến cố này đã đem lại hiệu quả vô cùng lớn lao cho cả nhà ông Giacaria, một trong những hiệu quả đó là Thánh Gioan được khỏi tội tổ Tông Truyền ngay khi còn trong lòng Mẹ.

Biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ biến hóa nước thành rượu ngon: tại tiệc cưới Cana, do lời bầu cử của Mẹ Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon. Biến cố này cũng nói lên sự quan tâm yêu thương của Mẹ đối với con người, đặc biệt là đối với gia chủ và cô dâu chú rể.

Biến cố Đức Giêsu lối Thánh Gioan cho Đức Mẹ và lối Đức Mẹ cho Thánh Gioan khi Ngài sắp tắt thở trên Thập giá. Qua biến cố này, chúng ta hiểu rằng, Đức Mẹ đã chấp nhận làm mẹ của cả nhân loại. Chấp nhận làm Mẹ tức là chấp nhận với tinh thần trách nhiệm. Chấp nhận làm mẹ, tức là chấp nhận gánh vác các bổn phận nuôi nấng, dạy dỗ, hướng dẫn nhân loại đi đúng đường lối của Chúa.

Những lần hiện ra cũng là bằng chứng nói lên tình thương của Mẹ đối với con cái loài người. Từ khi về trời cho tới hôm nay, Giáo Hội đã chứng thực những lần hiện ra của Đức Mẹ nhiều nơi trên thế giới. Mẹ hiện ra ở Lộ Đức năm 1858 với Bernadette 18 lần. Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, với ba trẻ Lucia, Giaxinta và Phanxicô nhiều lần. Mẹ hiện ra ở Lavang năm 1897... Mục đích của những lần hiện ra là để yên ủi con cái loài người, đồng thời thông truyền cho con cái loài người những thông điệp cần thiết để được hưởng hạnh phúc đời đời. Ngày nay, tại những nơi Đức Mẹ hiện ra và nhiều trung tâm hành hương khác trên thế giới vẫn thường xuyên nhận được những ơn lành hồn xác qua lời bầu cử của Mẹ. Chẳng hạn, ở Lộ Đức, từ năm 1858 đến nay, đã có khoảng 2 triệu 300 ngàn bệnh nhân đủ loại đã được đưa tới đây. Trong vô số trường hợp được xem là được chữa lành do phép lạ, có khoảng 2000 vụ khỏi bệnh được các bác sỹ chứng nhận là không giải thích được về mặt y khoa.

Đặc biệt, trong những lần hiện ra đó, Mẹ đều hướng dẫn con cái loài người phải làm sao để được Lên Thiên Đàng. Ba mệnh lệnh tiêu biểu Mẹ truyền dạy đó là: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt và tôn dùng Mẫu Tâm Mẹ.

2. Con đường chúng ta đi theo Mẹ để lên Thiên Đàng

Để được lên Thiên Đàng với Mẹ, chúng ta cần noi gương Mẹ: Mến Chúa, yêu người và thực hành ba mệnh lệnh Mẹ truyền.

2.1. Mến Chúa

Mến Chúa bằng cách gắn bó với Ngài trong đời sống cầu nguyện, trong việc lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giao Hòa và Bí tích Thánh Thể. Mến Chúa bằng cách năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, đem Lời Chúa thực hành trong đời sống. Mến Chúa bằng cách tuân giữ luật Chúa qua Mười Điều Răn.

2.2. Yêu Người

Yêu người bằng cách thực hành kinh Mười Bốn Mối. Bảy mối về phần xác: cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc; viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; cho khách độ nhà; chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Bảy mối này cũng được Chúa Giêsu dạy trong Tin mừng “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 35-46). Bảy mối về phần hồn: lấy lời lành mà khuyên người; mở dậy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răn bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta; cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

2.3 Thực hành ba mệnh lệnh Mẹ truyền

Cải thiện đời sống: Trong ba năm hoạt động công khai, nhiều lần Đức Giêsu đã mời gọi mọi người “Hãy hoán cải.” Như vậy, chính Đức Mẹ đã lặp lại lời dạy của Đức Giêsu, Con Mẹ. Tại sao phải hoán cải? Bởi vì, bản tính con người hay hướng chiều về điều xấu, về sự tội. Con người khó tránh khỏi phạm tội. Cho nên, để được Thiên Chúa tha tội thì cần phải sám hối. Hầu hết các thánh trên Thiên Đàng đều qua con đường thống hối này. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta muốn được lên Thiên Đàng, cần phải sám hối ăn năn tội lỗi của mình.

Siêng năng lần hạt Mân Côi: Năm 1208, Đức Mẹ đã thân hành hiện xuống dạy thánh Đa Minh truyền bá việc lần hạt Mân côi. Năm 1858, khi hiện ra tại Lộ Đức, Đức Mẹ cũng mang tràng hạt theo và cùng lần hạt với Bernadette. Đặc biệt, ở Fatima, Đức Mẹ tự xưng mình là Nữ Vương Rất thánh Mân Côi. Mẹ muốn chúng ta tỏ lòng tôn sùng Mẹ trong phép lần hạt Mân Côi. Mẹ khẩn khoản xin các em lần hạt, và cổ động cho người ta lần hạt. Nhiều người nhờ ba trẻ xin Đức Mẹ ơn nọ ơn kia, Đức Mẹ thường trả lời: “Hãy bảo người ta lần hạt Mân Côi.” Vậy, lâu nay chúng ta đã siêng năng lần hạt chưa? Hãy quyết tâm lần hạt, lần hạt mỗi ngày, lần hạt chung, lần hạt riêng và lần hạt một cách sốt sắng. Làm vậy, không chỉ chúng ta thực hiện lời Mẹ dạy mà còn đem lại lợi ích hồn xác cho chúng ta.

Tôn sùng Trái Tim Mẹ: Mẹ Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ của chúng ta. Mẹ là Đấng trung gian, là máng thông ơn Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là phải tôn sùng Mẹ. Hơn nữa, chính Mẹ đã đích thân khuyên nhủ mọi người hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ. Trái Tim Mẹ đã bị đâm thâu vì tội lỗi của loài người. Mẹ khuyên nhủ chúng ta hãy yên ủi Trái Tim Mẹ, hãy ẩn mình trong Trái Tim ấy để chúng ta làm mọi việc với Mẹ, trong Mẹ, vì Mẹ và cho Mẹ.

Vậy, chúng ta phải làm những gì để thể hiện lòng tôn sùng Mẹ? Có nhiều cách để chúng ta thể hiện lòng tôn sùng Đức Mẹ. Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ bằng cách mang ảnh Mẹ trong mình, trang hoàng bàn thờ Mẹ trong gia đình, tôn kính ảnh tượng Mẹ tại các nơi công cộng. Tôn sùng Trái Tim Mẹ bằng cách mang áo Đức Bà, nhất là áo Đức Bà núi Camêlô. Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ bằng cách đọc kinh cầu Đức Bà, đọc kinh Truyền Tin, giữ ngày thứ bảy đầu tháng, lần chuỗi Mân côi...Đặc biệt, tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ bằng cách tận hiến và phó thác cho Mẹ.

Mẹ Maria đã được lên Thiên Đàng cả hồn lẫn xác. Mỗi người chúng ta cũng hy vọng ngày sau được lên Thiên Đàng với Mẹ. Vậy, hãy noi gương Mẹ bằng cách Mến Chúa – Yêu Người. Đồng thời, hãy thực hành những mệnh lệnh Mẹ Truyền: Cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn dùng Mẫu Tâm Mẹ. Để giúp anh chị em thêm lòng tin tưởng vào con đường lên Thiên Đàng với Mẹ, xin được kết thúc bằng câu chuyện sau đây: Một hôm trong đám người hành hương, có một bà mặc đại tang, đứng trong nhà thờ. Bà rất đỗi buồn khổ. Chồng bà, một người bỏ đạo, đã nhảy xuống sông tự tử và đã chết không được ăn mày các phép. Cha thánh đi qua. Trước khi bà có thể thưa chuyện, Ngài ghé vào tai bảo bà:

- Ông nhà được cứu rỗi.

Người đàn bà bàng hoàng bối rối. Ngài nói tiếp với bà:

- Tôi đã bảo: ông nhà được cứu rỗi rồi mà.

Bà trả lời bằng dáng điệu hồ nghi. Bấy giờ Ngài dấn mạnh từng tiếng:

-Tôi bảo bà là ông ta được cứu rỗi, ông ta hiện ở luyện tội, và phải cầu nguyện cho ông ta. Giữa nhịp cầu và dòng nước, ông đã có thời giờ ăn năn thống hối. Bà còn nhớ trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho dựng chiếc bàn thờ trong phòng bà không? Thỉnh thoảng chồng bà, mặc dầu bỏ đạo, cũng đến hợp lời cầu nguyện với bà. Thái độ đã đem lại cho ông ta được hưởng ơn thống hối và sự tha tội vào phút cuối đời.

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con biết Mến Chúa – Yêu Người, biết thực hành những mệnh lệnh Mẹ truyền dạy, để ngày sau chúng con được về Thiên Đàng với Mẹ. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huynh đoàn Thánh Piô X có thể hòa giải với Rôma mà không cần chấp nhận Công đồng Vaticanô II
Chân Phương
09:15 14/08/2016
Huynh đoàn Thánh Piô X có thể hòa giải với Rôma mà không cần chấp nhận Công đồng Vaticanô II

Theo một vị Tổng giám mục người Ý có nhiệm vụ giám sát các nhóm tín hữu bất tuân giáo luật muốn trở lại hiệp thông đầy đủ với Rôma thì: Vatican đã thành lập một Giám hạt Tòng nhân (Personal Prelature) cho Huynh đoàn Thánh Piô X (SSPX) và thừa nhận rằng một số văn kiện của Công đồng Vaticanô II không phải mặc nhiên đều là giáo lý.

Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo - Thư ký Ủy Ban Tòa Thánh về Giáo Hội của Chúa (Ecclesia Dei) phát biểu trên một tờ báo bên Đức Quốc rằng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành lập một Giám hạt Tòng nhân cho Huynh đoàn Thánh Piô X để họ có thể về hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo.

Giám hạt Tòng nhân là một nhóm tín hữu Công Giáo được tổ chức như là một hàng giáo phẩm không bị ràng buộc bởi vị trí địa lý (không tòng thổ) - nói cách khác, đó là một giáo phận không có lãnh thổ để thực thi các công việc bình thường giống như một giáo phận địa phương, các tín hữu là thành viên của Giám hạt Tòng nhân vẫn tiếp tục được thuộc về thể chế này.

