Ngày 22-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/08: Lối sống giả tạo bị phát hiện – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
04:18 22/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 22/08/2022

39. Nếu không có tình yêu, thì tất cả hành vi của chúng ta dù làm cho người ta tai nghe mắt thấy rất kinh ngạc, thì cũng là hư vô mà thôi.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 22/08/2022
77. QUẠ TRÍCH DẪN KINH ĐIỂN

Trong loài cầm thú thì lông vũ của gà rừng nói được là đẹp, cũng rất là bắt mắt. Gà rừng cũng rất thích lông vũ của mình nên thường khoe với đồng loại, lũ chim cũng chỉ biết nhượng bộ, duy chỉ có con quạ là không phục, nói:

- “Lông vũ của anh tuy sặc sỡ, nhưng làm sao trắng bạch như tôi được?”

Gà rừng cười nhạo nói:

- “Lời nói ấy ở trong miệng người khác thì được, chứ mày toàn thân sơn màu đen, lại còn tự nhận mình là trắng bạch. Ta hỏi mày: Màu gì mới được gọi là trắng bạch?”

Con quạ đáp:

- “Cách nói của tôi không phải chủ quan bịa đặt, có bài thơ hẳn hòi để chứng minh như trong thơ Đường có câu: “Mặt ngọc không bằng sắc quạ nhỏ”. Anh coi, ngọc là màu trắng vậy mà không bằng tôi, cho nên màu trắng của tôi thì có thể nghĩ ra mà biết”.

Công Dã Trường nghe câu đáp của con quạ thì thở dài nói:

- “Tên súc sinh này cưỡng chữ đoạt lý, vậy mà còn lấy kinh điển ra dẫn chứng nữa chứ!”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 77:

Người thích đọc thơ làm thơ thì thích trích dẫn thơ ra để nói chuyện, trích dẫn thơ càng khó thì càng oai; người thích đọc sách thì thường trích lời nói của danh nhân này hiền triết nọ ra để dẫn chứng lời mình nói là đúng, trích dẫn bằng tiếng Anh tiếng Pháp hay tiếng La-tin thì càng oai hơn nữa.v.v...đó là chuyện thường tình chẳng có gì là lạ cả. Cái lạ chính là có những người lạm dụng những lời nói của các nhà hiền triết danh nhân, để biện minh cho cái sai lầm của mình.

Cũng có một vài người Ki-tô hữu trích dẫn Lời Chúa để biện hộ cho việc làm sai trái của mình, càng học hỏi Thánh Kinh thì trích dẫn càng hay, và che lấp cái xấu của mình càng tài, bởi vì họ học hỏi Lời Chúa mà không có tâm tình khiêm tốn, không có tâm tình sửa đổi cuộc sống, và không có thực tâm thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình. Họ học hỏi nghiên cứu Thánh Kinh là để thỏa mãn tính tò mò và tham vọng mà thôi.

Con quạ cãi chày cãi cối, lại còn lấy thơ Đường ra để viện dẫn cho lời mình nói là đúng, đúng là loài súc sinh không thấy trời cao đất rộng.

Lời Chúa là con dao hai lưỡi: một là nó sẽ cắt tỉa những thói hư tật xấu của chúng ta, để chúng ta đẹp hơn trước mặt Chúa; hai là nó sẽ giết chết chúng ta, nếu chúng ta trích dẫn nó để che lấp hành vi tội lỗi của mình.

Ai trích dẫn Lời Chúa để che lấp hành vi tội lỗi của mình, thì cũng sẽ bị Lời Chúa chôn vùi trong vực sâu tối tăm với ma quỷ, là kẻ đã dùng Lời Chúa trong Kinh Thánh để cám dỗ Đức Đức Chúa Giê-su (Mt 4, 1-10). Coi chừng đấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổ chức Trợ giúp Giáo hội thiếu thốn đã nêu bật hoàn cảnh của các Kitô hữu đang bị bắt bớ
Thanh Quảng sdb
20:07 22/08/2022
Tổ chức Trợ giúp Giáo hội thiếu thốn đã nêu bật hoàn cảnh của các Kitô hữu đang bị bắt bớ

Trong ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của các cuộc bách hại tôn giáo, Tổ chức từ thiện Giáo hoàng, trợ giúp cho các Giáo hội kêu gọi chính phủ Anh hãy ra tay bảo vệ những người bị bách hại vì đức tin...

(Tin Vatican - Lydia O’Kane)

Quyền tự do tôn giáo, quyền tự do tư tưởng và diễn đạt tư duy, quyền tự do hội họp hỗ tương nhau, liên quan và tương trợ lẫn nhau, tất cả đều được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Sự đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng

Theo Liên hiệp quốc, “Tiếp tục có những hành vi bất khoan dung và bạo lực đối với tôn giáo hoặc tín ngưỡng, chống lại các cá nhân, bao gồm cả những người thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số trên thế giới, về số lần và cường độ của các vụ việc bách hại, thường có tính chất tội phạm và có đặc điểm quốc tế đang gia tăng.”

Do đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định ngày 22 tháng 8 là Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo lực tôn giáo.

Trong số những người lo cho Ngày Quốc tế này, nhất là các tổ chức từ thiện Giáo hoàng, Viện trợ cho các Giáo hội có nhu cầu (ACN), cho biết hiện nay ngân quỹ vẫn chưa đủ để giải quyết các nố đàn áp tôn giáo.

Hành động của chính phủ

Tiến sĩ Caroline Hull, Giám đốc cơ quan ACN của Vương quốc Anh, kêu gọi tân Thủ tướng Anh, người sẽ kế nhiệm ông Boris Johnson, hãy hành động để đảm bảo chấm dứt các vi phạm về tự do tôn giáo.

Bà tiến sĩ nói về các vấn đề cụ thể ở Anh, Viện trợ cho Giáo hội cần thiết đã làm việc trong những năm qua để xin chính phủ chấp nhận quyền tị nạn cho một tín hữu trẻ người Pakistan, cô Maira Shabhaz, cô bị bắt cóc khi cô ấy mới mười bốn tuổi. Cô bị cưỡng hiếp và buộc phải cải đạo sang Hồi giáo, sau đó bị ép kết hôn với kẻ bắt cóc. Kể từ khi trốn thoát, Maira đã phải ẩn trốn trong một căn phòng suốt hai năm qua với mẹ và các anh chị em của cô. Tiến sĩ Hull nhấn mạnh rằng mặc dù các cuộc đàm phán với các nghị sĩ đang xúc tiến, việc cấp quyền tị nạn cho Maira là điều mà chính phủ Vương quốc Anh có thể ban và công bố.

Tổ chức từ thiện tiếp tục nhận được những báo cáo đau buồn về những người bị ngược đãi vì đức tin, bao gồm hãm hiếp, giết chóc và bắt cóc. Giám đốc ACN nói rằng bạo lực đang xảy ra ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.

Thế giới quan

Tiến sĩ Hull cho hay các quốc gia như Trung Quốc, Pakistan, Nigeria, Mozambique và Afghanistan, cũng như các khu vực ở Trung Đông đã xảy ra các "các cuộc bách hại và gây nên nhiều thương đau to lớn."

Tổ chức từ thiện nói rằng chỉ riêng ở Nigeria, năm 2022 đã chứng kiến một linh mục bị bắt cóc và tra tấn đến chết; một cô gái trẻ theo đạo Thiên Chúa bị ném đá chết và nhiều cuộc xuống đường vì bị cáo buộc là "phỉ báng"; và cuộc tấn công vào Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo, vào Chủ nhật Lễ Hiện xuống, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng.

Giám đốc ACN lưu ý rằng Nigeria “là quốc gia theo chủ nghĩa “duy chủng tộc” ở châu Phi và điều quan trọng là nó không bị sụp đổ mà lại lan rộng ra toàn khu vực”. Bà cũng kêu gọi chính phủ Anh làm những gì có thể để ổn định vùng đất này.

Báo cáo mới

Cuối năm nay, ACN sẽ ra mắt một báo cáo có tựa đề Bị ngược đãi và bị lãng quên: Báo cáo về các Kitô hữu bị ngược đãi vì Đức tin trong những năm 2020-22, trong đó nêu rõ tình hình của các tín hữu tại 24 quốc gia.

Khi được hỏi những gì mọi người có thể mong đợi từ bản báo cáo, Tiến sĩ Hull nói, "thật không may, chúng tôi thấy ở nhiều quốc gia trong số này, tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ báo cáo trước đó vào những năm 2017-2019."

Cô ấy nhấn mạnh rằng có hàng triệu tín hữu trên khắp thế giới đang bị đàn áp, nói thêm rằng ở phương tây “đó là một điều khó khăn ngoài tầm tay của chúng tôi”.

Tiến sĩ Hull lưu ý: “Một trong những thay đổi quan trọng mà chúng tôi nhận thấy là châu Phi đang trở thành một trung tâm mới của những hành động bạo lực chống tôn giáo, đặc biệt là đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt những người theo đạo Thiên chúa.

Giám đốc quốc gia của ACN (Vương quốc Anh) nhấn mạnh rằng việc công bố bản báo cáo là cơ hội để các thành viên của chính phủ Vương quốc Anh tìm hiểu về mức độ nghiêm trọng của sự ngược đãi mà các tín hữu phải gánh chịu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ tạ ơn và nghi thức khởi công xây nhà thờ mới tại giáo xứ Việt Nam Seattle
Nguyễn An Quý.
20:49 22/08/2022
Thánh Lễ tạ ơn và nghi thức khởi công xây nhà thờ mới tại giáo xứ Việt Nam Seattle

Tukwila. Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày người Việt bỏ nước ra đi khi Sài Gòn thất thủ. Những người Công Giáo Việt Nam di tản đến Tiểu Bang Washington và cư ngụ chung quanh thành phố Seattle và các vùng phụ cận đã qui tụ và thành lập Cộng Đoàn Đức Tin Việt Nam và đã có nơi sinh hoạt mục vụ tại khu vực gần Downtow Seattle hơn ba thập kỷ mang tên Cộng Đồng Công Giáo Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nay là giáo xứ CTĐVN. Qua bao thế hệ với ước mơ và cố gắng làm sao có được một ngôi Thánh Đường khang trang và nay đã thành hiện thực trong Thánh Lễ tạ ơn và nghi thức khởi công xây nhà thờ mới vào chiều thứ Bảy ngày 20 tháng 8 năm 2022 do Đức TGM Paul D.Etienne chủ sự.

Xem Hình

Đúng 5 giờ, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với Đức Tổng Giám Mục và quý linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo tiếng hát của Ca Đoàn. Linh mục đoàn gồm quý cha trong giáo xú và 4 cha khách thuộc Tổng Giáo Phận Seattle cùng 2 thầy phó tế phụ tế Thánh Lễ.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chánh xứ Đào Xuân Thành ngỏ lời chào mừng và cám ơn Đức Tổng Giám Mục đã quan tâm và giúp đỡ giáo xứ và hôm nay đã đến chủ sự Thánh Lễ tạ ơn và cử hành nghi thức khởi công xây nhà thờ mới của giáo xứ, đồng thời giới thiệu quý linh mục đồng tế và chào mừng quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa hiện diện, trước khi kết thúc ngài nói xin cho một tràng pháo tay để cùng vui mừng và chào dón nhau trong niềm vui tạ ơn.

Thánh lễ tiếp tục qua phần phụng vụ lời Chúa theo phụng vụ Chúa Nhật XXI mùa Thường Niên. Tin mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa nói với dân chúng khi có người hỏi Ngài về chuyện ai được cứu thoát, Ngài nói với đoạn: "Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào ’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến !’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !’....

Bài giảng trong Thánh Lễ Đức TGM đã bày tỏ sự quan tâm và ưu ái đến người Công Giáo Việt Nam, nhất giáo xứ CTTĐVN mà Ngài đã nhiều lần hiện diện. Khi đề cập đến tin mừng hôm nay, Ngài nhấn mạnh: Chúng ta hãy chiến đấu với bản thân mình trong đời sống đức tin giữa thời đại của thế giới vật chất hôm nay.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ cha chánh xứ ngỏ lời cám ơn Đức Tổng Giám Mục, cám ơn quý cha, cám ơn quý quan chức chính quyền thành phố Tukwila, cám ơn ban kiến thiết đô thị của thành phố cùng ban kiến thiết tòa giám mục đã tận tâm hướng dẫn giúp đỡ giáo xứ trong kế hoạch xây dựng nhà thờ, cám ơn quý tu sĩ nam nữ, cám ơn các giáo hữu trong các cộng đoàn địa phương, cám ơn hai hội đồng, các giáo đoàn, hội đoàn, ca đoàn, các ban ngành và toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ đã đến tham dự Thánh Lễ tạ ơn và nghi thức khởi công xây nhà thờ mới hôm nay. Sau
Thánh Lễ kính mời Đức Tổng, quý cha và toàn thể quý quan khach cùng gia đình giáo xứ tham dự tiệc tri ân trong ngày vui trọng đại này. Thánh Lễ kết thúc sau phần chúc lành cuối lễ của Đức Tổng Giám Mục.

Sau Thánh Lễ cộng đoàn hiện diện cùng với Đức Tổng Giám Mục, quý cha và quan khách tiến về vị trí cử hành nghi thức khởi công xây nhà thời mới ở mặt tiền của nhà thờ.

Mọi người về vị trí cử hành nghi thức khởi công, cha chánh xứ giới thiệu nghi thức khởi công công xây dựng do Đức Tổng Giám Mục chủ sự. Nghi thức được diễn tiến theo thứ tự: Đức Tổng Giám Mục mở đầu với phút cầu nguyện: Xin tạ ơn Chúa vì nơi đây đền thờ được xây trên nền tảng là Đức Kitô, nơi đây dân Chúa đặt trọn niềm tin vào Người.Cộng Đoàn thưa Amen.

Kế đến thầy phó tế đọc đoạn tin mừng theo Thánh Matthêu. Sau Bài Tin Mừng, Đức TGM đã có lời chia sẻ ngắn gọn với nội dung: Xin tạ ơn Chúa vì nơi đây con người gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi thuận lợi và xứng đáng để con người là dân Chúa giáo xứ CTTĐVN được đến với Chúa trong việc thờ phượng Chúa.

Bài chia sẻ ngắn gọn kết thúc với kinh Lạy Cha mà toàn thể cộng đoàn hiện diện dâng lên Thiên Chúa cao cả: Lạy Cha chúng con ở trên trời...

Sau kinh Lạy Cha, Đức TGM đã cử hành nghi thức thánh hoá khu vực được xây dựng Thánh Đường qua phần Rảy Nước Thánh quanh khu vực mặt tiền chính thức của nhà thờ mới. Sau phần rảy nước Thánh, Đức TGM có phút cầu nguyện dâng hiến khu vực xây dựng ngôi nhà thờ mới với nội dung:

-Xin tạ ơn Chúa vì nơi đây là vườn nho Chúa đã trồng và luôn chăm sóc.

-Xin tạ ơn Chúa vì nơi đây đoàn chiên Chúa được quy tụ để nghe tiếng Người.

-Xin tạ ơn Chúa vì nơi đây là mảnh đất tốt để gieo Lời Hằng sống, gặp gỡ huynh đệ, để rồi đem bình an của Chúa vào trong môi trường sống hàng ngàycủa cộng đoàn dân Chúa.

-Xin tạ ơn Chúa vì Thánh đường là hình ảnh của Giáo Hội, được xây dựng bởi những viên đá sống động và mời gọi mọi người tham gia và đóng góp vào việc xây dựng nhà Chúa.

Sau mỗi lời nguyện cầu của Đức Tổng, cộng đoàn hiện diện đáp: Xin Chúa chúc lành và gìn giữ giáo hội.

Kết thúc phần nghi thức theo Giáo Hội là giây phút quan trọng của nghi thức khởi công đó là cắt băng khởi công và tự tay Đức TGM cùng với quý linh mục và phái đòan quan chức chính quyền thành phố Tukwila, công ty xây dựng cùng quý quan khách đã khởi sự bắt tay vào việc khởi công xây dựng qua cử chỉ tượng trưng cho công tác thực hiện việc đào móng là nền tảng của việc xây cất ngôi Thánh Đường mới. Sau phần phái đoàn cùng với Đức Tổng là phái đoàn thứ hai gồm đại diện của quý tu sĩ, và quý cựu thành viên trong các Ban Thường Vụ qua nhiều thập niên đã phục vụ Cộng Đồng Công Giáo Các ThánhTử Đạo Việt Nam cũng thực hiện cử chỉ bắt tay vào việc thực hiện đào móng xây nhà thờ mới. Chùm bong bóng chào mừng ngày khởi công xây nhà thờ mới được bay vút lên cao dâng lên tòa Chúa niềm vui tạ ơn của giáo xứ CTTĐVN cùng với tiếng trống của đoàn múa lân và tràng pháo nổ dòn vang dội cả khu vực cử hành nghi thức khởi công.

