Ngày 22-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trở lại lối sống cũ
Lm. Minh Anh
05:58 22/08/2021

TRỞ LẠI LỐI SỐNG CŨ
“Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”; Phêrô thưa, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai?”.

Nói đến việc chọn lựa, H. Fosdick nhận định, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến. Nó là phương tiện quyết định điểm kết thúc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến việc chọn đi theo Chúa hay rời bỏ Chúa. Sau giáo huấn về Máu Thịt Ngài, về Bí tích Thánh Thể của Chúa Giêsu, “Nhiều môn đệ rút lui”; nhưng bên cạnh đó, Tin Mừng còn cho thấy đức tin tuyệt vời của các tông đồ, đặc biệt là Phêrô. Khi nghe hỏi, “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”; Phêrô đáp lại, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai?”.

Với người Do Thái, đụng đến máu là đụng đến cái gì đó nhơ uế. Thế mà Chúa Giêsu lại nói, “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì có sự sống đời đời!”. Đây là điều không thể chấp nhận; vì thế, một số dân chúng và cả môn đệ rút lui. Nhận định “Nhiều môn đệ rút lui” của Gioan được bản NAB của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dịch rất thâm thuý, “Nhiều môn đệ đã trở lại lối sống cũ”. Ai từ chối Bí tích Thánh Thể, người ấy sẽ ‘trở lại lối sống cũ!’. Họ ‘trở lại lối sống cũ’, vì suy nghĩ của họ thuận theo thói đời, đức tin của họ quá non yếu, những gì Chúa Giêsu nói vượt quá khả năng nắm bắt của họ; vì thế, họ lìa bỏ Ngài. Vậy mà với bất cứ giá nào, Chúa Giêsu vẫn không lùi bước trước những mặc khải quan trọng về Bí tích Tình Yêu này. Những gì Ngài đã nói, Ngài vẫn kiên định; chẳng hạn, “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống!”. Vì vậy, khi hỏi, “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”, Chúa Giêsu cho các môn đệ tự do chấp nhận hoặc từ chối Ngài. Ngài cho họ tự do, vốn là điều thiết yếu để họ đi sâu vào một đức tin sâu thẳm đích thực.

Trước câu hỏi “Các con có muốn bỏ đi không?”, Phêrô đã trả lời bằng một câu hỏi, “Chúng con sẽ đi theo ai?”. Câu hỏi của Phêrô là một khẳng định; đúng hơn, một lời tuyên xưng đức tin ‘khéo giả trang’. Qua đó, vị Giáo Hoàng mai ngày tuyên tín Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Messia, Đấng Cứu Độ, Đấng ban Lời Hằng Sống; Ngài là ‘phương án’ tốt nhất của mọi lựa chọn. Những gì Phêrô nói là chứng từ của một chứng nhân đã tin rằng, chỉ có một lựa chọn tốt cho cuộc sống, và duy chỉ một; đó là chọn theo Chúa Giêsu bất cứ giá nào.

Không có gì trong cuộc sống đáng để lựa chọn hơn Ngài, dù lựa chọn đó có phổ biến hay không; được ưa chuộng hay không, và không thành vấn đề khi người khác có chọn lựa như thế hay không. Trôi theo dòng chảy dẫn chúng ta xuống nhầm dòng sông, một đầm lầy chết người, vì chúng ta sẽ ‘trở lại lối sống cũ’; chọn Giêsu, một chọn lựa đúng đắn, giúp chúng ta có được dòng sông ân sủng, dẫn ra một đại dương xót thương!

dân Chúa thời Cựu Ước cũng phải chọn lựa. Qua bài đọc thứ nhất, Giosuê nói, “Hôm nay, anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ, các thần bên kia sông Cả hay các thần của người Êmôri; phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ thờ Chúa!”. Cũng thế, bài đọc Tân Ước, thư Êphêsô cho biết, vì tình yêu, Đức Kitô đã chọn Hội Thánh như phu quân chọn lấy hiền thê để chăm sóc, yêu thương. Ai chưa một lần chọn Giêsu, hãy thử chọn Ngài! Ngài là thiên đàng, là hạnh phúc; là ngọt ngào trần gian; không chi sánh bằng, không ai sánh ví. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một mời gọi không thể trìu mến hơn, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

Anh Chị em,

Trong những ngày qua, ngoại trừ các vùng dịch bùng phát, như Sài Gòn, phải cách ly nghiêm nhặt, thì các nơi khác, tại sao chúng ta lại tự sớm cách ly với nhà thờ đang khi các sinh hoạt khác vẫn gần như bình thường? Sợ hãi và lười biếng đang giết chết đức tin chúng ta trước khi Corona giết chết thân xác! Nhà thờ không sạch hơn các chợ hay các quán xá, các tiệm cà phê sao? Tại sao chúng ta đi làm răng, làm tóc, làm móng tay, đi chợ cá, đi ăn giỗ, thậm chí đi đám cưới hoặc đi lao động thường ngày… mà nhà thờ lại không đến? Nhà thờ phải là ‘nơi không đến’ cuối cùng trong ‘danh sách không đến!’. Ai cấm chúng ta dự lễ từ xa ngoài sân, ai cấm chúng ta đeo khẩu trang và ngồi cách xa người khác hai mét? Phải chăng chúng ta “đục nước béo cò”, “giả mù sa mưa” hay “duồng gió bẻ măng” để bỏ nhà thờ, bỏ lễ Chúa Nhật? Thật vô lý! Ma quỷ đứng cười, nó đang vỗ tay khi chúng ta rời xa Thánh Lễ, nơi chúng ta lẽ ra phải đến trước nhất để xin Chúa bổ sức và xua tan dịch bệnh. Ai xa lìa Thánh Thể, sẽ ‘trở lại lối sống cũ’, một lối sống ngoại giáo! Chọn lấy Giêsu là không ngừng chọn bỏ mình, khỏi sự thờ ơ, lười biếng để khát khao Ngài, mến yêu Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tha thứ, cho con siêng năng tìm đến với Thánh Thể, hầu con đủ sức mà chọn Chúa, chọn thay đổi chính mình, để không ‘trở lại lối sống cũ’ nhất là trong những ngày hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Bên trong và bên ngòai
Lm. Thái Nguyên
22:14 22/08/2021
SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN CN 22 THUONG NIEN B



BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI
Chúa Nhật 22 Thường Niên năm B.
Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Suy niệm

Khoảng năm 336 trước Chúa Giáng Sinh, Alexandre đại đế đã đưa Hy Lạp lên ngôi bá chủ, thâu tóm nhiều dân tộc. Nước Do thái cũng rơi vào vòng thống trị của đế quốc này. Trước nền văn minh Hy Lạp, nhiều người Do Thái đua nhau học đòi kiểu sống đó, và thờ cả các thần Hy Lạp. Văn hóa dân tộc và đời sống đức tin có nguy cơ bị huỷ diệt. Vì thế, các nhà lãnh đạo tinh thần đã tìm mọi cách giữ gìn truyền thống của cha ông. Họ đặt ra nhiều khoản luật mang tính hình thức và lễ nghi bên ngoài, buộc dân phải giữ để khỏi bị lây nhiễm nọc độc của ngoại bang. Từ đó dấy lên một phong trào thượng tôn lề luật.

Tới thời Chúa Giêsu thì luật lệ đã quá tỉ mỉ, nhất là luật giữ sạch sẽ bên ngoài, để không làm dơ bẩn tâm hồn bên trong. Chẳng hạn phải rửa tay trước khi ăn vì sợ bị ô uế do đụng chạm. Tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế. Vì thế không lạ gì người Pharisêu bắt lỗi các môn đệ“không giữ truyền thống của cha ông, cứ để bàn tay ô uế mà dùng bữa”. Cái sai lầm trầm trọng của họ là dùng cái bên ngoài để thanh tẩy cái bên trong, biến cái tập tục thành phương dược tôn giáo để khử trừ ô uế. Quả thật, họ đã “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

Trước sự sai lầm này, Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế”. Khẳng định này làm đảo lộn toàn bộ những tập tục và truyền thống của người Do Thái. Bởi lẽ đời sống họ đầy những điều cấm kỵ bên ngoài để tránh ô uế, như: không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, hay người phong cùi; không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi... Nếu như thế thì Ðức Giêsu bị coi là người ô uế, vì đã phạm nhiều điều cấm kỵ. Ngài thường tiếp xúc với xác chết, người tội lỗi, người cùi hủi, vào nhà dân ngoại và có thể nhiều lần Ngài cũng chẳng rửa tay trước khi ăn.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu quả là cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, vì đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu - người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do... Ngài làm cho con người trở nên gần gũi với nhau trong sự bình đẳng về nhân phẩm; xóa đi những thứ phân chia đẳng cấp và kỳ thị cao thấp được làm nên do luật lệ bên ngoài. Thật ra, Ðức Giêsu không phản đối hay muốn dẹp bỏ việc rửa tay trước khi ăn, nhưng Ngài thấy nó mang tính giả hình. Điều này đòi ta nhìn lại chính mình trong đời sống hằng ngày, vì ta cũng dễ tự lừa dối mình qua những hình thức bên ngoài, hoặc cố gắng che chắn điều gì đó sau sau những lớp mặt nạ.

Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. Có lẽ vì vậy mà người ta né tránh cái khó bên trong và lựa chọn cái dễ bên ngoài, rồi gán ghép cho nó một ý nghĩa, nhưng thực ra chỉ là để che lấp một quan niệm cổ hủ và hẹp hòi, hoặc vì tinh thần đạo đức đã xuống cấp và suy yếu. Tình trạng nội tâm vốn mới là thật. Sự trong sạch của tâm hồn mới là đáng kể. Nếu phải tuân thủ những hình thức và luật lệ bên ngoài, thì làm sao cái bên ngoài phải phản ánh cái sạch đẹp bên trong. Cái ô uế bên trong không thể nào thanh tẩy bằng cách làm sạch đẹp những thứ bên ngoài.

Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra. Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ bên trong đã làm con người ra ô uế, là ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Thanh tẩy tâm hồn hay đổi mới con tim là điều Chúa muốn làm nên nơi mỗi người: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới” (Ed 36, 25tt). Đó là điều ta phải thiết tha cầu xin Chúa mỗi ngày, và nỗ lực trong ơn thánh để làm mới lại trái tim mình, một trái tim chỉ làm mọi sự vì tình mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Ai cũng muốn sống dễ dãi,
nên ngần ngại trước những cái khó khăn,
dường như ai cũng muốn sống nhập nhằng,
không muốn cho thấy rõ điều đen trắng.
Tuổi trẻ chúng con cũng hay che chắn,
ít dám sống trung thực với chính mình,
nên có những kiểu cách sống giả hình,
tốt thì hay khoe còn xấu lại che.
Chúng con cũng giống người Biệt phái,
lo rửa bên ngoài sao cho sạch đẹp,
mà không rửa bên trong những lấm lem,
không nâng cao những gì còn thấp kém.
Chúng con thích đổi mới diện mạo,
mà không canh tân đời sống đạo,
thích tự hào và tỏ vẻ thanh cao,
nhưng thực chất có thể là gian xảo,
vì nhiều khi chỉ tìm cách làm màu.
Chúng con hay chạy theo hình thức,
mà thường ít xét đến nội dung,
chỉ làm theo thói quen và tập tục,
để được yên tâm thấy mình là đúng.
Chúng con cần trở về với lòng mình,
vì thấy có những điều đang thoái hóa,
nhất là có những dối trá điêu ngoa,
mà con vẫn khuây khỏa để cho qua.
Xin Chúa thương biến đổi trái tim con,
một trái tim chưa trong sáng đơn sơ,
còn những giả vờ và cố chấp làm ngơ,
xin giúp con tẩy rửa những bợn nhơ,
sống chân thật như Chúa vẫn mong chờ. Amen.
 