Cho đến nay, chỉ có Opus Dei được gọi là Giám hạt Tòng nhân của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo nhận định rằng Huynh đoàn Thánh Piô X có thể quay về hiệp thông đầy đủ với Rôma cho dù họ không công nhận các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, vì các văn kiện ấy "không phải là giáo lý hay là một minh định dứt khoát, nhưng đúng hơn, đó là những chỉ dẫn và định hướng cho việc thực hành mục vụ".

Bản thân các văn kiện của Công đồng Vaticanô II cũng nói rằng chỉ có những lời dạy nào của Công đồng liên quan một cách rõ ràng với đức tin và luân lý thì mới ràng buộc người Công Giáo, ngài giải thích.

“Rõ ràng là tại từng thời điểm của Công đồng” thì những văn kiện của Công đồng ấy mang những điểm giáo lý khác nhau, Đức Tổng Giám Mục Pozzo nhắc lại lời của Đức cố Hồng Y Pericle Felici - Tổng thư ký Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố vào ngày 16 tháng 11 năm 1964 rằng: "Công đồng này quy định rằng Giáo Hội chỉ ràng buộc những gì được tuyên bố một cách rõ ràng liên quan đến đức tin và luân lý. Chỉ có những văn kiện do các nghị phụ của Công đồng đánh giá mới mang tính ràng buộc phải tuân theo".

Một văn kiện đặc biệt liên quan đến Huynh đoàn Thánh Piô X mà Công đồng Vaticanô II đã ban hành là Tuyên bố Nostra Aetate ("Trong Thời Đại Của Chúng Ta"), nói về mối quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác. Sau khi Amoris Laetitia được công bố, Tổng Giám mục Bernard Fellay - bề trên tổng quyền của Huynh đoàn Thánh Piô X khi đó đã chỉ trích điều này là "sự sai lầm lớn lao và đau đớn đang ngự trị trong Giáo Hội" và những giáo lý sai lạc đã bị phát động bởi "một số lượng lớn các mục tử, kể cả giáo hoàng".

Đức Tổng Giám Mục Pozzo cho rằng bản thân Tuyên bố Nostra Aetate không phải là giáo lý, cho nên không ràng buộc người Công Giáo phải chấp nhận nó.

"Nostra Aetate không có thẩm quyền nào về giáo lý, do đó không thể yêu cầu bất cứ ai phải công nhận tuyên bố này là giáo lý được. Tuyên bố này chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng của truyền thống và của Huấn Quyền kế tục. Chẳng hạn, không may là ngày nay có quan điểm trái với Đức Tin Công Giáo rằng có một con đường cứu độ khác ngoài Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài. Quan điểm sai lầm này cũng đã được Bộ Giáo lý Đức Tin chính thức phản bác trong tuyên bố Dominus Iesus của mình. Do đó, bất kỳ sự diễn giải nào của Nostra Aetate đi theo chiều hướng sai lạc thì hoàn toàn vô căn cứ và sẽ bị từ chối".

Huynh đoàn Thánh Piô X được thành lập bởi Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre người Pháp. Nhóm này cỗ võ cho các phụng vụ truyền thống và chia sẻ chân lý đức tin Công Giáo trong thế giới hiện đại, một nhiệm vụ mà họ coi là "đặc biệt cần thiết trước sự lây lan của chủ nghĩa vô thần, thuyết bất khả tri, và sự thờ ơ tôn giáo".

Tổng Giám Mục Lefebvre sau này đã bị rút phép thông công vì đã tấn phong một cách bất hợp thức - nhưng thành sự - cho các giám mục. Nói cách khác, những người được tấn phong này thực sự trở thành giám mục, nhưng Lefebvre đã có hành vi chống Giáo Luật khi tấn phong cho họ mà không xin phép.

Tuy nhiên, Huynh đoàn Thánh Piô X hiện nay không bị xem là "tình trạng ly giáo", hoặc bị "vạ tuyệt thông" như thi thoảng bị đánh giá. Họ không thường xuyên vi phạm Giáo luật; chỉ có một số văn kiện của Công đồng Vaticanô II là điểm bất đồng giữa họ và Tòa Thánh.

Mặc dù Bề trên của Huynh đoàn này không ngần ngại đưa ra những lời chỉ trích về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng cũng bày tỏ niềm hy vọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đức Giáo Hoàng vì thái độ cởi mở của ngài đối với đường hướng hiệp nhất giữa Rôma và Huynh đoàn.

Trong những năm gần đây, Huynh đoàn Thánh Piô X có vẻ đã tiến gần hơn về các nguyên tắc của giáo luật. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục việc đàm phán với Huynh đoàn này, vốn đã được khởi đầu từ triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho phép các linh mục của Huynh đoàn ngồi tòa giải tội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này - một năng quyền được cho là sẽ tiếp tục về sau. (LifeSite)

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đồng hương Giáo phận Vinh tại Melbourne mừng bổn mạng Giáo phận
Trần Văn Minh
04:22 14/08/2016
Melbourne, vào lúc 2 giờ 30 chiều Chúa nhật 14 Tháng Tám Năm 2016. Trong một ngày đẹp trời, tại Nhà thờ Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Church.) Đồng hương và thân hữu Giáo phận Vinh tại Melbourne, đã họp mặt thật đông đảo, để cùng nhau hướng lòng về với Giáo phận Mẹ nơi quê nhà, hiệp thông dâng lễ mừng kính Đức Mẹ Lên Trời, bổn mạng Giáo phận Vinh Việt Nam.

Mời xem hình

Trong một chiều thời tiết rất đẹp, tại ngôi Thánh đường Chúa Chiên Lành cũng đẹp, mọi người hiện diện càng đẹp hơn. Đồng hương Giáo phận Vinh đã tề tựu đông đủ để dâng Thánh lễ mừng bổn mạng giáo phận, được quý Linh mục Vinh đang phục vụ mục vụ trong Tổng Giáo phận Melbourne đồng tế. Trong số quý linh mục về dâng lễ hôm nay cùng đồng hương Giáo phân Vinh, chúng tôi thấy có quý Linh mục:
Giuse Trần Ngọc Tân chủ tế
Phêrô Nguyễn Văn Hương
Phêrô Nguyễn Trọng Thiên.
Gioan Hồ Ngọc Sáng.
Phêrô Trần Văn Thanh.
Giuse Nguyễn Hồng Ánh.
Anton Nguyễn Thế Vĩnh.
Giuse Phạm Đình Lĩnh.
Peter Hoàng
Và một số quý cha thuộc các giáo phận bạn đồng tế

Trước khi cử hành Thánh lễ, Linh mục Nguyễn Hồng Ánh Chánh xứ Nhà thờ Chúa Chiên Lành đã hân hoan ngỏ lời chào mừng quý cha và đồng hương Giáo phân Vinh cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đã về hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Lên Trời là bổn mạng Giáo phận Vinh.

Đặc biệt, phụng vụ Thánh ca trong Thánh lễ hôm nay, một Ca Đoàn mà những người con cái Giáo Phận Vinh đã thành lập ra mang tên là: Ca Đoàn Bình Gỉa, đã dùng lời ca, tiếng hát véo von mà ca khen mừng kính Lễ Đức Mẹ về Trời. Mừng kính bổn mạng và chung niềm vinh hạnh được vui cùng toàn thể Giáo phận.

Trong lời nguyện giáo dân, ông Trần Đức Danh đã thay mặt đồng hương hiện diên dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin thiết tha cho quê hương, nhất là những ngày gần đây, tại giáo phận đang gặp đại nạn vì môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Mọi người cùng hướng lòng về quê mẹ. Xin dâng lên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ ban sức mạnh và ơn khôn ngoan, lòng can đảm cho quý Đức Cha, quý linh mục và tu sĩ của Giáo phận Vinh, để quý Ngài mạnh dạn lên tiếng bảo vệ sự thật và công lý.

Đây là lần thứ Hai, con cái Giáo phận Vinh tại Melbourne gồm có quý Linh mục và giáo dân cùng hội tụ về trong tình đồng hương gắn kết với nhau. Theo một vị trong ban tổ chức, ông Trương Anh Minh cho biết, cách nay hơn 30 năm, những người con cái Giáo phận Vinh cũng đã từng tổ chức mừng bổn mạng chung với nhau, nhưng do công việc làm ăn chưa thuận lợi, nên các buổi lễ chung đã bị gián đoạn. Nay nhờ hồng ân Chúa và nhất là được sự cầu bầu của Mẹ Maria rất Thánh là bổn mạng của Giáo phận đã thương ban cho đồng hương được đón nhận nhiều linh mục đồng hương đang phục vụ tại Melbourne tiếp tay tổ chức, và với số người về thật đông đảo, một kết qủa thật mỹ mãn đã làm nức lòng ban tổ chức và mọi người. Dịp này, một ban đại diện được bầu lên làm gạch nối các đồng hương trong tiểu bang để thông tin liên lạc khi cần, được cả cộng đoàn nhiệt liệt chào mừng.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui chung, mọi người lại có cơ hội hàn huyên tâm sự trong tình đồng hương. Một bữa tiệc nhẹ có phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” giúp cho ngày họp mặt thật vui trong hội trường trung tâm, để cùng hát cho nhau nghe.

 
Giáo xư ́ Bến Trường hạt Tây Ninh, GP Phú Cường mừng lễ bổn mạng lễ Đức Mẹ La Vang
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
09:08 14/08/2016
Mừng Lễ Kính Đức Mẹ Lavang

giáo xứ bến trường mừng lễ bổn mạng

Hơn lúc nào hết, Giáo xứ Bến Trường đang cảm nhận được tình thương cao vời của Đức Mẹ Lavang– Bổn mạng Giáo xứ; rõ ràng nhất là sự có mặt của Quý Cha Gioan Võ Hoàn Sinh, Quản hạt Tây Ninh, cùng Quý Cha trong và ngoài Giáo hạt có mặt vào sáng ngày 13.8.2016 nhân dịp Giáo xứ mừng Lễ Bổn Mạng.

Xem Hình

Dưới sự hướng dẫn của Cha Xứ, Giáo xứ đã làm tuần cửu nhật cầu nguyện với Mẹ Lavang để chuẩn bị mừng lễ. Hôm nay niềm vui đã tràn ngập trong mỗi con tim của những người con thảo ở Giáo xứ Bến Trường, một Giáo xứ vùng quê thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Ngay từ sáng sớm, cộng đoàn giáo xứ với trang phục thật đẹp, lần lượt vào Đài Đức Mẹ Lavang để viếng Mẹ.