Sau nghi thức khởi công là buổi tiệc tri ân. Vì lượng khách tham dự quá đông nên bữa tiệc được long trọng tổ chức ngoài trời trong khu vực khá rộng được bao phủ bởi những chiếc lều rộng lớn giữa đêm trăng thanh gió mát của xứ cao nguyên tình xanh. Đúng 7:30 pm, cha chánh xứ bước lên sân khấu tuyên bố khai mạc bữa tiện tri ân với lời cám ơn Đức Tổng Giám Mục, quý cha, quý quan chức thành phố và quý quan khách, quý tu sĩ cùng toàn thể quý đồng hương, quý cơ sở thương mại, quý cựu chủ tịch trong các Ban Thường Vụ qua nhiều thập kỷ từ ngày còn là Cộng Đồng Công Giáo Các ThánhTử Đạo Việt Nam và toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ hiện diện. Bữa tiệc hôm nay do một nhà hàng thường phục vụ các tiệc cưới đảm trách với những món ăn tuyệt hảo. Ông Nam Lộc xuất hiện với nhiệm vụ MC cho bữa tiệc bước lên sân khấu với lời trân trọng kính mời Đức Tổng Giám Mục chúc lành cho bữa tiệc. Đức TGM Paul D. Etienne bước lên sân khấu với phút cầu nguyện và chúc lành cho những của ăn trong bữa tiệc mà Chúa đã ân ban. Phần văn nghệ khá phong phú trong bữa tiệc với sự góp mặt của giới trẻ qua các vũ khúc tuyệt vời, các soeur cùng với cha chánh xứ cũng đã góp phần trình diễn vũ khúc của liên tu sĩ khá đẹp. Hai ca sĩ lừng danh là Lam Anh và Thiên Tôn đã giúp cho bữa tiệc thêm phần sinh động. Đây là một cuộc gây quỹ khá thành công với những chủ đề được giáo xứ đưa ra như mời ủng hộ với các hạn mục gồm 117 của sổ mỗi cửa 5 ngàn, 8 cửa chính 96 ngàn, 10 cột chính một trăm ngàn. Đài Đức Mẹ Lavang 180 ngàn đã có một nhân vật ủng hộ 45 ngàn phần còn lại anh chị Adam Quang và Kim Chi đã vận động trong nhóm của anh chị bao thầu số tiền còn lại là 135 ngàn, như vậy phần tượng đài Đức Mẹ La Vang đã có ngân khoảng xây cất. Anh Chị Adam Quang và Kim Chi cũng là giáo dân Tổng Giáo Phận Huế quê hương của nơi có Linh Địa Mẹ LaVang. Hoan hô nhóm ủng hộ Tượng Đài Đức Mẹ LaVang. Nhiều vị đã ủng hộ 5 ngàn cho từng cửa sổ. Tính đến gần 11 giờ đêm thì tổng số tiền thu mà người viết mới nắm được là đã lên đến hơn tám trăm ngàn.Trang báo đã dài nên không thể ghi hết phần ủng hộ của từng vị nơi đây với tất cả lời trân trọng từng quý vị đãủng hộ.

Bữa tiệc kéo dài đến gần nửa đêm thì mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn với tất cả niềm vui của tương lai đầy hy vọng, nay đã trở thành hiện thực qua nghi thức khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới hôm nay. Như lời MC nói khi mở đầu chương trình:giáo xứ CTTĐVN được xây dựng ngôi nhà thờ nơi xứ cao nguyên tình xanh mang tên Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là nhà thờ Việt Nam duy nhất tại Tổng Giáo Phận Seattle cũng như tại tiểu bang Washington.

Nguyễn An Quý
 
Văn Hóa
Jacques Maritain triết gia, triết học luân lý, chính trị và pháp luật
Vũ Văn An
19:35 22/08/2022

Triết học Luân lý, Chính trị và Pháp luật

Triết học luân lý và chính trị của Maritain nằm trong điều có thể gọi là truyền thống luật tự nhiên Aristốt-Tôma. Tuy nhiên, Maritain cho rằng đạo đức học của Aristốt tự nó là không đủ vì nó thiếu nhận thức về cứu cánh cuối cùng của nhân loại. Quan điểm của phái Tôma - rằng có một quy luật trong bản chất con người bắt nguồn từ (mặc dù có thể biết được một cách tách biệt với) một quy luật thần linh hoặc vĩnh cửu, và ‘cứu cánh’ của nhân loại vượt quá bất cứ điều gì có thể đạt được trong cuộc sống này - theo Maritain, là một tiến bộ đáng kể đối với những gì Aristốt đã cung cấp.

Theo chân Thánh Tôma, Maritain khẳng định rằng có một quy luật tự nhiên “bất thành văn” nhưng nội tại trong tự nhiên. Một cách chuyên biệt, do bản chất tự nhiên có đặc tính cứu cánh, người ta có thể biết một sự vật nên làm gì hoặc nên được sử dụng ra sao bằng cách khảo sát “cùng đích” và “tính hợp qui tắc [normality] trong vận hành của nó”. Do đó, Maritain định nghĩa 'luật tự nhiên' như “Một trật tự hoặc một thiên hướng mà lý trí con người có thể khám phá ra và theo đó ý chí con người phải hành động để phù hợp với những mục đích cần thiết của con người” (La loi naturelle, 1986: 21, bản dịch của Sweet; xem Man and the State, 1951: 86).



Định luật này “quy định các bổn phận căn bản nhất của chúng ta” (Man and the State, 1951: 95) và cùng trương độ với luân lý tính.

Maritain cho rằng có một quy luật tự nhiên duy nhất dành cho mọi hữu thể có bản chất con người. Các nguyên tắc đệ nhất của luật này được biết đến một cách đồng bản tính, không theo lý trí hay thông qua các khái niệm, bởi một hoạt động mà Maritain, theo Thánh Tôma, gọi là synderesis [lương năng]. Như vậy, luật tự nhiên là ‘tự nhiên’ vì nó không chỉ phản ảnh bản chất tự nhiên của con người, mà còn được biết đến một cách tự nhiên. Tuy nhiên, Maritain thừa nhận rằng nhận thức về quy luật tự nhiên thay đổi khắp trong nhân loại và tùy theo năng lực và khả năng của mỗi cá nhân, và ông nói tới sự phát triển trong ý thức luân lý của một cá nhân hoặc một tập thể. Điều này cho phép ông trả lời thách thức cho rằng không thể có một quy luật tự nhiên, phổ quát vì không một quy luật nào như vậy được biết đến hoặc được tôn trọng một cách phổ quát. Một lần nữa, mặc dù định luật này được biết đến một cách tiệm tiến, nó không bao giờ được biết đến một cách hoàn toàn, và vì vậy luật tự nhiên không bao giờ được khai thác cạn kiệt trong bất cứ cách trình bày cụ thể nào về nó (La loi naturelle, xem Sweet 1998). Tuy nhiên, sự thừa nhận yếu tố lịch sử này trong ý thức con người đã không ngăn cản Maritain cho rằng định luật này là khách quan và có tính ràng buộc. (Tuy nhiên, các nhà phê bình đã lập luận rằng nói về 'nhận thức đồng bản nhiên' là điều tối nghĩa; nó hoàn toàn không giống với những gì chúng ta thường gọi là 'nhận thức' và do đó, không đủ để làm cơ sở cho nhận thức về luật lệ [Xem, thí dụ, Nielsen 1959 [1991].)

Một khái niệm chủ chốt trong triết học luân lý của Maritain là khái niệm tự do của con người. Ông nói rằng 'mục đích’ của nhân loại là được tự do nhưng ông không hiểu 'tự do' như buông thả hay quyền tự chủ thuần túy thuần lý, mà là việc thể hiện nhân vị phù hợp với bản chất của họ — nhất là, đạt được sự hoàn thiện về luân lý và tâm linh. Do đó, triết học luân lý của Maritain không thể được xem xét một cách độc lập với sự phân tích của ông về bản chất con người. Maritain phân biệt giữa con người với tư cách là một cá thể và với tư cách là một ngôi vị. Các hữu thể nhân bản là những ‘cá nhân’ có liên quan đến một trật tự chung, có tính xã hội mà họ là các bộ phận. Nhưng họ cũng là những ngôi vị. Ngôi vị (person) là một ‘toàn thể’, là một đối tượng có phẩm giá, “phải được cư xử như một cứu cánh” (Les droits de l’homme, 1942 [1943: 84]), và có một số phận siêu việt. Tuy nhiên, trong cả trật tự vật chất lẫn tinh thần, con người tham gia vào một lợi ích chung (xem D’Souza 2011). Người ta là một cá nhân vì là một hữu thể vật chất; người ta là một ngôi vị bao lâu họ có khả năng hoạt động trí thức và tự do. Tuy nhiên, trong khi khác biệt, cả hai yếu tố đều cần thiết như nhau để trở thành một hữu thể nhân bản. Vì tính cá nhân của họ, con người có nghĩa vụ đối với trật tự xã hội, nhưng vì tính ngôi vị của họ, họ không thể bị phụ thuộc vào trật tự đó. Hơn nữa, nhờ có sự lựa chọn và hành động tự do, một ngôi vị tự xác định mình (xem Toromczak 2008). Sự nhấn mạnh của Maritain về giá trị của nhân vị đã được mô tả như một hình thức của chủ nghĩa nhân vị (personalism), được ông coi như via media (con đường trung dung) giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xã hội.

Mặc dù một số nhà phê bình đã thách thức sự phân biệt của Maritain giữa ngôi vị và cá nhân, chẳng hạn như thiếu sự chặt chẽ về mặt siêu hình (Floucat 1996), nhiều học giả nghiên cứu về Maritain coi đó là một cách hữu ích để sáng lập một nền triết học chính trị tự do, nhưng không cá nhân chủ nghĩa (D'Souza 2008) hoặc dựa trên một nền đạo đức học áp dụng (Acevedo 2012).

Triết học luân lý của Maritain rõ ràng có liên quan đến triết học chính trị và triết học pháp luật của ông. Lập trường nhân vị mà ông bênh vực đã có từ trước vào thế kỷ 19, nhưng có lẽ lần đầu tiên nó trở thành một phần của giải trình về một mô hình văn minh mới (De Tavernier 2009). Trong một trong những tác phẩm chính trị đầu tiên của ông, Maritain đã mô tả quan điểm của mình là “Chủ nghĩa Nhân bản Kitô giáo toàn diện” - ‘toàn diện’, vì nó coi hữu thể nhân bản, một thực thể có cả chiều kích vật chất lẫn tinh thần, như một thể thống nhất và vì nó coi các hữu thể nhân bản trong xã hội như những người tham gia vào lợi ích chung. Mục tiêu triết học chính trị của Maritain là phác thảo những điều kiện cần thiết để biến cá nhân thành nhân bản trọn vẹn. Do đó, chủ nghĩa nhân bản toàn diện của ông tìm cách kết hợp các chiều kích khác nhau của con người lại với nhau, mà không bỏ qua hoặc làm giảm giá trị của một trong hai, và nó được một số người coi là vượt trội so với “chủ nghĩa nhân bản độc chiếm” của Charles Taylor (Klassen 2011) hoặc, ít nhất, như hình thức hoàn tất nó (Doyle 2009). Trong khi lợi ích riêng của người ta trong tư cách một cá nhân phụ thuộc vào lợi ích chung (trần thế) của cộng đồng, trong tư cách một ngôi vị có mục đích siêu nhiên, thì 'lợi ích tinh thần' của một người là vượt trội hơn so với xã hội — và đây là điều được Maritain tin rằng mọi cộng đồng chính trị nên công nhận.

Đối với Maritain, trật tự chính trị tốt nhất là trật tự công nhận quyền thống trị của Thiên Chúa. Do đó, ông bác bỏ không những chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, mà mọi chủ nghĩa nhân bản thế tục. Maritain phản đối rằng những quan điểm như vậy – nhất là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản - không những là tôn giáo thế tục, mà còn hạ nhân phẩm (Kinsella 2012) và dù là người bảo vệ nền dân chủ kiểu Mỹ, ông rõ ràng không quan tâm đến việc kết hợp sự gắn bó của mình với Kitô giáo và chủ nghĩa tư bản. Maritain lập luận rằng một thuyết nhân bản qui thần có nền tảng triết học trong việc thừa nhận bản chất của nhân vị như một hữu thể tinh thần và vật chất — một hữu thể có mối tương quan với Thiên Chúa — và các định chế xã hội và chính trị do đó phải phản ảnh điều này.

Maritain hình dung một xã hội chính trị dưới pháp quyền — và ông phân biệt bốn loại luật pháp: vĩnh cửu, tự nhiên, ‘thường luật văn minh’ (droit des gens hoặc jus gentium = luật của người dân) và luật thực định (droit positif).

Luật tự nhiên là “phổ quát và bất biến” và đề cập đến “các quyền và nghĩa vụ [nhất thiết] phát xuất từ nguyên tắc đệ nhất” (xem La loi naturelle; Man and the State, 1951: 97–98) hoặc giới luật [precept of law]— nghĩa là phải làm điều tốt và tránh điều xấu. Tuy nhiên, dù luật tự nhiên là “tự hiển nhiên” (xem Man and the State, 1951: 90) và nhất quán cũng như được xác nhận bởi kinh nghiệm - điều bị nhiều nhà phê bình thách thức - Maritain cho rằng nó không dựa trên bản chất con người. Nó bắt nguồn từ lý trí thần linh và từ một trật tự siêu việt (tức là từ luật vĩnh cửu), và được Thiên Chúa ‘viết vào trong’ bản chất con người. Có lúc, hình như Maritain cho rằng luật tự nhiên có được đặc tính bắt buộc của nó chỉ vì mối liên hệ của nó với luật vĩnh cửu; ông viết rằng “luật tự nhiên chỉ là luật vì nó tham dự vào Luật vĩnh cửu” (xem Man and the State, 1951: 96). (Một số người đã kết luận - có lẽ quá vội vàng - rằng một lý thuyết đề cập đến Luật Vĩnh cửu cuối cùng phải là thần học chứ không thể thuần túy là triết học.)

Droit des gens hay 'thường luật văn minh' là sự mở rộng của luật tự nhiên tới các hoàn cảnh của cuộc sống trong xã hội, và do đó nó liên quan đến các hữu thể nhân bản trong tư cách các hữu thể xã hội (thí dụ, như các công dân hoặc thành viên của gia đình). 'Luật thực định' là hệ thống các quy tắc và quy định liên quan đến việc bảo đảm trật tự chung trong một xã hội đặc thù. Nó thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển xã hội hoặc kinh tế trong cộng đồng đó và theo các hoạt động chuyên biệt của các cá nhân trong cộng đồng đó. Tuy nhiên, cả luật thực định lẫn droit des gens đều không thể suy diễn từ luật tự nhiên. Cả hai đều không được biết đến một cách đồng bản nhiên và do đó, không phải là một phần của luật tự nhiên. Tuy nhiên, chính vì mối liên hệ của chúng với luật tự nhiên mà chúng “có sức mạnh của luật pháp và tự áp đặt lên lương tâm” (Les droits de l’homme, 1942 [1943: 90–1]). Khi một luật thực định hành động chống lại luật tự nhiên, nói đúng ra, nó không phải là một luật. Như thế, Maritain rõ ràng bác bỏ chủ nghĩa thực định pháp lý.

Tuy nhiên, thuật ngữ 'luật tự nhiên' và các mối liên hệ của nó với cả 'luật vĩnh cửu' lẫn luật thực định đều là tập chú của nhiều tranh cãi. Giải trình của Maritain về luật tự nhiên vừa giả thiết một quan điểm siêu hình về bản chất hữu thể nhân bản vừa là một nhận thức luận hiện thực, và các nhà phê bình đã lập luận rằng có một số căng thẳng hoặc bất nhất bên trong nó. Một số chỉ trích chính đối với giải trình này là i) nó không nhất quán vì nó đặt ra một lý thuyết duy tự nhiên về điều gì tốt điều gì xấu, nhưng lại tuyên bố rằng chỉ có một chế tài siêu nhiên mới có thể giải thích được nghĩa vụ luân lý, ii) nhận thức đồng bản nhiên không những thiếu thỏa đáng đối với điều chúng ta thường coi là nhận thức, mà trên thực tế, cũng không có khả năng xác lập rằng một điều gì đó là luật luân lý tự nhiên, iii) nguyên tắc đầu tiên của luật luân lý trống rỗng, và iv) Maritain che đậy sự phân biệt sư kiện / giá trị.

