Ngày 26-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 27/08: Thiên Chúa ở bên những người bất hạnh
Giáo Hội Năm Châu
02:47 26/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:37 26/08/2022

43. Tình yêu không biết sự giới hạn, và sự nhiệt tình của nó vượt qua mọi biên giới.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:41 26/08/2022
81. ĐỔI THÀNH TÍNH ĐỘC

Các loại rau vì bị con người ăn nên rất sợ, bèn tập họp lại thương lượng đối chất:

- “Chúng ta từ nhỏ đến lớn mùi vị rất tốt, cho nên con người thích ăn, lâu dài như thế thì chúng ta có nguy cơ tuyệt chủng. Từ nay chúng ta giao kèo nhất loạt biến thành mùi hôi thì có lẽ có thể bảo toàn tính mệnh”.

Tỏi nói:

- “Vô ích, vô ích, như tôi đây mùi vị rất hôi, mà con người lại cho là mùi thơm nên ăn nhiều, làm sao đây?”

Mọi người nói:

- “Vậy thì đổi thành mùi vị cay thì tốt hơn”.

Gừng và ớt la lên:

- “Không được, không được, con người không phải ăn chúng tôi như thế sao?”

Mọi người lại thương lượng nên biến thành mùi vị đắng, nhưng lại nghĩ đến ở Quảng Đông có một loại khổ qua (mướp đắng), nhưng con người lại rất thường ăn nó. Mọi người cho rằng chỉ nên nghe lệnh bởi trời.

Có một cây rau hiến kế, nói:

- “Cây đoạn trường tính độc, người ăn sẽ đứt ruột mà chết, tại sao không đổi thành độc tính?”

Các loại rau thở dài nói:

- “Ban đầu thế giới vốn như thế, không có tính cách lang (sói) độc thì không thể sinh tồn, chẳng trách tục ngữ có nói: không độc thì không phải trượng phu”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 81:

Me chua, mướp đắng, chuối ngọt, ớt cay và các loại rau đều rất cần cho thân thể của con người, mà các loại rau đủ mùi vị ấy được Thiên Chúa tạo dựng cũng vì mục đích ấy mà thôi.

- Có những trái me chua ai thấy cũng thèm chảy nước miếng, nhưng cũng có những lời nói chua như giấm làm cho người nghe phải bịt tai và như bị xúc phạm.

- Có những trái mướp đắng (khổ qua) độn thịt ăn rất ngon miệng, nhưng có những lời nói và thái độ vơ ơn làm đắng cổ họng người ta nuốt không vào.

- Có những trái chuối ngọt lịm mát lòng khi ăn vào, nhưng cũng có những lời nói ngọt như mật, thanh như mía mà lại gây chia rẻ cho anh chị em, hại người không gươm dao.

- Có những trái ớt cay đến chảy nước mắt nhưng người ta vẫn cứ thích ăn, vì nó cay chút xíu rồi thôi nhưng lại làm cho bữa cơm ngon miệng, trái lại có những lời nói cay độc thâm hiểm giết hại tâm hồn người khác, gây tác hại lâu dài cho tha nhân...

Người Ki-tô hữu cũng có đủ mùi vị chua ngọt đắng cay như những người khác, nhưng mùi vị chua ngọt đắng cay của họ -nhờ thấm nhuần Lời Chúa- mà trở thành chất vị bổ dưỡng cho tâm hồn mình và tha nhân trong cuộc sống đời thường.

Ai hiểu thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 22 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:44 26/08/2022
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 14, 1.7-14.

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”


Anh chị em thân mến,

Con người ta ai cũng có sĩ diện, chức quyền càng cao thì sĩ diện càng lớn, sĩ diện càng lớn thì nhân cách lại nhỏ đi, cuối cùng trở thành một kẻ kiêu ngạo làm trò cười cho thiên hạ.

Đức Chúa Giê-su không những là Thiên Chúa làm người, là Cứu Chúa và là thầy của của nhân loại, mà Ngài còn là nhà tâm lý dạy cho chúng ta những bài học về cách đối xử với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mà trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Ngài đã dạy cho chúng ta hãy sống khiêm tốn với nhau trong cuộc sống đời thường.

Khiêm tốn khi được làm khách danh dự tiệc

Ở đời, ai cũng có một lúc nào đó được mời đi dự tiệc, và ai cũng thích được người khác chú ý đến mình trong bữa tiệc, địa vị càng cao thì càng thích người khác biết đến, càng được nhiều người biết đến thì càng hãnh diện và cảm thấy mình là người quan trọng, đó chính là mầm móng của kiêu ngạo.

Đức Chúa Giê-su khuyên bảo chúng ta khi được người khác mời đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ ngồi cuối trong bàn ăn, là để cho chúng ta thấy giá trị đích thực của khiêm tốn không phải là nơi dáng vẻ bên ngoài, nhưng là tâm tình bên trong của một tâm hồn không coi địa vị như là một bàn đạp để hãnh tiến, nhưng coi địa vị như một công cụ để phục vụ tha nhân, chứ không phải là để ăn trên ngồi trước.

Địa vị tự nó không phải là một bức tường ngăn trở chúng ta đến với Thiên Chúa và với tha nhân, nhưng chính thái độ của chúng ta làm cho địa vị như là một hố sâu ngăn cách giữa mình với tha nhân, đó là thái độ kiêu ngạo kẻ cả của mình khi xuất hiện giữa đám đông, chẳng hạn như khi được mời tham dự các cuộc ăn uống hay những cuộc hội họp của những người khác.

Có những người tranh giành chỗ ngồi nhất trong bàn tiệc, những người dự tiệc khác cũng đã làm như thế, bởi vì ai cũng coi sĩ diện của mình lớn hơn nhân cách của người khác.

Khiêm tốn đích thực

Đức Chúa Giê-su tận mắt chứng kiến cảnh người ta đi dự tiệc tranh giành nhau để ngồi chỗ trên, Ngài không muốn các môn đệ của mình làm như thế khi được mời dự tiệc, nhưng Ngài muốn dạy các môn đệ và chúng ta sống có nhân bản hơn trong cuộc sống đời thường, cái nhân bản ấy chính là sống hài hòa với mọi người, cho dù mình có địa vị và chức vụ cao trong xã hội hay trong Giáo Hội.

Cái mà Đức Chúa Giê-su đề cập đến chính là “tự nhắc mình lên” của con người, bởi vì khi tự mình nhắc mình lên thì không những không có giá trị gì, mà lại còn trở thành kiêu căng lố bịch trước mặt mọi người, và như thế phẩm cách của họ cũng theo đó mà bị hạ xuống. Người có tâm hồn khiêm tốn đích thực thì dù được ngồi ở trên, hay ngồi ở cuối cùng thì vẫn là người khiêm tốn, bởi vì sự khiêm tốn không hệ tại nơi chỗ ngồi rốt cùng hay ngồi chỗ cao hết trong bữa tiệc, bởi vì có khi ngồi bàn cuối cùng nhưng tâm hồn thì khiêu ngạo phàn nàn oán trách chủ nhà không nể mình.

Có địa vị hay không có địa vị thì người khiêm tốn vẫn cứ là người khiêm tốn, ngồi trên bàn cao hay ngồi bàn dưới bàn thấp thì vẫn cứ là người khiêm tốn như thường, bởi vì sự khiêm tốn chính là học được bài học từ nơi Thập Giá của Đức Chúa Giê-su, tức là sự hy sinh bỏ mình, và cũng là học khiêm tốn từ nơi bàn tiệc Thánh Thể trên bàn thờ mỗi ngày khi dâng thánh lễ, đó là yêu thương và khiêm tốn.

Anh chị em thân mến,

Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta cần có sự khiêm tốn khi được bạn hữu mời đi ăn tiệc, chính là Ngài nhắm đến bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày mà chúng ta tham dự, đó là thánh lễ Mi sa. Nơi bàn tiệc thánh này, cái cần phải có của chúng ta là sự khiêm tốn “chọn chỗ rốt hèn” như chính Đức Chúa Giê-su đã hết sức khiêm hạ trở nên tấm bánh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh này sự khiêm tốn càng nổi nét hơn, khi mỗi người trong chúng ta biết khiêm tốn phục vụ tha nhân sau khi tham dự bàn tiệc thánh trên bàn thờ.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tiến về phía trước
Lm. Minh Anh
22:48 26/08/2022

TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC
“Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn!”.

Hôm nay, Giáo Hội kính thánh Mônica, một tớ nữ tài giỏi đã làm lợi cho Chủ được năm nén khác. Người ta nói, tất cả các thiên truyện trên thế giới có thể được giảm xuống chỉ còn năm hoặc sáu; một trong số đó là, “Hãy Trở Về Nhà!”. Mônica đã dành cả cuộc đời để đưa con trai, Augustinô, trở về nhà của nó, “Giáo Hội”. Cô là một người mẹ luôn giục con ‘tiến về phía trước!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Cả cuộc đời Mônica và Lời Chúa hôm nay tiết lộ cách thức hoạt động của Thiên Chúa, “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn!”. Ngài chọn chúng ta, trao tặng mỗi người những ân tứ khác nhau; không phải vì chúng ta xứng đáng, nhưng vì chúng ta đáng được Ngài yêu! Để từ đó, với ân sủng Ngài, ngày mỗi ngày, mỗi người có thể ‘tiến về phía trước!’. Phía trước ở đây chính là Thiên Chúa, cung lòng Ngài, nơi mỗi người “hưởng sự vui mừng của Chủ”.

Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô cho thấy tất cả chỉ vì tình yêu vô ngần vô hạn của Thiên Chúa, “Hãy xem ơn kêu gọi của anh em, không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng”. Tất cả là ân sủng; để từ đó, chúng ta “được ở trong Chúa Kitô”; “được thánh hoá”, “được cứu rỗi” bởi Ngài, mà ‘tiến về phía trước’ nhờ Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Hạnh phúc thay dân nào Chúa chọn làm gia nghiệp!”.

Với bài Tin Mừng, Matthêu cho thấy Thiên Chúa phân phát các ân huệ của Ngài theo như ý Ngài muốn, Ngài giao cho mỗi người một số vốn; kẻ ít người nhiều, không ai không có. Ngài tặng ban những gì chúng ta cần để trổ sinh hoa trái cho Vương Quốc, và Ngài ước mong mỗi người sử dụng quà tặng đó một cách có trách nhiệm và chuyên cần. Không có hai người giống nhau hoàn toàn, và Thiên Chúa coi mỗi người như duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Chúng ta phải chân thành đáp lại Ngài bằng cách sử dụng tối đa những tài năng Ngài ban.

Những tôi tớ giỏi giang đầu tư và thu lợi về cho Chủ đã hiểu mục đích đời họ và thời gian họ có thể sử dụng. Những người này hào phóng với tất cả những gì Chủ ban, họ làm nó sinh hoa kết trái; họ nhận được phần thưởng là sự thân mật hơn và được giao nhiều trách nhiệm hơn. Cũng thế, mỗi người chúng ta được dành một khoảng thời gian để sử dụng các ân huệ của mình để làm vinh danh Chúa và cứu các linh hồn. Chúng ta phải cần mẫn mỗi ngày, để cuối cùng, làm sao nghe được những lời tương tự, “Khá lắm, hỡi tôi tớ tài giỏi và trung thành!”.

Vậy mà, đôi khi, chúng ta bị tê liệt vì sợ hãi hoặc do một thận trọng sai lầm nào đó khi không làm gì cả, hoặc chỉ cố gắng bảo vệ bản thân! Chúng ta coi thường quà tặng của Chúa hoặc nghĩ rằng, tôi được ban rất ít nên coi đó như lý do để biện minh cho việc không nỗ lực hoặc không sinh lợi cho Ngài. Chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác; nhưng sự thật là đang lơ là trong việc tạo ra những trái trăng Chúa muốn. Chúa không đợi năm nén từ người đã nhận một nén. Lẽ ra Ngài cũng sẽ vui mừng với người được trao chỉ một nén; thế nhưng, đầy tớ lười biếng ấy đã khép mình vào chủ nghĩa vị kỷ, tự ái, bởi anh không muốn ‘tiến về phía trước!’.

Anh Chị em,

“Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn!”. Hãy ghi khắc sự thật này để nhận ra hồng ân của Chúa; từ đó, như Mônica hèn mọn, đã đưa chồng con ‘trở về nhà’, chúng ta quyết tâm sử dụng tài năng Chúa ban để đưa những ai đi lạc ‘về nhà’, về cung lòng Cha; chúng ta mang lợi nhuận tối đa về cho Ngài! Để ‘tiến về phía trước’ và trưởng thành trên đường nên thánh, chúng ta không được sợ hãi; nhưng phải có niềm tin. Những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa như Ngài keo kiệt, hà khắc… sẽ làm cho cuộc sống chúng ta cằn cọc, ‘vô sinh’; và sợ hãi sẽ khiến chúng ta tê liệt, tự huỷ. Trong đời sống Kitô hữu, không ai đứng một chỗ; hoặc sẽ lùi, hoặc sẽ ‘tiến về phía trước’; nhận nhiều hơn, hoặc mất đi những gì mình có. Bạn muốn thế nào?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa không đòi hỏi con phải thành công, Chúa chỉ cần con trung thành. Xin giúp con trung tín với ơn gọi đã lãnh nhận, để con có thể luôn ‘tiến về phía trước!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nữ tu ở Nigeria bị bắt cóc đã được trả tự do
Đặng Tự Do
06:07 26/08/2022


Bốn nữ tu bị bắt cóc khi đang trên đường tham dự Thánh lễ ngày 21 tháng 8 đã được thả.

Các nữ tu Johannes Nwodo, Christabel Echemazu, Liberata Mbamalu và Benita Agu đã bị bắt cóc vào ngày 21 tháng 8 tại bang Imo của Nigeria, nằm ở phía nam đất nước.

Sau hai ngày “cầu nguyện mãnh liệt” để họ “được thả nhanh chóng và an toàn”, Các Nữ Tu của Dòng Các Nữ Tử của Chúa Giêsu Cứu Thế đã thông báo về “việc trả tự do vô điều kiện và an toàn” cho những người bị bắt cóc trong một tuyên bố vào ngày 23 tháng 8.

“Hôm nay là một ngày đáng nhớ đối với chúng tôi, do đó, chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui này với tất cả những người nam nữ thiện chí, những người bằng cách này hay cách khác đã góp phần vào việc giải phóng các chị em thân yêu của chúng tôi một cách nhanh chóng và an toàn”.

Dòng Các Nữ Tử của Chúa Giêsu Cứu Thế là một hội dòng ở Nigeria chăm sóc người nghèo, người già và bệnh tật. Nhà dòng đã không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kẻ có thể đã gây ra vụ bắt cóc.

Các vụ bắt cóc các tín hữu Kitô ở Nigeria đã gia tăng trong những năm gần đây, một tình huống khiến các nhà lãnh đạo Giáo hội bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về an ninh của các thành viên của mình và kêu gọi chính phủ củng cố an ninh cho các công dân.

Đặc biệt, các linh mục thường bị bắt cóc và bị giữ để đòi tiền chuộc. Vào ngày 11 tháng 7, Hiệp hội Linh mục Công Giáo Giáo phận Nigeria đã đưa ra một tuyên bố về các vụ tấn công, nói rằng, “thực sự đáng buồn là trong quá trình hoạt động mục vụ bình thường của họ, các linh mục đã trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.”

Gần đây nhất, vào tháng Bảy, Cha John Mark Cheitnum và Cha Denatus Cleopas đã bị bắt cóc tại nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua ở thị trấn Lere, bang Kaduna phía bắc Nigeria. Cha Cleopas được trả tự do, nhưng Cha Cheitnum bị giết một cách dã man.

