Ngày 26-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:21 26/08/2019

18. Nếu con có trưởng thành thì người khác sẽ biết ngay, nếu con không bày ra sự trưởng thành của con thì người ta sẽ càng kính trọng con, một là kính trọng sự trưởng thành của con, hai là kính trọng sự khiêm tốn của con.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:31 26/08/2019
97. VẼ NGƯỜI CÚI ĐẦU

Thái úy Đảng muốn vẽ một bức tranh thật giống mình, nhưng mời đến mấy họa sĩ và trả giá, họ đều nói là hai lạng bạc, thái úy Đảng rất là không vui.

Có một họa sĩ nói:

- “Tôi chỉ cần một tờ giấy trắng, một cây bút, một lọ mực là đủ rồi”.

Thái úy Đảng rất vui vẻ và hỏi cách vẽ.

Họa sĩ nói:

- “Mũ cánh chuồn đen,

chéo áo dài đen,

mang sừng tê giác,

ủng đen

vẽ một đứa phiên Choang”.


Thái úy lại hỏi:

- “Vậy thì dùng màu gì ?”

Họa sĩ đáp:

- “Vẽ một cái bàn sơn đen bên cạnh, và ngài ngồi nghiêng cúi đầu trên bàn được không ?”

Đảng thái úy nói:

- “Bức tranh này quan trọng nhất là cái mặt người, nếu cúi mặt xuống bàn thì làm sao có thể nhìn thấy chứ ?”

Họa sĩ nói:

- “Mặt mũi của tướng công như thế thì còn nhìn người được sao ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 97:

Cái mặt con người ta tuy khôi ngô tuấn tú đẹp đẽ nhưng vì cái tâm quá xấu nên cái mặt cũng xấu luôn.

Muốn có một bức chân dung đẹp mà không muốn bỏ tiền ra thì làm gì có bức hình đẹp; muốn vẽ hình màu mà không muốn tốn tiền mua màu thì hình màu đâu mà coi, cái tâm của con người đôi lúc ở trên khuôn mặt là thế...

Cái tâm tham sắc dục thì hiện lên cặp mắt lóng lánh láo liên, cái tâm tham lam tính toán thì cũng hiện lên nơi cặp mắt trắng dã liếc ngang liếc dọc, cái tâm keo kiệt bủn xỉn mưu hại người thì hiện lên trên đôi môi mỏng dính, cái tâm có bệnh thì hiện lên trên khuôn mặt màu sắc ảm đạm...

Người có tâm hồn rộng lượng bao dung thì khuôn mặt rạng rỡ nụ cười ha ha, người có tâm tình phục vụ thì khuôn mặt tươi cười dễ mến...

Người Ki-tô hữu biết thực hành Lời Chúa, thì khuôn mặt của họ luôn tỏa nét rạng ngời vì họ luôn có Thiên Chúa ở cùng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đặt gia đình lên trên hết, một dân biểu Công Giáo Hoa Kỳ từ chức.
Trần Mạnh Trác
13:40 26/08/2019
Washington DC, ngày 26 tháng 8 2019 ( CNA ) .- Dân biểu quốc hội Sean Duffy (R-WI), Công Giáo, đã từng phục vụ tại Quốc Hội 5 nhiệm kỳ từ năm 2011, sẽ từ chức vào ngày 23 tháng tới, theo như thông báo đăng trên trang Facebook cá nhân của ông.

Ông Duffy đăng bản thông báo đầy cảm động vào ngày 26 tháng 8, với lý do là muốn được ở gần gia đình trước khi đứa con thứ chín bệnh tật ra đời.

“Với rất nhiều lần cầu nguyện, tôi đã quyết định rằng đây là lúc tôi phải tạm nghỉ chức vụ công cộng để trở thành nơi nương tựa cho vợ, cho con và cho gia đình trong lúc cần kíp như bây giờ,” ông nói.

“Đây không phải là một quyết định dễ dàng - bởi vì tôi thực sự yêu thích được làm Dân biểu của quí bạn - nhưng đây là quyết định đúng đắn cho gia đình tôi, là tình yêu và trách nhiệm đầu tiên của tôi.”

Duffy và vợ, nhân vật TV Rachel Campos-Duffy, đã tuyên bố vào tháng 5 vừa qua rằng họ đang mong đợi đứa con thứ chín, nói rằng “Chuá còn đòi hỏi nhiều điều ở gia đình chúng tôi!” và những khó khăn vì phải ở Washington nhiều ngày mỗi tuần đã góp phần vào quyết định nghỉ việc của ông.

“Như quí bạn đã từng biết, nuôi một gia đình là một công việc khó khăn. Điều này đặc biệt đúng với một người bận rộn như tôi. Phải xa nhà bốn ngày một tuần là một thử thách lớn và vì lý do đó, tôi luôn sẵn sàng đón nhận những dấu hiệu từ Chúa khi phải cân bằng hai việc là phục vụ gia đình và đất nước,” Duffy nói.

Đứa con thứ chín của ông sẽ là một bé gái, sẽ ra đời vào cuối tháng 10. Trong bài đăng trên Facebook, ông Duffy giải thích rằng gia đình vừa mới biết rằng đứa bé sẽ cần rất nhiều tình yêu, thời gian và sự chú ý vì cháu sẽ có nhiều biến chứng, trong đó có biến chứng bệnh tim.

Ông Duffy cảm ơn cử tri vì “niềm tin và sự ủy thác thiêng liêng mà họ đã dành cho ông trong nhiều năm qua,” và nói rằng ông đặc biệt biết ơn những người đã cầu nguyện cho gia đình cuả ông. Ông xin mọi người tiếp tục cầu nguyện.

“Tôi sẽ nhớ mình là Dân biểu của bạn, nhưng tôi cũng mong được có nhiều thời gian hơn với gia đình, được ở nhà để dự các buổi sinh nhật và chơi khúc côn cầu nhiều hơn, và có thời gian để tận hưởng và chăm sóc bé gái mới của chúng tôi, tuy chưa sinh ra nhưng đã được rất nhiều sự yêu thương cuả gia đình chúng tôi,” ông nói.

Khu vực bầu cử thứ 7 của Wisconsin, là một khu vực an toàn cho đảng Cộng hòa. Ông Duffy đã được tái cử vào năm 2018 với 60% phiếu. Ông là một người ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Ông Duffy và vợ tham gia nhiều loạt phim truyền hình mô tả những sinh hoạt xã hội thực tại có tên là “The Real World” cuả chương trình MTV. Bà Campos-Duffy đã bắt đầu tham gia chương trình vào mùa thứ ba, được quay tại San Francisco và Ông Duffy bắt đầu tham gia vào mùa thứ sáu, được quay tại Boston. Hai người đã gặp nhau vào năm 1998 khi cùng tham gia một dự án truyền hình mang tên “Road Rules: All Stars.”
 
Phán quyết của Chánh Án Weinberg về Kháng Cáo của Đức Hồng Y Pell
Vũ Văn An
21:49 26/08/2019


Như mọi người biết, chánh án Weinberg là chánh án chống lại 2 chánh án kia trong việc xét xử kháng án của Đức Hồng Y Pell và là người muốn tha bổng ngài. Quan điểm của ông là quan điểm chiếm tới quá nửa số trang của phúc trình duy trì bản án của tòa sơ thẩm Victoria. Và như nhận định của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, ít nhất nó phản ảnh quan điểm của 33 phần trăm công luận Úc về việc không phạm tội của Đức Hồng Y Pell. Lần đầu tiên, tỷ lệ ấy được chính thức xác nhận qua phán quyết của chánh án Weinberg. Chúng tôi xin lược dịch phán quyết của ông để rộng đường dư luận và cung cấp dữ kiện để chúng ta vững tin rằng Đức Hồng Y Pell là người vô tội. Các số là số đoạn trong chính phúc trình của Tòa Phúc Thẩm Victoria.

353 Đương đơn, Đức Hồng Y George Pell, là vị giáo phẩm Công Giáo cao cấp nhất của Úc Đại Lợi. Giữa các năm 1996 và 2001, ông là Tổng Giám Mục Melbourne. Sau đó, ông được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sydney, một chức vụ ông nắm giữ giữa các năm 2001 và 2014. Năm 2003, ông còn được nâng lên hàng Hồng Y.

354 Ngày 11 tháng 12 năm 2018, sau một phiên tòa kéo dài hơn một tháng, đương đơn bị thấy là phạm tội đối với 5 lời buộc tội vi phạm tình dục từ lâu năm trước với hai thiếu nam. Nay, ông kháng án chống lại việc kết án.

355 Bốn lời buộc tội đầu dẫn đến việc kết án liên quan đến các vi phạm được cho là đã phạm vào một ngày tháng không được định rõ, nhưng cho là đã diễn ra giữa ngày 1 tháng 7 và 31 tháng 12 năm 1996. Lời buộc tội thứ năm liên quan đến một vi phạm, cũng diễn ra vào một ngày tháng không được xác định rõ, nhưng nói là đã phạm giữa ngày 1 tháng 7 năm 1996 và 28 tháng 2 năm 1997. Tất cả các vi phạm này được cho là đã phạm tại Nhà Thờ Chính Tòa St Patrick, thuộc Đông Melbourne, ngay sau khi đương đơn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục, vào tháng 8 năm 1996.

356 Đơn nạp tại Tòa này phát xuất từ một vụ xử lại. Đã có một vụ xử trước đó vào tháng 8 và tháng 9 năm 2018, nhưng bồi thẩm đoàn lúc ấy không đạt được sự nhất trí. Kết quả như thế, mặc dù bồi thẩm đoàn ấy đã được cho biết họ có thể đem lại một kết án đa số. Bồi thẩm đoàn trong phiên xử thứ hai đã nghị án gần 5 ngày trước khi lên án đương đơn. Các lời lên án đã đồng thanh nhất trí.