Maritain chủ trương rằng lý thuyết luật tự nhiên liên quan đến các nhân quyền. Vì mục đích tự nhiên của mỗi ngôi vị là đạt tới sự hoàn thiện về luân lý và tinh thần, nên cần phải có các phương tiện để làm như vậy, nghĩa là có các quyền mà, vì chúng giúp thể hiện bản chất của họ, nên được gọi là 'tự nhiên'. Điều này tôn trọng nguyên tắc Aristốt-Tôma về công lý, một nguyên tắc cho rằng chúng ta nên phân phối cho mỗi người "điều thực sự là của anh ta hoặc của cô ta". Trả lời chỉ trích, Maritain cho rằng không có những quyền như thế, vì chúng không được công nhận một cách phổ quát, bằng cách nhắc nhở độc giả của ông rằng, luật tự nhiên dần dần được công nhận với thời gian thế nào, thì các quyền cũng dần dần được công nhận như thế. Thật vậy, Maritain cho rằng một số quyền căn bản tự nhiên có thể được mọi người công nhận mà không cần phải nhất trí về nền tảng của chúng, và để minh họa điều này, ông chỉ ra thỏa thuận chung về những quyền đó trong Tuyên ngôn chung của Liên hiệp quốc năm 1948 về các Nhân Quyền. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc giải thích thỏa đáng về các nhân quyền đòi hỏi phải có nền tảng trong luật tự nhiên (xem Man and the State, 1951: Ch. IV) —một chủ trương bị nhiều tác giả theo truyền thống Anh-Mỹ bác bỏ, chẳng hạn như Rawls (Clark 2012).

Maritain cho rằng các quyền tự nhiên có tính nền tảng và không thể chuyển nhượng, và có trước trong tự nhiên, và cao hơn xã hội. Tuy thế, không nên hiểu chúng như "tiền thân" theo nghĩa thời gian và không nên dùng chúng làm cơ sở cho nhà nước hoặc luật dân sự. Các quyền đặt cơ sở trên luật tự nhiên, và một cách chuyên biệt trong tương quan với lợi ích chung. Chính điều tốt này, chứ không phải các quyền cá thể, là cơ sở của nhà nước, và chính vì điều này mà Maritain cho rằng có thể có việc sắp xếp phẩm trật cho các quyền này (Man and the State, 1951: 106–7).

Một hệ quả của lý thuyết luật tự nhiên và các quyền tự nhiên của ông là Maritain ủng hộ quan điểm dân chủ và tự do về nhà nước, và lập luận cho một xã hội chính trị vừa duy nhân vị, duy đa nguyên vừa lấy cảm hứng từ Kitô giáo. Ông cho rằng thẩm quyền cai trị bắt nguồn từ người dân - vì người dân có quyền tự nhiên để tự cai trị. Tuy thế, theo tư tưởng của Maritain, điều này nhất quán với việc dấn thân vào Kitô giáo, vì chính các lý tưởng dân chủ được truyền cảm hứng từ niềm tin vào quyền cai trị của Thiên Chúa và nguồn gốc đệ nhất của mọi thẩm quyền là Thiên Chúa (Man and the State, 1951: 127).

Maritain cũng ủng hộ một số lý tưởng tự do, và danh sách các quyền mà ông thừa nhận vượt xa rất nhiều so với nhiều lý thuyết tự do, và bao gồm các quyền của người lao động cũng như quyền của con người và công dân. Đặc biệt, ông là người bảo vệ tự do lương tâm - chứ không chỉ đơn giản là tự do tôn giáo hay tự do thờ phượng – được ông coi là nền tảng cho việc phát triển trọn vẹn nhân cách con người và cho lợi ích chung của xã hội (Sweet 2006, Coulter 2012).

Hơn nữa, lý tưởng về tự do được tìm thấy nơi nhà nước rất gần với lý tưởng mà ngày nay thường được gọi là tự do tích cực — tức là lý tưởng phản ảnh quan điểm coi ngôi vị như là chủ thể tham dự vào lợi ích chung. Với tư cách một chính thể cố gắng cung cấp các điều kiện cho việc thể hiện nhân vị như một cá nhân, chủ thể, do đó, là một thành viên của một cộng đồng trần thế, nó thừa nhận rằng việc các cá nhân sử dụng các thiện ích phải phục vụ thiện ích của mọi người (Integral Humanism, 1936 [1968: 184]), và các cá nhân có thể được yêu cầu phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, trong tình trạng như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị không những là phát ngôn viên cho người dân (Man and the State, 1951: 140), và Maritain thừa nhận rằng họ có thể đại diện cho ‘ý chí tiềm ẩn’ của người dân. Tuy nhiên, mục tiêu của họ — và mục tiêu của nhà nước như một toàn thể — luôn là lợi ích chung. Vì chính các nhóm thiểu số có thể phản ảnh ‘ý chí tiềm ẩn’ này, nên Maritain cũng thừa nhận vai trò quan trọng của các nhóm thiểu số bất đồng chính kiến.

(Maritain không thảo luận chi tiết về chính thể theo mô hình ‘Kitô giáo’ của ông có thể được thực hiện ra sao, nhưng gợi ý rằng nó là chính thể duy nhất đề cao giá trị tinh thần của mỗi ngôi vị và thừa nhận tầm quan trọng của việc cung cấp các phương tiện để thúc đẩy sự phát triển của người ta như một ngôi vị. Nó thừa nhận các dị biệt của lương tâm tôn giáo và bằng cách này có tính đa nguyên trong nền tảng. Maritain tin rằng một chính thể như thế sẽ không những chứng tỏ khoan dung mà còn là tình bạn và tình đồng chí [xem D'Souza 2011, Zunic 2005], và do đó sẽ có sự gắn kết xã hội. Tuy nhiên, liệu nó có thực sự có thể khoan dung tính đa nguyên trong khi vẫn là một cộng đồng thống nhất hay không vẫn là chủ đề của một số cuộc tranh luận [Armor 2005].)

Trong một chính thể lý tưởng như vậy, Maritain tưởng tượng rằng vai trò lãnh đạo sẽ được đảm nhiệm bởi rất nhiều nhóm huynh đệ công dân', được thành lập trên cơ sở tự do, lấy cảm hứng từ các nhân đức Kitô giáo, phản ảnh kỷ luật luân lý và tinh thần, và trong căn bản có tính dân chủ. Mặc dù những nhóm như vậy không nhất thiết phải thực thi quyền lực chính trị, nhưng toàn xã hội sẽ phản ảnh các giá trị Kitô giáo — không những vì các giá trị này là một phần của tôn giáo hoặc đức tin ưu tuyển (một vấn đề mà Maritain sẽ bảo vệ), mà vì các giá trị này là cần thiết cho cộng đồng trần thế. Trong một chính thể như vậy, tất nhiên, người ta sẽ tìm thấy một giáo hội và một nhà nước, mặc dù Maritain sẽ coi chúng như những thực thể hợp tác, với việc nhà nước phụ trách các vấn đề tuy tập trung vào các quan tâm trần thế nhưng vẫn giải quyết các nhu cầu của toàn thể nhân vị, và với việc giáo hội tập trung vào các vấn đề tâm linh.

Có lẽ, hiển nhiên là một chính thể như vậy không thể sống còn trong một quốc gia đơn nhất hiện hữu giữa nhiều quốc gia với những lý tưởng khác nhau, và vì vậy Maritain ủng hộ lý tưởng về một liên bang thế giới gồm các xã hội chính trị (xem Goedert 2010). Dù việc hiện thực hóa một lý tưởng như vậy là điều sẽ xảy ra trong một tương lai xa, Maritain vẫn nghĩ rằng một liên bang như vậy là có thể thực hiện được, miễn là các tiểu bang riêng lẻ vẫn giữ được mức độ tự trị hợp tình hợp lý và có thể tìm thấy những người từ mỗi tiểu bang tự nguyện tách mình ra khỏi lợi ích đặc thù của quê hương họ.

Maritain có ảnh hưởng đáng kể trong việc phát triển và vận động cho Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và triết lý chính trị của ông đã có tác động đáng kể đến các đảng 'Dân chủ Kitô giáo' ở Tây Âu, Chile và Argentina (Saranyana, 1999–2002: 205), cũng như về tư duy lập hiến ở Mỹ Latinh và sau này là ở Canada. Việc bảo vệ các quyền tự nhiên của ông, được phát triển bắt đầu từ cuối những năm 1930 và được cung cấp một cách chi tiết trong Les droits de l'homme et la loi naturelle (1942), được cho là có mặt trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Mỹ Châu về các Quyền và Nghĩa vụ của Con người (đã được thông qua bởi Hội nghị Quốc tế lần thứ IX của các Quốc gia Châu Mỹ, tại Bogotá, Colombia, năm 1948), một tuyên ngôn, đến lượt nó, đã ảnh hưởng đến một số thành viên của Ban soạn thảo của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc. Hơn nữa, không những một số bài viết quan trọng của Maritain đã được Ủy ban soạn thảo đọc trước mà một trong những thành viên chủ chốt của Ủy ban, Charles Malik, đã theo sát tư tưởng chính trị của Maritain về một số khía cạnh. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tuyên ngôn có những song hành chặt chẽ với các quyền được liệt kê trước đó trong Les droits de l'homme et la loi naturelle, và Maritain là người cổ vũ chính cho bản văn bản đó trong khuôn khổ UNESCO, vào năm 1947–48, trước khi nó được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua, và cả trong quá trình phát triển sau này.



Thẩm mỹ học và triết học nghệ thuật

Maritain có niềm yêu thích từ lâu đối với nghệ thuật và các nghệ thuật. Từ một trong những cuốn sách đầu tiên của ông, Art et scolastique [Nghệ thuật và Kinh viện](1920, bản tiếng Anh: Art and Scholasticism), qua tác phẩm đề cập đến họa sĩ Georges Rouault và tác giả Jean Cocteau (Thí dụ, Art and Faith: Letters between Jacques Maritain and Jean Cocteau, 1926 [1948] ), tới Frontières de la poésie (1935, bản tiếng Anh: Art and Poetry), Situation de la poésie [Tình huống Thi ca] (1938, bản tiếng Anh: Situation of Poetry), Creative Intuition in Art and Poetry [Trực giác Sáng tạo trong Nghệ thuật và Thi ca] (1953) và The Responsibility of the Artist [Trách nhiệm của Nghệ sĩ] (1960), người ta thấy sự chú tâm lâu dài dành cho chủ đề, và các tham chiếu đến nghệ thuật xuất hiện xuyên suốt công trình của ông, đặc biệt trong nhận thức luận của ông. Điều này không có gì ngạc nhiên. Vợ của Maritain, Raïssa, là một nhà thơ, và trong số bạn bè và thân quen của ông, Maritain có các họa sĩ Marc Chagall và Georges Rouault, các tác giả Georges Bernanos, Jean Cocteau và Julien Green, và nhà soạn nhạc Arthur Lourié.

Tập chú trước tác của Maritain không phải là lý thuyết thẩm mỹ hay thậm chí là kinh nghiệm thẩm mỹ, mà là nghệ thuật và bản chất của cái đẹp. Maritain tìm cách tham gia vào thế giới nghệ thuật đương thời, nhưng ông cũng chỉ trích phần lớn khoa thẩm mỹ được bao hàm bởi nó; ông đề nghị khám phá các nguyên tắc của nghệ thuật vào thời điểm mà việc nói về các nguyên tắc đó đã trở nên hơi bị nghi ngờ. Sự quen thuộc của ông với nghệ thuật khiến công trình của ông trở nên phù hợp và dễ tiếp cận với những người tham dự vào chúng, và mặc dù tác phẩm ban đầu của ông dựa trên kiến thức của ông về nghệ thuật phương Tây, trong tác phẩm sau này, ông cũng viết về nghệ thuật trong các nền văn hóa châu Á và Ấn Độ.

Về các nghệ thuật, thi ca thường xuất hiện trong các cuộc thảo luận của Maritain về vẻ đẹp và chiêm niệm. Tuy nhiên, định nghĩa của Maritain về 'thơ' rất độc đáo; ông viết, "việc thông đạt qua lại giữa hữu thể bên trong của sự vật và hữu thể bên trong của con người vốn là một kiểu tiên đoán" (Creative Intuition, 1953: 3) - mặc dù một số nhà phê bình vẫn không biết chắc Maritain muốn nói gì với định nghĩa này. Do đó, thông qua thi ca, Maritain cho rằng có thể có một sự chiêm niệm về “hữu thể bên trong của sự vật” và do đó, của vẻ đẹp (Trapani 2011: 163). Do đó, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa việc hiểu hữu thể trong triết học và thi ca (xem Chenet 2012).

Một đặc điểm nổi bật trong cuộc thảo luận của Maritain về nghệ thuật là lời giải thích của ông về nghệ thuật là gì. Đối với Maritain, nghệ thuật là “đức tính của trí hiểu thực tiễn nhằm mục đích tác tạo” (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 13]; Creative Intuition, 1953: 49); như thế, nó là một đức tính tìm thấy nơi các nghệ nhân và nghệ sĩ như nhau (xem Storck 2010). Maritain viết, đức tính hay habitus [tập tính] của nghệ thuật, không chỉ đơn giản là “sự phát triển bên trong của cuộc sống tự phát”, mà còn mang đặc tính trí thức và liên quan đến sự tu dưỡng và rèn luyện. Với tư cách là một đặc điểm của trí hiểu thực tiễn, nghệ thuật không phải là một hoạt động suy luận hay lý thuyết; nó không nhằm nhận thức, mà nhằm làm. Hơn nữa, người ta có thể dạy về nó (Trutty-Coohill 2008). Cuối cùng, Maritain viết rằng việc 'tác tạo' mà nghệ thuật hướng tới là một điều được chính cùng đích của hoạt động đó yêu cầu, chứ không phải sở thích đặc thù của nghệ sĩ.

Theo quan điểm của Maritain, điều phân biệt mỹ thuật với công việc của các nghệ nhân là mỹ thuật chủ yếu quan tâm đến cái đẹp - nghĩa là "điều khi được nhìn thấy sẽ làm hài lòng" (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 23]; Creative Intuition, 1953: 160); quan điểm cổ điển này, một lần nữa được phỏng theo Thánh Tôma, đi ngược lại với một số xu hướng chính của thẩm mỹ học và nghệ thuật kể từ thế kỷ mười tám. Tuy nhiên, Maritain khẳng định rằng quan điểm của ông về vị trí của cái đẹp trong nghệ thuật nhất quán hơn với việc thực hành hoạt động nghệ thuật. Thí dụ, mặc dù một tác phẩm nghệ thuật tự nó là một mục đích, nhưng mục đích tổng quát của nghệ thuật là vẻ đẹp. Như thế, vì nghệ thuật là một đức tính nhằm mục đích tạo tác, để trở thành một nghệ sĩ đòi phải hướng tới việc làm ra những sự vật đẹp đẽ (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 33]).

Vẻ đẹp có thể được tìm thấy trong tự nhiên cũng như trong nghệ thuật. Mặc dù cái đẹp tác động đến con người thông qua các giác quan, và trong khi ý thức về cái đẹp không liên quan đến trừu tượng hóa (cũng như nhận thức trong các khoa học), tuy nhiên, cái đẹp là một đối tượng của trí hiểu. Maritain, theo chân Thánh Tôma, nói rằng vẻ đẹp “làm vui sự hiểu biết”; như thế, việc đánh giá cao nghệ thuật, về phía người thưởng ngoạn, liên quan đến việc đánh thức trí hiểu.

Nghệ thuật có cả chiều kích chủ quan lẫn chiều kích khách quan. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật rõ ràng là hoạt động do một chủ thể thực hiện. Hơn nữa, Maritain thừa nhận rằng vẻ đẹp có tính loại suy - cũng giống như 'tốt'; mọi sự đều tốt theo cách riêng của nó thế nào, thì mọi sự cũng đều đẹp theo cách riêng của nó. Tuy nhiên, vẻ đẹp không phải là một điều gì đó hoàn toàn mang tính chủ quan hay tương đối. Vẻ đẹp - và nói một cách rộng hơn, nghệ thuật - là một điều gì đó liên quan đến tính toàn vẹn, tỷ lệ, sự lộng lẫy hay tính rõ ràng, vốn là các phẩm tính khách quan. Nói rộng hơn, nghệ thuật có mối tương quan với thế giới; nó có thể là đáp ứng với thế giới, nhưng phát biểu của nó cũng được xác định bởi thế giới và bởi chính việc làm. (Điều này cũng giúp đặt các tham vọng và cao ngạo của nghệ sĩ vào viễn ảnh). Sau cùng, vẻ đẹp và nghệ thuật được nối kết với thể tâm linh và kinh nghiệm tâm linh (Creative Intuition, 1953: 178). Với tư cách một hoạt động sáng tạo, nghệ thuật cuối cùng phụ thuộc vào (và Maritain nói rằng nó được "sắp xết cho") Đấng sáng tạo và do đó, mục đích của nó, vẻ đẹp, có mối liên hệ với thể thần linh và với những điều siêu việt là điều tốt, điều đúng và điều thống nhất.