Chuyên gia an ninh David Otto, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Phi Châu, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, nói với CNA vào tháng 7 rằng sự đồng thuận của các chuyên gia an ninh trong nhóm của ông là Giáo Hội Công Giáo đang bị tấn công vì Giáo Hội đã trả số tiền chuộc rất lớn mà bọn khủng bố yêu cầu, có thể lên tới 200.000 USD hoặc hơn.
Source:Catholic News Agency
 
Bóng tối chiến tranh lấp ló trong chuyến thăm Kazakhstan của Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
06:08 26/08/2022


Trong khi mục đích chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan sẽ là để tham dự Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới, cuộc họp liên tôn giáo cũng sẽ là bối cảnh cho cuộc gặp được mong đợi từ lâu của ngài với Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn gặp Thượng Phụ Kirill trong nhiều tháng qua. Ngài nói với Univision, mạng lưới tiếng Tây Ban Nha, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng tại Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 7 rằng ngài dự định gặp giáo chủ Chính Thống Giáo Nga trong chuyến thăm từ ngày 13 đến 15 tháng 9 tới Kazakhstan.

Đức Giáo Hoàng nói với Univision rằng ngài có “mối quan hệ tốt” với Thượng phụ Kirill, là người đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bất chấp những quan điểm dị biệt của họ về cuộc chiến, Đức Giáo Hoàng nói, “Rõ ràng là quan điểm của ông ấy bị quy định bởi quê hương của ông ấy theo một cách nào đó; điều đó không có nghĩa là ông ta là một người đàn ông không đứng đắn. Không; Thiên Chúa biết trách nhiệm đạo đức của mỗi người trong sâu thẳm trái tim họ”.

Trang web của đại hội nêu rõ rằng được tổ chức ba năm một lần, Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới là sáng kiến của tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, như một cách thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo.

Trang web của đại hội nói thêm rằng một mục tiêu khác của đại hội là ngăn chặn “việc lợi dụng tình cảm tôn giáo của mọi người để làm leo thang xung đột và thù địch”.

Đức Cha Adelio Dell'Oro của Karaganda, Kazakhstan cho biết: Mặc dù cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill vẫn chưa được công bố, nhưng cuộc gặp như vậy diễn ra tại Kazakhstan trong Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới là rất quan trọng,

“Sẽ thật tuyệt nếu cuộc gặp gỡ đó diễn ra ở đây và người ta sẽ hiểu rằng tôn giáo không phải phục vụ nhà nước, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với giáo chủ trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với ngài,” Đức Cha Dell'Oro nói với SIR, cơ quan thông tấn của Hội đồng Giám mục Ý, trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 1 tháng Bảy.

“Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo tinh thần phải khẳng định rằng tôn giáo là một nhân tố của sự hợp nhất và hòa giải, và do đó trách nhiệm đối với các tín hữu, đặc biệt nếu họ là Kitô hữu, là phải kiến tạo hòa bình.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng phụ Kirill đối với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, đặc biệt là việc ông biện minh cuộc chiến này như một biện pháp bảo vệ chống lại sự vô đạo đức của phương Tây, đã gây ra rạn nứt trong Giáo hội Chính thống Nga và làm căng thẳng quan hệ với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt thẳng thừng khi nhắc nhở Thượng phụ Kirill về vai trò thích hợp của một mục tử.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, xuất bản ngày 3 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong một cuộc họp Zoom vào giữa tháng Ba, ngài đã nói với giáo chủ, “Anh ơi, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải nói ngôn ngữ của Chúa Giêsu. “

Đức Giáo Hoàng nói với tờ báo Ý: “Đức Thượng Phụ không thể biến mình thành cậu bé giúp lễ cho Putin”. Tuy nhiên, lời nhắc đó đã khiến Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa phản ứng dữ dội.

“Giáo hoàng Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để truyền đạt nội dung của cuộc trò chuyện này”, vị thượng phụ nói ngày 4 tháng 5. “Những tuyên bố như vậy không có khả năng góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Công Giáo Rôma và các nhà thờ Chính thống Nga, điều đặc biệt cần thiết tại thời gian hiện tại.”

Tuy nhiên, ngay cả trong Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng có người đồng ý với Đức Giáo Hoàng rằng “Đức Thượng Phụ không thể biến mình thành cậu bé giúp lễ cho Putin”. Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã từ chối yêu cầu của Thượng Phụ Kirill phải ra một tuyên bố lên án Đức Giáo Hoàng. Kết quả là Thượng Phụ Kirill đã cách chức Tổng Giám Mục Hilarion và đưa sang Áo coi sóc một giáo đoàn vài trăm người.
Source:Crux
 
Cha Lombardi nhìn lại những năm phục vụ ba vị giáo hoàng
Đặng Tự Do
06:10 26/08/2022


Cựu giám đốc của Đài phát thanh Vatican và Văn phòng Báo chí Tòa thánh sẽ bước sang tuổi 80 vào thứ Hai, ngày 29 tháng 8. Tu sĩ Dòng Tên người Ý, người đã phục vụ Đức Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, nhìn lại sự nghiệp lâu dài và đáng kinh ngạc của mình trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, là tờ báo hàng ngày của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Cha Federico Lombardi tốt nghiệp Đại học Turin với bằng toán học năm 1969, và được thụ phong linh mục ở Đức năm 1972, nơi ngài làm tuyên úy cho những người Ý xa xứ. Với xuất thân này, ngài dường như không có duyên để phục vụ trong lĩnh vực truyền thông của Đức Giáo Hoàng, nhưng con đường của ngài dần dần đưa ngài đến với chức năng “phát ngôn viên” của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là giám đốc văn phòng báo chí Vatican từ năm 2006 đến năm 2016. Ngài cũng đã lãnh đạo Đài phát thanh Vatican trong một phần tư thế kỷ, từ 1990 đến 2016, và đã để lại dấu ấn cho cả một thế hệ nhà báo.

Trong khi đặc biệt thân thiết với Đức Bênêđíctô XVI và vẫn là chủ tịch của Quỹ Ratzinger, ngài cũng đã phục vụ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong ba năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, người mà ngài chia sẻ “ngôn ngữ của linh đạo Y Nhã” như một tu sĩ Dòng Tên. Ngài nhấn mạnh “hơi thở của không khí trong lành” mà Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã mang lại “bên trong và bên ngoài Giáo hội”. Vài ngày trước khi đạt được cột mốc kép là 80 tuổi và 50 năm linh mục, cha Lombardi rất thanh thản. Ngài nói: “Tôi sống chức vụ của mình với hy vọng và đức tin, không hoài niệm về quá khứ huy hoàng của Dòng tôi” và “luôn nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai của Giáo Hội, và những người sẽ đến sau tôi”.
Source:Avnire
 
Việc ĐGH phong Hồng Y cho một TGM người bần dân Dalit mở ra một chân trởi mới cho Giáo Hội Ấn Độ.
Trần Mạnh Trác
18:36 26/08/2022

(BANGALORE, Ấn Độ). Theo tờ báo chính thức cuả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, National Catholic Register (NCR) phát hành ngày 2 tháng 6 năm 2022, thì Đức Tổng Giám Mục Anthony Poola của Hyderabad ở miền nam Ấn Độ đã bị choáng ngợp khi được tin Ngài vừa được thăng tước Hồng Y.

“Tôi không thể tin được, và tôi thậm chí không hề ước mơ điều đó”, là lời cuả Đức Tổng Giám Mục Poola nói với tờ Register qua cuộc phỏng vấn điện thoại ngày 1 tháng 6.

Với tuổi 60, vị Hồng Y tân cử là một trong những ngạc nhiên lớn trong 21 vị Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố vào ngày 29 tháng 5.

Ngoài việc chỉ định TGM Poola, ĐGH cũng phong HY cho Tổng Giám mục Filipe Neri Antonio Sebastiao di Rosario Ferrao cuả tổng giáo phận Goa và Daman ở phía tây Ấn Độ. Như vậy thì tổng số Hồng Y cuả Ấn Độ sẽ tăng lên sáu vị.

Vị Hồng Y tân cử nhấn mạnh thêm: “Đây là một vinh dự cho Giáo hội Ấn Độ và cho đa số những người Dalit theo đạo thiên chúa giáo.

“Tôi biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn tôi và cho tôi một cơ hội để phục vụ người nghèo,” Đức Tổng Giám Mục Poola nói, đồng thời bộc bạch rằng không có sự thân mật hay tham vấn trước khi thông báo.

Dalits, nghĩa đen là “bị chà đạp”, dùng để chỉ những thành phần thấp kém, bị coi là “không thể chạm tới” trong xã hội Ấn Độ nhiều đẳng cấp. Theo số liệu năm 2011, gần 80% người Dalits theo đạo Hindu. 14% theo đạo Hồi, và 2,3% theo đạo Thiên Chúa Giáo. Người Dalits kiếm sống bằng cách làm những công việc tầm thường như nhặt rác, và sống tách biệt với các tầng lớp thượng lưu ở vùng nông thôn.

Tuy có nhiều thay đổi trong những năm qua về nhiều điều cấm kỵ cứng rắn là “không thể chạm tới” đối với người Dalits, nhưng dấu tích của sự phân biệt chủng tộc ở Ấn Độ này vẫn còn, như việc người Dalits vẫn bị tẩy chay không được đi qua các khu vực đẳng cấp ở một số bang.

Người Dalits phải dùng chén đĩa đặc biệt để ăn và phải ngồi xổm trên sàn cuả quán ven đường, trong khi những người thuộc đẳng cấp cao hơn ngồi trên ghế.

Hai phần ba trong số 18 triệu người Công Giáo ở Ấn Độ là người gốc Dalits, và đã có những căng thẳng âm ỉ do sự tiếp tục phân biệt đối xử chống lại người Dalits ngay trong Giáo Hội Công Giáo.

Hy vọng rằng Đức Hồng Y tân cử Poola sẽ là một phần của phương thuốc chữa trị sự phân biệt đối xử đó.

“Việc tôi được nâng lên làm Hồng Y chắc chắn là nhắc lại nỗ lực của Đức Giáo Hoàng trong việc tiếp cận với vùng ngoại vi. Đây là cơ hội để tôi trở thành một đại diện của lòng trắc ẩn và lòng thương xót đối với người nghèo và người Dalits, tuân theo các quy tắc của Giáo hội và trong sự vâng lời với Đức Thánh Cha, ” Đức Tổng Giám Mục Poola nói.

Sinh ra trong một gia đình Công Giáo Dalit năm 1961, TGM Poola được thụ phong linh mục năm 1992 và trở thành giám mục của Giáo phận Kurnool vào năm 2008, trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục Hyderabad vào năm 2021.

Cha Devasagayaraj Zakarias, cựu thư ký Ủy ban Dalit của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), bản thân là Dalit, và từng đứng đầu ủy ban trong bảy năm, nói với tờ Register:

“Ngay cả những người Dalits không theo đạo Thiên Chúa cũng hào hứng với sự thăng tước này, vì người Dalits thường bị bỏ qua những vị trí cao. Đức Giáo Hoàng đã nêu cao tấm gương rằng một người Dalit cũng có thể là một Hồng Y. Quyết định này mang lại hy vọng cho người Dalits theo đạo Thiên Chúa. Nó chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong Giáo hội.”

“Đó là một thực tế đáng buồn,” Cha Zakarias chỉ ra. "Người Dalits phải đối mặt với sự phân biệt đối xử không chỉ ở ngoài xã hội, mà ngay cả ở trong Giáo hội."

Trong số 200 giám mục ở Ấn Độ, chỉ có 11 giám mục là Dalit, mặc dù cộng đồng Dalits chiếm 65% người theo đạo Thiên Chúa, ngài nói.

Ngoài một số thay đổi tích cực ở một số nơi, Cha Zakarias giải thích cặn kẽ về một số thực hành phân biệt đối xử chống lại các Dalits trong Giáo hội như sau:

“Vẫn có những giáo xứ có nghĩa trang và nhà quàn riêng biệt cho các đẳng cấp cao và người Dalits; dùng cửa riêng để đưa thi thể một người Dalit vào nhà thờ; Người Dalits bị từ chối gia nhập ca đoàn và phục vụ bàn thờ; và khi rước lễ thì ưu tiên là cho những người thuộc tầng lớp khác lên trước, v.v., ” ngài nói.

Về cơ cấu trong Giáo hội, ngài chỉ ra thêm: “Sự phân biệt đẳng cấp đã ăn sâu trong cơ chế, như một số giáo sĩ thuộc đẳng cấp trên không khuyến khích ơn gọi của người Dalits và các linh mục Dalits sau khi được thụ phong cũng bị phân biệt đối xử trong việc bổ nhiệm vào các chức vụ cao, kể cả với tư cách là bề trên cuả các dòng tu.”

Đức Hồng Y tân cử Poola do đó “giữ vai trò đặc biệt là trở thành tiếng nói cho người Dalits. Với việc tước phong Hồng Y, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho những ai phân biệt đối xử với người Dalits. Việc bổ nhiệm này sẽ có tác động sâu rộng trong Giáo hội, ”Cha Zakarias lưu ý.

“Tôi cảm thấy xúc động”, ông Franklin Caesar, một giáo dân Công Giáo và là một trong những người sáng lập Hội đồng Quốc gia cuả người Dalits Cơ đốc giáo, ông chung vui với sự phấn khích của những người Dalits về việc bổ nhiệm một Hồng Y Dalit.

“Đức Thánh Cha đang giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc trong Giáo hội. Chúng tôi rất vui vì Đức Giáo Hoàng đã làm cho Ấn Độ giống như những gì ngài đã làm cho người da đen ở châu Phi ”, ông Caesar chỉ ra, ông từng được biết đến khi thách thức sự phân biệt đối xử trong hiến pháp và tranh đấu trong hai thập kỷ tại Tòa án liên bang tối cao của Ấn Độ.

Nhắc lại vào năm 1950, chính phủ liên bang Ấn Độ ban hành một đạo luật đặc biệt, liệt kê những người Dalit theo Ấn Độ giáo là “Đẳng cấp theo lịch trình” và ban cho họ điều kiện để được giáo dục miễn phí và được hưởng hạn ngạch 15% trong các công việc của chính phủ để cải thiện địa vị xã hội của họ.

Sau đó các đặc quyền “Đẳng cấp theo lịch trình” được mở rộng cho các Dalits theo đạo Sikh vào năm 1956 và các Dalits theo đạo Phật vào năm 1990.

Tuy nhiên những đặc quyền này vẫn bị từ chối đối với các Dalits theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo, và như vậy, hiến pháp đã mở đường cho một sự phân biệt đối xử đối với những người theo đạo Cơ đốc giáo.

Ông Caesar nói: “Giờ đây, chúng tôi hy vọng rằng việc bổ nhiệm một Hồng Y Dalit chắc chắn sẽ thúc đẩy chiến dịch của chúng tôi” nhằm chấm dứt sự phân biệt đối xử chống lại các Dalits Cơ đốc giáo.

Ông giải thích thêm: “Trước đây, Tổng Giám Mục Telesphore Toppo của Ranchi, là một ngưới bộ lạc, được phong Hồng Y vào năm 2002, thì sau đó có tới hai chục giáo phận đã có giám mục bộ lạc. Nhưng hiện nay ở bang Tami Nadu của tôi, vẫn chỉ có một giám mục Dalit trong 18 giáo phận ”.