Các cơ sở của kháng cáo

357 Đương đơn đề nghị dựa vào ba cơ sở để hỗ trợ cho kháng cáo của ông chống lại việc kết án. Chúng là như sau:

Cơ sở 1: Các lời lên án là không hợp lý và không thể được hỗ trợ khi lưu ý tới bằng chứng vì dựa vào toàn bộ bằng chứng, bao gồm các bằng chứng gỡ tội không bị thách thức của hơn 20 nhân chứng trước Công Tố, thì đã không có đường để bồi thẩm đoàn được thỏa mãn quá sự nghi ngờ hợp lý nếu chỉ dựa vào lời của [người khiếu nại] mà thôi.

Cơ sở 2: Thẩm phán xét xử đã sai lầm khi ngăn chặn bên bào chữa sử dụng một trình bầy trực quan di động cho thấy luận điểm không thể có của họ trong diễn từ kết thúc.

Cơ sở 3: Có một sự bất thường căn bản trong diễn trình xét xử vì bị cáo không bị chất vấn (arraigned) trước sự chứng kiến của hội đồng bồi thẩm, theo yêu cầu của các điều 210 và 217 của Đạo luật Tố tụng Hình sự 2009.

358 Cơ sở 1 viện dẫn Điều 276 (1) (a) của Đạo luật tố tụng hình sự năm 2009 (‘CPA,). Điều này đọc như sau:

(1) Đối với một kháng cáo dựa vào điều 274, Tòa án cấp phúc thẩm phải cho phép kháng cáo chống lại việc kết án nếu người kháng cáo thỏa mãn tòa án các điều

(a) kết án của bồi thẩm đoàn không hợp lý hoặc không thể được hỗ trợ khi lưu ý đến bằng chứng.. .

360 Trong trường hợp Cơ sở 1 được chấp nhận, mọi kết án sẽ được đặt sang một bên và đương đơn sẽ được tha bổng khỏi mọi tội danh. Mặt khác, nếu một hoặc một trong các Cơ sở 2 và 3 được chấp nhận, thì điều đó, cùng lắm, sẽ chỉ dẫn đến một lệnh tái thẩm.

Trình bầy của công tố - như đã ngỏ cùng bồi thẩm đoàn

360 Lúc bắt đầu phiên tòa, công tố viên, ông Gibson QC, đã phác họa bằng những lời lẽ bao quát, bản chất của vụ án mà ông dự đoán sẽ được trình bày trước bồi thẩm đoàn. Ông nói rằng lúc 11 giờ sáng, vào một buổi sáng Chúa Nhật hậu bán năm 1996, đương đơn đã cử hành Thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick, ở Đông Melbourne. Thánh lễ trọng thể thường kéo dài trong khoảng một giờ, hoặc hơn một chút.

361 Như thường lệ, ca đoàn của Nhà thờ đã hát vào ngày hôm đó. Họ được đệm đàn bởi một nhạc sĩ đàn ống, người, vào thời điểm đó, là John Mallinson (trưởng ca đoàn năm 1996), hoặc Geoffrey Cox (phụ tá trưởng ca đoàn và đàn ống). Ca đoàn bao gồm một số lượng lớn các cậu trai độ tuổi từ 12 đến 18. Ngoài ra còn có một số ca viên trưởng thành.

362 Người khiếu nại, khi đó khoảng 13 tuổi và một cậu bé khác ở độ tuổi tương tự (từ đây về sau, được mô tả là “cậu bé kia”), nằm trong số những người trình diễn trong ca đoàn vào Chúa Nhật đặc biệt đó. Cả hai cậu bé đều là học sinh của trường St Kevin, ở Toorak. Cả hai đều đã nhận được học bổng học ở trường đó do đã thử giọng thành công để gia nhập ca đoàn Nhà thờ Chính tòa, và cả hai đều là những giọng nữ cao (soprano) trong ca đoàn.

363 Khi thánh lễ Chúa Nhật long trọng đã kết thúc vào khoảng hoặc ngay sau buổi trưa, và ca đoàn đã hát xong các bài thánh ca của họ, hai cậu bé, cùng với các thành viên khác của ca đoàn, đã tham gia cuộc rước chính thức dọc theo gian giữa. Toàn bộ ca đoàn sau đó tiến bước, hoặc xếp hàng, từng đôi một, qua cửa chính của Nhà thờ Chính tòa.

364 Cuộc rước được dẫn đầu bởi một số người lớn giúp lễ. Sau đó, là ca đoàn, dẫn đầu là các giọng nữ cao (sopranos) (vì họ là những cậu bé). Tiếp đến là các cậu giọng nam cao (altos), giọng têno và giọng nam trung, và sau đó là giọng trầm. Nhiều người lớn giúp lễ theo sau ca đoàn. Sau họ, là các linh mục, kể cả các vị đồng tế, hỗ trợ trong Thánh lễ. Chính đương đơn, với tư cách là Tổng Giám mục, sẽ luôn luôn ở phía sau đám rước, như ông Gibson thừa nhận Tổng Giám Mục đã làm vào ngày hôm đó.

365 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng, ‘thông thường, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, đoàn rước sẽ rời Nhà thờ Chính Tòa bằng cách đi dọc theo gian giữa đến cửa chính. Sau đó, sẽ đi ra qua cánh cửa đó, rẽ trái và đi dọc theo phía nam của Nhà thờ Chính tòa theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Ca đoàn sẽ tiến tới một khu vực ở phía sau Nhà thờ Chính tòa, được ông mô tả như ‘khu vực phòng áo’.

365 Theo ông Gibson, ca đoàn sau đó sẽ đi qua một hành lang bên ngoài (được mô tả trong diễn trình này là ‘hành lang vệ sinh’). Ca đoàn sẽ có lối vào một tòa nhà liền kề với Nhà thờ Chính Tòa được gọi là ‘Trung tâm Knox’. Việc vào tòa nhà đó có được nhờ đi qua hai cánh cửa được khóa kín. Cánh đầu tiên trong số này là một cánh cửa bằng kính, và cánh thứ hai, một cánh cửa dẫn vào nơi được mô tả là ‘phòng diễn tập của ca đoàn’.

367 Thói quen là các cậu ca viên sau đó sẽ thay áo, sẵn sàng để về nhà. Vào thời điểm đó, họ sẽ làm như vậy trong một căn phòng hiện được sử dụng làm văn phòng cho Giám đốc âm nhạc, nhưng lúc đó được gọi là ‘phòng thay đồ của ca đoàn’, hay ‘phòng mặc áo của ca đoàn’. Phòng đó liền kề với phòng diễn tập của ca đoàn.

368 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng bình thường, nhưng không phải lúc nào cũng thế, đương đơn sẽ ở lại, trong các khoảng thời gian khác nhau, trên các bậc thềm ở lối vào cửa trước dẫn vào Nhà thờ Chính Tòa. Ở đó, ông sẽ gặp và nói chuyện với giáo dân khi họ rời Nhà thờ Chính Tòa.

369 Ông Gibson cũng nói với bồi thẩm đoàn rằng một thời gian ngắn sau Thánh lễ long trọng Chúa Nhật do đương đơn cử hành ‘hậu bán năm 1996’, bốn vi phạm đưa tới các cáo buộc 1 đến 4 đã diễn ra. Những vi phạm này được cho là đã phạm trong điều ông Gibson mô tả là ‘biến cố thứ nhất’.

370 Mặt khác, cáo buộc 5 liên quan đến một vi phạm hoàn toàn tách biệt và khác biệt mà ông Gibson cho biết người khiếu nại nói rằng đã xảy ra ‘hơn một tháng sau đó’. Nạn nhân của việc vi phạm này chỉ là một mình người khiếu nại, chứ không phải cậu bé kia. Ông Gibson mô tả điều này như ‘biến cố thứ hai’.

371 Ông Gibson sau đó đã khai mở, trong một số chi tiết, trình thuật của người khiếu nại về các sự kiện liên quan đến biến cố thứ nhất. Ông nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại cho biết sau khi Thánh lễ long trọng vào Chúa Nhật kết thúc vào bất cứ ngày nào đặc thù nào đã xảy ra, cả cậu ta lẫn cậu trai kia đều chớp cơ hội ‘để vui chơi’. Họ đã thoát khỏi đám rước, khi biết rõ là ca đoàn không còn trong ánh mắt của công chúng nữa.

372 Ông Gibson nói rằng người khiếu nại cho biết: hành vi ‘phá rào’ này khỏi cuộc rước kiệu đã xảy ra trong khi ca đoàn đang quay trở lại phòng thay đồ. Người khiếu nại cho biết: các ca viên có tâm trạng thoải mái và ít trang trọng hơn ở giai đoạn đó, và kỷ luật của cuộc rước, đến giai đoạn đó, đã ít nhiều được nới lỏng.

373 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng bằng chứng của người khiếu nại là cả hai cậu trai, đã tách khỏi đám rước, đã vào lại Nhà thờ Chính tòa qua một trong những cánh cửa ở phía nam, được gọi là 'cánh ngang Phía Nam (South Transept)'. Khi đã vào trong, họ đi qua một cánh cửa đôi bằng gỗ, tình cờ được mở khóa vào hôm đó. Sau đó, họ đi dọc theo một hành lang dẫn xuống cái được gọi là ‘phòng áo’ (sacristies). Ông Gibson nói rằng hành lang đó được gọi là ‘hành lang phòng áo’.

374 Các phòng áo là các phòng riêng ở phía sau Nhà thờ Chính tòa. Chúng ở ngoài giới hạn đối với các ca viên và một số thành viên của cộng đồng. Một trong những phòng áo đó được dành riêng cho việc sử dụng độc quyền của vị Tổng Giám mục. Một phòng khác dàng cho các linh mục sử dụng khi mặc và cởi lễ phục.

375 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng bằng chứng là, trong hậu bán năm 1996, phòng áo của Đức Tổng Giám Mục không có sẵn cho đương đơn sử dụng. Do đó, ông buộc phải mặc và cởi lễ phục trong phòng áo của các linh mục. Ông Gibson nói rằng điều này có thể giải thích tại sao, như người khiếu nại cáo buộc, đương đơn đã vào phòng áo của các Linh mục, sau khi kết thúc Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật.

376 Ông Gibson nói rằng bằng chứng của những người khiếu nại là, như một phần của ‘trò vui’ của họ, cả hai cậu trai đã vào phòng áo của các Linh mục, lúc đó không có ai cả. [125] Thánh lễ vừa mới kết thúc.