Đặc điểm chủ yếu thứ hai trong quan điểm của Maritain về nghệ thuật là nghệ thuật liên quan đến tự do; các quan điểm của ông ở đây không chỉ phản ảnh siêu hình học của ông, mà còn tác động lên triết lý chính trị của ông nữa. Đối với Maritain, hoạt động nghệ thuật là một phần trong động lực cơ bản của con người để sáng tạo và tác tạo. Điều này đòi hỏi tự do - và do đó, nghệ sĩ phải được tự do. Thật vậy, đối với Maritain, tự do là đặc tính căn bản của con người. Nhưng sự tự do này không phải là tuyệt đối. Maritain nhắc nhở độc giả của mình rằng tự do không phải là buông thả, muốn làm gì thì làm, tùy theo ý muốn của người ta. Tự do dưới mọi hình thức cuối cùng phải tuân theo sự thật và, đối với nghệ sĩ, nó cũng phải tuân theo “những điều kiện tinh thần của việc làm trung thực” (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 4]). Maritain muốn nói rằng hoạt động nghệ thuật tương tự như hoạt động sáng tạo tự do của Thiên Chúa (xem những bức thư của ông gửi Cocteau); nó là "sự tương đồng tự nhiên cao nhất với hoạt động của Thiên Chúa" (Art and Faith, 1926 [1948: 89]).

Dù Maritain bác bỏ sự phụ thuộc của nghệ sĩ vào chính trị và tôn giáo, ông cũng phủ nhận rằng nghệ sĩ chỉ phải trả lời cho chính họ. Ông viết, bản ngã sáng tạo, “tự chết đi cho chính nó để sống trong tác phẩm [của nó]” (Creative Intuition, 1953: 144). Hơn nữa, Maritain viết rằng nghệ thuật 'hoàn thiện' người nghệ sĩ; bằng cách dấn thân vào hoạt động này có một “sự hoàn thiện tinh thần” (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 62]). Như thế, quyền tự do mà Maritain gán cho các nghệ sĩ không phải là một quyền tự do vô luật lệ.

Đặc điểm khác biệt thứ ba trong triết học nghệ thuật của Maritain là giải trình của ông về nhận thức nghệ thuật (hay đôi khi ông gọi là 'thi ca'). Maritain lưu ý sự tập trung vào ý thức bản ngã như một đặc điểm của nghệ thuật từ thời lãng mạn Đức, và ông nhận ra giá trị của nó bao lâu nó thách thức việc nhấn mạnh của một số nghệ sĩ ở thế kỷ 17 tới lý trí và kỹ thuật cơ khí - có lẽ muốn nói tới các nhân vật như Paul Freart de Chantelou. Nhận thức nghệ thuật là một điển hình của điều được Maritain gọi, một cách tổng quát, là nhận thức mặc dù là nhận thức đồng bản nhiên; nó là một loại 'trực giác sáng tạo' phát sinh từ "tính sáng tạo tự do của tinh thần" (Creative Intuition, 1953: 112; Natural Law, 2001: 18; xem Bellusci 2013, Klein 2010). Maritain cũng mô tả hoạt động nghệ thuật như một sự “nắm bắt, bởi nhà thơ, tính chủ quan của chính mình để có thể sáng tạo” (Creative Intuition, 953: 113). Như đã nói trên đây, trong cuộc thảo luận về nhận thức luận của Maritain, nhận thức này thông qua tính đồng bản nhiên tìm thấy ở bình diện trí hiểu tiền thức [preconscious]. Mặc dù nó không mang tính khái niệm và "tối nghĩa" (Creative Intuition, 1953: 18; xem Natural Law, 2001: 18), tuy nhiên, nó là một nhận thức về một "thực tại cụ thể" - dù là một nhận thức “xu hướng về và mở rộng đến vô hạn” (Creative Intuition, 1953: 126).

Các quan điểm của Maritain về nghệ thuật có ảnh hưởng đáng kể đến một số nghệ sĩ, nhà văn và nhà soạn nhạc cùng thời với ông, chứ không chỉ đối với những người đối thoại với ông. Nhà văn người Mỹ, Flannery O’Connor, coi Art and Scholasticism (Nghệ thuật và Chủ nghĩa Kinh viện) là cuốn sách mà cô đã “rút được kinh nghiệm về thẩm mỹ của [mình]” (O'Connor 1979: 216), và nhà văn Canada Morley Callaghan đã nhận xét rằng, vào đầu thế kỷ 20, “Các nghệ sĩ Kitô giáo đã tìm thấy phẩm giá và cuộc phiêu lưu tâm linh mới mẻ” trong tác phẩm của Maritain (Callaghan 1963 [2006: 76]). Mặc dù không còn là trung tâm trong các cuộc tranh luận đương thời về thẩm mỹ, nhưng quan điểm của Maritain vẫn tiếp tục có nhiều khán giả.

Nói tóm lại, theo Sweet, vào thời điểm ông qua đời, Maritain được cho là nhà triết học Công Giáo được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Bề dày công trình triết học của ông, ảnh hưởng của ông trong triết học xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và sự bảo vệ nhiệt tình của ông về nhân quyền đã khiến ông trở thành một trong những nhân vật trung tâm của thời đại. Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều nhân vật, từ Thomas Merton, Yves Simon, và Gabriel Marcel (tuy nhiên, sau này bị ông ghẻ lạnh), đến Saul Alinksy, Martin Luther King, Paul Martin, và Eduardo Frei trong lĩnh vực chính trị, cho đến các nghệ sĩ như Bernanos, Julien Green, và Lourié, và đến các Giáo hoàng Gioan XXII và Phaolô VI (người sau này đã dịch hai cuốn sách của Maritain sang tiếng Ý, và người đã tôn vinh Maritain bằng cách trình bày “Thông điệp gửi Các Tư tưởng gia và Khoa học gia” cho ông vào buổi kết thúc Công đồng Vatican II, năm 1965).

Công trình triết học của Maritain đã được dịch sang khoảng 20 thứ tiếng. Như đã thấy rõ từ những nhận xét trên đây, nó bao gồm nhiều lĩnh vực — mặc dù phần lớn nó được viết cho độc giả tổng quát, hơn là độc giả học thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một số tác phẩm của Maritain mang tính luận chiến và vì phần lớn mối quan tâm của ông (đặc biệt là về lịch sử triết học) là giải quyết các vấn đề triết học và thần học rất chuyên biệt trong thời đại ông, nên các bản văn này có thể có tính cách thời thế.

Di sản lâu dài nhất của Maritain chắc chắn là triết học chính trị và luân lý của ông, và ảnh hưởng công trình của ông đối với các nhân quyền có thể nhìn thấy, không những trong Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc năm 1948 mà còn được khẳng định, trong một số tuyên ngôn quốc gia, chẳng hạn như Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada và lời mở đầu cho Hiến pháp của Đệ tứ Cộng hòa Pháp (1946) — bản cuối cùng này giống như một phản ảnh bức thư dài của Maritain gửi cho người anh hùng chiến tranh của Pháp và sau này là Tổng thống Charles DeGaulle. Chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa nhân vị Kitô giáo của Maritain cũng có ảnh hưởng đáng kể trong các thông điệp xã hội của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và trong tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Điều đáng lưu ý là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các ý tưởng chính trị của Maritain đã được hồi sinh ở Trung và Đông Âu.

Hai lĩnh vực khác mà tư tưởng của Maritain có ảnh hưởng là thẩm mỹ học và triết lý giáo dục của ông. Mặc dù không còn mạnh mẽ như trước, nhưng chúng đặc biệt có ý nghĩa ở châu Mỹ Latinh và châu Phi nói tiếng Pháp từ những năm 1930 cho đến những năm gần đây. Tuy nhiên, công trình của Maritain về nhận thức luận, mặc dù rõ ràng là cần thiết đối với tư tưởng chính trị và tôn giáo cũng như thẩm mỹ học của ông, tuy nhiên, đã không có được sự đón nhận xứng đáng như Maritain từng nghĩ.

Không dễ gì đặt công trình của Maritain trong lịch sử triết học ở thế kỷ XX. Rõ ràng, ảnh hưởng của ông mạnh nhất ở những quốc gia mà triết học của Thánh Tôma có vị trí đáng tự hào. Dù triết học chính trị của ông đã dẫn ông, ít nhất là vào thời ông, đến chỗ được coi là một người theo chủ nghĩa tự do và thậm chí là một nhà dân chủ xã hội, ông tránh xa chủ nghĩa xã hội và, trong Le payan de la Garonne, ông là một người phê phán sớm sủa nhiều cải cách tôn giáo theo sau Công đồng Vatican II. Như thế, người ta dám nói rằng ông bị những người theo chủ nghĩa tự do ngày nay coi là quá bảo thủ, và nhiều người bảo thủ coi ông là quá tự do. Một lần nữa, mặc dù thường được coi là một người theo chủ nghĩa Tôma, nhưng mức độ của ông trong vấn đề này vẫn còn được tranh cãi. Thật vậy, theo Etienne Gilson, ‘thuyết Tôma’ của Maritain thực sự là một nhận thức luận và do đó, hoàn toàn không phải là một thuyết Tôma thực sự. Không có gì ngạc nhiên khi không có quan điểm chung nào về đặc điểm chính xác trong triết học của Maritain.

Tuy nhiên, công trình của Maritain vẫn có ảnh hưởng. Từ năm 1958 đã có Trung tâm Jacques Maritain tại Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ, có các tạp chí dành cho công việc của ông, chẳng hạn như Études maritainiennes / Maritain Studies, Notes et documents, và Cahiers Jacques et Raïssa Maritain, và hiện có khoảng 20 hiệp hội quốc gia họp thường xuyên, ngoài Institut International Jacques Maritain. Việc liên tục quan tâm đến tư tưởng của ông trong thế giới nói tiếng Anh đã dẫn đến việc, vào giữa những năm 1990, Nhà xuất bản Đại học Notre Dame đảm nhiệm việc xuất bản Tuyện tập các Công trình từ các ấn bản tiếng Anh các tác phẩm của Maritain.

Thư mục

Sweet liệt kê các sách và tài liệu thuộc nguồn đệ nhị (không phải công trình của chính Maritain) ông tham khảo như sau

