Ngày 20-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Câu chuyện hay: Trên thân thể, bộ vị nào quan trọng nhất ?
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:09 20/08/2009
TRÊN THÂN THỂ

BỘ VỊ NÀO QUAN TRỌNG NHẤT ?


Hồi trước mẹ tôi thường hỏi tôi, bộ vị nào là quan trọng nhất trong thân thể ? Rất nhiều năm lại đây, tôi vẫn cứ cho rằng tất cả những điều mà mình nghĩ là đáp án chính xác.

Lúc còn nhỏ, tôi cho rằng nói theo cách của con người thì thanh âm là quan trọng nhất, do đó đã trả lời: “Mẹ à, lỗ tai là quan trọng nhất”, mẹ tôi nói: “Không đúng, có rất nhiều người bị điếc đó, nhưng con nên tiếp tục suy nghĩ, không lâu sau mẹ sẽ hỏi lại con”.

Lúc mẹ tôi hỏi lại thì cho đến nay đã qua nhiều năm rồi, từ câu trả lời lần thứ nhất, tôi liền suy nghĩ cách trả lời chính xác, cho nên lần này tôi trả lời với mẹ tôi: “Mẹ à, thị giác đối với mỗi người rất quan trọng, đó chính là con mắt của chúng ta”. Mẹ tôi nhìn tôi và nói: “Con học rất nhanh, nhưng vẫn chưa đúng, bởi vì có rất nhiều người bị mù”.

Trong mấy năm lại đây mẹ tôi lại hỏi tôi mấy lần nữa, nhưng rồi mẹ vẫn cứ nói: “Không đúng, nhưng con ạ, mỗi năm con mỗi tiến bộ”.

Năm ngoái ông nội tôi qua đời, ai cũng thương tâm, mọi người đều khóc.

Khi đến phiên chúng tôi làm lễ cáo biệt ông nội lần cuối, mẹ tôi nhìn tôi và hỏi: “Cưng, con có biết bộ vị nào quan trọng nhất trong thân thể không ?”- Mẹ tôi đem câu hỏi này để hỏi tôi trong lúc này, làm tôi giật mình, tôi vẫn cứ nghĩ rằng vấn đề này chỉ có giữa mẹ và tôi đùa giỡn mà thôi, mẹ nhìn tôi giống như mê hoặc và nói với tôi: “Vấn đề này rất quan trọng, nó chính là cái mà con đang thật sự bày tỏ trong cuộc sống”.

Tôi nhìn trong mắt mẹ đầy cả nước mắt, mẹ nói: “Cưng ạ, bộ vị quan trọng nhất chính là hai vai của con đấy”. Tôi hỏi: “Là tại vì nó đỡ nâng cái đầu của mẹ sao ?”

Mẹ trả lời: “Không phải, chính là vì nó có thể để bạn hữu chúng ta, hoặc người thân yêu của chúng ta khi khóc lóc thì có thể tựa vào. Cưng ạ, trong cuộc sống của mỗi người đều cần có một cái vai để tựa vào khi khóc lóc. Mẹ chỉ hy vọng là khi con cần, thì sẽ có người thân hoặc bạn hữu có thể cho con một cái vai, để con có thể tựa vào khi khóc lóc”.

Từ đó về sau, tôi biết bộ vị quan trọng nhất trong thân thể không phải chỉ lợi cho mình mà thôi, mà còn là -đối với thống khổ của người khác- cũng có thể cảm kích như chính mình vậy...

Suy tư:

Trên thân thể con người ta thì bộ vị nào cũng quan trọng, không bộ vị nào hơn kém nhau, vì Thiên Chúa đã tạo dựng như thế, nhưng quan trọng nhất chính là con người có nhìn nhận ra cái quan trọng trong cái không quan trọng, cái cần thiết trong cái không cần thiết ?

Cuộc sống con người thì buồn nhiều hơn vui, khổ cực nhiều hơn sung sướng, vậy mà con người vẫn cứ luôn muốn làm hại nhau, bởi vì không ai nhận ra tha nhân cũng là con cái Thiên Chúa như mình...

Con người ta ai cũng có hai cái vai, nhưng ai cũng nghĩ rằng vai là để gánh vác, cũng có nghĩa là chịu trách nhiệm cho nên vẫn cứ lạnh lùng với người khác vì sợ nặng vai (trách nhiệm), nhưng ít người nghĩ rằng hai cái vai còn có một ích lợi rất quan trọng khác, đó là điểm tựa của những cái đầu vì đau khổ vì thất vọng mà gục xuống...

Đầu của Chúa Giê-su gục xuống trên thánh giá không có điểm tựa để dựa vào, đó là một hình ảnh sống động nhất của sự đau đớn tột cùng, và cũng là một lời nhắc nhở chúng ta: hãy là điểm dựa của những tâm hồn đau khổ, đó chính là một trong những sứ điệp tình yêu của Chúa Giê-su trên thánh giá vậy.

Bộ vị nào trong thân thể cũng quan trọng, cũng như tất cả mọi con người đều có phẩm giá quan trọng như nhau, do đó mà tất cả mọi cái vai đều có bổn phận trở thành điểm tựa cho người anh em chị em đau khổ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Linh Mục nguồn gốc trong Tân Ước
LM Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.
00:42 20/08/2009
Từ Ngữ Và Vai Trò Lãnh Đạo

Trong bài trước, chúng ta đã bàn đến gốc của danh từ Linh Mục. Trong Thánh Kinh viết bằng tiếng Hi Lạp, họ dùng từ hiereus để chỉ Tư Tế của Do thái giáo và các dân ngoại.

Ngay trong Tân Ước, danh từ này cũng được dùng nhưng hạn chế trong thư gởi tín hữu Do Thái, thư 1 và 2 Phêrô và sách Khải Huyền. Tác giả của những thư trên dùng từ này để chỉ chức năng của một dân tộc hơn là cá nhân. Vì thế, nếu căn cứ vào danh từ chỉ chức năng cá nhân, chúng ta thấy vắng bóng hình ảnh Linh Mục (hiereus) trong Tân Ước. Mặc dù người đọc tìm thấy nhiều danh từ nói đến chức năng Tư Tế trong Do thái giáo cũng như ngoại giáo, nhưng không thấy nhắc đến Tư Tế/ Linh Mục là Kitô hữu hay trong Kitô giáo.

Khi không dùng danh từ hiereus, các tác giả Tân Ước dùng một từ khác để chỉ một chức năng tương tự trong cộng đồng Kitô hữu mới hình thành: presbyteros [1]. Chính từ này được dịch là Linh Mục ngày nay nên chúng ta cũng nên tìm hiểu nguốn gốc từ này trong lịch sử.

Như trong bài trước đã nói đến, từ “presbyteros” (nghĩa đen là “người lớn tuổi”) được dùng trong Kinh thánh chỉ những người đóng vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn Israel hơn là nhắm đển tuổi tác của họ.

Về mặt xã hội, thông thường những người lớn tuổi (Trưởng Lão - Bô Lão) thường là người đứng đầu một bộ tộc, hay chi họ, dù không nhất thiết là như thế. Họ cũng là những cố vấn của vua, của các quan quyền trong kế hoạch đất nước, nhất là khi có chiến tranh.

Thời Chúa Giêsu, từ “presbyteros” được dùng trong những cộng đoàn Do Thái lưu vong để chỉ những công dân được kính trọng, hay những nhà lãnh đạo cộng đoàn.

Trong Tân Ước, ta không đọc thấy danh từ này trong bốn phúc âm và trong các thư của thánh Phaolô, [2] nhưng ta thấy trong Công Vụ Tông Đồ, sách Khải Huyền, thư của Gioan, Timôthê, Titô và Giacôbê.

Thánh Luca dùng từ này nhiều lần trong Công Vụ Tông Đồ để nói đến vai trò lãnh đạo chính của cộng doàn, và thường là một vài người đồng lãnh đạo chứ không là một cá nhân. [3] Trong các thư của Timotê và Titô, danh từ presbyteros được dùng đồng nghĩa để chỉ một chức năng, một con người với từ episkopos.

Từ những bằng chứng trên, các nhà kinh thánh suy luận rằng, trong Tân Ước có nhiều danh từ khác nhau được dùng để chỉ vai trò lãnh đạo trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, tuy nhiên danh từ “Tông Đồ” và “Nhóm Mười Hai” là hai danh từ phổ biến và có ý nghiã quan trọng nhất. Ngoài Tin Mừng Gioan, cả ba thánh sử đều dùng 2 từ này. [4]

Thật ra, trong Tân Ước có nhiều danh từ nói lên vai trò lãnh đạo cộng đoàn như: thánh sử, thầy dạy, ngôn sứ và tôi tớ (hypèretès). Danh từ Mục Tử được dùng với ý là lãnh đạo mục vụ trong thư gởi Ephêsô, và “Thầy Giảng” (kèryx) cũng được dùng tương tự trong 1 và 2 Timôtê và Titô.

Qua nhiều danh từ dùng bởi nhiều tác giả hay cộng đoàn khác nhau, ta có thể kết luận rằng trong Tân Ước thời sơ khai, vai trò và chức năng giám mục và linh mục không rõ ràng với những phân biệt cụ thể như ta hiểu ngày nay. Những khác nhau về danh xưng trong nhiều cộng đoàn cũng nói lên quá trình tìm kiếm một danh xưng thích hợp và được chấp nhận bởi Giáo hội trong thời gian sơ khởi này.

Nói như thế chúng ta không từ chối lời dạy của Giáo hội trong Giáo lí Công Giáo là Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh, Truyền chức cho các Tông đồ/ Giám Mục, và các ngài tiếp tục truyền chức cho những người kế vị. Cái khác nhau là: một bên tìm hiểu về mặt lịch sử của chức Linh Mục, một bên nhắm đến thần học tính của chức Linh Mục. [5]

Dù thần học đi đối với lịch sử, vì lịch sử luôn là kết qủa của những tiến triển của thời gian và trong thời gian, nhưng thần học vượt thời gian, và được mặc khải trong thời gian, nhưng không nhất thiết phải luôn luôn là như vậy.

Chúa Giêsu Thượng Tế/ Linh Mục Thượng Phẩm

Giáo lí Công giáo dạy rằng chức Linh Mục của Chúa Kitô là điểm khởi đầu của những hiểu biết về chức năng Linh Mục. Về phương diện thần học, đây là điều không có gì tranh cải.

Nhưng về phương diện lịch sử, chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu Kitô không là một dấu hiệu tự nó đầy đủ để chứng minh những hiểu biết về chức năng Linh Mục ngày này. Nói cách khác, có nhiều diễn biến lịch sử về ý nghĩa chức năng Linh Mục được Giáo hội dạy mà ta không tìm thấy trong Kinh thánh hay trong vài thế kỉ đầu của Giáo hội.

Ví dụ, nhiều thần học gia Tin Lành lí luận rằng trong Kinh Thánh không nói đến chức Linh Mục như ta thấy ngày nay. Hay họ lí luận là Chúa Giêsu không thuộc dòng dõi Levi, và không là thầy Rabbi hay thành viên Pharisiêu, mà chỉ là một người dân bình thường trong xã hội Do thái, nên khi hiểu chức năng Linh Mục theo nghĩa bóng, họ cắt nghĩa rằng mọi người đều mang chức năng này, và không nhất thiết chỉ là những người được chọn để được tấn phong. Hơn nữa, hình thức tấn phong một linh mục (hay mục sư) chỉ là hình thức hành chính để quản trị hơn là về căn tính thần học của bản chất Linh Mục. [6]

Nhưng nhìn chung, những thần học gia Kitô giáo (Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành…) đều có một cái nhìn khá giống nhau về chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu.

Trước hết về mặt lịch sử, Chúa Giêsu được gọi là Linh Mục chỉ tìm thấy trong thư gởi tín hữu Do thái. Trong thư, tác giả so sánh hình ảnh Chúa Giêsu là Thượng Tế với Thượng Tế Do thái vào nơi Cực Thánh trong đền thờ mỗi năm một lần để hiến tế máu chiên làm lễ đền tội cho mình và cho dân (Heb 9:6-7).

Tuy nhiên, (nhất là với những ai hiểu chức năng Linh Mục ngày nay), ta không thấy tác giả liên kết Chúa Giêsu Thượng tế/ Linh Mục với Thánh Lễ hay Bữa Ăn Cuối Cùng, cũng như không nhắc đến rằng những Kitô hữu khác cũng là những Tư Tế/ Linh Mục (tư tưởng được anh em Tin Lành khai thác nói đến tính Linh Mục cộng đồng trong mọi Kitô hữu đã chịu phép thanh tẩy).

Hơn nữa, trong câu “chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Heb 10:10; và 7:27), cụm từ “Chỉ Một Lần Là Đủ” cắt nghĩa được tại sao không có hình bóng những Linh Mục khác trong Tân Ước: vì họ chỉ muốn nói đến một Giêsu Linh Mục/ Thượng Tế mà thôi, và không còn ai khác.

Ta cũng nên biết là thư gởi tín hữu Do Thái có thể được viết sau khi Jerusalem bị tàn phá (năm 70 AD). Vì không còn đền thờ nên Thượng Tế không còn vào đền thờ để dâng lễ hằng năm nữa. Do đó, chức năng dâng của lễ trong đền thờ để này tạm thời ngưng hoạt động. Ý nghĩa “Chỉ Một Lần Là Đủ” được hiểu rõ hơn trong hoàn cảnh lịch sử này, nghĩa là, lúc này các Thượng Tế không còn dâng lễ trong đền thờ, nhưng Đức Giêsu Kitô Thượng Tế đã làm thay “chỉ một lần là đủ” cho nhân loại.

Thứ hai, tư tưởng thần học đàng sau cách hiểu chức năng Tư Tế/ Linh Mục trong thư gởi Do thái là điều quan trọng và căn bản. Các thần học gia Kitô giáo đề cao chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu khi Ngài dâng lễ cầu nguyện và đền tội thay cho mọi người (Heb 10:12).

Theo quan niệm này (và là quan niệm mới, vì Tư Tế dâng của lễ chứ không dâng mình làm của lễ cho dân bao giờ) thì không đòi hỏi phải có những điều kiện như sinh ra trong dòng họ Levi, hay không cần dâng lễ vật ở nơi thánh thiêng như đền thờ, hay không theo một nghi thức nào. Đây là một bước ngoặt trong lối diễn giải sự liên kết chức năng Tư Tế/ Linh Mục của Cựu Ước với con người Đức Giêsu Kitô, và mở ra một chân trời mới cho cách hiểu về chức năng Tư Tế/ Linh Mục cho những người theo Ngài sau này. Nói cách khác, trong khi chức năng Tư Tế/ Linh Mục của Chúa Giêsu và các môn đệ là sự tiếp nối những gì được hứa và nói đến trong Cựu Ước, chức năng này không phải bị gò bó trong những luật lệ cũ giới hạn trong Do Thái giáo.

Thứ ba, nếu cách hiểu về chức năng Tư Tế/ Linh Mục trong thư gởi Do thái được xem là điểm khởi đầu về thần học Linh Mục, nghĩa là Chúa Giêsu Thượng Tế “vừa dâng lễ, vừa là của lễ”, thì rõ ràng thánh Phaolô đã có cùng một quan điểm thần học này cho dù Ngài không dùng danh từ này trong thư Ngài viết. [7]

Ngoài thánh Phaolô, trong Tân Ước nói chung, các thánh sử đều nhìn cuộc đời và cái chết Chúa Giêsu trên thánh giá như một hiến tế có tính cách tôn giáo (tư tưởng chết cho tội người khác, và chịu đau khổ vì người khác). Nhiều tác giả Tân Ước nói đến Chúa Giêsu là mục tử hay chủ chiên. Ví dụ, tác giả thư 1 Phêrô gọi Ngài là “Vị Mục Tử tối cao” (1 Pet 5:4), là Mục tử (1 Pet 2:25), là “Chiên vẹn tuyền, không tì ố” (1 Pet 1:19) dâng lên đền tội thế gian.

Những tư tưỏng này cùng được tìm thấy trong Tin Mừng Gioan nhiều lần khi Chúa Giêsu nói: ta là mục tử nhân lành, hi sinh mạng sống vì chiên (Jn 10:11-12), để gánh tội trần gian (Jn 1:29),

Thứ tư là trong khi thần học Tân Ước nhấn mạnh yếu tố chính của chức năng Tư Tế/ Linh Mục là cầu nguyện và dâng lễ vật, các thánh sử và các tác giả khác cũng không tách biệt mà còn gắn liền năng quyền Tư Tế với năng quyền Ngôn Sứ và Vương Đế như một phần bản năng của chức Linh Mục Chúa Giêsu.

Chẳng hạn thánh Gioan khi nói đến Thượng Tế là người dâng lễ đền tội cho dân, và là của lễ đền tội cho dân, thánh sử nói đến thịt và máu Con Người trở thành của ăn và của uống cho người khác (Jn 6:53-56). Thánh sử Gioan cũng nói đến vaì trò Ngôn Sứ như Thầy Dạy vì “chiên nghe và đi theo chủ” (Jn 10:27-28). Và tư tưởng vương quyền cũng được Gioan đề cao với cái chết của Chúa Giêsu khi bản án trên thánh giá có ghi: “vua dân Do thái” (Jn 19:19), và khi Chúa Giêsu nói với Philatô: “nước ta không thuộc về chốn này” (Jn 18:36).

Những tư tưởng này cũng được nhấn mạnh trong các thư của thánh Phaolô, trong thư 1 Phêrô, thư của Gioan và nhất là trong thư gởi Do Thái.

Trong thư gởi Do thái, chức năng Tư tế của Chúa Giêsu Kitô bao gồm vìệc Ngài được Chúa Cha chọn và tôn vinh (5:4-6), việc Ngài vâng phục (5:7-8), và chết để đem lại ơn cứu chuộc (9:15), và việc Ngài bầu cử cho chúng ta trên thiên đàng (7:25). Chức năng Ngôn Sứ của Chúa Giêsu Kitô được nói đến vì Ngài là con mà Thiên Chúa chọn để nói qua Ngài (1:1-2). Chức năng Vương Quyền được hiểu không chỉ thuộc dòng dõi Aaron hay Lêvi (để ứng nghiệm kinh thánh) nhưng là của dòng Menkisêdê, “vua của công chính” (7:2). Đồng thời Ngài cũng là vị Mục Tử cao cả đổ máu ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu cho chiên Ngài (13:20).

Tóm lại, theo thư gởi Do thái và tư tưởng thần học của những tác giả Tân Ước, vai trò Linh Mục của Chúa Giêsu được hiểu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vì tội làm con người xa Thiên Chúa, và con người không tự mình có khả năng làm hoà với Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã là Đấng mở đầu bằng việc cho Con Chúa xuống thế: “Thiên Chúa trong Đức Kitô, hoà hợp thế gian với Ngài” (2 Cor 5:19). Và vì sứ mạng của Ngài là chữa lành căn tính băng hoại của chúng ta qua việc mặc lấy chính nó, Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác yếu hèn, chịu đói khát, cực khổ, cám dỗ, hành hạ (Mt 8:17; Is 53:4), để không có gì mà Ngài không biết (Heb 4:15).

Danh Từ Linh Mục/ Tư Tế Được Hiểu Trong Tân Ước

Đa số những nhà Kinh Thánh ngày nay cho rằng trong Tân Ước, danh từ Tư Tế/ Linh Mục (hiereus) được dùng với 3 cách hiểu khác nhau.

Trước hết, đây là một từ chuyên môn dùng cho Tư Tế Do thái, và được nói đến vài lần trong Tân Ước. [8]

Thứ hai, chỉ trong thư gởi tín hữu Do Thái gọi Chúa Giêsu là Tư Tế (hiereus) với một vài điểm đáng chú ý. Một là Chúa Giêsu “trở nên” Linh Mục khi ngài vào nơi Cực Thánh, tức trong thư gởi Do Thái nói đến “sau khi sống lại từ cõi chết” và đến ngồi bên phải Chúa Cha. Theo cách hiểu này, Chúa Giêsu là Linh Mục trên trời chứ không là Linh Mục khi còn dưới thế. Hai là Chúa Giêsu “trở nên” Linh Mục chứ không “sinh ra là” Linh Mục như trong dòng dõi Lêvi, mà Ngài theo dòng Menkisêđê. Như thế Chúa Giêsu thay thế chỗ cho Tư Tế Do Thái dâng lễ trong đền thờ, và những ai theo Ngài cũng không cần Tư Tế nữa, vì chính Ngài ngự bên Chúa Cha để cầu nguyện cho họ luôn. Ba là tính duy nhất của Chúa Giêsu Linh Mục. Nghĩa là, chỉ có Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất trung gian giữa Thiên Chúa và con người (Heb 7:26; 9:28; 10;10).

Thứ ba, có 3 lần danh từ Tư Tế/ Linh Mục (hiereus) được áp dụng cho những ai theo Chúa Giêsu. Trong 1 Peter 2:5 mời gọi mọi người “trở nên tư tế thánh thiện”. Trong 1 Peter 2:9 nhắc nhở: “anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” Trong sách Khải Huyền nói: “Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (5:10)

Chính 3 đoạn văn trên áp dụng Tư Tế/ Linh Mục cho mọi người đã đem lại nhiều tranh cải giữa các nhà thần học.

Martin Luther và John Calvin (cha đẻ của các giáo phái Cải Cách Tin Lành) cho là mọi người đều là Tư Tế/ Linh Mục, và không có sự chọn lựa hay phân biệt. Công đồng Trentô (1545-1563) của Giáo hội Công Giáo phủ quyết lời dạy này, và cho là chức này chỉ dành riêng cho một số được chọn lựa mà thôi, nghĩa là, chỉ những ai chịu chức mới thật sự được hiểu đúng nghĩa Tư Tế/ Linh Mục. [9]

Tại Sao Ta Không Tìm Thấy Từ “Linh Mục” Trong Tân Ước Và Trong Những Cộng Đoàn Tiên Khởi

Đọc Kinh thánh và lịch sử Giáo Hội, ta không thấy từ “Linh Mục” được dùng để chỉ những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội. Câu hỏi là tại sao?

Dù không có giải thích nào tự xưng là có thể cắt nghĩa đầy đủ về lí do sự vắng bóng của danh từ Tư Tế/ Linh Mục được dùng trong Tân Ước và trong thời kì đầu Giáo hội, nhiều nhà Kinh Thánh cũng cố gắng chú thích tư tưởng này dựa theo những dữ kiện chứa đựng trong Tân Ước, với những phương pháp phê bình luận thiết thực để làm sáng tỏ vấn đề.

Cách giải thích được nhiều người chấp nhận là trong thời kì đầu, hình ảnh con người và chức năng Tư Tế của Do Thái giáo lúc đó có nhiều hoen ố nên không được nhiều người kính nể. Chẳng hạn như Tư Tế bấy giờ thi hành quyền lực hơn là phục vụ, hay Tư Tế không chuyên tâm vào việc thờ phượng.

Với tư tưởng này, vì các Kitô hữu tiên khởi không chấp nhận vai trò Tư Tế trong Do Thái giáo nên họ cũng không muốn những nhà lãnh đạo của họ phản ánh hình ảnh tiêu cực đó. Kết qủa là họ không muốn gọi người lãnh đạo cộng đoàn mình bằng danh từ Tư Tế/ Linh Mục.

Và đây là có thể là lí do đưa đến việc các sách trong Tân Ước không dùng từ này để chỉ những người lãnh đạo cộng đoàn.

Đến cuối thế kỉ thứ hai, danh từ Tư Tế/ Linh Mục bắt đầu được phục hồi để chỉ những người lãnh đạo cộng đoàn. Đây là một thay đối quan trọng trong những phát triển của phẩm trật Giáo hội.

Kết Luận:

Khi nói về vai trò lãnh đạo trong Giáo hội sơ khởi, dù ta không tìm ra danh từ “Tư Tế” hay “Linh Mục” trong Tân Ước để chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tông đồ hay các Kitô hữu, nhưng tư tưởng thần học căn bản được nói đến trong Tân Ước, rằng Chúa Giêsu Kitô là (1) Tư Tế/ Linh Mục dâng của lễ đền tội; (2) là chính của lễ đền tội (hay của ăn nuôi sống người khác); (3) là trung gian giữa Thiên Chúa với con người; (4) là Đấng cầu bầu cho con người trên Thiên Đàng.

Chỉ trong và qua Đức Giêsu Kitô Linh Mục, căn tính và chức năng Linh Mục mới thật sự được hiểu và có ý nghĩa.

Chú thích:

[1] Nên nhớ là từ presbyteros (Hilạp) dịch ra Latin là presbyter (và sang tiếng Anh “priest”, tiếng Pháp “prêtre”, tiếng Đức “priester”. Trong khi đó, từ nguyên gốc chuyên môn hiereus của Hilạp được dịch qua Latin sacerdos có mang tính hiến tế. Từ Presbyteros không có nghĩa hiến tế cho bằng nói đến những người lãnh đạo cộng đoàn (mà trong Tân Ước ngày nay dịch là Kỳ Mục - từ dịch tương đương nghĩa của episkopos).

[2] Thật ra trong Mt, Mk, Lk có dùng từ presbyteros, nhưng họ hoàn toàn không dùng để chỉ lãnh đạo cộng doàn Kitô hữu, hay nói đến CGS, mà nói đến Tu Tế Do thái mà thôi. Riêng với Phaolo, kể các tác giả thư Colôsê và Ephêsô mà ngày nay ta tin là viết thay cho Phaolô, cũng không dùng.

[3] Trong Công Vụ Tông Đồ, Luca có nói đến từ episkopos, nhưng dung từ presbyteros thường xuyên hơn.

[4] Đây là hai danh từ nói đến vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn. Với vai trò nhân chứng hay là những người theo Đức Giêsu Kitô, từ “Môn Đệ” được thánh Gioan dùng với một ý nghĩa đặc biệt. Và thánh Phaolô cũng dung nhiều từ khác nhau để mô tả vai trò lãnh đạo: ngôn sứ, thấy dạy, phó tế, tôi tớ, cha, giám thị (proistamenos) và phụng vụ (leitourgos). Đặc biệt là sau khi Chúa Giêsu Sống Lại, Nhóm Mười Hai đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng họ dần dần rút lui, và sau chương 12 cúa Công Vụ Tông Đồ, họ biến mất và nhường chỗ cho Paul và những tông đồ khác.

[5] Nhiều nhà Kinh thánh Tin Lành lên tiếng rằng trong Tân Ước, ta không đọc thấy chỗ nào nói đến Nhóm Mười Hai được gọi là giám mục hay linh mục, hay chi tiết hơn là không có việc họ được phong chức làm giám mục hay linh mục. Họ cũng lí luận rằng nếu ta tìm thấy có những liên quan đến chức năng này là vì ta đọc Tân Ước với cái nhìn ngược lại trong lịch sử. Nghĩa là, ta đọc Kinh thánh với phương thức eisegesis (đọc theo nội dung Tân Ước) chứ không exegesis (là chú thích nội dung, hay để cho bản văn nói chuyện với mình). Giáo hội Công giáo lien kết mật thiết Bữa Ăn Cuối Cùng và việc thiết lập chức vụ Linh mục.

[6] Chúng ta sẽ bàn về chức năng linh mục cộng đồng của mọi Kitô hữu và chức năng linh mục của những người được tuyển chọn để phục vụ công việc tông đồ của Giáo hội (tức các linh mục ngày nay) trong một bài khác.

[7] Tư tướng Chúa Giêsu Linh Mục được nhắc đến nhiều lần và nhiều cách trong các thư thánh Phaolô, khi Ngài nói đến sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu chuộc cho con người. Thánh Phaolô không ngừng nhắc nhở rằng sau khi sống lại, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha vinh quang và đặt bên phải để Ngài thi hành chức năng Tư Tế/ Linh Mục là tiếp tục công việc tự hiến mình và chuyển cầu cho chúng ta (Rom 8:34). Thánh Phaolô cũng nói đến [6] Chúa Giêsu “đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” (2 Cor 13:4).

[8] Tiếng Do Thái gọi Tư Tế là kôhèn (và tiếng địa phương Chúa Giêsu nói Aramaic cũng dùng từ này). Trong thời kì Chúa Giêsu, văn chương Do thái (và rõ nhất là các sách Tân Ước) được viết bằng tiếng Hi lạp. Các tác giả Tân Ước dùng từ hiereus (Hi Lạp) để dịch chữ kôhèn.

[9] Chúng ta sẽ bàn đến lời dạy của công đồng Vatican II rằng “mọi thành viên chịu phép rửa đều có chức năng tư tế cộng đồng” (Lumen Gentium 10-13) trong một bài khác.
 
Lòng sùng kính Mẹ Maria
LM. Anphong Trần Đức Phương
01:05 20/08/2009

LÒNG SÙNG KÍNH MẸ MARIA



Lòng sùng kính Mẹ Maria giúp chúng ta thêm lòng “Mến Chúa”. Lòng sùng kính Mẹ Maria giúp chúng ta thánh hóa bản thân qua việc chiêm niệm các nhân đức tuyệt vời của Mẹ, nhất là lòng khiêm nhường, khó nghèo, vị tha, đời sống khiết tịnh trong bậc tu trì, và vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự. Lòng sùng kính Mẹ Maria cũng giúp chúng ta thêm lòng “Yêu Người” để củng cố tình yêu vợ chồng, cha mẹ và con cái, cũng như nhiệt thành trong các công tác xã hội, các việc từ thiện giúp những người nghèo khó, bệnh tật, những người gặp cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Trong một ngày, chúng ta thường dâng kính Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Côi (đọc riêng hay đọc chung, ở Nhà Thờ hay tại tư gia, hay khi đi đường). Theo truyền thống từ lâu đời và cũng là thói quen rất tốt lành, chúng ta thường nguyện kinh “Truyền Tin” vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều để tưởng nhớ giây phút quan trọng “Ngôi Lời xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria”. Vào Mùa Phục Sinh (từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), thì chúng ta nguyện kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng…” Hiện nay, nhiều người, nhiều ‘nhóm cầu nguyện’ cũng thường dành thời giờ kết hiệp với Mẹ Maria để suy ngắm Lòng Thương Xót Chúa (những ai có thể được, thì làm vào khoảng 3 giờ chiều, giờ Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá).

Hàng tuần, Giáo Hội kính Đức Mẹ vào ngày Thứ Bảy; đặc biệt ngày Thứ Bảy đầu tháng ( kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới).

Hàng năm, có hai tháng đặc biệt kính Mẹ Maria: Tháng 5 và Tháng 10. Tháng Năm thường gọi là Tháng Hoa, vì là tháng hoa nở nhiều, chúng ta hái hoa tươi tốt để dâng kính Mẹ. Tại Việt Nam cũng như tại các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngọai, chúng ta thường có những buổi ‘Rước Kiệu’ và ‘Dâng Hoa’ vào cuối tuần, thường là trước Thánh Lễ, để tôn vinh Mẹ và dâng kính Mẹ những tràng hoa tuơi đẹp cùng với các bản Thánh Ca, hoặc các bài ‘Vãn’ với những lời và nhạc rất có ý nghĩa và đạo đức.

Tháng 10, thường được gọi là Tháng Mân Côi, vì trong tháng này, chúng ta thường dâng lên Mẹ những tràng Chuỗi Mân Côi qua việc suy ngắm các Mầu Nhiệm VUI, ÁNH SÁNG, THƯƠNG và MỪNG trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. (Về việc lần Chuỗi Mân Côi, chúng tôi đã trình bày trong những bài viết trước đây).

Trong suốt năm Phụng Vụ (bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng), Giáo Hội dành nhiều ngày lễ kính Mẹ Maria. Sau đây là những ngày Lễ đặc biệt dâng kính Mẹ Maria trong năm Phụng Vụ của Giáo Hội Hoa Kỳ:

Ngày 8/12: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Bổn Mạng Giáo Hội Hoa Kỳ, Lễ Trọng và Buộc); ngày 12/12: Lễ Đức Mẹ Guadalupe (Lễ Nhớ); ngày đầu Năm Dương Lịch (1/1): Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa (Lễ Trọng và buộc); ngày 2/2: Lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh (thường gọi là Lễ Nến - Lễ Kính); ngày 11/2: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức; ngày 25/3: Lễ Truyền Tin (Lễ Trọng, nếu trùng vào ngày Chúa Nhật, thì chuyển vào ngày Thứ Hai tiếp theo, nếu trùng vào Tuần Thánh hay Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh thì cũng chuyển vào Thứ Hai tiếp theo); ngày 13/5: Lễ Đức Mẹ Fatima (Lễ Nhớ); ngày 31/5: Lễ Đức Mẹ Đi Thăm Bà Thánh Elizabeth (Lễ Kính); Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ (Lễ Nhớ, thường được mừng vào ngày Thứ Bẩy tuần II sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống); ngày 16/7: Lễ Đức Mẹ Núi Camêlô (Lễ Nhớ); ngày 5/8: Lễ Cung Hiến Đại Thánh Đường Đức Maria tại Rôma (Lễ Nhớ); ngày 15/8: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Lễ Trọng và Buộc); ngày 22/8: Lễ Đức Maria Trinh Vương (Lễ Nhớ); ngày 8/9: Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria (Lễ Nhớ); ngày 15/9: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Lễ Nhớ); ngày 7/10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi (Lễ Nhớ); ngày 21/11: Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ (Lễ Nhớ).

Các Ngày Lễ như: Lễ Kính Thánh Danh Đức Mẹ, Lễ Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, Lễ Đức Mẹ Loretto, Lễ Nữ Vương Hòa Bình, Lễ Nữ Vương Các Thiên Thần… là những Lễ kính tùy ý, tùy theo địa phương.

Trong thế kỷ 20 vừa qua, nhân loại đã phải trải qua hai cuộc Thế Chiến thật khủng khiếp với vũ khí nguyên tử tàn sát tập thể, giết hại bao nhiêu sinh mạng, gây bao nhiêu cảnh đau khổ, tang tóc và tàn phá bao công trình của nhân loại. Tiếp theo là nạn ‘Hồng Thủy mới’: Chế Độ Cộng Sản Vô Thần với những lãnh tụ tàn ác như Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot… đã giết hại bao triệu dân lương thiện, tàn phá nền văn hóa và đạo đức của nhiều dân tộc. Sang thế kỷ mới 21 lại xẩy ra nạn Khủng Bố gieo kinh hoàng ở khắp nơi với mọi thứ vũ khí sẵn có, kể cả võ khí khoa học, vi trùng, điện tử… Trong tình thế đau thương đó, Đức Mẹ đã được ghi nhận là đã hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới để kêu gọi nhân loại ăn năn hối cải, trở về với lương tâm con người, với tình anh em đồng loại, và chung tay xây dựng hòa bình thế giới.

Cho tới nay, có ba nơi Đức Mẹ hiện ra đã được Giáo Hội công nhận và lập Lễ Kính; đó là Lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), Lễ Đức Mẹ Fatima (13/5), Lễ Đức Mẹ Guadalupe (12/12).

Xin Chúa ban cho chúng ta được thêm lòng sùng kính Mẹ Maria, và lòng sùng kính đó luôn theo đường lối và những chỉ dẫn của Giáo Hội. Trong thực tế, chúng ta hãy tham gia các Hội Đòan kính Đức Mẹ đã được Giáo Hội công nhận và cổ võ như Hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ, Hội Mân Côi, Hội Tông Đồ Fatima, Hội Tông Đồ Nhỏ… để giúp thánh hóa bản thân và làm việc tông đồ.
 
Noi gương Mẹ Maria đón nhận Chúa để được biến đổi và canh tân thế giới
Linh Tiến Khải
05:05 20/08/2009
Noi gương Mẹ Maria rộng mở tâm lòng, nói lên hai tiếng ”xin vâng” với Chúa, đón nhận Chúa để được thánh hóa biến đổi, và để qua chúng ta Chúa hiện diện giữa lòng trần gian và canh tân thế giới.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi tín hữu như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với 2000 tín hữu và du khách hành hương trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 16-8-2009.