377 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại nói rằng một khi các cậu bé vào bên trong phòng áo của các Linh mục, họ đã ‘lục lọi xung quanh’ một lúc. Ở bên trái, có một khu vực được ốp gỗ hơi ẩn khuất. Khi mở một cái tủ ở bên trong, họ phát hiện ra một chai rượu lễ. Khi họ đang nốc ‘một vài hớp’ từ chai, thì đương đơn đi vào.

378 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại nói rằng đương đơn hỏi các cậu trai họ đang làm gì. Ông nói với họ rằng họ đang gặp rắc rối. Ở giai đoạn đó, đương đơn vẫn mặc ‘áo lễ đầy đủ’, hay áo đại trào (regalia), mà một Tổng Giám mục thường mặc khi đọc hoặc cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật.

379 Người khiếu nại nói rằng đương đơn đã đến gần các cậu trai và sau đó ‘tiến hành điều khiển áo choàng của ông ta để rút dương vật ra’. Sau đó, đương đơn kéo cậu trai kia sang một bên, và bắt cậu ta cúi xuống trước mặt ông. Lúc đó, đương đơn vẫn đứng. Cậu trai kia yêu cầu được buông tay. Ông ta nói rằng họ đã không làm gì cả, hay ‘bất cứ điều gì sai cả’.

380 Theo ông Gibson, người khiếu nại nói rằng cậu ta có thể nhìn thấy một trong những bàn tay của đương đơn trên lưng của cậu trai kia, và bàn tay kia ở khu vực bộ phận sinh dục của đương đơn. Cậu thấy đầu cậu bé kia bị hạ xuống về phía háng của ứng viên. Ông Gibson nói rằng hành vi này, mà người khiếu nại nói chiếm không quá một hoặc hai phút, đã dẫn đến cáo buộc 1 (hành động không đứng đắn với, hoặc với sự có mặt của một đứa trẻ).

381 Ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại nói rằng mấy phút sau đó, đương đơn chuyển sự chú ý của mình sang người khiếu nại. Ông đẩy người khiếu nại xuống một vị trí phải cúi xuống, hoặc quỳ xuống. Sau đó, ông đẩy đầu người khiếu nại vào dương vật cương cứng của mình, để nó nằm trong miệng của người khiếu nại. Hành động xâm nhập tình dục (sexual penetration), theo người khiếu nại, kéo dài trong vài phút. Ông Gibson nói rằng hành vi này đã dẫn đến cáo buộc 2 (xâm nhập tình dục một đứa trẻ).

382 Tiếp theo, ông Gibson nói, người khiếu nại nói rằng đương đơn, đã rút dương vật của mình ra khỏi miệng người khiếu nại, bảo cậu kéo quần xuống. Ông nói với cậu đứng thẳng, và làm theo điều ông nói. Đương đơn sau đó hạ thấp người xuống gần như ngồi xuống, trên một đầu gối. Sau đó, ông bắt đầu chạm vào dương vật của người khiếu nại (cáo buộc 3), đồng thời đặt tay lên dương vật của mình (cáo buộc 4) (thực hiện một hành động không đứng đắn với, hoặc trước sự có mặt của một đứa trẻ). Những hành vi này, theo người khiếu nại, chiếm khoảng ‘vài phút'.

383 Ông Gibson sau đó nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại nói rằng sau khi vụ lạm dụng kết thúc, cả hai cậu bé đã đi từ phòng áo của các Linh mục đến phòng mặc áo của ca đoàn. Ở đó, họ trả lại áo choàng của họ. Người khiếu nại nói rằng sau đó cậu được lái xe về nhà. Cậu nói rằng cậu không bao giờ nói chuyện với cậu bé kia về những gì đương đơn đã làm cho họ. Mà trong nhiều năm, cậu cĩng không nói với bất cứ ai khác về nó. Cậu nói rằng lý do tại sao cậu không bao giờ đề cập đến vấn đề này cho đến nhiều năm sau đó vì cậu không muốn gây nguy hiểm cho học bổng của mình.

384 Liên quan đến biến cố thứ hai, ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại nói rằng hành vi phạm tội này diễn ra 'hơn một tháng sau biến cố thứ nhất'. Cậu nói rằng ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, có một đám rước thông thường với sự tham dự của ca đoàn. Tuy nhiên, lần này là một cuộc rước ở bên trong, chứ không phải ở bên ngoài, và diễn ra dọc theo hành lang phòng áo.

385 Về biến cố thứ hai này, ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng người khiếu nại nói rằng các thành viên của ca đoàn đang đi dọc hành lang phòng áo, hướng về phía phòng thay đồ của ca đoàn, để cởi áo. Tại một điểm nào đó giữa ô cửa dẫn vào phòng áo của các linh mục và ô cửa dẫn vào phòng áo của Đức Tổng Giám Mục, đương đơn bất ngờ lao về phía người khiếu nại, và đẩy mạnh cậu vào tường. Sau đó, ông siết chặt bộ phận sinh dục của người khiếu nại ngay trên áo choàng của cậu, gây ra nỗi đau đáng kể. Sau hai hoặc ba giây, ông buông tay ra và bỏ đi. Cũng như với biến cố thứ nhất, người khiếu nại nói rằng, cậu không bao giờ đề cập đến hành vi lạm dụng tình dục thứ hai này cho bất cứ ai, cho đến nhiều năm sau đó.

386 Ông Gibson đã không nêu ngày tháng thực sự trong đó, hai biến cố trên được cho là đã xảy ra. Như sẽ thấy, ông ta có nhiều lý do tốt để không làm như vậy. Việc ông khai mở cho bồi thẩm đoàn hoàn toàn dựa trên những lời khai ban đầu của người khiếu nại với cảnh sát, cũng như bằng chứng mà người khiếu nại đã đưa ra ở phiên tòa quyết định có xử vụ này hay không (committal). Điều rõ ràng là trình thuật của người khiếu nại không thể hòa giải được với các sự kiện đã biết hoặc khách quan sẵn sàng có thể xác nhận được như những gì đã xảy ra tại Nhà thờ chính tòa vào thời điểm đó.

387 Cũng cần lưu ý rằng trong phần mở đầu của mình, ông Gibson đã không nhắc đến những gì các cậu bé được giả thiết đã làm ngay sau khi biến cố thứ nhất kết thúc. Ông chỉ báo trước, bằng những từ ngữ chung chung nhất, rằng người khiếu nại nói rằng họ đã đến phòng áo ca đoàn để cởi áo, và sau đó về nhà.

388 Như dự kiến, ông Gibson đã dự phóng điều lý lẽ (case) của bên bênh vực có thể sẽ là gì và đã thực hiện các bước đánh phủ đầu (pre-emptive) để đáp ứng. Chủ yếu, đó là bởi vì ông ta hiểu rất rõ rằng lý lẽ bào chữa sẽ được trình bày chủ yếu qua các bằng chứng được rút ra (abduced) từ cuộc đối chất, của một số nhân chứng được luật sư công tố triệu mời.

389 Về vấn đề đó, ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng điều sớm trở thành rõ ràng đối với họ là sẽ có một số khác biệt dường như không thể hòa giải giữa trình thuật của người khiếu nại và bằng chứng được đưa ra bởi một số nhân chứng.

390 Ông Gibson đã đơn cử bằng chứng của Mallinson và Cox (những người tôi đã đề cập trước đây), cũng như Đức ông Charles Portelli (Chưởng Nghi của Tổng Giám mục lúc đó), Max Potter (người coi phòng áo) và Peter Finnigan (trưởng ca đoàn).

391 Ông Gibson đã báo trước rằng sẽ có bằng chứng cho thấy hiệu quả này là cuộc rước sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật thường có tính đội ngũ (regimented) rất cao, và điều này có thể mâu thuẫn với một số khía cạnh trong trình thuật của người khiếu nại.

392 Tiếp tục mạch văn này, ông Gibson nói với bồi thẩm đoàn rằng một số nhân chứng sẽ nói rằng bất cứ ca viên nào tách ra hoặc luồn ra khỏi một đám rước ở bên ngoài, khi nó đang di chuyển dọc bên ngoài Nhà thờ Chính tòa, sẽ được lưu ý ngay lập tức và bị kỷ luật. Ông ta thừa nhận một cách hợp lý rằng bằng chứng này không thể dễ dàng hòa giải với trình thuật của người khiếu nại về việc các cậu trai đã rời khỏi ca đoàn và quay trở lại Nhà thờ Chính tòa.

393 Ông Gibson tiếp theo chỉ ra rằng một số nhân chứng sẽ nói rằng cánh cửa phòng áo của các Linh mục luôn bị khóa khi căn phòng đó không có người trông coi. Ông nói với bồi thẩm đoàn rằng bằng chứng của họ cũng sẽ khó hòa hợp với việc trình bầy các sự kiện của người khiếu nại.

394 Một vấn đề thứ ba được ông Gibson nhấn mạnh (flagged) liên quan đến rượu lễ. Ông nói rằng sẽ có bằng chứng cho thấy rượu lễ luôn bị khóa, được cất giữ an toàn trong một khung vòm trong phòng áo của các Linh mục. Nó không bao giờ bị đặt ở trong tủ, có thể chạm tới được đối với bất cứ ai tình cờ ở trong căn phòng đó vào thời điểm đó. Bằng chứng đó sẽ không phù hợp với trình thuật của người khiếu nại.

395 Một vấn đề thứ tư mà ông Gibson dự phóng liên quan đến bằng chứng sẽ được đưa ra về những gì một số nhân chứng sẽ nói là 'thực hành bất biến' của đương đơn thường đứng trước các bậc thềm của Nhà thờ Chính tòa, ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Ông Gibson thừa nhận (điều nên biết rõ ràng trong mọi trường hợp) rằng nếu, vào ngày cho rằng đã xẩy ra việc vi phạm, đương đơn đã đứng trên các bậc thềm Nhà thờ Chính tòa trong một thời gian dài ngay sau Thánh lễ trọng thể Chúa Nhật [126], một điều sẽ ‘không nhất quán với hành vi phạm tội đã xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, như được mô tả bởi [người khiếu nại]'.