• Acevedo, Alma, 2012, “Personalist Business Ethics and Humanistic Management: Insights from Jacques Maritain”, Journal of Business Ethics, 105(2): 197–219. doi:10.1007/s10551-011-0959-x
• Allard, Jean-Louis, 1978, L’éducation à la liberté ou la philosophie de l’éducation de Jacques Maritain, Ottawa: Éditions de l’Université d’Ottawa.
• –––, 1982, Education for Freedom: The Philosophy of Education of Jacques Maritain, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• –––, 1985, Jacques Maritain, Philosophe dans la cité/ A Philosopher in the World, Ottawa: University of Ottawa Press.
• American Maritain Association, 1981, Selected Papers from the Conference-Seminar on Jacques Maritain’s The Degrees of Knowledge, St. Louis, MO: American Maritain Association.
• Armour, Leslie, 2005, “Escaping Determinate Being: The Political Metaphysics of Jacques Maritain and Charles de Koninck”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 21: 61–96.
• Arraj, James, 2006, “Maritain’s Lost Sequel to The Degrees of Knowledge and the Future of Thomism”, Gregorianum, 87(3): 544–556.
• Barré, Jean-Luc, 1996 [2005], Jacques et Raïssa Maritain, les Mendiants du Ciel, Paris: Stock. English translation: Jacques & Raïssa Maritain: Beggars for Heaven, Bernard E. Doering (trans.), Notre Dame: University of Notre Dame Press, 2005.
• Barreira, Marcelo Martins, 2008, “A função do Entendimento e da Vontade na Contemplação Mística: Sobre o paralelismo entre João da Cruz e Tomás de Aquino”, Revista Portuguesa de Filosofia, 64(1): 545–557.
• Bars, Henry, 1959, Maritain en notre temps, Paris: Bernard Grasset.
• Bellusci, David, 2013, “Jacques Maritain and Poetic Intuition”, Maritain Studies / Etudes maritainiennes, 29: 40–52.
• Boas, George, 1952, “Review of The Philosophy of Nature”, The Journal of Philosophy, 49(7): 247–252. doi:10.2307/2021495
• Bonaventure of Bagnoregio, St., 1259 [1938, 2002], Itinerarium Mentis in Deum [Tria opuscula Seraphici Doctoris S. Bonaventurae. Breviloquium, Itinerarium mentis in Deum, et De reductione artium ad theologiam, The Fathers of the Collegii S. Bonaventura (eds.), Florence: Quaracchi, 1938; Journey of the Soul into God, Zachary Hayes, OFM, and Philotheus Boehner, OFM (trans.), St. Bonaventure, NY, Franciscan Institute Publications, 2002.
• Caldera, Rafael-Tomás, 1980, Le jugement par inclination chez Saint Thomas d’Aquin, Paris: Vrin.
• Callaghan, Morley, 1963, That Summer in Paris; Memories of Tangled Friendships with Hemingway, Fitzgerald, and Some Others, New York,: Coward-McCann. Toronto: Exile Editions, 2006.
• Campana, Gilberto, 2002, “Un testo di Maritain su Spinoza”, Aquinas, 45(1): 105–133.
• Carlson, John W., 2012, Understanding Our Being, Washington: Catholic University of America Press.
• Chenaux, Philippe, 1999, Entre Maurras et Maritain, Une génération intellectuelle catholique (1920–1930), Paris: Cerf.
• Chenet, François, 2012, “Métaphysique et poésie: une admirable concordia discors?”, Revue Philosophique de la France et de l’Etranger, 202(1): 15–28.
• Clark, Meghan J., 2012, “Reasoned Agreement versus Practical Reasonableness: Grounding Human Rights in Maritain and Rawls”, Heythrop Journal, 53(4): 637–648. doi:10.1111/j.1468-2265.2009.00557.x
• Contat, Alain, 2008, “Le figure della differenza ontologica nel tomismo del Novecento (seconda parte)”, Alpha Omega: Rivista di Filosofia e Teologia dell’Ateneo Pontificio Regina Apostolorum , 11(2): 213–250.
• Compagnon, Olivier, 2003, Jacques Maritain et l’Amérique du Sud. Le modèle malgré lui, Villeneuve d’Ascq: Presses universitaires du Septentrion.
• Coulter, Gregory J., 2012, “Maritain on tolerance and religion”, Science et esprit, 64(2): 217–227.
• Croteau, Jacques, 1950, Les fondements thomistes du personnalisme de Maritain, Ottawa: Éditions de l’Université d’Ottawa.
• D’Souza, Mario, 2000, “Intellectual Unity, Intellectual Virtues, and Intellectual Culture”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 16: 59–70.
• –––, 2008, “The Person, Natural Law, and the Good of Pluralist Societies: Some Thoughts from Maritain’s Political Philosophy”, Maritain Studies / Etudes maritainiennes, 24: 3–18.
• –––, 2011, “Being, Becoming, and the Philosophical Transformation of the Self”, Philosophy, Culture, and Traditions, 7: 51–61.
• Daly, Mary F., 1966, Natural Knowledge of God in the Philosophy of Jacques Maritain, Rome: Officium Libri Catholici-Catholic Book Agency.
• Daujat, Jean, 1978, Maritain: Un maître pour notre temps, Paris: Téqui.
• De Tavernier, Johan, 2009, “The Historical Roots of Personalism: From Renouvier’s Le Personnalisme, Mounier’s Manifeste au service du personnalisme and Maritain’s Humanisme intégral to Janssens’ Personne et Société”, Ethical Perspectives: Journal of the European Ethics Network, 16(3): 361–392.
• Deely, John, 1997, “Quid Sit Postmodernismus?”,, in Postmodernism and Christian Philosophy, Roman T. Ciapalo (ed.), Washington, DC: Catholic University of America Press/American Maritain Association, pp. 68–96.
• Delfino, Robert A., 2002, “Mystical Theology in Aquinas and Maritain” in Ollivant 2002: 253–268. [Delfino 2002 available online (pdf)]
• Dennehy, Raymond 2003, “Maritain’s Reply to Gilson’s Rejection of Critical Realism”, in A Thomistic Tapestry: Essays in Memory of Etienne Gilson, Peter A. Redpath (ed.), New York: Rodopi, pp. 57–80.
• Dewan, Lawrence, 2009, “St. Thomas and the Perennial Need for Renewal in Metaphysics”, Science et esprit, 61(1): 5–17.
• –––, 2010, “The Foundations of Human Rights”, Science et esprit, 62(2–3): 227–236.
• DiJoseph, John, 1996, Jacques Maritain and the Moral Foundation of Democracy, Lanham, MD: Rowman & Littlefield.
• Doering, Bernard, 1983, Jacques Maritain and the French Catholic Intellectuals, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• ––– (ed.), 1994, The Philosopher and the Provocateur: The Correspondence of Jacques Maritain and Saul Alinsky, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• Dougherty, Jude P., 2003, Jacques Maritain: An Intellectual Profile, Washington DC, Catholic University of America Press.
• Doyle, Dominic, 2009, “Retrieving the Hope of Christian Humanism: A Thomistic Reflection on Charles Taylor and Nicholas Boyle”, Gregorianum, 90(4): 699–722.
• Dunaway, John M., 1978, Jacques Maritain, Boston: Twayne Publishers.
• Eco, Umberto, 1961, Storiografia Medievale ed Estetica Teorica Appunti Metodologici su Jacques Maritain, Turin: Edizioni di “Filosofia”.
• Evans, Joseph W. (ed.), 1963, Jacques Maritain: The Man and His Achievement, New York: Sheed and Ward.
• –––, 1973, “Jacques Maritain (1882–1973): A Biographical Memoir”, Proceedings of the National Academy of Education, 5: 92–127.
• Fallon, Robert, 2002, “Composing Subjectivity: Maritain’s Poetic Knowledge in Stravinsky and Messiaen”, in Ollivant 2002: 284–302. [Fallon 2002 available online (pdf)]
• Fecher, Charles A., 1953, The Philosophy of Jacques Maritain, Westminster, MD: Newman Press.
• FitzGerald, Desmond J. “Maritain and Gilson on Painting”, in Beauty, Art, and the Polis, Alice Ramos (ed.), Washington, DC: Catholic University of America Press, 2000, pp. 190–199.
• Floucat, Yves, 1983, Pour une philosophie chrétienne: éléments d’un débat fondamental, Paris: Téqui.
• –––, 1996, Jacques Maritain ou la fidélité à l’éternel, Paris: FAC Editions.
• Fornasier, Roberto, 2010, Jacques Maritain ambasciatore. La Francia, la Santa Sede e i problemi del dopoguerra, Roma: Edizioni Studium.
• Gallagher, Donald and Idella Gallager, 1962, The Achievement of Jacques and Raissa Maritain: A Bibliography, New York: Doubleday and Co..
• Goedert, Georges, 2010, “Die Idee einer politischen Welteinheit: ein philosophisches Projekt von Jacques Maritain”, Perspektiven der Philosophie, Neues Jahrbuch, 36: 277–304.
• Gwozdz, Thomas L., 2010, “Young and Restless: Jacques Maritain and Henri Bergson”, American Catholic Philosophical Quarterly, 84(3): 549–564. doi:10.5840/acpq201084336
• Hubert, Bernard and Yves Floucat (eds), 1991, Jacques Maritain et ses contemporains, Paris: Desclée.
• Hudson, Deal W. and Matthew J. Mancini (eds), 1987, Understanding Maritain: Philosopher and Friend, Macon, GA: Mercer University Press.
• Institut International Jacques Maritain, 1984, Droits des peuples, Droits de l’homme, Paris: Éditions du Centurion.
• Jimenez Berguecio, Julio, S.J., 1948, La ortodoxia de Jacques Maritain, ante un ataque recente, Talca, Chile: Libreria Cervantes.
• Jung, Hwa Yol, 1960, The Foundation of Jacques Maritain’s Political Philosophy, Gainesville, FL: University of Florida Press.
• Killoran, John, 2000, “Approaches to Wisdom: Newman and Maritain on the University”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 16: 131–144
• Kinsella, Noel A., 2012, “Le service public dans ses pas: Considérations philosophiques sur la foi et le service public”, Science et esprit, 64(2): 143–156.
• Klassen, David J., 2011, “Integral Humanism or Exclusive Humanism? Reconsidering Maritain’s Political Philosophy”, Philosophy, Culture, and Traditions, 7: 87–101.
• Klein, Terrance W., 2010, “The Art of Knowing”, Heythrop Journal, 51(1): 60–72. doi:10.1111/j.1468-2265.2009.00535.x
• Knasas, John F.X. (ed.), 1988, Jacques Maritain: The Man and his Metaphysics, (Maritain Studies / Études maritainiennes, 4), Mishawaka, IN: American Maritain Association.
• –––, 1992, “Gilson vs. Maritain: The Start of Thomistic Metaphysics”, The Future of Thomism, Deal Hudson and Dennis Moran (eds.), Mishawaka, IN: American Maritain Association/Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• Kraal, Anders, 2013, “The Emergence of Logical Formalization in the Philosophy of Religion: Genesis, Crisis, and Rehabilitation”, History and Philosophy of Logic, 34(4): 351–366. doi:10.1080/01445340.2013.808805
• Lardinois, Roland, 2017, Scholars and Prophets: Sociology of India from France in the 19th-20th Centuries, London: Routledge.
• Malquori, Diego, 2009, “Science et philosophie: Sobre la concepció epistemològica de Jacques Maritain”, Comprendre: Revista Catalana de Filosofia, 11(1): 31–45. [Malquori 2009 available online]
• Mathias, R., 2001, “Exploring the New Classicism: Reflections on Stravinsky and Maritain c. 1920–1940”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 17 (2001): 79–86.
• McCool, Gerald A., 1989, Nineteenth-century Scholasticism: The Search for a Unitary Method, New York: Fordham University Press.
• McInerny, Ralph, 1988, Art and Prudence: Studies in the Thought of Jacques Maritain, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• –––, 2003, The Very Rich Hours of Jacques Maritain, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• Michener, Norah Willis, 1955, Maritain on the Nature of Man in a Christian Democracy, Hull (Canada): Éditions “L’Eclair”.
• Minkiel, Stephen J., C.M. (ed.), 1981, Jacques Maritain: The Man for Our Times, Erie, PA: Gannon University Press.
• Muñoz, Ceferino P.D., 2012, “En torno a dos lecturas posibles sobre el conocimiento de las esencias en Tomas de Aquino”, Topicos: Revista de Filosofia (Mexico), 43: 123–151.
• Nelson, Ralph C., 2007, Two Masters, Two Perspectives: Maritain and Gilson on the Philosophy of Nature, Washington DC: Catholic University of America Press.
• Nielsen, Kai, 1959 [1991], “An Examination of the Thomistic Theory of Natural [Moral] Law”, Natural Law Forum, paper 39, 4: 44–71; reprinted in his God and the Grounding of Morality, Ottawa, ON: University of Ottawa Press, 1991, ch. 3, pp. 41–68. [Nielsen 1959 available online]
• Nottingham, William J., 1968, Christian Faith and Secular Action: An Introduction to the Life and Thought of Jacques Maritain, St. Louis, MO: The Bethany Press.
• O’Connor, Flannery, 1979, The Habit of Being: Letters, New York: Farrar, Straus, and Giroux.
• Ollivant, Douglas A. (ed.), 2002, Jacques Maritain and the Many Ways of Knowing, Washington DC: Catholic University of America Press. [Ollivant 2002 available online]
• Papini, Roberto (ed.), 1978, Jacques Maritain e la Società Contemporanea, Milan: Massimo.
• ––– (ed.), 1981, L’Apporto del Personalismo alla Costruzione dell’ Europa, Milan: Massimo.
• Possenti, Vittorio (ed.), 1978, Maritain e Marx, Milan: Massimo.
• ––– (ed.), 1983, Jacques Maritain: Oggi, Milan: Vita e Pensiero.
• –––, 1985, “Philosophie du droit et loi naturelle selon Jacques Maritain”, in Jacques Maritain: philosophe dans la cité / a philosopher in the world, Jean-Louis Allard (ed.), Ottawa: University of Ottawa Press, pp. 313–326.
• Possenti Ghiglia, Nora, 2000 [2006], I tre Maritain. La presenza di Vera nel mondo di Jacques e Raïssa, Milano: Àncora. French translation: Les trois Maritain: La présence de Véra dans le monde de Jacques et Raïssa, René Mougel and Dominique Mougel (trans.), Parole et Silence, 2006.
• Prouvost, Géry, 1991a, Catholicité de l’intelligence métaphysique: La philosophie dans la foi selon Jacques Maritain, Paris: Pierre Téqui.
• –––, 1991b, Étienne Gilson-Jacques Maritain: Correspondance 1923–1971, Paris: Librairie Philosophique J. Vrin.
• Ramsey, Paul, 1962, Nine Modern Moralists, Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.
• Redpath, Peter A. (ed.), 1990, From Twilight to Dawn: The Cultural Vision of Jacques Maritain, Mishawaka, IN: American Maritain Association.
• Saranyana, Josep-Ignaci, et al., 1999–2002, Teología en América Latina, Madrid: Iberoamericana.
• Schmitz, Kenneth L., 2000, “Jacques Maritain and Karol Wojtyla: Approaches to Modernity”, in The Bases of Ethics, William Sweet (ed.), Milwaukee, WI: Marquette University Press.
• Schultz, Walter James, 2001, “The Eclipse of the Person in Postmodern Iconography”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 17: 87–102.
• –––, 2005, “Freedom for Friendship: Maritain’s Christian Personalist Perspective on Global Democracy and the New World Order”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 21: 3–31.
• Storck, Michael, 2010, “The Meaning of the Word Art: A Neothomistic Investigation”, Proceedings of the American Catholic Philosophical Association, 84: 263–273. doi:10.5840/acpaproc20108421
• Sweet, William, 1998, “Persons, Precepts, and Maritain’s Account of the Universality of Natural Law”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 14: 141–165.
• –––, 2006, “Jacques Maritain and Freedom of Conscience”, Journal of Dharma, 31(1): 29–43.
• Thomas Aquinas, St., 1265–74 [2006], Summa Theologiae [Summary of Theology], Thomas Gilby O.P., et. alii (eds.), Cambridge: Cambridge University Press.
• Torre, Michael D. (ed.), 1990, Freedom in the Modern World: Jacques Maritain, Yves R. Simon, Mortimer J. Adler, Mishawaka, IN: American Maritain Association.
• Torończak, Edward, 2008, “Filozoficzno: Pedagogiczne implikacje wyboru podstawowego czlowieka” (in Polish), Studia Philosophiae Christianae, 44(1): 176–191.
• Trapani Jr, John G., 2011, Poetry, Beauty, and Contemplation: The Complete Aesthetics of Jacques Maritain, Washington, DC: Catholic University of America Press.
• Trutty-Coohill, Patricia, 2008, “Can Art Be Taught?”, in Education in Human Creative Existential Planning, (Analecta Husserliana, 95), Anna-Teresa Tymieniecka (ed.), pp. 123–134. doi:10.1007/978-1-4020-6302-2_11
• Veatch, Henry B., 1990, “Preliminary Statement of Apology, Analysis, and Critique”, Leonard A. Kennedy (ed.), Thomistic Papers IV, Houston: Center for Thomistic Studies, 1990, pp. 5–63.
• Vitoria, María Angeles, 2011, “La relación entre filosofía y ciencias en Jacques Maritain: Implicaciones del quehacer científico”, Topicos: Revista de Filosofia (Mexico), 40: 171–193. doi:10.21555/top.v40i1.90
• Wippel, John F., 2014, “Maritain and Aquinas on Our Discovery of Being”, Studia Gilsoniana: A Journal of Classical Philosophy, 3: 415–443. [Wippel 2014 available online]
• Zunic, Nikolaj, 2005, “Maritain on Human Fellowship and the Evil of Genocide”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 21: 97–121.

Kỳ tới: Thuyết nhân vị của Jacques Maritain và Emmanuel Mounier
 
VietCatholic TV
Diễn biến mới nhất quanh vụ ám sát Dugin. Kyiv không liên can. Thua Ukraine nội bộ thanh toán nhau.
VietCatholic Media
03:37 22/08/2022
Biết đã thua Ukraine, phe chủ hòa khử Dugin để đàm phán hòa bình. Kyiv không liên can đến vụ ám sát



1. Chính phủ Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom đêm thứ Bảy khiến con gái của quân sư chiến tranh của Vladimir Putin thiệt mạng.

Daria Dugina, 30 tuổi, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở ngoại ô Mạc Tư Khoa. Cô ấy là con gái Alexander Dugin, một người được mô tả như một quân sư chiến tranh, một “nhà tư tưởng” và là nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin. Mặc dù chưa được xác nhận vào thời điểm này, người ta nghi ngờ rằng quả bom được dành cho chính Dugin, vì nó nhắm vào xe của anh ta.

Sau khi vụ việc xảy ra, các quan chức Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của Daria. Là một phần trong mạng lưới các tuyên truyền viên chính cho Putin trong thập kỷ qua, Dugin cũng được coi là một trong những kiến trúc sư chính của cuộc xâm lược Ukraine của đất nước.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh United News của Ukraine: “Ukraine chắc chắn không liên quan gì đến việc này, bởi vì chúng ta không phải là một quốc gia tội phạm. Và hơn thế nữa, chúng ta không phải là một quốc gia khủng bố.”

Ông Podolyak tuyên bố thêm rằng Nga đang cố gắng leo thang căng thẳng với Ukraine để biện minh cho một đợt triển khai quân sự lớn hơn, rõ ràng hơn. Ông cũng tuyên bố rằng vụ đánh bom có thể liên quan đến xung đột giữa các nhóm ở Nga có quan điểm chính trị và ý thức hệ khác nhau.

Giống như cha mình, Daria cũng là một phần trong mạng lưới các tuyên truyền viên chính cho Putin, cô duy trì một tài khoản Telegram mà cô sử dụng để lên tiếng ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine. Vào tối thứ Bảy, Daria được tường trình đang tham dự một lễ hội với cha cô và đã sử dụng xe của ông khi quả bom phát nổ.

Chi nhánh Ủy ban Điều tra của Nga tại Mạc Tư Khoa cho biết, cuộc điều tra về vụ việc đang diễn ra, với cái chết của Daria được coi là vụ giết người và các bằng chứng pháp y đang được xem xét. Mặc dù thiếu thông tin, một số nhân vật truyền thông Nga, như Margarita Simonyan, tổng biên tập của RT, đã kêu gọi các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào “các trung tâm ra quyết định” ở Ukraine và trên thế giới.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

2. Alexander Dugin biết rõ ai là kẻ muốn lấy mạng mình.

Alexander Dugin, quân sư chiến lược chiến tranh của Putin đã chứng kiến đống đổ nát của một quả bom xe hơi dành cho ông ta nhưng đã giết chết con gái ông vì hai người đổi phương tiện vào phút cuối.

Dugin, một trùm phát xít khét tiếng và là một tay cực đoan, đang nằm bệnh viện sau khi được nhìn thấy tại hiện trường vụ nổ giết chết cô con gái ở độ tuổi 30 của ông ta, là Daria Dugina. Nhiều người giải thích lý do Alexander Dugin phải nằm bệnh viện là vì ông ta biết rõ ai là người muốn giết mình và trong khoảng khắc không nghĩ ra một chỗ nào an toàn hơn là trong một bệnh viện lúc nào cũng có người.

Ông ta đang đi trên đường cao tốc gần Bolshiye Vyazyomy ngay bên ngoài thủ đô vào tối thứ Bảy - nhưng quyết định đi bằng một chiếc xe khác với con gái mình, và vì thế may mắn tránh được cái chết một cách tình cờ.

Những người ủng hộ thân cận nhất của Vladimir Putin đã yêu cầu báo thù Ukraine vì vụ 'ám sát' Daria Dugina, con gái của vị quân sư chiến lược của nhà lãnh đạo Nga, là người đã chết thay cho ông.

Chiếc xe chìm trong một quả cầu lửa khi xe cứu hỏa của dịch vụ khẩn cấp hú còi bay đến. Các báo cáo cho biết cô đã chết ngay tại chỗ.

Daria Dugina là một nhà phân tích chính trị và biên tập viên của tạp chí United World International ủng hộ Putin và là tác giả chung của một cuốn sách về cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

Cha của cô là tác giả của một quan điểm cực hữu về vai trò của Nga trên thế giới.

Andrey Krasnov, người đứng đầu phong trào xã hội Russian Horizon và là bạn thân của người phụ nữ đã chết, cho biết: 'Tôi quen biết thân tình với Daria’.

“Đây là phương tiện của cha Daria… hôm nay cô đã lấy xe của ông ấy, trong khi Alexander đi theo một con đường khác. Ông ấy đã quay trở lại, và đang ở nơi xảy ra thảm kịch”.

“Theo như tôi hiểu, Alexander hoặc có lẽ cả hai đều là mục tiêu.”

Không có bằng chứng trực tiếp Ukraine hoặc các điệp viên của họ tham gia vào cuộc tấn công ở Mạc Tư Khoa, nhưng các phương tiện truyền thông ủng hộ chiến tranh đã nhanh chóng yêu cầu một cuộc tấn công toàn diện vào Kyiv vì cáo buộc ám sát.

Margarita Simonyan, người đứng đầu mạng lưới 'tuyên truyền' RT, đăng trên Telegram: 'Các trung tâm ra quyết định! Các trung tâm ra quyết định !! Các trung tâm ra quyết định !!! '

Lời kêu gọi của bà lặp lại yêu cầu từ những người theo đường lối cứng rắn trung thành với Putin muốn ông ta tàn phá Kyiv, London, Washington DC bằng các cuộc tấn công hỏa tiễn lớn.

