Ngày 23-08-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
24/08: Gặp gỡ Đức Ki-tô rồi sao? – Kính Thánh Ba-tô-lô-mi-ô Tông Đồ – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:03 23/08/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:59 23/08/2023

10. Chỉ có một tâm thanh khiết thì mới có thể có Chúa vô cùng thanh khiết.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:04 23/08/2023
30. TÌM PHẦN MỘ TỔ TIÊN

Lúc Hùng An Sanh còn ở Sơn Đông, có người nói dối ông ta:

- “Nơi thôn nọ có phần mộ tổ tiên, là phần mộ của Thái Quang người Hà nam thời nhà Tấn đến hôm nay là bảy mươi hai đời, nguyên trước đây có một tấm bia nhưng bây giờ không biết người trong thôn đem chôn ở đâu nữa?”

Hùng An Sanh tin cho là thật bèn đến đào phần mộ kế bên, đào rất lâu mà cũng không thấy tấm bia, thế là liên tiếp mấy năm làm đơn tố với quan phủ.

Trưởng sứ Kỳ châu là Trịnh Đại Quán phán rằng:

- “Bảy mươi hai đời là người của hoàng đế Phục Hi (1) trước đây, ta làm sao có thể thay ông đi tìm được chứ, triều đình nhà Tấn cũng không có vị tướng quân nào có tên như thế vượt qua Hà Nam cả”.

An Sanh thất vọng quá lớn, bèn dắt cả gia đình lớn nhỏ đến đầu phần mộ tổ tiên mà khóc lớn…

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 30:

Ở đời có người đi tìm cái có nơi cái không có, và cũng có người đi tìm cái không có nơi cái có.

Cái có của người Ki-tô hữu là Thiên Chúa nhưng họ lại đi tìm Thiên Chúa nơi tội lỗi, cái có của người Ki-tô hữu là thiên đàng nhưng họ lại đi tìm thiên đàng nơi những chỗ ăn chơi đàng điếm, thế là họ đi tìm cái có nơi cái không; cái không nên có nơi người Ki-tô hữu là kiêu căng, ích kỷ, ghét ghen, nhưng họ lại đi tìm cái kiêu ngạo nơi ghét ghen, họ tìm cái ghét ghen nơi ích kỷ và họ tìm cái ích kỷ nơi kiêu ngạo, thế là họ đi tìm cái không nên có nơi cái có thể làm cho họ mất sự sống đời đời…

Lời nói dối của người thế gian thì có rất nhiều người tin, nhưng lời nói thật của Thiên Chúa thì ít người tin, bởi vì chính những người Ki-tô hữu –là con cái của Thiên Chúa - đã không bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, thì đố có ai mà tin có Thiên Chúa hiện hữu chứ?

(1) Theo truyền thuyết của Trung Quốc hoàng đế Phục Hi là một trong tam đại đế vương.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khôn Ngoan Thiên Quốc
Lm Vũđình Tường
06:06 23/08/2023
Người ta có nhận xét khác nhau về Đức Kitô, một số cho Ngài là Gioan Tiền Hô, số khác lại nói là tiên tri Elijah, số khác lại nói là tiên tri Jeremiah hay một tiên tri nào khác Mat 16:14. Đức Kitô hỏi các môn đệ, còn các anh, anh em bảo Thầy là ai? Các tông đồ chắc chắn biết Đức Kitô rõ hơn những người khác bởi các ông từng đi với Ngài qua khắp nẻo đường lúc Ngài rao giảng công khai. Phêrô, đại diện anh em lên tiếng,

'Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống' Mat 16:16.

Đức Kitô nói với Phêrô.

Không phải do khôn ngoan trần thế mà anh nói được câu đó mà chính là Cha Ta, Đấng ngự trên trời mặc khải cho anh biết điều đó.

Như thế khôn ngoan trần thế khác biệt khôn ngoan thiên quốc. Khôn ngoan trần thế đến từ trí khôn con người, sản phẩm của khối óc, của suy luận, của học hỏi, tìm hiểu. Khôn ngoan trần thế rất hữu dụng cho công việc nơi trần thế. Khôn ngoan trần thế hiểu được bởi nó thuộc về hiểu biết của con người. Khôn ngoan, trí hiểu của khối óc đến từ quan sát, nhận định, phân biệt. Mà quan sát thường đưa đến kết luận khác nhau. Nhiều người cùng quan sát một sự kiện, nhưng khi đưa ra nhận định lại có những nhận định ít nhiều khác nhau, bởi nhận định ảnh hưởng bởi óc quan sát, và cách suy nghĩ nhận biết trong quá khứ. Chúng ta có thể đoan chắc mọi quan sát của khối óc, ít nhiều có ngầm chứa bất toàn. Mắt ta gặp ít khó khăn khi nhìn toàn thể sự việc, nhưng mắt thường bỏ sót chi tiết của sự việc. Chính những chi tiết thiếu sót này lại xác định sự khác biệt vật thể. Bỏ qua không quan sát chi tiết dẫn đến kết luận khác biệt. Nhận định này cho thấy người ta đưa ra í kiến khác nhau về Đức Kitô. Người ta ngạc nhiên về sự khôn ngoan thông thái nơi Đức Kitô; người ta thần phục phép lạ Đức Kitô thực hiện; một số còn thưởng thức phép lạ hoá ít bánh ra nhiều do Ngài thực hiện. Nhưng khi nói về Đức Kitô người ta lại có nhận định khác nhau, không ai nói lên được bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Bởi trí khôn trần thế không thể tìm hiểu, nhận biết thần trí thiên quốc, nếu người đó không được Thánh Thần Chúa hướng dẫn, mặc khải cho biết. Không thể dùng trí khôn trần thế để phán đoán, nhận định, đo lường thần linh trên trời.

Khôn ngoan thiên quốc không thể biết được qua quan sát, nhận định, mà phải cần đến ơn Chúa ban. Ơn đặc biệt Chúa ban dành riêng cho những ai Thiên Chúa chọn mặc khải cho cá nhân người đó. Đức Kitô nói với Phêrô không phải do quan sát, nhận định mà Phêrô biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống mà chính là ơn cao cả Chúa Cha ban. Thánh Thần Chúa âm thầm hoạt động trong ông nhưng ông không hề nhận biết. Vì thế, rất có thể Phêrô nói Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, ông cũng không rõ bởi đâu ông nhận biết thực tại đó. Ông không biết đó là ơn khôn ngoan trời cao đặc biệt ban cho ông.

Đức Kitô đặt câu hỏi có mục đích riêng. Mục đích đó hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của các môn đệ. Có lẽ trong thâm tâm Đức Kitô cũng hình dung ra ai trong số các môn đệ sẽ là lãnh tụ nhóm, và ai sẽ đóng vai trò hướng dẫn Giáo Hội Ngài sắp thiết lập nơi trần thế, khi Ngài không còn chung sống với các ông? Ngài đã hình dung ra nhân tuyển nhưng Ngài cũng muốn xác định nhân tuyển Ngài hình dung cũng trùng hợp với nhân tuyển Chúa Cha định. Câu trả lời của Phêrô trùng hợp điều Đức Kitô đang tìm kiếm. Nhân tuyển của Chúa Cha trùng hợp với nhân tuyển Đức Kitô dự tính thực hiện. Í Cha và í Con trùng hợp nói lên thiên í giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Đức Kitô làm sáng tỏ điều này khi Ngài nói với Phêrô là nhận biết của ông về Ngài là do Chúa Cha mặc khải cho biết. Ngài cũng nói luôn hai nhiệm vụ của Phêrô: Một là làm trưởng nhóm, và hai là lèo lái con thuyền Giáo Hội. Bên cạnh đó Đức Kitô cũng cho Phêrô biết con thuyền đó sẽ gặp nhiều sóng gió, bão táp. Nó làm con thuyền chao đao, dập dình trên sóng nước, nhưng sóng gió không đủ khả năng làm thuyền đó tan vỡ, bởi nó được xây dựng trên nền tảng cứng rắn như đá tảng. Đá tảng Phêrô và những vị kế vị Phêrô lại nhận được sức mạnh từ đá tảng Kitô.

Viên đá mà thợ xây loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường.

Điều này Đức Kitô nói về chính mình. Tảng đá đó đã đánh tan bóng tối sự chết, và sống lại vinh quang, để ban sự sống trường sinh cho những ai chọn bước theo chân đá tảng Kitô.

Giáo Hội đang trên đường lữ hành, Giáo Hội sẽ gặp nhiều nguy cơ, rủi ro trên đường đi, chúng núp bóng dưới dạng sức mạnh, trí khôn trần thế. Giáo Hội đó luôn thầm tín,

'Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi' Mat 16:19.

Đây là niềm tin, niềm hy vọng mà Kitô hữu luôn âu yếm trong lòng.

TiengChuong.org

Heavenly Wisdom

People have various opinions of Jesus, 'some say he is John the Baptist, some Elijah, and others Jeremiah or one of the prophets'. Jesus asked his own disciples: Who do they say their Master is? The apostles should have known him better than the rest because they have been with him always in his public ministry. Peter, on behalf of the group answers,

'You are the Christ, the Son of the living God'.

Jesus told him that,

'It was not flesh and blood that revealed this to you but my Father in heaven'.

We have here earthly wisdom and heavenly wisdom. Human wisdom comes from humans. It is the work of a mind and it is not hard to know. The work of the mind is understandable; because it is within the sphere of human knowledge. All human knowledge arises from observation. We may all observe the same thing, but we make different conclusions. It is not wrong to say that all human perception contains hidden errors caused by one's frame of reference and imperfect observation. Our eyes have no problem capturing a whole picture, but we often fail to see the detail. Most of the time, it is the detail that makes things differ from each other. This observation is illustrated in the way the way in which people have encountered Jesus in his public teaching. They all heard of him, all enjoyed his miracles, and yet all failed to see his true identity.

Heavenly wisdom is not something one can gain from human observation or perception. It is a special gift God is given to those God chooses to reveal to. Jesus told Peter when he confessed that Jesus is the Christ, the Son of the living God. Peter's opinion about Jesus comes not from observation or witnessing his miracles, but rather it is a special grace God the Father gives him. God's Spirit works in him and yet he may not recognize it. Peter himself probably didn't know that what he said about Jesus was heavenly wisdom, or that was given to him by the Father.

Jesus poses the question for a specific purpose and that purpose was hidden from the disciples. Jesus probably has wondered for some time whether would Peter be the right candidate for the leader of the group when he is not around. Jesus wants an affirmation from the Father, that his opinion about Peter would be aligned to the Father. Peter's answer confirms that Peter is the chosen one. The Father has chosen him, and it is evident in his public confession, that Jesus is the Christ, the Son of the living God. Hearing what Peter has said, Jesus has no doubt; but affirms him the twofold offices: Group leader and Head of his future Church on earth. Jesus also tells Peter that the Church he leads would not avoid challenges from the power of darkness. It may cause the Church to shake, but not break. Jesus affirms to Peter that despite all adversaries, the Church continues to stand firm because it is built on the rock. It is the Rock that Peter and his successors would draw strength from: Christ himself, who has defeated the power of darkness manifested through death. Jesus has risen from death and gives eternal life to those who follow his way.

Like Jesus, the Church is the pilgrim Church, and on her way, she will meet the power of darkness which is hidden in earthly wisdom. But remember:

'The gates of the underworld can never hold out against it'.

It is the great hope we all embrace.
 
Không đóng cửa trước chân lý
Lm. Minh Anh
14:48 23/08/2023

KHÔNG ĐÓNG CỬA TRƯỚC CHÂN LÝ
“Hãy đến mà xem!”.

Bài đọc Khải Huyền lễ kính thánh Bartôlômêô nói đến một ‘Giêrusalem từ trời’ với “Tường thành xây trên mười hai nền móng, khắc tên mười hai tông đồ”. Ngày nay, không phải trên tường thành, nhưng trên trần điện Sistine, ‘Giêrusalem mới’, tượng trưng Hội Thánh, vẫn còn kiệt tác 400 tuổi Michelangelo đã ‘khắc’: “Bartôlômêô xách tấm da” của mình. Theo một truyền thống, Bartôlômêô, người ‘không đóng cửa trước chân lý’, tử đạo do bị lột da, chặt đầu. Vì thế, ngài là Quan Thầy thợ thuộc da, đóng sách và người bán thịt!

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi Philipphê cho biết họ đã gặp Đấng Messia, thì Nathanael, tức Bartôlômêô đã phản ứng mạnh mẽ, “Từ Nazareth, nào có chi hay?”. Tại sao? Rất có thể vì người Do Thái biết Đấng Messia sẽ đến từ Bêlem, chứ không từ Nazareth. Điều này lập tức dấy lên trong Nathanael một sự nghi ngờ. Đúng! Chúa Giêsu sinh ở Bêlem; về sau, lên định cư ở Nazareth. Nathanael ‘quên khuấy’ chi tiết này!

Như Nathanael, bạn và tôi có thể dễ dàng nghi ngờ các vấn đề đức tin và bao vấn đề khác. Nếu từ đầu, Philipphê cho biết Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, trưởng thành ở Nazareth thì có thể Nathanael đã ‘cởi mở’ hơn. Nhưng, sự việc xảy ra như thế, thì phải chăng ở đây, Chúa Thánh Thần muốn dạy một điều gì đó quan trọng hơn. Đúng thế! Chúa Thánh Thần dạy bạn và tôi ‘không đóng cửa trước chân lý’ chỉ vì một điều gì đó thoạt đầu không có ý nghĩa! Sự nghi ngờ không bao giờ đến từ Thiên Chúa, Ngài không gieo nó! Tin tốt lành là, dẫu bộc lộ tức khắc một sự nghi ngờ, nhưng Nathanael vẫn cởi mở. Và để trả lời cho ngờ vực này, Philipphê đã có một câu trả lời tốt nhất, “Hãy đến mà xem!”.

Đến với Chúa Giêsu, Đấng đã nói rất ít về Nathanael, một người “không có gì gian dối”, Nathanael đã cởi mở với Ngài và nhanh chóng tuyên xưng niềm tin, “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Nathanael lập tức nhận ra sự vĩ đại của Ngài, và điều này chỉ có thể có nhờ ân sủng. Từ đó, cùng Philipphê và các tông đồ khác, Nathanael có thể thưa, “Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Vậy, điều gì đang khiến bạn khó hiểu về cuộc sống, các mối tương quan và những mù mịt về đức tin? Nếu có điều gì đó khiến bạn đang mù mờ theo cách này, hãy cho phép mình ‘không đóng cửa trước chân lý’ và làm theo lời tốt nhất của Philipphê, “Hãy đến mà xem!”. Nathanael thầm cho biết, nếu chúng ta đem bối rối của mình đến với Chúa Giêsu, mở lòng với Ngài, tất cả sẽ được sáng tỏ; mọi nghi ngờ sẽ phải tan bay!

Anh Chị em,

“Hãy đến mà xem!”. Chúa mời bạn và tôi “đến xem” qua các trung gian, người thân, bạn bè… dẫu ban đầu có thể có những nghi ngờ, nhưng miễn là ‘không đóng cửa trước chân lý’, chúng ta sẽ gặp Ngài, Đấng luôn có cách để lôi kéo bạn và tôi đến gần Ngài. Từ cuộc gặp gỡ nhờ việc “đến xem” ấy, Nathanael đã bỏ những thành kiến, định kiến cá nhân để phó mình hoàn toàn cho Ngài; và kết quả, được Ngài biến đổi, trở nên một vị thánh vĩ đại, sống trọn vẹn cho sứ vụ. Giờ đây, Giêsu Thánh Thể và Lời ân sủng của Ngài vẫn đang đợi đang chờ chúng ta “đến xem”. Không chỉ “xem”, chúng ta còn chìm sâu trong cầu nguyện, lặng thinh trong yêu mến, và nhất định, Ngài cũng sẽ biến đổi bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù bận rộn đến đâu, đừng bao giờ để con bỏ việc “đến xem” Chúa mỗi ngày. Xem Chúa tốt lành nhường bao, xem con đáng thương nhường nào!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Được Cứu độ bởi Đức Kitô và trong Giáo Hội
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:04 23/08/2023

CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20
ĐƯỢC CỨU ĐỘ BỞI ĐỨC KITÔ VÀ TRONG GIÁO HỘI

Trong cuốn sách nổi tiếng “Muối Cho Đời,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có một xác tín rất vững chắc là: “Chúng ta được cứu độ bởi Đức Kitô và trong Giáo Hội.”

Đây là một xác tín giúp chúng ta trở về với những gì căn bản của đức tin Kitô giáo. Và một cách nào đó phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói tới hai điều này.

1. Người ta bảo Thầy là ai?

Trước hết, người Kitô hữu tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Tin Mừng kể lại:
“Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng: Người ta bảo Con Người là ai? Các ông thưa: Người thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, có người lại cho là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ” (Mt 16,13-14).

Câu trả lời này cho thấy dư luận biết về Đức Giêsu một cách mơ hồ và lẫn lộn Người với các tiên tri trong Cựu Ước.

Nếu ngày hôm nay, Chúa hỏi chúng ta rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Chúng ta có thể trả lời: “Người thì nói là Ngài Đấng sáng lập tôn giáo như Phật Thích Ca, như Mahommed, kẻ thì nói Ngài là một nhà cách mạng tôn giáo, một bậc thánh hiền; kẻ khác lại nói Ngài là vị thầy tâm linh.” Hay theo nhà văn Mỹ Dan Brown thì Đức Giêsu chỉ là một con người bình thường và đã có vợ có gia đình với bà Maria Mađalêna. Đây là những cái nhìn không đầy đủ nếu không muốn nói là méo mó về Đức Giêsu. Nói cho cùng người ta nghĩ Người chỉ là một con người thôi.

2. Anh em bảo Thầy là ai?

Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, Người muốn đi xa hơn nên hỏi:
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).

Nhân danh tất cả các Tông Đồ, Phêrô trả lời:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Đây là một tuyên tín rất quan trọng về Đức Kitô và kể từ năm 325 (Công Đồng Nicée) trở thành định tín của Giáo Hội: Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người (vrai Dieu et vrai homme).