Trước Thánh lễ, cộng đoàn giáo xứ đã cung nghinh Đức Mẹ Lavang thật nghiêm trang chung quanh nhà thờ, cùng với tiếng trống, tiếng hát vang lên đã làm cho cuộc rước thêm phần sống động, sốt mến. Và mỗi tấm lòng của Con Mẹ thêm “Hân hoan bước vào nhà Chúa” trong tiếng hát của ca đoàn Giáo xứ.

Đầu lễ, Cha Gioan Võ Hoàn Sinh – Hạt Trưởng, giới thiệu Thánh lễ hôm nay được cử hành để tạ ơn Thiên Chúa và Tạ ơn Đức Mẹ Lavang, bổn mạng giáo xứ, cũng chính là bổn mạng của mỗi người trong giáo xứ. Qua đó, ngài mời gọi cộng đoàn tạ ơn và kính mến Mẹ, khẩn cầu Mẹ phù hộ cho mọi người trong giáo xứ.

Trong bài giảng Cha Phê rô Nguyễn Thái Học – Chánh xứ Rạch Kiến đã cho chúng ta thấy được tấm lòng thương yêu của Đức Mẹ Lavang đã thương yêu con cái Mẹ như thế nào trong cơn hoạn nạn dưới thời vua Cảnh Thịnh năm 1789 tại Lavang. Qua đó, Ngài cũng cho chúng ta đều thấy được tình yêu thương của Mẹ Lavang không phải vì ta giàu có; vì ta nổi tiếng mà được Mẹ thương, mà tình thương của Mẹ là thương yêu tất cả mọi người con của Mẹ, nhất là người con đang gặp gian nan thử thách nhưng một lòng tin vào Mẹ; vào Chúa Giê su con Mẹ.

Trong Thánh Lễ, Cha Quản hạt – Gioan Võ Hoàn Sinh đã trao Chứng Thư Hội Đồng Giáo Xứ nhiệm kỳ 2016-2019 cho Quý Chức ở Giáo xứ Bến Trường và Giáo điểm Hoà Hiệp (huyện Tân Biên). Sau Thánh Lễ, Cha quản hạt; Cha chánh xứ cùng Quý cha đồng tế đã chụp hình lưu niệm với Quý Chức, và Quý Soeurs đang hiện diện, phục vụ trong Giáo xứ.

Trong dị này Giáo xứ cũng đón nhận Hoa, quà của Chính quyền địa phương các cấp, như: Ban Dân vận tỉnh uỷ; Ban Tôn giáo tỉnh cùng các ban ngành chính quyền địa phương Huyện Châu Thành và xã Hảo Đước.

Thánh lễ khép lại với lời ca tạ ơn và quyết tâm sống noi gương Đức Mẹ của cộng đoàn giáo xứ dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Họ đạo Giồng Trôm mừng lễ bổn mạng
Người Giồng Trôm
16:00 14/08/2016
HỌ ĐẠO GIỒNG TRÔM MỪNG BỔN MẠNG

Hòa cùng niềm vui cùng toàn thể Giáo Hội trong ngày mừng kính Mẹ Maria Lên Trời, họ đạo nhỏ bé Giồng Trôm mừng hơn một chút bởi họ đạo nhận Mẹ Maria Lên Trời làm bổn mạng. Niềm vui mừng bổn mạng không dừng lại ở ngày mừng Mẹ Lên Trời mà còn mừng 22 em thuộc hai họ đạo La Mã và Giồng Trôm được rước Chúa lần đầu. Niềm vui nho nhỏ kèm theo 2 niềm vui lớn này là 2 họ đạo cùng mừng bổn mạng của Cha Sở họ đạo Giồng Trôm.

Xem Hình

Chương trình mừng Bổn Mạng của Giồng Trôm được của hành trong bầu khí trang nghiêm và ấm cúng cũng như đậm nét đạo đức và nhất là lòng tôn kinh Mẹ.

15 g 30, cộng đoàn cùng khởi kiệu hành hương kính Mẹ Lên Trời.

Với tâm tình nhỏ bé đơn sơ, cộng đoàn cùng lên đường hành hương và xin Mẹ thương cùng đồng hành với họ đạo trong cuộc lữ hành trần thế này.

Giờ hành hương và kiệu Đức Mẹ kết thúc, cộng đoàn mỗi người hoa trong tay lên dâng kính Đức Mẹ bày tỏ tấm lòng con thảo của mình.

Sau khi dâng những đóa hoa huệ trắng tinh tựa tấm lòng trong trắng đơn sơ, cộng đoàn cùng dâng lên Mẹ những lời kinh Mân Côi mà Mẹ ưa thích.

16 g 30, cộng đoàn sốt sắng bước vào Thánh Lễ tạ ơn mừng Bổn Mạng cũng như một số em trong 2 họ đạo được rước Chúa lần đầu.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung gợi lên ý nghĩa của Thánh Lễ hôm nay.

Trong bài chia sẻ, Cha Đaminh mời gọi cộng đoàn cùng hướng về Trời với Mẹ và Cha nhắn nhủ mọi người sống như thế nào đó để được cùng Mẹ hưởng Phúc Thiên Đàng. Cha mời gọi cộng đoàn cũng hãy giữ lòng trong sạch như các em hôm nay đã chuẩn bị dọn lòng để đón Chúa vào trong tâm hồn các em.

Trước khi nhận Phép Lành cuối Lễ, đại diện cộng đoàn tóm tắt tổng kết hoạt động của họ đạo Giồng Trôm trong năm qua. Vị đại diện nêu cao tinh thần đạo đức của Họ Đạo là đã tham dự Thánh Lễ ngày thường khá đông đảo …

Sau khi gọi là báo cáo một chút về tình hình hoạt động năm qua, vị đại diện chúc mừng bổn mạng Cha Sở Giồng Trôm. Cộng đoàn cùng dâng lên Cha lẵng hoa tươi thắm thay lời muốn nói cho tất cả tâm tình của Họ Đạo.

Cha Đaminh ngỏ lời cảm ơn và xin cộng đoàn tiếp tục cộng tác với Cha để xây dựng Họ Đạo Giồng Trôm ngày càng phát triển như lòng Chúa mong muôn.

Tiếp lời của Cha Đaminh, Cha Giuse Cao Minh Hòa – Cha Sở họ đạo Tân Thanh và La Mã – có đôi lời chúc mừng Cha Đaminh, Cha Giuse cũng cảm ơn Cha Đaminh thương hướng dẫn cho Cha Giuse vì Cha Giuse mới nhận nhiệm sở cách đây 1 tuần.

Những tràng pháo tay thần giòn giã vang lên như gói trọn niềm vui của ngày Lễ hôm nay.

Nhiều và nhiều tấm hình ghi dấu ngày đáng nhớ này của Họ Đạo, của từng thành phần dân Chúa trong họ đạo.

Thánh Lễ mừng Bổn Mạng họ đạo Giồng Trôm khép lại nhưng rồi còn đó có quá nhiều mơ ước đang gợi ra trước mắt. Trước là ý định xây ngôi nhà mới để đón nhận sự hiện diện và đặc biệt nhờ quý Dì cộng tác với Cha Sở trong công việc xây dựng Họ Đạo Giồng Trôm. Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin thương đến Giồng Trôm nhỏ bé và ban những ơn lành cần thiết cho quý cha quý soeur, cộng đoàn dân Chúa … cách tiêng cho từng người một là con cái của Mẹ.
 
Lễ Bổn Mạng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon
Lê Quang Uyên
20:39 14/08/2016
Lễ Bổn Mạng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon

Sáng Chúa Nhật ngày 14 tháng 8 năm 2016, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon tổ chức trọng thể Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng của Giáo Xứ, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại khán đài trong khuôn viên của giáo xứ lúc 9 giờ sáng do Cha Chánh Xứ Bathôlômêô PHẠM HỮU ĐẠT, SDD chủ tế, cùng Đồng tê có Đức Ông Giacôbê Phạm Văn Ninh cựu Chánh Xứ, Cha Ansgar Phạm, Tĩnh SDD Tân Chánh Xứ, 2 Cha Cố hưu dưỡng của giáo xứ, quý Cha Phó Xứ, quý Cha thuộc Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa và quý Cha Khách, cùng 2 Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn của Địa Phận. Ngoài ra, Tham dự Thánh Lễ hôm nay còn có Sơ tân Phụ Trách và quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt/ Miền Portland, quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiên/ Beaverton, OR cũng như các cộng đoàn bạn trong vùng và rất đông giáo dân của giáo xứ tham dự.

Xem Hình

Mở đầu, Cha Chánh Xứ chủ tế có lời chào quý giáo dân của giáo xứ và giới thiệu quý Cha tham dự Thánh Lễ Đồng Tế mừng Bổn Mạng giáo xứ hôm nay, cũng như giới thiệu sơ qua về lịch sữ sự hình thành của giáo xứ trong suốt 41 năm qua. Ngài cũng không quên nhắc đến và cám ơn các vị tiền nhiệm của Ngài.

Đặc biệt, trong Thánh Lễ hôm nay có thêm phần giới thiệu với cộng đoàn giáo dân của giáo xứ về sự chuyển giao chức vụ Chánh Xứ giữa Cha Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD và Cha Tân Chánh Xứ Ansgar Phạm Tĩnh, SDD, nghi thức bàn giao giữa hai Cha cựu và tân sẽ diễn ra sau ngày Lễ Bổn Mạng giáo xứ hôm nay, Cha Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt đã cai quản giáo xứ cũng bắt đầu từ ngày Lễ Bổn Mạng Giáo Xứ 15 tháng 8 năm 2009, đúng 7 năm tiếp nối các vị tiền nhiệm, Ngài đã hăng hái, hy sinh và phục vụ không mệt mõi, nhờ vậy mà giáo xứ có được sự lớn mạnh trên hai phương diện đức tin và cơ sở như ngày hôm nay, với bao kỹ niệm vui buồn lẫn lộn. Nay khi Cha, Con nói lời chia tay, bỗng dưng phút chốc tâm tư mọi người giáo dân như chùng lại trong khoảnh khắc…

Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon là giáo xứ độc lập Việt Nam được thành lập ngày 25 tháng 01 năm 2001 do quyết đinh của Đại Hội Đồng Linh Mục thứ 180 Tổng Giáo Phận Portland (The 180th Section of the Prebyteral Council of The Archdiocese of Portland in Oregon). Với sự chuyển tiếp từ Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á do Cha Vincent Cao Đăng Minh C.Ss.R. làm Giám Đốc và vị Chánh Xứ đầu tiên là Đức Ông Giacôbê Phạm Văn Ninh nay Ngài đã nghỉ hưu. Và sau đó Giáo Xứ được Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa tại hãi ngoại cử Cha Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD về thay thế cùng 3 Cha Phó Xứ như hiện nay để cai quản giáo xứ gồm 1.250 gia đình chính thức đã gia nhập giáo xứ, có trên 6000 giáo dân và hằng năm có khoảng gần 1.200 học sinh theo học Giáo lý và Việt ngữ tại giáo xứ.