396 Nên lưu ý rằng ông Gibson nhận thức rõ, khi ông khai mở vấn đề với bồi thẩm đoàn theo cách này, rằng, trong một phán quyết được đưa ra trước khi bắt đầu phiên tòa đầu tiên [127], thẩm phán xét xử trước đó đã nói rõ rằng, theo quan điểm của Ngài, nếu bồi thẩm đoàn có một nghi ngờ hợp lý về việc liệu đương đơn có đứng ở các bậc thềm trong 10 phút trở lên hay không, như một số nhân chứng đã tuyên bố, thì ‘ít nhất cũng có khả năng điều này sẽ gây tử vong cho lý lẽ của công tố viện' [128].

397 Tuy nhiên, ông Gibson nói thêm rằng những nhân chứng sẽ nói về thực hành bất biến của đương đơn, về phương diện này, tất cả sẽ được hỏi về ‘khả thể’ rất có thể nó đã không được tuân theo vào ngày xẩy ra điều bị coi là vi phạm. Ông nói với bồi thẩm đoàn rằng khả thể đó, nếu được thành lập, ít nhất sẽ giảm bớt trọng lượng dành cho bằng chứng của các nhân chứng đó.

398 Vấn đề tiếp theo được ông Gibson đưa ra liên quan đến bằng chứng sẽ được dẫn từ một số nhân chứng cho thấy hiệu quả là khi đã mặc lễ phục, đương đơn luôn được tháp tùng, bởi vị Chưởng Nghi, là Portelli. Các nhân chứng nói rằng nếu Portelli, vì một số lý do nào đó, không có mặt, Potter sẽ hoàn thành vai trò đó.

399 Một lần nữa, ông Gibson thừa nhận rằng bằng chứng này, nếu được chấp nhận, sẽ ‘không nhất quán với hành vi phạm tội xảy ra khi Hồng Y Pell ở một mình’, và do đó sẽ không nhất trí với trình thuật [của người khiếu nại] [129].

400 Cuối cùng, ông Gibson nhấn mạnh đến bằng chứng mà một số nhân chứng sẽ đưa ra về lễ phục mà Đức Tổng Giám Mục mặc khi vị này cử hành Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật. Ông nói rằng có bằng chứng cho thấy những lễ phục này có nhiều lớp, nặng và cồng kềnh. Ông thừa nhận rằng bằng chứng thuộc bản chất đó có thể khó hòa hợp với trình thuật của người khiếu nại về cách đương đơn cố gắng điều khiển các lễ phục này, để lộ dương vật của mình ra.

401 Ông Gibson, ít nhất trong diễn từ mở đầu của mình, đã không nói đến bằng chứng sẽ được đưa ra cho thấy hiệu quả này: khu vực xung quanh phòng áo của các linh mục, ngay sau Thánh lễ trọng thể vào Chúa Nhật, là ‘một tổ ong sinh hoạt rầm rộ’.

Kỳ tới: Bằng chứng như đã được khai triển tại phiên xử - một số vấn đề sơ khởi
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Bầu Ban thường vụ HĐMV nhiệm kỳ 2020- 2024
Giuse Trần Văn Đẩu
08:14 26/08/2019
Giáo xứ Tân Việt Bầu Ban thường vụ HĐMV nhiệm kỳ 2020- 2024

Theo tinh thần Công Đồng Vaticano II, “ giáo dân được mời gọi tham gia, trợ giúp, chia sẻ công việc mục vụ trong Giáo Hội một cách tích cực tùy theo ơn gọi và khả năng của từng người “.

Để chuẩn bị cho những hoạt động trong tương lai của giáo xứ, việc bầu chọn Ban thường vụ HĐMV nhiệm kỳ 2020- 2024 đã được cha chính xứ và Ban thường vụ HĐMV tổ chức vào ngày Chúa Nhật 25/8/2019.

Ngay sau Thánh Lễ 7g30 sáng Chúa Nhật, công việc bỏ phiếu đã được tiến hành với sự hiện diện của cha chính xứ Đaminh, cha phó Giuse Ban thường vụ HĐMV, quý vị trùm chánh các giáo họ, đại diện các đoàn thể, các ca đoàn.

Xem Hình

Sau khi nghe hướng dẫn thể lệ về cách bỏ phiếu của Ban bầu cử, các cử tri đã bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử HĐMV nhiệm kỳ 2020_2024. Đợt bầu này vì tính đặc thù riêng chỉ có 5 ứng cử viên nên bầu từng chức danh.

Sau gần 3 tiếng làm việc đầy trách nhiệm dưới sự chứng kiến của cha chánh xứ, cha phó và vị chủ tịch HĐMV, quý vị trùm chánh các giáo họ, đại diện các đoàn thể, các ca đoàn, giáo xứ đã chọn được 5 vị cho từng chức danh.

Giáo xứ là hình ảnh của Giáo hội tại địa phương, và Linh muc chánh xứ đại diện Chúa Kito là đầu và giáo dân là những chi thể, mỗi phần không thể tách rời nhau mà phải gắn bó, liên kết mật thiết để xây dựng giáo xứ mỗi ngày một phát triển.

Xin Chúa Thánh Thần luôn ban dồi dào sức sống mới cho giáo xứ cũng như cho Ban thường vụ HĐMV khóa 2020- 2024 để họ luôn có tinh thần hy sinh, phụng vụ trong yêu thương và hiệp nhất.

Danh sách Ban thường vụ HĐMV nhiệm kỳ 2020- 2024

1/ Chủ tịch HĐMV Ông Giuse Bùi khắc Trình

2/ Phó chủ tịch ngoại vụ Ông Phêrô Nguyễn văn Hiển.

3/ Phó chủ tịch nội vụ Bà Maria Đỗ thị thanh Thủy

4/ Thư ký Bà Maria T Nguyễn thị bích Phượng.

5/ Thủ quỹ Bà Maria Vũ thị Huệ.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Thông Báo
Thông báo lớp Ca Trưởng 3 tại giáo xứ Thánh Phanxicô Đakao
Lm Jos. Nguyễn Xuân Thảo
08:44 26/08/2019
 
Văn Hóa
27 tháng 8 Lễ Thánh Monica: Người Mẹ Tuyệt Vời
Đinh Văn Tiến Hùng
17:18 26/08/2019
Lễ kính 27/8 hàng năm

+ Quan Thày Trung học MONICA, Gia Kiệm, Long Khánh . Kính tặng Đức Ông Phạm văn Phương & Mến tặng Cựu Học Sinh trường xưa.

*Sơ lược tiểu sử :

Thánh Nữ Monica sinh năm 332 tại Tagaste, Bắc Phi trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Năm 22 tuổi cô kết hôn với 1 người ngoại đạo dòng dõi quí tộc, tính tình cộc cằn thô lỗ. Nhưng nhờ đức tính hiền lành kiên nhẫn luôn cầu nguyện, Monica đã cảm hóa được chồng trở lại đạo và chết an lành sau 20 năm chung sống.

Bà sinh được 3 người con, Augustinô con trưởng tư chất thông minh, nhưng lại ham mê danh vọng sắc dục, đi theo bọn du đãng và bè rối. Bà kiên tâm nhẫn nhục, không ngại nguy hiểm vượt biển sang Mi-lăng, Ý để sống gần con và nhờ thánh Giám mục Ambrosiô giúp đỡ. Với lòng kiên nhẫn luôn cầu nguyện cùng sự quyết tâm của thánh Giám Mục, cuối cùng Augustinô đã tìm ra chân lý để hoán cải cuộc đời. Ngày Lễ Phục Sinh năm 387 chàng cùng một số bạn hữu đã nhận bí tích Thánh Tẩy. Đây là giây phút sung sướng nhất đời Mẹ Monica vì đã hoàn tất nguyện vọng bao năm khổ cực theo đuổi.

Hai tuần sau Monica ngã bệnh và từ giã cõi đời lúc mới 55 tuổi. Đám tang Mẹ, Augustino không khóc vì Mẹ đã chết thánh thiện, Ngài đã bày tỏ cảm xúc trong cuốn Tự Thú : ‘ Lạy Chúa! Sở dĩ con được làm con Chúa, vì Chúa đã ban cho con một người mẹ như thế đó ! ‘

Thánh Monica rất được mộ mến, nên nhiều người đã nhận tên Thánh Monica và Bà cũng là Quan Thày của các bà mẹ, bà vợ. Nhiều đoàn thể, tu viện, trường học, thánh đường hay thành phố lấy tên Ngài như thành phố Santa Monica, Los Angeles để kỷ niệm lần đầu tiên các nhà truyền giáo đến đây đúng ngày Lễ kính Thánh Monica 27/8.

Nhờ có được một Người Mẹ Tuyệt Vời, sau này Augustinô trở thành nhà giảng thuyết hùng biện, học giả uyên bác,

một Thánh Giám Mục được phong là Tiến sĩ Hội Thánh.

*Thánh Nữ Hoan Ca.

MONICA Mẹ tuyệt vời !

Nêu gương sáng chói cho đời noi theo,

Dù đời đau khổ bao nhiêu,

Cậy trông vào Chúa mọi điều sẽ qua.

Hai mươi hai tuổi lập gia đình,

Người chồng ngoại đạo tính tình khó khăn.

Ba mươi năm sống âm thầm,

Chồng con chịu đựng tấm thân hao gầy.

Mẹ luôn cầu nguyện đêm ngày,

Cho chồng hối cải, con quay trở về,

Con trưởng dục vọng đam mê,

Ngang tàng, gian dối chẳng hề hồi tâm,

Lại theo bè rối sai lầm.

Nhìn con lòng Mẹ muôn phần xót xa,

Nguyện cầu xin Chúa thứ tha,

Nước mắt Mẹ đã chan hòa vì con,

Vững tâm nhịn nhục sắt son.

Nhận được trong giấc chiêm bao tin mừng,

Thiên Thần bảo hãy vững lòng,

Con Bà rồi sẽ hồi tâm quay về.

Augustinô gặp Thánh nhân,

Suy lời Ngài dạy dần dần hiểu ra,

Bè rối, dục vọng, sa hoa,

Chỉ là hư ảo mà ta theo đòi.