Một số giáo phận thậm chí đã có ​​các cuộc biểu tình công khai khi việc bổ nhiệm một tân giám mục mà không phải là Dalit, như xẩy ra gần đây ​​ở Tổng giáo phận Pondicherry.

Thày Verghese Thekkaneth cuả dòng Montfort, người đứng đầu chiến dịch quốc gia giúp người di cư và người giúp việc gia đình, cũng nhiệt tình hoan nghênh việc bổ nhiệm cuả Đức Giáo Hoàng.

Thày nói: “Tôi rất vui mừng vì Đức Giáo Hoàng đã chọn một vị Hồng Y rất mục vụ. “Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy các hoạt động xã hội của Giáo hội cho những người bên lề.”
 
Châu Á và Amazon đối với giai đoạn lắng nghe của Thượng hội đồng về tính đồng nghị
Vũ Văn An
18:50 26/08/2022

Kevin Clarke của Tạp chí America ngày 22 tháng 8, 2022 tường trình rằng ông đã tiếp xúc với một số nguồn thông tin tốt để hiểu rõ về cách Thượng hội đồng đã đi xa như thế nào ở khu vực Amazon và Châu Á.



'Nói một cách thẳng thừng': một cuộc tham khảo đáng kể ở Châu Á

Christina Kheng, chuyên gia tư vấn cho Hội nghị Dòng Tên Châu Á Thái Bình Dương, mô tả kinh nghiệm đồng nghị ở các quốc gia Châu Á là “khá tích cực nói chung.” Cô nói thêm rằng không nên bỏ qua tầm quan trọng của một diễn trình như vậy diễn ra ở Châu Á.

Cô nói, đối thoại thẳng thắn, một điều vốn nằm ở tâm điểm của Thượng hội đồng như đã được hình dung ở Rôma, là một điều đặc biệt khó khăn trong một “nền văn hóa khét tiếng là không nói thẳng, đặc biệt là khi nói đến những tin tức tiêu cực hoặc nói “Không.'”

Là người gốc Singapore, Cô Kheng dạy lãnh đạo mục vụ tại Viện Mục vụ Đông Á ở Manila và phục vụ trong Ủy ban Phương pháp luận của Thượng hội đồng tại Vatican.

Trong bối cảnh châu Á, cô nói, “việc thiếu tính đồng nghị không chỉ có trong giáo hội; nó có trong gia đình, trong văn hóa, trong xã hội…. Nó chắc chắn có cả trong chính trị,” cô nói thêm,“đặc biệt là với các xu hướng chính trị [độc tài] đang diễn ra hiện nay".

Cô nói, “Đối với tôi, điều khá đáng kể là [những người tham gia Thượng hội đồng] đã có thể nêu ra những vấn đề quan trọng và, nếu trong trường hợp khác, rất khó nói,”. Tại các giáo phận khắp châu Á, giáo dân kêu gọi sự minh bạch hơn trong cơ cấu Giáo Hội và cải tiến việc quản trị và lãnh đạo — thậm chí cả những bài giảng tốt hơn từ các linh mục của họ.

Cô Kheng nói: “Điểm độc đáo của Thượng hội đồng này là chính diễn trình của nó. Thực sự dấn thân vào chủ đề bằng cách thực hiện chính chủ đề, do đó, trở thành Giáo Hội mà chúng ta muốn trở thành bằng cách bắt đầu thực hiện những hành động này.

“Đối với một số quốc gia hoặc một số giáo phận, đó thực sự là những bước chập chững của trẻ thơ. Tôi có thể nói rằng đối với châu Á, những gì đang xảy ra thực sự rất non nớt, rất mong manh và nó không hoàn hảo, có thể trong một số trường hợp, thậm chí còn xa hoàn hảo, nhưng thật tốt khi nó đã bắt đầu, và chúng ta cần giúp nuôi dưỡng điều này và duy trì cho nó diễn tiến."

Một khởi điểm đồng nghị cho Amazon

Nhà thần học Adelson Araújo dos Santos, S.J., sống ở Rome nhưng vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với “quê hương tôi”, Tổng giáo phận Manaus ở Brazil. Ngài là cố vấn cho R.E.P.A.M. - Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Amazon — và C.L.A.R. — Liên đoàn các tu sĩ Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Ngài nói với tạp chí America qua email, các giáo phận của vùng Amazon đã có một khởi đầu quan trọng trong việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị so với các cộng đồng Công Giáo khác, “sau khi đã trải qua kinh nghiệm chuẩn bị cho Thượng hội đồng đặc biệt về vùng Amazon vào tháng 10 năm 2019”. Tiến trình đó có sự tham gia của hàng ngàn người Công Giáo từ các giáo phận và khu vực địa lý khác nhau, “một phong trào tham vấn và lắng nghe dân Chúa, đến nỗi đến thượng hội đồng hiện nay… phương pháp luận của nó đã được cả các giám mục và các nhà lãnh đạo giáo hội khác, cũng như những người Công Giáo nói chung [trong vùng Amazon], biết đến và thẩm hóa”.

Ngài nói, giờ đây, “tính đồng nghị đương nhiên đi vào một số thời điểm quan trọng trong sinh hoạt của những giáo hội đặc thù này, chứ không chỉ giản lược vào một phiên họp này hay phiên họp nọ được triệu tập đặc biệt để thảo luận về nó.”

Ngài cho biết, một điển hình gần đây là một cuộc rước kiệu trên sông hàng năm ở Manaus để tôn vinh Thánh Phêrô, vị thánh bảo trợ của ngư dân, một lễ kỷ niệm rất phổ biến ở một khu vực có nhiều cộng đồng ven sông. Các nhà lãnh đạo của đoàn rước đã tận dụng lễ kỷ niệm năm nay để quảng bá Thượng hội đồng và các chủ đề của nó "bằng một ngôn ngữ đơn giản và có tính giáo lý."

Ra ngoài vùng an toàn

Cô Kheng cho biết, cũng như ở những nơi khác trong thế giới Công Giáo, ở châu Á, chỉ có một tỷ lệ nhỏ người Công Giáo thực sự tham gia các buổi lắng nghe và các cơ hội đối thoại khác do các giáo phận khác nhau tài trợ. Tuy nhiên, cô vẫn thấy được khuyến khích bởi những phản hồi mà cô đã chứng kiến và đọc được trong các tài liệu tổng hợp. Cô mô tả diễn trình diễn ra khắp các quốc gia bao gồm Philippines, các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ là phổ biến và có hệ thống.

Cũng như ở Châu Âu và Hoa Kỳ, sự nhiệt tình đối với diễn trình thượng hội đồng khá ô hợp — được tham gia nhiều ở một số giáo phận, một diễn trình chiếu lệ ở những giáo phận khác hoặc bị bỏ qua hoàn toàn ở một số giáo phận. Một số giám mục và giáo sĩ đã tham gia Thượng hội đồng ngay từ đầu; những vị khác tỏ ra do dự hoặc chống lại diễn trình này.

Cô nói, “Đối với châu Á và có thể là nhiều nơi khác trên thế giới, toàn bộ hệ thống phẩm trật đó đã thành một điều khá cố thủ; nó có thứ bậc và rành mạch.” Đối với nhiều người, rất khó bước ra ngoài vùng an toàn của họ.

“Mọi người sợ sự hỗn loạn… mất cân bằng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về Chúa Thánh Thần làm xáo trộn hiện trạng, và tự nhiên, có một số do dự khi tham gia vào diễn trình đó”.

Ở những giáo phận nơi diễn trình này được tuân giữ tốt, cô Kheng mô tả một “mạng lưới nối tầng” [cascading system] hỗ trợ cho Thượng hội đồng bao gồm đào tạo các điều hành viên tại giáo xứ, những người được cử đi ở cấp cơ sở để bảo đảm có được việc đại diện tốt cho tiếng nói và kinh nghiệm đã đạt được.

Nhưng các giáo phận khác “đã mất nhiều thì giờ để hành động”, một số không làm gì cả hoặc “họ có thể đã tiến hành nó một cách chiếu lệ.”

Thái độ của các giám mục và giáo sĩ địa phương quả thực thường báo trước tiến trình thượng hội đồng sẽ được tiến hành tốt ra sao. Cô nói, “Một số giáo phận có một đội ngũ rất tốt — một đội ngũ hỗn hợp gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân — và họ có thể tự tổ chức tốt”.

Một Giáo Hội sáng tạo và tự phát

Trong Tuần Thánh năm nay, Cha Araújo dos Santos đã đến thăm một cộng đồng hẻo lánh ở Bang Acre của Brazil, giáp Peru và Bolivia. Ngài nói, “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngay cả ở đó, ở điểm‘tận cùng thế giới’ đó, diễn trình thượng hội đồng đã diễn ra”.

Trong thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá, cha xứ nhắc nhở giáo dân đừng quên bỏ những lời đề nghị của họ cho Thượng Hội Đồng trong “hộp đồng nghị”, một hộp kính đặt ở lối vào của nhà thờ.

Ngài nói: “Tôi tin rằng tất cả những điều này là điển hình của một phong thái Giáo Hội được đánh dấu bằng óc sáng tạo và tự phát, rất phù hợp với bản chất của người dân Brazil, đặc biệt là ở vùng Amazon”. Điều này cũng cho thấy “sự hòa hợp giữa giám mục và đa số giáo sĩ ở Brazil với tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Ngài nói thêm, “Hiển nhiên, điều này không có nghĩa là không có phản kháng và những nơi trong đó diễn trình thượng hội đồng không diễn ra hoặc đang diễn ra chậm chạp, nhưng tôi muốn nói rằng điều này xảy ra nhiều hơn nơi một số nhóm tự gọi là bảo thủ hoặc duy truyền thống mạnh mẽ.”- những người “phần lớn thời gian chống đối mọi sự xuất phát từ triều đại giáo hoàng hiện nay”.

Cô Kheng nói rằng phản ứng ô hợp đó đúng ở khắp châu Á, nhưng “ở hầu hết mọi quốc gia, ít nhất một vài giáo phận, nếu không muốn nói nhiều hơn, đã thực hiện rất tốt”.

Trong những giáo phận đó, “mọi người thực sự rất nhiệt tình.”

Cô nói rằng nhiều người phấn khích không phải bởi nội dung của các cuộc thảo luận, mà là các cuộc thảo luận đã diễn ra. Diễn trình này cung cấp một không gian an toàn, trung lập để đưa ra các câu hỏi về trách nhiệm giải trình và khả năng lãnh đạo, và cô ấy nói rằng “ngay cả vấn đề chủ nghĩa giáo sĩ trị cũng đã được nêu lên”.

Cô Kheng cho hay: Trong các xã hội châu Á có tính gia trưởng, phụ nữ và thanh niên thường không được hỏi ý kiến. Bà nói, ở Ấn Độ, phụ nữ đã rớt nước mắt trong các buổi lắng nghe, vì họ rất xúc động khi cuối cùng đã được mời tham gia vào một cuộc đối thoại về đường hướng của Giáo Hội và có “trải nghiệm được phép nói lên tiếng nói của mình.”

Hàng ngàn giáo dân đã tham dự các cuộc tham vấn của tổng giáo phận Delhi, một diễn trình mà nhà thần học Stanislaus Alla, S.J., mô tả là “thực sự có tính lịch sử”. Ngài nói, phản ứng của phụ nữ tại các cuộc tham vấn thật ấm lòng, trích lời một phụ nữ đã nói với ngài “những người không được chú ý sẽ được Thượng hội đồng chú ý”.

Cô Kheng cho biết, đối với nhiều người tham gia, phương thức đối thoại cũng rất mới mẻ và sinh động, “thay phiên nhau chia sẻ, lắng nghe và chia sẻ cởi mở”.

Cô Kheng nói: “Người ta có thể nêu lên và giữ vững những vấn đề khó khăn”, những vấn đề mà “ở chỗ khác, họ sẽ không nêu ra với cha xứ hoặc giám mục của họ”.

Nhiều mối quan tâm y như thế từng xuất hiện trong các cuộc tham vấn ở các khu vực khác của thế giới Công Giáo đã đứng đầu danh sách đối với người Công Giáo ở châu Á. Nhưng cô tin rằng, ở châu Á, mối quan tâm về việc đối đầu với đói nghèo và thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo được đặc biệt nhấn mạnh. Nhiều quốc gia châu Á trải qua tình trạng nghèo đói lan rộng và các mối quan hệ giữa các sắc tộc và tôn giáo thường phức tạp và căng thẳng.

Tại Philippines, giáo dân đã thách thức các giám mục thẳng thắn hơn trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng có hệ thống và tham nhũng của chính phủ. Rafael Cruz, người đã tham gia một cuộc đối thoại ở Manila vào tháng 7, rất vui khi có cơ hội đối mặt với các vấn đề trong Giáo Hội, đặc biệt là sự thờ ơ mà ông nhận thấy giữa các giáo sĩ đối với các vấn đề bất công và nghèo đói.

Ông Cruz nói với UCA News, “Lúc đầu, tôi đã do dự khi tham gia Thượng hội đồng vì tôi biết họ [các giáo sĩ] sẽ chỉ làm bất cứ điều gì họ muốn vào cuối bất cứ cuộc họp nào. Tôi tìm đến một số giám mục đang đấu tranh vì chính nghĩa người nghèo. Tôi hy vọng nhiều người trong số các ngài sẽ nghe thấy tiếng kêu cứu của chúng tôi ”.

Một cách để trở thành Giáo Hội

Cô Kheng vẫn đang chờ được xem các dữ kiện từ các báo cáo cấp giáo phận, nhưng cô tin rằng một số nhóm theo truyền thống vẫn bị gạt ra ngoài lề, như L.G.B.T.Q. "đã có nhiều cuộc trò chuyện" như một phần của diễn trình.

Cô tin rằng một số thành công cũng đã đạt được bao gồm cả những người từ các cộng đồng nông thôn và thành thị có thu nhập thấp. “Tôi đã thấy các báo cáo về những người làm công tác mục vụ thực sự đi đến các vùng nông thôn gặp những người nghèo ở bên lề để mời họ tham gia”.

Cô cũng có ấn tượng bởi tính tự phát và óc sáng tạo được thể hiện bởi các giáo phận và cá nhân khác nhau trong việc phổ biến diễn trình và giải thích cách người Công Giáo có thể tham gia. Các trò chơi bằng tiếng Quan Thoại được tạo ra cho trẻ em; giáo dân đăng tải video tự chế trên các diễn đàn chia sẻ; các bài hát được sáng tác và biên đạo múa. Các hướng dẫn của Vatican đã được dịch “thậm chí sang một số ngôn ngữ bản địa xa xôi”.

“Tôi thích cách mọi người tự làm video hướng dẫn người khác. Nó khá tuyệt vời. Đó thực sự là một ngàn bông hoa đua nở. " Cha Araújo dos Santos cũng có ấn tượng bởi óc sáng tạo được thể hiện trong việc khuyến khích sự tham gia vào diễn trình này. Ngài nói, Tổng Giáo phận Manaus, “với mục đích thu hút sự quan tâm của giới trẻ với Thượng hội đồng,” đã phát động một cuộc thi giữa các giáo xứ để chọn một bài thánh ca cho phiên họp toàn thể của Tổng giáo phận, đã chọn một sáng tác của hai người trẻ thuộc giáo phận.

Cô Kheng nhận định rằng, cuối cùng, chính Thượng hội đồng đã lên mô hình một cách thức trở thành Giáo Hội mà giáo dân ở Châu Á có thể không muốn từ bỏ một khi “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” này kết thúc. Cô nói, “Mọi người nói rằng họ muốn điều này tiếp tục [sau khi chính thức kết thúc thượng hội đồng], họ thực sự thích nói chuyện với nhau, giáo sĩ và giáo dân, thực sự trò chuyện và chia sẻ.”
 
