Ngày 24-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật XXII thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
08:13 24/08/2016
Suy Niệm Chúa Nhật XXII THƯỜNG NIÊN C

Trong Phúc Âm, những người thuộc nhóm Biệt phái thường đối nghịch với Đức Giêsu. Họ là những người có óc nệ luật, chi ly, tự cao tự đại và nhất là giả hình. Nhiều lần, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích thói xấu của họ. Tuy nhiên, trong các thành viên của nhóm Biệt phái này vẫn có những người có cảm tình với Đức Giêsu, như ông Nicôđêmô, ông Camaliel. Đặc biệt, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Đức Giêsu đã đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Biệt phái để dùng bữa. Có rất nhiều người cũng đến đó. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất. Trong bối cảnh này, Đức Giêsu đã dạy họ hai bài học: thái độ khiêm nhường và cách mời khách dự tiệc.

1. Thái độ khiêm nhường

Có nhiều định nghĩa về sự khiêm nhường, chúng ta có thể rút ra điểm chung này: khiêm nhường là chấp nhận những sự thật về mình, là chấp nhận những ưu điểm và những khuyết điểm của mình. Cho nên, những người tự hạ thấp mình quá mức “mình có,” đó không phải là khiêm nhường. Ngược lại, những người tự đề cao mình hơn mức “mình có” thì được gọi là kiêu ngạo. Như vậy, người khiêm nhường là người có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người: luôn biết ngồi đúng chỗ, đúng vị trí của mình. Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho những người Biệt phái và mỗi người chúng ta bài học đó. Ngài nói: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này.' Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên.' Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" (Lc 14, 8-11).

Tác giả sách Huấn ca cho chúng ta biết, kẻ khiêm nhường không những được Thiên Chúa ưa thích mà còn được mọi người mến chuộng (x. Hc 3,17-20).

Đức khiêm nhường cũng là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Chúng ta thấy điều này qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18, 9-14): Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho người thu thuế vì ông khiêm nhường thú tội, còn người biệt phái không được tha thứ tội lỗi vì ông không có sự khiêm nhường, ngược lại còn tỏ thái độ kiêu ngạo, khinh thường người khác.

Kẻ khiêm nhường luôn được Chúa ban ơn, Thánh Phêrô cho chúng ta biết điều đó khi Ngài nói: “Chúa chống đối kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”(1 Pr 5,5).

Chúng ta có thể học tập đức khiêm nhường nơi Đức Giêsu. Chính Ngài đã nói: "Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng"(Mt 11,29). Thật vậy, Đức Giêsu mặc dầu là Thiên Chúa nhưng Ngài sống rất khiêm nhường. Ngài hằng vâng lời Đức Mẹ và Thánh Giuse. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã thực hiện đức khiêm nhường cách tột độ bằng việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20). Thánh Phaolô đã diễn tả sự khiêm nhường của Ngài một cách đầy đủ trong thư gửi tín hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Pl 2,6-9).

Chúng ta cũng có thể học tập đức khiêm nhường nơi Đức Maria: Vì khiêm nhường nên Mẹ đã hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa; vì khiêm nhường trong việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân; vì khiêm nhường cho nên khi được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ vẫn nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thường nhìn tới” (Lc 1,48).

Chúng ta cũng có thể học tập đức khiêm nhường nơi các thánh: Thánh Gioan Tẩy Giả đã tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng Cứu Thế; Thánh Giuse mặc dù là chủ gia đình nhưng đã khiêm nhường phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu; Khi bị khạc nhổ vào mặt, Thánh Clémentê vẫn lặng lẽ rút khăn ra lau và tiếp tục xin khẩu phần ăn cho trẻ mồ côi…Đó là những tấm gương trong muôn vàn tấm gương khiêm nhường khác mà chúng ta không thể kể hết ra đây.

Đức khiêm nhường hết sức cần thiết trong cuộc sống, nó như nền móng để xây dựng các nhân đức khác. Nói cách khác, nếu không có đức khiêm nhường thì sẽ không có các nhân đức khác. Thánh Augustino hỏi: “Con muốn lên cao? Hãy hạ mình xuống! Con muốn xây lầu thấu tới trời? Hãy lo đào móng khiêm nhường trước đã!". F. Engels thì nói: "Trang bị quý giá của con người là sự khiêm tốn và tính giản dị."

Vì vậy, mỗi chúng ta hôm nay cũng cần sống khiêm nhường noi gương Đức Giêsu, Đức Mẹ và các thánh: khiêm nhường trước mặt Chúa; khiêm nhường với tha nhân; khiêm nhường trong tư tưởng, lời nói và hành động.

2. Cách mời khách dự tiệc

Đức Giêsu không chỉ dạy cho những người Biệt phái bài học về sự khiêm nhường, mà Ngài còn dạy cho họ bài học về cách mời khách dự tiệc. Ngài nói: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”(Lc 14,13).

Thông thường khi có đám cưới hay tiệc vui, chúng ta thường chọn khách để mời: Có thể đó là những khách đã từng mời chúng ta, nay chúng ta mời lại, vì “có đi có lại mới toại lòng nhau.” Có thể đó là những anh em họ hàng thân thuộc hay làng xóm láng giềng hoặc bạn bè quen biết. Đức Giêsu không muốn chúng ta dừng lại ở đó. Vì làm như thế chỉ thể hiện được đức công bằng và những mối quan hệ bình thường trong cuộc sống. Ngài muốn chúng ta đi xa hơn. Hay nói cách khác, Ngài muốn chúng ta có lòng quảng đại, có tinh thần cho đi một cách vô vụ lợi. Vì vậy, khách chúng ta mời dự tiệc cần phải nhắm tới “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.” Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta, vì cả cuộc đời của Ngài là bài học của sự cho đi. Ngài đã chữa lành biết bao nhiêu người bị bệnh hoạn tật nguyền. Ngài đã làm phép lạ cho dân chúng khi họ đói. Tiếp nối gương của Ngài, có biết bao vị thánh đã sống hết mình vì người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù: đó là Thánh Phanxicô thành Assisi, đã từ bỏ tất cả những của cải thế gian để sống với người nghèo; đó là cha Bernard Devert ở Lyon, miền Nam nước Pháp đã sống nghèo để có tiền giúp người nghèo; đó là bác sỹ Albert Schweitzer, người Đức, đã đem hết tài năng của mình để chữa trị những người bệnh tật, nhất là những người cùi, không những chữa trị bệnh tật mà ông còn yêu thương những người xấu số đó hơn cả bản thân ông; và gần đây nhất là Mẹ Têrêsa Calutta: Mẹ đã nhìn thấy rõ ràng Chúa Kitô đau khổ đang cải trang nơi những người nghèo khổ. Mẹ xác tín rằng, khi phục vụ chăm sóc cho những người nghèo khổ là phục vụ, chăm sóc chính Đức Giêsu. Vì thế, Mẹ đã can đảm và không sợ hãi khi ôm lấy tất cả những người nghèo đói và đau khổ trong xã hội.

Noi gương Đức Giêsu, noi gương các thánh, chúng ta hãy cố gắng tạo cho mình những cơ hội để giúp đỡ những người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù. Làm như vậy, chúng ta sẽ có phúc trước mặt Chúa không những đời này và đời sau, như lời Đức Giêsu khẳng định cuối bài Tin mừng hôm nay: “Ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại" (Lc 14,14).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy các Biệt phái và mỗi người chúng con bài học về sự khiêm nhường và lòng quảng đại đối với tha nhân, xin cho mỗi người chúng con luôn ghi tâm khắc cốt bài học đó, để biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, nhất là luôn có tinh thần quảng đại với người khác, đặc biệt là với những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Thứ Nhất Khiêm Nhường
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:14 24/08/2016
Thứ Nhất Khiêm Nhường

Chúa Nhật XXII năm – C

(Lc 14, 1a.7-14)

Khiêm nhường là một đức tính đáng quý, cần phát huy của mỗi con người. Khiêm nhường sẽ giúp con người thành công một cách vững chắc nhất. Chẳng thế mà trong lịch sử nhân loại đã không có ít bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Thực tế, khiêm nhường là đặc điểm chung của các nhà lãnh đạo tuyệt vời, các vị cao sang đều mến chuộng đức khiêm nhường. Người ăn ở khiêm nhường chẳng những được người đời kính trọng mà cả Thiên Chúa cũng yêu thích kẻ khiêm nhường. Lời Chúa trong sách Huấn Ca dạy : "Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa" (Hc 3, 19-21. 30-31).

