Ngày 04-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 05/09: Lòng nhân từ của Thiên Chúa – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:19 04/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 04/09/2022

50. Khi con người ta bị đau khổ dày vò, phấn đấu trong cảnh khốn cùng và nơi mọi đau khổ khác, thì chúng ta nên bắt chước gương của Môi-sen, vì họ mà đưa đôi tay lên trời cao. Chúng ta phải thay họ nhận được lòng nhân từ đến từ trời cao.

(Thánh Vincentius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 04/09/2022
88. GIÓ ĐỰC GIÓ CÁI (hùng phong thư phong)

Có người nói đến câu phú từ của Tống Ngọc trong câu “hùng phong này của đại vương” thì nghi hoặc nói:

- “Gió là thứ vô hình vô dạng, làm gì có đực và cái”.

Có người nói đùa:

- “Từ xưa đến nay đều có cách nói đực cái, anh là người không hiểu được khảo chứng đó”.

Hỏi:

- “Anh nói có gì làm chứng cứ?”

Đáp:

- “Phàm là gió mà có kèm theo sấm chớp mà đến thì gọi là gió đực; gió khi trăng sáng sao thưa, mây nhẹ sương tan thì gọi là gió cái”.

Phản bác:

- “Đó cũng là cách nói mò chủ quan võ đoán, cuối cùng cũng không thể dùng để làm chứng cứ”.

Trả lời:

- “Ai nói không có chứng cứ? Phàm là gió đến cùng sấm chớp thì có cách nói là thần mưa bác gió, đã gọi là bác thì đương nhiên là gió đực; gió khi trăng thanh gió mát thì lại gọi là dì gió chị gió, đã gọi là dì thì đương nhiên là gió cái”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 88:

Gió mạnh, cách dịch sát nghĩa chữ tiếng Hoa thì là gió đực, người có học thức thì gọi là hùng phong; gió nhẹ, cách dịch sát nghĩa chữ tiếng Hoa thì là gió cái, người có học thức thì gọi là thư phong.

Gió, cũng tượng trưng cho Thánh Thần Chúa muốn thổi đâu thì thổi không ai thấy, nhưng có thể nhìn thấy việc làm của người Ki-tô hữu để biết Thánh Thần Chúa đang hoạt động nơi họ:

- Ơn khôn ngoan và thông hiểu khi họ biết phân biệt điều gì là của Thiên Chúa, điều gì là của thế gian.

- Ơn lo liệu và sức mạnh khi họ biết lo cho đời sau của mình mà đương đầu với ba thù của ma quỷ và thế gian.

- Ơn suy biết và đạo đức khi họ suy tư và dùng Lời Chúa để làm chứng cho Ngài, và nhờ ơn Kính Sợ mà họ quyết không làm điều gì tổn hại đến tha nhân...

Thiên Chúa không đến trong cơn giận dữ, và ơn Thánh Thần không ở trong tâm hồn những kẻ kiêu ngạo và ghét ghen, nhưng Thiên Chúa chỉ hiện diện nơi những tâm hồn hiền lành nhân hậu, và Thánh Thần chỉ được ban cho những tâm hồn biết lắng nghe với lòng khiêm nhượng.

Không có gió đực gió cái, nhưng chỉ có tâm hồn những người bất nhất nay đực mai cái, nghĩa là hôm nay hoan hô ngày mai đả đảo; hôm nay anh anh em em, ngày mai coi nhau như kẻ thù...

Đó mới là gió đực và gió cái ! Ha ha ha...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Văn hóa cứu sống
Lm. Minh Anh
21:21 04/09/2022

VĂN HOÁ CỨU SỐNG
“Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”.

Marian Billups Booth, một phụ nữ thông minh, xinh đẹp, người đã bắt đầu công việc truyền giáo với nhiều thành công và bao hứa hẹn phi thường. Tuy nhiên, không lâu sau đó, bệnh tật đã đưa cô đến gần với cái chết. Một người bạn nói với cô, sẽ rất tiếc khi một phụ nữ như cô bị bệnh tật làm cản trở công việc của Chúa. Sâu sắc và thánh thiện, Marian nhẹ nhàng trả lời, “Thật tuyệt vời khi làm công việc của Chúa, nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi thuận theo ý muốn của Ngài! Được hấp thụ một nền ‘văn hoá cứu sống’ của Chúa Kitô, nên dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”. Lời Chúa hôm nay cho thấy sự thật đó, ‘văn hoá cứu sống!’. Phaolô nói đến men cũ và bánh tinh tuyền; Chúa Giêsu nói đến điều được phép và điều phải từ chối, “Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”.

Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô phải đối phó với luồng văn hoá sự chết vốn dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức trong cộng đoàn; điều mà Phaolô nói, “Nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình”. Những gì đã xảy ra thật tồi tệ; nhưng sẽ tồi tệ hơn khi tín hữu Côrintô không xem đó là vấn đề, thậm chí họ còn cho đó là một loại tự do mới! Phaolô mỉa mai, “Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng!”. Sau đó, ngài kêu gọi họ hãy loại bỏ men cũ chết chóc, một thứ men cáu nhơ có nguy cơ làm băng hoại cộng đồng; Phaolô kêu gọi họ hãy nhận lấy loại bánh không men tinh tuyền của Đức Kitô, như một loại ‘văn hoá cứu sống!’.

Nét văn hoá này thể hiện rõ hơn qua trình thuật Tin Mừng. Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường; ở đó, có một người có cánh tay khô bại, các biệt phái rình rập xem Ngài có chữa lành anh hay không. Đọc được thâm ý nhỏ nhen trong lòng họ; dẫu vậy, Chúa Giêsu vẫn sẽ làm bất cứ điều tốt nào, và không gì có thể cản ngăn Ngài hành động. Với Ngài, miễn sao con người gặp được lòng xót thương của Thiên Chúa; người khác nghĩ sao, không thành vấn đề! Vì thế, Ngài gọi người có cánh tay khô bại ra đứng giữa họ và hỏi những kẻ dò xét Ngài, “Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Làm sao họ có thể trả lời! Và “Đưa mắt nhìn mọi người, Ngài bảo người ấy, ‘Hãy giơ tay ra’. Người ấy giơ ra, và tay anh được lành”. Văn hoá của Chúa Giêsu quả là ‘văn hoá cứu sống!’.

Anh Chị em,

“Dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”. Câu nói của Marian Billups Booth trở hiện thực một cách tuyệt vời nơi Chúa Giêsu. Ngài đã bị con người giết chết chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng nhờ cái chết đó, Ngài cứu sống cả nhân loại, cho họ sống sự sống đời đời; Ngài trở nên Thiên Chúa của kẻ sống cũng như kẻ chết. Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ Mẹ Têrêxa Calcutta, một khuôn mặt của ‘văn hoá cứu sống’. Noi gương Chúa Giêsu, Mẹ đã cứu sống người khác bằng mọi cách. Văn hoá của người Ấn Độ, nhất là những người nghèo, rất kiêng kỵ việc người chết trong nhà; vì thế, họ mang những người hấp hối ra khỏi nhà. Mẹ Têrêxa thì không, Mẹ đi tìm những con người xấu số này, mang họ về chăm sóc, yêu thương và cứu sống. Và cho dù họ cũng sẽ chết, họ vẫn được một cái chết bình an, xứng với nhân phẩm hầu chuẩn bị cho một cuộc sống mới, cuộc sống đời đời. Vậy, bạn và tôi, hãy cầu xin sức mạnh của Thánh Thần mỗi ngày, hầu có thể dõi bước theo Chúa Giêsu, Mẹ Têrêxa và Marian Billups Booth, những con người dám nói, “Dù có chết, tôi vẫn có thể cứu sống!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin nắn đúc tim con nên như trái tim Chúa: luôn muốn điều tốt, rộng lượng, bất chấp những rủi ro có thể xảy đến; vì lẽ, ‘văn hoá cứu sống’ luôn làm cho anh em con sống!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tôn phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô I
J.B. Đặng Minh An dịch
06:30 04/09/2022


Lúc 10 giờ 30 sáng Chúa nhật 04 tháng Chín, dưới trời mưa nhẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất lên bậc chân phước.

Trước đó, lúc 6 giờ 30 chiều thứ Bảy, ngày 03 tháng Chín, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma đã có buổi canh thức cầu nguyện để chuẩn bị cho đại lễ này. Chúa nhật, ngày 11 tháng Chín tiếp đó, tại làng Canale d’Agordo, quê hương của ngài, thuộc tỉnh Belluno Veneto, sẽ có lễ tạ ơn trọng thể.

Trong bài giảng thánh lễ tôn phong Chân Phước, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu đang lên đường đến Giêrusalem, và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 24:25). Đồng hành với Chúa Giêsu có nghĩa là đi theo Người, trở thành môn đệ của Người. Tuy nhiên, thông điệp của Chúa cho những người đó không thực sự hấp dẫn; thực tế là, thông điệp đó khá đòi hỏi: ai không yêu Ngài hơn gia đình mình, ai không vác thập tự giá, ai còn gắn bó với của cải trần thế, thì không đáng được làm môn đệ của Người (xem câu 26-27.33). Tại sao Chúa Giêsu nói những điều này với đám đông? Những lời khuyên này có nghĩa là gì? Chúng ta hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này.

Đầu tiên, chúng ta thấy rất đông người theo Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng nhiều người đã bị thu hút bởi những lời nói của Ngài, ngạc nhiên về những điều Ngài đã làm và xem Ngài như một nguồn hy vọng cho tương lai. Bất kỳ bậc thầy nào vào thời đó hoặc, cho vấn đề đó, bất kỳ nhà lãnh đạo nhạy bén nào mà lại không tận dụng lời nói và sức hút của mình để lôi cuốn đám đông và làm tăng sự nổi tiếng của mình? Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay, vào những thời điểm khủng hoảng cá nhân hoặc xã hội, khi chúng ta đặc biệt là con mồi của cảm giác tức giận hoặc cảm giác sợ hãi trước những điều đe dọa tương lai của chúng ta. Chúng ta trở nên nhạy cảm hơn và do đó, theo dòng cảm xúc, chúng ta tìm kiếm những người có thể đương đầu với hoàn cảnh một cách khôn ngoan, thu lợi từ nỗi sợ hãi của xã hội và hứa hẹn trở thành “vị cứu tinh” có thể giải quyết mọi vấn đề của xã hội, trong khi thực tế là họ tìm kiếm sự chấp thuận rộng rãi hơn và quyền lực lớn hơn, dựa trên ấn tượng mà họ tạo ra, cũng như khả năng đối phó được với mọi thứ.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng đây không phải là cách của Chúa Giêsu. Phong cách của Chúa thật khác biệt. Điều quan trọng là phải hiểu phong cách của Thiên Chúa, cách Ngài hành động. Thiên Chúa hành động theo một phong cách riêng, và phong cách của Thiên Chúa khác với phong cách của một số người nhất định, vì Ngài không khai thác nhu cầu của chúng ta hoặc sử dụng sự dễ bị tổn thương của chúng ta để phát huy chính Ngài. Ngài không muốn dụ dỗ chúng ta bằng những lời hứa lừa bịp hoặc phân phát sự ưu ái rẻ tiền; Ngài không bận tâm đến đám đông khổng lồ. Ngài không bị ám ảnh bởi những con số; Ngài không tìm kiếm sự chấp thuận; Ngài không thần tượng hóa thành công cá nhân. Ngược lại, Ngài có vẻ lo lắng khi mọi người theo dõi Ngài với sự hào hứng và nhiệt tình. Kết quả là, thay vì phục tùng sự hấp dẫn của sự nổi tiếng - vì sự nổi tiếng rất quyến rũ - Ngài yêu cầu mỗi người phải phân định cẩn thận lý do họ đi theo Ngài và những hậu quả mà điều đó sẽ dẫn đến. Đối với nhiều người trong đám đông, họ theo Chúa Giêsu vì họ hy vọng Ngài sẽ là một nhà lãnh đạo có thể giải thoát họ khỏi kẻ thù, một người nắm quyền, có thể chia sẻ quyền lực đó với họ, hoặc một người làm phép lạ có thể khiến tình cảnh đói khát và bệnh tật của họ biến mất. Chúng ta có thể theo Chúa vì nhiều lý do. Chúng ta phải thừa nhận rằng một số trong những lý do ấy là trần tục. Một bề ngoài tôn giáo hoàn hảo có thể dùng để che giấu ước vọng thỏa mãn nhu cầu bản thân, tìm kiếm uy tín cá nhân, mong muốn có một địa vị xã hội nhất định hoặc giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, khao khát quyền lực và đặc quyền, khao khát được công nhận, v.v.. Ngày nay điều này vẫn xảy ra giữa các Kitô hữu. Tuy nhiên, đó không phải là phong cách của Chúa Giêsu. Đó không thể là phong cách của các môn đệ và của Giáo hội của Ngài. Nếu ai theo Chúa Giêsu với tư lợi này, thì người đó đã đi sai đường.

Chúa đòi hỏi một thái độ khác. Đi theo Ngài không có nghĩa là trở thành một phần của triều đình hay đoàn rước chiến thắng, hay thậm chí là nhận được hợp đồng bảo hiểm trọn đời. Trái lại, nó có nghĩa là “vác thập giá mình” (Lc 14:27): là vác như Ngài đã vác gánh nặng của mình và của người khác, biến mạng sống của mình thành quà tặng chứ không phải là vật sở hữu, tiêu hao cuộc sống như Chúa Giêsu đã làm trong tình yêu quảng đại và thương xót của Ngài dành cho chúng ta. Đây là những quyết định liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Ngài không thích gì hơn tình yêu này, ngay cả tình cảm sâu sắc nhất và kho báu lớn nhất của họ cũng không thể sánh bằng.

