Ngày 04-09-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sinh hoạt trong đạo
Lm Vũđình Tường
04:46 04/09/2014
Sinh hoạt chung trong cộng đoàn dân Chúa là một nghệ thuật. Nghệ thuật sinh hoạt chung trong cộng đoàn đòi chấp nhận khác biệt và cảm thông. Cảm thông bao gồm cả việc chấp nhận thay đổi, quan tâm đến khó khăn của người và thực thi tình bác ái. Những điều này mang lại bình an và hài hoà trong đời sống mỗi thành viên và chung cho cả cộng đoàn. Mỗi người có cách sông riêng của cá nhân mình và những thành viên khác cần tôn trọng, với điều kiện cách sống riêng đó không ngược lại với tinh thần yêu thương, tha thứ trong Kinh Thánh. Bất đồng, tranh cấp, bất hoà xảy ra trong sinh hoạt chung là điều không thể tránh khỏi. Khi điều đó xảy ra tốt hơn hết là nên giải quyết càng sớm càng tốt. Mong rằng cứ làm lơ đi một thời gian bất hoà, tranh chấp sẽ chết theo thời gian là trốn tránh trách nhiệm của người lãnh đạo trong cộng đoàn. Bất hoà có thể không chết nhưng trở thành điều tai tiếng chung cho cả cộng đoàn và chia rẽ, bè phái là điều không thể tránh khỏi. Một khi đã có bè, phái, rạn nứt thì việc hàn gắn trở nên khó hơn và vấn đề giao hoà trở nên khó hơn gấp bội. Cá nhân và cộng đoàn thiệt thòi chỉ có kẻ ‘lợi dụng cơ hội’ là lợi hơn cả. Bất đồng dù lớn hay nhỏ đều gây nên rạn nứt và người lãnh đạo cộng đoàn cần tìm cách kiến tạo bình an cho cộng đoàn cũng như giúp các thành viên học khôn từ bất đồng và mục đích quan trọng nhất là giúp thành viên trung thành với đời sống đức tin. Danh Chúa không thể nào cả sáng nơi cộng đoàn có tranh chấp, bất hoà.

Cộng đoàn giải quyết bất hoà trong tâm tình yêu thương và công chính, không phải giải quyết theo phe phái hay thiên vị phe nhóm nhưng công tâm trong bác ái, yêu thương. Khi gặp vấn nạn phức tạp tiếng nói chung của người có trách nhiệm cần thể hiện tiếng nói của cả nhóm, không phải tiếng nói của người có uy tín nhất trong nhóm mà là tiếng nói chung cả nhóm đồng tâm như thế mới thể hiện được tiếng nói chung của cộng đoàn. Một khi tiếng nói chung bị từ chối người đó coi như tự tách mình ra khỏi cộng đoàn vì không công nhận quyền lãnh đạo chung của cộng đoàn. Từ chối như thế là tự chọn sống ngoài cộng đoàn, dù vẫn đang sống trong cộng đoàn nhưng cách xử thế là ngoài cộng đoàn. Trong truờng hợp này cộng đoàn không còn cách nào khác bằng cách thừa nhận tính cách chọn lựa của cá nhân đó. Chọn sống ngoài cộng đoàn chính là chọn đời sống của kẻ không tin Chúa hay đời sống của dân thu thuế. Người thu thuế thời Đức Kitô là người không tôn thờ Thiên Chúa nhưng là người cộng tác với thế lực ngoại bang để làm hại chính dân mình.

Tiếng nói chung của ban lãnh đạo là tiếng nói của con người nhưng tiếng nói đó được chính Đức Kitô xác nhận là cần thiết. Khi họ hội họp bàn về công việc chung trong tinh thần cầu nguyện chân thành, cởi mở và tinh thần bác ái thì họ nhận được ân sủng Chúa. Đức Kitô hiện diện trong các buổi sinh hoạt cầu nguyện thành tâm như thế. Cộng đoàn đức tin là nơi giúp giải quyết những bất đồng, chia rẽ nhưng cũng là nơi phát sinh bất đồng, chia rẽ. Cộng đoàn nâng đỡ, ủi an và chia sẻ khó khăn của mọi thành viên nhưng thành viên cũng có trách nhiệm chu toàn bổn phận cộng đoàn.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Suy niệm lễ Sinh nhật Đức Maria
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:13 04/09/2014
Chúc tụng Mẹ! Mừng Sinh nhật hôm nay

Suy niệm lễ Sinh nhật Đức Maria

(Mt 1, 1-16. 18-23)

Ngày lễ sinh nhật Mẹ Maria hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại gia phả của Chúa Giêsu. Ta thấy, trong suốt chiều dài lịch sử thấy Thiên Chúa đã tuyển chọn gia tộc cho Người cách đặc biệt.

Hình ảnh bốn phụ nữ được Kinh Thánh nói đến như là một tiên báo cách kín đáo về Đức Kitô, Đấng sẽ đến để cứu độ những người tội lỗi, và đón nhận mọi dân mọi nước vào vương quốc của Người. Việc tuyển chọn những nhân vật này không phải là điều đáng tự hào vì lý lịch của họ. Nhưng tiêu chuẩn của Thiên Chúa khác với con người. Người chọn sự yếu kém để nói lên lượng từ bi của Người.

Đây là "gia phả của đức tin và ân sủng". Vì cho dẫu gia phả này được đan dệt bằng biết bao tội nhân và những kẻ gian ác, nhưng lịch sử ấy lại là lịch sử của tình thương và lòng thương xót Chúa, được chính Thiên Chúa can thiệp đúng lúc. Thiên Chúa đã viết lịch sử ấy bằng những nét đặc biệt, khác thường. Cái đặc biệt nhất vẫn là Thiên Chúa đã không bỏ rơi một nhân loại phản bội lại Ngài, không làm ngơ trước sự đau khổ và tội lỗi của con người. Thiên Chúa đã hành xử thật tốt đẹp với con người, đối với từng người. Chính vì một lịch sử, một thế giới tội lỗi mà Mẹ Maria đã sinh ra để cưu mang Chúa Giêsu Đấng cứu độ chúng ta

Mẹ Maria đã làm loé lên niềm hy vọng cho một trần gian đang lầm lỗi. Mẹ đã điểm tô cho một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ làm lu mờ vì tội phản nghịch cùng Thiên Chúa. Mẹ Maria đã làm cho lịch sử hồi sinh khi ông bà nguyên tổ làm hoen ố vì tội lỗi. Nhân loại đáng lẽ bị đắm chìm trong sự chết, nhưng Mẹ đã làm cho có sự sống viên mãn.

Hôm nay là lễ sinh nhật Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu và là Mẹ chúng ta, chúng ta không thể không vui, và cùng nhau chúc mừng tuổi Mẹ. Ngày này phải là ngày vui chung của toàn thế giới, chứ không phải riêng cho một dân tộc hay một nhóm người nào. Bởi ngày sinh của Mẹ có liên quan trực tiếp đến biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Ngày Mẹ chào đời đánh dấu sự nối kết giữa Tân ước và Cựu ước, chấm dứt thời kỳ chờ đợi và những lời hứa, khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ ân sủng và ơn cứu độ trong Đức Kitô. Mẹ thật xứng : "Đức Mẹ làm cho chúng con vui mừng".

Maria ! Mẹ Ngôi Hai Con Chúa

Chúc tụng Mẹ! Mừng Sinh nhật hôm nay

Chúa thương Mẹ ban ơn phúc dư đầy

Hình ảnh Mẹ, ngàn đời con ca tụng.

Quả thật, ngày sinh nhật của Mẹ đã khai mở lời hứa của Thiên Chúa bước đầu thành sự, đồng thời, Mẹ là Nữ Tử Sion, là hy vọng của nhân loại. Mẹ ra đời để làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Có cuộc sinh nhật của Mẹ, mới có sự ra đời của Đức Giêsu, có Đức Giêsu mới có Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, ngày sinh nhật của Mẹ đã được đặt vào Mầu Nhiệm Nhập Thể, cứu độ. Mẹ như Sao mai dẫn lối đưa đường, Mẹ chính là hừng đông, là ánh bình minh báo trước Mặt trời công chính là Đức Kitô.

Vì thế trong ngày Đức Maria chào đời Giáo Hội đã kêu lên : "Ôi lạy Mẹ! Ngày sinh của Mẹ đã đem lại cho thế giới sứ điệp vui mừng và hy vọng. Vì Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt trời soi đường nay nẻo chính đã từ cung lòng Mẹ sinh ra, Ngài là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh".

Thánh Gioan Đamatsô đã dâng lời ca tụng : "Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới ! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới!"

Vậy, hôm nay, mọi loài trên trời dưới đất hãy cùng nhau hoan hỷ và đồng ca, nhảy múa biểu lộ niềm vui bất cứ vật nào ở trong trần gian cũng như ở trên trần gian hãy họp nhau mừng lễ. Quả thật, hôm nay thánh điện của Đấng tạo thành muôn vật đã được xây lên, và một thọ tạo, vì một lý do mới mẻ và thích đáng, đã được chuẩn bị làm nơi cư trú mới cho Đấng Hoá Công.

Khi mừng sinh nhật nhau, chúng ta thường tặng nhau những bó hoa, những món quà. Mừng ngày sinh nhật của Mẹ hôm nay: "mãi mãi nhân loại sẽ khơng ngớt cùng Mẹ ca tụng Thiên Chúa:

Chúng con tại thế tưng bừng,

Cùng nhau ca hát vang lừng bốn phương.

Tạ ơn Thiên Chúa tình thương,

Chọn người Trinh Nữ ngát hương ngàn đời.

Chúng ta hãy quyết hái nhiều hoa xinh đẹp để dâng kính Mẹ, tỏ lòng mến yêu Mẹ bằng những kinh nguyện chân thành dâng lên Mẹ, những đóa hoa tươi kính dâng Mẹ sẽ là những tâm tình đẹp chúng ta làm vui lòng Mẹ. Nhất là chúng ta hãy tiếp tục làm những việc đạo đức thông thường dâng kính Mẹ, như : lần hạt Mân Côi, đọc kinh Truyền tin, nguyện kinh cầu, một cách phi thường. Có nghĩa là miệng đọc, lòng suy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, để cuộc đời của Mẹ, vốn đã trở nên một với cuộc đời của Đức Giêsu cũng được thể thể hiện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hiệp cùng Giáo Hội ca tụng, tung hô Mẹ. Với những lời chúc tốt lành nhất dâng về Mẹ cuộc sống hiện tại, quá khứ và tương lai làm món quà mừng Mẹ tuổi mới.

Mẹ sinh ra giữa muôn hoa hương ngát

Với màu sắc lộng lẫy đẹp đất trời

Mẹ rạng ngời trong hào quang vời vợi

Cùng Triều Thần con Chúc khen mừng Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 14/9/2014: Kính Thập Gía Chúa Kitô
Mai Tá
18:06 04/09/2014
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 24 mùa Thường niên năm A 14-9-2014

“Ta lẽo đẽo theo tình ê ẩm bước,”
Để chiếu về, nghe thấm thía gian nan!”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Ga 3: 13-17

Thấm thía gian-nan, không vì lẽo đẽo theo tình ê ẩm bước. Gian nan thấm thía, còn vì nhiều thứ và nhiều sự vẫn cứ xảy đến với đời người. Trình-thuật thánh-sử ghi chép hôm nay, còn gọi gian-nan là thánh-giá mà cả Chúa lẫn người phàm đều đã và đang gánh vác.
Về thánh giá, có người lại so sánh nói: nếu ta xếp các cây Thập giá nay gặp được ở đất vùng miền Châu Âu thành hàng nối đuôi nhau, ta sẽ có tuyến thập tự trải dài từ Rôma đến Giêrusalem! Suy Tôn Thánh Giá ngày nay, bắt nguồn từ những câu chuyện đầy bức xúc như thế.
Năm 326, Thân Mẫu của Hoàng đế Cônstantin là bà Hêlêna, tuổi đời tuy đã đạt 80 rồi, nhưng cụ vẫn lên thuyền vượt sóng, trực chỉ Giêrusalem quyết tìm cho bằng được thập giá Đức Kitô, và mộ phần của Ngài. Rất may, cụ đã tìm được Mộ Thánh của Chúa, nên đã yêu cầu lập thánh đường, ở ngay đó. Từ bấy giờ, Suy Tôn Thánh Giá vẫn là lễ được sùng kính, đến hôm nay.
Dù rằng thế, thánh giá thật có Chúa chết ở trên, vẫn phát tán ở đâu đó, không tìm thấy. Có người bảo: có nhà lãnh đạo Do Thái giấu Thập giá của Chúa dưới lòng giếng ở Giêrusalem. Có lãnh đạo khác đã chỉ cho cụ Hêlêna biết giếng nước để tìm. Câu chuyện cứ thế tiếp tục, và người ta tìm được những ba thập tự. Không rõ thập tự nào là thánh giá Chúa ngự, Đức Giám Mục thành Giêrusalem lúc đó là thánh Macarius bèn gửi cả ba thập tự đến một cụ bà đang sắp lìa trần. Bà sờ vào cây thứ nhất, thấy không có biến đổi, nhưng sờ đến thập tự thứ ba, thì bà khỏi ngay, hết bệnh. Và nhờ đó, thánh Hêlêna mới tìm được thánh giá đích thực, Chúa ngự đến.
Thánh giá đích thực vẫn được đặt tại nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem cho đến thế kỷ thứ 7 khi toàn bộ thành phố bị vua Ba Tư Chosroes II lấy đem về xứ Ba Tư. Năm 628, Hoàng đế Heraclius II lật đổ chính quyền nước Ba Tư và đã đem Thánh giá Chúa về thành Constantinople, thủ đô của hoàng triều. Kịp vào mùa xuân năm 629, ông đem về lại Giêrusalem. Lễ mừng hôm nay, qua tên gọi là Suy Tôn Thánh Giá, là để mừng kính việc đưa Thánh Giá của Chúa toàn thắng trở về với thành thánh của Người.
Một đằng, đây chỉ là truyền thống mọi người để tâm quá nhiều đến khí cụ hành hình, nhằm giết Chúa. So với thời đại hôm nay, nào khác gì rủ nhau hành hương đến thăm lò nướng xác người ở Auschwitz và Dã Châu. Thật ra, cũng chẳng ai tìm tới đó, để vui thích. Có những nơi, chỉ đến một lần đã làm ta nhớ lại mọi tội ác, sẽ không bao giờ tái diễn, một lần nữa.
Tương tự như thế, lễ hội Suy Tôn Thánh Giá Chúa hôm nay, mời ta tập trung tư tưởng để chiêm niệm. Sự toàn thắng của Thập giá Đức Giê-su, nằm trong ý nghĩa đó, ngang qua đó mà đi xa hơn. Thập giá Chúa nay tỏ cho ta biết cách để tội ác trôi qua; không đặt nơi ta những bẫy cạm bằng các hành xử gây tác hại cho người khác. Đồng thời, khiến ta quan tâm đến cuộc sống biết thương yêu. Sống đời công minh chính trực, rất nhân hiền.
Trên nơi cao Thập giá Chúa, ta nhận ra cái giá phải trả, để sống ngập tràn cuộc sống của con người. Sống có biết hy sinh, độ lượng. Sống, có tình thương yêu cứu độ. Sống quả cảm, dám giáp mặt với ác thần/sự dữ, hằng vây quanh. Trong cố gắng làm được như thế, chúng ta cũng sẻ san với mọi người, nơi Thánh Giá. Chia sẻ và thương yêu, nơi sự toàn thắng không ngừng của Đức Chúa Phục Sinh.
Cho dù, mọi người vẫn giỡn cợt vềi các mẩu chuyện về Thập Giá Đích thực, thì tình thương yêu của Cha, Con và Chúa Thánh Linh vẫn sẻ san với hết mọi người đang đau khổ. Tình thương của Chúa, vẫn tỏ bày mức độ Chúa muốn ta hiểu rằng Ngài kết hợp rất nhiều với chúng ta.
Thập Giá Chúa vẫn đứng thẳng, như dấu chỉ cho thấy Đức Chúa không lên án chúng ta. Ngài chẳng hề mong ta đau khổ nhục hình mà chết đi; nhưng, Đức Chúa vẫn đến với ta. Ngài vẫn chấp nhận mọi cực hình, khổ đau và chết đi. Và, Ngài đã sống lại để ta biết đường hướng dẫn ta đến với tình thương yêu và sự sống vĩnh cửu.
Trong cảm-nghiệm thập-giá khá gian-nan, cũng nên ngâm lại lời thơ ta ngâm hát, rằng:

“Ta lẽo đẽo theo tình ê ẩm bước,”
Để chiều về, nghe thấm thía gian nan!
Nhớ hôm xưa em mơ mộng nhẹ nhàng
Hay hát khẽ đôi bài tình man-mác.”
(Nguyễn Tất Nhiên – Uyên Ương)

Thì ra, tình man-mác vẫn đính kèm thánh-giá gian nan suốt đường đời. Để người người lại sẽ coi đó như sự-kiện có thật trong đời mình.


Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói với các tin hữu Iraq: Các bạn là trái tim của Giáo Hội
Bùi Hữu Thư
06:56 04/09/2014
Ngài bầy tỏ tình liên đới với những người đang bị đàn áp, và nói rằng họ là các nhân chứng của sự vững mạnh của Giáo Hội

VATICAN, ngày 3 tháng 9, 2014 (Zenit.org) – Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa lại bầy tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị đàn áp tại Trung Đông, ngài nói họ là trái tim của Giáo Hội và là nhân chứng cho sức mạnh và cho sứ điệp cứu rỗi.

Nói với các thính giả nói tiếng Ả Rập trong buổi triều kiến chung ngày 3 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giáo Hội là hiền mẫu, và cũng như các bà mẹ khác, biết đồng hành với con cái đang thiếu thốn, để nâng lên đứa con bị té, để tìm kiếm đứa con đi lạc, đánh thức đứa con say ngủ, và cũng bảo vệ cho đứa con yếu đuối và bị đàn áp.

Ngài nói: “Hôm nay tôi muốn cam đoan với các bạn về tình liên đới của tôi,” ngài đặc biệt đề cập đến những Kitô hữu đang chịu đau khổ tại Iraq. “Các bạn là trái tim của Giáo Hội; Giáo Hội cùng chịu đau khổ với các bạn và rất hãnh diện về các bạn; các bạn là sức mạnh và là nhân chứng cụ thể và chân chính cho sứ điệp cứu chuộc, tha thứ và yêu thương của Giáo Hội. Xin Thiên Chúa chúc lành và che chở cho các bạn!”

Các kiêu binh của Bang Hồi Giáo đã ép buộc hang vạn Kitô hữu Iraq phải rời bỏ nhà cửa trong mấy tuần qua. Một số đã bị đánh đập tàn nhẫn, bị thảm sát hay bị bắt làm nô lệ.

Trong một diễn từ khác gửi cho các khách hành hương người Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ đến ngày kỷ niệm lần thứ 75 của sự bùng nổ của Thế Chiến Thứ Hai. Ngài ghi nhận là rất nhiều thành phố Ba Lan vào ngày này sẽ tổ chức các cuộc tưởng niệm và cầu xin Lòng Thương Xót Chúa cho “những ai đã thiệt mạng vì yêu quê hương và đồng bào của mình.”

Ngài cầu nguyện, “Chúng ta cầu xin ân sủng hòa bình cho tất cả mọi quốc gia tại Âu Châu và thế giới, qua sự cầu bầu của Thánh Maria, Nữ Vương Hòa Bình.”
 
ĐHY Quốc vụ khanh Parolin cổ võ giải pháp chính trị cho Irak
Lm. Trần Đức Anh OP
11:18 04/09/2014
ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cổ võ giải pháp chính trị cho Irak, chứ không dùng các giải pháp quân sự bạo lực cho vấn đề này.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí bên lề Hội nghị toàn quốc Italia các cố vấn tôn giáo của tổ chức Coldiretti, hôm 3-9-2014, ở Roma, ĐHY Parolin nói: ”Cần chấm dứt những tình trạng khủng hoảng bằng ý chí chính trị của tất cả các phe liên hệ trong cuộc xung đột, và với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.. Đây là con đường duy nhất để tránh cho các cuộc xung đột kéo dài và bị quên lãng, như trường hợp cuộc xung đột ở Siria”.

Về tình hình ở Irak, trong những ngày trước đây, ĐHY Parolin đã kêu gọi đừng đơn giản hóa vấn đề và đừng coi những gì đang xảy ra như một đụng độ giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Hôm 3-9-2014 ngài nói thêm rằng: ”Những xung đột hiện nay tại nước này cần những giải pháp chính trị, chứ không phải những giải pháp quân sự bạo lực'.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhắc đến thảm trạng nhân đạo tại Irak cũng như cuộc bách hại các tín hữu Kitô và khẳng định rằng trước tiên cần làm sao để các tín hữu Kitô nhận được trợ giúp nhân đạo, rồi làm sao để họ có thể trở về gia cư làng mạc của họ trong an ninh.

Về tình hình xung đột tại Ucraina, ĐHY Parolin cho biết ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, ngành ngoại giao Tòa Thánh đã dấn thân hoạt động. Đã có cuộc gặp gỡ giữa ĐTC và Tổng thống Vladimir Putin, cũng như thủ tướng Ucraine, rồi sau đó vẫn có những tiếp xúc, Tòa Thánh vẫn đang tìm cách giúp tái lập hòa bình tại miền đông Ucraina. (Vat. Ins. 4-9-2014)
 
Đức Thánh Cha Phanxicô: Đừng phó mặc trẻ con cho lòng thương xót của thế giới này
Đặng Tự Do
18:05 04/09/2014
Hôm thứ Năm 4 tháng 9, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà giáo dục tham dự hội nghị tổng kết một năm dự án giáo dục Scholas diễn ra tại Vatican.

Mục đích của dự án Scholas là nhằm giúp cho các trường học ở các miền khác nhau trên thế giới có thể chia sẻ tài nguyên và kiến thức. Dự án này được sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và chỉ trong một năm qua đã có hơn 300,000 trường học từ khắp nơi trên thế giới tham gia.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài nói chuyện của ngài bằng cách nói đùa về cách thức ngài chuẩn bị bài phát biểu của mình.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi giống như một người được người ta bảo ‘Nói cái gì đi’. Và ông ta trả lời, ‘Vâng, tôi sẽ tuỳ cơ ứng biến’. Nhưng rồi cuối cùng ông lấy ra những gì ông đã viết ra thành văn bản hẳn hoi”.

Đức Thánh Cha cám ơn các giáo viên và những người tham gia vào công việc thúc đẩy một nền văn hóa hội nhập trong một thời điểm mà thế giới dường như đang chia rẽ sâu sắc.

Ngài nói:

"Hôm nay không nghi ngờ gì thế giới đang có chiến tranh. Không nghi ngờ gì nữa là thế giới đã bị chia cắt. Một nền văn hóa của cuộc gặp gỡ phải được hình thành. Một nền văn hóa hội nhập, gặp gỡ, và xây dựng những nhịp cầu. Và anh chị em đang làm công việc này. "

Trích dẫn một câu tục ngữ châu Phi "cần huy động cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ". Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết không nên phó mặc trẻ em "cho lòng thương xót của một thế giới trong đó tôn thờ tiền bạc, bạo lực và đào thải ".

"Trẻ em và người già bị quên lãng và bây giờ chúng ta có cả một thế hệ thanh niên không có việc làm ở các nước đang phát triển. Ước tính có khoảng 75 triệu thanh thiếu niên ở các nước đang phát triển, từ 25 tuổi trở xuống không có việc làm. Cả một thế hệ thanh thiếu niên bị hoang phí. Điều này thôi thúc chúng ta phải hành động và không để mặc sống chết của trẻ con. Đây là công việc của chúng ta. "

Đức Thánh Cha đã khuyến khích các thành viên của Scholas tiếp tục hăng say trong trong việc tạo ra một môi trường cung cấp một tương lai đầy hy vọng cho giới trẻ ngày nay.

Ngài nói:

"Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục làm việc để tạo ra một ngôi làng nhân bản hơn. Đó là nơi có thể cung cấp cho trẻ em một món quà của hòa bình và một tương lai của hy vọng."

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được một số quà tặng từ Scholas và những nhóm khác, là những người đang hỗ trợ các sáng kiến hòa bình và giáo dục trên toàn cầu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vẻ vang dân Việt - Tân Toàn Quyền Nam Úc là một người Việt Công Giáo
VietCatholic Network
04:18 04/09/2014
 
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Trung Đông tổ chức hành hương 2014
Đinh Văn Chính
07:07 04/09/2014
Emmitsburg, Maryland ngày 30/08/2014 – Sau hai năm tạm đóng cửa để trùng tu, Trung Tâm Hành Hương National Shrine of Our Lady of Lourdes tại thành phố Emmitsburg, tiểu bang Maryland đã mở rộng vòng tay đón tiếp các giáo dân của 21 cộng đoàn thuộc 8 Tổng Giáo Phận và Giáo Phận trong Miền Trung Đông Hoa Kỳ về hành hương thăm viếng Đức Mẹ.

Sáng thứ bảy ngày 30 tháng 8 vừa qua, khoảng một ngàn rưởi giáo dân Việt Nam quy tụ về Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức (Grotto of Our Lady of Lourdes) để tham dự ngày hành hương miền hàng năm. Trung tâm hành hương với Visitor’s Center mới được xây cất dưới chân tượng đài Đức Mẹ để đón tiếp khách hành hương. Bên ngoài, có hai sân hoa làm cảnh và bức tường với hình Đức Mẹ Guadalupe đem lại khung cảnh khang trang nhưng vị trí để chuẩn bị rước kiệu bị mất đi khoảng 1/3 diện tích.

Từ 9 giờ sáng đã bắt đầu có người đến. Họ vào Visitor’s Center và đến gian hàng quà kỷ niệm và tham quan những văn phòng mới được xây cất. Giờ cao điểm nhất của các giáo dân đến nơi hành hương là khoảng từ 10 giờ đến 11 giờ. Các xe nhà đủ loại tiến vào bải đậu xe, các xe bus chở đầy người cũng lên đến núi và cho khách xuống để họ tản mát đi khắp các nơi trong trung tâm. Hệ thống âm thanh được sắp đặt cho ông MC thuộc giáo xứ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington VA, đọc những thông báo trong ngày. Không khí càng lúc càng sống động, náo nhiệt của một ngày hành hương. Các bảng hiệu cộng đoàn được giơ cao, các hiệu kỳ của các hội đoàn, đoàn thể bay phất phới trước làn gió nhẹ tạo một hình ảnh náo nhiệt hơn sinh hoạt thường ngày của trung tâm. Một số người Mỹ hành hương cũng tò mò chụp hình những sinh hoạt khác thường này.

Khoảng sau 12 giờ trưa và dưới bầu trời không nắng nhưng lắm mây, dễ chịu vì độ ẩm của mùa hè không cao lắm, các cộng đoàn khắp nơi được điều động vào đội hình để rước kiệu cung nghinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CĐ Giáo Xứ Các Thánh TĐVN, Arlington VA) và kiệu Đức Mẹ (CĐ Mẹ Thiên Chúa, Harrisburg PA đảm trách). Tiếng trống rộn rã của đoàn trống thúc giục mọi người sẵn sàng vào đội hình của đoàn rước. Sau vài cộng đoàn, Hiệp Sĩ Đoàn 9655 nâng kiệu Các Thánh TĐVN lên vai chậm rãi tiến vào đội hình. Tiếng nguyện kinh của quý sơ Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Dòng Mến Thánh Gía Đà Lạt vang vọng qua máy phóng thanh để mọi người trong đoàn rước thông công cầu nguyện chậm bước đi quanh con đường nhỏ lên hang đá Đức Mẹ. Kiệu Đức Mẹ được đi sau đoàn tung hoa của các em bé. Kế đến là Đoàn Giúp Lễ và Linh Mục Đoàn đi sau cùng. Sau khi cuộc rước kiệu kết thúc, mọi người tiến về phía hang đá Đức Mẹ Lộ Đức nơi có bàn thờ để cử hành thánh lễ. Các hàng ghế dài ngoài trời trước hang đá theo độ dốc cao dần chứa đầy người không chỗ trống. Một số giáo dân phải ngồi trên sân cỏ phía bên cạnh hoặc bên dưới bóng các ngành cây.

Mở đầu Thánh Lễ sau bài ca nhập lễ, Cha Giuse Đinh Công Hùynh, Chủ Tịch Miền Trung Đông, chào mừng quý Cha, quý thày Phó tế , quý Sơ và cộng đồng dân Chúa về tham dự Hành Hương Miền năm 2014. Ngài lần lượt giới thịệu quý Cha, gồm có Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ và quý Cha hiện diện là Cha Phêrô Trịnh Minh Quân, Cha Giuse Nguyễn Văn Hóa, Cha Phaolô Nguyễn Văn Thường, Cha Phaolô Nguyễn Minh Tuấn và quý Cha đến từ Việt Nam như Cha Anphongsô Khuất Đăng Tôn, Cha Phaolô Đinh Chí Hiền, Cha Đa Minh Nguyễn trinh Quang, Cha Gabrien Nguyễn Ngọc Tuấn, Cha Giuse Phạm Thanh Quang, và Cha Phêrô Vũ Khôi. Tổng cộng 12 linh mục đồng tế được Cha Chủ Tịch Miền ví như con số 12 của các tông đồ ngày xưa.

Phần giảng thuyết năm nay do Cha Phaolô Nguyễn Minh Tuấn. một linh mục trẻ của Giáo Xứ Các Thánh TĐVN, Arlington VA đảm trách. Dùng những từ ngữ và những ví dụ cụ thể cũng như những câu hỏi sống động về các bài đọc và Phúc Âm trong thánh lễ, ngài cho thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người như thế nào, tình mẹ thương con như Đức Mẹ thương Chúa Giêsu. Những dẫn chứng xúc tích làm cả ngàn người say mê theo dõi không muốn bài giảng của ngài kết thúc ở phút giây nào đó.

Đại diện các cộng đoàn đọc lời nguyên giáo dân và quý bà chủ tịch hoặc đại diện các cộng đoàn dân của lễ. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Miền cũng phụ giúp quý Chức cộng đoàn Nữ Vương Mân Côi Philadelphia PA trong phần vụ xin tiền và hướng dẫn quý Cha đến vị trí cho giáo dân rước lễ.