Đức Giêsu là một con người bình thường như mọi người, chỉ trừ tội lỗi. Người cũng biết khóc biết cười, Người cũng có nhu cầu ăn uống và nghỉ ngơi… Nhưng Người là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” nghĩa là Người là chính Thiên Chúa, là Chúa Con, đã nhập thể làm người, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại. Chỉ nhờ Người mà chúng ta được cứu độ. Chỉ qua Người chúng ta tới Thiên Chúa.

Người Kitô hữu trước hết là người tin vào Đức Kitô đúng như Người là, đúng như mạc khải bày tỏ. Và như thánh Gioan nói:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Ai tin sẽ được cứu độ. Đức tin vào Đức Kitô đó không phải là một sự hiểu biết lý thuyết suông, nhưng là một sự hiểu biết hướng tới đời sống, nghĩa là đức tin đó là sự gặp gỡ, sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô mỗi ngày trong đời này. Đức tin đó là một cách sống mới, cách thế hiện hữu mới trong Đức Kitô. Và nói như thánh Phaolô:
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Người Kitô hữu là người lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm của đời mình. Đó là một đức tin trưởng thành và mang tính cá vị. Đó là một đức tin mà Chúa chờ đợi mỗi người Kitô hữu.

3. Chúng ta được cứu độ trong Giáo Hội

Không ai nên thánh một mình, cũng không ai được cứu độ một mình. Chúng ta được cứu độ bởi Đức Kitô và trong Giáo Hội. Giáo Hội vừa là bí tích vừa là phương tiện chuyển thông ơn cứu độ của Đức Kitô cho chúng ta. Giáo Hội hiện hữu là do ý muốn của Thiên Chúa, được chuẩn bị trong Cựu Ước, được thiết lập bởi Đức Kitô, được làm cho sống động bởi Chúa Thánh Thần. Giáo Hội hiện hữu là vì ơn cứu độ con người, vì sự truyền giáo cho thế giới.

Sau lời tuyên tín của Phêrô, Chúa Giêsu đặt ngài làm thủ lãnh các Tông Đồ, người đứng đầu của Giáo Hội:
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Rồi Chúa Giêsu nói đến sứ mạng của của Phêrô:
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19).

Trao chìa khóa cho Phêrô là trao quyền tháo gỡ và cầm buộc của Thiên Chúa cho Giáo Hội như là người gìn giữ và chuyển ban ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Quyền bính trong Giáo Hội được thiết lập để phục vụ và cứu độ các linh hồn. Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu của Giáo Hội, người kế tục các Tông Đồ, đại diện cho Thiên Chúa trên trần gian.

Thật là hạnh phúc và tuyệt vời khi chúng ta được gia nhập vào một đại gia đình Giáo Hội sống động và rộng lớn này. Dù trong lòng Giáo Hội có những yếu tố yếu đuối và vấp ngã, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và sống mãnh liệt. Trong Giáo Hội chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa là Cha, Giáo Hội là Mẹ hiền, Đức Kitô là người anh cả và mọi người là anh em với nhau.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tin nhận Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con, ngoài Chúa ra không có ai khác. Xin cho chúng con cũng biết yêu mến Giáo Hội do Chúa thiết lập, biết thực thi Lời Chúa qua giáo huấn và huấn quyền Giáo Hội, nhất là biết xây dựng Giáo Hội bằng sự cộng tác của chúng con. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Đấng Cứu độ duy nhất và phổ quát của nhân loại
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
23:06 23/08/2023



CHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20
ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT VÀ PHỔ QUÁT CỦA NHÂN LOẠI

Nếu chúng ta còn nhớ, cách đây không lâu ở Mỹ, nhà văn Dan Brown viết cuốn tiểu thuyết Da Vinci Code, cuốn sách trở thành cuốn sách ‘bestseller’, được đóng thành phim, và phổ biến khắp thế giới, trở thành “hiện tượng Da Vinci Code” và làm nhiều người Công Giáo bị sốc. Bởi vì trong đó, Dan Brown giới thiệu một Đức Giêsu hoàn toàn khác biệt với Đức Giêsu ở trong Kinh Thánh. Ngài là một người bình thường như mọi người, đã có gia đình, có vợ có con và giòng giống của Ngài vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Và Giáo Hội chỉ là một tổ chức chính trị và quyền lực hoàn toàn nhân loại. Nhiều người Công Giáo bị sốc và lung lay đức tin và có người đã nói rằng: mấy chục năm theo đạo, tôi đã bị lừa… bây giờ người ta ‘find out’ ra thì mới biết Chúa Giêsu chỉ là một người đàn ông bình thường v.v…

Tôi nhắc lại sự kiện đó để chúng ta thấy rằng: Câu hỏi của Chúa Giêsu với các Tông Đồ hôm nay vẫn còn mang tính thời sự: “Người ta bảo Thầy là ai?”

Thời Chúa Giêsu dư luận dân chúng cũng biết mù mờ về Ngài:
“Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14).
Ngày hôm nay, Chúa hỏi chúng ta: “Người ta bảo Thầy là ai?” Nhiều người mang danh là Kitô hữu nhưng biết rất mơ hồ về Ngài. Chúng ta thưa: Dạ thưa Chúa, kẻ thì nói Chúa là một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà cách mạng tinh thần… còn ông Dan Brown bảo Chúa lấy bà Mađalêna và có quan hệ với bà nên có vợ con đề huề.

Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một thế giới bùng nổ thông tin và thị trường tự do. Tất cả mọi thứ người ta có thể rao bán và quảng cáo. Về mặt tư tưởng cũng thế, tôn giáo và các hệ tư tưởng cũng bị biến thành thị trường cạnh tranh mua bán, và người ta cứ việc mua thứ tôn giáo nào hợp với sở thích của mình. Đức Kitô cũng được nhào nặn, tạo nên theo sở thích và lợi nhuận của họ để rao bán khắp nơi. Nói như cha Cantalamessa, ngày xưa Chúa Giêsu bị bán bởi Giuđa với 30 đồng bạc, còn hôm nay, Chúa Giêsu cũng bị bán bởi các nhà viết sách và làm phim, mà lợi nhuận không phải ba mươi đồng bạc nhưng là cả triệu dollars!

Nhưng chúng ta phải tỉnh thức, vì đó không phải là Đức Kitô của Kinh Thánh, của niềm tin Giáo Hội, mà là Đức Kitô của “người ta”, một Đức Kitô của tưởng tượng và sự hiếu kỳ của họ. Chúng ta không cần phải hoang mang và lo sợ gì!

Niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô được gói ghém trong câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu:
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16,15)?

Anh chị em và tôi bảo Đức Giêsu là ai? Câu này mới là quan trọng. Nhân danh tất cả, Phêrô trả lời:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Đây là mạc khải và là trung tâm điểm niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô và kể từ năm 325 (Công Đồng Nicée) trở thành định tín Kitô học của Giáo Hội mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính:
“Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng. Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…”

Nghĩa là Đức Kitô đó là Thiên Chúa thật và người thật (vrai Dieu et vrai homme). Người cũng biết khóc biết cười, Người cũng có nhu cầu ăn uống và nghỉ ngơi, Người giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi thôi. Nhưng Người là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống,” nghĩa là Người là chính Thiên Chúa. Người nhập thể để cứu độ chúng ta nên Giáo Hội tuyên xưng Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại. Và nói như thánh Gioan: Ai tin vào Người thì được cứu độ (x. Ga 3,16). Chỉ nhờ Người mà chúng ta được cứu độ. Chỉ qua Người chúng ta tới Thiên Chúa.

Đức tin đó không phải là một sự hiểu biết suông, nhưng là một sự gắn bó đời mình với Đức Kitô. Người Kitô hữu là người xây dựng cuộc đời và những dự phóng đời mình trên Đức Kitô, lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm của cuộc sống. Bởi vì nơi Người chúng ta tìm được tất cả những giải đáp cho những thắc mắc, những khát vọng sâu thẳm nhất về ý nghĩa cuộc đời. Đó là một đức tin trưởng thành, mang tính cá vị và không bị lung lay trước thử thách.

Một lần nữa, cùng với Phêrô và các Tông Đồ: Chúng ta tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống qua Kinh Tin Kính. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chìa Khoá
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
23:12 23/08/2023

Chìa Khoá
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN - A
(Mt 16, 13-20)

Từ ‘Chìa khoá’ được Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc đến. Trước kia, mọi thị trấn và thành phố đều có tường thành kiên cố vây quanh và các cửa ra vào đều hết sức quan trọng. Các cánh cửa thành do đó đều chắc chắn, nặng nề và khóa bằng các then gỗ lớn, không thể cầm bằng tay mà phải vác trên vai. Và vì thế khi đã đóng mở rồi thì chẳng ai ra vào trái lệnh được nữa.

Bài đọc I, nói đến ‘Chìa khoá’ nhà Đavít được Chúa trao cho Êliacim: “Ta sẽ để chìa khóa nhà Đavít trên vai nó : nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được, nó đóng cửa lại và không ai mở ra được” (Is 22,22). Bài Tin Mừng, nói đến ‘Chìa khoá’ được Chúa Giêsu trao cho Phêrô (x. Mt 16,13-20).

Chìa khoá nhà Đavít

Ðiều đáng để ý trong đoạn sách tiên tri Isaia 22, 19-23 hôm nay là những lời sấm về Êliacim. Ðó là những lời tiên tri rất long trọng. Chúa phán: "Trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliacim". Chúa gọi Êliacim là đầy tớ, danh xưng này chỉ dành cho những kẻ được chọn một cách đặc biệt như Abraham, Môsê và Ðavít.

Chúa săn sóc đến Êliacim một cách khác thường. Chính tay Chúa sẽ mặc áo dài cho ông, thắt lưng cho ông và đặt quyền bính vào tay ông. Chúa ban áo dài cho ai là muốn người đó được lãnh chức tư tế; và khi Người thắt lưng cho họ là muốn cho quyền bính của người đó được vững vàng. Điều đáng nói ở đây là Chúa còn đặt chìa khóa nhà Ðavít trên vai Êliacim, trước khi áp dụng một cách tuyệt đối và vĩnh viễn cho Ðấng Cứu Thế. Êliacim chỉ là hình ảnh và là cớ để Chúa mạc khải kế hoạch cứu độ sâu xa của mình. Ðấng mà Chúa nhắm tới, kêu gọi và tuyển chọn không là ai khác ngoài chính Ðức Giêsu Kitô. Chìa khoá Thiên Chúa trao cho Êliacim làm chúng ta nhớ đến chìa khoá Chúa Giê su trao cho Phêrô.

Chìa khoá thánh Phêrô

Chúa Giêsu không nói về chìa khóa nhà Đavit mà mà chìa khóa Nước Trời. Sau khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, Phêrô đã được Chúa trao “Chìa Khóa Nước Trời“, đó là quyền lãnh đạo dân Chúa, quyền đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã tin tưởng và trao chìa khóa cho thánh Phêrô tức là quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Hội Thánh trên trần gian. Chúa Giêsu là dòng dõi Đavit, đến không phải để kế thừa vương quốc trần gian mà là vương quốc vĩnh cửu của Nước Trời. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” là hai hành động diễn tả việc giảng dạy và áp dụng Luật Môsê do các thầy dạy (Rapbi) của Itraen, điều đó cũng có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh.

Chìa khoá và Tảng Đá

Chúng ta còn nhớ bài thánh ca sau :
Lạy Chìa khóa nhà Đavít và là vương trượng của nhà Israel;
Ngài đã mở nào ai đóng được;
Ngài đóng rồi ai có thể mở ra:
Xin hãy đến đem ơn giải thoát, cho tù nhân khỏi bị xích xiềng,
không ngồi trong bóng tối tử thần.

Bài thánh ca phát xuất từ lời tiên tri Isaia (x. Is 22,22), không chỉ nhắc đến sứ mạng giải phóng của Chúa Kitô mà còn là của Giáo hội qua Chúa Kitô. Nhắc lại lời Chúa Kitô nói với Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết : Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc : sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 16, 18-19).

Qua bài thánh ca hôm nay, Giáo hội kêu xin Đấng Cứu Thế hủy diệt tội lỗi và sự chết, mở cửa Nước Trời cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin điều này, bởi vì chúng ta được tạo nên cũng vì điều này. Xin Chúa đừng để chúng ta sa vào vòng tội lỗi, nhưng để sống với Chúa Kitô nơi quê trời, bắt đầu bằng cuộc sống hiện tại, lúc này và bây giờ.

‘Chìa khoá’ và ‘Đá Tảng’ là hai sứ vụ quan trọng mà Chúa trao cho Phêrô : “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời”; “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (x. Mt 16,13-20).

Tảng Đá, tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho Phêrô. Trên Táng Đá này, Chúa xây Hội Thánh vững bền. Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,16). Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẻ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên.

Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà. Dẫu Hội Thánh trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn luôn luôn đứng vững trên nền tảng của Thánh Phêrô. Vị Giáo hoàng tiên khởi đóng trọn vai trò “Đá Tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa nước trời” để “trói và cởi”. Nhờ đó, nhân loại đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Hội Thánh.

Lạy Chìa khóa nhà Đavít, xin hãy đến giải thoát chúng con. Amen.



 
Chân dung Linh mục
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:22 23/08/2023

CHÂN DUNG LINH MỤC

Có thể nói một trong các thành phần của Giáo hội được khen chê nhiều nhất đó là linh mục. Các tiếng khen chê ấy lại nhiều hơn khi Giáo hội mở Thượng Hội Đồng “Hiệp Hành”. Qua một vài sự cố “lạm dụng” mà báo chí Âu Mỹ làm rùm beng, nhiều linh mục phân trần cách dí dỏm rằng linh mục, cách riêng linh mục triều là kiếp trên đe dưới búa. Cũng có thể là thế, tuy nhiên cần chân nhận với nhau sự thật này: khi yêu ai, kính trọng ai nhiều thì người ta đòi hỏi kẻ ấy nhiều. Do đó việc các linh mục cần phản tỉnh, trở về với căn tính của mình hầu sống “chính danh, chính phận” là một đòi hỏi như là tất yếu.

Theo cái nhìn truyền thống dựa trên các năng quyền thì linh mục là người đã lãnh nhận chức tư tế thừa tác, được trao ban các năng quyền như quyền hiến thánh, quyền hiến dâng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ, quyền tha các tội đã phạm sau khi được rửa tội qua bí tích Hòa giải và bí tích Xức Dầu (J. A. Hardon). Theo giáo huấn Công đồng Vaticanô II, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis nhấn mạnh linh mục là Kitô hữu đã lãnh nhận chức tư tế thừa tác để nên đồng hình đồng dạng với Kitô trong tư cách là thủ lãnh và là mục tử (x.GH số 28).

1. Là người lãnh đạo và là người thầy: Chúa Giêsu đã từng khẳng định rõ ràng: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời, chỉ có một Thầy và một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (x.Mt 23,8-10). Dưới ánh sáng đức tin, nếu xét Cha là cội nguồn của mọi hiện hữu và mọi điều thiện hảo thì chỉ có một Cha là Đức Chúa Trời Ngôi thứ Nhất. Nếu xét người thầy như là người truyền giảng chân lý không hề sai lầm thì duy chỉ có Chúa Kitô mới thực là thầy. Và nếu xét người lãnh đạo là người dẫn dắt tha nhân không hề lầm đường, lạc lối thì cũng chỉ một mình Đức Kitô mới thực là người lãnh đạo. Các mục tử trong giáo hội dù vai cao vị trọng, dù được gọi là cha hay đức cha, dù được phong làm thầy dạy chân lý, dù được gọi là lãnh đạo tối cao một giáo phận hay cả thế giới thì cũng chỉ là những người được thông phần vào phụ tử tính của Cha trên trời, thông phần vào vai vị làm thầy, làm người lãnh đạo của Chúa Kitô. Vì được thông phần nên có đó sự hạn chế, sự bất cập vốn là lẽ tất nhiên.

Vai trò làm thầy và phận vụ lãnh đạo của Đức Kitô là hướng dẫn nhân loại nhận biết chân lý, thúc giục con người tìm kiếm, đón nhận chân lý để được cứu độ. Chúa Kitô đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì đi theo Người (x.Ga 18,37). Khi đứng đầu trong một tập thể là giáo xứ hay một cộng đoàn, các linh mục phải biết tổ chức các sinh hoạt, đề ra đường lối hoạt động, để gìn giữ và làm phát triển tập thể được giao phó. Việc tổ chức các đoàn thể, lập ra các ban bệ, việc đề ra các chương trình sinh hoạt…đúng là cần thiết. Tuy nhiên những hình thái tổ chức, sinh hoạt ấy không phải là điểm đến của linh mục trong vai trò lãnh đạo và là người thầy.

Mục tiêu hàng đầu và không thể thiếu của linh mục khi lãnh đạo đoàn chiên đó là giúp đoàn chiên nhận biết chân lý, ái mộ chân lý và đón nhận chân lý bằng mọi giá để được cứu độ. Như thế trọng tâm của vai trò linh mục là giúp đoàn chiên biết phân biệt các giá trị, không chỉ biết phân biệt điều tốt với điều xấu mà còn phải biết phân biệt giữa điều tốt ít với điều tốt hơn, theo bậc thang giá trị để rồi biết vượt qua cả những điều tốt hữu hạn mà chọn lấy điều tốt nhất.

Để có được khả năng này thì ngoài sự học hỏi tìm tòi nghiên cứu, người linh mục không thể thiếu một điều căn bản đó là cầu nguyện. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta ở việc này. Tin Mừng tường thuật rằng Người thường xuyên lên núi hay vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện cùng Chúa Cha (x.Mc 1,35). Để có thể lãnh đạo dân thoát ra khỏi cảnh nô lệ mà vào đất hứa, nhất là để huấn luyện dân trở thành một dân tuyển lựa thì Môsê ngày ngày vào Trướng Tao Phùng để hội ngộ, đàm đạo cùng Thiên Chúa (x.Xh 32,7-11).