Để làm được điều này, chúng ta cần nhìn vào Ngài nhiều hơn là chính chúng ta, để chúng ta học cách yêu và học điều này từ Đấng bị đóng đinh. Nơi Người, chúng ta thấy được tình yêu tự hiến đến tận cùng, không có thước đo và không có giới hạn. Thước đo của tình yêu là yêu không cần thước đo. Theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, “chúng ta là đối tượng của tình yêu bất diệt về phần Thiên Chúa” (Huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 10 tháng 9 năm 1978). Một tình yêu bất diệt: nó không bao giờ chìm dưới chân trời của cuộc đời chúng ta; nó chiếu sáng chúng ta và chiếu sáng cả những đêm đen tối nhất của chúng ta. Khi chúng ta nhìn ngắm Chúa bị đóng đinh, chúng ta được mời gọi hướng lên những đỉnh cao của tình yêu đó, để được thanh tẩy những ý tưởng sai lệch của chúng ta về Chúa và về sự tự hấp thụ của chúng ta, và yêu Chúa và những người khác, trong Giáo hội và xã hội, kể cả những người không xem mọi thứ như chúng ta, để có thể yêu ngay cả kẻ thù của chúng ta.

Yêu ngay cả khi phải trả giá bằng hy sinh, im lặng, hiểu lầm, cô độc, phản kháng và ngược đãi. Yêu theo cách này, ngay cả với giá này, bởi vì, như Chân phước Gioan Phaolô cũng đã nói, nếu bạn muốn hôn Chúa Giêsu bị đóng đinh, “bạn không thể không cúi xuống thập tự giá và để mình bị đâm bởi một vài chiếc gai trên vương miện đầu của Chúa” (Tiếp kiến chung ngày 27 tháng 9 năm 1978). Một tình yêu kiên trì đến cùng, chông gai và tất cả: không bỏ dở một nửa, không cắt ngang, không trốn chạy khó khăn. Nếu chúng ta không đặt mục tiêu cao, nếu chúng ta từ chối chấp nhận rủi ro, nếu chúng ta bằng lòng với một đức tin xuống dốc, như Chúa Giêsu nói, chúng ta giống như những người muốn xây một tòa tháp nhưng không ước tính được chi phí; họ “đặt nền móng”, nhưng sau đó “không thể hoàn thành công việc” (câu 29). Nếu nỗi sợ đánh mất bản thân khiến chúng ta ngừng cống hiến bản thân mình, chúng ta sẽ bỏ qua mọi thứ: các mối quan hệ và công việc, trách nhiệm và cam kết, ước mơ và thậm chí cả niềm tin của chúng ta. Và rồi chúng ta kết thúc cuộc sống nửa chừng - và bao nhiêu người sống cuộc đời nửa chừng, và chúng ta cũng thường bị cám dỗ để sống nửa chừng - mà không bao giờ thực hiện bước quyết định - đây là ý nghĩa của việc sống nửa chừng - mà không bao giờ bay, không bao giờ chấp nhận rủi ro vì điều tốt, và không bao giờ thực sự cam kết giúp đỡ người khác. Chúa Giêsu hỏi chúng ta một cách chính xác điều này: hãy sống theo Phúc Âm và anh em sẽ sống cuộc đời của mình, không phải nửa chừng mà là trọn vẹn. Hãy sống theo Phúc âm, sống cuộc sống, không có sự thỏa hiệp.

Anh chị em thân mến, vị Chân phước mới của chúng ta đã sống theo cách đó: trong niềm vui của Tin Mừng, không thỏa hiệp, yêu thương cho đến cùng. Ngài thể hiện sự nghèo khó của người môn đệ, không chỉ là sự xa rời của cải vật chất, mà còn chiến thắng cám dỗ đặt mình làm trung tâm, tìm kiếm vinh quang cho chính mình. Trái lại, theo gương Chúa Giêsu, ngài là một mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài tự cho mình là hạt bụi mà Chúa đã ký thác để viết (xem A. LUCIANI / JOHN PAUL I, Opera Omnia, Padua, 1988, quyển II, 11). Đó là lý do tại sao Ngài có thể nói: “Chúa đã khuyến cáo điều đó rất nhiều: hãy khiêm tốn. Ngay cả khi anh chị em đã làm được những điều tuyệt vời, hãy nói: 'Chúng tôi là những người đầy tớ vô dụng' '(Tiếp kiến chung ngày 6 tháng 9 năm 1978).

Với một nụ cười, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cố gắng truyền đạt sự tốt lành của Chúa. Thật là đẹp biết bao khi có một Hội Thánh có khuôn mặt vui vẻ, thanh thản và tươi cười, một Hội Thánh không bao giờ đóng cửa, không bao giờ chai cứng trong lòng, không bao giờ than phiền hay nuôi dưỡng lòng oán hận, không giận dữ hay nóng nảy, không ủ rũ hay hoài niệm về quá khứ, sa ngã vào thái độ đi lùi lại. Chúng ta hãy cầu nguyện với ngài, là cha và anh trai của chúng ta, và xin ngài ban cho chúng ta “nụ cười của tâm hồn”, một nụ cười trong suốt không lừa dối, nụ cười của tâm hồn. Chúng ta hãy cầu nguyện, theo lời nguyện riêng của Ngài: “Lạy Chúa hãy đón nhận con như con là, với những khiếm khuyết của con, với những thiếu sót của con, nhưng hãy làm cho con trở thành những gì Chúa muốn” (Tiếp kiên chung, ngày 13 tháng 9 năm 1978). Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Liệu quá trình thượng hội đồng có thể vượt qua sự phân chia Đông-Tây ở Châu Âu không?
Vũ Văn An
18:40 04/09/2022

Như mọi người biết cuối tháng 8 vừa qua, diễn trình tham khảo hoàn cầu cấp giáo phận cho Thượng hội đồng giám mục năm 2023 về tính đồng nghị hay hiệp hành đã kết thúc. Các Hội đồng giám mục thế giới đã nạp bản báo cáo tổng hợp toàn quốc cho Văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng. Nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn lắng nghe toàn thể các châu lục nghĩ gì về tính đồng nghị hay về Giáo Hội Đồng Nghị như Đức Phanxicô phát động và mong muốn. Nói đến châu lục là nói đến một cộng đồng hết sức đa dạng, đa dạng và phức hợp đến độ có người như Luke Coppen của tạp chí The Pillar hoài nghi không biết liệu một châu lục như Âu Châu có thể đạt đến một tường trình thống nhất về quan điểm của họ đối với một ý niệm hết sức mới mẻ là tính đồng nghị hay không. Mời qúy độc giả đọc bài phân tích của ký giả này đăng trên The Pillar ngày 22 tháng 8, 2022:



Tòa thánh Vatican vào thứ Sáu sẽ công bố kế hoạch cho giai đoạn thứ hai của quá trình biện phân của Giáo hội, dẫn đến Thượng hội đồng năm 2023 về tính đồng nghị ở Rome.

Các chi tiết sẽ được trình bày trong cuộc họp báo bởi Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của cuộc họp năm tới của các giám mục trên thế giới về chủ đề “Vì một Giáo hội Đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia, Sứ mệnh.”

Sáng kiến kéo dài hai năm đang đi vào điều được Vatican gọi là “giai đoạn châu lục”. Trong giai đoạn đầu tiên - giai đoạn giáo phận - các nhà tổ chức được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến của càng nhiều người Công Giáo càng tốt trong một thời gian ngắn khi kết thúc đại dịch.

Giai đoạn thứ hai sẽ trình bầy một thách thức khác: xác định những mối quan tâm được chia sẻ bởi những người Công Giáo sống trong các bối cảnh quốc gia khác nhau.

Các nhà tổ chức Thượng hội đồng tại bảy châu lục có dân cư sinh sống - Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Châu Á và Châu Đại Dương - có thể gặp khó khăn trong việc chọn ra các chủ đề đoàn kết những người Công Giáo bị ngăn cách bởi biên giới, văn hóa và khoảng cách rộng lớn.

Ở châu Âu, một số nhà quan sát tin rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội giám sát “giai đoạn lục địa” sẽ khó dung hòa các ưu tiên tương phản của những người Công Giáo sống ở Đông và Tây lục địa.

Theo The Pillar, có thể có những khó khăn sau đây:

Sự phân chia Đông-Tây ở Châu Âu

Hầu hết mọi người đều nhận rằng 44 quốc gia của Châu Âu có thể được chia thành hai vùng lớn: Đông và Tây.

Sự phân chia đó bắt nguồn từ lịch sử chính trị gần đây cũng như từ địa lý. Các nước Đông Âu thường được định nghĩa là những nước thuộc Khối Cộng sản. Vì vậy, một người nào đó sống ở Praha, thủ đô của Tiệp Khắc cũ, có thể được gọi là "Đông Âu", mặc dù họ sống gần phía tây hơn là cư dân "Tây Âu" ở thủ đô Vienna của Áo.

Sự phân chia châu Âu thành Đông và Tây còn thô thiển, nhưng nó cũng rất hữu ích vì nó làm nổi bật những khác biệt quan trọng giữa các quốc gia đã trải qua nhiều thập niên của chủ nghĩa cộng sản và những quốc gia nơi chủ nghĩa tư bản thắng thế.

Các cộng đồng Công Giáo châu Âu chịu đựng dưới chế độ cộng sản đã phát triển theo những cách khác nhau so với những cộng đồng đã đi qua thế kỷ 20 mà không bị sự đàn áp kéo dài do nhà nước bảo trợ.

Có thể thấy sự chia rẽ giữa người Công Giáo ở Đông và Tây Âu trong các phản ứng đối với “con đường đồng nghị” của Đức. Sáng kiến gây tranh cãi dự kiến sẽ kết thúc vào năm tới với lời kêu gọi thay đổi triệt để giáo huấn, thực hành và cơ cấu của Giáo hội.

Năm ngoái, Đức Hồng Y người Bosnia Vinko Puljić đã nói rằng các đề xuất của con đường đồng nghị là xa lạ đối với những người Công Giáo đã sống sót chủ nghĩa cộng sản.

Ngài nhận định, “Một Giáo hội đã vượt qua thách thức của chủ nghĩa cộng sản thì không có những ý tưởng kỳ lạ như vậy. Quả thực, những thái độ như vậy đã xúc phạm và làm kinh ngạc các tín hữu của chúng tôi. Chúng tôi không thể hiểu một Giáo hội trong đó hy sinh là một từ ngoại lai và có một Chúa Giêsu không có thập giá”.

Ở Ba Lan trước đây là cộng sản, chủ tịch hội đồng giám mục đã đưa ra một phê phán dài 3,000 từ mạnh mẽ chống quỹ đạo của con đường đồng nghị.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki viết vào tháng Hai, “Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã cũ và những đòi hỏi có tính tiêu chuẩn như bãi bỏ chế độ độc thân, chức linh mục của phụ nữ, Rước lễ cho những người ly hôn và ban phước cho những người đồng tính”.

Các giám mục Bắc Âu - đại diện cho Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland - cũng đã bày tỏ quan ngại về tiến trình của Đức. Nhưng các nhà lãnh đạo Giáo hội ở các nước Tây Âu đông dân hơn, chẳng hạn như Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, đã không đưa ra các tuyên bố chính thức tương tự.

Chúng ta biết gì cho đến nay?

Vatican đã yêu cầu các hội đồng giám mục trên thế giới gửi một tài liệu tóm tắt các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng địa phương trước ngày 15 tháng 8. Một số hội đồng giám mục quốc gia đã quá thời hạn đó.

Nhiều hội đồng giám mục Tây Âu đã đệ trình kịp thời, bao gồm các hội đồng ở Bỉ, Anh và xứ Wales, Pháp, Đức, Ái Nhĩ Lan, Ý, Tô Cách Lan và Thụy Sĩ. Nhưng một số quốc gia Đông Âu dường như đã quá thời hạn hoặc nộp báo cáo của họ cho Rome mà không công bố.

Tại thời điểm viết bài này, ít nhất hai lãnh thổ cộng sản cũ đã công bố các bản tổng hợp toàn quốc - Cộng hòa Séc và Litva - trong khi nhiều giáo phận Ba Lan cũng đã công bố báo cáo.

Mặc dù có một số lượng tài liệu hạn chế để so sánh, các văn bản hiện có cho ta một cảm giác khác với các văn bản của các nước Tây Âu.

Thí dụ, bản tổng hợp toàn quốc của Lithuania bắt đầu bằng sự suy tư về đức tin. Nó nói: “Trong khi xem xét các chi tiết khác nhau của đời sống Giáo hội của chúng ta, chúng ta thường quên điều kiện chính - sự cần thiết phải liên tục nuôi dưỡng mối quan hệ của chúng ta, mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô”.

Nó nói lên mối quan tâm về việc thiếu tính cộng đồng thực sự trong Giáo hội và kêu gọi các linh mục nỗ lực hơn nữa để làm việc với giáo dân, đồng thời thông cảm với cuộc đấu tranh của các giáo sĩ chống sự cô đơn và kỳ vọng cao.