Sau khi ông Đinh Văn Chính, Chủ Tịch Ban Chấp Hành Giáo Dân Miền Trung Đông đại diện ban tổ chức với phần cám ơn, Đức Ông Chủ Tịch Liên Đoàn CDVN tại Hoa Kỳ đã nói chuyện về Đại Hội Thế Giới về Gia Đình (World Meeting of Families) vào các ngày 22 đến 27 tháng 9 năm 2015 tại Tổng Giáo Phận Philadelphia tiểu bang Pennsylvania. ĐứcThánh Cha Phanxicô sẽ thăm viếng Philadelphia vào dịp này. Đức Ông cho biết nếu số giáo dân Việt Nam tham dự đông đảo, chúng ta có thể xin thêm vào chương trình của đại hội với sinh hoạt bằng ngôn ngữ Việt Nam. Hiện giờ có 4 ngôn ngữ được chọn sử dụng trong đại hội là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Ý. Đức Ông cũng nói thêm rằng những buổi họp của cộng đồng Công Giáo Việt Nam để chuẩn bị cho đại hội sẽ được khởi sự vào tháng 9 này và kéo dài đến sang năm. Một trong những công tác cần được phối hợp chặt chẽ là các gia đình ở Philadelphia có thể nhận làm “host” đón nhận những người Việt Nam ở xa đến ở trọ và giúp đỡ họ tham dự các sinh hoạt trong những ngày của đại hội. Những ai muốn tham dự đại hội cũng cần phải ghi danh online tại Worldmeeting2015.org.

Thánh lễ kết thúc lúc 3 giờ 30 chiều cùng ngày. Các gia đình còn ở lại, tiếp tục picnic vui vẻ trước dọn dẹp và trở về với gia đình. Khi chia tay, mọi người không quên hẹn tái ngộ ngày 5 tháng 9 năm 2015 cũng tại Trung Tâm Hành Hương này.
 
Đến với người nghèo vùng sông nước Miền Tây
Giuse Khổng Hữu Nguồn
09:44 04/09/2014
Từ ngã ba Vũng Tầu, Đồng Nai, tôi lên xe lúc 10 giờ đêm thứ Ba ngày 02.9.2014. Trong chuyến đi thăm người nghèo lần thứ ba năm nay, tôi có dịp được theo Nhóm Bác ái Vũng Tàu do ông Vicente Nguyễn Đức Hải, Trưởng ban Caritas giáo xứ Nam Đồng tổ chức, đoàn đi tất cả có 18 người, đến thăm viếng và tặng 130 phần quà, mỗi phần trị giá hơn 200 ngàn đồng và 10 bao quần áo (loại bao 50 kilogam), cùng với cặp và sách giáo khoa, cho các gia đình nghèo không phân biệt lương giáo trong giáo xứ Hậu Bối và giáo xứ Đồng Lào thuộc hạt Trà Lồng, Giáo phận Cần Thơ, Tỉnh Sóc Trăng.

Hình ảnh

Được biết, nhóm bác ái gồm một số người thiện nguyện từ các giáo xứ trong hạt Vũng Tầu, Giáo phận Bà Rịa. Họ tổ chức một năm khoảng 6 lần đi thăm viếng và phát quà cho những gia đình khó khăn vùng sâu vùng xa, những nhà dưỡng lão, những trại cô nhi, không phân biệt lương giáo.

Lộ trình đi thăm viếng lần này, nếu tính từ Biên Hòa, Đồng Nai đến Sóc Trăng có khoảng gần 300 cây số, còn từ Vũng Tầu mà nhóm bác ái ra đi thì khoảng hơn 400 cây số. Chiếc xe ca 30 chỗ chở 18 người, còn lại là xếp những thùng quà và 10 bao quần áo. Chiếc xe lao vun vút trong đêm, dưới ánh đèn đường tỏa sáng.

7 giờ sáng hôm sau, thứ Tư, ngày 03.9.2014, đến nơi, đứng ngoài lộ. Chúng tôi được cha Giuse Nguyễn Vĩnh Phan, Chánh xứ Hậu Bối, cùng các vị trong ban mục vụ giáo xứ đón tiếp và hướng dẫn.

Chuyển xong các quà tặng sang đò, đoàn cùng cha xứ và các ông trong ban mục vụ lên đò, đi khoảng hơn 5 cây số đường nước kênh rạch, mới tới giáo xứ Hậu Bối.

Mới đến, chúng tôi thấy các ông bà nhận quà đã ngồi đợi sẵn trong khuôn viên nhà thờ.

Tại đây chúng tôi đã phân phát hết 100 phần quà cho họ.

Cha xứ Giuse cho biết: Giáo xứ Hậu Bối có 208 gia đình, hơn 800 người. Phần đông là làm nông, số ít buôn bán nhỏ, có nhiều hoàn cảnh nghèo, khó khăn. Từ thời các cha cố, giáo xứ có mua một chiếc đò dùng làm phương tiện đưa đón các em học sinh đến trường mỗi ngày 6 lượt đi và về. Việc này, giáo xứ hỗ trợ 50 phần trăm chi phí cho các em.

Anh Khoa 30 tuổi, (trông anh già trước tuổi) dẫn 2 đứa con gái cùng đi lãnh quà, tâm sự: “Nhà em ở xa lắm, cách nhà thờ gần 7 cây số đường sông nước, 3 cha con em đi bằng tắc ráng (vỏ lãi) ra đây. Ở nhà, vợ chồng em đi làm thuê, làm mướn, nhà không có công đất nào. Đứa gái lớn 8 tuổi học lớp hai, đứa gái bé 4 tuổi ở nhà ngoại trông. Hoàn cảnh gia đình em còn nhiều khó khăn, chúng em mong sao có việc làm, để cuộc sống bớt khổ”.

Dùng cơm và nghỉ trưa tại Hậu Bối. Đến 14 giờ chiều, chúng tôi chia tay và cảm ơn cha xứ cùng quý vị ban mục vụ. Rồi chúng tôi dùng đò, tiếp tục đi gần 10 cây số đường nước kênh rạch, để đến với giáo xứ Đồng Lào. Tại đây, bà con đã có mặt đông đủ, và chúng tôi phân phát hết 30 phần quà cho họ.

Cha Phero Trương Minh Khoái, Chánh xứ cho biết: Giáo xứ Đồng Lào có gần 300 người, một giáo xứ nhỏ, nhưng cũng còn nhiều gia đình nghèo, khó khăn. Công việc chính là làm nông.

Xong việc thăm viếng và tặng quà cho các gia đình nghèo nơi sông nước miền Tây. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình gần 80 cây số nữa, đến với cha thánh Phanxico Trương Bửu Diệp tại Tắc Sậy, thuộc Giáo phận Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu.

Đến nơi lúc 18 giờ chiều, chúng tôi dùng cơm tối và nghỉ đêm tại đây. Đến 5 giờ sáng hôm sau, thứ Năm 04.9.2014, mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ, và sau lễ, vào nhà mộ, kính viếng và khấn xin cùng cha thánh Phanxico Trương Bửu Diệp.

Sau hai ngày đến với bà con nghèo miền Tây sông nước, tôi cảm nghiệm suy tư thật nhiều, tôi liên tưởng đến một câu nói của ai đó, đã lâu: “Từ Thiện là đức hạnh của con tim, không phải của đôi tay. Từ Thiện nhìn vào nhu cầu, không nhìn vào nguyên nhân”. Trong ca dao tục ngữ Việt Nam: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. và nhất là Lời Chúa dạy: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12:9-10).

Tạ ơn Đức Mẹ, mọi người chúng con đã về đến nhà được mọi sự lành bình an.
 
Giáo họ Phan Thôn: Thánh lễ Bổn Mạng và ra mắt Cộng đoàn dòng Đức Mẹ Lên Trời tại giáo phận Vinh
Lm. Nguyễn Khương Duy, AA.
08:52 04/09/2014
Chiều Chúa Nhật ngày 31 tháng 8 năm 2014, giáo họ Phan Thôn, thuộc giáo xứ Bố Sơn, giáo hạt Xã Đoài đã long trọng mừng Lễ Đức Mẹ Trinh Vương Bổn Mạng của giáo họ. Nhân dịp này Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh đã chính thức công bố sự hiện diện của các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời (AA) trong giáo phận của ngài qua việc bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Văn Khuê, tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời, làm quản nhiệm giáo họ Phan Thôn với toàn bộ năng quyền của một giáo họ tự trị, kiêm đặc trách mục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện thuộc thành phố Vinh và vùng phụ cận, đồng thời là cha phó giáo xứ Bố Sơn.

Thánh lễ Đức Mẹ Trinh Vương, Bổn Mạng giáo họ Phan Thôn, do Đức Cha Phaolô chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Benoit Grière, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đức Mẹ Lên Trời đến từ Rôma, các cha đang phục vụ tại Tòa giám mục, các cha giáo sư Đại chủng viện Vinh Thanh, các cha trong và ngoài giáo hạt Xã Đoài, cha chánh xứ Bố Sơn và các cha thuộc Dòng Đức Mẹ Lên Trời đến từ miền Nam. Tham dự Thánh lễ còn có đông đảo các tu sĩ nam nữ và anh chị em trong và ngoài giáo họ Phan Thôn.

Được thành lập hơn 100 năm nay, với gần 1300 giáo dân, giáo họ Phan Thôn (thuộc xã Nghi Kim, thành phố Vinh) hôm nay vui mừng tiếp đón cha tân quản nhiệm, cùng với các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời, với sứ mạng đặc biệt do chính Đức Giám Mục Giáo phận giáo phó: mục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện thuộc thành phố Vinh. Đây quả là một hoạt động mục vụ mới mẻ cần có sự cộng tác giữa giáo dân và tu sĩ mà cụ thể là giáo dân giáo họ Phan Thôn với các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời. Trong bài giảng của mình, Đức Cha Phaolô trong tư cách là một mục tử, đã chia sẻ nhưng ưu tư ngài dành cho các bệnh nhân. Ngài nói:

“Với công việc mục vụ tại giáo họ Phan Thôn và các bệnh nhân tại các bệnh viện trong thành phố Vinh và vùng phụ cận, các cha và các thầy sẽ phải tiếp xúc với những con người đang trong giai đoạn khốn cùng nhất của cuộc đời. Ước mong rằng quí cha và quí thầy sẽ trở thành bàn tay nối dài của Thiên Chúa, để xoa dịu và ủi an, để cảm thông và đem đến cho những con người trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời cảm thấy được rằng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Những người nếu đã không có cơ hội được sống xứng với nhân phẩm của mình trước đây thì nay được mãn nguyện với nhân phẩm và nhân quyền của họ vào những ngày cuối đời. Với tư cách Giám mục giáo phận Vinh, một giáo phận lần đầu tiên có linh mục đặc trách mục vụ bệnh nhân, tôi rất tin tưởng nơi các cha, và trao phó sứ vụ này. Hy vọng rằng với sự giúp đỡ của Bề trên Tổng quyền Tỉnh dòng cũng như miền Việt Nam, quí cha và quí thầy sẽ thực hiện trọng trách cách tốt nhất. Và cũng ước mong rằng giáo họ Phan Thôn sẽ cộng tác đặc biệt với quí cha và quí thầy và hãnh diện với nhiệm vụ khó khăn này.”

Đối với Đức Cha Phaolô, mục vụ bệnh nhân trong gia đoạn hiện nay là một công tác hết sức cần thiết và cấp bách, vì nó thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại đang đau khổ cả về mặt thân xác lẫn tâm hồn. Ngài ước mong sự đảm nhận của các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời trong lãnh vực này, cùng với sự cộng tác của cộng đoàn giáo họ Phan Thôn, sẽ đem đến cho các bệnh nhân một niềm an ủi lớn lao từ Thiên Chúa.

Cuối Thánh lễ, vị đại diện giáo họ thay mặt cộng đoàn có đôi lời tri ân sự hiện diện của Đức Cha, quí cha đồng tế, quí nam nữ tu sĩ và toàn thể quí khách gần xa đã tề tựu chung vui cùng với giáo họ. Kế đó, cha Benoit, Bề trên Tổng quyền Dòng Đức Mẹ Lên Trời, đồng cảm với những ưu tư của Đức Cha Phaolô, vì ngài vốn là một bác sĩ, đã có đôi lời cám ơn Đức Cha và cộng đoàn giáo họ Phan Thôn đã mở rộng vòng tay đón tiếp Dòng Đức Mẹ Lên Trời để làm cho triều đại Thiên Chúa ngày càng được tỏ hiện trên thành phố thân thương này. Tiếp lời cha Bề trên Tổng quyền, cha Phêrô Trần Văn Khuê, với tư cách là tân quản nhiệm của giáo họ, đã cảm ơn sự ưu ái của Đức Cha Phaolô dành cho các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời và ngài mời gọi anh chị em giáo dân giáo họ Phan Thôn cùng cộng tác với các anh em tu sĩ trong sứ vụ mà sẽ có nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đợi phía trước.

Dòng Đức Mẹ Lên Trời được thành lập vào năm 1850 bởi cha Emmanuel d’Alzon với tôn chỉ: Nguyện Nước Chúa Ngự Đến! Trên thế giới, ngoài việc giáo dục, lo cho người nghèo, Hội Dòng được biết đến qua việc điều hành tập đoàn báo chí Bayard Presse, một tập đoàn có hơn 100 tờ báo lớn nhỏ, trong đó có nhật báo La Croix. Dòng cũng hiện diện ở nhiều nước Đông Âu với sứ vụ phục vụ phong trào Đại Kết được ủy thác bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX. Dù mới chính thức hiện diện tại Việt Nam từ năm 2006, nhưng Dòng đã phát triển một cách nhanh chóng và năng động, đặc biệt trong công tác mục vụ giới trẻ. Ngoài 5 lưu xá sinh viên và 2 mái ấm dành cho trẻ mồ côi do Dòng phụ trách, nhà Dòng đã có nhà tìm hiểu, cộng đoàn thỉnh sinh và cộng đoàn học viện tại Tổng Giáo phận Sài Gòn, cộng đoàn tập viện tại giáo phận Bà Rịa – Vũng Tàu và cộng đoàn thứ tư tại giáo họ Phan Thôn, giáo phận Vinh. Cộng đoàn Phan Thôn mới được thành lập gồm ba tu sĩ: cha Phêrô Trần Văn Khuê, bề trên cộng đoàn; thầy Phó tế Phêrô Nguyễn Văn Hiệu; thầy Anrê Đoàn Hiếu Minh Tuấn, quản lý cộng đoàn.
 
Giáo Xứ Nam Định: Ngày Hội Thiếu Nhi – Kết thúc Chiến Dịch Hè 2014
Nam Định
09:50 04/09/2014
HÀ NỘI - Chúa Nhật, ngày 31 tháng 08 năm 2014 vừa qua, giáo xứ Nam Định đã tổ chức chương trình tổng kết chiến dịch hè và khai giảng năm học mới cho các em thiếu nhi. Đây là chương trình được tổ chức hàng năm với mục đích tạo ra một sân chơi bổ ích và lý thú cho các em thiếu nhi trong Giáo xứ.

Hình ảnh

Khai mạc cho ngày hội là thánh lễ tạ ơn lúc 18h30. Chủ tế trong thánh lễ hôm nay, do cha xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh – Quản Hạt Nam Định. Đồng tế với ngài, có cha phó Phanxico Xavie Trần Truyền Giáo, cùng với sự hiện diện đông đủ của các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi trong giáo xứ.