Đức Thánh Cha nói trong bài huấn dụ: ”Hôm qua chúng ta đã cử hành lễ trọng kính Đức Maria hồn xác lên trời và hôm nay chúng ta nghe trong Phúc Âm các lời này của Chúa Giêsu: ”Ta là bánh hằng sống, từ trời xuống” (Ga 6,51). Không thể không bị đánh động bởi sự tương ứng xoay quanh biểu hiệu ”trời”: Đức Maria đã được ”đưa lên” nơi từ đó Con của Mẹ đã ”xuống”. Dĩ nhiên đây là ngôn ngữ kinh thánh, diễn tả bằng hình ảnh một điều gì đó không bao giờ đi vào trong thế giới ý niệm và hình ảnh của chúng ta. Nhưng chúng ta hãy dừng lại và suy tư một chút! Chúa Giêsu tự giới thiệu như là ”bánh hằng sống”, nghĩa là của nuôi chứa đựng chính sự sống của Thiên Chúa và có sức thông truyền nó cho ai ăn Ngài, là lương thực trao ban sự sống, nuôi sống thực sự trong chiều sâu. Chúa Giêsu nói: ”Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh Ta ban là ”thịt” ta cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Nhưng mà Con Thiên Chúa đã lấy ”thịt” của Ngài, nhân tính cụ thể và trần thế của Ngài từ Mẹ Maria. Thiên Chúa đã lấy từ Mẹ thân xác phàm nhân để bước vào trong điều kiện phải chết của chúng ta. Và đến lượt mình, vào cuối cuộc sống trần gian, thân xác Đức Trinh Nữ đã được Thiêm Chúa đưa lên trời và bước vào điều kiện thiên quốc. Đây là một kiểu trao đổi, trong đó Thiên Chúa đã luôn luôn đưa ra sáng kiến, nhưng trong một nghĩa nào đó, Ngài cũng cần Đức Maria, cần tiếng ”xin vâng” của thụ tạo, của thịt xác, của sự hiện hữu cụ thể của nó, để chuẩn bị chất liệu cho hiến tế của Ngài: mình và máu, để hiến dâng trên Thập Giá như dụng cụ của cuộc sống vĩnh cửu và trong bí tích Thánh Thể, là của ăn và của uống thiêng liêng”.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha quảng diễn sự trao đổi kỳ diệu đó như sau: ”Điều đã xảy ra nơi Đức Maria cũng có giá trị trong các cách thức khác nhưng một cách thực sự đối với từng người nam nữ, vì Thiên Chúa xin từng người tiếp đón Ngài, dành con tim và thân xác, đành toàn cuộc sống của chúng ta, dành ”thịt xác” của chúng ta cho Ngài, nói như Kinh Thánh, để Ngài có thể ở trong thế giới. Ngài mời gọi chúng ta kết hiệp với Ngài trong bí tích Thánh Thể, là Bánh được bẻ ra cho sự sống của thế giới, để làm thành Giáo Hội, Thân Mình lịch sử của Ngài. Và như Mẹ Maria, chúng ta cũng nói lên hai tiếng ”xin vâng”, hơn thế nữa chính trong mức độ của tiếng xin vâng này cũng xảy ra cho chúng ta và trong chúng ta sự trao đổi mầu nhiệm: chúng ta được đưa vào trong thiên tính của Đấng đã mặc lấy nhân tính của chúng ta. Thánh Thể là phương thế, là dụng cụ của sự biến đổi hai chiều đó, luôn luôn có Thiên Chúa là cùng đích và là nhân vật chính: Ngài là Đầu và chúng ta là chi thể, Ngài là Thân Nho và chúng ta là cành nho. Ai ăn Bánh này và sống trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu bằng cách để cho mình được biến đổi bởi Chúa và trong Chúa, thì được cứu rỗi khỏi cái chết đời đời: dĩ nhiên họ chết như tất cả mọi người, và cũng tham dự vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa Kitô, nhưng không còn là nô lệ cái chết nữa, và sẽ sống lại vào ngày sau hết để hưởng lễ hội vĩnh cửu với Mẹ Maria và tất cả các Thánh.

Mầu nhiệm đó, lễ hội đó của Thiên Chúa, bắt đầu ngay trên trần gian này: đó là mầu nhiệm của lòng tin, lòng cậy và lòng mến, mà chúng ta cử hành trong cuộc sống và trong phụng vụ, đặc biệt trong phụng vụ thánh thể; và nó biểu lộ ra trong sự hiệp thông huynh đệ và việc phục vụ tha nhân. Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ rất thánh, để Mẹ giúp chúng ta luôn biết dưỡng nuôi mình với lòng tin của Bánh sự sống vĩnh cửu hầu được sống kinh nghiệm niềm vui thiên quốc ngay trên trái đất này.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và du khánh hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp ngài đặc biệt chào một nhóm bạn trẻ Phi châu và mời gọi họ luôn rộng mở con tim cho Chúa để ngày càng trở thành các chứng nhân sự hiền dịu của Chúa giữa mọi người đang sống trong cảnh thiếu thốn vật chất và tinh thần. Bằng tiếng Anh ngài cầu chúc tín hữu có những ngày nghĩ hè giúp đào sâu lòng tin. Bằng tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha khích lệ tín hữu trong những ngày nghỉ hè biết chầu Chúa tại những nhà thờ họ viếng thăm. Bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha chào tín hữu giáo xứ thánh Silvestro tỉnh Faenza và các bạn trẻ vùng Trescore đang tham dự cuộc hành hương theo lộ trình Francigena noi gương thánh Phanxicô thành Assisi, đi bộ tới đền thánh Santiago di Compostella bên Tây Ban Nha.
 
Chuyện Bác Chuyện Em: Mắt Toét
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
12:43 20/08/2009

Chuyện Bác Chuyện Em: Mắt Toét!

Đức Giêsu và người mù thành Jericho, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra khắp nơi. Bác và Em có thể sống ở một thôn làng Việt Nam. Bác và Em cũng xuất hiện tại Hoa Kỳ, và tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Em đi tu mà Em cũng có thể đã lập gia đình.

Em gặp Bác ngay giữa lộ,

— Bác đi đâu mà nom vội vàng thế kia?

Bác nhăn nhó,

— Thì còn đi đâu nữa, đi gặp bà Cả Lễ nhờ bà ấy giác hơi cho đôi mắt…

— Mắt bác làm sao mà phải đi gặp nhà bà Cả Lễ?

— Nào có biết gì đâu. Hai ngày rồi, mắt cứ đỏ ké như người say rượu. Sáng ngủ dậy, mắt mở không ra, hai mí mắt dính chặt như bị thợ xây quệt hồ.

Em giọng quả quyết,

— Bác bị đau mắt rồi!

Bác giọng nóng nảy,

— Ông chỉ có hão. Cứ làm như mình là đốc tờ. Sao ông biết tôi bị đau mắt?

— Khổ quá! Nào em có phải bác sĩ gì đâu để biết bác đau mắt hay đau tai. Nhưng nom đôi mắt bác đỏ ké như thế kia thì không đau mắt còn là cái chi? Mà nom đấy, dử bám đầy cả hai vành mắt rồi, nhìn cứ như cơm cháy bám dính đáy nồi. Thôi chết! Cái này chắc là đau tợn lắm rồi. Dám mắt toét chứ chẳng chơi. Đừng, đừng có đưa tay lên dụi mắt. Đấy, đấy, vừa mới nói xong, tay thì cứ ưa tí toáy ngoáy chỗ này móc chỗ nọ, vi trùng bám đầy vào mắt bây giờ!

Bác đấu dịu,

— Ừ nhỉ, ông nói cũng đúng! Không biết làm sao mà bắt đầu từ tối hôm qua, dử nó cứ đùn lên đầy cả hai con mắt… Sáng nay phải đun nước nóng pha muối hột chườm sát mãi mới mở được cặp mắt. Rõ là khổ. Chỉ vì con vợ tiếc của, đang lợn lành bỗng hóa ra lợn què. Không khéo lại mất cả một đống của cho mà coi! Bỏ mất hai buổi cày rồi. Nào có nom thấy chi nữa đâu mà cày với bừa. Tối hôm qua ngồi ăn cơm, tay cầm đôi đũa tính gắp miếng đậu phộng rán đưa vào bát nhưng hóa ra lại gắp nhằm ngay cọng rau muống. Thiệt khổ!

— Mà làm sao bác lại đau mắt? Bị gió độc hay sao? Hay lại rình coi gà đẻ?

— Ông mới là vớ vẩn! Ở đâu ra mà có gió độc với gà đẻ ở đây! Cơ khổ, tuần trước ông bác ở trên mạn ngược có chuyện ghé xuống. Dân trên mạn ngược ông biết rồi, vệ sinh họ kém lắm. Thấy mắt mũi kèm nhèm của ông bác là tôi đã nghi rồi. Tôi dặn nhà tôi là đừng có tiếc xót cái khăn rửa mặt làm chi, cứ đưa hẳn hoi cho ông bác một cái khăn riêng để ông ấy xài. Đã dặn dò cẩn thận như thế mà nhà tôi nó có thèm nghe đâu. Đã thế nó còn mắng tôi mấy mắng, “Lại chết vì cái sĩ diện!”. Thế là nó đưa luôn cái khăn mặt của tôi cho ông bác xài chung. Đến khi khám phá ra thì mắt mình đã đỏ ké lên rồi. Hai ngày rồi, mắt nó cứ cồm cộm xót xa như có ai hằn thù tung hẳn một đám cát vào thẳng ngay mắt. Sáng mở mắt ra, đố có nom thấy gì, cứ như ông mù ở cửa đình...

— Ông mù nào mà ở ngoài cửa đình?

— Ơ hay, bộ ông quên rồi sao, mới tháng trước, có cái ông mù không biết gốc gác ở đâu mà vác bị đâm xầm vào ngay cửa đình. Ông từ vội vàng lên bẩm trình ông Lý Thơm. Mà ông biết rồi, ông Lý nhà ta thì chỉ được cái mạnh miệng với dân, chứ gặp quan huyện thì khúm núm một bề. Cho nên nghe ông từ trình có dân nhập cư bất hợp pháp, Lý Thơm hốt hoảng cả lên, tính xua chó đuổi đi. Nhưng phước mấy đời cho cái ông mù, lúc đó lại có Cụ đang ngồi uống cốc nước vối trong nhà ông Lý. Cụ mới giơ tay cản, nói thôi, giờ người ta cũng đã đi nhầm vào cửa đình, mà Chúa cũng đã dậy, “Thương người có mười bốn mối, thương xác bẩy mối, thứ năm cho khách đỗ nhà...”. Có nhời Cụ nói, Lý Thơm mới thôi, không còn ọ oẹ, lại còn phải chịu để cho ông mù ở tạm mấy ngày trong đình. Rồi Cụ lại còn sai tôi mang cơm nhà thờ tới cho ông mù, nhờ thế tôi mới biết ông mù hồi xưa cũng đâu phải gốc ăn mày, cũng nhà cửa đàng hoàng như ai. Nhưng tự nhiên mắt đỏ sưng tấy cả lên, rồi gặp phải người ham công tiếc việc, cứ lần chần không chịu đi chữa. Tới khi tròng mắt toét toẹt cả ra mới hốt hoảng chạy đi tìm thầy tìm thuốc. Nhưng trễ quá rồi! Có thuốc tiên thì may ra. Cứ thế, hết ruộng nương lại tới nhà cửa, bán tất tật. Nhưng tiền thì vẫn mất, mà tật thì vẫn cứ mang. Vậy là đang từ nhà cửa đàng hoàng mà chỉ một sớm một chiều hóa ra bị gậy… Rõ khổ!

— Ấy, cho nên giờ bác mới chạy đông chạy tây kiếm thầy chữa bệnh!

— Chứ chẳng phải…

— Lúc nãy bác nói đi kiếm ai để chữa đôi mắt? Em nghe chưa rõ.

— Thì còn ai, tôi đang đi kiếm nhà bà Cả Lễ nhờ bà ấy giác hơi cho đôi mắt. Nghe vợ tôi với mấy người trong xóm họ nói bà Cả Lễ mát tay lắm. Cảm cúm vang váng đầu tới gặp bà Cả, bà ấy giác hơi cho một bận là người toát mồ hôi ra, khỏe lại ngay.

— Bác nói nghe đến là hay nhỉ. Bà Cả Lễ nổi tiếng là đấm bóp giác hơi cho người bị cảm cúm. Chứ bà ấy có biết chi về mắt mủi mà bác đòi mò đến nhà gặp bà Cả Lễ…

— Thì nào có biết chi đâu, nghe cái nhà ông Thìn Thông Manh ở xóm trên nói bữa nọ ông ấy hơi vang váng đầu, tới gặp bà Cả Lễ, bà ấy mới giác hơi cho, rồi tiện tay bà ấy lại nấu cho một nồi thuốc xông mắt. Về tới nhà, hai con mắt sáng hẳn ra, lông quặm không chọc vào hai tròng con ngươi nữa.

— Bác mới là vớ vẩn. Đã biết là cái ông mù ở đậu cửa đình tháng trước phải bán nhà bán cửa để tìm thầy chạy thuốc chữa đôi mắt. Giờ tới phiên mình đau mắt thì lại chạy đi gặp bà Cả Lễ chuyên xông hơi để chữa bệnh mắt. Đến là khéo! Thôi, leo lên đây, em đèo bác lên gặp ông đốc tờ ở trên phố.

— (Ngần ngừ) Có tiện cho ông không đấy?...

— (Dứt khoát) Không tiện thì cũng phải chịu thôi. Mắt mũi chứ đâu phải là chuyện bỡn.

— Thì đã hẳn. Nhưng tôi ngại lên phố lắm.

— Ơ hay! Bác ngại cái gì? Có ai trên phố ăn tỏi ăn hành bác đâu mà mặt tái xanh như thế kia! (Chép miệng) Khổ, vừa mới chính miệng mình kể chuyện ông mù ở đậu cửa đình, mà giờ lại quên rồi. Đấy, cứ lần chần tham công tiếc việc mà hỏng bét luôn cả đôi mắt. Thôi, em xin quan bác, đừng có tham một buổi cầy rồi lại mù dở. Cứ bỏ đấy, không cầy thì ruộng nó vẫn nằm ở đó, đằng nào cũng mất hai bữa cầy rồi. Nhanh, nhanh lên nào, lên đây em đèo… Đó, ngồi sát lại gần em một chút, hai tay ôm bụng em cho chặt vào. Xong chưa, thôi, mình đi lên đó cho kịp giờ, kẻo không người ta đóng cửa. Nếu bác còn hãi thì cứ đọc năm chục kinh cho em. Bác đọc tới Kinh Nữ Vương thì tới phố là vừa…

Ngồi phía đằng sau, người đàn ông nhắm chặt đôi mắt bám đầy dử lại. Mắt ông xót xa như kim đâm, nhưng trong lòng ông xót xa như muối sát. Ông vẫn thấp thổm lo sợ dám kỳ này lại phải bán trâu để trả tiền thuốc như chơi! Đã mấy lần, ông cứ nhấp nhổm, như chực mở miệng chỉ muốn nói, “Thôi! Chú cứ đèo tới thẳng nhà bà Cả Lễ cho tôi!”.

Lời Chúa
Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôam mà rửa (Silôam có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được (John 9:6-7).

Suy Niệm 1
Người mù thể xác không nhìn thấy chi, bởi thế người mù không có khả năng nhận ra nhân dạng của người đồng loại.

Ông nhà giàu trong Luca là một người mù bởi ông không bao giờ nhận ra nhân dạng của ông hàng xóm Lazarô ngay trước cửa nhà. Bởi lòng ích kỷ, ông nhà giàu đã trở nên mù lòa.

Người mù tâm hồn là người không có khả năng nhận ra chân dung Thiên Chúa trên những khuôn mặt nhân gian.

Từ em bé mặc quần đùi thủng đáy lê la trên phố bán đậu phộng rang buổi tối, cho tới người chạy bàn tất bật trong quán càfe buổi sáng,

Từ ông hành khất quần áo bốc mùi hôi nằm lê la bên vệ đường, cho tới cô gái giang hồ nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền đang ngồi hút thuốc lá trước cửa quán rượu đợi chờ khách,

Từ người không cùng một ngôn ngữ, cho tới người khác một màu da,

Từ trẻ thơ, cho tới cụ già,

Từ người tù chân bị cùm nằm trong xà lim chờ ngày bị xử bắn, cho tới người ăn trộm bị tạm giam trong khám đường chờ ngày ra tòa lãnh án,

Từ người lỗi lầm chối Chúa ba lần như Phêrô, cho tới người đang tâm bán Chúa với giá ba mươi đồng như Giuđa,

Từ người mắc bệnh hiểm nghèo đang nằm chờ chết, cho tới người cùi phong hủi ăn cụt rụng hết mười đầu ngón chân,

Từ người con đã bao nhiêu năm nay bỏ không thờ phượng Chúa, cho tới người vô thần không tin tưởng vào đời sống ngày sau,

Tất cả đều mang trên dung nhan và trong tâm hồn thiên diện và thiên tính của Thiên Chúa.

Nếu tôi không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trên khuôn mặt đồng loại, tôi và người mù cũng giống như nhau. Thật ra chúng tôi chỉ là một!


Suy Niệm 2
Ngày xưa người mù gặp Chúa Giêsu, và Chúa chữa lành đôi mắt mù lòa của họ.

Ngày hôm nay người bị đau mắt, họ gặp bác sĩ nhỏ thuốc, giải phẫu chữa lành lại đôi mắt.

Riêng người mù tâm hồn, họ đi gặp ai và uống thuốc gì để họ thôi không mù lòa nhưng nhận ra thiên dung trên từng khuôn mặt nhân gian?


www.nguyentrungtay.com
 
Tình Yêu và Trách Nhiệm - Bài 6: Tình Yêu và... Trách Nhiệm
Phaolô Phạm Xuân Khôi
14:57 20/08/2009
Tiếp theo bài “Hiểu cả Hai Bình Diện của Tình Yêu”


Sự kiện khoảng một nửa số hôn nhân đi đến ly dị thường đươc người ta đề cập đến rất nhiều. Nhưng người ta không mấy khi bàn đến số phận của nửa còn lại, tức là số hôn nhân không bị đổ vỡ. Có phải những cuộc hôn nhân này thật sự hạnh phúc không? Các cặp vợ chồng hiện đang chung sống này có thật cảm thấy sự gần gũi nhau không? Họ có đạt được một tình yêu cá nhân mật thiết thật sự và bền vững không?

Hình ảnh ở phiá bên kia của lằn ranh ly dị thực sự cũng chẳng tốt đẹp gì bao nhiêu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các cặp vợ chồng không cảm thấy rằng họ kết hôn với một người bạn try kỷ. Thật vậy, chỉ có một phần mười các cặp vợ chống tại Mỹ nói rằng họ cảm nghiệm được một sự mật thiết về tình cảm trong liên hệ hôn nhân của họ.

Một hôn nhân hạnh phúc không phải chỉ là một hôn nhân mà hai người còn chung sống. Một hôn nhân hạnh phúc là một hôn nhân mà trong đó hai vợ chồng cảm nghiệm được một sự hiệp thông sâu xa với nhau. Chúng ta muốn những cuộc hôn nhân mà trong đó sau khi đã sống với nhau 10, 20, 30 năm, người ta có thể nói, “Bây giờ tôi yêu chồng tôi hay vợ tôi hơn ngày mới thành hôn nhiều.”

Đối với ĐTC Gioan Phaolô II, khi ấy là Cha Karol Wojtyla, thì chìa khóa để mở cửa vào sự hiệp thông cá nhân trong đời sống hôn nhân là tình yêu tự hiến cho nhau đi kèm với ý thức rằng trách nhiệm đối với nhau như là một món quà. Quả thật, đề tài về trách nhiệm này quá quan trọng đến nỗi ngài dùng nó làm tựa đề cho cuốn sách về tình yêu, hôn nhân, cùng liên hệ giữa người nam và người nữ của ngài. Cuốn sách ấy không chỉ được gọi cách đơn thuần là Tình Yêu, mà là Tình Yêu và Trách Nhiệm.

Vậy trách nhiệm này là gì? Nó biến đổi những liên hệ giữa vợ chồng, hôn thê/hôn phu, và “người quan trọng khác” như thế nào? Đó là điều chúng ta sẽ khám phá trong bài suy luận này.

Trách Nhiệm

Chúng ta hãy nghĩ về điều gì xảy ra trong tình yêu của hai người đính hôn. Trong bài trước, chúng ta đã thấy rằng ý nghĩa đầy đủ nhất của tình yêu liên quan đến việc hai người tự hiến cho nhau. Và việc tự hiến cho nhau này không phải là gì khác ngoài việc hoàn toàn trao phó chính mình cho người kia - một sự từ bỏ sở thích, tự do, và ý muốn của mình vì người kia.

Điều đó có nghĩa là trong tình yêu hôn nhân, người yêu của tôi hoàn toàn hiến mình cho tôi. Nàng tự do và vì yêu thương mà hy sinh quyền tự trị của nàng cùng quyết chí vì ích lợi của hôn nhân và gia đình của chúng tôi. Cho nên, bởi vì người yêu của tôi hoàn toàn hiến cuộc đời của nàng cho tôi cách đặc biệt này, tôi cũng phải có một tinh thần trách nhiệm sâu xa đối với nàng - với sự an sinh, hạnh phúc, sự an toàn về tình cảm và sự thánh thiên của nàng. Như ĐTC Gioan Phaolô II giải thích, “Trong tình yêu có một trách nhiệm đặc biệt – trách nhiệm dành cho một người đươc thu hút vào một sự chung thân gần gũi nhất trong đời sống và sinh hoạt của người khác, và theo một nghĩa nào đó, trở thành tài sản của người được ích lợi từ món quà tự hiến này” (tr. 130).

Ở đây, ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra một tiêu chuẩn cho tình yêu, là tiêu chuẩn xem ra trái ngược với trào lưu văn hóa hiên đại: “Càng cảm thấy có trách nhiệm nhiều đối với người mình yêu thì tình yêu càng chân thật” (tr. 131). Chúng ta thấy ngài không nói rằng cảm tình càng mạnh thì tình yêu càng chân thật bấy nhiêu mà nói rằng ý thức trách nhiệm. Thước thật để đo tình yêu không phải là một người cảm thấy thích thú bao nhiêu khi ở gần người yêu hay người ấy nhận được bao nhiêu thú vui từ nàng. Tình yêu chân chính không phải là tình yêu ích kỷ, luôn quy về những cảm giác hay ước muốn của mình như thế. Ngược lại, tình yêu chân chính nhìn ra ngoài với lòng kính nể đến người yêu là người đã trao phó mình cho tôi, và có một ý thức trách nhiệm sâu xa về điều tốt cho nàng, nhất là vì sự kiện là nàng đã hiến trọn cho tôi cách này.

Chấp Nhận Món Quà

Để giúp chúng ta biết nâng cao giá trị của vai trò quan trọng của trách nhiệm trong một mối liên hệ, chúng ta hãy nghĩ đến hai bình diện của tình yêu tự hiến. Một mặt, có sự tự hiến: Người yêu của tôi hiến mình cho tôi và tôi hiến mình cho nàng. Mặt khác, có sự chấp nhận lẫn nhau: Tôi chấp nhận người yêu của tôi như một món quà đã được trao phó cho tôi, và nàng chấp nhân tôi như một món quà. ĐTC Gioan Phaolô II ghi nhận rằng làm sao trong tình yêu hôn nhân có một bí mật vĩ đại trong việc cho đi và nhận lại lẫn nhau. Thực ra, ngài đưa ra một câu nói hấp dẫn về điều này: “Lãnh nhận cũng phải là cho đi, và cho đi cũng phải là lãnh nhận” (tr. 129).

Làm sao mà lãnh nhận lại là cho đi? Nói cách khác, theo nghĩa nào việc lãnh nhận người yêu của tôi lại thật sự là một món quà cho nàng? Ở đây sự hiểu biết từ Thần Học Thân Xác của ĐTC Gioan Phaolô II sẽ trở nên hữu dụng [1]. Khi bình luận về hôn nhân của ông Ađam và bà Evà, ngài đã giải thích rằng khi Thiên Chúa đầu tiên ban bà Evà cho ông Ađam, ông đã hoàn toàn đón nhận bà, và cả hai kết hợp cách mật thiết làm một. “Người đàn ông nói: ‘Đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi’…. Vì thế nên người nam sẽ lìa xa cha mẹ mà kết hợp vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một xương thịt.” (St 2:23-24).

Bởi vì tội lỗi chưa lọt vào thế gian, nên ông Ađam đã không phải vật lộn với tính ích kỷ. Ông yêu vợ không phải vì những gì ông có thể được qua sự liên hệ (một bạn đồng nghiệp trong vườn, một bạn đồng hành, thú vui tình cảm, thú vui xác thịt, v.v…). Trái lại, ông yêu bà vì con ngưởi bà như một con người. Ông chấp nhận vợ ông như một món quà vĩ đại mà ông sẽ giữ gìn và săn sóc. Ông có một ý thức trách nhiệm thật sâu xa đối với bà, và ông luôn tìm những gì tốt nhất cho bà, chứ không phải chỉ tìm tư lợi. Ông đã không làm điều gì làm cho bà đau lòng.

Bí Quyết để có một Liên Hệ Mật Thiết

Hãy đặt bạn vào tình trạng của bà Evà. Hãy tưởng tượng có một người chồng như thế! Hãy tưởng tượng bà cảm nghiệm thế nào khi thấy mình được hoàn toàn chấp nhận cách này. Thật vậy, có được một người chồng vui vẻ chấp nhận bà như một món quà và yêu bà vì bà là một hồng ân lớn cho bà, vì lúc này ao ước hiệp thông cá nhân của bà được thỏa mãn. Việc ông Ađam hoàn toàn chấp nhận bà Evà đem lại cho bà sự an toàn bà cần đến để cảm thấy an tâm đủ mà hoàn toàn trao phó trái tim và ngay cả trọn cuộc đời của bà cho ông mà không sợ bị thất vọng một chút nào, tình yêu chung thủy của ông và sự chấp nhận của bà nuôi dưỡng trong bà một niềm tin tưởng làm cho sự mật thiết về tình cảm có thể xảy ra [2].

Đó là bí quyết để hiệp thông cá nhân trong hôn nhân. Bởi vì bà Evà hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu mà ông Ađam dành cho bà, bà đã không bao giờ cảm thấy sợ bị ông sử dụng, bị ông hiểu lầm, hay bị ông làm cho đau khổ. Cho nên, trong phạm vi này của tình yêu dứt khoát và trách nhiệm, bà cảm thấy tự do để hiến mình bà cách trọn vẹn cho chồng bà – theo tình cảm, tâm linh, thể lý – mà không giữ lại một điều gì.

Trở Lại Vườn Địa Đàng

Đây là loại động lực mà chúng ta muốn cho hôn nhân của chúng ta: một hôn nhân hoàn toàn tin tưởng, là điều làm cho sự mật thiết cá nhân có thể xảy ra. Tuy nhiên, mức độ tin tưởng của người tôi yêu– và việc tỏ lộ lòng nàng cho tôi - chỉ cân xứng với mức độ mà nàng cảm thấy tôi quyết tâm hy sinh cho nàng, hoàn toàn chấp nhận nàng, và cảm thấy có trách nhiệm lớn lao đối với những gì là tốt đẹp nhất cho nàng thế nào.

Điều này không phải là một điều dễ dàng mà đạt được. Không giống như ông Ađam và bà Evà trong Vườn Địa Đàng, chúng ta là những người đã sa ngã. Chúng ta ích kỷ và thường làm nhiều điều khiến cho nhau phải đau lòng đến nỗi làm mất sự tin tưởng cua nhau, và như thế cản trở việc xây dựng một liên hệ mật thiết. Thí dụ như khi một người chồng bận tâm nhiều về những gì cần phải làm ở sở làm hơn là săn sóc cho những nhu cầu của vợ, người ấy làm cho vợ có ấn tượng rằng bà ta không phải là một ưu tiên của ông - rằng ông cho những điều khác quan trọng hơn bà. Điều này, đương nhiên là không có giúp ích gì trong việc xây dựng lòng tin tưởng mà chỉ làm cho bà ấy cảm thấy xa cách chồng hơn. Tương tự, một bà vợ luôn luôn phàn nàn và chỉ trích chồng vì những yếu điểm của ông, vì không làm xong những việc nhà, hay vì không kiếm được việc làm tốt hơn, có thể làm cho chồng cảm thấy mình bị vợ khinh khi hay không được vợ quý chuộng. Những than phiền như thế chỉ đẩy ông ta xa bà về diện tình cảm mà thôi.

Chúng ta phải đối xử thế nào khi chúng ta có kinh nghiệm trực tiếp về những yếu điểm của người mình yêu và cảm thấy đau lòng vì việc nào đó người ấy đã làm? Khi chúng ta bị đau lòng, chúng ta bị cám dỗ cảm thấy thất vọng vì người yêu, và tự nhủ. “Tại sao cô ta luôn làm như thế? Cô ấy chẳng bao giờ thay đổi!” Chúng ta có thể trở thành tự bào chữa (“Đâu phải lỗi của tôi! Tại sao cô ta không hiểu!”). Chúng ta có thể dựng nên một bức tường (“Tôi sẽ không bao giờ nói cho hắn ta biết điều tôi thật sự cảm thấy nữa.. . . Hắn ta có màng gì đâu”). Chúng ta có thể bắt đầu rút lại tình yêu của mình (“Tôi biết rằng nếu tôi đã lấy người khác thì tôi đã không bị đối xử như thế này”).

ĐTC Gioan Phaolô II nhắc cho chúng ta rằng trong những giây phút như thế, việcchấp nhận và trách nhiệm của chúng ta đối với người kia bị thử thách nhiều nhất. Dù vậy, chúng ta phải “yêu người ấy hoàn toàn với tất cả mọi đức tính tốt và khuyết điểm của người ấy, và yêu đến mức hoàn toàn độc lập với các đức tính tốt ấy cùng bất chấp những khuyết điểm ấy” (tr. 135). Ngài không nói rằng chúng ta phải bỏ qua hay không nhìn đến tội lỗi và khuyết điểm của người yêu, nhưng thách đố chúng ta tránh nhìn người yêu qua cặp mắt của một công tố viên. Ngay cả khi chúng ta bị đau lòng, chúng ta phải có một cái nhìn vượt quá những dữ kiện thuần pháp lý (“Cô ấy đã làm điều ấy cho tôi!”) và nhìn đến người ấy, là người vẫn giữ được giá trị cao quý của mình, mặc dù phải vật lộn với những khuyết điểm và tội lỗi của mình. Sau cùng, như chúng ta đã thấy qua những suy nghĩ này, tình yêu chân thật hướng về con người - chứ không phải chỉ nhắm đến điều người ấy làm cho tôi. Cho nên khi người yêu có những giây phút không được tốt đẹp lắm – không làm cho tôi hài lòng và thật ra còn làm cho tôi đau khổ - tôi có còn hoàn toàn yêu và chấp nhận chàng hay nàng không?

Đó là loại câu hỏi đưa đến một cách đo lường thật sự tình yêu của một người, Như ĐTC Gioan Phaolô II tóm lược,

“Sức mạnh của một tình yêu như thế thể hiện một cách rõ ràng nhất khi người yêu vấp ngã, khi sự yếu đuối hoặc ngay cả tội lỗi của người ấy bị lộ ra. Người thật sự yêu khi đó không rút lại tình yêu của mình, nhưng còn yêu nhiều hơn, yêu một cách ý thức hoàn toàn về những khuyết điểm và lỗi lầm của người khác, dù không một chút tán thành những lỗi lầm ấy. Vì một ngưởi như thế không bao giờ mất giá trị căn bản. Tình cảm gắn liền với giá trị của con người vẫn trung thành với con người ấy.” (tr. 135).

Dĩ nhiên là điều này tương tự như cách Chúa yêu chúng ta. Bất chấp bao nhiêu tội lỗi và vấp phạm của chúng ta, Thiên Chúa vẫn một mực trung thành với chúng ta, kiên nhẫn và nhân từ nhìn đến chúng ta trước những lỗi lầm của chúng ta. Ngài chịu đựng chúng ta ngay cả khi chúng ta làm những điều tổn thương đến sự liên hệ giữa chúng ta với Ngài.

Cho nên, nếu chúng ta muốn giống Đức Kitô hơn trong hôn nhân của mình, trước hết và trên hết chúng ta phải phát triển một thái độ yêu thương và chấp nhận sâu đặm hơn đối với vợ/chồng mình như con người của họ, với tất cả các khuyết điểm của họ. Thay vì cố gắng thay đổi họ hay trở thành khó chịu vì những sai lỗi của họ, chúng ta phải vẫn quyết tâm trung thành với họ như những người được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta như một món quà. Thái độ căn bản của chúng ta đối với người yêu của mình giữa những yếu đuối của họ không thể là thái độ bối rối, chữa minh, hay khó chịu, nhưng là chấp nhận cách không nao núng trong lòng mình con người của người vợ hay người chồng của mình, kiên nhẫn chịu đựng những khuyết điểm của người ấy. Khi chúng ta làm được điều này là chúng ta bắt đầu yêu như Thiên Chúa yêu.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết phỏng theo bài Love and. . . Responsibility? Eward P. Sri, From the Nov/Dec 2005 Issue of Lay Witness Magazine

--------------------------------------------------------------

[1] Xem John Paul II, The Theology of the Body: Human Love in the Divine Plan (Boston: Pauline Books & Media, 1997), đặc biệt trang 54–72.

[2] Trong khi tôi nói đến việc ông Ađam chấp nhận và Evà trong bài suy luận ngắn này, chúng ta cũng có thể nói như thế về việc bà Evà hoàn toàn chấp nhận ông Adong như là một món quà, và thành một món quà cho ông, làm cho niềm tin tưởng và sự liên hệ mật thiết trong tương quan của họ thêm vững mạnh.
 
Tình Yêu và Trách Nhiệm - Bài 5: Hiểu cả Hai Bình Diện của Tình Yêu
Phaolô Phạm Xuân Khôi
15:16 20/08/2009
Tiếp theo bài Cảm Giác và Tình Cảm


Làm sao để một người biết tình yêu của mình là một tình yêu chân chính, trung thành hay chỉ là một mối tình lãng mạng không hy vọng đứng vững trước những thử thách của thời gian? Đó là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ đề cập đến trong phần kế tiếp của sách “Tình Yêu và Trách Nhiệm” khi ngài trình bày về hai bình diện của tình yêu.

Theo Đức Thánh Cha thì có hai bình diện của tình yêu, và hiểu biết sự khác biệt của hai bình diện này là điều tối cần thiết cho bất cứ liên hệ hôn nhân, đính hôn, hay hẹn hò nào. Một đằng, là những gì xảy ra trong lòng chúng ta khi chúng ta bị lôi cuốn bởi một người khác phái. Đằng khác là liên quan của chúng ta với người khác.

Khi một thiếu niên gặp một thiếu nữ, cậu cảm thấy trong lòng có một số cảm giác và ước muốn mãnh liệt. Cậu có thể bị vẻ đẹp của thân xác cô lôi cuốn về thể lý, hay nghĩ tưởng miên man về cô vì một hấp lực tình cảm. Động lực nội tại của nhục dục và tình cảm là những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến việc hai người nam nữ đối xử với nhau, và điều này tạo ra mối tình lãng mạng rất kỳ thú cho hai người, nhất là ở những giai đoạn đầu. Đức Thánh Cha gọi diện thứ nhất này là diện “chủ quan”.

Tuy rằng đây là một bình diện của tình yêu, nhưng nó không thể được coi là tình yêu theo nghĩa đầy đủ. Theo kinh nghiệm thì chúng ta biết rằng chúng ta có thể có những tình cảm hay ước muốn mãnh liệt đối với một người khác mà không có thể quyết tâm với họ hoặc họ không thể quyết tâm với chúng ta trong một liên hệ yêu thương.

Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đặt diện chủ quan của tình yêu vào đúng chỗ của nó. Ngài đánh thức chúng ta dậy và nhắc cho chúng ta rằng dù những cảm giác này có mãnh liệt đến đâu đi nữa, thì chúng vẫn chưa chắc là tình yêu, mà chỉ đơn thuần là “một tình trạng tâm lý”. Nói cách khác, tự nó, bình diện chủ quan của tình yêu chẳng khác gì một cảm nghiệm vui sướng xảy ra trong tôi.

Những cảm giác và ước muốn này không phải là điều xấu, mà chúng có thể phát triển thành tình yêu, và còn có thể làm thăng tiến tình yêu, nhưng chúng ta không nên coi chúng là những dấu hiệu không thể sai lầm của một tình yêu chân chính. Đức Thánh Cha nói, “Không thể chỉ dựa vào cường độ của cảm giác mà phán đoán giá trị của một liên hệ giữa con người…. Sự phát huy tình yêu phải đặt nền tảng trên thái độ hoàn toàn quyết tâm và chịu trách nhiệm của người này đối với người khác”; trong khi đó các cảm tình lãng mạn “được bộc phát từ những phản ứng giác quan và cảm quan. Một sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của những giác cảm như thế có thể che dấu một tình yêu đã không nảy nở được” (tr. 145).

Hướng Tình Yêu vào Trong

Thanh niên nam nhữ ngày nay dễ rơi vào ảo giác tình yêu này, vì xã hội hiện đại đã hướng tình yêu vào trong, bằng cách chỉ chú ý đến diện chủ quan. Trong bài trước, tôi đã viết về “Tình Yêu Hồ Ly Vọng” là loại tình yêu dạy chúng ta rằng nếu cảm giác của chúng ta càng mạnh mẽ thì tình yêu chúng ta cũng càng mãnh liệt. Tuy thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng còn có một bình diện khác của tình yêu và là bình diện tuyệt đối cần thiết bất kể cảm giác hay ước muốn của chúng ta mạnh đến đâu đi nữa. Đó là điều mà ngài gọi là bình diện “khách quan”.

Bình diện này có một số đặc tính khách quan vượt trên những cảm giác thú vị mà tôi cảm nghiệm được ở mức độ chủ quan. Tình yêu chân chính liên quan đến nhân đức, tình bằng hữu, và việc theo đuổi công ích. Thí dụ như trong hôn nhân Kitô giáo, hai vợ chồng phải kết hợp với nhau để đạt được một mục tiêu chung là giúp nhau nên thánh, đào sâu sự kết hợp giữa hai người, và dạy dỗ, nuôi nấng con cái. Hơn nữa, họ không phải chỉ chia sẻ với nhau mục tiêu chung này mà còn cần có các đức tính để giúp nhau đạt được mục tiêu ấy.

Đó là lý do tại sao bình diện khách quan của tình yêu vượt trên việc chỉ nhìn vào những cảm giác và ước muốn nột tâm của tôi nhiều. Nó còn hơn cả những niềm vui mà tôi nhận được từ liên quan này. Khi kể đến bình diện khách quan của tình yêu, chúng ta phải phân biệt liên hệ giữa tôi và người yêu của tôi thật sự là loại liên hệ nào, chứ không chỉ đơn thuần là liên hệ này có ý nghĩa gì với tôi dựa theo những cảm giác của tôi. Người kia yêu tôi vì con người của tôi là ai hay chỉ vì sự vui thích mà người ấy nhận được từ sự liên hệ với tôi? Người yêu của tôi có hiểu điều gì thật sự tốt nhất cho tôi, và nàng có các đức tính cần thiết để giúp tôi đạt được điều ấy không? Chúng tôi có cùng nhau quyết tâm theo đuổi một mục đích chung, phục vụ nhau, và cùng nhau cố gắng đạt đến một ích lợi chung cao trọng hơn mỗi người chúng tôi không? Hay là chúng tôi thật sự chỉ sống cạnh nhau, chia sẻ tài nguyên, và đôi khi những giây phút vui vẻ với nhau trong khi mỗi người chỉ ích kỷ theo đuổi những chương trình, những lợi ích riêng trong đời? Đây là ba loại câu hỏi để biết về diện khách quan của tình yêu.

Bây giờ chúng ta có thể thấy tại sao Đức Thánh Cha nói rằng tình yêu chân thật là “một sự thật giữa người với người”, chứ không chỉ đơn thuần là “một trường hợp tâm lý”. Một liên hệ mật thiết phải dựa vào các đức tínhh và tình bằng hữu, chứ không chỉ dựa trên những cảm giác thú vị hay những giâu phút tươi đẹp bên nhau. Như Đức Thánh Cha viết: “Tình yêu như cảm nghiệm phải lệ thuộc vào tình yêu như nhân đức, - thật nhiều đến nỗi nếu không có tình yêu như nhân đức thì không có sự trọn vẹn trong cảm nghiệm tình yêu” (tr. 120).

Tình Yêu Hy Sinh

Một trong những dấu hiệu chính của diện khách quan của tình yêu là việc hiến thân. Đức Thánh Cha dạy rằng điều làm cho tình yêu hôn nhân khác các hình thức yêu thương khác (hấp dẫn, ước ao, tình bạn) là hai người “hiến mình cho nhau”. Họ không chỉ hấp dẫn nhau, chỉ muốn điều tốt cho nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người này hoàn toàn hiến mình cho người kia. “Khi tình yêu hôn nhân đi vào liên hệ giữa người với người thì sẽ phát sinh một điều gì còn hơn cả tình bạn: hai người tự hiến cho nhau” (tr. 96).

Nhưng ý tưởng về tình yêu tự hiến lại đề ra những câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để một người có thể tự hiến cho người kia? Tự hiến nghĩa là gì? Sau cùng, Đức Thánh Cha dạy rằng mỗi người hoàn toàn khác biệt. Mỗi người có tư tưởng riêng và ý chí tự do riêng. Chung quy là không ai có thể suy nghĩ cho tôi. Không ai có thể chọn lựa cho tôi. Như thế mỗi người là “chủ của chính mình”, và không thể cho người khác được (tr. 125). Vậy một người có thể “hiến thân” cho người mình yêu theo nghĩa nào?

Đức Thánh Cha trả lời rằng trong khi ở mức độ tự nhiên và thể lý, một người không thể hiến mình cho người khác, nhưng để yêu, một người có thể hiến mình bằng cách chọn giới hạn sự tự do của mình để kết hợp ý muốn của mình với người mình yêu. Nói cách khác, vì yêu, một người có thể mong muốn bỏ ý riêng mình để kết hợp với người kia. Như Đức Thánh Cha nói, tình yêu “làm cho một người chỉ muốn làm điều ấy là từ bỏ ý mình cho người kia, cho người mà mình yêu”.

Tự Do Để Yêu

Thí dụ trường hợp một người đàn ông độc thân lập gia đình. Như một thanh niên độc thân, “Thành” có thể quyết định làm điều gì anh muốn, làm khi nào, và làm thế nào thì tùy ý anh. Anh tự do đặt chương trình cho mình. Anh quyết định sống ở đâu. Anh có thể nghỉ việc và dời đi một nơi khác bất cứ lúc nào anh muốn. Anh có thể để nhà cửa bê bối. Anh có thể tiêu xài tùy ý. Anh có thể ăn, đi ra ngoài, và đi ngủ khi nào anh muốn. Anh đã quen quyết định theo ý mình.

Tuy nhiên, có gia đình sẽ thay đội đời sống của Thành rất nhiều. Nếu Thành tự ý nghỉ việc, mua xe, đi nghỉ cuối tuần hay bán nhà thì chưa chắc vợ Thành đã đồng ý! Bây giờ Thành đã có vợ nên mọi quyết định đều phải là quyết định chung của hai người chứ không phải chỉ của Thành nữa, và phải quyết định thế nào để tốt nhất cho hôn nhân và gia đình của hai người.

Trong tình yêu tự hiến, một người ý thức cách rõ ràng rằng đời sống của mình không còn là của mình nữa. Người ấy đã nhường ý riêng của mình cho người mình yêu. Người đó không phải hoàn toàn từ bỏ các chương trình, mơ ước, và những gì mình ưa thích, nhưng phải đặt chúng vào một viễn cảnh mới. Chúng phải tùy thuộc vào vợ người ấy và các con cái mà họ có thể có từ cuộc hôn nhân này. Thành dùng thì giờ và tiền bạc hay thu xếp đời sống của Thành thế nào không còn là vấn đề chọn lựa riêng của Thành nữa. Gia đình Thành trở nên điểm qui chiếu cho mọi việc anh làm.

Đấy là vẻ đẹp của tình yêu tự hiến. Một người độc thân như Thành có quyền tự quyết, nghĩa là có thể thu xếp đời sống theo ý mình. Nhưng vì tình yêu, Thành đã tự do chọn lựa từ bỏ quyền tự quyết này, tự giới hạn sự tự do của mình, bằng cách quyết tâm hiến thân cho vợ Thành và những gì tốt đẹp cho nàng. Tình yêu mạnh đến nỗi thúc đẩy Thành hy sinh ý riêng của mình cho người yêu một cách sâu xa.

Thật ra, nhiều hôn nhân ngày nay sẽ trở nên vững chắc hơn nếu chúng ta hiểu và nhớ loại tình yêu tự hiến mà chúng ta đã đoan nguyền từ đầu. Thay vì ích kỷ theo đuổi những điều mình ưa thích hay mong ước, chúng ta phải nhớ rằng khi chúng ta đã thề hứa, chúng ta tự do chọn lựa từ bỏ ý riêng. Chúng ta từ bỏ vì yêu thương, vì ích lợi cho bạn đời và con cái chúng ta. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Hình thức yêu thương trọn vẹn và không nhượng bộ nhất chính là ở chỗ tự hiến, ở chỗ làm cho ‘tôi thành sở hữu của người khác’ mà không chuyển nhượng và không di chuyển được nữa” (tr. 97).

Định Luật Tặng Quà

Giờ đây chúng ta đi đến mầu nhiệm lớn nhất của tình yêu tự hiến. Ở trọng tâm của món quà tự hiến này là một xác tín căn bản rằng trong việc hiến dâng quyền tự quyết của tôi cho người yêu, tôi nhận lại được rất nhiều. Bằng cách kết hợp với người khác, đời sống của chính tôi không bị thu nhỏ lại mà lại được phong phú hóa một cách sâu đậm. Đó là điều mà Đức Thánh Cha gọi là “luật ekstasis” hay luật tự hiến: “Người yêu ‘đi ra ngoài’ bản ngã của mính để tìm sự hiện hữu trọn vẹn hơn ở người khác’” (tr. 126).

Tuy nhiên, trong một thời đại cá nhân chủ nghĩa rất thịnh hành, điểm sâu sắc này của Đức Thánh Cha có thể khó hiểu. Tại sao tôi lại phải ra ngoài bản ngã của tôi để tìm thấy hạnh phúc? Tại sao tôi lại phải quyết tâm với một người khác một cách quá đáng như thế? Tại sao tôi lại phải khước từ tự do muốn làm gì thì làm với cuộc đời của tôi? Đây là những câu hỏi của con người thời đại.

Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, đời sống không có nghĩa là “muốn làm gì thì làm”. Nó có nghĩa là sự liên hệ của tôi – là làm tròn quan hệ với Thiên Chúa và với những người mà Thiên Chúa đặt vào đời tôi. Trên thực tế, cách chúng ta tìm thấy sự thỏa mãn trong cuộc đời: là sống các liên hệ của chúng ta cho đúng. Nhưng muốn sống các liên hệ của chúng ta cho đúng, chúng ta cần phải hy sinh thường xuyên, phải từ bỏ ý riêng của chúng ta để phục vụ ích lợi của người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta khám phá ra một hạnh phúc khôn lường trong đời sống khi chúng ta tự hiến cách này, vì chúng ta đang sống cách mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta sống, là cách mà chính Thiên Chúa sống: trong một tình yêu hoàn toàn tự hiến và quyết tâm. Như một câu trong Công Đồng Vaticanô II mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thích nhất là: “Một người chỉ tìm thấy chính mình qua việc thành tâm hiến mình thành món quà cho người khác” (Gaudium et Spes, số 24).

Câu này của Công Đồng Vaticanô II có thể áp dụng đặc biệt vào hôn nhân, là chỗ mà tình yêu tự hiến giữa hai người được coi là sâu đặm nhất. Trong việc quyết tâm yêu thương người khác trong tình yêu hôn nhân, tôi chắc chắn là phải giới hạn sự tự do “muốn làm gì thì làm” của tôi. Nhưng đồng thời tôi tự mở ra cho một sự tự do lớn lao hơn: tự do để yêu. Như Đức Thánh Cha giải thích, “Tình yêu bào gồm một quyết tâm là quyết tâm giới hạn tự do của mình, là bỏ đi cái tôi, và tự hiến chỉ có nghĩa như thế: là giới hạn tự do của mình vì người khác. Giới hạn tự do của một người có thể được coi là một điều tiêu cực và không vui, nhưng tình yêu làm cho nó thành một điều tích cực, vui tươi và sáng tạo. Tự do hiện hữu vì tình yêu.” (tr.135).

Kết Luận

Trong khi những người theo chủ nghĩa cá nhân thời đại coi việc tự hiến trong hôn nhân như một điều tiêu cực và giới hạn, thì các Kitô hữu coi những giới hạn như thế là sự giải phóng. Điều mà tôi thực sự muốn làm trong đời là yêu mến Thiên Chúa, vợ con tôi, và những người lân cận tôi, vì tôi tìm thấy hạnh phúc trong những liên hệ này. Và nếu tôi muốn yêu vợ con tôi và hoàn toàn quyết tâm cho họ, thì tôi phải thoát ra khỏi vòng kiềm chế của những ý muốn ích kỷ của tôi, để chúng khỏi điều khiển đời sống tôi và cai trị gia đình tôi. Nói cách khác, tôi phải được giải thoát khỏi ách bạo tàn của “việc muốn làm gì thì làm”. Chỉ khi đó tôi mới được tự do sống theo phương cách mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi để sống. Chỉ khi đó tôi mới thật sự tự do và hạnh phúc. Chỉ khi đó tôi mới được tự do để yêu.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

--------------------------------------------

Viết theo: The Law of the Gift: Understanding the Two Sides of Love, Edward P. Sri, từ nguyệt san Lay Witness Sep/Oct 2005.
 
Mẹ là Nữ vương yêu thương
Gioan Lê Quang Vinh
18:20 20/08/2009
Linh mục nhạc sĩ Hoàng Diệp có một bản thánh ca tuyệt vời về Đức Mẹ với lời ca vừa hùng tráng vừa diễm lệ: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận”. Nhạc sĩ đặt dấu hỏi: “Bà là ai?”. Và bài thánh ca ấy cứ tiếp tục với những câu hỏi mà ai cũng biết câu trả lời: Đó chính là Đức Nữ Vương của trời và đất. Vị Nữ Vương này được Đức Thánh Cha Benedicto XVI gọi trìu mến là “Đức Maria là một người đang yêu” trong thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu). Nhân ngày lễ kính Mẹ là Nữ Vương, chúng ta cùng đọc và suy nghĩ với Đức Thánh Cha, để hiểu được tại sao ngài quả quyết: “Đức Maria là một người đang yêu. Làm thế nào có thể khác đi được ?” (Deus Caritas Est, số 41).

Các chuyên gia về Phụng Vụ nhận thấy mối liên hệ tuyệt vời của các ngày lễ kính Mẹ Maria, chẳng hạn Lễ Sinh Nhật của Mẹ đúng 9 tháng sau ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, lễ Mẹ Đau Thương được kính một tuần sau lễ Sinh Nhật của Mẹ v.v… (cf. thoidiemmaria.net). Và hôm nay, Giáo Hội tuyên xưng Mẹ là Nữ Vương, đúng một tuần sau đại lễ mừng Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Mẹ được muôn hồng ân cao cả của Thiên Chúa là vì Mẹ đã sống trọn vẹn tình yêu thương và Mẹ ý thức được nguồn cội của yêu thương như Đức Thánh Cha viết “Đức Maria, Nữ trinh và Mẹ, tỏ cho chúng ta biết tình yêu là gì và múc nguồn cũng như sức mạnh luôn đổi mới từ đâu.” Nguồn gốc tình yêu ấy chính là Thiên Chúa, đấng mà thánh Gioan Tông đồ định nghĩa là Tình Yêu, như tựa đề của thông điệp này.

Một cô giáo trường Đại Học Mở Sàigòn đặt câu hỏi, cũng là câu hỏi của những người tìm hiểu thông điệp Deus Caritas Est: “Tại sao nói Đức Maria là người đang yêu?”. Đức Thánh Cha trả lời ngay cho chúng ta, ấy là vì Mẹ là “người tin và suy nghĩ trong đức tin với tư tưởng của Thiên Chúa, ao ước với ý muốn của Thiên Chúa, nên Mẹ chỉ có thể là một người đang yêu mà thôi”. Xin được lặp lại: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Đức Thánh Cha còn chú giải rõ ràng Đức Maria là người đang yêu vì Mẹ sống khiêm nhường, âm thầm ở quê nghèo Nagiaret, không hề đòi một chỗ đứng nào dù Con mình là Con Thiên Chúa. Mẹ còn biểu lộ tình yêu cao cả khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, khi các môn đệ thân tín của Chúa đã trốn chạy gần hết. Trong cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ chỉ xuất hiện khi Người gặp gian nan, khổ nạn mà thôi. Mẹ còn tỏ rõ tình yêu khi Mẹ cùng với các môn đệ Chúa Giêsu chờ đợi Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu về Trời.

Tình yêu khiêm hạ, tình yêu can đảm và tình yêu nồng cháy ấy của Mẹ chắc chắn là bắt nguồn từ Thiên Chúa, và dĩ nhiên tình yêu ấy cũng lan toả đến con người trần gian ở mọi nơi và mọi thời. Con người là thần dân trong vương quốc Chúa trao cho Mẹ, và cũng là con cái yêu dấu của Mẹ.

Mẹ ơi, chúng con hạnh phúc đến thế sao?

Đức Thánh Cha quả quyết: “Ai tiến đến Thiên Chúa sẽ không tách biệt khỏi con người, nhưng ngược lại rất gần gũi”. Ngài muốn nói đến Mẹ Maria. Mẹ sống thân mật với Thiên Chúa hơn mọi người và mọi loài thụ tạo. Do đó Mẹ cũng yêu thương con cái Mẹ vô cùng. Chúng ta cần suy nghĩ thêm một chút: phải chăng như thế thì Hội Thánh, đặc biệt là Hội Thánh Việt Nam, phải gần gũi hơn với con người, với những ưu tư, buồn đau và những cơn bách hại mà dân Chúa tội nghiệp đang hứng chịu. Và chỉ khi ấy, Hội Thánh mới là dấu chỉ của việc kết hiệp với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhắc lại Lời Chúa Giêsu trên Thánh Giá "Đây là Mẹ con !" (Ga 19, 27), và ngài nhấn mạnh: “Đức Maria thật sự trở thành Mẹ của mọi tín hữu”.

Là Mẹ, Đức Maria Nữ Vương đón nhận con cái mình từ mọi miền, mọi nơi trên địa cầu và qua mọi thời đại. Mẹ đón nhận những tình cảm, nhu cầu, nỗi cô đơn và đau khổ của con cái mình. Đức Thánh Cha viết: “Và luôn luôn họ nhận được quà tặng của lòng từ mẫu, cảm nghiệm được tình yêu vô tận, mà Mẹ chia sẻ từ con tim của mình. Những chứng cứ của sự biết ơn, mà từ mọi lục địa và văn hoá đem đến cho Mẹ, là sự công nhận tình yêu thuần khiết của Mẹ, tình yêu không tìm gì cho chính mình, nhưng chỉ muốn điều thiện hảo.”

Mừng Lễ kính Mẹ là Nữ Vương, chúng ta nhờ lời Đức Thánh Cha mà hiểu hơn về Mẹ, vị Nữ Vương cai trị bằng yêu thương và lòng nhân hậu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Mẹ hơn, yêu mến Mẹ hơn và hy vọng nhiều hơn. Chúng ta cũng thêm lòng biết ơn Mẹ và cùng Mẹ tạ ơn Thiên Chúa là Tình Yêu cao cả.

“Bà là ai, tinh tuyền lúc đầu thai, xác hồn như ngọc tuyền, dư đầy ơn Thiên Chúa, như nguồn nước vô biên? Bà là ai, tay bồng Vua thơ bé, tay tràn ơn cứu thế, Đấng từ bi nhân hậu, hằng đón tiếp lời cầu?” (Kìa Bà nào, Lm. Hoàng Diệp CSsR).

Mẹ ơi, con biết rồi, Mẹ là người Phụ Nữ của lời hứa cứu độ, là Mẹ của yêu thương, và Nữ Vương của muôn đời. Xin Mẹ nhìn đến chúng con, Mẹ ơi. Cùng với Vị Giáo Hoàng của Hội Thánh Chúa Kytô trong phần kết thúc thông điệp, chúng con xin được thưa với Mẹ:

Lạy Thánh Maria, Mẹ của Thiên Chúa,
Mẹ đã ban cho thế gian Ánh Sáng thật,
Là Đức Giêsu, Con của Mẹ, Con của Thiên Chúa.
Mẹ đã phó thác hoàn toàn chính mình,
Vào lời mời gọi của Thiên Chúa,
Và vì thế, Mẹ trở nên nguồn suối,
Của lòng nhân hậu vốn tuôn trào từ Thiên Chúa.
Xin Mẹ tỏ cho chúng con Đức Giêsu,
Xin dẫn chúng con đến với Người,
Xin dạy chúng con nhận biết và yêu mến Người,
Để chúng con cũng có thể trở nên,
Những con người có khả năng yêu thương đích thực,
Và chuyển thông nước hằng sống,
Đến thế gian đang mong được khát. Amen”
 
Chọn lựa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
18:22 20/08/2009
Chúa nhật 21 B

Khi Ðức Giêsu tuyên bố “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”. Lập tức nhiều môn đệ đã phản ứng lại: "Lời này chói tai quá, ai mà nghe được" (Ga.6,60). Thánh Gioan còn ghi lại: "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa" (Ga.6,66). Nhìn thấy một số môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu liền hỏi nhóm mười hai: còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không ?. Câu trả lời của Thánh Phêrô đã trở thành câu nói bất hủ "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời". Phêrô nhất quyết không bỏ Thầy. Phêrô hứa sẽ mãi mãi theo Thầy. Như thế, Phêrô đã làm một sự chọn lựa.

Ba bài đọc Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều nói đến vấn đề lựa chọn. Trước khi đặt chân vào miền đất hứa, ông Giôsuê đã kêu gọi dân Do thái phải có một chọn lựa dứt khoát: phục vụ Thiên Chúa của cha ông họ hay phục vụ những thần tượng gỉa tạo khác. Ông đưa ra một lời cảnh cáo nghiêm trọng: nếu họ chọn đi theo những thần tượng giả tạo, họ sẽ bị chúc dữ. Còn nếu họ chọn Thiên Chúa, họ sẽ được chúc lành. Đây là một chọn lựa nghiêm túc và quả quyết. Dân Do Thái hồi tưởng lại biết bao ơn lành Chúa đã ban cho họ. Chúa đã cứu họ thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Ngài đã làm biết bao việc kỳ diệu, những phép lạ do cánh tay hùng mạnh của Ngài. Ngài đã thi thố biết bao ơn phúc khi dẫn đưa dân tộc họ vào Đất Hứa. Mặc dầu họ phản bội, Chúa vẫn luôn rộng lòng tha thứ, yêu thương chờ đợi họ trở lại phụng thờ Ngài. Chúa đã chấp nhận lòng sám hối của họ khi họ đồng tâm từ bỏ tà thần, trở lại chọn Chúa để tôn thờ Ngài. Dân Do Thái đã quyết định và lựa chọn đúng.

Trong bài đọc hai, thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng một khi đã chọn nhau làm bạn đường, phải suốt đời trung thành với sự lựa chọn ấy. Phải thủy chung. Tùng phục và hòa thuận với nhau.

Cuộc đời chúng ta là một chuỗi những sự chọn lựa. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là người ta không lựa chọn được, còn tất cả mọi việc khác thì người ta phải lựa chọn. Ngoài những lựa chọn thông thường hằng ngày như lựa chọn đồ dùng tốt xấu, nơi ăn chốn ngủ, xe cộ, áo quần... Còn có những thứ lựa chọn liên hệ đến cả vận mệnh của một dân tộc, làm đảo lộn lịch sử các quốc gia. Chẳng hạn Napoléon, vị tướng lãnh tài ba của Pháp Quốc, có lần phải mất năm phút để lựa chọn gấp rút nên tiến quân hay rút quân. Ông đã quyết định tiến quân và ông đã chiến thắng. Tổng Thống Lincoln đã phải chiến đấu để thắng chính bản ngã riêng tư của ông, để trả tự do cho người nô lệ. Ông đã quyết định hợp lý. Lịch sử đã tặng cho ông danh hiệu người giải phóng nô lệ. Người dân Nga Sô, dân Trung Hoa và các nước chư hầu của Nga Sô và Trung Hoa đã lầm lẫn khi lựa chọn theo thuyết cộng sản vô thần như một quốc sách, nên đã làm cho các dân tộc của họ ngày càng lùi dần về thời ăn lông ở lỗ, nghèo túng, đói rét, lạc hậu và cái mộng ước thiên đàng trần gian của chủ thuyết Kart Mark, Lénine đã trở thành mây khói hão huyền, gây nên bao đau thương đổ nát và tuyệt vọng. Còn có thứ lựa chọn quan trọng và cần thiết hơn bội phần, như lựa chọn ơn gọi, sống Bậc Hôn Nhân giữa trần gian hay sống Bậc Thánh Hiến phụng sự Chúa trong đời sống tu trì; hoặc phải lựa chọn giữa điều thiện và điều ác, lựa chọn lên Thiên Đàng hay xuống hỏa ngục... Những lựa chọn này rất quan trọng vì nó không những chỉ liên quan đến hạnh phúc của cuộc sống trần gian mà còn liên hệ tới cứu cánh của cuộc sống vĩnh cửu trong đời sống mai hậu. Henry VIII, vua Anh Quốc đã chọn một người đàn bà bất hợp pháp làm vợ, tạo nên Anh Giáo, một giáo phái ly khai với Giáo Hội Công Giáo... Trước những lưỡng lự, ngã ba, ngã tư của cuộc đời, con người cần phải biết khôn ngoan lựa chọn và quyết định thế nào cho hợp với thánh ý Thiên Chúa. Có thể nói: Hạnh phúc cho những ai biết quyết định và lựa chọn đúng với thánh ý Thiên Chúa; nhưng trái lại, vô phúc cho những ai quyết định và lựa chọn phản lại thánh ý Ngài. Và chính những sự lựa chọn này sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời mình. Nghĩa là nếu chọn đúng, chọn khéo thì đời mình sẽ tốt đẹp và hạnh phúc. Còn nếu chọn ẩu, chọn sai thì đời sẽ xấu xa và bất hạnh. Sống là phải lựa chọn luôn. Đời là vậy. Chúa cũng muốn chúng ta luôn lựa chọn. Mỗi ngày chúng ta phải đứng trước biết bao sự lựa chọn, giữa tham sân si và lý tưởng đạo đức. Một người đến đề nghị một kiểu làm ăn gian lận, tiền sẽ có nhiều nhưng lại trái đức công bình. Chọn lòng tham hay đức công bình? Chọn tham sân si là chọn sai, cuộc đời sẽ trở thành xấu xa. Chọn công bình, bác ái, tự chủ là chọn con đường của Chúa. Tự do lựa chọn quà tặng Thiên Chúa trao ban cho con người. Thiên Chúa tôn trọng tự do con người là một dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta được tự do để lựa chọn giữa tốt và xấu, thiện và ác, đúng và sai. Có tự do là có trách nhiệm về sự lựa chọn cũng như hậu quả của nó.

Chúa Kitô đã chọn con đường Nhập Thể, trở thành “Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (1Ga 1, 11). Chọn lựa của Ngài là “trở nên người phàm”. Chọn lựa tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài đã sống một cuộc đời cho điều đã chọn lựa, và dấn thân trọn vẹn cho chọn lựa ấy “Chúa Kitô đã nên giống anh em mình về mọi phương diện” (Dt 2, 17). Ngài đã đi đến cùng con đường đã chọn theo thánh ý Thiên Chúa “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phl 2, 6-8).

Chúa Kitô “vâng lời cho đến chết”. Sự “vâng lời” của Ngài là hoàn toàn tự nguyện. Ngài quyết định “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”(Ga 10, 15). Quyết định này là sự lựa chọn tự do: “Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta, Ta có quyền thí mạng sống Ta, và Ta cũng có quyền lấy lại, đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta” (Ga 10, 18). Một khi quyết định chết cho đàn chiên, Chúa Kitô đã mang lại sự sống dồi dào cho đàn chiên.

Bước theo Chúa Kitô là bước vào một cuộc mạo hiểm tình yêu. Phêrô đã tuyên xưng “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời, phần chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, và Phêrô sẵn sàng đi vào cuộc phiêu lưu của tình yêu.

Hãy mạnh dạn đi vào cuộc phiêu lưu tình yêu như các môn đệ Chúa Giêsu. Rủi ro, thua thiệt là một cuộc thách đố vô cùng hào hứng và bất ngờ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chấp nhận những nghịch lý của đời Kitô hữu bằng đời sống luôn gắn bó với Chúa, tin tưởng và phó thác tuyệt đối nơi Người, để chúng con có thể kiên vững hăng say bước theo Chúa hàng ngày. Amen.
 
Bỏ Thầy, con sẽ theo ai?
LM. Trần Binh Trọng
21:34 20/08/2009
BỎ THẦY, CON SẼ THEO AI?

Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm, B
Gs 24:1-2, 15-17, 18; Ep 5:21-32; Ga 6:61-70


Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận hay khước từ ơn Chúa. Sau khi chu toàn sứ mệnh Môsê trao phó để đưa dân Chúa chọn vào miền đất hứa, ông Giôsuê đã triệu tập các vị đại diện dân chúng tại Si-khem để khẳng định lại niềm tin vào Chúa. Ông nói với họ rằng: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ.. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa (Gs 24:15). Dân Ít-ra-en cũng đã lựa chọn. Họ quyết định phụng thờ Thiên Chúa vì Người đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập, đã làm những việc kỳ diệu và dẫn đưa họ vào miền đất hứa.

Tuy nhiên khi gặp khó khăn và thử thách trong sa mạc, họ lại bất trung, phản nghịch cùng Chúa. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về với lòng bao dung tha thứ. Khi Ðức Giêsu đến, hứa cho họ ăn bánh hằng sống là thịt và uống máu Người thì mới có sự sống muôn đời, họ liền tranh luận hỏi nhau: làm sao ông này có thể cho họ ăn thịt Người được? (Ga 6:52).

Lớp thính giả thứ hai trong Phúc âm hôm nay là các môn đệ khi nghe Ðức Giêsu giảng dạy về việc ăn thịt và uống máu Người để được sống muôn đời, cũng lẩm bẩm cho rằng lời nói thật là chướng tai (Ga 6:60). Và theo Phúc âm thuật lại: Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6:66). Từ ngữ môn đệ được hiểu là người theo Ðức Giêsu và con số được ghi là bảy mươi hai môn đệ. Và khi có những môn đệ bỏ cuộc, Ðức Giêsu không ngạc nhiên, cũng không buồn giận, và không thay đổi lập trường. Người không giải thích, cũng không rút lại lời giảng dạy để mong bắt được mẻ cá lớn là các môn đệ.

Ðến lượt lớp thính giả thứ ba là các tông đồ thì Ðức Giêsu còn thách đố các ông thêm nữa. Người đòi hỏi nơi các tông đồ một đức tin không dè dặt, không lưỡng lự. Ðức Giêsu gần làm hoảng hồn các tông đồ, khi Người hỏi thêm các ông: Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không? (Ga 6:67). Hoặc ở lại hay bỏ đi, một câu hỏi mà họ không thể nào tránh né được. Ðể trả lời câu hỏi, ông Phêrô tiến lên, đóng vai trò lãnh đạo, đáp lại: Thưa Thầy, nếu bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68). Ông muốn nói là không có ai khác để mà theo cả. Ðức Giêsu đòi hỏi một quyết định quả quyết nơi các tông đồ. Và Người đã nhận được lời cam kết của thánh Phêrô. Một lời cam kết đã làm tiêu tan những nghi ngờ của các tông đồ khác.

Cũng vậy, tất cả những người đã quyết định theo Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều phải đương đầu với những thử thách về đức tin. Hằng ngày ta gặp nhiều cám dỗ để chối bỏ đức tin công giáo tông truyền. Ta gặp nhiều tiếng gọi dụ dỗ từ báo chí, truyền thanh, truyền hình và mạng tin, bảo ta điều gì phải tin, điều gì không cần tin, việc gì phải làm, việc gì không nên làm, điều gì phải thắc mắc, điều gì cần phải được xét lại. Ta bị cám dỗ để giữ đạo theo xu hướng nhất thời, tuỳ theo hứng khởi: vui thì đi lễ thờ phượng, không thì ở nhà. Ta bị cám dỗ chỉ giữ đạo nếu Giáo hội thay đổi lập trường về một vài nguyên tắc luân lý nào đó, nếu Giáo hội chiều theo ước muốn của ta.

Ta bị cám dỗ chối bỏ đức tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể vì không hiểu sao bánh rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép vẫn giống bánh rượu trước khi truyền phép? Và đó chính là mầu nhiệm đức tin mà loài người không thể dùng lí trí để giải thích và hiểu được một cách thoả đáng. Nếu người ta có thể hiểu được mầu nhiệm trong đạo, thì cái được gọi là mầu nhiệm, không còn phải là mầu nhiệm nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay một hệ thống khoa học. Vì thế mầu nhiệm vẫn mãi mãi là mầu nhiệm, nếu không thì đức tin không còn phải là đức tin nữa, mà chỉ là sự hiểu biết thôi. Tuy nhiên, nếu không hiểu, tại sao lại tin? Tin là chấp nhận dựa trên lời nói hay thế giá của người khác. Các tông đồ không hiểu, nhưng vẫn tin vì dựa trên lời nói, quyền năng và thế giá của Thầy mình.

Khi cảm thấy khó chấp nhận về đường lối giáo huấn chính thức của Giáo hội, là phản ảnh của đường lối Phúc âm, về một vài vấn đề như tính dục, li dị, phá thai. ., đó là lúc mà câu hỏi Chúa đặt ra cho các tông đồ sẽ lại vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn lìa bỏ Giáo hội mà Thầy đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ không? Khi bất đồng ý kiến với Giáo hội về một số chính sách của Toà Thánh Vatican, đó là lúc mà một câu hỏi tương tự sẽ vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn chấp nhận đường lối của Giáo hội mà Thầy thiết lập không? Khi thấy những gương mù, gương xấu xẩy ra ngay trong hàng giáo sĩ, câu hỏi khác sẽ vọng lên: Còn con, con có muốn ở lại trong Giáo hội để cầu nguyện và xây dựng Giáo hội của Thầy không?

Khi phải đối chất với những lời giảng dậy khó chấp nhận trong đạo, hoặc giáo lí khó khăn của đạo thì người theo đạo nửa mùa, hoặc mạo nhận theo đạo, toan cắt nghĩa sao cho phiên phiến đi, để cho trở nên dễ dãi, hoặc áp dụng lẽ đạo qua loa, sao cho phù hợp với ước muốn và quan niệm của họ cũng như của quần chúng. Thính giả trong Phúc âm hôm nay hiểu rõ lời Ðức Giêsu giảng dạy, hiểu ý Người muốn nói gì nên mới cho là chướng tai đấy. Vậy mà Chúa cũng không cải chính về sự chướng tai đó đâu. Họ hiểu Chúa không nói đến việc ăn thịt và uống máu theo nghĩa tượng trưng thôi đâu. Khi cảm thấy Chúa mà mình tôn thờ, sao mà khó thế nếu so sánh với những chúa và thần của những đạo khác, đó là lúc mà câu hỏi giả sử của ông Giôsuê cũng vọng bên tai ta: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ (Js 24:15).