Nó kết thúc bằng cách nhận diện năm ưu tiên: thúc đẩy mối liên hệ giữa giáo sĩ và giáo dân; xây dựng một cộng đồng “cởi mở và có trách nhiệm”; giúp người ta tăng trưởng và phát triển trong Giáo Hội; không xa lánh mọi người; và hoàn toàn cam kết trở thành một Giáo hội đồng nghị.

So sánh điều này với bản tổng hợp của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, bắt đầu bằng cách mô tả tác động của việc lạm dụng giáo sĩ. Sau đó, nó đặt ra trường hợp “lãnh đạo đồng trách nhiệm”, qua nhận định: “Nhiều người cảm thấy rằng việc ra quyết định và nắm quyền lực chỉ được thực hiện bởi các linh mục và giám mục. Cơ cấu quyền lực này gây ra sự bất mãn nơi họ, sự thất vọng và tức giận đối với các diễn trình ra quyết định và thực thi quyền lực ở tất cả các bình diện trong Giáo hội”.

Báo cáo của Ái Nhĩ Lan lưu ý rằng “đã có những lời kêu gọi từ cả những người trẻ tuổi và lớn tuổi về việc độc thân tùy chọn, các linh mục kết hôn, các nữ linh mục và sự trở lại của những người đã rời chức linh mục để kết hôn”.

Nó cũng nhấn mạnh rằng “đã có một lời kêu gọi rõ ràng, áp đảo về việc bao gồm đầy đủ những người LGBTQI + trong Giáo hội.”

Từ việc so sánh ngắn gọn này, người ta muốn kết luận rằng các đệ trình của Đông Âu quan tâm đến các vấn đề về đức tin và cộng đồng, trong khi các đệ trình của Tây Âu tập trung nhiều hơn vào cấu trúc quyền lực và tình dục. Nhưng chúng ta sẽ cần phải so sánh nhiều tài liệu hơn để có thể khẳng định điều này một cách tự tin.

Bên cạnh đó, những lo ngại về việc đối xử với người Công Giáo LGBT + không xuất hiện trong các báo cáo cấp giáo phận ở các nước cộng sản cũ.

Trong bản tổng hợp của mình, Tổng giáo phận Poznań của Ba Lan đã lưu ý rằng “theo một nhóm đáng kể những người tham gia Thượng hội đồng, thái độ của Giáo hội đối với những người LGBT + là không thỏa đáng: ‘Thiếu tình yêu thương người lân cận”.

Nó nhận định rằng những người trẻ tuổi “bày tỏ sự đau đớn của họ trước ngôn ngữ cứng rắn và thậm chí đôi khi hung hăng của một số giáo sĩ và giáo dân đối với người LGBT +,” mặc dù “một nhóm rất nhỏ” những người tham gia bày tỏ hy vọng về sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội.

Nó kết luận: “Đa số những người tham gia Thượng hội đồng phát biểu ý kiến đã nói rõ rằng cần phải thay đổi ngôn ngữ và thái độ đối với những người này: 'Chúng tôi mong đợi họ được đối xử với sự tôn trọng, từ bi và hòa nhã, giống như Sách Giáo lý đã dạy.'”

Ngoài Đông và Tây

Các báo cáo cấp giáo phận về Thượng hội đồng của Châu Âu cho thấy điều cũng rất hữu ích là đưa ra các phân biệt ngoài Đông và Tây.

Người ta cho rằng cũng có sự chia rẽ giữa những người Công Giáo ở bắc và nam châu Âu. Thí dụ, báo cáo tổng hợp toàn quốc của Đức có những lo ngại khác hẳn so với của Ý.

Báo cáo của Đức kết thúc bằng trích dẫn này:

“Nếu họ muốn khôi phục lòng tin vào Giáo hội, các giám mục cần phải có quan điểm rõ ràng về những vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta, chẳng hạn như quyền mọi người đã được rửa tội được tiếp cận bình đẳng các chức vụ trong Giáo Hội, đánh giá lại đạo đức tình dục và không phân biệt đối xử với những người đồng tính và lạ tính. "

“Có một chủ trương rõ ràng cũng có nghĩa là nói một ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu được và điều đó không nấp sau những từ ngữ ngoằn ngoèo. Liên quan đến các vụ tai tiếng lạm dụng, cần phải có sự nhận trách nhiệm rõ ràng; quyền lực cần được kiểm soát và nỗ lực thực hiện các cải thiện đối với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và tinh thần. "

Trong khi đó, báo cáo của Ý chỉ đề cập qua loa đến “những người LGBT + với cha mẹ của họ” trong danh sách các nhóm đang tìm cách hòa nhập nhiều hơn vào Giáo hội.

Nó nói rằng Giáo hội địa phương quá “tập trung vào linh mục” và kêu gọi sự chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn giữa giáo sĩ và giáo dân. Nhưng nó cũng lưu ý rằng giáo dân “không được miễn trừ nguy cơ phát triển các hình thức giáo sĩ trị trong việc quản lý các không gian quyền lực nhỏ được giao phó cho họ”.

Vượt ra ngoài các phân biệt rộng rãi về địa lý, Giáo hội Châu Âu cũng có những phân chia về văn hóa và ngôn ngữ.

Hội đồng giám mục Thụy Sĩ đã lưu ý vào tháng 5 rằng có những khác biệt rõ ràng bên trong chính Giáo hội ở Thụy Sĩ. Nó tương phản mối quan tâm của những người nói tiếng Pháp và tiếng Ý (đôi khi được gọi là "Latinh") của đất nước với những người nói tiếng Đức.

Nó cho biết: “Trong việc suy tư về phẩm chất của công việc đồng nghị, mối quan tâm về mặt tinh thần của người Thụy Sĩ Latinh, tập trung nhiều hơn vào thái độ, đã được bổ sung bằng những quan sát và lời khuyên của người Thụy Sĩ nói tiếng Đức, vốn theo định hướng cơ cấu nhiều hơn”.

Vì vậy, chúng ta có thể so sánh các báo cáo của các quốc gia “Latinh” và “Đức”, làm nổi bật “mối quan tâm thiêng liêng” của các nước trước và việc nhấn mạnh vào những thay đổi cơ cấu của nước sau.

Đây có thể là một cách hữu ích để khám phá sự chia rẽ trong Giáo hội Châu Âu, nhưng nó cũng có những hạn chế của nó. Các tài liệu tổng hợp toàn quốc của Pháp và Đức thực sự trùng lặp ở nhiều điểm. Cả hai đều tập trung vào cuộc khủng hoảng lạm dụng, các vấn đề quản trị, các linh mục đã kết hôn, vai trò của phụ nữ, ly hôn và tái hôn, và đồng tính luyến ái.

Các báo cáo về Thượng hội đồng khác nhau cũng có thể được sắp xếp thành các báo cáo của các quốc gia "cốt lõi" và "ngoại vi", với các quốc gia giàu có như Pháp, Đức, và Áo ở một bên và ở bên kia là các nước nghèo như Albania, Belarus, và Bosnia-Herzegovina.

Có vô số cách khác để định hình sự phân chia giữa những người Công Giáo châu Âu - điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn thấy rằng lục địa này có khoảng 750 triệu cư dân, khoảng 200 ngôn ngữ và khoảng 160 nhóm văn hóa khác biệt.

Một thách thức cỡ châu lục

Điều may mắn là, những người tham gia vào “giai đoạn lục địa” của Châu Âu sẽ không bị yêu cầu rút ra các chủ đề chung từ các tài liệu tổng hợp toàn quốc.

Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào tài liệu làm việc [instrumentum laboris] thứ nhất của thượng hội đồng, do Văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng giám mục soạn thảo và dựa trên tất cả các tài liệu tổng hợp toàn thế giới.

Theo thủ bản chính thức của Vatican, mỗi châu lục sẽ tạo ra một “tài liệu cuối cùng”, lấy cảm hứng từ instrumentum laboris thứ nhất, tài liệu này sẽ được sử dụng để soạn thảo tài liệu làm việc thứ hai dùng cho phiên họp toàn thể của các giám mục vào tháng 10 năm 2023.

Nhưng khi các nhà lãnh đạo Giáo hội của Châu Âu soạn thảo văn bản cuối cùng, các ưu tiên tương phản chắc chắn sẽ xuất hiện. Liệu tài liệu có thể phản ảnh mong muốn của người Công Giáo Tây Âu mà không làm giảm giá trị của người Đông Âu không? Nó sẽ có hương vị "Latinh" hay "Đức"? Nó sẽ nghiêng về những mối quan tâm của các quốc gia cốt lõi hay ngoại vi?

Theo cẩm nang của Thượng hội đồng, nhóm chịu trách nhiệm về cuộc họp toàn lục địa sẽ là Hội đồng Các Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE). Đó là một dấu hiệu tốt vì Hội đồng Các Hội đồng Giám mục Châu Âu là một tổ chức thực sự đại diện. Nó có 39 thành viên, không chỉ bao gồm các hội đồng giám mục quốc gia mà còn các cơ quan ít được biết đến hơn như Giáo phận Công Giáo Đông phương [Eparchy] của Mukachevo (miền tây Ukraine) và Giáo phận Kishinev (có trụ sở tại Moldova).

Chủ tịch của Hội đồng Các Hội đồng Giám mục Châu Âu là Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas (sinh tại Hoa Kỳ) người Litva. Các phó chủ tịch của nó là Giám mục người Serbia Ladislav Nemet và Hồng Y Hollerich của Luxembourg, người cũng là nhân vật quan trọng trong thượng hội đồng về giai đoạn thứ ba và cuối cùng của thượng hội đồng. Vì vậy, ban lãnh đạo của Hội đồng Các Hội đồng Giám mục Châu Âu có sự cân bằng tốt giữa các khu vực địa lý khác nhau.

Liệu “giai đoạn lục địa” có dẫn đến một văn kiện cuối cùng làm say mê những người theo chủ nghĩa truyền thống Pháp, những người tham gia theo đường lối đồng nghị Đức, và những người Công Giáo Ukraine sống trong các hầm tránh bom không?

Điều đó có lẽ bất khả.

Nhưng sẽ rất đáng để chúng ta chứng kiến những người soạn thảo tài liệu lèo lái ra sao nhiều đường đứt đoạn của Công Giáo châu Âu và quan điểm nào trên lục địa này là trung tâm.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Chí Linh Sàigòn: Trợ cấp cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn
Thái Sương (TGPSG)
20:44 04/09/2022
Giáo xứ Tân Chí Linh: Trợ cấp cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn

TGPSG - “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được những điều tuyệt vời. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao” ( Trích dẫn Mẹ Têrêsa)

Noi gương các nhân đức của Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta. Lúc 9g30 ngày 4-9-2022 Linh mục (Lm) Đaminh Hà Duy Dũng - Chánh xứ Tân Chí Linh đã chủ sự buổi phát tiền trợ cấp cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ. Để động viên thêm cho các em chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023. Vì các em có tin thần hăng say trong việc học hỏi giáo lý và đang tham gia sinh hoạt các đoàn thể, như tham gia ca đoàn thiếu nhi, Legio Mariae và đang tiến vào ban giáo lý viên.

Các vị đại diện tham dự gồm có: Ông Giuse Bùi Thái Hằng ( Phó ngoại vụ HĐMV – trưởng ban khuyến học)

Ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Dung (Phó nội vụ HĐMV)

Bà Maria Nguyễn Thị Ngọc Thu ( Phó ban Caritas)

Anh Giuse Nguyễn Ngọc An ( Trưởng ban giáo lý viên)

Cùng 21 em thiếu nhi hôm nay được nhận trợ cấp và quý phụ huynh đại diện đi cùng các em.

Trước khi phát trợ cấp cho các em. Lm Đaminh đã chia sẻ, động viên và nhắn nhủ các em để chuẩn bị bước vào năm học mới. Chúng ta đang sống trong một giáo hội Hiệp Hành - Tham Gia và Sứ Vụ, chúng ta hãy hiệp thông với nhau và tham gia bẵng khả năng của mình, và những việc làm của chúng ta sẽ là hành động để loan báo Tin Mừng, những hành động bác ái yêu thương này được loan toả, tất cả hãy loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa.

Mục đích của ban khuyến học hôm nay phát trợ cấp là để giúp cho các em có thêm điều kiện để các em bước vào năm học mới 2022-2023. Đất nước muốn phát triển thì chỉ có một con đường thôi, đó là học, học để làm người, học để làm những việc tốt cho xã hội cho Giáo hội, biết đâu sau này Chúa ban cho các con được ơn làm tu sĩ nam nữ hoặc linh mục thì sao, các con hãy cố gắng học hỏi nhiều vào, các con cần phải có mục tiêu, như thế các con mới tiến bước và phát triển được bản thân của mình ngày càng hoàn thiện hơn, các con không chỉ học giỏi ở trường không, mà các con cần phải học giỏi về giáo lý Công Giáo nữa, các con hãy cố gắng làm một thiếu nhi chăm chỉ trao dồi giáo lý và hãy luôn sống đạo đức. Cha muốn các con hãy siêng năng đi tham dự Thánh lễ nhất là hai ngày trong tuần dành cho các con. Đó là Thánh lễ ngày thứ năm và Thánh lễ Chúa Nhật. Xin quý phụ huynh cũng hãy luôn đồng hành và quan tâm tới các em, nhất là quý cha mẹ đỡ đầu khi các em nhận Bí tích Rửa Tội, quý phụ huynh phải luôn năng đỡ, quan tâm và cầu nguyện nhiều cho các em cho tới khi các em trưởng thành. Cha cũng chúc các con bước vào năm học mới rồi, các con hãy chăm chỉ học, học để làm người và đặc biệt là làm những người con ngoan hiền của Chúa. Để sau này giúp ích cho xã hội và Giáo hội của chúng ta.