Chia sẻ lời Chúa hôm nay do Cha Tân Chánh Xứ Ansgar Phạm Tĩnh, SDD giảng bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh. Trước hết, Cha đã nói đến ý nghĩa của ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và sau đó mời gọi các tín hữu hãy noi gương nếp sống của gia đình gia thất cũng như với cộng đoàn và những người xung quanh, bằng 3 đặc tính cần phải có trong đời sống người Kitô hữu là: Lời khen, Cám ơn và Xin lỗi. Cha đã cắt nghĩa cặn kẻ từng đặc tính và đặc biệt Cha đã nhắc lại lời của ĐứcThánh Cha Phanxicô trong bài giáo huấn ở buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 5 năm 2015 như sau: Đối với một Kitô hữu lòng biết ơn là trung tâm của đức tin, một Kitô hữu không biết nói lời cám ơn là một Kitô hữu quên đi tiếng nói của Thiên Chúa…

Trước khi Cha chủ tế Ban Phép Lành kết lễ, ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ Đỗ Văn Hải ngỏ lời cám ơn và tri ân Cha Chánh Xứ đã hy sinh phục vụ giáo xứ trong 7 năm qua, cùng đồng thời chúc mừng Cha Tân Chánh Xứ Ansgar Phạm Tĩnh, SDD là người con của giáo xứ nay trở về hy sinh phục vụ giáo xứ nhà, ngoài ra, cũng cám ơn Đúc Ông cựu Chánh Xứ quý Cha Phó Xứ, 2 Cha Cố Antôn Lê Quang Trình và Giuse Nguyễn Đức Hậu quý Cha Đồng Tế, ông chủ tịch cũng không quên cám ơn tất cả giáo dân giáo xứ, các Hội Đoàn Ban Ngành Đoàn Thể đã hy sinh, sát cánh cùng giáo xứ trong mọi công tác để cùng nhau xây dựng giáo xứ, cũng như, trong ngày Lễ Bổn Mạng hôm nay, nhờ đó, mà mọi sự được thành công tốt đẹp.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ giáo xứ có tiệc mừng Bổn Mạng tại khuôn viên do giáo xứ khỏan đãi, và chương trình văn nghệ giúp vui bởi Ca đoàn Thánh Linh với Ban Nhạc The Dream, cùng cộng tác do các Ban ngành Đoàn thể và giáo dân trình diễn, cũng như những tiết mục thể thao tranh giải Bóng bàn, Bóng rổ, trò chơi cho các cháu thiếu nhi do Phong Trào Hướng Đạo tại giáo xứ phụ trách, kinh phí các giải thưởng do giáo xứ tài trợ./.

Lê Quang Uyên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mời nghe bài giảng của LM Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong hôm cầu nguyện cho Công Lý và Hòa bình tại Hà Nội
Phát Nguyên
08:27 14/08/2016
“.... Điều bi đát ở nước ta là :Xã hội chủ nghĩa đã hệ thống hóa sự điên rồ ấy bằng những cơ cấu, bằng những chính sách kinh tế, chính trị, dung bạo lực, dung nghị quyết, nghị định để hợp lý hóa tội ác… Đồng thời, họ cố tình, và đây là điều rất nguy hiểm, kiên trì gieo rắc những thứ tư tưởng độc hại, điên rồ đó vào trong đời sống của đất nước, biến một dân tộc anh hung, biết yêu nước thương nòi như dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc mà chúng ta thường nói với nhau: đã bị ngu hóa đến độ nhu nhược, hèn với giặc nhưng lại ác với nhau..”

Đọc thêm bài viết: Cướp vài cái bánh mì bị tù, cướp hàng ngàn tỉ hòa cả làng

Mấy hôm nay người dân ngơ ngác hỏi nhau: Sao hai đứa giật bánh mỳ trị giá tài sản chiếm đoạt 45 nghìn đồng thì bị tù giam, còn 5 ông quan có trách nhiệm trong vụ đường ống nước nghìn tỷ cấp cho thủ đô bị vỡ gần 20 lần, kéo theo hàng chục nghìn gia đình dân lâm cảnh mất nước triền miên lại không bị xử hình sự?

Đó là một màn hài kịch quá trắng trợn đang xảy ra tại VN.

Hai vụ án này càng khiến dư luận sục sôi hơn khi đặt cạnh sự nghiêm khắc của các cơ quan tố tụng trong việc ngay sau đó phạt tù hai thanh niên cướp giật bánh mỳ chỉ có giá 45 ngàn đồng VN (theo thời giá bây giờ chỉ đáng $2 đô). Tôi tường thuật lại sơ lược hai nghịch cảnh đó để bạn đọc tiện theo dõi.

Đường ống dẫn nước Sông Đà - Hà Nội bị phát hiện mặt cắt ngang có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa. Các quan làm thiệt hại ngàn tỉ không bị khởi tố
Tại sao hai đứa trẻ ăn cắp bánh mì
Trên đường đi xin việc làm, vì đói bụng nên Tuấn, Tân đã cướp bánh mì, chuối sấy, đậu phộng rang, me trị giá 45.000 đồng để ăn.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND Q.Thủ Đức –TP Sài Gòn) vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân (TAND) Q.Thủ Đức vụ án “cướp tài sản” liên quan đến 2 bị can Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi, ở tại H.Củ Chi), Ôn Thành Tân (18 tuổi, ở tại Q.9).

Khoảng 12 giờ ngày 18.10.2015, Tuấn và Tân đi xe máy, chở nhau đến quán Biển Xanh trên địa bàn Q.Thủ Đức để xin việc làm. Trên đường đi, cả hai đói bụng nhưng không có tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa tại P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả 2, chuyển cho Công an P.Linh Chiểu điều tra.

Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Kết quả giám định tổng trị giá tài sản 2 bị cáo cướp được là 45.000 đồng
Hai em Tuấn và Tân ăn cắp bánh mì lãnh án tù tại tòa

Cáo trạng của Viện KSND truy tố hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là “cướp tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm theo Khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt từ 3-10 năm tù.

Luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa cho bị cáo Tuấn) nhận định, 2 bị cáo lúc gây án ở tuổi vị thành niên và xuất phát từ nguyên nhân đói bụng. Ý chí chủ quan lúc đó cướp chỉ để ăn, không lường được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người khác, xã hội và cho bản thân các bị cáo. Luật sư này đề nghị có mức án khoan hồng cho Tuấn, tuyên mức án bằng thời gian tạm giam.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm Sát đã phản bác quan điểm của 2 luật sư. Do đói hay khát thì 2 bị cáo cũng chỉ để thõa mãn nhu cầu cá nhân của mình mà xâm hại đến tài sản của người khác, nghĩa là đã phạm tội.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Tân cho biết rất ăn năn hối hận và mong nhận được mức án treo. Tuấn cũng xin được tuyên mức án nhẹ để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù. Bị cáo Ôn Thành Tân lĩnh án 8 tháng 20 ngày.

Mức án này tưởng là “khoan hồng” nhưng thật ra theo bình luận rút gọn của một người dân trên báo. Thúy đã viết: “Hai em bé đáng thương này chính là nguyên nhân của cuộc sống bất an mà người dân thành phố này đang phải chịu đấy bạn à.”

Tôi nghĩ không cần phải bình luận gì thêm ngoài suy nghĩ đáng lẽ tòa nên giao hai em về cho địa phương quản lý và giáo dục hơn là tuyên án tù. Dù tù bao nhiêu ngày cũng vẫn là một án tích đeo theo hai em suốt cả cuộc đời. Chưa biết chừng vào tù các em sẽ học được của các đàn anh nhiều mánh lới chuyên nghiệp và nhiều thói hư tất xấu hơn. Một bản án như thế chỉ có hại cho sự giáo dục của xã hội.
Vụ vỡ ống nước sông đà làm thiệt hại ngàn tỉ.

Tôi tóm tắt lý do ống nước sông Đà bị vỡ. Bộ Xây dựng kết luận, tuyến ống liên tục bị vỡ do bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt. Trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh Viglafico sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế của chủ đầu tư. Các mẫu ống do Bộ thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những điểm xung yếu. Lỗi này do đơn vị sản xuất không thí nghiệm kiểm tra đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào, không thực hiện các thí nghiệm kiểm tra chất lượng ống để xác định độ bền dài hạn của sản phẩm.

Trong khi thi công, các đơn vị liên quan là Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp ống đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều ống bị lỗi tại mặt cắt ngang như phồng rộp, tách lớp, lồi, lõm, nhiều vết nứt, xước rạn xung quanh thành ống, không đạt độ dày thiết kế, màu sắc và các vật liệu không đồng đều... nhưng vẫn cho lắp đặt.

Theo cáo buộc, những người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát viên hiện trường do không tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình nên không kiểm soát được chất lượng vật tư. Khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên, giám sát không cho thu hồi các lô ống được sản xuất cùng loại. Thiệt hại rất lớn

Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của nhiều ngân hàng, vốn tự có và một số nguồn khác.

Tuyến ống truyền tải nước sạch có gói thầu cung cấp ống và phụ kiện ống cốt sợi thủy tinh có giá trị quyết toán là 331 tỷ đồng, giá trị xây lắp 122 tỷ đồng.

Vậy tại sao không khởi tố?

Tôi chỉ xin kết luận ngắn gọn tòa không khởi tố vụ vỡ đường ống nước sông Đà vì họ là những người có “nhân thân tốt” và có nhiều đóng góp cho xã hội. 5 quan cán bộ này không phải chỉ được miễn trách nhiệm hình sự, mà họ còn không bị khởi tố điều tra làm rõ.

Việc không xem xét trách nhiệm hình sự vì lý do nhân thân tốt sẽ tạo nên một tiền lệ rất xấu. Luật quy định chỉ hai lý do để không khởi tố bị can hoặc vụ án, đó là: Không có dấu hiệu cấu thành tội phạm và Có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng thiệt hại không đáng kể.

Bạn Đức Hiển viết trên báo Dân Trí: “Trong vụ án Vỡ ống nước Sông Đà, dấu hiệu cấu thành tội phạm đã có, thiệt hại vô cùng lớn về vật chất lẫn tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, thế nhưng vẫn không bị xem xét trách nhiệm hình sự là vô lý và sai luật. Không hề có căn cứ pháp luật nào đối với lập luận không xử lý hình sự vì nhân thân tốt”.