Vẻ vang dân Việt: Tờ báo Công Giáo lớn nhất Hoa Kỳ ca ngợi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam
J.B. Đặng Minh An dịch
20:30 26/08/2022


Từ cố gắng sống còn đến phát triển mạnh mẽ: Từ là người tị nạn, người Công Giáo Việt Nam làm nên một phần sôi động của Giáo hội Hoa Kỳ ngày nay

Tờ National Catholic Register của Công Giáo Hoa Kỳ vừa có bài viết rất hay về người Công Giáo Việt Nam có nhan đề “From Surviving to Thriving: Once Refugees, Vietnamese Catholics Make Up Vibrant Part of US Church Today”, nghĩa là “Từ cố gắng sống còn đến phát triển mạnh mẽ: Từ là người tị nạn, người Công Giáo Việt Nam làm nên một phần sôi động của Giáo hội Hoa Kỳ ngày nay”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vài ngày trước khi quân đội Cộng sản chiếm được thủ đô Sài Gòn cũ của miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, cha mẹ của Cha Timothy Trần đã bỏ trốn bằng thuyền cùng với đứa em trai và em gái năm tuổi của ngài.

Động cơ trên chiếc thuyền nhỏ mà họ đi cùng nhiều người Việt Nam khác không hoạt động, và chỉ khi những người tị nạn trên biển, họ mới phát hiện ra chiếc thuyền nhỏ cũng bị rò rỉ, cha Trần, một linh mục của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, nói với tờ National Catholic Register.

Sau khi chống chỏi liên tục từ chiếc thuyền mong manh trong nhiều ngày, họ được một chiếc tàu của Hoa Kỳ đón họ đến trại tị nạn ở Phi Luật Tân - một bước trên hành trình đến Hoa Kỳ, nơi Cha Timothy, 46 tuổi, được sinh ra.

“Khi cha mẹ tôi ra đi, các ngài không biết mình sẽ đi đâu,” vị linh mục, là người quản lý các vấn đề liên quan đến công chúng sự vụ của nhà dòng và cũng phục vụ tại giáo phận Thánh Giuse của Kansas City cho biết. “Các ngài chỉ đơn giản là phóng ra ngoài đại dương và cầu nguyện và hy vọng các vị sẽ tìm thấy đất ở một đất nước khác, hoặc ai đó sẽ đến đón các ngài.”

Các thành viên gia đình của Cha Trần nằm trong số một triệu người rời Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) trong vòng hai năm sau khi thành phố bị sụp đổ, theo số liệu của nhà cầm quyền Việt Nam. Đến năm 1995, ba triệu người tị nạn đã rời khỏi Việt Nam, Lào và Campuchia, với hơn một triệu người cuối cùng tái định cư ở Hoa Kỳ, theo kênh Lịch sử.

Trong số hơn 2,1 triệu người Việt Nam hiện nay ở Mỹ, khoảng 700.000 người là người Công Giáo, theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ, gọi tắt là CARA, tại Đại học Georgetown. Nhiều người có những câu chuyện tương tự về việc chịu đựng gian khổ với sự giúp đỡ của đức tin.

Nhiều thập kỷ sau, trong các gia đình và cộng đồng gắn bó trên khắp đất nước, người Công Giáo Việt Nam tiếp tục thực hành đức tin và sống văn hóa của họ, và cố gắng truyền lại đức tin cho những người con sinh ra ở Mỹ của họ.

Tôn vinh đức tin và văn hóa

Để có bằng chứng về sự sống động của Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, không cần tìm đâu xa hơn Carthage, Missouri, vào những ngày đầu tháng Tám. Hàng năm kể từ năm 1978, thị trấn nhỏ này là nơi diễn ra các Ngày Thánh Mẫu, thời điểm để những người Công Giáo người Mỹ gốc Việt đến với nhau để cử hành đức tin, gia đình và văn hóa. Hội dòng của Cha Timothy, được thành lập tại Việt Nam và có tu viện tỉnh dòng ở Carthage, tổ chức sự kiện thường niên.

Lễ hội kéo dài bốn ngày, nhằm củng cố đức tin của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và giữ cho truyền thống độc đáo của họ tồn tại, thu hút tới 50.000 người từ khắp Hoa Kỳ và xa hơn nữa đến với khuôn viên tu viện rộng 28 mẫu Anh của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, nằm cách thành phố Kansas khoảng 140 dặm về phía nam.

Phản ánh lòng sùng kính mạnh mẽ của người Công Giáo Việt Nam đối với Mẹ Maria và Trái tim Vô nhiễm của Mẹ, lễ hội bao gồm một cuộc rước tượng Đức Mẹ được rước từ Fatima, Bồ Đào Nha, nơi Đức Mẹ hiện ra. Những người tham dự cầu nguyện, nghe các bài nói chuyện và phụ giúp trong các Thánh lễ do các giám mục và linh mục chủ tế. Phụ nữ và một số nam giới mặc áo dài truyền thống: áo dài xẻ ngang hông và mặc ngoài quần dài. Cha Timothy cho biết, các bài hát và điệu múa truyền thống và món ăn Việt Nam là một phần của lễ kỷ niệm, tạo cơ hội cho các gia đình và bạn bè sống ở các vùng khác nhau đến với nhau.

“Tôi nghĩ rằng một trong những điều mà chúng ta thường thấy trong Các Ngày Thánh Mẫu là mọi người đến chỉ để tạ ơn vì đã họ có được cơ hội đến đây một cách an toàn và hơn thế nữa còn có thể phát triển ở Hoa Kỳ,” ngài nói với tờ National Catholic Register.

Lòng sùng mộ ở Quận Cam

Một nơi khác mà người Công Giáo Việt Nam đến với nhau là Quận Cam thuộc vùng đô thị Los Angeles. Quận Cam có dân số người Mỹ gốc Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, bao gồm 85.000 người Công Giáo Việt Nam, theo Linh mục Vinh Sơn Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Công Giáo Việt Nam của Giáo phận Orange và là người liên lạc của Giám mục với cộng đồng Công Giáo Việt Nam.

Quận Cam là nơi có khu Little Saigon lớn nhất ở Hoa Kỳ, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và kinh doanh trong một quận có khí hậu mà Cha Vinh Sơn mô tả là giống với khí hậu của Việt Nam. Vị linh mục của giáo phận này đã sống ở Quận Cam từ năm 1985, khi ngài di cư một mình từ Việt Nam ở tuổi 16.

Hai năm trước, Giáo phận Orange đã bắt đầu Ngày lễ Đức Mẹ của riêng mình để có một lễ hội gần nhà hơn, đặc biệt là cho những người cao tuổi, Cha Vinh Sơn, người chủ trì sự kiện cho biết. Lễ kỷ niệm của giáo phận tập trung xung quanh thánh địa Đức Mẹ La Vang gần Nhà thờ Chính tòa ở Garden Grove. Ngôi đền, trong đó có tượng Đức Mẹ cao 12 foot, là nơi thờ Đức Mẹ Maria hiện ra năm 1798 cho những người Công Giáo Việt Nam ẩn náu trong rừng để họ thực hành đức tin của mình trong thời gian bị bách hại.

Lễ hội kéo dài hai ngày của giáo phận có một cuộc rước và Thánh lễ chữa lành.

Truyền thống tụng kinh xuất phát từ người Việt theo đạo Phật, chiếm 43% dân số Việt Nam tại Hoa Kỳ, theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Người Công Giáo Việt Nam chia sẻ một số truyền thống với Phật tử, bao gồm cả việc đón mừng năm mới của người Việt Nam, hay Tết, thường diễn ra một tháng sau năm mới của phương Tây.

Bắt nguồn từ Chúa Kitô

Nhà thờ Công Giáo Việt Nam mà cha mẹ Liz Chi Pham tham dự khi cùng gia đình đến Minnesota năm 1977 là nguồn an ủi và sức mạnh để họ có thể thờ phượng bằng ngôn ngữ của mình.

Sinh ra ở Pennsylvania hai ngày sau khi cha mẹ cô đến Hoa Kỳ, cô lớn lên đôi khi cảm thấy không hoàn toàn là người Việt Nam hay người Mỹ. Nhóm trẻ tại giáo xứ của gia đình, St. Anne-St. Joseph Hien ở Minneapolis, đã ủng hộ cô cũng như cha mẹ cô.

“Việc thấm nhuần trong tôi rằng căn tính của tôi là trong Chúa đã giúp định hình tôi trở thành ai, và tôi chỉ cảm thấy thực sự may mắn vì tôi đã có nhóm thanh niên đó giúp định hướng tất cả những điều đó và hình dạng tôi ngày nay,” Liz Chi Pham nói với Register.

Hiện 46 tuổi và là một trong những trưởng nhóm thanh niên, cô giúp những người trẻ Công Giáo Việt Nam tìm thấy bản sắc của họ trong Chúa Kitô đồng thời kết nối với cộng đồng và văn hóa Việt Nam của họ. St. Anne-St. Giuse Hiền là một trong 140 giáo xứ của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm dạy thanh thiếu niên trở thành những Kitô hữu nhân đức, truyền giáo và phục vụ tha nhân.

Liz Chi Pham cho biết khoảng 250 thanh thiếu niên, từ tiểu học đến trung học, có mặt tại giáo xứ cho nhóm trẻ vào các tối thứ Bảy, bao gồm chầu Thánh Thể, hát các bài hát Việt Nam, và các bài học về Thánh Thể và dạy giáo lý. Cả tiếng Việt và tiếng Anh đều được sử dụng.

“Họ tìm thấy sự thống nhất với các đồng nghiệp khác, những người hiểu họ đang ở đâu trong toàn bộ bản sắc người Mỹ gốc Việt đó,” cô nói.

Giọng hát Việt

Liz Chi Pham lần đầu gặp Cha Tim Trần, khi vị linh mục tương lai của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc đến với nhóm trẻ khi mới 7 tuổi, và không có quan hệ họ hàng trực tiếp.

Là một sinh viên đại học dự định trở thành một bác sĩ, anh ấy tiếp tục giữ vai trò trưởng nhóm. Liz Chi Pham nhìn thấy những năng khiếu của anh ấy và bắt đầu đề nghị anh ấy xem xét chức linh mục. Cuối cùng, Cha Tim nhận lời đề nghị và được truyền chức linh mục cho Tổng Giáo Phận St. Paul-Minneapolis vào năm 2020. Cùng với tầm quan trọng của gia đình, Cha Tim cho biết Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam mà ngài lớn lên là một “hạt giống cho các ơn gọi”.

Theo một cuộc khảo sát của CARA, người Công Giáo Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% dân số Hoa Kỳ nhưng chiếm đến 4% trong số người được phong chức linh mục trong năm 2022.

Cha Tim cho biết, nhiều linh mục Việt Nam tại Mỹ được sinh ra tại Việt Nam, nơi các ơn gọi đang nở rộ. Một tỷ lệ cao hơn cũng thuộc về các dòng tu nơi các linh mục nước ngoài có thể tìm thấy an toàn và được chào đón.

Linh mục Dòng Tên Quang Trần sinh ra ở New Orleans, và được thu hút vào Dòng Tên. Mặc dù không phải là yếu tố lớn nhất khiến ông gia nhập Dòng Tên, nhưng Cha Quang lưu ý rằng các thành viên của Dòng Tên là những người đầu tiên truyền giáo tại Việt Nam, và nhà truyền giáo Thánh Phanxicô Xaviê nói riêng rất được người Công Giáo Việt Nam sùng kính.

Khi cha Quang cử hành thánh lễ đầu tiên vào năm 2015, ngài có một người đồng tế đặc biệt - một người chú đã bị chính quyền Cộng sản từ chối truyền chức linh mục trong 20 năm sau khi chọn ở lại Việt Nam vào năm 1975. Trong suốt nhiều thập kỷ, quá trình đào tạo chủng viện của ngài bị gián đoạn. Chú của cha Quang đã từng làm giáo lý viên, tuồn bánh và rượu đựng trong chai xì dầu vào nhà tù nơi các linh mục bị giam giữ sẽ thánh hiến để ông mang đến các giáo xứ. Vị tổng giám mục anh hùng của người giáo lý viên này không ai khác chính là Đức Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, người đã bị biệt giam 9 năm.

Trong bài giảng trong Thánh lễ đầu tiên của Cha Quang, chú của ngài và tân linh mục người Mỹ gốc Việt đều nói về “cách Chúa đưa chúng ta đến với tất cả những điều này và đưa chúng tôi đến điểm này,” lần lượt bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Cha Quang, 38 tuổi, lớn lên ở New Orleans East, một cộng đồng Công Giáo Việt Nam đang phát triển mạnh, tập trung quanh giáo xứ Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở New Orleans East phát triển sau khi Đức Tổng Giám Mục Philip Hannan, lãnh đạo Tổng Giáo phận New Orleans từ năm 1965 đến năm 1988, khuyến khích người tị nạn Việt Nam đến giáo phận của ngài. Cha Quang, người đang hoàn thành bằng tiến sĩ tâm lý học tại trường Cao đẳng Boston, lưu ý rằng lời mời của Đức Tổng Giám Mục Hannan hoàn toàn khác so với sự đón nhận của người tị nạn Việt Nam ở các vùng khác của Hoa Kỳ.

Trong khi nhiều người mới đến những nơi có đông người Việt sinh sống hơn như New Orleans East, Orange County, Houston, San Jose, và Dallas, những người tị nạn Việt Nam khác lại định cư trong các cộng đồng nhỏ hơn. Tại thành phố Bay, Texas, nơi Cha Timothy của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc lớn lên, những cư dân Việt Nam duy nhất khác là họ hàng của ngài. Gia đình định cư ở đó vì họ đã tìm được việc làm, ngài nói. Mặc dù giáo xứ của họ không phải là giáo xứ Việt Nam, nhưng gia đình này rất tích cực hoạt động, và cha của Cha Timôthê đã được phong chức phó tế vĩnh viễn.

Nguồn sức mạnh

Bất cứ nơi nào họ cắm rễ trên đất nước mới, người Công Giáo Việt Nam kể những câu chuyện về những gì họ phải chịu đựng trong bối cảnh của một đức tin mang lại hy vọng, cha Quang nói.

Ngài lưu ý rằng trong điện thờ trong phòng khách của cha mẹ ngài - một đặc điểm thường thấy trong các ngôi nhà Việt Nam - là một cây thánh giá bằng bạc mà bà anh mang theo khi chạy trốn khỏi chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc Việt Nam vào những năm 1954 và mẹ ngài đã mang từ Sài Gòn ra nước ngoài hai thập kỷ sau đó.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng chính đức tin Công Giáo đã cho cha mẹ chúng tôi sức mạnh để có được ngày hôm nay,” Cha Quang nói. “Chúng tôi không thể phủ nhận điều đó. Dù tin hay không chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng đó chính là nơi mà họ đã rút ra sức mạnh của mình”.

Cha của Cha Tim đã trải qua 5 năm tù tại một trong những trại “cải tạo” của cộng sản và ông cho rằng sự sống còn của mình là cho Chúa. Vì nền tảng quân sự của mình, Cha của Cha Tim và gia đình đã có thể đến Hoa Kỳ vào năm 1993 khi Cha Tim được ba tuổi rưỡi. Thay vì chọn khí hậu ấm áp, cha Tim đưa gia đình đến Minnesota vào mùa đông vì cộng đồng tín hữu Công Giáo Việt Nam rất mạnh.