Sau lời nhắn nhủ của Lm Đaminh kết thúc.

* Ông Phó nội vụ HĐMV đại diện trao 8 bì thư cho 8 em thiếu nhi học cấp 1- Mỗi bì thư trị giá 2.000.000 đồng.

Kế đến Lm Đaminh đã trao 11 bì thư cho 11 em thiếu nhi học cấp 2- Mỗi bì thư trị giá 2.500.000 đồng và 2 bì thư cho 2 em Thiếu nhi học cấp 3- Mỗi bì thư trị giá 3.000.000 đồng.

Trước khi kết thúc buổi trao học bổng cho các em thiếu nhi. Lm Đaminh ngỏ lời cảm ơn đến quý ân nhân xa gần cũng như các ban ngành, các đoàn thể đã rộng tay và cộng tác với ngài trong công tác chia sẻ bác ái và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong tâm tình bác ái và yêu thương. Nguyện xin Chúa luôn gìn giữ và ban muôn ơn lành cho quý vị.

Sau khi nhận phép lành từ Lm Đaminh. Kết thúc buổi trao học bổng lúc 10g cùng ngày.

Bài & Ảnh: Thái Sương (TGPSG)
 
VietCatholic TV
Nga mất 25 xe tăng, 37 xe bọc thép trong một ngày. Ukraine tịch thu drone số 1 của Nga còn y nguyên
VietCatholic Media
03:21 04/09/2022


1. Ukraine cho biết Nga mất 25 xe tăng, 37 xe bọc thép trong một ngày

Ukraine đã nói rằng Nga đã mất 25 xe tăng và 37 xe bọc thép chỉ trong một ngày khi họ đưa ra ước tính mới nhất về thiệt hại của Nga.

Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 3 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Nga đã mất thêm 25 xe tăng, nâng tổng số xe tăng bị phá hủy kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 lên 2.034 chiếc.

Trong bản cập nhật hàng ngày của mình, Ukraine cũng nói rằng Nga hiện đã mất tổng cộng 4.403 xe thiết giáp chiến đấu, với 37 chiếc bị phá hủy chỉ trong một ngày. “Đối thủ chịu tổn thất lớn nhất trên các hướng Donetsk và Kryvyi Rih”.

Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 5 cho biết Nga đang mất một số lượng lớn xe tăng và Mạc Tư Khoa đã đưa những chiếc xe tăng T-62 50 năm tuổi ra khỏi kho để cho Lực lượng Lực lượng Phương Nam sử dụng.

Trong khi đó, con số thiệt mạng của quân đội Nga cũng gần 50.000 người, theo số liệu mới nhất của Ukraine. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày thứ Bẩy có thêm 350 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, nâng tổng số lên 49.050 người.

Mạc Tư Khoa hiếm khi tiết lộ tổn thất quân sự của mình và lần cuối chính thức công bố số liệu về 1.351 binh sĩ thiệt mạng vào cuối tháng 3. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận về những ước tính mới nhất của Ukraine.

Trong khi đó, thống đốc vùng Donetsk, ông Pavlo Kyrylenko, hôm thứ Bảy cho biết quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn trong đêm vào Kramatorsk và Sloviansk ở miền đông Ukraine. Ông cho biết đã có thiệt hại về nhà cửa và cơ sở kinh doanh nhưng không có trường hợp tử vong nào.

Cuộc pháo kích diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành cuộc phản công ở phía nam đất nước, khi lực lượng của Kyiv tập trung vào khu vực Kherson, nơi bị Nga chiếm giữ đầu cuộc chiến và có giá trị quan trọng về mặt chiến lược và chính trị.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin độc lập Meduza, nhà phân tích quân sự Rob Lee cho biết ông mong đợi một “kiểu tấn công nghiền nát” trong đó lực lượng Ukraine chiếm lại các thị trấn “nhưng cần thời gian” và “có thể cần nhiều pháo binh.”

“Tôi nghĩ Ukraine muốn làm cho vị trí của lực lượng Nga ở phía tây Dnepro lung lay trước. Về cơ bản những gì họ đang cố gắng làm là khiến Nga phải cố gắng và giữ Kherson một cách rất tốn kém.”

Điều này liên quan đến việc tấn công các cây cầu hoặc “bất cứ thứ gì trong phạm vi HIMARS”, ông nói, đề cập đến Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao do Mỹ cung cấp đã cho phép lực lượng của Kyiv tấn công các cầu đường sắt và đường bộ Antonovsky và khiến lực lượng Nga bị mắc kẹt.

2. Ukraine tịch thu được máy bay không người lái tiên tiến của Nga, còn nguyên vẹn

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 4 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận lực lượng không quân của họ đã bắn hạ một máy bay không người lái trinh sát của Nga có tên “Kartograf” ở khu vực Mykolaiv. Kartograf được kể là loại máy bay không người lái tiên tiến của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết:

“Vào khoảng 09 giờ sáng ngày 2 tháng 9, máy bay không người lái 'Kartograf' của Nga đã bị đơn vị hỏa tiễn phòng không của Không quân loại bỏ trên bầu trời Mykolaiv. Máy bay không người lái này là một phần của dòng hệ thống không người lái đa năng Ptero. Điều quan trọng là may mắn khi rớt xuống nó không bị nổ tung.”

Kartograf là một loại máy bay có hệ thống máy bay không người lái, thường được sử dụng để giúp điều chỉnh hoặc tổ chức các cuộc tấn công bằng pháo hoặc hỏa tiễn, Trung tâm Quân sự Ukraine đưa tin, đồng thời cho biết thêm rằng họ đang tìm hiểu những tính năng của loại máy bay không người lái chiến thuật này.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga.

3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở nhiều khu vực của chiến tuyến

Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở nhiều khu vực của chiến tuyến, bao gồm cả ở khu vực Kharkiv, miền đông và miền nam Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết như trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào,

“Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực của mặt trận - cả ở vùng Kharkiv, ở Donbas và ở miền nam đất nước chúng ta. Quân đội Nga một lần nữa tấn công vùng Mykolaiv, các quận của Zaporizhzhia, vùng Dnipropetrovsk và Kharkiv. Thật không may, có những nạn nhân, và trong số đó, thật không may, là trẻ em,” ông nói.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng pháo binh Ukraine đang làm mọi cách để tiêu diệt tiềm năng tấn công của quân chiếm đóng, để mọi cơ quan đầu não của Nga và mọi kho đạn của họ, mọi tuyến đường hậu cần trên lãnh thổ bị chiếm đóng đều bị phá hủy. Ông cảm ơn tất cả những người lính Ukraine, những người đã biến điều đó thành hiện thực.

“Đặc biệt, ngày hôm nay, các chiến binh của lữ đoàn pháo binh số 55 ở hướng Donetsk được đặc biệt chú ý - vì họ đã bắn chính xác vào kẻ thù. Tôi biết ơn thông tin tình báo của chúng ta và Cơ quan An ninh Ukraine về tính chính xác của các câu trả lời của chúng tôi liên quan đến vị trí và đối tượng của quân xâm lược Nga,” Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi thành tích của Không quân Ukraine trong việc bắn hạ hàng loạt hỏa tiễn hành trình Kalibr, một máy bay trực thăng và máy bay không người lái của Nga và thề sẽ làm tất cả để bảo vệ hoàn toàn bầu trời Ukraine trước hỏa tiễn và máy bay của đối phương.

“Hôm nay, Lực lượng Không quân của chúng ta đã cho thấy một kết quả tốt - bắn rơi hàng loạt các hỏa tiễn Kalibrs khi nó đang nhắm vào đồng bào ta, một máy bay trực thăng tấn công của quân chiếm đóng và máy bay không người lái. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người bảo vệ và bảo vệ bầu trời của chúng ta ở Bộ Tư lệnh Không quân phía Đông. Làm tốt lắm, hôm nay và luôn mãi. Mỗi kết quả như vậy là những sinh mạng Ukraine được cứu sống, một cơ hội giảm bớt sợ hãi cho tất cả người dân của chúng ta. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để Ukraine có thể bảo vệ hoàn toàn bầu trời của mình trước hỏa tiễn và máy bay của Nga. Đây là một trong những vấn đề cơ bản đối với đất nước chúng ta,” Zelenskiy nói.

Ông cũng cảm ơn sự giúp đỡ của các đối tác, đồng thời nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực phòng không là “cách rõ ràng nhất, theo nghĩa đen nhất để bảo vệ người dân khỏi sự khủng bố của Nga”.

Cuối cùng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng: “Mùa đông năm nay, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công năng lượng quyết định chống lại tất cả người dân Âu Châu, và phản ứng quan trọng đối với điều này là đoàn kết và gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga.”

4. Kiểm tra sự thật: Nga có tuyên bố đã phá hủy 44 bệ phóng HIMARS ở Ukraine hay không?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Fact Check: Did Russia Claim it Destroyed 44 HIMARS Launchers in Ukraine?”, nghĩa là “Kiểm tra sự thật: Nga có tuyên bố đã phá hủy 44 bệ phóng HIMARS ở Ukraine hay không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của …

Ukraine đã sử dụng Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao M142, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp trong vài tháng qua, đánh trúng các căn cứ và kho vũ khí của Nga ở phía sau chiến tuyến.

Tổng cộng, Mỹ cho biết họ đã gửi 16 HIMARS, và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov xác nhận các hệ thống đầu tiên đã đến vào ngày 238, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã đánh chặn 44 quả hỏa tiễn HIMARS của Ukraine ở miền nam Ukraine. Điều quan trọng là, các quan chức Nga không tuyên bố đã bắn trúng bất kỳ bệ phóng nào, một sắc thái dường như đã bị mất trong báo cáo.

Trong một cuộc họp báo, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết: “Tại các khu vực của thành phố Kherson, Novaya Kakhovka, vùng Kherson, cầu Antonovsky và nhà máy thủy điện Kakhovskaya, ba hỏa tiễn đạn đạo Tochka-U của Ukraine cũng đã bị đánh chặn trên không, trong khi đó, 53 quả đạn của hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, bao gồm: 44 - HIMARS, năm 'Alder' và bốn 'Hurricane' cũng bị bắn rơi.”

Alder là một tham chiếu đến Vilkha, hay Alder Tree, bệ phóng hỏa tiễn đa năng do Ukraine phát triển, đã được đưa vào phục vụ đất nước vào năm 2018.

BM-27 Uragan, hay 'Hurricane', là một hệ thống của Liên Xô được thiết kế lần đầu tiên vào những năm 1970 và vẫn được sử dụng trong quân đội Ukraine.

Sự nhầm lẫn trên các phương tiện truyền thông có thể xuất phát từ bản đồ được nhìn thấy ở hậu cảnh phía sau Konashenkov trong cuộc họp báo, trong đó có ghi “44 HIMARS” bằng tiếng Nga.

Về bản chất, hình ảnh có thể được hiểu là tham chiếu đến các bệ phóng, trong khi bối cảnh và nội dung của cuộc họp chính thức xác nhận rằng phát ngôn nhân đang đề cập đến hỏa tiễn.

Newsweek không thể chứng thực một cách độc lập về việc liệu các hệ thống phòng không của Nga có thực sự đánh chặn được số lượng hỏa tiễn HIMARS đã nêu hay không vì Bộ Quốc phòng Nga có thành tích thổi phồng chiến công ở Ukraine.

Tóm lại, Ukraine chỉ có 16 bệ phóng HIMARS. Nói rằng người Nga đã phá hủy 44 bệ phóng HIMARS là sai sự thật. Cuộc họp báo của phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, có những chi tiết gây nhầm lẫn giữa bệ phóng và hỏa tiễn. Ngay cả khi người Nga cho rằng họ đã chặn được 44 hỏa tiễn HIMARS chứ không phải là 44 bệ phóng HIMARS, thì điều đó vẫn có thể là sai. Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, bày tỏ hoài nghi về khả năng người Nga có thể đánh chặn được hỏa tiễn HIMARS.

5. Văn phòng Tổng thống: Cuộc tấn công vào vùng Dnipropetrovsk, giết chết một đứa trẻ, là hành động khủng bố

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak gọi cuộc tấn công vào cộng đồng Zelenodolsk của vùng Dnipropetrovsk, trong đó một đứa trẻ 10 tuổi bị giết, là một cuộc tấn công khủng bố khác do Liên bang Nga thực hiện.

“Zelenodolsk ở vùng Dnipropetrovsk. Một cuộc tấn công khủng bố khác của Nga. Một cậu bé 10 tuổi thiệt mạng trong trận pháo kích. Người Nga là những kẻ tội phạm và những kẻ hèn nhát. Trong lịch sử, họ luôn như vậy. Nhưng Ukraine sẽ không chỉ quy trách nhiệm cho những người đã ra lệnh và thực hiện chúng, mà còn cả nhiều thế hệ người Nga phải chịu trách nhiệm về các tội ác này. Họ sẽ không thoát khỏi tội ác chống lại người dân của chúng ta”, Yermak nói.