Người Mẹ lo lắng khôn nguôi,

Chẳng ngại vượt biển đến nơi con mình,

Đêm ngày tha thiết cầu kinh,

Con được hoán cải trong tình thứ tha.

Hồng ân Thiên Chúa bao la,

Đón nhận tình Chúa ngợi ca ơn Ngài ,

Chúa đã sắp đặt an bài,

Dẫn đường chỉ lối con trai trở về.

Mẹ Con sung sướng tràn trề

Cảm tạ Thiên Chúa lời thề ghi ơn.

Lạy Chúa ! Chúa đã thương con,

Được làm con Chúa con còn ước chi,

Đời con diễm phúc ai bì,

Suốt đời tình Chúa khắc ghi tâm hồn.

Nhờ Mẹ sốt sáng nguyện cầu,

Nhờ Mẹ giáo dục bấy lâu đêm ngày,

Nhờ Mẹ chẳng quản thân gầy,

Nhẫn nhục khổ cực để ngày hôm nay,

Augustinô giờ đây,

Trở thành vị Thánh tràn đầy nhiệt tâm !

MONICA Mẹ tuyệt vời !

Nêu cao nhân đức cho người neo theo.

Đời Mẹ đau khổ quá nhiều,

Nhưng tin vào Chúa mọi điều đã qua.

Tình Mẹ ôi thật bao la !

Hy sinh từ ái chan hòa đời Con.

*Trường xưa in dấu ngày nào,

Mang tên Thánh Nữ vì sao sáng ngời,

Tuổi thơ ươm mộng tuyệt vời,

Hơn nửa thế kỷ nhớ thời trinh trong,

Ân sư dạy dỗ hết lòng,

Bạn bè thân thiết học hành siêng năng,

Cha mẹ săn sóc ân cần,

Mong con khôn lớn đem thân giúp đời.

Ngày nay phiêu bạt muôn nơi,

Nhưng luôn vương vấn một thời tuổi thơ,

Dù cho ngăn cách bến bờ,

Chân trời góc bể bây giờ xa nhau,

Tóc nay điểm bạc mái đầu,

Thày xưa bạn cũ vẫn còn nhớ thương.

Monica Mẹ tuyệt vời !

Trải bao đau khổ cuộc đời trần gian.

Xin Mẹ dìu dắt dẫn đàng,

Noi theo gương Mẹ sẵn sàng hiến dâng.

Đinh văn Tiến Hùng

(*) Ghi chú : Hình Lm Phạm văn Phương Hiệu Trưởng

Và các học sinh trường TH Monica hơn nửa thế kỷ năm xưa.

 
Cái Tâm
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:46 26/08/2019
Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm, cuộc sống chỉ có hận thù, và là mối nguy hiểm cho mọi người.

Tâm của ai nói lên nhân cách người đó. Chẳng hạn:

- Sống gần người có tâm lệch lạc, bạn dễ bị sự hoang mang tấn công.

- Sống gần người có tâm gian dối, bạn vô cùng đau khổ.

- Sống gần người có tâm thủ đoạn, bạn dễ đối diện cùng nguy hiểm cho an ninh đời mình.

- Sống gần người có tâm ganh ghét, bạn dễ trở thành đối tượng của sự đố kỵ.

- Sống gần người có tâm tráo trở, cuộc sống của bạn mất bình an.

- Sống gần người có tâm thù hận, bạn dễ bị oán ghét.

- Sống gần người có tâm tham lam, bạn dễ bị tước đoạt nhiều thứ.

- Sống gần người có tâm hay nghi ngờ, cuộc sống của bạn dễ bị chính sự nghi ngờ của họ làm cho khổ sở.

- Sống gần người có tâm đố kỵ, bạn dễ trở thành người bị soi mói, dòm ngó.

- Sống gần người có tâm ích kỷ, bạn nên chuẩn bị để đón nhận những mưu toan, tính toán bất lợi, miễn họ có lợi.

- Sống gần người có tâm thâm thù, bạn đang đối diện với người đi sát cạnh sự độc ác.

- Sống gần người mà tâm mang nặng mối tư thù, bạn nên chuẩn bị để đón nhận nhiều lời lẽ và hành vi hằn học...

Người đời vẫn gọi người chất chứa những loại tâm như trên là bất chính hay không có tâm.

Hãy nhớ, tâm là cốt cách của mỗi người, làm nên tư cách và tính cách của người ấy. Vì thế, nếu là người có tâm bất chính hay không có tâm, thì dù có cố che cố đậy và che đậy khéo đến mức nào, thì sớm muộn gì, họ vẫn bị bại lộ.

Vì thế, giữ cho bản thân vừa sống thực tâm, vừa sống có tâm hay tâm công chính, ta cần:

- Luôn luôn giáo dục lương tâm mình ngay chính.

- Học đòi bắt chước gương lành, gương tốt.

- Sống và hành động theo lối sống của các người lành, nhất là của các thánh nhân.

- Giữ tâm hồn mình ngay thẳng, trung thực.

- Dẹp bỏ kiểu suy nghĩ, kiểu lý luận a dua, đua đòi: người khác thế nào, tôi thế ấy.

- Không phải lúc nào cũng chạy theo đám đông mà không phân định, không đưa ra những quyết đoán khôn ngoan, sáng suốt.

- Không bao giờ xấu hổ khi làm điều lành.

- Dứt khoát xấu hổ khi chỉ cần suy nghĩ đến điều xấu hay có ý làm điều xấu.

- Luôn hướng thiện, nghĩ về điều thiện, dẫu đang bị vây bũa bởi môi trường xấu, gương mù, gương xấu.

- Thường xuyên cầu nguyện, xin Chúa giải thoát mình khỏi bóng tối sự dữ, sự xấu.

- Chăm chú lắng nghe, đọc, suy niệm, tập tành sống Lời Chúa, giáo huấn của Chúa.

- Luôn luôn ý thức Chúa đang đồng hành với mình, Chúa hiện diện trong linh hồn mình, Chúa nhìn thấy mình, Chúa thấu biết mọi hành vi và suy nghĩ của mình.

- Trung thành với mọi lề luật mà Hội Thánh dạy.

Vì thế, trên thực tế, ta cần:

- Để tâm của mình sống động nơi cõi lòng để biết yêu thương và chân thành đón nhận yêu thương từ người khác.

- Để tâm của mình sống động nơi đôi bàn tay để biết giúp đỡ người cần giúp đỡ.

- Để tâm của mình sống động nơi đôi chân để đến những nơi, những người còn nhiều kém cỏi, bi đát, cơ nhỡ, thương đau.

- Để tâm của mình sống động nơi suy nghĩ để luôn nhìn mọi người, mọi hoàn cảnh băng ánh nhìn tốt, khía cạnh đẹp. Nếu cần đánh giá sẽ đánh giá cách độ lượng, vị tha.

- Để tâm của mình sống động nơi môi miệng để biết im lặng khi cần, và nếu phải phát biểu sẽ là những lời không lên án, không thiên kiến, nhưng mang lại bình an, tình người, và cảm thông.

- Để tâm của mình sống động nơi đôi tai để bỏ ra ngoài những lời dèm pha, soi mói người khác. Chỉ nghe những lời giúp ta trưởng thành trong đời sống, trong tương quan với đồng loại, và những gì là chân lý, là lẽ phải.

Để có tâm, không phải ngày một, ngày hai mà có được. Một người chưa từng có tâm, không phải tự dưng mà có nó. Tất cả phải là một quá trinh nỗ lực học tập và cố gắng từng ngày.

Sống ở trên đời mà không có tâm, dễ biến ta thành người tàn nhẫn, đáng sợ... Sống mà lại biến mình thành nguyên nhân của nỗi khiếp sợ, của sự mất bình an, ta là kẻ bỏ đi, kẻ không đáng sống (dân gian hay chế diễu: "hết xài", "hết thuốc chữa"...).

Ngược lại, ta biết rèn chữ tâm, nó sẽ là giá trị của đời ta và làm nên chỗ đứng, nhân phẩm của ta trong lòng những ai đã từng sống bên ta.

Nếu hương sắc là cái quý của mọi loài hoa, vì không hương, không săc, hoa không thể là hoa. Tâm của một người là cái đẹp vô giá của chính người đó.

Một lần nữa, hãy ngắm các loài hoa để nhận diện lại nét đẹp vô cùng của kẻ có tâm.

Vậy, ta hãy tự tạc hình tượng của mình khi sống giữa đời bằng SỐNG CHỮ TÂM.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 26/8/2019 - Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh lên tiếng về vụ cháy rừng Amazon
VietCatholic TV
10:10 26/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 25/8/2019.
2- Vatican và Việt Nam thỏa thuận lập văn phòng đại diện tông tòa thường trú tại Việt Nam.
3- Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh lên tiếng về vụ cháy rừng Amazon.
4- Đức Thánh Cha gây bất ngờ lớn khi ngồi giữa các tín hữu tham dự thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô.
5- Liên Hiệp Quốc tưởng niệm các Nạn nhân của bạo lực vì lý do tôn giáo.
6- Gia đình Công Giáo độc đáo nhất Việt Nam.
7- Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ cộng tác với chính phủ trợ giúp các nạn nhân thiên tai.
8- Hội nghị bàn tròn các Biên tập viên Công Giáo của SIGNIS Châu Á tại Kuala Lumpur .
9- Công Giáo Madagascar kêu gọi tín hữu tham gia chuẩn bị chuyến tông du của Đức Thánh Cha.
10- Tuần lễ cho người di cư và tị nạn của Giáo hội Úc.
11- Các Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi đề xuất giải thích rõ ràng luật miễn trừ tôn giáo.
12- Các nữ tu cam kết chống phân biệt chủng tộc, phục vụ di dân và giải quyết biến đổi khí hậu.
13- Giới thiệu Thánh Ca: Cho Con Vững Tin
Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết.
 
Đức Hồng Y Pell: Nạn nhân của trào lưu bài Công Giáo tại Úc - Không còn linh mục nào được an toàn
Giáo Hội Năm Châu
17:56 26/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Phán quyết ngày 21 tháng 8 chống lại Đức Hồng Y George Pell là thảm họa trên nhiều bình diện

Hôm 22 tháng Tám, trên tờ National Catholic Register, Cha Raymond De Souza, chủ bút tạp chí Convivium của Công Giáo Canada, nhận định rằng việc tòa phúc thẩm Victoria bác bỏ kháng án của Đức Hồng Y George Pell là một thảm họa xét theo nhiều bình diện, kể cả bình diện pháp lý khi mà một lời nói phiến diện, không bằng không chứng của một người cũng có thể kết tội người khác.

“Nghe như có vẻ thiệt” (ring of truth)

Hai thẩm phán, những người đã bác bỏ kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell, ngày 21 tháng 8, nói rằng lời khai của người khiếu nại “nghe như có vẻ thiệt”. Nếu vậy, họ thật phi phàm khi có thể phát hiện tiếng leng keng của tiếng chuông đền thánh, mặc dù bằng chứng mâu thuẫn đang tuôn ra từ các chiếc đàn ống của nhà thờ chính tòa ở âm lượng cao nhất, với tất cả các nút dừng được kéo ra hết.

Việc bác bỏ kháng cáo của Đức Hồng Y Pell, là một thảm họa cho sự tự do của ngài, khi ngài bị đưa trở lại nhà tù, nơi ngài bị giam giữ đơn độc trong 176 ngày. Ngài đã không được phép cử hành thánh lễ trong thời gian ấy.

Phán quyết, được đưa ra với tỷ số 2-1 bởi một hội đồng ba thẩm phán của Tòa phúc thẩm Victoria, là một thảm họa ở một bình diện khác. Một tiêu chuẩn mới đang được đề xuất cho điều cần thiết để kết án vượt quá sự hoài nghi hợp lý.

Các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell đã hết sức kỳ quặc đến mức hoàn toàn không thể có được: Trong Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chánh tòa của ngài với tư cách tổng giám mục mới của Melbourne, ngài đã tách ra khỏi đám rước kết thúc, vội vã trở lại phòng áo, thấy hai cậu bé ca viên ngài chưa bao giờ gặp mặt trước đây, tấn công tình dục họ một cách lộ liễu trong khi vẫn mặc đầy đủ áo lễ như lúc cử hành Thánh Lễ, trong thời gian đó, cánh cửa phòng áo mở toang, nhà thờ chính tòa vẫn đầy người đi lại quanh quẩn, và các người giúp lễ và các người giữ phòng áo đang đi qua lại từ thánh đường đến các phòng áo lễ.

Không ai thấy Đức Hồng Y Pell tách khỏi đám rước, kể cả vị chưởng nghi, người luôn ở bên cạnh ngài và làm chứng điều đó. Cũng không ai thấy các cậu trai tách khỏi đám rước, và một số nhân chứng làm chứng rằng họ sẽ không làm như vậy mà không bị lưu ý.

Sau khi hoàn thành tất cả các hành động bẩn thỉu này trong sáu đến tám phút, Đức Hồng Y Pell sau đó quay lại để chào hỏi những người rời bỏ Thánh lễ. Không ai thấy gì vào lúc đó. Một trong những cậu bé, người đã chết năm 2014, đã bác bỏ với mẹ mình vào năm 2001 việc cậu từng “bị sờ soạng” và bị lạm dụng tình dục. Cậu bé kia không nói gì cho đến khi khiếu nại vào năm 2015.

Bên công tố chỉ đưa ra bằng chứng của người khiếu nại, mà không có bất cứ bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp nào làm vững thêm (corroborating), và không có bất cứ nhân chứng hỗ trợ nào. Bên bào chữa trình bày những lời bác bỏ kịch liệt của Đức Hồng Y, việc rõ ràng bác bỏ của người bị coi là nạn nhân khác, và lời khai của một loạt nhân chứng nói rằng điều đó là điều đơn giản không thể xảy ra.

Nếu điều đó không đủ để thiết lập sự nghi ngờ hợp lý – ít nhất, nếu không tuyệt đối tha bổng - thì thật khó tưởng tượng có bất cứ trường hợp lạm dụng tình dục nào trong đó sự nghi ngờ hợp lý có thể được thiết lập.

Trong quá trình đưa ra phán quyết của tòa án phúc thẩm, Chánh án Anne Ferguson nói rằng, “toàn bộ bằng chứng” cho phép một bồi thẩm đoàn kết án một cách hợp lý. Nhưng điều đáng kinh ngạc về vụ án của Đức Hồng Y Pell, là “toàn bộ bằng chứng” là trọn vẹn, toàn bộ và độc nhất là lời khai của một người duy nhất.

Nguyên tắc mà tòa phúc thẩm áp dụng trong vụ án - và có lẽ nay được thiết lập cho các vụ án khác - là chỉ một lời khai của một người đuợc coi là nạn nhân, nếu “nghe như có sự thật” được định nghĩa sai lầm, là đủ để có thể kết án, bất kể các sự kiện được bên bào chữa đưa ra làm bằng chứng có áp đảo bao nhiêu đi chăng nữa.

Đây không phải là vấn đề ông nói thế này / ông nói thế nọ, như đôi khi các vụ xử các hành vi sai trái tình dục quen là. Đây là một phiên tòa mà ông nói thế này / mọi người nói thế khác, và tòa án cho rằng vẫn hợp lý khi không có bất cứ nghi ngờ hợp lý nào về những gì một người kia nói.

Đức Hồng Y Pell vẫn có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao Úc. Rất hiếm khi thành công ở bình diện đó sau khi thua tại phiên tòa phúc thẩm. Nhưng Tòa án Tối cao có thể muốn lấy vụ Đức Hồng Y Pell, độc lập với chính ngài, như một phương tiện để khảo sát liệu nguyên tắc lời khai của nạn nhân chơi trội (trump) mọi điều và mọi sự có nên được áp dụng khắp lãnh thổ hay không.

Tòa phúc thẩm biết rằng họ đang giữ nguyên một bản án tại phiên tòa từng được chào đón một cách hoài nghi trên toàn thế giới, bao gồm cả nhiều người không thân thiện với Đức Hồng Y Pell.

Các thẩm phán đa số viết rằng “Điều đủ hiển nhiên, là hết điều không chắc chắn được nhân lên bởi điều không chắc chắn khác không - không thể - chứng minh được sự bất khả. Hơn nữa, Công tố (crown) có thể dựa vào bằng chứng trong việc trút bỏ gánh nặng của mình phải xác định rằng có một cơ hội thực tiễn để việc vi phạm xảy ra.

Một lần nữa, không có bằng chứng nào khác ngoài lời khai của người khiếu nại.

Hết không chắc chắn này đến không chắc chắn khác; hết sự không hợp lý này đến sự không hợp lý khác; hết sự không đáng tin cậy này đến sự không đáng tin cậy khác - tất cả những điều này không tạo nên một điều bất khả hữu thể học nào, tòa phán như vậy. Và chống lại một điều gì đó kém hơn một bất khả hữu thể học, lời khai của người được coi là nạn nhân đủ để kết án.

Thẩm phán bất đồng, người đã bỏ phiếu để tha bổng Hồng Y Pell về mọi cáo buộc, đã lịch sự bác bỏ ý kiến đa số cho rằng việc “nghe như có sự thật” của người khiếu nại là đủ để thắng vượt bất cứ và mọi bằng chứng trái ngược.

Chánh án Mark Weinberg viết: “Không thể nói một cách hợp pháp rằng bất kể trình thuật của người khiếu nại có đâu đâu (improbable) bao nhiêu đi chăng nữa ... và bất kể toàn bộ bằng chứng gỡ tội được đưa ra tại phiên tòa có gắn bó như thế nào chăng nữa, thì cách cư xử của người khiếu nại khi đối mặt với việc đối chất kéo dài phải luôn luôn phỗng tay trên các nhân tố thuộc loại đó”.

Khi đánh giá tính hợp lý của việc “nghe như có sự thật” của người khiếu nại, tòa kháng cáo phán quyết rằng bồi thẩm đoàn có quyền tin vào lời khai một phần vì không có động cơ nào được đưa ra bởi bên bào chữa để người khiếu nại nói dối. Tòa án nhận định rằng bên bào chữa không bắt buộc phải cung cấp một động cơ như vậy, nhưng nếu không có động cơ rõ ràng để nói dối, thì bồi thẩm đoàn có quyền ngả về việc tin người được coi là nạn nhân hơn. Tòa án gợi ý rằng không một động cơ nào như vậy đã hiện hữu và không thể tưởng tượng được một động cơ có thể là gì.

Thực ra, tưởng tượng là điều không khó. Động cơ để người khiếu nại nói dối - hay “bày đặt” ra một phần câu chuyện của họ, theo lời của chánh án bất đồng - có thể giống như động cơ của cảnh sát Victoria, phía đã đưa ra các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell. Cơ quan cảnh sát đó, vào tháng 3 năm 2013, đã thiết lập “Cuộc hành quan Buộc Cột (Tethering)” để thu lượm các cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell hai năm trước khi có bất cứ khiếu nại nào được đưa ra.

Trong hai năm, cảnh sát Victoria đã điều tra - thực sự, đã tuyệt vọng khẩn khoản xin các nạn nhân xuất đầu lộ diện, kể cả với quảng cáo trên báo – nhưng không có kết quả. Họ không điều tra một tội phạm nhưng tìm kiếm người chịu trách nhiệm; họ đã có được người họ muốn và tìm cách treo vào cổ ông ta một tội ác có vẻ hợp lý.

Cuối cùng, họ đã thất bại ở điểm đó và chỉ có một tội ác không hợp lý để cột vào cổ Đức Hồng Y Pell.

Họ đã làm gì trong hai năm trước đó khi cuối cùng họ tạo ra được người khiếu nại trong vụ này? Tại sao người được coi là nạn nhân khác kia không ra mắt Cuộc Hành quan Buộc cột trong năm trước khi chết? Tại sao chỉ có người khiếu nại xuất đầu lộ diện sau khi người được coi là đồng nghiệp nạn nhân đã chết và không còn có thể nói ngược lại câu chuyện của mình? Những sự xúi giục hoặc đe dọa nào, nếu có, đã được cảnh sát Victoria sử dụng với người khiếu nại?

Trong những trường hợp bình thường, sẽ khó khăn hơn cho một con lạc đà đi qua lỗ kim hơn là việc bồi thẩm đoàn nhất trí kết án vượt quá sự nghi ngờ hợp lý trong vụ Đức Hồng Y Pell, chứ đừng nói đến việc thắng kháng cáo.

Đây không phải là trường hợp bình thường – vì không có gì là không thể đối với cảnh sát và tòa án Victoria, việc kết án một người đàn ông vô tội lại càng dễ hơn nữa.

Không còn linh mục nào được an toàn sau vụ kết án ĐHY Pell.

Cha Hugh Somerville Knapman, dòng Biển Đức, là một linh mục người Úc, đang làm việc mục vụ tại Anh. Ngài là ký giả thường xuyên của tờ Dominus Mihi Adjutor, nghĩa là Chúa là Đấng Phù Trợ tôi.

Cha Hugh có bài bình luận sau về vụ án Đức Hồng Y George Pell đăng trên tờ Dominus Mihi Adjutor ngày 21/08/2019: Pell and Justice - Đức Hồng Y Pell và Công Lý. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Những kẻ thao túng công lý nhằm kết án một người vô tội đáng được dành cho một chỗ đặc biệt trong hỏa ngục. Tôi nói một cách khách quan như vậy; cố nhiên là có thể có sự ăn năn sau đó, và lòng thương xót của Thiên Chúa là không thể đo lường được và hoạt động theo một kế hoạch thiêng liêng vượt quá trí hiểu của chúng ta. Nếu một người thực sự tin rằng Đức Hồng Y Pell có tội thì sự phẫn nộ của họ là có thể hiểu được; nhưng người ta tự hỏi nếu họ đã thực sự tìm hiểu chút nào trên các bằng chứng, hay họ chỉ đơn thuần được thúc đẩy bởi mong muốn “bắt cho được Pell” .

Thẩm phán Mark Weinberg QC [là một trong ba Thẩm phán trong phiên kháng án] không đồng ý với phán quyết đa số của Tòa phúc thẩm và ủng hộ kháng cáo [của Đức Hồng Y Pell]:

“Tôi thấy khó khăn trước thực tế là tôi phải bảo lưu một ý kiến khác biệt với hai đồng nghiệp của mình, là những người mà tôi luôn rất tôn trọng”, ông viết.

“Điều đó đã khiến tôi suy tư thậm chí còn cẩn thận hơn về kết quả đúng đắn của đơn kháng cáo này. Tuy nhiên, sau khi đã làm như vậy, tôi không thể, với lương tâm ngay lành của mình, có thể làm khác hơn là duy trì sự bất đồng quan điểm của tôi.”

Kết luận của ông chiếm tới 200 trang trong bản án 325 trang. Tôi vẫn chưa đọc nó. Tuy nhiên, dường như các thẩm phán đưa ra phán quyết đa số cảm thấy bị buộc phải tin người khiếu nại.

“Nhưng Chánh án Ferguson và Thẩm phán Maxwell đã chấp nhận yêu cầu của công tố rằng nạn nhân còn sống sót là một nhân chứng thuyết phục, ‘rõ ràng không phải là kẻ dối trá’, ‘không phải là một kẻ giả tưởng’ và là nhân chứng của sự thật.”

The Age (Melbourne), 21/8/19

Trong bối cảnh trò chế giễu công lý và lý lẽ thường tình gần đây ở Anh gây ra bởi tên Carl Beech, là người mà Cảnh sát Thủ đô Luân đôn tin tưởng, đến mức đánh lừa cả một thẩm phán để có được lệnh khám xét; và trong bối cảnh một người được cho là nạn nhân bị lạm dụng khác, buồn thay giờ đây đã chết, cho rằng anh ta không hề bị Đức Hồng Y Pell lạm dụng, lập trường của các thẩm phán đa số hoàn toàn không có chút thuyết phục nào.

[Carl Beech là một tên du thủ du thực. Năm 2014, hắn tố cáo với cảnh sát 12 người mà hắn căm ghét, hay được thuê mướn để căm ghét, toàn là những chính trị gia và những người có tên tuổi trong xã hội. Tháng 11 năm 2014, cảnh sát Anh họp báo hùng hổ tuyên bố mở chiến dịch Midland bắt những tên lạm dụng tính dục trẻ em và giết người. Nhiều dịp khác nhau, các quan chức cảnh sát lớn tiếng tuyên bố sắp đưa ra trước công lý một số người. Bất ngờ, đến ngày 21 tháng Ba, 2016 cảnh sát lặng lẽ đóng hồ sơ vụ án. Dưới áp lực của nhiều phía cảnh sát phải thừa nhận sự kém cỏi để cho tên dựng chuyện Carl Beech thao túng. Ngày 22 tháng Bẩy, 2019 Carl Beech lãnh án 18 năm tù vì 12 tội liên quan đến việc chế giễu các cơ quan thi hành pháp luật - chú thích của người dịch]

Có vẻ như nhóm các luật sư bảo vệ cho Đức Hồng Y Pell đã mắc ít nhất hai sai lầm đáng kể tại phiên tòa đầu tiên. Trước hết, như một số người đã bình luận ở đây, Đức Hồng Y Pell đã không được nói lời nào để đưa ra bằng chứng hiện hộ. Điều này khiến cho lời khai của người khiếu nại chiếm được thế áp đảo.

Sai lầm thứ hai là dựa vào một bài thuyết trình hoạt hình để chứng minh sự bất khả thi về mặt bố cục và thể lý của các tội ác mà Đức Hồng Y Pell bị buộc tội. Chánh án Kidd của Tòa án quận không cho phép chiếu phim hoạt hình. Thế là xong. Tại sao các bồi thẩm không được đưa đến nhà thờ để tự mình nhìn thấy bố cục, trình tự của một cuộc rước sau thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Melbourne, và phẩm phục mà Đức Hồng Y Pell thường mặc? Tôi không biết tại sao lại không làm như thế. Đây dường như là một thất bại nhãn tiền trong chiến lược biện hộ.

Các luật sư bảo vệ thiếu quyết liệt trong việc trưng ra các bằng cớ cho thấy tính chất bất khả thi của tội phạm bị cáo buộc, và đã không cho phép Đức Hồng Y Pell lên tiếng bảo vệ, thế nên bằng chứng mong manh của người khiếu nại đã gây được chú ý. Thêm vào đó là bầu không khí định kiến trước phiên tòa, nên tôi bắt đầu thấy làm thế nào, một bồi thẩm đoàn có thể đã bị ảnh hưởng đến mức tin vào một điều khó tin như thế.

Đức Hồng Y Pell trở về chốn biệt giam, không được phép cử hành Thánh lễ, và tôi được biết, hoàn toàn không được tiếp cận với ánh nắng mặt trời. Chúng ta phải cầu nguyện cho ngài, và cả cho những người, vì bất cứ lý do gì, đã buộc tội ngài.

Và Đức Hồng Y phải kháng cáo lên Tòa án tối cao Úc, một tòa án được đặt bên ngoài biên giới Victoria và vượt ra ngoài sự thao túng đang phổ biến hiện. Ngài cần phải làm điều này không chỉ vì lợi ích của mình, mà còn vì lợi ích của mỗi linh mục. Hiện tại không có linh mục nào an toàn. #prayersforpell

Alexander Downer, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Úc và hiện là Cao ủy Úc tại Vương quốc Anh nói trên Đài phát thanh 4 sáng nay rằng chúng ta phải thông cảm với nạn nhân. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không tin, trên cơ sở bằng chứng, rằng đã từng có một nạn nhân. Làm sao lại có thể thông cảm với một người mà ta tin rằng không hề tồn tại?
 
Đức Thánh Cha Phanxicô phản ứng ra sao trước bé gái mắc bệnh chống nạnh trước mặt ngài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:12 26/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô để cho một bé gái mắc bệnh chạy nhảy tung tăng trên khán đài trong buổi triều yết chung

Đức Thánh Cha Phanxicô đã để cho một bé gái mắc bệnh di chuyển xung quanh khán đài vỗ tay và nhảy múa hầu như suốt buổi triều yết chung vào hôm thứ Tư 21 tháng Tám, trước mặt một cử tọa đông đảo trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.

Cô gái mặc chiếc áo thun màu hồng có hàng chữ “Love”, đã tuột khỏi tay mẹ cô đang ngồi phía hàng trên cùng trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục và nhảy lên khán đài làm bằng đá cẩm thạch. Cô nhảy qua lại nhảy lại trước mặt ngài, nhào lộn, chống nạnh trước mặt Đức Thánh Cha, và thỉnh thoảng vỗ tay rất to.

Đức Phanxicô ra hiệu cho các nhân viên an ninh để cho cô được di chuyển tự do. Cô gái trở về với mẹ mình. Mẹ cô cố gắng giữ cô im lặng trong vòng tay bà, nhưng cô lại vuột ra khỏi tay bà một lần nữa và trở lại sân khấu, khiến các cử tọa vỗ những tràng pháo tay.

“Cô gái đáng thương này là nạn nhân của một căn bệnh và cô ấy không biết mình đang làm gì,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi xin anh chị em một điều là mọi người nên đáp lại với trái tim chân thành của mình. Tôi đã cầu nguyện cho cô ấy không khi nhìn thấy cô ấy trong tình cảnh này? Tôi có cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho cô ấy và bảo vệ cô ấy không? Tôi có cầu nguyện cho bố mẹ và gia đình cô ấy không?”

“Anh chị em thân mến, khi chúng ta thấy một người đau khổ, chúng ta phải cầu nguyện. Những tình huống như thế này nên giúp chúng ta đặt ra cho mình những câu hỏi này,” ngài nói.

Tưởng cũng nên nhắc lại, năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép một cậu bé mắc chứng tự kỷ chạy quanh sân khấu mà không bị ngăn chặn.

Trong buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục bài giáo lý theo sách Công vụ Tông đồ. Sự hiệp thông của cộng đoàn Kitô hữu không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn phải được cụ thể hóa bằng việc làm.

