Ngày 23-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 21A: Phêrô là Đá : Đá quy tụ, Đá hợp nhất.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:20 23/08/2020
CN 21A: Phêrô là Đá : Đá quy tụ, Đá hợp nhất.

Nếu ta nhìn vào Tivi cách đây hơn chục năm, hoặc xem băng hình ghi lại các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong những năm cuối đời của ngài, hẳn ta sẽ nhìn thấy cây gậy của Đức Giáo Hoàng trở thành hữu dụng. Ngài chống và tựa trên chiếc gậy đó. Gậy không còn là biểu tượng cho quyền chăn chiên, quyền dẫn dắt, như ta thấy các giám mục vẫn thường dùng. Vị Giám mục Roma Gioan Phaolô II dùng gậy để chống đỡ chính mình.

Hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II về già chống và tựa cả thân mình trên chiếc gậy đó, có diễn tả được điều mà Tin Mừng hôm nay nói về Phêrô mà ĐGH là người kế vị không : Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục không thể phá được. Nếu Phêrô là Đá Tảng, thì kẻ kế vị người, cũng là tảng đá. ĐGH là đá tảng.

Nếu tảng đá được ví như cái gì chắc chắn, cho người khác tựa nương vào, thì với hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II khi vượt qua ngưỡng cửa bát tuần, đã bết bát về sức khoẻ thể lý, lúc nào cũng phải tựa nương vào chiếc gậy, có còn là hình ảnh của tảng đá cho người khác tựa nương hay không? Hẳn là khó hình dung tưởng tượng.

Nhưng tảng đá, ngoài ý nghĩa vững chắc, tựa nương, thì tảng đá còn có một ý nghĩa khác không kém phần quan yếu. Đó là : Tảng đá là nơi qui tụ. Tảng đá là nơi hợp nhất.

1. Tảng đá qui tụ

Tảng đá như nền nhà, quy tụ gạch xi măng, cát, sắt… để làm thành căn nhà. Căn nhà trong mạch ý Tin Mừng hôm nay chính là Hội Thánh.

Nếu Đức Gioan Phaolô không diễn được hình ảnh tảng đá cho người ta tựa vào, thì hình ảnh cụ già Wojtyla trên 80 tuổi vẫn và có khi còn hơn thế nữa, trở nên rõ nét hình ảnh của tảng đá qui tụ. Bởi tâm lý chung, nhất là tâm lý người Việt, người ta quy tụ về nhà người bô lão, chứ không tụ họp nơi nhà đám trẻ (giống như Tết nhất tới, người ta qui tụ về nhà ông bà để chúc thọ). Người bô lão là yếu tố thuận lợi để tụ hội, hợp nhất.

Chẳng thế mà, tuy tuổi đã cao, rất cao, lại yếu ớt, nhưng Đức Gioan Phaolô đi đến đâu là qui tụ cả rừng người đến đó (ta không nhắc đến ĐGH đương kim vì tuy đã quá bát tuần, nhưng còn mạnh khoẻ chưa phải “chống” gậy !). Chục nghìn, trăm nghìn, nghìn nghìn. Triệu này triệu kia. Điều này thật đúng khi giới trẻ ùn ùn kéo tới với ngài trong các đại hội giới trẻ. Mehico, St Louis, Compostella, và đặc biệt tại Đại Hội giới trẻ tại Paris, Pháp 1997. Đặc biệt không phải vì con số, mà vì sức lôi cuốn không ngờ. Trước ngày Đại Hội ít lâu, một nhà báo vô thần đã nhận xét về bầu khí xuống dốc của người Công Giáo ở Pháp, và đoan chắc rằng đại hội sẽ rất ít người. Và với con số may ra được khoảng 100.000 người đến dự, thì bõ bèn gì để một vị giáo chủ già nua phải lần mò chống gậy sang tận Paris cho tốn công tốn sức. Nhưng rồi chuyện kinh ngạc đã xảy ra: Trên một triệu người trẻ tuốn về qui tụ tại Paris để gặp gỡ ĐGH, tảng đá qui tụ. Đại Hội sau đó 2000, con số bạn trẻ tụ họp tại Roma vượt xa con số này, trở thành kỉ lục với hơn 3 triệu người tham dự thánh lễ bế mạc. Ấy là ta chỉ kể tảng đá Phêrô qui tụ bạn trẻ, còn cả người lớn nữa, thì con số hẳn là hơn nhiều. Cụ thể, cụ già Wojtyla (tức ĐGH Gioan Phaolô 2) về thăm quê hương Balan lần thứ 9, qui tụ cả rừng người : hơn 3 triệu người tham dự thánh lễ tại Krakovia, giáo phận cũ của ngài trước khi về làm giám mục Roma. Một ông già qui tụ được bạn trẻ, lại nhiều người đến như thế, nghĩa là gì, nếu ngài không phải là tảng đá qui tụ.

Phát ngôn viên Tòa Thánh lúc đó, tiến sĩ Navaro Valls đã nhận xét : “Sức khỏe của ngài xuống hẳn, nhưng cảm ơn Chúa, điều đó không cản trở công việc của ngài. Tay bị run (vì bệnh Parkinson) phát âm nhiều chữ không rõ, nhưng đây có khi lại giúp ngài nói được với dân chúng hùng hồn hơn ở chiều kích mới.” “Cảm tưởng của tôi, ” lời giáo sư Navaro Valls, “là khi người ta thấy tay ngài run, thì mọi thành quách bên trong của họ bị sụp đổ hết. Cánh tay run, đôi chân không vững phải tựa vào gậy lại có tác dụng mạnh hơn thân hình cường tráng của ngài cách đây hơn 20 năm khi mới lên nhận nhiệm vụ kế vị Phêrô tảng đá.” Phêrô là tảng đá, tảng đá quy tụ. Hình như càng già càng có khả năng quy tụ ! Nói thế không có nghĩa vị giáo hoàng trẻ tuổi thì ít có khả năng quy tụ hơn, nhưng muốn nói : đã là giáo hoàng, đấng kế vị Phêrô Tảng Đá, thì cũng là tảng đá quy tụ muôn người.

2. Tảng Đá Hợp nhất.

Qui tụ và hợp nhất có nét giống nhau, nhưng ta tạm phân biệt như sau: qui tụ là từ nhiều nơi trên khắp mặt địa cầu này hội tụ về một chỗ. Hợp nhất là cho dẫu phân tán ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng vẫn hướng về một người, một đích để hợp nhất. Phêrô là đá tảng hợp nhất.

Khi gọi Phêrô là Đá, trên nền đá này “tập kết” (quy tụ) gạch cát ximăng xây nhà Giáo Hội, Chúa Giêsu còn nói thêm: “quyền lực hỏa ngục không thể phá được.”

Phân tích có vẻ chú giải Kinh Thánh một chút, ta thấy trong hỏa ngục có ma quỷ. Hỏa ngục không thể phá đổ được, tức ma quỷ không thể lật nhào Hội Thánh được. Mà ma quỷ tiếng Hilạp là Diabolos (dia: xuyên qua; bolein=bolo=ném), tức kẻ gây chia rẽ, kẻ gây rối.

Trong ý hướng tảng đá hợp nhất, ta sẽ diễn dịch lại lời Chúa Giêsu như sau: Con là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Giáo Hội duy nhất, Kẻ Phá Rối, kẻ gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất ta xây dựng.

Thử điểm lại các tôn giáo trên thế giới, và cách riêng Kitô giáo thôi, ta thấy không có Hội thánh nào khác ngoài Hội Thánh Công Giáo Roma có sự hợp nhất hữu hình này.

Ví dụ Anh Giáo, với cơ cấu có 7 Bí Tích như Công Giáo (như về con số 7 chứ không phải như về tính thành sự), họ có 27 Giáo Hội khắp nơi. Nhưng họ đâu có một con người hữu hình, một điểm nhắm cụ thể để họ hướng về đâu. Anh Giáo tại Mỹ, đâu có lệ thuộc gì Anh Giáo tại Anh quốc là nơi phát sinh ra Anh Giáo. Anh Giáo tại Úc không liên hệ gì tới Mỹ, tới Anh. Họ toàn quyền tổ chức, họ phong chức giám mục cho cả người nữ nữa, điều mà Anh Giáo gốc tại Anh Quốc chưa dám (chỉ mới phong chức linh mục cho nữ thhôi).

Ví dụ như Chính Thống với 13 Lễ chế khác nhau, và ngay cả cùng một lễ chế, như lễ chế Byzantin mà ở 2 nước khác nhau thôi, thì Chính Thống Rumani chẳng cần hướng lòng mình về Chính Thống Nga. Chính Thống Nga chẳng cần ngó xem Chính Thống Constantinop (hiện ở Thổ Nhĩ Kì, nôi của Chính Thống Giáo) làm gì để noi theo. Mỗi nước có một giáo hội Chính Thống độc lập. Họ có liên kết với nhau cũng rất lỏng lẻo, và chỉ là liên kết trên phiên họp lâu lâu (mấy trăm năm…) một lần.

Còn Tin Lành thì càng khó thấy sự hợp nhất. Mấy trăm giáo phái khác nhau là mấy ngàn thế giới: nào là Lutheran, Presbyterian, Methodist, Baptist, Phục Lâm ngày thứ 7… Mỗi giáo phái là một thế giới, mà hơn thế nữa, mỗi giáo phái tại mỗi nước, lại không lệ thuộc gì, không hợp nhất gì với cùng một giáo phái đó, tại các nước khác. Ranh giới quôc gia phân chia luôn ranh giới đạo giáo. (Và còn nhỏ hơn, trong cùng một nước, mà tỉnh này khác tỉnh kia. Vd: Hội Thánh Tin Lành Trần Hưng Đạo và Hội Thánh Tin Lành Tân Bình, đâu nhất thiết phải hợp nhất với nhau.)

Tóm lại các Hội Thánh kể trên chỉ có cấp quốc gia mà không có cấp hoàn vũ. Trong khi đó, Hội Thánh Công Giáo, dù ở chân trời góc biển nào, dù màu da khác nhau tương phản, đều qui về, đều hợp nhất dưới một con người hữu hình, mang danh hiệu đấng kế vị Phêrô, Tảng Đá hợp nhất. Đây là nét trổi vượt, tính hơn hẳn, là lợi thế của Hội Thánh Công Giáo Roma trên con đường hợp nhất Kitô hữu, đến nỗi có thành ngữ, đường nào cũng dẫn tới Roma.

Sách Giáo Lý Chung, số 882, nói về ĐGH như sau: “Đức Thánh Cha, giám mục của Roma, kẻ kế vị Phêrô, là nguồn mạch và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu về sự hợp nhất giữa các giám mục và sự hợp nhất của toàn thể cộng đoàn tín hữu.”

Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Ta đã diễn dịch lại rằng “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Hội Thánh duy nhất, tên Phá Rối, tên Gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất Thầy xây dựng.”

Trong Kinh Tạ ơn của bất cứ thánh lễ nào, cử hành bằng bất cứ ngôn ngữ nào: Tây Tàu Mỹ, Lào, Campuchia, K’hor, H’Mong… đều có một lời cầu cho ĐGH, Tảng Đá hợp nhất. Ta hãy đặc biệt hợp lòng. Và ta hãy long trọng tuyên xưng rằng ta tin vào một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, mà trong đó nét trổi vượt chính là sự hợp nhất, do bởi có ĐGH là đá tảng hợp nhất, tảng đá qui tụ. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:09 23/08/2020

7. Nếu yêu mến Thiên Chúa mà không chấp nhận đau khổ, thì phải biết rằng đó là xa lánh Thiên Chúa.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:13 23/08/2020
13. VÔ RA LỖ CHÓ

Có thằng nhỏ tên là Trương Ngô Hưng, thông minh lanh lợi không như những đứa trẻ khác.

Tám tuổi thay răng, rụng hai cái răng cửa, các trưởng bối nói đùa với nó:

- “Trong miệng mầy sao lại mở một lỗ chó? ”

Thằng bé liền trả lời:

- “Chính là để các ông vô ra cho thuận tiện đó mà !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 13:

Con nít răng sún là chuyện thường tình, gãy răng cửa lại là chuyện không có gì đặc biệt, cái đáng nói chính là đừng đùa giỡn với con nít cách thái quá.

Có những người lớn thích chơi giỡn với con nít nên con nít lờn mặt, đến nỗi trả lời đốp chát trước mặt mọi người làm cho họ phải mất mặt, đó là những người đã “bắt thang” để con nít trèo lên sự kiêu ngạo và ngang ngạnh của nó mà không biết...

Đừng đùa giỡn cách thái quá với con nít, bởi vì trẻ em là thiên thần khi nó hồn nhiên đùa giỡn với chúng ta, nhưng tâm hồn chúng nó trở thành niếng mồi ngon của ma quỷ khi sự đùa giỡn thân mật quá đà cho phép, bởi vì tất cả những gì thái quá đều đưa đến tai hại khôn lường, nhất là những người đã dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời.

Thời nay có nhiều trẻ em không còn là thiên thần trong trắng, và thời nay người ta cũng có cái nhìn không lương thiện khi thấy các linh mục đùa giỡn quá thân mật với trẻ em, cái gì cũng có nguyên do của nó !

Hãy coi chừng cạm bẫy của ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lòng dạ không có gì gian dối
Lm Minh Anh
23:03 23/08/2020
LÒNG DẠ KHÔNG CÓ GÌ GIAN DỐI

“Nơi ông không có gì gian dối”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc Lời Chúa ngày lễ kính thánh Barthôlômêô, còn gọi là Nathanael, thật phong phú. Hội Thánh vừa là Hiền Thê, vừa là Giêrusalem mới; Chúa Giêsu vừa là thành thánh mới, vừa là Con Chiên Cứu Độ, Đấng thiết lập Hội Thánh.

Tác giả sách Khải Huyền thuật lại thị kiến, “Tôi là Gioan, một thiên thần nói với tôi, ‘Lại đây, tôi sẽ chỉ cho thấy Hiền Thê, Tân Nương của Con Chiên’; ‘Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống; ‘Tường thành xây trên mười hai nền móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành’. Văn phong khải huyền với những hình ảnh tuy có phần nhập nhằng nhưng ý nghĩa thần học của nó lại đem đến cho người đọc một cảm giác thú vị. Hội Thánh là Giêrusalem mới, là Tân Nương của Chúa Kitô; Con Chiên chính là Chúa Giêsu và Ngài cũng là đền thờ mà trên đó, Hội Thánh được xây dựng với mười hai trụ cột khắc tên các tông đồ và hẳn có cả tên của Barthôlômêô.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng giàu ý nghĩa không kém. Thoạt đọc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nathanael, chúng ta cảm thấy thôi thúc cần phải đọc lại một lần nữa; vì nếu chỉ đọc qua, dường như chúng ta đã bỏ lỡ một điều gì đó. Vì làm thế nào chỉ với một vài lời qua lại ít ỏi, “Đây thật là một người Israel, nơi ông không có gì gian dối”; “Sao Ngài biết tôi? ” và “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, Ta đã thấy ngươi”, vậy mà lại đủ để Nathanael có thể tuyên xưng với người mình gặp lần đầu, cũng là người nói những lời ấy đến như thế này, “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Làm sao có thể đi đến một kết luận chóng vánh đến thế?