Vào ngày 3 tháng 9, quân đội Nga đã tấn công thị trấn Zelenodolsk bằng hệ thống hỏa tiễn hàng loạt sử dụng đạn chùm bị cấm. Hậu quả của vụ pháo kích là một cậu bé thiệt mạng và 10 cư dân địa phương bị thương.

Các nhân viên thực thi pháp luật đã mở các thủ tục tố tụng hình sự về việc vi phạm luật lệ và phong tục chiến tranh, kết hợp với tội cố ý giết người.
 
Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ kêu gọi liên đới với GH Nicaragua. Tình trạng của HY Becciu
VietCatholic Media
05:38 04/09/2022


1. Đức Hồng Y Tagle sẽ là Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Liên Hội đồng Giám mục Á châu

Hôm 27 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, làm Đặc sứ của ngài tại Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, vào tháng Mười năm nay.

Khóa họp của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, gọi tắt là FABC, sẽ khai diễn từ ngày 12 tháng Mười tới đây, tại Trung tâm Mục vụ Baan Phu Waan ở thủ đô Bangkok, với chủ đề: “FABC 50: đồng hành với tư cách là các dân tộc Á châu... và họ đã đi theo một con đường khác” (Mt 2,12), với sự tham dự của hơn 140 giám mục đến từ các nước Á châu.

Khóa họp này đánh dấu 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu và kéo dài tới ngày 30 tháng Mười. Các tham dự viên sẽ suy tư về những thực tại đang tái phát và nảy sinh, cũng như những thách đố đối với Giáo hội tại Á châu.

Đức Hồng Y Tagle nguyên là Tổng giám mục Tổng giáo phận Manila, Philippines. Ngài từng phụ trách Văn phòng Quan tâm thần học của Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

Với Tông hiến mới về Giáo triều Roma, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05 tháng Sáu năm nay, Đức Hồng Y sẽ trở thành Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, vì theo luật mới, chính Đức Thánh Cha là Tổng trưởng của Bộ này. Bộ có một phân bộ phụ trách về những vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin mừng trên thế giới và Phân Bộ thứ hai phụ trách các giáo phận mới tại các xứ truyền giáo. Mỗi Phân Bộ có một vị Quyền Tổng trưởng. Tuy nhiên cho đến nay, Đức Thánh Cha chưa tiến hành các bổ nhiệm mới.

Đức Hồng Y Tagle sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, vào ngày 30 tháng Mười năm nay, tại nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác lên trời ở Bangkok.

Hôm 22 tháng Tám vừa qua, Liên hiệp này đã khởi sự chương trình mừng kỷ niệm 50 năm thành lập. Trong dịp này, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ đã mô tả bước khởi đầu này là một công tác rất lớn, tái khẳng định, canh tân và phục hồi sức sinh động của Giáo hội tại Á châu”.

Trong sứ điệp vào dịp khai mạc chương trình kỷ niệm, Đức Thánh Cha kêu gọi Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu hãy canh tân Giáo hội tại Á châu trong tinh thần hiệp thông huynh đệ và lòng nhiệt thành truyền giáo, phổ biến Tin mừng giữa các dân tộc, văn hóa và thực tại xã hội khác nhau ở Đại lục Á châu bao la”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng đề tài của Đại hội năm nay rất thích hợp trong khuôn khổ rộng lớn hành trình công nghị, lắng nghe, đối thoại, và phân định mà Giáo hội hoàn vũ đang tiến hành.

2. Hồng Y Becciu vẫn không thể bỏ phiếu trong mật nghị

Mặc dù Đức Hồng Y Angelo Becciu đang tham dự công nghị Hồng Y tại Vatican khai mạc vào hôm thứ Bảy, nhưng ngài vẫn bị loại khỏi việc tham gia mật nghị trong tương lai, theo một danh sách chính thức của Vatican về Hồng Y Đoàn.

Trong một tổng quan thống kê về Hồng Y Đoàn, được cập nhật và phân phối bởi văn phòng báo chí Tòa Thánh cho lễ khai mạc của Hồng Y Đoàn vào hôm thứ Bảy, tên của Hồng Y Becciu xuất hiện trong số các thành viên không có quyền bầu Giáo Hoàng của Hồng Y Đoàn.

Các vị Hồng Y mất quyền tham dự các buổi mật nghị khi họ tròn 80 tuổi. Trong khi Hồng Y Becciu chưa đến tuổi 80, vị Hồng Y này được liệt kê trong danh sách không phải “cử tri Hồng Y”

Tình trạng pháp lý của vị Hồng Y đang bị xét xử đã được đặt thành nghi vấn vào tuần trước, sau khi ngài nói trong bài giảng ngày 21 tháng 8 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân mời ngài tham dự công nghị tấn phong Hồng Y và sẽ sớm “phục hồi” ngài trở thành thành viên đầy đủ của Hồng Y Đoàn.

Hồng Y Becciu đã bị buộc phải từ bỏ các quyền và đặc quyền của một Hồng Y, vào tháng 9 năm 2020, sau khi các công tố viên Quốc Gia Thành phố Vatican trình bày với Đức Giáo Hoàng những phát hiện sơ bộ của họ trong cuộc điều tra về các tội phạm tài chính có thể xảy ra tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nơi Tổng Giám Mục Becciu làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Ngay sau khi Hồng Y Becciu tuyên bố vào tuần trước rằng Đức Giáo Hoàng sẽ chính thức phục chức cho ngài, một báo cáo từ Vatican Media - cổng thông tin truyền thông chính thức của Tòa Thánh - xác nhận rằng Đức Phanxicô đã mời Hồng Y Becciu tham dự hội nghị, trong đó Đức Giáo Hoàng sẽ tấn phong cho 20 tân Hồng Y và triệu tập Hồng Y Đoàn để bàn bạc về cuộc cải cách gần đây của ngài đối với Giáo triều Rôma.

Trích dẫn các nguồn ẩn danh của Vatican, hãng thông tấn chính thức của Vatican cho biết “các quyền của Hồng Y không liên quan đến việc tham gia vào đời sống của Giáo hội,” bao gồm cả lời mời tham dự hội nghị do đích thân Đức Giáo Hoàng đưa ra.

Bất chấp lời tiên đoán của vị Hồng Y vào tuần trước rằng Đức Phanxicô dự định khôi phục lại tất cả các “chức năng Hồng Y” của mình, một tiểu sử chính thức của Vatican về Hồng Y Becciu lưu ý rằng “Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức” của Becciu “khỏi các quyền liên quan đến Hồng Y đoàn”

Vào tháng 7 năm 2021, các công tố viên đã chính thức buộc tội Hồng Y Becciu một loạt tội danh, bao gồm tham ô, lạm dụng chức vụ, âm mưu và thao thúng nhân chứng. Hồng Y Becciu hiện vẫn là bị cáo chính trong một phiên tòa xét xử tội phạm tài chính ở Thành phố Vatican, hiện đã bước sang năm thứ hai.

Sự xuất hiện của Becciu tại công nghị tấn phong Hồng Y vào hôm thứ Bảy là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của ngài với tư cách là một thành viên của Hồng Y Đoàn.
Source:Pillar Catholic

3. Tổ chức “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” kêu gọi liên đới với Giáo hội tại Nicaragua

Trong thông cáo, công bố hôm 26 tháng Tám vừa qua, bà Regina Lynch, Giám đốc các dự án của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nói rằng đứng trước vụ nhà nước Nicaragua bắt giam Đức Cha Rolando Álvarez, Giám mục giáo phận Matagalpa, có một quan tâm rất lớn về tình hình tại Nicaragua. Tình trạng này trầm trọng, sự phân cực rất lớn và có sự xung đột mạnh mẽ. Nicaragua đang bị rúng động vì một cuộc khủng hoảng bộc phát cách đây hơn bốn năm”. Bà kêu gọi hỗ trợ và cầu nguyện cho các tín hữu Kitô tại Nicaragua.

Vụ nhà nước bắt giam Đức Cha Álvarez, ngày 19 tháng Tám là một sự leo thang trong cuộc đàn áp. Trước đó, ngài đã bị bao vây tại Tòa giám mục từ đầu tháng Tám. Theo tin của tổ chức bác ái quốc tế, hiện nay Đức Cha bị giam cùng với một vài người thân nhân, gần thủ đô Managua. Ba linh mục, một phó tế, ba chủng sinh và một ký giả nhiếp ảnh cũng bị bắt với Đức Cha, và họ bị giam tại nhà tù El Chipote ở Managua, trước đây là một nhà tù chính trị.

Đức Cha Alvarez thường lên tiếng tố giác khủng hoảng chính trị và xã hội tại Nicaragua và hồi tháng Năm vừa qua, ngài đã tuyệt thực để phản đối nhà nước của Tổng thống Ortega đàn áp Giáo hội. Theo bà Lynch, việc bắt giam Đức Cha Álvarez là một bước tiến đi xa hơn của nhà nước chống lại Đức Cha.

Cũng liên quan tới Nicaragua, Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, 73 tuổi (1949), Tổng giám mục giáo phận Managua, thủ đô Managua, không về Roma tham dự Công nghị tấn phong Hồng Y và hai ngày họp của các Hồng Y cũ và mới. Người ta không biết lý do tại sao.
 
Thất bại trên mọi mặt trận, Nga hăm dọa hạt nhân. Sĩ quan Nga tham ô lương lính, bất mãn lan rộng
VietCatholic Media
17:06 04/09/2022


1. Quan chức Nga đưa ra cảnh báo hạt nhân nghiêm trọng đối với Mỹ: 'Ván cờ' của tử thần

Trong cuộc xâm lược Ukraine, cho đến nay, đã có không ít những đe dọa hạt nhân đối với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây. Những lời đe dọa này thường đến từ các tuyên truyền viên của Putin trên các phương tiện truyền thông Nga. Bản thân Putin chỉ nói một cách xa xôi bóng bẩy. Lời nói nghiêm trọng nhất của ông ta là tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng hành động. Tuy nhiên, sau các thất bại liên tục trên chiến trường, Dmitry Medvedev, nguyên là tổng thống và thủ tướng Nga, và hiện giờ là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga vừa đưa ra một tuyên bố ớn lạnh về khả năng sử dụng hạt nhân để bù đắp cho các thất bại trên chiến trường. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Official Issues Stark Nuclear Warning to US: 'Chess Game' of Death”, nghĩa là “Quan chức Nga đưa ra cảnh báo hạt nhân nghiêm trọng đối với Mỹ: 'Ván cờ' chết chóc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra cảnh báo hạt nhân rõ ràng đối với phương Tây vào hôm thứ Bảy khi các mối quan hệ vẫn căng thẳng trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang diễn ra.

Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây leo thang sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên án cuộc chiến của Putin đồng thời hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine. Khoản viện trợ này đã củng cố các nỗ lực quốc phòng của Ukraine đồng thời gây thêm áp lực cho mối quan hệ Mỹ-Nga vốn đã căng thẳng.

Mối quan tâm chính của các chuyên gia an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột là Nga có khả năng chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân nếu họ cảm thấy bị dồn ép bởi những tiến bộ của Ukraine. Nga đã gửi nhiều thông điệp lẫn lộn về chiến tranh hạt nhân, với lời cảnh báo vào tháng 8 của ông Putin rằng sẽ không ai thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, trong khi các đồng minh của ông ta lại chế nhạo phương Tây bằng những lời đe dọa hạt nhân cụ thể.

Medvedev giữ chức tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, kế vị là Putin. Ông hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga và hôm thứ Bảy đã trở thành quan chức Nga mới nhất đưa ra lời đe dọa hạt nhân.

Trong một bài đăng trên Telegram được đưa ra sau đám tang của Mikhail Gorbachev, tổng thống cuối cùng của Liên Xô, Medvedev cáo buộc phương Tây muốn “lợi dụng cuộc xung đột quân sự ở Ukraine” để “loại bỏ Nga khỏi lĩnh vực chính trị.”

“Đó là những giấc mơ bẩn thỉu của những kẻ biến thái Anglo-Saxon, những kẻ đi ngủ với suy nghĩ bí mật về sự tan rã của nhà nước chúng ta, nghĩ về cách cắt chúng ta thành nhiều mảnh, cắt chúng ta thành những mảnh nhỏ.” Medvedev viết. “Những nỗ lực như vậy là rất nguy hiểm và không nên bị đánh giá thấp. Những kẻ mơ mộng đó bỏ qua một tiên đề đơn giản: sự tan rã mạnh mẽ của một năng lượng hạt nhân luôn là một ván cờ tử thần, trong đó nó được biết chính xác khi đến lúc chiếu tướng: đó là ngày tận thế cho nhân loại.”

Trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ lên án cuộc xâm lược của Nga và sự lãnh đạo của Putin ở Nga, họ không kêu gọi bất kỳ sự “tan rã” nào đối với đất nước Nga - hoặc bất kỳ hành động tấn công nào chống lại Nga, vì hành động quân sự trực tiếp chống lại Mạc Tư Khoa sẽ khiến căng thẳng hạt nhân leo thang rất nhiều.

Tháng trước, Thủ tướng Medvedev cho biết Ukraine và phương Tây “dường như đã sẵn sàng bố trí một Chernobyl mới” khi lo ngại rằng hoạt động của Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể dẫn đến phản ứng hạt nhân.

Các chính trị gia khác của Nga cũng để ngỏ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh chiến tranh, mặc dù bản thân ông Putin thường sử dụng các luận điệu chừng mực hơn. Vào tháng 3, Thư ký báo chí Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các nhà lãnh đạo cảm thấy đất nước của họ đang đối mặt với một “mối đe dọa sinh tồn”.