Nhà báo tuyên truyền Maxim Kononenko đã nhắn tin: 'Địa chỉ tòa nhà chính của SBU tức là cơ quan mật vụ Ukraine: Volodymyrska 33, Kyiv. Tôi sẽ cố gắng ngủ ngay bây giờ, và khi tôi thức dậy, tôi hy vọng sẽ đọc được tin tức rằng nó đã bị đánh bom cùng với các tầng hầm của nó. '

Cũng có những cảnh báo rằng những nhà tuyên truyền ủng hộ Putin khác có thể gặp nguy hiểm.

Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một nhà nước bù nhìn thân Mạc Tư Khoa ở miền đông Ukraine, đã đăng: 'Những kẻ khủng bố của chế độ Ukraine, cố gắng loại bỏ Alexander Dugin đã cho nổ tung con gái ông ta... trong một chiếc xe hơi. Kỉ niệm đẹp về Daria, cô ấy là một cô gái Nga thực sự. '

Ông trực tiếp đổ lỗi cho 'những kẻ khủng bố của chế độ Ukraine'.

Dugina được mô tả là 'một phụ nữ trẻ, thông minh, xinh đẹp và vô cùng tài năng và đa cảm'.

Dugin từ lâu đã mơ về một nước Nga bành trướng, ủng hộ sự cai trị của Nga 'từ Dublin đến Vladisvostok' trong cuốn sách Nền tảng địa chính trị năm 1997 của ông. Ông từng nói việc không giành lại quyền kiểm soát Ukraine sẽ là 'một mối nguy hiểm to lớn cho toàn bộ Âu-Á' - trước khi ông bị Mỹ trừng phạt vào năm 2015 sau cáo buộc tuyển dụng các chiến binh cho các lực lượng do Nga hậu thuẫn ở nước này.

Con gái ông, Daria cũng bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt sau khi cô trở thành tổng biên tập của trang web United World International - thuộc sở hữu của Yevgeny Prigozhin.

Tin tức về vụ ám sát Alexander Dugin được đưa ra sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze tấn công trụ sở Hải quân Nga ở Crimea và gây ra một vụ nổ lớn hôm thứ Bảy

3. Ukraine chỉ trích 'Ngôn ngữ diệt chủng' của Đại sứ Nga và cáo buộc ông ta muốn đưa ra 'Giải pháp cuối cùng'

Các quan chức Ukraine đã lên tiếng chỉ trích đại sứ Nga tại Âu Châu vào hôm thứ Bảy vì ngôn ngữ có sắc mầu “diệt chủng” của ông ta.

Mikhail Ulyanov, Đại diện Thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế tại Vienna, đã gây ra sự phản đối kịch liệt trong một tweet đã bị xóa. Đáp lại một dòng tweet khác từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về gói viện trợ quân sự trị giá 775 triệu USD từ Mỹ, Ulyanov viết: “Đừng ai thương xót người dân Ukraine!”

Đáp lại, Oleg Nikolenko, đại diện của Bộ Ngoại giao Ukraine, kêu gọi trục xuất Ulyanov khỏi Áo và nói rằng những lời nói của ông ta đang cổ súy cho tội ác diệt chủng.

“Đại sứ Nga Mikhail Ulyanov đang kêu gọi xóa bỏ quốc gia Ukraine,” Nikolenko viết, cùng với ảnh chụp màn hình của dòng tweet gốc đã bị xóa. “Ngôn ngữ diệt chủng này không được dung thứ. Chúng tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng ngoại giao ở Vienna tẩy chay Ulyanov, và nước Áo chủ nhà hãy tuyên bố ông ta là persona non grata, tức là người không được hoan nghênh”.

Một quan chức Ukraine khác, Mykhailo Podoliak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng Zelenskiy, cũng tham gia cùng Nikolenko khi chê bai ngôn ngữ của vị đại sứ, ví nó như một lời kêu gọi về một “giải pháp cuối cùng”, theo cách Đức Quốc xã đối xử với người Do Thái trong Thế chiến thứ hai..

“Đại sứ Nga tại Áo Ulyanov tuyên bố sự cần thiết phải có ‘giải pháp cuối cùng’ cho vấn đề Ukraine và kêu gọi diệt chủng”, Podoliak viết trong một tuyên bố “Một lần nữa câu nói thường được nghe ở Âu Châu rằng 'Không phải tất cả người Nga nào cũng đều giống Putin'... Đã đến lúc phải hiểu rằng Nước Nga là một trục phát xít bao gồm hàng triệu người.”

Trong một loạt các tweet tiếp theo sau khi xóa phản hồi ban đầu bị lên án, Ulyanov tuyên bố rằng thông điệp của anh ta đã bị hiểu sai là ủng hộ cho tội ác diệt chủng. Ông nói rằng dòng tweet này có ý nói rằng các nhà lãnh đạo Ukraine, những người đã bác bỏ các điều khoản của Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình và Mỹ, cũng như những người tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, không có lòng thương xót đối với người dân Ukraine trong việc kéo dài xung đột.

Nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã bị phá vỡ trong vài tháng qua. Trong số các điểm khác, sự đổ vỡ này thường xảy ra do Ukraine từ chối nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga, ngay cả những lãnh thổ hiện đang bị Nga chiếm đóng hoàn toàn.

Phát biểu với Newsweek hồi đầu tháng 8, nhà sử học Eugene Finkel cho rằng các bằng chứng hiện có chỉ ra rằng Nga đã phạm tội diệt chủng ở Ukraine.

“Tôi thực sự tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta đang đối phó với một cuộc diệt chủng. Đối với tôi, với tư cách là một nhà quan sát bên ngoài nhưng có nhiều thông tin, thời điểm xảy ra vào sáng ngày hôm qua đã là quá đủ”, Finkel nói, khi đề cập đến các báo cáo rằng các lực lượng Nga được cho là đã giết khoảng 400 cư dân vùng Bucha ở Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để đưa ra bình luận.

4. Vụ ám sát Alexander Dugin là một cuộc đảo chính trong nội bộ của Putin

Vòng trong của PUTIN đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi con gái của kẻ chủ mưu đằng sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin bị giết trong một vụ đánh bom xe hơi.

Cả các phần tử nham hiểm trong cơ quan an ninh Nga và các chiến binh kháng chiến muốn lật đổ chế độ là những nghi phạm trong vụ ám sát Darya Dugina, 30 tuổi ở Mạc Tư Khoa.

Alexander Dugin, sinh ngày 7 tháng Giêng năm 1962, mới hơn 60 tuổi nhưng bắt chước Rasputin để râu dài nên trông già hơn tuổi thật của ông ta. Rasputin là một nhà thần bí và là quân sư cho Nicholas Đệ Nhị, hoàng đế cuối cùng của Nga. Cũng như Rasputin, Alexander Dugin là quân sư cho Putin và được biết đến với biệt danh “bộ não của Putin”. Chỉ biệt danh của ông ta cũng đủ cho thấy tầm ảnh hưởng của Dugin đối với thế giới quan và chiến lược của Putin.

Dugin là người sáng lập phong trào tư tưởng ‘Chủ nghĩa Tân Á Âu’ và hoạt động chính trị của ông là nhằm tạo ra một siêu cường Á-Âu thông qua sự hợp nhất của Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ để hình thành một Liên minh Á-Âu mới. Dugin được tường trình là một người theo ý thức hệ phân biệt chủng tộc một cách sâu nặng đến mức được gọi là tên đồ tể giết hại người Ukraine. Dugin là người đã khởi xướng và là kiến trúc sư cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Quân sư và là đồng minh chính trị thân cận nhất của Putin đã thoát chết sau khi đổi xe vào phút cuối cùng tối thứ Bảy vừa qua.

Vụ sát hại đã gây chấn động giới tinh hoa Điện Cẩm Linh và làm dấy lên sự tức giận trên các phương tiện truyền thông ủng hộ Putin, đi kèm với đòi hỏi phải có các cuộc tấn công hạt nhân chống lại Ukraine và phương Tây.

Tuy nhiên, ít người tin rằng Kyiv đã ra lệnh tấn công Dugin. Ngay cả nhiều người Nga cũng nghĩ rằng vụ ám sát này xuất phát từ các phe phái bên trong nội bộ của Putin, và không loại trừ khả năng chính Putin đã ra lệnh giết Dugin.

Biến cố ám sát kinh hoàng này diễn ra trong bối cảnh sức khỏe của Putin đang “xấu đi đáng kể” và ông ấy đang thất bại về mặt chiến lược khi đối mặt với thất bại ở Ukraine.

Các nhà điều tra Mạc Tư Khoa hôm nay xác nhận một thiết bị nổ đã được gài dưới chiếc Toyota Land Cruiser Prado mà cô gái xấu số đang lái.

Hai cha con đã trở về từ một lễ hội “Truyền thống” và dự định sẽ đi trên cùng một chiếc xe, trước khi người đàn ông 60 tuổi này nhảy lên một chiếc khác vào phút cuối.

Các phương tiện truyền thông Nga đã chiếu cảnh Dugin đang ôm đầu tuyệt vọng khi chứng kiến chiếc xe của Darya bốc cháy. Ông ta sau đó đã được đưa đến bệnh viện.

Các tay chân của Putin kêu gọi Nga trả thù các quan chức ở Kyiv để khẳng định vị thế ưu việt của họ.

Chế độ bù nhìn Nga ở Donetsk bị chiếm đóng cho biết “những kẻ khủng bố của chế độ Ukraine” đứng sau vụ nổ. Tuy nhiên, đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh đã phủ nhận trách nhiệm.

Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ ám sát được thiết kế để đe dọa những người trung thành với Putin như Dugin, là người được tường trình là kiến trúc sư của cuộc chiến Ukraine.

Và nó làm dấy lên lo ngại trong số các tướng lĩnh hàng đầu của Tổng thống rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo.

Giờ đây, sự hoang mang đã bùng lên trong số vào những tay sai trung thành của Putin trong bối cảnh có tin đồn các nhân viên an ninh muốn lật đổ kẻ độc tài khỏi quyền lực.

Người ta tin rằng các phần tử trong cơ quan gián điệp FSB của Putin có thể đã dàn dựng cuộc tấn công vào xe của Dugin.

Nhà sử học người Nga, Tiến sĩ Yuri Felshtinsky cho biết quả bom xe hơi “rất có thể là một phần của cuộc xung đột nội bộ của Nga” và được ra lệnh bởi những người có lợi ích trong việc loại bỏ Dugin”.

Ông nói với tờ The Daily Beast: “Việc cho nổ tung chiếc xe của trùm phát xít Nga nổi tiếng và là nhà tư tưởng của chế độ Putin, Alexander Dugin, dường như được tổ chức bởi các cơ quan an ninh Nga.”

“Các đơn vị đặc nhiệm của Ukraine, đang vất vả tham gia vào một trận chiến tàn khốc với kẻ xâm lược trên lãnh thổ Ukraine, khó có thể cử các đặc vụ của họ đến Mạc Tư Khoa để tổ chức các cuộc tấn công khủng bố ở đó.”

Nhà sử học mô tả Dugin là một “nhân vật đáng ghét trong phong trào dân tộc chủ nghĩa Nga” với các mối quan hệ quốc tế lớn.

Và anh ta ám chỉ rằng sự giàu có và quyền lực của Dugin, mà ông gọi là “Rasputin của Putin”, có thể khiến anh ta trở thành mục tiêu tấn công của một số người Nga.

Các chuyên gia khác đưa ra khả năng rằng chính Putin có thể đã ra lệnh tấn công Dugin sau khi đối mặt với những lời chỉ trích vì đã thất bại ở Ukraine. Putin có thể căm phẫn Dugin vì đã hiến kế xâm lược Ukraine khiến ngày nay ông ta đến bước đường cùng. Putin cũng có thể muốn Dugin phải chết để trút tất cả trách nhiệm của cuộc chiến tồi tệ này lên đầu thây ma Dugin.

Trong khi đó, một cựu thành viên của Quốc hội Duma bị trục xuất vì các hoạt động chống Điện Cẩm Linh lặp lại những nghi ngờ về xung đột nội bộ, nhưng cho rằng đây là kết quả của các nhóm “kháng chiến”.

Ilya Ponomarev, hiện đã chạy sang phía Ukraine, tuyên bố vụ nổ là công của Quân đội Cộng hòa Quốc gia, những người mà ông tuyên bố đang lên kế hoạch cho sự sụp đổ của Putin.

Ông nói đến tuyên ngôn đầy đe dọa của họ thề sẽ “hạ bệ và tiêu diệt” nhà lãnh đạo khát máu và hiếu chiến.

Ponomarev cũng cho rằng Quân đội Cộng hòa Quốc gia đang âm mưu các cuộc tấn công tương tự nhằm vào những người Nga cấp cao khác, bao gồm các nhà tài phiệt và chính trị gia.

Ông nói thêm: “Một sự kiện quan trọng đã diễn ra gần Mạc Tư Khoa vào đêm qua. Cuộc tấn công này mở ra một trang mới trong cuộc kháng chiến của người Nga với chủ nghĩa Putin.

“Mới - nhưng không phải là cuối cùng.”

Những người đấu tranh cho tự do muốn giải phóng đất nước của họ khỏi chế độ hà khắc của bạo chúa và cũng không sợ hãi khi đối đầu với “đồng bọn” của hắn.

Abbas Gallyamov, cựu phát ngôn nhân và nhà phân tích chính trị của Putin cũng đã nhận định về vụ ám sát, mô tả đây là một “hành động mang tính biểu tượng” nhằm đe dọa những người trung thành với Điện Cẩm Linh.

Ông nói: “Đây không còn là một cuộc chiến trừu tượng mà bạn xem trên TV”.

“Điều này đã xảy ra ở Nga. Không chỉ Crimea đang bị ném bom, mà các cuộc tấn công khủng bố cũng đang được thực hiện ở khu vực Mạc Tư Khoa “.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy, bác bỏ sự tham gia của Ukraine, nói: “Không giống như Nga, chúng tôi không phải là một quốc gia tội phạm, và chắc chắn không phải là một quốc gia khủng bố”.
 
Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn cửa hẹp. Phỏng vấn linh mục Giuse Vũ Hải Đăng
VietCatholic Media
04:27 22/08/2022

Chúa Nhật 21 tháng 8, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 21 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu rỗi thì ít, có phải thế không?” Người bảo họ:

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ!

Trong đoạn Phúc âm Luca cho phụng vụ Chúa nhật này, có người hỏi Chúa Giêsu, “những người được cứu rỗi thì ít, có phải thế không?” Và Chúa đáp lại: “Hãy cố gắng mà vào bằng cửa hẹp” (Lc 13,24). Cánh cửa hẹp… đây là một hình ảnh có thể khiến chúng ta sợ hãi, như thể sự cứu rỗi chỉ dành cho một số ít người được tuyển chọn, hoặc những người hoàn hảo. Nhưng điều này mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong nhiều dịp khác. Và, thực tế là, ngay sau đó, ngài xác nhận, “Mọi người từ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (câu 29). Vì vậy, cánh cửa này tuy hẹp, nhưng vẫn rộng mở cho tất cả mọi người! Đừng quên điều này. Cánh cửa rộng mở cho tất cả mọi người!

Nhưng để hiểu rõ hơn, cánh cửa hẹp này là gì, chúng ta cần hỏi nó là gì. Chúa Giêsu đang sử dụng một hình ảnh từ cuộc sống đương đại, rất có thể ám chỉ sự thật rằng, khi buổi tối buông xuống, các cánh cửa của thành phố sẽ đóng lại và chỉ một cửa nhỏ nhất và hẹp nhất vẫn mở. Để trở về nhà, ai đó chỉ có thể đi qua đó.

Bây giờ chúng ta hãy nghĩ về thời điểm Chúa Giêsu nói, “Ta là cửa. Nếu ai nhờ Ta mà vào, thì sẽ được cứu độ “(Ga 10: 9). Ngài muốn nói với chúng ta rằng để đi vào sự sống của Thiên Chúa, vào sự cứu rỗi, chúng ta cần phải đi qua Ngài, chứ không phải qua người khác, qua Ngài; chào đón Ngài và Lời của Ngài. Cũng như để vào thành phố, ai đó phải “đo lường” cho vừa vì đó là cánh cửa hẹp duy nhất còn lại đang mở, vì vậy cánh cửa Kitô giáo cũng là một cuộc sống mà “thước đo là Chúa Kitô”, được thiết lập và làm mẫu cho mọi người. Điều này có nghĩa là quy tắc đo lường là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài - không phải những gì chúng ta nghĩ, mà là những gì Ngài nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta đang nói về một cánh cửa hẹp không phải vì chỉ một số ít người được định sẵn để đi qua nó, không, nhưng vì thuộc về Chúa Kitô có nghĩa là theo Ngài, sống đời mình trong tình yêu, sự phục vụ và hiến thân như Ngài, nghĩa là đi qua cửa hẹp của thập tự giá. Bước vào dự án mà Thiên Chúa đề ra cho cuộc đời chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải hạn chế không gian của chủ nghĩa vị kỷ, giảm bớt sự tự phụ, hạ thấp đỉnh cao của sự kiêu ngạo và tự phụ, và chúng ta phải vượt qua sự lười biếng, để chấp nhận gánh lấy rủi ro của tình yêu, thậm chí khi điều đó liên quan đến thập tự giá.