Chúa Giêsu nói, “Nơi ông không có gì gian dối”, nghĩa là ông không phải là kẻ hai lòng. Một người được gọi là hai lòng, nghĩa là người ấy tráo trở và gian giảo; họ rất tài giỏi trong việc lừa dối người khác, đó là một tính cách nguy hiểm, đáng sợ. Nhưng khi nói ngược lại, một người không hai lòng, không có gì gian ngoan, là nói rằng, họ trung thực, thẳng thắn, chân thành, trong suốt và thực tế. Nathanael là một con người như thế, ông trung thực; ông nói tự nhiên điều ông nghĩ. Ở đây, Chúa Giêsu chẳng đưa ra một luận cứ tri thức nào để thuyết phục ông tin vào thần tính của Ngài, Ngài không nói gì về điều ấy. Nhưng thay vào đó, điều đã xảy ra là đức tính tốt đẹp này của Nathanael đã giúp ông nhìn vào Chúa Giêsu và nhận ra Ngài là Đấng chân thật; đức tính tốt lành này cho phép ông không chỉ ‘mặc khải’ Chúa Giêsu là ai nhưng còn cho ông nhìn người khác một cách trong sáng và chân thực hơn; đức tính tốt lành này đã giúp Nathanael rất nhiều khi ông gặp Chúa Giêsu lần đầu để ông có thể nhận biết ngay lập tức sự cao cả của Ngài, cũng như Ngài là ai.

Theo hai cha Louis và Bernard Hurault, thuật ngữ “ở dưới cây vả” là kiểu nói một thầy thông luật thời xưa đang giảng dạy, họ thường dạy dưới bóng cây vả. Nathanael là một thông luật nhưng không như những thông luật khác; nhờ trung thực, thẳng thắn nên ông đã nhận ra “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”, một tuyên tín đâu kém tuyên tín của Phêrô, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và như đã khen Phêrô, Chúa Giêsu cũng thưởng cho Nathanael, “Ông sẽ thấy trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. Và như thế, Con Người ở đây là chiếc thang nối trời và đất của Giacob mơ mộng thuở xưa nay thành hiện thực; nơi Ngài, Chúa và người gặp nhau; Ngài là Giêrusalem mới, nhà Thiên Chúa, nơi Chúa ngự cũng là ‘Giêrusalem mới’ được thánh Gioan nhắc đến trong bài Khải Huyền hôm nay.

Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, thượng đế cho chúng mỗi đứa một chân đèn và dặn lau chùi chúng cho thật bóng sáng. Một hai tuần trôi qua, thượng đế không đến, tất cả các bé đều bỏ cuộc, chỉ có một em vẫn lau chùi chân đèn sáng bóng; mọi người chê em dại. Kết quả chỉ có em được trở thành thiên thần. Hoá ra làm thiên thần thật dễ, chỉ cần trung thực, thật thà là được.

Anh Chị em,

Mỗi khi mừng kính một vị tông đồ, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các giám mục kế vị các ngài. Hôm nay, chúng ta cầu cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa có một tâm hồn của em bé thiên thần, lòng dạ không có gì gian dối, nhờ lời cầu bàu của thánh Barthôlômêô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con xin một “lòng dạ không có gì gian dối” trước Chúa và trước anh em, hầu con có thể nhận biết những mầu nhiệm Thiên Chúa nơi con, nơi anh em con mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quá sức hãi hùng: Một linh mục phát hiện ra mình chưa hề được rửa tội. Tuyên bố của tổng giáo phận Detroit
Đặng Tự Do
07:13 23/08/2020
Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một linh mục, và bạn thực sự không phải như thế, bạn gặp rắc rối to. Nhiều người khác cũng rắc rối to cùng với bạn. Các phép rửa tội mà bạn đã thực hiện là các phép rửa tội hợp lệ. Nhưng phép thêm sức thì không. Các thánh lễ bạn cử hành cũng không hợp lệ. Phép xá giải cũng không thành sự, bí tích xức dầu cũng không. Và những cuộc hôn nhân thì sao, còn gay go hơn nữa!

Cha Matthew Hood của Tổng giáo phận Detroit chết điếng trong lòng khi biết mình thực sự không phải là một linh mục!

Ngài nghĩ rằng mình đã được thụ phong linh mục vào năm 2017 và đã thực hiện thừa tác vụ linh mục kể từ đó. Nhưng gần đây, ngài phát hiện ra ngài hoàn toàn không phải là một linh mục. Trên thực tế, ngài biết rằng thậm chí mình chưa hề được rửa tội.

Nếu bạn muốn trở thành một linh mục, trước tiên bạn phải trở thành một Phó tế. Nếu bạn muốn trở thành một Phó tế, trước tiên bạn phải được rửa tội. Nếu bạn không được rửa tội, bạn không thể trở thành Phó tế, và bạn không thể trở thành linh mục.

Tất nhiên, Cha Hood nghĩ rằng mình đã được rửa tội khi còn nhỏ. Nhưng đầu tháng Tám này, ngài đã đọc một thông báo của Bộ Giáo lý Đức tin. Thông báo nói rằng việc thay đổi các từ ngữ trong nghi thức rửa tội sẽ làm cho phép Rửa Tội thành ra không hợp lệ. Chẳng hạn, nếu người cử hành bí tích Rửa Tội nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần …” thay vì “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...” thì phép Rửa Tội không có giá trị.

Cha Hood nhớ lại một đoạn video mà ngài đã xem về buổi lễ rửa tội của chính mình. Và ngài nhớ lại những gì vị Phó tế đã nói: “Chúng tôi rửa con ….” Lễ rửa tội của ngài không hợp lệ.

Chết điếng trong lòng, cha Hood đã gọi điện cho tổng giáo phận của ngài.

Tổng giáo phận Detroit đã lập tức rửa tội cho ngài, ban phép thêm sức và rước lễ lần đầu. Sau khi đi tĩnh tâm, ngài được phong chức Phó tế. Và vào ngày 17 tháng 8, Cha Matthew Hood cuối cùng đã trở thành một linh mục thực sự.

Tổng giáo phận Detroit đã thông báo về tình huống bất thường này trong một bức thư được công bố vào ngày 22 tháng 8.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Đầu tháng này, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một chỉ dẫn giáo lý quan trọng cảnh báo Giáo Hội trên toàn thế giới rằng phép Rửa tội không có giá trị nếu trong đó một từ, hoặc một số từ nào đó đã bị thay đổi. Cụ thể, việc nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” khiến bí tích rửa tội không thành sự. Đúng hơn, các thừa tác viên phải để Chúa Giêsu nói qua họ rằng “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Khi làm sáng tỏ điều này, Thánh Bộ viện dẫn Công đồng Vatican II. Công đồng đã xác định rằng không ai “dù là linh mục, có thể thêm, bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong Phụng Vụ theo thẩm quyền của mình.”

Một trong những linh mục của chúng ta ở Tổng giáo phận Detroit đã nhận được tin này với sự kinh hoàng tột độ. Cha Matthew Hood đã tốt nghiệp Đại Chủng viện Thánh Tâm, và đã được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2017. Gần đây, ngài đã xem một video gia đình được quay vào thời điểm ngài được rửa tội khi còn là một đứa trẻ sơ sinh và nhận ra vị Phó tế cử hành đã quyết định thay đổi từ ngữ trong công thức Rửa Tội, và nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thay vì nói “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

Cha Hood ngay lập tức liên lạc với Tổng giáo phận và các bước thích hợp đã được thực hiện để khắc phục tình trạng của ngài. Gần đây ngài đã được rửa tội hợp lệ. Hơn nữa, vì các bí tích khác không thể được lãnh nhận một cách hợp lệ vào trong linh hồn nếu không có phép Rửa tội hợp lệ, nên Cha Hood gần đây cũng đã được thêm sức hợp lệ và được phong chức Phó tế chuyển tiếp và sau đó được phong chức linh mục. Chúng ta hãy cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa đã ban phước cho chúng ta qua thừa tác vụ của Cha Hood.

Khó khăn của tin tức này cũng gây ra các ảnh hưởng với phần còn lại của chúng ta. Vị đầu tiên rửa tội cho Cha Hood, là Phó tế Mark Springer, đã sử dụng công thức không hợp lệ này khi được chỉ định phục vụ tại Giáo xứ Thánh Anastasia ở quận Troy, trong thời gian từ 1986 đến 1999. Giáo xứ và Tổng giáo phận Detroit sẽ cố gắng liên lạc với những người mà thầy Phó tế này đã rửa tội, để họ có thể nhận được các bí tích hợp lệ. Tổng giáo phận đã công bố danh tính của vị Phó tế này trong nỗ lực cảnh báo những người mà chúng tôi có thể không có cách nào để liên lạc.

Tin tức này cũng ảnh hưởng đến nhiều người đã được Cha Hood ban các phép bí tích trong ba năm qua. Trong thời gian đó, khả năng cử hành các bí tích hợp lệ của ngài bị hạn chế rất nhiều. Anh chị em có thể xem thêm các thông tin ở đây về khả năng thành sự của mỗi bí tích. Các giáo xứ nơi cha Hood đã phục vụ bao gồm giáo xứ Hài Nhi Chí Thánh ở Dearborn và giáo xứ Thánh Lôresnsô ở Utica - sẽ làm việc với Tổng Giáo phận để liên lạc với những người đã được Cha Hood ban các phép bí tích, để tùy hoàn cảnh của mỗi cá nhân có thể được kiểm tra và sửa chữa.

Như trong tất cả mọi trường hợp, có Chúa Kitô, chúng ta vẫn có hy vọng ngay cả giữa bóng tối này. Giáo Hội, theo tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô, công nhận rằng Thiên Chúa đã ràng buộc chính Ngài vào các bí tích, nhưng Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích. Điều này có nghĩa là mặc dù chúng ta có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn luôn làm việc thông qua các bí tích khi các bí tích ấy được các thừa tác viên ban phát một cách thích đáng, nhưng Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi các bí tích nhưng Ngài có thể mở rộng ân sủng của Ngài một cách toàn năng. Chúng ta có thể yên tâm rằng tất cả những ai đến với Cha Hood, với đức tin ngay lành, để lãnh nhận các bí tích đều không ra về tay không. Chúng ta biết rằng Chúa của chúng ta, trong tình yêu thương không ngừng dành cho chúng ta, đã cung cấp một số biện pháp ân sủng. Thiên Chúa cảm động trước những trái tim rộng mở với Ngài trong tình yêu thương.

Đồng thời, các bí tích, khi được thực hiện đúng cách, là những nghi thức hữu hình và là những kênh hữu hiệu, qua đó ân sủng thánh hóa của Thiên Chúa tuôn đổ cho những ai lãnh nhận chúng với bối cảnh thích hợp. Ân sủng thánh hóa là cần thiết để linh hồn được sống vĩnh cửu trên thiên đàng, và phép Rửa tội có hiệu lực bảo đảm rằng ân sủng này đã được đặt trong linh hồn. Tội lỗi là tình trạng mất ân sủng thánh hóa, nhưng tất cả các bí tích đều hoạt động tùy theo mục đích của các bí tích ấy là ban phát và củng cố ân sủng thánh hóa trong linh hồn. Ân sủng này là một kho tàng của các kho tàng và chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ sự toàn vẹn của các bí tích mà chúng ta lãnh nhận. Giáo Hội địa phương có nhiệm vụ bảo đảm rằng mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của Giáo Hội có đầy đủ thiện ích và sự chắc chắn đến từ việc lãnh nhận hợp lệ các bí tích, đó là những bí tích đã được ban cho chúng ta để giữ chúng ta an toàn hơn trên con đường về trời.

Thay mặt cho Giáo Hội địa phương, tôi vô cùng lấy làm tiếc vì lỗi lầm của con người này đã dẫn đến sự gián đoạn đời sống bí tích của một số tín hữu. Tôi sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để khắc phục tình hình cho những người bị ảnh hưởng. Lời cam kết này một phần là lý do tại sao tôi viết thư cho anh chị em hôm nay, với hy vọng rằng anh chị em có thể giúp tôi xác định những người cần các bí tích. Nếu anh chị em tin rằng hồ sơ bí tích của chính anh chị em có thể bị ràng buộc với thừa tác vụ của Phó tế Springer hoặc Cha Hood, xin vui lòng liên hệ với Tổng giáo phận hoặc gọi cho giáo xứ của anh chị em để biết thêm thông tin về cách tiến hành.

Tôi xin anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho Cha Hood, Phó Tế Springer, các tín hữu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoàn cảnh này, và cho toàn thể cộng đồng Công Giáo ở đông nam Michigan, theo lời thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7)

Trân trọng kính chào anh chị em trong Chúa Kitô,

+ Đức Tổng Giám Mục Allen H. Vigneron,

Tổng Giám Mục Detroit



Source:Archdiocese of Detroit
 
Những huấn từ của ĐTC Phanxicô về các cuộc tàn sát người Kitô hữu
Thanh Quảng sdb
07:29 23/08/2020
Những huấn từ của ĐTC Phanxicô về các cuộc tàn sát người Kitô hữu

Nhân dịp thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế nạn nhân của các cuộc bách hại tôn giáo, chúng ta hãy nhớ lại những lời giáo huấn của ĐTC Phanxicô về việc đàn áp các Kitô hữu.

(Tin Vatican - Sơ Bernadette M Reis, fsp)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vấn đề đàn áp Kitô giáo một số lần, kể từ khi ngài lên ngôi Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013.

Thật vậy, khoảng một tháng sau khi lên ngôi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vấn đề này mà ngài lặp đi lặp lại nhiều lần kể từ đó:

“Ngày nay, Giáo hội có nhiều vị tử đạo hơn so với những thế kỷ đầu của Giáo hội!”

Các vị tử vì đạo ngày nay

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói cụm từ này trong một bài giảng lễ thánh Tử đạo Stephanô, vị tử đạo đầu tiên. ĐTC cho rằng cái chết của thánh Stephanô là một “sự khờ dại”. Và Đức Thánh Cha cho biết từ ngày đó cho đến nay, nhiều Kitô hữu đã làm chứng cho Tin Mừng Chúa theo gương can đảm tuyệt vời của thánh nhân.