Nhân thân tốt toàn là những con ông cháu cha hoặc những quan chức cấp cao. Như thế có nghĩa là thì cơ quan tiến hành tố tụng đã vô hiệu hoá quy định của pháp luật đối với các tội phạm về chức vụ.

Còn ngược lại, những vụ án kiểu “bánh mì” - hành vi trộm, cướp liên quan đến tài sản giá trị thấp - lại thường được gây ra bởi những người có xuất thân lao động, gia cảnh phức tạp. Họ khó có thể hay không có thể được luật pháp coi là có nhân thân tốt như các quan.

Ly do “nhân thân tốt” tạo ra một sự phân biệt đối xử quá rõ ràng giữa các vụ án “bánh mỳ” và “nghìn tỷ”. Sự phẫn nộ của dư luận là rất chính xác. Không thể mang cái nhân thân tốt ra đánh đổi lấy nghìn tỉ của dân được. Những kẻ đó phải ở tù thay vì bỏ tù hai em bé vì quá đói phải cướp bánh mì. Lẽ công bằng ở đâu trong cái thời đại nhiễu nhương này ở xã hội VN?!

Còn một vụ án nữa nghiêm trọng hơn cũng trong thời gian này. Đó là Tổng cục Thủy sản làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm.

Theo một công văn vừa được hé lộ, đoàn xác minh tố cáo thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường.

Bỏ 5 triệu đồng để sản phẩm vào danh mục đủ tiêu chuẩn

Theo quy định, các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản trực thuộc Tổng cục Thủy sản chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục thủy sản cấp phép cho lưu hành.

Động trời ở Tổng cục Thủy sản Kiểm định khống hơn 800 sản phẩm

Tuy nhiên, để được vào danh mục sản phẩm này dường như không hề khó! Theo một bản báo cáo kết luận vừa được hé lộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng một sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là "nghiễm nhiên" có tên trong danh sách. Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.

Đúng như người dân nói “Thời đại này có tiền mua cá gì cũng được. Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi.”

Hồi năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục thủy sản đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận cho thấy, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý là giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó Phòng Hành chính – Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong khi thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng một sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Những hành vi vi phạm không những có thể gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, lưu hành sản phẩm mà còn có thể gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới người nuôi trồng thuỷ sản nếu họ mua và sử dụng các sản phẩm được lưu hành trái luật do chất lượng không bảo đảm.

Vì thế ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại Hội nghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội nói thẳng: "Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở Việt Nam!" Câu nói như tát vào mặt những người có trách nhiệm với dân.

Người nuôi thủy sản hoang mang không biết sản phẩm nào đủ chất lượng, an toàn để sử dụng. Người dân chẳng còn biết thứ nào là thật thứ nào là giả, thứ nào có hại thứ nào ăn được. Một cuộc đánh lừa dân rất “ngoạn mục” của cơ quan nhà nước được gọi là Tổng cục thủy sản nên đổi tên thành “Tổng cục ăn cắp”.

(Bài viết của Văn Quang)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (28)
Vũ Văn An
23:07 14/08/2016
VIII. Hướng về nền văn hóa thương xót (tiếp theo)

2. Sự liên tục trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội

Từ lúc xuất hiện các vấn đề xã hội và các bất công đầy tai tiếng do cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19 gây ra, Giáo Hội Công Giáo đã khai triển giáo huấn xã hội của mình rồi. Trong diễn trình này, Giáo Hội rút tỉa từ giáo huấn công lý từng được khai triển khi tham chiếu Aristốt và đặc biệt, Thánh Tôma Aquinô. Sau những nhà tiền phong và khai phá như Đức Cha Wilhelm Emmanuel von Ketteler, các vị giáo hoàng, từ thông điệp Rerum Novarum (1891) của Đức Lêô XIII, đã đặt mình vào thế lãnh đạo phong trào xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Các ngài đã lên án các bất công xã hội và thúc đẩy việc khai triển ra nhà nước an sinh xã hội hiện đại (13).

Khởi điểm và nền tảng của giáo huấn xã hội Công Giáo là hình ảnh của Kitô Giáo về nhân loại, cụ thể, là phẩm giá vô điều kiện của mỗi hữu thể nhân bản và của mọi con người. Phẩm giá này được ban cho con người không phải bởi xã hội mà bởi chính Đấng Tạo Dựng và, do đó, nó bất khả xâm phạm và bất khả chuyển nhượng. Vì nó được ban chung cho mọi con người nhân bản, nên nhân phẩm bao hàm tình liên đới giữa mọi con người. Phẩm giá của mỗi người bao hàm quyền được đòi một cuộc sống nhân ái, tự do tự quyết và liên đới với mọi con người nhân bản khác. Nên ta có thể nói rằng tự do của mọi cá nhân và tự do chung của mọi người là nguyên tắc qua đó, giáo huấn xã hội Công Giáo đã được xây dựng. Tài nguyên quan trọng nhất không phải là sở hữu đất đai hoặc tư bản, mà là con người nhân bản với các khả năng nhận thức, sáng kiên và việc làm sáng tạo của họ.

Khởi đi từ viễn ảnh kép của tự do nhân bản và mối liên kết và trách nhiệm xã hội, Giáo Hội đã cổ vũ việc khai triển ra nhà nước an sinh xã hội hiện đại. Khởi điểm và nền tảng của giáo huấn xã hội Công Giáo là hình ảnh của Kitô Giáo về nhân loại, cụ thể, là phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người nhân bản và của mọi con người nói chung, một phẩm giá ban cho ta không phải bởi xã hội mà bởi chính Đấng Tạo Dựng. Bởi thế, giáo huấn xã hội của Giáo Hội khác biệt với cả chủ nghĩa tư bản tự do lẫn chủ nghĩa xã hội và cộng sản có tính ý thức hệ, vốn là các chủ nghĩa chủ trương xã hội hóa mọi sự. Theo giáo huấn xã hội của Giáo Hội, mọi người, trước nhất, phải chịu trách nhiệm đối với chính họ, nhưng mỗi người cũng phải có cơ may thực sự để đảm nhiệm trách nhiệm này cho bản thân họ.

Với những nguyên tắc trên, Giáo Hội không thể và cũng không muốn từ Tin Mừng, như Bài Giảng Trên Núi chẳng hạn, diễn dịch ra một chương trình xã hội cụ thể hay một loại cương lĩnh chính trị Kitô Giáo. Công Đồng Vatican II đưa ra lời bác bỏ thứ chủ nghĩa bao biện (integralism) như thế, mà thực chất là một thứ chủ nghĩa toàn trị Kitô Giáo (14), và Công Đồng cũng bác bỏ cả ý tưởng một nhà nước Công Giáo. Công Đồng bênh vực quyền độc lập hợp pháp của chính trị cũng như quyền độc lập của mọi vấn đề thế tục khác thuộc lãnh vực văn hóa (15). Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không phải là một hệ thống trừu tượng, đã hoàn tất, có tính diễn dịch. Đúng hơn, nó tìm cách suy tư các hoàn cảnh xã hội đang thay đổi của con người dưới ánh sáng các nguyên tắc nhân học Kitô Giáo. Bằng cách này, dựa vào cài hiểu của mình về con người nhân bản, Giáo Hội đã cố gắng giải đáp các thách đố của hoàn cảnh hiện đại vốn phát sinh từ việc kỹ nghệ hóa.

Vì nền kinh tế, cuối cùng, cũng phải xử lý với con người, nên quyền độc lập hợp pháp không có nghĩa: chính trị và kinh tế được trung lập về đạo đức. Nhà nước không được đưa ra các quyết định chỉ theo quan điểm quyền lực, duy trì quyền lực, thành công, hoặc lợi ích kinh tế. Nó phải hướng về nhân phẩm, các nhân quyền căn bản, luật lệ và công lý, ích chung, và hòa bình bên trong cũng như bên ngoài. Nhà nước phải thiết lập một khuôn khổ công lý tương ứng, trong đó, tự do cạnh tranh là điều khả hữu và, vì tự do và ích chung, điều này còn cần thiết nữa (16).

Đồng thời, ngày nay, vấn đề công lý giữa các thế hệ nhận được một ý nghĩa lớn hơn bao giờ hết. Thế hệ hiện nay không được đặt lên các thế hệ tương lai gánh nặng nợ nần công mà chính nó hoặc không sẵn sàng hoặc không có khả năng trả. Hơn nữa, khi duy trì công trình sáng thế, ta phải bảo đảm để lại cho các thế hệ tương lai một môi trường thiên nhiên có thể sống được một cách hợp với con người bằng cách cư xử một cách có trách nhiệm với thiên nhiên và các tài nguyên của nó. Công lý môi trường như thế bắt nguồn từ việc tôn kính đối với công trình sáng thế, vốn đặt căn bản trên các niềm tin Kitô Giáo về sáng thế. Các thiện ích của sáng thế đã được ban cho con người, thực sự cho mọi người, để họ sử dụng, nhưng cũng để họ bảo tồn nữa.

Khởi đi từ phẩm giá mỗi con người cá thể và chỗ đứng của họ trong xã hội, giáo huấn xã hội của các vị giáo hoàng, từ thời Đức Lêô XIII, đã rất đúng khi nhấn mạnh tới đòi hỏi công lý nhờ hai nguyên tắc phụ đới và liên đới, các nguyên tắc vốn bổ túc lẫn nhau.

Phụ đới coi trọng phẩm giá và quyền độc lập của con người. Bởi thế, sự trợ giúp của xã hội phải là sự trợ giúp hướng về việc tự giúp. Nó không được phá hoại hay can ngăn trách nhiệm và thành tựu cá nhân, mà đúng hơn, tạo cơ hội cho chúng. Do đó, lý tưởng không phải là một hệ thống xã hội thư lại nhằm qui định mọi sự. Nguyên tắc phụ đới có nghĩa: các đơn vị nhỏ hơn, nhất là đơn vị gia đình, và tiếp đến là các đơn vị có thể quản trị được, như các cộng đồng hoặc các hiệp hội, bất kể là được khai triển hay tự do, nên được làm mọi điều họ có khả năng làm bằng chính các phương tiện của họ. Các thực thể lớn hơn như nhà nước chỉ nên can thiệp để hỗ trợ hay ra luật lệ mà thôi khi đơn vị nhỏ hơn không còn khả năng tự cứu hoặc bị thuế khóa quá nặng. Sự can thiệp của chính phủ không nên giành quyền kiểm soát mọi việc và muốn qui định mọi việc theo cách trung ương tập quyền; đúng hơn, thay vì thư lại điều khiển các cá nhân, các thực thể nhỏ hơn hay sự dấn thân tự phát vì tinh thần công dân của các cá nhân, sự can thiệp này chỉ nên nâng đỡ và cổ vũ họ một cách khiến họ có thể hành động một cách có trách nhiệm và tự quản.