Tuy nhiên, đài truyền hình nhà nước Nga, nơi thường thúc đẩy tuyên truyền của Putin, đã đưa ra những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân mạnh mẽ hơn. Vào tháng 4, nhân vật truyền hình Vladimir Solovyov cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân mà chỉ có “những người đột biến” mới tồn tại nếu các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đưa ra bình luận.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo vào chiều Chúa Nhật, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết 'Các vấn đề về tinh thần và kỷ luật' đang ảnh hưởng đến quân đội Nga, bên cạnh sự mệt mỏi khi chiến đấu và thương vong cao.

Thông tin cập nhật tình báo Anh mới nhất cho biết, có một sự phàn nàn từ chính quân đội xoay quanh việc trả lương, bao gồm khả năng cao là “các khoản tiền thưởng chiến đấu khá lớn” đã không được trả

Ít nhất đã có một số trường hợp “tham nhũng thẳng thừng” trong các chỉ huy, cũng như “bộ máy quân sự không hiệu quả”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Các lực lượng Nga tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về tinh thần và kỷ luật ở Ukraine. Bên cạnh sự mệt mỏi khi chiến đấu và thương vong cao, một trong những bất bình chính từ các binh sĩ Nga bị triển khai tới Ukraine tiếp tục là vấn đề lương bổng của họ.

Trong quân đội Nga, thu nhập của binh lính bao gồm mức lương cơ bản khiêm tốn, được tăng thêm bởi nhiều loại tiền thưởng và phụ cấp phức tạp. Ở Ukraine, rất có thể đã xảy ra vấn đề nghiêm trọng với việc không được trả các khoản tiền thưởng chiến đấu lớn, có thể là do bộ máy quan liêu của quân đội không hiệu quả, tình trạng pháp lý bất thường của 'hoạt động quân sự đặc biệt' và ít nhất là một số tham nhũng thẳng thừng giữa các chỉ huy.

Quân đội Nga đã liên tục không cung cấp các quyền lợi cơ bản cho quân đội triển khai ở Ukraine, bao gồm quân phục, vũ khí và khẩu phần ăn phù hợp, cũng như trả lương. Điều này gần như chắc chắn đã góp phần vào tinh thần tiếp tục mong manh của phần lớn lực lượng.

3. Kyiv cho biết: Tập Đoàn Quân số 3 mới của Putin gặp phải thất bại, trang bị chưa sẵn sàng

Các phương tiện truyền thông Nga đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng tại Kherson nơi 20,000 quân Nga đang bị bỏ rơi. Đáp lại Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng, quân đoàn 3 mới được hình thành sẽ được tung vào chiến trường Ukraine. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's New 3rd Army Corps Suffers Setbacks, Equipment Not Ready: Kyiv, nghĩa là “Kyiv cho biết: Tập Đoàn Quân số 3 mới của Putin gặp phải thất bại, trang bị chưa sẵn sàng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ukraine đã nói rằng Tập Đoàn Quân mới nhất của Nga được tường trình sẽ di chuyển ra tiền tuyến trong một nỗ lực hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa còn lâu mới có thể sẵn sàng chiến đấu.

Có trụ sở tại Mulino, thuộc khu vực Nizhny Novgorod, phía đông Mạc Tư Khoa, Tập Đoàn Quân số 3 của Nga được cho là tập đoàn quân đầu tiên mới được thành lập cho cuộc chiến Ukraine khi Điện Cẩm Linh cố gắng thay thế những tổn thất lớn về quân số.

Thông tin tình báo gần đây cho biết Tập Đoàn Quân này đang di chuyển ra phía trước thông qua các tuyến đường sắt. Đội Tình báo Xung đột, gọi tắt là CIT, tháng trước báo cáo rằng thiết bị đang được vận chuyển bằng đường sắt đến ga đường sắt Neklynivka ở vùng Rostov của Nga, gần biên giới với vùng Donetsk của Ukraine.

Tuy nhiên, Vadym Skibitskyi, đại diện Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho rằng các vấn đề về thiết bị và nhân sự đang cản trở khả năng thành lập quân đoàn mới của Nga.

Ông nói với Đài Truyền hình Quân đội Ukraine: “Vấn đề thành lập Tập Đoàn Quân số 3 sẽ kéo dài đến tháng 11, đồng thời nói thêm rằng Nga sẽ mất ba đến bốn tháng để đào tạo các tân binh của mình.

Ông nói rằng “theo đánh giá của chúng tôi, 40% thiết bị quân sự của Nga chưa sẵn sàng chiến đấu.”

Ông nói thêm: “Nó cần được sửa chữa và phục hồi các tính năng”.

Ông cho biết những thiết bị mới nhất mà Nga có thể sử dụng “đã xâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta từ tháng 2 đến tháng 3” và giờ đây họ hết các thiết bị loại đó nên các đơn vị đang được thành lập “vẫn phải trang bị vũ khí kiểu Liên Xô.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng các binh sĩ huấn luyện cho Tập đoàn quân số 3 đã say rượu và làm phiền người dân địa phương, cho thấy rằng quân đội thiếu kỷ luật để giúp đỡ nỗ lực chiến tranh của Nga.

Vào ngày 25 tháng 8, Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga mở rộng thêm 137.000 người kể từ năm 2023. Bất kể các ước tính khác nhau, Ngũ Giác Đài cho biết tháng trước có tới 80.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến.

Mạc Tư Khoa đang phải vật lộn để tìm kiếm tình nguyện viên để tăng cường quân số trong bối cảnh Putin quyết định không tổng động viên để tránh biến loạn khi cuộc xung đột trở thành một cuộc chiến tiêu hao.

Khi Nga tìm cách củng cố hàng ngũ của mình, Ukraine đã bắt đầu một cuộc phản công ở phía nam, tập trung vào khu vực Kherson, nơi có vị trí chiến lược ở lối vào Hắc Hải.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật hàng ngày hôm thứ Bảy rằng các lực lượng Ukraine “có khả năng đạt được mức độ bất ngờ về chiến thuật” trong cuộc phản công bằng cách tận dụng “hậu cần, quản lý và lãnh đạo kém” trong quân đội Nga.

4. Thống đốc Mykolaiv cho biết người Nga tấn công các khu dân cư ở Mykolaiv

Theo Vitaliy Kim, thống đốc Mykolaiv, lực lượng Nga đã tấn công nhiều mục tiêu dân cư ở miền trung nam Ukraine trong đêm thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương.

Trong cuộc họp báo vào chiều Chúa Nhật, ông nói rằng các cuộc pháo kích của Nga đã làm hư hại nhiều ngôi nhà, ba bệnh viện, hai cơ sở giáo dục, một khách sạn và một viện bảo tàng trong khu vực.

Kim cho biết các mục tiêu bao gồm một ngôi nhà tư gia bị hỏa tiễn phá hủy ở làng Vysunsk, Bereznehuvate, nơi một trẻ em được cho là đã chết và ba người khác bị thương do mảnh đạn.

Ông cho biết thành phố Mykolaiv đã phải hứng chịu một “trận hỏa hoạn lớn” trong đêm thứ Bảy đến sáng Chúa Nhật, với nhiều tòa nhà của thành phố bị hư hại và một người được báo cáo là bị thương cho đến nay.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace khẳng định phương Tây sẽ không bị 'bắt nạt' phải từ bỏ các giá trị

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã lên tiếng chỉ trích ông Vladimir Putin vào đêm qua khi các chuyên gia cảnh báo rằng ảnh hưởng 'cuộc chiến kinh tế' của nhà lãnh đạo Nga với phương Tây có thể kéo dài một thập kỷ.

Các gia đình và các công ty sẽ phải vật lộn nhiều hơn nữa khi giá cả tăng vọt trong mùa đông này sau khi ông Putin cảnh báo hôm thứ Sáu rằng Nga sẽ cắt vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt chính của Âu Châu.

Putin bị chỉ trích là đang tống tiền Âu Châu vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine - dẫn đến dự đoán rằng hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của Anh có thể đạt 8.000 bảng Anh.

Các nghị sĩ, chuyên gia năng lượng và người đứng đầu Quân đội Anh đã cùng ông Wallace chỉ trích chiến thuật của Tổng thống Nga vào đêm qua - và kêu gọi Anh khoan nhiều khí hơn và xây dựng nhiều trang trại gió hơn để tránh bị Putin bắt nạt.

Ông Wallace nói với các phóng viên: 'Đây chỉ là một nỗ lực khác của Nga nhằm bắt nạt phương Tây từ bỏ các giá trị của chúng ta”.

Nó sẽ không hoạt động. Nhưng những gì nó sẽ làm là thuyết phục tất cả chúng ta rằng điều tốt nhất cho tương lai của chúng ta là đầu tư vào các nguồn thay thế và để mặc cho Nga dưới sự thương xót của Trung Quốc.

Các thị trường năng lượng đã bị đóng cửa khi công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga thông báo hôm thứ Sáu rằng đường ống Nord Stream 1 đến Đức sẽ đóng cửa vô thời hạn.

Tony Jordan, thuộc công ty tư vấn năng lượng Auxilione, cho biết giá khí đốt sẽ 'hoàn toàn đi lên phía bắc', nghĩa là sẽ tăng vọt, khi thị trường mở cửa trở lại vào ngày mai.

Việc Putin hạn chế cung cấp khí đốt cho Âu Châu là lý do chính khiến hóa đơn năng lượng hàng năm của một gia đình trung bình ở Anh tăng lên 3.500 bảng trong mùa đông này. Ông Jordan nói: 'Không nhìn thấy đường ống Nord Stream 1 được sử dụng trong một thời gian dài bây giờ là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Âu Châu. Tác động của nó sẽ lên đến một giới hạn mới trong năm tới. Chúng ta có thể thấy 8.000 bảng một năm cho các hóa đơn điển hình. Điều đó sẽ xảy ra nếu chúng ta không nhận được tin vui. '

Lord Dannatt, cựu lãnh đạo quân đội, cho biết Nga đã bắt tay vào giai đoạn tiếp theo của cuộc xâm lược Ukraine - và hiện đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế để đánh lạc hướng về những thất bại của lực lượng quân sự của mình.

“Putin đang thua trong cuộc chiến trên mặt đất vì vậy ông ta đang nỗ lực gấp đôi để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Âu Châu trên cơ sở kinh tế, năng lượng - cố gắng thuyết phục các nước Âu Châu đừng tiếp tục ủng hộ Ukraine'.

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Anh, Sir Iain Duncan Smith cho biết động thái mới nhất của Putin đã chứng minh ông ta là một nhà độc tài có vấn đề về tâm thần và nói thêm: 'Đây là tất cả những gì ông ta có thể làm được - hiện tại ông ta đang tuyệt vọng. Ông ta nghĩ rằng ông ta sẽ bắt đầu phá vỡ liên minh bằng dầu mỏ và khí đốt.

'Nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Điều quan trọng là tôi ngạc nhiên rằng Vương quốc Anh đang ngồi trên một hòn đảo khí đốt và dầu mỏ mà chúng ta chưa chịu khai thác ngay. Các chính phủ kế nhiệm đã không nhận ra rằng khí đốt sẽ cần thiết trong tương lai.

'Họ chưa bao giờ đảo ngược lệnh cấm khủng khiếp về việc khai thác khí đốt. Chúng ta nên có các mỏ khai thác khí đốt ngay bây giờ. '

Tờ Daily Mail tin rằng một báo cáo sẽ được đặt trên bàn của tân Thủ tướng vào ngày thứ Tư sẽ đặt ra cách Vương quốc Anh phải thúc đẩy các lựa chọn năng lượng của riêng mình hoặc đối mặt với sự lặp lại của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Mike Tholen, quyền giám đốc điều hành của Offshore Energies UK - cơ quan thương mại đứng sau báo cáo - cho biết quyết định đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính của Nga tới Âu Châu là một hành động 'chiến tranh kinh tế', đồng thời nói thêm: 'Nga đang dùng dòng khí đốt của họ để kiểm soát giá cả trên khắp Tây Âu.”

'Nga có thể thao túng giá năng lượng của chúng ta chỉ bằng cách thay đổi lượng khí đốt cug cấp. Nhưng nó không chỉ là nguồn cung cấp khí đốt. Khoảng 40% điện năng của chúng ta được tạo ra bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, vì vậy hắn ta cũng đang thúc đẩy một cách hiệu quả hóa đơn tiền điện của chúng ta.

'Putin có quyền kiểm soát hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng và đang sử dụng quyền lực đó để tiến hành một cuộc chiến kinh tế với chúng ta. Mục đích của ông là phá vỡ quyết tâm của chúng ta và Âu Châu về vấn đề Ukraine, ngay cả khi phải đối mặt với suy thoái toàn cầu. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra.”

Ông nói rằng việc bảo đảm sự độc lập về năng lượng của Vương quốc Anh sẽ ngăn cản Putin tống tiền Vương quốc Anh và Âu Châu trong thập kỷ tới.

Boris Johnson tuần trước tiết lộ rằng năng lượng gió rẻ hơn 9 lần so với khí đốt.