“Tôi vẫn nhớ cánh cửa xe taxi mở ra và bước đầu tiên của tôi trong tuyết,” vị linh mục trẻ của giáo phận nói.

Liz Chi Pham, người cũng đến tiểu bang miền Bắc khi còn nhỏ, cho biết cô rất biết ơn khi được thực hiện cuộc hành trình sống và đức tin của mình với cộng đồng Việt Nam.

Cô mời những người Công Giáo khác tham dự một Thánh lễ Việt Nam, bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ, để xem tất cả chúng ta được kết nối như thế nào thông qua Chúa Giêsu Kitô.

“Mặc dù chúng tôi đang thực hiện Thánh lễ bằng tiếng Việt, chúng tôi rất cởi mở và chào đón những người khác đến và cử hành cùng chúng tôi,” Liz Chi Pham nói. “Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hợp nhất tất cả chúng ta khi chúng ta có thể đến bất kể ngôn ngữ đó là gì, để cử hành Bí tích Thánh Thể.”
Source:National Catholic Register
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cung cách sống lòng khiêm nhượng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:45 26/08/2022
Hình ảnh cung cách sống lòng khiêm nhượng

Cung cách sống lòng khiêm nhượng là một đức tính tốt, một nhân đức thánh thiện anh hùng luôn được khuyến khích đề cao. Nhưng trong thực tế đời sống đức tính nhân đức khiêm nhượng, nhất là ngày hôm nay, thường bị cho là cổ hủ, là thụt lùi dậm chân tại chỗ…

Vì đời sống cạnh tranh trong xã hội đòi buộc phải tỏ ra có bản lĩnh vượt thắng những khó khăn thách đố, rào cản chắn lối, phải tiến tới phía trước, phải trổi vượt có thành tích, sáng kiến hay mới lạ!

Còn trong lãnh vực tinh thần đạo giáo thì hình ảnh cung cách nếp sống này như thế nào?

Hiểu ý nghĩa lòng khiêm nhượng không dễ dàng đơn giản, vì liên quan gắn bó với nếp sống của con người.

Có người tự nguyện sống đơn giản. Họ bằng lòng với hiện tại với điều có, họ không đòi hỏi gì khác. Cung cách nếp sống khiêm nhượng đơn giản này, không có gì trổi vượt sáng chói, nhưng mang đến cho đời sống sự bằng lòng trong niềm vui. Đây là cung cách nếp sống lòng khiêm nhượng chống lại sự kiêu ngạo.

Có người vì hòan cảnh đời sống, không tự nguyện, nhưng phải chấp nhận như mình có. Họ khép mình cùng thích nghi với môi trường hoàn cảnh sống. Một nếp sống khiêm nhượng trong tương quan với hoàn cảnh đời sống.

Sách Jesus Sirach 3, – Sách Huấn ca – nói về lòng khiêm nhượng trên căn bản cung cách nếp sống nơi con người trong chiều tương quan với Thiên Chúa và với con người.

Trong tương quan với Thiên Chúa, lòng khiêm nhượng thể hiện trong sự kính trọng và lòng tin tưởng: Vì quyền năng Thiên Chúa thì lớn lao, Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. ( Huấn ca 3, 20).

Người tin tưởng vào Chúa, nhận hiểu ra sự khác biệt giữa Thiên Chúa, đấng Tạo Hoá, và con người, loài thụ tạo.

Con người là tạo vật yêu qúi được Thiên Chúa tạo thành nuôi dưỡng. Không có Thiên Chúa con người chẳng là gì. Nhưng con người không phải là hình nộm diễn kịch trên sân khấu của Thiên Chúa. Trái lại họ là người có tự do, có trí tuệ suy nghĩ phát triển do Thiên Chúa tạo dựng sinh thành.

Tâm tình lời cầu nguyện cậy trông, cung cách tôn kính tuân phục thờ phượng Thiên Chúa trình bày diễn tả lòng khiêm nhượng. Và như thế nói lên danh vọng, tiếng tăm thành tích qua đi, nhưng duy chỉ có Thiên Chúa vẫn luôn tồn tại. Ngài là khởi đầu, hiện tại và cùng tận. Ngài là Đấng ban tặng con người sự sống hôm nay và ngày mai.

Trong chiều tương quan với con người, tác gỉa sách Huấn ca nêu ra lời kinh nghiệm khôn ngoan: “: Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” ( Huấn ca 3, 17).

Cung cách nếp sống thực tế lịch sự nhũn nhận này tỏ ra sẵn sàng quên mình, không cho mình là chính, là quan trọng. Cung cách nếp sống nhũn nhặn này hướng tầm nhìn tới người chung quanh mình trong tình bác ái liên đới.

Thánh Phaolô có suy tư về cung cách nếp sống bác ái lòng khiêm nhượng: ”Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4).

Mẹ Thánh Terexa thành Calcutta cả đời hiến thân phục vụ người nghèo trong xã hội bên Ấn Độ, đã có tâm tình về khía cạnh cung cách nếp sống lòng khiêm nhượng:

“ Thực ra công việc của chúng ta không quan trọng, nhưng là công việc đơn giản khiêm nhượng nhất. Gíá trị công việc hệ tại nơi tinh thần tình yêu hướng về Chúa nơi tâm hồn. Người ta không thể yêu mến Chúa, mà không có tình yêu mến người khác.

Mặt khác người tu sĩ truyền giáo cho tình yêu vì người khác không bao giờ được quên lời Chúa Kitô Giêsu nhắn nhủ trong dụ ngôn ngày phán xét chung thẩm:” Ta đói, con đã cho ta ăn…” Điều nay chúng ta cố gắng thực hiện: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Tìm kiếm Chúa Kitô Giêsu nơi những người nghèo hèn khốn cùng, nơi người hấp hối sắp qua đời, nơi người người bệnh, nơi người mồ côi bơ vơ bị bỏ rơi.

Công việc của chúng ta khởi đầu với những trẻ em bị bỏ rơi bên lề đời sống. Những trẻ em này không phải chỉ có ở một nơi, nhưng rất tiếc buồn thảm thay luôn có trở lại. Có một lần trong những năm đầu tiên hoạt động bác ái của Dòng chúng tôi, cảnh sát dẫn đến cho chúng tôi một nhóm trẻ em trong trại tù bị giam hãm. Vì chúng bị bắt gặp phạm tội ăn cắp. Tôi hỏi các em, tại sao các em làm như vậy. Chúng trả lời, mỗi ngày từ 17 giờ tới 20 giờ chúng con được người lớn dậy cho kỹ thuật ăn trộm ăn cắp.” ( Mutter Teresa, Leben, um zu lieben. Jahreslesebuch, Herder 1999, trang 51.).

Cung cách nếp sống khiêm nhượng không tỏa ra thành tích sáng chói, nhưng mang lại niêm vui sự bình an cho con người.

Sách Huấn ca có suy niệm sâu xa hơn về cung cách đối nghịch với nhân đức lòng khiêm nhượng “ Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xẩy xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó. ( Huấn ca, 3, 28).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Latvia hạ tượng đài Liên Xô dù bị dọa nạt. Ukraine phản ứng trước lời chúc bất nhân. Putin tăng quân
VietCatholic Media
02:50 26/08/2022


1. Latvia dỡ bỏ tượng đài thời Liên Xô

Bất chấp những đe dọa của Nga, Latvia dỡ bỏ tượng đài thời Liên Xô kỷ niệm Hồng quân đánh bại Hitler.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho rằng “Thủ đô Riga của Latvia mang nửa dòng máu Latvia, nửa dòng máu Nga, và tôi nghĩ rằng một phần của nhà nước, một phần của đất nước cũng nên tôn trọng quyền của phần bên kia.” Bà cho rằng quyết định của Latvia giật sập tượng đài này đã giật sập tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước, và sẽ có những hậu quả nhận định.

Phát biểu về quyết định này, phát ngôn nhân của thành phố Riga, Janis Lange cho biết: “Đối với người dân Latvia, tượng đài này tượng trưng cho sự chiếm đóng Latvia của Nga sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, chúng tôi không thể chịu đựng được nữa”. Theo Janis Lange, quyết định giật sập tượng đài đã được đưa ra sau khi có nhiều người Nga thường tụ tập tại công viên Uzvara, là nơi có tượng đài này để tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ Putin trong cuộc xâm lược vào Ukraine.

Hàng ngàn người đã chờ đợi thời khắc lịch sử khi đài tưởng niệm cao 79 mét, mà trên cùng được trang trí bằng các ngôi sao bị hạ xuống. Họ tập trung xung quanh Công viên Uzvara nghĩa là Chiến thắng. Đài tưởng niệm được hạ xuống sau khoảng bảy giờ làm việc, khi rơi xuống tượng đài đã gây ra một tiếng va chạm lớn và nước bắn lên cao từ hồ nước gần bên. Người dân đã nhiệt liệt hoan hô chào đón sự sụp đổ của chiếc tháp kỷ niệm quân đội Liên Xô bằng một tràng pháo tay và những tiếng hò reo.

Theo cảnh sát, nhìn chung diễn biến này xảy ra một cách bình yên, chỉ có một số trường hợp vi phạm đã được lập biên bản.

Tổng cộng, bốn người đã bị giam giữ vì không tuân theo các yêu cầu của các viên chức cảnh sát. Hai trong số họ đã công khai bày tỏ các khẩu hiệu ca ngợi Nga và sự hiếu chiến của nước này.

Ngoài ra, một phụ nữ đã cố gắng trèo qua hàng rào của Công viên Uzvara. Cô đã bị bắt vì không tuân theo các yêu cầu hợp pháp của cảnh sát. Cơ quan thực thi pháp luật ngay lập tức chú ý đến cô, ra lệnh dừng ngay hành vi vi phạm, nhưng người phụ nữ không chấp hành. Cô ta đã bị phạt 100 euro nhưng không bị bắt giữ.

Khu phức hợp tượng đài Nga đã được tháo dỡ trong ba ngày. Hôm thứ Ba ngày 23 tháng 8 tượng đồng ba người lính Nga bị giật xuống. Sáng thứ 4 ngày 24 tháng 8 tượng một người phụ nữ Nga bị kéo đổ. Sáng thứ năm công tác chuẩn bị đã được bắt đầu cho công đoạn cuối cùng và gay go nhất là giật sập tháp cao đến 79m.

Tất cả các diễn biến căng thẳng này diễn ra trong khi máy bay NATO tuần tra trên bầu trời để tránh các diễn biến bất ngờ.

2. Phản ứng của Ukraine trước lời cầu chúc quá sức bất nhân của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhân ngày độc lập của Ukraine

Đáp lại thông điệp chúc mừng Ngày Độc lập của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết họ hy vọng người đồng minh này của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm được đoàn tụ với hai nhà lãnh đạo đã bị chính người dân của họ hành quyết.

“Hôm qua, vào Ngày Độc lập của chúng ta, nhà độc tài Lukashenko đã chúc mừng Ukraine và chúc chúng ta có một bầu trời yên bình... trong khi một 'món quà' hỏa tiễn một lần nữa được bắn từ Belarus đến Ukraine. Chúng tôi cũng cầu chúc cho Lukashenko có cùng một bầu trời hòa bình... và sớm đoàn tụ với những người bạn tốt của anh ấy là Hussein và Gaddafi.”

Dòng tweet này đề cập đến Saddam Hussein, cựu tổng thống Iraq, người đã bị hành quyết năm 2006 sau khi đối mặt với phiên tòa đại hình của Iraq, và cựu lãnh đạo độc tài của Libya Muammar el-Gaddafi, người đã bị hành quyết trong một cuộc nổi dậy năm 2011.

Trong khi nhiều quốc gia lên án kịch liệt cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của Nga nhằm vào Ukraine, ông Lukashenko là một trong số ít nhà lãnh đạo tiếp tục đứng về phía Putin. Ông Lukashenko đã cho phép Nga bố trí quân đội bên trong và tiến hành các cuộc không kích từ lãnh thổ của mình trong khi hạn chế đưa quân đội Belarus vào Ukraine để hỗ trợ quân đội của Putin.

Các quan sát viên cho rằng ông Lukashenko nếu không thích người Ukraine thì dừng chúc mừng họ. Chúc mừng theo kiểu của ông ấy vừa bất nhân, vừa không xứng đáng với tư cách một tổng thống.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các quan chức Ukraine khác nói rằng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công trên khắp đất nước vào Ngày Độc lập, vào hôm thứ Tư và là dấu mốc 6 tháng của cuộc chiến.

Trước kỳ nghỉ lễ kỷ niệm 31 năm Ukraine tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô, Zelenskiy cảnh báo rằng Nga có thể cố gắng làm “một điều gì đó đặc biệt tồi tệ, một điều gì đó đặc biệt xấu xa” vào Ngày Độc lập.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của kẻ thù là hạ nhục chúng ta, những người Ukraine, hạ thấp năng lực của chúng ta, những người anh hùng của chúng ta, gieo rắc nỗi tuyệt vọng, sợ hãi, gieo rắc xung đột.... Vì vậy, điều quan trọng là không bao giờ mất cảnh giác dù chỉ trong một khoảnh khắc, Ông nói.

3. Vladimir Putin ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang Nga

Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của Nga từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu, khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang tháng thứ bảy mà không có dấu hiệu lắng dịu.

Sắc lệnh của Tổng thống Nga dường như chỉ ra mục tiêu bổ sung quân đội của nước này, vốn đã bị tổn thất nặng nề ở Ukraine và không đạt được mục tiêu chiếm được thủ đô Kyiv. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm tới.

Nó đánh dấu sự gia tăng đáng kể về quân số kể từ lần cuối cùng Nga mở rộng quy mô quân đội vào năm 2017, khi bổ sung 13.698 quân nhân và 5.357 người không tham chiến.

Nga không công khai số lượng thương vong mà nước này phải gánh chịu ở Ukraine, nhưng hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Mạc Tư Khoa đã mất tới 1/3 sức mạnh chiến đấu trên bộ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Mạc Tư Khoa, cho đến nay đã từ chối tuyên bố tổng động viên, nhưng gần đây đã tăng cường nỗ lực tuyển mộ binh sĩ mới, thông qua cái mà một số chuyên gia gọi là “động viên bí mật”.

Các khu vực trên khắp nước Nga đã bắt đầu thành lập các tiểu đoàn tình nguyện, cung cấp các hợp đồng ngắn hạn béo bở cho nam giới từ 18 đến 60. Tình báo phương Tây cũng cho biết các công ty quân sự tư nhân, bao gồm cả nhóm Wagner, đang được sử dụng để tăng cường lực lượng tiền tuyến của Nga khi Điện Cẩm Linh phải đối mặt tình trạng thiếu quân.

Sắc lệnh hôm thứ Năm không nêu rõ việc tăng số lượng nhân viên được tiến hành như thế nào nhưng yêu cầu chính phủ phân bổ ngân sách thích hợp cho quân đội.

Pavel Luzin, một chuyên gia quân sự Nga, cho biết Mạc Tư Khoa sẽ phải vất vả để tăng số lượng binh sĩ, đồng thời cho rằng “sắc lệnh này trái với thực tế khách quan trên chiến trường”.

Lệnh của ông Putin được đưa ra sau khi một nhà ngoại giao cấp cao của Nga trong tuần này nói với Financial Times rằng Mạc Tư Khoa không thấy có khả năng có một giải pháp ngoại giao để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và dự kiến sẽ có một cuộc xung đột kéo dài.

Tương tự, Ukraine đã bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình, với việc Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thề sẽ giành lại vùng lãnh thổ đã mất ở phía đông và nam của đất nước.

Một tòa án Nga hôm thứ Năm đã ra phán quyết quản thúc tại gia đối với Yevgeny Roizman, một chính trị gia đối lập, là người luôn chỉ trích thẳng thắn về cuộc xâm lược Ukraine. Phán quyết này là tạm thời trong khi ông bị điều tra về tội “làm mất uy tín” của quân đội Nga.

Roizman, cựu thị trưởng của Ekaterinburg, đã bị giam giữ hôm thứ Tư. Anh ta bị hạn chế rời khỏi nhà, tham dự các sự kiện công cộng hoặc sử dụng internet và chỉ có thể liên lạc với gia đình, các thành viên thân thiết, luật sư và điều tra viên của anh ta.

Tòa án đã ngừng bỏ tù anh ta, có thể vì lo ngại rằng việc giam giữ anh ta có thể dẫn đến các cuộc biểu tình công khai ở Ekaterinburg, thành phố lớn thứ tư của Nga.

4. Thị trưởng cho biết tòa nhà của Nga gần Melitopol bị chiếm đóng 'nổ tung'

Thị trưởng thành phố Melitopol do Nga chiếm đóng, Ivan Fedorov, cho biết một tòa nhà được cho là do các quan chức hậu thuẫn Nga sử dụng trong khu vực đã bị “nổ tung”.

Fedorov, Thị trưởng lưu vong của thành phố, đã đăng một đoạn video trên Telegram cho thấy thiệt hại của tòa nhà, mà theo anh ta đang được sử dụng để lên kế hoạch cho một “cuộc trưng cầu dân ý giả” của các nhà chức trách do Nga hậu thuẫn về việc liệu khu vực có nên được sáp nhập vào Nga hay không.

Fedorov nói:

Đêm nay, trụ sở của quân chiếm đóng ở làng Pryazovske đã bị nổ tung. Chính ở đó, người Nga đã chuẩn bị cho cuộc 'bỏ phiếu' và cấp hộ chiếu Nga.

Fedorov cũng tuyên bố rằng rất ít người nhận lời đề nghị cấp hộ chiếu Nga.

5. Chuyên gia dự đoán Vladimir Putin sẽ xâm lược nước nào tiếp theo nếu Nga thắng Ukraine

Một chuyên gia đã dự đoán đất nước mà Nga có thể xâm lược tiếp theo nếu Vladimir Putin giành chiến thắng trong cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine, hiện đã quá sáu tháng kể từ khi nó bùng nổ.

Tina Khidasheli, một chính trị gia ở Gieorgia, cho biết quê hương của bà có thể sẽ là vị trí tiếp theo nếu lực lượng đang trì trệ của Putin bằng cách nào đó chiến thắng.

Trong một bài viết cho Quỹ Friedrich Naumann, một tổ chức phi lợi nhuận tự do, Khidasheli cho biết sứ mệnh của Nga “sẽ không dừng lại” ở Ukraine.

Bà nói: “Putin ham muốn quyền lực sẽ không dừng lại sau chiến thắng ở Ukraine. Georgia và Moldova là quá nhỏ so với ông ta và tham vọng của ông ấy”.

“Điều này là rõ ràng trong tối hậu thư do Putin gửi vào tháng 12, tới các quốc gia thành viên NATO Đông Âu.”

Tối hậu thư mà nữ Bộ trưởng Quốc phòng Gieorgia đề cập đến là một tối hậu thư do Putin đưa ra nhằm kêu gọi chấm dứt hoạt động của NATO ở các nước Đông Âu giáp biên giới với Nga.

NATO quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là một hành động chiến tranh đối với tất cả các thành viên của nó

Bà Khidasheli tiếp tục: “Đối với Vladimir Putin, thất bại trong cuộc chiến này đã được định trước. Anh ta sẽ phải chịu thất bại hoặc hôm nay ở Ukraine, nếu phương Tây đưa ra sự giúp đỡ tích cực và triệt để hơn, hoặc ngày mai trên lãnh thổ của NATO”.

“Việc thất bại sẽ đến ở đâu hay bằng cái giá nào chỉ nằm trong tay NATO và các đồng minh Ukraine và Gieorgia.”

Bản thân Putin đã xuất bản một nghiên cứu vào năm 2021 với tiêu đề “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine” khẳng định Nga và Ukraine là “một dân tộc”.

Georgia cũng có quan hệ văn hóa chặt chẽ với Nga và là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Một số lo ngại rằng Putin sẽ áp dụng logic tương tự cho đất nước mà ông ta xâm lược lần đầu tiên vào năm 2008.

Kể từ đó, trong khi đã kiểm soát các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia, quân đội của Putin đã xâm phạm lãnh thổ Gieorgia từ từ.

Bà Khidasheli tin rằng cuộc xâm lược là để ngăn chặn quốc gia của bà gia nhập NATO.

Bà Khidasheli tiếp tục: “Việc Nga chiếm đóng 20% lãnh thổ của Georgia không chỉ là một hành động chính trị để công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, mà là kết quả của việc hoàn thành hai nhiệm vụ rất quan trọng - cả hai đều bảo đảm việc đóng quân của quân đội Nga không xa Biên giới NATO và cản trở việc Georgia gia nhập NATO.

Bất kỳ cuộc xâm lược nào vào toàn bộ lãnh thổ của Gruzia đều có thể phụ thuộc vào việc liệu Putin có bị mắc kẹt trong cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine trong nhiều năm tới hay không, hay ông ta giành được chiến thắng bất chấp tổn thất nặng nề về quân số.

6. Bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh đã chỉ trích giọng điệu giả nhân giả nghĩa của bọn lãnh đạo quân sự Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải rằng Nga đang cố tình làm chậm tốc độ của chiến dịch quân sự ở Ukraine, do nhu cầu giảm thương vong dân sự. Tuy nhiên, sự thật là đúng vào lúc Sergei Shoigu đưa ra luận điệu nhân nghĩa này, quân Nga đã phóng hỏa tiễn vào nhà ga Chaplyne ở vùng Dnipropetrovsk. Hậu quả của vụ tấn công dã man này là 25 người, trong đó có 2 trẻ em, thiệt mạng và 31 người bị thương.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ bản tin của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải rằng Nga đang cố tình làm chậm tốc độ của chiến dịch quân sự ở Ukraine, do nhu cầu giảm thương vong dân sự.

Đây gần như chắc chắn là thông tin sai lệch có chủ ý. Cuộc tấn công của Nga đã bị đình trệ vì hiệu suất quân sự kém của Nga và sự kháng cự quyết liệt của Ukraine. Theo lệnh của Shoigu, các lực lượng Nga hoạt động ở Ukraine đã nhiều lần không đạt được các mốc thời gian hoạt động theo kế hoạch.

Có khả năng cao là Shoigu và Tổng thống Putin đã sa thải ít nhất 6 vị tướng do không thăng tiến đủ nhanh.

Vào ngày Shoigu đang phát biểu, một hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn SS-26 Iskander của Nga đã tấn công một đoàn tàu ở thị trấn Chaplyne, được tường trình đã giết chết ít nhất hai trẻ em.

Điều này cho thấy rằng Nga khi nhận thấy có lợi thế quân sự sẵn sàng gây ra thiệt hại tài sản khi tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hoặc pháo binh.
 
Tin Vui: Các nữ tu ở Nigeria bị bắt cóc đã được trả tự do mà không phải trả tiền chuộc mạng
VietCatholic Media
06:05 26/08/2022


1. Các nữ tu ở Nigeria bị bắt cóc đã được trả tự do

Bốn nữ tu bị bắt cóc khi đang trên đường tham dự Thánh lễ ngày 21 tháng 8 đã được thả.

Các nữ tu Johannes Nwodo, Christabel Echemazu, Liberata Mbamalu và Benita Agu đã bị bắt cóc vào ngày 21 tháng 8 tại bang Imo của Nigeria, nằm ở phía nam đất nước.

Sau hai ngày “cầu nguyện mãnh liệt” để họ “được thả nhanh chóng và an toàn”, Các Nữ Tu của Dòng Các Nữ Tử của Chúa Giêsu Cứu Thế đã thông báo về “việc trả tự do vô điều kiện và an toàn” cho những người bị bắt cóc trong một tuyên bố vào ngày 23 tháng 8.

“Hôm nay là một ngày đáng nhớ đối với chúng tôi, do đó, chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui này với tất cả những người nam nữ thiện chí, những người bằng cách này hay cách khác đã góp phần vào việc giải phóng các chị em thân yêu của chúng tôi một cách nhanh chóng và an toàn”.

Dòng Các Nữ Tử của Chúa Giêsu Cứu Thế là một hội dòng ở Nigeria chăm sóc người nghèo, người già và bệnh tật. Nhà dòng đã không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kẻ có thể đã gây ra vụ bắt cóc.

Các vụ bắt cóc các tín hữu Kitô ở Nigeria đã gia tăng trong những năm gần đây, một tình huống khiến các nhà lãnh đạo Giáo hội bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về an ninh của các thành viên của mình và kêu gọi chính phủ củng cố an ninh cho các công dân.

Đặc biệt, các linh mục thường bị bắt cóc và bị giữ để đòi tiền chuộc. Vào ngày 11 tháng 7, Hiệp hội Linh mục Công Giáo Giáo phận Nigeria đã đưa ra một tuyên bố về các vụ tấn công, nói rằng, “thực sự đáng buồn là trong quá trình hoạt động mục vụ bình thường của họ, các linh mục đã trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.”

Gần đây nhất, vào tháng Bảy, Cha John Mark Cheitnum và Cha Denatus Cleopas đã bị bắt cóc tại nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua ở thị trấn Lere, bang Kaduna phía bắc Nigeria. Cha Cleopas được trả tự do, nhưng Cha Cheitnum bị giết một cách dã man.

Chuyên gia an ninh David Otto, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Phi Châu, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, nói với CNA vào tháng 7 rằng sự đồng thuận của các chuyên gia an ninh trong nhóm của ông là Giáo Hội Công Giáo đang bị tấn công vì Giáo Hội đã trả số tiền chuộc rất lớn mà bọn khủng bố yêu cầu, có thể lên tới 200.000 USD hoặc hơn.
Source:Catholic News Agency

2. Bóng tối chiến tranh lấp ló trong chuyến thăm Kazakhstan của Đức Giáo Hoàng

Trong khi mục đích chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan sẽ là để tham dự Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới, cuộc họp liên tôn giáo cũng sẽ là bối cảnh cho cuộc gặp được mong đợi từ lâu của ngài với Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn gặp Thượng Phụ Kirill trong nhiều tháng qua. Ngài nói với Univision, mạng lưới tiếng Tây Ban Nha, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng tại Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 7 rằng ngài dự định gặp giáo chủ Chính Thống Giáo Nga trong chuyến thăm từ ngày 13 đến 15 tháng 9 tới Kazakhstan.

Đức Giáo Hoàng nói với Univision rằng ngài có “mối quan hệ tốt” với Thượng phụ Kirill, là người đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bất chấp những quan điểm dị biệt của họ về cuộc chiến, Đức Giáo Hoàng nói, “Rõ ràng là quan điểm của ông ấy bị quy định bởi quê hương của ông ấy theo một cách nào đó; điều đó không có nghĩa là ông ta là một người đàn ông không đứng đắn. Không; Thiên Chúa biết trách nhiệm đạo đức của mỗi người trong sâu thẳm trái tim họ”.

Trang web của đại hội nêu rõ rằng được tổ chức ba năm một lần, Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới là sáng kiến của tổng thống đầu tiên của Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, như một cách thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo.

Trang web của đại hội nói thêm rằng một mục tiêu khác của đại hội là ngăn chặn “việc lợi dụng tình cảm tôn giáo của mọi người để làm leo thang xung đột và thù địch”.

Đức Cha Adelio Dell'Oro của Karaganda, Kazakhstan cho biết: Mặc dù cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill vẫn chưa được công bố, nhưng cuộc gặp như vậy diễn ra tại Kazakhstan trong Đại hội các tôn giáo truyền thống và thế giới là rất quan trọng,

“Sẽ thật tuyệt nếu cuộc gặp gỡ đó diễn ra ở đây và người ta sẽ hiểu rằng tôn giáo không phải phục vụ nhà nước, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với giáo chủ trong cuộc gặp gỡ trực tuyến với ngài,” Đức Cha Dell'Oro nói với SIR, cơ quan thông tấn của Hội đồng Giám mục Ý, trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 1 tháng Bảy.

“Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo tinh thần phải khẳng định rằng tôn giáo là một nhân tố của sự hợp nhất và hòa giải, và do đó trách nhiệm đối với các tín hữu, đặc biệt nếu họ là Kitô hữu, là phải kiến tạo hòa bình.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng phụ Kirill đối với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, đặc biệt là việc ông biện minh cuộc chiến này như một biện pháp bảo vệ chống lại sự vô đạo đức của phương Tây, đã gây ra rạn nứt trong Giáo hội Chính thống Nga và làm căng thẳng quan hệ với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt thẳng thừng khi nhắc nhở Thượng phụ Kirill về vai trò thích hợp của một mục tử.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, xuất bản ngày 3 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng trong một cuộc họp Zoom vào giữa tháng Ba, ngài đã nói với giáo chủ, “Anh ơi, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ của chính trị, nhưng phải nói ngôn ngữ của Chúa Giêsu. “

Đức Giáo Hoàng nói với tờ báo Ý: “Đức Thượng Phụ không thể biến mình thành cậu bé giúp lễ cho Putin”. Tuy nhiên, lời nhắc đó đã khiến Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa phản ứng dữ dội.

“Giáo hoàng Phanxicô đã chọn một giọng điệu không chính xác để truyền đạt nội dung của cuộc trò chuyện này”, vị thượng phụ nói ngày 4 tháng 5. “Những tuyên bố như vậy không có khả năng góp phần thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Công Giáo Rôma và các nhà thờ Chính thống Nga, điều đặc biệt cần thiết tại thời gian hiện tại.”

Tuy nhiên, ngay cả trong Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng có người đồng ý với Đức Giáo Hoàng rằng “Đức Thượng Phụ không thể biến mình thành cậu bé giúp lễ cho Putin”. Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã từ chối yêu cầu của Thượng Phụ Kirill phải ra một tuyên bố lên án Đức Giáo Hoàng. Kết quả là Thượng Phụ Kirill đã cách chức Tổng Giám Mục Hilarion và đưa sang Áo coi sóc một giáo đoàn vài trăm người.
Source:Crux

3. Cha Lombardi nhìn lại những năm phục vụ ba vị giáo hoàng

Cựu giám đốc của Đài phát thanh Vatican và Văn phòng Báo chí Tòa thánh sẽ bước sang tuổi 80 vào thứ Hai, ngày 29 tháng 8. Tu sĩ Dòng Tên người Ý, người đã phục vụ Đức Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, nhìn lại sự nghiệp lâu dài và đáng kinh ngạc của mình trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, là tờ báo hàng ngày của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Cha Federico Lombardi tốt nghiệp Đại học Turin với bằng toán học năm 1969, và được thụ phong linh mục ở Đức năm 1972, nơi ngài làm tuyên úy cho những người Ý xa xứ. Với xuất thân này, ngài dường như không có duyên để phục vụ trong lĩnh vực truyền thông của Đức Giáo Hoàng, nhưng con đường của ngài dần dần đưa ngài đến với chức năng “phát ngôn viên” của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là giám đốc văn phòng báo chí Vatican từ năm 2006 đến năm 2016. Ngài cũng đã lãnh đạo Đài phát thanh Vatican trong một phần tư thế kỷ, từ 1990 đến 2016, và đã để lại dấu ấn cho cả một thế hệ nhà báo.