Phúc thay cho những gia đình, cộng đoàn giáo xứ và trong Giáo hội mà có được những người nói được những lời bất hủ như vậy để bầy tỏ đức tin quả quyết như ông Giôsuê, hoặc Thánh Phêrô: Bỏ Thấy, con sẽ theo ai, hầu giúp củng cố đức tin của người khác trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và trong cả Giáo hội.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn giữ vững niềm tin vào Bí tích Thánh thể:

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể.
Con xin cảm tạ Chúa đã lập Phép Thánh thể
để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người.
Xin Chúa làm no thoả những đói khát của con
khi con lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa
Và xin cho con giữ vững lời Chúa.
Ðừng để con nghe theo lời quyến rũ rỉ tai
mà chối bỏ đức tin và xa lìa Chúa. Amen.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:50 20/08/2009
MƯA GIÓ VÀ CÂY TRẨU

N2T


Tháng năm mai vàng, mưa dầm không dứt.

Cây trẩu không nhẫn nại, than vãn:

- “Mưa gió đến bao giờ mới tạnh?”

Đấng tạo hóa nói:

- “Mưa gió không phải đã hết rồi sao?”

Cây trẩu giải thích:

- “Con nói mưa gió ở phía ngoài”.

Đấng tạo hóa đáp:

- “Ta nói mưa gió ở bên trong”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cứ thế mà xoay chuyển theo thứ tự, không thay đổi.

Có thay đổi chăng cũng là do lòng người thay đổi.

Tứ thời bát tiết, đông tàn thì xuân tới, thu tới thì hạ đi, mưa rồi nắng, nắng rồi lại mưa đó là chuyện của trời đất, có kỳ có hạn, không đáng lo ngại.

Cái lo ngại và đáng sợ nhất chính là mưa bão trong tâm hồn: mưa bão của tình yêu, mưa bão của hận thù.

Lòng người mà chan chứa tình yêu, thì thế giới chẳng cần gì có giải thưởng Nobel hoà bình, vì có chiến tranh đâu mà vận động hoà bình.

Lòng người mà chất chứa cơn bão hận thù, thì thế giới điêu đứng hơn cả cuồng phong bão táp, thế chiến thứ hai là một bài học, gần đây nhất- năm cuối của thế kỷ 20 (1999)- là chiến tranh diệt chủng ở Nam Tư, những người gốc Anbani bị giết, bị hãm hiếp, bị đánh đập, bị đuổi khỏi nơi ở của mình.

Đài Loan, một đảo quốc giàu có, cứ đến giờ tin tức, bạn mở truyền hình ra mà coi, hình như ngày nào cũng có tin tức: giết người.

Đúng là mưa gió ở bên trong (tâm hồn) nguy hiểm hơn cơn bão ở bên ngoài (thời tiết), ghê gớm thật.

Nhưng người Ki-tô hữu nhờ Lời Chúa hướng dẫn và bí tích Thánh Thể làm nền tảng vững chắc của yêu thương và của bình an trong tâm hồn, cho nên họ luôn là những người kiến tạo hóa bình trong yêu thương...

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:51 20/08/2009
N2T


32. Khiêm tốn là nắm chặt chìa khóa thiên quốc.

(Thánh John Berchmans)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:53 20/08/2009
N2T


205. Phương pháp đột phá chính mình đều có, không nên bán đi tâm tình của mình.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cầu nguyện thôi, chưa đủ Linh mục cần được yêu mến và nâng đỡ
BTGH chuyển ngữ
00:30 20/08/2009
Đức hồng y Claudio Hummes nói: Mỗi một linh mục trong số 408.000 linh mục trên thế giới phải cảm thấy được yêu mến,kính trọng,đánh giá cao và nâng đỡ trong ơn gọi của ngài đang đem Tin Mừng cho một thế giới ngày càng trần tục – nhưng vẫn còn mở rộng. Vị hồng y người Brasil, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, nói rằng Năm Thánh Linh Mục 2009 – 2010 khai mạc ngày 19.06,phải nhận ra những thách thức và thuận lợi mới mà các linh mục Công giáo đang đương đầu.

Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI đã lập ra Năm đặc biệt nầy trùng hợp với kỷ niệm 150 năm ngày mất của Thánh Gioan-Maria Viannây,người nỗi tiếng vì thừa tác vụ linh mục của Ngài.

Tuy nhiên, - Đức hồng y Hummes nói - mục đích nhắm tới không phải là tổ chức một hoạt động kỷ niệm có tính lịch sử, mà để nhìn một cách cụ thể vào thế giới mà các linh mụcđang sống và làm việc và để nhận ra rằng sự lạm dụng xấu xa mà một số linh mục đã phạm, gây thiệt hại đến tiếng tăm của tất cả các linh mục biết dường nào.

Nhiều linh mục trên thế giới đã mang thương tích do những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua - ấu dâm và những tội ác khác mà những phương tiện truyền thông đã công bố và chúng có thật và hết sức nghiêm trọng, nhất là tội ấu dâm,trong đó các nạn nhân là trẻ vị thành niên, mà cuộc đời thường là bị làm hư mất mãi mãi.

Ngài nói: ”Đó là những tội ác khủng khiếp phải bị xét xử và trừng phạt”.

Nhưng công bằng cũng đòi hỏi dân chúng công nhận rằng, đa số áp đảo các linh mục trên thế giới không bao giờ bị dính líu bào bất cứ một loại lạm dụng tình dục nào,và thay vào đó,họ đã dâng cuộc đời cho Chúa Giêsu để phục vụ Giáo Hội và nhân loại.

Chúng ta cũng phải nói với các linh mục rằng chúng ta hãnh diện về các ngài và chúng ta nhìn nhận các ngài là một nhóm rất đặc biệt cho Giáo Hội và cho xã hội. Chúng ta phải nhận ra các ngài là ai và các ngài làm gì và nói với các ngài rằng chúng ta yêu mến các ngài và chúng ta muốn ở cạnh các ngài để nâng đỡ các ngài”.

Đức Hồng Y Hummes không phải đang mong năm nầy là một năm người ta ‘nướng bánh mời các linh mục ăn’ hoặc cười với các linh mục nhiều hơn bình thường. ĐHY đang tìm kiếm nào là nghiên cứu, thảo luận rồi hội nghị và làm sao để giáo dân xắn tay áo làm việc kề bên các linh mục của họ.

Dứt khoát là ngài không tìm kiếm phong cách của các năm thập niên 1950, giữ riệt mọi cử hành trong Giáo Hội hoặc trong hội trường giáo xứ, tránh thế giới xấu xa bên ngoài.

Vị hồng y 74 tuổi nói: ” Nền văn hoá hậu hiện đại,đô thị hóa,theo thuyết tương đối và tục hoá nầy, là nền văn hoá chi phối và ta dễ bị cám dỗ muốn nói: Thật không thể nào lôi kéo xã hội nầy được. Chúng ta hãy cứ ở góc riêng của mình,với nhóm nhỏ nầy của chúng ta,khép kín vào một khu tách riêng”.

Nhưng thế giới vẫn là nơi mà các linh mục được gọi mời sống trong hân hoan và ‘rao giảng Tin Mừng với xác tín rằng có thể mang Tin Mừng đến cho xã hội mới nầy, chứ không khoác cho nó bộ mặt ác qủy, không cố tình lờ nó đi và không bị nó làm cho ngã lòng”.

Đức Hồng Y Hummes tin chắc rằng người ta vẫn đang tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ trong Chúa Giêsu, nhưng ‘có thể không phải bằng một bước tiếp cận khởi đầu với tín lý và luân lý”.Khi dân chúng gặp Chúa Giêsu,- Ngài nói- “tín lý và luân lý đã đến như một hình thức theo sau những gì mà Chúa Giêsu,Đấng lội kéo tôi, đã làm tôi mê say,đã khai sáng tôi. Đó là lúc bạn bắt đầu nói về những gì trong thực tế là đi theo Chúa Giêsu, tức là luân lý”.

Đức hồng y Hummes nói rằng việc tỏ cho thấy sự nâng đỡ đối với các linh mục bao gồm sự chia sẻ trách nhiệm với các ngài về đời sống giáo xứ và về việc truyền giáo.

Ngài nói: “Thỉnh thoảng giáo dân giúp đỡ các linh mục,nhưng hãy nghĩ rằng nếu mọi sự không như ý, thì lại đổ tránh nhiệm cho linh mục – giáo xứ của ngài mà! Không thể như thế được! Giáo Hội là tất cả của chúng ta”.

Rõ ràng,bất cứ thảo luận nào về các linh mục trên thế giới cũng bàn về việc thiếu linh mục,một tình hình mà Đức hồng y nhấn mạnh là không hề bịa đặt thêm thắt chút nào: ”Chúng ta có quá ít linh mục. Nhiều quốc gia đang đương đầu với một tương lai rất đáng lo ngại,rất khó khăn, vì con số linh mục sút giảm trầm trọng”.

Thống kê của Vatican đã báo cáo một sự gia tăng con số linh mục trên thế giới trong ít năm gần đây, nhưng sự gia tăng ấy không theo kịp con số tín hữu Công giáo gia tăng trên thế giới, chứ chưa nói đến gia tăng của dân số thế giới.

Niên Giám Thống Kê của Toà Thánh vừa qua đã đưa ra những con số ngày 31.12.2007, cho biết trên thế giới hiện có 408.024 linh mục. Năm năm trước đó con số nầy là 405.058.

Niên Giám nầy cũng cung cấp những biểu đồ minh hoạ điều mà Đức hồng y nói về sự tăng con số linh mục không theo kịp sự gia tăng dân số. Theo Niên Giám, cuối năm 2007, bình quân cứ mỗi linh mục phải phụ trách 2.810 tín hữu Công giáo,trong khi cuối năm 2002 chỉ là 2.642 người Công giáo cho mỗi linh mục.

Dù sự tăng trưởng quan trọng về con số linh mục ở Châu Phi,Châu Á và Đông Âu có nghĩa là một số trong đó có thể thi hành thừa tác vụ [linh mục] ở Tây Âu và Bắc Mỹ, nhưng Đức Hồng Y Hummes nói rằng các cộng đoàn địa phương phải vận động sự tăng trưởng các ơn gọi địa phương.

Ngài nói: “Một giáo hội địa phương có các linh mục riêng của mình là một dấu hiệu có sức sống”.

Nguồn: “Year for Priests: Prayers not Enough;Clergy need Love,Support”, CNS Cindy Wooden, BTGH chuyển ngữ
 
Đức Thánh Cha nói: Các linh mục phải là những chứng nhân tình yêu
Bùi Hữu Thư
04:38 20/08/2009
Ngài suy niệm về sự tôn sùng Chúa Kitô và Mẹ Maria của Thánh Gioan Eudes

CASTEL GANDOLFO, Ý, ngày 19, tháng 8, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: một linh mục phải là nhân chứng và là tông đồ của tình yêu nơi trái tim Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha khẳng định như vậy ngày hôm nay trong buổi tiếp kiến chung tại Castel Gandolfo khi ngài suy tư về Thánh Gioan Eudes và chức tư tế linh mục, trong bối cảnh của Năm Linh Mục. Hôm nay là ngày kính nhớ vị Thánh người Pháp của thế kỷ 17.

Đức Thánh Cha ghi nhận những khó khăn của nước Pháp vào thế kỷ 17. Ngài nói là “Chúa Thánh Thần linh hứng một sự canh tân sốt mến về đàng thiêng liêng cho những nhân vật nổi tiếng. […] ‘Trường phái Pháp’ về thánh thiện cũng còn có Thánh Gioan Maria Vianney. Với một kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha khả kính tiền nhiệm của tôi, Piô XI, đã phong thánh cho Gioan Eudes và Cha Sở thành Ars cùng một lúc vào ngày 31 tháng 5, 1925, và ban cho Giáo Hội và tất cả thế giới hai mẫu gương phi thường về sự thánh thiện của linh mục."

Nói về việc đào tạo các linh mục triều, Đức Thánh Cha nhắc lại về thế kỷ 16 khi “Công Đồng Trentinô ấn định các tiêu chuẩn cho việc thành lập các chủng viện tại các giáo phận và cho việc đào tạo các linh mục; vì công đồng ý thức được rằng tất cả sự khủng hoảng về Cải Tổ cũng bị ảnh hưởng bởi sự đào tạo các linh mục còn khiếm khuyết; vì họ là những người không được chuẩn bị đầy đủ về trí tuệ và tinh thần, trong trái tim và linh hồn cho tác vụ linh mục."

Ngài nói "Điều này xẩy ra năm 1563, nhưng với việc áp dụng và thi hành các tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều thời gian, cả tại Đức lẫn bên Pháp, Thánh Gioan Eudes đã nhìn thấy hậu quả của vấn đề này."

Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích, “vị thánh đó đã rất cảm xúc vì ý thức rõ rệt được nhu cầu to lớn về yểm trợ tâm linh mà các linh hồn đang khao khát; và vì là một linh mục triều, ngài đã thành lập một dòng tu đặc biệt chú tâm đến việc đào tạo các linh mục."

Con đường nên thánh

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng đề nghị cho việc nên thánh của Thánh Gioan Eudes được dựa trên “một sự tin tưởng vững vàng vào tình yêu Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại trong Trái Tim Mục Tử của Chúa Kitô và trái tim Hiền Mẫu của Mẹ Maria."

Đức Thánh Cha khẳng định, "Ngài muốn nhắc nhớ mọi người, người nam và trên hết là các linh mục tương lai, về trái tim, thể hiện được Trái Tim Mục Tử của Chúa Kitô và trái tim Hiền Mẫu của Mẹ Maria. Một linh mục phải là nhân chứng và là tông đồ của tình yêu Thánh Tâm Chúa Kitô và Mẹ Maria.”

Ngài nói rằng ngày nay cũng vậy, có “nhu cầu về các linh mục làm nhân chứng cho lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa bằng một đời sống hoàn toàn bị Chúa Kitô ‘chinh phục,’ và họ phải học hỏi như vậy trong những năm được đào tạo tại các chủng viện."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: cũng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vào năm 1990 “đã hiện thực hóa các tiêu chuẩn của Công Đồng Trentinô,” ngài nhấn mạnh “nhu cầu có sự liên tục giữa lúc huấn luyện khởi đầu và đào tạo thường xuyên."

Ngài đề nghị, "Thời kỳ trong chủng viện phải được xem như lúc “hiện thực hóa thời điểm của Đức Giêsu, sau khi đã chọn gọi các tông đồ và trước khi sai họ đi rao giảng, đã mời họ ở lại với Người."

Đức Thánh Cha kết luận, "Trong Năm Linh Mục này, tôi mời gọi các bạn hãy cầu nguyện cho các linh mục và cho những ai chuẩn bị để được nhận lãnh tác vụ tư tế linh mục. Tôi kết luận bằng cách gửi đến tất cả mọi người lời khuyên của Thánh Gioan Eudes, khi ngài nói như sau với các linh mục: ‘Hãy tận hiến cho Chúa Giêsu để bước vào cõi vô biên của Trái Tim Cao Cả của Người, trái tim chứa đựng Trái Tim của Mẹ Chí Thánh của Người và của tất cả các thánh, và để đắm chìm trong vực thẳm của tình yêu, của đức ái, của sự xót thương, khiêm nhường, trong sạch, nhẫn nại, chịu đựng và thánh thiện.'"
 
Các Giám Mục Á Châu kêu gọi loại trừ mọi kì thị tôn giáo, chủng tộc, tiếng nói, và giai tầng xã hội
Linh Tiến Khải
05:02 20/08/2009
MANILA: Trong tuyên ngôn kết thúc hội nghị lần thứ IX các Giám Mục Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu kêu gọi Kitô hữu loại trừ mọi kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ và giai tầng xã hội, và trở thành nhịp cầu hiệp thông giữa thế giới ngày càng chia rẽ này.

Sau 7 ngày nhóm họp tại Trung tâm Đức Giáo Hoàng Pio XII trong thủ đô Manila của Phi Luật Tân, hội nghị đã kết thúc ngày 16-8-2009 với thánh lễ do Đức Hồng Y Francis Arinze, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ sự.

137 đại biểu thuộc 23 quốc gia toàn vùng Á châu gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục tu sĩ và giáo dân đã chia sẻ và đào sâu đề tài của hội nghị là ”Sống Thánh Thể tại Á châu”.

Thông cáo chung kết khẳng định rằng: ”Chúng ta không thể cử hành Thánh Thể đồng thời lại duy trì, thi hành hay nhân nhượng đối với các kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ và giai cấp hay tầng lớp xã hội. Nếu chúng ta được xây dựng và nuôi sống trong Thân Mình của Chúa Kitô, thì chúng ta cũng phải rộng mở và trở thành những người xây các cây cầu hiệp thông trong thế giới ngày càng chia rẽ này”. Qua bí tích Thánh Thể tín hữu Kitô toàn Á châu được khích lệ đáp trả lại tiếng Chúa Kitô mời gọi sống hiệp nhất, lắng nghe lời Chúa, tin cậy vững vàng và hăng say truyền giáo. Cử hành Thánh Thể có nghĩa là sống một lòng tin đâm rễ sâu, được vun trồng và dưỡng nuôi trong Lời Chúa, mà chúng ta phải chiêm ngưỡng và làm cho vang vọng trong cuộc sống mỗi ngày.

Các Giám Mục xin các linh mục và tu sĩ nam nữ giáo dục giáo dân ngày càng biết trung thành khám phá ra chỗ đứng trung tâm của bí tích Thánh Thể trong cuộc sống. Vì Thánh Thể là sức mạnh giúp các cộng đoàn Kitô Á châu trở thành chứng nhân vững mạnh cho Chúa Giêsu và đem sư hiện diện, tình yêu thương và quyền năng của Chúa đến cho tha nhân. Lời Chúa và Thánh Thể là câu trả lời sống động cho các bất ổn và khổ đau gây âu lo cho thế giới. Hiểu biết tường tận Lời Chúa và Thánh Thể cũng là con đường cho cuộc đối thoại với các xã hội Á châu đa văn hóa và đa tôn giáo.

Đức Cha Orlando Quevedo, Tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, cho biết cung cách sống Thánh Thể và cuộc sống lòng tin có thể tạo ra sự khác biệt trong xã hội đối với các vấn đề công bằng, hòa bình, bạo lực và môi sinh cũng như đối thoại liên tôn.

Tín hữu công giáo hiện chiếm 3% trên tổng số hơn 3 tỷ 700 triệu dân tại Á châu (ASIANEWS 17-8-2009)
 
Chính quyền cộng sản Bắc Kinh, vua Hêrốt vô hình của thế giới ngày nay
Linh Tiến Khải
05:04 20/08/2009
Một số nhận định của ông Harry Ngô về chính sách mỗi gia đình một con tại Trung Quốc

Trong các ngày từ 23 tới 28 tháng 8 năm 2009 đại hội ”Tình bạn giữa các dân tộc” sẽ diễn ra tại Rimini, Trung Bắc Italia. Trong số hàng chục ngàn người tham dự và trong số các thuyết trình viên cũng có ông Harry Ngô, người bất đồng chính kiến với nhà nước cộng sản Trung Quốc và nổi tiếng can đảm bảo vệ nhân quyền.

Ông Harry Ngô hiện đang sống lưu vong tại Washington, và là giám đốc hiệp hội ”Cưỡng bách lao động”, chuyên tố cáo các vụ vi phạm nhân quyền của nhà nước Trung Quốc. Ông đã là tác giả cuốn sách tựa đề ”Người chống cách mạng”, trong đó ông kể lại các năm phải sống trong lao tù của Mao Trạch Đông. Ông cũng vừa cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Cuộc tàn sát người vô tội. Chính sách một con tại Trung Quốc”. Cuốn sách gồm các chứng tá trực tiếp và lời thú tội của các cựu nhân viên của nhà nước cộng sản Trung Quốc trong việc thi hành chính sách hạn chế sinh sản với khẩu hiệu ”mỗi gia đình một con”.

Ngày Chúa Nhật 23-8-2009 tại Rimini ông Harry Ngô sẽ thuyết trình về đề tài ”Thiên An Môn: Trung Quốc 20 năm sau”.

Như đã biết, từ mấy thập niên qua nhà nước cộng sản Trung Quốc đã phát động chiến dịch hạn chế sinh sản với khẩu hiệu ”Mỗi gia đình một con duy nhất”. Và để cho chiến dịch hạn chế sinh sản được hữu hiệu, nhà nước Trung Quốc cưỡng bách phụ nữ phá thai và cưỡng bách làm cho tuyệt đường sinh sản.

Luật cho phép phá thai đã được bắt đầu tại Trung Quốc năm 1953. Theo thống kê chính thức do Bộ Y Tế Trung Quốc đưa ra ngày 30 tháng 7 năm 2009, hiện nay hằng năm tại Trung Quốc có 13 triệu vụ phá thai.

Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên du nhập viên thuốc phá thai RU 486. Và hiện nay hằng năm có 100 triệu viên thuốc phá thai được bán tại Trung Quốc.

Sự kiện người Hoa có tâm thức trọng nam khinh nữ khiến cho người ta chỉ lựa chọn con trai và thường giết con gái. Tuy vào năm 1994 nhà nước cấm việc phá thai lựa chọn phái tính, nhưng các phôi thai nữ vẫn tiếp tục bị loại bỏ. Cứ 120 bé trai sinh ra thì có 100 bé nữ. Chính sách hạn chế sinh sản này đã tạo ra cảnh ”trai thừa gái thiếu” một cách rất trầm trọng tại Trung Quốc. Kể từ khi nhà nước Trung Quốc đề ra chính sách mỗi gia đình một con hồi năm 1978 tới nay đã có 400 triệu thai nhi nữ bị giết.

Hiện tượng phá thái, bỏ rơi con và giết các bé gái tạo ra hậu qủa mất quân bình xã hội, khiến cho hiện nay có hơn 30 triệu thanh niên Trung Quốc không tìm ra vợ. Sự kiện này làm nảy sinh ra tệ nạn buôn bán phụ nữ, nô lệ tình dục và mua vợ từ các nước láng giềng của Trung Quốc trong đó có Bắc Hàn, Mông Cổ và Việt Nam. Nhiều phụ nữ khác đến từ các nước Myanmar, Lào, Nga và Ucraine. Đường dây buôn phụ nữ làm vợ hay nô lệ tình dục hoạt động rất có tổ chức, với sự đồng lõa hưởng lợi của các quan chức nhà nước liên hệ. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam khi sang tới Trung Quốc trở thành nô lệ tình dục cho nam giới của cả một dòng họ trong cùng một gia đình.

Thảm cảnh sống của nữ giới Trung Quốc liên lỉ bị áp lực của nhà nước khiến cho số phụ nữ tự tử tại Trung Quốc cao nhất thế giới. Tổ chức Sức Khỏe Thế Giới của Liên hiệp Quốc cho biết tại Trung Quốc mỗi ngày có 500 phụ nữ tự tử. Một trong các lý do có thể là luật cưỡng bách phá thai. Tài liệu của Ủy ban quốc hội Hoa Kỳ bảo vệ các quyền con người tại Trung Quốc cho biết tất cả những ai không tuân hành đường lối chính trị một con của nhà nước Trung Quốc, đều bị cưỡng bách làm tuyệt đường sinh sản, hay khi có thai thì bị cưỡng bách phá thai, hay bị bỏ tù và bị tra tấn. Khi một phụ nữ hay thiếu nữ bị khám phá mang thai mà không có giấy chứng nhận, thì lập tức bị bắt và bị bó buộc phải phá thai, bất kể bào thai được mấy tháng.

Năm 2001 chính quyền Hoa Kỳ đã cắt không đóng tiền cho Ngân Qũy Kế Hoạch Hóa Gia Đình của Liên Hiệp Quốc nữa, vì khám phá ra rằng tổ chức này yểm trợ cho chính sách một con của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Hỏi: Thưa ông Ngô, khám phá nào đã đánh động ông nhất khi nghiên cứu chính sách hạn chế sinh sản, mỗi gia đình một con của nhà nước cộng sản Trung Quốc?

Đáp: Quyền sinh con cái là một trong các quyền căn bản của con người. Xúc phạm tới quyền đó, như nhà nước Trung Quốc đang làm từ 30 năm nay với các phương thế cưỡng bách và thô bạo như bắt buộc phá thai và làm cho tuyệt đường sinh sản bằng bạo lực, là một trong những vi phạm các quyền con người trầm trọng nhất. Việc củng cố chính sách mỗi gia đình một con duy nhất không chỉ xúc phạm tới phẩm giá của nữ giới, mà còn tạo ra nhiều vấn đề xã hội và dân số nghiêm trọng, bao gồm cả sự kiện dân chúng già nua, và mất quân bình giữa hai phái nam nữ, trai thừa gái thiếu. Chính các thống kê của nhà nước cho biết chích sách mỗi gia đình một con duy nhất đã khiến số dân của Trung Quốc giảm thiểu 400 triệu người.

Hỏi: Trong cuốn sách ”Cuộc tàn sát người vô tội. Chính sách một con tại Trung Quốc”, người ta đọc thấy các câu chuyện thê thảm kể lại nạn sát hại các trẻ em do chính quyền Trung Quốc chủ mưu, vì cho rằng các em là những kẻ không được phép chào đời. Xã hội dân sự tại Trung Quốc lại không lưu ý tới các vi phạm đẫm máu chống lại quyền sống này của con người hay sao thưa ông?

Đáp: Chính sách mỗi gia đình một con duy nhất không được nhân dân Trung Quốc tán đồng, đặc biệt là tại nông thôn, nơi có đa số dân sinh sống. Tại đồng quê người dân ước muốn gia đình có đông con để có thể cầy cấy và làm các công việc đồng áng và có người săn sóc cha mẹ già yếu. Dĩ nhiên các nhân viên của nhà nước dấn thân trong việc cưỡng bách phá thai hay cưỡng bách làm cho tuyệt đường sinh sản có thể làm cho người dân oán thán, nhưng các nạn nhân ít có các trợ giúp. Báo chí không được phép kể lại các vụ lạm dụng này, và vì thế nhiều người dân không biết mọi chi tiết liên quan tới cung cách nhà nước thi hành chính sách dân số ra sao. Một vài cá nhận can đảm đang tìm cách chấm dứt các bạo lực này từ phía nhà nước. Người nổi tiếng nhất là ông Trần Quang Thành, một luật sư mù, trợ giúp các nạn nhân của một phong trào lớn cưỡng bách làm cho tuyệt đường sinh sản trong tỉnh Sơn Đông hồi năm 2005. Nhưng rất không may là ông Trần đã bị nhà nước kết án 4 năm tù vì các cố gắng của ông. Hiện nay ông vẫn còn đang phải ngồi tù.

Hỏi: ”Quyền tự do làm mẹ” có được các tổ chức phi chính quyền coi là đề tài quan trọng hay không thưa ông?

Đáp: Thật ra vấn đề này không được các tổ chức Tây Âu chú ý nhiều, hay ít nhất không được lưu tâm nhiều như các quyền khác của con người. Nhưng liên quan tới các bạo lực gắn liền với chính sách mỗi gia đình một con duy nhất có nhiều tài liệu được thu thập đầy đủ, và vấn đề đã được nêu lên trước Quốc Hội Hoa Kỳ trong các khóa họp để thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Nhưng các nhân viên Ủy ban tuyền truyền của chính quyền Trung Quốc tìm cách ”lấp liếm” vấn đề, và họ nói rằng các vụ phá thai và làm tuyệt đường sinh sản ấy đều là việc tự nguyện, chứ không ai bắt buộc cả.

Nhưng đó là hoàn toàn sai sự thật, vì người dân bị chính quyền cưỡng bách. Nhưng việc chống chế đó đã có được một vài hiệu qủa, và có thể do đó mà dân Mỹ đã không phản đối Trung Quốc. Tôi cũng lày làm lạ là tại sao chính sách kiểm tra dân số bằng cưỡng bách phá thai và làm tuyệt đường sinh sản của chính quyền cộng sản Trung Quốc lại đã không làm cho dân Mỹ nổi nóng. Đây là điều lạ: các vụ cưỡng bách phá thai là một vấn đề vượt các mặt trận ”bảo vệ quyền sống” ”bảo vệ quyền lựa chọn”. Tôi hy vọng là sẽ có nhiều người chú ý tới vấn đề này hơn, vì nó liên quan tới toàn nhân loại.

Hỏi: Trong cuốn sách nói trên ông có nói rằng dân Trung Quốc đang già nua đi, và số sinh 1,8 cho mỗi phụ nữ thấp qúa không đủ để thay thế người già. Theo ông chính quyền Bắc Kinh có thay đổi sách lược dân số hay không?

Đáp: Chính quyền Bắc Kinh phải thay đổi đường lối chính trị một con, ít nhất là trong một vài điểm. Nếu không, thì sẽ xảy ra các hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội và nền kinh tế Trung Quốc, cũng như đối với chính các kết qủa kinh tế lớn diễn tả nguồn gốc hợp pháp duy nhất của đảng cộng sản như là chủ thể cai trị. Năm ngoái có tin đồn rằng chính quyền sẵn sàng duyệt xét lại luật một con, nhưng các nhân viên thuộc phân bộ dân số đã bắt buộc chính quyền giữ lại các lập trường cũ, và người ta nhấn mạnh là luật một con sẽ kéo dài thêm 10 năm nữa. Tuy nhiên điều này chứng minh cho thấy bên trong nội bộ chính quyền có những tiếng nói tự do hơn, đòi phải thay đổi.

(Avvenire 28-7-2009)
 
Cầu xin cho các linh mục có con tim giống Con Tim của Chúa Giêsu và Mẹ Maria
Linh Tiến Khải
05:06 20/08/2009
Trong buổi tiếp kiến 2000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 19-8-2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho các linh mục biết noi gương sống thánh thiện của thánh Jean Eudes, để nhiệt thành làm chứng cho tình yêu Chúa bằng cuộc sống và chức thừa tác hầu mưu ích cho toàn dân thánh.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay phụng vụ kính nhớ thánh Giovanni Eudes, là vị tông đồ không biết mỏi mệt của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Người đã sống tại Pháp trong thế kỷ XVII, là một thế kỷ ghi đậm dấu vết các hiện tượng tôn giáo và các vấn đề chính trị nghiêm trọng. Đó là thời gian của chiến tranh 30 năm, đã tàn phá không chỉ một phần của miền Trung Âu châu, mà cũng tàn phá các tâm hồn nữa. Trong khi sự khinh rẻ lòng tin Kitô lan tràn từ phía vài trào lưu tư tưởng thống trị thời đó, thì Chúa Thánh Thần đã khơi dậy một cuộc canh tân tinh thần đầy lòng sốt mến với các nhân vật lỗi lạc như Đức Hồng Y De Bérulle, thánh Vinh Sơn Phaolô, thánh Luigi Maria Grignon de Montfort và thánh Giovanni Eudes. ”Trường phái Pháp” lớn của sự thánh thiện đó đã làm nảy sinh ra các hoa trái, trong đó có cả thánh Giovanni Maria Vianney. Do mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng ngày 31 tháng 5 năm 1925 vị tiền nhiệm của tôi, Đức Pio XI, đã tôn phong hiển thánh cha Giovanni Eudes và Cha Sở họ Ars, cống hiến cho Giáo Hội và toàn thế giới hai mẫu gương ngoại thường của sự thánh thiện linh mục.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong bối cảnh của Năm Linh Mục tôi thích nêu bật tinh thần tông đồ của thánh Giovanni Eudes, đặc biệt đối với việc đào tạo hàng giáo sĩ giáo phận. Cuộc sống của các thánh giải thích Kinh Thánh. Trong kinh nghiệm cuộc sống, các thánh đã kiểm thực sự thật của Tin Mừng, và như thế các ngài đẫn đưa chúng ta tới chỗ hiểu biết Tin Mừng. Năm 1563 Công Đồng Chung Trento đã công bố các điều lệ cho việc thành lập các chủng viện giáo phận để đào tạo hàng linh mục, vì Công Đồng ý thức được rằng tất cả cuộc khủng hoảng của cuộc cải cách, đã bị điều kiện hóa bởi việc đào tạo thiếu sót khiến cho các linh mục không được chuẩn bị đầy đủ cho chức linh mục một cách đúng đắn trên bình diện trí thức và tinh thần, trong con tim và trong tâm hồn. Nhưng bởi vì việc áp dụng và thực hiện các điều lệ đó đã bị chậm trễ tại Đức cũng như tại Pháp, thánh Giovanni Eudes đã nhận ra các hậu qủa của sự thiếu sót đó. Là một cha xứ ý thức một cách sáng suốt về sự thiếu sót này nơi đa số hàng giáo sĩ, thánh nhân đã thành lập một dòng tu chuyên lo việc đào tạo các linh mục. Trong thành phố đại học Caen ngài thành lập một chủng viện đầu tiên, và kinh nghiệm này được đánh giá cao đến độ nó lan sang các giáo phận khác.

Con đường nên thánh, mà người theo đuổi và chỉ cho các môn sinh, đặt nền tảng trên sự trung thành với tình yêu mà Thiên Chúa đã vén mở cho nhân loại trong Con Tim linh mục của Chúa Giêsu và trong Con Tim hiền mẫu của Mẹ Maria. Trong thời đại của sự tàn ác và đánh mất đi nội tâm đó, thánh nhân đã hướng tới con tim để nói với con tim một lời của các Thánh Vịnh, mà thánh Agostino đã chú giải rất hay. Thánh nhân muốn mời gọi con người, và đặc biệt là các linh mục tương lai, chú ý tới con tim, bằng cách chỉ cho thấy con tim linh mục của Chúa Giêsu và con tim hiền mẫu của Mẹ Maria. Mỗi một linh mục phải là chứng nhân và tông đồ của tình yêu đó của con tim Chúa Giêsu và con tim Mẹ Maria.

Áp dụng vào cuộc sống của các linh mục ngày nay Đức Thánh Cha nói:

Cả ngày nay nữa, chúng ta cũng cảm thấy cần có các linh mục làm chứng cho lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa, với một cuộc sống hoàn toàn bị Chúa Kitô ”chinh phục”, và học được điều này ngay từ các năm chuẩn bị trong các chủng viện. Sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông huấn ”Pastores dabo vobis”, trong đó ngài lấy lại và cập nhật các điều lệ của Công Đồng Chung Trento, và nhấn mạnh trên sự tiếp nối cần thiết giữa lúc khởi đầu và việc thường huấn. Đối với ngài và đối với chúng ta đó là một điểm khởi hành đích thật cho một cuộc canh cải cuộc sống và công tác tông đồ của các linh mục. Và nó cũng là điểm then chốt để cho việc truyền giáo mới không chỉ đơn sơ là một khẩu hiệu hấp dẫn, mà được diễn tả ra trong thực tại. Các nền tảng cho việc đào tạo chủng sinh tạo thành ”chất mầu mỡ thiêng liêng” không thể thay thế, trong đó chủng sinh học biết Chúa Kitô, để cho mình từ từ trở thành đồng hình dạng với Chúa, là Thượng Tế và Mục Tử Nhân Lành duy nhất.