Ông Tholen đồng ý rằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời là chìa khóa cho nhu cầu năng lượng trong tương lai của Anh, nhưng cảnh báo: 'Việc mở rộng quy mô đó sẽ mất thời gian, vì vậy chúng tôi cần duy trì sản xuất dầu và khí đốt. Biển Bắc vẫn còn khoảng 15 tỷ thùng dầu đang chờ khai thác, đủ để hỗ trợ Vương quốc Anh bước vào những năm 2040. '
 
Những điều người Công Giáo nên biết về Tân Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô I
VietCatholic Media
17:12 04/09/2022

1. 9 Điều Mọi Người Công Giáo Nên Biết về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất
Lúc 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật 04 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất lên bậc chân phước.

Trước đó, lúc 6 giờ 30 chiều thứ Bảy, ngày 03 tháng Chín, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma sẽ có buổi canh thức cầu nguyện để chuẩn bị cho đại lễ này. Chúa nhật, ngày 11 tháng Chín tiếp đó, tại làng Canale d’Agordo, quê hương của ngài, thuộc tỉnh Belluno Veneto, sẽ có lễ tạ ơn trọng thể.

Nhân dịp này, tờ National Catholic Register có bài sưu khảo nhan đề “John Paul I: 9 Things Every Catholic Should Know”, nghĩa là “9 Điều Mọi Người Công Giáo Nên Biết về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Thứ Nhất: Tiểu sử vắn tắt của ngài

Bậc Đáng kính Gioan Phaolô Đệ Nhất có tên khai sinh là Albino Luciani, chào đời vào ngày 17 tháng 10 năm 1912 tại thị trấn Canale d'Argordo thuộc tỉnh Belluno miền bắc nước Ý. Ngài là vị giáo hoàng gần đây nhất sinh ra ở Ý và là vị giáo hoàng đầu tiên được sinh ra trong thế kỷ 20.

Ngài được bầu làm giáo hoàng vào ngày 26 tháng 8 năm 1978. Ngài qua đời chỉ một tháng sau đó. Mặc dù thời gian làm Giáo hoàng Rôma ngắn ngủi, nhưng ngài đã có tác động đến mức một số người Công Giáo đã tìm kiếm sự cầu thay của ngài như một vị thánh. Vatican đã công nhận một sự chữa lành kỳ diệu được cho là của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất và ngài được phong chân phước vào ngày 4 tháng 9.

Đây là những điều cần biết thêm:

Thứ Hai: Gioan Phaolô Đệ Nhất được biết đến là “Giáo hoàng tươi cười”

Nụ cười ăn ảnh của giáo hoàng đã giúp củng cố danh tiếng và biệt danh của ngài.

Danh tiếng của ngài vang vọng phong cách mục vụ của ngài: ngài đã thu hút sự khen ngợi về khả năng gần gũi với những người bình thường. Ngài có thể trình bày Kitô giáo và giáo lý Công Giáo theo cách dễ tiếp cận.

Ví dụ, ngài đã nói chuyện với trẻ em Ý trước ngày đầu tiên đi học của chúng trong những lời nhận xét trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào ngày 17 tháng 9, 1978.

Ngài lấy ví dụ về nhân vật trong truyện dân gian Pinocchio: “Không phải cậu bé trốn học một ngày nọ để đi xem rối; nhưng cậu bé khác, Pinocchio, người thích đến trường. Đến nỗi trong suốt cả năm học, mỗi ngày, trong lớp, cậu ấy là người đầu tiên vào học và cũng là người cuối cùng ra về”.

Thứ Ba: Đức Giáo Hoàng thừa nhận rằng ngài đã không học được cách trở thành một giám mục tốt. Nhưng ngài hứa sẽ cố gắng.

Khi một cộng đoàn đông đảo tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự Thánh lễ nhậm chức mục tử toàn thể Hội Thánh của ngài, ngài đã cam kết một tinh thần phục vụ.

Ngài nói: “Tất cả mọi người ở đây, dù lớn hay nhỏ, hãy yên tâm về sự sẵn sàng phục vụ họ theo Thánh Linh của Chúa”.

Ngài tiến đến việc trở thành giáo hoàng với sự khiêm tốn. Trong bài giảng ngày 23 tháng 9, 1978 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngài nói: “Mặc dù tôi đã làm Giám mục tại Vittorio Veneto và Venice được hai mươi năm rồi, nhưng tôi thừa nhận rằng tôi vẫn chưa 'học được cách tốt nhất’ để làm một Giám Mục.”

“Đó là luật của Thiên Chúa rằng người ta không thể làm điều tốt cho bất cứ ai nếu trước hết người ta không chúc lành cho người đó… Tôi có thể bảo đảm với anh chị em rằng tôi yêu mến anh chị em, rằng tôi chỉ mong muốn được tham gia vào sự phục vụ cho anh chị em và đặt những quyền năng kém cỏi mà tôi có, dù chúng nhỏ bé đến đâu, theo ý của tất cả”.

Thứ Tư: Ngài là vị Giáo hoàng có hai tên. Tại sao ngài chọn 'Gioan Phaolô'?

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên mang hai tên. “Gioan” và “Phaolô” nhằm vinh danh hai người tiền nhiệm của ngài, Thánh Giáo hoàng Gioan 23 và Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Đức Gioan 23, nguyên là Thượng phụ Venice, đã phong ngài làm giám mục. Đức Phaolô Đệ Lục đã phong ngài là Thượng phụ Venice và là Hồng Y.

Đức Giáo Hoàng Luciani giải thích lý do tại sao ngài chọn trở thành “Giáo hoàng Gioan Phaolô” đầu tiên trong bài phát biểu trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của ngài tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 8, 1978, một ngày sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng:

“ Đức Giáo Hoàng Gioan đã quyết định tấn phong chính tôi trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, dù không xứng đáng, tôi đã kế vị ngài ở Venice trên Ghế của Thánh Máccô, ở Venice vẫn còn đầy rẫy các kỷ niệm về Đức Giáo Hoàng Gioan. Ngài được những người chèo thuyền, các Sơ, và mọi người nhớ đến”.

“Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục không chỉ phong tôi làm Hồng Y, mà vài tháng trước đó, trên cây cầu rộng ở Quảng trường Thánh Máccô, ngài ấy đã khiến tôi đỏ mặt tía tai trước sự chứng kiến của 20.000 người, bởi vì ngài ấy đã cởi bỏ áo choàng của mình và đặt trên vai tôi. Chưa bao giờ tôi đỏ mặt đến thế!”

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã làm giáo hoàng trong 15 năm. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô nói rằng người tiền nhiệm của ngài đã cho “không chỉ tôi mà cho toàn thế giới thấy cách yêu thương, cách phục vụ, cách lao động và chịu khổ vì Giáo hội của Chúa Kitô”.

“Tôi không có 'sự khôn ngoan từ trái tim' của Đức Giáo Hoàng Gioan, cũng không phải sự chuẩn bị và văn hóa của Đức Giáo Hoàng Phaolô, nhưng tôi ở vị trí của các ngài,” ngài nói với những người tụ tập trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. “Tôi phải tìm cách phục vụ Giáo hội. Mong rằng anh chị em sẽ cầu nguyện giúp cho tôi”.

Một ngày trước khi chết, ngài giải thích một lời cầu nguyện mà mẹ ngài đã dạy cho ngài

Mặc dù ngài không biết điều đó, nhưng buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 9 của Đức Gioan Phaolô là buổi tiếp kiến cuối cùng của ngài. Ngài suy ngẫm về một lời cầu nguyện do mẹ ngài dạy.

Lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa con, với tất cả tấm lòng, trên hết mọi sự, con yêu mến Chúa, Đấng tốt lành vô hạn và là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng con, và vì yêu mến Chúa, con yêu mến người lân cận của mình và tha thứ cho những tội lỗi họ đã gây ra. Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu mến Chúa nhiều hơn.”

“Đây là một lời cầu nguyện rất nổi tiếng, được tô điểm bằng những câu Kinh thánh,” Đức Giáo Hoàng nhận xét. “Mẹ tôi đã dạy nó cho tôi. Tôi đọc thuộc lòng nhiều lần mỗi ngày ngay cả bây giờ, và tôi sẽ cố gắng giải thích cho anh chị em nghe từng chữ một, như một giáo lý viên giáo xứ sẽ làm.”

Suy ngẫm về những lời cuối cùng của người cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu Chúa nhiều hơn”, Đức Gioan Phaolô giải thích rằng chúng ta nên yêu Chúa “thật nhiều”. Chúng ta không được dừng lại ở thời điểm hiện tại, “nhưng với sự giúp đỡ của Ngài, tình yêu sẽ tiến triển.”

Thứ Năm: Không phải là Triều đại Giáo hoàng ngắn nhất, chỉ gần như vậy

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất đã cai quản Giáo Hội trong 33 ngày, từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 28 tháng 9 năm 1978. 33 ngày làm giáo hoàng của ngài là ngắn thứ 10. Vị giáo hoàng cuối cùng có triều đại giáo hoàng ngắn ngủi như vậy là Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 11, triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài 27 ngày vào tháng 4 năm 1605.

Thứ Sáu: Một cái chết gây chấn động

Cái chết của một vị giáo hoàng ngay sau khi ngài đắc cử đã gây ra cú sốc lớn đến mức nó tiếp tục thu hút sự chú ý.

Cuốn sách “John Paul I: The Chronicle of a Death”, nghĩa là “Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất: Biên niên sử của một cái chết” xuất bản năm 2017 của phóng viên Vatican Stefania Falasca là một nỗ lực gần đây thảo luận kỹ lưỡng về những ngày cuối cùng của ngài. Công việc của cô dựa trên các báo cáo y tế, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của Vatican.

Cô kể lại rằng vào buổi tối trước khi qua đời, Đức Giáo Hoàng bị một cơn đau dữ dội ở ngực trong khoảng 5 phút, một triệu chứng của một vấn đề về tim. Việc này diễn ra trước bữa tối khi ngài đang cầu nguyện Kinh Chiều với thư ký người Ái Nhĩ Lan, Đức Ông John Magee.

Khi cơn đau giảm bớt, giáo hoàng từ chối đề nghị gọi bác sĩ Renato Buzzonetti, là bác sĩ riêng của ngài. Ông chỉ được thông báo về tình tiết này sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời.

Nguyên nhân cụ thể của cái chết của ngài có thể sẽ không bao giờ được xác định một cách chắc chắn bởi vì không có cuộc khám nghiệm tử thi nào được thực hiện theo quy định của Vatican. Đức Cha Enrico Dal Covolo, người từng là cáo thỉnh viên về án phong hiển thánh của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất, cho biết các hồ sơ y tế được thu thập như một phần của quy trình cũng hỗ trợ kết luận rằng Đức Giáo Hoàng qua đời vì các nguyên nhân tự nhiên.

Có nhiều tin đồn khác nhau về cái chết của Đức Gioan Phaolô I, bao gồm cả những suy đoán giật gân về một âm mưu ám sát của các nhóm bất chính có quan tâm đến vai trò của Vatican trong tôn giáo, chính trị hoặc tài chính.

Thứ Bẩy: Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất đã viết “Những bức thư ngỏ” cho Mark Twain, Pinocchio và Vua David

Cuốn sách năm 1976 của ngài Illustrissimi là một bộ sưu tập tiểu thuyết giàu trí tưởng tượng: “thư ngỏ” cho các nhân vật lịch sử, các vị thánh, nhà văn nổi tiếng và các nhân vật tưởng tượng. Một số có phong cách vui tươi, trong khi những bài khác tham gia vào bình luận xã hội, lời khuyên cá nhân hoặc phản ánh tâm linh.

Một số là vấn đề của sự sùng kính tôn giáo. Một bộ sưu tập những bức thư này kết thúc với bức thư của Đức Gioan Phaolô mà ngài đã viết “với sự run sợ” cho Chúa Giêsu Kitô.

“Đối với Chúa, con cố gắng duy trì một cuộc trò chuyện liên tục. Nhưng để dịch nó thành những lá thư thì rất khó: đây là những điều cá nhân… Và ngoài ra, con còn có thể viết gì cho Chúa, về Chúa, sau tất cả những cuốn sách đã viết về Chúa?” bức thư cho biết.

Bày tỏ sự không hài lòng với bức thư ngỏ gửi đến Chúa Kitô, vị giáo hoàng tương lai kết luận: “Điều quan trọng không phải là một người nên viết về Chúa Kitô, mà là nhiều người phải yêu mến và noi gương Chúa Kitô”.

Thứ Tám: Ngài chưa bao giờ là Cha Sở của một Giáo xứ

Bất chấp danh tiếng “mục vụ” của mình, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất tương lai chưa bao giờ làm Cha Sở lãnh đạo một giáo xứ! Ngài là cha phó cho nhà thờ quê hương của mình ở Canale d'Agordo chỉ trong sáu tháng sau khi được thụ phong vào tháng 7 năm 1935. Trong cuộc đời của mình, ngài là một giáo sư chủng viện và hiệu trưởng chủng viện. Ngài đã giữ một số vai trò lãnh đạo trong Giáo phận Belluno e Feltre trước khi ngài được bổ nhiệm làm Giám mục của Vittorio Veneto ở miền bắc nước Ý. Từ đó, ngài trở thành Thượng phụ Venice, Hồng Y và giáo hoàng.

Thứ Chín: Phép lạ phong chân phước ở Á Căn Đình

Candela Giarda, một bé gái 11 tuổi đến từ Paraná, đông bắc Á Căn Đình, bị rối loạn chức năng não và nhiễm trùng trong bối cảnh co giật không kiểm soát được. Sau đó cô được chẩn đoán mắc Hội chứng động kinh liên quan đến nhiễm trùng do sốt.