Trong khi đặc biệt thân thiết với Đức Bênêđíctô XVI và vẫn là chủ tịch của Quỹ Ratzinger, ngài cũng đã phục vụ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong ba năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, người mà ngài chia sẻ “ngôn ngữ của linh đạo Y Nhã” như một tu sĩ Dòng Tên. Ngài nhấn mạnh “hơi thở của không khí trong lành” mà Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã mang lại “bên trong và bên ngoài Giáo hội”. Vài ngày trước khi đạt được cột mốc kép là 80 tuổi và 50 năm linh mục, cha Lombardi rất thanh thản. Ngài nói: “Tôi sống chức vụ của mình với hy vọng và đức tin, không hoài niệm về quá khứ huy hoàng của Dòng tôi” và “luôn nuôi dưỡng niềm tin vào tương lai của Giáo Hội, và những người sẽ đến sau tôi”.
Source:Avnire
 
Nga tung gián điệp săn tìm HIMARS, bị bắt hàng loạt. Quân Nga mất tinh thần, bỏ chạy trên 5 mặt trận
VietCatholic Media
16:59 26/08/2022


1. Lực lượng vũ trang Ukraine khiến quân đội Nga phải rút lui theo 5 hướng

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 26 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công quân xâm lược Nga ở các hướng Kharkiv, Kramatorsk, Bakhmut, Avdiivka và Nam Buh. Quân trú phòng Ukraine đã gây tổn thất nặng nề cho đối phương các khu vực này.

Quân Nga chủ yếu bắn trọng pháo vào các cơ sở hạ tầng dân sự, như ở các khu vực Hai, Zaliznyi Mist, Hirsk của vùng Chernihiv và Bachivsk, Vilna Sloboda, và Stukalivka của vùng Sumy. Ngoài ra, người Nga còn tiến hành trinh sát trên không ở khu vực biên giới; và mở các cuộc tấn công thăm dò lẻ tẻ. Tại khu vực Blahodatne, quân xâm lược cố gắng tiến hành trinh sát chiến đấu nhưng bị tổn thất và phải rút lui. Trong khi đó, một nỗ lực tấn công của quân Nga gần Tavriyske đã bị hỏa lực của Ukraine dập tắt.

2. Điệp viên Nga mặc áo có chữ NASA săn lùng HIMARS của Ukraine

Cơ quan an ninh Ukraine cho biết gần đây họ đã bắt giữ một điệp viên Nga bị cáo buộc thu thập thông tin tình báo về HIMARS, tức là Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao M142 – là vũ khí do Mỹ cung cấp được cho là đã lật ngược tình thế trong cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại Ukraine.

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết trong một cuộc họp báo vào sáng thứ Sáu 26 tháng 8 rằng “đặc vụ Liên bang Nga” đang “săn lùng” các vị trí của HIMARS Ukraine.

Cá nhân này đã bị bắt giữ trong một chiến dịch đặc biệt ở khu vực tiền tuyến ở Mykolaiv, phía nam của Ukraine.

SBU, cơ quan an ninh và tình báo chính của chính phủ Ukraine, đã công bố hai bức ảnh của người mà họ cho là gián điệp Nga.

Một bức ảnh cho thấy người đàn ông mặc áo có dòng chữ NASA với tay sau lưng, giữa hai nhân viên tình báo Ukraine. Một bức ảnh khác cho thấy người đàn ông nằm trên mặt đất, khi các đặc vụ cố gắng giam giữ anh ta.

“Một cư dân của khu vực Mykolaiv đã thu thập thông tin tình báo về việc triển khai, di chuyển và trang bị vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Ukraine ở hướng nam,” SBU cho biết.

“Theo phản gián của Cơ quan An ninh, nhiệm vụ chính của kẻ phản bội là thiết lập và chuyển giao cho quân xâm lược Nga tọa độ vị trí chiến đấu của hệ thống pháo phản ứng HIMARS.”

SBU cho biết tên này đã lên kế hoạch sử dụng thông tin nhận được để chuẩn bị và thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và phá hoại.

Theo The Odessa Journal, người đàn ông này đã được các cơ quan đặc nhiệm của Nga tuyển dụng sau khi phát tán các bài đăng ủng hộ Điện Cẩm Linh và các bài đăng ủng hộ hành động gây hấn chống lại Ukraine, trên mạng xã hội.

Sau khi được tuyển dụng, anh ta được cho là đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ do thám và những gì được coi là “nhiệm vụ lật đổ”, và sau đó gửi thông tin đến Nga. Trong quá trình khám xét nhà của người đàn ông này, các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy một chiếc điện thoại di động mà anh ta dùng để liên lạc với Mạc Tư Khoa.

Kyiv Post, một tờ báo tiếng Anh của Ukraine đưa tin hồi đầu tuần rằng Ukraine đã bắt được hai điệp viên Nga, những người được cho là đang thu thập các thông tin về HIMARS tại các khu vực tiền tuyến trong vùng Donetsk, một phần của khu vực ly khai Donbas, mà ông Putin tuyên bố rằng ông ta muốn “giải phóng” thông qua cuộc xâm lược Ukraine.

Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã và đang sử dụng HIMARS để chống lại các lực lượng của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết vào ngày 20 tháng 7 trong cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine rằng quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã “sử dụng hiệu quả” HIMARS mà Washington đã cung cấp và vũ khí tầm xa “đã tạo ra sự khác biệt như vậy. chiến trường.

Thống đốc Luhansk, Serhiy Haidai, nói với Newsweek vào tháng trước rằng người Nga đang ở “trạng thái hoảng sợ” trước các cuộc tấn công của HIMARS.

Newsweek đã liên hệ với các nhà chức trách Nga để đưa ra bình luận.

3. Đài Loan gửi cho Ukraine hơn 800 máy bay không người lái ném bom

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 26 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã bày tỏ lời tri ân của họ đối với tổng thống Thái Anh Văn sau khi Đài Loan bàn giao cho Ukraine một lô 800 máy bay không người lái ném bom tầm ngắn Revolver 860. Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Ukraine nói Ukraine cảm kích trước nghĩa cử của Đài Loan vì quốc gia này cũng đang trong tình trạng khó khăn về an ninh.

Máy bay không người lái này có khả năng mang theo 8 quả mìn, thả từng quả một theo lệnh điều khiển từ xa.

Khi được sạc đầy, máy bay không người lái có thể bay tới 20 km trong vòng 40 phút.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, các nhà chức trách của Na Uy và Anh sẽ cùng mua máy bay không người lái siêu nhỏ Black Hornet của Na Uy, trị giá tổng cộng 9,3 triệu USD, để cung cấp cho Ukraine. Tiền sẽ được huy động thông qua một quỹ do Anh đứng đầu, mà Na Uy đã đóng góp 400 triệu kroner.

Máy bay không người lái, được phát triển ở Na Uy, dẫn đầu thế giới, được sử dụng bởi một số Đồng minh NATO, bao gồm Hoa Kỳ và Anh.

4. Ông Tập của Trung Quốc 'sẽ gây chiến' và 'sẵn sàng hành động' nếu Putin ác độc của Nga 'chiến thắng' Ukraine

Tiến sĩ John Callahan, chuyên gia quân sự Mỹ, cho biết các hoạt động ở Nam Trung Quốc đang gia tăng khi Chủ tịch Trung Quốc chờ xem cuộc chiến ở Ukraine diễn ra như thế nào trước khi hành động với Đài Loan và vùng Đông Nam Á.

John Callahan cho biết Trung Quốc đang theo dõi Nga rất chặt chẽ, và nếu Putin có thể giành được “chiến thắng” ở Ukraine, Trung Quốc sẽ không ngần ngại hành động.

Trung Quốc đã hô hào chiếm Đài Loan, sau khi tổ chức các cuộc tập trận quân sự khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có chuyến thăm tới quốc gia này.

Tiến sĩ John Callahan, tin rằng ván bài Đài Loan đang được giải quyết trực tiếp bởi hành động quân sự ở Ukraine khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi và chờ đợi.

Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ Express: “Nếu Nga giành được một chiến thắng thuyết phục nào đó ở Ukraine – là điều mà xem ra họ không làm nổi - thì điều đó chắc chắn sẽ khuyến khích Trung Quốc hành động, và họ sẽ hành động.”

Phát biểu về Chủ tịch Trung Quốc, ông cho biết Cận Bình không phải là một Tổng thống “kiên nhẫn”, và giống như Putin, “muốn ghi dấu ấn của mình vào lịch sử”.

5. Bản đồ cho thấy lực lượng của Putin có khả năng thất bại cao nhất ở Ukraine

Một bản đồ mới cho thấy nơi quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều khả năng mất các căn cứ nhất ở Ukraine đã được Bộ Quốc phòng Anh công bố hôm thứ Năm, một ngày sau khi quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga tuyên bố cuộc tấn công đang diễn ra đã được “cố tình” làm chậm lại.

Bản đồ cho thấy những gì được mô tả là “Cuộc tiến công có khả năng của Ukraine” đang diễn ra tại ba điểm dọc theo giới tuyến, với các mũi tên hiển thị hướng mà mỗi điểm đang tiến triển. Một trong những bước tiến của Ukraine có thể là ở khu vực đông bắc Kharkiv, đẩy xuống và hơi chếch về phía đông, gần về phía thành phố Izium do Nga chiếm đóng. Một dải đất bên cạnh Izium cũng được đánh dấu trên bản đồ là “khu vực tranh chấp”.

Cuộc tiến công thứ hai dường như đang đẩy từ một phần trung tâm của khu vực Dnipropetrovsk ở đông nam Ukraine về phía lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở khu vực miền nam Kherson. Cuộc tiến công cuối cùng bắt đầu ở khu vực trung tâm của vùng Mykolaiv phía nam và đẩy xuống vùng đất do Nga chiếm đóng ở phần thấp hơn của khu vực. Đối với những tiến bộ có thể có trong Dnipropetrovsk và Mykolaiv, các mũi tên đang chỉ thẳng vào các vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

Khi Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhiều người Nga kỳ vọng quân đội của ông sẽ giành được một chiến thắng thần tốc. Nhưng khi cuộc chiến kỷ niệm 6 tháng vào hôm thứ Tư, triển vọng chiến thắng của nhà lãnh đạo Nga có vẻ đã hoàn toàn tàn lụi. Các đánh giá về lãnh thổ của Ukraine cho thấy lực lượng của Putin vẫn kiểm soát một phần lãnh thổ ở miền đông và miền nam của đất nước, nhưng những tiến bộ của Ukraine cho thấy Nga đang mất dần các lãnh thổ đã chiếm được.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hôm thứ Tư rằng quân đội Nga đang điều chỉnh tốc độ của cuộc tấn công, và cho rằng đó là một biện pháp để bảo vệ dân thường.

“Mọi thứ đang được thực hiện để tránh thương vong cho dân thường,” ông nói tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan. “Tất nhiên, điều này làm chậm tốc độ của cuộc tấn công, nhưng chúng tôi đang cố tình làm điều này.”

Trong cuộc họp, ông Shoigu cũng cho biết “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch và tất cả các mục tiêu của họ sẽ đạt được.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã chế nhạo lời giải thích của Bộ trưởng về tốc độ chiến dịch của Nga trong một tweet, gọi Shoigu là “vua của 'những cử chỉ thiện chí.”

Sau khi bị buộc phải rút lui khỏi đảo Rắn trước sức tấn công của quân Ukraine, Bộ Quốc Phòng Nga đã giải thích đó là một ‘cử chỉ thiện chí’. Từ đó, người Ukraine thường dùng cụm từ ‘cử chỉ thiện chí’ để mỉa mai người Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết trong bản đánh giá chiến dịch của Nga ngày 24/8 rằng tuyên bố của ông Shoigu có thể là một nỗ lực bào chữa cho “những lợi ích không đáng kể” mà quân đội của Putin đã đạt được trong sáu tuần qua. ISW đánh giá rằng sau khi quân đội Nga nối lại các hoạt động sau thời gian tạm dừng hồi tháng 7, lực lượng này mới chỉ chiếm lại được khoảng 450 km vuông trên lãnh thổ mới. Trong khi đó, Nga đã mất 45.000 km vuông lãnh thổ kể từ ngày 21/3.

“Như ISW đã đánh giá trước đây, các lực lượng Nga không thể biến những lợi ích chiến thuật hạn chế thành những thành công trong chiến dịch rộng lớn hơn, và các hoạt động tấn công của họ ở miền đông Ukraine đang lên đến đỉnh điểm. Tuyên bố của Shoigu có thể là một nỗ lực để giải thích những thất bại này.”

Newsweek đã liên hệ với các bộ quốc phòng của Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

6. VAMPIRE là gì? Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine hệ thống vũ khí để bắn hạ máy bay không người lái

Hoa Kỳ tiết lộ họ sẽ gửi một hệ thống bắn hạ máy bay không người lái có tên VAMPIRE tới Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới nhất của họ.

Vào ngày 24 tháng 8, Ngày Độc lập của Ukraine, Ngũ Giác Đài thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho nước này gần 3 tỷ USD trang thiết bị và đạn dược để chống lại sự xâm lược của Nga.

Trong số những đợt hỗ trợ an ninh lớn nhất cho Ukraine mà Mỹ đã gửi cho đến nay bao gồm một số lượng không xác định các hệ thống chống máy bay không người lái có tên gọi là VAMPIRE, phát ngôn nhân của L3 Harris, một công ty công nghệ và nhà thầu quốc phòng, xác nhận với Newsweek.

Một tờ thông tin trên trang web của L3Harris mô tả VAMPIRE là một hệ thống cung cấp “khả năng tấn công chính xác”, chẳng hạn như các loại đạn dẫn đường bằng laser trong phòng không đất đối không.

Ngoài khả năng tấn công máy bay không người lái và các phương tiện bay không người lái khác, VAMPIRE được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, và có thể sử dụng trong vai trò đất đối đất.

Giống như Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, mà Mỹ cũng đã gửi tới Ukraine, VAMPIRE có thể được trang bị trên các phương tiện phi chiến thuật như xe bán tải.

L3 Harris nói rằng họ đã “hỗ trợ Bộ Quốc phòng Ukraine trong vài năm.”

“Hệ thống VAMPIRE của chúng tôi cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine khả năng mạnh mẽ hơn nữa khi họ tiếp tục bảo vệ đất nước và nền dân chủ ở Âu Châu, và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ kiên định cho sứ mệnh của họ.”

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư, Tiến sĩ Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về Chính sách, xác nhận VAMPIRE là một hệ thống tấn công máy bay không người lái, sẽ được sử dụng trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine.

“Đó là một hệ thống động học, về cơ bản, nó sử dụng các hỏa tiễn nhỏ để bắn các máy bay không người lái đang bay trong bầu trời,” Kahl nói.

Lần viện trợ quân sự mới nhất hiện nay có nghĩa là Mỹ hiện đã gửi hơn 13,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ tháng Giêng năm 2021.

7. Liên Hiệp Âu Châu lên án mạnh mẽ cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Chaplyne

Liên Hiệp Âu Châu đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào Chaplyne ở vùng Dnipropetrovsk.

Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã đưa ra lập trường trên.

“Liên Hiệp Âu Châu cực lực lên án một cuộc tấn công kinh khủng khác của Nga nhằm vào dân thường: ở Chaplyne vào Ngày Độc lập của Ukraine. Những người đưa ra quyết định tấn công hỏa tiễn này sẽ phải chịu trách nhiệm”, Borrell tuyên bố.