Liên đới coi trọng sự kiện này: con người nhân bản là một hữu thể xã hội. Nhưng, trước nhất, liên đới hệ ở thái độ và tác phong của một hữu thể nhân bản đối với một hữu thể nhân bản khác. Nó bắt đầu với những người cận kề mình, trong gia đình, khu xóm, hay trong vòng bạn bè, quen thuộc. Nguyên tắc gần gũi xã hội có ý nghĩa của cả tình bằng hữu lẫn sự ấm áp xã hội. Quá bên kia hai điều vừa kể, liên đới phải đóng ấn lên cơ chế chính trị như một tòan bộ và dẫn tới một trật tự công chính của tình liên đới được định chế hóa cho tòan thể cộng đồng. Điều này bảo đảm để mọi người được dự phần thích đáng vào sự thịnh vượng vừa được sản sinh.

Bất hạnh thay, cả hai nguyên tắc phụ đới lẫn nguyên tắc liên đới tại khu xóm ta đều bị làm cho suy yếu rất nhiều và bị thay thế bởi một hệ thống thư lại trung ương tập quyền, một hệ thống, thay vì cung cấp sự trợ giúp để người ta tự giúp mình, đã tạo ra sự lệ thuộc và, do đó, không hề phục vụ tự do hay phát huy các đơn vị xã hội đã có. Khi các hệ thống xã hội vượt quá các giới hạn hữu hiệu của họ, thì việc nhớ lại các căn bản trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội sẽ hữu ích rất nhiều. Trong diễn trình này, ý niệm thương xót của Kitô Giáo có thể nhận được một ý nghĩa mới mẻ, không hẳn như một thay thế cho ý niệm nhà nước an sinh, nhưng nằm trong các tham số của nó, như một bổ túc cho nó.

Thực vậy, các thông điệp xã hội của các vị giáo hoàng không dừng lại ở việc đòi hỏi công lý lúc nào cũng thích đáng. Chúng còn không ngừng nhấn mạnh rằng con mắt yêu thương và thương xót rất cần để kịp thời nhận ra các thách đố xã hội mới và các nguồn gây đau khổ; chúng cũng cho thấy chỉ có tình yêu mới cung cấp sự thúc đẩy cần thiết để ta mạnh mẽ đương đầu với các nhu cầu này và vượt qua chúng (17). Mặt khác, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người vốn hết sức tranh đấu cho nhân quyền và công lý, vốn thừa nhận rằng:

“Kinh nghiệm của quá khứ và của chính thời ta chứng minh rằng một mình công lý mà thôi không đủ, nó còn có thể dẫn tới việc bác bỏ và tiêu hủy nó nữa, nếu cái sức mạnh sâu sắc hơn kia, tức tình yêu, không được phép lên khuôn đời người trong các chiều kích đa dạng của nó. Cùng với nhiều điều khác, chính kinh nghiệm lịch sử đã dẫn tới việc đưa ra câu nói này: summum ius, summa iniuria [công lý lớn nhất, bất công lớn nhất]” (18).

Bởi thế, ngài đã nắm bắt ý niệm “nền văn hóa yêu thương” được Đức Phaolô VI nói ra đầu tiên. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng nhận ý niệm này làm riêng của ngài (19).

Trong thông điệp đầu tiên, Deus Caritas Est (2005) của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã đi thêm một bước quyết định vốn ít được đánh giá trước đó trong tầm ý nghĩa căn bản của nó. Ngài dã làm cho tình yêu, chứ không phải công lý, thành khởi điểm có tính hệ thống cho học thuyết xã hội của ngài (20). Trong thông điệp thứ ba, Caritas in Veritate (2009) của ngài, một thông điệp minh nhiên dành cho học thuyết xã hội, ngài đã minh nhiên coi tình yêu là con đường và là nguyên tắc chính trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội (21). Đối với ngài, tình yêu là nguyên tắc qui phạm, không phải chỉ trong các liên hệ vi mô: bằng hữu, gia đình và các nhóm nhỏ, mà còn trong các liên hệ vĩ mô nữa, nghĩa là trong các bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị. Bằng cách này, Đức Bênêđíctô XVI đã đưa một ý niệm quan trọng, phụ trội, vào giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Dĩ nhiên, không nên hiểu chữ tình yêu như một cảm tính hay như một cảm quan không hơn không kém. Nó bám rất sâu vào yếu tính nhân bản do Chúa ban cho ta. Do đó, nó có chiều kích hữu thể. Vì, theo xác tín Kitô Giáo, sự sống không phải là một sản phẩm hoàn toàn tình cờ, mà đúng hơn, là một hồng ân. Ta được tạo dựng do tình yêu và cho tình yêu. Vì sự sống có đặc tính của một hồng ân, ta sống nhờ hồng phúc chăm sóc nhưng không, hoàn toàn tự do của những con người nhân bản khác. Điều vừa nói không những bao hàm các hành vi chăm sóc vĩ đại, mà cả man vàn các dấu chỉ nhỏ mọn của lòng quí mến đối với người khác, trong đó, có việc hiến thì giờ và sự thông cảm.

Đương nhiên, tình yêu như nguyên tắc của học thuyết xã hội không thay thế công lý. Trái lại, công lý là thước đo tối thiểu của tình yêu, trong khi tình yêu là thước đo dư dật. Tình yêu không lùi lại phía sau công lý, nhưng vượt qua công lý mà ta vốn nợ người khác. Thành thử, nó không phải là điều thêm vào hay là phụ lục của công lý. Người khác, trong tư cách người, cậy nhờ không những thiện ích trần gian mà cậy nhờ cả hồng ân yêu thương nữa. Bởi thế, tình yêu, vốn nhân từ vượt quá điều được đòi hỏi cách hợp pháp, chính là hình thức công lý thích hợp với con người của người khác. Trong bối cảnh này, Đức Bênêđíctô XVI đã nói tới “luận lý học của hồng ân” (22).

Qua cách trên, Đức Giáo Hoàng đã tiếp nhận lời phê phán hậu hiện đại đối với thứ công lý thuần đối tác (transactional justice) và tham chiếu các ý tưởng nền tảng của Paul Ricoeur và Jean-Luc Marion liên quan tới vấn đề này (23). Điều này cho thấy thông điệp Caritas in Veritate, qua việc nó khai triển giáo huấn xã hội của Giáo Hội sâu rộng thêm, đã đạt tới tuyệt đỉnh của suy tư đương thời. Câu hỏi được thông điệp, do đó, đặt ra cho chúng ta là: các suy tư chủ yếu như thế sẽ dẫn ta đến đâu? Giờ đây ta phải xem xét câu hỏi này.

3. Chiều kích chính trị của tình yêu và lòng thương xót

Sẽ vượt quá khả năng của mình, khi tôi mưu toan rút tỉa, từ những điều trình bầy trên, các kết luận có tính toàn diện và cụ thể cho các lãnh vực cực kỳ phức tạp của sinh hoạt xã hội và kinh tế. Tôi sẽ tự giới hạn ở một số gợi ý mà thôi.

Từ tình yêu như một nguyên tắc của giáo huấn xã hội, ta có thể, trước nhất, rút ra các hình thức tiêu cực nhằm loại bỏ các cung cách hành xử mâu thuẫn với tình yêu và do đó, bị ngăn cấm bất cứ trong trường hợp nào. Giết người, trước nhất và trên hết, thuộc loại này. Điều này áp dụng vào tội sát nhân và diệt chủng cũng như sát hại trẻ chưa sinh và trợ tử (euthanasia)(một điều người ta thường hoa mỹ gọi là “chết với sự trợ giúp tích cực”). Việc ngăn cấm này cũng nối dài tới việc giam giữ trái luật, nạn nô lệ, cắt bỏ bộ phận thân thể, tra tấn, cướp bóc, bất công trầm trọng, áp bức, cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục, cả ghét khách lạ và kỳ thị đủ loại nữa. Việc ngăn cấm này cũng bao gồm nói dối, phỉ báng, và tuyên truyền cùng quảng cáo láo khoét, vốn gây hại nặng nề tới sự sống và tay chân người khác hay danh dự của họ hoặc cố tình khiến người ta lầm lạc. Ngoài việc buôn bán ma túy, một trong những chương hết sức đáng trách trong câu truyện này là việc buôn bán vũ khí đầy tai tiếng. Nó không ích lợi gì mà chỉ là giết người và phá hủy các thiện ích văn hóa và vật chất.

Khó khăn hơn cả là vấn đề chiến tranh. Mọi cuộc chiến tranh đều bao hàm giết chóc, tiêu diệt, và đau khổ, cho cả những người không chiến đấu. Chiến tranh như thế không thể là do Ý Thiên Chúa được; nó mâu thuẫn với khuôn dung tình yêu. Dưới ánh sáng giới răn yêu thương và, nhất là, mệnh lệnh yêu thương kẻ thù và từ khước bạo lực, liệu Kitô hữu và nếu có thì họ có thể tích cực tham dự các cuộc thù nghịch ra sao quả là một câu hỏi nghiêm trọng (24). Trong Giáo Hội sơ khai, các Kitô hữu từ khước việc phục vụ trong quân ngũ. Cho đến nay, nhiều Giáo Hội tự do cũng hành xử như thế, đó là các Giáo Hội tự gọi là hòa bình (Huynh Đệ Bôhêmiêng, Quakers, Mennonites). Đàng khác, điều xem ra nghịch lý là việc bênh vực các nhân quyền căn bản của chính ta hay của những cá nhân vô tội, nhất là phụ nữ và trẻ em, chống lại các lực lượng gây hấn và áp bức, có thể là một hành vi yêu người lân cận và, dưới một số điều kiện, là nghĩa vụ yêu thương người lân cận, miễn là mọi phương thế khác đã được dùng hết và được tiến hành một cách cân xứng.

Lý thuyết chiến tranh chính nghĩa (hay đúng hơn: chiến tranh chính đáng) do Thánh Augustinô thiết lập và được Thánh Tôma Aquinô khai triển thêm, trình bầy một thỏa hiệp đạo đức: Trong một thế giới bạo lực và thường xấu xa, vì hòa bình, việc chế ngự và dẹp bỏ sự ác rất có thể là một việc cần thiết. Theo chiều hướng này, ta có thể biện minh cho một cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ hoà bình như là ultima ratio (lý do tối hậu), nếu, sau khi đã dùng hết các phương thế khác, nó được sử dụng để bảo vệ các thiện ích nhân bản nền tảng; nhưng phải biết hạn chế bạo lực bằng cach chỉ sử dụng các phương thế thích đáng để đạt được mục tiêu này, nghĩa là, từ khước sự tàn bạo, các hành vi trả thù, và những điều tương tự; ngoài ra cũng phải có viễn ảnh vững chắc là sự việc sẽ tốt hơn, chứ không xấu hơn, do hành động thù nghịch hạn chế đem lại, nói cách khác, việc vãn hồi hòa bình là điều có thể đạt được. Điều này đúng miễn là chiến tranh phải là phương thế cuối cùng và phải có sự tương ứng trong việc sử dụng các phương tiện quân sự, cả trong trường hợp can thiệp vì lý do nhân đạo.