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta một bài học quan trọng là ở khiêm nhường. Người mời gọi chúng ta vượt qua thói háo danh để sống tự hạ và khiêm nhường. Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường. Khiêm nhường không có nghĩa là tự coi mình không có giá trị gì, không phải là khinh rể bản thân, hay thụ động, không dám nhận trách nhiệm. Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên.

Người khiêm nhường là người chấp nhận sự thật, nhận biết thân phận thụ tạo của mình, nhận mình là mình, có sao có vậy, những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa. Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban, và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng. Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình: tôi chưa hoàn hảo, có nhiều giới hạn, cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý...

Giữa một thế giới tự cao tự đại, kiêu ngạo, giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm đoạt, bè phái và chia rẽ, thái độ công kích, đối đầu vẫn thường bị nhầm lẫn là sức mạnh thì người khiêm nhường không được đánh giá cao; bởi người ta đánh đồng khiêm nhường với yếu đuối.

Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc cưới, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho người khác : "Đừng tìm kiếm chỗ nhất ". Chúa biết chúng ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội họp cũng như bàn ăn… Người biết ý định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta : "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất" (Lc 14,8).

Chỗ nhất là chỗ quan trọng nhất. Ta chọn ngồi chỗ nhất là vì ta thấy mình quan trọng, xứng đáng được hưởng vinh dự đó... Tiếc thay, chỗ nhất chỉ có một chứ không có nhiều, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình. Những cuộc tranh giành như thế vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia... Ở đâu có hai người trở lên là có đụng chạm, chỉ vì có một chỗ nhất. Vì thế Chúa Giêsu khuyên bảo ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11). Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, tuy có giá trị đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý và bền vững. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, còn ai tự hạ thì rồi được tôn.

Vì muốn chọn chỗ nhất, nên ngươi ta thường thích giao du với người có thế giá, có học, có của, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế mà xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, vì kém cỏi về mọi mặt. Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ ta trong việc chọn khách để mời ăn, nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Người đưa ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh, giảm bớt sự kiêu căng, nâng cao đức khiêm nhường.

Khiêm nhường sẽ giúp cho bản thân mình nhận ra rằng còn điều gì thiếu sót mà mình phải hoàn thiện, học hỏi được từ người khác nhiều điều mà mình không có. Kẻ ăn ở khiêm nhường sẽ khắc phục được rất nhiều khuyết điểm, và hoàn thiện được bản thân. Khiêm nhường luôn đi liền với sự hòa nhã, hòa đồng với mọi người, vì tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi. Còn kẻ tự mãn thì luôn thấy người khác là thấp hơn mình, không đáng học hỏi. Bởi vậy đức khiêm nhường vô cùng quan trọng, giúp cho mỗi con người chúng ta có thể thấy được rằng không có điều gì là đủ, là thừa. Càng khiêm nhường, chúng ta càng học được nhiều điều.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết ăn ở khiêm nhường để xứng đáng được Chúa yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức tin tại Thế Vận Hội Rio 2016
Vũ Văn An
09:48 24/08/2016
Đối với khá nhiều khán giả của Thế Vận Hội Rio 2016, hình ảnh xúc động nhất là hình ảnh Abbey D’Agostino của đội Hoa Kỳ đụng Nikki Hamblin của Tây Tân Lan trong vòng sơ khởi của giải chạy bộ 5,000 mét nữ. Cả hai đã té nhào. Lúc đó, D’Agostino không biết nhưng thực ra cô bị hư dây chằng chữ thập phía trước đầu gối (anterior cruciate ligament). Tuy nhiên, cô Hamblin đã dừng lại và giúp cô D’Agostino. Cả hai đã cùng nhau hoàn tất cuộc đua, dù D’Agostino rõ ràng bị thương. Cô rời sân đấu trên một chiếc xe lăn và, sau đó, không thể chấp nhận lời đề nghị của các trọng tài cho phép cả hai vận động viên được dự giải chung kết vì tinh thần mã thượng thể thao của họ.

Đó là câu truyện ai ai cũng biết và biết trong cả xúc động nước mắt nữa. Nhưng tại sao cô Nikki Hamblin đã dừng lại để giúp đỡ, trong khi các động viên khác vượt xa cô? Hãng tin Catholic News Service đã nhìn khía cạnh này, một khía cạnh thực ra không khó tìm bao nhiêu. Cô tâm sự:

“Mặc dù các hành động của tôi lúc ấy có tính bản năng, nhưng cách duy nhất tôi có thể và đã giải lý nó là: Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi cách ấy. Toàn bộ thời gian ơ đây, Người đã làm tôi cho hiểu rõ rằng trải nghiệm của tôi ở Rio sẽ không hoàn toàn chỉ là thực hiện cuộc đua, và khi Nikki đứng lên, tôi biết đúng là như thế”.

Trước đó, cô từng thuật lại việc cô trông cậy vào Thiên Chúa đã giúp cô làm dịu các lo lắng căng thẳng của cô như thế nào trước một cuộc thi đấu lớn. “Bất chấp thành quả cuộc thi đấu ra sao, tôi cũng sẽ chấp nhận nó… Tôi hết sức biết ơn và bị lôi cuốn vào điều tôi cảm thấy như là biểu hiện việc Chúa làm thực sư trong đời tôi”. Cô nói với Hanlon rằng các vết thương trước đây buộc cô “phải lệ thuộc vào Chúa một cách mà cô chưa hề sẵn sàng trước đó”.

Dĩ nhiên, truyền thông chính dòng ít khi lưu ý tới khía cạnh trên tại thế vận hội Rio 2016, chỉ họa hiếm mới có những cơ quan như Sports Illustrated. Điều này dễ hiểu. Chính D’Agostino cũng cho hay: cô rất ngại đề cập tới dức tin của mình nơi công cộng. Cô nói: “Tôi không muốn cảm thấy mình đang cải đạo và đập nó vào mặt thiên hạ. Nhưng đồng thời, nó rất chân chính, khi tôi nói tới nó. Suốt năm qua, nó đã là hành trình thực sự đối với tôi. Làm thế nào tìm được tiếng nói của mình trong lãnh vực truyền thông xã hội và thực sự sở hữu nó?”

Cô nói thêm: “Tôi nghĩ thiên hạ cảm thấy như tôi đang cố gắng rao bán nó. Tôi rất sợ điều này. Tôi không muốn là người rao bán Kitô Giáo. Không phải như thế. Sự thật của Thiên Chúa có thể tự đứng một mình. Nó không cần được rao bán, trong tâm trí tôi, nó chân thực… Nhưng rất khó trình bầy các niềm tin của mình một cách vừa linh hứng, vừa khích lệ và dịu dàng, và đây là cách tôi muốn tiếp nhận nó. Và đó cũng là cách tôi đã tiếp nhận nó”.

Theo Terry Mattingly, chỉ có hai trang mạng là đã cố gắng lập danh sách một số câu truyện tôn giáo trong Thế Vận Hội Rio. Trang mạng đầu tiên là trang mạng Công Giáo Aleteia với bài “10 vận động viên thế vận không sợ chia sẻ đức tin của mình”. Mười vận động viên này cho thấy: “trong khi họ cố gắng khép thân xác họ vào kỷ luật để đoạt huy chương vàng, họ vẫn không quên nuôi dưỡng linh hồn họ bằng của ăn thiêng liêng”.

Trong bài báo trên, ký giả Philip Kosloski, ngoài D’Agostino đã nói trên đây, đã liệt kê 9 vận động viên khác:

a) David Boudia và Steele Johnson, huy chương bạc nhào lộn đồng bộ 10 mét nam. Sau khi đoạt giải, Boudia nói thế này: “Có một lượng áp lực rất lớn. Tôi cảm thấy thế… Đây chẳng qua là cuộc khủng hoảng căn tính. Khi tâm trí tôi để ý tới việc nhào lộn này, và nghĩ rằng mình được xác định bởi nó, tâm trí tôi hết sức phấn khích. Nhưng cả hai chúng tôi biết rằng căn tính của chúng tôi là ở nơi Chúa Kitô, và chúng tôi rất biết ơn được dịp may này để nhào lộn trước mặt Bâ Tây và Hoa Kỳ”. Cũng nên biết, Boudia từng trình bầy đức tin của anh trong một cuốn sách mới đây, tựa là “Greater Than Gold: From Olympic Heartbreak to Ultimate Redemption”.

b) Simone Manuel – Ngay sau cuộc đua bơi tự do 100 mét, được NBC phỏng vấn, Manuel đã trả lời như sau: “Tôi chỉ muốn nói: Vinh danh Thiên Chúa, chắc chắn đây là một một hành trình dài trong bốn năm qua… và tôi rất diễm phúc được huy chương vàng”. Cô không sợ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (tweeter và Instagram) của mình để chia sẽ xác tín Kitô Giáo của mình, trích dẫn Thư Philiphê 4:13 (Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết) và viết thêm: “Vinh Danh Thiên Chúa! Người Tuyệt diệu xiết bao! Tôi cực kỳ diễm phúc”.

c) Brianna Rollins, sau khi đoạt huy chương vàng giải chạy vượt trở ngại 100 mét nữ, đã nói với NBC: “Tôi luôn giữ Thiên Chúa ở hàng đầu và liên tục để Người hướng dẫn tôi qua vòng thi đấu này… Sáng nay, chúng tôi (với đồng hương Nia Ali huy chương bạc và Kristi Castlin huy chương đồng của cùng một giải) đã tổ chức một vòng cầu nguyện và để Người hiện diện giữa chúng tôi… xin Người giúp chúng tôi đến đây và tiếp tục vinh danh Người và làm hết sức như mình có thể và đó là điều chúng tôi đã làm”. Trên phương tiện truyền thông xã hội, cô viết: “tôi muốn phá kỷ lục thế giới và chiếm huy chương vàng, nhưng tôi cũng muốn được biết đến như một vận động viên muốn vinh danh Thiên Chúa bằng cách thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình”.

d) Usain Bolt của Jamaica: “Người đàn ông nhanh nhất thế giới” không nói, mà chỉ chứng tỏ đức tin bằng cử chỉ. Anh thường làm dấu Thánh Giá trước mỗi cuộc thi và hãnh diện đeo ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ quanh cổ. Sau mỗi cuộc thi đấu, anh thường một tay để trên ngực, một tay chỉ thẳng lên trời. Nhiều người không hiểu biểu tượng này. Thực ra tay trên ngực chỉ vào mẫu ảnh Đức Mẹ hay làm phép lạ. Tay chỉ lên trời là chỉ Chúa Giêsu, có ý nói đến thành ngữ tuyệt diệu đã trở thành cổ diển: Per Mariam ad Jesum (Qua Maria đến với Giêsu). Hãng tin Catholic News Agency vừa tường trình rằng “Toà Thánh mời Usain Bolt nói chuyện tại Đại Hội bàn về Tự Do Tôn Giáo. Hãng này đưa tin thêm: “Là một người Công Giáo, Bolt nổi tiếng đã làm dấu Thánh Giá mỗi lần thi đấu. Anh còn mang tên đệm (Thánh) Lêô”.

e) Missy Franklin (Mỹ), dù không đạt thành tích bơi lội tại Rio, nhưng đức tin của cô đã giúp cô nhìn ra mặt tích cực của sự vật. Trước đó, cô có cho các phóng viên biết về đức tin của cô: “Các trải nghiệm của tôi tại Trung Học Regis Jesuit tuyệt đối đã tác động lên cuộc sống tâm linh của tôi rất nhiều cách. Tôi đang xem xét việc trở lại Công Giáo; hiện tôi là người Thệ Phản… Lúc đến Trung Học Regis Jesuit, đức tin của tôi chưa phải là khía cạnh lớn lao lắm trong đời tôi. Nhưng khi theo lớp thần học đầu tiên, đi dự Thánh Lễ, tham gia các buổi tĩnh tâm thứ nhất, tôi bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa quan trọng xiết bao trong đời tôi và tôi yêu mến Người và cần Người biết chừng nào”.

f) Katie Ledecky, siêu sao Mỹ, chiếm 5 huy chương bơi lội tại Thế Vận Rio, trong đó có 4 huy chương vàng. Trước khi đi Rio, cô nói với các phóng viên: trước mỗi cuộc thi, cô đều cầu nguyện “Tôi luôn đọc một hoặc hai kinh trước mỗi cuộc thi đấu. Kinh Kính Mừng là lời kinh đẹp đẽ và tôi thấy kinh này làm tôi thanh thản”. Cô cho rằng việc cô học trường Công Giáo đã góp phần vào thành công của cô ở hồ bơi lẫn ở trong đời.

g) Simone Biles, Mỹ, 4 huy chương vàng, 1 huy chương đồng, giải thể dục thẩm mỹ tại Rio 2016. Trong một cuộc phỏng vấn trước Thế Vận Hội, ký giả yêu cầu cô dốc túi xách ra xem có bí quyết thành công nào không, thì ỡ giữa các vật dụng lỉnh kỉnh, người ta thấy cỗ tràng hạt trắng. Biles giải thích “Má Nellie của em cho em cỗ tràng hạt này ở nhà thờ. Em không dùng nó để cầu nguyện trước một cuộc thi đấu. Em chỉ cầu nguyện bình thường ở trong lòng, nhưng em mang theo nó lỡ cần”.

h) Michael Phelps, Mỹ, vận dộng viên bơi lội vĩ đại nhất trong lịch sử bơi lội xưa nay với tổng số 23 huy chương vàng, hơn tổng số huy chương vàng của Việt Nam đến 23 lần! Anh là một người đã thay đổi, vứt bỏ hẳn bề ngoài thiếu chín chắn của mình, và khởi đầu dành lại đời mình cho Chúa Kitô. Anh được biến đổi nhờ đọc cuốn The Purpose Driven Life của Mục Sư Rick Warren, mà hậu vệ Ray Lewis của Đội Baltimore Ravens tặng cho. Phelps không những đọc cuốn sách này; anh còn bắt đầu chia sẻ nó với người khác, đến độ có biệt danh là “Giảng Viên Mike”.

Trang mạng thứ hai là trang mạng bảo thủ Newsbusters. Trang mạng này cung cấp tới 15 vận động viên gây cảm hứng tôn giáo qua bài Be Inspired by the Olympic Faith of These 15 Christian Athletes. Trong đó, ngoài những người trùng với danh sách của Aleteia, Newsbusters liệt kê những người sau đây:

i) Jenny Simpson –1 huy chương đồng giải chạy bộ 1,500 mét. Cô viết trên trang mạng Beyond the Ultimate: “Trong đời tôi, Chúa Kitô là Đấng thường hằng kỳ diệu vì Người luôn luôn như một, Người không bao giờ biến đổi, và giá trị tôi có được, khi tôi nhìn đời tôi qua đôi mắt của Người và thấy giá trị Người ban cho tôi, điều này cũng không thay đổi. Bất kể tôi là một vận viên vĩ đại hay quyết định về hưu và trở thành một bà mẹ, hay nếu tôi muốn có một nghề nghiệp khác, giá trị của tôi đều không thay đổi”.

j) Trayvon Bromell – điền kinh: Anh nói với tờ Tampa Bay Times: “Không có Thiên Chúa, không có đức tin, tôi đã không có khả năng chạy điền kinh. Đó chính là điều giúp tôi đạt tới điểm này. Tôi có nhiều cuộc chiến đấu, không những trên sân, mà còn ở trong đời nữa. Bây giờ, tôi muốn dùng vị trí hiện nay để chứng tỏ cho người khác thấy bạn có thể đạt được một điều gì đó”.

k) Maya DiRado – Bơi lội (2 huy chương vàng, 1 bạc, 1 đồng): Cô nói với tờ Christianity Today: “Tình yêu Chúa Giêsu dành cho tôi và toàn thể nhân loại là điều luôn giúp tôi yêu thương người chung quanh tôi tốt hơn khi sự việc trở nên khó khăn. Còn về nghề bơi của tôi, đức tin đã giúp tôi nhớ rằng còn nhiều điều quan trọng hơn đáng làm ở trong đời. Bơi lội là một sinh hoạt khá ích kỷ, và do đó, tôi luôn biết rằng nó không thể là cả thế giới của tôi”.

l) Jordan Burroughs – Đấu vật: anh viết trên blog riêng của mình: “Tôi tin rằng đức tin là khía cạnh quan trọng nhất của môn thể thao của ta và đời của ta. Là một người thi đấu, ngày đầu tiên chúng ta mang đôi giầy đấu vật và bước vào vòng trong và bắt tay nhau, ta cần đức tin trước khi thắng bất cứ giải nào. Tôi là người mạnh mẽ tin Chúa Kitô”.

m) Gwen Jorgensen – Ba môn phối hợp (1 huy chương vàng). Cô từng nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng bạn phải luôn lấy Thiên Chúa làm tiêu điểm của bạn và biết rằng Người là số một. Khi bạn làm như thế, nó sẽ giúp bạn có được viễn ảnh về mọi sự ở trong đời, không chỉ là môn thể thao dai sức”.

m) Laurie Hernandez – Thể dục (1 huy chương vàng, 1 bạc). Cô viết: “Tôi cảm thấy mỗi ngày Thiên Chúa đều nắn tôi thành một ai đó theo ý Người muốn tôi trở nên. Do đó, (tôi cảm thấy) điều này có nghĩa (Người muốn tôi) nói với đồng đội hay giúp họ thoát bí, hay năng đăng tải một câu Thánh Kinh nào đó lên Twitter hay Instagram. Có một câu tôi mới đăng tải gần đây và tôi nghĩ đây là một câu tôi ưa thích. Đó là câu Châm Ngôn 31:25 – “Trang phục của nàng là quyền uy danh giá, nàng mỉm cười khi nghĩ đến tương lai”- khi tôi nghe câu này, đó chính là tôi trong đó. Tôi không sợ tương lai nữa”.

n) DeAndre Jordan – Bóng rổ (1 huy chương vàng). Anh viết trên tờ The Cauldron: “Bạn thấy đó, điều kỳ diệu nhất về việc có đức tin và tin là: một khi bạn đã hiến mình cho Chúa, bạn có thể sống tự do. Bạn sẽ không cần phải lo âu điều gì đã xẩy ra, điều gì sẽ xẩy đến, hay điều gì bạn muốn xẩy ra nữa; bạn chỉ cần là một người tốt và chăm chỉ làm việc, vì bạn biết Thiên Chúa đã có kế hoạch dành cho bạn”.

o) Allyson Felix – Điền Kinh (2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc). Cô viết trên Instagram: “Đêm qua không kết thúc như tôi mong ước. Tôi thất vọng. Nhưng rồi tôi mau chóng được nhắc tới muôn vàn lý do để tự hào, biết ơn và cám ơn. Tôi đã đấu tranh gian khổ hết sức mình và hiến tặng mọi sự. Tôi hết sức tự hào vì chưa bao giờ từ bỏ các mơ ước của mình dù gặp nghịch cảnh. Nay tôi hết sức khiêm cung vì đã trở thành nữ vận động viên thế vận hội nhiều huy chương nhất trong lịch sử Điền Kinh Hoa Kỳ. Mọi Vinh danh dâng lên Thiên Chúa!”

p) Brady Ellison – Bắn cung (1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng). Đàm đạo với Belief Net, anh nói: “Thư Philiphê 4:13 viết: ‘tôi có thể làm mọi sự nhờ Chúa Kitô củng cố tôi’. Khi đã đặt việc thắng cuộc vào tay Thiên Chúa, tôi không còn lo lắng gì nữa. Tôi chỉ đơn giản đến dự cuộc thi và thi bắn không chút sợ sệt, chỉ ráng làm tốt nhất bao nhiêu có thể còn mọi sự khác tùy ở Thiên Chúa”.

r) English Gardner – Điền kinh (1 huy chương vàng). Sau cuộc đua 100 mét đầy thất vọng, Gardner nói: “đến cuối ngày, (tôi thấy) mình có phúc. Điều duy nhất tôi nghĩ được là: rất nhiều người không đạt tới vị thế của tôi. Được tham dự vòng chung kết thế vận, có thể tham dự việc tranh giải. Quả là diễm phúc mới được như vậy. Thiên Chúa có sẵn kế hoạch cho tôi nhưng chẳng may chưa phải là năm nay”.

s) Michelle Carter – Điền kinh (1 huy chương vàng). Cô viết trên blog của mình: “Kế sách của Thiên Chúa dành cho đời bạn khác với kế sách bạn đặt ra cho đời bạn. Việc biết rằng Người (là Đấng) có tiếng nói sau cùng đã dành chỗ cho nhiều thay đổi. Bạn hãy chạy theo dòng, vì điều Người không bao giờ làm là bỏ rơi bạn giữa dòng”.

t) Maya Moore – Bóng rổ (1 huy chương vàng). Cô viết trên trang mạng Beyond the Ultimate: “Quả là một hành trình vĩ đại được sống và thấy kỳ hạn hoàn hảo của Thiên Chúa mở ra, và tôi vẫn đang lớn lên. Trong bức tranh vĩ đại, Thiên Chúa sắp sửa làm điều Người muốn làm trong đời tôi, và Người đã vẽ đường cho tôi đi, ban cho tôi nhiều dịp may nực cười… Tôi cũng đã cố gắng hết sức mình, tiếp nhận các hồng phúc Người ban cho và sống trọn vẹn trong tất cả các hồng phúc này. Tôi cố gắng trở thành một ai đó làm điển hình cho một nền đạo đức làm việc vĩ đại nhưng đồng thời biết vui hưởng cuộc hành trình”.

Fiji, hình ảnh đức tin sáng ngời nhất

Tuy nhiên, hình ảnh đức tin sáng ngời nhất của Thế Vận Hội Rio 2016 phải dành cho đội bóng bầu dục gọi là “Rugby Seven” (Bầu Dục Bẩy Người). Theo CNN, dù đội bóng Bầu Dục Bẩy Người của Fiji đã nổi danh từ lâu, nhưng đến mãi năm 2016, lần đầu tiên họ mới đem vinh dự Huy Chương Vàng Thế Vận lại cho đất nước thân yêu của họ, đem lại một cách vẻ vang, bằng cách thắng đội Anh với tỷ số 43-7!

Thủ quân Osea Kolinisau sập qùy giữa sân đấu và câu anh phát biểu đầu tiên là: “Tôi chỉ biết cảm tạ Chúa đã chúc phúc cho chúng tôi và ban cho chúng tôi dịp may thắng cuộc tại vận đồng trường siêu thể thao là Thế Vận Hội này… Tôi chưa bao giờ mơ ước được là một vận động viên thế vận, huống chi là một người thắng giải, huống chi là một người thắng huy chương vàng. Nên tôi chỉ còn biết tạ ơn trên vì cuộc hành trình Người đã đem tôi theo”.

CNN không tường trình cảnh các danh thủ Fiji, nước mắt vui đầm đìa, ôm nhau cùng hát bài hát sau bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Fiji:

Chúng ta đã thắng

Chúng ta đã thắng

Bằng máu Chiên Con

Và bằng Lời Chúa

Chúng ta đã thắng


Và từng người một, họ đã qùy cả hai đầu gối để lãnh huy chương vàng thế vận, một hình ảnh chưa bao giờ thấy ở bất cứ thế vận hội nào trong lịch sử. Một khán giả khi được mục kích hình ảnh sáng ngời này đã nhận định: “Bóng bầu dục là môn thể thao thô bạo được chơi bởi những người hiền hòa này. Cuộc chơi của họ vô sánh nhưng bài ca của họ… quả là một giây phút siêu việt diệu kỳ không ai ngờ được!”
 
Chủ Tịch HĐ Giám Mục Hoa Kỳ mời gọi quyên tiền giúp nạn nhân lũ lụt Louisiana
Lm Peter Võ Sơn
17:40 24/08/2016
WASHINGTON D.C. - - Hôm nay, ngày 24 tháng 8 năm 2016, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz (TGM Louisville, Kentucky), Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, mời gọi quyên tiền khẩn cấp giúp đỡ các nạn nhân và các Giáo Phận Công Giáo bị ảnh hưởng lũ lụt gần đây tại Bang Louisiana. Đóng góp có thể được thực hiện trực tiếp với Catholic Charities USA (Cơ Quan Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ).

Địa chỉ gửi ngân phiếu:
Catholic Charities USA
P.O. Box 17066
Baltimore, MD 21297-1066

Dùng thẻ Visa, Master Card, Discover, hoặc American Express, xin gọi
1-800-919-9338. Thông tin chi tiết, xin vào trang web: https://catholiccharitiesusa.org/

Ngài nói rằng các trận bão gần đây ở Bang Louisiana có thể không có một cái tên, nhưng tên của những người đau khổ trong sự trỗi dậy của lũ lụt tồi tệ nhất kể từ khi cơn bão Katrina là Anh Chị Em của chúng ta. Là con cái Chúa, chúng ta giúp đỡ nhau. Tôi khuyến khích người Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ quảng đáp lời mời giúp đỡ qua cầu nguyện, hỗ trợ vật chất giúp Anh Chị Em bị bão lụt xây dựng lại cuộc sống.

Có đến 60.000 ngôi nhà bị hư hỏng, gần 20.000 người được cứu từ các trận nước lũ. Hơn 106.000 cá nhân và gia đình đang tìm sự giúp đỡ viện trợ của Liên Bang. Nước lũ đã khiến hàng nghìn gia đình mất mát của cải trần thế, làm cho họ cảm thấy bị cô lập và sợ hãi. Trước mắt và lâu dài nhu cầu ổn định đời sống là một khó khăn không nhỏ. Chúng ta hãy đến gần với họ.