ĐTC nói: "Thời đại tử đạo chưa bao giờ kết thúc, thậm chí ngày nay chúng ta có thể nói một cách thẳng thắng rằng Giáo Hội có nhiều vị tử đạo hơn bây giờ, so với các thế kỷ đầu của Giáo hội. Nhiều chứng nhân bị giết vì sự thù hận Chúa Giêsu, vì căm phẫn với đức tin: một số bị giết vì dạy giáo lý, số khác bị giết vì đeo thánh giá... Ngày nay, ở nhiều quốc gia, các tín hữu bị coi là những kẻ ác độc, họ bị bắt bớ... họ là anh chị em của chúng ta đang chịu đau khổ! Cho nên thời đại chúng ta đang sống, là thời đại của các vị tử đạo.

Sự ngược đãi ngày nay

Khoảng một năm sau, ĐTC lại nhắc lại cụm từ ấy trong bài giảng vào ngày 4 tháng 3 năm 2014. Khi ĐTC suy tư về câu trả lời của Chúa Giêsu trước câu hỏi của thánh Phêrô “Đi theo Chúa, chúng con sẽ được gì? ” Chúa Giêsu trả lời những ai theo Ngài sẽ nhận được gấp trăm đời này, kể cả sự bắt bớ.

“Do đó chúng ta chứng dám nhiều cuộc đàn áp: bằng lời nói, bằng lăng mạ, bằng vu cáo khiến tín hữu Chúa bị bắt bớ và tù đầy như trong các thế kỷ đầu… Hẳn chúng ta vẫn chưa quên, 60 năm trước đây, nhiều Kitô hữu bị bắt tống vào các trại lao động của Đức quốc xã, và rồi của những người Cộng sản! Họ cho các tín hữu là những người khùng điên, nhảm nhí, hủ lậu, cần phải khai trừ và tiêu diệt! Nên ĐTC nói: ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn so với thời xa cưa của Giáo Hội. Họ bị lên án, chỉ vì có cuốn Kinh thánh, vì đeo thánh giá… mà bị bắt bớ.

Suy tư về những người bị bách hại

Trong dịp Lễ Giáng sinh 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cụm từ này trong dịp lễ kính Thánh Stephanô như sau:

“Ngày nay cũng vậy, để làm chứng cho ánh sáng và sự thật, Giáo Hội đang trải nghiệm ở nhiều nơi khác nhau những sự bách hại khắc nghiệt, dẫn đến những cuộc tử đạo cao cả. Biết bao anh chị em của chúng ta bị ngược đãi và bạo lực, vì sự thù ghét với Chúa Giêsu! Cha nói cho các con hay: những người tử vì đạo hôm nay còn nhiều hơn những người chết vì Chúa ở những thế kỷ đầu của Giáo hội!

Chúng ta thấy lịch sử của những thế kỷ đầu tiên, ở Rôma này, diễn ra nhiều sự tàn ác đối với các Kitô hữu; Cha có thể nói ngày nay cũng có cùng một sự tàn bạo như thế!, và ở một mức độ dữ dằn hơn, đối với các Kitô hữu... Hôm nay chúng ta nghĩ đến những người đang bị bách hại, và hiệp thông với họ trong tâm tình cầu nguyện và khóc thương họ bằng những giọt lệ của chúng ta. Hôm qua, ngày lễ Giáng sinh, chúng ta hãy nhớ tới các Kitô hữu đang bị đàn áp vì đức tin tại Iraq, họ phải dâng lễ Giáng sinh trong những ngôi thánh đường bị hủy diệt!”

Tử đạo vì sự trung tín hàng ngày

Trong buổi triều yết ngày 25 tháng 9 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại những lời tương tự khi ngài đề cập đến cuộc tử đạo của thánh Stephanô.

“Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn so với thời Giáo Hội sơ khai, và các vị tử đạo ở khắp mọi nơi. Giáo Hội có nhiều vị tử đạo, máu các ngài tưới gội trên đất nước chúng ta như các giáo phụ xưa đã nói: “Máu của các Kitô hữu là hạt giống đức tin” (Tertullian, Apology, 50:13) và là bảo chứng cho Dân Thiên Chúa được phát triển và sinh nhiều hoa trái. Các vị tử đạo không chỉ là “thánh nhân”, mà còn là những người nam nữ bằng xương bằng thịt - như sách Khải Huyền đã đề cập tới - “họ đã giặt áo choàng và làm cho nên tinh trắng trong máu Chiên Con” (7:14). Họ là những người chiến thắng thực sự.

"Hôm nay chúng ta cũng khẩn cầu, xin Chúa đoái nhìn đến các vị tử đạo hôm qua và hôm nay, mà giúp chúng ta học đòi cách sống trọn vẹn như của các vị thánh tử đạo hàng ngày, để trung thành với Tin Mừng theo Chúa Kitô."

Những vị tử vì đạo của ngày hôm nay

Khi suy ngẫm về Bài đọc tường thuật lại cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô ngày 28 tháng 4 năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sánh ví những điển hình trong thời đại chúng ta trước sự ngược đãi, giống như của những người đã thiệt mạng ở Shoah trong thế kỷ trước. ĐTC nói: Động lực tương tự được sử dụng để giết thánh Stephanô vẫn còn vang vọng! với nhóm người này thì các tín hữu Chúa Kitô đáng phải chết!

“Điều này đang xảy ra ngày nay: các vị thẩm phán không có khả năng cầm cân nẩy mực cho người mình xét xử. Ví dụ, điển hình vụ cô Asia Bibi: cô bị kêu án tù mười năm tù, chỉ vì đức tin của cô, trước một người đòi giết cô!"

Trong bài giảng ngày 27 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc tới một ví dụ cụ thể khác về một vị Giám mục:

“Một Giám mục đang sống trong một quốc gia độc tài vô thần đã nói với Cha về điều này, một cách chi tiết! Ví dụ, vào thứ Hai sau Lễ Phục sinh, các giáo viên phải hỏi học trò: “Hôm qua con ăn gì? ” Một số đứa trả lời là “Trứng”. Và những đứa nói thế, sẽ bị theo dõi để xem có phải em đó là tín hữu hay không, vì tập tục của các Kitô hữu, là ăn trứng vào Chủ nhật Phục sinh. Thậm chí cho đến thời điểm này, còn có việc do thám như vậy, để tìm ra người tin vào Chúa Kitô mà sát hại. Đây thật là một cuộc bách hại dai dẳng. "

Phúc cho những người bị bắt bớ

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở chúng ta không chỉ có bách hại khổ đau mà còn có hạnh phúc, dành cho những tâm hồn bị bách hại! Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về Mối Phúc thật cuối cùng trong Tám mối trong buổi triều yết chung vào ngày 29 tháng 4 đầu năm nay: “Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì nước trời là của họ.”

ĐTC Phanxicô lưu ý về Tám mối phúc thật Chúa hứa cho “Những người nghèo khó trong tâm hồn, những người than khóc, hiền lành, những người khao khát sự thánh thiện, những ai có lòng thương xót, những người có lòng trong sạch và những người kiến tạo hòa bình mà bị bắt bớ vì Chúa Kitô. Tuy nhiên, cuối cùng của sự bách hại này là con đưiờng dẫn tới niềm vui và phần thưởng lớn lao trên thiên đàng. Con đường của các Mối Phúc thật là con đường Phục Sinh dẫn chúng ta từ cuộc sống trần gian tới thiên quốc; từ một cuộc sống trong xác thân với đầy ham muốn xác thịt - ích kỷ - đến một cuộc sống được hướng dẫn bởi Thần Khí.

"Thật đau buồn khi biết rằng trong thời điểm này, có rất nhiều Kitô hữu ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới đang phải gánh chịu những sự ngược đãi! Chúng ta phải sống có hy vọng và cầu nguyện cho những thử thách đó sớm qua đi. Dù con số người tử đạo ngày nay, có đông hơn số những người tử đạo của những thế kỷ đầu... Chúng ta hãy nhớ tới những anh chị em này. Chúng ta là một thân thể duy nhất và những tín hữu này là những chi thể đang bị đau khổ trong thân thể huyền nhiệm Chúa Kitô là Giáo hội Người. "

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giáo lý của mình bằng nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ khi nào chúng ta phải đối diện với bắt bớ vì niềm tin vào Chúa Giêsu, thì chúng ta không đơn độc. Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta.

“Trong các cuộc bách hại, Chúa Giêsu luôn hiện diện, đồng hành với chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự an ủi và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta kiên tâm tiến bước. Chúng ta đừng nản lòng, khi sống một cuộc đời trung thành với Tin Mừng, mà bị người ta bắt hại!... Có Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình này”.
 
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Detroit về cái chết của Cha Stephen Rooney trên sông Mississippi
Đặng Tự Do
18:06 23/08/2020
“Tôi vô cùng đau buồn trước tai nạn đắm thuyền bi thảm hôm Chúa Nhật và sự mất mát của Cha Rooney và anh Robert Chiles, giáo dân giáo xứ Thánh Giuse. Cha là một vị chủ chăn được nhiều người thương mến. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến cộng đoàn giáo xứ trong thời khắc đau thương này. Chúng ta hãy nhiệt thành cầu nguyện cho linh hồn Cha Rooney và anh Robert Chiles được nghỉ yên muôn đời. Chúng ta hướng về Đấng Cứu Rỗi nhân lành của chúng ta trong lời cầu nguyện cho những ai đang than khóc họ, với sự tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Chúa sẽ đưa chúng ta đến Vương Quốc của Ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của tổng giáo phận Detroit đã viết như trên trên trang Web của tổng giáo phận sau khi cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy thi hài của Cha Stephen Rooney tại hồ Erie gần Frenchtown Township trong quận Monroe cách nơi xảy ra tai nạn hơn 22km.

Cha Stephen Rooney năm nay 66 tuổi là người Ái Nhĩ Lan, quê ở quận Short Strand thuộc thành phố Belfast. Ngài đã làm việc mục vụ tại Hoa Kỳ trong ba mươi năm qua. Lúc đầu khi mới sang Mỹ vào năm 1995, ngài phục vụ tại giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại quận Monroe trong 13 năm, trước khi làm cha sở tại giáo xứ Đức Mẹ Núi Camêlô. Ngài chỉ mới về giáo xứ Thánh Giuse ở quận Trenton một thời gian ngắn.

Chiều Chúa Nhật 16 tháng 8, Cha Rooney được anh Robert Chiles mời đi trên chiếc thuyền của gia đình. Anh chị em giáo dân cho biết ngài nể anh Robert, một giáo dân tích cực trong giáo xứ lắm nên mới tham gia với gia đình vì ngài không thích đi thuyền vì dễ bị say sóng.

Tai nạn đã xảy ra gần Grosse Ile, một hòn đảo nằm giữa Michigan và Ontario, Canada. Theo cảnh sát, chiếc thuyền cao tốc đã va vào một tảng đá trên sông và bị lật.

Mười người đã được cứu, trong đó có ba trẻ em. Anh Robert và Cha Rooney là hai người chết trong tai nạn này.

Xác của anh Robert được tìm thấy hôm thứ Tư gần nơi xảy ra tai nạn. Nhưng xác cha Rooney đến sáng thứ Năm mới tìm thấy sau khi đã trôi dạt hơn 22km về tận giáo xứ đầu tiên ngài phục vụ khi mới đến Hoa Kỳ.

Trong thời gian chưa tìm được xác cha Rooney, các giáo xứ trong tổng giáo phận Detroit nơi ngài đã từng phục vụ và cả giáo xứ quê hương ở Belfast đã tổ chức các buổi cầu nguyện cho ngài.


Source:Belfast Telegraph
 
Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York sẽ dâng lời cầu nguyện tại buổi khai mạc Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa
Đặng Tự Do
18:07 23/08/2020


Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York sẽ dâng lời cầu nguyện tại buổi khai mạc Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào ngày 24 tháng 8 tại Charlotte, North Carolina. Đức Hồng Y đã cho biết như trên trong một tuyên bố trên trang Web của tổng giáo phận New York.

“Trong tư cách là một linh mục, một trong những nghĩa vụ thiêng liêng nhất của tôi là cố gắng và đáp ứng tích cực bất cứ khi nào tôi được mời cầu nguyện, ” Đức Hồng Y Dolan nói trong một tuyên bố ngày 18 tháng 8.

“Cầu nguyện là thân thưa cùng Thiên Chúa, dâng lời ngợi khen Ngài, cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban nhiều phước lành, và xin Ngài chuyển cầu; điều đó không phải là chính trị hay đảng phái.”

“Đó là lý do tại sao tôi đã chấp nhận lời mời cầu nguyện tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ” Đức Hồng Y nói thêm. “Việc tôi đồng ý cầu nguyện không cấu thành sự tán thành bất kỳ ứng cử viên, đảng phái hay đường lối nào. Nếu tôi được mời dâng lời cầu nguyện cho Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ, tôi đã vui vẻ chấp nhận, giống như tôi đã làm vào năm 2012”.

Trên thực tế, Đức Hồng Y Dolan đã hướng dẫn các buổi cầu nguyện vào năm 2012 tại cả Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa và Dân chủ, và vào năm 2017, ngài đã hướng dẫn một buổi cầu nguyện tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.

Thông báo về việc Dolan tham gia đại hội đảng Cộng hòa, sẽ được tổ chức vào tuần tới, chủ yếu là trực tuyến, được đưa ra sau khi có thông báo rằng cha James Martin, và sơ Simone Campbell, sẽ cầu nguyện tại Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ trong tuần này.

Cha Martin là người nổi tiếng với cuốn sách “Xây dựng một nhịp cầu” nhằm ủng hộ các vấn đề liên quan đến đồng tính luyến ái, cũng thường xuyên nói về sự ủng hộ của ông đối với giáo huấn của Giáo hội về phá thai.

Campbell, giám đốc điều hành của Network Lobby For Catholic Social Justice, nghĩa là Mạng Lưới Vận Động Cho Công Bằng Xã Hội Công Giáo, trước đây đã phát biểu tại Hội nghị Quốc gia Dân chủ năm 2012 và 2016.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với Democracy Now, sơ Campbell nói rằng “Theo quan điểm của tôi, tôi không nghĩ rằng đó là một chính sách tốt khi đặt phá thai ra ngoài vòng pháp luật”. Sơ Campbell nói rằng các nhà vận động ủng hộ cuộc sống nên “tập trung vào phát triển kinh tế cho phụ nữ và cơ hội kinh tế. Đó là điều thực sự tạo nên sự thay đổi.”

Đó là một lý lẽ ngụy biện. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “quyền sống của mọi cá nhân vô tội là một yếu tố cấu thành của xã hội dân sự và luật pháp của nó.” Người ta không cần giầu có, ăn no mặc đẹp rồi mới bắt đầu bảo vệ quyền sống của thai nhi.