Ân sủng và bình an
Lm. Minh Anh
23:58 22/08/2021

ÂN SỦNG VÀ BÌNH AN
“Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an!”.

Hải ly, một loài động vật có vú, sống lưỡng cư, nghĩa là nửa nước nửa cạn. Nó có tài đắp đập, tạo nên những con đê kiên cố, khống chế mực nước chúng cần. Nguyên liệu là cành cây và sỏi đá; những chỗ có kẽ hở, hải ly dùng đuôi đập nát đất rồi trát kín. Những con đê này thường rất kiên cố, 5-6 người có thể đi qua mà không sập; đôi khi, những đập chắn của hải ly dài hơn cả 100 mét.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến những con hải ly đóng mở các đập nước do chúng đắp nên, nhưng nói đến việc mỗi người chúng ta cũng có thể ‘mở và đóng cửa thiên đàng’. Việc chúng ta có sẵn sàng ‘mở cửa’ thiên đàng hay đang tâm ‘đóng’ nó lại, một phần, sẽ quyết định dòng chảy ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa trào xuống trên chúng ta và trên người khác!

Trong suốt tuần này và qua cả tuần sau, chúng ta sẽ đọc thư gửi tín hữu Thessalonica, đây là một trong những tài liệu cổ nhất mà Giáo Hội sở hữu. Khởi đầu thư, thánh Phaolô viết, “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an!”; tiếp đến, ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cách đặc biệt, “về lòng tin, công việc của lòng bác ái, và sự vững lòng trông cậy” của giáo đoàn này, “Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em”. Với Phaolô, tín hữu của giáo đoàn này là những người đã “được Thiên Chúa tuyển chọn”, “đầy niềm tin”, “với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín”. Phaolô tạ ơn Thiên Chúa, vì lẽ, cộng đoàn này gồm những người đã ‘mở cửa’ thiên đàng cho ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa dẫy đầy, không chỉ trên họ, nhưng trên cả những giáo đoàn non trẻ khác, vì “Chúa mến chuộng dân Ngài!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Tương phản với các tín hữu Thessalonica tốt lành là những con người không mấy tốt lành mà Chúa Giêsu khiển trách trong Tin Mừng hôm nay. Ngài gọi họ là những kẻ ‘đóng cửa’ thiên đàng, khiến cho ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa tắc nghẽn đối với họ và cũng không đến được với người khác. Thiên Chúa là Cha rất nhân hậu, luôn muốn con cái mình được đầy tràn ‘ân sủng và bình an’; vì thế, khi nhìn thấy các vị lãnh đạo tôn giáo ngăn chận suối nguồn ân phúc này, Chúa Giêsu buộc lòng phải lên tiếng với những lời lẽ không thể nặng hơn, “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi đóng cửa Nước Trời, không cho người ta vào; vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào!”. Cũng trong chương này, Matthêu ghi lại liên tiếp bảy lần những lời cứng hơn thép Ngài dành cho hạng ăn trên ngồi trốc này, “Khốn cho các ngươi!”, “Khốn cho các ngươi!”. Ngài gọi họ là “những kẻ dẫn đường đui mù”, “những kẻ đạo đức giả”, “những ngôi mộ quét vôi trắng”, “những con rắn độc”, “cha những kẻ bạo tàn” và “những kẻ giết người”. Rõ ràng, Ngài đã hết lời với họ, Ngài không còn gì để nói!

Tại sao Chúa Giêsu lại đay nghiến họ đến thế? Ngài nặng lời; bởi lẽ, họ đang làm một trong những điều xấu xa nghiêm trọng nhất mà một người có thể làm. Họ đang nhân danh Thiên Chúa mà kéo lôi người khác đi vào con đường lầm lạc. Không gì có thể tồi tệ hơn! Thật không may, họ đã không nhận ra điều Chúa Giêsu dạy! Đang khi những lời quở trách của Chúa Giêsu không hàm ý một sự tức giận hay một ác ý vô cớ nào; đúng hơn, những lời này được nói ra với lòng thương xót và sự chờ đợi của một Thiên Chúa nhẫn nại và từ bi. Ngài hy vọng rằng, sự thật trần trụi này sẽ chìm sâu vào trong, khiến họ suy nghĩ và rồi, sẽ ăn năn; nhờ đó, ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa mới có thể đổ xuống trên họ và qua họ, đến với những ai họ dẫn dắt.

Anh Chị em,

Hơn lúc nào hết, trong những ngày hôm nay, chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là khí cụ đem ‘ân sủng và bình an’ của Chúa đến cho anh chị em mình. Ai trong chúng ta cũng muốn trở thành những người ‘mở cửa’ thiên đàng; nói cách gần gũi hơn, mở ra niềm vui, trao tặng hạnh phúc, cống hiến yêu thương cho anh chị em mình. Không đâu và không ai mà chúng ta có thể kín múc ‘ân sủng và bình an’ thật sự ngoài Thánh Thể, Lời Chúa và các Bí tích. Những người khác có quyền chờ đợi vào những gương lành, gương sáng của chúng ta; họ có quyền hy vọng vào những sự thật không chỉ qua những gì chúng ta nói, nhưng còn qua chứng tá sống động của chúng ta mỗi ngày. Chớ gì, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta xét mình, thống hối; hầu biến đổi và đứng lên, để trở nên một người tạo cảm hứng cho tha nhân, băng bó họ, nhất là những anh chị em dễ bị tổn thương nhất.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin, Chúa đang dành cho con những lời khiển trách thánh thiện này; xin cho con biết ăn năn tội mình; nhờ đó, con tràn đầy ‘ân sủng và bình an’ của Chúa, và như thế, dòng chảy này cũng đến được với anh em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các tín hữu Kitô ở Afghanistan đang run rẩy lo âu bị tấn công
Đặng Tự Do
05:08 22/08/2021


Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Afghanistan đang chuẩn bị cho một đợt đàn áp mới sau khi Taliban tiếp quản đất nước.

“Chúng tôi đang nói với mọi người hãy ở lại trong nhà của họ, vì đi ra ngoài đường ngay bây giờ là quá nguy hiểm”, một nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Afghanistan nói với tổ chức viện trợ quốc tế có tên là Christian Concern (ICC).

Người đàn ông giấu tên vì lý do an ninh cho biết các tín hữu Kitô ở nước này lo sợ rằng các cuộc tấn công của Taliban vào các cộng đồng Kitô sẽ sớm bắt đầu.

Họ lo sợ rằng các cuộc tấn công chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nó sẽ được thực hiện theo phong cách mafia”, nhà lãnh đạo Kitô Giáo nói thêm: “Taliban giết người hàng loạt và sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về các vụ giết người”.

Ông nói thêm: “Một số Kitô Hữu cho biết đã nhận được những cuộc điện thoại đe dọa. Trong những cuộc điện thoại này, những người vô danh nói, ‘Chúng tao đến đây vì bọn mày’”.

Afghanistan có hơn 99% là người Hồi giáo, với đa số là người Hồi Giáo Sunni. Có những nhóm nhỏ Kitô Hữu, cũng như Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Bahai. Có cả một người đàn ông Do Thái đang bị kẹt lại ở đất nước này.

Cộng đồng Kitô Giáo của Afghanistan, ước tính có khoảng 10,000 đến 12,000 người, chủ yếu bao gồm những người cải đạo từ Hồi giáo và là nhóm tôn giáo thiểu số lớn nhất của đất nước. Do bị bắt bớ, cộng đồng Kitô Giáo phần lớn vẫn trong tình trạng thầm lặng trước mắt công chúng.

Theo luật sharia, được áp dụng tại Afghanistan trước khi Taliban tiếp quản, một người Hồi Giáo cải đạo có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Những người cải đạo sang Kitô Giáo là mục tiêu thường xuyên của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Kabul, thủ đô của Afghanistan, đã rơi vào tay Taliban vào ngày 15 tháng 8. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước cùng ngày.

Taliban trước đây đã kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 cho đến năm 2001. Trong thời gian đó, một cách giải thích nghiêm ngặt về luật sharia đã được áp dụng. Trong số những thứ khác, việc chơi các nhạc cụ đã bị cấm, và trẻ em gái không được phép đến trường.

Lãnh đạo cộng đồng cho biết, cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban sẽ rất khó khăn đối với những người theo Kitô Giáo. Ông nói rằng khi Taliban nắm quyền kiểm soát một ngôi làng, chúng sẽ yêu cầu tất cả các gia đình phải đến đền thờ Hồi giáo để cầu nguyện nhằm tìm cách loại bỏ bất kỳ người nào theo tín ngưỡng khác.

Báo cáo của ICC cho biết, ở một số vùng phía bắc Afghanistan, Taliban đã thực thi một cách hiểu rất nghiêm ngặt về sharia và rằng “Đàn ông bắt buộc phải để râu, phụ nữ không thể rời nhà mà không có đàn ông hộ tống, và cuộc sống ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”.

“Nhiều Kitô Hữu lo sợ Taliban sẽ bắt con cái của họ, cả trẻ em gái và trẻ em trai, giống như ở Nigeria và Syria. Các cô gái sẽ buộc phải kết hôn với các chiến binh Taliban và các chàng trai sẽ bị ép trở thành binh lính”.

Một tuyên bố từ giám đốc thực địa của Open Doors ở Á Châu cho biết: “Đó là một ngày đau lòng đối với các công dân Afghanistan và thậm chí là đây là thời điểm nguy hiểm cho các tín hữu Kitô”.

“Đó là một tình huống không chắc chắn đối với cả đất nước, chứ không chỉ đối với những tín hữu Kitô bí mật.”

Theo Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc, tính đến ngày 21/5, khoảng 100,000 người đã phải xin tị nạn do xung đột ở Afghanistan trong năm nay. Con số đó đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 7 vừa qua.

Trước khi Taliban tiếp quản, Open Doors đã xếp Afghanistan ở vị trí thứ hai trong Danh sách các quốc gia trên thế giới khét tiếng về các cuộc đàn áp ít hơn một chút so với Bắc Triều Tiên”.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy tố cáo ba giai đoạn trong thảm kịch của Giáo Hội tại Hoa Lục
Đặng Tự Do
05:08 22/08/2021


Thảm kịch vẫn đang tiếp diễn giữa người Công Giáo Hoa Lục và bọn lãnh đạo cộng sản tại quốc gia này có ba giai đoạn. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai, 韓大輝) Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp đã đưa ra lập trường trên trong cuộc hội thảo tại Đại Học Santa Clara do Dòng Tên điều hành tại San Jose, California.

Giai đoạn hiện tại của thảm kịch này đã bắt đầu từ năm 2013, là giai đoạn “khống chế và gây hoang mang,” Đức Tổng Giám Mục Huy nói.

“Hệ quả của thảm kịch này là người dân cảm thấy mất phương hướng, và bị bỏ rơi”, Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong bài phát biểu gần đây của ngài trong hội nghị quốc tế lần thứ 28 của Hiệp hội Công Giáo Mỹ-Trung, tổ chức tại Đại học Santa Clara của Dòng Tên.

Đức Tổng Giám Mục Huy đã trích dẫn ba nhân tố chính trong mỗi giai đoạn của thảm kịch: chế độ cộng sản, Giáo Hội ở Trung Quốc và Vatican.