Với trọng trách là Chủ Tịch HĐGMHK, Đức Tổng Giám Mục Kurtz kêu gọi quyên góp tài chánh khẩn cấp, hoặc vào Chúa Nhật ngày 18 tháng 9 để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo của Catholic Charities USA; Hỗ trợ mục vụ và xây dựng lại các Giáo Phận Công Giáo bị ảnh hưởng bão lụt. Cùng với Giáo Hội giúp đỡ Anh Em khó khăn như một nhân chứng sự hiện diện chữa lành của Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.
Ngài nói thêm rằng có thể hiểu, không phải mọi giáo xứ nào cũng tham gia, nhưng cá nhân cũng có thể đóng góp trực tiếp đến Catholic Charities USA. Cho dù đóng góp của quý Ông Bà và Anh Chị Em là lớn hay nhỏ, chúng ta chắc chắn rằng Anh Chị Em bị bão lụt cảm thấy sức mạnh lời cầu nguyện của chúng ta để họ gắng khắc phục những ngày khó khăn phía trước.
 
Video ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất tại miền trung Italia
VietCatholic Network
22:54 24/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Chính vì tai nạn này nên trong buổi tiếp kiến chung mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô ĐTC đã không đọc bài giáo lý chuẩn bị cho buổi tiếp kiến, nhưng ngài đã chia buồn với các nạn nhân và mời mọi người cùng ngài lần hạt vài chục kinh sự Thương để cầu nguyện cho các nạn nhân. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Tôi đã chuẩn bị bài giáo lý hôm nay, như tất cả mọi thứ tư của Năm Thánh Lòng Thương Xót, về đề tài sự gần gũi của Chúa Giêsu, nhưng trước tin động đất xảy ra trong vùng Trung Italia, tàn phá toàn vùng và để lại các người chết và bị thương, tôi không thể không bầy tỏ nỗi đau đớn lớn lao và sự gần gũi của tôi với tất cả những người hiện diện trong các nơi bị động đất, và tất cả những người đã mất thân nhân và những người còn cảm nhận nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Nghe ông thị trưởng Amatrice nói “Quê hương tôi không còn nữa” và biết rằng giữa các người chết cũng có các trẻ em, tôi thật xúc động biết bao.

Chính vì vậy tôi muốn bảo đảm với tất cả các anh chị em này – tại Accumoli, Amatrice trong giáo phận Rieti và Ascoli Piceno và toàn vùng Lazio, vùng Umbria và Marche, cũng như tỉnh Perugia lời cầu nguyện của tôi và nói cho họ biết chắc chắn về sự vuốt ve và vòng tay ôm của toàn thể Giáo Hội trong lúc này đây đang ước muốn ôm ấp họ với tình yêu thương hiền mẫu của mình.

Trong khi cám ơn tất cả các thiện nguyện viên và các nhân viên bảo vệ dân sự đang cứu giúp dân chúng các vùng này, tôi xin anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện để Chúa Giêsu, là Đấng luôn luôn cảm thương trước nỗi khổ đau của con người, an ủi các con tim đau đớn này, và ban cho họ niềm an bình qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria. Chúng ta hãy cùng cảm thương họ với Chúa Giêsu. Vì vậy chúng ta hãy rời bài giáo lý của thứ tư này vào tuần tới. Và tôi mời anh chị em cùng tôi lần một phần chuỗi Mân Côi các “Mầu nhiệm Thương” cầu cho các nạn nhân

Sau khi lần mấy chục kinh cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau tham dự buổi tiếp kiến.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp ĐTC nói: Trước ngày kính thánh Luigi tôi đặc biệt cầu nguyện cho nhân dân Pháp và các vị lãnh đạo của nó. Với đức tin chúng ta dám đến gần Chúa Giêsu, mặc dù các sợ hãi và yếu đuối của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hy vọng và tiếp đón chúng ta với lòng thương xót.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước: Ailen, Iraq, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào các thành viên Uỷ ban quốc tế bên cạnh thế vận hội và các lực sĩ chuẩn bị tham dự các cuộc tranh tài thể thao thể dục sau thế vận hội tại Rio de Janeiro. Ngài cũng chào các tham dự viên đại hội toàn thể do Hội nghị quốc tế các Học viện đời tổ chức. ĐTC cầu mong Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp giúp các gia đình sống ơn thánh và việc canh tân tinh thần, và xin Chúa Giêsu ban cho họ bình an và niềm vui.

Chào các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói chúng ta đụng chạm tới Chúa Giêsu, khi chúng ta đi ra và trợ giúp các anh ehị em túng thiếu, và khi đụng chạm tới Chúa Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta chúng ta canh tân cuộc sống của mình.

Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha ngài mời gọi mọi người đi gặp gỡ nhu cầu của tha nhân để mỗi người có thể sống kinh nghiệm cái nhìn thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời họ, được chữa lành trên thân xác cũng như trong tinh thần, và tái chiếm lại phẩm giá là con cái của cùng một Thiên Chúa là Cha.

Chào các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC nhắc cho mọi người biết kitô hữu được mời gọi đem niềm vui của Tin Mừng tới cho mọi người, vì tất cả đều chia sẻ cùng phẩm giá và bởi vì tất cả đều là một với Chúa Kitô Giêsu.

Chào các tín hữu đến từ Trung Đông ngài xin Chúa chúc lành cho họ và che chở họ khỏi Kẻ Dữ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Ba Lan và Ucraina. Với các tín hữu Ucraina ngài nói trong các tuần vừa qua các quan sát viên quốc tế âu lo vì tình hình Ucraina tồi tệ hơn. Hôm nay trong khi Ucraina mừng 25 năm độc lập, tôi bảo đảm với anh chị em lời cầu nguyện của tôi cho hoà bình và tôi canh tân lời kêu gọi tất cả mọi phe liên hệ cũng như các tổ chức quốc tế gia tăng các sáng kiến giúp giải quyết cuộc xung đột, trả tự do cho các con tin và đáp ứng tình hình cứu trợ nhân đạo cấp bách.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội mừng 50 năm sinh hoạt của Hịêp hội thần học Italia nghiên cứu luân lý. Ngài khuyến khích hiệp hội chia sẻ bánh của lòng thương xót trong giáo huấn của môn học quan trọng này. ĐTC cũng chào các chủng sinh Verona, các tham dự viên đại hội Esperanto, và Hiệp hội “Bạn của trẻ em” vùng Mezzano di San Giuliano tình Milano.

Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC khích lệ các bạn trẻ học từ thánh Bartolomeo tông đồ, mà Giáo Hội mừng lễ hôm qua, sức mạnh đích thật của lòng khiêm nhường. Ngài khuyên các bệnh nhân đừng mệt mỏi xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện, và ĐTC nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới thi đua yêu thương và trợ giúp nhau trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời.
Linh Tiến Khải
 
Mẹ Têrêsa tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 1985
Vũ Văn An
23:26 24/08/2016
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Liên Hiệp Quốc đã mời “người đàn bà có quyền lực nhất thế giới” tới nói chuyện. Người đàn bà này chính là Mẹ Têrêsa Thành Calcutta, người sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong hiển thánh vào ngày 4 tháng 9 này. Vị Giáo Hoàng này cũng đã được Liên Hiệp Quốc mời tới nói chuyện, nhân dịp tổ chức này mừng kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm 2015.

Ngày 26 tháng 10 năm 1985, tờ New York Times, viết rằng: “Sau một tuần dành cho các ông hoàng, các tổng thống và thủ tướng, lời tung hô nồng hậu nhất của lễ kỷ niệm 40 năm của Liên Hiệp Quốc đêm nay được dành cho một phụ nữ nhỏ con mang dép và mặc áo sari”.

“Mẹ Têrêsa, sáng lập viên Dòng Truyền Giáo Bác Ái, từ việc làm của bà trong các vùng đầm lầy nước đọng của Calcutta tới đại sảnh mái vòm của Đại Hội Đồng để nói về cảnh nghèo và lòng yêu thương”.

Trước một cử tọa chừng 1,000 nhà ngoại giao và giới chức cao cấp, phần lớn với cà vạt đen và áo dài đêm, Mẹ nói rằng: “Chúng ta tụ họp nhau để cảm tạ Thiên Chúa vì 40 năm làm việc tốt đẹp của Liên Hiệp Quốc cho sự thiện của người ta. Không mầu da, không tôn giáo, không quốc tịch nào nên chen vào giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”.