Nói một cách cụ thể, chúng ta hãy nghĩ về những hành động yêu thương hàng ngày mà chúng ta phải đấu tranh để thực hiện: chúng ta hãy nghĩ đến những bậc cha mẹ dành hết mình cho con cái, hy sinh và bỏ thời gian của chính mình; những người quan tâm đến người khác chứ không chỉ về lợi ích của bản thân (có bao nhiêu người tốt như thế này); chúng ta hãy nghĩ đến những người dành bản thân mình để phục vụ người già, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất; chúng ta hãy nghĩ về những người tiếp tục làm việc tận tâm, bất kể những khó chịu và có lẽ có cả những hiểu lầm; chúng ta hãy nghĩ đến những người đau khổ vì đức tin của họ, nhưng họ vẫn tiếp tục cầu nguyện và yêu thương; Chúng ta hãy nghĩ đến những người, thay vì làm theo bản năng của mình, đã đáp lại điều ác bằng điều thiện, tìm thấy sức mạnh để tha thứ và can đảm để bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài ví dụ về những người không chọn cửa rộng thuận tiện cho mình, nhưng chọn cửa hẹp của Chúa Giêsu, của một đời sống yêu thương. Chúa phán hôm nay rằng Chúa Cha sẽ nhận ra họ hơn nhiều so với những người tin rằng họ đã được cứu nhưng thực sự là “kẻ làm việc cho sự dữ” (Lc 13:27) trong cuộc sống.

Thưa anh chị em, chúng ta muốn đứng về phía nào? Chúng ta thích lối sống dễ dãi chỉ nghĩ về bản thân, hay chúng ta chọn cánh cửa hẹp của Tin Mừng khiến lòng ích kỷ của chúng ta rơi vào khủng hoảng, nhưng lại khiến chúng ta có thể đón nhận sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta hạnh phúc? Chúng ta đang đứng về phía nào? Xin Đức Mẹ, Đấng đã theo Chúa Giêsu suốt con đường thập giá, giúp chúng con đo lường sự sống của chúng con với Người để đi vào cuộc sống vĩnh cửu viên mãn.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tôi đang theo dõi sát sao, với sự lo lắng và buồn bã, hoàn cảnh được tạo ra ở Nicaragua liên quan đến con người và các tổ chức. Tôi muốn bày tỏ niềm tin và hy vọng rằng, thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, cơ sở cho một sự chung sống hòa bình và tôn trọng vẫn có thể được tìm thấy. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Thánh Purísima, khơi dậy lòng mọi người bằng ý chí cụ thể này.

Anh chị em thân mến, tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau - các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Đặc biệt, tôi chào cộng đoàn từ Trường Đại Học Giáo hoàng Bắc Mỹ, đặc biệt là các đại chủng sinh mới đến, và tôi khích lệ họ trong việc dấn thân tâm linh, và thúc giục họ trung thành với Tin Mừng và với Giáo Hội. Tôi chào mừng những người phụ nữ được thánh hiến đó trong nghi thức Khấn Giữ Mình Đồng Trinh, và tôi khuyến khích họ làm chứng cho niềm vui tình yêu của Chúa Kitô.

Tôi chào các tín hữu từ Verona, Trevignano, Pratissolo, những người trẻ tuổi từ Paternò, Lequile và những người tham gia Via lucis, những người, được truyền cảm hứng bởi gương của các vị Thánh “bên cạnh”, sẽ gặp gỡ những người nghèo sống gần nhà ga. Và một lời chào đến những người trẻ của phong trào Immaculata.

Chúng ta hãy kiên trì gần gũi và cầu nguyện cho những người dân Ukraine thân yêu đang trải qua sự tàn ác vô nhân đạo.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đau buồn: 570 linh mục và nữ tu qua đời vì vi rút độc địa ở Ấn Độ. Vụ giam giữ vị giám mục Nicaragua
VietCatholic Media
05:05 22/08/2022


1. 570 linh mục và nữ tu qua đời vì Covid-19 ở Ấn Độ

Con số các linh mục và nữ tu Công Giáo ở Ấn Độ chết vì coronavirus đã lên tới con số 570, trong đó cái chết mới nhất là của một linh mục ở bang miền đông Odisha vào ngày 18 tháng 8 vừa qua.

Cha Petrus Kullu, linh mục Dòng Ngôi Lời, đã qua đời tại một bệnh viện tư ở Bargarh của Odisha sau khi chiến đấu với virus, Cha Victor Rodrigues, phó giám tỉnh của tỉnh dòng ở miền Đông Ấn Độ cho biết như trên.

Cha Kullu tin rằng mình bị cúm theo mùa từ ngày 12 tháng 8 và phải dùng thuốc. Nhưng thuốc không cải thiện được sức khỏe của ngài, cha Rodrigues nói.

Sau những phàn nàn vì khó thở, ngài được đưa vào Bệnh viện Đức Maria vào ngày 16 tháng 8.

Vào ngày 17 tháng 8, các bác sĩ xác định các triệu chứng của Covid-19, mặc dù xét nghiệm âm tính. Phổi của ngài bị nhiễm trùng nghiêm trọng, và ngài đã chết trong Khoa Covid của bệnh viện vào ngày hôm sau.

Cha Rodrigues cho biết lễ tang và việc chôn cất linh cữu vị linh mục quá cố diễn ra vào ngày 20 tháng 8.

Cha Suresh Matthew, dòng Capuchin, người đã tổng hợp dữ liệu về cái chết của các linh mục và nữ tu Công Giáo Ấn Độ cho biết “Với cái chết của Cha Kullu, Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã mất 304 linh mục và 266 nữ tu do Covid-19”.

Cha Mathew, biên tập viên chính của Indian Currents, một tạp chí tin tức hàng tuần bằng tiếng Anh do Giáo hội điều hành, đã nói chuyện với UCA News vào ngày 19 tháng 8 về sự mất mát to lớn mà Giáo hội Ấn Độ phải gánh chịu vì Covid.

Những cái chết này là “một mất mát to lớn đối với Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ, nơi giáo hội cần có nhiều nhà truyền giáo tận tụy hơn để phục vụ người dân ở các vùng sâu vùng xa”.

Cha Mathew cho biết, hầu hết các trường hợp linh mục và nữ tu tử vong đều được báo cáo từ các cứ điểm truyền giáo xa xôi ở đất nước, nơi không có các cơ sở y tế tốt.

“Nhiều người đã không phát hiện ra bệnh ở giai đoạn đầu hoặc không được điều trị thích hợp dẫn đến cái chết của họ,” vị linh mục nói.

Nhiều người có cơ hội chuyển đến những nơi tốt hơn để điều trị, nhưng họ ở lại với những người không có điều kiện tốt hơn và cuối cùng đã chết, vị linh mục nói thêm.

Cha Mathew đã ghi lại số người chết kể từ tháng 4 năm 2020.

Trong các dòng, Dòng Tên bị thiệt hại nặng nhất với 44 linh mục, tiếp theo là Dòng Salêdiêng Don Bosco mất 17 vị và Dòng Ngôi Lời mất 16 vị.

Trong số các dòng nữ, Dòng Thừa sai Bác ái mất 23 nữ tu, tiếp theo là Dòng Đức Mẹ núi Carmelô mất 12 nữ tu.

Cha Mathew cũng không loại trừ khả năng thiếu hồ sơ về các linh mục và nữ tu đã chết trong giai đoạn ban đầu khi đại dịch bùng phát trong nước.

“Nhưng đó có thể không phải là những con số lớn như vậy,” vị linh mục nói thêm.

Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 44,3 triệu ca nhiễm trùng và khoảng 567.000 ca tử vong do đại dịch. Đó là con số do Cục Thống Kê của Ấn Độ công bố trong một nỗ lực bị các nhà phê bình cáo buộc là nhằm che giấu sự thực. Con số thật sự ít nhất là 5 triệu người chết.
Source:UCANews

2. Vatican vẫn im lặng sau vụ giam giữ vị giám mục Nicaragua

Inés San Martín, trưởng ban thông tín viên của tờ Crux tại Rôma, có bài tường trình nhan đề “Vatican still silent after detention of Nicaraguan bishop”, nghĩa là “Vatican vẫn im lặng sau vụ giam giữ vị giám mục Nicaragua”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Sau khi thông tin được loan báo công khai rằng chính phủ Nicaragua đã bắt giam Đức Cha Rolando Alvarez một cách bất hợp pháp vào đầu giờ ngày 19 tháng 8, Vatican đã tiếp tục giữ im lặng về tình hình.

Bất chấp yêu cầu của một số nhà báo, văn phòng báo chí của Tòa thánh đã không đưa ra tuyên bố nào về vụ bắt giữ vị giám mục của Matagalpa.

Đức Cha Alvarez, được nhiều người biết đến là người chỉ trích Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông ta, Phó Tổng thống Rosario Murillo, lần đầu tiên bị ngăn cản rời khỏi Tòa Giám Mục của ngài vào đầu tháng 8, khi một số xe tuần tra của cảnh sát bao vây tòa nhà. Đầu ngày thứ Sáu, ít nhất tám xe tuần tra đã được triển khai để đưa vị giám mục đến thủ đô của Nicaragua, nơi ngài bị quản thúc tại nhà riêng. Những người từng ở cùng với ngài bị đưa đến trung tâm giam giữ khét tiếng El Chipote, nơi giam giữ khoảng 190 tù nhân chính trị. Một số người trong số những người đã sống sót khỏi nơi giam giữ này mô tả nó như một trung tâm tra tấn.

Quan chức Vatican duy nhất lên tiếng về việc giám mục bị bỏ tù là giáo dân Mexico Rodrigo Guerra, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh. Nói chuyện với Aleteia, ông nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “biết rõ về tất cả các sự kiện đang diễn ra ở Nicaragua.”

Theo Aleteia, Guerra là một phần của nhóm các cá nhân, bao gồm tổng giám mục của Managua, Hồng Y Leopoldo Brenes, đang tìm cách giải phóng Đức Cha Alvarez.

Guerra nói với trang web tin tức trực tuyến rằng ông “chú ý đến sự im lặng cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng, đó không bao giờ là sự im lặng thờ ơ, mà là sự im lặng của một mục tử quan sát dân tộc của mình trước các lập trường ý thức hệ.”

“Một sự im lặng của Đức Giáo Hoàng không có nghĩa là không hoạt động hoặc thiếu quyết đoán, không, không có gì giống như vậy; nó có nghĩa là họ đang làm việc trên các bình diện khác,” ông nói. “Và vào thời điểm mà Đức Thánh Cha nhìn thấy điều đó một cách thận trọng, tất nhiên, ngài sẽ có một sự can thiệp.”

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước công chúng về Nicaragua là vào năm 2019. Không một nhà ngoại giao cấp cao nào của Vatican đề cập đến đất nước này trong vài tháng qua, ngay cả sau khi Đức Cha Alvarez bị ngăn cản rời khỏi Tòa Giám Mục.

Tuy nhiên, bất chấp sự im lặng của Vatican, các giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ vị giám mục, bao gồm cả Đức Hồng Y Brenes, người được chính quyền Nicaragua cho phép đến thăm Alvarez.

Một tuyên bố từ Tổng giáo phận Managua nói rằng vị Hồng Y nhận thấy vị giám mục “suy sụp về thể chất,” nhưng mạnh mẽ “về đức tin và tinh thần”.

Tuyên bố cho biết: “Nhận thức rằng cầu nguyện là sức mạnh của Kitô hữu, chúng tôi mời anh chị em tiếp tục cầu xin Chúa Kitô cầu bầu và trông chừng đàn chiên nhỏ bé của Ngài. Chúng tôi hy vọng lý do đó, cũng như sự hiểu biết tôn trọng, sẽ mở ra hướng giải quyết cho tình huống nguy cấp và phức tạp này cho tất cả mọi người.”

Tuyên bố của Tòa Giám Mục Managua được đưa ra ngay sau khi cảnh sát Nicaragua tuyên bố rằng Đức Cha Alvarez đã bị quản thúc tại gia sau khi cố gắng tổ chức một cuộc đối thoại với vị giám mục. Cảnh sát cho biết họ đang kêu gọi ngài ngừng các hành động “gây bất ổn và khiêu khích”.

Cảnh sát chỉ ra rằng họ đã cho Đức Hồng Y Brenes đã gặp Alvarez và cả hai đã “nói chuyện lâu giờ”.

Vị Hồng Y dự kiến sẽ sớm bay đến Rôma, nơi ngài sẽ tham dự công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, cũng như một loạt các cuộc họp vào tuần sau.

Các nguồn tin tiết lộ với Crux rằng chính phủ Nicaragua muốn Đức Cha Alvarez rời khỏi đất nước hoặc phải ngồi tù. Tuy nhiên, vị giám mục không muốn rời khỏi đất nước. Vào năm 2019, Đức Phanxicô đã ra lệnh cho Giám mục Silvio Baez, phụ tá của Managua, chạy sang Miami sau khi ngài và các thành viên trong gia đình bắt đầu nhận được những lời đe dọa lấy mạng.

Đức Cha Baez đã lên Twitter để bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Cha Alvarez: “Tôi lên án cuộc đàn áp tồi tệ và hèn nhát đối với Giáo Hội Công Giáo bởi chế độ độc tài Nicaragua. Giáo hội của cả thế giới phải hướng mắt về đất nước tôi. Chúng ta cần sự cầu nguyện, gần gũi và tố cáo của toàn thể Giáo hội. Tôi cầu xin anh chị em từ trái tim của tôi: Đừng bỏ rơi chúng tôi!”

Trong số những người lên tiếng ủng hộ Đức Cha Alvarez có Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, người đứng đầu ủy ban công lý quốc tế và hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, là người đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ “tình đoàn kết bền vững tiếp tục của chúng tôi với những người anh em của chúng tôi ở Nicaragua, cùng với các linh mục và các nhà truyền giáo nước ngoài, trong lời kêu gọi của các ngài để có tự do loan báo Tin Mừng và sống đức tin”.

Đức Tổng Giám Mục Broglio nói: “Đức tin của người dân Nicaragua, những người luôn đoàn kết với các giám mục và linh mục của họ, là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi.”

Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho biết ông “rất lo ngại về sự triệt tiêu nghiêm trọng của không gian dân sự và dân chủ ở Nicaragua, và các hành động gần đây chống lại xã hội dân sự, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo”
Source:Crux

3. Đức Hồng Y Dolan khẳng định “Như Chúa Giêsu đã dạy, Giáo hội phải chào đón, giúp đỡ những người di cư mới đến”

Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về nhu cầu của các gia đình di cư đến Thành phố New York trên xe buýt từ Texas là được nhìn thấy họ “với đôi mắt của Chúa Giêsu”, Đức Hồng Y Timothy M. Dolan nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ngày 16 tháng 8.

“Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: Khi Ta là một người lạ… một người nhập cư, các ngươi đã chào đón Ta,” vị Hồng Y nói.

“Quan điểm của chúng tôi không phải là quan điểm chính trị” mà những người khác có thể có về những gì đã dẫn đến một số lượng lớn những người xin tị nạn từ hàng chục quốc gia qua ngã Mễ Tây Cơ để đến Hoa Kỳ. “Quan điểm của chúng tôi là giúp họ… với cảm giác vinh dự rằng chúng tôi có thể giúp những người mà qua đó chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa.”

Trước cuộc họp báo, Đức Hồng Y Dolan và Đức Ông Kevin Sullivan, giám đốc điều hành của Tổ chức bác ái Công Giáo thuộc Tổng giáo phận New York, đã gặp riêng một số cá nhân và gia đình đã đến trong những ngày gần đây trên xe buýt do Thống đốc Texas Greg Abbott gửi đến.

Hơn 6.000 người di cư đã được đưa đến thành phố cho đến nay và Tổ chức bác ái Công Giáo của Tổng giáo phận New York đã hỗ trợ 1.500 người di cư.

Thống Đốc Abbott cho biết Texas “đã phải thực hiện hành động chưa từng có để giữ an toàn cho cộng đồng của chúng tôi” vì “Tổng thống Joe Biden tiếp tục từ chối thừa nhận cuộc khủng hoảng do các chính sách mở cửa biên giới của ông ấy gây ra”.

Thị trưởng New York Eric Adams đã gọi việc vận chuyển người di cư đến New York là “kinh khủng” và cáo buộc Abbott sử dụng người di cư như một công cụ chính trị. Adams thông báo thành phố sẽ giữ hàng trăm người di cư trong một khách sạn ở Time Square.