Về phần mình, Dolan cho biết ngài hy vọng “trong thời gian hỗn loạn này trong lịch sử dân tộc chúng ta, mọi người thuộc mọi tôn giáo hay không tôn giáo có thể cùng nhau tìm kiếm hòa bình và hòa giải trong trái tim chúng ta, trong các thành phố của chúng ta, và ở đất nước chúng ta.”


Source:Catholic News Agency
 
Hội Đồng Giám Mục Mali: Cuộc đảo chính là một thất bại lớn đối với nền dân chủ của chúng ta
Đặng Tự Do
18:08 23/08/2020


Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mali nhận định rằng cuộc đảo chính quân sự ở Mali là “một thất bại lớn đối với nền dân chủ của chúng ta”.

Đức Cha Jonas Dembélé, người đã lãnh đạo Hội đồng Giám mục Mali từ năm 2017, nói với ACI Africa rằng cuộc đảo chính ngày 18 tháng 8 đã lật đổ tổng thống và thủ tướng của đất nước là một điều “đáng tiếc.”

“Cuộc đảo chính quân sự dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita là đáng tiếc bởi vì chúng ta đang sống trong một tình trạng pháp quyền và dân chủ”.

“Đây là lần thứ hai Mali xảy ra một cuộc đảo chính quân sự do cách thức điều hành đất nước. Đó là một thất bại lớn cho nền dân chủ của chúng ta.”

Dembélé lưu ý rằng đất nước đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như quản trị kinh tế kém, tham nhũng và mất an ninh.

Ngài đặt câu hỏi:

“Tại sao người Malia chúng ta lại không tham gia vào đối thoại để có thể thảo luận về những vấn đề này và đối mặt với những thách thức này một cách có trách nhiệm? ”

“Lãnh đạo của chúng ta, người dân của chúng ta, thiếu minh bạch. Họ ghét những người nói sự thật và ủng hộ việc quản trị tốt. Tâm lý này phải thay đổi để đất nước chúng ta tiến lên.”

Hôm thứ Ba, tổng thống Keïta tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội vài giờ sau khi binh lính làm binh biến bắt giữ ông ta. Thủ tướng Boubou Cissé cũng bị bắt giam và sau đó đã tuyên bố từ chức.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước cả nước, Keïta nói: “Trong bảy năm, tôi đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi cố gắng đưa đất nước này đứng vững. Nếu ngày nay một số người từ các lực lượng vũ trang quyết định kết thúc nó bằng sự can thiệp của họ, tôi còn có lựa chọn nào nữa chăng? Tôi nên phục tùng họ vì tôi không muốn đổ máu.”

Vào ngày 19 tháng 8, các quân nhân Mali, thuộc Ủy ban Cứu quốc Nhân dân, đã nói chuyện với công dân trên truyền hình nhà nước.

Ismail Wague, Phó tham mưu trưởng Không quân Mali, cho biết: “Chúng tôi không nắm quyền mà đang giữ gìn sự ổn định của đất nước. “

Ông tuyên bố đóng cửa biên giới và giới nghiêm.

Mali, quốc gia có dân số 19 triệu người, đã trải qua một đợt bạo lực gia tăng liên quan đến cả dân thường và quân đội kể từ năm 2016, với hơn 4, 000 người chết được ghi nhận chỉ trong năm 2019, so với khoảng 770 người ba năm trước đó.

Ước tính có khoảng 95% người Malia là người Hồi giáo. Có khoảng 275, 000 người Công Giáo trong cả nước, chiếm chưa đến 2% dân số. Khoảng 3% người Malia theo các tôn giáo truyền thống của Phi châu.


Source:Catholic News Agency

 
Úc có kế hoạch tiêm vắc xin miễn phí nếu thử nghiệm thành công
Đặng Tự Do
18:09 23/08/2020


Úc cho biết họ có kế hoạch triển khai vắc-xin coronavirus miễn phí cho công dân của mình nếu các thử nghiệm thành công.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết đất nước của ông đã đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh để sản xuất và phân phối đủ liều lượng vắc xin tiềm năng cho 25 triệu người của họ.

“Hiện có khoảng 160 dự án vắc xin khác nhau trên khắp thế giới ngày hôm nay, một số dự án đã tiến được các bước rất xa như dự án AstraZeneca và họ đang hợp tác với trường Đại học Oxford, ” ông nói.

“Và nếu chúng ta ở vào vị trí thử nghiệm thành công, chúng ta hy vọng rằng điều này sẽ xảy ra vào đầu năm tới, nếu nó có thể được thực hiện sớm hơn thế thì thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta đang có rất nhiều người mặc áo khoác trắng và có rất nhiều người xung quanh đây ngày nay và họ đã và đang làm những công việc to lớn không chỉ ở đây mà trên toàn thế giới.”

Tất cả người dân Úc sẽ được cung cấp các liều vắc-xin nhưng một hội đồng y tế sẽ xác định danh sách ưu tiên của người nhận vắc-xin trước.

Tháng trước, AstraZeneca cho biết họ đã có các tin rất tốt về vắc xin của họ.

Vắc xin này đã được thử nghiệm trên quy mô lớn trên người và được nhiều người coi là dẫn đầu trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin cho loại coronavirus mới.

Trong khi đó, thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh mới trong những ngày gần đây.

Một đợt bùng phát ở Melbourne trong hai tuần qua đã buộc các nhà chức trách áp đặt lệnh giới nghiêm hàng đêm và đóng cửa nhiều cơ sở.


Source:Reuters
 
Ảnh hưởng Phi Châu trên Đạo Công Giáo Trung Hoa
Vũ Văn An
19:38 23/08/2020

Giữa nhiều phê phán đối với thoả thuận Tòa Thánh ký kết năm 2018 với Trung Hoa, linh mục Antonio Sparado, Dòng Tên, Chủ Nhiệm tập san nổi tiếng Civilta Cattolica và là người được coi như cố vấn thân tín của Đức Phanxicô, vừa cùng và nhà nghiên cứu Michel Chambon viết một bài cho thấy nét lạc quan của Đạo Công Giáo tại đất nước các vị gọi là “Middle Kingdom” (Trung Vương Quốc) này, đó là ảnh hưởng tốt đẹp của Phi Châu đối với đạo Công Giáo ở đấy. Chúng tôi chuyển bài viết của các vị sang tiếng Việt để bạn đọc rộng đường nhận định. Nguyên bản xin đọc tại https://www.laciviltacattolica.com/african-influences-on-chinese-catholicism.



Trong vài thập niên qua, sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi đã khiến nhiều nhà quan sát nhấn mạnh rằng Kitô giáo Trung Quốc có thể hưởng lợi từ sự xích lại gần nhau mới mẻ này. Thực thế, ngày càng có nhiều công dân từ Trung Vương quốc, nhờ di chuyển đến châu Phi, đã gặp được các cộng đồng Kitô giáo sôi động. Có vẻ như một số người Trung Quốc này cũng đã tiếp nhận Kitô giáo và mang nó về quê hương với họ. Vì vậy, Trung Quốc không những “nhập khẩu” tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi, mà còn nhập khẩu cả các Kitô hữu, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội thương mại. Có vẻ như trong số đó nhóm Kitô giáo lớn nhất là Phái Phúc Âm. Tuy nhiên, không thiếu các truyền thống Kitô giáo khác [1].

Kitô hữu đủ loại đang trở về Trung Vương quốc. Nhưng ý nghĩa Kitô giáo của cuộc gặp gỡ Hoa-Phi càng quan trọng hơn, rộng hơn số lượng người mới được rửa tội. Do đó, bài viết này nêu bật một chiều kích ít được đề cập đến: nó tập chú vào những người Châu Phi, trong tư cách công nhân, sinh viên, nhà ngoại giao hoặc doanh nhân nhỏ, sống ở Trung Quốc và tiếp xúc với người Công Giáo địa phương, nhằm khám phá những hệ lụy đối với Giáo hội ở Trung Quốc.

Không bỏ qua sự hiện diện của các cộng đồng Công Giáo nước ngoài khác, ở đây chúng tôi chủ trương rằng những giáo dân gốc Phi đang làm việc tại Trung Quốc đang đóng góp một cách độc đáo cho tính Công Giáo của Giáo hội địa phương. Không sở hữu một sự đào tạo tôn giáo kỹ lưỡng, hay một ơn gọi tôn giáo, hoặc thậm chí ít thánh hiến chính thức hơn, người châu Phi đã để cho người Công Giáo Trung Quốc quan sát và trải nghiệm một số hình thức thực hành tôn giáo Công Giáo thay thế. Ở bình diện cá nhân và tập thể, họ làm cho tính đa dạng và tính phổ quát trở nên hữu hình, giúp phát biểu tính Công Giáo của Giáo hội.

Các suy tư của chúng tôi đặc biệt dựa trên những gì diễn ra ở thành phố Quảng Châu (Canton) [2]. Ngày càng có nhiều di dân chọn nơi này để làm việc và học tập tại Trung Quốc. Sau phần trình bày ngắn gọn về đời sống tôn giáo của họ, chúng tôi sẽ tập chú vào các tín hữu Trung Quốc và các giáo sĩ địa phương để khảo sát xem họ tri nhận sự hiện diện của người Công Giáo châu Phi ra sao và phản ứng của họ là gì. Cuối cùng, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của châu Phi này, chúng tôi sẽ so sánh tình hình ở Quảng Châu với tình hình ở các thành phố lớn khác của Trung Quốc.

Sự hiện diện Châu Phi ở Quảng Châu

Quảng Châu luôn là thương cảng chính ở miền nam Trung Quốc. Nhưng với sự kết thúc của thời đại Mao, thành phố một lần nữa bắt đầu thu hút người nước ngoài, với số lượng lớn hơn bao giờ hết, đế tìm kiếm cơ hội mới. Trong số đó, có nhiều người châu Phi đến vì lý do học tập hoặc buôn bán. Chắc chắn, màu da, vóc dáng cao lớn và ngôn ngữ của họ không thể không được phần lớn người Trung Quốc chú ý. Họ nổi bật không những vì tư thế kinh tế, pháp lý mà còn bởi ngoại hình. Về bản chất, mặc dù có những đặc điểm khác nhau về ngôn ngữ, sắc tộc, quốc tịch và kinh tế giữa những người châu Phi da đen, nhưng đối với người dân địa phương tất cả đều xuất hiện như một cộng đồng đơn nhất.

Thực thế, cho đến Thế vận hội 2008 và Cuộc khủng hoảng tài chính hoàn cầu, người châu Phi tìm kiếm cơ hội rất dễ xin thị thực để vào Trung Quốc. Người Nigeria là những người tiên phong, nhưng ngay sau đó những người khác từ Cameroon, Uganda và Kenya đã tham gia với họ để kiếm may mắn ở thủ đô của miền Nam này, một siêu thành thị thực sự với 13 triệu dân. Phần lớn, họ là những người đàn ông chưa lập gia đình, ở độ tuổi hai mươi; nhiều người Nigeria nói ngôn ngữ Igbo; một số thích dùng tiếng Anh hơn, những người khác thì không. Quảng Châu thường là trải nghiệm đầu tiên của họ về châu Á hoặc một quốc gia khác ngoài quốc gia của họ. Không dễ gì để họ tìm được những công việc thường do người dân địa phương đảm nhiệm. Vì lý do này, một số người kiếm sống bằng việc dạy tiếng Anh; những người khác tham gia vào công việc kinh doanh đã được một thành viên trong gia đình họ thành lập, mở tiệm cắt tóc hoặc nhà hàng. Trong những năm qua, một quận phía bắc của thành phố, Xiaobei, đã trở thành cứ điểm của sự hiện diện nước ngoài này. Ở đó, ai cũng nhìn thấy nhiều người da đen trên đường phố, trong các nhà hàng và trung tâm mua sắm.

Nhưng sự hiện diện của người châu Phi này đã có những lúc thăng trầm. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những tin đồn và tin tức tiêu cực về “những người da đen” tăng lên gấp bội. Trên báo chí và trong dư luận, người châu Phi ngày càng bị mô tả như những người nhập cư bất hợp pháp đến Trung Quốc để tham gia tội ác, buôn bán ma túy và các hoạt động bất hợp pháp khác. Vào khoảng năm 2010, người dân Quảng Châu thường tin rằng Xiaobei không còn là “Trung Quốc của họ” nữa mà là một nơi “tội phạm và du đãng”. Thực thế, chính phủ đã tăng bội các đợt kiểm tra của cảnh sát và trục xuất, do đó tổng số người châu Phi giảm đi đáng kể.

Người Công Giáo Châu Phi và giáo phận Quảng Châu

Bất chấp các khó khăn trên, Chúa nhật xem ra vẫn khác ở Xiaobei [3]. Nhiều người châu Phi dừng các hoạt động của mình để tụ tập nhau ở Nhà thờ Chính tòa Công Giáo hoặc nhà thờ Tin lành. Những người Hồi giáo vì không thể làm việc nếu không có các đối tác thương mại của họ nên cũng dành cả ngày ở đền thờ Quảng Ta Hồi giáo hoặc ở những nơi khác.

Nhà thờ Chính tòa Quảng Châu, còn được gọi là "Seksat", là một di tích lịch sử quan trọng trong thành phố. Nó là một công trình kiến trúc tân Gothic bằng đá được xây dựng vào năm 1888; nó cách Xiaobei khoảng 20 phút đi bộ và thu hút rất đông du khách. Các tòa nhà liền kề được dành cho các hoạt động của giáo sĩ và công việc mục vụ. Bên cạnh đó cũng có một sân rộng với một hang đá đúng điệu kính Đức Mẹ Lộ Đức. Tại quần thể Nhà thờ Chính tòa, cuối tuần đặc biệt bận rộn. Từ giữa buổi sáng cho đến tận chiều tối, luôn có một lượng khách liên tục ra vào. Vào ngày thứ bảy luôn có các hoạt động và đám cưới được nhiều người tham dự. Năm thánh lễ Chúa nhật với hàng ngàn tín hữu tham dự. Một bằng tiếng Quảng Đông, hai bằng tiếng Quan Thoại; vào buổi chiều, một thánh lễ bằng tiếng Anh và ngay sau đó là một thánh lễ khác bằng tiếng Đại Hàn.

Mặc dù rất khó ước tính quy mô chính xác của dân số Công Giáo địa phương, các linh mục tin rằng có từ 30, 000 đến 50, 000 người Công Giáo trong khu vực đô thị. 2, 000 người trong số họ tập trung trong các nhà nguyện ở ngoại ô; 4, 000 người khác tham dự sáu trung tâm giáo phận. Các đòi hỏi pháp lý khiến việc xây dựng các nhà thờ mới trở nên rất khó khăn, và giáo phận phải sử dụng năm trung tâm giáo xứ nhỏ mà giáo phận sở hữu, ngoài nhà thờ chính tòa. Như vậy, mỗi giáo xứ là địa sở của khoảng 100 tín hữu, trong khi Seksat nghinh đón hơn 3, 000 người đến thờ phượng vào Chúa nhật. Nhà thờ chính tòa vì thế là trái tim sống động của giáo phận.