Chia sẻ trong thánh lễ, cha phó Phanxico đã nói với cộng đoàn về cái mất và cái được dựa vào ý trong Tin Mừng: “…Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy(Mt 16,25)” Ngài nói: “ các bạn thiếu nhi thân mến, để có được ngày vui hôm nay, chúng con đã phải hy sinh, mất rất nhiều giờ, dù trời nắng hay mưa. Hy sinh không đi chơi, không xem phim… để đi học giáo lý, đi lễ. Nhưng chúng con đã được. Được nhiều phiếu, có bạn được 200, có bạn 300 phiếu và như vậy chúng con tha hồ vui chơi và mua sắm trong ngày hội chợ hôm nay. Chúng con được đạo đức và nhất là chúng con được Nước Trời… Bố mẹ chúng con mất nhiều giờ, nhiều công để đưa chúng con đến nhà thờ, nhưng được lại con cái đạo đức chăm ngoan. Cha xứ, các hội đoàn và giáo xứ mất nhiều tiền, nhiều công để tổ chức ngày vui cho các con. Nhưng được cả một thế hệ tương lai đạo đức sốt sáng… Chúng ta mất những cái gì tạm thời để được những cái gì vĩnh cửu, mất những thú vui chóng qua để được hạnh phúc trường tồn, mất thân xác mục nát để được linh hồn bất tử, mất sự cắn rứt lương tâm để được bình an tâm hồn. Cái mất này so với cái được thì mất quá nhỏ nhoi, còn cái được thì bao la vô tận. Cái mất này là “tấm vé”, là “Visa” vào Nước Trời… Ngày sau chúng ta sẽ tha hồ vui chơi mua sắm trong “hội chợ Nước Trời”

Sau thánh lễ là phần báo cáo tổng kết chiến dịch hè 2014, phát thưởng và xen lẫn các tiết mục văn nghệ thật vui nhộn. Tiếp theo là phần hội chợ. Trước khi hội chợ, cha xứ và cha phó đã cắt băng hội chợ và mời gọi các em cùng tiến vào hội chợ

Ngay sau giây phút cắt băng hội chợ, các em tỏa ra các gian hàng trò chơi trúng thưởng, để bắt đầu thi thố tài năng, giành về những phần quà mình yêu thích.Với các sinh hoạt của hội chợ, các em được cùng nhau mua sắm, vui chơi thỏa thích và ăn uống trong 25 gian hàng đã được chuẩn bị trong khuôn viên Trung Tâm Mục Vụ.

Gần 30.000 lá phiếu hội chợ được phát ra trong chiến dịch hè vừa qua. Các em tha hồ mua sắm. Nhằm tạo sân chơi trong ngày hội. Để khích lệ và giáo dục các em, cha xứ đã phát phiếu cho tất cả các em nhỏ dưới sáu tuổi để các em có thể tham gia hội chợ. Sau hơn một tiếng đồng hồ thi thố tài năng với các trò chơi truyền thống như: Đá bóng vào gold, ném vòng cổ chai, bịt mắt đánh trống, ném bóng vào chậu, đường về thiên quốc… em nào cũng hớn hở vui mừng vì những phần quà đạt được.

Bầu khí của giáo xứ Nam Định càng trở nên vui hơn vì không phải chỉ có các em, mà các bậc phụ huynh cũng tham gia bởi người người tấp nập, khán giả mỗi lúc một đông. Tổ chức ngày hội lớn cho các em quý cha đã mời gọi sự cộng tác của các hội đoàn trong giáo xứ. Ai ai cung thấy vui vì đã giúp cho con em mình một ngày vui, một ngày thật ý nghĩa và hữu ích.
 
Thánh lễ truyền chức Linh Mục tại giáo phận Bùi Chu
BTT Giáo phận Bùi Chu
10:23 04/09/2014
THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI GIÁO PHẬN BÙI CHU

Giáo Phận Bùi Chu, ngày 04/09/2014, Đức Cha Tôma Aq Vũ Đình Hiệu, Giám mục Giáo phận đã đặt tay truyền chức linh mục cho các thầy Phó tế tại nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu vào lúc 9g30, ngày 04/09/2014,. Hiện diện với ngài có Đức Cha Laurenxo Chu Văn Minh, Giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Hà nội cùng trên 200 linh mục trong và ngoài Giáo phận cũng như đông đảo giáo dân từ các giáo xứ đổ về.

Xem Hình

6 thầy Phó tế đã được Đức Cha cố Giuse Hoàng Văn Tiệm, nguyên Giám mục Giáo phận tuyển chọn và gửi lên Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà nội học tập và tu luyện trong 8 năm. Sau khi kết thúc tiến trình đào tạo Đại Chủng Viện, các thầy có thêm một năm thực tập mục vụ cũng như thi hành tác vụ Phó tế tại Giáo phận nhà. Đó là các thầy:

1. Thầy Vinh sơn Lê Quang Hiệp sinh ngày 01/05/1977

2. Thầy Giuse Nguyễn Văn Hồ sinh ngày 11/07/1980

3. Thầy Giuse Nguyễn Ngọc Sơn sinh ngày 06/08/1977

4. Thầy Giuse Đào Văn Toàn sinh ngày 05/01/1980

5. Thầy Đaminh Trần Văn Tường(Tiến) sinh ngày 05/02/1976

6. Thầy Vinh sơn Trần Đức Văn sinh ngày 24/04/1982

Trong niềm vui hân hoan ngày trao ban tác vụ linh mục, Đức Cha Tôma Aq đã mở đầu Thánh lễ bằng những tâm tình thật nồng nàn và thắm thiết để mời gọi mọi người hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho cánh đồng Giáo phận có thêm những thợ gặt lành nghề như lòng Chúa ước mong. Ngài tri ân các đấng bậc, quý cha giáo, ân thân nhân đã góp sức vun trồng ơn gọi. Ngài cầu xin Chúa ban cho các tiến chức có lòng quảng đại, hy sinh phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy Chí thánh Giêsu, đồng thời ngài dâng chính những tiến chức như đứa con đầu lòng của ngài lên Thiên Chúa làm của lễ.

Khi chia sẻ Tin mừng, Đức Cha Tôma Aq đã nói rằng: “cả cộng đoàn đều được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô ngay từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy. Tuy nhiên, với chức tư tế thừa tác thì chỉ dành cho một số người được tuyển chọn và được kêu mời để cùng cộng tác với các tông đồ, đặc biệt Giám mục Giáo phận là những chứng nhân trung thành của Đức Kitô.”

Tiếp theo, ngài nhắn nhủ với tất cả các tiến chức hãy trung thành với ơn Chúa và triệt để thi hành sứ mạng để đem ơn Chúa đến cho cộng đoàn hầu xứng đáng với những gì đã lãnh nhận. Nhất là trong cuộc sống hằng ngày, các tân chức phải luôn suy ngắm các mầu nhiệm, sống nhân đức, trong sạch và thánh thiện mới có thể thánh hóa các tâm hồn trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.

Sau cùng, ngài kêu gọi các tiến chức không tìm kiếm những gì thuộc về mình mà hãy tìm kiếm những gì thuộc về Đức Kitô. Các tiến chức hãy quy tụ các tín hữu thành một gia đình, một cộng đoàn yêu thương. Chỉ khi có yêu thương, chúng ta mới giúp người khác nhận ra khuôn mặt đích thực của Đức Kitô nơi mỗi anh chị em của mình cũng như nơi cộng đoàn.

Thánh lễ truyền chức linh mục diễn ra và kết thúc trong bầu khí đầm ấm, trang nghiêm và sốt sắng. Niềm vui được thể hiện qua từng ánh mắt nụ cười, nhưng trên hết vẫn là tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo phận có thêm những thợ gặt nhiệt thành trong cánh đồng truyền giáo mênh mông; đồng thời mỗi người hiện diện đều mang những tâm tình cầu nguyện sâu xa cho các tân chức để các ngài trở nên những mục tử như lòng Chúa và Giáo Hội ước mong.
 
Ngày họp mặt các ca đoàn giáo phận Phú Cường – 02.09.2014
Ban thánh nhạc GP Phú Cường
21:07 04/09/2014
Ngày Họp Mặt Các Ca Đoàn Giáo Phận Phú Cường – 02.09.2014

Ngay từ sáng sớm, trong khuôn viên nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường rộn rã tiếng cười, tiếng nói, tiếng nhạc hòa lẫn trong tiếng chào đón nồng nhiệt của Ban Tổ Chức, mừng các ca viên đến từ các giáo xứ trong giáo phận về tham dự “Ngày Họp Mặt Các Ca Đoàn Giáo Phận Phú Cường”.

Xem Hình

Đây là lần đầu tiên, tại nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường sau khi được khánh thành và cung hiến đã diễn ra một ngày Đại Hội Thánh Nhạc của giáo phận, nên bầu khí sôi động, niềm vui được biểu lộ qua những cử chỉ, lời nói và ánh mắt thân thương của hơn 700 ca viên – những người con “ca đoàn” của các giáo xứ qui tụ về bên “Nhà Mẹ”.

Theo lịch trình, sau khi các ca viên tập trung vào vị trí dành riêng được ổn định, Cha Thanh Yên – Trưởng Ban Thánh Nhạc Phú Cường – đã long trọng khai mạc “Ngày Họp Mặt Các Ca Đoàn Giáo Phận Phú Cường” cùng với tràng pháo tay chào mừng và trân trọng giới thiệu Cha Phêrô Trương Huy Hoàng – Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thánh Ca Việt Nam – thuyết trình chuyên đề: “Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc – 04.2014” của Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Sau đó, đến phần thảo luận, Cha Chủ Nhiệm ân cần giải đáp những thắc mắc của các ca viên về những vấn đề liên quan đến mục vụ thánh nhạc nơi các giáo xứ trong hoàn cảnh hiện tại, giúp cho các ca viên được “sáng mắt sáng lòng” hơn và ước mong có nhiều cơ hội được học hỏi để thêm tri thức về mục vụ thánh nhạc, phục vụ cộng đoàn được hữu hiệu hơn.

Tiếp đến, các ca viên đại diện các Ca Đoàn giáo xứ giao lưu nghệ thuật bằng những tiết mục “cây nhà lá vườn”, làm cho bầu khí trở nên sôi động hơn bởi những tràng pháo tay liên tiếp vang lên.

Cùng ngày, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám Mục Giáo Phận Phú Cường – đã đến viếng thăm, chia sẻ và chủ sự Thánh Lễ Tạ Ơn cùng với Cha Sở Chánh Tòa Phú Cường và quí Cha Đồng Tế. Đức Cha đã nêu rõ vai trò quan trọng của Ca Đoàn trong các cử hành Phụng Vụ; đồng thời, biểu dương toàn thể các ca viên về hiệu quả và tinh thần phục vụ của các Ca Đoàn tại các giáo xứ trong giáo phận.

Trong dịp này, Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận trân trọng giới thiệu Ban Điều Hành Liên Ca Đoàn Giáo Phận Phú Cường, nhiệm kỳ 03 năm, gồm 10 thành viên được trình diện với Đức Cha, quí Cha và toàn thể ca viên. Trong phần huấn từ cuối lễ, Đức Cha mời gọi các ca viên tiếp tục cộng tác bằng sự quảng đại, trung tín và nhiệt thành trong phận vụ của mình và thêm lời động viên như là “phát pháo hiệu lên đường”, góp phần làm cho tinh thần của các ca viên thêm phấn khởi bằng tràng pháo tay thật lớn và hứa hẹn về một hiệu quả mục vụ thánh nhạc tốt đẹp trong tương lai gần của Giáo Phận Phú Cường.

Kết thúc Thánh Lễ, Cộng Đoàn Phụng Vụ cùng hát vang lời ca “Thắp Lửa Hiệp Thông” (bài hát dành riêng cho Năm Hiệp Thông của Giáo Phận Phú Cường – 2014):



ĐK: Hãy thắp lên ngọn lửa Hiệp Thông,

Hiệp Thông trong Chúa, trong Giáo Hội và Giáo Phận Phú Cường.

Hãy thắp lên ngọn lửa Hiệp Thông,

Chung sức xây đời bằng gương sáng từ đời sống gia đình.

TK: Hãy lên đường dang đôi tay nối kết tình thương,

Bằng đời sống Hiệp Thông trong một niềm tin.

Hãy thi hành sứ vụ Phúc Âm Hóa Gia Đình,

Để muôn người nhận ra Thiên Chúa là Cha.


Bế mạc Ngày Họp Mặt này, các ca viên với gương mặt rạng rỡ, tạm chia tay nhau, ra về và hẹn ngày gặp lại: Chúa Nhật Truyền Giáo, 18.10.2015.

BTN GP PHÚ CƯỜNG
 
Những video 'Ngày Thánh Mẫu 2014' tại Missouri.
BTC-NTM-2014
21:33 04/09/2014
Trong suốt 4 ngày cuả Ngày Thánh Mẫu 2014 ở Missouri vừa qua, Ban Nhiếp Ảnh VietCatholic và Ban Tổ Chức Ngày Thánh Mẫu (BTC-NTM-2014) đã hợp tác và cung cấp rất nhiều hình ảnh ngay tại chỗ cho quí độc giả trên trang web này. Số người truy cập thật là to lớn, lên trên 21 ngàn và vẩn gia tăng, điều đó chứng tỏ sự tín nhiệm cuả độc giả với VietCatholic mỗi khi chúng tôi cung cấp những phóng sự một cách khách quan, vô tư và nhanh chóng.

Hy vọng những hình ảnh đó sẽ mãi mãi là những kỷ niệm quí giá cho những người tham dự NTM và cho những người thân thuộc.

Ngoài những hình ảnh vừa nói trên, BTC-NTM-2014 cũng đã ghi video nhiều sự kiện quan trọng nhưng vì việc thực hiện một video mất nhiều công phu và thời gian cho nên mãi tới hôm nay BTC-NTM-2014 mới phát hành chính thức một số video.

Chúng tôi xin được giới thiệu những hình ảnh lộng lẫy và âm thanh tuyệt vời này tới quí độc giả và nhân tiện xin được gửi lời cám ơn anh Thanh Đẩu, một phóng viên video nhưng cũng là một nhiếp ảnh gia từng cộng tác với VietCatholic, đã sốt sắng chuyển lại cho chúng tôi rất sớm.

Video Thánh Lễ Khai Mạc (thứ Năm)







Video Thánh Lễ Đại Trào Kính CTTĐVN (thứ Sáu)







Video Cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima







Video Thánh Lễ Đại Trào Biệt Kính Khiết Tâm Mẹ (thứ Bảy)







Video Thánh Lễ Bế Mạc (Chuá Nhật)





 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Xem Lại Bài Diễn Thuyết Regensburg: Đức Tin, Lý Trí và Nhà Nước Hồi Giáo
Người dịch P. Nguyễn viết Tấn
06:45 04/09/2014
Xem Lại Bài Diễn Thuyết Regensburg: Đức Tin, Lý Trí và Nhà Nước Hồi Giáo

Có phải Hồi giáo tự bản chất là bạo động? Có thể biện minh cho việc dùng bạo lực chống lại “những kẻ vô đạo” hay không? Hồi giáo có khuyến khích truyền bá niềm tin bằng gươm giáo không?

Việc thiết lập một “Nhà nước Hồi giáo” tại miền Bắc Iraq mùa hè năm nay đã mang đến những câu hỏi hàng đầu như thế khi đối diện với hành động giết người dã man mà Nhà nước Hồi giáo đã tung ra nhằm chống lại những nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm việc trục xuất và giết hại các Kitô hữu.

Có những khía cạnh chính trị và quân sự đối với những câu hỏi như thế, nhưng chúng mang nền tảng thần học hơn hết. Thiên Chúa có muốn sử dụng bạo lực để truyền bá mặc khải của Ngài?

Thần học đề cập đến thực tại ở mức độ sâu thẳm nhất, và do đó, những ý tưởng thần học có ý nghĩa quan trọng trong “thế giới thực,” cho dù phải mất nhiều thời gian để chúng trở nên hiển nhiên với quảng đại quần chúng. Những sự việc kinh hoàng của Nhà nước Hồi giáo – bao gồm những việc chặt đầu công khai và những cuộc đóng đanh – đã làm sáng tỏ những gì có thể xảy ra khi người ta chấp nhận hình thức bạo động sát nhân nhằm biện minh cho việc truyền bá niềm tin.