Cộng đoàn Kitô được sinh ra từ ơn thánh dồi dào của Chúa Thánh Thần và phát triển nhờ men chia sẻ giữa các tín hữu trong Đức Kitô. Điều này cho thấy giữa các Kitô hữu có sự năng động của tình liên đới. Chính tình liên đới này xây dựng Giáo hội như một gia đình Thiên Chúa. Nơi đây mọi người trải nghiệm koinonia. Koinonia có nghĩa là gì? Đó là một từ Hy Lạp có nghĩa “mọi sự đều để chung”, như một cộng đoàn, không ai bị tách biệt. Đây là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, “chia sẻ”, “giao tiếp”, “tham gia”. Trong Giáo hội sơ khai, koinonia trước hết đó là tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô. Vì lý do này, khi chúng ta rước Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng “chúng ta hiệp thông”, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu và từ sự hiệp thông này đưa chúng ta đến hiệp thông với anh chị e m, hiệp thông huynh đệ. Tới đây có một điều rất khó khăn đối với chúng ta liên quan đến sự hiệp thông: để chung của cải và quyên góp tiền cho Giáo hội mẹ Giêrusalem (cfr Rm 12,13; 2Cor 8–9) và các Giáo hội khác.

Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Nếu anh chị em muốn mình là Kitô hữu tốt, anh chị em phải cầu nguyện, hãy cố gắng đến với Thánh Thể, Bí tích Giao hòa. Nhưng sẽ là dấu chỉ cho thấy tâm hồn anh chị em đã được hoán cải đó là khi sự hoán cải xảy đến từ túi tiền của anh chị em, nó chạm đến mối bận tâm của anh chị em. Từ túi tiền chúng ta sẽ thấy một người quảng đại, giúp đỡ những yếu đuối, nghèo khổ như thế nào. Khi điều này xảy đến có nghĩa là có một sự hoán cải thực sự. Nếu chỉ dừng lại ở lời nói không phải là một sự hoán cải tốt.

Đời sống Thánh Thể, cầu nguyện, lời giảng dạy của các Tông đồ và kinh nghiệm hiệp thông (Cv 2,42) làm cho các tín hữu đông đảo trở thành “một lòng một ý và không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung (Cv 4, 32). Vì lý do này “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4, 34-35). Trong Giáo hội luôn có các cử chỉ này của các Kitô hữu. Họ đã tự nguyện từ bỏ những thứ không cần thiết để trao ban cho những ai đang cần chúng. Và không chỉ tiền mà còn cả thời gian. Ví dụ có biết bao Kitô hữu là những tình nguyện viên, chia sẻ thời gian với người khác, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đó là hoạt động bác ái, thăm viếng người bệnh; luôn luôn cần phải chia sẻ với người khác, không chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình.

Như thế koinonia hay hiệp thông trở cách thức tương quan mới giữa các môn đệ của Chúa. Kitô hữu cần phải trải nghiệm điều này, đó là lối hành xử Kitô, đến nỗi những người ngoại giáo nhìn Kitô hữu và nói: “Hãy xem cách họ yêu nhau!”. Nhưng tình yêu không chỉ bằng lời nói, đó là tình yêu giả tạo, tình yêu phải thể hiện qua hành động, giúp đỡ lẫn nhau, một tình yêu cụ thể. Mối dây liên kết với Đức Kitô tạo ra sự liên kết giữa các tín hữu và được thể hiện trong sự hiệp thông của cải vật chất. Phải, đây là cách để ở bên nhau, cách yêu thương này đến được với túi tiền, nó làm cho chúng ta trút bỏ sự cản trở tiền bạc để trao nó cho người khác, đi ngược lại lợi ích của chính mình.

Là chi thể của thân mình Đức Kitô các tín hữu đồng trách nhiệm với nhau. “Nhưng hãy nhìn kìa, anh ta có vấn đề: Tôi không quan tâm, đó là chuyện của anh ta”. Không, là các Kitô hữu chúng ta không thể nói: “Người nghèo, anh ta có vấn đề ở nhà anh ta, anh ta đang trải qua khó khăn gia đình”. Nhưng, tôi phải cầu nguyện, tôi mang nó theo, tôi không thờ ơ. Là Kitô hữu không chỉ quan tâm đến những người nghèo vật chất, mà cả những người nghèo tinh thần, những người có vấn đề và họ cần sự gần gũi của chúng ta. Một Kitô hữu luôn bắt đầu từ chính mình, từ tâm hồn và đến với người khác như Chúa Giêsu đến gần chúng ta.

Một ví dụ cụ thể về việc hiệp thông chia sẻ của cải đến với chúng ta từ lời chứng của Banaba: ông có một thửa đất, ông bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 4,36-37). Nhưng bên cạnh mẫu gương tích cực, một điều tiêu cực đáng buồn khác xuất hiện: Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Ông đồng ý với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 5, 1-2). Sự gian lận này làm gián đoạn chuỗi chia sẻ vô điều kiện, chia sẻ vô tư và hậu quả thật bi thảm, chúng gây tử vong (Cv 5, 5.10). Thánh Phêrô vạch trần sự bất chính của Khanania và vợ và nói với anh ta: “Sao anh lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa”. (Cv 5: 3-4). Chúng ta có thể nói rằng Khanania đã lừa dối Thiên Chúa vì lòng đạo đức giả. Những người này thuộc về Giáo hội “thương lượng” và cơ hội. Đạo đức giả là kẻ thù tồi tệ nhất của cộng đoàn Kitô giáo này: giả vờ yêu nhau nhưng chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình.

Thực tế, khi thiếu chia sẻ chân thành, hoặc thiếu sự chân thành trong tình yêu, có nghĩa là nuôi dưỡng sự giả hình, xa sự thật, trở nên ích kỷ, dập tắt ngọn lửa hiệp thông và đi đến cái lạnh lẽo của cái chết bên trong. Những người cư xử theo cách này đi qua Giáo hội như một khách du lịch. Có nhiều khách du lịch trong Giáo hội, họ luôn đi qua mà không bước vào Giáo hội: đó là những vị khách du lịch tâm linh khiến họ tin rằng họ là Kitô hữu, trong khi họ chỉ là khách du lịch từ hầm mộ. Không, chúng ta không được là khách du lịch trong Giáo hội, mà là anh em của nhau. Một cuộc sống chỉ tập trung vào việc trục lợi và lợi dụng hoàn cảnh để gây tổn hại cho người khác chỉ gây ra cái chết bên trong. Và có bao nhiêu người nói rằng họ gần gũi với Giáo hội, bạn bè của các linh mục, giám mục, trong khi họ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của họ. Đây là những kẻ giả hình phá hủy Giáo hội

Câu chuyện Thánh Gioan bố thí.

Nhân bàn đến thái độ đối với tiền của Thúy Nga và Kim Phượng xin được gởi đến quý vị và anh chị em câu chuyện Thánh Gioan bố thí.

Thánh Gioan bố thí là một quí tộc trung thành với Kitô giáo. Ngài đã dùng của cải và địa vị của mình để giúp những người nghèo khó. Sau khi người vợ qua đời, Gioan trở thành linh mục rồi Giám mục. Năm 608, ngài được tấn phong làm Thượng phụ Giáo chủ Alêxanđria, Ai Cập.

Việc đầu tiên ngài muốn thực hiện là hàn gắn những chia rẽ bất đồng giữa giáo dân. Đức Thượng phụ Gioan đã nài xin mọi người thực hành một đức bác ái không giới hạn. Ngài xin một danh sách liệt kê tên tuổi những chủ nhân của ngài. Khi được hỏi họ là ai? Ngài trả lời đó là những người nghèo. Danh sách các chủ nhân được liệt kê có khoảng 7500 người ở miền Alêxanđria. Đức cha Gioan đã tự nhận là người bảo trợ đời sống của họ.

Tuy công việc của một Thượng phụ rất là bận rộn, nhưng ngài vẫn bỏ ra mỗi tuần hai ngày thứ tư và thứ sáu để gặp gỡ bất cứ ai muốn gặp ngài. Họ là những người giàu có, người nghèo khổ và những người vô gia cư. Dù là bất cứ ai, họ đều được lĩnh nhận từ ngài một sự ưu ái quan tâm và nhã nhặn lịch thiệp.

Khi biết trong ngân quĩ của Giáo hội miền Alêxanđria còn 80 ngàn lượng vàng, ngài liền phân phát hết cho các bệnh viện và các tu viện. Ngài lập ra quĩ từ thiện để nhờ đó những người nghèo có thể nhận được số tiền tương xứng và những phương tiện cần thiết cho cuộc sống của họ.

Những người ở các vùng lân cận cũng được tiếp đón cách nồng hậu. Sau khi những người Ba Tư cướp phá Giêrusalem, Đức Thượng phụ Gioan gửi tiền bạc và những tiếp tế cần thiết cho các nạn nhân đau khổ ở đây. Thậm chí ngài còn gửi các công nhân Ai Cập xuất sắc đến giúp họ khôi phục lại các ngôi Thánh đường ở đó.

Khi dân chúng muốn biết rõ làm thế nào mà Đức Thượng phụ Gioan lại có thể quá vị tha và giàu lòng quảng đại như vậy, câu trả lời của ngài khiến cho mọi người phải ngỡ ngàng:

– Một ngày kia khi còn trẻ, tôi đã nằm mộng. Tôi thấy một Cô Bé xinh đẹp và tôi nhận biết Cô Bé là biểu hiện của “lòng bác ái”. Cô Bé nói với tôi: “Tôi là nàng công chúa vĩ đại nhất của Đức Vua. Nếu ngài tin tưởng tôi, tôi sẽ dẫn ngài đến với Chúa Giêsu. Không ai có quyền thế nơi Chúa như tôi. Hãy nhớ rằng, chính vì tôi mà Người đã hóa nên một trẻ thơ để cứu rỗi nhân loại”.

Đức Thượng phụ Gioan không bao giờ cảm thấy chán khi nói về thị kiến này. Ngài dịu dàng khuyên những người giàu sang hãy có tấm lòng khoan dung rộng lượng. Và người nghèo khổ hãy tín thác vào Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn hiện diện và sẵn lòng giúp đỡ họ.