Giai đoạn đầu tiên ngài mô tả là “phản kháng và chia rẽ”. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1949 đến năm 1980, trong đó “Giáo Hội cũng bị phân hóa”. Nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo đã bị bắt rất sớm trong thời kỳ này, và Giáo Hội bị chia thành các cộng đồng thầm lặng hay không chính thức - và công khai được chính phủ công nhận. Trong nhiều trường hợp, các cộng đồng này “thù địch với nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhấn mạnh rằng “Mục đích của chế độ là chia rẽ người dân, để dễ kiểm soát, trong khi Trung Quốc tiếp tục coi Vatican là ‘chủ nghĩa đế quốc’. Chúng cung cấp cho người Công Giáo ‘củ cà rốt và cây gậy’, tùy thuộc vào mức độ trung thành của họ đối với bọn cầm quyền cộng sản”.

Vào thời điểm này, Vatican đang “cố gắng bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc nhưng ngài lưu ý rằng: “Tòa thánh khuyến khích người Công Giáo giữ vững lòng trung thành, và tuyên bố rằng một 'giáo hội độc lập' không thể là một 'Giáo Hội Công Giáo'“.

Giai đoạn tiếp theo, từ năm 1980 đến năm 2013, là giai đoạn dành cho giáo hội “phát triển nhờ hòa giải. Hai cộng đồng bị chia rẽ bắt đầu có thái độ hòa giải với nhau.”

Lúc đó, Bắc Kinh khuyến khích cải cách và “mở cửa” mặc dù chính sách của chúng đối với các nhóm tôn giáo vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh đó, Vatican tìm cách thiết lập đối thoại với chế độ và thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng thầm lặng và cộng đồng công khai được bọn cầm quyền công nhận.

Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhận chức vụ hiện tại của họ chỉ cách nhau một ngày, Đức Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 và Tập vào ngày 14 tháng 3, 2013. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thư chúc mừng.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhận định rằng: “Dưới thời ông Tập, cộng sản nói về giấc mơ một nước Trung Quốc mạnh hơn. Có nhiều cây gậy đối với các cộng đồng thầm lặng và nhiều củ cà rốt hơn đối với những người ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa khi chế độ này ‘thắt chặt kiểm soát và triệt hạ thánh giá’ ở Trung Quốc”.

Nhưng Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong thời kỳ này, Vatican đã “mù quáng” khi từ bỏ một cơ cấu tham vấn được thiết lập rất tốt về Trung Quốc. Ngài nhận xét chua chát rằng chính sách ngoại giao với Trung Quốc của Tòa Thánh đã khiến “các cộng đồng thầm lặng cảm thấy bị Tòa Thánh bỏ rơi”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nói, Vatican “thay vì dõi chiếu ánh sáng đã làm mờ đi ánh sáng các giáo huấn của Giáo Hội và làm lu mờ gương tử đạo của nhiều người Công Giáo”.

Ngài so sánh tình hình hiện tại với sự bùng phát của COVID-19. Theo Đức Tổng Giám Mục thỏa thuận của Vatican năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc - mà thông tin chi tiết cho đến nay vẫn chưa được công bố - kết hợp với việc Vatican công nhận hàng loạt các giám mục quốc doanh bị vạ tuyệt thông trước đây và bổ nhiệm họ đứng đầu các giáo phận Trung Quốc đã biến thành một loại virus. Vào năm 2019, Vatican công bố các hướng dẫn mục vụ trong đó khuyên các giám mục và linh mục ở Trung Quốc rằng họ phải tuân theo lương tâm của mình trong việc quyết định xem có nên ghi danh với bọn cầm quyền cộng sản hay không, thì “con virus này đã biến đổi sâu sắc”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhận xét rằng “Thảm kịch này tự thể hiện như một vở kịch đấu tranh căng thẳng giữa Giáo Hội và bọn cầm quyền, giữa đức tin và chính trị, giữa lương tâm và quyền lực. Trên đây là toàn cảnh không có chiều sâu. Nếu chúng ta biết 'những cá nhân' có liên quan đến thảm kịch này, thì chúng ta có thể có được những hiểu biết sâu sắc hơn và những quan điểm khác nhau để hiểu về Giáo Hội ở Trung Quốc”.

“Tôi muốn tìm người như thế nào trong vở kịch căng thẳng này? Một kẻ gió chiều nào ngả theo chiều đó? Hay một ‘người vững vàng trước các tình huống’? Tôi thích loại người sau hơn”, Đức Tổng Giám Mục Huy nói. “Một số người như thế là các vị tử đạo đã đổ máu của họ, những người khác đã đưa ra những chứng tá giá trị bằng chính cuộc đời của họ”.
Source:Catholic Sun
 
Linh mục Công Giáo bị thảm sát tại Uganda
Đặng Tự Do
05:09 22/08/2021


Cha Josephat Kasambula của Giáo phận Kiyinda-Mityana đã qua đời trong một vụ thảm sát kinh hoàng.

Vị linh mục đã bị sát hại dã man vào tối thứ Tư tại làng Lukunyu ở quận Gomba gần trang trại Mamba trên Hồ Wamala, nơi ngài đã đến thăm trang trại của mình.

Theo lời kể của những người chứng kiến, Cha Kasambula đã bị đâm chết bởi một kẻ đã lấn chiếm mảnh đất rộng 15 mẫu Anh của ngài.

Ông Sam Kalule, một cư dân sống gần trang trại Mamba, nói với Daily Monitor vào hôm thứ Năm:

“Khi người của Chúa đến trang trại của mình, ngài thấy người đàn ông đã chiếm ngôi nhà trong trang trại của ngài, vị linh mục đã cố gắng hỏi anh ta làm sao anh ta lại chiếm trang trại của mình nhưng người đàn ông ấy không trả lời.”

“Vị linh mục ra lệnh cho những người đi cùng với ngài vào nhà và ném mọi thứ ra ngoài, nhưng khi họ bước vào, vị linh mục và nghi phạm vẫn ở bên ngoài và tên này đã lao vào vị linh mục và đâm vào lưng ngài nhiều nhát dao, giết chết ngài ngay lập tức.”

Vụ việc xảy ra vào khoảng 18h.

Sau khi giết vị linh mục, nghi phạm bỏ trốn khỏi hiện trường. Ông Kalule cho biết nghi phạm chắc chắn đã bị ảnh hưởng của cần sa vì anh ta là một người nghiện ma túy.

Ông Joseph Sseyuya, chủ tịch Hạt Kyegonza Sub County, cho biết vị linh mục đã sở hữu trang trại hơn 20 năm nhưng vì công việc mục vụ bận rộn đã lâu không đến thăm.

“Nghi can là người sinh ra ở khu vực này đã lợi dụng việc cha xứ không thường xuyên đến thăm trang trại của mình và chiếm dụng nhà của ngài. Anh ta cũng đã trồng các loại cây theo mùa như ngô và đậu và bán chúng mà chủ sở hữu không hề hay biết”.

Ông Sseyuya cho biết cảnh sát vào tối thứ Tư đã đến khám nghiệm hiện trường và đưa thi thể của Cha Kasambula đến Bệnh viện Mityana để khám nghiệm tử thi.

“Chúng tôi rất buồn trước cái chết của một linh mục và chúng tôi cầu nguyện rằng nghi can bị bắt giữ và công lý được sáng tỏ,” ông nói.

Vào lúc qua đời, Cha Kasambula, 68 tuổi, là Cha Sở tại Giáo xứ Lwamata ở Quận Kiboga.

Cô Lydia Tumushabe, người phát ngôn của cảnh sát khu vực Katonga cho biết các thám tử của họ đã bắt đầu truy lùng nghi phạm vào tối cùng ngày và anh ta sẽ sớm bị bắt.
Source:Monitor
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng 8, 2021
J.B. Đặng Minh An dịch
06:40 22/08/2021


Chúa Nhật 22 tháng Tám, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 21 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại với chúng ta lời tuyên xưng đức tin rất đẹp của Thánh Phêrô “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 6: 60-69) cho chúng ta thấy phản ứng của đám đông dân chúng, và của các môn đệ trước diễn từ của Chúa Giêsu, sau khi xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về phép lạ đó và tin vào Người, Đấng là bánh thật từ trời xuống, bánh ban sự sống; và Ngài mạc khải rằng bánh Ngài sẽ ban là thịt và máu Ngài. Những lời này nghe có vẻ quái gỡ và khó hiểu đối với tai người ta, đến nỗi, từ lúc đó - theo lời Phúc âm - nhiều môn đệ của Ngài đã quay lại, tức là không theo Thầy nữa (câu 60,66). Sau đó, Chúa Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không? “(câu 67), và ông Phêrô, thay mặt cho cả nhóm, xác nhận quyết tâm ở lại với Ngài: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6: 68-69). Và đó là một lời tuyên xưng đức tin thật đẹp.

Chúng ta hãy xem xét một cách ngắn gọn thái độ của những người rút lui và quyết định không theo Chúa Giêsu nữa. Sự không tin này phát sinh từ điều gì? Lý do cho sự từ chối này là gì?

Những lời của Chúa Giêsu đã làm dấy lên một tai tiếng lớn: Ngài đang nói rằng Thiên Chúa quyết định mạc khải chính Ngài và hoàn thành ơn cứu rỗi trong sự yếu đuối của xác thịt con người. Đó là mầu nhiệm của sự nhập thể. Sự nhập thể của Thiên Chúa là điều gây ra tai tiếng và gây trở ngại cho những người đó - nhưng thường khi cũng là trở ngại đối với chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng bánh đích thật mang đến ơn cứu rỗi, truyền sự sống đời đời, là chính thịt của Ngài; và rằng để hiệp thông với Thiên Chúa, trước khi tuân giữ các lề luật hoặc chu toàn các giới luật tôn giáo, cần phải sống một mối quan hệ thực sự và cụ thể với Ngài. Bởi vì ơn cứu rỗi đến từ Ngài, trong sự nhập thể của Ngài. Điều này có nghĩa là người ta không được theo đuổi Thiên Chúa trong những giấc mơ và trong những hình ảnh cao sang và quyền lực, nhưng Thiên Chúa phải được nhìn nhận trong nhân tính của Chúa Giêsu, và hệ quả là trong nhân tính của những anh chị em mà chúng ta gặp trên đường đời. Thiên Chúa đã làm cho chính Ngài trở nên huyết nhục. Và khi chúng ta nói điều này, trong Kinh Tin Kính, vào Ngày Lễ Giáng Sinh, và vào ngày Lễ Truyền Tin, chúng ta quỳ gối để tôn thờ mầu nhiệm nhập thể này. Thiên Chúa đã hoá thành nhục thể; Ngài đã hạ thấp bản thân đến mức trở thành một phàm nhân như chúng ta. Ngài đã hạ mình xuống đến mức chồng chất lên chính Ngài những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và do đó Ngài yêu cầu chúng ta đừng tìm kiếm Ngài bên ngoài cuộc sống và lịch sử, nhưng trong mối quan hệ với Chúa Kitô và với anh chị em của chúng ta. Hãy tìm kiếm Ngài ngay trong cuộc sống, trong lịch sử, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và thưa anh chị em, con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa là xây dựng mối quan hệ với Chúa Kitô và với anh chị em của chúng ta.

Ngay cả ngày nay, sự mặc khải của Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giêsu có thể gây ra tai tiếng và không dễ được chấp nhận. Đây là điều mà Thánh Phaolô gọi là “sự điên rồ” của Tin Mừng khi đối mặt với những người tìm kiếm phép lạ hoặc sự khôn ngoan của thế gian (x. 1Cr 1,18-25). Và “sự tai tiếng” này được thể hiện rõ ràng bằng bí tích Thánh Thể: trong mắt người đời, có ý nghĩa gì khi quỳ gối trước một tấm bánh? Tại sao chúng ta phải được nuôi dưỡng không ngừng bởi chiếc bánh này? Thế giới đang bị tai tiếng.

Đối mặt với việc làm phi thường này của Chúa Giêsu, Đấng đã cho hàng ngàn người ăn chỉ bằng năm cái bánh và hai con cá, mọi người đều ca tụng Ngài và muốn tôn vinh Ngài lên trong sự đắc thắng, để Ngài làm vua. Nhưng khi chính Ngài giải thích rằng cử chỉ đó là dấu chỉ cho sự hiến tế chính Ngài, nghĩa là dấu chỉ trao ban sự sống, thịt và máu của Ngài, và rằng những ai muốn theo Ngài phải giống với Ngài, phải trao ban chính mình cho Thiên Chúa và cho người khác thì không, không được. Chúa Giêsu này không còn được yêu thích nữa, Chúa Giêsu này ném chúng ta vào khủng hoảng. Thật ra, chúng ta nên lo lắng nếu Ngài không ném chúng ta vào cuộc khủng hoảng nào cả, bởi vì chúng ta có thể đã làm suy yếu thông điệp của Ngài! Và chúng ta hãy cầu xin ân sủng để chúng ta được kích động và hoán cải bởi “những lời ban sự sống đời đời” của Ngài. Và cầu xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng đã cưu mang Con Mẹ là Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt và hiệp nhất trong sự hy sinh của Ngài, giúp chúng ta luôn làm chứng cho đức tin trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia. Có rất nhiều quốc gia được đại diện ở đây, tôi thấy rất nhiều những lá cờ.

Đặc biệt, tôi chào các linh mục và chủng sinh của Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ - họ đang ở chỗ kia - cũng như các gia đình từ Abbiategrasso và những người đi xe máy từ Polesine.

Một lần nữa vào Chúa Nhật tuần này, tôi vui mừng chào đón một số nhóm bạn trẻ: từ Cornuda, Covolo di Piave và Nogaré, thuộc giáo phận Treviso, Rogoredo ở Milan, Dalmine, Cagliari, Pescantina gần Verona, và nhóm hướng đạo từ Mantova. Các bạn nam và nữ thân mến, nhiều người trong số các bạn đã có kinh nghiệm về một cuộc hành trình dài cùng nhau: điều này có thể giúp các bạn tiến bước trên đường đời trên con đường Phúc Âm. Và tôi cũng chào các bạn trẻ của Immaculata.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều phúc lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Các giám mục Hoa Kỳ lên tiếng về cuộc khủng hoảng Afghanistan
Thanh Quảng sdb
18:34 22/08/2021
Các giám mục Hoa Kỳ lên tiếng về cuộc khủng hoảng Afghanistan

ICN (Independent Catholic News)

Một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng rãi đang diễn ra ở Afghanistan, với việc quân đội Taliban chớp nhóng giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15 tháng 8. Hàng nghìn người đã cộng tác với quân đội ngoại quốc như thông dịch viên, biên dịch viên và các công tác khác nhau trong quân đội Hoa Kỳ trong suốt hai mươi năm qua, bao gồm cả các chuyên viên, đã nộp đơn xin thị thực nhập cư (SIV), vì bản thân và gia đình của họ có thể rơi vào nguy hiểm!

Hoa Kỳ đang sơ tán các nhà ngoại giao và các nhân viên khác của chính phủ. Tuy nhiên, tất cả các chuyến bay thương mại đến và đi từ sân bay Kabul đã bị đình chỉ trong thời gian này. Hôm qua, Tổng thống Biden đã cho phép xử dụng số tiền lên tới 500 triệu đô từ Quỹ Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư khẩn cấp để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cứu người tị nạn Afghanistan và những người đã nộp đơn xin định cư SIV.

Trước sự kiện này, Đức Giám Mục Mario E Dorsonville, Giám Mục Phụ Tá của Washington và là Chủ tịch Ủy ban Di dân của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), và Đức cha David J Malloy của Giáo phận Rockford, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), đã cùng đưa ra tuyên bố sau:

"Chúng tôi biết rằng việc rút quân và sơ tán những người Afghanistan của Mỹ đã và đang gây nên những tổn thương, cho những người ủng hộ quân đội của chúng tôi hoặc làm việc với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác, là một quá trình phức tạp, đầy nguy hiểm bất ổn ở Afghanistan. Đất nước này đang trên bờ vực thẳm, khi mọi người đưa ra các quyết định sinh tử trong nỗi tuyệt vọng! Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những người cần sơ tán, các phụ nữ và trẻ em Afghanistan, những người có nguy cơ mất cơ hội mà họ đã ươm mơ trong hai thập kỷ qua và hiện đang phải đối diện với những nguy cơ ngược đãi.

"Trong vài tuần qua, nhân viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), các Tổ chức từ thiện Công Giáo và các đối tác khác đang có mặt tại Fort Lee ở Virginia, để hỗ trợ chính phủ Hoa Kỳ trong việc chào đón và tái định cư những người đã nộp đơn xin định cư (SIV) và gia đình của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi những người kém may lành này sẽ được đưa đến nơi an toàn.

"Mục tiêu của chính phủ là di dời khoảng 30.000 người đã nộp đơn xin định cư (SIV) ở Hoa Kỳ, vì đây là một nghĩa vụ của Hoa kỳ và là sự công bằng. Chúng tôi ý thức rằng thời gian là yếu tố cốt yếu để giúp đỡ anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn và chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy hành động cấp thiết tối đa, dùng mọi phương tiện có được để bảo toàn mạng sống cho anh chị em chúng ta. Chúng tôi cũng hiệp thông với Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Afghanistan – “để những phô trương về vũ khí sẽ nhường bước và hòa bình được tái lập bằng đối thoại."
 
Văn Hóa
Tâm tình khẩn nguyện mùa Covid: Vững Tin Vào Chúa
Nữ tu Bùi Liên
08:30 22/08/2021

Chúa ơi, nghe tiếng nài van
Đoàn chiên vất vưởng lầm than khổ sầu
Nắng mưa, sương gió dãi dầu
Vỉa hè, góc phố biết đâu là nhà !
Tha phương cầu thực quê xa,
Miếng cơm, manh áo, mái nhà… kiếm đâu?
Ngày qua đêm lại u sầu,
Người than, kẻ khóc gục đầu rên la…
Mây đen Co-vid bao la,
Đó đây chết chóc nhà nhà cách ly…
Thánh đường đóng cửa trường kỳ
Vắng tanh phố nhỏ, đường đi lặng thầm…
Một niềm phó thác vững tâm,
Chúa thương trải rộng thiên ân ngập tràn.
Nỗi lòng dốc sạch tâm can,
Lời kinh chất chứa muôn vàn thương đau…
Chúa ơi, đoái nhận lời cầu,
Tình thương ấp ủ dài lâu tháng ngày.
Đồng hành gieo bước cầm tay
“Thầy đây, chớ sợ” bủa vây sóng đời.
Từ đây vạn nẻo muôn nơi,
Có Thầy hiện diện đường vui ngút ngàn.
Dù cho bóng tối mênh mang,
Thương đau, Co-vid, sầu tang… sợ gì !
Chúng con phận nhỏ nữ tỳ,
Một lòng mến Chúa kiên trì vững tin.
Tâm thành quỳ gối nguyện xin,
Chúa thương giải thoát giữ gìn đoàn con.

Nữ tu Bùi Liên
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương
 
Romano Guardini: Giáo Hội và Người Công Giáo, Cách trở nên nhân bản, tiếp theo
Vũ Văn An
19:55 22/08/2021

Chúng ta đã thấy trong khóa giảng trước rằng vấn đề chúng ta phải đối đầu không phải là sự chọn lựa "Giáo hội hay cá nhân?" Đúng hơn, nó liên quan đến mối liên hệ giữa hai thực tại này. Về lý thuyết, mục tiêu của chúng ta phải là sự hòa hợp giữa hai thực tại đó, trong đó, tất nhiên, địa vị ưu thế của Giáo hội được bảo vệ hoàn toàn. Nhưng trào lưu trí thức và tâm linh của một thời kỳ luôn chảy theo một hướng đặc thù. Sự tổng hợp hài hòa chỉ đạt được trong những giai đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi giữa hai thời đại khác nhau, chẳng hạn khi một thời đại mà cách nhìn của họ vô cùng khách quan và trong đó cảm thức xã hội được phát triển mạnh mẽ đang nhường chỗ cho một thời đại của chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, một khuynh hướng lại chiếm ưu thế, và hơn thế nữa, khuynh hướng này đối lập với khuynh hướng trước đây. Thái độ Công Giáo không loại trừ việc nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó, nếu không, nó sẽ bị kết án là đồng điệu và sẽ tước đoạt lịch sử khỏi con người. Nó chỉ yêu cầu rằng khía cạnh khác không bị bác bỏ và sự gắn bó với toàn bộ được duy trì. Có nghĩa là, một khía cạnh đặc thù do hoàn cảnh lịch sử làm nổi bật được nhấn mạnh, nhưng đồng thời cũng được đặt trong mối liên hệ sống còn và hữu cơ với toàn bộ. Một cánh cửa phải được mở rộng cho thiên hướng đặc thù của hiện tại lịch sử, nhưng nó được gắn chặt vào toàn bộ, theo nghĩa vượt qua lịch sử. Toàn bộ này ít hiện thực hơn, nhưng bù lại nó góp phần vào vĩnh cửu. Nó kém tiến bộ hơn, nhưng thay vào đó nó khôn ngoan, và trong các lớp lang sâu thẳm một mình nó phù hợp với thực tại.

Thời đại của chúng ta đang trong diễn trình chuyển từ thể cá nhân chủ nghĩa và chủ quan sang thể xã hội và khách quan. Do đó, Giáo hội sẽ được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ hơn. Và những khóa giảng này cũng sẽ nhấn mạnh như vậy. Chúng sẽ tìm hiểu xem nhân cách cá nhân, nhờ đầu phục Giáo hội, đã trở nên điều nó nên là như thế nào. Bài giảng của tôi hôm nay sẽ cho thấy Giáo hội là con đường dẫn đến nhân cách cá nhân như thế nào. Và tôi sẽ bắt đầu từ sự kiện này: Giáo hội là địa bàn tinh thần, nơi cá nhân thấy mình trực diện với Đấng Tuyệt đối; sức mạnh thể hiện và duy trì cuộc đối đầu này.

* * * * *

Chúng ta hãy cố gắng nhận ra việc chúng ta đã chìm sâu vào thuyết tương đối ra sao, tức là thái độ của tâm trí một là phủ nhận hoàn toàn thể Đấng Tuyệt đối, hai là bằng mọi giá cố gắng hạn chế thể này trong những giới hạn hẹp nhất.

Chúng ta đã sống qua sự sụp đổ của một tòa nhà mà chúng ta vốn mong đợi sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian khôn lường, sự sụp đổ của cơ cấu chính trị của đất nước chúng ta và quyền lực của nó, của trật tự xã hội và kinh tế hiện hữu cho đến nay, và cùng với nó, nhiều thứ khác nữa. Chúng ta có thể chứng kiến cảm thức xã hội đang thay đổi. Và thái độ tinh thần của chúng ta đối với sự vật và sự sống nói chung cũng thay đổi bằng như vậy. Những thay đổi này sâu xa đến không thể dùng một vài từ ngữ là có thể loại bỏ được. Viễn kiến nghệ thuật đã thay đổi; chủ nghĩa biểu hiện [expressionism], vốn từ từ trở nên quen thuộc, hiện có tính mềm mỏng, và hiện đang nẩy sinh ước muốn có được một chủ nghĩa cổ điển mới. Một quan điểm khoa học và triết học về vũ trụ đang thành hình, nhằm cố gắng đạt được sự hiểu biết cao hơn và tự do hơn về các vật thể phù hợp với bản chất yếu tính của chúng.