Do đó thời gian sống trong Chủng Viện được coi như là việc hiện thực lúc, trong đó Chúa Giêsu, sau khi chọn các tông đồ và trước khi sai các vị ra đi rao giảng, xin các vị ở lại với Ngài (x. Mc 3,14). Khi thánh sử Marco kể lại ơn gọi của mười hai tông đồ, thánh sử nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã nhắm hai mục đích: thứ nhất là để các vị ở với Ngài, thứ hai là để các vị được sai đi rao giảng. Nhưng khi luôn luôn đi với Chúa, thì các vị thực sự loan báo Chúa Kitô và đem thực tại Tin Mừng đến với thế giới.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chi em thân mến, trong Năm Linh Mục này tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các linh mục và cho các người đang chuẩn bị lãnh nhận ơn ngoại thường này là chức Linh Mục thừa tác. Tôi xin lấy lại lời khích lệ thánh Giovanni Eudes nói với các linh mục: ”Hãy hiến dâng mình cho Chúa Giêsu để bước vào trong Con Tim mênh mông vĩ đại của Chúa, chứa đựng Con Tim của Mẹ Thánh Ngài và của tất cả các Thánh, và để biến mất trong vực thẳm của tình yêu, của tình bác ái, của lòng xót thương, của sự khiêm nhường, trong sạch, nhẫn nại, vâng phục và thánh thiện” (Coeur admirable, III, 2).

Tiếp đến Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người. Ngài đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croat và Ý.

Ngài xin mọi người cầu nguyện nhiều cho các linh mục và các chủng sinh trong Năm Linh Mục để các vị ngày càng đi sâu vào Trái Tim của Chúa Giêsu và có được các nhân đức của Chúa, sống thánh thiện và hăng say trong các công tác tông đồ mục vụ.

Chào giới trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha cầu mong gương sáng của thánh Giovanni Eudes giúp từng người ngày càng tiến tới trong tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng trao ban ý nghĩa tràn đầy cho tuổi trẻ, cho khổ đau và cho cuộc sống gia đình.
 
Thánh Lễ Quay Về Hướng Đông
Vũ Văn An
09:23 20/08/2009
1. Quyết định của một giám mục

Với việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chính thức cho phép cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma năm 1962, phụng vụ Thánh Lễ của Giáo Hội đi vào một thời kỳ tạm gọi là trăm hoa đua nở với nhiều hình thức cử hành khác nhau, dù cốt lõi của phụng vụ vẫn là một hành động của cả giáo hội, của cả cộng đoàn. Chính trong chiều hướng ấy, Đức Cha Edward Slattery, giám mục giáo phận Tulsa ở bang Oklahoma, Hoa Kỳ, đã quyết định cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa của Giáo Phận bằng cách quay mặt về hướng đông.

Trong một bài đăng trên tờ The Eastern Oklahoma Catholic, số ngày 19 tháng Tám, tức hôm qua, Đức Cha Slattery cho hay đây là một cố gắng nắm bắt hình thức thờ phượng có tính Công Giáo “đích thực hơn”. Bài báo của Đức Cha tựa là: “Ad Orientem: Rivival of Ancient Rite Brings Multiple Advantages, Some Misperceptions” (“Hướng về Phía Đông: Phục Hồi Nghi Thức Xưa Đem Lại Nhiều Lợi Điểm, Một Số Quan Niệm Sai Lầm). Chúng tôi xin chuyển dịch bài của Đức Cha Slattery:

Vì Thánh Lễ hết sức cần thiết và nền tảng đối với kinh nghiệm Công Giáo của chúng ta, nên phụng vụ là đề tài luôn được chúng ta bàn bạc tới. Đó là lý do khiến mỗi lần hội lại với nhau, ta thường hay suy niệm về các lời cầu nguyện và các bài đọc, thảo luận về các bài giảng và tranh luận với nhau về âm nhạc. Yếu tố chủ chốt trong các cuộc thảo luận ấy là để hiểu được rằng sở dĩ chúng ta thờ phượng theo cách của chúng ta là do bản chất của Thánh Lễ: vốn là hy lễ của Chúa Kitô, được dâng lên dưới các dấu chỉ bí tích của bánh và rượu. Muốn cho cuộc thảo luận của chúng ta về Thánh Lễ có một ý nghĩa nào đó, thì ta phải nắm vững chân lý chủ yếu này: Trong Thánh Lễ, Chúa Kitô kết hợp ta với Người khi Người dâng mình làm hy lễ lên Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Ta có thể dâng mình ta như thế trong Người vì nhờ Phép Rửa, ta đã trở thành chi thể của Thân Thể Người.

Ta cũng cần nhớ rằng mọi tín hữu đều dâng Hy Lễ Thánh Thể trong tư cách là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nghĩ rằng chỉ có các linh mục dâng Thánh Lễ là điều sai lầm. Mọi tín hữu đều dự phần vào lễ dâng ấy, dù linh mục có vai trò độc đáo. Ngài thay mặt Chúa Kitô, theo lịch sử, vốn là Đầu của Nhiệm Thể Người, đến độ, trong Thánh Lễ, toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô, gồm Đầu và mọi chi thể cùng nhau dâng lễ lên Chúa Cha.

Cùng hướng về một hướng

Từ thời xa xưa, vị trí của linh mục và của giáo dân đã nói lên cái hiểu về Thánh Lễ trên đây, vì khi giáo dân đứng hay ngồi cầu nguyện, họ có mặt tại một chỗ rõ ràng tương ứng với Nhiệm Thể Chúa, trong khi linh mục đứng trên bàn thờ ở hàng đầu trong tư cách Đầu Nhiệm Thể. Chúng ta hợp thành Chúa Kitô toàn thể, gồm Đầu và tay chân, vừa xét theo tính bí tích nhờ Phép Rửa vừa xét theo tính hữu hình nhờ vị trí và các cử chỉ của chúng ta. Cũng quan trọng không kém là việc mọi người, chủ tế lẫn cộng đoàn, đều cùng quay về một hướng, vì họ đã kết hợp nên một với Chúa Kitô trong việc dâng lên Chúa Cha hy lễ độc nhất, hy lễ không tài nào lặp lại được và là hy lễ được vui lòng nhận của Chúa Kitô.

Khi nghiên cứu các tập tục phụng vụ lâu đời nhất của Giáo Hội, ta thấy rằng linh mục và giáo dân đều quay mặt về cùng một hướng, thường là hướng đông, với niềm hy vọng rằng khi quang lâm, Chúa Kitô sẽ “từ hướng đông” mà tới. Trong Thánh Lễ, Giáo Hội luôn tỉnh thức, mong chờ cuộc quang lâm ấy. Thế quay mặt đó gọi là ad orientem, đơn giản chỉ có nghĩa là hướng về hướng đông.

Nhiều lợi điểm

Linh mục và giáo dân cử hành Thánh Lễ quay mặt về hướng đông là qui phạm phụng vụ đã kéo dài gần 18 thế kỷ. Chắc chắn phải có những lý do vững chắc để Giáo Hội duy trì thế quay đó lâu đời đến thế. Và đúng như vậy! Lý do trước nhất: phụng vụ Công Giáo luôn luôn trung thành một cách kỳ diệu đối với Truyền Thống Tông Đồ. Chúng ta coi Thánh Lễ, và thực ra toàn bộ biểu thức phụng vụ trong đời sống Giáo Hội, như một điều tiếp nhận được từ chính các Tông Đồ và đến lượt ta, ta có nhiệm vụ phải trao tận tay các thế hệ sau một cách tinh tuyền (1 Cor 11:23). Lý do thứ hai, sở dĩ Giáo Hội duy trì thế hướng về hướng đông như thế là vì nó biểu lộ bản chất Thánh Lễ một cách tuyệt hảo. Ngay người không quen thuộc với Thánh Lễ nhưng chịu khó suy tư một chút về việc chủ tế và tín hữu cùng quay về một hướng, cũng sẽ nhận ra rằng linh mục đứng hàng đầu giáo dân, cùng tham dự vào một và cùng một hành động, nghĩa là hành động thờ phượng (họ sẽ thấy ra điều này, nếu chịu khó suy tư thêm một chút nữa).

Một cuộc canh tân với nhiều hậu quả khôn lường

Trong 40 năm qua, việc quay về một hướng ấy đã bị quên lãng. Hiện nay, linh mục và giáo dân đã quen thuộc với việc quay về hai hướng đối nghịch nhau. Linh mục đối diện với giáo dân và giáo dân đối diện với linh mục, mặc dù Kinh Nguyện Thánh Thể quy hướng về Chúa Cha chứ không quy hướng về giáo dân.

Việc canh tanh trên được dẫn khởi vào Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II, một phần là để giúp giáo dân hiểu hành động phụng vụ Thánh Lễ bằng cách cho phép họ chứng kiến điều đang diễn ra, và phần khác, là để thích ứng với nền văn hóa hiện đại theo đó, người thi hành quyền bính có nhiệm vụ phải trực tiếp đối diện với dân mà họ phục vụ, như một cô giáo ngồi phía sau bàn giấy của mình. Chẳng may, việc thay đổi này đã đem lại một số hiệu quả bất ngờ và phần lớn có tính tiêu cực. Trước nhất, nó xa lìa một cách nghiêm trọng đối với truyền thống lâu đời của Giáo Hội. Thứ hai, nó cho người ta cảm nghĩ như thể linh mục và giáo dân đang tham dự một cuộc thảo luận về Thiên Chúa, chứ không hẳn đang thờ phượng Người. Thứ ba, nó dành cho con người vị chủ tế một tầm quan trọng quá đáng bằng cách đặt ngài vào một thứ sân khấu phụng vụ.

Tìm lại tính thánh thiêng

Cả trước khi được bầu làm người kế nhiệm Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thúc giục ta rút tỉa các tập tục phụng vụ xưa của Giáo Hội để tìm lại việc thờ phượng có tính Công Giáo đích thực hơn. Chính vì thế, tôi đã phục hồi lối quay về hướng đông đầy đáng kính, khi cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa. Không nên giải thích sai việc thay đổi này, coi nó như việc Đức Cha “quay lưng lại giáo dân”, như thể tôi khinh xuất hay thù nghịch đối với họ. Giải thích như thế là quên mất rằng khi cùng quay về một hướng, thế đứng của chủ tế và của cộng đoàn minh nhiên cho thấy sự kiện này: tất cả chúng ta đang cùng nhau tiến về Thiên Chúa. Linh mục và giáo dân cùng bước đi trên cùng một hành trình. Cũng sẽ là một sai lầm nếu coi việc tìm lại truyền thống xa xưa này nguyên tuyền chỉ là việc vặn ngược lại đồng hồ. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nhiều lần đề cập tới tầm quan trọng của việc cử hành Thánh Lễ hướng về hướng đông, nhưng ngài không hề có ý định khuyến khích các vị chủ tế trở thành “những người bán đồ cổ phụng vụ”. Đúng hơn, Đức Thánh Cha muốn chúng ta thấy ra điều nằm dưới truyền thống xa xưa kia và từng làm nó sống còn trong nhiều thế kỷ đến thế, tức là, cái hiểu của Giáo Hội rằng việc thờ phượng trong Thánh Lễ trước nhất và chủ yếu nhất là việc thờ phượng mà Chúa Kitô muốn dâng lên Chúa Cha.

2. Đức Hồng Y Ratzinger và Thánh Lễ Hướng Đông

Hướng Đông quả có tính biểu tượng cao cả trong thời Tân Ước lẫn thời Cựu Ước. Theo truyền thống, các bàn thờ đều hướng về phía đông để mọi Thánh Lễ được dâng lên, mặt hướng về phía đông. Các Kitô hữu tiên khởi rất biết ý nghĩa của hướng đông. Giống như mặt trời mọc, Chúa Kitô (được ví như Mặt Trời Công Chính và Ánh Sáng thế gian) đã sống lại vào hừng đông Chúa Nhật Phục Sinh đầu hết. Trong Cựu Ước, Tiên Tri Ezechiel từng viết rằng: “Người ấy đưa tôi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào…Vinh quang Thiên Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông. Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang Thiên Chúa tràn ngập Đền Thờ” (Ed 43: 1-5).

Chính vì thế, như vừa nói, các nhà thờ phần lớn đều quay về phía đông, các bàn thờ cũng vậy và cho đến sau Công Đồng Vatican II, mọi người, kể cả chủ tế lẫn cộng đoàn, khi cử hành Thánh Lễ, đều cùng quay về hướng đông. Có người cho rằng Công Đồng Vatican II không những buộc phải dùng ngôn ngữ bình dân trong Thánh Lễ mà còn buộc chủ tế phải đối diện với cử tọa. Theo tiến sĩ Eamon Duffy, giáo sư môn giáo sử tại Đại Học Cambridge, thì điều đó không đúng. Vatican không hề ngăn cấm việc dùng tiếng La Tinh trong Thánh Lễ cũng như không buộc chủ tế phải quay mặt vào cộng đoàn. Theo ông, Thánh Lễ “vòng tròn” hay Thánh Lễ với linh mục đối diện với giáo dân quả có nói lên một chiều kích quan trọng của Thánh Lễ, tức chiều kích trong đó Giáo Hội trong tư cách một cộng đoàn quây quần chung quanh bàn tiệc gia đình, dưới sự hiện diện trọn vẹn của Chúa Kitô. Nhưng đó không phải là chiều kích duy nhất của Thánh Lễ mà cũng không nhất thiết phải là chiều kích quan trọng nhất. Trong Tân Ước và Giáo Hội sơ khai, Thánh Lễ trước hết là đảm bảo cho một hoàn tất đang tới; nó hướng ra khỏi mình, ra khỏi tội lỗi và gẫy đổ của đời này (và của cả Giáo Hội nữa), để hướng tới cuộc tập hợp và chữa lành vĩ đại toàn bộ nhân loại vào ngày thế mạt. Thế giới này đang lao nhọc và rên rỉ hướng tới sự hoàn tất ấy, cả Giáo Hội nữa, cũng đang lữ thứ hướng về vị Chúa của mình. Lời cầu nguyện sâu sắc nhất trong Thánh Lễ là lời cầu nguyện không hẳn xin hiệp nhất và bình an, mà là lời da diết Maranatha: Lạy Chúa xin hãy đến!

Giáo Hội, trong hầu hết lịch sử của mình đã nói lên chân lý trên qua thế đứng của mọi người tham dự Thánh Lễ. Linh mục và giáo dân, mọi người quay về hướng đông. Không phải vì linh mục muốn quay lưng lại giáo dân của mình, cho bằng mọi người cùng quay về một hướng, hướng mặt trời mọc, để mong chờ và cầu xin cho hừng đông Nước Thiên Chúa. Ngay trong các Vương Cung Thánh Đường Rôma, dù quay về hướng tây, nhưng khi cử hành Thánh Lễ, các vị giáo hoàng đều quay về hướng mặt trời mọc. Giáo hội Anh Giáo, dù hiện nay mô phỏng kiểu Thánh Lễ “vòng tròn” của Công Giáo hậu Vatican II, nhưng tới phần kinh nguyện Thánh Thể, các “linh mục” và phụ tá đều ra trước bàn thờ để cùng hướng về phía đông với cộng đoàn.

Chính vì thế, năm năm trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger đã nhắc nhở chúng ta rằng bất chấp các canh tân phụng vụ gần đây, “một điều vẫn còn rõ ràng đối với toàn bộ thế giới Kitô Giáo là: cầu nguyện trong thế hướng về hướng đông là một truyền thống đã có từ thuở ban đầu. Ngài đã viết như sau trong “Tinh Thần Phụng Vụ”: “Việc cùng hướng về hướng đông không phải là một ‘cử hành hướng về bức tường’, nó cũng không có nghĩa là ‘linh mục quay lưng lại giáo dân’… Vì cũng như cộng đoàn hội đường cùng nhau hướng về Giêrusalem thế nào, thì trong phụng vụ Kitô Giáo, cộng đoàn cũng hướng về Chúa như thế… Họ không tự khép kín trong một vòng tròn, cũng không tự ngắm nhìn nhau, nhưng trong tư cách Dân Chúa đang lữ hành, họ lên đường về Phương Đông, vì ở đó Chúa Kitô đang tới để gặp gỡ chúng ta.

3. Bình luận của nhà thần học

Cha Uwe Michael Lang, một linh mục tại London, hiện là thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Tài Văn Hóa của Giáo Hội, và là tác giả cuốn “Hướng về Chúa: Hướng Quay Trong Cầu Nguyện Phụng Vụ” được in bằng tiếng Đức trước do nhà Johannes Verlag xuất bản, sau đó được nhà Ignatius Press xuất bản bằng tiếng Anh, và liên tiếp được dịch sang tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Hung Gia Lợi và tiếng Tây Ban Nha. Ngày 21 tháng Chín năm 2007, cha có dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn, trong đó cha cho hay những ai phê phán lối cử hành Thánh Lễ hướng về hướng đông là quay lưng lại giáo dân đã không nắm vững vấn đề chi hết vì thực ra Thánh Lễ là hành vi thờ phượng chung, trong đó, linh mục và giáo dân, đại diện cho Giáo Hội lữ hành, cùng nhau vươn tới Thiên Chúa siêu việt.

Cha cho hay, bất cứ tôn giáo nào cũng có “một hướng thánh thiêng”. Trong Do Thái Giáo đó là hướng quay về Giêrusalem, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa siêu việt (“shekinah”) trong nơi Cực Thánh tại Đền Thờ, như đã ghi trong Đanien 6:10. Ngay sau khi Đền Thờ đã bị phá hủy, tập tục hướng về Giêrusalem vẫn được duy trì trong phụng vụ hội đường. Đó là cách người Do Thái Giáo biểu lộ niềm hy vọng cánh chung của họ đối với việc xuất hiện của Đấng Mêxia, việc tái thiết Đền Thờ, và việc tụ tập Dân Chúa từ muôn nẻo đường thế giới. Các Kitô hữu ban đầu không còn quay về Giêrusalem trần thế nữa, nhưng quay về Giêrusalem mới trên trời. Họ vững tin rằng khi Chúa Kitô quang lâm, Người sẽ tập hợp các tín đồ của mình để tạo lập nên Kinh Thành Thiên Quốc. Họ coi mặt trời mọc là biểu tượng cuộc Phục Sinh và Quang Lâm của Người, bởi thế khi cầu nguyện, họ có thói quen hướng mặt về phía đó. Từ thế kỷ thứ hai trở đi, có nhiều bằng chứng cho thấy khuynh hướng đó khắp nơi trong thế giới Kitô Giáo.

Trong Tân Ước, ý nghĩa đặc biệt của việc quay mặt về hướng đông để thờ phượng không minh nhiên lắm. Tuy nhiên, ta vẫn thấy nhiều ám chỉ trong Thánh Kinh nói về tính biểu tượng này. Malakhi 4:2 chẳng hạn nói về “mặt trời công chính”; Luca 1:78 nói tới “Vầng Đông tự chốn cao vời”; Khải Huyền 7:2 nói đến một thiên thần mang Ấn Thiên Chúa, “từ phía mặt trời mọc đi lên”; và Phúc Âm Thánh Gioan hay nói tới hình ảnh ánh sáng. Mátthêu 24:27-30 nói rõ hơn: “Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy”.

Theo Cha Lang, giữa việc cầu nguyện quay mặt về hướng đông và thánh giá có một mối liên hệ gắn bó, ít nhất cũng từ hế kỷ thứ 4, nếu không muốn nói sớm hơn. Vì tới lúc đó, các Kitô hữu thường đánh dấu hướng cầu nguyện bằng dấu thánh giá trên bức tường phía đông của hậu cung các vương cung thánh đường cũng như trong vác phòng riêng của các đan sĩ. Đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, các nhà thần học thuộc nhiều trường phái khác nhau đều coi việc cầu nguyện quay mặt về hướng đông là một trong các thực hành để phân biệt Kitô Giáo với các tôn giáo khác vùng Cận Đông: người Do Thái Giáo cầu nguyện hướng về Giêrusalem, người Hồi Giáo hướng về Mecca, nhưng các Kitô hữu thì hướng về phía đông.

Cha cũng cho hay phụng vụ hướng về hướng đông vốn có trong các truyền thống Byzantine, Syriac, Armenian, Coptic và Ethiopian. Ngày nay nó vẫn là tập tục của phần lớn các Giáo Hội Đông Phương, ít nhất cũng trong Kinh Nguyện Thánh Thể, như Giáo Hội Anh Giáo. Ngay như đối với các giáo hội đông phương hiệp nhất với Rôma, năm 1996, Tòa Thánh cũng khuyên họ không nên bắt chước lối cử hành Thành Lễ quay mặt vào giáo dân, mà nên duy trì lối cổ truyền quay mặt về hướng đông.

Về những lý do khiến cho có việc dù Công Đồng Vatican II không minh nhiên đề cập tới, nhưng sau Công Đồng ấy đã có việc xoay bàn thờ hướng về cộng đoàn, Cha Lang cho hay có thể có hai lý do. Lý do thứ nhất: có người cho rằng lối cử hành quay về phía cộng đoàn hay đứng vòng tròn là tập tục có từ thời Giáo Hội sơ khai. Bản văn Lễ Quy trước năm 1962 có lời nguyện nguyên văn như sau: “Meménto, Dómine, famulórum famularúmque tuárum, N. et N.; et ómnium circumstántium, quorum tibi fides cógnita est…” (Lạy Chúa xin nhớ tới các tôi tá nam nữ Chúa là N. và N.; và mọi người đang đứng quanh đây mà Chúa rất biết lòng tin của họ…). Có người căn cứ vào chữ circumstantium, một chữ vốn gồm chữ circum: chung quanh và stantes: người đứng, mà cho rằng ngày xưa Thánh Lễ được cử hành theo kiểu đứng vòng tròn. Nhưng theo cha Lang, các cuộc nghiên cứu cẩn thận đã không ủng hộ quan điểm ấy và ngày nay, trong bản Lễ Quy Rôma, kiểu nói ấy cũng đã được bỏ qua. Lý do thứ hai: nguyên tắc “tham dự tích cực” được Thánh Giáo Hoàng Piô X dẫn nhập và hết sức chủ yếu đối với sắc lệnh "Sacrosanctum Concilium" về phụng vụ của Công Đồng Vatican II đòi phải quay mặt về giáo dân khi cử hành Thánh Lễ. Nhưng theo cha Lang, trong cuốn “Tinh Thần Phụng Vụ”, Đức Hồng Y Ratzinger đưa ra một phân biệt rất hữu ích giữa việc tham dự Phụng Vụ Lời Chúa, là một phụng vụ đòi có những hành động bên ngoài, và phụng Vụ Thánh Thể, trong đó, các hành động bên ngoài chỉ có tính phụ thuộc, vì việc tham dự nội tâm mới là tâm điểm của vấn đề. Trong tông huấn hậu thượng hội đồng mới đây tựa là "Sacramentum Caritatis", Đức Bênêđíctô XVI đã đề cập đến vấn đề này ở đoạn 52. Theo đó, người ta đã hiểu lầm thuật ngữ “tham dự tích cực”. Việc tham dự ấy không hề hàm ý các hành động bên ngoài, mà là phải ý thức nhiều hơn tới mầu nhiệm đang cử hành và mối tương quan của nó với cuộc sống hằng ngày.

Về khía cạnh này, Cha Lang nhấn mạnh rằng thực ra trong qui luật cử hành Thánh Lễ mới do Đức Phaolô VI công bố năm 1970, linh mục được phép quay mặt về phía giáo dân trong lúc cử hành phụng vụ Lời Chúa và cùng quay lên bàn thờ với giáo dân trong lúc cử hành phụng vụ Thánh Thể, nhất là phần Lễ Quy.

Cha cũng cho hay Bản Huấn Thị Tái Duyệt Sách Lễ Rôma, được công bố lần đầu năm 2000 để nghiên cứu, dường như đã cho rằng việc cử hành Thánh Lễ quay về hướng đông là việc không nên làm. Nhưng khi trả lời một câu hỏi của Đức Hồng Y Christoph Schonborn, TGM Vienna, vào ngày 25 tháng Chín năm 2000, Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích đã bác bỏ lối giải thích này. Như thế phải hiểu tinh thần của Huấn Thị dưới ánh sáng của bản trả lời này.

Cha cũng hy vọng rằng với việc cho phép cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma năm 1962, các nghi ngại đối với việc hướng về hướng đông dần dần sẽ được đánh tan, giúp người ta tái khám phá và biết đánh giá đúng lối cử hành truyền thống này.
 
Top Stories
Vietnam’s Growing Intolerance of Dissent
Human Rights Watch
15:58 20/08/2009
August 19, 2009

(New York) - Vietnam should immediately release six peaceful democracy activists facing trial on groundless charges of threatening national security, in contravention of its obligations under international and Vietnamese guarantees of free expression, Human Rights Watch said today.

The six activists, arrested during a government crackdown that started last September, include the well-known novelist and journalist Nguyen Xuan Nghia, 60. A recipient of the prestigious Hellman/Hammett writers award in 2008, Nghia is a leader of the banned pro-democracy group, Block 8406, and an editorial board member of the underground democracy bulletin, To Quoc (Fatherland).

The activists' alleged crimes, according to a copy of a May 17 Ministry of Public Security investigation report obtained by Human Rights Watch, include distributing leaflets, hanging banners on bridges, writing poems and articles, and disseminating articles on the internet calling for democracy, human rights, and a pluralistic political system. In an indictment dated July 3, the six were charged with conducting anti-government propaganda under article 88 of Vietnam's penal code, which carries a sentence of up to 12 years' imprisonment.

"There's no question that the only offense these people have committed is to peacefully advocate for political pluralism and human rights," said Brad Adams, Asia director of Human Rights Watch. "They should be released immediately."

According to the police report, the group hung pro-democracy banners on bridges in Hai Duong and Haiphong cities in August 2008 and planned and conducted demonstrations against China and the Beijing Olympics in 2007 and 2008. In addition, the police report said, the six regularly met to exchange ideas, maintained relationships with democracy activists in Vietnam and abroad, and provided information to foreign radio stations and newspapers.

"Since when does writing poems or hanging banners on a bridge calling for democracy threaten national security?" asked Adams. "Once again the Vietnamese government is treating the expression of opinions as a crime. Vietnam needs to stop locking people up for their political beliefs."

Focusing on Nghia as the alleged leader of the group, the police report details 57 pieces Nghia wrote from 2007 until his arrest in 2008, including poetry, literature, short stories and articles, whose purpose, the report alleged, was to "insult the Communist Party of Vietnam, distort the situation of the country, slander and disgrace the country's leaders, demand a pluralistic and multiparty system. .. and incite and attract other people into the opposition movement."

The five other activists named in Nghia's indictment, who are expected to be tried with him, include veteran democracy activist Nguyen Van Tinh, 67; land rights activists Nguyen Kim Nhan, 60, and Nguyen Van Tuc, 45; university student Ngo Quynh, 25, and engineer Nguyen Manh Son, 66.

Four others arrested last September have not yet been indicted and remain in detention at Thanh Liet Provisional Detention Center (B-14) in Hanoi, They are writer and internet blogger Pham Thanh Nghien, teacher Vu Hung, poet Tran Duc Thach, and engineer Pham Van Troi.

In addition to the ten activists arrested in September 2008, at least seven other dissidents have been arrested in a fresh round of arrests that began in May 2009.

Others at possible risk of arrest for suspected links to Nghia's group include veteran democracy activists Nguyen Thanh Giang, Vu Cao Quan, and Catholic priest Phan Van Loi. They were identified in the police report and indictment for follow-up investigation.

Vietnam's past track record suggests that the upcoming trials will have politically determined verdicts and will be marked by violations of international fair trial standards. Vietnamese courts lack independence and impartiality. Foreign press, diplomats, and international observers are often barred from attending trials of dissidents, who have had difficulty accessing legal counsel.

"Vietnam's donors should raise these cases directly with government authorities and strongly condemn this crackdown on free expression," said Adams. "Respecting basic rights and freedoms must go hand-in-hand with any strategy for economic development."

The Vietnamese government has repeatedly refused to revise or repeal national security provisions in its penal code, such as article 88, which criminalizes peaceful dissent, most recently during the review of its rights record in May by the UN Human Rights Council (HRC). In September, the HRC will issue its outcome report on Vietnam's Universal Periodic Review, through which the rights records of all 192 UN member states are examined every four years.

The Vietnamese government has already indicated that it intends to reject key recommendations made by the HRC to lift its restrictions on freedom of expression and association, independent media, and human rights defenders.

"Rather than working with the UN to bring its laws and practices into compliance with international standards, the Vietnamese government continues to use these laws to silence government critics," said Adams. "Even when Vietnam's rights record is in the spotlight at the UN, it refuses to adopt recommendations to improve its record."

Vietnam's Constitution and the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), to which Vietnam is a state party, oblige the government to respect freedom of expression, belief, and opinion.
 
Priests minister to divorcees and those forced to use contraceptives
UCANews
15:59 20/08/2009
YEN BAI, Vietnam: Divorced Catholics and Catholics forced by the government to use contraceptives say they are grateful to two priests for understanding their plight and reaching out to them.

Joseph Nguyen Van Thong, from a northern diocese, who remarried two years after his marriage at the age of 18 failed, said he has felt ostracized by his parish for half a century.

He said he and his wife "felt miserable because we were banned from receiving Holy Communion."

However, the 70-year-old Catholic is much happier now, thanks to help from his parish priest. "My faith life revived rapidly since I received Holy Communion on Easter last April for the first time in five decades," Thong said.

The parish priest here has been trying to welcome Catholics in such situations back to his 3,000-strong Catholic community since 2007, when he was assigned to the parish.

The priest said he visits, hears confession and gives Communion to 20 people in the same situation as Thong.

He pointed out that Catholics whose earlier marriage is still valid, but who divorce and remarry, are prohibited from receiving Communion according to Church law. However, he explained that he gives them Communion during Easter as a way to show them God's love and empathize with their suffering.

He notes the Church states that Catholics are required to go to confession at least once a year and receive Communion during the Easter season. He added that the Church loves and welcomes all people and that he is trying to bring Catholics such as Thong back to the Church.

Thong said he now finds life more meaningful after the priest allowed him and his wife to receive Communion. "People like us need to feel God's closeness most through Holy Communion, which heals us spiritually," he said.

The "Catechism of the Catholic Church" says that a Catholic who divorces and contracts a new civil union "commits adultery" and cannot receive Communion or go to confession as long as this situation persists.

Priests in other dioceses explained that they allow such Catholics to go to confession and receive Holy Communion in private once or twice a year. If people receive Holy Communion in public, they might cause scandal, they added. They noted that as divorced Catholics have been ostracized, allowing them to receive Holy Communion is a way to welcome them back.

Following the Church's teaching is also a tough call for Catholics forced by the Vietnamese government to use contraception.

The "Catechism of the Catholic Church" says that any action whose purpose is to make procreation impossible during the "conjugal act" is "intrinsically evil."

Priests in various dioceses say that those who use contraception should be allowed to receive Communion after they go to confession as people are forced to comply with the government's two-child policy. Moreover, many Catholics cannot use natural family planning methods because they have a poor education, they added.

Father Michael Nguyen Tien Quang, pastor of another parish in a diocese with 5,000 Catholics, visits, hears confessions and gives Communion once a year during Lent and Easter to hundreds of women forced to use contraception. The parish has had no resident priest for 42 years before Father Quang started serving the parish in 2006.

Marie Nguyen Thi Huong, a farmer from the parish, said she was forced to use an intrauterine device after she gave birth to her third child. "If not, our farmland would be partly confiscated and our children would have no access to free health care and school fees from the government," she said.

Huong, 35, said she is grateful to Father Quang who gives her an opportunity to receive Communion once a year. "I am eager to receive Communion many times a year and God's love will strengthen my faith," Huong added.
 
VIETNAM: A propos de l’Affaire de la paroisse de Tam Toa
Eglises d'Asie
17:29 20/08/2009
Pour approfondir

Le texte traduit ci-dessous par la rédaction d’Eglises d’Asie a été mis en ligne le 12 août 2009 sur le site officiel de la Conférence épiscopale du Vietnam (1). Bien qu’il ne comporte pas de signature, il semble bien refléter l’opinion des évêques du Vietnam. Même si les événements de Tam Toa ne constituent pas le sujet central de cette réflexion, ils en sont sans aucun doute l’occasion et le point de départ. Il est clairement fait allusion à cette nouvelle affaire, qui a éclaté le 20 juillet dernier dans la paroisse de Tam Toa, à Dông Hoi, dans le diocèse de Vinh, et qui s’est ensuite poursuivie et envenimée dans les jours qui ont suivi, à la suite d’arrestations de fidèles et de brutalités policières commises en particulier contre deux prêtres.

En réalité, comme l’avaient déjà fait les évêques dans leur texte publié en septembre 2008 après l’affaire de la Délégation apostolique, intitulé « Point de vue de la Conférence épiscopale sur un certain nombre de problèmes posés par la situation actuelle » (2), cette réflexion sur le règlement des conflits prend de la hauteur et va au-delà des conflits de terrains opposant les communautés catholiques aux autorités locales ou centrales. Elle s’efforce de replacer la plus récente affaire dans le contexte des rapports de la société civile avec l’État. L’idée générale est que les conflits actuels marqués par une grande agressivité et un discours mensonger des médias officiels doivent être remplacés par des dialogues et des débats tenus en toute franchise. Pour cela, l’État devra cesser de criminaliser la contradiction et l’opposition et entrer dans un dialogue démocratique.

Comme son texte précédent, la nouvelle intervention épiscopale plaide avec chaleur pour le rétablissement de la propriété privée, et démontre que l’actuel statut de la propriété d’État est une source de conflits et de corruption. Elle appelle également avec insistance au respect absolu de la vérité aussi bien dans les médias officiels, que dans l’ensemble de la vie publique.


[Texte du 12 août 2009, paru sur le site de la Conférence épiscopale du Vietnam]

Réflexions sur le règlement des conflits.

Ces temps derniers, un climat de contestation a conduit à des réclamations et des plaintes concernant les terres et les biens immobiliers. De caractère public, répercutées par les mass media ou encore relayées par l’opinion publique, elles ont attiré l’attention de très nombreuses personnes. Plus particulièrement, un certain nombre d’affaires récentes en rapport avec des terrains d’établissements de l’Eglise catholique se sont achevées avec l’utilisation de la force publique (arrestations et ouvertures d’une enquête judiciaire contre les personnes impliquées). Cela a renforcé la préoccupation de l’opinion publique. Ressentie par les diverses couches de la population, cette préoccupation a pour objet la façon dont les contestations ont été réglées. Les solutions se sont fondées sur les dispositions de la loi sur les terrains de 2003 et divers décrets orientant son application. Or, ceux-ci ont démontré leur insuffisance. La preuve en est que la loi sur le terrain est en train d’être amendée pour l’adapter au nouvel état des choses.

1. L’Eglise du Vietnam, à travers le texte intitulé « Point de vue de la Conférence épiscopale sur un certain nombre de problèmes posés par la situation actuelle », signé par Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, le 25 septembre 2008, à Xuân Lôc, a exprimé officiellement son opinion sur la nécessité de procéder à un remaniement complet de la loi de 2003. Dans ce texte, la Conférence épiscopale apporte une contribution directe concernant l’esprit qui devrait animer cette loi sur les terrains: « Cette transformation doit prendre en compte le droit de propriété des individus conformément à ce que déclare la Déclaration des Nations Unies sur les droits de l'homme: « Tous les hommes jouissent du droit de propriété sur leurs biens et sur leurs terres, seuls ou associés avec d'autres, et personne ne peut être dépouillé de ses biens d'une façon arbitraire » (article 17). C'est pourquoi nous considérons qu'au lieu de régler les problèmes au cas par cas, de façon particulière, les responsables devraient chercher une solution plus radicale, en laissant aux citoyens le droit d'être propriétaire de leurs biens et de leurs terres. Par ailleurs, ces citoyens devront être conscients de leurs responsabilités à l'égard de la société. Il s'agit là d'une exigence rendue encore plus pressante par le contexte de la mondialisation actuelle, alors que le Vietnam s'adapte de plus en plus au rythme de vie commun à toute la planète. Cela constituera les prémices d'un règlement radical du problème des plaintes des citoyens concernant les terrains. Cela contribuera aussi à l'expansion économique et au développement assuré de notre pays ».

La terre a toujours été considérée comme un bien, un moyen de production indispensable dans toutes les économies. C’est pourquoi la gestion des terres est une des fonctions les plus importantes de l’État.