Vì sự phát triển trong hệ thống vũ khí hiện đại, nhất là vũ khí nguyên tử với sức mạnh tiêu diệt khủng khiếp của nó, một tình thế mới đã xuất hiện. Câu hỏi là liệu với những thứ vũ khí này, các điều kiện cho một cuộc chiến tranh chính đáng có thể được thỏa mãn hay không. Trong bối cảnh này, vì không thể thăm dò từng câu hỏi khó khăn và phức tạp có liên quan được, nên buộc ta dù sao cũng phải nói rằng phải vô điều kiện kết án và ngăn cấm một cuộc chiến tranh toàn diện, trong đó, có việc hủy diệt cả một thành phố hay cả một vùng cùng với dân chúng của họ (25).

Vì mục tiêu không phải là chiến tranh, cũng không phải là cuộc chiến tranh gọi là chính đáng, mà mục tiêu là hòa bình, nên ngày nay, người ta hay nói một cách thích đáng hơn tới hòa bình chính đáng hơn là chiến tranh chính đáng. Một nền hòa bình chính đáng không thể được xây dựng bằng lưỡi lê hay thiết giáp. Hòa bình là công trình của công lý (Opus justitiae pax, xem Is 32:17). Theo nghĩa này, ngày nay, người ta đang tìm cách khai triển không phải một đạo đức học chiến tranh, mà là môt đạo đức học hòa bình, mà mục đích là làm mọi sự để biến chiến tranh thành bất khả hữu, không những trong các trường hợp đặc thù, mà bất khả hữu ngay trong cơ cấu. Từ Đức Bênêđíctô XV, các vị giáo hoàng đã không ngừng cổ vũ cho nền chính trị hòa bình này (26). Công Đồng Vatican II đã một lần nữa tiếp thu ý tưởng này: “cho nên, nhiệm vụ rõ ràng của chúng ta là phải vận dụng mọi sức lực để làm việc mong đến ngày mọi cuộc chiến tranh đều bị sự nhất trí quốc tế đặt hoàn toàn ra ngoài pháp luật” (27). Nhiệm vụ này dẫn tới một nền chính trị hòa bình có tính phòng ngừa, là nền chính trị bao gồm việc loại bỏ các bất công, viện trợ để phát triển (Đức Phaolô VI: phát triển như qui chuẩn mới của hòa bình), cổ vũ việc chấp pháp và bảo vệ các nhân quyền căn bản, các quyền và bảo vệ các nhóm thiểu số, các thủ tục cho việc tìm kiếm công lý để quân bình các quyền lợi hợp pháp, đối thoại liên tôn và liên văn hóa, chế tài những người có thể tấn công, và nhiều điều khác. Điều kiện tiên quyết để thực hiện các điều này là một thẩm quyền siêu quốc gia, mà hiện nay chỉ có thể là Liên Hiệp Quốc.

Trên đây là những biện pháp quan trọng giúp ta đi theo hướng giới răn của Chúa Giêsu. Trong các diễn trình này, tình yêu và lòng thương xót chắc chắn có đủ tài nguyên để tìm ra, một cách ít bạo lực nhất, một trật tự công chính được mọi tham dự viên chấp nhận. Đây là một trách vụ không phải chỉ của riêng chính trị. Các Kitô hữu cá nhân, các nhóm và phong trào Kitô hữu (Hoà Bình của Chúa Kitô, Dịch Vụ Hành Động Hoà Giải vì Hòa Bình, Biến Gươm Giáo Thành Lưỡi Cày, Đất Người, Cộng Đồng Thánh Egidio, v.v…) có thể và cũng nên đóng góp nhiều và hữu hiệu cho hòa bình thế giới và tự chứng tỏ mình là những người kiến tạo hòa bình (Mt 5:9) bằng đối thoại, công trình hòa giải, các dịch vụ nhân danh hòa bình và phát triển, cho dù không có sứ mệnh chính trị.

Kỳ sau: 4. Tình yêu và lòng thương xót như nguồn cảm hứng và động viên
______________________________________________________________________________________________________________
(13) Oswald von Nell-Breuning và Johannes Schasching hiệu đính, Texte zur katholischen Soziallehre: Die sozialen Rundschreiben der Päpste und andere kirchliche Dokumente (Kevelaer: Butzon & Berker, 1989); K. Hilpert, “Sozialenzykliken”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 3, 9:763-65.
(14) Oswald von Nell-Breuning, “Integralismus”, Lexikon für Theologie und Kirche, ấn bản 2, do Josef Hӧfer và Karl Rahner hiệu đính (Freiburg: Herder, 1957-68), 5:717 tt.
(15) Gaudium et Spes, 36. Xem ghi chú 1 trên.
(16) Gaudium et Spes, 73tt.
(17) Đức Lêô XIII, Rerum Novarum (1891), 45; Đức Piô XI, Quadragesimo Anno (1931), 88; 137.
(18) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 12.
(19) Đức Phaolô VI, “Các Nhận Định Kết Thúc Năm Thánh 1975”, 145; “Sứ Điệp Dịp Cử Hành Ngày Hòa Bình, Nếu bạn muốn Hòa Bình, hãy bảo vệ Sự Sống” (1977); Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 14; Centesimus Annus (1991), 10; “Message for the Celebration of the World Day of Peace, An Ever Timely Commitment: Teaching Peace” (2004); Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in Veritate (2009), 33.
(20) Đức Bênêđíctô XVI, Deus Caritas est (2005), phần 2.
(21) Đức Bênêđíctô XVI, Caritas in Veritate (2009), 2; 6.
(22) Đã dẫn, 34; 37.
(23) Xem chương II, 1.
(24) Xem Gaudium et Spes, 74-84; Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, số 500tt.
(25) Gaudium et Spes, 80.
(26) Đức Bênêdíctô XV, Pacem, Dei Munus Pulcherrimum (1920); Đức Piô XII, Ad Petri Cathedram (1959); Đức Gioan XXIII, Pacem in Terris (1963); Đức Phaolô VI, Populorum Progressio (1967); Đức Gioan Phaolô II và các vị khác, các thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới.
(27) Gaudium et Spes, 81.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ráng Chiều
Nguyễn Bá Khanh
20:23 14/08/2016
RÁNG CHIỀU
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Đã hăm mốt giờ trời vẫn còn nắng
Mây xám bận rong chơi chưa chịu về
Ngày dài để cho nắng trải đam mê
Em mong nắng hãy còn đêm khoan xuống
Nhưng...hãy nhìn kià! Hằng nga luống cuống
Khép nép mình chờ nắng xuống lên ngai
(Trích thơ của Sương Anh)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 09–15/08/2016: Giáo Hội Nhật Bản tưởng niệm biến cố Hiroshima và Nagasaki
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:59 14/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sứ điệp của Tòa Thánh nhân biến cố Hiroshima và Nagasaki

Cha Michael Czerny, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã công bố một sứ điệp của Hội Đồng tại Hiroshima hôm 6 tháng 8 nhân kỷ niệm cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào các ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.

Sứ điệp có đoạn viết:

“Khi chúng ta tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử 71 năm trước đây, cầu xin Năm Thánh Lòng Thương Xót và lễ Chúa Biến Hình linh hứng, giảng dạy và hướng dẫn chúng ta.

Xin cho những biến cố này mở lòng chúng ta ra với lòng thương xót Chúa Cha trên trời để lòng nhiệt thành tràn ngập tâm hồn chúng ta. Nguyện xin ân sủng của sự tha thứ, hòa giải, đoàn kết và hy vọng chạm đến mỗi người chúng ta, mỗi cộng đồng đức tin và mỗi nhóm xã hội chúng ta gặp gỡ trên đường đời”.

2. Hội đồng Giám mục Nhật Bản cử hành ''Tuần Mười Ngày vì Hòa Bình''

Để hưởng ứng “Lời kêu gọi vì Hòa bình” mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra tại Hiroshima vào ngày 25 tháng 2 năm 1981, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản cử hành “Tuần Mười Ngày vì Hòa Bình” từ ngày 6 đến 15 tháng 8. Những ngày này được chọn vì liên quan đến ngày Tưởng niệm Vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki và Ngày kỉ niệm kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến cũng được tổ chức trong khoảng thời gian này. Năm nay đánh dấu lần thứ 35 chúng ta cử hành các sự kiện nói trên.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Nhật Bản viết rằng: “Nền hòa bình thế giới đã tan biến và liên tục bị đe dọa bởi các biến cố như cuộc chiến ở Syria, các hoạt động khủng bố của các thành phần cực đoan và những băng nhóm khác, các cuộc xung đột vũ trang liên quan đến việc muốn kiểm soát nguồn tài nguyên và các mưu đồ bành trướng bá quyền.

Nhiều người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ bị thiệt mạng hoặc bị thương, họ buộc phải rời khỏi quê hương xứ sở, không được hưởng một cuộc sống bình thường. Tấn công khủng bố xảy ra tại các thành phố lớn ở Âu Châu, Hoa Kỳ hoặc tại các quốc gia Hồi giáo. Nhiều người Nhật Bản đã trở thành nạn nhân”.

“Dựa vào năng lực của nhân loại và ơn Chúa giúp, chúng tôi muốn thực hiện lý tưởng cao đẹp trong việc loại trừ không chỉ vũ khí nguyên tử mà còn tất cả các loại vũ khí và mọi hình thức bạo lực trên khắp thế giới. Tại đất nước chúng tôi, chúng tôi không thể làm ngơ trước các vụ giết người xảy ra trên bình diện thường ngày, hoặc sự phân biệt đối xử dựa vào nguồn gốc xuất thân, văn hóa, giới tính, bạo lực gia đình, thù hận, tình dục hoặc quấy rối.

Nơi nào không có hoà bình thì nơi đó con người sẽ bị loại trừ, bị đô hộ, bị thiếu tôn trọng hoặc bị phân biệt đối xử. Bằng cách nỗ lực để mang đến sự viên mãn và hạnh phúc trong tâm hồn lẫn thể xác, trong công việc và đời sống riêng tư, và trong mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân nói riêng, chúng ta phải bắt đầu xây dựng hòa bình ở trong chính chúng ta. Chúng ta đều có thể làm điều đó và tất cả chúng ta phải làm điều đó. Đây chính là con đường chắc chắn để kiến tạo hòa bình thế giới”.