Một trong những nghệ thuật lãnh đạo đó là không bao giờ làm một mình mà biết sử dụng nhân sự, biết dùng người đúng việc, hợp khả năng. Dù là Con Thiên Chúa, là Đấng mà không có sự gì là không thể, Chúa Giêsu đã chọn gọi mười hai tông đồ và thêm bảy mười hai môn đệ để công tác với Người trong việc loan báo tin mừng. Môsê sau khi được nhạc gia hiến kế “đã chọn trong toàn dân những người có tài và đặt họ làm đầu dân, điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người…”(x. Xh 18,13-27).

Một vấn đề đặt ra cho người lãnh đạo là chọn người cho việc hay chọn việc cho người? Đây là một câu hỏi khiến chúng ta liên tưởng đến tình trạng bố trí nhân sự trong nhiều tổ chức xã hội, nhất là trong xã hội Việt nam chúng ta một thời gian đã qua và có thể còn tồn tại trong hiện nay. Đã có lúc, có thời người ta tìm việc cho nhân sự để giải bài toán nhân sự của mình. Như thế vô tình người ta xem nhẹ ích lợi của quần chúng nhân dân. Chính vì thế mà đã có nhiều trường hợp, có người thú nhận công khai rằng tôi không có khả năng, nhưng vì do tổ chức phân công, nên chuyện sai sót là do khách quan, do cơ chế…Trái lại, một nhà lãnh đạo có tâm có lòng thì luôn lấy đại sự làm trọng, lấy lợi ích của quần chúng nhân dân làm mục tiêu phục vụ. Và như thế người lãnh đạo công tâm sẽ luôn tìm người cho việc chứ không ngược lại.

Một phẩm tính nữa của người lãnh đạo chân chính đó là luôn liên đới trách nhiệm với cộng sự viên, luôn biết cảm thông và đồng phận với những người mình chăm nom, hướng dẫn. Cung cách hành xử của ông Môsê cho ta hiểu thế nào là liên đới với số phận của đoàn dân mình lãnh đạo. Nhiều khi Thiên Chúa đã như hết kiên nhẫn trước sự phản phúc của dân mà Người đã ưu ái tuyển lựa, dẫn dắt ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đói một chút họ cũng la toáng, khát một tí họ cũng phản loạn, chán chê mùi vị Manna lại nhớ đến củ hành củ tỏi của thời nô lệ đến nỗi không muốn sống đời tự do mà phải vất vả, thà làm nô lệ mà có cái ăn… Thiên Chúa đã từng đe dọa tiêu diệt họ và cho Môsê trở thành tổ phụ một dân tộc thay thế. Môsê đã hoàn toàn đứng về phía dân để cầu xin Chúa tha thứ. Có lần ông đã như “chơi khăm” Thiên Chúa để mong Người thu hồi cơn giận: “Lạy Chúa là Đức Chúa, xin đừng hủy diệt dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao của Ngài để giải thoát, và đã ra tay uy quyền đưa ra khỏi Ai Cập. Xin nhớ đến các tôi tớ Ngài là ông Abraham, ông Isaác và ông Giacóp, xin đừng để ý đến sự ngoan cố, sự gian ác và tội của dân này, kẻo tại miền đất từ đó Ngài đã đưa chúng con ra, người ta lại nói: Chính vì Đức Chúa đã không thể đưa chúng vào đất Người đã thề hứa với chúng, và chính vì ghét chúng mà Người đã đưa chúng ra để giết chúng trong sa mạc!” (Đnl 9,26-28).

Sự liên đới trách nhiệm của Đấng là Môsê mới, Giêsu Kitô, đã được bốn tin mừng minh chứng cách rõ nét. Chọn gọi môn đệ xong, Chúa Giêsu huấn luyện họ đủ đầy các phương diện. Những lần sai đi thực tập truyền giáo thì không thiếu những lời căn dặn thiết yếu cùng việc trao ban quyền năng trên các thần ô uế và bệnh tật. Khi đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người khẩn khoản nài xin Cha gìn giữ những kẻ mà Cha đã ban cho Người (x.Ga 17,9-19 ). Trước đám đông quân lính tìm bắt Người tại vườn cây dầu, Người đã tìm cách che chở môn sinh cho đến cùng (x.Ga 18,8).

Chúa Giêsu không chỉ liên đới với các môn đệ mà còn với mọi người, với cả những người vì ganh tương đố kỵ mà loại bỏ Người. Vốn sang giàu, Người đã tự nguyện nên nghèo hèn để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cor 8,9-12). Vốn vô tội, Người đã tự nguyện mang kiếp tội nhân để chúng ta được thứ tha. Ngay phút giây hấp hối trên thập giá, Người cũng không quên nài xin chúa Cha tha tội cho những kẻ giết Người (x.Lc 23,34).

2. Là vị mục tử nhân lành và là con chiên ngoan hiền: Hình ảnh vị mục tử nhân lành được minh họa nhiều trong Thánh Kinh và Kitô hữu chúng ta vốn đã rất thân quen. Dưới cái nhìn của Thánh Kinh, đặc biệt qua sách ngôn sứ Êdêkien và Tin mừng Thánh Gioan chúng ta cùng phác họa đôi nét về chân dung vị mục tử nhân lành.

- Sự hiện hữu của vị mục từ là vì đàn chiên và cho đàn chiên. Trước hết chúng ta cần khẳng định chân lý này: Sẽ không có mục tử nếu không có đàn chiên. Không có chiên thì cũng chẳng cần có sự hiện hữu của mục tử. Mục tử chỉ là mình trong tương quan với chiên. Bí tích truyền chức thánh là bí tích mang tính cộng đoàn, nghĩa là vì cộng đoàn, cho cộng đoàn. Sẽ không còn ý nghĩa hay sẽ là một dấu phản chứng khi mục tử chỉ biết sống cho mình. Ngôn sứ Êdêkien đã nói thay Thiên Chúa những lời chúc dữ: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn…Ta lấy mạng sống Ta mà thề :..Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta…” (Ed 34).

-Mục tử nhân lành là người biết chiên: Cái “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là một sự gắn bó, đồng thân, đồng phận như trong nghĩa tình phu thê (x.St 4,1; 25). Khi đã có cái sự “biết” như thế giữa mục tử và đàn chiên thì mục tử sẽ luôn đi trước đàn chiên để dẫn chiên đến dòng suối mát, đến đồng cỏ xanh tươi, đồng thời đi trước đàn chiên để bảo vệ chiên khỏi nanh vuốt của sói dữ, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên, chứ không bỏ chạy lấy thân như kẻ chăn thuê (x.Ga 10,1-18).

Là kẻ trộm, kẻ cướp trong vai vị mục tử thì xem ra rất hoạ hiếm. Tuy nhiên trong thực tiễn có đó sự nhập nhằng đen trắng giữa hình ảnh mục tử và người chăn thuê. Người chăn thuê vẫn đường đường chính qua cửa ràn chiên tức là được lãnh nhận thánh chức cách hữu hiệu và hợp pháp. Không khác gì mục tử, người chăn thuê vẫn biết chiên và dẫn chiên đến đồng cỏ xanh và nguồn nước trong lành nghĩa là vẫn chu toàn bổn phận rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích cũng như chăm sóc mục vụ. Tuy nhiên xin đừng quên rằng đã là chăn thuê thì luôn đặt lợi nhuận của mình lên trên thiện ích của đàn chiên, trái lại đã là mục tử thì luôn lấy sự sống và hạnh phúc của đàn chiên làm mục tiêu hàng đầu. Người làm thuê thì thường làm hết giờ hơn là hết việc và có khi làm hết việc nhưng chưa hẳn đã hết tình. Trái lại người mục tử vẫn có nhiều khi làm không hết việc, có một đôi khi làm không được việc nhưng đã làm thì luôn làm với cả tấm lòng vì đàn chiên. Đã là làm thuê thì ít có ai muốn dài tay, tuy nhiên đã là mục tử thì không chỉ chăm lo chiên trong đàn mà còn biết nghĩ đến chiên ngoài đàn. Một hiện thực mà Chúa Giêsu đã từng nói đó là kẻ chăn thuê thì không hề có trong tâm trí chuyện hy sinh mạng sống vì đàn chiên mà đây là một tiêu chí không thể thiếu để thẩm định mục tử chính danh. Thời gian dịch bệnh Côvid 19, tạ ơn Chúa về tấm gương sáng của nhiều tu sĩ nam nữ và linh mục tình nguyện xả thân vì đồng loại. Tuy nhiên cũng có đó không ít hình ảnh không được sáng đó đây mà nói theo ngôn ngữ bình dân là vì “quá sợ chết” mà đóng quá chặt các cánh cửa...

Biện chứng mục tử - chiên: Để là một mục tử nhân lành thì cần phải là một con chiên ngoan hiền, thanh sạch và ngược lại. Chúng ta nhận ra cái biện chứng này nơi cuộc đời Chúa Giêsu. Chắc hẳn không một ai phủ nhận sự thật là Chúa Giêsu đã vuông tròn trong vai trò mục tử nhân hậu. Chính Người đã khẳng định sự thật này cách công khai: Tôi là mục tử tốt lành…” (Ga 10,11). Để chu toàn phận vụ mục tử tốt lành thì Chúa Giêsu đã sống trọn hảo thân phận Con Chiên Thiên Chúa, con chiên tinh tuyền xóa tội trần gian (x.Ga 1,29). Thánh Giám Mục Âugustinô đã có câu nói thời danh: “cho anh em, tôi là giám mục (mục tử), cùng với anh em, tôi là tín hữu (con chiên).

Quả thật không ít vị khi đã lãnh nhận thiên chức linh mục thì vô tình quên bẳng đi sự thật là mình vẫn là một tín hữu và như thế vô tình hay hữu ý, không lưu tâm gì đến tâm tư, nguyện vọng của đàn chiên. Câu chuyện một linh mục sau khi qua đời, phải đền tội ở luyện ngục với hình thức là phải nghe lại tất cả các bài giảng của mình, là một minh họa. Lạm dụng bài giảng hình như đang dần được xem không chỉ là tệ nạn mà là một loại hình tội phạm. Ngoại trừ các cha dòng sống tập thể và các cha trong Chủng viện, các cha triều ở ngoài xứ rất ít có dịp nghe các cha khác giảng lễ, trừ một vài lễ đồng tế trong các dịp lễ đặc biệt. Và hình như các ngài rất hiếm khi tham dự Thánh Lễ trong tư cách một tín hữu bình thường (ở hàng ghế giáo dân).

Để sống cái biện chứng mục tử -chiên, thiết nghĩ rằng các linh mục hãy ghi nhớ lời khuyên bảo của Giám mục cho các ứng viên trong lễ phong chức linh mục: “Anh em hãy tin điều anh em đọc, dạy điều anh em tin và thực thi điều anh em dạy”. Có thể nói rằng hầu hết các linh mục đều dâng Thánh Lễ mỗi ngày theo lời khuyên dạy của giáo hội (GL Đ.904), và đại đa số đều có giảng lễ. Thật tuyệt vời nếu các linh mục đều sống, thực hành trước một điều gì đó trong nội dung những gì mình giảng dạy. Vị mục tử nhân lành và là Con chiên tinh tuyền, Giêsu Kitô là mẫu gương cho chúng ta điều này. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).

Trên bờ hồ Tibêria, trước khi trao phó tất cả chiên mẹ lẫn chiên con cho Phêrô, Chúa Phục Sinh dù đã thoáng nhắc khéo vị tông đồ về sự yếu đuối của ngài, nhưng Chúa không hề khiển trách mà chỉ nhấn mạnh đến lòng mến của vị Tông đồ cả (x.Ga 21,15-19). Cảm cho mình thì sẽ biết nghĩ đến người. Thánh Phêrô đã có những lời khuyên nhủ hữu lý, đạt tình với các mục tử: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ lãnh được triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1P 5,2-4)

(Ban Mê Thuột)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tuyên cáo: Đừng nhân danh Chúa để biện minh cho tội giết người và khủng bố
Thanh Quảng sdb
01:22 23/08/2023
Đức Thánh Cha tuyên cáo: Đừng nhân danh Chúa để biện minh cho tội giết người và khủng bố

Trên trang tweet của Đức Thánh Cha, nhân Ngày Quốc tế Liên Hợp Quốc Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực dưới chiêu bài Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng được tổ chức vào ngày 22 tháng 8, ĐTC viết: “Tôi nhắc lại lời kêu gọi đừng xử dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín mù quáng và kiềm chế việc lạm dụng danh Chúa để biện minh cho các hành động giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức!”

(Tin Vatican - Paweł Rytel-Andrianik)

Tự do tôn giáo gần đây đã bị vi phạm ở các quốc gia có dân số đông hơn một nửa dân số thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Hỗ trợ Giáo hoàng cho các Giáo hội Đau khổ Quốc tế (Kirche in Not), trong nhiều năm đã nghiên cứu vấn đề tự do tôn giáo trên khắp thế giới và giúp đỡ các nạn nhân hành vi bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Florian Ripka, Giám đốc của Tổ chức hỗ trợ các Giáo hội đau khổ (Kirche) ở Đức nói với Đài Vatican về những lý do chính dẫn đến các việc đàn áp.

Ông nêu ra rằng: Sự gia tăng vi phạm các quyền con người, bao gồm cả tự do tôn giáo, xảy ra trên toàn thế giới do việc duy trì và củng cố quyền lực trong tay của những kẻ chuyên quyền và lãnh đạo của các nhóm theo trào lưu chính thống.

Lý do thứ hai liên quan đến các quốc gia Hồi giáo: "Chúng tôi lo ngại về những gì đang xảy ra ở châu Phi cận Sahara, ở các quốc gia như Burkina Faso, Niger, Mali và Mozambique. Ở tất cả các quốc gia này, chúng tôi thấy các chính phủ đang ngày càng có ít hoạt động chống lại các phong trào như Boko Haram cũng như những người theo cái gọi là Nhà nước Hồi giáo."

Lý do thứ ba khiến nhân quyền về tự do tôn giáo bị vi phạm là do các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan như chúng ta đang gặp phải ở Ấn Độ.” Ông nói thêm rằng có sự khác biệt giữa miền bắc Ấn Độ và miền nam, chẳng hạn như ở Kerela, nơi nói chung là có tự do tôn giáo.

Các kiểu bức hại hỗn hợp

Tổ chức Hỗ trợ các Giáo hội Đau khổ Quốc tế cũng ghi nhận các kiểu ngược đãi hỗn hợp, tức là "nắm tay sắt bọc trong chiếc găng tay nhung" kiểu khát máu. Một số quốc gia áp dụng các luật hạn chế tự do tôn giáo hoặc phân biệt đối xử với các cộng đồng tôn giáo cụ thể mà nhìn bề ngoài như không chống, mặt khác, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào những người theo tôn giáo “sai trái” được “bình thường hóa” và hầu như không bị chống đối (ví dụ: ở Châu Mỹ Latinh).

Thông thường, hầu hết các nhóm tôn giáo bị đàn áp đều thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Tuy nhiên, hầu hết các cộng đồng tôn giáo ngày càng bị đàn áp (như tại Nigeria và Nicaragua).

Ở các nước phát triển, phương tiện truyền thông xã hội được xử dụng để loại bỏ và tấn công các nhóm tôn giáo. Những vụ việc như vậy đã làm suy yếu các giá trị cơ bản, bao gồm quyền tự do lương tâm, tư tưởng, tôn giáo, đề đạt tư duy, việc tự do đi lại và hội họp.

Sau đại dịch, hầu hết các châu lục trên thế giới đều chứng kiến sự trở lại của các tín đồ để tham dự các lễ hội tôn giáo quan trọng, vốn là những biểu hiện công khai về lòng mộ đạo.

Tổ chức Hỗ trợ các Giáo hội Đau khổ Quốc tế lưu ý rằng các sáng kiến đối thoại liên tôn gia tăng. Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác của các Giáo hội trên toàn thế giới đã mở rộng quan hệ của họ với các cộng đồng tôn giáo khác, điển hình như thông điệp Fratelli Tutti đã đề cập tới và nhiều cuộc gặp gỡ liên tôn đã được nhóm họp...
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Công bố [Tin Mừng] bằng tiếng mẹ đẻ: Thánh Juan Diego, sứ giả của Đức Trinh Nữ Maria
Vũ Văn An
14:33 23/08/2023

Theo tin Tòa Thánh, trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 23 tháng 8 năm 2023, tại đại sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về đam mê truyền giáo, nhấn mạnh đến việc truyền giáo bằng ngôn ngữ bản địa qua câu chuyện cảm động của Thánh Juan Diego, thị nhân Đức Mẹ Guadalupe. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong hành trình tìm lại niềm đam mê loan báo Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ đó; nhìn thấy niềm đam mê loan báo Tin Mừng này đã phát triển như thế nào trong lịch sử của Giáo hội; ngày nay, trên con đường này, chúng ta nhìn về Châu Mỹ, nơi mà việc rao giảng Tin Mừng có một nguồn luôn luôn sống động: Guadalupe – người Mexico đang hạnh phúc. Tất nhiên, Tin Mừng đã đến đó trước những lần hiện ra này, nhưng thật không may, nó cũng đi kèm với những lợi ích trần tục. Thay vì con đường hội nhập văn hóa, người ta thường áp dụng cách tiếp cận vội vàng là cấy ghép và áp đặt các mô hình đã được xây dựng sẵn - chẳng hạn như mô hình châu Âu -, thiếu tôn trọng các dân tộc bản địa.

Mặt khác, Đức Trinh Nữ Guadalupe hiện ra trong trang phục của người dân bản địa, ngài nói ngôn ngữ của họ, ngài chào đón và yêu mến nền văn hóa địa phương: Đức Maria là Mẹ, và dưới áo choàng của ngài, mọi đứa con đều tìm được một chỗ đứng. Nơi Mẹ Maria, Thiên Chúa đã nhập thể làm người và qua Mẹ Maria, Người tiếp tục nhập thể vào cuộc sống của các dân tộc.