Như Ukrinform đã đưa tin, ngày 24/8, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào nhà ga Chaplyne ở vùng Dnipropetrovsk. Hậu quả của vụ tấn công là 25 người, trong đó có 2 trẻ em, thiệt mạng và 31 người bị thương.

Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã lên tiếng phản đối việc Putin sử dụng bom, đạn chùm trong cuộc xâm lược tàn bạo Ukraine.

Theo báo cáo mới này, ít nhất 689 thương vong dân sự do các cuộc tấn công bằng bom, đạn chùm đã được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7.

Mary Wareham, giám đốc vận động vũ khí tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Những đau khổ trước mắt và lâu dài mà dân thường sử dụng ngày nay ở Ukraine là vô lương tâm cũng như bất hợp pháp.

“Tất cả các quốc gia nên lên án việc sử dụng những vũ khí này trong bất kỳ trường hợp nào.”

Bom, đạn chùm có thể được bắn từ mặt đất và thường phát nổ trên không, khiến bom bi ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn.

8. Nhà phê bình Putin Alexei Gorinov đưa ra lời khẩn cầu tuyệt vọng từ nhà tù — 'Xin hãy giúp đỡ tôi'

Ủy viên hội đồng thành phố Mạc Tư Khoa và là một nhà phê bình Vladimir Putin, ông Alexei Gorinov, đã đưa ra lời kêu gọi tuyệt vọng từ nhà tù để được giúp đỡ. Diễn biến này xảy ra vài tuần sau khi ông bị kết án tù vì bị công an cáo buộc “phát tán thông tin sai lệch” về quân đội Nga và cuộc chiến ở Ukraine.

Vào ngày 8 tháng 7, Gorinov, phó chủ tịch hội đồng quận Krasnoselsky của Mạc Tư Khoa và là một luật sư, đã bị tòa án ở thủ đô của Nga kết án 7 năm tù vì chỉ trích điều mà Tổng thống Nga Putin gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”. Ông cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong 4 năm sau khi được thả.

Ông đã lên tiếng trong một bức thư ngỏ từ FSIN Nga, một trung tâm giam giữ trước khi xét xử ở Mạc Tư Khoa, về tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ của mình.

“Tôi đã bị ốm trong ba tuần. Tôi bị ho liên tục không thể thở thoải mái, không thể ngủ, ăn uống khó khăn. Tôi không nhận được bất kỳ trợ giúp y tế nào. Tình trạng của tôi đang xấu đi. Xin hãy giúp đỡ,” Gorinov, 60 tuổi, nói trong đơn kháng cáo của mình, theo luật sư của ông, Katerina Tertukhina.

Một bản sao của bức thư đã được công bố trên kênh Telegram “Tự do cho Alexei Gorinov!”

Luật sư Tertukhina nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Kommersant rằng tính mạng của thân chủ của cô đang gặp nguy hiểm và anh ta cần phải được nhập viện khẩn cấp.

Tình trạng của Gorinov đã xấu đi trong vài tuần, nhưng các bác sĩ không được phép vào nhà tù để chẩn đoán và anh ta cũng không được chuyển đến bệnh viện nhà tù, cô Tertukhina nói.

9. Kể từ ngày 1 tháng 8, gần 35.000 dân thường đã được di tản khỏi các vùng Kherson, Donetsk, Zaporizhzhia và Luhansk.

Phó Thủ tướng - kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời Iryna Vereshchuk cho biết trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 26 tháng 8 rằng

“Kể từ ngày 1 tháng 8, gần 35.000 người đã được di tản khỏi các vùng Kherson, Donetsk, Zaporizhzhia và Luhansk. Và quan trọng nhất, gần 10.000 người trong số họ là trẻ em,” Vereshchuk nói.

Bà lưu ý rằng Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước và quân đội cung cấp hỗ trợ trong việc di tản, đặc biệt là những người bị suy giảm khả năng vận động, các gia đình có trẻ em, ở những vùng lãnh thổ đang xảy ra chiến sự.

Như đã báo cáo, Ukraine đã đưa ra một cuộc di tản bắt buộc đối với người dân sống trong vùng Donetsk. Chuyến tàu đầu tiên đến Kropyvnytskyi vào sáng ngày 2 tháng 8.
 
Chấn động Ấn Độ: Vị Giám Mục từ bỏ mọi thứ lên núi ẩn tu, chuyên chăm cầu nguyện cho thế giới
VietCatholic Media
17:01 26/08/2022


1. Giáo dân kinh ngạc khi Đức Giám Mục bỏ Tòa Giám Mục đi ở ẩn

Một vị giám mục Công Giáo đã từ bỏ chức quyền để thực hiện ước muốn được ấp ủ từ lâu, là trở thành một ẩn sĩ. Đây là trường hợp đầu tiên xẩy ra trong Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ.

Đức Cha Jacob Muricken, là Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Palai thuộc nghi lễ đông phương Syro-Malabar có trụ sở ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ đã rời tòa giám mục ngày 15 tháng 8 và chuyển đến ẩn thất ở Nallathanni thuộc giáo phận Kanjirappally.

Đức Giám Mục Muricken, 59 tuổi, “đã đưa ra quyết định này sau khi được Thượng hội đồng Giáo hội Syro-Malabar chấp thuận,” Cha Joseph Maleparampil nói với UCA News vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau khi vị giám mục rời tòa giám mục.

“Đức Giám Mục sẽ dành hết cuộc đời còn lại để cầu nguyện biệt lập và tiếp tục vẫn là giám mục. Đây là trường hợp đầu tiên trong Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ mà một vị giám mục trở thành một ẩn sĩ,” Cha Maleparampil nói và thêm. Những lời cầu nguyện của vị giám mục chắc chắn sẽ hồi sinh Giáo Hội Công Giáo “.

“Đức Giám Mục Muricken rất bình dân đến nỗi trước khi trở thành giám mục, ngài vẫn đi chân không, chưa bao giờ mang giày hay mang dép. Ngài bắt đầu đi dép sau khi trở thành Giám Mục Phụ Tá và ngài vẫn ăn chay rất đơn giản, ăn rau hai lần một ngày. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi,” vị linh mục nói.

Trước đó, trả lời cho UCA News, Đức Giám Mục Muricken cho biết quyết định từ chức giám mục đến từ “một nguồn cảm hứng từ Chúa.”

“Chúa thôi thúc tôi đi vào cuộc sống cô độc”

“Đó là một ơn gọi đặc biệt là trở thành ẩn sĩ và từ bỏ cuộc sống chính thức của một giám mục và các vai trò hành chính trong giáo phận. Đó là trở nên gần gũi hơn với Chúa và với thiên nhiên”, ngài nói.

Ý tưởng về một cuộc sống ẩn dật đến với ngài vào năm 2017, 5 năm sau khi ngài được tấn phong làm Giám Mục Phụ Tá của Palai.

Vị giám mục cho biết ngài mong muốn dành phần đời còn lại “nhiều hơn trong việc cầu nguyện và chiêm niệm, đồng thời hướng đến một cuộc sống thân thiện với môi trường, tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của các công việc thường ngày của một giám mục.”

Vị giám mục trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên deepika.com, một cổng thông tin của giáo phận, cho biết cuộc sống và lời cầu nguyện trong nơi vắng vẻ “sẽ giúp biến đổi Giáo Hội Công Giáo và mọi người trên toàn cầu”.

Đức Giám Mục nói rằng ngài muốn sống giữa mọi người nhưng “Chúa thôi thúc tôi đi vào sự cô độc.”

Ngài nói: “Khi một người bình thường trở thành một tu sĩ hay ẩn sĩ thì điều đó sẽ không được chú ý nhiều, nhưng khi một giám mục trở thành ẩn sĩ thì điều đó sẽ thu hút được sự chú ý và tập trung của nhiều người, và họ sẽ nghĩ về thánh ý Chúa,” ngài nói.

“Bây giờ tôi sẽ chỉ tập trung vào cuộc sống lấy Chúa Kitô làm trung tâm”

“Cuộc sống đơn độc không có nghĩa là tôi ghét thế giới, mà là để nhìn thế giới theo ý muốn của Thiên Chúa là đấng sáng tạo. Bây giờ người ta coi thế giới như một thứ tiện ích và khai thác nó cho những sự xa xỉ, nhưng nỗ lực của tôi với tư cách là một ẩn sĩ là sống trong thế giới theo ý muốn của đấng tạo hóa “.

Vị giám mục cho biết cuộc sống của ngài trong ẩn thất sẽ hoàn toàn tập trung vào Thánh Thể và với sự hiện diện của Chúa Kitô trong mọi lúc.

“Khi còn ở tòa giám mục, tôi bận nhiều việc nhưng bây giờ tôi sẽ chỉ tập trung vào cuộc sống lấy Đấng Kitô làm trung tâm.”

Vị giám mục cho biết ngài chọn một nơi hẻo lánh vì ngài muốn tránh việc công chúng đến thăm, thường là vì lợi ích cá nhân hơn là lợi ích tinh thần.

“Bây giờ tôi chắc chắn rằng chỉ những người muốn có được cái nhìn sâu sắc về tâm linh mới đến với tôi và tôi sẽ tương tác với họ,” ngài nói.

“Tôi cũng sẽ hoàn thành các nhiệm vụ của một giám mục trong trường hợp khẩn cấp như truyền chức thánh mà thiếu giám mục hoặc những việc khác, nhưng sẽ không đảm nhiệm bất kỳ chức vụ mục tử nào.”

“Tôi sẽ nhận những nhiệm vụ khẩn cấp như vậy nếu các nhà chức trách của Giáo hội đưa ra yêu cầu,” ngài nói thêm.

Đức Giám Mục Muricken đã tạo ra một tin nóng quốc tế vào năm 2016 khi là vị giám mục đầu tiên ở Ấn Độ hiến tặng một quả thận cho một người theo Ấn Giáo.

Đức Giám Mục Muricken sinh ra tại Muttuchira, một giáo xứ miền quê trong giáo phận, vào ngày 16 tháng 6 năm 1963. Ngài gia nhập chủng viện sau khi đậu bằng thạc sĩ kinh tế và được thụ phong linh mục năm 1993.

2. Caritas: Khủng hoảng chưa từng có tại một số nơi ở Phi châu

Tổ chức Caritas quốc tế lưu ý cộng đoàn quốc tế đề cuộc khủng hoảng chưa từng có về lương thực tại miền đông bắc Phi châu.

Tổ chức bác ái quốc tế qui tụ 165 Caritas quốc gia và có trụ sở ở Vatican.

Trong một phúc trình công bố hôm 18 tháng Tám vừa qua, nhân ngày thế giới về nhân đạo, cử hành hôm 19 tháng Tám, ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas quốc tế nói về sự gia tăng thê thảm cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới, gây đau khổ cho hàng triệu người: “Caritas quốc tế đang chứng kiến cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, đặc biệt tại vùng Sừng và Sahel ở Phi châu, nơi mà hàng triệu người đang ở trong tình trạng bấp bênh về lương thực và suy dinh dưỡng. Cần có những biện pháp cấp thiết để đối phó, lý do vì tình trạng này sẽ tiếp tục trở nên trầm trọng hơn”.

Phúc trình nêu lên một số nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng trên đây và kể ra “Chiến tranh tại Ukraine, đại dịch Covid-19, và những hậu quả do sự thay đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới cả thế giới và dẫn đến một loạt các cuộc khủng hoảng lớn về nhân đạo, do nhiều nhân tố liên kết với nhau.

Nhiều nước đang ở bên bờ vực thẳm khủng hoảng lương thực vì nền kinh tế yếu kém, làm cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

“Những biến cố cùng cực liên quan đến khí hậu, bạo lực và xung đột đã tạo nên những hình thức dễ bị tổn thương mới, và hàng triệu người phải rời bỏ gia cư để thoát thân”.

Ngoài ra, tình trạng bất an về lương thực và suy dinh dưỡng cũng liên hệ tới những cuộc khủng hoảng khác từ nhiều năm nay, như chiến tranh tại Syria, xáo trộn tại Venezuela, Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa dân chủ Congo”.

Caritas quốc tế cũng nhắc lại rằng trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 14 tháng Tám, Đức Thánh Cha đã lưu ý mọi người về cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại Somalia và các nước láng giềng vì hạn hán và chiến tranh. Ngài nói: “Dân chúng tại miền này đã sống trong những điều kiện rất bấp bênh, nay đang ở trong tình trạng nguy hiểm chết người vì hạn hán. Tôi cầu mong tình liên đới của quốc tế có thể đáp ứng hữu hiệu tình trạng khẩn cấp này. Rất tiếc là chiến tranh tước bỏ sự chú ý và tài nguyên, nhưng đây là những mục tiêu đòi phải có sự dấn thân tối đa: chiến đấu cho gia đình, sức khỏe và giáo dục.”

Mặt khác, tại Mogadiscio, thủ đô của Somalia, hôm 19 tháng Tám vừa qua, quân khủng bố al-Shabab thân Al Qaeda đã tấn công một khách sạn quốc tế làm cho khoảng 30 người chết và 40 người bị thương, theo thống kê tạm thời.

3. 12.000 người sẽ tham dự cuộc gặp gỡ và thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành, trong cuộc viếng thăm tại thành phố L’Aquila

Ban tổ chức dự kiến sẽ có chỗ cho 12.000 người tham dự cuộc gặp gỡ và thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành, trong cuộc viếng thăm tại thành phố L’Aquila, trung Ý, Chúa nhật 28 tháng Tám tới đây, nhân dịp lễ Tha Thứ lần thứ 728.

Hôm thứ Bảy trước đó, tức là 27 tháng Tám, Đức Thánh Cha nhóm Công nghị tại Vatican để bổ nhiệm 20 Hồng Y mới.

L’Aquila cách Roma khoảng 90 cây số và có 70.000 dân cư.

Lễ Tha Thứ ở thành phố này bắt nguồn từ thánh Giáo hoàng Celestino V, tục danh là Pietro Angeleri. Ngài vốn là một ẩn sĩ, được các Hồng Y bầu làm Giáo hoàng ngày 29 tháng Tám năm 1294, kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Nicolo IV, qua đời hai năm trước đó. Đức tân Giáo hoàng Celestino V quyết định rằng những ai xưng tội và chân thành thống hối, nếu sốt sắng đến kính viếng Vương cung thánh đường Collemaggio ở L’Aquila, từ Kinh Chiều ngày 28 tháng Tám đến Kinh Chiều ngày hôm sau, 29 tháng Tám thì được ơn toàn xá. Từ đó, truyền thống này được tái diễn hằng năm tại giáo phận này. Thánh Celestino V chỉ cai quản Giáo hội 161 ngày thì từ nhiệm và qua đời ngày 19 tháng Năm năm 1296.

Hãng tin Ansa của Ý cho biết chính quyền thành phố L’Aquila sẽ bố trí 6.400 chỗ ngồi, trong đó có 4.600 chỗ tại nhà thờ Collemaggio, và 1.700 chỗ ở Quảng trường Nhà thờ Chính tòa, khu vực dành cho những người có vé.

Trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ chào thăm thân nhân các nạn nhân vụ động đất ngày 06 tháng Tư năm 2009, làm cho hàng trăm người chết. Rồi bước vào Nhà thờ Chính tòa bị hư hại vì động đất và sau đó, ngài đến nhà thờ Collemaggio để chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh. Rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng trở về Vatican, dự kiến vào lúc 1 giờ 15 trưa.

Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên đến mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Collemaggio.