Những vấn nạn thần học đòi hỏi những câu trả lời mang tính chất thần học, trước tiên cần phải ghi nhận có một vấn nạn thần học và từ đó phải cung cấp một câu trả lời thoả đáng.

Tám năm trước, trong một bài diễn thuyết tại đại học Regensburg, Giáo Hoàng Biển Đức XVI cung cấp chính câu trả lời như thế. Những biến cố mùa hè năm nay làm cho việc trở về với luận điểm ở Regensburg trở nên cấp bách hơn .

Bài diễn thuyết ở Regensburg vẫn mãi là một bài nổi tiếng của một giáo hoàng bởi vì những cuộc bạo động chết người xảy ra ngay sau đó trong thế giới Hồi giáo. Một số người xem đó như là hớ hênh ban đầu dưới triều đại của Giáo Hoàng Biển Đức, trước khi ngài lĩnh hội được rằng làm giáo hoàng thì khác hẳn làm một giáo sư kích động (tranh luận). Tuy nhiên đôi khi một chủ chăn cần phải khiêu khích, đặc biệt khi những sự đe dọa trí mạng quanh quẩn đâu đây.

Vào ngày 12 tháng Chín, 2006, một ngày sau dịp tưởng niệm lần thứ năm cuộc tấn công 9/11, Giáo Hoàng Biển Đức trở về đại học mà ngài đã dạy lúc còn là một giáo sư trẻ để nói về đức tin và lý trí, tôn giáo và bạo lực. Giáo Hoàng Biển Đức cho rằng đức tin và lý trí cần lẫn nhau như là những nẻo đường đi đến chân lý. Hơn thế nữa, đây là một phần thiết yếu của đức tin Kitô giáo, bởi vì Thiên Chúa đã tỏ bày chính mình (đức tin) cũng đồng thời là tác giả của trật tự tự nhiên và khả năng con người để hiểu nó (lý trí). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đoạn mở đầu của Tin Mừng của Thánh Gioan bắt đầu: “Ngay từ ban đầu đã có Ngôi Lời (Logos),” và từ “logos” trong ngôn ngữ Hy lạp có nghĩa là lý trí. Thiên Chúa là hợp lý, và như thế hành động ngược lại lý trí là hành động ngược lại Thiên Chúa.

Rồi Giáo Hoàng Biển Đức hỏi Hồi giáo có quan niệm về Thiên Chúa cũng một cách như vậy hay không. Hồi giáo có một đấng tương đương với Ngôi Lời linh thiêng như thế không? Quan điểm về Thiên Chúa của Hồi giáo hoàn toàn siêu việt, vượt qua các phạm trù nhân loại, có nghĩa là Thiên Chúa vượt xa chính lý trí?

Có ý kiến cho rằng Allah không phải là vô lý hoặc phi lý, nhưng đúng hơn Ngài không thể tiếp cận được bởi lý trí loài người.

Giáo Hoàng Biển Đức lập luận rằng đức tin không có lý trí tạo cơ hội cho việc phát sinh chủ nghĩa tôn giáo cực đoan (fundamentalism). Ngài dùng câu trích dẫn của Hoàng đế Byzatine Manuel II Paleolous ở cuối thế kỷ 14 - chính câu nói đó có vẻ đã tạo nên những cuộc bạo động trên thế giới Hồi giáo dễ bị khích động: “Hãy chỉ cho tôi điều gì mà Mohammed đã mang đến là mới mẻ, và kìa qúy vị sẽ tìm thấy những điều ác và vô nhân, như mệnh lệnh của ông là loan truyền niềm tin mà ông rao giảng bằng gươm giáo.”

Vào năm 2014, rõ ràng hơn bao giờ hết tại sao câu hỏi cần phải được đặt ra – con người bình thường khi xem tin tức đang hỏi nó. Giáo Hoàng Biển Đức cảnh báo rằng một trong những hậu quả của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan chủ trương duy đức tin là bạo lực. Bạo lực – bởi bản chất của nó không tìm cách thuyết phục – có thể phát xuất từ nhiệt tình để cải giáo mà không màng tới lý trí. Đây là một phần đằng sau sự trỗi dậy trong bạo lực Hồi giáo.

Chính những tín đồ Hồi giáo trước tiên là nạn nhân của nó, nhưng những Kitô hữu trong những quốc gia Hồi giáo thường xuyên phải đối diện với sự quấy nhiễu và bách hại.

Giáo Hoàng Biển Đức muốn làm sáng tỏ rằng cội rễ của bạo lực này nằm ở sự xuyên tạc về Hồi giáo, không ở tại nền thần học chính thống. Đó là một công việc mà chỉ có những tín đồ Hồi giáo mới có thể thực hiện được, nhưng Đức Thánh Cha đã có tòa giảng – và tài năng của một học giả - đủ để lôi cuốn sự chú ý tới vấn nạn này. Ngài mong muốn trao tặng kinh nghiệm của Truyền thống Kitô giáo trong việc đối đầu với những câu hỏi như thế.

Giáo Hoàng Biển Đức rất có thể đã chọn lựa mẫu trao đổi giữa Manuel II và người đối thoại Ba Tư bởi vì nó đối diện với câu hỏi này trong bối cảnh gợi ý mang tính cách lịch sử.

Manuel II là một trong những hoàng đế Byzatine (Kitô giáo) cuối cùng; vào khoảng 50 năm sau cuộc đối thoại này, thành Constantinople lọt vào tay những người Ottomans, và thánh đường Hagia Sophia trở thành đền thờ Hồi giáo. Manuel II là một hoàng đế bị bao vây bởi những đạo quân Hồi giáo – không những chỉ bởi các đạo quân Hồi giáo, có những lúc ông còn bị đe dọa bởi những Kitô hữu nữa. Tuy thế, ông đã có kinh nghiệm cụ thể về lưỡi gươm Hồi giáo.

“Hoàng đế tiếp tục giải thích chi tiết những lý do tại sao truyền bá niềm tin qua bạo lực là một điều không hợp lý,” Giáo Hoàng Biển Đức nói, trong đoạn văn chính theo sau là những lời lẽ được lưu ý một cách trọn vẹn. “Bạo lực không thể nào tương hợp với bản chất của Thiên Chúa và bản chất của con người.”

Rồi ngài trích Manuel II ở điểm chính: “Thiên Chúa không hài lòng với máu xương, và hành động không hợp lý thì nghịch lại vởi bản chất của Thiên Chúa. Đức tin sinh ra trong linh hồn, không trong thân xác. Bất cứ ai hướng dẫn người khác đến đức tin cần có khả năng trình bày rõ ràng và lý luận đúng đắn, mà không cần đến bạo lực và đe dọa… Để thuyết phục một người biết suy luận, người ta không cần đến cánh tay mạnh mẽ hoặc bất cứ vũ khí nào hay bất kỳ phương tiện nào để đe dọa một người với sự chết…”

Người ta cần đến lý trí – và người Kitô hữu hẳn nhấn mạnh đến ân sủng. Lý trí hoặc ân sủng không hoạt động bởi việc cưỡng ép bằng bạo lực.

Hệ quả lâu dài của diễn văn Regensburg mang tính chất hy vọng nhiều hơn là sự đổ máu ngay sau đó. Vào ngày 12 tháng Mười, 2006, hơn 100 học giả Hồi giáo danh tiếng trên thế giới đã ký một lá thư ngỏ, ghi nhận một cách kính trọng những vấn nạn mà Giáo Hoàng Biển Đức đặt ra tại Regensburg.

Đáng lưu ý hơn cả, chỉ một năm sau đó, vào tháng Mười Một, năm 2007, Hoàng đế Abdullah của vương quốc Saudi Arabia đến thăm Giáo Hoàng Biển Đức. Hoàng tộc Saudi vừa ve vãn những thành phần cực đoan Hồi giáo để ổn định quyền bính của mình đồng thời lại lo sợ xem chúng như mối đe dọa đến sự ổn định quyền lực của mình.

Hoàng đế nghe được những điều hy vọng ở Regensburg, và sau khi thăm viếng Roma, tiếp theo vào tháng Bảy, năm 2008 với một cử chỉ gây ngạc nhiên, ông mở một cuộc hội nghị liên tôn mời tín hữu Kitô giáo, Do thái giáo, Phật giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác để chống lại chủ trương tôn giáo cực đoan. Nhu cầu của một cuộc hội nghị như thế đã được chứng minh bằng sự việc là hội nghị đó không thể tổ chức ở chính Saudi Arabia, bởi vì những ai không theo Hồi giáo không thể thực hành đức tin của họ một cách công khai nơi đó. Vậy hội nghị được tổ chức tại cung điện gần Madrid, do Hoàng đế Tây Ban Nha đón tiếp Hoàng đế Abdullah và qúy khách của ông.

Abdullah nói, “Những khác biệt không mang đến xung đột và đối kháng; chúng ta phải nhấn mạnh rằng những thảm kịch đã từng xảy ra trong lịch sử không gây nên bởi tôn giáo, nhưng bởi khuynh hướng quá khích chấp nhận bởi một số tín đồ của mỗi một tôn giáo.” Phát biểu đó không đáng lưu ý bởi chính nó, nhưng đáng để ý vì Hoàng đế Saudi đã nói như vậy với tín đồ Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.

Hoa trái của tất cả trở nên rõ ràng vào mùa hè năm nay, khi những học giả có thẩm quyền cao nhất trong Hồi giáo, có trụ sở tại Cairo, đã dứt khoát nhấn mạnh rằng “Nhà nước Hồi giáo” không được công nhận bởi Hồi giáo và không là đại diện đích thực của nó.

Tám năm trước, những Kitô hữu có khuynh hướng thân thiện với các tín đồ Hồi giáo đã chỉ trích bài diễn văn tuy bộc trực nhưng mang vẻ tôn kính của Giáo Hoàng Biển Đức. Và rồi, hôm nay, nó được hiểu đúng đắn nhất và được chào đón trong chính thế giới Hồi giáo, đang phải chịu đựng dịch thánh chiến (Jihad) đầy bạo lực.

Diễn văn Regensburg không chỉ là công trình của một giáo sư hay của một Giáo Hoàng. Đó là công trình của một bậc tiên tri.

Linh mục Raymond J. de Souza là chủ biên tạp chí Convivium
 
Toàn tập bộ video 'Ngày Thánh Mẫu 2014' tại Missouri.
BTC-NTM-2014
21:51 04/09/2014
Sau nhiều tuần làm việc công phu, ban video cuả Ngày Thánh Mẫu 2014 đã hoàn tất toàn bộ video về các thánh lễ đại trào, xin được gửi tới toàn thể quí độc giả đã tham dự Ngày Thánh Mẫu 2014 như là một món quà lưu niệm.

Video Thánh Lễ Khai Mạc (thứ Năm)







Video Thánh Lễ Đại Trào Kính CTTĐVN (thứ Sáu)







Video Cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima







Video Thánh Lễ Đại Trào Biệt Kính Khiết Tâm Mẹ (thứ Bảy)





Video Thánh Lễ Bế Mạc (Chuá Nhật)



 
Thông Báo
Cáo phó: Linh mục Phanxicô Xaviê Dương Văn Mỹ đã qua đời tại Xóm Mới, Saigòn
Lm. Phạm Bá Lãm
08:42 04/09/2014
CÁO PHÓ:
"Ai tin ta, dẫu có chết, cũng sẽ sống đời đời"
Xin kính báo cùng qúi linh mục, tu sĩ và đồng hương giáo phận Phát Diệm:
Cha cố F.X. DƯƠNG VĂN MỸ
sinh ngày 28.11.1928 tại Mưỡu Giáp, Ninh Bình (GP. Phát Diệm)
đã qua đời lúc 11g25 thứ năm 04.09.2014 tại An dưỡng viện Xóm Mới.
Hưởng thọ 86 tuổi với 55 năm Linh mục.

Lễ nhập quan: 7g00 sáng thứ sáu 05.09.2014.
Lễ An táng: 8g30 thứ hai 08.09.2014 tại Nhà nguyện An dưỡng viện Xóm Mới.

Xin Quý Cha dâng lễ, Quý Tu Sĩ và Anh chị em giáo dân cầu nguyện cho cha cố F.X. Dương Văn Mỹ.
 
Văn Hóa
Tết Trung Thu : Tản mản dưới trăng thu
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
07:07 04/09/2014
Tản mạn dưới trăng thu

Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám âm lịch và cũng có nhiều ý kiến về nguồn gốc của nó. Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu (còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên) ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ Tết Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam và Nam Trung Hoa. Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

Các năm gần đây, do thời tiết địa cầu biến đổi và miền Nam “hai mùa mưa – nắng”, nên thiếu nhi thường phải vui Tết Trung Thu trong nhà vì những cơn mưa ập xuống bất chợt. Nhưng ở miền Bắc trước kia, rằm tháng 8 là thời kỳ thời tiết đẹp nhất, trời trong xanh, gió hiu hiu thổi, không khí mát mẻ, mặt trăng tròn đầy sáng vằng vặc, có thể đọc sách được. Trẻ con trông trăng để bay bổng cùng chị Hằng Nga, cây đa, chú Cuội, mong đợi được ba mẹ tặng đồ chơi, thường là lồng đèn ông sao, con tôm, con cá ... rồi bánh nướng, bánh dẻo.

Dưới ánh trăng các em nhỏ rủ nhau xếp thành từng hàng, rồng rắn nhau rước đèn, múa sư tử. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ tụ nhau lại vừa ngắm trăng vừa phá cỗ. Người lớn thì tổ chức bày cỗ, trông trăng kiếm tìm hy vọng cơm áo năm sau. Bằng kinh nghiệm dõi theo chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung Thu: trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”…

Theo trình thuật của sách Sáng Thế, mặt trăng là hành tinh do Thiên Chúa tạo dựng trên nền trời vào ngày sáng tạo trời đất thứ tư, để chiếu soi ánh sáng vào ban đêm. “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.” (St 1,15). Mặt trời và mặt trăng là hai hành tinh do Thiên Chúa tạo thành ngay từ thuở sáng tạo vũ trụ trời đất. Cả hai có hình thể to lớn khác nhau và vị trí làm việc cũng như hoạt động không giống nhau: mặt trời rực lửa chiếu ánh sáng ban ngày và mặt trăng thanh thoát tỏa sáng ban đêm.

Từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời mỗi tháng một lần vào cuối tuần trăng. Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Ở Châu Âu, thần mặt trăng “Artemis“ trong thần thoại Hy-lạp và “Lucina“ trong thần thoại Rô-ma là quan thầy bổn mạng của sinh sản, đồng thời cũng là nữ thần của các trinh nữ.

Trong Kinh thánh, lối suy diễn này được quy chiếu nơi Ðức Mẹ Maria: là người mẹ sinh con nhưng vẫn còn đồng trinh. Ðức Mẹ Maria được vẽ hay chạm khắc đứng trên vầng trăng hình lưỡi liềm nói lên sức mạnh do Thiên Chúa tạo dựng làm nên cùng chiếu tỏa một đời sống mới trọn vẹn tràn đầy. Vì thế, mặt trăng được đặt dưới chân Đức Mẹ Maria như trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả: “Có một điềm lớn xuất hiện trên trời : một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Sách Diễm ca cũng đã ca tụng vẻ đẹp của Mẹ lộng lẫy như mặt trời và diễm lệ như vầng trăng sáng trong đêm tối: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ.” (Dc 6,10).

Thật là một sự trùng hợp tuyệt vời khi người Việt Nam và người Trung Hoa tổ chức lễ Trung thu vào ngày rằm tháng Tám âm lịch để ca ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì người Công Giáo cũng mừng kính lễ Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria. Ngay trong ca nhập lễ, Giáo Hội đã mời gọi: “chúng ta hãy hân hoan với tất cả tâm hồn, mừng kính việc sinh ra của Đức Trinh Nữ Maria, từ nơi Người đã xuất hiện Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Câu xướng trước Phúc Âm cũng ca tụng: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ diễm phúc, Mẹ xứng đáng mọi lời ca tụng; vì từ nơi Mẹ đã xuất hiện Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!”.

Mặt Trời Công Chính trong cung lòng Mẹ là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, tức là phản ánh hình ảnh của Chúa Cha là cội nguồn ánh sáng. Ánh sáng Chân Lý đó được Mẹ Maria là một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa đón nhận để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian. Vì thế Mẹ đã được ví như một vầng trăng thanh với ánh sáng dịu dàng, thanh thoát nối tiếp mặt trời chiếu sáng ban đêm. Có thể nói: Chúa Giêsu càng tỏ hiện ra, vai trò của Đức Mẹ càng mờ nhạt đi. Ánh sáng Mặt Trời của Chúa Giêsu Kitô càng chiếu tỏ hiện, Vầng Trăng Maria Mẹ Thiên Chúa càng lùi vào bên trong, biến dần sang vầng trăng khuyết lưỡi liềm.

Dưới vầng trăng thu tỏa sáng ánh quang huyền ảo của Mẹ Maria, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban phúc lành cho con em chúng ta và trẻ em toàn thế giới như lời Chúa trong Thánh lễ tết Trung Thu: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Mc 10,14). Xin Chúa ban cho các em luôn biết tin tưởng phó thác, vâng lời, đơn sơ và thật thà như Chúa Giêsu trong gia đình Nazareth xưa.

Xin Chúa ban cho chúng ta cũng học được những đức tính đáng yêu của con trẻ để được cùng vào Nước Thiên Chúa và được hưởng những đêm trăng thu huyền nhiệm cùng Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh là những Đấng đã luôn sống đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng ta luôn biết chung tay xây dựng gia đình thành một công đoàn cầu nguyện, sống tình yêu chung thủy và bảo vệ sự sống đồng thời góp phần vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ hàng ngày trong năm Tân Phúc âm hóa Gia đình.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Mùa Trung thu Giáp Ngọ 2014
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Vàng
Nguyễn Đức Cung
21:24 04/09/2014
CHIỀU VÀNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Chiều nay gặp lại chiều nào
Chiều vàng óng ả chiêm bao lan tràn
Chiều lộng lẫy mộng thênh thang
Màu vàng gợi nhớ huy hoàng nắng mai.
(Trích thơ của Bùi Giáng)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/08 - 04/09/2014: Chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan tại Tây phương
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:39 04/09/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu thêm một ký giả Hoa Kỳ

Trong diễn biến bi đát mới nhất bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu thêm một ký giả Hoa Kỳ nữa là anh Steven Sotloff.

Anh Steven Sotloff sinh ngày 11 tháng 5 năm 1983 và có lẽ bị chặt đầu vào ngày 2 tháng 9.

Trước diễn biến này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon nói rằng thế giới cảm thấy bị "xúc phạm" trước tội ác dã man này.

"Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm trước những báo cáo từ Iraq về những vụ giết người tàn bạo nhắm vào dân thường của bọn khủng bố Hồi Giáo IS bao gồm cả báo cáo về vụ chặt đầu dã man một nhà báo khác.

Tôi cực lực lên án tất cả những tội ác hèn hạ như vậy và tôi không chấp nhận việc cộng đồng nhân loại lại có thể bị đe dọa chỉ vì niềm tin hay vì chủng tộc của họ”

2. Phong trào Focolare sắp có tân chủ tịch

Phong trào Focolare đã nhóm phiên họp khoáng đại hôm 1 tháng 9 để bầu vị tân chủ tịch mới, người sẽ dẫn dắt phong trào trong sáu năm tới. Theo quy định của phong trào, vị chủ tịch phải là một người phụ nữ. Phiên họp khoáng đại cũng sẽ bầu ra một đồng chủ tịch và một Đại Hội Đồng.

Phiên họp khoáng đại của phong trào Focolare được tổ chức tại Roma từ ngày 01 đến 28 tháng 9. 494 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ thảo luận về những nguyên tắc chung mà phong trào sẽ theo đuổi trong tương lai gần.

Trong số những tham dự viên có 15 đại diện của các Giáo Hội Kitô khác và cũng có những người thuộc các tôn giáo khác nữa.

Vào ngày 26 tháng 9, hai ngày trước khi bế mạc đại hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tiếp kiến các đại biểu tại Vatican

Phiên họp khoáng đại cuối cùng của phong trào Focolare được tổ chức vào tháng Bảy năm 2008, ba tháng sau cái chết của chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare. Chủ tịch hiện nay của phong trào là chị Maria Voce, người Ý.

3. Đức Giáo Hoàng đánh dấu Thế chiến I, với cuộc viếng thăm nghĩa trang binh sĩ tử trận

Thế chiến thứ nhất bắt đầu cách đây 100 năm. Hàng triệu người đã chết khiến cho cuộc chiến này trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại.

Để đánh dấu dịp này, ngày Thứ Bẩy 13 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm nghĩa trang các binh sĩ Ý tử trận trong cuộc chiến Áo-Hung. Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của 697 binh sĩ Ý.

Đức Giáo Hoàng sẽ đáp máy bay từ sân bay Ciampino đến nghĩa trang này nằm ở phía Bắc Italy. Sau khi đặt vòng hoa, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 10h sáng và trở lại Rôma lúc 1h trưa cùng ngày.

4. Đức Giáo Hoàng nói: Giáo Hội phải ở trên tuyến đầu bảo vệ những người yếu thế

Hôm thứ Năm 28 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Đức Hồng Y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân, để thảo luận về hoàn cảnh của những người chạy trốn bạo lực Hồi giáo ở Iraq. Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát một khu vực rộng lớn của cả Syria và Iraq, và đã tiến hành một chiến dịch khủng bố chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu.

Đức Hồng Y Veglio nói với Đài phát thanh Vatican rằng Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội phải đi đầu trong các nỗ lực để bảo vệ những người yếu đuối. Ngài nói:

"Giáo Hội phải giúp đỡ những người đang cần trợ giúp nhất, vì quyền lợi của họ đang bị chà đạp. Giáo Hội là cho người nghèo và người không có tiếng nói. Chúng ta phải có mặt và không ngớt gióng lên những điều này trong các bài giảng và những bài phát biểu; và nếu có thể phải gây ảnh hưởng lên tình hình chính trị. "

Nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên đường trở về từ Hàn Quốc, Đức Hồng Y nói: "thật là hợp pháp để ngăn chặn những kẻ xâm lược bất chính."

Đức Hồng Y Veglio nói thêm rằng "cộng đồng quốc tế" phải đánh giá những biện pháp để ngăn chặn những kẻ gây hấn, nhưng ngài đặc biệt cảnh báo rằng trong tình hình hiện nay sẽ không thể biện minh được nếu cộng đồng quốc tế chẳng làm gì cả.

"Điều này là tương tự như khi Hitler giết người Do Thái, và sau đó nhiều người nói 'không, không, chúng tôi không biết bất cứ điều gì.’ Đó thực là đạo đức giả, chúng ta phải làm một cái gì đó."

Cho đến nay, Đức Hồng Y cho biết cộng đồng quốc tế đã làm quá ít. Ngài đổ lỗi cho Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, là những nước gần với Iraq và Syria về mặt địa lý.

Đức Hồng Y nói thêm:

"Thật không may, ở châu Âu chúng ta đang có rất nhiều vấn đề, vì vậy chúng ta ích kỷ và chỉ nghĩ về bản thân, và rất ít nghĩ đến những người khác. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là tương đối nhỏ so với vấn nạn của người dân Iraq, Syria, là những người đang phải lẩn trốn để tránh khỏi bị giết ... Tôi hy vọng châu Âu cho thấy sự nhạy cảm - và một số nước đã bắt đầu làm như vậy - và cho những người di dân một cơ hội để được chấp nhận ở các quốc gia Đức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha: Đó là các nước rất giàu so với những người nghèo ".

Đức Hồng Y Veglio cho biết ông cũng hy vọng Giáo Hội là một phần của giải pháp.

"Và khi chúng ta đề cập đến Giáo Hội, chúng ta không chỉ nghĩ đến Vatican hay Giáo Triều. Giáo Hội là một thực tại ở khắp mọi nơi, và Giáo Hội phải có sự nhạy cảm để giúp đỡ những người nghèo, những người di cư, những người tị nạn, những người phải di dời."

5. Diễn từ của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chia sẻ những suy tư của ngài với các nhà lập pháp Công Giáo thế giới hôm thứ Sáu 29 tháng 8 trong hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế.

Hội nghị đã diễn ra từ 28 đến 31 tháng 8 tại Frascati bên ngoài thành Rôma với sự tham dự đông đảo của các nghị sĩ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về việc thúc đẩy các giá trị Kitô giáo và đạo đức trên trường chính trị. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi lời chào đến hội nghị này.

Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế đã được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và nghị sĩ Anh Lord David Alton.

Trong diễn từ trước hội nghị, Đức Hồng Y Pietro Parolin nói:

Thưa Đức Hồng Y, và quý nhà lập pháp đang tham gia cuộc họp thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế, các bạn thân mến,

Tôi chào tất cả các bạn. Tôi thấy hạnh phúc được đến đây với các bạn, các nhà lập pháp và các cộng sự viên, những người đang tích cực tham gia vào đời sống công cộng và chính trị của các quốc gia và cộng đồng địa phương, và những người mà công việc chuyên môn được nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi đức tin Công Giáo. Tôi muốn cảm ơn quý vị vì những gì quý vị đang làm để thúc đẩy những chứng tá Công Giáo mạch lạc trên thế giới. Tôi biết rằng quý vị đang hiện diện nơi đây bởi vì quý vị có lòng nhiệt thành với "thành phố tại thế" và vì lòng nhiệt thành ấy mà muốn quý vị muốn luân lý và những nhân đức Kitô giáo được đâm rễ sâu xa và chân thực hơn bao giờ nơi các cộng đồng trên toàn thế giới để cùng nhau chúng ta có thể đạt đến "thành phố thiên quốc".

Mới hôm qua, chúng ta đã mừng lễ thánh Augustinô, người đã đưa ra cho chúng ta hình ảnh của hai thành phố này. Lịch sử không mơ hồ và tự nó cũng chẳng phải là một sự tình cờ; nó liên quan đến sự chuyển động của hai tình yêu và cuộc xung đột giữa hai tình yêu này. Hai tình yêu này – ngài viết - làm phát sinh hai thành phố: tình yêu trần thế là thứ tình yêu vị kỷ đến mức dửng dưng đối với Thiên Chúa; và tình yêu thiên đường, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vị tha đến mức quên mình (Thành Phố của Thiên Chúa , XIV, 78). Trong những thời điểm khó khăn của những cuộc xung đột liên tục và những cuộc nổi dậy quy mô, như trong sự sụp đổ của Rôma và cuộc xâm lược của người Vandal là những người đã bao vây thành Hippo ngay vào lúc thánh Augustinô đang hấp hối, ngài không những không đánh mất con tim, nhưng đã theo đuổi tới cùng cuộc tranh luận dữ dội, trong khi mời gọi mọi người xem đức tin là chìa khóa để giải quyết các vấn nạn. Ngài dành toàn bộ tác phẩm, Thành phố của Thiên Chúa, để học cách thấu hiểu hoàn cảnh hiện tại và để thiết lập một trật tự mới cho cuộc sống trong xã hội. Đó là một tác phẩm xây dựng trên luận lý của sự khôn ngoan, đặt trái tim con người ở vị trí trung tâm và chỉ ra bản chất thực sự của niềm hy vọng Kitô giáo. Tôi tin rằng trong thời điểm khó khăn của chúng ta hiện nay cũng vậy, chắc chắn có những chỉ dấu quý giá xuất hiện rõ ràng từ những kinh nghiệm và lời dạy của Thánh Augustinô.

Các bạn thân mến, chúng ta có thể nói mà không do dự rằng Giáo Hội cần đến các bạn trong sứ mệnh phổ quát của mình, và đến lượt mình, các bạn cũng cần Hội Thánh như Mẹ và Thầy của tất cả chúng ta.

Trong sự đa dạng của sứ vụ của mình đối với thế giới, Giáo Hội có một sứ mạng duy nhất (x Apostolicam Actuositatem, 2): là khôi phục lại tất cả mọi thứ trong Chúa Kitô. Trước sứ mạng này, Giáo Hội cần các bạn, các nhà lập pháp Công Giáo, bởi vì việc hình thành luật pháp của các bạn là một phần quan trọng của sứ vụ tông đồ giáo dân - là "thấm đượm tinh thần Tin Mừng và cải thiện trật tự trần thế". Trong tư cách là những người hình thành nên chính sách, vai trò của các bạn không chỉ đơn giản là sống "ở giữa thế giới", nhưng còn là "men trong thế giới" để nâng đỡ các gia đình, các cộng đồng địa phương và các quốc gia tương ứng. Thách thức cam go của các bạn là mang ánh sáng đức tin đến với những vấn đề căng thẳng trên thế giới ngày nay, nghĩa là, đối thoại với xã hội và văn hóa, và nói lên một cách khiêm tốn từ ánh sáng mà đức tin đưa ra cho chúng ta (x Evangelii Gaudium, 238) .

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng chúng ta đang cố gắng "đốt lên một ngọn lửa giữa lòng thế giới" (Evangelii Gaudium, 271). Điều này có nghĩa là, bằng lời nói, bằng những chứng tá và bằng những hành động pháp lý và chính trị của mình được hướng dẫn bởi đức tin, các bạn được mời gọi để thúc đẩy một xã hội công bằng hơn, đặt trọng tâm nơi phẩm giá của con người.

Giáo Hội biết công việc của các bạn là không dễ dàng. Giáo Hội hiểu được những mối đe dọa trên cuộc sống gia đình, dưới hình thức các chính sách và luật lệ cho phép và thậm chí còn cố tình đẩy nhanh quá trình phân rã của gia đình. Giáo Hội cũng nhận thức đầy đủ các nhu cầu cấp thiết để giảm bớt tình trạng nghèo khổ và hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất trong xã hội. Và vì thế, như Giáo Hội cần đến các bạn, các bạn cũng cần đến Giáo Hội. Giáo Hội đặt để nơi các bạn bí tích của mình, những lời cố vấn khôn ngoan của mình và cam kết của mình với các chân lý đạo đức của luật tự nhiên. Giáo Hội hỗ trợ các sáng kiến đang được tiến hành của các bạn để phục vụ lợi ích chung thông qua những luật lệ tốt đẹp. Về phần mình, Đức Thánh Cha và các giám mục khuyến khích công việc của các bạn cho vương quốc của Chúa Kitô trên trần thế, trong sự hiệp nhất với sứ vụ mục tử của các ngài.

Các bạn thân mến, tôi mời gọi các bạn lớn lên trong sự thánh thiện, trong khi hoán cải sâu xa hơn để chứng tá và cuộc đối thoại của các bạn với thế giới có thể mang lại kết quả lâu dài! Cầu xin cho các bạn luôn luôn phấn đấu để nhen nhóm "một ngọn lửa giữa lòng thế giới", nhờ những chứng tá nhất quán và kiên nhẫn của các bạn với các giáo huấn của Giáo Hội.

Tôi phó thác sứ vụ của các bạn nơi sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Thomas More. Tôi rất vui mừng nhân dịp này có thể chuyển đến với bạn những lời chúc mừng của Đức Thánh Cha, và Phép Lành Tòa Thánh của ngài như bảo chứng lời cầu nguyện cho ân sủng, sức mạnh và sự bền đỗ tuôn đổ trên công việc của các bạn.