3. Ba tân linh mục được thụ phong trong trại tỵ nạn Erbil

Ngày 5/8 vừa qua, tại trại tị nạn Erbil đã diễn ra Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 3 thầy người Iraq.

Cha Roni Salim Momika, một trong 3 tân chức chia sẻ là sự kiện này đã biến thái độ sợ hãi của các Kitô hữu phải di tản thành niềm vui và cha hy vọng nó sẽ mang lại cho họ sức mạnh để ở lại quê hương mình.

Trại Aishty 2 ở Erbil là nơi tiếp đón khoảng 5500 người Iraq buộc phải di tản vì quân khủng bố Hồi Giáo IS. Ba tân chức được truyền chức cho Giáo Hội Công Giáo Syria, trong một nhà thờ rộng, với sức chứa khoảng 800 người, nhưng đã có 1500 người đến tham dự Thánh lễ truyền chức.

Khi chủng viện ở Qaraqosh bị đóng cửa sau vụ tấn công vào năm 2014, các chủng sinh được gửi đến chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li băng. Sau khi hoàn thành chương trinh, các chủng sinh trở về Iraq và được truyền chức phó tế ngày 19/3

Ngày 6/8 cũng là ngày kỷ niệm 2 năm quân khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào Qaraqosh, thành phố quê hương của cha Momika; họ đuổi khỏi thành phố những người không chịu cải sang Hồi giáo, phải đóng thuế hoặc đối mặt với cái chết. Kỷ niệm 2 năm là một nhắc nhớ cho sự tăm tối và tình trạng bất ổn ở Iraq, nhưng việc thụ phong Linh mục đã đem lại niềm vui và hy vọng.

Vào năm 2010, cha Momika đã bị thương trong một vụ đánh bom xe buýt chuyên chở các sinh viên Công Giáo từ bình nguyên Ninivê đến trường đại học Mosul, nơi họ theo học.

Cho đến nay, cha Mimoka sinh hoạt với giới trẻ và hướng dẫn nhóm phụ nữ ở trại tị nạn Erbil. Cha cho biết cha muốn ở bên những người tị nạn dù cho nguy hiểm đến mạng sống. Cha muốn mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh, hy vọng và can đản để tiếp tục cuộc sống của họ và ở lại với người nghèo và người đau khổ; đối với cha, yếu tính của vai trò và ơn gọi của cha là “mang Chúa Kitô đến cho con người”.

4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết thư cho một nữ tù nhân trẻ người Chilê

Cách đây một năm, một nữ tù nhân ở Chilê đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin cầu nguyện và chị đã ngạc nhiên khi nhận được thư trả lời của ngài.

Ngày 27/7 vừa qua, Đức Cha Luis Infanti, Giám mục địa phương nơi có nhà tù ở Coyhaique, vùng Aysén ở miền nam Chilê, đã đến thăm nhà tù và trao cho Nicol, một người mẹ trẻ đang ở tù, lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Câu chuyện băt đầu vào năm ngoái, khi Đức Sứ thần Tòa thánh Ivo Scapolo thăm nhà tù và đã gợi ý cho Nicol viết một lá thư cho Đức Giáo Hoàng và ngài sẽ chuyển cho Đức Giáo Hoàng. Trong thư, người phụ nữ trẻ đã kể cho Đức Thánh Cha nghe về tình trạng của cô ở trong tù cũng như bản án của cô. Cô đã xin ngài cầu nguyện nhiều cho cô và các tù nhân đang sống với cô ở đó.

Lá thư của cô Nicol ngay lập tức đã được chuyển đến Tòa Thánh và thư Đức Giáo Hoàng trả lời cho cô cũng được gửi đến Tòa sứ thần ở Chilê. Nhưng vì những trục trặc nên cô đã không nhận được lá thư của Đức Thánh Cha cho đến giữa tháng 7 năm nay.

Trong lá thư, Đức Thánh Cha đã cám ơn Nicol về sự tin tưởng của cô đối với ngài cũng như về lời cầu nguyện từ nơi giam cầm của cô và đó là điều ngài rất cần. Ngài cũng hứa chắc với cô là ngài nhớ đến cô và con trai Fernando trong lời cầu nguyện và xin Chúa ban cho cô ánh sáng đức tin và sức mạnh đến từ hy vọng, và cô có thể cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa xót thương trong sự gần gũi của những người cô yêu thương.

Nicol chia sẻ là cô không nghĩ là Đức Thánh Cha trả lời thư của cô và cô muốn thưa với ngài là cô đã lập gia đình và có một bé gái 2 tháng tuổi.

5. Tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng đạt 3 triệu người theo dõi

Sau 20 tuần sử dụng với 143 “post”, bao gồm các video, tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đạt đến con số hơn 3 triệu người theo dõi (followers).

Trong khi tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng được đăng bằng 9 ngôn ngữ khác nhau, tài khoản Instagram chỉ có một, nhưng mỗi “post” có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các followers của tài khoản @franciscus có thể theo dõi các hoạt động của Đức Thánh Cha nhờ các hình chụp các sự kiện chính thức do các thợ chụp hình của báo Osservatore Romano thực hiện.

Vào đầu năm nay, khi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha bắt đầu hoạt động, Đức ông Dario Viganò, Bộ trưởng bộ Truyền thông cho biết: quyết định mở một tài khoản Instagram xuất phát từ việc Đức Giáo Hoàng chắc chắn là các hình chụp có thể bày tỏ nhiều điều mà ngôn ngữ không thể làm được. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng là kể về lịch sử triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các hình ảnh.

6. Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Các Nữ tu thừa sai bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta sẽ được Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh vào Chúa Nhật 4-9 tới đây.

Lễ Phong Thánh sẽ được Đức Thánh Cha cử hành lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công Giáo, những công việc lòng thương xót.

- Thứ năm, 1-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.

- Thứ sáu, 2-9, sẽ có các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.

- Sáng thứ bẩy, 3-9, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.

- Sáng Chúa Nhật 4-9, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.

- Ngày thứ hai, 5-9, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.

Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8-2016, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này.

7. Vatican chuẩn bị phát hành tem Mẹ Têrêsa Cancútta

Hôm 5/8 , văn phòng phát hành tem thư và tiền cắc của Vatican đã thông báo về việc phát hành một loại tem bưu chính đặc biệt vào ngày 2/9, hai ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành lễ phong thánh cho Mẹ, ngày 4/9. Con tem có giá 0,95 Euro, có hình Mẹ Têrêsa với gương mặt nhăn nheo nhưng rạng ngời, mỉm cười, trong bộ trang phục sari trắng viền xanh. Trên con tem còn có hình Mẹ đang nắm tay một em bé.

Thông cáo viết: “Yếu đuối nhưng kiên định trong ơn gọi, Mẹ Têrêsa đã yêu Chúa và Giáo Hội với một sức mạnh tuyệt vời, với sự đơn sơ và khiêm hạ phi thường; bằng cuộc sống của mình, Mẹ đã vinh danh phẩm giá của sự phục vụ khiêm hạ nhất. Mẹ là một sứ giả khiêm nhường của Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô, được biết như một cây bút chì bé nhỏ trong bàn tay của Thiên Chúa, thi hành công việc của mình cách im lặng và luôn luôn với lòng mến dạt dào. Mẹ đã giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và bị bỏ rơi với sự cống hiến không mệt mỏi, trao ban những nụ cười và những cử chỉ đơn sơ, tìm ra sức mạnh để kiên trì trong ơn gọi trong cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa”.

Văn phòng tem cho biết sẽ in và bán tối đa 150 ngàn bản với 10 con tem mỗi bản.

8. Đức tin là nền tảng sự thành công của các gia đình Công Giáo

Nhân dịp kỷ niệm 32 năm thành lập phong trào giáo dân “Các đôi hôn nhân vì Chúa Kitô”, hàng chục gia đình Công Giáo đã họp nhau tại nhà thờ Chánh tòa Đức Mẹ Lên trời ở Kathmandu trong 3 ngày, cầu nguyện và chia sẻ những kinh nghiêm đức tin của chính họ. Phong trào “Các đôi hôn nhân vì Chúa Kitô” ra đời cách đây 32 năm nhắm truyền bá các giá trị của gia đình Kitô giáo, giúp người Công Giáo cũng như không Công Giáo trong đời sống đức tin và trong việc tìm kiếm việc làm.

Các gia đình chia sẻ là họ đã vượt qua những khó khăn nhờ đức tin. Gyan Rai, một phi công chuyên nghiêp chia sẻ: “Nếu tôi không phải là Công Giáo, tôi có lẽ đã đánh mất chính mình giữa những người sống trong bối rối và bị chết ngạt vì các vấn đề. Ngược lai, việc cầu nguyện chữa lành chúng tôi, gia tăng sự tin tưởng của chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi đến những thành công trong cuộc sống. Tôi tin là thành công thực sự ở trong đời sống thiêng liêng, đầy lời cầu nguyện và những tình cảm tích cực”. Josh B. Niraula là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng Kitô hữu ở Kathmandu và đang điều hành một số học viện giáo dục, cũng chia sẻ: “Để có những thành công trong các công việc chúng ta đang làm, chúng ta cần sự bình an và suy tư, những điều chúng ta đạt được với cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn là người hướng dẫn tôi và tôi không bao giờ làm điều gì khác ngoài sự hướng dẫn của Ngài”.

Theo Chirendra Satyal, phong trào “Các đôi hôn nhân vì Chúa Kitô” đã giúp ích cho rất nhiều đôi hôn nhân. Dù cho nghèo khổ, những vấn đề và sự bất ổn của đất nước, các gia đình Công Giáo sống cuộc sống tươi đẹp và tích cực trong công việc, và chính cầu nguyện soi sáng cho họ làm việc với người nghèo, với người bị gạt bên lề xã hội, và lời cầu nguyện phải ở trung tâm của tất cả.

Phong trào này cũng thu hút cả những người không Công Giáo. Dinesh Yọnan, dù không phải là tín hữu cũng đã tham gia 3 ngày sinh hoạt ở Kathmandu và chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc và cách sống của các tín hữu Công Giáo đã soi sáng cho tôi. Nhìn thành công của các gia đình Kitô giáo, tôi bắt đầu đến gần họ; tôi xin phép tham sự các buổi gặp gỡ của họ và họ đã cho phép tôi và tôi đã khám phá ra có nhiều người giống tôi. Bây giờ tôi ao ước cầu nguyện và đi theo Chúa Giêsu”.