Trong bối cảnh này, khoảng 500 đến 800 người châu Phi tụ tập nhau ở nhà thờ. Họ đến đó vào đầu giờ chiều và cầu nguyện hoặc trò chuyện với bạn bè tại Hang đá Lộ Đức cho đến khi Thánh lễ bắt đầu. Bên trong, một số tập dượt bài hát với ca đoàn và những người khác chuẩn bị phục vụ tại bàn thờ. Trước lượng khách du lịch quá đông, người Nigeria đã tổ chức một dịch vụ hướng dẫn rất nghiêm ngặt và hữu hiệu để duy trì bầu không khí cầu nguyện của Thánh lễ bằng tiếng Anh.

Ngoài các buổi chiều Chúa Nhật, một số người cũng dùng các buổi tối Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu để tham gia việc dạy giáo lý Kinh thánh, họp Đạo Binh Đức Mẹ hoặc cầu nguyện theo lối đặc sủng. Thực thế, vào bất cứ thời điểm nào trong tuần, luôn có một vài người châu Phi quỳ gối trước hang Đức Mẹ Lộ Đức. Một số người cũng cầu nguyện tại nhà nguyện Mình Thánh gần đó, quỳ gối, cúi đầu để tôn thờ hoặc dang tay cầu khẩn Thiên Chúa. Bằng nhiều cách, những người trẻ tuổi châu Phi là sự hiện diện cầu nguyện ổn định và dễ thấy nhất tại Nhà thờ Chính tòa Seksat.

Dưới con mắt những người Công Giáo Trung Quốc địa phương

Sự hiện diện dễ thấy trên làm cho sự hiện hữu của cộng đồng Châu Phi được nhiều tín hữu địa phương biết đến. Điều này tự nó không hàm ngụ những mối liên hệ đặc thù, nhưng người Trung Quốc nhận thức được chúng. Dưới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông địa phương và nghị bàn của công chúng, người Công Giáo Trung Quốc có thể coi là đương nhiên việc người Châu Phi chủ yếu là thương nhân, di dân hoặc người buôn bán nghèo, nhưng ở nhà thờ chính tòa, họ tái khám phá những người này như các anh chị em thân thiện chuyên tâm cầu nguyện.

Phần lớn người Công Giáo địa phương coi cách cầu nguyện của người châu Phi là “sống động”. Vì tò mò, nhiều người trong số họ đã tham dự Thánh lễ ít nhất một lần bằng tiếng Anh. Họ thấy người Châu Phi tích cực tham gia các khía cạnh khác nhau của buổi lễ và cảm nghiệm được một phong cách phụng vụ được các nhạy cảm Châu Phi làm cho sinh động. Vì vậy, họ nhận ra rằng người Châu Phi, trong khi rất nghiêm túc trong các vấn đề phụng vụ, cũng làm phong phú thêm việc cử hành bằng các điệu múa và thánh ca đầy niềm vui. Đem so sánh, người ta thấy sự nhậy cảm về phụng vụ của người Trung Quốc có xu hướng trang trọng hơn. Người ta cũng lưu ý rằng người châu Phi dễ dàng mỉm cười, nói "chào buổi sáng" và bày tỏ niềm vui trong các tương tác xã hội của họ. Cả trong Thánh lễ lẫn trong các hoạt động diễn ra ở các khu vực lân cận nhà thờ, tác phong và tinh thần vui vẻ của họ đều đã gây ấn tượng nơi người Công Giáo Trung Quốc.
Xiaoli, một phụ nữ Công Giáo ở tuổi năm mươi, là quản lý của một công ty nhỏ. Năm 2002, khi bà muốn học tiếng Anh, một người bạn đã đưa bà đến dự Thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ đó. Vào cuối nghi lễ, một số phụ nữ Phi luật tân vây quanh bà và đặt tay lên bà để cầu nguyện. Xiaoli vô cùng xúc động. Ngày hôm đó, bà quyết định nói chuyện với một nữ tu và chấp nhận đề nghị bắt đầu học giáo lý dự tòng. Vào ngày lễ Phục sinh năm 2004, bà đã được rửa tội.

Không giống như Xiaoli, người đã sống cả đời ở Quảng Châu và cảm thấy có sự không thoải mái nào đó đối với người châu Phi, Yuli là một phụ nữ 30 tuổi đến Quảng Châu cách đây 8 năm. Vốn lớn lên trong một gia đình Công Giáo nông thôn, nên cô đã vội vã tìm một nơi để đi lễ và cuối cùng đã chọn nhà thờ chính tòa. Cô thường đi dự Thánh lễ Chúa nhật vào cuối buổi sáng và luôn thấy một số người châu Phi cầu nguyện ở Hang đá. Điều khiến cô có ấn tượng hơn cả là cảm thức cộng đồng mạnh mẽ của họ. Một lần, Yuli đi lễ cử hành bằng tiếng Anh vào đầu buổi chiều. Ban đầu, phong cách cử hành khiến cô rất bối rối, nhưng sau đó, cô rất thích. Cô nói, “Người Châu Phi khuyến khích người ta tự phát biểu bằng cơ thể của họ”. Nhưng rào cản ngôn ngữ khiến cô thích đi lễ cử hành bằng tiếng Hoa hơn.

Sự đóng góp cho Giáo hội địa phương

Theo hầu hết người Công Giáo ở Quảng Châu, lòng nhiệt thành là đặc điểm tiêu biểu của người Châu Phi. Họ không chỉ tham gia cộng đồng của họ để ở cùng nhau, mà còn thực hiện nhiều đóng góp sáng tạo và cung hiến nhiều giải pháp hữu hiệu cho giáo phận. Thí dụ, họ là những người đầu tiên tạo ra dịch vụ hướng dẫn tại Nhà thờ Chính Tòa Seksat. Việc này đã được thực hiện hữu hiệu đến nỗi giáo phận hiện đã tổ chức các đội tình nguyện viên tương tự khác.

Một thí dụ khác về “lòng nhiệt thành Châu Phi” này tìm thấy trong Đạo Binh Đức Mẹ. Ở Trung Vương quốc, hiệp hội ngoan đạo này, vì có âm hưởng quân đội, nên đã bị giải tán ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố. Tuy nhiên, vào năm 2006, những người Châu Phi ở Quảng Châu đã tái lập nó. Với các buổi nhóm cầu nguyện hàng tuần và các công việc từ thiện, họ nhanh chóng tạo ra ba nhóm khác và khuyến khích người dân địa phương tham gia.

Một thí dụ khác về lòng nhiệt thành tôn giáo của người châu Phi được thấy rõ trong các buổi học Kinh thánh. Người Châu Phi ở Quảng Châu rất tích cực trong việc thành lập một số nhóm học Kinh Thánh, tụ họp nhau hàng tuần. Phần lớn họ tự quản, nhưng mời các nữ tu và linh mục địa phương chia sẻ kinh nghiệm của họ. Một trong những nhóm nói song ngữ (Anh-Trung) và các người tham gia có thể bước vào một mối liên hệ khá mới mẻ và không thông thường với Kinh Thánh. Nhờ phiên dịch mọi điều được chia sẻ, nhóm cho thấy việc học hỏi lời Chúa luôn là một cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa.

Một thí dụ khác về lòng nhiệt thành của người châu Phi nằm ở việc họ đóng góp vào nền linh đạo đặc sủng. Tại Quảng Châu, chính những người Châu Phi đã giới thiệu nền linh đạo này đầu tiên. Kể từ năm 1999, một số người trẻ đã thành lập và duy trì một nhóm cầu nguyện đặc sủng dành cho mọi người. Một vài lần, cộng đồng da đen đã mời các linh mục từ Châu Phi đến để hướng dẫn các buổi tĩnh tâm và cầu nguyện tâm linh. Vì vậy, ngoài việc giúp người Công Giáo khám phá ra nền linh đạo này, người châu Phi còn cho thấy đạo Công Giáo đã mở ra nhiều cách cầu nguyện khác nhau.

Hai thí dụ vừa nói dẫn chúng ta đến một phẩm chất khác mà hầu hết những người Công Giáo Trung Quốc ở Quảng Châu thấy ở người Châu Phi: họ là những nhà truyền giáo hữu hiệu và tháo vát. Thí dụ, những người trong số họ sau khi đính hôn với một cô gái Trung Quốc, thường đưa cô ấy đến nhà thờ; sau đó cô học giáo lý dự tòng. Thực thế, trong những năm gần đây, một số lượng đáng kể phụ nữ trong hoàn cảnh này đã lãnh nhận phép rửa tội.

Ngày nay ở Quảng Châu có một số gia đình Trung-Phi, một điều, cho đến vài năm trước đây, không ai có thể tưởng tượng được. Chỉ trong năm 2019, bốn cặp Hoa Phi đã kết hôn trong nhà thờ chính tòa. Số lượng ngày càng tăng các cặp vợ chồng như vậy rất đáng kể. Nhưng, trên hết, điều làm nên những nhà truyền giáo Châu Phi là sự kiện họ không ngại ngùng về đức tin và dấn thân của họ đối với giáo hội; họ chia sẻ chúng không những với bạn gái của họ, mà còn với các đối tác kinh doanh và các mối tiếp xúc địa phương của họ nữa.

Một số linh mục nhấn mạnh rằng những người châu Phi đến Trung Quốc một mình và không có nhiều hỗ trợ thì linh hoạt và dễ thích nghi hơn nhiều so với các dòng truyền giáo và cộng đồng tu sĩ. Trong nhiều thập niên qua, toàn bộ các gia đình và các nhóm nhỏ đã đến Trung Vương quốc từ nhiều nơi khác nhau của Giáo Hội Công Giáo thế giới. Nhờ hội nhập vào xã hội địa phương, những tín hữu này đã mở các cơ sở kinh doanh địa phương hoặc làm việc cho các công ty quốc tế, hy vọng tạo cơ hội để thiết lập mối liên hệ với người Trung Quốc. Thí dụ, ở Quảng Châu, họ thuê căn hộ, gửi con đến các trường học gần đó, và cố gắng chia sẻ Tin Mừng với tất cả những người Trung Quốc quen biết với họ. Nhưng, đối diện với các khó khăn kinh tế liên tục, các căng thẳng gia đình, các hạn chế hành chánh, sự thờ ơ về tôn giáo và hoàn cảnh chính trị xã hội, các sáng kiến của họ phần lớn không thành công.

Ngược lại, các di dân châu Phi có vẻ kiên cường hơn nhiều. Khi đến Trung Quốc, sự sống còn về tài chính và vật chất của họ phụ thuộc vào khả năng kết nối thực sự của họ với xã hội địa phương. Họ tìm được đường đi tại các quận khác nhau của thành phố, trong các khu phố nghèo và các trung tâm mua sắm sầm uất. Và họ cũng mang theo niềm tin tràn trề của họ, niềm tin mà họ chia sẻ với bất cứ ai tiếp xúc với họ. Nhưng vì tư thế xã hội và giáo hội khiêm tốn, họ ít thu hút được sự chú ý. Tuy nhiên, họ đã thực hành được sự hiện diện Công Giáo ở một Trung Quốc thế tục.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, người châu Phi nổi tiếng về sự hào phóng của họ. Trong những năm từ 2003 đến 2005, khi từ 2, 000 tới 2, 500 người trong số họ tham dự Thánh lễ Chúa nhật bằng tiếng Anh, họ đã đóng góp hơn một nửa thu nhập của nhà thờ chính tòa. Ngày nay điều này không còn xảy ra nữa. Nhưng hầu hết những người lao động tương đối nghèo này vẫn tiếp tục bố thí và nộp 10% thu nhập hàng tuần của họ cho giáo phận. Không giống như những người di cư khác gửi các khoản quyên góp về cho Giáo hội quê hương hoặc quỹ dự trữ của cộng đồng họ, người Châu Phi dành chúng cho Giáo hội địa phương.

Tóm lại, người Châu Phi đóng góp nhiều mặt cho giáo phận Quảng Châu. Trong nhà thờ, họ thực hành một loạt các tác phong cảm xúc và thể chất rất đặc trưng và phát huy các nhóm và sáng kiến tôn giáo khác nhau. Khi làm như vậy, họ chỉ cho hàng trăm người Công Giáo Trung Quốc một cách khác để sùng đạo. Bên ngoài nhà thờ, họ mang Tin Mừng vào các môi trường xã hội khác nhau và hiện thân một sự hiện diện Công Giáo trong các bối cảnh phi tôn giáo. Kết quả là, không những họ cung cấp nguồn nhân lực và tài chính cho Giáo hội ở Trung Vương quốc, mà còn mở rộng khái niệm căn bản về Đạo Công Giáo Trung Quốc.

Gương sáng cho các giáo sĩ địa phương

Ngoài việc thách thức và kích thích các Kitô hữu giáo dân Trung Quốc và những người không theo Kitô giáo, người Châu Phi cũng là một thách thức và là tấm gương cho các giáo sĩ địa phương. Do các phong tục giáo hội và bối cảnh văn hóa của họ, người châu Phi không ngần ngại thiết lập các mối liên hệ khá khác biệt nhưng hữu hiệu với các giáo sĩ Trung Quốc địa phương. Không như nhiều người Trung Quốc, họ nhanh chóng truyền đạt các nhu cầu của họ. Họ vừa là những người mới đến vừa là các thành viên có ý thức của Giáo hội địa phương. Và họ yêu cầu được tiếp cận với các bí tích và các địa điểm hội họp, đồng thời cung hiến sự hỗ trợ cho giáo phận.

Như chúng ta đã nói, các khoản quyên góp của họ cho nhà thờ chính tòa đã cho phép các linh mục và giám mục bắt kịp các chi phí của cuộc sống hiện đại. Người châu Phi cũng chứng tỏ là nguồn cung cấp các tình nguyện viên đáng tin cậy và hữu hiệu trong việc tổ chức các dịch vụ an ninh, phân phôi thông tin và quản lý thiết bị. Họ đã học cách cộng tác một cách hữu hiệu với hàng giáo sĩ. Vì vậy, mối liên hệ giữa các linh mục địa phương và người châu Phi đã mang lại lợi ích hỗ tương cho nhau.