6. Đức Giáo Hoàng gọi điện thoại cho một linh mục Iraq

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi điện thoại cho một linh mục tại một trại tị nạn ở Iraq để bày tỏ sự gần gũi của mình với các tín hữu bị bách hại đang tạm trú trong trại tị nạn và hứa làm mọi cách để hỗ trợ cho họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi cho Cha Behnam Benoka vào ngày 19 tháng 8, tức là một ngày sau khi trở về từ chuyến tông du của ngài tới Hàn Quốc. Cha Benoka là linh mục chính xứ nhà thờ quận Bartella, là một thị trấn Kitô Giáo nhỏ gần Mosul. Cha cũng là Phó Giám đốc chủng viện Công Giáo Ankawa. Tuy nhiên, cả hai nơi thân thiết nhất với ngài giờ đây đã rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Ngài hiện đang làm việc tại một trại tị nạn ở phía bắc Iraq, giúp đỡ các Kitô hữu chạy trốn khỏi bạo lực của khủng bố Hồi giáo.

Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đã vô cùng xúc động bởi lá thư ngài nhận được từ cha Benoka một ngày trước đó. Đức Giáo Hoàng đã nhận được lá thư từ tay của một nhà báo, là một người bạn của vị linh mục, trên chuyến bay từ Hàn Quốc trở về Roma.

Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ với cha Benoka lòng biết ơn đối với các tình nguyện viên làm việc trong các trại tị nạn và tái khẳng định sự hỗ trợ đầy đủ của ngài và sự gần gũi với các Kitô hữu bị bách hại, cùng với lời hứa rằng ngài sẽ tiếp tục làm hết sức mình để giúp đỡ các tín hữu Kitô Iraq.

Trong thư gửi Đức Giáo Hoàng, vị linh mục bày tỏ lòng biết ơn đối với lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của Đức Giáo Hoàng nhằm kêu gọi sự kết thúc những đau khổ và bách hại các Kitô hữu đang phải chịu và gióng lên trước thế giới tiếng kêu cứu trước tình hình bi thảm mà hàng trăm ngàn tín hữu Kitô phải đối mặt. Cha cho biết thêm:

"Tình hình các tín hữu rất là đau khổ. Họ chết dần mòn vì đói khát. Các tín hữu Kitô nhỏ bé đang sợ hãi và không biết phải làm gì. Chúng con, các linh mục, tu sĩ, rất ít ỏi và sợ là không thể đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của anh chị em chúng ta. "

"Thưa Đức Thánh Cha, con e sợ nhiều người sẽ phải chết, đặc biệt là những trẻ sơ sinh mỗi ngày phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn và một tình trạng ngày càng tệ hại hơn. Con sợ rằng cái chết sẽ cướp đi một số người khác nữa. Xin gửi cho chúng con những lời chúc của Đức Thánh Cha để chúng con có thể có sức mạnh tiếp tục sống và để chúng con vẫn còn đương cự nổi. "

Đức Giáo Hoàng theo yêu cầu của cha Benoka, đã kết thúc cuộc điện đàm bằng lời chúc bình an của ngài và xin Chúa ban cho họ ân sủng được kiên trì trong đức tin.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma

Chúa Nhật 14 tháng 9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma, trong tư cách là Giám Mục giáo phận này.

Đây là lễ cưới đầu tiên do ngài chủ sự từ khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13-3-2013. Lần cuối một vị Giáo hoàng chủ sự lễ cưới là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 vào năm 2000. Ngài làm lễ cưới cho 8 cặp đính hôn thuộc nhiều nước khác nhau, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các gia đình. Trước đó vào tháng 10 năm 1994, nhân cuộc gặp gỡ đầu tiên các gia đình Công Giáo thế giới ở Roma, Người cũng làm phép cưới cho một số cặp.

Hồi tháng 6 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ ban sáng tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Vatican cho một số đôi cử kỷ niệm 25, 50 và 60 năm Hôn Phối.

Ngoài ra, Chúa Nhật 28-9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày thế giới các ông bà và những người cao niên. Ngày này có chủ đề là “Phúc lành trường thọ”, và bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi tại Quảng trường, với những suy tư và chứng từ. Tiếp đến khoảng 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đến gặp các tham dự viên và trao đổi với họ, trước khi cử hành thánh lễ vào lúc 10 giờ rưỡi.

Đức Thánh Cha Phanxicô năm nay 78 tuổi. Ngài đã nhiều lần bày tỏ quan tâm về số phận của người già trong các xã hội tây phương, thường là nạn nhân của nền “văn hóa loại bỏ”. Ngài khẳng định rằng: “Một dân tộc không bảo vệ những người già của mình, không săn sóc các trẻ em, là một dân tộc không có tương lai, không có hy vọng.. Sự đối xử với người già cũng như đối với trẻ em là dấu chỉ cho thấy phẩm chất của một xã hội.. Khi những người già bị gạt bỏ, bị cô lập, và nhiều khi qua đi trong sự thiếu tình thương, thì đó là một dấu chỉ xấu”

8. Hơn 200,000 người Iraq đang tị nạn tại các trường học, nhà thờ và nhà thờ Hồi giáo

Khi cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục “suy tư” và chưa có những giải pháp cụ thể nào được đưa ra để chế ngự bọn khủng bố Hồi Giáo IS, những người dân Iraq và Syria vẫn đang tiếp tục bị buộc phải ra khỏi nhà để tránh nguy cơ bị giết.

Khi con số người Syria phải tản cư đã lên đến 3 triệu, thì số người tản cư Iraq cũng đã lên đến một triệu người và không ngừng gia tăng trong những ngày qua.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ ở những vùng phía Bắc Iraq còn trong sự kiểm soát của người Kurd, đã có hơn 200,000 người đến ẩn náu. Con số người tị nạn thực ra có thể còn đông đảo hơn vì nhiều người tá túc tại nhà những người quen, nhiều người lang thang ngoài đường vì không muốn tá túc trong các trại tị nạn đã quá tải.

Jane Pearce thuộc Chương trình Lương thực Thế giới Iraq nói:

"Đây chủ yếu là những người chạy đến Dahuk. Họ đang cắm trại trong các tòa nhà công cộng, trường học, trong các nhà thờ, trong các đền thờ Hồi giáo, trong các công viên, dưới gầm cầu. Chúng tôi không biết là họ có đủ thức ăn hay không".

Các tổ chức khác, chẳng hạn như Caritas quốc tế đang dẫn đầu các nỗ lực cứu trợ tại Erbil và Dahuk, trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống, giường ngủ và các dụng cụ vệ sinh.

Họ cũng đang làm việc cùng với Catholic Relief Services trong việc đào tạo nhân viên để giúp đỡ những người tị nạn hồi phục những chấn thương tinh thần từ những kinh nghiệm thê thảm mà họ đã kinh qua.

9. Dàn hợp xướng ảo hát mừng 500 năm sinh nhật thánh Têrêsa thành Ávila

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những biến cố trọng đại của Giáo Hội tại Tây Ban Nha trong năm 2015 sẽ là ngày kỷ niệm 500 năm ngày sinh của thánh Têrêsa thành Ávila. Thánh nữ là người phụ nữ đầu tiên trong Giáo Hội được tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Để chuẩn bị cho biến cố này, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Vua Juan Carlos và sau đó là tân quốc vương Felipe và hoàng hậu đã sang Rôma mời Đức Thánh Cha đến thăm nước này vào ngày 28 tháng Ba năm 2015. Tòa Thánh chưa trả lời chính thức nhưng có lẽ Đức Thánh Cha sẽ nhận lời.

Trước biến cố này Dòng Cát Minh tại Hoa Kỳ đã hình thành một dàn hợp xướng ảo gồm các tu sĩ và nữ tu Cát Minh từ khắp nơi trên thế giới, với sự phụ hoạ của dàn nhạc Têrêsa của nhà thờ Thánh Giacôbê tông đồ ở Seattle, Washington.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là dàn hợp xướng ảo đang trình bày bài "Nada te turbe”, nghĩa là “Đừng để điều gì cản trở anh chị em” được phổ nhạc dựa trên bài thơ cùng tên của thánh Têrêsa thành Ávila.

Ca khúc thứ hai là một phiên bản của Salve Regina do nữ tu Claire Sokol soạn nhạc. Salve Regina dịch ra tiếng Việt là Kinh Lạy Nữ Vương. Đó là kinh chúng ta rất thường đọc sau khi đọc Kinh Mân Côi.

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành

làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

Thân lạy Mẹ,

chúng con, con cháu Evà

ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;

Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con.

Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,

Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Kinh Lạy Nữ Vương đã được sáng tác vào thời Trung Cổ, có lẽ bởi một tu sĩ người Đức tên là Hermann thành Reichenau bằng tiếng Latin. Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học Cổ điển Công Giáo của Thánh Alphonsus Liguori – cũng là một vị Tiến sĩ Hội thánh.

Têrêsa thành Ávila sinh: 28 tháng 3 năm 1515 - mất: 4 tháng 10 năm 1582) là một nữ tu sĩ Dòng Cát Minh (Dòng Camêlô), một nhà thần học nổi tiếng người Tây Ban Nha của Giáo Hội Công Giáo Rôma, bà gắn cả đời mình với cuộc sống chiêm niệm và lời cầu nguyện tinh thần.

Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.

Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới "trọng nam khinh nữ" vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

Têrêsa là một phụ nữ "vì Chúa", một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.

Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

Têrêsa cũng là một phụ nữ "vì tha nhân." Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu -- luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

10. 300,000 trường học trên thế giới tham gia vào dự án giáo dục được hỗ trợ bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Điều 26 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nói rằng mọi người đều có quyền được giáo dục. Nhưng nói đúng ra, tại nhiều nơi trên thế giới, trẻ em vẫn không có điều kiện cắp sách đến trường.

Vì thế, một sáng kiến mang tên 'Scholas' đã được đưa ra. Mục đích là cho các trường học ở các miền khác nhau trên thế giới có thể chia sẻ tài nguyên và kiến thức. Dự án này được sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và chỉ trong một năm qua đã có hơn 300,000 trường học từ khắp nơi trên thế giới tham gia.

Giờ đây, một giáo viên ở Á Căn Đình có thể gửi thông tin trực tuyến về phương thức mà họ sử dụng để dạy học sinh của mình làm toán nhân, toán chia. Thông tin này có thể được truy cập bởi các giáo viên và học sinh ở châu Phi.

Ngày 2 tháng 9, Scholas đã có một cuộc họp để đánh dấu năm đầu tiên thực hiện dự án này. Đó là một dịp để suy tư về những gì họ đã đạt được và những gì cần phải thực hiện thêm.

Roberto Dabusti, một thành viên trong dự án này cho biết:

"Chúng tôi có dịp gặp gỡ những người từ khắp nơi trên thế giới, từ những miền xa xôi như El Salvador, Á Căn Đình đến những vùng ở châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Hội nghị kết thúc vào ngày 04 Tháng Chín, với cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô."

Một phần của dự án sẽ là một cổng thông tin web, nơi trường học, giáo viên và học sinh sẽ có thể chia sẻ. Ngoài ra cũng có một trang Facebook.

Roberto Dabusti nói thêm:

"Trang web này là nơi trao đổi thông tin. Những trường cần những tài mguyên cụ thể có thể truy cập vào cổng thông tin web và trao đổi ý tưởng và kỹ thuật với các trường học và các trường đại học ở các miền khác nhau trên thế giới."

Các vận động viên nổi tiếng trên thế giới cũng gián tiếp và trực tiếp thúc đẩy dự án Scholas. Hôm thứ Hai 01 Tháng 9, hai ngôi sao bóng đá Lionel Messi và Gianluigi Buffon cùng hơn 50 ngôi sao bóng đá thuộc các tôn giáo khác đã tham gia vào các trận đấu tại sân vận động Olympic của Rôma để chơi một trận túc cầu thúc đẩy giáo dục và hòa bình.

11. Chương trình ứng dụng dành cho điện thoại trong lễ phong chân phước cho Đức Giám Mục Álvaro del Portillo

Đức Giám Mục Álvaro del Portillo, người kế vị đầu tiên của Thánh Josemaria Escrivá, sẽ được phong chân phước vào ngày 27 tháng 9 tại Madrid. Một ứng dụng mới để chuẩn bị cho ngày trọng đại này đã được thiết kế cho những người đang trông đợi lễ phong chân phước này.

Ứng dụng này được đặt tên là "Don Álvaro" đưa ra tiểu sử chi tiết của vị chân phước tương lai với những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của ngài: từ lúc chào đời, cho đến thời tuổi trẻ của ngài ở Madrid, ơn gọi của ngài trong Opus Dei và cuộc đời linh mục và Giám Mục của ngài.

Ta cũng đọc được chứng từ của những người quen biết ngài như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, nhà báo Vittorio Messori và Đức Hồng Y Julián Herranz.

Với những ai có thể tham dự lễ phong chân phước, ứng dụng này đưa ra những thông tin về cách đăng ký, các văn bản và các bài hát dùng trong phụng vụ lễ phong chân phước cho ngài.

Ứng dụng này là miễn phí và có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cho Ipad và điện thoại dùng hệ điều hành Android.

12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp công nương Lục Xâm Bảo

Hôm thứ Hai 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp công nương Maria Teresa xứ Lục Xâm Bảo tại Điện Tông Tòa.

Trong một cuộc họp ngắn gọn, María Teresa của Luxembourg đã nói chuyện với Đức Thánh Cha về hoàng gia và cảm ơn ngài đã chào đón cô.

María Teresa và chồng, là quận công Henry là những người Công Giáo nhiệt thành. Họ đã đến Rôma hôm 27 tháng Tư trong lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô Đệ Nhị.

13. Căng thẳng giữa thủ tướng Úc Tony Abbot và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo

Tại Úc Đại Lợi, căng thẳng đã dâng cao giữa thủ tướng Úc Tony Abbott và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trong Hội Đồng Hồi Giáo Victoria sau khi ông gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo này là “ngu xuẩn” và “nhỏ mọn” vì họ đã không chịu tham dự một hội nghị chống khủng bố và đã ủng hộ việc các thanh niên Hồi Giáo tại Úc gia nhập quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Trong một tuyên bố trên Radio 2GB hôm 18 tháng 8, thủ tướng Abbot giải thích từ ngữ ông thường dùng ‘Team Australia’ như sau:

“Mọi người dân Úc đều phải đặt đất nước này, lợi ích của quốc gia này, các giá trị và nhân dân Úc lên hàng đầu, nếu quý vị không muốn gia nhập hàng ngũ của chúng tôi thì đừng di cư đến đất nước này làm gì, và đó là điểm tôi muốn nhấn mạnh".

Được hỏi về việc một nhóm biểu tình Hồi Giáo đã giương cờ của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Sydney, thủ tướng nói: “Chỉ có lá cờ quốc gia Úc mới được quyền tung bay trên đất nước này”.

Chính phủ của thủ tướng Abbot cũng đang bàn đến một danh sách các nước mà người Úc cấm không được bén mãng đến sau khi Bộ Ngoại Giao Úc xác nhận có đến 61 người Úc đang tham gia chiến đấu với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Iraq và Syria.

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên tiếng chống lại cả ‘Team Australia’ lẫn chính sách cấm người Úc không được gia nhập với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và từ chối không tham dự Hội Nghị chống khủng bố.

Thủ tướng Abbot, một người Công Giáo đã từng có thời gian là một chủng sinh dòng Tên, đang cố gắng thông qua một đạo luật chống khủng bố tại Úc. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Hồi Giáo lại cho đó là đạo luật chống Hồi Giáo tại Úc.