Đối đầu với những thay đổi sâu xa này, chúng ta trở nên ý thức khá sâu sắc hơn về điều luôn xảy ra trong sự thật – đó là thái độ của linh hồn đối với bản thân, môi trường của nó và các nguyên tắc đầu tiên của hữu thể, liên tục thay đổi. Các hình thức của sự sống con người, kinh tế, xã hội, kỹ thuật, nghệ thuật và tri thức, được xem như đang ở trong một trạng thái biến đổi đều đặn dù rất nhẹ.

Chúng ta đang sống trong một dòng chảy không ngừng. Chừng nào dòng chảy này không được tri nhận quá rõ ràng, chừng nào một niềm xác tín ngây thơ bảo đảm một nguồn dự trữ sinh lực tiềm tàng mạnh mẽ, hoặc các niềm tin tôn giáo sâu xa cân bằng sự gia tăng kiến thức, thì cuộc sống có thể chịu đựng được điều đó.

Nhưng trong những giai đoạn chuyển tiếp, và khi hàng thế kỷ chỉ trích đã làm hao mòn tất cả niềm tin cố định, thì dòng chảy này tự áp đặt lên tâm trí với một bằng chứng không thể thoát ra khỏi. Tình trạng này tìm kiếm điều cách đây mười năm là chủ yếu trên hoàn cầu, và vẫn còn phổ biến cho đến nay; một cảm thức về tính tạm thời [transitoriness] và giới hạn chiếm hữu linh hồn. Nó kinh hoàng nhận ra mọi sự đang trôi đi, đang biến mất như thế nào. Không có gì đứng vững nữa. Mọi sự đều có thể được nhìn từ hàng nghìn góc độ khác nhau. Kiểm tra kỹ hơn, điều có vẻ an toàn sẽ tan thành một loạt các cái nhiên. Với mỗi điều được tạo ra ở đó đều có thể có nhiều lựa chọn thay thế. Mọi định chế đều có thể được sắp xếp tốt như nhau theo cách khác. Mọi đánh giá chỉ là tạm thời.

Do đó, con người trở nên không chắc chắn và chao đảo. Các phán đoán của họ không còn vững chắc nữa, các đánh giá của họ không còn quả quyết nữa. Họ không còn khả năng hành động dựa trên niềm xác tín chắc chắn và mục tiêu nhất định của nó. Họ mặc tình bị lèo lái bởi các thứ thời trang thịnh hành xung quanh họ, những lên xuống thất thường của dư luận và tâm trạng của chính họ. Họ không còn sở hữu bất cứ phẩm giá nào nữa. Cuộc sống của họ trôi dạt. Họ thiếu mọi điều mà chúng ta muốn hiểu về nhân cách. Một người như vậy không còn khả năng chinh phục. Họ không thể vượt qua sai lầm bằng sự thật, cái ác và yếu đuối bằng sức mạnh đạo đức, sự ngu đần và thiếu kiên định của quần chúng bằng những ý tưởng vĩ đại và sự lãnh đạo có trách nhiệm, hay dòng chảy của thời gian bằng những công việc phát sinh từ quyết tâm hiện thân các giá trị vĩnh cửu.

Nhưng sự nghèo nàn về tinh thần và tri thức trên đi kèm với một niềm kiêu hãnh khổng lồ. Con người không chắc chắn và cao ngạo một cách bệnh hoạn. Các quốc gia bối rối vì lòng kiêu hãnh, các đảng phái mù quáng vì vụ lợi, và người giàu cũng như người nghèo đều là con mồi của một lòng tham đê tiện. Mọi tầng lớp xã hội đều tự thần hóa mình. Nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật - mọi bộ phận riêng biệt của cuộc sống tự coi mình là tổng thể và bản thể của thực tại. Có một sự yếu đuối gây tuyệt vọng, một sự bất ổn vô vọng, một ý thức hoài nhớ khi chịu sự sai khiến mặc tình của một thế lực phi lý mù quáng - và song song với những điều này là niềm kiêu hãnh, vừa kinh khủng vừa vô lý, về tiền bạc, kiến thức, quyền lực và khả năng.

Bất lực và kiêu ngạo, vô vọng và cao ngạo, yếu đuối và bạo lực - bạn có nhận ra rằng nhân tính đích thực đã bị mất đi ra sao bởi những hành động xấu xa liên tục này? Chúng ta đang mục kích một bức biếm họa về nhân tính. Vậy thì nhân tính theo nghĩa sâu xa nhất của thuật ngữ này bao gồm những gì? Để trở thành một con người đích thực là phải ý thức được điểm yếu của con người, nhưng tin tưởng rằng nó có thể được khắc phục. Đó là phải khiêm tốn, nhưng yên tâm. Đó là nhận ra sự nhất thời của con người, nhưng khao khát điều vĩnh cửu. Đó là một tù nhân của thời gian, nhưng là một người tự do của vĩnh cửu. Đó là ý thức về quyền lực của mình, về giới hạn của mình, nhưng phải quyết tâm hoàn thành những việc làm có giá trị vĩnh viễn.

Một nhân tính hoàn chỉnh là gì? Khi cả hai khía cạnh thiết yếu đều không bị che khuất, nhưng mỗi khía cạnh được khẳng định và phát triển; khi chúng không tiêu diệt lẫn nhau cũng như không đẩy nhau đến cực đoan, nhưng hòa quyện trong một thể thống nhất hiển nhiên đầy căng thẳng nội tâm nhưng vững chắc, gặp nguy cơ, nhưng chắc chắn, bị giới hạn, nhưng lên đường thực hiện chuyến đi vô hạn, đó là một nhân tính hoàn chỉnh, Và con người là nhân bản bao lâu họ sống, một cách có ý thức, một cách sẵn lòng và với sự thúc giục vui tươi như một hữu thể hữu hạn giữa thời gian, sự thay đổi và vô số hình dạng của sự sống - nhưng đồng thời nỗ lực để vượt qua tất cả dòng chảy và giới hạn này trong vĩnh cửu, và vô tận, vốn hiển dung chúng. Con người là nhân bản bao lâu họ phối hợp được một cách đích thực và khiêm tốn hai khía cạnh thiết yếu này. Sự quyến rũ khôn tả của mọi điều nhân bản nằm ở đó - một mầu nhiệm mang trong mình nỗi đau và sức mạnh, khát khao và hy vọng đầy tin tưởng.



Vậy thì - Giáo hội luôn đối chiếu con người với Thực tại, vốn là thể tạo ra nơi họ thái độ đúng đắn của tâm trí: nghĩa là Thể Tuyệt đối.

Giáo Hội đối chiếu họ với Thể Vô Điều Kiện [Unconditioned]. Trong cuộc gặp gỡ này, họ nhận ra rằng bản thân họ phụ thuộc ở mọi điểm, nhưng nơi họ, xuất hiện niềm khao khát một cuộc sống thoát khỏi vô số sự phụ thuộc của cuộc sống trên trái đất, một sự hiện hữu viên mãn bên trong. Giáo Hội đối chiếu họ với Thể Vĩnh Hằng, họ nhận ra rằng họ chỉ nhất thời, nhưng được định cho một cuộc sống không có hồi kết thúc. Giáo Hội đối chiếu họ với Thể Vô Tận, và họ nhận ra rằng họ bị giới hạn trong chính những tầng sâu thẳm của hữu thể họ, nhưng chỉ có Thể Vô Tận mới có thể thỏa mãn họ.

Giáo hội liên tục khơi dậy trong họ sự căng thẳng vốn tạo nên chính nền tảng bản chất của họ: sự căng thẳng giữa hữu thể và ước muốn được hiện hữu, giữa hiện thực [actuality] và một nhiệm vụ phải hoàn thành. Và Giáo Hội giải quyết điều đó cho họ bằng mầu nhiệm họ giống như Thiên Chúa và mầu nhiệm tình yêu của Người, một điều đem lại cho họ sự sung mãn hoàn toàn vượt quá tự nhiên. Họ không phải là Thiên Chúa, mà là một tạo vật, nhưng họ là hình ảnh của Thiên Chúa và do đó có khả năng nắm bắt và sở hữu Thiên Chúa. "Capax Dei" [có khả năng Thiên Chúa] như Thánh Augustinô nói, có thể nắm bắt và nắm giữ Thể tuyệt đối. Và Thiên Chúa chính là tình yêu. Người đã dựng nên tạo vật theo hình ảnh của chính Người. Ý muốn của Người là sự giống nhau này phải được hoàn thiện bằng sự vâng lời, kỷ luật và kết hợp với chính Người. Người đã cứu chuộc con người, và bằng ân sủng đã ban cho họ một sự sinh hạ mới và làm cho họ trở nên giống như Thiên Chúa. Nhưng tất cả điều này có nghĩa là Thiên Chúa đã tạo dựng con người cho vương quốc hằng sống của Người.

Nhưng hãy quan sát cuộc gặp gỡ này với Thể Tuyệt đối, trong đó con người đối diện với Thể Vô hạn và thấy rõ mình là gì, và Thể Tuyệt đối là gì; nhưng đồng thời đánh thức sự khao khát đối với Thiên Chúa Tuyệt đối này và sự tin tưởng mong đợi sự thành toàn cho mình nhờ tình yêu của Người – trải nghiệm căn bản này của Kitô giáo, sự thật, lòng khiêm tốn, việc khao khát tình yêu và niềm hy vọng tin tưởng vào Đấng Duy nhất, là khoảnh khắc trong đó lần đầu tiên, con người trở nên nhân bản thực sự theo nghĩa tâm linh.

Việc biến đổi này của một tạo vật thành con người trước thánh nhan của Thể Tuyệt đối là công việc của Giáo hội.

* * * * *

Giáo Hội hoàn thành nó bằng nhiều cách khác nhau. Trước hết, qua chính sự hiện hữu của Giáo Hội, qua đặc tính mà Chúa Giêsu từng so sánh với một tảng đá, sự tự mặc khải sống động của Thiên Chúa vĩnh cửu trong Giáo Hội.

Nhưng đặc biệt có ba cách diễn tả thiết yếu về Thể Tuyệt đối trong Giáo hội - tín điều, hệ thống luân lý và xã hội, và phụng vụ của Giáo hội.

Tư tưởng của con người hiện đại có tính tương đối chủ nghĩa. Họ thấy rằng ở mọi điểm, sự kiện lịch sử đều bị điều kiện hóa bởi một điều gì đó khác với chính nó, và mọi điều, do đó, có thể thay đổi. Nghiên cứu thực nghiệm làm họ cực kỳ thận trọng, và họ cảnh giác đối với việc đưa ra các kết luận. Họ trở nên quen thuộc với tư duy phê phán và không sẵn sàng mạo hiểm vượt ra ngoài các giả thuyết và tuyên bố có thẩm quyền. Các số liệu thống kê đã dạy họ lưu tâm về độ chính xác, và họ có khuynh hướng yêu cầu bất cứ kết luận nào cũng phải có bằng chứng thực nghiệm đầy đủ, một điều không thể nào đạt được. Do đó, họ trở nên không chắc chắn và do dự khi đụng đến sự thật.