Nhưng các liên hệ giữa người châu Phi và các thành viên của hàng giáo sĩ không chỉ giới hạn trong việc trao đổi các dịch vụ. Hàng giáo dân nói rằng một số linh mục giáo phận đôi khi có cái nhìn khá hạn chế về lòng đạo đức Công Giáo và văn hóa giáo hội. Vì vậy, đối với họ, tiếp xúc với người châu Phi da đen là một kinh nghiệm học hỏi. Những di dân sùng đạo và táo bạo đến từ các quốc gia có số lượng người Công Giáo đáng kể này cho thấy có nhiều cách để xây dựng Giáo hội và cộng tác với hàng giáo sĩ. Đồng thời, sự hào phóng của họ đi theo hướng ngược lại với một số bổn phận và kỳ vọng hiếu thảo vốn có trong bối cảnh văn hóa Trung Quốc. Thay vì tiết kiệm tiền bạc cho cuộc hôn nhân trong tương lai, như một người Trung Quốc thường mong đợi, những người trẻ này lại đóng góp cho một giáo phận không phải là Giáo hội quê hương của họ. Ngoài ra, họ biểu lộ các thực hành phụng vụ và tự cho thấy họ là những chủ thể luân lý tự quản theo những cách thường khiến các linh mục thán phục.

Thành thử, một số linh mục nhận ra rằng người châu Phi đang thúc giục các ngài mở rộng cái hiểu của mình về viêc phải hành động ra sao trong tư cách mục tử. Một vị trong số các ngài giải thích rằng cách đây nhiều năm, các ngài nhận ra rằng hàng giáo sĩ địa phương đang ban các bí tích cho người châu Phi, nhưng không cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ hữu hiệu. Ngoài các khác biệt về văn hóa, trở ngại chính vẫn là hàng rào ngôn ngữ. Đáp lại, một linh mục, người từng học ở Phi luật tân một số năm và có học chút tiếng Anh, đã đề nghị dành nhiều thời gian hơn cho cộng đồng châu Phi. Nhờ cách này, số người trẻ tìm đến ngài để xưng tội hoặc xin ngài cho lời khuyên mục vụ và hỗ trợ đạo đức đã tăng lên nhanh chóng. Những mối liên hệ này khiến ngài nhận ra cuộc sống của họ khác xiết bao và ngài cần phát triển ra sao trong khả năng trở thành một người cha thiêng liêng. Mặc dù hiện đang phục vụ ở những nơi khác trong giáo phận, vị linh mục này vẫn coi “cuộc gặp gỡ châu Phi” là một bước ngoặt trong thừa tác vụ của mình.

Tình thế mập mờ của người châu Phi ở Quảng Châu

Tuy nhiên, danh sách dài những đóng góp tích cực trên không nên làm chúng ta hiểu lầm. Chúng tôi không dám đề xuất việc lý tưởng hóa người châu Phi ở Quảng Châu, huống hồ là tình huống của họ. Giống những người khác, cuộc sống của họ được đánh dấu bằng nhiều mập mờ và lạc điệu về đạo đức. Và người Công Giáo Trung Quốc không ngần ngại chỉ ra những khía cạnh đáng nghi vấn này trong lối sống của họ.

Sự kiện phần lớn các di dân trẻ tuổi châu Phi là độc thân, nam giới và tự tin là một mối quan tâm đối với người Quảng Đông. Cũng có nhiều trường hợp các gia đình với các phụ nữ trẻ mang thai bị bỏ rơi đến nhà thờ chính tòa để đòi bồi thường. Những câu chuyện như vậy buộc người Công Giáo Trung Quốc phải thận trọng.

Bên kia Quảng Châu

Cho đến nay, chúng ta đã thấy những đóng góp cụ thể, và có phần mâu thuẫn, mà người Châu Phi đem lại cho giáo phận Quảng Châu. Nhưng thành phố vĩ đại của Trung Quốc này chỉ là một trong những không gian đô thị của đất nước, vì vậy người ta có thể tự hỏi điều gì đang xảy ra ở những nơi khác. Công nhân và sinh viên châu Phi cũng có ảnh hưởng đến các giáo phận Trung Quốc khác không? Họ có những mối liên hệ gì với những người Công Giáo ở những phần còn lại của đất nước? Câu trả lời cho các câu hỏi này cần được điều tra thêm.

Ở một khu vực như Bắc Kinh, người châu Phi có xu hướng tụ tập ở các tòa đại sứ khác nhau. Một số văn phòng ngoại giao sẵn sàng nghinh đón kiều bào của nhiều quốc tịch khác nhau.

Tình thế của một thành phố như Thượng Hải có thể so sánh với tình thế của Bắc Kinh. Tại khu đô thị hiện đại nhất miền đông Trung Quốc này, một số lãnh sự quán cung cấp không gian tiếp đãi mà các kiều bào thỉnh thoảng có thể sử dụng làm nơi gặp gỡ. Tuy nhiên, tình hình tài chính và phạm vi xuất xứ của người châu Phi ở đây đa dạng hơn ở Quảng Châu. Đủ loại doanh nhân, nhà ngoại giao và sinh viên sống ở Thượng Hải. Do đó, để tạo ra các mạng lưới khác nhau, kiều bào châu Phi sử dụng nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn như lãnh sự quán, các văn phòng lớn hoặc phòng họp ở các khách sạn. Tương tự như vậy, người Công Giáo châu Phi có những lựa chọn khác để cử hành Thánh lễ với một linh mục nước ngoài. Vì vậy, giáo phận Thượng Hải không đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng của người Phi địa phương.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số thành phố như Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi dân số châu Phi giàu có và ổn định hơn, tình hình ở phần lớn các thành phố của Trung Quốc cũng tương tự như tình hình người ta thấy ở Quảng Châu. Những người Công Giáo Châu Phi nghèo hơn và chăm chỉ hơn được tìm thấy ở đó. Tìm nơi để thờ phưpợng, giao lưu, họ thường chạy tới nhà thờ chính của địa phương. Vì các nhà thờ Công Giáo rất hiếm ở các thành phố của Trung Quốc, nên người châu Phi thường sử dụng nhà thờ chính tòa làm nơi hội họp chính của họ. Thí dụ, ngay tại thành phố Thẩm Dương, một thành phố với 8 triệu dân, vốn là thủ phủ của miền bắc Trung Quốc, giáo phận được cấu trúc quanh khu phức hợp của nhà thờ chính tòa, tọa lạc ở trung tâm lịch sử. Chỉ một ít thành viên của hàng giáo sĩ sống trong các tòa nhà, nhưng hàng ngàn tín hữu tập trung ở đó để tham dự Thánh lễ hoặc các hoạt động khác của giáo phận.

Trong số các tòa nhà khác nhau bao quanh nhà thờ chính tòa, có một nhà nguyện tổ chức Thánh lễ bằng tiếng Anh vào mỗi chiều Chúa nhật. Nó thu hút đám đông đa dạng người nước ngoài và một số người Công Giáo Trung Quốc địa phương. Ở đây cũng vậy, một nửa số du khách là người châu Phi, tất cả đều trẻ, nhưng có mối liên hệ giới tính cân bằng hơn so với ở Quảng Châu. Không giống như ở thành phố phía nam, cộng đồng người Phi địa phương của Thẩm Dương chủ yếu bao gồm sinh viên đại học [4]. Vào các buổi chiều Chúa nhật, nhiều người đến nhà thờ chính tòa để cầu nguyện. Một số tham gia lần chuỗi Mân Côi ngay trước Thánh lễ, những người khác tham gia ca đoàn, những người khác nữa chào đón các tín hữu và phân phối thông tin. Với sự đóng góp của họ, thánh lễ quốc tế nhìn chung rất sinh động và được đông đảo người tham dự. Đôi khi, lúc kết thúc buổi lễ, đồ ăn nhẹ và đồ uống được cung cấp để mọi người có thể giao lưu lâu hơn. Vì vậy, người Công Giáo châu Phi đóng góp rất nhiều vào sự năng động của loại phụng vụ này và dường như là thành phần người nước ngoài chính mà các tín hữu địa phương có thể thiết lập liên hệ với.

Vì vậy, ở Thẩm Dương, cũng như ở nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, người Công Giáo địa phương nhận thấy mình đang chia sẻ không gian tôn giáo với người châu Phi. Qua các cuộc trao đổi này, và không cần phải đi du lịch, một số linh mục Trung Quốc có cơ hội khám phá Đạo Công Giáo châu Phi. Trên khắp đất nước, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật nọ, họ nghe và thấy những giáo dân sùng đạo này. Một số người nhấn mạnh rằng người Châu Phi là những tín hữu nhiệt thành, hào phóng và chăm chỉ làm việc, biết quan tâm tới các giới luật của Giáo hội.

Suy nghĩ lại tính Công Giáo của Giáo hội ở Trung Quốc

Tóm lại, bất chấp những rào cản khác nhau khiến họ xa cách nhau, người Công Giáo châu Phi tạo thành cộng đồng thờ phượng không phải người Hoa rõ ràng nhất, chiếm một tỷ lệ không phải là không đáng kể trong số những người thờ phượng Công Giáo Trung Quốc. Thường thì sự hiện diện của họ chỉ giới hạn ở các thành phố chính, thế nhưng ở bình diện quốc gia, họ tạo thành sự hiện diện nước ngoài lớn nhất trong Giáo hội ở Trung Quốc. Mặc dù đất nước này có nhiều người nước ngoài - một số trong số này rất sùng đạo, chẳng hạn như người Công Giáo Đại Hàn - người châu Phi nổi bật hơn nhiều nhờ sự hiển thị, văn hóa giáo hội và phong cách thờ phượng của họ. Số lượng đông đảo của họ cho phép họ thực hành đức tin một cách tập thể và ảnh hưởng đến phong tục địa phương.

Người châu Phi mang đến một sự đa dạng không thể giảm thiểu được, điều này cho phép các giáo phận Trung Quốc cảm nghiệm nhiều hệ luận có thể có của tính Công Giáo và những hậu quả có thể có của việc tìm kiếm tính phổ quát. Đối với những anh chị em da đen này, các linh mục và giáo dân Trung Quốc phải đặt câu hỏi đối với bất cứ định kiến chủng tộc nào, bất cứ sự cứng ngắc giáo hội nào hoặc bất cứ phong tục địa phương kém tích cực nào. Nhờ vậy, giống như chất men âm thầm trong khối bột lớn, người giáo dân Châu Phi có thể giúp Giáo hội ở Trung Quốc phát triển.

Ghi chú

[1]. Xem C. Rodhes, “How Africa is converting China? ” (Châu Phi đang làm Trung Quốc trở lại đạo như thế nào? ), Trong UnHerd (unherd.com/2019/02/how-africa-is-converting-china/? =sideshare&fbclid=IwAR0- Gx7dAWfdlbsXuXO1v4sWj_GThYQTp0YlUGfMcfYocTK6O0KtFrVrNzs) 13 tháng 2, 2019).
[2]. Bài báo này là kết quả việc viết lại cuộc đối thoại giữa chủ bút tạp chí của chúng tôi và nhà nghiên cứu Michel Chambon.
[3]. Xem S. Lan, Mapping the New African Diaspora in China (Lập bản đồ cộng đồng mới người châu Phi ở Trung Quốc), London, Routledge, 2017, 168tt.
[4]. Xem A. Li, “African Students in China: Research, Reality, and Reflection”, trong African Studies Quarterly, (Sinh viên Châu Phi ở Trung Quốc: Nghiên cứu, Thực tại và Suy ngẫm), trong Tam Cá Nguyệt San Nghiên cứu Châu Phi, tháng 2 năm 2018.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nên Hay Không Nên Cho Bệnh Nhân Ung Thư Biết Bệnh Tình Của Họ?
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
20:52 23/08/2020
Nên Hay Không Nên Cho Bệnh Nhân Ung Thư Biết Bệnh Tình Của Họ?

Một câu hỏi thường được đặt ra cho chúng ta đó là nên hay không nên cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối biết bệnh tình của họ? Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến câu hỏi này, có người cho rằng không nên cho họ biết, có người thì nhất quyết phải cho họ biết, và cũng có người cho rằng tùy thuộc vào tình huống và khả năng đón nhận của bệnh nhân.

Nên hay không nên?

Truyền thống người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, thường cho rằng người nhà nên dấu và không cho bệnh nhân biết về tình trạng bệnh tật, nhất trong trường hợp khi bác sĩ phát hiện bệnh ung thư của bệnh nhân đã vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên theo nguyên tác chung của ngành y hiện nay, “bệnh nhân phải được thông báo về bệnh tình của họ” (Okamura et al, 1988, tr. 1). Bác sĩ là người có trách nhiệm thông báo cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua cú sốc tinh thần, đồng thời trong quá trình chữa trị phải bàn hỏi với bệnh nhân để đưa ra cách thức chữa trị tốt nhất, hoặc chuẩn bị những gì cần thiết cho các giai đoạn khó khăn tiếp theo... Dĩ nhiên, “không phải ngay từ đầu bác sĩ có thể nói hết mọi tình tiết cho bệnh nhân, mà các chuyên gia khuyên rằng, mỗi ngày cho biết một ít thông tin, đồng thời giải thích những gì liên quan, nhằm giúp bệnh nhân có khả năng đón nhận tin dữ đang xẩy ra cho mình một cách dễ dàng hơn” (Okamura et al, 1988, tr. 2).

Để nói thêm lý do tại sao bác sĩ lại lựa chọn dấu không cho bệnh nhânh biết về thực trạng sức khỏe của họ, thông thường bác sĩ cho rằng nếu cho bệnh nhân biết hết bệnh tình, họ sẽ suy sụp tinh thần, thậm chí bệnh nhân có thể nghĩ đến việc tự tử, nên chọn cách báo cho gia đình bệnh nhân là hợp lý nhất. Tuy nhiên, cũng theo nguyên tắc, “gia đình không phải là thành phần duy nhất được biết thông tin và thực trạng của bệnh nhân mà chính bệnh nhân là người phải nắm rõ về tình hình sức khỏe của họ” (Hitoshi, 1988, tr. 2).

Dĩ nhiên, gia đình có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh. Vì thế, nhiều chuyên gia khuyên rằng, thông tin về bệnh tình của bệnh nhân nên được nói trước mặt người nhà và bệnh nhân. Nhiều lúc chúng ta lo sợ khi nói sự thật với bệnh nhân họ sẽ sụp đổ tinh thần, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi “người nhà còn tỏ ra yếu đuối hơn bệnh nhân, cho nên khi nghe tin dữ, người nhà còn dễ sụp đổ hơn” (Goldie, 1982, tr. 128). Vì chỉ có người bệnh mới cảm được sự đau đớn và những gì đang xảy ra trên cơ thể họ, nên khi bác sĩ nói sự thật họ bớt ngỡ ngàng hơn.

KHÔNG nên cho bệnh nhân biết sự thật.