14. Tuyên bố của các Thượng Phụ Trung Đông về tình cảnh các tín hữu Kitô

Mô tả bạo lực chống Kitô hữu tại Iraq và Syria là "âm mưu diệt chủng, các Thượng Phụ Công Giáo và Chính thống giáo ở Trung Đông đã thách thức các giới chức Hồi giáo và các nhà lãnh đạo trêh thế giới phải có hành động cụ thể chống khủng bố.

"Sự tồn tại của các Kitô hữu đang bị đe dọa ở một số nước Ả Rập - đặc biệt là ở Iraq, Syria và Ai Cập-- nơi họ đã phải chịu đựng những tội ác ghê tởm, buộc họ phải chạy trốn". Các Thượng Phụ đã nói trong một tuyên bố đưa ra vào lúc kết thúc của cuộc họp thượng đỉnh của các ngài Brkerke, trụ sở của Giáo Hội Công Giáo Maronite.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Trung Đông than phiền rằng: "Thật là đau buồn khi chúng ta phải chứng kiến sự im lặng của một lập trường chính thức của các giới chức thẩm quyền Hồi giáo". Các ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo có ảnh hưởng hãy đưa ra những fatwas chống lại bạo lực.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị của thế giới. Các ngài than phiền rằng sau một thời gian dài dửng dưng trước những đau khổ khôn xiết mà các tín hữu Kitô phải chịu do chính những vũ khí mà phương Tây đã từng trang bị cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong cuộc chiến chống lại chính phủ của tổng thống Syria Bashar al-Assad, "cộng đồng quốc tế cho đến nay cũng chẳng thông qua được một lập trường chặt chẽ"

Tuyên bố của các Đức Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi các nước gia tăng áp lực ngoại giao trên các nước cung cấp hỗ trợ tài chính cho bọn khủng bố, và các tài sản thuộc của những kẻ khủng bố phải bị tịch thu.

15. Giáo sĩ Hồi Giáo tại Anh ca tụng quân khủng bố Hồi Giáo IS

Trong cuộc phỏng vấn dành cho FoxNews hôm thứ Tư 27 tháng 8, giáo sĩ Hồi Giáo tại Anh là Anjem Choudary đã lên tiếng ca tụng quân khủng bố Hồi Giáo IS là “những người cao quý” và tiên đoán rằng luật Hồi Giáo Sharia sẽ mau chóng được áp dụng trên toàn thế giới.

Anjem Choudary là người bị nghi ngờ đã kích động thanh niên Hồi Giáo Anh tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria. Ông là lãnh tụ tinh thần của nhóm “Islam 4 UK” (Hồi Giáo cho nước Anh) và được tin là có quan hệ thân thiết với tên khủng bố Abdel Majed Abdel Bary, 23 tuổi, kẻ đã chặt đầu ký giả Công Giáo Hoa Kỳ James Foley. Giải thích về những lời lẽ kích động thanh niên Hồi Giáo tại Anh gia nhập thánh chiến, giáo sĩ Anjem Choudary nói:

“Nếu người Hồi giáo có thể đến bất cứ nơi đâu trên thế giới để bảo vệ anh em của họ thì đây là một điều tốt. Tất nhiên họ phải được phép đi chiến đấu. Bất cứ ai ra đi sát cánh bên cạnh các chiến binh Hồi Giáo đang chiến đấu ở Iraq đều là cao quý.”

Thủ tướng Anh David Cameron nói Choudary "là một trong những kẻ cần phải được xem xét nghiêm túc về tính hợp pháp của những gì ông nói, vì ông ta lạc hướng, tôi nghĩ rằng, lập trường của ông ta rất gần với thứ ý thức hệ khuyến khích hận thù, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực."

Các giới chức tại Anh lo ngại rằng có tới 1,500 người Anh đã đi chiến đấu ở Iraq và Syria. Điều này đặc biệt đáng lo ngại cho giới chức Mỹ và châu Âu bởi vì những chiến binh này có khả năng sử dụng hộ chiếu Anh quốc để di chuyển dễ dàng trong xã hội phương Tây.

16. Đức Tổng Giám Mục Jos từ chối cận vệ do chính phủ phái đến bảo vệ ngài

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS ăn nên làm ra với những nguồn viện trợ đầy khích lệ từ thế giới Hồi Giáo sau khi thành lập cái gọi là “Nhà Nước Hồi Giáo”. Thấy vậy, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tại Nigeria cũng bắt chước thành lập “Nhà Nước Hồi Giáo” tại thành phố Gwoza, thuộc bang Borno và tấn công ráo riết để “mở mang bờ cõi”.

Hôm thứ Ba 26 tháng 8, 500 quân nhân Nigeria đã phải rút chạy khỏi hai thành phố Ashigashyia và Kerawa và xin lánh nạn tại quốc gia láng giềng Cameroon sau những cuộc giao tranh đẫm máu với bọn khủng bố Hồi Giáo.

Trước tình hình căng thẳng trên, chính quyền của tổng thống Goodluck Jonathan đã phái quân đội đến bảo vệ Toà Giám Mục Jos, thủ phủ của bang Borno. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục đã không đồng ý.

Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Jos, nói rằng mặc dù có những nguy hiểm gây ra bởi bọn khủng bố Boko Haram, ngài không muốn có những vệ sĩ vì sẽ làm cho giáo dân xa cách ngài.

Thừa nhận rằng đôi khi ngài cũng cảm thấy nỗi sợ hãi, nhưng Đức Tổng Giám Mục nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng: "Tôi đã từ bỏ tất cả mọi thứ để phục vụ Thiên Chúa và người dân của mình. Tôi không có một gia đình sinh học, không có tài sản nào tôi có thể gọi là tài sản riêng tôi . Nếu tôi phải mất mạng sống của mình trong khi bảo vệ quyền tự do thờ phượng của người dân và sự hiệp nhất của nhân loại, tôi sẽ bỏ lại phía sau không màng tới điều gì. "

Đức Tổng Giám Mục Kaigama nói thêm rằng sự hiện diện của các nhân viên bảo vệ chắc chắn sẽ làm ngài xa cách đàn chiên của mình.

17. Đức Thánh Cha gặp gia đình vị bộ trưởng Pakistan bị Hồi Giáo quá khích giết hại

Mẹ và em trai bộ trưởng Shabaaz Bhatti, người đã bị giết vào năm 2011 đã được gặp Đức Giáo Hoàng khi hai người viếng thăm Rôma hôm thứ Tư 27 tháng Tư vừa qua. Ông Shabaaz Bhatti là người Công Giáo đầu tiên trong nội các Pakistan nơi ông phụ trách Bộ Các Nhóm Thiểu Số Pakistan.

Paul Bhatti, em trai ông cho biết

"Đức Thánh Cha đã rất xúc động. Ngài nhắm mắt lại, nắm chặt bàn tay của mẹ tôi và ôm chầm lấy bà. Những cử chỉ ấy nói lên rất nhiều điều."

Bà Marta Bhatti, năm nay đã 87 tuổi cũng đã rất xúc động khi được gặp Đức Giáo Hoàng.

Ông Shabaaz Bhatti đã phản đối mạnh mẽ luật Phạm Thượng của Pakistan vì luật này được người Hồi Giáo lợi dụng để đàn áp thẳng tay các Kitô hữu. Trong rất nhiều trường hợp, luật này được sử dụng để vu cáo các Kitô hữu trong các tranh chấp dân sự giữa cá nhân với nhau.

Ông Paul Bhatti đã thay anh giữ chức vụ này sau khi anh ông bị ám sát chết. Ông nói với các ký giả rằng bạo lực hiện nay ở Iraq và Pakistan phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài.

Ông cho biết:

"Những gì đang xảy ra ở Iraq và Pakistan và các phần khác của thế giới, không chỉ đơn thuần là vấn đề tôn giáo. Chúng là những kẻ khủng bố đang lợi dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được mục tiêu cá nhân của họ. Tại Pakistan, tôi đã gặp những người Hồi giáo tốt, những người đã ủng hộ tôi làm bộ trưởng. "

Đồng thời, ông lo ngại rằng người Hồi giáo cực đoan sẽ biến Pakistan thành một Iraq, nơi mà khủng bố và vô luật pháp đang thắng thế.

"Đây là một khả năng, bởi vì chúng tôi đang phải đối phó với những kẻ khủng bố Hồi giáo quá khích đến mức chúng tấn công cả những người Hồi giáo thiểu số khác. Trước tiên chúng ta phải xác định xem động cơ nào đang thúc đẩy những thứ bạo lực, phân biệt đối xử và chia rẽ con người với nhau và giết người một cách tàn bạo như thế."

Để ngăn chặn hận thù, ông nói, giáo dục và đối thoại giữa các tôn giáo là quan trọng, đặc biệt là nơi thế hệ trẻ.

"Những trẻ em nào được nuôi dưỡng theo một ý thức hệ cực đoan, và lớn lên cùng với những kẻ đánh bom tự sát, thì các em sớm muộn cũng trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta phải giúp đỡ những đứa trẻ này."

Bhatti nói rằng ông và gia đình vẫn đang bị đe dọa bởi những kẻ cực đoan. Ông không cảm thấy nhu cầu phải trả thù đối với cái chết của anh trai mình. Nhưng thay vào đó, ông muốn dành thời gian của mình để giúp đỡ những người vô phương tự vệ như anh trai của ông là Shahbaz đã từng làm trước khi bị giết.

18. Các hậu quả của xung đột Israel-Palestine

Sau nhiều tuần xung đột, một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Israel và Palestine. Trong khi các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng trong xung đột, người dân ở Gaza nhìn vấn đề một cách khác.

Hơn 2,200 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh 50 ngày. Những người may mắn sống sót đang thẫn thờ trước những đống đổ nát đã có thời là nhà cửa của họ.

Giống như nhiều người ở Gaza, thị trấn Shujai'yeh đã bị tàn phá nặng nề với hơn 100,000 giờ đây trở thành những kẻ vô gia cư.

Hassan, một cư dân trong vùng nói:

"Giữa lúc giao tranh đang diễn ra, chúng tôi không thể ngồi, không thể đi, uống nước cũng không dám. Trong khi các quả bom đánh suốt ngày đêm, chúng tôi không thể ngủ được, chúng tôi luôn luôn phải ôm con cái chúng tôi vào lòng để chúng bớt sợ."

Chiến tranh đã để lại những hậu quả nặng nề cho các gia đình, đặc biệt là trẻ em, với những ký ức khủng khiếp của các cuộc tấn công.

Mariam Masri nói:

"Về đêm, những đứa trẻ thường đột nhiên la hét, chúng sợ hãi ban đêm.”

Những cư dân địa phương đã trú ẩn trong ngôi trường này, vẫn còn bị kinh hoàng bởi cuộc xung đột.

Aseel Nabeel nói:

"Chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà mình, và một tên lửa đánh trúng căn nhà của chúng tôi, ngay trên giường của tôi, nơi để mấy cuốn sách của tôi, và cái túi của tôi. Chúng tôi phải ngủ trên sàn nhà, không có chăn nệm, chẳng có bất cứ điều gì."

UNICEF và một số tổ chức từ thiện Công Giáo đã cung cấp nước và những vật dụng vệ cho những người sống sót, trong khi làm việc suốt ngày đêm để khôi phục lại các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống cung cấp nước đã bị hư hại bởi các hỏa tiễn. Có lẽ phải mất nhiều năm cuộc sống mới bình thường trở lại.

19. Đức Thánh Cha gặp gỡ linh mục chính xứ Gaza

Cha Jorge Hernandez, linh mục thừa sai người Á Căn Đình, đang làm chính xứ tại Gaza đã phải chứng kiến tất cả mọi thứ từ những vụ bỏ bom đến sự tuyệt vọng của người dân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời ngài đến Vatican để nghe tường luật lại những gì đã diễn ra và những gì người dân địa phương đang phải đối phó, bao gồm cả những hậu quả hủy diệt mà cuộc chiến 50 ngày đã để lại.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, ngài cũng đã nói về những đau khổ và những chết trong cuộc xung đột 50 ngày vừa qua. Người ta ước tính có 2,100 người Palestine và 68 người Do Thái bị thiệt mạng.

Kitô hữu là một thiểu số trong khu vực đó. Trong số khoảng 2 triệu dân, khoảng 1,300 là Kitô hữu, trong đó chỉ có 136 người là các tín hữu Công Giáo.

Con số anh chị em giáo dân trong giáo xứ của ngài không ổn định, nhưng ngài nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra những lời động viên, bằng cách nhấn mạnh rằng sự hy sinh là cốt lõi của Tin Mừng.

Đó là miền đất nơi Chúa Giêsu phải chịu đựng nhiều đau khổ, nhưng đó cũng là miền đất đã chứng kiến vinh quang Phục Sinh của Ngài.

Cha Hernandez nói thêm rằng hòa bình giữa Israel và Palestine là có thể, đặc biệt là bởi vì họ thấy rằng trong chiến tranh, tất cả mọi người đều chịu nhiều mất mát.

20. Đức Thánh Cha gặp các cầu thủ túc cầu tham dự trận đấu liên tôn vì hòa bình

Hôm 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các cầu thủ túc cầu tham dự trận đấu Liên Tôn vì hòa bình. Trận đấu đã diễn ra tối cùng ngày tại sân vận động Olympic của Rôma.

Đức Thánh Cha cám ơn các cầu thủ và nhấn mạnh tầm quan trọng của làm gương sáng cho thanh thiếu niên.

Đức Thánh Cha nói:

"Mọi người, nhất là giới trẻ, nhìn vào anh em với sự ngưỡng mộ tài năng thể thao của anh em. Điều quan trọng là anh em là gương sáng điển hình, trên sân và ngoài sân cỏ."

Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ hy vọng rằng trận đấu liên tôn này sẽ góp phần trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.

Ngài nói:

"Tất cả các bạn biết rằng phân biệt đối xử là đồng nghĩa với khinh bỉ. Phân biệt đối xử là coi thường người khác, và với trận đấu ngày hôm nay, anh em nói" không"với tất cả những phân biệt đối xử."

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón tất cả các cầu thủ, trong số đó có cả huyền thoại bóng đá Diego Maradona, người đã tặng Đức Thánh Cha với một chiếc áo cầu thủ có tên ngài.

Maradona nói rằng anh đã xúc động bởi lời nói của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là giờ đây khi anh đã trở về với Giáo Hội.

Diego Maradona nói:

"Tôi đã rất xúc động sau khi tôi ôm Đức Thánh Cha. Tôi cảm thấy tự hào là một người Á Căn Đình. Tôi đã trở lại với Giáo Hội sau khi mẹ tôi được Chúa cất đi. Hôm nay, tôi hạnh phúc sống trong lòng Giáo Hội, với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và được chơi một trận cầu cho hòa bình. "

Cầu thủ bóng đá người Ukraine là Andriy Shevchenko cũng đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, và xin ngài cầu nguyện cho đất nước của mình.

Andriy Shevchenko nói:

"Tôi xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho đất nước tôi bởi vì chúng tôi thực sự cần sự giúp đỡ của mọi người. Thật khó nói hết lên lời đặc biệt trước những diễn biến đang xảy ra với đất nước tôi. Nhưng tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Chúng tôi đang ở đây để chơi trận đấu này và cố gắng mang đến một tín hiệu hòa bình cho tất cả. "

Đức Thánh Cha được trao tặng một huy chương lưu niệm của trận đấu. Một cây ô liu cũng sẽ được trồng tại sân vận động Olympic. Ngài đã chụp ảnh chung với các vận động viên.