Selon les dispositions de la loi sur les terrains en vigueur, la terre est la propriété de l’ensemble du peuple et de l’État, le représentant de ce dernier. Bien qu’il ne soit que le représentant du propriétaire, l’État bénéficie d’un pouvoir quasiment absolu dans les décisions concernant les terrains. Par exemple, selon l’article 5 de la loi, l’État bénéficie des droits suivants: il détermine le but de l’utilisation de la terre, sa transmission, sa location, sa récupération; il autorise le changement du but d’utilisation; il fixe le prix de la terre; il décide de ses limites et de la durée d’utilisation… Avec des droits aussi exorbitants, s’il n’y a pas de dispositions contraignantes et un organe de contrôle efficace, il sera difficile d’éviter que ceux qui détiennent un tel pouvoir de décision dans les problèmes concernant les terrains ne se livrent à des abus, abus qui consistent à tirer profit des terres, surtout lorsque celles-ci sont devenues une marchandise de haut prix comme c’est le cas aujourd’hui.

La réalité nous montre qu’aujourd’hui la terre est devenue un « bien », une « source de capital », une « marchandise » à l’intérieur de l’économie de marché. Cet état des choses a suscité un grand appétit, un désir d’accaparer des terres pour en tirer profit.

On pourrait dire qu’aujourd’hui, la terre est devenue et continue d’être la plus importante source de profit, en même temps qu’une des causes les plus communes de la concussion. C’est bien pour cela, qu’on ne peut éviter de faire référence à la lutte contre la concussion dans le texte d’une nouvelle loi sur les terrains.

Reconnaître et protéger le droit du citoyen à la propriété privée de la terre, s’opposer à la corruption, tels sont les objectifs auxquels devra tendre le remaniement de la loi sur les terrains.

Si l’on veut que l’esprit que nous venons d’évoquer se concrétise par des faits, la loi sur les terrains devra se fonder réellement sur les hommes et être établie pour eux. Ce devrait être un des principes capables de venir à bout des difficultés relatives à l’histoire de la propriété des écoles, des établissements de santé, des lieux de culte des religions: autant de biens qui ont été confisqués ou accaparés.

2. Les plaintes et les requêtes en matière de terrains sont en train de s’accumuler. Elles sont devenues une montagne de dossiers sans solution, dans les divers organes concernés, aussi bien au niveau régional qu’au niveau central. De plus, elles ont donné lieu à de nombreux rassemblements importants auprès des services destinés à recevoir la population, particulièrement à Hanoi et Ho Chi Minh ville. Une nouvelle affaire a éclaté à l’église de Tam Toa, au Quang Binh, depuis le 20 juillet 2009, alors que les échos des événements survenus à la Délégation apostolique de Hanoï et à l’église de Thai Ha ne s’étaient pas encore éteints. En ces trois endroits, se sont produits des événements regrettables et douloureux: heurts entre les agents de la force publique et les fidèles, critiques mutuelles sur les médias.

Devant la situation regrettable révélée par les affaires de la Délégation apostolique et de Thai Ha en 2008, et surtout devant le climat d’affrontement créé par les organes d’information, la Conférence épiscopale dans son texte « Point de vue de la Conférence épiscopale sur un certain nombre de problèmes posés par la situation actuelle » avait fait cette remarque: « Dans le règlement des conflits, un certain nombre de médias, au lieu de servir d'intermédiaires et d'aider à la compréhension, cherchent à créer la sensation et à semer le soupçon. »

Le texte des évêques avait directement interpellé les responsables des communications sociales: « En fait, les nouvelles sont déformées, tronquées, comme dans le cas du conflit sur la propriété de l'ancienne Délégation apostolique. C'est pourquoi nous proposons que les personnes qui travaillent dans les médias prennent les plus grandes précautions lorsqu'elles publient des nouvelles ou des photos, surtout en rapport avec l'honneur et le bon renom d'un individu ou d'une communauté. Lorsque des informations erronées ont été publiées, il est nécessaire de les rectifier ».

Ce point de vue, la conférence épiscopale l’a fait entendre dans le climat tendu des affaires de la Délégation apostolique et de Thai Ha en 2008. Elle ne l’a pas encore exprimé à nouveau dans l’affaire de l’église de Tam Toa mais, à coup sûr, le point de vue des évêques sur ce qui est exigé du monde des communications ne peut changer. L’attitude fondamentale que les évêques souhaitent voir observer par le monde des médias, mais aussi par les composantes de la vie publique, c’est le respect de la vérité car « ce n'est qu'en respectant la vérité que les médias accompliront la fonction qui est la leur, à savoir diffuser des nouvelles et éduquer afin d'édifier une société juste, démocratique et civilisée ».

Il faut toujours respecter la vérité et la mettre au-dessus de tout. La solution de toutes les contestations, les affrontements et les conflits est la recherche, la reconnaissance, et le respect de la vérité.

La vérité des problèmes conflictuels appartient au domaine civil. Ils ne peuvent être réglés dans une perspective politique. La vérité d’une contestation ne réside pas dans une action susceptible de sanctions pénales; on ne règle pas une protestation en la criminalisant. La vérité du problème des terres réside dans l’histoire de sa propriété; il convient donc de chercher ensemble, d’écouter soigneusement, en donnant la parole aux preuves concrètes. La vérité des récentes réclamations de terrains, comme celle de toutes les autres plaintes ne réside pas dans des affrontements ou dans la recherche de l’intérêt personnel.

3. Les catholiques vietnamiens, par l’intermédiaire de leurs pasteurs en visite ad limina à Rome, ont accueilli les directives du Saint-Père, Benoît XVI, concernant leur vie de témoins de l’Évangile au sein de leur peuple: « Vous savez comme moi qu'une saine collaboration entre l'Eglise et la communauté politique est possible. A ce propos, l'Eglise invite tous ses membres à s'engager loyalement pour l'édification d'une société juste, solidaire et équitable. Elle n'entend nullement se substituer aux responsables gouvernementaux, souhaitant seulement pouvoir, dans un esprit de dialogue et de collaboration respectueuse, prendre une juste part à la vie de la nation, au service de tout le peuple. » (Discours du pape aux évêques vietnamiens, 27 juin 2009).

Les catholiques vietnamiens ont adopté ces orientations de l’Eglise (« Elle n'entend nullement se substituer aux responsables gouvernementaux, souhaitant seulement pouvoir, dans un esprit de dialogue et de collaboration respectueuse, prendre une juste part à la vie de la nation, au service de tout le peuple »). Ainsi, lorsque la situation exige qu’elle exprime une opinion contradictoire, elle ne poursuit que l’intérêt commun du pays; elle n’est animée d’aucune ambition sinon du désir de participer à l’élévation du niveau de vie matériel et spirituel des hommes. L’attitude critique de tous les citoyens, y compris les catholiques, doit être comprise correctement comme l’expression du droit à un dialogue franc et sincère, orienté vers le bien commun. C’est pourquoi la désinformation infligée aux actions de bonne volonté, évoquées ci-dessus, porte atteinte à la recherche de la vérité, crée un climat de discorde et de mauvaises relations. Plus encore, elle éteint l’ardeur de l’engagement des citoyens sincères pour leur pays.

Naturellement, comme toutes autres personnes de bonne volonté, les catholiques vietnamiens comprennent bien que les résultats exigent un long labeur. Pour que l’œuvre de rénovation porte des fruits, il faut du temps.

La vie sociale de notre pays, pendant une longue période, a été organisée d’une façon différente de celle de la communauté mondiale. Aujourd’hui notre pays s’est transformé et s’est intégré. Ce n’est pas du jour au lendemain qu’il rejoindra les normes mondiales. Ainsi, comme toutes les personnes de bonne volonté, avec persévérance, les catholiques contribueront au progrès général, tolérants devant les déficiences, partageant les préoccupations et les espoirs de tous leurs compatriotes, parmi lesquels ceux qui assument des responsabilités dans l’exercice du pouvoir.

Notre vœu le plus ardent, aujourd’hui, est que toutes les composantes de la société soient également invitées à entrer en dialogue, en discussion et en débat et que ce dialogue soit direct, épanoui et sincère, dans la paix et le respect mutuel.

(1) http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=653&CateID=63

(2) Voir la traduction dans EDA 492

(Source: Eglises d'Asie, 20 août 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tĩnh tâm các đoàn sinh Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo xứ Cồn Cả và Giáo xứ Vĩnh Giang
PV Cồn Cả
18:07 20/08/2009
VINH - Mặc dầu công việc bề bộn nhưng Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính vẫn dành nhiều thời giờ cho phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Cụ thể, Cha dành trọn hai ngày 18 và 19 năm 2009, để tổ chức tĩnh tâm và tổng kết hoạt động trong 6 tháng cho các đoàn sinh trong hai Hai Giáo xứ Cồn Cả và Vĩnh Giang.

Xem hình ảnh

Bước vào ngày thứ nhất, đoàn thiếu nhi hai giáo xứ tập trung tại nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Giang với khoảng 350 đoàn sinh và 30 huynh trưởng: đọc kinh, lần chuỗi mân côi, sau đó Cha xứ chia sẻ những vấn đề liên quan đến phong trào. Trước hết, Ngài nhắc lại khẩu hiệu của phong trào TNTT là hy sinh, cầu nguyện, rước lễ và làm việc tông đồ. Ngài nhấn mạnh hơn về khẩu hiệu LÀM VIỆC TÔNG ĐỒ. Sau khi giúp các em hiểu việc tông đồ là gì, Cha xứ bảo các em có thể làm việc tông đố trong mọi môi trường sống của mình, nhất là chính trong đội, trong đoàn, ở gia đình, ở nhà trường, ở nhà thờ và trong làng xóm…Ở trong đội, trong đoàn, các em có thể làm gương tốt cho nhau, thúc giục nhau làm việc lành, nhắc nhở nhau tránh xa sự dữ. Trong gia đình, các em phải vâng lời ông bà, cha mẹ, anh chị và giúp cha mẹ trong những việc nhỏ như quét nhà, rửa chén…Ở nhà trường, các em biết vâng lời thầy cô, chăm chỉ học bài, sẵn sàng giúp những bạn bè gặp khó khăn. Ở nhà thờ, các em biết phải nghiêm trang, sốt sắng. Ở làng xóm, các em cần tôn trọng của cải người khác, không phá phách, làm mất vệ sinh chung…Nói tóm, các em làm tông đồ bằng chính đời sống gương mẫu đối với tất cả mọi người trong mọi môi trường sống. Để làm được điều đó, các em phải chọn Chúa Giêsu làm tâm điểm và kim chỉ nam hướng dẫn đời sống và mọi hoạt động của các em. Ngoài ra, các em cần có tinh thần hy sinh cao độ và lòng mến Chúa sâu sắc.

Cha xứ cũng nhắc tới các đức tính của người tông đồ là khiêm nhường, yêu thương, hy sinh và phục vụ. Khi làm tông đồ cần phải tránh sự ghen tương, ganh tị, giận hờn, ích kỷ, vô kỷ luật, ù lì, bất cần, tiêu cực, gây chia rẽ, nói xấu người khác…Người tông đồ cần phải chăm chỉ học tập. Sống ngày thánh thể và tích cực tham gia những công tác của đoàn, giáo xứ, nhằm giúp ích cho Giáo hội và xã hội. Kết thúc bài chia sể chiều nay, một đoàn sinh đại diện cho các em đứng lên dâng lời cầu nguyện tự phát: cầu cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho gia đình và nhiều nhu cầu khác. Sau đó, các em được tham gia vào các trò chơi sinh hoạt mang tinh thần đồng đội hết sức vui nhộn, khơi dậy lòng nhiệt thành và năng động nơi các em.

Tối đến, các em tập trung đông đủ để chuẩn bị cho giờ lễ và giờ chầu bắt đầu vào lúc 8h. Trong bài chia sẻ của thánh lễ tối nay, sau khi phân tích bài Tin mừng, một lần nữa Cha xứ nhắc lại bản chất, tôn chỉ và mục đích của phong trào để cho cả cộng đoàn nhất là bậc cha mẹ hiểu hơn vể phong trào TNTT. Cha xứ cũng kêu gọi các bậc Cha mẹ đôn đốc, cổ vũ, khuyến khích và tạo điều kiện để các em được tham gia phong trào nhằm giúp ích cho các em, cho gia đình, Giáo hội và xã hội. Sau thánh lễ, các đoàn sinh và cộng đoàn hướng về Chúa Giêsu Thánh thể ngự trong hào quang được đặt trên bàn thờ, giữa muôn hoa nến rực rỡ để thờ lạy, ngợi khen, chúc tụng và cầu xin Ngài tiếp sức cho phong trào ngày một thăng tiến.

Kết thúc một ngày tĩnh tâm sốt sắng và bổ ích, các em và cộng đoàn ra về trong tâm tình sốt sắng và hạnh phúc. Trong khi đó, các huynh trưởng của hai giáo xứ ngồi lại bàn một vài kế hoạch cho ngày tĩnh tâm tiếp theo được chu đáo và ích lợi hơn. Đây cũng là dịp để các huynh trưởng giao lưu chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với nhau về những vấn đề liên quan đến tổ chức và sinh hoạt cho các đoàn sinh của mình.

Bước vào ngày tĩnh tâm thứ hai, các em được qui tụ về nhà thờ giáo họ Đập Đanh, xứ Cồn Cả: đọc kinh, lần hạt. Tiếp theo là lời nhắc nhở và chia sẻ của Cha quản xứ. Trọng tâm của bài chia sẻ hôm nay giúp các em hiểu và sống ngày Thánh Thể. Bởi vì, khi các em biết sống ngày Thánh thể, các em sẽ kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong từng công việc hằng ngày. Vừa thức dậy, các em biết dâng ngày mới cho Chúa. Nếu thuận lợi nên đi dâng lễ và rước lễ hoặc đọc kinh chung với gia đình. Trong ngày sống, các em phải biết xa lánh những điều xấu trong tư tưởng, lời nói, việc làm, đồng thời biết làn nhiều việc lành phúc đức. Tất cả mọi công việc luôn làm với tinh thần vui tươi. Trước mọi công việc cần cầu nguyện xin Chúa giúp. Khi gặp khó khăn, vất vả cần liên kết với những đau khổ của Chúa trên thập giá. Khi gặp niềm vui và hạnh phúc, cần nâng tâm hồn cám tạ Chúa và kết hợp với sự sống lại của Ngài. Các em cũng nên dành một thời gian nhất định trong ngày để đến nhà thờ thăm viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Chiều tối cần tới nhà thờ tham dự giờ kinh chung với cộng đoàn hoặc đọc kinh chung trong gia đình. Trước khi đi ngủ, các em cần biên vào sổ hoa thiêng những việc đã làm được cũng như những điều thiếu sót. Cám tạ Chúa vì những điều đã làm được. Xin lỗi Chúa vì những sai lỗi và thiếu sót, dâng giấc ngủ cho Chúa và quyết tâm sống ngày mới tốt hơn.

Trong bài chia sẻ hôm nay, Cha xứ cũng đặc biệt nhắc nhở anh chị em huynh trưởng cần có đời sống gương mẫu cao trong mọi hoạt động của phong trào.

Sau khi nghỉ lao khoảng 15 phút, các em bước vào giờ giao lưu với nhiều câu hỏi được nêu: Làm thế nào để phong trào ngày càng phát triển ? Phong trào TNTT đã giúp em điều gì ? Em sẽ làm gì để trở thành đoàn sinh tốt ? …Trả lời các câu hỏi đó giúp các em nhận ra những ưu điểm và khuyết điểm trong đời sống cũng như trong sinh hoạt và tổ chức, phát huy những mặt tốt và tìm cách khắc phục những thiếu sót để giúp phong trào hoạt động có hiệu quả hơn.

Kết thúc phần giao lưu, các em được bước vào chương trình hoạt động ngoài trời. Sau khi tập hợp các đoàn sinh thành vòng bán nguyệt trước mặt tiền nhà thờ, các tiết mục mang tính cách hoạt động mạnh thật vui nhộn và làm các em thích thú. Đáng kể hơn là tiết mục ảo thuật do Huynh trưởng Hoàng Đức Tiến thể hiện thật bất ngờ, và hấp dẫn.

Sau khi nghỉ ngơi cơm tối, các em mau mắn trở về nhà thờ đông đủ để chuẩn bị cho giờ lễ và giờ chầu Thánh Thể kết thúc dịp tĩnh tâm. Tối nay, ngoài đoàn sinh còn có các ban nghành đoàn thể và bà con trong hai giáo xứ. Trước thánh lễ, ban chấp hành hai giáo xứ đọc bản báo cáo hoạt động trong 6 tháng đầu năm: những việc đã làm được, những việc chưa làm được và phương hướng hoạt động trong thời gian tới chú tâm hơn vào công tác tông đồ và sống ngày Thánh thể. Ban chấp hành hai giáo xứ cũng có những đề xuất và mong các ban ngành, các bậc cha mẹ tạo điều kiện giúp đỡ cho phong trào ngày càng phát triển.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay rất phù hợp với tinh thần của những ngày tĩnh tâm. Thánh Phêrô hỏi: “Này đây, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con đã được gì ?”. Chúa Giêsu trả lời: “Những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì được gấp trăm và được sống đời đời”. Sau khi giải thích, Cha xứ áp dụng vào trường hợp của cộng đoàn, của các đoàn sinh. Khi tham gia vào phong trào thiếu nhi Thánh thể, các em cũng phải từ bỏ nhiều thứ, nhưng các em cũng được rất nhiều: Có nhiều thời giờ để gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, làm việc tông đồ, thăng tiến bản thân, tập sống tinh thần tập thể, giúp ích cho gia đình, giáo xứ, xã hội…và đương nhiên có cơ hội hơn để được Chúa thưởng gấp trăm và được sự sống đời đời.

Trong giờ chầu, các đoàn viên lần lượt dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể những bài hát những lời kinh nguyện sốt sắng để cầu nguyện cho giáo xứ, cho phong trào và anh chị em Tam Toà. Lời kinh hoà bình của Thánh Phanxicô một lần nữa được ngân vang: “…để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đêm chân lý vào chốn lỗi lầm”. Đó cũng là sứ điệp mà Cha quản xứ muốn gửi tới các đoàn sinh và cộng đoàn trong hai giáo xứ Cồn Cả và Vĩnh Giang. Mọi người thinh lặng ra về và hứa quyết tâm sẽ kéo dài dịp tĩnh tâm trong mọi môi trường sống của mình.
 
Mới lớp 1 mà đã muốn bỏ học!
Phan Kim, OP
18:09 20/08/2009
Để chuẩn bị cho con em của mình vào năm học mới, các bậc cha mẹ có con cái sắp bước vào lớp một đã phải vất vả chạy ngược chạy xuôi tìm trường cho con. Việc tìm được trường học cho vừa ý mình không phải là việc dễ dàng gì trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Năm học mới sắp bắt đầu, các bậc phụ huynh đang tất tưởi tìm trường cho con; nhưng khi tìm được trường rồi lại phải đối diện với vấn đề nan giải khác: con mới đi học buổi đầu mà đã muốn nghỉ học!

Nhân cách con người được hình thành từ những năm đầu tiên của cuộc đời. Những kinh nghiệm thu thập được từ những năm học mẫu giáo và cấp tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đức dục, trí dục và thể dục của con người. Điều này, kinh nghiệm cho chúng ta thấy rõ.

Hoàn cảnh tại Việt Nam trong ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục tiểu học nói riêng đang rơi vào tình trạng bế tắc: giáo viên, trường hớp, chương trình, dụng cụ học hành, sách giáo khoa,… và nhất là chiến lược giáo dục lâu dài. Giáo dục là việc hệ trọng ai ai cũng biết và công nhận, nhưng những người làm giáo dục lại có vẻ như muốn đùa chơi với giáo dục. Giáo dục có được phép thử nghiệm không? Xin thưa là không! Tại sao? Vì không như một cái bảng, vẽ lên đó cái gì rồi không thích thì xoá đi vẽ lại; không thể truyền cho đứa trẻ bất cứ điều gì, sau đó thấy sai sửa lại. Giáo dục mà thử nghiệm tràn lan kiểu đó thì chẳng khác gì huỷ hoại. Cây cối có thể nhổ lên rồi trồng lại, nhưng giáo dục trẻ em thì không thể làm như thế được!

Bài viết “'Sốc' vào lớp 1” của tác giả Nguyễn Hiền đăng trên Vietnamnet (www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/08/864255/) ngày 19/08/2009 cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong ngành giáo dục nói chung và ngành tiểu học nói riêng. Tại sao trẻ em mới vào lớp 1 học được một vài buổi đã muốn nghỉ học? Tương lai của các em sẽ ra sao khi hành trình học làm người mới bắt đầu đã phải ngao ngán lòng! “Vạn sự khởi đầu nan”, “đầu mà không xuôi” thì làm sao “đuôi lọt”. Mới đi học mà tâm lý nặng nề như thế thì làm sao có hứng thú học tiếp đây! Chuyện không nhỏ đâu!!! Các em chán học đã đành, mà phụ huynh cũng tỏ ra bực tức và thất vọng.

Các bậc phụ huynh nghĩ gì, và phải làm gì để giải quyết và giúp trẻ em có hứng thú trong việc học hành? Các nhà giáo dục phải làm sao để tạo niềm vui cho các em say mê học? Các nhà hoạch định chính sách giáo dục có trăn trở gì về hiện tượng trẻ lớp một mà đã chán học? Quý vị thử nghĩ xem, tương lai của đất nước trong mười lăm hoặc hai mươi năm nữa sẽ ra sao khi những người làm chủ tương lai đó đang rơi vào tình trạng bế tắc và chán học? Xin hãy chung tay góp phần tạo hưng phấn cho những nụ hoa mới nở mà đang có nguy cơ héo tàn! SOS!
 
Giáo Xứ Cẩm Trường Mừng Lễ Thánh Linh Mục Đaminh
Anthony Lê Lượng
18:18 20/08/2009
Giáo Xứ Cẩm Trường Mừng Lễ Thánh Linh Mục Đaminh,
Bổn Mạng Của Quý Cha Khóa VI (1999-2006), Đại Chủng Viện Vinh-Thanh


“Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath”. Đây chính là ‘khuôn vàng thước ngọc’ mà Cha thánh Đaminh đã truyền lại cho tất cả chúng ta, cách riêng quý Cha khóa VI và anh em Tam Tòa đang sống trong giai đoạn quẫn bách và nhiễu nhương này.

Từ chiều hôm qua và sáng nay, ngày 20 tháng 08 năm 2009, cộng đoàn giáo xứ Cẩm Trường lấy làm vui mừng và vinh hạnh vì được giao lưu và gặp gỡ quý Cha khóa VI (1999-2006), Đại Chủng viện Vinh-Thanh. Đây là cuộc gặp gỡ thắm tình đệ huynh giữa hai Giáo phận: Vinh và Thanh Hóa và cũng là cuộc hội ngộ đượm tình quê hương giữa bốn tỉnh miền Trung đất Việt: Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình. Tuy cách xa về địa lý, khác nhau về văn hóa, lối sống, tuổi tác, giọng nói, tiếng cười, v.v. Nhưng, quý Cha khóa VI đã hợp quần thành một tập thể huynh đệ giao hảo và duy nhất trong Đức Giêsu Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm, vị Mục Tử Nhân Lành. Quả đúng như lời khen ngợi của Giáo sư triết học Nguyễn Khắc Dương:

Vinh-Thanh bốn tỉnh một nhà;
Cả hai Giáo phận điều là anh em
”.

Ba mươi gương mặt điển trai của Chủng sinh đoàn Vinh-Thanh ngày nào giờ đã là những Linh mục nhiệt thành, là các Cha chánh-phó xứ, là những Mục tử chăn dắt các đàn chiên của Chúa định cư rải rắc khắp cả dải đất miền Trung đầy nắng gió và thân quen này. Ngoài bốn Cha du Tây “tầm sư học đạo” và một số Cha xin kiếu vì bận công tác mục vụ đột xuất, đa số quý đã “đậu” lại trên mảnh đất xứ Cẩm quê sơ, nghèo tiền bạc, nhưng giàu nhân ngãi này, để mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Đaminh và cảm tạ Tam Niên Hồng Ân Linh Mục, và cũng là dịp để gặp gỡ và giao lưu với cộng đoàn nơi đây.

Cổ nhân có câu: “Kiến kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”. Quả đúng như vậy, nhiều người trong cộng đoàn hiện hiện diện đã được nghe biết rất nhiều về quý Cha khóa VI-tuy trẻ trung về tuổi đời và tuổi mục tử, nhưng năng động và đầy nhiệt huyết tông đồ, dám xả thân vì đạo Chúa, đặc biệt là Cha Phêrô Thế Bính (quê xứ Hướng Phương, quản xứ Hà Lời, Quảng Bình) và Cha Phaolô Nguyễn Đình Phú (quê xứ Thu Chỉ, quản xứ Dũ Lộc, Hà Tĩnh)-hai nạn nhân của vụ thảm sát Linh mục và là hai nhân chứng sống của cuộc bạo hành tôn giáo vừa qua ở giáo xứ Tam Tòa. Nhưng, hôm nay, họ mới có cơ hội được diện kiến, được chiêm ngắm dung nhan của quý Cha. Chính vì thế, cả giáo xứ đã dồ lên hồ hởi với những tràng pháo tay vang dội khi thấy Cha Đình Phú xuất hiện, khiến Ngài nghẹn lời trong hai chữ “Cảm ơn”…

Các Cha về đây trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn, mang theo bao trái tim đầy tràn nhiệt huyết yêu thương! Các Ngài vui vì được sự đón tiếp rất nồng hậu của Cha quản xứ, quý Hội đồng Mục vụ xứ-họ, quý Hội đoàn, Ban ngành cùng toàn thể cộng đoàn giáo xứ Cẩm Trường. Các Ngài hạnh phúc vì “lúc khó nhọc Chúa cho nghỉ ngơi; khi nồng nàn Chúa Chúa cho êm dịu; trong cơn gian nan Chúa ủi an…”. Sau một năm vật lộn với bao công tác mục vụ bộn bề, hôm nay các Ngài mới thực sự được “nghỉ ngơi đôi chút”; ngồi bên nhau trong tách trà, điếu thuốc, ly cà phê… để hàn huyên chuyện cũ, thảo bàn chuyện mới, v.v. Nhưng, các Ngài cũng buồn vì anh em không đủ số, nhất là sự thiếu vắng Cha Thế Bính đã bị bọn “chó săn” Quảng Bình đánh đập tàn nhẫn, đến nay vẫn chưa thể bình phục được!

Các Ngài không nuôi hận thù, không dạy giáo dân oán ghét, nhưng tha thiết kêu mời họ cầu nguyện nhiều cho những kẻ bách hại mình, như Cha thánh Đaminh đã từng khuyên dạy: “Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath”. Chúng ta không thể thắng kẻ thù bằng xe tăng, đại bác, súng ống, đạn dược, cuốc thuổng, gậy gộc, v.v.; nhưng, chúng sẽ đến với họ và khuất phục họ bằng trăm lời cầu nguyện và cả ngàn con tim chứa chan tình Chúa, tình đời, tình người và tình ta.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mừng Sinh Nhật – Mẹ Về Chốn Xưa.
Nắng Sàigòn
06:10 20/08/2009
Mừng Sinh Nhật – Mẹ Về Chốn Xưa.

Kỷ niệm một năm biến cố Thái Hà – Mẹ về chốn xưa 15/08/2008—15/08/2009.

Lòng rộn ràng dâng lời kinh tha thiết,

Hồn khát khao công lý quyết kiếm tìm.

Lửa hồng cháy sáng trong tim,

Lung linh ánh nến đắm chìm say mê.

Lòng hiệp lòng lời nguyện thề son sắt,

Hoa lòng con dâng nước mắt chan hòa.

Linh Địa vang khúc tình ca,

Xin Mẹ nâng đỡ Thái Hà trung kiên.

Mừng Sinh Nhật – Mẹ hiền dấu yêu,

Về chốn xưa bao điều vấn vương.

Đất Mẹ lưu luyến tình thương,

Xin Mẹ ban phước quê hương bình an.

Mừng Sinh Nhật – nồng nàn chốn xưa,

Mẹ chở che chan chứa ơn lành.

Bóng Mẹ hiện giữa trời xanh,

Sự Thật – Công Lý bức tranh hòa bình.

Lòng ngậm ngùi dâng câu kinh tiếng hát,

Bao bất công đang xé nát cuộc đời.

Bạo quyền, áp bức lên ngôi,

Xin Mẹ thương cứu mảnh đời điêu linh.

Ngọn lửa hồng lung linh bừng sáng,

Xua màn đêm u ám đọa đày.

Bồi hồi câu hát đêm nay,

Niềm tin, hy vọng một ngày sáng tươi.
 
Lại chuyện “cúi đầu nhận tội”!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
07:15 20/08/2009
Bản tin thời sự 19 giờ tối qua 19/8/09 trên VTV chắc lại sắp ‘hâm nóng’ các diễn đàn mạng về đề tài “cúi đầu nhận tội xin đảng khoan hồng”.

Sau khi bị bắt chỉ vài ngày Ls.Lê Công Định đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” này. Còn tối qua là đến lượt các anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Lê Huỳnh Thức và Cựu sĩ quan quân đội Trung tá Trần Anh Kim.

Vừa ăn cơm tối vừa theo dõi thời sự một cách lơ đãng vì chẳng thấy hứng thú gì với tin tức ‘lề phải’, bỗng sự lên giọng của cô xướng ngôn viên ra vẻ khoe thành tích “sớm đưa vụ án xâm phạm an ninh quốc gia ra xét xử” khiến tôi quên cả chén bát chăm chú nhìn vào màn hình.

Chắc lại có chuyện ‘chẳng lành’ sắp đổ ập xuống đầu ai đó, chẳng nhẽ … còn đang suy nghĩ lung tung đã thấy Thạc sĩ Tin học Nguyễn Tiến Trung xuất hiện trên màn ảnh truyền hình và sau đó là đến lượt các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim.

Tưởng rằng thêm ba nhân vật chính còn lại của đợt bắt bớ vừa qua như vậy đã là đủ ‘ê-kíp’ để bản tin khép lại, nhưng thật bất ngờ một lần nữa Ls.Lê Công Định cũng lại có mặt.

Nhưng khác với lần ‘nhận tội’ trước, lần này anh chỉ xuất hiện trong chốc lát nói dăm ba câu. Có vẻ như ý đồ của các đạo diễn là muốn dùng Ls.Định, nhân vật ‘sáng giá’ nhất của cả nhóm là người cuối cùng đứng ra hạ màn vở tuồng ‘nhận tội’, rằng “những gì quí vị vừa được nghe đều là đúng sự thật đấy!”

Khi còn nghĩ ngợi gì thêm về sự xuất hiện của anh thì thắc mắc ấy liền được giải đáp khi nghe Ls.Định nêu đích danh nhiều nhân vật ngoại giao Mỹ mà anh có quan hệ và còn nói rõ họ ủng hộ việc làm của anh, kể cả ông Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất John D.Negroponte chỉ đứng sau bà Hilary Clinton chẳng chút nể nang nào hết.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc ‘tố cáo’ người Mỹ ‘giật dây’ mới chính là chủ đích của bản tin tối qua chứ không còn là chuyện nhận tội xin khoan hồng.

Phải chăng Hà Nội lại mới có thêm sự ‘không hài lòng’ nào đó về Hoa Kỳ, hay sự ‘lên giá’ của VN trong quan hệ với Mỹ thời gian gần đây trước những đe dọa của TQ ngoài biển Đông đã khiến, Hà Nội nói năng chẳng cần kiêng cữ?

Dẫu sao thì so với những thước chiếu Ls.Đinh hồi tháng 6, qui trình ‘nhận tội’ nay cũng đã có những bước ‘tiến bộ’.

Lần ấy, việc một trí thức như Ls.Định mà tay phải cầm giấy để nhận tội đã bị dư luận đặt câu hỏi cho rằng anh bị ép phải đọc những gì do người khác viết? Còn tối qua, màn trình diễn của 3 ‘diễn viên’ Tiến Trung, Duy Thức và Anh Kim đã tỏ ra ‘chuyên nghiệp’ hơn.

Cả ba người không ai cần đến bất cứ mảnh giấy nào mà vẫn nói vo ngon lành. Nhưng có để ý mới thấy các nội dung đều có chung một ‘công thức’. Đó là sau khi thuật các hoạt động ‘phạm pháp’ của mình theo trình tự thời gian, tất cả đều kết thúc bằng một câu nghe rất… ‘có hậu’ “xin nhà nước khoan hồng để được trở về cùng gia đình …”.

Anh Trần Huỳnh Duy Thức là người trình bày dài nhất, chiếm khoảng 1/3 thời lượng dài cỡ 15 phút của bản tin này.

Sự ăn nói ‘trơn tru’ như thể rất có thể sẽ lại khiến thiên hạ đặt câu hỏi liệu họ phải học thuộc lòng trước khi ‘trả bài’?

Khách quan theo tôi cũng không loại trừ khả năng này, hoặc ít nhất cũng là họ phải thuộc được cái sườn bài được duyệt trước khi xuất hiện trước ống kính.

Cái cảnh miệng đọc trong lúc mắt nhìn cố định về một hướng phía trước như trên màn ảnh tối qua, cũng rất có thể trước mặt họ là tấm bảng ghi sẵn ‘những điều cần phải nói’ cũng nên?

Có một chi tiết rất đáng chú ý là trong lúc Nguyễn Tiến Trung ‘nhận tội’, các nhà quay phim đã cố tình quay cận cảnh hai bàn tay không anh đang xoa đan vào nhau vài giây để trình chiếu cho chúng ta xem.

Bàn tay Trung có gì đặc biệt để khiến mấy ‘bác’ quay phim phải chú ý? hay họ cho rằng chi tiết này là biểu hiện của tâm trạng bối rối, và vì thế họ chộp lấy đưa ra cho khán giả thấy để họ tin rằng sự ‘hối lỗi’ của Nguyễn Tiến Trung là có thật?

Theo chúng tôi thì qua cách nói năng từ tốn và mạch lạc của Trung có thể phủ nhận giả thuyết bối rối này.

Nhưng dường như ý đồ chèn cảnh này vào là để muốn thanh minh cho lần ‘sơ xuất’ cầm giấy đọc trước đây với Ls.Định, rằng quí vị thấy đấy chúng tôi có ép ai đọc đâu, các anh ấy tự nhận tội đấy!

Quả là đáng khâm phục sự chu đáo của các nhà đạo diễn với màn trình diễn ‘nhận tội’ mà VTV vừa chiếu tối qua.

“Những thước phim này biết đâu sẽ đi vào lịch sử” chú em tôi sau khi xem xong đã buột miệng!

Riêng tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao Csvn lại tạo cơ hội cho cả nhóm thoải mái quảng bá dân chủ bằng chính phương tiện truyền thông của đảng. Như việc đoạn Ls.Định nói về sự cần phải có sự độc lập của tòa án trong xét xử mà bất cứ ai nghe cũng thấy là anh nói quá đúng.

Hoặc anh Trần Huỳnh Duy Thức công khai nói về thời ‘mạt vận’ của chế độ đã đến vào năm suy (2010) và năm tận (2020) như trong các bài viết trên blog Trần Đông Chấn v.v…

Rõ ràng toàn là những lời lẽ chẳng đem lại chút lợi lộc gì cho chế độ !

‘Thấy thế, nghe thế, biết thế và xin… chấm hết’ theo chúng tôi đó là cách ứng xử tốt nhất lúc này. Bởi ngay cả khi chúng ta đang được chút thoải mái ngoài xã hội, gặp bao điều chướng tai gai mắt mà còn chưa dám nói lên sự thật những gì mình suy nghĩ, thì trách chi người đang bị ngồi trong tù !

Hãy lấy kinh nghiệm vụ tám giáo dân Thái Hà từng bị vu oan trắng trợn “cúi đầu nhận tội” ra mà suy xét sự việc.