Theo nghiên cứu của giáo sư Gan Yiqun và các nhà khoa học cùng nghành, được biết người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, có đến trên 95% người được phỏng vấn cho rằng “không nên cho người thân của mình biết về bệnh tình của họ” (Gan et al., 2017, tr. 1460), vì những lý do căn bản sau đây:

Khi biết bệnh nhân của mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là ung thư giai đoạn cuối, các bác sĩ sẽ chọn cách an toàn nhất, đó là báo cho gia đình bệnh nhân biết. Cách này sẽ tránh được phiền phức cho chính bác sĩ. Nhưng ý kiến này cũng bị phê bình, rằng bác sĩ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, nhưng không nghĩ đến quyền lợi của bệnh nhân. Đáng ra bệnh nhân phải được thông báo để họ chọn cách đối phó với thách đố trong quá trình điều trị, thậm chí nếu không chữa trị được thì họ cũng cần biết sự thật để chuẩn bị tinh thần. Nhất là những ai có đức tin, “họ cần được biết để chuẩn bị một cái chết nhẹ nhàng hơn” (Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 2018, số#55).

Tuy nhiên, đối với văn hóa Đông Phương, chết là một điều hủy hoại tất cả, chết là điều cấm kỵ, cho nên tốt nhất chúng ta không nên đề cập điều này trước mặt người bệnh.

Ở Việt Nam mọi chi phí chữa trị đa số đều do người nhà tự lo, hơn nữa vấn đề nên hay không nên tiếp tục chữa trị cho người bệnh đều do người nhà quyết định, vì thế bệnh viện thường chọn cách bàn thảo với người nhà. Hơn nữa bác sĩ “chỉ chú tâm đến việc chữa trị sức khỏe thể lý cho bệnh nhân mà quên đi tầm quan trọng của việc quan tâm đến nhu cầu tâm lý và đức tin cho bệnh nhân” (Gan et al, 2017, tr. 1460).

NÊN nói sự thật cho bệnh nhân

Như chúng ta đã đề cập ở trên, trước đây bác sĩ và người nhà thường dấu bệnh tình của bệnh nhân, nhưng ngày nay, các chuyên gia về y đức cho rằng “chúng ta phải tìm cách để nói sự thật với họ và cho họ” (Goldie, 1996, tr. 75), vì những lý do chính yếu sau đây:

Biết sự thật về bệnh tình của mình là “quyền của bệnh nhân” (Gan et al, 2017, tr. 1461), là quyền lợi căn bản của mỗi cá nhân. Đã là quyền lợi thì nó phải được tôn trọng, không ai được xâm phạm. Ví dụ khi một người biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, thì họ có quyền quyết định nên hay không nên tiếp tục điều trị. Nếu tiếp tục điều trị họ cũng có quyền lựa chọn cách chữa trị cho phù hợp. Có nhiều trường hợp người nhà cứ cho rằng còn nước còn tát, nên cứ phải cố gắng bỏ ra biết bao kinh phí nhưng bệnh tình người nhà chẳng có gì giảm bớt, thậm chí vì tiêm quá nhiều thuốc giảm đau, khiến người bệnh trở nên mệt mỏi hay lúc tỉnh lúc mê. Như vậy vừa tốn kém lại vừa kéo dài sự đau đớn của người bệnh.

Khi bác sĩ và người nhà dấu bệnh tình của bệnh nhân, nếu “không may” một ngày nào đó bệnh nhân bất ngờ biết về sự thật bệnh tình của mình, thì họ sẽ bị “shock” nặng hơn, họ cho rằng mọi người dấu diếm và lừa dối họ, họ sẽ không thể tin tưởng vào ai và trở nên giận dữ vì ngay đến người nhà cũng không thật lòng và tôn trọng họ.

Bệnh nhân có nhu cầu được tôn trọng, cảm thông và nắm bắt về bệnh tình của họ. Họ muốn biết thuốc gì đang dùng để điều trị và những tác dụng phụ nào khiến họ phải chịu đựng. Vì ngoài việc phối hợp dùng thuốc, thì họ phải tập cho mình tinh thần lạc quan, nhất là trong trường hợp không thể chữa trị, họ phải sống dựa vào tinh thần và sức mạnh của đức tin. Như trường hợp của Đức Hồng Y Paul Shan ở Đài Loan, khi phát hiện ngài bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bác sĩ nói ngài chỉ sống được 4-6 tháng. Sau khi nghe bệnh tình của mình nguy kịch như vậy, ngài quyết định đi một vòng quanh các giáo phận Đài Loan để thuyết trình, gỡ và tạm biệt mọi người. Có lần nghe ngài giảng, tôi đặc biệt cảm động với câu nói: “tôi phó thác bệnh tật cho y bác sĩ, tôi cống hiến thời gian ngắn ngủi còn lại cho anh chị em, còn sự sống của tôi, tôi phó thác cho Thiên Chúa”. Thật lạ lùng, sau đó ngài sống thêm được hơn 6 năm, thực hiện hàng trăm buổi thuyết trình, và làm rung động hàng triệu con tim.

Như vậy, chấp nhận thực tế và chuẩn bị tâm hồn là bước ngoặt rất khó khăn nhưng rất quan trọng đối với bệnh nhân. Nhất là đối với những ai có đức tin, họ cần nhiều thời gian dành cho Chúa, tĩnh dưỡng tâm hồn và lãnh nhận các bí tích, thậm chí họ cần nhiều thời giờ để cầu nguyện, gặp các linh mục và giáo dân để chuẩn bị đốn nhận cái chết, để trở về với Chúa với tin thần tự tin và thanh thản hơn.

Kết luận

Nên hay không nên nói sự thật về bệnh trạng của bệnh nhân, đặc biệt những người được kết luận ung thư giai đoạn cuối là một câu hỏi rất căn bản. Có nhiều ý tưởng khác nhau bàn luận xung quanh vấn đề này, nên quyết định chọn cách nào cũng cần nhiều khôn ngoan và sưk can đảm. Thời nay, chúng ta thấy bệnh ung thư ngày càng phổ biến, xung quanh chúng ta, có thể là người quen, bạn bè, hay chính người thân, có nhiều người đang phải vật vã với căn bệnh ung thư hay các bệnh hiểm nghèo khác, chúng ta cũng nên thận trọng suy nghĩ về vấn đề nên hay không nên.

Truyền thống người Việt chúng ta có khuynh hướng không nói sự thật cho người thân biết về tình trạng nguy kịch, nhưng ngày nay các nhà đạo đức y học khuyên chúng ta nên nói sự thật cho họ, vì đó là quyền lợi, vì có là cơ hội để họ đưa ra những lựa chọn và phương cách chữa trị tốt nhất và hợp lý nhất, hoặc để họ chuẩn bị tâm hồn nếu khi quá trình điều trị đã không có hiệu quả. Dĩ nhiên, làm sao để nói sự thật cho người bênh, ai sẽ nói, nói lúc nào..., là những điều cần được bàn bạc thêm. Người viết hy vọng sẽ được “hầu chuyện” cùng quý vui trong những bài viết sắp tới.

Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD

Tài liệu tham khảo

United States Conference Of Catholic Bishops, Ethical and Religious Directives for Catholic Health Care Services, Sixth Edition, 2018.

Meilaender, Gilbert. Bioethics: a Primer for Christians. 2nd ed. Grand Rapids, Michigan: W.B. Eerdmans Pub. Co., 2005.

Okamura, H., et al. “Guidelines for Telling the Truth to Cancer Patients. Japanese National Cancer Center.” Japanese Journal of Clinical Oncology, vol. 28, no. 1, Jan. 1998, p. 1–4.

Goldie, Lawrence. “The Ethics of Telling the Patient.” Journal of Medical Ethics, vol. 8, no. 3, Society for the Study of Medical Ethics, Sept. 1982, pp. 128–33.

Gan, Yiqun, et al. “Why Do Oncologists Hide the Truth? Disclosure of Cancer Diagnoses to Patients in China: A Multisource Assessment Using Mixed Methods.” Psycho-Oncology (Chichester, England), vol. 27, no. 5, Wiley, 2018, pp. 1457–63.
 
Thông Báo
Thông báo của TGP Sàigòn về Hoạt Động của Huynh Đoàn Thánh Phêrô
Lm Kiều Công Tùng
11:41 23/08/2020
 
VietCatholic TV
Một linh mục bàng hoàng nhận ra mình chưa được rửa tội. Tuyên bố của tổng giáo phận Detroit.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:15 23/08/2020


Nếu bạn nghĩ rằng bạn là một linh mục, và bạn thực sự không phải như thế, bạn gặp rắc rối to. Nhiều người khác cũng rắc rối to cùng với bạn. Các phép rửa tội mà bạn đã thực hiện là các phép rửa tội hợp lệ. Nhưng phép thêm sức thì không. Các thánh lễ bạn cử hành cũng không hợp lệ. Phép xá giải cũng không thành sự, bí tích xức dầu cũng không. Và những cuộc hôn nhân thì sao, còn gay go hơn nữa!

Cha Matthew Hood của Tổng giáo phận Detroit chết điếng trong lòng khi biết mình thực sự không phải là một linh mục!

Ngài nghĩ rằng mình đã được thụ phong linh mục vào năm 2017 và đã thực hiện thừa tác vụ linh mục kể từ đó. Nhưng gần đây, ngài phát hiện ra ngài hoàn toàn không phải là một linh mục. Trên thực tế, ngài biết rằng thậm chí mình chưa hề được rửa tội.

Nếu bạn muốn trở thành một linh mục, trước tiên bạn phải trở thành một Phó tế. Nếu bạn muốn trở thành một Phó tế, trước tiên bạn phải được rửa tội. Nếu bạn không được rửa tội, bạn không thể trở thành Phó tế, và bạn không thể trở thành linh mục.

Tất nhiên, Cha Hood nghĩ rằng mình đã được rửa tội khi còn nhỏ. Nhưng đầu tháng Tám này, ngài đã đọc một thông báo của Bộ Giáo lý Đức tin. Thông báo nói rằng việc thay đổi các từ ngữ trong nghi thức rửa tội sẽ làm cho phép Rửa Tội thành ra không hợp lệ. Chẳng hạn, nếu người cử hành bí tích Rửa Tội nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần …” thay vì “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...” thì phép Rửa Tội không có giá trị.

Cha Hood nhớ lại một đoạn video mà ngài đã xem về buổi lễ rửa tội của chính mình. Và ngài nhớ lại những gì vị Phó tế đã nói: “Chúng tôi rửa con ….” Lễ rửa tội của ngài không hợp lệ.

Chết điếng trong lòng, cha Hood đã gọi điện cho tổng giáo phận của ngài.

Tổng giáo phận Detroit đã lập tức rửa tội cho ngài, ban phép thêm sức và rước lễ lần đầu. Sau khi đi tĩnh tâm, ngài được phong chức Phó tế. Và vào ngày 17 tháng 8, Cha Matthew Hood cuối cùng đã trở thành một linh mục thực sự.

Tổng giáo phận Detroit đã thông báo về tình huống bất thường này trong một bức thư được công bố vào ngày 22 tháng 8.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Đầu tháng này, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một chỉ dẫn giáo lý quan trọng cảnh báo Giáo Hội trên toàn thế giới rằng phép Rửa tội không có giá trị nếu trong đó một từ, hoặc một số từ nào đó đã bị thay đổi. Cụ thể, việc nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” khiến bí tích rửa tội không thành sự. Đúng hơn, các thừa tác viên phải để Chúa Giêsu nói qua họ rằng “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Khi làm sáng tỏ điều này, Thánh Bộ viện dẫn Công đồng Vatican II. Công đồng đã xác định rằng không ai “dù là linh mục, có thể thêm, bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì trong Phụng Vụ theo thẩm quyền của mình.”

Một trong những linh mục của chúng ta ở Tổng giáo phận Detroit đã nhận được tin này với sự kinh hoàng tột độ. Cha Matthew Hood đã tốt nghiệp Đại Chủng viện Thánh Tâm, và đã được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2017. Gần đây, ngài đã xem một video gia đình được quay vào thời điểm ngài được rửa tội khi còn là một đứa trẻ sơ sinh và nhận ra vị Phó tế cử hành đã quyết định thay đổi từ ngữ trong công thức Rửa Tội, và nói “Chúng tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thay vì nói “Tôi rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

Cha Hood ngay lập tức liên lạc với Tổng giáo phận và các bước thích hợp đã được thực hiện để khắc phục tình trạng của ngài. Gần đây ngài đã được rửa tội hợp lệ. Hơn nữa, vì các bí tích khác không thể được lãnh nhận một cách hợp lệ vào trong linh hồn nếu không có phép Rửa tội hợp lệ, nên Cha Hood gần đây cũng đã được thêm sức hợp lệ và được phong chức Phó tế chuyển tiếp và sau đó được phong chức linh mục. Chúng ta hãy cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa đã ban phước cho chúng ta qua thừa tác vụ của Cha Hood.

Khó khăn của tin tức này cũng gây ra các ảnh hưởng với phần còn lại của chúng ta. Vị đầu tiên rửa tội cho Cha Hood, là Phó tế Mark Springer, đã sử dụng công thức không hợp lệ này khi được chỉ định phục vụ tại Giáo xứ Thánh Anastasia ở quận Troy, trong thời gian từ 1986 đến 1999. Giáo xứ và Tổng giáo phận Detroit sẽ cố gắng liên lạc với những người mà thầy Phó tế này đã rửa tội, để họ có thể nhận được các bí tích hợp lệ. Tổng giáo phận đã công bố danh tính của vị Phó tế này trong nỗ lực cảnh báo những người mà chúng tôi có thể không có cách nào để liên lạc.

Tin tức này cũng ảnh hưởng đến nhiều người đã được Cha Hood ban các phép bí tích trong ba năm qua. Trong thời gian đó, khả năng cử hành các bí tích hợp lệ của ngài bị hạn chế rất nhiều. Anh chị em có thể xem thêm các thông tin ở đây về khả năng thành sự của mỗi bí tích. Các giáo xứ nơi cha Hood đã phục vụ bao gồm giáo xứ Hài Nhi Chí Thánh ở Dearborn và giáo xứ Thánh Lôresnsô ở Utica - sẽ làm việc với Tổng Giáo phận để liên lạc với những người đã được Cha Hood ban các phép bí tích, để tùy hoàn cảnh của mỗi cá nhân có thể được kiểm tra và sửa chữa.