Trong các nhận xét của mình, Mẹ Têrêsa cũng lên án nạn phá thai và gián tiếp nhắc tới nhà lưu trú cho các nạn nhân bệnh AIDS dự tính được xây ở New York lúc đó. Các nữ tu Truyền Giáo của Mẹ, lúc đó, cũng đang điều hành một Bếp Cháo ở khu South Bronx.

Mẹ nhấn mạnh: “khi hủy diệt một trẻ chưa sinh, chúng ta hủy diệt Thiên Chúa. Chúng ta khiếp đảm vì chiến tranh hạch nhân, chúng ta khiếp đảm vì thứ bệnh mới này, nhưng chúng ta không hề khiếp đảm khi giết một em nhỏ. Phá thai đã trở thành kẻ hủy diệt hòa bình lớn lao nhất”.

Diễn văn của Mẹ Têrêsa

Giới thiệu Mẹ với phiên họp toàn thể của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Javier Perez de Cuellar, Tổng Thư Ký của Tổ Chức này nói rằng: “Tuần lễ này, chúng ta có đặc ân được tiếp đón những người đàn ông có quyền lực nhất trên thế giới. Nay chúng ta có đặc ân tiếp đón người đàn bà có quyền lực nhất trên thế giới. Tôi không nghĩ cần phải giới thiệu ngài. Ngài không cần lời lẽ. Ngài cần hành động. Tôi nghĩ điều tốt nhất tôi có thể làm là ca ngợi ngài và nói rằng ngài quan trọng hơn tôi, hơn mọi người chúng ta. Ngài là Liên Hiệp Quốc. Ngài là hòa bình trên thế giới này”.

Sau đây là bài diễn văn của Mẹ trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, một bài diễn văn tìm được rất nhiều âm hưởng sau này trong ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là các kiểu nói “niềm vui yêu thương”, được Mẹ nhắc đến nhiều lần:

Khởi đầu, sau khi nhấn mạnh “Công việc yêu thương là công việc hòa bình”, Mẹ Têrêsa mời Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đọc kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi. Trong đó, Mẹ thêm mấy lời giáo đầu như sau: “Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng phục vụ các người đồng loại của chúng con trên khắp thế giới, đang sống và chết trong cảnh nghèo đói. Hôm nay, xin ban cho họ, qua bàn tay chúng con, bánh ăn hằng ngày và qua tình yêu thương hiểu biết của chúng con, xin Chúa ban hòa bình và niềm vui”.

Sau đó, Mẹ nói:

"Chúng ta vừa cầu xin Chúa làm chúng ta trở thành máng chuyển hòa bình, niềm vui, tình yêu, hợp nhất, và đây là lý do khiến Chúa Giêsu đã xuống thế: để chứng thực tình yêu ấy. Thiên Chúa yêu thế giới đến nỗi đã ban Chúa Giêsu, Con của Người, đến ở giữa chúng ta, đem tới cho chúng ta tin vui này là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người muốn chúng ta yêu thương nhau như Người yêu thương mỗi người chúng ta. Người đã dựng nên chúng ta vì một lý do duy nhất: để ta yêu thương và được yêu thương. Không vì bất cứ lý do nào khác. Chúng ta không phải chỉ là một con số trong thế giới. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa.

Lần cuối cùng tôi ở Trung Hoa, người ta hỏi tôi “với bà, người cộng sản là ai?”. Tôi trả lời “là một đứa con của Thiên Chúa, là anh chị em của tôi”. Và điều đó chính là điều qúy vị và tôi sinh ra để trở thành: anh chị em. Vì cùng bàn tay yêu thương của Thiên Chúa đã dựng nên qúy vị, đã dựng nên tôi, đã dựng nên người ngoài phố, đã dựng nên người cùi, người đói ăn, người giầu có, vì cùng một mục đích như nhau: để yêu thương và được yêu thương. Và đó là điều qúy vị và tôi đến với nhau hôm nay để tìm các phương thế tạo hòa bình.

Nhờ đâu có hoà bình? Nhờ việc làm của tình yêu. Nó bắt đầu từ đâu? Từ gia đình. Nó bắt đầu bằng cách nào? Bằng cách cùng nhau cầu nguyện. Vì gia đình nào cầu nguyện với nhau sẽ ở lại với nhau. Và nếu qúy vị ở lại với nhau, qúy vị sẽ yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương mỗi người trong qúy vị. Vì cầu nguyện đem lại cho ta một trái tim trong sạch và trái tim trong sạch sẽ được thấy Thiên Chúa. Và nếu qúy vị thấy Thiên Chúa ở nơi nhau, nếu chúng ta có niềm vui được thấy Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ yêu thương nhau. Đó là lý do khiến không mầu da nào, không tôn giáo nào, không quốc tịch nào có thể chen vào giữa chúng ta. Vì tất cả chúng ta đều cùng là con cái của bàn tay Thiên Chúa yêu thương, được dựng nên cho những điều lớn lao hơn: để yêu thương và được yêu thương. Chỉ có điều chúng ta phải cảm nghiệm được niềm vui yêu thương này.

Tôi chưa bao giờ quên được sự kiện cách nay không lâu, hai người trẻ tuổi đến nhà chúng tôi và cho tôi khá nhiều tiền. Tôi hỏi họ: “hai bạn kiếm đâu được nhiều tiền thế?” Và họ trả lời: “hai ngày trước chúng con cưới nhau. Trước khi lấy nhau, chúng con quyết định sẽ không mua áo cưới. Chúng con sẽ không tổ chức tiệc cưới. Chúng con sẽ dành tiền ấy cho Mẹ”. Và tôi biết rõ ở xứ sở chúng tôi, trong một gia đình Ấn Giáo, không mua áo cưới, không tổ chức tiệc cưới có nghĩa gì. Nên tôi hỏi họ một lần nữa “Nhưng tại sao? Tại sao hai bạn lại làm thế vậy?” Và họ trả lời: “chúng con yêu nhau đằm thắm đến độ chúng con muốn chia sẻ niềm vui yêu thương với những người Mẹ đang phục vụ”. Làm cách nào chúng ta cảm nghiệm được niềm vui yêu thương? Làm thế nào chúng ta cảm nghiệm được điều này? Bằng cách cho đi đến lúc nó làm ta đau.

Khi tôi sắp đi Ethiopia, các trẻ nhỏ đến với tôi. Các em nghe tin tôi tới đó. Và các em tới. Trước đó, các em đã tới để được các nữ tu cho hay trẻ em đang chịu nhiều đau khổ tại Ethiopia. Và các em tới, mỗi em tặng một món đồ và nói “Con không có gì, con không có tiền, con không có gì cả. Nhưng con có thỏi xôcôla này. Mẹ hãy nhận nó và cho các trẻ em ở Ethiopia”. Em bé này đã yêu thương bằng một tình yêu lớn lao, vì tôi nghĩ đây là lần đầu tiên em có được một thỏi xôcôla như thế. Nhưng em đã cho đi. Em đã cho đi một cách vui vẻ để có thể chia sẻ, để làm mất đi phần nào nỗi đau khổ của một ai đó ở Ethiopia. Đó là niềm vui yêu thương: cho đi cho tới khi nó làm bạn đau. Yêu thương ta đã làm Chúa Giêsu chịu đau đớn, vì Người đã chết trên thập giá, để dạy chúng ta phải yêu thương ra sao. Và đó cũng là cách chúng ta phải yêu thương: cho tới khi tình yêu làm ta đau.

Chúng tôi có nhiều người đẹp đẽ; qúy vị đã thấy trong các tấm ảnh, những người nghèo của chúng tôi, những con người vĩ đại của chúng tôi. Tôi đã ở với họ rất nhiều năm và tôi chưa hề nghe một lời than vãn nào. Ít ngày trước đây, tôi đã lượm được một người đàn ông ở ngoài phố, gần như bị ăn sống bởi giòi bọ. Tôi đưa ông về nhà chúng tôi. Và người đàn ông này đã nói gì? “Tôi sống như một con vật ở ngoài phố, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần. Được yêu thương và chăm sóc”. Phải mất 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới làm ông được sạch sẽ, gỡ hết các con giòi bọ đang ăn sống ông ta. Và không một lời than từ ông ta. Và khi chúng tôi đang cùng ông cầu nguyện, cầu nguyện cho ông, ông nhìn một nữ tu và nói với chị: “Thưa dì, con sắp sửa về nhà Chúa” Và ông tắt thở.Trên gương mặt ông nở một nụ cười thật diệu kỳ, thật đẹp đẽ. Ông đã về nhà Chúa. Tôi chưa bao giờ được thấy một nụ cười như thế. Thế nhưng, quả có người đàn ông này, bị ăn sống, không một lời than, một câu chửi thề, mà chỉ nói “con sắp sửa về nhà Chúa”. Quả là cung cách về nhà Chúa đẹp đẽ xiết bao. Với một trái tim trong sạch, một trái tim trong trắng, tràn đầy niềm vui. Tràn đầy âu yếm và yêu thương mà ông từng nhận được từ các nữ tu chăm sóc ông.

Vâng, đó là điều qúy vị và tôi hôm nay tại sao đã tới đây, để bắt đầu năm hòa bình, chúng ta phải bắt đầu từ nhà, chúng ta phải bắt đầu từ gia đình. Việc yêu thương phải bắt đầu từ nhà và việc yêu thương chính là việc hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn có hòa bình và chúng ta sợ vũ khí nguyên tử, chúng ta sợ căn bệnh mới này. Nhưng chúng ta lại không sợ giết một đứa trẻ vô tội, đứa trẻ chưa sinh ra kia, người vốn được dựng nên cho cùng một mục đích: để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương qúy vị và yêu thương tôi.

Đó là một điều hết sức mâu thuẫn, và hôm nay, tôi cảm thấy phá thai là yếu tố phá hoại hòa bình hơn hết. Chúng ta sợ vũ khí nguyên tử, vì nó đụng chạm tới ta, nhưng chúng ta không sợ, bà mẹ không sợ phạm cái tội sát nhân ghê gớm đó. Chính Thiên Chúa đã lên tiếng về điều này, Người nói: “cho dù người mẹ có thể quên con mình, Ta sẽ không quên con. Ta đã tạc tên con vào lòng bàn tay Ta. Ta yêu thương con”. Đây là lời lẽ của chính Thiên Chúa ngỏ với qúy vị, ngỏ với tôi, ngỏ với đứa trẻ chưa sinh ra kia. Và đó là lý do tại sao nếu chúng ta thực sự mong muốn hòa bình, nếu tâm hồn chúng ta thành thực mong muốn hòa bình, thì hôm nay, chúng ta hãy mạnh mẽ quyết tâm: tại xứ sở chúng ta, trong thành phố chúng ta, chúng ta sẽ không để cho một trẻ em nào cảm thấy không được ước muốn, cảm thấy không được yêu thương, bị xã hội liệng bỏ. Và chúng ta hãy giúp nhau tăng cường quyết tâm này. Là: tại xứ sở chúng ta cái luật lệ khủng khiếp giết người vô tội, hủy diệt sự sống, tiêu diệt sự hiện diện của Thiên Chúa, phải bị loại khỏi xứ sở chúng ta, khỏi quốc gia chúng ta, khỏi nhân dân chúng ta, khỏi gia đình chúng ta.

Và bởi thế hôm nay, khi cầu nguyện, chúng ta hãy năng đem lời cầu nguyện vào trong cuộc sống của chúng ta. Vì cầu nguyện sẽ đem sức mạnh đến cho chúng ta. Cầu nguyện là một điều giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi mỗi người khác, giúp ta yêu thương lẫn nhau như Người từng yêu thương mỗi người chúng ta. Đây là một điều mà qúy vị và tôi phải đem đến cho thế giới. Toàn thế giới đang mong chờ nơi qúy vị. Qúy vị tụ họp ở đây từ mọi quốc gia để tìm ra các phương cách và phương tiện đạt hòa bình. Các việc làm của yêu thương chắc chắn là các việc làm của hòa bình, và chúng bắt đầu ngay trong gia đình chúng ta. Rất nhiều đau khổ, rất nhiều phá hoại từng phát xuất từ mái ấm, từ gia đình. Hủy hoại một đứa trẻ chưa sinh, là chúng ta hủy hoại nhan Thiên Chúa. Chúng ta hủy hoại tình yêu. Chúng ta hủy hoại điều thánh thiêng nhất mà một con người nhân bản có thể có: niềm vui yêu thương và niềm vui được yêu thương.

Và bởi thế hôm nay, khi chúng ta tụ họp nhau nơi đây, chúng ta hãy mang quyết tâm này trong trái tim: tôi sẽ yêu thương. Tôi sẽ là người chuyên chở tình yêu của Thiên Chúa. Vì đây là điều Chúa Giêsu đến để dạy chúng ta: phải yêu nhau ra sao. Và để đem Người đến yêu thương tại nhà, tại gia đình chúng ta… tất cả những ai không được ước muốn. Rất có thể trong chính gia đình của chúng ta, có những người thấp hèn.

Tất cả chúng ta đều nói tới nạn đói khủng khiếp. Những gì tôi đã thấy ở Ethiopia, những gì tôi đã thấy ở những nơi khác, đặc biệt là những ngày này ở những nơi khủng khiếp như Ethiopia, hàng trăm và hàng ngàn người đang phải đối mặt với cái chết chỉ vì một mẩu bánh mì, một ly nước. Có những người chết ngay trong tay tôi. Ấy thế nhưng chúng ta quên mất điều này: tại sao họ mà không phải chúng ta? Chúng ta hãy yêu thương một lần nữa, vì vậy, chúng ta hãy chia sẻ, chúng ta hãy cầu nguyện để sự đau khổ khủng khiếp này được loại khỏi người của chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ với họ những niềm vui của yêu thương, và lòng yêu thương bắt đầu ở đâu? Một lần nữa, tôi xin nói: ở trong gia đình của chúng ta, trong nhà của chúng ta. Chúng ta hãy đem lại lòng yêu thương, sự bình an và niềm vui qua lời cầu nguyện. Chúng ta hãy đem lại lời cầu nguyện, cầu nguyện với nhau, vì cầu nguyện sẽ đem lại cho bạn một trái tim trong sạch. Tôi sẽ cầu nguyện cho cho qúy vị để qúy vị có thể phát triển trong tình yêu Thiên Chúa này, bằng cách yêu thương nhau như Người yêu thương mỗi người trong qúy vị, và đặc biệt là thông qua tình yêu này, qúy vị sẽ trở nên thánh thiện. Sự thánh thiện này không phải là một xa xỉ phẩm dành cho một ít người. Nó là một nhiệm vụ đơn giản cho mỗi người chúng ta. Vì sự thánh thiện mang lại tình yêu, và tình yêu mang lại hòa bình, và hòa bình mang chúng ta lại với nhau.

Và chúng ta đừng sợ vì Thiên Chúa ở với chúng ta nếu chúng ta để Người, nếu chúng ta dâng cho Người niềm vui của một trái tim trong sạch. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Và qúy vị cầu nguyện cho chúng tôi nữa, để chúng tôi có thể tiếp tục công việc của Thiên Chúa bằng một tình yêu lớn lao.

Qúy vị đã thấy những nữ tu trẻ này, dâng hiến đời họ hoàn toàn để phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo. Các nữ tu trẻ này chăm sóc 158,000 người cùi, ở Trung Đông, ở châu Phi và ở Ấn Độ, và rất nhiều niềm vui, cuộc sống mới đã đi vào cuộc sống của những người này. Tại sao? Bởi vì có ai đó yêu thương họ, ai đó ước muốn họ, ai đó sẵn sàng dành cho họ tình yêu và sự chăm sóc dịu dàng. Một ngày nọ, có người hỏi tôi "Bà sẽ làm gì ở nơi này? Chúng tôi có mọi thứ. Chính phủ cung cấp cho chúng tôi mọi thứ. Bà sẽ làm gì ở đây?" Tôi chỉ nói:" Tôi sẽ cho tình yêu và sự chăm sóc dịu dàng”. Không tiền bạc nào có thể cho được điều này. Vì vậy, qúy vị và tôi, chúng ta hãy bắt đầu với thứ tình yêu và sự chăm sóc dịu dàng này tại chính mái ấm của chúng ta. Vì đây là điều chúng ta đã được tạo ra để thực hiện. Đây là điều Chúa Giêsu đã đến để dạy chúng ta, để chúng ta yêu thương nhau như Người yêu thương mỗi người chúng ta. Chúng ta có rất nhiều người nghèo trên khắp thế giới, nhưng tôi thấy cảnh nghèo của cô đơn, cảnh nghèo của việc không được ước muốn, không được yêu thương, không được chăm sóc, bị xã hội vứt bỏ, là cảnh nghèo rất khó khăn và rất, rất nặng nề, rất khó loại bỏ.

