Ngày 28-08-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khiêm nhường và bác ái
Lm. Vinh Sơn SCJ
08:53 28/08/2016
Chúa Nhật XXII Thường Niên C: KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI

Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14

Thị trưởng thành phố mời tất cả công dân của thành phố đến dự tiệc. Trong số những người đến dự, có một người rất lỗi lạc có tên là Daniel. Daniel là một học giả lớn và là một người khôn ngoan rất có ảnh hưởng trong thành phố mà mọi người đều quý mến. Dù nổi tiếng, nhưng ông cũng rất khiêm nhường và không thích được tôn vinh khi ông đến dự tiệc. Khi thấy ông, dĩ nhiên thị trưởng mời ông ngồi ở đầu bàn danh dự. Nhưng Daniel cám ơn sự nhã ý của ngài thị trưởng và nói rằng ông thích ngồi ở giữa những người nghèo ở cái bàn gần cửa nhất. Và ông đã làm như thế.

Khi những người khách mời danh giá khác đến, ông thị trưởng mời họ ngồi bất cứ nơi nào họ thích. Dĩ nhiên họ đã chọn ngồi ở bàn đầu danh dự. Phòng tiệc đã đầy ắp và tình cờ chỗ duy nhất còn lại ở bàn cuối gần chỗ Daniel đã chọn ngồi. Thế mà vào phút chót có một nhân vật danh giá đến. Mọi ghế danh dự đều kín, chỉ còn chỗ cuối bên Daniel Ông thị trưởng không có chọn lựa nào khác hơn là dẫn ông này đến chỗ trống.

“Nhưng đây là chỗ ở bàn cuối” người khách phản đối,

“Không, đây là chỗ bàn đầu”, ông thị trưởng đáp.

“Tôi không hiểu” người khách nói.

“Nơi nào có ông Daniel ngồi thì chỗ ấy là bàn đầu”. Ông thị trưởng đáp.

Thật thế Daniel nhân vật danh giá đã khiêm tốn chọn chỗ cuối, nhưng chỗ cuối đó trở nên chỗ danh dự.

Sách Châm Ngôn đã dạy đạo xử thế: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,6-7), như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng Luca 14,1.7-14, Biệt phái Pharisêu tự phụ, giả hình, luôn tự dành cho mình chỗ nhất ở mọi nơi vì cho rằng mình đạo đức xứng đáng được trọng vọng. Họ dựa vào những tước hiệu được dân chúng tôn trọng, khen ngợi và nghĩ rằng mình cũng được quyền ưu tiên vào Nước Trời. Họ quên mất rằng chính bản thân mình phải cố gắng trở nên con người xứng đáng với chỗ nhất trong nước Trời. Những Ai tự cao tự đại, chỉ dựa vào sự công chính của mình, sẽ không có chổ trong nước Trời (x. Lc 18,9-14).

Tin Mừng Luca 14,1.7-14, không chỉ dừng ở sứ điệp tinh thần khiêm tốn mà đi xa hơn Chúa Giêsu dạy cách thực thi sống bác ái quảng đại không vụ lợi, không mong được đáp trả như người đời thường nghĩ: “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Giáo huấn khiêm tốn và bác ái đã được Thánh Phaolô sau này khai triển tiếp ý của Thầy khi chia sẻ với giáo hữu thành Ephêsô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4, 2). Và trong Thư gửi giáo đoàn Galat, vị Tông đồ còn nhấn mạnh các hoa trái sinh từ Thánh Linh trong đó có Đức ái và sự khiêm tốn hiền hòa (x. Gl 5,22).

Trong hai đức tính mà Giáo huấn của Đức Kitô mời gọi, Phaolô quả quyết một cách xác tín “Lòng mến (bác ái) là hoa quả tối thượng của Thánh Linh” (1Cr 13). Còn tấm gương khiêm tốn hiền hoà, chúng ta học nơi chính Chúa Giêsu như Người đã dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Như thế, khiêm tốn và bác ái đều khởi đi từ cung lòng Thiên Chúa và được chuyển đến con người với mong muốn: con người thực thi trong lòng dương gian để cho chính bản thân mình và cho anh em.

Khiêm nhường và bác ái như là nền tảng và trụ cột trong việc xây dựng đời sống nhân bản và thiêng liêng. Tin Mừng Luca 14,1.7-14 mời gọi chúng ta sống hai nhân đức nền tảng: Khiêm tốn và Bác ái này. Khiêm tốn không chỉ thu tâm lòng người chung quanh theo ý niệm nhân bản mà còn được đẹp lòng Thiên Chúa như Huấn ca đã viết: “Càng khiêm tốn thì các con càng cao cả, và các con sẽ được Chúa ủng hộ cho” (Hc 3,19-20). Trước đó sách Huấn ca cũng nhấn mạnh làm việc phục vụ yêu thương một cách khiêm tốn thì càng được yêu mến hơn: “Hỡi các con trai và con gái của ta, hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác” (Hc 3,17-18). Hơn nữa khiêm tốn giúp thực thi Bác ái với một tâm hồn quảng đại không mong đáp trả như Chúa Giêsu đã kêu gọi (x. Lc 14,12 - 13) đó là Đức ái không tìm tư lợi mà Thánh Phaolô đã khuyên người tín hữu (x. 1 Cr 13,4). Vâng, đó là Đức ái trong khiêm tốn.

Chính lúc tôi và bạn khiêm hạ và sống bác ái vô vị lợi, chúng ta đang “thêu dệt” công trình nhân cách chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa tinh thần – đức tin của tôi và bạn đang vươn tới được núi Sion thành thánh, nơi đại hội Giêrusalem của những người tin, do đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là những kẻ đã được ghi tên trên trời, như thư Do Thái phác họa (x. Dt 12,18-19.22-24a).

Thật thế, hãy luôn giữ tâm hồn khiêm tốn, để nhân cách tôi và bạn được thêm hoàn thiện khi nhận mình nhỏ bé, được sự hướng dẫn không ngừng của các vị khôn ngoan và nhờ phấn đấu không ngừng trong cuộc sống với các đức tính nhân bản: Khiêm tốn giúp chúng ta thực hành mọi việc trong kiên nhẫn và thu phục lòng người bằng cách sống khiêm nhu. Hơn nữa khi nhận mình nhỏ bé trong đời sống đức tin để Thiên Chúa vun trồng mình trong ân sủng nhờ đó tinh thần chúng ta thêm nở hoa. Hình ảnh của nước mưa rơi xuống trên những đỉnh núi cao sẽ chảy tuôn đi hết chẳng đọng lại giọt nào. Rốt cuộc, mọi giòng nước đều tuôn về chỗ trũng. Chính thế người ta thường nói: “Biển cả là mẹ của tất cả sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông”. Hay như cây lúa trĩu hạt càng nép mình xuống, cũng chính những bông hạt này, cây lúa cống hiến cho đời những bát gạo thơm ngon. Cây lúa đã hết mình vì cuộc sống con người mà không tính toán hơn thiệt, vì thân phận của cây lúa nơi dương gian là dâng hiến hạt gạo cho đời.

Mang tâm tình khiêm cung nhỏ bé, chúng ta hãy thực thi bác ái trong sự quảng đại không mong đáp trả vì chính Thiên Chúa sẽ đáp lại bằng tình yêu vô bờ bến của Ngài, chính lúc đó chúng ta mới cảm nghiệm dạt dào tâm tình của Phanxicô: "cho tức là nhận", không phải nhận lại từ người mà ta làm phúc như người đời nghĩ “bánh ít đi bánh quy lại” nhưng nhận từ Thiên Chúa tình thương và ân sủng ngay từ hôm nay và cả mai sau như Đức Giêsu khẳng định: “sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại” (Lc 14,14). Đó là Tình yêu quảng đại vô vị lợi mà Têrêsa Hài Đồng Giêsu suy niệm:

“Sống Tình yêu là cho đi mà không tính toán, không kêu cầu sự đáp trả”.

Thật thế đó là những bông hoa nhỏ cho đời và dâng về Thiên Chúa như Têrêsa tâm niệm:

“Con muốn làm một bông hoa nhỏ đứng dưới chân bàn thờ mỗi ngày, con muốn làm một bông hoa trắng, từng chiều vắng đon sơ diệu hiền...”.

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 17/08/2016.
 
Suy niệm lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Lm. Anthony Trung Thành
08:54 28/08/2016
Suy Niệm LỄ THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT

Ngày 29/8

Thánh Phaolô dạy: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Bài đọc I hôm nay, Tiên tri Giêrêmia ghi lại lời Chúa phán rằng: "Ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ” (Gr 1, 17).

Thật vậy, “rao giảng Lời Chúa,” “nói cho người khác biết những điều Chúa truyền dạy,” đó là bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta không chỉ rao giảng, nói Lời Chúa những lúc thuận tiện, mà còn cần phải rao giảng, phải nói Lời Chúa kể cả những lúc không thuận tiện. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã thực hiện triệt để lời dạy của Thánh Phaolô và lời Chúa phán cũng tiên tri Giêrêmia trên đây: Ngài đã can đảm ngăn cản vua Hêrôđê khi vua cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia. Chính sự can ngăn này mà Ngài bị vua Hêrôđê nhốt vào trong ngục. Cũng chính vì sự can ngăn này mà Ngài bị bà Hêrôđia ghét và tìm cách trả thù. Hoàn cảnh về cái chết của Ngài đã được Thánh Marcô tường thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay. Hêrôđia đã trả được mối hận. Hêrôđê đã giết được kẻ dám cả gan can ngăn việc làm phi pháp của mình. Nhưng cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả là mẫu gương và nguồn tiếp sức cho tất cả những ai đang đấu tranh cho công lý và sự thật. Đó là khía cạnh chiến thắng của Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu đã từng nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Nơi khác Ngài nói: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).

Ngày hôm nay, khi đứng trước những gian dối, những bất công trong xã hội. Chúng ta thấy nhiều thái độ khác nhau:

Có nhiều người chọn thái độ im lặng: có thể vì họ hèn nhát, họ sợ sệt, họ sợ bị liên lụy đến mình và gia đình mình, nên họ chọn thái độ im lặng, tức là họ chọn giải pháp an toàn. Có thể họ nghĩ rằng lời nói của mình như “muối bỏ biển,” “như con kiến đi kiện củ khoai”…nên họ không chịu đấu tranh, không chịu bênh vực cho công lý, cho sự thật. Thái độ này không phải là thái độ của người kitô hữu, của con cái Thiên Chúa.

Có những người chọn thái độ “cơ hội.” Họ chờ người khác làm thay cho mình, khi nào thời cơ đến: “Gió nghiêng bên nào thì ngã theo bên đó.” Chúng ta thường gọi thái độ của những người này là ngồi“há miệng chờ sung.” Đây cũng không phải là thái độ của người kitô hữu.

Có những người là tác giả gây ra tội ác, gây ra bất công. Họ giống như trường hợp của vua Hêrôđê, không những không nghe lời can ngăn của Thánh Gioan Tẩy Giả để từ bỏ việc làm sai trái là cướp vợ của anh mình, mà còn bắt thánh nhân giam vào ngục. Thậm chí, có những người cố tình thỏa hiệp với bất công, cổ xúy cho tội ác của người khác và tìm cách che đậy tội ác của mình. Cho nên, tội ác lại càng chồng chất tội ác. Đó là trường hợp của bà Hêrôđia. Bà không nhìn nhận điều sai trái của mình khi chấp nhận làm vợ của Hêrôđê mà còn tìm cách trả thù Thánh Gioan Tẩy Giả. Khi cơ hội đến, bà đã bảo với cô con gái của bà rằng: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả” (Mc 6,24). Có những người cộng tác trong việc gây nên tội ác, như trường hợp của con gái bà Hêrôđia, đã làm theo lời chỉ dạy của mẹ, dầu biết rằng, việc làm đó là trọng tội.

Có rất ít người dám nói lên sự thật và bênh vực cho công lý. Tại sao lại ít người? Bởi vì, khi đấu tranh cho công lý và sự thật, họ phải mất thời gian, mất tiền bạc. Thậm chí, họ còn bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tù đày, bị giết chết. Chẳng hạn như trường hợp của Thánh Gioan Tẩy Giả, và biết bao nhiêu trường hợp khác trong đạo ngoài đời. Dầu vậy, Họ vẫn không chùn bước. Vì đó là sứ mạng của họ. Đó mới là thái độ của người kitô hữu, của con cái Chúa. Khi làm như vậy là họ đang làm theo Lời Chúa dạy. Họ đang sống đúng với bản chất của người kitô hữu, của con cái Chúa. Đó là những người đang bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ.

Thử hỏi, nếu Thánh Gioan không can đảm đứng lên can ngăn vua Hêrôđê thì làm gì chúng ta có thánh lễ mừng kính hôm nay. Nếu trong một xã hội, ai cũng muốn an phận, ai cũng muốn sống chủ nghĩa cơ hội, ai cũng thỏa hiệp với bất công, ai cũng cổ xúy cho tội ác…thì xã hội đó sẽ như thế nào? Vì vậy, muốn xã hội chúng ta đang sống ngày càng tốt đẹp hơn, cần phải có nhiều Gioan Tẩy Giả, cần phải có nhiều người dám đấu tranh bênh vực cho công lý và sự thật.

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả bầu cử để mỗi chúng ta luôn biết mạnh dạn bênh vực cho công lý và sự thật. Đó là bổn phận của mỗi người kitô hữu chúng ta. Làm như vậy là chúng ta đang thực hiện theo Lời Chúa dạy và góp phần làm cho xã hội này ngày một tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con luôn biết rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Xin cho chúng con biết noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả luôn biết nói thật và can đảm bênh vực cho sự thật. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình: Tập Hướng Dẫn Giáo Dục Sinh Lý
Vũ Văn An
18:20 28/08/2016
Giữa khung cảnh náo nhiệt của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, vừa qua, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình mà đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục Vicenzo Paglia, đã phát động một trang mạng với một tài liệu dành cho cả học sinh và các nhà giáo dục tựa bằng tiếng Anh là The Meeting Point, project for affective and sexual formation, nhằm mục tiêu tránh hai thiếu sót hiện nay trong các chương trình giáo dục sinh lý cho tuổi trẻ Công Giáo: dạy quá nhiều và dạy quá ít về sinh lý cho một tuổi trẻ dễ bị gây ấn tượng.

Trong Lời Dẫn Nhập, Đức Tổng Giám Mục Paglia viết rằng: “Các dự án văn hóa, luật lệ và giáo dục đang trực tiếp hay gián tiếp thách thức viễn kiến Kitô Giáo về thân xác, sự dị biệt và tính bổ túc giữa đàn ông và đàn bà, việc thực hành tính dục, hôn nhân và gia đình”.

Theo ngài, các dự án trên muốn hợp pháp hóa các cung cách khác nhau của việc sống tính dục trong xã hội “bằng cách đề xuất các viễn kiến nhằm tạo nên sự thay đổi nhân học thực sự, một thay đổi làm trở ngại việc khẳng nhận căn tính tính dục, các nhân đức, các giá trị và thái độ vốn tích hợp thân xác và các cảm xúc vào ơn gọi yêu thương, vốn là căn bản của toàn bộ dự án về sự sống con người và đời sống tốt đẹp phù hợp với Tin Mừng”.

Tài Liệu này hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương: “Không dễ gì tiếp cận vấn đề giáo dục tính dục trong một thời đại tính dục thường bị tầm thường hóa và làm cho nghèo nàn. Nó chỉ nên được xem xét trong khuôn khổ lớn hơn của nền giáo dục tình yêu, hiến thân cho nhau mà thôi”. Tài liệu vì thế nhằm trình bầy “một con đường giáo dục tình yêu giúp người trẻ khám phá ra vẻ đẹp của việc hiến thân cho nhau và của việc mưu cầu hạnh phúc qua việc cho đi thân xác và tinh thần mình”.

Dự án được hình thành với sự hợp tác của Đại Học Công Giáo San Antonio ở Murcia, Tây Ban Nha. Bản văn được viết bằng các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Bồ Đào Nha, có sẵn tại trang mạng http://www.educazioneaffettiva.org/. Tài liệu gồm các sách dành cho thầy giáo, học sinh, sách sinh hoạt và phim ảnh, chia thành 6 đơn vị nhằm các học sinh trung học và được giới thiệu như là “bổ túc và giúp đỡ trách vụ các cha mẹ”.

Trong mấy năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô, than phiền rằng ở một số nơi, quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái họ về tính dục đã không được tôn trọng. Trong một buổi yết kiến chung vào Thứ Tư hàng tuần, Đức Phanxicô cho rằng “sự hợp tác về giáo dục” giữa cha mẹ và nhà trường đã bị phá vỡ.

Ngày 20 tháng Năm, 2015, ngài chỉ trích “các nhà phê bình trí thức” đã bắt các cha mẹ “phải im lặng” trong vấn đề bảo vệ chúng khỏi các tai hại có thể có. Ngài cũng lấy làm tiếc khi thấy nhà trường đôi khi có nhiều ảnh hưởng hơn gia đình trong việc lên khuôn việc suy nghĩ và các giá trị của các em, cha mẹ gần như không có lời nói nào về điều nhà trường dạy các em.

Ngài nói: “nếu giáo dục gia đình lấy lại được sự trổi vượt của nó, nhiều sự việc sẽ thay đổi tốt hơn. Đã tới lúc các người cha và các người mẹ cần được trở về từ cảnh lưu đầy - họ đã tự phát vãng mình khỏi việc giáo dục con cái - và từ từ đảm nhiệm lại vai trò giáo dục của họ”.
Đức Phanxicô cũng ta thán việc các chương trình của nhà trường đôi lúc áp đặt thứ ngài gọi là “thực dân hóa ý thức hệ” bằng cách nhồi sọ người trẻ về “lý thuyết phái tính” (gender theory). Ngài cũng năng nói tới thiếu sót của Giáo Hội Công Giáo trong việc chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ đến nỗi có lúc ngài còn mạnh miệng cho rằng hầu hết các cuộc hôn nhân của người trẻ ngày nay không thành hiệu.

Tài liệu của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình không có ý định thay thế vai trò của cha mẹ, cho rằng chính “trong gia đình, nơi các mối liên hệ bản thân và cảm xúc quan trọng nhất được phát triển, người ta được kêu gọi thông truyền các ý nghĩa nền tảng của tính dục”.

Theo trang mạng, các tài liệu này nhằm tạo ra “một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan về tính dục”, xem xét tới các tiến bộ của khoa tâm lý, sư phạm và giảng dậy, “trong bối cảnh giáo dục tình yêu, hiến thân cho nhau. Nhờ cách này, ngôn ngữ tính dục không bị coi là nghèo nàn đáng buồn nhưng được soi sáng”.

Tài liệu nhấn mạnh rằng việc giáo dục tính dục phải lưu ý tới các giai đoạn khác nhau “trong việc xây dựng nhân cách con người trong tương quan với việc đồng hình đồng dạng hóa ‘căn tính tính dục’ của họ hay việc họ trưởng thành nhìn nhận tính dục của mình, với những giây phút được dị biệt hóa theo giới tính của họ”.

Các tài liệu trên năng trích dẫn Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của Đức Phanxicô, cũng như thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô II và lời phê phán chủ nghĩa duy tương đối của Đức Bênêđíctô XVI. Trong số các văn kiện khác của Giáo Hội, chúng trích dẫn khá nhiều Tông Huấn Familiaris Consortio về gia đình của Thánh Gioan Phaolô II, Humanae Vitae của Đức Phaolô VI, tài liệu Hướng Dẫn Giáo Dục về Tình Yêu Con Người của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo; và thông điệp Deus caritas est của Đức Bênêđíctô XVI.

Các đơn vị của tài liệu lấy hình ảnh con người nhân bản như chiếc lều làm sợi chỉ xuyên suốt. Tài liệu cho rằng, trong cuộc hành trình của mình, người trẻ sẽ khám phá ra các yếu tố khác nhau của chiếc lều: tấm vải, dây thừng, cọc buộc, cọc lều, mái lều như là các chiều kích khác nhau của con người: thân xác, tính dục, xúc cảm, tự do, ý chí và chiều kích luân lý của họ. Mỗi yếu tố của chiến lều tương ứng với một chiều kích của con người.

Kế hoạch chi tiết của khóa học được trình bầy dưới tựa đề khái quát “Khám phá ra Kế Hoạch củ Thiên Chúa dành cho Hôn Nhân và Gia Đình” và đặt căn bản trên giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân: sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, bất khả tiêu, và sẵn sàng chào đón sự sống. Giáo dục tính dục được định nghĩa “không là gì khác hơn là việc giáo dục nhân đức trong sạch”.

Tài liệu còn cần được hoàn chỉnh

Vừa công bố, tài liệu trên bị một số cơ quan Hoa Kỳ phản đối. Liên Minh Truyền Thông Công Giáo ở Hoa Kỳ cho rằng đây là một “chương trình giáo dục tính dục gợi dục, quá lộ liễu”. Liên Đoàn Sự Sống Hoa Kỳ, thậm chí, còn cho rằng Tòa Thánh đi cùng một toa tầu với Planned Parenthood để “đẩy mạnh các hình thức giáo dục tính dục sa đoạ vào các trường học của ta” và cho rằng “một ai đó đang ngủ gục ở tay lái”. Hai nhóm này kể ra một số “hình ảnh gợi dục rõ ràng” như một nhóm đi cắm trại trong đó một thanh niên để tay lên mông một thiếu nữ; một cặp vợ chồng mỉm cười trước một bức tượng diễn tả cảnh làm tình; và hình trái cây vẽ giống như cặp nhũ hoa trong phần quảng cáo.

Thực ra, phải nhìn những bức hình ấy trong bối cảnh của bài học mới có được một phán đoán đúng đắn. Vả lại, theo Đức Cha Simon, tài liệu này là “thành quả của một công trình lâu dài, được kiên nhẫn hoàn thành trong nhiều thời gian… (Thực vậy), một nhóm các cặp vợ chồng ở Tây Ban Nha đã làm việc nhiều năm để xây dựng dự án này. Trong kỳ viếng Mộ Thánh Phêrô (Ad Limina) của các giám mục Tây Ban Nha năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận rất lâu tại một phiên họp của các vị tại Hội Đồng Giáo Hoàng”.

Tại cuộc Gặp Mặt Các Gia Đình Thế Giới lần thứ 8 ở Philadelphia năm 2015, dự án này đã được đem ra trình bầy. Và nó đã được Đại Hội Thần Học-Mục Vụ gồm hơn 20,000 người ở đó chấp nhận.

Theo Đức Cha Simon, “dự án này… khởi đầu cho một hành trình. Nó không phải là một khóa trình đã đóng và hoàn tất, nhưng, thay vào đó, nó là một cơ hội để triệu tập một cộng đồng lớn gồm nhiều người cộng tác, cùng làm việc, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong lãnh vực giáo dục đặc biệt này”. Chính vì thế, Hội Đồng sẽ vận hành một địa chỉ e-mail để tiếp nhận các gợi ý, các mách nước, các trợ cụ giúp bổ túc và phong phú hóa dự án này bằng các kinh nghiệm thích đáng.

Tưởng cũng nên biết, kể từ ngày 1 tháng 9 này, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình sẽ được sát nhập vào Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống do Đức Cha Kevin Farrell làm tổng trưởng. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Paglia vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lãnh vực Gia Đình, trong tư cách cầm đầu Hàn Lâm Viên Giáo Hoàng về Sự Sống, và Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình. Tính liên tục của giáo huấn này, vì thế, chắc chắn được tôn trọng.

Khái lược nội dung

1. Đơn Vị Một:

Thiên Chúa, nguồn gốc và đích điểm của nhân loại. Đây là bước đầu tiên của cuộc hành trình mà người trẻ của chúng ta sẽ hoàn tất. Các em sẽ được học để nhìn vào chính các em, và tự định nghĩa các em như những con người, dựa trên quan sát, chiêm ngưỡng và cảm nghiệm chính các em. Các em sẽ tiến tới chỗ biết và điều hướng trí hiểu, ý chí, các ước muốn, các cảm xúc, và linh đạo của các em. Các em sẽ chấp nhận thân xác của các em và nhìn nhận nó như là biểu thức làm người của các em, trong đó, nguồn gốc và đích điểm của mọi người đàn ông và của mọi người đàn bà đã được khắc ghi. Các nội dung sau đây sẽ được bàn tới:

• Các câu hỏi quan trọng nhất về ý nghĩa của tình yêu và về chính con người của ta.
• Thân phận tạo vật so với Thiên Chúa.
• Thân phận trẻ em như thân phận nền tảng của mọi con người nhân bản.
• Mọi con người nhân bản đều độc đáo và không thể nào lặp lại được.
• Con người nhân bản, gồm linh hồn thiêng liêng và thân xác vật chất.
• Sự lớn lên và trưởng thành của thân xác.
• Thân phận kép của thân xác con người: chúng ta có thân xác và chúng ta là thân xác.
• Thân xác như biểu thức của con người tôi: khám phá ra ý nghĩa đời tôi qua thân xác.
• Khám phá ra ngôn ngữ khách quan nội tại ngay trong thân xác con người.
• Khám phá ra thân xác con người như thân xác của một ngôi vị, chủ yếu hướng tới tình yêu.
• Thân xác, yếu tố không thể thiếu của tình yêu nhân bản.
• Thân xác như là nơi để lồng vào và nói lên bản sắc của ta.
• Tuổi dậy thì như nẻo đường để trưởng thành về bản thân và xã hội, hướng tới sự viên mãn bản thân. Sự viên mãn bản thân hệ ở việc tiến tới chỗ biết phải làm thế nào để yêu thương và được yêu thương.

2. Đơn Vị Hai

Việc gặp gỡ người khác, với “ANH/EM”, giúp người trẻ tiến tới chỗ biết mình tốt hơn và làm vững ổn bản sắc của các em.
Các em sẽ học để nhận ra rằng tính dục muốn nói tới sự khác nhau: đàn ông và đàn bà; sự khác nhau này điều kiện hóa toàn bộ con người chúng ta.

Tính dục cũng xác định ra chiều kích xúc cảm của ta. Các em sẽ học để nhận ra các xúc cảm của các em và hướng chúng vào trật tự yêu thương. Các nội dung sau sẽ được bàn tới:

• Đồ án tạo dựng của Thiên Chúa: “Người dựng nên họ có nam có nữ”.
• Việc thể hiện kép con người nhân bản: đàn ông và đàn bà. Tính đôi của dục giới.
• Các khác nhau giữa đàn ông và đàn bà trong mọi chiều kích lên hình tượng cho họ. Sự giống nhau và sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà. Một sự khác nhau được hiểu như bổ túc cho nhau.
• Các quan niệm nhân học tách biệt tính dục khỏi con người.
• Bản chất của thèm muốn trong tính dục. Phân tích sự lôi cuốn về tính dục của con người. Cảm tính và dục tính. Sự khác nhau về tính dục hiểu như sự phong phú chứ không phải sự cô lập.
• Xu hướng nền tảng của con người nhân bản hướng về tình yêu, trong đó có dục tính của họ.
• Các vấn đề của tình yêu: các thuyết duy cá nhân, duy khoái lạc, duy vật chất, duy nhị nguyên, duy tình cảm.
• Các đặc điểm của tình yêu: nhẫn nại, trưởng thành, khôn ngoan, thích thông đạt, độc chiếm, hướng về vĩnh cửu.
• Phân tích và định nghĩa cảm tính. Bản chất tốt từ trong căn bản của đam mê. Tầm quan trọng của cảm xúc trong đời ta.
• Vai trò của tự do trong cảm tính và dục tính: tự do để hoàn thiện hóa khả năng yêu thương, để gia tăng phẩm giá và duy trì sự thân mật. Biết cách nói “không”.
• Sự cần thiết phải phục hồi nết na.
• Tích nhập dục tính và cảm tính vào dự án đời ta. Phân tích các hoàn cảnh nguy cơ.
• Những mối tình đầu.

3. Đơn Vị Ba:

Bước thứ ba là cùng giới trẻ suy tư về tự do.

TÔI và EM/ANH, khi bước vào mối liên hệ, có thể thực hiện nó nhiều cách khác nhau nhờ sự kiện này: chúng ta được phú bẩm tự do.
Lịch sử mỗi con người luôn mãi cần được viết lên.

Sự tự do này được ban cho chúng ta như một quà phúc. Nó cần được nuôi dưỡng, đào luyện và chín mùi, để, khi chúng ta đem nó vào cuộc chơi, chúng ta có thể biết cách làm cho đời mình và đời các người khác tươi đẹp hơn, vì chính trong Tình Yêu, chính trong hình ảnh Đấng Dựng Nên ta, ta tìm được ‘Tự Do Đích Thực’. Các nội dung sau đây sẽ được bàn tới:

• Tự do của con người, đồ án của Thiên Chúa Tạo Dưng.
• Tự do như khả năng tự bố trí chính mình và quyết định số phận mình qua các hành động của mình.
• Tự do hướng tới sự viên mãn hiệp thông yêu thương với Thiên Chúa.
• Tự do luân lý: tự do có khả năng lớn lên. Càng được sử dụng để thoả mãn các ước muốn chân thật nhất, nó càng lớn lên; càng nghiêng chiều về việc thoả mãn đến chán ngấy các thèm muốn không thể quy hướng về sự thiện luân lý, nó càng nhỏ đi.
• Tự do hướng tới việc hiệp thông với những con người. Hủ hóa ý niệm tự do: khi Thiên Chúa và người khác được hiểu như hạn chế tự do của tôi.
• Tự do bố trí để hiến thân cho người khác, như điều kiện làm cho tình yêu có thể có.
• Ý chí, được xếp đặt qui hướng về việc đạt tới sự thiện. Thiên Chúa, Sự Thiện tuyệt đối.
• Các yếu tố chủ chốt để sử dụng tốt tự do của ta: tính quả quyết, tinh thần tốt, biết dự liệu, lời khuyên của những người có kinh nghiệm, hy vọng khi chiến đấu
• Gia đình, nơi ta dùng tự do để phục vụ sự hiến thân và tình yêu.

4. Đơn Vị Bốn

Trong bước này, điều quan trọng là người trẻ nhận ra tính siêu việt của các chọn lựa tốt.

Chúng ta sẽ giúp các em tìm hiểu sâu xa sự khó khăn trong việc chọn lựa điều tốt nhất đối với các em, và thảo luận xem tội lỗi gây ra những thương tích nào cho tâm hồn các em.

Các em sẽ học cách nhận ra các thương tích ấy và học các phương thế để ngăn ngừa chúng, tức ơn thánh và các nhân đức.

Tin vui là các thương tích trên không phải vô phương cứu chữa. Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Người, là thầy thuốc có khả năng chữa lành các vết thương của chúng ta bằng phương thuốc tuyệt hảo, đó là tình yêu. Các nội dung sau đây sẽ được nói tới:

• Trật tự và giá trị nền tảng của Sáng Thế. Tính cứu cánh nền tảng của Sáng Thế và của các con người nhân bản.
• Nỗi bất hạnh hay sự suy sụp tính cứu cánh nội tại của Sáng Thế và của con người nhân bản là hậu quả của vô trật tự và bất tích hợp (disintegration). Tự do bị nô dịch (enslaved freedom) là nhân tố nền tảng gây ra vô trật tự và bất tích hợp.
• Việc phục hồi trật tự đời sống và ý nghĩa sâu xa của nó. Sự bất cập của ánh sáng và lý lẽ riêng của ta không thể phục hồi trật tự và ý nghĩa đời sống.
• Sự tích hợp dục tính tùy thuộc việc khám phá ra ánh sáng đích thực, có khả năng soi sáng đời sống tôi. Bóng tối như là việc thiếu khả năng tích hợp dục tính của tôi, là điều vốn tạo nên một phần con người tôi. Hiệu quả tức khắc của bóng tối đang hiện diện trong tôi là không nhìn con người một cách toàn diện, và việc này có thể dẫn tới các viễn kiến có tính giản lược về con người: các thuyết phiếm dục, duy khoái lạc, dẹp bỏ nết na, tách biệt giữa tình yêu và dục tính hay giữa tình yêu và sinh sản.
• Đức trong sạch hiểu như ánh sáng có khả năng giúp tôi yêu thương một cách toàn diện.
• Các lý do đối với các các hậu quả phá hoại của việc thiếu tình yêu: tình yêu, cùng đích tối hậu của mọi năng lực của tôi. Các nguy hiểm của việc cứng lòng. Các hình thức yêu thương không được điều hướng thích đáng: tự yêu mình thái quá (narcissism), tính đa dâm tự động (auto-eroticism), thủ dâm.
• Phân tích kinh nghiệm yêu thương của riêng tôi: tôi đặt tình yêu của tôi ở nơi đâu? Điều gì kết cục hủy hoại tôi?
• Các phương thuốc chữa bệnh thiếu tình yêu: trong trắng, nết na, thân mật.
• Hạnh phúc như là sự viên mãn tình yêu trong linh hồn. Tình yêu nhân bản được sự sống Thiên Chúa lên khuôn: đức ái. Phúc thay người có trái tim trong trắng. Chúa Kitô: thầy thuốc tốt, thầy giáo tốt.
• Các nhân đức, các động cơ đời sống hướng về sự thành toàn. Sự phân biệt giữa các giá trị và các nhân đức. Định nghĩa nhân đức. Các nhân đức như phương thế để khỏi vấp phạm. Các hiệu quả của nhân đức.
• Các nhân đức chính, các nhân đức đối thần.
• Cần ơn thánh để sở đắc các nhân đức.
• Tội lỗi như là từ khước ơn phúc của Thiên Chúa. Các hậu quả của tội đối với sự thánh thiện và tự tự do riêng của ta.

5. Đơn Vị Năm

Đơn vị này đào sâu chiều kích luân lý của con người. Nó trình bầy luân lý với người trẻ như là một giúp đỡ để tiến lên chứ không phải một gánh nặng.

Các em sẽ tiến tới chỗ nhận ra chiều kích luân lý như là một thành phần cấu tạo ra các em, và thừa nhận việc các hành động của các em mang lại nhiều hậu quả cho chính các em và nhiều người khác, vì các hành động này có thể tốt hay xấu về phương diện luân lý.

Các em sẽ bước theo nẻo đường giá trị của sự sống và nhân phẩm. Các nội dung sau đây sẽ được nói tới:

• Thế giới đem lại cho tôi những gì? Phân tích não trạng và cung cách sống đang thịnh hành trong xã hội ngày nay.
• Luân lý tính trong trái tim tôi: sự kiện luân lý trong tôi.
• Các nguồn gốc của luân lý tính: phân tích các yếu tố cấu thành hành vi luân lý: đối tượng, cùng đích, ý hướng và các hoàn cảnh. Hành vi luân lý tốt. Tại sao cùng đích không biện minh cho phương tiện?
• Tôi tìm được sự thiện tốt hơn ở đâu? Chúa Giêsu, Đường, Sự Thật và Sự Sống, nguồn gốc sự sống dư tràn.
• Đánh mất phẩm giá và sự sống của riêng ta.
• Cùng đích không biện minh cho phương tiện.
• Tôi tìm kiếm điều gì với các hành động của mình?
• Các hành động của tôi có gây hậu quả hay không?
• Tôi là một đứa trẻ: quyền lợi hay ơn phúc?
• Tôi có thể đánh mất phẩm giá của tôi hay không? đánh mất đời tôi hay không?
• “Con đến để chúng có sự sống và có một cách dư tràn hơn” (Ga 10:10).
• Phẩm giá con người nhân bản. Phân tích và định nghĩa. Các đe dọa hiện nay đối với nhân phẩm: văn hóa sự chết đối nghịch với văn hóa sự sống. Cần cảm nhận được Thiên Chúa để phục hồi phẩm giá đã đánh mất.
• Gia đình, cung thánh sự sống.

6. Đơn Vị Sáu

Bước sau cùng của cuộc hành trình này là bước khám phá ra tình yêu như một ơn gọi bản thân, như lời đáp trả ơn gọi.

Người trẻ sẽ tiến tới chỗ nhận ra tình yêu như một nẻo đường gồm nhiều giai đoạn khác nhau, và ý thức được rằng không cần vội vàng tiến tới điểm cuối cùng. Điều quan trọng là tới đó mà không bỏ sót bất cứ phần nào của nẻo đường, và nhận ra khi nào tình yêu là chân thực.

Tình yêu, vốn có tính bản vị, trở thành cụ thể trong hôn nhân, và vì lý do này, thời gian hẹn hò tán tỉnh là cây cầu trên đường yêu thương dẫn ta tới việc hiến thân cho nhau trong hôn nhân. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng là lời đáp trả của bản thân đối với mối tình ban đầu này. Các nội dung sau đây sẽ được nói tới:

• Cần học cách biết yêu thương. Ơn gọi nền tảng của con người là yêu thương.
• Khám phá ra tình yêu tiên phong: các tạo vật của Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu, Đấng yêu thương, vì yêu thương mà tạo dựng, và mời gọi các tạo vật của Người tiến tới yêu thương.
• Các nẻo đường dẫn đến tình yêu đích thực: yêu mình; gia đình, trường dạy yêu thương; cuộc gặp gỡ yêu thương với Thiên Chúa.
• Hai cách tự hiến: khiết trinh và hôn nhân.
• Bản chất chuyên biệt của tình bạn, của sự lôi cuốn, của việc si tình và tình yêu đích thực. Biết cách dị biệt hóa và nhận ra chúng.
• Hẹn hò tán tỉnh: ý nghĩa và cứu cánh tính của nó. Trong sạch trong thời gian hẹn hò. Phân tích các mối liên hệ trước hôn nhân.
• Bản chất riêng của kết hợp vợ chồng: hành vi bản thân, bao hàm hành động của hai con người cùng hành động trong một hỗ tương động viên nhau và có ý hướng, được điểm tô bằng một khoái cảm hỗ tương độc đáo.
• Hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng: kết hợp và sinh sản.
• Hôn nhân: tình yêu vợ chồng là tình yêu cam kết. Hôn nhân như ơn gọi yêu thương và như một bí tích.
• Sự nên một trong thân xác và linh hồn.
• Sự nối kết chiều kích thân xác và chiều kích cảm xúc trong các biểu thức tính dục.

Còn một kỳ: Một đơn vị tiêu biểu của Tập Hướng Dẫn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phú Bình : Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mừng bổn mạng Thánh nữ Mônica
Martino Lê Hoàng Vũ
15:40 28/08/2016
Giáo xứ Phú Bình: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mừng bổn mạng Thánh nữ Mônica

Chiều nay Chúa Nhật ngày 28.8.2016,Hội Các Bà Mẹ Công Giáo giáo xứ Phú Bình đã mừng kính Thánh nữ Mônica bổn mạng.

Xem Hình

Trước thánh lễ vào lúc 17 giờ cộng đoàn cùng đi rước kiệu thánh nữ Mônica chung qunnh thánh đường,cầu nguyện và suy niệm với thánh nữ.Nhờ đó,các bà mẹ học theo đời sống của thánh nhân trong vai trò làm vợ,làm mẹ trong gia đình.Vì đời sống gia đình của mỗi bà mẹ không bao giờ là dễ dàng,nhưng luôn gặp khó khăn thử thách nên phải cậy trông vào Chúa,dạy cho con cái sống đức tin nhất là dạy con cái biết cầu nguyện như thánh nữ Mônica, bà đã liên tục cầu nguyện cho người con là thánh Âutinh được ăn năn trở về với Chúa.

Thánh lễ mừng bổn mạng do Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn,GM phó giáo phận Bà Rịa chủ tế,cùng đồng tế có cha chánh xứ Phú Bình Giuse Vương Sĩ Tuấn,cha phụ tá giáo xứ Phú Bình,cha phụ tá giáo xứ Bắc Hà, cha Phaolô Nguyễn Như Hiếu.

Phần Phụng vụ Lời Chúa là bài đọc Chúa Nhật XXII Thường Niên C.Cha phụ tá giáo xứ Phú Bình công bố Tin Mừng.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng,Đức Cha Emmanuel nói về vai trò và chỗ đứng của người phụ nữ trong gia đình, dựa theo bài Tin Mừng Đức Giêsu dạy sống khiêm nhường,chỗ ngồi cao thấp trong bàn tiệc.Người phụ nữ luôn phục vụ trong khiên tốn,thường ở nơi nhà bếp nấu nướng món ngon cho gia đình.Các bà mẹ phục vụ gia đình với tình yêu tha thiết.Hôm nay,các bà mẹ mừng kính quan thày thánh nữ Mônica,chúng ta nhìn lại trong cuộc đời thánh nữ.Chúng ta biết đời sống nhân đức của thánh nữ khi sống với người chồng khó tính, người con trụy lạc ăn chơi. Chúng ta xin Chúa nâng đỡ các bà trong trách nhiệm làm vợ, làm mẹ,chăm sóc và giáo dục con cái.Chúng ta cầu nguyện cho các bà mẹ luôn sống theo tinh thần Tin Mừng,dâng lên Chúa những vui buồn âu lo và vất vả trong vai trò người phụ nữ.

Sau phần hiệp lễ,bà Maria Nguyễn Thị Đượm Hội trưởng các Bà Mẹ Công Giáo Phú Bình đại diện các bà mẹ Công Giáo đã bày tỏ tâm tình tri ân Đức Cha,quý cha đã luôn đồng hành cùng các bà mẹ Công Giáo.Đặc biệt sự hiện diện của Đức Cha không quản ngại đường xa đến với giáo xứ chủ tế thánh lễ, đây chính là niềm vui sự khích lệ cho các bà mẹ.Bà hội trưởng cũng nói đến những thách đố mà xã hội đòi hỏi người mẹ Công Giáo đang gặp phải trong đời sống.Cho nên, quý bà rất cần có sự hướng dẫn lời cầu nguyện của quý Đức Cha, quý cha. Trong thánh lễ này còn có sự hiện diện của bà Hội Trưởng Các bà mẹ TGP và giáo hạt Phú Thọ.

Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các bà mẹ luôn được bình an mạnh khỏe và ơn Chúa nâng đỡ trong thiên chức làm mẹ làm vợ của gia đình.

Xin Thánh Mônica chuyển cầu cho các bà mẹ Công Giáo luôn là trường dạy yêu thương và lòng thương xót cho con cái trong gia đình.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Văn Hóa
GS Vũ Quốc Thúc : Luận cố tri quốc mệnh
Lê Đình Thông
09:01 28/08/2016
GIÁO SƯ VŨ QUỐC THÚC : LUẬN CỔ TRI QUỐC MỆNH

Trong sách Luận ngữ (thiên Vi chính), Khổng Tử cho rằng: ‘‘ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (五十而知天命): năm mươi tuổi có thể biết được mệnh trời. Người xưa coi ‘‘thất thập’’ là hiếm hoi : ‘‘Nhân sinh thất thập cổ lai hi’’ (人生七十古来稀), vì vậy sách Luận Ngữ mới chép rằng : ‘‘Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ’’ (七十而從心欲不踰矩) : đến 70 tuổi trong tâm có muốn điều gì cũng không ra ngoài quy tắc (bất du cửu = không vượt ra ngoài quy tắc).

Thời gian Thụ Nhân là bách niên, thầy Vũ Quốc Thúc vượt xa thất thập, năm nay 96 tuổi. Cổ nhân có câu :

Lộ diêu tri mã lực

路遙知馬力,

Sự cửu kiến nhân tâm

事久見人心

(Đường dài mới biết sức ngựa,

việc lâu ngày mới thấy lòng người).

Dòng sử Việt dài dằng dặc, có biết bao nhiêu việc lâu ngày, sách vở gọi là biến cố lịch sử (événements historiques), thể hiện qua nhân tâm. Sách vở thánh hiền nói : Ngũ thập tri thiên mệnh. Thầy Thúc hơn ngũ thập tới 40 năm. Tôi chắp nối chữ nho, thuật lại buổi tương phùng ngày 05/08 : cửu thập luận cổ tri quốc mệnh : 九十論知國命.

Ngày 03/08 dương lịch, chị Đặng Kim Ngọc bên Úc đưa lên diễn đàn TN1-2 hai câu sấm Trạng Trình. Hai hôm sau, tôi đem hai câu thơ này vấn ý thầy :

Bỉnh chúc vô minh quang tận diệt

炳 燭 無 明 光 盡 滅

Trọng ngân bạc phúc sản tiêu vong

重 銀 薄 福 産 消 亡

Ngọn đèn mà tối tăm thì ánh sáng mất hết

Xem nặng tiền bạc mà nhẹ phước đức thì tài sản sẽ mất hết.

Diễn nghĩa :

Trần Đại Quang sẽ bị tận diệt

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc và chế độ cộng sản sẽ tiêu vong.

Trở lại với sấm Trạng Trình. Dân gian quen gọi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) (阮 秉 謙) là Trạng Trình, vì cụ thi đậu trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), lại được phong tước Trình Quốc Công (程 國 公). Không những Trạng Trình tiên đoán nhiều sự việc ứng nghiệm, mà ngay cả quốc hiệu Việt Nam (越 南) cũng được cụ sử dụng trước vua Gia Long mấy thế kỷ, qua bốn câu thơ :

- Việt Nam khởi tổ xây nền

- Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh

- Thùy thị phương danh trọng Việt Nam

- Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam

Bốn câu thơ trên cho thấy tính khả tín (crédibilité) câu sấm Trạng Trình. Để trả lời câu hỏi của tôi, Thầy Thúc chậm rãi đọc lại bài thơ Cự Ngao Đái Sơn (巨 鰲 戴 山), như muốn hòa chung cùng vận nước :

Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,

Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.

Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,

Trước cước trào vô quyển địa thanh.

Vạn lý Đông minh quy bả ác,

Ức niên Nam cực điện long bình.

Ngã kim dục triển phù nguy lực,

Vãn khước quan hà cựu đế thành.

Nguyên bản chữ Hán :

碧 浸 仙 山 徹 底 清

巨 鰲 戴 得 玉 壺 生

到 頭 石 有 補 天 力

著 腳 潮 無 卷 地 聲

萬 里 東 溟 歸 把 握

億 年 南 極 奠 隆 平

我 今 欲 展 扶 危 力

挽 卻 關 河 舊 帝 城

Xin tạm dịch như sau :

Kim quy đội dải sơn hà

Nước biếc non xanh lắng biển sâu

Tinh túy kết lại tận ngọc châu

Tung tăng ngẩng đầu nâng trời đất

Lội xuống thềm hoang sóng bạc đầu

Biển Đông thu tóm bàn tay nắm

Trời Nam ổn định đến ngàn thu

Kim quy cứu khốn phò nguy biến

Chủ quyền giành lại sẽ bền lâu.

(bản dịch : Lê Đình Thông)

Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã lấy địa lý chính trị biển Đông để diễn giải câu sấm Trạng Trình. Tương lai Biển Đông liên hệ mật thiết đến vận nước. Thầy Thúc đọc thêm bài sấm sau đây bàn về tương lai đất nước :

Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh

Can qua xứ xứ động đao binh

Mã đề dương cước anh hùng tận

Thân Dậu niên lai kiến thái bình

龍 尾 蛇 頭 起 戰 爭

杆 戈 處 處 動 刀 兵

馬 啼 羊 腳 英 雄 盡

申 酉 年 來 見 太 平

Cụ Trạng Trình và thầy Vũ Quốc Thúc đều bước qua ngưỡng tuổi 90. Câu thơ ‘‘Thân Dậu niên lai kiến thái bình’’ của đất nước còn là ‘‘Thân Dậu niên lai kiến bách niên’’ của giáo sư Vũ Quốc Thúc.

Lời Cuối (跋文):

Như lệ thường, tôi gửi bài tường thuật để xin Thầy hiệu chính. Thầy gửi cho tôi điện thư dưới đây. Nếu lời văn là chính con người (le style, c’est l’homme même) như câu nói của Buffon, thầy mượn thơ cụ Trạng để nhắn nhủ các môn sinh của thầy. Tôi xin chép lại nguyên văn điện thư, diễn tả trọn vẹn tấm lòng kẻ sĩ đối với đại cuộc.

‘‘Anh Thông thân mến,

Cảm ơn Anh đã tường thuật buổi hội ngộ " lịch sử " của chúng ta. Tôi tôn trọng mọi lời lẽ của anh, không thể mà cũng không muốn thêm bớt chi. Một điều lạ lùng : từ sáng hôm nay tôi chợt nhớ lai bài thơ của cụ Trạng Trình mà tôi đã học thuộc lòng cách đây đã 80 năm : tôi đang suy tư về bài thơ ấy thì nhận được e-mail của Anh về Sấm Trạng. Bài thơ đó chắc Anh cũng đã đọc rồi. Xin ghi lại như sau :

Non sông nào phải buổi bình thời:

Thù đánh nhau chi khéo nực cười!

Cá chậu chim lồng ai khiến đuổi ?

Núi xương sông huyết thảm đầy vơi

"Ngựa phi chắc có hồi quay cổ

"Thú dữ nên phòng lúc cắn người

Ngán ngẩm sự đời chi nói nữa !

Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi...

Thân mến : Vũ Quốc Thúc’’

Paris, tiết Đại thử (canicule) 2016

GS.Lê Đình Thông
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Viên Đá Sỏi Trên Cát
Thérésa Nguyễn
20:42 28/08/2016
NHỮNG VIÊN ĐÁ SỎI TRÊN CÁT
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Cát thì dễ viết, mau mờ.
Đá thì khó tạc, vững trơ lâu bền.
Cát, đá: cái gì là nền?
(Trầm Tĩnh Nguyện)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 23–29/08/2016: Chung quanh bức điện Đức Thánh Cha gởi nữ Tổng thống Brazil
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:26 28/08/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tổng thống Brazil nhận được điện văn của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một điện văn cá nhân cho Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil, người đang phải vất vả đối phó với khả năng bị truy tố ra tòa vì vi phạm luật ngân sách.

Với 55 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Thượng viện Brazil ngày 12 tháng 5 đã thông qua quyết định đưa Tổng thống Dilma Rousseff ra tòa. Trước đó, ngày 17 tháng 4, với 367 phiếu thuận, 137 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Hạ viện Brazil đã chính thức thông qua việc luận tội Tổng thống Rousseff vì những cáo buộc liên quan tới thao túng công quỹ để tái đắc cử vào năm 2014.

Bà Dilma Rousseff nói:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết cho tôi một lá thư, tôi sẽ không tiết lộ nội dung. Tôi chỉ có thể nói đó không phải là một lá thư chính thức.”

Một công văn chính thức từ Đức Giáo Hoàng có thể gây ra những khiếu nại về sự can thiệp của Vatican vào tình hình chính trị của Brazil nơi đang rộ lên các nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống. Những nỗ lực này đã làm tăng cao các chia rẽ chính trị, và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài và sâu sắc.

Dù sao, các nhà phân tích ở Brazil vẫn cứ cho rằng điện văn của Đức Giáo Hoàng là một dấu chỉ ủng hộ cá nhân cho bà Rousseff.

2. Đức Thánh Cha gởi thông điệp cho Tuần Phụng Vụ toàn quốc Italia

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho Đức Cha Claudio Maniago, giám mục giáo phận Castellaneta, Italia nhân Tuần Phụng Vụ Toàn Quốc Italia thứ 67 đang diễn ra ở Gubbio.

Trong thông điệp, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gởi nhân danh ngài, Đức Thánh Cha nói rằng toàn bộ phụng vụ là một nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được “thể hiện, công bố, cử hành, và truyền đạt.”

Riêng về Bí Tích Hòa Giải, ngài nhấn mạnh rằng: Hối nhân là những người đang hòa giải với Thiên Chúa cần được khích lệ để hòa giải với những người khác, trút bỏ sự hằn thù, và tỏ lòng thương xót với những ai đang túng thiếu.

3. Tại cuộc gặp gỡ ở Rimini, tượng Đức Mẹ bị che đi vì sợ khủng bố Hồi Giáo

Cuộc gặp gỡ tại Rimini hàng năm được tổ chức bởi phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng. Cuộc gặp gỡ năm nay được tổ chức từ 19 đến 25 tháng 8.

Trong cuộc gặp gỡ này một người bán sách đã dùng một miếng vải để che một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria. Bà giải thích là “để tránh đụng độ” với những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Francesco Curridori, đại diện cho nhà xuất bản Shalom tại cuộc gặp gỡ ở Rimini, nói với các phóng viên truyền hình rằng ban tổ chức cuộc gặp gỡ Rimini không yêu cầu bà che đi bức tượng. Bà tự quyết định làm như vậy “Bởi vì nếu bất cứ điều gì xảy ra, tôi sẽ cảm thấy có trách nhiệm.”

4. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Nam Sudan cầu nguyện cho hòa bình

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Nam Sudan đã tập trung tại một nhà thờ Anh giáo ở thủ đô Juba hôm 18 tháng 8 để cầu nguyện cho hòa bình trong vùng đất bị tàn phá bởi các cuộc xung đột.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của thủ đô kêu gọi các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô khác nhau “làm việc cùng nhau để vãn hồi hòa bình và tình huynh đệ.”

Một nhà lãnh đạo Anh giáo Kenya nói “Ở Nam Sudan, có 64 bộ lạc. Và Chúa đã không tạo ra các bộ lạc ở châu Phi để chúng ta thù ghét nhau nhưng là để xây dựng sự đoàn kết mạnh mẽ và tình yêu trong bản thân chúng ta.”

5. Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Bạch Nga

Đức Tổng Giám mục Gábor Pintér, là tân sứ thần Tòa Thánh tại Belarus, hay còn gọi là Bạch Nga, đã đến Minsk để bắt đầu sứ mệnh của ngài. Trong cuộc phỏng vấn với giới báo chí, Đức Tổng Giám Mục cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước có dịp đến thăm quốc gia Đông Âu này.

Hãng tin Interfax cho biết Đức Tổng Giám Mục tiết lộ rằng:

“Đức Giáo Hoàng nói chúng ta nên tìm một thời gian và một cơ hội thuận lợi cho chuyến thăm này. Tôi không thể nói khi nào và như thế nào, nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng đánh giá tích cực về Belarus.”

Belarus có 9.5 triệu dân trong đó 80% là Chính Thống Giáo Đông Phương và 14% là người Công Giáo.

6. Hồi giáo cực đoan tấn công các Kitô hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Các nhóm Hồi giáo cực đaoan đã tăng cường các vụ tấn công vào các làng Kitô giáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sau khi thất bại trong một nỗ lực để lật đổ chính phủ của nước láng giềng Uganda, Lực lượng Liên Minh Dân chủ Hồi giáo đã tập trung sức mạnh của họ vào vùng Đông Bắc Cộng Hoà Dân Chủ Congo, khiến hàng trăm người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Liên Hiệp Quốc ước tính có hơn 600 người đã bị giết chết trong khu vực này trong hai năm vừa qua. Tổ chức Open Doors International báo cáo rằng “nhiều làng mạc đã bị xóa sạch và khó tìm thấy bất cứ cuộc sống dân sự nào còn lại.”

Trong cuộc tấn công gần đây nhất, vào tuần trước, các nhóm Hồi giáo giết chết ít nhất 36 người, và con số nạn nhân có thể lên đến 50 người trong một vụ thảm sát tàn bạo khác ở Bắc Kivu.

7. Điện Văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Sau chuyến tông du tại Ba Lan từ ngày 27 đến 31 tháng 7, 2016, nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn dân tộc Ba Lan vì đã đón tiếp ngài nồng hậu.

Trong hai điện văn gửi cho Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan và Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, tổng Giám Mục Krakovia, Đức Thánh Cha ngợi khen “đức tin vững mạnh” và “niềm hy vọng không lay chuyển” của họ, mặc dầu họ đã gặp phải “nhiều khó khăn và thảm trạng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến khích các tín hữu Ba Lan “luôn luôn làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa”

Trong thư đề ngày 22 tháng 8 gửi Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Tổng Giám Mục Poznań, và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, Đức Thánh Cha viết:

“Sau chuyến viếng thăm mục vụ của tôi tại Ba Lan, một lần nữa tôi muốn bầy tỏ lòng tri ân của tôi đối với chính các hiền huynh giám mục, linh mục, các tu sĩ và các giáo dân, vì đã đón tiếp tôi rất mồng hậu, và về việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi hết sức cảm động về đức tin mạnh mẽ của các bạn và về niềm hy vọng không lay chuyển của các bạn mặc dầu phải đối phó với biết bao khó khăn và thảm trạng, và về tình yêu nồng cháy của các bạn đã hun đúc hành trình nhân lọai và tôn giáo của các bạn.

Tôi rất trân quý kỷ niệm về phụng vụ đặc biệt của Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Częstochowa, nhân dịp kỷ niệm 1050 năm ngày Ba Lan được chịu Phép Rửa, cũng như giây phút cầu nguyện tại Trại Tập Trung Auschwitz. Tôi rất vui mừng nhớ lại cuộc gặp gỡ với các người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các bạn, để cho Giáo Hội Ba Lan có thể tiếp tục theo đuổi hành trình đức tin một cách kiên trì và can đảm, và làm chứng cho tất cả mọi người về lòng thương xót của Thiên Chúa. Về phần các bạn, xin cầu nguyện cho tôi, tôi chúc lành cho các bạn với hết cả tấm lòng.

Thân mến trong tình bằng hữu,

Phanxicô

8. Điện Văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Tổng Giáo Phận Krakovia

Trong một điện văn khác gửi Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakovia, Đức Thánh Cha viết:

Sau chuyến viếng thăm mục vụ tại Krakovia, trong đó tôi đã có dịp bầy tỏ lòng kính nhớ và tri ân vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan Phaolô II, được sống những giờ phút hiệp thông sâu xa với Cộng Đồng Tổng Giáo Phận, và cảm nghiệm sự sốt sắng của đông đảo giới trẻ đến từ khắp năm châu, tôi muốn bầy tỏ với hiền huynh và với các linh mục, các tu sĩ và giáo dân của toàn thể Cộng Đồng Tổng Giáo Phận lòng tri ân chân thành của tôi về sự đón tiếp nồng hậu của hiền huynh, và về sự tử tế Đức Hồng Y đã dành cho tôi và các cộng sự viên của tôi. Ký ức về Thánh lễ cảm động, với sự tham dự đông đảo và đầy tràn đức tin sống động, vẫn còn hiện diện trong tim tôi.

Tôi cảm tạ hiền huynh, ban điều hành của Tổng Giáo Phận, tất cả các cộng sự viên của hiền huynh, và tất cả những ai đã giúp cho những ngày của đức tin và cầu nguyện được diễn ra trôi chẩy. Tôi cũng tri ân sự quý mến các giới chức đạo đời và các tín hữu đã dành cho người kế vị Thánh Phêrô: tất cả những điều này là dấu chỉ của tình yêu dành cho Giáo Hội, đàng sau tình yêu trường kỳ và kính mến dành cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong khi khuyến khích Tổng Giáo Phận Krakovia kiên trì tiến bước, và thường xuyên làm chứng cho lòng thương xót Chúa, tôi cầu xin Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Mẹ Maria, ban tràn đầy ân sủng cho hiền huynh và tất cả những ai hiền huynh chăm sóc mục vụ, nhất là cho các người trẻ, để họ có thể ngày càng tăng trưởng trong sự cam kết vững chắc đối với Phúc Âm. Với những tâm tình này, tôi cũng xin hiền huynh cầu nguyện cho tôi, và tôi cũng ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Thân kính,

Phanxicô

9. Đức Thánh Cha gửi sứ diệp chào thăm các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu mong các khác biệt giữa các tín hữu Công Giáo và các tín hữu tin lành Methodist và Valdese không cản ngăn tìm ra các hình thức cộng tác trong lãnh vực loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo, người bệnh, các người di cư và bảo vệ môi sinh.

Đức Thánh Cha đã bầy tỏ như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên Công nghị Tin Lành Methodist và Valdese tại Torre Pellice trong các ngày từ 21 tới 26 tháng 8 này. Trong sứ điệp, do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, Đức Thánh Cha bảo đảm sự gần gũi tinh thần và lới cầu nguyện của ngài cho các tham dự viên. Ngài cầu xin Chúa ban ơn cùng nhau bước tới sự hiệp nhất tràn đầy với con tim chân thành để làm chứng tá cho Chúa Kitô một cách hữu hiệu trước gia đình nhân loại, bằng cách gặp gỡ con người ngày nay và thông truyền cho họ cốt lõi của Tin Mừng. Với các lời cầu chúc trên Đức Thánh Cha khẩn nài Chúa Thánh Thần trợ giúp các kitô hữu sống sự hiệp thông đi trước mọi đối chọi và được sự thương xót và hoà bình của Chúa Kitô.

Hồi tháng 3 năm nay lần đầu tiên trong lịch sử một phái đoàn chính thức của các Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vaticăng. Năm trước đó ngày 22 tháng 6 2015 Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm nhà thờ Tin Lành Valdese tại Torino. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ tin lành Valdese.

Tham dự Công nghị có 180 đại diện của hai Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese gồm các mục sư và giáo dân. Trong số các tham dự viên có mục sư Benjamin Boni, thủ lãnh Giáo Hội tin lành Methodist Cote d’ Ivoire, mục sư Laurent Schlumberger thủ lãnh Giáo Hội tin lành thống nhất Pháp, mục sư Manfred Rekowski, thủ lãnh Giáo Hôi tin lành vùng Renania bên Đức, bà Carola Tron, đại diện các Giáo Hội Valdese Rio de la Plata Uruguay và Argentina. Đại diện HĐGM Italia có ĐC Ambrogio Spreafico, chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết, và Linh Mục Cristiano Bettega giám đốc văn phòng đối thoại đại kết toàn quốc Italia. Thông cáo của ban tổ chức cho biết Công nghị đã khai mạc với một cuộc rước và buổi cử hành phụng vụ long trọng giữa tiếng chuông đổ dồn của nhà thờ Valdese tại Torino.

Trong các ngày họp Công nghị các tham dự viên sẽ thảo luận ba đề tài chính là: các làn sóng di cư tỵ nạn, kỷ niệm 500 cải cách và con đường đại kết. Đặc biệt sẽ có một cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề các hành làng nhân đạo do Liên hiệp các Giáo Hội tin lành và Cộng đồng thánh Egidio điều hành.