Tại thời điểm này, Giáo hội khuyên giải họ bằng tín điều. Chúng ta sẽ không thảo luận nội dung chi tiết của nó. Chúng ta chỉ quan tâm đến sự kiện này là ở đây chúng ta được trình bày và lĩnh hội những sự thật có giá trị vô điều kiện, không phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử đang thay đổi, tính chính xác của nghiên cứu thực nghiệm, và những đắn đo của khoa phê bình có phương pháp. Chúng ta cũng không xem xét nhân tố học thuyết Công Giáo, vốn tự nó bị điều kiện hóa tạm thời và do đó có thể thay đổi. Chúng ta chỉ xử lý nội dung không thay đổi của nó, với tín điều theo nghĩa chặt chẽ. Ai tiếp cận tín điều bằng thái độ đức tin, sẽ tìm thấy Thể Tuyệt đối ở trong nó. Nhờ đó, họ nhận ra rằng nhận thức của chính mình không đáng tin cậy chút nào. Nhưng họ được diện kiến với Sự thật được Thiên Chúa bảo đảm một cách thiêng liêng và vô điều kiện. Nếu họ thành thật thuận ý với Sự thật này, họ sẽ trở nên "nhân bản".



Họ đã đánh giá đúng về bản thân mình. Các phán đoán của họ rất rõ ràng, tự do và khiêm tốn. Nhưng đồng thời họ cũng ý thức rằng có một thể Tuyệt đối, và thể này thách thức họ ở đây và bây giờ trong sự viên mãn của nó. Bằng đức tin của mình, họ tiếp nhận thể Tuyệt đối vào linh hồn mình. Khiêm tốn và tự tin, chân thành và tín thác kết hợp để tạo nên tư thế nền tảng cho một suy nghĩ thoả đáng về bản chất của sự vật. Từ nay về sau, thể Vô điều kiện tổ chức tư duy của tín hữu và toàn bộ đời sống tâm linh của họ. Con người nhận thức được điều gì đó hoàn toàn cố định. Điều này trở thành chiếc trục quanh đó toàn bộ thế giới tâm trí của họ xoay vần, một cốt lõi vững chắc của sự thật mang lại sự nhất quán và trật tự cho toàn bộ trải nghiệm của họ. Vì nó trở thành thước đo có tính bản năng cho mọi suy nghĩ của họ ngay cả trong lĩnh vực thế tục, điểm khởi hành cho mọi hoạt động trí tuệ của họ. Trật tự được thiết lập trong đời sống nội tâm của họ. Những sự phân biệt đó cần được nắm vững vì không có chúng không cuộc sống tri thức nào có thể có được - sự phân biệt giữa chắc chắn và không chắc chắn, giữa sự thật và sai lầm, giữa cao cả và ti tiện. Linh hồn trở nên thanh thản và vui tươi, có khả năng thừa nhận các hạn chế của mình nhưng vẫn phấn đấu bước theo vô hạn, thấy được sự phụ thuộc của mình, nhưng vẫn vượt qua nó.

Đó là ý nghĩa của việc trở nên nhân bản.

Mục đích luân lý có tính tương đối; các lý tưởng của sự hoàn thiện, các tiêu chuẩn tốt lành, các quy tắc của tác phong cá nhân và xã hội luôn dao động và không ổn định. Do đó, nỗ lực bị lụn bại, và ý chí, bất lực khi phải đưa ra các quyết định quan trọng, bù lại sẽ uyển chuyển kiềm chế sự bốc đồng tùy tiện trong một số lĩnh vực đặc thù.

Giáo hội thách thức con người với một thế giới các giá trị tuyệt đối, một khuôn mẫu thiết yếu của sự hoàn hảo vô điều kiện, một trật tự của sự sống trong đó, nhiều phương diện của nó mang dấu ấn sự thật. Đó là Con người của Chúa Kitô. Đó là cơ cấu các giá trị và tiêu chuẩn mà Người đã bản vị hóa và giảng dạy, và tiếp tục sống trong trật tự luân lý và phẩm trật của Giáo hội.

Hiệu quả do đó mà ra cũng y như thế, như trước đây, mặc dù bây giờ trong lĩnh vực đánh giá và phán đoán luân lý, trong đời sống thực hành và sản xuất; con người bị thách thức bởi những gì có giá trị vô điều kiện. Họ đối đầu và thừa nhận sự hạn chế có tính yếu tính của bản thân. Nhưng đồng thời họ cũng thấy họ có thể gắn cuộc sống hữu hạn của họ ở mọi phương diện liền với Cuộc sống vô hạn của Thiên Chúa, và lấp đầy nó bằng một nội dung vô giới hạn. Họ tìm thấy sự yên nghỉ ở đó. Họ vui mừng vì sự kiện này: họ là một tạo vật, nhưng hơn thế, họ được kêu gọi trở thành một "người dự phần vào bản tính Thiên Chúa". Cuộc sống nội tâm của họ trở thành có thực chất, tập trung xung quanh một trung tâm cố định, được hỗ trợ bởi các quy luật vĩnh cửu. Mục tiêu của họ trở nên rõ ràng, hành động của họ kiên quyết, toàn bộ cuộc sống của họ có trật tự và mạch lạc – họ trở nên nhân bản.

Con người dự kiến mối liên hệ của họ với Thiên Chúa theo nhiều cách khác nhau và thay đổi. Người thì thấy Thiên Chúa trong mọi vật thể, trong cây cối, trong đá và trong biển. Với người khác, Người nói từ những quy luật nghiêm khắc và cao siêu điều khiển tư tưởng và bổn phận. Người thứ ba coi Người như Nhà tổ chức và Kiến trúc sư vĩ đại. Tuy nhiên, người khác thấy Người trong cuộc sống của cộng đồng, trong tình yêu và trong sự trợ giúp người lân cận. Người thì có quan niệm rõ ràng về Thiên Chúa; với người khác, Người là một thực thể mơ hồ, Đấng Vĩ đại Không thể hiểu nổi; với người thứ ba, Người là một sự trừu tượng. Thật vậy, cùng một người có thể có những quan niệm khác nhau về Thiên Chúa tùy theo tuổi tác, kinh nghiệm hoặc tâm trạng [moods] của họ. Do đó, nẩy sinh nguy cơ này là con người có thể tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh của họ, và do đó tạo nên một quan niệm hữu hạn và ti tiện về Người; lòng khao khát và lời cầu nguyện của họ có thể không thoải mái vươn ra ngoài chính họ nữa, nhưng có thể biến thái thành một cuộc đối thoại với bức chân dung phóng to của chính họ.

Trong phụng vụ, Giáo Hội trình bày Thiên Chúa như Người thực sự là, một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn, trong mọi nét vĩ đại của Người, và đặt chúng ta trước thánh nhan của Người như những tạo vật của Người. Giáo Hội dạy chúng ta các phương pháp hiệp thông nguyên thủy với Thiên Chúa, được điều chỉnh cho phù hợp với bản chất của Người và của chúng ta - Cầu nguyện, Hy tế, Bí tích. Qua những hành động và những bài đọc thánh thiêng, Giáo Hội đánh thức trong chúng ta những cảm xúc căn bản tuyệt vời đó là tôn thờ, biết ơn, sám hối và cầu xin.

Trong phụng vụ, con người đứng trước Thiên Chúa như Người thực sự là, trong một thái độ cầu nguyện biết thừa nhận rằng con người là một thụ tạo và phải tôn vinh Thiên Chúa. Điều này đưa toàn bộ thế giới tâm linh vào quan điểm đúng đắn. Mọi sự đều được gọi đúng tên và mặc lấy một hình thức có thực của nó - mặt đối mặt với Thiên Chúa thật, con người trở nên con người thực sự.

* * * * *

Con người đó nên thấy một cách hết sức rõ ràng rằng họ là một tạo vật; nhưng họ nên vui mừng về sự kiện này, và coi đó như điểm khởi hành của việc họ đi lên với Đấng Thần Linh, họ nên khiêm tốn, nhưng cố gắng vươn tới chỗ cao nhất; chân thành, nhưng đầy tự tin, và vì vậy, lần đầu tiên là nhân bản thực sự; là công trình của Giáo hội. Giáo Hội nói với con người ở khắp mọi nơi, "Ngươi chỉ là một tạo vật, nhưng được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Tình yêu. Vì vậy, Người sẽ là của ngươi, chỉ cần ngươi mong muốn điều này".

Ghi chú

1. Cách thế này, tuy cần thiết, nhưng không duy nhất. Một cá nhân càng kiên quyết thừa nhận bản chất đúng nghĩa của mình, và đồng thời nỗ lực trở nên và hoàn thành điều Thiên Chúa đã định cho họ theo bản chất cá nhân của họ, thì Giáo hội càng có thể ảnh hưởng đến họ một cách mạnh mẽ hơn và hoàn thiện nhân cách mà Giáo Hội có thể dìu dắt họ tới. Một lần nữa cần phải nhắc lại rằng, trong vấn đề này, những người theo chủ nghĩa cá nhân tưởng tượng ra một sự mâu thuẫn, một "thay thế" trong đó thực ra có điều kiện tất yếu để có sự thay đổi hữu cơ. Tôi càng sống một cách không dè dặt trong Giáo Hội, tôi càng trở nên một cách trọn vẹn hơn điều tôi phải trở nên. Tuy nhiên, tôi có thể sống trong Giáo hội như Thiên Chúa, và chính Giáo hội yêu cầu, chỉ tới mức độ trong đó tôi trưởng thành, ý thức được ơn gọi tự nhiên của mình, và trở nên một nhân cách tự thể hiện mình. Có một sự có đi có lại hỗ tương giữa nguyên nhân và hậu quả.

Kỳ tới: 4. CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO
 
VietCatholic TV
Sứ thần Tòa Thánh: TQ quá nham hiểm và tàn ác với Giáo Hội. Linh mục bị thảm sát dã man ở Uganda
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:02 22/08/2021


1. Các tín hữu Kitô ở Afghanistan đang run rẩy lo âu bị tấn công

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Afghanistan đang chuẩn bị cho một đợt đàn áp mới sau khi Taliban tiếp quản đất nước.

“Chúng tôi đang nói với mọi người hãy ở lại trong nhà của họ, vì đi ra ngoài đường ngay bây giờ là quá nguy hiểm”, một nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Afghanistan nói với tổ chức viện trợ quốc tế có tên là Christian Concern (ICC).

Người đàn ông giấu tên vì lý do an ninh cho biết các tín hữu Kitô ở nước này lo sợ rằng các cuộc tấn công của Taliban vào các cộng đồng Kitô sẽ sớm bắt đầu.

Họ lo sợ rằng các cuộc tấn công chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nó sẽ được thực hiện theo phong cách mafia”, nhà lãnh đạo Kitô Giáo nói thêm: “Taliban giết người hàng loạt và sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về các vụ giết người”.

Ông nói thêm: “Một số Kitô Hữu cho biết đã nhận được những cuộc điện thoại đe dọa. Trong những cuộc điện thoại này, những người vô danh nói, ‘Chúng tao đến đây vì bọn mày’”.

Afghanistan có hơn 99% là người Hồi giáo, với đa số là người Hồi Giáo Sunni. Có những nhóm nhỏ Kitô Hữu, cũng như Phật giáo, Ấn Độ giáo và đạo Bahai. Có cả một người đàn ông Do Thái đang bị kẹt lại ở đất nước này.

Cộng đồng Kitô Giáo của Afghanistan, ước tính có khoảng 10,000 đến 12,000 người, chủ yếu bao gồm những người cải đạo từ Hồi giáo và là nhóm tôn giáo thiểu số lớn nhất của đất nước. Do bị bắt bớ, cộng đồng Kitô Giáo phần lớn vẫn trong tình trạng thầm lặng trước mắt công chúng.