Như trong tất cả mọi trường hợp, có Chúa Kitô, chúng ta vẫn có hy vọng ngay cả giữa bóng tối này. Giáo Hội, theo tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô, công nhận rằng Thiên Chúa đã ràng buộc chính Ngài vào các bí tích, nhưng Ngài không bị ràng buộc bởi các bí tích. Điều này có nghĩa là mặc dù chúng ta có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn luôn làm việc thông qua các bí tích khi các bí tích ấy được các thừa tác viên ban phát một cách thích đáng, nhưng Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi các bí tích nhưng Ngài có thể mở rộng ân sủng của Ngài một cách toàn năng. Chúng ta có thể yên tâm rằng tất cả những ai đến với Cha Hood, với đức tin ngay lành, để lãnh nhận các bí tích đều không ra về tay không. Chúng ta biết rằng Chúa của chúng ta, trong tình yêu thương không ngừng dành cho chúng ta, đã cung cấp một số biện pháp ân sủng. Thiên Chúa cảm động trước những trái tim rộng mở với Ngài trong tình yêu thương.

Đồng thời, các bí tích, khi được thực hiện đúng cách, là những nghi thức hữu hình và là những kênh hữu hiệu, qua đó ân sủng thánh hóa của Thiên Chúa tuôn đổ cho những ai lãnh nhận chúng với bối cảnh thích hợp. Ân sủng thánh hóa là cần thiết để linh hồn được sống vĩnh cửu trên thiên đàng, và phép Rửa tội có hiệu lực bảo đảm rằng ân sủng này đã được đặt trong linh hồn. Tội lỗi là tình trạng mất ân sủng thánh hóa, nhưng tất cả các bí tích đều hoạt động tùy theo mục đích của các bí tích ấy là ban phát và củng cố ân sủng thánh hóa trong linh hồn. Ân sủng này là một kho tàng của các kho tàng và chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ sự toàn vẹn của các bí tích mà chúng ta lãnh nhận. Giáo Hội địa phương có nhiệm vụ bảo đảm rằng mọi người được giao phó cho sự chăm sóc của Giáo Hội có đầy đủ thiện ích và sự chắc chắn đến từ việc lãnh nhận hợp lệ các bí tích, đó là những bí tích đã được ban cho chúng ta để giữ chúng ta an toàn hơn trên con đường về trời.

Thay mặt cho Giáo Hội địa phương, tôi vô cùng lấy làm tiếc vì lỗi lầm của con người này đã dẫn đến sự gián đoạn đời sống bí tích của một số tín hữu. Tôi sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để khắc phục tình hình cho những người bị ảnh hưởng. Lời cam kết này một phần là lý do tại sao tôi viết thư cho anh chị em hôm nay, với hy vọng rằng anh chị em có thể giúp tôi xác định những người cần các bí tích. Nếu anh chị em tin rằng hồ sơ bí tích của chính anh chị em có thể bị ràng buộc với thừa tác vụ của Phó tế Springer hoặc Cha Hood, xin vui lòng liên hệ với Tổng giáo phận hoặc gọi cho giáo xứ của anh chị em để biết thêm thông tin về cách tiến hành.

Tôi xin anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho Cha Hood, Phó Tế Springer, các tín hữu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoàn cảnh này, và cho toàn thể cộng đồng Công Giáo ở đông nam Michigan, theo lời thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7)

Trân trọng kính chào anh chị em trong Chúa Kitô,

+ Đức Tổng Giám Mục Allen H. Vigneron,

Tổng Giám Mục Detroit



Source:Archdiocese of Detroit
 
Cái chết của một linh mục trên hồ Erie gây xúc động từ Hoa Kỳ đến Ái Nhĩ Lan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:01 23/08/2020


1. Cái chết của một linh mục gây xúc động từ Hoa Kỳ đến Ái Nhĩ Lan

“Tôi vô cùng đau buồn trước tai nạn đắm thuyền bi thảm hôm Chúa Nhật và sự mất mát của Cha Rooney và anh Robert Chiles, giáo dân giáo xứ Thánh Giuse. Cha là một vị chủ chăn được nhiều người thương mến. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến cộng đoàn giáo xứ trong thời khắc đau thương này. Chúng ta hãy nhiệt thành cầu nguyện cho linh hồn Cha Rooney và anh Robert Chiles được nghỉ yên muôn đời. Chúng ta hướng về Đấng Cứu Rỗi nhân lành của chúng ta trong lời cầu nguyện cho những ai đang than khóc họ, với sự tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Chúa sẽ đưa chúng ta đến Vương Quốc của Ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của tổng giáo phận Detroit đã viết như trên trên trang Web của tổng giáo phận sau khi cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy thi hài của Cha Stephen Rooney tại hồ Erie gần Frenchtown Township trong quận Monroe cách nơi xảy ra tai nạn hơn 22km.

Cha Stephen Rooney năm nay 66 tuổi là người Ái Nhĩ Lan, quê ở quận Short Strand thuộc thành phố Belfast. Ngài đã làm việc mục vụ tại Hoa Kỳ trong ba mươi năm qua. Lúc đầu khi mới sang Mỹ vào năm 1995, ngài phục vụ tại giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại quận Monroe trong 13 năm, trước khi làm cha sở tại giáo xứ Đức Mẹ Núi Camêlô. Ngài chỉ mới về giáo xứ Thánh Giuse ở quận Trenton một thời gian ngắn.

Chiều Chúa Nhật 16 tháng 8, Cha Rooney được anh Robert Chiles mời đi trên chiếc thuyền của gia đình. Anh chị em giáo dân cho biết ngài nể anh Robert, một giáo dân tích cực trong giáo xứ lắm nên mới tham gia với gia đình vì ngài không thích đi thuyền vì dễ bị say sóng.

Tai nạn đã xảy ra gần Grosse Ile, một hòn đảo nằm giữa Michigan và Ontario, Canada. Theo cảnh sát, chiếc thuyền cao tốc đã va vào một tảng đá trên sông và bị lật.

Mười người đã được cứu, trong đó có ba trẻ em. Anh Robert và Cha Rooney là hai người chết trong tai nạn này.

Xác của anh Robert được tìm thấy hôm thứ Tư gần nơi xảy ra tai nạn. Nhưng xác cha Rooney đến sáng thứ Năm mới tìm thấy sau khi đã trôi dạt hơn 22km về tận giáo xứ đầu tiên ngài phục vụ khi mới đến Hoa Kỳ.

Trong thời gian chưa tìm được xác cha Rooney, các giáo xứ trong tổng giáo phận Detroit nơi ngài đã từng phục vụ và cả giáo xứ quê hương ở Belfast đã tổ chức các buổi cầu nguyện cho ngài.


Source:Belfast Telegraph

2. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York sẽ dâng lời cầu nguyện tại buổi khai mạc Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York sẽ dâng lời cầu nguyện tại buổi khai mạc Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào ngày 24 tháng 8 tại Charlotte, North Carolina. Đức Hồng Y đã cho biết như trên trong một tuyên bố trên trang Web của tổng giáo phận New York.

“Trong tư cách là một linh mục, một trong những nghĩa vụ thiêng liêng nhất của tôi là cố gắng và đáp ứng tích cực bất cứ khi nào tôi được mời cầu nguyện, ” Đức Hồng Y Dolan nói trong một tuyên bố ngày 18 tháng 8.

“Cầu nguyện là thân thưa cùng Thiên Chúa, dâng lời ngợi khen Ngài, cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban nhiều phước lành, và xin Ngài chuyển cầu; điều đó không phải là chính trị hay đảng phái.”

“Đó là lý do tại sao tôi đã chấp nhận lời mời cầu nguyện tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ” Đức Hồng Y nói thêm. “Việc tôi đồng ý cầu nguyện không cấu thành sự tán thành bất kỳ ứng cử viên, đảng phái hay đường lối nào. Nếu tôi được mời dâng lời cầu nguyện cho Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ, tôi đã vui vẻ chấp nhận, giống như tôi đã làm vào năm 2012”.

Trên thực tế, Đức Hồng Y Dolan đã hướng dẫn các buổi cầu nguyện vào năm 2012 tại cả Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa và Dân chủ, và vào năm 2017, ngài đã hướng dẫn một buổi cầu nguyện tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.

Thông báo về việc Dolan tham gia đại hội đảng Cộng hòa, sẽ được tổ chức vào tuần tới, chủ yếu là trực tuyến, được đưa ra sau khi có thông báo rằng cha James Martin, và sơ Simone Campbell, sẽ cầu nguyện tại Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ trong tuần này.

Cha Martin là người nổi tiếng với cuốn sách “Xây dựng một nhịp cầu” nhằm ủng hộ các vấn đề liên quan đến đồng tính luyến ái, cũng thường xuyên nói về sự ủng hộ của ông đối với giáo huấn của Giáo hội về phá thai.

Campbell, giám đốc điều hành của Network Lobby For Catholic Social Justice, nghĩa là Mạng Lưới Vận Động Cho Công Bằng Xã Hội Công Giáo, trước đây đã phát biểu tại Hội nghị Quốc gia Dân chủ năm 2012 và 2016.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với Democracy Now, sơ Campbell nói rằng “Theo quan điểm của tôi, tôi không nghĩ rằng đó là một chính sách tốt khi đặt phá thai ra ngoài vòng pháp luật”. Sơ Campbell nói rằng các nhà vận động ủng hộ cuộc sống nên “tập trung vào phát triển kinh tế cho phụ nữ và cơ hội kinh tế. Đó là điều thực sự tạo nên sự thay đổi.”

Đó là một lý lẽ ngụy biện. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “quyền sống của mọi cá nhân vô tội là một yếu tố cấu thành của xã hội dân sự và luật pháp của nó.” Người ta không cần giầu có, ăn no mặc đẹp rồi mới bắt đầu bảo vệ quyền sống của thai nhi.

Về phần mình, Dolan cho biết ngài hy vọng “trong thời gian hỗn loạn này trong lịch sử dân tộc chúng ta, mọi người thuộc mọi tôn giáo hay không tôn giáo có thể cùng nhau tìm kiếm hòa bình và hòa giải trong trái tim chúng ta, trong các thành phố của chúng ta, và ở đất nước chúng ta.”


Source:Catholic News Agency

3. Hội Đồng Giám Mục Mali: Cuộc đảo chính là 'một thất bại lớn đối với nền dân chủ của chúng ta'

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mali nhận định rằng cuộc đảo chính quân sự ở Mali là “một thất bại lớn đối với nền dân chủ của chúng ta”.

Đức Cha Jonas Dembélé, người đã lãnh đạo Hội đồng Giám mục Mali từ năm 2017, nói với ACI Africa rằng cuộc đảo chính ngày 18 tháng 8 đã lật đổ tổng thống và thủ tướng của đất nước là một điều “đáng tiếc.”

“Cuộc đảo chính quân sự dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita là đáng tiếc bởi vì chúng ta đang sống trong một tình trạng pháp quyền và dân chủ”.

“Đây là lần thứ hai Mali xảy ra một cuộc đảo chính quân sự do cách thức điều hành đất nước. Đó là một thất bại lớn cho nền dân chủ của chúng ta.”

Dembélé lưu ý rằng đất nước đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như quản trị kinh tế kém, tham nhũng và mất an ninh.

Ngài đặt câu hỏi:

“Tại sao người Malia chúng ta lại không tham gia vào đối thoại để có thể thảo luận về những vấn đề này và đối mặt với những thách thức này một cách có trách nhiệm? ”

“Lãnh đạo của chúng ta, người dân của chúng ta, thiếu minh bạch. Họ ghét những người nói sự thật và ủng hộ việc quản trị tốt. Tâm lý này phải thay đổi để đất nước chúng ta tiến lên.”

Hôm thứ Ba, tổng thống Keïta tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội vài giờ sau khi binh lính làm binh biến bắt giữ ông ta. Thủ tướng Boubou Cissé cũng bị bắt giam và sau đó đã tuyên bố từ chức.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước cả nước, Keïta nói: “Trong bảy năm, tôi đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi cố gắng đưa đất nước này đứng vững. Nếu ngày nay một số người từ các lực lượng vũ trang quyết định kết thúc nó bằng sự can thiệp của họ, tôi còn có lựa chọn nào nữa chăng? Tôi nên phục tùng họ vì tôi không muốn đổ máu.”

Vào ngày 19 tháng 8, các quân nhân Mali, thuộc Ủy ban Cứu quốc Nhân dân, đã nói chuyện với công dân trên truyền hình nhà nước.

Ismail Wague, Phó tham mưu trưởng Không quân Mali, cho biết: “Chúng tôi không nắm quyền mà đang giữ gìn sự ổn định của đất nước. “

Ông tuyên bố đóng cửa biên giới và giới nghiêm.

Mali, quốc gia có dân số 19 triệu người, đã trải qua một đợt bạo lực gia tăng liên quan đến cả dân thường và quân đội kể từ năm 2016, với hơn 4, 000 người chết được ghi nhận chỉ trong năm 2019, so với khoảng 770 người ba năm trước đó.

Ước tính có khoảng 95% người Malia là người Hồi giáo. Có khoảng 275, 000 người Công Giáo trong cả nước, chiếm chưa đến 2% dân số. Khoảng 3% người Malia theo các tôn giáo truyền thống của Phi châu.


Source:Catholic News Agency

4. Úc có kế hoạch tiêm vắc xin miễn phí nếu thử nghiệm thành công

Úc cho biết họ có kế hoạch triển khai vắc-xin coronavirus miễn phí cho công dân của mình nếu các thử nghiệm thành công.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết đất nước của ông đã đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của Anh để sản xuất và phân phối đủ liều lượng vắc xin tiềm năng cho 25 triệu người của họ.

“Hiện có khoảng 160 dự án vắc xin khác nhau trên khắp thế giới ngày hôm nay, một số dự án đã tiến được các bước rất xa như dự án AstraZeneca và họ đang hợp tác với trường Đại học Oxford, ” ông nói.

“Và nếu chúng ta ở vào vị trí thử nghiệm thành công, chúng ta hy vọng rằng điều này sẽ xảy ra vào đầu năm tới, nếu nó có thể được thực hiện sớm hơn thế thì thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta đang có rất nhiều người mặc áo khoác trắng và có rất nhiều người xung quanh đây ngày nay và họ đã và đang làm những công việc to lớn không chỉ ở đây mà trên toàn thế giới.”

Tất cả người dân Úc sẽ được cung cấp các liều vắc-xin nhưng một hội đồng y tế sẽ xác định danh sách ưu tiên của người nhận vắc-xin trước.

Tháng trước, AstraZeneca cho biết họ đã có các tin rất tốt về vắc xin của họ.

Vắc xin này đã được thử nghiệm trên quy mô lớn trên người và được nhiều người coi là dẫn đầu trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin cho loại coronavirus mới.

Trong khi đó, thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh mới trong những ngày gần đây.

Một đợt bùng phát ở Melbourne trong hai tuần qua đã buộc các nhà chức trách áp đặt lệnh giới nghiêm hàng đêm và đóng cửa nhiều cơ sở.


Source:Reuters