Tôi đã lượm từ đường phố những người đói, và bằng cách cho họ ăn, bằng cách cho họ một cái giường để ngủ, tôi đã loại bỏ sự đau khổ, nhưng đối với những người cô đơn, khép kín, không được ước muốn, không dễ dàng như vậy. Và do đó qúy vị và tôi phải lên đường, và chia sẻ niềm vui yêu thương, nhưng chúng ta không thể cho điều chúng ta không có. Nên chúng ta cần phải cầu nguyện. Và lời cầu nguyện sẽ đem lại cho chúng ta một trái tim trong sạch, và một trái tim trong sạch sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa ở trong nhau. Và nếu chúng ta thấy Thiên Chúa ở trong nhau, chúng ta sẽ có thể sống trong hòa bình và nếu chúng ta sống trong hòa bình, chúng ta sẽ có thể chia sẻ niềm vui yêu thương với nhau và Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho qúy vị".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm học Giáo lý mới, đọc lại đôi nét về Huấn quyền Hội Thánh
Gioan Lê Quang Vinh
00:18 24/08/2016
Các giáo xứ từ Nam chí Bắc đang hăng hái chuẩn bị cho năm học Giáo lý mới. Các Đức Giám Mục, các Linh mục và những người cộng tác với các ngài (Huynh trưởng Giáo lý viên) đang tất bật cho chương trình mới, cho các khóa bồi dưỡng giáo lý viên đầu năm và cho công việc mời gọi các em đến với lớp Giáo lý.

ĐC Long của Hưng Hóa lội nước đi thăm mục vụ
Hội Thánh xem việc dạy Giáo lý là một trong những công việc trọng đại và chính yếu trong sứ vụ của mình, sứ vụ Ngôn sứ. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Thánh Bộ Giáo Sĩ năm 1997 (HDTQ) nhắc lại Hiến chế Dei Verbum về Mạc Khải và dạy rằng “tác vụ Lời Chúa trong việc loan báo Tin Mừng phải truyền đạt Mạc Khải qua Hội Thánh, bằng cách sử dụng “những lời của con người” (số 50). Ngay sau đó, HDTQ nói ngay đến “Việc Giảng Dạy Giáo Lý trong Tiến Trình Loan Báo Tin Mừng”.

Giáo Hội định vị cho Giáo Lý thật rõ ràng: Giáo lý nằm trong tiến trình loan báo Tin Mừng. Điều này có ý nghĩa như thế nào nếu không phải là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy Giáo lý, nhất là khi chúng ta đọc lại Sắc Lệnh Ad Gentes của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II: “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha”.

HDTQ trích lời Thánh Vịnh 78 (3-4) để nhấn mạnh sứ mạng của người Kitô hữu, cách riêng của những người có ơn gọi làm Giáo lý viên:

“Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,
chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả,
sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau:
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa,
với những kỳ công Chúa đã làm.”


Trước khi về Trời, Chúa Giêsu cũng để lại huấn lệnh “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc.16,15).

Do đó huấn quyền Hội Thánh nói rõ “việc loan báo đầu tiên thuộc về bổn phận của mỗi Kitô hữu”, là một sự đáp trả cho lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ Người” (số 61). Điều này cũng dễ hiểu. Khi ta nhận được một ơn huệ, khi ta có niềm vui thẳm sâu, khi ta được cứu khỏi một điều nguy biến, thì tự bản chất con người, ta luôn tỏ lòng biết ơn và muốn loan cho mọi người niềm vui ấy, ơn huệ ấy và sự cứu vớt ấy. Thế thì ta không thể dửng dưng trước niềm vui ơn gọi và ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mình.

Việc hăng hái ra đi làm chứng nhân trong ơn gọi Giáo lý viên là điều bắt buộc bởi chính bản chất ơn gọi. Huynh trưởng Giáo lý viên đáp lại ơn gọi của mình bởi vì họ ý thức ơn gọi ấy bắt nguồn từ chính Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức mà mình đã nhận lãnh.

Như thế, đầu năm học Giáo Lý, chúng ta cùng nhau nhắc cho chính mình rằng chúng ta nhận được ơn gọi Giáo lý viên từ chính Hội Thánh, vá hoạt động trong lòng Hội Thánh. Chúng ta không tự cao về sứ mạng của mình, đồng thời cũng không cho phép mình được chán nản với ý nghĩ nếu tôi thích thì tôi thực thi sứ mạng, nếu tôi không thích nữa, tôi sẽ bỏ bê.

Điều thứ hai chúng tôi xin được đề cập là điều mà Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa vừa mới nhắc nhở: “…nên nhấn mạnh khía cạnh này cho học viên: dạy giáo lý không chỉ là chuyển trao kiến thức đạo cho học sinh, mà còn phải đồng thời giúp học sinh tạo một mối tương quan gắn bó với Chúa, tức sống niềm tin yêu, "vô tri thì bất mộ", nay học biết Chúa chưa đủ mà phải sống tình yêu và lòng tin Chúa, đem đạo vào đời sống...”

Quả thật, dạy Giáo lý là giáo dục đức tin, không chỉ là kiến thức đức tin mà là thái độ sống đức tin ấy. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải làm sinh lợi từ những nén bạc Chúa giao. Đức tin, khả năng, thời giờ… mà Chúa ban cho chúng ta là những nén bạc. Chúng ta phải làm cho chính mình và các học sinh giáo lý của mình biết sinh hoa lợi từ những nén bạc ấy bằng tình yêu, bằng cách sống Đạo và bằng việc truyền giáo nữa.

Thật vậy, “Trong sự năng động của việc giáo dục đức tin, như tiến trình trưởng thành những thái độ, không thể thiếu thành tố hành vi, mà giáo lý đóng góp vào sự rèn luyện những hình thức hạnh kiểm và đời sống kitô hữu khác nhau. Các văn kiện về giáo lý chỉ ra những nhiệm vụ khác biệt như: giáo dục cầu nguyện và chiêm niệm, khai tâm bí tích và phụng vụ, huấn luyện luân lý¸ giáo dục hòa bình và công lý, chuẩn bị cho việc dấn thân xã hội và chính trị, tăng cường mục đích đại kết, vv…” (Dạy Giáo Lý Là Giáo Dục Đức Tin, Madalena Phạm thị Thúy).

Huấn quyền Hội Thánh dạy rằng “phải đào tạo giáo lý viên thế nào để họ có thể là thầy dạy, là nhà giáo dục và là chứng nhân, thành một người tốt, một tín hữu sốt sắng và một tông đồ nhiệt thành” (xem HDTQ 24, 25).

Đọc lại vài nét chính trong giáo huấn Hội Thánh về Giáo lý để minh định điều này: Hội Thánh đồng hành với Giáo Lý viên chúng ta trong sứ vụ mà Hội Thánh trao cho chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta ý thức vai trò và trách nhiệm của mình để làm chứng bằng lời nói và đời sống của mình.

Chúng ta cùng cầu xin Mẹ Maria, Đấng là Ngôi Sao của công cuộc tân Phúc Âm hóa, là Mẹ và là gương mẫu của Giáo Lý viên chúng ta (TH Niềm Vui Tin Mừng, TH Giáo Lý ) giúp chúng ta noi gương Mẹ, lắng nghe, suy niệm và công bố Lời Thiên Chúa với trọn tâm hồn và suốt cả cuộc đời mình.
 
Văn Hóa
Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước
Bùi Hữu Thư
08:10 24/08/2016
Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước,
Dẫn con đi trong bóng tối ngập trời.
Lời Chúa con cần tìm hiểu cho được,
Để con không vấp ngã trong đời.

Không hẳn là con chưa từng khổ đau,
Hay chưa từng nếm mùi vị buồn rầu.
Nhưng con biết mỗi khi con phiền muộn,
Thì con cần tìm đến chỗ giải sầu.

Con phải tìm mở một trang sách quý,
Là Phúc Âm với Lời Chúa chân tình.
Sẽ cho con câu trả lời chí lý,
Là hướng dẫn cho tất cả sinh linh.

Chúa ban cho ta cuộc đời đang sống,
Ngài muốn chúng ta đều phải dự phần.
Phải biết rằng Lời Chúa cần trân trọng,
Đọc mỗi ngày để ân sủng chứa chan.

Lời Ngài nói trong cuốn sách Phúc Âm,
“Cha vẫn gánh vác cho con âm thầm.”
“Này con ơi, đừng bao giờ lo lắng!”
“Cứ cầu xin và tin tưởng thật tâm.”

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cali Ngày Nắng Đẹp
Đặng Đức Cương
20:18 24/08/2016
CALI NGÀY NẮNG ĐẸP
Ảnh của Đặng Đức Cương
Miền cali quanh năm nắng đẹp
Trời trong xanh và gió lượn cây cành.
(bt)