Theo luật sharia, được áp dụng tại Afghanistan trước khi Taliban tiếp quản, một người Hồi Giáo cải đạo có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Những người cải đạo sang Kitô Giáo là mục tiêu thường xuyên của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Kabul, thủ đô của Afghanistan, đã rơi vào tay Taliban vào ngày 15 tháng 8. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bỏ trốn khỏi đất nước cùng ngày.

Taliban trước đây đã kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 cho đến năm 2001. Trong thời gian đó, một cách giải thích nghiêm ngặt về luật sharia đã được áp dụng. Trong số những thứ khác, việc chơi các nhạc cụ đã bị cấm, và trẻ em gái không được phép đến trường.

Lãnh đạo cộng đồng cho biết, cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban sẽ rất khó khăn đối với những người theo Kitô Giáo. Ông nói rằng khi Taliban nắm quyền kiểm soát một ngôi làng, chúng sẽ yêu cầu tất cả các gia đình phải đến đền thờ Hồi giáo để cầu nguyện nhằm tìm cách loại bỏ bất kỳ người nào theo tín ngưỡng khác.

Báo cáo của ICC cho biết, ở một số vùng phía bắc Afghanistan, Taliban đã thực thi một cách hiểu rất nghiêm ngặt về sharia và rằng “Đàn ông bắt buộc phải để râu, phụ nữ không thể rời nhà mà không có đàn ông hộ tống, và cuộc sống ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”.

“Nhiều Kitô Hữu lo sợ Taliban sẽ bắt con cái của họ, cả trẻ em gái và trẻ em trai, giống như ở Nigeria và Syria. Các cô gái sẽ buộc phải kết hôn với các chiến binh Taliban và các chàng trai sẽ bị ép trở thành binh lính”.

Một tuyên bố từ giám đốc thực địa của Open Doors ở Á Châu cho biết: “Đó là một ngày đau lòng đối với các công dân Afghanistan và thậm chí là đây là thời điểm nguy hiểm cho các tín hữu Kitô”.

“Đó là một tình huống không chắc chắn đối với cả đất nước, chứ không chỉ đối với những tín hữu Kitô bí mật.”

Theo Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc, tính đến ngày 21/5, khoảng 100,000 người đã phải xin tị nạn do xung đột ở Afghanistan trong năm nay. Con số đó đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 7 vừa qua.

Trước khi Taliban tiếp quản, Open Doors đã xếp Afghanistan ở vị trí thứ hai trong Danh sách các quốc gia trên thế giới khét tiếng về các cuộc đàn áp ít hơn một chút so với Bắc Triều Tiên”.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy tố cáo ba giai đoạn trong thảm kịch của Giáo Hội tại Hoa Lục

Thảm kịch vẫn đang tiếp diễn giữa người Công Giáo Hoa Lục và bọn lãnh đạo cộng sản tại quốc gia này có ba giai đoạn. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai, 韓大輝) Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp đã đưa ra lập trường trên trong cuộc hội thảo tại Đại Học Santa Clara do Dòng Tên điều hành tại San Jose, California.

Giai đoạn hiện tại của thảm kịch này đã bắt đầu từ năm 2013, là giai đoạn “khống chế và gây hoang mang,” Đức Tổng Giám Mục Huy nói.

“Hệ quả của thảm kịch này là người dân cảm thấy mất phương hướng, và bị bỏ rơi”, Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong bài phát biểu gần đây của ngài trong hội nghị quốc tế lần thứ 28 của Hiệp hội Công Giáo Mỹ-Trung, tổ chức tại Đại học Santa Clara của Dòng Tên.

Đức Tổng Giám Mục Huy đã trích dẫn ba nhân tố chính trong mỗi giai đoạn của thảm kịch: chế độ cộng sản, Giáo Hội ở Trung Quốc và Vatican.

Giai đoạn đầu tiên ngài mô tả là “phản kháng và chia rẽ”. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1949 đến năm 1980, trong đó “Giáo Hội cũng bị phân hóa”. Nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo đã bị bắt rất sớm trong thời kỳ này, và Giáo Hội bị chia thành các cộng đồng thầm lặng hay không chính thức - và công khai được chính phủ công nhận. Trong nhiều trường hợp, các cộng đồng này “thù địch với nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhấn mạnh rằng “Mục đích của chế độ là chia rẽ người dân, để dễ kiểm soát, trong khi Trung Quốc tiếp tục coi Vatican là ‘chủ nghĩa đế quốc’. Chúng cung cấp cho người Công Giáo ‘củ cà rốt và cây gậy’, tùy thuộc vào mức độ trung thành của họ đối với bọn cầm quyền cộng sản”.

Vào thời điểm này, Vatican đang “cố gắng bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc nhưng ngài lưu ý rằng: “Tòa thánh khuyến khích người Công Giáo giữ vững lòng trung thành, và tuyên bố rằng một 'giáo hội độc lập' không thể là một 'Giáo Hội Công Giáo'“.

Giai đoạn tiếp theo, từ năm 1980 đến năm 2013, là giai đoạn dành cho giáo hội “phát triển nhờ hòa giải. Hai cộng đồng bị chia rẽ bắt đầu có thái độ hòa giải với nhau.”

Lúc đó, Bắc Kinh khuyến khích cải cách và “mở cửa” mặc dù chính sách của chúng đối với các nhóm tôn giáo vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh đó, Vatican tìm cách thiết lập đối thoại với chế độ và thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng thầm lặng và cộng đồng công khai được bọn cầm quyền công nhận.

Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhận chức vụ hiện tại của họ chỉ cách nhau một ngày, Đức Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 và Tập vào ngày 14 tháng 3, 2013. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thư chúc mừng.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhận định rằng: “Dưới thời ông Tập, cộng sản nói về giấc mơ một nước Trung Quốc mạnh hơn. Có nhiều cây gậy đối với các cộng đồng thầm lặng và nhiều củ cà rốt hơn đối với những người ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa khi chế độ này ‘thắt chặt kiểm soát và triệt hạ thánh giá’ ở Trung Quốc”.

Nhưng Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong thời kỳ này, Vatican đã “mù quáng” khi từ bỏ một cơ cấu tham vấn được thiết lập rất tốt về Trung Quốc. Ngài nhận xét chua chát rằng chính sách ngoại giao với Trung Quốc của Tòa Thánh đã khiến “các cộng đồng thầm lặng cảm thấy bị Tòa Thánh bỏ rơi”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nói, Vatican “thay vì dõi chiếu ánh sáng đã làm mờ đi ánh sáng các giáo huấn của Giáo Hội và làm lu mờ gương tử đạo của nhiều người Công Giáo”.

Ngài so sánh tình hình hiện tại với sự bùng phát của COVID-19. Theo Đức Tổng Giám Mục thỏa thuận của Vatican năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc - mà thông tin chi tiết cho đến nay vẫn chưa được công bố - kết hợp với việc Vatican công nhận hàng loạt các giám mục quốc doanh bị vạ tuyệt thông trước đây và bổ nhiệm họ đứng đầu các giáo phận Trung Quốc đã biến thành một loại virus. Vào năm 2019, Vatican công bố các hướng dẫn mục vụ trong đó khuyên các giám mục và linh mục ở Trung Quốc rằng họ phải tuân theo lương tâm của mình trong việc quyết định xem có nên ghi danh với bọn cầm quyền cộng sản hay không, thì “con virus này đã biến đổi sâu sắc”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhận xét rằng “Thảm kịch này tự thể hiện như một vở kịch đấu tranh căng thẳng giữa Giáo Hội và bọn cầm quyền, giữa đức tin và chính trị, giữa lương tâm và quyền lực. Trên đây là toàn cảnh không có chiều sâu. Nếu chúng ta biết 'những cá nhân' có liên quan đến thảm kịch này, thì chúng ta có thể có được những hiểu biết sâu sắc hơn và những quan điểm khác nhau để hiểu về Giáo Hội ở Trung Quốc”.

“Tôi muốn tìm người như thế nào trong vở kịch căng thẳng này? Một kẻ gió chiều nào ngả theo chiều đó? Hay một ‘người vững vàng trước các tình huống’? Tôi thích loại người sau hơn”, Đức Tổng Giám Mục Huy nói. “Một số người như thế là các vị tử đạo đã đổ máu của họ, những người khác đã đưa ra những chứng tá giá trị bằng chính cuộc đời của họ”.
Source:Catholic Sun

3. Linh mục Công Giáo bị thảm sát tại Uganda

Cha Josephat Kasambula của Giáo phận Kiyinda-Mityana đã qua đời trong một vụ thảm sát kinh hoàng.

Vị linh mục đã bị sát hại dã man vào tối thứ Tư tại làng Lukunyu ở quận Gomba gần trang trại Mamba trên Hồ Wamala, nơi ngài đã đến thăm trang trại của mình.

Theo lời kể của những người chứng kiến, Cha Kasambula đã bị đâm chết bởi một kẻ đã lấn chiếm mảnh đất rộng 15 mẫu Anh của ngài.

Ông Sam Kalule, một cư dân sống gần trang trại Mamba, nói với Daily Monitor vào hôm thứ Năm:

“Khi người của Chúa đến trang trại của mình, ngài thấy người đàn ông đã chiếm ngôi nhà trong trang trại của ngài, vị linh mục đã cố gắng hỏi anh ta làm sao anh ta lại chiếm trang trại của mình nhưng người đàn ông ấy không trả lời.”

“Vị linh mục ra lệnh cho những người đi cùng với ngài vào nhà và ném mọi thứ ra ngoài, nhưng khi họ bước vào, vị linh mục và nghi phạm vẫn ở bên ngoài và tên này đã lao vào vị linh mục và đâm vào lưng ngài nhiều nhát dao, giết chết ngài ngay lập tức.”

Vụ việc xảy ra vào khoảng 18h.

Sau khi giết vị linh mục, nghi phạm bỏ trốn khỏi hiện trường. Ông Kalule cho biết nghi phạm chắc chắn đã bị ảnh hưởng của cần sa vì anh ta là một người nghiện ma túy.

Ông Joseph Sseyuya, chủ tịch Hạt Kyegonza Sub County, cho biết vị linh mục đã sở hữu trang trại hơn 20 năm nhưng vì công việc mục vụ bận rộn đã lâu không đến thăm.

“Nghi can là người sinh ra ở khu vực này đã lợi dụng việc cha xứ không thường xuyên đến thăm trang trại của mình và chiếm dụng nhà của ngài. Anh ta cũng đã trồng các loại cây theo mùa như ngô và đậu và bán chúng mà chủ sở hữu không hề hay biết”.

Ông Sseyuya cho biết cảnh sát vào tối thứ Tư đã đến khám nghiệm hiện trường và đưa thi thể của Cha Kasambula đến Bệnh viện Mityana để khám nghiệm tử thi.

“Chúng tôi rất buồn trước cái chết của một linh mục và chúng tôi cầu nguyện rằng nghi can bị bắt giữ và công lý được sáng tỏ,” ông nói.

Vào lúc qua đời, Cha Kasambula, 68 tuổi, là Cha Sở tại Giáo xứ Lwamata ở Quận Kiboga.

Cô Lydia Tumushabe, người phát ngôn của cảnh sát khu vực Katonga cho biết các thám tử của họ đã bắt đầu truy lùng nghi phạm vào tối cùng ngày và anh ta sẽ sớm bị bắt.
Source:Monitor
 
Tình thế cấp bách: 7g tối 25/8: Hiệp thông cùng Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi, Hàn Quốc cầu cho Việt Nam
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:31 22/08/2021


1. Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi tại Nam Dương (Namyang, 남양) Hàn quốc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Diễn biến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp, chúng tôi xin anh chị em đừng nản chí nhưng hãy cùng chúng tôi hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Nam Dương, Hàn quốc khẩn cầu Đức Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam.