Sàigòn, 20/8/2009
 
Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Tam Toà tại Nam Úc
Giuse Hữu Nguyễn
16:30 20/08/2009
Sau Thánh Lễ vọng mừng Đức Mẹ Lên Trời lúc 7 giờ tối thứ Sáu ngày 14 tháng 8 năm 2009, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam-Nam Úc đã tổ chức Đêm Thắp Nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình trên quê hương Việt Nam với sự tham dự của hàng ngàn anh chị em giáo dân Nam Úc.

Sau nghi thức khai mạc đêm thắp nến của cha phó quản nhiệm Gioan Baotixita Nguyễn Viết Huy, SJ, cộng đoàn cùng theo dõi một số diễn biến Tam Toà qua một video clip ngắn những hình ảnh đau thương cũng như những hình ảnh đấu tranh bi hung của anh chị em giáo phận Vinh chống lại guồng máy cai trị độc tài của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Từ sau khi xảy ra biến cố Tam Tòa, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Nam Úc luôn chú ý theo dõi trong âu lo những tin tức xấu dồn dập từ quên nhà.

Trong đêm thắp nến, từ những em nhỏ tới những cụ gìa đều hướng lòng về Giáo Hội Mẹ Việt Nam, cùng đồng hành với những giáo dân trong địa phân Vinh trong những lời kinh tha thiết. “Xin cho được bình an… xin cho ánh sáng dọi chiếu vào nơi tăm tối”. Ca Đoàn Việt Linh đã cùng với Cộng Đoàn cất cao tiếng hát qua các bài thánh ca, đặc biệt bài “Kinh Hòa Bình”. Mọi người trong hội trường đều hướng lòng lên Mẹ Maria xin cho quê hương được thanh bình, cho nhà cầm quyền Việt Nam biết hành động tự chế, trong khuôn khổ pháp luật, biết tôn trọng tự do tôn giáo, và tha thiết nài xin cho giáo xứ Tam Toà luôn được bình yên.

Xen kẽ những lời nguyện là điệp khúc: “ Mẹ Maria xin thương đến Giáo Hội Việt Nam ban nguồn an bình hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi Giáo Hội Việt Nam trong tình yêu mẹ liên kết muôn tâm hồn.

Đêm thắp nến qua đi để lại trong lòng anh chị em những ưu tư sâu xa về Giáo Hội và quê hương Việt Nam.
 
Cộng Đồng CGVN tại Seattle thắp nến cầu nguyện cho Tam Tòa
Nguyễn An Quý
18:38 20/08/2009
SEATTLE - Chiều thứ bảy ngày 15 tháng 8 năm 2009, nhà thờ Các Thánh tử Đạo Việt Nam tại Seattle có buổi Thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa do Đoàn Liên Minh Thánh Tâm thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt nam Tổng Giáo Phận Seattle tổ chức. Như thưòng lệ, Thánh lễ vào chiều thứ bảy được cử hành lúc 6 giờ. Những giáo dân có thói quen đi dự Thánh lễ này thì được cái thoải mái từ chỗ đậu xe cho đến chỗ ngồi trong nhà thờ vì ít giáo dân. Hôm nay quang cảnh khác thường lại xẩy ra vì sau Thánh lễ có buổi Thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà.

Đúng 6 giờ Thánh Lễ bắt đầu, linh mục Phanxicôxaviê Nguyễn Sơn Miên chủ sự Thánh Lễ. Nhà thờ đầy kín cả, nhiều người phải đứng từ các cánh cửa ra vào, vì lượng người tham dự quá đông đảo. Những nguời đi hơi chậm một chút thì bải đậu xe trong khuôn viên nhà thờ không còn chỗ, nên phải mất công đi tìm chỗ khác đậu xe.Trong phần chia sẻ lời Chúa, Cha chủ tế đã đưa tòan thể Cộng Đoàn dân Chúa hiện diện trong Thánh lễ cùng hưóng về Tam Toà, ngài nói: “Trong Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện hôm nay, chúng ta cùng huớng về những sự đau thương mà các linh mục và giáo dân tại Tam Tòa bị đánh đập, bị bắt bớ, chúng ta cùng cầu xin Chúa là Cha Toàn năng đoái thương,an ủi nâng đỡ con cái Chúa sớm có được sự bình an..”

Sau Thánh lễ là buổi thắp nến cầu nguyện, đây là giờ cao điểm của buổi cầu nguyện cho giáo dân Tam Toà tại nhà thờ Các Thánh tử Đạo Việt Nam thuộc thành phố Seattle, giờ mà những người Công giáo Việt Nam nơi đây cùng hướng lòng về Quê hương và Giáo hội Việt Nam trước nổi đau của những ngườì con cái Chúa tại Tam Toà.

Các ghế ngồi trong nhà thờ không còn chỗ trống vì đa số giáo dân đều ở lại tham dự buổi cầu nguyện. Hiện diện trong buổi cầu nguyện gồm toàn thể đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm và gia đình cùng với các đoàn thể Công giáo Tiến hành như Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Mariae, nhiều giáo dân ở rất xa thành phố Seattle cũng có mặt gồm các giáo dân từ Tacoma, từ Everett…Đặc biệt linh mục Anphong Trần Đức Phương từ Longview cũng đã có mặt để chủ sự buổi cầu nguyện.

Đúng 7 giờ 15 phút, anh đòan trưởng Đoàn Liên Minh Thánh Tâm tuyên bố khai mạc buổi thắp nến cầu nguyện cho Giáo dân Tam Tòa. Mở đầu là bài hát “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi. Sai tôi đi loan báo tin mừng…Sai tôi đến với ngưòi lao tù…”

Trong tâm tình hiệp thông cầu nguyện với Tam Toà của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm. Tôn chỉ của đoàn là lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa nên một bàn thờ Trái Tim Chúa Giêsu cũng được thiết lập với lối trang trí đơn giản và có ghi hàng chữ: “CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI GIÁO DÂN TAM TOÀ”. Ngay phía trước dưới chân bàn thánh có gắn hai chữ TAM TOÀ được đốt nến cháy sáng lung linh trong suốt buổi thắp nến cầu nguyện. Trong thời gian thắp nến, bài hát: Ôi Mẹ Maria, ôi Mẹ, Mẹ Giáo phận Vinh được hát lên trong sự hiệp thông cầu nguyện với giáo phận Vinh để cầu xin Mẹ đoái thương đến những giáo dân nơi Tam Toà đang bị khổ nạn. Tiếng hát vang lên đầy cảm động với lòng tha thiết nài van: “Xin Mẹ cho những người ra tay bắt bớ, biết nhận ra đâu là công lý sự thật. Cho Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, xây dựng nên Việt Nam đất nưóc thanh bình” và bài hát Kinh Hoà bình cũng được hát lên với tiếng nài van tha thiết: Xin thương ban cho những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.”

Phút suy niệm của buổi cầu nguyện đầy cảm động nhất là phần chiếu các hình ảnh bi thương như láng tạm vừa dựng lên trên nền nhà thờ Tam Toà để làm nơi phụng tự thì lập tức bị công an phá sập vào ngày 20-7-2009, hình ảnh các linh mục và giáo dân Tam Toà bị công an tỉnh Quảng bình ra tay đàn áp, đánh đập gây thương tích một cách tàn nhẫn. Nhiều giáo dân đã chảy nước mắt khi xem những hình ảnh này.

Phần chiếu các hình ảnh chấm dứt là phần chia sẻ của Cha chủ sự buổi cầu nguyện., phần này do linh mục Anphong Trần Đức Phương đến từ Longview. Longview cách xa nơi đây khỏang trên 200 cây số. Linh mục Trần Đức Phương là cựu Tuyên uý Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt trước đây, ngài thưòng quan tâm đến những vấn đề của Quê hương và giáo hội Việt nam nên trong những dịp như hôm nay, ngài không quản ngại đường xa, đêm tối nên đã có mặt để chủ sự buổi cầu nguyện. Chia sẻ buổi cầu nguyện, ngài đã hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện một cách sốt sắng với tất cả tâm tình hướng lòng về những sự đau thương mà dân Chúa tại Tam Toà đang gặp đại hoạ bởi sự đàn áp của chế độ bạo tàn.

Lời Tâm Tình của Linh mục AnPhong Trần Đức Phương từ Tổng Giáo Phận Seattle, Washington, Hoa Kỳ như sau:

LM Trần Đức Phương
Hợp cùng quý vị Đại diện các Tôn Giáo,
Quý vị Trưởng Thượng và toàn thể Quý vị,

Tôi xin nói lên tiếng nói đau thương của dân tộc Việt Nam nói chung, các Tôn Giáo nói riêng, về những đàn áp hiện nay tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản vô thần. Chúng ta nhớ lại từ ngày chế độ đảng trị tại miền Bắc, với những cuộc bắt cóc thủ tiêu các thành viên quốc gia yêu nước không thuộc đảng cộng sản. Rồi những cuộc đấu tố dã man tại khắp miền Bắc, trước và sau năm 1954. Tiếp theo là những tàn phá giết người dịp Tết Mậu Thân, đặc biệt tại cố đô Huế.

Sau năm 1975, lại xảy ra những cuộc bắt cóc thủ tiêu các phần tử quốc gia. Các cuộc tập trung cải tạo đầy khổ ải quân dân cán chính miền Nam. Rồi những cuộc chiếm đất, chiếm nhà xảy ra ở các nơi, đặc biệt là ở Thái Bình miền Bắc, tại Hố Nai (Biên Hòa), tại các miền đất của các sắc tộc thiểu số. Các Tôn Giáo cũng bị đàn áp cách này cách khác, theo chủ trương tiêu diệt tự do tôn giáo và nhân quyền, của cộng sản Việt Nam.

Riêng về Giáo Hội Công Giáo cũng đã phải trải qua bao nhiêu là vụ khủng bố, tù đày hàng giáo phẩm và giáo dân muốn sống trung kiên với niềm tin tôn giáo của mình. Mới đây là vụ đàn áp tại khu vực Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, rồi vụ đàn áp chiếm đoạt đất đai của Giáo Hội tại Thái Hà( Hà Đông), và tại nhiều xứ Đạo và nhiều Dòng tu khác nhau.

Mới đây nhất là vụ đàn áp dã man tại Giáo xứ Tam Tòa, Giáo Phận Vinh. Nhiều giáo dân, nhiều Linh mục bị đe dọa, bị tù đày, bị đàn áp, bị đánh đập, gây thương tích trầm trọng. Các hình ảnh đàn áp đánh đập dã man này đã được truyền đi khắp nơi trên thế giới qua các cơ quan truyền thông, truyền hình quốc tế, trên các mạng tin học.

Nhưng người cộng sản Việt Nam vẫn ngang nhiên che dấu sự thật, vẫn dùng quyền lực và mưu đồ để thi hành chính sách tiêu diệt Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền tại Việt Nam, qua việc tiếp tục bách hại tàn bạo tại giáo xứ Tam Tòa hiện nay.

Bao nhiêu những cuộc biểu tình phản đối đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong các Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Âu Châu, tại Úc, tại Nhật…… Tất cả đều cố gắng nói lên tiếng nói lương tâm của con người, để kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản hãy ngưng ngay các cuộc đàn áp các Tôn Giáo hiện nay ở Việt Nam, dưới hình thức này hay hình thức khác. Đặc biệt tại Giáo xứ Tam Tòa.

Cùng với toàn thể quý vị, chúng tôi cũng đã và đang góp những tiếng nói -- để kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ, các nước dân chủ trên thế giới, các cơ quan quốc tế bảo vệ nhân quyền hãy mạnh dạn can thiệp, để Nhân Quyền, Tự Do, nhất là Tự Do Tôn Giáo được tôn trọng ở Việt Nam.

Chúng tôi tin chắc rằng: cuối cùng, Công Lý sẽ thắng gian tà! Chí kiên cường sẽ thắng bạo lực ! Hòa Bình, Tự Do, nhất là Tự Do Tôn Giáo sẽ được trở lại trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Miễn là chúng ta cùng đoàn kết, cùng một lòng một ý chí kiên cường, để đoàn kết bền bỉ đấu tranh, nói lên tiếng nói bất khuất của mọi người, mọi đoàn thể, mọi Tôn Giáo của người Việt chúng ta tại khắp nơi ở hải ngoại cũng như tại chính quê hương Đất Nước Việt Nam của chúng ta.


Sau phần chia sẻ của cha Trần Đức Phương là phần lời nguyện giáo dân. Một vị đại diện giáo dân đã đọc lời nguyện cầu này, xin nêu vài điểm chính của những lời nguyện cầu tha thiết như: cầu cho HHĐGMVN ơn Hiệp nhất- cầu Giám Mục Giáo phận Vinh trong cơn nguy biến được ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh- cầu cho các kẻ ra tay bắt bớ sớm nhận ra lẻ công chính và sự thật.- cầu cho nhà cầm quyền Việt nam sớm có được chút lương tâm khi lãnh đạo đất nước.
Buổi cầu nguyện kết thúc lúc 8 giờ 15 phút.
 
Vẻ đẹp của tình hiệp nhất
Antôn Trần Đức Hà
18:43 20/08/2009
VINH - Có những phút giây làm nên lịch sử và có những khoảnh khắc không thể quên. Một khoảnh khắc đã đi vào dòng lịch sử hơn 160 xây dựng và phát triển đầy oanh liệt của Vinh – Giáo phận lớn nhất miền Bắc hiện nay: Đại lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời diễn ra tại Xã Đoài ngày 15.8.2009. Sự kiện đó thực sự là bước ngoặt lớn của Giáo phận Vinh.

Biểu ngữ và cờ vàng - trắng phấp phới tung bay trên cánh tay của những thanh niên, thiếu nữ và cả em bé, cụ già trên đường về dự lễ. Nhiều giáo dân vì kẹt xe 3-5km đành chịu xem lễ từ xa hàng km. Một Thánh lễ vô cùng khoáng đại với hàng vạn giáo dân từ thành thị tới nông thôn, từ miền biển tới nơi rừng sâu núi thẳm đổ về. Đó là những diễn biến sơ lược.

Những khoảnh khắc lịch sử này được ghi lại bởi những tấm hình. Một trong những tấm hình ngày 15/8/2009, tôi đặc biệt ấn tượng là toàn cảnh Xã Đoài ngày lễ Mẹ quan thầy do Thầy Antôn Hoàng Trung Hoa, Chủng sinh Đại Chủng viện Vinh-Thanh ghi lại. Thầy kể lại cái cảnh phải bỏ cả áo dòng, bỏ cả giầy dép cho gọn nhẹ để leo lên tận nóc Tòa Giám Mục để có thể thu hết vào ống kính hình ảnh toàn cảnh giáo đô ngày đại lễ.

Bức hình của Thầy Antôn đã diễn tả một khoảnh khắc ấn tượng và khiến cho những ai từng xem nó đều không khỏi bồi hồi, xúc động.

Đừng thách thức Giáo phận Vinh!

Một người bạn xem xong hình ảnh sống động này đã đặt tên cho bức hình như vậy. Quả thật, nhiều người có quyền tự hào về lòng kiêu hùng, dũng mạnh của Giáo phận Vinh. Đây quả thực là một trong những phút giây tuyệt vời và hào hùng nhất của Mẹ Giáo phận.

Đây có thể là lời bình luận hơi quá. Nói quá thì cũng dễ hiểu vì nó có thể hơi “khiêu khích” đề cao tự tôn và sự đoàn kết của dân Công giáo. Nó có thể không hợp với tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Công giáo. Ngàn đời nay, Giáo hội vẫn chủ trương xây dựng một nền hòa bình, công lý, sự thật, ít sử dụng bạo lực, ít bạo động mà chú trọng niềm tin và cầu nguyện.

Chính chia sẻ của Đức Cha Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ hơn: “Giáo hội không bạo động, Giáo hội không nổi dậy. Giáo hội chỉ đòi chân lý, đòi công bình. Chúng ta phải làm sao để có sự tự do, hòa bình. Đó là cái điều chính, cho nên phải cầu nguyện. Chúa làm được, Đức Mẹ làm được, không ai làm được điều đó cả. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Xin anh chị em luôn luôn bình tĩnh và đoàn kết với nhau để cầu nguyện để làm cho sự thật được sáng tỏ” . Lối giải quyết của Giáo phận vẫn chủ yếu trên đường lối đối thoại, dựa vào sự thật và chỉ dừng lại khi sự thật sáng tỏ, công lý được phục hồi. Và Cha Tổng Đại diện Võ Thanh Tâm khi phỏng vấn trên đài RFA vẫn thường nhắn nhủ giáo dân bình tĩnh, nhẫn nại trong mọi sự.

Ngày 15.8.2009 qui tụ hàng vạn giáo dân nhưng thể hiện rõ nét bản chất hiền hòa của Công giáo, bất bạo động nhưng cương quyết; nhiều sự kiện dồn dập nhưng dứt khoát trong mục tiêu. Chính quyền nên coi đây là thông điệp hơn là một “đe dọa”của các bậc giáo quyền và 500.000 giáo dân Vinh. Giáo phận Vinh vẫn chờ đợi sự đáp trả thỏa đáng, có lý và có tình từ phía chính quyền Quảng Bình, ở cấp cao hơn là Ban Tôn giáo Chính phủ.

Xã Đoài ơi - Có bao giờ quê hương tôi đẹp thế này chăng?

Nhìn lại tấm hình, nhìn lại khung cảnh giáo đô Xã Đoài trong ngày lễ trọng thể “có một không hai” và không biết bao giờ lại tái diễn, nhiều người đã tìm thấy được vẻ đẹp rực rỡ của Giáo phận Vinh thời khắc này.
Giáo dân Vinh đã trình bày “Vẻ đẹp của dân Chúa: một dân hiệp nhất, một dân yêu chuộng hoà bình, yêu chuộng công lý và sự thật” . (Trích thư chung của ĐGM Giáo phận)
Sự kiên trung, bất khuất của giáo dân Vinh là điều không phải bàn cãi. Chỉ cần ai lắng nghe câu nói: “Xin Đức Cha an tâm, Giáo phận Vinh không phải chỉ có một Đức Cha Thuyên mà ở đây chúng con có cả 500.000 Đức Cha Thuyên” thì cũng đủ an tâm vững dạ.

Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, cả Giáo phận bừng bừng với khí thế sục sôi. Những tin tức nóng hổi từ Tam Tòa đổ về làm cho Đức tin và lòng yêu Giáo hội, yêu công lý và sự thật được củng cố. Tam Tòa quả thực là ngòi nổ làm bừng cháy ngọn lửa khát khao công lý và nỗi niềm chất chứa, ưu tư của Giáo dân Vinh sau hàng loạt sự kiện đau thương của Giáo hội tại Tòa Khâm Sứ, Thái Hà.

Dân Vinh khi đã sục sôi thì phải biết: Hàng vạn cánh tay giáo dân hạt Mẹ Xã Đoài thì giơ lên hô vang quyết tâm vào Tam Tòa; Thánh lễ cầu nguyện qui tụ hàng chục vạn dân ở Thuận Nghĩa – địa đầu phía bắc Giáo phận; Những cuộc thắp nến ở trên 170 xứ hay lời tuyên bố sẵn sàng tử vì đạo cho công lý và sự thật cho Tam Tòa của giáo dân… Đó là những hình ảnh sẽ không bao giờ phai trong trang sử Giáo phận nhà.

Sự hiện diện đông đảo của giáo đoàn Vinh tại Thánh lễ do vị Cha già đã bước qua độ tuổi bát tuần đồng tế với sự hiện diện của hơn 100 linh mục, hàng trăm nam nữ tu sỹ và hàng vạn giáo dân làm nhiều người liên tưởng đến hình ảnh trong sách Isaia:

“Các con trai từ đàng xa đi tới,
Và các con gái đứng dậy từ bên hông”
(Is 60,4)

Đức Cha Phao lô Maria Cao Đình Thuyên, vị chủ chăn khả kính của Giáo phận vừa trở về từ Roma và Hoa kỳ. Trước mặt Ngài là cảnh đông đảo đoàn con cái, Linh mục có, tu sỹ có, với đoàn con chiên đứng thứ ba trong các giáo phận Việt Nam. Vị cha chung không vui sao được.

Giọng chậm rãi, nhiều lúc ngắt quãng bởi cảm xúc nhưng lý luận chắc chắn; nhẹ nhàng – thổn thức nhưng hùng hồn, sắc bén; Đức Cha Phao lô biểu hiện cho cái đẹp của vị chủ chăn Giáo phận Vinh. Ngài đã xúc động nói lên tâm tình của người chủ chăn nơi phương xa trước cảnh con cái bị đánh đập, bách hại tại giáo xứ Tam Tòa.

Đẹp biết bao hình ảnh hàng linh mục, tu sỹ Giáo phận Vinh – những chiến sỹ của Chúa Kitô. Hình ảnh những linh mục như Ngô Thế Bính, Nguyễn Đình Phú bị đánh đập, máu đã đổ xuống mảnh đất Đồng Hới khắc nghiệt như hình ảnh của người Thầy chí ái xưa trên đồi Gôngôtha. Cũng không thể nào quên sự lãnh đạo sáng suốt, đầy khôn ngoan của các Cha ở TGM, các Cha ở Hội đồng Linh mục để hướng dẫn Giáo phận trong phút nghi nan vừa qua.

Đẹp biết bao cảnh tượng Đức Cha, Cha Tổng và đoàn đồng tế tiến ra trước Lễ đài, cùng giáo dân phất cờ (và những cái có thể phất như khăn, giấy, mũ, nón) ca vang khúc khải hoàn tung hô Mẹ Giáo phận. Có nhiều linh mục già không cầm được xúc động, những dòng nước mắt lã chã tuôn rơi. Không xúc động, không khóc làm sao được trước cảnh hiệp nhất này. Thật hào hùng thay, vĩ đại thay.

Tôi vinh dự! tôi tự hào! Khi tôi mang danh: Người Công giáo Giáo phận Vinh.
 
Người Công giáo Tam Tòa vác Thánh Giá
Hà-Minh Thảo
23:05 20/08/2009
Một tháng đã trôi qua… Chiều ngày 20.07.2009, khi chỉ liếc nhìn tựa đề bài ‘Công An Đồng Hới Quảng Bình đánh đập và bắt đi 19 giáo dân Giáo xứ Tam Tòa, Giáo phận Vinh’, một sự xúc động mạnh xuất phát từ con tim tôi. Đọc xong bản tin, tôi phải nghẹn ngào thốt lên: « Máu người Việt đã đổ ra từ thời Tàu, Pháp và Mỹ. Ngày nay, ngoại bang đô hộ và chiến tranh khuynh đệ tương tàn không còn, nhưng dưới sự cai trị của người Việt cộng sản, máu người Việt vẫn tiếp tục đổ… »

Nguyên nhân nào đã tạo nên sự kiện thảm thương như vậy?

I. LỊCH SỬ GIÁO ĐƯỜNG TAM TÒA

Giáo xứ Đông Hải (còn gọi là Họ Lũy) xây dựng nhà thờ này từ năm 1631. Năm 1774, Chúa Trịnh chiếm Đàng Trong và san bằng lũy Thầy, giáo xứ được chuyển về Cầu Ngắn, đổi tên thành giáo xứ Sáo Bùn. Năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với lối 1200 giáo hữu, có Viện Dục anh nuôi trẻ em nghèo và Tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Năm 1886, quân Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ Sáo Bùn, nên số giáo dân chạy về Đông Hới lánh nạn.

Cha sở Claude Bonin (cố Ninh) và giáo dân Tam Tòa về bên bờ sông Nhật Lệ, giữa cầu Nhật Lệ và cửa biển Nhật Lệ, và nhận lại tên giáo xứ Tam Tòa, cho đến hôm nay. Nhật Lệ được hiểu nôm na là ‘nước mắt đổ từng ngày’ thì rất thích hợp với giáo xứ đau khổ tại đây. Năm 1850, khi Giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của Giáo phận Huế.

Nhà thờ Tam Tòa rất cổ kính được xây dựng năm 1887 theo kiểu kiến trúc Bồ Đào Nha, bởi Cha Clause Bonin. Năm 1940, Cha René Morineau (cố Trung) tái thiết cho khang trang hơn. Năm 1953, sau khi nhận chức Linh mục, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Đức Giám mục Giáo phận Huế bổ nhiệm về trông coi giáo xứ Tam Tòa.

Năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi Đất Nước, phần lớn giáo dân Tam Tòa di cư vào Đà nẵng và thành lập giáo xứ Tam Toà tại đây. Từ đó, Tam Tòa chỉ còn lại một số ít tín hữu Công giáo sống trong cảnh đe dọa của chế độ cộng sản kể từ năm đó.

Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích (?), đổ nát và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Vì số giáo dân còn lại quá ít, không đủ khả năng tái thiết, nhưng Tổng giáo phận Huế vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà Cha Ông họ đã dày công xây dựng.

Sau 1975, chính quyền Đồng Hới biến khuôn viên nhà thờ thành công viên và nhà thờ chỉ còn lại trơ trọi ngọn tháp với 4 bức tường rêu phong, đổ nát.

Khi chiến tranh kết thúc ngày 30.04.1975, và cuộc sống dần dần ổn định trở lại, Đồng Hới cũng hồi sinh với nhiều người dân trở về, cũng như di dân đến sinh sống.

Ngày 26.03.1997, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, là một di chứng tội ác chiến tranh, không tham ý chủ sở hữu là Tổng Giáo phận Huế và giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

Từ năm 1997, Đức Tổng giám mục giáo phận Huế nhờ Giáo phận Vinh cử linh mục vào giúp giáo xứ Tam Tòa, nhưng giúp một cách kín vì chính quyền lúc đó không nhất trí. Năm 2006, Ban Tôn giáo chính phủ yêu cầu Tổng Giáo phận Huế bàn giao sự quản lý về mặt tôn giáo Giáo hạt Nam Quảng Bình (trong có giáo xứ Tam Tòa) sang Giáo phận Vinh thì mới cho linh mục vào làm mục vụ. Do đó, ngày 15.05.2006, việc chuyển giao đã được thực hiện và Đức cha Phaolô Maria Cao đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh, đã bổ nhiệm Linh mục Phêrô Lê thanh Hồng về quản xứ Làng Sen, kiêm Chính xứ Tam Tòa. Lúc đó, Giáo phận Vinh có đề nghị tái lập giáo xứ Tam Tòa tại nhà thờ đã bị tàn phá. Lúc đầu thì chính quyền nói tại Đồng hới không có giáo dân, nhưng sau đó, Giáo phận có đưa ra giáo dân gồm 600 tín hữu, cùng với nhiều người nhập cư làm ăn và sinh viên nên số giáo dân lên đến 1.000, sinh sống tại địa bàn thành phố Đồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà.

Hiện nhà thờ cũ đổ nát, mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của một giáo dân tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía Tây Bắc. nhưng rồi số giáo dân đông lên nên không thể làm lễ tại nhà giáo dân đó. Vì thế, Giáo phận Vinh đang làm thủ tục lấy lại đất này, xây dựng nhà thờ Tam Tòa, đảm bảo quyền lợi thực tế chính đáng của công dân. Đây là điều hoàn toàn có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý.

Từ năm 2008 đến nay, Cha xứ và giáo dân cử hành Thánh Lễ trên nền nhà thờ đổ nát giữa Miền Trung khắc nghiệt của gió Lào và gió biển, của mưa nguồn và bão biển. Đức Giám mục và Cha Tổng đại diện cũng đến dâng Thánh Lễ vài lần, như ngày 13.02.2008 và vào dịp Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh ngày 02.02.2009, Đức Cha Cao Đình Thuyên đã về dâng Thánh lễ cầu bình an đầu năm cho dân chúng tại địa phương này. Thánh Lễ được cử hành trên nền nhà thờ đổ nát này với bàn Thánh tế lễ lộ thiên. Buổi chiều cùng ngày, Đức Cha Cao Đình Thuyên đã đến làm việc với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Chính quyền tỉnh Quảng Bình đã hứa giải quyết thỏa đáng theo sở nguyện của giáo dân Tam Tòa và giáo phận Vinh. Nay chính quyền muốn trở mặt?

Ngoài ra, Giáo phận Vinh cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình trả lại khuôn viên nhà thờ Tam Tòa, để xây dựng lại, phục vụ nhu cầu của đông đảo giáo dân ở đây là điều chính đáng, đúng pháp luật.

Vừa rồi, tỉnh Quảng bình nói nên để phần đất đó để làm di tích chiến tranh và nếu Tòa Giám mục muốn có đất để xây nhà thờ thì họ sẽ cấp cho nơi đẹp và thuận lợi. Tòa Giám mục đã đề nghị nhiều lần, nhưng họ không trả lời. Lúc gần đây, họ có chỉ cho 5 phần đất nhưng không thể xây nhà thờ được vì quá xa thành phố.

Về vấn đề này, chúng ta có thể đọc những trả lời của Linh mục An-Tôn Phạm Đình Phùng, Chánh Văn Phòng - Tòa Giám Mục Xã Đoài, cho phóng viên Gia Minh, đài Phát thanh Á châu Tự do, ngày 26.07.2009:

Chưa đồng nhất chuyển giao khu đất.

Gia Minh: Trên các phương tiện thông tin truyền thông như là báo Nhân Dân thì người ta cũng có đăng là Tòa Giám Mục và Ủy ban Nhân dân đã thống nhất là chuyển giao khu đất đó rồi mà, thưa Linh Mục?

LM Phạm Đình Phùng: Cái đó không phải như vậy. Chưa bao giờ Tòa Giám Mục và Ủy ban Nhân dân tỉnh chuyển giao phần đất đó cho nhau mà qua một cuộc gặp gỡ hai bên đã ký vào một văn bản gọi là Văn Bản Ghi Nhớ rằng có thể là phần đất Tam Tòa đó để làm một chứng tích nhưng mà nhà nước phải cấp một mảnh đất thật đẹp, thật tiện cho giáo dân Tam Tòa xây nhà thờ. Bao lâu việc đó được hoàn thành thì mới có sự thực hiện. Đó chỉ là một ý tưởng mà thôi, chứ còn việc thực hiện thì chính quyền tỉnh Quảng Bình họ chưa thực hiện điều đó.

Năm phần đất không thể xây nhà thờ được.

Gia Minh: Thưa Linh Mục, trên tờ Nhân Dân đề ngày 22 tháng 7 cũng có nói rằng phía tỉnh Quảng Bình cũng đã giới thiệu cho Tòa Giám Mục những địa điểm ở trong thị xã Đồng Hới, vậy thì thông tin đó như thế nào?

LM Phạm Đình Phùng: Tôi khẳng định chính tôi là đại diện Tòa Giám Mục nhận lời mời của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình vào đi xem đất. Trước đó mấy tháng thì chính quyền tỉnh Quảng Bình nói rằng chúng tôi cứ đề nghị chọn nơi nào thuận tiện nhất, đẹp nhất để xây dựng nhà thờ thì chính quyền sẽ sẵn sàng đáp ứng ngay. Chúng tôi đã đề nghị hai địa điểm, một địa điểm cạnh Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình trên con đường Quốc Lộ 1 ở trung tâm thành phố, và một địa điểm thì hơi xa trung tâm thành phố một tí là nơi mà bây giờ người ta quy hoạch mới, nhưng mà cả hai nơi thì Ủy ban Nhân dân tỉnh chẳng những không trả lời văn bản đề nghị của Tòa Giám Mục, và ngược lại là Ủy ban Nhân dân tỉnh mời đại diện Tòa Giám Mục vào đi xem đất. Đúng là có 5 địa điểm. Địa điểm thứ nhất mà họ chỉ là cái nhà thờ gọi ngày xưa mà bây giờ chỉ còn nhà thờ cũng bị tan nát rồi. Ở đó chẳng làm được việc gì hết. Rồi 4 địa điểm khác thì quá xa trung tâm thành phố, đặc biệt là có 3 địa điểm mà bây giờ nếu chúng tôi muốn tới xem thì không tới được bởi vì chỉ có ao hồ nước mà thôi. Bây giờ cán bộ muốn chúng tôi tới xem cũng không thể xem được. Sự thật là như thế đấy, làm gì mà chúng tôi chấp nhận được.

II. CUỘC ĐÀN ÁP DÃ MAN.

Sáng sớm ngày 20.07.2009, nhằm tạo điền kiện tốt cho giáo dân già trẻ tham dự Thánh Lễ, Linh mục Chính xứ Lê thanh Hồng và giáo dân đã dựng ngôi lán tạm (9 mét x 6 mét, khung sắt, lợp tôn), trên nền đất cũ nhà thờ Tam Toà, phố Nguyễn Du, và dựng một cây Thánh Giá để làm bàn thờ dâng Thánh Lễ.

Khi mái lợp xong, bất ngờ, lực lượng công an Đồng hới và rất nhiều du côn đánh thuê được huy động đến tấn công cha xứ và giáo dân. Họ đàn áp các giáo dân thật dã man bằng dùi cui, gậy gộc, lựu đạn hơi cay, xe bắt tù… Họ dùng xe kéo đổ sập ngôi lán và cướp tất cả mang đi.

Trước cảnh cướp bóc trắng trợn, giáo dân can đảm bảo vệ tài sản của mình, công an đã dùng dùi cui đánh thẳng vào mặt giáo dân không thương tiếc và lôi những người đó ra xe, mặc họ khóc than, kêu gào và điệu lên xe khủng bố. Trên xe, họ vẫn bị đánh đập tiếp. Vì cho rằng giáo dân là những kẻ phản động, công an dùng đùi, xông vào lôi giáo dân ra đánh đập rất là dã man. Máu giáo dân vô tội tuôn xuống trên mảnh đất Tam Tòa đó.

Ngoài ra, khi Thánh Giá bị hạ xuống, một em bé chạy đến ôm lấy Thánh Giá và bị đánh đập dã man, bị thương nặng. Em bị bắt với 18 người khác, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em. Công an Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã bắt đi 19 người.

Đấng Tạo Hóa dựng nên Con Người và ban cho Con Người biết dùng lờụi nói và lý trí để giải thích, để nói cho nhau nghe, cần gì phải sử dụng lựu đạn cay hay dùi cui điện, những thứ đồ ngoại nhập, để đàn áp dân Việt, tay không tấc sắt, đến đổ máu Lạc Hồng… Cuộc đàn áp dã man và bất hợp pháp đã là giọt nước tràn ly, khiến giáo dân toàn giáo phận đoàn kết đứng lên tìm Công Lý và Sự Thật, thực thi bổn phận Bác Ái với anh chị em mình.

Lúc 15 giờ 30 ngày 20.07.2009, các Linh mục Hoàng anh Ngợi, Ngô thế Bính, Nguyễn văn Chủ, Trần ngọc Hưởng, đại diện các linh mục và giáo dân Giáo hạt Nam Quảng bình, đi gặp các cấp chính quyền tỉnh Quảng bình và thành phố Đồng Hới để yêu cầu trả tự do lập tức cho những người bị bắt giữ và đưa vào bệnh viện các nạn nhân bị Công an đánh bị thương và chất vấn về việc đàn áp dã man những người dân lành ở Tam Toà. Họ cho rằng họ trấn áp và bắt giữ giáo dân vì giáo dân đã tấn công Công an. Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân và Công an Quảng Bình cũng như Công an Đồng Hới tìm cách tránh gặp bốn linh mục này.

Sáng ngày 23.07.2009, Cha Tổng đại diện cùng 5 linh mục và Ban Bác ái, Ban Truyền thông Giáo phận đã gặp các linh mục miền Quảng Bình đang họp tại Hướng Phương để nghe các Cha nói lên những chính các Cha đã nghe thấy về những bất công, đau đớn mà giáo dân Tam Tòa đang phải gánh chịu và bàn thảo những việc cần làm cho Tam Tòa trong những ngày sắp tới. Sau đó, phái đoàn đã vào thăm Tam Tòa. Buổi chiều, phái đoàn đã tới thăm những người bị bắt vừa được thả về, thăm các gia đình có người thân đang bị bắt giữ. Được gặp trao đổi trực tiếp với các nạn nhân và các nhân chứng. Mọi người không thể hiểu nổi những hành động thô bạo, vô nhân đạo của một số công an Quảng Bình đã đối xử với giáo dân Tam Tòa.