Mẹ của cô gái, Roxana Sosa, đến cầu nguyện trong nhà thờ Công Giáo cạnh bệnh viện Buenos Aires và gặp một linh mục, Cha José Dabusti.

Một cuộc điều tra của Vatican sau đó đã đưa tin.

Vào ngày 22 tháng 7 năm 2011, các bác sĩ cho biết Candela đang phải đối mặt với “cái chết sắp xảy ra,” Khi Cha Dabusti đến cầu nguyện với mẹ của cô gái, ngài đề nghị họ cầu nguyện để được chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhất.

Mặc dù Sosa không biết nhiều về vị giáo hoàng đã khuất, nhưng cô đã cầu nguyện riêng với ngài. Linh mục và các nhân viên điều dưỡng của phòng chăm sóc đặc biệt đã tham gia cầu nguyện cho cô.

Candela đã cho thấy sự cải thiện chỉ sau một đêm. Hai tuần sau, các bác sĩ đã tháo ống thở cho cô. Bệnh động kinh của cô ấy đã được chữa khỏi một tháng sau đó và cô ấy đã được xuất viện vào ngày 5 tháng 9, 2011.

Cô gái trẻ ngày nào giờ đã là một thiếu nữ ngoài 20 tuổi. Năm ngoái, cô đang theo học ngành thú y.

Cha Dabusti đã báo cáo phép lạ rõ ràng cho các quan chức Vatican và làm theo chỉ dẫn của họ để ghi lại mọi thứ đã xảy ra.

Thật tình cờ, Đức Tổng Giám Mục của Buenos Aires vào thời điểm đó là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng Phanxicô tương lai. Sau cuộc điều tra thích hợp của các viên chức Giáo hội, Đức Phanxicô vào ngày 21 tháng 10 năm 2021 đã công nhận phép lạ do lời cầu bầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô.
Source:National Catholic Register
 
Phóng sự đặc biệt: Lễ Tuyên Chân Phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I
VietCatholic Media
18:27 04/09/2022

Lúc 10 giờ 30 sáng Chúa nhật 04 tháng Chín, dưới trời mưa nhẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng trường thánh Phêrô để tôn phong Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất lên bậc chân phước.

Trước đó, lúc 6 giờ 30 chiều thứ Bảy, ngày 03 tháng Chín, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma đã có buổi canh thức cầu nguyện để chuẩn bị cho đại lễ này. Chúa nhật, ngày 11 tháng Chín tiếp đó, tại làng Canale d’Agordo, quê hương của ngài, thuộc tỉnh Belluno Veneto, sẽ có lễ tạ ơn trọng thể.

Trong bài giảng thánh lễ tôn phong Chân Phước, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu đang lên đường đến Giêrusalem, và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 24:25). Đồng hành với Chúa Giêsu có nghĩa là đi theo Người, trở thành môn đệ của Người. Tuy nhiên, thông điệp của Chúa cho những người đó không thực sự hấp dẫn; thực tế là, thông điệp đó khá đòi hỏi: ai không yêu Ngài hơn gia đình mình, ai không vác thập tự giá, ai còn gắn bó với của cải trần thế, thì không đáng được làm môn đệ của Người (xem câu 26-27.33). Tại sao Chúa Giêsu nói những điều này với đám đông? Những lời khuyên này có nghĩa là gì? Chúng ta hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này.

Đầu tiên, chúng ta thấy rất đông người theo Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng nhiều người đã bị thu hút bởi những lời nói của Ngài, ngạc nhiên về những điều Ngài đã làm và xem Ngài như một nguồn hy vọng cho tương lai. Bất kỳ bậc thầy nào vào thời đó hoặc, cho vấn đề đó, bất kỳ nhà lãnh đạo nhạy bén nào mà lại không tận dụng lời nói và sức hút của mình để lôi cuốn đám đông và làm tăng sự nổi tiếng của mình? Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay, vào những thời điểm khủng hoảng cá nhân hoặc xã hội, khi chúng ta đặc biệt là con mồi của cảm giác tức giận hoặc cảm giác sợ hãi trước những điều đe dọa tương lai của chúng ta. Chúng ta trở nên nhạy cảm hơn và do đó, theo dòng cảm xúc, chúng ta tìm kiếm những người có thể đương đầu với hoàn cảnh một cách khôn ngoan, thu lợi từ nỗi sợ hãi của xã hội và hứa hẹn trở thành “vị cứu tinh” có thể giải quyết mọi vấn đề của xã hội, trong khi thực tế là họ tìm kiếm sự chấp thuận rộng rãi hơn và quyền lực lớn hơn, dựa trên ấn tượng mà họ tạo ra, cũng như khả năng đối phó được với mọi thứ.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng đây không phải là cách của Chúa Giêsu. Phong cách của Chúa thật khác biệt. Điều quan trọng là phải hiểu phong cách của Thiên Chúa, cách Ngài hành động. Thiên Chúa hành động theo một phong cách riêng, và phong cách của Thiên Chúa khác với phong cách của một số người nhất định, vì Ngài không khai thác nhu cầu của chúng ta hoặc sử dụng sự dễ bị tổn thương của chúng ta để phát huy chính Ngài. Ngài không muốn dụ dỗ chúng ta bằng những lời hứa lừa bịp hoặc phân phát sự ưu ái rẻ tiền; Ngài không bận tâm đến đám đông khổng lồ. Ngài không bị ám ảnh bởi những con số; Ngài không tìm kiếm sự chấp thuận; Ngài không thần tượng hóa thành công cá nhân. Ngược lại, Ngài có vẻ lo lắng khi mọi người theo dõi Ngài với sự hào hứng và nhiệt tình. Kết quả là, thay vì phục tùng sự hấp dẫn của sự nổi tiếng - vì sự nổi tiếng rất quyến rũ - Ngài yêu cầu mỗi người phải phân định cẩn thận lý do họ đi theo Ngài và những hậu quả mà điều đó sẽ dẫn đến. Đối với nhiều người trong đám đông, họ theo Chúa Giêsu vì họ hy vọng Ngài sẽ là một nhà lãnh đạo có thể giải thoát họ khỏi kẻ thù, một người nắm quyền, có thể chia sẻ quyền lực đó với họ, hoặc một người làm phép lạ có thể khiến tình cảnh đói khát và bệnh tật của họ biến mất. Chúng ta có thể theo Chúa vì nhiều lý do. Chúng ta phải thừa nhận rằng một số trong những lý do ấy là trần tục. Một bề ngoài tôn giáo hoàn hảo có thể dùng để che giấu ước vọng thỏa mãn nhu cầu bản thân, tìm kiếm uy tín cá nhân, mong muốn có một địa vị xã hội nhất định hoặc giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, khao khát quyền lực và đặc quyền, khao khát được công nhận, v.v.. Ngày nay điều này vẫn xảy ra giữa các Kitô hữu. Tuy nhiên, đó không phải là phong cách của Chúa Giêsu. Đó không thể là phong cách của các môn đệ và của Giáo hội của Ngài. Nếu ai theo Chúa Giêsu với tư lợi này, thì người đó đã đi sai đường.

Chúa đòi hỏi một thái độ khác. Đi theo Ngài không có nghĩa là trở thành một phần của triều đình hay đoàn rước chiến thắng, hay thậm chí là nhận được hợp đồng bảo hiểm trọn đời. Trái lại, nó có nghĩa là “vác thập giá mình” (Lc 14:27): là vác như Ngài đã vác gánh nặng của mình và của người khác, biến mạng sống của mình thành quà tặng chứ không phải là vật sở hữu, tiêu hao cuộc sống như Chúa Giêsu đã làm trong tình yêu quảng đại và thương xót của Ngài dành cho chúng ta. Đây là những quyết định liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Ngài không thích gì hơn tình yêu này, ngay cả tình cảm sâu sắc nhất và kho báu lớn nhất của họ cũng không thể sánh bằng.

Để làm được điều này, chúng ta cần nhìn vào Ngài nhiều hơn là chính chúng ta, để chúng ta học cách yêu và học điều này từ Đấng bị đóng đinh. Nơi Người, chúng ta thấy được tình yêu tự hiến đến tận cùng, không có thước đo và không có giới hạn. Thước đo của tình yêu là yêu không cần thước đo. Theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, “chúng ta là đối tượng của tình yêu bất diệt về phần Thiên Chúa” (Huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 10 tháng 9 năm 1978). Một tình yêu bất diệt: nó không bao giờ chìm dưới chân trời của cuộc đời chúng ta; nó chiếu sáng chúng ta và chiếu sáng cả những đêm đen tối nhất của chúng ta. Khi chúng ta nhìn ngắm Chúa bị đóng đinh, chúng ta được mời gọi hướng lên những đỉnh cao của tình yêu đó, để được thanh tẩy những ý tưởng sai lệch của chúng ta về Chúa và về sự tự hấp thụ của chúng ta, và yêu Chúa và những người khác, trong Giáo hội và xã hội, kể cả những người không xem mọi thứ như chúng ta, để có thể yêu ngay cả kẻ thù của chúng ta.

Yêu ngay cả khi phải trả giá bằng hy sinh, im lặng, hiểu lầm, cô độc, phản kháng và ngược đãi. Yêu theo cách này, ngay cả với giá này, bởi vì, như Chân phước Gioan Phaolô cũng đã nói, nếu bạn muốn hôn Chúa Giêsu bị đóng đinh, “bạn không thể không cúi xuống thập tự giá và để mình bị đâm bởi một vài chiếc gai trên vương miện đầu của Chúa” (Tiếp kiến chung ngày 27 tháng 9 năm 1978). Một tình yêu kiên trì đến cùng, chông gai và tất cả: không bỏ dở một nửa, không cắt ngang, không trốn chạy khó khăn. Nếu chúng ta không đặt mục tiêu cao, nếu chúng ta từ chối chấp nhận rủi ro, nếu chúng ta bằng lòng với một đức tin xuống dốc, như Chúa Giêsu nói, chúng ta giống như những người muốn xây một tòa tháp nhưng không ước tính được chi phí; họ “đặt nền móng”, nhưng sau đó “không thể hoàn thành công việc” (câu 29). Nếu nỗi sợ đánh mất bản thân khiến chúng ta ngừng cống hiến bản thân mình, chúng ta sẽ bỏ qua mọi thứ: các mối quan hệ và công việc, trách nhiệm và cam kết, ước mơ và thậm chí cả niềm tin của chúng ta. Và rồi chúng ta kết thúc cuộc sống nửa chừng - và bao nhiêu người sống cuộc đời nửa chừng, và chúng ta cũng thường bị cám dỗ để sống nửa chừng - mà không bao giờ thực hiện bước quyết định - đây là ý nghĩa của việc sống nửa chừng - mà không bao giờ bay, không bao giờ chấp nhận rủi ro vì điều tốt, và không bao giờ thực sự cam kết giúp đỡ người khác. Chúa Giêsu hỏi chúng ta một cách chính xác điều này: hãy sống theo Phúc Âm và anh em sẽ sống cuộc đời của mình, không phải nửa chừng mà là trọn vẹn. Hãy sống theo Phúc âm, sống cuộc sống, không có sự thỏa hiệp.

Anh chị em thân mến, vị Chân phước mới của chúng ta đã sống theo cách đó: trong niềm vui của Tin Mừng, không thỏa hiệp, yêu thương cho đến cùng. Ngài thể hiện sự nghèo khó của người môn đệ, không chỉ là sự xa rời của cải vật chất, mà còn chiến thắng cám dỗ đặt mình làm trung tâm, tìm kiếm vinh quang cho chính mình. Trái lại, theo gương Chúa Giêsu, ngài là một mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài tự cho mình là hạt bụi mà Chúa đã ký thác để viết (xem A. LUCIANI / JOHN PAUL I, Opera Omnia, Padua, 1988, quyển II, 11). Đó là lý do tại sao Ngài có thể nói: “Chúa đã khuyến cáo điều đó rất nhiều: hãy khiêm tốn. Ngay cả khi anh chị em đã làm được những điều tuyệt vời, hãy nói: 'Chúng tôi là những người đầy tớ vô dụng' '(Tiếp kiến chung ngày 6 tháng 9 năm 1978).

Với một nụ cười, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cố gắng truyền đạt sự tốt lành của Chúa. Thật là đẹp biết bao khi có một Hội Thánh có khuôn mặt vui vẻ, thanh thản và tươi cười, một Hội Thánh không bao giờ đóng cửa, không bao giờ chai cứng trong lòng, không bao giờ than phiền hay nuôi dưỡng lòng oán hận, không giận dữ hay nóng nảy, không ủ rũ hay hoài niệm về quá khứ, sa ngã vào thái độ đi lùi lại. Chúng ta hãy cầu nguyện với ngài, là cha và anh trai của chúng ta, và xin ngài ban cho chúng ta “nụ cười của tâm hồn”, một nụ cười trong suốt không lừa dối, nụ cười của tâm hồn. Chúng ta hãy cầu nguyện, theo lời nguyện riêng của Ngài: “Lạy Chúa hãy đón nhận con như con là, với những khiếm khuyết của con, với những thiếu sót của con, nhưng hãy làm cho con trở thành những gì Chúa muốn” (Tiếp kiên chung, ngày 13 tháng 9 năm 1978). Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana