Ngày 29-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vì Tình quên mình, Vinh quang tươi sáng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
02:44 29/08/2020
VÌ TÌNH QUÊN MÌNH, VINH QUANG TƯƠI SÁNG

Phúc Âm tuần này kể chuyện Chúa Giêsu loan báo Ngài phải chịu thương khó và chịu chết, thế là Phêrô liền trách Chúa chớ có dại mà hy sinh. Chúa thì nặng tình hy sinh quên mình để cứu độ nhân loại, còn Phêrô thì lại cứ tính toán an toàn cho bản thân mình. Thế cho nên, Chúa đã mắng Phêrô rất nặng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Tư tưởng của Chúa là quên mình yêu người. Tư tưởng của Satan là yêu mình quên người!

Thế rồi, Chúa đã đưa ra 2 điều kiện rõ ràng để theo Chúa là từ bỏ mình và vác thập giá mình.

1.Từ bỏ mình: là không chiều cái thân ưa dễ dãi, thích hưởng thụ, là không mải mê thu giữ cho riêng mình, là không đề cao cái tôi ngạo nghễ dễ tự ái. Từ bỏ mình rồi thì sẽ nhẹ nhàng thanh thoát đến với người, đến với Chúa.

2.Vác thập giá mình: là sẵn lòng hy sinh, là sống có trách nhiệm, là biết lo cho người khác. Không đẩy thập giá mình cho người khác vác, hoặc biến mình thành thập giá nặng nề khiến người khác ê chề ngạt thở.

Từ bỏ mình và vác thập giá mình là chuyện gian nan. Nhưng nó sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi có tình yêu làm động lực và vinh quang làm mục đích.

Tình yêu khiến người ta cứ vui vẻ tự nguyện hy sinh quên mình vì người yêu. Tình yêu làm cho những gánh nặng cuộc đời trở nên nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng nên mới có chuyện bay bổng, lâng lâng khi yêu, chứ nặng nề thì làm sao mà bay bổng được! Vì tình yêu thì vất vả mà không vật vã, nhưng rất vui vẻ. Thập giá có Chúa là tình yêu sẽ làm cho đời ta những điều kỳ diệu.

Vinh quang đời đời là mục đích của người theo Chúa. Xuyên qua thập giá hy sinh Chúa hưởng phục sinh vinh quang. Hy sinh đời này sẽ được vinh quang đời sau. Cuối cùng thì Chúa Giêsu sẽ đến trong vinh quang ban thưởng xứng những việc ta làm nơi trần thế. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:01 29/08/2020

11. Chúng ta không nên hiểu lầm, không nên dối mình: mình không thể khắc khổ trong việc nhỏ, thì trong việc lớn cũng sẽ không thể khắc khổ mình được.

(Thánh Francis Xavier)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:04 29/08/2020
17. NHỜ AI MÀ SỐNG

Phú ông có một con trai đã ba mươi tuổi, nhưng việc gì cũng không hiểu, cũng không biết, chỉ ỷ vào phụ thân ngớ nga ngớ ngẩn sống qua ngày.

Một ngày nọ, phụ thân mời một nhà tướng số đến coi tướng cho nó, phụ thân của hắn ta là năm mươi tuổi, thầy tướng bấm đốt tay đoán số nói có thể sống đến tám mươi tuổi.

Sau đó lại coi tướng cho hắn nói hắn có thể sống đến sáu mươi hai tuổi, hắn ta bèn đấm ngực khóc lớn tiếng.

Người coi tướng nói:

- “Sáu mươi hai tuổi thì cũng là thọ vậy !”

Hắn trả lời:

- “Không phải tôi khóc chuyện ấy, tôi khóc là ba tôi chỉ có thể sống được tám mươi tuổi, như vậy thì sau khi tôi được sáu mươi tuổi, hai năm còn lại ai sẽ nuôi tôi chứ? ”

(Nhã Ngược)

Suy tư 17:

Thời nay, có người ba mươi tuổi đã thành danh có sự nghiệp và có chức quyền; thời nay, cũng có người ba mươi tuổi nhưng vẫn còn tay trắng nên một mảnh tình còm kiếm cũng không ra; thời nay, ba mưoi tuổi được coi là tuổi lý tưởng để phát triển nghề nghiệp và xây dựng sự nghiệp lớn, nhưng vẫn còn có rất nhiều người đã ba mươi tuổi mà vẫn còn đang thất nghiệp...

Đức Chúa Giê-su từ giã gia đình để công khai rao giảng tin mừng Nước Trời cũng vào tuổi ba mươi, như thế cũng đủ cho chúng ta nghiệm thấy rằng, tuổi ba mươi là tuổi trưởng thành và chín chắn trong ngôn từ và hành động.

Có những người Ki-tô hữu đã ba mươi năm chưa đến tòa cáo giải để làm hòa với Thiên Chúa; có những người Ki-tô hữu đã sống qua ba mươi mùa phục sinh, ba mươi mùa giáng sinh, nhưng vẫn chưa sửa đổi được một tật xấu của mình, cái đó thật đáng trách vì họ không còn có cảm giác mình là người Ki-tô hữu nữa.

Ba mươi tuổi mà vẫn còn ỷ lại vào tài sản của cha mẹ để hưởng thụ thì thật tội nghiệp cho họ; nhưng người Ki-tô hữu đã ba mươi tuổi mà vẫn luôn làm cho đức tin, đức cậy, đức mến của mình bám chặt vào Thiên Chúa thì thật là người có phúc vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 22 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:06 29/08/2020
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 16, 21-27.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình”.


Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại lời quả quyết của Đức Chúa Giê-su về việc ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ngài, tôi có hai cảm nghiệm này muốn chia sẻ với anh chị em:

1. Phải từ bỏ chính mình.

Con người ta không ai muốn từ bỏ mình, bởi vì từ bỏ mình có nghĩa là không còn là mình nữa, không còn là cái tôi căn tính của mình nữa, cho nên sẽ là khó chịu và cảm thấy bất an khi có người khuyên bảo nên từ bỏ chính mình.

Tôi muốn ăn ngon mặc đẹp đó là do cái tôi của tôi đòi hỏi, bây giờ lại có người khuyên tôi nên hy sinh ăn gì cũng được, mặc gì cũng được, thì dứt khoát là tôi không chịu và cảm thấy khó chịu khi có người soi mói đời tư của tôi; tôi là người có khiếu về âm nhạc nên tôi muốn được nổi danh, tôi sáng tác nhiều bài hát để hy vọng được mọi người biết đến, nhưng có người nói rằng nhạc tôi quá dở không có tâm tình, thế là cái tôi tự ái nổi lên, cái tôi giận hờn, cái tôi ghét ghen, cái tôi buồn bực ập đến làm cho tôi cảm thấy như bị xúc phạm…

Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta từ bỏ cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ghét ghen, cái tôi phê bình, cái tôi hờn giận.v.v…để theo làm môn đệ của Ngài, bởi vì tất cả những cái tôi ấy đều luôn phản kháng lại với thánh ý của Thiên Chúa, phản bác lại những gì mà Thiên Chúa đã dự định cho con người hưởng hạnh phúc mai sau với Ngài.

2. Lời can ngăn

Mỗi người, trong cuộc sống của mình ít nhất cũng là một lần được nghe lời can ngăn của người khác, và cũng có ít nhất là một lần nói lời can ngăn với người khác.

Thánh Phê-rô đã thành thật căn ngăn Đức Chúa Giê-su đừng có dại mà lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết khi mà Ngài biết rõ ai là kẻ giết mình. Lời can ngăn của thánh Phê-rô rất là chí lý, nhưng lại bị Đức Chúa Giê-su quở trách vì “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của loài người. ” (Mt 16, 23)

Có những lời can ngăn tích cực để chặn đứng một hành động xấu sắp xảy ra và có hại cho mọi người, nhưng cũng có những lời can ngăn tiêu cực không vì mọi người nhưng là vì tư lợi cá nhân, đó là lời can ngăn rất “có lý” khi thấy anh em làm việc nổi trội hơn mình như: đừng làm nổi quá kẻo người khác để ý, nào là đừng hăng say quá mà hao sức khỏe, nào là phải để ý đến bản thân mình.v.v… tất cả những lời can ngăn này của người có tâm hồn ích kỷ đều là tảng đá lớn chặn đường tiến của người khác.

Anh chị em thân mến,

Từ bỏ chính mình phải đi đôi với lòng thành thật, bởi vì có người “bỏ con tép để câu con…cá ngừ”, tức là họ chỉ làm bộ hy sinh một vài cái nhỏ mọn không nhằm nhò gì, để mưu cầu cái lợi ích lớn hơn nhiều cho bản thân mình, mà cái lợi ích lớn ấy là làm thỏa mãn cái tôi của mình, tức là để cái tôi càng ngày càng lớn lên theo hướng ích kỷ của mình.

Gợi ý suy tư:

- Tôi có từ bỏ mình theo hướng tích cực không, hướng tích cực là thấy cái tôi của mình luôn hướng về hưởng thụ thỏa mãn nhu cầu của thân xác?

- Có khi nào tôi vì ích kỷ, vì sợ người khác trổi vượt hơn mình mà tìm lý do chính đáng để ngăn cản họ không?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
CN 22A. Con người có hai bộ mặt
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
11:04 29/08/2020
Người ta thướng nói đồng tiền có hai mặt. Tấm huy chương nào cũng có hai phía. Những kiểu nói đó là một suy tư nhân học, tức là từ sự việc, sự vật, suy tư về sinh hoạt con người. Nếu một đồng tiền có 2 mặt, một khối vuông có 6 mặt, một viên kim cương có thể có tới 64 mặt, thì con người lại còn hơn thế : có muôn mặt !

Muôn mặt đó tóm về “hai này mà chớ” : một mặt tốt và một mặt xấu.

Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe hôm nay : “Satan hãy xéo đi” và lùi lại 7 ngày– Phúc m Chúa nhật tuần trước ta đọc : “Con là Đá…” Hai lời đó đều được Chúa Giêsu nói cho cùng một con người : Phêrô. Phêrô trong bài Phúc âm tuần trước là phát ngôn viên của Thiên Chúa khi tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” – Hôm nay, Phêrô lại là khí cụ của Satan : “Hỡi Satan hãy xéo đi !”

Vậy điểm thứ nhất, chúng ta cùng nhìn vào đó là : mỗi con người chúng ta có ít là 2 bộ mặt, 2 động cơ.

1. Mỗi người có ít là hai bộ mặt

-Như chúng ta thấy nơi Phêrô : một bộ mặt của Thiên Chúa, một của quỉ vương.

-Thánh Phaolô trong thư Rôma (7, 15) tâm sự : “Thật tôi không hiểu việc tôi làm chi hết, vì điều tôi ưng muốn, tôi không làm; điều tôi chê ghét, tôi lại cứ làm”.

-Cecilia Polocco (Chilê) đội vương miện hoa hậu -1987 tại Singapore. Cuộc thi đua cũng sẽ qua đi như bao cuộc thi khác, như ở Mêhicô, ở Tây Ban Nha… nếu sau đó báo chí không đăng lời sau đây của cô :

“Tôi cầu nguyện cho hoà bình mỗi ngày”. Có cái gì đó ánh lên nơi con người hoa hậu này.

-Hoa hậu áo dài Việt Nam 1989 Đỗ thị Kiều Khanh trước và có lẽ sau khi trở thành hoa hậu, (có hình in trên nhiều tờ lịch) là một con chiên ngoan đạo – cô đọc sách thánh trong thánh lễ hàng tuần.

-Những diễn viên, những minh tinh, những hoa hậu có một bộ mặt trình diễn, nhưng cũng có thể có một bộ mặt hướng thiên.

-Xem bộ phim “Con bạch tuộc” vào những tập cuối, chúng ta thấy một khuôn mặt lạnh như tiền, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, đầu chải láng… Đó là Tanô, người làm công và rồi trở thành ông chủ. Khi trở thành ông chủ giàu có, Tanô vẫn giữ trong tủ kính con ngựa gỗ què một chân, kỷ niệm của thời kỳ nghèo khổ. Rồi một tối áp Noel, ông chở cả một xe đồ chơi đến trại mồ côi của một linh mục để phát quà cho các em.

Trong mỗi con người dù ác đến đâu, cũng có một chút gì đó hiền dịu. Một em bé phá phách nghịch ngợm cứng đầu cứng cổ đến mấy, thế nào cũng có lúc mềm lòng chảy nước mắt. Đó cũng là nguyên tắc của giáo dục. Hãy nhìn giới trẻ có mặt sáng và mặt tối, có giả dối mà cũng có chân thành, có thiện tâm mà cũng có ác độc… để không thất vọng về một em nào.

2. Hai bộ mặt đó thay nhau ngự trị con người.

-Nếu bài Phúc âm hôm nay Chúa chê trách Phêrô, được đọc cách bài Phúc m Chúa khen Phêrô, đúng 7 ngày, thì trong sách, 2 bài này chỉ cách nhau có một câu. Điều đó có thể được hiểu, trong con người Phêrô 2 bộ mặt : một xướng ngôn viên của Thiên Chúa, một là khí cụ của Satan, thay nhau làm chủ. Vừa được đặt làm đá để xây Hội thánh – thì bị ngay câu la : ngươi trở thành đá vấp phạm (giống như viên đá có thể để xây nhà, nhưng cũng có thể làm người ta vấp té).

Rõ rệt hơn có lẽ là lần Phêrô vừa mạnh dạn tuyên bố sẵn sàng chết với Thầy, thì mấy giờ sau đó đã chối Thầy đến 3 lần. Hai bộ măt thay nhau ngự trị trong một con người.

-Báo Tuổi Trẻ ngày 30/8/90, khi điểm vở diễn mới mang tên “Cõi tình” hoặc “Phút giao thừa” đã đặt đề tựa phụ : “Tội ác mang gương mặt tình yêu.”

Câu chuyện kể, một người chồng đâm xe vào một người phu quét rác. Tưởng họ chết, nên bỏ chạy luôn. Theo lẽ phải thông thường: ra trình diện nhận trách nhiệm về mình. Nhưng nếu vậy thì: việc đi học nước ngoài, ghế thủ trưởng được hứa hẹn, tương lai tươi sáng đó sẽ đen xịt. Thế là những toan tính xuất hiện và tình yêu bị lợi dụng như một con bài để chạy tội. Cuối cùng là : đổ hết tội cho người vợ và ngang nhiên nhìn vợ như một phạm nhân. May thay, người phu quét rác không chết. Kịch bản vô nhân tính ấy không được thực hiện, vì người phu thấy rõ ai là người lái xe: nam hay nữ. Người vợ phẫn nộ nhận ra sự thật đáng sợ về con người lâu nay mình vẫn tin yêu. Người chồng bẽ bàng trước sự tráo trở của mình. Và tác giả bài điểm báo là Trường Sa đã viết câu này : “Cái kết thúc bi hài như một lời nhắc nhở : ma quỉ vẫn thường lẩn khuất ở trong chúng ta, chỉ cần một chút yếu lòng, nó sẽ biến ta thành nô lệ.”

-Không phải tập được một lần đức khiêm nhợng là không bao giờ kiêu ngạo nữa. Chỉ cần nửa giây (từ ngữ nhà Phật là sadna) là có thể đã kiêu căng. Không phải có được lòng tin rồi là không bao giờ nghi ngờ nữa. Chỉ cần một cơ hội nào đó là quỉ “phân vân” sẽ tấn công. Không phải tập được tính dịu hiền là không bao giờ to tiếng nữa. Ma quỉ vẫn lẩn khuất bên ta, chỉ một phút lơ đãng là ta bị hạ gục ngay.

-Nhiều lúc chúng ta đã từng thú nhận : không ngờ mình nóng đến như thế. Không ngờ mình nhẫn tâm đến như vậy. Cái nóng đã lên ngôi làm chủ thay cho hiền dịu. Cái nhẫn tâm đã chỉ huy thay cho lòng tốt. Hai bộ mặt thay nhau ngự trị con người. Đó là điểm thứ hai.

Mỗi con người có ít là 2 bộ mặt. Hai bộ mặt đó thay nhau ngự trị con người.

3. Tại sao lại như vậy

Tại sao lại như vậy? Tại sao trong con người lại có thiện và ác. Có xấu thật xấu mà cũng có tốt như thế. Câu trả lời có vẻ giáo khoa, thần học là : vì tội nguyên tổ, vì tội chúng ta.

Nhưng đọc trong bài Phúc âm hôm nay, chúng ta có thể trả lời tại sao vậy bằng : để thử thách, để thanh luyện chúng ta. Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình… (= bỏ mình là bỏ những cái xấu của mình); vác thập giá : phải tập luyện nhân đức để theo Chúa.

Như thế mới công trạng, như câu cuối bài Tin Mừng hôm nay : Khi Con Người đến trong vinh quang sẽ trả cho ai nấy theo cách ăn nết ở của họ. Nếu cuộc sống không phải chiến đấu giữa thiện và ác, thì thành quả chẳng vẻ vang gì. Chiến đấu không gian nan, thì vinh quang sao hiển hách được. Lựa chọn không vất vả – thành quả chẳng có giá.

Để kết luận : Chúng ta trả lời vấn nạn : giữa hai thế lực như vậy, làm sao chúng ta đứng vững. Câu trả lời sẽ là câu nói của Chúa cho Phêrô : Này Simon, Satan đã đòi sàng anh như sàng lúa, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh, để lòng tin của anh không biến mất. Trong lời kinh chính Chúa dạy ta, Ngài cũng đã nói với chúng ta hãy cầu nguyện như sau : Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ – nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Lời cầu xin sẽ giúp ta đứng vững. Nói đổi lời – chính ơn Chúa trợ giúp chúng ta. Nhưng trước khi xin – phải tin. Tôi tin kính.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:07 29/08/2020

12. Khắc chế miệng và bụng là công phu bước đầu tiên của tinh thần tu đức, không thể khắc chế lòng tham của miệng và bụng, thì rất khó mà khắc chế những tật xấu khác.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:13 29/08/2020
18. AI CŨNG XIN TIỀN

Thời ấy việc hối lộ trở thành phong trào, quan lớn quan nhỏ đều biến thành pháp luật để vòi vĩnh tiền của dân chúng.

Một hôm, trong cung có biểu diễn văn nghệ, có người diễn viên hóa trang thành Lữ Thuần Dương chống gậy đi đường, treo trên gậy thêm một trăm đồng, có một em bé đến kéo ông ta đòi lấy một trăm đồng ấy.

Nhưng không ngờ người xin tiền từng người từng người chạy nhanh đến, anh ta bị bao vây ở giữa, nhích một bước cũng khó, Lữ Thuần Dương thở dài một tiếng, nói:

- “Ái dà, cái cảnh xin tiền này, dù cho tôi là thần tiên thì cũng khó mà thỏa mãn họ được”.

(Nhã Ngược)

Suy tư 18:

Một đất nước có nhiều người ăn xin là một tín hiệu báo cho mọi người biết rằng, đất nước ấy chưa được phát triển và còn nghèo nàn lạc hậu và ý thức kém.

Chỉ là văn nghệ đóng vai kẻ có tiền mà thôi, nhưng khán giả chạy lên sân khấu xin tiền thì quả là một đất nước nghèo khổ và lạc hậu hết thuốc chữa...

Người nghèo đi ăn xin thì vẫn còn thông cảm và làm cho người khác động lòng trắc ẩn, nhưng những người làm quan mà đi “ăn xin” thì làm cho đất nước thụt lùi, mọi người căm hận, mà cái “ăn xin” của người làm quan to là tham ô, cái “ăn xin” của quan nhỏ chính là nhận của hối lộ và xách nhiễu dân chúng. Trong một đất nước mà hể ai có chút chức quyền thì có quyền hành hạ xách nhiễu dân để đòi “xin” tiền của dân, dù dân đó là người có tiền hay là không có tiền, thì đất nước ấy khó mà phát triển, bởi vì quan to quan nhỏ chỉ lo xin tiền của dân mà không lo việc nước.

Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su là Giáo Hội phổ quát, trong đó có người giàu và người nghèo, có quan lớn và quan nhỏ, nhưng tất cả đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi sống theo tinh thần nghèo khó của Phúc Âm, nghĩa là không có ăn xin kiểu hối lộ tham ô, nhưng ai cũng biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau, bởi vì ai cũng có tinh thần phục vụ yêu thương của Đức Chúa Giê-su ở trong mình.

Một đất nước có quá nhiều người ăn xin thì không tốt, nhưng một đất nước có nhiều người biết chia sẻ cho nhau là một bằng chứng Thiên Chúa đang hiện diện giữa mọi người, mà ở đâu có Thiên Chúa và chấp nhận Ngài thì ở đó sẽ có hòa bình, hạnh phúc và phú cường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đối diện với các cuộc biểu tình phản đối, linh mục phò Joe Biden chính thức xin lỗi
Đặng Tự Do
01:19 29/08/2020
Một linh mục ở Boston đã xin lỗi về một bài đăng trên mạng xã hội, trong đó ngài nói rằng ngài tin vào “quyền được lựa chọn” và bày tỏ sự ủng hộ đối với cựu phó tổng thống Joe Biden. Sau khi được đưa lên Facebook vào hôm Chúa Nhật 23 tháng 8, bài viết này đã nhận được sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông và dẫn đến một tuyên bố từ Đức Hồng Y Sean O’Malley.

“Xin hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi vì những ngộ nhận và tức giận do một bài đăng trên Facebook liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống và những người phụ nữ mang thai được mong đợi sinh con, ” Đức ông Paul Garrity, cha sở giáo xứ Lexington Catholic Community, viết trên Facebook vào tối ngày 27 tháng 8.

Trong bài đầu tiên vào ngày 23 tháng 8 trên Facebook có tiêu đề “TÔI LÀ NGƯỜI PHÒ SINH VÀ ỦNG HỘ JOE BIDEN, ” Đức Ông Garrity viết: “Tôi là người ủng hộ cuộc sống và tôi tin vào quyền lựa chọn của phụ nữ. Tôi sẽ bầu cho Joe Biden vào chức vụ Tổng thống vì tôi tin rằng Joe Biden cũng ủng hộ cuộc sống như tôi ”.

Đức Ông Garrity nói thêm rằng ngài tin rằng "bất kỳ phụ nữ nào mang thai đều có quyền lựa chọn sinh con của mình."

Hôm Chúa Nhật 23 tháng 8, Đức Ông Garrity viết:

“Tôi ủng hộ cuộc sống và tôi tin rằng mọi phụ nữ khi mang thai đều xứng đáng có quyền tự do lựa chọn cuộc sống. Đây là điều mà tôi tin Joe Biden tin tưởng và là một trong nhiều lý do mà tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ta vào tháng 11”. Vị linh mục kêu gọi “những người Công Giáo và những người khác” có cùng quan điểm cũng nên bỏ phiếu cho Biden.

Trong một tuyên bố sau đó với CNA vào hôm thứ Ba, Đức Ông Garrity nói rằng ngài đã tự coi mình là người "Phò Sinh" kể từ khi được thụ phong linh mục vào năm 1973, bất chấp sự ủng hộ của ngài dành cho luật cho phép phá thai.

“Tôi tin rằng đó là một bi kịch khi một phụ nữ ở mọi lứa tuổi quyết định kết thúc thai kỳ sớm”, Đức Ông Garrity nói trong một email gửi CNA ngày 25 tháng 8. Vị linh mục nói thêm rằng theo quan điểm của mình, những người Công Giáo “không nên là những cử tri bầu theo ‘một vấn đề duy nhất’ và Giáo hội ‘trung lập’ về vấn đề bỏ phiếu.”

Hôm thứ Năm, đứng trước nguy cơ của các cuộc biểu tình phản đối của anh chị em giáo dân trong giáo xứ đối với đường lối “phò sinh” lạ lùng này, Đức Ông Garrity minh định rằng ngài “hoàn toàn chống lại việc hợp pháp hóa phá thai.”

“Tôi cam kết duy trì giáo huấn của Giáo hội về sự thánh thiêng của sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, ” ngài viết trong một bài đăng gần đây nhất trên Facebook của mình. Đức Ông Garrity nói thêm rằng ngài “không chuẩn bị cho những phản hồi không thể thực hiện được” cho bài đăng trước đó của mình và rằng “điều cuối cùng mà tôi muốn làm là không làm tổn thương bất cứ ai bằng lời nói của tôi”.

Các tuyên bố ban đầu của Garrity đã gây ra một loạt phản ứng từ các quan chức tổng giáo phận, cả công khai và riêng tư.

Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y O'Malley, Tổng Giám mục Boston, đã ra một tuyên bố nói rằng người Công Giáo “có quyền mong đợi các linh mục của Tổng giáo phận và những người được giao phó việc truyền đạt đức tin phải rõ ràng và dứt khoát về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến sự tôn trọng và bảo vệ. cho sự sống từ giây phút thụ thai đầu tiên cho đến khi chết tự nhiên. ”

Ngài nói thêm: “Giáo huấn này là ưu tiên hàng đầu đối với Giáo hội.

Tuyên bố công khai của Đức Ông Garrity theo sau một lá thư ngày 25 tháng 8 của Cha Francis J. O’Connor, tổng cố vấn của Tổng giáo phận Boston, gửi các linh mục và nhân viên tổng giáo phận cảnh báo họ về các phát biểu trên mạng xã hội có liên quan đến chính trị.

Đức Ông Garrity được thụ phong linh mục vào năm 1973 và đã phục vụ tại nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận Boston. Trước khi về giáo xứ Lexington Catholic Community, ngài đã phục vụ tại giáo xứ St. Mary tại Lynn trong 18 năm.


Source:Catholic News Agency
 
Toàn văn diễn từ nhận đề cử của Tổng thống Trump
J.B. Đặng Minh An dịch
07:05 29/08/2020
Tối thứ Năm 27 tháng 8, theo giờ địa phương Washington DC, tại sân cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã đọc bài diễn văn kéo dài 71 phút chính thức chấp nhận là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Kim Thúy.

Sau lời giới thiệu của cô con gái Ivanka Trump, tổng thống nói:


Thưa các bạn, các vị đại biểu và các vị khách quý: Tôi đứng trước các bạn đêm nay rất vinh dự được các bạn ủng hộ; tự hào về những tiến bộ phi thường mà chúng ta đã cùng nhau đạt được trong bốn năm qua; và tràn đầy niềm tin vào tương lai tươi sáng mà chúng ta sẽ xây dựng cho nước Mỹ trong bốn năm tới!

Khi chúng ta bắt đầu buổi tối hôm nay, suy nghĩ của chúng ta hướng về những con người tuyệt vời vừa trải qua cơn thịnh nộ của cơn bão Laura. Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với các quan chức tiểu bang và địa phương ở Texas, Louisiana, Arkansas và Mississippi, đang làm mọi cách để cứu các mạng sống. Cơn bão thật là dữ dội, nó là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ trong 150 năm qua, dù thế, thương vong và thiệt hại trong 24 giờ qua ít hơn nhiều so với những gì có thể xảy ra. Điều này là do công sức to lớn của FEMA, các cơ quan thực thi pháp luật và mỗi tiểu bang. Tôi sẽ viếng thăm vào cuối tuần này. Chúng ta là một gia đình quốc gia, và chúng ta sẽ luôn bảo vệ, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.

Ở đây đêm nay là những người đã giúp cuộc hành trình của tôi trở nên khả thi, và lấp đầy cuộc sống của tôi với rất nhiều niềm vui.

Tôi muốn cảm ơn Đệ nhất phu nhân tuyệt vời của chúng ta, vì sự phục vụ đáng kinh ngạc của bà đối với đất nước và trẻ em của chúng ta. Tôi cũng muốn cảm ơn cô con gái tuyệt vời Ivanka của tôi về lời giới thiệu chương trình, và tới tất cả các con và cháu của tôi - tôi yêu họ hơn những lời lẽ có thể diễn tả. Tôi biết em trai tôi Robert hiện đang nhìn chúng ta từ trên trời cao. Em tôi là một người em tuyệt vời và rất tự hào về công việc mà chúng ta đang làm. Chúng ta cũng hãy dành một chút thời gian để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với một người đã luôn bên cạnh chúng ta để chiến đấu và đứng lên vì những giá trị của chúng ta - một người có đức tin sâu sắc và niềm tin kiên định: đó là Phó Tổng thống Mike Pence. Người vợ yêu quý của anh ấy, một giáo viên và là mẹ các quân nhân, Karen Pence, cũng có mặt với Mike.

Hỡi đồng bào Mỹ, tối nay, với tấm lòng biết ơn và lạc quan vô bờ bến, tôi tự hào chấp nhận đề cử này cho chức Tổng thống Hoa Kỳ.

Đảng Cộng hòa, đảng của Abraham Lincoln, luôn đoàn kết, quyết tâm và sẵn sàng chào đón hàng triệu đảng viên Dân chủ, Độc lập, và bất cứ ai tin tưởng vào SỰ TUYỆT VỜI của nước Mỹ và trái tim chính nghĩa của Nhân dân Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ mới với tư cách là tổng thống, chúng tôi sẽ lại xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử - nhanh chóng trở lại trạng thái có công ăn việc làm đầy đủ, thu nhập tăng vọt và sự thịnh vượng kỷ lục! Chúng ta sẽ BẢO VỆ HOA KỲ chống lại mọi mối đe dọa, và bảo vệ Mỹ trước mọi nguy hiểm. Chúng ta sẽ dẫn dắt HOA KỲ đến những biên giới mới của tham vọng và khám phá, và chúng ta sẽ vươn tới những đỉnh cao mới của thành tựu quốc gia. Chúng ta sẽ thắp lại niềm tin mới vào các giá trị của chúng ta, niềm tự hào mới về lịch sử của chúng ta, và một tinh thần đoàn kết mới CHỈ có thể được thực hiện thông qua tình yêu đối với đất nước của chúng ta. Bởi vì chúng ta hiểu rằng nước Mỹ KHÔNG phải là một vùng đất bị trùm kín trong bóng tối, trái lại, nước Mỹ là ngọn đuốc soi đường cho toàn thế giới.

Tập trung tại đây, tại Tòa Bạch Ốc xinh đẹp và uy nghiêm của chúng ta - được cả thế giới biết đến với cái tên Nhà Nhân dân - chúng ta không thể không ngạc nhiên trước điều kỳ diệu là Câu chuyện nước Mỹ vĩ đại của chúng ta. Đây là ngôi nhà với những pho tượng lớn hơn người thật như tượng của Teddy Roosevelt và Andrew Jackson, những người đã tập hợp người Mỹ đến những tầm nhìn táo bạo về một tương lai lớn hơn và tươi sáng hơn. Trong những bức tường này có những vị tướng ngoan cường như Tổng thống Grant và Eisenhower, những người đã lãnh đạo binh lính của chúng ta vì mục tiêu tự do. Từ những mảnh đất này, Thomas Jefferson đã gửi Lewis và Clark vào một cuộc thám hiểm táo bạo để băng qua một lục địa hoang dã và chưa được khám phá. Giữa đêm đen của một cuộc Nội chiến đẫm máu, Tổng thống Abraham Lincoln đã nhìn ra những ô cửa sổ này trên Đài tưởng niệm Washington đã hoàn thành một nửa - và cầu xin Chúa, trong sự Quan phòng của Ngài, cứu lấy sự hiệp nhất của chúng ta. Hai tuần sau trận Trân Châu Cảng, Franklin Delano Roosevelt chào đón Winston Churchill, và ngay bên trong tòa nhà này, họ khởi sự đưa người dân của chúng ta vào con đường chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong những tháng gần đây, quốc gia của chúng ta, và toàn bộ hành tinh, đã bị tấn công bởi một kẻ thù vô hình mới và mạnh mẽ. Giống như những người Mỹ dũng cảm trước chúng ta, chúng ta đang gặp thử thách này. Chúng ta đang cung cấp các liệu pháp cứu người, và sẽ sản xuất vắc-xin TRƯỚC cuối năm, hoặc thậm chí có thể sớm hơn! Chúng ta sẽ đánh bại VIRUS, chấm dứt đại dịch và nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điều đã hiệp nhất các thế hệ trong quá khứ là niềm tin không thể lay chuyển vào vận mệnh của nước Mỹ, và niềm tin không thể phá vỡ vào Nhân dân Mỹ. Họ biết rằng đất nước của chúng ta được Chúa chúc phúc và có một mục đích đặc biệt trên thế giới này. Chính niềm tin đó đã truyền cảm hứng cho sự hình thành liên bang của chúng ta, sự mở rộng về phía tây của chúng ta, xóa bỏ chế độ nô lệ, thông qua các quyền công dân, chương trình vũ trụ và lật đổ chủ nghĩa phát xít, chuyên chế và chủ nghĩa cộng sản.

Tinh thần Mỹ cao cả này đã chiến thắng mọi thử thách, và nâng chúng ta lên đỉnh cao những nỗ lực của con người.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả sự vĩ đại của chúng ta với tư cách là một quốc gia, mọi thứ chúng ta đạt được hiện đang bị đe dọa. Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nước ta. Chưa từng có thời điểm nào cử tri đứng trước sự lựa chọn rõ ràng hơn giữa hai đảng, hai tầm nhìn, hai triết lý, hay hai chương trình nghị sự.

Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta có CỨU được Giấc mơ Mỹ, hay liệu chúng ta lại cho phép một chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa PHÁ HỦY tương lai mà chúng ta ấp ủ.

Nó sẽ quyết định liệu chúng ta có nhanh chóng tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao hay không, hay liệu chúng ta lại nghiền nát các ngành công nghiệp của mình và gửi hàng triệu công việc này ra nước ngoài, như đã từng làm trong nhiều thập kỷ trước.

Lá phiếu của các bạn sẽ quyết định liệu chúng ta có bảo vệ những người Mỹ tuân thủ luật pháp hay chúng ta trao quyền thống trị tự do cho những kẻ bạo lực vô chính phủ, những kẻ kích động và tội phạm đe dọa công dân của chúng ta.

Và cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta sẽ bảo vệ lối sống của người Mỹ, hay chúng ta lại cho phép một phong trào cấp tiến hoàn toàn phá bỏ và phá hủy nó.

Tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ, Joe Biden và đảng của ông ta đã nhiều lần công kích Mỹ là vùng đất của sự bất công về chủng tộc, kinh tế và xã hội. Vì vậy, tối nay, tôi hỏi các bạn một câu rất đơn giản: Làm sao Đảng Dân chủ lại có thể đòi lãnh đạo đất nước của chúng ta khi nó dành quá nhiều thời gian để xé nát đất nước này?

Theo quan điểm lạc hậu của cánh tả, họ không coi Mỹ là quốc gia tự do, công bằng và đặc biệt nhất trên trái đất. Thay vào đó, họ thấy đây là một quốc gia gian ác phải bị trừng phạt vì tội lỗi của mình.

Đối thủ của chúng ta nói rằng sự cứu rỗi cho CÁC BẠN chỉ có thể đến từ việc trao quyền lực cho HỌ. Đây là một bài ca nhàm chán được lặp đi lặp lại bởi mọi phong trào đàn áp trong suốt lịch sử loài người.

Nhưng ở đất nước này, chúng ta không tìm đến các chính trị gia chạy theo danh vọng để được cứu rỗi. Ở Mỹ, chúng ta không tìm đến chính phủ để phục hồi linh hồn của mình - chúng ta đặt niềm tin của mình vào Thiên Chúa toàn năng.

Joe Biden không phải là vị cứu tinh cho linh hồn nước Mỹ - hắn là kẻ hủy diệt công ăn việc làm của nước Mỹ, và nếu có cơ hội, hắn ta sẽ là kẻ hủy diệt Sự Vĩ Đại của Hoa Kỳ.

Trong 47 năm, Joe Biden đã nhận tiền quyên góp của những công nhân, trao cho họ những cái ôm và thậm chí là những nụ hôn, và nói với họ rằng ông ta cảm thấy nỗi đau của họ - và sau đó ông ta trở lại Washington và bỏ phiếu chuyển công việc của họ đến Trung Quốc và nhiều vùng đất xa xôi khác. Joe Biden đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình để thực hiện việc triệt phá những giấc mơ của Người Lao Động Mỹ, xuất khẩu công việc của họ, mở cửa biên giới và gửi con trai và con gái của họ đi chiến đấu trong các cuộc chiến viễn chinh bất tận.

Bốn năm trước, tôi ra tranh cử Tổng thống vì tôi không thể nào tiếp tục nhìn thấy sự phản bội đất nước của chúng ta lâu hơn nữa. Tôi không thể ngồi yên khi các chính trị gia chuyên nghiệp để các nước khác lợi dụng chúng ta về mặt thương mại, biên giới, các chính sách đối ngoại và quốc phòng. Các đối tác NATO của chúng ta là một ví dụ, chúng ta đã chịu thiệt thòi, họ đóng góp rất ít trong ngân sách quốc phòng. Nhưng trước sự thúc giục mạnh mẽ của tôi, họ đã đồng ý trả thêm 130 tỷ đô la mỗi năm. Con số này cuối cùng sẽ lên tới 400 tỷ đô la. Tổng thư ký Stoltenberg, người đứng đầu NATO, đã rất ngạc nhiên và nói rằng Tổng thống Trump đã làm điều mà không ai khác có thể làm được.

Kể từ thời điểm tôi bỏ lại cuộc sống cũ phía sau, là một cuộc sống rất tốt đẹp, tôi đã không làm gì khác hơn ngoài chiến đấu cho CÁC BẠN.

Tôi đã làm điều mà giới chính trị của chúng ta không bao giờ mong đợi và không bao giờ có thể tha thứ, khi phá vỡ quy tắc cốt yếu của Chính trị Washington. TÔI ĐÃ GIỮ LỜI CỦA MÌNH.

Cùng nhau, chúng ta đã chấm dứt sự thống trị của giai cấp chính trị thất bại - và họ đang tuyệt vọng lấy lại quyền lực của mình bằng mọi cách cần thiết. Họ giận tôi vì thay vì đặt HỌ LÊN TRƯỚC, tôi lại đặt NƯỚC MỸ LÊN ĐẦU!

Vài ngày sau khi nhậm chức, chúng tôi đã gây chấn động Chính giới Washington và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của chính quyền cũ, là hiệp định đang giết chết công ăn việc làm của chúng ta. Sau đó, tôi đã phê duyệt các Đường Ống Dẫn Dầu Keystone XL và Dakota, chấm dứt Thỏa thuận Khí hậu Paris không công bằng và tốn kém, và lần đầu tiên bảo đảm Độc lập Năng lượng Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thông qua việc cắt giảm các quy định và mức thuế quan kỷ lục, với một tốc độ mà chưa ai từng thấy trước đây. Trong vòng ba năm ngắn ngủi, chúng ta đã xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

Những người trong cuộc ở Washington yêu cầu tôi ĐỪNG đứng lên chống lại Trung Quốc - họ đã cầu xin tôi cứ để Trung Quốc tiếp tục đánh cắp công ăn việc làm của chúng ta, trấn lột chúng ta và tha hồ cướp bóc đất nước của chúng ta. Nhưng tôi đã giữ lời với Người dân Mỹ. Chúng ta đã thực hiện hành động cứng rắn nhất, táo bạo nhất, mạnh mẽ nhất và ngoan cường nhất chống lại Trung Quốc trong Lịch sử Hoa Kỳ.

Họ nói rằng không thể chấm dứt và thay thế NAFTA - nhưng một lần nữa, họ đã sai. Đầu năm nay, tôi đã kết thúc cơn ác mộng NAFTA và ký thành luật Thỏa thuận Mexico Canada hoàn toàn mới. Giờ đây, các công ty xe hơi và những công ty khác đang xây dựng các nhà máy và xí nghiệp của họ ở Mỹ, chứ không phải là sa thải nhân viên của họ và bỏ rơi chúng ta.

Có lẽ không có lĩnh vực nào mà các nhóm lợi ích đặc biệt ở Washington cố gắng ngăn cản chúng tôi hơn là chính sách nhập cư của tôi vì thiện ích của Hoa Kỳ. Nhưng tôi không chịu lùi bước - và ngày nay biên giới của Hoa Kỳ an toàn hơn BAO GIỜ. Chúng ta đã KẾT THÚC việc bắt và thả, ngăn chặn việc xin tị nạn gian lận, triệt hạ những kẻ buôn người săn phụ nữ và trẻ em, và chúng ta đã trục xuất 20, 000 thành viên các băng đảng và 500, 000 ngoại kiều tội phạm. Chúng ta đã xây dựng 300 dặm Tường Biên Giới - và chúng ta có thêm 10 dặm mới mỗi tuần. Bức tường sẽ sớm được hoàn thiện và nó đang hoạt động ngoài mong đợi của chúng ta.

Chúng ta được tham gia vào buổi tối hôm nay bởi các thành viên của công đoàn Tuần tra Biên giới, đại diện cho các nhân viên biên giới dũng cảm của đất nước chúng ta. Cảm ơn tất cả.

Khi tôi biết rằng Chính quyền Thung lũng Tennessee sa thải hàng trăm Công nhân Mỹ và buộc họ phải đào tạo những người nước ngoài thay thế cho họ với đồng lương thấp hơn, tôi đã ngay lập tức cách chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và giờ đây, những người Công nhân Mỹ tài năng đó đã được tuyển dụng trở lại và đang trở lại cung cấp điện cho Georgia, Alabama, Tennessee, Kentucky, Mississippi, North Carolina và Virginia. Họ đã quay lại công việc cũ và một số người ở đây với chúng ta tối nay. Xin hãy đứng dậy.

Tháng trước, tôi đã can thiệp vào Big Pharma và ký các sắc lệnh để giảm giá thuốc theo toa của các bạn một cách mạnh mẽ và để cho những bệnh nhân bị bệnh nặng tiếp cận được với các phương pháp chữa bệnh hiệu quả, chúng ta đã thông qua luật lệ được chờ đợi hàng thập kỷ là luật về quyền được yêu cầu thử các phương pháp trị liệu. Chúng ta cũng đã thông qua các luật về Trách nhiệm giải trình và Lựa chọn dành cho các cựu chiến binh

Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tôi, chúng ta đã phê chuẩn hơn 300 thẩm phán liên bang, bao gồm cả hai Thẩm phán Tòa án Tối cao mới tuyệt vời. Để mang lại sự thịnh vượng cho các thành phố bị lãng quên của chúng ta, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để thông qua các cải cách lịch sử về tư pháp hình sự, cải cách nhà tù, các vùng cơ hội, tài trợ dài hạn cho các trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen lịch sử, và, trước khi Virus Trung Quốc xâm nhập, chúng ta đã đạt được một tình trạng thất nghiệp tốt nhất trong lịch sử liên quan đến những người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Á. Tôi đã làm được nhiều việc hơn cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ Abraham Lincoln, tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa. Tôi đã làm được nhiều việc hơn trong ba năm cho cộng đồng da đen so với Joe Biden đã làm trong 47 năm — và khi tôi được bầu lại, sẽ còn nhiều điều tốt hơn thế nữa!

----------------------------

Khi tôi nhậm chức, Trung Đông hoàn toàn hỗn loạn. ISIS đang hoành hành, Iran đang trỗi dậy, và cuộc chiến ở Afghanistan chưa có hồi kết. Tôi đã rút khỏi cái thỏa thuận hạt nhân khủng khiếp, một chiều với Iran. Không giống như nhiều tổng thống trước tôi, tôi đã giữ lời hứa, công nhận thủ đô thực sự của Israel và chuyển Đại sứ quán của chúng ta đến Giêrusalem. Nhưng chúng ta không chỉ nói về nó như một địa điểm trong tương lai, chúng ta còn xây dựng nó. Thay vì chi 1 tỷ đô la cho một tòa nhà mới theo kế hoạch, chúng ta đã lấy một tòa nhà hiện có ở một vị trí tốt hơn và khánh thành với chi phí dưới 500, 000 đô la. Chúng ta cũng công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và trong tháng này, chúng ta đã đạt được thỏa thuận hòa bình Trung Đông đầu tiên sau 25 năm. Ngoài ra, chúng ta đã xóa sổ 100% cái gọi là nhà nước của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, và tiêu diệt kẻ sáng lập kiêm lãnh đạo của nó là Abu Bakr al-Baghdadi. Sau đó, trong một chiến dịch khác, chúng ta đã tiêu diệt tên khủng bố số một thế giới, Qasem Soleimani.

Không giống như các chính quyền trước đây, tôi đã giữ nước Mỹ bên NGOÀI các cuộc chiến tranh mới - và quân đội của chúng ta đang trở về nhà. Chúng ta đã chi gần 2.5 nghìn tỷ đô la để xây dựng lại hoàn toàn quân đội của mình, vốn đã cạn kiệt rất nhiều khi tôi nhậm chức. Điều này bao gồm ba lần tăng lương riêng biệt cho các chiến binh vĩ đại của chúng ta. Chúng ta cũng ra mắt Lực lượng Không gian, một binh chủng mới đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ kể từ khi Lực lượng Không quân được thành lập cách đây gần 75 năm.

Chúng ta đã dành 4 năm qua để khắc phục thiệt hại mà Joe Biden gây ra trong 47 năm qua.

Hồ sơ của Biden là một danh sách đáng xấu hổ về những phản bội và sai lầm thảm khốc nhất trong cuộc đời chúng ta. Ông ta đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho mặt trái của lịch sử. Biden đã bỏ phiếu cho thảm họa NAFTA, một thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ban hành; ông ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một trong những thảm họa kinh tế lớn nhất mọi thời đại. Sau những thảm họa do Biden gây ra đó, Hoa Kỳ mất một phần tư công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Những công nhân bị sa thải ở Michigan, Ohio, New Hampshire, Pennsylvania, và nhiều tiểu bang khác không muốn những lời nói đồng cảm đầu môi chót lưỡi rỗng tuếch của Joe Biden, họ muốn có việc làm trở lại!

Với tư cách là phó tổng thống, ông ta ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vốn có thể coi là bản án tử hình đối với ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ; ông ta đã ủng hộ thỏa thuận thương mại Hàn Quốc khủng khiếp, vốn đã lấy đi nhiều việc làm của đất nước chúng ta. Ông ta nhiều lần ủng hộ việc ân xá hàng loạt cho những người nhập cư bất hợp pháp. Ông ta đã bỏ phiếu cho Chiến tranh Iraq; ông phản đối sứ mệnh tiêu diệt Osama bin Laden; ông ta phản đối việc giết Soleimani; ông ta đánh giá thấp sự trỗi dậy của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và cổ vũ sự trỗi dậy của Trung Quốc như là “một sự phát triển tích cực” đối với Mỹ và thế giới. Đó là lý do tại sao Trung Quốc ủng hộ Joe Biden và rất muốn ông ta giành được chiến thắng.

Trung Quốc sẽ sở hữu đất nước của chúng ta nếu Joe Biden đắc cử. Không giống như Biden, tôi sẽ buộc Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thảm kịch mà họ đã gây ra.

Trong những tháng gần đây, quốc gia của chúng ta và phần còn lại của thế giới, đã phải hứng chịu một đại dịch chưa từng thấy trong đời người mà Trung Quốc để cho lây lan trên toàn cầu. Chúng ta rất biết ơn khi được tham gia đêm nay bởi một số y tá đáng khâm phục và những người phản ứng đầu tiên của chúng ta - xin vui lòng đứng lên và nhận lời cảm ơn sâu sắc của chúng tôi. Nhiều người Mỹ đã buồn bã khi mất đi những người bạn và những người thân yêu vì căn bệnh khủng khiếp này. Là một quốc gia, chúng ta thương tiếc, chúng ta đau buồn, và chúng ta giữ trong trái tim mình mãi mãi những ký ức về tất cả những mảnh đời bi thảm đó. Để vinh danh họ, chúng ta hãy đoàn kết. Giữa những ký ức về họ, chúng ta sẽ vượt qua.

Khi Virus Trung Quốc tấn công, chúng ta đã phát động cuộc tổng động viên quốc gia lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II. Viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, chúng ta đã sản xuất một nguồn cung cấp máy thở lớn nhất thế giới. Không một người Mỹ nào cần máy thở lại bị từ chối máy thở. Chúng ta đã vận chuyển hàng trăm triệu khẩu trang, găng tay và áo choàng cho các nhân viên y tế tuyến đầu của mình. Để bảo vệ những người cao niên của đất nước mình, chúng ta đã gấp rút cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm và nhân sự cho các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn. Binh chủng Công binh xây dựng các bệnh viện dã chiến, và binh chủng Hải quân triển khai các tàu bệnh viện lớn của chúng ta.

Chúng ta đã phát triển, ngay từ đầu, hệ thống thử nghiệm lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Mỹ đã thử nghiệm nhiều hơn tất cả các quốc gia Âu Châu cộng lại, và hơn tất cả các quốc gia ở Tây Bán cầu KẾT HỢP lại. Chúng ta đã tiến hành hơn 40 triệu cuộc thử nghiệm so với quốc gia kế tiếp.

Chúng ta đã phát triển một loạt các phương pháp điều trị hiệu quả, bao gồm một phương pháp điều trị mạnh mẽ được gọi là Huyết tương hồi phục sẽ cứu sống hàng ngàn người. Nhờ những tiến bộ mà chúng ta đã đi tiên phong, tỷ lệ tử vong đã giảm 80 phần trăm kể từ tháng Tư.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp của Liên minh Âu châu cao hơn gần ba lần so với chúng ta. Nhìn chung, các quốc gia ở Âu Châu đã có tỷ lệ tử vong vượt hơn 30% so với Hoa Kỳ.

Chúng ta đã ban hành gói cứu trợ tài chính lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhờ Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương của chúng ta, chúng ta đã cứu hoặc hỗ trợ hơn 50 triệu việc làm ở Mỹ. Kết quả là, chúng ta đã thấy sự thu hẹp kinh tế nhỏ nhất so với bất kỳ quốc gia Tây phương lớn nào, và chúng ta đang phục hồi nhanh hơn nhiều. Trong ba tháng qua, chúng ta đã đạt được hơn 9 triệu việc làm, đó là một kỷ lục mới.

Thật không may, ngay từ đầu, các đối thủ của chúng ta đã cho thấy mình không có gì khác ngoài khả năng phản biện. Khi tôi có hành động táo bạo là ban hành lệnh cấm hành khách từ Trung Quốc sang, Joe Biden đã gọi đó là hành động cuồng loạn và bài ngoại. Nếu chúng ta lắng nghe Joe, hàng trăm nghìn người Mỹ nữa sẽ chết.

Thay vì làm theo các hướng dẫn khoa học, Joe Biden muốn gây ra sự đóng cửa đau đớn trên toàn bộ đất nước. Việc đóng cửa của ông ta sẽ gây ra những tổn hại không thể tưởng tượng được và có ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ em, gia đình và công dân của đất nước chúng ta thuộc mọi bối cảnh.

Cái giá phải trả cho việc đóng cửa của Biden sẽ được tính bằng việc gia tăng sử dụng ma túy, trầm cảm, nghiện rượu, tự tử, đau tim, tàn phá kinh tế và hơn thế nữa. Kế hoạch của Joe Biden không phải là giải pháp cho virus, mà là đầu hàng.

Chính quyền của tôi có một cách tiếp cận khác. Để cứu càng nhiều sinh mạng càng tốt, chúng tôi đang tập trung vào khoa học, sự kiện và dữ liệu. Chúng tôi đang tích cực bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất - đặc biệt là người cao niên - đồng thời cho phép những người Mỹ có nguy cơ thấp trở lại nơi làm việc và trường học một cách an toàn.

Quan trọng nhất, chúng ta đang thuyết phục các thiên tài khoa học của Mỹ sản xuất một loại vắc-xin trong THỜI GIAN KỶ LỤC. Trong Chiến dịch Warp Speed, chúng ta có ba loại vắc-xin khác nhau đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ngay bây giờ, trước nhiều năm so với những gì đã đạt được trước đó. Chúng ta đang sản xuất trước, để hàng trăm triệu liều sẽ nhanh chóng có sẵn.

Chúng ta sẽ có một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả trong năm nay, và chúng ta sẽ cùng nhau tiêu diệt vi-rút.

Tại đại hội đảng Dân chủ, các bạn hầu như không nghe thấy một lời nào về chương trình nghị sự của họ. Nhưng đó không phải là vì họ không có. Đó là bởi vì chương trình nghị sự của họ là một bộ những đề xuất cực đoan nhất từng được đưa ra bởi một ứng cử viên của một đảng lớn. Joe Biden tuyên bố ông ta là “đồng minh của Ánh sáng”, nhưng khi nói đến chương trình nghị sự của mình, Biden muốn giữ các bạn hoàn toàn trong bóng tối.

Ông ta đã cam kết tăng thuế 4 nghìn tỷ đô la đối với hầu hết các gia đình Mỹ, điều này sẽ làm sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế đang cải thiện nhanh chóng của chúng ta và một lần nữa đe dọa thị trường chứng khoán. Mặt khác, cũng như tôi đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, tôi sẽ cắt giảm thuế hơn nữa đối với những ông bố, bà mẹ chăm chỉ, chứ không phải là tăng thuế. Chúng ta cũng sẽ cung cấp các khoản tín dụng để mang việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ - và chúng ta sẽ áp đặt thuế quan đối với bất kỳ công ty nào rời Mỹ để sản xuất ở nước ngoài. Chúng ta sẽ bảo đảm các công ty và công việc của chúng ta ở lại đất nước của chúng ta, như tôi đã và đang làm. Chương trình nghị sự của Joe Biden là Made in China. Chương trình nghị sự của tôi là MADE IN USA.

Biden đã hứa xóa bỏ việc sản xuất dầu, than, đá phiến sét và khí đốt tự nhiên của Mỹ - gây lãng phí cho các nền kinh tế của Pennsylvania, Ohio, Texas, North Dakota, Oklahoma, Colorado và New Mexico. Hàng triệu việc làm sẽ bị mất và giá năng lượng sẽ tăng cao. Chính những chính sách này đã dẫn đến tình trạng mất điện tê liệt ở California chỉ mới tuần trước. Làm thế nào Joe Biden có thể tự nhận mình là “đồng minh của Ánh sáng” khi nhóm của ông ta thậm chí không thể tiếp tục giữ được ánh sáng các ngọn đèn?

Chiến dịch của Joe Biden thậm chí đã xuất bản một nghị quyết về chính sách dài 110 trang đồng tác giả với Thượng nghị sĩ Cánh tả Bernie Sanders. Tuyên ngôn Biden-Bernie kêu gọi đình chỉ TẤT CẢ việc trục xuất những ngoại kiều cư trú bất hợp pháp, thực hiện việc trả tự do cho những người đang bị Bộ di trú giam giữ trên toàn quốc; và cung cấp cho những ngoại kiều bất hợp pháp này các luật sư miễn phí bằng tiền đóng thuế của người dân. Joe Biden gần đây đã giơ tay trên diễn đàn tranh luận và hứa tặng ngân sách chăm sóc sức khỏe của CÁC BẠN cho những người nhập cư bất hợp pháp. Ông ta cũng hỗ trợ các Thành phố Che chở đang bảo vệ những người cư trú bất hợp pháp phạm tội. Ông ta hứa sẽ chấm dứt các lệnh cấm đi lại vì an ninh quốc gia từ các quốc gia theo chủ nghĩa thánh chiến, và ông cam kết sẽ tăng 700% số người tị nạn. Kế hoạch Biden sẽ loại bỏ biên giới của Hoa Kỳ giữa một đại dịch toàn cầu.

Biden cũng tuyên bố sẽ phản đối việc Lựa chọn Trường học và đóng cửa các trường Bán công, tước bỏ nấc thang cơ hội dành cho trẻ em Da đen và Tây Ban Nha.

Trong học kỳ thứ hai, tôi sẽ MỞ RỘNG các trường bán công và cung cấp LỰA CHỌN TRƯỜNG cho mọi gia đình ở Mỹ. Và chúng ta sẽ luôn đối xử với giáo viên của chúng ta với sự tôn trọng to lớn mà họ đáng có.

Joe Biden tuyên bố rằng ông ta có sự đồng cảm với những người dễ bị tổn thương - tuy nhiên nhóm mà ông ta lãnh đạo ủng hộ việc phá thai trong những thời kỳ chót của thai kỳ đối với những đứa trẻ không có khả năng tự vệ ngay cả cho đến thời điểm SINH RA. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ nói về sự tôn nghiêm đạo đức, nhưng họ không thấy có vấn đề gì với việc làm ngừng nhịp tim đập của một đứa trẻ ở tháng thứ 9 của thai kỳ.

Các chính trị gia đảng Dân chủ từ chối bảo vệ cuộc sống vô tội, và sau đó họ giảng cho chúng ta về đạo đức và ơn cứu rỗi linh hồn nước Mỹ? Đêm nay, chúng ta tự hào tuyên bố rằng tất cả trẻ em, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều có QUYỀN SỐNG ĐƯỢC THIÊN CHÚA BAN CHO.

Trong Hội nghị Đảng Dân chủ, các từ “Dưới quyền của Chúa” đã bị xóa khỏi Lời tuyên thệ - không phải một lần mà là hai lần, bất kể thực tế là, Thiên Chúa chính là xuất xứ của họ.

Nếu phe cánh tả giành được quyền lực, họ sẽ phá hủy các vùng ngoại ô, tịch thu súng của các bạn và bổ nhiệm các thẩm phán, những người sẽ xóa bỏ Tu chính án thứ hai của các bạn và các quyền tự do Hiến định khác.

Biden là con ngựa thành Troy cho chủ nghĩa xã hội. Nếu Joe Biden không có đủ sức mạnh để chống lại những người theo chủ nghĩa Marx với đôi mắt ngông cuồng như Bernie Sanders và những người cực đoan theo ông ta, thì làm sao ông ta có thể đứng lên VÌ các bạn?

Khía cạnh nguy hiểm nhất của chương trình nghị sự của Biden là cuộc tấn công vào an toàn công cộng. Tuyên ngôn Biden-Bernie kêu gọi Hủy bỏ tiền bảo lãnh, ngay lập tức thả 400, 000 tội phạm ra đường và vào các khu xóm của các bạn.

Khi được hỏi liệu anh ta có ủng hộ việc cắt giảm tài trợ của cảnh sát hay không, Joe Biden trả lời: “Đúng thế”. Khi nữ Dân biểu Ilhan Omar gọi sở cảnh sát Minneapolis là căn bệnh ung thư “đã thối rữa tận gốc”, Biden đã không rút lại sự ủng hộ đối với cô ta và cũng chẳng bác bỏ luận điểm sai trái này của cô ta – trái lại, ông ta còn tự hào đăng điều đó trên trang web của mình.

Đừng mắc sai lầm, nếu các bạn trao quyền lực cho Joe Biden, cánh tả cực đoan sẽ tiêu diệt các Sở Cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Họ sẽ thông qua luật liên bang để giảm bớt việc thực thi luật pháp trên toàn quốc. Họ sẽ làm cho mọi thành phố trông giống như Portland, Oregon do Đảng Dân chủ điều hành. Không ai được an toàn trên nước Mỹ của Biden.

Chính quyền của tôi sẽ luôn đứng về phía những người nam nữ thực thi pháp luật. Mỗi ngày, các nhân viên cảnh sát đã liều mạng để giữ an toàn cho chúng ta, và hàng năm, rất nhiều người đã hy sinh tính mạng của mình trong khi làm nhiệm vụ.

Một trong những người Mỹ đáng khâm phục này là Thám tử Miosotis Familia. Cô ấy là một phần của đội Anh hùng Mỹ được gọi là NYPD hoặc Tinh hoa của New York. Ba năm trước vào ngày cuối tuần 4 tháng 7, Thám tử Familia đang làm nhiệm vụ trên xe của cô ấy thì cô ấy bị phục kích ngay sau nửa đêm và bị giết bởi một con quái vật ghét cô ấy chỉ vì cô ấy đeo huy hiệu cảnh sát.

Thám tử Familia là một bà mẹ đơn thân - cô ấy đã yêu cầu làm ca đêm để có thể dành nhiều thời gian hơn cho các con của mình. Hai năm trước, tôi đã đứng trước Điện Capitol Hoa Kỳ cùng với những đứa trẻ đó, và nắm tay Bà của chúng khi họ thương tiếc trước sự mất mát khủng khiếp này và chúng ta tôn vinh cuộc sống phi thường của Thám tử Familia.

Ba đứa con của thám tử Familia ở với chúng ta tối nay. Genesis, Peter và Delilah, chúng ta rất biết ơn khi có các con ở đây tối nay. Tôi hứa với các con rằng chúng ta sẽ trân trọng mẹ các con trong ký ức của chúng ta mãi mãi.

Chúng ta phải nhớ rằng phần lớn các viên chức cảnh sát ở đất nước này là cao quý, can đảm và đáng được tôn trọng. Chúng ta phải cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật, là ngành cảnh sát của chúng ta, sự hỗ trợ quyền lực của họ. Họ sợ phải hành động. Họ sợ mất lương hưu. Họ sợ bị mất việc làm và sợ rằng họ không thể làm được việc của mình. Và những người đau khổ nhất chính là những người tuyệt vời mà họ vô cùng muốn bảo vệ.

Khi có hành vi sai trái của cảnh sát, hệ thống tư pháp phải quy trách nhiệm đầy đủ và hoàn toàn cho những người làm sai, và điều đó sẽ xảy ra. Nhưng điều mà chúng ta không bao giờ có thể có ở Mỹ - và không bao giờ được phép - là LUẬT GIANG HỒ. Bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể, Đảng Cộng hòa lên án bạo loạn, cướp bóc, đốt phá và bạo lực mà chúng ta đã thấy ở các thành phố do Đảng Dân chủ điều hành như Kenosha, Minneapolis, Portland, Chicago và New York.

Bạo lực và nguy hiểm đang xảy ra trên đường phố của nhiều thành phố do Đảng Dân chủ điều hành trên khắp nước Mỹ. Vấn đề này có thể dễ dàng được khắc phục nếu họ muốn. Chúng ta luôn phải có luật lệ và trật tự. Tất cả các tội phạm liên bang đang được điều tra, truy tố và trừng phạt ở mức tối đa của pháp luật.

Khi những kẻ vô chính phủ bắt đầu phá hủy các bức tượng và tượng đài của chúng ta, tôi đã ký một lệnh, mười năm tù giam, và tất cả đã dừng lại.

Trong suốt đại hội của họ, Joe Biden và những người ủng hộ ông hoàn toàn im lặng về việc những kẻ bạo loạn và tội phạm đang gieo rắc tình trạng hỗn loạn ở các Thành phố do đảng Dân chủ khởi xướng. Đối mặt với tình trạng vô chính phủ và tình trạng hỗn loạn của cánh tả ở Minneapolis, Chicago và các thành phố khác, chiến dịch của Joe Biden đã không lên án nó nhưng họ GÂY QUỸ cho nó. Ít nhất 13 thành viên trong đội ngũ nhân viên chiến dịch của Joe Biden đã quyên góp vào quỹ cứu trợ nằm đưa những kẻ phá hoại, những kẻ đốt phá, cướp bóc và bạo loạn ra khỏi nhà tù.

Hiện diện ở đêm nay là gia đình đau buồn của Đại úy cảnh sát đã nghỉ hưu David Dorn, một cựu chiến binh 38 năm của Sở Cảnh sát St. Louis. Vào tháng 6, Đại úy Dorn bị bắn chết khi cố gắng bảo vệ một cửa hàng khỏi những kẻ bạo loạn và cướp bóc. Chúng ta rất vinh dự được có sự tham gia tối nay của vợ của anh ấy, cô Ann và các thành viên yêu quý trong gia đình là Brian và Kielen. Với mỗi người trong số các bạn, tôi muốn nói chúng ta sẽ không bao giờ quên di sản anh hùng của Đại úy David Dorn.

Chừng nào tôi còn là Tổng thống, tôi sẽ bảo vệ quyền tuyệt đối của mọi công dân Hoa Kỳ là được sống trong an ninh, nhân phẩm và hòa bình.

Nếu Đảng Dân chủ muốn sát cánh với những kẻ vô chính phủ, những kẻ kích động, bạo loạn, cướp bóc và đốt cờ, điều đó tùy thuộc vào họ, nhưng tôi, với tư cách là Tổng thống của các bạn, sẽ không tham gia. Đảng Cộng hòa sẽ vẫn là tiếng nói của những anh hùng yêu nước, những người giữ cho nước Mỹ được an toàn.

Năm ngoái, hơn 1, 000 người Mỹ gốc Phi đã bị sát hại do tội ác bạo lực chỉ tại bốn thành phố do Đảng Dân chủ điều hành. 10 thành phố nguy hiểm hàng đầu trong cả nước đều do đảng Dân chủ điều hành, và đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Thêm hàng nghìn người Mỹ gốc Phi là nạn nhân của tội phạm bạo lực trong các cộng đồng mà Joe Biden này và cánh tả phớt lờ những Nạn nhân Mỹ này. TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀM NHƯ THẾ.

Nếu Cánh tả Cấp tiến nắm quyền, họ sẽ áp dụng các chính sách tai hại của mình đối với mọi thành phố, thị trấn và các vùng ngoại ô ở Mỹ.

Khó tưởng tượng nổi tình thế sẽ ra sao nếu những người được gọi là biểu tình ôn hòa trên đường phố nắm được mọi đòn bẩy quyền lực trong Chính phủ Hoa Kỳ.

Các chính trị gia cấp tiến tuyên bố lo ngại về sức mạnh của các thể chế Mỹ. Nhưng ai, chính xác là ai, đang tấn công họ? Ai đang thuê các giáo sư, thẩm phán và công tố viên cấp tiến? Ai đang cố gắng bãi bỏ việc thực thi các quy luật về nhập cư và thiết lập các quy tắc ngôn luận nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến? Trong mọi trường hợp, các cuộc tấn công vào các thể chế của Mỹ đang được tiến hành bởi cánh tả cực đoan.

Hãy luôn nhớ rằng: họ đang đuổi theo TÔI, bởi vì TÔI đang chiến đấu cho BẠN.

Chúng ta phải giành lại nền độc lập của mình khỏi sự đàn áp của cánh tả. Người Mỹ đang kiệt sức khi cố gắng theo cho kịp danh sách các từ và cụm từ được phê duyệt mới nhất, cũng như các sắc lệnh chính trị ngày càng hạn chế hơn. Nhiều thứ bây giờ có một cái tên khác, và các quy tắc liên tục thay đổi. Mục tiêu của việc hủy bỏ văn hóa là làm cho những người Mỹ tử tế sống trong nỗi sợ hãi bị đuổi việc, trục xuất, xấu hổ, sỉ nhục và bị đuổi khỏi xã hội như chúng ta biết. Cánh tả muốn ép các bạn nói những gì các bạn biết là SAI, và khiến các bạn sợ hãi khi nói những gì các bạn biết là ĐÚNG.

Nhưng vào ngày 3 tháng 11, các bạn có thể gửi cho họ một tin nhắn sấm sét mà họ sẽ không bao giờ quên!

-----------------------

Joe Biden là người yếu thế. Ông ta nhận lệnh hành quân từ những kẻ đạo đức giả cấp tiến, những người đã xô nhào thành phố của họ trong khi chạy trốn khỏi hiện trường của đống đổ nát. Cũng chính những người theo chủ nghĩa cấp tiến này muốn loại bỏ việc lựa chọn trường học, trong khi họ ghi danh cho con cái mình vào các trường tư thục danh tiếng nhất của cả nước. Họ muốn mở biên giới của chúng ta ra trong khi sống trong những công thự và cộng đồng kín đáo. Họ muốn đánh bại cảnh sát, trong khi họ có những cận vệ vũ trang bảo vệ cho mình.

Tháng 11 này, chúng ta phải lật mặt tầng lớp chính trị thất bại này cho đến mãi mãi. Tôi còn được ở đây, còn họ thì không - là do CÁC BẠN. Chúng ta sẽ cùng nhau viết chương tiếp theo của câu chuyện Hoa Kỳ Vĩ Đại.

Trong vòng bốn năm tới, chúng ta sẽ đưa Mỹ trở thành Siêu cường Sản xuất của Thế giới. Chúng ta sẽ mở rộng các Vùng cơ hội, đưa chuỗi cung ứng y tế về nước và chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi.

Chúng ta sẽ tiếp tục giảm thuế và các quy định ở mức chưa từng thấy trước đây.

Chúng ta sẽ tạo ra 10 triệu việc làm trong 10 tháng tới.

Chúng ta sẽ tuyển dụng NHIỀU cảnh sát hơn, tăng hình phạt đối với những hành vi tấn công cơ quan thực thi pháp luật và tăng cường các công tố viên liên bang tại các cộng đồng có số trường hợp tội phạm cao.

Chúng ta sẽ CẤM các Thành phố Bao Che cho những ngoại kiều cư trú bất hợp pháp, và bảo đảm rằng chăm sóc sức khỏe liên bang được bảo vệ cho Công dân Mỹ - chứ không phải cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Chúng ta sẽ có những đường biên giới vững chắc, tấn công những kẻ khủng bố đang đe dọa người dân của chúng ta, và giữ nước Mỹ KHÔNG xảy ra những cuộc viễn chinh bất tận và tốn kém.

Chúng ta sẽ chỉ định các công tố viên, thẩm phán và chánh án, những người tin tưởng vào việc thực thi LUẬT - chứ không phải vào các chương trình nghị sự chính trị của riêng họ.

Chúng ta sẽ bảo đảm công lý bình đẳng cho các công dân thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng.

Chúng ta sẽ đề cao quyền tự do tôn giáo của các bạn và bảo vệ quyền giữ và mang vũ khí trong Tu chính án thứ hai của các bạn.

Chúng ta sẽ bảo vệ Medicare và An sinh Xã hội.

Chúng ta sẽ luôn, và rất mạnh mẽ, bảo vệ những bệnh nhân có tiền sử bệnh tật, và đó là lời cam kết của toàn thể Đảng Cộng hòa.

Chúng ta sẽ KẾT THÚC việc thanh toán các chi phí y tế bất ngờ, yêu cầu minh bạch giá cả, và giảm hơn nữa chi phí thuốc theo toa và chi phí bảo hiểm y tế.

Chúng ta sẽ mở rộng đáng kể việc phát triển năng lượng, tiếp tục giữ vị trí số một trên thế giới và giữ cho nguồn Năng lượng Mỹ độc lập.

Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua tới 5G, và xây dựng không gian mạng cũng như hệ thống hỏa tiễn phòng thủ tốt nhất thế giới.

Chúng ta sẽ khôi phục hoàn toàn việc giáo dục lòng yêu nước cho các trường học của chúng ta, và luôn bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên các trường đại học.

Chúng ta sẽ khởi động một kỷ nguyên mới trong Tham Vọng Không Gian của Hoa Kỳ. Mỹ sẽ đưa người PHỤ NỮ đầu tiên lên Mặt Trăng - và Hoa Kỳ sẽ là quốc gia đầu tiên cắm cờ của mình trên sao Hỏa.

Đây là chương trình nghị sự thống nhất quốc gia sẽ đưa đất nước chúng ta lại VỚI NHAU.

Vì vậy, tối nay, tôi nói một lần nữa với tất cả người Mỹ: Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta. Chưa bao giờ có sự khác biệt giữa hai đảng, hoặc hai cá nhân, về hệ tư tưởng, triết học hay tầm nhìn như lúc này.

Các đối thủ của chúng ta tin rằng Mỹ là một quốc gia sa đọa.

Chúng ta muốn con trai và con gái của chúng ta biết một sự thật: Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất và đặc biệt nhất trong lịch sử thế giới!

Đất nước của chúng ta không được xây dựng bằng cách hủy bỏ văn hóa, đưa ra các quy tắc ngôn luận và những áp đặt nghiền nát tâm hồn. Chúng ta KHÔNG phải là một quốc gia của những linh hồn nhút nhát. Chúng ta là một quốc gia của những người Mỹ yêu nước mãnh liệt, tự hào và độc lập.

Chúng ta là một quốc gia của những người hành hương, những người tiên phong, những người dám mạo hiểm, những nhà thám hiểm và những người đi trước, những người không chịu bị trói buộc, kìm hãm hoặc bị kiềm chế. Người Mỹ có chất thép trong xương sống, gan góc trong tâm hồn và lửa nhiệt tình trong trái tim. Không có ai giống như chúng ta trên trái đất.

Tôi muốn mọi trẻ em ở Mỹ biết rằng các bạn là một phần của cuộc phiêu lưu thú vị và đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử nhân loại. Cho dù gia đình các bạn đến từ đâu, xuất thân của các bạn là gì không quan trọng, ở Mỹ, BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ THĂNG TIẾN. Chỉ cần làm việc chăm chỉ, tận tâm và có động lực, các bạn có thể đạt được bất kỳ mục tiêu và khát vọng nào.

Tổ tiên người Mỹ của chúng ta đã đi thuyền qua đại dương đầy hiểm nguy để xây dựng một cuộc sống mới trên một lục địa mới này. Họ đã vượt qua những mùa đông băng giá, vượt qua những con sông hung hãn, băng qua những đỉnh núi đá, băng qua những khu rừng nguy hiểm và làm việc từ bình minh cho đến tối. Những người tiên phong này không có tiền, không có danh tiếng - nhưng họ có nhau. Họ yêu gia đình của họ, họ yêu đất nước của họ, và họ yêu Chúa của họ!

Khi cơ hội vẫy gọi, họ cầm Kinh thánh của mình lên, thu dọn đồ đạc, leo lên những toa xe có mái che và lên đường về phía Tây cho cuộc phiêu lưu tiếp theo. Những người chăn nuôi và thợ mỏ, cao bồi và cảnh sát trưởng, nông dân và những người định cư - họ đã vượt qua Mississippi để chinh phục Wild Frontier.

Những huyền thoại ra đời - Wyatt Earp, Annie Oakley, Davy Crockett và Buffalo Bill.

Người Mỹ đã xây dựng những ngôi nhà tuyệt đẹp của họ trên Open Range. Chẳng bao lâu họ đã có nhà thờ và cộng đồng, sau đó là các thị trấn, và cùng với thời gian, các trung tâm công nghiệp và thương mại lớn. Đó là con người họ. Người Mỹ biết cách xây dựng tương lai, và không xé bỏ quá khứ!

Chúng ta là quốc gia đã chiến thắng trong một cuộc cách mạng, lật đổ chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa phát xít, và đưa hàng triệu người đến với tự do. Chúng ta đã xây dựng các tuyến đường sắt, xây dựng những con tàu vĩ đại, nâng cao các tòa nhà chọc trời, cách mạng hóa ngành công nghiệp và khơi mào cho một kỷ nguyên khám phá khoa học mới. Chúng ta đặt ra các xu hướng về nghệ thuật và âm nhạc, các đài phát thanh và phim ảnh, thể thao và văn học - và chúng ta đã làm tất cả với phong cách, sự tự tin và tinh tế. Bởi vì ĐÓ là con người của chúng ta.

Bất cứ khi nào con đường sống của chúng ta bị đe dọa, các anh hùng của chúng ta đã đáp lại những tiếng gọi.

Từ Yorktown đến Gettysburg, từ Normandy đến Iwo Jima, những người Mỹ Yêu nước đã lao vào các khẩu đại bác, lằn tên mũi đạn và lưỡi lê để giải cứu Tự Do của Hoa Kỳ.

Nhưng nước Mỹ không dừng lại ở đó. Chúng ta nhìn lên bầu trời và tiếp tục tiến về phía trước. Chúng ta xây dựng tên lửa nặng 6 triệu cân, và đưa ra nó hàng ngàn dặm vào không gian. Chúng ta đã làm điều đó để hai người yêu nước dũng cảm có thể đứng cao và chào lá cờ Hoa Kỳ kỳ diệu của chúng ta được cắm trên mặt Mặt trăng.

Đối với Mỹ, không gì là không thể.

Trong bốn năm tới, chúng ta sẽ chứng minh mình xứng đáng với di sản tráng lệ này. Chúng ta sẽ đạt đến những tầm cao mới tuyệt đẹp. Và chúng ta sẽ cho thế giới thấy rằng, đối với nước Mỹ, không có giấc mơ nào nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Cùng nhau, chúng ta không thể bị ngăn cản. Cùng nhau, chúng ta bất khả chiến bại. Bởi vì cùng nhau, chúng ta là CÔNG DÂN đáng tự hào của HOA KỲ. Và vào ngày 3 tháng 11, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ mạnh hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào hơn, và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết! Cảm ơn các bạn, xin Chúa phù hộ cho các bạn. Xin Chúa chúc phúc cho nước Mỹ - Chúc các bạn ngủ ngon!


Source:New York Times
 
Giáo hội Úc châu kêu gọi giúp đỡ những người tâm thần
Thanh Quảng sdb
16:42 29/08/2020
Giáo hội Úc châu kêu gọi giúp đỡ những người tâm thần

Giáo hội Úc đã chọn “sức khỏe tâm thần” làm chủ đề cho Chủ nhật Công bằng Xã hội mừng vào ngày 30 tháng 8. Theo Giám Mục Phụ Tá Terence Grady ở Sydney thì bệnh tâm thần ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của xã hội Úc: người bản địa, và người tị nạn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Giáo Hội Công Giáo Úc kêu gọi xã hội để ý tới bệnh tâm thần một cách nghiêm túc, vì nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người. "Không có một thành phần nào trong xã hội mà không bị bệnh tâm thần tác động tới." Các cơ sở của Giáo hội, đặc biệt các giáo xứ, có thể giúp một cách tích cực cho những người đang bị căng thẳng về căn bệnh này.

Giám Mục Phụ Tá Terence Grady của Sydney đã đưa ra quan điểm trên, khi phát biểu với đài Vatican, trước ngày Chủ nhật về Công bằng Xã hội, mà Giáo hội Úc sẽ mừng vào Chúa nhật.

Trước ngày Chúa nhật “Công bằng Xã hội”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã phát hành một tài liệu về Công bằng Xã hội 2020-21 dài 19 trang, xem xét các mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần trong xã hội Úc và đề ra những hành động giải quyết chúng. Với tiêu đề “Sống trọn vẹn: Sức khỏe tâm thần ở Úc ngày nay”, tuyên bố kêu gọi các cộng đồng tín ngưỡng, chính phủ và cá nhân ưu tiên lo tới sức khỏe tâm thần.

Giám mục Brady, Giám mục đặc trách Ủy ban Công bằng Xã hội, Truyền giáo và Phục vụ của Hội đồng Giám mục Úc, cho biết đại dịch Covid-19 “đã làm cho bệnh tâm thần bục phát mạnh mẽ trong xã hội Úc, và có lẽ ở hầu hết các xã hội phương Tây khác, bệnh tâm thần là một vấn đề rất lớn”.

Các nhóm dễ bị tổn thương

Trong khi cổ súy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Úc, các giám mục của quốc gia này nói rằng nếu không có nguồn tài trợ đầy đủ cho các dịch vụ y tế cộng đồng, nhiều nhóm thiểu số thấp cổ bé miệng sẽ không có cuộc sống an toàn. Các yếu tố như nghèo đói, điều kiện sống và an ninh cá nhân góp phần vào sức khỏe tâm thần.

Mặc dù vấn đề “xảy ra cho toàn xã hội”, Giám mục Brady nói, nó vẫn nghiêm trọng “đặc biệt trong một số nhóm nhất định”. Đây chắc chắn là một "vấn đề lớn đối với người dân bản địa và giữa những người tị nạn", nhiều người trong số họ, ngài cho hay, "đa số đã bị giam giữ trong nhiều năm tháng".

Ngoài ra còn phải kể đến những người vô gia cư và hè phố và những người có thu nhập thấp. “Chúng ta cũng có thể tìm thấy những ảnh hưởng to lớn về sức khỏe tâm thần” ngay cả trong số những hàng ngũ mà Giám mục Grady mô tả là “trung lưu và thượng lưu của xã hội”. Khi còn là một linh mục trẻ, ngài nhớ đã nghe bình luận trên đài phát thanh về một khu vực thương lưu ở Sydney mà lại có tỷ lệ gia đình bị lạm dụng cao nhất.

Trong khi đi thăm các trại tạm trú và nhà tù, Đức cha Brady nói, “chúng ta có thể nhận ra nhiều dấu hiệu của bệnh tâm thần”. “Nhiều trung tâm tạm trú cho người vô gia cư và nhà tù có thể được coi là trung tâm tâm thần”.

Đức cha than thở về một xu hướng đánh bóng muốn dấu nhẹm vấn đề này. Ngài cảnh báo: “Ở nhiều xã hội phương Tây, sức khỏe tâm thần đã là một vấn đề của nhiều thế hệ và nó sẽ tiếp tục như vậy, trừ khi chúng ta giải quyết nó”. Tuy nhiên, ngài nói, tin tốt mà chúng ta biết chắc về vấn đề này là chúng ta có thể thay đổi nó, nếu chúng ta thực sự muốn. Tất nhiên, nguồn lực là cần thiết để thực hiện điều đó.

Mạng lưới của Giáo hội, đặc biệt là các giáo xứ

Về lãnh vực này, Giáo hội Úc đã nỗ lực trong lãnh vực chăm sóc những người tâm thần, Đức cha Brady nói, thông qua hệ thống giáo dục rộng lớn, với các trường đại học, cao đẳng, trung và tiểu học và bệnh viện, Giáo hội có thể giúp “kết nối mọi người và giúp đỡ họ”.

Giám mục Brady cho hay: Các giáo xứ có thể đóng góp một sự thay đổi tuyệt vời, tiếp cận trực tiếp những người mắc bệnh tâm thần. “Nếu chúng ta có một giáo xứ sinh động, vững mạnh với các hạ tầng tốt, thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, có thể được nâng đỡ ngay trong cộng đồng giáo xứ”. Đây là lý do tại sao “Giáo hội ở Úc đang củng cố các giáo xứ địa phương, bởi vì giáo xứ có thể làm được rất nhiều điều, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần”.

Giáo hội cần lấy lại uy tín của mình

Giám mục Brady nói rằng Giáo hội Úc đang “gây áp lực nhiều hơn lên các nhà lãnh đạo chính trị, phải chú trọng đến sức khỏe tâm thần hơn nhiều so với trước đây”. Tuy nhiên, “trên nhiều phương diện, Giáo hội đã mất đi tiếng nói của mình”, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em, cùng nhiều thứ khác.

Đức cha nói: Giáo hội cần lấy lại niềm tin và uy tín của mình, để có thể lên tiếng bênh vực những người gặp khó khăn và những người bên lề xã hội. Giáo hội cần gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị và những người cầm quyền chú ý đến sức khỏe tâm thần cũng như nhiều lĩnh vực khác.
 
Tòa Thánh và Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội công bố văn kiện chung về tình liên đới đại kết và liên tôn trong bối cảnh đại dịch.
Vũ Văn An
20:21 29/08/2020

Theo thông cáo báo chí của Tòa Thánh, ngày 27 tháng 8, 2020, Hội đồng Thế Giới Các Giáo Hội và Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn đã công bố một văn kiện chung tựa đề là “Phục Vụ Một Thế Giới Bị Thương Tích trong Tình Liên Đới Liên Tôn: Lời Kêu Gọi Kitô Giáo Nhằm Suy Tư và Hành Động Trong Thời Đại Dịch”.



Mục đích là khuyến khích các Giáo Hội và tổ chức Kitô Giáo suy nghĩ về tầm quan trọng của tình liên đới liên tôn trong một thế giới bị đại dịch Covid-19 gây thương tích.

Văn kiện cung cấp một căn bản Kitô Giáo cho tình liên đới liên tôn, một tình liên đới có thể gây cảm hứng và củng cố việc thúc đẩy phục vụ một thế giới bị thương tích không những bởi Covid-19 mà còn bởi nhiều nhân tố khác.

Văn kiện cũng nhằm nói với các tín đồ thuộc các tín ngưỡng khác, những người từng đáp ứng Covid-19 bằng nhiều ý nghĩ tương tự thuộc các truyền thống tôn giáo của họ.

Văn kiện nhìn nhận bối cảnh hiện thời của đại dịch như là thời gian để khám phá các hình thức mới của liên đới để suy nghĩ lại thế giới sau Covid-19. Gồm 5 phần, văn kiện suy nghĩ về bản chất tình liên đới được lòng hy vọng nâng đỡ và cung ứng cho tình liên đới liên tôn một căn bản Kitô Giáo, một số nguyên tắc và một số khuyến cáo để làm thế nào diễn dịch suy tư về liên đới thành các hành động cụ thể và khả tín.

Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn, nghĩ rằng việc phục vụ và tình liên đới Kitô Giáo trong một thế giới bị thương tích vốn là một thành phần trong nghị trình của Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn/Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội từ năm ngoái. Đại dịch Covid-19 buộc dự án này trở thành hành động như “một đáp ứng đại kết và liên tôn kịp thời”. Ngài nói thêm rằng “đại dịch đã phơi bầy tính dễ bị thương tổn và mong manh của thế giới chúng ta, cho thấy đáp ứng của chúng ta phải được cung ứng trong một tình liên đới bao gồm mọi người, cởi mở đối với tín đồ các truyền thống tôn giáo khác và những người thiện chí, vì toàn bộ gia đình nhân loại đều quan tâm đến đáp ứng này”.

Tổng thư ký lâm thời của Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội, Mục sư Giáo Sư Tiến Sĩ Ioan Sauca thì nghĩ rằng đối thoại liên tôn là điều quan yếu cho việc chữa lành và chăm sóc lẫn nhau trên bình diện hoàn cầu. Ngài nói “Đối đầu với đại dịch Covid-19, gia đình nhân loại cùng nhau đối diện với lời kêu gọi chưa từng thấy là bảo vệ lẫn nhau, và chữa lành các cộng đồng của chúng ta. Đối thoại liên tôn không những giúp minh giải các nguyên tắc đức tin và căn tính Kitô hữu của chúng ta, nhưng còn mở rộng cái hiểu của chúng ta trước các thách đố, và cả các giải pháp đầy sáng tạo, mà người khác có thể có”.

Văn kiện này là văn kiện chung mới nhất do Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội và Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn cùng công bố sau văn kiện “Giáo dục cho Hòa Bình trong Một Thế giới Đa Tôn Giáo: Viễn Ảnh Kitô Giáo” công bố hồi tháng 5, 2019.

Nguyên văn Văn Kiện “Phục Vụ Một Thế Giới Bị Thương Tích trong Tình Liên Đới Liên Tôn”



Mở đầu

Trong một thế giới trong đó đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều đau khổ, việc các Kitô hữu yêu thương và phục vụ đồng loại có ý nghĩa gì? Vào một thời điểm như hiện nay, Hội đồng Thế giới Các Giáo hội và Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn kêu gọi những người theo Chúa Giêsu Kitô yêu thương và phục vụ những người lân cận của chúng ta. Chúng ta tập chú vào tầm quan trọng của việc làm như vậy trong tình liên đới cả với những người tuyên xưng và thực hành các tôn giáo khác với tôn giáo của chúng ta hoặc tự coi họ không thống thuộc bất cứ truyền thống đức tin đặc thù nào.

Văn kiện này nhằm mục đích cung cấp một cơ sở Kitô giáo cho tình liên đới liên tôn có thể gây cảm hứng và củng cố, nơi các Kitô hữu của mọi giáo hội, sự thôi thúc phục vụ một thế giới bị tổn thương không những bởi đại dịch COVID19 mà còn bởi nhiều vết thương khác. Mặc dù chủ yếu nhằm nói với những người theo Kitô giáo, chúng tôi hy vọng nó cũng sẽ hữu ích cho những người thuộc các tôn giáo khác, những người đã đáp ứng cuộc khủng hoảng này bằng những suy nghĩ tương tự dựa trên truyền thống của riêng họ. Thách thức hoàn cầu trong việc ứng phó với đại dịch này kêu gọi chúng ta tăng cường ý thức và hợp tác đại kết và liên tôn.

Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu (xem Lc 10: 25-37) giúp chúng ta suy ngẫm về câu hỏi, “Chúng ta được kêu gọi yêu thương và chăm sóc ai? ” và cung cấp hướng dẫn về các phức tạp hàm ngụ trong các thuật ngữ “phục vụ” và “liên đới”. Chúa Giêsu kể câu chuyện này trong bối cảnh mệnh lệnh yêu người lân cận. Khi một người đàn ông bị thương và bị bỏ rơi bên đường, các thành viên trong cộng đồng tôn giáo của ông ta đi ngang qua ông ta và bỏ mặc ông ta nằm đó, không cứu giúp. Người cuối cùng đã dừng lại và giúp đỡ ông ta - một người Samaria - đến từ một cộng đồng, trong nhiều thế kỷ, vốn tranh cãi với cộng đồng của ông ta về bản sắc tôn giáo, cách thức thờ phượng đúng đắn, và quyền được tham gia các vấn đề chính trị. Câu chuyện này là một lời mời suy tư về sự cần thiết phải vượt lên trên các ranh giới trong việc phục vụ của ta và tình liên đới với sự đau khổ. Đó cũng là lời kêu gọi vượt qua những giả định tiêu cực mà chúng ta có thể duy trì và khiêm tốn cũng như biết ơn nhận ra rằng ‘người khác’ (người Samaria trong trường hợp này) có thể chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa thực sự của việc phục vụ và liên đới.

Câu chuyện dụ ngôn này thách thức các Kitô hữu suy nghĩ về cách sống trong một thế giới bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, và tai họa bất khoan dung tôn giáo, kỳ thị, phân biệt chủng tộc, bất công kinh tế và sinh thái và nhiều tội lỗi khác. Chúng ta cần tự hỏi: ai bị thương, và chúng ta đã làm bị thương hay làm ngơ ai? Và ở đâu chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy lòng thương cảm giống như Chúa Kitô đang hoạt động? Câu chuyện này thúc giục chúng ta vượt qua thành kiến tôn giáo và thành kiến văn hóa trong mối liên hệ với cả những người chúng ta phục vụ lẫn những người chúng ta phục vụ với, khi chúng ta cố gắng làm giảm bớt đau khổ và khôi phục sự hàn gắn và sự toàn vẹn trong một thế giới đa nguyên. Đồng thời, nó mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vốn là trung tâm đối với đức tin của chúng ta và cách chúng ta sống theo đức tin ấy, khi chúng ta nhận ra rằng đó là chính Chúa Kitô, như là 'người khác' bất ngờ - người Samari - người đang cung ứng sự giúp đỡ của Người cho người bị thương tích.



Cuộc khủng hoảng hiện thời

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến cộng đồng hoàn cầu với mức độ tức thời không thể nào tránh được và với thật ít chuẩn bị từ phía chúng ta. Nó đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống hàng ngày của mọi người và phơi bầy một cách mạnh mẽ tình dễ bị thương tổn mà mọi con người nhân bản đều có chung. Cùng với hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh về thể chất, nhiều người khác đã bị ảnh hưởng về tâm lý, kinh tế, chính trị và tôn giáo; tất cả đã bị tước mất sự thờ phượng công cộng. Người ta đã phải vật lộn để chống chọi với cái chết và đau buồn, đặc biệt là không thể ở bên cạnh những người thân yêu của họ lúc sắp chết và thực hiện các nghi lễ cuối cùng và tang lễ của họ một cách xứng đáng. Việc cấm cửa đã khiến nền kinh tế thế giới điêu đứng và nạn đói hoàn cầu có thể tăng gấp đôi do thảm họa này. Nó cũng góp phần làm gia tăng bạo lực gia đình. Các đòi hỏi gián cách về thể chất và xã hội đã đồng nghĩa với sự cô lập đối với nhiều người. Sự tuyệt vọng, lo lắng và bất an đã đến chi phối cuộc sống của con người. Coronavirus đã ảnh hưởng đến mọi người - giàu và nghèo, già và trẻ, những người ở thành phố và ở thôn quê, nông dân và nhà kỹ nghệ, công nhân và sinh viên.

Trong khi toàn thể nhân loại đang bị tổn thương nặng nề, đại dịch đã nhắc nhở chúng ta về hố phân cách tai tiếng giữa người giàu và người nghèo, giữa những người có đặc quyền và những người kém may mắn. Ở nhiều nơi, người bệnh, người già và người tàn tật phải chịu đựng nhiều đau buồn nhất, thường ít hoặc không được chăm sóc y tế. Nó đã làm trầm trọng thêm các định kiến chủng tộc và dẫn đến việc gia tăng bạo lực đối với những người lâu nay được coi là mối đe dọa đối với giới thống trị chính trị vốn được cấu trúc và duy trì bởi các hệ thống bất bình đẳng, độc quyền, kỳ thị và thống trị. Những người ở bên lề, nhất là di dân, người tị nạn và tù nhân, đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này.

Sự khốn khổ của con người liên kết với đại dịch COVID-19 đang diễn ra trong bối cảnh đau khổ rộng lớn hơn của hành tinh này. Nhiều người đã kêu gọi chúng ta không những chỉ lắng nghe tiếng nói của những con người đau khổ mà còn cả những tiếng than khóc kéo dài của trái đất và của toàn bộ cộng đồng sự sống trên đó, điều có thể trở nên trầm trọng hơn do hậu quả kinh tế của một thế giới hậu COVID-19. Chúng ta cũng có thể thấy cuộc khủng hoảng sức khỏe này như một dấu hiệu báo trước các cuộc khủng hoảng tương lai liên quan đến biến đổi khí hậu và cuộc tấn công vào tính đa dạng sinh học. Chúng ta khẩn cấp cần một sự hoán cải sinh thái trong thái độ và hành động để chăm sóc thế giới của chúng ta một cách hữu hiệu hơn, chú ý đến tiếng rên rỉ của tạo thế.

Ý thức cao độ về tình trạng dễ bị tổn thương chung của chúng ta là lời kêu gọi phải có các hình thức liên đới mới vươn tới mọi ranh giới. Trong giờ phút khủng hoảng này, chúng ta biết ơn sự phục vụ anh dũng của các nhân viên y tế và tất cả những người cung cấp dịch vụ, thậm chí mạo hiểm sức khỏe của mình, bất kể danh tính. Chúng ta cũng đã thấy những dấu hiệu khởi sắc về tình liên đới của người ta đối với những người nghèo khó, biểu lộ qua hoạt động thiện nguyện và bác ái. Chúng ta vui mừng khi thấy các Kitô hữu, cũng như những người thuộc mọi tín ngưỡng và thiện chí, đang cộng tác để xây dựng một nền văn hóa cảm thương, vươn tay ra với những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương bằng sự trợ giúp về vật chất, tâm lý và tinh thần, ở bình diện cá nhân cũng như định chế. Bởi vì chúng ta là một gia đình nhân loại, tất cả chúng ta đều có liên hệ như anh chị em và là những người đồng cư trú trên trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Sự liên lập của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng không ai có thể tự mình cứu được mình. Đây là thời gian để khám phá những hình thức liên đới mới để suy nghĩ lại về thế giới hậu COVID-19.

Vì các liên hệ liên tôn có thể là một phương tiện mạnh mẽ để phát biểu và xây dựng tình liên đới, và để mở lòng chúng ta đón nhận các tài nguyên đến với chúng ta từ ở chỗ vượt quá các giới hạn của chúng ta, chúng tôi mời gọi một suy tư về việc làm cách nào chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, có thể trở thành những người cộng tác trong tình liên đới với tất cả những ai có đức tin và thiện chí. Trong hành trình hướng tới sự liên đới này, các cộng đồng khác nhau được gợi hứng và được duy trì bởi lòng hy vọng mà chúng ta có thể tìm thấy trong các truyền thống liên hệ của chúng ta.



Tình Liên đới được nâng đỡ bởi Hy vọng

Mọi người đều có hy vọng và ước mơ, và hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp nâng đỡ ý chí sống của con người cả trong các thời kỳ khó khăn. Là Kitô hữu, chúng ta hy vọng vào vương quốc đã hứa của Thiên Chúa, trong đó toàn thể sáng thế được hòa giải và gắn kết với nhau trong công lý và hòa bình. Niềm hy vọng này biến đổi đời sống của chúng ta, hướng chúng ta vượt ra ngoài thế giới hiện tại, đồng thời dẫn chúng ta theo Chúa Kitô để phục vụ thế giới này và sự hưng thịnh của nó. Do đó, mọi Kitô hữu được kêu gọi làm việc với nhau và cộng tác với các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác để thể hiện niềm hy vọng của chúng ta về một thế giới thống nhất đầy công lý và hòa bình. Nói rộng hơn, chúng ta được kêu gọi trở thành những người đàn ông và đàn bà của hy vọng, cùng làm việc với tất cả những ai có thiện chí cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Hy vọng là một đặc điểm thiết yếu của mọi tôn giáo. Trong suốt lịch sử nhân loại, chúng ta biết rằng niềm hy vọng tôn giáo thường thôi thúc các tín đồ quan tâm một cách đầy yêu thương và cảm thương tới những người đang chịu các thảm kịch của thân phận con người. Ngày nay, chúng ta cần các giá trị đạo đức và tinh thần phổ quát và chung chia để thổi niềm hy vọng mới vào thế giới đang bị tàn hại vì đại dịch. Về mặt này, các tôn giáo có thể cung ứng một đóng góp quý báu để đánh thức và hướng dẫn nhân loại xây dựng một trật tự xã hội mới ở các bình diện địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Viễn kiến mới này cần dựa trên tính thống nhất của gia đình nhân loại cũng như dựa trên di sản các giá trị đạo đức chung của toàn thể nhân loại. Ngày nay, có một mối liên kết hoàn cầu thúc giục chúng ta đảm nhận trách nhiệm hành tinh dựa trên các giá trị tôn giáo và đạo đức chung để phục vụ và hàn gắn thế giới sau COVID-19. Chúng ta được kêu gọi để tương tác lại với thế giới, nhất là để ứng phó với hiện trạng thương tổn đáng buồn trong bản thân, gia đình, các thành phố và quốc gia của chúng ta, và trong toàn bộ tạo thế.

Cơ sở của chúng ta đối với tình liên đới liên tôn

Là các Kitô hữu, chúng ta nhìn thấy cơ sở của tình liên đới liên tôn trong niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng vốn là một trong ba Ngôi vị, Cha, Con và Thánh Thần:

1. Mọi con người nhân bản đều là tạo vật của Thiên Chúa Duy Nhất, Chúa Cha (xem St 1: 26-27), Đấng có cùng kế hoạch tốt lành y hệt dành cho họ. Chúng ta là anh chị em, được kết nối bằng tình yêu và bằng phẩm giá bình đẳng của chúng ta, một phẩm giá mà chúng ta không cần phải giành được. Do đó, như một gia đình được liên kết bởi một Đấng Tạo Hóa và được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta có trách nhiệm đối với nhau. Ý thức này thách thức chúng ta trở thành khuôn mặt và công cụ tình yêu chữa lành của Thiên Chúa trên thế giới, bảo vệ và khôi phục phẩm giá của mọi con người nhân bản. Bằng cách quan tâm đến nhau và loại bỏ các trở ngại trên con đường hiện hữu và trở thành những con người có trách nhiệm đối với hạnh phúc của nhau, chúng ta tôn vinh Đấng mà chúng ta đã được tạo ra giống như Người. Như Người Samaritanô nhân hậu đã cho chúng ta thấy, tình liên đới này là phổ quát, vượt lên mọi ranh giới và nhằm toàn thể nhân loại. Sự kết nối căn bản và nguồn gốc chung của chúng ta quan trọng hơn gấp bội so với các chia rẽ tri nhận được do con người dựng lên.

2. Sự tin cậy và hy vọng của chúng ta ở trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng chữa lành bằng các vết thương của Người (xem 1 Pr 2:24). Trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đối diện với đau khổ mà không đánh mất niềm hy vọng có cơ sở của mình. Trong sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu đã đem lòng cảm thương, theo nghĩa nguyên thủy là cùng-đau khổ hoặc đau khổ với, tới điểm cùng cực đầy chữa lành của nó, trong một tình yêu vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Là các Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi bước vào sự chữa lành “cùng-đau khổ” này, trở thành máng chuyển tình yêu của Người, đồng thời phụ thuộc vào nó để chữa lành cho chính chúng ta. Chính lòng cảm thương của Người Samaritanô nhân hậu cho phép chúng ta coi ông như hình ảnh của Chúa Kitô, đang chăm sóc những vết thương của thế giới. Chúng ta nhận ra rằng các nhân đức thương xót và cảm thương đối với tất cả những ai đang đau khổ đang vang dội khắp các truyền thống tôn giáo khác, những truyền thống tôn giáo này cũng có những tấm gương phong phú về lòng rộng lượng và sự quan tâm đến những người thiếu thốn nhất.

3. Chúng ta cũng nhìn thấy Chúa Kitô nơi người đàn ông bị thương bên lề đường. Trong sự đau khổ của anh chị em chúng ta, chúng ta gặp được khuôn mặt của Đấng Kitô đau khổ (xem Mt 25: 31-46). Cái hiểu về việc cùng-chịu đau khổ của Chúa Kitô với toàn thể nhân loại thách thức các Kitô hữu chúng ta nhận ra rằng mọi đau khổ đều có cùng phẩm giá và cùng yêu sách được chữa lành - cả “một trong những người nhỏ bé này” (xem Mt 18:14) cũng không thể bị bỏ rơi. Đối với chúng ta, tình liên đới của Chúa Giêsu với người đau khổ cũng triệt để như nó có tính biến đổi vậy: nó bao trùm hoàn toàn tính thương tích của thế giới, không cho phép khoảng cách nào đối với nỗi đau đớn của người khác và gánh lấy nó. Tuy nhiên, trong việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, tình liên đới này cũng mở ra một cách hiện hữu mới cho mọi người. Sự sống lại là bằng chứng và bảo đảm rằng tình yêu mạnh hơn bất cứ thương tích nào, dù sâu đến đâu, và sự chết sẽ không có tiếng nói cuối cùng.

4. Khi chúng ta liên đới với người khác, chúng ta được kết nối bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Người “thổi nơi nào Người muốn” (Ga 3: 8). Khi chúng ta hướng về người khác, nhất là người túng thiếu, như Người Samaritanô nhân hậu từng làm, chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên và khiêm hạ, bởi nơi chúng ta thấy Chúa đang làm việc. Như sức mạnh tinh thần hướng chúng ta về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và hướng về những người lân cận trong việc phục vụ và liên đới thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng nối kết chúng ta theo một cách đặc thù như thế với tất cả những người có đức tin. Nó tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta với những hồng phúc chúng ta nên dùng cho các mục đích xây dựng con người. Nó có khả năng tạo ra trong chúng ta những công trình yêu thương, hân hoan, hòa bình, nhẫn nại, nhân từ, rộng lượng, trung tín, dịu dàng và tự chủ và hướng dẫn chúng ta ra khỏi con đường tự phụ, cạnh tranh và đố kỵ (xem Gl 5: 22- 23, 26). Chính Chúa Thánh Thần cũng sai chúng ta vào thế gian để trở thành tin mừng trong đó, và là bàn tay của Chúa Kitô chăm sóc tất cả những ai đau khổ.



Các nguyên tắc

Niềm tin của chúng ta vào tầm quan trọng của việc cùng nhau bước trên con đường này được phản ảnh qua việc Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội và Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn đã cùng nhau viết Văn kiện này. Chúng ta tin rằng cả diễn trình thai nghén nó lẫn nội dung của nó đều phản chiếu sự cởi mở và trách nhiệm của chúng ta như các Kitô hữu tham gia cuộc đối thoại với những người theo các truyền thống tôn giáo khác. Chúng ta công nhận các nguyên tắc sau đây để hướng dẫn chúng ta trong công việc phục vụ lẫn nhau trong một thế giới bị thương tích, cùng với tất cả những người có đức tin và thiện chí. Chúng xuất phát từ niềm tin chung của chúng ta vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và kế hoạch của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại.

1.Khiêm nhường và dễ bị tổn thương: Là các Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi khiêm hạ bước đi với Chúa của chúng ta (xem Mk 6: 8; Mt 11:29) và sẵn lòng chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô và những đau khổ của thế giới. Trong sự cởi mở của “việc dám làm và quan tâm” này, chúng ta học cách sống chứng nhân của mình như việc sống với này (with-ness). Trong sự khiêm nhường và dễ bị tổn thương như vậy, chúng ta noi theo mô hình của Chúa Kitô và tình yêu hy sinh của Người, và trong Người đạt tới trọn tiềm năng của chúng ta (xem Pl 2: 5-11). Chính lòng kiêu hãnh và việc thiếu khả năng mở lòng đón nhận người khác đủ để phát triển, đã bẫy chúng ta vào những chủ trương cố thủ tạo ra và kéo dài sự chia rẽ. Giống như Giacóp trong cuộc đấu tranh với Thiên Chúa, chúng ta phải liều mình bị thương để nhận được phước lành (xem St 32: 22-32). Chúng ta trở thành dễ bị tổn thương khi nói sự thật trước quyền lực, và khi lên tiếng bênh vực những người chịu bất công. Chúng ta cũng tin vào công lý như cơ sở để tha thứ, không có nó, xung đột không thể giải quyết được, và chúng ta đứng trong một truyền thống lâu đời của những Kitô hữu đã cống hiến mạng sống của họ để đấu tranh vì nó, phản chiếu sự hy sinh quên mình của Chúa Giêsu Kitô.

2.Tôn trọng: Là Kitô hữu, chúng ta cần tôn trọng hoàn cảnh phức tạp và độc đáo của mỗi cá nhân và quyền được kể câu chuyện của họ. Chúng ta được kêu gọi xem và coi mọi người là chủ thể trong câu chuyện của chính họ chứ không phải là đối tượng trong câu chuyện của chúng ta, đồng thời chống lại việc giảm thiểu các quyền lợi và tự do của họ đối với các nhân tố như tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, quốc tịch, thu nhập của họ, giới tính, màu da của họ, v.v. Trong điều này, chúng ta làm chứng cho một Thiên Chúa, Đấng mà Sự tự mặc khải của Người vào một thời điểm chuyên biệt và một địa điểm đặc thù, trong khuôn mặt nhân loại của Chúa Giêsu Kytô (xem Ga 1:14), đã khẳng định việc toàn thể nhân loại, và tất cả những con người nhân bản đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này buộc chúng ta phải cố gắng thu hẹp khoảng cách và hàn gắn các bất bình đẳng ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra, kể cả giữa người giàu và người nghèo, nam và nữ, trong cuộc trò chuyện và cộng tác chặt chẽ với những người mà cuộc sống và câu chuyện của họ thường bị kìm hãm bởi những bất bình đẳng này (xem Mt 7 : 12).

3.Cộng đồng, lòng cảm thương và thiện ích chung: Những giá trị này tạo nền tảng cho việc dấn thân của chúng ta với thế giới (xem Mt 5: 7). Chúng ta được mời gọi đón nhận thực tại phức tạp và đau đớn của đời người, giống như Thiên Chúa đã làm khi trở thành con người trong Chúa Giêsu Kitô. Chỉ trong mối liên hệ, chúng ta mới cảm nghiệm được đầy đủ nhân tính của mình, và nhờ việc yêu thương người khác, và chia sẻ đau khổ của họ, chúng ta mới trở thành con người hoàn toàn theo cách Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta và chỉ cho chúng ta trở nên theo gương Chúa Giêsu Kitô. Động lực thúc đẩy tình liên đới của chúng ta hệ ở việc xây dựng các cộng đồng công bằng và hòa nhập, nuôi dưỡng lòng cảm thương và thúc đẩy thiện ích chung bằng cách chú ý nhiều hơn đến các vết thương của thế giới mà Chúa Giêsu từng đã gánh lấy qua việc Người cùng đau khổ với những người bị thế giới ruồng bỏ - “ở bên ngoài cổng thành” ( Dt 13:12).

4. Đối thoại và học hỏi lẫn nhau: Chúng ta được kêu gọi học hỏi lẫn nhau trong thời gian khủng hoảng này. Chúng ta cũng nên cởi mở với những gì Thiên Chúa có thể dạy chúng ta qua những người mà chúng ta ít mong đợi nhất để học được bất cứ điều gì (xem Cv 11: 1-18). Những người nghèo và những người bị thương tích thường có những bài học quan trọng để dạy và những quà phúc để trao tặng. Tất cả chúng ta cần phải thừa nhận sự nghèo khó và dễ bị tổn thương trong chính chúng ta. Chúng ta cần sẵn sàng thay đổi cuộc sống của mình cùng một mức độ mà chúng ta đang tìm cách thay đổi cuộc sống của những người khác: thí dụ, khi di dân và người tị nạn được nghinh đón, cả họ lẫn các cộng đồng chủ nhà của họ đều có thể được biến đổi. Nơi những người đau khổ và dễ bị tổn thương, có một cơ hội để gặp gỡ các công trình của Thiên Chúa (xem Ga 9: 2-3). Được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, mọi con người đều có thể phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho chúng ta, và giúp chúng ta đặt câu hỏi xem chúng ta đang làm tốt như thế nào trong ơn gọi bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho người khác.

5. Thống hối và Canh tân: Để trở nên một phần của diễn trình chữa lành và trọn vẹn, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự đồng lõa và tội lỗi của mình trong nhiều hệ thống áp bức, vốn làm trầm trọng thêm sự đau khổ của nhiều người (2 Sm 12). Với việc tin chắc rằng Thiên Chúa của chúng ta đang tha thứ, chúng ta cần hỏi xem chúng ta, những người đang bị thương tích bởi tội lỗi, đã làm bị thương người khác, và một cách rộng hơn, tất cả tạo thế của Thiên Chúa, như thế nào. Chúng ta cần lắng nghe tiếng khóc của cả mẹ đất và của các anh chị em đang đau khổ của chúng ta. Với trái tim đau đớn, chúng ta nhận ra rằng, như các cộng đồng, chúng ta cũng có một lịch sử lạm dụng từng làm tổn thương những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Sự thú nhận việc đồng lõa của chúng ta trong đau khổ là khởi điểm cho sự đổi mới thực sự giúp chúng ta có thể sống một cuộc sống công bằng hơn. Sự tự phê phán bản thân như vậy cũng sẽ giúp chúng ta chống lại cơn cám dỗ đổ lỗi cho người nghèo về sự nghèo khó của họ, hoặc những người bị tổn thương vì các vết thương của họ. Nó cũng giúp chúng ta bác bỏ ý tưởng cho rằng Thiên Chúa chọn một số người để được thịnh vượng, và một số người phải chịu đau khổ, dựa trên giá trị hoặc hành động của họ, và để vượt qua các hệ thống bất công mà chúng ta đã ngầm duy trì mãi mãi qua sự im lặng và giữ trung lập.

6. Biết ơn và quảng đại: Các Kitô hữu được mời gọi biết ơn và quảng đại. Chúng ta phải nhớ rằng, không do công riêng của mình, chúng ta giầu ơn phúc do Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi ơn phúc hoàn hảo (xem Gcb 1:17), ban tặng. Vì điều này, chúng ta nên biết ơn Thiên Chúa. Chúng ta phải chống lại cơn cám dỗ bám víu vào của cải của mình. Một trong những dấu ấn đặc trưng của Giáo hội sơ khai là nền kinh tế chia sẻ triệt để, vốn đi đôi với tấm lòng vui vẻ và chân thành (x. Cv 2: 45, 46). Chúng ta cũng thấy những tấm gương của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tràn đầy niềm vui và quảng đại, ngay trong lúc hoạn nạn và nghèo đói cùng cực, nhờ ân sủng ban năng lực của Thiên Chúa, Đấng, nơi Chúa Giêsu Kitô đã trở nên nghèo khó vì lợi ích của chúng ta (2 Cr 8: 1-9). Niềm vui và lòng biết ơn của chúng ta đối với sự tự mặc khải của Thiên Chúa cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta sự an toàn và tin tưởng rằng chúng ta cần đặt toàn bộ bản thân mình để phục vụ một thế giới đang bị tổn thương, được cảm hứng từ những tấm gương rộng lượng không ngờ.

7. Yêu thương: Chúng ta được kêu gọi sống tình yêu của Chúa Kitô, cho thế giới thấy khuôn mặt của Người. Chúng ta yêu vì Người đã yêu chúng ta trước (xem 1 Ga 4:19). Tình yêu mang ra sống cho thấy bộ mặt thật của Kitô giáo (xem Ga 13:35), ngay cả lúc đôi khi khuôn mặt mà Kitô hữu chúng ta trình bầy, hoặc những khuôn mặt mà người khác xây dựng, có thể khó mà yêu thương cho được. Đức tin của chúng ta trở nên sống động trong hành động biết sống thật tình yêu thương của Chúa Kitô. Do đó, cùng nhau làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ xây dựng vương quốc công bằng, hòa bình và hân hoan của Thiên Chúa theo nhiều cách. Nó giữ cho đức tin và sứ mệnh của chúng ta luôn sống động và tích cực, nó định hình cuộc sống Kitô hữu của chúng ta thành một dấu chỉ yêu thương sự hiện diện của Chúa Kitô, và nó xây dựng tình yêu và sự hiểu biết giữa chúng ta và những người mà chúng ta cùng tham gia trong việc phát biểu tình yêu của chúng ta bằng hành động. Khi chúng ta làm việc hướng tới việc giảm bớt đau khổ, chúng ta cũng đang hướng tới vương quốc từng được hứa ban cho chúng ta trong và qua Chúa Giêsu Kitô, nơi mà người cuối hết sẽ là người trước nhất (xem Mt 20:16) - trái ngược hẳn với các đế quốc của thời đại chúng ta.



Các đề nghị

Chúng tôi kêu gọi tất cả các Kitô hữu phục vụ những người lân cận của chúng ta và phục vụ cùng với họ, khi cân nhắc các đề nghị dưới đây.

1. Tìm cách làm chứng cho sự đau khổ, cổ động người ta chú ý đến nó và thách thức bất cứ thế lực nào nhằm bịt miệng hoặc loại trừ tiếng nói của những người bị thương và dễ bị tổn thương trong chúng ta, quy trách nhiệm giải trình cho những người và cơ cấu đứng đằng sau sự đau khổ này.

2. Cổ vũ nền văn hóa bao gồm (inclusivism) nhằm tôn vinh sự khác biệt như ơn phúc Thiên Chúa ban, để chống lại mọi dấu hiệu của chủ nghĩa loại trừ (exclusivism) mà chúng ta thấy ngày nay trong các xã hội của chúng ta ở nhiều bình diện khác nhau. Điều này cần bắt đầu trong cuộc sống gia đình và tiếp tục qua các định chế xã hội khác. Muốn đạt mục đích này, chúng tôi khuyến cáo sử dụng có trách nhiệm các phương tiện truyền thông xã hội để tăng cường lối truyền thông lành mạnh và mang tính xây dựng, nhằm khuếch đại sứ điệp hòa bình và liên đới.

3. Nuôi dưỡng tình liên đới qua linh đạo, xem xét cách làm thế nào để các thực hành tâm linh truyền thống như cầu nguyện, ăn chay, từ bỏ bản thân và bố thí có thể được thấm nhuần sâu xa hơn bởi ý thức về nhu cầu của thế giới rộng lớn hơn và lời kêu gọi của chúng ta phải liên đới với những người đau khổ.

4. Mở rộng việc đào tạo các giáo sĩ, các thành viên của các cộng đồng tu trì và dòng tu (cả nam lẫn nữ), giáo dân, nhân viên mục vụ và sinh viên để phát huy sự tương cảm (empathy) và trang bị cho họ những nhận thức tốt nhất và các công cụ để làm việc cho một nhân loại bị thương tích bằng cách hợp tác với những người khác.

5. Thu hút và hỗ trợ những người trẻ, những người mà chủ nghĩa lý tưởng và nghị lực của họ có thể là liều thuốc giải độc cho cơn cám dỗ của chủ nghĩa hoài nghi, trong nỗ lực chữa lành thế giới bị tổn thương mà chúng ta là một thành phần.

6. Tạo không gian cho các cuộc đối thoại (như Văn kiện này hướng đến) mang tính chào đón và bao trùm. Học hỏi từ các thành viên của các tôn giáo khác về động cơ, nguyên tắc và khuyến cáo của họ để làm việc trong tình liên đới liên tôn, để chúng ta có thể trở nên gần gũi hơn cả trong sự hiểu biết nhau lẫn hợp tác với nhau. Dành không gian cho những người bị đẩy qua bên lề được lắng nghe và tôn trọng, cung cấp các nơi để họ thuộc về. Tạo diễn đàn cho các nhóm khác nhau sinh hoạt bên nhau để họ có thể phát triển trong tình yêu và sự hiểu biết lẫn nhau.

7. Tái cấu trúc các dự án và diễn trình liên đới liên tôn qua việc khảo sát các dự án đang thực hiện và những điểm mạnh hiện có, để xác minh nơi nào những điểm mạnh này nhận được lợi ích từ công việc hợp tác với các cộng đồng, tổ chức hoặc cơ quan khác. Tái cấu trúc các dự án theo cách có thể khẳng định tính đa dạng mà chúng ta vốn được tạo dựng. Công việc của chúng ta chỉ có thể phản ảnh sự viên mãn của nhân tính nếu chúng ta chống lại cơn cám dỗ ở lỳ “trong chính mình”. Cùng nhau phục vụ một thế giới bị thương làm tất cả chúng ta trở thành người lân cận.

Kết luận

Tình liên đới đại kết và liên tôn cho phép cam kết tôn giáo của chúng ta trở thành một nhân tố hợp nhất, thay vì chia rẽ người ta. Khi chúng ta tay trong tay làm việc với các tín đồ của các tín ngưỡng khác và những người thiện chí, chúng ta tạo mẫu hòa bình, công lý và sự liên kết qua lại với nhau vốn là trọng tâm của các xác tín đức tin của chúng ta, đồng thời tái tạo và củng cố các giá trị này. Đối với các Kitô hữu, tình liên đới liên tôn là một cách vừa sống thực giới răn yêu thương người khác của Chúa Giêsu Kitô, vừa làm việc với người khác để tìm kiếm hòa bình vốn là ý muốn của Thiên Chúa dành cho thế giới. Lớn lên trong tình yêu đối với những người chúng ta giúp đỡ, những người mà chúng ta giúp đỡ với và những người giúp đỡ chúng ta, tạo ra nhiều cách để chúng ta sống trọn vẹn với những gì Chúa đã tạo ra chúng ta - những người mang hình ảnh thần thiêng và những người chia sẻ hình ảnh này với những người khác. Khi chúng ta mở lòng ra phục vụ một thế giới bị tổn thương bởi COVID-19 qua tình liên đới đại kết và liên tôn, cầu mong chúng ta dẫn khởi được sức mạnh từ tấm gương của Đấng mà chúng ta noi theo, là Chúa Giêsu Kitô. Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (Mt 20:28). Noi gương tình yêu và lòng quảng đại của Người Samaritanô nhân hậu, chúng ta hãy tìm cách nâng đỡ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, an ủi những người đau khổ, xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ và bảo đảm phẩm giá của mọi người. Xin cho chúng ta, nhờ mở lòng trong đối thoại và mở tay trong liên đới, cùng nhau xây dựng một thế giới được đánh dấu bằng sự hàn gắn và hy vọng.
 
Năm nay, Ngày lễ Khánh nhật Truyền giáo Thế giới vẫn được tổ chức vào Chủ nhật 18/10 mà không có thay đổi.
Thanh Quảng sdb
20:31 29/08/2020
Năm nay, Ngày lễ Khánh nhật Truyền giáo Thế giới vẫn được tổ chức vào Chủ nhật 18/10 mà không có thay đổi.

Trong khi thế giới tiếp tục chiến đấu với coronavirus, Thánh Bộ Truyền bá Phúc âm cho các Dân tộc công bố rõ rệt trong một thông báo qua Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ngày 28 tháng 8 năm 2020 rằng: “Đáp lại một số yêu cầu liên quan đến việc kỷ niệm Ngày Khánh nhật Truyền giáo 2020”, Thánh Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc xác nhận rằng năm nay, Ngày Khánh nhật Truyền giáo sẽ được cử hành trong toàn Giáo hội vào Chủ nhật 18 tháng 10, như lịch Phụng vụ đã ấn định. ”

“Ở nhiều Giáo phận, việc chuẩn bị cho Ngày lễ này đã được sửa soạn từ lâu vì hoạt động truyền giáo của Dân Chúa là ưu tiên hàng đầu.”

“Thực vậy bản chất, đức tin là truyền giáo, ” nó nhắc nhở và lưu ý: “việc cử hành Ngày Khánh nhật Truyền giáo nhằm duy trì yếu tính thiết yếu này của đức tin Kitô hữu được sống động trong lòng các tín hữu Chúa.”

“Hơn nữa, Thánh Bộ Truyền giáo, Phúc âm hóa các Dân tộc được ủy thác cho các giám mục với ý thức hiệp thông và đồng trách nhiệm về ngày lễ này để ủng hộ cho các Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng, hoạt động chung cho toàn Giáo hội nhất là trong các lãnh thổ truyền giáo.”
 
Văn Hóa
Chiếc Đầu Trên Đĩa
Đinh Văn Tiến Hùng
11:02 29/08/2020
Lễ kính Thánh Gioan Tiền Hô bị chém đầu : 29/8/19

*”Có tiếng hô nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm hãy san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” ( Is.40: 3- 5, Mt. 3: 3 )

-“Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gio-an Tẩy Giả trên đĩa” ( Mc.6: 17-29 )

Một vũ điệu cuồng loạn,
Một dục vọng dâng trào,
Một phần thưởng được trao,
Một chiếc đầu trên đĩa.

Đó là cả ý nghĩa,
Cuộc đời đẹp biết bao,
Đấng Tiền Hô Gio-an,
Đã chứng minh vì Chúa.

Tiếng vang trong hoang địa:
Hãy dọn sẵn con đường,
Uốn cho thẳng khúc quanh,
San cho bằng đồi núi,

Để đón Đấng cứu độ,
Chính là Chúa Ki-tô,
Tôi sứ mạng tiền hô,
Được Ngài sai đi trước.

Đấng các người mong ước
Ngài sẽ đến sau tôi,
Nhưng cao trọng tuyệt vời,
Tôi chỉ là đầy tớ.

Đấng Thiên Sai chứng tỏ,
Sẽ cứu độ dân Người,
Ban cuộc sống đẹp tươi,
Thoát khỏi vòng u tối.

Thánh Gio-an tiên khởi,
Mở đường nơi trần gian,
Muôn lòng đầy hân hoan,
Đón nhận Chúa Cứu Thế.

Trải muôn ngàn thế hệ,
Không ai diễm phúc bằng,
Được Thiên Chúa tin dùng,
Như Gio-an Tẩy Giả.

Ôi cuộc đời cao cả,
Nhận thiên chức cao sang,
Tròn sứ nghiệp huy hoàng,
Chết tín trung can đảm.
Một vũ điệu cuồng loạn,
Một dục vọng dâng trào,
Một phần thưởng được trao,
Một chiếc đầu trên đĩa.

Ôi cuộc đời trần thế,
Làm xao động lòng người,
Bao tiếng khóc tiếng cười,
Sẽ chìm vào dĩ vãng.

Cuộc đời sẽ viên mãn,
Xin soi sáng tâm hồn,
Cho con phải nhớ luôn,
Theo gương Người Mở Lối.

Hỡi Ánh Sáng ngàn thu,
Vắng Ngài đời sẽ khổ,
Có Ngài không chết nữa,
Gần Ngài sáng đầy dư. (*)

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Trich Thánh Thi Phụng Vụ.
-Ghi chú : Vua Hêrođê đã lấy bà Hêrodia là vợ của người em mình. Việc lọan luân này đã bị Gioan Tẩy giả nặng lời quở trách. Nhân một ngày kia, vua mở tiệc đãi các quan triều đình, con gái của Hêrodia nhảy múa làm vua ưa thích. Vua hứa sẽ ban cho bất cứ điều gì cô xin. Cô hỏi ý mẹ, bà nói : “ Hãy xin đầu Gioan Tẩy Giả “. Vua đã chót hứa không muốn thất lời với cô trước bá quan, nên đã sai thị vệ vào tù chém đầu Gioan đặt trên đĩa mang đến.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trẻ Thơ
Dominic Đức Nguyễn
11:16 29/08/2020
TRẺ THƠ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Chúa Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy,
đừng ngăn cấm chúng,
vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”
(Mt 19, 15).
 
VietCatholic TV
Đức Phanxicô gửi thông điệp cho Cuộc Gặp Gỡ Rimini hàng năm
Giáo Hội Năm Châu
07:08 29/08/2020


Nhân dịp Cuộc Gặp Gỡ “Tình Hữu Nghị Giữa Các Dân Tộc” Hàng Năm thường được tổ chức tại Rimini nhưng năm nay vì đại dịch Covid-19, nên phải tổ chức trực tuyến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, đã gửi tới Đức Giám Mục Rimini, Francesco Lambiasi, một thông điệp với nội dung như sau:

Qua Đức Cha, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ những lời chúc tốt đẹp của ngài cho kết quả tốt đẹp của “Cuộc Gặp gỡ Tình Hữu nghị giữa Các Dân tộc”, lần thứ 41 sẽ được tổ chức chủ yếu dưới hình thức kỹ thuật số. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đoan hứa sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài với những người tổ chức và tất cả những người tham gia.

Ai không thấy mình hợp nhất với người khác do trải nghiệm đại dịch đầy bi đát? Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang cùng ở trong một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng. Bão tố làm lộ ra tính dễ bị thương tổn của chúng ta và nhiều an toàn giả tạo và vô dụng mà chúng ta đã dùng để xây dựng các nghị trình, dự án, thói quen và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã để cho những gì nuôi dưỡng, hỗ trợ và mang lại sức mạnh cho cuộc sống của chúng ta thiếp ngủ và bị bỏ rơi như thế nào” (Đức Phanxicô, Khoảnh khắc cầu nguyện ngoại thường, tại sân Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ngày 27 tháng 3 năm 2020).

Tiêu đề năm nay, "Không có sự Ngạc nhiên, Chúng ta Mãi Điếc Với Thể Siêu phàm” (A.J. Heschel, God in Search of Man, Turin, 1969, 274), mang lại một đóng góp quý giá và độc đáo vào thời điểm đầy biến động của lịch sử. Trong việc tìm kiếm hàng hóa hơn là điều tốt đẹp, nhiều người hoàn toàn dựa vào sức lực của mình, vào khả năng sản xuất và kiếm tiền, từ bỏ thái độ thường khiến đứa trẻ dán mắt vào thực tại: ngạc nhiên. Về mối liên kết này, G.K. Chesterton từng viết: “Các trường phái và các nhà hiền triết bí truyền nhất chưa bao giờ có được lực hấp dẫn vốn nằm trong đôi mắt trẻ thơ ba tháng. Lực hấp dẫn của em là lực hấp dẫn ngạc nhiên khi đối diện với vũ trụ, và sự ngạc nhiên này không phải là huyền nhiệm học mà đúng hơn là cảm thức tốt về thể siêu việt” (L’Imputato, Turin, 2011, 113).

Người ta nghĩ đến lời mời gọi của Chúa Giêsu trở nên giống như trẻ em (xem Mt 18: 3), nhưng cũng là sự ngạc nhiên đứng trước hiện hữu, vốn tạo nên nguyên lý Triết học ở Hy Lạp cổ đại. Chính sự ngạc nhiên này đã thiết lập và tái khởi động sự sống, giúp nó khả năng bắt đầu lại trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Đó là thái độ cần có vì sự sống là một quà phúc đem lại cho chúng ta khả thể luôn luôn bắt đầu lại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như thế, nhấn mạnh việc cần phải tái sở đắc sự ngạc nhiên để có thể sống còn. “Sự sống mà không có sự ngạc nhiên sẽ trở nên xám xịt, thông lệ; đức tin cũng vậy. Và Giáo Hội cũng có nhu cầu đổi mới sự ngạc nhiên được làm nơi cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống, làm Hiền thê của Chúa, làm Mẹ sinh ra nhiều con cái” (Bài giảng ngày 01/01/2019).

Trong những tháng qua, chúng ta đã trải nghiệm được chiều kích ấy của sự ngạc nhiên, một chiều kích vốn mang hình thức cảm thương trước đau khổ, mong manh, sợi dây đàn ngạc nhiên. Làm thế nào người ta lại có thể không trải nghiệm cảm quan độc đáo về sự bấp bênh của việc chúng ta hiện hữu? Cảm quan nhân bản cao quí này từng thúc đẩy các bác sĩ và y tá đương đầu với thử thách nghiêm trọng của Coronavirus bằng sự tận tụy hết mình và cam kết đầy yêu thương. Cũng chính cảm quan dạt dào yêu thương dành cho các học sinh của mình này đã khiến nhiều thầy cô chấp nhận nỗ lực học tập từ xa, bảo đảm kết thúc cho năm học. Và nó cũng giúp nhiều người khả năng tái khám phá sức mạnh đương đầu với các khó khăn và gian khổ nơi khuôn mặt và sự hiện diện của các thành viên trong gia đình.

Trong mối liên kết này, chủ đề của Cuộc gặp gỡ sắp tới là một lời kêu gọi mạnh mẽ đi vào các lớp lang sâu thẳm của trái tim con người qua sợi dây đàn ngạc nhiên. Làm thế nào người ta lại có thể không cảm nghiệm được cảm quan ngạc nhiên độc đáo trước cảnh tượng núi non trùng điệp, nghe nhạc rung động tâm hồn, hay chỉ cần trước sự hiện hữu của người thân yêu hay hồng phúc sáng thế? Ngạc nhiên thực sự là cách để tiếp nhận các dấu hiệu của thể siêu phàm, tức là, của Mầu Nhiệm vốn tạo nên gốc rễ và nền tảng của vạn vật. Thực thế, “không những chỉ có trái tim con người được trình bày như một dấu hiệu, mà cả toàn bộ thực tại. Tự vấn khi đứng trước các dấu hiệu và khả năng cực kỳ nhân bản là điều cần thiết, điều đầu tiên chúng ta có trong tư cách đàn ông đàn bà: ngạc nhiên, khả năng có thể thán phục, như Giussani từng gọi. Chỉ một mình sự ngạc nhiên mới nhận thức” (J.M. Bergoglio, trong A. Savorana, Vita di Don Giussani, Milan, 2014, 1034). Vì vậy, J.L. Borges đã có thể nói: “Mọi cảm xúc đều trôi qua, chỉ còn lại sự ngạc nhiên” (The Desert and the Labyrinth).

Nếu cái nhìn này không được trau dồi, người ta sẽ trở nên mù lòa khi khi đứng trước hiện hữu: khép kín trong chính mình, người ta mãi mãi bị thu hút bởi những điều phù du và không còn tra vấn thực tại. Ngay trong sa mạc đại dịch, những câu hỏi âm ỉ tái xuất hiện: đâu là ý nghĩa của cuộc sống, của đau đớn, của cái chết? “Con người không thể bằng lòng với những câu trả lời bị cắt giảm hoặc phiến diện, tự buộc mình phải bác bỏ hoặc quên đi một số khía cạnh của thực tại. Nơi họ, có một niềm khao khát đối với thể vô hạn, một nỗi buồn vô hạn, một nỗi nhớ nhung chỉ được dập tắt bằng một câu trả lời vô hạn không kém. Cuộc sống sẽ là một mong muốn phi lý nếu câu trả lời này không có” (J.M. Bergoglio, trong Vita di Don Giussani, cit., 1034).

Những người khác nhau được thúc đẩy tìm kiếm câu trả lời hoặc thậm chí các câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, mà tất cả chúng ta đều khao khát, ngay cả khi không nhận thức được điều này. Vì vậy, một điều gì đó đã xảy ra dường như là nghịch lý: thay vì làm giảm cơn khát rõ rệt nhất, việc cấm cửa lại đánh thức nơi một số người khả năng ngạc nhiên khi đối diện với những con người và sự kiện thoạt đầu vẫn được coi là đương nhiên. Một hoàn cảnh cảm kích như thế đã khôi phục lại, ít là một chút, cách chân chính hơn để đánh giá hiện hữu, mà không có cái phức hợp sao lãng và định kiến vốn gây ô nhiễm cho đôi mắt, làm mờ nhạt sự vật, hư vô hóa sự ngạc nhiên và quên khuấy việc tự hỏi chúng ta là ai.

Ở cao điểm của tình trạng khẩn cấp y tế, Đức Giáo Hoàng đã nhận được một lá thư, có chữ ký của một số nghệ sĩ; họ cảm ơn ngài đã cầu nguyện cho họ trong một thánh lễ tại Nhà Thánh Martha. Trong dịp đó, ngài đã nói: “Các nghệ sĩ làm cho chúng ta hiểu cái đẹp là gì, và không có cái đẹp thì không thể hiểu được Tin Mừng” (Suy Niệm Buổi Sáng, ngày 7 tháng Năm, 2020). Việc trải nghiệm cái đẹp có tính quyết định ra sao trong việc đạt tới sự thật đã được nhà thần học Hans Urs von Balthasar, trong số nhiều người khác, chứng minh: “Trong một thế giới không có cái đẹp, sự thiện cũng mất đi sức hấp dẫn của nó, bằng chứng về việc nó cần phải được hoàn thành; và con người mãi bối rối khi đối diện với điều đó và tự hỏi tại sao, đúng hơn, họ không nên thích cái ác hơn. Điều này cũng tạo nên một khả thể, thậm chí còn thú vị hơn nhiều. Trong một thế giới tin rằng mình không còn khả năng khẳng định cái đẹp, các lý lẽ ủng hộ chân lý cũng mất hết sức mạnh của một kết luận hợp luận lý: diễn trình dẫn đến kết luận là một cơ chế không còn liên quan đến bất cứ ai, và bản thân kết luận cũng không còn kết luận gì được nữa” (Gloria I, Milan, 2005, 11).

Do đó, chủ đề đặc trưng của Cuộc Gặp gỡ đặt ra một thách thức quyết định đối với các Kitô hữu, được kêu gọi làm chứng cho sức hấp dẫn sâu sắc mà đức tin vốn mãi thực hiện bằng chính vẻ đẹp của nó: “sức hấp dẫn của Chúa Giêsu, ” theo cách diễn tả thân thương của Tôi tớ Chúa Luigi Giussani. Liên quan đến việc giáo dục đức tin, Đức Thánh Cha đã viết về điều đó trong điều được coi như văn kiện lên chương trình cho triều giáo hoàng của ngài: “Mọi phát biểu của cái đẹp chân chính đều có thể được công nhận như con đường giúp ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Nếu, như Thánh Augustinô khẳng định, chúng ta chỉ yêu những gì đẹp đẽ, thì Chúa Con làm người, mặc khải cái đẹp vô hạn, là Đấng đáng yêu vô cùng, và Người thu hút chúng ta đến với Người bằng những dây liên kết yêu thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào tạo trong via pulchritudinis (nẻo đường cái đẹp) phải được lồng vào việc lưu truyền đức tin” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 167).

Do đó, Đức Giáo Hoàng mời gọi các bạn tiếp tục cộng tác với ngài trong việc làm chứng cho cảm nghiệm cái đẹp của Thiên Chúa, Đấng đã tự làm Người trở thành Xác Phàm để đôi mắt chúng ta phải sửng sốt khi nhìn thấy thánh nhan Người và đôi mắt chúng ta nhìn thấy nơi Người sự kỳ diệu của sự sống. Đó là điều, một ngày kia, Thánh Gioan Phaolô II, đấng mà lễ kỷ niệm một trăm năm ngày sinh chúng ta đã cử hành cách đây không lâu, đã nói: “được làm người, thật đáng giá, vì lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm người” (Bài giảng ngày 15 tháng 4 năm 1984). Há đó không phải là khám phá sửng sốt, là đóng góp lớn lao nhất mà các Kitô hữu có thể cung cấp để nâng đỡ lòng hy vọng của con người hay sao? Đây là một nhiệm vụ mà chúng ta không thể miễn chước cho chính mình, nhất là trong bước ngoặt chữ chi của lịch sử này. Đây là lời kêu gọi trở nên những kính ảnh phim đèn chiếu (transparencies) của cái đẹp từng thay đổi cuộc sống, trở nên các nhân chứng cụ thể của tình yêu cứu rỗi, nhất là đối với tất cả những người hiện chủ yếu đang đau khổ.

Với những tâm tình này, Đức Thánh Cha gửi lời chúc phúc chân thành đến Đức Cha và toàn thể cộng đồng Gặp Gỡ, yêu cầu họ tiếp tục nhớ đến ngài trong lời cầu nguyện của họ. Tôi hợp nhất lời chào thân ái của tôi với lời chào của ngài, trong khi tự xác nhận, bằng những tâm tình tôn trọng đặc biệt đối với Đức Cha,

Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh
 
Tình hình cháy rừng tại California
Giáo Hội Năm Châu
07:09 29/08/2020
 
Đeo mấy ký vàng trên cổ, doanh nhân Pakistan kêu gọi Kitô hữu cải sang đạo Hồi với giá 6,000 USD
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:31 29/08/2020


1. Video TikTok kêu gọi các tín hữu Kitô cải đạo sang đạo Hồi với giá 6, 000 Mỹ Kim

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một video được đăng trên TikTok hai ngày trước đã lan truyền nhanh chóng tại Pakistan.

TikTok là mạng xã hội đã bị Tổng thống Trump cấm tại Hoa Kỳ. Trong video này Mian Kashif Zameer Chohadary, một doanh nhân dệt may theo đạo Hồi, kêu gọi các tín hữu Kitô chuyển sang đạo Hồi. Hắn ta hứa rằng nếu họ làm như vậy, hắn sẽ cho họ mỗi người 200, 000 rupee (tức là khoảng 1, 186 Mỹ Kim), và một triệu rupee (tức là 5, 930 Mỹ Kim) nếu cả một gia đình cải đạo sang Hồi Giáo.

Trong video này, tên Kashif đeo một sợi dây chuyền vàng trên cổ, không biết là vàng thật hay vàng giả, nhưng có vẻ nặng tới vài kg khiến hắn ta phải chúi đầu xuống. Y nói: “ Xin chào! Tên tôi là Mian Kashif Zameer. Ở đây trên TikTok, mọi người đưa ra những thách thức ngu ngốc cho người khác. Nhưng bây giờ tôi sắp công bố một đề nghị chưa bao giờ được thực hiện. Nếu một Kitô hữu đón nhận đạo Hồi, tôi sẽ cho anh ta 200, 000 rupee; nếu cả gia đình chuyển sang đạo Hồi, tôi sẽ tặng một triệu rupee. Hãy chấp nhận Hồi giáo, đó là tôn giáo tốt nhất.”

Tên Kashif cũng nói rằng mọi người phải giúp đỡ và hỗ trợ những người khác chuyển sang đạo Hồi vì công việc này sẽ giúp họ được cứu rỗi.

Trong một video khác, hắn ta gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Thống đốc Punjab, Chaudhary Muhammad Sarwar, để cho thấy rằng hắn ta có mối quan hệ quan trọng với chính quyền.

Nhiều tín hữu Kitô cảm thấy bị xúc phạm trước những lời lẽ của Kashif.

Việc dụ dỗ và cưỡng bức cải đạo sang Hồi giáo cũng ảnh hưởng đến các nhóm thiểu số theo Ấn Giáo và đạo Sikh của Pakistan.

Vào cuối tháng 7, một video khác đã lan truyền trên TikTok. Nó cho thấy một nhóm thanh niên Hồi giáo đang cố gắng ép buộc một Kitô hữu trẻ từ chối niềm tin Kitô và lặp lại theo chúng kinh Kalima, là kinh nói lên niềm tin Hồi giáo.

Đoạn video được đăng trên tài khoản Bilal Maher 479. Trong đó, một thanh niên Công Giáo nói rằng anh ta sẽ không bao giờ đọc kinh Kalima của Hồi giáo và anh ta sẽ không bao giờ từ bỏ đức tin Công Giáo của mình. Khi những người đàn ông Hồi giáo đe dọa anh ta, anh ta nói rằng anh ta sẵn sàng đối mặt với mọi hậu quả, nhưng anh ta sẽ không từ bỏ tôn giáo của mình.

Mariyam Kashif Anthony, một nhà vận động nhân quyền và là giáo viên ở Karachi, đã lên tiếng chỉ trích những vụ việc này, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách viễn thông của Pakistan tìm ra tác giả của chúng thông qua tài khoản TikTok của họ và truy tố họ theo quy định của pháp luật.

“Những kẻ thù ghét này phải bị cảnh sát dạy cho một bài học. Những người Kitô hữu chúng tôi rất yếu thế và chúng tôi không giàu có, nhưng đức tin của chúng tôi vào Chúa Giêsu Kitô mạnh hơn họ nghĩ, ” cô nói.

“Chúa Giêsu Kitô có quyền năng để cứu và bảo vệ chúng ta. Chúng tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Hằng Sống, mà không quyền lực thế gian nào có thể đánh bại được. “


Source:Asia News

2. Hàng nghìn người Israel phản đối bạo lực tình dục sau khi một băng đảng hiếp dâm cô gái 16 tuổi

Hàng nghìn người Do Thái đã tụ tập vào tối Chúa Nhật để chỉ trích nạn bạo lực tình dục đối với phụ nữ tại Quảng trường Rabin của Tel Aviv, sau khi báo chí loan tin về một vụ bắt cóc và cưỡng hiếp tập thể một cô gái 16 tuổi trong một khách sạn ở thành phố nghỉ mát phía nam Eilat.

Những người biểu tình chỉ ra rằng các phim ảnh khiêu dâm là nguyên cớ cho tình trạng tha hóa và tội lỗi của một dân tộc đã được Chúa chọn và có lòng kính sợ Chúa một cách đặc biệt.

Những người biểu tình đã chặn một số con phố dẫn đến quảng trường và nhiều người bắt đầu đi cùng với cảnh sát tuần hành xuống một con phố chính sau khi cuộc biểu tình kết thúc.

Trước đó, các công nhân Israel đã tham gia vào một cuộc đình công vào buổi trưa kéo dài nửa tiếng để phản đối và yêu cầu nhà cầm quyền Do Thái trừng phạt bọn hiếp dâm.

“Vào tối thứ Năm, sau khi nghe tin về vụ cưỡng hiếp kinh hoàng ở Eilat, tôi cảm thấy mình không thể thở được, ” Phó Thị trưởng Tel Aviv, Moran Zer Katzenstein cho biết tại cuộc biểu tình. “Sức mạnh của chúng tôi nằm ở chỗ chúng tôi là phụ nữ - chúng tôi là 51% công dân Israel. Chúng ta là động cơ của nền kinh tế. Và hôm nay chúng tôi phải nói rằng - chúng tôi sẽ không di chuyển với chương trình nghị sự nữa - nếu nó không dừng lại, chúng tôi sẽ dừng lại.”

Tổng cộng, cảnh sát đã bắt giữ 11 người liên quan đến vụ việc. Bảy trẻ vị thành niên đến từ miền nam Israel đã bị bắt vào hôm Chúa Nhật, và cảnh sát dự định sẽ yêu cầu tòa án kéo dài thời gian giam giữ.

Trước đó, cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên 17 tuổi, là nghi phạm thứ tư bị tạm giữ, và gia hạn tạm giam cho đến thứ Ba.

Một thanh niên khác 17 tuổi đã bị bắt hôm thứ Bảy vì liên quan đến vụ án. Hai người đàn ông 27 tuổi bị bắt vào tuần trước đã được cảnh sát mô tả là nghi phạm chính với bằng chứng là từ các camera an ninh từ khách sạn.

Cũng trong ngày Chúa Nhật, cảnh sát đã bắt giữ người quản lý của khách sạn nơi xảy ra vụ việc và bà ta bị tạm giữ để thẩm vấn vì nghi ngờ cản trở cuộc điều tra và không ngăn chặn bọn tội phạm.


Source:Haraetz

3. Trung tâm đối thoại liên tôn đầu tiên được xây dựng tại Vienne.

Ðược chọn trong số những nơi được đề nghị từ năm 2015, Vienne, thủ đô của Áo sẽ là nơi trung tâm đầu tiên cho đối thoại liên tôn được xây dựng.

Quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp báo diễn ra trong những ngày vừa qua của đại diện các tôn giáo, gồm các Giáo hội Kitô, Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Sikh. Trong số các vị đại diện có Ðức Hồng Y Christoph Schunborn, Tổng Giám mục Vienne và ông Michael Ludwig, thị trưởng thành phố.

Công trình sẽ được xây dựng tại Seestadt Aspern, trên đất do chính quyền thành phố tặng khoảng 10 ngàn mét vuông và có thể đón tiếp 3 ngàn người.

Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động, các sáng kiến và các cuộc gặp gỡ cho các thành viên của các cộng đoàn các tôn giáo và cho bất kỳ ai quan tâm. Ðức Hồng Y Schunborn cho biết, trung tâm là một dấu chỉ của đối thoại giữa các tôn giáo, một lời mời trải nghiệm tôn giáo.

Thị trưởng thành phố chỉ ra rằng dự án là loại hình đầu tiên trên thế giới, muốn cho thấy “những xu hướng tích cực mà sự hợp tác giữa các tôn giáo có thể đem lại những tác động tích cực cho xã hội”. Ông nhận định: “Trong giai đoạn thực hiện chương trình, các tôn giáo đã vượt qua được những thành kiến, đây sẽ là một sức mạnh biểu tượng cao cho Vienne và còn mang đến một tác động xa hơn thành phố này”.

“Cần vượt qua mọi ngờ vực, ngày qua ngày hiểu biết văn hóa và kinh nghiệm của những người theo một đức tin khác” là một nguyên tắc mà Giáo Hội Công Giáo Áo áp dụng ở mọi cấp độ, mời gọi đặc biệt trong thời điểm đại dịch và hiện tượng người di cư không ngừng, nghĩa là không dựng lên những bức tường, không thành kiến hay sợ hãi về cái “chưa biết”. Nhiệm vụ của Giáo hội là làm việc không ngừng để tâm hồn các tín hữu rộng mở với người thân cận, đón nhận thách đố lớn và hiển nhiên nhất trong thời đại ngày nay: khả năng nói với đức tin.

Ðức cha Franz Lackner, Tổng Giám mục Salzburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo nhấn mạnh, điều cần thiết đối với Giáo hội là không bao giờ mệt mỏi nói về Chúa, lý do thúc đẩy chúng ta theo Người; làm chứng cho tình yêu vô tận lấp đầy cuộc sống của con người. Ðức tin Kitô giáo, dựa trên nền tảng liên kết huynh đệ với người thân cận, tiếp tục là thuốc giải độc lớn nhất cho sự hời hợt, được cho là “cám dỗ của thời đại chúng ta”. Chủ tịch Hội đồng Giám mục kết luận: Chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta là một phần của cộng đồng, đặc biệt trong những thời điểm thiếu thốn do virus corona, “khao khát những dấu hiệu tình cảm, thậm chí chỉ là một cái bắt tay