Thật vậy, Đức Mẹ công bố Thiên Chúa bằng ngôn ngữ phù hợp nhất; tức tiếng mẹ đẻ. Và Đức Mẹ cũng nói với chúng ta bằng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ mà chúng ta hiểu rõ. Tin Mừng được truyền qua tiếng mẹ đẻ. Và tôi muốn nói lời cảm ơn đến nhiều bà mẹ và rất nhiều người bà đã truyền lại Tin Mừng cho con cháu của họ: đức tin được truyền lại trong cuộc sống; đây là lý do tại sao các bà mẹ và các bà nội ngoại là những người rao giảng tin mừng đầu tiên. [Hãy cho] một tràng pháo tay dành cho những người mẹ và người bà! Và nó được truyền đạt, như Đức Maria cho thấy, một cách đơn giản: Đức Mẹ luôn chọn những người đơn sơ, trên ngọn đồi Tepeyac ở Mexico, cũng như ở Lộ Đức và Fatima: khi nói với họ, Mẹ nói với mọi người, bằng một ngôn ngữ thích hợp cho mọi người, bằng ngôn ngữ dễ hiểu, giống như ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Vậy thì chúng ta hãy tập trung vào lời chứng của Thánh Juan Diego, vị sứ giả; ngài là chàng thanh niên, ngài là người bản địa đã nhận được sự mặc khải của Đức Maria: sứ giả của Đức Mẹ Guadalupe. Ngài là một người đơn giản, một người bình thường: Thiên Chúa, Đấng thích thực hiện những điều kỳ diệu thông qua những người bé nhỏ, đã dừng lại nhìn ngài.

Juan Diego là một người trưởng thành đã có gia đình khi ngài ôm ấp đức tin. Vào tháng 12 năm 1531, ngài khoảng 55 tuổi. Khi đang đi bộ, ngài nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa trên đồi, Mẹ dịu dàng gọi ngài. Và Đức Mẹ gọi ngài là gì? “Juanito, đứa con bé bỏng yêu quý nhất của Mẹ” (Nican Mopohua, 23), lấy từ cái tên Juan. Sau đó, Mẹ sai ngài đến Đức Giám Mục để yêu cầu Đức Giám Mục xây dựng một nhà thờ ở nơi Mẹ hiện ra.

Juan Diego, giản dị và sẵn lòng, đã ra đi với tấm lòng quảng đại trong sáng của mình, nhưng phải đợi rất lâu. Cuối cùng ngài đã nói chuyện với Đức Giám Mục, người không tin ngài. Và rất thường xuyên, chúng tôi các giám mục [là như thế đấy], rất thường xuyên… Ngài đã gặp lại Đức Mẹ, Đức Mẹ đã an ủi ngài và yêu cầu ngài thử một lần nữa. Người Indio [người bản địa] này quay lại gặp Đức Giám Mục và gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đức Giám Mục sau khi nghe lời ngài đã đuổi ngài đi và cử người đi theo ngài. Đây là khó khăn, thử thách của việc loan báo: mặc dù có lòng nhiệt thành, nhưng điều bất ngờ vẫn đến, đôi khi từ chính Giáo hội. Thật vậy, chỉ loan báo điều tốt thôi chưa đủ, cần phải biết chịu đựng sự dữ. Chúng ta đừng quên điều này: việc loan báo Tin Mừng là điều rất quan trọng, không chỉ bằng cách làm chứng cho điều thiện mà còn bằng cách chịu đựng sự ác. Một Kitô hữu làm điều tốt, nhưng cũng chịu đựng điều ác. Cả hai đi cùng với nhau; cuộc sống là như vậy.

Ngay cả ngày nay, ở rất nhiều nơi, việc hội nhập Tin Mừng và các nền văn hóa truyền giáo đòi hỏi sự kiên trì và kiên nhẫn, không sợ xung đột, không ngã lòng. Tôi đang nghĩ đến một đất nước nơi các Kitô hữu bị bách hại, bởi vì họ là Kitô hữu, và họ không thể thực hành đức tin của mình một cách dễ dàng và hòa bình. Juan Diego, chán nản vì bị giám mục đuổi đi, đã xin Đức Mẹ bãi chức vị này và bổ nhiệm một vị khác được kính trọng hơn và có năng lực hơn, nhưng được mời gọi kiên trì. Luôn có nguy cơ của một kiểu đầu hàng trong việc rao giảng: có điều gì đó không ổn và người ta lùi bước, trở nên chán nản và có lẽ ẩn náu trong những điều chắc chắn của chính mình, trong các nhóm nhỏ, và trong một số việc tôn sùng cá nhân. Mặt khác, Đức Mẹ an ủi chúng ta, làm cho chúng ta tiến về phía trước và nhờ đó cho phép chúng ta lớn lên, giống như một người mẹ nhân lành, vừa theo bước con trai mình, vừa đưa nó vào những thử thách của thế giới.

Được khích lệ như vậy, Juan Diego quay lại gặp Đức Giám Mục, người đã xin ngài một dấu hiệu. Đức Mẹ hứa với Juan một điều và an ủi ngài bằng những lời này: “Đừng để điều gì làm con sợ hãi, đừng để điều gì làm phiền lòng con: […] Ta không ở đây sao, Ta người là mẹ của con mà?” Điều này thật đẹp. Nhiều khi chúng ta cô đơn, buồn bã, gặp khó khăn, Đức Mẹ cũng nói với chúng ta điều này trong tâm hồn chúng ta: Mẹ, mẹ của các con, không có ở đây sao? [Mẹ] luôn ở bên cạnh chúng ta để an ủi chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để bước tiếp.

Rồi Đức Mẹ bảo ngài lên đỉnh đồi khô cằn để hái hoa. Tuy lúc đó đang là mùa đông, Juan Diego đã tìm thấy một số bông hoa đẹp, cài chúng vào áo choàng của mình và dâng chúng cho Mẹ Thiên Chúa, người đã mời ngài mang chúng đến Đức Giám Mục để làm bằng chứng. Ngài đi, kiên nhẫn chờ đến lượt mình và cuối cùng, trước sự chứng kiến của Đức Giám Mục, mở chiếc tilma của mình - thứ áo mà người bản địa dùng để che thân - ngài mở chiếc tilma của mình để cho thấy những bông hoa - và kìa! Hình ảnh Đức Mẹ xuất hiện trên tấm vải áo choàng, một hình ảnh phi thường và sống động mà chúng ta quen thuộc, vẫn như in trong mắt những nhân vật chính của thời đó. Đây là điều ngạc nhiên của Thiên Chúa: khi có sự sẵn lòng và khi có sự vâng phục, Người có thể hoàn thành một điều bất ngờ, trong thời gian và trong những cách chúng ta không thể đoán trước được. Và như vậy, ngôi đền theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ đã được xây dựng và thậm chí ngày nay người ta vẫn có thể viếng thăm nó.

Juan Diego đã bỏ lại mọi sự và, với sự cho phép của Đức Giám Mục, đã dâng hiến cuộc đời mình cho đền thánh. Ngài chào đón những người hành hương và truyền giáo cho họ. Đây là những gì xảy ra tại các đền thánh Đức Mẹ, các địa điểm hành hương và những nơi rao giảng, nơi mà mọi người đều cảm thấy như ở nhà – bởi vì đó là nhà của Mẹ họ, nhà của Mẹ họ – và cảm thấy nỗi nhớ quê hương, nghĩa là nỗi khao khát về nơi mà bạn tìm thấy Mẹ, tức Thiên đàng. Đức tin được chào đón ở những nơi này một cách đơn giản, đức tin được chào đón một cách chân thực, một cách bình dân. Và như Mẹ đã nói với Juan Diego, Đức Mẹ lắng nghe tiếng kêu than của chúng ta và chữa lành những nỗi buồn của chúng ta (x. SĐD., 32). Chúng ta nên học điều này: khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta hãy đến với Mẹ; và khi cuộc sống vui vẻ, chúng ta cũng về với Mẹ để chia sẻ những điều này. Chúng ta cần đến những ốc đảo an ủi và thương xót này, nơi đức tin được diễn tả bằng ngôn ngữ mẫu tử; nơi chúng ta phó thác lao công của cuộc sống trong vòng tay của Đức Mẹ và trở về cuộc sống với sự bình an trong tâm hồn, có lẽ với sự bình an của trẻ thơ.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Tin Mừng được truyền bá bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi người
Thanh Quảng sdb
16:33 23/08/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô: Tin Mừng được truyền bá bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi người

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các bà mẹ đã truyền lại đức tin cho con cháu, đồng thời nói rằng đức tin được truyền lại bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi người.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã soi gương Đức Mẹ Guadalupe để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền bá đức tin bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi người, khi ngài tiếp tục loạt bài giáo lý về “niềm đam mê truyền giáo”.

Mặc dù đức tin đã đến Châu Mỹ khi Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego, Đức Thánh Cha lưu ý, việc truyền giáo đầu tiên ở lục địa mới này không phải là không có vấn đề. Đức Thánh Cha nói: “Thay vì con đường hội nhập văn hóa, người ta thường áp dụng cách tiếp cận vội vàng là cấy ghép các mô hình đã được xây dựng sẵn, thiếu tôn trọng các dân tộc bản địa.

Niềm tin được truyền đạt qua tiếng mẹ đẻ

Tuy nhiên, khi Đức Mẹ hiện ra với Juan Diego, Mẹ đã “mặc trang phục của người dân bản địa, nói ngôn ngữ của họ, chào đón và yêu mến nền văn hóa bản địa.

Ngài tiếp tục: “Bà là Mẹ, và dưới tấm áo choàng của Mẹ, mọi người con đều tìm được một chỗ trú ngụ. “Nơi Đức Maria, Thiên Chúa nhập thể; và qua Mẹ Maria, Người tiếp tục nhập thể vào đời sống các dân tộc”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh lời rao giảng về Thiên Chúa của Đức Maria bằng ngôn ngữ bản địa cho ta thấy “Tin Mừng được truyền bá bằng tiếng mẹ đẻ.”

Đức Thánh Cha đặc biệt cảm ơn các bà mẹ đã truyền lại Tin Mừng cho con cháu, đồng thời giải thích đức tin được truyền lại bằng cuộc sống. Ngài nói: “Đây là lý do tại sao các bà mẹ là những người truyền giáo đầu tiên”. Và ngài mời những người có mặt tặng một tràng pháo tay cho các bà mẹ.

Hội nhập Tin Mừng và các nền văn hóa truyền giáo

Quay sang Thánh Juan Diego, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng ngài đã kết hôn khi theo đạo Công Giáo. Bất chấp những khó khăn, bao gồm cả sự phản kháng của các nhà lãnh đạo Giáo hội, Juan Diego vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh mà Đức Mẹ giao cho Ngài.

“Ngay cả ngày nay,” Đức Thánh Cha nói, “ở rất nhiều nơi, việc hội nhập Tin Mừng và các nền văn hóa truyền giáo đòi hỏi sự kiên trì và kiên nhẫn, không sợ xung khắc, không sợ mất lòng”. Ngài tiếp tục, chúng ta không được nản lòng, vì biết rằng Đức Maria ở đó để an ủi và giúp đỡ chúng ta lớn lên, “giống như một người mẹ, khi theo bước con mình, đã dẫn đưa con qua những thử thách của trần gian”.

Đức Mẹ xác nhận thông điệp của Mẹ gửi cho Juan Diego bằng một phép lạ, “hình ảnh sống động và phi thường” xuất hiện trên áo choàng của Mẹ, và áo choàng của vị thánh. Đây là “sự ngạc nhiên của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói. “Khi có lòng sẵn lòng và vâng phục, Thiên Chúa có thể hoàn thành điều bất ngờ, vào những lúc và theo những cách mà chúng ta không thể lường được.”

Ngay cả ngày nay, tại đền thánh Đức Mẹ, địa điểm hành hương và nơi quảng bá lòng tôn sùng Mẹ, chúng ta vẫn thấy sự chào đón và truyền giáo được đánh dấu như cuộc đời của Thánh Juan Diego. “Đức tin được chào đón một cách đơn sơ và chân thật” Đức Thánh Cha nói và kết luận, “Chúng ta cần đi đến ốc đảo đầy sự an ủi và thương xót này, nơi đức tin được thể hiện bằng ngôn ngữ từ mẫu; nơi chúng ta phó thác mọi công việc của cuộc sống trong vòng tay của Mẹ và trở về cuộc sống với sự bình an trong tâm hồn.”
 
Sự đàn áp Kitô giáo gia tăng ở châu Á và thế giới
Thanh Quảng sdb
18:18 23/08/2023
Sự đàn áp Kitô giáo gia tăng ở châu Á và thế giới

Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachuku, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hiệp Quốc cho hay: “Cứ bảy Kitô hữu ngày nay thì có một người bị bách hại!”

(UCA News)

Một báo cáo cho biết các Kitô hữu ở châu Á cũng như thế giới đang phải đối diện với làn sóng đàn áp ngày càng gia tăng dưới nhiều hình thức khác nhau, đòi hỏi sự quan tâm và hành động của Thế giới.

Bạo lực chết người gần đây đối với các Kitô hữu ở tỉnh Punjab ở Pakistan và bang Manipur ở Ấn Độ là những ví dụ về sự gia tăng các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các Kitô hữu ở châu Á, Tổng công ty Phát thanh Hòa bình Công Giáo Hàn Quốc đưa tin vào ngày 22 tháng 8.

Báo cáo đề cập đến một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachuku, quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc, đã tố cáo tại Đại hội đồng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2023 rằng “cứ bảy Kitô hữu ngày nay thì có một người bị đàn áp”.

Tuyên bố của vị giám chức người Nigeria đã lặp lại lời than thở của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2014 khi ngài nói: “Có nhiều nhân chứng, nhiều vị tử đạo trong Giáo hội ngày nay hơn so với các thế kỷ đầu của Giáo hội”.

Bản báo cáo cho biết: Ngoài Pakistan và Ấn Độ, cuộc đàn áp Kitô giáo đang lan tràn ở các quốc gia cộng sản châu Á – Trung Quốc, Việt Nam và Lào, cũng như ở các quốc gia châu Phi như Nigeria, nơi các nhóm vũ trang cực đoan tiếp tục tấn công và giết hại các Kitô hữu.

Báo cáo cho hay ngay cả ở Israel, “vùng đất của Kinh thánh”, các tu viện Công Giáo gần đây đã bị những kẻ cực đoan Do Thái chà đạp.

Việc đốt phá các nhà thờ và nhà ở của người Kitô giáo với những cáo buộc sai trái về tội báng bổ cho thấy cuộc sống bất an của các Kitô hữu trước những mối đe dọa từ những người theo đường lối cứng rắn Hồi giáo.

Bản báo cáo lưu ý rằng cái chết của 190 người và sự phá hủy các nhà thờ cũng như nhà ở của người theo đạo Công Giáo trong cuộc bạo lực của giáo phái ở bang Manipur Ấn Độ cho thấy chính phủ cầm quyền đã không hành động mà còn gây ra xung đột để chiếm phiếu...

Ấn Độ nằm trong số những quốc gia có “cuộc đàn áp xảo quyệt”, nơi các đảng phái chính trị “hô hào sự khoan dung nhưng lại bí mật đàn áp những người theo đạo Thiên chúa ở hậu trường”.

Bản báo cáo cũng ghi nhận tình hình bấp bênh của Giáo hội ở Nicaragua, Trung Mỹ, đang bị đàn áp bởi chế độ độc tài của Daniel Ortega. Chế độ Ortega giam giữ các giáo sĩ đi đầu trong việc bảo vệ nền dân chủ, trục xuất các nữ tu và đóng băng tài sản của các trường đại học do Giáo hội điều hành.

Tại Nigeria, các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan tiếp tục tấn công các nhà thờ. Hiện vẫn chưa rõ tung tích vị truyền giáo dòng Hiến sĩ Nwaoucha, người đã bị bắt vào tháng 6 hiện đang ở đâu...

Bản báo cáo lưu ý rằng vụ bắt cóc Cha Nwaoucha là “phần nổi của tảng băng âm ỉ” trong cuộc đàn áp Công Giáo ở Nigeria.

Chỉ trong tháng 6, một linh mục mới thụ phong đã bị bắn chết, và Cha Mbamara của Giáo phận Nnewy bị bắt cóc và sau đó được thả ra. Theo các nhóm nhân quyền địa phương, số người theo đạo Công Giáo Nigeria đã bị thiệt mạng “vì niềm tin tôn giáo”. Riêng năm 2021 số người bị giết đã lên tới 4.600 người.

Cuộc đàn áp các tín hữu Công Giáo của chính quyền cộng sản Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Theo các biện pháp mới về vấn đề tôn giáo do Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước ban hành, từ tháng 9, mọi hoạt động tôn giáo chỉ có thể được tổ chức ở những nơi được chính phủ cho phép. Việc treo các ảnh tượng tôn giáo trong nhà cũng bị giới hạn!

Bản báo cáo lưu ý rằng chính quyền ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc đã buộc phải dỡ bỏ các Thánh giá bên ngoài các nhà thờ. Công việc dỡ bỏ thánh giá vốn đã được thực hiện dù không liên tục, như được bắt đầu lại một cách nghiêm khắc hơn sau khi nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình được xác nhận.

Các cuộc tấn công và đàn áp các Kitô hữu cũng gia tăng ở Israel. Trong những tháng gần đây, các mối đe dọa, và bạo lực chống lại các Kitô hữu ở Thánh Địa gia tăng. Các nhà thờ bị phá hoại, các biểu tượng Thiên Chúa giáo bị phá hủy và các nghĩa trang của tôn giáo bị xúc phạm.

Đặc biệt, vào tháng 7, những kẻ cực đoan Do Thái đã đột nhập vào Tu viện Carmelite Stella Maris ở thành phố cảng Haifa và gây rối loạn. Một nhóm người đã phao tin sai sự thật về nhà thờ nơi có ngôi mộ của nhà tiên tri Elisha đã nổi loạn nên họ đòi quyền sở hữu và âm mưu chiếm giữ tu viện.

Thượng phụ Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, phát biểu với đài Vatican sau các vụ tấn công gần đây rằng: “Thật không may, là các cuộc tấn công gần đây đã gia tăng. Đó là một điều đáng lo ngại”…
 
VietCatholic TV
Moscow lại bị tấn công. Vệ tinh xác nhận 2 chiếc Tu-22M3 nổ tung. Gài mìn bừa bãi Nga hết đường chạy
VietCatholic Media
03:05 23/08/2023


1. Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhận xét về các thành quả của cuộc phản công của Ukraine

Cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng Hoa Kỳ không nghĩ rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã đi vào bế tắc.

Ông nói: “Từ lâu chúng ta đã thấy rõ ràng rằng chiến trường này rất năng động… tấn công và phòng thủ diễn ra ở cả hai bên tại nhiều điểm dọc theo một chiến tuyến rất mở rộng.”

“Chúng tôi thấy Ukraine tiếp tục chiếm lãnh thổ một cách có hệ thống và có phương pháp.”

Phát biểu của Jake Sullivan diễn ra chỉ vài giờ sau khi quân Ukraine tiến vào thị trấn Robotyne có tầm quan trọng chiến lược ở phía đông nam. Đó là một bước tiến đáng kể trong cuộc phản công chống lại Nga.

Robotyne cách Orikhiv, một thị trấn trên con đường quan trọng dẫn tới Tokmak, một trung tâm đường bộ và đường sắt bị Nga tạm chiếm, cách đó 10km về phía nam. Việc chiếm giữ Tokmak sẽ là một cột mốc quan trọng khi quân đội Ukraine tiến về phía nam tới Biển Azov để cắt đứt hoàn toàn hành lang trên bộ của quân Nga.

2. Hình ảnh vệ tinh xác nhận ít nhất hai chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 giá mỗi chiếc 737 triệu Mỹ Kim đã nổ tung.

Căn cứ không quân Nga bị tấn công hôm thứ Bảy được sử dụng để chứa máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3, theo phân tích của CNN về hình ảnh vệ tinh và mạng xã hội về căn cứ này.

Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs cung cấp và được chụp vào ngày 8 tháng 8, cho thấy một số máy bay ném bom Tu-22M3 đậu tại phi trường ở Soltsy bên trong khu vực Novgorod phía tây bắc của Nga.

Một hình ảnh vệ tinh khác của Planet Labs được chụp vào ngày 21 tháng 8 dường như cho thấy mặt đất cháy đen nơi một chiếc Tu-22M3 từng đậu ở đó, trong khi những chiếc máy bay trước đây đậu ở đó đã được di chuyển.

Hai hình ảnh truyền thông xã hội được CNN định vị địa lý cho thấy một chiếc máy bay tương tự đang bốc cháy tại cùng một căn cứ của Nga.

Một số bối cảnh: Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã nói rằng các máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công phi trường gây ra hỏa hoạn ở bãi đậu máy bay và làm thiệt hại một máy bay Nga nhưng cố ý không nói là loại máy bay nào.

Ukraine chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm thứ Bẩy 19 tháng 8 này. Nhưng, hôm thứ Hai, Kyiv đã xác nhận họ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào phi trường thứ hai là căn cứ không quân Shaykovka ở vùng Kaluga của Nga, nằm cách biên giới chung của hai nước hơn 200 km về phía đông bắc, khiến “ít nhất một máy bay Tu-22M3 bị hư hại”.

Truyền thông Ukraine đưa tin các cuộc tấn công vào các căn cứ của Nga trong vài ngày qua đã phá hủy một số máy bay, trong đó có hai máy bay ném bom Tu-22M3, dẫn lời các quan chức tình báo quốc phòng Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết: “Việc hai máy bay Tu-22M3 bị hư hại hoặc thậm chí bị phá hủy có thể không tạo ra tác động đáng kể về mặt quân sự vì Nga có tới 66 chiếc Tu-22M3, nhưng, trích dẫn những lời chỉ trích của các blogger quân sự Nga, ISW cho biết “các cuộc tấn công sâu như vậy hỗ trợ cho những nỗ lực lớn hơn của Ukraine nhằm làm suy giảm tinh thần của Nga”.

Theo công ty tình báo nguồn mở Jane's, chiếc máy bay này có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân cũng như các cuộc tấn công thông thường và nhiệm vụ chống các hạm đội.

3. Nga cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã bị ngăn chặn ở khu vực Mạc Tư Khoa và Bryansk

Đây là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc không kích được cho là của Ukraine nhằm vào lãnh thổ Nga trong những ngày gần đây, trong đó có cuộc tấn công vào một căn cứ không quân của Nga mà Kyiv tuyên bố chủ quyền.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết:

“Hai chiếc máy bay không người lái đã bị hệ thống phòng không phát hiện và bị thiết bị chiến tranh điện tử làm nhiễu, khiến chúng rơi xuống lãnh thổ vùng Bryansk”

Ông cho biết thêm, hai máy bay không người lái khác đã bị phá hủy trên khu vực Mạc Tư Khoa và không có thương vong

Thị trưởng Mạc Tư Khoa, ông Serge Sobyanin, cho biết trên Telegram rằng các máy bay không người lái bị chặn trên khu vực Mạc Tư Khoa hôm thứ Ba đã bị bắn hạ gần Krasnogorsk, phía tây bắc thủ đô.

Ông cho biết thêm một chiếc UAV khác đã bị bắn hạ ở Chastsy, phía tây nam Mạc Tư Khoa.

Các chuyến bay đã được nối lại ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Ba sau khi cơ quan hàng không tạm thời đóng cửa tất cả các phi trường trong khu vực.

Ukraine chưa bình luận về vụ tấn công được cho là diễn ra hôm thứ Ba.

Một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tấn công các thành phố của Nga, trong đó có Mạc Tư Khoa trong suốt mùa hè, với lời cảnh báo táo bạo của Kyiv rằng sẽ còn nhiều cuộc tấn công khác nữa.

4. Đan Mạch đã bắt đầu đào tạo 8 phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 như một phần trong cam kết tặng máy bay cho nước này

Lực lượng vũ trang Đan Mạch cho biết hôm thứ Ba rằng nước này đã bắt đầu đào tạo 8 phi công trẻ Ukraine. Điều này được đưa ra sau khi Đan Mạch và Hà Lan cam kết vào Chúa Nhật sẽ tặng F-16 cho Ukraine.

Lực lượng vũ trang Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố rằng tám phi công đã đến căn cứ không quân Skrydstrup cùng với 65 nhân viên sẽ được đào tạo để bảo trì và bảo dưỡng các máy bay phản lực.

Đan Mạch sẽ cung cấp cho Ukraine 19 máy bay phản lực F-16 và sẽ giao 6 chiếc đầu tiên vào cuối năm nay.

Tuyên bố của Đan Mạch cho biết thêm, Đan Mạch có 43 chiếc F-16, nhưng vì lý do an toàn sẽ không tiết lộ có bao nhiêu chiếc trong số đó đang hoạt động.

5. Máy bay không người lái Ukraine bị phát hiện gần Crimea đổi hướng sau khi Nga kích hoạt chiến đấu cơ, Nga nói

Hai máy bay không người lái của Ukraine đang tiến hành trinh sát gần Crimea đã thay đổi hành trình sau khi Nga kích hoạt các chiến đấu cơ để chống lại các hoạt động do thám và ngăn chặn khả năng vi phạm biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, nói:

“Vào ngày 22 tháng 8 năm 2023, hai máy bay không người lái MQ-9 Reaper và TB2 Bayraktar, đang tiến hành trinh sát trên không trên vùng biển Hắc Hải gần Bán đảo Crimea, đã bị các phương tiện kiểm soát không phận của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga phát hiện”

Konashenkov cho biết sau khi các chiến đấu cơ được đưa lên không trung, “các máy bay không người lái đã thay đổi hướng bay và rời khỏi khu vực trinh sát trên không”.

Trước đó vào thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã cố gắng tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở ở Nga vào cuối ngày thứ Hai, nhưng máy bay không người lái đã bị tác chiến điện tử làm nhiễu và rơi xuống Hắc Hải phía tây bắc Crimea.

6. Thiệt hại dân sự trong các cuộc tấn công của Nga vào Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 23 tháng Tám, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một người đàn ông 51 tuổi đã thiệt mạng và một người đàn ông khác bị thương sau khi khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công của Nga trong đêm.

Cô cho biết khu vực này đã bị hỏa tiễn và đạn pháo tấn công 96 lần trong 24 giờ qua.

Nhiều ngôi nhà đã bị hư hại ở thành phố Zaporizhzhia sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái. Lực lượng cứu hỏa sau đó đã dập tắt ngọn lửa trong thành phố rộng 200 mét vuông, Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước Ukraine cho biết.

Cô cho biết thêm, Nga cũng tấn công nhiều thị trấn ở tiền tuyến, sử dụng pháo binh, nhiều bệ phóng hỏa tiễn và máy bay phản lực.

Cô cũng nhấn mạnh rằng hơn 20 ngôi nhà và cơ sở hạ tầng điện đã bị hư hại sau khi hỏa tiễn của Nga tấn công thành phố miền trung Kryvyi Rih hôm thứ Ba.

Một người đàn ông lớn tuổi bị vết cắt nhẹ trên mặt trong vụ tấn công. Cô cho biết nguồn điện và nước trong thành phố đã được khôi phục.

7. Ít nhất 5 người thiệt mạng và 3 người bị thương trong vụ pháo kích của Nga, quan chức Ukraine nói

Theo chính quyền quân sự của khu vực hôm thứ Ba, ít nhất năm người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương do các cuộc pháo kích của Nga vào khu vực Donetsk của Ukraine.

Nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự khu vực Donetsk, Pavlo Kyrylenko cho biết, vụ pháo kích xảy ra ở quận Lyman.

Theo văn phòng công tố khu vực Donetsk, ba cư dân thiệt mạng khi đang ngồi trên băng ghế gần một ngôi nhà riêng ở làng Torske, trong khi một cư dân Torske khác “bị đa chấn thương ở ngực, vai và hông”.

Tại làng Zakitne, “một người đàn ông 26 tuổi bị nứt hộp sọ và dập não,” văn phòng cho biết.

Kyrylenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine rằng vụ pháo kích của Nga đã giết chết hai thường dân và làm bị thương một người khác ở khu định cư Yampil của khu vực Donetsk hôm thứ Ba.

Nga cũng tiến hành một cuộc không kích vào làng Niu-York ở vùng Donetsk, sử dụng bom trên không nặng 250 kg mỗi quả, theo Kyrylenko. Ông cho biết thêm, không có thương vong sau vụ tấn công.

Kyrylenko cho biết “171 trẻ em vẫn còn ở các vùng lãnh thổ tiền tuyến của khu vực Donetsk.” Tuy nhiên, chính quyền địa phương lên kế hoạch “bắt buộc di tản” cho các và cha mẹ của các em “trong hai tuần tới”.

Kyrylenko cho biết tổng cộng 492.000 người vẫn ở lại khu vực Donetsk khi Ukraine tiếp tục các nỗ lực di tản.

8. Hàng phòng thủ dày đặc mìn bẫy tuyệt vọng của Nga có thể phản tác dụng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Desperate Mine Defenses May Backfire”, nghĩa là “Hệ thống phòng thủ bằng mìn tuyệt vọng của Nga có thể phản tác dụng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong số tất cả những trở ngại đối với cuộc phản công khốc liệt của Ukraine, mìn chống người và chống phương tiện của Nga là một trong những khó khăn nhất. Các tuyến đường tấn công có khả năng đã được rải đầy vô số chất nổ, đang chờ được kích hoạt bởi các phương tiện hoặc các quân nhân Ukraine đang tiến tới.

Đường lối phòng thủ nặng bằng mìn của Nga chắc chắn đã làm chậm cuộc phản công ở phía nam của Ukraine, mà sau sáu tuần vẫn chưa tạo ra một lỗ hổng đáng kể nào trong mạng lưới các bãi mìn, chiến hào và công sự của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đổ lỗi cho hoạt động “chậm lại” là do sự chậm trễ trong việc đưa vũ khí tiên tiến của phương Tây đến.

Zelenskiy cho biết, khung thời gian chậm trễ này đã cho “đối phương của chúng ta thời gian và khả năng để đặt thêm mìn và chuẩn bị tuyến phòng thủ của họ.”

Tuy nhiên, việc phòng thủ đầy mìn ở mặt trận phía nam cũng có thể hạn chế quân đội của Nga. Để đạt được các mục tiêu chiến tranh mà Điện Cẩm Linh nhiều lần tuyên bố, các đơn vị Nga cuối cùng sẽ phải bắt đầu lại từ cái gọi là Phòng tuyến Surovikin trải dài qua miền nam Ukraine từ Dnipro đến Donetsk. Các bãi mìn—đặc biệt là những bãi mìn được đặt vội vã và bừa bãi—có thể là một vấn đề phức tạp nghiêm trọng.

Mark Voyger - cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề của Nga và Á-Âu cho Tư lệnh quân đội Mỹ ở Âu Châu lúc bấy giờ, Tướng Ben Hodges - nói với Newsweek: “Người Nga đã gài mìn ở phía nam quá nhiều nên họ cũng không thể tiến lên được. Các lực lượng của họ sẽ kết thúc ở chính những bãi mìn mà họ đã rải rất nhiều, rất ồ ạt trên khắp miền nam.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

“Chúng ta nghĩ rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ bị đình trệ, nhưng nếu người Nga muốn phản công, tôi không nghĩ họ có thể làm điều đó bây giờ với tất cả các công sự và bãi mìn hạng nặng mà họ có ở đó,” Voyger, hiện là một chuyên gia không thường trú tại Trung tâm Phân tích Âu Châu và là giáo sư tại Đại học Hoa Kỳ Kyiv, cho biết như trên.

Ông nói thêm: “Ở phía nam, họ bị ràng buộc khá nhiều vào hàng phòng thủ bằng mìn này. Nếu bạn muốn thể hiện sự chủ động, thể hiện năng lực chiến thuật và cơ động, thì có lẽ bạn phải tấn công. Tôi không nghĩ rằng họ rất có trách nhiệm trong việc lập bản đồ mọi thứ mà họ đã đặt.”

Erik Kramer là giám đốc và đồng sáng lập của Nhóm hỗ trợ quốc phòng Ukraine có trụ sở tại Kyiv, một nhóm gồm các tình nguyện viên kỳ cựu quân đội phương Tây đang huấn luyện quân đội Ukraine để trau dồi kỹ năng chiến đấu ở tiền tuyến.

Nói chuyện với Newsweek từ Kyiv, Kramer đồng ý rằng đường lối rải mìn của Nga ở phía nam dường như ưu tiên về khối lượng.

Ông nói: “Việc rải mìn của họ cực kỳ lộn xộn và có thể gây ra vấn đề cho họ”. “Vấn đề với tất cả các bãi mìn này là người Nga không lập bản đồ mìn. Ở phương Tây, ở Mỹ, bất cứ khi nào chúng ta bố trí một bãi mìn thì phải có một bản đồ rộng lớn được cung cấp cho tất cả mọi người, đặc biệt là các lực lượng bạn.

Kramer nói: “Bạn luôn có những làn đường trong đó để bạn có thể đi qua chúng, để quân bạn có thể đi qua. Nhưng về phía Nga, “không có bản đồ mìn nào cả”.

Kramer cho biết ông nhận được những hình ảnh từ quân đội Ukraine mà ông từng làm việc gửi về từ mặt trận.

“Họ cho tôi xem một số bức ảnh về một khu vực nhiều cây cối, tôi có thể nói là một khu vực rộng 10 mét vuông,” anh nói. “Chắc hẳn phải có 10 hoặc 15 quả mìn sát thương vừa được ném xuống đất, khắp nơi, ngay cạnh nhau. Người Nga cũng đặt chúng trên cây, họ sẽ giấu một số để bạn mất cảnh giác và cho rằng mình đã nhìn thấy tất cả các quả mìn, và sau đó sẽ có một số được giấu kỹ. Họ đang phát điên vì mìn.”

Kramer cho biết, hoạt động rải mìn của Nga phù hợp với đường lối quân sự công nghệ thấp, gây thương vong lớn hơn ở Ukraine cho đến nay.

“Họ làm điều tương tự với hỏa lực thân thiện,” anh nói. “Họ nổ súng vào chính người của mình nếu người Ukraine tấn công họ. Họ không quan tâm đến cách họ tiếp cận cuộc sống con người, họ không quan tâm so với người Ukraine. Nó có thể khiến họ gặp một số vấn đề sau này, nhưng tôi thực sự không nghĩ họ quan tâm.”

9. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và Hà Lan hội đàm tại Kyiv

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren, người đang ở Ukraine trong một chuyến thăm làm việc tại Kyiv, theo Bộ Quốc phòng Ukraine.

Đây là chuyến thăm thứ ba của Ollongren tới Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, “và đó là một tín hiệu mạnh mẽ cho tất cả những người bảo vệ chúng ta rằng chúng ta có một người bạn hùng mạnh như vậy trên trường quốc tế,” Reznikov nói.

“Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng trong quyết định của Chính phủ Hà Lan thành lập một 'liên minh máy bay' trước tiên để đào tạo phi công, kỹ sư và kỹ thuật viên của chúng tôi, và cuối cùng, sau khi hoàn thành khóa đào tạo này, sẽ chuyển giao chiến đấu F-16 máy bay cho chúng tôi,” ông nói.

“Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng phòng không vẫn là ưu tiên số một của chúng tôi để bảo đảm rằng con em chúng ta được đi học và bầu trời Ukraine được bình yên. Vì vậy, quyết định về F-16 là một quyết định mạnh mẽ, giúp lực lượng phòng không của chúng ta mạnh mẽ hơn nữa”, ông Reznikov nói.

Ollongren bảo đảm Hà Lan sẽ vẫn là đối tác trung thành của Ukraine và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Cô cho biết cô cảm thấy “ngưỡng mộ và tôn trọng” đối với Ukraine cũng như giới lãnh đạo và quân đội của nước này.

Quan chức Hà Lan cho biết chương trình huấn luyện máy bay phản lực F-16 dành cho phi công Ukraine sẽ bắt đầu tại một trung tâm ở Rumani.

“Tất cả chúng ta đều biết quân đội Ukraine học hỏi nhanh như thế nào, chắc chắn rằng quá trình huấn luyện sẽ diễn ra, nhưng nó cũng cần được tích hợp vào hệ thống hỗ trợ và hệ thống của Lực lượng Vũ trang, bao gồm cả Lực lượng Không quân,” cô nói. “Đây không chỉ là vấn đề đào tạo mà còn là vấn đề năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Nhưng chúng tôi đã làm việc về điều này. Chúng tôi đã cam kết thực hiện việc này càng sớm càng tốt”, cô nói thêm.

10. Quan chức Mỹ cho biết quân đội Mỹ chuẩn bị huấn luyện phi công Ukraine lái F-16 tại Mỹ nếu cần

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Chuẩn Tướng Pat Ryder cho biết hôm thứ Ba rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng hỗ trợ” huấn luyện phi công chiến đấu cơ F-16 cho các phi công Ukraine ở lục địa Hoa Kỳ nếu cần.

Ryder cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực đào tạo tại lục địa Hoa Kỳ nếu đạt được năng lực ở Âu Châu. “Tôi không có bất kỳ chi tiết cụ thể nào để cung cấp ngay bây giờ về việc đào tạo có thể diễn ra tại cơ sở nào, nhưng chắc chắn nếu quyết định được đưa ra để thực hiện điều đó thì chúng tôi sẽ tích cực hưởng ứng, chúng tôi chắc chắn sẽ cung cấp cho bạn thông tin cập nhật về cái đó.”

Ryder nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ rất phấn khởi trước tin tức vào cuối tuần qua rằng Ukraine sẽ nhận được 61 chiến đấu cơ F-16 từ Hà Lan và Đan Mạch.

11. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói hớ một câu biến mất hai tuần nay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Where's Dmitry Peskov? Putin Spokesman Vanishes After 'No Democracy' Gaffe”, nghĩa là “Dmitry Peskov đang ở đâu? Phát ngôn nhân của Putin biến mất sau câu nói hớ hênh 'Không dân chủ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông được trích dẫn gần ba tuần trước khi nói rằng cuộc bầu cử tổng thống Nga “không thực sự dân chủ” và dự báo chiến thắng 90% cho ông Vladimir Putin vào năm tới.

“Cuộc bầu cử tổng thống của chúng tôi không thực sự dân chủ, nó là bộ máy quan liêu tốn kém,” Peskov nói với The New York Times trong một bài báo đăng ngày 6 tháng 8. “Ông. Putin sẽ tái đắc cử vào năm tới với hơn 90% phiếu bầu.”

Cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 17 tháng 3 năm tới 2024. Ông Putin dự kiến sẽ sớm tuyên bố tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ sáu. Theo những thay đổi hiến pháp được thực hiện trước cuộc chiến ở Ukraine, Putin có thể vẫn nắm quyền cho đến năm 2036.

Các kênh Telegram của Nga và Ukraine đã nhanh chóng chỉ ra rằng Peskov đã không tổ chức các cuộc họp báo hoặc đưa ra bình luận cho giới truyền thông kể từ sau phát biểu của mình. Cuộc họp ngắn cuối cùng của anh ta là vào ngày 4 tháng 8, hai ngày trước khi bình luận của anh ta được đăng trên The Times, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

Vào ngày sau khi bài báo của tờ New York Times được công bố, phương tiện truyền thông nhà nước dẫn lời Peskov nói rằng nhận xét của ông đã bị hiểu sai và đưa tin sai.

“Tác giả của bài báo đã diễn giải lời nói của tôi theo một cách hoàn toàn sai,” Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước Tass, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã gặp và nói chuyện với tác giả của bài báo, đồng thời trả lời một câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới..

“Và câu trả lời như sau: mức độ hợp nhất xung quanh tổng thống là hoàn toàn chưa từng có và hiện tại có thể nói rằng nếu ông ấy ra tranh cử cho chức tổng thống, ông ấy sẽ được bầu lại với đa số áp đảo trong cuộc bầu cử.”

Peskov cho biết ông đã nói với The Times rằng “tổng thống nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử chắc chắn phải được tổ chức, vì đây là điều mà nền dân chủ yêu cầu.”

Ông cũng nói với trang web tin tức RBC của Nga rằng “mặc dù các cuộc bầu cử là một yêu cầu của nền dân chủ và chính Putin đã quyết định tổ chức chúng, nhưng về mặt lý thuyết thì không tổ chức cũng được.”

“Bởi vì rõ ràng là Putin sẽ đắc cử, [tổ chức làm gì cho tốn kém]” ông nói, đồng thời lưu ý rằng tuyên bố của ông “hoàn toàn là quan điểm cá nhân của tôi.”

Trong khi đó, kênh Telegram thuộc sở hữu của người dẫn chương trình truyền hình Nga Ksenia Sobchak cho rằng Peskov hiện đang đi nghỉ.

“Bình tĩnh. Peskov đi nghỉ. Nói rằng anh ta sẽ trở lại sau 2 ngày nữa”, một bài đăng trên kênh hôm thứ Hai cho biết.
 
Hoàn cảnh bi thảm của phụ nữ Nga: Các nạn nhân sợ những tên tội phạm chiến đấu cho Wagner quay lại
VietCatholic Media
06:07 23/08/2023


1. Rumani cử hành Ngày toàn quốc tưởng niệm các Kitô hữu bị bách hại

Hôm 16 tháng Tám vừa qua, Rumani đã cử hành Ngày Toàn quốc tưởng niệm các tín hữu Kitô bị bách hại trên thế giới lần thứ tư.

Tổng thống Rumani, hồi năm 2020, ông Klaus Iohannis, tuyên bố rằng: “Ngày tưởng niệm này được thiết lập là để công chúng, kể cả các thế hệ trẻ, được nhắc nhở về vai trò của Kitô giáo trong lịch sử Rumani và về cuộc bách hại các tín hữu Kitô”.

Hôm 16 tháng Tám, Thủ tướng đương kim của Rumani, ông Ion-Marcel Ciolacu, tuyên bố rằng đức tin Kitô là một yếu tố cơ bản trong căn tính quốc gia Rumani và của dân tộc tại nước này”.

Cả Giáo hội Chính thống, chiếm đa số tại Rumani, đã cử hành lễ tưởng niệm các vị tử đạo tại Brancoveanu, được phong thánh hồi năm 1992. Constantin Brancoveanu là vua miền Valacchia ở Rumani từ năm 1654 đến 1714 dưới thời đế quốc Ottoman Hồi giáo cai trị miền này. Ông bị cáo là thông đồng với Nga và Áo để tách rời miền Valaachia, nhập vào khối các nước theo Kitô giáo. Brancoveanu bị bắt và năm 1714 đã bị bị hành quyết tại Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ cùng với vị cố vấn và bốn người con trai của ông. Ông đã từ chối theo Hồi giáo để được tha chết.

2. Công Giáo Pakistan cử hành Ngày cầu nguyện đặc biệt

Chúa nhật, ngày 20 tháng Tám này, tất cả các nhà thờ Công Giáo trên toàn nước Pakistan, cử hành Ngày cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình và hòa hợp giữa các tôn giáo, sau vụ bạo động chống Kitô tại thành phố Jaranwala, huyện Faisalabad, hôm 16 tháng Tám trước đó.

Đức Cha Sebastian Shaw, Tổng giám mục Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab, nói với hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp liên tôn, để chống lại mọi hình thức bạo lực và oán thù, là những điều luôn luôn không thể biện minh được, và là độc dược cho xã hội. Chúng tôi khẩn cầu Thiên Chúa, Đấng ban mọi ơn lành và kêu gọi tất cả những người thiện chí, Kitô cũng như Hồi giáo, hãy sát cánh với chúng tôi, đoàn kết xây dựng một Pakistan hòa bình, loại bỏ mọi oán thù, tôn trọng các quyền và tự do của mọi công dân, không phân biệt tôn giáo”.

Bạo lực bùng nổ tại Jaranwala vì những lời vu khống ông Saleem Masih, một tín hữu Kitô mù chữ, làm nghề quét đường, cáo buộc ông đã xúc phạm đến sách Coran của Hồi giáo. Một vài người Hồi giáo trong vùng nói là đã tìm được vài trang sách thánh Coran có những chữ phạm thượng và lời cáo buộc này được gán cho ông Saleem Masih. Sau lời kêu gọi của một lãnh đạo Hồi giáo địa phương, một đám đông nổi giận đã đốt phá bốn nhà thờ và hàng chục nơi thờ phượng, và hàng trăm gia cư của các tín hữu, nghĩa trang Kitô bị xúc phạm. Trong số thánh đường bị thiêu rụi, có nhà thờ Công Giáo thánh Phaolô, bị đốt lúc 5 giờ 30 sáng, theo cha sở Khalid Mukhtar.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Arshad, Giáo phận Islamabad-Rawalpindi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan, kêu gọi tái lập quyền tối thượng của luật pháp và công lý, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, trong khi Đức Giám Mục Anh giáo Azad Marshall, kêu gọi chính quyền bảo đảm công lý và an ninh cho mọi người.

Chính phủ Pakistan đã huy động 6.000 nhân viên an ninh và lực lượng bán quân sự, bắt giam 146 người bị cáo là đã tham gia các cuộc bạo động đốt phá chống Kitô giáo.

3. Phụ nữ Nga lo sợ sự trở lại của những kẻ sát nhân được trả tự do sau khi chiến đấu cho quân Wagner

Ký giả Shaun Walker của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Russian women fear return of murderers freed to fight for Wagner”, nghĩa là “Phụ nữ Nga lo sợ sự trở lại của những kẻ sát nhân được trả tự do sau khi chiến đấu cho quân Wagner”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Dân chúng Nga đang lo ngại rằng những người bị kết án tái nhập xã hội sau thời gian chiến đấu ở Ukraine sẽ mang đến 'làn sóng giết người, hãm hiếp và bạo lực gia đình'

Trường hợp của tên Vladislav Kanyus

Vụ sát hại Vera Pekhteleva vào năm 2020 bởi bạn trai cũ của cô ấy khủng khiếp đến mức ngay cả ở Nga, nơi bạo lực đối với phụ nữ thường bị xem nhẹ, đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên các phương tiện truyền thông.

Vladislav Kanyus đã dành hàng giờ để tra tấn Pekhteleva trước khi cô chết; những người hàng xóm liên tục gọi cảnh sát để thông báo về những tiếng la hét kinh hoàng phát ra từ căn hộ bên cạnh, nhưng cảnh sát đã không xuất hiện. Tại phiên tòa, có vẻ như có 111 vết thương trên cơ thể Pekhteleva.

Mùa hè năm ngoái, một tòa án ở Siberia đã kết án Kanyus 17 năm tù vì tội giết người. Các thành viên trong gia đình của Pekhteleva thất vọng khi thẩm phán bác bỏ các cáo buộc bổ sung về tội hiếp dâm và giam cầm trái pháp luật, nhưng thở phào nhẹ nhõm khi chỉ riêng tội danh giết người sẽ khiến Kanyus phải ngồi tù 17 năm.

Tuy nhiên, chín tháng sau, vào giữa tháng 5, mẹ của Pekhteleva nhận được hai bức ảnh từ một tài khoản ẩn danh trên WhatsApp. Những bức ảnh đó cho thấy một người đàn ông trong bộ quân phục và kèm theo một thông điệp: “Kanyus được tự do và đang chiến đấu ở Ukraine.”

“Tôi không thể tin vào mắt mình, tôi đã cố gắng trấn tĩnh chị ấy, tôi cố gắng nói rằng đó không phải là anh ta, đó là Photoshop. Nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra đó thực sự là anh ta”, Vladimir Pekhtelev, chú của Vera, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ thành phố Kemerovo thuộc Siberia.

Kanyus là một trong số hàng chục nghìn tù nhân Nga được trả tự do sớm sau khi chiến đấu ở Ukraine. Cho đến nay, phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả các tù hình sự chiến đấu cho nhóm Wagner đã được trả tự do sau 6 tháng chiến đấu trên chiến trường Ukraine cho quân đội tư nhân do Yevgeny Prigozhin điều hành, là người vào tháng 6 đã lừa đảo và phát động một cuộc binh biến vũ trang gây chấn động hệ thống chính trị Nga trước khi cuộc binh biến bị hủy bỏ.

Là một phần của thỏa thuận, những người bị kết án được thông báo rằng nếu họ chiến đấu trong sáu tháng và sống sót, họ sẽ được phép trở lại cuộc sống bình thường mà không phải chấp hành phần còn lại của bản án. Sau đó, các tù nhân cũng được tự do để chiến đấu cho quân đội chính quy của Nga hay cho các công ty quân sự tư nhân giống Wagner khác đang chiến đấu với người Nga ở Ukraine, hay đơn giản là trở về Nga sống như mọi người khác.

Khi gia đình Pekhtelev đưa ra yêu cầu chính thức tới ban quản lý nhà tù để xác định vị trí của Kanyus, họ được thông báo rằng anh ta đã được chuyển đến nhà tù của vùng Rostov, giáp Ukraine, và đã biến mất. Các nhà hoạt động nói rằng đây là dấu vết hành chính điển hình đối với một tù nhân được tuyển dụng để chiến đấu ở Ukraine; không có lý do chính đáng nào khác để chuyển đến Rostov.

“Không ai có thể cho chúng tôi biết làm thế nào anh ta được thả ra, không ai cho chúng tôi bất kỳ câu trả lời hay lời giải thích nào.

Không rõ liệu Kanyus có còn ở mặt trận hay không, nhưng có vẻ như anh ta vẫn còn sống, vì anh ta đã đăng các bản cập nhật thường xuyên cho một tài khoản trên VKontakte, một mạng truyền thông xã hội của Nga. Tài khoản của anh ta có khẩu hiệu: “Không có thứ gọi là lựa chọn đúng, chỉ có lựa chọn bạn đưa ra và hậu quả của nó.”

Vào tháng 7, Kanyus đã trả lời một tin nhắn hỏi về tình trạng hiện tại và nơi ở của anh ta với yêu cầu được thanh toán tiền để trả lời các câu hỏi. Sau đó, anh ta đã khóa tài khoản của mình.

Tình trạng bất minh về luật pháp đã cho phép Prigozhin thành lập một đội quân tù nhân trở nên rõ ràng khi ông ta phát động cuộc binh biến bị hủy bỏ của mình. Nhưng cũng như mọi hậu quả chính trị khác, cuộc thử nghiệm của Putin với Prigozhin có thể sẽ có tác động xã hội đáng kể đối với nước Nga trong nhiều năm tới.

Đã có nhiều báo cáo về những cựu tù nhân sống sót sau thời gian chiến đấu cho Wagner và trở về nhà để gây ra những tội ác mới. Trong số những người được trả tự do có nhiều người phạm tội bạo lực với phụ nữ.

Chính quyền Nga có một lịch sử lâu dài không coi trọng bạo lực gia đình hoặc các mối đe dọa bạo lực đối với phụ nữ. Giờ đây, ngay cả trong những trường hợp tội phạm phải ngồi tù, nạn nhân và gia đình của họ vẫn sống trong nỗi sợ hãi khi họ trở về nhà sớm hơn nhiều so với dự kiến.

Trường hợp của tên Vyacheslav Samoilov

Vyacheslav Samoilov, đến từ một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Nga, đã sát hại Olga Shlyamina, 33 tuổi vào tháng 3 năm 2021, sau đó chặt xác cô ta ra nhiều phần và chôn giấu xác của cô ở nhiều nơi khác nhau. Nhưng cuối cùng, anh ta đã bị bỏ tù chín năm bảy tháng vào tháng 4 năm 2022, nhưng hiện tại anh ta đã được tự do sau ba tháng chiến đấu ở Ukraine.

Mẹ của Samoilov nói với 29.ru, một trang tin tức địa phương ở vùng Arkhangelsk của Nga, rằng con trai bà đã chiến đấu và bị thương ở Ukraine, hiện đã được ân xá. Mẹ của anh ta nói rằng, theo lời Thượng Phụ Kirill, “anh ta đã được thanh tẩy trước Chúa”, nhờ phục vụ ở Ukraine.

Trường hợp của tên Vadim Tekhov

Vadim Tekhov, kẻ đã giết Regina Gagieva, 22 tuổi ở thành phố Vladikavkaz, miền nam nước Nga vào năm 2019, đáng lẽ phải ngồi tù cho đến năm 2035, nhưng đã được ân xá sau khi chiến đấu ở Ukraine và đã trở lại Vladikavkaz.

“Anh ta đã được gửi đến đó, phục vụ trong sáu tháng và theo luật hiện đã được trả tự do sớm,” nhà lãnh đạo khu vực Bắc Ossetia, Sergei Menyailo, xác nhận trong một cuộc họp báo hồi đầu năm, đồng thời cho biết thêm rằng ông ta không muốn thấy Tekhov trở về nhà.

Cũng có những người đã bị bỏ tù vì tội hiếp dâm hoặc bạo lực, nạn nhân của họ vẫn còn sống và giờ lại gặp nguy hiểm.

“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn từ những người sợ hãi, đặc biệt là từ các khu vực. Họ biết rằng nếu những người đàn ông đã hành hạ họ trở về sau cuộc chiến này và bắt đầu đánh đập họ một lần nữa hoặc thậm chí giết họ, cảnh sát sẽ không làm gì cả, bởi vì giờ đây những người đàn ông này được coi là anh hùng thay vì những kẻ hiếp dâm hay giết người, Alena Popova, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ Nga, nói.

“Họ đang quay trở lại tình huống mà bây giờ họ sẽ đặt ra các quy tắc của trò chơi. Tất cả họ đều bị chấn thương nặng, không ai làm việc với họ để xã hội hóa họ, và tôi nghĩ sẽ có một làn sóng giết người, hãm hiếp và bạo lực gia đình.”

Trong trường hợp của Kanyus, gia đình của Pekhteleva lo sợ anh ta có thể trở lại và cố gắng trả thù vì họ đã nỗ lực công khai vụ án vào thời điểm xét xử. Việc gia đình từ chối giữ im lặng khiến vụ việc được dư luận quan tâm, và cảnh sát đã không xuất hiện trước những lời kêu cứu liên tục từ những người hàng xóm đã bị xét xử vì tội cẩu thả.

“Bây giờ chị ấy đang sợ hãi cho chính mình,” Vladimir Pekhtelev, nói về chị dâu của mình, mẹ của Vera. “Điều gì sẽ xảy ra nếu chị ấy gặp lại anh ta ở Kiselevsk, khi đang đi dạo trên phố? Tất nhiên cô ấy lo lắng rằng anh ta có thể cố gắng trả thù cho chiến dịch mà gia đình đã và đang thực hiện. Cả cảnh sát cũng có thể hợp tác với hắn ta để trả thù chị ấy.”


Source:Guardian
 
Kyiv lợi hại: Moscow đóng cửa không phận, tòa nhà chọc trời mới xây bị tấn công. Đại Tướng mất chức
VietCatholic Media
16:00 23/08/2023


1. Tòa nhà chọc trời mới xây dựng ở Mạc Tư Khoa bị tấn công.

Hai ký giả Will Stewart và Aliki Kraterou của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “DEATH FROM ABOVE Huge explosion rips through Mạc Tư Khoa skyscraper as three killed in sixth day of kamikaze drone attacks across Russia”, nghĩa là “Cái chết từ trên cao. Vụ nổ lớn xé toạc tòa nhà chọc trời ở Mạc Tư Khoa khi ba người thiệt mạng trong ngày thứ sáu của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze trên khắp nước Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Nga hứng chịu một làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze mới trên khắp đất nước, giáng một đòn nặng nề vào Vladimir Putin khi cuộc tấn công tiếp tục sang ngày thứ sáu.

Đoạn phim ấn tượng cho thấy hậu quả của một vụ nổ lớn xé toạc một tòa nhà chọc trời ở Mạc Tư Khoa trong khi một cuộc tấn công khác ở Belgorod, gần biên giới, khiến ba người thiệt mạng.

Một vụ nổ làm rung chuyển từ tầng 10 đến tầng 15 của tòa tháp One Tower mới, đang được xây dựng, trong khu kinh doanh và chính phủ của thủ đô.

Tòa nhà cao tầng đã bị một trong ba máy bay không người lái quân sự tấn công nhằm vào Mạc Tư Khoa trong đêm – trong bối cảnh Mỹ cảnh báo Ukraine rằng họ không hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bên trong Nga.

Có sự gián đoạn tại bốn phi trường chính của Mạc Tư Khoa khi các chuyến bay bị đình chỉ trong thời gian máy bay không người lái xâm nhập.

Thị trưởng Mạc Tư Khoa, ông Sergey Sobyanin, cho biết: “Lực lượng phòng không đã bắn hạ một máy bay không người lái ở quận Mozhaisky của khu vực Mạc Tư Khoa, trong khi một máy bay không người lái khác tấn công một tòa nhà đang được xây dựng trong Thành phố”.

Sau đó, Nga tuyên bố có tổng cộng 3 máy bay không người lái, 2 trong số đó đã bị bắn hạ và chiếc thứ 3 được cho là bị gây nhiễu bởi vũ khí tác chiến điện tử trước khi đâm vào tòa nhà chọc trời.

Thống đốc khu vực cho biết ba thường dân đã thiệt mạng sau một cuộc tấn công tại làng Lavy ở khu vực Belgorod.

Vyacheslav Gladkov cho biết hai người trong số họ đã thiệt mạng sau khi lựu đạn được thả xuống một khu dân cư trong khi người thứ ba chết sau đó bất chấp nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ.

Ông nói: “Không thể tìm được lời nào để an ủi người thân. Tôi gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình các nạn nhân”.

Thiệt hại cũng được báo cáo đối với các tòa nhà ở Khimki, vùng ngoại ô gần phi trường quốc tế lớn Sheremetyevo.

Thị trưởng cho biết: “Các dịch vụ khẩn cấp của Thành phố đang kiểm tra khu vực trong phạm vi Thành phố để tìm hiểu ảnh hưởng của cuộc tấn công.

“Một số cửa sổ ở hai tòa nhà 5 tầng liền kề bị đập vỡ. Không có thương vong nào cả.”

Vụ nổ xảy ra ở khu nhà chọc trời ở trung tâm thành phố, gần tòa nhà Mercury City Tower 75 tầng mang tính biểu tượng.

Lực lượng cấp cứu đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường nhưng không có báo cáo về thương vong.

Khu vực này của Thành phố Mạc Tư Khoa, đã nhiều lần trở thành mục tiêu - đoạn phim hồi đầu tháng này cho thấy hậu quả của một vụ tấn công qua đêm vào Tòa nhà IQ.

Cũng có báo cáo về các vụ nổ ở vùng ngoại ô Odintsovo, được cho là do lực lượng phòng không Nga nhắm vào máy bay không người lái kamikaze đang lao tới.

Người dân trước đó đã nghe thấy âm thanh của máy bay không người lái.

Các báo cáo cho biết, các cuộc tấn công gần đây là cuộc tấn công dữ dội nhất của một cuộc chiến sẽ đánh dấu 18 tháng vào ngày mai.

Một cuộc tấn công hôm thứ Ba đã buộc tất cả không phận Nga phải đóng cửa với ba phi trường lớn nhất của thành phố được cho là đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi.

Các cuộc tấn công hôm nay xảy ra khi người Ukraine kỷ niệm Ngày Quốc kỳ hàng năm của họ.

Các chuyến bay sau đó đã được nối lại sau khi bốn phi trường Mạc Tư Khoa - Vnukovo, Domodedovo, Sheremetyevo và Zhukovsky bị gián đoạn.

Vương quốc Anh nói rằng họ không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của Ukraine bên trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ukraine có quyền quyết định cách thức lựa chọn cách tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái.

Nga có thể kết thúc chiến tranh bất cứ lúc nào bằng cách rút khỏi Ukraine.

Cuộc tấn công diễn ra vào tuần trước, ít nhất hai trong những chiến đấu cơ quý giá của Putin đã bị hư hại sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Vụ tấn công xảy ra tại phi trường quân sự ở khu vực Novgorod cách Ukraine hơn 700 dặm, chứng kiến một máy bay không người lái “kiểu máy bay trực thăng” phá hủy một chiếc Tu-22M3 giá lên đến 737 triệu Mỹ Kim.

2. Nga lao vào các bãi mìn của chính họ 11 xe tăng và 12 xe thiết giáp nổ tung. Ukraine giải phóng thêm 2 thị trấn nữa.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 22 tháng Tám, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiến vào hai thị trấn Novodanylivka, và Novoprokopivka trong khu vực Zaporizhzhia.

Cô nói: “Lực lượng phòng vệ Ukraine tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Bakhmut và Melitopol. Họ đã thành công theo hướng Novodanylivka và Novoprokopivka trong khu vực Zaporizhzhia. Binh sĩ Ukraine đã tiến vào và củng cố các vị trí trong hai thị trấn này. Họ cũng đang tiến hành các biện pháp phản pháo.”

Cô cho biết thêm, theo hướng Bakhmut, Lực lượng vũ trang tiếp tục tiến hành các chiến dịch tấn công ở phía nam Bakhmut. Trong 24 giờ qua, đối phương đã tiến hành các hoạt động không thành công tại các khu vực Klishchiivka, Avdiivka và Mariinka thuộc vùng Donetsk.

Tại khu vực Zaporizhzhia nơi đầy dẫy các bãi mìn, một loạt các vụ nổ đã xảy ra khi xe tăng và xe thiết giáp Nga lao vào các bãi mìn do họ gài trước đây. Quân Nga có lẽ đã không lập bản đồ chi tiết những nơi họ đã gài mìn.

Trong ngày qua quân Nga đã phóng 4 hỏa tiễn và 58 đợt không kích, thực hiện 60 đợt tấn công bằng hỏa tiễn từ hệ thống rocket phóng loạt vào các vị trí của quân Ukraine và khu dân cư.

Trong 24 giờ qua, 480 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 11 xe tăng, 12 xe thiết giáp, 23 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 23 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 23 Tháng Tám, khoảng 258.820 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.373 xe tăng, 8.488 xe thiết giáp, 5.318 hệ thống pháo, 722 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 491 hệ thống tác chiến phòng không, 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.324 máy bay không người lái, 1.406 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.745 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 800 đơn vị thiết bị đặc biệt.

3. Tòa án công lý quốc tế sẽ xét xử những phản đối của Nga liên quan đến tội ác diệt chủng

Tòa án công lý quốc tế, gọi tắt là ICJ, sẽ xét xử những phản đối của Nga trong vụ án diệt chủng do Ukraine đưa ra trong các phiên điều trần bắt đầu vào tháng 9, cơ quan này cho biết hôm thứ Ba.

Reuters đưa tin Ukraine đã đệ đơn lên ICJ ngay sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, cáo buộc Mạc Tư Khoa dựng đứng chuyện diệt chủng để biện minh cho cuộc tấn công.

Trong phán quyết sơ bộ về vụ việc hồi tháng 3 năm ngoái, tòa án đã ra lệnh cho Nga phải ngừng ngay các hành động quân sự ở Ukraine. Các phán quyết của ICJ, còn được gọi là tòa án thế giới, có tính ràng buộc nhưng không có phương tiện trực tiếp để thực thi chúng.

Các phiên điều trần về quyền tài phán sẽ bắt đầu vào ngày 18 tháng 9, với đệ trình từ Nga và phản hồi từ Ukraine vào ngày hôm sau.

32 quốc gia khác, bao gồm Anh, Canada và Úc, sẽ đưa ra quan điểm của mình về vụ việc trong phiên điều trần kết thúc vào ngày 27 tháng 9.

4. Vị tướng hàng đầu Nga biến mất sau cuộc nổi dậy của Wagner bị sa thải khỏi vị trí lãnh đạo lực lượng hàng không vũ trụ

Truyền thông nhà nước hôm thứ Tư đưa tin Tướng Sergey Surovikin, cựu lãnh đạo chiến dịch quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine, đã bị cách chức lãnh đạo lực lượng hàng không vũ trụ của Nga.

Surovikin - được biết đến ở Nga với biệt danh “Tướng Armageddon” do bị cáo buộc về sự tàn bạo của ông ta - đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc binh biến ngắn ngủi do thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin của Wagner lãnh đạo vào tháng 6, làm dấy lên những tin đồn chưa được xác nhận về việc ông ta bị giam giữ.

Các tài liệu được chia sẻ độc quyền với CNN vào tháng 6 cho thấy Surovikin nằm trong số ít nhất 30 quan chức tình báo và quân sự cấp cao khác của Nga là thành viên VIP bí mật của Wagner.

Theo báo cáo của RIA Novosti, Surovikin đã được thay thế bởi Thượng Tướng Viktor Afzalov, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Hàng không Vũ trụ.

“Cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, Sergey Surovikin, hiện đã bị cách chức. Thượng Tướng Viktor Afzalov, Tổng tham mưu các Lực lượng Hàng không Vũ trụ, đang tạm thời giữ chức Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Hàng không Vũ trụ”, một nguồn tin nói với RIA.

Tin tức về việc sa thải Surovikin ban đầu được đưa ra bởi nhà báo nổi tiếng người Nga và cựu giám đốc đài phát thanh Tiếng vọng Mạc Tư Khoa hiện đã đóng cửa, Alexey Venediktov.

Nhà báo này đã đăng trên kênh Telegram của mình hôm thứ Ba rằng Surovikin đã bị thôi giữ chức vụ nhưng sẽ tiếp tục phục vụ Bộ Quốc phòng với tư cách khác.

Theo các nguồn tin được hãng tin kinh doanh RBC của Nga trích dẫn, việc sa thải Surovikin là do chuyển sang một vai trò khác và nói rằng ông hiện đang đi nghỉ ngắn ngày.

Tiểu sử chính thức của Surovikin trên trang web của Bộ Quốc phòng Nga vẫn liệt kê ông là nhà lãnh đạo lực lượng hàng không vũ trụ.

CNN đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Surovikin được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 10 năm ngoái. Vào Tháng Giêng, vai trò này được giao lại cho Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, và Surovikin được bổ nhiệm làm một trong ba cấp phó của ông.

5. Tổng thống Serbia nói nước ông tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bên lề hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Balkans tại Athens hôm thứ Ba, theo cả hai bên.

“Các bên lưu ý rằng sự ủng hộ lẫn nhau về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Ukraine và Serbia,” văn phòng của Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố.

Vucic cho biết ông đã có “một cuộc trò chuyện cởi mở và vui vẻ” với Zelenskiy về những vấn đề quan trọng mà cả hai nước đang đối mặt.

“Chúng tôi đã đề cập đến các sự kiện ở Ukraine, Kosovo và Metohija, và một lần nữa tôi chỉ ra rằng Serbia tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, điều mà chúng tôi đã nói rõ ràng và dứt khoát kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột,” Vucic nói.

Zelenskiy cảm ơn Vucic vì sự hỗ trợ nhân đạo mà Serbia cung cấp cho Ukraine, cũng như sự hỗ trợ dành cho những người Ukraine đã tìm nơi ẩn náu ở Serbia sau khi bắt đầu chiến tranh, văn phòng của Zelenskiy cho biết.

Một số thông tin cơ bản: Theo truyền thống, Serbia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mạc Tư Khoa ở Âu Châu, Belgrade từ lâu đã cố gắng vượt qua ranh giới giữa mối quan hệ lịch sử với Nga và một tương lai tiềm năng của sự hội nhập Âu Châu chặt chẽ hơn.

Các nhà ngoại giao phương Tây đã tìm cách kéo Vucic ra khỏi quỹ đạo của Tổng thống Nga, Vladimir Putin, bằng cách cam kết một con đường nhanh chóng hơn để trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu, đồng thời cảnh báo sẽ bị cô lập nếu họ tiếp tay cho Nga.

Tuy nhiên, sau 18 tháng, một số nhà quan sát cho rằng đường lối hiện nay hoàn toàn là củ cà rốt và cây gậy, và kết quả là không đạt được cả hai mục tiêu của nó.

Serbia đã từ chối tham gia tất cả các vòng trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Putin. Và Serbia đã tiếp tục theo đuổi lợi ích riêng của mình trong khu vực với việc giảm bớt trách nhiệm giải trình, khơi dậy xung đột ở nước ngoài để đánh lạc hướng khỏi sự bất mãn trong nước, và không bị phương Tây quở trách.

6. Zelenskiy cho biết ông sẽ trở về nhà sau chuyến đi Âu Châu với sự hỗ trợ chính trị mới và các thỏa thuận mới

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông trở về nhà “với sự hỗ trợ chính trị mới và các thỏa thuận mới,” sau khi kết thúc chuyến công du Âu Châu hôm thứ Ba.

“Chúng tôi đang trở về nhà với sự hỗ trợ chính trị mới và các thỏa thuận mới. Mọi người rõ ràng tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu buổi tối.

“Sẽ có máy bay cho Ukraine. Chúng ta sẽ có thêm xe bọc thép. Chúng ta sẽ củng cố phòng không, kinh tế, xuất khẩu của chúng tôi, hội nhập Âu Châu và Âu Châu-Đại Tây Dương,” ông nói.

Zelenskiy nói rằng tại “hầu hết tất cả các cuộc họp,” việc bảo vệ các tuyến đường xuất khẩu “qua Hắc Hải và thông qua 'các hành lang đoàn kết' trên đất liền” đều được thảo luận.

Một số bối cảnh khác: Trong vài ngày qua, Zelenskiy đã tới Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch và Hy Lạp, nơi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Balkans. Ông cho biết đã có các cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh với Bulgaria, Serbia, Croatia, Montenegro, Bắc Macedonia, Moldova và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.

“Một thỏa thuận rất quan trọng với Hy Lạp, mà tôi đặc biệt biết ơn Thủ tướng, là Hy Lạp sẵn sàng bảo trợ cho việc khôi phục Odesa của chúng ta. Quyết định này không chỉ có ý nghĩa thực chất mà còn rất mang tính biểu tượng. Nó chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa”, Zelenskiy nói.

“Kết quả chung của những ngày này là Ukraine đã trở nên mạnh mẽ hơn,” Zelenskiy nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông rất biết ơn Luxembourg vì đã tham gia tuyên bố của Nhóm G7 về bảo đảm an ninh cho Ukraine.

7. 10 nhà lãnh đạo Balkan và Âu Châu ký tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Ukraine

Mười quốc gia Balkan và Âu Châu đã ký một tuyên bố chung để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Ukraine vào hôm thứ Ba tại Athens, hay còn gọi là Nhã Điển.

Các quốc gia cam kết “ủng hộ vững chắc cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các đường biên giới được quốc tế công nhận.”

Với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, 10 nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố 8 điểm trong cuộc họp đánh dấu 20 năm kể từ Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Tây Balkan ở Thessalonika.

Tuyên bố cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với công thức hòa bình 10 điểm của Zelenskiy, kêu gọi Nga rút quân và khôi phục biên giới Ukraine.

8. Chính quyền Biden tự tin Quốc hội sẽ thông qua nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine, quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden tự tin rằng họ sẽ có thể bảo đảm nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine, bất chấp sự phản đối từ một số Dân biểu tại Hạ viện ủng hộ một sửa đổi vào tháng trước sẽ tước bỏ tất cả các khoản tài trợ cho Ukraine.

“Có những tiếng nói mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa cũng như Đảng Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine để họ có những công cụ cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình,” Sullivan nói với các phóng viên.

“Vì vậy, chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ sẽ ở đó và sẽ được duy trì - ngay cả khi có một số tiếng nói bất đồng chính kiến ở phía bên kia lối đi, chúng tôi tin rằng về cốt lõi, vẫn có một nền tảng hỗ trợ lưỡng đảng mạnh mẽ cho chính sách Ukraine của chúng tôi và ủng hộ và bảo vệ Ukraine”.

Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell hôm thứ Hai cho biết ông kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua dự luật tài trợ bổ sung để tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Và Sullivan nói rằng chính quyền đã liên lạc với các đại diện ở Kyiv, cũng như các đồng minh và đối tác, rằng họ “tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở đó như chúng tôi đã cam kết ở đó chừng nào còn cần thiết.”

Thăm dò ý kiến: Hầu hết người Mỹ phản đối Quốc hội cho phép tài trợ bổ sung để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, theo một cuộc thăm dò gần đây của CNN do SSRS thực hiện, khi công chúng chia rẽ về việc liệu Hoa Kỳ đã làm đủ để hỗ trợ Ukraine hay chưa.

Nhìn chung, 55% cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ không nên cho phép tài trợ thêm để hỗ trợ Ukraine so với 45% cho rằng Quốc hội nên cho phép tài trợ như vậy. Và 51% nói rằng Hoa Kỳ đã làm đủ để giúp Ukraine, trong khi 48% nói rằng họ nên làm nhiều hơn nữa. Một cuộc thăm dò được tiến hành trong những ngày đầu của cuộc xâm lược của Nga vào cuối tháng 2 năm 2022 cho thấy 62% cảm thấy lẽ ra Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn nữa.

9. Tổng thống Lithuania thăm Kyiv trước lễ kỷ niệm Ngày Độc lập Ukraine

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda đang thăm Ukraine trước lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của đất nước vào hôm thứ Năm.

Lithuania là nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh và đã thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ để chống lại Nga. Trong một bài đăng hôm thứ Tư trên X, trước đây gọi là Twitter, Nausėda đã chia sẻ một bức ảnh chụp ông đến Kyiv bằng tàu hỏa.

“Trở lại Kyiv để kỷ niệm Ngày Độc lập của Ukraine cùng với đất nước Ukraine anh em. Chiến thắng của Ukraine đã gần kề!” ông viết.

Người Ukraine sẽ kỷ niệm ngày tuyên bố độc lập năm 1991 của nước này vào thứ Năm, một năm sau khi Kyiv cấm tổ chức lễ kỷ niệm vì lo ngại các cuộc tấn công của Nga.

10. Quan chức Ukraine cho biết Nga đánh bom trường mẫu giáo ở Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 23 tháng Tám, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết sáu người bị thương sau khi lực lượng Nga thả bom dẫn đường xuống một trường mẫu giáo và các tòa nhà dân cư ở thành phố Kherson phía nam Ukraine.

Ông cho biết thêm: “Cuộc tấn công đã gây ra một đám cháy và nhanh chóng được lính cứu hỏa dập tắt”.

Kherson, thành phố có khoảng 300.000 dân trước khi bị Nga xâm chiếm, đã bị lực lượng Nga chiếm giữ vào tháng 3 năm ngoái. Thành phố tiền tuyến này được lực lượng Ukraine giải phóng khoảng 8 tháng sau đó và kể từ đó liên tục hứng chịu các cuộc tấn công của Nga.

11. Ukraine cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga làm hư hại cơ sở lưu trữ và vận chuyển ngũ cốc gần sông Danube

Các quan chức Ukraine hôm thứ Tư cho biết Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một kho chứa ngũ cốc và cơ sở vận chuyển tàu chở hàng gần sông Danube ở khu vực Odesa phía nam Ukraine.

Hội đồng thành phố Odesa cho biết lực lượng cứu hỏa đã ngăn chặn được ngọn lửa nhưng vụ tấn công đã làm hư hại một khu phức hợp sản xuất và trung chuyển.

Nhà lãnh đạo quân đội khu vực Oleh Kiper cho biết không có thương vong nào được báo cáo.

Một số bối cảnh: Các cảng nhỏ trên sông Danube đã trở nên quan trọng đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải vào tháng trước. Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng Nga đang cố tình tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng trên sông, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu - gây ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực ở các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào ngũ cốc của Ukraine.

12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Tính đến giữa tháng 8 năm 2023, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục sử dụng cầu phao tại các điểm giao nhau Chonhar và Henichesk trên biên giới giữa miền nam Ukraine và Crimea bị tạm chiếm.

Cả hai cây cầu cố định đều bị hư hại do các cuộc tấn công chính xác của Ukraine vào đầu tháng 8 năm 2023.

Những cây cầu phao khó có thể chịu được đầy đủ dòng xe hạng nặng chở đạn dược và vũ khí ra mặt trận.

Hậu quả là có những nút thắt cổ chai khiến lực lượng Nga phụ thuộc một phần vào tuyến đường dài chuyển hướng qua Armiansk, phía bắc Crimea. Điều này đang tạo thêm căng thẳng cho mạng lưới hậu cần của Nga ở phía nam.

13. Các phi trường ở Mạc Tư Khoa hoạt động bình thường sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine, các quan chức Nga cho biết

Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cho biết các phi trường ở khu vực Mạc Tư Khoa đang hoạt động bình thường sau khi các chuyến bay tạm thời bị hạn chế suốt buổi sáng hôm thứ Tư “để bảo đảm an toàn cho máy bay dân dụng”.

“Do hạn chế sử dụng không phận, hai máy bay đã đáp xuống các phi trường thay thế. Hành khách của các chuyến bay này sau đó đã được chuyển đến các phi trường nơi đến”, cơ quan này cho biết.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine, vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công trên không nhằm vào thủ đô của Nga khiến các chuyến bay bị gián đoạn và khiến cuộc chiến trở về nhà với người Nga.

14. Putin nói với các quốc gia Phi Châu rằng Nga có thể thay thế Ukraine trở thành nhà cung cấp ngũ cốc

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cho biết Nga sẽ vẫn là “nhà cung cấp có trách nhiệm” lương thực và ngũ cốc cho các nước Phi Châu và có thể thay thế Ukraine trở thành nhà cung cấp ngũ cốc quốc tế, trong bài phát biểu được thu hình trước hội nghị thượng đỉnh của các nước Brics ở Nam Phi.

Ông ta nói: “Nga đã bị cáo buộc là cố tình cản trở việc cung cấp ngũ cốc và phân bón ra nước ngoài, đồng thời bị đổ lỗi là đạo đức giả cho tình hình khủng hoảng hiện nay trên thị trường thế giới.”

Chúng tôi đã nhiều lần lưu ý rằng trong một năm theo thỏa thuận, tổng cộng 32,8 triệu tấn hàng hóa đã được xuất khẩu từ Ukraine, trong đó hơn 70% đã đến các nước có thu nhập trung bình và cao, bao gồm cả Liên minh Âu Châu … chỉ khoảng 3% đã đến các nước kém phát triển nhất, dưới 1 triệu tấn.

Tôi đã nhiều lần nói rằng đất nước của chúng tôi có khả năng thay thế ngũ cốc của Ukraine cả về mặt thương mại và viện trợ miễn phí cho các quốc gia đang gặp khó khăn, đặc biệt là vì vụ thu hoạch của chúng tôi một lần nữa được dự đoán sẽ bội thu trong năm nay.

Ông Putin cũng cho biết việc sử dụng đồng đô la Mỹ trong thương mại giữa các quốc gia Brics đang giảm đi, khi các quốc gia chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia và tránh xa đồng đô la trong một “quá trình phi đô la hóa không thể đảo ngược”.

Trong video từ hội nghị thượng đỉnh Brics ở Nam Phi, ông nói: “Tỷ trọng hoạt động xuất nhập khẩu bằng đô la Mỹ trong Brics đang giảm. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là 28,7% và trên thực tế, hội nghị thượng đỉnh này nhằm thảo luận chi tiết về toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa năm quốc gia của chúng ta.”

“Ngân hàng phát triển Brics mới, vốn đã trở thành một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho các thể chế phát triển phương Tây hiện có vai trò to lớn trong những nỗ lực này,” Putin nói

15. Lãnh đạo Ba Lan nói Nga đang chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus

Tổng thống Ba Lan cho biết Nga đang trong quá trình chuyển một số vũ khí hạt nhân tầm ngắn sang nước láng giềng Belarus.

Andrzej Duda cho biết động thái này sẽ thay đổi cấu trúc an ninh của khu vực và toàn bộ liên minh quân sự Nato, Associated Press đưa tin.

Duda đã đưa ra bình luận của mình sau một cuộc họp với tổng thống Bồ Đào Nha, Marcelo Rebelo de Sousa. “Tôi đã nói với Tổng thống Sousa về việc thực hiện các tuyên bố của Vladimir Putin rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được chuyển đến lãnh thổ Belarus. Thật vậy, quá trình này đang diễn ra, chúng tôi đang thấy điều đó.”

Tháng trước, ông Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko cho biết Mạc Tư Khoa đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus sau khi công bố kế hoạch vào tháng 3.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đã lên án những luận điệu của Mạc Tư Khoa là “nguy hiểm và liều lĩnh”, nhưng hồi tháng 7 cho biết liên minh chưa nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường và có tầm bắn ngắn.
 
Biến lớn: Bạo chúa ra tay - Trùm Wagner Prigozhin đã ra người thiên cổ sau khi Nga bắn hạ máy bay
VietCatholic Media
18:15 23/08/2023


1. Bạo chúa ra tay: Trùm Wagner Prigozhin được báo cáo đã ra người thiên cổ sau khi lực lượng Nga bắn hạ máy bay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Chief Prigozhin Reported Dead After Russian Forces Shoot Down Plane”, nghĩa là “Trùm Wagner Prigozhin được báo cáo đã chết sau khi lực lượng Nga bắn hạ máy bay.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Tập đoàn Wagner, được cho là nằm trong số 10 hành khách thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay hôm thứ Tư.

Theo cơ quan truyền thông nhà nước Nga Tass, một máy bay thương mại tư nhân đã rơi ở vùng Tver khi nó đang đi từ Mạc Tư Khoa đến St. Petersburg. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga hoặc quốc tế, gọi tắt là EMERCOM, được trích dẫn là nguồn xác nhận vụ tai nạn và số người thương vong.

BBC đưa tin Prigozhin đã có mặt trên máy bay. Video về vụ việc đã lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội bao gồm X, trước đây là Twitter, cho thấy một chiếc máy bay lao thẳng xuống đất và bốc lên một đám khói đen.

Kênh điện tín Gray Zone, liên kết với Tập đoàn bán quân sự Wagner và lính đánh thuê của nhóm này, cho biết chiếc máy bay được cho là đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ. Chiếc máy bay được mô tả là máy bay thương mại Embraer Legacy 600 với số ghi danh RA-02795, được cho là của Prigozhin.

Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin còn một chiếc máy bay nữa. Chiếc máy bay tư nhân thứ hai của Prigozhin, Embraer ERJ-135BJ Legacy 650 với số hiệu RA-02748 đã được xác định trên radar “đang bay trên bầu trời Mạc Tư Khoa”. Ngay sau đó, nó được cho là đã hạ cánh xuống Sân bay Kinh doanh Quốc tế Ostafyevo gần Mạc Tư Khoa. Không thấy Prigozhin rời khỏi chiếc máy bay.

Theo Gray Zone, chiếc máy bay đầu tiên biến mất khỏi radar lúc 6h20 chiều giờ địa phương và các nhân viên điều phối không thể liên lạc được với phi hành đoàn trên máy bay. Các kiểm soát viên không lưu sau đó đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Nga và các đơn vị phòng không.

Trung tướng Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Hertling đã giới thiệu Newsweek với bài đăng của ông trên X.

Hertling viết: “Những người phản ứng với việc Prigozhin *có thể* có mặt trên chiếc máy bay bị bắn rơi cần phải hiểu ‘lòng trung thành’ (vì anh ta được trả lương hậu hĩnh) mà anh ta có được từ những người lính của mình”. “Sự ủng hộ của Putin đang dần suy giảm ở Nga...điều này sẽ không giúp ích được gì cho hàng nghìn người Wagnerite và gia đình họ.”

Phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài nói với Newsweek rằng họ đã biết về các báo cáo và theo dõi tình hình, từ chối đưa ra các bình luận khác.

Dmitry Gorenburg, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nói với Newsweek rằng mặc dù Prigozhin có thể đã ở trên chiếc máy bay thứ hai hạ cánh an toàn nhưng ông đưa ra dự đoán 80% rằng chỉ huy Wagner đã chết và hệ thống phòng không của Nga đã gây ra điều đó..

Prigozhin và cựu đồng minh lâu năm của Nga, Vladimir Putin đã hợp tác cùng nhau trong các nỗ lực chiến tranh của Nga chống lại Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Nhưng sự bất bình ngày càng gia tăng giữa các lực lượng quân sự và các nhà lãnh đạo của Nga với Prigozhin và các chiến binh của ông đã dẫn đến một cuộc chiến tranh ngắn ngủi 24 năm. - cuộc binh biến diễn ra vào ngày 23 và 24 tháng 6 dẫn đến rạn nứt lớn giữa Điện Cẩm Linh và lính đánh thuê.

Cuộc binh biến đã dẫn đến một thỏa thuận thương lượng giữa cả hai bên, theo đó Prigozhin và người của ông ta sẽ tìm nơi ẩn náu ở Belarus, với sự cho phép của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Tuy nhiên, quá trình lưu vong đó không bao giờ thành hiện thực vì Prigozhin vẫn ở Nga. Theo Kyiv Post, một “Cuộc tuần hành công lý” lần thứ hai sẽ được các chiến binh Wagner tổ chức nếu cái chết được đồn đại của Prigozhin được xác nhận.

Gorenburg nói: “Có một điều, theo thỏa thuận, anh ta không được có mặt ở Nga. Nếu anh ta ở trên máy bay bay từ Mạc Tư Khoa đến St. Petersburg, người ta có thể cho rằng điều đó vi phạm thỏa thuận. Điều đó có khả năng bị xoay chuyển—không phải bởi chính phủ, tôi không nghĩ chính phủ Nga sẽ tham gia vào việc này—mà là một số nhà bình luận trên Telegram và những thứ tương tự. Họ có thể bắt đầu nói rằng anh ta đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi không rời khỏi Nga.”

Các báo cáo chưa được xác nhận cũng nói rằng Dmitry Utkin, một chỉ huy cấp cao và là đồng minh thân cận của Prigozhin, cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Gorenburg nói: “Nếu điều đó là sự thật và cả hai đều đã chết thì việc Wagner có thể tiếp tục hoạt động như một tổ chức độc lập hay không sẽ trở nên đáng nghi ngờ hơn nhiều”. “Chúng có thể bị thu hẹp bởi các công ty quân sự tư nhân khác mà Bộ Quốc phòng Nga hoặc tình báo quân đội Nga kiểm soát tốt hơn. Đó có thể là tương lai.”

Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, đăng trên X rằng cái chết của Prigozhin là “có thể đoán trước được”.

Prigozhin, trong một video do kênh Grey Zone tung ra, vừa hé lộ một “sứ mệnh” mới ở Phi Châu liên quan đến lính đánh thuê của anh ta và dấu chân mở rộng.

2. Wagner công bố video về vụ tai nạn máy bay được cho là đã lấy mạng Prigozhin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Releases Video of Plane Crash That Reportedly Killed Prigozhin”, nghĩa là “Wagner công bố video về vụ tai nạn máy bay được cho là đã lấy mạng Prigozhin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một kênh Telegram liên kết với Tập đoàn Wagner đã chia sẻ một số video trên mạng xã hội vào chiều thứ Tư mô tả vụ tai nạn máy bay chết người ở Nga được cho là đã giết chết lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin.

Theo cơ quan truyền thông nhà nước Nga Tass, Prigozhin được cho là nằm trong số 10 hành khách thiệt mạng trong vụ tai nạn hôm thứ Tư khi một máy bay thương gia tư nhân rơi ở vùng Tver khi nó đang đi từ Mạc Tư Khoa đến St. Petersburg. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga hay trên bình diện quốc tế là EMERCOM được coi là nguồn xác nhận vụ tai nạn và số người thương vong. BBC đưa tin Prigozhin đã có mặt trên máy bay.

Kênh Telegram liên kết với Wagner The Grey Zone đã cáo buộc phòng không Nga bắn hạ máy bay, nhưng Nga chưa nhận trách nhiệm về vụ tai nạn.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin qua email để yêu cầu bình luận. Grey Zone đã chia sẻ hình ảnh của chiếc máy bay phản lực và một số video trên Telegram vào chiều thứ Tư, đồng thời nói thêm rằng chiếc máy bay đã biến mất khỏi radar ngay trước khi bị rơi.

Các video mô tả các giai đoạn khác nhau của vụ tai nạn, trong đó có một video cho thấy chiếc máy bay lao thẳng xuống bầu trời, sau đó là một vệt khói. Những người quay phim thảm kịch đã hét lên kinh ngạc khi chiếc máy bay tăng tốc trong khi lao vút qua bầu trời trước khi biến mất khỏi tầm nhìn sau hàng cây. Chiếc máy bay dường như bị mất một cánh khi biến mất khỏi bầu trời.

Một đoạn video khác cho thấy chiếc máy bay nằm trên mặt đất khi khói bốc lên từ đống đổ nát đang bốc cháy. Một số bức ảnh còn cho thấy chiếc máy bay đổ nát vẫn đang bốc cháy sau vụ tai nạn.

“Chiếc máy bay kinh doanh Embraer Legacy 600 có số ghi danh RA-02795, thuộc về Yevgeny Prigozhin, đã bị hỏa lực phòng không của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga bắn hạ ở quận Bologovsky của vùng Tver,” kênh Telegram của quân Wagner viết.

Mối quan hệ giữa Prigozhin và Putin ngày càng căng thẳng vào mùa hè này. Sự phẫn nộ của Nhóm Wagner liên quan đến hành động của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine đã dẫn đến một cuộc binh biến ngắn ngủi vào tháng 6. Cuộc binh biến đã gây ra rạn nứt lớn giữa Điện Cẩm Linh và Tập đoàn Wagner, dẫn đến một thỏa thuận thương lượng giữa hai bên cho phép Prigozhin và lính đánh thuê tìm nơi ẩn náu ở Belarus.

Tuy nhiên, Prigozhin vẫn ở Nga.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, đã đăng lại một đoạn video trên X, trước đây là Twitter, mô tả chiếc máy bay rơi trên bầu trời. Theo bài viết, các nhân chứng cho biết có hai vụ nổ giống như hỏa tiễn bắn ra trước khi máy bay rơi.

Gerashchenko cho biết trong một bài đăng trước đó rằng chiếc máy bay đã bị cháy nghiêm trọng, cần phải khám nghiệm pháp y để xác định danh tính các thi thể bên trong.

Gerashchenko viết: “Nếu cái chết của Prigozhin được xác nhận, tôi nghĩ chúng ta có thể khá chắc chắn rằng Putin đã ra lệnh này”. “Anh ta đã không và sẽ không tha thứ cho sự sỉ nhục của Prigozhin vào tháng 6.”