Cũng chiều ngày 23.07.2009, Tòa Giám mục nhận được Thư của Đức Cha Phaolô Maria, Giám mục Giáo phận Vinh, từ Hoa Kỳ gửi về. Sau khi đọc thư, các linh mục hữu trách tại Tòa Giám mục đã điện đàm ngay với Đức Cha, xin Đức Cha cứ an tâm thực hiện tiếp chương trình đã định. Việc ở nhà, con cái Đức Cha đã có những phương cách giải quyết.

(Còn tiếp)
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
La thư Trưởng Ban Tổ chức Hành Trình Emmaus III cho các Linh mục Việt Nam
Lm. Phaolô Phan Quang Cường
23:18 20/08/2009

THÔNG BÁO CỦA TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC
HÀNH TRÌNH EMMAUS 3 - 2009

Kính thưa qúi Đức Giám-Mục, qúi Đức Ông,
Cha Chủ-tịch LDCGVN tại Hoa-Kỳ, quí Cha Tham-Dự-Viên Đại-Hội Hành Trình EMMAUS 3, 2009
qúi Ông Cố Trưởng Ban Thường-vụ Hội Song-Thân Linh-Mục và Tu-Sĩ Bắc Cali.,
qúi ân-nhân Bảo-Trợ-Đoàn, cùng qúi vị trong Ban Tổ-Chức và Điều-Hợp Đại-hội,

Thật là một vinh-dự được ủy-thác bởi Cha Chủ-tịch LDCGVNTHK để tổ-chức và điều-hợp Đại-hội HÀNH TRÌNH EMMAUS 3, con xin được đại-diện cho Ban Tổ-chức Đại-hội, chân-thành kính ngỏ lời chào mừng rất nồng-nhiệt tới qúi Đức Cha, qúi Đức Ông, và qúi Cha cùng quí Linh Mục Tham Dự Viên, nồng-nhiệt hưởng-ứng tham-gia, đã ưu-tiên dành thời giờ qúi báu và hăng-hái tham-dự các hoạt-động của EMMAUS 3 kỳ này. Thực vậy, Đại-Hội năm nay được Chúa ban đông-đảo hơn ước lượng.

Sau đây là những chi tiết và thông cáo về HTE3 tính cho đến ngày 20 tháng 8:

• Chúng ta có 131 Tham Dự Viên.
• Tất cả các Ban đã và đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho Đại Hội.
• Nếu qúy cha cần đón tạI Phi Trường mà chưa RSVP / hoặc không cần đón nữa, xin gọI cho chị Ngọc Minh tại số (408)807-7315.
• Ban Tổ Chức vẫn nhận ghi danh cho đến ngày Chúa Nhật 23 tháng 8. Xin gọi cho chị Ngọc Minh.
• Xin kính mời qúy Cha, qúy tu sĩ nam nữ, và qúy ông bà anh chị em đến tham dự hai Thánh Lễ cùng qúy Đức Cha và qúy Cha:
Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội tạI nhà thờ Our Lady of Peace: Thứ Hai 24 tháng 8, 6:30pm
Thánh Lễ trọng thể tại nhà thờ Chánh Toà Oakland, Christ of the Light: Thứ Tư 26 tháng 8, 10am.


Chương Trình Đại Hội Linh Mục Emmaus III

Xin chân-thành cảm tạ qúy Đức Cha, qúy Cha, qúy Sơ, qúy Thầy, và qúy Ông Bà, Anh Chị em trong Ban Tổ Chức Đại-hội EMMAUS 3; về sự hy-sinh thời giờ, những đóng góp tài-năng, sức-lực để Đại Hội được thành tựu. Xin qúy vị tiếp tục hỗ trợ và cầu nguyện cho tất cả qúy linh mục đến tham dự Đại Hội cũng như những vị vì hoàn cảnh không thể đến, được đầy tràn ân sủng Chúa trong Năm Thánh Linh Mục này để họ sẽ luôn là men muối cho đời và những mục tử gương mẫu cho Dân Thánh Chúa.

Nguyện xin Thiên Chúa Toàn-năng tuôn đổ tràn đầy hồng ân xuống mỗi quí vị.

Trưởng Ban Tổ Chức
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Joseph – Just War
Nguyễn Trọng Đa
16:09 20/08/2009
Joseph
Joseph, Giu-se. Là con trai út trong 12 người con của ông Jacob (Gia-cóp). Do là con cưng của Jacob, Giuse bị anh em ganh tị. Khi “ông may cho cậu một áo chùng dài tay,” các anh em không đồng ý cách cư xử ưu tiên này. Họ còn nghĩ đến chuyện giết cậu, nhưng Reuben (Rưu-vên) khôn ngoan can ngăn họ (St 37:3-22). Giuse bị bán cho người Ai cập làm nô lệ (St 37:28), tuy nhiên nhờ sự che chở của Đức Chúa, Giuse sớm vươn lên các địa vị có trách nhiệm lớn (St 39:1-6). Trong cuộc hạn hán ảnh hưởng tòan vùng, Giuse đã đưa ra sự phục vụ có giá trị (St 41:37-49). Ông đã sum họp một cách không ngờ với các anh em mình, mà Jacob sai đi qua Ai cập tìm mua lương thực. Các anh em không nhận ra ông, nhưng ông nhìn biết họ ngay tức thì. Sau khi thử thách họ nhiều lần, ông tiết lộ danh tánh cho họ biết và bảo họ về Canaan (Ca-na-an) đem thân phụ qua với ông. Ông sắp xếp cho cả gia đình định cư tại Goshen (Gô-sen) ở Ai Cập, nơi họ được bảo đảm cuộc sống sung túc bao lâu họ muốn (St 42, 43, 44, 45). Lẽ tất nhiên Jacob rất vui mừng được gặp lại con cưng của mình, và được Chúa bảo đảm rằng đó là một động thái tốt, Jacob giao phó toàn bộ gia đình, gồm 70 người khỏe mạnh, cho Giuse bảo bọc (St 46). Jacob sống 17 năm hạnh phúc ở Ai Cập (St 47), nhưng khi biết mình sắp chết, ông xin được an táng ở đất Canaan với ông nội Abraham (Áp-ra-ham) và thân phụ Isaac (I-xa-ác, St 49:29-33). Giuse tôn trọng ý nguyện của cha. Chính Giuse sống thọ 110 tuổi và được an táng ở Ai Cập (St 50:26).
Joseph (Barnabas)
Joseph Barnabas, Giu-se Ba-na-ba, Giô-xết Ba-na-ba. Còn gọi là Joses (Giô-xếp). Nhiều lần ông được nhắc đến tên Giuse hoặc Joset (Mt 13:55; 27:56; Mc 6:3; 15:40), nhưng ông thường được biết đến nhiều hơn với tên họ Barnabas, vốn được các Tông đồ đặt cho và có nghĩa là “người có tài yên ủi” (Cv 4:36), do công tác nổi bật của ông thời Giáo hội sơ khai. (Từ nguyên Do Thái cổ yoseph, Chúa đưa thêm vào; Barnabas, từ ngữ Aramaic, con của sự an ủi.)
Joseph (Barsabbas)
Joseph Barsabbas, Giô-xếp Ba-sa-ba. Ông là một môn đệ của Chúa Giêsu, dường như là một trong 72 môn đệ được thánh sử Luca nhắc đến (Lc 10:1). Khi các Tông đồ chọn người thay thế cho Judas (Giu-đa), Barsabbas và Matthias (Mát-thi-a) là ứng viên. Việc chọn lựa được quyết định bằng cách bốc thăm và Matthias trở thành Tông đồ thứ Mười hai (Cv 1:23-26).
Josephinism
Chủ thuyết Giuse. Là chính sách Giáo hội-Nhà nước của Giuse II (1741-90), Hòang đế nước Áo, vốn bênh vực sự can thiệp thế quyền và quyền tối thượng của Nhà nước trong các vấn đề Giáo hội. Ông hợp nhất hầu hết các tài sản của Giáo hội và dồn mọi qũi tôn giáo vào một Religionsfund (Quĩ tôn giáo) lớn cho nhu cầu phụng tự công cộng. Để hoàn thành mục tiêu này, vua xóa bỏ mọi tu viện và tục hóa chúng. Để can thiệp vào các vấn đề Giáo hội, thậm chí đến qui định về sử dụng nến, ông được gọi là “Hòang đế Ông từ.”
Joseph Of Arimathea
Giuse thành Arimathea (A-ri-ma-thê), Giô-xếp thành A-ri-ma-thê. Ông là người Do Thái giàu có và là thành viên của Thượng Hội đồng. Tại phiên tòa xử Chúa Giêsu, ông không tham dự vào việc tố tụng. Sự việc ông là một môn đệ bí mật được nói rõ trong chứng từ của các thánh sử Mátthêu và Marcô (Mt 27:57; Mc 15:43). Ít lâu trước khi Chúa Giêsu chịu chết, ông Giuse xuất hiện trước tổng trấn Philatô và xin phép an táng Chúa (luật Do Thái qui định xác của tử tội phải được chôn cất trong cùng ngày) (Đnl 21:22-23). Quan Philatô ra lệnh trao trả thi hài Chúa cho ông, ông lấy tấm vải gai sạch mà liệm thi hài Chúa, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ (Mt 27:57-60).
Joshua
Joshua, ông Giô-suê, sách Giô-suê. Là con trai của ông Nun, một người Ephraim (Ép-ra-im). Ông là một chỉ huy quân đội và là anh hùng, với tên ông được xuất hiện lần đầu trong Cựu Ước khi ông giành chiến thắng quân sự lớn cho ông Moses (Mô-sê) trước quân người Amalekite (A-ma-lếch, Xh 17:8-16). Uy thế của ông dâng lên, và vâng lời Đức Chúa, ông Moses đã chọn Joshua làm người kế nhiệm và dẫn đưa người Do thái ra khỏi Ai Cập và vào đất Canaan (Ca-na-an, Ds 27:18-23). Ông Moses thất bại vì không vào được Đất Hứa, còn Joshua thành công trong việc vào Đất Hứa (Đnl 31:2). Lịch sử của thành tích vĩ đại này xuất hiện trong sách Joshua (Giô-suê, Gs), vốn kể lại việc chinh phục đất Canaan, phân chia lãnh thổ cho 12 chi tộc, và những ngày cuối đời của Joshua (Gs 1-12, 13-21, 22-24). Joshua là gương mặt nổi trội trong sách này, nhưng ông không phải là tác giả của sáchj. Một phần quyển sách được viết ra trong khi ông còn sống, việc viết sách này diễn ra trong một thời gian dài, và nhiều người góp phần vào việc viết. Vì vậy, nó là tấm vải có nhiều sợi dệt. Nó cung cấp cái nhìn tòan vẹn trên một thời kỳ lịch sử phức tạp và lâu dài, được lý tưởng hóa để bảo đảm sự đón nhận kính trọng của người Do Thái. Ít lâu trước khi qua đời, Joshua tập họp mọi kỳ mục, thẩm phán và tư tế dự đại hội lớn ở Shechem (Si-khem). Họ đồng thanh nhất trí từ bỏ mọi thần, và cùng với dân chúng chuyên tâm phụng sự Đức Chúa. Đây là một trong những hành động hợp nhất lớn trong lịch sử của Israel. Khi cuộc đời đã mãn, Joshua, người tôi trung của Đức Chúa, qua đời và được an táng ở Ephraim (Gs 24:29-31).
Josiah
Josiah, Vua Giô-si-gia. Là thái tử của Amon (A-môn), Vua xứ Judah (Giu-đa) trong thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên. Amon bị sát hại khi còn trẻ bởi các thuộc hạ không trung thành. Do vua được dân chúng kính trọng, các kẻ âm mưu chống lại vua đã bị sát hại và Josiah lên ngôi Vua, mặc dầu khi ấy mới lên tám tuổi (II V 22:1). Triều đại vua kéo dài 31 năm, cho đến khi vua tử trận ở Megiddo (Mơ-ghít-đô) trong trận chiến với người Ai Cập (II V 23:30). Một trong các hòang tử lên kế vị, nhưng rồi sớm bị lọai bởi ảnh hưởng mạnh của người Ai Cập, và một hòang tử khác lên ngôi Vua. Đó là Vua Jehoiakim (Giơ-hô-gia-kim, II V 23:31-35). Trong triều đại của Vua Josiah, trong khi Đền Thờ được sửa chữa, nhân công đã tìm thấy một cuốn sách lạc mất từ lâu, vốn sẽ là rất quan trọng cho Vua và thần dân. Sách này được gọi là Sách Luật, và cung cấp cơ sở cho nhiều cải cách tôn giáo (II V 22:8). Nhiều bội giáo phát triển qua nhiều năm đã được sửa chữa. Josiah dùng các giáo huấn của sách để làm sáng tỏ các lý tưởng Do Thái, và khử trừ các niềm tin và tập tục sùng bái ngẫu tượng. Các lề luật cải cách tôn giáo như thế đã trở thành hiến pháp của quốc gia, và nâng mức tinh thần và luân lý của Judah lên tầm cao hơn so với mọi thế hệ khác (II V 23). “Trước vua, không có vua nào đã trở lại với ĐỨC CHÚA hết lòng, hết dạ và hết sức mình, theo đúng Luật Mô-sê, như vua; và sau vua, cũng chẳng thấy xuất hiện vua nào được như vua." (II V 23:25).
Jot
Chút xíu, một chấm một phết. Là vật nhỏ xíu, một ý nghĩa phát sinh từ sự việc nó là mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Do Thái cổ. Thánh Mátthêu trích dẫn chữ này khi Chúa Giêsu nhấn mạnh sự việc rằng “một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành" (Mt 5:18).
Joy
Niềm vui, vui mừng, hoan hỉ. Trong văn chương tu đức, là tình cảm nổi lên bởi sự chờ mong hoặc chiếm hữu điều tốt lành. Là một trong các hoa quả của Chúa Thánh Thần. Cảm xúc vui mừng tác động đến cơ thể, nhưng chủ yếu chúng nằm trong các khả năng cao hơn của linh hồn. Niềm vui khác với khóai lạc, vốn có thể ảnh hưởng đến tinh thần nhưng phát sinh từ một cảm xúc trong cơ thể. Như vậy, niềm vui được sở hữu bởi các thiên thần và con người, và nguồn gốc của nó là ý chí có lý tính.
Joyful Mysteries
Năm sự vui. Năm sự đầu tiên của chuỗi Mân Côi Đức Bà, gồm có: 1. truyền tin cho Đức Bà Maria; 2. Đức Bà đi viếng bà thánh Elizabeth (Y-sa-ve); 3. Đức Chúa Giêsu sinh trong hang đá Bê Lem; 4. dâng Chúa Kitô trong Đền thánh; 5. tìm được Chúa Kitô trong Đền thánh.
Joys Of The Blessed Virgin Mary
Thất hỉ Thánh Mẫu, bảy niềm vui của Đức Mẹ. Là việc đạo đức để ghi nhớ các niềm vui đặc biệt trong cuộc đời Đức Mẹ Maria. Số niềm vui là năm hoặc bảy, đôi khi là mười hai, nhưng các niềm vui được kỷ niệm nhiều nhất thời nay là việc Truyền tin cho Đức mẹ, Đức Mẹ đi viếng, Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, Chúa Giêsu tỏ mình, tìm được Chúa Giêsu trong Đền thánh, Chúa sống lại và Đức mẹ Lên Trời. Dòng Phanxicô cử hành các niềm vui của Đức Trinh Nữ với một lễ đặc biệt, và cũng phổ biến việc đạo đức Chuỗi bảy sự vui của Đức Mẹ. Việc đạo đức này là rất phổ biến ở nước Anh Công giáo cổ, và ngày nay một lễ vào ngày thứ Hai sau Chủ nhật thứ nhất sau Phục Sinh cử hành bảy sự vui của Đức Mẹ ở Bồ Đào Nha và Brazil.
Jubal
Jubal, Giu-van. Là con trai của ông Lamech (La-méc) và bà Adah (A-đa) trong dòng dõi của ông Cain (Ca-in). Trong sách Sáng thế, ông được mô tả là “ông tổ các người chơi đàn thổi sáo.” Theo cách nói hiện đại, ông có thể được gọi là Ông tổ của Nghệ thuật Âm nhạc (St 4:21).
Jubilee
Năm toàn xá, ơn toàn xá, kim khánh. Trong Cựu Ước, là lễ mừng của người Do Thái cứ 50 năm một lần, để kỷ niệm việc dân Do thái được giải thóat khỏi Ai Cập. Lễ này được Đức Chúa truyền lệnh cho Moses (Mô-sê) như sau: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình" (Lê-vi, Lv 25:10). Trong Giáo hội Công giáo, năm thánh (năm tòan xá) có lẽ bắt đầu từ năm 1300 thời Đức Giáo hòang Boniface VIII, và được đánh dấu bởi các cuộc hành hương về Roma, với các lễ nghi đặc biệt ở đó và khắp nơi trong thế giới Kitô giáo. Từ năm 1470, tập tục tổ chức năm thánh là cứ 25 năm một lần. Tuy nhiên, các Đức Giáo hòang đã tuyên bố năm thánh ngọai thường vào một số thời điểm, chẳng hạn năm 1933 để kỷ niệm 1900 năm ngày Chúa Cứu chuộc lòai người. Lễ kim khánh cũng được mừng bởi các Giám mục, linh mục, tu sĩ và người có gia đình, để kỷ niệm 50 năm ngày họ được truyền chức linh mục, 50 năm ngày khấn Dòng hay 50 năm ngày cưới. (Từ nguyên Latinh jubilaeus [năm], “[năm] tòan xá," chữ biến thái [chịu ảnh hưởng của từ ngữ Latinh jubilare, vui mừng]; từ ngữ Hi Lạp i_b_laios, từ chữ i_b_los, tòan xá, từ chữ Do thái cổ Hebrew y_bh_l, “sừng cừu" [dùng để công bố năm tòan xá].)
Jubilee Indulgence
Ơn toàn xá. Là ơn đại xá được Đức Giáo hòang ban cho nhân năm tòan xá cứ 25 năm một lần, hay vào các dịp ngọai thường. Trong thời điểm này, các cha giải tội cũng được trao năng quyền đặc biệt có lợi cho các hối nhân.
Jubilees, Book Of
Sách Giôben (ngụy thư). Được gọi là sách Sáng thế nhỏ (khỏang năm 100 trước Công nguyên), là lịch sử thế giới từ lúc sáng tạo trời đất đến lúc ban Luật trên núi Sinai. Được viết bằng tiếng Aramaic, sách bênh vực các quan điểm Do Thái cổ hơn là Hi Lạp.
J.U.D.
J.U.D., Juris Utriusque Doctor -- Tiến sĩ lưỡng luật (dân luật và giáo luật).
Jud
Jud, Judicium – phán quyết, phán xét, phán đoán, bản án.
Judah
Judah, Giu-đa. Là con trai thứ tư của ông Jacob (Gia-cóp) và bà Leah (Lê-a); tên ông được đặt cho một trong 12 chi tộc Israel (St 29:35). Từ Judah có các hậu duệ là Jesse (Gie-sê) và David (Đa-vít) và cuối cùng là Chúa Giêsu (Lc 3:23-33). Jacob tất nhiên đã nhìn thấy sự cao cả tiềm tàng nơi Judah, vì khi ông chúc phúc và nói sứ ngôn cho mỗi một trong 12 người con, lời khen dành cho Judah là gây ấn tượng hơn lời khen cho các người con khác (St 49:8). Chi tộc của Judah phồn thịnh và có thêm vùng lãnh thổ, cho đến khi trở thành một trong các vương quốc hùng mạnh nhất ở Palestine. Trong 12 chi tộc, chỉ có chi tộc Judah và chi tộc Benjamin (Ben-gia-min) là vẫn trung thành với Nhà David. Vương quốc tồn tại lâu dài cho đến khi Jerusalem sụp đổ vào năm 586 trước Công nguyên.
Judaizers
Kitô hữu chủ trương giữ luật Do Thái. Là các Kitô hữu người Do Thái thời Giao hội sơ khai, họ xem luật Mô-sê vẫn còn ràng buộc mình. Việc họ giữ ngày Sabbath (Sa-bát) thay vì ngày Chủ nhật, chịu cắt bì, và các luật ăn chay nghiêm ngặt vẫn là các tập tục chính mà họ còn muốn duy trì. Một người này là Kitô hữu chân thật, nhưng một số khác người Ngộ đạo lạc giáo. Các Kitô hữu gốc Do Thái giáo tại Antioch đã bị thánh Phêrô phản đối, vì họ cho rằng việc cứu độ là tùy vào đã được cắt bì hay không, và cuối cùng ngài tách khỏi những người tự gọi là Kitô hữu này, mặc dầu lúc ban đầu ngài đã từ chối ăn các thức ăn mà luật Môsê xem là không sạch.
Judas Iscariot
Judas Iscariot, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Là con trai của ông Simon (Si-môn), ông là Tông đồ duy nhất không thuộc vùng đất Galilee (Ga-li-lê). Mối quan tâm đặc biệt của ông là tiền bạc, do đó ông phụ trách giữ túi tiền của nhóm Tông đồ (Ga 13:29). Đây là sự bổ nhiệm bất hạnh, theo thánh sử Gioan. Gioan nhắc đến Giuđa “y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung" (Ga 12:6). Hơn nữa, Giuđa đã phản đối gay gắt với Chúa Giêsu vì Chúa cho phép bà Mary (Ma-ri-a) Magdalene xức chân Chúa với dầu thơm hảo hạng, ông lập luận rằng nên bán dầu thơm lấy tiền cho người nghèo (Ga 12:1-8). Tính tham lam thái quá của ông đã làm cho ông phản bội Chúa Giêsu. Ông biết rằng vị thượng tế Caiaphas (Cai-pha) đang nôn nóng bắt cho được Chúa, nên ông gặp thượng tế và thỏa thuận chỉ điểm bắt Chúa vào dịp thuận tiện với giá ba mươi đồng bạc (Mt 26:14-16). Các Tông đồ rất ngạc nhiên tại Bữa Tiệc Ly khi Chúa Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy" (Ga 13:21). Giuđa thực hiện thỏa thuận với Caiaphas bằng cách dẫn một số người vũ trang đến Vườn Gethsemane (Ghết-sê-ma-ni), và hôn Chúa như dấu hiệu nhận dạng, và dựa vào đó nhóm lính bắt giữ Chúa (Mt 26:47-56). Kinh thánh viết rằng khi Giuđa biết rằng Chúa bị kết án tử hình, ông hối hận (Mt 27:3-5). Không có cách nào biết các động cơ của ông. Ông ném số tiền bạc đã nhận vào Đền Thờ, phản đối rằng Chúa là vô tội, và khi người ta không biết sự phản đối của ông, ông đi thắt cổ. Các tác giả Tin Mừng không khai thác sự phản bội của Giuđa. Các ngài chỉ nói rằng Satan (Xa-tan) đã nhập vào Giuđa, và xem ông là kẻ phản bộ (Lc 22:3). Vị trí của ông trong số các Tông đồ đã được Matthias (Mát-thi-a, Cv 1:26) thay thế. (Từ nguyên Hi Lạp ioudas, từ chữ Do Thái cổ yehudhah, để Chúa được chúc tụng. Từ ngữ Hi Lạp iskari_t_s.)
Judas Maccabeus
Judas Maccabeus, Giu-đa Ma-ca-bê. Là con trai của tư tế Mattathias (Mát-tít-gia) và là một chỉ huy của quân đội Do thái; ông giải thoát dân Do Thái khỏi ách người Syria trong cuộc chiến giành độc lập. Ông sai các phái viên đến Roma để ký kết hiệp ước hòa bình giữa người Do Thái và người Roma. Liên minh này được thực hiện thành công, nhưng trước khi tin tức lan về đông phươpng, Giuđa đã bị đánh bại và tử trận vào năm 161 trước Công nguyên, trong trận chiến ở Elasa (Ê-la-xa). Khi ông chết, “Toàn dân Ít-ra-en khóc thương ông và tổ chức tang lễ trọng thể; họ để tang nhiều ngày và khóc rằng: "Than ôi, người anh hùng giải thoát Ít-ra-en nay ngã gục" (I Mcb 9:20-21). Hai cuốn sách Maccabees (Macabê, Mcb), được gọi tên như thế do hai sách kể lại lịch sử người Do Thái thời ông Giuđa Macabê, là một phần của chính lục Kinh thánh Công giáo, nhưng bị hủy bỏ (hoặc bị xem là ngụy thư) trong Kinh thánh Tin Lành. Các chiến công của Giuđa Macabê là chủ đề của một nhạc phẩm ôratô nổi tiếng của George Frederick Handel (1685-1759).
Jude, Epistle Of
Thư thánh Giu-đa (Gđ). Là thư của thánh Tông đồ Giuđa, biệt danh là Thaddaeus, được viết ra để củng cố đức tin của những người Do Thái trở lại đạo Công giáo. Do đó, đây là lời cảnh báo chống lại các ngôn sứ giả. Các lời minh họa được rút ra từ Cựu Ước, nhưng cũng từ văn chương khải huyền Do Thái, cụ thể là cuộc tranh luận về thi hài ông Moses (Mô-sê) và sách Enoch (Kha-nốc). Bằng chứng về các sự trừng phạt trước kia của Chúa là sự bảo đảm sứ ngôn rằng một sự trừng phạt tương tự đang chờ các thầy dạy giả hiệu. Có lẽ phần lớn thư được viết tại Jerusalem trước khi thành này bị phá hủy năm 70, thư bênh vực tính chất bí nhiệm của đức tin Kitô giáo, chống lại những “ai lại nói phạm đến những điều họ không biết” (Gđ 10).
Judges, Book Of
Sách Thủ lãnh (Tl). Là cuốn sách thứ bảy của Kinh thánh, được gọi tên như thế bởi vì nó nói đến các biến cố chung quanh các thủ lãnh tạm thời của Israel gọi là “Thẩm phán, thủ lãnh”. Sách trình bày thời kỳ giữa cái chết của Joshua (Gio-suê) và ông Samuel (Sa-mu-en). Mục đích của tác giả là minh hoạ việc Chúa Quan phòng, nói rằng sự bội giáo luôn bị trừng trị còn sự trung thành với Chúa sẽ được khen thưởng.
Judgment
Phán đóan, đóan xét, phán xét, phán quyết. Nói chung, đây là hành động của tâm trí trong việc khẳng định hoặc bác bỏ một sự gì. Theo triết học, phán đoán là hành vi tâm trí hết hợp hai ý tưởng trong sự khẳng định sự thỏa thuận của chúng, chẳng hạn Chúa là tốt lành, hoặc phân rẽ chúng trong sự phủ nhận sự thỏa thuận của chúng, chẳng hạn Chúa là không xấu. Trong luân lý, phán đoán là một quyết định đúng đắn về điều gì là đúng hoặc thích hợp hoặc khôn ngoan. Nó cũng là một quyết định của bề trên trong một xã hội tự nhiên (như Nhà nước) hoặc một xã hội siêu nhiên (Như Giáo hội), qui định điều gi cần phải làm hoặc thực thi công lý.
Judgment, General
Phán xét chung. Là sự phán xét toàn thể loài người khi kẻ chết sống lại lúc tận thế. Sự phán xét được diễn tả trong mọi kinh Tin kính, vốn khẳng định rằng Chúa Kitô hiện nay “ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết,” nghĩa là người lành và kẻ dữ. Đây sẽ là một sự phán xét xã hội, bởi vì nó sẽ biểu lộ cho thế giới biết sự công lý của Chúa trong việc kết án người tội lỗi, và lòng Chúa xót thương cho ai được cứu độ. Đây cũng sẽ là sự phán xét toàn diện, qua sự tỏ hiện không chỉ lối sống đạo đức của người ta, mà còn mọi phúc lành hoặc mọi xúc phạm phát sinh từ việc lành hoặc việc xấu của mỗi người.
Judgment, Particular
Phán xét riêng. Là sự phán xét cá nhân cho từng người ngay sau khi người ấy qua đời. Đây là sự phán xét theo nghĩa rằng Chúa quyết định số phận vĩnh viễn một người, mà không thể thay đổi, tùy theo sự cộng tác của người ấy với ơn Chúa khi người ấy còn sống ở trần gian.
Judicial Work
Lao động pháp lý, công việc tòa án. Là một loại lao động bị cấm vào ngày chủ nhật hoặc ngày lễ nghỉ, trừ khi bị công ích đòi hỏi hoặc được tập tục hợp lý cho phép. Công việc tòa án là sự tố tụng bao gồm các công việc bình thường của tòa án, chẳng hạn đưa ra xét xử, làm nhân chứng, thông qua phán quyết. Các thẩm phán và luật sư không bị cấm làm công việc pháp lý cách riêng tư, chẳng hạn chuẩn bị buổi họp hoặc tổ chức tham vấn riêng.
Judith
Judith, bà Giu-đi-tha, sách Giu-đi-tha (Gđt). Từ ngữ có nghĩa là “người nữ Do Thái.” Bà là nữ anh hùng trong sách Judith, vốn là một truyện hư cấu lịch sử (Gđt 7). Các chi tiết trận chiến thật gây ấn tượng, nhưng mục đích cuốn sách chủ yếu là giáo huấn. Khi người Israel khiếp sợ chờ đợi cuộc tấn công và tiêu diệt của đại tướng chỉ huy quân đội Holofernes (Hô-lô-phéc-nê) của Vua Nebuchadnezzar (Na-bu-cô-đô-nô-xo), bà Judith xinh đẹp và thông minh, được Đức Chúa linh ứng, đã đến thăm đồn trại người Assyrian (Át-sua), bà mê hoặc tướng quân với sắc đẹp và lợi khẩu của mình, và trong đêm bà đã giết ông và chặt đầu ông. Trong trận chiến ngay sau đó, người Át-sua mất tinh thần đã bị đánh bại, và bà Judith trở thành anh hùng quốc gia (Gđt 10-13). Đây là một chuyện kể hào hứng, để dạy cho người Do Thái biết tầm quan trọng của việc cậy dựa vào Đức Chúa khi tai họa đe dọa.
J.U.L.
J.U.L., Juris Utriusque Licentiatus -- Cử nhân lưỡng luật.
Julian Calendar
Lịch Julius. Là nỗ lực của Julius Caesar để cho niên lịch phù hợp với thời gian của Trái đất khi nó quay một vòng chung quanh Mặt trời. Lịch Gregorian, do Đức Giáo hòang Gregory XIII qui định, thay thế lịch Julius vào năm 1582 và hiện nay được sử dụng gần khắp thế giới, sửa chữa lịch Julius cho phù hợp với năm thiên văn.
Jur
Jur, Juris – của luật.
Juridical Duty
Nghĩa vụ tư pháp. Là nghĩa vụ giữa người bình đẳng ràng buộc về công bằng, nhất là theo luật tự nhiên và công băng giao hóan tự nhiên. Đây là nghĩa vụ phù hợp với quyền chặt chẽ.
Juridical Order
Trật tự tư pháp. Là tòan thể hệ thống quyền lợi và nghĩa vụ, dù là dân sự hay tôn giáo, liên quan đến tập tục và thực thi công lý.
Juridical Positivism
Thuyết duy thực nghiệm tư pháp. Là thuyết cho rằng, mặc dầu có luật tự nhiên, không có quyền tự nhiên. Theo thuyết này, mọi nhân quyền đều được trao bởi chính quyền dân sự, sự thỏa thuận lẫn nhau, sự tự do cá nhân hoặc bởi tập quán biểu lộ tinh thần của một dân tộc.
Juridical Rights
Quyền tư pháp. Là các quyền mà một người có thể dùng vũ lực hoặc quyền thế để bảo vệ hoặc phục hồi. Do đó quyền sống và quyền tư hữu là quyền tự pháp bởi vì bình thường chúng có thể được bảo vệ bởi các phương tiện thể lý. Một đứa trẻ chưa ra đời không có sức mạnh để bảo vệ quyền sống của mình. Nhưng mặc dầu đứa trẻ bị xúc phạm thể lý, quyền của bé vẫn còn, vì quyền này không thể vị xúc phạm về tinh thần, vốn thuộc về yếu tính của quyền. Điều này có các hàm ý thực tế quan trọng trong việc bảo vệ quyền sống tư pháp của trẻ chưa ra đời, khi bé bị đe dọa phá thai.
Jurisdiction
Quyền cai quản, quyền tài phán. Trong luật Giáo hội, đây là quyền thực thi quyền bính chính thức và công khai trong một số khả năng. Do đó một giám mục có quyền tài phán trong giáo phận của ngài, một cha xứ trong giáo xứ, các linh mục trong việc ban các bí tích, linh mục và phó tế trong việc rao giảng, và các bề trên Dòng tu trong việc hướng dẫn thành viên trong cộng đòan của các vị. (Từ nguyên Latinh ius, quyền + dicere, nói: iurisdictio, quyền chính thức.)
Jus Gentium
Jus Gentium, Pháp luật dân gian, lệ pháp. Là luật các dân tộc, luật quốc tế. Nó bao gồm các qui chuẩn xác định sự ứng xử của các quốc gia trong mối quan hệ với nhau.
Jus Jurandum
Jus Jurandum, lời tuyên thệ, lời thề hứa. Là bất cứ lời thề nào mà đôi khi Giáo hội đòi hỏi nơi tín hữu, và nhất là nơi các linh mục. Chẳng hạn Lời thề chống phong trào Tân tiến, được Thánh Giáo hòang Piô X qui định cho các giáo sư chủng viện phải thề.
Jus Primae Noctis
Jus Primae Noctis, Luật đêm đầu tiên. Trong thời phong kiến, là “quyền” của chủ ngủ đêm đầu tiên với vợ của người nô lệ sau khi họ kết hôn.
Justice
Công bình, công chính, công minh, công lý, tư pháp. Là nhân đức, công bình là sự xác định liên lỉ trả cho mọi người cái gì đúng là của họ. Nó là một xu hướng quen thuộc của ý chí và do đó luôn công nhận quyền của mỗi người, trong bất cứ hòan cảnh nào. Quyền nói ở đây là bất cứ những gì thuộc về một cá nhân, khác với một cá nhân khác thực thi công bình. Yếu tính của công lý, khi so sánh với đức ái, là bao hàm trong sự phân biệt giữa một người và người lân cận của người ấy; trong khi đức ái dựa vào sự kết hợp đang có giữa người yêu và người được yêu, do đó sự thực thi bác ái xem người lân cận như chính mình vậy.
Justifying Grace
Ơn công chính hóa. Là ơn qua đó một người được đưa lại vào tình bạn của Chúa, hoặc là lần đầu tiên, như trong phép Rửa tội, hoặc sau khi Rửa tội, như trong bí tích hòa giải.
Just War
Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh chính đáng. Là xung đột vũ trang giữa hai quốc gia, vốn có thể được khoan dung về luân lý theo một số điều kiện. Các điều kiện này, được thánh Âu Tinh nêu ra đầu tiên, đã trở thành cổ điển trong giáo huấn luân lý Công giáo. Để cho cuộc chiến là chính đáng, nó phải là thiết thực với uy quyền quốc gia, nguyên nhân phải là chính nghĩa, người tham chiến phải có ý hướng đúng đắn, và cuộc chiến chỉ dùng các “phương tiện hợp thức.” “Chính nghĩa” nghĩa là quyền của quốc gia đang bị vi phạm bởi một cuộc tấn công thực sự hoặc ít là sắp xảy ra; nghĩa là các phương cách ngăn chặn xung đột khác, chẳng hạn ngọai giao hoặc cấm vận, đã được thử nhưng thất bại, hoặc là không đem lại kết quả; và cũng có nghĩa rằng có một tỉ lệ giữa những điều xấu thấy được của xung đột và những hy vọng về lợi ích của sự tham chiến.