Buổi cầu nguyện sẽ được bắt đầu vào lúc 7 giờ tối ngày thứ Tư 25 tháng 8, theo giờ Việt Nam.

Nhân đây, Túy Vân xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về đền thánh Đức Mẹ này, và lịch sử của Giáo Hội tại Hàn quốc.

Trên một ngọn đồi nơi nhiều người Hàn Quốc đã hy sinh mạng sống của họ vì đức tin vào Chúa Kitô, ngày nay chúng ta tìm thấy Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Nam Dương.

Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi tại Nam Dương cách thủ đô Hán Thành 22.4 km về phía Đông- Đông-Bắc. Đây là nơi được cho là đã xảy ra nhiều cuộc hiện ra của Đức Mẹ.

Địa điểm này, còn được gọi là Đồi Mân Côi, tưởng niệm Cuộc khủng bố Bính Nhân (Byungin, 병인) rất kinh hoàng kéo dài từ năm 1866 đến năm 1871 dưới triều Vua Đại Viện Quân (Daewongun,대원군). Đây là đợt bách hại nghiêm trọng thứ tư đối với Giáo hội ở Hàn Quốc, tổng cộng đã khiến khoảng 10,000 người tử vì đạo.

Do cuộc bách hại lan rộng như vậy, và việc chính thức công nhận một số người trong số họ là các vị tử đạo, Hàn Quốc có số lượng các vị thánh lớn thứ tư trong thế giới Công Giáo.

“Giáo hội Hàn Quốc rất độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong lễ phong thánh cho một nhóm các vị tử đạo. “Giáo hội non trẻ này, còn quá non trẻ nhưng có đức tin mạnh mẽ, đã chống chọi được hết làn sóng này đến làn sóng đàn áp khốc liệt khác. Vì vậy, trong vòng chưa đầy một thế kỷ, Giáo Hội tại Hàn quốc có thể tự hào về hơn 10,000 người tử vì đạo. Cái chết của những vị tử đạo này đã trở thành men của Giáo hội và dẫn đến sự nở hoa huy hoàng của Giáo hội ở Hàn Quốc ngày nay”

Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Nam Dương được khánh thành vào Lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 7 tháng 10 năm 1991.

Khu phức hợp này bao gồm Con đường Mân Côi, Vườn Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, và các địa điểm sùng kính khác.

Nhìn từ trên cao, đường viền của khu phức hợp trông giống như một bức ảnh Đức Mẹ theo kiểu Byzantine do Vua Vladimir vẽ trong đó mô tả Đức Mẹ đồng trinh và Hài nhi Giêsu.

Đền thánh Đức Mẹ này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới Mario Botta.

Bàn thờ bên trong đền thánh Đức Mẹ này có chứa di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Rất nhiều Phật tử đã được rửa tội tại đây khi cải đạo sang Công Giáo.

2. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc

Người Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc

Đạo Công Giáo du nhập vào Hàn Quốc vào thế kỷ 18 sau khi ông Lý Thừa Huân (Yi Seung-hun,이승훈) đã nghiên cứu các bản dịch tiếng Hoa của các văn bản Công Giáo, cùng với cha mình, trong một chuyến đi đến Bắc Kinh vào năm 1784. Khi ở đó, anh đã tìm đến một nhà truyền giáo Dòng Tên và đã được rửa tội. Ông Lý Thừa Huân trở về Hàn Quốc và cùng với một số người khác, thành lập Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc vào giữa những năm 1780.

Cuộc bách hại đầu tiên

Vào năm 1801, hơn 300 người đã bị giết dưới triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선), khi vua Thuần Tổ (Sunjo, 순조) mới lên ngôi. Nhà vua phát động một cuộc bách hại kinh hoàng đối với Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc, với lý do là do đức tin Kitô xung đột với các lý tưởng Tân Nho giáo và đe dọa hệ thống phân cấp quyền lực trong xã hội. Ông Lý Thừa Huân nằm trong số những người bị hành quyết.

Linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc

Cha Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아) xuất thân trong một gia đình Công Giáo đã phải chịu đựng những cuộc đàn áp. Ngài trở thành một phó tế ở Trung Quốc vào năm 1844. Một năm sau, ngài được thụ phong linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc. Ngài trở về Hàn Quốc và đi khắp các cộng đồng Công Giáo để giảng dạy, chủ yếu vào ban đêm. Ngài đã cố gắng đưa các nhà truyền giáo Pháp vào đất nước, nhưng bị bắt vào ngày 5 tháng 6 năm 1846, và bị chặt đầu vào ngày 16 tháng 9 cùng năm khi mới 25 tuổi.

Tự do tín ngưỡng

Quyền tự do thực hành tôn giáo của các tín hữu Công Giáo chính thức được công nhận vào những năm 1880, nghĩa là 100 năm sau khi Giáo Hội được thành lập ở nước này. Vào thời điểm đó, khoảng 10,000 người Công Giáo đã bị giết trong các cuộc đàn áp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đâ được chụp vào ngày 7 tháng 8 năm 2014 này cho thấy một người đàn ông đi qua trước bức tranh treo tường khổng lồ dành cho các vị tử đạo Công Giáo của Hàn Quốc tại đền Solmoe ở thành phố Đường Tân (Dangjin, 당진시) cách thủ đô Hán Thành 85 km về phía tây nam.

Hôm 16 tháng 8, năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vinh danh lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc khi ngài phong chân phước cho 124 vị tử đạo bị tra tấn và hành quyết tại một thánh lễ đặc biệt ở Hán Thành.

Hàng Giáo Phẩm đầu tiên

Năm 1962, Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc tái cấu trúc thành ba tổng giáo phận và tám giáo phận, chính thức trở thành một Giáo Hội địa phương tự trị chứ không còn là lãnh thổ truyền giáo như trước. Các Giám Mục của Hán Thành, Đại Khâu (Daegu, 대구시) và Quang Châu (Gwangju, 광주시) được thăng chức tổng giám mục. Vào đầu thế kỷ 21, có khoảng 4.5 triệu người Công Giáo ở Hàn Quốc, hay khoảng 9% dân số.

Tuyên thánh sau hai trăm năm

Tháng Năm, năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Hàn Quốc khi Giáo Hội Công Giáo ở nước này kỷ niệm hai trăm năm thành lập. Trong chuyến thăm này, ngài đã tuyên thánh cho 10 nhà truyền giáo người Pháp và 93 người Hàn Quốc, bao gồm cả vị linh mục đầu tiên, Anrê Kim Đại Kiến. Đây là lần đầu tiên một buổi lễ tuyên thánh được tổ chức bên ngoài Vatican kể từ thời Trung cổ và mang lại cho Hàn Quốc số lượng các vị thánh Công Giáo cao thứ tư trên thế giới.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở lại thăm Hàn Quốc

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở lại Hàn Quốc để tham dự Đại hội Thánh Thể Thế giới vào năm 1989.

3. Giáo Hội Hàn Quốc ngày nay

Số người Công Giáo ở Hàn Quốc đã tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua, mặc dù sự tăng trưởng có phần chậm lại trong những năm gần đây.

Theo thống kê được công bố vào ngày 15 tháng Tư, 2020, Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc, gọi tắt là CBCK cho biết Giáo Hội tại Nam Hàn có 15 giáo phận, và một giáo phận quân đội, 7 trường Đại Học, và 169 dòng tu và các hiệp hội đời sống tông đồ,

Số Kitô hữu Công Giáo đã tăng 49.85% từ 3,946,844 tín hữu năm 1999 lên 5,914,669 tín hữu, trong tổng số dân là 53,121,668 người, chiếm tỷ lệ 11.1%,

Nếu tính theo từng giáo phận thì giáo phận Thủy Nguyên (Suwon, 수원시) ngay phía nam Hán Thành, được ghi nhận có mức tăng cao nhất lên đến 89.1% trong giai đoạn 20 năm qua, tiếp theo là giáo phận Đại Điền (Daejeon, 대전시) ở miền trung Hàn Quốc với 79.6% và giáo phận Nghị Chính (Uijeongbu, 의정부시), phía bắc thủ đô, với 78.9%.

Tỷ lệ người Công Giáo trong tổng dân số cả nước tăng từ 8.3% lên 11.1% trong giai đoạn 1999 - 2019. Nhưng tỷ lệ tham dự các thánh lễ của họ, được coi là một chỉ số chính về đời sống tôn giáo của các tín hữu, đã giảm từ 29.5% xuống còn 18.3%.

“Việc sụt giảm tỷ lệ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là đáng quan ngại. Tất cả các giáo phận đã thực hiện những nỗ lực đa dạng để mang các Kitô hữu trở lại nhà thờ, nhưng chưa có thay đổi đáng kể nào được ghi nhận cho đến nay. Vấn đề này đã được nhắc đi nhắc lại hàng năm,” báo cáo cho biết.

“Đây là thời gian để suy tư về công việc truyền giáo hiện nay của chúng ta và xem xét lại các phương hướng truyền giáo trong nước và ngay cả việc tái truyền giáo”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự già hóa nhanh chóng của dân số Công Giáo. Những người ở độ tuổi 50, 60, 70 và 80 đã tăng lần lượt là 76.9%, 93%, 117% và 251.6%.

Trong khi đó, số lượng nữ tu giảm 41.5%. Năm 1999 có 24,227 nữ tu. Năm 2018 chỉ còn 14,167 dì.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là số linh mục tăng 52.2 phần trăm từ 2,972 vị lên 4,456 vị trong giai đoạn 1999 – 2019. Số các nhà truyền giáo được phái ra nước ngoài đã tăng 204.2 phần trăm từ 356 vị vào năm 1999 lên 1,083 vị vào năm 2018.

Báo cáo của CBCK cũng đề cập đến tình trạng của các tín hữu Công Giáo Bắc Hàn. Vào năm 1945, có khoảng 50,000 người Công Giáo tại các giáo xứ ở Bắc Triều Tiên. Trước Chiến tranh, Bình Nhưỡng đã từng được gọi là “Giêrusalem của phương Đông” và được coi là một trung tâm Kitô giáo ở Đông Bắc Á.

Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, hầu hết các linh mục ở Bắc Triều Tiên bị bắt, bị giết, hoặc mất tích. Quá trình phong chân phước đã bắt đầu cho 40 tu sĩ và nữ tu của Tu viện Tokwon Benedictine, đã bị Cộng sản giết chết.

Vào năm 1988, một “Hiệp hội Công Giáo Hàn Quốc” đã được chính phủ Cộng sản tạo ra và có 800 thành viên. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng có một trong ba nhà thờ do nhà nước bảo trợ và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Cộng sản.

Thánh lễ thỉnh thoảng được tổ chức tại Nhà thờ Tràng Xuân (Changchung, 长春) ở Bình Nhưỡng khi có một linh mục nước ngoài đi du lịch qua, vào các ngày Chúa Nhật, phụng vụ được cử hành bởi một cư sĩ do nhà nước bổ nhiệm.

Sự đàn áp Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên được ghi nhận là tàn bạo hơn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, theo Open Doors, ước tính rằng có thể có tới 300,000 Kitô hữu đang thực hành đức tin “lén lút” ở Bắc Triều Tiên. Các Kitô hữu bị phát hiện sẽ bị bắt giữ, cải tạo trong trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị hành quyết vì đức tin.

Nhiều linh mục và mục sư đã lén đi vào Bắc Triều Tiên với hy vọng bí mật truyền giáo và nhiều người đã bị bắt, nhưng các tổ chức Kitô giáo ở Hán Thành tiếp tục phát các chương trình truyền bá Tin Mừng qua miền Bắc với hy vọng rằng ai đó sẽ có thể bắt được làn sóng phát thanh.