Những người di cư này đang tìm kiếm “sự an toàn, sự bảo vệ và cơ hội” ở Hoa Kỳ, Đức Ông Sullivan nói.

Tổ chức bác ái Công Giáo đã “kiên định đồng hành với những người nhập cư và tị nạn trong hơn một thế kỷ,” và việc phục vụ những người xin tị nạn “đột ngột và bất ngờ đến trước cửa nhà chúng tôi” cũng không có gì khác, Đức Ông nói.

Đức Hồng Y nói thêm rằng: “Họ đã trải qua tình trạng hỗn loạn trong nhiều tháng. Bây giờ họ cảm thấy như ở nhà. Chúng tôi nhìn thấy họ và yêu mến họ và… Giáo hội mà họ yêu mến đã giúp đỡ họ trong suốt chặng đường. Alleluia.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng những người mới đến này “chỉ muốn ổn định và có một cuộc sống bình thường và cho con cái họ đi học.”

Theo Đức Hồng Y, Tổng giáo phận New York sẽ cấp học bổng cho những trẻ em này đi học tại các trường Công Giáo, giống như những gì đã làm cho trẻ em tị nạn Haiti, Afghanistan và Ukraine.
Source:OSVNews
 
Putin suy sụp, lo sợ đảo chính. Bộ trưởng Nga khen Zelenskiy. Mỗi người Tiệp tặng Ukraine 1968 đồng
VietCatholic Media
15:57 22/08/2022


1. Khởi đầu cho sự chấm dứt triều đại Putin.

Những người trong cuộc tuyên bố rằng sức khỏe của Putin đang “xấu đi đáng kể” và bạo chúa sẽ “không còn tham gia các cuộc họp” khi cuộc xâm lược của ông ta tiếp tục chững lại.

Các tin đồn đã xoay quanh hình dạng bên ngoài của tổng thống Nga trong nhiều tháng qua và thậm chí còn bị cáo buộc rằng ông ta đã sử dụng người thay thế tại một số sự kiện.

Bạo chúa nhìn có vẻ ốm yếu do sự thất bại trong chiến lược chiến tranh của ông ta - và bị giằng xé giữa việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc chấp nhận thất bại.

Giữa những lo ngại mới về sức khỏe của Putin, các quan chức an ninh của ông ta đã thẳng thừng nói với vị tổng thống đang ấm ức rằng ông ta đã hết các lựa chọn “tốt”.

Theo dữ liệu từ quân đội Ukraine, con số thiệt mạng giữa các lực lượng Nga đang tăng lên - với hơn 44.000 quân Nga thiệt mạng và ít nhất 1.800 xe tăng bị phá hủy.

Điện Cẩm Linh đã hy vọng vào một chiến thắng nhanh chóng ở Ukraine, nhưng gần sáu tháng đã trôi qua, họ vẫn tiếp tục bị những người bảo vệ anh hùng đẩy lùi.

Trong những ngày gần đây, Crimea - dưới sự kiểm soát của Nga từ năm 2014 - đã bị bắn cháy và là đối tượng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze.

Trong một đòn hạ nhục đối với Putin, Kyiv - kẻ mà bạo chúa ngạo mạn nghĩ rằng có thể chiếm được trong vài ngày - đã đưa hàng loạt xe tăng bị cháy và bị bắt ra trưng bày để phô trương sức mạnh. Thật thế, trên phố Khreshchatyk, người Ukraine đã trưng bày hơn 80 xe tăng T90, T80 và T72, hệ thống pháo tự hành, pháo hỏa tiễn, thiết giáp, các hệ thống hỏa tiễn Pantsir-S1, TOS-1A Solntsepyok, pháo tự hành Hosta, v.v Nhân dân tự do đến xem mà không lo bị pháo kích vì người Đức đã viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không để chắc chắn rằng không một hỏa tiễn nào có thể bắn vào khu vực triển lãm.

Kênh General SVR Telegram, phát bằng tiếng Nga, từ những người Nga đối lập với Putin, mà Điện Cẩm Linh được cho là “đang tìm cách đóng cửa”, hiện đã đưa ra tuyên bố mới về sức khỏe của Putin.

Kênh này tuyên bố rằng có “sự thất vọng trong số những người tùy tùng cấp cao có khuynh hướng chủ chiến của Putin rằng, ông ta đã đưa ra các lựa chọn ‘cực đoan’ một cách riêng tư với các trợ lý hàng đầu để tìm cách chấm dứt chiến tranh. Các lựa chọn ‘cực đoan’ ấy bao gồm cả việc từ bỏ các vùng lãnh thổ mới xâm chiếm được của Ukraine, trong bối cảnh có các lời cảnh báo từ các quan chức quốc phòng của ông ta, rằng các cuộc tấn công đáp trả của quân đội Ukraine ngày càng có hiệu quả”.

Việc tấn công có hiệu quả của Ukraine vào các vùng sâu trong giới tuyến sẽ đe dọa đến nhiệm kỳ tổng thống của ông, cho đến nay đã được ghi dấu bởi những thất bại trầm trọng và đáng tiếc.

Các quan chức hàng đầu của Putin cũng được tường trình đang chuẩn bị tinh thần khi tình trạng sức khỏe của ông ta “xuống cấp trầm trọng”.

Kênh General SVR Telegram - từ lâu đã tuyên bố Putin đang mắc bệnh ung thư và các vấn đề y tế nghiêm trọng khác - cho biết: “Với khả năng cao, chúng tôi có thể nói rằng sắp tới tổng thống sẽ không thể đích thân tổ chức các cuộc họp và tham gia các sự kiện lớn”.

Người ta cho rằng sự vắng mặt của Putin sẽ được giải thích là do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid.

Người thay thế “gần đây cũng được sử dụng khá thường xuyên”.

SVR tuyên bố rằng: Trong các cuộc họp gần đây với các trợ lý an ninh và quốc phòng của mình, Putin đã “thảo luận về nhiều lựa chọn, từ khả năng huy động và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, đến việc mở mặt trận thứ hai ở một nước khác, và cuối cùng là đưa ra cử chỉ thiện chí với việc trao trả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Kherson, Zaporizhzhia và Kharkiv cho Ukraine.”

Mặt trận thứ hai có thể liên quan đến cuộc xâm lược miền bắc Kazakhstan, một khu vực có nhiều người dân tộc Nga, như một sự đánh lạc hướng để che giấu những thất bại của ông ta ở Ukraine.

Cho đến nay, Putin đã từ chối một cuộc tổng động viên, trong bối cảnh lo ngại rằng nó sẽ kích hoạt cuộc binh biến hàng loạt.

Nhưng một lựa chọn “cực đoan” khác cũng đã được thảo luận liên quan đến việc trả lại đất đai mà các “nước cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk đã giành được trong cuộc chiến kéo dài gần sáu tháng, cùng với Kherson, Zaporizhzhia và Kharkiv.

Người ta khẳng định rằng cuộc thảo luận về các lựa chọn “cực đoan” theo sáng kiến của Tổng thống đã khiến nhiều người trong đội chiến tranh của ông ta “chán nản”.

Nhưng, người bạn thân của Putin, Nikolai Patrushev, cố vấn an ninh hàng đầu của ông và là người từng cổ vũ cho cuộc xâm lược Ukraine, giờ đây đã thúc giục Putin “tìm cách thoát khỏi tình hình hiện tại”, nếu không làm như vậy, sẽ có những vấn đề sâu sắc hơn nếu Ukraine phản công thành công. Tình hình khi đó sẽ còn khó thương lượng hơn.

2. Các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn hạt nhân ở Ukraine

Hôm Chúa Nhật, trong một lời kêu gọi chung, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà lãnh đạo của Mỹ, Pháp và Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho các địa điểm hạt nhân ở Ukraine.

Tuyên bố của Thủ tướng Anh cho biết: “Chúng tôi Johnson, tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh cam kết kiên định của mình trong việc hỗ trợ Ukraine trước sự xâm lược của Nga,”

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn và an ninh của các cơ sở hạt nhân và hoan nghênh các cuộc thảo luận gần đây về việc cho phép một phái bộ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tới cơ sở Zaporizhzhia.”

3. Các nhà chức tranh Albania điều tra những kẻ đột nhập nhà máy quân sự từ Nga và Ukraine

Hôm Chúa Nhật, Albania cho biết họ đang điều tra lý do tại sao hai người Nga và một người Ukraine lại cố gắng vào một nhà máy quân sự.

Bộ Quốc phòng cho biết hôm thứ Bảy rằng hai binh sĩ của họ đã bị thương nhẹ trong khi giam giữ một người đàn ông 24 tuổi đến từ Nga. Người này đã đi vào khuôn viên của nhà máy quân sự Gramsh và đang cố gắng chụp ảnh. Anh ta chống lại sự bắt giữ và dùng bình xịt chống lại những người lính.

Hai người khác, một phụ nữ Nga 33 tuổi và một người đàn ông Ukraine 25 tuổi, đã bị bắt gần đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Niko Peleshi hôm Chúa Nhật cho biết còn quá sớm để chắc chắn về động cơ nhưng theo ông về phương diện địa chính trị - dường như cho thấy mối liên hệ có thể có với cuộc xâm lược Ukraine của Nga, là điều bị chính phủ Albania chỉ trích.

“Xét về bối cảnh khu vực rộng lớn và bối cảnh địa chính trị, đây không thể coi là một sự việc dân sự bình thường, nhưng chúng tôi không thể vội vàng đưa ra kết luận,” ông nói sau khi thăm những người lính bị thương trong bệnh viện.

Thủ tướng Albania Edi Rama hôm thứ Bảy cho biết ba cá nhân bị “nghi ngờ là hoạt động gián điệp”, mà không cho biết thêm chi tiết. Ông cũng bày tỏ ngạc nhiên tại sao người thanh niên Ukraine lại tham gia với hai người Nga trong vụ này.

Truyền thông có trụ sở tại Tirana cho biết ba nghi phạm là các blogger thường đến thăm các căn cứ quân sự bị bỏ hoang và các nhà máy lớn khác ở các quốc gia khác nhau.

Peleshi cho biết cuộc điều tra sẽ cho biết họ có phải là blogger hay không và động cơ của họ là gì.

Khi Albania còn dưới chế độ cộng sản, nhà máy Gramsh đã sản xuất súng trường AK 47 do Nga thiết kế.

Trang web của Bộ cho biết nhà máy hiện cung cấp các dịch vụ sản xuất cho ngành công nghiệp quốc phòng. Trong quá khứ, nó cũng được sử dụng để tháo dỡ vũ khí nhỏ và đạn dược.

Albania, một thành viên của NATO từ năm 2009, đã cùng với Mỹ và các nước phương Tây khác lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Mạc Tư Khoa.

4. Người Tiệp gửi tiền cho Ukraine để tưởng nhớ cuộc xâm lược năm 1968

Các công dân Tiệp đã gửi những khoản đóng góp chính xác là 1,968 đồng tiền Tiệp, tức là 80 USD cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước Nga và kỷ niệm cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 của quân đội do Liên Xô dẫn đầu, đại sứ quán Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật. Hàng ngàn người đã làm như thế, mỗi người gởi đúng boong số tiền 1,968 đồng tiền Tiệp.

Người Tiệp đã sử dụng một mã thanh toán đặc biệt để tặng 1.968 đồng tiền Tiệp vào một tài khoản đã có sẵn do đại sứ quán Ukraine tại Cộng hòa Tiệp thiết lập để quyên góp.

“Ngay cả vào cuối tuần, hàng ngàn khoản quyên góp trị giá 1.968 tiền Tiệp đã đến tài khoản của chúng tôi, cảm ơn các bạn rất nhiều, những người bạn Tiệp thân mến!” đại sứ quán cho biết trên Twitter.

Trong các quốc gia Âu Châu, Tiệp và Slovakia đang trở thành các quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ quân sự táo bạo cho Ukraine. Trong khi đã có một sự dè dặt của NATO trong việc gởi cho Ukraine các khí tài chiến tranh hạng nặng như máy bay, xe tăng và các loại hỏa tiễn phòng không, vì lo ngại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga; Tiệp và Slovakia đã không ngần ngại cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và các hệ thống phòng không S-300.

Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Tiệp và Slovakia đang muốn nhân dịp này trả thù cho biến cố Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968. Các chính trị gia ở hai quốc gia này hiểu rất rõ ràng rằng nếu Nga chiến thắng tại Ukraine, họ sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ rất lớn của quần chúng Tiệp và Slovakia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mùa xuân Praha là một thời kỳ tự do hóa chính trị và phản đối quần chúng ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nó bắt đầu vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubček được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thời kỳ này kéo dài cho đến ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Warsaw khác xâm lược đất nước để đàn áp các cải cách.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 1968, quân đội của Liên Xô và các đồng minh của họ đã vượt biên giới sang Tiệp Khắc, một thành viên của khối phía đông, để phá tan một phong trào cải cách bắt đầu từ đầu năm đó được gọi là Mùa xuân Praha.

Quân đội đã giết hàng chục thường dân và cuộc chiếm đóng sau đó đã đẩy hàng chục ngàn người vào cảnh sống lưu vong. Những người lính cuối cùng đã phải bỏ đi sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ vào năm 1989.

5. Kharkiv xác nhận lệnh giới nghiêm Ngày quốc khánh

Khi những lo lắng gia tăng về hành động gây hấn của Nga trong và xung quanh Ngày Độc lập của Ukraine vào ngày 24 tháng 8, khu vực Kharkiv của Ukraine sẽ đưa ra lệnh giới nghiêm 36 giờ từ 7 giờ tối ngày 23 tháng 8 - kéo dài đến hết Ngày Độc lập của Ukraine, kỷ niệm ngày 24 tháng 8 năm 1991 khi Ukraine công bố Tuyên ngôn Độc lập. Dịch vụ đường sắt hiện cũng đang khuyến cáo hành khách sắp xếp lại các chuyến đi đến thành phố thứ hai của Ukraine.

6. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đã triển khai hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal ba lần trong cuộc xâm lược Ukraine.

Hỏa tiễn Kinzhal tức là dao găm là một phần trong loạt vũ khí siêu thanh mới được Tổng thống Vladimir Putin công bố vào năm 2018 trong một bài phát biểu, trong đó ông nói rằng chúng có thể bắn trúng hầu hết mọi điểm trên thế giới và né tránh dễ dàng lá chắn hỏa tiễn do Mỹ chế tạo.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Shoigu cho biết hỏa tiễn đã chứng tỏ hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu có giá trị cao trong cả ba lần, ca ngợi chúng là không thể so sánh và gần như không thể bị hạ gục khi đang bay.

“Chúng tôi đã triển khai nó ba lần trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Và ba lần nó cho thấy những đặc điểm tuyệt vời.”

Nga lần đầu tiên sử dụng hệ thống Kinzhal ở Ukraine khoảng một tháng sau khi đưa hàng chục nghìn quân vào nước này, để tấn công một kho vũ khí lớn ở khu vực Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine.

Tuần này, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ba máy bay chiến đấu MiG-31E được trang bị hỏa tiễn Kinzhal đã được chuyển đến khu vực Kaliningrad, một vùng duyên hải Baltic của Nga nằm giữa NATO và các thành viên Liên minh Âu Châu, Ba Lan và Lithuania.

Vào Ngày Hải quân của Nga vào cuối tháng trước, Putin tuyên bố rằng hải quân sẽ nhận được hỏa tiễn hành trình siêu thanh Zircon “đáng gờm” trong những tháng tới. Hỏa tiễn có thể di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh, vượt xa khả năng phòng không.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho rằng ngày càng có những tiếng nói bất mãn của giới quân nhân Nga đối với tình hình đang diễn ra ở Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, Igor Girkin, một người Nga theo đường lối cứng rắn và trước đây từng là sĩ quan mật vụ FSB, cũng như là bộ trưởng tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ngày càng trở thành người chỉ trích thẳng thắn cách giải quyết của Điện Cẩm Linh đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Vào ngày 19 tháng 8 năm 2022, Girkin đã đăng một bài phê bình miễn cưỡng ca ngợi một cách đầy ngưỡng mộ cách hành xử của Tổng thống Zelenskiyy trong chiến tranh. Ông so sanh điều này với tình hình của Nga khi 'vào cuối tháng thứ sáu của cuộc chiến, chúng ta tiếp tục chơi môn thi kỹ năng phối hợp xe tăng như thường lệ và tổ chức các lễ hội với các ban quân nhạc.”

Môn kỹ năng phối hợp xe tăng là sự kiện đỉnh cao của Thế vận hội quân sự quốc tế của Nga, như những năm bình thường, diễn ra gần Mạc Tư Khoa vào tuần trước.

Một bộ phận đáng kể các chuyên gia quân sự và an ninh của Nga có lẽ cho rằng việc tiếp tục đưa lực lượng tham gia các sự kiện quân sự thời bình là không phù hợp trong khi quân đội Nga tiếp tục hứng chịu thương vong nặng nề ở Ukraine.